PDA

View Full Version : Sinh viên bầu



Triển
11-02-2012, 07:27 AM
Sinh viên Mỹ trước bầu cử

"Nhiều người không nên đi học đại học"


http://cdn4.spiegel.de/images/image-414813-panoV9-yfpp.jpg


52 triệu thanh niên Mỹ được phép đi bầu vài ngày tới: Họ muốn sống trong một quốc gia ra sao? Hai sinh viên lãnh đạo hai nhóm chính trị đại diện ở các trường đại học nổi tiếng nước Mỹ tranh luận về quyền phá thai, lo lắng thiếu việc và sự chi phí đại học cao một cách kỳ quặc


UniSPIEGEL: anh chị thuộc vào lớp công dân trẻ tuổi từ 18 đến 29, chiếm 20 phần trăm thành phần cử tri. Bốn năm trước các bạn trẻ lứa tuổi này đã quyết định bỏ phiếu cho Barack Obama. Hiện tại theo các cuộc thăm dò dư luận chỉ còn lại 50 phần trăm. Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Spencer: thời buổi khó khăn, kinh tế phục hồi quá chậm. Nhưng năm 2008 là thời điểm lịch sử, có một không hai, đơn giản là không thể tưởng tượng được. Hàng triệu thanh niên trẻ ngày đó từ 14 đến 18 tuổi không thể đi bầu bây giờ được phép bỏ phiếu. Các bạn đó chỉ cần hiểu là chính sách của Obama có thích hợp với nguyện vọng của họ hay không.

Maggie: tôi nghĩ rằng lần này nhiều bạn trẻ sẽ không đi bầu. Các bạn sinh viên đơn giản là chẳng có hứng thú với phe nào cả.

UniSPIEGEL: học phí ở Hoa Kỳ đã tăng trung bình lên hơn 75 phần trăm trong thập niên qua, nhiều người đã không thể kham nổi, hoặc là không thể hoàn trả nợ nần. Ứng cử viên đảng Cộng Hòa và đại phú Mitt Romney đã nói rằng, bạn nào không thể trả chi phí đại học thì nên hỏi xin cha mẹ họ.

Spencer: một câu bình luận vô lối. Tôi xuất thân từ một gia đình trung lưu và sẽ rời đại học với đống nợ ngàn đô trên vai. Đáng lẽ tôi còn muốn làm tiếp bằng master, nhưng càng lên cao càng khó xin trợ giúp tài chánh. Và đâu là nguyên nhân của nạn gia tăng học phí, đặc biệt là các trường đại học công? Đó là sự cắt giảm ngân sách của phe Cộng Hòa.


Maggie: Chính phủ không thể cứ vứt tiền ra tiếp tục như vậy. Chúng ta đang ở thời kỳ khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất, mà quốc gia này chưa từng trải qua. Ở đại học cũng phải tiết kiệm chứ - ví dụ gạch bớt đài thọ căn tin sinh viên và lương giáo sư. Đại học nơi tôi tốn 45 ngàn đô một năm, kỳ cục! Tôi là con một, và cha mẹ tôi đã phải tiết kiệm nhiều năm qua để chi toàn bộ học phí cho tôi.


Spencer: giảm thuế cho người giàu và đồng thời cho các sinh viên nợ cao, làm như vậy mãi không thể được. Đây là một quyết định căn bản, liệu chúng ta còn muốn sống trong một quốc gia có khả năng vô hạn còn đầu tư vào dân chúng và những kẻ tài ba hay không?


Maggie: những điều đạt được là do cật lực làm việc mà có, đó là điều hay của nước Mỹ! Thời trung học tôi ăn học ở nhà cuối tuần. Và rồi tôi được học ở đại học ưng ý và được học bổng của cha mẹ cho. Có nghĩa rằng điều này lệ thuộc vào hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên láng giềng ngay bên cạnh chúng tôi ở Virginia thôi, có ba bạn trẻ khác cùng trang lứa với tôi, trong bốn chúng tôi chỉ có tôi học đại học. Những đứa kia chẳng màng đến, hai đứa đi làm trong siêu thị, đứa còn lại thì đi làm trong viện bảo tàng ở Hoa Thịnh Đốn này đây.


UniSPIEGEL: vậy bạn rút ra được điều gì?


Maggie: không nên khuyến khích quá nhiều người đi học đại học. Nhiều đứa trẻ chẳng thích học từ trung học, cũng đâu có sao. Họ không thích học tập, họ không thích làm việc nặng nhọc, thì họ cũng không nên học đại học để rồi thiếu nợ. Thay vì mắc nợ, thì họ nên chọn học một cái nghề nào đó, mà nếu mang so sánh trình độ đại học, thì họ có khả năng dư thừa, có thể học nổi, ví dụ như nghề làm thợ cắt tóc hay gì đấy.


Spencer: tôi thấy như vậy là hơi dã man. Mảnh bằng là một sự đầu tư. Học thức càng cao thì xác suất bị thất nghiệp càng ít. Vì vậy Mỹ phải thêm ngân sách cho các trường dạy nghề và các đại học công, cũng là tính lợi lâu dài cho kinh tế.


UniSPIEGEL: năm ngoái có gần 30 phần trăm sinh viên học xong đại học tại Mỹ dưới 25 tuổi bị thất nghiệp và phải làm việc dưới mức khả năng của họ. Có nhiều sinh viên sau khi ra trường lại phải dọn về nhà cha mẹ ở. Bạn bè của hai bạn ra sao?


Spencer: nhiều bạn thật sự phải nhận việc dưới trình độ của mình ví dụ như chạy bàn. Nhiều đứa phải làm ở Starbucks. Nghe thấy chịu không nổi. Nhưng mà một lúc nào đó họ sẽ tìm được công việc thích hợp thôi.


Maggie: đúng đó, làm việc dưới kiến thức của mình là một vấn đề lớn. Người chị họ tôi học đại học ở Boston, sau khi ra trường đã phải làm chị vú cả năm trời. Thị trường công việc thật là kinh khủng quá, là điều mà mấy ông Dân Chủ cũng thích đổ lỗi cho mấy ông Cộng Hòa; nhưng từ khi ông Obama kế nhiệm, mình còn bị rơi sâu thêm vào hố nợ nần. Ngân sách quốc gia để chi thật quá lớn.


Spencer: ai nói rằng, vấn nạn nợ nần của chúng ta có chỉ vì phải chi quá nhiều, là không hiểu vấn đề hoặc là lý tưởng hóa lập luận. Chúng ta không thể gạch hết ra, làm như vậy là điên khùng. Nhưng mà phe Cộng Hòa đã quyết định như thế, kẻ giàu làm cho giàu thêm.


Maggie: giảm thuế cho người giàu là hỗ trợ quốc gia, bởi vì những người này sẽ dùng tiền của họ đầu tư trở lại, ví dụ như họ mua xe mới. Dân chúng biết cách tiêu tiền hơn chính phủ. Thật là mất công bằng nếu cáo buộc phe Cộng Hòa không chăm sóc những người cần giúp đỡ. Là thống đốc của tiểu bang Massachusetts, Mitt Romney từng đặt nền móng cho chương trình cải cách y tế của Obama, bằng cách đã áp dụng hệ thống này ở đó.


UniSPIEGEL: vì sao bây giờ ông ta lại muốn bỏ vụ cải cách y tế của Obama?


Maggie: bởi vì có sự khác biệt giữa các tiểu bang và cả nước. Những gì có lợi cho mỗi tiểu bang, không có nghĩa là điều tốt nhất cho cả quốc gia.


UniSPIEGEL: tại sao trong trường hợp này lại khác? Dân chúng ở Massachusetts cũng bị bệnh y hệt như dân chúng ở Alabama mà.


Maggie: đúng rồi, nhưng mà điểm nằm ở chỗ thật căn bản rằng: chính quyền ở Hoa Thịnh Đốn không nên ép buộc mỗi người mua bảo hiểm.


Spencer: hơi bệnh nếu chỉ nói rằng Romney mang kế hoạch y tế này chỉ áp dụng và duy nhất ở tiểu bang Massachusetts. Chính ông Romney trước đây bốn năm nói rằng, vấn đề cải cách y tế nên nhân rộng ra trên bình diện quốc gia. Cách của ông ta hay, nên ông Obama đã lấy một vài điểm. Nhưng Romney nhu nhược quá, chỉ muốn chống tất cả những gì phe Dân Chủ làm.


Maggie: nếu bạn nghĩ rằng những người làm chính trị luôn trước sau như một, là bạn điên rồ. Dĩ nhiên họ thay đổi suy nghĩ và quan niệm để giành giật lá phiếu. Chính trị là như vậy. Còn chuyện cải cách y tế thì mỗi người nên tự quyết định xem có muốn mua bảo hiểm thế nào và có muốn mua hay không; vì vậy mà tôi chống.


Spencer: quyết định của Obama rằng không ai được phép từ chối chuyện bảo hiểm sức khỏe nữa là đúng. Tôi đã kinh qua chuyện này rồi, khi người chủ việc của cha tôi vì khủng hoảng mà bỏ vụ đóng bảo hiểm cho cha tôi, đúng lúc mẹ tôi đang bị bệnh nặng. Mà ai đợi bệnh mới đi mua bảo hiểm, là như cùng nhau hợp sức đẩy chi phí bảo hiểm lên cao. Cho nên bổn phận mua bảo hiểm là quan trọng. Mình cũng phải trả vào chứ không chỉ nhận ra. Nước Mỹ có bác sĩ giỏi nhất và bệnh viện tốt nhất, nhưng mà hệ thống y tế tồi tệ nhất. Mẹ tôi phải đợi 10 giờ đồng hồ mới được cấp cứu, lúc bà khó khăn nhất.


Maggie: chất lượng sẽ càng giảm đi, nếu tất cả đi đóng bảo hiểm!


UniSPIEGEL: 146 triệu dân chúng, gần phân nửa dân số Hoa Kỳ sống nghèo hoặc đang bị đe dọa nghèo khó. Hai phần trăm dân số là triệu phú, cũng như gần phân nửa người giàu là thành viên nghị viện. Chuyện này phải phát triển sao cho công bằng?


Spencer: công bằng từng có ở quá khứ rồi, hiện tại chúng tôi đang ở thời điểm quay trở lại. Chúng tôi phải nên học tập Châu Âu, đặc biệt học nước Đức. Nhờ hệ thống xã hội và đầu tư giáo dục mà sự uyển chuyển xã hội ở quốc gia bạn cao hơn ở nước tôi. Và điều này là cốt lỏi của giấc mơ người Mỹ, rằng bất kể bạn được sinh ra ở tầng lớp nào, bạn đều có cơ hội. Tôi không chắc rằng các ông Cộng Hòa còn muốn viễn cảnh này trong đầu không nữa. Sự khác biệt trong xã hội chắc chắn là vô đạo đức, chúng tôi cần gấp ra loại thuế nhà giàu.


Maggie: không, không ai tự dưng bị trừng phạt vì thành công của họ! Chúng ta luôn luôn có nhiều công bằng và cơ hội tiến thân hơn đa số các quốc gia khác trên thế giới. Chuyện chúng ta là từ trường thu hút dân tứ xứ nhập cư cũng là một trong những nguyên nhân đó.


UniSPIEGEL: phe Cộng Hòa đòi ra luật cấm phá thai không được ngoại lệ, ngăn cản hôn nhân đồng tính và giữ gìn thay vì ngừa thai. Maggie, bạn có dễ dàng ủng hộ điều này không?


Maggie: phá thai nên bị luật pháp ngăn cấm, tuyệt đối ngăn cấm, bởi vì mầm sống nẩy nở từ khoảnh khắc ngừa thai. Theo tôi chỉ có hai trường hợp ngoại lệ được phá thai là bị cưỡng hiếp hoặc là loạn luân.


Spencer: không, người phụ nữ nên được chọn lựa và phá thai nên là một trong những chọn lựa có tính cách an toàn, hợp pháp nhưng nên tránh. Dạy con người ta nên biết giữ gìn chẳng giúp được gì cả, nếu mục tiêu là ngăn cản đám trẻ mang bầu.


Maggie: thì đây, người ta từng dạy tôi phải biết đè nén, và tôi cũng vâng lời không từng làm "ấu mẫu".


UniSPIEGEL: những người đồng tính nên được phép thành hôn không? Sự tranh luận về quyền lợi này cũng đang gây bất đồng trên nước Đức.


Spencer: dĩ nhiên rồi, những người đồng tính nên được hưởng an toàn và lợi lộc như những cặp vợ chồng khác.


Maggie: tôi cũng đồng ý, mặc dù những đảng viên lớn tuổi của đảng tôi không cởi mở lắm trước những gia đình đồng tính sống chung với nhau như thế hệ của chúng tôi.


UniSPIEGEL: người tổng thống kế tiếp sẽ phải thay đổi ngay điều gì?


Spencer: cơ hội công bằng và phát triển kinh tế là mục tiêu. Để đạt được điều này phải có cải cách giáo dục cũng như đầu tư vào hạ tầng cơ sở và giao thông công cộng.


Maggie: giáo dục là điều quan trọng. Giảm thuế. Nhưng mà giao thông công cộng với tôi sao cũng được. Chúng ta không cần thiết việc này.


UniSPIEGEL: ở đồng quê cần chứ phải không? Ai ở đó mà không có xe hơi là như bó chân.


Spencer: đúng rồi, đó là một vấn đề.


Maggie: tại sao là một vấn đề? Nếu thật sự có nhu cầu, thị trường sẽ tự phản ứng ngay.


Spencer: tôi không thể nghe kiểu muôn đời bình luận như thị trường có thể tạo ra tất cả được nữa.


UniSPIEGEL: Chúng ta bây giờ cũng phải kết thúc buồi trò chuyện hôm nay. Maggie, Spencer, cám ơn hai bạn đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này.


(phỏng vấn do phóng viên Lena Greiner của tạp chí UniSPIEGEL thực hiện tại Hoa Thịnh Đốn)







(* dịch lại từ "Viele Leute sollten lieber nicht studieren" (http://www.spiegel.de/unispiegel/studium/zwei-us-studenten-streiten-ueber-abtreibung-und-studiengebuehren-a-862116-3.html) )