PDA

View Full Version : Sách liên quan lịch sử Việt



Lotus
02-17-2013, 03:57 AM
http://3.bp.blogspot.com/-PknApN3aPgg/UKavvbKaBvI/AAAAAAAA2W8/aVyJSE0tslk/s1600/hanoi-war-danlambao.jpg

Bùi Văn Phú


Cùng với Lê Đức Thọ, ngay từ năm 1958 Lê Duẩn đã chủ trương phải thống nhất miền Nam bằng bạo lực. Nghị quyết 15 của Đảng Lao động Việt Nam, danh xưng của Đảng Cộng sản Việt Nam thời bấy giờ, phản ánh chủ trương này. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chọn con đường Mác-Lê để tiến hành chiến tranh giành độc lập và nhất quyết không hoà hoãn, không chủ trương sống chung hoà bình. Những ai trong nội bộ đảng không theo đường lối này đều bị loại trừ khỏi vai trò quyền lực... Câu hỏi nêu ra là dù chủ trương của Lê Duẩn như thế thì có đủ thuyết phục để tách Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, hai nhân vật đầy huyền thoại của Việt Nam, ra khỏi trách nhiệm về hệ lụy cuộc chiến hay không?...

*

Chiến tranh tại Việt Nam, từ 1955 đến 1975, được gọi là “Vietnam War” qua cách nhìn của những nhà làm chính sách Hoa Kỳ vì nó diễn ra trên mảnh đất mang tên Việt Nam. Trong nhãn quan của lãnh đạo Hà Nội, đó là “American War” vì do người Mỹ gây nên.

Mới đây, có tác phẩm mang tên Hanoi’s War của Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên-Hằng, là một cách nhìn khác về cuộc chiến.

Như tên gọi của sách, “Cuộc chiến của Hà Nội”, đó là chiến tranh do Hà Nội chủ động, từ khởi xướng vào những năm cuối thập niên 1950 cho đến lúc thành công vào tháng 4-1975.

Hanoi’s War đưa ra tầm nhìn từ Washington, Hà Nội, Moscow và Bắc Kinh và có tiểu tựa: An International History of the War for Peace in Vietnam, vì thế sách còn là ghi nhận lịch sử quốc tế về cuộc chiến cho hoà bình ở Việt Nam trong bối cảnh của Chiến tranh Lạnh, của xung đột Trung-Xô.



http://wscdn.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2011/10/03/111003161606_saigon_464x261_saigon_nocredit.jpg

Hoa Kỳ và Việt Nam nhìn khác nhau về cuộc chiến kết thúc ngày 30/4/1975

Theo tác giả, chiến tranh ở Việt Nam trong 20 năm không chỉ có Hoa Kỳ, Liên bang Xô Viết, Trung Quốc là những đại cường quốc và Bắc Việt, tức Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là những quốc gia với can hệ chính, mà cuộc chiến còn có cả hai phía miền Nam là Việt Nam Cộng hoà và Mặt trận Giải phóng miền Nam, vì lãnh đạo của họ cũng là những nhân tố trong các nỗ lực chuyển hướng chiến tranh hay tìm kiếm hoà bình.

Trong ba thành phần người Việt, dù sự can dự của Việt Nam Cộng hoà và Mặt trận Giải phóng miền Nam có những lúc làm cục diện chiến tranh hay diễn tiến hoà đàm thay đổi, nhưng Hà Nội vẫn đóng vai chủ động trong các công tác tiến hành chiến tranh hoặc đến bàn hội nghị.



http://wscdn.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2012/11/16/121116120837_vo_nguyen_giap_304x171_afp.jpg

Nhân vật chính trong Hanoi’s War không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo miền Bắc trong nhiều thập niên, từ thời chống Pháp, qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cho đến lúc ông từ trần ngày 2-9-1969. Cũng không phải là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hùng Điện Biên và là thân tín của Hồ Chí Minh.

Dù trên diễn đàn quốc tế, hai nhân vật trên đã được rất nhiều nhà nghiên cứu chính trị và các nhà sử học viết đến nhiều nhất.

'Thống nhất miền Nam bằng bạo lực'

Hanoi’s War đưa ra hai nhân vật chính là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Quan trọng hơn cả là Lê Duẩn.


http://1.bp.blogspot.com/-MCQMQxSKYKg/UKav6kr7kZI/AAAAAAAA2XE/b-zD51Y3h_o/s1600/leDuan-leducTho.jpg

Mở đầu tác giả ghi lại hình ảnh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chia tay nhau bên dòng sông Ông Đốc ở Cà Mau vào một ngày đầu năm 1955.

Đó là thời gian thi hành Hiệp định Geneve 1954 tạm chia đôi nước Việt ở vĩ tuyến 17, cho phép tự do di dân giữa hai miền trong vòng 300 ngày.

Lê Duẩn ở lại miền Nam, Lê Đức Thọ xuống tàu tập kết ra Bắc để rồi trong suốt chiều dài cuộc chiến hai nhân vật này đã trở thành trọng điểm của sách.

Vài năm ở miền Nam, Lê Duẩn lập ra Trung ương Cục miền Nam và đưa người của mình như Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt vào nắm giữ những vai trò then chốt để điều hành cuộc chiến tại miền Nam trong tương lai.

Trở lại miền bắc, cùng với Lê Đức Thọ, ngay từ năm 1958 Lê Duẩn đã chủ trương phải thống nhất miền Nam bằng bạo lực. Nghị quyết 15 của Đảng Lao động Việt Nam, danh xưng của Đảng Cộng sản Việt Nam thời bấy giờ, phản ánh chủ trương này.

Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chọn con đường Mác-Lê để tiến hành chiến tranh giành độc lập và nhất quyết không hoà hoãn, không chủ trương sống chung hoà bình. Những ai trong nội bộ đảng không theo đường lối này đều bị loại trừ khỏi vai trò quyền lực.

Tác giả nêu dẫn chứng vụ án xét lại chống đảng với Hoàng Minh Chính từ năm 1963 và nhiều người bị tù trong cuộc thanh trừng lớn nhất trong nội bộ đảng vào năm 1967.

Để tiến hành chiến tranh, sau Đại hội Đảng kỳ 3, từ năm 1960 lãnh đạo đã biến miền Bắc thành một xã hội công an trị với hàng vạn người bị bắt vì “nguy hiểm đến an ninh, trật tự xã hội”.

Vụ án “Nhạc vàng” năm 1971 là một thí dụ khác. Chính quyền Hà Nội cho rằng đang có âm mưu “diễn biến hoà bình” do Mỹ chủ trương để gây chia rẽ nội bộ đảng về chính sách chống Mỹ cứu nước.

Dựa vào nguồn tài liệu phong phú từ nhiều nơi, đặc biệt là những văn khố ở Việt Nam mở ra cho giới nghiên cứu gần đây, tuy kho lưu trữ của đảng và Bộ chính trị vẫn còn đóng kín, và những tiếp xúc, phỏng vấn của tác giả với người Việt liên quan, cùng nguồn tài liệu Việt ngữ tác giả có khả năng tiếp cận, Hanoi’s War đưa ra hình ảnh rất rõ là Lê Duẩn kiên quyết chủ trương “Tổng tấn công, Tổng khởi nghĩa” để chiếm miền Nam.



http://wscdn.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2012/11/16/121116120657_le_duc_tho_304x171_ap.jpg

Cuốn sách nói ông Lê Đức Thọ đóng vai trò 'chủ chiến' quan trọng.

Giải pháp trung lập miền Nam cũng không được chấp nhận. Chiến tranh du kích để bảo toàn lực lượng của Tướng Võ Nguyên Giáp không được tán thành.

Hồ Chí Minh là Chủ tịch, Lê Duẩn tuy là Bí thư thứ Nhất của đảng nhưng đã qua mặt và nắm trọn quyền hành.

Chiến tranh toàn diện

Dù tổng tấn công nhiều lần thất bại trong các năm 1964, Mậu Thân 1968 hay Xuân-Hè 1972 nhưng Lê Duẩn không từ bỏ chủ trương tiến hành chiến tranh toàn diện.

Tác giả ghi nhận những sự kiện và phân tích các quyết định dẫn đến chiến tranh qua các cuộc tổng tấn công vào miền Nam, về chính sách “Vừa đàm vừa đánh” đưa đến bản Hiệp định Ba Lê vãn hồi hoà bình cho Việt Nam - một hiệp ước không đòi hỏi bộ đội cộng sản miền Bắc rút về mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cực lực phản đối.

Bản hiệp định được ký kết ngày 27-1-1973 sau 5 năm thương thảo với Lê Đức Thọ, nhà ngoại giao có chủ trương phải kiên trì vì tin rằng người Mỹ sẽ phải bỏ cuộc.

Đúng là người Mỹ cuối cùng đã nhượng bộ Hà Nội để bộ đội miền Bắc tiếp tục ở lại miền Nam. Bản hiệp định chỉ là cách để cho người Mỹ rút lui, hay phủi tay, trong danh dự.

Chính quyền Sài Gòn sụp đổ ngày 30-4-1975 trước sức tấn công bằng vũ lực của bộ đội cộng sản miền Bắc, như Lê Duẩn đã chủ trương trong suốt chiều dài cuộc chiến và cuối cùng đã đi đến thành công.

Hanoi’s War còn là một cái nhìn khác hơn với những gì giới lãnh đạo Việt Nam thường đưa ra trước đây về sự nhất trí trong những quyết định đi đến chiến tranh.

Sách vẽ lên chân dung Lê Duẩn như là một lãnh đạo Việt Nam với hai mươi năm kiên quyết chủ trương chiến tranh “Tổng tấn công, Tổng khởi nghĩa”.

Nhưng không phải vì thế mà cơ hội cho hoà bình, phát triển và chờ ngày thống nhất của hai miền Việt Nam đã không được đưa ra.


http://wscdn.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2012/11/16/121116121219_vietnam_war_464x261_ap.jpg

Những cơ hội như thế đã được xướng lên và đã có những nhân vật trong giới lãnh đạo Hà Nội ủng hộ, nhưng bị Lê Duẩn không những gạt đi mà còn bỏ tù những ai muốn theo chính sách “Bắc trước, Nam sau” – xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Bắc trước, chuyện miền Nam tính sau – hay có tư tưởng “hoà hoãn”, theo phe “xét lại”.

Sau chiến thắng 30-4-1975, cũng dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn, Việt Nam lại phải trải qua những cuộc chiến tranh khác, từ phía tây với Kampuchia lên phía bắc với Trung Quốc.

Khi Lê Duẩn qua đời, ngày 15-7-1986 hàng trăm nghìn cư dân Hà Nội đã đứng dọc bên đường từ Quảng trường Ba Đình đến nghĩa trang Mai Dịch để đưa tiễn một lãnh đạo Việt Nam lâu đời nhất về với cát bụi.

Năm đó cũng là thời điểm Hà Nội bắt đầu chính sách đổi mới và đưa Việt Nam vào một tiến trình lịch sử mà nửa thế kỷ trước Việt Nam đã mất đi nhiều cơ hội do quyết tâm tiến hành chiến tranh của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.

Hanoi’s War gắn ông Lê Duẩn vào những thiệt hại khủng khiếp của chiến tranh với hơn hai triệu sinh mạng người Việt.

Câu hỏi nêu ra là dù chủ trương của Lê Duẩn như thế thì có đủ thuyết phục để tách Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, hai nhân vật đầy huyền thoại của Việt Nam, ra khỏi trách nhiệm về hệ lụy cuộc chiến hay không?


Bùi Văn Phú

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/11/121116_lienhang_hanoi_war_book.shtml


http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/cuoc-chien-cua-ha-noi.html#.UKjEb2cnnqU

Lotus
02-17-2013, 04:01 AM
'Cuộc chiến của Hà Nội'


HANOI'S WAR: A different view of how the Communists conducted the Vietnam war

http://ecx.images-amazon.com/images/I/41bew3ttNLL._BO2,204,203,200_PIsitb-sticker-arrow-click,TopRight,35,-76_AA300_SH20_OU01_.jpg

http://uncpress.unc.edu/browse/book_detail?title_id=2850

Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Liên Hằng, tác giả của 'Hanoi's War'

11.01.2013

Thưa quý vị, mặc dù không thiếu những cuốn sách phân tích chiến tranh Việt Nam - phần lớn từ quan điểm của ngươì Mỹ, ít có quyển nào đặt cuộc chiến trong bối cảnh quốc tế của nó và trình bày quan điểm của tất cả các bên can dự, không những của Hà Nội và Việt Nam Cộng hòa, mà còn của Nga, Trung Quốc, và dĩ nhiên, của người Mỹ. Tác giả quyển “Hanoi's War- Chiến tranh của Hà nội” xuất bản vào tháng Bảy năm 2012, là một giáo sư môn Sử của Trường Đại học Kentucky, xuất thân từ một gia đình người Việt tỵ nạn đã di tản vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. Ngoài các tài liệu thu thập từ các văn khố quốc gia của nhiều nước, cuốn “Hanoi's War” của Giaó sư Nguyễn thị Liên Hằng độc đáo ở chỗ nó dựa trên một số tài liệu chưa từng được khai thác từ văn khố của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội. Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách, tuần này xin gửi đến quý vị một số chi tiết về cuốn sách sử này, qua những chia sẻ của tác giả Nguyễn thị Liên Hằng trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Stevenson của đài VOA mới đây và trong bài nói chuyện tại Lễ Hội Sách năm 2012. Mời quý vị theo dõi.

Quyển “Hanoi's War- An International History of the War for Peace in Vietnam,” xin tạm dịch là “Chiến tranh của Hà nội – Lịch sử Quốc tế của cuộc chiến cho Hòa Bình ở Việt Nam” đã được trao Giải Edward M. Coffman 2012, một giải thưởng có uy tín được đặt tên theo một nhà sử học quân đội nổi tiếng người Mỹ. Trong khi đa số các sử gia tập trung nghiên cứu các lý do nguyên thủy dẫn tới sự can thiệp của Hoa Kỳ và tiến trình Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam, sử gia Liên Hằng xem xét bối cảnh quốc tế của cuộc chiến, cách giới lãnh đạo miền Bắc theo đuổi chiến tranh, và thời điểm kết thúc sự can thiệp của người Mỹ. Tác giả đưa người đọc từ Lưu vực Sông Mekong tới Lưu vực Sông Hồng, đề cập tới mục tiêu của chiến dịch rải bom của người Mỹ vào cao điểm của cuộc tranh chấp, đi ngang qua các hành lang quyền lực tại Hà Nội và Sài Gòn cũng như tại Tòa Bạch Ốc thời đó nằm dưới quyền Tổng Thống Richard Nixon.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Đài VOA, Giáo sư Nguyễn thị Liên Hằng nói về một số những những nhận thức sai lầm về chiến tranh Việt Nam. Một trong những nhận thức sai lầm lớn nhất là về vai trò của ông Hồ Chí Minh. Theo Giáo sư Hằng, trên thực tế ông Hồ Chí Minh chỉ đóng vai trò biểu tượng trong khi ông Lê Duẩn mới là nhân vật ngự trị trên Đảng Cộng sản Việt Nam, và là kiến trúc sư, chiến lược gia cũng như người lãnh đạo các nỗ lực chiến tranh của miền Bắc.

Giáo sư Liên Hằng nói:

“Khi bắt đầu cuộc nghiên cứu, tôi lấy làm sửng sốt về những gì mà tôi khám phá được, những điều chúng ta vẫn chấp nhận là sự thực khi được học về chiến tranh Việt Nam trên đất Mỹ…Tôi phát hiện ra rằng có nhiều điều hoàn toàn sai sự thực. Chẳng hạn, một điều đơn giản là từ hồi nào tới giờ, tôi được học rằng ông Hồ Chí Minh là người lãnh đạo Bắc Việt Nam, rằng ông là vị lãnh tụ hướng dẫn cuộc cách mạng và là người làm quyết định… nhưng trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận ra rằng trên thực tế, người làm các quyết định quan trọng, lãnh đạo miền Bắc là một nhân vật khác ít tiếng tăm hơn trên trường quốc tế, đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn. Tôi có thể lập luận rằng chính ông Lê Duẩn mới là người lãnh đạo miền Bắc.”

Vẫn theo Giáo sư Liên Hằng thì cùng với cánh tay mặt của ông, là ông Lê Đức Thọ, ông Lê Duẩn cai trị chế độ miền Bắc với một bàn tay sắt, và coi ông HCM và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người hùng cách mạng khác, là những đối thủ, là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền hạn của ông ở Hà Nội.

Chính ông Lê Duẩn đã gạt ông Hồ Chí Minh và Tướng Giáp cùng với các ủng hộ viên sang một bên, trong khi làm hầu hết các quyết định quan trọng nhất trong cuộc chiến.

Giáo sư Liên Hằng đơn cử hai trường hợp, thứ nhất trong những năm 1963-64, ông Lê Duẩn đã dùng thủ đoạn hăm dọa ông Hồ Chí Minh phải giữ im lặng, khi ông chống đối quyết định leo thang chiến tranh để giành toàn thắng trước khi lực lượng quân sự Mỹ có thể can thiệp. Và trường hợp thứ nhì, vào năm 1967-68, khi ông Hồ và Tướng Giáp cùng các đồng minh chống đối kế hoạch của ông Lê Duẩn tiến hành cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân.

Một nhận thức sai lầm khác là Đảng Cộng sản Việt Nam được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân Việt Nam cho tới khi chiến tranh kết thúc hồi năm 1975. Giáo sư Hằng nói rằng những chứng cớ mới cho thấy là một lần nữa, đây cũng là một “huyền thoại”:

“Đó cũng là một điều không đúng sự thực. Tôi đã phát hiện là có nhiều quan điểm bất đồng với Đảng Cộng sản và cách họ tiến hành chiến tranh Việt Nam.”

Giáo sư Liên Hằng nói một điểm khác cũng làm bà ngạc nhiên là ý kiến cho rằng các nỗ lực chiến tranh của cộng sản Việt Nam đã chiếm được con tim và khối óc của dân miền Nam, và thắng lợi trên mặt trận chính trị là thắng lợi lớn nhất của Cộng sản Việt Nam đối với người Mỹ. Bà nói:

“Trên thực tế qua nghiên cứu tôi thấy rằng thắng lợi lớn nhất của cộng sản miền Bắc là thắng lợi trên mặt trận ngoại giao trên trường quốc tế … Tới những năm 1973-75, thì Hà Nội đã thắng cuộc chiến tranh chính trị cho nên người ta hiểu rằng cộng sản miền Bắc đã đánh bại cường quốc lớn nhất thế giới lúc đó, là Hoa Kỳ, thực sự bằng cách dành được thắng lợi trên sân khấu ngoại giao.”

Về cơ duyên nào đã cho phép bà được sử dụng các tài liệu từ văn khố của Bộ Ngoại giao ở Hà nội, Giáo sư Liên Hằng nói:

“Tôi có mặt đúng chỗ, đúng lúc. Khi tôi bắt đầu cuộc nghiên cứu trong những năm cuối của thập niên 1990, về cơ bản lúc đó cả 3 văn khố chủ yếu của Việt Nam là văn khố của Đảng Cộng Sản, văn khố của quân đội, và văn khố của Bộ Ngoại giao đều cấm, không cho học giả tham khảo, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam. Chỉ có các giới chức làm việc trong các bộ liên hệ mới được tham khảo tài liệu, nhưng tới những năm 2000 thì đã có một số thay đổi về chính sách đối với người Việt hải ngoại. Việt Nam mở cửa rộng hơn để đón các học giả từ các cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Họ muốn thu hút Việt Kiều, và tôi đã nắm ngay lấy cơ hội.”

Theo Giáo sư Liên Hằng thì bà cũng gặp thuận lợi nhờ giới hữu trách Việt Nam đánh giá thấp công trình và khả năng nghiên cứu của bà về chiến tranh, một đề tài hóc búa mà họ nghĩ thường dành cho phái nam hơn là phụ nữ, mà lại là phụ nữ Mỹ gốc Việt lớn lên và sống ở hải ngoại.

Giáo sư Liên Hằng nói sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Liên Xô cũng đóng một vai trò quan trọng và ảnh hưởng tới cục diện của chiến tranh Việt Nam. Theo bà, chủ nghĩa cực đoan mới xuất hiện tại Trung Quốc thời đó, và sự thiếu cam kết của Liên Xô đối với các cuộc cách mạng trong thế giới thứ Ba đã cho phép ông Lê Duẩn ngả xa hơn về phía Trung Quốc, để xúc tiến chiến tranh toàn diện ở miền Nam vào những năm đầu 1960. Và giữa lúc Hoa Kỳ tăng sự hiện diện ở miền Nam hồi năm 1965 như một phản ứng trước chiến lược của Lê Duẩn, viện trợ từ Nga đã đổ vào miền Bắc Việt Nam. Giáo sư Liên Hằng nói sự cạnh tranh giữa hai nước đàn anh cộng sản để tăng ảnh hưởng tại Hà nội lên tới cao điểm vào năm 1968.

Thưa quý vị, vừa rồi là một số chi tiết về Quyển “Hanoi's War- An International History of the War for Peace in Vietnam”- “Chiến tranh của Hà nội – Lịch sử Quốc tế của cuộc chiến cho Hòa Bình ở Việt Nam”. Tác giả là một sử gia trẻ tuổi đang dạy môn Sử tại Trường Đại Học Kentucky của Hoa Kỳ. Giaó sư Nguyễn thị Liên Hằng di tản khỏi Việt Nam với gia đình vào lúc mới được 5 tháng tuổi.


http://www.voatiengviet.com/content/phong-van-giao-su-nguyen-lien-hang-tac-gia-cua-hanois-war/1582198.html

Lotus
02-17-2013, 04:07 AM
... Trên thực tế qua nghiên cứu tôi thấy rằng thắng lợi lớn nhất của cộng sản miền Bắc là thắng lợi trên mặt trận ngoại giao trên trường quốc tế …

http://www.voatiengviet.com/content/phong-van-giao-su-nguyen-lien-hang-tac-gia-cua-hanois-war/1582198.html

Trong lịch sử, cộng sản VN đặt nặng về vận động dư luận quốc tế . Họ luôn tìm cách vận động dư luận quốc tế về phiá họ và ủng hộ họ, tạo cơ hội cho chính phủ cộng sản xin viện trợ.

Và ngày nay cũng vậy. Cho nên cộng sản vô cùng khó chịu vơí các vụ tô´ cáo các vi phạm nhân quyền của chính phủ cộng sản ra trươc´ thê´giơí.

hoanghac
02-17-2013, 04:17 AM
"Vẫn theo Giáo sư Liên Hằng thì cùng với cánh tay mặt của ông, là ông Lê Đức Thọ, ông Lê Duẩn cai trị chế độ miền Bắc với một bàn tay sắt, và coi ông HCM và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người hùng cách mạng khác, là những đối thủ, là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền hạn của ông ở Hà Nội.

Chính ông Lê Duẩn đã gạt ông Hồ Chí Minh và Tướng Giáp cùng với các ủng hộ viên sang một bên, trong khi làm hầu hết các quyết định quan trọng nhất trong cuộc chiến."

Đúng vậy , Lê Duẫn là người chủ chốt gây bao cảnh tang thương trên đất nước VN này .

Lotus
02-17-2013, 05:03 AM
... Lê Duẫn là người chủ chốt gây bao cảnh tang thương trên đất nước VN này .

Trách nhiệm cho tang thương trên đất nước VN không chỉ mình ông Lê Duẩn, mà kể cả những ngươì cộng sản theo ông ta. Không có những ngươì cộng sản trợ lực thì mình Lê Duẩn không thể làm được gì.