Log in

View Full Version : Ngõ Vắng ....



6Quit
10-12-2011, 11:19 AM
Mở lại đề tài này, tặng một câu chuyện, trong khi chờ đợi cô bé quàng khăn đỏ trở lại .....

Xin cáo lỗi bạn đọc, bài tự xóa vì nhiều lý do .

Lòng Như Gió
11-10-2011, 07:46 AM
Được sự cho phép của chủ Ngõ Vắng (ý nói Trân, chứ không phải ông Sáu Quít kia), hôm nay em rất hân hạnh giới thiệu hai đoạn văn sau đây, do Trân chuyển ngữ từ bản tiếng Anh “The landlady”, nguyên tác của Fyodor M. Dostoevsky.

Hy vọng rằng vài hàng chữ này có thể giúp những anh/ chị/ cô/ chú/ bác “quạt” của Trân được phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhung cho một cây bút khả ái với giọng văn đẹp và sáng như pha lê.

Cũng rất mong rằng một lúc nào đó Trân sẽ ghé về Ngõ Vắng, dù chỉ tạt qua vài phút để mang ít trà bánh mời khách, và để những người ái mộ yên tâm hơn khi được tái ngộ chủ quán.




The landlady
Fyodor M. Dostoevsky
Dịch từ bản tiếng Anh của C.J. Hogarth
Kỳ 1


PHẦN I

I.

Cuối cùng, Ordinov phải quyết định thay đổi chỗ ở, vì bà chủ nhà - người goá phụ nghèo của một viên công chức ngành dân chính - bất ngờ phải rời St. Petersburg ngay, để trở về nhà của bố mẹ bà ở miền quê, không thể chờ đến ngày đầu tháng, là ngày hợp đồng mướn nhà của bà ta hết hạn. Vì đã dự tính được việc hết hợp đồng thuê lại căn phòng này, nên anh cũng chấp nhận chuyện bị mất chỗ ở một cách bất thình lình. Hơn nữa, anh nghèo xác xơ và giá thuê nhà lại đắt đỏ. Do đó, trước ngày bà chủ nhà ra đi, anh đội nón lang thang ra phố. Anh xem xét từng quảng cáo cho thuê dán trên cửa mỗi căn phòng; và chỉ chọn những căn ọp ẹp, rộng rãi và đông đúc nhất, những chỗ mà anh có nhiều cơ hội nhất thuê được căn phòng mà anh thích và ở đó có cả những người mướn nhà nghèo như anh.

Mặc dù anh rất trung thành với những tiêu chuẩn của mình khi đi kiếm phòng cho thuê, dần dần anh laị có những cảm giác là lạ và mới mẻ. Lúc đầu chỉ lơ đãng thôi, sau đó anh chú ý nhiều hơn chút, và cuối cùng anh trở nên tò mò, khi anh mở to mắt để ngắm nghía cảnh tượng xung quanh. Đám đông, những tiếng ồn ầm ĩ của nhịp sống phố phường, những chuyển động hối hả rộn ràng xung quanh anh, những quang cảnh xa lạ trong mắt anh, cái tình thế lạ lùng của anh - tất cả những cái tủn mủn tầm thường hàng ngày này, những thứ chỉ làm mệt nhoài một cư dân năng động và bận rộn của thành phố St. Petersburg trong chuỗi nỗ lực vùng vẫy cật lực và không ngơi nghỉ, nhưng vô ích, để được yên ổn và yên tĩnh dưới mái nhà mà anh đã có được bằng sức lao động - đúng ra, tất cả những điều tẻ nhạt, chán ngắt và tầm thường lại gợi lên trong tâm hồn Ordinov một sự thanh thản và lòng hoan hỉ. Đôi gò má xanh xao của anh đã ửng chút màu hồng và cặp mắt anh ánh lên một niềm hy vọng khi anh tham lam hít lấy hít để một luồng không khí tươi mát. Chẳng hiểu sao anh thấy lòng thật thư thái.


(còn tiếp)

nvhn
11-10-2011, 08:26 AM
Cũng rất mong rằng một lúc nào đó Trân sẽ ghé về Ngõ Vắng, dù chỉ tạt qua vài phút để mang ít trà bánh mời khách, và để những người ái mộ yên tâm hơn khi được tái ngộ chủ quán.


me too :) - xí 1 chổ ngồi, chờ đọc tiếp.

6Quit
11-10-2011, 11:32 AM
Hello chị Gió, nếu chị kiếm được nhỏ Trân về tui hứa sẽ đăng 88 bài ở đây ....(nhưng hổng phải bài của tui ..:)))

Nói chớ chị đăng tiếp đi rồi anh Gun sẽ vào tiếp, tui thấy chị và anh Gun có vẻ thích các truyện ngoại quốc, tui sẽ đăng truyện VN thôi, chắc nhỏ Trân sẽ trở lại .

Cảm ơn chị đã thắp nến cho đề tài này .

gun_ho
11-10-2011, 12:28 PM
Thì có người đại điện phát ngôn giùm cũng được rồi anh, có khi lo chăm chỉ ngồi dịch truyện vui hơn là làm bánh ngọt với lại pha nước, châm trà :))

Hello Gió, hôm nào tập bài gì mới nhớ đem vô đây dán ha .

6Quit
11-10-2011, 12:55 PM
Anh Gun,

Có khi nào Gió là Trân luôn hông anh ? ...:)) j/k

tà áo xanh
11-10-2011, 06:07 PM
Chào làm quen với Lòng Như Gió
Gió cho TAX gửi lời thăm Trân.
Nhớ người bạn hiền, dễ thương.

Cảm ơn LNG http://mientaongo.net/diendan/public/style_emoticons/default/tulip.gif
TAX xin một chỗ ghé đọc bài nhé.

Lòng Như Gió
11-10-2011, 10:30 PM
Chào chị Tà Áo Xanh và các anh.

Bài số 2 mà em đăng trên đây chưa hoàn toàn làm Chủ Ngõ Vắng hài lòng, nên chị ấy đã gửi email để yêu cầu em phải thêm đoạn màu xanh dưới đây vào phần giới thiệu:

Gió ơi, hu hu... Trân thấy Gió "bỏ" Trân vào ngõ vắng rồi. hu hu... Gió không thêm đoạn này vào lời giới thiệu " Trân có nhờ Gió edit lại đoạn dịch" hoặc là "Trân có cậy em làm biên tập viên cho những đoạn Trân chuyển ngữ" thì hu hu... Trân sẽ không gởi tiếp các đoạn dịch và ngưng luôn đấy. Trân nói thật lòng 100%. Nếu Gió ngại, Gió cứ bỏ đoạn viết này vào ngõ vắng cũng được

Anh Sáu Quít có xem “Gió là Trân luôn” thì em cũng chẳng phản đối. Còn Trân có phản đối điều đó hay không, chắc tối nay em về gửi email hỏi thử.

Anh Súng, khi nào có từ hai người trở lên yêu cầu em dán nhạc mình chơi, thì em mới dán. Lần trước là theo yêu cầu của anh Triển Chiêu và Trân. Lần này không có Trân hưởng ứng lời yêu cầu của anh, nên em còn đắn đo chưa muốn dán lắm.

Còn bây giờ, em xin phân bua chút. Em đã không muốn tự vỗ ngực giới thiệu mình là người biên tập cho Trân, vì em trộm nghĩ người biên tập là người trong bóng tối. Người dịch mới là người phải chăm chỉ đọc tác phẩm, đặt tâm hồn mình vào đấy, cố gắng để đồng cảm với tác giả, cố gắng để trở thành một “đồng tác giả” của tác phẩm, để rồi diễn tả ý của tác giả bằng một ngôn ngữ khác. Còn người biên tập là người được ngồi rung đùi thưởng thức, được đọc văn của người dịch từ góc độ một người đọc, để nhìn ra những chỗ nào có thể được diễn tả lại theo một cách khác dễ hiểu hơn, súc tích hơn, và thu hút hơn (theo quan điểm của người biên tập). Vậy thì người biên tập “lời” quá rồi, còn tự giới thiệu mình trước làng phố làm gì?

hoài vọng
11-10-2011, 10:51 PM
Anh Súng, khi nào có từ hai người trở lên yêu cầu em dán nhạc mình chơi, thì em mới dán. Lần trước là theo yêu cầu của anh Triển Chiêu và Trân. Lần này không có Trân hưởng ứng lời yêu cầu của anh, nên em còn đắn đo chưa muốn dán lắm.



Không những yêu cầu mà còn hơn yêu cầu nữa ....tôi cứ đứng ngoài sân mà chờ từ bấy lâu nay...hình như là chữ ký có đổi ngược lại một chút ?

gun_ho
11-11-2011, 05:00 AM
Anh Súng, khi nào có từ hai người trở lên yêu cầu em dán nhạc mình chơi, thì em mới dán. Lần trước là theo yêu cầu của anh Triển Chiêu và Trân. Lần này không có Trân hưởng ứng lời yêu cầu của anh, nên em còn đắn đo chưa muốn dán lắm.



Đọc yêu cầu của em làm anh nhớ một câu trong Kinh Thánh là

....nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì...

Không biết là xin lẻ tẻ như anh và anh Hoài Vọng có được chưa ?



Anh Sáu Quít

Tôi nghĩ là hai cô khác nhau chứ, một cô biết chơi đàn , cô kia dịch truyện thì chắc phải là hai người .

6Quit
11-11-2011, 07:17 PM
Chị Gió, tui chỉ nói giỡn với anh Gun thôi, tui biết chị không phải là Trân đâu vì bản chất hai người (theo tui đọc và nhận xét) khác xa .

Thêm một yêu cầu nữa cho chị dán bài dương cầm chị đánh, tui thì khoái nghe thui chứ không biết phê bình đâu ....Nói tui chào Trân nếu chị liên lạc được, mong Trân mau trở lại .

nvhn
11-11-2011, 07:43 PM
Thêm một lời yêu cầu nữa. :) - Cho P gởi lời thăm quán chủ của "ngõ vắng" luôn nha.

gun_ho
11-11-2011, 07:53 PM
Nếu nói về sự sắc đá thì tôi nghĩ đàn ông phải thua đàn bà.

6Quit
11-11-2011, 07:56 PM
Nếu nói về sự sắc đá thì tôi nghĩ đàn ông phải thua đàn bà.

Tui cũng nghĩ vậy ...

gun_ho
11-12-2011, 05:28 AM
Anh Sáu.

Hôm qua gõ xong câu kia là tôi bò đi ngủ luôn. Nhưng lại nghĩ chết mẹ, hình như gõ lộn chữ t thành chữ c và sáng nay đã thấy anh quote rồi.

Những năm gần đây tôi bị rơi vào tình trạng này, là khi nào cũng sợ trật, sợ sai, sợ trễ và sợ lộn hay sợ quên, sợ sơ sót . Làm xong một chuyện gì một hồi sau bỗng quên mất, không nhớ là mình làm hay chưa .
Có khi từ tàu bước lên bờ, leo lên xe đề máy chạy một hồi lại không nhớ mình khóa cửa tàu hay chưa, lại phải quành lui chạy xuống bến leo lên tàu coi lại cho chắc ăn. Thiệt là khổ !!!

Lòng Như Gió
11-12-2011, 05:37 AM
Em cảm ơn các anh, các bác đã có lời yêu cầu hoặc “còn hơn yêu cầu”. Vậy thì em xin hẹn một ngày nào đó, có thể là mãi tận tháng sau cũng nên, sẽ dán nhạc. Vì lâu nay em tập đàn mà lười thu âm, nên không có sẵn bài nào. Hôm nay rảnh, lôi máy thu âm ra, phải sạc pin chứ chưa xài được ngay. Đợi khi sạc pin xong và xài được, thì mình lại hết rảnh rồi, và lại líu quíu đánh chẳng được bài nào trôi chảy cả.

Anh Sáu Quít, xin báo với anh là Trân vẫn chưa chịu về Ngõ Vắng. Trân gửi lời thăm hỏi đến chị Lan Huệ, Nhã Uyên, Tà Áo Xanh, anh nvhn, anh 6quit, anh gun_ho và toàn thể cư dân phố rùm.

Xong màn tán gẫu và chào hỏi, giờ em xin đăng đoạn dịch tiếp theo.

Lòng Như Gió
11-12-2011, 05:38 AM
The landlady
Kỳ 2


Cho đến nay, anh sống rất cô độc. Ba năm trước, lúc đang theo học ở đại học và bắt đầu sống tự lập, anh được một người đàn ông, người mà anh chỉ biết qua tên gọi, mời đến nhà. Anh đợi cho đến lúc người hầu, với thái độ ban ơn, báo cho chủ nhân biết rằng anh đến cầu kiến; sau đó anh bước vào một căn phòng mờ ảo chỉ có vài món đồ đạc, một căn phòng ảm đạm của một lâu đài còn sót lại từ thời đại của các lãnh chúa. Trong phòng, xuất hiện trước mắt anh là một ông già chậm chạp, đầu tóc hoa râm, đeo đầy huân chương lấp lánh. Ông là người đồng môn của cha Ordinov, và là người giám hộ tài sản cho anh. Ông trao cho anh một số tiền nhỏ, phần tiền còn lại từ các bất động sản được bán đấu giá sau khi đã thanh toán món nợ cho ông nội của anh. Ordinov lãnh đạm nhận lấy món tiền, cáo biệt người giám hộ lần đầu cũng là lần cuối, rồi ra đi. Buổi tối mùa thu lạnh lẽo đầy sương mù, Ordinov trầm tư suy nghĩ, một nỗi buồn vô thức cào cấu tim anh. Hơn nữa, cặp mắt anh đỏ ngầu vì cơn sốt, và chốc chốc anh lại thấy cơ thể run bần bật vì cơn nóng lạnh. Anh nhẩm tính, với số tiền vừa nhận được, anh có thể sinh sống khoảng từ hai đến ba năm, hay nếu anh rất tằn tiện, có thể đến bốn năm. Tuy nhiên, vì trời sắp tối và mưa tầm tã, nên anh đã mướn căn phòng đầu tiên mà anh tình cờ thấy chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ và dọn hết đồ đạc vào đấy. Anh đã giam mình trong cái tu viện ấy để ở ẩn không thiết gì đến sự đời; và sau chưa đầy hai năm, thực tế là anh đã trở thành một kẻ lạc loài.


(còn tiếp)

gun_ho
11-12-2011, 06:55 AM
Hai cô chủ Ngõ làm ơn cho hỏi chữ :

" nỗi buồn vô thức "

nghĩa là sao, là nỗi buồn không tên, nỗi buồn mà mình không cảm nhận được ? từ chốn thâm sâu của vô thức ?

Lòng Như Gió
11-12-2011, 07:11 AM
Hai cô chủ Ngõ làm ơn cho hỏi chữ :

" nỗi buồn vô thức "

nghĩa là sao, là nỗi buồn không tên, nỗi buồn mà mình không cảm nhận được ? từ chốn thâm sâu của vô thức ?

Dạ, anh diễn nó thành “nỗi buồn không tên” nghe cũng mang nghĩa như “nỗi buồn vô thức”. Ý là nỗi buồn mà nhân vật không cảm nhận rõ, không hiểu rõ buồn vì đâu, buồn từ bao giờ, chỉ đơn giản là thấy nặng lòng.

Cám ơn anh Súng đã đọc có lẽ là kỹ đến từng chữ. Kiểu này thì cô chủ Ngõ mệt rồi, sẽ phải dịch các đoạn tiếp theo rất cẩn thận đây.

gun_ho
11-12-2011, 07:42 AM
Dạ, anh diễn nó thành “nỗi buồn không tên” nghe cũng mang nghĩa như “nỗi buồn vô thức”. Ý là nỗi buồn mà nhân vật không cảm nhận rõ, không hiểu rõ buồn vì đâu, buồn từ bao giờ, chỉ đơn giản là thấy nặng lòng.

Cám ơn anh Súng đã đọc có lẽ là kỹ đến từng chữ. Kiểu này thì cô chủ Ngõ mệt rồi, sẽ phải dịch các đoạn tiếp theo rất cẩn thận đây.


À, tại anh bị cái trí nhớ lâu lâu nó hành hạ, ngày xưa học bài The Great Mountains tận cùng có câu

where he lays down for a long time, possessed by a mysterious sorrow.

Tụi anh thằng thì dịch là nỗi buồn bí mật, nỗi buồn gì đó tùm lum và ông Lê bá Kông dịch là nỗi buồn không tên. Không biết sao đọc thấy chữ nỗi buồn vô thức làm anh chợt nhớ bài học năm xưa, chứ chẳng phải đọc kỹ từng chữ đâu , mà cũng có lẽ kỹ thật ??

Lan Huệ
11-12-2011, 09:28 AM
http://www.thedailygreen.com/cm/thedailygreen/images/U5/Tulips-OrgStyle-FL08_lg.jpg


Trước hết chị Lan Huệ ôm bình hoa tươi thắm vào chào mừng hai cô chủ nhỏ. Chị không biết lý do Trân chưa trở lại, nhưng qua truyện dịch The Landlady với sự biên tập của Lòng Như Gió, chị cũng an tâm phần nào... Welcome to the club! Rất vui được đọc văn dịch của hai cô chủ.



LH cũng không quên chào các bạn và các anh chị 6Quit, tà áo xanh, hoài vọng, gun_ho,nvhn ...

gun-ho ơi: có lẽ Trân và Lòng Như Gió dịch "nỗi buồn vô thức" từ "unconscious depression" như bản tiếng Anh mà chị LH có:

"The evening had been a cold, misty one in autumn, and Ordinov had felt in a meditative mood, for a sort of unconscious depression had been chafing his heart." Trong trường hợp này chữ vô thức là đúng chứ.

gun_ho
11-12-2011, 09:42 AM
Chào chị Lan Huệ.

Nếu nguyên văn là "unconcious depression" thì em sẽ dịch là một nỗi sầu muộn len lén, đẩu đâu...:))

chứ hồi nào tới giờ, em chưa nghe và cũng chưa dùng và chưa biết một "nỗi buồn vô thức", mãi hôm nay mới gặp chữ này nên thấy là lạ.

Lan Huệ
11-12-2011, 09:59 AM
Chào gun_ho, dịch như vậy nghe hay lắm!

Hàn Sinh
11-12-2011, 02:24 PM
À, tại anh bị cái trí nhớ lâu lâu nó hành hạ, ngày xưa học bài The Great Mountains tận cùng có câu

where he lays down for a long time, possessed by a mysterious sorrow.

Tụi anh thằng thì dịch là nỗi buồn bí mật, nỗi buồn gì đó tùm lum và ông Lê bá Kông dịch là nỗi buồn không tên. Không biết sao đọc thấy chữ nỗi buồn vô thức làm anh chợt nhớ bài học năm xưa, chứ chẳng phải đọc kỹ từng chữ đâu , mà cũng có lẽ kỹ thật ??Anh Súng,

Tôi e rằng "myterious sorrow" mà Lê Bá Kông dịch là "nỗi buồn không tên", tuy nghe thật bay bướm nhưng không được chính xác cho lắm:

Nguyên nghĩa của "sorrow" đã có phần nặng nề hơn chữ "depression" trong cách diễn tả. Dường như, sorrow diễn tả nỗi buồn mang nhiều ý nghĩa đau đớn, xót xa, và cả tiếc nuối... Trong khi đó depression không có ý này và mang nghĩa tuy dai dẳng nhưng ít nhiều nhẹ nhàng hơn là sorrow. Nếu tôi hiểu không sai như các từ điển đã đọc qua, "unconscious depression" được dịch là "nỗi buồn không tên" thì chính xác hơn. Vì nó không chỉ nói đến tình trạng "vô thức", (không cảm giác được) của chữ "unconscious", mà còn dùng chữ nỗi buồn đúng chỗ của nó!
Còn "myterious sorow" có thể dịch là "niềm đau khó hiểu". Nguyên phân đoạn của câu đó, "where he lays down for a long time, possessed by a mysterious sorrow." có thể tạm dịch là "nơi chàng nằm trong suốt thời gian dài, đã bị ám ảnh bởi một niềm đau khó tả". Không biết anh nghĩ sao?

Hàn Sinh.

Hàn Sinh
11-12-2011, 02:34 PM
Quành lại, xin chào hai cô chủ Ngõ và quý quan khách!
Hàn Sinh.

gun_ho
11-12-2011, 04:21 PM
Anh Súng,

Tôi e rằng "myterious sorrow" mà Lê Bá Kông dịch là "nỗi buồn không tên", tuy nghe thật bay bướm nhưng không được chính xác cho lắm:

Nguyên nghĩa của "sorrow" đã có phần nặng nề hơn chữ "depression" trong cách diễn tả. Dường như, sorrow diễn tả nỗi buồn mang nhiều ý nghĩa đau đớn, xót xa, và cả tiếc nuối... Trong khi đó depression không có ý này và mang nghĩa tuy dai dẳng nhưng ít nhiều nhẹ nhàng hơn là sorrow. Nếu tôi hiểu không sai như các từ điển đã đọc qua, "unconscious depression" được dịch là "nỗi buồn không tên" thì chính xác hơn. Vì nó không chỉ nói đến tình trạng "vô thức", (không cảm giác được) của chữ "unconscious", mà còn dùng chữ nỗi buồn đúng chỗ của nó!
Còn "myterious sorow" có thể dịch là "niềm đau khó hiểu". Nguyên phân đoạn của câu đó, "where he lays down for a long time, possessed by a mysterious sorrow." có thể tạm dịch là "nơi chàng nằm trong suốt thời gian dài, đã bị ám ảnh bởi một niềm đau khó tả". Không biết anh nghĩ sao?

Hàn Sinh.


Anh Hàn Sinh.

Tôi nhắc lại như một kỷ niệm chợt quay về sau gần 40 năm, chứ chẳng phải nói chữ đó dịch đúng hay là sai.

------------------------------------------------

Mà nếu có ý muốn dịch , tôi nghĩ người dịch trước hết nên đọc tác phẩm đó qua một loạt để có cái nhìn tổng quát, cá tính nhân vật và sự kiện cùng là cốt truyện . Cậu bé kia sau khi thấy ông già Gitano với thanh "rapier" và con ngựa già nua đi mất vào hoang mạc thì buồn rầu nằm ra hồi lâu ....

....."where he lays down for a long time, possessed by a mysterious sorrow."


The Great Mountains

John Steinbeck.

tonthattue
11-12-2011, 05:37 PM
Thân chào tất cả,
Khi thấy mục Ngõ Vắng, tôi cứ nghĩ là Thiên Trân đã qua nạn "cháy nhà", ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà. Nhưng chủ nhà là anh Sáu. Trong phố cũ tôi có mục "Không Gian Chung" thì tên nầy lại xuất hiện dưới tay của anh Nguyên Nhân. Trùng hợp thứ hai là cả hai Ngõ Vắng đều thật sự là vắng.
Thiên Trân không có một chữ. Nhìn lên bức ảnh ở lề trái, tôi thấy con đường nhỏ, vòng khuất sau mô đá, cái khuất ấy làm cho con đường dài hơn như khi vẽ con ngựa chỉ một phần, còn phần kia ngoài khung vải, hay chỉ một phần cây cổ thụ, người xem sẽ thấy con ngựa rất lớn và đang phi, cây kia to lớn ngoài trí tưởng. Tôi lại không thích những con đường lát chả vuông vức như khu Bolsa, tôi thích những con đường tự nhiên như đường mòn trên cỏ, dấu chân đi của nai đã nên vết v.v... Bức ảnh của Trân thật mơ hồ đầy bâng khuâng.
Tôi cố moi trong trí óc bài thơ ngắn của tôi nhưng không thành công. (tôi không bao giờ thuộc bài mình viết). Chỉ có hai câu mà không toàn vẹn. Nhưng tôi phải chọt bút ngay, vì tâm người như khỉ như vượn, nhảy múa lung tung, e rồi quên.
Về phần Trân tôi còn nợ mấy câu hỏi trong email.
Để trả nợ Trân bài thơ không nhớ và để mừng tân gia của anh Sáu, tôi đã nhờ trí nhớ của computer gởi vào đây mấy dòng ngắn tôi xếp vào mục "những ý thơ cụt viết trên đường tạm dung".

sương chiều ngõ vắng

Miền ngõ hẹp vùng mây
nắng chen vàng trổ nhụy
phấn hoa trời
vùng đất mộng ươm mầm
chiều xuống chờ sương.
Sương đã đến mà chiều chưa hay biết
gió thoảng về đá cuội ngọt vành tai
mãi theo sương chiều quên tiếng lá
lá bâng khuâng nằm buồn cuối ngõ
ngõ chờ ai.-

tôn thất tuệ

phiulinh
11-12-2011, 05:56 PM
Chào các anh chị, đặc biệt là chúc mừng Trân và Gió dịch tác phẩm nha.
Vòng vô xin chào TonThattue.

Anh Gun, chuyện ngôn ngữ thì em tệ hại cỡ nào rồi! nhưng mà lỡ đọc thì ké chút thắc mắc chứ em không có ý chỉnh chỉnh gì đâu nhe.

Nếu câu ....."where he lays down for a long time, possessed by a mysterious sorrow." là chính xác LBK dạy học sinh mà ông lại dịch là "nổi buồn không tên" thì em nghĩ ông ăn gian lẫn mâu thuẫn một cách bí hiểm sao đó! Vì theo bản renewed 1963, edited by Thomas K. Parkes thì nó là "...and lay there for a long time, and he was full of a nameless sorrow."

Em cũng đương nhiên đồng ý là phải đọc nắm bắt cảm nhận được từng cử động của câu chuyện thì mới dịch ra cái hồn.

Câu của anh Gun viết lại không biết có phải là viết theo trí nhớ hay không! mà em thấy chữ mysterious sorrow (nổi buồn thầm kín) cũng hợp lý. Lý do vì cái đoạn này nó hay ở chổ là ông già bị mấy người kia cho là ông ngu xuẩn ăn cắp con ngựa lẫn khẩu súng của ai đeo bên hông thấy sang sáng từ xa! Chỉ có thằng bé Jody biết đó là cái rapier dao găm cực bén (di vật của cha ổng) thôi. Và khi mà nó hiểu ra sự chối bỏ của gia đình nó đối với chính con ngựa già của họ cũng như cái thân già Gitano. Và nó hiểu cách lựa chọn sắc bén của ông già đã như cái rapier kia (chuyến viễn du vào hoang mạc đi chết cho rồi you know!!!) nên thì là Jody nó mới vật người xuống mà khóc tức tưởi vậy đó! cho nên nổi buồn này rõ ràng có lý do có tên!

"possessed by a mysterious sorrow" với nỗi đau khổ thầm kín ngự trị... nghe đê đê điệu đàng quá há! còn cái câu của em đem vô nghe quê mùa sên sến!

6Quit
11-12-2011, 07:19 PM
Anh Sáu.

Hôm qua gõ xong câu kia là tôi bò đi ngủ luôn. Nhưng lại nghĩ chết mẹ, hình như gõ lộn chữ t thành chữ c và sáng nay đã thấy anh quote rồi.

Những năm gần đây tôi bị rơi vào tình trạng này, là khi nào cũng sợ trật, sợ sai, sợ trễ và sợ lộn hay sợ quên, sợ sơ sót . Làm xong một chuyện gì một hồi sau bỗng quên mất, không nhớ là mình làm hay chưa .
Có khi từ tàu bước lên bờ, leo lên xe đề máy chạy một hồi lại không nhớ mình khóa cửa tàu hay chưa, lại phải quành lui chạy xuống bến leo lên tàu coi lại cho chắc ăn. Thiệt là khổ !!!

Anh Gun, tại anh quá cẩn thận, mà người ta hay gọi là quá "kỹ" nên mới như vậy, nếu anh có tính này bảo đảm anh sẽ lo lắng triền miên, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, nó giúp anh tính toán cho tương lai nhưng sẽ làm anh ít thoải mái và vui vẻ ...

Chào anh Hàn Sinh, theo tui nghĩ sorrow nhẹ hơn depressed, sorrow bao hàm nghĩa anh buồn vì ngoại cảnh (người thân mất đi chẳng hạn), depressed bao hàm lý do anh buồn vì anh không thể giải quyết một việc gì đó hoặc vì lương tâm cắn rức, nó nguy hiểm hơn sorrow nhiều lắm (đa số những người tự vẫn họ đều bị depressed) .

Chào chị Gió, chị quen anh Gun lâu lắm mà không biết ảnh khoái soi chữ sao ? I am surprised .


Chào anh Tuệ và Phiulinh, nếu phải dịch câu của anh Gun: "where he lays down for a long time, possessed by a mysterious sorrow ......" thì tui dịch là : "Anh nằm xuống thật lâu, lòng tràn ngập một nỗi buồn không thể tả nổi ", nếu dịch "mysterious sorrow" là "nỗi buồn bí mật" thì chính xác nhưng có vẻ trinh thám quá .

gun_ho
11-12-2011, 07:46 PM
Tôi nghĩ là tôi đã hấp tấp tin vào bản dỏm nên mới có cái câu

"where he lays down for a long time, possessed by a mysterious sorrow"

vì bọn Mỹ trắng nó hơi bị văn minh, nên khi viết lại tránh đạo văn nên nó ẹo qua thành vậy, và từ đó có mục tam sao thất bổn. Chứ ông Lê bá Kông ngày đó dịch nameless sorrow thì đúng là nỗi buồn không tên. Xin lỗi các bạn một lần nữa.


Anh Sáu Quít.

Tôi đoán cái tính cẩn thận, quá kỹ đó đã ngấm ngầm phát sinh khi tôi bắt đầu làm skipper tàu cua, và vì biết là một sai lầm nhỏ có thể làm mất mạng nhiều người của nghề này nên tôi đã tập thành cái tính đó tự bao giờ ?

Có lẽ đó cũng là một cái giá phải trả cho một cách kiếm sống.

Xin trả cái quán này lại cho hai cô chủ nhe.

Lòng Như Gió
11-12-2011, 11:43 PM
Em cảm ơn các anh chị, các bác đã ghé vào đọc và bình luận rôm rả.

Anh Sáu Quít, nếu có danh hiệu “chuyên gia soi chữ” ở phố này thì em xin bỏ phiếu bầu cho những người khác, chứ không phải anh Súng. Em thấy anh Súng chẳng qua là đọc kỹ, thích nghiền ngẫm về nghĩa của chữ, chứ không phải là cầm kính lúp lên soi và bê tự điển ra tra để tìm ra cái dở và/hoặc cái sai của chữ.

Em hoàn toàn đồng ý với quan điểm của một số anh chị ở đây cho rằng muốn dịch đúng và hay thì phải đọc và cảm nhận trọn vẹn tác phẩm, chứ không dễ gì chỉ đọc một câu rồi có thể dịch ngay câu đó như một cái máy dịch. Chính vì vậy, em đang có trong tay vài đoạn văn nữa do Trân gửi, nhưng chưa đăng ngay, vì em vẫn còn muốn đọc thêm những đoạn tiếp theo, với hy vọng sẽ cảm được tác phẩm nhiều hơn nữa để có thể biên tập cho tốt hơn.

Tuy hiểu rằng việc dịch và biên tập dần dần như vậy có mặt khó khăn của nó, như nói trên, nhưng em vẫn chọn cách đăng dần từng chút vào Ngõ Vắng, để mọi người vào bàn luận cho vui. Chứ đọc một lèo 96 trang của truyện thì em không dành thời gian cho nó được, hoặc chờ Trân dịch một lèo hết 96 trang rồi mới đăng, thì sẽ phải chờ lâu lắm. Cho nên, đến khi bọn em dịch và biên tập xong đến dấu chấm cuối cùng của truyện, có thể bọn em sẽ đọc lại từ đầu và sẽ biên tập lại lần nữa.

Trong lúc chờ đăng những đoạn tiếp theo, em xin vài phút giở ngón đàn ra biểu diễn. Đây có lẽ là nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Secret Garden. Bài này em đánh chưa hoàn hảo, nhưng thôi kệ, cứ dán. Em mới thu nó vào trước bữa cơm trưa nay. Nếu vì thấy nó chưa hoàn hảo mà mình thu lại, rồi vẫn chưa hài lòng và lại thu lại, rồi vẫn chưa hài lòng vì vẫn chưa hoàn hảo, vân vân… thì hai đứa con gái của em sẽ rất đói bụng vì không ai cho ăn, và em thì cũng có khi phải đến Tết Công-gô mới thu âm được một bài hoàn hảo.

Bài này thường được diễn song tấu vĩ cầm và dương cầm. Giờ xin mời các anh chị và các bác nghe thử song tấu giữa tiếng dương cầm và tiếng nước chảy róc rách.

Song From a Secret Garden (http://www.4shared.com/folder/a3OAt-kJ/_online.html)

hoài vọng
11-13-2011, 12:06 AM
Mãi đến những nốt nhạc cuối cùng mới nghe thấy tiếng róc rách ...

Triển
11-13-2011, 12:22 AM
Bài này thường được diễn song tấu vĩ cầm và dương cầm. Giờ xin mời các anh chị và các bác nghe thử song tấu giữa tiếng dương cầm và tiếng nước chảy róc rách.

Song From a Secret Garden

Đầu bài như nghe có tiếng dội cầu hihihihi.
Bài này Gió đàn sĩ lười tập quá, nghe quên hoài nha.

gun_ho
11-13-2011, 03:12 AM
Cám ơn Gió đã hưởng ứng yêu cầu của anh cho nghe đàn. Anh nghĩ là em đã thể hiện cú diminuendo rất khá, cái tiếng đàn không chuyên nhưng có cá tính.
Anh muốn hỏi một câu là khi đàn, em có dò theo nhạc hay là thuộc lòng ?

Lòng Như Gió
11-13-2011, 07:10 AM
Cảm ơn các bác, các anh đã nghe đàn và cho ý kiến.

Anh Triển Chiêu, chính sự “lười tập” này là lý do vì sao em không đăng bài lên youtube. Trên ấy, nhiều bài được trình bày hay đến thế nào, thì vẫn có những người bấm nút “Không thích”. Thử tưởng tượng, mình đăng lên, và số “Không thích” nhiều hơn số “Thích”, và những lời bình luận chẳng được câu nào khích lệ như lời anh Súng, mà chỉ toàn chê bai, có khi mình nản lòng và “giải nghệ” mất.

Anh Súng, em thuộc lòng 80% bài này, và 20% thì phải liếc lên bài, vì vậy mới có những chỗ ngập ngừng hoặc sai nốt hoặc không chắc mình đàn đúng, phải liếc vào bài rồi đàn lại. Đoạn giữa là đoạn khó thuộc lòng nhất, vì tay trái lượn những quãng khá xa, thay đổi nhiều, và không theo quy luật dễ nhớ nào cả.

Lòng Như Gió
11-13-2011, 07:11 AM
The landlady
Kỳ 3


Đúng vậy, anh bỗng trở thành một kẻ lạc loài. Anh không hề ý thức được rằng có một cuộc sống khác, một cuộc sống đầy bất trắc, luôn dao động và thay đổi, một cuộc sống không ngừng quyến rũ con người và, không sớm thì muộn, sẽ hớp hồn anh ta bởi anh ta không kháng cự được. Thật vậy, không phải anh chưa bao giờ nghe tới, mà đúng hơn là anh chưa bao giờ biết và tìm hiểu về điều đó. Từ ngày ấu thơ tới nay, anh đã đắm chìm trong trạng thái cô độc về tinh thần, một trạng thái càng lúc càng gắn chặt vào anh hơn với nỗi đam mê sâu thẳm và tột cùng, nỗi đam mê đã làm kiệt quệ sức sống mà không cho một sinh vật như Ordinov có được một chỗ đặt chân nào trong đời sống cuồng quay hàng ngày. Đam mê đó là sự ham học. Nó như một thứ chất độc từ từ gặm mòn tuổi trẻ, làm anh ăn không ngon ngủ không yên, và tàn phá cả bầu không khí trong lành thỉnh thoảng lọt vào xó xỉnh nơi anh trú ngụ. Tuy vậy, với niềm phấn chấn bất thường, anh không nhận thức được điều ấy. Anh còn trẻ, và những nhu cầu của anh rất giản dị. Cho nên, niềm say mê sách đã làm cho anh trở thành một đứa trẻ gắng sức tranh đua với những người cùng đẳng cấp mỗi khi cần giành một chỗ đứng. Trong tay những tín đồ tinh thông hơn, khoa học là một công cụ thật tuyệt vời; trong khi với Ordinov, niềm say mê khoa học là một con dao hai lưỡi.

Hơn nữa, kiểu say mê như thế của anh chỉ bắt nguồn từ vô thức, chứ chẳng phải là một phương pháp học hỏi có khoa học gì cả; và tính lập dị của anh đã in hằn lên tất cả những gì anh theo đuổi, kể cả những thứ nhỏ nhất. Từ bé, anh đã nổi tiếng về tính tình không giống ai, anh là một cậu bé chẳng có gì chung với những đứa trẻ cùng trang lứa . Anh chưa bao giờ biết đến cha mẹ của mình, và bản chất kỳ lạ hay xa lánh mọi người làm anh, khi đi học, bị đối xử tồi tệ và tàn nhẫn. Do đó, bị cô lập, anh trở nên nhút nhát, buồn rầu và hầu như rút vào thế giới của riêng mình. Tuy nhiên, trên con đường đơn độc, lúc đầu, mọi thứ còn hoàn toàn mới mẻ với anh, anh tìm thấy lòng phấn khích, nỗi hăng hái, và niềm đam mê ban đầu của một nghệ sĩ, nhưng bây giờ, anh đã tạo cho mình một hệ thống ý tưởng mơ hồ, mờ nhạt, nhưng hoàn toàn suôn sẻ, những ý tưởng dần hóa thân thành một dạng tư tưởng mới và lỗi lạc mà tâm hồn anh khao khát và đã nhận ra đó là một gánh nặng. Anh lờ mờ nhận ra tính độc đáo của nó - sự thật về nó và sức mạnh để tồn tại độc lập của nó. Đó là sức sáng tạo tương ứng với sức mạnh của anh, được từ từ hình thành và tích tụ thành một sức mạnh mới. Tuy nhiên, thời gian để nó hóa thân có lẽ vẫn còn dài, và thành quả cuối cùng có lẽ vẫn còn rất xa mới tới được.

Vì thế, chiều nay, anh lang thang ngoài phố như một kẻ xa lạ - giống một nhà tu khổ hạnh bước ra khỏi nỗi cô đơn lặng lẽ của mình để đến với cái náo nhiệt của thành phố. Dường như, tất cả mọi thứ đều mới mẻ và lạ lẫm với anh. Tuy nhiên, còn quá xa lạ với thế giới sôi động, lòng anh thậm chí không có chỗ cho nỗi ngạc nhiên về cảm giác của chính mình. Giờ đây, anh không còn dễ dàng cảm thấy mệt mỏi, mà, trái lại, lòng anh tràn ngập một niềm hân hoan ngây ngất, ví như một người sắp chết đói được ăn một bữa cơm thịnh soạn. Có phải thật lạ lùng khi một bước ngoặt nhỏ như việc thay đổi chỗ ở lại có thể khuấy động và làm bỡ ngỡ một cư dân St. Petersburg như Ordinov? Thật ra, hầu như chưa bao giờ anh có dịp đi ra ngoài để chạy việc như thế này.


(còn tiếp)

gun_ho
11-13-2011, 02:59 PM
....những lời bình luận chẳng được câu nào khích lệ như lời anh Súng, mà chỉ toàn chê bai, có khi mình nản lòng và “giải nghệ” mất.

Anh Súng, em thuộc lòng 80% bài này, và 20% thì phải liếc lên bài, vì vậy mới có những chỗ ngập ngừng hoặc sai nốt hoặc không chắc mình đàn đúng, phải liếc vào bài rồi đàn lại. Đoạn giữa là đoạn khó thuộc lòng nhất, vì tay trái lượn những quãng khá xa, thay đổi nhiều, và không theo quy luật dễ nhớ nào cả.


Anh nghĩ là anh đâu có chê bai gì ? Chỉ là nhật xét thôi và em chắc chắn chẳng muốn nghe anh khen là "mát" .:))

Thôi anh khen cả hai cô trong đoạn dịch này nè

"...Giờ đây, anh không còn dễ dàng cảm thấy mệt mỏi, mà, trái lại, lòng anh tràn ngập một niềm hân hoan ngây ngất, ví như một người sắp chết đói được ăn một bữa cơm thịnh soạn...."

Anh thích những cái dấu phẩy lung tung liên tiếp đó trong câu này. Nó làm câu văn ngập ngừng như quả ritardando và ngay sau đó là ..a tempo.... a lê hấp ....ăn một bữa cơm thịnh soạn.

tà áo xanh
11-14-2011, 03:57 AM
Hôm nọ TAX có định vào thêm một lời yêu cầu Lòng Như Gió đàn.
Đây là lần đầu TAX được nghe tiếng đàn của Gió.
Bài này thường khi nghe với song tấu dương cầm và vĩ cầm có cảm giác buồn vời vợi. Nghe Gió đàn có cảm giác nhẹ nhàng và tươi mát.
Một thời gian ngắn tập luyện mà đàn được khá khá như vậy cho thấy G. có năng khiếu chơi dương cầm, khi nào có bài mới G. đăng tiếp nha.

Chào chị LH. và vẫy vẫy tay chào Trân, cùng các ACE của Ngõ Vắng...

RaginCajun
11-14-2011, 06:58 AM
Anh nghĩ là anh đâu có chê bai gì ? Chỉ là nhật xét thôi và em chắc chắn chẳng muốn nghe anh khen là "mát" .:))

Thôi anh khen cả hai cô trong đoạn dịch này nè

"...Giờ đây, anh không còn dễ dàng cảm thấy mệt mỏi, mà, trái lại, lòng anh tràn ngập một niềm hân hoan ngây ngất, ví như một người sắp chết đói được ăn một bữa cơm thịnh soạn...."

Anh thích những cái dấu phẩy lung tung liên tiếp đó trong câu này. Nó làm câu văn ngập ngừng như quả ritardando và ngay sau đó là ..a tempo.... a lê hấp ....ăn một bữa cơm thịnh soạn.Đó là cái hay của văn phạm. Cái khác của người giỏi văn và dở văn là ở chỗ "chấm phẩy lung tung" đó. Tớ mê cách hành văn của hai cô này.

Lòng Như Gió
11-14-2011, 08:06 AM
Mình mới vờ hờn mát tí, là đã có vài lời khen. Em cảm ơn các anh chị nhiều nhé.

Anh Súng, những dấu phẩy “lung tung” là văn phong của Trân. Em để ý thấy Trân rất thường xuyên dùng dấu phẩy sau một liên từ. Lâu lâu, em cũng có phẩy sau liên từ (nhưng không dùng cách ấy nhiều như Trân). Mục đích là để nhấn mạnh vế câu ngay sau liên từ ấy, giống như một người nghỉ một lát, hít một hơi dài, trước khi nói ra một điều quan trọng.

Những đoạn dịch tiếp theo, bọn em sẽ xem kỹ lại, nên hẹn sẽ đăng sau. Vì anh Súng đọc kỹ đến từng dấu phẩy mà, mình phải cẩn thận thôi!

Triển
11-14-2011, 09:08 AM
Anh Triển Chiêu, chính sự “lười tập” này là lý do vì sao em không đăng bài lên youtube. Trên ấy, nhiều bài được trình bày hay đến thế nào, thì vẫn có những người bấm nút “Không thích”. Thử tưởng tượng, mình đăng lên, và số “Không thích” nhiều hơn số “Thích”, và những lời bình luận chẳng được câu nào khích lệ như lời anh Súng, mà chỉ toàn chê bai, có khi mình nản lòng và “giải nghệ” mất.
Ghét mới cho ngọt cho bùi đấy Gió ơi. Ngọt mật chết ruồi đới .... ;-)

6Quit
11-15-2011, 01:42 PM
Cảm ơn các bác, các anh đã nghe đàn và cho ý kiến.

Thử tưởng tượng, mình đăng lên, và số “Không thích” nhiều hơn số “Thích”, và những lời bình luận chẳng được câu nào khích lệ như lời anh Súng, mà chỉ toàn chê bai, có khi mình nản lòng và “giải nghệ” mất.



Chào chị Gió, sao tui hiểu câu này có nghĩa là ngoài anh Súng có lời khích lệ ra, ai khác cũng toàn chê bai, chứ đâu có nói anh Súng chê bai đâu, chị Gió vào giải nghĩa giùm coi .


Tui không dám phê bình hay dở, nhưng có ý kiến nhỏ là sao chị không tập chơi dương cầm của mấy bản nhạc VN (như Lòng mẹ, khúc Thụy Du....), nghe thấy quen thuộc và ấm cúng hơn ..

Gửi chị nghe một bản nhạc mà nhạc đệm dương cầm rõ và tuyệt vời (Trong Cuộc Tình Ân Hận - Thiên Kim):
http://www.youtube.com/watch?v=INTZzXf5LZk

gun_ho
11-15-2011, 04:45 PM
Tui không dám phê bình hay dở, nhưng có ý kiến nhỏ là sao chị không tập chơi dương cầm của mấy bản nhạc VN (như Lòng mẹ, khúc Thụy Du....), nghe thấy quen thuộc và ấm cúng hơn ..


Tôi không biết cô Gió trả lời anh làm sao, chứ tôi thì tôi nghĩ là khi chơi đàn, mình nên chơi loại nhạc mà cái nhạc cụ mình chơi sẽ có thể bộc lộ hết tất cả các kỹ thuật, kỹ xảo và ưu điểm cùng là thể hiện được các tính năng của nhạc cụ đó . Bằng như cứ dùng nhạc cụ để nhái theo các bài dành cho thanh nhạc hoài, thì một thời gian người chơi cũng sẽ chán đời mà bỏ nghề học món khác.
Mai mốt tôi sẽ viết một loạt tám lung tung về thanh và khí nhạc để anh cùng bàn tán nhe.

Lòng Như Gió
11-15-2011, 10:32 PM
Chào chị Gió, sao tui hiểu câu này có nghĩa là ngoài anh Súng có lời khích lệ ra, ai khác cũng toàn chê bai, chứ đâu có nói anh Súng chê bai đâu, chị Gió vào giải nghĩa giùm coi .


Tui không dám phê bình hay dở, nhưng có ý kiến nhỏ là sao chị không tập chơi dương cầm của mấy bản nhạc VN (như Lòng mẹ, khúc Thụy Du....), nghe thấy quen thuộc và ấm cúng hơn ..


Anh Sáu Quít, câu của em – không chèn mặt cười dù không phải là lời nói nghiêm túc 100% (anh đã trích lại) - không có nghĩa như anh hiểu. Rất đơn giản, những gì được nhắc đến trong câu ấy là những gì muốn nói, chứ không phải kiểu nhắc đến A nhưng ngụ ý B. Huỵch toẹt lại lần nữa nhé, em nói rằng nhiều người trên youtube bấm nút “dislike” và nhiều người còn tặng nhau những lời chê bai; ấy là em nói về cách người ta đối xử nhau trên youtube, chứ không nói rằng ai “chê bai” gì em ở đây cả (điều đó chưa xảy ra). Thế có rõ chưa ạ?

Có mấy phút nghỉ trưa, em hơi vội, nên chưa nghe hết bản nhạc anh Quít gửi. Để trả lời câu hỏi thứ nhì của anh, em xin nói vắn tắt: loại nhạc em chọn là loại nhạc hợp với ba yếu tố sau đây: âm thanh của dương cầm, sở thích của mình, và phong cách của mình.

Cảm ơn anh đã quan tâm hỏi han và góp ý.

Lòng Như Gió
11-16-2011, 06:50 AM
The landlady
Kỳ 4


Với niềm hân hoan tăng dần theo nhịp bước, anh tiếp tục đi hết con đường; ngắm nhìn mọi thứ bằng con mắt tinh tế, và, trung thành với thói quen tinh thần của mình, anh quan sát cảnh vật đang trải rộng trước mắt để tìm ra những ẩn ý sâu thẳm bên trong. Mọi thứ đều tạo ấn tượng cho anh, không một hình ảnh nhỏ nhặt nào thoát khỏi mắt anh. Với cái nhìn chăm chú, anh xem xét từng khuôn mặt của khách qua đường, và lắng nghe các cuộc trò chuyện đang diễn ra xung quanh, như muốn chứng minh cho những kết luận mà anh đã đạt được trong những đêm tối trầm tư mặc tưởng của mình. Thường thì những chuyện nho nhỏ hay làm anh chú ý và nảy sinh ý tưởng mới; nhưng đây là lần đầu tiên trong đời, anh cảm thấy bực bội và cho rằng anh nên chôn sống mình trong căn phòng cô quạnh. Ở đây, mọi thứ dường như di chuyển nhanh hơn. Ở đây, nhịp đập của trái tim anh nhanh hơn và mạnh hơn. Ở đây, tâm trí của anh, vốn bị giam hãm trong cô độc, giờ như được khuấy động và phấn khích, nó họat động mãnh liệt và hoan hỉ, và nó trở nên nhanh nhạy, chính xác, và vững vàng. Anh thích được lao đầu vào cuộc sống xa lạ, một cuộc sống cho đến nay hoàn toàn kỳ bí với anh - chính xác hơn là, một cuộc sống anh chỉ mới cảm nghiệm qua con mắt nghệ thuật của mình. Trái tim anh chứa chan một tình yêu và một niềm cảm thông tình cờ khi anh mê mải chú ý những người khách trên đường. Anh chợt thấy một số người có vẻ băn khoăn và tư lự. Nhận ra điều ấy, anh không còn điềm tĩnh nữa, và anh thấy “nể” thực tế của cuộc sống hơn. Anh choáng ngợp vì một luồng ấn tượng mới mẻ ập vào hồn, giống như một người mới ốm dậy, sau khi đặt chân dò dẫm vài bước, bất ngờ quỵ té - mắt lòa đi vì những gay gắt, chói chang và hỗn độn của cuộc sống, choáng váng vì những hoạt động quay cuồng của nhân loại, bối rối vì những âm thanh phát ra từ đám đông không ngừng thay đổi và xáo động chung quanh.

Rồi Ordinov bắt đầu ngờ vực những khuynh hướng và những sinh hoạt trong cuộc sống hiện tại, và viễn cảnh tương lai của anh. Đặc biệt, một điều khiến anh bận lòng là anh luôn luôn cô đơn trong thế giới này, luôn vắng bóng tình yêu thương và viễn cảnh được yêu thương. Ví dụ, lúc vừa mới đi dạo, anh đã cố gắng bắt chuyện với một số khách đi đường, nhưng chỉ nhận được một thái độ khó chịu và lạnh nhạt (mà, thật ra, họ hoàn toàn có lý do để xử sự như thế). Anh liền nhớ lại thời niên thiếu, mọi người đã xa lánh anh, coi anh như một gã con trai lầm lì, khó hiểu, và lòng tự tin của anh đã bị tắt ngấm vì những thái độ ghẻ lạnh đó. Tóm lại, anh đau lòng nhận ra rằng anh chưa từng bao giờ biết thể hiện niềm cảm thông của mình bằng cách nào khác hơn là những nỗ lực khó hiểu, vất vả, và thiếu cân bằng tinh thần. Trên tất cả những điều đó là nỗi buồn triền miên của thời niên thiếu, khi anh nhận ra bản thân mình không giống bạn bè cùng trang lứa; và giờ đây nhớ lại điều ấy, anh chấp nhận rằng: luôn luôn, mãi mãi, anh sẽ bị đời bỏ mặc để tự xoay xở với cuộc sống của mình.

Anh thơ thẩn lang thang vào một vùng ngoại ô hẻo lánh; sau khi ăn tối ở một nhà hàng tồi tàn, anh lại tiếp tục đi dạo. Phiá sau anh là một dãy tường ngả màu xám xịt, và trước mặt anh, một dãy nhà ọp ẹp tồi tàn nối tiếp những lâu đài sang trọng, bao quanh những tòa nhà cao chót vót chen vai sát cánh những nhà máy khổng lồ sạm màu và đỏ hoe, với những ống khói cao lêu nghêu. Quang cảnh nơi đây hoang tàn và đổ nát, mọi thứ, trong mắt Ordinov, mang vẻ ảm đạm, lạnh lùng, trong màn chiều dần buông. Băng qua một con ngõ dài, anh bước vào một quảng trường bao quanh một giáo đường.

Như người mộng du, anh bước vào thánh đường. Thánh lễ vừa xong, chỉ còn hai bà cụ đang quỳ ngay lối ra vào, và ông trùm (một ông cụ nhỏ bé) đang bận dập tắt nến. Những tia nắng chênh chếch rọi những làn sắc màu lung linh xuyên qua các ô cửa sổ hẹp trên mái vòm, làm một bên cung thánh tràn ngập ánh sáng rồi từ từ tắt lịm: trong khi đó bóng tối hội tụ dưới khung cửa càng lúc càng u ám, khiến cho lớp mạ vàng của các tượng thánh lấp lánh hơn dưới ánh nến lập loè, đo đỏ. Lòng buồn rười rượi, Ordinov ngồi trong một cái xó tù mù, lưng dựa vào tường, trong giây lát chìm vào lãng quên. Rồi lập tức, anh choàng tỉnh vì hai tiếng chân rón rén. Anh ngước nhìn với nỗi hiếu kỳ mơ hồ. Họ là một người đàn ông đứng tuổi và một cô gái. Người đàn ông, cao vạm vỡ, nhưng bơ phờ, tiều tụy, xanh xao, có lẽ từng là một thương gia từ một tỉnh hẻo lánh. Ông khoác hờ chiếc áo choàng dài bằng lông màu đen, phía trong là lớp áo tunic ngay ngắn, cổ quấn chiếc khăn quàng màu đỏ tươi, tay cầm chiếc mũ lông thú. Ngực ông phủ đầy lông màu xám, và dưới cặp chân mày rậm rạp toát lên nét dữ tợn, ánh mắt ông sáng lên rừng rực, với vẻ đượm buồn nhưng kiêu hãnh và sắc bén. Cô gái độ chừng hai mươi. Với vẻ đẹp lộng lẫy, khoác chiếc áo lông thú sang trọng, sẫm màu, óng mượt, đầu choàng một chiếc khăn quàng màu trắng bằng satin và thắt gút dưới cằm, cô vừa đi vừa cúi gằm mặt xuống đất, khuôn mặt hằn nét suy tư, pha vào nét ngây thơ dịu hiền của cô một vẻ sắc sảo nhưng muộn phiền. Ordinov mơ hồ mường tượng rằng quan hệ của hai người này có cái gì đó kỳ lạ.


(còn tiếp)

gun_ho
11-16-2011, 07:12 AM
http://i30.photobucket.com/albums/c305/hoinguyen99/NhathNhaTrang.jpg

......Những tia nắng chênh chếch rọi những làn sắc màu lung linh xuyên qua các ô cửa sổ hẹp trên mái vòm, làm một bên cung thánh tràn ngập ánh sáng rồi từ từ tắt lịm.....

6Quit
11-16-2011, 09:08 AM
Anh Súng, giờ thì tui mới biết từ anh và chị Gió là chơi bản nhạc nào còn tùy thuộc vào âm thanh của nhạc cụ (dương cầm), tui cứ nghĩ hễ là nhạc cụ (cây đàn) thì chơi bản nào viết để dùng loại nhạc cụ đó cũng được hết .

Chị Gió, tui hiểu rồi, cảm ơn chị đã giải thích, mình tự học đàn (như chị) cũng có cái lợi là chơi bản mình thích, cả ba đứa nhỏ của tui đều đi học đàn dương cầm từ năm lớp 1 cho đến lớp 12 (12 năm học), đa số đều "bị" bà giáo đưa bản nào là học bản đó, không có lựa chọn ... Ở lớp cuối, tụi nó chơi rất hay, nhưng sau khi lên đại học là bỏ ngay, nhiều khi cả năm không rớ tới cây đàn .

gun_ho
11-17-2011, 07:01 AM
Anh Súng, giờ thì tui mới biết từ anh và chị Gió là chơi bản nhạc nào còn tùy thuộc vào âm thanh của nhạc cụ (dương cầm), tui cứ nghĩ hễ là nhạc cụ (cây đàn) thì chơi bản nào viết để dùng loại nhạc cụ đó cũng được hết .

Chị Gió, tui hiểu rồi, cảm ơn chị đã giải thích, mình tự học đàn (như chị) cũng có cái lợi là chơi bản mình thích, cả ba đứa nhỏ của tui đều đi học đàn dương cầm từ năm lớp 1 cho đến lớp 12 (12 năm học), đa số đều "bị" bà giáo đưa bản nào là học bản đó, không có lựa chọn ... Ở lớp cuối, tụi nó chơi rất hay, nhưng sau khi lên đại học là bỏ ngay, nhiều khi cả năm không rớ tới cây đàn .


Anh Sáu.

Nếu có người đến hỏi học đàn để kéo cưa bài Lòng Mẹ, tôi cũng sẽ bày cho họ kéo bài này chứ. Nhưng trước khi bước chân vào bài đó, họ sẽ "không có lựa chọn nào khác" ngoài các bài tập kỹ thuật và đôi bài giải trí vớ vẩn cho đỡ nhàm chán.
Một nhạc sinh giỏi sẽ yêu âm thanh và tính năng của cái đàn đó, chứ không vì yêu một hai bản nhạc bèn đi học đàn để chơi bản mình thích, cũng không phải vì thời thượng, vì cha mẹ và xã hội mới đi học đàn .

Thằng con tôi ngày còn nhỏ cũng "bị" tôi bắt tập đàn, nó chơi được ba năm thì bỏ, nhưng nay khi đã lớn và sinh sống ở một thành phố khác, nó tập đàn trở lại và mỗi tuần tốn 40 đô tiền thầy.
Hôm rồi nó về thăm và xin tôi hai cây đàn chiến, tôi chỉ cho nó một. Nó cười nói "không sao, con chờ". :))

angie
11-17-2011, 07:06 AM
http://www.youtube.com/watch?v=5IFj7_-DevI
Trong một bữa tiệc Gia Long

tabalo
11-17-2011, 07:41 AM
http://youtu.be/4x7UjBt7ndE

Lòng Như Gió
11-18-2011, 07:07 AM
Cảm ơn các anh chị đã ghé chơi, dán hình minh họa, dán nhạc…

Mời những ai thích đọc truyện tiếp tục với đoạn tiếp theo, sau khi bắt đầu có thêm hai nhân vật kỳ bí trong nhà thờ.




The landlady
Kỳ 5


Khi bước gần lên cung thánh, người đàn ông dừng lại, làm dấu thánh giá mặc dù thánh lễ đã hết. Cô gái cũng làm như thế. Sau đó, ông nắm tay cô, dẫn đến trước tượng Đức mẹ đồng trinh, thánh bổn mạng của ngôi giáo đường. Tượng Đức mẹ ngự gần bàn thờ, với những trang sức bằng đá quý và vàng ròng chói lọi rực rỡ. Ông trùm cung kính cúi chào hai người khách lạ, người đàn ông và cô gái cúi đầu chào đáp lễ; sau đó cô gái quỳ trước tượng Đức mẹ, và, người đàn ông lấy tấm khăn phủ lên đầu cô, rồi một tiếng khóc nức nở vang lên mồn một.

Bị lôi cuốn trước cảnh tượng trang nghiêm đó, Ordinov hồi hộp chờ xem câu chuyện sẽ đi đến đâu. Sau một hai phút, cô gái ngẩng lên, dưới ánh đèn, khuôn mặt xinh đẹp của cô ngời sáng. Ordinov run rẩy, loạng choạng tiến đến vài bước, nhưng cô đã quay đi, nắm tay người đàn ông, rời khỏi nhà thờ. Từ đôi mắt xanh biếc, (dưới hàng mi dài cong vút nổi bật trên làn da trắng mịn), nước mắt vẫn tuôn giàn giụa trên hai gò má xanh xao. Thật ra, môi cô có hé nụ cười yếu ớt, nhưng gương mặt vẫn hằn một nỗi sợ hãi khó hiểu, run rẩy xúc động, cô níu lấy cánh tay người đàn ông như tìm sự che chở.

Lòng xao xuyến, và không kiềm chế được cảm giác lý thú tràn ngập lòng, Ordinov đuổi theo hai người và bắt kịp họ tại quảng trường. Người đàn ông quay lại quắc mắt nhìn anh, còn cô gái chỉ thờ ơ ném cho anh một cái liếc mắt vì tâm trí cô như đang ở tận đâu đâu. Vì một lý do nào đó anh không thể giải thích, anh vẫn lẽo đẽo đi theo họ - dù với một khoảng cách, và thừa lúc trời chạng vạng tối. Quẹo vào một con đường dài khá dơ dáy gần khu công sự, trong khu phố của đám thợ thủ công - một con đường đông đúc với những dãy nhà san sát và những tiệm tạp hóa - chẳng mấy chốc họ đi đến một con ngõ hẹp giữa hai bức tường kín, rồi cứ thế họ đi tiếp, đến khi trước mặt họ là một bức tường cao ngất đen kịt của toà nhà bốn tầng quay mặt ra một con đường dài và đông đúc dân cư. Khi ba người bộ hành tiến đến trước tòa nhà, người đàn ông lại quay lại, khó chịu trừng mắt nhìn Ordinov. Người thanh niên dừng lại, đứng như trời trồng, vì chính anh cũng lấy làm lạ về cơn bốc đồng của mình. Sau khi nhìn Ordinov thêm lần nữa, như để bảo đảm rằng cử chỉ uy hiếp thầm lặng của mình đã có tác dụng, người đàn ông cùng cô gái bước vào mảnh sân bên trong toà nhà, trong khi Ordinov vội vã quay gót.


(còn tiếp)

Lòng Như Gió
11-22-2011, 08:33 AM
The landlady
Kỳ 6


Trên đường về nhà, anh cảm thấy bực bội và trách mình thậm tệ vì đã tự dấn mình vào một chuyến thám hiểm mệt mỏi chỉ đưa đến ý nghĩ điên rồ, vẽ vời một chi tiết hết sức tầm thường bằng đủ sắc màu của một cuộc phiêu lưu. Mặc dù, sáng hôm đó, anh hối hận vì đã sống ẩn dật, nhưng, anh thà sống theo bản năng, bằng cách tránh xa bất kỳ thứ gì trong thế giới giả tạo bên ngoài có thể ảnh hưởng hay xáo trộn tâm trí anh. Tuy vậy, lúc này, anh nghĩ về cuộc sống ẩn dật với niềm âu sầu và ít nhiều hối tiếc, và anh bắt đầu lo lắng, đau khổ cho đời sống cô độc vô hạn định của mình, cùng với bao nhiêu nỗi lo âu trong cảnh lẻ loi ấy. Hơn nữa, anh bực dọc nghĩ rằng những điều tủn mủn này đã làm anh bận tâm. Thật vậy, chỉ vì anh quá mệt mỏi, không đủ sức liên kết những ý nghĩ của mình cho đúng đắn, anh giật mình nhận ra rằng anh đã đi ngang qua cửa nhà mình. Anh bực bội lắc đầu khi nghĩ rằng, cho đến nay, anh đã nghĩ ngợi quá lan man, và “đổ thừa” chẳng qua do mệt mỏi nên mình mới sai lầm. Anh leo lên cầu thang, và chui vào gác xép của mình. Anh thắp một ngọn nến. Nến vừa sáng lên, hình ảnh người con gái liền quay về trong trí anh. Ấn tượng của anh về cô gái quá sinh động và rõ rệt. Bằng tâm tưởng, anh háo hức vẽ lại khuôn mặt dịu hiền của người con gái, khuôn mặt thảng thốt sợ hãi, nhưng lấp lánh một cảm xúc huyền bí qua những giọt nước mắt ăn năn thơ ngây. Đôi mắt anh nhức nhối, các tĩnh mạch của anh như có lửa rừng rực chạy qua. Nhưng chẳng mấy chốc, hình ảnh giai nhân biến mất, và trong niềm phấn khích, anh từ chỗ trầm tư suy nghĩ, chuyển sang bực bội, rồi tiếp theo cảm thấy giận dữ một cách bất lực. Không buồn thay quần áo, anh kéo chăn đắp lên người và nằm xuống tấm nệm thô ráp.

Mặt trời đã lên cao khi anh tỉnh dậy với tâm trạng bối rối và chán nản. Làm vệ sinh thật nhanh, rồi buộc mình phải nghĩ tới một ngày bận rộn, anh lại đi ra phố, theo hướng ngược lại với nơi anh đã đi qua vào chiều hôm trước. Để cho xong việc, anh thuê đại căn phòng của người đàn ông nghèo khổ người Đức tên là Schpis, có đứa con gái, Tinchen; sau đó, anh đặt tiền cọc luôn. Schpis tháo tấm bảng quảng cáo “Cho Thuê” treo trên cửa xuống, khen ngợi tính hiếu học của Ordinov, và cũng hứa sẽ hết sức tạo điều kiện cho anh luôn được thoải mái khi ở đây. Ordinov ngỏ ý muốn dọn vào căn phòng ngay chiều hôm đó, rồi anh lại quay về chỗ ở cũ. Trên đường về, một ý nghĩ bất chợt loé lên trong đầu anh, và anh rẽ qua một hướng khác. Một tư tưởng táo bạo chợt nảy ra, và anh cười thầm cho cái tính bốc đồng liều lĩnh của mình. Sự nôn nóng làm anh thấy con đường như dài hơn, nhưng cuối cùng anh cũng đến được nhà thờ nơi anh đã có mặt chiều hôm trước, và thấy thánh lễ đang cử hành. Chọn một chỗ ngồi để có thể thấy được mọi người, anh nhận ra rằng đối tượng mà anh muốn gặp không xuất hiện, và, mặc dù anh đợi thêm một lúc lâu, nhưng cuối cùng anh phải ngượng ngùng rời khỏi nhà thờ. Để chuyển hướng dòng tư tưởng của mình, anh buộc mình nghĩ tới những chuyện vô thưởng vô phạt, và, nghĩ về những lặt vặt của cuộc sống, anh chợt nhớ ra đã đến giờ ăn trưa. Bụng đói ngấu, anh lại vào nhà hàng nơi anh đã dùng bữa tối hôm qua; sau đó, anh tiếp tục chuyến lang thang miệt mài vô định, qua những đường phố, ngõ ngách đầy người, qua những quảng trường vắng lặng, rồi anh đến một vùng đất không nhà cửa, phủ đầy cỏ úa. Vẻ tĩnh mịch tuyệt đối của nơi này làm anh nghĩ đến bản thân, và khuấy động trong anh những cảm giác mới mẻ hoặc những cảm giác đã từ lâu ngủ yên. Không khí khô và phủ đầy sương mù, một kiểu thời tiết tiêu biểu của St. Petersburg trong tháng Mười, và từ xa, anh thấy một túp lều nhỏ, bên cạnh là những đụn rơm và một chú ngựa nhỏ đầu cúi thấp, đai bịt mõm lủng lẳng, lưng không yên, đứng gần một chiếc xe thồ, dường như đang đắm chìm suy nghĩ. Bên cạnh cái bánh xe bị gãy nằm chỏng gọng, một chú chó đang gầm gừ gặm cục xương, và một đứa trẻ ba tuổi - chỉ mặc độc chiếc áo, đang từng chặp gãi sồn sột mái đầu vàng hoe bù xù - đứng nhìn chằm chằm người khách lạ đang lang thang đi xa dần. Đằng sau túp lều là một đồng cỏ và cánh đồng rau quả. Nổi bật trên nền trời xanh, những hàng cây sẫm màu chạy dọc theo đường chân trời. Phía bên kia, một đám tuyết đang lất phất bay trong cơn gió nhẹ, và một chòm mây như trôi lững lờ trước một đàn chim di trú đang bay thành hàng một và kêu vang quàng quạc, tung cánh vút cao trong không trung. Mọi cảnh vật chìm trong tĩnh mịch, một vẻ buồn bã trang nghiêm như bao trùm lên không gian, mọi thứ đều như ảm đạm và khắc khoải. Ordinov bước trên con đường mòn, nhưng chẳng mấy chốc, thấy lòng nặng trĩu một nỗi cô đơn, anh quay về hướng thành phố. Chợt nghe tiếng chuông ngân nga báo hiệu giờ lễ chiều, anh rảo bước, và chẳng bao lâu đã đến ngôi giáo đường, nơi mà chỉ trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ qua đã trở nên quen thuộc trong tâm trí anh.

Nàng Vô danh đang ở trong nhà thờ. Cô quỳ ngay lối vào, giữa những người dự lễ. Ordinov len qua những người ăn xin, những phụ nữ già cả rách rưới, và những người đau ốm hom hem đang đứng dày đặc trước cửa chờ được bố thí. Rồi anh quỳ xuống bên cạnh nàng thiếu nữ. Lớp trang phục của hai người chạm vào nhau, và anh có thể nghe được hơi thở cô nhè nhẹ thoảng ra từ cặp môi hé mở đang thì thầm những lời cầu nguyện tha thiết. Như lần trước, nét mặt cô chỉ biểu lộ một lòng mộ đạo sâu sắc; như lần trước, đôi gò má cô ửng đỏ dưới những dòng nước mắt giàn giuạ rồi tự khô như để tẩy sạch một tội lỗi nặng nề nào đấy. Cảnh vật xung quanh chìm trong bóng tối, chỉ có ánh lửa leo lét từ một ngọn đèn, run rẩy trước cơn gió len vào từ ô cửa sổ nhỏ, hắt những tia sáng chập chờn lên gương mặt nàng Vô danh - gương mặt với từng nét đã tạc vào trí nhớ của Ordinov, giày vò ánh mắt anh, bóp nát trái tim anh bằng một nỗi đau không diễn tả thành lời. Cuối cùng, không thể nào chịu đựng được nỗi buồn trĩu nặng tâm hồn, anh bật khóc nức nở, nhờ đó cơn đau khuây khoả khi anh cúi gập đầu xuống sàn nhà mát lạnh của nhà thờ. Anh chẳng còn nghe hay cảm nhận được gì trừ nhịp tim của mình và một nỗi đau ngọt ngào.


(còn tiếp)

Nhã Uyên
11-23-2011, 09:26 AM
http://28.media.tumblr.com/V1zOmE30qlvq1pbdtuLKXmlYo1_500.jpg
Chị Trân ơi, dịch xong "The Landlady", chị ra, chúng em mời chị trà nhá.

Lòng Như Gió
12-04-2011, 08:18 AM
The landlady
Kỳ 7


Có phải nỗi cô đơn đã làm nảy nở trong anh tính nhạy cảm quá đáng, nên anh dễ bị tổn thương? Có phải những trăn trở lo âu đã gieo vào lòng anh qua những đêm dài thao thức? Có phải tất cả những cơn bốc đồng bất chợt, những cảm xúc tha thiết là điều kiện cần thiết để con tim mở rộng lòng và tìm thấy lối ra? Hay, đúng hơn, có phải đã đến lúc sự việc thể hiện đúng bản chất của nó như hiện tại, đồng thời, trong một ngày nóng bức ngột ngạt, bầu trời bỗng tối sầm, mưa ồ ạt rơi xuống mảnh đất khô cằn, đọng những giọt long lanh trên cành lá, tưới mát những đồng cỏ, và làm oằn mình những chùm hoa mỏng manh; cho đến khi, tia nắng đầu tiên xuất hiện, mọi vật lại bừng tỉnh đón ánh mặt trời, đâm chồi nảy lộc để chào đón sự tái sinh của tạo hóa trong niềm hân hoan dạt dào và căng tràn nhựa sống? Ordinov không giải thích được tình trạng của mình. Thật vậy, anh không nhận thức rõ bản thân mình. Dù chỉ lờ mờ nhận ra thánh lễ sắp xong, anh đứng dậy khi nó chấm dứt, và đi theo cô gái len qua một đám đông những người dự lễ đang tiến ra ngoài cửa. Hơn một lần, anh bắt gặp cái liếc mắt kín đáo và ngạc nhiên của cô gái. Hơn một lần, khi bị đám đông cản đường, anh thấy cô quay lại nhìn mình. Càng lúc cô càng bối rối hơn. Rồi hai má cô chợt đỏ bừng như ánh rạng đông khi người đàn ông xuất hiện và nắm lấy tay cô. Và đây là lần thứ ba, Ordinov thấy một tia mắt khinh bỉ, hăm dọa hằn học quét lên mình. Trước tia mắt ấy, tim anh trĩu nặng một nỗi oán giận sầu thảm. Nhưng nàng Vô danh đã khuất dạng trong bóng tối; và rồi, anh phải cố gắng hết sức để lấy lại bình tĩnh, vội vã rời khỏi nhà thờ. Ngay cả bầu không khí trong lành cũng không mấy giúp anh hồi tỉnh. Anh khó nhọc hít thở, cảm thấy như bị ngạt, và tim anh đập thật chậm, nhưng thật mạnh - mạnh thình thịch đến muốn vỡ tung lồng ngực. Một cách vô ích, anh cố lần theo dấu vết của hai nhân vật bí ẩn, nhưng không tìm ra bóng dáng nào trông giống họ trên khắp các đường phố và ngõ ngách. Tuy nhiên, một ý tưởng bật ra trong đầu anh; một âm mưu táo bạo, điên rồ, dù có thể vô nghĩa, nhưng hầu như luôn thành công trong những trường hợp như thế.

Tám giờ sáng hôm sau, anh trở lại tòa nhà nơi người đàn ông và cô gái cư ngụ, bước vào mảnh sân chật chội và dơ dáy, trông như cái ống cống. Trong sân, anh thấy người gác cổng đang làm việc, đó là một anh chàng thấp bé người Tartar, không quá hai mươi lăm tuổi, nhưng gương mặt đã sớm chằng chịt nếp nhăn. Trông thấy Ordinov, anh ta ngưng việc, tỳ cằm vào cánh tay, nhìn người mới đến từ đầu đến chân, rồi hỏi, ông muốn gì.
“Tôi muốn một căn phòng,” Ordinov trả lời ngắn gọn.
“Phòng nào?” người gác cổng hỏi, với nụ cười nham nhở và ánh mắt tinh quái như thể đang đi guốc trong bụng Ordinov.
“Dĩ nhiên, phòng để thuê.” Ordinov đốp lại.
“Ồ, nhà đó không còn phòng cho thuê đâu,” người gác cổng trả lời, chỉ về phía căn nhà bên cạnh với ánh mắt chế giễu.
“Vậy còn nhà này?”
“Nhà này cũng không còn phòng trống,” người gác cổng nói, rồi tiếp tục công việc của mình..
“Có thể rốt cuộc họ sẽ cho tôi thuê một phòng chứ?” Ordinov nói tiếp, đồng thời dúi vào tay người gác cổng một grivennik.
Anh chàng người Tartar liếc nhanh Ordinov, bỏ đồng tiền vào túi, rồi lại tiếp tục công việc. Sau một lúc im lặng, anh ta nói dứt khoát:
“Không, ở đây chẳng có phòng cho thuê đâu.”

Nhưng chàng thanh niên không còn để ý đến người gác cổng nữa. Cẩn thận bước qua tấm ván cong oằn khá cũ kỹ, bắc ngang một cái rãnh, anh tiến về phía lối vào duy nhất dẫn đến một khoảnh sân tối tăm, bẩn thỉu, bê bết bùn, phía bên hông tòa nhà. Tầng trệt là xưởng đóng quan tài, băng qua đấy, anh trèo lên một cầu thang xoắn ốc, ọp ẹp, trơn trượt, để đến tầng lầu kế tiếp, nơi mà, mò mẫm trong bóng tối, anh thấy một cánh cửa gỗ cứng cáp, sần sùi, được phủ vài lớp thảm rách tả tơi. Mò mẫm thêm chút nữa, tìm thấy chốt cửa, anh nhấc mở chốt. Không còn nghi ngờ gì nữa. Trước mặt anh là người đàn ông, nhìn anh chằm chặp vô cùng ngạc nhiên.
“Ông muốn gì?” Ông ta cục cằn hỏi và gần như chỉ thì thào.
“Ông có phòng cho thuê không?” chàng thanh niên lí nhí mà như không biết mình nói gì, vì anh thoáng thấy dáng của nàng Vô danh đứng sau lưng người đàn ông.

Người đàn ông lẳng lặng nhích người như xua đuổi, không cho người khách vào trong; nhưng cùng lúc, Ordinov nghe giọng dịu dàng của cô gái cất lên khe khẽ:
“Có đấy, có phòng cho thuê.”
Lúc này, người đàn ông thôi không chặn cửa nữa.

“Tôi chỉ muốn một căn phòng nhỏ,” Ordinov nói riêng với cô gái và bước vội vào trong. Rồi anh bất thình lình dừng lại vì sững sờ, vì lần đầu tiên, anh thấy rõ mặt hai người chủ nhà tương lai của mình. Trước mặt anh là một vở kịch câm. Khuôn mặt người đàn ông xanh mét như mặt người chết, và ông ta có vẻ như sắp ngất đi khi ném cho cô gái một ánh nhìn nặng nề bén như dao cạo. Gương mặt của người con gái cũng xanh như tàu lá, nhưng ngay sau đó, hồng hào trở lại, và mắt cô ánh lên một tia sáng lạ lùng khi đưa Ordinov đi xem phòng bên cạnh.

Nơi ấy là một căn phòng lớn, được chia ra ba gian nhỏ bằng những tấm ván. Hành lang dẫn vào một phòng làm việc nhỏ xíu, thế thì cánh cửa ở bức tường bên kia hẳn là dẫn vào buồng ngủ. Những gian phòng quá nhỏ, với hai cánh cửa sổ gần nhau, đến nỗi một vật dụng dù nhỏ xíu cũng choán chỗ. Tuy nhiên, mặc cho phòng ốc chật chội, đồ đạc trong phòng - gồm một cái bàn gỗ màu trắng, hai chiếc ghế, vài băng ghế dài dựa vào tường – lại rất sạch sẽ. Ngoài ra, trong góc phòng trên bệ thờ, có một bức tượng lớn đội vương miện bằng vàng, phiá trước là cây đèn rực sáng. Phòng làm việc và phòng ngủ có chung một cái tủ to và cồng kềnh, nhìn chung, căn phòng không thích hợp lắm cho ba người cùng ở.

Ordinov và cô gái bắt đầu thương lượng, nhưng ngập ngừng, và chỉ hiểu nhau một ít. Đứng cách cô gái hai bước, anh nghe nhịp tim của cô đập rõ mồn một, và thấy cô đang run rẩy với những cảm xúc và một dạng sợ hãi. Cuối cùng, họ thỏa thuận rằng Ordinov phải dọn vào ngay lập tức. Anh liếc nhìn người đàn ông đang đứng gần lối ra vào, khuôn mặt vẫn xanh mét, nhưng môi điểm nụ cười nhợt nhạt gần như đăm chiêu. Tuy nhiên, vừa thấy Ordinov nhìn mình, ông ta liền cau mày:
“Ông có mang giấy tờ tùy thân không?” Người đàn ông cáu kỉnh hỏi khi mở cửa chính.
“Có chứ.” Ordinov lơ đãng trả lời.
“Ông là ai?”
“Vassilii Ordinov - thuộc dòng dõi quý tộc, làm nghề tự do.” Ordinov trả lời một cách cộc cằn giống hệt cách hỏi của người đàn ông.
“À, còn tôi là Illia Murin, tiểu tư sản. Ông còn cần gì nữa không? Nếu không, ông có thể đi được rồi.”

Một tiếng đồng hồ sau, Ordinov bình tĩnh lại. Việc thuê nhà này còn làm anh ngạc nhiên hơn cả ông Schpis, người chủ nhà có đứa con gái nhu mì Tinchen. Ông ta từ trước đã nghi ngờ rằng Ordinov sắp bỏ ông ra đi. Ordinov chẳng còn biết mọi chuyện đã xảy ra như thế nào, nhưng anh không muốn bận tâm nhiều về vấn đề này.



(còn tiếp)

PhPhuongVy
12-05-2011, 12:15 AM
The landlady
Kỳ 7
Ordinov và cô gái bắt đầu thương lượng, nhưng ngập ngừng, và chỉ hiểu nhau một ít. Đứng cách cô gái hai bước, anh nghe nhịp tim của cô đập rõ mồn một, và thấy cô đang run rẩy với những cảm xúc và một dạng sợ hãi. Cuối cùng, họ thỏa thuận rằng Ordinov phải dọn vào ngay lập tức. Anh liếc nhìn người đàn ông đang đứng gần lối ra vào, khuôn mặt vẫn xanh mét, nhưng môi điểm nụ cười nhợt nhạt gần như đăm chiêu. Tuy nhiên, vừa thấy Ordinov nhìn mình, ông ta liền cau mày:
“Ông có mang giấy tờ tùy thân không?” Người đàn ông hỏi một cách gắt gỏng khi mở cửa chính.
“Có chứ.” Ordinov lơ đãng trả lời.
“Ông là ai?”
“Vassilii Ordinov - một quý ông không việc làm, nghề tự do.” Ordinov trả lời một cách cộc cằn giống hệt cách hỏi của người đàn ông.
“À, còn tôi là Illia Murin, người thành phố. Ông còn cần gì nữa không? Nếu không, ông có thể đi được rồi.”

(còn tiếp)Chào Gió và Trân. Cảm ơn Gió và Trân đã bỏ nhiều thì giờ dịch truyện ngắn này để cống hiến cho bạn đọc Đặc Trưng. Dostoyevsky có lối viết thật tỉ mỉ và hai người dịch cũng có lối chọn chữ rất công phu. Chị vẫn đón xem khi có đoạn mới. Chị thắc mắc không biết Gió và Trân đã dịch chỗ bôi đậm phía trên từ câu "Vassily Ordynov, nobleman, not in service, engaged in private work" và câu "So am I, "answered the old man. "I'm Ilya Murin, artisan" ?

Lòng Như Gió
12-05-2011, 08:23 AM
Chị Vy, hai câu chị tô đậm được Trân dịch từ bản tiếng Anh như sau:

“Vassilii Ordinov - a gentleman - of no occupation - engaged on my own affairs.” Ordinov spoke as brusquely as the old man had done.
“Well, I am Illia Murin - burgher. Is that all you want? You may go.”

Những chi tiết chị bôi đậm, cũng như một số chi tiết khác, em thấy chưa chắc chắn đã được dịch đúng, nhưng do mình chưa đọc hết truyện, chưa hiểu trọn vẹn ý của tác giả, nên cứ tạm thời dịch như vậy đã. Em cũng đã nói là, sau khi đọc hết truyện, bọn em sẽ đọc lại bản dịch từ đầu cũng như đối chiếu lại với bản tiếng Anh, và biên tập lại lần nữa.

Chị có ý kiến gì về những chi tiết bôi đậm này không?

Cảm ơn chị đã có lời khen. Thật ra, em tự thấy mình chưa kỹ càng lắm đâu chị. Bằng chứng là ở post số 54 vừa rồi, em đã phải quay lại mấy lần để sửa, trong đó có một lần sửa ý (do ban đầu, em đã sớn sác đọc lầm “little” thành “a little”, đăng xong mới đọc lại bản tiếng Anh).

PhPhuongVy
12-05-2011, 11:18 PM
Chị đọc mấy chữ của bản tiếng Việt (mà chị) tô đậm thì có thấy muốn đọc kỹ, nên lôi bản tiếng Anh ra đọc lại xem sao và đọc lại một hơi hết 63 trang luôn để hiểu hết câu chuyện cho chắc ăn trước khi đặt câu hỏi. Bản tiếng Anh của chị do bà Constance Garnett dịch từ nguyên tác tiếng Nga. Dostoyevsky viết The Landlady đâu khoảng năm 1847. Bà Constance Garnett (1861-1946) là người Anh, rất rành tiếng Nga. Khi có dịp viếng thăm nước Nga, bà gặp văn hào Leo Tolstoi và bắt đầu yêu thích văn chương Nga. Bà dịch rất nhiều tác phẩm lớn của Tolstoi, Dostoyevsky, Turgenev, Chekov, sang tiếng Anh. Bà cũng nổi tiếng là khi bí quá bà thường bào chế chữ của mình, ý của mình, rồi gắn vào bản dịch cho tiện việc. Tuy nhiên, không phải vì bà có tật này mà đoạn nào chúng ta cũng đổ thừa rằng bà sáng tác thêm vô. Chị cũng tò mò lắm, muốn biết thật sự nguyên tác tiếng Nga tác giả viết thế nào, nhưng tìm đâu ra bản tiếng Nga? Mà vốn liếng tiếng Nga của chị chỉ đủ để chào ngày mới (đráts pu chia), cảm ơn (xpa xí bờ) và khoe rằng tôi đi học (ya vờ skô la), làm sao đọc nổi những chữ Nga tự nó đã lộn tùng mèo. Thôi thì chị em mình bày chuyện lý luận cho vui nha.

Theo đoạn trên, chị thấy có lẽ tác giả muốn cho Ordynov tự giới thiệu "Vassily Ordynov, con nhà quý tộc, không phục vụ quốc gia, chỉ làm nghề tự do" (Ordynov, nobleman, not in the service, engaged in private work) nghe có lý hơn là "một quý ông không việc làm, nghề tự do" (a gentleman - of no occupation - engaged on my own affairs) và để ông già chủ phố đáp lại rằng "tôi cũng vậy (nghĩa là tôi cũng làm nghề tự do). Tôi là Ilya Murin, thợ làm nghề." (So am I. I'm Ilya Murin, artisan.) Tại sao có lý hơn? Tại vì thời bấy giờ, 1847, có lẽ Dostoyevsky muốn nói đến cái thực tế của xã hội Nga là phân biệt giai cấp, ít nhất là trong giấy tờ. Ordynov là sinh viên, cha mẹ cho ăn học ở đại học, có của cải và có người quản lý của cải để sinh lợi cho Ordynov sinh sống. Vì vậy Ordynov xưng mình là con nhà quý tộc nghe có lý hơn, khi đưa giấy tờ tùy thân cho người ta xem. Ordynov đã khai mình là con nhà quý tộc nên khai thêm cho rõ là tuy vậy Ordynov không phải là sĩ quan, cũng không phải là viên chức của triều đình. Thời đó, sau khi Nga Hoàng Peter The Great làm một loạt cải tổ giáo dục, hành chánh, quân sự, lính trơn thì vẫn bắt từ nông dân (không đủ tiền đóng thuế) rồi đó, nhưng sĩ quan thì lấy từ con cháu các nhà quý tộc, họ vừa có học và vừa trung thành hơn. Những con cháu quý tộc nếu không làm sĩ quan thì làm phán quan hay làm việc trong hệ thống pháp lý của triều đình. Và vì Ordynov khai mình là con nhà quý tộc, ông già khai ông thuộc giới khác. Bản tiếng Anh của Trân cho ông thuộc giai cấp burgher, giai cấp tiểu tư sản, vì ông là chủ phố, có tài sản, có bất động sản. Điều này có lý. Tuy nhiên, bản tiếng Anh chị đọc thì cho ông già xưng mình thuộc giai cấp thợ chuyên môn (artisan). Chị chọn chữ này vì trong đoạn sau, Ordynov có quay lại gặp người gác cổng và hỏi thăm "Is my landlord an artisan?" và "What does he do?" Điểm này, artisan, cũng hợp lý hơn, khi cuối câu chuyện sự bất ngờ về ông già chủ phố làm ăn về nghề gì sẽ được phô bày ra.

Trân và Gió tiếp tục nha, dịch tiếp và bàn luận cho vui. Chị cảm ơn hai cô.

Lòng Như Gió
12-06-2011, 05:29 AM
Cảm ơn chị Vy đã giới thiệu thêm một bản tiếng Anh của Constance Garnett. Còn bản tiếng Anh mà Trân đã mua là bản dịch của C. J. Hogarth, theo lời giới thiệu của anh Súng ở Ngõ Vắng Phố 3. Em không biết tiếng Nga, nên dù có tìm được nguyên tác tiếng Nga thì cũng chỉ để ngó chơi.

Một trong những thiếu sót của em khi bắt tay vào biên tập là em đã chẳng buồn nghĩ ngợi gì nhiều về bối cảnh của những diễn biến trong truyện. Cám ơn chị Vy đã phân tích về cái bối cảnh ấy.

Sau khi suy nghĩ và bàn bạc, bọn em quyết định sẽ tiếp tục bám theo bản tiếng Anh mình đang có để dịch. Theo đó, ở đoạn sau, bản dịch vẫn tiếp tục dùng chữ “burgher” chứ không dùng chữ “artisan” để nói về Murin. Tuy nhiên, em sẽ ghi chú lại chữ “artisan” từ bản tiếng Anh mà chị giới thiệu, để sau này tham khảo lại.

Ngoài ra, bọn em quyết định sửa chữ “quý ông” thành “quý tộc”, và “người thành phố” thành “tiểu tư sản”. Ngoài yếu tố phân biệt giai cấp như chị đã nhắc, thì em cũng thấy, hai nhân vật này tự giới thiệu mình cho nhau ở khía cạnh giai cấp như thế này, sẽ làm nổi rõ sự “đối” nhau (“tiểu tư sản” đối với “quý tộc”), nhờ vậy mạch đối thoại nghe lý thú hơn.

Cảm ơn chị lần nữa, rất nhiều.

Lòng Như Gió
12-09-2011, 08:51 AM
Chị Vy, có tiếp tục “cống hiến” nữa hay không, quan trọng là ở Trân thôi, vì Trân là người đã tạo cảm hứng cho em, và đã biết ý em lười đọc cái gì dài nên chỉ gửi em xem từng đoạn ngăn ngắn.

Chúng em cảm ơn chị đã ủng hộ.

PhPhuongVy
12-09-2011, 09:18 AM
Trời! Nghe phập phồng quá vậy! Chị dùng chữ "cống hiến" có...sao không? Là tặng không cho Đặc Trưng đó mà. Quý bạn ĐT đừng cho là PV thiên vị nghe. Thể loại chuyển dịch làm tốn nhiều thì giờ nhất, ý giới hạn, lời giới hạn. Sáng tác văn còn có thể bơi lội, sáng tác thơ còn có thể tung bay, viết kịch còn gả người này cho người kia, viết phim còn cho người thì sống, kẻ thì chết, không những được hoàn toàn tự do mà còn có quyền uy nữa. Chuyển dịch quay qua quay lại chỉ thấy mớ tự điển và tài liệu bên cạnh, đó là chưa kể phải dịch từ bản dịch...Rồi dịch xong còn vấp phải những người không chịu dịch hết tác phẩm mà cứ xía vô vài ba chữ lẻ tẻ có làm mất bao nhiêu thì giờ của họ đâu. Hy vọng là chị đã không làm cản trở lưu thông nhé Trân và Gió. Chị cũng chỉ tìm chuyện vào đây tám cho vui, giống như người xem hát vỗ tay và xòe vé ra thưa rằng có mua vé đàng hoàng nè nha. Chị sẽ đón đọc, các cô cứ từ từ. Cảm ơn Trân và Gió.

Lòng Như Gió
12-11-2011, 06:47 AM
Chị Vy, em đã đề nghị Trân đăng truyện dịch vào đây cũng nhằm mời gọi những ai quan tâm, như chị Vy, cùng xem và cùng góp ý kiến để bản dịch được hay hơn. Vì vậy, em rất mong chị thường xuyên ghé đọc và cho thêm nhiều ý kiến.

Mời chị và những bạn đọc khác cùng ghé mắt xem phần tiếp theo.


The landlady
Kỳ 8



II.

Chẳng bao lâu sau, tim anh đập thình thịch đến nỗi hoa cả mắt và choáng váng đầu óc. Như cái máy, anh sắp xếp các vật dụng của mình cho gọn gàng - trước tiên mở hết các va-li đựng đồ dùng hàng ngày, sau đó lấy những cuốn sách trong thùng ra và xếp thành hàng trên bàn. Sau một lúc, anh cảm thấy mệt mỏi vì công việc đơn điệu này, và trong lúc nghỉ mệt, hình ảnh người con gái lại hiện ra mờ ảo trong mắt anh, người con gái với dung nhan đã làm tâm hồn anh xao xuyến, người đã khiến con tim anh luống cuống lạc nhịp và nổi cơn bốc đồng không cưỡng lại được. Niềm hạnh phúc dạt dào tràn vào cuộc sống buồn tẻ của anh, khiến anh bối rối, bứt rứt, và thẫn thờ.

Anh chợt nhớ cần đi gặp ông chủ nhà để trình giấy tờ tùy thân, hy vọng được gặp lại người yêu dấu; nhưng Murin chỉ mở hé cửa, cầm lấy giấy tờ của anh, rồi nói:
“Tốt lắm. Và đừng làm phiền tôi nữa.”

Rồi ông đóng sập cửa lại. Ordinov đứng chết lặng một lúc. Vẻ hung dữ và căm hận của người đàn ông khiến anh bị tổn thương; nhưng ngay lập tức cảm giác khó chịu ấy biến mất, và trong ba ngày tiếp theo, anh sống trong một cơn lốc khác hẳn với vẻ tĩnh lặng hàng ngày. Anh không đủ sức và cũng chẳng muốn suy nghĩ về điều đó. Mọi thứ cứ đảo lộn tùng phèo. Anh chỉ biết đời anh đã bị tách ra làm hai, và anh chỉ có một ước muốn duy nhất, đó là, chờ đợi và chờ đợi. Trong đầu anh không còn một suy nghĩ nào khác.

Anh trở về phòng, thấy một bà cụ nhỏ bé, lưng còng, bẩn thỉu và rách rưới, đang nấu nướng bên bếp, và anh động lòng thương xót. Bà cụ có vẻ không vui vì bà cứ lầm bầm một mình, và nét mặt cứ nhăn nhó. Đó là một bà đầy tớ già. Ordinov cố gắng bắt chuỵện với bà, nhưng bà cứ im lặng một cách bướng bỉnh - rõ ràng bà cố ý. Đến giờ ăn tối, bà dọn súp bắp cải, bánh mì và một miếng thịt đem vào phòng ông chủ; sau đó bà cũng dọn cho Ordinov một phần ăn tương tự. Bữa tối trôi qua, sự tĩnh mịch bao trùm căn phòng.

Ordinov lấy một quyển sách, từ từ lật từng trang. Anh cố gắng một lúc lâu để hiểu mình đang đọc gì, nhưng không tài nào tập trung hoàn toàn được. Hết kiên nhẫn, anh quẳng quyển sách qua một bên, rồi lại sắp xếp đồ đạc của mình lần nữa. Cuối cùng, anh lấy nón áo và đi ra phố. Trong lúc lang thang , anh cố gắng lấy lại bình tĩnh, gom góp những ý nghĩ rời rạc, nhận xét hoàn cảnh của mình; nhưng những cố gắng đó chỉ làm anh thêm đau khổ. Những cơn sốt hết nóng rồi lạnh cứ luân phiên nhau hành hạ anh, nên cứ lâu lâu, tim đập dữ dội, anh phải dừng lại, dựa lưng vào tường.

“Mình thà là chết,” anh tự nhủ. “Đúng đấy. Mình thà chết còn hơn.” Vậy chứ, cặp môi nóng rát run rẩy của anh không hề biết mình đang nói gì.

Anh cứ đi mãi, cho đến khi anh thấy thân mình ướt đẫm, và trời mưa xối xả; rồi anh quay về nhà. Lúc về tới gần nhà trọ mới, anh thấy bóng dáng người quen: anh chàng gác cổng. Anh liền chợt thấy rằng anh chàng người Tartar kia đã nhìn anh đầy tò mò, rồi giả vờ bước đi khi nhận ra Ordinov bắt gặp cái nhìn của mình.
“Chào anh” Ornivov nói khi anh đuổi kịp người gác cổng. “Quý danh của anh là gì?”
“Người ta gọi tôi là người gác cổng,” anh chàng đáp và nhe răng cười.
“Anh làm người gác cổng đã lâu chưa?”
“Rất lâu rồi đấy.”
“Ông chủ nhà của tôi là một nhà tiểu tư sản à?”
“Vâng, dĩ nhiên ông ta là tiểu tư sản nếu ông ta đã nói với ông như thế.”
“Cụ thể là ông ta làm gì?”
“Thỉnh thoảng ông ta bị ốm. Ông ta cũng sống, và cầu nguyện Chúa.”
“Người phụ nữ là vợ ông ta à?”
“Người phụ nữ nào?”
“Người phụ nữ ở với ông ta đấy.”
“Vâng, dĩ nhiên cô ta là vợ ông ta nếu ông ta đã nói với ông như thế. Thôi, chào ông nhé.” Người gác cổng nhấc nón chào, rồi lui về phòng của anh ta.

Ordinov đi lên phòng mình - bà cụ lẩm bẩm cằn nhằn, ra nhấc then cài mở cửa cho anh, rồi rút vào căn gác xép nơi bà trải qua phần lớn thời gian của mình. Trời tối mò, Ordinov phải đi kiếm một ngọn đèn; nhưng vì cửa phòng ông chủ nhà đóng im ỉm, anh đành phải nhờ đến bà cụ thêm lần nữa. Bà đứng chống nạnh, nhìn anh chòng chọc, và dường như phiền lòng khi thấy anh đứng trước cửa phòng ông chủ . Rồi bà cũng lẳng lặng ném cho anh bao diêm quẹt, và anh trở về phòng. Đây có lẽ là lần thứ một trăm, anh cố gắng sắp xếp sách vở và đồ đạc cho gọn gàng, nhưng có cái gì đó kéo ghì anh ngã lăn ra băng ghế, rồi lịm đi. Anh từng chặp tỉnh dậy và nhận ra giấc ngủ của anh không hẳn là ngủ, mà là ngất xỉu do bệnh. Sau đó, nghe tiếng mở cửa, anh đoán ông bà chủ nhà vừa đi lễ về. Với dự định gặp chủ nhà để nêu ra một yêu cầu, anh đứng dậy, rồi tưởng như mình đang bước đi, nhưng thật ra anh bước hụt, ngã đâm đầu vào đống củi mà bà cụ vừa liệng vào phòng anh. Anh nằm bất tỉnh, cho đến khi mở được mắt ra, anh ngạc nhiên hết sức khi thấy mình nằm trên ghế dài, được băng bó cẩn thận, và trước mặt anh, một gương mặt phụ nữ đang cúi nhìn, một gương mặt thoáng nét lo lắng, một gương mặt diễm lệ ướt đẫm những giọt nước mắt của lòng trắc ẩn và gần như là vẻ quan tâm của một người mẹ. Anh cũng cảm thấy đầu mình được kê gối êm, toàn thân được đắp chăn ấm, và một bàn tay mát rượi đang sờ lên vầng trán nóng hầm hập của anh. Anh muốn nói lời cảm ơn, muốn nắm lấy bàn tay ấy rồi áp vào cặp môi nứt nẻ của mình, rưới những dòng nước mắt nóng hổi lên bàn tay ấy, và siết chặt – vâng, siết chặt bàn tay ấy mãi không rời! Anh cũng muốn nói rất nhiều điều, nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào. Hơn hết, anh muốn được chết ngay giây phút này. Tay anh nặng như chì, không tài nào nhấc lên được, và anh nằm trơ ra đó, bất lực. Tuy nhiên, anh vẫn cảm thấy máu đang chảy rần rần trong huyết mạch như có thể nhấc anh ra khỏi giường, và cảm thấy ai đó đang ấn vào hai bên thái dương mình. Rồi anh lại bất tỉnh.



(còn tiếp)

Lòng Như Gió
12-17-2011, 09:57 PM
The landlady
Kỳ 9


Gần tám giờ, anh thức dậy, ánh nắng chiếu chan hòa căn phòng. Một cảm giác dễ chịu, khỏe khoắn sau giấc nghỉ ngơi yên tĩnh khiến tay chân anh đỡ nhức mỏi. Anh liền nhận ra bên hông mình có ai đó nhẹ nhàng đứng lên, rồi anh cố gắng nhỏm dậy để biết bóng dáng mờ mờ đó là ai. Anh rất muốn được ôm chầm lấy người bạn mình, và lần đầu tiên trong đời nói với cô rằng, “Xin chào cô, người yêu dấu!”

“Ôi, ông đã ngủ một giấc thật dài!” một giọng nữ êm ái cất lên.

Ordinov quay đầu lại, thấy gương mặt của cô chủ nhà yêu kiều đang cúi xuống nhìn mình với nụ cười thân thiện, một nụ cười trong trẻo như những tia nắng.

“Ông cũng đã trải qua một trận ốm thật dài!”, cô gái tiếp tục. “Nhưng bây giờ ông có vẻ khỏe rồi, và ông phải đứng dậy thôi. Sao ông cứ nhốt mình trong cái nhà tù thế này? Tự do quý hơn cả bánh mì và đẹp hơn cả mặt trời đấy. Nào, dậy thôi, ông bạn yêu quý. Cố gắng nào.”

Ordinov nắm lấy bàn tay cô, rồi siết chặt. Anh ngỡ mình vẫn đang mơ.

“Đợi chút,” cô gái nói, “Tôi muốn pha cho ông tách trà. Ông có muốn dùng trà không? Ông phải uống đấy, vì trà rất tốt cho ông. Tôi bảo đảm, vì tôi cũng từng bị ốm mà.”

“Vâng, xin cô cho tôi thức gì để uống nhé,” Ordinov rụt rè đồng ý và ngồi dậy. Anh cảm thấy không còn chút sức lực nào. Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng anh, và tay chân anh nhức nhối như bị đứt ra từng đoạn. Tuy nhiên, mặt trời đang rọi những tia nắng ấm áp khiến hồn anh nhẹ nhàng thư thái, và mặc dầu đầu óc anh còn choáng váng, một cuộc sống mới huy hoàng, một cuộc sống mới bí ẩn đã mở ra trước mắt anh.

“ Có phải quý danh của ông là Vasilii?” Cô gái hỏi. “Tôi chỉ nghe loáng thoáng như thế khi ông chủ nhà nói chuyện với ông hôm qua.”

“Vâng, đúng thế.” Ordinov trả lời. “ Còn quý danh của cô là gì ạ?”
Anh muốn bước lại gần cô hơn, nhưng vừa cố đứng lên anh đã lảo đảo muốn té. Cô mỉm cười, đưa tay ra đỡ lấy anh.

“Tên tôi là Katherine,” cô trả lời, và nhìn thẳng vào mắt anh bằng đôi mắt xanh biêng biếc tuyệt đẹp.

Trong giây lát, hai người đứng im lặng, tay đan vào nhau.
“Ông có điều gì muốn hỏi tôi sao?” Cuối cùng cô gái lên tiếng..
“Vâng - tôi không biết.” Ordinov trả lời, mặt đỏ bừng.

“Ôi, xem kìa! Đừng tự làm khổ mình thế. Ngồi xuống đây bên chiếc bàn này, ông có thể sưởi nắng. Ở yên đấy, đừng đi theo tôi. (Cô nói thêm câu cuối khi thấy anh có động tác muốn cản cô lại). “Tôi sẽ trở lại ngay, và ông có thể ngắm tôi bao lâu tùy thích.”

Cô gái quay trở lại với tách trà, đặt nó lên bàn, rồi ngồi vào cạnh bàn phía đối diện Ordinov.
“Mời ông dùng trà,” cô nói. “Ông có hay bị ốm như thế này không?”

“Không, cô ạ. Đây là lần đầu tiên tôi ốm đấy….Tôi cũng không biết nữa. Tôi đã từng ốm chưa nhỉ? Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi không muốn ốm thế này nữa đâu. Tôi chán ngấy tình trạng đau ốm rồi… Ôi, tôi không biết mình bị cái gì nữa!” Anh nghẹn ngào thốt lên khi nắm chặt tay Katherine. “Ở lại đây với tôi nhé. Đừng để tôi một mình. Cho tôi nắm tay cô, tay cô!... Cô làm tôi lóa mắt rồi. Với tôi, cô rực rỡ như mặt trời!” Anh gào những lời cuối như thể chúng bị xé toạc ra khỏi tim anh, và những tiếng nức nở làm anh không thở được nữa.

“Thật tội cho ông quá! Có lẽ, ông hay ở gần những người kém tử tế. Ông có vẻ cô đơn trong thế giới này - khá cô đơn? Ông không có bà con họ hàng sao?”

“Không, chẳng có ai cả. Tôi chỉ có một mình… Nhưng điều đó có quan trọng gì đâu? Mọi thứ bây giờ tốt hơn rồi, vì tôi đã khỏe mạnh lại.” Anh hưng phấn nói. Căn phòng như đang quay cuồng.

“Tôi cũng cô đơn lắm,” cô gái nói sau một lát im lặng. “ Sao ông nhìn tôi chằm chằm thế! Người ta có thể cho rằng cặp mắt của tôi đang thiêu đốt ông! Ông biết đấy, khi người ta yêu - Ôi, tôi nói điều gì thế này? Lần đầu gặp ông, tôi đã dành một góc ấm áp nơi trái tim mình cho ông ngay. Nếu ông bị ốm, tôi sẽ săn sóc ông thật cẩn thận. Nhưng ông không được ốm nữa đâu. Không. Khi ông bình phục, chúng mình sẽ là anh em nhé. Được chứ? Ông có chịu không? Nếu Trời không ban cho, rất khó kiếm được một người em gái đấy.”

“Cô là ai? Và cô từ đâu tới?” Ordinov khẽ hỏi.

“Tôi đến từ một nơi rất xa… Ông thường dành thời gian của mình cho việc gì? Ông có biết câu chuyện này không? Ngày xưa, có mười hai anh em trai sống trong một khu rừng kia; và một ngày, khi họ đi vắng, một cô gái tuyệt đẹp lạc vào nhà của họ, cô đã dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp, mọi thứ trong nhà trông rõ là đã được bàn tay chu đáo chăm sóc. Khi mười hai anh em trở về nhà, họ biết ngay có một người phụ nữ đã ghé qua, họ gọi tìm cô và cô xuất hiện. Tất cả bọn họ nhận cô làm em gái và vẫn để cho cô tiếp tục sống với những tự do đang có. Thế là cô trở thành một người em gái và một người bạn của họ… Ông đã từng nghe qua câu chuyện này chưa?”

“Có, tôi có biết,” Ordinov trả lời.

“Nhưng người ta cần phải sống hết mình. Ông có yêu đời không?”


“Có, có!” Ordinov reo lên. “Tôi muốn sống lâu, thật lâu - cả một thế kỷ!”

“Tôi không biết có thực hiện được điều đó không,” Katherine trầm ngâm nói. “ Nhưng tôi nghĩ, tôi thà là chết. Tuy nhiên, yêu đời và yêu người là một điều tốt… Nhưng hãy nhìn ông kìa! Sao ông xanh như tàu lá thế kia?”

“Đúng thế. Đầu tôi cứ quay cuồng cả lên.”

“Chờ chút, tôi sẽ lấy cho ông cái nệm và chiếc gối khác, đặt chỗ này cho ông. Ông có thể nằm lên mà ngủ, và mơ thấy tôi. Và ông sẽ hết bệnh. Bà cụ đầy tớ của chúng tôi cũng bị ốm như vậy…”

Vừa nói cô vừa chuẩn bị chỗ nằm cho Ordinov, thỉnh thoảng lại liếc nhìn anh, và mỉm cười với anh qua bờ vai.
“Ông có nhiều sách quá!” cô nói tiếp khi cô nhấc thùng đựng sách lên. Rồi cô lại gần chàng trai, nắm tay anh, dìu anh đến chiếc giường cô mới trải, cho anh nằm xuống và đắp chăn cho anh.
“Người ta nói rằng sách không bổ ích cho con người đâu,” cô nói, khẽ lắc đầu với vẻ khôn ngoan. “Ông thích sách lắm?”

“Vâng, đúng thế” Ordinov trả lời đại, vì anh khó biết được anh thật sự đang mơ hay tỉnh. Tuy nhiên, khi bóp nhẹ bàn tay Katherine, anh biết ít ra anh không đang mơ.

“Ông anh nuôi của tôi cũng có rất nhiều sách. Ông có muốn xem những quyển sách đó không? Ông ấy nói rằng đó là những cuốn sách đạo và cứ đọc cho tôi nghe mãi. Một ngày nào đó tôi sẽ cho ông xem , và ông sẽ giải thích cho tôi nghe nội dung những quyển ấy.”

“Cô cứ tiếp tục nói chuyện với tôi nhé,” Ordinov thầm thì, và nhìn cô chăm chú.

“Ông có thích cầu nguyện không?” cô nói tiếp sau một lúc im lặng. “Ông biết không, tôi sợ - tôi sợ rằng…”
Bỏ lửng câu nói, cô như chìm đắm trong nỗi mơ màng. Ordinov cầm tay cô đặt lên môi mình.

“Sao ông hôn tay tôi thế?” cô đỏ mặt hỏi. “Được rồi! Nếu thật sự muốn, ông có thể hôn luôn cả hai tay,” rồi cô giơ hai bàn tay cho anh. Sau đó, cô rụt lại một tay, sờ lên vầng trán nóng hổi và vuốt nhẹ mái tóc anh, trong lúc sắc mặt cô càng lúc càng đỏ bừng. Cuối cùng, cô ngồi xuống nền nhà ngay bên cạnh chiếc giường, và, tựa má cô vào má anh, hơi thở nồng ấm mơn man khắp mặt anh. Anh chợt nhận thấy những giọt nước mắt nóng hổi đang lăn trên má mình, như hạt kim loại nóng chảy, và anh thấy mình yếu dần đi đến nỗi không nhấc được cánh tay lên. Vừa lúc đó, có tiếng gõ cửa và tiếng mở then lạch cạch; và một lần nữa, Ordinov biết người đàn ông đang ở sau bức vách. Anh cũng thấy Katherine đứng dậy, không vội vã cũng chẳng bối rối, rồi làm dấu thánh giá để cầu nguyện cho anh. Anh nhắm mắt lại, và ngay lúc ấy, một nụ hôn dài nồng nàn được đặt lên môi anh. Anh thấy như có một nhát dao đâm ngập tim anh, anh thở hắt ra và ngất xỉu.



(còn tiếp)

PhPhuongVy
12-17-2011, 10:46 PM
Cô Katherine thật tức cười. Vừa mới nói chỉ muốn làm anh em xong lại đặt lên môi người ta một nụ hôn dài nồng nàn rồi!

Câu chuyện cổ tích mà cô hỏi Ordinov có biết không là chuyện cổ tích nổi tiếng của Đức, Mười Hai Người Anh Trai của anh em Jacob và Wilhelm Grimm. Ngày xưa, có một vị vua và hoàng hậu sinh hạ được mười hai người con trai. Sau đó hoàng hậu lại có mang. Vua phán rằng lần này mà hoàng hậu sinh được một công chúa thì vua sẽ cho lệnh giết mười hai đứa con trai, để truyền ngôi lại cho công chúa cho...tiện, khỏi phải chia xẻ vương quốc ra làm manh mún. Vua sai làm sẵn mười hai chiếc quan tài để trong cung. Hoàng hậu thương xót các con và lo sợ lắm. Trước ngày sinh, hoàng hậu cho các con chạy trốn vào rừng và hẹn sẽ treo cờ báo hiệu cho biết bà sinh bé gái hay trai. Nếu hoàng cung treo lá cờ trắng, đó là dấu hiệu hoàng hậu sinh thêm một hoàng tử và các hoàng tử anh có thể về nhà. Nếu hoàng cung treo cờ đỏ, đó là dấu hiệu hoàng hậu sinh một công chúa và các hoàng tử anh hãy chạy cho xa.

Các hoàng tử leo lên cây, nhìn về hướng hoàng cung, thấy lá cờ đỏ bay phất phơ, liền chạy trốn vào rừng. Mười mấy năm sau, công chúa lớn lên, biết được câu chuyện do mẹ kể, cô liền vào rừng tìm các anh. Cô tìm thấy một căn nhà nhỏ với dấu ăn ở của mười hai người nên đoán là nhà của các anh. Nhân lúc các anh đi vào rừng làm việc, cô vào nhà quét tước, dọn dẹp. Các anh về, thấy nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, biết ngay là có bàn tay của người con gái. Họ nhận ra anh em...(và câu chuyện còn khá dài).

Katherine muốn nói với Ordinov cô chỉ muốn làm người em gái như cô công chúa trong truyện của anh em nhà Grimm (chứ không muốn làm Giáng Kiều của Tú Uyên).

Lòng Như Gió
12-18-2011, 02:54 AM
Chị Vy, chính vì cô Katherine tức cười vậy mà bọn em đã hơi khó nghĩ khi dịch chữ “long kiss”. Không lẽ dịch là “nụ hôn đắm đuối” thì e rằng đã cho cô ấy “đắm đuối” sớm quá, kỳ. Tạm dịch cho đơn giản là “nụ hôn dài” thôi.

Tuy nhiên, ở phần sau, sẽ lại có “long kiss” nữa, và khi đó, có thể cho thành “đắm đuối” được, vì lý do gì thì đọc tiếp phần sau sẽ rõ.

RaginCajun
12-18-2011, 05:51 AM
Xóa vì tớ comment lạc đề. Sorry.

PhPhuongVy
12-18-2011, 07:33 AM
Bản dịch của Constance Garnett viết hẳn hoi là "Suddenly a long, burning kiss scorched his feverish lips" nên Trân và Gió dịch thành nụ hôn dài nồng nàn là đúng rồi (dịch là nụ hôn cháy bỏng, nếu theo bản này, lại càng sát nghĩa hơn vì đàng sau đó là chữ scorched).

Lòng Như Gió
12-18-2011, 08:12 AM
Bản tiếng Anh của C.J. Hogarth ghi thế này: “…there settled upon his lips a long, warm kiss”. Nghe nhẹ nhàng hơn bản của Constance Garnett rất nhiều, phải không chị Vy? Và em thích sự nhẹ nhàng như thế hơn, vì đây là lần hôn đầu tiên, cách miêu tả nhè nhẹ sẽ gợi được cho người ta sự tò mò về mức độ “đắm đuối” với “cháy bỏng” gì đó liệu sau này sẽ còn có hay không.

Ngoài ra, em cũng hơi băn khoăn về cách xưng hô giữa Katherine và Ordinov. Bọn em tạm dịch là “tôi” và “ông”, nghe cho đúng phép tắc xưng hô giữa những người chưa thân nhau. Nhưng cách cô ấy đòi kết nghĩa anh em, rồi cách hôn… cho thấy cô ấy đã muốn thân với anh ấy rồi. Thôi thì lại để đến khi đọc xong phần tiếp theo hoặc đọc hết truyện, mình sẽ xem lại sau.

PhPhuongVy
12-18-2011, 06:48 PM
Bản tiếng Anh của C.J. Hogarth ghi thế này: “…there settled upon his lips a long, warm kiss”. Nghe nhẹ nhàng hơn bản của Constance Garnett rất nhiều, phải không chị Vy? Và em thích sự nhẹ nhàng như thế hơn, vì đây là lần hôn đầu tiên, cách miêu tả nhè nhẹ sẽ gợi được cho người ta sự tò mò về mức độ “đắm đuối” với “cháy bỏng” gì đó liệu sau này sẽ còn có hay không.

Ngoài ra, em cũng hơi băn khoăn về cách xưng hô giữa Katherine và Ordinov. Bọn em tạm dịch là “tôi” và “ông”, nghe cho đúng phép tắc xưng hô giữa những người chưa thân nhau. Nhưng cách cô ấy đòi kết nghĩa anh em, rồi cách hôn… cho thấy cô ấy đã muốn thân với anh ấy rồi. Thôi thì lại để đến khi đọc xong phần tiếp theo hoặc đọc hết truyện, mình sẽ xem lại sau.
Thế ra Trân và Gió không nghe lời anh Súng trong bài #26 à? Hai cô chưa đọc hết câu chuyện và chưa đọc xong phần tiếp? Chị nghĩ Trân và Gió cho Katherine xưng hô với Ordinov là "ông" và "tôi" thì cũng tạm ổn. Nhưng chị phải nhắc tuồng nha, không thôi vài hôm nữa hai cô lại trách. Trân và Gió dịch chữ "người bảo hộ của tôi (cũng có rất nhiều sách)" là một sự chọn lựa? Hai cô biết chắc quan hệ của hai nhân vật này là thế nào chưa? Cái tựa The Landlady có gợi ý gì không?

Độc giả chú ý nhé. Câu chuyện bắt đầu có vẻ bí mật khi hai nhân vật Murin và Katherine xuất hiện trong nhà thờ, người gác cổng gốc Tatar thì kiệm lời, ông thợ đóng hòm thì điếc (không biết chi tiết này đã được kể ra trong những đoạn đã đăng chưa), bà bếp thì hình như câm...

Hấp dẫn, lôi cuốn...Rùm! Rùm! Rùm!

Lòng Như Gió
12-18-2011, 10:11 PM
Thế ra Trân và Gió không nghe lời anh Súng trong bài #26 à? Hai cô chưa đọc hết câu chuyện và chưa đọc xong phần tiếp? Chị nghĩ Trân và Gió cho Katherine xưng hô với Ordinov là "ông" và "tôi" thì cũng tạm ổn. Nhưng chị phải nhắc tuồng nha, không thôi vài hôm nữa hai cô lại trách. Trân và Gió dịch chữ "người bảo hộ của tôi (cũng có rất nhiều sách)" là một sự chọn lựa? Hai cô biết chắc quan hệ của hai nhân vật này là thế nào chưa? Cái tựa The Landlady có gợi ý gì không?



Chị Vy, điều đó (nên đọc xong hết tác phẩm trước khi dịch) thì em đã nghe và hoàn toàn đồng ý, nhưng không áp dụng (lè lưỡi). Lý do rất dễ hiểu là em lười đọc cái gì dài, như em đã nói, và em chỉ sẵn sàng nhín chút ít thời gian vài ngày một lần, mỗi lần một giờ đồng hồ, để đọc và biên tập.

Việc đọc nhín từng chút cũng có những cái thú vị của nó. Thú vị ở chỗ: mình hồi hộp chờ đợi và “để dành” để xem tiếp những diễn biến tiếp theo, và một hôm, mình nhận ra trong truyện có những chi tiết mà mình không đoán trước được hoặc đã đoán sai. Em cũng đã hẹn là khi đọc xong cả truyện, em sẽ đọc lại bản dịch từ đầu và biên tập lại mà.

“Người bảo hộ” được dịch từ chữ “protector”. Em cũng thấy chữ này hơi kỳ, nhưng tạm lưu ý để đó, mai mốt đọc tiếp và hiểu thêm ra cái gì khác thì có khi sẽ sửa thành chữ khác. Có gì đâu mà phải trách chị hay trách ai!

Em cảm ơn chị nhiều nhé.

Lòng Như Gió
12-23-2011, 08:09 AM
Nhắn chị Vy:

Câu “Người bảo hộ của tôi cũng có rất nhiều sách” trong bản tiếng Anh của Constance Garnett là câu gì vậy chị? Phiền chị ghé mắt xem lại giùm em xem Garnett có dùng chữ gì khác với chữ “protector” không. Em cảm ơn chị.

Sâu đây là phần tiếp theo.




Cô chủ nhà
Kỳ 10


Từ lúc đó trở đi, một cuộc sống mới bắt đầu với anh. Đôi khi, anh bối rối nhận ra mình bị đày vào một giấc mơ không cưỡng lại được - một cơn ác mộng bất thường của những cố gắng vùng vẫy vô ích. Anh hoảng hốt lấy hết sức để chống cự lại ác mộng, nhưng, trong cơn khủng hoảng của trận đấu, anh như bị một sức mạnh vô hình quật ngã. Rồi anh lại đánh mất hết lý trí, thấy mình đứng trước một vực thẳm sâu hun hút tối tăm mù mịt, một vực thẳm không đáy mà anh có thể lao mình xuống với một tiếng thét đau đớn và tuyệt vọng. Lúc khác, anh trải qua những khoảnh khắc hạnh phúc ngập tràn, vô biên, đến rạo rực cả lòng. Những lúc ấy, toàn thân anh đê mê ngây ngất, quá khứ nhạt nhòa phía sau, còn tương lai tràn ngập niềm vui và mãn nguyện. Sau những giấc mơ như thế, anh thức dậy với niềm phấn khích chưa từng có. Thật ra, có ai chưa từng trải qua những giây phút mà niềm hy vọng kỳ diệu tưới mát tâm hồn bằng một cơn mưa trong lành, và họ khóc nấc lên vì vui sướng, và, dù quằn quại vì những cơn đau buốt, dù cảm thấy cuộc sống mong manh, họ vẫn hân hoan với sự hồi sinh này? Một lần nữa, Ordinov rơi vào một cơn hôn mê, và trong cơn hôn mê ấy, những sự kiện xảy ra suốt mấy ngày qua được tái diễn - dù những hình ảnh ấy luôn kỳ lạ và khó hiểu với anh. Cũng đôi khi, người thanh niên ốm yếu này đánh mất cả trí nhớ, tự hỏi tại sao mình không ở trọ chỗ cũ với bà chủ nhà cũ. Anh tự hỏi tại sao, khi chập tối, bà cụ không đến thăm anh nữa. Tại sao cái lò sưởi không còn chiếu những ánh lửa chập chờn vào góc tối mù này của căn phòng khi bà xoa xoa đôi tay xương xẩu run run, rồi với giọng đều đều không ngớt, bà lẩm bẩm một mình, ngạc nhiên liếc nhìn gã thuê nhà mà bà cho là một gã điên do niềm say mê làm việc của anh? Lúc khác, anh nhớ được mình đã thay đổi chỗ ở. Nhưng vì lý do gì? Chuyện gì đã xảy ra cho anh? Taị sao anh đổi chỗ ở? Anh chẳng biết. Anh như cái xác mất hồn, và thần kinh lại căng thẳng triền miên, không chống lại được.

Thêm nữa, anh đang bị lôi cuốn đến nơi nào đây, và ai đã lôi cuốn anh? Ai đã thắp lên trong anh một ngọn lửa rừng rực giờ đây đang bừng cháy? Anh không nghĩ ra được, anh đã quên tuốt tuột. Thỉnh thoảng, dường như có một bóng người lảng vảng bên anh, và anh cố chộp lấy. Anh cũng thường nghĩ rằng anh nghe tiếng bước chân nhè nhẹ bên cạnh giường, và giọng nói khe khẽ, êm dịu như tiếng nhạc du dương. Hơi thở nồng nàn, ướt rượt mơn trớn khắp mặt anh cho đến khi toàn thân anh khẽ rung động. Rồi anh thấy những giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống đôi má nóng bừng của anh, và một nụ hôn đắm đuối đặt lên môi anh hương vị ngọt ngào âu yếm. Những khi ấy, hồn anh như lìa khỏi xác, cả thế giới quanh anh như dừng lại, như đã chết từ bao thế kỷ, và như bị vùi sâu dưới một màn đêm đã kéo dài từ cả ngàn năm nay.

Có những lúc, thời thơ ấu của anh chợt hiện về trong ký ức. Anh sống lại những năm tháng hồn nhiên, vô tư, với những niềm vui bình yên và hạnh phúc vô biên. Anh nhớ lại những khi bầy tiên nữ tốt bụng bay ra từ mỗi đóa hoa anh hái, và nói chuyện với anh trên đồng cỏ thơm ngát trước ngôi biệt thự nhỏ xây bằng gỗ acacia. Những nàng tiên khác mỉm cười với anh bên bờ hồ nước trong vắt, nơi anh thường thiu thiu ngủ hàng giờ khi lắng nghe tiếng nước thầm thì róc rách. Laị có những nàng tiên được sinh ra từ những giấc mơ lộng lẫy, tươi vui; họ ru anh ngủ bằng tiếng xào xạc của đôi cánh khi mẹ anh đặt anh vào giường, làm dấu thánh giá lên trán anh, ôm anh, và, bằng những bài hát ru, đưa anh vào giấc ngủ êm đềm suốt đêm dài tĩnh lặng. Nhớ đến đấy, Ordinov cũng thấy mình đối diện với người đã làm anh kinh hãi từ khi anh bắt đầu thời niên thiếu trở đi, người đã tiêm vào cuộc đời anh liều thuốc độc hiểm ác đầu tiên của nỗi u sầu. Ordinov lờ mờ cảm thấy con người đó, người đàn ông bí hiểm, đã được số phận sắp đặt để mãi theo “ám” tương lai của anh; vì thế, cậu bé trong tuổi thơ anh luôn run rẩy khi nhìn thấy người đàn ông, nhưng không thể rời mắt khỏi ông ta, dù chỉ trong giây lát. Hơn nữa, ông già đáng ghét ấy cứ luôn đeo bám anh.

Ở ngoài vườn, trước tiên ông ta lùng sục để tìm ra anh cho bằng được, rồi ném cho anh lời chào mỉa mai và quật đầu anh bồm bộp vào hết bụi cây này đến bụi cây khác. Trong nhà, ông ta cứ tự giả dạng thành từng con búp bê của cậu bé Ordinov, cười chọc ghẹo cậu bé, nhăn mặt để “nát” cậu bé, tai quái như một hung thần. Ở trường học, ông ta xúi giục đám bạn ba gai của Ordinov hành hạ cậu bé, hoặc ông ta ngồi cạnh cậu bé trên băng ghế, trét những vết bẩn lem nhem vào từng mẫu tự trong quyển ngữ pháp. Buổi tối, ông ta an tọa bên gối của Ordinov, xua đuổi những nàng tiên nhân ái đang vỗ những đôi cánh bằng vàng và ngọc bích xung quanh giường. Ông ta còn khiêu chiến với người mẹ tội nghiệp của Ordinov, tách lìa bà ra khỏi đứa con trai, rồi suốt đêm ông ta thầm thì vào tai Ordinov những truyền thuyết quái dị khó hiểu, khiến cậu bé sớm biết đến những nỗi khổ đau và kinh hoàng trong đời. Làm ngơ trước những lời cầu nguyện và những tiếng khóc nức nở, ông ta cứ thế hành hạ nạn nhân của mình cho đến khi cậu bé mệt lử đến gần như ngất xỉu.

Cậu bé Ordinov ngày nào bỗng vươn vai trở thành chàng thanh niên Ordinov ngày nay. Ngày tháng trôi qua vùn vụt, và anh nhận ra mình phải đương đầu với thực tại, và phải hiểu rằng anh là một kẻ lạ, lẻ loi trong thế giới đầy những con người bí ẩn nguy hiểm, những kẻ thù tụm lại trong một góc tăm tối của căn phòng, xì xào bàn tán, trao đổi những tín hiệu với bà già lưng gù đang núp bên lò sưởi, đưa tay chỉ cho họ thấy chàng thanh niên ốm yếu, rồi xoa xoa đôi bàn tay nhăn nheo. Nỗi kinh hoàng tột độ ập lên mình, chàng thanh niên với lắm giấc mơ kia bắt đầu tự dằn vặt mình bằng nỗi trăn trở hoài nghi về đám người đó, tự hỏi tại sao anh lại ở đây với họ. Anh ngờ rằng mình đã đi lạc vào một hang ổ của những kẻ bất lương; nơi mà một sức mạnh vô hình nào đó đã quyến rũ không để cho anh kịp nhìn ra diện mạo của những cư dân cũng như chủ nhân nơi này. Cuối cùng, nỗi kinh hoàng trở nên quá sức chịu đựng của anh, vì, trong bóng tối, bà lão với cái đầu bạc trắng ngật ngưỡng bắt đầu kể lể một câu chuyện dài thoòng bằng một giọng khe khẽ - khi bà ta ngồi nép bên lò sưởi đã tắt ngấm. Và rồi, anh càng khiếp sợ hơn, câu chuyện bắt đầu diễn ra ngay trước mắt anh, anh có thể thấy được những cử chỉ, những khuôn mặt, và có thể chứng kiến được sự sống dậy của những suy nghĩ từng có trong trí anh - từ những giấc mơ rối rắm thời thơ ấu cho đến những suy nghĩ và hành động gần đây nhất của anh, cũng như những gì anh đã đọc qua và tất cả những gì anh đã từng quên.

Mọi việc lại sống dậy, và hiện ra sừng sững trước mắt anh, quay cuồng xung quanh anh. Anh thấy những khu vườn kỳ ảo rộng mênh mông trải rộng trước mắt, và những thành phố hùng vĩ chợt trồi lên rồi sụp xuống đổ nát, và những xác chết tuôn ra từ bãi tha ma, và những quốc gia hưng thịnh rồi suy vong, và những ý nghĩ của anh trong quá khứ hiện ra lảng vảng bên giường bệnh, và mỗi giấc mơ lại quay về rõ mồn một; cho đến khi anh cảm thấy mình không còn khái niệm tâm linh nào nữa, mà chỉ còn lại thế giới vật chất và một thế giới hữu hình chứa đầy những ý nghĩ. Và anh thấy mình lạc lõng, như một hạt cát, giữa thế giới quái dị của những giấc mơ, một thế giới bền vững và vô tận. Anh cảm thấy cuộc sống đang đè nặng lên sự độc lập của anh, và ráo riết đuổi theo anh, như một trò trớ trêu bất tận. Anh thấy anh như chết rồi, tan thành cát bụi, chẳng còn hy vọng hồi sinh hay trường tồn. Và anh cố chạy trốn, nhưng không tìm được một chỗ ẩn nấp để náu mình trước thế giới đáng ghét này. Cuối cùng, trong cơn khiếp sợ điên cuồng, anh gom hết sức, hét một tiếng to, và…

Anh tỉnh dậy, mồ hôi vã ra như tắm, và quanh anh là không khí tĩnh mịch đến ghê rợn. Bóng tối bao phủ mọi ngóc ngách. Tuy thế, câu chuyện của bà cụ nghe như vẫn văng vẳng đâu đây; câu chuyện tràng giang đại hải với giọng kể khàn khàn đã trở nên quen tai với Ordinov. Chuyện kể về một khu rừng âm u, và bọn cướp táo tợn, và một thủ lĩnh hào hiệp kiểu Stenka Razin, và những người bạn của vị thủ lĩnh hào hiệp này, và những nguời thủy thủ trên sông Volga, và một giai nhân, và chính dòng sông Volga. Phải chăng tất cả chỉ là ảo giác? Anh có nghe chính xác không? Anh nằm lắng nghe cả tiếng đồng hồ, mắt sưng tấy, thân bất động như bị niệm thần chú. Cuối cùng, anh gượng nhẹ nhỏm dậy, vui mừng thấy mình vẫn còn lại một sức mạnh mà trận ốm trầm trọng kia không tàn phá được. Cơn hôn mê qua rồi, và thực tại đã trở về. Nhận ra mình vẫn mặc bộ quần aó như đã mặc khi gặp Katherine, anh kết luận rằng cô chỉ mới rời khỏi anh không lâu lắm. Rồi một niềm ước muốn sôi sục trong lòng anh. Anh dò dẫm dọc theo bức tường, chạm tay đến một chiếc đinh lớn ở cao cao trên bức vách, phía có chiếc giường của anh. Nắm chặt hai tay vào chiếc đinh, anh xoay xở đu mình lên, đụng được một khe hở, nơi có chút ánh sáng lờ mờ lọt qua rọi vào phòng. Dán mắt vào khe hở ấy, anh nín thở, và thận trọng quan sát.



(còn tiếp)

PhPhuongVy
12-23-2011, 10:13 AM
Chào Gió. Đó là câu "My master has a lot of books."

Lòng Như Gió
12-24-2011, 06:59 AM
Đó là câu "My master has a lot of books."

Cám ơn chị Vy. Vậy thì em có chút thắc mắc, nếu đọc theo bản của Garnett, chị sẽ dịch chữ “master” ấy sang tiếng Việt như thế nào?

Giờ em lại tiếp tục nhờ vả chị nữa đây.

Chị mở lại bản của Garnett, đọc giùm em hai chỗ sau đây xem Garnett đã dịch như thế nào nhé:

Phần đầu của truyện, đoạn 3, câu cuối, Hogarth đã dịch là: “There he had shut himself up as in a monastery where men renounce the world; and before two years were over he had become, to all intents and purposes, a savage”. Còn Garnett dịch ra sao, có dùng chữ gì khác với chữ “savage” không?

Phần III của truyện (em không chắc Garnett có đánh số các chương giống vậy không), đoạn 13 (nếu em đếm không lầm), tức là ở khúc mà Ordinov gặp Murin trong nhà của Yaroslav, khi đó Murin nói với Ordinov câu này, theo bản dịch của Hogarth: “You yourself cannot fail to know that I and my ward would have been only too glad for things to continue as they have hitherto been”. Ở đoạn này cũng như nhiều đoạn tiếp theo, có vài lần Murin nhắc đến Katherine khi nói chuyện với Ordinov, và dịch giả Hogarth đã cho nhân vật Murin gọi Katherine là “my ward”. Chị đọc giùm em, xem Garnett đã cho Murin gọi Katherine bằng chữ gì, có khác với chữ “ward” không.

Em cảm ơn chị lần nữa.

PhPhuongVy
12-24-2011, 11:08 AM
Dầu đọc bản dịch của Garnett hay bản dịch của Hogarth, chị cũng chỉ dịch chữ protector hay master sau khi biết chắc hay ít nhất hiểu được quan hệ của Murin và Katherina là gì. Chữ protector dịch ra người bảo hộ là đúng, nhưng như vậy người dịch có làm khó cho Katherine ở những đoạn sau không? Nhìn qua khe hở Ordinov đã thấy gì? Vì Hogarth dùng chữ protector cho Katherine gọi ông Murin, nên dịch giả phải cho Murin gọi Katherine là ward của mình. Nếu một người là protector hay guardian thì người kia là ward. Chữ ward mà dịch giả Hogarth dùng, dịch giả Garnett gọi là mistress.

Riêng về chữ master trong bản dịch của Constance Garnett, bà cho Katherine gọi Ordinov là master và cũng cho người gác cổng gọi Ordinov là master. Nếu chị phải dịch truyện ngắn hơi dài này, chị sẽ dịch cả hai chữ master nói trên là "thầy", ai muốn hiểu sao thì hiểu, sau này những éo le, những uẩn khúc có được phơi bày, Katherine vẫn dễ thương hơn.

Phần đầu của truyện, như Gió hỏi, Dostoyevsky mô tả nhân vật Ordinov, có viết về giai đoạn Ordinov bắt đầu từ giã đời sinh viên và đời con nhà khá giả để đi thuê nhà ở trọ với giai cấp thấp hơn mình (trong khi chờ kiếm việc làm, mà của hương hỏa cha để lại thì chỉ còn rất giới hạn):"There he shut himself up as though he were in a monastery, as though he had renounced the world. Wthin two years he had become a complete recluse." Garnett dùng chữ recluse chứ không dùng chữ savage. Chị dịch câu trên là: "Ở đó, anh giam mình như thể đang sống trong một dòng tu, làm như đã muốn xa lánh cuộc đời. Chỉ trong hai năm, anh trở thành một người xuất thế." Nếu dùng chữ savage thì chị sẽ dịch là khổ hạnh vì trước khi bắt đầu đi ở trọ, anh đã tính toán rằng với số tiền giới hạn, trang trải ra có thể sống được hai ba năm, nếu thu vén khéo, không chững có thể lại được bốn năm.

Đoạn trên mà Trân và Gió dịch, có cho bà bếp già lưng còng kể lể một câu chuyện dài thoòng bằng một giọng khe khẽ, chị nghĩ là nên xem lại. Bà già này (mẹ của người gác cổng) được mô tả rất ít nói, chỉ lằm bằm, lầu bầu ("muttering") trong miệng một mình. Lo nấu nướng dọn ăn cho mọi người xong là bà tắt bếp, loanh quanh ("spending all her life") và ngủ nghỉ kế bên bếp lò (cho ấm). Chị không nghĩ là bà đã ngồi kể lể dài dòng một câu chuyện bên cạnh Ordinov khi chàng thanh niên khách trọ này sốt mê man, li bì trong chỗ ngủ mà chàng ta thuê. Trong bản của Garnett có viết "the story took shape before him in forms and faces..." là đoạn tả cơn bệnh của Ordinov, anh sốt mê man, ngủ li bì với những giấc mơ lộn xộn với những hình ảnh từ thời thơ ấu và những ám ảnh mới đây, trong đó có những người lạ lùng, khác giai cấp, mà anh gặp khi dọn về đây. Anh ngủ li bì, cũng có lúc chập chờn thức giấc, nửa tỉnh nửa mê, mơ hồ biết có người hôn mình, có người đứng gần chỉ chỏ...Khi gần tỉnh dậy sau cơn bệnh, Ordinov mới lần hồi nhớ lại (the story took shape before him in forms and faces). Chị nghĩ vậy đó, chia xẻ với Trân và Gió, xem có lý không.

Thôi tạm biệt hơi lâu, chị phải đi lo nấu nướng, chứ không thôi ngày lễ mà cả nhà phải đi "thị thực" thì hơi tội.

Lòng Như Gió
12-24-2011, 07:42 PM
Cám ơn chị Vy về những phân tích cặn kẽ. Em viết sẵn câu trả lời ở đây, khi nào chị quay lại đây thì lại cho em ý kiến nhé.
Những gì em nói ra sau đây là quan điểm của em, chứ ý của Trân thì chưa biết thế nào, vì cả tuần lễ này Trân chỉ quây quần bên gia đình và không ngồi dịch truyện.

Thứ nhất, em thấy dịch giả Hogarth dùng chữ “protector” và “ward” để cho Katherine và Murin tự gọi quan hệ giữa họ với nhau (khi nói chuyện với người khác) là hợp lý, không có gì là “làm khó” cả. Vì những gì mà hai nhân vật này nói ra không chắc 100% là sự thật. Những gì họ nói ra không cần phải đúng với những gì Ordinov nhận thấy trong thực tế, hoặc nhìn thấy qua khe hở mà anh đang trộm nhìn ở đoạn văn vừa qua. Chị đọc hết truyện, chắc chị hiểu vì sao em nói về hai nhân vật này như thế. (Em cũng đọc hết truyện rồi chị ơi, tuy chưa đọc kỹ từng chữ, nhưng cũng có thể tạm cho là đã hiểu hơn về toàn cảnh rồi, do mấy bữa qua chị cứ làm em tò mò về phần tiếp theo của truyện…)

Thứ nhì, người gác cổng gọi Murin bằng “master” là hợp lý, vì Murin là ông chủ của anh ta. Còn khi dịch giả Garnett cũng cho Katherine gọi Murin là “master”, thì em lại rất băn khoăn về điều đó. Em sẽ không dịch chữ “master” trong trường hợp đó là “thầy”, vì nó quá mơ hồ (một người chuyên đọc sách cho người khác nghe, thì người đọc sách được gọi là “thầy” hay sao?). Theo thiển ý của em, một dịch giả chu toàn trách nhiệm cần làm sao cho ý văn thật trong sáng chứ không mơ hồ, cần làm sao cho người đọc hiểu được đúng ý của bản gốc chứ không phải muốn hiểu sao thì hiểu. (Trong trường hợp bọn em dịch truyện này, thì “bản gốc” là bản tiếng Anh của Hogarth.)

Thứ ba, về chữ “savage” mà em đem ra hỏi chị, chính vì em thấy dịch nó thành “người cô độc” không ổn lắm, nên mặc dù đã đi qua nó xa lắc rồi nhưng lòng em vẫn canh cánh nghĩ về nó. Trong trường hợp này, em thấy chữ “recluse” của Garnett nghe hay hơn chữ “savage” của Hogarth. Em nghĩ chữ “savage” mà dịch thành “khổ hạnh” thì không được sát ý. Em sẽ tiếp tục suy nghĩ để dịch lại chữ “người cô độc” ở đoạn 3 và 4 của truyện.

Thứ tư, về việc bà già lưng còng lải nhải kể câu chuyện dài thoòng, từ bản dịch của Hogarth, theo em hiểu, những lời kể của bà già là ảo giác của Ordinov. Khi dịch sang tiếng Việt, bọn em cũng đã bê nguyên xi những gì mình hiểu từ văn của Hogarth, nghĩa là dù nhân vật Ordinov thấy như bà già kia đang kể chuyện, nhưng thật ra nội dung câu chuyện lại là những gì có trong tâm trí của anh, chứ đâu phải là những gì trong tâm trí của bà già ấy! Em cho rằng những gì Hogarth đã viết và bọn em đã hiểu rồi đã dịch lại là hoàn toàn hợp lý.

Cảm ơn chị Vy nhiều, mong chị sớm quay vào để bàn luận tiếp.

PhPhuongVy
12-24-2011, 08:17 PM
Gió đã đọc hết từ đầu đến cuối là điều nên làm, đó là điều Gun Ho nhắc người dịch và chị cũng vậy. Xong được việc này thì mọi việc kể như chạy ro ro. Mỗi người có một cách dịch khác nhau, như Garnett và Hogarth vậy, lẽ tự nhiên là phải khác nhau, ai cũng có cái lý của mình cả. Khi nào hai cô dịch xong nếu có gì đặc biệt thì thì chị vào bàn luận câu chuyện The Landlady cho vui. Chị sẽ không vào bàn luận việc dịch thuật nửa chừng vì chị còn nhiều việc khác đang đợi mà cứ hẹn hoài. Thông cảm cho nhau nhé Gió và Trân.

Lòng Như Gió
12-25-2011, 08:34 AM
Em nói rằng đã đọc hết truyện, nhưng thật ra đọc chưa kỹ. Em mới đọc lại phần tiếp theo, thì ra người gác cổng dùng chữ “master” để gọi một người khác, chứ không phải gọi Murin…

Cũng mong sớm được nghe chị Vy bàn luận, phân tích nhân vật, phân tích tác phẩm...

Sau đây là phần tiếp theo.



Cô chủ nhà
Kỳ 11


Trong góc phòng của ông chủ nhà, đằng trước chiếc giường là một cái bàn trải khăn, trên bàn có một chồng sách cổ, trông như những quyển kinh. Trên bức tường ở đầu giường treo một bức tượng, so về tuổi đời, có vẻ không kém gì bức tượng ở phòng Ordinov; và phía trước bức tượng có một ngọn đèn leo lét. Murin nằm duỗi dài trên giường. Ông ta trông đau yếu và xanh như tàu lá, phủ kín tay chân bằng chiếc áo choàng lông, kê lên đầu gối một quyển sách đang mở. Bên cạnh ông, Katherine cũng nằm dài trên ghế, một tay ôm lấy cổ ông, và đầu ngả vào vai ông. Thỉnh thoảng, cô ngước nhìn ông, mắt ánh lên một nỗi thích thú gần như trẻ thơ - với nỗi hiếu kỳ dường như vô hạn khi cô lắng nghe ông đọc sách. Lâu lâu, người đàn ông lên giọng một chút, và chút dấu hiệu của sinh khí nơi tấm thân chậm chạp của ông ta được thể hiện ở cái nhướng mày, và ánh mắt vụt loé sáng, khiến Katherine run lên vì sợ. Rồi có cái gì đó như nụ cười hé trên môi ông ta, và Katherine duyên dáng cười theo. Lại có lúc, mắt cô lóng lánh lệ, và người đàn ông vỗ về cô như dỗ dành một đứa trẻ, và cô ôm ghì lấy ông bằng cánh tay trần nuột nà, âu yếm dụi đầu vào ngực ông.

Ordinov ngỡ ngàng tự hỏi mình đang mơ hay tỉnh. Tuy nhiên, mỗi lần anh cố gắng suy nghĩ, máu anh chảy rần rật lên đầu, các mạch máu hai bên thái dương phình lên. Anh thả lỏng tay nắm vào chiếc đinh, bước ra khỏi giường, như một người mộng du, gần như không biết mình đang làm gì, anh lảo đảo đi đến trước cửa phòng của ông chủ nhà. Anh ngã chúi nhủi, khiến ổ khoá han gỉ bung ra, thế là Ordinov lọt vào phòng ông chủ nhà. Anh chỉ kịp thấy Katherine run bắn lên và giật nảy mình. Anh chỉ kịp nhận thấy cơn thịnh nộ rực lóe lên trong đôi mắt sâu hoắm và cau có của người đàn ông, cũng như nhận thấy tấm thân của Murin đột ngột trở thành một mối đe doạ. Vâng, anh chỉ kịp nhìn thấy Murin chụp lấy khẩu súng lục trong góc tường, và nòng súng lóe lên khi, với bàn tay run rẩy vì giận dữ, người đàn ông chĩa thẳng họng súng vào anh. Một tiếng nổ vang lên, tiếp theo đó là một tiếng hét điên cuồng, quái lạ. Khi làn khói tan đi, một cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt Ordinov. Run lên vì sợ, anh cúi xuống bên tấm thân người đàn ông. Murin nằm sõng soài trên nền nhà - quằn quại co giật, mặt nhăn nhúm, nước dãi sủi trắng cả cặp môi. Người thanh niên chợt đoán rằng ông chủ nhà vô phước của mình bị lên cơn động kinh trầm trọng; vì thế anh liền giúp Katherine chăm sóc ông ta.


III.

Đó là một đêm khủng khiếp cho tất cả những người liên quan. Sáng hôm sau, dù còn yếu và vẫn còn hâm hấp sốt, Ordinov ra ngoài đi dạo. Trong sân, anh gặp người gác cổng. Lần này, gã người Tartar giở nón chào ngay khi vừa trông thấy Ordinov, và đứng sững nhìn anh lom lom, không buồn che giấu nỗi tò mò. Rồi, dường như thấy mình tỏ ra như thế cũng kỳ, anh ta lại tiếp tục quét sân, nhưng vẫn tiếp tục trộm nhìn Ordinov trong lúc chàng thanh niên chậm rãi tiến về phía anh chàng gác cổng.


“Đêm qua anh có nghe thấy gì không?” Ordinov bắt chuyện.
“Có,” người gác cổng trả lời.
“Người đàn ông trên ấy bị làm sao thế nhỉ? Ông ta làm nghề gì?”
“Ông là khách trọ của ông ta, phải không nào? Thế thì ông phải tự tìm hiểu những điều ấy chứ. Đó không phải việc của tôi.”
“Anh có định trả lời câu hỏi của tôi không đấy?” Ordinov hét lớn, tỏ ra giận dữ gần như điên.
“Sao thế, tôi đã làm gì sai? Đó là lỗi của ông. Tại sao ông quấy rầy ông ấy? Tôi nói ông nghe, người thợ đóng hòm ở trọ tầng dưới bị điếc, nhưng ông ta nghe được mọi thứ. Vợ ông ta cũng điếc, nhưng cũng nghe mọi thứ. Và ở phía sân bên kia nữa, người ta cũng nghe mọi thứ. Tôi sẽ phải đi báo cảnh sát.”
“Được, tôi cũng sẽ đi báo cảnh sát,” Ordinov đáp, rồi hướng về phía cửa sân.
“Cứ làm như ông muốn; ông là khách trọ của ông ta… Nhưng xin chờ chút, thưa ông, xin chờ chút.”

Ordinov quay lại, và người gác cổng lễ phép đưa tay nhấc nón.
“Sao?” Ordinov hỏi.
“Nếu ông đi,” người gác cổng trả lời “thì tôi phải đi gọi ông chủ tòa nhà.”
“Thế à? Rồi sao?”
“Tốt nhất là ông đừng đi.”
“Thật ngốc!” Ordinov lần nữa hét lớn và quay đi.
“Ông ơi, xin chờ chút thưa ông!”

Một lần nữa, người gác cổng giơ tay chạm nón, nhe răng cười ngoác đến mang tai.
“Xin nghe tôi, thưa ông. Mong ông đừng quá nóng vội. Sao phải làm phiền cảnh sát, thưa quý ông tội nghiệp? Làm vậy là không đúng, có Chúa biết!”
“Anh nghe tôi nhé. Cầm lấy chỗ này, và nói cho tôi biết người đàn ông ấy bị làm sao.”
“Ông ấy bị làm sao à?”
“Đúng.”
“Lẽ ra tôi có thể nói ông nghe mà không cần trả công.”

Người gác cổng lại cầm lấy chổi, quơ vài nhát, và nhìn Ordinov với vẻ đứng đắn, trang nghiêm.
“Ông là một người thượng lưu trẻ tuổi đáng mến,” người gác cổng nói tiếp, “nhưng không phải loại người để giao du với ông ấy. Hãy cứ lo thân ông thôi; đó là lời khuyên của tôi,” và anh chàng Tartar tỏ rõ vẻ nghiêm nghị - đến mức gần như hung dữ - khi anh ta lại tiếp tục làm việc. Sau đó, anh ta tiến lại gần Ordinov với dáng vẻ đầy bí ẩn, kèm theo một điệu bộ đầy ý nghĩa, nói rằng: “Ông ấy là thế.”
“Là thế nào?”
“Đầu óc ông ấy không bình thường.”
“Ý anh là sao?”
“Là đôi khi ông ấy bị mất trí,” người gác cổng nhắc lại với vẻ vồn vã hơn. “Vâng, mất trí, và ông ấy ngã bệnh. Ông biết không, đã có thời, ông ấy có một chiếc tàu lớn – đúng hơn là nhiều chiếc tàu – và ông ấy lái tàu trên sông Volga (Tôi cũng thuộc về xứ sở của sông Volga). Và ông ấy từng có một nhà máy gần đó, và nhà máy bị cháy rụi, và – rồi, ông thấy đấy! Đầu óc ông ấy trở nên như thế.”
“Ý anh là, ông ta bị điên?”
“Không, không!” (người gác cổng phác một điệu bộ màu mè). “Ông ấy không điên. Ngược lại, ông ấy thật sự là chính mình. Ông ấy biết mọi thứ, và đã từng đọc mọi thứ - vâng, mọi thứ trên đời. Ông ấy có thể tiên đoán tương lai, và nếu có ai tìm đến ông ấy, họ phải trả hai rúp, hoặc ba rúp, hoặc bốn rúp, tùy trường hợp, và Ngài Murin mở một quyển sách, lật các trang sách, và nói cho khách hàng nghe toàn bộ sự thật. Nhưng trước hết, phải có tiền đặt lên bàn – vâng, tiền trên bàn; người ta không làm được gì khi không có tiền.” Và anh chàng Tartar, dường như rất thích thú với nghề của Murin, bật cười với vẻ ca ngợi.
“Vậy ông ta là nhà tiên tri? Ông ta cho lời khuyên?”
“Vâng,” người gác cổng khẽ đáp với cái gật đầu nhanh. “Ông ấy tiên đoán như thần, và cầu nguyện Chúa – vâng, ông ấy cầu nguyện rất nhiều; và rồi ông ấy sẽ xuất thần,” anh chàng Tartar lại phác một cử chỉ đầy ý nghĩa, “và”

Đến đây, có tiếng ai đó gọi người gác cổng từ bên kia sân, và ngay sau đó, một người nhỏ thó lưng gù tóc hoa râm, trong chiếc áo khoác quê mùa, mắt nhìn xuống đất, ho khù khụ, bước loạng choạng, vừa đi vừa lầm rầm cầu nguyện. Trông ông ta như một người từng bị ruồng bỏ từ thời thơ ấu.

“Ông chủ, ông chủ!” người gác cổng khẽ reo lên khi chào Ordinov. Rồi, cầm nón trong tay, anh chàng gác cổng chạy đến đón ông già nhỏ thó, một người dường như Ordinov đã gặp mặt. Anh chắc mẩm mình đã từng gặp ông này rồi. Tuy nhiên, vì chẳng có gì đáng chú ý lắm đối với anh, anh cất bước. Người gác cổng tiễn anh ra cửa như hộ tống một nhà quý tộc thuộc hàng cao quý nhất.



(còn tiếp)

nhim_xu
12-28-2011, 10:46 AM
*nhím xù rón rén chào Gió và chi PVy,


Phần đầu của truyện, đoạn 3, câu cuối, Hogarth đã dịch là: “There he had shut himself up as in a monastery where men renounce the world; and before two years were over he had become, to all intents and purposes, a savage”. Còn Garnett dịch ra sao, có dùng chữ gì khác với chữ “savage” không?

-----
....... về chữ “savage” mà em đem ra hỏi chị, chính vì em thấy dịch nó thành “người cô độc” không ổn lắm, nên mặc dù đã đi qua nó xa lắc rồi nhưng lòng em vẫn canh cánh nghĩ về nó. Trong trường hợp này, em thấy chữ “recluse” của Garnett nghe hay hơn chữ “savage” của Hogarth. Em nghĩ chữ “savage” mà dịch thành “khổ hạnh” thì không được sát ý. Em sẽ tiếp tục suy nghĩ để dịch lại chữ “người cô độc” ở đoạn 3 và 4 của truyện.



Phần đầu của truyện, như Gió hỏi, Dostoyevsky mô tả nhân vật Ordinov, có viết về giai đoạn Ordinov bắt đầu từ giã đời sinh viên và đời con nhà khá giả để đi thuê nhà ở trọ với giai cấp thấp hơn mình (trong khi chờ kiếm việc làm, mà của hương hỏa cha để lại thì chỉ còn rất giới hạn):"There he shut himself up as though he were in a monastery, as though he had renounced the world. Wthin two years he had become a complete recluse." Garnett dùng chữ recluse chứ không dùng chữ savage. Chị dịch câu trên là: "Ở đó, anh giam mình như thể đang sống trong một dòng tu, làm như đã muốn xa lánh cuộc đời. Chỉ trong hai năm, anh trở thành một người xuất thế." Nếu dùng chữ savage thì chị sẽ dịch là khổ hạnh vì trước khi bắt đầu đi ở trọ, anh đã tính toán rằng với số tiền giới hạn, trang trải ra có thể sống được hai ba năm, nếu thu vén khéo, không chững có thể lại được bốn năm.


Nếu xù chỉ đọc có hai câu trích từ hai dịch giả Hogarth and Garnett như Gió và chi PVy đã trích fía trên, thì xù hoàn toàn chấp nhận câu dịch tiếng việt của chị PVy. Nhưng, dựa theo tiểu sử của Ordinov, thì xù thấy Gió đi đúng hướng hơn vì như chị PVy tóm tắt thì Ordinov là một quí công tử đang bị thất thế chứ hắn đâu có thật sự mún đi tu thiệt.

Chị PVy và Gió nghỉ sao khi xù "dịch" như vầy:
"Ở đấy, hắn đã tự giam mình như đang sống trong tu viện, nơi mà người ta muốn xa lánh thế nhân; và chưa đầy hai năm sau hắn đã trở thành, với bao mơ ướt và dự tính, một kẻ hận đời."

Dỉ nhiên là xù dựa theo lối dịch của Hogarth (Gió trích), vì xù kết cái lối viết (dịch) chua chát đầy móc câu này. Garnett dịch (c. PVy trích) quá nhẹ nhàng. Ý này của xù hoàn toàn chỉ dựa vào hai câu trích trên thôi, để xù đi kím sách về đọc đã và hy vọng có cơ hội vô đây bép xép thêm. Tuy có lướt wa hai đoạn đầu do Gió dịch, nhưng xù theo hỏng nổi, tình tiết bối cảnh khó "nuốt" nên xù chịu, đành chờ.

Rất cảm ơn nhị vị đã "vô tình" giới thiệu quyển này tới xù.

Chúc vui!

PhPhuongVy
12-28-2011, 11:08 AM
Cảm ơn Nhím Xù. Chữ khổ hạnh dùng ở đây chỉ có nghĩa là sống khắc khổ, nhưng vì câu trước nói Ordinov giam mình như đang sống ở một dòng tu, thì sống khắc khổ ở một tu viện gần với khổ hạnh hơn là gần với hận đời (ý kiến cá nhân). Còn mơ ước và dự tính này là dự tính về số tiền còn lại sẽ ráng tiêu pha tiện tặn đó Nhím Xù.

nhim_xu
12-28-2011, 01:50 PM
*nhím xù ......ụa vậy huh chị PVy? Chứ hỏng fải những mơ ước and dự tính trong câu: “There he had shut himself up as in a monastery where men renounce the world; and before two years were over he had become, to all intents and purposes, a savage” là Dostoevsky đang "cay đắng" và được nhắc tới ở page 4 bài#36 sao?

Theo hai câu trích ở trên, thì câu nào cũng nói là Ordinov tự giam mình trong fòng sống lẻ loi không màn tới thế giới bên ngoài chứ đâu có nói là sống sướng hay khổ gì đâu nà. Và theo xù nghỉ thì Dostoevsky ví cái lối sống cô lẻ đó giống như lối sống của những người sống trong tu viện là xa lánh thế giới bên ngoài thôi hà.

*nhím xù chụi hết nổi .... chạy đi kím ebook!

PhPhuongVy
12-28-2011, 06:04 PM
Đúng rồi đó Nhím Xù, nên đọc hết câu chuyện, bao giờ cái nhìn cũng thêm được nhiều góc cạnh hơn.

Chị nghĩ intents và purposes ở đây không có nghĩa là ý định muốn sống cô lẻ và xa lánh thế nhân vì bản chất của Ordinov vốn đã được Dostoyevsky mô tả ở trước rồi, là "He always led a quite and absolutely solitaire life." Ba năm trước, sau khi tốt nghiệp, Ordinov đi tìm người quản thủ phần gia tài cha anh để lại, cũng là người giám hộ của anh cho đến lúc anh trưởng thành (tốt nghiệp). Ông già này đưa cho anh một món tiền nhỏ. Ordinov accepted his inheritance unconcernedly, took leave for ever of his guardian, and went out into the street. It was a cold, gloomy, autumn evening; the young man was dreamy and his heart was torn with a sort of unconscious sadness. There was a glow of fire in his eyes; he felt feverish, and was hot and chilly by by turns. He calculated on the way that on his money he could live for two or three years, or even on half rations for four years (sống tằn tiện đây nè). It grew dusk and began to drizzle with rain. He had taken the first corner he came across and within an hour had moved into it. There he shut himself up as though he were in a monastery, as though he had renounced the world. Within two years he had become a complete recluse.

Nhím, chú ý nhé, as though he were, subjunctive mood, theo sau đó cũng as though luôn đó Nhím. Subjunctive mood là để dùng cho thể giả định, không đúng với thực tế (hypothetical or contrary to fact).

Chị đã nói là không có đủ giờ để tháo luận chuyện dịch, nhất là với những bạn chưa đọc hết truyện, vì phải chứng minh, đánh máy ra tốn giờ quá, chị không có thì giờ để đi xa hơn. Xin lỗi các bạn nha. Chị xin kiếu. Xin hẹn khi bản dịch được hoàn tất. Chào thân thiện.

nhim_xu
12-28-2011, 06:15 PM
*nhím xù dzớt được bản dịch của C.J. Hograth rồi ...yeeeehhhha!

Ahahah xù rất bất ngờ ... chị PVy "ngây thơ" wá chừng lun ah! Xù hỏi "thật vậy sao chị PVy?" và trích đoạn dịch của Gió (pg 4 #36) là có ý nhắc khéo là chị đã có thể hiểu sai đi một chút rồi muh chị lại tưởng là xù hỏi thiệt rồi làm một tăng. Thôi vậy xù nói lời thẳng thiệt cho dể hiểu hén.

Chị PVy à, chị hỏng đủ tg bàn truyện dịch thì xù nghỉ cũng hỏng có ai túm tay chị bủi: "Chi PhPhuongVy, chị fải thò tay log vô DT để trả lời hoặc bàn tán dzí tui truyện The Landlady NOW!" đâu nà, đúng hong chị? Muh chị đã vô rồi thì có rảnh bàn wa tán về cũng có chết con ruồi con kiến nào đâu, chẳng những dzị muh biết đâu mình còn học hỏi thêm ở bạn bè nữa là khác ah.

Theo như Garnett và chị: "He always led a quite and absolutely solitaire life. Ba năm sau khi tốt nghiệp, Ordinov đi tìm người quản thủ phần gia tài cha anh để lại, cũng là người giám hộ của anh cho đến lúc anh trưởng thành (tốt nghiệp). Ông già này đưa cho anh một món tiền nhỏ. Ordinov accepted his inheritance unconcernedly, took leave for ever of his guardian, and went out into the street. It was a cold, gloomy, autumn evening; the young man was dreamy and his heart was torn with a sort of unconscious sadness. There was a glow of fire in his eyes; he felt feverish, and was hot and chilly by by turns. He calculated on the way that on his money he could live for two or three years, or even on half rations for four years (sống tằn tiện đây nè). It grew dusk and began to drizzle with rain. He had taken the first corner he came across and within an hour had moved into it. There he shut himself up as though he were in a monastery, as though he had renounced the world. Within two years he had become a complete recluse."

thì xù tạm dịch: "Hắn đã luôn sống một cuộc sống câm lặng và hoàn toàn cô độc. Ba năm sau khi tốt nghiệp, Ordinov đi tìm người quản thủ phần gia tài cha anh để lại, cũng là ngườii giám hộ của anh cho đến lúc anh trưởng thành (tốt nghiệp). Ông già này đưa cho anh một mót tiền nhỏ (fần gạch đít xù trích y chang câu dịch của chị) Ordinov hững hờ cầm lấy số tiền, chào từ giã lão quản gia, và bước đi. Đó là một đêm âm u lạnh lẽo cuối thu; Như một kẻ không hồn, tim hắn như bị xé tan bởi một nỗi buồn vô thức. Mắt hắn như cháy lên; hắn cảm nhận được cơn sốt bằng những cơn nóng lạnh chợt đến chợt đi. Trên đường đi, hắn nhẫm tính với số tiền này hắn có thể sống được hai hoặc ba năm, hoặc nếu chi? cố gắng dè xẽn một chút thì được những bốn năm (chổ tính toán này chỉ là tính vói số tiền hắn vừa nhân được thôi, chứ với nhân vật Ordinov của Dostoevsky, cái này là con ...kiến!). Trời tối dần và mưa cũng bắt đầu nặng hạt. Hắn chọn mướn ngay cái góc đầu tiền hắn gặp phải và dọn ngay vào đấy trong vòng một giờ. Ở đấy, hắn khép kín giống như là hắn đã ở trong một tu viện, giống như là hắn đã xa rời nhân thế. Chỉ trong vòng hai năm hắn hoàn toàn trở thành một kẻ hoàn toàn cô độc."

VÀ ... với


C.J. Hogarth

xù tạm dịch



The life he had hitherto led had been a quiet, absolutely solitary one. Three years ago, on taking a university degree
and becoming practically his own master, he had been
summoned to the house of an old man whom hitherto
he had known only by name. There he had waited until
at length the liveried servant had condescended to announce
his presence ; after which he had entered a lofty, dimly-lighted
drawing-room which was almost bare of furniture — a room
of the depressing type which is still to be met with in old mansions
which stand as survivals from the epoch of great families and seigniorial houses. In this room he had found himself con-
fronted by a much-bemedalled, grey-haired dotard
— the friend and colleague of Ordinov's father, and
Ordinov's guardian — who had handed to his ward
what seemed to the latter a very small sum, as
representing a legacy derived from some property
which had just been sold under the hammer, to
liquidate a debt incident upon his grandfather's
estate. Ordinov had received the money with in-
difference, taken his first and last leave of his guar-
dian, and departed. The evening had been a cold,
misty one in autumn, and Ordinov had felt in a
meditative mood, for a sort of unconscious depres-
sion had been chafing his heart. Also, his eyes had
been burning with fever, and every moment he could
feel hot and cold shivers running down his body.
He had calculated that, with the sum just received,
he could subsist for two, for three, or, if he stinted
himself carefully, even for four years. But darkness
was now coming on, and rain was falling, so he had
hired the first room which he had come across, and
within an hour had moved his effects into it. There
he had shut himself up as in a monastery where
men renounced the world ; and before two years were
over he had become, to all intents and purposes, a
savage.

Yes, he became a savage unawares. Of the fact ........
........


Mãi cho đến bấy giờ, hắn đã sống một cuộc sống lặng lẻ,
hoàn toàn cô độc. Ba năm trước, đang lúc học đại học và
xắp tốt nghiệp, hắn bổng được gọi đến nhà của một cụ già,
người mà lúc đó hắn chỉ biết đến qua cái tên của ông ta. Ở
đó hắn đã chờ thật lâu, cuối cùng thì tên đầy tớ cũng đã mủi
lòng báo với chủ nhân về sự hiện diện của hắn; rồi hắn được
đưa vào một căn phòng có trần khá cao, âm u - phòng vẻ - nó
gần như trống rỗng - một căn phòng đầy vẽ ủ rủ, ủ rủ cũng như
những ngôi biệt thự củ còn tồn tại từ những gia đình quí tộc
hoặc hoàng gia thời trước (xù rất mún dùng thời phong kiến
ở đây). Trong căn phòng này, hắn nhận ra mình đang đối diện
với một ông lão tóc đã bạc, dáng vẽ lừng khừng, mà trên người
ông thì đầy những huân chương lấp lánh - bạn nối khố của cha
Ordinov, và cũng là quản gia của hắn - ông trao cho vị thiếu
gia một số tiền mà sau này chỉ là một con số rất nhỏ, phần
còn lại sau khi đã bán đấu giá một số tài sản, và thanh toán
nợ bất động sản của ông nội hắn. Ordinov dửng dưng cầm
số tiền, khẻ chào người quản gia già lần đầu và có lẽ sẽ là
lần cuối cùng, rồi quay đi. Đó là một buổi chiều thu ẩm ướt
lạnh lẽo, và Ordinov như kẻ không hồn, hắn mặc cho
sự chán chường vô thức đang từ từ chế ngự tâm hồn hắn.
Cùng lúc đó, cơn sốt đột ngột như đốt cháy trong mắt hắn, chốc chốc người hắn lại run lên với những cơn nóng lạnh chạy dọc người. Hắn nhẫm tính, với số tiền mới
có kia, hắn có thể sống được hai, ba, hoặc nếu tính chi li hơn, hỏng chừng là
bốn năm. Trời bắt đầu tối dần, mưa cũng nặng hạt hơn, thế là hắn vội mướn ngay căn phòng đầu tiên hắn tìm thấy, và
trong vòng một giờ hắn đã dọn tất cả mọi thứ về chổ đó. Ở đấy
hắn đã khép kín giống như đang sống trong tu viện nơi mà thế
nhân xa lánh trần đời; và chưa đầy hai năm sau hắn đã trở thành, với bao ước mơ và dự tính, một kẻ hận đời.

Đúng, hắn đã trở thành một kẻ hận đời bất đắc dỉ. Trên
thực tế ..... (xù xấp tẩu hỏa rồi, nhưng chi PVy ơi, cái kẻ hận
đời bất đắc dỉ được nhấn ỏ đây và ước mơ cũng như dư. tính nằm trong
khúc tới này nè chị ơi)








*nhím xù đã vận dụng toàn bộ vốn luyến 10 năm lẻ việt văn của xù đó và công nhận có đọc wa Hogarth (the landlady) mới cảm nhận được dịch từ bản của ông không fải dể ăn. Nói cho cùng, đọc truyện thì mạnh ai nấy hiểu theo cách của mình huống chi chị PVy thì dòm Garnett còn Gió cũng như xù thì ngó Hogarth.

Peace!

angie
12-28-2011, 09:23 PM
Drawing room = phòng khách
on taking a university degree = nhận bằng đại học
and becoming practically his own master: thật sự làm chủ bản thân, người chủ của chính mình.
Guardian, giám hộ
The latter là người thứ hai trong hai người đang mô tả.
Estate ở đây là tài sản để con cháu thừa kế
Shut himself in: tự nhốt mình
.....................
Chỉ coi phần xù tạm dich

gun_ho
12-28-2011, 09:58 PM
Gởi Trân và Gió.

Anh nghĩ là hai cô nên tạm ngưng 1 thời gian, ăn Tết Tây, Ta xong rồi âm thầm dịch, đừng đăng từng kỳ nữa. Khi hoàn thành lúc đó mới đăng một phát, xong.

Khỏi ai bàn ra tán vào, mệt.

Lòng Như Gió
12-29-2011, 07:13 AM
Gởi Trân và Gió.

Anh nghĩ là hai cô nên tạm ngưng 1 thời gian, ăn Tết Tây, Ta xong rồi âm thầm dịch, đừng đăng từng kỳ nữa. Khi hoàn thành lúc đó mới đăng một phát, xong.

Khỏi ai bàn ra tán vào, mệt.

Em mạn phép đại diện Trân để chào anh/chị Nhím Xù và các anh chị khác đang ghé chơi Ngõ Vắng.

Anh Súng này nói kỳ. Em lại thích nghe người ta bàn ra tán vào, và đăng từng kỳ, để người ta soi cho kỹ (chứ đăng dài quá thì e người ta đọc và soi chữ không kỹ). Hôm nọ, em thấy tiếc, nhưng không tiện nói ra đó thôi, khi chị Vy nói rằng sẽ ngưng và không thảo luận khi bản dịch còn chưa xong. Sở dĩ em muốn nghe nhiều lời thảo luận, cũng là để bản dịch khi hoàn tất sẽ vừa đúng vừa hay. (Tết ta này, em nghỉ 9 ngày, sẽ đi chơi và đi làm vài chuyện khác, chứ không ngồi âm thầm dịch truyện.)

Sẵn đây, em bàn thêm chút về chữ “savage” mà chị Vy và Nhím Xù vừa nhắc lại. Theo em hiểu, chữ “savage” trong ngữ cảnh này hàm ý xa rời loài người (kiểu như “người rừng), không giống ai… mà em nghĩ mãi chưa tìm ra chữ nào vừa cô đọng vừa diễn tả đúng ý của “bản gốc”. Từ đầu, Trân dịch chữ ấy là “người cô độc” rồi gửi em xem, khi ấy em mới chỉ đọc mấy đoạn đầu, nên mới bàn lại với Trân rằng dịch “savage” thành “kẻ ngạo đời” có được không. Trân vẫn muốn giữ lại chữ “người cô độc”, nên em chiều ý Trân thôi, chứ chưa ưng chữ “người cô độc” lắm. Đọc các đoạn tiếp theo, em hiểu ra rằng mình mà dám dịch nó thành “kẻ ngạo đời” là mình rất quá đáng, vì Ordinov dần dần hiện ra là một chàng trai không ngạo đời, không hận đời, mà lại đang cố gắng hòa vào đời, yêu đời, và yêu người. Khổ nỗi, đời không yêu anh.

Còn “to all intents and purposes” là một thành ngữ có nghĩa “thực tế là”; “gần như là”.

Cảm ơn các anh chị.

angie
12-29-2011, 09:34 AM
Tui nhớ là mấy tháng trước rất khoái coi phim 12 o'clock high có ông chuẩn tướng Frank Savage. Vô Wiki thì thấy:

Brigadier General Frank Savage (played by Gregory Peck) was created as a composite of several group commanders but the primary inspiration was Col. Frank A. Armstrong (https://dtphorum.com/wiki/Frank_A._Armstrong), who commanded the 306th Bomb Group (https://dtphorum.com/wiki/306th_Flying_Training_Group) on which the 918th was modeled.[5] (https://dtphorum.com/pr4/#cite_note-Osprey-7) The name "Savage" was inspired by Armstrong's Cherokee (https://dtphorum.com/wiki/Cherokee) heritage.

Theo câu trên Savage là "mọi".

nhim_xu
12-29-2011, 10:47 AM
*nhím xù chào tất cả,

chị Angie: rất cảm ơn chị, nhất là ở ba nơi chị góp ý:

drawing-room = phòng khách - rất đúng! chứ xù viết ra chử phòng vẽ xù thấy nó trớt wớt
and becoming practically his own master = thật sự làm chủ bản thân, người chủ của chính mình. - có lý lắm, xù có thể hiểu rỏ ràng hơn cái câu này là Ordinov đang học và rất giỏi, như một master himself.
The latter là người thứ hai trong hai người đang mô tả - cũng chí lý! Mà nếu "the latter" đây chỉ Ordinov? Hmm vậy nó sẽ có mâu thuẩn với cái lúc anh ta tính sống mấy năm với số tiền đó hong?! Good point indeed, chị! *muuahhh*
Chú gun_ho: bàn ra tán vào mệt thiệt đó chú, cứ khen đại cho nó khỏe!

Chị Gió: Ahahah oh thì ra là vậy, mục đích chị Gió "đong đưa" là để trêu ngươi thôi. Không biết người ta sao chứ xù đọc hai đoạn dịch đầu xong thì muốn hết thấy đường luôn ah, nói gì tới xâm soi. Về bàn truyện thì xù đồng ý lắm. Đọc truyện với nhiều người rồi bàn wa tán về hay lắm đó, giúp mình thấu đáo hơn! Thật ra, Ordinov của Dostoevsky này cũng giống giống như Edward Rochester của Charlotte Brontë và những nhân vật nam cùng thời! Đẹp trai, thông minh, con nhà nòi, cá tính đặc biệt, cuộc đời đang êm đẹp, tương lai hứa hẹn ..... rồi *đùng* một cái, mất mát, hụt hẫn, rút vào vỏ ốc riêng, xa lánh mọi người, tính tình trở nên cọc cằng thô lổ, cáo có hung tàn, và bất cần đời .... blah blah. Nhưng thực chất là một anh chàng hiền hòa, bác ái, blah blah .... và những đức tính này chỉ được đánh thức bởi một trường hợp nào đó hoạc chỉ có những người "đặc biệt" mới nhìn ra, etc.

*nhím xù xin lổi nếu đã làm náo động không gian của wí vị nghen!
Xin chúc tất cả một ngày thật vui.

angie
12-29-2011, 11:15 AM
Mà nếu "the latter" đây chỉ Ordinov? Hmm vậy nó sẽ có mâu thuẩn với cái lúc anh ta tính sống mấy năm với số tiền đó hong?!
Chẳng hạn lúc đầu đang nghĩ mình được thừa hưởng mấy triệu, rồi chỉ được mấy chục ngàn thôi thì coi như là quá ít chứ còn gì nữa.

nhim_xu
12-29-2011, 11:52 AM
Ahahaha chị Angie, dạ xù hết còn gì thắc mắc rồi .... chị giải thích wá hợp lý!! Thank you woman!

PhPhuongVy
12-29-2011, 05:52 PM
Thì chị dịch chữ savage là khổ hạnh, theo nghĩa mà Gió hiểu đó. Không giống ai, thây kệ, bờm xờm, bù xù, không cần giống ai, sống thật khắc khổ, qua ngày thì thôi.

Sao Gió nhắn người ta vào để trả lời Gió mà lại bảo là người ta vào soi chữ vậy hở Gió?

Lòng Như Gió
12-29-2011, 06:55 PM
Sao Gió nhắn người ta vào để trả lời Gió mà lại bảo là người ta vào soi chữ vậy hở Gió?

Chị Vy, em nhắn chị vào trả lời câu hỏi của em, và em mời mọi người (chứ không riêng chị) “soi chữ”, ngõ hầu cùng nhau tìm ra những chữ nào còn chưa hay, để sửa cho nó thành hay hơn. Chữ “soi” ý nói đọc kỹ, em dùng vậy có sai không chị?

Mong chị không xem là em đang “hờn mát” hay mỉa mai gì cả nhé. Tính em nó thế, đôi khi em cứ thích dùng từ cho hơi chua tí (chữ “soi” là một ví dụ), vì em không thích vị nhạt nhẽo. Nếu có vô tình làm chị buồn vì vị chua này, thì em xin lỗi. Em biết mấy hôm nay chị đã đủ mệt với những lời công kích từ một số thành viên nhắm vào BDH.

Một lần nữa, em rất cám ơn chị đã bỏ công vào những post vừa qua ở mạch này, trong đó có nhiều ý rất có giá trị cho bọn em.

PhPhuongVy
12-29-2011, 07:40 PM
Sao Gió "biết" chị đã đủ mệt? "Biết" sai rồi. Chỉ mất thì giờ thôi, chứ nhờ cơ hội tốt này mà chị có thể tiết lộ cho Phố Rùm biết là BĐH rất thẳng thắn, Mods không ngại gì, không thiên vị, dọn luôn bài của Admin PhPhuongVy, nếu cần. Thêm nữa, bên cạnh sự công kích rất thường tình là những khích lệ rất bất ngờ. Chị sẵn sàng lắng nghe các chỉ trích của thành viên, không kém hơn cảm kích sự hổ trợ của một số thành viên khác của Phố Rùm. Làm việc chung mà chỉ mong đợi tiếng khen thì cứ vào đứng trước tấm gương mà nhoẻn cười với nó. Những việc vừa xảy ra đối với chị chỉ là bão trong chén trà. Trong công việc đời thường hàng ngày, chị phải giải quyết những chuyện phức tạp và khó khăn hơn gấp trăm lần.

Chuyện này thật chẳng liên hệ gì đến "soi chữ" nhưng chị cũng cảm ơn Gió đã vô tình mà cho chị có dịp cảm ơn các anh chị em đã viết những lời bênh vực và khích lệ ở trang bên kia.

Thôi để chị đi vào đứng trước tấm gương nhoẻn cười với nó, hong thôi nó chờ.

hoài vọng
12-29-2011, 08:17 PM
Chị Vy , chúc chị nhoẻn cười đủ 366 ngày ...làm dâu trăm họ đâu có sướng gì !

PhPhuongVy
12-29-2011, 08:24 PM
Dạ cảm ơn anh Hoài Vọng. Không sao ạ.

Lòng Như Gió
12-29-2011, 10:02 PM
Sao Gió "biết" chị đã đủ mệt? "Biết" sai rồi.

Chị Vy, ở post trước, em đã toan gõ rằng "Em đoán chị đã đủ mệt...", nhưng sau quyết định sửa chữ "đoán" thành chữ "biết", cho chị có cái mà "soi". Chứ nếu ghi rằng "đoán" và chị nói em "đoán" sai, thì chữ "đoán" ấy sẽ tầm thường quá, nhạt quá. Em đã nói là không thích vị nhạt đó còn gì!

gun_ho
12-30-2011, 08:24 AM
Gió nè.

Anh thấy em hay dùng "trộm nghĩ" "thiển ý" vân vân...nhưng nếu ai đụng đến cái trộm và thiển đó thì em sẽ tranh đấu bảo vệ nó khá chu đáo, hay là em bỏ trộm thiển đi cho gọn sổ sách.

Lòng Như Gió
12-30-2011, 08:41 AM
Gió nè.

Anh thấy em hay dùng "trộm nghĩ" "thiển ý" vân vân...nhưng nếu ai đụng đến cái trộm và thiển đó thì em sẽ tranh đấu bảo vệ nó khá chu đáo, hay là em bỏ trộm thiển đi cho gọn sổ sách.

Anh Súng

“Trộm” và “thiển” ý nói đó là ý nghĩ của cá nhân mình, và có thể không đúng với người khác. Tuy nhiên, khi người khác “đụng đến” cái trộm và thiển của mình, mà mình xét thấy lý lẽ của họ không có lý bằng cái trộm và thiển kia, thì mình vẫn có quyền bảo vệ công bằng cho cái trộm và thiển của mình. Đúng không anh?

Còn nếu lý lẽ của ai đó thuyết phục được em rằng cái trộm và thiển của em sai, thì em sẵn sàng đồng ý rằng họ đúng thôi. Chuyện ấy đã xảy ra nhiều lần trên thực tế với em rồi. Ví dụ, trong mạch này, em đã theo lời khuyên của chị Vy để sửa chữ “burgher” từ “người thành phố” thành “tiểu tư sản”.

Trộm nghĩ, em sẽ lại tiếp tục "trộm" và "thiển"...

tabalo
12-30-2011, 08:56 AM
Anh Súng

“Trộm” và “thiển” ý nói đó là ý nghĩ của cá nhân mình, và có thể không đúng với người khác. Tuy nhiên, khi người khác “đụng đến” cái trộm và thiển của mình, mà mình xét thấy lý lẽ của họ không có lý bằng cái trộm và thiển kia, thì mình vẫn có quyền bảo vệ công bằng cho cái trộm và thiển của mình. Đúng không anh?

Còn nếu lý lẽ của ai đó thuyết phục được em rằng cái trộm và thiển của em sai, thì em sẵn sàng đồng ý rằng họ đúng thôi. Chuyện ấy đã xảy ra nhiều lần trên thực tế với em rồi. Ví dụ, trong mạch này, em đã theo lời khuyên của chị Vy để sửa chữ “burgher” từ “người thành phố” thành “tiểu tư sản”.

Trộm nghĩ, em sẽ lại tiếp tục "trộm" và "thiển"...

Cứ ngoan ngoãn và cố gắng thì đồ đạc phải giữ cẩn thận

6Quit
12-30-2011, 08:59 AM
Anh Súng

“Trộm” và “thiển” ý nói đó là ý nghĩ của cá nhân mình, và có thể không đúng với người khác. Tuy nhiên, khi người khác “đụng đến” cái trộm và thiển của mình, mà mình xét thấy lý lẽ của họ không có lý bằng cái trộm và thiển kia, thì mình vẫn có quyền bảo vệ công bằng cho cái trộm và thiển của mình. Đúng không anh?

Còn nếu lý lẽ của ai đó thuyết phục được em rằng cái trộm và thiển của em sai, thì em sẵn sàng đồng ý rằng họ đúng thôi. Chuyện ấy đã xảy ra nhiều lần trên thực tế với em rồi. Ví dụ, trong mạch này, em đã theo lời khuyên của chị Vy để sửa chữ “burgher” từ “người thành phố” thành “tiểu tư sản”.

Trộm nghĩ, em sẽ lại tiếp tục "trộm" và "thiển"...

Cứ ngoan ngoãn và cố gắng thì đồ đạc phải giữ cẩn thận

Anh có ở gần nhà chị Gió hông mà lo ? :)):))

tabalo
12-30-2011, 09:04 AM
[QUOTE26182]

Anh có ở gần nhà chị Gió hông mà lo ? :)):))
Thưa anh ! thời này "có nghề" chỉ cần dô net là lấy được cả tiền của anh trong nhà băng :)):)):))

6Quit
12-30-2011, 09:08 AM
Thưa anh ! thời này "có nghề" chỉ cần dô net là lấy được cả tiền của anh trong nhà băng :)):)):))


Vậy thì anh ráng mà giữ trương mục nhà băng cho cẩn thận ...:)):))

tabalo
12-30-2011, 09:14 AM
Vậy thì anh ráng mà giữ trương mục nhà băng cho cẩn thận ...:)):))
Giữ thì không khó , có mới là vấn đề :((:((

6Quit
12-30-2011, 09:25 AM
Giữ thì không khó , có mới là vấn đề :((:((


Tại anh không chịu giao lưu và hợp tác với mấy chị cán bộ nhà băng đấy chứ ...:)):))

Lòng Như Gió
01-08-2012, 06:38 AM
Cô chủ nhà
Kỳ 12


“Tên bịp bợm này đang đùa với mình mà,” Ordinov nghĩ thầm. “Có Trời mới biết điều bí mật gì đang được che giấu nơi đây.”

Tuy nhiên, chỉ mới đi chưa được bao xa, anh đã chuyển sang nghĩ về chuyện khác. Trời ảm đạm và lạnh lẽo, tuyết rơi lả tả. Anh tê cóng, và mặt đất như đang chao đảo dưới chân anh. Bất chợt một giọng nói quen thuộc lên tiếng chào anh - một giọng nói vui tươi và dễ chịu.
“Ôi, Yaroslav Ilyitch đây mà!” Ordinov kêu lên.

Trước mặt anh là người đàn ông khoảng ba mươi tuổi - đó là một anh chàng thấp, đậm người, mặt đỏ ửng, đôi mắt xám đục, miệng tươi cười suốt, và bộ quần áo - ôi, bộ quần áo mà chỉ có Yaroslav Ilyitch mới mặc. Anh ta kính cẩn bắt tay Ordinov, vì hai người mới quen biết nhau năm ngoái, và chỉ là tình cờ quen ngoài đường . Với bản tính dễ kết bạn, Yaroslav Ilyitch dễ dàng lân la làm quen những người thuộc giới thượng lưu - những người ít ra có phong cách quý tộc, và hiểu biết nhiều, nếu không nói là thông minh. Và, tuy giọng anh cao và nhẹ nhàng, nhưng ngữ điệu trong lời anh nói (ngay cả khi chuyện trò với những người bạn thân), có biểu hiện của sự tự khẳng định đầy độc đoán, lấn lướt được những mâu thuẫn, có lẽ đó là sức mạnh được tạo thành từ thói quen của anh.

“Thật là may mắn!” Yaroslav thốt lên, nét mặt vui mừng rạng rỡ.
“Anh biết không, tôi đang cư ngụ tại đây”, Ordinov giải thích.
“Nhưng anh ở đây từ bao giờ?” Yaroslav hỏi tiếp, giọng cất cao hơn chút. “Tôi chẳng biết gì cả, mặc dù, chắc anh còn nhớ, tôi là người anh em của anh đấy. Tôi cũng ở khu phố này từ lúc tôi trở về từ Riazan tháng trước. Tôi luôn coi anh, bạn yêu quý, là người quen lâu nhất của tôi mà,” Yaroslav cười tở mở. Rồi anh lớn tiếng gọi, “Sergiev! Đợi tôi ở chỗ Tarassov nhé, và bảo người gác cổng của Olsufiev đến văn phòng tôi ngay lập tức. Một tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ có mặt ở đó.

Sau khi ngắn gọn ra lệnh như thế, anh chàng Yaroslav Ilyitch vui tính khoác tay Ordinov, kéo anh vào quán cà phê.
“Lâu quá không gặp,” anh ta nói, “mình phải chuyện trò tí chút nhé. Sao rồi?” Anh ta nhã nhặn hạ giọng, vẻ như bắt đầu tâm tình, “Anh khỏe không? Anh vẫn đang nghiên cứu khoa học chứ?”
“Vâng, vẫn luôn như thế,” Ordinov lơ đãng trả lời.
“Thật tuyệt vời, Vassilii Michaelovitch- Tuyệt lắm!”- rồi Yaroslav tha thiết siết lấy tay Ordinov. “ Một ngày nào đó anh sẽ là niềm vinh dự cho nước Nga. Cầu Chúa giúp anh trên con đường sự nghiệp anh đã chọn! Trời, tôi vui biết bao khi gặp anh! Tôi cứ nghĩ đến anh hoài! Bao nhiêu lần tôi tự hỏi, người bạn dễ mến, hào phóng, tài hoa Vassilii Michaelovitch của tôi đâu rồi?”

Họ đặt một phòng riêng cho bữa trưa, sau khi gọi thức ăn và rượu Vodka, Yaroslav Ilyitch ngả người trên ghế rồi trìu mến ngắm bạn mình.
“Tôi cũng đọc nhiều sách,” anh ta xởi lởi gợi chuyện. “Tôi đã đọc hết các tác phẩm của Pushkin!”
Ordinov vẫn chưa hoàn toàn định thần, chỉ lặng nhìn anh bạn .
“Pushkin diễn tả tình yêu quá tuyệt vời!” Yaroslav nói tiếp. “Nhưng trước tiên tôi muốn cám ơn lòng tốt của anh đã giới thiệu cho tôi những tư tưởng cao đẹp này.”
“Ôi, anh quá lời rồi,” Ordinov lí nhí trả lời.
“Không, tôi không nói quá đâu. Tôi yêu sự thật, và biết rõ mình luôn kiên định với nguyên tắc ấy.”
“Ôi, anh chẳng công bằng với bản thân mình; và có vẻ thiên vị cho tôi đấy.”
“Tôi chỉ nói sự thật”, Yaroslav nồng nhiệt đáp. “Tôi không bằng một góc của anh.”
“Ôi chao ơi!”
“Tôi nói thật mà.”

Vài phút im lặng.
“Nhờ lời khuyên của anh, tôi đã xa lánh đám bạn lăng nhăng và thay đổi tư tưởng của mình,” Yaroslav xúc động nói tiếp. “Bây giờ tôi tiêu khiển phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình ở nhà, còn buổi tối tôi đọc sách để mở mang kiến thức, và - thật ra, tôi đang có một ước nguyện, Vassilii Michaelovitch à; đó là, được phục vụ tổ quốc của mình.”
“Tôi luôn nghĩ anh là một công dân tốt, Yaroslav Ilyitch.”
“Ôi, anh lại khuyến khích tôi nữa rồi!” Và Yaroslav siết chặt tay bạn mình tha thiết hơn bao giờ hết.

“Mà sao anh không uống chút rượu nào vậy?” Yaroslav hỏi khi đã bớt xúc động.
“Tôi không uống được; tôi không được khỏe lắm.”
“Anh không khỏe à? Nghĩ mà xem! Anh bị ốm lâu chưa? Anh có muốn tôi giới thiệu cho anh một bác sĩ thật đáng tin cậy không? Tôi sẽ đi mời ông ta ngay bây giờ cho anh. Ông này giỏi lắm.” Yaroslav Ilyitch nói chưa dứt câu đã với tay cầm chiếc mũ.

“Cám ơn anh, nhưng tôi không thích bất kỳ sự quan trọng hóa nào, và tôi từ bé đã không tin bác sĩ.”

“Sao anh lại nói thế?” Yaroslav phản đối. “Tôi xin lập lại là ông bác sĩ này rất giỏi. Cách đây không lâu (nếu anh không khó chịu với câu chuyện của tôi, Vassilii thân mến?) có người thợ rèn nghèo khó tìm đến nhờ ông chữa bệnh. Người thợ rèn nói với bác sĩ, ‘Tôi đã đâm một dụng cụ xuyên qua bàn tay mình. Xin ông chữa cho tôi’. Lúc đó, Sinmon Pafnutich - ngay lập tức nhận ra người thợ rèn bất hạnh đang cận kề mối nguy hiểm của vết thương hoại tử - nên quyết định cắt nguyên cánh tay, và thực hiện ca mổ trước sự hiện diện của tôi. Ông ra tay quá tuyệt vời, quá kỳ diệu, làm tôi quên khuấy lòng thương xót người bệnh, chỉ cảm thấy thán phục sự đơn giản nhưng ấn tượng quá mạnh mẽ từ ngón nghề của ông… Anh bị ốm khi nào và ở đâu?”

“Lúc tôi dọn nhà. Tôi vừa bình phục sau khi ốm liệt giường.”

“Như vậy anh chưa khỏe hẳn đâu, và không nên đi ra ngoài như thế này! Anh không còn ở chỗ cũ à? Sao vậy?”

“Vì bà chủ nhà của tôi phải rời St. Petersburg.”

“Bà Savishna? Thật vậy sao? Một người đàn bà tốt bụng và tuyệt vời! Anh biết không, tôi rất nể người phụ nữ hiếu thảo ấy. Trong tuổi già của bà ấy có nét gì đó thật cao quý, thật cổ điển! Nhìn bà, ta thấy được biểu hiện của tuổi xế chiều trong đời người, có thể nói, của cái gì đó… à, rất nên thơ.” Yaroslav gần như hét lên khi nói hết câu, và mặt anh ta đỏ bừng lên vì bối rối.

“Vâng, bà ta quả là người tốt.”
“Nhưng anh đang sống ở đâu, nếu tôi được phép biết?”
“Gần đây thôi - ở toà nhà Korschmarov.”
“Ô, tôi biết rồi. Korschmarov là một ông già lịch sự. Tôi cũng dám nói rằng tôi thân với ông ta. Chúc sức khỏe đến quý ông tốt bụng đấy!” Cặp môi của Yaroslav Ilyitch run run vì xúc động. Rồi anh ta kêu thêm một chai rượu Vodka và một tẩu thuốc.

“Chắc anh không ở trọ?” anh ta hỏi tiếp. “Mà anh có một căn phòng riêng?”
“ Không, tôi ở trọ.”
“Vậy anh mướn nhà ai? Biết đâu tôi cũng quen chủ nhà?”
“Tôi trọ nhà Murin, một nhà tiểu tư sản - nói chính xác hơn là một người đàn ông đứng tuổi lịch duyệt.”
“Murin, Murin? Ông ta ở dãy nhà phiá sau, ngay phía trên phòng của ông thợ đóng quan tài phải không?”
“Đúng thế.”
“Hừm! Ở đấy anh có thoải mái không?”
“Tôi chưa biết nên nói sao. Tôi vừa mới dọn vào mà.”
“Hừm! Ôi, tôi biết nói gì ngoài một tiếng ‘hừm’! Anh không nhận ra điều gì khác thường về ông chủ nhà à?”
“Lạy Chúa tôi! Ý anh là sao?”
“Chỉ cần anh bình an vô sự nơi ấy và hài lòng với phòng trọ của anh là tốt rồi… Nói thật với anh, tôi đã toan nói về điều hơi khác, để anh lưu ý - nhưng tôi hiểu tính của anh… Anh nghĩ sao về ông già ấy?”
“Ông ta có vẻ không được khỏe lắm.”
“Đúng thế, sức khỏe ông ta không tốt . Nhưng anh có nhận ra điều gì khác nữa không? Anh có từng nói chuyện với ông ta chưa?”
“Chỉ mới nói vài câu. Tôi bị chặn đứng lại trước thái độ lãnh đạm và ngạo mạn của ông ta.”
“Hừm!” Yaroslav Ilyitch trầm ngâm.

“Ông ta rất xui xẻo,” Yaroslav nói tiếp sau một lúc im lặng.
“Vậy à?”
“Vâng, ông ta rất xui xẻo, tính ông ta rất đặc biệt và lạ lùng ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, ông ta không làm khó anh, tôi xin anh tha lỗi vì đã lôi kéo anh chú ý chuyện này. Mặc dù tôi ước tôi có thể biết…”

“Anh đã khơi dậy tính tò mò của tôi rồi đấy. Kể cho tôi nghe về ông ta nào. Vì tôi ở dưới một mái nhà với ông ta, đề tài ấy đương nhiên lôi cuốn tôi.”

“Ồ, người ta nói rằng ông ta đã từng rất giàu có. Ông ta (như anh có thể cũng đã nghe nói) trước kia là một thương gia, chẳng may một loạt tàu của ông cùng tất cả hàng hóa đã bị chìm trong một cơn bão. Ngoài ra, một nhà máy của ông do một người thân quản lý đã bị cháy rụi, và người đó đã thiệt mạng trong hỏa hoạn. Thế có phải họa vô đơn chí không chứ! Từ đó trở đi, (người ta nói thế) Murin chìm trong nỗi u uất. Lúc đầu, người ta e ngại ông ta đánh mất lý trí; và, đúng là, sau một cuộc tranh cãi với một thương gia khác là chủ của những chiếc tàu trên sông Volga, tâm thần Murin bùng nổ, và kể từ đó, mọi việc ông ta làm đều bị người ta cho là điên loạn. Bản thân tôi tin vào câu chuyện, vì tôi đã nghe kể nhiều về hành động kỳ lạ của ông ta. Sau cùng, ông ta còn phải gánh một nỗi bất hạnh khác nữa - một tai họa không biết giải thích thế nào khác hơn là trò đùa độc ác của số phận.”

“Đó là chuyện gì?”

“Trong cơn điên loạn cực độ, ông ta đã gây thương tích trầm trọng cho một thương gia trẻ tuổi mà ông ta vốn luôn quý mến; và khi tỉnh lại, ông ta sửng sốt vì hành động của mình đến nỗi muốn tự tử. Đó chính là những gì tôi được nghe kể lại, và tôi được nghe chuyện về ông ta từ nhiều nguồn. Tuy nhiên, người ta nói rằng, những năm gần đây, ông ta làm một con chiên sám hối... Nhưng có chuyện gì vậy Vassilii Michaelovitch? Câu chuyện của tôi có làm anh chán không?”

“Không, không! Ngược lại là đằng khác! Mời anh kể tiếp, mời anh kể tiếp! Anh nói rằng ông ta làm một con chiên sám hối à? Chắc chắn ông ta không phải là nhân vật chính duy nhất trong tấn bi kịch mà anh kể, phải không?”

“Tôi không biết. Tôi chỉ nghe người ta nói rằng không ai khác dính líu vào vụ này cả. Nhưng tôi đã nói cho anh biết hết những gì tôi biết về ông ta, trừ một điều...”
“Điều gì thế?”
“Ô, tôi biết rằng, ít nhất... Nhưng không, tôi không biết gì hơn. Tôi chỉ muốn báo trước với anh, nếu có khi nào anh nhận thấy bất kỳ cái gì kỳ lạ ở ông ta, bất kỳ cái gì khác thường, anh nên biết đó là vì ông ta chịu quá nhiều nỗi bất hạnh trong đời.”

“Sau đó ông ta rất mộ đạo - trở thành người cuồng tín?”
“Vâng, tôi nghĩ thế. Nhưng hãy nhìn vào những đau khổ ông ta phải gánh chịu! Riêng tôi, tôi tin rằng ông ta, từ thâm tâm, là một người tốt.”
“Hiện nay ông ta không bị điên chứ? Ông ta hoàn toàn tỉnh táo chứ?”
“Chắc chắn rồi. Tôi bảo đảm như thế. Tôi thậm chí dám khẳng định rằng ông ta sử dụng năng lực của bản thân rất đầy đủ. Chỉ có điều, như anh đã nhận xét rất đúng, ông ta rất lạ lùng và cuồng tín. Hơn nữa, ông ta là người hiểu biết nhiều, có thể lý luận hay, trôi chảy, và đúng vào vấn đề. Nhưng thật lạ lùng khi ông ta rất am tường về sách. Cuộc đời ba chìm bảy nổi đã in hằn dấu vết lên gương mặt ông ta.”

“Ông ta đọc rất nhiều sách về tôn giáo, theo tôi hiểu?”
“Vâng. Anh biết không, ông ta là một nhà ngoại cảm.”
“Một nhà gì?”
“Một nhà ngoại cảm. Điều ấy tôi nói riêng với anh thôi nhé, và cũng kể anh nghe thêm, suốt một thời gian dài trước đây, ông ta bị nhìn với con mắt nghi ngờ, vì ông ta tạo sức ảnh hưởng rất mạnh lên những người tìm đến ông ta để hỏi xin ý kiến.”
“Sức ảnh hưởng thế nào?”

“À, tin hay không tùy anh. Nhưng tôi sẽ cho một ví dụ về điều tôi muốn nói. Cách đây vài năm, trước khi ông ta dọn đến khu phố này, một ngày nọ, có hai người khách đến thăm ông ta. Một người tên Alexander Ignatievitch gì đó (là một nhà quý tộc với danh giá và địa vị cao, được thiên hạ trọng vọng), còn người kia là một trung úy. Họ tìm đến ông ta chỉ vì tò mò. Alexander gõ cửa, Murin mở cửa, đứng nhìn trân trân các vị khách của mình một cách kỳ lạ. Ông ta luôn có thói quen, hễ có ý lịch sự, ông ta sẽ nhìn thẳng vào mặt khách, còn nếu không, ông ta chỉ việc tống cổ họ đi cho khuất mắt. Sau một hồi im lặng, Murin thô lỗ lên tiếng: ‘Các ông muốn gì ở tôi, thưa quý ông?’ Alexander đáp, ‘Với pháp thuật của mình, ông phải biết chúng tôi đến để hỏi xin ý kiến ông.’ Murin trả lời không chút do dự với hai người khách đang đến để xin lời khuyên của mình, ‘Thế thì mời theo tôi vào phòng.’ Cho đến nay, dù chưa bao giờ Alexander kể với tôi chính xác cái gì đã diễn ra trong phòng ấy, nhưng tôi được biết rõ rằng, khi quay ra, sắc mặt ông ấy trắng bệch như thạch cao. Điều tương tự cũng từng xảy ra với một quý bà có địa vị cao trong xã hội. Bà cũng quay ra với bộ mặt như không còn giọt máu nào, và lại ướt nhòe nước mắt. Trông bà có vẻ vừa thán phục tài hùng biện của người đàn ông, vừa khiếp sợ những lời tiên đoán của ông ta.”

“Lạ nhỉ! Nhưng hiện giờ ông ta không làm những việc ấy nữa, đúng không?”
“Đúng, người ta ngăn không cho ông ấy làm nữa. Tôi cũng có vài ví dụ ly kỳ khác nữa. Chẳng hạn, có lần, một thiếu úy trẻ, là quý tử duy nhất trong một dòng dõi danh gia vọng tộc, đã cười nhạo Murin. Ông ta giận dữ hỏi, ‘Ông cười gì? Ông có biết rằng, trong ba ngày nữa, ông sẽ trở thành thế nào không?’ Khoanh tay trước ngực, ông ta ra dấu cho chàng thiếu úy biết rằng chàng ta sẽ trở thành một xác chết.”
“Thật vậy sao?”
“Vâng. Tôi khó biết có nên tin điều ấy không, nhưng tôi nghe kể rằng lời tiên đoán đã thành sự thật. Vâng, đó cũng là một cái tài của ông Murin ấy. Anh cười rồi đấy! Phải, dĩ nhiên anh thông minh hơn tôi nhiều, nhưng tôi tin Murin, và tôi chắc rằng ông ta chẳng phải loại thầy bói tào lao. Bản thân Pushkin cũng có kể lại câu chuyện tương tự như thế.”

“Hừm! Tôi không muốn tranh luận điều này với anh… Anh nói rằng ông ta sống một mình?”
“Ồ, tôi không biết rõ lắm. Thật ra, tôi… ơ… nghĩ rằng ông ta sống với một cô con gái.”
“Con gái?”
“Vâng, hoặc, có lẽ, một cô vợ. Nghĩa là thật ra có một phụ nữ ở với ông ta. Tôi đã nói chuyện với cô ấy rồi, nhưng khi đó tôi không để ý cô ấy lắm.”
“Chà, lạ quá!”

Ordinov mơ màng trầm tư, và Yaroslav cũng chìm đắm trong suy tưởng. Yaroslav vui vì gặp lại bạn, và vì đã kể được cho bạn mình nghe những câu chuyện hấp dẫn. Vì thế, anh đắc chí ngồi rít tẩu thuốc và ngắm người bạn yêu quý của mình. Nhưng bỗng nhiên, anh nhỏm dậy, mặt ra vẻ sửng sốt.
“Hả? Mới đó đã một tiếng rồi sao?” anh thốt lên. “Chết thật, tôi quên cuộc hẹn của mình rồi! Vassilii Michaelovitch quý mến, dù tôi biết ơn duyên số đã cho mình gặp lại nhau hôm nay, tôi phải chạy biến đi ngay bây giờ đây. Cho phép tôi có dịp đến thăm anh ở phòng trọ của anh nhé.”
“Tôi rất mong anh đến. Tôi sẽ rất vui được đón tiếp anh. Tôi cũng sẽ đi thăm lại anh, khi có thời gian.”
“Vậy thì tôi trông mong được gặp lại anh đấy nhé; và mong anh sẽ tiếp đón tôi thật chu đáo. Anh không tưởng tượng nổi hôm nay anh đã mang lại niềm vui thế nào cho tôi đâu!”

Ra khỏi quán, họ gặp Sergiev đang chạy vội đến và liến thoắng giải thích rằng Ngài Emelienovitch đã sẵn sàng đến gặp Yaroslav Ilyitch ngay lập tức.

Cùng lúc, một chiếc xe ngựa được đưa tới, với hai chú ngựa lanh lợi. Bắt tay “một trong những người bạn tốt nhất” của mình, nhấc lấy nón, Yaroslav Ilyitch tót lên xe để đi đến cuộc hẹn.

Nhưng, ngồi trên xe, anh hai lần quay lại chào Ordinov và ra dấu với bạn mình.

Về phần Ordinov, anh thấy mệt rã rời (đồng thời cả tinh thần lẫn thể xác anh đều nhẹ nhõm hơn), mệt đến nỗi anh chỉ còn đủ sức lết chân trên đường, và phải khó nhọc lắm mới về lại đến nơi ở trọ. Ở cổng sân, một lần nữa, anh gặp người gác cổng, sáng nay đã trông thấy Ordinov đi với Yaroslav Ilyitch. Gã người Tartar tỏ ý muốn nói chuyện với người khách trọ, nhưng Ordinov cứ thế đi tiếp, không ngó gì đến gã gác cổng.

Ở cầu thang, anh đâm sầm vào một người đàn ông nhỏ thó tóc hoa râm vừa bước ra từ phòng của Murin với ánh mắt dán xuống đất.
“Ồ, xin lỗi ông!” người đàn ông nhỏ thó thốt lên, bật nẩy người vào tường cứ như có lò xo gắn trên lưng ông ta.
“Tôi có làm ông đau không?” Ordinov hỏi.
“Ồ không! Nhưng tôi xin cúi đầu tạ ơn ông vì đã quan tâm… Ôi Chúa ơi, Chúa ơi!” Và người đàn ông nhỏ thó bước loạng choạng, thở hổn hển, lầm rầm cầu nguyện trong lúc xuống lầu. Đó là người chủ tòa nhà mà gã gác cổng đã tỏ vẻ rất kính sợ. Khi ông ta đi khuất rồi, Ordinov mới nhớ ra rằng trước đây anh đã từng một lần gặp ông ta kể từ khi dọn vào nhà Murin. Anh thấy bực bội và bứt rứt; nhưng, biết rằng khả năng tưởng tượng và nhạy cảm của anh sắp đạt đến điểm cực đại, anh quyết định nghỉ ngơi chút. Anh dần lịm đi. Anh thấy nặng người, thấy như trái tim đau buốt của mình đã ngập chìm trong nước mắt.

Nằm vật lên giường (anh nhận thấy chăn gối đã được xếp ngay ngắn trong lúc mình đi vắng), anh lắng tai nghe. Hơi thở của hai người văng vẳng bên tai anh - một tiếng thở sâu, hổn hển, và rối loạn, còn tiếng thở kia nhè nhẹ, nhưng bị ngắt quãng, dường như chủ nhân của hơi thở đó rất phiền muộn, dường như hơi thở đó phát ra từ một trái tim cùng nhịp đập và cùng niềm đam mê với trái tim kia. Thỉnh thoảng, cũng có tiếng sột soạt của quần áo và những bước chân khẽ khàng - những âm thanh đã đánh thức nơi trái tim Ordinov một tiếng vọng ngọt ngào nhưng thê lương. Cuối cùng, anh nghe, hoặc nghĩ rằng mình nghe, tiếng thổn thức, tiếng thở dài và tiếng lầm rầm cầu nguyện. Hình ảnh người con gái liền hiện đến trong mắt anh - cảnh cô quỳ trước bức tượng, hai tay chắp lại và cánh tay giơ cao… Cô là ai? Cô đang cầu nguyện cho ai? Cô đã dâng trái tim mình cho niềm đam mê bất diệt nào? Tại sao trái tim ấy là một nguồn nước mắt không bao giờ cạn như thế?

Những lời cô từng nói với anh trở lại bên tai anh như tiếng nhạc; và mỗi lời cô nói, anh tha thiết nhớ lại, nhắc lại, tim rộn ràng những nhịp đập mãnh liệt … Nhưng, khoan đã! Chẳng phải tất cả chỉ là một giấc mơ?... Cảnh cuối cùng giữa cô ấy và anh lại hiện về trong anh; như đoạn phim chiếu lại trong tâm tưởng. Một lần nữa, anh trông thấy Katherine và gương mặt sầu muộn của cô. Một lần nữa, anh cảm nhận hơi thở nồng ấm của cô quấn quýt đôi môi anh. Và những nụ hôn của cô!

Nhắm mắt, anh chìm vào giấc ngủ mơ màng. Xa xa có tiếng đồng hồ gõ kính coong. Màn chiều buông và đêm đang về… Bất thình lình, nửa mơ nửa tỉnh, anh như thấy cô cúi xuống, nhìn anh bằng đôi mắt tuyệt đẹp, ngời sáng - đôi mắt đang lóng lánh những giọt nước mắt vui mừng - đôi mắt trong veo và dịu dàng như nền trời xanh biếc của một buổi trưa giữa mùa hạ tươi đẹp. Nét mặt cô rạng rỡ, nụ cười tràn ngập niềm hân hoan, cô tựa vào vai Ordinov với một vẻ buông lơi ngây thơ, nhưng say đắm, khiến Ordinov quá ngất ngây đến phải bật lên một tiếng rên. Cô nói với anh, thì thầm những lời dịu dàng, mãi đến khi anh nghe như tiếng nhạc đang làm xao xuyến trái tim mình. Anh đắm chìm trong bầu không khí ấm áp tràn ngập làn hương mê đắm tỏa ra từ hơi thở nồng nàn của cô; anh vươn tay, thở dài, rồi mở choàng đôi mắt …

Vâng, cô đang hiện diện ! Cô nghiêng người cúi xuống, mắt ướt đẫm lệ, run rẩy vì xúc động, xanh mướt vì sợ hãi! Cô đang thầm thì với anh, van nài anh điều gì đó vì cô chắp tay khẩn thiết và vuốt ve anh với đôi cánh tay trần! Anh ôm siết lấy cô, kéo cô vào lòng, và cô run run ngã vào ngực anh!



(còn tiếp)

Lòng Như Gió
01-19-2012, 07:58 AM
Cô chủ nhà
Kỳ 13


PHẦN II

I.

“Có chuyện gì thế? Điều gì đã làm em sợ như thế?” anh hỏi, lúc này anh đã hoàn toàn tỉnh táo lại, tha thiết ôm ghì cô vào lòng. “Điều gì làm em đau đớn thế, Katherine? Điều gì làm em phiền não vậy, em yêu?”
Cô vẫn thút thít khóc, mắt nhìn xuống, mặt vùi vào ngực anh. Một hồi lâu cô mới lên tiếng, run lẩy bẩy trong nỗi sợ hãi.
“Em không biết,” cuối cùng cô nghẹn ngào trả lời. “Em không biết,”cô nhắc lại bằng giọng thì thào không nên lời. “Em thậm chí không biết làm sao em lại ở đây trong phòng anh.”
Vừa nói, cô vừa níu chặt lấy anh, và, như bị một ma lực nào đó điều khiển, cô hôn lên đôi vai, bàn tay, và ngực anh. Rồi, với vẻ chới với tuyệt vọng, cô ngồi thụp xuống sàn nhà trước mặt anh, hai tay ôm lấy mặt, và gục đầu vào hai đầu gối của anh.
Anh vội vàng nâng cô lên, đặt cô ngồi bên cạnh mình, nhưng sắc mặt cô đỏ bừng e thẹn, ánh mắt thầm cầu xin anh đừng nhìn mình. Cô gượng cười - nhưng đó là một nụ cười lộ vẻ thất vọng đến cùng cực. Dường như bao nỗi kinh hoàng đang quay về với cô, và cô e dè nhìn Ordinov, bồn chồn né tránh ánh mắt đắm đuối của anh, trả lời những câu hỏi của anh bằng giọng thì thầm và đầu cúi gằm.

“Có lẽ em đã gặp ác mộng?” Ordinov hỏi. “Những giấc mơ đang đeo đuổi em phải không? Hay có lẽ ông ta lại làm em hoảng sợ? Ông ta lại bị động kinh nữa à? Ông ta đang hôn mê? Có lẽ ông ta lại nói em nghe những điều em không nên nghe? Có phải vậy không?”
“Không ạ. Em không mơ,” Katherine trả lời, khó nhọc kiềm chế cơn xúc động của mình. “Thật ra, em đâu ngủ được. Ông ta cũng chẳng nói gì với em cả. Ông ta đi ngủ từ lâu rồi. Đúng vậy, ông ta có gọi em một lần, và em chạy lại, nhưng ông ta lại ngủ thiếp đi ngay. Em nói chuyện với ông ta, nhưng chẳng nghe trả lời. Ông ta thậm chí không nghe em nói. Cơn động kinh tối qua khủng khiếp quá! Xin Chúa ban phúc cho ông ta!... Có một nỗi thống khổ cay đắng trong tim em! Em đã cầu nguyện - vâng, em cầu nguyện từ bao lâu nay rồi!”
“Katherine, em yêu dấu!... Nhưng lúc này em không khiếp sợ như tối qua?”
“Không, lần này khác, anh ạ.”
“Vậy chuyện gì đã xảy ra?
“Nó đã xảy ra.”

Katherine rùng mình, rồi lại níu lấy Ordinov như một đứa trẻ.
“Anh nghe nè,” cô bỗng ngừng khóc rồi nói tiếp. “Em có một lý do chính đáng khi không mong ở đấy một mình… Đừng đau lòng nữa; đừng khóc cho nỗi bất hạnh của người khác nữa. Hãy đế dành nước mắt mà khóc cho những ngày buồn của chính anh, khi anh lẻ loi, u sầu, khi bên anh không có ai để sớt chia nỗi buồn… Anh nè, anh có người yêu chứ?”
“Chưa, em ạ. Em là người yêu dấu đầu đời của anh.”
“Em? Anh gọi em là người yêu dấu của anh?”

Gương mặt cô rất đỗi ngạc nhiên. Cô sắp sửa nói tiếp điều gì đấy, nhưng chợt ghìm lại, và nhìn xuống. Và rồi, mặt cô đỏ ửng lên, mắt long lanh những giọt nước mắt thấm đẫm đôi hàng mi. Với nét mặt nửa tinh nghịch, nửa rụt rè, cô thoáng liếc Ordinov, rồi lại nhìn xuống sàn nhà.
“Không, em sẽ không bao giờ là người yêu đầu tiên của anh,” cô nói. “Không, không!” cô dứt khoát nhắc lại, với nụ cười héo hắt trên môi, “Không, không!” cô nhắc lại lần nữa, và phá lên cười. “Anh yêu quý, em không bao giờ có thể là người yêu của anh.”

Nhưng khi cô ngửng lên, rõ ràng phút tươi vui ngắn ngủi đã chuyển thành một nỗi tuyệt vọng cùng cực - nỗi tuyệt vọng quá tràn trề. Lòng Ordinov quặn lên một niềm thương xót sâu sắc (niềm thương xót vô cớ chộn rộn trong lồng ngực chỉ vì những nỗi bất hạnh mình chưa hiểu rõ), và anh nhìn cô với vẻ đau đớn khó tả.

“Anh nghe em nói nè,” cô nắm lấy đôi tay của chàng thanh niên và cố gắng nén cơn thổn thức, rồi nói. “ Nghe em nói đây; lắng nghe kỹ nhé, anh yêu. Anh phải trông chừng trái tim mình. Cứ yêu em nếu anh muốn, nhưng bằng một thứ tình cảm khác, để anh có thể tránh được nhiều nỗi bất hạnh, để anh không tạo ra một kẻ thù nguy hiểm, và để có một cô em gái chứ không phải một người yêu. Nhưng em sẽ luôn đến gặp anh nếu anh muốn, và âu yếm anh, và không bao giờ hối tiếc được quen biết anh. Anh hiểu chứ? Suốt hai ngày anh ốm, em không hề rời anh nửa bước. Xem em như một cô em gái nhé. Nếu không, chẳng có nghĩa lý gì khi em gọi anh là “ông anh”; chẳng có nghĩa lý gì khi em khóc lóc cầu xin với Đức mẹ cho anh. Anh sẽ không tìm được cô em gái nào như em đâu. Ôi! Người yêu dấu? Có phải linh hồn anh khao khát một người yêu dấu? Em có thể nói là anh kiếm đỏ mắt cũng không có được một người yêu như em đâu. Em có thể yêu anh đến thiên thu, yêu anh từ giây phút này, và yêu anh vì tâm hồn anh thanh khiết và trong sáng, và vì ngay giây phút đầu tiên trông thấy anh, em đã biết sẽ có ngày anh đến trọ trong căn nhà này, và trở thành người khách quý. Nên anh thấy tại sao em lại mời anh vào nhà khi anh mới xuất hiện. Vâng, em muốn luôn yêu quý anh, vì mỗi khi anh nhìn em, mắt anh tràn ngập tình yêu, mắt anh đã nói thay lời trái tim. Vâng, mắt anh không nói nên lời, nhưng em biết tất cả những gì diễn ra trong tim anh. Vì thế, để đáp lại tình yêu của anh, em muốn hiến dâng cuộc đời em và sự tự do của em; vì thật tuyệt vời ngay cả nếu mình làm nô lệ cho người đàn ông có một tình yêu chan chứa. Nhưng Chúa ơi! Em không còn cuộc sống riêng cho mình nữa, và em đánh mất cả tự do quý báu của mình. Hãy xem em như em gái, và hãy là anh trai của em. Hãy để em ở bên anh khi anh đau ốm hay gặp chuyện không vui; để em có quyền đến thăm anh mà không phải xấu hổ hay hối tiếc – để em được ở bên anh suốt đêm như bây giờ… Anh có nghe em nói không? Anh có thể mở lòng đón nhận em như em gái không? Anh có hiểu hết những điều em vừa nói không?

Cô dừng lại, và lặng nhìn anh. Rồi cô rã rời buông mình tựa vào ngực anh, và nức nở khóc, ngực phập phồng rối loạn. Tuy nhiên, gương mặt cô ngời sáng như ánh sao hôm.
“Em yêu dấu!” Ordinov thì thào, gần như hết hơi. “Em yêu dấu!” anh thì thào nhắc lại, lúng túng không biết nên nói gì, e ngại rằng nỗi hạnh phúc của mình sẽ tan thành mây khói. Anh tin rằng anh đang đùa với ảo tưởng. Mọi thứ cứ nhảy múa trước mắt anh.
“Nữ hoàng của tôi” cuối cùng anh cũng thốt nên lời, “Anh không hiểu nổi em. Anh chỉ hiểu điều em vừa nói với anh. Đầu anh đang rối tung lên, còn tim anh đang buốt nhói.”
Một lần nữa, anh lại không nói nên lời. Katherine nép sát vào anh hơn, trong khi anh gượng dậy rồi thụp quỳ gối như buông mình đầu hàng. Ngực anh căng lên vì những cơn thổn thức, và giọng anh (như phát ra từ trái tim ) rung như dây đàn vỹ cầm, ngây ngất một niềm say mê và hạnh phúc bí ẩn.

“Em là ai, người yêu dấu?” anh thốt lên, cố gắng lắm mới dằn lại được tiếng khóc thổn thức. “ Em từ đâu đến, em yêu? Em từ vùng trời nào chợt bay vào thế giới của anh thế này? Chắc hẳn em đến từ những giấc mơ, vì anh không thể tin rằng em có thật. Đừng ngắt lời anh; để anh nói, nói em nghe tất cả mọi chuyện, mọi chuyện, mọi chuyện. Anh muốn nói từ lâu lắm rồi… Em là ai, em dấu yêu, em là ai? Bằng cách nào em đã tìm ra đường vào tim anh? Em đã làm ‘em gái’ của anh từ bao giờ? Kể anh nghe hết chuyện đời em nhé, kể về cuộc sống của em, và tên gọi của quê hương em, và ai là người yêu đầu đời của em, và tất cả những vui buồn của em. Phải chăng em ở một xứ sở ấm áp dưới bầu trời xanh ngăn ngắt? Ai là người khiến em lần đầu rung động? Ai là người em yêu trước khi anh xuất hiện? Ai là người đã khiến em lần đầu biết tương tư? Em có mẹ không? Mẹ có âu yếm em khi em còn bé, hay đôi mắt em, như mắt anh, chỉ thấy một mái nhà quạnh hiu? Phải chăng em từng luôn sống như em đang sống hiện nay? Em có niềm hy vọng nào cho tương lai? Em mơ ước một viễn cảnh tươi sáng nào? Có bao nhiêu niềm hy vọng của em đã trở thành sự thật, và bao nhiêu đã tan vào hư không? Hãy kể anh nghe tất cả, tất cả, tất cả. Ai là người làm cho trái tim thanh tân của em lần đầu biết đau? Em đã lần đầu dành tặng trái tim cho ai? Anh phải làm gì cho em để giành được trái tim ấy? Anh phải làm gì cho em để hoàn toàn chiếm lĩnh trái tim ấy? Nói anh nghe tất cả nhé, người yêu bé bỏng, ánh sáng của đôi mắt anh, em gái rất thân yêu của anh! Nói anh biết làm thế nào anh có thể đến với em và chạm được trái tim em…”

Một lần nữa, anh lại nghẹn lời, và gục đầu thất vọng. Đến khi ngẩng lên, anh bỗng sợ hãi đến điếng người, đến dựng cả tóc gáy.

Vì Katherine nằm cứng đờ, mặt trắng bệch, môi tím ngắt, như một xác chết, ánh mắt đờ đẫn và bất động. Cô từ từ đứng lên, đi lảo đảo một hai bước, rồi gục xuống trước bức tượng với một tiếng thét xé lòng. Môi cô mấp máy vài lời khó hiểu. Và cô ngất đi. Ordinov lật đật đỡ lấy cô, ẵm cô đặt lên giường, rồi ngồi bên cạnh, lòng hoang mang. Lát sau, cô mở mắt, khẽ nhổm người dậy, nhìn xung quanh. Cô siết lấy tay Ordinov, kéo anh lại gần cô hơn, cố gắng nói; nhưng giọng cô nghẹn ngào và nhòa tan thành tiếng khóc nức nở, những giọt nước mắt nóng hổi rơi lã chã trên bàn tay Ordinov, làm rát bỏng tay anh.

“Ôi, khủng khiếp, thật khủng khiếp!”cô quằn quại rên rỉ. “Chắc em chết mất.”
Lưỡi khô cứng, cô không nói thêm được điều gì; cô chỉ thẫn thờ nhìn Ordinov, và anh rối bời chẳng hiểu vì sao cô như thế. Khi anh cúi xuống bên cô và lắng nghe, anh nghe được giọng cô khẽ khàng nhưng rõ ràng:
“Bị mê hoặc!… Vâng, em đã bị mê hoặc! … Em bị lạc lối!”

Ordinov ngồi thẳng người, sững sờ nhìn cô. Một ý nghĩ kinh khủng lướt qua đầu anh, khiến mặt anh chợt co giật.

“Vâng, mê hoặc!” cô nói tiếp. “Người đàn ông ác độc đó đã mê hoặc em. Vâng, chính ông ta, chính ông ta đã làm hại đời em. Em đã bán linh hồn mình cho ông ta… Tại sao anh lại khơi gợi ký ức của em về mẹ em? Sao anh xuất hiện nơi này để giày vò em? Cầu xin Chúa phán xét và tha tội cho anh!” Cô lại giàn giụa nước mắt.

“Ông ta cứ nói rằng,” cô nói tiếp bằng giọng thì thào bí mật, “khi ông ta chết, ông ta sẽ trở về và bắt linh hồn tội lỗi của em đi theo. Em thuộc về ông ta - ông ta đã làm chủ linh hồn em rồi - ông ta đọc sách cho em nghe. Anh xem kìa, đó là một trong những quyển sách của ông ta. Ông ta nói rằng em đã phạm một trọng tội. Anh xem quyển ấy nhé.”
Cô trao cho anh cuốn sách mà trước đó anh không hề để ý. Đón lấy sách như một phản xạ tự nhiên, anh lật trang bìa, và nhận ra nó giống loại sách đạo chịu ảnh hưởng của trường phái Raskolniki.

Tuy nhiên, anh không chú ý quyển sách nữa; anh buông nó rơi xuống đất, và ôm lấy Katherine, cố gắng trấn an cô.
“Nào,” anh nói, “Em đã sống trong nỗi kinh hoàng, nhưng bây giờ anh đang ở bên em, nên em đừng lo sợ nữa nhé, em gái của anh, người yêu của anh, ánh sáng của đôi mắt anh!”

“Ôi, anh chẳng hiểu, anh chẳng hiểu gì cả,” cô trả lời và đan tay cô vào tay Ordinov. “Em luôn giống như vậy mà - em luôn sợ hãi. Những lúc ấy, em phải tìm sự che chở từ ông ta, và đôi khi, để an ủi em, ông ta niệm những câu thần chú, hoặc có lúc, ông ta cầm lấy quyển sách này - quyển sách lớn nhất mà ông ta có – và đọc cho em nghe. Trong ấy toàn những chuyện khủng khiếp, thê thảm. Có lúc em thậm chí không biết ông ta đang đọc về cái gì, em chẳng hiểu gì, và nỗi khiếp sợ của em càng tăng thêm. Em thấy như không phải ông ta nói, mà là một tội ác nào đấy, em có van xin lòng thương xót cũng vô ích. Khi đó, em cảm thấy có một sức nặng, một sức nặng đè lên ngực em. Khi đó, em khổ sở hơn bao giờ hết.”

“Vậy thì em đừng tìm gặp ông ta nữa. Tại sao em phải làm thế?”

“Ôi, em cũng có thể trả lời. Tại sao em lại đến gặp anh? Em chỉ biết là em phải đến thôi. Anh thấy đấy, ông ta chỉ cần bảo em ‘Cầu nguyện đi,’ và thế là em lập tức bật dậy giữa đêm khuya, và đi cầu nguyện thật lâu – vâng, cầu nguyện hàng giờ đồng hồ cùng ông ta. Nhiều khi, em buồn ngủ rũ rượi, nhưng nỗi sợ hãi giữ cho em phải thức. Những lúc đó, dường như giông bão đang ùa về để hủy diệt em, và một tai họa không lường được đang đe dọa đời em. Dường như những kẻ độc ác đang âm mưu giết em, và tất cả thánh thần đang từ chối bảo vệ em. Nên em phải tìm đến những lời cầu nguyện, lời cầu nguyện, những lời cầu nguyện bất tận, cho đến lúc chút lòng thương hại lóe lên trên gương mặt Đức Mẹ, và em trở lại giường, cảm thấy gần như mình đã chết. Đôi khi, em ngủ gục trên sàn nhà, nơi em quỳ trước bức tượng, và chính ông ta là người đầu tiên đánh thức em. Ông ta gọi em, vuốt ve em, trấn an em, và em cảm thấy khá hơn. Vâng, em lấy lại được sức mạnh khi có ông ta, và không còn sợ hãi những tội lỗi nữa. Trong con người ông ta có sức mạnh, trong lời ông ta nói có dũng khí.”

“Nhưng em sợ tội lỗi nào vậy? Tội lỗi theo kiểu nào?”

Katherine càng thêm xanh mét, Ordinov thấy cô trông giống một người bị kết án tử hình và không còn hy vọng được ân xá.

“Em sợ tội lỗi nào à?”, cô lập lại - “Anh không biết rằng em là một kẻ đáng nguyền rủa - rằng em đã giết chết một linh hồn – rằng mẹ em đã nguyền rủa em - rằng chính em đã gây ra cái chết của mẹ mình?”

Ordinov lặng lẽ choàng tay ôm cô, và cô run rẩy nép vào anh.

“Vâng, chính em đã gây ra cái chết của mẹ,” cô nói tiếp và rùng mình nhớ lại quá khứ không thể sửa chữa được. “Từ lâu rồi, em muốn tâm sự với một ai đó, nhưng luôn bị cấm không được làm thế; ông ta luôn buộc em phải giữ kín chuyện ấy, mặc dù chính những lời trách mắng, chính những cơn thịnh nộ của ông ta khiến em luôn phải khơi lại những nỗi đau của mình. Ông ta là kẻ thù không khoan nhượng của em, là kẻ giết đời em. Đêm đêm, mọi ký ức quay về trong tâm trí em, như lúc này đây. Anh lắng nghe em nhé - lắng nghe nhé! Tất cả những gì em sắp kể anh nghe đã xảy ra lâu lắm rồi - rất lâu rồi. Em thậm chí không biết chuyện đã xảy ra khi nào, chỉ luôn thấy như nó mới xảy ra hôm qua, như một giấc mơ gắn chặt vào trái tim từ đêm qua. Như anh đã biết, nỗi phiền muộn khiến thời gian trở nên vô nghĩa… Hãy siết chặt em cho gần anh hơn, gần anh hơn, rồi nghe em kể về tất cả những nỗi bất hạnh của em; và nếu anh giúp em thoát được đau khổ, giải thoát được đứa con gái đã bị chính mẹ mình nguyền rủa! Em sẽ tặng anh chính cuộc đời em.”

Ordinov cố ngắt lời cô, nhưng, cô chắp tay van xin anh, vì yêu cô, hãy để cô nói tiếp. Và rồi, bị cuốn vào cơn kích động dâng cao, cô bắt đầu kể. Đó là câu chuyện khó tin, là cuộc lang thang vẩn vơ của một tâm hồn chìm trong bão tố; nhưng với Ordinov, câu chuyện rất dễ hiểu, vì cuộc đời và những phiền muộn của cô rất tương đồng với cuộc đời và âu lo của anh. Qua từng lời cô thốt ra, anh tìm thấy kẻ thù năm xưa của chính mình - lão già trong những giấc mơ thời thơ ấu của anh, giờ đây đang đe doạ linh hồn người con gái trẻ chất phác, và làm ô uế linh hồn ấy bằng tội lỗi vô hạn.

“Vào một đêm giống như đêm nay,” cô bắt đầu câu chuyện. “Có khác chăng, là trời đêm ấy cuồng nộ hơn, lần đầu em nghe tiếng gió gầm rú xuyên qua cánh rừng dữ dội đến thế. (Hay có lẽ em cảm thấy vậy chỉ vì đêm ấy xem ra là đêm lạc lối của em?) Ngay phía dưới cửa sổ nhà em, một cây sồi rất đẹp bị gãy đổ, em từng nghe một người hành khất già kể rằng, từ thời ông còn bé, cây sồi trông đã cao và đẹp như bây giờ rồi… Vào đêm mà em đang kể (em nhớ đêm ấy rất rõ như nó mới vừa xảy ra hôm qua), đoàn tàu của bố em bị đắm trên sông; và dù đang bệnh, vừa nghe những người dân chài đến báo tin ấy, bố đã vội chạy đến xưởng, để tự mình xác định mức độ tổn thất. Vì vậy, chỉ còn lại hai mẹ con em ở nhà. Lúc đó, em đang ngủ, còn mẹ em thì khóc lóc thảm thiết. À, bây giờ em hiểu vì sao mẹ lại khóc như thế! Mẹ đang bệnh, xanh mét như tàu lá, mẹ đánh thức em dậy và bảo em chuẩn bị tiễn mẹ về thế giới bên kia… Bỗng hai mẹ con nghe tiếng gõ cửa. Em ngồi bật dậy trên giường, và mẹ em thét lên một tiếng. Len lén liếc nhìn mẹ, em cầm lấy chiếc đèn lồng, và ra sân mở cửa… Đó là ông ta! Vừa thấy ông ta, nỗi sợ hãi của em tăng gấp bội, vì – theo em nhớ - em vốn luôn sợ ông ta. Hồi đó, mái tóc ông ta chưa bạc trắng như bây giờ, hàm râu ông ta còn đen nhánh như gỗ mun, và đôi mắt ông ta rực sáng như hai đốm than đang cháy. Hơn một lần trước đây, đôi mắt ấy đã từng nhìn em với vẻ ưa thích.

‘Mẹ cô có nhà không?’ ông ta hỏi.
‘Bố cháu không có nhà,’ em trả lời trong lúc đóng cánh cửa phía sau lưng ông ta.
‘Tôi biết điều đó mà.’

“Chợt em thấy ông ta quay lại nhìn em – nhìn em, ôi, với ánh mắt rất lạ! Đó là lần đầu ông ta nhìn em như thế. Em quay lưng bước về hướng vào nhà, nhưng ông ta cứ đứng yên.

‘Sao chú không vào?’ em hỏi.
‘Vì tôi vừa nảy ra một ý nghĩ.’

“Nhưng ngay sau đó, ông ta đổi ý, và vào nhà.

‘Sao cô lại nói với tôi là bố không có nhà, trong khi tôi hỏi mẹ cô?’

“Em không trả lời. Mẹ em khó nhọc tiến về phía ông ta, nhưng ông ta hầu như không nhận thấy mẹ. Em trông thấy cảnh ấy rất rõ, em cũng thấy rằng ông ta ướt mèm và lạnh run, vì bão đã theo chân ông ta trên suốt hai mươi dặm đường. Ông ta đến từ đâu, và ông ta sống ở đâu? Cả em và mẹ đều không biết. Phải chín tuần lễ rồi, mẹ con em mới gặp lại ông ta. Ném phịch chiếc nón và găng tay xuống, ông ta chẳng thèm cầu nguyện trước tượng thờ, cũng chẳng chào hỏi hai mẹ con em mà đã tự nhiên ngồi vào trước lò sưởi.”

Kể đến đây, Katherine đưa bàn tay lên che mắt, như để tránh phải nhìn một cảnh tượng đau lòng nào đấy. Sau đó, cô lại ngẩng đầu lên, và tiếp tục câu chuyện.

“Ông ta bắt đầu nói chuyện với mẹ em bằng tiếng Tartar – một thứ tiếng em không hiểu được. Theo thông lệ, em bị đuổi ra khỏi phòng mỗi khi ông ta đến, nhưng vào đêm ấy, mẹ em không dám thốt lên nửa lời, ngay cả nói với con gái mình. Và em – với tâm hồn đã rơi vào cạm bẫy của linh hồn ô trọc – chợt tìm thấy một niềm vui thích xấu xa trước vẻ lúng túng của mẹ. Em thấy bọn họ đang nhìn em, nói về em, và mẹ em đang khóc. Bất thình lình, em thấy ông ta rút ra con dao (đó chẳng phải lần đầu ông ta đe dọa mẹ em như thế). Em liền nhào tới, ôm chặt lấy bụng ông ta, cố giằng lấy thứ vũ khí kia. Ông ta nghiến răng, vùng vẫy để đẩy em ra và để thụi được vào ngực em, nhưng vẫn bị em níu chặt. Em nghĩ rằng phút cuối đời của mình đây rồi, vì em nhắm mắt, và dần gục ngã xuống sàn nhà; tuy vậy, em không kêu gào lấy một tiếng. Cuối cùng, em thấy ông ta cởi dây thắt lưng, vạch áo. Rồi, đưa em con dao, chĩa dao vào bộ ngực trần của ông ta, và nói: ‘Tấn công đi, vì tôi đã hành hung cô. Trả thù đi, người đẹp kiêu sa của tôi. Tôi sẽ không kháng cự nữa.’ Nhưng em cầm con dao, và ném nó đi – với mắt nhìn xuống, nhưng một nụ cười hé nở trên môi. Không những thế, bắt gặp gương mặt buồn bã của mẹ, em còn giương mắt nhìn mẹ như thách thức, môi vẫn nở một nụ cười táo tợn. Sắc mặt mẹ em trở nên tái mét như xác chết.”

Ordinov say sưa lắng nghe câu chuyện kể khá rời rạc này. Vẻ sống động của hồi ức đang dần giúp Katherine trấn tĩnh lại. Như cơn sóng biển, nỗi đau trong hiện tại của cô đã tan biến trước những niềm đau hiện về từ quá khứ.

“Ông ta lại đội nón lên đầu, nhưng không chào mẹ con em. Một lần nữa, em cầm đèn, để ngăn không cho mẹ tiễn ông ta ra ngoài (mẹ đang bệnh nặng, nhưng em biết mẹ muốn cố gắng làm thế), và, không nói một lời, em đi cùng ông ta ra đến cửa sân. Em vừa mở cửa và lùa chó vào, ông ta bỗng nhấc nón, và cúi đầu thật thấp để chào em. Sau đó, ông ta rút từ trong túi ra một hộp nhỏ bọc da màu đỏ, mở hộp ra, và đưa em xem đầy những viên kim cương lấp lánh. ‘Trong thành phố,’ ông ta nói, ‘Tôi có một người yêu, và cô ấy là người mà tôi đã định tặng những châu báu này; nhưng bây giờ nó sẽ là của cô, người đẹp ạ. Hãy nhận lấy để tô điểm nhan sắc của cô, còn không thì hãy giẫm nát nó bằng đôi bàn chân cô. Hãy làm bất cứ điều gì cô thích với nó.’ Em nhận lấy số châu báu, nhưng không giẫm lên bằng bàn chân mình, vì em không muốn dành vinh dự ấy cho ông ta. Em nhận món quà vì bạo dạn, và cũng vì đang nhắm đến một ý định. Quay vào nhà, em đặt đống kim cương lên bàn trước mặt mẹ. Mẹ em lặng người trong giây lát như không biết nên nói gì. Rồi mẹ càng tái mét hơn, và hỏi:

‘Cái gì đây, Katia?’
‘Dạ đó là một ít kim cương cho mẹ. Do chú ấy mang tới. Đó là tất cả những gì con biết.’

“Nước mắt tuôn lã chã từ đôi mắt mẹ, và mẹ hổn hển những hơi thở gấp gáp. ‘Không phải cho mẹ đâu Katia! Không phải cho mẹ, đồ con gái hư! Không phải cho mẹ!’

“Mẹ thốt ra những lời ấy với giọng rất cay đắng! Dường như cả linh hồn mẹ đang khóc. Nhìn mẹ, em thoáng mong muốn gục mình dưới chân mẹ; nhưng ngay sau đó, phần xấu xa trong con người em lại lần nữa chiến thắng.

‘Cũng được,’ em nói. ‘Nếu không phải dành cho mẹ, chắc hẳn là của bố. Khi bố về, con sẽ đưa hộp này cho bố, và nói rằng, ‘Có vài thương gia đã đến đây, và đã để lại số hàng này.’

“Mẹ em càng khóc nhiều hơn – người mẹ tội nghiệp của em!
‘Mẹ sẽ nói cho bố biết những thương gia đó là ai,’ mẹ gào lên, ‘cũng sẽ nói rằng họ đến đây để buôn bán cái gì. Mẹ sẽ cho bố biết ai mới đúng là bố của mày, đồ con gái nhẫn tâm! Mày không phải con tao! Mày là con rắn độc! Đồ đáng nguyền rủa!’

“Em chỉ im lặng. Em không rơi giọt nước mắt nào, vì mọi thứ với em như đã chết. Em về phòng, và lắng nghe tiếng giông bão đến tận sáng. Trong lòng em cũng có một cơn giông tố đang cuồng nộ.

“Năm ngày trôi qua, vào chập tối, bố em trở về, trông buồn thảm và bực bội. Bố nói rằng bố ngã bệnh mấy ngày qua, nhưng bàn tay băng bó của bố nói với em rằng bố đã gặp một kẻ thù truyền kiếp.

“Vâng, em đoán bệnh của bố thật sự có nghĩa là gì, và cũng đoán biết chính xác luôn kẻ thù đó. Vâng, em hiểu tất cả. Không nói một lời nào với mẹ em - thậm chí không hỏi mẹ rằng em đang ở đâu - bố gọi những người thợ lại, tuyên bố ngưng hết công việc và chuẩn bị che chắn bão cho căn nhà. Đúng là điềm gở. Mãi đến đêm, chúng em ngồi chờ và chờ. Một lần nữa, đó là một đêm giông tố.

“Về phần mình, em về phòng, mở cửa sổ, và ngồi khóc, vì lòng em như bị thiêu đốt. Em muốn thóat khỏi căn phòng, bỏ chạy đến nơi tận cùng của thế giới, nơi vầng dương ló dạng và giông bão hình thành, vì lồng ngực non trẻ của em đang đập những nhịp bấn loạn. Bất thình lình, giữa lúc khuya khoắt (vào lúc mà có lẽ em vừa chợp mắt mơ màng, hoặc đang thả những suy nghĩ đi hoang), em nghe tiếng gõ ngoài cửa sổ, và một giọng nói vang lên: ‘Mở cửa, mở cửa!’

Nhìn ra, em thấy một người đàn ông đang leo lên cửa sổ bằng một sợi dây thừng. Em nhận ra ngay người khách không mong đợi của mình. Mở rộng cửa sổ, em cho ông ta vào; thế rồi, không cởi mũ, ông ta ngồi phịch xuống ghế, thở hổn hển gần như hết hơi, giống một người đang chạy trốn những kẻ rượt bắt dai dẳng. Em quay đi, và vì lý do nào đấy, mặt em xanh mét.

'Cha cô có nhà không?’
‘Có đấy.’
‘Còn mẹ cô?’
‘Có.’
‘Im nghe tôi nói nhé. Cô có nghe không?’
‘Vâng, tôi có nghe.’
‘Cô nghe gì?’
‘Nghe tiếng gió rít ngoài cửa sổ.’
‘Tốt! Bây giờ, cô nương xinh đẹp, cô có muốn thấy kẻ thù của cô bị sa cơ không? Nếu muốn, cô chỉ việc gọi cha cô bắt tôi. Tôi sẽ đầu hàng. Lấy sợi dây thừng kia và trói tôi lại, nếu cô muốn. Đây là cơ hội để cô trả thù.”

“Em không nói năng gì.
‘Trả lời đi!’
‘Ông muốn gì?’
‘Tôi muốn bỏ người đàn bà mà tôi không còn yêu nữa - muốn nói lời từ giã với một người yêu cũ của tôi, và sau đó dâng hồn tôi cho một người yêu mới hơn, trẻ hơn - cho cô đấy, nàng thiếu nữ yêu kiều của tôi!’

“Em cười phá lên. Chẳng biết vì sao em lại hiểu rõ ràng những lời bất chấp đạo lý của ông ta như thế?
‘Tốt lắm!’ Ông ta nói tiếp. ‘Nhưng trước hết, hãy cho tôi vào nhà để chào chủ nhà đã chứ.’

“Em run lẩy bẩy, hàm răng bắt đầu lập cập va vào nhau, nhưng em vẫn mở cửa phòng, và cho ông ta vào phía bên kia của căn nhà. Chỉ đến lúc ông ta bước qua khỏi ngưỡng cửa, em mới lấy lại bình tĩnh để nói – ‘Hãy mang đi những viên kim cương của ông, và đừng mang cho tôi những món quà như thế nữa’; rồi em liệng cho ông ta chiếc hộp nhỏ đó.



(còn tiếp)

Lòng Như Gió
01-21-2012, 05:57 AM
Cô chủ nhà
Kỳ 14


Katherine dừng lại một chút để thở. Mặc dù cô run lẩy bẩy như chiếc lá mong manh trước gió, hai gò má cô nóng bừng, đôi mắt sáng long lanh qua hàng nước mắt, và hơi thở phát thành tiếng hin hít. Sắc mặt cô lại lần nữa xanh mét, rồi cô nói tiếp, với giọng lí nhí, run rẩy, muộn phiền và đầy xúc động.

“Người khách của em đi mất dạng, chỉ còn em ở lại. Em như bị cơn bão vây bủa tứ phía. Bỗng em nghe một tiếng thét, và tiếng chân gấp rút đằng sau vườn. Em nghe những tiếng hét ầm ĩ “ Xưởng bị cháy!” Em vẫn ngồi co rúm trong góc phòng, dù tất cả mọi người đang vội vã chạy ra khỏi cửa, chỉ còn lại em và mẹ em trong căn nhà. Em biết mẹ đang hấp hối, vì đã ba ngày rồi, bà nằm bẹp trên giường, nơi số phận đã an bài cho bà trút hơi thở cuối cùng. Vâng, em biết điều đó, em thật đáng bị nguyền rủa!... Rồi lại có một tiếng thét khác - lần này ở ngay phía dưới phòng em, tiếng thét yếu ớt như tiếng mớ ngủ của một đứa bé. Rồi sự im ắng lại bao trùm... Em tắt nến. Máu trong người em như đông đặc lại, em giấu mặt vào hai bàn tay, vì không đủ can đảm để quan sát xung quanh bằng mắt mình. Bỗng có tiếng hét vang thật gần. Những người thợ từ xưởng trở về. Nhoài người ra ngoài cửa sổ, em thấy hình hài bố em đang được người ta khiêng đi trên cáng – đã chết! Em cũng nghe những người thợ kháo nhau “Ông ấy trượt chân, ngã từ trên thang xuống căn hầm. Chắc do bị ma quỷ xô xuống đây.”

“… Em nằm vật xuống giường, run rẩy - nằm đó mà chẳng biết mình chờ ai hoặc chờ gì. Em không nhớ mình đã nằm như thế bao lâu. Em chỉ nhớ rằng mình căng thẳng tột độ, đầu nhức nhối, và làn khói từ công xưởng làm mắt em cay sè. Thật ra, ý nghĩ rằng mình sắp chết khiến em thấy vui hơn. Chợt em thấy ai đó nâng đôi vai em dậy, và thấy (qua làn khói) ông ta, ông ta, trong trang phục bị cháy xém và dính đầy tro.

‘Tôi đi kiếm em, người đẹp của tôi,’ ông ta nói. ‘Hãy cứu tôi, vì chính em là người đã làm tôi vấp ngã - tôi đã đánh mất linh hồn mình cho em. Làm sao tôi có thể đền tội cho cái đêm đáng nguyền rủa này? Ví dụ như, mình cùng cầu nguyện để chuộc tội?’ Ông ta bật cười, một con người đáng sợ! ‘Chỉ cho tôi cách thoát ra khỏi căn nhà này nhé.’

“Em nắm cánh tay và dẫn ông ta qua hành lang (vì em có chìa khóa của tất cả các cửa). Đến nơi có chiếc tủ sậm màu, em chỉ cho ông ta thấy cửa sổ nhìn ra vườn. Chộp lấy em bằng đôi cánh tay mạnh mẽ, ông ta cùng em nhảy qua cửa sổ, và nắm tay nhau chạy thật lâu, đến một khu rừng rậm rạp, tối đen. Ông ta dừng lại đó giây lát để nghe ngóng.

‘Người ta đang đuổi theo chúng ta đấy, Katherine,’ ông ta nói. ‘Chúng ta đang bị đuổi bắt. Nhưng số tôi chưa chết đâu. Ôm lấy tôi đi, cô bé xinh đẹp, để tỏ lòng trân trọng hạnh phúc và tình yêu bất diệt của chúng ta.’
‘Nhưng sao tay ông dính đầy máu thế kia?’
‘Vì tôi buộc phải cắt cổ những con chó của bố em, em yêu. Chúng nó đã chào người khách còn sót lại bằng giọng sủa ầm ĩ. Ta đi thôi!’

“Bọn em lại tiếp tục chạy, đến ngã rẽ bên đường, chợt trông thấy con ngựa của bố em. Nó đã bứt được sợi dây buộc, và chạy khỏi chuồng, vì nó không muốn chết cháy.
‘Trèo lên ngưạ đi, Katia,’ người hâm mộ của em nói, ‘Chúa đã gởi cho chúng ta phuơng tiện để chạy trốn. Em không từ chối chứ? Em có sợ tôi không? Tôi không phải là người dị giáo hay vô đạo. Tôi sẽ làm dấu thánh giá nếu em muốn.’

“Ông ta làm dấu thánh giá, thấy thế, em trèo lên ngựa; và khi ông ta ôm chặt em trong lòng, em quên hết mọi sự, cứ như mình đang mơ. Khi tỉnh ra, em nhận thấy bọn em đã đến bên một con sông rộng. Leo xuống bờ sông, chúng em lao mình vào một thảm cỏ, em thấy có chiếc thuyền nhỏ mà người bạn đường của em đã giấu ở đó.
‘Giã biệt, chú ngựa can đảm,’ ông ta nói, ‘Giã biệt. Đi kiếm một người chủ mới đi nhé, vì chủ cũ của ngươi không còn nữa.’

“Em cũng chạy đến bên chú ngựa, ôm từ biệt nó. Sau đó, em cùng ông ta ngồi vào thuyền, và, người bạn đồng hành của em hối hả chèo thuyền, chẳng mấy chốc bờ sông đã xa tít tắp. Bấy giờ, ông ta ngưng chèo, nhìn xung quanh.

‘Chào Mẹ Volga!’ ông ta hét lớn. ‘Xin chào, dòng sông xinh đẹp và dữ dội của tôi - một nguồn nước vô tận mà hết thảy con cái của Thượng đế có thể uống! Thưa bà Mẹ Nuôi, bà có trông nom tài sản của con khi con đi vắng không? Tất cả hàng hoá của con nguyên vẹn chứ? Nhưng mẹ lấy đi hết tất cả đi, mẹ hung dữ, mẹ tham lam vô độ, giá như mẹ chừa lại nguyên vẹn cho con một viên ngọc vô giá… Và, còn em,’ ông ta quay sang nói với em, ‘em nói gì với tôi đi, người đẹp của tôi - chỉ vài lời thôi cũng được. Thắp sáng bóng tối trong tôi đi, vì em là mặt trời! Xua tan màn đêm của tôi đi, vì em là ánh sáng!’

“Ông ta vừa cười vừa nói, để trấn an em. Tuy nhiên, em không thể đối diện ánh mắt của ông ta, vì em xấu hổ không biết giấu mặt đi đâu, và không thể thốt ra một lời nào cả. Ông ta hiểu vì sao.
‘Vậy nha!’ ông ta nói, với giọng lúc này thật dịu dàng. ‘Tôi không nên cố ép buộc em. Xin Chúa tha tội cho tôi, em yêu - người yêu dấu xinh đẹp, kiêu sa của tôi! Em có còn ghét tôi không? Em ghê tởm tôi lắm?’

“Nghe đến đó, bỗng nhiên lòng em cuồn cuộn cảm xúc. Nhưng lần này, đó là cảm xúc của yêu thương.

‘Dù có ghét ông hay không,’ em trả lời, ‘tôi muốn hỏi ông rằng, liệu còn nơi nào khác trên thế giới này có một đứa con gái trơ trẽn, điên rồ đến mức đã cho ông vào phòng vào giữa đêm? Tôi đã bán linh hồn cho ông để nhận lấy một trọng tội. Trái tim tôi bỗng hóa điên, tôi không kiềm chế lại được. Tôi đã khóc hết nước mắt. Nhưng ông không nên hả hê trước nỗi bất hạnh của người khác, ông không nên đùa cợt với trái tim của một cô bé.’

“Em đã vô ý buột ra những lời ấy. Sau đó, em lại khóc nức nở. Ông ta im lặng nhìn em một lúc, và cặp mắt của ông ta làm em rùng mình.
‘Hãy nghe đây, người đẹp,’ ông ta trả lời - với ánh mắt sáng rực khác thường ‘Những gì tôi sắp nói với em không phải là lời nói suông. Chừng nào em còn đem lại hạnh phúc cho tôi, em sẽ là của tôi; nhưng nếu một ngày nào đó, em không còn yêu tôi nữa, đừng nói gì cả, đừng phí một lời, hãy để giữa hai chúng ta không có sự miễn cưỡng nào. Khi ấy, em chỉ cần khẽ nhíu mày, khẽ liếc mắt về hướng khác, khẽ giơ ngón tay út lên, và tôi sẽ trả lại em cả tình yêu lẫn tự do của em. Chỉ có điều, người đẹp ác liệt của tôi ạ, đó là ngày tôi chết.’

“Nghe những lời đó, em phát sởn gai ốc.”

Kể đến đây, Katherine nghẹn lời vì quá xúc động. Sau đấy, một luồng hồi ức khác cũng tràn về, cô bình tĩnh hơn và mỉm cười. Thật ra, ngay lúc đó, nếu không bắt gặp ánh mắt cháy bỏng của Ordinov, cô sẽ lại tiếp tục kể lể. Đằng này, cô run rẩy, cố gắng nói, nhưng máu dồn lên làm đỏ bừng đôi má cô, và cô đành vùi mặt vào gối, như một người mất trí. Ordinov cũng bị xúc động mạnh. Máu trong người anh như đang biến thành luồng độc dược, khiến anh càng thêm đau đớn theo mỗi lời Katherine thốt ra. Lòng anh tràn ngập nỗi phẫn uất vô hạn và nỗi cuồng si vô biên, nhưng vô ích. Thật ra, có những lúc anh những muốn van xin Katherine đừng kể nữa, anh những muốn phủ phục dưới chân cô, để xin cô trả lại anh niềm hạnh phúc của những trăn trở ban đầu, khi anh chưa biết gì về cô; để xin cô trả lại anh niềm đam mê ban đầu, tuy mơ hồ, nhưng tinh khiết; để xin cô trả lại anh những giọt nước mắt ban đầu, mà trời ơi, đã cạn từ lâu. Giờ đây, những giọt nước mắt ấy không còn chảy được nữa, anh cảm thấy máu mình đang chảy về tim với tốc độ chóng mặt, đến nỗi anh không còn hiểu Katherine đang nói gì, thậm chí bắt đầu thấy sợ cô nữa. Lúc ấy, anh thật sự nguyền rủa tình yêu của mình! Anh thấy như bị nghẹt thở, thấy như dòng máu mình đã thành một dòng chì đang nặng nề chảy qua các tĩnh mạch.

“Tuy nhiên đó không phải là điều phiền muộn lớn nhất của em,” Katherine nói khi cô lại ngửng đầu lên. “Không, không phải, không phải!” cô nhắc lại với một giọng điệu khác, mặt cau lại, và mắt ngời lên một tia lấp lánh ráo hoảnh. “Không phải, không phải, không phải! Người ta chỉ có thể có một mẹ, và em không còn người mẹ nào nữa, nhưng một người mẹ có ý nghĩa gì, hay lời nguyền rủa mà bà thốt ra trong những giờ phút đau khổ cuối đời, hay quá khứ của em, hay sự bình an trong tâm hồn, hay sự trong trắng của em, hay vẻ quyến rũ của em, hay cuộc đổi chác linh hồn của em, hay việc em phạm một trọng tội để đổi lấy một khoảnh khắc hạnh phúc? Không. Mặc dầu những điều đó đều là những nỗi dằn vặt của em, nhưng không đáng kể. Nỗi đau lớn nhất của em, nỗi đau chua xót nhất trong tim em, là nhận thấy mình là nô lệ cho nỗi hổ thẹn của chính mình, là nhận thấy rằng em yêu điều ô nhục của mình, và em ôm ấp ký ức nhơ nhớp của mình như người ta nâng niu những kỷ niệm thiêng liêng. Đó là nỗi đau lớn nhất của em - là ý nghĩ rằng trái tim mình phải bình thản, phải trơ lì không chút dằn vặt về sự độc ác của chính nó.”

Cô lại hụt hơi, và tiếng khóc thổn thức bấn loạn làm cô nghẹn lời. Đôi môi hé mở của cô khô nứt, ngực cô phập phồng rối loạn, và ánh mắt cô bừng lên một nỗi tức giận lạ kỳ. Tuy nhiên, gương mặt cô ngời ngời quyến rũ - từng đường nét đều toát ra vẻ đẹp lộng lẫy và thấm đượm một cảm xúc mãnh liệt – khiến những những ý nghĩ ủ ê của Ordinov lại một lần nữa vụt bay, và anh chỉ mong mỏi một điều, một điều duy nhất: được hòa quyện trái tim anh cùng trái tim giai nhân, quên hết tất cả khi đôi tim cùng hòa nhịp rộn ràng. Ánh mắt họ gặp nhau, và cô mỉm cười. Ngay lập tức, anh thấy mình như bị vướng giữa hai dòng nham thạch.


“Xin rủ lòng thương xót!” anh hổn hển nói. Anh kề cận sát với cô đến nỗi hơi thở của họ thật sự trộn lẫn vào nhau. “Chính em đã mê hoặc anh. Những mối ưu tư của em nằm ở đâu? Anh không biết. Anh chỉ biết tâm trí anh không còn được bình an bao giờ nữa. Hãy quên hết những âu sầu, và cho anh biết em mong ước những gì; hãy ra lệnh cho anh, và anh sẽ tuân hành. Chỉ cần em đến với anh. Đừng để anh chết khô héo nơi đây.”

Katherine nhìn anh, nhưng không trả lời. Cô muốn cố ngắt lời anh, và nắm tay anh, nhưng cô lại nghẹn lời. Lần thứ nhì, một nụ cười hiếu kỳ hé nở trên môi cô – bật thành một tiếng gần như tiếng cười.
“Ôi, nhưng em chưa kể hết cho anh nghe mà,” cô nói tiếp, cất giọng cao hơn chút. “Em còn rất nhiều điều muốn nói. Anh có muốn nghe không? Hả anh, người yêu tội nghiệp say đắm của em? Hãy nghe em gái của anh nói này, vì anh chưa hiểu hết tận cùng những nỗi ưu tư của cô ấy đâu. Em có thể kể anh nghe em đã sống với ông ta như thế nào suốt một năm trời, nhưng em sẽ không kể đâu. Đến cuối năm đó, ông ta lênh đênh sông nước cùng mấy người bạn, để lại em ở nhà với một bà cụ mà ông ta gọi là mẹ - chờ ông ta về. Một tháng, rồi hai tháng, em cứ đợi. Rồi một hôm, dạo phố, em gặp một thương gia trẻ. Vừa thấy anh ta, ký ức về những năm tháng hạnh phúc ngày xưa của em ào về.

‘Cưng ơi’ anh ấy nói, sau khi trò chuyện vài lời với em, ‘Anh là Alesha, vị hôn phu ngày xưa của em đây. Em có nhớ những người lớn đã hứa hôn cho hai đứa mình khi bọn mình còn bé không? Em nhớ không? Hay em quên rồi? Nhớ lại chút đi, vì anh ở cùng quê với em nè.’


(còn tiếp)

Lòng Như Gió
01-27-2012, 08:17 AM
Cô chủ nhà
Kỳ 15


‘Người ta nói gì về em ở quê nhà?’ Em hỏi anh ấy.
“Alesha mỉm cười. ‘Họ nói rằng em đang sống một cuộc đời hư hỏng’ anh ấy đáp, ‘rằng em đã đánh mất danh dự, đang sống với một kẻ cướp, một tướng cướp.’
‘Còn anh nói gì về em?’
“Anh ấy nhún vai.

‘Anh không thể nói tốt về em, không có gì tốt. Nhưng anh chưa hề nói xấu em điều gì cả từ lúc chúng ta chia tay… À, em đã đánh bại anh rồi! Xin em hãy mua linh hồn anh, như em đã mua linh hồn ông ta. Lấy luôn trái tim anh đi, và hãy tiêu khiển với tình yêu của anh. Anh chỉ có một mình trên đời này - giờ đây anh một mình tự lập. Linh hồn anh thuộc về mỗi mình anh. Anh không cư xử như cô gái kia - cô ấy đã xoá hết những kỷ niệm của mình. Anh chưa từng bán linh hồn mình cho ai. Vậy mà, tại sao anh lại mời em mua nhỉ, nếu hiểu rằng linh hồn không phải để bán? Không, anh sẽ tặng không cho em. Không có giá cả nào để mua bán cả.’

“Em phá lên cười. Đó không phải lần đầu, cũng không phải là lần thứ hai anh ấy đã nói với em như vậy, vì anh ấy cứ ở yên nơi ấy suốt một tháng, giống như bỏ quên hết cả công việc và bạn bè của mình. Anh ấy sống một thân một mình, cho đến một ngày, em thấy thương cho nỗi cô đơn của anh ấy.

“Cuối cùng, một buổi sáng, em nói với anh ấy - ‘Alesha, đợi em ở bờ sông tối nay nhé, và chúng mình sẽ cùng về nhà anh. Cuộc đời em đã khổ sở đủ rồi.’

“Buổi tối, em thu dọn quần áo. Lòng em vui buồn lẫn lộn. Đột nhiên, em thấy ông ta bước vào, dù khi ấy em chẳng mong đợi ông ta.
‘Chào em,’ ông ta nói. ‘Đi với tôi nhanh lên, vì giông bão đang kéo đến bờ sông, mình không còn nhiều thời gian để tháo chạy đâu.'

“Em đứng lên và đi theo ông ta, về hướng bờ sông. Thật là một đoạn đường dài đằng đẵng! Cuối cùng, bọn em thấy một chiếc thuyền nhỏ, người chèo thuyền là người em biết rất rõ. Nhìn dáng anh ấy, em biết ngay anh đang chờ một người nào đó.

‘Chào Alesha,’ ông ta nói ‘Cầu Chúa che chở anh! Có lẽ chuyện gì đã làm anh bị chậm trễ, và anh đang đợi trở lại thuyền của anh? Anh bạn tốt bụng ơi, xin hãy chở tôi và vợ tôi qua sông đến nơi gặp bạn bè của chúng tôi. Từ đây đến đó là một đoạn đường dài, mà thuyền của tôi lại ra khơi mất rồi, và thật quá xa nếu chúng tôi phải bơi qua đấy.'

‘Mời lên đây,’ Alesha nói; và cả hồn em run rẩy trước giọng nói của anh ấy. ‘Mời ngồi,’ anh ấy nói tiếp. ‘Gió đang thổi vào mọi người, nên mọi người hãy ngồi vào chiếc thuyền xinh xắn của tôi.’

“Chúng em bước vào thuyền. Trời tối đen, không trăng sao, đầy bão bùng, và sóng dâng cao ngất. Không ai nói lời nào cho đến khi bọn em đã cách xa bờ một dặm.

‘Cơn giông mạnh quá!’ Ông ta nói. ‘Đây đúng là một trận cuồng phong. Theo những gì tôi còn nhớ được, tôi chưa từng thấy cơn giông nào trên sông mạnh như thế này. Sắp thành bão lớn đây. Thuyền nặng quá, sẽ không thể chở được ba người nữa.’

‘Vâng, thuyền không thể tiếp tục chở ba người nữa. Một người trong số chúng ta là quá nhiều.’ Khi Alesha thốt lên những lời này, giọng anh rung như dây vĩ cầm.

‘Alesha, tôi biết anh từ ngày anh còn là một cậu bé. Tôi là bạn của cha anh, và anh và tôi đã cùng ăn bánh mì với muối. Vì vậy, Alesha, hãy nói tôi nghe liệu anh có thể sang được bờ bên kia mà không cần thuyền, hay anh muốn đánh mất linh hồn mà chẳng đổi lại được gì?’

‘Tôi không rời chiếc thuyền này,’ Alesha trả lời. ‘Còn ông thì sao, thưa quý ông tốt bụng? Nếu chẳng may ông phải nuốt thêm một giọt nước, điều ấy chẳng qua chỉ là một khoảnh khắc có phần nào đó kém dễ chịu mà thôi.’

‘Tôi cũng không rời chiếc thuyền này. Nước không bao giờ ủng hộ tôi. Khoan đã! Em cũng nghe chứ, Katherine yêu quý? Tôi nhớ lại một đêm giống đêm nay, chỉ khác ở chỗ sóng không lớn như thế này, và đêm ấy trăng sao tỏa sáng lấp lánh đầy trời. Tôi muốn hỏi em – em đã quên đêm ấy rồi chăng?

‘Không – tôi chưa quên,’ em trả lời.

‘Vậy liệu em cũng còn nhớ một lời giao kèo? Em có nhớ một người đàn ông đang yêu đã giải thích với một nàng thiếu nữ yêu kiều rằng, nếu có một ngày ông ấy không còn tìm thấy tình yêu trong mắt cô ấy, thì tự do của cô sẽ được trả về cho cô?’

‘Vâng, tôi cũng nhớ điều đó.’ Tuy vậy, lúc ấy, em khó biết liệu mình còn sống hay đã chết.

‘Em cũng nhớ điều đó à? Tốt! Thuyền này đang chở quá một người. Một trong hai người đàn ông chúng tôi là người phải ra đi. Vậy thì, nói đi, em yêu quý - quyết định bây giờ đi, em yêu, ai trong hai người – anh ta hay tôi – là người phải ra đi? Em chỉ cần nói một tiếng.’

‘Tôi không trả lời được.’

Katherine không kể tiếp câu chuyện được, vì ngay lúc ấy, một giọng nói từ phía sau hai người – một giọng khàn và nghẹt – gọi tên cô. Ordinov giật bắn mình. Murin đứng ở cửa – choàng áo lông, tái mét như xác chết, và trừng trừng nhìn hai người với thái độ gần như phát điên. Katherine cũng trở nên tái mét không kém, và ngồi nhìn lại Murin như muốn thôi miên ông ta.

“Về phòng tôi, Katherine,” người đàn ông bệnh hoạn nói, gần như không thành tiếng. Rồi ông ta quay lưng đi.

Katherine vẫn tiếp tục chăm chú nhìn ra cửa như thể người đàn ông vẫn còn ở đó. Rồi máu chợt ửng hồng lên đôi má xanh xao của cô, và cô khoan thai đứng dậy. Khi ấy, Ordinov nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên giữa cô với anh.

“Thôi hẹn ngày mai vậy, anh yêu,” cô nói với một nụ cười lạ lùng. “Nhớ cái khúc mà em tạm dừng nhé – nghĩa là lúc ông ta nói ‘Hãy chọn lựa giữa hai chúng tôi, em yêu. Hãy quyết định ai trong chúng tôi là người em muốn có, và ai là người em không màng.’ Anh nhớ chỗ đó, phải không anh? Anh sẽ chờ em đến tối mai nhé?”

Trong khi nói, cô đặt hai tay lên hai vai Ordinov, và âu yếm nhìn anh.

“Katherine, đừng đi – đừng về với ông ta. Ông ta bị điên.”

“Katherine!” Murin gọi lần nữa từ bên kia bức vách.

“Thì đã sao? Katherine nói, với nụ cười lạ lùng như khi nãy. “Nếu ông ta giết em thì sao? Chúc ngủ ngon nhé, anh trai trẻ tội nghiệp của em – lẽ ra em không bao giờ nên gặp anh.” Cô gục đầu vào ngực Ordinov trong giây lát, nước mắt ướt đẫm gương mặt cô.

“Đây là những giọt nước mắt cuối cùng của em,” cô thì thầm… “Giờ thì, anh yêu, hãy để những nỗi muộn phiền của anh tạm ngủ yên. Ngày mai anh sẽ đánh thức được những điều tốt đẹp hơn cho tâm tư của mình.” Khi nói những lời này, cô thắm thiết ôm chặt anh.


"Katherine, Katherine!" Ordinov vừa gào lên vừa khuỵu gối ngã quỵ và tìm cách giữ cô lại. “Katherine!”

Cô quay nhìn anh, tươi cười gật đầu với anh, trong lúc bước ra khỏi phòng. Sau đó, Ordinov nghe cô bước vào phòng của Murin, anh nín thở để lắng nghe. Murin không nói lời nào. Có lẽ ông ta lại lần nữa chìm vào mê man rồi? Dù là thế nào, Ordinov cũng không nghe được một âm thanh gì. Anh cố đứng dậy và đi sang phòng Murin, nhưng đôi chân không đỡ nổi anh, và anh lại ngất đi trên giường.


II

Một lúc lâu sau khi tỉnh dậy, Ordinov vẫn không thể tưởng tượng ra lúc ấy là mấy giờ. Bóng tối chập choạng này là màu bình minh hay hoàng hôn? Anh đã ngủ bao lâu rồi? Dù thế nào, giấc ngủ của anh thuộc loại không ngon. Anh xua bàn tay trước mặt mình, như để xua tan những ảo ảnh trong bóng tối, và cố ngồi dậy, nhưng không nhấc nổi tay chân. Anh run cầm cập vì lạnh, và đầu đau như búa bổ. Tuy nhiên, bao ký ức cũng ùa về với anh, anh rùng mình khi chợt nhớ lại chuyện của cả đêm vừa qua. Ấn tượng của anh về đêm ấy quá sâu đậm, đến nỗi anh không thể tin rằng mới đó mà đã nhiều giờ đồng hồ trôi qua rồi. Phải chăng mọi chuyện chỉ mới vừa xảy ra? Phải chăng Katherine chỉ mới vừa rời phòng anh thôi? Mắt anh ướt nhòe. Phải chăng đây là những giọt nước mắt từ đêm kinh hoàng vừa qua, hay là những giọt nước mắt hoàn toàn mới? Điều lạ lùng nhất là, giờ đây anh lại thấy vui với những nỗi đau của mình, dù anh biết rằng cơ thể yếu đuối của anh lúc này không đủ sức chịu đựng được một thử thách mới nữa. Trong một lúc, thoáng nghĩ rằng mình đang cận kề cái chết (anh quá hoang mang với những cảm tưởng của mình), anh cảm thấy tử thần sẽ là một vị khách được anh hoan nghênh. Nhưng sau đó, niềm vui sướng tràn ngập hồn anh, đến nỗi sức sống như bùng nổ từ trong anh – linh hồn anh như đang bùng cháy, đang sắp nổ tung trong ngọn lửa, rồi sẽ vĩnh viễn tắt rụi!

Anh chợt nghe tiếng hát du dương như tiếng lòng rộn rã khi người ta đang có niềm vui khó tả. Rất gần – gần như (anh cảm thấy thế) ngay trên đầu anh – giọng rõ ràng, đầy đặn của Katherine đang ngân nga một điệp khúc êm dịu. Giai điệu khi bổng, lúc trầm, rồi nhẹ dần ở một cung bậc ai oán, như thể giai điệu ấy được cất lên bằng một niềm đam mê bị kìm nén, nhưng cháy bỏng – niềm đam mê được chôn kín trong một trái tim si tình. Rồi giọng hát lại vút cao với tiếng láy lảnh lót như tiếng hót chim họa mi (biểu tượng đích thực của tình yêu bất diệt), và ngân vang một luồng giai điệu với tất cả sức sống dạt dào nơi giấc mơ tươi trẻ của tình yêu. Trong bài hát này, Ordinov có thể nhận ra những ca từ đơn sơ, mượt mà, và chan hòa vào với giai điệu một cách tuyệt vời, nhưng chính điệu nhạc kia mới là âm thanh đi vào lòng anh. Anh tự mình thay thế những câu chữ đơn giản và mộc mạc trong lời hát của Katherine bằng những lời khác, phù hợp hơn với cảm hứng sâu kín trong niềm đam mê của anh – những lời lẽ chở đầy hình ảnh của cô. Thoạt đầu, bài hát nghe như tiếng thổn thức cuối cùng của niềm si mê vô vọng. Tiếp theo, ca khúc nghe như tiếng khóc vì niềm vui phát ra từ một trái tim đã bứt tung những xiềng xích, và đang dâng mình, trong thanh thản và tự do, cho một lòng thành kính thiêng liêng. Tiếp theo, đó là câu hát về những lời yêu thương ban đầu, những e ấp đượm màu trinh nguyên, những giọt lệ long lanh, những lời thì thầm thẹn thùng và huyền bí. Cuối cùng, đó là tiếng lòng từ niềm ước muốn không thành của một nàng trinh nữ kiêu sa, vui với sức mạnh của chính mình, giang tay đón ánh mặt trời, say sưa ngắm nhìn cuộc đời phía trước.

Ordinov nóng lòng mong cho bài hát mau kết thúc. Tuy vậy, đến khi giai điệu gần tắt, anh mới ngồi dậy được.

“Đây không phải lời chào buổi sáng hay buổi trưa, anh thân yêu,” giọng nói kia tiếp tục, “mà là chào buổi chiều. Mời anh dậy và sang phòng của chúng em nhé. Mời anh sang đây để em được vui vì có anh cùng bầu bạn. Ông chủ nhà và em đang chờ anh, và đang mong muốn được phục vụ anh. Vì vậy, xin anh hãy gột rửa sạch mọi oán giận trong lòng (nếu anh vẫn cảm thấy có sự xúc phạm nào đó trong những lời công kích mà anh đã nhận được), và sang đây nói chuyện với chúng em.”

Ordinov nhỏm dậy theo lời mời gọi của Katherine – dù không biết rõ chuyện gì sắp xảy ra, dù muốn hay không, anh cũng đang đi sang phòng của ông chủ nhà. Một cánh cửa mở ra trước mắt anh, và, rõ như ban ngày, đập vào mắt anh là nụ cười trên môi nữ thần của lòng anh. Anh không nhìn thấy gì, nghe thấy gì khác ngoài cô ấy, và trái tim anh chỉ chực nổ tung vì hạnh phúc.

“Mặt trời đã mọc hai lần kể từ lần gặp trước của chúng mình,” cô nói trong lúc đưa bàn tay cho anh. “Hai buổi bình minh cũng đã ló dạng trong trái tim của một thiếu nữ. Buổi bình minh thứ nhất bao phủ gương mặt cô với màu e lệ trinh nữ, khi trái tim cô bắt đầu thức dậy; buổi bình minh thứ nhì nhuộm lên mặt cô một màu sâu lắng hơn của tình yêu chín chắn. Mời anh vào đây, người bạn thân nhất của em. Sao anh còn ngần ngại trước ngưỡng cửa? Chúng em dành cho anh lòng cảm mến và niềm vinh dự. Ông chủ nhà cũng gửi lời chào đến anh.”

Với giọng cười êm ái, cô cầm tay Ordinov, kéo anh vào. Anh bước vào với ánh mắt dán xuống đất, vì nhan sắc của cô quá rực rỡ khiến anh không dám nhìn thẳng vào cô. Sắc đẹp của cô làm say đắm lòng người hơn bao giờ hết, khi dung nhan của cô lung linh niềm vui tươi rạng ngời. Tuy vậy, bàn tay cô khẽ run khi đặt vào bàn tay anh, và, nếu anh có ngước nhìn vào mắt cô, hẳn anh sẽ thấy trong đó một nụ cười hân hoan.

“Ông cũng dậy đi chứ, thưa ông,” cô nói, cố trấn tĩnh lại. “Dậy mà chào vị khách của chúng ta. Một người khách là một người anh em, và chủ nhà nên chào đón anh ấy. Vì vậy, ông hãy chào mừng người khách của chúng ta nhé, và dành cho anh ấy tất cả tấm lòng niềm nở.”

Đến lúc này, Ordinov mới chú ý đến sự hiện diện của Murin. Trong mắt ông ta thấp thoáng một nỗi đau, và ông ta đăm đăm nhìn người khách của mình với vẻ điên tiết, thiếu thiện cảm y như hồi nào, một thái độ đã từng làm Ordinov bị tổn thương. Dù ông ta đang nằm trên giường với trang phục chỉ che nửa người, rõ ràng trong ngày ông ta đã bước ra ngoài, vì quanh cổ ông ta có quấn chiếc khăn choàng màu đỏ thắm, và chân ông ta mang giày cao cổ. Trông cũng rõ ràng là ông ta đang dần bình phục từ cơn bệnh, dù sắc mặt vẫn còn xanh xao. Katherine lại gần Murin, và, đặt một bàn tay lên bàn, cô nhìn thẳng vào mặt ông ta. Một nụ cười luôn nở trên môi cô như muốn nói rằng tất cả những gì cô đang làm đều là vì niềm vui.

“Thì ra đó là ông,” Murin nói trong lúc nhổm người dậy, rồi lại ở yên trên giường. “Thì ra là ông, người khách trọ của tôi? Tôi đã cư xử không phải với ông, thưa ông. Tôi đã vô ý xúc phạm ông, rồi còn làm trò hề với một khẩu súng lục. Nhưng ai biết đâu được ai là người bị động kinh?” Rồi ông ta nói tiếp với cái nhíu mày, và giọng khàn khàn, trong lúc lơ đãng liếc mắt sang bên cạnh. “Ông biết không, khi bệnh của tôi bộc phát, nó chẳng gõ cửa báo trước, mà cứ thế đột nhập, như một tên trộm. Mới hôm kia, tôi xém chút đã bắn một viên đạn vào tim Katherine rồi. Tóm lại, tôi không khỏe lắm, và lâu lâu bị lên cơn. Bây giờ ông biết hết rồi. Xin mời ông ngồi để tôi được hầu chuyện.”

Đến lượt Ordinov đăm đăm nhìn ông chủ nhà của mình.

“Mời ông ngồi, mời ông ngồi!” Murin vồn vã. “Mời ông ngồi, vì cô ấy muốn thế. Hai người đã trở thành anh em của nhau, theo tôi hiểu? Hai người yêu thương nhau như một đôi tình nhân, đúng không?”

Ordinov ngồi xuống.

“Bây giờ ông nhìn ‘em gái’ của ông nhé,” Murin nói tiếp, miệng cười ngoác, để lộ hai hàm răng trắng không thiếu chiếc răng nào. “Đừng căng thẳng về việc này. Ông có nghĩ rằng ‘em gái’ của ông rất xinh đẹp không, thưa quý ông đáng mến? Nói tôi nghe nào. Nhìn cô ấy cho kỹ nhé, chú ý vẻ đẹp của cô ấy. Hãy cho chúng tôi thấy rằng trái tim ông đang nhỏ máu vì cô ấy.”

Ordinov ném một cái nhìn giận dữ về phía Murin, đến nỗi ông ta phải nao núng. Cơn phẫn nộ của anh sắp đạt đến cực điểm. Nhưng một bản năng động vật mách anh rằng, dù anh không thể hiểu nổi cuộc vấn đáp này (thật ra, trí óc anh như đang tê cứng, không nghĩ được gì cả), anh đang đứng trước một kẻ thù không đội trời chung.

“Đừng! Đừng nhìn em!” giọng Katherine cất lên từ phía sau anh.

Anh quay lại.

“Đừng! Đừng nhìn em! Em van anh đấy, để những linh hồn tội lỗi sẽ không cám dỗ tư tưởng của anh. Xin anh rủ lòng thương cho người em yêu quý của anh.”

Rồi, cười phá lên, cô bỗng lao về phía trước, đặt hai bàn tay cô lên che mắt anh. Sau đó, cô bỗng nhấc tay ra, và giấu mặt cô vào hai lòng bàn tay. Tuy nhiên, chắc cô cũng biết rằng sắc hồng trên gương mặt cô vẫn hé lộ qua các kẽ ngón tay cô; vì thế, chắc cô cũng không phản đối gì khi bắt gặp ánh mắt và nụ cười của hai người đàn ông. Cả Ordinov và Murin đều im lặng nhìn cô – Ordinov với một nỗi ngạc nhiên thích thú, như thể anh đang được lần đầu chiêm ngưỡng một nhan sắc khuynh thành, còn Murin với một cái nhìn chăm chú lạnh lùng. Không biết Murin đang nghĩ gì qua vẻ mặt bình thản; nhưng môi ông ta chuyển màu xám ngoét, và bắt đầu khẽ run.


(còn tiếp)

Lòng Như Gió
01-28-2012, 02:49 AM
Cô chủ nhà
Kỳ 16


Katherine đến bên chiếc bàn, dọn sạch sách và giấy tờ trên đó, và đặt nó vào gần cửa sổ. Lúc này, cô thở nhanh và mạnh, hít sâu từng chặp, như đang bị ngộp thở, ngực phập phồng như những lớp sóng biển xô bờ. Dưới mí mắt đang nhìn xuống là đôi hàng mi sắc nét, nổi bật phía trên đôi má sáng mịn của cô.

“Công Chúa!” Murin thốt lên.

“Nữ hoàng của tôi!” Ordinov thì thầm. Tuy nhiên, ngay sau khi bật ra những lời này, anh liền tỉnh táo lại, vì nhận thấy Murin đang trút lên anh một cái nhìn đầy hiểm độc và khinh miệt. Anh cố đứng dậy, nhưng một sức mạnh nào đó đã gắn chặt bàn chân anh xuống sàn nhà, nên anh đành ngồi yên với bàn tay là hai nắm đấm. Anh không thể tin đây là cảnh có thật; anh tin rằng mình đang trải qua một cơn ác mộng, một giấc mơ nặng nề đang đè lên mí mắt anh. Kỳ lạ hơn cả, là anh không hề mong muốn tỉnh giấc.

Katherine gỡ tấm khăn trải bàn cũ kỹ, mở một chiếc rương, rồi lấy từ trong rương ra một chiếc khăn trải bàn đáng giá hơn, được thêu màu đỏ rực và vàng óng ánh. Cô lấy tấm khăn ấy trải lên bàn. Tiếp theo, từ một chiếc hộp đựng đồ trang sức có khung bằng bạc, cô rút ra ba chiếc ly rượu bằng bạc. Với một vẻ trang trọng, cô trao một chiếc ly cho Ordinov và cho Murin.

“Ai trong chúng ta,” cô nói, “không có được thiện cảm của hai người kia? Dù thế nào, người khách của chúng ta có mối thiện cảm của tôi, và anh ấy sẽ uống với tôi tối nay. Vâng, cả hai người đều là ‘anh trai’ của tôi, vì vậy chúng ta cùng uống mừng tình yêu và sự hòa thuận nhé.”

“Được, được!” Murin hào hứng hưởng ứng. “Chúng ta cùng uống nào, và để những nỗi lo âu chìm trong men rượu. Rót rượu đi, Katherine.”

“Còn anh – anh cũng muốn em rót rượu cho anh chứ?” Katherine hỏi Ordinov.

Anh đưa ly của anh ra, thay cho câu trả lời.

“Đợi chút!” Murin giơ tay và la lên. “Chúc cho người nào trong chúng ta đang ấp ủ một niềm ao ước chưa thành sẽ sống đến ngày thực hiện được ước muốn ấy!”

Họ cụng ly và uống.

“Tiếp theo, chúng mình cùng uống cho ông và tôi nhé, thưa ông,” Katherine nói với Murin. “Nếu trong sâu thẳm trái tim, ông vẫn còn chút thương yêu nào đó cho tôi, chúng ta cùng nâng ly chúc mừng. Uống mừng hạnh phúc trong quá khứ của chúng ta; uống mừng những năm tháng đã qua. Nếu ông yêu tôi, hãy để tôi rót đầy ly lần nữa.”

“Rượu của em mạnh lắm, cô bé ạ. – em chỉ nhấp môi thôi là đủ say rồi đấy,” Murin đáp lại, với một nụ cười, và ông lần nữa đưa ly của ông cho cô.

“Ít nhất, tôi cũng sẽ nếm thử rượu, nhưng còn ông – ông sẽ uống đến không còn một giọt nào trong chai. Sao phải chung sống với những tâm tư u sầu nhỉ, thưa ông? Những ý nghĩ u sầu chỉ làm con tim héo hon. Suy nghĩ chỉ gây đau khổ. Vì vậy, để sống hạnh phúc, người ta nên sống mà chẳng suy nghĩ gì cả. Uống tiếp đi, thưa ông, và nhấn chìm những lo âu.”

“Em đã quá quen thuộc với những lo âu đến độ em biết cách tốt nhất để xua tan nó hay sao? Tôi uống mừng em, Katherine, con bồ câu trắng tinh khiết của tôi! Và ông nữa, thưa ông,” Murin nói với Ordinov, “ông có (nếu tôi được phép đường đột hỏi) quen thuộc với âu lo không?”

“Nếu tôi có, tôi thích giữ nó cho mình hơn là tìm quên nó,” Ordinov khẽ đáp, mắt vẫn không rời khỏi Katherine.

“Ông có nghe không? cô nói với Murin. “Tôi cũng chỉ mới làm quen với cách tự soi lòng mình, có lúc tôi không nghĩ gì về quá khứ; nhưng bỗng có lúc tôi nhớ lại tất cả: tôi sống lại tất cả những gì đã xảy đến với mình bằng tâm hồn tham lam của tôi.”

“À, nhưng tự chúc mừng mình chỉ vì quá khứ là điều không tốt,” Murin chán nản nhận xét. “Quá khứ giống như rượu đã uống rồi. Nó chứa đựng cái gì tốt nào? Nó giống như chiếc áo khoác cũ – chỉ đáng vứt đi.”

“Nhưng nó có thể tự tái tạo,” Katherine gượng cười, trong lúc hai giọt nước mắt lớn tụ lại trên mi mắt cô vẫn chưa lăn ra khỏi mắt, lóng lánh như hai viên kim cương. “Không ai có thể sống cô độc cả đời. Trái tim của một thiếu nữ rất tươi vui – quá tươi vui đến nỗi trái tim ông không thể hòa cùng nhịp đập với nó. Ông có hiểu điều tôi nói không?... Ôi xem kìa, một giọt nước mắt của tôi đã rơi vào ly của ông!”

“Em đã bao giờ nhận được hạnh phúc – nhiều hạnh phúc – để đổi lại cho nỗi buồn hay chưa?” Ordinov hỏi với giọng run run xúc động.

“Có lẽ, thưa ông, ông có ‘nhiều hạnh phúc’ để bán chăng?” Murin xen vào. “Sao ông lại chen lời khi người ta không nói với ông?” Và ông ta nhìn anh với nụ cười chua cay, khiêu khích.

“Vâng, tôi đã nhận được chút hạnh phúc để đổi lại nỗi buồn của mình,” Katherine trả lời với vẻ không hài lòng. “Có thứ là nhiều đối với một người, nhưng lại là ít với một người khác. Một người có thể luôn muốn cho đi – và không bao giờ nhận lại, trong khi một người khác có thể chỉ muốn nhận và chẳng bao giờ cho. Ít ra anh (cô nói với Ordinov, kèm theo ánh mắt gần như gay gắt) không có quyền trách cứ tôi. Một người có thể thuộc loại này, nhưng người khác thuộc loại khác. Anh có biết ai mà cả cuộc đời chỉ toàn niềm vui?... Cạn ly đi ông – cạn ly nào! Uống mừng hạnh phúc của người rất yêu dấu của ông – người đã luôn tự nguyện làm nô lệ cho ông. Rót đầy ly và uống nữa nào.”

“Cũng được! Nhưng em cũng uống đấy à,” Murin nói trong khi ông nhận ly rượu từ cô.

“Theo ý ông. Nhưng chờ chút. Tôi muốn nói vài lời trước đã.”

Katherine tì khuỷu tay lên bàn, và nhìn thật sâu vào mắt Murin. Gương mặt cô toát lên một vẻ quyết tâm đầy hiếu kỳ. Dường như cô đang rất nôn nóng, với những động tác thô bạo và đột ngột. Không nghi ngờ gì nữa, tâm trạng cô lúc này đã thay đổi. Sắc đẹp của cô càng tỏa sáng hơn với vẻ linh hoạt này. Đôi môi cô, với nụ cười hé nở, để lộ hàm răng trắng sáng. Hơi thở gấp gáp khiến hai cánh mũi cô mở rộng và phập phồng. Hai bên thái dương của cô lấm tấm mồ hôi. Mái tóc cô – suốt nãy giờ được tết bím sau gáy – giờ đã bung ra, rối bời, ở phía tai trái của cô.

“Ông nói về tương lai cho tôi nghe với,” cô yêu cầu. “Nói tôi nghe về số phận của mình – trước khi trí tuệ của ông bị nhấn chìm trong rượu. Bàn tay tôi đây, ông có thể xem. Chẳng lẽ người ta gọi ông là nhà ngoại cảm cho vui thôi. Chẳng phải ông đã từng đọc sách, và biết mọi điều về ma thuật đó sao? Nhìn vào bàn tay tôi đây này, và nói tôi nghe những tội lỗi nào đang đe dọa đời tôi. Nhưng đừng đặt điều nhé; chỉ nói những gì ông biết thôi. Sẽ có khi nào tôi được hạnh phúc không? Sẽ có bao giờ ông tha thứ cho tôi, hay ông luôn muốn rắc đầy bất hạnh lên con đường tôi đi? Có bao giờ tôi sẽ tìm ra một chốn dung thân, hay tôi sẽ, như một người nay đây mai đó, phải sống những ngày cô đơn giữa những người tử tế, luôn mỏi mắt kiếm tìm một nơi để nghỉ ngơi? Ai yêu thương tôi? Ai căm ghét tôi? Ai sẽ làm tôi tổn thương? Có phải trái tim tôi, đang tươi trẻ và hừng hực, sẽ luôn phải héo hon trong lẻ loi? Tôi sẽ phải một mình sống những năm tháng thanh xuân, rồi sẽ lặng lẽ chết non? Có bao giờ trái tim tôi tìm được một trái tim có cùng nhịp đập tươi vui trước khi một nỗi buồn mới xuất hiện? Người yêu đích thực của tôi giờ đây đang ở góc biển chân trời nào? Chàng sẽ yêu tôi tha thiết, hay sẽ chóng chán tôi? Chàng sẽ luôn chân thành chứ?... Ông cũng hãy nói tôi nghe, ông và tôi sẽ còn ở bên nhau bao lâu nữa – nơi đây, trong cái ổ tối tăm này, giữa đống sách ma thuật của ông? Có bao giờ tôi sẽ chào ông lần cuối, chúc ông sức khỏe và bình an, rồi giã biệt ông? Có bao giờ tôi sẽ cảm ơn ông về bánh mì và muối, về thịt và nước uống, và về tất cả những câu chuyện vui ông rất thường kể tôi nghe?... Hãy chăm chú nhìn tôi, và nói tôi nghe hết sự thật. Xin ông đừng đặt điều với tôi nhé, mà hãy cho tôi thấy hết tài trí của ông.”

Vẻ hào hứng của cô dâng cao mãi đến lúc này, khi giọng cô hết hơi. Ánh mắt cô ngời sáng, nhưng môi trên của cô run rẩy. Và dù lời lẽ của cô pha chút nhạo báng, nhưng trong giọng cô cũng rưng rưng nước mắt. Cô chồm người qua bàn, nhìn thẳng vào mặt Murin, trong khi tim cô đập thình thịch.

Ordinov đau đớn hét lên, và cố đứng dậy – nhưng một lần nữa, chân anh vẫn bị chôn chặt tại chỗ trước cái liếc mắt mà Murin lướt qua anh. Trong cái liếc nhìn ấy – một cái liếc làm Ordinov run rẩy, và làm nguội nỗi cay đắng tột cùng trong cơn tức giận của anh – có pha trộn vẻ mỉa mai, khinh miệt, bất an, và chút tò mò cay nghiệt.

Khi Katherine dứt lời, Murin nở một nụ cười mỉm với vẻ nhường nhịn. Trong khi cô nói, ông không hề rời mắt khỏi cô; nhưng, giờ đây trái tim Murin vừa nhận được một đòn chí tử, giờ đây Katherine đã trút ra những lời thẳng thừng, Murin bắt đầu trả lời.

“Em nóng vội quá đấy khi muốn biết ngay lúc này, hỡi con chim nhỏ đang cố vỗ cánh và nôn nóng muốn bay. Tốt lắm. Rót cho tôi thêm một ly đầy nào, để tôi uống mừng tự do của em đã; nếu không, tôi sẽ không thể điều khiển sức mạnh ý chí của mình. Vì ma quỷ, như em biết đấy, rất mạnh, và tội lỗi cũng ở gần đâu đây thôi.”

Khi nói những lời này, Murin nâng ly, và uống cạn; nhưng càng uống, sắc mặt ông ta càng tái mét, và ánh mắt càng rực lên như hai đốm than, nên cặp mắt sáng rực trên bộ mặt tái nhợt trông như báo trước một điều gì đó. Về phần Ordinov, vì rượu quá mạnh, nên chỉ một ly cũng đã đủ làm mờ mắt anh, làm nóng bừng máu anh, và làm suy nhược sức mạnh ý chí của anh. Vì thế, anh không hiểu vì sao mình đồng ý uống ly thứ nhì – ngoại trừ lý do có thể là anh muốn tìm cách làm cho thần kinh mình vững vàng hơn. Tuy nhiên, anh vừa uống một ngụm, máu trong người anh đã chảy dồn dập hơn, và anh choáng váng đến nỗi, dù cố gắng, anh cũng không thể theo kịp những gì đang diễn ra xung quanh.

Murin dằn mạnh ly xuống bàn.

“Rót đầy nữa đi, Katherine!” ông ta hét lên. “Rót đầy vào, hỡi cô nàng bất hạnh! Rót đầy ly cho tôi, cho tới khi tử thần đến đây – tới khi ông già này chìm vào giấc ngủ thiên thu, và thế là em thoát khỏi lão ta! Còn bây giờ, ta cùng uống nhé. Sao em không uống? Em cho rằng tôi không nhận thấy em không uống à?”

Ordinov không nghe được câu trả lời của Katherine – và, hơn nữa, Murin không để cô nói hết, vì, rõ ràng là, không thể dằn lòng nữa, ông ta đã chộp lấy cánh tay cô. Gương mặt ông ta lúc này không còn một giọt máu, ánh mắt ông ta cứ từng chặp rực sáng rồi lại lờ đờ, và đôi môi run bần bật khi ông ta bắt đầu nói.

“Đưa bàn tay cho tôi nào, người đẹp bé bỏng của tôi. Đưa tay đây, Thế, tôi sẽ nói cho em biết vận mệnh của em, vì tôi đúng là một nhà ngoại cảm, như em nói. Trái tim nhỏ bé bằng vàng của em đã không lầm đường khi nó mách em biết rằng tôi là nhà tiên tri của nó, rằng tôi có thể nói sự thật, sự thật nguyên vẹn và tinh khiết. Nhưng em quên một điều. Đó là, người ta có thể nói sự thật cho một phụ nữ nghe, nhưng người ta không bao giờ có thể truyền đạt trí thông minh và sự khôn ngoan cho cô ấy. Không, trí thông minh không bao giờ thuộc về một cô gái trẻ. Cô ấy có thể nghe sự thật, nhưng cô ấy không hiểu được nó. Vì, dù trong đầu cô có thể tiềm ẩn chút xảo quyệt, nhưng trái tim cô chỉ là một nguồn nước mắt dạt dào. Cô sẽ luôn thấy mình bơ vơ, và cô len lỏi qua những bất hạnh. Vâng, một phụ nữ khôn ngoan luôn thành công – một phần nhờ sức mạnh của trực giác, và một phần nhờ sức mạnh của nhan sắc (chỉ một cái liếc mắt cũng làm say lòng người). Vâng, anh hùng không qua được ải mỹ nhân, và trái tim sắt đá cũng đầu hàng trước sắc đẹp… Liệu em sẽ biết đến đau khổ và bất hạnh? Không, vì nỗi đau khổ không dành cho trái tim yếu đuối. Nó dành cho trái tim mạnh mẽ, trái tim có thể lặng lẽ tắm mình trong dòng nước mắt bằng máu. Chủ nhân của một nỗi đau đích thực sẽ không bao giờ than thở về nó; còn nỗi buồn của em, cô bé à, chỉ là một dấu vết trên cát, mưa sẽ gột rửa, nắng sẽ làm lu mờ, và gió sẽ xóa nhòa… Liệu em sẽ bao giờ được yêu? Ít ra, em sẽ không bao giờ là nô lệ của người đàn ông yêu em. Em sẽ tước đoạt tự do của anh ta – và em sẽ không bao giờ trả nó cho anh ta. Tuy nhiên, khi em, đến lượt mình, có tìm một người tình, em sẽ không bao giờ tìm được. Em sẽ luôn thấy như em đã gieo hạt rồi ai đó đã đến gặt hái. Ngay lúc này, ôi cô bé yếu mềm, ôi đứa con bé bỏng của vầng thái dương, em đã để một giọt nước mắt rớt vào ly của tôi – và với giọt nước mắt ấy, em đã gieo hạt cho một ngàn giọt lệ tiếp theo, ngay cả trước khi lời nói kịp thoát ra khỏi môi em. À, một ngày nào đó, những giọt nước mắt ấy sẽ chảy thành dòng! Chúng sẽ chảy vào những đêm dài lê thê của nỗi tuyệt vọng, nỗi đau buồn mà em sẽ gặp, và chúng sẽ vây quanh em bằng những ký ức mục nát. Khi ấy, em sẽ nhớ lại giọt nước mắt hôm nay của em! Tuy nhiên, giọt nước mắt ấy với em sẽ chỉ là một giọt nước mắt xa lạ, nhiễm độc – một giọt nước nhỏ xíu nhưng nặng hơn cả chì. Nó sẽ theo máu chạy vào tim em, và suốt đêm, suốt đêm, cho đến lúc ánh bình minh uể oải của một ngày đau khổ lại ló dạng, em sẽ vật vã trên giường, đau đớn với một vết thương sẽ không bao giờ lành qua nhiều và rất nhiều ngày… Nào, rót cho tôi thêm một ly nữa, Katherine, con bồ câu của tôi. Rót thêm nữa đi. Rót cho tôi thêm một ly đầy để thưởng công cho những lời tiên tri của tôi, và để uống mừng cuộc trò chuyện tiêu khiển của chúng ta.

Giọng của Murin nghẹn lại, và có cái gì đó như tiếng khóc thổn thức phát ra từ môi ông ta. Rồi ông ta chớp lấy ly rượu, uống một hơi cạn ly, và dằn ly xuống bàn, với ánh mắt rực sáng.


(còn tiếp)

Lòng Như Gió
02-04-2012, 05:31 AM
Cô chủ nhà
Kỳ 17


“Hãy để mỗi người sống cuộc đời mà họ mong muốn!” Murin gào lên. “Hãy để quá khứ ngủ yên, và rót rượu cho tràn ly. Dù, với chút tác dụng của rượu lên cái đầu bướng bỉnh, linh hồn có bị tàn lụi, chỉ cần người đàn ông già nua có thể ngủ một giấc dài không mộng mị, không hồi tưởng! Chẳng phải ông ta đã uống đủ và đã sống đủ rồi đó sao? Và chẳng phải những kiện hàng đã được chất đầy kho của người lái buôn hay sao? Vậy thì, hãy để ông ta cho không tất cả và không nhận lại được gì. Nhưng đã có lúc, ông ta không chịu bán rẻ hàng của mình dù chỉ một xu; đã có lúc ông ta làm đổ máu của cả bạn bè lẫn kẻ thù để bảo vệ nó; đã có lúc người mua đổi chác chính linh hồn mình cho món hàng kia… Katherine, rót thêm rượu đi!”

Nhưng bàn tay Murin không còn đủ sức duỗi ra nữa, đã buông thõng xuống. Ông ta thở khó nhọc, đầu gục xuống. Một lần nữa, Murin lạnh lùng nhìn Ordinov, nhưng tia lửa trong mắt ông ta đã mờ hơn nhiều, mí mắt đã sụp xuống, và sắc mặt tái nhợt như xác chết. Môi Murin mấp máy như muốn nói điều gì nữa, một giọt nước mắt dâng tràn mi và lăn chầm chậm xuống gò má ông ta.

Ordinov không chịu đựng nổi cảnh tượng ấy nữa. Anh đứng lên, loạng choạng bước đến, và nắm tay Katherine. Tuy nhiên, cô chẳng đoái hoài đến anh, mà có vẻ quên khuấy sự hiện diện của anh như thể cô chưa từng quen biết anh. Hơn nữa, cô trông như đã quên hết hiện tại, và đang bị một ý nghĩ nào đấy giày vò. Quỳ sụp xuống bên cơ thể bất động của Murin, cô ôm choàng lấy ông ta, và chăm chú dán mắt nhìn ông ta. Ordinov nắm tay cô một lúc nhưng cô không hề hay biết; rồi cuối cùng, cô ném cho anh một ánh mắt phẫn nộ, và một nụ cười cay đắng hằn lên môi cô.

“Đi đi! Đi khỏi đây!” cô rít lên. “Ông là một tên say rượu! Một kẻ côn đồ! Ông không phải là khách quý của chúng tôi nữa!”

Cô quay sang Murin - lắng nghe hơi thở, và căng thẳng nhìn ông ta li bì ngủ.

Nỗi thất vọng và xúc động bóp nghẹt trái tim Ordinov.

“Katherine, Katherine!” anh thì thầm gọi và nắm chặt tay cô. Cô nhăn mặt, rồi ngẩng đầu lên; nhưng gương mặt cô hằn vẻ nhạo báng, láo xược và khinh bỉ, khiến Ordinov gần như không muốn nhìn nữa. Chầm chậm, cô nhìn vào Murin, và trong mắt cô, Ordinov thấy được vẻ miệt thị căm ghét, như ánh mắt kẻ thù ngày xưa của anh, ánh mắt lạnh lùng thù hận.

“Ông ta sẽ giết em cho xem,” không kiềm chế phẫn nộ được nữa, anh lên tiếng.

Ngay lập tức, một ý nghĩ khủng khiếp thoáng qua trong đầu anh: và dường như ma quỷ thì thầm vào tai anh rằng Katherine cũng có cùng suy nghĩ như anh.

“Tôi sẽ mua lại em từ người lái buôn,” đó là ý nghĩ lóe lên trong đầu Ordinov,” mặc dầu ‘người mua phải trả bằng chính linh hồn của mình.’ Tuy nhiên, người phải rơi máu vì em sẽ không phải là người bán.”

Suốt thời gian đó, một nụ cười bất di bất dịch - nụ cười khiến trái tim Ordinov muốn ngừng đập – luôn nở trên môi Katherine. Gần như vô thức, anh với tay lên tường, nhấc ra một chiếc dao găm thời thượng cổ. Trước hành động đó của anh, một nỗi ngạc nhiên, và lần đầu, một vẻ thách thức lóe lên trong mắt Katherine. Sau đó, dường như ai đó đã chộp lấy bàn tay Ordinov, thúc ép anh tiếp tục hành động điên rồ ấy. Anh rút dao ra khỏi vỏ, Katherine hồi hộp nhìn anh, gần như nín thở.

Một lần nữa, anh liếc nhìn người đàn ông. Anh thấy rõ ông ta từ từ mở một mắt ra, và nhìn trừng trừng vào mặt anh với một nụ cười chế nhạo Vâng, ánh mắt hai người đàn ông đụng nhau và thách thức lẫn nhau! Ordinov đứng sững sờ. Nụ cười của Murin lan khắp khuôn mặt, và có cái gì đó như tiếng cười lạnh giá, ghê rợn vang khắp căn phòng! Ordinov giật bắn mình thật mạnh, chiếc dao găm tuột khỏi tay anh, rơi loảng xoảng xuống nền nhà. Nghe âm thanh này, Katherine bật ra tiếng thét như thể vừa thoát khỏi cơn ác mộng, trong khi Murin từ từ đứng lên, và dùng bàn chân đá thứ vũ khí đó vào góc phòng. Katherine quỳ bất động như tượng đá một lúc - lưng thẳng đứng, mắt nhắm nghiền, và nét mặt rúng động; cuối cùng cô úp mặt vào hai tay, gục xuống, thét lên những tiếng xé ruột:

“Alesha, Alesha!”

Murin ôm chầm lấy cô một lúc trong vòng tay mạnh mẽ, ghì chặt cô vào ngực ông ta với một vẻ mãnh liệt lạ thường. Tuy nhiên, khi cô tìm cách giấu mặt vào ngực ông ta, toàn gương mặt của người đàn ông bừng lên một nụ cười trơ trẽn, nhạo báng, khiến toàn thân Ordinov run lên. Trong vẻ trơ trẽn của tiếng cười ấy, là chất gian trá, lừa lọc, ghen ghét, và bạo ngược.
“ Người đàn bà điên - điên!” Ordinov lẩm bẩm rồi quay ngoắt và chạy biến ra khỏi nhà.


III

Tám giờ sáng hôm sau, Ordinov – với tâm thần vẫn còn bất ổn vì sự kiện tối qua – đã đến mở cửa nhà Yaroslav Ilyitch (anh cũng chẳng hiểu làn gió nào đã đưa anh đến đấy). Anh giật nảy mình và đứng như trời trồng, khi thấy Murin đang có mặt nơi ấy rồi. Dù Murin có vẻ khó khăn lắm mới đứng thẳng được, nhưng ông ta từ chối không ngồi xuống chiếc ghế mà Yaroslav ân cần mời mọc. Yaroslav reo lên vui mừng khi thấy Ordinov; nhưng niềm vui của anh không kéo dài, vì sau đó, anh quá bối rối, chỉ biết đứng tần ngần giữa chiếc bàn và ghế của mình, không biết chính xác nên nói hay làm gì tiếp theo. Dù biết rằng rất không đẹp khi anh cứ hút thuốc và không để ý các vị khách của mình, sự căng thẳng khiến anh không biết làm gì hơn là tiếp tục phì phò ống tẩu (với tất cả sức mạnh của anh) như thể anh tìm thấy được từ đó một nguồn cảm hứng nào đó.

Khi bước vào, Ordinov thoáng liếc nhìn Murin, khuôn mặt ông ta lúc đó như có một nụ cười hiểm độc giống tối qua. Ordinov rùng mình. Gần như ngay lập tức, nét mặt Murin mất đi vẻ thù hằn, mà tiếp tục khoác một vẻ khó hiểu, khi ông ta cúi đầu chào người khách trọ một cách cung kính.

Pha chạm trán thầm lặng này giúp Ordinov bình tĩnh lại. Hơn nữa, anh thấy Yaroslav Ilyitch còn chưa lấy lại được vẻ điềm tĩnh.

“Xin chào!” Yaroslav la lên. “Chào bạn yêu quý, Vassilii Michaelovitch! Hãy cho chúng tôi được thêm vui với sự hiện diện của anh nhé, hãy để lại dấu ấn của anh lên những đồ vật tầm thường trong căn phòng này nhé.” Anh chỉ bâng quơ vào góc phòng, và rồi mặt đỏ lên như gấc - một phần do anh bối rối vì sự vụng về của mình, phần khác anh không hài lòng vì đã đánh mất khả năng ăn nói lưu loát. Anh rầm rầm đẩy thêm ra một chiếc ghế nữa.

“ Tôi hy vọng không làm phiền các ông?” Ordinov lên tiếng. “Tôi chỉ muốn… ơ…xin anh hai phút thôi.”
“Anh muốn nói bao lâu cũng được mà!” Yaroslav đáp. “Làm sao anh làm phiền tôi được, cho tôi biết với? Anh dùng chút trà nhé? Này, anh bồi bàn ơi! Ông cũng dùng thêm một ly nhé, thưa ông?” anh quay sang Murin, ông ta nhận lời ngay lập tức.

“Thêm ba ly!” Anh ngắn gọn ra lệnh khi người hầu bàn bước vào. Rồi Yaroslav ngồi xuống bên cạnh Ordinov, và cứ thế trong vài phút, đầu anh quay qua quay lại giữa hai vị khách (từ phía Murin qua phía Ordinov, và ngược lại). Rõ ràng, anh đang khó xử. Dù anh cảm thấy anh phải tiếp tục nói chuyện, nhưng những điều anh muốn nói rất khó thành lời, và không nghĩ ra được những từ ngữ thích hợp. Phần mình, dường như Ordinov lại lần nữa rơi vào trạng thái sững sờ. Rồi bỗng cả hai anh chàng lên tiếng cùng lúc, trong khi Murin vẫn im lặng quan sát họ một cách hiếu kỳ, và cười phá lên khoe hết cả hai hàm răng ra.

“Tôi đến để nói với ông,” Ordinov nói với Murin, “rằng không may tôi buộc lòng phải báo với ông là tôi sẽ chấm dứt thuê nhà.”
“Thật là một sự trùng hợp kỳ lạ!” Yaroslav thốt lên, “Sao thế nhỉ, sáng nay tôi đã thật ngạc nhiên, khi nghe quý ông đây báo tôi biết quyết định này của anh.”
“Ông ta báo cho anh biết?” Ordinov lập lại, kinh ngạc nhìn Murin. Murin chỉ vuốt râu và dùng tay áo che nụ cười của mình.
“Đúng thế,” Yaroslav nói tiếp. “Kể hết ra thì không khéo tôi sai, nhưng tôi phải thành thật nói anh nghe - thật vậy, tôi hứa danh dự với anh - rằng, theo tôi biết, quý ông khả kính này chưa hề nói xấu anh một lời nào cả.”

Yaroslav lại đỏ mặt khi anh cố gắng kiềm chế cơn bối rối. Murin - không còn nghi ngờ gì nữa, đã cười thỏa thích - nhận thấy đây là lúc thích hợp để lên tiếng.
“Vâng, thưa quý ông,” ông ta lễ phép cúi đầu nói với Ordinov, “đúng là chúng tôi đã nói về ông. Bản thân ông không thể không biết rằng tôi và người nhà của tôi thật sự rất vui để mọi việc được tiếp tục như từ trước tới nay, và không hề có một mối bất hòa nào giữa ông với chúng tôi. Nhưng ông cũng hiểu cách sống của tôi, vì ông đã từng chứng kiến vài điều; và điều mà tất cả chúng ta mong muốn, trên tất cả mọi sự, là được sống yên ổn. Xin hãy tự mình suy xét, thưa ông. Hay tôi phải quỳ xuống và khóc lóc cầu xin ông? Chúng tôi nên làm điều gì nữa?”

Nói đến đây, Murin lại tiếp tục vân vê hàm râu. Ordinov không cảm thấy thoải mái chút nào.
“Vâng, vâng,” Yaroslav xen vào “Như tôi đã nói với anh. Ông Murin không được khỏe lắm: c’est le Malheur. Xin thứ lỗi, đôi khi tôi cố diễn tả bằng Pháp ngữ, tôi không giỏi ngôn ngữ ấy lắm. Ý nói là...”
“Ý là gì ạ?”
“Ý nói là... ơ... à, vâng.”

Ordinov và Yaroslav Ilyitch ngồi tại chỗ và cúi đầu cung kính nhau; sau đấy, họ kiếm cách che giấu cơn bối rối vụng về của mình bằng một tràng cười. Anh chàng vốn nghiêm trang Yaroslav là người lấy lại bình tĩnh trước.
“ Khi nghe chuyện này, tôi đã hỏi ông bạn tốt của chúng ta đây để rõ thêm chi tiết,” Yaroslav nói tiếp. “Ông ấy nói rằng, người... ơ... cô người nhà của ông” Yaroslav Ilyitch nhìn Murin như muốn nhờ xác nhận lại (có lẽ để che giấu vẻ bối rối của mình).
“Vâng, người nhà của tôi,” Murin gật đầu.

Anh chàng Yaroslav khéo léo tiếp tục nhẹ nhàng đề cập vấn đề tế nhị này.
“Vâng, người nhà của ông, nghĩa là, bà cụ mà ông nuôi, đã bị bệnh. Cho nên,” anh quay sang Ordinov, “Ông Murin nói với tôi rằng bà ấy và bản thân ông đã quấy rầy công việc của anh… Vassilii Michaelovitch, anh giấu tôi một chuyện rất quan trọng đấy nhé.”
“Là chuyện gì?”
“Chuyện về khẩu súng lục.”

Yaroslav Ilyitch nói những chữ cuối thật khẽ, như chỉ cho phép một chút trách cứ nhỏ xíu xen vào giọng nói dịu dàng của anh.
“Tuy nhiên,” anh lấy lại vẻ hoạt bát và nói tiếp, “Tôi biết hết câu chuyện rồi, vì ông Murin đã kể hết cho tôi nghe. Anh rất cao thượng, Vassilii Michaelovitch! Sự tha thứ là điều tuyệt đẹp! Anh biết không, sáng nay, khi kể chuyện cho tôi nghe, ông Murin còn rưng rưng nước mắt!”
Yaroslav lại lần nữa đỏ mặt, và mắt anh sáng lấp lánh khi anh bồn chồn cựa quậy trên ghế.

“Vâng, thưa ông! À, thưa Quý ông!” Murin xen vào. “Tôi - chúng tôi (bản thân tôi và người nhà tôi) biết cầu nguyện cho cả hai ông bao nhiêu cho vừa!”

Yaroslav cảm thấy khó xử, với cảm xúc rất lạ, khi anh đăm đăm nhìn Murin.
“Chính ông biết mà,” Murin tiếp tục nói với Ordinov, “rằng cô người nhà của tôi chỉ là một cô bé bệnh hoạn và không được dạy dỗ. Và, về phần tôi, tôi rất khó khăn mới đứng vững được.”
“Tôi hoàn toàn đồng ý,” Ordinov nôn nóng ngắt lời. “Đừng nói về chuyện này nữa, tôi xin ông đấy. Hãy khép lại câu chuyện này ngay ngày hôm nay, vâng, ngay giây phút này, nếu ông muốn thế.”

“Không, không! Điều đó có nghĩa là, chúng tôi rất muốn giữ ông lại, thưa ông.” Murin lại lần nữa cúi đầu thật thấp. “Đó không phải là điều tôi muốn nói với ông, nhưng tôi muốn đề cập một vấn đề khác trong toàn cảnh câu chuyện. Ông phải biết là cô ấy có chút họ hàng với tôi - chúng tôi là anh em họ đời thứ năm, khoảng đó, tôi được biết như thế. Xin đừng hiểu lầm tôi, thưa ông. Chúng tôi là những người chất phác. Từ thuở nhỏ, cô ấy đã giống như ông đã thấy - nghĩa là, có chút bất thường về tâm thần. Cô ấy được sinh ra ở nơi hoang dã, và được nuôi dưỡng trong môi trường của dân chài. Thật ra, cô ấy là con gái của một người nhà quê. Một ngày kia, căn nhà của cha mẹ cô bị thiêu rụi, cha mẹ cô bị chết cháy. Tôi kể ông nghe tất cả những chuyện này vì có thể cô ấy đã kể ông nghe câu chuyện nhưng với nội dung khác (mặc dù, theo thông lệ, tôi để cho cô ấy nói bất cứ những gì cô ấy muốn). Ôi, cách đây ít lâu, một hội đồng y khoa ở Moscow đã khám bệnh cho cô, và, nói tóm lại, bác sĩ tuyên bố rằng cô hơi đần độn. Tôi cho cô ấy nơi trú thân, và chúng tôi sống, và cầu nguyện Chúa, và đặt trọn niềm tin vào Đấng Tối Cao. Tôi không hề tìm cách làm trở ngại gì cô ấy cả.”

Sắc mặt Ordinov dần thay đổi, còn Yaroslav Ilyitch cứ bồn chồn nhìn hai người đàn ông, hết người này đến người kia.
“Ngay cả điều đó, thưa ông,” Murin tiếp tục, lắc nhẹ đầu, “cũng không phải điều tôi muốn nói với ông. Cô gái mà tôi nhắc đến là một cơn lốc đúng nghĩa, một cơn giông không ngơi nghỉ. Cô ấy thật là một cô gái trẻ dễ thương và sôi nổi, chắc chắn vậy rồi! Cô ấy không thể sống nếu thiếu vài người bạn đặc biệt - vài người yêu đặc biệt (nếu tôi được phép dùng chữ này). Đó chính là điều khiến tâm thần cô ấy rối loạn. Đúng là, tôi có thể xoa dịu cô ấy một chút bằng cách kể chuyện cho cô ấy nghe - vâng, bằng cách đó, tôi đã giúp cô ấy rất nhiều; nhưng tôi hiểu rõ là (ông chắc phải thứ lỗi cho lời nói thẳng của tôi, thưa ông) [Murin lại cúi đầu cung kính, và giụi hàm râu vào tay áo], “cô ấy mê ông, và ông , thưa ông, tôi đoan chắc là, ông đến ở trọ chỗ chúng tôi vì ông si mê cô ấy.”
Yaroslav Ilyitch liếc Murin với vẻ không tán thành - một cái liếc ám chỉ rằng những lời lẽ lan man ấy thật thừa thãi. Ordinov lúc này cũng khó dằn lòng.

“Tuy nhiên,” Murin tiếp tục, “đó cũng không phải điều tôi muốn nói, thưa ông. Tôi chỉ là một người quê mùa chất phác; chúng tôi chỉ là những người tầm thường, cô ấy và tôi chỉ là những người tầm thường (Murin lại cúi đầu cung kính), “nhưng chúng tôi sẽ luôn cầu nguyện cho ông , cô ấy và tôi… Xin nói tiếp - tôi và cô ấy cần gì? Lương thực và sức khoẻ. Nhưng trong hoàn cảnh này, chúng tôi phải làm gì? Tôi phải tự đi treo cổ hay sao? Hãy tự suy xét đi, thưa ông. Vấn đề rất đơn giản. Điều gì sẽ xảy ra nếu cô ấy ra đi theo một người tình? Dĩ nhiên nói thế thì khá thẳng thừng (nếu ông có thể thứ lỗi cho tôi, thưa ông?), nhưng ông đừng quên rằng tôi là một kẻ quê mùa đang thưa chuyện với một quý ông. Ông vẫn còn trẻ, thưa quý ông, và tráng kiện, và tràn trề sức sống. Cô ấy cũng trẻ, thưa ông - cô ấy chỉ là một cô bé non nớt. Vậy thì có quá khó để xô đẩy cô ấy lầm đường lạc lối? Hãy nhớ rằng cô ấy là một cô bé xinh đẹp, tràn đầy nhựa sống và khỏe mạnh, còn tôi chỉ là ông già hay bị động kinh. Tuy nhiên, tôi sẽ biết vỗ về cô ấy bằng những truyện cổ tích sau khi quý ông ra đi; vâng, vâng, tôi sẽ biết vỗ về cô ấy! Tôi và cô ấy sẽ luôn cầu nguyện cho quý ông! Tôi không thể nói chúng tôi không cầu nguyện nữa!.... Ngay cả nếu ông yêu cô ấy, cô ấy sẽ không bao giờ là gì khác hơn một cô gái quê mùa, một đứa trẻ mới lớn trông cũng tạm được: và một cô gái quê mùa, thưa quý ông tốt bụng, không đáng để ông lưu tâm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ông, chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ông!”

Một lần nữa, Murin cung kính cúi đầu xuống đất, và khi làm thế, ông ta tiếp tục vuốt hàm râu. Yaroslav Ilyitch không biết phải làm gì cho phù hợp.

“Anh bạn cao quý!” cuối cùng anh ta đánh bạo nói (có lẽ để che nỗi bối rối của mình). “ Làm sao mà anh có thể hiểu lầm ông ấy vậy, Vassilii Michaelovitch?... Ông ấy nói anh lại bị bệnh nữa phải không?” Anh nói thêm, nước mắt rơm rớm, và giọng đầy ngượng ngập.

“Vâng, tôi lại bị bệnh,” Ordinov trả lời. Rồi anh quay sang hỏi Murin: “ Tôi còn nợ ông bao nhiêu?”

“Không, không, thưa ông! Chúng tôi đâu phải là kẻ bán Chúa? Sao ông lại nhạy cảm thế? Ông không ngại khi phản ứng như thế sao? Chúng tôi đã làm gì xúc phạm ông, cô ấy và tôi? Hãy nói cho tôi biết!”

“Vấn đề không phải thế,” Yaroslav Ilyitch ngắt lời, cảm thấy cần thiết chỉ ra cho Murin thấy sự vụng về của ông ta. “Bạn tôi thuê phòng của ông mà.”

“Thưa ông Ordinov,” Murin nói tiếp, “Tôi xin hỏi lại - chúng tôi đã làm gì xúc phạm đến ông? Chúng tôi đã phải chịu cực khổ để ông được thoải mái! Thật ra, điều đó chỉ làm chúng tôi mỏi mệt. Dĩ nhiên, nếu ông phải đi, ông cứ đi, và cầu xin Chúa luôn ở bên ông! Nhưng có phải chỉ vì thế mà chúng tôi chỉ là những người vô đạo chẳng ra gì? Lẽ ra ông có thể ở lại đây với chúng tôi, trả một chút tiền thuê phòng, cùng sống chung một mái nhà suốt đời, và chúng tôi chẳng phản đối gì cả - không bao giờ! Không, lẽ ra chúng tôi đã không có lời nào để nói cả! Nhưng ma quỷ đã ám vào ông, rồi tôi bị bệnh, và cô em nuôi của tôi cũng ngã bệnh nữa. Vậy thì, ta cần làm gì? Sẽ không có ai chăm sóc ông nếu ông ở lại đây, không được chu đáo như chúng tôi mong muốn. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ông, cô ấy và tôi. Vâng, chúng tôi sẽ luôn cầu nguyện cho ông” Ông ta lại lần nữa cúi đầu, gập người ngang bụng.

Những giọt nước mắt xúc động tuôn ra từ đôi mắt Yaroslav Ilyitch.
“Thật là một sự thu xếp cao thượng!” anh thốt lên, “Ôi một lòng hiếu khách quý giá của nước Nga!”

Ordinov nghiêm nghị nhìn anh, từ đầu đến chân.

“Vâng, thưa ông, ơn Chúa!” Murin lập tức nối tiếp lời Yaroslav. “Người Nga chúng ta chẳng là gì nếu không hiếu khách. Do đó, chúng tôi van xin ông nán lại với chúng tôi thêm chút nữa” (nói đến đây, ông ta vùi hẳn hàm râu vào tay áo). “Vâng, ông hãy nán lại!” Ông ta nói tiếp trong lúc đứng dậy và tiến đến gần Ordinov. “Ông hãy nán lại! Tôi định nói rõ điều đó. Ông hãy ở lại ít nhất một, hai ngày, và chúng tôi sẽ không lấy tiền thuê nhà cho mấy ngày ấy. Nhưng xin ông nhớ rằng cô em nuôi của tôi bị ốm. Giá như không phải là cô ấy bị ốm! Nếu (chỉ là ví dụ) tôi chỉ ở một mình! Khi ấy, tôi sẽ phải săn sóc ông như thế nào! Ý là, là người chủ nhà, tôi phải quan tâm ông ra sao! Vâng, đơn giản là khi ấy tôi sẽ phải đối đãi ông rất tử tế! Tuy nhiên, tôi sẽ cố sao cho ông không phải rời bỏ chúng tôi. Vâng, tôi xin thề có Chúa, dù nghe như nói quá lời. Ông biết đấy, ông có thể ở lại với chúng tôi mãi mãi nếu ông muốn.”

“Nhưng, thật ra, anh ấy có thể ở lại, phải không nào?” Yarolav Ilyitch buông câu nhận xét; rồi anh lại im bặt.

Ordinov đã sai khi nhìn Yaroslav một cách hung dữ như thế, vì, trong thực tế, Yaroslav là người cởi mở và thẳng thắn nhất trong ba người. Nhưng Ordinov đang ở vào thế khó xử, trong khi Yaroslav phải vất vả lắm để kìm nén một tràng cười. Thật ra, anh đã cười phá lên nếu khi ấy chỉ có riêng anh với Ordinov, bạn thân của anh; rồi anh có thể nắm tay bạn, và quả quyết với tất cả thành ý, rằng lúc này anh cảm thấy càng quý mến bạn mình hơn – rằng anh bỏ qua cho bạn, và sẽ không đổ lỗi cho cả thế giới này về những hành động nông nổi của tuổi trẻ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, với bản tính vô cùng tinh tế, anh không thể làm gì khác và cũng không thể rút lui ra đứng ngoài cuộc.

“Ông hỏi tôi có cách nào giải quyết chuyện này à?” Murin tiếp tục, mặt biến sắc khi nghe câu hỏi không đúng lúc của Yaroslav. “Vâng, thưa ông, đây là điều mà tôi, theo kiểu quê mùa thô lỗ của mình, mong muốn nói với ông Ordinov đây. Ông đã đọc quá nhiều sách, thưa ông, ông đã trở nên quá thông minh. Những người Nga quê mùa chúng tôi có câu ngạn ngữ: thông thái quá hóa điên.”

“Ôi, ôi!” Yaroslav Ilyitch xen vào, giọng rất nghiêm nghị.

“Xin cám ơn, nhưng tôi muốn rời khỏi nhà ông,” Ordinov trả lời. “Cũng xin cám ơn anh vì đã hứng chịu những phiền toái này, Yaroslav. Hôm nào tôi sẽ ghé lại thăm anh.” (anh nói thêm câu này để trả lời sự cố gắng níu kéo lịch sự nhưng không thành công của Yaroslav.) “Tạm biệt, tạm biệt nhé!”

“Chào tạm biệt, quý ông,” Murin trả lời. “Đừng quên ghé lại thăm những người quê mùa này.”

Nhưng Ordinov đã quay gót và chẳng chú ý những lời tạm biệt đó. Anh cảm thấy vô cùng rối trí, mệt mỏi, bần thần. Anh thấy như đang ngạt thở, như thể một cơn cảm lạnh trầm trọng đang đè nặng lồng ngực anh. Anh rất vui nếu được chết ngay giây phút ấy. Đôi chân anh run rẩy kịch liệt đến nỗi anh phải dựa vào hàng rào bên đường, chẳng buồn chú ý những ánh mắt nhìn và những lời hỏi han của đám đông vây xung quanh anh.

Bất chợt, lẫn trong tiếng hỗn độn, anh nghe giọng của Murin, và, ngẩng đầu lên, anh thấy lão đang đứng trước mặt mình, với sắc mặt xanh xao đầy vẻ trầm ngâm và trang nghiêm, khác hẳn bộ mặt nhạo báng chua cay của người đàn ông ở chỗ Yaroslav Ilyitch. Ordinov đứng dậy, và Murin nắm tay anh kéo khỏi đám đông.

“Ông còn phải dọn đồ đạc ra khỏi nhà tôi chứ,” ông ta nói và liếc trộm anh. “Đừng làm khổ mình, thưa ông. Ông còn trẻ. Sao phải để chuyện gì làm mình khổ?
Ordinov chẳng trả lời.
“Có lẽ ông đang tức giận? Sao thế? Mỗi người đều phải tự chăm lo cho mình.”
“Tôi không biết ông,” Ordinov đáp, “cũng không hề muốn tọc mạch về những bí mật của ông; nhưng cô ấy… cô ấy…”

Nước mắt anh bỗng chảy giàn giụa, dù anh cố gắng dùng mu bàn tay ngăn lại. Cử chỉ, nét mặt, và đôi môi trắng nhách run rẩy của anh như báo trước rằng anh gần như sắp nổi cơn điên.

“Tôi đã nói với ông rồi mà,” Murin cau mày nói, “cô ấy bị mất trí. Tại sao, và như thế nào? Đó không phải chuyện của ông. Dù cô ấy thế nào, tôi cũng yêu cô ấy - tôi yêu cô ấy hơn cả bản thân mình, và sẽ không bao giờ nhường cô ấy cho ai. Ông đã hiểu chưa?”

Mắt Ordinov vụt lóe sáng.
“Cái gì làm tôi thấy như mình đã chết thế nhỉ?” anh gào lên. “Cái gì làm tim tôi đau buốt thế? Tai sao định mệnh lại đưa đẩy tôi gặp Katherine?”

“Ôi, tại sao?”
Murin nở nụ cười, nhưng lấy lại vẻ trang nghiêm liền sau đó.

“Tại sao?” ông ta nói tiếp,. “Làm sao tôi biết? Trái tim của đàn bà không sâu thẳm như đại dương. Một ngày nào đó ông sẽ hiểu ra. Đúng là, thưa ông, có lần cô ấy định bỏ tôi và đi theo ông. Cô ấy hiểu lầm ông già này, và nghĩ rằng ông ấy đã sống chán chê rồi. Có thể ban đầu ông đã làm cô ấy vui, hoặc có thể cô ấy muốn thay đổi. Dù thế nào, tôi không đành lòng từ chối cô ấy một điều gì. Ngay cả nếu cô ấy muốn uống sữa của chim bồ câu, tôi cũng sẽ kiếm cho cô. Tuy nhiên, dù cô rất kiêu hãnh, và muốn được tự do, cô sẽ không biết làm gì với tự do ấy khi đạt được. Do đó, mọi việc cứ như hiện tại là tốt nhất. Ôi, thưa ông! Ông còn trẻ, và có một trái tim nồng cháy. Lúc này, trông ông giống một thiếu nữ bị bỏ rơi khi ông đứng đó chùi nước mắt bằng tay áo. Ông không có chút kinh nghiệm nào. Ông không biết rằng một tâm hồn yếu đuối như cô ấy không thể tự chăm sóc bản thân. Ngay cả nếu tâm hồn ấy được ban tặng đủ thứ, cuối cùng nó cũng sẽ trở lại với người chủ cũ. Thậm chí nếu tâm hồn ấy được tặng cả một vương quốc, nó sẽ trở về mái nhà xưa. Nó không bao giờ tự xoay xở được. Tương tự như thế, thử cho nó tự do xem, nó sẽ lại tự tạo ra những xiềng xích mới cho nó thôi. Không; sự tự do không dành cho những tâm hồn yếu đuối. Tôi nói cho ông biết vì ông còn quá trẻ. Ông là ai đối với tôi? Đến hôm nay và ra đi ngày mai, ông, hay bất cứ người đàn ông nào khác, là gì đối với tôi? Tuy nhiên, ngay từ đầu tôi đã biết chuyện sẽ xảy ra thế này - dù tôi không có nhiệm vụ báo cho ông biết, rằng nếu một người muốn mãi hạnh phúc với một người đàn bà, anh ta không nên cản trở cô ấy, dù chỉ bằng một lời nói. Tuy nhiên,” Murin tiếp tục giọng điệu của một triết gia, “Cô ấy có thể xem sự được nuông chiều như thế là đương nhiên. Làm sao khác được? Bản thân ông biết rằng, trong một phút điên cuồng, người đàn ông có thể chụp lấy con dao găm. Và, người đàn ông có thể tấn công kẻ thù của mình trong giấc ngủ, và ngoạm những vết răng sâu hoắm vào cổ kẻ thù. Nhưng mặt khác, nếu có ai dúi con dao găm ấy vào tay anh ta, hay nếu kẻ thù tự chìa cổ ra trước anh ta, thì anh ta lại chùn tay.”

Chẳng bao lâu, họ về đến nhà Murin, bước vào sân sau. Thấy họ, người gác cổng ngả mũ, nhưng ranh mãnh liếc nhìn Ordinov.
“Mẹ anh có đây chứ?” Murin hỏi gã người Tartar.
“Có ạ.”
“Vậy anh nhờ bà ấy giúp quý ông này thu dọn hành lý. Và anh cũng giúp họ nhé.”

Họ lên lầu và bảo bà đầy tớ già, mẹ của anh chàng gác cổng, hãy ngưng làu bàu và giúp thu dọn đồ đạc của Ordinov.

“Đợi chút,” Murin nói với Ordinov. “Tôi sẽ mang cho ông một thứ này.” Nói rồi, ông ta về phòng, và liền trở lại, mang theo tấm khăn trải bàn với nét thêu thùa tinh xảo - tấm khăn mà Katherine đã lót dưới đầu Ordinov khi anh bị đau lần đầu tiên.

“Cô ấy tặng ông món này,” Murin nói. “Giờ thì mong ông thượng lộ bình an, và chúc những điều tốt đẹp sẽ đến với ông. Ông nhớ chăm sóc bản thân nhé. Đừng lảng vảng nơi đây nữa, nếu không, sẽ có chuyện không hay xảy ra với ông đấy.”

Ông ta nói thì thầm – gần như lời khuyên nhủ của một người lớn, như thể ông ta sợ xúc phạm Ordinov. Tuy nhiên, cái liếc mắt sau cùng mà ông ta dành cho người khách trọ sắp ra đi chứa đầy nỗi oán giận, và ông ta quay lưng, khép cửa, với vẻ căm ghét tột cùng.


(còn tiếp)

Lòng Như Gió
02-05-2012, 02:00 AM
Cuối cùng, bà chủ Ngõ Vắng và bạn của bà ấy cũng đã hoàn thành truyện dịch “Cô chủ nhà”. Em cũng đã trở lại các post trước để sửa lại nhiều câu văn cho rõ nghĩa hơn.

Rất cám ơn Trân đã giới thiệu và dịch tác phẩm này. Thời gian vừa qua, được cùng cộng tác với Trân, là một kỷ niệm rất vui và khó quên.

Dưới đây là phần cuối của truyện.



Cô chủ nhà
Kỳ cuối


Hai tiếng đồng hồ sau, Ordinov quay lại nhà ông người Đức, Herr Schipis, có đứa con gái tên Tinchen. Cô reo lên, “Ôi, thật tuyệt vời khi gặp lại ông!” và hỏi han anh. Khi nghe rằng anh “không được khỏe lắm”, cô hứa sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc anh. Về phần Schpis, ông báo cho người khách trọ rằng ông chưa treo lại bảng “Cho thuê”, định một hay hai ngày nữa sẽ làm điều đó, vì khi đó mới chấm dứt thời hạn mà Ordinov đã đặt cọc. Rồi ông chủ nhà tốt bụng Schpis cũng nhân cơ hội này để tán dương tính lương thiện và đứng đắn của người Đức nói chung.

Hôm đó, Ordinov lại bị ốm, và nằm bẹp trên giường suốt ba tháng. Sau đó, từ từ, anh bình phục, và anh bắt đầu ra ngoài đi dạo. Cuộc sống của anh ở nhà ông Schpis rất bình lặng, êm đềm, vì ông người Đức này đôn hậu, và cô Tinchen thì không chê vào đâu được. Tuy vậy, với Ordinov, cuộc sống đã hết thi vị. Anh trở nên cáu kỉnh, dễ đau buồn, rồi anh dần rơi vào trạng thái bệnh tưởng. Trong nhiều tuần liền, anh không đọc trang sách nào, nhưng, không quan tâm đến tương lai, anh cứ thế tiêu tiền và không nghĩ gì đến ngày mai. Mặc dù có lúc tính chăm chỉ miệt mài, lòng hăng hái, và những mơ ước cũ trở về với anh, nhưng anh chưa từng biến những suy nghĩ ấy thành hành động. Anh cảm thấy lòng mình cằn cỗi - những giấc mơ đến với anh như chỉ để nhạo báng sự bất lực của anh. Trong những phút tuyệt vọng, thậm chí anh còn tự ví mình với một học trò ngớ ngẩn của thầy phù thủy, sau khi gọi được dòng nước tràn vào phòng, đã bị chìm trong lũ do dòng nước ấy tạo thành, vì không biết câu thần chú để ra lệnh “Ngưng!”. Có lẽ, nếu Ordinov chưa bao giờ có tư tưởng độc đáo nào hay ấp ủ niềm hy vọng nào cho tương lai, thì anh đã có thể tiếp tục tin vào một điều gì đó - và một niềm tin chân thành là một vị thần bảo hộ cho con người trước những bất hạnh của cuộc đời. Tuy nhiên, giờ đây, anh chỉ có thể cười cợt những niềm tin của mình, và không còn hứng thú gì với những kế hoạch tuyệt vời xưa kia của anh nữa.

Sáu tháng trước đây, anh đắm chìm trong những ý tưởng của mình - thỉnh thoảng làm việc với những ý tưởng ấy, và thỉnh thoảng, khi nhất thời mệt mỏi, anh đặt lên đấy những hy vọng hão huyền (vì anh còn quá trẻ). Đề tài anh biên soạn nói về Lịch sử của Giáo Hội. Với lòng cuồng tín cháy bỏng, anh đã phác thảo dàn ý cho tác phẩm ấy. Nhưng bây giờ, anh chỉ đọc lại những mẩu ghi chú thô sơ của mình, chỉnh sửa , và nghiên cứu đôi chút. Cuối cùng, anh từ bỏ luôn dự án này, cũng chẳng buồn đặt nền móng cho cái gì mới dựa trên tàn tích từ tác phẩm dở dang ấy. Những thuyết thần bí, thuyết định mệnh đã bao bọc lấy tâm hồn anh. Anh đau khổ, và van xin Chúa cứu rỗi anh. Người đầy tớ của ông chủ nhà, một bà cụ sùng đạo người Nga, thường thích thú kể rằng người khách trọ hay đi lễ và cầu nguyện, và nằm sõng soài, như một xác chết, trên mặt sàn linh thiêng của nhà thờ.

Ordinov không bao giờ tâm sự nỗi khổ tâm của mình với bất cứ ai, nhưng thường, khi màn chiều buông, khi chuông nhà thờ gợi cho anh nhớ về những giây phút không thể quên lúc anh quỳ bên Katherine trong thánh đường, lắng nghe nhịp đập của trái tim người thiếu nữ, và rửa sạch niềm hy vọng vừa nẩy nở trong đời bằng những giọt nước mắt vui mừng - những khi ấy, giông tố lại nổi cuồn cuộn trong hồn anh, và lòng anh lại vỡ òa, và bao nhiêu nỗi đau ái tình lại sống dậy trong anh. Anh đau đớn, ôi anh đau đớn biết chừng nào! Và anh cảm thấy tình yêu của mình lớn lên thêm cùng với nỗi đau. Anh ngồi bất động hàng giờ trên ghế, quên hết mọi sự - quên cả thế giới này, quên luôn kiếp sống u ám của mình, và quên cả bản thân, chỉ còn lại nỗi buồn và cô đơn. Thỉnh thoảng, anh lại sụt sùi, và cũng có khi anh thầm thì “Ôi Katherine, cô em gái duy nhất của tôi!”

Càng đau đớn hơn nữa khi trong đầu anh lởn vởn một ý nghĩ kinh khủng. Ý nghĩ đó bám chặt lấy anh, và lớn lên theo từng ngày, cho đến một ngày nó biến thành một khả năng có thật, một sự thật. Anh có cảm tưởng rằng (và cuối cùng anh tin chắc rằng) tâm thần của Katherine hoàn toàn bình thường, nhưng lão Murin kia có mục đích mờ ám nào đó khi gán cho cô là một “tâm hồn yếu đuối”. Anh tin rằng một bí mật không thể tiết lộ nào đó đã ràng buộc cô với ông ta, nhưng, vì lương tâm cô không nhận ra được tội lỗi, cô đã ngây thơ để cho Murin thống trị một cách bỉ ổi. Họ ràng buộc với nhau vì cái gì? Nhịp tim Ordinov đập thình thịch vì giận dữ khi anh nghĩ tới việc tên bạo chúa đang áp bức người con gái tội nghiệp ấy. Khi ấy, tâm hồn anh như bừng tỉnh, và với đôi mắt kinh hãi, nhìn theo cô dần quỵ ngã vào một cạm bẫy khôn khéo nhưng bội bạc. Ôi, “tâm hồn mong manh” ấy đã bị giày vò – người con gái đã bị Kinh thánh ám ảnh, cô đã mù quáng, và bản tính sôi nổi tự nhiên của cô đã bị lợi dụng! Vì thế, từ từ, đôi cánh của tâm hồn từng một thời tự do ấy nay bị trói chặt, để rồi nó sẽ không còn chút sức lực khi một mình đối diện với phong ba của cuộc đời!

Mặc dù Ordinov càng ngày càng rút vào vỏ ốc của mình (vì có thể nói rằng hai vị chủ nhà người Đức không quấy rầy anh chút nào), có những lúc anh miệt mài lang thang trên phố, và luôn cố ý chọn những giờ giấc và những nơi chốn vắng vẻ nhất. Một chiều xuân ảm đạm, tại một nơi vắng vẻ như thế, anh gặp Yaroslav Ilyitch. Yaroslav trông không khỏe, vì đôi mắt vốn sáng ngời của anh giờ đây trông đờ đẫn, và cả diện mạo anh toát ra vẻ chán nản. Hơn nữa, xưa kia anh luôn có vẻ vội vã vì những cuộc hẹn tới tấp, còn lúc này y phục của anh nhếch nhác và dính đầy bùn, và cơn mưa chiều đã biến chiếc mũi đỏ tía của anh thành một vòi nước chảy ròng ròng. Tuy hàm râu anh đã để lâu không cạo, và dường như anh muốn tránh mặt người bạn cũ, Ordinov cũng đã liền trông thấy anh. Dù bản thân Ordinov cũng muốn tránh những lời hỏi thăm, anh cảm thấy bị tổn thương trước thái độ của Yaroslav. Anh muốn thấy Yaroslav như ngày xưa - đơn giản, bộc trực, cởi mở và có chút vụng về, nhưng không bao giờ tỏ vẻ chán chường, cũng không ra vẻ khôn ngoan. Tại vì, chả phải rất khó chịu khi nhận ra một người mà mình yêu thích vì sự ngớ ngẩn nay bỗng trở nên “thông minh”? Tuy nhiên, sự e ngại của Yaroslav không kéo dài. Dù không còn vẻ yêu đời nữa, anh khó lòng bỏ được bản tính của mình. Một cách khéo léo, như ngày nào, anh bắt đầu hỏi thăm bạn mình. Yaroslav cho biết anh rất bận rộn, và nói tiếp rằng đã lâu lắm rồi đôi bạn mới gặp lại nhau. Sau đó, Yaroslav đột ngột chuyển sang nói chuyện khác, nói về đạo đức giả của con người, về ảo tưởng khi kiếm tìm bất kỳ hạnh phúc nào trong thế giới này, và về sự phù phiếm đặc biệt được gọi tên là “cuộc đời”. Dĩ nhiên, anh lại kéo Pushkin vào, nhưng lần này với một vẻ thờ ơ rõ rệt. Tiếp theo, anh nói đến “những người bạn tốt” với một vẻ hoài nghi, và đả kích những giả dối và điêu ngoa của những người nhận là “bạn” của nhau, nhưng giữa họ chẳng có, chưa từng có, tình bạn chân thành nào. Đúng thế, Yaroslav Ilyitch thật sự đã trở nên “thông minh”! Ordinov chẳng phản đối câu nào, nhưng cảm thấy quá sức thất vọng. Anh thấy như thể anh đang góp phần chôn sống người bạn tốt nhất của mình!

“Còn chuyện này nữa!” Yaroslav nói, như bất ngờ nhớ ra một điều rất thú vị. “Có một tin mà tôi suýt quên kể anh nghe. Tôi chỉ nói riêng cho anh biết thôi nhé. Anh có nhớ căn nhà anh trọ lúc trước không?”
Odinov run rẩy và tái mét.
“Người ta vừa mới phát hiện một băng tội phạm ở đấy! - một tổ chức chuyên nghiệp, một sào huyệt chuyên nghiêp! - những tay buôn lậu, dân lừa đảo cờ bạc, và tội phạm đủ kiểu! Một số trong đám đã bị bắt, còn một số đang bị truy nã. Lệnh truy nã rất nghiêm. Nhưng chi tiết nổi bật nhất là đây. Anh có nhớ ông chủ của toà nhà không - một người rất lễ độ, đứng đắn, trông không chê trách chỗ nào được?”
“Có, rồi sao?”
“Ô, anh tự nhận xét về con người đi, khi tôi kể anh nghe rằng ông ta là thủ lãnh của băng tội phạm đó! Anh có thấy khó tin không?
Yaroslav Ilyitch quá hào hứng kể chuyện. Giờ đây anh biết cách đánh giá thật sự về những người thân thích. Thật ra, lúc nào anh cũng thế, vì đó là cách của anh.

“Vậy những kẻ còn lại? Còn Murin thì sao?” Ordinov hạ giọng hỏi.
“À, Murin, Murin! Ông lão cao quý, đáng kính ấy!... Nhưng xin lỗi anh. Anh chợt khiến tôi nhớ ra một chuyện.”
“Một chuyện? Có phải ông ta là thành viên của băng đảng đó không?” Sự nôn nóng làm trái tim Ordinov như muốn nghẹt dưới lồng ngực.
“Ôi, không phải ! Sao anh hỏi thế?” Yaroslav Ilyitch nhìn bạn mình lom lom. “Murin không thể nào thuộc băng ấy được,vì, từ cách đây những ba tuần, ông ta cùng vợ đã rời khỏi đây. Tôi nghe anh gác cổng nhỏ thó người Tartar nói thế. Chắc anh còn nhớ anh ta chứ?”


(Hết)

Trân
02-05-2012, 03:00 AM
Xin cám ơn anh 6Quit đã mở quán ngõ vắng, và Lòng Như Gió đã "thắp sáng lại đề tài" này.

Xin mời anh 6Quit, Lòng Như Gió, cô Ngô cùng quý khách của ngõ vắng: anh NVHN, anh Gun_ho, Tà Áo Xanh, bác Hoài Vọng, chị Lan Huệ, anh Hàn Sinh, huynh Tôn Thất Tuệ, Phiulinh, anh Triển, anh Ragin Cajun, Angie, anh Tabalo, Nhã Uyên, chị PhPhuongVy, Nhím xù, và cư dân phố Rùm dùng trà nhé.



http://www.khoahoc.com.vn/photos/image/2009/02/10/greentea.jpg

Nhân tiện, Trân xin gởi lời xin lỗi thành thật đến chị PhPhuongVy và anh NVHN. Vì nhu nhược, nên em đã nói dối để từ chối không cộng tác với chị và anh. Hy vọng chị và anh không buồn và thông cảm cho em. Sau post này, em xin được vô phép, chạy tót vào cái xó kia ngồi, tiếp tục làm con rùa rụt đầu.

Mong BĐH và toàn thể thành viên ĐT có một năm mới nhiều niềm vui và sức khoẻ.

Best regards,
Trân

Trân
02-05-2012, 03:10 AM
Gió ơi. Mình đăng lá thư tình của hai đứa mình vào đây nhé.

*
From: Thiên Trân Nguyễn
To: Lòng Như Gió
Sent: Friday, January 27, 2012 8:45 AM
Subject: Về: The Land Lady.

Gió mến. Gió mới đi chơi về, chắc còn bận bịu, nên cứ từ từ há.

May là Gió dịch hộ T đoạn kia chứ không thôi T vẫn còn vò đầu bứt tai (hic hic...). Những đoạn sau này cũng khó hiểu như những đoạn đầu tiên. Và kết cục câu chuyện đầy bất ngờ và kỳ bí. T cũng háo hức muốn dịch cho xong để được nghe Gió, chị Vy và các vị khác bàn về tác phẩm và nhân vật.

À, Gió ơi. T lại lải nhải lời cám ơn Gió. Nhưng đây là lời thật lòng của T. Khi đọc truyện này, T đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng cứ bị rối tung lên. Sau cùng, T nghĩ phải ngồi dịch ra từng lời từng chữ mới có thể hiểu được ý tứ của tác giả. T có tự dịch, nhưng không dám chắc là mình hiểu đúng ,nên nghĩ tới Gió và rủ Gió cùng đọc.

Mục đích của T khi dịch truyện này chỉ là để hiểu ý của tác giả và những tư tưởng được chuyên chở trong truyện ngắn của ông. Khi nhờ Gió sửa và biên tập, những đoạn văn như được thăng hoa, sắc sảo và công phu hơn. Và có nhiều đoạn dịch là 85%-90% văn của Gió nữa.

Hy vọng mình lại có dịp đọc truyện chung với nhau trong tương lai ha.

Love,
Trân

Lòng Như Gió
02-05-2012, 03:44 AM
Trời, thoáng thấy bóng dáng bà chủ Ngõ Vắng, mình thở phào, tưởng là có thể trả lại quán cho bà chủ để mình vào xó ngồi chơi rồi! Đằng nào Trân cũng đã ra mặt với chị Vy, anh P. rồi, cũng đã đăng “nguyên con” lá thư tình vào đây rồi, thì sẵn tiện cùng góp lời phân tích tác phẩm, phân tích nhân vật các kiểu… cho vui!

nvhn
02-05-2012, 08:15 AM
Không có gì phải bận tâm đâu Trân, cám ơn ly trà nhỏ. :) Có những đêm P không ngủ được thấy bóng dáng Trân thấp thoáng trên phố, định say hi, mà Trân không ịn dấu chân, bỏ dấu tay lại nên P cũng ngâm tăm cho được việc. :)

Thân chúc Trân, và quý quyến luôn vui khỏe, và bình an há. :)

Lòng Như Gió
02-15-2012, 09:13 AM
Không thấy ai phân tích hay bình luận gì về “Cô chủ nhà”, thôi thì mình tự phân tích vậy. Viết vội vài hàng trước khi đi ngủ. Trân có lấy lại hứng thú tham gia làm văn không, thì vào chơi.

Trước hết, bàn về nhân vật Ordinov. Anh chàng này nội tâm phức tạp. Cho nên, trong truyện, những khúc nào tác giả dùng ngòi bút khoét sâu vào từng ngóc ngách trong nội tâm Ordinov, ấy chính là những khúc vất vả nhất cho người chuyển ngữ.

Phức tạp thế nào? Khi đang phải lo chạy lòng vòng để kiếm chỗ ở, anh lại thấy lòng thư thái. Vừa mới thư thái xong, nỗi buồn rười rượi đã dâng ngập lòng. Vừa mới buồn rười rượi xong, anh đã cao hứng dấn thân vào một chuyến phiêu lưu theo dấu chân hai nhân vật kỳ bí mà anh nhìn thấy trong nhà thờ. Vừa mới cao hứng xong, anh đã đâm ra chán nản và tự trách mình. Vừa mới chán nản xong, anh đã lại nổi cơn bốc đồng đi theo người đẹp chưa biết tên. Vừa muốn siết chặt mãi không rời bàn tay nàng tiên của anh và nói với nàng thật nhiều điều, anh lại vừa muốn chết ngay lúc ấy! Vừa muốn chết ngay lập tức xong, anh lại mừng rỡ reo lên rằng anh muốn sống lâu cả một thế kỷ. Những cơn ác mộng và những nỗi hạnh phúc dạt dào cứ đan xen nhau, chen lấn nhau mà len vào hồn Ordinov, liên tục.

Nói về Katherine, một nhân vật đóng góp rất nhiều vào việc tạo nên sức lôi cuốn cho tác phẩm. Ordinov đã phức tạp là thế, nhưng xem ra vẫn còn dễ hiểu hơn Katherine. Ngay cả khi người đọc có đọc từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy, từ đầu đề cho đến dấu chấm cuối cùng của truyện, thì nhân vật Katherine vẫn cứ tung hứng những dấu chấm hỏi cho bay lởn vởn trong đầu độc giả. Cô trong trắng bao nhiêu phần trăm và tội lỗi bao nhiêu phần trăm? Cô điên bao nhiêu phần trăm và tỉnh bao nhiêu phần trăm? Bao nhiêu phần trăm trong những câu chuyện cô kể cho Ordinov nghe là sự thật? Người đàn ông nào là người khiến con tim cô rung động nhiều nhất?...

Murin cũng là một nhân vật phức tạp không kém. Phức tạp ngay cả khi ông ta nhắc đi nhắc lại với Ordinov một cách cung kính rằng ông và Katherine chỉ là những người mộc mạc. Người đọc cũng có thể tự hỏi, bao nhiêu phần trăm trong những lời ông ta nói với Ordinov là sự thật. Ở Murin, có một điều chắc chắn, một điều dễ hiểu, đó là ông si mê Katherine.

Liên quan đến ba nhân vật kể trên, có một nhân vật góp phần vào vai trò chắp nối những manh mối kỳ bí về con người bí ẩn Murin. Đó là Yaroslav. Anh chàng này tính cách cũng lạ. Thoạt đầu, chàng ta là mẫu người hướng ngoại và khiêm cung, nhưng đồng thời cũng rất thích chứng tỏ sự quảng giao của mình. Rồi chỉ vài tháng sau, từ một vài biến cố trong chuyện đời, trong tình người, anh đâm ra hoài nghi hơn, trầm tư hơn, “thông thái” hơn.

Trong truyện, còn có một nhân vật xuất hiện không nhiều, nhưng để lại dấu ấn rất sâu đậm nếu người đọc nào đó tò mò muốn biết Katherine yêu ai. Đó là Alesha. Có hai chi tiết rất “đắt”, thoáng qua rất nhanh, nhưng cho thấy Katherine rung động – hoặc yêu – Alesha. Chi tiết thứ nhất là trong lời kể của Katherine, cô nói rằng “cả hồn em run rẩy trước giọng nói của anh ấy” (“my whole soul shivered at his voice”). Chi tiết thứ nhì là khi Murin đá văng đi con dao găm mà Ordinov đã cầm trong tay và đã luống cuống làm rơi xuống đất, chuyện chẳng liên quan gì đến Alesha cả, nhưng Katherine đã bất chợt gọi tên Alesha. Anh chàng Alesha cũng là một nhân vật để lại dấu chấm hỏi trong đầu độc giả: vào đêm bão bùng trên sông, anh có sống sót không?

Ngoài ra, có vài nhân vật phụ, tính cách cũng lạ lùng, chứ chẳng riêng gì những nhân vật chính mới khác người. Chẳng hạn, anh chàng gác cổng và mẹ anh ta, tức bà đầy tớ già của Murin. Anh gác cổng thì hiếu kỳ, cũng thích “tám” lắm, nhưng bị hoàn cảnh ép buộc phải giữ mồm giữ miệng. Bà đầy tớ già cũng là một trường hợp lắm lời, nhưng không thể nói năng cho thành lời, và cứ lầm bầm suốt.

Đọc hết truyện này, chi tiết chạm vào tim tôi sâu nhất là khi Ordinov đã bước ra khỏi cuộc đời Katherine, tưởng chừng như anh muốn bắt đầu lại một cuộc sống khác rồi, nhưng nỗi đau còn vấn vương và còn sống dậy nguyên vẹn mỗi khi một chút gì trong thời gian, trong không gian gợi lại kỷ niệm xưa:

“Ordinov never confided his trouble to any living soul ; but often, at dusk, when the church bells were recalling to his memory that unforgettable moment when he had been kneeling near Katherine in God's house, and listening to the beating of the girl's heart, and baptising with tears of joy the hope which had newly sprung into his life — at such times there would arise in his murdered soul a veritable tempest, and his spirit would burst forth anew, and all the tortures of love would begin for him again.”

Dịch: “Ordinov không bao giờ tâm sự nỗi khổ tâm của mình với bất cứ ai, nhưng thường, khi màn chiều buông, khi chuông nhà thờ gợi cho anh nhớ về những giây phút không thể quên lúc anh quỳ bên Katherine trong thánh đường, lắng nghe nhịp đập của trái tim người thiếu nữ, và rửa sạch niềm hy vọng vừa nẩy nở trong đời bằng những giọt nước mắt vui mừng - những khi ấy, giông tố lại nổi cuồn cuộn trong hồn anh, và lòng anh lại vỡ òa, và bao nhiêu nỗi đau ái tình lại sống dậy trong anh.”

Một lần nữa, rất cám ơn Trân đã rủ em đọc truyện này.

Trân
02-16-2012, 08:51 AM
Không có gì phải bận tâm đâu Trân, cám ơn ly trà nhỏ. :) Có những đêm P không ngủ được thấy bóng dáng Trân thấp thoáng trên phố, định say hi, mà Trân không ịn dấu chân, bỏ dấu tay lại nên P cũng ngâm tăm cho được việc. :)

Thân chúc Trân, và quý quyến luôn vui khỏe, và bình an há. :)

Xin cám ơn anh P. Trân cứ sợ bị anh khỏ đầu nên len lén vào ĐT vào những lúc vắng vẻ. Anh luôn vui há.

Trân
02-16-2012, 09:06 AM
Trân có lấy lại hứng thú tham gia làm văn không, thì vào chơi.



Gió ơi. Lúc đầu khi đọc tựa đề "cô chủ nhà" T cứ tưởng Katherine là nhân vật chính. Nhưng hình như không phải. Ordinov mới là "trung tâm cuả vũ trụ" hay sao đó. Anh là outcast, đang loay hoay tìm về xã hội bình thường, gặp được Katherine, Ordinov mừng húm tưởng là có cái phao. Ai dè, Katherine còn làm cho anh đắm chìm vào vũng lầy của mình. Kết thúc lửng lơ: Ordinov vẫn thất vọng não nề: Yaroslav chán chường, the most pious respectable, outwardly irreproachable old man là trùm băng đảng, Katherine đã đi xa... Ordinov sẽ ra sao với quãng đời còn lại?

Theo dịch giả- C.J. Hogarth, Fyodor M. Dostoevsky chỉ: "Drawing us pictures of what he has seen and heard in those murky depths, he, by implication, asks of the comfortable section of society what it thinks of it all. Yet he does not seek to extenuate, any more than he seeks to condemn, the vices and foulnesses, moral and physical, of the underworld. He does not lay the blame for what he has witnessed at the door of any particular social system, any particular social class. He merely invites the reader to look, and then to go away and think over what he has beheld...(page IX. Introduction. Letters from the Underworld. The gentle maiden. The Lanlady)

Nên chắc mình tự phải định đoạt số phận cho Ordinov. Trân sẽ cho chàng gặp được một cô bé khác, đẹp như Katherine, nhưng đơn giản và yêu đời hơn, dắt tay chàng ra khỏi vũng lầy và vui sống mãi mãi.

*
Trân đoán, tác giả tạo ra những nhân vật kỳ bí, phức tạp Murin, Katherine, Yaroslav.... như những chướng ngại vật trong đời của Ordinov.

*
Và, cuối cùng, Trân xin cám ơn anh Gun_ho rất nhiều vì đã giới thiệu sách và tác giả Fyodor M. Dostoevsky cho Trân. Đúng là "các ông văn sĩ người Nga viết cái chi cũng lạ lạ" (lời của anh Gun_ho khi giới thiệu sách). Brain của Trân bị teased và hồn thì bị ngớ ngẩn, khờ câm khi đọc các ông ấy viết.

gun_ho
02-16-2012, 12:29 PM
Có lẽ dần dần, văn chương loại này sẽ không còn được yêu chuộng nữa, vì nó khá lê thê và dài dòng, những tình cảm rối rắm được tác giả trình bày qua những dòng văn dài có thể làm người đọc hiện đại mệt mỏi.

Ngày xưa, con người có lẽ đủ rảnh để quan sát và nghiên cứu tâm lý nhân vật, còn ngày nay con người ta vội vàng, tất bật và lười biếng hơn, nên bỏ thì giờ mà theo dõi những tâm tình rối rắm kiểu này có lẽ hơi bị mệt. Vậy mà hai cô không những đã đọc mà lại còn chịu khó ngồi dịch ra tiếng Việt chu đáo nữa.

Cám ơn hai cô đã cho đọc một truyện của một nhà văn nổi tiếng khó đọc.

Trong tương lai có còn truyện nào nữa hay không?

Lòng Như Gió
02-16-2012, 10:27 PM
Đấy, Trân vào chơi thế này, có phải bộ mặt Ngõ Vắng trông lại đúng là Ngõ Vắng ngày nào không!

Anh Súng, loại văn chương có lối viết đào sâu tâm lý nhân vật, em rất thích. Tuy nó lê thê, nhưng nó gần như không thừa chữ nào cả. Để nghiên cứu tâm lý nhân vật, người ta không cần rảnh (để cãi nhau trên diễn đàn mới cần rảnh chứ), chỉ cần người ta biết nghĩ sâu.

Em cũng nghĩ như Trân, rằng cách tốt nhất để hiểu một tác phẩm là dịch nó ra tiếng Việt. Nếu không dịch, chỉ đọc thôi, thì mình sẽ chỉ là người thưởng thức tác phẩm từ góc cạnh của người đọc, có lắm chỗ mình sẽ đọc lướt qua, hoặc đọc lầm kiểu trông gà hóa cuốc. Còn khi dịch, người ta mới phải nghiêng ngó cái đầu để trông cấu trúc câu, ngắm nghía kỹ càng từng chữ, từng dấu câu, và nghiền ngẫm những ý tứ được chuyên chở trong những chữ, những dấu câu, những cấu trúc câu ấy.

Lấy ví dụ, nếu chỉ là người đọc, và đọc một bản dịch tiếng Việt nào đó đã dịch chữ “savage” thành “người cô độc”, hoặc “người khổ hạnh”, hoặc “kẻ hận đời”, nhiều khi người ta cứ chấp nhận ý tác giả là thế cho xong, rồi người ta lướt nhanh sang những đoạn tiếp theo. Trong khi đó, một người dịch, có khi phải tạm viết ba chữ “người cô độc” vào đấy, nhưng sẽ tiếp tục nghiền ngẫm về tình cảnh của nhân vật Ordinov này, và một ngày kia, họ bèn thay chữ “người cô độc” bằng “kẻ lạc loài”…

Để trả lời câu hỏi của anh, tương lai có còn truyện nào nữa hay không, em nghĩ đành phải trả lời là có (nếu không có gì trở ngại), và có lẽ cũng sẽ là một truyện ngắn của cùng tác giả với văn phong “khó xơi” này. Tuy tác phẩm của ông ấy khó xơi, nhưng em mê ông ấy mất rồi. Lần này bọn em định không đăng từng kỳ trong khi dịch chưa xong nữa; Trân muốn đủng đỉnh hơn, để dịch kỹ hơn, nên chắc còn lâu lắm mới xong công trình tiếp theo.

visabelle
02-17-2012, 12:26 AM
ngó vắng mà...xôn xao quá! visa có scanned qua câu chuyện dịch, phải nói là ..."wow! amazed, trân và như gió!" *flowers*

mà này, sao như gió ...tài lắm thế? *ghanh tị một cách dễ thương*

Lòng Như Gió
02-18-2012, 08:02 AM
mà này, sao như gió ...tài lắm thế? *ghanh tị một cách dễ thương*

Cám ơn Visa xinh đẹp. Visa chắc cũng dễ khiến người khác phải ganh tị, vì Visa biết đàn, hát hay, giọng Bắc Kỳ Duyên, có nét đẹp giống ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung, ngoài ra lại còn lả lướt giọng văn “Thời cổ tích” nữa. Đúng không?

Quay lại nói tiếp về “Cô chủ nhà”. Thật ra, một nhân vật được nhắc đến trong tựa đề không luôn có nghĩa đó là nhân vật chính. Nhiều khi đó là nhân vật “ám ảnh” nhân vật chính thôi. Như trường hợp này, cô chủ nhà Katherine là người ám ảnh nhân vật chính Ordinov.

Có người nói, đọc hết cả truyện này, đọc lại lần nữa (bản tiếng Anh của Hogarth), vẫn chưa hiểu rõ lắm quan hệ giữa Katherine và Murin là gì.

Vâng, có thể nói, đó cũng là một trong nhiều dấu chấm hỏi xoay mòng mòng trong đầu người đọc trong khi và sau khi đọc truyện này.

Thoạt đầu, khi Katherine và Murin xuất hiện trước mắt Ordinov trong nhà thờ, người ta có thể đoán cô gái ấy và “ông già” ấy là một cặp tình nhân, và cô gái khóc lóc, sợ hãi điều gì đó có lẽ do mối duyên giữa hai người đang trắc trở. Chỉ đoán thế thôi, và người ta háo hức đọc tiếp xem mình đoán có đúng không.

Tiếp theo, khi Katherine kể với Ordinov rằng “My protector also possesses a great many books”, thì người đọc đã đoán già đoán non trước đó sẽ tự hỏi: Ồ, vậy ra ông già kia là “protector” của cô gái này, chứ họ không phải là hoặc không chỉ là tình nhân hoặc vợ chồng? Chữ “protector” ban đầu được bà chủ Ngõ Vắng dịch là “người bảo hộ”, sau được sửa lại thành “ông anh nuôi”.

Sau đó, trong câu chuyện “đầy kịch tính” mà Katherine kể cho Ordinov nghe về những đêm giông tố (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) khi cô còn ở nhà với mẹ mình, mẹ cô có nói một câu lấp lửng: “Mẹ sẽ cho bố biết ai mới đúng là bố của mày”. Đến đây, ta tự hỏi: Ai? Đó là Murin hay là một người khác? Câu hỏi này, mãi đến hết truyện, vẫn không có lời đáp. Vả lại, những lời nói của bà mẹ ấy thật ra là theo lời kể của Katherine, và chẳng ai đo được bao nhiêu phần trăm là sự thật.

Rồi, khi Murin nói chuyện với Ordinov – trong lúc cũng có mặt Yaroslav – ông nhiều lần dùng chữ “my ward” để gọi Katherine (“ward” được dịch là “em nuôi”). Vậy về điểm này, Katherine và Murin có cách nhìn nhận giống nhau về mối quan hệ giữa họ: đó là quan hệ giữa người nuôi và người được nuôi. Ngoài ra, Murin cũng nói thêm rằng ông và Katherine là anh em họ đời thứ năm.

Nhưng, dù hai nhân vật này là gì của nhau, điều mà người đọc và Ordinov nhìn thấy được, cũng là điều mà Murin thẳng thắn thừa nhận, đó là ông ta yêu Katherine.

ntđl
02-18-2012, 09:21 AM
Xin chào hai cô chủ nhà và toàn thể khách thăm viếng.
Cám ơn nhị vị cú nường đã bỏ công dịch thuật cho tui thưởng thức ké.


Những truyện kiểu này thường làm người đọc băn khoăn, tới trang cuối vẫn chưa có đáp số.
Đây là những truyện thích hạp cho qúi độc giả thiên về nội tâm, nó cố tình ấm ớ vậy để họ có thể project chuyện của họ vào trỏng chút đỉnh. Chẳng hạn như mối liên hệ giữa ông nọ và cô gái kia, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Và khi muốn hiểu như thế, người ta rất có thể mần màn projection, rồi it nhiều sẽ đặt vào trỏng những băn khoân của chính mình về cuộc sống.


Ý riêng tui là vậy, đúng sai tùy người đối diện hén.
Còn một chuyện khác cũng đúng sai tuỳ người đối diện là chữ protector.

Protector dĩ nhiên là người bảo hộ bảo trợ bảo tùm lum, nhưng ba cái bảo này nghe hồng kông quá xá. Dịch là... anh nuôi, em nuôi bố mẹ nuôi thì lại phải biết rõ tuổi tác giữa hai bên.
Nuôi trong tiếng việt rất gần gụi, có thể chung mái gia đình, ăn uống chung mâm và tình cảm khắng khít hướng thượng, nghĩa là hổng... chung giường - trừ phi cố ý xài sai với "ý đồ" đen đủi như đêm 30 -


Tiếng dziệc mình có một chữ hay lắm cà, do rất chánh xác : Người đỡ đầu.
Đỡ đầu ở đây là người che chở bảo bọc, tinh thần hay vật chất, hoặc cả hai.

Trong thiên chúa giáo, khi rửa tội bao giờ cũng phải có người đỡ đầu, kêu bằng cha hay mẹ đỡ đầu (hổng anh em chi dzáo vì tình phụ tử mẫu tử vốn thiêng liêng), tiếng miền nam còn gọi là vú (đờn bà) hay bõ (đờn ông, bõ chờ không phải bố nha) - Rồi còn phải có thánh bản mệnh hay bảo mệnh, đây là lý do vì sao con chiên chúa người dziệc nam mà lại còn có thêm tên thánh... cho sang -

Trong xã hội... người đỡ đầu mang ý nghĩa bảo vệ, nặng tánh băng đảng. Còn bằng không... đổi chác vật chất, hợp tác để cùng có lợi. Protector như thế mang ý nghĩa chồng/vợ hờ và... gái bao hay kép bao.

Liên hệ giữa hai nhơn vật trong truyện, theo tui, chính là liên hệ đổi chác này đây nha. và tui xin dịch là người đỡ đầu hay chồng hờ, còn cô nọ là vợ hờ hay gái bao của ổng.
Xin hết.

Chào Trân.
Dữ hôn, sao hổng chờ PR 4 thành PR 5 rồi hãy xuất hiện !

Lòng Như Gió
02-18-2012, 07:13 PM
Chào cô Ngô. Rất vui được gặp cô ở Ngõ Vắng.

Lẽ ra, nếu cháu chịu khó thêm chút nữa, “dụ” cho Trân trả lời bài này của cô, chắc cô sẽ vui hơn. Nhưng vì chữ “anh nuôi”, “em nuôi” là ý tưởng của cháu, nên cháu phải trả lời thôi.

Trước hết, bàn về chữ “người đỡ đầu”. Cháu đồng ý với cô là nghe nó hay hơn, gần gũi với người Việt mình hơn chữ “người bảo hộ”. Nếu mình cho Katherine gọi Murin là “người đỡ đầu của tôi”, rồi đến khi Murin nói chuyện với Ordinov - rất nhiều lần nhắc đi nhắc lại “my ward” – ta sẽ dịch “nguyên con” thành “người mà tôi đỡ đầu”? Nghe dông dài quá, và theo cháu là vụng về và kém tự nhiên nữa.

Bây giờ xem đến chữ “vợ/chồng hờ”, “gái/kép bao”, thường, đây là những khái niệm mà tự người khác hiểu, chứ chẳng ai lại giới thiệu “vợ hờ của tôi”, “gái bao của tôi”, vân vân, trong nhiều trường hợp mà nói vậy là khiếm nhã. Trong trường hợp những lời thoại do Katherine và Murin nói ra, cháu dĩ nhiên không muốn cho họ “khiếm nhã” như thế, thẳng thừng như thế, vì bản thân dịch giả Hogarth dường như cũng muốn đánh đố độc giả, muốn lấp lửng, chứ đâu muốn tuyên bố hai người ấy là vợ chồng (hờ) hay tình nhân gì của nhau.

Giờ lại bàn về chữ “anh nuôi”, “em nuôi”. Khi chọn những chữ này, cháu muốn vừa gần gũi với người Việt, lại vừa tự nhiên với loại văn nói (vì những chữ ấy xuất hiện trong lời thoại, không phải lời dẫn truyện). Theo cháu, khái niệm “xxx-nuôi” không hẳn được quyết định dựa vào tuổi tác, mà đúng hơn là dựa vào vai vế. Murin tuy lớn hơn Katherine rất nhiều tuổi, nhưng về mặt vai vế, theo lời kể của ông ta, họ là “anh em họ” của nhau. Mặt khác, nếu cho rằng họ gọi nhau là “anh nuôi”, “em nuôi” với “ý đồ đen đủi như đêm 30” thì cũng chẳng sai, vì chính bản thân Katherine nhìn nhận rằng cô đã rất “trơ trẽn” khi để một người đàn ông vào phòng mình giữa đêm và sau đó còn bỏ trốn theo ông ta, còn Murin cũng nhìn nhận rằng ông ta yêu Katherine dù cô bị “mát”.

Đó là ý của cháu. Còn ý Trân thế nào, chắc mình chờ Trân vào trả lời xem sao.

Chờ hoài không thấy chị Vy xuất hiện, không khéo Trân lại lo lắng bị chị Vy giận...

6Quit
02-21-2012, 12:54 PM
Chào mừng Trân trở lại, ly trà gì mà đen thui giống thuốc độc quá zi. trời ...:)) .Trân và chị Gió, cảm ơn đã bỏ công dịch, để từ từ tui đọc hết bài rồi cho ý kiến nghen . Maybe a few days

Lòng Như Gió
02-22-2012, 04:11 AM
Dạ, mời anh Quít cứ thong thả đọc truyện rồi cho ý kiến. Cám ơn anh.

À, nhân đây cháu xin lỗi cô Ngô vì hôm nọ cháu gửi sót lời cám ơn cô đã bỏ công đọc truyện và đóng góp ý kiến. Cháu cứ nhớ lầm là ghi câu cám ơn ở đầu bài rồi; hôm nay vào đọc, mới thấy là chưa ghi. Nói ngắn gọn là cám ơn cô.

6Quit
02-24-2012, 09:03 AM
Hôm nay đọc xong nên cho ý kiến về chuyện này, đây chỉ là lời bàn của riêng tui

Tổng quát, đây là một truyện tiêu biểu của các nhà văn Nga (như War & Peace, Dr. Zhivago …), trừu tượng, phức tạp và khó hiểu, văn phong nhuộm đầy tính triết lý, phải đọc vài lần mới thấu đáo.

Truyện mở đầu bằng nhân vật Ordinov, một văn sĩ trong giới quí tộc nhưng đang thời kỳ lỡ vận, vì chỉ có một số tiền thừa tự cố định nên anh phải tìm sống trong một khu phố của giới bình dân để có nhiều thời gian suy nghĩ, soạn thảo và viết ra những tác phẩm của mình. Vì bản chất cô độc, không thích giao thiệp từ nhỏ nên vấn đề sống ở đâu không ảnh hưởng cho mục đích (sáng tác) của anh nhiều lắm.

Và nhân vật thứ hai, Katherine hay cô chủ nhà, theo tui đây là nhân vật chính, tác giả đã tạo ra nhân vật Katherine như một cánh hoa chùm gửi về tâm linh (chứ không về thể chất như cánh hoa chùm gửi của Quỳnh Giao), Katherine là một cô gái xinh đẹp về thể chất và trong sạch về tâm hồn, nhưng vô cùng yếu đuối về lý trí, luôn cần những nương tựa về tâm linh từ ba mẹ, thầy (master) hay người tình, nếu không không thể sống nổi, những phụ nữ loại này thường dễ bị lung lạc và ảnh hưởng tâm lý sâu xa bởi người đỡ đầu, người yêu, hay các pháp sư (cha, mục sư, hòa thượng …) và trở thành tín đồ cuồng tín, có thể bảo chết là chết (đó là tại sao có những vụ mục sư kêu tín đồ uống thuốc độc tự tử tập thể xảy ra vài lần ở Mỹ). Tâm hồn Katherine tiềm ẩn một nỗi bi đát thâm trầm sâu sắc xuất phát từ ý thức quằn quại muốn thoát ly, niềm cô đơn vô hạn của tuổi trẻ trong một xã hội loạn lạc nghèo khổ của Nga thời đó, thêm vào sự đau thương vì ba mẹ bị chết trong một bối cảnh ngờ vực mà không ai nói rõ cho cô ta hiểu.


Nhân vật quan trọng thứ ba là ông Murin, đây là một người tài giỏi, đã tạo dựng sự thành công của mình bằng hai bàn tay trắng, hoàn toàn do sự nỗ lực của chính ông trong một thời gian dài, nhưng rồi lại mất trắng tài sản do thiên tai (nên nhớ hồi đó không có bảo hiểm), trong giây phút tuyệt vọng, ông tạo ra những lầm lỗi đáng tiếc không thể cứu vãn (giết người làm trung thành của mình là ba Katherine)….Nên trở thành người bất đắc chí.

Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật trên và tình yêu mãnh liệt của họ trong một xã hội nghèo khổ đầy tệ đoan, nhưng cái hay của câu truyện là tình yêu này không tạo ra kết quả như những tình yêu tay ba bình thường là án mạng và đổ vỡ (các anh chị nào có coi phim Fatal Attraction của Mỹ rồi thì biết). Trong tình yêu tay ba bình thường, dĩ nhiên tình địch phải tìm cách chiếm đoạt tâm hồn và thể xác của tình nhân và hạ gục đối thủ, và nếu như trong truyện này thì một là Ordinov, hai là Murin phải chết ….v.v..

Nhưng không, Murin nuôi và ở với Katherine hơn 1 năm, nhưng giữa họ chẳng có gì cả. Sự hối hận và ý chí muốn đền bù và chuộc lại lỗi lầm (vì đã giết ba Katherine và gây cái chết của mẹ nàng (đốt doanh trại)), sự suy nghĩ ràng buộc về luân lý (coi như con mặc dù chỉ là con nuôi hay như là 1 tín đồ. Xin mở ngoặc nói thêm ở đây là giống như một người đàn ông lấy một người vợ có con gái riêng khoảng 13, 14 tuổi, sau khi nuôi vài năm thì cô gái này trở thành một thiếu nữ 18 xinh đẹp và ông bố nuôi say mê cô ta, trên phương diện huyết thống thì giữa ông bố nuôi và cô này không có gì cả và ông ấy có thể “lấy” cô ta như nhiều thằng Mỹ cà chớn đã làm, nhưng nếu người có suy nghĩ và có luân lý (moral) thì không làm), và đầu óc khủng hoảng, bất an của Katherine không cho phép Murin “ngủ” với nàng.

Phần Ordinov, anh vẫn say mê Katherine, nhưng anh là một người trong tầng lớp quí tộc, nói nôm na là dạng có học biết suy nghĩ, thứ nhất, thấy Murin cần Katherine hơn anh, thứ hai anh không thể lợi dụng trong lúc họ bị sa cơ thất thế, đem tình cảm của mình lung lạc, chiếm đoạt Katherine, và làm chia rẽ, tan nát sự gắn bó lâu đời của họ (Murin đã quen với gia đình Katherine rất lâu và ba cô làm cho ông ta). Nên anh hy sinh, lặng lẽ ra đi và trả lại đời sống bình thường cho Murin và Katherine.


P.S: Đọc truyện này, tui nhớ lại năm học triết lớp 12 cách nay gần 40 năm, ông thầy dạy triết rất giỏi, hôm đó bàn về đề tài hấp dẫn là tình yêu trai gái, ổng hỏi rằng: “Các em có biết là sức mạnh của Tình Yêu (power of love) có thể đánh đổ sức mạnh của Niềm Tin (hay tôn giáo), các em có thể bỏ đạo theo tiếng gọi của con tim (hay bây giờ người ta hay gọi là con chim…:))), nhưng các em có biết sức mạnh nào có thể đánh đổ sức mạnh của Tình Yêu không ? “.

Cả lớp cắn hột bí, cái thời 17, 18 tuổi, ai mà hiểu sâu xa cho nổi, thì ổng nói thêm: “Đó là sức mạnh của kiến thức hay sự thông thái, các em càng hiểu biết, thông thái nhiều chừng nào thì cơ hội các em bị sức mạnh Tình Yêu đánh gục ít chừng đó “.

Bây giờ tui nghĩ lại thấy có lý, tướng tá, vua chúa cũng có thể bị sức mạnh Tình Yêu đánh gục, nhưng những nhà bác học, khoa học gia uyên bác thì hình như rất ít.

Tui nghĩ, dù ở VN và dịch theo kiểu từ chương tự điển, nhưng 2 cô Trân và Gió dịch khá chính xác, văn chương lưu loát trôi chảy, đạt được ý chính của câu truyện, giỏi .


Theo dịch giả- C.J. Hogarth, Fyodor M. Dostoevsky chỉ: "Drawing us pictures of what he has seen and heard in those murky depths, he, by implication, asks of the comfortable section of society what it thinks of it all. Yet he does not seek to extenuate, any more than he seeks to condemn, the vices and foulnesses, moral and physical, of the underworld. He does not lay the blame for what he has witnessed at the door of any particular social system, any particular social class. He merely invites the reader to look, and then to go away and think over what he has beheld...(page IX. Introduction. Letters from the Underworld. The gentle maiden. The Lanlady)
(Tui tạm dịch: Theo dịch giả (ở đây là hai cô Trân và Gió), Fyodor M. Dostoevsky chỉ vẽ cho ta một bức tranh mà ông đã nghe và thấy trong nhiều bối cảnh mà chiều sâu rất mơ hồ, với ý tưởng đó, ông chỉ yêu cầu ta nhìn về một khía cạnh êm đềm khi suy nghĩ về tổng quan của xã hội. Dĩ nhiên ông không muốn chối bỏ, hay thêm bớt về sự suy đồi, luân lý cũng như vật chất, của một xã hội loạn lạc. Ông không đổ thừa ai về những gì ông quan sát trước ngưỡng cửa của bất cứ cơ chế xã hội hay tầng lớp dân chúng nào, ông chỉ mời người đọc quán tưởng, và ra về suy nghĩ về những gì ông đã thấu hiểu.)


Cuối cùng, cái thông điệp mà Fyodor M. Dostoevsky muốn chuyên chở đến người đọc trong truyện này là gì: Theo tui, đó là : Dù ở trong một xã hội nghèo khổ và tệ đoan đến đâu, vẫn luôn luôn có những người với tâm hồn trong sạch và cao thượng .

Lòng Như Gió
02-25-2012, 12:17 AM
Cám ơn anh Quít rất nhiều về lời bàn kỹ càng của anh. Điều này cho thấy anh đã đọc truyện rất kỹ.

Theo em, rất nhiều ý trong bài phân tích của anh Quít là những ý mà độc giả khác có thể hiểu theo cách khác, và dù có đọc truyện rất kỹ, người ta vẫn không tìm ra đủ cơ sở để nói rằng hiểu theo cách nào là đúng.

Ví dụ, về chuyện Murin là người giết cha của Katherine. Dĩ nhiên, người ta sẽ dễ dàng nghĩ như thế khi đọc những lời do Katherine kể chuyện đời cô cho Ordinov nghe. Nhưng mãi đến cuối truyện, đó vẫn là vấn đề chẳng được ai xác minh, xác nhận, kết luận gì cả. Mà ngược lại, người ta lại quay sang nghi ngờ mức độ chính xác trong những lời kể của Katherine, khi biết rằng tâm thần cô thật ra không hoàn toàn tỉnh táo.


Ví dụ nữa, về chuyện Murin và Katherine có từng “ngủ” với nhau chưa. Không một chữ nào trong truyện nói là có, mà cũng chẳng chữ nào bảo là chưa. Cho nên, có hay chưa, chắc do độc giả nghĩ thôi.

Em nghĩ, nét “bí hiểm” của tác phẩm này là ở chỗ: những chuyện ly kỳ nhất, bí hiểm nhất lại là những chuyện được thuật lại từ lời của những nhân vật chưa chắc nói toàn sự thật (Katherine và Murin) hoặc nhân vật chưa chắc biết hết và biết đúng sự thật (Yaroslav). Người đọc chỉ có thể đặt niềm tin nhiều nhất vào những nhận định của Ordinov, nhưng thật ra, bản thân Ordinov cũng là một người có tâm thần không hoàn toàn bình thường (theo em), vì anh này rất thường gặp ác mộng, và bị ám ảnh suốt từ thời ấu thơ đến ngày khôn lớn về hình ảnh một hung thần nào đó.

Và có một điều em xin đính chính, về đoạn tiếng Anh mà Trân đã ghi lại, và anh Quít đã trích lại rồi dịch sang tiếng Việt, đó là một đoạn trong lời mở đầu do dịch giả Hogarth viết, giới thiệu chung cho cả ba truyện ngắn “Letters from the Underworld”, “The Gentle Maiden”, và “The landlady”. Đó không phải là lời của hai cô Trân và Gió như anh Quít ghi trong ngoặc đơn.

Chị Vy, anh Súng, và mọi người khác, ai còn có lời bàn nào khác, em rất mong được nghe thêm. Một lần nữa, cảm ơn cô Ngô và anh Quít rất nhiều.

gun_ho
02-25-2012, 07:00 AM
Nếu có ý kiến gì thì anh chỉ có ý kiến là đọc xong mạnh ai nấy nghĩ theo chủ quan của mình, kiểu như là Lã sanh Môn vậy thôi.

Điều quan trọng hơn mà anh muốn nói là có những ý kiến khác nhau về cách dùng chữ. Anh thì từ lâu vẫn đánh giá Gió rất cao, cao hơn hẳn những người có "ý kiến" kia :)) về sự hiểu biết và sử dụng chữ. Ngoài ra, sự thông thạo về tiếng Anh của Gió cũng ít người Việt hiện ở nước ngoài sánh bằng nên từ đó, anh yên tâm đọc mà chẳng có nghi ngờ hay ý kiến cò gì cả.

Hy vọng Trân và Gió sẽ dịch tiếp vài truyện nếu có thì giờ.

PhPhuongVy
02-25-2012, 01:16 PM
Xin lỗi Trân và Gió là đến hôm nay chị mới biết Trân có vào Phố Rùm và truyện The Landlady đã được hai cô dịch xong.
Chúc mừng Trân và Gió đã hoàn tất tốt đẹp một công trình chung. Cảm ơn Trân và Gió rất nhiều đã đóng góp thêm màu sắc cho Phố Rùm Đặc Trưng.
Tiếp tục nhé, Trân và Gió, hai cây bút kiệt xuất của Đặc Trưng.

gun_ho
02-25-2012, 01:38 PM
P.S: Đọc truyện này, tui nhớ lại năm học triết lớp 12 cách nay gần 40 năm, ông thầy dạy triết rất giỏi, hôm đó bàn về đề tài hấp dẫn là tình yêu trai gái, ổng hỏi rằng: “Các em có biết là sức mạnh của Tình Yêu (power of love) có thể đánh đổ sức mạnh của Niềm Tin (hay tôn giáo), các em có thể bỏ đạo theo tiếng gọi của con tim (hay bây giờ người ta hay gọi là con chim…:))), nhưng các em có biết sức mạnh nào có thể đánh đổ sức mạnh của Tình Yêu không ? “.

Cả lớp cắn hột bí, cái thời 17, 18 tuổi, ai mà hiểu sâu xa cho nổi, thì ổng nói thêm: “Đó là sức mạnh của kiến thức hay sự thông thái, các em càng hiểu biết, thông thái nhiều chừng nào thì cơ hội các em bị sức mạnh Tình Yêu đánh gục ít chừng đó “.

Bây giờ tui nghĩ lại thấy có lý, tướng tá, vua chúa cũng có thể bị sức mạnh Tình Yêu đánh gục, nhưng những nhà bác học, khoa học gia uyên bác thì hình như rất ít.


Ủa, tui nghĩ hồi đó anh học Luận lý và Đạo đức thôi mà, sao ông thầy giảng xa xôi quá sá vậy ?

Chuyện bị tình yêu đánh gục thì tui nghĩ là gục trước, sau đó mới trở thành Triết Gia hay nhà thông thái đó anh :))



"By all means, marry. If you get a good wife, you'll become happy; if you get a bad one, you'll become a philosopher".

Socrates (http://www.brainyquote.com/quotes/quotes/s/socrates163765.html)

6Quit
02-25-2012, 03:14 PM
Ủa, tui nghĩ hồi đó anh học Luận lý và Đạo đức thôi mà, sao ông thầy giảng xa xôi quá sá vậy ?

Chuyện bị tình yêu đánh gục thì tui nghĩ là gục trước, sau đó mới trở thành Triết Gia hay nhà thông thái đó anh :))



"By all means, marry. If you get a good wife, you'll become happy; if you get a bad one, you'll become a philosopher".

Socrates (http://www.brainyquote.com/quotes/quotes/s/socrates163765.html)




Thì tình yêu nó bao gồm hai thứ đó (Luận lý và Đạo đức) mà anh ...:))

Còn bị TY đánh gục trước rồi mới thành nhà thông thái thì chắc là dậy quá, vì hôm dó tụi tui kể có mấy thằng bỏ ăn bỏ uống, dầm mưa dãi nắng trồng cây si, thay vì ổng nói "muốn hết dại gái thì phải học cho giỏi, hay muốn học cho giỏi thì đừng dại gái " mà làm bộ giảng triết đó chớ ...:))

Mà nè, anh giới thiệu truyện này cho 2 cô dịch, hai cô bỏ cả tháng trời dịch xong hỏi anh cho ý kiến, anh hổng thèm bình luận gì hết, hổng thèm khen hay dở gì ráo, nói vài chữ rồi hỏi có dịch thêm cuốn nào nữa không .....hì hì , cái này kêu là chơi cha hết cỡ, gặp tui ỉa bãi ở đó ngồi dịch cho anh đọc ....Hay là anh chỉ mới đọc cái đề tài thôi nên chưa bình luận được ....:))

Lòng Như Gió
02-25-2012, 08:01 PM
Ôi, nhìn thấy chị Vy, mừng quá. Vậy chắc Trân có thể yên tâm không bị chị Vy giận. Cám ơn chị.

Anh Quít, em lại phải đính chính rằng không hẳn là anh Súng “giới thiệu truyện cho hai cô dịch”, theo kiểu ra lệnh: “truyện đó, dịch đi”. Theo em biết, anh Súng có lòng tốt giới thiệu truyện đó cho Trân đọc thôi, từ hồi lâu lắm rồi. Trân đọc xong, chợt muốn dịch ra tiếng Việt để hiểu cặn kẽ hơn, nên đã rủ em cùng đọc. Thay vì, nếu không dịch truyện, người ta dành chút ít thời gian để đi lòng vòng phố rùm và cãi nhau, hoặc đi bưng trà rót nước mời khách ghé chơi quán mình, còn đằng này mấy người dịch truyện sẽ dành chút ít thời gian ấy để đọc tiếng Anh và viết thành tiếng Việt thôi.


Anh thì từ lâu vẫn đánh giá Gió rất cao...

Em thì lại đánh giá rất cao những lời nhận xét như thế này (em tạm gọi là lời khen?) của anh Súng, một người hoàn toàn không thuộc trường phái áo thụng vái nhau hoặc trường phái “bẹo má”, nghĩa là muốn được anh Súng khen không dễ tí nào. Cám ơn anh nhiều lắm.

Nhân đây, em sẽ theo “mốt” “Anh là ai” mấy hôm nay, để ngoáy vài lời bình: “Murin, ông là ai?”

Theo lời của nhân vật Yaroslav trong truyện, cũng như theo lời anh Quít, Murin là một thương gia đã từng rất thành công, nhưng sau đó chẳng may bị thiên tai cướp sạch tài sản.

Theo những gì độc giả có thể tự suy luận từ lời kể của Katherine, thì Murin là một kẻ sát nhân, đã giết cha của Katherine, sau đó đã mang theo Katherine khi chạy trốn.

Cũng theo những gì độc giả có thể tự suy luận từ lời kể của Katherine, Murin là người tình của mẹ của Katherine (hoặc kẻ thường cưỡng dâm mẹ của cô bằng cách đem dao ra uy hiếp). Thậm chí, ông ta có thể là cha ruột của Katherine.

Lại cũng theo lời Katherine lẫn lời của Murin, thì Murin là người đỡ đầu Katherine.

Theo lời của nhân vật Alesha, là một nhân vật chỉ có trong lời kể của Katherine, Murin là một kẻ cướp.

Theo lời của người gác cổng và Yaroslav, hai nhân vật ít ra là nói thật những gì họ biết, Murin là một nhà tiên tri hoặc nhà ngoại cảm (mystic).

Theo suy nghĩ đôi khi chợt nảy ra trong đầu Ordinov – nhân vật chính, cũng như theo những gì độc giả có thể suy luận, thì Murin là một kẻ bất lương (dù Yaroslav kịch liệt phản đối ý này). Murin đã làm gì đấy trái pháp luật, nhưng hãy còn may mắn chạy thoát được nhờ tài tiên tri. Vâng, người đọc hoàn toàn có thể suy luận rằng, khi Murin đã bị cấm hành nghề “tiên tri”, ông ta phải xoay sang làm nghề bí ẩn nào khác để kiếm sống chứ. Có một điều không chối cãi được về tài tiên tri của Murin, là ông ta tiên đoán được rằng Ordinov sẽ bỏ ra đi, không thuê nhà ông nữa. Vì vậy, Murin cũng hoàn toàn có thể tiên đoán được rằng băng đảng tội phạm tại hang ổ của mình sẽ bị vây bắt, nên ông ta đã kịp sớm cao bay xa chạy …

6Quit
02-26-2012, 08:11 PM
Chị Gió, giờ bàn thêm với chị Murin là ai trong truyện này cho vui hén:

Murin là một người thành công ngày xưa, điều đó ít ai chối cãi, thêm vào đó, dĩ nhiên người đọc cũng có thể nghĩ ông ta là người tình của mẹ Katherine, và có thể là cha ruột Katherine (rất tiếc hồi đó không có DNA test để biết).
Murin cũng có thể là người tình của Katherine và Katherine đã yêu ông ta lúc mẹ cô còn sống và đã “ngủ” với Murin, khi ông vào phòng Katherine ban đêm cho kim cương và nói rằng, ông đã bỏ người tình già và yêu một người tình trẻ hơn, rồi sau đó mẹ Katherine rất giận dữ và mắng nàng là cô gái mất nết ….do đó nàng đã có mặc cảm tội lỗi:

“Nỗi đau lớn nhất của em, nỗi đau chua xót nhất trong tim em, là nhận thấy mình là nô lệ cho nỗi hổ thẹn của chính mình, là nhận thấy rằng em yêu điều ô nhục của mình, và em ôm ấp ký ức nhơ nhớp của mình như người ta nâng niu những kỷ niệm thiêng liêng. Đó là nỗi đau lớn nhất của em - là ý nghĩ rằng trái tim mình phải bình thản, phải trơ lì không chút dằn vặt về sự độc ác của chính nó.”


Nhưng khi tui đọc truyện thì tui ít để ý đến quá khứ, cho dù Murin là ai trong quá khứ thì hiện tại Murin chỉ là một ông già bịnh hoạn, nghèo khổ bên người tình trẻ tuổi xinh đẹp nên ông ta rất sợ mất nàng, hãy nghe ông ta hăm dọa:

“Chừng nào em còn đem lại hạnh phúc cho tôi, em sẽ là của tôi; nhưng nếu một ngày nào đó, em không còn yêu tôi nữa, đừng nói gì cả, đừng phí một lời, hãy để giữa hai chúng ta không có sự miễn cưỡng nào. Khi ấy, em chỉ cần khẽ nhíu mày, khẽ liếc mắt về hướng khác, khẽ giơ ngón tay út lên, và tôi sẽ trả lại em cả tình yêu lẫn tự do của em. Chỉ có điều, người đẹp ác liệt của tôi ạ, đó là ngày tôi chết….”

“…em đã để một giọt nước mắt rớt vào ly của tôi – và với giọt nước mắt ấy, em đã gieo hạt cho một ngàn giọt lệ tiếp theo, ngay cả trước khi lời nói kịp thoát ra khỏi môi em. À, một ngày nào đó, những giọt nước mắt ấy sẽ chảy thành dòng! Chúng sẽ chảy vào những đêm dài lê thê của nỗi tuyệt vọng, nỗi đau buồn mà em sẽ gặp, và chúng sẽ vây quanh em bằng những ký ức mục nát. Khi ấy, em sẽ nhớ lại giọt nước mắt hôm nay của em! Tuy nhiên, giọt nước mắt ấy với em sẽ chỉ là một giọt nước mắt xa lạ, nhiễm độc – một giọt nước nhỏ xíu nhưng nặng hơn cả chì. Nó sẽ theo máu chạy vào tim em, và suốt đêm, suốt đêm, cho đến lúc ánh bình minh uể oải của một ngày đau khổ lại ló dạng, em sẽ vật vã trên giường, đau đớn với một vết thương sẽ không bao giờ lành qua nhiều và rất nhiều ngày…”

Và dĩ nhiên ông ta rất yêu Katherine nên tìm mọi cách để giữ nàng, bằng niềm tin tôn giáo, bằng tự tạo cho mình là nhà tiên tri (đọc nhiều sách), bằng gián tiếp hăm dọa (bắn tiếng cho tên gác cổng rằng ông ta đã từng là một kẻ cướp, có nghĩa là nhờ anh ta bảo lại Katherine rằng, nếu cô bỏ ông, ông có thể sẽ giết nàng ..v.v..)

Mở ngoặc ở đây bàn xa thêm bá láp cho vui nghe chị:

Ví dụ một ông Việt Kiều 5, 6 chục tuổi, muốn về VN cưới cô vợ trẻ đẹp 25, 30 đem sang Mỹ. Dĩ nhiên ông hiểu rằng ông có thể tìm được cô gái trẻ đẹp, yêu và cưới được cô ta vì những cô gái ở VN có khuynh hướng muốn thoát ly xã hội nghèo khổ, nhưng chưa chắc cô đó yêu ông ta, và nếu ông là một người đàn ông sa cơ thất thế, bịnh hoạn weo phe phút tem (lãnh trợ cấp và không có nghề ngỗng) thì chắc chắn ông ta phải nghĩ cách nào đó để giữ cô vợ trẻ đẹp khi đem sang Mỹ vì nó dễ mất vô cùng khi ông không có thể so sánh với một chàng trai trẻ hay giàu có khác …Đó là dạng lão Murin trong truyện này.


Và tác giả đã không bao giờ viết rõ những chi tiết, để người đọc tự suy nghĩ và đặt nhiều giả thuyết, đó là cái “tuyệt tác” của câu truyện …


Cô nương nhím xù, cô nương đã đọc bản tiếng Anh, so what do you think ? hai cô Gió và Trân dịch chính xác ?

Lòng Như Gió
03-03-2012, 12:35 AM
Nhờ anh Quít trích lại mấy đoạn màu xanh xanh trên kia, em đã đọc kỹ đoạn ấy lần nữa, và đã quay lại sửa văn một tí ở cái câu phía trước câu “Nỗi đau lớn nhất của em…”. Cám ơn anh Quít.

Dưới đây là một bài viết của Trân, về niềm tin, có lẽ lấy cảm hứng từ niềm tin đã mất của nhân vật Ordinov.



Niềm tin
Trân


1.

…Mặc dù Ordinov càng ngày càng rút vào vỏ ốc của mình (vì có thể nói rằng hai vị chủ nhà người Đức không quấy rầy anh chút nào), có những lúc anh miệt mài lang thang trên phố, và luôn cố ý chọn những giờ giấc và những nơi chốn vắng vẻ nhất. Một chiều xuân ảm đạm, tại một nơi vắng vẻ như thế, anh gặp Yaroslav Ilyitch. Yaroslav trông không khỏe, vì đôi mắt vốn sáng ngời của anh giờ đây trông đờ đẫn, và cả diện mạo anh toát ra vẻ chán nản. Hơn nữa, xưa kia anh luôn có vẻ vội vã vì những cuộc hẹn tới tấp, còn lúc này y phục của anh nhếch nhác và dính đầy bùn, và cơn mưa chiều đã biến chiếc mũi đỏ tía của anh thành một vòi nước chảy ròng ròng. Tuy hàm râu anh đã để lâu không cạo, và dường như anh muốn tránh mặt người bạn cũ, Ordinov cũng đã liền trông thấy anh. Dù bản thân Ordinov cũng muốn tránh những lời hỏi thăm, anh cảm thấy bị tổn thương trước thái độ của Yaroslav. Anh muốn thấy Yaroslav như ngày xưa - đơn giản, bộc trực, cởi mở và có chút vụng về, nhưng không bao giờ tỏ vẻ chán chường, cũng không ra vẻ khôn ngoan. Tại vì, chả phải rất khó chịu khi nhận ra một người mà mình yêu thích vì sự ngớ ngẩn nay bỗng trở nên “thông minh”? Tuy nhiên, sự e ngại của Yaroslav không kéo dài. Dù không còn vẻ yêu đời nữa, anh khó lòng bỏ được bản tính của mình. Một cách khéo léo, như ngày nào, anh bắt đầu hỏi thăm bạn mình. Yaroslav cho biết anh rất bận rộn, và nói tiếp rằng đã lâu lắm rồi đôi bạn mới gặp lại nhau. Sau đó, Yaroslav đột ngột chuyển sang nói chuyện khác, nói về đạo đức giả của con người, về ảo tưởng khi kiếm tìm bất kỳ hạnh phúc nào trong thế giới này, và về sự phù phiếm đặc biệt được gọi tên là “cuộc đời”. Dĩ nhiên, anh lại kéo Pushkin vào, nhưng lần này với một vẻ thờ ơ rõ rệt. Tiếp theo, anh nói đến “những người bạn tốt” với một vẻ hoài nghi, và đả kích những giả dối và điêu ngoa của những người nhận là “bạn” của nhau, nhưng giữa họ chẳng có, chưa từng có, tình bạn chân thành nào. Đúng thế, Yaroslav Ilyitch thật sự đã trở nên “thông minh”! Ordinov chẳng phản đối câu nào, nhưng cảm thấy quá sức thất vọng. Anh thấy như thể anh đang góp phần chôn sống người bạn tốt nhất của mình!

*
Trời ơi. Fyodor M. Dostoevsky. Ông tàn nhẫn quá!

Ordinov vừa mới ốm dậy sau khi nằm bẹp trên giường suốt ba tháng. Giờ đây,“cuộc sống của anh đã hết thi vị”, và, “anh chỉ còn có thể cười cợt vào những niềm tin của mình”. Vì. Katherine đã đi rồi! Sao Dostoevsky lại để Ordinov gặp một Yaroslav chán chường, nhếch nhác, hoài nghi, thờ ơ, và đầy vẻ đả kích?


2.

hình như. thuở mười bốn ngu ngơ. có những lúc, tôi cũng đã từng nghêu ngao. niềm tin ơi, ta xin chào tạm biệt mi!


3.

Tôi vẫn còn cắm cúi hí hoáy viết cho đến lúc một bóng đen đứng sừng sững trước mặt. Vội ngẩng đầu lên, cha Huy đang đứng đấy, còn lớp học thì vắng tanh chẳng còn ai. Tôi lật đật thu xếp sách vở để ra về. Sau lớp này, cha còn dạy đến hai lớp nữa, nên ngài cần được tịnh tâm trong mười lăm phút giải lao quý báu. Quýnh quáng lo vơ hết đống sách vở rồi nhét vào cặp, tôi để tờ giấy chi chít những chữ sang ô bàn bên cạnh. Cơn gió ngỗ nghịch thổi tung tấm giấy xuống đất, nằm vênh váo ngay trước mặt cha. Ngài cúi xuống, lượm lên giúp tôi.

-T. đã viết bài rồi à?

Tôi lúng búng: “Dạ”.

Hôm nay, cha giảng về. đức tin. Và tôi, thì nhớ đến. ruồi trâu. với những trăn trở băn khoăn ngày nào.

-Cha đọc, nhé?

Tôi ái ngại nhìn đồng hồ. Cha ôn tồn bảo: “Không sao đâu.” Rồi, đôi mắt ngài lướt trên trang giấy.

Ôi, Montanelli, Montanelli, đức Hồng y kính mến! Sao ngài lại làm tôi hai chủ để tạo ra một thảm kịch bi đát đến thế. Tôi thẫn thờ tuyệt vọng khi đọc hết trang sách cuối cùng. Khi chuyện dan díu tội lỗi của ông với Glady-người vợ kế trẻ đẹp của nhà đại tư sản Burton- bị vỡ lỡ, cha Montanelli buộc phải rời nước Ý, đi Trung quốc truyền đạo. Lúc ông mãn hạn, về lại Ý là lúc Burton lâm chung, rộng lượng để lại di chúc cho phép ông dạy dỗ Arthur-đứa con ngoại hôn của cuộc tình vụng trộm, nhưng không được tiếp xúc người tình cũ. Arthur, chàng thanh niên thuần khiết ngây thơ như cành hoa huệ trắng, không hề hay biết cái bí mật khủng khiếp này, nên hết lòng tôn sùng, yêu mến người cha linh hướng và Thiên Chúa của mình. Bấy giờ, phong trào Nước Ý Trẻ (Young Italian) được thành lập, với mục đích dành lại độc lập cho nước Ý từ tay đế quốc Áo, đã lôi cuốn bao thanh niên tràn trề nhiệt huyết-trong đó có Arthur, gia nhập. Tham gia chưa được bao lâu, thì Arthur bị bắt. Ngày Arthur được ra khỏi trại giam, là ngày định mệnh biến anh thành Ruồi Trâu, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, cay độc, hay châm biếm tàn nhẫn, có lòng thù hận căm ghét đao Kitô và giáo hội La mã tột độ. Ngày đó là cái ngày Arthur không những biết được lý do mình và đồng đội bị bắt là do anh thật thà xưng tội với cha Cardi-một tên mật thám đội lốt linh mục, mà còn biết được sự thật về nguồn gốc của mình. Đất trời như nổ tung, sụp đổ. Arthur cầm búa đập bể tan tành tượng Chúa chịu nạn, cười khẩy vào bức di ảnh của người mẹ quá cố, viết lại vài dòng nhắn gửi cho cha Montanelli: “Tôi đã tin ông như Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời chỉ là một tượng đất, đập một búa là tan, còn ông thì ông đã lừa dối tôi suốt đời”, rồi ra đi.

*
ngoài sân, trời ngã về chiều, ánh nắng vàng ruộm đã nhạt thếch như niềm tin bị phôi pha. tôi băn khoăn tự hỏi. có phép lạ nào, gọi nắng rực rỡ về trong buổi chiều tà này. rồi, tự trả lời. có đấy. chỉ cần cha Huy bảo tôi. đó là những vu khống của nhóm người vô thần. chỉ cần thế. thì, tôi sẽ nhảy chân sáo hồn nhiên như trẻ thơ tung tăng cõng trên lưng một niềm tin bất diệt.

trong lúc ngồi đồng. hồi hộp chờ cha Huy. tôi tìm lại khúc phim cũ. khi tôi còn là con nai vàng ngơ ngác. lang thang từ chế độ này đến chế độ kia. để tìm hiểu.

trước một chín bảy lăm, tôi còn quá nhỏ nên sau này chỉ biết tiếc nuối tìm về thời cộng hòa cường thịnh xa xưa qua những tà áo dài lộng lẫy của mẹ.

lớn hơn chút xíu, khi tiếp xúc dòng văn học cách mạng , hồn tôi được mặt trời chân lý chói qua tim như tố hữu . não tôi được tẩy để nhận ra những tệ nạn thối nát của chế độ trước. tôi hân hoan: rồi đây, sẽ có một xã hội tươi đẹp công bình, sân trường sẽ không còn những con ngựa chứng đã mất hết niềm tin vào cuộc sống nữa, trần đại của duyên anh sẽ được nghe những điệu ru thanh bình thay vì điệu ru nước mắt , kim .cô hippy lạc loài. của nhã ca sẽ trở về mái nhà xưa, không đi hoang rạc rài.

khổ thân tôi. thật ra, chế độ mới cũng chỉ là những thiên đường mù . nên tôi đành ngoan ngoãn, theo mẹ, vào sân nhà thờ để xin một niềm tin.

giá mà đừng có. ruồi trâu của Etel Lilian Voynich .

*
-T này. Nhân vật Montanelli và Cardi có thật trong đời thường đấy.

Giọng cha Huy trầm trầm nhưng làm tôi giật bắn người. Rồi, tôi chợt thấy một góc địa cầu đang ầm ầm sụp đổ sóng thét gió gào trăng tàn nguyệt tận.

-Cha có thể nói dối để T được bình an, nhưng, cha muốn T phải đối diện với sự thật. Và, tự tạo cho mình một niềm tin vào cuộc đời đầy bất trắc này.

*
Tôi không nhớ mình đã loay hoay sống ra sao vào những năm tháng đó. Dường như, có lúc tôi nhìn sững vào khoảng không trống hoác với cặp mắt sáng rỡ như thể chụp được tia nắng trong veo ấm áp của một ngày dày đặc sương mù. Lúc khác, tôi đăm đăm nhìn xuống tờ giấy trắng chờ đợi những dòng chữ bỗng nhiên xuất hiện lấp đầy trang giấy trống thành bài thơ mượt mà. Dần dần, hồn tôi như búp hoa quỳnh trắng nõn nở từ từ trong đêm khuya. Có lẽ, tôi đã tự biết cách để cuộc đời êm đềm lướt theo từng cơn gió nhẹ nhàng, hoặc trôi điên cuồng trong cơn giông phũ phàng. Và, niềm tin mới mẻ tinh khôi chợt nhú ra như những mầm non đâm chồi nảy lộc giữa mùa xuân.


4.

Dostoevsky đã để các nhân vật khác của ông, những kẻ ở tận đáy xã hội (gã say rượu, cô gái bán phấn buôn hương…) thì thầm: “where there is no love, there is no wisdom” …” ( page XI. Introduction by C.J.Hogarth).

và. nếu một thiếu nữ nửa mê nửa tỉnh non nớt quê mùa lại có những dằn vặt, dày vò như thế này …

"Yet that is not my greatest trouble," said Katherine as she raised her head again. "No, not that, not that ! " she repeated in an altered voice as her face contracted and her eyes shone with a dry glitter. " Not that, not that, not that ! One can have but one mother, and I have one no longer, but what does a mother matter, or the curse which she uttered when her last miserable hour had come, or my former life, or my peace of heart, or my chastity, or my seduction, or my bartering away of my soul, or my commission of an eternal sin to gain a single moment's happiness? No. Though these things have been my ruin, they do not matter. My greatest trouble, and that which most embitters my heart, is to think that I am a slave to my own shame, that I love my infamy, that I hug the memory of my undoing as a blessed recollection. That is my greatest misery — the thought that my heart should be nerveless, that it should be incapable of feeling resentment at its own wickedness." (page 273 & 274. Letters from the Underworld-The Gentle Maiden-The Landlady. Fyodor M. Dostoevsky)

“Tuy nhiên đó không phải là điều phiền muộn lớn nhất của em,” Katherine nói khi cô lại ngửng đầu lên. “Không, không phải, không phải!” cô nhắc lại với một giọng điệu khác, mặt cau lại, và mắt ngời lên một tia lấp lánh ráo hoảnh. “Không phải, không phải, không phải! Người ta chỉ có thể có một mẹ, và em không còn người mẹ nào nữa, nhưng một người mẹ có ý nghĩa gì, hay lời nguyền rủa mà bà thốt ra trong những giờ phút đau khổ cuối đời, hay quá khứ của em, hay sự bình an trong tâm hồn, hay sự trong trắng của em, hay vẻ quyến rũ của em, hay cuộc đổi chác linh hồn của em, hay việc em phạm một trọng tội để đổi lấy một khoảnh khắc hạnh phúc? Không. Mặc dầu những điều đó đều là những nỗi dằn vặt của em, nhưng không đáng kể. Nỗi đau lớn nhất của em, nỗi đau chua xót nhất trong tim em, là nhận thấy mình là nô lệ cho nỗi hổ thẹn của chính mình, là nhận thấy rằng em yêu điều ô nhục của mình, và em ôm ấp ký ức nhơ nhớp của mình như người ta nâng niu những kỷ niệm thiêng liêng. Đó là nỗi đau lớn nhất của em - là ý nghĩ rằng trái tim mình phải bình thản, phải trơ lì không chút dằn vặt về sự độc ác của chính nó.”

…thì. ta vẫn có thể khe khẽ hát. niềm tin ơi, ta xin chào mi!

Lòng Như Gió
03-03-2012, 04:19 AM
Niềm tin?

Cũng muốn vung vẩy đôi ba dòng rời rạc về niềm tin, thôi thì lại theo kiểu đánh số một, hai, ba vậy.


1.

Từ ngày còn rất bé, tôi thường được nghe bố nói, nghe đến thuộc lòng, rằng: “Đừng nghe những gì CS nói, mà hãy nhìn những gì CS làm.”

Đó có phải là bố đã dạy tôi… đánh mất niềm tin không? Đây là câu hỏi mà tôi mới tự đặt ra hôm nay, chứ thuở bé, mình làm gì biết phân tích, bình luận gì về điều đó, chỉ đơn giản là nghe và nhớ. Trả lời cho câu hỏi ấy, là: không. Bố không khuyên tôi vứt đi niềm tin, mà lời ấy có nghĩa: phải biết đặt niềm tin vào đúng chỗ.

Sau này, với cái mẫu câu mình đã thuộc lòng như cháo ấy, tôi “phát triển” nó ra rộng hơn, rằng: “Đừng nghe những gì nhiều người nói, mà hãy nhìn những gì nhiều người làm”. “Nhiều người” có thể bao gồm cả những người CS lẫn những người chả phải CS.


2.

Anh DVP – có thể gọi là một trong những người thầy của tôi – có lần nói câu này: “Thà tin lầm, còn hơn cả đời không dám một lần tin”.

Tôi nghe câu ấy, và ngẫm nghĩ, và cũng ghi nhớ, nhưng thấy nó không hay bằng câu của bố con tôi.

Cũng nói thêm, anh DVP là người đã góp ý với tôi rằng, khi dịch một tác phẩm, phải đặt nhiều cảm xúc vào, chứ đừng khô cứng quá. Đó là lý do vì sao tôi xem anh là một trong những người thầy của mình.

Có lẽ, anh cũng “đặt nhiều cảm xúc” vào cả niềm tin.


3.

Em, một thiếu nữ chưa từng biết yêu (hoặc chưa yêu lại lần nữa?), có lần kể tôi nghe, rằng có người hỏi em, giả sử người yêu của em nhất quyết không theo đạo Chúa, vì vậy em và người ấy không thể đến với nhau, vậy em sẽ bỏ người ấy hay sẽ bỏ đạo. Câu trả lời của em là: sẽ bỏ người ấy.

Tôi ngắm gương mặt em – thật thà và mộ đạo, kiên quyết và đầy niềm tin (tự tin, hoặc cả tin) – rồi trả lời: Đạo là chỗ dựa mà cả đời mình có thể đi theo mà; trong khi, những thứ gọi là tình yêu hoặc tương tự tình yêu, một ngày nào đó, có thể mất đi.


4.

Tôi, cũng như em, có thể không muốn đặt niềm tin vào một tình yêu lâu dài. Nhưng tôi muốn đặt niềm tin vào một số người.

Và có khi, để đặt niềm tin vào một số người, tôi đành phải theo lời anh DVP: phải đặt cược niềm tin của mình. Nếu đã chọn, phải tin. Nếu không tin, đừng chọn. Vậy là người ta vẫn có niềm tin, và lời chào niềm tin sẽ là lời chào hội ngộ, không phải chào tạm biệt.

Có điều là, tôi nghĩ người ta nên đặt lý trí vào niềm tin, hơn là đặt cảm xúc vào.

phiulinh
03-03-2012, 07:09 AM
Chào chủ nhà anh 6Quít và ba cây viết xuất sắc Trân - Gió - Gun_ho của Đặc Trưng cùng các anh chị.
Ngoài kia hay kia chắc cũng có nhiều em giỏi lắm chứ khổng phải hông. Nhưng có thể họ nghe tuyên bố nhiều câu lạnh lùng quá nên thun dế hay trất-đọc/ trất-viết hết rồi.

Đọc truyện không thú bằng nghe người thợ giỏi phân tích mới đã. Tôi chưa đọc truyện này nhưng giọng văn tuyệt vời cũng như cốt truyện của Dostoevsky thì tôi đã có chút quen hơi. Cho nên riêng truyện này, chắc ông đã xây dựng chuyện tình éo le mary fongtên để câu mấy em đọc giả có máu lãng mạn chơi thôi. Chứ cái khắc khoải bức xúc nhét bên dưới vẫn là thực trạng xã hội, một đường lối chính trị sai lầm thì xây dựng một quốc gia mục nát, không thể nào sửa chữa. Đứa nào giỏi thì tự dối lòng cho được việc mình để đi nốt đoạn đường còn lại thôi. Niềm tin vào một lý tưởng một giấc mơ đại đồng kia thật ra chỉ là một cơn bệnh liệt giường ba tháng ngắn ngủi. Tỉnh ra rồi chỉ còn là một Yarosla dở hơi.

Nói về niềm tin, riêng tôi nghĩ cũng giống như cái khúc nhựa nhét vào lổ mũi hay hai bọc silicon nhét vào vú nhỏ. Khi nó ok trong máu mình rồi thì cứ việc hưởng, nó là một phần của thân mình rồi là lá la. Đứa nào không thích, không dòm, không rờ kệ nó. Vì nó đã giiúp ta tự tin hơn, yêu đời hơn.

Niềm tin không có chổ cho lý trí ngự trị. Khi có sự đột nhập của lý trí thì đó là lý do người ta đánh mất niềm tin.
Vì vậy một chính thể xây dựng bằng duy chỉ "niềm tin" thì phải là do độc tài chuyên chế, và đương nhiên phải có bạo lực hiện diện để tàn sát mỗi khi có thằng lý trí ngoi ra lầu bầu.
(nếu bị nhàm vì đọc ké lập đi lập lại cũng nhiêu đó! xin lổi nhe)

Lòng Như Gió
03-03-2012, 08:54 AM
Cám ơn chị phiulinh có nhã hứng ghé chơi.

Có một điều hiểu chưa rõ lắm, nên mong chị, nếu vẫn còn hứng thú thì chịu khó giải thích thêm tí. Còn không hứng thú nữa thì thôi, không sao.


Nhưng có thể họ nghe tuyên bố nhiều câu lạnh lùng quá nên thun dế hay trất-đọc/ trất-viết hết rồi.



Ai tuyên bố gì ở đâu? Những câu nào là lạnh lùng?

Còn khi đọc truyện, nếu người ta luận ra rằng có cái gì đó “nhét bên dưới” là cái thực trạng xã hội thế này thế nọ, lắm khi đó cũng chính là người ta đang “nhét” tư tưởng vào cho tác phẩm, theo ý của riêng mình.

Niềm tin của người thiên về tình cảm thì chứa đựng tình cảm. Niềm tin của người ngả theo lý trí tất nhiên phải có chỗ cho lý trí.

Em xin hết ạ.

phiulinh
03-03-2012, 09:58 AM
Ai tuyên bố gì ở đâu? Những câu nào là lạnh lùng?

[QUOTE] (Gun_ho) Điều quan trọng hơn mà anh muốn nói là có những ý kiến khác nhau về cách dùng chữ. Anh thì từ lâu vẫn đánh giá Gió rất cao, cao hơn hẳn những người có "ý kiến" kia về sự hiểu biết và sử dụng chữ. Ngoài ra, sự thông thạo về tiếng Anh của Gió cũng ít người Việt hiện ở nước ngoài sánh bằng nên từ đó, anh yên tâm đọc mà chẳng có nghi ngờ hay ý kiến cò gì cả.


Em thì lại đánh giá rất cao những lời nhận xét như thế này (em tạm gọi là lời khen?) của anh Súng, một người hoàn toàn không thuộc trường phái áo thụng vái nhau hoặc trường phái “bẹo má”, nghĩa là muốn được anh Súng khen không dễ tí nào.




Còn khi đọc truyện, nếu người ta luận ra rằng có cái gì đó “nhét bên dưới” là cái thực trạng xã hội thế này thế nọ, lắm khi đó cũng chính là người ta đang “nhét” tư tưởng vào cho tác phẩm, theo ý của riêng mình.

Niềm tin của người thiên về tình cảm thì chứa đựng tình cảm. Niềm tin của người ngả theo lý trí tất nhiên phải có chỗ cho lý trí.

Em xin hết ạ.

Những nhận xét trên là của riêng Gió và anh Gun khen ngợi lẫn nhau. Và đây chỉ là sự lạm đoán của riêng tôi về sự việc vụn vặt này thôi.

Thật sự là muốn làm cái gì cho ra hồn cần phải có cái đầu, sự yêu thích. Vẫn chưa đủ, mà cần phải có yếu tố thời gian để gạn lọc đánh bóng, không mấy người có được điều kiện này. Cho nên mọi người đã tôn trọng sự đóng góp của của quý vị mà không dám làm phiền.

Chuyện nhét là một nghệ thuật một mục đích của người viết, không có gì để tôi phàn nàn cả.

Với tôi niềm tin là sự tuyệt đối. Phó thác.
Lý trí thì đòi hỏi dữ kiện. Đòi hỏi đủ thứ. Không phó thác.
Đã tình cảm thì không có lý trí.
Nếu có lý trí đố dám gieo tình cảm bừa bãi.

Cũng chỉ là vào đây góp lời cho rôm thôi nghe Gió. Đừng quan tâm vì tôi ăn gian, không đọc truyện, không góp phần phân tích truyện mà chỉ toàn đoán và ké.

Phần trích trên kia có thể bị dính lung tung!

Trân
03-03-2012, 11:32 AM
Chào Phiulinh. Phiulinh có khỏe không? Hôm nọ, T đọc thấy bà hàng xóm của Phiulinh (Sherry) làm phiền Phiulinh quá, mà T chưa có dịp ghé qua bên ấy để hỏi thăm Phiulinh gì cả. Mong Phiulinh luôn vui vẻ và bằng an nhé.

T không dám có ý kiến thêm gì về trình độ Anh Văn của Gió. T chỉ xin được đăng bản dịch của T (chưa được Gió biên tập), và đoạn thứ hai đã được Gió sửa:

the gentle maiden










However, if you would know (to begin from the beginning), she came to me that first day quite simply. She came to me to pledge some treasures of hers, to help her to pay for an advertisement in the Golos (1) -an advertisement to say that she was a governess who would give lessons at home or abroad[T1] (https://dtphorum.com/pr4/#_msocom_1) . That was how it all started. Of course, at first I could see no difference between her and anyone else — she came to me just as the rest did; but in time I began to notice her. In those days she was tall, flaxen-haired, and slender, and always puckered her face at me as though shy (though I believe she treated all strangers the same). As for me, I treated her as I did everyone else — not as a pledger, but as a human being. As soon as she had received her money, she always turned on her heel, and took her departure. Never a word did she utter. Others would begin disputing with me, or beg and entreat me to give them more, but she never found fault with what was given her. Yet I always felt a little taken aback when she called. To begin with, I was so astonished at the things which she brought — things such as a pair of silver-gilt earrings and a trashy[T2] (https://dtphorum.com/pr4/#_msocom_2) medallion — the two being worth, together, about twenty kopecks[T3] (https://dtphorum.com/pr4/#_msocom_3) . She herself, I believe, knew them to be worth but ten kopecks a piece; but, for all that, I could see from her face that they were very dear to her. Later I learnt that they were sole treasures bequeathed to her by her father and mother. Once, and once only, did I permit myself to make fun of an article of hers (you must remember that, as a rule, I never forget myself — that my attitude towards the public is always that of a gentleman[T4] (https://dtphorum.com/pr4/#_msocom_4) . Few words, civility, and strictness in business are my motto; above all, strictness, strictness, and again strictness). However, it happened one day that she went so far as to bring me the remnants[T5] (https://dtphorum.com/pr4/#_msocom_5) — yes, literally the remnants — of an old hareskin rug. Well, I could not contain myself, and made some sharp remark [T6] (https://dtphorum.com/pr4/#_msocom_6) or another. Heavens, but you should have seen how she flared up! Her eyes were large, blue, thoughtful ones : yet at that moment how they blazed ! Never a word did she speak, though — she just picked up her fragments of hareskin, and departed. That was when I first noticed her specially or thought anything special about her — that is to say, anything out of the common. Yes, still I remember that first
impression which she made upon me — the impression which struck me most. It was that she was
very young — as young as, say, fourteen. As a matter of fact, she was three months short of six-
teen. However, I said nothing, for I scarcely felt interested in her then. The next day she came to
me again. Afterwards I learnt that she had taken her hare skin both to Dobronrov's and to Moser's,
but that, as they are dealers only in silver and gold, they had had nothing to say to her. Well, once I
myself took some pebbles of hers in pawn (such rubbish they were, too!). As I looked at them I was,
as usual, astounded: yet, [T7] (https://dtphorum.com/pr4/#_msocom_7) though deal only in silver and gold, I accepted those pebbles of hers.
That was the second time when I thought anything about her. [T1] (https://dtphorum.com/pr4/#_msoanchor_1)T dịch là “ngoại quốc” nhưng thấy hơi kỳ kỳ. “At home or abroad”: chắc là cô có thể đến nhà kèm hoặc dạy ở một nơi nào đó. Mà T không nghĩ ra chữ khác được. Gió cho T ý kiến nhé.
è Em dịch “abroad” là “địa điểm khác”
Hay lắm Gió J Vậy mà T nghĩ không ra L


[T2] (https://dtphorum.com/pr4/#_msoanchor_2)T nên dùng “vô giá trị”cho chữ “trashy” hay là “nhếch nhác”… À, chữ “medallion” còn có nghĩa là “hình trái tim có lồng ảnh…”, nhưng T chọn nghĩa “huy chương”. Gió thấy sao ạ?
è Em dịch “trashy” là "vớ vẩn" (cũng là cách nói khác của "vô giá trị"). & chọn nghĩa "hình trái tim lồng ảnh để đeo ở cổ" cho chữ "medallion", nói ngắn gọn là "mặt dây chuyền". Chứ "huy chương" của người ta mà phán là "vô giá trị" thì hơi "ác". Ok Gió J. Gió có suy luận logic lắm


[T3] (https://dtphorum.com/pr4/#_msoanchor_3)Đơn vị tiền tệ của Nga. T để nguyên chữ chứ không dịch ra.
è Vâng, thì để nguyên :-), nhưng đưa vào văn tiếng Việt thì bỏ hết mấy chữ "s" chỉ số nhiều đi.
Dạ, xin đồng ý, cô giáo ơi (T đùa chút nhe, cho vui, chứ cứ “Ok Gió” hoài chắc chán lắm ha J)


[T4] (https://dtphorum.com/pr4/#_msoanchor_4)Lúc đầu Trân định dịch là “như một quý ông”, vế sau, T dịch “nhã nhặn, thanh lịch”. Gió thấy có được không?
è Em đã viết lại là "người lịch thiệp". Trân nghĩ sao? Number One!


[T5] (https://dtphorum.com/pr4/#_msoanchor_5)“remnants” là vật còn thừa lại (theo tự điển). Trân dịch là “mảnh, miếng”. Không biết có lột tả được ý nghĩa không? Với lại, T nhớ số nhiều thì không có “the” đằng trước; nhưng ở đây dịch giả viết “the remnants”.
è "The" là mạo từ xác định, có thể đứng trước cả số nhiều lẫn số ít chứ, và cấu trúc đầy đủ khi đi với chữ "of" (= của) là "the + Noun + of + (a) Noun". "The remnants of a rug" = cái mớ bùi nhùi của một tấm thảm".

T nhớ là hồi xưa có học số nhiều không có “the” nhưng kiếm hoài không ra sách ấy. J


[T6] (https://dtphorum.com/pr4/#_msoanchor_6)“sharp remark” T dịch là “chế diễu cay cú”. Được không hở Gió?
è "Cay cú"hàm ý tức tối và lồng lên muốn trả thù. Ông này chỉ đưa ra lời nhận xét "sharp" tức là sắc bén.

Tuyệt!



[T7] (https://dtphorum.com/pr4/#_msoanchor_7)Tác giả này thích chữ “yet” J. Mà chữ “yet” nhiều nghĩa quá. Ở câu này, có vưà chữ “yet” rồi lại “though”. Trân nghĩ tới nghĩ lui không biết dịch làm sao, nên chỉ dịch “mặc dù” (cho chữ “though” mà bỏ chữ “yet”. Gió giúp T chỗ này ha.
è Em nghĩ chữ "yet" trường hợp này hơi thừa thãi, thôi mình lơ nó luôn cho "gọn sổ sách".

Good! J





bản dịch của T (chưa được Gió biên tập):
Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết (bắt đầu từ những ngày đầu), ngày đó cô ấy đến với tôi khá đơn giản. Cô ấy đến gặp tôi chỉ để cầm những món vật quý báu của mình, đồi lấy một số tiền để trang trải cho chi phí cho mục rao vặt mà cô đăng trên tờ Golos- cô muốn tìm một công việc kèm trẻ tại tư gia hoặc ở ngoại quốc. Câu chuyện bắt đầu như thế. Dĩ nhiên, lúc đầu, tôi thấy cô ấy không có gì khác lạ với những người khách hàng khác- cô đến tiệm cầm đồ của tôi như mọi người; nhưng dần dần tôi bắt đầu chú ý đến cô. Ngày đó, cô dong dỏng cao và mảnh khảnh với mái tóc màu nâu nhạt, lúc nào khuôn mặt cô cũng hơi nhăn khi nhìn tôi như thể cô đang thẹn thùng (mặc dầu tôi biết đối với bất cứ ngưòi lạ nào cô đều có thái độ như thế). Còn tôi, tôi đối đãi với cô ấy như mọi người thôi- không phải là những người túng quẫn phải cầm đồ, mà là một con người. Vừa nhận được món tiền thế chân, cô liền quay gót ra vế. Cô không hề nói một lời. Những người cầm đồ khác sẽ trà giá với tôi, hoặc kỳ nèo nài nỉ tôi trả thêm tiền cho họ, nhưng cô không bao giờ thắc mắc về số tiền cô được trả. Tuy nhiên, tôi luôn luôn cảm thấy có chút ngạc nhiên khi cô ấy đến tiệm. Đầu tiên, tôi sửng sốt về những món vật mà cô ấy mang đến như là đôi bông tai mạ bạc lẫn vàng và một tấm huy chương nhếch nhác- cả hai món ấy chỉ đáng giá chừng hai mươi kopecks. Tôi tin là cô ấycũng biết giá trị của mỗi món khoảng 10 kopecks; nhưng, tuy chỉ có chừng ấy,qua khuôn mặt của cô ấy, tổi thấy được những món hàng đó rất quý giá đối với cô ấy. Sau này, tôi biết được đấy là những kho tàng quý báu duy nhất mà cha mẹ cô để lại. Một lần và chỉ có một lần duy nhất, tôi đã cho phép mình nhạo bang món hàng của cô ấy (bạn nên nhớ rằng, theo nguyên tắc, tôi không bao giờ quên rằng-cư xử của tôi trước công chúng luôn là nhã nhặn, thanh lịch. Kiệm lời, lễ độ và nghiêm chỉnh trong công việc là phương châm của tôi; trên hết, nghiêm chỉnh, nghiêm chỉnh, và lại là nghiêm chỉnh). Tuy nhiên, có một ngày kia, cô ấy đã đi quá mức giới hạn đã mang lại tiệm một mảnh, vâng, đúng thật là chỉ một mảnh thảm cũ rich làm bằng da thỏ. Ôi, tôi không thể tự kiềm chế, đã buông lời chế diễu cay cú. Trời ơi, nhưng bạn phải thấy tia mắt tóe lửa của cô ấy ! Cặp mắt biết nói, to tròn xanh biêng biếc: nhưng vào giây phút đó đôi mắt ầy đã quắc lên giận dữ. Cô ấy không hề nói một lời nào, chỉ lượm lấy miếng thảm rồi rời khỏi tiệm. Đó là lần đầu tiên mà tôi để ý đến cô ấy một cách đặc biệt, và nghĩ về cô nhiều hơn- ý là sự chú ý khác thường. Vâng, tôi vẫn còn nhớ cái ấn tượng đầu tiên mà cô đã để lại trong tôi- cái ấn tượng đã hằn sâu vào ký ức của tôi. Đó là cô trông rất trẻ- chỉ độ mười bốn tuổi. Thật ra, cô còn ba tháng nữa là được mười sáu tuổi. Tuy nhiên, tôi không nói lời nào vì tôi chắc chắn không thích cô ấy mà. Ngày hôm sau cô lại đến tiệm. Sau này, tôi biết được là cô đã mang miếng thảm da thỏ ấy đến cả hai tiệm của Dobronrov và Moser, nhưng mà, tiệm của họ chỉ mua bán vàng bạc, nên họ chẳng biết nói sao với cô ấy. Ôi, một lần tôi chịu cầm những viên đá mã não của cô ấy (đó là những vật vô giá trị nữa). Khi tôi nhìn những viên đá ấy, như thường lệ tôi sửng sốt nhận ra: mặc dù tôi chỉ giao dịch vàng bạc, tôi lại chịu cầm những viên đá mã não của cô. Đấy là lần thứ nhì tôi nghĩ về cô một chút.

đoạn thứ hai đã được Gió sửa:

Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết (tôi kể từ đầu nhé), lần đầu cô ấy tìm đến tôi khá đơn giản. Cô đến gặp tôi chỉ để cầm vài báu vật của cô, để lấy tiền trả phí quảng cáo cô đăng trên tờ Golos – một mục rao vặt nói rằng cô là gia sư có thể dạy kèm trẻ em tại tư gia hoặc địa điểm khác. Mọi chuyện bắt đầu như thế. Dĩ nhiên, lúc đầu, tôi thấy cô ấy không có gì khác với những khách hàng khác - cô đến tiệm cầm đồ của tôi như mọi người; nhưng lúc sau, tôi bắt đầu chú ý đến cô. Ngày đó, cô dong dỏng cao và mảnh khảnh với mái tóc màu vàng nhạt, nét mặt cứ hơi nhăn nhó khi nhìn tôi như thể cô đang thẹn thùng (mặc dầu tôi biết cô có thái độ như thế đối với bất cứ người lạ nào). Còn tôi, tôi đối đãi với cô như mọi người thôi - tôi không đối xử với họ như những con nợ, mà như những con người. Vừa nhận được món tiền cầm cố, cô liền quay gót ra về. Cô không bao giờ nói thêm lời nào. Những người cầm đồ khác sẽ trả giá với tôi, hoặc khẩn khoản nài nỉ tôi trả thêm tiền cho họ, còn cô không bao giờ thắc mắc về số tiền được trả. Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy hơi ngạc nhiên khi cô đến tiệm. Trước hết, tôi sửng sốt về những món cô mang đến – chẳng hạn đôi bông tai bạc mạ vàng và một chiếc mặt dây chuyền vớ vẩn - cả hai món ấy đáng giá chừng hai mươi kopeck. Tôi tin rằng, bản thân cô cũng biết giá trị của mỗi món khoảng 10 kopeck; nhưng, tuy thế, qua nét mặt cô, tổi thấy được những vật đó rất quý giá với cô. Sau này, tôi được biết đấy là những báu vật duy nhất mà cha mẹ cô để lại cho cô. Một lần và chỉ một lần duy nhất, tôi đã cho phép mình nhạo báng một món đồ của cô (bạn nên nhớ rằng, theo nguyên tắc, tôi không bao giờ đánh mất mình - cách ứng xử của tôi với khách hàng luôn là phong thái của một người lịch thiệp. Kiệm lời, lễ độ và nghiêm chỉnh trong công việc là phương châm của tôi; trên hết, nghiêm chỉnh, nghiêm chỉnh, và lại là nghiêm chỉnh). Tuy nhiên, một ngày kia, cô ấy thậm chí mang đến cho tôi một mớ giẻ, vâng, đúng thật là một mớ giẻ còn lại từ một tấm thảm cũ bằng da thỏ rừng. Ôi, tôi không thể tự kiềm chế, đã buông một lời nhận xét gay gắt nào đó. Trời ơi, giá mà bạn thấy cô ấy giận thế nào! Đôi mắt cô vốn, to tròn, xanh biếc, và trầm tư: nhưng vào giây phút đó, đôi mắt ấy quắc lên giận dữ. Tuy vậy, cô không nói một lời nào, chỉ cầm lấy những mảnh da thỏ, rồi rời khỏi tiệm. Đó là lần đầu tiên tôi để ý đến cô một cách đặc biệt hoặc nghĩ điều đặc biệt về cô - nghĩa là, nghĩ đến điều khác thường về cô. Vâng, tôi vẫn nhớ ấn tượng đầu tiên cô đã để lại trong tôi - ấn tượng hằn sâu nhiều nhất trong tâm trí tôi. Đó là cô trông rất trẻ - chỉ độ mười bốn tuổi. Thật ra, cô còn ba tháng nữa là được mười sáu tuổi. Tuy nhiên, tôi không nói gì, vì khi ấy tôi không mấy quan tâm đến cô. Ngày hôm sau, cô lại đến tiệm. Sau này, tôi biết được là cô đã mang miếng thảm da thỏ ấy đến cả hai tiệm của Dobronrov và Moser, nhưng, vì họ chỉ giao dịch vàng và bạc, nên họ chẳng biết nói sao với cô. Ôi, có lần tôi chịu cầm những viên đá mã não của cô (đó cũng lại là những vật vô giá trị!). Khi tôi nhìn những viên đá ấy, như thường lệ, tôi sửng sốt nhận ra: mặc dù tôi chỉ giao dịch vàng bạc, tôi lại chịu cầm những viên đá mã não của cô. Đấy là lần thứ nhì tôi nghĩ về cô một chút.


*

Hi Gió :).

Trân
03-03-2012, 11:46 AM
Trân cũng không quên nhiệm vụ, rót nước mời quý khách của ngõ vắng, và toàn thể cư dân Phố Rùm nhé.

Xin cám ơn cô Ngô, anh 6Quit, anh Gun_ho, chị PhPhuongVy đã ủng hộ và khuyến khích Trân và Gió. Cám ơn Phiulinh đã có những nhận xét đáng chú ý.


http://theteaspot.com/steep-it-loose/wp-content/uploads/2012/02/Green-Tea.jpg

phiulinh
03-03-2012, 12:54 PM
the gentle maiden



However, if you would know (to begin from the beginning), she came to me that first day quite simply. She came to me to pledge some treasures of hers, to help her to pay for an advertisement in the Golos (1) -an advertisement to say that she was a governess who would give lessons at home or abroad[T1] (https://dtphorum.com/pr4/#_msocom_1). That was how it all started. Of course, at first I could see no difference between her and anyone else — she came to me just as the rest did; but in time I began to notice her. In those days she was tall, flaxen-haired, and slender, and always puckered her face at me as though shy (though I believe she treated all strangers the same). As for me, I treated her as I did everyone else — not as a pledger, but as a human being. As soon as she had received her money, she always turned on her heel, and took her departure. Never a word did she utter. Others would begin disputing with me, or beg and entreat me to give them more, but she never found fault with what was given her.Yet I always felt a little taken aback when she called. To begin with, ...

bản dịch của T (chưa được Gió biên tập):
Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết (bắt đầu từ những ngày đầu), ngày đó cô ấy đến với tôi khá đơn giản. Cô ấy đến gặp tôi chỉ để cầm những món vật quý báu của mình, đồi lấy một số tiền để trang trải cho chi phí cho mục rao vặt mà cô đăng trên tờ Golos- cô muốn tìm một công việc kèm trẻ tại tư gia hoặc ở ngoại quốc. Câu chuyện bắt đầu như thế. Dĩ nhiên, lúc đầu, tôi thấy cô ấy không có gì khác lạ với những người khách hàng khác- cô đến tiệm cầm đồ của tôi như mọi người; nhưng dần dần tôi bắt đầu chú ý đến cô. Ngày đó, cô dong dỏng cao và mảnh khảnh với mái tóc màu nâu nhạt, lúc nào khuôn mặt cô cũng hơi nhăn khi nhìn tôi như thể cô đang thẹn thùng (mặc dầu tôi biết đối với bất cứ ngưòi lạ nào cô đều có thái độ như thế). Còn tôi, tôi đối đãi với cô ấy như mọi người thôi- không phải là những người túng quẫn phải cầm đồ, mà là một con người. Vừa nhận được món tiền thế chân, cô liền quay gót ra vế. Cô không hề nói một lời. Những người cầm đồ khác sẽ trà giá với tôi, hoặc kỳ nèo nài nỉ tôi trả thêm tiền cho họ, nhưng cô không bao giờ thắc mắc về số tiền cô được trả. Tuy nhiên, tôi luôn luôn cảm thấy có chút ngạc nhiên khi cô ấy đến tiệm. Đầu tiên, tôi sửng sốt về những món vật mà cô ấy mang đến như là đôi bông tai mạ bạc lẫn vàng và một tấm huy chương nhếch nhác- cả hai món ấy chỉ đáng giá chừng hai mươi kopecks. Tôi tin là cô ấycũng biết giá trị của mỗi món khoảng 10 kopecks; nhưng, tuy chỉ có chừng ấy,qua khuôn mặt của cô ấy, tổi thấy được những món hàng đó rất quý giá đối với cô ấy. Sau này, tôi biết được đấy là những kho tàng quý báu duy nhất mà cha mẹ cô để lại. Một lần và chỉ có một lần duy nhất, tôi đã cho phép mình nhạo bang món hàng của cô ấy (bạn nên nhớ rằng, theo nguyên tắc, tôi không bao giờ quên rằng-cư xử của tôi trước công chúng luôn là nhã nhặn, thanh lịch. Kiệm lời, lễ độ và nghiêm chỉnh trong công việc là phương châm của tôi; trên hết, nghiêm chỉnh, nghiêm chỉnh, và lại là nghiêm chỉnh). Tuy nhiên, có một ngày kia, cô ấy đã đi quá mức giới hạn đã mang lại tiệm một mảnh, vâng, đúng thật là chỉ một mảnh thảm cũ rich làm bằng da thỏ. Ôi, tôi không thể tự kiềm chế, đã buông lời chế diễu cay cú. Trời ơi, nhưng bạn phải thấy tia mắt tóe lửa của cô ấy ! Cặp mắt biết nói, to tròn xanh biêng biếc: nhưng vào giây phút đó đôi mắt ầy đã quắc lên giận dữ. Cô ấy không hề nói một lời nào, chỉ lượm lấy miếng thảm rồi rời khỏi tiệm. Đó là lần đầu tiên mà tôi để ý đến cô ấy một cách đặc biệt, và nghĩ về cô nhiều hơn- ý là sự chú ý khác thường. Vâng, tôi vẫn còn nhớ cái ấn tượng đầu tiên mà cô đã để lại trong tôi- cái ấn tượng đã hằn sâu vào ký ức của tôi. Đó là cô trông rất trẻ- chỉ độ mười bốn tuổi. Thật ra, cô còn ba tháng nữa là được mười sáu tuổi. Tuy nhiên, tôi không nói lời nào vì tôi chắc chắn không thích cô ấy mà. Ngày hôm sau cô lại đến tiệm. Sau này, tôi biết được là cô đã mang miếng thảm da thỏ ấy đến cả hai tiệm của Dobronrov và Moser, nhưng mà, tiệm của họ chỉ mua bán vàng bạc, nên họ chẳng biết nói sao với cô ấy. Ôi, một lần tôi chịu cầm những viên đá mã não của cô ấy (đó là những vật vô giá trị nữa). Khi tôi nhìn những viên đá ấy, như thường lệ tôi sửng sốt nhận ra: mặc dù tôi chỉ giao dịch vàng bạc, tôi lại chịu cầm những viên đá mã não của cô. Đấy là lần thứ nhì tôi nghĩ về cô một chút.

đoạn thứ hai đã được Gió sửa:

Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết (tôi kể từ đầu nhé), lần đầu cô ấy tìm đến tôi khá đơn giản. Cô đến gặp tôi chỉ để cầm vài báu vật của cô, để lấy tiền trả phí quảng cáo cô đăng trên tờ Golos – một mục rao vặt nói rằng cô là gia sư có thể dạy kèm trẻ em tại tư gia hoặc địa điểm khác. Mọi chuyện bắt đầu như thế. Dĩ nhiên, lúc đầu, tôi thấy cô ấy không có gì khác với những khách hàng khác - cô đến tiệm cầm đồ của tôi như mọi người; nhưng lúc sau, tôi bắt đầu chú ý đến cô. Ngày đó, cô dong dỏng cao và mảnh khảnh với mái tóc màu vàng nhạt, nét mặt cứ hơi nhăn nhó khi nhìn tôi như thể cô đang thẹn thùng (mặc dầu tôi biết cô có thái độ như thế đối với bất cứ người lạ nào). Còn tôi, tôi đối đãi với cô như mọi người thôi - tôi không đối xử với họ như những con nợ, mà như những con người. Vừa nhận được món tiền cầm cố, cô liền quay gót ra về. Cô không bao giờ nói thêm lời nào. Những người cầm đồ khác sẽ trả giá với tôi, hoặc khẩn khoản nài nỉ tôi trả thêm tiền cho họ, còn cô không bao giờ thắc mắc về số tiền được trả. Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy hơi ngạc nhiên khi cô đến tiệm. Trước hết, tôi sửng sốt về những món cô mang đến – chẳng hạn đôi bông tai bạc mạ vàng và một chiếc mặt dây chuyền vớ vẩn - cả hai món ấy đáng giá chừng hai mươi kopeck. Tôi tin rằng, bản thân cô cũng biết giá trị của mỗi món khoảng 10 kopeck; nhưng, tuy thế, qua nét mặt cô, tổi thấy được những vật đó rất quý giá với cô. Sau này, tôi được biết đấy là những báu vật duy nhất mà cha mẹ cô để lại cho cô. Một lần và chỉ một lần duy nhất, tôi đã cho phép mình nhạo báng một món đồ của cô (bạn nên nhớ rằng, theo nguyên tắc, tôi không bao giờ đánh mất mình - cách ứng xử của tôi với khách hàng luôn là phong thái của một người lịch thiệp. Kiệm lời, lễ độ và nghiêm chỉnh trong công việc là phương châm của tôi; trên hết, nghiêm chỉnh, nghiêm chỉnh, và lại là nghiêm chỉnh). Tuy nhiên, một ngày kia, cô ấy thậm chí mang đến cho tôi một mớ giẻ, vâng, đúng thật là một mớ giẻ còn lại từ một tấm thảm cũ bằng da thỏ rừng. Ôi, tôi không thể tự kiềm chế, đã buông một lời nhận xét gay gắt nào đó. Trời ơi, giá mà bạn thấy cô ấy giận thế nào! Đôi mắt cô vốn, to tròn, xanh biếc, và trầm tư: nhưng vào giây phút đó, đôi mắt ấy quắc lên giận dữ. Tuy vậy, cô không nói một lời nào, chỉ cầm lấy những mảnh da thỏ, rồi rời khỏi tiệm. Đó là lần đầu tiên tôi để ý đến cô một cách đặc biệt hoặc nghĩ điều đặc biệt về cô - nghĩa là, nghĩ đến điều khác thường về cô. Vâng, tôi vẫn nhớ ấn tượng đầu tiên cô đã để lại trong tôi - ấn tượng hằn sâu nhiều nhất trong tâm trí tôi. Đó là cô trông rất trẻ - chỉ độ mười bốn tuổi. Thật ra, cô còn ba tháng nữa là được mười sáu tuổi. Tuy nhiên, tôi không nói gì, vì khi ấy tôi không mấy quan tâm đến cô. Ngày hôm sau, cô lại đến tiệm. Sau này, tôi biết được là cô đã mang miếng thảm da thỏ ấy đến cả hai tiệm của Dobronrov và Moser, nhưng, vì họ chỉ giao dịch vàng và bạc, nên họ chẳng biết nói sao với cô. Ôi, có lần tôi chịu cầm những viên đá mã não của cô (đó cũng lại là những vật vô giá trị!). Khi tôi nhìn những viên đá ấy, như thường lệ, tôi sửng sốt nhận ra: mặc dù tôi chỉ giao dịch vàng bạc, tôi lại chịu cầm những viên đá mã não của cô. Đấy là lần thứ nhì tôi nghĩ về cô một chút.


*

Hi Gió :).




Hi Trân, thông cảm cho tật thô lỗ ba chớp, và lười đọc kỹ từng chữ nhe.
Con mắt của phiu vừa mới đọc tới dòng màu tím đậm thì muốn dừng lại thôi, và chỉ thích cái câu đó thì nhảy xuống đọc của Trân và Gió.

Phiu nghĩ hai người nên cân nhắc dịch lại câu văn chuyển tiếp phản vế. Đại khái mấy câu trước nói ý là: cô này mặc dù có vẻ phóng khoáng bất cần, không nhỏ mọn tính toán kỳ kèo lấy lại thêm bớt khi bán đồ cho ông như mấy người khách hàng kia. Tuy nhiên, sau cái quay lưng ấy, ông luôn cảm thấy mình bị lấy đi chút ít, mỗi khi cô đến hỏi.

Tại sao ông phải chịu "mất mát chút ít"/ hay để cho cô ta trộm lấy trước mặt mình như vậy?
Tại sao ông phải mua những món kỷ vật vô giá trị của thực tế như vậy?

Thế thì cái câu như tiếng chuông báo hiệu đó là một câu duy nhất quan trọng trong đoạn văn đó vậy.

(nếu không thấy phiu vào lại thì cứ cười vui vẻ với nhau đi há)

Lòng Như Gió
03-03-2012, 07:27 PM
[QUOTE]

Ai tuyên bố gì ở đâu? Những câu nào là lạnh lùng?



Em thì lại đánh giá rất cao những lời nhận xét như thế này (em tạm gọi là lời khen?) của anh Súng, một người hoàn toàn không thuộc trường phái áo thụng vái nhau hoặc trường phái “bẹo má”, nghĩa là muốn được anh Súng khen không dễ tí nào.


Những nhận xét trên là của riêng Gió và anh Gun khen ngợi lẫn nhau. Và đây chỉ là sự lạm đoán của riêng tôi về sự việc vụn vặt này thôi.



À, bây giờ thì rõ rồi. Em cũng đoán có ý nói những lời “khen” nhau giữa anh Súng với em là những câu “tuyên bố lạnh lùng”; chỉ muốn hỏi lại cho chắc thôi.

Cám ơn chị phiu đã có lòng chạy vào trả lời rõ và nêu thêm vài ý kiến về đoạn văn mà chị đọc chưa kỹ (dù đọc bài ý kiến của chị hai lần, vẫn chưa hiểu rõ túm lại là mình nên làm sao thì gọi là tốt hơn). Tuy nhiên, em thấy đoạn văn ấy không đáng bàn đến lúc này và ở đây trong trường hợp này, vì nó mới chỉ là bản nháp đầu tiên, vài ngày sau, nó đã được sửa đổi khác đi rồi.

Quay lại nói chuyện “tuyên bố lạnh lùng”, sở dĩ em hỏi lại là để nhìn lại xem mình có lỡ nói ra điều gì không phải với ai, nếu có thì sẽ xin lỗi một tiếng. Giờ được nhìn lại rồi, thấy mình chả nói gì sai trong câu ấy cả. Ai đọc qua mà phải nhăn mũi, âu đó cũng là chọn lựa của họ thôi.

Nhân đây, em cũng thích nói thêm điều này, ai phải “nhăn mũi” thì cũng lại là chọn lựa của họ thôi. Rằng em có mong muốn, khi nào Trân về chơi VN, em sẽ nghỉ phép một tuần để ngao du sơn thủy với Trân, đó là một niềm mong muốn mà em chưa từng có với một thành viên nào khác trong diễn đàn này. Một trong những lý do là vì em nhận thấy Trân không “nhăn mũi” mỗi khi nghe những người khác khen nhau.

Em đã quậy cho cái Ngõ Vắng của Trân mất đi vẻ hiền hòa rồi, bây giờ trả lại cho Trân làm cho nó hiền lại nhé.

Trân
03-03-2012, 09:47 PM
... Rằng em có mong muốn, khi nào Trân về chơi VN, em sẽ nghỉ phép một tuần để ngao du sơn thủy với Trân...


Cám ơn Gió. Trân can’t wait. T sẽ báo cho Gió biết trước vài tháng há.

Trân
03-03-2012, 09:48 PM
(nếu không thấy phiu vào lại thì cứ cười vui vẻ với nhau đi há)



:):):)

LXD
03-04-2012, 02:26 AM
Chào Trân và chúc Trân luôn vui , kẻo không có người trách mình gặp người xưa mà cứ lờ tịch đi thì tội cho Lơ .

phiulinh
03-04-2012, 05:34 AM
Gió,


Nếu đã trích thì trích trọn ý người khác cho đúng (trừ khi đùa phá nhau chơi cho vui).
Tưởng Gió thừa hiểu câu của anh Gun đại khái là: bài dịch của Gió là hoàn chỉnh hơn bất cứ ai dù ở nước ngoài. Thế thì nếu người có nhã hứng vào phụ dịch hay bàn luận (theo lời mời mọc của Trân&Gió) ai dám làm chuyện phi thường đó! Ở đây tôi muốn nói về sự tế nhị. Còn lại anh Gun là ai để sự đánh giá của ảnh được coi là quan trọng đến vậy? Gió đừng bẻ ý của tôi như vậy! cái chuyện khen giữa hai người là thường từ hồi giờ rồi.

Cũng như, nếu Gió đã rất tự hào về sự dịch thuật của mình thì cứ dịch xong hãy mang vào! Tại sao trưng ra cả đống chi làm mắc công người khác vào đọc rồi làm nói qua nói lại như chuyện ruồi bu. Như tôi là lười lắm mà hôm rồi còn tài lanh vào đọc 'hữu nghị', nếu coi thường ai đọc chi.

Còn lại, tôi đã chỉ nói cái câu tím đậm ngắn đó thôi. Không phải nguyên đoạn dài gạch đít bổ sung làm rõ nghĩa.
Tuy nhiên, Gió và Trân dịch nhiều sai tí xíu là chuyện bình thường. Có làm mới có sai. Có người đọc mới có chuyện nói.

Lòng Như Gió
03-04-2012, 06:05 AM
Chị phiulinh

Vì thấy chị nói trước là lười đọc và không đọc hết đoạn văn, nên em đã bỏ qua và chẳng bàn kỹ vấn đề dịch đúng hay dịch sai với chị.

Nhưng vì chị lại quay vào và lần này nói thẳng rằng câu màu tím đã bị dịch sai, thì em cũng xin nói thẳng rằng dịch như chị, cho rằng “taken aback” có nghĩa là “bị mất mát chút ít”, mới là sai. “Taken aback” nghĩa là sửng sốt, và trong ngữ cảnh này, nó có nghĩa là sửng sốt hoặc giựt mình. Ông chủ tiệm cầm đồ này thường sửng sốt hoặc giựt mình mỗi khi cô thiếu nữ này ghé tiệm ông, vì ông lấy làm lạ về những món đồ cô mang tới để cầm. Trong đoạn văn cũng đã giải thích vì sao ông ấy “sửng sốt”.

Lý do vì sao truyện “The landlady” đã được đăng khi chưa dịch xong, thì em đã giải thích đầy đủ từ lúc mới đăng. Dù có “tự hào” về khả năng dịch thuật của mình, như chị nói, thì em chưa từng bao giờ nghĩ rằng ai đó góp ý với mình là một chuyện “phi thường”.

Còn ngoài ra, chị có lên tiếng khuyên bảo gì đấy về sự tế nhị. Đó là quan điểm của chị. Em xin không bàn và không tranh luận gì thêm, dù không đồng ý.

Một lần nữa, cảm ơn chị đã rất “phi thường” với những lời nhận xét thẳng thắn, dù theo em là sai.

6Quit
03-06-2012, 07:18 AM
Trước hết, bàn về niềm tin với 3 cô này (Gió, Trân & Phiulinh) cho vui, chỉ là nói dóc thôi nghe.

(Cũng chơi 1, 2, 3, 4)

Trân:

1. Ordinov đang thất tình, gặp thằng bạn chẳng hiểu gì về chuyện của anh cả, lại còn đem giảng mô ranh chuyện trên trời dưới đất…. Bình luận: Họa vô đơn chí, chuyện thường ngày ở huyện, nhiều khi chỉ vì Ordinov đang chán đời quá nên thấy thằng bạn mình vô duyên chớ chưa chắc (người buồn cảnh có vui đâu bao giờ).


2. Tiêu biểu cho mấy cô gái teenager (13 -18), tư tưởng thay đổi xoành xoạch, chẳng có gì lạ.

3&4. Đọc được cuốn sách nào mà nó tạo cho mình niềm tin mới và feel good thì đọc, mấy cuốn đọc mà depress thì đừng đọc, còn nếu tò mò đọc thì phải chuẩn bị tinh thần trước, phải nghĩ là mấy cuốn truyện tiểu thuyết bá láp này tác giả dựng chuyện nói dóc chớ không có thật đâu …

Gió:

1. Từ ngày còn rất bé, tôi thường được nghe bố nói, nghe đến thuộc lòng, rằng: “Đừng nghe những gì CS nói, mà hãy nhìn những gì CS làm.” …Bình luận: Câu này tui cũng nghe hoài hồi ở VN, nhưng tui không nghĩ nó là “niềm tin”, mà là người nói dạy mình, tui chỉ đơn giản nghĩ là người đó có kinh nghiệm (tức là đã biết và trải qua, trong trường hợp này là bị CS lừa) nên nói lại cho mình để mình khỏi phải vấp ngã trong chuyện này.

2. Câu đầu của anh DVP: “Thà tin lầm, còn hơn cả đời không dám một lần tin”. Bình luận: câu này khuyên người nghe nên liều lĩnh, phiêu lưu, mạo hiểm, một tý ..v.v thích hợp để khuyên con trai hơn, tại sao, thường thì con trai có đầu óc phiêu lưu mạo hiểm nhiều hơn.

Câu 2: “Cũng nói thêm, anh DVP là người đã góp ý với tôi rằng, khi dịch một tác phẩm, phải đặt nhiều cảm xúc vào, chứ đừng khô cứng quá...” Câu này thì tui cũng nghĩ vậy, cho nên trong bài trước tui nói Gió và Trân dịch “từ chương tự điển” là vậy, nghĩa là quá chính xác từng chữ đâm ra khô khan, mình nên đọc hết bài hay hết một đoạn, hiểu ý tác giả muốn nói gì rồi dịch theo ý đó, phăng ra cho bóng bẩy lãng mạn càng hay, có sai vài chữ cũng chẳng sao.


3. Mâu thuẫn với phần 1 & 4. Chỉ mới nghe nói thôi mà đã tin, tức là Gió đã chọn không đưa lý trí vào.

4. “Có điều là, tôi nghĩ người ta nên đặt lý trí vào niềm tin, hơn là đặt cảm xúc vào”. Gió lại mâu thuẫn với phần 3. Khi đưa lý trí vào thì niềm tin sẽ bị mất mát .



Phiulinh:

“Nói về niềm tin, riêng tôi nghĩ cũng giống như cái khúc nhựa nhét vào lổ mũi hay hai bọc silicon nhét vào vú nhỏ. Khi nó ok trong máu mình rồi thì cứ việc hưởng, nó là một phần của thân mình rồi là lá la. Đứa nào không thích, không dòm, không rờ kệ nó. Vì nó đã giúp ta tự tin hơn, yêu đời hơn.”


Haha ….Phiulinh luôn có những suy nghĩ rất đặc thù (very unique).


Niềm tin không có chổ cho lý trí ngự trị. Khi có sự đột nhập của lý trí thì đó là lý do người ta đánh mất niềm tin.



Đúng vậy, niềm tin thì không có chỗ cho lý trí chen vào, vì niềm tin là một cái gì không thể kiểm chứng. Nếu một ông cha bảo: “Anh tin chúa đi, chết anh sẽ được về thiên đường”. Mà mình trả lời rằng: ”Đâu, cha kiểm chứng (verify) chuyện này cho con coi coi rồi con mới tin “, thì lúc đó mình đã đưa lý trí vào rồi, và lý do mình đưa lý trí vào là vì niềm tin của mình với triết lý này (tin chúa thì chết được về thiên đường) bị lung lay. Nói khác hơn, khi lý trí càng cao thì niềm tin càng thấp và ngược lại, đó là lý do tại sao mình thấy ở chùa, ở nhà thờ, những người càng quê mùa bao nhiêu thì họ lại có niềm tin mạnh mẽ bấy nhiêu, và đó cũng là lý do tại sao chế độ CS hay độc tài chuyên chế, chỉ khoái dân của họ càng ngu càng tốt. ” Vì vậy một chính thể xây dựng bằng duy chỉ "niềm tin" thì phải là do độc tài chuyên chế, và đương nhiên phải có bạo lực hiện diện để tàn sát mỗi khi có thằng lý trí ngoi ra lầu bầu.”



Đây nói về chuyện khen chê của anh Gun:


Anh Gun khen Gió giỏi thì OK, vì Gió thực sự giỏi, nhưng khi anh đem Gió ra so với nhiều người khác thì hơi đụng chạm và trật đường rầy, Phiulinh nói đúng, anh Gun làm họ quê và không thèm vô bình luận nữa, vô tình làm mất bớt đi cái hứng của hai cô khi dịch, nhưng Gió lại đi nghĩ Phiulinh “nhăn mũi” tức là “tức” vì anh Gun khen Gió thì Gió lại “bẻ ý” và không hiểu ý Phiulinh rồi.


Tui thì chuyện khen chê không thành vấn đề, nhưng khi anh Gun đã “giới thiệu” truyện này thì coi như ảnh là “one member of the Team, ở đây là Team cho project dịch truyện”, mà khi 2 cô dịch xong, ảnh không thèm đếm xỉa tới câu chuyện thì “he is not a team player”, coi như ảnh không chia xẻ một phần công việc chung của đội. Tui không cần biết ai giỏi Anh văn cỡ nào, nhưng dịch một câu chuyện từ Anh sang Việt, mà những câu chuyện phức tạp của mấy nhà văn Nga, là phải mất rất nhiều thì giờ, khi 2 cô dịch xong một phần hay xong câu chuyện, nếu là 1 thành viên của đội, thì mình nên vào đọc, nhận xét, phê bình …v.v.. gọi là chia xẻ cái công việc dịch này với 2 cô cho họ có hứng thú dịch tiếp, mà đó là điều 2 cô mong muốn như Gió đã viết trong đề tài này.


Tui nhớ hồi học lớp 8 lớp 9, bà cô dạy Việt văn chia lớp ra 4 đội (mỗi đội khoảng 7, 8 đứa). Mỗi tháng, mỗi đội phải đọc và thuyết trình cho cả lớp nghe về một cuốn truyện trong Tự Lực Văn Đoàn. Đội tui có thằng Quang làm biếng tổ mẹ, mỗi lần soạn bài chung, đứa đọc, đứa phê bình, đứa take notes, đứa chuẩn bị thuyết trình …. thì nó đi ra quán ông cai đá banh tông (cái bàn soccer table), lâu lâu nó thắng thì tụi tui cũng được vài ly chanh muối, nhưng phần lớn là đá xong vô cười hề hề hỏi xong chưa tụi bay, làm nhiều lúc tui muốn đá nó dập d ….Rồi tới lúc cả đội thuyết trình xong thì nó cũng hưởng điểm, xong hỏi kỳ tới bình luận chuyện gì tụi bay ?….Đây là dạng cha Gun ở đây, tui nói chả chơi cha là vậy, hổm rày chả quê cơ im re không thèm vô đây nói tiếng nào...:))


Còn đoạn này:

“..As soon as she had received her money, she always turned on her heel, and took her departure. Never a word did she utter. Others would begin disputing with me, or beg and entreat me to give them more, but she never found fault with what was given her. Yet I always felt a little taken aback when she called.“


Phiulinh dịch: “cô này mặc dù có vẻ phóng khoáng bất cần, không nhỏ mọn tính toán kỳ kèo lấy lại thêm bớt khi bán đồ cho ông như mấy người khách hàng kia. Tuy nhiên, sau cái quay lưng ấy, ông luôn cảm thấy mình bị lấy đi chút ít, mỗi khi cô đến hỏi.” là sai ý.


Gió dịch: “Vừa nhận được món tiền cầm cố, cô liền quay gót ra về. Cô không bao giờ nói thêm lời nào. Những người cầm đồ khác sẽ trả giá với tôi, hoặc khẩn khoản nài nỉ tôi trả thêm tiền cho họ, còn cô không bao giờ thắc mắc về số tiền được trả. Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy hơi ngạc nhiên khi cô đến tiệm.” là chính xác .

gun_ho
03-06-2012, 07:27 AM
Bài này nói lên tính chất Nẫu đặc thù của Quít. Xin miễn bình luận.

6Quit
03-06-2012, 07:35 AM
Bài này nói lên tính chất Nẫu đặc thù của Quít. Xin miễn bình luận.

Câu nàu nói lên tính chất Huệ đặc thù của Gun-ho, xin miễn bình luận .

Lòng Như Gió
03-06-2012, 07:47 AM
Cám ơn anh Quít nhiều vì đã chịu khó viết một bài dài dài. Anh nói em mâu thuẫn giữa đoạn 1, 2, 3, 4, theo cách anh hiểu, tùy anh. Nội tâm, tâm tư, ước nguyện, vân vân… của một con người đôi khi có ít nhiều mâu thuẫn, đó là chuyện bình thường.

Tối nay em chỉ trả lời vài câu như vậy thôi nhé, không soạn ra một bài dài dài được, vì còn phải đọc cho xong một cuốn sách mượn để ngày mai đem trả người ta.

Trân
03-06-2012, 08:41 AM
Trân lại lò mò vào, xin được “bênh” anh Gun_ho, sư phụ đáng kính của Trân.

Trân vẫn yêu thích những cuốn truyện giá trị mà anh Gun_ho giới thiệu. Truyện này T mua từ năm ngoái đọc lai rai từ lúc ấy cho đến hôm nay vẫn còn dở ra đọc.
Thường thường, đọc xong có điểm nào không hiểu, T hay trao đổi xin anh hướng dẫn. Anh Gun_ho ít trả lời thẳng vào câu hỏi của T, nhưng gợi ý xa xa để T tự tìm hiểu, và tự hiểu.

Truyện the landlady là tự ý Trân muốn dịch ra để hiểu cặn kẽ hơn và rủ Gió cùng đọc. Trân không nghĩ anh là “team player”, mà là ông thầy giáo. Ông đứng xa xa, nhận xét và chấm điểm.

Trân xin hết ạ (Gió ơi, câu kết này sao nghe quen quen).

6Quit
03-06-2012, 09:07 AM
Trân lại lò mò vào, xin được “bênh” anh Gun_ho , sư phụ đáng kính, của Trân.

Trân vẫn yêu thích những cuốn truyện giá trị mà anh Gun_ho giới thiệu. Truyện này T mua từ năm ngoái đọc lai rai từ lúc ấy cho đến hôm nay vẫn còn dở ra đọc.
Thường thường, đọc xong có điểm nào không hiểu, T hay trao đổi xin anh hướng dẫn. Anh Gun_ho ít trả lời thẳng vào câu hỏi của T, nhưng gợi ý xa xa để T tự tìm hiểu, và tự hiểu.

Truyện the landlady là tự ý Trân muốn dịch ra để hiểu cặn kẽ hơn và rủ Gió cùng đọc. Trân không nghĩ anh là “team player”, mà là ông thầy giáo. Ông đứng xa xa, nhận xét và chấm điểm.

Trân xin hết ạ (Gió ơi, câu kết này sao nghe quen quen).

Trân, cho dù anh Gun không phải là "team player", thì ảnh cũng nên vào đây bình luận về truyện này vì có thể ảnh đã đọc rồi khi giới thiệu cho Trân, nhiều người như chị Vy, nhím xù họ chưa đọc mà vẫn vào bình luận kia mà, ảnh không bình luận lại còn vô khen Gió là giỏi hơn nhiều người ở Mỹ làm Phuilinh hiểu lầm và nhiều người họ muốn bình luận cũng chả làm vì nghĩ mình dở hơn Gió thì bình luận làm chi. Bảo đảm từ nay 2 cô dịch truyện sẽ không còn ai vô bình luận nữa ngoài anh Gun ....Tui thấy anh Gun chơi không đẹp trong việc này .

Trân
03-06-2012, 09:25 AM
Bảo đảm từ nay 2 cô dịch truyện sẽ không còn ai vô bình luận nữa....


Ôi buồn quá! Chắc T phải khóc một giòng sông mới được hic…hic…
Khóc xong thì T nghĩ ra cách để mời các anh chị và độc giả ghé vào ngõ vắng bình luận . Từ nay, T không chỉ rót trà, mà còn đem bánh, trái, kẹo, mứt, và sô cô la…mời quý khách của ngõ vắng. Ah, có cả ốc bảy món nữa ạ.
Xin anh 6Quít, các anh chị và độc giả ghé qua ủng hộ và khuyến khích tụi Trân nhé.
t.b. Anh 6Quít ơi ời, ông thầy giáo ổng có những đặc thù riêng đấy. Anh 6Quít luôn vui nhé.

Trân
03-06-2012, 10:16 AM
"Trân lại lò mò vào, xin được “bênh” anh Gun_ho , sư phụ đáng kính , của Trân."

Ôi mèn ơi, cái dấu phẩy tai ác này... T đọc lại mà mặt mày tái xanh, chân tay run lẩy bẩy, sợ gần muốn chết.

Bèn lật đật sửa lại post mình viết như sau:
"Trân lại lò mò vào, xin được “bênh” anh Gun_ho , sư phụ đáng kính của Trân"

Nhưng "nó" bị anh 6Quít nhốt vào rọ rồi. Thôi, để T và xó kia quỳ gối tự phạt vì cái tội ẩu, không chịu chấm phẩy kỹ càng.

Lòng Như Gió
03-08-2012, 07:54 AM
Trân chịu khó chăm chỉ mời nước, còn em chịu khó cất bớt những lời như giấm, thì chắc khách làng văn sẽ lại có lúc quay vào bàn chuyện văn thôi.

Hôm nay em quay vào trả lời anh Quít tiếp, vì lần trước nói hơi ngắn, chưa hết ý. Em đồng ý với anh Quít rằng anh Súng là một nguyên nhân khiến người ta mất hứng thú góp lời góp ý ở Ngõ Vắng này. Thói đời là thế này: khi một người nhận được lời khen, nếu người ấy từ chối, người ta cho rằng đó là một kiểu giả dối (thích quá còn làm bộ) hoặc người đó muốn được khen lần nữa; còn nếu người ấy chỉ cảm ơn (như em đã cảm ơn anh Súng – dù là cảm ơn theo cách không nhắc đến chữ “cảm ơn”), thì có khi người ta lại cho rằng người ấy tự mãn, xem đương nhiên như lời khen là đúng quá rồi.

Tuy em đã muốn lướt nhanh qua cái màn khen nhau đó, nhưng vì chuyện đó cứ bị moi lại, thôi em moi cho trót luôn. Thưa các anh chị, em không bao giờ dám tự hào rằng mình “thông thạo Anh ngữ ít ai sánh bằng”. Chẳng cần so sánh đâu xa, chỉ so với các bạn của em, em thấy mình cũng đã thua kém nhiều đứa lắm rồi. Dĩ nhiên cái này là em so sánh hồi đi học, thấy mình thua điểm tụi nó. Còn khi không đi học, không ai chấm điểm, không làm cùng một bài thi, thì khó mà so sánh ai với ai.

Nói tiếp về cái mà anh Quít gọi là “mâu thuẫn”: sao có lúc chỉ mới nghe đã tin, có lúc lại muốn đưa lý trí vào niềm tin. Em có nói rằng em chỉ mới nghe đã tin hồi nào đâu, ngay cả từ khi mình còn nhỏ? Nhớ (thuộc lòng) và tin là hai chuyện khác nhau. Nếu tin tuyệt đối lời của bố mình, thì em đã chẳng “chế biến” nó lại thành một câu khác của riêng mình. Em vẫn giữ quan điểm rằng niềm tin có chỗ cho lý trí.

Thôi em dừng, nhường chỗ cho những người khác ra vào.

gun_ho
03-08-2012, 01:19 PM
Tản mạn về Lý Trí .


Người ta thường thích phân tích để hiểu cho dễ và có lẽ đó là lý do họ chia lý trí và tình cảm thành hai thứ cho dễ phân biệt. Thậm chí họ còn không chịu cho chúng nó ở chung một chỗ, một nơi mà đày tình cảm xuống nằm ở trái tim và cho lý trí nằm ở bộ óc , ý là tình cảm thì không có suy nghĩ còn lý trí thì có suy nghĩ nên hợp lý lắm.

Có người còn so sánh lý trí như ngọn đèn soi sáng đường cho ta đi, giúp cho ta tìm đến những quyết định đúng và khỏi rớt xuống hố sâu , vực thẳm của tình cảm đào ra. Nhưng rồi như trong cái bài hôm nọ tôi có dịp đọc qua và dịch chơi, thì nếu cùng nhau sử dụng lý trí thì tại sao con người lại có những quyết định hoàn toàn trái ngược nhau, kiểu như ông nói gà, bà nói vịt và cả hai phe đều tuyên bố là bọn tôi đang sử dụng lý trí cực kỳ.
Hay là những ngọn đèn này quay chiếu, soi rọi nhiều hướng khác nhau? Hay là có ngọn lu, ngọn tỏ, ngọn kia cao áp và ngọn này lập lòe, ấy là chưa nói đến đèn của gã mù, đèn tắt đã lâu mà cứ nghĩ đèn mình sáng? Và có khi tôi tự hỏi, nếu so sánh lý trí với cái đèn, thì có ai thấy cái xe chạy bằng đèn chưa nhỉ? Hay là xe chạy được, nhúch nhích được là nhờ cái máy chứ đâu phải nhờ cái đèn.
Và nếu có ai đó nghĩ là mình dùng lý trí để soi rọi, hổ trợ cho niềm tin, bổ sung cho tình cảm thì tôi nghĩ đó cũng là điều vô bổ .
Vì đã biết bao nhiêu người, bao nhiêu lần, ta cứ đâm đầu vào chỗ chết tuy biết rằng đấy là đất chết.
Và rằng, liệu cái đèn của ta có đủ sáng để soi đường cho ta đi hay là đã tắt tự bao giờ , hay bị che khuất bởi biết bao quan niệm, bao thành kiến và bao thói quen và thù ghét để rồi cái mà ta tuyên dương là lý trí đó, chẳng qua cũng chỉ là một dạng tình cảm bị bóp méo.






=============


Tôi xưa vốn ít học, lại phải về miền quê sinh sống và lao động với giới chăn trâu cắt cỏ. Sau này được ra nước ngoài lại làm nghề bắt cua ở xứ đìu hiu mà chẳng được đến trường. Bởi thế ai đọc những gì tôi viết mà cảm thấy bực tức hay bức xúc thì xin làm ơn bỏ qua và xem đấy chỉ là lời tầm bậy của một kẻ tầm thuờng, huống hồ người được tôi khen thì chắc cũng chẳng vinh dự gì.
Thế nhé các cô, các bác.

6Quit
03-09-2012, 07:54 AM
=============


Tôi xưa vốn ít học, lại phải về miền quê sinh sống và lao động với giới chăn trâu cắt cỏ. Sau này được ra nước ngoài lại làm nghề bắt cua ở xứ đìu hiu mà chẳng được đến trường. Bởi thế ai đọc những gì tôi viết mà cảm thấy bực tức hay bức xúc thì xin làm ơn bỏ qua và xem đấy chỉ là lời tầm bậy của một kẻ tầm thuờng, huống hồ người được tôi khen thì chắc cũng chẳng vinh dự gì.
Thế nhé các cô, các bác.


Lòng tự ti mặc cảm và thái độ nói lẩy không có chỗ đứng trong một người đàn ông trưởng thành, nếu thấy mình sai, hãy chấp nhận sai, xin lỗi và tiếp tục như bình thường (go on).

Trân
03-09-2012, 08:00 AM
Anh 6Quít ơi ời. Thôi mà, cho T xin nhé.

Mời anh ly kem nha. Dùng xong rồi thì quên tuốt tuồn tuột ha. Và, vui nữa.

http://images.tastespotting.com/thumbnails/181844.jpg

6Quit
03-09-2012, 08:09 AM
Anh 6Quít ơi ời. Thôi mà, cho T xin nhé.

Mời anh ly kem nha. Dùng xong rồi thì quên tuốt tuồn tuột ha. Và, vui nữa.

http://t0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTkLujbnQMsiZOISk9xcmW1gUGo2UyLf 7vjuFK27zJpKHIwDNvF


Cảm ơn Trân, Ok, anh không nói gì nữa, anh thích anh Gun lắm, nếu ảnh chịu nhận mình sai vô đây bắt tay thì anh sẵn sàng liền, không có gì cả, và mình tiếp tục đọc truyện .....chán cái nói lẩy như con nít quá đi.

Trân
03-09-2012, 08:16 AM
Cám ơn anh 6Quít. Hay là anh bắt tay anh Gun_ho trước đi :) (Ah, T phải "thiên vị" sư phụ của mình chứ...).

Nói đùa tí cho vui. Gió và T sắp có truyện mới rồi. Trong lúc chờ đợi, nhờ anh đăng truyện anh viết vào ngõ vắng nhé.

Anh luôn vui nha.

t.b. Viết xong post này T sẽ ra ngoài lâu lâu tí.

Nhã Uyên
03-09-2012, 08:18 AM
Chào Trân đã trở lại và các ace trong ngõ vắng.
NU thấy hình như ly kem đã có người “nếm” qua rồi.
Nghĩ ông 6Quít sẽ lẫy không ăn nhưng không ngờ ổng dễ chiều thế. :D

6Quit
03-09-2012, 08:25 AM
Cám ơn anh 6Quít. Hay là anh bắt tay anh Gun_ho trước đi :) (Ah, T phải "thiên vị" sư phụ của mình chứ...).

Nói đùa tí cho vui. Gió và T sắp có truyện mới rồi. Trong lúc chờ đợi, nhờ anh đăng truyện anh viết vào ngõ vắng nhé.

Anh luôn vui nha.

t.b. Viết xong post này T sẽ ra ngoài lâu lâu tí.

Ok, cô bé quàng khăn đỏ, anh làm liền :

Hello, anh Gun, rua anh cái, bỏ qua hết đi, chỉ cần anh hứa với tui là từ nay đừng đem cái chuyện anh là gì ra đây nữa (tui thấy anh đem ra làm bình phong 2 lần rồi) ...


Hello Nhã Uyên, người đẹp New York, rảnh vô đây bình luận truyện cho 2 cô Gió và Trân vui chứ ....

Trân
03-09-2012, 08:45 AM
Hello Nhã Uyên xinh đẹp:).

Chết, T phải đổi hình ly kem há. Anh 6Quit cũng đổi hộ T nhe. Sorry anh nhiều nhiều.

Và đây là "cô bé quàng khăn đỏ". Anh 6Quít có nên đổi lại "tittle" cho Trân không?

http://vantnb.violet.vn/uploads/resources/blog/2439/bia_sach_2/ba_gia.jpg

6Quit
03-09-2012, 08:52 AM
Trân ơi, không đổi đâu, Trân là gì đi nữa cũng mãi vẫn là " cô bé quàng khăn đỏ " trong 6Quit .

Chà, NU hay thật, làm sao mà nhận ra ly kem này có người "nếm" rồi hè ? I do not see any different, công nhận phụ nữ có cái nhìn tinh tế thật chứ ...Nhưng mà hổng sao, chắc Trân nếm thử trước make sure không phải là kem "độc hại" (như ly trà bữa trước) đó mà ...:))

Nhã Uyên
03-09-2012, 08:58 AM
Anh Sáu khỏi mời, NU là fan của Trân & Gió từ lâu.

Thấy anh Sáu và anh Gun (tức thày ho) chơi thân, giận lẫy không khác một cặp vợ chồng, nếu như mà NU biết viết truyện, NU sẽ đưa hai anh vào truyện ... Phố Rùm love stories :))

Nụ cười cô bé quàng khăn đỏ xinh quá, Trân.

6Quit
03-09-2012, 09:04 AM
Đây, xin "afternoon" cô bé quàng khăn đỏ .


Một Lần Về Thăm

Truyện Ngắn, 6Quit

(Ghi chú: Truyện chỉ là truyện, nên phần lớn chỉ là sự tưởng tượng)


Tôi đáp chuyến tàu đêm từ Qui Nhơn đến Phan Rang để về Đà Lạt, tàu khởi hành lúc 10 giờ tối, tôi đã cố ý mua vé hạng nhất của chuyến tàu tốc hành với giường nằm và máy lạnh, nhưng chẳng thể nào chợp mắt được. Những tiếng lụp cụp, lụp cụp của bánh xe nghiến trên đường sắt làm cho tôi khó bề yên giấc. Xe đến Nha Trang vào khoảng 3 giờ sáng, tội vội vã leo xuống mua 2 ổ bánh mì lót dạ vì buổi chiều qua tưởng trên tàu sẽ có phòng ăn nhưng thất vọng.

Tàu đến Phan Rang lúc 5:30 sáng, sương vẫn còn mờ nhạt, tôi gọi taxi đến bến xe khách. Trời chưa sáng hẳn nhưng người qua lại đã tấp nập, vài chiếc xe đò đã nổ máy sẵn chờ khách, tôi đi một vòng thì thấy xe nào hầu như cũng đầy, đang thất vọng và tính lặng lẽ bỏ đi vào quán càfê chờ chuyến sau thì người tài xế đã vội vàng:

- Anh về đâu
- Tôi về Đà Lạt
- Xe tôi đi Đà Lạt đây, anh lên đi
- Nhưng xe anh đầy rồi
- Không đâu, còn nhiều chỗ lắm

Tôi leo lên thì quả nhiên xe còn một vài chỗ trống, biết xe đò ở VN thường bị nhét rất nhiều khách, tôi hỏi anh tài xế

- Tôi bao luôn nguyên 1 băng được không anh ?
- Được chứ anh, vậy anh cho tôi 4 vé

Tôi thầm nghĩ, chiếc băng chỉ dài khoảng 1 mét mà đến 4 người ngồi thì cũng lạ nhưng tôi không thắc mắc nên anh tài xế đã mời mấy người khác dời chỗ để dành cho tôi 1 băng. Hành lý tôi chỉ vỏn vẹn có chiếc ba lô nên tôi thoải mái ngồi đọc báo chờ xe khởi hành.

Trời đã sáng hẳn, hành khách lên xe đã đầy nghẹt. Lúc xe sắp khởi hành thì một cô gái tay xách giỏ nho bước lên xe, nàng dáo dác nhìn quanh tìm chỗ, ngạc nhiên khi nhìn về phía tôi, có lẽ vì thấy băng nào cũng chật cứng còn tôi thì thoải mái ngồi một mình, tôi vội vã đứng dậy mời:

- Cô cứ tự nhiên vào ngồi đây đi, băng này tôi đã bao rồi

Kỳ thật, phản ứng tự nhiên của tôi trước một người con gái đẹp, không biết vì lịch sự hay vì lẽ gì mà tôi hay mềm lòng trước con gái, nàng không đáp lại, chỉ lặng lẽ bước lên ngồi bên cạnh tôi. Nàng có gương mặt thật dễ thương và trông còn rất trẻ, tôi muốn mở miệng làm quen ngay nhưng ngại nàng có ấn tượng xấu về mình nên im lặng, định bụng chờ xe khởi hành một lúc rồi hỏi thăm cũng chưa muộn.

Xe chạy được một lúc, tôi bắt đầu gợi chuyện:

- Nho cô mua ở đâu mà tốt thế ?
- Dạ, ở Phan Rang á anh, Phan Rang dạo này là mùa nho
- Phan Rang mà cũng trồng được nho sao cô
- Dạ được chứ anh, Phan Rang bắt đầu cải thiện trồng nho đã gần 10 năm rồi, ban đầu thì không khá lắm nhưng bây giờ thì tiến bộ nhiều
- Thảo nào nho trông tốt không khác gì nho ở Mỹ, nhưng có ngọt không cô ?
- Ngọt lắm anh, mời anh ăn thử cho biết
- Cảm ơn cô, tôi chỉ hỏi vậy thôi
- Anh ở Mỹ về
- Đúng rồi, về lần đầu tiên sau gần 20 năm xa cách cô ạ
- Anh đi lâu quá nhỉ, lúc anh đi em chỉ mới vài tuổi
- Cô sanh ở đâu
- Dạ, Đà Lạt anh ạ
- Vậy là dân Đà Lạt chính gốc rồi nhỉ ?
- Nhưng ba má em người Phan Rang
- Vậy sao, chắc cô về Phan Rang thăm bà con
- Đúng đó anh, em về thăm gia đình ông bác và nhân tiện tắm biển luôn thể
- Bãi biển Phan rang đẹp không cô, cô ở lại Phan Rang bao lâu
- Dạ, cũng tạm được, không đẹp bằng Nha Trang, em ở hai tuần anh ạ
- Ngày nào cô cũng ra biển
- Nhà bác em ở gần đó nên ngày nào em cũng ra tắm
- Thế thì lạ nhỉ, trông cô không thấy ăn nắng tí nào, nước da vẫn trắng hồng
- Con gái Đà Lạt mà anh, ít bị ăn nắng lắm ......

Tôi và nàng hàn huyên tâm sự quên cả đường dài, xe lên đèo Song Fa rồi đến ngã ba Phi Nôm, nàng kể tôi nghe khá nhiều về Đà Lạt, tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú, không ngờ một cô gái trẻ như nàng lại biết nhiều đến thế. Bà chị cả tôi theo chồng về Đà Lạt lúc tôi còn rất nhỏ, năm lên 7, nhân dịp chị về, tôi có theo chị đi Đà Lạt một lần nhưng chẳng có ấn tượng gì cả ngoài việc có cảm giác như cả thành phố đang mở máy lạnh. Đà Lạt đối với tôi vẫn là một nơi cao sang huyền bí.

Xe đến bến, nàng trao cho tôi mảnh giấy nhỏ và nói "lúc nào rảnh, anh nhớ ghé chơi". Tôi đưa nàng xuống xe, kêu taxi đưa nàng về nhà. Đã gần 12 giờ trưa, trời Đà Lạt nắng nhưng mát rười rượi, nơi tôi đứng là một bến xe mới, khung cảnh khác xưa không còn nhận ra. Tôi đứng lại, hít thở không khí trong mát, Đà Lạt đây rồi, Đà Lạt sau hơn 25 năm mới nhìn lại, cũng vẫn núi đồi, cũng vẫn tiếng thông reo vi vu, vẫn những thung lũng chập chờn sau làn sương mỏng. Đà Lạt giờ đây đối với tôi không còn huyền bí nữa, nhưng cảm giác xao xuyến, bồi hồi của tôi đối với Đà Lạt vẫn như ngày nào dù tôi giờ đây đã khác nhiều hơn trước.

Tôi nhìn mảnh giấy còn cầm trong tay, thấy vỏn vẹn có mấy chữ ….Lan, XYZ Phan Đình Phùng, à thì ra nàng tên Lan, thế mà suốt cuộc hành trình mình quên hỏi, vô ý thật. Tôi bỏ mảnh giấy vào túi, mỉm cười vác ba lô lên vai và lững thững xuống con đường dốc.

Về đến nhà bà chị, tụi cháu tôi giật mình nhìn tôi đăm đăm rồi reo lên:

- Má ơi, cậu Sáu, cậu Sáu lên má ơi, úi trời, cậu lên hồi nào sao không cho tuị cháu biết để đi đón.
- Thì cậu muốn làm ngạc nhiên ba má cháu và tụi cháu
- Tụi cháu nghe nói cậu về ngoại, sao lại lên đây, ngoại khoẻ không cậu?
- Ừ, thì cậu phải về thăm ngoại trước chứ, bà ngoại vẫn bình thường, ở dưới 5 ngày rồi, tính ở thêm mấy ngày nhưng nóng quá, cậu trốn lên đây nghỉ mát.
- Trời ơi, hồi giờ tụi cháu chỉ thấy thư và hình của cậu, không ngờ cậu bự như vầy, đúng là Việt kiều

Tôi cười:
- Đâu phải Việt kiều là bự đâu cháu, tại cậu ăn nhiều quá ....

Bà chị tôi chạy ra trố mắt nhìn rồi ôm chầm lấy tôi, cứ bảo tại sao tôi đi một mình lên đây mà không có ai đi theo hay cho ai hay trước, tôi bảo chị " thì em bảo em sẽ lên Đà Lạt thăm chị mà, chỉ là lên sớm hơn dự định thôi, chị làm như em hồi lên lần đầu tiên với chị không bằng ". Sau hơn 20 năm xa cách, gặp nhau, chị tôi gần như nghẹn không nói nên lời, nỗi vui mừng hiện lên nét mặt chị thật không bút nào tả xiết. Tôi còn nhớ năm xưa chị về, bồng theo đứa con nhỏ, chị tôi tha thướt trong chiếc áo dài trắng, nước da ửng hồng vì nắng, trông chị đẹp như một nàng tiên trong truyện cổ tích, giờ đây chị tôi trông già trước tuổi, cô cháu gái con đầu lòng của chị nay đã theo chồng ở tận Long Khánh.

Chị tôi có đến 10 người con, 6 đứa còn lại nhà, mấy ngày sau tôi vui chơi với tụi cháu, quên bẵng đi người con gái gặp gỡ trên chuyến xe. Hôm đưa đồ cho tụi cháu giặt, nhỏ cháu gái móc ra mảnh giấy và hỏi:
- Giấy gì đây cậu ?
Tôi nhìn qua, một thoáng im lặng rồi bảo:
- Chiều mai có đứa nào rảnh không ?
- Chi vậy cậu ?
- Chở cậu đi thăm bạn được không
- Bạn cậu là ai vậy, cậu mới về làm gì có bạn ở đây, hồi nhỏ cậu cũng đâu có học ở Đà Lạt này đâu.
- Ừa, thì bạn mới quen
Tụi nó nhao nhao làm như bắt được việc gì hồi hộp lắm:
- Quen hồi nào, ở đâu, trai hay gái vậy cậu ??
Tôi cười:
- Tụi mày nhiều chuyện quá, cậu hỏi ngày mai có đứa nào rảnh không ?
Tụi nó vẫn chưa chịu thua :
- Thì đi đâu mới được chứ cậu ?
Tôi đưa mảnh giấy cho tụi cháu:
- Đây nè, tụi mày biết đường Phan Đình Phùng ở đâu không, gần đây hông ?
Tụi nó nhìn mảnh giấy la lên
- Lan, XYZ Phan Đình Phùng ....Trời ơi ….chết, cháu mét má, cậu quen cô Lan này ở đâu thế ?
- Tụi mày làm như cậu còn con nít không bằng, thì mới quen đây thôi, trên xe đò từ Phan Rang lên đây đó
- Mà thật cậu muốn mai đến thăm cô ta à ?
- Thì cậu xạo tụi mày làm gì, cô ta bảo lúc nào rảnh nhớ ghé chơi ......

Nhà Lan ở cuối đường, phòng trước nhà có nhiều món lặt vặt, có lẽ là một cái quán nhỏ, bà chủ nhà mới hỏi tôi tìm ai thì Lan đã chạy ra:
- Trời, anh (Lan vẫn chưa biết tên tôi), tưởng đâu anh không ghé, dạ, đây là má Lan, má, còn đây là anh bạn con mới quen.

Má Lan nhìn tôi đăm đăm, tôi thấu hiểu là bà rất ngạc nhiên không biết tôi từ đâu rớt xuống vì chắc Lan chưa bao giờ đề cập đến tôi, tôi vội gật đầu:
- Dạ, chào bác, cháu mới đến Đà Lạt vài ngày, biết Lan trên chuyến xe từ Phan Rang về đây bác ạ.
- À thì ra thế, mời cậu vào nhà uống nước
- Dạ cảm ơn bác, thôi được rồi bác ạ
Má Lan vẫn bảo Lan đem nước mời tôi và ra sau để Lan và tôi tự do trò chuyện, tôi không thấy ba nàng, có lẽ ông đi làm. Tôi nghĩ đối với ba má nàng, Lan đã đủ trưởng thành để tiếp xúc với một người xa lạ.

Câu đầu tiên Lan hỏi tôi:
- Anh còn ở Đà Lạt bao lâu ?
- Tôi về không được nhiều, chỉ ở lại đây vài ngày nữa thôi
- Anh đã đi chơi đâu chưa
- Chỉ đi loanh quanh chợ thôi
Lan rủ tôi mai đi vườn hoa thành phố, tôi chưa sắp đặt chương trình cho ngày mai nên ngập ngừng:
- Tôi không có xe
- Anh cho địa chỉ, Lan đến đưa anh đi
- Lan đi một mình à ?
- Một mình Lan thôi, còn anh có ai không ?
- Có mấy đứa cháu, không biết tụi nó có muốn đi không
- Nếu có cháu anh càng tốt, đi đông cho vui anh à
Tôi gật đầu:
- Thôi được rồi, vậy mai mấy giờ Lan rảnh ?
- 9 giờ được không anh ?
- Được rồi, tôi chờ Lan ở nhà bà chị tôi ...XYZ Lycee Yersin nhé
- Mai Lan đến.

Tôi vào nhà sau chào má Lan kiếu từ, bà bảo tôi rảnh nhớ ghé chơi, chắc không biết tôi sắp giã từ Đà Lạt chưa biết bao giờ trở lại.

Hôm sau Lan đến đúng hẹn, tụi cháu trêu ngạo tôi là đi chơi với bạn gái nên chẳng đứa nào thèm tháp tùng, chị tôi chỉ dặn về sớm để còn ăn tối với mấy người bạn. Nguyên ngày, tôi và Lan dạo chơi vườn hoa thành phố, xuống thung lũng tình yêu, đi thiền viện Trúc Lâm, thăm thác Prenn rồi về ghé quán kem Thanh Thủy bên bờ Hồ Xuân Hương. Tôi biết được Lan đang học năm thứ tư ban Hóa ở đại học Tổng Hợp Đà Lạt. Đối với tôi, có thể nói Lan là một cô gái hoàn toàn cả về nhan sắc lẫn đức hạnh, ngồi bên nàng, lòng tôi cảm thấy ngập tràn những hạnh phúc. Lúc chia tay, Lan hỏi:
- Bao giờ anh đi ?
- Sáng mốt, 7 giờ ở bến xe về Sài Gòn
- Vậy mai anh ghé nhà chơi nhé
Tôi chưa có dự định nên nói hàng hai:
- Để coi, nếu mai rảnh tôi sẽ ghé lại.

Lan đưa tôi về, rồi vội vã về nhà, có lẽ vì lần đầu tiên đi chơi hơi lâu, tôi ngẩn người nhìn theo bóng nàng, lòng bồi hồi xao xuyến. Đêm đó tôi không ngủ được, hình ảnh Lan cứ chập chờn, lảng vảng trong đầu óc, tụi cháu thấy tôi trằn trọc cứ chọc ghẹo:
- Nhớ cô Lan rồi phải hông cậu ?
- Tụi mày mà nói nữa, mai cậu lên cô Lan nữa đó
Tụi nó giẫy nẩy
- Nhất định không cho cậu đi nữa, lên đây có mấy ngày mà chưa đi chơi với tụi cháu bữa nào.
Tôi cười trừ :
- Thôi được rồi, mai cậu không đi cô Lan mà đi chơi với tụi cháu .

Hôm sau Lan không đến, tôi cũng không ghé, tôi tự nhủ may lắm cũng vài năm nữa tôi mới có dịp gặp lại nàng …..

Sáng tinh mơ, thành phố Đà Lạt như còn chìm trong màn sương trắng xóa, cả nhà chị tôi đưa tôi ra bến xe, Lan đã đứng đó từ bao giờ, tôi vô cùng ngạc nghiên, chưa biết nói với nàng điều gì thì Lan đã lên tiếng:

- Lan chỉ ra chúc anh đi thượng lộ bình an.

Tôi muốn nói vài lời chúc nàng ở lại nhưng nghẹn không nói nên câu, nàng chào gia đình chị tôi rồi cáo từ.


Ðã hơn 10 năm, và đã thêm mấy lần tôi trở lại Ðà Lạt, nhiều lúc ra ngồi nơi quán kem Thanh Thủy bên bờ hồ Xuân Hương, tôi đã tưởng tượng Lan như một làn gió thoảng mang đầy những hương hoa thơm ngát, chắc nàng giờ đây đã tay bế tay bồng. Không biết trong tâm tư nàng có còn hình ảnh một người bạn, một người đàn ông xa lạ gặp gỡ trong chuyến xe năm nào. Riêng tôi, hình ảnh và giọng nói của Lan vẫn là những gì đẹp nhất của lần đầu tôi trở lại Ðà Lạt. Lan ạ, mỗi một chúng ta có một cuộc đời riêng, có những yêu thương dành cho người thân gần gũi, có những ngăn trong tim đã một lần mở ra rồi vĩnh viễn khép kín…. Xin cảm ơn tấm chân tình dành cho người khách tha hương ngày trở về và xin đa tạ cô gái nhỏ, người đã cho tôi những giây phút đầy cảm xúc trong một lần về thăm quê mẹ.

gun_ho
03-09-2012, 09:56 AM
Ok, cô bé quàng khăn đỏ, anh làm liền :

Hello, anh Gun, rua anh cái, bỏ qua hết đi, chỉ cần anh hứa với tui là từ nay đừng đem cái chuyện anh là gì ra đây nữa (tui thấy anh đem ra làm bình phong 2 lần rồi) ...


Hello Nhã Uyên, người đẹp New York, rảnh vô đây bình luận truyện cho 2 cô Gió và Trân vui chứ ....

Anh không thể yêu cầu bất cứ ai làm điều anh muốn họ làm, cũng như hứa với anh là làm theo ý anh để anh vui mà anh nên tập chấp nhận lối xử sự của từng người và từng cá nhân riêng biệt.
Có như vậy thì mới lâu bền, còn anh cứ biểu người khác xử sự kiểu như anh thì hôm nay bắt tay thì mai lại bị anh bóp d..

Bye luôn cho gọn.

6Quit
03-09-2012, 10:19 AM
Anh không thể yêu cầu bất cứ ai làm điều anh muốn họ làm, cũng như hứa với anh là làm theo ý anh để anh vui mà anh nên tập chấp nhận lối xử sự của từng người và từng cá nhân riêng biệt.
Có như vậy thì mới lâu bền, còn anh cứ biểu người khác xử sự kiểu như anh thì hôm nay bắt tay thì mai lại bị anh bóp d..

Bye luôn cho gọn.

That is fine with me, anh.

RaginCajun
03-09-2012, 11:03 AM
Bác Sáu Quít viết chuyện cũng ướt át quá xá. Mà sao, gặp gái, trong chuyện, bác hiền quá vậy? :P

6Quit
03-09-2012, 11:19 AM
Bác Sáu Quít viết chuyện cũng ướt át quá xá. Mà sao, gặp gái, trong chuyện, bác hiền quá vậy? :P


Gặp gái đẹp mình phải giả nai chớ bác ....:))

Trân
03-30-2012, 07:24 PM
Xin chào các đấng anh hùng. Xin chào Nhã Uyên xinh đẹp.

Xin cám ơn truyện ngắn Một Lần Về Thăm của anh 6Quít.


http://www.youtube.com/watch?v=jmax47l2hLU]

Nella fantasia.
Nella fantasia io vedo un mondo giusto,
Li tutti vivono in pace e in onestà.
Io sogno d'anime che sono sempre libere,
Come le nuvole che volano,
Pien' d'umanità in fondo all'anima.
Nella fantasia io vedo un mondo chiaro,
Li anche la notte è meno oscura.
Io sogno d'anime che sono sempre libere,
Come le nuvole che volano.
Nella fantasia esiste un vento caldo,
Che soffia sulle città, come amico.
Io sogno d'anime che sono sempre libere,
Come le nuvole che volano,
Pien' d'umanità in fondo all'anima.
Music: Ennio Morricone
Italian lyrics: Ferraù

*

In my fantasy


In my fantasy I see a just world,
Where everyone lives in peace and honesty.
I dream of souls that are always free
Like the clouds that float
Full of humanity in the depths of the soul.
In my fantasy I see a bright world
Where each night there is less darkness.
I dream of spirits that are always free,
Like the clouds that float
In my fantasy exists a warm wind,
That blows into the city, like a friend.
I dream of souls that are always free,

Trân
03-30-2012, 07:38 PM
Vai phụ? Ồ, không!

Em là linh hồn của bản dịch. Em sửa từng dấu ngã, dấu hỏi. Những đoạn văn dịch cách đây cả tháng trời, em vẫn quay lại chỉ để sửa một dấu phẩy, thay một từ vựng chọn lọc, đặc sắc hơn…

Mà, hình như tôi vẫn được gọi là “dịch giả”?! Trong khi có câu văn tôi hiểu sai đến 80% ý của tác giả. Tôi ngại ngùng và xấu hổ quá, nên cứ xin với em viết rằng: The Gentle Maiden được chuyển ngữ bởi Lòng Như Gió với nguồn cảm hứng từ Trân.

Nhưng, em nhất định không chịu. Và, tôi tìm được những dòng tâm sự này của em:

"...Tôi nghĩ về những vai phụ của mình. Có bao nhiêu người mình quen, thậm chí thân, là có gần như bấy nhiêu vai phụ của mình trong cuộc đời họ. Khi vai phụ mình đóng có thể góp phần cho "tác phẩm" của họ trở nên lý thú hơn, chẳng phải vai phụ của mình cũng rất thú vị đó sao?"

https://dtphorum.com/pr4/showthread.php?110-Vẫn-mến-yêu-cuộc-sống/page5

*
Kiếp sau, nhất định tôi sẽ là vua, cưới cô bé vai phụ, rồi phong em làm hậu trong vương quốc của tôi, nhưng vẫn giữ vai cung phi của em để sủng ái em suốt đời tôi.



t.b. Cùng các cây si của LNG đang đứng xếp hàng dài dằng dặc trước ngõ: xin tha mạng cho T, T chỉ dám ao ước như thế vào kiếp sau thôi, chứ kiếp này T không dám hó hé gì cả :).

Lòng Như Gió
03-30-2012, 11:49 PM
Cảm ơn Trân về lời giới thiệu rất hay ho, nhưng nghe như đó là lời giới thiệu về “vai phụ”, hơn là giới thiệu về truyện dịch sắp được đăng.

Thế thì em xin thưa thêm, truyện “The Gentle Maiden”, tác giả Fyodor M. Dostoevsky, bản tiếng Anh của C.J Hogarth, trước 1975 đã được Giáo sư Dương Đức Nhự dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Người thục nữ”. Trân và em nghĩ mãi, chưa nghĩ ra được chữ nào vừa hay hơn, vừa sát nghĩa hơn, vừa súc tích hơn ba chữ “người thục nữ”, nên đành dùng ba chữ ấy làm tựa cho truyện dịch của mình. Xin cảm ơn Giáo sư Dương Đức Nhự.

Lòng Như Gió
03-31-2012, 12:07 AM
Người thục nữ
Fyodor M. Dostoevsky
Dịch từ bản tiếng Anh “The Gentle Maiden” của C.J. Hogarth

(Kỳ 1)


PHẦN I
CHƯƠNG I
CHÚNG TÔI LÀ AI

Và, cô nằm đó - xinh đẹp, như mọi ngày! Thỉnh thoảng, tôi bước lại gần và ngắm gương mặt cô. Ngày mai, họ sẽ đưa cô đi, còn tôi, ở lại nơi đây một mình. Hôm nay, cô nằm trên hai chiếc bàn đánh bài ghép lại trong căn phòng này, nhưng ngày mai chờ đón cô là một huyệt đất sâu và những mảnh vải liệm trắng toát Tôi không biết làm sao chuyện đó đã xảy ra. Tôi cố gắng rất nhiều lần để giải thích cho chính mình. Suốt từ sáu giờ sáng đến giờ, tôi đã cố gắng giải thích, nhưng chẳng thể tập trung tư tưởng được. Có lẽ vì cố gắng căng thẳng quá, nên tôi không tập trung được. Có lẽ nếu tôi sắp xếp lại những sự kiện theo đúng thứ tự thì tốt hơn. Đúng thứ tự, đúng thế! Chúa ơi, tôi đâu phải là người văn hay chữ tốt, như mọi người nhận ra rồi đấy; nhưng, nếu tôi phải kể lại những chuyện này theo cách tôi hiểu. Nhưng tôi lại sợ phải hiểu những chuyện đó.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết (tôi kể từ đầu nhé), lần đầu cô ấy tìm đến tôi khá đơn giản. Cô đến gặp tôi chỉ để cầm vài báu vật của cô để lấy tiền trả phí quảng cáo cô đăng trên tờ Golos - một mục rao vặt nói rằng cô là gia sư có thể dạy kèm trẻ em tại tư gia hoặc điạ điểm khác. Mọi chuyện bắt đầu như thế. Dĩ nhiên, lúc đầu, tôi thấy cô không có gì khác với những khách hàng khác - cô đến tiệm cầm đồ của tôi như mọi người; nhưng lúc sau tôi bắt đầu chú ý đến cô. Ngày đó, cô dong dỏng cao và mảnh khảnh với mái tóc màu vàng nhạt, nét mặt cô cứ hơi nhăn nhó khi nhìn tôi tuồng như thẹn thùng (dù tôi biết với người lạ nào cô cũng thế). Còn tôi, tôi đối đãi với cô như mọi người thôi - tôi không đối xử với cô như một con nợ, mà như một con người. Vừa nhận được món tiền cầm cố, cô liền quay gót ra về. Cô không bao giờ nói thêm lời nào. Những người cầm đồ khác sẽ trả giá với tôi, hoặc khẩn khoản nài nỉ tôi trả thêm tiền cho họ, còn cô không bao giờ thắc mắc về số tiền được trả. Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy hơi ngạc nhiên khi cô đến tiệm. Trước hết, tôi sửng sốt về những món mà cô mang đến, chẳng hạn đôi bông tai bạc mạ vàng và một chiếc mặt dây chuyền vớ vẩn - cả hai món ấy đáng giá chừng hai mươi kopeck. Tôi tin rằng bản thân cô cũng biết giá trị của mỗi món khoảng 10 kopeck; tuy thế, qua nét mặt cô, tôi thấy được những vật đó rất quý giá với cô. Sau này, tôi được biết đấy là những báu vật duy nhất cô được thừa hưởng từ cha mẹ mình. Một lần và chỉ một lần duy nhất, tôi đã cho phép mình nhạo báng một món đồ của cô (bạn nên nhớ rằng, theo nguyên tắc, tôi không bao giờ đánh mất mình - cách ứng xử của tôi với khách hàng luôn là phong thái của một người lịch thiệp. Kiệm lời, lễ độ và nghiêm chỉnh trong công việc là phương châm của tôi; trên hết, nghiêm chỉnh, nghiêm chỉnh, và lại là nghiêm chỉnh). Tuy nhiên, một ngày kia, cô thậm chí mang đến cho tôi một mớ giẻ, vâng, đúng thật là một mớ giẻ còn lại từ tấm thảm cũ bằng da thỏ rừng. Ôi, tôi không thể tự kiềm chế, đã buông một lời nhận xét gay gắt nào đó. Trời ơi, giá mà bạn thấy cô ấy giận như thế nào ! Đôi mắt cô vốn to tròn, xanh biếc và trầm tư: nhưng vào giây phút đó, đôi mắt ấy quắc lên giận dữ. Tuy vậy, cô không nói một lời nào, chỉ cầm lấy những mảnh da thỏ, rồi rời khỏi tiệm. Đó là lần đầu tiên tôi để ý đến cô một cách đặc biệt, hoặc nghĩ điều đặc biệt về cô - nghĩa là nghĩ đến điều khác thường về cô. Vâng, tôi vẫn nhớ ấn tượng đầu tiên cô đã để lại trong tôi - ấn tượng hằn sâu nhiều nhất trong tâm trí tôi. Đó là cô trông rất trẻ - chỉ độ mười bốn tuổi. Thật ra, cô còn ba tháng nữa là được mười sáu tuổi. Tuy nhiên, tôi không nói gì vì khi ấy tôi không mấy quan tâm đến cô. Ngày hôm sau cô lại đến tiệm. Sau này, tôi biết được cô đã mang miếng thảm da thỏ ấy đến cả hai tiệm của Dobronrov và Moser, nhưng, vì họ chỉ giao dịch vàng và bạc, nên họ chẳng biết nói sao với cô. Ôi, có lần tôi chịu cầm những viên đá mã não của cô (đó cũng lại là những vật vô giá trị!). Khi tôi nhìn những viên đá ấy, như thường lệ, tôi sửng sốt nhận ra: mặc dù tôi chỉ giao dịch vàng bạc, tôi lại chịu cầm những viên đá mã não của cô. Đấy là lần thứ nhì tôi lưu ý đến cô.


Lần thứ ba cô đến tiệm tôi (từ tiệm của Moser) với chiếc bót thuốc lá bằng hổ phách - một vật nho nhỏ khá xinh xắn, nhưng đối với chúng tôi, những người chỉ giao dịch vàng bạc, vật ấy chẳng có giá trị gì. Vì mới vừa đụng độ nhau về tấm thảm da thỏ, nên tôi lạnh lùng đón tiếp cô (mặc dù, đối với tôi, lạnh lùng cũng là một dạng của lễ độ). Nhưng, khi trao cho cô hai rouble, tôi không thể dằn lòng nói vài lời châm chọc: “Tôi nhận vật này cho cô thôi đấy. Moser không bao giờ nhận cầm một thứ thế này từ bất cứ ai đâu.” Tôi nhấn mạnh hai chữ “cho cô” một cách khác thường, và gắn cho chúng một ý nghĩa khác thường, vì tôi không hài lòng với món hàng. Nghe tôi nói thế, cô lộ vẻ giận dữ như lần trước. Nhưng cô không quăng trả tiền lại cho tôi; cô chỉ lẳng lặng cầm tiền rồi rời khỏi tiệm. Túng quẫn đến thế là cùng! Nhưng cô cũng tức giận khôn xiết! Tôi nhận ra mình đã làm tổn thương cô. Cô đi rồi, bỗng nhiên tôi tự hỏi, “ Nỗi hả hê đáng giá hai rouble sao? Ha, ha, ha!” Vâng, tôi nhớ đã tự hỏi lòng câu hỏi ấy đến hai lần, “Có đáng không? Có đáng không?” rồi cười xòa tự trả lời rằng có, vì tôi lấy lại được bình tĩnh rồi. Tôi không áy náy gì; tôi đã hành động rất đúng đắn, với chủ ý rõ ràng. Tôi muốn bày tỏ với cô, vì những ý nghĩ về cô lởn vởn trong đầu tôi. Đấy là lần thứ ba tôi lưu ý đến cô.

Câu chuyện bắt đầu như thế. Tôi cố gắng nhìn hoàn cảnh này từ mọi khía cạnh, và nóng lòng chờ cô trở lại tiệm. Chẳng hiểu sao tôi tiên đoán rằng cô sắp quay lại ngay thôi. Khi gặp lại cô, tôi rất ngạc nhiên nhận thấy mình trò chuyện cùng cô như đã quen thân lắm rồi. Bạn biết đấy, tôi không đến nỗi kém giáo dục, và tôi biết cách xử sự. Hừm! Vâng, tôi đã nhận ra rằng cô là người tử tế và tốt bụng; mà những người tử tế và tốt bụng thì không giữ khoảng cách quá lâu với nhau. Có thể, họ không bộc bạch mọi cảm xúc của mình, nhưng họ không thể không trao đổi với nhau vài câu nói. Có thể họ trả lời vắn tắt thôi, nhưng họ có trả lời, và càng quen biết lâu, họ càng nói với nhau nhiều hơn. Người ta không lười nói chuyện nếu họ cảm thấy phải nói. Dĩ nhiên, hôm ấy, cô ấy chẳng nói gì với tôi cả. Mãi sau này tôi mới biết mọi chuyện về Golos, và những chuyện khác. Dường như, lâm vào đường cùng rồi, cô đã đăng lên báo một mẩu quảng cáo với phần mở đầu bắt mắt: “Một thiếu nữ gia sư, sẵn sàng đi xa. Chi tiết sẽ được cung cấp trong hồ sơ xin việc”. Sau đó, mẩu rao vặt của cô biến thành: “Một thiếu nữ nhận làm bất cứ việc gì: gia sư, bạn đồng cư, điều dưỡng viên, thợ may.” Cuối cùng, trong tuyệt vọng, cô thêm vào mẩu quáng cáo này điều kiện như sau: “Không cần lương; chỉ cần ăn ở.” Tuy vậy, cô chẳng tìm được công việc nào. Nhân lúc trò chuyện với cô, tôi muốn thử vớt vát cho cô một cơ hội cuối. Vì vậy, cầm tờ Golos ngày hôm ấy, tôi chỉ cô xem một mục rao vặt khác, đăng rằng: “Một thiếu nữ mồ côi, cần tìm việc gia sư dạy trẻ em, ưu tiên cho gia đình người góa vợ. Có thể giúp việc nội trợ.”

“Đấy, cô thấy không?” Tôi nhận xét, “Một cô gái đăng quảng cáo vào sáng nay, và rất có thể đến chiều cô ta đã có việc. Cô nên làm như thế.”

Một lần nữa, cô lại nổi giận - một lần nữa, mắt cô ánh lên khi cô quay lưng và bước thẳng ra khỏi cửa tiệm. Tôi rất hài lòng. Giờ đây, tôi cảm thấy chắc chắn về mọi thứ, và không sợ hãi gì. Chẳng ai khác sẽ chịu cầm những chiếc bót thuốc lá của cô. Mà cô cũng chẳng còn chiếc bót thuốc nào khác để cầm cố. Biết ngay mà, ba ngày sau cô lại đến – với vẻ xanh xao, bối rối! Tôi có thể thấy được có chuyện gì đấy xảy ra ở nhà cô, một chuyện thật nghiêm trọng. Chuyện gì đó thì tôi sẽ kể sau, còn bây giờ, tôi chỉ nhớ được rằng lúc ấy tôi chợt thấy mình cao hơn và già dặn hơn cô. Hơn nữa, tôi chợt nảy ra một kế hoạch. Bạn biết không, lần này, cô đem đến một bức tượng nhỏ. À, nhưng chờ chút nhé, chờ chút. Chuyện bắt đầu như thế, tôi biết, nhưng tôi thấy lùng bùng quá. Tôi cố gắng nhớ lại mọi chuyện, từng chi tiết nhỏ, từng đặc điểm nhỏ, nơi cô. Tôi cố gắng tập trung tư tưởng. Nhưng tôi không thể, tôi không thể, mà tôi phải nhớ tất cả những chi tiết đó mới được.

Đó là gì? Ô, là một bức tượng Đức Mẹ. Xem nào, bức tượng Đức Mẹ bồng Chúa hài đồng - một bức tượng cũ kỹ như bức trên kia, với lớp áo choàng bằng bạc mạ vàng - đáng giá sáu rouble. Nhưng tôi có thể thấy bức tượng ấy là báu vật của cô, và cô đem cầm hết - nghĩa là, không lấy lại lớp áo; nên tôi nói với cô: “Tốt hơn là tôi chỉ lấy tấm áo, để lại bức tượng cho cô? Như vậy, cô sẽ vẫn còn tượng thờ.”

“Vậy ông có lấy hết luôn được không?”
“Không thành vấn đề; nhưng có lẽ cô sẽ buồn?”
“Không đâu. Ông cứ cầm cả bức tượng.”
“Cô này.” Tôi ngẫm nghĩ. “Thay vì cầm bức tượng này, tôi sẽ cất ở trong hộp này với những bức tượng khác, và để dưới cây đèn kia” (bạn phải biết rằng, mỗi sáng mở tiệm, tôi luôn thắp đèn trước tiên.) “Tôi có thể trả cô mười rouble, nếu cô đồng ý.”
“Nhưng tôi không cần mười rouble. Trả tôi năm rouble thôi, vì chắc chắn tôi muốn chuộc lại bức tượng.”
“Sao? Cô không ưng mười rouble? Tại sao? Bức này đáng giá mười rouble mà, tôi bảo đảm với cô đấy.” Tôi nói thêm, nhận thấy ánh mắt cô lại lóe lên. Cô không trả lời, nên tôi trao cho cô năm rouble.
“Tôi không xem thường những người túng thiếu,” tôi nói tiếp. “Tôi cũng từng bị cạn túi rồi, có khi còn thảm hơn cô nữa. Dù cô thấy tôi buôn bán thế này, nhưng tôi cũng từng nghèo khó.”
“Và ông trả thù xã hội, phải không?” Cô ngắt lời tôi với nụ cười chua chát nhưng ngây thơ. Có nghĩa chỉ là một nụ cười bình thường, vì rõ ràng, cho đến khi ấy, cô chẳng đặc biệt để ý gì tôi, và không để ý những gì đã nói với tôi.

“À!” Tôi nghĩ thầm. “Cô là mẫu phụ nữ này đây! Tính cách của cô đang phát triển sang một giai đoạn mới. Ôi,” Tôi nói to lên, nửa đùa cợt, nửa bối rối, “Tôi thuộc loại người chỉ làm điều xấu khi điều thiện có thể xảy ra.”

“Cô liền chăm chú nhìn tôi, đầy vẻ tò mò, nhưng ánh mắt như trẻ thơ. “Khoan!” cô thốt lên. “Ý ông là gì? Ông lấy những lời ấy từ đâu? Tôi đã nghe ở đâu rồi đấy.”

“Đừng quá bận tâm. Ác quỷ Mephistopheles đã nói như vậy để tự giới thiệu hắn với Faust. Cô đã đọc truyện ‘Faust’ chưa?”

“Chưa, tôi đọc không kỹ lắm.”
“Thế nghĩa là cô chưa đọc. Cô nên đọc. Tôi thấy trên môi cô có nụ cười khinh miệt. Đừng cho rằng thị hiếu của tôi kém cỏi đến nỗi phải tìm cách tự giới thiệu mình là Mephistopheles để làm tấm áo khoác lên cái nghề cầm đồ. Một chủ tiệm cầm đồ mãi cũng chỉ là chủ tiệm cầm đồ thôi. Mọi người đều biết thế.”
“Ông lạ lùng lắm! Tôi chẳng hề nghĩ vậy.”

Ý cô ấy, dĩ nhiên, là “Tôi chưa hề nghĩ ông là người có học thức.”
Vâng, tôi đọc được những ý nghĩ trong đầu cô. Rõ ràng tôi đã khiến cô rất vui.
“Cô thấy không,” tôi nói, “Người ta có thể làm điều tốt trong bất cứ lãnh vực nào. Dĩ nhiên tôi không ám chỉ mình; hãy giả dụ rằng tôi chỉ làm những điều xấu, nhưng…”

“Dĩ nhiên người ta có thể làm điều tốt ở bất cứ đâu,” cô đáp, với vẻ nhanh nhẹn và sắc sảo, “Vâng, ở mọi nơi!” Cô chợt nói thêm. Ôi, tôi nhớ rõ từng chi tiết của cuộc chuyện trò đó - nhớ rõ mọi chi tiết! Tôi còn nhớ rõ, mỗi lần cô bé đáng thương này muốn nói một điều gì thâm thúy, bằng nét mặt luôn ngây thơ và thành thật của mình, cô luôn tỏ rõ rằng cô đang tự nhủ “Có khôn ngoan không khi một đứa con gái như mình lại nói những điều thông thái và hay ho như thế?” - và tỏ rõ rằng, không phải cô khoác lác, như nhiều người khác, mà chẳng qua vì cô rất chú ý lời nói của mình, tin tưởng và coi trọng lời nói của mình, và tưởng mọi người khác cũng thế. Ôi, lòng thành thật! Ai mà không bị thuyết phục trước lòng thành thật? Và dường như đó chính là nét duyên dáng đặc biệt của cô!

À đúng vậy, tôi nhớ hết mọi chuyện; tôi không quên điều gì. Hôm ấy khi cô ra về, tôi đã quyết định dứt khoát. Ngay hôm ấy, tôi điều tra mãi đến khi tìm ra bằng được mọi bí mật đời cô. Một số chi tiết trong quá khứ, tôi hỏi được từ Lukeria, bà đầy tớ trong căn nhà nơi cô ở, và cũng là người tôi mới mua chuộc trước đó vài ngày. Những chi tiết đó quá kinh khủng đến nỗi tôi không thể hiểu làm sao tôi vẫn có thể vui tươi như vẻ hồn nhiên của cô bé khi cô nghiền ngẫm về những lời của Mephistopheles - dù bản thân cô đắm chìm trong nghịch cảnh như thế. Vâng, cô có tuổi thanh xuân. Dạo ấy, tôi nghĩ đến cô với niềm hân hoan và tự hào, vì cô quá thanh cao. Ngay cả bên bờ vực thẳm, những lời tuyệt diệu của Goethe vẫn tỏa sáng lấp lánh xung quanh cô. Tuổi trẻ là một thứ cao đẹp, dù kích thước nó nhỏ nhoi thế nào, hình dáng méo mó ra sao. Đó là những điều tôi nghĩ về cô, và chỉ mình cô. Điều đáng nói nhất là tôi cho rằng cô thuộc về tôi, và không nghi ngờ gì về quyền lực của mình. Tôi thấy lòng khoan khoái khi chẳng nghi ngờ gì thêm về quyền lực ấy.

Nhưng tôi đang nói gì thế này? Nếu tôi cứ vòng vo như thế, làm sao tôi có thể tập trung tư tưởng? Tôi phải nhanh hơn, vội hơn nữa. Nhắc về những điều ấy bây giờ thật vô nghĩa, có Chúa biết!


(còn tiếp)

Lòng Như Gió
03-31-2012, 12:20 AM
(Kỳ 2)


CHƯƠNG II
LỜI CẦU HÔN

Có thể kể vắn tắt những gì tôi biết về cô như thế này. Bố mẹ cô qua đời đã ba năm nay, để cô lại cho hai người dì không khả kính lắm trông nom. Có lẽ không đúng nếu nói rằng họ tuyệt đối xấu xa, vì một người là góa phụ với sáu đứa con, còn người kia là một bà gái già khó chịu. Cả hai bà rất nhếch nhác. Bố cô là viên chức ngành dân chính - một người chỉ cao sang nhờ chức vụ. Vì vậy, mọi thứ đều thuận lợi cho tôi. Tôi có địa vị xã hội cao hơn cô, vì tôi là một sĩ quan giải ngũ, từng phục vụ trong một trung đoàn nổi tiếng, dòng dõi vọng tộc, và có những phương tiện sống độc lập. Do đó, dù tôi làm nghề cầm đồ, các dì của cô không thể không trọng vọng tôi. Suốt ba năm qua, cô làm nô lệ cho hai bà dì, nhưng vẫn xoay xở học hành, hy vọng thi đậu, dù vướng bận những việc lao động không công hàng ngày. Điều đó cho thấy rõ ràng ý chí vươn lên của cô. Tuy nhiên, tại sao tôi muốn cưới cô? Tôi đáng bị phỉ nhổ khi muốn làm điều ấy. Nhưng hãy nói chuyện đó sau. Lúc này, cô phải dạy kèm những đứa con của bà dì, phải vá quần áo, và (điều này làm cô rất khổ tâm) phải lau nhà cửa. Hơn nữa, nói cho rõ, cô thường bị đánh đập, bị trừng phạt bằng kìm kẹp. Cuối cùng, hai bà dì quyết định bán cô! Tôi sẽ kể lại những chi tiết bỉ ổi này. Sau này, cô kể lại cho tôi nghe từng chuyện một. Mọi chuyện, trong một năm trời, được ông bán hàng mập ú bên cạnh nhà để ý. Nhưng ông ta không chỉ là người bán hàng thuê, mà là chủ vài cửa hàng bách hóa lớn. Ông ta có hai đời vợ quá cố, và đang tìm người vợ thứ ba thì để mắt đến cô. “Cô gái hiền lành này xuất thân nghèo khổ,” ông ta tự nhủ; “nên ta sẽ cưới cô ấy về làm mẹ những đưá con mồ côi của mình.”

Thế là ông ta bắt đầu tán tỉnh cô, và mặc cả với hai bà dì - ông ta, một người đàn ông năm mươi tuổi! Cô hoảng sợ, và bắt đầu tìm đến tôi để cầm đồ, lấy tiền đăng quảng cáo trên tờ Golos. Cuối cùng, cô nài xin dì của mình cho cô một thời gian để suy nghĩ. Họ đồng ý cho cô một thời gian, nhưng chỉ lần ấy - không có lần thứ hai. Họ nói với cô, theo kiểu tàn nhẫn của họ, rằng: “Hai dì rất chật vật kiếm ăn, thêm một miệng ăn thì càng vất vả hơn.” Tôi biết được câu chuyện, và ngay buổi sáng hôm ấy, sau bữa điểm tâm, tôi đã quyết định. Buổi tối cùng ngày, ông chủ tiệm tạp hóa đến thăm cô, mang theo một ký kẹo (giá nửa rouble) từ tiệm của mình. Ông ta đang ngồi bên cô khi tôi gọi bà Lukeria từ nhà bếp ra, và bảo bà vào nói nhỏ với cô rằng, tôi đang chờ ở ngoài để nhắn một tin rất gấp. Khi ấy, tôi rất hài lòng về bản thân. Thật vậy, tôi rất sảng khoái suốt ngày hôm ấy.

Ở ngoài cổng, trước mặt Lukeria, tôi giải thích với cô - khi ấy đang bối rối vì bỗng nhiên được tôi nhắn ra đây – rằng tôi quan tâm đến thanh danh và hạnh phúc của cô, rằng cô đừng ngạc nhiên về thái độ của tôi, hoặc về chuyện tôi đứng ngoài nhà, vì “tôi là người bộc trực, và đã xem xét mọi mặt của chuyện này rồi”. Tôi cũng không nói ngoa khi tự gọi mình là bộc trực. Dù có khùng, tôi biết lẽ ra tôi nên nói năng lễ độ - nghĩa là để chứng tỏ mình là người tao nhã - và tỏ ra được nét độc đáo của mình. Nhưng cư xử như thế có gì hại đâu? Tôi chỉ muốn tự phán xét mình, và tôi đang phán xét mình đây. Tôi nhất định phải nói rõ những mặt trái mặt phải của vấn đề, và tôi đang nói đây. Sau đó, tôi tự mãn khi nhớ đến chuyện này- mặc dù đó là một điều điên rồ. Tôi nói thẳng với cô, không hề ngượng ngập, rằng tôi không thông minh cho lắm, không uyên bác gì lắm, và (có lẽ) không tốt lành gì lắm; rằng tôi chỉ là loại người ích kỷ chả ra làm sao cả (tôi nhớ lối nói ấy rất rõ, vì cái ý ấy bất chợt nảy ra trong đầu tôi, và tôi rất hài lòng về nó); rằng có thể trong con người tôi có rất, rất nhiều thứ khó ưa về những mặt khác. Tôi nói tất cả những điều này với một giọng kiêu hãnh kỳ lạ - ai cũng biết người ta nói những điều như thế ra sao. Dĩ nhiên, tôi đủ khéo léo để không phóng đại những đức tính tốt của mình sau khi để lộ tính xấu ra. Tôi đủ khéo léo để tự ngăn mình ba hoa rằng: “Thưa quý cô, mặt khác tôi là người thế này, thế kia...” Tôi nhận ra rằng cô rất căng thẳng vì tôi, nhưng tôi không khoe mẽ điều gì, mà thậm chí còn nói bạo hơn khi thấy cô bối rối. Tôi nói thẳng rằng, sống với tôi, cô sẽ thấy buồn tẻ, sẽ không có xiêm y lộng lẫy, không có hí viện hay dạ vũ, nếu tôi chưa kiếm đủ tiền. Tôi rất thích lối nói chuyện thẳng thừng này. Tôi cũng nói rằng (dù tôi chỉ lướt nhẹ qua điểm này thôi), lý do tôi làm nghề cầm đồ là vì tôi có một mục đích đặc biệt, một động cơ đặc biệt. Thật vậy, tôi có quyền nói thế, vì, đúng là tôi có một mục đích và một động cơ rành rành trước mắt. Bạn biết không, tôi ghét tiệm cầm đồ của mình đến nỗi, lúc đầu tôi thường nửa đùa nửa thật tự an ủi mình bằng những lời vớ vẩn như “ngẩng mặt với xã hội”, vân vân. Do đó, lời nhận xét sắc sảo của cô trong buổi sáng hôm nào về “sự trả thù” không đúng lắm. Nghĩa là, nếu hôm nọ tôi nói thẳng với cô: “tôi trả thù xã hội,” cô sẽ chỉ cười duyên, và câu chuyện sẽ qua đi như một chuyện đùa; trái lại, nếu tôi chỉ gợi ý bóng gió, chỉ tiết lộ vài lời bí hiểm xa xôi, thế là kích thích được ngay cho người ta tha hồ tưởng tượng. Tuy nhiên, khi ấy tôi không sợ gì cả. Tôi biết rằng, đối với cô, lão bán hàng mập ú thậm chí còn gớm hơn tôi, và như vậy, khi tôi đứng ngoài cổng, tôi hình dung được mình chính là người cứu nguy cho cô. Vâng, tôi hiểu điều đó rất rõ. À, sự đê tiện thì người ta hiểu thấu đáo lắm! Nhưng đó có phải là sự đê tiện không? Làm sao để phán xét một người? Ngay những ngày đó, tôi có yêu cô chưa?

Nhưng khoan đã! Dĩ nhiên tôi không hề nói gì với cô về lòng nhân từ. Trái lại, tôi toàn nói những điều kiểu như “tôi là người có lợi, không phải cô. Hẳn tôi đã diễn đạt điều ấy rất tồi, vì tôi thấy cô thoáng nhăn mặt. Tuy nhiên, cuối cùng tôi đã thắng. Nhớ lại toàn bộ câu chuyện trắng trợn ấy, tôi cũng nhớ lại sự trắng trợn tột bậc - khi tôi đứng đó, tự nhủ lòng: “Ngươi cao ráo, ngay thẳng, và có giáo dục - ngươi, nói thẳng ra, không xấu trai chút nào.” Tôi cứ thế lập đi lập lại điều ấy trong đầu; rồi cuối cùng cô nói với tôi, khi cô đứng ngay cổng, “Vâng” - mà có lẽ, tôi nên nói thêm rằng, cô đứng ở cổng suy nghĩ rất lâu trước khi nói vỏn vẹn “Vâng.” Thật vậy, cô đăm chiêu thật lâu khiến tôi phải hỏi cô: “Sao nào?”, và thậm chí phải hỏi lại lần nữa, với giọng kéo dài “Sa-a-ao?”

“Xin ông đợi chút,” cô đáp. “Tôi đang suy nghĩ.”

Gương mặt nhỏ nhắn của cô rất nghiêm trang - đến nỗi tôi không biết làm gì hơn là tôn trọng nhìn cô. Nhưng tôi cũng thấy bị tổn thương. “Có phải cô đang phân vân lựa chọn giữa tôi và ông chủ tiệm bụng phệ kia?” Tôi nghĩ. Ôi, tôi đã hiểu lầm điều đó, tôi đã hiểu lầm mọi chuyện! Thậm chí ngay hôm nay, tôi cũng không hiểu nổi điều đó. Tôi nhớ, Lukeria chạy theo tôi khi tôi ra về, chặn tôi lại trên đường, và hớn hở nói, “Chúa sẽ đền đáp ông, thưa ông, vì đã che chở cô ấy. Chỉ có điều, xin ông đừng nói với cô điều đó, vì cô rất kiêu hãnh.”

Kiêu hãnh? Ôi, tôi quý những phụ nữ kiêu hãnh. Họ đẹp lộng lẫy - có lẽ chỉ trừ khi người ta có lý do để nghi ngờ quyền lực của mình đối với họ? Ôi, xấu xa, tôi thật xấu xa! Tôi tự mãn quá! Bạn biết không, lẽ ra tôi nên bàng hoàng nhận ra rằng, khi cô đứng ở cánh cổng ấy, cô đã thầm nghĩ, “Đằng nào mình cũng sẽ bất hạnh với một trong hai gã, thôi thì chẳng nên chọn người nào tệ hơn - lão chủ tiệm ục ịch kia ư, để rồi cái gã cục súc say mèm ấy chưa chi đã đánh mình đến chết?” Hở? Làm sao tôi hiểu được cô có thể nghĩ thế?

Vâng, cho đến hôm nay, đến hôm nay, tôi vẫn không hiểu nổi. Tôi vừa nói rằng, trong đầu cô khi ấy có thể đã nghĩ: “Giữa hai mối bất hạnh, mình chọn bên nào? Lão bán hàng?” Nhưng người nào trong chúng tôi là nỗi bất hạnh lớn hơn cho cô - lão bán hàng tạp hóa hay gã cầm đồ với những lời của Goethe? Đó vẫn còn là một câu hỏi. Nhưng sao lại thế? Bạn có hiểu rằng câu trả lời nằm đấy trên chiếc bàn kia? Vậy mà ta nói, “Đó vẫn là một câu hỏi!” Nhưng rồi chuyện gì sẽ xảy đến với tôi? Điều đó có làm tôi bận tâm hay không? Tôi không quyết định được. Có lẽ tôi nên ngủ một lát, vì tôi nhức đầu quá.


(còn tiếp)

Lòng Như Gió
03-31-2012, 12:36 AM
(Kỳ 3)


CHƯƠNG III
TÔI, “NGƯỜI ĐÀN ÔNG CAO CẢ NHẤT”, LẠI KHÔNG TIN CHÍNH MÌNH

Tôi không ngủ được. Ở đâu đó trong đầu, mạch máu cứ đập thùm thụp khi tôi cố gắng và cố gắng để nhớ lại chuyện này, với tất cả sự độc ác của nó. Ôi, sự độc ác! - vì chẳng phải tôi đã kéo cô ra khỏi cái ác đó sao? Ít nhất cô có lẽ đã hiểu điều đó, và đã đánh giá cách cư xử của tôi. Dạo đó, tôi thường thích thú một điều: tôi đã bốn mươi mốt tuổi, và cô chỉ mới mười sáu. Chuyện đấy đã làm tôi mê mẩn - nhận ra sự chênh lệch về tuổi tác giữa chúng tôi. Tôi thấy khoan khoái, quá sức khoan khoái!

Tôi cũng muốn tổ chức lễ cưới theo kiểu Anh - nghĩa là, không ai hiện diện, trừ tôi, cô và hai người chứng hôn (Lukeria là một trong hai nhân chứng); sau đó, chúng tôi sẽ tót lên tàu lửa đi đến nơi nào đó, chẳng hạn Moscow (nơi có trụ sở buôn bán của tôi), và trải qua vài tuần trong một khách sạn. Nhưng cô không đồng ý, nhất định không nghe. Không; khi lễ cưới chấm dứt, tôi phải theo đúng lễ nghi quay về nhà hai bà dì của cô, những người thân thuộc nhất của cô, nơi cô sắp được tôi giải thoát! Cuối cùng tôi đành nhượng bộ, rồi hai bà dì chẳng chịu sửa soạn những việc cần thiết, mãi đến khi tôi biếu hai mụ già ấy mỗi mụ một trăm rouble, và hứa sẽ đưa thêm. Khi đó, họ mới hài lòng. Tuy nhiên, tôi không nói gì với cô về sự đổi chác này, vì sợ cô sẽ buồn về nỗi hèn hạ của nó. Kế đến, chúng tôi cãi nhau về quà cưới. Cô không có một tài sản nào, đúng là không có một thứ gì, nhưng cô chẳng chịu nhận quà gì. Cuối cùng, tôi đã thành công trong việc chỉ cho cô biết rằng như thế là không được, và tôi tặng cô một món quà bởi vì - ôi, chẳng ai khác tặng cô cái gì cả. Ô, thật xấu hổ cho tôi! Sau đó, tôi liền tỏ cho cô biết quan điểm của tôi về các vấn đề, để ít ra cô cũng biết những quan điểm ấy. Có thể tôi đã thành công. Dù thế nào, từ lúc đầu, cô không chỉ bám víu vào tôi, mà thật ra là phó thác đời cô cho tôi, với lòng cảm mến. Nghĩa là, mỗi buổi tối khi tôi đi làm về, cô chạy ùa ra đón và tíu tít kể tôi nghe, bằng giọng liến thoắng của cô (ôi giọng liến thoắng duyên dáng của ngây thơ!) về thời thơ ấu, và thời niên thiếu, và căn nhà nơi cô sinh ra, và cha mẹ cô. Tuy nhiên, tôi đã giội nước lạnh vào niềm hân hoan ấy của cô. Đó là cách ứng xử của tôi. Tôi đáp lại cảm xúc dào dạt của cô bằng sự im lặng - dù đó là sự im lặng dịu dàng, dĩ nhiên; nhưng cô sớm nhận ra rằng chúng tôi khác biệt nhau, và tôi là một gã khó hiểu. Tuy nhiên, chính tôi còn phải cố hiểu mình nữa mà! Có lẽ vì quá cố gắng giải mã sự khó hiểu, nên tôi đã phạm phải những chuyện điên rồ này. Lúc này, quy luật đầu tiên và chính yếu của tôi là sự nghiêm chỉnh - chính vì quy luật này mà tôi đã rước cô về nhà mình. Nói tóm lại, lối sống và tính ngạo mạn của tôi đã dẫn dắt tôi vẽ vời ra cả một hệ thống nguyên tắc. Và cô đã dễ dàng kiệt sức với mớ nguyên tắc ấy! Nhưng phải như thế thôi, hoàn cảnh buộc tôi phải tạo ra những nguyên tắc. Sao tôi phải tự làm khổ mình cơ chứ? Nguyên tắc của tôi tốt mà. Không, không! Hãy lắng nghe tôi. Bạn chỉ nên phán xét một người khi đã biết rõ mọi chuyện. Nghe tôi nói nhé.

Nhưng tôi bắt đầu như thế nào đây? - thật khó quá. Khi bắt đầu tự bào chữa, người ta thấy thật khó khăn. Bạn thấy đấy, mọi việc diễn ra thế này. Cô ấy có thể nói (ví dụ thế) rằng cô xem thường đồng tiền; thế là tôi bắt đầu khẳng định tiền rất quan trọng, một mực nhấn mạnh ý nghĩa của đồng tiền. Tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm đó cho đến khi cô chịu im mới thôi. Mở to đôi mắt, cô chỉ nhìn tôi trân trân, và lắng nghe, rồi im lặng. Bạn xem, cô là một người con gái nhân hậu, nhân hậu và bốc đồng, nhưng thiếu kiên nhẫn, và, trong một chừng mực nào đó, khinh thường tôi. Trái lại, tôi có quan điểm rất phóng khoáng, và mong muốn gieo quan điểm đó vào tư tưởng, vào lối suy nghĩ của cô. Thử lấy một ví dụ đáng hổ thẹn này nhé. Tôi đã làm thế nào để giải thích với một người như cô về tiệm cầm đồ? Ôi, tôi chưa bao giờ trực tiếp nhắc đến nó, vì nếu nhắc đến, có khi tôi sẽ phải xin lỗi cô. Nói đúng hơn, tôi theo kiểu mà tôi gọi là giọng điệu kiêu hãnh, và uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Bạn nên biết, tôi rất thành thạo nguyên tắc ấy, và đã thực hành nó từ bé đến giờ, và nhờ nó mà tôi đã vượt qua những lúc khó khăn trong đời. À, chẳng ai biết đâu, tôi đã bất hạnh như thế nào khi bị mọi người hất hủi, hất hủi và lãng quên! Đột nhiên, cô bé mười sáu tuổi này hóng được từ đâu đó vài chuyện quá khứ của tôi, và cô liền cho rằng cô biết hết mọi chuyện, cho rằng trong tâm can tôi chẳng còn một bí mật nào với cô nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ im lặng, luôn giữ im lặng, và im lặng mãi đến hôm nay. Nhưng sao vậy? Con người ta thật quá kiêu hãnh! Tôi ước cô biết được sự thật không cần tôi kể ra, nhưng không bằng cách nghe chuyện ngồi lê đôi mách. Tôi ước cô tự đoán được những bí ẩn của người sống bên cô, và hiểu ông ta. Khi đón cô về nhà, tôi hy vọng được cô hết lòng tôn trọng. Tôi hy vọng cô luôn đứng bên tôi, chia sớt đau buồn cùng tôi - và tôi đã phải trả một cái giá cho niềm hy vọng đó! Ôi, nhưng lúc nào tôi cũng kiêu hãnh, tôi luôn muốn hoặc được ăn cả hoặc ngã về không. Đó là lý do tại sao tôi không thích hạnh phúc nửa vời – tại sao tôi muốn mọi thứ - và tại sao tôi phải có những hành động như thế. Tôi thì thầm hỏi cô, “Em có khám phá và đánh giá được con người tôi không?” Chắc chắn, nếu tôi bắt đầu giải thích, đề nghị, nói loanh quanh, và yêu cầu cô tôn trọng tôi, thì có vẻ như tôi van xin cô tha lỗi? Ôi, cứ nghĩ đến điều ấy!...

Tôi luôn luôn ngu xuẩn, ngu xuẩn và ngu xuẩn! Tôi đã nói toạc ra, không chút hối hận (tôi nhấn mạnh nhé, không chút hối hận), rằng sự cao quý của tuổi thanh xuân rất đẹp, nhưng - nó không đáng bằng một xu. Tại sao nó không đáng một xu? Vì ta dễ dàng đạt được nó, vì ta không cần phải sống để giành được nó, vì để có những cái-gọi-là “những ấn tượng đầu đời” ta chỉ đơn thuần nhìn những người khác lao động. Sự cao quý rẻ mạt luôn ở trong tầm với, và cũng là một cách đầu hàng cuộc sống, vì ở tuổi đó, bầu nhiệt huyết sôi sùng sục, người ta ao ước sức mạnh vô biên và vẻ đẹp bất diệt. Không, hãy cho tôi thấy sự cao quý kín đáo, lặng lẽ, và không hào nhoáng - một sự cao quý không cần người khác thêu dệt - sự cao quý đòi hỏi hy sinh, nhưng chẳng có chút vinh quang. Hãy kể tôi nghe một hành động đã đưa bạn - một người đạo đức - trở thành một kẻ tội lỗi trong thế giới này, trong khi bạn là người khả kính nhất trên hành tinh. Nào! Hãy lập công đi, bằng không hãy rút khỏi cuộc chiến đấu này! Tôi, tôi - ôi, cả đời đã vùng vẫy trong cuộc chiến đấu như thế. Ban đầu, cô tranh cãi với tôi - ôi, thật kịch liệt! Sau đấy, cô biết tự chế giỏi hơn, và chỉ mở to mắt nhìn tôi, lắng nghe - vâng, mở to đôi mắt chăm chú của cô. Rồi môi cô chợt kín đáo nở một nụ cười ngờ vực, trông chẳng dễ chịu với tôi. Tôi đã rước cô về cũng với nụ cười như thế trên gương mặt cô. Thật ra, cô đâu còn chỗ nào để dung thân.


(còn tiếp)

Lòng Như Gió
03-31-2012, 12:37 AM
(Kỳ 4)


CHƯƠNG IV
KẾ HOẠCH, VÀ LẠI KẾ HOẠCH

Ai trong chúng tôi đã bắt đầu câu chuyện?

Không ai cả. Câu chuyện tự bắt đầu. Tôi đã kể rằng, khi cưới cô về, tôi đặt ra một bộ luật, và chỉ họa hoằn tôi mới nới lỏng những nguyên tắc của mình. Tôi bảo cô dâu của mình rằng tôi mướn cô về cho mình cũng giống như người ta vay mượn tiền vậy, và nghe thế, cô không trả lời gì - bạn để ý điều này nhé.

Thật ra, cô có vẻ háo hức tán thành cuộc đổi chác ấy. Nhà cửa, đồ đạc của tôi, mọi thứ đều y nguyên như trước. Nhà có hai buồng, trong đó một buồng là phòng khách rộng, được ngăn ra làm cửa tiệm, buồng kia là phòng riêng của chúng tôi, là nơi tiếp đón bạn bè và cũng là phòng ngủ. Đồ đạc trong nhà lỏng chỏng; thậm chí đồ đạc của hai bà dì cô còn khá hơn. Bức tượng Đức Mẹ và cây đèn được đặt ở phòng khách, cũng là tiệm cầm đồ; còn buồng riêng của tôi có chiếc tủ với vài quyển sách, những món vật cầm cố, và các chùm chìa khoá. Vâng, còn có chiếc giường và một ít bàn ghế.

Tôi cũng bảo cô rằng, để cấp dưỡng cho chúng tôi và Lukeria, (tôi đã thuyết phục được bà trở thành người giúp việc của chúng tôi), tôi sẽ chỉ phát cho cô mỗi ngày một rouble, và không có thêm gì. “Tôi muốn kiếm được ba mươi ngàn rouble trong vòng ba năm tới,” tôi nói với cô - “và, hơn nữa, em chẳng làm ra tiền.” Cô không phản đối gì, nhưng, sau đó tự tôi tăng mức cấp dưỡng hàng ngày cho cô thêm ba mươi kopeck. Việc đi xem hát cũng vậy. Ban đầu, tôi nói với vợ mình rằng cô không nên trông đợi được đi xem hát, ngoại trừ một tháng một lần tôi sẽ dẫn cô vào hí viện ở hàng ghế cuối tầng trệt. Tôi nghĩ, chúng tôi đã đi được ba lần, xem vở “Đi tìm Hạnh Phúc” và “Những Con Chim hát”. Chúng tôi đi và về trong im lặng.

À, tại sao chúng tôi lại bắt đầu làm mọi thứ trong im lặng (vì lúc đầu không cãi vã - chỉ im lặng như thế thôi)? Tôi nhớ, đôi khi cô liếc trộm tôi, và, bắt gặp cái liếc đó, tôi càng im lặng hơn. Đúng vậy, chính tôi là người muốn giữ im lặng, không phải cô. Còn cô đã một, hai lần phá tan không khí im lặng khi cô ôm tôi; nhưng vì kiểu khuấy động của cô thật dữ dội và điên cuồng, và vì tôi chỉ mong giữ gìn hạnh phúc và được cô kính trọng, nên tôi đã đón nhận với thái độ lạnh lùng. Và tôi cũng đúng. Cứ y như rằng, cô mà phá tan bầu không khí im lặng xong, là chúng tôi cãi nhau.

Tuy nhiên, những lần ấy chúng tôi cũng chẳng cãi vã nhiều, vì tiếp theo lại là không khí im lặng và - và cô liếc nhìn tôi với ánh mắt xấc láo hơn. Bất khuất và độc lập – đó là thực chất của sự im lặng, dù cô không nhận ra. Vâng, tôi thấy bộ mặt dịu hiền của cô ngày càng trở nên xấc xược. Bạn có tin không, tôi trở nên bần tiện theo cách của mình, và thậm chí còn dạy cô bần tiện theo nữa. Không thể chối cãi rằng, tuy quá trình không mấy suôn sẻ, nhưng cuối cùng cô cũng đã tìm ra chính mình.

Nhưng cứ nghĩ xem, sau khi thoát được cảnh lam lũ và nghèo khó, thoát khỏi việc lau nhà - hãy nghĩ xem, sau khi thoát ra như thế, cô bỗng nhiên quay qua dè bỉu cái nghèo của chúng tôi! Mà bạn thấy đấy, đó đâu thật sự là cái nghèo, mà là lối sống tiết kiệm - tiết kiệm khi cần thiết, tằn tiện trong việc sắm sửa quần áo, vải vóc tinh tươm (vì lúc ấy, tôi tưởng tượng rằng vẻ bảnh bao ở người đàn ông là một điều khó chịu cho người đàn bà). Tuy nhiên, cô không phản đối sự tiết kiệm, mà phản đối kiểu bủn xỉn của tôi khi tiết kiệm. “Thấy được mục đích, người cứng rắn hơn sẽ là người chỉ đường.” Cô bắt đầu từ chối đi xem hát; thái độ khinh miệt của cô càng lúc càng quá quắt, trong khi đó tôi càng lúc càng lầm lì.

Nhưng phải chăng tôi chẳng có lý do nào để bào chữa? Chúng tôi bất đồng với nhau chủ yếu về tiệm cầm đồ. Dĩ nhiên, tôi biết rằng một thiếu nữ - đặc biệt chỉ mới mười sáu tuổi - không thể nhượng bộ người đàn ông hoàn toàn. Phụ nữ không có tính độc đáo; đó là một chân lý, và với tôi nó vẫn là một chân lý. Vì lý do đó, cô mới nằm đằng kia, trong phòng khách; vì sự thật là sự thật, và thậm chí chính triết gia Mill cũng không thể thay đổi nó được. Nhưng phụ nữ cũng biết yêu - cô ấy biết yêu. Cô ấy sẽ cố gắng tôn sùng ngay cả những thói hư tật xấu và sự tàn nhẫn của người mình yêu. Người cô yêu không thể tìm ra lời bào chữa cho tội lỗi của mình, nhưng cô ấy sẽ tìm ra. Tuy nhiên, đó không phải là tính độc đáo; đó là sự cao cả. Thiếu tính độc đáo, nên người phụ nữ đã thất bại ngay từ đầu. Bạn có thể chỉ cho tôi biết điểm độc đáo nằm chỗ nào trên chiếc bàn kia? Nằm trên bàn có phải là một sự độc đáo không? A!

Bạn nghe tôi nói nhé. Tôi tin chắc vào tình yêu của cô. Cô lao vào tôi, chúi vào cổ tôi mới cuồng nhiệt làm sao! Dĩ nhiên cô yêu tôi - mặc dù, nói đúng hơn - cô thích yêu. Vâng, nói đúng hơn là – cô thích yêu, cô cần một thứ gì đó để cô yêu. Cũng nên chú ý rằng tôi không bao giờ tỏ ra tàn nhẫn với cô đến nỗi phải gân cổ lên bào chữa.

Bạn có thể nói, như những người khác đã nói, rằng “Hắn chỉ là một gã chủ tiệm cầm đồ”; nhưng một gã chủ tiệm cầm đồ thì sao? Phải có lý do nào đó khiến một người đàn ông tao nhã trở thành chủ tiệm cầm đồ. Bạn thấy đấy, người ta có thể ấp ủ một tư tưởng theo kiểu, nếu người ta biểu lộ bất kỳ ý tưởng nào khác thành lời- nó sẽ phát ra một cách vụng về, nó làm người ta hổ thẹn. Và tại sao vậy? Tôi không biết vì lý do nào, trừ phi đó là vì tất cả chúng ta đều vô dụng, và không thể nói lên sự thật. Tôi không biết. Ngay lúc này, tôi tự gọi mình là “người đàn ông tao nhã.”

Thật là lố bịch - và, hơn nữa, không phải thế đâu. Sự thật hiển nhiên, là tôi có quyền, nếu tôi muốn, bảo đảm kế sinh nhai cho mình bằng cách mở một tiệm cầm đồ. “Các người đã xua đuổi tôi,” tôi tự nhủ (và “các người” ở đây là xã hội) - “các người đã lẳng lặng khinh bỉ xô đẩy tôi, và đã đáp lại những kháng cự quyết liệt của tôi bằng một sự sỉ nhục sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Do đó, các người đã cho tôi quyền tự tách mình ra khỏi xã hội, quyền tích góp ba mươi ngàn rouble, và quyền an dưỡng tuổi già ở Crimea - ở đâu đó miền biển phía nam, giữa những ngọn đồi và những vườn nho. Vâng, các người đã cho tôi quyền lui về một cơ ngơi của riêng mình, được dựng nên bằng ba mươi ngàn rouble, và ở một nơi cách xa tất cả các người. Nhưng tôi muốn sống không thù hằn gì các người cả - chỉ sống với một lý tưởng, và sống với hồng nhan tri kỷ của tôi, một con người đáng yêu của gia đình tôi (nếu Chúa ban cho tôi một gia đình), cũng là một người đáng mến của những nông dân sẽ được tôi che chở.”

Những lời này, giờ đây, tôi tự nói mình nghe thì được; nhưng nói cho cô ấy nghe thì thật chẳng còn gì ngu xuẩn hơn. Vì thế mới có sự im lặng kiêu ngạo của tôi - vì thế chúng tôi thường chỉ ngồi bên nhau không nói một lời. Hơn nữa, cô có thể hiểu được gì? Cô mới mười sáu tuổi, mới lớn; làm sao cô hiểu được hết những lời bào chữa hay những nỗi đau khổ của tôi? Ở cô, có tính kiên cường, có sự non dại trong cuộc sống, có niềm tin hời hợt và đơn giản, có sự mù quáng của “tâm hồn đẹp”. Một lần nữa, lại là chuyện về tiệm cầm đồ. Ôi, tôi có hà khắc chút nào trong nghề của mình không? Có thể nào cô đừng nhìn tôi dưới khía cạnh đó, và hiểu rằng tôi không bao giờ lấy nhiều hơn số tiền tôi có quyền hưởng?

Ôi, đời thật bất công! Ở cô, có vẻ quyến rũ, dịu dàng, cũng có thể nói là thánh thiện. Tuy nhiên, đồng thời, cô cũng là bạo chúa, một bạo chúa nhẫn tâm, và là kẻ hành hạ linh hồn tôi! Tôi thật không công bằng với mình nếu không nói thế. Bạn có nghĩ rằng tôi không yêu cô? Ai dám nói tôi không yêu cô? Nhưng sự trớ trêu, sự trớ trêu tàn nhẫn của số phận và tạo hóa đã xen vào chuyện này. Loài người chúng ta thật hẩm hiu, và tất cả những kiếp nhân sinh thật hẩm hiu. Đặc biệt là kiếp sống của tôi. Giờ đây, tôi hiểu rằng ở đâu đó tôi đã sai - hiểu rằng điều gì đó đã sai. Nhưng ngày ấy, mọi thứ trông như cũng rõ ràng. Những dự định của tôi rõ như ban ngày. “Ta là một người kiêu hãnh, cứng rắn”, tôi tự nhủ “và không cần những trò an ủi tinh thần. Ta chỉ muốn âm thầm sống với nỗi đau.” Và chuyện đã diễn ra như thế. Tôi không có lỗi. Tôi không có lỗi. “Sớm muộn gì,” tôi nhủ lòng, “cô ấy cũng sẽ thấy được đó là sự cao cả của ta, dù bây giờ cô chưa nhận ra điều đó; và ngay khi cô hiểu được tâm tư của ta, cô sẽ quý ta gấp mười lần, và cô sẽ quỳ xuống cầu nguyện cho ta.” Đó là kế hoạch của tôi. Nhưng chắc tôi đã quên cái gì đó, hoặc bỏ sót không làm cái gì đó. Chắc tôi đã không thực hiện được cái gì đó. Nhưng đủ rồi, quá đủ! Tôi xin ai tha thứ bây giờ? Quá khứ đã là quá khứ. Hãy luôn dũng cảm nào, hỡi kiếp sống và niềm kiêu hãnh: không phải lỗi của ngươi.

Vâng, bây giờ tôi sẽ nói ra hết; tôi sẽ không sợ đối diện với sự thật. Đó là lỗi của cô, và chỉ mình cô.


(còn tiếp)

gun_ho
03-31-2012, 01:06 AM
Tặng hai cô cái hình

http://farm8.staticflickr.com/7216/7031353135_462d87c95d_z.jpg


Dùng "sĩ quan về hưu" làm cho anh chàng này già nua quá, giống như đại gia 72 tuổi lấy cô em 20. Dịch giải ngũ có lẽ hợp hơn ?


==========================

Nhưng người nào trong chúng tôi là nỗi bất hạnh lớn hơn cho cô - lão bán hàng tạp hóa hay gã cầm đồ với những lời của Goethe?
That is the question.

Lòng Như Gió
03-31-2012, 02:00 AM
Dùng "sĩ quan về hưu" làm cho anh chàng này già nua quá, giống như đại gia 72 tuổi lấy cô em 20.

Cám ơn anh Súng. Em chăm sóc từng dấu hỏi, dấu ngã, nhưng lại quên nhòm chữ "về hưu". Đã sửa "về hưu" thành "giải ngũ".

Lòng Như Gió
03-31-2012, 02:04 AM
(Kỳ 5)


CHƯƠNG V
NGƯỜI THỤC NỮ NỔI LOẠN


Những cuộc cãi vã giữa chúng tôi bắt đầu khi cô có ý muốn tự cô cho vay tiền, và muốn định giá những vật cầm cố nhiều hơn giá trị thật. Đã hai lần, cô đánh bạo cãi nhau với tôi vì hai vấn đề này. Vâng, cô vợ yêu quý của tôi đã bắt đầu xen vào công việc làm ăn của tôi như thế.

Một hôm, một bà lão mang đến một chiếc mặt dây chuyền - một kỷ vật bà được tặng từ người chồng quá cố. Tôi muốn mua đứt nó với giá ba mươi rouble, nhưng bà bật khóc nức nở, và nài nỉ tôi cầm báu vật này cho bà. Tôi làm theo lời bà yêu cầu. Năm ngày sau, bà lại đến tiệm - lần này bà muốn tôi đổi mặt dây chuyền ấy bằng một chiếc vòng chưa đáng tám rouble. Tôi từ chối. Chắc hẳn bà đọc được nỗi trắc ẩn nào đó trong mắt vợ tôi, nên bà lén quay lại gặp cô, và thuyết phục cô đổi cho bà.

Cùng ngày, tôi biết được chuyện đó, và giải thích vấn đề cho cô hiểu một cách nhã nhặn nhưng kiên quyết và lập luận đâu ra đó. Cô ngồi trên giường, nhìn xuống đất, ngón tay trỏ mân mê cánh mũi bên phải (một cử chỉ cô ưa thích). Cô nhếch mép cười khẩy. Tôi ôn tồn giải thích với cô, không cao giọng chút nào, rằng tiền là của tôi, rằng tôi có quyền nhìn đời bằng cặp mắt của mình, và rằng khi tôi cưới cô, tôi không giấu giếm cô điều gì. Bỗng nhiên, cô chồm lên, lấy đà, và - bạn tin không?- cô lao đến đá tôi. Trông cô như một con thú hoang – với vẻ giận dữ như cơn điên dại của một con quái vật. Tôi lặng người sững sờ, vì tôi chưa bao giờ ngờ thế. Tuy vậy, tôi nhanh chóng trấn tĩnh, và, không buồn nhúc nhích, tôi nói với cô lần nữa, vẫn bằng giọng ôn tồn, rằng từ giờ về sau tôi cấm cô xen vào việc làm ăn của tôi. Cô cười vào mặt tôi, rồi bỏ ra khỏi nhà.

Thật ra, cô không có quyền bỏ đi. Cô không được đi đâu nếu tôi không cho phép - giao ước hôn nhân là vậy. Chập tối, cô trở về, nhưng tôi không nói gì thêm với cô.


Hôm sau, cô cũng ra ngoài vào buổi sáng, và đi lần nữa vào buổi chiều. Tôi đóng cửa tiệm, và lên đường đến thăm hai dì của cô. Kể từ sau hôm cưới, tôi không liên lạc với họ - hai bên đều không thăm viếng nhau. Nhưng cô không có ở đấy. Hai bà dì tò mò nghe tôi nói, rồi cười vào mặt tôi. “Thật xứng đáng cho anh,” họ chỉ nói bấy nhiêu. Tôi cũng đã đoán rằng họ sẽ nói vậy. Tuy nhiên, tôi mua chuộc bà dì trẻ hơn, cái bà chưa chồng - bằng 100 rouble, và đưa cho bà trước 25 rouble. Hai ngày sau, bà đến báo cho tôi biết: “Đại tá Efimovitch, một người đồng ngũ của anh, có dính líu vụ này.” Tôi điên tiết, vì không những Efimovitch đối xử rất tệ với tôi trong trung đoàn, mà hắn đã hai lần (cách đây một tháng) cả gan đến tiệm tôi, lấy cớ vay tiền, và (tôi chợt nhớ ra) hắn đã nói chuyện cười cợt với vợ tôi. Tôi đã đến gần hắn, và bảo rằng, xét vì tình đồng đội xưa kia chẳng thắm thiết gì, thôi hắn đừng bao giờ bén mảng đến tiệm tôi nữa. Tuy thế, tôi không hiểu chuyện lần này có liên hệ đến hắn thế nào được - tôi chỉ coi hắn như một tên vô liêm sỉ. Bà dì nói với tôi rằng họ đã hẹn gặp nhau ở nhà bà, và một người quen cũ của hai dì - một bà tên Julia Samsonovna, góa phụ của một gã đại tá khác - là người tổ chức buổi gặp gỡ ấy. “Vợ anh,” thông tín viên của tôi kết luận, “lúc này đang ở chỗ Julia.”

Để tôi tóm tắt câu chuyện nhé. Tôi tốn hết ba trăm rouble cho vụ này, vì tôi phải mướn một căn phòng kế bên vài ngày, và, sau cánh cửa đóng kín, tôi sẽ chứng kiến cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa vợ tôi với Efimovitch. Buổi tối trước hôm ấy, cuộc chạm mặt giữa tôi và cô chỉ ngắn thôi, nhưng đầy ý nghĩa.

Cô về nhà trước khi trời tối, và, ngồi trên giường, cô gõ nhè nhẹ những ngón tay lên lớp khăn phủ giường, trong lúc nhìn tôi với nụ cười thách thức. Khi tôi nhìn lại cô, tôi nhận ra tháng vừa qua - hay, đúng hơn, hai tuần qua - cô không phải là cô nữa. Thật vậy, cô đã trở thành trái ngược với bản thân cô, vì lúc này cô tỏ ra ngỗ nghịch, hung hăng, nếu không trơ trẽn, thì lúc nào cũng nóng tính và thích gây gổ. Cô thật sự tỏ vẻ muốn gây chiến. Khi một phụ nữ thuộc kiểu như cô mà muốn thử thú tiêu khiển kiểu như thế, cô ta sẽ chỉ chuốc lấy tổn thương và buồn phiền thôi, vì cô ta không thể làm cho hành vi của mình hài hòa với bản tính trầm tĩnh và thùy mị. Do đó, trong những trường hợp ấy, cô ta không tuân theo quy luật, lý trí không tin tưởng cảm giác. Càng quen với sự trở mặt tinh thần, cô càng cố che giấu nó, và cô càng khổ sở hơn - dù luôn núp dưới bản năng đoan trang, lễ độ, những thứ cao hơn bản năng của bản thân bạn.

“Có phải anh bị đuổi ra khỏi trung đoàn vì từ chối một trận đấu tay đôi?” cô đột nhiên bật dậy và hỏi tôi, ánh mắt quắc sáng.

“Đúng thế,” tôi trả lời. “Các bạn sỹ quan yêu cầu tôi chuyển qua quân đoàn khác, nhưng tôi đoán biết trước ý định đó nên đã từ chức.”


“Vậy anh bị thải hồi vì hèn nhát?”

“Đúng - tôi bị xem là hèn nhát. Tuy nhiên, tôi từ chối trận đấu không phải vì hèn nhát, mà vì tôi không muốn phục tùng mệnh lệnh độc tài của người đồng ngũ, và không muốn thách đấu với một người không có lỗi. Xin nhớ,” (tôi không thể không nói thêm điều này) “rằng với tôi, chống lại sự chuyên chế như thế, và gánh lấy mọi hậu quả cho hành động của mình, việc ấy còn cần nhiều lòng can đảm gấp mấy lần cái trò đọ sức tay đôi.”

Rồi tôi ra sức bào chữa cho mình - tôi không thể không làm thế. Thái độ hèn hạ này của tôi chính xác là thứ cô muốn thấy, và cô nhìn tôi với nụ cười ranh mãnh.

“Và cũng là sự thật,” cô nói tiếp, “rằng trong ba năm sau đó, anh lang thang trên đường phố St. Petersburg, và ăn xin từng đồng xu, rồi ngủ dưới gầm bàn bi-da?”

“Đúng, tôi thường ngủ ở Viazemski, trong Chợ Cỏ. Đúng là rất lâu sau khi rời quân ngũ, tôi đã nếm trải nhiều nỗi khốn khó và sa sút. Nhưng đó không phải là sự sa sút về tinh thần, vì tôi đã chán ghét tất cả những gì mình làm. Đó chỉ là một cú trượt ngã của ý chí và trí năng. Đó là do sự cám dỗ của địa vị. Nhưng mọi chuyện đã qua rồi.”

“Vâng; và bây giờ thì anh là ông chủ nợ!”
Cô ám chỉ tiệm cầm đồ của tôi, nhưng tôi giữ tự chủ, vì tôi nhận thấy cô khao khát được nghe những lời giải thích khiến tôi nhục nhã - nên tôi không muốn giải thích. Ngay lúc đó, một ông khách đến tiệm, tôi ra tiếp khách. Một giờ sau, cô đến trước mặt tôi, trong trang phục dạo phố, và nói:
“Nhưng anh không hề kể một lời cho em nghe trước khi cưới?” Tôi không trả lời, và cô rời khỏi nhà.

Tối hôm sau, tôi đứng trong căn phòng mà tôi kể khi nãy, và nghe, qua cánh cửa khép kín, những giây phút quyết định cho số phận của tôi. Và trong túi quần tôi có một khẩu súng đã nạp đạn. Diện bộ xiêm y đẹp nhất, cô ngồi bên bàn, và lắng nghe Efimovitch trải lòng ra với cô. Tất cả những chuyện này (đáng khen thay cho tôi) tôi đã tiên đoán được. Thật vậy, tôi nhận ra rằng tôi đã tiên đoán được. Tôi không biết tôi nói thế có rõ ràng không?

Chuyện đã xảy ra thế này. Suốt một giờ, tôi lắng nghe - một giờ đồng hồ tôi lắng nghe cuộc nói chuyện giữa vợ tôi - một người dịu dàng và tinh tế - với cái gã đểu cáng béo phị, ngu xuẩn, dâm ô, hèn hạ đó.

“Làm thế nào,” vừa lắng nghe tôi vừa suy nghĩ, “mà cô vợ nhu mì, ngây thơ, học thức nửa vời của mình laị biết nhiều thế kia?” Và, thật vậy, một kịch tác gia kỳ tài nhất với vở hài kịch nổi tiếng nhất cũng không thể sáng tác được một cảnh với những lời thoại sinh động, những tiếng cười đúng lúc, và một vẻ điềm nhiên khinh bỉ tội lỗi đến thế. Những lời nói và sức truyền cảm trong giọng cô mới sắc sảo làm sao! Những câu trả lời nhanh nhẹn của cô mới thông minh làm sao! Những ý kiến của cô mới chân thành làm sao! Nhưng thái độ của cô lại hồn nhiên trong trắng làm sao! Cô giễu cợt những lời tỏ tình, những điệu bộ và những đề nghị của hắn. Cuối cùng, sau một hồi lóng ngóng, chọn đúng lúc, và vì không vấp phải sự phản đối rõ rệt nào, hắn ta liều lĩnh bước qua ngồi bên cạnh cô.

Thoạt đầu, tôi nghĩ, “Tất cả chuyện này chẳng qua chỉ là một trò làm dáng của cô - trò làm dáng của một người đàn bà hư, nhưng thông minh, và cố tìm cách tôn giá trị của mình lên.”

Nhưng không; vẻ thành thật của cô rõ mồn một. Không thể nghi ngờ cô. Rõ ràng, lòng căm ghét của cô đối với tôi – một lòng căm ghét vừa sâu đậm vừa bốc đồng - đã xui khiến cô gái ngây thơ mưu tính cuộc hò hẹn này; nhưng, ngay khi sự việc sắp lên đến cao trào, cô lại tỉnh táo. Cô đã nghĩ đến chuyện làm tôi tổn thương bằng cách nào đó, nhưng, sau khi quyết định thực hiện trò tai quái này, cô nhận ra việc làm đó không phù hợp với bản tính thùy mị của cô. Thật vậy, làm sao Efimovitch, hay bất cứ tên vô lại nào khác, có thể làm hài lòng một cô gái trong trắng và chính trực với những suy nghĩ lý tưởng như cô?

Trái lại, hắn chỉ là trò đùa của cô. Lẽ phải đã lần nữa ngự trị trong tâm hồn cô, khiến cô trút hết nỗi ghê tởm bằng những lời nhạo báng. Cuối cùng, gã đại tá thô lỗ này cảm thấy mếch lòng, bèn lùi ra, và cau mày. Lúc đó, tôi sợ hắn sẽ cay cú tấn công cô. Tôi cũng không mấy ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh này (tôi thật có bản lĩnh). Tôi đến đây, có thể nói là, để gặp một người quen cũ. Tôi đến đây với lòng ngờ vực mọi thứ và mọi lời lên án cô, dù tôi có mang theo súng. Làm sao tôi đã nghĩ sai về cô nhỉ? Tại sao tôi yêu cô, quý mến cô và lấy cô làm vợ? Ôi, tôi biết cô ghét tôi, nhưng tôi cũng biết cô không phải loại con gái hư. Tôi chấm dứt tấn tuồng đó bằng cách mở toang cánh cửa. Efimovitch đứng phắt lên. Nắm tay cô, tôi mời cô đi với tôi. Đến lúc đó, gã kia hoàn hồn, ồ ồ hét lên:

“Ôi, tôi không phản đối gì ý nghĩa thiêng liêng của mối quan hệ vợ chồng. Ông cứ đưa cô ấy đi. Cứ đưa cô ấy đi. Tuy nhiên,” hắn nói tiếp, “dù không một người đàn ông tử tế nào thích gặp ông, vì cô vợ yêu quý của ông và vì trước đây ông từng phục vụ trong trung đoàn, tôi sẽ… Ôi, ông có muốn mạo hiểm không?”
“Em có nghe ông ta nói gì không?” Tôi hỏi cô khi tôi dừng lại giây lát nơi ngưỡng cửa.

Chúng tôi chẳng nói gì thêm với nhau trên đường về, nhưng tôi nắm tay cô, và cô không cưỡng lại* *- trái lại, cô có vẻ cảm động trước cử chỉ đó của tôi. Tuy nhiên, cô chỉ ngoan ngoãn như thế cho đến khi chúng tôi về nhà. Vừa bước vào nhà, cô buông người lên ghế, và nhìn tôi đăm đăm. Mặt cô tái mét, và, dù môi nở nụ cười, cô tiếp tục nhìn xoáy vào tôi với vẻ nghiêm nghị, đắc thắng và thách thức, như thể cô biết chắc rằng tôi định bắn cô. Nhưng tôi chỉ lẳng lặng rút súng ra khỏi túi, và đặt nó lên bàn. Cô nhìn món vũ khí, rồi nhìn tôi (bạn nên hiểu, cô biết rõ khẩu súng này, vì, mỗi khi mở cửa tiệm, trước hết tôi luôn lấy khẩu súng đó ra, nạp đạn sẵn sàng. Bạn thấy đấy, khi bước chân vào nghề, tôi đã quyết định không nuôi chó giữ nhà hay thuê một chàng gác cửa vạm vỡ, như tiệm Moser, mà chỉ cần một bồi bếp mở cửa cho khách. Tuy nhiên, những người trong nghề chúng tôi không thể hoàn toàn lơ là tự vệ, nên tôi luôn thủ một khẩu súng lục có đạn. Lúc mới cưới, cô tỏ vẻ rất tò mò về khẩu súng này, và hỏi tôi đủ điều về cách sử dụng, thậm chí có lần còn đòi tôi thử bắn vào một mục tiêu cho cô xem. Bạn để ý chi tiết này nhé.) Ôi, không để ý gương mặt sợ hãi của cô, tôi cởi áo rồi nằm vật ra giường. Tôi rất mệt, vì đã mười một giờ đêm. Cô cứ ngồi như thế thêm một tiếng đồng hồ nữa; sau đó, tắt đèn, để nguyên y phục, cô nằm xuống trên chiếc ghế sofa cạnh tường.

Đây là lần đầu tiên cô ngủ không có tôi. Bạn chú ý điều này nhé.


(còn tiếp)

Lòng Như Gió
03-31-2012, 02:49 AM
(Kỳ 6)


CHƯƠNG VI
MỘT KỶ NIỆM KHỦNG KHIẾP


Sau đấy là một sự kiện khủng khiếp. Tôi thức giấc lúc 8 giờ (tôi nghĩ thế), khi căn phòng tràn ngập ánh ban mai. Tôi thức dậy rất tỉnh táo, và mở nhanh mắt ra. Cô đang đứng gần chiếc bàn, tay nắm chặt khẩu súng. Cô không biết tôi đã thức và đang quan sát cô. Bỗng nhiên, tôi thấy cô tiến lại phía tôi, tay vẫn nắm chặt súng. Tôi liền nhắm mắt lại, vờ ngủ.

Cô tiến tới cạnh giường, đứng phía đầu tôi. Tôi nghe được mọi âm thanh. Một không khí im lặng bao trùm không gian, và tôi nghe được ngay cả sự im lặng đó. Rồi có một tiếng cử động mạnh – và trong chớp mắt, không nén nổi lòng, tôi mở mắt. Cô nhìn vào mắt tôi, còn khẩu súng đang chĩa vào màng tang của tôi! Ánh mắt chúng tôi gặp nhau. Nhưng chúng tôi chỉ nhìn nhau trong một giây. Tôi cố hết sức mình để nhắm mắt lại, đồng thời dùng hết sức mạnh tinh thần, kiên quyết không nhúc nhích, không mở mắt, thân mình sống chết sao cũng chẳng màng.

Thật ra, một người đang ngủ say mà mở mắt cũng là chuyện thường, có khi anh ta còn ngóc đầu dậy trong giây lát, nhìn chung quanh; rồi cũng đột nhiên và mơ màng như thế, anh ta lại ngã đầu lên gối, và lại chìm vào giấc điệp, chẳng nhớ điều gì vừa xảy ra. Vì thế, thấy tôi mở mắt nhìn cô trong khi súng đang chĩa sát thái dương mình, mà tôi lại nhắm mắt và tiếp tục nằm yên như đang ngủ say, có lẽ cô cho rằng tôi đang ngủ thật và không thấy gì. Cô càng tin vậy hơn, vì cô cho rằng, ai lại có thể đã thấy súng kề đầu mình rồi lại còn nhắm mắt lại, và nhắm mắt ngay lúc ấy!

Vâng, cô nghĩ rằng ai lại như thế được. Lúc đó, tôi chợt nghĩ, “mà cũng có khi cô đoán được sự thật”. Ôi, vào khoảnh khắc ấy, cơn giông tố của bao nhiêu suy tư và cảm xúc đã quét ngang tâm trí tôi! Sức mạnh của ý thức con người mới mãnh liệt làm sao!

Tôi ngẫm nghĩ, “dù cô có đoán được sự thật, và biết rằng tôi không ngủ, chắc tôi đã làm cô hoang mang trước vẻ thờ ơ về cái chết, và bàn tay cô có lẽ run rẩy. Sự nhất quyết trước đó của cô có lẽ tiêu tan trước ấn tượng mới mẻ và lạ lùng này.” Người ta nói rằng, những người đứng bên bờ vực thẳm có khuynh hướng lao mình xuống vực. Riêng tôi, tôi tin rằng nhiều trường hợp tự tử và giết người xảy ra chỉ vì tay đang cầm súng. Vực thẳm kia, sườn dốc kia, chắc hẳn người ta không lao xuống nếu không dễ dàng bị cuốn vào hành động bấm cò. Tuy nhiên, việc phỏng đoán rằng tôi thấy hết, biết hết, và chỉ im lặng đón nhận cái chết từ tay cô, có lẽ đã ngăn cô dừng lại trước sườn dốc đó.

Không khí vẫn im phăng phắc - rồi tôi bỗng cảm thấy cái lạnh của thép chạm vào thái dương, gần mảng tóc! Bạn có thể hỏi rằng - tôi có chút hy vọng nào thoát chết không? Tôi sẽ trả lời, như tôi sẽ trả lời trước Chúa, rằng tôi chẳng có chút hy vọng nào, họa chăng chỉ có một phần trăm hy vọng. Và nếu bạn hỏi thêm tại sao tôi bình tĩnh chờ chết như thế, tôi sẽ trả lời: “Đời tôi còn nghĩa lý gì khi cô vợ yêu quý chĩa súng vào tôi?” Hơn nữa, tôi biết giữa chúng tôi, vào phút ấy, có một một trận chiến, một cuộc đấu tay đôi sinh tử, trong đó một bên là người đàn ông mà tối hôm trước bị kết tội là bị tống cổ ra khỏi quân đội vì hèn nhát. Tôi biết điều này, và cô cũng biết, nếu đúng là cô đoán được sự thật, và nhận ra tôi không ngủ.

Cũng có thể không phải vậy - có thể tôi không có suy nghĩ ấy trong đầu; nhưng rất khó có suy nghĩ khác được, dù là trong vô thức, vì hành động của tôi lúc ấy đã hằn sâu trong tâm tưởng tôi suốt từ đó đến nay.

Vâng, bạn lại hỏi tôi: tại sao tôi không làm gì để tự cứu mình khỏi bị thương? Tôi đã tự hỏi mình như thế cả ngàn lần, và lần nào cũng có một cơn lạnh buốt chạy suốt sống lưng tôi khi tôi nhớ lại cảnh đó. Nhưng khi ấy tôi như mất hồn; tôi đã đánh mất hết cả rồi - tôi đánh mất tất cả vì lỗi lầm của chính mình, và tôi nên cứu ai đây? Tại sao bạn nghĩ lúc ấy tôi muốn tự cứu mình? Làm sao bạn biết lúc ấy tôi còn cảm thấy được gì?

Tuy nhiên, suốt lúc ấy, tôi hoàn toàn tỉnh táo. Từng giây trôi qua trong một nỗi im lặng chết chóc. Cô vẫn đứng ở đầu giường. Và rồi, tôi chợt bừng lên một thoáng hy vọng. Tôi vội vàng hé mí mắt. Cô không còn ở trong phòng nữa! Tôi bước ra khỏi giường. Tôi đã thắng!- và cô, cô đã bị chế ngự vĩnh viễn!

Tôi sang phòng bên cạnh, đun bình trà, là bình nước luôn để ở phòng khách và cô hay châm cho đầy. Tôi lẳng lặng ngồi vào bàn, và đón lấy ly trà từ tay cô. Năm phút sau, tôi nhìn cô. Cô tái xanh như thây ma - tái xanh hơn cả đêm trước - khi cô nhìn lại tôi. Rồi bỗng nhiên, trước ánh mắt cố ý của tôi, cô gượng một nụ cười héo hon trên đôi môi nhạt, và ánh mắt cô ẩn chứa một câu hỏi ngượng ngùng: “Có phải ông ta đang suy nghĩ và thắc mắc về chuyện ấy? Ông ta biết, hay không biết? Ông ta đã thấy, hay không thấy?” Tôi lãnh đạm quay nhìn hướng khác. Sau bữa trưa, tôi đóng cửa tiệm, và đi ra ngoài mua một tấm rèm và chiếc giường bằng sắt.

Về nhà, tôi cho đặt giường ở phòng khách, và căng tấm rèm che lại. Đây sẽ là phòng ngủ của cô, dù tôi không nói rõ ra. Tuy nhiên, cô hiểu (không cần lời giải thích nào - chỉ cần nhìn chiếc giường) rằng tôi đã thấy và biết hết mọi chuyện, và không còn nghi ngờ gì nữa. Tối hôm đó, tôi vẫn để khẩu súng trên bàn như thường lệ. Cô lẳng lặng nằm trên chiếc giường mới của mình. Sợi dây hôn nhân đã đứt. Cô đã bị khuất phục, nhưng không được tha thứ. Đêm dần tàn, cô bị mê sảng, và, sáng ra, cô sốt nặng. Cô nằm bẹp trên giường sáu tuần trong tình trạng đó.


(còn tiếp)

Lòng Như Gió
04-01-2012, 09:36 AM
(Kỳ 7)


PHẦN II
CHƯƠNG I
MỘT GIẤC MƠ NGẠO NGHỄ


Lukeria vừa vào báo tôi biết rằng bà không thể ở lại làm việc cho tôi nữa, bà sẽ ra đi ngay sau khi vợ tôi được chôn cất. Tôi quỳ xuống, cầu xin bà ở lại, nhưng vô ích. Có lẽ tôi phải khẩn khoản van xin bà như thế suốt một tiếng đồng hồ. Tôi cứ suy nghĩ mãi, và ý nghĩ nào cũng nhức nhối. Đầu tôi cũng nhức nhối. Có thể tôi đã sai lầm khi nài nỉ bà người làm đó. Thật lạ lùng, tôi không muốn ngủ chút nào. Khi một người đắm chìm trong đau khổ, và khi vượt qua được giây phút đau đớn nhất, anh ta thường buồn ngủ. Người ta nói rằng thậm chí những người tử tội vẫn ngủ ngon lành trong đêm cuối đời. Ôi, tôi cũng nên như thế. Tất nhiên tôi nên làm thế; bằng không, tôi sẽ kiệt sức…

Tôi đã ngả lưng trên ghế sofa được chốc lát, nhưng vẫn chưa ngủ được…

Suốt sáu tuần cô ốm, chúng tôi chăm sóc cô đêm ngày - tôi, Lukeria và một nữ y tá lành nghề mà tôi thuê từ bệnh viện. Tôi không tiếc tiền nữa, thậm chí còn sẵn lòng tiêu tiền để chữa trị cho cô. Tôi còn mời cả bác sĩ Schroeder, và trả ông mười rouble mỗi lần ông thăm bệnh. Khi cô tỉnh lại, tôi bắt đầu bớt tiêu pha. Tôi biết diễn đạt thế nào nhỉ? Ngày cô rời giường bệnh, cô sang phòng tôi, không nói một lời, nhẹ nhàng ngồi bên chiếc bàn mà tôi mua riêng cho cô. Không ai trong chúng tôi lên tiếng - đúng vậy. Vâng, sau này chúng tôi bắt đầu nói chuyện lại với nhau, nhưng chỉ nói những chuyện vô thưởng vô phạt. Dĩ nhiên, tôi cố ý kiệm lời, và rõ ràng cô cũng vui khi không phải nói nhiều. Tôi nghĩ biểu hiện đó của cô cũng dễ hiểu. “Cô ấy bị khuất phục và chấn động nặng nề”, tôi nghĩ, “nên mình phải cho cô thời gian để quên hết mọi chuyện, và lấy lại thăng bằng.” Vì thế, chúng tôi tiếp tục im lặng với nhau. Tuy nhiên, suốt quãng thời gian ấy, tôi chuẩn bị tinh thần cho tương lai. Hình như cô cũng chuẩn bị như thế, và đôi khi tôi thích thú tự hỏi: “lúc này cô đang nghĩ gì ta?”

Không ai tưởng tượng nổi tôi đã đau khổ thế nào, khi tôi săn sóc cô trong lúc cô ốm. Nhưng tôi giữ nỗi đau khổ cho riêng mình, và tỏ ra bình thản trước mặt Lukeria. Tôi không thể chấp nhận, thậm chí không thể tưởng tượng được rằng vợ tôi chết đi khi chưa hiểu ra sự thật. Khi cô thoát khỏi hiểm nghèo và dần bình phục, tôi nhớ rằng tôi bỗng trở nên bình tĩnh hơn, và quyết định “mặc kệ tương lai” luôn, cứ để mọi việc như hiện tại. Vâng, khi ấy, vài chuyển biến lạ lùng xảy ra trong tôi - tôi không biết gọi đó là cái gì khác. Tôi đã thắng, và ý thức được điều đó dường như là điều quan trọng với tôi. Thế là mùa đông trôi qua. Suốt mùa đông ấy, tôi hài lòng với bản thân hơn bao giờ hết.

Bạn thấy đấy, trong đời tôi, có những hoàn cảnh khách quan đã đè nặng lên tôi từng ngày từng giờ cho tới nay (nghĩa là cho tới khi thảm họa xảy ra với vợ tôi). Hoàn cảnh đó là việc tôi đánh mất danh dự và bị tống khứ ra khỏi trung đoàn. Nói ngắn gọn, đó là sự bất công bạo ngược mà tôi là nạn nhân. Những người đồng ngũ nhận thấy tôi quá nghiêm nghị đối với họ - có lẽ hay mỉa mai nữa, vì lắm khi, những gì khiến một người thích thú, ca tụng và quý trọng, lại chỉ là thứ để người khác nhạo báng. Tôi chưa bao giờ được yêu mến, ngay từ thời còn cắp sách đến trường. Tôi chưa bao giờ được yêu mến ở bất cứ nơi đâu, lúc nào. Ngay cả Lukeria cũng không chịu nổi tôi. Chuyện xảy ra ở trung đoàn là hậu quả từ việc tôi không được ai ưa. Không có nỗi bất hạnh nào nhục nhã hơn, ê chề hơn việc tháo chạy vì một rắc rối có thể đã chẳng xảy ra nếu không có sự kết hợp của nhiều điều kiện lẽ ra chỉ như thoáng mây trôi. Đối với một người nhạy bén và nhạy cảm, đó là điều hèn hạ nhất. Mọi việc đã xảy ra như sau.

Một buổi tối tại rạp hát, trong lúc giải lao, tôi đi ra quầy giải khát. Một kỵ binh, tên A---ff, bước vào, và bắt đầu nói với hai người đi cùng hắn, nhưng nói lớn cho mọi người khác đang có mặt cùng nghe, rằng một đại úy nào đó của chúng tôi, tên là Bezumtsev, phen này gây tai tiếng rồi, vì ông ta “có vẻ say bí tỉ” trong hành lang. Thật ra không phải thế, vì đại úy Bezumtsev buổi tối ấy không hề say, và cái “tai tiếng” kia chẳng phải là vụ bê bối gì cả. Sau đó, đám kỵ binh tiếp tục tán gẫu với nhau về những chuyện khác, và chuyện lúc đó chỉ có thế. Tuy nhiên, hôm sau, có người báo cáo với trung đoàn tôi, và người ta nói ngay rằng: là người duy nhất của trung đoàn có mặt tại quầy rượu, nhưng tôi đã chẳng buồn nói một lời với A---ff, để ngăn hắn đừng sỉ nhục đại úy Bezumtsev. Nhưng sao tôi phải làm thế?

Nếu hắn và Bezumtsev có xích mích gì với nhau, đó là chuyện riêng của họ, đâu cần kéo tôi vào cuộc. Tuy nhiên, đám đồng ngũ của tôi tuyên bố rằng đó không phải là chuyện cá nhân, mà là chuyện liên quan đến danh dự của cả trung đoàn, và rằng, vì tôi là người duy nhất của trung đoàn có mặt nơi ấy, tôi đã chứng tỏ cho những người ngoài cuộc và công chúng nói chung thấy rằng trung đoàn của mình có những thành viên hoàn toàn thờ ơ với danh dự của chính mình và của quân đoàn. Tôi không đồng ý với ý kiến đó. Tuy thế, tôi bị nghe lời “lên lớp” rằng tôi vẫn có thể đính chính sự việc bằng cách chính thức gặp mặt A---ff; nhưng tôi không muốn làm thế, và, trong lúc quá tức giận, tôi đã từ chối lời đề nghị ấy với ít nhiều lời lẽ cộc cằn, rồi đệ đơn từ chức. Đó là toàn bộ câu chuyện.

Tôi rời trung đoàn, đầu ngẩng cao, nhưng lòng bị tổn thương. Tôi đánh mất nghị lực và ý chí. Ít lâu sau, khi anh rể tôi ở Moscow phá sạch số tài sản còn lại của gia đình tôi, trong đó có cả phần nhỏ xíu của tôi, thì tôi lang thang ngoài đường như một tên ăn mày. Lẽ ra tôi có thể đi làm thuê, nhưng tôi không làm. Đã từng đường đường là một quân nhân, nay làm sao tôi có thể làm cu li ở sở hỏa xa được kia chứ! Vì thế, tôi đắm chìm trong những nỗi tủi hổ chồng chất, những nỗi nhục nhã khôn nguôi, bước chân cứ thế trượt dài, cứ để mọi việc tồi tệ thế càng tốt chứ sao – đó là chọn lựa của tôi. Vâng, những ký ức tối tăm về ba năm ấy cứ lẩn khuất trong trí tôi, trong đó có mảnh ký ức về nhà trọ Viazemski. Nhưng cách đây khoảng một năm rưỡi, người mẹ đỡ đầu già cả của tôi ở Moscow - một người giàu có - đã đột ngột qua đời, và để lại cho tôi 3000 rouble. Tôi đắn đo suy nghĩ, và cuối cùng tìm ra hướng giải quyết cho cuộc đời mình. Tôi quyết định mở tiệm cầm đồ, chẳng thèm bàn bạc với ai. Tiền, rồi một mái nhà, và rồi một cuộc sống mới thoát xa hẳn hoài niệm cũ - đó là kế hoạch của tôi. Tuy nhiên, cái quá khứ thê thảm ấy và ý nghĩ về thanh danh bị đánh mất chưa bao giờ ngưng ám ảnh tôi.

Như bạn biết, tôi đã lập gia đình - mặc dầu đó có phải là việc tình cờ không thì tôi không biết. Khi cưới vợ, tôi nghĩ, tôi sẽ dẫn về nhà một người bạn - vì tôi rất cần một người bạn; nhưng người bạn này (tôi thấy rõ) cần một thời gian để huấn luyện – thậm chí để “thuần hóa”. Có ích gì không khi ta giải thích mọi điều ngay một lúc cho cô gái mười sáu tuổi đầy thành kiến? Thí dụ, nếu không có màn kinh khủng vừa qua về khẩu súng lục, làm sao tôi có thể thuyết phục cô rằng tôi không hèn nhát, rằng trung đoàn buộc tội tôi hèn nhát là rất bất công cho tôi? Vâng, chuyện khẩu súng ấy đã xảy ra rất đúng lúc. Bằng cách không run sợ trước nòng súng lạnh ngắt, tôi đã rửa sạch vết nhơ quá khứ của mình. Và dù không ai biết điều ấy, nhưng cô biết, và đó là điều tôi muốn, vì chính cô là người giúp tôi, cô là hiện thân của niềm hy vọng từ những giấc mơ của tôi. Cô là người mà tôi chọn cho mình, và không cần ai khác. Điều đó cô cũng biết. Cô cũng biết rằng cô đã sai khi trở thành một kẻ thù của tôi. Ý nghĩ đó khiến tôi thích thú. Trong mắt cô giờ đây, tôi không thể là một tên vô lại, không thể là một người lập dị. Tuy nhiên, ý nghĩ này không làm tôi vui thích như ý nghĩ trước. Lập dị không phải là xấu, cũng không phải luôn là nét khó ưa đối với phụ nữ. Tóm lại, tôi đã quẳng tai họa vừa qua ra khỏi tâm trí. Những gì xảy ra đã vượt quá khả năng chịu đựng của tôi - nó bao gồm quá nhiều hình ảnh, quá nhiều chất liệu, không thẩm thấu được vào trí óc tôi. Sự điên rồ của tôi nằm ở đó, tôi như ngủ mơ: những gì xảy ra đã tước đoạt hết những quân cờ của tôi, khi tôi cứ luôn nghĩ rằng quân cờ đó vẫn sẵn sàng trong tay mình.

Mùa đông trôi qua như thế - như mong đợi một điều gì đó. Tôi thích liếc trộm cô khi cô ngồi ở chiếc bàn nhỏ của mình. Cô bận rộn với những việc làm (nghĩa là việc may vá), hoặc, vào buổi tối, cô đọc những cuốn sách của tôi lấy từ trong tủ. Những cuốn sách chứa trong tủ ấy chắc chắn đều có lợi cho tôi. Cô gần như không ra ngoài, trừ những khi bữa tối vừa xong, tôi đưa cô đi tản bộ. Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ lặng lẽ đi dạo như xưa kia. Trái lại, tôi luôn luôn gợi chuyện, trò chuyện thân mật với cô - dù đôi bên đều chưa cởi mở lắm. Tôi có chủ ý như thế - vì nghĩ rằng cô cần “thêm thời gian”. Nhưng thật lạ, đến gần hết mùa đông, tôi chưa từng một lần bận tâm, rằng mặc dù tôi hay nhìn trộm cô, tôi không hề thấy cô nhìn tôi. Tôi xem đó là tính rụt rè của cô, vì vẻ dịu dàng, nhút nhát của cô sau khi trải qua một cơn bệnh như thế cũng là điều tự nhiên. “Không”, tôi tự nhủ, “có lẽ đợi chờ thì tốt hơn, rồi sẽ đến lúc bất chợt, tự cô đến với mình.”

Ý nghĩ đó khiến tôi vui thích không thể tả – dù có thể nói thêm rằng, tôi cố ý ép mình nghiêm nghị với cô. Mọi việc tiếp diễn như thế trong một thời gian. Tuy nhiên, nỗi oán giận của tôi đối với cô không hề nảy nở thêm, thậm chí không bén rễ trong tim tôi. Theo một cách nào đấy, tôi thấy như đây là một trò chơi của mình. Dù đã phải cắt đứt sợi tơ hồng khi mua cho cô chiếc giường và tấm rèm, tôi không bao giờ có thể xem cô như một tội nhân - không phải vì tôi coi nhẹ lỗi lầm của cô, mà vì từ đầu, và thậm chí từ trước khi mua giường cho cô, tôi đã quyết định tha thứ cho cô. Tóm lại, lối cư xử lạ lùng của tôi chẳng qua do tính nghiêm khắc. Mặt khác, tôi thấy cô đã hoàn toàn bị chinh phục - hoàn toàn bị đè bẹp và bị bẽ mặt - nên đôi khi tôi bị giằng xé vì lòng thương hại cô, dù ý nghĩ rằng cô bị chế ngự làm tôi vô cùng thích thú. Vâng, tôi rất hân hoan với ý nghĩ về sự bất bình đẳng giữa hai chúng tôi.

Tuy nhiên, tôi làm vài việc tốt trong mùa đông đó. Chẳng hạn, tôi xóa vài món nợ, và cho một phụ nữ nghèo khó mượn tiền mà không bắt thế chấp. Tôi không kể vợ tôi nghe điều này, vì cô đâu phải người phê chuẩn việc ấy; nhưng người đàn bà nghèo khó ấy trở lại cám ơn tôi, gần như muốn quỳ mọp xuống để tạ ơn. Thế là vợ tôi biết chuyện, và tôi nghĩ cô rất vui khi biết được từ tâm của tôi.

Rồi mùa xuân về, và vào giữa tháng Tư, chúng tôi mở toang những cánh cửa sổ, ánh nắng chan hòa chiếu rọi tổ ấm yên tĩnh của chúng tôi những tia sáng rực rỡ. Tuy nhiên, một bức màn trước mặt đã chắn tầm nhìn của tôi. Một bức màn định mệnh tai hại! Cuối cùng, mắt tôi mở ra, tôi thấy và biết hết mọi chuyện. Có phải chuyện xảy ra chỉ là may rủi? Có phải ngày định mệnh đó không thể nào tránh được? Có phải những tia nắng đã làm sáng bừng tâm hồn u ám của tôi, để tôi có được cảm giác và hiểu biết? Không; chẳng có cảm giác hay am hiểu gì ở đây cả. Chuyện xảy ra chỉ là một nguồn sáng nho nhỏ, một nguồn sáng đã chết từ lâu - chợt sống dậy, và chiếu rọi lương tâm u tối của tôi, xua tan niềm kiêu ngạo tàn nhẫn của tôi. Vâng, mọi chuyện xảy ra đột ngột không ngờ. Chuyện xảy ra vào một buổi chiều, năm tiếng đồng hồ sau bữa trưa…



(còn tiếp)

Lòng Như Gió
04-01-2012, 09:39 AM
(Kỳ 8)


CHƯƠNG II
BỨC MÀN BỖNG RƠI TRƯỚC MẮT TÔI


Tôi có thể kể ngắn gọn thế này. Trong khoảng một tháng, tôi nhận thấy cô lơ đãng một cách lạ thường - lơ đãng, bạn chú ý nhé, không phải im lặng. Tôi bất ngờ lần đầu nhận ra điều đó. Một ngày kia, cô ngồi làm việc - cắm cúi với đường kim mũi chỉ, không hay biết rằng tôi đang ngắm cô. Tôi chợt nhận thấy cô gầy guộc và bơ phờ, gương mặt xanh xao và đôi môi tái nhợt. Điều ấy, cùng với vẻ lơ đãng của cô, gợi cho tôi cảm giác thoáng đau nhói. Thêm nữa, tôi còn nghe tiếng cô ho khan, nhất là về đêm. Tôi lập tức ra ngoài, và gửi thư cho bác sĩ Shroeder - dù không kể cho cô biết chuyện này.

Ngày hôm sau, bác sĩ tới. Cô ngạc nhiên hết đăm đăm nhìn ông rồi lại nhìn tôi.

“Tôi rất khỏe,” cô nói với nụ cười e dè.

Schroeder hầu như không nhìn cô (lắm khi các tay bác sĩ tỏ ra tự cao và cẩu thả), nhưng khi sang phòng bên cạnh, ông nói với tôi rằng đó là hậu quả từ cơn bạo bệnh của cô, và khuyên rằng mùa xuân là thời gian thích hợp để tôi đưa cô đi nghỉ mát miền biển - hoặc, nếu có thể, đơn giản chỉ cần đưa cô về miền quê. Tóm lại, ông giải thích đó chỉ là cơ thể suy nhược. Khi ông ra về, vợ tôi bỗng nói lại với tôi, mắt cô nhìn tôi nghiêm trang.

“Em khỏe thật mà.”

Vừa thốt ra những lời ấy, sắc mặt cô liền đỏ bừng - rõ ràng vì xấu hổ. Vâng, rõ ràng vì xấu hổ. Bây giờ, tôi mới hiểu điều đó thật rõ! Cô xấu hổ vì tôi vẫn là chồng cô - vì tôi vẫn rất quan tâm đến cô, như một người chồng tận tụy. Nhưng lúc đó, tôi chẳng hiểu điều ấy, mà cho là cô muốn làm hòa với tôi nên đỏ mặt ngượng ngùng (vì khi ấy, bức màn vẫn che khuất mắt tôi ).

Một tháng sau - vào một ngày nắng đẹp tháng Tư, cỡ năm giờ - tôi ngồi trong cửa tiệm, tính toán sổ sách. Bỗng nhiên, tôi nghe cô hát một mình - hát trong khi ngồi làm việc ở chiếc bàn của cô trong phòng tôi. Không hiểu sao điều lạ thường này tạo cho tôi niềm băn khoăn mà mãi đến hôm nay tôi vẫn không giải thích nổi. Có bao giờ tôi nghe cô hát đâu, trừ những ngày mới cưới, khi chúng tôi còn có thể đùa nghịch và tập bắn súng với nhau. Ngày đó, giọng hát của cô mạnh và đầy đặn (dù hát không đúng) - một giọng rất khỏe và êm ái. Giờ đây, ngược lại, giọng hát yếu ớt - không hạ giọng, nhưng nghe như có cái gì rạn nứt, vỡ vụn từ bên trong – nghe như giọng thều thào đáng thương của cô cứ run lẩy bẩy, và do đó bài hát trở nên thật đau khổ. Cô hát giọng nhẹ vừa, rồi đến khúc lên cao, giọng cô đứt quãng - ôi, giọng yếu ớt đáng thương, như niềm ước ao không thành! Cô dừng lại để ho, rồi lại khe khẽ, khe khẽ, chỉ vừa đủ nghe - cô tiếp tục hát….

Chắc bạn cười nỗi băn khoăn của tôi, nhưng không ai hiểu được lý do đâu. Không, chẳng phải tôi thấy buồn cho cô - có điều gì khác cơ. Lúc đầu, mới nghe cô hát, trong đầu tôi lóe lên một nỗi nghi ngờ lạ lùng, một nỗi ngạc nhiên lạ lùng - nỗi nghi ngờ và ngạc nhiên kỳ dị, kinh hoàng, đồng thời đau đớn và gần như oán giận. “Cô hát khi có mặt mình!” Tôi thầm nghĩ. “Cô quên phứt mình rồi!”

Toàn thân run rẩy, tôi ngồi lặng một lúc. Rồi tôi đứng dậy, lấy mũ và rời khỏi nhà như một người mất hồn. Tôi không biết tại sao mình ra khỏi nhà, không biết mình sẽ đi đâu. Lukeria giúp tôi khoác áo.

“Cô ấy hát à?” Tôi buột miệng hỏi Lukeria. Bà không hiểu câu hỏi, chỉ trố mắt nhìn tôi nghi ngại. Chắc lúc đó mặt tôi trông khó hiểu lắm!

“Đây là lần đầu tiên cô ấy hát phải không?” tôi lại hỏi.

“Không; thỉnh thoảng cô ấy vẫn hát khi ông vắng mặt,” Lukeria trả lời.

Tôi nhớ mọi chuyện thật rõ! Tôi xuống lầu, ra đường, và đi lang thang. Tôi dừng lại ở một góc phố, đứng như trời trồng. Người qua kẻ lại xô đẩy tôi, nhưng tôi cứ trơ lì ra. Tôi chợt gọi một chiếc taxi, bảo chở tôi đến Cầu Cảnh Sát - mà không hiểu sao mình muốn đến đó. Sau đấy, tôi đột ngột nhảy ra khỏi xe, rồi đưa người tài xế hai mươi kopeck.

“Khoản này để trả công anh nãy giờ bị tôi quấy rầy,” tôi nói với nụ cười vô nghĩa. Tuy nhiên, tôi bắt đầu cảm thấy ít nhiều vui vẻ.

Tôi vội vã quay về nhà. Giọng hát run rẩy, đứt quãng, yếu ớt đến tội nghiệp vẫn văng vẳng trong hồn tôi, và làm tôi nghẹt thở. Bức màn đã rơi khỏi mắt tôi. Cô có thể hát khi có mặt tôi, nghĩa là cô đã quên mọi chuyện về tôi - điều đó quá rõ. Trái tim tôi không cảm nhận được gì khác. Tuy nhiên, niềm hân hoan vô ngần bừng sáng trong hồn tôi, làm lu mờ những nỗi hoài nghi.

Ôi, định mệnh thật trớ trêu! Suốt mùa đông ấy, tâm hồn tôi không có gì khác ngoài một niềm hân hoan; nhưng tôi đang ở đâu thế này? Tôi đã sống với tâm hồn đó ư? Tôi chạy vội lên lầu, vào nhà - có ngượng ngập hay không, tôi chẳng biết. Tôi chỉ nhớ rằng sàn nhà như đang chao đảo, và tôi như đang bơi giữa một dòng sông. Tôi vào phòng ngủ, thấy cô vẫn đang ngồi khâu áo. Cô vẫn cắm cúi vào đường kim mũi chỉ, nhưng không hát nữa. Ánh mắt cô thờ ơ thoáng liếc tôi, như kiểu nhìn hờ hững chỉ vì nhận ra rằng có người vừa vào phòng.

Tôi đến gần cô, ngồi xuống bên cô, như bị thôi miên. Cô liếc nhìn tôi thật nhanh - có vẻ sợ sệt. Tôi nắm tay cô, và nói vài lời, nhưng tôi không biết mình đã nói gì. Có nghĩa là, tôi cố gắng nói gì đấy, mà không nói cho mạch lạc được - giọng cứ đứt quãng, chẳng nghe ra gì, sau đó tôi ấp úng không thành lời, và chỉ còn biết thở dài.

“Mình nói chuyện chút nhé. Em nói gì đi,” tôi bối rối thì thào. Lúc ấy tôi có sáng suốt không nhỉ? Cô thoáng rùng mình, rồi lùi lại, nhìn tôi với vẻ cảnh giác rõ rệt. Bỗng nhiên, mắt cô ánh lên nỗi kinh ngạc - vâng, cô mở to mắt nhìn tôi kinh ngạc. Vẻ sửng sốt, cùng với nét nghiêm nghị của cô, khiến tôi càng thêm bối rối. “Anh còn yêu em - còn yêu chút nào không?” là câu hỏi ẩn dưới ánh mắt sửng sốt ấy, dù cô không nói ra. Nhưng tôi đọc được điều ấy, tôi đọc được điều ấy. Dường như cả tấm thân tôi run rẩy khi quỵ xuống dưới chân cô. Vâng, tôi quỳ mọp trước mặt cô. Cô đứng bật dậy, nhưng tôi nắm được tay cô, và tha thiết giữ chặt cô lại.

Tôi rất hiểu cơn điên cuồng đó. Bạn tin không? - tôi vui mừng quýnh lên, cứ như từng khoảnh khắc đều là những giây phút cuối cùng mình được sống. Tôi đê mê hôn đôi bàn chân cô - vâng, một niềm đê mê vô hạn, dù đồng thời cũng thấu hiểu niềm hân hoan của mình. Tôi phát khóc, tôi cố gắng nói điều gì đó, nhưng không thốt nên lời. Cô sợ hãi, sửng sốt, và tiếp theo là lo lắng, thắc mắc, khi cô ném cho tôi cái nhìn kỳ lạ, thậm chí man dại, như khi người ta đang cố gắng hiểu điều gì đó thật nhanh. Rồi cô cười, trông như cô rất e thẹn vì tôi hôn chân cô, và rút bàn chân ra xa. Tuy nhiên, tôi tiếp tục hôn cả sàn nhà nơi từng nâng niu đôi bàn chân cô khi nãy. Nhận ra điều ấy, cô bật cười ngượng nghịu (bạn cũng biết người ta cười ra sao trong hoàn cảnh như thế), cười đến điên cuồng. Tôi thấy đôi bàn tay cô run rẩy, nhưng tôi chẳng chú tâm đến điều ấy, mà cứ tiếp tục thì thầm rằng tôi yêu cô, và rằng tôi sẽ không đứng dậy.

“Chỉ xin em cho tôi hôn áo em thôi,” tôi thì thào, “và suốt đời cầu nguyện cho em.”

Tôi không biết - tôi không nhớ rõ - nhưng cô run lẩy bẩy và òa khóc. Cuối cùng, cơn kích động hoàn toàn chiếm ngự cô, vì cô rơi vào trạng thái rất căng thẳng.

Tôi bồng cô lên, và đặt cô vào giường. Khi qua cơn hoảng loạn, cô ngồi dậy, và, với vẻ xúc động lạ thường, cô nắm tay tôi, và xin tôi bình tĩnh lại. “Anh bình tĩnh, và đừng lo lắng,” cô nói, rồi lại khóc nức nở. Suốt buổi tối ấy, tôi không rời cô nửa bước, và cứ nói mãi rằng tôi sẽ đưa cô đi nghỉ mát ở Boulogne – bây giờ, ngay lập tức, lâu nhất cũng chỉ trong nửa tháng nữa; và nói rằng cô đang bị khan tiếng; nói rằng tôi nghe cô ho; nói rằng tôi nên đóng cửa tiệm, sang nhượng lại cho Dobronravov; rằng mọi thứ sẽ bắt đầu lại; quan trọng nhất là chúng tôi sẽ đến Boulogne, Boulogne. Cô lắng nghe, nhưng có vẻ e ngại. Càng lúc cô càng tỏ vẻ e ngại. Nhưng với tôi, điều đó không quan trọng, mà quan trọng là càng lúc tôi càng thêm khao khát được phủ phục dưới chân cô, và cứ hôn mãi sàn nhà nơi cô đã đặt chân, và van nài cô, và…

“Hơn thế nữa, anh không đòi hỏi gì nơi em, không cần gì cả,” tôi nói đi nói lại. “Đừng trả lời anh, đừng để ý gì anh, nhưng chỉ cần cho anh một góc để đứng chiêm ngưỡng em, để đứng đó làm một thứ tài sản cho em sở hữu, làm con chó trung thành của em.” Nhưng cô chỉ khóc.

“Em… em cứ tưởng anh sẽ bỏ mặc em thế này,” cô bỗng buột miệng - hoàn toàn vô ý buột miệng, có lẽ cô không biết mình đang nói gì. Tuy nhiên, trong tất cả những lời cô nói hôm đó, với tôi, đây là những lời đáng chú ý nhất, những lời quan trọng nhất, những lời có thể lý giải được nhiều nhất. Những lời ấy như dao cứa vào tim tôi . Những lời ấy giải thích cho tôi biết mọi việc, mọi việc. Và, thấy rằng cô ở đây bên tôi - ở đây, trước mắt tôi - những lời ấy làm dâng lên trong tôi một niềm hy vọng dạt dào và hạnh phúc vô ngần. Chắc chiều hôm ấy tôi đã làm cô mệt lắm – thật vậy, tôi biết thế; nhưng tôi không thể ngưng mong đợi rằng tôi sắp đạt được tất cả. Khi trời tối, cô thấm mệt. Tôi nhắc cô đi ngủ, cô nghe theo, và chìm vào giấc nồng. Nhưng tôi đoán cô sẽ bị sốt, và đúng thế - dù chỉ sốt nhẹ. Suốt đêm, gần như mỗi phút tôi mỗi đứng dậy, rón rén bước đến nhìn cô. Vâng, tôi nắm chặt tay lại khi đứng đó nhìn cơ thể đau ốm đáng thương nằm sóng sượt trên chiếc giường sắt khốn khổ mà tôi mua cho cô chỉ với ba rouble. Lâu lâu, tôi lại quỳ xuống bên cô, nhưng không dám hôn vào đôi bàn chân cô khi cô chưa cho phép. Rồi tôi bắt đầu cầu nguyện Chúa, nhưng chỉ một lát rồi lại đứng dậy. Lukeria theo dõi tôi kỹ lắm, chạy hẳn ra khỏi nhà bếp để theo dõi. Cuối cùng, tôi đến bên bà, bảo bà đi ngủ, vì ngày mai chúng tôi sẽ “bắt đầu một ngày mới.”

Và, tôi đã tin như thế - tin một cách mù quáng, điên rồ, một niềm tin vững như bàn thạch. Hồn tôi tràn ngập niềm hân hoan! Tôi chỉ cần đợi đến ngày mai, ngày mai thôi. Tôi không tiên liệu một tai ương nào cả, dù đã có bao nhiêu là dấu hiệu báo trước. Lý trí chưa hoàn toàn quay về với tôi, dù bức màn đã rơi xuống; và rất lâu sau đó, lý trí cũng có trở lại với tôi đâu.

Đúng, mãi đến hôm nay, lý trí cũng chẳng trở lại. Làm sao nó có thể trở lại với tôi được kia chứ? Khi ấy, cô còn sống trước mắt tôi, tôi còn nhìn thấy cô, cũng như cô còn nhìn thấy tôi. “Ngày mai,” tôi tự nhủ, “cô sẽ xin mình tha thứ, và mình sẽ nói cô nghe mọi chuyện, và cô sẽ hiểu hết.” Đó là nỗi mong chờ của tôi - rõ ràng và đơn giản - vì tôi cứ cuống lên. Đặc biệt là tôi hào hứng nghĩ tới chuyến đi Boulogne. Không hiểu sao tôi mong rằng Boulogne là tất cả - tôi mong mỏi Boulogne là nơi chứng kiến tình yêu của chúng tôi lên ngôi. “Đến Boulogne, đến Boulogne!” Tôi nói đi nói lại, và náo nức chờ ngày mai đến.


(còn tiếp)

Lòng Như Gió
04-02-2012, 02:55 AM
(Kỳ 9)


CHƯƠNG III
TÔI HIỂU, NHƯNG HIỂU QUÁ RÕ


Mọi chuyện xảy ra cách đây vài ngày - chỉ năm ngày thôi. Vâng, chuyện xảy ra hôm thứ Ba vừa rồi. Cần thêm chút thời gian như thế - chỉ chút thời gian như thế thôi - để xua tan màn sương mờ mịt! Cô không bao giờ lấy lại thăng bằng được sao? Ngày hôm sau, cô lắng nghe tôi nói, môi mỉm cười, dù bối rối - và, bạn nhớ này, trong suốt thời gian còn lại (nghĩa là, trong suốt năm ngày qua) tôi thấy rõ ở cô một nỗi bối rối, một vẻ e thẹn. Cô sợ tôi - vâng, cô rất sợ tôi. Tôi sẽ không chối cãi hoặc phủ nhận điều ấy như một tên ngốc. Nỗi e sợ hoàn toàn chiếm ngự cô. Cũng hợp lý chứ sao! Chúng tôi đã cư xử xa lạ với nhau suốt một thời gian dài - rồi giờ đây điều này lại xảy ra! Tuy nhiên, tôi chẳng để ý nỗi bất an của cô, vì mọi thứ với tôi như đang chìm ngập trong miền ánh sáng mới. Không nghi ngờ gì nữa, tôi đã phạm sai lầm. Có lẽ tôi phạm sai lầm quá thường xuyên.

Tôi sai lầm lúc chúng tôi thức dậy ngày hôm sau (là ngày thứ Tư). Tôi sai lầm khi muốn làm bạn với cô quá sớm. Tôi sai lầm khi quá vội vã trong chuyện này. Chúng tôi cần thêm thời gian thử thách, rất cần. Nhưng cần thêm thử thách thế nào? Sáng hôm đó, tôi thổ lộ với cô rằng tôi sống một cuộc đời bí mật. Tôi kể toạc cho cô nghe rằng, suốt mùa đông qua, mục đích của tôi chỉ là làm sao để được cô yêu. Tôi giải thích với cô rằng tiệm cầm đồ chỉ là một sai lầm trong ước muốn của tôi, một sai lầm của lý trí - rằng đó chỉ là một quan niệm cá nhân về sự tự hạ nhục và tự đề cao. Tôi nói rõ với cô rằng, tối hôm ấy ở quầy rượu trong rạp hát, tôi thật sự là một tên hèn nhát, do bản tính rụt rè muôn thuở của tôi. Tôi bối rối trước mọi người xung quanh, e ngại rằng, nếu tôi can thiệp, tôi sẽ làm điều ấy rất vụng về. Tôi không sợ cuộc đấu tay đôi, mà chỉ ngại làm trò cười trước công chúng.

Tôi chưa bao giờ muốn nhìn nhận điều đó, nhưng lại vì nó mà tự dằn vặt mình, và giờ đây lại cưới cô về để làm cô khổ theo. Thật ra, sáng hôm ấy, tôi bộc bạch nhiều điều với cô như mê sảng. Cô siết chặt tay tôi, và xin tôi đừng nói nữa. “Anh chỉ nói quá thôi,” cô nói. “Anh chỉ tự làm khổ mình,” và nước mắt cô lại giàn giụa, và cô lại lên cơn kích động, khi cô van nài tôi đừng nói thêm về điều ấy, đừng gợi lại những hồi ức đó nữa.

Nhưng tôi không để ý gì đến lời cầu xin của cô - hoặc chỉ để ý chút ít thôi. “Mùa xuân! Boulogne! Ở đấy chúng ta sẽ thấy ánh mặt trời, ánh mặt trời tinh khôi!” - tôi chỉ biết nói có bấy nhiêu. Tôi đóng cửa tiệm, và giao tiệm lại cho Dobronravov. Rồi tôi đề nghị với vợ tôi rằng chúng tôi nên dành tặng tất cả cho người nghèo, trừ số tiền vốn 3000 rouble mà tôi nhận được từ mẹ đỡ đầu, cũng là số tiền tôi định dùng cho chuyến đi Boulogne; sau đó, trở về, chúng tôi sẽ bắt đầu một cuộc sống cần lao. Đó là đề nghị của tôi, nhưng cô không có ý kiến gì, chỉ mỉm cười. Tôi nghĩ, cô mỉm cười vì lịch sự, và vì muốn tránh xúc phạm tôi. Tôi thấy mình đã khiến cô mệt mỏi - đừng nghĩ tôi quá ngu ngốc và ích kỷ nên không nhận ra điều đó nhé. Tôi thấy hết mọi chuyện, thấy cả những chi tiết vụn vặt nhất - tôi thấy và nhận biết mọi điều rõ hơn ai hết; nhưng trước mắt tôi, cũng có một viễn cảnh hạnh phúc của mình.

Tôi đã nói về cô, và về tôi, và về Lukeria. Tôi nói rằng tôi đã khóc, nhưng không, tôi đổi đề tài, và cố không nhắc đến đề tài ấy cũng như một số đề tài khác nữa. Một đôi lần, cô lấy lại được chút vẻ sôi nổi, tôi nhớ như vậy - vâng, tôi nhớ rất rõ! (Ai dám nói tôi không thấy gì, không hiểu gì?) Đúng ra, nếu chuyện này không xảy ra, mọi việc đã diễn tiến rất tốt đẹp. Chỉ ba ngày trước, chúng tôi trò chuyện với nhau về việc đọc sách, về việc cô đã đọc sách suốt mùa đông, và cô đã cười giòn giã khi kể tôi nghe một cảnh giữa Gil Bias và Tổng Giám mục vùng Grenada. Vâng, cô kể chuyện cho tôi nghe với nụ cười dịu dàng, ngây thơ, y như những ngày đầu tôi theo đuổi cô. Khi ấy, tôi rất vui! Tuy nhiên, với câu chuyện về Tổng Giám mục, tôi không thể không cảm thấy rằng - giá cô có đủ niềm hạnh phúc và bình an để cười khi đọc những kiệt tác văn chương như thế suốt mùa đông, thì mọi việc đã tốt đẹp hơn! Có lẽ cô đã sẵn sàng chấp nhận rằng tôi có ý định “bỏ mặc” cô “thế này”. “Em… em cứ tưởng anh sẽ bỏ mặc em thế này,” cô nói với tôi như thế thứ Ba vừa qua. Ôi, đúng là suy nghĩ của thiếu nữ mới lớn! Cô tin thật là tôi sẽ “bỏ mặc” cô “thế này” - để cô ngồi ở bàn của cô, còn tôi ở bàn của tôi, cho đến ngày chúng tôi già lọm khọm! Bỗng nhiên tôi đến bên cô như một người chồng - một người chồng khao khát tình yêu! Ôi, tôi thật mù quáng và ngu ngốc quá!

Một sai lầm khác của tôi là đã đối xử với cô quá nồng nhiệt. Lẽ ra tôi nên tự chủ, vì cảm xúc mạnh chỉ làm cô sợ hãi. Nếu biết tự chủ, tôi chẳng bao giờ làm những chuyện như hôn chân cô. Lẽ ra tôi không bao giờ nên biểu lộ chút dấu hiệu cho thấy mình là chồng của cô; vì, thật ra, tôi đâu phải chồng cô - tôi chỉ đang cầu xin được như vậy. Tuy nhiên, tôi không thể hoàn toàn giữ im lặng; tôi không thể không nói một lời. Chẳng hạn, tôi chợt nói với cô rằng những lời nói của cô làm tôi mê mẩn, rằng cô thông minh và hiểu biết hơn hẳn tôi. Trước lời nhận xét đó, cô đỏ bừng mặt, và bối rối đáp rằng tôi nói quá lời. Và rồi, như một tên ngốc không biết tự chủ, tôi kể cô nghe rằng tôi đã thích thú vô cùng khi đứng sau cánh cửa đóng kín của căn phòng đó, lắng nghe cuộc đấu khẩu giữa cô với Efimovitch - cuộc đấu giữa sự trong trắng của cô với sự phóng đãng của gã kia - và tôi đã say mê thế nào trước trí thông minh sắc sảo, hòa với vẻ giản dị hồn nhiên của cô. Cô khẽ giật mình, và một lần nữa lí nhí đáp rằng tôi đã quá lời. Rồi sắc mặt cô tối sầm lại, và, lấy hai tay che mặt lại, cô òa khóc. Lúc đó, tôi không dằn lòng được - tôi quỳ xuống trước mặt cô, và lại hôn đôi bàn chân cô, mãi đến lúc cô lên cơn xúc động mạnh như hôm thứ Ba, tôi mới chịu thôi. Chuyện này xảy ra tối qua; và vào buổi sáng…

Vào buổi sáng? Sao thế nhỉ, tôi khùng quá, đó là sáng hôm nay - dù tôi thấy lâu lắm rồi, lâu lắm rồi!

Bạn lắng nghe đây, và cố hiểu nhé. Vào cái lúc lâu lắm rồi ấy (dù chỉ là sau cơn chấn động của cô hôm qua thôi), chúng tôi cùng nhau ăn tối, tôi ngạc nhiên trước vẻ điềm tĩnh của cô, và suốt đêm tôi nằm nôn nao, tha thiết chờ ngày mai tới. Khi ban mai gõ cửa, cô đến bên tôi, và, chắp hai tay lại, nói với tôi rằng cô có lỗi; rằng cô biết điều đó và biết rất rõ; rằng lỗi lầm của cô đã giày vò cô suốt mùa đông vừa qua, và vẫn đang giày vò cô lúc này; và rằng cô quý trọng tính cách cao thượng của tôi không lời nào tả xiết. Cô nói “Từ nay, em sẽ là người vợ trung thành của anh - em sẽ luôn kính trọng anh.” Và tôi bật dậy, ôm chầm lấy cô như một gã điên. Tôi hôn cô - hôn lên mặt, lên môi cô - như một người chồng, sau ngần ấy thời gian xa lạ với nhau. Rồi tôi ra ngoài vài tiếng đồng hồ, để thu xếp giấy thông hành xuất ngoại. Trời ơi, giá tôi trở về sớm hơn năm phút, chỉ năm phút thôi! Ôi, một đám đông tụ họp trước nhà tôi - ôi, những ánh mắt nhìn tôi! Trời ơi!

Lukeria kể tôi nghe (và bây giờ tôi không đời nào để Lukeria ra đi, vì bà biết mọi chuyện - bà đã ở với tôi suốt mùa đông - bà có thể giải thích nhiều chuyện cho tôi nghe), Lukeria kể rằng, sáng nay khi tôi đi vắng, bà đến gặp vợ tôi trước khi tôi về khoảng hai mươi phút, để hỏi cô điều gì đó (tôi không nhớ là điều gì). Bà thấy vợ tôi đặt bức tượng nhỏ (tượng Đức Mẹ) lên bàn, trước mặt cô, và dường như cô đang cầu nguyện.

“Cô đang làm gì thế, thưa cô chủ?” Lukeria hỏi.
“Không có gì cả, Lukeria; chị ra ngoài đi,” vợ tôi trả lời. “Khoan đã, Lukeria,” cô nói thêm, rồi đến gần và hôn bà.
“Cô có vui vẻ chứ?” Lukeria lại hỏi.
“Có vui, chị ạ.”
“Lẽ ra ông nên đến bên cô từ lâu để xin cô tha thứ,” Lukeria nói tiếp. “Cám ơn Chúa, cuối cùng cô và ông ấy đã làm lành với nhau."
“Vâng, đó là một điều tốt,” vợ tôi trả lời. “Bây giờ, chị có thể đi, Lukeria,” và cô mỉm cười với bà, dù với nét mặt rất lạ lùng, nên mười phút sau, Lukeria quay lại để xem cô thế nào.

“Cô ấy đứng dựa vào tường, gần cửa sổ,” Lukeria kể tôi nghe, “cánh tay tựa vào tường, và đầu tựa vào cánh tay. Vâng, cô đứng đó và suy nghĩ. Cô đắm chìm trong suy tư nên không biết tôi lại gần và quan sát cô từ phòng bên cạnh. Tôi thấy cô mỉm cười khi đứng đó - như cười với những suy nghĩ của chính mình. Sau một hồi quan sát cô, tôi quay ra khỏi phòng. Tôi cũng đang mải suy nghĩ, rồi chợt nghe tiếng mở cửa sổ. Tôi lập tức chạy vào để nói với cô rằng bên ngoài trời lạnh, cô đừng để bị nhiễm lạnh - và ngay lúc đó tôi nhận ra cô đã leo lên thành cửa sổ, và đứng thẳng người, phía ngoài cửa sổ, lưng quay về phía tôi, hai tay ôm chặt bức tượng. Tim tôi như ngừng đập, và tôi gọi “Cô chủ, cô chủ !” Cô ấy nghe tôi gọi, khẽ cử động như muốn quay lại; nhưng rồi cô không quay lại - mà tiến thêm một bước, ghì bức tượng vào ngực, rồi lao mình ra ngoài cửa sổ!”

Tôi chỉ nhớ, khi tôi bước qua cổng sân, cơ thể cô vẫn còn ấm, và, hơn hết cả, đôi mắt cô nhìn về phía tôi. Lúc đầu, có một tiếng hét thất thanh, nhưng rồi mọi người lập tức im lặng, đám đông rẽ ra trước mắt tôi, và - tôi thấy cô nằm đó, với cây thánh giá! Tôi nhớ, tôi đến gần cô như trong mơ, và đứng nhìn đăm đăm gương mặt cô. Lâu lâu, lại có người đến gần tôi và nói điều gì đó, nhưng tôi thậm chí không nhìn thấy cả Lukeria - dù bà cũng có mặt. Bà kể lại rằng có nói vài lời với tôi, nhưng tôi chỉ nhớ một gã đàn ông cứ oang oang, “Chính dòng máu chảy từ miệng cô ấy đã làm cô tắc thở - máu trào từ miệng,” khi gã chỉ vào vết máu chảy trên nền gạch. Tôi nghĩ hẳn gã đã chạm ngón tay vào máu, và làm ngón tay mình hơi bẩn tí, vì tôi nhớ có thấy máu trên ngón tay gã khi gã lải nhải “làm cô tắc thở, làm cô tắc thở.”

“Ông nói ‘làm cô tắc thở’ nghĩa là sao?” Tôi gầm lên (người ta kể lại cho tôi nghe như thế) trong lúc tôi lao về phía gã với nắm đấm hung hăng.

Ôi, thật khủng khiếp, khủng khiếp! Thật là một sự hiểu lầm, không thể ngờ được, không thể như thế được!



(còn tiếp)

Lòng Như Gió
04-02-2012, 02:56 AM
(Kỳ cuối)


CHƯƠNG IV
TÔI ĐÃ TRỄ NĂM PHÚT NHƯ THẾ NÀO


Chẳng phải thế sao? Có thể như thế sao? Ai nói được điều này có thể xảy ra cơ chứ? Vì sao cô lại phải chết?

Ôi, xin hãy tin tôi, tôi hiểu toàn bộ vấn đề; nhưng lý do vì sao cô tự tử vẫn còn là một câu hỏi. Chắc lòng si mê của tôi làm cô sợ hãi - vì cô đã rất nghiêm túc tự hỏi lòng, “Nên đồng ý hay không đồng ý?” Và, không đối diện được với vấn đề, cô đã chọn cái chết. Vâng, tôi biết, tôi biết; không cần đoán già đoán non thêm nữa. Lời hứa cô đã nói với tôi là quá nhiều, và cô sợ không thực hiện được. Mọi việc đã rõ ràng. Ít ra, điều ấy giải thích được phần nào những tình huống khủng khiếp này.

Nhưng vì sao cô chết, đó vẫn còn là một câu hỏi. Câu hỏi ấy cứ nện thùm thụp trong đầu tôi. Lẽ ra tôi có thể để mặc cô “thế này” nếu cô muốn vậy. Cô không tin tôi - thế đấy. Không, đâu phải vậy. Đơn giản là, đối với tôi, cô cảm thấy phải chân thành, phải yêu hết lòng, không như đối với gã chủ tiệm tạp hóa kia; và bởi vì cô quá trong sạch, quá trinh trắng, không thể chấp nhận thứ tình yêu mà gã chủ tiệm tạp hóa mong muốn, cô cũng không thể lừa dối tôi. Cô không muốn đánh lừa tôi bằng một nửa tình yêu – lại càng không muốn một phần tư tình yêu – mà làm ra vẻ như đó là tình yêu. Cô quá ngay thẳng - vâng, thật vậy. Nhưng, theo thời gian, tôi có thể nào dần dà gieo vào lòng cô một tình yêu lớn hơn chăng? Nhưng không, đó chỉ là một ý nghĩ điên rồ.

Một lần nữa, tôi vô cùng băn khoăn. Cô có kính trọng tôi không? - vì, tôi không thể xác định được có hay không. Tôi không bao giờ nghĩ mình đã từng bị cô khinh miệt. Nhưng sao trong suốt mùa đông, tôi không bao giờ nhận ra rằng cô coi thường tôi? Tôi cứ đinh ninh về điều ngược lại, mãi đến khi cô quay nhìn tôi với vẻ mặt lạnh lùng và kinh ngạc. Vâng, đặc biệt là vẻ lạnh lùng. Bấy giờ tôi mới đoán là cô khinh thường tôi - tôi mãi mãi dám chắc về điều ấy. À, có lẽ cô sẽ khinh thường tôi, khinh thường tôi suốt đời, nếu cô vẫn còn sống! Mới đây thôi, cô còn đi lại và nói chuyện trong căn phòng này! Tôi không thể hiểu vì sao cô lại nhảy ra ngoài cửa sổ. Làm sao tôi có thể đoán được, thậm chí trong một phút nhất thời nào đó thôi, rằng cô sẽ hành động như vậy?- Tôi vừa gọi Lukeria, Giờ đây, tôi không đời nào để Lukeria ra đi.

Ồ, chắc chắn chúng tôi đã có thể cùng nhau thỏa thuận. Chúng tôi đã quá xa lạ với nhau suốt cả mùa đông, nhưng chẳng lẽ chúng tôi không thể gần gũi lại với nhau được nữa? Sao chúng tôi không thể đến với nhau và lật cuộc sống sang trang? Tôi đã sẵn sàng tha thứ, và cô cũng vậy: đó là điểm chung của chúng tôi. Chỉ cần thêm vài lời, thêm vài ngày - chỉ vậy thôi - là cô có thể hiểu mọi điều!

Đáng nói hơn cả là tôi hổ thẹn vì chuyện đã xảy ra quá đơn giản, quá tàn nhẫn, và hoàn toàn vì sự chậm trễ của tôi. Nỗi hổ thẹn lớn nhất là vậy, tôi đã trễ năm phút để có thể cản cô lại. Nếu tôi về nhà sớm hơn năm phút, cơn khủng hoảng sẽ trôi qua như một áng mây, và ý nghĩ tự tử sẽ không bao giờ nảy ra trong đầu cô. Câu chuyện sẽ kết thúc với sự tỏ tường của cô – về mọi điều. Nhưng bây giờ nơi đây chỉ còn căn phòng trống rỗng - giờ đây, tôi lại một mình. Quả lắc đồng hồ gõ đều nhịp, nhưng giờ đây ai cần nó nữa, chẳng ai để ý nó nữa. Chẳng có ai ở đây, ngoài nỗi sầu.

Tôi cứ đi đi lại lại trong phòng. Vâng, tôi biết, tôi biết – bạn chẳng cần nhắc; tôi biết bạn nghĩ thật khôi hài khi tôi cứ mãi hối tiếc về năm phút chậm trễ ấy. Nhưng ít ra, tôi cũng nên được chứng kiến câu chuyện. Thử nghĩ xem: cô không để lại dòng chữ nào nói rằng “Không ai gây ra cái chết của tôi cả”, như người ta vẫn thường làm. Chẳng lẽ cô không bao giờ nghĩ rằng người ta có thể chất vấn Lukeria, “Lúc đó, chỉ có mình bà với cô ấy. Bà có đẩy cô ấy ra khỏi cửa sổ không”? Vâng, biết đâu Lukeria đã bị kết tội oan nếu không có ít nhất bốn người nhìn thấy (từ cửa sổ các nhà lân cận, và từ dưới sân) vợ tôi đứng ngay khung cửa sổ, với bức tượng trong tay, và rồi tự lao mình xuống. Bốn người ấy chỉ tình cờ đứng đó và nhìn cô. Không, không; chắc đó là cơn bốc đồng của cô – một cơn bốc đồng vô trách nhiệm. Ôi, thật là một bất ngờ không tưởng tượng nổi! Cô cầu nguyện gì khi cô quỳ ở đó, bên chiếc bàn, trước thập giá? Không chắc khi ấy cô đang dự định tìm cái chết. Cơn bốc đồng có thể chỉ kéo dài nhiều nhất là mười phút – chỉ trong lúc cô đứng dựa vào tường, đầu gục vào cánh tay, và mỉm cười. Khi đó, ý nghĩ kia chợt nảy ra trong đầu cô – cô đâm ra choáng váng – và không kháng cự được ý nghĩ đó nữa.

Hoàn toàn là một sự hiểu lầm. Lẽ ra giờ này cô có thể vẫn còn sống với tôi. Nếu cô làm thế chỉ vì cơn choáng váng, chỉ vì sức yếu, thì sao? Mùa đông đã làm cô suy nhược. Vâng, chắc hẳn là vậy.

Nhưng tôi đã quá trễ!!!

Trông cô thật tàn tạ trong cỗ quan tài – tuy những đường nét thanh tú của cô vẫn sắc sảo! Những sợi lông mi nằm phơi mình trên đôi má cô trông như những mũi tên. Trông như cô đã héo hon đến chết. Óc cô không bị bắn ra ngoài, và không chiếc xương nào bị gãy cả. Chỉ có “máu trào từ miệng” – mà lượng máu chỉ vừa đong đầy một muỗng cà phê! Rõ ràng cô bị chấn thương bên trong. Đây là một ý nghĩ kỳ quặc, nhưng nếu tôi không cho người ta chôn cô thì sao nhỉ? Nếu người ta mang cô đi – ôi, điều đó gần như là không thể! Nhưng tôi biết cô phải đi. Tôi không điên, cũng chưa đến nỗi quá chấn động. Ngược lại, trong đời tôi chưa từng bao giờ tỉnh táo như lúc này. Nhưng cứ nghĩ xem, một lần nữa, trong nhà chẳng còn ai, một lần nữa chỉ còn hai căn phòng trống hoác, một lần nữa chỉ còn tôi trong cái cửa tiệm lẻ loi! Ôi, thật đau lòng, thật đau lòng khi nghĩ tôi có thể làm cô đau khổ đến thế!

Luật của các người là gì đối với tôi? Tôi có liên quan gì với những luật lệ, luân lý, đời sống, chính quyền, tôn giáo của các người? Cứ để những thẩm phán của các người phán xét tôi; cứ lôi tôi vào tòa án – trước công lý sáng ngời của các người. Nhưng tôi sẽ tuyên bố rằng tôi không công nhận tất cả những thứ ấy. Thẩm phán có thể hét vào mặt tôi “Hãy im lặng, thưa ông!”. Nhưng tôi sẽ hét lại “Ông lấy quyền gì bắt tôi tuân lệnh? Vì sao một bí mật vu vơ đã phá hủy hết những gì tôi yêu quý nhất? Tôi cần gì đến luật của các ông? Vì thế, tôi đoạn tuyệt với mớ luật lệ ấy!” Ôi, đó chẳng phải vấn đề gì với tôi.

Em thật mù quáng, vợ của tôi ạ - mù quáng! Em chết rồi, và không nghe được lời tôi nói. Em không biết tôi có thể xây một thiên đường thần tiên quanh em thế nào. Thiên đường có trong tim tôi, và tôi cũng có thể vun trồng nó quanh em. Có lẽ em không yêu tôi, nhưng thế thì đã sao? Chúng ta đã có thể cứ “thế này” nếu em muốn vậy – có thể cứ mãi luôn “thế này”. Em có thể chỉ cần nói chuyện với tôi như một người bạn. Nhưng chúng ta vẫn có thể vui vẻ bên nhau, và cười khi nhìn vào mắt nhau. Chúng ta có thể sống như thế mà. Và nếu em yêu một người khác – à, có thể như thế, có thể như thế. Em có thể sánh bước cùng người ta, cười với người ta, và tôi có thể đứng nơi góc phố xa xa nhìn em. Ôi, mọi chuyện đều có thể như thế nếu em mở mắt ra lần nữa! – mở mắt một lát thôi – chỉ một lát thôi! Xin em mở mắt ra nhìn tôi, như mới vừa đây thôi, em đứng trước mặt tôi, và hứa sẽ làm người vợ trung thành! Ôi, và chỉ cần qua cái nhìn đó, em sẽ hiểu ra mọi điều!

Ôi hư không, ôi cuộc sống! Chỉ có con người sống trên địa cầu – và tai ương cũng từ đó mà ra. “Trong cả cánh đồng này có ai còn sống không?” – một vị anh hùng Nga đã gào lên như thế. Tôi là người gào điều đó lúc này đây, chẳng phải vị anh hùng nào cả; nhưng không ai trả lời tôi. Người ta nói rằng mặt trời đem sự sống đến cho vũ trụ. Mặt trời mọc, và người ta trông thấy mặt trời. Nhưng mặt trời có chết không? Mọi thứ đều phải chết, và người chết có ở mọi nơi. Chỉ những người sống ở lại nơi đây, và một nỗi im lặng bao trùm lên họ. Đó là thế giới. “Hỡi nhân loại, hãy yêu thương nhau.” Ai đã nói câu ấy nhỉ? Ai đã ra lệnh như thế? Đồng hồ vẫn gõ, bình thản, lạnh lùng. Đã hai giờ sáng. Đôi giày nhỏ nhắn của cô ở kia bên chiếc giường, như đang chờ cô xỏ chân vào. À, nhưng, sự thật là, ngày mai khi người ta mang cô đi, tôi sẽ ra sao?


(Hết)

Lòng Như Gió
04-02-2012, 07:50 AM
Xong phần dịch truyện, giờ đến phần bình luận. Chỉ bình luận sơ sài thôi (để còn chừa phần cho những người khác cùng tham gia bình luận, nếu có nhã hứng).

Tác giả giới thiệu tác phẩm này là một câu chuyện nhưng không phải câu chuyện (!). Từ đầu chí cuối, nó là một tràng độc thoại của một người đàn ông, đi đi lại lại từ phòng trong ra phòng ngoài và ngược lại (nhà ông vốn chỉ có hai phòng), lảm nhảm những câu hỏi, những câu trả lời (đều là tự hỏi và tự trả lời), những hồi ức về chuyện xa xưa, và cả những lời tường thuật về chuyện mới xảy ra.

Có thể nói, một tràng độc thoại dài lê thê như thế, và lại lung tung chuyện nọ xọ chuyện kia, làm toát lên tâm thần bối rối, cùng những tình cảm phức tạp của nhân vật, đó chính là nét độc đáo trong bút pháp của tác giả: vẫn là kiểu khắc họa tâm lý nhân vật vô cùng kỹ càng. Tác giả không cần đến một lời dẫn truyện nào để ghi rằng nhân vật của mình là người thế này, thế nọ, thế nào cả. Những lời lải nhải độc thoại của nhân vật tự nói lên tâm lý ông ta đang diễn biến thế nào.

Xin nói về vài cái “nhất” mà tôi cảm nhận được trong tác phẩm này.

Trước hết, chi tiết khiến tôi bật cười một cách bất ngờ nhất là câu: “Nằm trên bàn có phải là một sự độc đáo không? A!” Nhân-vật-độc-thoại thốt lên câu này trong hoàn cảnh đang nhìn thấy trước mắt là thi thể vợ mình, hoặc người-mà-ông-cầu-mong-là-vợ-mình, đang nằm dài, để rồi sẽ được liệm bằng những mảnh vải trắng toát, sẽ được đưa vào một huyệt đất sâu. Ông thốt lên câu ấy, kết thúc bằng thán từ “A!”, sau một hồi lảm nhảm chê trách phe phụ nữ là “thiếu tính độc đáo”, chỉ được cái “cao cả” thôi. Lảm nhảm, như một gã điên, về cái mà ông gọi là “chân lý”, dĩ nhiên cũng là một chân lý điên điên! Cái đáng nói ở đây là, ẩn sau sự khôi hài điên điên ấy, là nỗi đau của nhân vật, nỗi đau khi đang loay hoay tìm hiểu vì sao vợ mình tìm đến cái chết, chuyện bắt đầu từ đâu, những nguyên nhân nào gây ra điều ấy, ai là người có lỗi, vân vân…

Chi tiết khiến tôi rưng rưng một cách bất ngờ nhất (vì không ngờ mình cũng “mít ướt” khi đọc truyện như vậy) là chỗ này:

“Có lẽ em không yêu tôi, nhưng thế thì đã sao? Chúng ta đã có thể cứ “thế này” nếu em muốn vậy – có thể cứ mãi luôn “thế này”. Em có thể chỉ cần nói chuyện với tôi như một người bạn. Nhưng chúng ta vẫn có thể vui vẻ bên nhau, và cười khi nhìn vào mắt nhau. Chúng ta có thể sống như thế mà. Và nếu em yêu một người khác – à, có thể như thế, có thể như thế. Em có thể sánh bước cùng người ta, cười với người ta, và tôi có thể đứng nơi góc phố xa xa nhìn em.”

Bản tiếng Anh:
“Perhaps you would not have loved me, but what of that? It might have remained "like this " had you wished it — it might always have remained "like this." You might have spoken to me only as a friend. We should still have been joyous, and have laughed as we gazed into one another's eyes. Thus we would have lived. And if you had loved another — well, it might have been so, it might have been so. You might have walked with him, and have laughed with him, and I would have looked at you from the other side of the street.”

Không biết nói gì hơn, khi một người đàn ông vui vẻ chấp nhận đứng bên lề trái tim của người phụ nữ mình yêu thương, đó là thứ tình yêu đẹp, tình yêu vị tha. Một thứ tình yêu có rất nhiều trong sách vở, phim, truyện, kịch, cải lương, vân vân..., chỉ hiếm thấy ở hai chỗ này: một là, ở đời thật; hai là, ở ngay trong tác phẩm “Người thục nữ” này, từ đoạn đầu cho đến mãi đoạn gần cuối. Mãi đến gần cuối, nhân vật độc thoại mới mềm lòng nói ra những lời rất đỗi vị tha như thế, còn ở phần trên, ông ta vẫn cố tỏ ra cứng rắn và tỏ ra có suy nghĩ như bao người khác, là ngu gì mà không vị kỷ.

Thêm một cái “nhất” nữa mà tôi muốn nhắc đến, đó là nét tính cách mà tôi thích nhất ở ông chủ tiệm cầm đồ này. Tôi thích ông này ở chỗ: những việc tốt (giúp người), ông làm một cách âm thầm, có khi tay trái của ông còn chẳng biết tay phải đã làm thế. Thầm nghĩ, nếu ông này có sống ở thời nay, chắc ông chẳng bao giờ chụp hình các chuyến đi làm từ thiện rồi quăng lên facebook để khoe rằng tôi thương người lắm đấy nhé…

Và, tác phẩm này để lại trong lòng người đọc những dấu chấm hỏi, những miên man suy nghĩ, không chỉ đơn giản vì truyện được kết thúc bằng một dấu chấm hỏi.

Trân
04-02-2012, 12:16 PM
Tôi định xin Dostovesky dừng lại ở đoạn cô bé mười sáu tuổi được cứu ra khỏi địa ngục của hai bà dì không mấy khả kính và nanh vuốt của lão bán hàng mập ú, để “mỗi buổi tối khi tôi đi làm về, cô chạy ùa ra đón và tíu tít kể tôi nghe, bằng giọng liến thoắng của cô (ôi giọng liến thoắng duyên dáng của ngây thơ!) về thời thơ ấu, và thời niên thiếu, và căn nhà nơi cô sinh ra, và cha mẹ cô…”, và sống happily forever.

Nhưng chắc là không được rồi, vì:

“…Dostoevsky’s descriptions of the terrible things of this world are description written at first hand, for he himself had descended into, had dwelt in, the Inferno; not merely as a spectator, but as a captive in, an inmate of, Hell-an outcast who had been forced to rub shoulders with the lost souls who herd there, and to endure their bodily pains and mental sufferings …” ( page IX. Introduction by C.J.Hogarth).

*

Cô bé,cuối cùng, đã tự tử.

Có phải vì cô xoạc chân trượt ngã trong vòng xoáy của cuộc đời ô trọc (có bạn trai, lão Efimovitch đáng ghét; chĩa súng vào đầu chồng….) và đánh mất niềm tin vào chính bản thân mình nên cô đã hành động như thế?

Mà, lúc đầu bản chất của cô đáng yêu biết mấy:

“…mỗi lần cô bé đáng thương này muốn nói một điều gì thâm thúy, bằng nét mặt luôn ngây thơ và thành thật của mình, cô luôn tỏ rõ rằng cô đang tự nhủ “Có khôn ngoan không khi một đứa con gái như mình lại nói những điều thông thái và hay ho như thế?” - và tỏ rõ rằng, không phải cô khoác lác, như nhiều người khác, mà chẳng qua vì cô rất chú ý lời nói của mình, tin tưởng và coi trọng lời nói của mình, và tưởng mọi người khác cũng thế. Ôi, lòng thành thật! Ai mà không bị thuyết phục trước lòng thành thật? Và dường như đó chính là nét duyên dáng đặc biệt của cô!”

“…tôi không thể hiểu làm sao tôi vẫn có thể vui tươi như vẻ hồn nhiên của cô bé khi cô nghiền ngẫm về những lời của Mephistopheles - dù bản thân cô đắm chìm trong nghịch cảnh như thế. Vâng, cô có tuổi thanh xuân. Dạo ấy, tôi nghĩ đến cô với niềm hân hoan và tự hào, vì cô quá thanh cao. Ngay cả bên bờ vực thẳm, những lời tuyệt diệu của Goethe vẫn tỏa sáng lấp lánh xung quanh cô. Tuổi trẻ là một thứ cao đẹp, dù kích thước nó nhỏ nhoi thế nào, hình dáng méo mó ra sao…”

Tôi ra sức biện hộ cho cô. Đổ thừa rằng tại cuộc đời quá tàn nhẫn, khủng khiếp mà chồng cô là một đại diện tiêu biểu nên cô bị tha hóa.

*

Sau khi vẽ lại một bức tranh kinh khủng, hình như Dostoevsky vẫn nhắn nhủ rằng:

“Hỡi nhân loại, hãy yêu thương nhau.”

Hay là ông đang nghi vấn có thực hiện được điều này hay không qua hai câu hỏi. “ Ai đã nói câu ấy nhỉ? Ai đã ra lệnh như thế?”

Nhã Uyên
04-03-2012, 09:42 AM
Rất hoàn chỉnh! Bản dịch của Trân và Gió cho “Người thục-nữ”. NU vừa đọc một lèo trơn tru không bị mắc một chữ nào hết.


Tôi định xin Dostovesky dừng lại ở đoạn cô bé mười sáu tuổi được cứu ra khỏi địa ngục của hai bà dì không mấy khả kính và nanh vuốt của lão bán hàng mập ú,Thì quá sớm.

Dostovesky đã từng nói … muốn có được niềm hạnh phúc lớn nhất thì phải biết nguồn khổ đau tận cùng nhất … hoặc something like that. Nào ngờ ông để người thục-nữ ôm tượng lao ra ngòai cửa sổ tự tử!

Có thể cô gái đã không được mách nước trước rằng, trong truyện của Dostovesky, gặp nhau trong tiệm cầm đồ là một sai lầm, là “tới số”. Càng tới số nếu nhân vật đó chịu làm vợ ông chủ cầm đồ có tính keo kiệt (cả tiền bạc lẫn lời nói), thích kiềm chế vợ, để rồi vô tình dằn vặt tinh thần vợ, đưa vợ đến sự buồn phiền trúng phải chứng bệnh lao! Mà trong truyện của Dostovesky, nhân vật nào trúng lao thì rồi cũng sẽ chết thôi. NU nhớ vậy.

Vài comments cho vui. Hoan hô Trân & LNG đã bỏ công dịch.

Trân
04-03-2012, 06:30 PM
Xin cám ơn Nhã Uyên đã đọc và ủng hộ Gió & Trân nhé. Công của Gió nhiều lắm, Nhã Uyên ạ.




...ông chủ cầm đồ có tính keo kiệt (cả tiền bạc lẫn lời nói), thích kiềm chế vợ, để rồi vô tình dằn vặt tinh thần vợ, đưa vợ đến sự buồn phiền trúng phải chứng bệnh lao!


Ông chồng này "hư thân" quá hả, Nhã Uyên. Mà thôi, T cũng bắt chước Gió: cho ổng chút credit. Phút cuối, ông có thốt lên những lời "rất đỗi vị tha". Cũng như cuộc đời, tuy ô trọc, nhưng vẫn tươi đẹp, há.

“Có lẽ em không yêu tôi, nhưng thế thì đã sao? Chúng ta đã có thể cứ “thế này” nếu em muốn vậy – có thể cứ mãi luôn “thế này”. Em có thể chỉ cần nói chuyện với tôi như một người bạn. Nhưng chúng ta vẫn có thể vui vẻ bên nhau, và cười khi nhìn vào mắt nhau. Chúng ta có thể sống như thế mà. Và nếu em yêu một người khác – à, có thể như thế, có thể như thế. Em có thể sánh bước cùng người ta, cười với người ta, và tôi có thể đứng nơi góc phố xa xa nhìn em."

6Quit
04-04-2012, 11:32 AM
Chào Gió và Trân

Tui chỉ mới đọc có ba chương nên chưa phê bình gì được, nhưng có vài thắc mắc này :

Gió và Trân đã đọc bản dịch của ông Dương Đức Nhự chưa ? Nếu rồi thì những tựa đề cho các chương, (ví dụ Phần II, Chương IV "Tôi đã trễ 5 phút như thế nào") có giống y chang như ông Dương Đức Nhự hay không ?

Riêng bàn về tựa đề, có thể lấy tên "Người Trinh Nữ Thùy Mị", vì theo tự điển thì maiden có nghĩa là phụ nữ trong trắng .... ? nhưng mà cũng không ổn, vì sau đó cô ta lấy chồng, vả lại phụ nữ chưa chồng chưa chắc là phụ nữ trong trắng ... Người Thục Nữ có thể là best choice, nhưng tui thấy lấy tựa đề bản dịch của người khác hơi mất hay, vì nó không còn là bản dịch của riêng mình.

Lòng Như Gió
04-04-2012, 11:49 PM
Cảm ơn Nhã Uyên đã đọc và bình luận.

Bác Sáu, cảm ơn bác đã đọc ba chương và đã cho ý kiến về cách dịch tựa đề.

Em xin trả lời bác như sau.

Em có đọc bản dịch của ông Dương Đức Nhự, nhưng vì sợ bị vô tình ảnh hưởng văn phong của ông ấy, nên em đọc sau khi mình đã dịch xong, không phải là đọc trước khi dịch.

Tựa đề các chương, nếu em nhớ không lầm, thì không hoàn toàn giống, hoặc rất khác, bản dịch của ông Dương.

Riêng về tựa “Người thục nữ”, ban đầu em cũng có suy nghĩ như bác, là nên đặt một tựa khác đi. Và em cũng đã trình bày rằng nghĩ chưa ra (hoặc sẽ chẳng bao giờ ra), nên đã lấy tựa là “Người thục nữ” luôn, vì vài lý do như sau. Thứ nhất, vì muốn tôn trọng tựa đề của bản gốc (ý em nói là em lấy bản tiếng Anh “The Gentle Maiden” của Hogarth làm bản gốc của mình), nên muốn dịch cho thật sát tựa đề. Thứ nhì, vì dịch kiểu khác thì nó sẽ lòi ra thành năm chữ như bác Quít đã thử dịch là “Người Trinh Nữ Thùy Mị”, khó gói gọn vào ba chữ như “Người thục nữ” – mà em thì luôn chuộng lối diễn đạt ít lời nhiều ý. Thứ ba, xét cho cùng, chữ “thục nữ” chả phải phát minh của riêng ông Dương Đức Nhự, mà nó là chữ của chung.

Về nội dung cả bản dịch, em sẽ rất vui nếu bác Quít có công đọc hết cả bản dịch của bọn em lẫn bản dịch của ông Dương Đức Nhự, từ đó bác có thể tự trả lời rằng bản dịch của bọn em có là “riêng” của bọn em không.

Cảm ơn bác.

Nhã Uyên
04-05-2012, 06:43 AM
Hello LNG, Trân, bác 6Quít,

Cho NU xía thêm chút nha! NU nhớ, trước khi đăng truyện, Gió có trình qua lý do lấy tựa đề “Người thục nữ”. Và như LNG nói, chữ “thục nữ” chả là phát minh của riêng ông DĐN… trong Kiều đã có câu,

Cho hay thục nữ chí cao
Phải người tối mận sớm đào như ai

Nhưng rồi bác 6Quít nói làm như vậy mất hay, thì NU tò mò muốn biết tựa đề tiếng Nga của truyện là gì vì NU nghĩ, nếu muốn dịch cái gì cho sát, cho đúng nghĩa hơn, nếu muốn “get technical”, thì mình nên đi tìm cái bản góc của nó mà dò, mà dịch.

Vào Wikipedia thì thấy tựa đề nguyên bản là Кроткая. Bời quá rành tiếng Nga nên NU phải tra tự điển từ tiếng Nga sang tiếng Ăng-lê thì mới hiểu Кроткая có nghĩa meek hoặc gentle. Bởi vậy, ngòai bản dịch "The Gentle Maiden", còn có bản dịch tiếng Anh với tựa đề "The Meek One", "A Gentle Creature", mà suy nghĩ lại, NU thấy sát nghĩa và thâm sâu hơn tựa đề "The Gentle Maiden"của C. J. Hogart.

Meek và gentle dịch sang tiếng Việt ý nghĩa đều sêm sêm là hiền lành, nhu mì, dễ bảo, ngoan ngoãn . Vậy, nếu muốn khỏi bị chê là “cọp dê” và cho sát với cốt truyện, với ý nghĩa của cốt truyện, NU sẽ dịch tựa đề của truyện là “Người nhu mì”. Nhu mì ở đây không không có nghĩa là yếu đuối, nhu nhược mà nhu mì theo nguyên tắc xử thế và tín ngưỡng của một cá nhân trong quan niệm sống khiêm nhường. Theo quan niệm này, có thể hiểu là sống tự hiểu, tự biết giá trí của bản thân mình mà không phải, cùng một lúc, cám thấy mình cao cả. Nó mang theo ý tưởng phục tùng và tính ngoan ngoãn, vâng theo một quyền lực cao hơn, thường là Chúa. Nó làm mờ nhạt tầm mức quan trọng của tất cả các nhu cầu khác của con người và chấp nhận tất cả mọi đau khổ để phấn đấu cho một mục tiêu cao cả hơn.

Người vợ trẻ trong truyện nhu mì theo nghĩa ấy. Và khi lương tâm bị dày vò trong lý tưởng được tự do sống, được yêu thương theo bản năng của mình, người vợ trẻ trong truyện đã chọn cái chết. Tuy cái chết của người vợ trẻ chỉ được diễn tả bằng một đoạn văn ngăn ngủi, nhưng với hai chi tiết là trước khi phóng mình ra khỏi cửa sổ tự tử, người vợ trẻ đã cầu nguyện và ôm theo bức tượng nhỏ, thì NU nghĩ Dostovesky muốn nhắc nhở về mục tiêu cao cả trên.


Ông chồng này "hư thân" quá hả, Nhã Uyên. Mà thôi, T cũng bắt chước Gió: cho ổng chút credit. Phút cuối, ông có thốt lên những lời "rất đỗi vị tha". Cũng như cuộc đời, tuy ô trọc, nhưng vẫn tươi đẹp, há.


Hi Trân. NU thì lại nghĩ hơi khác Trân và Gió ở chỗ này. Rảnh, NU sẽ lảm nhảm thêm. :)

Lòng Như Gió
04-05-2012, 08:01 AM
Cảm ơn Nhã Uyên rất nhiều vì đã bỏ công ra lục tìm tựa đề tiếng Nga cũng như tựa đề các bản dịch tiếng Anh khác. Quan điểm của Gió vẫn là: mình đã chọn bản tiếng Anh nào để dịch, thì nên bám suốt theo bản đó từ tựa đề cho đến dấu chấm hết. Chứ còn tựa đề thì dịch theo bản này, nội dung lại dịch theo bản nọ, vậy là mình không nhất quán và không trung thành và với bản dịch mà mình đã chọn.

Vì vậy, nếu có tiếp tục suy nghĩ cách dịch tựa đề, Gió xin mời Nhã Uyên và mọi người cùng nghĩ cách dịch “The Gentle Maiden”, thay vì xoay qua dịch “The Meek One” hoặc “A Gentle Creature”. Hogarth khi chọn ba chữ “The Gentle Maiden”, chắc chắn phải có lý do. Lý do có thâm sâu hoặc hay ho đến cỡ nào là do người đọc cảm nhận.

Nhân đây, em lại xin nói thêm tí với bác Quít. Trưa nay trả lời bác trong lúc hơi vội, nên em nói cho nhanh là mời bác đọc hết cả bản dịch của bọn em lẫn bản của ông Dương Đức Nhự. Giờ em nghĩ lại, thấy mình cũng kỳ, vì bác đâu chắc rỗi hơi mà đọc nhiều vậy. Thôi thì em xin trích lại vài đoạn ngắn từ bản của bọn em, cùng với đoạn tương ứng từ bản của ông Dương Đức Nhự.

Đây, phần cuối, bản dịch của ông Dương Đức Nhự (bốc lấy phần cuối cho nó nhanh):

Có lẽ em đã không yêu anh, nhưng điều ấy có làm gì? Có thể em vẫn còn “như thế này” nếu em muốn thế, - có thể em vẫn luôn còn “như thế này” nếu em muốn thế. Có lẽ em đã chỉ nói với anh như một người bạn. Nhưng chúng ta vẫn phải vui-sướng với nhau, và phải cười khi nhìn vào mắt nhau. Lẽ ra chúng ta phải sống với nhau như vậy. Và nếu em có yêu một người khác, - vâng, có thể như vậy, có thể như vậy. Em có thể đi với người ta, cười với người ta, và anh sẽ đứng từ bên kia đường mà nhìn em. Ồ, tất-cả có thể như thế nếu em mở mắt ra lại! mở mắt ra một lát thôi, chỉ một lát thôi! Em có thể nhìn chằm-chằm vào anh như chỉ mới cách đây một lát, khi em đứng đây trước mặt anh, thề rằng sẽ là người vợ trung-thành của anh! Ồ, và trong cái nhìn ấy, em sẽ hiểu rõ hết!

Ôi, khoảng trống vắng! Ôi, thiên nhiên! Chỉ có đàn ông ngự-trị trên trái đất, và vì thế trái đất đầy tai-họa. Một lão anh-hùng Nga đã kêu lên: “Trong cả cánh đồng này có người đàn ông nào còn sống không?” Bây giờ chính tôi đang kêu câu đó chứ không phải một anh-hùng; nhưng không ai trả lời tiếng gọi của tôi. Người ta nói là mặt trời mang sự sống đến cho vũ-trụ. Mặt trời mọc và người ta ngắm mặt trời. Nhưng mặt trời có chết không? Cái gì cũng phải chết, và người chết ở khắp nơi. Chỉ loài người ở nơi này, và một sự im-lặng trùm lên họ. Đó là thế-giới. “Loài người, hãy yêu nhau!” Ai nói câu đó? Lời dạy đó của ai? Cái quả lắc tiếp-tục đánh một cách vô-tri, đáng ghét. Đã hai giờ sáng. Đôi ủng nhỏ của nàng ở kia, bên cạnh giường, như đang chờ nàng. À, nhưng thực ra, ngày mai khi nào, người ta sẽ mang nàng đi, và tôi sẽ ra sao?


Và đây, bản dịch của bọn em:

Có lẽ em không yêu tôi, nhưng thế thì đã sao? Chúng ta đã có thể cứ “thế này” nếu em muốn vậy – có thể cứ mãi luôn “thế này”. Em có thể chỉ cần nói chuyện với tôi như một người bạn. Nhưng chúng ta vẫn có thể vui vẻ bên nhau, và cười khi nhìn vào mắt nhau. Chúng ta có thể sống như thế mà. Và nếu em yêu một người khác – à, có thể như thế, có thể như thế. Em có thể sánh bước cùng người ta, cười với người ta, và tôi có thể đứng nơi góc phố xa xa nhìn em. Ôi, mọi chuyện đều có thể như thế nếu em mở mắt ra lần nữa! – mở mắt một lát thôi – chỉ một lát thôi! Xin em mở mắt ra nhìn tôi, như mới vừa đây thôi, em đứng trước mặt tôi, và hứa sẽ làm người vợ trung thành! Ôi, và chỉ cần qua cái nhìn đó, em sẽ hiểu ra mọi điều!

Ôi hư không, ôi cuộc sống! Chỉ có con người sống trên địa cầu – và tai ương cũng từ đó mà ra. “Trong cả cánh đồng này có ai còn sống không?” – một vị anh hùng Nga đã gào lên như thế. Tôi là người gào điều đó lúc này đây, chẳng phải vị anh hùng nào cả; nhưng không ai trả lời tôi. Người ta nói rằng mặt trời đem sự sống đến cho vũ trụ. Mặt trời mọc, và người ta trông thấy mặt trời. Nhưng mặt trời có chết không? Mọi thứ đều phải chết, và người chết có ở mọi nơi. Chỉ những người sống ở lại nơi đây, và một nỗi im lặng bao trùm lên họ. Đó là thế giới. “Hỡi nhân loại, hãy yêu thương nhau.” Ai đã nói câu ấy nhỉ? Ai đã ra lệnh như thế? Đồng hồ vẫn gõ, bình thản, lạnh lùng. Đã hai giờ sáng. Đôi giày nhỏ nhắn của cô ở kia bên chiếc giường, như đang chờ cô xỏ chân vào. À, nhưng, sự thật là, ngày mai khi người ta mang cô đi, tôi sẽ ra sao?


Qua đó, em xin nói rõ luôn quan điểm của em. Em thấy mỗi bản dịch đều có nét rất riêng. Chứ ngồi cong lưng dịch để rồi chẳng ra được cái gì riêng, chỉ ra một bản sao mờ nhạt của tiền nhân, thì chắc em để Trân làm một mình. Đùa chút thôi, chứ nếu thế thì chắc em cũng làm cùng với Trân, nhưng làm xong rồi sẽ chẳng đăng lên đây.

6Quit
04-05-2012, 09:12 AM
Hello Gió & NU, hoan nghênh Gió và Trân đã bỏ thì giờ dịch truyện .


Về vấn đề tựa đề, Gió nói là đọc bản dịch của ông DDN sau khi dịch thì tui tin, và tui nghĩ điều đó nên làm vì khi dịch một câu truyện mà mình chưa đọc hay chưa biết ai đã dịch rồi thì chắc chắn bản dịch của mình sẽ rất "nguyên thủy", tức là không bao giờ giống bản dịch của ai đó, dĩ nhiên là về văn phong và cách dùng chữ, mà theo như Gió ví dụ một đoạn trên thì tui nhận thấy điều đó .


NU, tui thì không rành tiếng Nga, nếu nguyên tác tựa đề tiếng Nga của truyện này chỉ có 1 chữ, nghĩa là meek hay gentle, sao ông C.J Hogart lại thêm "maiden" vào chi cà, vì maiden chỉ một cô gái còn virgin, ổng có thể dùng The gentle lady, or gentle one ....Có thể ổng muốn nhấn mạnh thêm về khía cạnh cao thượng của cô gái này chăng ? Nhưng vô tình làm tui hiểu sai về nhân vật chính (cô gái) ...

Sẽ đọc hết và bình luận về nội dung .

T.B: Gió, tui ít thích bất cứ cái gì của ngoại quốc (truyện, nhạc, thức ăn, tập quán, phụ nữ .....)

Nhã Uyên
04-05-2012, 09:43 AM
Vì vậy, nếu có tiếp tục suy nghĩ cách dịch tựa đề, Gió xin mời Nhã Uyên và mọi người cùng nghĩ cách dịch “The Gentle Maiden”, thay vì xoay qua dịch “The Meek One” hoặc “A Gentle Creature”. Hogarth khi chọn ba chữ “The Gentle Maiden”, chắc chắn phải có lý do. Lý do có thâm sâu hoặc hay ho đến cỡ nào là do người đọc cảm nhận.


Cool. :)

Giờ xin trình bày sao NU nghĩ khác Trân và Gió trong đọan quote trên. Ý NU là Nu không thấy người chồng này “rất đỗi vị tha”. Giá như NU chết đi mà phải nằm đó nghe (nếu có thể) người đã đưa mình đến đường cùng, nghe ổng lý sự em ơi sống lại đi anh sẽ chiều theo ý em, NU sẽ cố sống lại thêm một phút để nhích chân đá ổng một cái hơn là cho ổng chút điểm qua lời lẽ ổng “rất đỗi vị tha” của ổng! :D

Nhưng trước khi cho “chân vào mồm” , Nu xin tóm lược câu truyện cho dễ hiểu chút.

Câu chuyện nói về sự gặp gỡ giữa một cô gái trẻ, và một người chủ tiệm cầm đồ. Cô gái, vì nghèo túng, mang vài món đồ lẩm cẩm vào tiệm của ông chủ cầm đồ, cầm. :) Thấy cô gái trẻ, xinh đẹp, dịu dàng, ông chủ cầm đồ đâm mê và cưới cô. Nhưng hình như ông ta cưới cô không vì yêu thương cô mà vì ông ta muốn huấn luyện cô theo những mong muốn của ông. Ông muốn cô phải nhu mì, phải vâng lệnh, phải phục tùng ông. Rắc rối cho ông là cô gái tuy nhỏ nhẹ, hiền lành, nhưng không dễ “nắn”, dễ uốn vào khuôn, vào “kế họach” của ông. Thế là hai tâm hồn họ lặng lẽ “xa cách” nhau. Cô gái trở nên bướng bỉnh và xấc xược khiến người chồng cảm thấy khó chịu. Rồi cô vợ trẻ có hành động phản bội và người chồng, thay vì bỏ cô, giữ cô ở lại để tiếp tục hành hạ tinh thần cô. Cô trở nên im lặng và bất cần đối với người chồng ... rồi từ từ, rất tình cảm xã hội, người chồng nhận thức rằng thực ra, ông rất yêu cô. Ông chợt hiểu những sai lầm trong việc đối xử và tình cảm của ông với người vợ trẻ. Nhưng khi ông hiểu ra điều này, thì tất cả đã quá muộn.

NU hiểu bấy nhiêu từ truyện và thấy truyện này thật tuyệt vời. Nguyên câu chuyện được kể từ quan điểm của người chồng vì vậy mình không bao giờ thực sự hiểu cô vợ trẻ đã nghĩ gì. Nhưng đây chẳng qua là kiểu viết khắc họa tâm lý típ người đàn ông vào thời ấy của Dostoyevsky . Và giống như hầu hết các tác phẩm của FD, rất kịch tính và buồn, rất buồn.

Giờ xin “tám” chút chơi tại sao Nu nghĩ khác Trân và Gió trong câu quote trên của Trân. :)

NU không hiểu he có hư thân không nhưng trong truyên thì he không rượu chè, trai gái, cờ bạc mà ngược lại, Nu thấy him là người tần tiện và biết lo xa. Trục xuất khỏi trung đòan, he đã chẳng gây dựng lại đời sống bằng cách mở tiệm cầm đồ với số tiền thừa hưởng từ bà mẹ đỡ đầu đó sao? Người hư thân chắc phải khó mà không để quá khứ ám ảnh, đánh bại mình. Nhưng NU nghĩ có thể Trân nói hư thân theo nghĩa là người chồng xấu?

Và trong khi cả Trân và Gió đều rung động khi người chồng nói,

“Có lẽ em không yêu tôi, nhưng thế thì đã sao? Chúng ta đã có thể cứ “thế này” nếu em muốn vậy – có thể cứ mãi luôn “thế này”. Em có thể chỉ cần nói chuyện với tôi như một người bạn. Nhưng chúng ta vẫn có thể vui vẻ bên nhau, và cười khi nhìn vào mắt nhau. Chúng ta có thể sống như thế mà. Và nếu em yêu một người khác – à, có thể như thế, có thể như thế. Em có thể sánh bước cùng người ta, cười với người ta, và tôi có thể đứng nơi góc phố xa xa nhìn em."

Thì NU chỉ thấy thêm … ứa gan với người chồng. :D Không hiểu khi đọc truyện này NU có ăn khoai lang luộc không mà khô vậy. :) Nguyên câu chuyện, NU thấy he mê man kể lể, lý luận về những hành động đã qua, và qua đọan này, NU lại thấy he là một y hệt típ ông chồng “vũ phu”, sau khi đánh vợ, vợ dọa bỏ đi thì năn nỉ, hứa sẽ không “như vậy nữa” với vợ. Dù he có thốt lên những lời "rất đỗi vị tha", NU vẫn không muốn cho him chút điểm tốt nào. Bời vì từ đầu tới cuối câu truyện, he luôn lý lẽ, luôn bào chữa cho thái độ và bản tính ích kỉ, gần tâm thần của him.

Đọc truyện thì NU thấy thái độ ích kỷ dở hơi của him là nguyên do đưa đến cái chết của cô vợ trẻ. Nhưng khi he biết về số phận của cô, thay vì nghĩ rằng mình là người đã gây nên tội lỗi, người chồng thầm hỏi tại sao she chết chứ không phải he là nguyên do trong cái chết của cô. “Tại sao, vì lý do gì cô ấy chết?” He có ngẫm lại rằng he đã không ngăn cản cô kịp, nhưng ý nghĩ he là người có trách nhiệm trong cái chết của cô không hề thóang qua, cho đến phút cuối cùng, khi các lý lẽ dồn he đến kết luận đó. Và ngay khi đó, trong ý nghĩ cuối cùng đó, he cũng chỉ nghĩ về him… “À, nhưng, sự thật là, ngày mai khi người ta mang cô đi, tôi sẽ ra sao?”

Thật mỉa mai.

Nhã Uyên
04-05-2012, 09:49 AM
[QUOTE=6Quit;44000]NU, tui thì không rành tiếng Nga, nếu nguyên tác tựa đề tiếng Nga của truyện này chỉ có 1 chữ, nghĩa là meek hay gentle, sao ông C.J Hogart lại thêm "maiden" vào chi cà, vì maiden chỉ một cô gái còn virgin, ổng có thể dùng The gentle lady, or gentle one ....Có thể ổng muốn nhấn mạnh thêm về khía cạnh cao thượng của cô gái này chăng ? Nhưng vô tình làm tui hiểu sai về nhân vật chính (cô gái) ...

/[QUOTE]

Bác 6Quít ơi. NU cũng không biết tiếng Nga tiểng Ngỗng đâu. Nhưng đọc hết truyện bác 6Quít có thể thấy rằng cô vợ trẻ này trong trắng trong tâm hồn. Thế nên, xin lỗi, spoiler, cô đã tự tử thay sống mà không thành thật 100% với lòng.
Nên Hogard thêm chữ maiden cũng okay, ha?

gun_ho
04-05-2012, 11:05 AM
Típ người ngây thơ vô tội kiểu này nên lấy một anh tu xuất để cùng nhau góp ý nghĩa cho đời thêm đẹp, cùng nắm tay nhau đi vào khó nghèo, chết trong đói khổ và để lại mấy đứa con nheo nhóc làm cu li cho người sai vặt.

Trân
04-05-2012, 11:37 AM
Cám ơn bác 6Quít đã có nhận xét về cách dịch tựa đề. Tụi Trân đợi bác đọc xong và bình luận nhé. Xin cám ơn bác nhiều lắm vì luôn ủng hộ tụi Trân.

Nhã Uyên ơi. "Hư thân" là người chồng xấu ạ. Nhã Uyên này, có khi nào ổng có một quá khứ khó khăn, nghèo túng, bản thân lại chả ra gì (hèn nhát, bị trục xuất ra khỏi quân đội...) nên ông mặc cảm trước cô bé mười sáu tuổi thanh cao, và có những thái độ như thế?

"....tôi sẽ ra sao?" Trân cảm được sự nuối tiếc của ông khi nghe câu hỏi này của ông . Hình như khi mất mát thì người ta mới quý những gì họ có.

Anh Gun_ho. Cô bé mới mười sáu tuổi, tuổi mới lớn, có lẽ (?). Nên cô ngây thơ và lý tưởng chút xíu. Nếu mình đẩy cô từ từ vào đời, hy vọng cô sẽ thực tế hơn, bớt mơ mộng và lý tưởng ?

Hi Gió :-)

Nhã Uyên
04-05-2012, 11:58 AM
"....tôi sẽ ra sao?" Trân cảm được sự nuối tiếc của ông khi nghe câu hỏi này của ông . Hình như khi mất mát thì người ta mới quý những gì họ có.



Trân nói đúng.

Cô chết đi rồi thì còn ai để he bộc lộ he là một người cao cả? :)

Lòng Như Gió
04-05-2012, 11:25 PM
nhưng ý nghĩ he là người có trách nhiệm trong cái chết của cô không hề thóang qua

Lại cám ơn Nhã Uyên lần nữa rất nhiều về những lời phân tích cặn kẽ.

Gió chẳng thấy “ứa gan” tí nào khi đọc mớ tâm tình lảm nhảm của ông chủ tiệm cầm đồ này.

Cái mà mình đã gọi là “rất đỗi vị tha” cũng chính là thứ mà, chỉ đến lúc quá đỗi hối hận, ông ta mới bật nói ra. Những dòng hồi ức và những lời lảm nhảm điên điên của ông ta chứa nhiều những mâu thuẫn, theo mình thấy là chứa cả sự vị kỷ lẫn vị tha. Ông ta có lúc đổ lỗi cho “chỉ mình cô”, nhưng đó cũng chỉ là một phần trong mớ bùng nhùng mâu thuẫn. Gió không nghĩ rằng ông ta không hề thoáng qua ý nghĩ rằng mình có lỗi trong cái chết của cô. Hoàn toàn ngược lại, ông ta có nghĩ về cái lỗi ấy rất rất nhiều, nhưng cũng rất sợ phải đối diện với nó, thế nên ông chỉ mới dám nhìn xéo xéo, không dám nhìn thẳng vào nó. Ví dụ ở những chi tiết sau đây:


"Nhưng người nào trong chúng tôi là nỗi bất hạnh lớn hơn cho cô - lão bán hàng tạp hóa hay gã cầm đồ với những lời của Goethe?"

"Cô sợ tôi - vâng, cô rất sợ tôi. Tôi sẽ không chối cãi hoặc phủ nhận điều ấy như một tên ngốc. Nỗi e sợ hoàn toàn chiếm ngự cô. Cũng hợp lý chứ sao! Chúng tôi đã cư xử xa lạ với nhau suốt một thời gian dài - rồi giờ đây điều này lại xảy ra! Tuy nhiên, tôi chẳng để ý nỗi bất an của cô, vì mọi thứ với tôi như đang chìm ngập trong miền ánh sáng mới. Không nghi ngờ gì nữa, tôi đã phạm sai lầm. Có lẽ tôi phạm sai lầm quá thường xuyên."

"Tôi chưa bao giờ muốn nhìn nhận điều đó, nhưng lại vì nó mà tự dằn vặt mình, và giờ đây lại cưới cô về để làm cô khổ theo."



Chỉ có vài phút nghỉ trưa, nên mình vắn tắt thế thôi nhé.

6Quit
04-06-2012, 07:55 AM
Chào Gió, Trân và NU, dù không thích truyện ngoại quốc lắm nhưng hai cô cứ dịch những gì mình thích, tui hứa sẽ đọc và phê bình để cổ võ hai cô cho đỡ buồn ...


Tóm lược câu chuyện:
Hai thế hệ, hai suy nghĩ khác nhau, nhưng gặp nhau, lấy nhau chớp nhoáng và chưa tìm hiểu kỹ vì hoàn cảnh xã hội. Cô gái 16 tuổi, con nhà đài các, sống trong lý tưởng, nhìn đời toàn màu hồng, cha mẹ mất sớm ở với dì bị bạc đãi tìm chỗ dung thân …. gặp người đàn ông 41 tuổi thực tế, sành đời, vươn lên từ hai bàn tay trắng …
Dĩ nhiên đôi vợ chồng này sẽ có nhiều điểm bất đồng, thêm cô gái bản chất lương thiện, thương người, gặp ông chồng làm nghề “cho vay nặng lãi” … Những ngày đầu gặp nhau, anh là thần tượng, cứu tinh cho tôi, nhưng về sống trong chăn, mới miết chăn có rận, thực tế sao quá phũ phàng, nàng nghĩ rằng anh chẳng bao giờ thật sự yêu tôi mà lấy tôi chỉ vì thương hại …..Riêng suy nghĩ của anh, tôi cứu em thoát khỏi các bà dì và tên cường hào ác bá (ông thương gia), tôi lớn hơn em, tôi sành đời hơn em, tôi làm gì kệ tôi miễn có tiền lo cho em đầy đủ, em là vợ tôi, em nên nghe lời tôi, và em phải giúp tôi xây dựng cơ nghiệp, ăn nên làm ra mới phải, sao lại bất mãn tìm tòi suy nghĩ lung tung ….
(Nhưng nếu một trong hai người biết chấp nhận hoàn cảnh thì đâu còn câu chuyện). Trong quá trình tìm hiểu người chồng, cô gái trẻ bị lung lạc bởi một người bạn của chồng và suýt bị sa ngã, phạm tội tày trời là giết chồng theo tình nhân…..
Người chồng biết được và hai vợ chồng giận nhau một thời gian khá lâu, nhưng khi người chồng chấp nhận tha thứ là lúc người vợ trẻ cũng hiểu là chồng yêu mình với tất cả trái tim và lương tâm nảy sinh những nỗi dày vò, hối hận … Trong một lúc bị dày vò tuyệt vọng, nàng đành tìm cái chết để giải nỗi đau khổ của mình như Thiếu Phụ Nam Xương.

Đọc chuyện này, cái suy nghĩ của tôi là nếu câu chuyện phản ảnh xã hội Nga thì quả là người Nga lúc đó còn coi trọng danh dự vô cùng (kiểu quân tử Tàu ở VN). Một người lính bị sa thải vì một hành động cá nhân nhỏ nhoi (là không đứng lên bênh vực cho danh dự của đội mình), và sống lang thang đầu đường xó chợ một thời gian thì đâu có gì xấu xa để vợ mình phải bỏ mình … Cô vợ trẻ tìm hiểu và biết quá khứ của chồng mình như vậy, nên đã coi thường anh ta, đây quả là một suy nghĩ nông cạn của một cô gái vừa mới lớn …


Nhưng có lẽ cái khác biệt lớn nhất ở đây là bản chất (character) của hai người, cô gái đầy lòng thương người và ông chồng vô cùng thực tế …Đối với cô, ông rất “ác” khi cho vay nặng lãi, nhưng đối với ông đây là qui luật làm ăn trong thương trường, bạn hàng cần tôi trong lúc khẩn cấp thì tôi phải lấy lời cao, cả hai bên đều hiểu và chấp nhận …business is business, nhưng cô vợ trẻ không hiểu điều này nên gia đình sinh ra xào xáo (tôi và nàng thường cãi nhau và tiệm cầm đồ là nghuyên nhân chính) …

Kết luận của tôi trong câu chuyện này là: Những suy nghĩ và nhận xét của một cô gái 16, 17 luôn mang đầy cảm tính và vô cùng nhạy cảm, ông chồng lớn tuổi không chịu hiểu và cứ khăng khăng giữ lấy thái độ của mình cho đến khi quá muộn thì hối hận đã trễ.
Chuyện đơn giản, nhưng các nhà văn Nga luôn tạo những bối cảnh mập mờ khó hiểu, để người đọc suy nghĩ, có lẽ đây cái hay của câu truyện chứ truyện mà đọc đoạn đầu biết kết luận thì chán lắm.


(Lời bàn bên lề: Những người cha nào có sống với con gái qua tuổi “teenager” thì mới hiểu rõ, con gái khác hẳn với con trai, suy nghĩ nhiều theo cảm tính và vô cùng nhạy cảm, con trai thì la mắng xong giận chút xíu nhưng hôm sau quên mất, nhưng con gái mà mình la mắng là sẽ nhớ và giận rất lâu. Con trai nóng lên thì mình la tưới hột sen hết hồi thì thôi, nhưng khi cần dạy bảo, nói chuyện với con gái tôi luôn phải chuẩn bị kỹ càng như trình và bảo vệ luận án, vì nó luôn luôn hỏi: “ Ba, tại sao ba nghĩ như vậy? lý do nào ba nói thằng đó xấu, thằng kia looser …?? ..v.v….” Và tôi phải nói có sách mách có chứng, không thì nó giận và không bao giờ chịu nghe. Có lần năm 18 tuổi, tui la nó vì một chuyện nhỏ, nó giận tui 3 ngày, làm bx tối nào cũng vô dỗ ngọt, năn nỉ vì sợ nó suy nghĩ bá láp rồi tự tử, khổ lắm … ”. Nhưng ai có con gái mới biết là con gái nó có nhiều hành động dễ thương vô cùng đối với ba mà con trai không bao giờ có, cho nên ba hay thương con gái nhiều hơn là vậy ..)

Lòng Như Gió
04-07-2012, 09:29 AM
Cảm ơn bác Quít nhiều lắm về sự cổ vũ này, càng đặc biệt cảm ơn vì bác không thích truyện ngoại quốc mà vẫn cứ đọc rồi rôm rả bàn luận.

Em cũng hơi giống bác Quít ở chỗ, em không thích một số thứ của ngoại quốc nói chung và Tây nói riêng, như món ăn Tây, gái Tây. Tuy nhiên, em rất khác bác ở chỗ, em thích nhiều đàn ông Tây, thích nghe một số loại nhạc Tây, và thích đọc một số truyện ngoại quốc.

Nói riêng về truyện, em thấy nhiều truyện ngoại quốc rất lạ về mặt ý tưởng, đó là điều em thích. Có người nói rằng họ không thích đọc truyện dịch, vì giọng văn của dịch giả không giống tiếng Việt tự nhiên mà nghe cứ lai lai và cứ giống như google dịch thế nào ấy. Tuy vậy, nếu truyện được dịch từ tác phẩm nào có nội dung đi vào lòng mình được, dẫu giọng văn dịch không hay nhưng vẫn chưa đến nỗi làm lu mờ cái nội dung hay ho của truyện, thì em vẫn cứ rất thích đọc truyện dịch.

gun_ho
04-07-2012, 12:26 PM
Tặng hai cô chủ và các độc giả của quán một truyện khác cũng về chủ đề cô gái trẻ lấy chồng lớn tuổi giàu có.

Trong truyện này, một mối quan hệ và tình cảm hoàn toàn khác nhưng không kém sắc bén dưới ngòi bút Alberto Moravia, một nhà văn tôi rất thích.


===============================




Tôi lấy chồng năm mười tám tuổi. Chồng tôi sáu mươi, nhưng đúng là một người mà mẹ tôi hằng mong ước cho tôi từ khi tôi còn chưa lọt lòng mẹ: một người giàu. Song, hình thức bên ngoài của ông hoàn toàn không phải như thường thấy ở những người chiếm hữu những gia sản kếch sù: không thô thiển, cục súc hoặc đầu hói, bụng to. Thậm chí trái lại. Dưới mái tóc trắng óng ánh bạc là một khuôn mặt hồng hào, trìu mến và niềm nở. Nhưng điểm đáng chú ý nhất của ông là đôi mắt: đôi mắt đen, ánh mắt tắt lịm, không biểu hiện một tí tình cảm nào cả. Cái nhìn của ông bất động một cách lạ lùng, nhất là khi ông chú ý nhìn một cái gì đó (hoặc ai đó) khiến ông đặc biệt thích thú. Thay cho con ngươi là đôi kính hiển vi mà những người thợ kim hoàn thường đeo lên mắt để nhìn vàng bạc và các loại đá quý. Trong sâu thẳm của đôi con ngươi ấy không bao giờ biểu lộ sự không biết, nỗi ngạc nhiên, sự thán phục hay trí tò mò, mà bao giờ cũng chỉ là sự xét đoán không nhầm lẫn về giá trị của vật này hay vật khác hoặc (tại sao lại không kia chứ?) của một con người, về giá trị được biểu hiện trước hết bằng tiền hoặc dưới hình thức khác được chuyển thành các dạng tiền.


Và lạ lùng thay, tôi đã nghĩ về điều đó không phải sau khi cưới (chẳng hạn khi hai vợ chồng thường hay đi các cửa hiệu vàng bạc và đồ cổ), mà trước khi ông xin cưới, trong thời gian ông còn đang tán tỉnh tôi. Mà săn sóc phụ nữ thì ông là người rất tận tình, ít nhất là căn cứ vào những cử chỉ bề ngoài. Nhưng nghĩ kỹ thì sự nhiệt tình đó có hơi trơ trẽn, ít nhất là xét từ góc độ của một người phụ nữ không muốn bị người ta xem như là một bình sứ cổ Trung Quốc hoặc bức tượng nhỏ của bộ lạc Maya. Song đối với tôi, một cô gái trẻ, chưa từng trải, thì sự trơ trẽn đó lại làm tôi thích thú, có tác dụng vuốt ve dây thần kinh, cho nên rốt cuộc tôi đã phải lòng ông ta.


Ông ngồi trong căn phòng tiếp khách nghèo nàn và tù túng của gia đình tôi (tôi với mẹ tôi ở một căn hộ hai phòng và sống rất eo hẹp), hầu như không hề nói năng gì cả, chỉ nhìn tôi. Sau này, khi chúng tôi đã cưới nhau rồi, tôi nhận thấy rằng ông ta nhìn các vật trưng bày ở cửa hàng cũng đúng y như thế.


Phải nói rằng tôi là một cô gái rất xinh. Nhưng căn cứ và cái nhìn của ông, vẻ đẹp của tôi hoàn toàn không hề gây ra ở ông một sự hồi hộp, bối rối nào cả, cũng không hề làm mê mẫn như đối với những người đàn ông khác. Cách thể hiện của ông là của một người biết rằng nếu muốn, anh ta có thể mua ngay đồ vật ấy và anh ta hiện đang xem xét nó chỉ là để xác định đúng giá của nó hiện nay là bao nhiêu và sau này nó có thể đem lại những ích lợi gì.


Cuối cùng chúng tôi cưới nhau. Chồng tôi yêu tôi và tôi cũng yêu chồng. Trong suốt hai năm, cuộc hôn nhân của chúng tôi có thể nói là hạnh phúc. Nhưng cần phải nói rõ tình yêu đó là gì và hạnh phúc đó ra làm sao. Tôi sẽ cố gắng giải thích bằng chính ngay thí dụ đó (tôi muốn nói cặp mắt của chồng). Chính mắt, chứ không phải các giác quan khác, làm sợi dây nối liền ông với thực tế, nói đúng hơn là với những đồ vật mà ông liên tục mua sắm. Mắt ông thiết lập mối liên hệ đó, củng cố nó và cuối cùng cắt đứt nó. Mối liên hệ đó thường trải qua hai giai đoạn: giai đoạn đánh giá và giai đoạn thưởng thức vật mua về. Giai đoạn đầu diễn ra trước mặt người bán, trong cửa hàng. Chồng tôi ngắm nghía rất lâu vật định mua, đứng xem không sờ mó, hoặc giả cầm lên, lăn đi lăn lại trên tay để xem cho rõ bằng hai con mắt cú mèo –toàn bộ xúc cảm của ông tập trung ở thị giác chứ không phải ở xúc giác. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn thưởng thức vật mua diễn ra ở nhà, trong phòng làm việc của ông. Đấy là một phòng rộng với một cái bàn lớn cùng nhiều cái giá đóng trên tường để đặt những đồ vật ông mới mua được. Khi mà chúng vẫn còn ở trong phòng, thì có nghĩa là ông vẫn còn đang ngắm nghía, thưởng thức chúng. Ông thưởng thức chúng như thế nào? Như một con quỷ hút máu, bằng cặp mắt mà ánh mắt đã tắt với cái nhìn bất động, ông “hút” đồ vật như hút lòng đỏ lòng trắng trứng từ cái lỗ nhỏ của quả trứng. Quả trứng đã bị hút hết trông vẫn tưởng như còn nguyên nhưng kỳ thực rỗng ruột và bị vứt ra sọt rác. Chồng tôi sau khi đã “hút” xong đồ vật dĩ nhiên là không vứt đi (còn chưa đến mức độ đó); vật ấy chỉ đơn giản là biến mất khỏi phòng làm việc. Tôi nhớ hồi trước ông có một bình sứ Hy Lạp rất đẹp trang trí những hình người màu đen trên nền đỏ. Cái bình đặt mãi ở trong phòng, rồi biến mất. Một thời gian sau, tôi tìm thấy nó ở trong một cái bọc.


Tình yêu của chồng đối với tôi cũng hoàn toàn giống như sự say ngắm đồ vật của ông. Ông nhìn ngắm tôi không hề biết chán, lúc nào cũng nhìn suốt: trong khi ăn, trong khi ngủ, ở nhà bạn bè, ở tiệm ăn, trong nhà hát, ngoài vườn, ngoài bãi biển, trên núi, giữa đám đông ngoài phố cũng như khi ngoài chúng tôi ra không có một ai…Chính là trong cái nhìn không dứt, không còn là cái nhìn mang tính chất đánh giá lạnh lùng nữa mà là cái nhìn say sưa không biết chán đó, chứa đựng tình yêu của ông. Còn về phần tôi, tôi rất gắn bó với ông. Có lẽ tôi cảm thấy đối với ông một thứ tình cảm giống như những đồ vật vô tri vô giác cảm thấy đối với ông chủ báu vật của chúng nếu như chúng có tình cảm: đó vừa là một thứ tình cảm biết ơn, vừa là mong muốn khoe sắc đẹp, vừa là sự công nhận uy thế tuyệt đối của ông ta.


Thế rồi bỗng dưng, vô duyên cớ, chồng tôi không yêu tôi nữa, hoàn toàn không nhìn tôi nữa. Chúng tôi vẫn sống như trước, nhưng ông dường như gạt tôi ra khỏi tầm mắt mình như gạt ra khỏi phòng làm việc những đồ vật mà ông đã ngắm nghía thỏa thê. Sự thật thì sự gắn bó giữa ông với tôi trong khi ấy vẫn không hề giảm đi, mà trái lại, có phần tăng lên. Cảm giác sở hữu đã mất đi. Ông bắt đầu đối với tôi như đối với một người phụ nữ gắn bó với mình bởi một sự gần gũi lâu ngày. Nói một cách ngắn gọn, tôi thôi không còn là một đồ vật đối với ông nữa, mà trở thành một con người. Người phụ nữ khác ở địa vị tôi hẳn đã lấy làm mừng, cho rằng bước chuyển đó là theo hướng tốt, rằng nó chứng tỏ mối quan hệ vợ chồng như vậy là được củng cố. Nhưng tôi thì đau khổ đến chết đi được, không biết làm thế nào. Tôi cảm thấy mình bị “thương hại”, rằng vị trí của tôi đã bị lung lay, và tôi không còn là tôi trước nữa. Vâng, vâng, đúng thế, tôi lấy làm tiếc cái thời mà tôi chỉ là một đồ vật quý, xinh đẹp được người ta mua về ngắm nghía cùng với những đồ vật khác, và thấy đáng ghét làm sao địa vị của người phụ nữ được người ta đối xử bằng những tình cảm kính cẩn và dịu dàng bình thường của con người.


Một năm sau khi diễn ra sự hóa thân -từ đồ vật thành con người- ấy là tôi, thì chồng tôi chết. Như vậy là tôi với ông đã sống với nhau ba năm, nhưng trong đó như “người chủ với đồ vật” chỉ có hai năm. Tôi bỗng nhiên đơn chiếc, trở thành người chủ của một tài sản kếch sù và –than ôi!- hơn bao giờ hết cảm thấy mình là một phụ nữ, một nhân cách, một con người.


Tôi sẽ không kể với các bạn tôi đã sống những năm từ đấy đến đây như thế nào. Hãy giở bất kỳ quyển họa báo thời trang nào, đọc qua mục phóng sự đời sống thượng lưu, bạn sẽ có ngay một khái niệm đầy đủ về tôi, về sinh hoạt của tôi, được minh họa tỉ mỉ bằng những bức ảnh kèm theo: đây là tôi đang trượt tuyết ở núi Cortina, kia là tôi đang tắm nắng ở bãi tắm bên hồ Liđô, đi săn ở Kênia, câu cá ở biển miền Nam, vui chơi trong đêm hội thời trang ở Niu Yooc, đánh “gôn” ở Kent, xem đấu bò tót ở Mađrit, còn đây tôi là một tay máu mê cờ bạc tại cái sòng bạc ở Miami, là khách du lịch đang tham quan khu khai quật ở Pecxêpôn, vân vân và vân vân. Các bạn hẳn đã thấy cảnh tôi vô số lần và có thể còn ghen tị với tôi nữa là khác, dù rằng chẳng có gì đáng ghen tị cả: vì tôi vẫn không thể nào tìm được một người yêu tôi như tôi muốn, bằng một tình yêu mà chông tôi đã làm cho tôi quen với nó. Với một ý nghĩa nào đó, tôi đã bị chấn thương suốt đời. Người ta bảo chính những quan hệ tình dục đồi bại hoặc quá sớm thường làm cho con người bị chấn thương như thế. Nói tóm lại, tôi cần người ta phải đánh giá, mua và sử dụng một đồ vật hiếm hoi, quý giá. Các phương án khác của tình yêu đều không làm tôi vừa lòng.


Tiếc rằng giờ đây đối với tôi tình hình phức tạp hơn nhiều so với cái ngày hai mẹ con sống trong một căn hộ hai phòng và những người muốn đến “đánh giá, mua và sử dụng” cứ nườm nượp. Nhờ chồng, tôi đã chuyển thứ bậc sang loại người tự mình có đủ khả năng mua tất cả những gì mình muốn, nhưng trở thành vật sở hữu của ai đó thì không trở thành được nữa rồi…Ai dám cho phép mình làm một việc sa hoa dường ấy, “mua” tôi? Tôi hiểu rất rõ rằng cái nhìn mà ngày nào đã khiến tôi rùng mình phát sợ, vì nó cân nhắc một cách lạnh lùng những giá trị của tôi, cái nhìn đã buộc tôi phải yêu khi tôi còn là một cô gái nghèo, cái nhìn ấy bây giờ chỉ người nào có đủ sức không chỉ sở hữu tôi mà sở hữu cả toàn bộ gia tài không kể xiết này mới có được. Nói cách khác, người ấy lại còn phải muốn sở hữu tôi nữa chứ! Có nghĩa là những xác xuất của tôi bị giảm đi rất nhiều, nếu không phải nói chung chỉ còn là số không.


Tôi sẽ làm thế nào đây? Không biết.


Để chứng minh cho những lời tôi vừa nói, tôi xin kể lại vắn tắt một câu chuyện, về việc suýt nữa tôi có một thiên tình sử với một anh chàng trí thức trẻ mà tôi gặp cách đây ít lâu ở nhà những người bạn quen chung của cả hai chúng tôi. Trí tuệ sắc sảo của anh ta, tính nghiêm túc lạ thường, thậm chí hơi quá mức của anh ta, và điều chủ yếu là cái cách nhận xét rất mới của anh về sự việc và con người rất thu hút sự chú ý của tôi. Tôi với anh bắt đầu gặp gỡ nhau ngày càng thường xuyên hơn. Thường thường, tôi hẹn anh ta ở một quảng trường nào đó, anh ta đứng đợi tôi, tôi đi xe đến đón anh ta đi ra ngoại ô, có khi đi rất xa. Chúng tôi nói chuyện với nhau. Chúng tôi không làm gì khác ngoài việc nói chuyện với nhau. Đúng hơn là anh ta nói còn tôi nghe. Anh hay nói và nói rất hùng biện, đến nỗi đôi lúc tôi tự nghĩ: nếu lời nói mà đánh giá được trọng lượng bằng vàng thì chắc chắn anh ta có thể mua nổi tôi rồi! Nhưng than ôi, anh thanh niên trí thức của tôi lại rất nghèo. Kết quả tất nhiên là anh ta đâm yêu tôi. Tôi –trong những trường hợp như thế- hiểu ngay ra điều đó căn cứ cách anh ta nhìn tôi. Nhưng cái nhìn của anh, cái nhìn nồng cháy bình thường của một kẻ đang yêu gặp phải con người tôi lạnh lẽo. Tôi cần phải thấy được trong cái nhìn của người đàn ông thể hiện sự đánh giá lạnh lùng, chính xác những giá trị của tôi, mà một cái nhìn như vậy chỉ có thể có được nếu được cổ vũ bởi một sự giàu có ghê gớm đủ sức nuốt được một cách dễ dàng cả cái vốn tài sản đồ sộ của tôi. Nói giả dụ, nếu tôi đáng giá năm tỉ, thì cái nhìn ấy phải có một sức mạnh ít nhất là ngang bằng với năm mươi tỉ. Cần nói thêm là tỉ lệ giữa sự nghèo nàn của tôi và sự giàu có của chồng tôi ban đầu lớn hơn thế nhiều.


Do đó, khi anh người yêu trí thức của tôi làm một bước đầu tiên nhích lại gần tôi, không đắn đo gì cả tôi liền gạt ngay đi:


- Không, không, tôi xin anh, chúng ta chỉ có thể là bạn với nhau thôi! Anh quá nghèo để có thể trở thành tình nhân của tôi.


Việc đó xảy ra ở ngoại ô, xa thành phố. Anh ta không nói một lời, ra khỏi xe, đi bộ theo đường cái. Tôi cũng không gọi anh ta nữa. Sức mạnh của cái nhìn của anh khi anh ta định hôn tôi tính ra (than ôi!) không phải là năm mươi tỉ, mà là một số đồng bạc ít ỏi hàng tháng anh ta nhận được của cha. Thực ra tôi có thể làm với anh ta cái điều mà ngày xưa chồng tôi đã làm với tôi: tức là đánh giá anh ta để mua và sử dụng. Trên thực tế, từ này vốn tài sản của tôi có thể cho phép tôi đóng vai trò đó được. Nhưng, như tôi đã nói, cuộc hôn nhân đầu tiên đã làm chấn thương tôi rồi. Sợ rằng số phận tôi là làm một đồ vật suốt đời đi tìm chủ nhân mà không thấy.






Alberto Moravia.


Trịnh Đinh Hùng và Hoàng Hải dịch sang tiếng Việt.

Trân
04-07-2012, 10:02 PM
Xin cám ơn bác 6Quít về những lời bình luận sâu sắc và cả lời bàn bên lề. T chỉ có một con trai, không có con gái. Nhưng vẫn nhớ lời chia sẻ của bác về cách dạy dỗ con gái, để mai mốt dạy.... cháu nội gái, nếu có. (le lưỡi)

Trân
04-07-2012, 10:27 PM
Tặng hai cô chủ và các độc giả của quán một truyện khác cũng về chủ đề cô gái trẻ lấy chồng lớn tuổi giàu có.

===============================

Nhưng, như tôi đã nói, cuộc hôn nhân đầu tiên đã làm chấn thương tôi rồi. Sợ rằng số phận tôi là làm một đồ vật suốt đời đi tìm chủ nhân mà không thấy.



Chào anh Gun_ho. Xin cám ơn anh đã tặng truyện ngắn đặc sắc cho tụi Trân. Truyện buồn quá, anh ạ.

Ah, Trân cũng vừa đọc xong the razor edge của W.Somerset Maugham (mà anh viết bên Phố 3). Cuộc sống của Larry Darrell nhẹ nhàng và ý nghĩa quá. Có lẽ đã quá trễ cho bản thân T thay đổi. Nhưng nếu sau này C. (con trai) muốn sống cuộc sống của Larry D., thì không biết T có can đảm để C. đi theo hướng đó không?

Triển
04-07-2012, 10:46 PM
Nhưng ai có con gái mới biết là con gái nó có nhiều hành động dễ thương vô cùng đối với ba mà con trai không bao giờ có, cho nên ba hay thương con gái nhiều hơn là vậy ..)
Đây có đến hai mạng đây anh 6. Có điều rằng có con gái hơi mệt vì hay ngại chúng nó bị thiệt.
Hồi chúng nó dưới 18, mỗi khi chúng đi chơi khuya là phải làm tài xế. Thương con thì cứ đậu mút
chỉ cà na ngoài xa xa rồi bảo chúng nó cứ chơi hết ga, đã có ba làm anh hùng đậu xe chờ chở về.
Làm ông già anh hùng không phải dễ, bởi con nít thật thà, cho nó chơi là nó chơi lút cáng, thế là
ông già ngủ ngoài xe đến khuya lắc khuya lơ khi bọn trẻ chịu về. Có lần còn bị cảnh sát hỏi thăm
sức khỏe, dựng đầu dậy bảo thổi bong bóng.

Đấy, có con gái dễ thương và dễ mệt ! :) j/k

hoài vọng
04-08-2012, 01:06 AM
Nghe anh 5 kể thấy ....tội nghiệp cho ông bố quá ....thôi ráng thêm một chút đi anh 5 ! Mơi mốt ...nó có em bé nó mới nhớ đến ông , bà wại chứ !

Triển
04-08-2012, 01:49 AM
Các vị cha mẹ trẻ ngày nay xài tiền vung vít vào con cái rồi dùng từ hoa mỹ là đầu tư.
Tôi thì thấy đầu tư phải mang lại lợi nhuận mới gọi là đầu tư, chứ như tôi thua lỗ gần
chết. Chuyện kể rằng có hôm bạn nhậu gọi, từ chối hoài cũng kỳ rứa nên nhận. Lúc
gần đi thì người tình bảo thôi tôi đi mình ên đi, lười đi theo chở về quá. Lúc đó bí thế
bấm số gọi con gái nhờ vả. Chúng nó bảo thôi già rồi bớt được cái gì tai hại thì bớt đi.
Cốt ý cũng chỉ là lười chở giùm ông già tía đi nhậu và rước về. Đi nhậu mà lái xe thì
làm sao nhậu. Thế mới nói mất bạn vì vợ con là rứa đó anh thấy chưa. Đầu tư thời
gian ngủ ngoài xe hồi nẳm là sai cho nên bây giờ bi suy trầm lúc có độ nhậu. Nói chuyện
làm ông wại chi rồi nhận huân chương anh dũng bội tin cho lớn lao anh Hoài thấy
không. Nhờ có chở đi nhậu cũng chẳng được.
Có ai đứng ngoài đọc xong, chê ngốc bảo sao không đi taxi. Xin trả lời rằng đi nhậu mà
đi taxi mất hứng hết ráo. :))

hoài vọng
04-08-2012, 09:36 PM
Còn tôi đi nhậu chỉ muốn đi mình ên thôi , nhắm trận chiến dữ dằn thì về bằng xe...dân biểu...có lần cùng người bạn đi xe buýt xuống Long An ăn thôi nôi đứa cháu của chiến hữu , khi về tới đầu ngõ ...cả làng ra xem....có về đúng nhà hay không ?

Trân
04-10-2012, 11:38 AM
Chào bác Hoài Vọng và anh Triển http://mientaongo.net/diendan/public/style_emoticons/default/tea.gif.

Trân
04-10-2012, 11:45 AM
1.

Người đàn ông bình tĩnh trước họng súng vô tình của vợ, chấp nhận cái chết vì ông cảm thấy “đời tôi còn nghĩa lý gì khi cô vợ yêu quý chĩa súng vào tôi?”


2.

Hình như, ngay từ những ngày đầu mới gặp cô bé mười sáu tuổi thanh cao, ông đã mặc cảm nặng nề. Một ông chủ tiệm cầm đồ giàu có lại bị nỗi tự ti dày vò trước cô nhỏ nghèo nàn phải đi cầm cố “mớ giẻ còn lại từ tấm thảm cũ bằng da thỏ rừng”?

Khi nhắc đến “Faust” và ác quỷ Mephistopheles với cô, chứng tỏ ông có kiến thức, và mặc dầu cô ngập ngừng không biết tác phẩm văn học đó của Johann Wolfgang von Goethe , người đàn ông vẫn không đủ tự tin vào bản thân mình.

“Thế nghĩa là cô chưa đọc. Cô nên đọc . Tôi thấy trên môi cô có nụ cười khinh miệt. Đừng cho rằng thị hiếu của tôi kém cỏi đến nỗi phải tìm cách tự giới thiệu mình là Mephistopheles để làm tấm áo khoác lên cái nghề cầm đồ. Một chủ tiệm cầm đồ mãi cũng chỉ là chủ tiệm cầm đồ thôi. Mọi người đều biết thế.”

Và, ông “bắt nọn” được sự khinh thường của cô qua câu trả lời “Ông lạ lùng lắm! Tôi chẳng hề nghĩ như vậy”: Ý cô ấy, dĩ nhiên, là “Tôi chưa hề nghĩ ông là người có học thức.”

Lạ chưa? Một ông chủ nợ, nhiều tiền bạc bốn mươi mốt tuổi, lại… như vậy?

Có lẽ, tại ông choáng váng trước ấn tượng đầu tiên mà cô bé đã khắc sâu trong tâm trí của ông: cô nhìn rất trẻ, chỉ độ mười bốn tuổi, nhưng đã lồ lộ vẻ thanh cao. Dù nghèo túng, cô không hề nài nỉ xin ông trả thêm tiền cho những báu vật của cô như những người khác. Khi ông đề nghị trả mười rouble cho bức tượng trong khi nó chỉ đáng giá sáu rouble, thì cô cương quyết từ chối, chỉ lấy đúng năm rouble.

Ấn tượng ấy, cộng với xuất thân nghèo nàn và bản thân có chút lỗi lầm (không can đảm bảo vệ danh dự cho đồng đội), có thể đã làm người đàn ông trở thành: Tôi, “người đàn ông cao cả nhất”, lại không tin chính mình.

*
Sau này, khi biết được nghịch cảnh của cô, ông bỗng trở nên khoan khoái, sảng khoái suốt cả ngày vì nghĩ rằng: cô thuộc về tôi, và không nghi ngờ gì về quyền lực của mình.

Thậm chí, ông còn tự mãn ngạo mạn tự cho địa vị của mình cao hơn cô, thuộc giai cấp quý tộc. Bố cô có cao sang thì cũng chỉ là nhờ chức vụ.

“…Có thể kể vắn tắt những gì tôi biết về cô như thế này. Bố mẹ cô qua đời đã ba năm nay, để cô lại cho hai người dì không khả kính lắm trông nom. Có lẽ không đúng nếu nói rằng họ tuyệt đối xấu xa, vì một người là góa phụ với sáu đứa con, còn người kia là một bà gái già khó chịu. Cả hai bà rất nhếch nhác. Bố cô là viên chức ngành dân chính - một người chỉ cao sang nhờ chức vụ. Vì vậy, mọi thứ đều thuận lợi cho tôi. Tôi có địa vị xã hội cao hơn cô, vì tôi là một sĩ quan giải ngũ, từng phục vụ trong một trung đoàn nổi tiếng, dòng dõi vọng tộc, và có những phương tiện sống độc lập…”

Rồi, ông cưới được cô, cưới cả được sự bám víu, phó thác do lòng cảm mến của cô đối với ông. “ Mỗi buổi tối khi ông đi làm về, cô chạy ùa ra đón và tíu tít kể ông nghe bằng giọng liến thoắng của cô (ôi giọng liến thoắng duyên dáng của ngây thơ!) về thời thơ ấu, và thời niên thiếu, và căn nhà nơi cô sinh ra, và cha mẹ cô.”

Sao ông lại giội gáo nước lạnh vào niềm hạnh phúc của mình? Thờ ơ hững hờ nhưng dịu dàng trước cảm xúc dạt dào của cô vơ trẻ xinh đẹp? Tôi thật chẳng hiểu nỗi! Và lại phải lọ mọ dò từng dòng chữ để cố hiểu cho bằng được tính cách của gã đàn ông khó hiểu này (À, chính ông tự thú nhận, rằng ông cũng phải cố hết sức để hiểu bản thân mình nữa mà? )

Trở lại lúc ông đứng trước cửa nhà cô bé , lải nhải lời cầu hôn lạ lùng: tự nhận mình là một người xấu, có nhiều điều rất khó ưa, chả ra làm sao cả, là người keo kiệt: không mua cho vợ xiêm y lộng lẫy, không dẫn vợ đi hí viện dạ vũ.

“…Tôi nói thẳng với cô, không hề ngượng ngập, rằng tôi không thông minh cho lắm, không uyên bác gì lắm, và (có lẽ) không tốt lành gì lắm; rằng tôi chỉ là loại người ích kỷ chả ra làm sao cả (tôi nhớ lối nói ấy rất rõ, vì cái ý ấy bất chợt nảy ra trong đầu tôi, và tôi rất hài lòng về nó); rằng có thể trong con người tôi có rất, rất nhiều thứ khó ưa về những mặt khác. Tôi nói tất cả những điều này với một giọng kiêu hãnh kỳ lạ - ai cũng biết người ta nói những điều như thế ra sao. Dĩ nhiên, tôi đủ khéo léo để không phóng đại những đức tính tốt của mình sau khi để lộ tính xấu ra. Tôi đủ khéo léo để tự ngăn mình ba hoa rằng: “Thưa quý cô, mặt khác tôi là người thế này, thế kia...” Tôi nhận ra rằng cô rất căng thẳng vì tôi, nhưng tôi không khoe mẽ điều gì, mà thậm chí còn nói bạo hơn khi thấy cô bối rối. Tôi nói thẳng rằng, sống với tôi, cô sẽ thấy buồn tẻ, sẽ không có xiêm y lộng lẫy, không có hí viện hay dạ vũ, nếu tôi chưa kiếm đủ tiền. Tôi rất thích lối nói chuyện thẳng thừng này. Tôi cũng nói rằng (dù tôi chỉ lướt nhẹ qua điểm này thôi), lý do tôi làm nghề cầm đồ là vì tôi có một mục đích đặc biệt, một động cơ đặc biệt…”

Tàn nhẫn nhất là ông đã trắng trợn tột bật khi nói với cô rằng “tôi là người có lợi, không phải cô”. Và, cô bé phải thoáng nhăn mặt khi nghe những điều ấy. Cái “thoáng nhăn mặt” đó làm lòng tôi quặn lên một nỗi đau thắt ruột.

*
Mặc cảm và tự ti. Tự mãn và kiêu hãnh. Trắng trợn và tàn nhẫn. Có phải ông có những tính cách ấy chỉ vì ông bất mãn trước sự thanh cao, ngây thơ và lý tưởng của cô bé? Và ông tặng cho cô bé hàng loạt những danh từ khó nghe: không đáng một đồng xu, chỉ nhìn người khác lao động, sự cao quý rẻ mạt…

“…Tôi đã nói toạc ra, không chút hối hận (tôi nhấn mạnh nhé, không chút hối hận), rằng sự cao quý của tuổi thanh xuân rất đẹp, nhưng - nó không đáng bằng một xu. Tại sao nó không đáng một xu? Vì ta dễ dàng đạt được nó, vì ta không cần phải sống để giành được nó, vì để có những cái-gọi-là “những ấn tượng đầu đời” ta chỉ đơn thuần nhìn những người khác lao động. Sự cao quý rẻ mạt luôn ở trong tầm với, và cũng là một cách đầu hàng cuộc sống, vì ở tuổi đó, bầu nhiệt huyết sôi sùng sục, người ta ao ước sức mạnh vô biên và vẻ đẹp bất diệt…”

Rồi, ông tự thương ông: “À, chẳng ai biết đâu, tôi đã bất hạnh như thế nào khi bị mọi người hất hủi, hất hủi và lãng quên!”. Để có được địa vị ngày hôm nay, ông phải vùng vẫy chiến đấu như thế này:

“…Không, hãy cho tôi thấy sự cao quý kín đáo, lặng lẽ, và không hào nhoáng - một sự cao quý không cần người khác thêu dệt - sự cao quý đòi hỏi hy sinh, nhưng chẳng có chút vinh quang. Hãy kể tôi nghe một hành động đã đưa bạn - một người đạo đức - trở thành một kẻ tội lỗi trong thế giới này, trong khi bạn là người khả kính nhất trên hành tinh. Nào! Hãy lập công đi, bằng không hãy rút khỏi cuộc chiến đấu này! Tôi, tôi - ôi, cả đời đã vùng vẫy trong cuộc chiến đấu như thế….”


3.

Ông rất yêu vợ. Trước họng súng lạnh lùng, ông không kháng cự. Vì, sống làm gì nữa khi người ông yêu thương nhất lại muốn giết ông? Cả một mùa đông sau đó, tất cả những gì ông làm chỉ để chiếm được trái tim của người thục nữ.

Ông đã thất bại. Phút cuối, ông cay đắng nhận ra rằng:

“…Một lần nữa, tôi vô cùng băn khoăn. Cô có kính trọng tôi không? - vì, tôi không thể xác định được có hay không. Tôi không bao giờ nghĩ mình đã từng bị cô khinh miệt. Nhưng sao trong suốt mùa đông, tôi không bao giờ nhận ra rằng cô coi thường tôi? Tôi cứ đinh ninh về điều ngược lại, mãi đến khi cô quay nhìn tôi với vẻ mặt lạnh lùng và kinh ngạc. Vâng, đặc biệt là vẻ lạnh lùng. Bấy giờ tôi mới đoán là cô khinh thường tôi - tôi mãi mãi dám chắc về điều ấy. À, có lẽ cô sẽ khinh thường tôi, khinh thường tôi suốt đời, nếu cô vẫn còn sống!”

Và hối hận. Và chấp nhận. Và “vị tha”.

“…Em thật mù quáng, vợ của tôi ạ - mù quáng! Em chết rồi, và không nghe được lời tôi nói. Em không biết tôi có thể xây một thiên đường thần tiên quanh em thế nào. Thiên đường có trong tim tôi, và tôi cũng có thể vun trồng nó quanh em. Có lẽ em không yêu tôi, nhưng thế thì đã sao? Chúng ta đã có thể cứ “thế này” nếu em muốn vậy – có thể cứ mãi luôn “thế này”. Em có thể chỉ cần nói chuyện với tôi như một người bạn. Nhưng chúng ta vẫn có thể vui vẻ bên nhau, và cười khi nhìn vào mắt nhau. Chúng ta có thể sống như thế mà. Và nếu em yêu một người khác – à, có thể như thế, có thể như thế. Em có thể sánh bước cùng người ta, cười với người ta, và tôi có thể đứng nơi góc phố xa xa nhìn em. Ôi, mọi chuyện đều có thể như thế nếu em mở mắt ra lần nữa! – mở mắt một lát thôi – chỉ một lát thôi! Xin em mở mắt ra nhìn tôi, như mới vừa đây thôi, em đứng trước mặt tôi, và hứa sẽ làm người vợ trung thành! Ôi, và chỉ cần qua cái nhìn đó, em sẽ hiểu ra mọi điều!...”

Trân
04-17-2012, 07:08 PM
Trong Chiến Tranh và Hòa Bình của Lev Tolstoy có một chương đề cập đến danh dự Trung đoàn cùa quân đội Nga Hoàng. Lúc bấy giờ, bá tước Roxtov, một chuẩn úy trong sư đoàn kỵ binh, phát hiện ra viên trung úy Telyanin đã ăn cắp túi tiền của viên chỉ huy đại đội là đại uý Denixov. Vì phẫn uất trước hành động ấy của Telyanin, Roxtov báo với trung đoàn trưởng, trước mặt nhiều sĩ quan - rằng một sĩ quan phạm tội ăn cắp…

Và, đây là phản ứng của các sĩ quan về sự việc này:

....

Ngay tối hôm ấy, một cuộc thảo luận sôi nổi đã diễn ra ở nhà Denixov, giữa các sĩ quan trong quân kỵ đội.

- Roxtov này, tôi nói là anh phải xin lỗi trung đoàn trưởng, - một viên thượng uý kỵ binh cao lớn, tóc hoa râm, nét mặt như đẽo, đã có nhiều vết nhăn, điểm thêm một bộ ria to tướng, nói với Roxtov lúc bấy giờ đang run bắn lên vì xúc động, mặt đỏ dừ.

Thượng uý Kirxten trước đấy đã hai lần bị giáng xuống làm lính vì những trường hợp danh dự (1) và cũng đã hai lần được phục hồi cấp hiệu.

- Tôi không cho phép một ai được nói rằng tôi nói láo, - Roxtov quát lên. - Ông ta bảo tôi nói láo, thì tôi lại bảo ông ta nói láo. Việc ấy sẽ chỉ đến thế là cùng. Ông ta có thể bắt tôi ngày nào cũng phải túc trực hay là bỏ tôi vào nhà giam, nhưng không ai bắt được tôi xin lỗi, vì rằng nếu ông ta dựa vào cương vị trung đoàn trưởng mà không chịu thoả mãn yêu cầu của tôi…

- Nhưng khoan đã, anh bạn ơi, hẵng nghe tôi nói, - viên thượng uý cất giọng trầm trầm ngắt lời Roxtov, điềm tĩnh vân vê bộ ria. - Anh nói với trung đoàn trưởng, trước mặt nhiều sĩ quan - rằng một sĩ quan phạm tội ăn cắp…

- Nếu lúc đó câu chuyện đã diễn ra trước mặt nhiều vĩ quan, thì đó không phải là lỗi tại tôi. Có lẽ không nên nói đến việc ấy trước mặt họ thật, nhưng tôi không phải là một nhà ngoại giao. Sở dĩ tôi đã xin gia nhập quân phiêu kỵ, là vì tôi vẫn tin rằng ở đó không cần phải xảo trá, thế mà ông ta lại bảo rằng tôi nói láo, vậy ông ta phải nhận lỗi với tôi.

- Được tất chẳng ai bảo anh là một thằng dát, nhưng vấn đề không phải ở đó. Anh thử hỏi Denixov xem một viên chuẩn uý mà bắt trung đoàn trưởng của mình phải nhận lỗi thì có ra cái thể thống gì không?

Denixov lắng nghe cuộc thảo luận, gương mặt tối sầm lại, vừa nghe vừa cắn ria, hẳn là không muốn xen vào. Nghe câu hỏi của viên thượng uý, Denixov lắc đầu tỏ ý phủ định.

- Anh đem cái việc ô nhục ấy mà nói với đại tá trước mặt nhiều sĩ quan. - Viên thượng uý nói tiếp. - Bogdanyts (người ta thường gọi viên đại tá như thế) đã chỉnh cho anh đấy.

- Ông ta không chỉnh, ông ta bảo rằng tôi nói láo.
- Chính thế, anh đã nói bậy, bây giờ thì anh phải xin lỗi!
- Không đời nào? Roxtov quát lên.

- Tôi vẫn tưởng anh sẽ không xử sự như thế, - viên thượng uý nói một cách trang trọng và nghiêm khắc, - Anh không muốn xin lỗi, ấy thế mà, anh bạn ơi, không những đối với đại tá, mà đối với cả trung đoàn, đối với tất cả chúng tôi nữa anh cũng hoàn toàn có lỗi. Đây này: đáng lẽ ít ra anh phải suy nghĩ và hỏi ý kiến chúng tôi xem nên xử trí ra sao, đằng này anh lại cứ thế đem tung ra một cách đột ngột, trước mặt nhiều sĩ quan. Thế thì đại tá còn làm thế nào nữa? Phải đưa một sĩ quan ra toà để cho cả trung đoàn bị bôi nhọ à? Chỉ vì một đứa vô lại mà làm ô nhục cả một trung đoàn à? Anh cho là phải như thế à? Nhưng chúng tôi thì lại cho rằng không thể như thế được. Và hoan hô Bogdanyts, ông ta bảo anh nói láo là phải lắm. Anh mếch lòng, nhưng làm thế nào được, anh bạn ơi, chính anh tự gây ra cả. Thế mà bây giờ người ta muốn dìm câu chuyện đi, thì anh lại khí khái hão, đã không chịu xin lỗi lại còn muốn kể hết ra. Phải trực nhật, anh lấy làm uất ức, nhưng xin lỗi một vị sĩ quan nhiều tuổi và đáng kính, thì anh mất gì? Vẫn biết Bogdanyts có nhiều nhược điểm, nhưng dù sao ông cũng là một vị chỉ huy già, trung thực và dũng cảm, thế mà anh cho là uất ức, nhưng làm dơ bẩn cả binh đoàn thì anh xem như không? - Tiếng nói của viên thượng uý đã bắt đầu run. - Anh bạn này, anh vào trung đoàn này mới từ hôm qua mà thôi, hôm nay anh còn ở đây, chứ ngày mai anh đã chuyển đi một nơi nào khác làm sĩ quan phụ tá; nếu người ta bảo "Trong bọn sĩ quan Pavlograd có những thằng ăn cắp" thì anh cũng mặc kệ. Nhưng chúng tôi thì không thể dửng dưng được. Phải không Denixov? Chúng ta không thể dửng dưng được.
Denixov vẫn im lặng ngồi yên không nhúc nhích thỉnh thoảng lại nhìn Roxtov với đôi mắt đen và sáng.

- Anh coi trọng cái khí khái hão của anh, anh không muốn xin lỗi, - viên thượng uý nói tiếp, nhưng bọn già chúng tôi thì, lạy chúa, chúng tôi sẽ chết ở trung đoàn, cũng như chúng tôi đã lớn lên ở đây, cho nên chúng tôi rất quý danh dự của trung đoàn, và Bogdanyts cũng biết thế. Ồ, chúng tôi quý nó lắm, anh bạn ạ. Thế là không tốt, không tốt tí nào cả. Dù anh giận hay không giận, thì khi nào tôi cũng sẵn sàng nói hết sự thật. Thế là không tốt.
Rồi viên thượng uý đứng dậy và ngoảnh mặt đi, không nhìn Roxtov nữa.

- Đúng đấy, chứ còn quỉ gì nữa! - Denixov kêu to lên và nhảy xổm dậy - Kia, Roxtov, xem nào!
Mặt tái nhợt đi rồi lại đỏ ửng lên, Roxtov nhìn hết viên sĩ quan này lại nhìn đến viên sĩ quan khác.
- Không phải, các anh ạ, không phải, xin đừng tưởng rằng… tôi hiểu lắm, các anh tưởng tôi như thế là lầm… tôi… về phần tôi… tôi rất coi trọng danh dự của trung đoàn… Thì sao nào? Tôi sẽ chứng minh bằng hành động, và đối với tôi danh dự của ngọn cờ… thì đằng nào cũng thế, phải rồi, tôi có lỗi… - Chàng ứa nước mắt. - - Tôi có lỗi, tôi có lỗi hoàn toàn!… Các anh còn muốn gì nữa nào?
- Thế mới đúng, bá tước ạ, - viên thượng uý vừa nói vừa ngoảnh lại lấy bàn tay to tướng vỗ về lên vai chàng.
- Tôi đã bảo anh mà, - Denixov thốt lên, - cậu ấy là một chàng trai rất tốt.
- Như thế tốt hơn, bá tước ạ, - viên thượng uý nói lại một lần nữa, nêu rõ tước vị của chàng như để khen thưởng sự nhận lỗi. - Bá tước xin lỗi đi, phải đấy.
- Thưa các vị, việc gì tôi cũng xin làm, tôi sẽ không nói gì với ai hết, - Roxtov nói, giọng van lơn, - nhưng tôi không tài nào xin lỗi được, tôi xin thề như vậy, không tài nào xin lỗi được, các vị muốn làm gì thì làm? Làm sao tôi có thể xin lỗi, như một thằng bé con đi xin tha tội?
Denixov bật cười.

.....

(1) Trường hợp danh dự nghĩa là đấu kiếm hay đấu súng

http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4nmn0n3n31n343tq83a3q3 m3237nnn0n

Lòng Như Gió
04-22-2012, 10:19 AM
Trong lời giới thiệu cho tập truyện “Letters from the Underworld”, dịch giả Hogarth có lời bình luận như sau:

“Tolstoi, cầm bức tranh mình vừa vẽ được, giơ lên cao, và thuyết minh về những bài học ông muốn gửi gắm vào từng chi tiết trong bức tranh ấy. Dostoievsky lại khác: vẽ xong bức tranh, ông để nguyên nó trên giá vẽ, rồi lẳng lặng ra khỏi phòng. Bạn có thể bước đến ngắm tranh nếu thích, và có thể nghĩ về nó theo ý bạn; chẳng có lời thuyết minh nào rằng từng chi tiết như thế này phải được hiểu như thế nào. Nếu trong bạn có lòng nhân đạo, thì tính nhân đạo của bức tranh sẽ lên tiếng với bạn; còn nếu bạn không cảm nhận được như thế - à, cũng chẳng sao. Ít ra, họa sĩ Dostoievsky không có ý định thuyết giáo cho bạn nghe, vì bản thân ông cũng mang tội lỗi như những nhân vật tội lỗi được ông khắc họa.”

Với tôi, đó là một trong những nét hấp dẫn trong văn phong của Dostoievsky: không thuyết giáo, không khuyên răn, không giải thích, không “định hướng” cho độc giả.

Có người nói rằng, thời buổi tất bật, ai rỗi rãi đâu mà đọc xong còn phải ngẫm nghĩ, mệt quá, ý tứ là gì thì viết rõ ra, giải thích rõ ra đầu cua tai nheo, cho người ta đọc rồi hiểu ngay giùm cái!

Tôi lại thấy, cái “mệt” khi đọc văn của Dostoievsky giống cái mệt khi leo núi của những người chinh phục đỉnh cao vì thú vui. Nó khác với cái mệt khi đọc loại văn dông dài và tầm phào, vốn giống cái mệt của người è cổ đạp xe ba gác chất đầy hàng dưới cái nắng chang chang. Văn của một người lắm lời là loại văn nhiều chuyện, với một đống ngôn từ thừa thãi nối tiếp nhau như những lời lải nhải mãi không dứt của một gã say rượu. Còn nếu nói rằng văn của Dostoievsky cũng “dông dài”, tôi nghĩ lời nhận xét ấy không luôn luôn đúng. Trong nhiều trường hợp, văn Dostoievsky tuy dài nhưng không dai, chẳng qua ông chỉ nói rất sâu về một chuyện.

Thế rồi, khi những người khác nhau, đọc truyện của Dostoievsky, đã có những cách hiểu hơi khác hoặc rất khác nhau, âu đó cũng là chuyện rất dễ xảy ra, và bản thân tác giả có lẽ không hề lo ngại nó xảy ra… Tôi đoán vậy.

Lòng Như Gió
07-28-2012, 10:23 AM
Khi người đàn ông lải nhải


Hoàn thành phần chuyển ngữ cho hai tác phẩm đã đăng của Fyodor Dostoevsky, tôi cùng người cộng sự của mình – tức là Trân – lại có dịp tìm hiểu một tác phẩm khác của cùng tác giả: “Letters from the Underworld”.

Truyện này khó xơi hơn hai truyện kia. Khó xơi ở chỗ, đọc mãi không thấy tình tiết ly kỳ nào, chỉ thấy lời văn dông dài nhắc đi nhắc lại mãi một chuyện, như một người nói dai. Và khó xơi ở chỗ, những lời lải nhải ấy nhắc đến những khái niệm không lạ nhưng từ một góc độ rất lạ, từ một góc độ mà chắc chỉ có người rất rảnh rỗi và rất cô độc mới có thời gian ngẫm nghĩ như vậy.

Thế nên, truyện này mà dịch theo kiểu thấy sao dịch vậy, thấy chữ nào dịch chữ đó, thì khi đọc lại, thấy hao hao giống google dịch, chả hiểu ý muốn nói gì.

Đọc cỡ hai mươi trang đầu, tôi thầm nghĩ, quái lạ, sao trong truyện này, FD hay Hogarth là người quá thừa thãi ngôn từ thế nhỉ? Rất nhiều chỗ có thể nói ngắn gọn hơn, và chỉ cần nói một lần thôi, cớ sao cứ nhắc đi nhắc lại?

Rồi, đọc đến gần hết chương đầu tiên, tôi mới “à” ra một tiếng, mới hiểu, thì ra đó là sự cố ý của tác giả. Vì văn trong truyện là lời kể chuyện của một nhân vật có đặc điểm nói dài, nói dai. Dài, dai, nhưng không dở chút nào - ít ra theo tôi là vậy. Nhân vật không vui, thậm chí rất buồn bực, nhưng hoàn toàn không than vãn, không ủ ê, mà trái lại, cách nói có những chỗ hóm hỉnh rất lạ lùng.

Nếu so với hai truyện kia của FD (“The landlady” và “The Gentle Maiden”), người ta sẽ nhận thấy ở truyện “Letters from the Underworld” này một sự tương đồng, đó là đều có một nhân vật cô độc và cô đơn.

Bên cạnh đó, các truyện này có những nét khác nhau. “Letters from the Underworld” không có sự đơn giản trong nội dung suy tưởng của nhân vật (cũng là lời văn của truyện) như “The Gentle Maiden”. Người đàn ông trong “Letters from the Underworld” có suy nghĩ phức tạp hơn, nghĩ rất nhiều về các quy luật của tự nhiên, quy luật của cuộc sống, chứ không chỉ nghĩ về người vợ yêu quý của mình như người đàn ông trong “The Gentle Maiden”. “Letters from the Underworld” không có những lời văn điệu đà như “The landlady”. Vì lời văn trong “Letters from the Underworld” hoàn toàn là những lời nói ra từ miệng – chính xác hơn là viết ra từ tay – của một người đàn ông không “điệu”, một người đã trải qua bốn mươi năm cuộc đời không đẹp.

Có lẽ vì vậy, khi dịch “Letters from the Underworld” sang tiếng Việt, người nào có văn phong điệu đà hoa mỹ sẽ chẳng có đất để “điệu”, nếu điệu quá sẽ không thổi đúng cái hồn vào tác phẩm, mà làm cho tác phẩm bị biến thành một kiểu khác, lạc điệu. Cũng không thể dùng văn phong nhu mì để chuyển ngữ cho những lời văn trong truyện này, vì nhân vật trong truyện dùng lời lẽ cứng và đôi khi còn như cố ý chọc tức thiên hạ.

Nên tôi trộm nghĩ, những cây bút với văn phong mạnh và gọn trong phố này, như anh Ốc, anh Súng, anh Quít chẳng hạn, mà dịch truyện “Letters from the Underworld”, có khi sẽ hay. Còn những giọng văn ẻo lả của đàn bà chúng em, có khi gặp nhiều hạn chế trong việc viết lại lời một người đàn ông kỳ khôi như thế này.

Tuy nhiên, tôi vẫn tò mò muốn đi theo, nghe ông ta lải nhải đến cùng, và xem “văn đàn bà” có thể cùng ông ta lải nhải được đến thế nào.

Trân
07-29-2012, 07:38 AM
Quote:

"Và khó xơi ở chỗ, những lời lải nhải ấy nhắc đến những khái niệm không lạ nhưng từ một góc độ rất lạ, từ một góc độ mà chắc chỉ có người rất rảnh rỗi và rất cô độc mới có thời gian ngẫm nghĩ như vậy."


“Ổng” mang hết sâu bọ, chú chuột đến bức tường, bệnh sâu răng để lải nhải, làm mình mệt bở cả hơi tai… :((

Xin cám ơn Gió đã viết “Khi người đàn ông lải nhải ” nhé.