PDA

View Full Version : Đi là sống - Bùi Ngọc Tấn



V.I.Lãng
06-13-2014, 12:29 PM
Đi Là Sống

Tác giả : Bùi Ngọc Tấn

https://farm6.staticflickr.com/5545/14227728019_9bcb9b1b8a_z.jpg
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đang đứng từ trên tháp truyền hình Munich nhìn xuống sân vận động Olympic (Đức)




Những ngày ở Pháp tôi đã hiểu ra điều đơn giản ấy. Đi là sống. 12 giờ bay không chợp mắt một giây. Nhìn qua cửa máy bay thấy mây, thấy những chóp núi lô nhô xanh thẫm phủ những mảng tuyết trắng xóa. Nhìn lên màn hình có quả địa cầu, biết mình đang đi vào vùng đêm tối… Rồi sân bay Charles de Gaulle. Ra đón không chỉ có những bạn đọc bên Pháp mà cả Dương Thụ.

Sau hai ngày về nhà Đặng Tiến thám hiểm vùng ngoại thành Orleans có dòng sông Loiret với những con thiên nga trắng toát cổ cong lộng lẫy, những bông lau phất khơ ven bờ “rất sông Lô”, tôi và Dương Thụ ngược lên Lille, một thành phố phía Bắc nước Pháp. Thụ có người quen ở đó, anh Kamal Nguyễn, một người Pháp gốc Việt lai ấn. Lille với những ngõ nhỏ sạch bong dài sâu hun hút đầy vẻ mời chào, với quảng trường Place du Concert, vút tận trời xanh tượng ba cô gái dát vàng trên nóc ngôi nhà toà soạn báo Tiếng nói phương Bắc. Lille với tiếng móng ngựa lóc cóc gõ trên đường lát đá chở những tốp khách du lịch, cầm cương những con ngựa nâu cao lớn, bờm xén tỉa rủ về một bên luôn là một cô gái – khách du lịch, còn người xà ích ngồi ghế liền bên.

Ra đón chúng tôi ở sân ga Lille không chỉ Kamal mà còn có một thiếu phụ tóc vàng, chị Malika, bạn Kamal. Sau khi dẫn chúng tôi về nhà cất va li, ngay lập tức Kamal lái ô tô đưa chúng tôi ra khỏi Lille. Malika cùng đi với chúng tôi, một Malika cao gần mét tám, mảnh dẻ như người mẫu, tóc vàng rực mà sau này Kamal cho biết đã phải nhuộm cho sẫm đi chút ít, mái tóc bập bềnh – cái đích tôi luôn dõi theo trong những buổi la cà chợ phiên đông đúc để không bị lạc, một Malika ít nói với nét mặt buồn.

Xe đã ra khỏi Lille và nhập vào những con đường Châu Âu. Ôi những con đường Châu Âu! Sẽ suốt đời không quên những con đường ấy. Những con đường cao tốc gần như không một chỗ lồi lõm, những con đường tám làn xe chạy với tốc độ 120 ki lô mét giờ không một tiếng còi, những con đường chồng lên nhau, tầng trên tầng dưới, vòng lên cao, rồi thoai thoải nghiêng nghiêng sà xuống làm thành những đường cong, khiến người ngồi trong xe có cảm giác đang bay lượn, những con đường dẫn tới vô tận, những con đường làm tôi sống lại tuổi thơ.

Đang mải mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những con đường, những cánh đồng Châu Âu, chợt Kamal kêu:
-Qua biên giới rồi! Chúng ta đang trên đất Bỉ.

Tôi giật mình:
-Đâu? Đâu? Biên giới đâu?

Và vội quay đầu lại phía sau. Vẫn chỉ là những làn đường, những chiếc xe xuôi ngược nối nhau. Như mọi nơi trên con đường này. Đường vẫn vậy. Xe vẫn vậy. Những đàn bò, những cánh đồng cỏ, những ruộng ngô đang trổ bông vun vút lướt qua vẫn vậy. Chẳng biết đâu là Pháp và đâu là Bỉ. Trong tâm trí tôi, biên giới là một cái gì rất thiêng liêng. Biên giới đồng nghĩa với Tổ Quốc. Biên giới là địa đầu, là xương máu cha ông tiên tổ, là lịch sử, là truyền thống, cội nguồn, là những cuộc chiến tranh, những âm mưu, những cuộc đột nhập, là người phát ngôn bộ Ngoại Giao tuyên bố, là hôn má bên này bật máu má bên kia , là gìn giữ từng mét đất cũng như những cuộc mở mang bờ cõi. Tôi không tin lại có thể vượt biên quá bình thường như chúng tôi vừa làm. Tôi không tin lại có những biên giới chẳng đem lại một chút xúc động cổ điển nào khi vượt qua, cho dù tôi biết Liên minh Châu Âu giờ đây đã có đồng tiền chung và tự do đi lại. Chúng ta đã trải qua hai cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu với hai nước cộng sản, hai nước cùng hô vang khẩu hiệu của Mác: Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại! Báo chí nước ta vừa đưa tin những cuộc chôn đặt cột mốc biên giới có cả sự chứng kiến của hai bên như một mong mỏi rồi đây cuộc sống sẽ được bình yên. Ta mơ trần gian lúc san bằng hết biên thuỳ. Chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương trùm lên thế giới. Hồi kháng chiến chống Pháp chúng tôi đã hát như vậy. Hát và tin chủ nghĩa cộng sản sẽ làm được như vậy!!
Tôi bảo Kamal:
-Lần sau gần tới biên giới, anh báo trước tôi biết và cho xe đi chậm lại Kamal nhé.

Chiều hôm sau chúng tôi lại đi trên con đường ấy, không phải để sang Bỉ mà tới Hà Lan thăm đê biển Hà Lan. Kamal đã làm theo yêu cầu của tôi. Biên giới Pháp – Bỉ cách Lille khoảng 30 km. Không ba ri e. Không hải quan làm thủ tục. Cũng không còn dấu vết những ngôi nhà trước đây từng là cơ quan cửa khẩu. Cột mốc biên giới chỉ nhỏ bằng cột xi măng đánh dấu ki lô mét vẫn trồng trên đường 5 nối liền Hải Phòng Hà Nội nhỏ thấp ở rìa đường, và cũng được trồng ở rìa đường:

BELGIE
Km 0

Tất cả chỉ có vậy. Chẳng thấy gì vĩ đại thiêng liêng như người ta vẫn nghĩ, vẫn nói về nhưng ki lô mét số không, những địa đầu. Chẳng thấy kết thúc một cái gì và mở ra một cái gì. Chỉ là thanh bình nối tiếp thanh bình, tin cậy nối tiếp tin cậy, một an lạc bao trùm không gian trong suốt của Châu Âu. Kamal nói:
-Đây là xứ Flandre.

Lại một bất ngờ nữa. Flandre thuộc Pháp và Flandre thuộc Bỉ. Địa danh này, những con đường này đã nằm trong một quyển tiểu thuyết đoạt giải Nobel. Claude Simon. Những con đường xứ Flandre. Dương Tường dịch. Giá có Dương Tường ở đây cùng tham gia cuộc du hành…

Trong mười ngày ở Lille, tôi đã đi qua những con đường xứ Flandre, những ngọn đồi xứ Flandre nhiều lần. Đó là những nhánh rẽ từ những đại xa lộ vào các ngọn đồi mà thoạt nhìn ta cứ nghĩ là những khu rừng. Chỉ đến khi tới gần mới thấy đó là đường phố, những ngôi nhà, những biệt thự, những quảng trường, những cửa hiệu, những nhà thờ… Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi với xứ Flandre là xứ Flandre thuộc Bỉ.



https://farm4.staticflickr.com/3883/14227777840_a8f99c2bae_z.jpg
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đang đứng tại một nhóm tượng đài ở Brugge (Bỉ)

Ngay trong buổi chiều chúng tôi tới Lille, gặp Kamal. Kéo chúng tôi vào một cửa hàng, ngồi uống mỗi người một chai bia Bỉ, Kamal bảo chúng tôi đứng lên ra xe ô tô:
-Gần đây có một cửa hàng bán sườn nướng ngon lắm.

Xe lại lăn bánh trên con đường nhựa, xuống một sườn đồi thoai thoải, lượn quanh co trên một cánh đồng nhỏ và lại leo dốc. Một restaurant khác trên đỉnh một ngọn đồi. Khoảng đất rộng phía sau nhà hàng đậu kín ô tô. Chúng tôi xuống xe đi qua một mảnh sân hẹp. Nhà hàng thấp và cũ kỹ. Mái lợp đá đen. Tường để nguyên gạch mộc. Dính vào tường là hai cái vô lăng tầu thuỷ bằng gỗ, một cái to một cái nhỏ, gợi những cuộc viễn du của những mạch lô hoặc dấu vết của những “Viking đầu quấn lá sồi”. Những thùng gỗ to xếp cạnh tường, những thùng rượu vang mà bên trong hẳn là rỗng, không có rượu, chỉ để tăng thêm không khí ẩm thực khi khách bước vào trong nhà ngồi trước bàn ăn gọi món. Ngay cửa nhà hàng là một chiếc xe bò với những bánh xe bằng gỗ lớn, chiếc xe hẳn chưa lăn bánh một lần, trong xe chất đầy những khúc gỗ tròn cưa cắt bằng nhau, chờ bổ cho vào lò, nhưng sẽ chẳng bao giờ được nhận một nhát rìu, chúng có mặt chỉ để gợi một không khí cổ xưa.

Trong nhà đã kín thực khách. Toàn những người châu Âu. Những trai thanh gái lịch, những ông bà đứng tuổi và có tuổi im lặng ăn, im lặng uống. Lần đầu tiên bước vào một cửa hàng ăn châu Âu, tôi, một kẻ quê mùa từ một đất nước châu á xa xôi nghèo nàn lạc hậu, không khỏi mất tự tin, nhất là khi mấy người quay ra nhìn chúng tôi bước qua khuôn cửa. Cái mặc cảm về thân phận, về chiều cao đến với tôi trong từng bước đi. Cám ơn Malika. Cô gái tóc vàng đã khoác tay tôi. Như hai bố con lững thững nhàn nhã sau một ngày làm việc mệt nhọc tìm nơi thư dãn. Dương Thụ, Kamal đi sau. Chúng tôi tìm được một bàn còn trống ngay cạnh chiếc lò sưởi bằng gang không biết có từ thế kỷ nào, đã lâu rồi không được dùng đến. Trong khi chờ thức ăn, chúng tôi uống bia và quan sát cửa hàng phía bên trong. Để dễ hiểu, ta gọi nó là một căn nhà cấp 4, có năm gian. Tất cả đều đen, mầu đen của khói bếp, của thời gian. Những quá giang, những rui mè, những ngói lợp đều đen. Những thanh dầm gỗ, những trụ gỗ dựng dọc tường giữa những hàng gạch xây với những thớ to khô két thành từng rãnh sâu, uốn lượn cong vặn cứng như thép, không phải được xẻ bằng cưa mà như được tách đôi ra, xé đôi ra bằng cánh tay của những người khổng lồ giống ta tách một khúc nứa. Nó còn nguyên tạo hình khi vẫn là cây là cành, rễ còn bám sâu vào đất, cành lá còn reo vui đón gió. Tường xây gạch mộc. Gạch và những mạch vữa đều một mầu đen. Trên tường, treo rải rác những đôi giầy bằng gỗ sơn trắng, một mầu trắng cũ kỹ, và từ bên trong những chiếc giầy, những ngọn đèn hình nến yếu ớt toả sáng. Tất cả bàn ăn đều bằng gỗ sồi mà tuổi của nó phải nhiều chục năm có thể hàng trăm năm, cũng một mầu nâu sẫm. Một ngọn nến được đưa đến bàn của chúng tôi.


Hãy kín đáo nhìn mọi người ăn. Khi đặt chân tới Châu Âu tôi đã chú ý đến những nét mặt người, những dáng người đi. Và bây giờ tôi quan sát những người ngồi ăn. Không một lời nói to. Những tiếng đặt thìa nĩa cũng rất khẽ. Không một tiếng động gì tỏ ra có người đang say, lại càng không có những tiếng hét vang dzô dzô mỗi khi chạm cốc. Không có những khuôn mặt phừng phừng bóng nhẫy vì ăn, vì uống, không có những bộ mặt tự mãn hoặc tự tin quá mức, cũng chẳng một ai quên rằng mình đang ăn uống giữa những người khác cũng đang ăn uống. (Để đạt được những điều tốt đẹp trong ăn uống nơi công cộng này ở nước ta tôi nghĩ thời gian phải tính bằng thế kỷ.) Chỉ có những nét mặt vui tươi, những tiếng rì rầm và những nụ cười. Hạnh phúc, niềm vui sống của người này hòa vào hạnh phúc, niềm vui sống của người khác. Tôi khe khẽ làm một cuộc tường thuật tại chỗ cho Dương Thụ:
-Cứ ngồi yên như vậy. Đừng quay lại. Cô gái ngồi ở bàn sau lưng Thụ đã ăn hết dẻ sườn lợn nướng thứ ba hay thứ tư gì đó. Một cô gái còn rất trẻ xinh đẹp, tóc vàng nhưng không vàng bằng tóc Malika đâu. Cô ta chăm chú ăn, gặm tỉ mẩn từng chút thịt trên dẻ sườn, đặt dẻ sườn đã hết thịt xuống đĩa. Chưa. Chưa uống. Còn đang mút ngón tay. Mút rất cẩn thận, tỉ mẩn từng ngón tay một. Vẫn chưa uống. Lấy khăn lau những vết đen trên miệng. Bây giờ mới uống. Bia chứ không phải rượu. Và vặn một dẻ sườn nướng nữa rồi.
Tôi cứ thuyết minh như vậy. Malika không hiểu gì, nhưng thấy Kamal cười chị cũng cười.


Tôi đặc biệt yêu thành phố nhỏ Brugge nước Bỉ. Một thành phố với những con kênh ngang dọc. Móng những ngôi nhà, những dẫy phố, những biệt thự, lâu đài ngâm trong dòng nước êm đềm với những mảnh sân nhỏ, những bậc xây xuống bến, những hàng cây soi bóng, những con chim trắng, những con sâm cầm (?) đen thả mình im lặng gà gà ngủ. Một Venise thu nhỏ, êm đềm. Mỗi ngoẹo phố là một bất ngờ dành cho bạn. Giống như đang trên thuyền giữa Hạ Long. Không thể hình dung được những gì chờ ta mỗi khi rẽ ngoặt. Chính ở Brugge, tới một quảng trường trước cửa nhà thờ, chúng tôi đã gặp một ban nhạc nhẹ đồng quê. Có violon, cello, contrebasse, clarinette, piano, lại cả phong cầm, gợi một không khí rất Trung Âu thế kỷ trước. Ba cô gái trang phục cổ điển áo liền váy, cùng các nhạc công complet cravate, thứ y phục quen thuộc, gần gũi. Không pop, không roc. Những làn điệu dân ca Trung Âu đậm âm hưởng nhạc chiều xê rê nat từ ba chất giọng soprano, mezzo, alto cùng với giọng baryton của người kéo phong cầm, khiến tôi tưởng mình đang sống trong một câu chuyện viết về nông thôn Rumani nào đó như Những Người Chân Đất, Giếng Nước Cội Dương từng làm chúng tôi một thuở say mê và mãi mãi say mê.


Thụ ghé tai tôi:
-Đúng là Châu Âu cổ xưa. Nhạc trăm năm. Chơi trên đường phố trăm năm, quảng trường trăm năm. Cây trăm năm. Y phục ngày xưa. Váy dài ngày xưa. Sơ mi áo vét ngày xưa. Thỉnh thoảng lại một cỗ xe ngựa ngày xưa đi ngang qua nữa…

Sau khi đặt tiền vào chiếc mũ để ngửa, chúng tôi tiếp tục công cuộc thám hiểm Brugge. Khi vượt qua chiếc cầu uốn cong bắc ngang một con kênh ăm ắp nước lặng tờ giữa những dẫy phố cổ, nhìn hoàng hôn đang len vào những cành sồi già ngả trên mặt kênh, Dương Thụ đã chẩy nước mắt. Anh như nói với chính mình:
-Không phải thiên đường mà còn hơn thế. Không phải trên trời. Mà ngay trên mặt đất, ngay trong cuộc sống. Vẫn mơ ước một cuộc sống êm đềm, thanh bình, một quan hệ người với người thật tốt đẹp thì bỗng nhiên có ngay trước mặt mình, chung quanh mình. Mình được nhìn thấy, được sống, được hít thở trong nó. Dù chỉ là khoảnh khắc.

Chiều hôm sau Dương Thụ và tôi được Kamal đưa đi thăm một ngọn đồi xứ Flandre khác. Trên đỉnh đồi, giữa những tán lá là những cửa hàng, những khách sạn, những biệt thự và một nhà thờ nhỏ. Chúng tôi bước vào nhà thờ. Không có ai ngoài một bà già đang lúi húi dọn dẹp dưới tượng Chúa phía trong cùng và một chiếc khay có rất nhiều ngọn nến nhỏ im lặng cháy đặt trên bàn ở một góc ngay cửa ra vào. Bà già bước về phía chúng tôi, nhẹ nhàng không một tiếng động, thì thào:
-Bonjour. Bonjour. (Xin chào. Xin chào.)

Chúng tôi cũng thì thào đáp lại. Rồi chúng tôi bước ra, ngồi xuống chiếc ghế dựa gỗ sồi thô mộc bên lề đường. Dưới kia sườn đồi thoai thoải. Rừng đổ bóng thẫm đen xuống vạt cỏ xanh non. Đàn bò khoang vẫn thấy in hình trên những hộp sữa im lặng gặm cỏ. Tiếng nhạc nhà thờ vọng đến. Êm đềm, thanh bình đến thế là cùng. Như một chốn Bồng Lai. Dương Thụ nói với tôi:
-Em đang được thanh lọc.

Ngồi trên chiếc ghế đặt ven đường, nhìn xuống sườn đồi nhưng nhức nắng vàng, tôi hiểu được những nét mặt người, những dáng người đi này đã được hình thành như thế nào rồi. Bao nhiêu năm người ta đã sống như chúng tôi mới được sống mấy ngày. Trừ mấy năm đại chiến thứ 2 mà tác dụng càng làm cho con người thêm yêu quý hoà bình. Sang Châu Âu, điều dễ nhận thấy nhất với những du khách như tôi, đập vào mắt ngay tức thì, là những nét mặt người và những dáng người đi. Sau này về Paris, gặp Vũ Thư Hiên, tôi đã nói với Vũ Thư Hiên nhận xét ấy:
-Trông những người bên này đi thích thật. Sải những bước dài, có mục đích, tự tin chứ không phải lang thang nổi trôi vô định. Thoăn thoắt, thoăn thoắt, dáng đi của người làm chủ cuộc đời, làm chủ số phận. Còn nét mặt họ mới tuyệt làm sao! Không một chút lo âu. ở bên nhà, chúng tao vừa đi vừa nghĩ mưu. Ai cũng vừa đi vừa nghĩ mưu, không trừ một ai, từ tỷ phú cho đến những người khố rách áo ôm


https://farm4.staticflickr.com/3841/14414363035_f9a821639e_z.jpg
Bùi Ngọc Tấn cùng bà Hồng Ngọc (vợ ông Hoàng Minh Chính) và nhà văn Vũ Thư Hiên tại Paris



Tôi đã trả lời một tờ báo về chuyến đi Châu Âu của tôi:
-Tới Châu Âu, điều dễ nhận thấy nhất là con người được giải phóng.
Viết những dòng này, lại nghĩ đến chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài với bao điều đáng nhớ: Bay đến Bắc Kinh đúng ngày 11 tháng 9 năm 2001, ngày Bin Laden đánh tòa tháp đôi New Yord. Thăm Cố Cung, Tứ Xuyên, Di Hòa Viên, bảo tàng Tô Đông Pha, khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng, khách sạn 5 sao Thiên Nga Trắng. Cả khi qua sông Dịch Thủy, nhớ Kinh Kha, đầu ngân nga Vũ Hoàng Chương:

Buồn xưa giờ chưa tan
Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn
Bạch vân bạch vân
Kìa ngang rừng phấp phới
Ôi mầu tang khăn áo lũ người Yên
Nhịp vó câu nẻo Hàm Dương tung bụi
Ta nghe ta nghe này cuồng phong dấy lên…

Đã bao năm tháng, đọng lại sâu lắng nhất trong chuyến đi Trung Quốc vẫn là những bức chân dung treo trong Bảo tàng Nhà văn ở Bắc Kinh: Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Ba Kim, Tào Ngu…, những bức ảnh mang bão táp, mang lịch sử. Nhất là hai bức ảnh Đinh Linh và Lão Xá. Tác giả Mặt trời chiếu trên sông Tang Càn già nua, tàn tạ, nhầu nát vì thời gian, vì hành hạ tù đầy và đau khổ. Còn Lão Xá, bố Thư ất giám đốc bảo tàng, đang dạy học ở Mỹ được Chu Ân Lai phái Tào Ngu sang đón về nước Trung Hoa giải phóng xây dựng nền văn hoá mới, đã đâm đầu xuống hồ chết trong cách mạng văn hoá. Lão Xá chết trong ao hồ chứ không phải trên sông trên biển. Hơn thế, Lũ trẻ con từng lấy móc sắt quất vào mặt ông / Giờ lôi xác ông lên phơi nắng (thơ Trần Nhuận Minh).

Thật đúng đi là sống và biết. Đâu phải “đi là chết ở trong lòng một ít” như ai đó đã viết.



Nguồn: Bùi Ngọc Tấn