PDA

View Full Version : Tôi Đi Mỹ



V.I.Lãng
09-10-2014, 03:46 AM
Tôi Đi Mỹ

Tác giả : Người Viễn Xứ


http://i.imgur.com/3nboSr3.jpg



Bất ngờ !



7 người chúng tôi, gồm 3 anh em thiệt và 4 người ghép được mời lên Sở Ngoại vụ, sau khi sơ vấn thì đúng 1 tuần sau được phỏng vấn.

3 anh em ruột chúng tôi ai cũng lo lắng, hồi hộp, căng thẳng nhưng 4 người ghép dường như tỉnh bơ, thoải mái, có lẽ vì họ đã quá quen những cuộc phỏng vấn như vậy. Rớt kỳ này, kỳ sau họ ghép tiếp với hộ khác...

Tiếng loa vang lên mời chúng tôi lên lầu phòng số 7. Lồng ngực tôi tim đập mạnh như sắp sửa phải ra tòa mà phần thắng thua hoàn toàn chưa biết, phó mặc cho may rủi!

Vào phòng sau các thủ tục thông thường như chào viên chức phỏng vấn người Mỹ, giơ tay thề nói sự thật..

Qua lời người thông dịch viên, bắt đầu viên chức Mỹ phỏng vấn từng người. Tôi là người làm toàn hộ hồ sơ từ A đến Z, tôi cảm thấy cũng có hy vọng vì hồ sơ là do các cơ quan thiệt- làm thiệt chứ không có giấy tờ giả.

Tôi chỉ đủ sức làm hồ sơ tại địa phương còn mọi việc quan hệ với Sở Ngoại vụ tôi phải phó mặc cho người dịch vụ mà thường được gọi nôm na là "cò dịch vụ", những người này có rất nhiều, họ thường lảng vảng quanh Sở Ngoại vụ để móc nối.

Điều mà tôi lo nhất là nếu tách từng người mà phỏng vấn thì rớt là cái chắc vì ngoài 3 anh em tôi ra, 4 người kia chỉ mới tập trung cùng 3 anh em tôi có 2 hôm để "học" về hoàn cảnh gia đình và chuẩn bị trả lời các câu hỏi do "cò dịch vụ" dạy.

Nhưng không, rất là bất ngờ, viên chức Mỹ phỏng vấn rất hiền lành và dễ thương. Ông ngẫu nhiên hỏi từng người, mỗi người vài ba câu rất bình thường không có gì là khó trả lời, như "ba đi cải tạo mấy năm", "ở nhà làm nghề gì để sống", "mấy anh em có ở chung nhà với nhau không" "tại sao mẹ không làm hồ sơ đi chung"...

Mấy câu như thế chúng tôi có chuẩn bị trước nên trả lời trôi chảy. Tôi thấy cứ mỗi lần xong một người chuẩn bị qua hỏi người khác, ông lấy cây bút đánh dấu chữ X ngay trước tên người mới được phỏng vấn, người thông dịch khẽ đưa mắt ra hiệu cho chúng tôi biết là người đó đã được chấp thuận!

Không cần người thông dịch tôi cũng biết vì tôi có vài...tài vặt, lăn lộn làm việc hơn 20 năm với hàng trăm cơ quan buộc tôi phải đoán được người viết đối diện với mình đang viết gì dù có khi tôi ngồi cách xa tới 2 mét.

Lần lượt 7 cái dấu X được Ông đánh dấu thông qua!
Ôi Trời ơi! con xin cảm tạ Ngài! Lòng tôi hoan hỷ, lâng lâng, lai láng, nhưng vẫn giả vờ làm mặt tỉnh.

Trời ơi, chút xíu nữa sẽ có 7 cái thẻ IOM được cấp. Cầm cái thẻ IOM tức International Organization For Migration. Có được cái thẻ này tương đương với cái vé máy bay để ra nước ngoài, các vấn đề khác chỉ là thủ tục và thời gian thôi, trừ một số ít trường hợp trục trặc như sức khoẻ có vấn đề về phổi, hay có ai kiện cáo...

Vượt biên bằng đường biển là dễ nhất chỉ cần có ít vàng đóng cho chủ tàu rồi leo lên ghe hay thuyền ra khơi nhưng bù lại cực kỳ nguy hiểm. Đã có mấy trăm ngàn người bỏ xác dưới lòng đại dương do bão táp hay hải tặc.

Còn kiểu "vượt biên" như tôi tuy đàng hoàng bằng máy bay nhưng bù lại lúc làm hồ sơ thì gian lao và khó khăn gấp hàng trăm lần những người đi HO mà giấy tờ đầy đủ.

Viễn cảnh sẽ được đi Mỹ sau 7 tháng mà ngày nào cũng đi vài chục cây số chạy giấy tờ với hàng chục cơ quan nay đã thành sự thực! Tôi nắm chặt hai bàn tay khẽ bóp qua bóp lại, rồi lại... bóp bắp đùi xem mình đang tỉnh hay mơ! Trời ơi sao dễ dàng thế! Biết thế tôi làm cho hết mấy anh em phải bỏ lại!

Đang suy nghĩ với những viễn cảnh huy hoàng sáng lạn tươi đẹp của ngày sắp tới. Viên chức phỏng vấn đã gấp tất cả các loại giấy tờ để chỉ còn lại 1 tấm bìa trong đó có 7 cái tên được đánh dấu X, tức đã được chấp thuận.

Chỉ còn chờ 1 câu nữa thôi "Gia đình ông đã được phái đoàn Mỹ chấp thuận" là kết thúc, chúng tôi sẽ xuống lầu, chờ chừng 1-2 tiếng để lấy thẻ IOM, hồi đó thẻ IOM làm ngay trong Sở Ngoại vụ, (sau này mới chuyển qua 123 Phạm Ngọc Thạch). Coi như chúng tôi đang bước một chân lên...máy bay. Hix hix!

Bỗng viên chức Mỹ lên tiếng:
- Ai là Đặng đình Quốc?

Quốc là em ruột tôi, hàng thiệt, tưởng gì chớ vàng thiệt đâu sợ lửa! Hix . Nếu mà kêu 4 người ghép kìa mới sợ!

- Chứng minh nhân dân ông làm ở cơ quan nào?
- Dạ, làm ở Công an Tỉnh Đồng Nai
- Hộ chiếu ông làm ở đâu?
- Dạ, làm ở Cục xuất nhập cảnh Đồng Nai.
- 2 cơ quan đó là một hay khác nhau?
- Dạ, 2 cơ quan đó hoàn toàn khác nhau.

- VẬY TẠI SAO 2 TẤM HÌNH TRONG CHỨNG MINH NHÂN DÂN VÀ PASSPORT LẠI GIỐNG NHAU??

Em tôi đứng như Từ Hải chết đứng, biểu thị trạng thái đứng đờ ra của con người khi bị tác động đột ngột, không ứng xử kịp, nhất là trước những niềm vui nỗi buồn, sự đau khổ bất ngờ.

Chỉ có tôi là người duy nhất biết rõ sự việc tại sao.
Tôi lên tiếng:
- Thưa Ông, cho tôi giải thích vì tôi là người làm hồ sơ.
Nhưng viên chức Mỹ không trả lời, Ông chỉ lắc đầu, không nói.

Tim tôi muốn ngừng đập khi thấy Ông cầm cây bút xoá- TỪ TỪ BÔI TRẮNG ĐÈ LÊN 7 CÁI DẤU X!!!

Phải chi ngay từ đầu Ổng đánh rớt luôn đi thì đỡ tiếc và tức, còn đây Ổng cho người ta bước một chân, rờ vào tay nắm của cánh cửa máy bay xong Ổng kéo xuống!

Giấc mộng đi Mỹ tan tành... dã man na ná như... ngày sụp đổ 30 tháng 4!

NVX ĐNH

30/4/2014

V.I.Lãng
09-10-2014, 03:48 AM
Mối quan hệ

Hè 1980, một anh Công an ăn mặc chỉnh tề, vai đeo quân hàm thiếu úy, chân đi giày, đầu đội mũ, tay xách cặp táp, tuổi rất trẻ cỡ chỉ bằng hay hơn tôi 1, 2 tuổi.

Anh dựng chiếc xe Vespa ngay ngắn xong đi vào trong HTX, tôi đang bận tối mặt... chúi mỏ huấn luyện cho Xã viên đa số là nữ!

Một nhân viên của tôi nói:
- Anh Hòa, có ông Công an kiếm..

Tôi ngạc nhiên, HTX thì có gì mà Công an kiếm. Tôi vuốt sơ lại quần áo và tiến ra. Anh chào tôi trước. Sau khi mời anh ngồi, anh lên tiếng:
- Hôm nay tôi được đơn vị cử lên HTX Chiến Thắng của anh công tác. Tôi có thể làm việc với anh được chứ?
Nói xong anh móc trong cặp tờ giấy giới thiệu mới toanh. Nhìn tiêu đề trái tờ giấy tôi rất ngạc nhiên:
Bộ Công An

Trường Giáo Dục Xuân Tâm....
Giấy giới thiệu ghi rõ cử "đ/c Lê đến quan hệ công tác với HTX."

Tôi chậm rãi bảo:
- Vâng, tôi là Phó chủ nhiệm phụ trách kỹ thuật, anh chủ nhiệm hôm nay đi vắng, tôi có thể giải quyết công việc nếu trong quyền hạn.
Bỗng anh nói lớn:
- Anh là Hòa phải không?
-Sao anh biết?
- Tôi có coi báo Đồng Nai có chụp hình anh đoạt giải nhất bàn tay vàng hội thi ngành tiểu thủ công nghiệp Tỉnh. Anh đúng là người tôi cần gặp.
- .... ..... ....

Lê, tên anh thiếu úy vào đề:
- Trường tôi thuộc Bộ Công An, là nơi các trẻ em phạm pháp phãi bị giữ ở đó vì các em chưa tới tuổi trưởng thành để ra toà xét xử. Các em ngày được học 1 buổi, còn 1 buổi phải lao động, mục đích chính của lao động là tạo tay nghề cho các em hầu sau này khi trở về có nghề nghiệp sinh sống.

Bởi vậy, hôm nay tôi được cử liên hệ với các anh trong HTX xin hỗ trợ chúng tôi dạy nghề mây tre lá cho các em. Tôi nghĩ ít nhất cũng phải cả tháng.

Tôi hứa là sẽ bàn bạc và trả lời anh vào hôm sau, nhưng vừa lúc đó anh chủ nhiệm về tới.
Anh vui vẻ bàn bạc với tôi và quyết ngay:
- Hòa, HTX mình cần "bung" ra thêm nhiều tay nghề vì từ giờ đến cuối năm hợp đồng với Baratex còn rất lớn, không khéo không kịp chỉ tiêu. Anh đề nghị Hòa cứ lên trường Xuân Tâm dạy trên đó, ở nhà mấy em khác sẽ thay Hòa được mà.

Thế là hôm sau tôi xách 1 túi nhỏ có 2 bộ quần áo, và ít dụng cụ cá nhân bàn chải, kem đánh răng... nhưng chủ yếu là mấy chục ký lá buông, sống lá, và những cái khung... để huấn luyện đan lát cho học sinh.





http://i.imgur.com/cHjeAoY.jpg



Một chiếc xe nhà binh Uoát màu cứt ngựa đón tôi lên trường. Đi dạy nghề mà oai ghê. Tôi ở cả tháng ăn ngủ trong trường, ăn cơm và ngủ với tư cách là khách, khá đầy đủ. Từ đó, HTX tôi và trường Xuân Tâm có mối quan hệ, nhưng có lẽ thành phần ban Giám Hiệu nhà trường thay đổi nên sau đó 2 năm, chủ trương sản xuất hàng mây tre lá ngưng lại.

Mãi đến năm 1993, lúc này thiếu uý Lê đã lên tới Đại úy, anh là phụ trách sản xuất và anh cho sản xuất hàng mây tre lá trở lại, hên cho anh là lần này, ngoài mây tre lá ra tôi còn có thêm một số hợp đồng may gia công rất thích hợp cho các em nữ học sinh.

Lúc này thì tôi và Đại úy Lê đã là chỗ thân tình lắm rồi.

V.I.Lãng
09-10-2014, 05:58 AM
Ngày trở về của Bố tôi.


Thà cứ để cho Bố tôi ở trong trại tù cải tạo có lẽ ông đỡ đau khổ hơn là thả ông về tháng 7 năm 1978. Vì ở trong trại, tuy phải lao động và hoàn toàn mất tự do nhưng ít ra mỗi tháng còn có 'tiêu chuẩn" mươi ký lương thực.


Khi ông về thì căn nhà nhỏ nhắn nhưng vuông vắn ở trong khu đất hơn 700 mét vuông, bốn bề có hàng rào với tôn cống đã được làm thẳng để bao quanh chỉ còn lại một cái xác nhà nham nhở, loang lở, vách tường đã sụp và nứt to đến có thể đút ngón tay vào được và có thể đổ sụp bất cứ lúc nào, những miếng tôn cống dày 3 ly rất nặng, được "giải phóng" bắt đầu từ tuần thứ 4 sau khi ông vào trại và tiếp theo là quạt máy, quạt trần, Ti vi, radio, tủ gương, giường sắt... cứ ung dung mọc cánh nhẹ nhàng bay về với chủ mới! Hix hix!

Khi ông về trong nhà không còn một thứ gì ngoài mấy cái nồi móp méo sứt quai gãy gọng. Nhưng có lẽ đau nhất là ông phải nhìn đàn con 12 đứa đói khát, rách rưới, xanh khướt, nheo nhóc. Những đứa trẻ chín mười tuổi phải bỏ học ngang, theo xe lửa đi bán trà đá, hàng rong, thuốc lá.. lớn hơn tí thì đi làm thuê, hay vào rừng lấy củi. Chúng ở trên xe lửa nhiều hơn ở nhà.


Chỉ có mình tôi là xin được một chân Xã viên Hợp tác xã đan lát xuất khẩu của phường bên cạnh. Đan đêm đan ngày triền miên không nghỉ. Những lần khóa sổ cuối tháng, để cho kịp số lượng có khi phải thức trắng mấy đêm liền.

Chị tôi bị bệnh tâm thần không có ai chăm sóc phải đi ăn xin đầu đường xó chợ, xin không ai cho thì vào chợ lượm ruột cá, đầu cá thối xách một bọc có khi vừa đi vừa ăn sống, có khi mang về nhà bỏ cả vào nồi nấu.

Ngày bố vừa về đến nhà cũng là ngày chị đi xin cả buổi sáng, không ai cho, gần trưa đói quá, chị giựt đại mấy miếng đậu hũ trắng, nguời bán ruợt theo dùng đòn gánh phang chị tét đầu, máu chảy ròng ròng. Thấy Bố về chị tỉnh bơ, coi như không có chuyện gì xảy ra và cất tiếng hỏi:
-Bố ăn gì chưa, con mới đi xin bị người ta đánh chảy máu nè!

Bố không nói gì! Chỉ lẳng lặng dắt tay chị tôi vào nhà, không có gì băng bó, Ông qua nhà hàng xóm xin ít bông băng. Còn xót xa nào hơn nữa! Hix!

Mẹ tôi theo lệnh giãn dân đã phải chuyển hộ khẩu về nơi xâm canh cách 7 cây số với mấy đứa em nhỏ.

Theo quy định, vắng nhà quá 3 tháng không lý do là công an khu vực gạch tên, bởi vậy sổ hộ khẩu chỉ còn có một mình tên tôi mà thôi. Các em tôi đa số không có một mảnh giấy nhỏ tùy thân, nhưng không lo vì lúc đó có ai đi bán trà đá, thuốc lá... mà mang theo chứng minh nhân dân! Và sổ hộ khẩu hoàn toàn vô nghiã vì có bao giờ đi xin việc làm. Công An xét nhà sợ là dư người chứ thiếu người họ càng mừng. Thỉnh thoảng vài ba tháng HTX mua bán phường thông báo bán cho một số nhu yếu phẩm nhưng phải chờ chực mua, xong bán lại lời chút ít, chẳng bõ công, nên cái sổ hộ khẩu tuy cực kỳ quan trọng đối với nhiều người nhưng riêng với nhà tôi, hầu như không ai xài tới hộ khẩu.

Nói cách khác, anh em nhà tôi sống bên lề xã hội!! Đã lưu vong ngay trên quê hương mình!

Ra tù cải tạo, bố tôi đã 54 tuổi. Phải quản chế 6 tháng, gần như tù giam lỏng, 3 ngày trình diện một lần, lên chỗ rẫy rau muống xâm canh của mẹ tôi phải xin giấy đi đường cả buổi. Ông về là gánh thêm 1 miệng ăn mà không làm được gì, còn gì xót xa đau đớn hơn nữa. Ông quyết định bán miếng rẫy trồng rau muống. Tôi còn nhớ lúc đó ông bán giấy tay cho người quen được 4.000 đồng tương đương 2 chỉ vàng. Miếng rẫy rộng 1 hecta nằm gần cầu Suối Máu cách mặt đường quốc lộ 40 mét ông đã mua trước 1975 với giá 5 lượng vàng.

Hết 6 tháng quản chế, ông không được nhập khẩu lại nhà cũ với tôi lý do là thuộc diện giãn dân mặc dù nhà đó hoàn toàn là của ông xây dựng từ năm 1970. Thân phận của người thua cuộc là như vậy. Như cá nằm trên thớt.

Đầu năm 1979, Ông dắt díu 3 người con thứ 6, thứ 10 và 11 (tuổi từ 8 đến 16), lên chân núi Chứa Chan cách Biên Hòa gần 90 cây số, ông dựng một túp lều nhỏ, khai khẩn một miếng đất cách đó vài cây số, ngày ngày bố con thay nhau vào rừng đốn củi, làm lò than sống lây lất lầm than qua ngày, lấy ngắn nuôi dài. Mấy năm đó việc lấy củi làm lò than còn dễ, kiểm lâm chưa để ý, dù sao đó cũng là quy luật tự nhiên, ở thành phố không được làm việc gì thì phải lên rừng nhưng rồi rừng nhanh chóng cạn kiệt do số người khai thác quá đông và bừa bãi.

Cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Mảnh đất ông khai hoang được hơn một hecta đang trồng khoai mì thì một bữa, khi tới nơi, ông đã thấy hàng rào bao quanh không vào được nữa. Một lát có mấy anh bộ đội tới giải thích:
- Đất này là của Bộ Quốc phòng, gần trại K30 Quân đội Nhân dân, chúng tôi cho ông thu hoạch xong vụ rồi trả lại cho Nhà nước.

Bố tôi đưa giấy tờ trình là khi đi khai hoang được sự đồng ý của Xã Xuân Trường vì là đất hoang, xã khuyến khích dân khai phá.

Anh bộ đội cười khảy, tháo khẩu AK đang đeo xuống, dựng dưới chân và nói:
- Cái giấy của xã có bằng lệnh của Bộ Quốc phòng không??

Bố tôi và 3 người em đối với trại K30 y như cừu non và chó sói giành nhau uống nước bên bờ suối trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine.


Một hôm có chú cừu non tìm đến con suối trong rừng uống nước.

Lập tức, một con sói đói xuất hiện. Nó quát con cừu: “Tao đã cấm không cho ai uống nước suối này mấy tháng. Sao mày lại dám làm đục nước suối của tao?...”

Cừu non vội đáp: “Dạ thưa ông, xin ông bớt giận nhìn cho kỹ. Đây là con suối mấy đời nhà cừu tôi vẫn ra uống nước. Lũ cá chỗ suối này vốn là chỗ quen biết và có thể làm chứng cho tôi. Vả lại, tôi đang uống nước phía dưới ông mấy chục bước, sao lại có thể làm đục nước chỗ ông được ạ?”

Sói đang đói cồn cào, nhìn cừu nhỏ dãi, hét to: “Nếu hôm nay mày không làm đục nước suối thì năm ngoái mày có tội nói xấu tao!”

Cừu nói: “Thưa ông, năm ngoái mẹ tôi còn chưa sinh tôi ra, sao tôi lại có thể nói xấu ông được?”

Sói: “Vậy à? Nếu không là mày thì chính anh trai mày năm ngoái đã nói xấu tao!”

Cừu: “Dạ thưa, ông lại nhầm rồi! Tôi là con một, đâu có anh em!”

Sói tiếp: “Vậy thì một trong mấy đứa họ hàng bè lũ nhà mày nói xấu tao năm ngoái! Bọn các ngươi một lũ, nào thằng chăn cừu rồi lại mấy con chó nữa cùng hùa vào nói xấu tao, còn xua đuổi tao mười mấy bận! Tao phải báo thù này mới được!” Nói chưa dứt câu, Sói bổ nhào lên con cừu non, tha vào rừng ”.

Sau đó chuyện gì xẩy ra trong rừng thì ta đã thừa biết.

Thế là bao công sức lại mất trắng.





https://farm4.staticflickr.com/3914/15175178746_5c3ce454e8.jpg

V.I.Lãng
09-10-2014, 06:48 AM
Gian Nan và Nhiêu Khê


Cuối năm 1989, tôi đang bận việc ngập đầu, một ông Thiếu tá ở Liên đoàn 73 Quân y sau khi đi tù cải tạo về làm Xã viên HTX ghé qua tôi báo 1 tin quan trọng.

Giữa tôi và gia đình Ông nói riêng và bà con HTX nói chung tình cảm là tốt, rất qúy mến, có chuyện gì thường hay rỉ tai và giúp đỡ nhau.

Lúc đó chương trình HO đã được 2 chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam thảo luận và cùng thống nhất cho những người có quan hệ với chế độ cũ mà phải Ở TRẠI TÙ CẢI TẠO TRÊN 3 NĂM được chính phủ Mỹ cho định cư ở Mỹ cùng gia đình vợ con. Con thì phải độc thân và dưới 21 tuổi.

Ông Thiếu tá rất tốt, Ông chỉ vẽ cho tôi chỗ nào mua hồ sơ, và tuần tự thủ tục phải làm gì. Chứ thiệt tình tôi cũng không để ý và không biết.

Tôi thu xếp công việc lặn lội lên Bố tôi nói lại tình hình vì Bố tôi ở quá xa và hầu như rất ít thông tin. Lúc ban đầu chương trình HO, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy thủ, mạnh ai nấy giấu sợ người khác biết.

Vấn đề chính là PHẢI CÓ GIẤY CẢI TẠO ĐỦ 3 NĂM, THIẾU 1 NGÀY CŨNG KHÔNG ĐƯỢC.

Bố tôi nghe xong chả phản ứng gì cả, mặc dù ông cải tạo hơn 3 năm, vì ông được tha về tháng 7/1978.

Bố chậm rãi nói với tôi:
-Hồi mới lên xã Xuân Trường, 4 bố con, ngày ngày thay nhau vào rừng kiếm sống, ở nhà thường để thằng Thức (tức em Út trai) 6 tuổi ở nhà. Một bữa nó qua nhà hàng xóm chơi, ở nhà toàn bộ giấy tờ Bố để trong thùng đạn khoá lại, kẻ trộm nạy vách sau vào tưởng là có gạo trong đó, rinh mất.

Mấy giấy tờ khác như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, sổ mua hàng...lên xã làm lại được chứ giấy ra trại thì TRẠI CẢI TẠO ĐÃ GIẢI TÁN BIẾT ĐÂU MÀ LÀM LẠI.

TÔI TƯỞNG NHƯ TRỜI ĐẤT SỤP ĐỔ MỘT LẦN NỮA! Cơ hội ngàn năm một thủa để thoát khỏi chốn rừng thiêng nước độc của Bố và mấy em tôi lại rơi vào ngõ cụt!

Nhưng tôi không chịu đầu hàng số phận và thế là một cuộc hành trình để làm lại cái "giấy ra trại" của Bố tôi bắt đầu từ năm 1989 đến 1993. 4 năm ròng hầu như tôi vừa làm việc để có kinh tế song song đó tôi luôn luôn chú ý nghe ngóng, dò hỏi bất kỳ ai, bất kỳ cơ quan nào để tìm manh mối làm lại cái giấy ra trại.

Những người giấy tờ đầy đủ thì từ HO-01 đã bắt đầu ra đi khoảng đầu năm 1991. Ông Thiếu tá Quân y người báo cho tôi biết tin đã đi HO-07 vào tháng 5/1991. Ngày tiễn Ông và gia đình ra phi trường đi Mỹ lòng tôi hụt hẫng kinh khủng, nếu Bố tôi mà còn GIẤY RA TRẠI thì biết đâu cũng đi cùng lượt với Ông.

Và lúc đó chínhg tôi cũng không thể ngờ chỉ làm lại cái giấy ra trại mà quá là GIAN NAN VA NHIÊU KHÊ cũng như tốn kém.

Năm 1990, hồ sơ đi Mỹ diện HO hầu như chưa có gian dối nên việc phỏng vấn mấy người đi HO đầu rất dễ dàng suông sẻ. Mới đầu chỉ có những ai cùng hộ khẩu với người chủ HO mới có thể làm hồ chung đi theo diện vợ con, còn khác hộ khẩu phiá Mỹ không chấp nhận vì họ cho là ghép.

Từ 1990 tôi bắt đầu một hành trình dài đăng đẳng qua không biết bao nhiêu là cơ quan để tìm ra manh mối cái GIẤY RA TRẠI CỦA BA TÔI. Từ 1978 đến 1990 chỉ có 12 năm không phải là dài, nhưng sau ngày 30/4/1975, việc quản lý rất là phức tạp và hỗn mang, mỗi địa phương mỗi khác, lúc đầu những người cải tạo chịu sự cai quản của Quân đội, sau đó chuyển sang Công an nên giấy tờ chuyển giao biết đâu mà lần.
Nhưng sở dĩ vấn đề trở nên gian nan và khó khăn là vì lúc chưa có chương trình HO, có ai để ý cái giấy ra trại đó làm gì. Đâu có ai ngờ đó chính là chiếc VÉ MÁY BAY SANG MỸ cho những người "bị đổi đời" sau 1975.

Bố tôi thì lại rất qúy cái giấy TRẢ QUYỀN CÔNG DÂN, ông luôn mang theo mình và thẻ cử tri... vì có 2 thứ đó tạo cho cái cảm tưởng an toàn hơn.

Để truy tìm cái giấy có thời tưởng chừng vô dụng đó, Bố tôi giao hết cho tôi lo liệu, vì tôi ở gần SG và cũng hay đi công tác dưới đó
Không biết bao lần tôi lân la ở công viên trước Dinh Độc lập, nơi những người HO hay tụ tập để dò la cách tìm lại bản sao giấy ra trại cho Bố tôi, mỗi người chỉ một nẻo, không ai giống ai, có người bảo lên Bộ Công An xin lại, có người bảo lên Bộ Tư Lệnh Quân Khu...

Và rồi do số lượng người mất giấy ra trại quá nhiều, nên cuối 1991 Đài phát thanh có trả lời chung là đến điạ điểm 59 Nguyễn Trãi Sài Gòn (số nhà này lâu quá chắc tôi không nhớ chính xác..) làm đơn xin lại bản sao Giấy ra trại. Kiếm số 59 Nguyễn Trãi không khó, nhưng tôi ngạc nhiên là nó chả có tên tuổi bảng hiệu của cơ quan nào cả.

Nhà tôi lúc đó chỉ có một mình tôi có chiếc xe máy miniscotter nhỏ xíu để đi lại, còn lại tất cả chỉ có xe đạp, có thể nói là gần như bất khả thi nếu không có xe máy vì Bố tôi ở cách Sài Gòn hơn 110 cây số, lại già yếu, nếu phải đi liên hệ phải thuê xe qua nhiều lần, nhiều chặng, vừa tốn kém vừa mất thời gian mà nhà lại quá nghèo. Tôi ở Biên Hòa mà đi SG cũng phải mất ít nhất là 1 tiếng.

Tôi đậu xe ngay cổng số 59 Nguyễn Trãi, đó là một dãy nhà gồm 4 , 5 căn riêng biệt ở chung trong 1 khu, có lính gác cổng. Anh Công an mặc áo vàng trẻ măng đứng gác, chừng 20 tuổi nhìn tôi, hất cái đầu và lên giọng:
- Muốn cái gì thì gởi xe rồi vào đây hỏi.

Gởi xe cứ ra dzô là 2.000 đồng, trong khi diã cơm sườn khoảng 4.000 đồng. Ở mấy cái cơ quan này bãi giữ xe cũng là đặc quyền của những người có quyền chức.

Gởi xe xong, tôi trở lại đưa tờ đơn và hỏi anh lính gác:
- Anh cho tôi hỏi, Bố tôi mất giấy ra trại cải tạo, nay nghe đài phát thanh nói chỗ này làm lại bản sao, anh cho tôi vào để xin lại.

Anh coi sơ qua tờ đơn rồi hỏi:
- Anh là gì của người đứng đơn này?

- Tôi là con.

- Anh vào phòng bên phải đầu tiên. Anh chỉ tay về phiá phòng đó.

Tôi đi vào bên trong trại, có khoảng 30 người trước tôi đang chờ. Gần 3 tiếng sau mới tới lượt tôi, anh công an đọc khá kỹ "đơn xin bản sao giấy ra trại" rồi hỏi giọng gay gắt:
- Giấy ra trại ghi chung chung như vầy biết lục chỗ nào? Một trại có khi luân chuyển vài chục ngàn người,người trùng tên có khi cả trăm nên ít nhất cũng phải nhớ số giấy ra trại và ngày ra trại.

Lúc đó thói thường hầu như bất kỳ ai đến cơ quan Công quyền là phải "chịu khó" mua 1 bao ba con số 5 hay bao Inter gói dẹp màu đỏ, móc ra 1 điếu mời cán bộ hút, xong để lại trên bàn. Phòng chỉ có 2 người mà thôi, nói vừa đủ nghe, ở ngoài khó mà biết nội dung bên trong nói gì.
Tôi cũng vậy, móc gói thuốc, rút 1 điếu mời anh Công an, anh rút liền, mở ngăn kéo lấy quẹt ra châm lửa.

Tôi có xem giấy ra trại của Bố tôi mấy lần và nhớ mang máng có 4 số, nếu nói không nhớ số thì coi như toi công cả buổi sáng, vì thế nên tôi gợi ý:
- Nhờ anh làm ơn giúp hộ, vì lâu ngày và cũng không mấy khi xài tới cái giấy ấy nên Bố tôi không thể nhớ được, nhưng tôi có nhớ hình như là số 2 ngàn mấy trăm thì phải, Anh làm ơn lại giùm tôi, tôi không quên ơn anh ...

Anh nhìn tôi dò xét chút, rồi nói:
- Thôi được rồi, tôi sẽ lục lại hồ sơ cho Bố anh từ số 2.000 đến 3.000. Tuần sau anh lên đây.

- Anh cho tôi hỏi chi phí bao nhiêu ạ?

- 70.000 đồng.

Nói xong anh viết biên lai.

Khiếp thiệt, đụng vô mấy cái giấy tờ này giá cứ như vàng. Lương giáo viên cấp 3 lúc đó cũng chưa tới 200 ngàn. Tôi nhìn cái biên lai mà tràn đầy nghi ngờ, loại biên lai này tôi làm cũng đưọc vì không có đóng dấu giáp lai của bên Tài Chánh.

TUẦN SAU TÔI LẠI LẶN LỘI LÊN. Chờ 2 tiếng lòng đầy hy vọng, nhưng anh Công an đã tỉnh bơ bảo tôi:
- Chúng tôi đã lục giấy ra trại từ số 2 ngàn đến 3 ngàn nhưng không có ai là tên Bố anh cả.

Thất vọng, vào cánh cửa máy bay khó hơn là leo lên tàu vượt biên. Tôi cố vớt vát:
- Vậy nhờ anh kiếm lại 1 ngàn số từ số 1 ngàn đến 2 ngàn.

- Được, cứ đóng chi phí là tụi tôi làm.

Thế là thêm 70 ngàn đồng nữa.

TUẦN SAU TÔI LẠI LÊN NỮA, hăm hở, sáng 4 giờ rưỡi đã dậy, làm vệ sinh xong, uống ly cà phê, 5 giờ nổ máy xe đi SG. Tới nơi, lần này tôi là người khá sớm nên chỉ nửa tiếng là đến phiên tôi. Anh Công an cười cười và khá nhẹ nhàng:
- Rất tiếc chúng tôi đã kiếm rất kỹ nhưng vẫn không thấy tên Bố anh.

Mặc dù đã quá quen với những gian truân, thất bát, và hụt hẫng mất mát, nhưng lúc đó tôi như á khẩu. Mấy tháng dò hỏi, đi tới đi lui, chi phí quá nhiều để rồi câu trả lời gọn bâng: 'KHÔNG TÌM THẤY" , nhưng tôi vốn kiên nhẫn, tôi mạnh dạn gợi ý:
- Anh cố giúp tôi lần nữa, chắc chắn là khi Bố tôi ra là Trại Thanh Hóa, tôi nghĩ là nếu anh cố tìm sẽ thấy, lần này chi phí bao nhiêu tôi cũng sẵn sàng miễn là anh tìm được.

Anh Công an khẽ cười như khuyên bảo tôi:
- Chi phí mấy bữa rồi anh đưa tôi là chi phí chính thức, chúng tôi đưa vào công qũy nên anh em sưu tra không có đưọc bao nhiêu, nhưng nếu anh muốn thì tôi sẽ bảo anh em làm kỹ hơn, tuy nhiên chi phí hơi cao đấy.

Tôi tính nhẩm, người ta đi vượt biên bằng đường biển đóng MỘT người mấy cây vàng (vàng hồi đó khoảng 700 ngàn/cây năm 1992) chưa chắc tới nơi, còn mình mới tốn có mấy trăm ngàn mà tiếc.. nghĩ thế tôi tung chiêu mạnh:
- Thôi tôi nhờ anh làm cách nào đó miễn sao làm lại bản sao cho Bố tôi, tôi sẽ giao anh 1 triệu, đủ không anh? Hôm nay tôi không đem sẵn, đưa trước anh 500 ngàn. Tuần sau nếu xong tôi đưa anh 500 ngàn còn lại.

Anh vui vẻ nhận tiền, đếm sơ sơ từng xấp, nhét vào ngăn kéo. KHÔNG BIÊN LAI!

Như thường lệ, ngoài tiền chi phí chính, là các thứ... phụ phí như 1 gói ba số 5, tiền gởi xe 2 ngàn nhưng có khi đưa 5 ngàn thối có 2 ngàn rồi bảo là không có tiền lẻ...

Tính ra chi phí tổng cộng chưa bằng vượt biên bằng đường biển nhưng cái công đi lại thì gấp 20 lần.

Lại 1 tuần nữa trôi qua, kỳ này tôi phải vay mượn mới có đủ 500 ngàn mang theo. Cũng là anh Công an đó. Tôi hồi hộp chờ đợi anh sẽ rút ra 1 tờ giấy! Ôi cái tờ giấy mà Bố tôi và 2 đứa em đang mong chờ sau 4 tháng ròng rã đi lại của tôi. Tờ giấy sẽ thay đổi cuộc sống của Bố tôi và 2 em. Đúng ra hộ khẩu có Bố tôi và 3 em, nhưng 1 đứa đã có vợ, nên chỉ làm cho 2 đứa độc thân đi cùng với Bố tôi mà thôi. Tôi đang mường tượng ra sau khi có cái "giấy ra trại" rồi phải còn rất rất nhiều công đoạn mà những người diện HO như con bò sữa sẽ được vắt cho hết trước khi đi Mỹ..

Anh Công an mặt không vui, không buồn, nói hơi lớn tiếng:
- Rất tiếc, chúng tôi đã sưu tra và lục rất kỹ, nhưng vẫn không thấy tên của Bố anh.

Đúng là Xôi hỏng bỏng không! 4 tháng ròng rã của đầu năm 1992 mà tôi có cảm tưởng như 4 năm dài lê thê.

Trên đường về tôi cảm thấy dường như có một số mệnh nào đó cứ cản trở việc đi Mỹ mặc dù tôi vốn không tin vào thuyết định mệnh.
Nhưng không tìm lại được tờ Giấy Ra Trại thì có nằm mơ cũng không thấy cái chân cầu thang máy bay!

Tôi thất thểu ra về, lồng ngực nặng chĩu, lúc tới hăm hở bao nhiêu thì lúc về gần như tuyệt vọng- Thôi thế là cả đời mấy Bố con cứ sống nơi cái chòi xiêu vẹo hoang sơ nơi xó rừng, rau cháo qua ngày, và tương lai con cháu mù mịt như đang chui vào đường hầm mà bò mãi chưa thấy chút nào ánh sáng!

V.I.Lãng
09-10-2014, 06:51 AM
Lại Bất Ngờ!


Sức cùng lực kiệt tôi đành buông xuôi, không còn ý định làm giấy tờ cho Bố và mấy em nữa. Tôi nghĩ đơn giản chắc là khi bàn giao từ ban đầu là Quân đội quản lý qua cho Bộ Nội vụ (Công an) hồ sơ đã thất lạc trong giai đoạn chuyển tiếp ấy. NHƯNG SAU NÀY TÔI MỚI BIẾT MÌNH ĐÃ LẦM TO.

Trong thời cuộc chung của miền Nam bị cưỡng bức phải sụp đổ mà Bố tôi là người thua cuộc. Còn tôi, tôi là người bỏ cuộc.

Nghĩ cũng tức anh ách, cũng đi tù như bao người mà nay nhìn họ ra đi thoát khỏi cuộc sống ở Việt Nam, Bố tôi chỉ vì sơ suất không giữ đuợc một tờ giấy mà đành ngậm ngùi ở lại, chôn vùi những ngày tồn tại trong tủi cực lầm than.

Nhưng" nói nào ngay", đâu phải mình Bố tôi mất giấy, bằng chứng là có quá nhiều người cũng vậy, nhiều đến nỗi ngày nào trên đài phát thanh cũng trả lời vấn đề xin lại cái giấy này. Tôi thú thiệt không biết có bao nhiêu người tìm lại được nhưng rõ ràng đối với tôi , việc này quả là cực kỳ nhiêu khê.


Sau năm 1986, kinh tế bắt đầu mở cửa, HTX của tôi bắt đầu đi xuống hẳn do hợp đồng ký với Liên Xô tự dưng gần như bị cắt hết. UBND phường mấy lần dự định điều tôi về làm ban Văn hóa thông tin, nhưng dĩ nhiên là tôi từ chối vì không có gốc, không có thân nên không thể thăng tiến. Lương chỉ đủ sống 1 tuần, xin lỗi còn thua người vá xe đạp.

Còn làm HTX có tiếng mà không có miếng! Nghĩ thế, tôi quyết định xin thành lập đơn vị sản xuất tư nhân trong ngành mây tre lá xuất khẩu với vốn liếng và kinh nghiệm hơn 10 năm làm trong HTX, chứ tiền bạc hầu như trắng tay. Lúc này hợp đồng đã bắt đầu chuyển sang ký với các nước tư bản như Pháp,Ý, Nhật... Dĩ nhiên, giá có cao hơn các nước XHCN nhưng bù lại rất chặt chẽ về chất lượng và nhất là giao hàng phải đúng thời hạn. Có khi chỉ cần trễ 1 ngày thôi là đành hủy bỏ nguyên chuyến hàng lý do là tàu họ đã rời cảng.

Trường Giáo dục Xuân Tâm sau đổi tên là Trường Phổ thông Công nông nghiệp, rồi lại đổi thành Trường Giáo dưỡng. Từ Biên Hòa qua cổng 10 Long Bình, rẽ trái qua QL 51 đi dốc 47 cao ngút. Qua ngã ba Thái Lan chừng 3 cây số có con hẻm lớn quẹo trái chừng 2 cây số là vào trường. Lúc này Thiếu úy Lê mà năm 1980 đã đón tôi lên trường huấn luyện tay nghề thủ công nay đã mang lon Đại úy. Ban Giám Hiệu nhà truờng cũng thay đổi nhiều lần và tháng 10/1992, Đại úy Lê lại lên tìm tôi với ý định cho các em phạm nhân sản xuất.

Tôi và Đại úy Lê thoả thuận, nhà trường sẽ sản xuất cho tôi 1 container 1 ngàn tấm mành lá buông trị giá 20 triệu. Tôi ứng trước cho Đại úy Lê 5 triệu. Tất cả đều không có giấy tờ nhưng nào giờ, cả chục năm chưa từng xảy ra vấn đề gì nên đã quen. Hơn nữa, học sinh nhà trường ở tập trung, sản xuất là bắt buộc, đi đâu mà mất.

Trong lần chở một xe nguyên liệu lên trường để sản xuất, sau khi đổ nguyên vật liệu xong, tôi mời Đại úy Lê ra ngã ba Thái Lan ăn sáng.
Đại úy Lê hơi ngạc nhiên, vì lần này tôi có vẻ thong thả chứ không đốc thúc hối hả như những lần trước.

Tôi buột miệng tâm sự:
- Kỳ này khoẻ được một chút, mấy lần trước cứ lắng đắng lo cái Giấy ra trại cho "Ông già" cứ đi tới đi lui ở Cục Hồ sơ An ninh lưu trữ, mệt gần chết.

- Đã xong hết chưa?

- Xong đâu mà xong, mấy ổng bảo lục cả mấy ngàn hồ sơ mà không thấy, tốn biết bao công đi lại và tiền bạc của tôi, mòn mấy cái lốp xe rồi chả được gì. Hix!

Đại úy Lê không nói gì thêm nữa, lẳng lặng ăn hết tô phở, xong gọi 2 ly cà phê đá. Hớp 1 hớp, Đại úy Lê nhìn thẳng vào mặt tôi rồi nói:
- Tưởng cái gì, sao nào giờ ông không nói tôi, cái gì không dám hứa chứ Cục Hồ sơ An ninh Lưu trữ ông muốn lấy cái giấy gì cứ bảo tôi.

Tôi nghĩ Đ/u Lê nói lấy chuyện làm quà, nên hỏi hờ hững:
-Ông có quen ai trong đó hả?

Đại úy Lê không trả lời, uống nốt ly cà phê rồi đứng dậy, nhìn đồng hồ, giục tôi:
- Ông gởi xe ở quán này đi, (quán quen) tôi chở ông đi lấy Giấy Ra Trại cho Bố ông.

Tôi gạt đi:
- Thôi, mệt lắm rồi, vô ích, chắc giấy tờ lâu quá thất lạc rồi.

Đại úy Lê trừng mắt nhìn tôi:
- Ơ hay cái ông này buồn cười nhể, tôi bảo đi với tôi, không đi, tôi đổi ý bây giờ.

Ngồi đằng sau chiếc xe cup 82, một tiếng sau, đại úy Lê chở tôi đã tới cổng số 59 Nguyễn Trãi. Khác với tôi, đại úy Lê chạy xe thẳng tới cổng gác, anh nói nhỏ với anh lính gác:
- Tôi là cháu của Đại tá Hoàng, tôi cần vào gặp ông có tí việc.

Anh lính gác chạy nhanh vào trong, một lát sau trở ra nói:
- Mời đại úy vào.

Đại úy Lê xuống xe dắt bộ vào trong nhà tôn nơi chứa xe nội bộ của cơ quan. Anh nói với tôi:
- Ông có muốn vào hay ngồi đây chờ tôi chút.

- Thôi ông vào đi. Ngồi đây mát và thoải mái hơn.

Đại úy Lê đi vào cái phòng trong cùng nhưng chỉ 5 phút sau lại trở ra. Anh nhìn tôi hỏi có vẻ ái ngại:
- Ông có nhớ số quân của "ông già" không?

Tưởng gì chứ tôi là Vua về nhớ các con số, tôi nhớ số điện thoại ít nhất của vài chục người, nhớ số chứng minh nhân dân của cha mẹ, thậm chí nhớ số nhà 3/16 đường Thánh mẫu Chí Hòa SG năm tôi đã rời bỏ lúc mới 7 tuổi, số xe hơi hiệu Vespa 400 là EB-0365 của bố tôi hồi trước 1975, còn số quân của Bố tôi thì thuộc lòng. Đó là 8 con số, nhưng trừ 2 số đầu chỉ năm sinh +20, thì chỉ cần nhớ 6 số sau là đủ. Tôi rất ngạc nhiên là chỉ hỏi số quân chứ không cần hỏi tên hay năm sinh gì cả!

Đại úy Lê ghi vào 1 tờ giấy rồi trở lại vào phòng.

Thêm 10 phút nữa, Đại úy Lê trở ra, mặt anh tỉnh bơ, tôi thầm nghĩ chắc là còn phải trở lại nhiều lần nữa thì bộ phận sưu tra mới tìm được như tôi đã từng "được" hẹn nhiều lần vậy. Vì thế tôi cũng chả hỏi thêm gì.

Về đến trường, tôi đang tính xuống các đội sản xuất coi việc triển khai thế nào, thì Đại úy Lê gọi giật tôi lại:
- Vào đây uống nước đã.

Anh hãm chè Bắc đặc quánh, đắng nghét, rồi rót ra. Đợi tôi nhấp môi đủ độ phê, anh mới chậm rãi lôi từ trong cặp ra một tờ giấy. Tôi thảng thốt kêu lên vì ngạc nhiên quá đỗi:
- Trời ơi! tôi kiếm cái giấy này mấy năm rồi! Trời ơi, ông lấy cái Giấy Ra Trại còn dễ hơn là kêu diã cơm sườn.

Đó chính là bản photocopy Giấy Ra Trại của Bố tôi. Bản photocopy trắng đen, nhưng bên trái có đóng dấu đỏ chói và ký tên của Đại tá Cục trưởng Cục Hồ sơ Lưu trữ (tức Cục trưởng A27).

Tôi có cảm tuởng là.. hy vọng đã vươn lên trở lại trong màn đêm. Lòng tôi lâng lâng như gặp lại ngưòi tình sau nhiều năm xa cách.

Có Giấy Ra Trại, tôi sẽ làm hồ sơ cho Bố và mấy em. Rồi tương lai tốt đẹp sẽ đến.

Nhưng lại một lần nữa, TÔI KHÔNG LƯỜNG HẾT ĐUỢC, ĐÂY CHỈ MỚI LÀ MỘT BƯỚC BẮT ĐẦU TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH MÀ TIẾP THEO NHIỀU GIAN KHỔ HƠN NỮA!




https://farm4.staticflickr.com/3854/15011976418_6939f4404a_b.jpg

V.I.Lãng
09-10-2014, 08:05 AM
Không có giấy khai sinh gốc

Có Giấy ra trại rồi, đó là một nút thắt quan trọng nhất được cởi bỏ, cuối năm 1992, đầu 1993, tôi bắt đầu tiến hành làm hồ sơ xin xuất cảnh cho Bố và mấy em tôi. Đã quá trễ vì đã có hơn 20 HO đã được giải quyết đi Mỹ. (Mỗi HO khoảng 1.000 hộ với khoảng 5.000 người). Do đó tôi đã có nhiều thông tin khi gặp trực tiếp với một số người mà tôi quen biết

Đối với nhiều gia đình nếu đầy đủ các loại giấy tờ thì tuy có bị "hành" là chính nhưng cũng qua chứ không khó khăn và quá phức tạp như nhà tôi. Đợt tổng kiểm tra nhân khẩu toàn quốc để làm sổ hộ khẩu ngày 15/10/1976 được lấy đó làm hồ sơ gốc. Do mất giấy tờ ngay từ đầu những ngày mới lên ở dưới chân núi, nên Bố tôi khi khai báo với UBND xã để làm hộ khẩu đã không khớp với giấy tờ gốc, nhiều chi tiết không đúng như ban đầu.

Đâu có ai ngờ, chỉ sai sót một ly là đi một dặm.

Một trở ngại rất lớn nữa là việc đi lại liên lạc giữa các thành viên trong gia đình tôi phải nói là rất khó khăn. Chỉ có mình tôi đơn thân ở gần giữa trung tâm tỉnh và các cơ quan lớn, còn lại các chị em đều ở rất xa trên dưới 100 km. Hồi đó chưa có điện thoại nên khi cần là phải đi xe đò hoặc nhờ người nhắn tin rất lâu mới tới. Việc đi lại tốn công tốn của không phải là ít trong lúc thì nhà tôi ai cũng nghèo thê thảm. Cái nghèo là... thảm hoạ vì không có tiền chả chạy chọt gì được, mà đã không "chạy chọt" thì không có việc gì nên cơm cháo! Gần như bất cứ việc lớn nhỏ gì cũng cần phải có "phong bì"!

Muốn làm hồ sơ xin xuất cảnh diện HO, phải có: 1- Giấy ra trại 2-Hộ khẩu 3-Chứng minh nhân dân 4-Khai sinh 5-Đơn xin xuất cảnh 6-Lý lịch nhân khẩu.

Lúc đó nếu con cái và ngay cả vợ chồng khác hộ khẩu rất khó mà được xét vì KHÔNG CHỨNG MINH ĐUỢC MỐI QUAN HỆ. Bởi vậy Bố tôi chỉ làm hồ sơ cho Bố và 2 em tôi cùng hộ khẩu mà thôi, còn bao nhiêu đa số là KHÔNG CÓ HỘ KHẨU đành bỏ lại. Mẹ tôi khác hộ khẩu cũng không làm được.

Tất cả giấy tờ lên xã đều ký hợp lệ, chỉ trừ có GIẤY KHAI SINH CỦA 2 EM TÔI (một đứa sinh năm 1970 và một đứa sinh 1975) ĐÃ MẤT CHƯA LÀM LẠI.

Nếu lên xã xin làm giấy khai sinh cũng không khó nhưng xem ra không ổn, vì thử hỏi, một đứa trẻ sinh năm 1975, mà giấy khai sinh ký năm 1993 làm sao gọi là hợp lệ, làm sao ai tin? Chưa kể nếu có làm lại, chắc gì đã đúng hoàn toàn như giấy tờ gốc! ĐÂY MỚI LÀ ĐIỂM MẤU CHỐT!

Lúc ấy trên đài ngày nào nêu rất nhiều trường hợp bị phái đoàn Mỹ từ chối vì giấy khai sinh KHÔNG HỢP LỆ.

Thế là lại rơi vào bế tắc, mặc dù sốt ruột nhưng chả làm sao khác, cứ dậm chân tại chỗ. Bố tôi và các em bất lực đã đành mà tôi cũng không hơn gì.

Thôi thì coi như bỏ! Và tôi lại BỎ CUỘC một lần nữa.

Bỗng một hôm, giữa năm 1993, tôi tình cờ gặp người bạn khá thân tên là Thịnh. Anh hơn tôi vài tuổi, trước 1975 là sĩ quan địa phương quân VNCH. Anh là người hiền lành nhưng lại khá nhạy trước tình hình... tại sao tôi nói vậy? vì anh là sĩ quan nhưng khi miền Nam sụp đổ, không biết anh khai báo sao mà không phải đi tù cải tạo như bao sĩ quan khác, ấy vậy mà khi có diện đi Mỹ HO anh cũng có Giấy ra Trại và làm hồ sơ xong xuôi, chờ ngày phỏng vấn. Thế mới...tài! Tài đổi trắng ra đen rồi đen lại ra trắng!

Anh Thịnh bảo tôi:
-Tội gì mà không làm đại hồ sơ đi, được thì hay, mà không được thì coi như mua vé số trật vậy.

- Nhưng mấy đứa em tôi không có giấy khai sinh sao mà làm được??

-Ban đầu tôi cũng không biết, sau có người chỉ cho, ông xuống phường Tam Hòa, chỗ photocopy gần UBND đó, cứ nói là tôi giới thiệu, rồi họ sẽ làm cho bất cứ giấy tờ gì.

Tôi nghe lời, ghé tiệm photocopy, sau khi trình bày, chị chủ tiệm nói với tôi:
- May cho anh, là mấy mẫu giấy khai sinh của năm 70 và 75 tiệm tôi còn mấy bản thiệt đây. Tôi sẽ làm lại cho anh, nhưng còn đảm bảo hay không tôi không chắc.

Cuối cùng tôi cũng có 2 tờ giấy khai sinh cho 2 đứa em.

Tôi đi lên đi xuống liên lạc với Bố và sau rốt là hồ sơ đã đầy đủ. Tôi thay mặt cho Bố lên Công an tỉnh nộp hồ sơ "Bản khai xin đi nước ngoài về việc riêng". (nguyên văn theo mẫu giấy)

Anh Công an sau khi coi sơ qua, bảo tôi qua phòng đóng lệ phí, và sau đó anh cấp cho tôi biên nhận đã nộp hồ sơ rồi bảo tôi, khi nào có kết quả sẽ gởi thơ thông báo về nhà.

Thời gian cứ lần lữa trôi qua nhanh chóng, gần 4 tháng sau, Bố tôi nhận được giấy Công an tỉnh mời.

Tôi lại thay mặt Bố tôi lên "làm việc" vì nhà tôi chỉ cách Công an tỉnh có 400 mét. Lòng có chút hy vọng, nhưng anh Công an tiếp tôi, mặt lạnh hơn nước đá mùa đông... bắc cực, anh nói hơi cộc:
- Hồ sơ bố anh không hợp lệ vì Giấy Ra Trại chỉ có ngày ký, chứ không có ngày vào ngày ra, làm sao biết cải tạo mấy năm?

Tôi nắm rất vững ngày tháng nên nói ngay:
- Anh coi lại dùm, ngày ký ra trại là 22 tháng 7/ 1978 trong khi ngày tập trung đi cải tạo là 14 tháng 6/1975. Như vậy là chắc chắn hơn 3 năm, đủ tiêu chuẩn mà anh.

Thật bất ngờ anh nói hơi lớn tiếng:
- Anh nên nhớ, không phải tất cả tập trung 1 ngày, có người bị bắt ngay sau 30/4/75 và cũng có người cả năm sau mới bị bắt. Nghiã là ra trại ngày 22/7/78 có khi cải tạo hơn 3 năm mà cũng có khi thiếu 3 năm.

Nói xong anh cầm nguyên bộ hồ sơ đẩy về phiá tôi, rồi anh đứng dậy, đi vào bên trong.

Trời ơi có thấu! Lúc nhận hồ sơ sao không nói toạc ra, mà cứ ngâm ở đó, kéo dài tới 4 tháng sau mới thông báo...trớt quớt! Hix Hix!

Tôi lủi thủi cầm tập hồ sơ ra về. Tức đến tím ruột gan! Thật là nhiêu khê và quan liêu quá mức!
Đồng thời, lần này cũng là thêm một lần nữa bế tắc, vì biết hỏi ai, cơ quan nào chứng nhận là Bố tôi cải tạo đủ 3 năm?? Lại từ thua tới thua!

V.I.Lãng
09-10-2014, 08:09 AM
Giấy Xác Nhận ngày vào ngày ra.

Sau khi bị nhiều cú "choáng", và bao nhiêu là khó khăn bủa vây, tôi lại bắt đầu định thần và tiếp tục tìm chút ánh sáng cuối đường hầm.

Đầu tiên là tôi muốn biết xem cái Giấy Ra Trại của những sĩ quan tù cải tạo như thế nào, có giống như giấy của bố tôi không. May quá, trong HTX cũ của tôi có tới 6 ông sĩ quan đi cải tạo về rất khó xin việc làm nên họ đành gia nhập HTX . Tôi đi tới từng nhà họ để hỏi.

Nghe tôi trình bày, cả 6 ông đều vui vẻ cho tôi coi cái Giấy Ra Trại của họ. Phải chứng mắt tận nơi tôi mới tin, có 3 Giấy Ra Trại có ghi rõ ngày vào ngày ra và 3 cái giống của Bố tôi là chỉ ghi ngày ký.

Thế là rõ, mỗi trại mỗi khác nhau!

Ba ông có giấy ra trại không có ngày vào ngày ra cũng không biết làm sao, hồ sơ của họ cũng bị trả về.

Hỏi ai bây giờ? Công an thì trả lời đủ ngày tháng thì họ làm hồ sơ còn ở chỗ nào xác nhận thì họ không biết.

4 tháng ròng, ngày nào cũng đi đi lại lại, ghé chỗ này, cơ quan nọ, tôi giống như người đi biển lạc hướng lần mò trong đêm tối!

Từ Biên Hòa, tôi gởi mấy lá thư lên Đài phát thanh SG nhưng mấy tháng không nghe hồi âm. Tôi đành lên trực tiếp gặp Ban công tác bạn đọc Đài phát thanh. Anh nhân viên cho tôi biết do thư quá nhiều nên không thể trả lời nhanh được, nhưng sẵn tôi ghé đài, anh cho biết chỉ có một nơi duy nhất xác nhận ngày vào ngày ra của Giấy Ra Trại do Quân đội quản lý hồi năm 1978 là "Phòng Điều tra Hình sự thuộc quân khu 7" hiện nhờ số 6 Lê Qúy Đôn SG làm địa chỉ để giúp người cần xác minh thời gian cải tạo.

Thiệt tình nếu anh nhân viên này không nói, ...ÔNG NỘI TÔI CŨNG KHÔNG BIẾT ĐƯỜNG NÀO MÀ LẦN! Hix!

Từ Đài phát thanh, lần đầu tiên, ngay lậy tức tôi ghé số 6 đường Lê Qúy Đôn coi mặt mũi nó như thế nào. Ở đấy không có cổng gác, không cần gởi xe, nhưng nhìn thoáng qua tôi thấy rất đông có cảm trăm người đang chầu chực trước một căn phòng nhỏ. Vì không mang hồ sơ, tôi ghi chú những điều lệ trong bảng chỉ dẫn rồi ra về.

Mất 2 ngày làm đơn, dĩ nhiên nào giờ làm đơn là đầu tiên phải thông qua tổ dân phố, rồi lên Công an rồi mới tới UBND.

Rồi tôi lại ra đi khi trời còn mờ hơi sương, tới số 6 Lê Qúy Đôn mới 7 giờ mà đã có khoảng 80 người đến trước. Nộp đơn xin xác nhận kèm theo Giấy Ra Trại xong, tôi đi ăn sáng rồi lại chờ đợi.

Đến 12 giờ, thì một người lính ra trước phòng thông báo: chỉ làm việc buổi sáng, buổi chiều nghỉ, ai chưa tới lượt, tuần sau lên! Hix hix đã thiệt, chờ chảy cả nước để rồi lại về không!

Lần thứ 3, tôi lại xuống số 6 Lê Qúy Đôn. Để chắc ăn, tôi đi từ 5 giờ sáng. 8 giờ tôi được gọi vào. Tiếp tôi là người sĩ quan mặc quân phục chỉnh tề đeo lon Đại úy và bảng tên là Tước. Đại úy Tước khác với mấy anh Công an bên Bộ Nội vụ Tổng cục 1. Anh vui vẻ, nói năng rất lịch sự. Anh hỏi tôi thêm một số chi tiết, anh ghi vào giấy cẩn thận, xong hẹn tôi tuần sau lên. Lệ phí là 100 ngàn.

Lần thứ 4 tôi lại xuống, Đại úy Tước cho biết, vì quá nhiều hồ sơ nên hẹn tôi tuần sau.

Lần thứ 5, Đại úy Tước cho biết đã tìm xác minh được ngày vào ngày ra nhưng hôm nay không có lãnh đạo ký. Nếu cần, chiều nay, anh sẽ tranh thủ và trưa mai, tôi có thể xuống lấy giấy, nhưng không phải tại đây (tức số 6 Lê Qúy Đôn) mà cứ vào Bộ Tổng Tham Mưu của VNCH nay là doanh trại QĐNDVN ở đường Hồ Văn Huê, gặp lính gác cứ bảo với họ là cho gặp Đ/u Tước.

Lần thứ 6, tôi xuống chỗ Đại úy Tước đã hẹn. Trại rất lớn do trước đây là Bộ Tổng tham mưu QLVNCH.
Anh lính gác nghe tôi nói xong nhấc máy điện thoại quay, rồi anh bảo tôi vào một căn nhà nhỏ (coi như phòng tiếp dân) cách trạm gác 100 mét, chờ chút xíu Đ/u Tước sẽ ra.
Mười lăm phút sau Đ/u Tước chạy xe Dream ra. Căn phòng tiếp tân có chiếc bàn nhỏ và mấy chiếc ghế, chỉ có tôi và anh.
Vừa lôi trong cặp chiếc giấy nhỏ anh vừa nói:
- Mấy ảnh bận họp mấy ngày nay, nhưng tôi thấy anh đi lại nhiều lần và xa xôi khó khăn nên tranh thủ gặp riêng anh Trưởng phòng ký cho anh rồi nè.

Nghe tới đó, lồng ngực tôi lại rộn rã, cuối cùng ít ra cũng tìm được manh mối. Tôi hồ hởi nói với anh:
- Cảm ơn anh nhiều lắm, tôi hiểu mà, ngay ở Phường tôi, có khi chỉ ký một tờ giấy đơn giản cũng mất cả tuần. Chi phí bao nhiêu anh cho tôi biết để gởi tiền?

- Chi phí chính thức là 100 ngàn anh đã đóng rồi, nhưng anh cho thêm ít tiền để tôi mời mấy ảnh đi nhậu. Thôi anh cho 500 ngàn coi như bữa nhậu vậy.

Tôi nhớ không lầm, giá vàng và vật giá nói chung suốt từ 1990 và nhiều năm về sau rất ít biến động không còn lạm phát phi mã, chỉ khoảng 50 ngàn/ chỉ, tức 1 cây vàng khoảng 500 ngàn.

Tôi nghĩ dù sao đã lỡ leo lưng cọp rồi, giờ nhảy xuống chỉ có thiệt mà thôi, hơn nữa cái giá này so với lúc lấy bản sao Giấy Ra Trại còn rẻ chán.

Đại uý Tước cảm ơn rối rít, và vui vẻ bắt tay tôi. Bên Quân đội dù sao cũng đỡ hơn 10 lần thái độ hách dịch coi dân bằng nửa con mắt của bên Công an.

Tính đi tính lại từ lúc nộp hồ sơ tháng 10/92 rồi bị trả lại đến lúc nhận được giấy xác minh ngày vào trại ngày ra trại hơn 1 năm trời.

Cuối năm 1993, chương trình HO cho diện tù nhân cải tạo xuất cảnh gần đi vào giai đoạn cuối.

Nhưng càng về sau, nhiều phần tử đã đánh hơi được đây là chỗ "làm ăn" béo bở, hái ra vàng, nên đã phát sinh nhiều giấy tờ giả và phiá Mỹ ngày một kỹ hơn rất nhiều.

V.I.Lãng
09-10-2014, 08:30 AM
Không đi tới đâu!

Sau 5 năm đeo đuổi và lần mò tìm ra các manh mún các loại giấy tờ, đầu năm 1994, tôi bắt đầu nộp trở lại hồ sơ cho Bố và 2 em tôi. Lúc này chương trình đã lên danh sách tới HO 35 và đã có hẳn một dịch vụ của Bộ Nội vụ nhận làm hồ sơ ở số 333 đường Nguyễn Trãi SG. Bạn ở bất cứ tỉnh nào bạn cũng có thể liên hệ nơi đó, họ sẽ làm hồ sơ lên danh sách HO và lấy hộ chiếu cho bạn luôn. Bạn không cần phải đi lại 2, 3 nơi ở địa phương như trước. Rất tiện lợi và nhanh chóng.

Tôi lại mò xuống số 333 Nguyễn Trãi nộp hồ sơ cho Bố và 2 em tôi. Giá dịch vụ lên danh sách và làm hộ chiếu mỗi đầu người 150 ngàn đồng.

Kết quả tháng 4/1994, Bố tôi được lên danh sách HO 45 (có lẽ là HO cuối cùng). Lúc này đang phỏng vấn HO 35.

Và đúng 1 năm sau, tháng 4/1995 Bố và 2 em tôi được mời lên sơ vấn. Sơ vấn tức là lên làm thủ tục chuẩn bị phỏng vấn chính thức cũng như bổ túc những giấy tờ cần thiết, thường là hình ảnh hay những gì khác để chứng minh mối quan hệ gia đình như thơ từ... vì khi nộp hồ sơ không có mục này.

Mặc dù không có tên trong danh sách sơ vấn và phỏng vấn, nhưng tôi mới chính là người vất vả và lo lắng nhất. Vì tôi là người được Bố giao trách nhiệm nên tôi hiểu những bất trắc có thể xảy ra. Ngày ấy khi nhận được giấy mời lên Sở Ngoại Vụ ở số 184 Bis đường Pasteur, chỉ việc trình giấy mời là cả gia đình đều được cho vào phòng chờ đợi, mấy người cũng được, kể cả người không có tên phỏng vấn.

Ai đã từng vào phỏng vấn mới hiểu cái tâm trạng cực kỳ căng thẳng như thế nào. CHỈ CẦN 5 PHÚT THÔI LÀ CÓ THỂ ĐỔI DỜI. Cuộc đời có thể sang một trang khác chỉ sau vài phút phỏng vấn.

Những mẩu chuyện nghe qua cũng có mà chính tôi tìm gặp trực tiếp cũng có.

Chuyện tài tử Nguyễn Chánh Tín nổi tiếng qua đóng bộ phim Ván Bài Lật Ngửa, (hình như có cha cũng là sĩ quan chế độ cũ tù cải tạo 5 năm,) hồ sơ theo tôi nghĩ là đủ tiêu chuẩn. Nhưng khi Nguyễn Chánh Tín bước vào phòng, viên chức phỏng vấn đã buông một câu như gáo nước đá: - Chào Đại tá! Sao đi Mỹ uổng vậy !! Thôi thì ở Việt Nam để chờ đợi đóng nhiều bộ phim lên cấp tướng !!!"

Hồ sơ dù đầy đủ nhưng viên chức phỏng vấn có toàn quyền quyết định việc chấp thuận cho đi hay ở lại.

Có lần, tôi đang ngồi ở phòng chờ, bỗng thấy xôn xao, rồi có mấy ngưòi chạy lên lầu. Thì ra 2 vợ chồng già ở mãi Quảng Trị bán hết nhà cửa mới có tiền làm hồ sơ, phiá Mỹ đánh rớt, người vợ ngất xỉu ngay tại chỗ, cạo gió mãi không tỉnh, đành kêu xe cứu thương chở bà đi bệnh viện.

Hôm sơ vấn, tôi đang ngồi dưới lầu, chợt nghe to tiếng, một ông HO vừa chửi thề rồi bước ra khỏi phòng, tay cầm nguyên bộ hồ sơ xé tan nát làm trăm mảnh, quăng tứ tung... Có người khi bị từ chối đã tiến lên hành hung viên chức phỏng vấn...

Rút kinh nghiệm, sau này, chỉ có những ai có giấy mời mới được cho vào phòng chờ đợi sau khi đã được khám xét rất kỹ kiểm tra xem có mang theo vũ khí hay không. Viên chức Mỹ cũng được cấp roi điện để tự bảo vệ và kết quả "đậu hay rớt" không nói ngay, sau khi phỏng vấn yêu cầu xuống lại phòng chờ đợi để nghe thông báo qua loa phóng thanh.

Chuyện người thật thì rớt mà người giả, người ghép thì đậu cũng là việc dễ hiểu. Ở đâu có nước là ở đó có cá. Bao giờ cá lớn chả nuốt cá bé. Hàng trăm ngàn người vuợt biên và vượt biển đem ngay cả tài sản và sinh mạng của mình ra đánh đổi, một sống hai chết, họ còn dám làm nên việc người ta tìm mọi cách làm hồ sơ giả để đi Mỹ cũng là điều dễ hiểu.

Khoảng từ năm 1994 trở về sau, bạn ngồi ở phòng chờ đợi, thấy gia đình mới phỏng vấn đi từ trên lầu xuống, nhìn sắc mặt là biết ngay đậu hay rớt. Càng về sau tỷ lệ rớt càng nhiều, có ngày hầu như rớt hết.



Ngày phỏng vấn, Bố và 2 em tôi chờ mãi, chờ mỏi mòn, chờ...chảy nước. Giấy mời tới hẹn lúc 8 giờ sáng mà mãi tới gần 12 giờ trưa loa phóng thanh mới kêu tên Bố tôi. Có lẽ Bố là người cuối cùng trong đợt phỏng vấn buổi sáng.

Vừa vào phòng, bà người Mỹ nói gì đó, cô thông ngôn dịch lại:
- Bà ấy bảo yêu cầu con ông là Đặng văn Thứ sinh năm 1975 ra khỏi phòng.

Bố tôi sửng sốt lên tiếng:
- Sao chưa phỏng vấn gì mà đã đuổi là sao cô?

Cô thông dịch nhìn bà viên chức một chút rồi như hai người đã hội ý từ trước, cô nói:
- Thôi ông đừng có nói thêm nữa, bà ấy đuổi hết ra đó.

Thế là em tôi đành đứng lên ra khỏi phòng mà không biết lý do tại sao.

Sau đó bà quay sang hỏi Bố tôi có 3 câu ngắn như "Ông đi lính năm nào, cải tạo bao năm, qua mấy trại.."
Kế đến bà quay qua hỏi đứa em còn lại sinh năm 1970, sau vài câu, cô thông ngôn cho biết bà ĐỒNG Ý CHO ĐỨA CON NÀY ĐI và YÊU CẦU XUẤT TRÌNH BẢN SAO HỘ KHẨU GỐC.

Tôi có dặn em tôi trước là nếu có hỏi giấy tờ bất cứ thứ nào mà mình không có, thì phải nói ngay là sáng dậy muộn lật đật đi quên mang theo nên để ở nhà. Mục đích là hoãn binh kéo dài thời gian để mình có thể khẩn cấp làm ngay sau đó. Nhớ lời tôi, em tôi bảo là bỏ quên ở nhà.

Cuộc phỏng vấn chỉ khoảng 3 phút là chấm dứt. Chỉ 3 phút phù du thôi có thể thay đổi số phận hay mãi mãi cứ ở lại cái xó rừng tồi tàn hoang sơ trong căn chòi xiêu vẹo dưới chân núi!

Bà viên chức nói Bố và em tôi ra khỏi phòng, xuống dưới lầu chờ thông báo kết quả. Lúc đó cũng tới giờ nghỉ cho mọi người ăn trưa.

Đầu giờ chiều, loa phóng thanh chỉ đọc tên mời mỗi mình Bố tôi vào làm thẻ IOM tức được chấp thuận, còn 2 đứa em tôi rớt.
Họ phát cho Bố tôi tờ giấy màu trắng toàn tiếng Mỹ, ghi lý do: Relationship not established! Tạm dịch là : Không xác định được mối quan hệ gia đình!

Bố tôi khi vào phòng để chụp hình làm thẻ IOM (International Organization For Migration: Tổ chức di dân quốc tế) đã nói ngay:
- Nếu không cho con tôi đi cùng, tôi sẽ không đi.

Nhân viên phòng làm thẻ IOM đâu có biết gì, họ trả lời:
- Điều đó ông nói hay làm đơn với phái đoàn Mỹ, còn chúng tôi chỉ là người làm thẻ IOM mà thôi. Nhưng thấy hoàn cảnh ông , tôi nghĩ ông cứ làm thẻ để đó, đi hay không tính sau.

Cầm thẻ IOM, Bố tôi bước ra khỏi phòng, nói như đinh đóng cột:
- Thôi không đi nữa, Bố già 70 tuổi rồi, qua Mỹ có một mình thì đi làm gì!

Bao năm chờ đợi kết quả coi như vẫn là con số không! Bao nỗ lực không đem lại kết quả. Tôi như tê dại cứng ngắt! Buổi chiều hôm ấy trời mưa to, nhưng tôi vẫn chở ngay em tôi về nhà mặc cho giá lạnh. Tôi đã làm hết cách nhưng có những sự việc ngoài tầm tay, bất lực. Thương em tôi một thì tôi lại tự trách mình mười. Nhưng khổ nỗi, dù thế nào, tôi cũng không tin vào số mệnh. Theo tôi, không thể có một định mệnh tốt cho người này mà lại xấu với người khác!

V.I.Lãng
09-10-2014, 08:39 AM
Giả và thật!

Sau bao lần khó khăn để rồi cứ từ thất vọng này lại đến thất vọng khác. Nhưng lần viên chức phỏng vấn Mỹ từ chối 2 người em tôi mới thật sự là đắm tàu vì Bố tôi không chịu đi một mình. Nếu cái "Giấy Ra Trại" và "giấy xác nhận ngày ở tù" là cái bùa hộ mệnh cứu vớt những người HO thì cuộc phỏng vấn thất bại là cơn bão nhấn chìm toàn bộ.

Ngay ngày hôm sau tôi lại lên SG dò hỏi để làm đơn khiếu nại mặc dù thừa biết việc đó làm chơi vậy thôi chứ một hồ sơ đã bị từ chối thường để được cứu xét lại phải mất vài năm.

Tôi đã thay Bố làm cả đống đơn rồi dịch ra tiếng Anh xong gởi tới tòa Lãnh sự Mỹ tại Thái Lan. Tất nhiên một đi không trở lại!

Để tìm hiểu, tôi thường đi gặp trực tiếp những người bị rớt. Ở gần quân đoàn 3 khu Phước Hải Biên Hòa, có một gia đình 2 vợ chồng 5 đứa con, khi vào phỏng vấn, ngay đầu tiên phiá Mỹ lấy ra 2 cái chứng minh nhân dân mới làm, chụp hình có màu, (CMND cũ hình trắng đen) và đuổi ngay 2 đứa con đó ra ngoài. Ông chủ gia đình là sĩ quan sư đoàn 18 đứng lên, nói mạnh:
- Nhân danh là sĩ quan QLVNCH, tôi xin thề danh dự...

Ông chưa nói dứt lời thì viên chức Mỹ xua tay cắt ngang:
- Ông đừng có mà thề với thốt, ở Biên Hòa chuyên làm hồ sơ giả.

Rồi ông về làm đơn khiếu nại lung tung cũng chả ăn thua gì. Bạn nghĩ coi, tháng 3 nộp hồ sơ thì tháng 2 làm CMND hay khai sinh ai mà tin cho nổi.

Đặt mình vào địa vị người phỏng vấn, tôi cũng phải loại những trường hợp đó, oan ức tính sau. Có người bảo là việc mất giấy tờ là thường tình. Vậy chứ khi bạn mua vé xem hát, bạn làm mất cái vé đó, bạn nói sao cho người soát vé tin??

Đâu cần phải thông minh, ai cũng biết, giấy khai sinh là để chứng nhận sự có mặt của một con người. Còn cái chứng minh nhân dân với hình chụp cái khuôn mặt là để xác định người đó có phải thực sự đúng là tên trong giấy khai sinh hay không. Thời chiến tranh và ngay cả thời sau chiến tranh, nhiều nơi xa xôi làng mạc hẻo lánh không còn lưu giữ được sổ bộ gốc khai sinh và trước 1975 khi mất giấy khai sinh người ta làm lại bằng cách xin toà án cấp lại cái gọi là "Giấy Thế Vì Khai Sinh", nhiều người lợi dụng tình trạng này xin rút tuổi cho con hầu trốn lính ngày nào hay ngày đó.

Tất nhiên cũng có nhiều trường hợp oan ức thật, vì mất giấy tờ thật phải làm mới lại. Do đó rất khó phân biệt đâu là ngay là oan.

Tôi có người anh bà con gia đình 5 con, anh đi tù cải tạo 13 năm, ở nhà 2 đứa con lớn đi học xa, phải cắt hộ khẩu, sau đó học xong nhưng không xin được việc làm do lý lịch cha cải tạo nên phải về nhà và nhập khẩu lại. Nghiã là tờ hộ khẩu rất minh bạch, xoá đi 2 cái tên ghi chú rõ là đi nhập học, và 4 năm sau nhập trở lại cũng 2 cái tên đó, y chang ngày tháng năm sinh. Khi phỏng vấn, phiá Mỹ nghi ngờ nhưng có lẽ thấy anh này tù cải tạo tới 13 năm nên không đánh rớt mà cho phép chứng chứng minh mối liên hệ gia đình. May quá, anh tìm lại được bức hình do chị tôi chụp trong đó có đầy đủ 5 đứa con anh chung 1 tấm. Hên cho anh là phiá Mỹ chấp thuận.

Nhưng sau 1975, thì toàn bộ hồ sơ gốc căn cứ vào ngày khai 15/10/1976 vẫn còn đó. Bạn chỉ cần vào Công an Thành phố hay Tỉnh gặp bộ phận lưu trữ xin bản copy nếu có lý do chính đáng, nhưng thuờng thường bạn phải có phong bì thì "họ" mới chịu khó lục cho bạn. (lúc tôi ở VN thì vậy, còn giờ sao thiệt tình tôi hổng biết...)

Năm 1995 lúc phong trào vượt biển thuyền nhân chấm dứt do các trại tị nạn đã đóng cửa thì con đuờng duy nhất để "vượt biên" là tìm đủ mọi cách làm hồ giả theo diện con lai hay HO. Tôi dám nói từ đó tới nay cái ước vọng đi nước ngoài định cư của người Việt vẫn còn trừ một số ít người có đặc quyền đặc lợi hay đã lớn tuổi. Câu nói nếu cái cột có chân nó cũng bò đi rồi phản ảnh khát khao muốn vượt thoát cái xã hội chỉ ưu việt qua khẩu hiệu cửa miệng.

Tôi xin kể một trường hợp điển hình mà tôi trực tiếp biết việc làm hồ sơ giả. Số là tôi quen biết anh do anh cùng làm ngành tiểu thủ công nghiệp với tôi, gặp nhau riết, ăn nhậu rồi quen thân!

Trước 1975, anh Thịnh là sĩ quan điạ phương quân tiểu khu Biên Hòa. Sau 1975, anh khai báo sao đó mà chỉ học tập có 3 ngày. Đến 1993, anh "mua" được cái giấy ra trại tù cải tạo 5 năm rồi làm hồ sơ HO 35.

Mua không khó, miễn là có nhiều vàng hay tiền! Hix!

Khi vào phỏng vấn, anh nhờ barrière (tay trong) nên khi viên chức Mỹ hỏi:
-Đại liên M60 viên đạn đường kính bao nhiêu?

Anh đâu rành, trả lời là 60 milimét. Sai bét! Thực ra tuy là đạn đại liên sức công phá cực mạnh mà nó nhỏ xíu hà, chỉ có 7,62 ly mà thôi, 60 ly bằng quả súng cối rồi còn gì!

May cho anh là anh đã "bao sân" nên được bố trí vào phỏng vấn mà viên chức Mỹ hoàn toàn không biết tiếng Việt, vì thế mà anh thông dịch dịch 60 milimét thành ra 7,62... Kết quả cả gia đình anh được chấp thuận. Anh có thuận lợi là quen thân với một số quan chức chuyên về làm giấy tờ, họ rất rành ngóc ngách, đường đi nước bước nhưng quan trọng nhất là gia đình anh có đủ tiền để chung chi.

Coi như anh Thịnh là điển hình làm hồ sơ giả thành công. Nhưng vẫn chưa hay bằng em ruột của anh.

Em ruột anh Thịnh trước 75 trốn lính hoàn toàn, không đi lính một giờ. Anh Thịnh dù gì cũng là sĩ quan thiệt. Thế nhưng, người anh làm giả được thì người em cũng bắt chước y chang, cũng mua giấy ra trại...cũng nộp hồ sơ đi HO.. và cuối cùng khi phỏng vấn cũng trót lọt.

Tôi cam đoan những chuyện đại loại như trên là có thiệt. Chỉ sợ tốn thời giờ nên kể cho các bạn nghe chơi một vài chuyện thôi. Chớ kể thêm e thành truyện dài mất.

Trở lại, sau khi Bố tôi quyết định không đi, nhà tôi trở lại bình thường, coi như từ bỏ chuyện đi Mỹ, anh em mỗi người mỗi ngã, cứ lây lất phất phơ qua ngày đoạn tháng.

Cho tới một năm rưỡi sau, vào đầu năm 1997, sau Tết một buổi trưa tôi đang chuẩn bị đi dạy vi tính Cung Văn Hóa Thiếu Nhi thì em tôi từ trên xã Xuân Trường về đưa tôi một lá thư. Đọc xong, tôi dửng dưng bỏ vào ngăn kéo, rồi đi dạy,... Nhưng tôi đâu thể ngờ đó lại là một khởi đầu cho một hành trình triền miên và gay go cực kỳ, thử thách sức chịu đựng.

V.I.Lãng
09-10-2014, 08:47 AM
Càng thêm chọc tức!

Đó là cái thơ giới thiệu gọi là cái LOI (viết tắt của Letter Of Introduction) của Tòa Đại sứ Mỹ ở Thái Lan gởi cho Bố tôi cả tháng trước. Trong cái lá thơ đó, ngoài trừ 2 đứa em đã bị rớt trong cuộc phỏng vấn tháng 3/1995, Toà Đại sứ giới thiệu 10 người con còn lại có tên trong danh sách được dự cuộc phỏng vấn để đi Mỹ cùng với Bố tôi. Đọc mà sướng cái lỗ tai. Hix!

Thiệt ra, sau vài chục HO đã đuợc phỏng vấn, có quá nhiều trường hợp rớt oan và quá nhiều trường hợp khác hộ khẩu nên không được làm hồ sơ. Dư luận hết sức bất bình và đã có nhiều cuộc vận động vì thế Quốc Hội Mỹ cũng như Tổng thống Mỹ ra các sắc lệnh điều chỉnh lại, cho phép con cái không cùng hộ khẩu với cha được làm hồ sơ phỏng vấn

Bố tôi đã nhận tờ LOI nhưng lúc đó tuổi Ông đã 72 nên đưa cho mấy em tôi. Mấy em tôi cầm qua cầm lại rồi chạy tới chạy lui như gà mắc tóc chứ biết làm gì khi trong tay không có tiền, không có phương tiện đi lại và NHẤT LÀ HẦU HẾT KHÔNG AI CÓ ĐẦY ĐỦ GIẤY TỜ CĂN BẢN NHƯ HỘ KHẨU, CHỨNG MINH NHÂN DÂN.

Còn đối với tôi, tôi không thiết tha nữa, vì quá mệt mỏi sau thời gian dài chạy chọt, tiền bạc đã hao mòn và tổn thất lớn... hơn nữa tôi còn phải lo cuộc sống hàng ngày cho gia đình vợ con.

Thế là cái LOI đó cứ nằm trong ngăn kéo cả tháng trời. Cho tới một ngày, đám cò dịch vụ đánh hơi thấy Bố tôi có cái LOI, họ kéo đến nhà Bố tôi ở xã Xuân Trường mặc cả sẽ làm hồ sơ cho số người có tên trong danh sách. Bố tôi thấy việc làm hồ sơ quá khó và hầu như không có khả năng làm nên nói với họ chỉ cần làm cho một hay hai đứa con đi cùng là được, chứ làm nhiều quá càng thêm rắc rối và khó khăn hơn.

Một tay cò nói tên là Tấn nói với Bố tôi là để cho dễ, sẽ làm cho MỘT con của Bố tôi nhưng phải cho ghép 2 người của họ, tức tổng cộng sẽ có 3 đứa. Một thiệt và 2 giả. Sở dĩ phải ghép 2 đứa giả vì nhờ thế mới có tiền mà làm hồ sơ.

Thời gian cấp bách vì chương trình HO đang sắp hồi kết thúc, (đúng ra nói chung phải gọi là chương trình ra đi có trật tự ODP: Orderly Departure Program). Bố tôi có khuynh hướng đồng ý.

Nhưng hôm sau có một tay cò nổi tiếng khắp vùng tên là Trang, bà Trang đã từng làm biết bao hồ sơ giả ghép đi diện con lai và HO. Bà ta lôi trong bóp ra khoảng mươi cái hộ chiếu khoe với Bố tôi là những nguời này đang chờ phỏng vấn.

Cũng như phong trào vượt biển, ban đầu dễ dàng và trót lọt do Công an nhận tiền và làm ngơ thậm chí còn bảo kê cho thuyền vượt biên, nhưng sau số luợng đi quá nhiều và nội bộ dành phần "ăn" nên nhiều nguời tổ chức bị "bể", nhóm này tổ chức thì bị nhóm kia chọt...

Bà Trang tuổi khoảng 50, nói với Bố tôi:
- Em làm "dịch vụ" này nào giờ trót lọt nhiều rồi, anh khỏi lo, em sẽ làm cho anh (tức Bố tôi) 2 đứa đuợc đi chớ không phải một như thằng Tấn.

Bố tôi hỏi:
- Thế chị ghép mấy người?

- Phải 4 người ghép, tổng cộng là 6 đó anh.

- Một người chị lấy của người ta biết bao nhiêu mà chỉ làm cho nhà tôi có 2 người thôi sao??

Bà Trang nói huỵch tẹt:
- Nói thẳng anh nha, 1 người ghép 6 cây, 4 người là 24 cây, nhưng phải làm hộ khẩu và CMND mỗi người 1,5 cây, lo dịch vụ lên danh sách và lấy hộ chiếu người 1 cây, vị chi là 15, còn lại 9 cây lo khâu phỏng vấn xong tụi em còn lại đâu bao nhiêu.

- Chị nói bao nhiêu thì tôi hay vậy, chứ làm sao ai biết.

Mà thiệt, bà nói là một người 6 cây chứ thiệt ra bao nhiêu ai mà biết?
- Vậy tùy anh, anh thấy được thì làm, không thì thôi.

Bố chợt nhớ đến tôi, Ông nói:
- Tôi có thằng Hòa, nó rành về giấy tờ, nhà nó ở Biên Hòa, thôi có gì chị cứ liên lạc với nó, tôi cho nó toàn quyền quyết định.

Bà Trang chụp ngay lấy cơ hội:
- Thế thì tốt quá, vậy em sẽ chở anh về nhà nó, ba mặt một lời cho rõ...

Nói xong bà ta ra oai, lấy xe con chở Bố tôi về nhà tôi. Hồi đó, chiếc xe con mà về ở cái xóm khỉ ho hổng nổi gà gáy không xong như cái xã Xuân Trường oai biết bao nhiêu.

Đến nhà tôi, Bố tôi và bà Trang nhanh nhẹn bước vào. Sau khi nghe qua câu chuyện và được biết Bố tôi sẽ giao cho tôi toàn quyền "mặc cả" với bà Trang, tôi "thử lửa" bà ta ngay một câu:
- Em chưa bàn số lượng người sẽ làm hộ chiếu để phỏng vấn, em muốn biết cách chị làm như thế nào? Cho em coi mấy cái hộ chiếu chị đang có được không?

Bà Trang cười hề hề, tự tin:
- Em đừng lo, mấy chục người đã trót lọt rồi, chị có nguyên một đường dây làm từ A tới Z, từ nhập hộ khẩu, làm CMND rồi lên danh sách, xin hộ chiếu... như nhà em chị sẽ nhập hộ khẩu vào Tỉnh Bình Thuận vì quê chị ở đó chị quen biết nhiều và từ hộ khẩu đó sẽ làm các phần còn lại.

- Chị có mang theo không? cho em coi thử vài tấm hộ chiếu và hộ khẩu...

Bà Trang móc cả đống hộ chiếu và hộ khẩu cho tôi coi. Chỉ cần coi sơ qua thôi là tôi ĐÃ THẤY LẦN NÀY MÀ ĐỂ BÀ TRANG LÀM KHÔNG CHỪNG CHÍNH MÌNH PHẢI ĐI TÙ.

Nhìn qua chưa cần đến chuyên viên, cũng đã thấy ngay hộ chiếu có cái giả cái thật, có cái tháo hình dán lại, CMND cũng vậy, giấy thật con số rất sắc nét, còn đây có cái lem nhem thậm chí còn cạo sửa...

Như để trấn an tôi, bà Trang nói ngay:
- Giấy tờ làm là làm cho hợp thức hóa vậy thôi, chứ bên trong khi vào phỏng vấn hồ sơ đã đuợc OK trước rồi.

Tôi trực tiếp gặp một gia đình ở cầu Hang Biên Hòa, người chủ gia đình là sĩ quan Nhảy Dù thiệt 100%, khi cải tạo về gia đình tan nát y nhà tôi, nhờ mấy tay cò làm hồ sơ, phỏng vấn trót lọt... đến lúc vào máy bay rồi chuẩn bị cất cánh thì đột nhiên có lệnh hoãn chuyến bay và An Ninh phi trường lên mời cả gia đình xuống. Ông cho biết sở dĩ bị lộ là toán An ninh này mới về thay cho toán cũ, thế là cuộc đổi đời bất thành vào giờ thứ 25. Chuyện cứ như đùa!

Tôi quay sang nói với Bố:
- Thôi đi Bố ơi, làm kiểu này có ngày đi tù Bố ạ... Làm toàn bộ thật hết mà còn rớt vì không có hồ sơ gốc. Kiểu này làm chỉ thêm mệt và mất công.

Bố tôi ở cái tuổi 72, đâu còn ham muốn nhiều. Ông quay qua nói với bà Trang:
- Thôi con nó không chịu, chị thông cảm vậy.

Thế là cái tờ giấy cho phép những người có tên được phỏng vấn cũng chỉ để ngó như chọc tức thôi.

Nào ai có ngờ chỉ cần có tờ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và khai sinh là cái mà ai cũng bắt buộc phải có như hình với bóng thì đối với nhà tôi, trừ mình tôi, còn lại các em tôi lúc bấy giờ không cần đến vì nó vô nghiã đối với người chưa ăn bữa sáng đã lo bữa tối. Hix Hix!

Sau cơn bão tàn phá, trời vẫn mờ mịt, triền miên đói khổ và thăm thẳm chông gai....

V.I.Lãng
09-10-2014, 10:00 AM
Quyết định khó khăn!

Sau khi Bố tôi và bà Trang ra về, vài ngày sau Sở Ngoại vụ có giấy mời đại diện gia đình lên "làm việc" lý do chỉ nói chung là "quan hệ công việc " chứ không cụ thể vấn đề gì. Bố tôi đã đuợc chấp thuận từ tháng 3/1995 nên từ đó họ không bao giờ mời Bố tôi lên làm gì nữa ngoài trừ việc thỉnh thoảng gởi giấy mời hỏi có đi Mỹ hay không. Gần như là đương nhiên tôi thay mặt anh em trong nhà lên Sở Ngoại vụ để làm việc.

Cô nhân viên Sở Ngoại vụ cho biết, cái "LOI" đó giới thiệu 10 anh chị em tôi phiá Mỹ để tất cả là UNMARRIED tức chưa lập gia đình, đó là họ chỉ để chung vậy thôi vì lý lịch Bố tôi chỉ khai con ruột chứ không khai con rể hay con dâu. Cô cũng nói rõ là chỉ có CÒN ĐỘC THÂN mới được làm hồ sơ xin xuất cảnh cùng cha mà thôi, trên 21 tuổi cũng được vì tu chính án Mc Cain mới đuợc Quốc Hội Mỹ thông qua.
Cô yêu cầu tôi cho biết, trong số 10 người đó ai đã có gia đình và ai chưa.

Thật sự là QUÁ BẤT NGỜ VỀ NỘI DUNG LÀM VIỆC. Tôi thừa biết tất cả anh em trong gia đình ai cũng muốn ĐƯỢC LÀM HỒ SƠ NHƯNG CŨNG THẬT LÀ KHÔI HÀI NẾU NÓI TẤT CẢ 12 ANH EM TRONG GIA ĐÌNH CHƯA AI LẬP GIA ĐÌNH VÌ NGƯỜI NHỎ NHẤT LÚC ĐÓ ĐÃ LÀ 25 TUỔI CÒN CHỊ CẢ LÀ 44.

Đầu óc tôi căng còn hơn sợi dây đàn, một cuộc đấu trí trong tình huống bất đắc dĩ và rất bất ngờ, cực kỳ khó chịu.

Tôi hiểu rằng nếu nói người nào đã có gia đình tức là NGƯỜI ĐÓ KHÔNG THỂ LẬP HỒ SƠ ĐƯỢC. BIẾT BỎ AI CHỌN AI BÂY GIỜ?

Và càng BUỒN CƯỜI hơn nữa nếu tôi trả lời là để tôi về hỏi lại xem trong số anh chị em ai đã có gia đình hay chưa? Phải trả lời ngay tại chỗ thôi.

Mồ hôi tôi nhỏ giọt trên trán mặc dù đang ngồi yên trên ghế không làm gì cả, có những quyết định nhỏ xíu nhưng có thể làm thay đổi cực lớn!

Việc 2 em trai bị rớt đã ảnh hưởng rất lớn nếu không nói là tác động toàn bộ suy nghĩ của tôi. Chỉ có 2 người mà còn rớt, huống chi bây giờ khai xin đi cả đống, chưa nói là tiền đâu mà làm hồ sơ.

Cô nhân viên nhìn tôi chờ đợi nhưng tôi hiểu trong thâm ý cô đang chờ xem tôi nói DỐI ĐẾN MỨC NÀO! Hix Hix!

Suy nghĩ và liên hệ thực tế hoàn cảnh từng người trong anh em rất nhanh, tôi hỏi cô nhân viên:
- Cô, nếu như có chồng có vợ mà không có hôn thú thì có được xem là lập gia đình hay không? Vì nhà tôi quá nghèo, khi lấy chồng hay vợ chỉ về ở chung chứ không ai làm hôn thú cả.

Cô liếc nhìn sắc như dao cạo với câu trả lời NƯỚC ĐÔI CỦA TÔI, cô hắng giọng:
- Về pháp luật VN, nếu không có hôn thú thì vẫn được xem là hôn nhân thực tế.

- Còn về phiá Mỹ?

- Theo tôi biết, nếu không có hôn thú thì PHÍA MỸ VẪN XEM ANH NHƯ DIỆN ĐÔC THÂN, nhưng anh nên nhớ khi anh lên phuờng ký lý lịch, phiá VN sẽ không ký đâu.

Và rồi cô nhìn vẻ mặc khó chịu, giục tôi:
- Tôi thấy anh nên khai đúng thực tế. Chuyện đơn giản mà anh bắt tôi chờ hơi lâu rồi đó.

Thú thiệt 12 anh em tôi lúc đó chỉ có 5 người thiệt sự là chưa lập gia đình còn lại đều đã có chồng vợ và con cái kể cả tôi. Trừ 2 đứa em đã rớt, và người chị bệnh tâm thần, thì 5 người còn lại chỉ có 2 là chưa có vợ mà thôi.

Cuối cùng tôi đành KHAI GẦN NHƯ CHO QUA VÌ KHÔNG NGHĨ SẼ LÀM HỒ SƠ, CÁI "LOI" NẰM TRONG NGĂN KÉO 3 THÁNG RỒI CÓ AI ĐỘNG ĐẬY GÌ ĐƯỢC ĐÂU. Tôi nói liều, tới đâu tới:
- Trong số 10 anh em, thì chỉ có 3 người đã có gia đình thực tế nhưng không có hôn thú.

- Anh cho tôi biết tên từng người.

Quả thật tôi đã ĂN GIAN QUÁ MỨC TƯỞNG TƯỢNG RỒI. Vì hiển nhiên trong sổ hộ khẩu mà Bố tôi nộp làm hồ sơ, đã có một người em có vợ và tên vợ cũng nằm trong cùng hộ khẩu, không thể chối cãi vào đâu được.

Còn lại 2 người tôi tính rất nhanh và báo cho cô thêm 2 người đã có gia đình vì tôi biết nếu có làm hồ sơ, 2 người này rất khó qua, khó hơn rất nhiều so với mấy anh em khác, phải kéo dài thời gian mà chương trình HO đang đi vào giai đoạn cuối rồi.

Cô nhân viên hờ hững ghi nhận và nói như vừa diễu vừa thách thức:
- Vậy là còn 7 người chưa có gia đình. Nhiều dữ há. Anh về mà làm hồ sơ đi, nhanh lên kẻo không kịp.

Đây là một khúc rẽ vì bắt đầu từ đây, TÔI ĐÃ CÓ THỂ LÀM HỒ SƠ XIN XUẤT CẢNH THEO DIỆN CON CỦA NGƯỜI HO MẶC DÙ TÔI ĐÃ CÓ VỢ CON RỒI.

Xét cho cùng thì hồ sơ tôi mới là dễ làm nhất và xứng đáng vì từ Giấy Ra Trại, Giấy xác nhận thời gian ở trại của Bố tôi... đến mọi giấy tờ chỉ có mình tôi có khả năng lo chạy và nếu có làm hồ sơ thì chắc đến 99% hồ sơ của tôi sẽ không bị rớt vì tất cả mọi giấy tờ chứng minh tôi còn đủ, từ học bạ, bằng cấp đến giấy miễn hoãn dịch có hình ảnh vẫn còn y nguyên...

Nhưng trở ngại lớn nhất mà muôn thuở nhà tôi gặp là KHÔNG CÓ TIỀN ĐỂ LÀM HỒ SƠ TRONG LÚC HẦU HẾT ANH EM KHÔNG GIẤY TỜ và KHÔNG TIỀN BẠC.

Những năm 80 chỉ cần vài cây vàng là đã có thể tìm manh mối để vượt biển, càng về sau cái giá càng mắc nên hy vọng thoát khỏi Việt Nam vẫn chỉ là hy vọng ẢO. Nghe đau xót, ai lại muốn lìa xa quê hương mình, nhưng thực tế hơn 2 triệu người đã tìm mọi cách trốn thoát vẫn là câu trả lời đanh thép nhất.

V.I.Lãng
09-10-2014, 10:08 AM
Quyết Định Sáng Suốt!

Sau khi "làm việc" ở Sở Ngoại vụ về, tôi đã nắm được tình hình. Vẫn còn chút ít hy vọng vì 7 người tôi khai chưa có gia đình TRONG ĐÓ CÓ TÔI đã có thể nhờ cái thơ giới thiệu đó mà được làm hồ sơ xin đi cùng với Bố tôi. Thật sự mà nói, việc có gia đình hay chưa, PHIÁ MỸ LÀM SAO BIẾT, chỉ có UBND quản lý ở địa phương biết mà thôi.

Lấy số điện thoại bà Trang để lại, tôi nhờ điện thoại cơ quan gọi đến nhà bà, nhìn số vùng tôi biết đó là ở Long Khánh. Chỉ có tiếng con gái của bà cho biết là hầu như bà không có ở nhà, thỉnh thoảng ghé rồi lại đi ngay, cô ta bảo có gì cứ nhắn, khi nào gặp nó sẽ nói lại.

Tôi lại điện cho bà Trang số di động, hồi đó 1997 mà có điện thoại di động phải là dân quan chức "bự" hay dân làm ăn chạy chọt. Không thấy tiếng trả lời, chỉ có cô nhân viên tổng đài: "Điện thoại qúy khách gọi ngoài vùng phủ sóng!" Hix!

Tự nhiên tôi thấy không ổn rồi! Làm ăn với một người mà hành tung bí ẩn như thế quả là việc mơ hồ mạo hiểm, ít nhất cũng phải biết lai lịch, quá trình làm ăn và nhất là phải có nhà cửa đàng hoàng.

Thế nhưng như một con cáo già ẩn núp đánh hơi thấy con mồi, ngay trưa hôm sau bà Trang tới nhà tôi lúc hai vợ chồng tôi đang ăn cơm trưa. Bà không biết chạy xe, đi đâu cũng có một "đệ tử" chở. Bà ta ngồi sau, đeo khẩu trang, đeo kiếng đen, đội mũ chùm kín mít đầu, mặc thêm áo chống nắng trông có vẻ là tay anh chị xã hội đen.

Ban đầu bà nhắc lại là làm hồ sơ cho nhà tôi là 2 anh em còn cho bà ghép 4 nhưng sau 3 giờ đồng hồ mặc cả với thái độ bất cần của tôi, cuối cùng bà Trang "tăng" thêm cho tôi là 3 anh em, còn lại 4 người là của bà. Vừa đủ 7 người mà tôi đã khai còn độc thân với Sở Ngoại vụ.

Thiệt sự là tôi lúc đó đã quá mệt mỏi, công việc hàng ngày đã lấy đi không biết bao sức lực. Không dám nói điều gì to tát nhưng thực bụng tôi cũng có chút tự hào khi cả quãng đời tuổi trẻ của mình đã làm việc hết công suất.

Bây giờ có người lo hết cho mình, KHỎI LÀM GÌ CẢ, KHỎI TỐN GÌ CẢ, nhà mình sẽ có 3 anh em được đi Mỹ. Nghĩ đến đó tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Thiệt ra ai ở hoàn cảnh tôi mới hiểu, bỏ một đống tiền ra mà không chắc có được việc hay không là một điều gần như mua vé số vậy. Mà thật sự lúc đó cũng không biết số tiền phải bỏ ra là bao nhiêu nữa, nếu phải đi vay mượn mà thất bại sẽ làm thảm họa, giống như nhiều người đã bán nhà để làm hồ sơ mà bị đánh rớt mà chính tôi có lần chứng kiến.

Trời về chiều, tôi uể oải đứng dậy vào buồng lấy giấy tờ chuẩn bị giao cho bà Trang. Khi cầm cái thơ giới thiệu của Tòa Đại sứ Mỹ (LOI) tự dưng tôi nhớ cách đó mươi hôm, ông chủ quán phở Minh Phước ngay truớc trường Ngô Quyền Biên Hòa trong lúc tôi đang ăn sáng có hỏi chuyện và tôi đưa ông coi cái LOI, ông kín đáo kéo tôi và nhà trong của quán, kéo ghế cho tôi ngồi và nói với vẻ mặt hết sức nghiêm chỉnh:
- Tao mua mày cái LOI này 5 cây, làm gì là quyền của tao. Mày cứ lên hỏi "ông già" mày đi, rồi trả lời cho tao.

Ông trước là bạn của Bố tôi, Ông rất giàu, quán phở Tàu Bay của ông, dân Không quân Biên Hòa ngày trước không ai là không biết. Đến bây giờ sau 17 năm, Bố tôi đã mất và đó là điều tôi vẫn chưa nói với Bố. Nghe ông nói xong, tôi bỏ qua, vì nhiều lý do, mỗi lần chạy xe máy lên Bố tôi cách 100 cây số là đi về mất 1 ngày mệt muốn ngất vì nắng gió, (nhà tôi chưa có điện thoại), nhưng tôi nghĩ đuợc 5 cây vàng đối với gia đình anh em tôi bao nhiêu "ăn" cũng hết trong khi nếu được đi Mỹ thì 5 cây vàng không thể so sánh được, tương lai đời con cháu không thể tính bằng tiền hay vàng.

Cầm cái LOI trong tay trước khi giao cho bà Trang, lời ông chủ quán Minh Phước văng vẳng trong tai tôi.

Hẳn phải có giá trị gì mà chỉ với 1 tờ giấy mới có cái giá đó, bây giờ giao khơi khơi cho "mụ" đàn bà này, rồi "mụ" ta cầm lấy nó xong chuồn mất coi như mình lại nắm đằng lưỡi nữa. Đứt tay như chơi á! Hix hix! Có mà cắn lưỡi luôn! Hix!

Không ổn rồi, bản năng sinh tồn bất chợt vùng dậy, tôi tự dưng "khôn" ra và hỏi:
- Đưa cho chị tất cả giấy tờ rồi chẳng hạn khi cần tìm chị thì biết tìm đâu? chính con chị nó điện thoại cho biết là chị rất ít ở nhà, chỉ đi đi về về...
Bà Trang hơi tần ngần có chút biến sắc nhưng nhanh chóng trả lời:
- Đã làm ăn là phải tin tưởng nhau, trước giờ chị đã làm cho bao người đi rồi chớ đâu phải mình nhà em.

Tôi nghĩ thầm trong bụng, tin sao được mà tin, dễ tin đến thế sao. Ngay đến Barotex Cơ quan Xuất nhập khẩu Trung ương từng làm ăn với tôi cả chục năm, khi triển khai hợp đồng hàng triệu rúp (рубль) (đơn vị tiền Liên Xô hồi đó), cán bộ nghiệp vụ nói miệng trước, tôi về cũng chỉ chuẩn bị "vừa phải" chỉ khi nào ký hợp đồng chính thức mới cho triển khai sản xuất.

Nghĩ thế tôi tự dưng thấy mình "sáng" ra và KHÔNG ĐI NƯỚC CỜ MẠO HIỂM NỮA:
- Rất tiếc, em không thể giao hồ sơ cho chị được. Không có tiền làm hồ sơ thì đành ở lại Việt Nam vậy thôi.

V.I.Lãng
09-10-2014, 10:10 AM
Tín hiệu tích cực!

Bà Trang đánh đòn tâm lý với tôi:
- Người ta không có hồ sơ để làm, còn em đang có sẵn, chỉ chịu khó làm, đậu rớt gì tính sau?

- Nhưng mà làm kiểu như chị, khi đổ bể ra chị trốn mất tiêu, còn em rành rành ra đây, em chịu tội sao?

- Vậy chứ ý em sao?

Để bạn đọc dễ hình dung, tôi xin nói ngắn gọn, nhà tôi 12 anh chị em, hầu hết đã có gia đình vợ chồng con cái, nhưng năm 1982, mẹ tôi và mấy em sau khi đi kinh tế mới thất bại xin trở lại nhập hộ khẩu gốc với tôi. Năm 1990, tôi mua nhà riêng và xin cắt hộ khẩu chuyển về nhà mới cùng vợ và con.

Lúc này hộ khẩu nhà mẹ tôi chỉ còn 1 mình mẹ tôi duy nhất vì các em tôi đi buôn bán trên xe lửa vắng nhà thường xuyên đã bị gạch tên. Còn Bố tôi ở dưới chân núi Chứa Chan có hộ khẩu riêng với 3 đứa em, 1 đứa đã có vợ nên đợt làm hồ sơ năm 1995 chỉ có 2 em được làm và đã rớt như tôi đã trình bày ở những phần trước.

Lúc này nếu làm hồ sơ thì dễ nhất là mình tôi mà thôi, hầu như không phải tốn "đậm", chỉ chút đỉnh bôi trơn là đủ vì hồ sơ quá rõ ràng đầy đủ. Việc duy nhất mà tôi cần là làm hộ chiếu mà thôi, nghiã là tối đa sau khoảng 1 tháng là được phỏng vấn.

Nhưng nếu thế thì bỏ tất cả anh em lại sao đành, VỚT ĐƯỢC NGƯỜI NÀO HAY NGƯỜI NẤY CHỚ!

Còn vì sao tôi tính đưa hồ sơ cho bà Trang là vì một mình tôi không đủ tiền bao hồ sơ cho mấy em.

Tôi cũng hoàn toàn không sợ bà Trang mang hồ sơ đi làm xong cho bảy người của bà phỏng vấn trót lọt mà không nói gì với nhà tôi vì 7 anh em này là đi theo cha, nếu hồ sơ xong xuôi, họ sẽ kêu Bố tôi đi cùng, không thể nào 7 người đó đi khơi khơi được.

Điều đầu tiên là mấy em tôi CẦN PHẢI NHẬP HỘ KHẨU TRỞ LẠI VÀ LÀM CHỨNG MINH NHÂN DÂN. Hai việc ấy bình thường đã mất khoảng 1 năm và cực kỳ rắc rối và tốn kém, trước hết mỗi người muốn nhập khẩu phải làm tờ tường trình vì sao vắng mặt trong thời gian dài, đi đâu và làm gì? ai làm chứng?

sau đó đem ra Tổ dân phố họp xét, qua Công an khu vực rồi chuyển cho Hội đồng xét duyệt thành phố gồm Công an, Lao động, Hội Phụ nữ, Thương binh xã hội, Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc ... họp lại lập "biên bản xét duyệt nhập khẩu thường trú" (gọi là mẫu KT3) và sau đó thông qua UBND Thành phố chấp thuận mới chuyển giao cho Công an Tp làm cho nhập hộ khẩu.

Thường thủ tục đó nhanh nhất là 6 tháng thậm chí có khi tới...5 năm tùy thuộc cán bộ có hứng hay có được bôi trơn hay không! hix!

Hồi tôi làm việc có kiêm thêm chức Thơ ký Mặt trận Tổ quốc Phường, tôi thường làm biên bản nên quá rành mấy cái vụ này.

Sở dĩ tôi tính đưa hồ sơ cho bà Trang làm vì bà thu tiền của mấy người đi ghép, nhờ tiền đó bà sẽ làm hộ khẩu cho mấy em tôi và người ghép, nhưng bà làm gì có tư cách chính đáng như tôi mà làm theo hồ sơ gốc đuờng đường chính chính, bà có một đường dây nghe đâu mãi Bình Thuận để nhập hộ khẩu mà nhập "kiểu đối phó" cho có như thế nếu đổ bể khi xác minh là gia đình tôi sẽ mang tội.

Tôi nói với bà sau khi phân tích việc làm hộ khẩu kiểu đó tôi không chấp nhận:
- Chị biết rồi đó, việc đầu tiên quan trọng nhất bây giờ là cái hộ khẩu, mà em ở địa phương này làm việc 20 năm, ai cũng biết, vấn đề hộ khẩu để em lo, Hộ khẩu này là hợp pháp thiệt 100%. Xong vấn đề hộ khẩu rồi, các vấn đề khác em cũng làm hết như CMND, hộ chiếu...chị chỉ hỗ trợ em tài chánh cho nhanh thôi. Khi xong, việc của chị là quan hệ với Sở Ngoại vụ và lo phỏng vấn.

Bà ta mừng ra mặt:
- Vậy mà giờ em mới nói, chị đâu biết em nào giờ làm ở phường đâu. Thôi tóm lại như em nói, cứ thế mà làm hén. Hôm nay chị không mang tiền, ứng trước cho em 1 cây để có tiền lo giấy tờ, vài hôm nữa chị sẽ lên, đưa thêm cho em đủ để làm.

Bà móc 10 khâu vàng đưa tôi. Rồi cùng người đệ tử ra về, hẹn vài hôm sau sẽ trở lại.

Bấy giờ là đầu tháng 3/1997, ngay chiều ấy tôi đến nhà Thượng úy Lan. Lan là con anh bạn khá thân với tôi. Anh Thăng trước là nhà giáo làm ở Phòng Giáo Dục Thành phố, anh về hưu non và chuyển sang làm HTX đan lát xuất khẩu giống tôi.

Do cùng ngành nên chúng tôi thường hay gặp gỡ, lúc thì mượn vật tư để đóng gói xuất khẩu, lúc cùng nhau làm chung một hợp đồng cho kịp thời gian, lúc hội họp và ăn nhậu cùng nhau. Anh hơn tôi 15 tuổi nhưng tôi chỉ hơn Lan có 6 tuổi thôi. Lan có chồng cũng công tác cùng ngành, buổi sáng đi làm ghé nhà gởi con cho bà ngoại, chiều về đón con, ngày nào gặp tôi đang ngồi nhậu với anh Thăng, Lan đều lễ phép chào hỏi đàng hoàng. Lan cứ kêu tôi bằng chú xưng cháu vì Lan bảo Bố Lan và tôi là bạn, để cho phải phép, phải xưng hô như thế.

Nhưng tôi không biết Thượng úy Lan làm ở phòng Đăng ký Quản Lý Hộ khẩu Công an tp, và chỉ đến khi tôi đem biên bản họp tổ dân phố và đơn tường trình lý do vắng mặt nay muốn nhập lại hộ khẩu đã thông qua Công an phường, tôi mới biết.

Phải nói là Lan rất dễ thương, gặp tôi trong Cơ quan không như nhiều người khác làm mặt lạ mà Lan lên tiếng chào tôi. Tôi trình bày sự việc, Lan nhận đơn nói bình thường (trong phòng còn có 4 năm người khác cùng làm):
- Cháu nhận đơn, chú cứ về, khi nào xong cháu gởi về Công an phường.

- Cảm ơn cô, nhờ Lan làm gấp cho tôi có việc cần.

Khi tôi ra về, đang xuống cầu thang, thì Lan đi vội theo tôi nói ở giữa thang vừa đủ 2 người nghe :
- Nếu chú cần gấp thì có thể gặp cháu, nhà cháu ở số 98C đường 4 cách sân banh Đồng Nai 100 mét. Cháu sẽ nói cụ thể hơn, ở đây nói không tiện.

Rõ ràng đây là một tín hiệu tích cực, chứ nếu Lan không nói cứ ngâm đến Tết tôi cũng không biết đường nào mà... mò.

V.I.Lãng
09-15-2014, 11:32 AM
Buộc Phải Tự Biên Tự Diễn!

Hix!

Buổi chiều đi làm về, tôi đảo một vòng qua nhà Thượng úy Lan, thấy đóng cửa. Tôi về nhà, ăn cơm xong, tôi lại xách xe lướt một lần nữa, nhà Lan đã thấy bật đèn bên trong nhưng cánh cửa sắt vẫn đóng. Kinh nghiệm "giang hồ" nhiều năm cho tôi biết, nhà quan chức đóng cửa thì một là đi vắng, hai là đang có khách.

Tôi ghé quán cà phê hơi xa xa kêu ly cà phê phin câu giờ, hút hết nửa gói Jet... đoán mò vậy mà đúng, từ xa tôi thấy bên hông nhà Lan mở cánh cổng nhỏ và có người dắt xe đi ra. Chắc là khách đã xong việc.

Sau đó một chút, cửa chính nhà Lan mở hé khoảng 1 gang tay. Tôi nhanh chóng tiến lại. Lan bảo tôi dắt xe hẳn vào bên hông nhà, rồi kéo cánh cửa nhỏ lại.

Hai vợ chồng Lan đều quen biết nên tiếp tôi rất vui vẻ. Sau vài câu xã giao, tôi vào đề thẳng:
- Lan có thể nói rõ cho tôi biết, hồ sơ xin nhập khẩu lại về nhà mẹ của 7 anh em nhà tôi đầy đủ chưa và còn thiếu những gì và cần những gì.

Chồng Lan không muốn can dự nên kiếu lên lầu. Còn lại mình Lan, Lan nói rành rọt, khúc chiết:
- Chú là bạn của Bố cháu nào giờ, coi như người nhà, nên cháu và chú đều có thể tin cậy lẫn nhau. Nhưng việc nào ra việc nấy. Cháu nói cho chú nắm, hồ sơ nhập khẩu nhà chú cháu đã coi rất kỹ. KHÔNG KHÓ LÀM vì ngày trước số nguời đó đã có ở hộ khẩu này rồi, nay chỉ LÀ TRỞ VỀ. Nhưng nếu đúng nguyên tắc, là phải chờ họp Hội đồng xét duyệt hộ khẩu thành phố với đầy đủ các ban ngành có khi CẢ NĂM CHƯA XONG, cháu có thể làm biên bản "ma" và đưa lãnh đạo ký nhưng nếu có gì truy ra rất nguy hiểm, nên để chắc ăn cho chú và cháu, cháu làm biên bản thật, người ký thật. KHÓ NHẤT LÀ KÝ CÁI BIÊN BẢN ẤY LÙI NGÀY LẠI!

Lan dừng một chút cho tôi nắm, thiệt ra không cần Lan giải thích tôi cũng biết. Bài đã lật ngửa, không thể dấu, tôi thẳng thắn hỏi:
- Ý Lan sao? Lan cứ nói, thật là tôi rất cần Lan giúp gấp, nếu không cần làm hồ sơ đi Mỹ thì chắc nhà tôi mấy anh em cũng không ai cần nhập khẩu.

- Nhập khẩu bình thường đối với cháu, chú bồi dưỡng hay không, không thành vấn đề. Nhưng trường hợp này vừa làm gấp vừa phải KÝ LÙI NGÀY một số giấy tờ, mỗi người chú phải trả 5 chỉ. Trừ chú ra vì chú đang có hộ khẩu chính thức mà lại cùng phường với mẹ chú, còn 6 người, chú phải sòng phẳng là 3 cây, cháu mới có thể giúp chú được. Đó là đối với chú, cháu mới lấy giá đó. Và không phải mình cháu mà làm được đâu.

Nghe qua tôi thấy mừng rơn. BỎ TIỀN MÀ ĐƯỢC VIỆC KHÔNG CÓ GÌ MÀ PHẢI TIẾC! Hơn nữa đây là trực tiếp không qua trung gian. Tôi quả quyết:
- Lan cứ giúp tôi đi, tôi đồng ý, nhưng mà chừng nào mới xong?

- 3 hôm nữa chú lại đây, đừng lên Cơ quan, cũng khoảng giờ này, hễ thấy cháu hé cửa là cứ gõ rồi vào.

Tôi nghe mà cứ như là đang đi máy bay, trời đất ơi, sao mà nhanh đến thế là cùng!

Bước đầu cơ bản coi như thuận lợi, bây giờ tôi phải bằng mọi giá liên hệ bà Trang để nói bà chi tiền.

Quỷ thần ơi! Suốt từ tối đó qua 2 ngày sau, tôi ra Bưu điện, nhờ điện thoại hàng xóm gọi cho bà Trang mấy chục lần nhưng càng gọi lòng càng như lửa đốt, bà lẩn như con trạch khi có biến.
Bà mới đưa có 1 cây, tôi phải lấy tiền nhà thêm 2 cây nữa.

Ba hôm sau, đúng hẹn tôi đến nhà Thượng úy Lan, mở ngăn kéo ra, Lan đưa cho tôi cuốn sổ hộ khẩu nhỏ vuông vắn, màu đỏ có quốc huy sáng chói, khác với sổ hộ khẩu cũ chỉ là cái tờ bìa màu vàng đơn giản ghi chung tên mọi người từ trên xuống dưới.
Lan dặn tôi:
- Sổ này là chính thức cho nhà mẹ chú, thay cho sổ cũ luôn, đợt này thành phố cũng đang đổi sổ mới.

Lòng tôi khấp khởi mừng giống như leo lên cái xe máy, mới đạp đã nổ. Nhanh ơi là nhanh. Tôi mở ra coi lại, ngày ký là tháng 3/1997 nhưng ngày nhập khẩu là năm 1989. Hoàn toàn hợp lệ. Tôi giao vàng cho Lan và nhanh chóng ra về như thể sợ ai bắt gặp.

Tôi cho rằng Lan là người tốt và sòng phẳng, NHẬN ĐỒNG TIỀN XỨNG ĐÁNG VÀ CÓ TƯ CÁCH!

Có hộ khẩu rồi, mừng thì có mừng mà tôi lại phân vân, vì đã hứa cho bà Trang ghép 4 người, mọi chi phí bà sẽ lo, nhưng lỡ nửa đường bà bỏ của chạy lấy người tôi biết đào đâu ra tiền mà làm tiếp. Tôi cũng an tâm phần nào vì dù bà ta có "bỏ chạy" thì biết đâu tôi sẽ tự xoay sở tìm cách làm hồ sơ cho chính anh em nhà tôi mà không cần ghép ai. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy bà ta đã bỏ ra 1 cây rồi, trừ truờng hợp bị bắt, bà ta dễ gì mà bỏ cuộc.

Chờ vài hôm nữa vẫn không liên lạc được với bà Trang, tôi đành phải một mình đi mua hồ sơ XIN ĐĂNG KÝ ĐI NƯỚC NGOÀI cho 7 anh em.

Lần trước làm hồ sơ xin nhập khẩu cho 7 anh em, một mình tôi phải tự ĐẠO DIỄN 7 CÁI ĐƠN KHÁC NHAU vì 6 người kia không ai có mặt ở nhà cả. Và đúng ra khi lên Công an phường, phải có mặt của 6 người đó, nhưng do tôi đã làm việc lâu năm và có uy tín ở phường, ai cũng biết, nên Công an đã "du di" chứng nhận. Thật sự nhà tôi mà tập hợp đủ anh em lại là cả vấn đề vì mỗi người một phương xa xôi cách trở, phải vật lộn mưu sinh từng ngày,

Lần này, làm hồ sơ xin đăng ký đi nước ngoài, cũng chỉ MỘT MÌNH TÔI LÀM VÀ MÌNH TÔI GIẢ CHỮ KÝ CHO SÁU NGƯỜI LUÔN. Chuyện nhỏ, ngay như mấy cái đơn khiếu nại cho 2 người em rớt là chuyện của Bố tôi nhưng cũng do tôi làm và giả chữ ký của Bố tôi để gởi đơn tới tòa Đại sứ Mỹ ở Thái Lan.

Tại sao tôi phải giả chữ ký, đơn giản vì chả lẽ mang cái đơn chạy gần 100 cây số chỉ để cho Bố ký một cái rồi mang về. Thôi ký đại cho rồi, tới đâu tới!

Và cũng thật là khó khăn, tốn kém, mất việc, mất thời gian để gọi 6 anh em từ 6 phương về chỉ để ký có một cái rồi trở lại nơi đang sinh sống!

Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình quá LIỀU VÀ QUÁ DẠI. Được việc thì không nói gì mà xảy ra chuyện là mình tôi lãnh đủ.

V.I.Lãng
09-15-2014, 11:35 AM
"Vài bữa" là bao nhiêu?

Đến lúc làm sơ yếu lý lịch cho em tôi là Đặng Đình Quốc, chợt phát hiện là đã mất giấy chứng minh nhân dân mà chưa làm lại. Tôi biết là nếu làm lại thì số CMND cũng y như số cũ, chỉ có ngày cấp là khác, bởi thế nên ngày cấp còn bỏ trống. Buộc lòng tôi phải cho người lên kêu Quốc về làm CMND. Quốc đang ở tận Bình Tuy cách 200 cây số, phải bỏ việc buôn bán về làm CMND.

Nhờ quen biết, và gởi PHONG BÌ chút đỉnh nên Quốc tới thẳng Công an Tỉnh và chỉ sau 3 tuần là đã được cấp thẻ. Việc này đâu có gì khó, chỉ cần sưu tra hồ sơ lưu trữ rồi căn cứ theo đó cấp lại thôi.

Kiểm tra lại, tôi thấy tất cả đã đầy đủ. Việc đầu tiên là đến nhà riêng đưa hồ sơ cho Công an khu vực kèm với... một PHONG BÌ. Anh hẹn tôi mai tới. Phong bì thật là HIỆU QUẢ nên ngày hôm sau anh đã chứng nhận theo thủ tục trong mỗi sơ yếu lý lịch là : "đương sự hiện cư ngụ tại điạ phương, chấp hành tốt mọi quy định của Nhà nước".

Lên đồn Công an phường, Trưởng Công an đi vắng. Phó Công an trả lời việc ký hồ sơ đi nước ngoài chỉ duy nhất Trưởng đồn mới có quyền ký. Tôi ngồi chờ. Ngồi chờ cũng tốn kém vì móc gói thuốc xoàng nhất là Jet (chưa nói tới ba con 5 hay Inter) cũng hết 6.000 đồng trong khi một hộp sữa Vinamilk cho con tôi chỉ 2.500 đồng. Một tô phở trung bình 5.000 đồng. Trong đồn Công an hầu như tôi quen gần hết, miếng trầu làm đầu câu chuyện, vì thế 1 hay 2 gói thuốc lá tan theo khói nhanh chóng.

Chờ 1 tiếng thì Thiếu tá Phi, trưởng công an phường đi họp về. Anh hơn tôi 2 tuổi. Thấy tôi cầm hồ sơ đang ngồi ở phòng tiếp dân, anh liếc sơ rồi nói to, anh vốn nói lớn tiếng:
- Làm hồ sơ đi Mỹ phải hông? để đó đi, vài bữa xem xong, tui tính cho.

Chết tui rồi, khác với những lần tôi đi xin Giấy Ra Trại, Nhập Hộ Khẩu... người ta có hẹn cho ngày trở lại, còn Thiếu tá Phi thì không, anh chỉ nói bâng quơ, vài bữa là bao nhiêu? 3 ngày, 30 ngày hay 300 ngày?

Nghĩ lại tôi thấy Thượng úy Lan là rõ ràng và sòng phẳng. Thà như thế dễ cho cả đôi bên.

Tôi hiểu câu nói, "vài bữa xem xong, tui tính cho" là ngầm chứa một thông điệp. Kẹt cái sau khi làm xong hộ khẩu và CMND cho em tôi, nhà tôi hầu như hết sạch tiền. Lương 2 vợ chồng tôi là công chức quèn chỉ vừa đủ ăn...3 tuần trong tháng, tiền lương của tôi chỉ có 600 ngàn mà đã dành ra mua sữa cho con tới 400 ngàn.

Vấn đề nữa là tôi đang lo sợ bà Trang bị bắt, chớ không có lý gì mà biệt tăm như thế, chả lẽ bà bỏ một cây vàng? Mà không có bà thì tôi lấy đâu ra mà lo các phần sau.

Bởi vậy tôi quyết "thi gan" với thiếu tá Phi:
- Thủng thẳng cũng được, không sao đâu anh, làm là làm cho có vậy thôi chớ, chắc gì đã đậu, anh cũng biết rồi mà, năm ngoái HO rớt như sung.

Nói thế chứ tôi biết thiếu tá Phi thừa hiểu, chương trình HO chỉ nay mai là chấm dứt. Lòng tôi như lửa đốt. Nhìn cơ hội cuối cùng trôi qua. Lỡ chuyến đò cuối coi như...ở giá! Bỗng anh đột nhiên ngoắc tôi lên lầu, vào phòng của Trưởng đồn:
- Vào đây uống nước đã, mấy khi gặp ông.

Rót tách nước, thiếu tá Phi nhìn thẳng tôi và hỏi:
- Liệu ông có đủ tiền làm không? Theo tui biết, một người muốn trót lọt không dưới chục cây.

- Bởi thế tôi cứ làm bình thường chứ hổng có chạy. Rồi đậu rớt gì cũng được

Thiếu tá Phi xoay qua vấn đề khác:
- Ông đang có nhà cửa, vợ con, công việc ổn định, đi làm gì cho tốn kém mà chưa chắc đã được. Mà vợ ông có cho ông đi không? Tôi ráng ký thì được rồi nhưng mà vợ ông nó kiện tôi thì sao?

Tôi trả lời theo ý của cô nhân viên Sở Ngoại vụ:
- Đối với phiá Mỹ thì không có hôn thú coi như còn độc thân.

- Còn mấy đứa em ông?

- Cũng có mấy đứa có chồng có vợ nhưng cũng không có hôn thú.

- Tui hỏi là hỏi vậy thôi, chứ việc xác nhận độc thân hay không là của bên tư pháp hộ tịch của phường.Thôi ông về đi, "vài" bữa nữa tui tính.

Tôi có cảm tưởng thiếu tá Phi đang vờn tôi, nhưng tôi không còn đường nào khác. Phải chi có sẵn tiền thì tôi đã lật ngửa bài.

Về đến nhà, lòng rối bời, vừa mở cửa bước vào thì chỉ một chút sau bà Trang và đệ tử lại lù lù dẫn xác vào. Bà canh me hay thiệt. Vẫn với cái giọng cười hề hề, bà lên tiếng trước:
- Mấy tuần nay chị bận quá, đâu phải chỉ lo một mình nhà em, chị biết em chờ... thông cảm cho chị nha.

Cơn giận đến tím người nhưng không muốn mất thời gian, tôi nói cho bà biết tình hình đang tiến triển tốt đẹp, chỉ còn ký sơ yếu lý lịch và sau đó là làm hộ chiếu nữa là xong. Quá mệt mỏi, tôi nói:
- Em phải bỏ công việc, nhiều bữa phải nhờ bạn bè dạy thế, giờ em giao hết lại, chị cứ thế mà làm tiếp em.

- Chời ơi, chị đâu có quen ở phường em, em quen rồi dễ làm hơn.

- Nhưng tiền đâu em làm, em đã bỏ ra thêm 2 cây mới làm xong cái hộ khẩu.

Bà ta hạ giọng và nói nhẹ nhàng:
- Em cố đi, chị biết em cần tiền, nhưng hôm nay chị vừa chi một số tiền lớn, em cầm đỡ một cây nữa, rồi vài bữa xong việc chị trở lại, bao nhiêu chị cũng đưa cho em có cái mà làm việc.

- Nói thẳng chị nghe, chị nói vậy thì hay vậy, chứ em chả còn tin chị chút nào.
Nói đến đây, tôi lại nghĩ trước mắt rất cần tiền để "đối phó" với thiếu tá Phi, nên nói thêm:
- Chị biết, người ta nói thẳng số tiền không phải là nhỏ mà chị đưa nhiêu đây chưa đủ mấy bữa nhậu.

- Hôm nay chị còn nhiêu đó, trong người chị còn hơn đồng nào cho trời oánh chị đi.

Tôi đành miễn cưỡng nhận thêm một cây vàng nữa mà lòng chĩu nặng. Có vào cuộc mới thấy tôi liều quá mức, một chiếc ghe nhỏ có thể vượt biển nếu may mắn, còn "vượt biên" bằng đường...hàng không chính thức này, để qua lọt bao trạm kiểm soát có lẽ còn khó hơn con lạc đà chui lỗ kim.

V.I.Lãng
09-15-2014, 11:36 AM
Tuần ăn nhậu!


Có được một cây vàng do bà Trang tiếp viện, tôi như người đang lênh đênh trên con thuyền chết máy giữa biển được cơn mưa nhỏ có chút nước uống đỡ khát.

Nhiều ngành, nhiều cán bộ có thói quen và tư tưởng phải có phong bì mới giải quyết công việc vì họ là người có quyền chức, là người ban phát ra ơn cho dân!

Không phong bì chuyện gì cũng khó,
Có phong bì khó mấy cũng xong!
Dân đen phận cá...lòng tong.
Trên đe dưới búa long đong cuộc đời.


Từ lúc có được sổ hộ khẩu, làm CMND cho em tôi và đi tới đi lui đã mất 1 tháng rồi. Ráng kềm lòng không tỏ ra nóng vội, ba hôm sau vào buổi chiều nhá nhem tối, tôi mò đến nhà riêng thiếu tá Phi mang theo toàn bộ số vàng mà bà Trang mới đưa, tôi gói và dán cẩn thận trong một PHONG BÌ. Đâu có ai muốn đi cửa sau, phải ngó trước trông sau y như thằng ăn trộm. Nhưng không còn cách nào khác.

Thấy xe cup ở trong nhà, tôi biết thiếu tá Phi có mặt, nhưng vợ thiếu tá Phi nói anh đi vắng. Tôi nghĩ anh hoàn toàn không ác cảm gì với tôi nhưng anh muốn "thử" tôi, xem tôi "tỉnh" và "chơi đẹp" cỡ nào. Tôi còn biết anh đang vướng một vụ rất khó khăn cho sự nghiệp do một người bạn cùng học chung lớp chơi thân với tôi làm ở Viện kiểm sát tỉnh cho biết, dĩ nhiên tôi biết là anh đang rất cần tiền.

Tôi nói với vợ thiếu tá Phi:
- Chị nói dùm với ảnh cố gắng giải quyết hồ sơ cho nhà tôi. Tôi sẽ không quên ơn đâu. Tạm thời gởi anh chị tí quà mọn gọi là để uống cà phê và...đổ xăng.

Chị Phi từ chối, tôi phải năn nỉ mấy lần chị mới... xiêu lòng nhận.

Ba hôm sau vào chiều thứ bảy đẹp trời, tôi ghé đồn Công an coi tình hình ra sao. Về mặt tâm lý, nên đưa tiền, quà cáp hay hối lộ vào sáng thứ hai và nên "xin xỏ" vào chiều thứ bảy. Đơn giản là mới đầu tuần mà có "lộc' ai chẳng khoái, còn cuối tuần, ai xin xỏ cái gì giải quyết cho rồi.

Chiều thứ bảy, đồn Công an còn có vài người, may quá gặp anh Phi đang chuẩn bị ra về. Thấy tôi anh thản nhiên tiếp tục từ trong đồn đi ra chỗ để xe, chỉ hơi nhếch mép cười chứ không nói gì cả.

Tôi biết là món quà đó quá nhỏ chưa có hiệu lực. Dĩ nhiên không cần hỏi, anh Phi thừa biết tôi đang mong chờ gì rồi. Nhưng anh chỉ nói nhỏ với tôi khi leo lên xe đạp máy:
- Chiều mai ông lại rồi tính.

Tôi rất đỗi ngạc nhiên:
- Ủa chiều mai Chủ Nhật mà anh.

- Chủ Nhật vẫn có người trực và thường tôi hay đảo qua để kiểm tra và đôn đốc anh em khoảng từ 7 giờ tới 9 giờ tối. Vậy đi nha, mai gặp.

Chiều Chủ Nhật, 6 giờ ăn cơm xong tôi ghé đồn Công an như anh Phi dặn. Chỉ có một sĩ quan trực tên là Hóa và một công an khu vực, đều quen biết tôi nhiều năm. Họ biết tôi tới để làm gì nên không hỏi, người hỏi là tôi:
- Anh Hóa, anh Phi tối có ghé hông vậy?

- Ai mà biết, có khi ổng ghé chút, có khi không. Anh cứ vào chờ đi, biết đâu lát ổng tới.

Ngoài giờ hành chánh, hai cánh cửa sắt của đồn lúc này chỉ hé 1/3 mà thôi vì là ngày nghỉ chỉ khi nào khẩn cấp dân mới tới.

Ngồi chờ tới 7 giờ tối rồi. Hút hết gói thuốc và bình trà, thấy nhạt nhẽo, tôi xách xe ra gần đó mua lít rượu và nửa con vịt quay và thêm 1 gói thuốc lá, vào đồn nhậu.

Hồi đó chưa cấm uống rượu, chưa cấm hút thuốc, buổi trực buồn như "chiều mưa không em" mà có mồi, có bạn nhậu thì còn gì bằng! Chúng tôi ngồi nhậu ngay cái bàn lớn vẫn hay để tiếp dân hàng ngày.

Đang lai rai, khoảng 9 giờ tối thì nghe tiếng xe máy anh Phi. Anh mặc đồ civil đi dép, anh xà vào bàn nhậu hớp một chút rượu, nói dăm ba câu vô thưởng vô phạt, chả ăn nhập gì đến chuyện hồ sơ mà tôi đang mỏi mòn chờ đợi rồi đứng dậy ra về.

Lúc này mà hỏi chuyện hồ sơ thì quả là vô duyên không giống ai, nếu anh Phi đã giải quyết thì anh đã nói không cần phải đợi tôi hỏi. Hỏi cũng bằng thừa.
Hết đường binh, tôi hỏi một câu thật là vô thức:
- Tối mai anh có lại nữa không anh Phi?

Anh ngập ngừng một chút rồi trả lời nước đôi:
- Chưa biết nữa, ông rảnh thì cứ lên chơi, nhà gần đây mà.

Gần hay xa đâu có quan trọng, cách có cái dậu mồng tơi như thơ Nguyễn Bính nhưng em gái phải đẹp và hiền thì mới mò sang chứ dữ dằn đanh đá (xấu hổng thành vấn đề) thì qua mà ăn chổi chà à! hix!

Hơn 10 giờ tôi mới về đến nhà, vợ con đã chuẩn bị đi ngủ. Nếu không có cái vụ hồ sơ này thì sau bữa cơm chiều tôi có những giây phút nghỉ ngơi thoải mái, đùa giỡn và dạy con học dù thằng bé mới có...3 tuổi.

Ngày hôm sau thứ hai, cơm nước xong tôi lại lên đồn công an và lại gầy độ với mấy ổ bánh mỳ, vài cái nem, ít chai bia... chờ anh Phi tới. Cũng y chang tối Chủ nhật, anh Phi ghé chút rồi lại đi, không nói gì cả. Làm như tôi và anh đang đi những nước cờ khai cuộc thăm dò vậy. Hix!

Tiếp theo suốt từ thứ ba cho tới thứ bảy, đúng 7 ngày, ngày nào tôi cũng là đà con nhạn rồi mới về nhà. Có bữa lỡ miệng quá hớp, tôi say khướt ngủ đại trên băng ghế, tha hồ nuôi béo muỗi, mãi 3 giờ sáng mới tỉnh dậy lê về nhà.

Một tuần thử lửa bugi mà tôi có cảm tuởng dài hơn 8 năm chờ đợi cộng lại từ cái ngày biết chương trình HO.

Thiệt ra trong thời gian 1 tuần đó, ngày nào tôi cũng điện cho bà Trang cả chục lần, nhưng lúc này tôi đã rõ, bà làm việc trong bóng tối, lúc ẩn lúc hiện, canh me chờ thời. Lúc khốn khó sóng gió thì bà "bán cái"!

Thật là tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Tiến thì tiền đâu mà tiến. Thoái thì dại vì đã lê lết hơn nửa chặng đường rồi, bỏ uổng!

Đêm không ngủ đuợc, trong căn nhà lầu 2 tầng mà tầng trên cả năm để không, tôi rất ít bước chân lên trừ những ngày cuối năm Tết đến mới lên quét dọn. Tôi lên lầu bước ra ban công, nhà quá rộng chỉ có 2 vợ chồng và 1 đứa con, diện tích xây dựng gần 180 mét vuông, và vẫn còn 1 cái sân bỏ trống rộng khoảng 80 mét vuông.

Đêm càng khuya, ánh trăng lưỡi liềm thượng tuần treo lơ lửng mờ ảo xa xa. Vợ và con tôi đã say ngủ. Những con gió nhẹ mơn man lên da thịt. Bầu trời có ít vì sao nhấp nháy hoà lẫn tiếng côn trùng rền rĩ trong màn sương mỏng. Tôi cứ thẫn thờ như bóng ma trơi u uẩn.

Không! mấy chục năm rồi! Không lẽ ta đâu mãi thế này, còn đời con đời cháu nữa chứ!
Và tôi dứt khoát đi đến một quyết định.

V.I.Lãng
09-15-2014, 11:38 AM
Toan tính bán nhà và gặp người tốt!


Vì không có tiền nên mọi việc dậm chân tại chỗ. Vậy phải cần tiền. Cách duy nhất để có một số tiền lớn là bán nhà. Căn nhà mà tôi mua được cách đó gần chục năm bằng đồng tiền chân chính mồ hôi nước mắt, chắt chiu se xém, không phải như ai kia, làm quan chức, có người dâng tới tận nhà, cửa trước cửa sau.

Tôi chợt nhớ tới cô Mai trong "Nửa chừng xuân" của nhà văn Khái Hưng vì quá kẹt, không có tiền cho em Huy ăn học mà cô đành phải đứt ruột, tính toán bán căn nhà của cha cô là cụ Tú Lãm để lại.

Phần tôi cũng vậy, lòng tôi quặn đau như xé khi thấy viễn cảnh một ngày nào đó phải rời xa căn nhà xương máu của mình.

Rồi tôi gặp Hằng. Quen biết Hằng từ khi Hằng mới bước chân vào công ty lớn trong tỉnh, nay đã lên tới chức Phó Giám đốc, tôi nói ý định của mình, nhưng may thay, Hằng gạt phắt:
- Anh cần tiền để lo hồ sơ bao nhiêu cho đủ? Nếu không xong mất cả chì lẫn chài à! Em thấy anh chỉ nên làm hồ sơ vừa đủ thôi, đủ để có hộ chiếu phỏng vấn, tới đó thôi, còn đậu rớt trời tính... chứ bao sân hết em e... mấy căn nhà cũng hổng đủ.

- Vậy ý Hằng sao?

- Em cho anh mượn 10 cây, theo em nghĩ là anh đủ để ký các loại giấy tờ ở phường và làm hộ chiếu.

- Rồi nếu không đậu?

- Chỗ anh em mình nào giờ đi đâu mà thiệt, bất quá sau này từ từ anh chị trả dần cũng được mà.

- Cảm ơn lòng tốt của Hằng, để cho đâu ra đó, nếu thất bại thì tôi sẽ cắt cái sân nhà gần 100 mét vuông trả cho Hằng..

- Em thấy vậy là ổn, thôi cứ vậy nha.

Có 10 cây vàng trong tay, ban đầu tôi toan tính "nhồi" thêm để thiếu tá Phi ký 7 cái đơn cho rồi, nhưng biết đưa bao nhiêu? Có lần tôi chặn đường anh đi làm về hỏi thẳng, anh chỉ ậm ừ, úp úp mở mở, ..

2 tuần nữa trôi qua, lại một chiều thứ bảy cuối tuần, tôi lên đồn Công an phường, đổi chiến thuật, tôi nói:
- Anh Phi, bữa giờ nhậu lặt vặt, chán quá, nay tôi mời anh và mấy anh em trong đồn đi nhà hàng nhậu "lớn", tới đâu tới, còn vụ hồ sơ chừng nào anh ký cũng được, năm sau cũng được.

Tôi nói tỉnh bơ, nhưng dường như anh Phi cũng hiểu có một chút ai oán trong đó!

Bữa nhậu tại nhà hàng Quyết Thắng có 7 người kể cả tôi là 8. Bia và các món nhậu không hề rẻ tiền được mang ra, trước khi đi tôi đã cố tình ăn gian chơi 2 viên Aspirin cho khỏi say và chỉ nhậu cầm chừng.

Lợi dụng lúc Phó đồn đi tiểu, tôi đi theo dúi vào tay 2 chỉ vàng và nói nhỏ:
- Lát nữa ông đốc ông Phi ký dùm tôi hồ sơ nha, mấy lần nhậu khuya ở đồn ngủ lại muỗi cắn quá ông ơi!
Một lúc sau, công an khu vực của khu phố tôi đi tiểu, tôi kè theo cũng đưa 1 chỉ, như vậy mất đứt 3 chỉ. Tuy biết 2 người này không có vai trò quyết định, nhưng tôi hiểu là anh Phi cũng "gườm" 2 người này, nếu anh Phi mà sốt sắng ký ngay, có nghiã là trong đồn ai cũng hiểu là tôi đã "đi đêm", mà anh Phi có "cơm" trong khi các anh em khác hổng có gì, đó cũng là điều nguy hiểm, họ có thể "thọc" điều này, móc điều nọ...

Quả nhiên đúng như tôi dự đoán, gần cuối buổi nhậu, anh Phó đồn và Công an khu vực nói với anh Phi:
- thôi anh ký đại cho ổng cho rồi đi, ổng đi lên đi xuống hoài, thấy tội quá.

Anh Phi có lẽ có tí bia rượu nên có vẻ cởi mở hơn và thấy tôi chi phí cho bữa tiệc không phải là nhỏ, hơn nữa hồ sơ của tôi đã giam 3 tuần rồi, có giam nữa chưa chắc tôi "nhả" thêm, anh nói lớn:
- Thôi dzầy nha, thứ hai ông và cả vợ ông lên đồn, tôi giải quyết hồ sơ, nhưng bắt buộc "bả" (tức bx tôi) phải làm cam kết không kiện cáo gì nếu ông được đi Mỹ.

Câu nói vừa dứt cả bàn đều vỗ tay hoan hô anh Phi! Thấy qua thêm đuợc một cửa ải, tôi bèn rủ đi tăng 2... nhưng quả là... hao, đã đi mấy chỗ ăn nhậu và karaoke thì đâu thể tới chỗ nào gọi là bình dân, hơn nữa lâu lâu mới có con nai, mấy "ảnh" xẻ thịt cho...sướng! Hix!

Tôi thừa hiểu và đồng ý, sở dĩ anh Phi bắt vợ tôi phải làm cam kết là vì nếu anh ký xong mà sau này vợ tôi phản đối, làm đơn thưa là cũng rầy rà cho anh Phi không ít (dĩ nhiên cả UBND nữa vì UBND là nơi chứng thực về việc độc thân).

Về việc chứng thực độc thân phải thành thật và công bằng mà nói, là Chủ tịch UBND lúc đó đã quá tốt và "rộng lượng" cho tôi. Ông thừa biết tôi có vợ con vì tôi và ông là bạn khá thân, khi tôi đưa mẫu giấy xác nhận tình trạng độc thân, ông nói:
- Tôi ký là ký đại vậy thôi, giúp ông thôi, vì thấy ông cũng khó khăn và khổ, lương công chức quèn tôi quá hiểu, dù sao đi Mỹ cũng đỡ hơn.
Rồi chính ông sau khi ký trong phòng riêng của Chủ tịch, đã xách 7 cái đơn ra nói cô nhân viên đóng dấu!

Hôm sau tôi tới nhà ông, đưa cho ông một phong bì trong đó có 5 triệu, ông xua tay và nói ngay:
- Tôi ký vì nhân đạo và vì tình bạn bè chứ nếu vì tiền tôi đã không ký. Nếu vì nhân đạo mà mất chức thì lương tâm mình vẫn thanh thản hơn là vì ăn hối lộ. Ông cầm tiền về đi, đừng nghĩ ngợi gì về tôi.

Tôi nói cách gì ông cũng không nhận. Không biết ông đối xử với người khác ra sao chứ với tôi ông quả là người bạn tốt.

Ông chủ tịch phường ký cho tôi cái giấy độc thân là người mới lên thay chủ tịch cũ khoảng 1 năm, đó là điều may cho tôi vì ông chủ tịch cũ rất ghét tôi và luôn "đì" tôi với lý do rất cá nhân và nhỏ mọn.

Hên cho tôi và trong lòng tôi luôn nhớ ơn ông chủ tịch mới này. Nhớ ơn ông vì sự nhân đạo và hào hiệp!

V.I.Lãng
09-15-2014, 11:39 AM
Quá nhiêu khê? và... phong bì!

Cầm một đống giấy tờ gần ký lô giấy, trong đó toàn bộ giấy tờ các em đã giao hết cho tôi, trăm dâu đổ đầu tằm!

Soạn từng bộ hồ sơ xong, mỗi người bỏ vào phong bì lớn riêng, tôi chạy xe tới Phòng xuất nhập cảnh Tỉnh Đồng Nai, cách Công an tỉnh khoảng 200 mét. Hai cơ quan này là riêng biệt. Mua 7 bộ hồ sơ đơn xin đi nước ngoài và xin làm hộ chiếu, tôi về nhà lấy bút một mình điền ròng rã suốt ngày mới xong, lý do là nhà tôi quá đông anh em, nên phần lý lịch cá nhân phải khai anh em rất dài.

Trong hồ sơ các em, chỉ có mỗi mình Quốc em tôi là còn thiếu hình vì khi xin cấp hộ chiếu, mỗi người phải bỏ 3 tấm hình 4x6 vào một cái bao giấy nhỏ kèm theo hồ sơ. Tôi biết nếu mà kêu Quốc về chụp hình có khi mất ít nhất vài tuần và chụp xong chờ rửa hình dăm ngày nữa. Trong khi thời gian ngày một vơi dần. Tôi bèn đem cái chứng minh nhân dân mới làm cách đấy hơn 1 tháng của Quốc ra tiệm chụp hình, yêu cầu chụp lấy liền, tấm ảnh trong CMND đó. Ông chủ tiệm bảo với tôi là chụp lại ảnh của tấm ảnh thì hình MỜ, không được rõ, chỉ khoảng 80% mà thôi! Đã tới lúc này ông có bảo mờ 60% tôi cũng chấp nhận.

Nhưng tôi đâu biết và HOÀN TOÀN KHÔNG BAO GIỜ NGỜ CHÍNH CÁI VIỆC CHỤP LẠI TẤM HÌNH NÀY LẠI GÂY TAI HẠI TO LỚN NHƯNG ĐỒNG THỜI CŨNG GÂY THUẬN LỢI ĐỊNH MỆNH CHO TÔI! (Hơi khó hiểu phải không Qúy Bạn? ) Tái ông thất mã!

Bỏ mấy tấm hình mới chụp lấy liền vào trong bộ hồ sơ, tôi bước vào Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Tỉnh ĐN (PQLXNCTĐN). Tôi vẫn còn nhớ cái bộ mặt tiếp dân của viên thiếu úy có bảng tên nơi ngực là Phúc. Thật vô phúc cho ai gặp anh Phúc này! Hix!

Gương mặt lầm lỳ, lạnh lùng, không biểu cảm và không bao giờ cười, viên thiếu úy này đúng ra phải cho làm Công an hình sự mới đúng.

Không nói một lời, không hỏi một câu, (dường như anh là vô địch về hà tiện lời nói... ) thiếu úy Phúc viết cho tôi biên nhận đã nhận hồ sơ xin xuất cảnh sau khi tôi đã qua phòng đóng cho thủ qũy phí 50 ngàn đồng/ nguời.

Trong biên nhận chỉ ghi ngày nhận hồ sơ chứ không hẹn ngày nhận hộ chiếu. Và tôi cũng không thèm hỏi viên thiếu úy này câu nào cả vì thừa biết có hỏi cũng như không!!

Phải có đi cửa sau đưa phong bì thì mới may ra có câu trả lời. KHÔNG PHONG BÌ THÌ LẦM LÌ KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ NÓI! Một bộ phận KHÔNG NHỎ QUAN CHỨC MẮC CĂN BỆNH TRẦM KHA NÀY! (Đó không phải là lời tôi nói mà chính nhiều người có trách nhiệm đã nói...)

Xong hồ sơ rồi, nhiệm vụ còn lại của tôi bây giờ là...trinh sát xem đường đi của nó ra sao. Trong lớp học vi tính tôi có nhiều người bạn, đa phần là đã có đại học nay học thêm các lớp như chứng chỉ A Anh văn hay cử nhân vi tính hầu con đường công danh rộng mở thêm tuy việc học có khi chỉ là hình thức. Một trong những người bạn đó làm ở Công an tỉnh. Anh tên là Trực. Trực nói với tôi trong lúc giải lao giờ học:
- Mấy tháng trước, con gái tôi đi xuất khẩu lao động, hồ sơ xin hộ chiếu nhờ Thái cả đấy. Chỗ quen biết lại ở cùng cư xá Công an (gần cầu Suối Máu, gần trại Quân cảnh chế độ Sài Gòn (Người Viết), anh cần tôi dắt tới giới thiệu cho.

Nghe nói bùi cái lỗ tai, một buổi chiều, tôi ghé chợ mua 2 Kg nho loại 1 trái to bằng ngón chân cái và 3 kg xoài tượng trái to hơn bàn chân và cùng Trực ghé nhà thiếu tá Thái là trưởng phòng XNC. (Chỉ có thế thôi mà mất đứt nửa tháng lương đó! Xót cả ruột!)

Trực rất sốt sắng vì trong lớp tôi giúp Trực môn toán và Anh văn. Trực nói sơ qua về trường hợp của tôi và hỏi Thái có cách nào làm hộ chiếu cho nhanh. Nhưng tôi đã lầm, TRONG CƠ QUAN PHÒNG NÀO BIẾT PHÒNG NẤY, PHÒNG NÀO PHÒNG NẤY ĂN!

Thiếu tá Thái tỏ ra xởi lởi:
- Anh là bạn với Trực, chỗ anh em không hà, mua quà làm chi cho tốn kém!

Tôi đỡ lời ngay:
- Có gì đâu anh, mới làm quen, biếu bà cụ nhà anh mấy cây trái lấy thảo.

Và tôi nhận được sự NÉ TRÁNH, có lẽ do tôi là bạn học của Trực nên Thái ngại và nói vài câu "huề vốn":
- Việc cấp hộ chiếu nhanh hay chậm là ở Bộ Nội vụ chứ tụi tôi không can dự, còn khi hộ chiếu về tới Đồng Nai thì bộ phận dưới quyền của tôi làm.

Ngồi thêm một chút rồi tôi giã từ ra về, mất mấy ký trái cây, tiếc hùi hụi! Hix! Cả đời, tới lúc đó, tôi chưa dám mua cho mẹ tôi loại trái cây thượng hạng như thế!

Không có gì cảm thấy lâu dài và sốt ruột bằng việc phải chờ đợi. Khi chờ đợi, thời gian biểu kiến dài gấp mấy lần thời gian thực. Lại lần mò theo hỏi, tôi ghé nhà cô cán bộ làm ở trong Phòng XNC, cô còn trẻ, lại ở cùng phường với tôi tên Tuyến, máy vi tính cô đang trục trặc, thế là tôi có dịp để làm quen. Trong lúc format lại ổ cứng, cô nói với tôi:
- Đúng là có trường hợp làm hộ chiếu rất lâu, vì ở Đồng Nai phải ký trước xong mới chuyển lên Bộ rồi từ Bộ mới chuyển về ĐN, chuyển qua chuyển lại có người cũng mất vài tháng, còn mau hay chậm có khi cũng tùy vào "tình cảm" nữa.

- Thôi thì chỗ anh em trước lạ sau quen, cô giúp tôi cách nào nhanh nhanh tí, giá cả ra sao cô cứ nói..

- Ai chớ anh ở phường này ai mà không biết, đối với em thì không thành vấn đề, nhưng nếu anh có "bồi dưỡng" thì các anh em trong Phòng sẽ sốt sắng hơn, anh làm công chức cũng biết mà, lương ba cọc ba đồng, sống khó khăn...

Tôi thăm dò:
- Thiệt là tôi cũng khó khăn, nhưng gọi là bồi dưỡng cho anh em, cô giúp tôi chuyển "tí" quà cho anh em, chỉ có 500 đô thôi, đuợc chứ?

Cô im lặng nhưng trong ánh mắt ngầm đồng ý. Tôi móc phong bì (lại phong bì) trong đó có 500 USD nhưng không dán mà bỏ ngỏ.
Cô vui vẻ cầm lấy và hứa sẽ giúp tôi nhanh nhất.

Thế nhưng lại một trục trặc nữa xảy ra! Nhưng lần này không phải nhờ ơn Trên mà là nhờ 500$ USD đã giúp tôi. Ngay hôm sau, cô Tuyến ghé nhà tôi cho tôi biết lý lịch tuy đã được Công an phường chứng thực nhưng hồ sơ đi nước ngoài bắt buộc phải qua xác minh của Phòng An ninh CA thành phố trước khi lên tới Phòng XNC.
Cực kỳ! nhiêu khê ơi là nhiêu khê! Khét lẹt luôn! Nếu không có 500$USD đó là chắc chắn 1 tháng sau tôi lại nhận được giấy trả về.

Rồi cô cầm nguyên bộ hồ sơ bảo tôi lên gấp Công an thành phố BH xin xác minh, cô còn cho tôi địa chỉ của người có thẩm quyền của Phòng An ninh và dặn tôi nên "đi cửa sau", sau đó mới lên đưa hồ sơ sẽ nhanh hơn!

Lại phong bì!

Nhưng tôi không ngờ lần này phong bì không chứa nổi mà phải dùng tờ báo gói mới đủ! Hix!

V.I.Lãng
09-24-2014, 11:36 AM
Tàn nhẫn và bẩn thỉu!


Bưu điện thì như rùa nhưng Phong Bì này thì nhanh vô cùng! Buổi chiều đi làm về, tôi tới nhà xếp cán bộ An ninh, tay này người Bắc, trắng trợn và táo tợn! (xin lỗi có sao nói vậy, không kỳ thị vùng miền, còn đa số cán bộ trong câu chuyện là dân Nam.)

- Chào anh, tôi nghe nói anh làm ở Phòng An ninh, nay có việc muốn nhờ anh.

Liếc nhìn bìa bộ hồ sơ, biết là xin đi nước ngoài, anh ta lạnh lùng hỏi:
- Ai chỉ ông tới đây và có chuyện gì?

- Lý lịch xin đi nước ngoài CA phường đã chứng thực rồi, giờ nhờ anh xác minh nữa thôi.

- Mai "nên" cơ quan "nàm" việc.

- Thì mai tôi sẽ lên, nhưng hôm nay muốn gặp anh trước, mong anh để ý giùm và giải quyết nhanh cho.

- Thôi được rồi, có tiền đó không? Tính đưa bao nhiêu đó?

Tàn nhẫn và trắng trợn thì cũng vừa phải thôi chứ! Quá khinh thường đối tượng. Con bò trước khi vắt sữa người ta phải nuôi nó, cho nó ăn, chăm sóc nó, còn đây thì "con bò đi Mỹ" này phải tự cắt cổ mổ bụng hút sữa dâng lên. Cực sướng nhé!

Tôi nghĩ ngay, tay này giá không bèo đâu, đưa vài triệu là nó ị vào vì thế tôi thử lửa:
- Nhà tôi toàn là dân bán hàng rong có 7 người,, trừ tôi là thày giáo, ai cũng nghèo. Anh làm ơn giúp đỡ, gởi "bồi dưỡng" anh 3 triệu gọi là uống cà phê và đổ xăng.

- Ca cẩm cái gì? tụi lày "nàm" việc cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt... ? 7 người mà có 3 triệu chẳng bõ, thôi nấy chẵn 14 triệu, có mang thì đưa ngay chứ ở nhà tôi "nâu", chung quanh "nàng" xóm thấy, mang tiếng, không tốt.

Quá khớp! Quá tàn nhẫn! Đã nói là dân bán hàng rong mà còn nói giá cắt cổ mổ bụng! Thú thật lúc đó tôi có mang theo trong giỏ 15 triệu (do mới mượn được của cô Hằng), nhưng đưa ngay là dở, cần vờ vịt một tí.
- Trời! số tiền lớn quá, anh. Bớt được chút nào cho tôi nhờ với, anh. Lý lịch có tốt, có rõ ràng, thì Công an phường họ mới chứng thực, anh chỉ cần làm thêm cho đúng thủ tục thôi mà.

- Thủ tục là thế nào? Sao ông "nôi thôi" quá! Tôi không có thì giờ.

Tôi im lặng- qua mười mấy cửa địa ngục vừa qua, chưa có cái cửa nào khủng như thế. 3 phút im lặng nữa! Anh ta quay vào nhà trong! tôi vẫn ngồi bất động 5 phút nữa! Mẹ ơi! cứ vầy thì khi lên máy bay chắc mặc xà lỏn quá! Thôi bỏ quách cho khoẻ! 14 triệu bằng 2 năm làm việc ròng của tôi!

Bỗng anh ta quay ra, nói êm hơn chút:
- Không phải nàm khó ông đâu, hay kỳ kèo tôm cá, thôi, nấy nhẹ ông 10 triệu thôi!

Giảm đuợc 4 triệu! Thôi thì đành phó mặc cho số phận. Tôi đứng lên và nói:
- Anh chờ tôi 1 giờ nữa, tôi phải về vay mượn thêm chứ mang theo không đủ.

- Ừ thì đi đâu thì đi, nhưng lát nữa không ghé đây nữa đâu nhá, ra vô riết "nàng" xóm dị nghị.

- Vậy chớ gặp anh ở đâu?

- 8 giờ vào quán Thùy Hương gặp tôi ở đó, biết quán đó chớ?

- Biết, đúng 8 giờ tôi có mặt ở đó.

Sau này tôi mới biết quán đó là của em gái ruột tay cán bộ này. Quán bán cà phê giải khát buổi tối đèn mờ phải đến gần mới rõ mặt.

Kêu một chai Tribeco ngồi uống gần hết, 8 giờ 30 mà vẫn chưa thấy tay cán bộ này tới, hút hết 5 điếu thuốc, tôi đã hơi sốt ruột, hay là hắn sợ mình gài chăng, hay hắn đang chơi trò mèo vờn chuột, hay hắn đổi ý đòi...tăng giá...

Bao ý nghĩ lởn vởn mà chung quanh là bóng tối!

Gần 9 giờ hắn mới xuất hiện. Vẫn lối nói trịch thượng và trỏng lỏn tuy có phần "êm" hơn, giảm nửa tông so với buổi chiều. Tôi hỏi hắn uống gì. Hắn nói:
- Tốt , tới đúng giờ, kêu cho "ny" nước cam vắt, có đủ tiền chưa?

Tay này.. dã man thiệt, đã bắt mang tiền ra chỗ hẹn, làm lợi cho y mà còn cho cả em gái y bán được hàng, tốn tiền "bồi dưỡng" mà còn mất thêm ly nước cam vắt và gói thuốc. Tay này ăn cả củ lẫn râu! Bẩn thiệt! Hix!

Tôi hiểu là nói bao nhiêu cũng thừa với tay này, nên lẳng lặng móc gói giấy báo trong có 10 triệu đặt lên bàn. Uống xong ngụm nuớc hắn đưa tay lấy gói tiền, bỏ nhanh gọn vào túi quần. Dường như cái túi không đáy hay sao í! Bà ơi tham quá! gói tiền to thế mà hắn đút ngọt ơ!

Tôi lao ra khỏi quán. Lòng có cảm tuởng như mình là chị Dậu trong "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố, chị chạy té ra khỏi sân để khỏi bị lão già sờ soạng ... Trời vẫn tối như mực, như cái tiền đồ của chị và cũng của chính tôi!

V.I.Lãng
09-24-2014, 11:38 AM
Ảo thuật!


Chị Dậu trong "Tắt đèn" lao ra ngoài sân giữa đêm tối mù mịt và trời mưa gió sấm sét để tránh quan Cu.
Lão quan Cu đã gần 80 tuổi và câu nói trở thành nổi tiếng: "Tắt đèn" nhà ngói như nhà tranh".. (nói vậy chớ sao mà như nhau đuợc, tắt đèn là lúc xúc giác hoạt động mới là...dữ dội ) và truyện "Tắt đèn" tới đây là tối thui chấm hết.

Nhưng chuyện của tôi thì may mắn hơn. 5 tuần sau tôi được kêu lên nhận 7 cái hộ chiếu.

Vừa cầm về đến nhà, ngay cả mấy em tôi cũng chưa biết thì bà Trang và tên đệ tử lù lù xuất hiện y như một cuộc rượt đuổi. Vẫn giọng cười hề hề, bà vỗ vai tôi:
- Em giỏi lắm, chị biết em tốn kém rất nhiều nhưng chuyến này mà trót lọt, chị hứa sẽ trả lại hết cho em còn cho thêm mấy ngàn. (hồi đó 1 ngàn đô mua được 3 cây vàng) Giao cho chị 4 cái hộ chiếu đi, còn nhà em là 3 như đã giao hẹn. Các phần còn lại chị sẽ lo hết.

Lúc đó tôi ráng kềm chế vì dù sao thì mọi việc cũng gần xong chỉ còn chờ phỏng vấn thôi, mà khâu phỏng vấn tôi không có khả năng với tới các mối quan hệ ở Sở Ngoại vụ. Tôi nói:
- Chuyện phỏng vấn đậu rớt tính sau, nhưng trước mắt em đã phải bán miếng đất mới có tiền lo xong hồ sơ, chị cứ trả trước cho em đi rồi tính gì thì tính.

Vẫn cái giọng dẻo quẹo, bà Trang vật vã:
- Chị thề với em, dạo này "tụi nó" làm gắt, "bể" độ nhiều quá, không còn tiền, chứ nếu còn chị đã không để em phải một mình lo như thế đâu, thông cảm cho chị đi, ..

Tuy không tin nhưng tôi cũng phải thừa nhận bà Trang nói đúng, thời mới vượt biển, mọi chuyện dễ dàng, mấy cái ghe nhỏ còn có thể ra tới hải phận quốc tế...càng về sau càng khó, số người bị bắt lại rất nhiều dù trước đó chủ tố chức vượt biên đã "chung chi" cho Công an làm ngơ.

Tôi đã gặp trực tiếp một gia đình đã bước chân lên máy bay diện HO, chuyến bay sắp cất cánh đột xuất hoãn lại và an ninh phi trường lên tận máy bay mời gia đình đó xuống. Lý do hồ sơ "bể" là do đội an ninh trước bị đổi đi và đội an ninh mới về phát hiện được gian dối.

Tôi giao cho bà Trang 4 cái hộ chiếu vì nếu có để lại thì chính 4 người này lúc đó cũng mất CMND mà chưa làm lại. Khi làm hồ sơ trong bản khai lý lịch chỉ có số CMND và bản sao mà thôi. 4 người đó tôi không quan tâm làm lại CMND vì ban đầu đã thỏa thuận cho bà Trang ghép, chỉ có người em thiệt của tôi là Quốc là tôi phải lo làm lại CMND thật. Còn một người em còn lại thì vẫn giữ được CMND.

2 tháng sau, có giấy mời sơ vấn, lần này tôi gọi phone, ngay lập tức bà Trang trả lời như thể chính bà ấy đang chờ. Bà nói 3 anh em "thiệt" chúng tôi tập họp tại một phòng trọ ở SG. Chiều tối 4 người ghép cũng hiện diện cùng với bà Trang, lúc này lần đầu tiên tôi mới biết họ, họ cũng trạc tuổi mấy em tôi trong lý lịch, 2 trai 2 gái.

Một lúc sau, có một người đàn ông nữa xuất hiện, ông ta ăn mặc khá chỉnh tề. Ông dạy chúng tôi những câu cần thiết để trả lời khi phỏng vấn và dặn 4 người mới tìm hiểu về gia đình tôi để biết mà trả lời. Ông cho biết đã liên hệ với bên trong Sở Ngoại vụ và nhận thấy hồ sơ rất suông sẻ, nhiều hy vọng.

Sau 4 tiếng "học bài" ông giao lại cho tôi 4 cái hộ chiếu và 4 CMND của người ghép. Hộ chiếu thì đúng là hộ chiếu thiệt 100% mà tôi đưa cho bà Trang trước đó nhưng tấm hình trong hộ chiếu thì ĐƯỢC LỘT RA THAY VÀO ĐÓ TẤM HÌNH MỚI CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC GHÉP!

Hồi đó hộ chiếu chưa có in trực tiếp hình như bây giờ mà tấm ảnh được dán vào, đóng dấu NỔI và SAU CÙNG LÀ 1 LỚP BĂNG KEO MỎNG DÁN PHỦ LẤP LÊN NGUYÊN NỬA TRANG CÓ TẤM HÌNH. Tôi ngạc nhiên muốn kêu lên, SAO MÀ TÀI QUÁ VẬY! Chắc phải có một thứ hóa chất nào đó mới lột miếng băng keo ra mà không hề tróc giấy. Cũng như hồi trước chơi tem, tôi thường hơ con tem đã được đóng dấu lên hơi nước nóng, nhờ thế mà khi lột không bị rách.

Họ lột miếng băng keo ra, lột hình ra, thay hình mới vào, đóng dấu và sau cùng cũng dán miếng băng keo lại! Nhìn y như thật! Y như ảo thuật! Người đàn ông đó cho tôi biết, việc đó là do những người bên trong "cơ quan" làm. 4 cái CMND cũng vậy, cũng số đó nhưng mặt người thì khác.

Tôi vô cùng thắc mắc không biết đây là tổ chức lậu làm giấy tờ giả hay chính cơ quan thật làm giả giấy tờ??
Nhưng không hỏi vì biết có hỏi, chắc chắn ông ta không trả lời thật.

V.I.Lãng
09-27-2014, 04:23 PM
Ngõ cụt!


Và dù thế nào thì tôi cũng chắc chắn là ngay trong Sở Ngoại vụ cũng có kẻ hái ra vàng, khạc ra bạc, nhờ chương trình HO và con lai. Chổ nào có mật ở đó lại chẳng có ruồi và NHẶNG! Ruồi Nhặng là tôi còn dùng từ nhẹ nhàng, tôi thấy có người gọi họ là bầy quỷ dữ, hút máu nhai xương của đồng loại!

Sau khi đã cùng nhau "học bài", ông ta bảo cứ yên tâm, tổ chức đã sắp xếp chọn viên chức phỏng vấn dễ. Rồi ông thuê thêm 2 phòng trọ cho 4 người kia và ra về.

Sau này- rất lâu sau này tôi mới có thêm nhiều người cho biết ban đầu việc phỏng vấn rất đàng hoàng, viên chức phỏng vấn công tâm và đúng mực, nhưng gần mực thì đen gần đèn thì sáng, chỉ có Thánh nhân mới không thích Tiền Vàng Hàng Gái! Biết được yếu điểm này, nhiều viên chức phỏng vấn đã bị "hạ" gục!

Sáng sớm hôm sau, ngày sơ vấn chúng tôi vào làm hồ sơ và cân đo, chụp hình... bình thường.

Một tuần sau là ngày quyết định- ngày phỏng vấn, chúng tôi lại được tập họp để ôn bài.

Quả nhiên khi vào phỏng vấn, viên chức hỏi rất dễ và không có chút gì căng thẳng.

Chỉ có lòng 3 anh em tụi tôi nôn nao và hồi hộp chờ quyết định sau cùng mà thôi, vì chỉ có một cơ hội duy nhất này . Tôi thấy 4 người ghép kia còn tỉnh và bình thản hơn nhiều, có lẽ họ đã ghép nhiều lần trước và đã rớt quen, thua lần này thì họ ghép lần sau. Kiểu của những người vượt biên bằng thuyền cũng vậy. Có người vượt biên hàng chục lần. Bị bắt chỉ vài tháng sau họ lại vượt biên tiếp.

Trớ trêu thay, bạn nào có đọc (link => "Tôi đi Mỹ (1) (https://dtphorum.com/pr4/showthread.php?4019-Tôi-Đi-Mỹ&p=137252&viewfull=1#post137252)" ) chắc còn nhớ. Viên chức phỏng vấn đã chấp thuận cho 7 người nhưng cuối cùng ông ta hỏi "người thật" là Quốc, em tôi, vì sao hình chụp ở 2 cơ quan khác nhau mà 2 tấm ảnh lại giống nhau.

Ông đâu biết hoàn cảnh nhà tôi, tất cả anh em mỗi người một phương như bầy chim tan đàn sẻ nghé kiếm sống, không sống tập trung, vì tập trung thì lấy gì bỏ vào miệng cứ 4 tiếng một lần!

Toàn bộ hồ sơ chỉ có một mình tôi làm, nôn nóng do chương trình HO đang đi vào giai đoạn chót và vì Bố tôi lúc đó đã quá già 72 tuổi rồi, lại hay ốm đau có thể "ra đi" bất cứ lúc nào nên khi Quốc thiếu hình để làm hộ chiếu, tôi đã gấp rút ra tiệm chụp hình chụp lại từ CMND để có hình nộp. Về pháp lý, tôi nghĩ là hợp lệ, đâu có quy định nào cấm như thế. Nhưng viên chức phỏng vấn nghi ngờ thì quả là...sáng suốt!

Ông lấy bút xoá, bôi trắng đè lên 7 cái dấu X, dấu X là dấu mà ông đánh trước tên người được chấp thuận. Ông giữ lại mỗi CÁI HỘ CHIẾU CỦA EM TÔI, còn trả lại tất cả. Của ai trả cho người nấy giữ.

Có một điều lạ là lần trước khi phỏng vấn Bố tôi và 2 em, thì khi 2 em tôi bị đánh Rớt, được phát cho tờ giấy hẳn hoi nói rõ lý do rớt, còn lần này, ra về nhưng không được phát bất cứ giấy tờ nào cả, rất lâu sau này tôi mới hiểu đây là bị TREO HỒ SƠ (suspend)! Nhưng đối với tất cả chúng tôi lúc ấy, trong lòng ai cũng nghĩ là RỚT!

Mấy chục lần khó khăn và bao nhiêu- nhiêu khê gian nan chờ đợi.. để chỉ quyết định trong vòng 5 phút. Vấn đề chính là Đậu hay Rớt! Đổi dời hay vẫn sống dở chết dở! (Không phải đổi đời)

Tôi có cảm tưởng như bị bỏ rơi trên chuyến đò chiều cuối cùng! Trời đất tối sầm lại! Mưa bão cứ vần vũ! Rồi sẽ tiếp tục bơ vơ sống lây lất qua ngày đoạn tháng đói nhiều hơn no. Không còn nghĩ được gì nữa! Đúng là số con...rệp! Hix!

Bố tôi và mấy anh em chúng tôi như bị đắm thuyền, gần 10 năm theo đuổi với biết bao công sức đi lại hàng trăm lần, mồ hôi, tủi cực và tiền bạc để rồi thất bại trắng tay. Riêng tôi còn phải mang nợ 10 cây và dự tính bán miếng sân nhà để trả. Chúng tôi chới với nhìn theo bóng con tàu khác ngoài khơi xa dần và nhỏ dần, rồi mất hút, không ai cứu chúng tôi!

Nỗi đau quá lớn, nỗi buồn mênh mông như... nghiã trang trong đêm tối gió mưa vùi dập không lối thoát. Người ta có thể nhịn đói dăm bữa nửa tháng không sao cả miễn là vẫn còn hy vọng. Chứ hết hy vọng thì cuộc sống như ngựa không cương, như thuyền không lái!

Lần này nản quá nên tôi không làm đơn khiếu nại dù tôi có thể giải thích rõ ràng vì sao 2 tấm ảnh của em tôi GIỐNG NHAU trong hộ chiếu và CMND. Hai cái thẻ đó hoàn toàn hợp lệ 100% do chính cơ quan Nhà nước cấp, không có gì gian dối hay man trá.

Trong khi nỗi buồn chưa nguôi ngoai và nỗi tuyệt vọng đang đeo bám, 3 tháng sau, tôi nhận được giấy báo mời lên Sở Ngoại vụ lý do: cho biết sau.

Ngày 7 tháng 11 năm 1997, tôi vẫn còn nhớ như in vì trùng với ngày kỷ niệm CM tháng 10 Nga, tôi đại diện gia đình có mặt tại Sở Ngoại vụ tp HCM. Ngồi chờ một lát khá lâu tiếng loa phóng thanh gọi tên tôi. Cô nhân viên đưa cho tôi một tờ giấy ghi bằng 2 tiếng Anh và Việt, trong đó nói rõ là chương trình HO cho con trên 21 tuổi ra đi theo cha/mẹ đã ngưng lại vì tu chính án Mc Cain hết hiệu lực vào cuối năm 1997. Khởi thủy chương trình chỉ cho con của người HO DƯỚI 21 tuổi chưa có gia đình mới được đi theo, nhưng nhờ Thượng nghị sĩ Mc Cain vận động, nên Quốc hội Mỹ thông qua tu chính án cho phép con TRÊN 21 cùng đi. Tu chính án này có thời hạn nhất định nào đó mà thôi.

Trong cơn chới với giữa biển khơi, lại thêm một con sóng cực mạnh ập lên đầu, nhấn chìm những con người đang ngoi ngóp. Tan vỡ!

Giấc mơ đã không còn từ khi viên chức phỏng vấn lấy bút xoá đi 7 cái dấu X và giờ đây tôi như tê dại. Mất cả chì lẫn chài!


*****************


Tôi điện cho bà Trang, chưa nói thì bà đã lên tiếng:
- Chị biết rồi, chương trình ngưng cho con trên 21 tuổi đi chớ gì.

- Không, em chỉ muốn hỏi chị giải quyết sao về số tiền em đã bỏ ra làm hồ sơ mà ban đầu theo mặc cả là toàn bộ chị lo hết cho nhà em 3 người, còn chị được 4 người.

- Giờ rớt rồi chị lấy đâu mà trả cho em?

- Vậy nếu được thì chị hưởng còn thua thì mình em chịu?

Bà Trang im lặng không nói. Tôi cũng im lặng vì biết giờ này bà ta ở nơi nào mà tìm và tìm có gặp đi nữa đâu có giấy tờ chứng từ mà đòi.
Tôi buông thỏng một câu sau cùng:
- Thôi, coi như xong, chị đưa 2 cây, em đã đưa lại cho chị 4 cái hộ chiếu, và hiện chị đang giữ, chị muốn làm gì thì làm, việc phỏng vấn rớt là ngoài ý muốn của chị và em, nhưng em phải lên phường báo là mất 4 cái hộ chiếu đó và hết trách nhiệm. Em với chị sòng phẳng, không còn gì can hệ nữa.

Không nghe tiếng trả lời! Chỉ có tiếng lục cục của ống nghe gác trên máy!

Việc đi Mỹ của Bố và mấy anh em tôi đã thực sự chấm dứt! Thôi thà như thế cho tôi đỡ mất công mất của, đỡ lóng ngóng chạy ngược chạy xuôi như chó chạy rong, chỗ nào cũng chạy để rồi cuối cùng tới... ngõ cụt!

V.I.Lãng
09-30-2014, 07:44 AM
Chuyện gì?



Dù cho có gian khổ, nhục nhằn bao nhiêu và tốn kém tới đâu nếu còn hy vọng thì người ta còn theo đuổi! Bởi thế nên khi chính viên chức phỏng vấn từ chối và sau đó có công văn cho biết diện HO cho con trên 21 tuổi đi theo cha đã chấm dứt vào cuối năm 1997, tôi và mấy anh em trong nhà đã tuyệt vọng và đã...trở lại mặt đất tà tà ngọn cỏ! Hix!

Bà Trang từ đó hoàn toàn không liên lạc gì với tôi nữa. Mà liên lạc để làm gì cơ chứ? 4 nguời ghép kia, thỉnh thoảng có lại nhà tôi thăm dò , nhưng tình hình không có gì thay đổi. Cánh cửa đã đóng lại cái rầm, tiếng khoá lách cách bên ngoài , cái cảm tưởng bị nhốt lại bên trong càng thêm buồn não nề, lê thê và cay đắng. Tuyệt vọng!

Phần riêng tôi, tôi nhanh chóng quên đi hành trình gai góc của gần 10 năm đăng đẳng ngược xuôi, từ ngày bắt đầu truy tìm cái giấy ra trại của bố tôi cho tới ngày phỏng vấn rớt. Tôi bỏ hẳn ý định đi Mỹ. Coi như số mình là vậy. Không thèm theo dõi đài báo như trước, cũng không gặp người này, cơ quan nọ để hỏi thăm tin tức.

Tôi cố quên đi cái chuyện đi Mỹ, coi như mình vừa mua một tấm vé số trật lất! Vậy thôi! Càng tiếc càng đau, chả ích lợi gì. Lúc này cũng là lúc tôi chuyển nghề, an phận nhất là làm nghề dạy học, khỏi phải bon chen đua tranh. Ai làm gì làm, cứ buổi sáng muốn tới chỗ làm và chiều muốn về nhà với vợ con, đối với tôi đó là hạnh phúc. Thế thôi!

Dòng đời vẫn êm ả trôi nhanh cho tới một ngày... giữa tháng 12/1998, tôi nhận được cái thơ mời từ 184 bis đường Pasteur tức Sở Ngoại vụ, mời 7 người gia đình tôi lên "làm việc".

Thú thật cả trăm lần mời như vậy rồi, tôi chán lắm, chẳng đem lại kết quả gì chỉ thêm tốn kém tiền của và công sức đi lại. Hai người em tôi ở xa phải mượn tiền xe để mà về. Còn 4 người ghép kia dĩ nhiên tôi chả cần liên lạc với họ nữa.

Ngày 20/12/1998, 3 anh em "thật" chúng tôi có mặt tại Sở Ngoại vụ. Tiền đâu mà ăn sáng, bụng đói meo, chúng tôi ngồi chờ ở phòng ngoài. Khác với những năm trước, lần này có giấy mời mới được vào và khám xét kỹ lưỡng hơn nhiều. Từng người phải trình CMND và phải qua một bảo vệ có máy rà xem có đem vũ khí hay không.

Tâm trạng tôi không vui không buồn, không hồi hộp không nôn nao và không mong chờ. Bạn biết tâm trạng đó chớ! Đó chính là đã... muốn siêu thoát, gần cõi.... Niết- bàn. Niết bàn được xem là đoạn triệt luân hồi. Đó là sự tận diệt gốc rễ của ba nghiệp bất thiện là tham, sân và si. Đồng thời Niết-bàn có nghĩa là không còn chịu sự tác động của Nghiệp, không còn chịu quy luật nhân duyên (duyên khởi) vô vi,...

Nói tóm lại ngọn lửa trong tôi đã tắt. Chỉ còn.. đôi mắt mòn mỏi lâu lâu liếc qua liếc lại chút đỉnh đỡ... thèm!

9 giờ sáng, giờ của hoa... mười giờ bắt đầu nở đẹp nhất. Tiếng micro vang lên, lạ quá, chỉ mời một đại diện gia đình vào phòng. Biết vậy 2 em tôi đã không cần phải nhịn đói đi cho tốn tiền xe.
Không phải lên lầu, tôi đẩy cửa bước vào phòng cách đó mươi mét.

Trong phòng, rất gọn, ít đồ đạc giấy tờ, chỉ có 2 người một nam và một nữ cả hai đều trẻ măng, đẹp như hoa tươi.

Cô nhân viên tóc dài quá lưng, có làn da mịn như trứng gà bóc nhưng tôi vẫn nhớ nhất là cái lúm đồng tiền khi cô bắt đầu nở nụ cười và nói:
- Chào anh. Mời anh ngồi.

Trời đất! Trước giờ bao lần vào Sở Ngoại vụ chưa bao giờ được đối xử tử tế. Hồn vía tôi lên mây. Hơn 22 năm kể từ cái ngày 30 tháng 4/75 tôi chưa thấy ai mà lịch sự như thế với một phó thuờng dân đúng nghiã như tôi.

Đi đến đâu, cơ quan nào chỉ nhận được những ánh mắt hờ hững, lạnh nhạt, cáu gắt, hách dịch.. những câu nói trỏng lỏng, không chủ từ không túc từ. Làm như "Giải phóng" xong những câu chào hỏi, những chữ lịch sự cũng biến mất thay vào đó là 2 chữ chủ đạo: Phong Bì! Trong bất kỳ mọi quan hệ nào cũng đều có một thuộc từ: Kinh Tế!

Tôi cứ ngây người chưa hiểu chuyện gì, thì cô nhân viên nhẹ nhàng nói tiếp:
- Chúng tôi là nhân viên Tòa Lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn, hiện chúng tôi chỉ mượn đỡ địa điểm của Sở Ngoại vụ để làm việc tạm thôi. Mời anh ngồi.

Nói xong cô mở tập hồ sơ truớc mặt ra. Nhân viên của Toà Lãnh sự Mỹ hèn chi khác một trời một vực với nhân viên Sở Ngoại vụ thành phố HCM! Hix!

Tôi ngồi xuống, hai tay để trên bắp đùi cố trấn tĩnh chờ xem diễn biến gì nữa đây. Hay là thông báo hồ sơ ghép 4 người đã bị lộ, trường hợp này phiá Mỹ sẽ thông báo 99,9% hồ sơ sẽ không bao giờ được tái cứu xét. Hay là hình trong hộ chiếu và CMND của em tôi giống nhau là bất hợp lệ... trong vài giây thôi mà đầu tôi cứ lởn vởn những ý nghĩ...địa ngục.

Nam Hòa
09-30-2014, 02:33 PM
Cảm ơn bạn V2012 đã theo dõi và up truyện này :)

V.I.Lãng
10-01-2014, 06:38 AM
Chào Anh Nam Hòa ~o) ,


V2012 xin thay mặt Ban Điều Hành và các Anh Chị Em nơi đây đón chào Anh đến chung vui cùng gia đình Đặc Trưng . Anh nhớ thăm Đặc Trưng thường xuyên nhé .

Vậy là V2012 không làm phận con kiến nữa (hong phởi con sen à nha :) ) . Anh nối tiếp nơi đây nhé .

Rất mong Anh viết văn và làm thơ đều tay . V2012 đang chờ đọc và chắc hẳn các bạn cũng đang mong . Cảm ơn Anh .

Chúc Anh và Gia đình an vui .

Nam Hòa
10-01-2014, 09:48 PM
vâng Hòa sẽ cố gắng vào đây học hỏi và chia sẻ cùng các anh chị trong này. Một lần nữa xin cảm ơn bạn V2012.
(còn ít nữa thôi là "chuyện" Tôi Đi Mỹ sẽ chấm dứt nhưng do sức khoẻ hạn chế nên người viết hơi lề mề... )
Hòa sẽ post tiếp ngay khi viết xong :)

Nam Hòa
10-04-2014, 07:53 PM
Vỡ òa hạnh phúc!

Cô nhân viên đưa tay vuốt nhẹ mái tóc đang lòa xòa cho ra hết phiá sau rồi chậm rãi nói:
- Gia đình 7 anh chị em của nhà anh đã được phái đoàn chấp thuận cho định cư tại Mỹ cùng với bố anh.


Hết hồn muốn xỉu tại chỗ luôn! Như là kẻ chết đi sống lại! Trời đất thiên địa ông bà ơi! Cực kỳ bất ngờ! Tôi đang nằm mơ ư! TAI TÔI Ù LÊN VÀ MẮT DẠI ĐI, NHƯ CÓ TIẾNG ĐẠI BÁC 175 VỪA NỔ! NGƯỜI TÔI NGÂY NGẤT SAY MẠNH NHƯ VỪA UỐNG HẾT LY WHISKY! Quá sướng! Đã gì đâu! Ước gì cái giây phút sướng này càng kéo dài bao lâu tôi cũng chịu! Cái cảm giác vỡ oà vô tận của hạnh phúc! Ông bà mình có câu: Buồn ngủ gặp chiếu manh! Nhưng có lẽ đúng với nhà tôi là: chết đuối vớ được cọc!


Thà bảo tôi trúng số có lẽ tôi không bất ngờ như thế, vì khi mua vé dù xác suất nhỏ nhưng có hy vọng người ta mới mua, còn đây là đã nhận được thông báo chương trình Mc Cain chấm dứt cho con trên 21 tuổi đi Mỹ rồi mà.
Tôi cố đè nén cảm xúc chớ không là tôi đã bay tới... ôm chầm lấy cô nhân viên Tòa Lãnh sự mà... hôn mấy chục cái! Chắc cô cũng đứng yên cho tôi hôn, không phản ứng vì tôi không có ý gì là bậy bạ, chỉ vì cảm xúc trào dâng quá mạnh.
Mặt tôi tái mét xanh như tàu lá chuối non! Hồn xiêu phách tán, không dám nói hay hỏi một câu như thể sợ cô nhân viên Tòa lãnh sự Mỹ... đổi ý.

Trong khoảnh khắc cả cái dĩ vãng 10 năm chờ đợi hiện lại, từ cái ngày LÊ BƯỚC thất thểu tới các cơ quan để rồi chỉ nhận được không biết bao là cái lắc đầu, nhún vai, từ chối...


Nhưng cô nhân viên hoa khôi đã kéo tôi về thực tại:
- Nếu anh đồng ý thì đại diện gia đình ký vào đây và ngay bây giờ có thể ra làm thẻ IOM và chúng tôi sẽ cấp giấy giới thiệu để gia đình anh đi khám sức khoẻ.
Trời ơi! cái thẻ IOM là thẻ cấp cho người đi định cư ở nước ngoài.
Tôi trở lại mặt đất, uổng thiệt, giá mà cô nhân viên cứ cho tôi ngồi... sướng thêm 10 phút nữa! hix! Niềm sung sướng bây giờ gác lại ngay để phải giải quyết những vấn đề trước mặt. 7 nguời đã được chấp thuận (với Bố tôi trước đây nữa là 8)

Mấy vấn đề chính nổi bật ngay trong óc tôi:
- Có nên cho 4 người ghép đi cùng không? Có thể kiếm được một mớ tiền chắc cũng kha khá! Hix! Máu tham!
- Đi xin lại cái hộ chiếu của em tôi đã bị giữ lại trong ngày phỏng vấn hơn một năm truớc đây vào tháng 8/1997. Có gì là khó!

Hai vấn đề tưởng tưởng đơn giản, nhưng (lại chữ NHƯNG thứ mấy trăm rồi..) té ra đến giờ chót cũng làm tôi rất phiền phức và mất rất nhiều công sức! Tôi bần thần suy nghĩ! Thời gian lúc này ngược lại với lúc chờ đợi! 5 phút trôi qua mà tôi có cảm tưởng là 5 giây!

Mồ hôi tôi bắt đầu rịn ra hai bên trán bởi bộ não tôi làm việc hết công suất.
Haizz! Tự dưng có 7 tấm vé số trúng! phần thắng đang nắm trong tay nhưng coi chừng, một sơ suất nhỏ là... CẮN LƯỠI LUÔN ĐÓ!

Tại vì chỉ chính bản thân tôi là người trong cuộc trong chăn mới biết con rận hay con rệp nó vẫn hoàn toàn có thể hút máu thậm chí còn làm nguy hại hơn nhiều lúc chưa được chấp thuận đi Mỹ.
Đắng cay là ở chỗ đó! Từ chỗ đang tuyệt vọng tối đen bất ngờ ánh sáng ập tới chói loà rồi lại chuyển sang một đám mây mờ che phủ!

Cô nhân viên xinh đẹp để tôi ngồi ngây đó thêm đôi phút, cô vẫn bình thản cắm cúi lật các hồ sơ qua lại, cô đâu biết, chắc là hoàn toàn không biết, trong đầu tôi lúc này ngổn ngang trăm phương án y như một ván cờ tàn mà mình phải đưa về như thế nào cho từ hòa tới thắng! Khó nhất của một cao thủ là phải nhận định và phân tích đúng tình hình và từ đó mới có những tính toán chính xác.


Tôi cắn môi, mắt nhìn thẳng vào cô nhân viên và nói to, chậm rãi, hơi...sến:
- Cô ơi! nhà tôi đợi chờ đã hơn 10 năm quyết định này. Cảm ơn cô và Toà Lãnh sự nhưng hiện nhà tôi có một số thay đổi, do đó tôi cần bàn bạc với gia đình rồi mới trả lời cô được.
Thiệt ra trong đầu tôi đã hiện rất rõ phương án trả lời nhưng trước một quyết định quá lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của anh em trong nhà, tôi muốn kéo dài thời gian hầu cân nhắc kỹ xem có sai sẩy nào nữa không.


Cô nhân viên lại nở nụ cười rồi nói:
- Không sao anh, anh cứ bàn bạc gia đình rồi chừng nào xong trở lại cho chúng tôi biết.
- Chiều cô có làm việc ở đây không?
- Có anh, tuần này chúng tôi làm việc suốt, bất cứ giờ nào anh cần vào gặp chúng tôi cũng được.
Lúc này tôi mới cảm thấy thoải mái, như vậy cần gì phải vội vã, người khác nghe nói được đi Mỹ là chụp ngay, xin làm ngay thẻ IOM (International Organization For Migration) cho hết sẩy con cào cào cái đã nhưng tôi thì khác.

Sóng đã tan, gió đã lặng, bao định mệnh gai góc khó khăn đã được gỡ bỏ nhưng không vì thế mà chủ quan được.

Tôi đứng dậy lịch sự nói:
- Phiền cô cho tôi bàn thêm với gia đình rồi trả lời cô sau.

Không biết ăn sáng cái chi mà cô lại nhoẻn cười, rồi gật đầu.
Quên tiệt cái bụng đói mốc meo chưa có miếng nào, tôi kéo 2 em tôi nhanh chóng ra công viên ở giữa Dinh Độc Lập và Nhà Thờ Đức Bà. Hai em tôi ngơ ngác theo chả hiểu chuyện gì nữa.
https://imagizer.imageshack.us/v2/645x484q90/r/674/JI4n9C.jpg

Nam Hòa
10-06-2014, 09:44 PM
Lan man!

Tôi phải nhắc đi nhắc lại mấy lần mà hai em tôi cứ vẫn không tin. Một em vặn tôi:
- Anh có nghe họ nói nhầm không? Chả có phỏng vấn gì, tự nhiên kêu anh vào cho "đậu" là sao??

Ờ hén, lúc này tôi mới thấy em tôi nói có lý. Tôi cố vận dụng trí nhớ và "tự" trả lời:
- Hai chú có nhớ là khi phỏng vấn 7 người, lúc ra về nếu rớt thì có tờ giấy màu trắng nói rõ lý do từ chối, còn "đậu" thì có tờ màu hồng để làm thẻ IOM, hôm đó nhà mình chả có tờ trắng hay hồng gì cả. CÓ LẼ VIÊN CHỨC PHỎNG VẤN NGHI NGỜ HỘ CHIẾU CỦA CHÚ QUỐC LÀ GIẢ VÀ ÔNG TA CHO XÁC MINH. Nhờ thế khi xác minh cái hộ chiếu đó tuy tấm ảnh giống y chang trong CMND nhưng là hộ chiếu thật 100% nên phái đoàn Mỹ đồng ý cho đi MÀ KHÔNG CẦN PHẢI PHỎNG VẤN LẠI. Còn về việc không cho con trên 21 tuổi đi theo cha, thì tu chính án của Mỹ hoàn toàn có thể gia hạn tiếp khi Quốc hội Mỹ thông qua.

Điều tôi nói là nói đại nhưng không ngờ chỉ vài tiếng sau khi tôi trở lại Sở Ngoại vụ, điều đó hoàn toàn là đúng.
Hai em tôi không nói gì nữa, chắc là cũng đang quá sướng! "Sướng rên mé đìu hiu" luôn! (chữ của nhà văn Duyên Anh). Khác với cô nhân viên tòa Lãnh sự Mỹ, tôi cứ để cho hai em tôi.. sướng thêm 10 phút nữa, sướng cho thỏa những ngày chờ mong, sướng cho bù đắp bao gian truân sau cuộc đổi dời, lúc bấy giờ tôi mới nói:
- Hai chú tính sao?
Cả hai em tôi đều nói:
- Tính gì nữa anh, bỏ 4 người ghép ra, đi mấy người nhà mình cho chắc ăn. May mà họ chỉ xác minh có một cái hộ chiếu chứ họ xác minh hết có khi giờ đang... ở tù rồi!

Tất nhiên đây là phương án an toàn nhất vì... nó là sự thật. Đơn giản không lôi thôi gì cả! Hix!

Tôi xin phép bạn đọc lan man một chút dù chuyện đã dài. Tôi từng tham dự giải cờ Vua A2 toàn quốc, nhiều tình huống gây cấn hay xảy ra ở ván cuối của giải, đó là nếu Thắng sẽ có huy chương vàng vô địch, Hòa huy chương đồng và dĩ nhiên Thua là không huy chương coi như mất trắng! Lượng sức mình và đối thủ, trong trường hợp này rộng cửa lựa chọn vì Thắng hay Hòa cũng có huy chương. Có những trường hợp nghiệt ngã hơn, ván cuối phải thắng mới có cửa, bắt buộc bạn phải đánh kiểu 1 ăn 2 thua, vì thế bạn phải phiêu lưu mạo hiểm, phải chọn thế biến 5 ăn 5 thua.

và bây giờ lựa chọn đi mấy người nhà là phương án an toàn nhất, nhưng cho phép tôi được nói hết suy nghĩ trong đầu: (cái đầu mà hổng chịu làm việc là nó sẽ... teo lại! hix!)
- Bí mật liên lạc với 4 người ghép, không cho bà Trang biết, lúc này giá "một vé" xuất cảnh lên cao ngất vì các trại tị nạn đã đóng cửa từ 1994, trại cuối cùng đóng ở Philippine năm 1997, nếu trót lọt tôi có thể thu về kha khá. Câu nói của cô nhân viên vẫn còn găm trong đầu tôi: 7 người trong gia đình anh đã được chấp thuận có nghĩa là họ chả biết gì về 4 người ghép. Bỏ thì vừa uổng cho họ vừa mất đi khoản tiền trên trời rơi xuống, (tôi vẫn còn nợ 10 cây vàng đó nha.)
Tất nhiên, với 4 người ghép này họ cũng phải tự giữ bí mật chứ ai mà lại đi "lạy ông tôi ở bụi này".

- Nếu bà Trang liên lạc đuợc với Sở Ngoại vụ, bà sẽ không để yên cho tôi, vì tôi tính hất bà, trường hợp này là cùng mất. Thật ra tôi cũng không sợ bà Trang nhiều lắm đâu, tôi quá biết bà chỉ làm việc trong bóng tối chứ làm gì có tư cách ra mặt đường đường chính chính như tôi. Bà có "chọt" đi nữa chưa chắc đã làm gì được tôi.

Nhưng cuối cùng thì tôi gạt hẳn ý nghĩ kiếm chác đó. Máu tham, tôi quả quyết là ai cũng có, nhưng một người Thầy đã dạy tôi "tham cũng phải biết cái đáy mà dừng lại chú Hòa ạ". Tôi thấy 3 anh em và bố tôi đi Mỹ cũng là quá đủ rồi. So với cái lúc viên chức phỏng vấn lắc đầu thì nằm mơ cũng không thấy.

TUY NHIÊN, tôi nhấn mạnh, vẫn còn một cửa khác, đó là tôi sẽ bán nhà để có tiền thay toàn bộ 4 người ghép bằng chính 4 người anh em thật nhà tôi. Phiá Mỹ đã chấp thuận 7 người cơ mà. Cơ hội ngàn năm một thuở.

Thế nhưng mới loé lên 1 tí xíu ý nghiã đó rồi tắt ngấm ngay. Đơn giản là khi vào làm hồ sơ sơ vấn và sau đó phỏng vấn, tất cả đều được chụp hình và lăn tay. Bây giờ muốn đổi người, phải chính người trong Sở Ngoại vụ mới làm được mà thôi, và để làm được điều đó, chắc 3 căn nhà của tôi không đủ.

Tôi hiểu về mặt pháp lý, tôi hoàn toàn hợp pháp 100% từ lúc xin lại Giấy Ra Trại tới lúc làm hộ chiếu. Chỉ đến khi vào phỏng vấn mới có vấn đề, nhưng nếu xử lý thì chắc tôi không phải là người đầu tiên và cũng không phải là người duy nhất,

Nhưng thật ra khi đã nắm phần thắng, tôi có thể vay mượn để làm hồ sơ chứ? Đúng thế! Nhưng lại một vấn đề hóc búa khác nảy sinh, tôi sẽ phải làm lại 4 cái CMND và hộ chiếu, thời gian nhanh nhất cũng dăm tháng mà bố tôi lúc đó đã quá già 73 tuổi rồi. Tôi chợt nhớ, có người chị họ, chồng chị cũng đi tù cải tạo về, hồ sơ HO xong xuôi hết, nhưng chỉ một cơn cảm có lẽ là tai biến thì đúng hơn, chồng chị chết trước ngày phỏng vấn 1 tuần, thế là phiá Mỹ thông báo "đóng" hồ sơ của nhà chị lại.
Vì thế ý nghĩ "cứu" mấy em của mình đành gác bỏ. Thời gian không còn nhiều và lực bất tòng tâm!

Cuối cùng thì phương án an toàn chỉ đi mấy người anh em nhà, tôi cho là đúng nhất, khả thi nhất, dù sao tôi vẫn phải chờ, nếu trong vòng 2 tuần mà bà Trang không liên lạc với tôi, tức là mặc nhiên bà chưa biết gì hết và sẽ không bao giờ biết, cho dù quả thật đám cò dịch vụ của bà Trang có "liên lạc" hay móc nối thật với tay trong của Sở Ngoại vụ đi nữa, thì việc thuyên chuyển trong cơ quan rất hay xảy ra và chắc gì bà Trang đã quan hệ được với mấy người mới được đổi về. Thậm chí tôi còn nghĩ có khi bà đã bị bắt trong một truờng hợp "dịch vụ" nào đó bị đổ bể!

Lan man trong đầu một lát rồi tôi dứt khoát, mấy anh em tôi tản bộ xuống cuối đuờng Pasteur ăn phở Hòa. Trước đó thỉnh thoảng tôi cũng có ăn phở ở đây nhưng chưa bao giờ tôi thấy ngon như hôm đấy. Tôi nghĩ mấy em tôi cũng vậy. Người cứ như lềnh bềnh trôi tận ở đẩu đâu. Bao gánh nặng bấy lâu trở thành nhẹ tênh. Bao đau khổ tủi cực trở thành niềm hoan lạc!
Có điều là tôi vẫn không ngờ....

(còn tiếp)

SauDong
10-06-2014, 11:50 PM
nhà bác nói chuẩn quá, phở Hòa Pasteur vẫn ngon số dách. Sang Mỹ có phở Hòa Cali nhưng hoàn cảnh, địa điểm, không gian và thời gian làm tộ phở kg thể ngon bằng những giây phút chật vật và hồi hộp ở SG

Nhã Uyên
10-07-2014, 06:27 AM
Chào anh Nam Hòa, V2012, bro Sầu.
Truyện Tôi Đi Mỹ anh Nam Hòa viết lý thú lắm. Tác giả cho thấy biết bao nhiêu nhiêu khê trong một xã hội quan liêu. NU tính đợi khi nào V2012 đăng xong rồi sẽ comment nhưng nay thấy tác giả là anh Nam Hòa vào tiếp nối thì luôn tiện Nu xin cám ơn V2012 đã đăng bài và tác giả đã bỏ thời giờ ra viết và Welcome to Đặc Trưng. Anh Nam Hòa giữ gìn sức khỏe và chúc an lành.

Nam Hòa
10-27-2014, 11:57 PM
Cảm ơn bạn SauDong- đúng như bạn nói, bên Mỹ tô phở không thể ngon bằng phở ở VN, có lẽ là thịt bò bên Mỹ là được nuôi và xử lý chế biến hoàn toàn bằng công nghệ nên mất đi vị ngon tự nhiên của nó. :)

Cảm ơn bạn Nhã Uyên - rất vui khi được bạn quan tâm- chúc bạn và gia đình luôn an vui và đạt nhiều thành công :)

Nam Hòa
10-28-2014, 12:00 AM
Tôi Đi Mỹ (kỳ 25)
Hòn Vọng Phu!


Đầu giờ chiều, 3 anh em chúng tôi trở lại Sở Ngoại vụ, không có giấy mời vì buổi sáng đã nộp, bảo vệ không cho vào. Tôi trình bày lý do:
- Chúng tôi đã được phái đoàn Mỹ đồng ý, nhưng tôi xin hoãn lại trả lời sau, cô nhân viên Tòa Lãnh sự bảo tôi có thể gặp cô bất cứ lúc nào trong tuần này.
Anh bảo vệ mở to mắt nhìn tôi. Có lẽ anh ngạc nhiên vì chưa có gia đình nào khi được đồng ý mà lại xin hoãn lại. Nhưng anh bảo vệ đã gắt:
- Đây không phải là cái chợ, muốn gì phải có giấy tờ.
Vừa lúc đó anh tổ trưởng bảo vệ nghe um sùm chạy tới, nghe xong anh nhìn tôi và hỏi:
- Anh tên gì? Để tôi vào hỏi lại.
Lát sau anh trở ra, ra hiệu khoát tay cho 3 anh em tôi vào sau khi đã kiểm tra CMND kỹ lưỡng.

Trong phòng chờ đợi vắng hơn mấy năm trước rất nhiều vì chương trình HO và con lai đã chấm dứt, những người còn lại là được vét hay được cứu xét lại và một số là những người mới bị cưỡng bức hồi hương từ các trại tạm cư bên Hồng Kông cũng được cho làm hồ sơ đi Mỹ, (gọi là diện gì thì tôi quên rồi, nhưng chắc chắn không gọi là HO như chúng tôi)

Chờ chừng mươi phút tiếng loa vang lên. Tôi hăm hở mạnh dạn tiến vào.
May quá! Vẫn cái cô nhân viên Toà Lãnh sự Mỹ còn y nguyên, long lanh như buổi sáng. Vẫn cái nụ cười điếng hồn, cô cất tiếng:
- Mời anh, anh bàn với gia đình xong chưa?
- Rồi cô, cô cho tôi đăng ký đi 3 người, còn 4 người phải bỏ lại.

Tôi thấy cô khựng lại, đôi mắt người con gái đẹp ấy mở to nhìn tôi, chắc cũng giống như anh bảo vệ, cô chưa gặp trường hợp này bao giờ ư?
Nhưng chỉ một thoáng nhỏ biểu cảm rồi cô nhẹ nhàng hỏi:
- Sao phải bỏ lại vậy anh?
Đã có chuẩn bị nên tôi trả lời ngay:
- Vì năm 1997 khi phỏng vấn bị rớt, mấy em tôi không hy vọng được đi nữa nên đã lấy chồng và có vợ con, nay họ không đành đoạn bỏ gia đình ra đi, cô ạ.
- Tôi hỏi vậy thôi, bây giờ anh ký vào đây, 3 người xin đi có thể làm thẻ IOM ngay bây giờ, còn 4 người xin ở lại, anh vui lòng làm đơn và về địa phương chứng thực, sau đó anh gởi cho chúng tôi.
- Cảm ơn cô, cô cho tôi hỏi, khi phỏng vấn năm 1997 viên chức phỏng vấn nghi ngờ hộ chiếu của em tôi và giữ lại, nay tôi muốn xin cái hộ chiếu đó mới có thể xuất cảnh.

Cô lật lui mấy trang giấy, gõ vào máy, rồi nhìn vào màn hình computer, một lúc sau cô mới nói:
- Cái hộ chiếu đó chúng tôi không giữ, mà chúng tôi đã giao cho phiá Việt Nam điều tra lại ngay sau ngày đó, anh liên hệ với các cơ quan Việt Nam xin lại nhé.

Câu trả lời của cô đúng như phán đoán của tôi, sau khi điều tra xong không thấy vấn đề gì nên phiá Mỹ chấp thuận cho đi mà không cần phỏng vấn lại.

Rất nhanh chóng, chỉ khoảng 30 phút sau, 3 anh em chúng tôi mỗi người đã cầm cái thẻ IOM trên tay. Từ nay ra vào Sở Ngoại vụ chúng tôi chỉ cần trình cái thẻ này là bảo vệ cho chúng tôi vào dễ dàng mà không cần hỏi lý do! Đúng là đổi dời! Chúng tôi đã trở thành con người khác trước! Hix! Chắc có bạn không biết, người cầm thẻ IOM này được miễn đi nghiã vụ quân sự đó nhé!

Từ 9 giờ rưỡi sáng khi nghe cô nhân viên nói đã được chấp thuận, tôi đã lâng lâng tê tái trong lòng, vậy mà 6 tiếng sau khi ôm cái thẻ IOM đó 3 anh em tôi suýt rơi nước mắt vì... hạnh phúc! Hix!

Tạo Hóa rộng lượng đã dựng nên hàng tỷ tỷ thiên hà nhưng lại hà tiện khi nhốt khổ đau hay hạnh phúc cùng chung dòng nước mắt. Đó là sự kỳ diệu khó hiểu! Vũ trụ, nhiều nhà... khoa học cho rằng "nó" được hình thành từ một lỗ đen (black hole) và cuối cùng tận thế cũng chỉ còn lỗ đen. Lỗ đen theo nghiã bình dân nghe dễ hiểu chứ theo các nhà khoa học thì... ông nội tôi cũng không hiểu!

Con người cũng vậy, cũng được sinh ra và cuối cùng cũng chui vào một black hole! Nhưng trong khoảng thời gian tồn tại thì quả là bụi bặm và rối rắm! Đâu có ai thoát ra hay chống lại được.

Tuần sau đó chúng tôi rất bận rộn phải bổ túc các loại giấy tờ và đi khám sức khoẻ. Sức khoẻ chúng tôi hoàn toàn tốt, tuy vậy khi vào phòng chụp hình phổi, nghe mấy người cùng chờ đợi rỉ tai là phải có "phong bì" thì mới không bị làm khó, chính tay tôi đưa cho anh cán bộ 300 ngàn cho 3 anh em, (GIÁ VÀNG KHOẢNG 5 TRIỆU/LƯỢNG) 1 tô phở trung bình lúc đó giá 5.000 đồng. Tôi đếm loáng thoáng một buổi sáng đó gần 80 người. Nghiã là 1 buổi sáng, anh chụp hình phổi hái được hơn 1 lượng vàng. Con bò phải được vắt cạn sữa truớc khi xuất chuồng. Không có tiền phải đi vay mượn, bến bờ chỉ còn cách có một sải tay thôi mà!

Các công việc đã xong chỉ trừ mỗi cái hộ chiếu của em tôi đã bị giữ lại. Tôi đã đi lại không biết bao lần lên Công an Tỉnh để hỏi nhưng từ phòng tổ chức đến phòng điều tra hình sự, tất cả đều trả lời không biết gì về cái hộ chiếu ấy mặc dù cuốn hộ chiếu đó to bằng bàn tay chớ đâu phải nhỏ như cây kim!

Tôi hiểu phải cần "chi" rất mạnh thì mới mong lấy lại cái hộ chiếu đó, nhưng lúc đó tôi đã đuối hơn con cá chuối, việc vay mượn đã quá nhiều, có người không còn tiền cho tôi vay nữa.
Em tôi làm đơn xin cấp lại hộ chiếu.
Một tháng trôi qua, không có gì nhúc nhích.
Tháng thứ hai trôi qua, im re.
Tháng thứ ba qua nhanh, lặng thinh.
Tháng thứ tư vũ như cẩn, vẫn như củ...cải!

Tôi lên cơ quan hỏi, thì lần nào cũng nhận đuợc sự gắt bẳn:
- Anh làm như tụi tôi thiếu nợ anh không bằng, tôi đã nói khi nào có, tôi sẽ gởi giấy cho anh lên nhận.
(Đúng là...củ cải! Hix! )
Tôi có cảm tưởng mình là Hòn Vọng Phu, có ngày thành đá mất và mãi mãi không bao giờ thấy mặt "em hộ chiếu". Trong khi đó, người bạn tôi làm hộ chiếu chỉ mất có 3 tuần.
Điều tôi không ngờ đã xảy ra. "Họ" cố tình giam cái hộ chiếu em tôi lại mà không có lý do gì cả.
Chỉ một cái chốt rất nhỏ mà cánh cửa máy bay chưa thể mở được. Lại bế tắc giờ chót!
(còn tiếp)

https://scontent-a-ord.xx.fbcdn.net/hphotos-xaf1/v/t1.0-9/10600440_861435327211710_7086961488691383108_n.jpg ?oh=03d8ba7a89137a88d0a5129f81584e01&oe=54AFFD4C
(https://www.facebook.com/photo.php?fbid=861435327211710&set=a.611087902246455.1073741826.100000357532151&type=1)

Nam Hòa
11-01-2014, 08:51 AM
Tôi Đi Mỹ (26 Hết)
Mười năm ròng rồi thêm bốn tháng nữa chờ đợi, phải vậy thôi, hụi chót mà!
Tôi đã sức tàn lực tận, còn 2 em tôi hoàn toàn thụ động vì "bài" quá nhỏ chả có gì để binh cả.

Tôi đang tính nhờ mấy người bạn học, bạn tôi trước 75 và sau 75 cũng khá nhiều, nhưng đúng lúc đó, cô em gái út tôi lúc này làm ăn khấm khá và có khá nhiều mối quan hệ, nhờ một người bạn thân làm trong ngành Công an, chỉ sau 3 tuần là cái hộ chiếu đã được "giải phóng" về với chủ. Nhẹ nhõm!
Giữa tháng 5, chúng tôi lên Sở Ngoại vụ đăng ký chuyến bay.

***********
****
Chờ đợi lê thê và đau khổ vậy mà càng gần đến ngày khởi hành lòng tôi như lửa đốt với nhiều nỗi buồn nung nấu.
Sau khi nhận được thông báo chuyến bay sẽ khởi hành vào cuối tháng 6/1999, tôi tức tốc lên Gia Ray nói bố tôi làm thủ tục chót là giấy xác nhận "bốn không" - không thiếu nợ Ngân hàng - không thiếu thuế Nhà nước - không có nhà đất - không tài sản khác.

Những kỷ niệm trong quá khứ đã ngủ sâu bỗng thức dậy khi tôi đi ngang qua nhà ga Long Khánh nơi gia đình tôi sống trong đó gần 4 năm lúc bố tôi là chỉ huy truởng cung đường sắt Biên Hòa- Long Khánh- Bình Tuy để rồi chưa tới 10 năm sau, bên thua cuộc! bố tôi trong cơn lốc xoáy, phải lặn lội nơi rừng thiêng nước độc, cất cái chòi dưới chân núi Chứa Chan sống lây lất. Mẹ tôi sau khi đi kinh tế mới về cũng sống cà lơ phất phơ qua ngày đoạn tháng. Một sự thay đổi bất ngờ mà không ai có thể biết trước.

Nếu điều lớn nhất để nói là tình yêu thì tiếp theo, theo tôi phải nói đến là SỰ THAY ĐỔI! Bởi vì không có gì tồn tại vĩnh cửu nên phải chấp nhận đổi thay. Cho nên dù thật sự không NUỐI TIẾC nhưng vẫn có thoáng ngậm ngùi.

Nỗi nhớ như là một tự nhiên không cần phải cố gắng. Nỗi nhớ là một đặc ân mà chỉ có nơi con người. Người ta có thể không nhớ miếng ngon cao lương mỹ vị chứ không thể quên củ khoai, ổ bánh mỳ, trái bắp nướng... được cạp ngon lành trong buổi sáng hối hả đi học hay những chiều mưa gió quây quần bên gia đình.

Còn 2 tuần trước ngày lên đường lòng tôi lại càng quặn thắt nhiều hơn. Vợ tôi đi làm và con tôi vẫn đi nhà trẻ bình thường.

Nhiều người mơ đuợc tới xứ Mỹ cớ sao tôi có vé máy bay mà lại thấy buồn. Muối xát lòng ai nấy mặn mòi! Mỗi chiều đi làm về, vợ tôi nhìn 2 cái va ly là rơi nước mắt.

Trời ạ! phải bỏ nhà ra đi, xa con thơ bé nhỏ và tình yêu thuở mặn nồng. Bỏ lại tất cả, tất cả những gì tôi có được đều làm ra từ mồ hôi, nước mắt và cả máu.

Kể từ ngày bước chân xuống thềm đời, một mình tôi, thân cô thế cô, bơi ngược dòng để xua đi đói nghèo. Không dễ chút nào khi trong tay không một tấc sắt, không một người lính, không vốn liếng thì lấy đâu ra quyền lực. Chỉ bằng đôi tay và khối óc!

Thuở hồng hoang của loài người, quyền lực khởi thủy từ võ lực. Khi con người còn sống rải rác thành từng nhóm, từng bộ lạc, chưa tập trung cao thì người nào to khoẻ, giỏi đánh nhau sẽ chiếm được nhiều hơn. Khi xã hội phát triển, quyền lực thuộc về kẻ nào có khả năng thâu tóm và tư hữu (chính trị, đất đai, nhân công, thời cơ...) và quyền lực lúc này thường tập trung vào một nhóm người.

Và bất công là điều không thể tránh khỏi từ bản thể nguyên thủy của xã hội cũng như từ bản thân mỗi người.
Đã từng sống học tập và làm việc qua 3 chế độ, tôi cho rằng không có mô hình xã hội nào là lý tưởng cả.

Ở đời này làm gì có tự do. Chả có xã hội nào có tự do cả! Cứ sau 5 tiếng là người ta bắt buộc phải kiếm cái bỏ vào miệng. Cho nên thế giới trong một thời kỳ dài, suy cho cùng, chiến tranh chẳng qua là để giành miếng ăn và các quyền lợi khác. Cuộc chiến giành miếng ăn là khốc liệt nhất, tàn bạo nhất với tất cả mọi thủ đoạn và biện pháp. Nhớ lại lịch sử, ai cũng biết, 2 cuộc đại thế chiến cướp đi 60 triệu sinh mạng có nguyên nhân sâu xa từ sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản đó ư?

Cũng có người cho rằng Tạo hóa dựng nên con người và mọi tốt xấu kiết hung đều do con người mà ra vì con người có quyền tự do lựa chọn. Tôi cho rằng điều đó, có khi đúng với người này mà lại sai bét với người khác. Nếu được tự do lựa chọn thì đâu có ai dại đến nỗi chọn làm cu ly hay hốt rác.
Khi bạn có 10 em gái theo đuổi, bạn có quyền lựa chọn, còn tôi, chả có ma nào.. thèm thì lấy ai mà chọn với lựa!

ĐỜI theo tôi hiểu, CÔNG DANH LÀ MỘT TUỒNG HƯ ẢO. PHÁP LUẬT ÂU LÀ MỘT TRÒ HỀ.

Nếu cứ ở lại Việt Nam, gia đình tôi sống được chứ? Chắc là được, nhưng với một thể chế như vậy, với lý lịch như vậy, muôn đời con cháu không ngóc đầu lên được.
**********
********
Ngày ra đi! 4 bố con âm thầm lặng lẽ như chạy trốn. Mấy chục năm sau cái ngày đen tối ấy vẫn cứ nghèo nàn xơ xác hoang phế tồi tàn đói rách tả tơi xanh lè! hạt me! Phải đi thôi!

Riêng lòng tôi thì buồn vô bờ, buồn như đưa đám. Cái mong chờ ấy đến để rồi lại kèm theo là một chia ly! Chao ơi! sao mà cay nghiệt thế hả Trời!

Đêm hôm trước chuyến bay, khuya, vợ tôi ôm con mà khóc. Tôi thức trắng đêm như pho tượng. (Hổng có mần ăn chi hết! Hix..) Con thạch thùng trên tường chặc lưỡi thay cho tiếng tôi khẽ thở dài. Không, phải can đảm lên. Một tình yêu đích thực không dễ gì vỡ bể được. Sự xa cách như ngọn cuồng phong thổi tắt đi ánh đèn leo lét yếu ớt nhưng làm bùng lên những đống than đỏ hồng rạo rực.

Tôi nói thầm với vợ: "Em, Hạnh phúc đã qua sẽ là chiếc áo giáp che chở cho tháng ngày sắp tới."
Tôi nói với con: "Con ạ, ba đi con có biết, thắp lên một chút sáng trong đêm."

Sáng dậy, đánh răng rửa mặt như hàng ngàn ngày khác mà chút xíu là tôi bật khóc, trời ạ, ngồi trong bếp nhìn ra những thứ tầm thường nhất bây giờ trở thành thân thương lạ kỳ. Cây vú sữa truớc nhà mà mỗi năm vào dịp Tết cho hàng thúng quả đem về cho hai bên nội ngoại như đang níu bước chân tôi.
Ngày mai không còn ở căn nhà thân yêu này nữa để tới nơi lạ hoắc huơ, căn nhà là kết quả của một đời xe xém xuôi ngược với biết bao phong ba bão táp. Không dễ từ hai bàn tay trắng mà chân chính làm nên căn nhà. Thương quá!

Con đường hàng ngày vẫn đi về mòn mấy chục cái lốp xe hôm nay tôi thấy nó quyến luyến làm sao. Tình cảm đó ngày thường để ý làm gì chỉ khi nào sắp xa, sắp mất rồi người ta mới thấy, mới hiểu, mới động lòng. Muối xát!
Hình ảnh đời sống thường ngày ăn uống cũng lởn vởn với những bữa cơm canh cua dưa chua cà pháo, đậu hũ kho, canh rau ngót nấu với cá rô lóc xương.. đơn giản thế mà không biết tôi có tìm lại đuợc nơi xứ người không.
Nhiều quá, tùm lum tà la, ngôn ngữ lúc này bất lực và không cần thiết phải nói lên tất cả. Tôi cứ để mặc cho kỷ niệm và dĩ vãng hành hạ, nhưng thà vậy mà sướng hơn là lạnh lùng thản nhiên.
*******
******
9 giờ tối, chiếc máy bay lùi dần thật chậm ra phi đạo rồi cất cánh.
Tôi bấy giờ mới thực sự có cảm tưởng mình như là con chim đang bay thoát, còn về đâu tương lai ra sao thì chưa biết. Trong nhờ đục chịu. Ngồi sát cửa sổ, máy bay lên cao, tôi nhìn xuống phiá dưới, lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy khung trời Sài Gòn về đêm.

Muôn ngàn ánh sáng lấp lánh và những con đường người xe xuôi ngược hối hả dưới tôi cứ nhỏ dần nhỏ dần rồi mất hẳn thay vào đó là hình ảnh mẹ, vợ con và các chị em tôi, rồi người thân, bạn bè còn ở lại. Tạm biệt ánh lửa hồng.
Khi máy bay chìm vào trong mây, tôi thấy mình đang đạp xe trên con đường làng êm ả hai bên thơm mùi lúa của ngày nào đi học, tôi thấy ánh mắt em trông vời theo, trông mãi. Đỏ hoe. Bồng bềnh. Âu yếm. Nhung nhớ. Chia ly. Xát muối.

Tôi đã là người tha hương rồi ư? Không biết, chỉ tới lúc tôi thấy những giọt nước mắt lăn dài và nghe mặn trên môi, tôi mới biết là mình đang khóc. Vô thức.
Khóc vậy đi Mỹ làm gì KHI ĐÃ Ở TUỔI TRUNG NIÊN? Chỉ có thể nói ngắn là ĐỂ XÂY LẠI CUỘC ĐỜI, KHÔNG PHẢI CHO TÔI, MÀ CHO CON CHÁU ĐƯỢC TỰ DO, KHÔNG! KHÔNG CHÍNH XÁC! ĐƯỢC TỰ DO HƠN VÀ TỐT ĐẸP HƠN!

Tháng 10/2014
Nam Hòa

phiulinh
11-01-2014, 10:47 AM
Bài tuy-niệm trên sao mà hay ghê nhưng 'phản động' nên chỉ đánh giá bốn sao+4cánh thôi.


Hầu như ai bỏ nước VN đi qua nước khác sống cũng có sẵn trong bụng một ít nhiều vài mẩu miếng của câu chuyện trên. Sống sau một thời gian rồi thì quên bẻng đi bởi vì bản chất con người là mau quên, nhất là chuyện buồn để tiếp tục hành trình mới, hay có thể nói ngược là thì đúng hơn.