Tuấn Nguyễn
11-02-2014, 01:37 AM
1
Ngày 15.9.2014
Những ngày tháng này, tôi nhớ về chị tôi, chị ở cách xa tôi nửa vòng trái đất, chị đang đau. Tôi hình dung nỗi đau của chị và thấy quặn lòng. Chị ơi! Biết làm sao được, em ở quá xa không thể đến thăm chị, chỉ là những cánh thư, gặp chị qua giọng nói, chị làm sao hiểu được, em lo về bệnh tình của chị thế nào …
Chị ạ, trong tất cả 7 anh chị em chúng ta, em biết, bao giờ cũng vậy, chị và các anh chị khác đều thương em nhất. Những tháng ngày sau này , khi em đã nghỉ hưu, chị đã lo cho em, nhất là khi chị nghe tin đứa con gái của em hết thời hạn hợp đồng lao động, chị đã quan tâm hỏi thăm và gửi tiền về cho bọn em.
Nhớ về chị là em nhớ về những ngày tháng xa xưa, thuở chúng ta còn nhỏ ở cùng chung dưới một mái nhà. Anh em chúng ta cùng thương yêu nhau, bảo bọc cho nhau. Chúng ta bị mất mẹ mà nỗi bất hạnh nhất là em, xem như không có được tình thương của mẹ khi em chỉ vừa 9 tháng tuổi đã phải vĩnh biệt mẹ. Có thể vì vậy mà em được sống trong tình thương yêu trìu mến của các anh chị, gần gũi nhất là chị, người chị luôn luôn sát cạnh em, săn sóc cho em những việc mà chị có thể.
Mất mẹ nhưng chúng ta còn cha phải không chị? Nhưng tình cảm của cha quá sâu kín. Cha lại phải làm việc quá cực nhọc để nuôi cả gia đình 9, 10 người nên ông nhiều lúc không dằn được cơn nóng giận la mắng chúng ta vô cớ, thái quá. Chị thử nghĩ xem trong 7 anh chị em chúng ta, hầu như người nào cũng không chịu nổi tính khí nóng nẫy của cha. Anh Hiệp, anh Cự, và chị đều bỏ nhà ra đi. Anh Cự vào Đà Nẵng đi dạy kèm để học, anh Hiệp vào Nha Trang làm việc cho ông chủ hãng cửa sắt, và chị … chị trốn qua ở với dì bên Bao Vinh. Em vẫn còn nhớ và thương dì Quế. Dì đã bảo bọc cho chị, tức giận cha và đã có lần qua tận nhà than phiền sao cha nở nào quá khắc nghiệt với con, cụ thể là chị khi mà mẹ chúng ta không còn…
Rôi chị từ giã trường học, chị đi làm y tá cho phòng phám bệnh của BS Nguyễn Khoa Nam Anh ở đường Hàng Bè gần sát cầu Đông Ba. Em nhớ những ngày chị đi làm, có khi mùa hè, khi chiều đến chị gọi em đem xe lên chờ để đưa chị về nhà. Có món quà vặt, cái bánh, cái kẹo chị đều dúi cho em. Em nhớ chiếc xe Vélosolex chị mua mà chị chẳng đi bao nhiêu chỉ là để em lên đón chị về. Rồi mùa đông, chị mua len về ngồi đan áo cho em. Nhớ chiều chủ nhật, Trời lạnh giá chị ngồi đan áo cho em. Chị bảo em phải ngồi với chị, nếu em bỏ chạy đi chơi là chị sẽ không đan áo nữa.
Sau này chị thi đỗ vào trường Tá viên điều dưỡng, ra trường, chị đi làm tại bệnh viện Kontum, rồi Sài Gòn. Chị lập gia đình với anh Ngân. Em nghĩ chị sẽ hạnh phúc và quả đúng như thế. Anh Ngân trẻ, ít tuổi hơn chị nhưng lại yêu thương chị hết lòng …
Dòng đời trôi qua … chị em chúng ta không còn sum họp dưới một mái nhà chị nhỉ nhưng ở đâu và nơi đâu em vẫn thương yêu chị. Nhớ những ngày em vào Sài Gòn chờ ra Hội đồng miễn dịch. ở với chị trên một cao ốc, tầng 4, đường Thoại Ngọc Hầu, Chợ Ông Tạ Q. Tân Bình, cuộc sống của chị bấy giờ cũng vất vã về kinh tế chứ chưa có gì sung túc vậy mà chị đã lo cho em hết lòng.
Sau 75, cuộc sống của chị và đứa con trai đầu của chị còn khó khăn vạn lần. Anh Ngân đi học tập. Chị một mình vừa đi làm tại bệnh viện Sài Gòn vừa phải nấu chè, làm bánh thêm để bán cho mọi người trong bệnh viện, những lần đi thăm nuôi anh Ngân, chị vất vã xiết bao. Nhớ về chị là nhớ về những chuổi ngày tháng chị khó nhọc, lận đận, kinh tế thiếu hụt. Vậy mà chị vẫn vui vẻ yêu đời. Trên môi chị luôn điểm nụ cười. Ước chi nếu Thượng đế công bằng sao để chị mãi khổ…
Em sung sướng biết bao nhiêu khi thấy cuộc sống của gia đình chị đã yên ổn tại Mỹ khi anh chị và hai cháu đã được định cư theo diện HO. Hai cháu học giỏi, tốt nghiệp đại học có công ăn việc làm tại xứ người rất vững vàng em yên tâm và sung sướng lắm chị ạ.
Vậy mà tháng ngày đang bình yên, anh chị đang hạnh phúc, bỗng nghe tin dữ, chị bạo bệnh.
Chị ơi! Em đang cầu chúc cho chị từng ngày, từng giờ. Mong sao chị vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo. Chị hãy cố gắng chiến đấu đi chị nghe!
Hãy kiên trì, nhẫn nại chị ơi!
Em luôn cầu nguyện cho chị.
2
Ngày 13.10.2014
Chúng tôi, hai anh em, thẳng tiến lên Ngự Bình, ngang qua Đàn Nam Giao, qua tượng đài Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, rẽ về phải len lõi theo đường nhỏ có bảng ghi núi Tam Thai, sau hai lần vượt đường, vượt dốc, men theo mấy lối đi nhỏ, u tịch, đầy xác lá, lấp ló hai bên đường, những ngôi nhà, những tịnh cốc, những khu vườn ... Đi tiếp … lên dốc, độ cao, những hàng cây thông rụng đầy những trái khô lăn lóc trên đường như những cái tháp nhỏ màu nâu. Anh tôi bảo tôi cho xe dừng lại để nhặt một số trái, nói là để mang về làm đồ chơi cho cháu nội. Một người đang quét lá vàng dừng lại, ngẩng đầu nhìn chúng tôi. Anh tôi hỏi:
- Anh vui lòng cho hỏi, ngôi chùa mà sư Thích Thiện Tánh trụ trì ở chỗ mô ri?
Người đàn ông áo quần lem luốc rất nhanh nhẩu:
- Nơi cái dốc nớ tề, có con đường nhỏ, tấm bảng đề tên đó. Bác tới đó đi!
Chúng tôi tăng ga, xe leo dốc nhẹ nhàng. Tấm biển báo hiện ra với hàng chữ “Chùa An Tĩnh”.
Đi một đoạn, rẽ phải, lại một đường lên dốc nữa. Chung quanh là thông, cây cối u tịnh, mát dịu. Một hiên chái trước mắt chúng tôi. Chúng tôi để xe ngoài sân, bước lên tầng cấp. Ngôi chùa trệt 3 căn hai chái lợp tôn giã ngói, rất khiêm tốn, kéo dài về phía tay phải là dãy nhà nhiều gian cũng trệt. Các cửa đều đóng kín. Tôi nhìn phía trước tịnh thất, trên cửa có bức chân dung của nhà bác học Einstein nhận định về bản chất của khoa học và đối chiếu với Phật giáo, những điểm tương đồng và dị biệt …
Einstein nhấn mạnh Khoa học không giải quyết được vấn đề thân phận con người. Phật Giáo với vai trò của mình như một sứ mệnh, mãi mãi hiện hữu để cứu vớt con người.
Dưới mái hiên, một cái bàn bằng đá, một ấm tích. 6 cái ly thủy tinh. Anh H và tôi ngồi xuống trên cái ghế băng nghỉ mệt. Im lặng. Chỉ có gió thoảng, những trái thông rụng kêu khô khan. Anh H và tôi đi dạo một vòng quanh chùa. Chùa rộng trải dài, bên hông về phía trái có tháp cao, bên cạnh là Phật Quan Âm tọa trên đài sen. Phía trước tịnh thất một công viên nhỏ, có tượng Di Lặc phơi bụng với nụ cười trẻ thơ. Tôi đi men theo tịnh thất xuống chái bếp, phía bên ngoài mấy cây vả, trái ra sum sê bu kín thân, rụng rất nhiều dưới gốc, chẳng ai buồn nhặt lấy.
Im lặng, im lặng quá. Chẳng có ai. Sư trụ trì đi vắng.
Anh tôi nói với tôi:
- Về thôi! Chiều sẽ trở lại.
Chúng tôi lên xe honda, tôi không cho nổ máy, chân nhắp thắng để thả dốc. Mấy người đang làm vệ sinh con đường. Tôi đạp thắng dừng xe. Anh H hỏi người phu khi nãy:
- Thầy Thiện Tánh đi mô mất rồi. Tui phải về chiều lên lại.
- Chờ chút! Ông về chừ. Ông đi chợ mua khuôn đậu đó.
Nói rồi, người phu quét đường mời chúng tôi vào nghỉ trong sân ngôi nhà tồi tàn của ông. Một cái chuồng, mấy con bò trong đó. Mùi phân xông ra nồng nặc. Tôi nói:
- Răng không đưa chuồng bò về phía ni ra sau một tí!
Người phu nói:
- Ồ! Là nhà thờ của chúng tôi bên nớ, anh qua đây tôi cho coai.
Tôi lợi dụng cơ hội đứng dậy đi cho khuất mùi hôi.
- Cửa mở, mấy cái bàn và mấy cây đèn gỗ chưng hai bên, ở giữa là bài vị, lư hương.
Người phu nói:
- Đồ thờ tui cất hết, sợ ăn trộm!
- Ở đây mà cũng có trộm à?
- U chao, nơi vắng vẻ này, ăn trộn rất lộng hành, hở một chút là mất.
Tôi lấy làm lạ:
- Răng trên chùa của thầy Thiện Tánh, để như vậy mà không sợ mất?
- Ăn trộm cũng kỳ lắm bác ơi! Của chùa lại không mất!
- Ha! Như vậy ăn trộm cũng rất nhân bản!
Tôi lấy một cái ghế trong góc nhà để ra sau sát nhà thờ ngồi nghỉ, mắt hướng ra đường để chờ. Bỗng người phu la lên:
- Kìa thầy đã về, các bác mau đi theo thầy đi!
Một chiếc xe Honda vụt thoáng qua. Tôi và anh H vội vàng dắt xe ra đường. Tôi cho xe sang số 1 để lên dốc. Xe có trớn tôi đổi số, rồ máy để theo thầy cho kịp. Ngôi chùa hiện ra.
- Kính bạch thầy!
- A Di Đà Phật! hai anh viếng chùa có điều chi không?
Anh H cung kính:
- Bạch thầy chúng con nhờ thầy giúp chúng con việc cầu an.
- Hai anh ngồi đi!
Chúng tôi ngồi trên ghế đối diện thầy Thiện Tánh. Nhà sư khuôn mặt ốm, nước da xanh không hồng như một số sư bây giờ, đôi mắt vẫn còn tinh anh. Thầy nhẹ nhàng:
- Có việc gì hai anh cứ việc nói với thầy.
Anh H trình bày:
- Dạ bạch thầy, nhà chúng con có cô em và là chị của em con đây bị bạo bệnh, mười phần nguy hiểm hiện đang ở Mỹ, kính mong nương nhờ Thầy một lễ cầu an cho người bệnh.
- Làm ở nhà à?
- Bạch thầy dạ phải!
- Địa chỉ nhà ở mô?
- Bạch thầy ở cuối đường Chi Lăng, chỗ bến đò Chợ Dinh đó.
- Bến đò Chợ Dinh? ừ tôi biết rồi.
- Bạch thầy là số ….
Nhà sư lấy một cuốn sổ ghi địa chỉ, hỏi cụ thể tên họ chị tôi, ngày sinh và địa chỉ ở Mỹ. Rồi lần lượt đến chồng, con. Sau cùng đến 3 anh em chúng tôi, pháp danh, … Nhà sư không quên lấy một tờ giấy ghi việc chuẩn bị ở nhà như hoa quả, xôi chè cho bàn thờ cúng phật, cơm chay, bàn cúng cô hồn, …
Thầy Thiện Tánh chọn ngày 18 tháng 9 âm lịch đúng ngọ chính thức lế cầu an cho chị tôi và kết thúc ngay sau đó.
Anh H băn khoăn:
- Bạch thầy, việc cúng cầu an diễn ra chỉ mình thầy chủ trì thôi hay còn thầy mô nữa?
Thầy Thiện Tánh rất nhạy bén:
- Phải ba người chứ. Tui là chính nhưng còn hai thầy phụ trợ nữa. Tui phải đi mời thêm ở nơi khác. ở đây chỉ mình tui. À mà còn lo lắng chi nữa không? Thôi để tui nói về tài chính để anh khỏi loay hoay, để trong lòng thêm mệt: Tui đây là một triệu. Còn hai thầy mời thêm 1 triệu vị chi là hai triệu.
- Răng, có khó khăn không? Nếu có thì chỉ lo phần hai thầy kia, còn tui thì khi nào có cũng được.
Anh tôi cung kính:
- Bạch thầy không răng hết!
Thầy Thiện Tánh mĩm cười rất nhẹ:
- Đó thấy chưa? Tui nói như rứa thì lòng sẽ nhẹ nhõm, xem như quẳng gánh lo đó tề! À này! Khỏi phải đem xe đón rước tui làm chi cho phiền hí. Cả 3 đều tự đi xe Honda cho tiện hí!
- Dạ chúng con rất cảm ơn thầy!
Hai anh em chúng tôi trở về, lòng nhẹ nhõm, đúng như lời thầy, quẵng gánh lo đi!
Đúng ngọ ngày hôm sau, buổi lễ cầu an diễn ra rất nghiêm trang cả về hình thức lẫn nội dung. Trong buổi lễ này chúng tôi không mời bà con, ngoại trừ chú Sĩ (con chú Đội) và hai người bạn của tôi: Miên và Đôn.
3 anh em chúng tôi người mô cũng tuổi lớn. Tôi xem như trẻ nhất phải quỳ đội sớ!
Buổi lễ kết thúc sau 90 phút.
Sau khi thọ trai, anh H đại diện gia đình nói lời cảm tạ…
Thầy Thiện Tánh chúc chị tôi vượt qua bệnh tật.
Các thầy ra về.
Nghi lễ tôn giáo đã đem lại bình an cho mọi người … cho tôi chút níu kéo, chống lại nỗi sợ hãi - Sợ hãi nỗi cô độc trải dài đẩy tôi vào hư vô, chấp chới hình ảnh của chị:
- Chị ơi! nơi nào bình yên cho chị, cho em?
3
Ngày 19.10.2014
Vậy là chị đã bỏ đi! Tôi nhận được hung tin của anh Ngân và cô học trò ngày xưa của anh Hiền, hiện ở sát cạnh nhà chị - Ty, cả hai báo cho tôi biết vào lúc 2 giờ VN ngày 19 tháng 10 năm 2014 (26 tháng 9 năm Giáp Ngọ). Mặc dù trong thâm tâm, đã biết chị khó lòng chống chõi nổi cơn bệnh nhưng tôi vẫn không tránh được phút bàng hoàng sững sờ.
Chị đã đi rồi sao? Định mệnh quá oan khiên. Chị tươi trẻ, mạnh mẽ, bộc trực thương yêu con cái, gia đình, anh chị em, mọi người, bè bạn, vậy mà chị lại không tồn tại!.
Chị ơi! Em vẫn biết sống chỉ là tạm mà thác mới là trở về.
Quy luật cuộc sống, không ai không đi chuyến đò tử biệt sau cùng nhưng không hiểu sao em vẫn thấy một cái gì phi lý, vô nghĩa của cuộc đời.
Em còn nhớ mới đây thôi, là cách đây 3 năm, chị về VN, cùng con gái, cháu Thụy. Hai mẹ con ghé Đà Nẵng, chúng ta trải qua mấy ngày vui vẻ bên nhau. Chị luôn nở nụ cười với bọn em. Gặp lúc em bị đau khớp chị bày cho em các động tác tập thể dục để tránh bớt đau nhức. Chị khuyên em không nên ăn thịt nhiều, hạn chế ăn cá, cố gắng ăn rau quả để tránh một số bệnh tật của người lớn tuổi. Thấy chị hoạt bát, nhanh nhẹn, em yên lòng, không bao giờ nghĩ là chị bị mắc phải cơn bệnh quái ác này.
Chỉ hôm kia trước tết chị than đau ở khớp mông, em vẫn nghĩ là chị bị khớp bình thường, không sao chỉ cần tập những động tác thể dục và khi quá dau thì uống viên thuốc giảm đau là vượt qua, không ngờ lại cớ sự thế này …
Nhìn hình ảnh chị cùng bọn em những ngày đi du lịch Hội An, Bà Nà em không nghĩ là chị bỏ mọi người để ra đi.
Tại sao lại thế hở chị?
4
Ngày 22.10.2014
Nhưng dù thế nào, em biết, chị sẽ không đi lâu đâu. Chị sẽ trở lại với những người thương yêu chị, chị nghe, nhớ nghe! Một lúc nào đó chị sẽ về thăm bọn em, có thể Đà Nẵng, có thể Huế. Chị sẽ cùng em về lại ngôi nhà xưa của chúng ta, nơi cha đã làm lụng vất vã nuôi các anh chị em mình. Chị nhớ không? Ngôi nhà đó, căn phòng thân thương những đêm, những ngày anh chị em chúng ta bên nhau. Cha có khắc khe, la mắng chị, sẽ có anh Hiền bênh vực chị em mình.
Em vẫn nhớ ngày còn bé, anh Hiền dạy chúng ta học, những bài toán anh ra, những bài văn anh giảng, chúng ta lắng nghe, cảm nhận. Chị còn nhớ không, bài thơ “Kẻ ở” của Quang Dũng, chị ngồi với em nơi bàn học, nhìn ra cửa sổ, bên ngoài là ngôi nhà, khu vườn của nhà bác Cử. Chị đọc bài thơ :
“Mai chị về em gửi gì không?
Mai chị về nhớ má em hồng
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong”
Chị hỏi em:
- Chị về? về mô đây em?
Em nói:
- Là chị đi lấy chồng đó!
- Chị sẽ không lấy chồng mô.
- Không được, chị phải lấy chồng. Con gái ở hoài rứa buồn lắm.
Chị mĩm cười:
- Nhưng mà chị nhớ em. Em xem, mai chị về nhớ má em hồng. Ừ mà má em hồng và trắng, đẹp thiệt. Con trai mà như rứa cũng không được mô nghe.
- Vậy em sẽ làm cho nó đen lại và xấu đi, được không?
Chị lại cười và nói:
- Chiều ni chở chị lên nhà Cúc ở Chùa Bà nghe!
- Chị đi một mình đi! Cứ chở chị đi hoài như rứa, người ta tưởng chị có bồ rồi người ta sẽ chẳng dám tán chị nữa mô.
Chị cười khúc khích:
- U chao chị mô có ngán. Rất nhiều người mê chị mà chị không thèm quan tâm đó.
- Em biết rồi, có ông Trọng làm récepteur ở bên nhà chú Hượt, ông họa sĩ Mão ở trong Kiệt Cây Gòn và đặc biệt có nhà sư .. là chú Ca đó đúng không?
- Đúng là em của chị! Biết hết. Nhưng chị mô có yêu ai!
- À mà chú Ca cũng lạ thiệt chị hè! Đã đi tu mà vẫn cứ yêu?
Chị lại cười:
- Là lòng trần chưa dứt được. Làm răng cấm được sự lên tiếng của trái tim?
- Vui ghê chị há, mỗi lần chú Ca về gặp chị là mặt đỏ bừng lên.
Đến đây bỗng chị nhìn em nghiêm sắc mặt lại:
- Ừ hí! Em bây giờ chị thấy, cũng lớn rồi, học lớp đệ tam, sẽ có người thích em cho coi. Khi hèn chi mỗi lần chị nhờ chở là miễn cưỡng. Chính em mới là sợ không ai ưa!
Tôi cười:
- Thôi được rồi, em sẽ chở chị, được chưa?
- Hi! Hết chối nghe!
…
Chị! Hai chị em mình chuyện trò với nhau em nhớ rõ ràng là mới hôm qua, vậy mà chị lại giận em bỏ đi hay răng. Em xin lỗi chị, em sẽ không làm khó chị nữa mô. Chị trở lại với em nghe. Em biết bây giờ chị đang đi thăm cha, mẹ, thăm anh Hiền, thăm bà nội. Phải vậy không? Anh Hiền khi mô cũng thương yêu chị, cha tuy nghiêm khắc nhưng ông cũng thương chị, tình cảm cha dấu kín đó thôi.
Anh Hiền ơi! Anh khuyên chị Chanh trở về với bọn em đi nghe!
Ngày 15.9.2014
Những ngày tháng này, tôi nhớ về chị tôi, chị ở cách xa tôi nửa vòng trái đất, chị đang đau. Tôi hình dung nỗi đau của chị và thấy quặn lòng. Chị ơi! Biết làm sao được, em ở quá xa không thể đến thăm chị, chỉ là những cánh thư, gặp chị qua giọng nói, chị làm sao hiểu được, em lo về bệnh tình của chị thế nào …
Chị ạ, trong tất cả 7 anh chị em chúng ta, em biết, bao giờ cũng vậy, chị và các anh chị khác đều thương em nhất. Những tháng ngày sau này , khi em đã nghỉ hưu, chị đã lo cho em, nhất là khi chị nghe tin đứa con gái của em hết thời hạn hợp đồng lao động, chị đã quan tâm hỏi thăm và gửi tiền về cho bọn em.
Nhớ về chị là em nhớ về những ngày tháng xa xưa, thuở chúng ta còn nhỏ ở cùng chung dưới một mái nhà. Anh em chúng ta cùng thương yêu nhau, bảo bọc cho nhau. Chúng ta bị mất mẹ mà nỗi bất hạnh nhất là em, xem như không có được tình thương của mẹ khi em chỉ vừa 9 tháng tuổi đã phải vĩnh biệt mẹ. Có thể vì vậy mà em được sống trong tình thương yêu trìu mến của các anh chị, gần gũi nhất là chị, người chị luôn luôn sát cạnh em, săn sóc cho em những việc mà chị có thể.
Mất mẹ nhưng chúng ta còn cha phải không chị? Nhưng tình cảm của cha quá sâu kín. Cha lại phải làm việc quá cực nhọc để nuôi cả gia đình 9, 10 người nên ông nhiều lúc không dằn được cơn nóng giận la mắng chúng ta vô cớ, thái quá. Chị thử nghĩ xem trong 7 anh chị em chúng ta, hầu như người nào cũng không chịu nổi tính khí nóng nẫy của cha. Anh Hiệp, anh Cự, và chị đều bỏ nhà ra đi. Anh Cự vào Đà Nẵng đi dạy kèm để học, anh Hiệp vào Nha Trang làm việc cho ông chủ hãng cửa sắt, và chị … chị trốn qua ở với dì bên Bao Vinh. Em vẫn còn nhớ và thương dì Quế. Dì đã bảo bọc cho chị, tức giận cha và đã có lần qua tận nhà than phiền sao cha nở nào quá khắc nghiệt với con, cụ thể là chị khi mà mẹ chúng ta không còn…
Rôi chị từ giã trường học, chị đi làm y tá cho phòng phám bệnh của BS Nguyễn Khoa Nam Anh ở đường Hàng Bè gần sát cầu Đông Ba. Em nhớ những ngày chị đi làm, có khi mùa hè, khi chiều đến chị gọi em đem xe lên chờ để đưa chị về nhà. Có món quà vặt, cái bánh, cái kẹo chị đều dúi cho em. Em nhớ chiếc xe Vélosolex chị mua mà chị chẳng đi bao nhiêu chỉ là để em lên đón chị về. Rồi mùa đông, chị mua len về ngồi đan áo cho em. Nhớ chiều chủ nhật, Trời lạnh giá chị ngồi đan áo cho em. Chị bảo em phải ngồi với chị, nếu em bỏ chạy đi chơi là chị sẽ không đan áo nữa.
Sau này chị thi đỗ vào trường Tá viên điều dưỡng, ra trường, chị đi làm tại bệnh viện Kontum, rồi Sài Gòn. Chị lập gia đình với anh Ngân. Em nghĩ chị sẽ hạnh phúc và quả đúng như thế. Anh Ngân trẻ, ít tuổi hơn chị nhưng lại yêu thương chị hết lòng …
Dòng đời trôi qua … chị em chúng ta không còn sum họp dưới một mái nhà chị nhỉ nhưng ở đâu và nơi đâu em vẫn thương yêu chị. Nhớ những ngày em vào Sài Gòn chờ ra Hội đồng miễn dịch. ở với chị trên một cao ốc, tầng 4, đường Thoại Ngọc Hầu, Chợ Ông Tạ Q. Tân Bình, cuộc sống của chị bấy giờ cũng vất vã về kinh tế chứ chưa có gì sung túc vậy mà chị đã lo cho em hết lòng.
Sau 75, cuộc sống của chị và đứa con trai đầu của chị còn khó khăn vạn lần. Anh Ngân đi học tập. Chị một mình vừa đi làm tại bệnh viện Sài Gòn vừa phải nấu chè, làm bánh thêm để bán cho mọi người trong bệnh viện, những lần đi thăm nuôi anh Ngân, chị vất vã xiết bao. Nhớ về chị là nhớ về những chuổi ngày tháng chị khó nhọc, lận đận, kinh tế thiếu hụt. Vậy mà chị vẫn vui vẻ yêu đời. Trên môi chị luôn điểm nụ cười. Ước chi nếu Thượng đế công bằng sao để chị mãi khổ…
Em sung sướng biết bao nhiêu khi thấy cuộc sống của gia đình chị đã yên ổn tại Mỹ khi anh chị và hai cháu đã được định cư theo diện HO. Hai cháu học giỏi, tốt nghiệp đại học có công ăn việc làm tại xứ người rất vững vàng em yên tâm và sung sướng lắm chị ạ.
Vậy mà tháng ngày đang bình yên, anh chị đang hạnh phúc, bỗng nghe tin dữ, chị bạo bệnh.
Chị ơi! Em đang cầu chúc cho chị từng ngày, từng giờ. Mong sao chị vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo. Chị hãy cố gắng chiến đấu đi chị nghe!
Hãy kiên trì, nhẫn nại chị ơi!
Em luôn cầu nguyện cho chị.
2
Ngày 13.10.2014
Chúng tôi, hai anh em, thẳng tiến lên Ngự Bình, ngang qua Đàn Nam Giao, qua tượng đài Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, rẽ về phải len lõi theo đường nhỏ có bảng ghi núi Tam Thai, sau hai lần vượt đường, vượt dốc, men theo mấy lối đi nhỏ, u tịch, đầy xác lá, lấp ló hai bên đường, những ngôi nhà, những tịnh cốc, những khu vườn ... Đi tiếp … lên dốc, độ cao, những hàng cây thông rụng đầy những trái khô lăn lóc trên đường như những cái tháp nhỏ màu nâu. Anh tôi bảo tôi cho xe dừng lại để nhặt một số trái, nói là để mang về làm đồ chơi cho cháu nội. Một người đang quét lá vàng dừng lại, ngẩng đầu nhìn chúng tôi. Anh tôi hỏi:
- Anh vui lòng cho hỏi, ngôi chùa mà sư Thích Thiện Tánh trụ trì ở chỗ mô ri?
Người đàn ông áo quần lem luốc rất nhanh nhẩu:
- Nơi cái dốc nớ tề, có con đường nhỏ, tấm bảng đề tên đó. Bác tới đó đi!
Chúng tôi tăng ga, xe leo dốc nhẹ nhàng. Tấm biển báo hiện ra với hàng chữ “Chùa An Tĩnh”.
Đi một đoạn, rẽ phải, lại một đường lên dốc nữa. Chung quanh là thông, cây cối u tịnh, mát dịu. Một hiên chái trước mắt chúng tôi. Chúng tôi để xe ngoài sân, bước lên tầng cấp. Ngôi chùa trệt 3 căn hai chái lợp tôn giã ngói, rất khiêm tốn, kéo dài về phía tay phải là dãy nhà nhiều gian cũng trệt. Các cửa đều đóng kín. Tôi nhìn phía trước tịnh thất, trên cửa có bức chân dung của nhà bác học Einstein nhận định về bản chất của khoa học và đối chiếu với Phật giáo, những điểm tương đồng và dị biệt …
Einstein nhấn mạnh Khoa học không giải quyết được vấn đề thân phận con người. Phật Giáo với vai trò của mình như một sứ mệnh, mãi mãi hiện hữu để cứu vớt con người.
Dưới mái hiên, một cái bàn bằng đá, một ấm tích. 6 cái ly thủy tinh. Anh H và tôi ngồi xuống trên cái ghế băng nghỉ mệt. Im lặng. Chỉ có gió thoảng, những trái thông rụng kêu khô khan. Anh H và tôi đi dạo một vòng quanh chùa. Chùa rộng trải dài, bên hông về phía trái có tháp cao, bên cạnh là Phật Quan Âm tọa trên đài sen. Phía trước tịnh thất một công viên nhỏ, có tượng Di Lặc phơi bụng với nụ cười trẻ thơ. Tôi đi men theo tịnh thất xuống chái bếp, phía bên ngoài mấy cây vả, trái ra sum sê bu kín thân, rụng rất nhiều dưới gốc, chẳng ai buồn nhặt lấy.
Im lặng, im lặng quá. Chẳng có ai. Sư trụ trì đi vắng.
Anh tôi nói với tôi:
- Về thôi! Chiều sẽ trở lại.
Chúng tôi lên xe honda, tôi không cho nổ máy, chân nhắp thắng để thả dốc. Mấy người đang làm vệ sinh con đường. Tôi đạp thắng dừng xe. Anh H hỏi người phu khi nãy:
- Thầy Thiện Tánh đi mô mất rồi. Tui phải về chiều lên lại.
- Chờ chút! Ông về chừ. Ông đi chợ mua khuôn đậu đó.
Nói rồi, người phu quét đường mời chúng tôi vào nghỉ trong sân ngôi nhà tồi tàn của ông. Một cái chuồng, mấy con bò trong đó. Mùi phân xông ra nồng nặc. Tôi nói:
- Răng không đưa chuồng bò về phía ni ra sau một tí!
Người phu nói:
- Ồ! Là nhà thờ của chúng tôi bên nớ, anh qua đây tôi cho coai.
Tôi lợi dụng cơ hội đứng dậy đi cho khuất mùi hôi.
- Cửa mở, mấy cái bàn và mấy cây đèn gỗ chưng hai bên, ở giữa là bài vị, lư hương.
Người phu nói:
- Đồ thờ tui cất hết, sợ ăn trộm!
- Ở đây mà cũng có trộm à?
- U chao, nơi vắng vẻ này, ăn trộn rất lộng hành, hở một chút là mất.
Tôi lấy làm lạ:
- Răng trên chùa của thầy Thiện Tánh, để như vậy mà không sợ mất?
- Ăn trộm cũng kỳ lắm bác ơi! Của chùa lại không mất!
- Ha! Như vậy ăn trộm cũng rất nhân bản!
Tôi lấy một cái ghế trong góc nhà để ra sau sát nhà thờ ngồi nghỉ, mắt hướng ra đường để chờ. Bỗng người phu la lên:
- Kìa thầy đã về, các bác mau đi theo thầy đi!
Một chiếc xe Honda vụt thoáng qua. Tôi và anh H vội vàng dắt xe ra đường. Tôi cho xe sang số 1 để lên dốc. Xe có trớn tôi đổi số, rồ máy để theo thầy cho kịp. Ngôi chùa hiện ra.
- Kính bạch thầy!
- A Di Đà Phật! hai anh viếng chùa có điều chi không?
Anh H cung kính:
- Bạch thầy chúng con nhờ thầy giúp chúng con việc cầu an.
- Hai anh ngồi đi!
Chúng tôi ngồi trên ghế đối diện thầy Thiện Tánh. Nhà sư khuôn mặt ốm, nước da xanh không hồng như một số sư bây giờ, đôi mắt vẫn còn tinh anh. Thầy nhẹ nhàng:
- Có việc gì hai anh cứ việc nói với thầy.
Anh H trình bày:
- Dạ bạch thầy, nhà chúng con có cô em và là chị của em con đây bị bạo bệnh, mười phần nguy hiểm hiện đang ở Mỹ, kính mong nương nhờ Thầy một lễ cầu an cho người bệnh.
- Làm ở nhà à?
- Bạch thầy dạ phải!
- Địa chỉ nhà ở mô?
- Bạch thầy ở cuối đường Chi Lăng, chỗ bến đò Chợ Dinh đó.
- Bến đò Chợ Dinh? ừ tôi biết rồi.
- Bạch thầy là số ….
Nhà sư lấy một cuốn sổ ghi địa chỉ, hỏi cụ thể tên họ chị tôi, ngày sinh và địa chỉ ở Mỹ. Rồi lần lượt đến chồng, con. Sau cùng đến 3 anh em chúng tôi, pháp danh, … Nhà sư không quên lấy một tờ giấy ghi việc chuẩn bị ở nhà như hoa quả, xôi chè cho bàn thờ cúng phật, cơm chay, bàn cúng cô hồn, …
Thầy Thiện Tánh chọn ngày 18 tháng 9 âm lịch đúng ngọ chính thức lế cầu an cho chị tôi và kết thúc ngay sau đó.
Anh H băn khoăn:
- Bạch thầy, việc cúng cầu an diễn ra chỉ mình thầy chủ trì thôi hay còn thầy mô nữa?
Thầy Thiện Tánh rất nhạy bén:
- Phải ba người chứ. Tui là chính nhưng còn hai thầy phụ trợ nữa. Tui phải đi mời thêm ở nơi khác. ở đây chỉ mình tui. À mà còn lo lắng chi nữa không? Thôi để tui nói về tài chính để anh khỏi loay hoay, để trong lòng thêm mệt: Tui đây là một triệu. Còn hai thầy mời thêm 1 triệu vị chi là hai triệu.
- Răng, có khó khăn không? Nếu có thì chỉ lo phần hai thầy kia, còn tui thì khi nào có cũng được.
Anh tôi cung kính:
- Bạch thầy không răng hết!
Thầy Thiện Tánh mĩm cười rất nhẹ:
- Đó thấy chưa? Tui nói như rứa thì lòng sẽ nhẹ nhõm, xem như quẳng gánh lo đó tề! À này! Khỏi phải đem xe đón rước tui làm chi cho phiền hí. Cả 3 đều tự đi xe Honda cho tiện hí!
- Dạ chúng con rất cảm ơn thầy!
Hai anh em chúng tôi trở về, lòng nhẹ nhõm, đúng như lời thầy, quẵng gánh lo đi!
Đúng ngọ ngày hôm sau, buổi lễ cầu an diễn ra rất nghiêm trang cả về hình thức lẫn nội dung. Trong buổi lễ này chúng tôi không mời bà con, ngoại trừ chú Sĩ (con chú Đội) và hai người bạn của tôi: Miên và Đôn.
3 anh em chúng tôi người mô cũng tuổi lớn. Tôi xem như trẻ nhất phải quỳ đội sớ!
Buổi lễ kết thúc sau 90 phút.
Sau khi thọ trai, anh H đại diện gia đình nói lời cảm tạ…
Thầy Thiện Tánh chúc chị tôi vượt qua bệnh tật.
Các thầy ra về.
Nghi lễ tôn giáo đã đem lại bình an cho mọi người … cho tôi chút níu kéo, chống lại nỗi sợ hãi - Sợ hãi nỗi cô độc trải dài đẩy tôi vào hư vô, chấp chới hình ảnh của chị:
- Chị ơi! nơi nào bình yên cho chị, cho em?
3
Ngày 19.10.2014
Vậy là chị đã bỏ đi! Tôi nhận được hung tin của anh Ngân và cô học trò ngày xưa của anh Hiền, hiện ở sát cạnh nhà chị - Ty, cả hai báo cho tôi biết vào lúc 2 giờ VN ngày 19 tháng 10 năm 2014 (26 tháng 9 năm Giáp Ngọ). Mặc dù trong thâm tâm, đã biết chị khó lòng chống chõi nổi cơn bệnh nhưng tôi vẫn không tránh được phút bàng hoàng sững sờ.
Chị đã đi rồi sao? Định mệnh quá oan khiên. Chị tươi trẻ, mạnh mẽ, bộc trực thương yêu con cái, gia đình, anh chị em, mọi người, bè bạn, vậy mà chị lại không tồn tại!.
Chị ơi! Em vẫn biết sống chỉ là tạm mà thác mới là trở về.
Quy luật cuộc sống, không ai không đi chuyến đò tử biệt sau cùng nhưng không hiểu sao em vẫn thấy một cái gì phi lý, vô nghĩa của cuộc đời.
Em còn nhớ mới đây thôi, là cách đây 3 năm, chị về VN, cùng con gái, cháu Thụy. Hai mẹ con ghé Đà Nẵng, chúng ta trải qua mấy ngày vui vẻ bên nhau. Chị luôn nở nụ cười với bọn em. Gặp lúc em bị đau khớp chị bày cho em các động tác tập thể dục để tránh bớt đau nhức. Chị khuyên em không nên ăn thịt nhiều, hạn chế ăn cá, cố gắng ăn rau quả để tránh một số bệnh tật của người lớn tuổi. Thấy chị hoạt bát, nhanh nhẹn, em yên lòng, không bao giờ nghĩ là chị bị mắc phải cơn bệnh quái ác này.
Chỉ hôm kia trước tết chị than đau ở khớp mông, em vẫn nghĩ là chị bị khớp bình thường, không sao chỉ cần tập những động tác thể dục và khi quá dau thì uống viên thuốc giảm đau là vượt qua, không ngờ lại cớ sự thế này …
Nhìn hình ảnh chị cùng bọn em những ngày đi du lịch Hội An, Bà Nà em không nghĩ là chị bỏ mọi người để ra đi.
Tại sao lại thế hở chị?
4
Ngày 22.10.2014
Nhưng dù thế nào, em biết, chị sẽ không đi lâu đâu. Chị sẽ trở lại với những người thương yêu chị, chị nghe, nhớ nghe! Một lúc nào đó chị sẽ về thăm bọn em, có thể Đà Nẵng, có thể Huế. Chị sẽ cùng em về lại ngôi nhà xưa của chúng ta, nơi cha đã làm lụng vất vã nuôi các anh chị em mình. Chị nhớ không? Ngôi nhà đó, căn phòng thân thương những đêm, những ngày anh chị em chúng ta bên nhau. Cha có khắc khe, la mắng chị, sẽ có anh Hiền bênh vực chị em mình.
Em vẫn nhớ ngày còn bé, anh Hiền dạy chúng ta học, những bài toán anh ra, những bài văn anh giảng, chúng ta lắng nghe, cảm nhận. Chị còn nhớ không, bài thơ “Kẻ ở” của Quang Dũng, chị ngồi với em nơi bàn học, nhìn ra cửa sổ, bên ngoài là ngôi nhà, khu vườn của nhà bác Cử. Chị đọc bài thơ :
“Mai chị về em gửi gì không?
Mai chị về nhớ má em hồng
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong”
Chị hỏi em:
- Chị về? về mô đây em?
Em nói:
- Là chị đi lấy chồng đó!
- Chị sẽ không lấy chồng mô.
- Không được, chị phải lấy chồng. Con gái ở hoài rứa buồn lắm.
Chị mĩm cười:
- Nhưng mà chị nhớ em. Em xem, mai chị về nhớ má em hồng. Ừ mà má em hồng và trắng, đẹp thiệt. Con trai mà như rứa cũng không được mô nghe.
- Vậy em sẽ làm cho nó đen lại và xấu đi, được không?
Chị lại cười và nói:
- Chiều ni chở chị lên nhà Cúc ở Chùa Bà nghe!
- Chị đi một mình đi! Cứ chở chị đi hoài như rứa, người ta tưởng chị có bồ rồi người ta sẽ chẳng dám tán chị nữa mô.
Chị cười khúc khích:
- U chao chị mô có ngán. Rất nhiều người mê chị mà chị không thèm quan tâm đó.
- Em biết rồi, có ông Trọng làm récepteur ở bên nhà chú Hượt, ông họa sĩ Mão ở trong Kiệt Cây Gòn và đặc biệt có nhà sư .. là chú Ca đó đúng không?
- Đúng là em của chị! Biết hết. Nhưng chị mô có yêu ai!
- À mà chú Ca cũng lạ thiệt chị hè! Đã đi tu mà vẫn cứ yêu?
Chị lại cười:
- Là lòng trần chưa dứt được. Làm răng cấm được sự lên tiếng của trái tim?
- Vui ghê chị há, mỗi lần chú Ca về gặp chị là mặt đỏ bừng lên.
Đến đây bỗng chị nhìn em nghiêm sắc mặt lại:
- Ừ hí! Em bây giờ chị thấy, cũng lớn rồi, học lớp đệ tam, sẽ có người thích em cho coi. Khi hèn chi mỗi lần chị nhờ chở là miễn cưỡng. Chính em mới là sợ không ai ưa!
Tôi cười:
- Thôi được rồi, em sẽ chở chị, được chưa?
- Hi! Hết chối nghe!
…
Chị! Hai chị em mình chuyện trò với nhau em nhớ rõ ràng là mới hôm qua, vậy mà chị lại giận em bỏ đi hay răng. Em xin lỗi chị, em sẽ không làm khó chị nữa mô. Chị trở lại với em nghe. Em biết bây giờ chị đang đi thăm cha, mẹ, thăm anh Hiền, thăm bà nội. Phải vậy không? Anh Hiền khi mô cũng thương yêu chị, cha tuy nghiêm khắc nhưng ông cũng thương chị, tình cảm cha dấu kín đó thôi.
Anh Hiền ơi! Anh khuyên chị Chanh trở về với bọn em đi nghe!