PDA

View Full Version : Copy and Paste



caytoi
10-19-2011, 09:40 PM
Thư của ông chồng, vợ già và bồ nhí


Thư của bà vợ gửi cô bồ nhí


“… Khi viết thư cho tôi, cô có vẻ tự đắc pha chút hả hê. Cô cảm thấy mình giật được từ tay bà khác một mỏ vàng, và mình có những phẩm chất rất khác thường nên mới gặp may như thế.
Cô nhầm thảm hại quá, cô ơi!
Quả thật lão ấy là một cái mỏ. Hay nói chính xác hơn, đã từng là mỏ. Điều ấy cách đây ba mươi năm về trước, cả thành phố đều phải công nhận chứ đâu cần phải một cô gái có trí tuệ siêu việt gì.
Nhưng trên, trong và dưới cái mỏ ấy, tôi đã đào, đã cuốc, đã đẽo, đã nổ mìn, khai thác rầm rộ, quy mô mấy chục năm.
Và giờ đây, mỏ chỉ còn khung, còn lai sự hoang tàn. Chỉ có đôi mắt ngốc của cô, chỉ có cặp môi dại của cô và chỉ có tí não khờ của cô mới không nhận ra điều đó.
Cô vớ được lão, khi tôi trong một chừng mực nào đó, đã mặc cho lão tự do. Cho lão có cảm giác sổng chuồng. Đàn ông sống bằng ảo tưởng cô ạ, và nuôi dưỡng cái ảo tưởng đó một cách khéo léo là nhiệm vụ của phụ nữ chúng ta.
Tôi không vui gì khi lão có bồ. Nhưng chớ nói rằng tôi quá hoảng sợ vì điều đó. Tôi quá hiểu đứa khác sẽ được bao nhiêu trong khi mình đã vớ bao nhiêu. Phần của cô, hỡi ôi, thật là thảm hại.
Cô khéo là ngây thơ và nhí nhảnh. Cô té xỉu khi gặp thằn lằn và ngã lăn ra khi gặp tắc kè. Dạ thưa cô, khi bằng tuổi cô, tôi cũng ngây thơ như thế. Nhưng lúc này, gặp hai của đấy, tôi chỉ đập một cái cho bẹp dí là xong.
Rồi cô khoe là cô biết chợp mắt, biết ngả đầu và biết cười he hé nghiêng nghiêng. Ôi dào, những trò đó ngày xưa tôi làm mãi. Và bây giờ vẫn có thể làm, thậm chí còn làm hay hơn cô ấy chứ. Nhưng vì mục đích gì, gặt hái gì khi mọi thức đã no nê? Cô nhìn lão trong quán cà phê hạng sang. Trong com-lê và cà vạt đắt tiền. Còn tôi có khá nhiều dịp (nhiều hơn cả cần thiết) nhìn lão trong quần đùi rộng, trong áo may ô chả hiểu là màu gì.
Và tôi cam đoan rằng, cái tôi nhìn mới là cái thật. Cái cô nhìn là giả. Cô thừa biết thế, chẳng qua cô đang tự dối mình. Cô chê tôi chỉ biết rửa bát, nấu cơm. Cô thương tôi vì tôi chỉ chăm chăm lo cái nhà sạch bóng. Nhưng tôi lại thích vậy. Vì đấy là nhà tôi và lão chỉ có nửa phần. Còn lão có bóng hay không, có sạch hay không, lão phải tự lo. Tôi còn bận lo cho bản thân mình…” (…..)



Và đây là phản hồi của “người tình trẻ”


…xin phép được cho tôi gọi bà là…bà, không hơn không kém, vì chăng bà vẫn mãi chỉ là một con đàn bà cũ kỹ, với những suy nghĩ xưa như chính cái áo bà mặc, kiểu tóc bà để và đôi dép bà lê.
Bà thật là đáng thương khi đã tưởng mình luôn đứng trong vị trí của người ở trên. Bởi vậy nên bà chưa bao giờ biết là bà đang ở vị trí ở dưới hay ở trên hoặc chẳng là gì cả.
Bà yêu và dâng hiến những gì tốt đẹp nhất của minh cho ông ta, để rồi sau khi đã hơt hết đi phần thơm ngon nhất, ông ta bù lại cho phần đời còn lại của bà bằng việc ban thêm cho côc nước cặn một thìa đường. Vậy là bà cứ nghĩ là bà mới là người được hưởng những gì ngọt ngào nhất từ ông ta, là người có quyền chiếm đoạt được phần tinh túy nhất của thằng đàn ông trong con người mà bà gọi là chồng.
Liệu tôi có phải dậy lại bà về đàn ông nữa không ? Chắc chắn là có. Và không có gì phải ngạc nhiên khi bà sẽ là học trò ngu dốt nhất của trường đời. Bà hãy cứ sống nốt kiếp mông muội này đi và hãy ôm theo ảo mộng của bà xuống mồ. Vì rằng, thằng chồng tội nghiệp của bà hay là người đàn ông trong mộng tưởng của tôi thì cuối cùng cũng chỉ là một con cờ nhỏ bé trong cả một ma trận của cuộc chơi. Tôi, bà, ông ta, và rất nhiều thằng đàn ông khác đều đang bị cuốn trong cuộc chơi, chỉ khác, TÔI đang là người cầm cái.
Thư của ông chồng gửi bà vợ và cô bồ nhí
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi được cả thư của cả hai bà. Tôi mạn phép được phúc đáp cả hai qua lá thư ngỏ sau đâyy. Xin mạn phép gọi 1 bà là cơm, 1 bà là phở



Thưa hai bà:


Nếu xét về “thành phần cấu tạo” thì cơm và phở rất giống nhau, đều được làm chủ yếu từ… gạo tẻ. Phở có thịt có hành thì cơm có cũng có, đã vậy cơm còn hay hơn vì không bao giờ bị trộn… hàn the. Cơm cũng rẻ hơn và… no lâu hơn.
Dân gian gọi vợ là cơm, bồ là phở. Nếu xét theo khoa học thì cách gọi đó chẳng xúc phạm ai cả vì hai “món” này đều có giá trị độc lập, chả cái nào cao hơn cái nào. Nhưng rõ ràng phở luôn luôn tượng trưng cho sự bay bướm. Ưu thế của phở so với cơm là quá rõ ràng trong chuyện tình ái, mặc dù nhiều lúc “phở” xấu hoặc già hơn “cơm”.
Đàn ông thèm “phở” vì ít được ăn phở. Muốn ăn phở, nhất là phở đặc biệt, thì phải có tiền, có xe, trong khi cơm ngày nào cũng được ăn và phải ăn.
Đàn ông dùng cơm ở nhà trong không khí quen thuộc, ấm áp đến nhàm chán, còn dùng phở ở xa nhà, trang trí lạ mắt, đôi khi đẹp mắt và có cả âm nhạc.
No thì rất khó ăn thêm cơm. Còn phở, no tới mấy cũng có thể làm thêm một tô. Ăn phở xong có thể đứng dậy, đi ngang hoặc ngồi, nằm một chút. Còn ăn cơm xong nhiều khả năng phải thu dọn và rửa bát đĩa.
“Phở” không quán nào giống quán nào, thậm chí là không tô nào giống tô nào. Còn cơm thì có khi bao nhiêu năm vẫn thế, chỉ có nguội hơn.
”Phở” có thể ăn chung với bạn bè. “Cơm” thì rất ít, phần lớn là ăn chung với… bà nấu cơm.
Lúc ăn phở, có thể dễ dàng yêu cầu thêm tý hành, tý bánh hoặc thêm tý ớt cho mặn nồng. Còn cơm, có gì trên mâm hãy xơi nấy, yêu sách lôi thôi còn bị mắng hoặc bị gắt gỏng “không ăn thì thôi”.
Phở tuy cùng một chỗ nhưng có thể ăn tái, chín, nạm, gầu, gân, sách.. tùy thực khách quyết định. Cơm thì do mụ nấu cơm quyết định.
Nếu ăn phở nhiều tới mức độ trở thành khách quen, khách có thể ăn… nợ. Còn nếu không đưa tiền lương, “cơm” sẽ dừng ngay.
Nhưng tôi thừa biết rằng bỏ tiệm “phở” này, có thể dễ dàng tìm tiệm khác. Còn bỏ “cơm” thì phức tạp vô cùng.

Chúc cả hai bà khỏe, vui nhân ngày 20-10. Tình yêu của tôi đối với các bà là mãi mãi

Nguôn: http://hieuminh.org/2011/10/20/thu-cua-ong-chong/

Triển
10-19-2011, 09:56 PM
Còn nếu không đưa tiền lương, “cơm” sẽ dừng ngay.
Cổ nhân dạy rằng: "tiền trao cháo múc" đấy. Quý bà, quý chị em của chúng ta con ong chăm chỉ,
siêng năng làm theo lời dạy của tiền nhân mà thôi.

Lời bàn của Mao Tôn Chiêu:
Phúc cho ai cứ có thu nhập đều đặn và mang về nhập kho. Mọi việc cứ để bộ trưởng tài chính chăm sóc.
Khi nào vã quá thì ca bài ca con cá: cá sống nhờ nước, nước sống nhờ lăng quăng. Biết đâu ngày nào bộ trưởng bận
việc không thể nấu cơm cao lương, sẽ xì ra dăm nghìn cho di ăn bát bún mọc có khả năng tăng cường miếng chả chiên.

caytoi
10-20-2011, 03:54 AM
Sáng Caytoi gửi link bài viết trên cho bạn thì chiều nhận ngay được bài sau đây, nên Paste để anh chị em đọc cho vui :)


Hi Chị
Em có cái thực tế hơn nhiều, chị em hết sức chú ý
======


NGUYÊN TẮC ĐẼO CHỒNG

Nhà có mỗi một cái TV, mình định ra xem phim kênh HBO thì bị vợ đuổi ra ngồi máy tính, vì vợ đang xem phim Hàn Quốc. Ngồi buồn buồn vào WTT đọc tâm sự của các chị em, người thì bị chồng mắng chửi, người thì bị chồng lạnh nhạt, người thì bị chồng phản bội, người thì bị gia đình chồng bắt nạt... nói chung là tình cảnh của các chị em đều thê thảm không sao tả xiết.Nguyên nhân của những cái sự thê thảm đó là vì đâu? Vì số phận? Vì vợ? Vì chồng? Có nhiều lý do được mang ra mổ xẻ lắm, nhưng có một thứ, mà theo mình quan trọng nhất, mà lại ít được nói đến.

Đó là vì CHỌN SAI, YÊU LẦM, LẤY NHẦM.
Tiếc rằng cái lý do này có nói ra dường như cũng không có ích gì cho chị em, vì đã trót lấy mất rồi, trót mang khổ vào thân rồi. Thế nên mình tranh thủ thời gian rảnh (vì bị vợ chiếm mất TV) sang bên box yêu đương này viết bài, hy vọng giúp ích cho những bạn gái chưa chồng có thêm thông tin bổ ích để chọn được người chồng tử tế, không phải vào box bên kia than thân trách phận trong tương lai gần.

NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐỂ LẤY ĐƯỢC CHỒNG TỐT

Nguyên tắc chung: Ngu thì chết, bệnh tật không tự nhiên sinh ra
Điều này có nghĩa là đàn ông không "tự dưng xấu". Nhiều bạn lấy làm ngạc nhiên rằng người chồng mình sao trước, và sau khi cưới lại khác đến vậy. Trước kia anh ta dịu dàng, galant, sạch sẽ, còn sau khi cưới anh ta cục cằn, vô học, bẩn thỉu, một sự biến đổi thần kỳ chăng?

Không, cái người đàn ông cục cằn, vô học, bẩn thỉu ấy không tự nhiên sinh ra. Anh ta vẫn ở đó, ở trong cái lớp vỏ dịu dàng sạch sẽ lãng mạn ấy, chỉ có điều bạn không nhận ra thôi. Vì thế, lấy chồng tốt hay chồng xấu không phải là sự may rủi, điều đó phụ thuộc vào chính bạn, và chỉ bạn mà thôi. Bạn chọn đúng, bạn sẽ được hàng tốt, bạn chọn sai, bạn vớ phải hàng dởm. Nếu bạn không biết cách làm "người tiêu dùng thông thái", thì chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn bị ngộ độc, bị thương tích, bị ốm đau vì chính thứ hàng tự tay mình mang về.
Nếu bạn mua phải một con cá ươn, thì đó là do số phận, hay do bạn đoảng?

Vâng, xin hãy nhớ nguyên tắc đầu tiên: Bệnh tật không tự nhiên sinh ra, ngu thì (phải) chết.

Nguyên tắc 2: Yêu là chọn lựa

Nguyên tắc này còn được gọi là nguyên tắc: Không tin vào sự lãng mạn nhảm nhí.
Yêu là cái gì? Các bạn nhà văn, nhà thơ từ xưa đến nay đã tô vẽ, thần thánh hóa, huyền bí hóa, ngu xuẩn hóa tình yêu một cách triệt để, nào là yêu là hy sinh, yêu là hết mình, yêu là không biết tại sao yêu thì mới là yêu, yêu là không bao giờ nói lời hối tiếc blah blah... Tín đồ trung thành nhất của những cái tuyên ngôn hũ nút này tất nhiên là các bạn gái.

Các bạn quên mất hai điều quan trọng.
Thứ nhất, nhà văn nhà thơ là những kẻ thần kinh không bình thường, và nói chung là có cuộc sống không bình thường. Họ nhìn, đánh giá, cảm nhận cuộc sống theo một cách khác chúng ta, và thông thường là cực đoan. Họ không có cuộc sống bình thường chính là vì những suy nghĩ, cảm xúc có phần thái quá, lệch lạc đó. Vì thế trừ phi bạn cũng muốn sống như họ, còn không thì đừng có nghe họ.

Thứ hai, những kẻ hay tuyên truyền cho mấy thứ yêu là hy sinh, yêu là hết mình, yêu là không biết tại sao yêu thì mới là yêu, yêu là không bao giờ nói lời hối tiếc đó là ai? LÀ ĐÀN ÔNG. Tại sao? Bởi vì những điều đó có lợi cho đàn ông.

Với bản năng truyền giống của mình, đàn ông cần có những người đàn bà ngốc nghếch, dâng hiến, mù quáng... để có thể dễ dàng thực hiện chức năng giống nòi (cái này là do bản năng, ko phải cố tình đâu). Những người phụ nữ thông minh, biết cân bằng cảm xúc và lý trí tất nhiên không có lợi cho việc reo rắc gen khắp nơi, vì thế cần ngu hóa họ, đánh vào cảm xúc của họ, làm lạc lối họ. Cách tốt nhất là mang một thứ vô hình, khó xác định là tình yêu ra để làm công cụ.

Những cô gái bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền một cách hoang tưởng về tình yêu này sẽ lao vào tình yêu (và đàn ông) như một con thiêu thân mù quáng. Không nghĩ, và không dám nghĩ, (sợ bị coi là "không biết yêu") đến việc tìm hiểu, đánh giá, nhận xét, cân nhắc về cái người mà nhiều khả năng mình sẽ lấy làm chồng, cái người có ảnh hưởng quyết định đến hạnh phúc cả đời mình. Yêu là không thể lý giải được, yêu là không tính toán, yêu là đi theo tiếng gọi trái tim v.v. Ok tốt thôi, đến lúc bị một thằng chồng vũ phu đánh đập, bị bà mẹ chồng nanh ác chửi bới... thì mang trái tim ra mà đền nhé.

Tóm lại: Yêu là quá trình phát triển cảm xúc, và đặc biệt là sự tìm hiểu, chọn lựa cần thiết đối với người bạn yêu. Lý trí cần cho tình yêu cũng như trái tim vậy. Kẻ nào nói với bạn tình yêu không cần lý trí, ấy là bởi vì kẻ đó chẳng có tí trí óc nào. Còn nếu bạn cũng muốn mình không có trí óc như vậy, thì hãy xem lại nguyên tắc số 1.


Nguyên tắc 3: Tình yêu chẳng giúp được gì

Tại sao phụ nữ khổ hơn đàn ông? Bởi vì họ ít lý trí hơn. Phụ nữ suy nghĩ bằng trực giác, bằng cảm tính, cảm xúc, mà những cái này thì rất dễ tác động. Có nghĩa là lừa phụ nữ thì dễ hơn là lừa đàn ông. Mà chả cần phải lừa, tự họ lừa họ là đủ rồi.

Điều phụ nữ tin tưởng nhất là gì? Có tình yêu là sẽ vượt qua tất cả? Oh, thật là buồn cười, thật là ngớ ngẩn. Giống như bọn nghiện vậy, có thuốc là chúng tin rằng có thể tự mình xây dựng được cả thiên đường cho bản thân, nhưng ai cũng biết thiên đường của nghiện thì hết cơn say thuốc là hết sạch, thiên đường của những kẻ coi tình yêu là phép màu cũng sẽ chết sau ngày cưới Khi dân nghiện say thuốc, chúng có cảm giác chúng trở thành siêu nhân có thể bay như chim, khỏe như gấu, vui như tết. Khi phụ nữ yêu họ cũng có cảm giác y như vậy, chính vì thế họ nghĩ rằng chừng nào cái cảm giác say sưa này còn tồn tại, họ có thể vượt qua tất cả, nào là cải tạo đàn ông, nào là khuất phục được mẹ chồng khó tính, nào là gánh vác được họ hàng nhà chồng blah blah...

Kết cục thì sao? Bọn nghiện thân tàn ma dại, kết thúc cuộc đời sau khi nhận ra những gì xảy ra trong cơn say của mình là không có thật. Còn phụ nữ mù quáng cũng thân tàn ma dại sau khi nhận ra rằng cơn mê tình chẳng giúp họ đương đầu tốt hơn với những khó khăn trong cuộc sống gia đình, ngược lại, những khó khăn đó làm họ tỉnh mộng, và rốt cục tình thì chẳng còn, lại đeo thêm mấy cục nợ đời.

Vì thế, hãy luôn nhớ rằng, tình yêu là con chim nhỏ, xinh xắn, yếu ớt. Nó không giúp bạn vượt qua chông gai thử thách gì đâu, ngược lại, bạn còn cần phải chăm sóc, bảo vệ, o bế nó các kiểu nếu không muốn nó chết. Muốn chăm sóc nó như thế, bạn phải có thời gian, phải có sức khỏe và tâm trạng tốt, mà những thứ đó không có được nếu cuộc sống của bạn quá khó khăn. Tất nhiên đôi khi nó giúp bạn, làm cho cuộc sống của bạn thêm dễ chịu, nhưng phần lớn thời gian thì bạn là người phải giúp nó, chăm nó. Khi bạn không có gánh nặng gia đình, khi người đàn ông của bạn vẫn còn nồng nàn (đang trong giai đoạn chinh phục thử thách mà) thì việc nuôi một con chim nhỏ xinh xắn rất là đơn giản, và nó hót cho bạn vui suốt cả ngày. Nhưng khi bạn đầu bù tóc rối mặc bộ đồ nhàu nát cọ sàn vệ sinh thay cho osin trong nhà chồng, thì cái con chim ấy chẳng những không hót nữa, mà còn sẵn sàng ốm chết lúc nào không biết. Còn chồng bạn, luôn sẵn sàng nuôi một con mới (bản năng thôi, không cố tình đâu).

Đối thoại:
- Tình yêu ơi, tao khổ quá, sao mày không giúp tao vượt qua khó khăn?
- Tao có hứa giúp mày vượt qua khó khăn hồi nào đâu? Tự mày nghĩ ra cái công dụng đấy cho tao mà.
- Nhưng nhiều khi tao thấy có mày tao cũng có thêm sức mạnh đấy chứ?
- À, đại khái tao là viên thuốc hạ sốt, mày bệnh quá thì tao có thể giúp mày hạ nhiệt một lúc, nhưng tao KHÔNG PHẢI LÀ THUỐC CHỮA BỆNH. Còn mày thì cho rằng tao là thứ thuốc vạn năng bệnh nào cũng chữa. Mệt tao quá.

Nguyên tắc 4: Chuyện nhỏ là chuyện lớn

Bạn cho rằng điều gì là quan trọng ở người đàn ông đang tán tỉnh bạn?
Đa phần các bạn gái sẽ trả lời: Anh ấy tốt với tôi, anh ấy yêu tôi, thế là đủ.
Câu trả lời phổ biến (và tâm đắc) này của các bạn, rất tiếc hoàn toàn chả có tí giá trị nào trong việc tìm kiếm một người đàn ông tốt để làm bạn đời. Khi đàn ông đi tán gái, tất nhiên anh ta phải tốt, tất nhiên anh ấy nói anh ấy yêu bạn. Đem tiêu chuẩn "tốt với tôi, yêu tôi" ra để chọn lựa, chẳng khác nào con cá trong đối thoại sau:
- Cá, thế nào là một thợ câu giỏi?
- À, theo tớ một thợ câu giỏi phải có cần câu, có mồi câu.
Đấy, có buồn cười không? Đã đi câu, ai chẳng có cần, ai chẳng có mồi (loại thợ câu đi người không đến hồ, xòe tay ra cho cá tự nhảy vào là siêu nhân, không tính), cần và mồi chẳng là gì để chứng tỏ một tay thợ câu tốt, tương tự "tốt với tôi, yêu tôi" chẳng nói lên được gì về người đàn ông đang muốn có bạn.
Thế cái gì mới là "chuyện lớn" quan trọng để bạn xác định được một ông chồng tốt?
Đấy chính là những chuyện nhỏ. Những hành động cử chỉ lặt vặt trong đời sống hàng ngày.
Những chuyện lớn ai cũng chú ý, nên ai cũng cố gắng làm tốt, hoặc giả vờ làm tốt. Những chuyện nhỏ ít được để ý đến mới hiển thị tốt nhất một con người, đặc biệt là khi người ta lơ đãng, hoặc người ta cho rằng không có ai để ý đến mình. Anh ta ngáp có che miệng không, ăn xong có ngậm tăm đi ngoài đường không, gặp tai nạn trên đường có xúm vào xem không, khi tức giận có chửi bậy không, về nhà có vứt quần áo bừa bãi không, bóng đèn cháy có gọi thợ không, vay tiền bạn bè có trả đúng hạn không, ngồi một chỗ có rung đùi như bị động kinh không? Đấy, bạn phải tìm hiểu người đàn ông của đời mình thôgn qua những thứ "lặt vặt" đó.

Có bạn hỏi: Chuyện nhỏ vớ vẩn ấy thì liên quan gì đến tình yêu vĩ đại? Chỉ là những thói quen, sửa là được, quan trọng là yêu, tình yêu đủ lớn thì sẽ vượt qua hết... la la la...
Trả lời: Hành vi bắt nguồn từ thói quen, thói quen bắt nguồn từ tính cách, văn hóa. Mà TÍNH CÁCH, VĂN HÓA chứ không phải TÌNH YÊU, mới là sự đảm bảo cho hạnh phúc.
Ở cùng với một anh chàng tốt tính, hòa hợp, bạn sẽ từ không yêu chuyển thành yêu, từ yêu ít thành yêu nhiều. Ở với một anh chàng chẳng ra gì, tình yêu sẽ chết nhanh thôi.
Còn dùng tình yêu để thay đổi tính cách? Chuyện hài nhất thế kỷ, giờ nào rồi mà còn nói đùa thế?

Nguyên tắc 5: Đừng nghe đàn ông nói, hãy nhìn đàn ông làm

Khoảng 90% những lời lẽ của đàn ông về tình yêu với bạn gái của mình là không thể tin được. Đặc biệt là các thanh niên chim chíp tán gái thì thôi rồi, toàn mang nhạc thị trường, nhạc sến, trà sữa tâm hồn, danh ngôn, trích dẫn truyện tình ba xu, phim Hàn Quốc... ra ba hoa, thật là đến bò nghe cũng phải phì cười (thế mà các cô gái lại rất thích, lạ ghê)

10% lời lẽ còn lại thì có thể tin (chẳng hạn như "em ơi anh muốn x em") nhưng lại không có giá trị lâu dài. Đây là điều phụ nữ dễ bị nhầm lẫn nhất, vì 10% này ngay cả những người đàn ông TỬ TẾ nhất cũng thường nói.

Chẳng hạn: Anh yêu em mãi mãi. Anh sẽ đi bên em suốt cuộc đời. Anh sẽ....
Họ có nói dối không? Không. Không nói dối, vì khi nói ra câu đấy họ thực sự nghĩ như thế. Chỉ có điều là còn một phần khác họ không nói ra, đôi khi vì họ cũng không hiểu được chính mình.

Anh sẽ yêu em mãi mãi ... nếu lúc nào em cũng ngoan ngoãn, thơm tho, nhàn rỗi ngồi nép vào bên anh thế này này, như thế, tất nhiên là yêu. Nhưng sau này em đầy mùi nước mắm với nước đái trẻ con, ăn mặc nhếch nhác, bụng béo đầy mỡ... xin lỗi, anh không có ý lừa em, nhưng không hiểu sao anh... sorry.. tình cảm của chúng ta không như cũ nữa.

Cô gái khóc nức nở: Tôi đã hy sinh vì anh, tôi già, béo, xấu, bẩn cũng vì anh... thế mà anh lại...
Chồng (nghĩ thầm): Công nhận là em tốt, công nhận là em đúng. Nhưng mà điều kiện của tình yêu là phải thơm, sạch, mới, lạ. Bảo anh biết ơn em thì được, nhưng bảo anh run rẩy yêu em như ngày nào thì khó quá, cái này sao cố được.

Đàn ông khi yêu hay thích khẳng định mình, nói ra nhiều câu có chủ ngữ là ngôi thứ nhất: Anh thế này, anh thế khác... Các cô gái nghe say sưa, mắt chớp chớp miệng đớp đớp, tâm đắc ghê lắm. Mình yêu anh ấy quá, anh ấy bảo là... anh ấy hứa là...anh ấy là người.... Đến khi lấy về rồi, thỉnh thoảng lại nghẹn ngào, ôi mình bị lừa, ngày xưa nó nói dzậy mà bây giờ không phải dzậy.

Vậy kết luận ở đây là gì?
Nghe đàn ông tán cho vui thôi. Chủ yếu là phải nhìn xem anh ta làm được cái gì. Anh bảo anh lo được cuộc sống cho tôi, vậy phải xem anh có tháo vát, kiếm tiền được không. Anh bảo anh có trách nhiệm với tôi, vậy phải xem anh đối xử với bạn bè, người thân của mình thế nào. Anh bảo anh là người tốt, vậy phải xem anh có ghét chó và trẻ con hay không, vay tiền bạn có trả không...

Bạn nào yêu không mở to mắt ra mà nhìn, chỉ chết vì mấy câu văn hoa ba xu, đến lúc khổ lại đổ tại duyên số...xin mời xem lại nguyên tắc số 1.

Nguyên tắc 6: Đức tính quan trọng nhất của chồng?

Tôi không nói là "đức tính quan trọng nhất của đàn ông", bởi vì mỗi người đàn bà cần đến đàn ông theo một nhu cầu riêng của mình. Có người mê đẹp trai, có người thích khỏe mạnh, có chị thích galant, có bà thích phong độ...tóm lại cái "nhất" đấy thiên biến vạn hóa, không sao tổng kết hết được.

Nhưng với vai trò làm chồng thì lại khác. Làm chồng tốt cũng cần nhiều tính chất khác nhau, lãng mạn, mạnh mẽ, giỏi giang, phong độ, tháo vát, thông cảm, bao dung, chăm chỉ... gi gỉ gì gi, cái gì cũng cần, cái gì cũng tốt. Nhưng tất nhiên là thật khó mà tìm được người hoàn hảo như vậy. Mà nếu có kiếm được, thì chắc bạn cũng chả đủ hoàn hảo để mà lấy được người ta. Thế thì, nếu như phải rút gọn, phải lựa chọn và quyết định trong những đức tính ấy, trong số những người bạn "có thể" lấy được, thì bạn sẽ lấy ai, lấy người như thế nào?

Hỏi đến đây, cả lớp đồng thanh: Lấy người yêu mình và mình cũng yêu, tóm lại lấy nhau vì tình ạ!!!
Cô giáo: Khổ quá, thế lúc chọn người yêu vậy, các em chọn ai, tìm người như thế nào?
Cả lớp: Yêu thì sao chọn được ạ, duyên số rồi, yêu mà biết tại sao yêu thì đã không phải là yêu ạ !!!
Cô giáo: %^&($$@

Đùa vậy thôi, topic này mong được giúp đỡ những người nghĩ rằng lý trí cũng cần thiết trong tình cảm. Còn với các tín đồ của yêu mê muội, cưới mù quáng thì đến cô giáo cũng bó tay, nói gì đến tôi

Trở lại với câu chuyện đức tính quan trọng nhất của chồng, có lẽ cũng cần chú thích thêm để các bạn đỡ thắc mắc, ấy là quan trọng nhất không có nghĩa là duy nhất cần thiết, lại càng không có nghĩa đó là yếu tố đầu tiên cần được đưa ra xem xét (cái đầu tiên, theo tôi nghĩ, là tìm hiểu xem đối tượng có bị Gay, hoặc bất thường về sinh lý hay không). Quan trọng nhất có nghĩa là, sau khi chúng ta đã có được hai ứng cử viên trước mặt, cả hai đều nam tính, nội tiết ổn định, biết đọc biết viết, chỉ số IQ trên 60... nhưng một anh thì biết đánh đàn ca hát múa rối nước còn một anh thì có cái "quan trọng" ấy, vậy nên chọn anh nào?

Cái đức tính đó là khả năng tiếp thu, học hỏi, nhận thức những sai lầm, điểm yếu của mình và cố gắng sửa chữa chúng. Nói cách khác, đó là khả năng tự hoàn thiện bản thân.

Nếu lấy một người chồng biết nhận ra khuyết điểm, dám nhận sai, sai dám sửa (không đảm bảo thành công 100%) thì các bạn có thể yên tâm là cuộc sống càng ngày càng tốt đẹp. Giống như bạn cưới một chiếc Kia Morning về nhà, mấy năm sau nó tự lên đời thành một chiếc Camry, rồi ít lâu sau lại trở thành một con Mẹc hoành tráng... thế có sướng không? Ngược lại, nếu lúc đầu lấy về một con Mẹc trông hoành tráng, rồi dần dần nó xuống cấp thành cái xe công nông thì thật tai họa.

Vậy khi chọn lựa, ngoài việc nhìn vào những gì đối tượng đang có, hãy để ý đến những gì đối tượng THAY ĐỔI trong quá trình quen biết, yêu đương, để ý đến cách anh ta tốt lên hay xấu đi xem anh ta có được khả năng tự hoàn thiện bản thân hay không. Nếu có, thì đấy chính là đức tính quan trọng nhất bạn cần ở chồng bạn.

Theo Webtretho

==================


PS: Chào bác Triển :)

Nguyên Nhân
10-20-2011, 06:04 AM
Chào caytoi

Hà Nội trời mùa nầy chắc đã mát nhiều?

(Đang nhớ bún ốc :) )

gun_ho
10-20-2011, 07:24 AM
Bún ốc Hà Nội thì nên ghé quán bún ốc tình quê của Cô Tuyết ở phố Cao Đạt (chợ Đuổi) chắc là Caytoi biết quán này.

angie
10-20-2011, 09:32 AM
Hỏi đến đây, cả lớp đồng thanh: Lấy người yêu mình và mình cũng yêu, tóm lại lấy nhau vì tình ạ!!!
Cô giáo: Khổ quá, thế lúc chọn người yêu vậy, các em chọn ai, tìm người như thế nào?
Cả lớp: Yêu thì sao chọn được ạ, duyên số rồi, yêu mà biết tại sao yêu thì đã không phải là yêu ạ !!!
Cô giáo: %^&($$@
Cô giáo: %^&($$@

caytoi
10-21-2011, 04:51 AM
@ Anh Nguyên Nhân:
Hà Nội đang mát...lịm :). Tiết thu, trời Hà Nội đẹp, người Hà Nội xinh :), cuộc sống bỗng chốc nhẹ tựa......lông chim :).
Mùa thu heo may, ăn bún ốc lạnh, từng con bún tròn, nhỏ chỉ nhỉnh hơn đồng xu một chút xíu, trắng loang láng trên nền xanh mướt của tàu lá chuối đặt giữa chiếc mẹt bé tí. Nước chấm được làm từ dấm bỗng gạo, ủ lạnh trong chiếc bát chiết yêu. Ốc mít luộc chín tới ngổn ngang trong đám lá chanh bốc khói thơm lừng....ăn đã thơm, lại giòn :).
Em vẫn chờ một ngày nào đó được tái ngộ anh và chị tại Hà Nội :).



@ Bác Gun-Ho:
Caytoi cũng có nghe nói về "Bún ốc tình quê" của cô Tuyết, nhưng nói ra điều này thì thực xấu hổ vì Caytoi chưa từng tới quán bún ốc này.
Tiếng là ở Hà Nội nhưng Caytoi cũng ít biết những nơi hay quán ăn nổi tiếng của HN, ví dụ như vụ Hoàng thành Thăng Long chỉ cách nhà Caytoi có 3 cây số, khi thiên hạ đi xem rầm rầm thì Caytoi cũng chỉ mới có một lần duy nhất đứng ngoài ngó vào khi đi cùng anh chị Nguyên Nhân+July trong lần anh chị ghé thăm Hà Nội :).
Nhắc tới đây, Caytoi phải cảm ơn anh chị NN và JL một lần nữa, là nhờ có lần đi cùng anh chị (chứ không dám nói là dẫn anh chị đi chơi HN) mà CT mới được lần đầu mục sở thị nơi thờ ông tướng Hoàng Diệu ở trong thành Thăng Long....thật là quê không có từ nào diễn tả :( :P



@ Bác Angie:
Caytoi chỉ "Copy" và "Paste" nên cũng không rõ biểu tượng câu trả lời của cô giáo nghĩa là gì đâu ạ.


=======================

Có thể các bác đã biết rồi, nhưng:

1. Hình ảnh xưa về Sài Gòn
http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/page2/

2. Hình ảnh xưa về Quảng Trị
http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/

==============================

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/338237_700b_v1.jpg


Chúc cả nhà một cuối tuần vui :)

tabalo
10-21-2011, 09:05 AM
@ Anh Nguyên Nhân:
Hà Nội đang mát...lịm :). Tiết thu, trời Hà Nội đẹp, người Hà Nội xinh :), cuộc sống bỗng chốc nhẹ tựa......lông chim :).

Mấy hôm nay đọc bài Caytoi mang về mà không dám héo lánh mặc dù ngưá miệng, hôm nay caytoi giới thiệu thu Hà nội thích quá nên thể nào tuần tới cũng phải ra xem thực hư !

viết thêm : nhìn avatar của caytoi biết ngay là fan cùa shaun the sheep

caytoi
10-24-2011, 03:38 AM
Mấy hôm nay đọc bài Caytoi mang về mà không dám héo lánh mặc dù ngưá miệng, hôm nay caytoi giới thiệu thu Hà nội thích quá nên thể nào tuần tới cũng phải ra xem thực hư !

viết thêm : nhìn avatar của caytoi biết ngay là fan cùa shaun the sheep


@ Bác Tabalo:
Bác đúng là "Dát/nhát như hạt cát", ngứa miệng mà không dám chà răng :).
Mùa thu vẫn đương ở lại, bác nhớ xem dự báo thời tiết trước khi ra nhé và bác có muốn cá cược gì với nhà cháu nếu như bác thấy lòng bỗng nhẹ tựa lông chim với mùa thu HN không ợ?

Caytoi xác nhận với bác là cả nhà CT chứ ko chỉ mình CT đều là fan của Shaun the sheep :), nhất là chú cừu bé nhất đàn. Tối nào CT cũng xem shaun the sheep đến khi hết phim là 12 giờ :).
Mà không hiểu sao mấy con lợn trong shaun the sheep lại khiến Caytoi liên tưởng đến bọn lợn trong "ANIMAL FARM" của George Orwell :P

=========================================


Cậu em nhờ:
- Caytoi, chị làm gần Bờ Hồ, trung tâm văn hóa, ngày mai em nhờ chị mua dùm em cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” nhé.
- Truyện gì mà nghe tựa đề “khủng” thế?
- Thế chị có biết những câu như:
Đã xấu lại còn xa, đã si đa lại còn xông pha hiến máu;
Trăm lời nói không bằng làn khói A còng
Nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên
Cống rãnh sóng sánh với đại dương
…..
Là ở đâu ra không?
- Đương nhiên là chị không biết
- Thế thì chị nên tìm đọc “Sát thủ đầu mưng mủ”

Buổi trưa, tôi lượn lờ các hàng sách ở hai phố Nguyễn Xí và Đinh Lễ, gọi là “hàng” chứ không phải hiệu vì sách vở được bày bán la liệt từ trong nhà ra tới vỉa hè.
Đến cửa hàng sách nào tôi cũng hỏi có cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” không thì đều nhận được cái lắc đầu vì cuốn này đang “hot”, nóng bỏng tay vừa ra lò đã có người dzớt hêt; ngay cả chị bán sách thân thiết của tôi cũng nói “làm gì còn nữa, em đứng đây mà xem, hàng nào cũng cháy sách”

Y như chị nói, tôi đứng tìm sách trong vòng ba mươi phút mà có đến vài ba cô, cậu dừng xe, đứng từ ngoài đường gọi với vào “Cô ơi có mưng mủ” không?
Ối giời, mình thì hỏi cả cụm từ “Sát thủ đầu mưng mủ”, nhưng mấy cháu tin tin chỉ cần nói “mưng mủ” là các cô chú bán hàng hiểu hết là các cháu cần sách gì :D
Về, lên mạng search và được nguyên cái link toàn tập truyện tranh “Sát thủ đầu mưng mủ”, rinh về đây kính thỉnh bà con giải trí cho vui :)

http://www.nhincuoi.com/truyen-vui-cuoi/sat-thu-dau-mung-mu-56406

caytoi
04-10-2012, 01:21 AM
Tại sao người Nhật mê đọc sách?
Nguyễn Xuân Xanh


Không có thú vui nào trên thế giới
có thể so sánh được với thú vui đọc sách.
Khi người ta cảm nhận được sự đàm thoại riêng tư
với thế giới người hiền, thì đó là thú vui duy nhất
không lệ thuộc vào người khác...
- Kaibara Ekken (1630-1714)
Chúng ta có thể nhân bản hơn bằng cách trở thành hoàn vũ hơn.
- Okakura Tenshin (1862-1913)



Tóm tắt: Những lý do nào khiến dân tộc Nhật đã có một văn hoá đọc có thể nói vào bậc nhất thế giới? Văn hoá đọc này không phải chỉ bỗng dưng bùng nổ vào thời Minh Trị Duy Tân 1868 khi đất nước được mở cửa, hướng về phương Tây, mà có gốc rễ sâu xa từ thời Tokugawa 1600-1868, từ lúc dân tộc chỉ có văn hoá võ sĩ trên chiến trường, từ lúc thầy tu khoẻ mạnh cũng muốn ra trận để thi thố tài năng đi tìm hạnh phúc. Cách đây 300 năm Nhật Bản đã có những con số “khủng” về giáo dục và văn hoá đọc. Những lý do nào khiến cho một dân tộc võ sĩ lại trở thành mê đọc sách như thế? Và đọc sách để làm gì? Tại sao không phải các dân tộc có truyền thống văn sâu đậm như Trung Hoa hay Việt Nam mà lại một dân tộc có truyền thống võ như Nhật Bản? Hai trăm sáu mươi năm tự đóng kín cửa như “hến” sau khi đuổi hết người truyền giáo phương Tây khỏi nước (cùng thời với Việt Nam), nhưng tại sao mảnh đất Nhật Bản lại “ngậm” được viên ngọc ‘Tây học’ (Western learning, thông qua ‘Lan học’, Rangaku) hình thành bên trong, từ chất “nọc độc của người man di”, để rồi viên ngọc khai minh đó biến thành quốc sách thời Minh Trị? Một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử: châu Âu đã từng có cuộc dịch thuật vĩ đại thế kỷ 11 và 12 lúc đại học châu Âu ra đời để làm nền tảng phát triển khoa học và văn hoá, thì tương tự, ở phương Đông, Nhật Bản cũng đã có cuộc dịch thuật vĩ đại của mình trong hai thế kỷ thời đóng cửa, giúp chuyển hệ hình tư duy kiểu phong kiến Trung Hoa sang hệ hình khoa học hiện đại phương Tây dù tầng lớp trí thức ở Nhật Bản chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Khổng giáo, có thể sâu đậm hơn cả giới trí thức Việt Nam cùng thời. Cuộc dịch thuật là khó nhọc và không kém phần nguy hiểm, nhưng trí thức Nhật Bản đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mình đối với quốc gia, rằng họ không thể yêu nước trong sự vô minh. Đọc sách là việc làm của lòng yêu nước, không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà để khai minh và khai sinh một thời đại mới cho đất nước. Đọc sách là thuộc tính của một dân tộc văn hoá có ý thức. Họ không sợ học của kẻ thù, chỉ sợ ngu muội vì không học. Và họ đã thành công.




Người ta đã từng nghe nói về sự đọc sách khủng của người Nhật thời Minh Trị Duy Tân, cách chúng ta hôm nay ngót một thế kỷ rưỡi. Thí dụ minh hoạ thường là quyển sách Bàn về Tự do, On Liberty, của John Stuart Mill. Sách được xuất bản ở Anh năm 1859, cùng năm với tác phẩm “Thuyết tiến hoá” của Charles Darwin. Bàn về Tự do là một quyển sách rất có ảnh hưởng ở phương Tây, và ngày nay vẫn còn tiếp tục được đọc. Khi được dịch sang tiếng Nhật quyển sách đã bán trên triệu bản.

Một quyển sách khác, có lẽ ít được biết hơn đối với độc giả Việt Nam, là Tự lo, Self-Help của Samuel Smiles. Quyển sách này là best-seller ở phương Tây, đến cuối thế kỷ 19 bán được số lượng 250.000 ở Anh Mỹ, nhưng khi được Nakamura Masanao, một học giả Khổng giáo từng học bên Anh, dịch sang tiếng Nhật những năm đầu của thời Minh Trị thì quyển sách bán đến một triệu bản! (Nakamura cũng là người dịch quyển Bàn về Tự do) Một con số thật “khủng” nếu ta biết rằng thời đó dân số Nhật Bản chỉ khoảng trên 30 triệu thôi. Self-Help là một trong ba quyển sách được gọi là “Bộ kinh thánh Minh Trị” có sức hút mãnh liệt đối với người Nhật, nhất là giới trẻ, trong giai đoạn đất nước đổi mới của Nhật Bản. Cuốn sách Tự lo thể hiện tinh thần độc lập tự chủ của các cá nhân, và từ đó làm cho quốc gia độc lập và tự chủ. Cuốn sách mượn lời của J.S. Mill ngay trang đầu: “Giá trị của nhà nước, xét lâu dài, là giá trị của các cá nhân cấu thành.” Đó là tín hiệu mà quyển sách muốn truyền đạt: Muốn có một đất nước mạnh, độc lập, phải có những cá nhân mạnh và độc lập, thông qua tự rèn luyện, tự lo. Đó là điều kiện tiên quyết.

Nói chung vào thời mở cửa Minh Trị Duy Tân, dân tộc Nhật lên cơn sốt đọc sách nước ngoài để biết phương Tây đã làm gì và đang làm gì mà “nước giàu quân mạnh” như thế. Họ muốn biết và muốn học, để xây dựng đất nước hùng mạnh như các cường quốc phương Tây. Chỉ có được một nền văn hoá lớn, một xã hội phú cường, khi nào mọi người được học như nhau, khi mọi người có quyền ao ước và có điều kiện vươn lên khỏi chức phận cũ của mình. Tinh thần này, ethos, được diễn tả mạnh mẽ trong tác phẩm “Khuyến học”, Gakumon no susume, của nhà khai minh Fukuzawa Yukichi (1835-1901): “Con người không sinh ra cao quý hay thấp hèn, giàu sang hay nghèo khó. Chính những ai lao động siêng năng ở những công việc tìm tòi của họ, và học nhiều, sẽ trở thành cao quý và giàu có, trong khi những ai biếng nhác sẽ trở thành nghèo khó, thấp hèn.”

Hai sự kiện sau đây ở thế kỷ 20 minh hoạ thêm óc tò mò học hỏi đặc biệt của người Nhật, điều mà các nhà truyền giáo phương Tây đã ghi nhận khi tiếp xúc với những dân tộc này, so sánh với các dân Trung Hoa hay Hàn Quốc mà họ biết trước đó. Năm 1922 khi Einstein thực hiện lời mời sang thăm và diễn thuyết khoa học tại Nhật thì nước Nhật vừa có ngay một tuyển tập Einstein gồm bốn quyển. Lúc đó không đâu ở châu Âu hay ở Mỹ có tuyển tập này. Tương tự, ba năm trước đó, 1919, Nhật Bản cũng là nước đầu tiên xuất bản tuyển tập Các Mác, Ăng-Ghen. Cũng không đâu trên thế giới, kể cả Nga, Đức là những nơi có phong trào xã hội chủ nghĩa mạnh nhất thế giới có tuyển tập này. Người Nhật quả muốn biết hết những nghĩ gì thế giới trước đó.

Công ty ra đời đầu tiên thời Minh Trị Duy Tân kinh doanh gì? Được sách sử ghi lại, đó là công ty nhập khẩu và kinh doanh sách Maruzen của Hayashi Yuteki. Năm 1869 ông Hayashi Yuteki mở công ty đầu tiên tại Yokohama có tên Maruya, và năm sau mở thêm cửa hàng thứ hai tại Nihonbashi, khu phố cổ trung tâm sầm uất và thời trang nhất của Tokyo lúc bấy giờ! Năm 1880 Hayashi chuyển doanh nghiệp chính thức thành công ty TNHH Maruzen. Sách là mặt hàng đi đầu trong “cuộc chấn hưng dân khí”. Phần lớn các học giả và nhà văn đều là khách hàng của Maruzen, trong đó có hai nhà văn lớn Akutagawa Ryunosuke và Natsume Sōseki. Hayashi Yuteki vốn là một thầy thuốc hành nghề rồi sau đó trở thành học trò của nhà khai minh Fukuzawa Yukichi. Ngoài các hiệu sách, Maruzen còn xuất bản một nguyệt san cho giới văn sĩ, học thuật có tên “Ánh sáng của Khoa học”, Gakutō. Một thời gian dài Maruzen là cửa sổ duy nhất nhìn ra phương Tây. [Công ty sách này ngày nay vẫn còn tồn tại, hoạt động rộng rãi, có doanh số năm 1996 hơn một tỉ Euro với 2.100 nhân viên. Khách hàng của họ là nhiều đại học, cơ quan chính quyền và viện nghiên cứu.]

Chúng ta tự hỏi vì đâu mà người Nhật lại có cái đam mê đọc sách cuồng nhiệt và sự đánh giá cao sách vở như thế? Có phải dân tộc này chỉ mê đọc sách thời Minh Trị khi bừng tỉnh sau ‘cơn ngủ đông’ mấy trăm năm trước đó không? Dân tộc Trung Hoa cũng từng ngủ đông dài như thế, và một số dân tộc khác cùng dòng văn hoá Khổng Mạnh, nhưng tại sao không có cái đam mê đọc sách như dân Nhật?

Một truyền thống lâu đời

Thực ra người Nhật đã có truyền thống đọc sách khủng lâu đời, ít ra từ thời Tokugawa 1600-1686. Trong thời đầu của Tokugawa Ieyasu, người thống nhất đất nước và lập nên triều đại Tokugawa hoà bình 265 năm lâu dài nhất lịch sử, thì chuyện một samurai có thể diễn đạt được ý tưởng của mình một cách mạch lạc trên giấy trắng mực đen là điều hi hữu, và tình trạng mù chữ là bình thường. Văn hoá Nhật Bản trước 1600 là văn hoá võ sĩ. Nhưng vào cuối thế kỷ 18, có thể nói một samurai mù chữ là một điều hụt hẫng đáng buồn, và tới giữa thế kỷ 19, tình hình lại khác nhau một trời một vực.

Trong thời Genroku (1688-1704), được xem là thời vàng son của Tokugawa với kinh tế ổn định, nghệ thuật và văn chương phát triển, Nhật Bản đã có một hệ thống xuất bản sách hiện đại đáng ngạc nhiên, đặc trưng bởi sự hiện hữu của nhiều nhà xuất bản lớn, nhiều nhà minh hoạ sách có tiếng và nhiều nhà văn tên tuổi. Sách thường được xuất bản với số lượng đến hơn 10.000 bản! Đây là một con số “khủng” thời đó; Nhật Bản lúc đó chỉ có chừng 20 triệu người, vì thời Minh Trị dân số Nhật Bản khoảng 30 triệu. Năm 1692 Nhật Bản cũng đã từng có những bộ danh mục hàng chục tập về các sách in dành cho công chúng sử dụng. (Hiện nay VN chưa có được những bộ danh mục như thế tại các nhà sách).

Con số phát hành 10.000 bản là rất đáng ghen tị cho những nhà xuất bản và tác giả Việt Nam hiện nay, đất nước với gần 90 triệu dân. Trong gần mười năm qua từ khi loại sách khai trí bắt đầu xuất hiện, có mấy tác giả nào có số ấn bản tương đương như thế? Cho nên số ấn bản 10.000 của người Nhật thời Tokugawa cách đây 300 năm quả là con số “khủng”! [Việt Nam lúc bấy giờ đang trong giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, không hiểu giáo dục và văn hoá đọc sách ra sao.]

Thương mại sách ở Nhật bắt đầu phát triển mạnh từ đầu thế kỷ 17. Giới đọc sách truyền thống như quý tộc, tu sĩ và thượng lưu trong thành phố được mở rộng sang các giới đại chúng. Mặc dù số lượng phát hành cao, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu đọc sách của các tầng lớp dân chúng, văn hoá đọc sách thuê, ra đời trong thời Kan’ei (1624-44), trở nên phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn như Edo, Kyoto và Nagoya. Các cửa hàng cho thuê sách, kashihonya, đóng vai trò quan trọng ở đây. Cuối thế kỷ 18 các cửa hàng cho thuê sách có mặt khắp nơi ở Edo (tức Tokyo) và các tỉnh. Khách hàng được phục vụ bởi những người đi rong mang thùng sách trên lưng. Sách vở có thể đi đến tận các hải đảo xa xôi. Edo có 650 cửa hàng cho mượn sách năm 1808, nhưng đến 1832 đã có tới 800. Edo có dân số khoảng hơn triệu, và tỉ lệ biết chữ lên đến 70%. Một cửa hàng cho mượn sách ở Nagoya, tên Daisō của Sōhachi, như lịch sử còn ghi, được thành lập năm 1767 và hoạt động 132 năm liền, đến khi chấm dứt hoạt động có một danh mục đến 26.768 quyển sách cho mượn.

Nhật Bản thế kỷ 18 có những thành phố lớn phát triển với dân số tập trung cao như châu Âu. Edo có trên một triệu dân, nhất thế giới, hơn cả Paris. Các thành phố khác như Osaka có con số non một triệu. Nhật Bản có văn hoá thành thị, có cả văn hoá salon (zashiki), đời sống sung túc rõ nét như ở châu Âu thời Trung cổ. Và đó cũng là điểm hấp dẫn đối với giới thương nhân nước ngoài khi họ kêu gọi Nhật Bản mở cửa. [Việt Nam lúc đó chưa được như thế về mặt phát triển kinh tế.]

Chúng ta hỏi: Từ đâu người Nhật có sự đam mê đọc sách như thế? Động lực nào?

Nguồn gốc đọc sách: văn đi trước võ

Sự học tại Nhật Bản trước 1600 là độc quyền của giới quý tộc và tăng lữ, nhưng đến thời Tokugawa trở thành công việc của cả nước. Năm 1615 tướng quân Tokugawa Ieyasu, sau khi đã bình định được gần ba trăm phiên trấn (han), thiết lập nên một thể chế chính trị gần như liên bang, phát đi mệnh lệnh như một ‘big bang’ cho các đại danh, daimyō, chủ phiên trấn và các võ sĩ, samurai: Điều 1 của mệnh lệnh nói: “bun bên tay trái, bu bên tay phải”. Bun là văn, sự học, là cây bút, trong khi bu là võ, nghệ thuật chiến tranh, từ đó chữ bushi là võ sĩ, bushido là võ sĩ đạo. Như thế Điều 1 nói “quyển sách bên tay trái, thanh gươm bên tay phải”, và văn đi trước võ, để có thể trị nước lâu bền. Các võ sĩ Nhật dần dần trở thành giai cấp cầm quyền có học. Ở Nhật Bản, cầm quyền là việc của giai cấp của samurai, cha truyền con nối, không phải việc của các Khổng nho như ở Trung Hoa hay Việt Nam, Triều Tiên. Khổng nho cao lắm chỉ được làm tư vấn với đồng lương thấp. Nhật Bản cũng có xếp hạng “sĩ, nông, công, thương” (shi, nō, kō, shō) dưới ảnh hưởng của Khống giáo Trung Hoa, nhưng ở đây sĩ không phải là nho sĩ, mà là võ sĩ.

Các daimyō giờ đây phải học văn hoá, các loại khoa học và nghệ thuật quản lý đất nước. Một daimyō có học phải đọc sách hằng ngày. Để phục vụ cho việc học tập của daimyō, và các gia thần, thư viện được thành lập, sách vở được sưu tầm một cách qui mô, và trở thành biểu tượng cho tri thức. Thư viện bao gồm các loại sách về lịch sử Nhật Bản và Trung Hoa, các sách về Khổng giáo, Phật giáo và Thần giáo; sách về nghệ thuật quân sự, chiến lược quân sự, địa lý, thiên văn, kinh tế, toán học, y khoa và vô số sách về văn chương cổ điển. Bản thân tướng quân Ieyasu từng lập thư viện cho mình. Nhật Bản mỗi thời đều có những thư viện nổi tiếng, nhưng vào thời Tokugawa, Nhật Bản có nhiều thư viện nhất chưa bao giờ thấy trước đó. Fukuzawa Yukichi (1835-1901) đã ghi lại trong “Tây dương sự tình” sự quan sát đặc biệt của ông về các thư viện phương Tây khi ông có dịp đi tham quan:

Trong những thành phố lớn của phương Tây đều có các sưu tập sách được gọi là “thư viện”, ở đó tất cả được sưu tầm, từ sách cho nhu cầu hàng ngày đến những loại sách hiếm, và sách trong nước cũng như từ nước ngoài. Người dân đến và có thể đọc quyển sách mình muốn, dù không phải là mỗi ngày. Thư viện Anh có 800.000 quyển, của St. Peterburg 900.000, và của Paris 1,5 triệu. Người Pháp nói rằng, nếu đem tất cả sách xếp nối đuôi nhau, chúng ta sẽ có một chiều dài 7 dặm.

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/ieyasu.jpg
Tướng quân Tokugawa Ieyasu, người tạo cú hích cho “big bang” văn hoá đọc sách của Nhật Bản. (Nguồn: Wikipedia)



Phát triển giáo dục

Văn hoá đọc sách gắn liền với giáo dục. Tokugawa là thời kỳ của sự bùng nổ giáo dục, hệ thống trường học, phục vụ cho nhiều đối tượng, nhiều đẳng cấp, trường trung ương của shogun, trường phiên của các daimyō, trường tư, cho dân thường và trường hỗn hợp cho cả samurai và dân thường. Vài con số dưới đây sẽ làm chúng ta thêm ngạc nhiên để thấy mối tương quan giữa văn hoá đọc và giáo dục.

Ngoài những trường chính thống dành cho giai cấp samurai của Mạc phủ, như “Hàn lâm Khổng giáo”, Shōheikō, thành lập năm 1630, và trường của các phiên, còn có các loại trường như trường terakoya cho thường dân; trường gōgaku dành cho cả con em samurai lẫn thường dân học chung, được chính thức hỗ trợ từ nhà nước, báo trước loại giáo dục hiện đại phi đẳng cấp sẽ ra đời thời MinhTrị. Ngoài ra có loại trường tư thục, shijuku, privat academies, với khoảng 1.500 trường, từ qui mô nhỏ vài ba chục đến qui mô lớn cả ngàn sinh viên, cạnh tranh với các trường trung ương hay trường phiên, dành cho cả samurai và thường dân mọi tầng lớp.

Tại phiên Chōshū, một trong những phiên quan trọng trong việc lật đổ Mạc phủ để phục hồi thiên hoàng, nhiều samurai nổi loạn và trở thành lãnh đạo của chính phủ Minh Trị đã từng là học trò của nhà yêu nước Yoshida Shōin (1830-1859) tại trường tư thục do ông thành lập. Shijuku thường phục vụ cho giáo dục cao cấp (advanced education), đi vào nghiên cứu, là trường của những người muốn tiến thân vào học thuật. Đó là loại trường “vườn ươm nhân tài”, bất kể từ đâu đến, samurai hay thương gia, thầy tu, tạo nguồn nhân lực quốc gia, jinzai (human resource), điều cũng được các giới chính quyền trung ương và địa phương ủng hộ. Theo tinh thần của jinzai, việc tuyển mộ nhân sự được dựa trên cơ sở tài năng hơn là nguồn gốc thân thế, và tài năng có thể đi từ phiên này sang phiên khác sống. Ngoài ra còn các trường dạy nghề và trường tôn giáo.

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/terakoya.jpg
Một trường terakoya (Nguồn: Wikipedia)



Năm 1868 khi Nhật Bản Minh Trị bắt đầu cuộc duy tân, cả nước đã có 17.000 trường đủ mọi loại! Đây cũng là một con số ‘khủng’ nữa. Hàng triệu người đã được học hành. [Việt Nam có được bao nhiêu trường học và học sinh lúc đó? Nam Kỳ lúc đó vừa trở thành thuộc địa Pháp.] Có một ước tính theo đó cuối thời Tokugawa Nhật Bản có khoảng trên 40 phần trăm con trai và 10 phần trăm con gái nhận được giáo dục ngoài gia đình. Nhà nước không sợ sự phát triển giáo dục trong nhân dân, và dân chúng cũng đồng tình để cải thiện vị trí xã hội của mình. Phát triển đất nước cần những người có học. “Việc đầu tiên cần thiết cho sự trị vì một nhà nước là năng lực con người. Mà năng lực con người thì đến từ sự học” như học giả Khống giáo Dazai Jun (1686-1747) viết.

Qui mô của trường Nhật cũng không kém phần ngạc nhiên. Trường Shōheikō được xây dựng lại năm 1799 thực tế không phải là một ngôi trường, mà là một campus to lớn, nhiều dãy nhà ngang dọc, nhiều đường phố trong đó, với một đền thờ Khổng tử lớn tại trung tâm, nó là một cái làng học thuật và đào tạo đúng hơn là một cái trường đơn giản theo quan niệm của chúng ta. Trường Nisshinkan tuy có thể nhỏ hơn nhưng cũng rất lớn. Chúng ta biết rằng tại Hoa Kỳ, các đại học dạng campus hình thành chủ yếu từ Luật giao đất Morrill năm 1862 trước khi cuộc nội chiến chấm dứt. Phải chăng, xét về qui mô, các trường của Nhật Bản thời Tokugawa đã đi trước các đại học campus của Mỹ gần cả trăm năm?

Nước Nhật bước vào hiện đại hoá không phải từ tro tàn của chế độ cũ, mà ngược lại, được xây dựng trên một nền móng văn hoá đã phát triển cao, đa dạng về nội dung học, và vững chắc. Năm 1872 (cũng là năm sinh của cụ Phan Châu Trinh), tức chỉ bốn năm sau khi vua Minh Trị được phục hồi, một chế độ giáo dục cưỡng bách toàn dân được thực hiện trên khắp nước Nhật, một kỳ công. Điều này sẽ khó có thể được nếu Nhật Bản Tokugawa không có gì cả. Năm 1900 Nhật Bản có tỉ lệ người biết chữ cao hơn tỉ lệ của Anh. Đó là một môi trường văn hoá tốt và thiết yếu cho sự phát triển mạnh của khoa học và kỹ thuật.

Nếu đầu thời kỳ Tokugawa lưỡi gươm là quan trọng, thì vào cuối thời Tokugawa thì quyển sách là quan trọng hơn.

Trước áp lực của nguy cơ nước ngoài sự học cổ điển dần dần được hiện đại hoá bằng các môn học phương Tây. Các môn tri thức quân sự, luyện kim, vẽ bản đồ, y khoa, hoá học…, cũng như các môn học về các thể chế chính trị, kinh tế các quốc gia phương Tây có sức hút mạnh mẽ. Các daimyō biết nhìn xa gửi sinh viên tài năng đi học tại Nagasaki hay tại những trường Lan học tại Edo và Osaka. Và trong những năm 1850, 1860 họ thành lập các trung tâm Tây học tại các phiên của họ. Các nhà lãnh đạo của Minh Trị Duy Tân như Saigō của phiên Satsuma, Kido, Itō và Inoue của Chōshū, Soejima và Okuma của Saga, Gotō, Sakamoto và Sasaki của Tosa, Yuri của Fuki, Mutsu và Katsu của Mạc phủ, tất cả đều đã một lần học tại Nagasaki, trung tâm Lan học hiện đại của cả đất nước.

Sự phát triển giáo dục thời Tokugawa gắn liền với sự phát triển văn hoá Edo. Edo là thời kỳ của nghệ thuật và học thuật. Tokugawa chọn con đường đóng kín không phải để suy tàn, mà ngược lại, để phát triển bản sắc Nhật Bản không bị phá rầy, đưa sức sống của dân tộc lên đỉnh cao văn hoá và nghệ thuật, vun xới đạo đức và bản sắc. Đó là thời kỳ của sự tự tôi luyện, sự quyết tâm tự khẳng định mình, biến đổi miếng đất hoang sơ thành một vườn hoa sặc sỡ, phát triển các hình thái nghệ thuật lên cao nhất, để bản sắc Nhật Bản trở thành nền tảng không lung lay được trong thời mở cửa xáo trộn sau, để tài năng Nhật Bản được tinh luyện làm niềm tin của dân tộc. Khi mở cửa, nghệ thuật Nhật Bản đã chinh phục được các quốc gia phương Tây và quốc gia được nể phục.


http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/binhphong-sonmai.jpg
Tấm bình phong sơn mài hoa Iris của Ogata Kōrin (1658-1716), bậc thầy tiên phong về hội hoạ thời Edo, là thời đại hưng thịnh của nghệ thuật, để lại dấu ấn mãi mãi trong lịch sử Nhật Bản. Otaga Kōrin là tấm gương lớn của những người trường phái ấn tượng đầu tiên của Pháp. Các cuộc triển lãm tranh nghệ thuật của nghệ sĩ Nhật Bản nửa cuối thế kỷ 19 trong thời mở cửa tại châu Âu cũng như tại Hoa Kỳ đã mang đến cho Nhật Bản một sự công nhận lớn trong lãnh vực nghệ thuật. Không phải chỉ có phương Tây chiếm lĩnh Nhật Bản qua các hiệp định thương mại, mà Nhật Bản đã chiếm lĩnh sân khấu nghệ thuật phương Tây qua nghệ thuật. Van Gogh cũng chịu ảnh hưởng của hội hoạ Nhật Bản. Nhiều người Mỹ thừa nhận tính ưu việt của nghệ thuật Nhật Bản. Một làn sóng lớn, “tsunami”, du lịch từ phương Tây, nhất là từ Hoa Kỳ đã đổ sang Nhật Bản vì sự ngưỡng mộ dân tộc đặc biệt này. Người Nhật cảm thấy tự tin khi bước vào sân chơi của cộng đồng các cường quốc. (Ảnh: nguồn Wikipedia)



Lan học, cuộc dịch thuật vĩ đại

Còn một sự kiện ‘khủng’ khác cần được nói lên ở đây. Đó là cuộc dịch thuật vĩ đại hai thế kỷ của giới trí thức Nhật Bản trong thời Tokugawa tự đóng cửa. Sáu năm sau khi Copernicus qua đời (1543) và tác phẩm cách mạng Về chuyển động quay của các thiên thể xuất bản, Nhật Bản tiếp xúc với những người phương Tây đầu tiên. Nhưng năm mươi năm sau, Nhật Bản, như chúng ta biết, chọn con đường đóng kín cửa, “toả quốc”, sokoku, từ 1640 (Việt Nam từ 1630), khi thấy sự phát triển của Kitô giáo là nguy hiểm cho tinh thần dân tộc và cho quyền lực. Nhật Bản chỉ chừa một cửa thông thương duy nhất với Hà Lan tại Dejima, Nagasaki. Sự đóng kín này kéo dài cho đến hết thời Tokugawa năm 1868. Vậy mà trong điều kiện đó, đây là điều Việt Nam không có, trí thức Nhật Bản đã làm một cuộc dịch thuật vĩ đại sách vở phương Tây. Tuy không quyển sách nào thoát khỏi bàn tay kiểm duyệt nghiêm ngặt của Mạc phủ, tuy giới học giả phải làm việc trong điều kiện khó khăn, đôi khi phải trả giá bằng tính mệnh, nhưng họ đã làm nên một cuộc dịch thuật vĩ đại từ cái được gọi là Lan học, rangaku, Dutch learning (“Lan” là gọi tắt của Hà Lan), bắt cầu cho khai trí, khoa học, kỹ thuật để Minh Trị Duy Tân bước tới mạnh mẽ.


http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/gempaku.jpg
Siguta Gempaku, người tạo cú hích mạnh mẽ cho Lan học (Nguồn: Wikipedia)



Trí thức Nhật, nhất là giới bác sĩ, đặc biệt chú ý đến khoa học kỹ thuật từ châu Âu qua các tác phẩm dịch từ tiếng Hà Lan. Họ nhìn thấy trong đó một nền văn minh mới xuất hiện, và ý thức rằng, nếu một ngàn năm trước Nhật Bản đã từng gửi học giả và tăng lữ sang Trung Hoa để học văn hoá, thì nay, họ cũng đang đứng trước một nền văn minh mới đồ sộ cần phải học hỏi, và họ phải tự học trong sự dè chừng của Mạc phủ. Qua Lan học - hay Tây học qua tiếng Hà Lan - người Nhật học hầu như tất cả các môn khoa học và công nghệ phương Tây: y khoa, sinh học, thiên văn, toán học, vật lý, hoá học, điện, cơ học, máy bơm, đồng hồ, máy hơi nước, kính thiên văn, kính hiển vi, luyện kim, đúc súng, đóng tàu…Họ thường xuyên theo dõi sự tiến bộ khoa học công nghệ châu Âu. Các thương nhân Hà Lan ngay từ đầu được Mạc phủ yêu cầu hàng năm viết báo cáo (fūsetsugaki) cho chính phủ tướng quân về tình hình thế giới, và về cuộc cách mạng công nghệ và khoa học ở châu Âu.

Từ thế kỷ 18, tức khoảng một thế kỷ sau tác phẩm Principia của Newton, các học giả Lan học đã nắm bắt được vật lý Newton, họ đã dịch được các khái niệm như “trọng lực” (jūryoku), “lực hút” (inryoku), “lực ly tâm” (enshinryoku), “khối tâm” (jūten, centre of mass) vẫn còn được sử dụng ngày nay. Các học giả Lan học đã hiểu các hiện tượng điện, tĩnh điện, hiểu nguyên lý ắc-quy của Volta đầu thế kỷ 19, chỉ mấy năm sau khi Volta phát minh ở châu Âu. Họ hiểu hoá học của Lavoisier, có thể chế tạo kính thiên văn không lâu sau Hans Lippershey và Galilei đầu thế kỷ 17; chế tạo đồng hồ, máy bơm, súng hơi, chế tạo những con búp bê cơ khí tự động phục vụ trà. Đặc biệt máy hơi nước được Nhật Bản chế tạo lần đầu tiên năm 1853. Người Nhật đã đóng được tàu chiến chạy hơi nước chỉ hai năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử với Commodore Perry 1853. Tất cả cũng chỉ dựa trên bản vẽ. Một quan chức Hà Lan bình luận rằng “Tuy có những sự không hoàn chỉnh về chi tiết, nhưng tôi phải ngã mũ trước dân tộc thiên tài có khả năng chế tạo những thứ này mà họ không hề thấy một chiếc máy thực ngoài đời, chỉ dựa trên các bản vẽ đơn thuần.”

Cuộc dịch thuật diễn ra trong hai thế kỷ với hàng ngàn cuốn sách được xuất bản và truyền bá trong giới học thuật, làm cho người ta nhớ đến cuộc dịch thuật vĩ đại văn minh Hy Lạp cổ đại và Ả rập vào châu Âu hai thế kỷ 11 và 12 đúng lúc đại học châu Âu đang hình thành, làm cho đại học và khoa học châu Âu phát triển mạnh mẽ. Chỉ có khác một điều: trong khi cuộc dịch thuật ở châu Âu được phần lớn các học giả Ả rập thực hiện thì ở Nhật Bản cuộc dịch thuật được do chính người Nhật thực hiện, những người được đào tạo từ một nền văn hoá rất khác. Phương Đông chưa có cuộc dịch thuật nào như cuộc dịch thuật Nhật Bản phản ảnh trung thực nền khoa học kỹ thuật phương Tây. (Cuộc dịch thuật ở Trung Hoa bởi các nhà truyền giáo bóp méo một phần khoa học vì mục tiêu truyền giáo, và gặp sức ỳ mãnh liệt của sự tự mãn văn hoá Trung Hoa). Đây là một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử giữa Tây và Đông. Hai trăm năm dịch thuật ở Nhật Bản Tokugawa cũng là thời gian tại châu Âu diễn ra các cuộc cách mạng khoa học, công nghiệp dữ dội, tạo nên sự mất cân bằng lực lượng nghiêm trọng trên thế giới dẫn tới thay đổi lớn lao chưa từng có trong lịch sử loài người. Người Nhật đã biết tiếp cận các cuộc cách mạng đó từ xa để chuẩn bị mình.

Người Nhật không thể yêu nước trong sự mê muội, vô minh, lại càng không yêu nước bằng những nội dung khuôn sáo không thực chất. “Chúng ta cảm thấy xấu hổ làm sao khi khám phá ra sự ngu dốt của mình” với tư cách là người phục vụ đại danh và đất nước, như một lời tự thú của Siguta Gempaku (1733-1817), một bác tên tuổi sĩ và là người đã tạo cú hích quan trọng cho Lan học cuối thế kỷ 18, sau khi ông chứng kiến rằng cấu trúc của cơ thể con người không giống như sách vở của Trung Hoa hay Nhật Bản bấy lâu nay, mà giống chính xác các bản vẽ cơ thể học của một quyển sách từ phương Tây (Tafel Anatomia), sau đó được Gempaku và các đồng nghiệp dịch ngay sang tiếng Nhật, tạo cú hích mạnh mẽ cho phong trào Lan học.

Kết luận

Nói tóm lại, Nhật Bản là một dân tộc có óc tò mò không bao giờ nguôi, tinh thần khao khát học hỏi cái mới mãnh liệt không bao giờ tắt, và khả năng hiểu biết nhanh chóng, để hoàn thiện mình, để bảo vệ đất nước, để “kiểm soát những người man di bằng tri thức của họ”, và vì thế họ đọc sách dữ dội, và đã thành công dữ dội. Thế kỷ thứ bảy và tám họ đã từng vượt biển trong hiểm nguy để học văn hoá Trung Hoa đem về xây dựng nền tảng văn hoá riêng của họ. Rồi một ngàn năm sau, cũng trong khó khăn và nguy hiểm, giới trí thức đã tiến hành cuộc dịch thuật văn hoá phương Tây hai thế kỷ liền, và từ 1868 trở đi một cách bùng nổ, để có thể nhanh chóng hiện đại hoá đất nước với mục tiêu trở thành ngang bằng với các cường quốc phương Tây. Đó là hai sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử văn hoá nước Nhật. Và họ đã thành công. Họ bỏ lại Trung Hoa từng là trung tâm văn hoá đối với họ, để rồi chính Trung Hoa sau đó phải học lại họ. Nhật Bản đã từng trở thành trung tâm văn hoá mới và niềm hy vọng ở phương Đông, thay thế cho cái trung tâm Trung Hoa cũ đang rệu rã.

Nhật Bản là tấm gương “tổng hợp văn hoá Đông Tây” của thế giới mà không mất đi bản sắc sâu đậm của mình. Họ là một tấm gương tuyệt vời của sự tự-khai trí vươn lên. Họ đóng cửa mà không hư hỏng hay hỗn độn. Ngược lại, họ đóng cửa để phát triển các tố chất dân tộc thành tinh hoa, làm bước chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp vững chắc, không chao đảo khi mở cửa ồ ạt thời Minh Trị. Họ là một dân tộc văn hoá đáng kính phục.

Charles Darwin nói đâu đó trong lá thư gửi cho một người bạn, rằng đối với ông Nhật Bản là một kỳ quan trong những những kỳ quan của thế giới, nếu không muốn nói là kỳ quan lớn nhất.

Chúng ta người Việt Nam nên học văn hoá đọc sách độc đáo của người Nhật, óc tò mò của họ, học để sáng tạo cho đất nước. Nếu chỉ học với mục đích có được một nghề để sống, điều đó quý cho bản thân, gia đình, nhưng dễ dẫn đến sự tự mãn làm cho người ta không đọc sách nữa khi đã đạt được mục đích. Với tinh thần đó, Việt Nam chỉ có cá nhân chứ không có quốc gia. Chỉ có đọc sách với tinh thần người Nhật là muốn hiểu biết thế giới đã, đang nghĩ gì, làm gì để tái tạo tinh hoa thế giới và sáng tạo cái mới làm giàu đất nước Việt Nam, điều đó mới giúp cho chúng ta đọc sách mãi mãi không thôi, đọc cuồng nhiệt trong thế giới tri thức vô tận. Và chỉ trên cơ sở đó, văn hoá đọc mới có thể thăng hoa. Không phải chỉ vài ngàn, mà hàng triệu các bản sách hay mới có thể được đọc giả hâm mộ và háo hức đón nhận. Và cũng chỉ trên cơ sở đó, nhân dân mới nhanh chóng ấm no, đất nước mới phú cường, giang san mới bền vững.


Mùa Hội sách Thành phố, tháng Ba, 2012
Nguyễn Xuân Xanh
__________________________________________________ ___________
[1] Bài viết này là sự rút ngắn từ một bài nghiên cứu chi tiết hơn có cùng tựa đề của tác giả vào mùa Hội sách TP 2012. Một bài tóm tắt 850 chữ được báo Tuổi Trẻ đăng dưới tiêu đề “Không thể yêu nước trong sự vô minh”
(http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/483903/“Khong-the-yeu-nuoc-trong-su-vo-minh”.html)

[2] Tác giả cám ơn TS Trương Văn Tân (Úc) đã cho nhiều ý kiến quý báu về lịch sử và thuật ngữ Hán-Nhật.

RaginCajun
04-10-2012, 06:30 AM
Cô giáo: %^&($$@Là cô giáo chửi thề.

caytoi
04-10-2012, 09:36 PM
Là cô giáo chửi thề.
:)) bác cũng tiếu lâm thật :))

caytoi
04-10-2012, 09:39 PM
Mẹ già

Ngày ta chào Mẹ ta đi.
Mẹ ta thì khóc, ta đi ta cười.
Mười năm rồi lại thêm mười...…
Ta về ta khóc Mẹ cười, lạ không!
“Ông là ai thế? Chào ông”
Mẹ ta trí nhớ trả hư không rồi.
Mẹ thành đứa trẻ ngồi chơi,
Ta thành ông lão đứng cười…hu hu!


Điều mãn nguyện nhất của một đời người là đến khi mình 70~80 tuổi vẫn còn có thể phụng dưỡng mẹ già.

Triệu Trí Tài, một người dân trong thôn đã 70 tuổi, dùng xe lôi ba bánh chở mẹ mình ở tuổi 91 trên hành trình hơn 10km để đi hội chùa. Ông ấy đã mua thạch, bánh cải… những món ăn nhẹ của Thiểm Tây mà mẹ mình thích. Đối với một người con hiếu thảo mà nói, điều mãn nguyện nhất của một đời người là đến khi mình 70~80 tuổi vẫn còn có thể phụng dưỡng mẹ già. Đó đã là chuyện đã qua cách đây mấy năm, hi vọng người mẹ già hiền từ này được bình an khỏe mạnh.

Chia sẻ bức hình này nếu bạn cảm thấy có... chút gì đó :)
http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/422407_366653663359661_283142871710741_1246838_121 3016210_n.jpg

zung
04-10-2012, 10:01 PM
Mẹ già

Ngày ta chào Mẹ ta đi.
Mẹ ta thì khóc, ta đi ta cười.
Mười năm rồi lại thêm mười...…
Ta về ta khóc Mẹ cười, lạ không!
“Ông là ai thế? Chào ông”
Mẹ ta trí nhớ trả hư không rồi.
Mẹ thành đứa trẻ ngồi chơi,
Ta thành ông lão đứng cười…hu hu!


Điều mãn nguyện nhất của một đời người là đến khi mình 70~80 tuổi vẫn còn có thể phụng dưỡng mẹ già.

Triệu Trí Tài, một người dân trong thôn đã 70 tuổi, dùng xe lôi ba bánh chở mẹ mình ở tuổi 91 trên hành trình hơn 10km để đi hội chùa. Ông ấy đã mua thạch, bánh cải… những món ăn nhẹ của Thiểm Tây mà mẹ mình thích. Đối với một người con hiếu thảo mà nói, điều mãn nguyện nhất của một đời người là đến khi mình 70~80 tuổi vẫn còn có thể phụng dưỡng mẹ già. Đó đã là chuyện đã qua cách đây mấy năm, hi vọng người mẹ già hiền từ này được bình an khỏe mạnh.

Chia sẻ bức hình này nếu bạn cảm thấy có... chút gì đó :)
http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/422407_366653663359661_283142871710741_1246838_121 3016210_n.jpg



Chào CayToi ,
Đọc xong bài thơ với hình ảnh này mà nước mắt vòng quanh , miệng mếu máo ...không biết diễn tả sao nữa , chỉ thấy tim như thắt chặt ...Cám ơn CT nhiều .

RaginCajun
04-11-2012, 06:23 AM
Bài "Mẹ Già" trên kia giống y chang cảnh của bà cụ cạnh nhà tớ, chắc cũng ngoài 90. Con trai bà ta ít ra cũng xấp sỉ 70 vì đã về hưu, còn con gái cũng thấy khá già. Hai người con này hay đến nhà bà cụ chăm nom cho mẹ. Con trai thì lo việc sơn phết, bảo trì để giữ cho căn nhà đẹp và sạch sẽ, còn con gái thì làm vườn, trồng bông, tỉa bụi. Chiều chiều, ba mẹ con ngồi xích đu sau vườn hóng gió, chuyện trò. Thấy cũng hay hay.

caytoi
04-11-2012, 11:21 PM
Chào CayToi ,
Đọc xong bài thơ với hình ảnh này mà nước mắt vòng quanh , miệng mếu máo ...không biết diễn tả sao nữa , chỉ thấy tim như thắt chặt ...Cám ơn CT nhiều .

Chị Zung,

CT đoán chị đang nhớ tới hình ảnh của mẹ chị?
Cũng giống như chị, CT rất cảm động khi đọc bài thơ; cảm động vì khi nhóc nhà CT chào CT để đi học thì CT phải kiềm chế lắm mới ko chảy nước mắt trước mặt cu cậu.
Khi nào mấy nhóc nhà chị đi học xa nhà chắc chị sẽ "cảm" được nỗi niềm của CT :)


Bác RaginCajun,
Sống khỏe như bà cụ hàng xóm nhà bác là sung sướng nhất đấy ạ. Tuổi 90 mà không bị lẫn thì thật là may mắn. Gần nhà CT cũng có bà cụ hơn 90 tuổi, cụ sống chung với cô cháu gái, nhưng cụ bị lẫn lắm rồi, chỉ ngồi trước hiên nhà nhìn vô định vào dòng người đi lại.


_________
Caytoi

caytoi
04-12-2012, 12:38 AM
Theo dòng cảm xúc của chị Zung, Caytoi xin chép lại những vần thơ hay về MẸ, gửi tặng chị Zung và các bác ghé nơi đây:



1. Con dâu với mẹ chồng



MẸ CỦA ANH
Xuân Quỳnh


Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong


Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen


Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao


Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa


Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà


Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng


Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắc chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.




2. Mẹ chồng với con dâu



KHƠI TRONG
Ngô Thị Thu Vân


Tội nghiệp con dâu tôi
Thân gái lấy chồng xa
Cứ chiều chiều nó lại đứng ngõ sau ngó ra con sông cái
Nghe chim vịt kêu chín chiều ngoài bãi
Thắt thẻo trong lòng một khúc ruột đau ...
Phận đàn bà như giọt mưa mau
May rủi biết sao: Lưng trời đáy giếng
Tôi như thấy lại mình từ cái ngày xa lắm
Thuở xênh xang áo gấm theo chồng
Cũng chiều chiều ngó mãi ngã ba sông
Nơi con nước tìm đường ra biển cả
Mẹ con mình dẫu người dưng nước lã
Mà chung phận làm dâu dưới một mái nhà
Cùng thổi khói bếp chiều
Cùng giặt một cầu ao
Trong đục chia nhau
Ðôi dòng nước lạ
Con sẽ chẳng bao giờ biết về
Những ngày mẹ làm dâu vất vả
Bởi bến ấy bây giờ mẹ đã khơi trong



3. Vẫn là con dâu với mẹ chồng



NGƯỜI THỨ HAI
Phan Thị Vĩnh Hà


Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con anh ấy là của mẹ
Anh ấy có thể quên con - một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời anh ấy yêu mẹ - mẹ ơi!


Mẹ đã sinh ra anh ấy trên đời
Hình bóng mẹ lắng vào tim anh ấy
Dẫu bây giờ con được yêu đến vậy
Con cũng chỉ là người đàn bà thứ hai.


Mẹ đừng buồn những hoàng hôn, những ban mai
Anh ấy có thể nhớ con hơn nhớ mẹ
Nhưng con chỉ là một cơn gió nhẹ
Mẹ luôn là bến bờ thương nhớ cả đời anh.


Con chỉ là một cơn mưa mỏng manh
Những người đàn bà khác có thể thay thế con trong trái tim anh ấy.
Nhưng có một tình yêu trọn đời âm ỉ cháy
Anh ấy chỉ dành cho riêng mẹ mà thôi.


Anh ấy có thể sống với con suốt cả cuộc đời
Cũng có thể chia tay ngay ngày mai, có thể...
Nhưng anh ấy suốt đời yêu mẹ
Dù thế nào con cũng chỉ thứ hai



4. Con rể với mẹ vợ




MẸ VỢ
(Không rõ tác giả)


Anh hạnh phúc khi có em bên đời
Hạnh phúc nữa khi có thêm một mẹ
Cuộc đời này, lấy vợ, dĩ nhiên thế
Trong Tiếng Anh, “mother” chỉ “in law”


Nhưng cơ mà, có mẹ vợ, bớt lo
Những lúc vợ tự nhiên lên cơn dỗi
“Bà ngoại ơi, dạy hộ vợ con với”
(dù nghĩ thầm, con hư là do ai)???


Những lúc cần bắt vợ phải nhận sai
Lại vai trò mẹ vợ ôi thật quý
Nhiều lúc xử lý vợ không bằng ý trí
Thượng cẳng tay........, rồi mẹ vợ lại chăm


Mẹ vợ ơi, rất nhiều lúc con cần
Bà chăm cháu, vợ chồng con relax
Bà chăm cháu, vợ con thêm nhan sắc
Chả bao giờ thiệt thòi đâu, bà ơi


Và lạy chúa, có mẹ vợ, ơn giời
Tự nhiên con có thêm nhiều thứ nữa............



5. Một bài thơ hay về mẹ của nhà thơ Đồng Đức Bốn


MẸ ƠI
Đồng Đức Bốn



Bây giờ con chẳng có gì
Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời

Chỉ xin mẹ một tiếng cười
Và câu hát thuở mẹ ngồi ru con

Chỉ mong trái đất vẫn tròn
Biết đâu mẹ lại gặp con có ngày

Cõi người nhiều nỗi đắng cay
Cho nên Phật vẫn ngàn tay kêu cầu

Cõi người còn lắm bể dâu
Con lấy lục bát bắc cầu đi qua

Tin rằng sông lắm phù sa
Cho nên đời vẫn nở hoa bốn mùa

Bây giờ trời đổ cơn mưa
Xa xa đã tiếng chuông chùa gọi con.

zung
04-12-2012, 09:50 AM
Cám Ơn lắm những bài thơ vê Mẹ nha CT , đọc bài nào cũng thấy mình sụt sùi hết ...trừ bài mẹ vợ :)..
Yeah bài thơ Mẹ già khiến Z chạnh nhớ mẹ chồng mà đã như vậy , nếu là mẹ ruột thì chắc chắn còn nát nhừ lòng héo đến đâu chị CT ạ ...
Z chỉ chứng kiến cảnh các cháu rời xa Bố Mẹ và những buổi tối trong bữa ăn gia đình vắng mặt 1 ,2 đứa con mà đã cảm nhận được cái trống vắng , nhớ nhung của Bố mẹ chúng rồi đó CT
Chúc chị 1 ngày với tâm bình an nhé

caytoi
04-26-2012, 03:36 AM
@ Chị Zung: CT cám ơn chị nhiều :)

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/306248_392461027445591_283142871710741_1317664_133 8931990_n.jpg


Mình đây lúc nào cũng
Không có tiền
Không có thời gian
Không có sức khỏe

....nên sẽ không thuộc vào ba giai đoạn nói trên :) - nghĩa là con người của Vô Giai Đoạn viết tắt là "vô đoạn" :D

caytoi
05-04-2012, 02:58 AM
http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/ChicooVN.jpg

Anh ị đầu sông
Em cuối sông

Lotus
05-04-2012, 04:24 AM
http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/ChicooVN.jpg

Anh ị đầu sông
Em cuối sôngNhiêù làng nông thôn CHXHCNVN còn như vậy : Xả thải, giặt rữa quần áo chén bát, tăm´ và tiêu tiện gì đêù chung một chỗ. Vì vậy mà dịch bệnh tràn lan .

caytoi
05-10-2012, 03:49 AM
@ Bác Lotus: Cám ơn bác đã chia sẻ, mời bác xem tiếp ạ:

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/542922_418771114814582_283142871710741_1389747_133 1179425_n.jpg

Đố bác biết cai này thì thường dán ở chỗ nào ạ ? :)

RaginCajun
05-10-2012, 05:38 AM
Nhiêù làng nông thôn CHXHCNVN còn như vậy : Xả thải, giặt rữa quần áo chén bát, tăm´ và tiêu tiện gì đêù chung một chỗ. Vì vậy mà dịch bệnh tràn lan .Vẫn còn đỡ chán, ít ra, dòng nước còn chảy đi. Khi nào thấy cảnh này trong cái ao mới kinh. Thật ra, trong ao luôn có một đội quân nằm vùng bên dưới sẵn sàng xử lý những tấn bom oanh tạc.

caytoi
06-27-2012, 01:56 AM
Vẫn còn đỡ chán, ít ra, dòng nước còn chảy đi. Khi nào thấy cảnh này trong cái ao mới kinh. Thật ra, trong ao luôn có một đội quân nằm vùng bên dưới sẵn sàng xử lý những tấn bom oanh tạc.
Bác RaginCajun,
Nhìn mặt bác ngồi ở trên "cầu ao" (ở Thái Bình gọi là "cầu tõm") rất ư là happy :).

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/cc3a0u-tieu-nam-bo.jpg

caytoi
06-27-2012, 02:05 AM
Lê Hoàng viết về Ngọc Trinh: Tại sao đàn ông chỉ lo cho đứa ngốc?


Câu nói của hoa hậu quốc tế Mỹ Ngọc Trinh (thi ở bên Mỹ, lại có nhiều nước tham gia thì chả gọi “quốc tế” gọi là gì?) “Khi chị giỏi, chị sẽ không gặp được những người đàn ông lo lắng cho mình” đã trở thành nổi tiếng.


Chỉ có kẻ điên mới nghi ngờ câu nói đó. Đơn giản, vì nó do hoa hậu phát ngôn ra. Muốn trở thành hoa hậu đâu có đùa. Trên đất nước khác cả triệu cô gái tốt nghiệp đại học, cả ngàn cô tốt nghiệp tiến sĩ trong khi hoa hậu ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ vài chục cô, đủ biết khó khăn phức tạp như thế nào.

Chưa kể thi đại học còn gian lận hồ sơ, quay cóp bài vở chứ thi hoa hậu diễn ra hết sức công khai, đến thân thể còn nhiều lúc lộ thiên nói gì tới kiến thức. Hoa hậu nói là phải tin thôi.

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/ngoc-trinh-giaoducnetvn5.jpg
"Tôi phụ thuộc và cảm thấy thoải mái, thấy mình may mắn hơn những phụ nữ khác vì có được người đàn ông thương mình và lo lắng cho mình. Mọi thứ có số hết. Khi chị giỏi, chị sẽ không gặp được những người đàn ông lo lắng cho mình” - Ngọc Trinh

Tại sao tin? Vì đúng là thứ nhất, rõ ràng đàn ông sinh ra để lo cho đàn bà, tất cả sử sách, tất cả văn học, sân khấu, điện ảnh đều ghi như thế. Nào Trọng Thủy lo cho Mỵ Châu, nào Kim Trọng và Sở Khanh cùng lo cho Thuý Kiều hoặc Romeo lo cho Juliet. Chưa khi nào thấy Mã Giám Sinh lo cho Từ Hải hoặc Thạch Sanh bỏ Công Chúa lo cho Lý Thông. Tất nhiên cũng có một số đàn ông vĩ đại suốt đời lo cho khoa học hoặc cho nhân loại, nhưng số ấy rất ít và cũng chả vì vậy mà không lo cho bạn gái hoặc vợ.

Thứ hai, không lo thì thôi, đã lo phải lo cho gái xinh, dù bản thân mình có xấu. Chả thế mà có phim Quái Vật với Người Đẹp hoặc có truyện thằng gù Quasimodo với cô gái dễ thương Esmeralda.

Chưa thấy anh nào sốt sắng lo cho phù thủy. Trường hợp Chí Phèo lo cho Thị Nở là rất hiếm và cũng chỉ lo vài ngày rồi chán ngay.

Vì một cô gái xinh, đã không biết bao nhiêu anh bỏ vợ bỏ con, bán cửa bán nhà, chuyện ấy chỉ có ngốc mới không biết.

Đã vậy, hoa hậu còn là xinh của cực xinh hay nói theo ngôn ngữ dân gian là đỉnh của đỉnh, thế thì lo cho hoa hậu một cách toàn tâm toàn ý, lo đến quên cả thân mình cũng chả có gì sai.

Ngọc Trinh tuyệt ở chỗ biết căn dặn chị em muốn được lo phải đừng tỏ ra mình giỏi. Trời ơi, lời dặn dò ấy mới thông minh làm sao, nếu không phải hoa hậu có trí tuệ siêu phàm chắc chắn không thể nghĩ ra được. Bởi Ngọc Trinh biết quá rõ lũ đàn ông. Chúng có một khoái cảm vô bờ khi cảm thấy mình trở thành kẻ mạnh mẽ, che chở, đùm bọc. Mà tự cổ chí kim, có ai che chở tiến sĩ, có ai che chở giáo sư, có ai che chở giám đốc hoặc chủ tịch hội đồng quản trị? Phải che chở nữ sinh, phải che chở cô thiếu nữ ngây thơ ngơ ngác, mắt đen láy và mở to tròn mới đúng luật.

Tiếp xúc với gái ngốc, hay theo lời Ngọc Trinh, gái không giỏi mới hạnh phúc làm sao. Hơi một tý là chúng nép vào ta, cái gì chúng cũng nhờ ta giảng giải, vật nào cũng muốn ta mua giúp. Gái ngốc chả biết ai già hay ai trẻ, ai có vợ hay ai còn trai tráng, càng chả biết tiền của đàn ông từ trên trời rơi xuống hay lao động khổ sai mà có. Gái ngốc cũng chả biết đắt rẻ thế nào, đòi mua túi xách LV mà cứ giản đơn như đòi mua cái kẹo, khiến ta vừa rút tiền ra vừa mê mẩn.

Xét ra, những cô nàng kém thông minh nhất là những cô cả cuộc đời cứ học quần quật, không biết phấn son là gì, không biết trang điểm là gì, xa lạ với váy ngắn hoặc mái tóc đen mượt óng ả, cả đời chỉ đầu bù tóc rối hoặc đeo kính cận dày cộp, nhìn đâu cũng thấy những vấn đề của thế giới chứ không thấy nổi vấn đề của bản thân mình và vừa khó tính, vừa cau có lại vừa khô khan. Những gái như thế đàn ông lo làm gì và lo cái gì? Chả lẽ lại mua tặng từ điển, mua tặng giẻ lau kính?

Hỡi đàn bà, khôn hồn thì thông minh cũng phải giấu đi. Muốn được đàn ông chăm sóc, lo lắng hoặc mua nhà mua xe thì phải khờ dại, phải chớp chớp mắt, phải như Xuân Diệu đã viết “Chỉ biết yêu thôi chả biết gì”!

Cám ơn Ngọc Trinh. Với tư cách là đương kim hoa hậu quốc tế tại Mỹ (rõ ràng là hơn hẳn nếu tại Ma rốc hoặc tại Campuchia) ở chỗ đã khẳng định một chân lý mà xưa nay một vài đứa còn nghi ngờ. Với tuyên bố của mình, Ngọc Trinh đã đập tan những luận điệu có tính tuyên truyền lừa bịp, cho rằng với nhân loại nói chung và phụ nữ nói riêng, kiến thức là điều rất quan trọng. Thực ra, kẻ có trí tuệ chính là kẻ tỏ ra ngốc một cách sâu sắc và toàn diện!

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/ngoc-trinh-giaoducnetvn2.jpg

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/ngoc-trinh-giaoducnetvn.jpg

(Lê Hoàng - Báo Giáo dục online)

Lotus
06-27-2012, 04:16 AM
Cuộc thi hoa hậu bên Mỹ đó nghe nói là do cán bộ chính phủ CHXHCNVN thuê một kiêù bào làm và và kêu con em kiêù bào tham gia.

Cô NT này ở VN . Săp´tơí đây, cô Trinh này lại qua Mỹ để trao vương miện .

http://vn.thegioisao.yahoo.com/news/ng%E1%BB%8Dc-trinh-t%E1%BB%B1-tay-b%C3%B3c-m%E1%BA%BD-%E1%BA%A3nh-nude-073609034.html

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=404609

http://www.eva.vn/lang-sao/ngoc-trinh-co-bi-tuoc-vuong-mien-vi-anh-nude-c20a76926.html

... Valérie Bègue Miss France 2008 thì sẽ thấy sau khi đăng quang hoa hậu Pháp,Ban tổ chức tìm thấy một vài cái hình của cô này không đứng đắn lắm, nó chỉ Hot chưa bằng một phần mười nếu đem so với cả lô cả lố nhưng tấm hình gần như là hình khiêu dâm của hoa hạu Việt. Vậy mà cô hoa hậu Pháp này đã bị truất quyền không được đại diện cho nước Pháp đi dự bất cứ cuộc thi hoa hậu nào ở nước ngoài . Pháp là một nước rất tự do về văn hoá cởi truồng nhưng chỉ giới hạn trong những nơi được phép. Đến Pháp bạn có thể di xem những vũ đoàn danh tiếng chuyên trình diển các màn vũ rất nghệ thuật với hàng chục vũ công xinh đẹp ngực trần , xin mách các bạn Hot nhất là Lido và crazy horse, nghệ thuật nhất là Moulin rouge??? những nơi nào khác trình diễn lậu thì tôi không biết . Rất đáng tiếc cho Việt nam, một đất nước mà ông cha mình đã dày công dạy dỗ con cái phải sống cho nên người đàng hoàng tử tế thì nay đã… than ôi ! !!!

http://tintuc24h.info/tin-hay-trong-ngay

Diane Trần và câu chuyện cạp đất của Ngọc Trinh :

http://tintuc24h.info/tin-hay-trong-ngay/diane-tran-va-cau-chuyen-cap-dat-cua-ngoc-trinh

caytoi
06-28-2012, 12:17 AM
Kính bác Lotus,

Em copy và paste bài viết của Lê Hoàng vì em thấy ông ấy viết tếu, em vừa đọc vừa cười chảy cả nước mắt (có lẽ do em vô duyên); nhưng quả thực em thấy bài viết hài hước, vui nên pót vào đây để mọi người đọc giải trí ....cười cho vui thôi ạ.:)).

caytoi
07-12-2012, 09:28 PM
http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/602455_10151017170768948_1741221104_n.jpg

caytoi
10-01-2012, 09:23 PM
Top 5 Siêu mẫu Việt công khai bồ già tỷ phú


Không chỉ gây choáng khi bất ngờ xuất hiện với gương mặt lộ rõ vết tích 'dao kéo', top 5 Siêu mẫu Việt Nam 2011 Vũ Hoàng Việt còn gây sốc khi tự tin công khai chuyện mình đang trở thành 'phi công trẻ lái máy bay' U60.
Vũ Hoàng Việt (tên khác là Vũ Đăng Việt) hiện là sinh viên trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, sinh năm 1989, cao 1,87m với số đo hình thể 100-76-100. Tuy chưa phải là gương mặt mẫu nam đình đám, nhưng trong làng thời trang, Vũ Hoàng Việt khá quen mặt.


Với lợi thế về chiều cao và số đo hình thể chuẩn, tại cuộc thi Siêu mẫu 2010, Vũ Hoàng Việt lọt vào top 10 chung cuộc. Đạt kết quả không như mong đợi, nhưng Vũ Hoàng Việt không nản chí. Suốt một năm, anh chăm chỉ tập luyện hình thể và trau dồi kỹ năng diễn xuất. Tại Siêu mẫu 2011, Vũ Hoàng Việt thể hiện rõ sự tiến bộ qua từng vòng thi, kết quả anh lọt vào top 5 và đoạt giải Siêu mẫu Phong cách.

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/v.jpg

Vẫn chưa hài lòng với những thành tích đạt được trong nghề, chàng trai có chiều cao 1m87 quyết định tiếp tục ghi danh vào cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2012. Liều lĩnh lần thứ 3 ghi danh thi Siêu mẫu, Vũ Hoàng Việt có vẻ tự làm mình “mất giá”, bởi anh đã không được ban giám khảo chọn tham gia vòng chung kết diễn ra vào tháng 6 vừa qua.


Bất ngờ “trắng tay” tại Siêu mẫu Việt Nam 2012, Vũ Hoàng Việt “mất tích” trên sàn diễn thời trang và nhiều sự kiện giải trí trong giới showbiz ngay sau cuộc thi kết thúc.

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/6-hoang-viet-2_resize.jpg
Tuy nhiên, tại buổi tiệc kỷ niệm 5 năm thành lập trung tâm chăm sóc sắc đẹp Angel Beuty diễn ra hôm qua tại TP.HCM, top 5 Siêu mẫu Việt Nam 2011 bất ngờ tái xuất khiến nhiều người choáng váng.

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/-00_06.jpg

Hầu hết mọi người có mặt tại sự kiện không nhận ra nam người mẫu điển trai này là top 5 Siêu mẫu Việt Nam 2011 Vũ Hoàng Việt, bởi gương mặt anh trông quá lạ lẫm so với khi tham dự Siêu mẫu Việt Nam 2012 vừa tổ chức tháng 6 năm nay.

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/-00_07.jpg


Đường nét trên gương mặt của Vũ Hoàng Việt thay đổi hoàn toàn

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/b_1.jpg





So với lúc đang thi Siêu mẫu Việt Nam 2012 (trái) và hiện tại, Vũ Hoàng Việt hoàn toàn khác hẳn chỉ sau hơn 3 tháng "mất tích"

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/b_3.jpg

Ngoại hình khác lạ của Vũ Hoàng Việt được cho là vừa trải qua một cuộc "đại trùng tu dao kéo". Tuy nhiên, họ Vũ không khẳng định, cũng chẳng phủ nhận việc mình có nhờ cậy tới bàn tay bác sĩ hay không. Nam người mẫu sinh năm 1989 chỉ cười cho biết, nếu "dao kéo" giúp mình đẹp hơn, tốt hơn thì không có gì khiến anh ngại.

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/-00_09.jpg

Chưa khiến bạn bè choáng váng khi tái xuất với gương mặt khác lạ, Vũ Hoàng Việt còn tạo sự tò mò khi suốt sự kiện anh luôn tay trong tay tình cứ với một người phụ nữ lớn tuổi.
Hầu hết người quan tâm đều nghĩ người phụ nữ này có mối quan hệ thân thiết trong gia đình với nam người mẫu trẻ, thậm chí đây có thể chính là mẹ của Vũ Hoàng Việt. Tuy nhiên, mọi suy nghĩ và dự đoán đều không chính xác khi top 5 Siêu mẫu Việt Nam thú nhận với phóng viên Xzone, người phụ nữ đi cùng anh chính là người phụ nữ anh đang yêu thương.

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/-00_11.jpg

Vũ Hoàng Việt tự tin công khai chuyện mình đang trở thành "phi công trẻ" trong mối tình này. Top 5 Siêu mẫu Việt Nam cho biết, anh không quan tâm đến những lời dèm pha hay ý kiến trái chiều từ người khác, bởi với anh, tình yêu không phân biệt tuổi tác.

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/-00_10.jpg

Vũ Hoàng Việt chia sẻ, người yêu của anh hiện là một tỷ phú người Mỹ gốc Việt. Người phụ nữ tỷ phú này là một doanh nhân nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực mua bán bất động sản.
Chàng người mẫu sinh năm 1989 cho biết, anh và người yêu quen nhau qua một người bạn, chuyện tình bắt đầu cách đây vài tháng và hiện tại anh đang rất hạnh phúc bên bạn gái.


http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/-00_13.jpg

Nhất định không nói tuổi của người yêu, Vũ Hoàng Việt chỉ công khai đó là "tình yêu đích thực đời mình". Với Vũ Hoàng Việt, chuyện "phi công trẻ lái máy bay bà già" đã không còn mới mẻ trong xã hội hiện đại, nên anh hoàn toàn tự tin nuôi dưỡng và duy trì cuộc tình "vượt tuổi" này.

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/-00_04.jpg


Người mẫu 23 tuổi thú nhận, từ khi có người yêu, anh thấy mình chín chắn và sống có trách nhiệm hơn với bản thân và gia đình. Riêng về dự án nghệ thuật, Vũ Hoàng Việt bật mí, cuối năm nay anh sẽ tham gia nhiều dự án hoành tráng.

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/-00_16.jpg




Vũ Hoàng Việt và người yêu luôn kề cạnh nhau suốt sự kiện


http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/-00_17.jpg




Nam người mẫu trẻ không ngại chăm sóc người yêu mọi lúc, mọi nơi.


Hà Nhuận Nam (Xzone/TTTĐ)
http://xzone.vn/Web/77/482/89497/Top-5-Sieu-mau-Viet-cong-khai-bo-gia-ty-phu.html
(http://xzone.vn/Web/77/482/89497/Top-5-Sieu-mau-Viet-cong-khai-bo-gia-ty-phu.html)

THÔNG TIN NGOÀI LỀ VỀ BÀ TỶ PHÚ

http://i3.photobucket.com/albums/y79/caytoi/2012/17102011115734696.jpg

Yvonne Thúy Hoàng là triệu phú ngành công nghiệp thời trang ở Holliwood
Đứng vị trí 500 trong CLB triệu phú Mĩ
Chị Yvonne Thúy Hoàng là triệu phú đầu tiên của quận Cam California, và là người phụ nữ đầu tiên của Đông Nam Á được Mĩ công nhận là triệu phú
Với một mong ước cháy bỏng là có cơ hội trở lại quê hương giúp đồng bào Việt Nam thay đổi cuộc sống, chị Yvonne đã gặp được Terry Lacore và chính thức đưa bHIP về Việt Nam.
Cùng với sự hỗ trợ của đội ngũ Leader Việt Nam với hơn 400 năm kinh nghiệm tổng cộng sẽ giúp bạn đạt được điều bạn muốn:

Bài viết gốc tại: http://www.vnecon.vn/showthread.php?t=82278&page=1#ixzz286yNjDJo

chăn trâu
10-04-2012, 09:32 PM
Ngưỡng mộ!Ngưỡng mộ!

Chào chủ nhà Caytoi