PDA

View Full Version : Thông số



chuongd
03-28-2015, 09:08 AM
Thông số

Đứng trước thang máy, ngần ngừ không biết người đứng trước đã bấm nút máy hay chưa thì người đó quay lại, hỏi luôn:
- Chú đến có việc gì ...hay đi học?
- Đi học thì sao ..?. Tôi nói theo lối giỡn vui
- Tốt quá chứ!...
- Sao lâu quá không thấy..?

Cô sinh viên cho biết là sẽ trình luận án tiến sĩ vào tháng 11 tới. Rồi cô kể một hơi - dĩ nhiên, đôi khi cũng do tôi hỏi thêm cho biết thêm chi tiết - là hồi biết tôi trước kia là lúc sắp lấy Cử nhân. Theo học môn hóa, đề tài nghiên cứu về chất Polymer (khi nói đến chữ này, sợ tôi không hiểu, cô ấy có giải thích một lúc).

- Lúc này, sao thấy ít người Việt quá (ý của cô là ít thấy sinh viên người Việt)

- Trước, khi vào nhà ăn sinh viên ...thấy ít ra cũng 2(3) người. Bây giờ thấy như sinh viên Tàu khá nhiều.

Không biết vì lý do đó hay nào khác mà Đại học Blindern (Oslo) có dự định thâu học phí sinh viên. Nếu việc này xảy ra, chỉ sinh viên Phi Châu là gặp khó khăn.

- Học một lèo như cô cũng hay ...

- Cháu còn một cái hay nữa là ...đã có 2 con rồi. Mấy đứa bạn cùng học, khi gặp lại, không ngờ đã đi trước chúng về việc lập gia đình ..hoặc hơn những đứa mới có một con

Cô sinh viên này, bây giờ là giáo viên (chắc dạy môn hóa) rồi ...và đi học được tài trợ (không biết của trường nơi cô ta dạy, hoặc tại một công ty cô có làm thêm). Học môn hóa nhưng tính tình vui vẻ, cởi mở. Khi nói về việc bơm chất thí nghiệm vào loại cá, có thân hình nhìn xuyên qua được, cô ta dùng nguyên tiếng Na Uy và hỏi tôi tiếng Việt là gì. Hỏi trực tiếp. Không giải thích loanh quanh, dù bằng tiếng Na Uy...và không tỏ mắc cỡ khi không nói được chữ đó bằng tiếng Việt.

- Tiếp tục việc nghiên cứu sau bằng tiến sĩ cũng hay ...nhưng việc này có nhiều khó khăn. Công trình nghiên cứu toán học, có khi mất mấy chục năm mà chẳng có gì.

- Dễ hơn ngày trước nhiều ...vì khi tính toán đã có những phương tiện trợ giúp, chẳng hạn, như máy điện toán ..v..v..

- Có lần tôi đọc được rằng, có người nghiên cứu về thiên văn mà sau 2(30) năm, cũng chẳng thấy đúng như thuyết mà mình đã dự đoán.

- Đúng thế ...hơn nữa, cháu cần làm gì đó để bù lại công sức của chồng đã hỗ trợ cho cháu lâu nay.

Theo cô, anh chồng học có vẻ khỏe hơn việc học của cô. Học xong cử nhân môn hóa, anh ta học thêm này khác và đi làm thêm ...để có kinh nghiệm ..rồi lập gia đình. Còn cô, vừa học vừa có con ...và chỉ học. Không biết gì khác.

- Hình như chú thuộc kháng chiến ..phải không?

- Cô giỏi tiếng Việt ..cô đoán giùm luôn nghĩa chữ này là gì?

- Chịu ...khi học, khi làm, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau ...nên cũng muốn cái đầu được thoải mái.

- Có nghĩa là "khiến chán" đó!...

Cô miên man nhắc lại chuyện cũ. Nào là cùng anh chàng tên ....làm MC cho buổi tổ chức tất niên sinh viên, nhưng cũng vì mãi mê việc học nên không chấp nhận cùng sinh hoạt với nhóm của chúng tôi. Hội Vinof (1)

- Sau cấp tiến sĩ chắc cũng chẳng làm được gì hơn. Lâu nay cháu đã bị tù rồi ...

- Tù ..? tôi hơi ngạc nhiên, vì có thể nào, cô này vì một sơ suất gì đó ...nên đã ...

- Không ..cháu muốn nói là đã có gia đình, có chồng và hai con.

Đến đây, tôi mới hiểu ra. Lúc nãy, khi cô ấy hỏi tôi có trong tổ chức nào đó ..tôi có nói với cô ấy theo kiểu của tôi. Đại khái là, dù không còn thân nhân ở VN - chứ đừng nói kẻ còn anh em, cha mẹ ở VN - nhưng cảm thấy giúp được gì cho họ, mình cứ giúp theo cách mình có thể làm được. Bây giờ, cô ta, vừa nói tình thật và cũng có thể nói theo cách riêng của cô; giải thích việc không thể đứng vào một hoạt động của một nhóm, một tổ chức nào đó.

Khi đã chia tay, tôi thầm nghĩ, ai cũng có hoàn cảnh riêng, cũng loay hoay trong một khuôn khổ nào đó (đi học, làm việc, có gia đình ..v..v..) thì có ai lo cho việc chung. Nếu còn có thời gian trao đổi nhiều hơn, tôi sẽ nói rõ tại sao tôi lại vẫn còn đi học. Tôi sẽ kết hai việc sau làm một. Đó là đi học để có thêm kiến thức ...và có kiến thức để may ra, tôi kiếm được một thông số cho bài toán chính trị thời sự hiện nay tại nước nhà. Nhưng không chỉ kiếm mà dấn thân hoạt động theo đường hướng đã tìm ra được.

Người nghiên cứu toán học, nghiên cứu về chính trị, xã hội học, có khi mất gần cả đời người mà vẫn không tìm được đáp số cho lý thuyết của họ. Nếu tôi, rốt cuộc, dành khoản đời còn lại tìm một thông số để giải đáp vấn nạn của đất nước, mà chẳng tìm ra được phương cách tốt nhất; điều đó cũng cam chịu, chứ chẳng thấy có gì buồn phiền, hối tiếc.

Nhưng ...lại chữ nhưng ở đây là, một cá nhân, trong hạn hẹp của người đó, không hoàn thành sứ mệnh của mình, vẫn có thể trao truyền việc đó cho lớp kế tiếp. Lớp này, có thể chính là con em mình hay nói chung là thế hệ tiếp nối. Ai làm được điều này đều đáng được khen. Chẳng hạn, gần đây, trên trang mạng, nghe đâu ông Nguyễn Đình Thắng (làm việc trong nhóm BOAT people trước kia) đã (hay sẽ) tổ chức các lớp huấn luyện cho thanh niên về việc gầy dựng các hoạt động chung cho tập thể và về tinh thần lãnh đạo.

Lại chữ nhưng ... Nếu đường lối đó không có mục tiêu trong sáng và vì lợi ích cộng đồng, liệu chúng ta có nên ủng hộ hay không?. Nói rõ hơn, nếu tập hợp của ông này, chỉ mong làm chuyện "hòa hợp, hòa giải" theo lối "cố đấm ăn xôi" (ai chỉ trích cũng chẳng sao, miễn là, khi được bắt tay với kẻ thù của toàn dân rồi, có chút quyền và lợi là đủ)...vậy có nên giữ nguyên tình trạng hiện nay không? Nghĩa là không hoàn toàn ủng hộ việc gầy dựng một tập hợp như ông Thắng đã có ý định đó. Đừng hỏi ai là "kẻ thù" ở đây, vì Việt Cộng làm tay sai hay bán đất, bán đảo để duy trì quyền lợi của đảng CS là đã phản bội tổ quốc, là kẻ thù của toàn dân.

Việc đi tìm một thông số cho bài toán chính trị hiện nay tại đất nước VN rõ ràng không phải là một đề tài dễ, như mọi người lâu nay đã cảm nhận.


PQ
Oslo 28.03.2015
10:59



Ghi chú:
(1)
www.vinof.no

chuongd
04-02-2015, 07:46 AM
Đánh đu với quỉ


Một sáng bình thường như mọi hôm. Nhưng, tôi có thể nhớ ngày 01.04 hôm nay hơn những ngày tháng 4 khác. Ngày 30.04 của năm 75 nay đã bốn chục năm rồi. Ngày hôm nay của tháng 04 biết đâu sẽ là những ngày không hay của những tháng năm sau này. Bởi hôm nay, tôi đã đánh đu với quỉ.

Mở máy, vào Yahoo không được, bởi trục trặc do nơi đánh sai mật khẩu. Sau nhiều lần thử, tôi biết ra trục trặc do thói quen của mình. Một lần trước đây, tôi điền mật khẩu mà không để ý dấu "v" ở phần "tick box". Khi làm việc vô tình này, mật khẩu chỉ được sử dụng trong thời gian nhất định nào đó.

Sau thời gian đó, phải chọn mật khẩu khác. Cứ thay đổi liên miên, đến lúc không còn nhớ mật khẩu nào là của lần cuối. Và vì làm thế nhiều lần, nên Yahoo dành cho tôi việc làm mật khẩu mới, bằng cách sử dụng các địa chỉ email của của tôi.

Các địa chỉ email của tôi khi được Yahoo đưa ra toàn loại củ rích; không dùng được. Thế là đành liên lạc với Yahoo, nhờ giúp đỡ để làm mật khẩu mới, bằng cách nối kết qua trang mạng vi tính.

Thời gian chờ rất lâu. Hôm nay, tuy là ngày cuối để mọi người nghỉ làm việc, nhân lễ Phục sinh ngày mai; nhưng chưa chắc mọi người đều ở tại nơi làm việc đúng nghĩa của nó. Nói thế, vì tuy có mặt tại văn phòng, họ bận những chuyện khác nhiều hơn. Nhất là dịch vụ giúp đỡ khách hàng của một đơn vị dịch vụ có tính toàn cầu như Yahoo.

Trong thời gian chờ đợi, tôi vào máy khác để xem tin tức. Đến khi xem lại, người phục vụ vào máy và đã nhắn tin đến tôi 3 lần. Không thấy trả lời nên họ rời máy, để trả lời cho những khách hàng khác.

Tôi đành phải vào máy, làm một lần nữa dịch vụ xin được giúp đỡ, chỉnh lại việc làm mật khẩu.
Vừa ăn sáng (hơi trễ) vừa để mắt theo dõi màn hình.

Màn hình không còn sóng lăn tăn (biểu thị việc liên lạc vẫn còn tiếp diễn) ...và có điện thoại reo.

Mừng quá! ...tôi bốc máy ngay. Mọi việc sau đó lôi tôi theo như phải chạy theo một "con quỉ". Đầu giây giới thiệu tên, giới thiệu cơ quan gọi đến là của công ty Microsoft. Rồi nói tôi vào trang nào đó để biết xem tình trạng máy tôi bị nhiễm virus ra sao. Sau khi tôi được nhìn thấy các dấu hiệu mà họ đưa ra trên mạng, họ nói họ gọi là để giúp tôi điều chỉnh tình trạng đó. Đã vậy, tôi còn được tự mình đánh vào một trang nào đó trên mạng, cho biết rằng, phụ liệu giúp đỡ đó là "cá nhân" và "miễn phí".

Miễn phí mà không làm ngay chắc quá uổng!. Những người đi xem phim (phải trả tiền) mà còn xếp hàng từ hôm trước. Họ dựng lều trước rạp hát để được ưu tiên vào mua vé trước. Những khách hàng của các siêu thị lớn, bán giá thật rẻ cho một số người vào tiệm trước tiên, nên cũng đã tạo một cảnh tượng giành giựt ghê hồn. Khách hàng đạp lên nhau để vào kiếm những vật dụng họ định mua. Đành này, mình ngồi nhà, lại được "miễn phí", lại có thể tránh khỏi tình trạng hỏng hóc đến có thể bỏ luôn 4 cái máy vi tính trong nhà (trong đó có iPad), ai mà không chạy theo sự miễn phí này cho bằng được.

Đến khi người "ảo" bên kia mạng nói rằng, dịch vụ giúp đỡ này phải được trả bằng một giá tiền nào đó. Điều này khiến người nghe không "care" (quan tâm). Giá cả phải chăng. Việc bảo đảm không bị virus phá máy trong 10 năm chỉ khoảng 800 Kr (khoảng 120 đô) và nếu mắc, chỉ mắc hơn một chương trình bảo đảm chống virus (Norton chẳng hạn), vài chục đến chừng trăm đồng tiền Na Uy.

Dĩ nhiên, trả tiền qua mạng. Điều này tôi đã gần như đã mắc phải trong năm trước. Họ cũng làm công việc tương tự. Nhưng lần này, bọn gian láu cá hơn nhiều. Họ đã dùng trang Google để đánh ra yêu cầu của họ, vì e rằng, có thể khách hàng từ Na Uy, không hiểu tiếng Anh rốt ráo, có thể xem qua phần dịch ra tiếng Na Uy mà làm đúng theo ý của họ. Nhóm gian lần trước, cũng nói tôi cho chi tiết trong thẻ ngân hàng. Nhưng khi hỏi tôi về con số có tên là "con số kiểm soát" (controll number), tôi không rành nên cho lung tung. Lần này, chúng như đứng bên cạnh, nói tôi ghi cho chúng con số đó. Nói là "như đứng bên cạnh" vì nãy giờ, những trao đổi (hướng dẫn) từ phía bên kia, diễn ra cứ như họ đứng bên cạnh mà dẫn tôi đi từng bước.

Trong thời gian này, vợ tôi bắt đầu để ý đến việc tôi làm, bởi có lúc tôi to tiếng khi nói vào điện thoại (nghe bên kia không được rõ). Năm rồi, sau khi rời máy vi tính, tôi được điện thoại từ ngân hàng cho biết, tôi sắp bị kẻ gian lừa, qua việc trả tiền qua băng, cùng một dịch vụ tương tự, nên họ đã khóa trương mục của tôi. Vì thế, vợ tôi cất tiếng can ngăn. Sự căn ngăn diễn ra nhiều lần, đến nỗi bên kia hoài nghi có thể bị theo dõi trên mạng sao đó, nên còn hỏi tôi là có sống cùng với người nào trong gia đình không.

Sau khi sự việc xảy ra, tôi liên kết điều này với những sự can ngăn của nhiều người trong xã hội "mạng", trong sinh hoạt thời sự của người Việt ở nước ngoài. Ông Ngô Thanh Hải, bên Canada, làm dự luật tưởng niệm ngày 30.04.1975 mà lấy tên "Ngày hành trình đến tự do" bị phản đối mạnh mẽ. Ông Nguyễn Đình Thắng, ở Washington, tổ chức ngày vinh danh, tưởng niệm cũng lấy tên tương tự. Trong Cộng đồng người Việt, những bài lên mạng công kích dữ dội. Nhưng, họ vì say máu nên cứ làm!. "Say máu" ở đây có nhiều nguyên do. Vì ham chức danh, vì quyền lợi tiền bạc ..và vân vân ....

Phần tôi, chẳng "say máu" gì cả!. Chỉ vì sợ hư các máy tính trong nhà, nên cứ thong thả cho chúng các dữ kiện trong thẻ ngân hàng của mình. Tôi nghĩ, chúng đã ghi rõ số tiền mình phải trả cho chúng, lên trang trả tiền Forex, vì dịch vụ chúng đã làm cho mình; nếu bị gạt, mình mất vài trăm có đáng là bao! Ai ngờ, tuy đưa lên trang mạng cho mình thấy có chừng 800 Kr, nhưng trên thực tế nó đã lấy mình mất một số tiền gấp 4 lần con số đó. May là trương mục của tôi chia làm 2 phần, do trước đây đã sát nhập từ hai ngân hàng khác nhau làm một, nên sự mất mát không là bao. Nếu trương mục chỉ là một, coi như tôi tiêu tan sự nghiệp rồi!...

Nếu sự việc lỡ dĩ xảy ra như thế, khổ cho riêng tôi đã đành, mà vợ con còn phải chịu khổ lây. Tiền dành dụm của một gia đình còn có lúc chắt chiu kiếm lại được. Nhưng cơ nghiệp của một đất nước, nếu đã mất đi ...đâu dễ dàng kiếm tìm lại được.

Lý lịch bọn CS ở Việt Nam, từ đầu đảng là Hồ Chí Minh, đã là một căn cước giả. Dù rằng, HCM không phải là Hồ Quang của Tàu giả dạng chẳng hạn, việc kết ước của ông này là sẽ sẵn sàng nhượng đất, và làm mọi cách để trả công sự giúp đỡ của Tàu Cộng, đã là một phản bội trắng trợn. Đó là bọn người phản quốc. Thế mà ngày nay, có những người còn mơ hồ đi theo con đường đó, phụ tay cho bọn cầm quyền CS hiện nay, thực hiện nốt Hiệp ước Thành đô, biến Việt Nam thành một quân, huyện của Tàu ...bọn này phải được gọi là bọn phản quốc "ăn theo"!.

Với tụi CS, bản án nào dành cho loại người phản quốc, chúng thực hiện thật dứt khoát. Với người gọi là "Quốc gia", bản án không chỉ là những lời cằn nhằn, mắng mỏ xuông. Tội phản quốc là tội lớn, vì đã bán di sản đất nước của tiền nhân bao đời gây dựng, không thể chỉ được chỉ trích xuông.

Họ -nhóm người mong thực hiện "Hòa hợp, hòa giải" với CS- chạy đuổi theo bánh vẽ của bọn bán nước, vì bất cứ lý do gì, cũng khó có thể có sự đồng cảm. Tôi, chỉ vì 4 cái máy tính, có thể đã mất tiêu số tiền dành dụm của gia đình. Lý do cũng vì tôi chủ quan, tưởng rằng họ chỉ gạt được -nếu được- chỉ có vài trăm đồng trong trương mục. Tôi không thèm nghe lời can gián của vợ tôi. Bọn phản quốc "ăn theo", họ cứ tưởng họ là trí thức, có bằng Tiến, Thạc sĩ, là Thẩm phán, là chuyên viên này khác, là người xin được 150.000 chữ ký nhân một cơ hội căm phẫn của đồng bào...là họ có đủ thẩm quyền để làm bất cứ cái gì. Đó là suy nghĩ của họ.

Phần việc của Cộng đồng là không chỉ nói suông. Việc một anh chàng tên Đoàn Văn Toại, một lần trước đây đã bị bắn bể quai hàm, vì định làm việc "hòa hợp, hòa giải" có lẽ là biện pháp đúng mức; nhất là trong tình hình như hiện nay, bọn cầm quyền CS ráo riết đánh phá Cộng đồng bằng Nghị quyết 36.

Việc đánh đu với quỉ, nếu xảy ra điều tệ hại cho một cá nhân, chỉ cá nhân đó lãnh đủ. Nhưng, bọn lập đảng phái để làm hình thức, chẳng một ngày chống Cộng thật sự, dùng hình thức này để bán đứng tập thể (qua danh nghĩa đảng phái này, đảng phái kia) ...làm việc đánh đu với quỉ, tội đó đáng cho đi gặp quỉ Diêm vương!.


Đặng Quang Chính
Oslo 02.04.2015
15:06

chuongd
05-30-2015, 02:25 PM
Đê hèn


Đê hèn là chữ chỉ tình trạng một người, một tập thể có khả năng vật chất hay tinh thần nhưng vì lý do nào đó, đã không kháng cự (đối kháng, tranh đấu ..) chống lại cá nhân, tập thể khác đã chèn ép, áp bức hay xâm lăng (đất nước) mình.

Đề cập đến chữ này nhằm nói đến thành phần nào?
- Cộng quyền tại VN
Trước năm 1975, chúng nói rằng, sẽ đốt Trường Sơn để đuổi quân xâm lược Mỹ. Nay, vì lẽ gì mà không đốt Trường Sơn để đối kháng lại áp lực của Tàu?.
Đường mòn HCM dùng để xâm nhập miền Nam nay đã thành lộ lớn với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tàu. NẾU có cuộc chiến giữa Tàu và VN, quân đội Tàu dễ dàng triển khai nhanh chóng lực lượng, suốt từ Bắc vào Nam, theo con đường này. Kể cả xe tăng, pháo binh.
Ngoài khơi, Vũng Áng và các đảo Gạc Ma, Chữ Thập ..v..v.. dễ dàng cắt đứt sự liên lạc Hải quân giữa Bắc và Nam Việt Nam.

Tại sao chúng không cản bọn Tàu làm việc này?. Nếu đã bán cho Tàu hay đã vì Tàu mà ngồi được vị trí cai trị đất nước ...nói gì đến chuyện chống lại Tàu.
Nếu không là Thái thú tân thời, nếu không bán ..tại sao không dám chống chúng?...

- Nhóm Ngô Thanh Hải.
Chính ông Hải nói rằng, chúng ta chẳng có gì phải hận CS.

Có người cho rằng, ông Hải đã học bên Tây, trước khi về nước. Cứ cho là ông ấy có thể kiếm được công việc bên đó khi tốt nghiệp rồi, nhưng vì đất nước nên trở về lại nơi chôn nhau cắt rún. Ông ta, như những người khác trong độ tuổi 18- 40, do ảnh hưởng luật Tổng Động viên, phải vào quân trường 6 tháng, để làm quen với đời sống quân sự. Sau đó, vì làm ở các Bộ, ngành chuyên môn, nên ông Hải được biệt phái về nhiệm sở cũ. Vào thời gian trước hay ngay ngày 30.04.75, ông đã cùng gia đình di tản ra nước ngoài. Chẳng đi tù cải tạo, gia đình chẳng phải bị bó buộc đi vùng Kinh tế mới, không bị tịch thu nhà, không có ai trong gia đình đi vượt biên ...nên ông ta phải HẬN ai?. Đó là điều đương nhiên. Nhưng, ông ta không thể đại diện cho tất cả những người tị nạn để nói rằng, CHÚNG TA không có gì phải HẬN người CS.

Còn những "thông dịch viên" của ông ta nói gì khác hơn? (nói là "thông dịch" ý rằng, nói họ đã dịch sai điều ông Hải muốn nói).
Họ nói đại ý trên các Diễn đàn rằng:
* HẬN đã 40 năm nay rồi ...làm gì được CS?
Không làm được nên sẽ "bắt tay" với Cộng quyền hay sao?

Người Tây Tạng, hơn 50 năm nay, dưới sự cai trị sắt máu của Tàu, chưa đặt câu hỏi đó. Họ vẫn kiên trì đòi hỏi độc lập, dù là tự trị. Trong vòng 4(5) năm nay, số người Tậy Tạng tự thiêu để chống lại sự đô hộ của Tàu đã đến con số trên dưới 200 người
Dân Do Thái tái lập đất nước họ như thế nào, phần đông chúng ta đã biết. Nói rõ ở đây hơn là, một trong những cách của họ là khủng bố. Dân Palestin, đang có tranh chấp với Do Thái, cũng dùng khủng bố. Cách họ còn hơn của cả người Do Thái, nên mới có được tình trạng hiện nay.
Dân Liên Sô, từ 1917-1989, mới dẹp bỏ chế độ CS. Thời gian đó hơn 70 năm

Mà chúng có cho "bắt tay" không?. Có lực lượng gì đâu mà chúng cho bắt. Có lực lượng như Taliban bên Afghanistan mà còn chưa được chính quyền hiện nay bên đó chấp nhận. Hai bên còn dùng dằng chưa dứt khoát hợp tác hay nói chuyện với nhau ra sao, chứ đừng nói "bắt tay". Có được làm "tay sai" của chúng thì may ra ...vì không có lực lượng gì cả. Chỉ vài ngoe loe hoe, lâu lâu họp báo, tuyên bố lúc này lúc khác, trái với chủ trương ban đầu của người sáng lập ra đảng. Phận "chim mồi" là cách diễn đạt đúng nhất!.

Nên nhớ là: 40 năm rồi, Cộng đồng hải ngoại không làm gì để lật đổ được Cộng quyền ...nhưng ít ra, những tù nhân lương tâm ở VN, chưa đến nỗi bị mất mạng hay giam giữ vô cớ một cách lâu dài, cũng ít nhiều nhờ sự lên tiếng của người Việt ở hải ngoại. Muốn gì hơn ...đảng Liên Minh Dân chủ của ông Hải cứ tiếp tục tranh đấu hơn nữa. Xin mời!...

* Ba (40)năm nữa, lớp trẻ sẽ quên ngày 30.04.
Đúng!..Quên vì không ai nhắc nhở. Ngài Đạt Đai Lạt Ma, bấy lâu nay, khi du thuyết chổ này chổ khác, đều nhắc đến tình trạng Tây Tạng bị Tàu xâm chiếm.

Phải hận Cộng quyền (một dạng tay sai của Tàu cộng) như Lê Lợi mười năm kháng chiến chống Minh, nằm gai nếm mật, mới đuổi được giặc Tàu ra khỏi bờ cõi.
Phải hận bọn Pháp đô hộ như Phạm Hồng Thái, ném bom Sa điện. Tiếng nổ đó, vào thời gian đó không làm sụp đổ chế độ thực dân. Nhưng tiếng nổ đó kéo theo những phản kháng khác như Khởi nghĩa Yên Bái ...rồi đến năm 1945 đã làm được sự kết thúc chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam.

Nhưng, nếu nhắc nhở mà không gợi ý đến sự tranh đấu, đòi lại những gì đã mất hay không có ...hoặc nhắc nhở xuông thì dù gọi là "Quốc hận" hay "Ngày hành trình đến tự do" thì có gì là khác nhau?...Vậy, nếu đã không muốn đối kháng với Cộng quyền, đổi tên ngày đáng nhớ của phần lớn dân tị nạn CS để làm gì ...?!.

Như thế, rõ ràng là vì muốn "bắt tay" (theo chiêu bài "hòa hợp hòa giải của Cộng quyền) nên phải tìm cách đổi tên ngày đáng nhớ đó.

Tóm lại, muốn làm phận "tay sai nhỏ" cho "tay sai lớn" (Cộng quyền) để chúng dâng đất nước cho Tàu qua cái gọi là sẽ gia nhập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa của Tàu (trở thành một bang của Tàu, với tên chẳng hạn là Quảng Nam) cứ nói thẳng cho mọi người cùng nghe. Thật ra, về mặt chính trị, có ai làm theo cách này đâu. Dù thế nào, cách "treo đầu vịt bán thịt le le" vẫn còn kiếm được cơm, cháo!!...

Về phần anh "Tay sai lớn" (Cộng quyền), như đã hỏi ở trên, có dám chống Tàu không?
Cũng xin nhắc lại ở đây (như trên) là: đã bán cho Tàu ...hay đã cam chịu phận Thái thú thì còn chống gì nữa?!...

Có người sẽ đặt câu hỏi: lực đâu mà chống chúng?.
Đó là vòng luẩn quẩn một cách khôi hài. Nó na ná như lối: muốn có tự do mà chỉ ngữa tay xin. Hoặc muốn ăn trứng mà không cần lột vỏ ..hay đập trứng cho bể ra vậy!

Nói chuyện vui ở đây mà đó là sự thật. Nếu Tàu dùng 30(40) sư đoàn để diệt 10 sư đoàn của chính quyền VN hiện tại ...rồi chúng sẽ làm gì?. Sẽ cai trị trực tiếp như thời Tây Tạng?!.. Bỏ qua đi Tám. Thời Tây Tạng cách nay 50 (60) năm rồi. Bây giờ, trong thế toàn cầu hóa ngày nay, việc không dễ như thế đâu. Hơn nữa, còn 70(80) triệu người dân Việt, chắc sẽ nằm êm chờ Tàu cho ăn đậu phụ?...
Sức mạnh của toàn dân là kho vàng ròng của một chính phủ thật sự do dân mà ra. Khi chính quyền và toàn dân là một khối, sức mạnh của kho tàng đó, trong vài trường hợp, là vô tận. Chúng đã đốt được Trường Sơn trước kia, nay sao không thể làm việc đó?!!...

Câu trả lời đơn giản là chúng không cần sử dụng việc khai thác kho tàng nơi sức mạnh của toàn dân. Chúng đã nhận được vàng, đô la nơi "ông Thầy" của chúng rồi. Cái đó không những là thực tế gần cho chúng mà chúng còn được hưởng cái thú cai trị, "ăn trên ngồi chốc" trên đầu toàn dân, trong vị thế là một Thái thú tân thời!.

Chúng có thể chống đối lại bọn Tàu, nhưng vì tiền và địa vị, nên chúng không có phản ứng nào khác hơn. Nhưng, chúng né tránh, làm như lúc nào cũng vì dân vì nước. Thái độ này phù hợp với cách diễn đạt "đê hèn" (tàu của Tàu gọi là tàu "lạ" và không dám kỷ niệm các chiến sĩ đã chiến đấu chống Tàu cộng năm 1979).
Bất cứ ai lại muốn làm "tay sai nhỏ" của bọn đê hèn đó càng xứng đáng nhận lãnh hai chữ "Đê hèn" hơn ai hết!


Đặng Quang Chính
30.05.2015

chuongd
06-21-2015, 12:05 AM
Nhân tiện ...


Cộng đồng VN, trong vòng năm nay đã xảy ra vài chuyện khiến dư luận sôi nổi tranh cãi. Nhân tiện tôi có vài cảm tưởng. Nói "Cảm tưởng" không chỉ là cảm giác mà ở đây, riêng tôi còn là một điều gì có sự nhận thức dựa trên những dữ kiện thực tế.

Đầu tiên là vụ kiện giữa báo Sàigon nhỏ và Việt báo. Chưa nói đúng sai ở đây. Chỉ giả dụ rằng, nếu một trong hai tờ báo đó "chết", như vậy, tờ còn lại sẽ ở thế độc quyền. Trên mạng, có người đề nghị sẽ ra một tờ báo khác tính quốc gia hơn...và đề nghị ủng hộ một người tên là Đặng Văn Âu sẽ là chủ nhiệm tờ báo "tương lai" đó. Đề nghị biến mất, không thấy tăm hơi!

Vụ "Hành trình đến tự do". Đâu phải mọi người trong Cộng đồng đều rảnh, dư hơi "phản pháo" chuyện tầm phào. Đâu phải bị rắn cắn một lần, bây giờ thấy sợi dây thừng cũng tưởng là rắn (vụ thay tên ngày Quốc Hận đã có ít nhất 2 trường hợp như thế đã xảy ra). Nhưng, mọi người lên tiếng về sự việc đổi tên đó, bởi theo họ đó là hệ quả của một chuỗi những sự kiện xảy ra mà chúng có sự liên kết rất chặt chẽ (1). Sự liên hệ giữa các sự kiện đó khiến người ta cho đó là một âm mưu có tính toán.

Một tính toán khác xảy ra sau đó lại càng khiến nhiều người cho đó là mưu toan không có lợi cho Cộng đồng. Đó là việc tổ chức vào ngày 19.06 một buổi vinh danh và tri ân, với tên gọi "Hành trình đến tự do của chúng ta", do ông Nguyễn Đình Thắng tổ chức tại Mỹ.

Kẻ bênh người chống, ai cũng có lý lẽ của riêng mình. Nhưng, theo thiển ý, có lẽ cả hai đã vô tình đi vào lối "phân tích" mà quên sự tổng hợp. Nói đúng hơn, tuy có tổng hợp, nhưng việc làm đó như là sự tổng hợp của những điều được cộng lại, không nói lên được tinh thần chung của sự việc. Có thể lấy ví dụ là, hai khúc cây cộng thêm hai khúc cây khác là 4; chứ không cho người khác biết đó là 4 khúc cây mục ruỗng ..hay còn tốt...và vân vân .v.v.. Sự phân tích chẻ ra đến nỗi đôi khi gây nơi người đọc sự phân vân và sự phân vân đó thường đem lại cho người đọc một sự thất vọng. ...vì sự tranh cãi không đưa đến một kết luận nào. Nói rõ hơn, không đưa đến một hành động có lợi ích cụ thể trong thực tế.

Điều vừa nói trên được dẫn chứng bởi sự kiện Điếu Cày. Bây giờ, qua thực tế, nhận thức lúc đó có thể đã đổi khác. Chứ khi có bài viết, theo phân tích của tác giả bài viết đó, Điếu Cày qua một clip video, có vẻ như dị ứng với lá cờ của chính quyền miền Nam trước năm 75. Nếu phải nhấn mạnh về trường hợp Cộng đồng dị ứng với thái độ của Điếu Cày, phải nói đến tin đồn khi Điếu cày còn trong tù ở VN. Nguồn tin nói rằng, vì bệnh sẵn trong người, cộng thêm cách đối xử tù nhân không đúng cách, Điếu Cày đã bị đưa đến nhà thương để cắt một bàn tay, vì bệnh đã đến thời kỳ trầm trọng. Trong những lập luận phản đối ông Nghị sĩ Hải, cũng có sự chẻ chi tiết các sự kiện không thể kiểm chứng. Ông Hải, trong thời gian vận động, vì Quốc Hội Canada không thuận với nhóm chữ "Back April", ông ta mới kiếm cách thay đổi, để luật có được thuận lợi chấp thuận. Điều này chỉ có ông ta biết (có thật sự làm hay không). Người ngoài không thể suy đoán này khác về điều đó được.

Ai cũng biết, chữ dùng trong câu văn có tính quyết định của nó. Nhưng còn mạch văn nữa. Rồi còn phải lưu ý rằng, nó đã được viết (hay nói) trong trường hợp nào. Và ...khi được nói, nó được phát biểu với thái độ ra sao.

Việc phân tích thái quá đôi khi giống như khuynh hướng chữa bệnh theo khuynh hướng của người phương Tây (nói tắt: đau đâu chữa đó). Còn lối chữa trị phương Đông có tính tổng hợp hơn (có khi đau nơi này lại được trị tại một nơi khác trên thân thể và cho rằng thân tâm có liên hệ mật thiết với nhau).

Trở về cách ủng hộ ông Thắng, có người cho rằng, việc vinh danh hay tri ân là quyền tự do của mỗi người. Điều đó, nói chung chung, nghe cũng được. Nhưng, nói chi tiết, mỗi trường hợp và mức độ được người khác đánh giá hành động đó khác nhau. Anh A bỏ tiền đãi mọi người để vinh danh vợ, con mình là điều không ai cấm cản. Nhưng cũng anh ấy, bỏ tiền để vinh danh ông Trưởng ấp của mình, sẽ được người khác xem điều đó như hành động của một kẻ nịnh bợ. Nói chi đến việc anh A, nhằm ngày giỗ của ông Thành Hoàng của làng, lấy ngày đó để vinh danh ông Huyện nơi mình ở; điều đó có vẻ càng chướng hơn. Dĩ nhiên, anh A cứ tàng tàng làm việc của mình. Chẳng lính lệ nào bắt nhốt tù anh ấy. Nhưng, do mọi người coi khinh trò nịnh bợ không phải lối, sẽ có rất ít người đến dự bữa tiệc đãi ăn của anh A; nếu điều chướng mắt đó được phổ biến rộng rãi đến mọi người.

Ở đây, điều ông Thắng làm có vài điều chướng chướng hơn thế nữa. Phải chi ông lấy ngày sinh nhật của vợ (hay của con) làm ngày vinh danh, tri ân, chắc cũng chẳng ai đá động làm gì (nếu ông Thắng đã làm thế, có lẽ người "đánh" ông ta sẽ nói rằng, việc này không có tính chính danh -rất rõ ràng-). Phải chi ông ấy lấy tên chương trình nghệ thuật (gì đó) của ông ấy là ngày (chẳng hạn): Ngày vinh danh những chiến sĩ Việt-Mỹ đã bỏ mình vì lý tưởng tự do trong cuộc chiến tranh VN, chắc cũng chẳng ai mất thì giờ bàn ra, nói vào. Đằng này, ông ấy lại lấy tên từ một luật mới ra lò tại Canada, cải biên một chút để thành: Cuộc hành trình đến tự do của chúng ta (luật S-219 bên Canada có tên: Ngày hành trình đến tự do). Luật S-219 đã gây nên sóng gió trong Cộng đồng chưa dứt, nay lại có trò tương tự đưa ra, nên tiếng chì tiếng bấc lại nổi lên. Dĩ nhiên, ông ta cứ tàng tàng làm. Và cũng dĩ nhiên, nếu tiếng đồn về việc ông ấy làm điều chướng mắt được phổ biến rộng rãi, người đến xem chương trình văn nghệ (có trả tiền) sẽ giảm đi khá nhiều. Điều này còn tùy thuộc sự phán đoán của khán giả. Nhưng nếu người viết nhớ không lầm, có lần một sô diễn của Đàm Vĩnh Hưng đã bị bãi bỏ, bởi số vé bán trước không đạt mức độ khiến ban tổ chức muốn tiếp tục thực hiện sô trình diễn đó.

Chuyện "treo đầu vịt, bán thịt le le" là chuyện thuờng tình trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay (nhất là ở VN). Bọn con buôn tiếp thị theo lối nào đó miễn là kích thích thị hiếu của người dân là đạt yêu cầu của chúng. Đừng nói đến chuyện đạo đức nơi bọn người này. Nếu nói đến sự trái khóay nơi việc các đoàn làm nghệ thuật như Paris by night, Asia, Vân sơn ..v.v..đưa vào chương trình ca nhạc của mình những vinh danh, tri ân nào đó; việc đấy cũng đã xảy ra (?). Đằng này, một chuyên viên đã từng làm một số việc có ích cho Cộng đồng mà lại làm một việc tương tự như của các đoàn hát, nên có người đã đặt thành vấn đề. Những người này đưa ra những lý do, nhưng ở mức độ nào đó, vô tình đánh giá quá cao vai trò của ông chuyên viên này.

Ở VN, cả xã hội chạy theo kim tiền theo kiểu bất cần đạo đức. Ở nước ngoài, những người chạy theo kiểu đó, chắc cũng không đạo đức gì cao hơn. Chẳng qua, vì một số nguyên tắc, luật lệ đã được ấn định nên cách họ làm có phần bớt thô thiển, dung tục hơn.

Nói qua các điểm như trên vì thấy những chuyện trái khóay đã diễn ra ...và cách góp ý, cũng có đôi điều nghe như cũng trái khóay, nên người viết đặt tựa là "nhân tiện ...". Đúng ra, làm gì cũng nên làm theo lối "đánh rắn phải đập đầu" ...hơn nữa, phải "đập tan từ trứng nước", chứ đâu để làn nhàn, cứ đi chữa lửa hoài. Việc luật S-129, nếu những người chống đối cùng nhau ký thư phản đối từ khi luật chưa được thông qua, có lẽ việc làm đó có ảnh hưởng nhiều hơn. Việc góp ý qua lại này, trong vụ "Cuộc hành trình đến tự do của chúng ta", ai thấy chướng mắt cứ làm. Nhưng, giả dụ, có người, thay vì gợi ý ông GS Nguyễn Xuân Vinh lên tiếng, họ kêu gọi ông Lê Minh Đảo đừng nhận lối vinh danh trái khóay này (một dân sự -tuy là chuyên gia- nhưng chưa phải ở cấp có thể vinh danh một ông tướng -dù rằng đã về hưu-) có lẽ điều này cũng gây một tác động lớn đến quyết định của ông Thắng là có nên tiếp tục sô diễn hay không.


Đặng Quang Chính
21.06.2015
06:43



Ghi chú:
(1) https://sg-mg61.mail.yahoo.com/neo/launch?.rand=02k9947krjdm5
Trích: "...Nếu đứng về phía dân, trước hết, ở hải ngoại, hãy đứng về phía những người bạn đồng chiến tuyến với mình. Trong một thể chế dân chủ, người góp ý là người giúp thêm ý kiến cho việc của mình. Đừng cứ hễ nghe ai góp ý là đội cho họ cái "nón cối". Hãy để bọn CS áp dụng đường lối này. Việc mình làm giờ đây đã hình thành luật S-219. Chuyện này cứ để đó, mình dành thì giờ làm việc khác hay hơn. Đôi co hơn nữa sẽ khiến bàng dân thiên hạ cho mình "có tật giật mình..."!.

chuongd
11-08-2016, 07:07 AM
Về cuộc bầu cử tại Mỹ 2016


Tại Bắc Âu, bây giờ là ngày 07.11.16. Do đó, người dân tại đây (cư dân Việt) vẫn còn có thể bàn xui, tán ngược về cuộc bầu cử tại Mỹ.

Nhiều bài viết của nhiều người, đã được đưa lên Diễn đàn, với những phân tách ưu, khuyết điểm của hai ứng cử viên, Hillary và Trump. Họ nói theo đủ kiểu. Qua bài này, tôi chỉ thêm vào vài nhận xét. Nếu bài viết đem lại chút thú vị cho người đọc, cũng là việc đáng bỏ công để làm.

1) Thành kiến
Nhiều người cứ nói riết thành quen, một ý nghĩ như sau: mọi việc bầu cử tại Mỷ đã được định sẵn bởi một thế lực sau hậu trường. Có người đưa chứng cớ, các cuộc họp của những tay tài phiệt (nhóm tài phiệt) quốc tế. Lần chót tại Thụy Sĩ (thì phải). Hình chụp buổi họp khá rõ, có vợ chồng Clinton ngồi tham dư.

Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhưng, Trump cũng không xa lạ gì với gia đình Clinton. Riêng Trump, nói theo lối thời thượng hiện nay tại VN, cũng là một đại gia có tầm cỡ. Không lẽ Trump hoàn toàn không biết gì về thế lực đó hay sao?

Nếu không biết, chắc ông ta sẽ lãnh "đầu máu" rồi!... Đến giờ, mọi người thấy rất rõ là, không biết thế lực sau lưng (hậu trường) là ai, nhóm nào. Nhưng cứ nhìn đám truyền thông "đánh Trump" thì rõ đó là một thế lực. Sức mạnh của truyền thông. Đó là sức mạnh thứ tư trong một quốc gia, sau hành pháp, lập pháp và tư pháp. Trong công việc kinh doanh của Trump, cũng có những lãnh vực có liên quan đền truyền thông. Nhưng, dù trong tay Trump có một hai tờ báo, một hai hệ thống TV...có thể nào so cựa với số lượng gấp hai (hay hơn thế nữa) như vậy không ?. Nếu thật vậy, ta có thể dùng lối diễn tả của VN như sau, gắn cho Trump là người có "gan cóc tía" (nghiến răng chống trời mà!...). Nếu biết mà cứ làm, quả là "gan ông cóc tía"!

Một câu nói khác đã trở thành quen nơi lỗ tai nhiều người là, Mỹ không ai là bạn, không ai là thù vĩnh viễn.

Chưa nói đến nội dung, chỉ xét qua thực tế, đã thấy câu đó không hoàn toàn đúng. Thật vậy, từ hồi lập quốc đến nay, có bao giờ Mỹ có đường lối tách lập hẳn với Anh, Đức, Pháp...và sau này là Úc (trừ trường hợp có chiến tranh với Đức những năm 1939-1945 và với Đông Đức sau đó).

Về phần nội dung, người nào đưa câu nói đó để viện chứng điều gì đó, theo họ là hợp lý, vì đó là, do họ ứng dụng một cách chung chung. Nói cho cùng, đó là cách nói khác, diễn tả sự xuống dốc về đạo đức của nước Mỹ nói riêng và cả thế giới, nói chung.

Thực tế xảy ra không lâu trước đây, đã chứng minh điều đó. Sau thế chiến thứ hai, trong vai trò kẻ thắng trận, nước Mỹ vào những năm 1945-1965, là một đại cường quốc đúng nghĩa. Mạnh về cả kinh tế và quân sự. Thời đó, người ta còn có lối diễn tả xã hội Mỹ là, thiên đường Mỹ quốc. Người dân đầy đủ về vật chất, tinh thần (sau chiến thắng) rất sung mãn. Trong nước an ninh. Trên thế giới, gần như đâu đâu cũng có đồng minh và các căn cứ của Mỹ (dĩ nhiên, trừ Liên sô và Tàu). Không những thế, Hiệp chủng quốc rất hào phóng. Đổ tiền, qua chương trình Marshall, viện trợ cho Âu Châu và giúp Nhật tái thiết..v..v..

Nói chung là thế. Nhưng, nhìn kỹ vào đất Mỹ, họ lo lắng về sự bành trướng của chủ nghĩa CS, nên điều đó đã đưa tới chủ nghĩa Mccarthyisme. Nghị sĩ Mỹ, Joseph McCarthy, là người có chủ trương này; một chủ trương săn đuổi, truy tìm những người CS hay những kẻ có khuynh hướng theo Cộng. Một số trí thức, học giả Mỹ thời đó đã bị chủ thuyết này gây nhiều rắc rối, chẳng hạn diễn viên nổi tiếng Charles Chaplin, kịch tác gia Arthur Miller..v..v.. Cao trào của chủ nghĩa diễn ra trong những năm 50-54 (1). Dĩ nhiên, việc Mỹ thay chân Pháp để chống lại bọn theo Tàu vào năm 1945 tại Việt Nam (người CS gọi là "Sen đầm Quốc tế) có thể ban đầu, do tự hào của một kẻ chiến thắng một cuộc đại chiến thế giới; nhưng sau đó, là do lo sợ sự bành trướng của chủ nghĩa CS (50-54) nên mới có chuyện be bờ CS và thuyết Domino chống Cộng.

Chuyện một tay nghĩa hiệp, thấy một cô gái bị uy hiếp bởi bọn thảo khấu mà ra tay cứu vớt...rồi sau đó, phải lòng cô gái, thì chuyện sau chỉ là hệ quả. Chúng ta không chắc là, ngay khi cứu cô gái anh chàng đã phải lòng cô ta. Nhưng, khi cứu được rồi, tình cảm nẩy nở giữa hai người, có khi phải trải qua vài tháng hay cả năm. Suy ra tình trạng của cô gái miền Nam Việt Nam cũng không quá đáng. Mốc đánh dấu anh chàng đặt câu hỏi, xem cô ta có muốn anh làm chồng không, cũng có thể rơi vào giai đoạn 1963, khi Mỹ lật đổ chính quyền ông Diệm. Mọi sự xáo trộn sau đó và vì tình hình mỗi lúc mỗi căng thẳng, nên người Mỹ đã đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng. Kế tiếp, dù là vợ chồng, nhưng cô gái ngoại tình trong tư tưởng, nên anh chàng phải kiếm cách buông ra. Có ai lại chịu thiệt thòi đến 58.000 sinh mạng (lính Mỹ) và rất nhiều của cải, để thấy một dân tộc hình như chưa thoát hẳn tư tưởng thân Cộng (Mỹ không ngờ rằng, người dân vùng xôi đậu, NẾU có thấy được sự gian trá của CS, cũng không dám dứt khoát chống Cộng, vì bản thân hay chính gia đình họ, bị áp lực bởi chính sách KHỦNG BỐ của Việt Cộng). Nói thêm ở đây là, năm nay là năm 2016, người dân trong nước đã thấy rõ sự gian trá của VC mà vì chính sách KHỦNG BỐ nên người dân trong nước còn chưa dám vùng lên đuổi bọn bán nước; chứ đừng nói đến những năm trước năm 1975, một thời điểm vàng thau lẫn lộn.

Nhưng, người Mỹ cũng như nước Mỹ, họ cũng chẳng dại triền miên. Nếu cá nhân chúng ta, hay đất nước chúng ta cũng thế, đâu thể vì "nghĩa vụ quốc tế" mà cứ gánh vác mãi sự thua lỗ. Vì thế, cho đến năm 1969, khi Tổng thống Mỹ Nixon cử Kissinger làm cố vấn an ninh quốc gia, cũng là lúc những lợi hại trong việc gánh vác cuộc chiến VN, được kết toán theo cách khác. Người được chỉ định làm công việc này chính là Kissinger, kẻ đưa ra quan điểm thực dụng, được gọi là ‘realpolitik’ (chính trị hiện thực). Triết lý chủ đạo của ông là chính sách đối ngoại phải phục vụ lợi ích quốc gia (2)

Cuộc chiến VN đem lại gây ra sự trì trệ cho nền kinh tế Mỹ. Sau đó, những suy trầm kinh tế khác đã đưa người Mỹ đến quyết định bỏ rơi VN. Chưa kể, nguyên do chính yếu khác là Mỹ đã có thể xâm nhập vào thị trường tiêu thụ khổng lồ của Tàu sau chính sách ngoại giao "bóng bàn", diễn ra vào năm 1971. Chưa kể có người còn thêm vào nguyên do, bởi Mỹ muốn dành ưu tiên cho việc tiếp trợ Do Thái vào những năm sau 1970. Chỉ lý do kinh tế (chi nhiều cho chiến tranh VN và có thể xâm nhập Tàu) đã khiến anh "Sen đầm" có thể đổi hướng, nói gì đến việc cộng đồng Do Thái tại Mỹ -ảnh hưởng đến chính sách quốc gia của Mỹ lại tạo được ảnh hưởng lên chính phủ và chính sách của Mỹ. Phong trào phản chiến cũng là một tai hại không nhỏ. Đúng là miền Nam Việt Nam đã rơi vào hoàn cảnh bi đát, hết thuốc chữa!

Những lý do trên, đúng nhiều hay ít, không nói lên được cái đạo đức suy đồi, do người viết đã nêu trên. Người Mỹ, chính phủ Mỹ đã lậm sâu vào chính sách thực dụng. Rõ rệt nhất là việc nối lại bang giao với Tàu của Clinton. Sau vụ thảm sát Thiên An Môn tại Bắc Kinh, Mỹ và nhiều nước Tây phương khác đã ra lệnh cấm vận đối với Tàu. Nhưng, thực trạng sau đó là gì?. Đó là: "Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 1992, ông Bill Clinton đã tố cáo vụ đàn áp Thiên An Môn và « những tên đồ tể Bắc Kinh ». Sau khi vào Nhà Trắng, trong thời gian đầu, Tổng thống Clinton đã gắn việc phát triển quan hệ thương mại song phương với việc cải thiện tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc. Nhưng rồi, đòi hỏi này đã nhanh chóng bị lãng quên" (3).


Đối với VN, sự thật cũng không khá hơn. Chính ông vào ngày 11-7-1995 đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, thúc đẩy tinh thần hòa giải giữa hai nước cựu thù và cùng nhau hướng tới tương lai, bao gồm cả việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và đàm phán thỏa thuận thương mại song phương. Vào ngày 02.07.2015, kỷ niêm 20 năm bình thường hóa bang giao, Clinton nói: “Những gì chúng ta làm hôm nay là làm cho xã hội của chúng ta hạnh phúc, tiếp cận với nhau không phải bằng nắm đấm, bằng sự thù hận, mà bằng vòng tay mở rộng.” (4). Việc mở rộng đó như sau: "Hai mươi năm trước, thương mại hai nước là 500 triệu đô la Mỹ, nay đã lên tới 35 tỉ đô la Mỹ; Việt Nam vượt Thái Lan để trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu của ASEAN vào thị trường Mỹ". Ông phú hộ Mỹ ngày nay chỉ đưa "nắm xôi" cho thằng Bờm mà đổi lại được lợi không ít, vì thằng "Bờm VC" không chỉ đưa cho ông phú hộ cái quạt mà còn nhiều thứ khác. Chắc chắn thế, vì con người hào phóng của nước Mỹ vào những năm sau 1945 và trước khi bỏ rơi VNCH vào năm 1975, đã trở thành tên phú hộ với đầu óc vụ lợi đặc sệt. Việc nhân quyền, được hắn nêu ra, chỉ làm lấy có.

2) Hệ quả của các điều nói trên, gây ra nơi cuộc tranh cử năm 2016 tại Mỹ, ở mức độ nào đó, cũng chẳng qua là việc đấu tranh giữa sự thật và gian dối, giữa sức mạnh đạo đức và sức mạnh kinh tế.

Nếu Hillary thắng cử, đó phần nhiều do sức mạnh kinh tế (quỹ bầu cử dồi dào) đưa đến nắm được sức mạnh truyền thông.

Cái sức mạnh truyền thông thấy gần nhất là cách báo chí, TV phổ biến đường lối làm việc của FBI. Lần trước, FBI tuyên bố là việc dùng email của Hillary chỉ là "quá bất cẩn". Vừa rồi, nói là sẽ xét thêm mấy chục ngàn email còn sót. Người dân nghe tin, phân vân không biết bao giờ FBI mới thực hiện xong sự xem xét đó. Bây giờ, chỉ đôi ba ngày trước khi kết thúc bầu cử, lại cho rằng, mọi việc liên quan đến email coi như chấm dứt từ đây. Lối làm việc khiến người ta hình dung như là "nắm đấm", đưa ra để kết thúc trận đấu.

Mọi người theo dõi kỹ cuộc vận động có thể thấy được rằng, vụ email gây ảnh hưởng tốt cho phe ông Trump không ít. Ông đã tung nằm đấm đó đến đối phương. Sức đấm càng mạnh, nếu không trúng địch thủ, càng làm người đánh mất thế. Nếu đối phương gồng mình chịu được, sức phản hồi trở lại người đánh cũng gây ảnh hưởng không nhỏ. Vì không có bằng chứng cụ thể, nên nắm đấm của ông Trump không thể như là vật nhọn, chọc thủng quả bóng của đối phương. Do vậy, trái bóng đã tung ngược trở lại...và ông Trump lãnh đủ!.

3) Nếu Hillary thắng, không lẽ đó là cái thắng của kinh tế, của sự mất đạo đức?
Điều đó có thiệt gì cho dân Mỹ?. TT Mỹ, Clinton, được người dân coi như là một Tổng thống có tài, vì vực được kinh tế Mỹ đi lên (qua việc nhảy được vào thị trường tiêu thụ Tàu) nên được họ thông cảm đặc biệt. Vụ Monica là một ví dụ. Dân Mỹ, bây giờ, điều thiết thực đối với họ gần như là, GDP của đất nước có tăng không (?).. thất nghiệp nhiều hay ít (?).. lợi tức của họ ra sao (?).. (những điều này cũng do truyền thông, bấy lâu nay, đã tạo nên ảnh hưởng đó) nên sau vụ "khủng hoảng" bầu cử, mọi việc đâu lại cũng vào đấy. Có kéo dài chính sách của Bill Clinton, qua Obama rồi đến Hillary cũng chẳng sao, miễn là những điều trên đừng gây khủng hoảng gì nơi đời sống của họ. Không chừng, họ còn hân hoan hơn, khi nước họ có "mốt" mới, một người đàn bà đầu tiên làm Tổng thống...?!.

4) Nhưng cái hân hoan nhất mà ta có thể cảm thấy nơi họ là, họ đã được "giải phóng"!. Mọi điều vướng mắc trong tâm của họ, từ lâu nay, đã được ông Trump nói ra rồi. Xã hội Mỹ mà. Cái gì cần và muốn nói, nói cho hết mức... và rồi, theo đa số -luật chơi mà họ tôn trọng bấy lâu- họ phải phục tùng theo nhóm đã có nhiều phiếu nhất. Đó là cách thế dân chủ mà lâu nay họ đã cổ vũ trên khắp thế giới!.
Điều cảm nhận nói trên không do chúng ta nghĩ ra. Xem nước Anh gần đây là rõ nhất. Chính quyền Cameron muốn gia nhập EU, nhưng để người dân được trưng cầu dân ý. Kết quả là, người dân muốn rút ra. Trưng cầu xong, chính người dân muốn trưng cầu lại. Nhưng, đến giờ, đúng là "ván đã đóng thuyền"!

Để kết luận, chúng ta nói chắc chắn rằng, dù Hillary hay ông Trump đắc cử, nước Mỹ vẫn tiếp tục đi tới. Nhưng, nếu không lấy lại được thăng bằng do quá nghiêng về quan điểm thực dụng, nước Mỹ và dân Mỹ sẽ từ từ đi đến chổ suy thoái. Chưa đến thời kỳ đó mà giờ đây nước Mỹ đã bị Tàu và Phi nhìn với con mắt, khác hẳn với cái nhìn về nước Mỹ, khoảng 50 năm về trước. Riêng Phi, bài bản của họ cũng chẳng khác gì Mỹ, chỉ là, không có bạn và kẻ thù lâu dài. Tàu giúp hàng chục triệu để Phi bài trừ ma túy (không nói gì đến nội bộ nhân quyền như Mỹ) thì tội gì không bắt tay với Tàu. Sở dĩ, Phi không dứt khoát với Mỹ vì biết rằng ông "phú hộ" này muốn duy trì con đường giao thông hàng hải quốc tế của mình...và vẫn còn o bế mình. Tất cả liên hệ chỉ dựa trên cái lợi mà thôi. Rồi tất cả các nước trên thế giới sẽ làm giống Mỹ theo câu nói này. Cũng như Mỹ, khi tách khỏi Anh quốc, đạo đức của họ, từ ban đầu rất cao, rồi sau đó giảm dần. Bây giờ, Mỹ chỉ nói chứ không thực sự tôn trọng nhân quyền như năm bảy chục năm trước.

Nói rằng nước Mỹ (hay bất cứ nước nào sẽ suy thoái) là có lý do. Lý do cũng dễ hiểu. Vì, cuộc sống của một cá nhân, một đất nước không chỉ thăng tiến bởi chỉ có đời sống vật chất cao hơn mà thôi!.


Đặng Quang Chính
07.11.2016
23:53



Ghi chú:
(1) https://no.wikipedia.org/wiki/Mccarthyisme
(2) http://nghiencuuquocte.org/2015/05/28/henry-kissinger/
(3) http://vi.rfi.fr/chau-a/20140529-vu-dan-ap-thien-an-mon-va-chinh-sach-thuc-dung-cua-phuong-tay-voi-trung-quoc
(4) http://www.thesaigontimes.vn/132488/Cuu-TT-Bill-Clinton-Chung-ta-da-giai-phong-chinh-minh.html