PDA

View Full Version : Hoa Dại



MưaPhốNúi_
04-26-2016, 12:30 PM
Ở dưới dốc cầu Trương Minh Giảng sau những tháng ngày được “ giải phóng “ thì bắt đầu vào khoảng 6 giờ chiều khi dòng người với những chiếc xe gắn máy cũ mềm thả khói mù mịt từ từ thưa thớt trên con đường . Thì phía đối diên bên kia đường của trường đại học Vạn Hạnh bắt đầu nhộn nhịp , hàng quán được bày ra để chuẩn bị đón khách tới ăn uống với những loại thức ăn rẻ vừa đủ túi tiền cho những người trong tầng lớp bình dân . Khu vực được kéo dài ra tới mép chợ nay đã đổi qua tên Nguyễn Văn Trỗi chẳng biết là tên nhân vật nào mà dám đứng ra thay thế tên Trương Minh Giảng của một vị danh thần văn tài võ lược đã có công lớn với đất nước khai phá miền Nam dưới ba đời vua Gia Long , Minh Mạng và Thiệu Trị. Khu vực này thuộc về quận 3 , ngày xưa ở đó có những căn nhà sàn chen chúc trên con kinh khá rộng với dòng nước đọng đen ngòm như dầu hắc đã làm nổi bật lên mặt nước những đám rau muống xanh tươi xen lẫn cùng đám rác rưởi đủ màu sắc bao bì chai lọ bẩn thỉu được thải ra vô tội vạ vô ý thức về vệ sinh chung của môi trường sinh sống . Mùi nước đọng lâu đời với những tạp uế được phóng thải tự do thoải mái nơi đó đã quyện vào nhau thành một mùi hôi thúi nồng nặc bay lan theo làn gió đã làm cho hôi thúi cả một vùng khiến cho bất cứ ai đi ngang qua cũng phải đưa tay bịt mũi .Còn người dân sống quanh quẩn thì hầu như riết cũng đã quen luôn với cái độ nồng hôi thúi nhất khi lòng kinh đen chuyển đọng lúc mực nước dâng lên do những trận mưa tầm tả kéo dài ra từ sáng cho tới đêm khuya .


Và cứ thế khi bóng nắng từ từ chìm khuất sau những toà nhà cao , thì những ánh đèn đường được bật lên toả những tia sáng yếu ớt chạy dài trên đường phố . Cảnh sinh hoạt buôn bán trên vĩa hè bắt đầu nhộn nhịp , những chiếc xe cút kít chất đầy những chiếc ghế bàn nhỏ được bỏ xuống bày ra thật nhanh gọn ở những khoảng đất đã được xí phần để cắm dùi cố định , chuyện “ bất thành văn bản “ vô hình được kí kết giữa những người Sài Gòn còn ở lại sau ngày miền Nam bị rơi vào tay của những kẻ xâm lăng .Hàng quán phần nhiều là bán rượu , loại rượu rẻ tiền như nếp than , đế trắng . Mồi nhậu để lai rai là những con mực nhỏ nhoi được nướng thơm phức chấm với loại tương ớt cay , hay một đĩa đậu phụng rang vài con tôm khô bên củ kiệu ngâm chua dòn ngọt . Hàng quán nối nhau cũng có thêm chè sinh tố . Về thức ăn khuya nhẹ hầu bao nhất thì có cháo trắng ăn với hột vịt muối , dưa mắm và còn sang hơn thì có chiếc xe mì gỏ thơm nức mũi của chú Lú truyền từ đời cha cho tới đời con . Nhìn chiếc xe qua mấy đời đã bị tróc sơn mòn trắng lốm đốm , mấy tuồng tích được trang hoàng bằng lối khắc vào trên tấm kiếng phía trước xe cũng mờ nhạt theo thời gian . Thuở đó khi tôi ngồi chờ tô mì khô thơm phức đang chuẩn bị mang ra thì cứ việc ngắm Võ Tòng đã hổ , Điêu Thuyền hí Lữ Bố , Tiết Đinh Sang cầu Phàn Lê Huê . Ngày đó hình khắc rõ nét mầu sắc đẹp tỉ mỉ trên từng bộ đồ của nhân vật nhưng giờ cũng cùng chung một số phận bạc theo cảnh đời dâu biển .


Nơi khu vực ăn uống đó thường có một nhóm người tụ họp lại bên nhau sau một ngày chạy đua theo đời cơm áo gạo tiền với những công việc hoàn toàn khác nhau . Tôi được biết cứ buổi sáng sớm thì đường ai nấy đi , nhưng khi chiều tối đến thì không ai hẹn ai họ cùng về nơi những hàng quán vỉa hè để ngồi nghỉ mệt rồi tán dóc , chưỉ thề , buồn cho thế thái nhân tình , buồn cho thế sự đổi thay . Nhìn bên ngoài lối ăn mặc của họ ai cũng có thể ném cái nhìn khinh miệt , định giá cá mè một lứa . Nhưng chỉ có chính họ mới thực sự biết họ là ai . Họ là những con người đến từ nhiều nơi khác nhau . Hãy nhìn người đàn ông mệt mỏi héo hắt mà sao từ nơi hai cái bờ môi thâm tím kia lại nở ra những lời thơ kiểu mì ăn liền làm say mê người nghe đến ngẩn ngơ ngưỡng mộ . Hoặc có người đàn ông nhỏ nhắn thường ngồi mắt lim dim nhưng lại là một người khi cầm trên tay một món đồ kim loại có thể ước tính ra giá trị đồng chì vàng thau lẫn lộn trong đó . Bật cười với một cái kính lúp nhỏ , đôi mắt ti hí nheo lại chỉ còn hai sợi chỉ thì bằng cái gật gù đắc ý định ra giá cả cho những viên đá màu . những viên đá đã bị chủ nhân coi như đồ bỏ rồi mang bán đi với giá thật bèo thật mỏng cho những người hành nghề mua bán ve chai . Tôi đặt tên cho họ là đoàn người khảo cổ , họ đi khắp cả Hòn Ngọc Viễn Đông , đi tìm mua những kỷ niệm yêu quí của biết bao nhiêu người còn ở lại trên mảnh đất này , kỷ niệm mang ra bán đi với nhiều nuối tiếc nhưng biết làm sao hơn khi kỷ niệm đã không làm cho những cơn đói cơm vật vã mỗi ngày khi đứng trước cơn sóng dữ của vận mệnh đất nước vừa cáo chung !?


Trong số người đó tôi thấy chị , người đàn bà thật trẻ khoẻ mạnh , nếu không nói là lực lưỡng so với vóc dáng của những ngườI phụ nữ khác . Chị có khuôn mặt rất dễ nhìn và có đôi mắt thật tình tứ lẳng lơ . Tôi không thiện cảm với chị cho mấy , vì chị cứ mua rượu thiếu nơi quán của dì Cam khi mà vốn liếng sinh sống qua ngày của dì Cam chỉ vài cái bàn nhỏ dăm ba cái ghế , chút vốn nhỏ nhoi mỗi đêm buôn bán có khi bị những cơn mưa lớn té tạt cùng với những giọt nước mắt buồn tủi chỉ kiếm phụ thêm cho gia đình đong hơn vài lon gạo . Chị ta cũng theo đoàn người “khảo cổ “mua bán ve chai , khi nào mua được món đồ có giá trị thì gọi là vô mánh chị mới trang trải những món nợ đang thiếu , còn không thì cứ lì ra nợ này tiếp nối nợ kia với gương mặt trơ trơ không màng tới cảm giác túng thiếu của dì Cam . Nhưng có một điều lạ tại sao mỗi khi nhìn chị trong cơn say lòng tôi cứ dâng lên một cảm xúc thương hại thật mũi lòng . Rồi một hôm chị say quá không lết về chổ ở trọ , tôi cùng dì Cam dìu cô ta về nhà cho ngủ nhờ . Nửa đêm trong cơn ngủ chập chờn tôi nghe tiếng chị khóc tắt nghẹn trong cuống họng , tôi mở mắt nhìn qua ngọn đèn vàng lờ mờ , dáng chị ngồi bó gối tóc xõa dài trong góc mùng , hai vai rung lên theo từng tiếng nức giữa đêm thâu .
Tôi bỗng dưng tỉnh ngủ chui vô mùng của chị rồi ôm lấy chị vỗ về . Còn chị thì chưa tỉnh hẳn vì uống quá nhiều rượu , mùi rượu nồng nặc toát ra nhưng tôi ngửi cũng đã quen khi đã từng ra phụ bán hàng cùng dì Cam nên không thấy khó chịu, rồi tôi như một người lớn ngồi bên chị lắng nghe chị kể về cuộc đời của chị ...chị tên là Lài ...
...


Chị kể gia đình chị từ khi người mẹ mất đã chới với như đám gà con mất mẹ , như rắn mất đầu , bởi mẹ chị là người đàn bà vô cùng giỏi dang ,là chủ một gia đình trong khi người cha chỉ biết làm những chuyện vặt vãnh trong nhà . Là một người đàn bà đối ngoại , một tay quán xuyến gia đình ngăn nắp . Bà mất đi lúc đó chị chỉ mới 12 tuổi , hai người anh 14 và 18 . Còn người cha thì vẫn còn tuổi khỏe mạnh sung sức . Gia đình của họ bị đuổi vào trong tận rừng sâu gọi là đưa đi kinh tế mới , chẳng qua đó chỉ là một âm mưu đê tiện của những con người trong xóm giềng đã cuốn theo chiều gió , tìm mọi cách chiếm đoạt nhà cửa chỉ vì mang cái tội có liên quan với chế độ trước thật hết sức vô lý bởi toàn bộ người dân của miền Nam hầu như ai mà chẳng có sự liên quan với chế độ của mình .


Họ bị đưa đi vào rừng sâu , tự lực cánh sinh để bắt đầu cho những ngày tháng không hề nhìn thấy tương lai . Họ cất một cái chòi lá , cha con cùng nhau phạt những đám cỏ hoang để bới đất trồng khoai , trồng sắn chỉ mong được sinh tồn trong cái không gian thu nhỏ với những sinh hoạt mỗi ngày nhàm chán đến nỗi đã biến thành những người câm lặng im như không gian với sáng trưa chiều tối với mưa nắng luân phiên thay đổi . Họ sống nơi đó nhiều năm hầu như không còn biết tới thế giới bên ngoài .Quẩn quanh chỉ 4 cha con , không giao thiệp với ai ngoài những con thú hoang , chữ nghĩa không dùng tới bởi không cần thiết ngoài ngôn ngữ bằng ánh mắt và tay chân , họ lớn lên như cỏ dại mọc ra bừa bãi và trong đó chị là một đóa hoa dại bé nhỏ lẻ loi .Những tư tưởng thui chột bệnh hoạn trước bản năng sinh lý như loài thú vật . Họ đã quên mất họ là ai và đã thay phiên nhau coi chị như một người vợ chung để thoả mản những cơn đòi hỏi của xác thịt hàng ngày , hàng giờ và hàng đêm .


Chị đã sống những ngày tháng như trong địa ngục , ngây thơ ngơ ngác khi những người ruột thịt cùng chung máu mủ đã biến chị trở thành một tên nô lệ không chút xót thương , họ hành hạ chị trút lên thân xác chị với những sự ghen tuông vô lí chỉ vì lý do chị chỉ vô tình khi phân chia những thức ăn không đồng đều . Thân xác bầm dập , tinh thần băng hoại , chị cứ thế lớn lên mỗi ngày với đầu óc ngu muội không ai dạy cho chị hiểu cái nào đúng cái nào sai và tới lúc chị muốn thoát ra khỏi cái không gian u ám đó vì quá buồn chán vì quá nghèo đói . Chị đã quyết định bỏ đi lúc 3 người đàn ông như mọi ngày đi vào tận rừng sâu để săn bắt những con mồi mang về cất làm lương thực .


Khi chị quay trở về tiếp xúc với thế giới của con người , chỉ với một thời gian ngắn ngủi đã giúp cho chị hiểu biết mọi lý lẽ oan nghiệt của cuộc đời mà chị phải gánh chịu , chị không chịu đựng nỗi sự tổn thương của những người trong gia đình đã hành xử với chị thì chị bắt đầu tìm quên trong những ly rượu trắng . Chị nhờm tởm bản thân của chính mình và đã nhiều lần muốn tự huỷ hoại nó đi nhưng chị không có can đảm để đi đến sự kết thúc của một sinh mạng .
Trong thế giới lúc đó , nhóm người chiều nào cũng ghé về ngồi đầy nơi cái quán cóc của dì Cam . Những con người thượng vàng hạ cám lẫn lộn giữa thời cuộc đổi thay . Mỗi con người là mỗi câu chuyện đời khác nhau đầy thương cảm . Nhưng trong tất cả thì câu chuyện của chị đã ám ảnh tôi nhiều năm trôi qua . Không biết bây giờ chị đã như thế nào ? mỗi lần tôi nghĩ về chị , lòng luôn buồn bã như có một điều gì chua xót cứ dâng lên tận trong trái tim .Tôi cảm thấy xót xa bởi vết thương của đời chị quá sâu nặng , nó như một vết chàm cho dầu thời gian cũng khó có thể tẩy xóa đi được ...



MầuHoaKhế.
March .2010

Tim Nguyen
04-26-2016, 01:32 PM
Khu vực được kéo dài ra tới mép chợ nay đã đổi qua tên Nguyễn Văn Trỗi chẳng biết là tên nhân vật nào mà dám đứng ra thay thế tên Trương Minh Giảng của một vị danh thần văn tài võ lược đã có công lớn với đất nước khai phá miền Nam dưới ba đời vua Gia Long , Minh Mạng và Thiệu Trị.


Theo tôi biết, thì ngoài cái chuyện họ muốn xóa bỏ hết những gì thuộc về miền nam trước 1975 , mà trong thâm tâm họ còn nuôi và muốn trả thù cái chuyện nhà Nguyễn đã dời đô từ Thăng Long vào Huế . cho nên, tết Mậu Thân , khi họ tạm thời chiếm thành phố Huế thì họ đã từng ra tay một cách dã man không thương tiếc ...

MưaPhốNúi_
04-27-2016, 10:40 AM
Mưa Phố Núi rất hân hạnh khi anh Tim Nguyen ghé qua đọc một câu chuyện lòng mà Mưa được biết , chuyện viết đã lâu , hôm nay edit lại cho gọn gàng hơn .

Chúc anh một ngày an lạc :z57: