PDA

View Full Version : Đọc “Chặng Đường Nối Tiếp ” Giang Văn Nhân



Ngô Đồng
02-17-2017, 11:44 AM
1188

Quãng hay Chặng nhỉ? Cả hai chữ đều có nghĩa từ điểm A đến điểm B nói theo các ông nhà binh là “chấm tọa độ!” Các ông đã được huấn luyện để thành cấp chỉ huy đều được học tìm phương hướng tìm đến đúng mục tiêu qua cách này, không ít khi tôi nghe các ông đùa: “Chấm nhầm mục tiêu nên gặp sư tử thay vì nai!”
Nhận được quyển sách của một người lính Thủy Quân Lục Chiến, đọc tựa xong đầu óc tôi làm việc ngay, tiếng Việt yêu dấu của tôi có những chữ biết nói biết bồi hồi: Quãng - Đoạn - Chặng, đọc đến những chữ này lòng tôi cũng bồi hồi theo.
Quãng của người phụ nữ tôi đây là Một Quãng Xuân Thì, Đoạn của người lính bộ binh Thế Uyên là Đoạn Đường Chiến Binh, Chặng của người lính Thủy Quân Lục Chiến Giang Văn Nhân là Chặng Đường Nối Tiếp.

Quãng của phụ nữ quá đơn giản để hình dung :
Tôi là con gái buồn như lá cây của Nhã Ca đến: Ba năm sau em trở thành thiếu phụ - Đinh Trầm Ca – kết thúc có thể là hạnh phúc có thể là không!
Đoạn Đường Chiến Binh thì được tác giả giới thiệu rõ ràng:
Đoạn đường chiến binh là tên gọi một khoảng đường dài từ bốn trăm đến một ngàn thước trong các quân trường. Người tân binh phải chạy từ đầu đến chót con đường này, lúc chui dưới kẽm gai, lúc bò dưới địa đạo, lúc leo lên cầu cao, khi chạy qua cầu khỉ, lộn nhào qua cửa sổ. Một người khỏe hết sức ngoài đời, khi đến chặng chót của đoạn đường chiến binh, cũng mồ hôi chảy thấm tới giầy và thở hắt.
Người viết trong nhiều năm gần đây ôm ấp tham vọng sẽ viết một cuốn tiểu thuyết thật dày, phác hoạ bối cảnh sẽ là tất cả những chặng khổ đau của dân tộc Việt Nam trong mấy chục năm nay. Nhưng dĩ nhiên là chưa viết được chương nào cả vì chính người viết cũng còn đang từng chặng, từng bước mà vượt qua đoạn đường chiến binh của chính mình. Bởi thế, người viết cũng rất buồn khi, đáng lẽ phải đưa ra một trường giang tác phẩm, lại chỉ gửi tới những người đọc những ghi chú riêng tư trong cuộc đời mình. Nếu có một hy vọng an ủi nào, đó là kỳ vọng người đọc sẽ tìm thấy qua đoạn đường chiến binh chẳng ra gì của người viết vài nét chính phác lược của đoạn đường chiến binh dân tộc Việt Nam đang băng qua – không biết đã tới chặng nào.
Thế Uyên.
Đến Chặng đường Nối Tiếp, tôi vừa nhận được từ Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến Giang Văn Nhân chặng nối tiếp chặng ngay trên bìa sách, chiếc nón sắt được ghi tràn ngập địa danh, thành phố đã đi qua nét viết không đều, Huế - Đức Cơ – Bình Điền – Cần Thơ – Hoàng Sa – Đầm Dơi – Kapuchea – Gio Linh – U Minh – Hạ Lào – Sài Gòn – Quảng Tri. Ngắm hình chiếc nón, tôi thật tò mò muốn xem mặt nón phía bên kia còn những địa danh nào nữa. Tôi thắc mắc, dùng bút gì để ghi được lên nón nét chữ đậm rõ kiểu như loại bút Shaprie tôi dùng bây giờ, người lính đi hành quân có mang theo bút để víết thư như cố ca nhạc sĩ Nhật Trường diễn tả trong Tình Thư Của Lính thật sao? Dĩ nhiên, người không đi lính, không là lính như tôi thắc mắc là phải, nhưng ông “quan” của tôi biết ngay, sĩ quan luôn có hai cây viết chì mỡ một xanh một đỏ để vẽ chấm trên bản đồ. Lại thêm một điều hay cho tôi biết thêm về đời lính, nếu có đọc những điều ba hoa nhăng cuội tả - viết về lính Việt Nam Cộng Hòa trên các diễn đàn tôi có thể nhận xét thật hay giả, vì tôi biết không ít các ông chẳng biết gì về “chỉ huy” tha hồ kể chuyện các trận đánh “tưởng tượng” mình là chỉ huy, khi sự thật chàng chỉ mang “cánh gà” trên vai áo vào thời gian ấy!
Sách không nặng về hình thức, chữ rõ dễ đọc là điều khiến tôi có thể thong thả theo tác giả chặng nối tiếp chặng.
Lời tựa của tác giả khiến người đọc cảm động, chữ không nhiều nhưng nặng tình nặng nghĩa, để gìn giữ miền Nam “kinh tế miền Nam phát triển, dân chúng sống trong cảnh thanh bình, nhà nhà ấm no, hạnh phúc” sau hiệp định Genève 1954, tác giả đã bỏ bút nghiên theo tiếng gọi của tổ quốc từ năm 1965 cùng “hàng hàng lớp lớp thanh niên khác đủ mọi thành phần trong xã hội” vì cộng sản cố tình phá quấy: “pháo kích trường học, chợ búa, thành phố, đặt chất nổ chôn mìn trên đường lộ, cảnh thanh bình an vui trở thành máu lửa đổ nát.”
Những người trai xa lạ từ Bến Hải đến Cà Mau cùng lý tưởng cùng nhiệm vụ đã khắng khít tình thân như thủ túc, không ít người đã hy sinh trong lớp tuổi đẹp nhất đời người, tác giả đã chứng kiến rất nhiều cái chết tưởng như đùa của bạn bè cùng khóa, của các sĩ quan cùng trận địa, của các thuộc cấp cùng đơn vị, nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều tốt đẹp nhất của một quân nhân Việt-Nam Cộng-Hòa là: “Đem tình thương để cải hóa hận thù.” Sách của ông viết đầy nhân bản, chỉ thấy cấp chỉ huy lo lắng cho các chiến sĩ dưới quyền, nếu có điều không hay chỉ kể ra mà không trách cứ. Dĩ nhiên dưới ánh mặt trời tất cả các huy chương đều có mặt trái của nó.
Chặng Tìm Tự Do, trốn cộng sản – tìm cách vượt biển – được đặt chân lên mảnh đất tự do ngày 31 tháng 3 năm 1986. Tôi đã khóc khi Trung Tá Thủy Quân Lục Chiến John Smith bắt tay chúc mừng anh Giang đến mảnh đất tự do, sự thật rất dễ xác định trong cuộc phỏng vấn cho dù giấy tờ chứng minh không còn vì đã bị hủy trên đường vượt biển. Mươi lăm phút trả lời các câu hỏi của ông Smith, cả một cuộn phim về chặng đời của người sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, được đào tạo từ quân trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt khóa 22, chầm chậm trình chiếu lại trên các trang sách tiếp nối, đưa người đọc vào hành trình gian khó đầy xúc cảm của ông, nếu không kể hết ra hẳn sẽ dằn vặt mãi trong tâm trong trí.
Bắt đầu từ anh chàng thanh niên 55 kg đến anh chàng 63 kg sau 8 tuần tân khóa sinh bị các “hung thần” đàn anh còn gọi là “niên trưởng”dậy dỗ, người đọc bị lôi cuốn theo cách viết nhẹ nhàng không hoa mỹ, kiểu kể chuyện từ tốn nhưng rõ ràng cẩn thận, khi nhắc đến kỷ niệm có tên những nhân vật còn sống hay đã mất trong ấy. Hình ảnh được ghi chú càng lôi cuốn người đọc theo những chặng đời ông đã trải qua. Nghẹn ngào khi biết có người sau khóa huấn luyện rừng núi sình lầy tại Dục Mỹ, khi trở về trường đã bỏ đời ra đi vì vi trùng sốt rét.
Qua chặng đầu này, tôi biết rõ hơn về cách phân chia đơn vị tác chiến sau khi các anh sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia Việt-Nam Đà-Lạt ra trường, tiếp đến là trình diện sư đoàn, sau đó là trận chiến gian lao phải đối phó với lũ Việt-Cộng thậm thà thậm thụt trong hầm trong hố, ngay cả trên chiến trường Kampuchea chúng cũng dùng cùng một phương cách du kích, nếu cấp chỉ huy không có các anh lính khinh binh lanh lợi, có kinh nghiệm quan sát tình hình chung quanh trước khi dẫn quân đến thì phần thương vong không ít. Những đoạn tả về người lính khinh binh, ông thật sự ghi ơn họ cho dù họ không được đào tạo trong trường lớp, nhưng kinh nghiệm trường đời nhiều khi có giá trị hơn cả mảnh bằng có chữ ký và con dấu đóng trên ấy.
Là phụ nữ, là vợ lính Thủy Quân Lục Chiến, những chuyện nghe kể bên bàn nhậu của các ông khi có dịp được họp mặt rất nhiều, nhiều đến nỗi khi đọc Chặng Đường Nối Tiếp tôi thốt lên với nhà tôi: Ô! Em biết chuyện này nè. Thêm vào đó là những bài viết của nhà văn mũ đỏ Đoàn Phương Hải trong hai tập truyện Góc Biển Chân Trời và Nhớ Về Người Lính Năm Xưa mà tôi được tác giả thân tặng. Thủy Quân Lục Chiến – Nhảy Dù – Biệt Động Quân là ba binh chủng buổi họp mặt nào cũng có nhau, những chuyện kể những địa danh lập đi lập lại, những chiến tích tôi nghe không ít và nỗi buồn mất bạn dĩ nhiên phải nhiều hơn niềm vui chiến thắng. Ai cũng biết:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!
Nhưng khi người viết thản nhiên kể về chị quả phụ Hai, các cháu Đạt cháu Uyên, những con chữ dường như thổn thức, mất chồng mất cha mảnh đời còn lại hẳn gập ghềnh trắc trở, còn đâu mùi nồng trên bộ quân phục ngày anh trở về từ trận địa, còn đâu chiếc cổ mạnh mẽ để hai cháu choàng tay ôm ghì khi anh bước vào nhà. Tưởng tượng hình ảnh mẹ con dắt díu nhau về ngoại, khăn tang trắng bay trong chiều bụi phủ, nỗi hụt hẫng chơ vơ, chiến tranh và hệ lụy của nó thật thảm khốc. Thoang thoáng vài tên con gái được nhắc khiến quyển sách bớt khô khan, dòng tóc nào thóang gặp trên đường hành quân, vài áng thơ lưu luyến nhớ nhung khiến người đọc nghĩ đến sự dồn nén chịu đựng tình riêng để hiến dâng mình cho tổ quốc của các chàng trai đôi mươi sinh lực tràn trề, cùng thời ấy nếu quốc gia hòa bình các anh hẳn đã khác, âm nhạc hội họa điêu khắc văn thơ, bao nhiêu năng khiếu bị chiến tranh vùi dập trong khói lửa đạn bom.
Câu trả lời của người tình Gia Long tên Kim Uyên sau khi kể về một đám cưới của bạn với người Hạ Sĩ Quan Đồng Đế đã bị mất hai chân: “Nếu là em, em sẽ không làm như thế đâu, em chỉ chấp nhận khi đã thành vợ chồng.” Có lẽ là bản án “không yêu ai hết” người trai trẻ ngùn ngụt sức sống tự ký cho mình, vì đang phải đối diện với sống chết. Tình yêu trai gái là điều xa xỉ ngoài tầm tay với:
Đơn xin cưới, một tờ đơn xin cưới. Anh thảo rồi, anh lại xé em ơi. Bởi không muốn thấy người yêu nhỏ bé. Một sớm nào, thành góa phụ ngây thơ... (Trần Thiện Thanh)
Sĩ quan thời loạn, binh sĩ thời loạn cấp bực không là vấn đề, cốt lõi chính là nương nhau như hình bóng để sống còn, tình gia đình cũng không có thì giờ để nhớ đến, nào mẹ nào cha, anh chị em ruột thịt chỉ còn là những lá thư từ nhà gởi ra tiền tuyến, quy định của bộ tổng tham mưu một năm quân nhân có 7 ngày phép hầu như không hề thực hiện được, vì Việt Cộng liên tiếp gây hấn tấn công, ngay cả trong những ngày ngưng chiến.
Tác giả nhắc đến Y Sĩ – Y Tá chẳng cần biết ta hay địch, chỉ cần cứu người bị thương, giành hơi thở của họ từ tay thần chết trong hoàn cảnh hạn hẹp, có khi bác sĩ dùng một cây viết bic bỏ lõi, biến nó thành dụng cụ cứu thương binh trong tình trạng nguy kịch.
Đến chặng bị bắt vào tù, ông kể chuyện người dân quê xưa nhận ra mặt, gọi đến tên, từ một người kéo theo bao nhiêu người cùng thôn xưa ấy, trong ấy có Sương người con gái tình nguyện hiến dâng mình cho Chúa phụng vụ tha nhân, bàng bạc chút tình vấn vương nhưng Em dâng mình cho Chúa – Anh dâng mình cho tổ quốc, nét đẹp của lý tưởng trong chiến tranh thể hiện qua chặng nhỏ này. Bao người lính Thủy Quân Lục Chiến một thời hiên ngang khói lửa chiến tranh không chết lại chết trong tức tưởi vì bị cộng sản cầm tù, bao người dùng mọi cách để giữ tư cách trong hòan cảnh bụng đói, bị hoa mắt vì miếng ăn trước mặt. Câu trách móc nhẹ nhàng: “Sao để mất Huế của em?” từ cô gái bán vải quen biết, biến thành một tác phẩm điêu khắc trên khúc gỗ quý nhặt được bên bờ suối. Không biết tác phẩm ấy còn hay không, trong hình được in lại rất mờ nhưng vẫn có thể thấy sự đối chọi: Âm – dương, hạnh phúc – khổ đau, buồn – vui, hiện tại – tương lai, từ mười ngón tay tài hoa của tác giả đã dùng vật nhọn tự chế thành dao, ắt hẳn khi khoét cái nét sâu trên thớ gỗ, cũng là lúc ông khóet nỗi khắc khoải đau đớn của chính mình, trong hoàn cảnh bị giam tù không biết ngày ra.
Ai bảo lính áo rằn là dữ dằn hung tợn, lời của Thượng Sĩ Nhất nói cho chỉ huy biết tính nết từng người lính nhớ nhà mượn rượu giải sầu, những câu thơ trong bài “Tường Trình Cho Em” của Thủy Quân Lục Chiến Phạm Văn Bình đã chứng minh rõ rệt thêm điều ấy. Thuở tôi còn là nữ sinh, không hiểu vì lẽ gì tôi lại thích hát bài “Mười Hai Tháng Anh Đi” trong tập nhạc của Phạm Duy phát hành năm 1972, có lẽ vì lời thơ Tường Trình Cho Em biết nức nở theo nốt nhạc, khi trầm buồn khi dồn dập theo bước quân đi, có khăn tang trắng cho Huế, có mùa Hè hoa phượng nở, có mưa ngâu mùa Thu có tờ thư ước hẹn gió mây:
Bây giờ trời mây vào hạ
Mẹ em bận đi lễ chùa
Em cầu nguyện cho chiến sĩ
Trên đường nắng sớm, chiều mưa
Về Cà Mâu, một phong thư
Gửi cho em, lời gió thương mây, lời chim nhớ rừng,
Lời gió thương mây, lời chim nhớ rừng
Lời gió thương mây, lời chim nhớ rừng, lời ta chờ nhau
......
Cuối năm mùa Ðông đan áo
Cuối năm trời đã lạnh rồi
Thiên hạ đua may áo cưới, ta thì hẹn tới hôm nao.
.......
Hoa mai nở đầy, em đang chờ đợi
Mười hai tháng rồi, dài ước mơ say
Nhớ má cho hồng, nhớ môi em ngọt
Anh về cùng em, vui đón giao thừa.

Chỉ một bài nhạc thế thôi, có lẽ là duyên là định mệnh mà tình tôi yêu người Thủy Quân Lục Chiến còn mãi đến bây giờ.
Động đến lý lẽ trái tim có lẽ trái tim của Thiếu Tá Phạm Văn Sắt đã bị động nhiều nhất, và được tác giả ghi xuống thay cho bao nhiêu anh Thủy Quân Lục Chiến, đã được niềm vui bất ngờ năm ngày phép về thăm gia đình khi ấy.
Chặng nào tiếp nối sau khi được thả khỏi trại tù, tìm cách sống còn trong chế độ ngu dốt vô nhân, vuợt biển sang Mã Lai, được đậu thanh lọc đến tị nạn tại Mỹ? Chặng này hẳn còn phải ghi xuống thêm vài trăm trang sách nữa.
Nhờ quyển sách này, tôi sẽ không hỏi ông Thủy Quân Lục Chiến, Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng nhà tôi, những câu hỏi ngớ ngẩn về những mái tóc, những tà áo, những món quà thăm nuôi “ngoài nớ” nữa. Những tên gọi Ái Khanh – Uyên – Hiệp – Sương trong quá khứ không thể nào là nỗi lo lắng cho người được nâng khăn sửa túi người hùng một thuở, người ấy nay chẳng còn ngồi trên yên chiến mã, tay đã run chẳng thể giúp vợ kẻ được cặp chân mày ./.
Cám ơn Niên Trưởng Giang Văn Nhân đã gởi tặng “Chặng Đường Nối Tiếp”
Như Hoa - Ấu Tím / Phạm Thực – TQLC – Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng .

Lê Nguyễn Hiệp
02-17-2017, 11:49 AM
Không ngờ chị Ngo Đòng viết bài giới thiệu hay thiệt.

Vẫn hay vào TQLC.on line để đọc bài viết về lính mũ xanh (MX)

Ngô Đồng
02-17-2017, 02:05 PM
Cám ơn anh đọc .
Những bài viết về Thủy Quân Lục Chiến của tôi chỉ trên bình diện của một người vợ lính.