PDA

View Full Version : Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 11: ĐỊA LINH - NHÂN KIỆT



LeKhoi
11-18-2011, 09:28 AM
Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 11: ĐỊA LINH - NHÂN KIỆT

Những suy nghĩ tản mạn về nhiều vấn đề trong những đêm khó ngủ.

………………………

Ðêm ... tháng ... năm ...

Cuốn sách mới đọc xong có nhắc tới bốn chữ “Ðịa linh - Nhân kiệt”. Đây là điều vẫn thường nghe mọi người nói đến và đọc sách đọc báo cũng thấy được đề cập tới nhiều. Nghĩ lại sao thấy Việt Nam nhiều “Ðịa linh” và nhiều “Nhân kiệt” quá. Vậy tại sao đất nước vẫn chậm tiến?

“Ðịa linh - Nhân kiệt” trong văn hoá Việt Nam là điều được nói tới khá nhiều và được nhiều người quan tâm, để ý. “Ðịa linh - Nhân kiệt” mình nghĩ có nghĩa là những vùng đất “tốt” thì thường tạo nên những người tài giỏi hoặc người tài giỏi thì thường được sinh ra trong những vùng đất “tốt”. Chắc cũng đúng vì có những nơi số người thành công có lẽ nổi bật hơn những nơi khác. Môi trường sống có góp phần tạo nên tính cách con người rất nhiều, nhưng không biết khi nói như vậy mọi người có nghĩ nhiều về môi trường văn hoá, môi trường xã hội hay chỉ muốn nói tới môi trường tự nhiên? Không biết họ có nhấn mạnh đến vấn đề phong thuỷ địa lý không? Phong thuỷ địa lý thì thôi ... không biết để bàn tới.

………..

Không biết khi nói tới “Địa linh – Nhân kiệt” mọi người có nghĩ tới sự không chính xác của chất lượng và số lượng của những “nhân kiệt” và “địa linh” không. Mọi việc sẽ rõ ràng hơn khi thấy rằng sự thành công và chức vụ của nhiều người đạt được trong xã hội Việt Nam từ xưa tới nay có được là do bè phái, nâng đỡ, mua quan bán tước, họ hàng, bạn bè, đồng hương, đồng chí, và do cha truyền con nối, hoặc những luồn lách, mánh khoé, toa rập trong một môi trường luật pháp còn yếu kém, chứ không phải do tài năng thực sự và cạnh tranh công bằng.

……………

Tự nhiên cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của tâm tính, trí thông minh, phong cách làm việc. Di truyền cũng góp phần. Nhưng môi trường xã hội, văn hoá, giáo dục chắc chắn có tính chất quyết định tạo nên một con người. Một người được sinh ra ở một nơi, dọn tới nơi khác để sinh sống và được giáo dục trong môi trường mới thì sự phát triển về tư duy của người đó sẽ khác đi so với trường hợp họ ở lại nơi họ sinh ra. Nếu vậy những người thông minh, những “nhân kiệt” phải là những người có thể tạo nên một môi trường để cho mọi người cùng phát triển.

Nhưng mà môi trường tự nhiên, xã hội, hay sinh học cũng chẳng quan trọng. Người ở đâu, tới đâu sống và thành công ở mức độ nào cũng không quan trọng. Ðiều cần phải lo lắng ở đây là nếu một xã hội chưa phát triển cao thì có nhiều "địa linh", nhiều "nhân kiệt" quá có thể không tốt.

Nếu nhiều “Ðịa linh” và nhiều “Nhân kiệt” quá mà không “Nhân kiệt” nào phục hoặc đồng ý với “Nhân kiệt” nào và người nào cũng thấy “địa” của mình “linh” hơn “địa” của người khác thì sao? Ai cũng thấy mình “kiệt” hơn người khác thì sao? Nếu những người tự coi mình là “nhân kiệt” đó không coi trọng ý kiến của những người không thuộc vùng đất “địa linh” thì sao? Trong một xã hội mà con người bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những điều nêu trên thì sự tranh giành, bất phục, bất hợp tác, bè phái, chèn ép, và trù dập có nhiều cơ hội nảy sinh. Cách làm việc mang nặng tâm lý “dictatorship” dễ hình thành. Tranh giành dễ xảy ra không những giữa những người tự nghĩ (hoặc tự hào) mình là “nhân kiệt” từ những vùng đất “địa linh” khác nhau mà còn giữa những người đó và những người không được coi là “nhân kiệt”, không từ một vùng đất “địa linh”. Trong quá trình tranh giành đó thì sự chèn ép, trù dập, bè phái, và bất hợp tác, bất phục sẽ xảy ra. Niềm tin cá nhân vào khả năng của “nhân kiệt” từ vùng đất “địa linh” có thể là một lý do đưa tới tâm lý không biết lắng nghe và không chịu lắng nghe người khác.

Niềm tin quá nhiều vào “Ðịa linh - Nhân kiệt” này sẽ nguy hiểm trong một xã hội có sự tổ chức quyền lực tập trung trong tay một nhóm người, và những “nhân kiệt” này được giữ những vai trò quan trọng. Không có cơ cấu bảo đảm sự làm việc công bằng cùng với những sự chống đối, ganh ghét, hoặc bất hợp tác giữa những người nắm quyền với nhau, hoặc giữa những người nắm chính quyền và người dân thì nguy cơ đưa đến những hậu quả tệ hại lại càng cao. Trong điều kiện làm việc xã hội còn sơ khai, chưa phát triển được những cơ cấu bảo đảm sự làm việc hài hòa và công bằng giữa người với người thì tác hại của vấn đề này sẽ được tăng lên theo số lượng của “địa linh” và số lượng “nhân kiệt”.

“Nhân kiệt” thực sự phải là người biết nghe ý kiến, biết làm việc với mọi người để đưa đất nước tiến lên chứ không phải là người có quyền cao chức trọng trong một xã hội nghèo nàn chậm tiến.

Xã hội phát triển là xã hội có nhiều người tài giỏi nhưng quan trọng hơn là xã hội trong đó mọi người làm việc được với nhau và quyền lợi cũng như ý kiến của đám đông được tôn trọng. Ðất nước có quá nhiều “địa linh” và quá nhiều “nhân kiệt” nhưng những người này không làm việc được với nhau và không làm việc được với người khác là một sự thất bại. Nước Ấn Ðộ là một ví dụ rõ ràng cho sự kém phát triển một phần vì mọi người không làm việc được với nhau mặc dầu đất nước đó có nhiều người tài giỏi.

………………..

(Khả năng làm việc chung với nhau rất quan trọng. Để Việt Nam trở thành một nước thành công thì chính quyền nên chú trọng vào việc giáo dục con người làm việc chung với nhau chứ không nên tập trung quá nhiều vào việc giáo dục học sinh “học giỏi” trong những môn học trong trường, lớp. Giáo dục ở đây là giáo dục một cách khoa học, sáng suốt chứ không phải tuyên truyền, hô hào một cách sáo rỗng, giả tạo, và không hữu hiệu. Học giỏi các môn học theo kiểu Việt Nam khó mà giúp toàn xã hội phát triển được. Hơn nữa, có thể nhiều học sinh học giỏi kiểu này sẽ muốn ra nước ngoài học, nghiên cứu, và làm việc, để rồi sẽ ở lại nước ngoài, và gây nên nạn chảy máu chất xám.)

Nước Việt Nam thật có “quá nhiều” người “tài giỏi”. Những quyển sách về danh nhân Việt Nam, quyển nào cũng dày cộm. Nhưng nều nhìn kỹ lại thì rất nhiều trong số những người này không có khả năng đáng kể hoặc cống hiến to lớn, mặc dầu thực sự họ có một chút công lao nào đó cho đất nước. Rất nhiều người không có khả năng, thực tài nhưng được đưa vào danh sách vì những lý do chính trị, vì có dòng dõi vua quan nào đó, hoặc vì nhưng những câu chuyện về họ có nhiều tính chất “romanticism”, v.v. Từ ngàn xưa và cho tới cả ngày nay, có nhiều người chỉ có những đóng góp tương đối thôi, hoặc trong chiến tranh tổ chức được một vài cuộc nổi dậy nho nhỏ trong vòng vài ngày, vài tuần, hoặc vài tháng cũng đã được gọi là danh nhân nước Việt. Có những nhân vật có một vài ý tưởng (nhưng những ý tưởng này cũng chỉ học lại từ người khác, từ quốc gia khác chứ không phải ý tưởng mới của tự bản thân) và vừa phát động được một vài phong trào nhỏ bé trước khi bị dập tắt ngay sau đó cũng đã được gọi là những danh nhân, những nhà cách mạng rồi.

Danh nhân phải là những người có cống hiến mang đúng ý nghĩa to lớn và cách mạng chứ không phải chỉ có ý tưởng (học lại), không phải chỉ có phát động phong trào, nhưng không đem lại kết quả. Những vị đó chỉ nên được xem là có công và có một khả năng nhất định (điều này tương đối và tùy khái niệm của mỗi cá nhân) mà thôi chứ không thể gọi là nhân tài hoặc nhà cách mạng được. Đồng ý rằng khả năng và công lao của họ cần được công nhận, ca ngợi, và biết ơn. Nhưng trong một xã hội có “thói quen” ca ngợi hơi “quá” thì sự khen ngợi đó dễ đưa tới sự tự hào quá đáng, không chính xác, và sự hiểu lầm khả năng của con người. Chúng ta có những nhân tài mang đúng ý nghĩa, nhưng cũng lại có quá nhiều nhân vật mà tài năng không xứng với sự ca ngợi. Trách nhiệm tìm hiểu rõ hơn về mức độ tài năng và cống hiến của những nhân vật này cũng tùy thuộc vào thế hệ trẻ rất nhiều.

Ý tưởng “Ðịa linh, Nhân kiệt” tự nó không phải là một ý tưởng xấu, và sự liên hệ giữa “địa linh” và “nhân kiệt” có thể đúng ở một mức độ nào đó. Xấu hay tốt là do con người sử dụng. Có lẽ điều cần phải làm hoặc cần chú ý ở đây là đưa ra một định nghĩa mới về “Ðịa linh” và “Nhân kiệt” để nhấn mạnh đến vai trò tương quan của “nhân kiệt” đối với mọi người trong xã hội hiện đại ví dụ như vai trò phục vụ, vai trò một nhân tố nhỏ trong xã hội bao gồm rất nhiều nhân tố khác, trách nhiệm lắng nghe và tiến hành. Điều cần chú ý là phải nhấn mạnh đến tác động của môi trường văn hoá và giáo dục đến sự phát triển của con người, chứ không phải phong thủy địa lý; phải nói tới những “side effects” của vấn đề “Ðịa linh, nhân kiệt” và tác hại của những “side effects” này (ví dụ như quá nhiều “địa linh” và quá nhiều “nhân kiệt” nhưng không ai phục ai hoặc không làm việc được với nhau). Ðồng thời cần phải thấy rằng đây là một vấn đề có nhiều tính chủ quan, và niềm tin quá nhiều vào vấn đề này sẽ có tác hại. Hơn nữa với sự suy nghĩ của con người hiện đại và sự vận hành của xã hội hiện đại thì ý tưởng “Ðịa linh” và “Nhân kiệt” truyền thống đã lỗi thời rồi và không nên ca ngợi nhiều.

Có hai cơ cấu (mechanism) có thể bảo đảm sự làm việc công bằng và hữu hiệu trong xã hội con người. Ðó là sự áp dụng của luật ý kiến đa số (majority vote) và “market forces” (áp lực thị trường(?)).

Ý kiến của số đông là ý kiến tốt nhất và có thể dùng để con người làm việc với nhau hữu hiệu nhất. Nhiều ý kiến hay quá, và ai cũng tự tin ý kiến mình đúng và bảo vệ ý kiến của mình thì phải làm sao? Dĩ nhiên đám đông sẽ quyết định. Ý kiến của đa số là ý kiến hữu hiệu nhất và công bằng nhất vì nó là của nhiều người, được sự đồng ý của đa số, và đem lại nhiều quyền lợi cho nhiều người nhất trong một tổ chức, một nhóm người, hoặc một đất nước. Không có ý kiến nào tốt hơn ý kiến của đa số được. Ý kiến đa số là ý kiến “tốt” nhất mặc dầu có thể không phải là ý kiến “hay” nhất. Tốt nhất tại vì nó tốt nhất cho nhiều người. Hơn nữa một người hay một nhóm người quyết định phương hướng cho mọi người là điều không công bằng, không hữu hiệu, không khoa học, và không thực tế. Một số nước dân chủ đã giải quyết vấn đề này bằng cách dùng “representative” do mọi người bầu ra và áp dụng “majority vote”. Ðiều này đã được họ áp dụng ở khắp nơi từ thể chế chính trị đến trong các công ty, tổ chức, và cả gia đình với sự thành công rất lớn.

“Mechanism” thứ hai là “market forces”. “Market forces” này áp dụng trong Kinh tế, Thương nghiệp và trong những lãnh vực khác như Chính trị, Văn hoá, Xã hội, và ngay cả tình yêu, v.v. “Market forces” ở đây được vận hành bởi sự tự do lựa chọn và tự do cạnh tranh. Ðó là hai yếu tố chính yếu của “market forces”. Tự do lựa chọn và tự do cạnh tranh trong khuôn khổ luật pháp. Theo luật tự nhiên con người sẽ lựa ra những gì tốt nhất và có lợi nhất cho mình và loại bỏ những thứ khác. Ðiều này áp dụng cho hàng hóa lẫn cho con người. Và hàng hóa cũng như con người phải cạnh tranh và cải tiến để được là thứ hàng hóa hoặc con người mà người khác sẽ chọn. Kết quả của sự tự do cạnh tranh và quá trình tự do lựa chọn là chỉ có những món hàng tốt nhất, những con người phù hợp nhất cho sự phát triển chung tồn tại mà thôi. Kết quả là xã hội, công ty, tổ chức, gia đình, … mọi thứ, sẽ được vận hành và chính sách sẽ được thiết lập bởi những con người tốt nhất, phù hợp nhất. Vì đây là sự chọn lựa của mọi người một cách tự do và công bằng nên kết quả của nó sẽ được mọi người chấp nhận và con người sẽ thoả mãn và hạnh phúc. Ðơn giản vậy thôi.

Một điểm rất quan trọng (rất quan trọng) là sự thông minh, sáng suốt, và trình độ dân trí, cũng như thông tin chính xác đóng một vai trò đặc biệt trong quá trình chọn lựa. Sự thông minh và trình độ dân trí càng cao cộng với sự chính xác và đầy đủ của thông tin sẽ càng đưa đến những chọn lựa tốt nhất.