PDA

View Full Version : Bình Luận của Vũ Linh!



hongnguyen
08-07-2018, 08:46 AM
​LUẬT THUẾ MỚI (December 30 - 2017)


Cuối cùng thì luật thuế mới đã ra đời. TT Trump thực hiện được một trong những lời hứa quan trọng nhất của ông. Đây là bộ luật cải tổ thuế lớn nhất từ thời TT Reagan cách đây hơn 30 năm.
Ngay năm 2018, ảnh hưởng trên cá nhân sẽ được thấy qua việc mỗi phiếu lương sẽ được khấu trừ thuế (tax withholding) ít đi, tức là năm tới, tiền quý vị mang về mỗi tháng sẽ nhiều hơn năm qua.
Bộ luật cực kỳ phức tạp dĩ nhiên, và chúng ta sẽ không thể nào điều nghiên chi tiết trong khuôn khổ một bài viết dù khá dài này, chỉ cần biết qua vài điểm chính.

THUẾ LỢI TỨC CÁ NHÂN

Khấu trừ tiêu chuẩn (standard deduction) cho những người không chiết tính chi tiết (no itemized deductions) sẽ là $12.000 cho cá nhân, $18.000 cho chủ gia đình. Hai vợ chồng khai chung sẽ được khấu trừ $24.000. Tức là tăng gấp đôi mức hiện nay. Có lợi lớn cho giới có lợi tức thấp, đối với nhà giàu không áp dụng vì họ đều không lấy khấu trừ tiêu chuẩn.
Mỗi đứa trẻ trong gia đình cũng được khấu trừ từ $1.000 hiện nay, lên $2.000.

Vài ví dụ điển hình về mức thuế phải đóng, dựa trên trường hợp vợ chồng khai thuế chung, có hai con nhỏ, lấy khấu trừ tiêu chuẩn:
- Lợi tức $24.000 một năm, hiện nay lấy về được $900, theo thuế mới, lấy về $4.000
- Lợi tức $30.000 một năm, hiện nay đóng $300, năm tới không đóng thuế mà còn lấy về $3.400
- Lợi tức $55.000 một năm, hiện nay đóng $4.300, năm tới lấy về $300

[Nói cách khác: ngưỡng cửa bắt đầu phải đóng thuế theo luật hiện hành là $30.000; theo luật mới là $55.000. Số người không đóng thuế sẽ tăng từ 35% lên tới 50% dân Mỹ]

- Lợi tức $120.000 một năm, hiện nay đóng $25.000, năm tới đóng $17.000, giảm $8.000 (-32%)
- Lợi tức $1.000.000 một năm, hiện nay đóng $389.000, năm tới đóng $357.000, giảm $32.000 (-8%)

Trên đây là ước tính đơn giản để quý độc giả có một khái niệm thôi, trên thực tế, mỗi trường hợp mỗi người mỗi khác vì nhiều thuế phụ hay khấu trừ khác. Quý độc giả cần tham khảo chuyên gia khai thuế.

Những con số trên chỉ là thuế lợi tức liên bang thôi, không kể đóng góp cho quỹ an sinh Social Security, hay bảo hiểm y tế người già Medicare, hay các thuế tiểu bang và địa phương.

Một điểm quan trọng cho dân cư các tiểu bang đánh thuế lợi tức cá nhân, như Cali: theo luật thuế mới, thuế lợi tức tiểu bang vẫn được khấu trừ khỏi thuế lợi tức liên bang, nhưng bị giới hạn tới $10.000, phần cao hơn không được khấu trừ.
Nếu quý độc giả Cali có lợi tức dưới $120.000 một năm thì khỏi thắc mắc chuyện này vì vẫn được khấu trừ hết. Nếu có lợi tức $120.000, sẽ phải đóng $11.000 (9%) thuế lợi tức cho Cali, được khấu trừ $10.000, không được khấu trừ $1.000 phụ trội còn lại.

Một đại gia lãnh $1.000.000, sẽ phải đóng $130.000 (13%) thuế cho Cali, trước đây được khấu trừ hết, bây giờ chỉ được khấu trừ $10.000, không được khấu trừ phần $120.000 còn lại.

Việc khấu trừ tới $10.000 này cũng áp dụng cho thuế nhà. Do đó, triệu phú phải trả thuế nhà hơn $10.000 mới phải lo không được khấu trừ.

Việc không được khấu trừ quá $10.000 sẽ là gánh nặng lớn cho các nhà giàu trong các tiểu bang giàu đánh thuế tiểu bang nặng như Cali, New York,... Nhà nghèo và trung lưu không bị thiệt hại gì.

THUẾ LỢI NHUẬN KINH DOANH
Thuế lợi nhuận kinh doanh, sẽ giảm từ 35% xuống 21%, bất kể mức nào.

Riêng với các công ty có lợi nhuận dưới $315.000 một năm, 20% lợi nhuận đầu sẽ được khấu trừ, khỏi chịu thuế.
Ví dụ: một tiệm ăn lời $200.000, hiện nay phải đóng 35% tức là $70.000 thuế. Theo luật thuế mới, 20% đầu sẽ được khấu trừ, tức là chỉ phải đóng thuế trên lợi nhuận $160.000, ở mức 21%, tức là chỉ phải đóng $33.600, bớt hơn một nửa.

Tuyệt đại đa số công ty trung và tiểu thương ở trong khung thuế này, và việc khấu trừ 20% cũng như mức thuế 21% sẽ giúp họ có thêm tiền mở mang thêm, thuê thêm nhân viên, mua thêm máy móc dụng cụ. Đây là biện pháp cụ thể giúp tiểu thương mạnh nhất.

Thay đổi thuế xuất công ty là điểm quan trọng nhất trong luật mới vì có thể giảm thuế bạc triệu cho các công ty, có tác động lớn trên kinh tế trong khi những cắt giảm thuế cá nhân của TT Bush có tác động nhẹ hơn vì chỉ giảm vài trăm hay vài ngàn cho cá nhân.

OBAMACARE
Luật bắt buộc phải có bảo hiểm y tế nếu không sẽ bị phạt, bị hủy bỏ. Có nghiã là mọi người có quyền không mua bảo hiểm nếu không muốn. Đây là một điểm cột trụ của Obamacare, bây giờ bị hủy, coi như Obamacare cáo chung phân nửa, chỉ còn lại điều luật không cho các hãng bảo hiểm từ chối những người đã có bệnh trước, là điều mà ai cũng đồng ý.
xxx

TTDC loan tin luật giảm thuế bị đa số dân Mỹ chống đối. Tại sao? Rất giản dị: vì sự xuyên tạc và hù dọa của TTDC thiên tả, và hơn một nửa nước Mỹ nghi ngờ hay chống đối tất cả những gì TT Trump làm cho dù việc làm đó có lợi cho họ. Có những nhà báo hiểu biết nhưng cố tình bóp méo để đánh Trump. Có những nhà báo mù tịt nhưng thấy có dịp đánh Trump thì cứ nhẩy vào đánh tiếp dù không hiểu mình đang nói gì. Tình trạng chia rẽ phe phái chính trị chưa bao giờ vô lý như hiện nay.
Trước khi bàn vào cuộc tranh cãi, ta cần phải hiểu rõ thuế là gì?

Trên căn bản, việc thu thuế có ba mục đích chính. Trong cả ba mục đích đó, cách nhìn của phe cấp tiến khác hẳn cách nhìn của khối bảo thủ. Từ đó đi đến xung đột quan điểm, rồi đi đến xuyên tạc, bóp méo để chống phá nhau.

MỤC ĐÍCH ĐẦU TIÊN: KINH PHÍ QUỐC GIA
Đầu tiên và rõ nhất: thuế là nguồn tiền để Nhà Nước chi cho những mục tiêu có lợi chung như quốc phòng, an ninh trật tự, an sinh xã hội, giáo dục, giao thông, tiện nghi công cộng,... Đến đâu là đủ cho Nhà Nước và đến đâu thì mang tính trấn lột dân?
Đảng DC lo bành trướng tối đa vai trò vú em, với hàng hà sa số luật lệ, và đủ kiểu trợ cấp, do đó cần rất nhiều tiền. Họ suốt ngày hô hoán chỉ muốn thu thuế nhà giàu thôi. Trong một cuộc tranh luận trên TV với cụ xã nghiã Sanders, TNS Ted Cruz của Texas đã nói ngay “nước Mỹ không đủ triệu phú để thực hiện kế hoạch thuế của đảng DC”.

MỤC ĐÍCH THỨ HAI: ĐIỀU HÀNH KINH TẾ
Trong chế độ kinh tế thị trường, Nhà Nước không can thiệp trực tiếp quá mạnh vào guồng máy kinh tế, mà chỉ có thể can thiệp gián tiếp bằng chính sách thuế.

Khi kinh tế trì trệ hay khi Nhà Nước muốn kinh tế tăng trưởng mạnh hơn thì giảm thuế để dân có thêm tiền xài, các công ty có thêm tiền đầu tư vào hãng xưởng, thuê nhân công, tăng gia sản xuất. Ngược lại khi kinh tế sôi sục quá, để tránh lạm phát thì Nhà Nước tăng thuế, thu bớt tiền để dân xài bớt lại.

MỤC ĐÍCH THỨ BA: TÁI PHÂN PHỐI LỢI TỨC
Hầu như tất cả chế độ thuế trên thế giới đều mang tính lũy tiến. Tựu trung thì những người có lợi tức cao phải đóng thuế theo tỷ lệ cao hơn để Nhà Nước có tiền trợ cấp cho những người lợi tức thấp hơn.

Đây là hình thức tái phân phối lợi tức. Vấn đề là tái phân phối tới mức nào. Phe DC chủ trương lấy thuế ‘nhà giàu‘ thật nhiều để cấp dưỡng ‘nhà nghèo’ tối đa, trong khi khối CH chủ trương chỉ cần một mức lưới an toàn tối thiểu cho dân nghèo, còn thì người dân nên có tư tưởng tự lực cánh sinh không nằm dài chờ trợ cấp.
xxx
Phải nói ngay, luật thuế mới, cũng như bất cứ luật lớn nhỏ nào, không thể thỏa mãn tất cả khối 330 triệu dân Mỹ. Bất cứ luật nào cũng có người có lợi, có người bị thiệt thòi. Trong khối người đang trả thuế, có thể 5% sẽ phải trả thuế cao hơn vì nhiều loại khấu trừ sẽ bị hủy bỏ (như việc giới hạn khấu trừ thuế tiểu bang tới $10.000 như vừa bàn qua, sẽ khiến vài nhà giàu phải đóng thuế nặng hơn), 85% được giảm thuế, 10% không thay đổi gì.

NHỮNG LẬP LUẬN CHỐNG GIẢM THUẾ:

1. GIẢM THUẾ KHIẾN NGHÈO SẼ NGHÈO THÊM, GIÀU ĐƯỢC GIÀU THÊM
Lập luận mỵ dân phiạ. Trước hết, như trên đã ghi nhận, số người không đóng thuế gì hết sẽ tăng từ 35% lên gần 50%: một nửa nước không phải đóng thuế gì hết.

Về mấy ông nhà giàu, lấy ví dụ một ông có lợi tức một triệu như trên. TTDC phớt lờ việc ông này đã đóng $357.000 thuế, mà lo xoáy vào việc ông này được giảm thuế, tức là 'giàu thêm' $32.000.

Sự thật, ông ta không 'giàu thêm', mà chỉ là đóng ít thuế hơn. Số tiền này thay vì đi vào Nhà Nước để các công chức vung ra cửa sổ, ông 'nhà giàu' sẽ được giữ lại để đầu tư kinh doanh, mở thêm cửa tiệm, hãng xưởng. Nếu ông không muốn đầu tư, có thể mang tiền đi mua sắm giúp tiêu thụ hàng hoá, hay bỏ vào ngân hàng giúp ngân hàng có thêm tiền cho khách hàng vay mượn làm kinh doanh.
Trong cả ba cách, cách nào cũng là bơm tiền, giúp kinh tế tăng trưởng, tạo công ăn việc làm hay khiến mức lương hiện hữu gia tăng.

Có thể kinh doanh phát triển khiến ông giàu thêm thật, nhưng trong khi đó, ông cũng giúp không biết bao nhiêu người khác giàu thêm theo, có công ăn việc làm, dù lãnh lương thấp cũng còn nhiều hơn lãnh tiền thất nghiệp.

Trong quan điểm của DC, họ nghĩ cần đánh thuế cao vì Nhà Nước có khả năng xử dụng tiền hữu ích hơn, do đó tiền nên vào tay Nhà Nước càng nhiều càng tốt, người dân giữ lại càng ít càng tốt.

Đây là căn bản khác biệt giữa ý thức hệ xã hội chủ nghiã và kinh tế thị trường. Khối thiên tả luôn luôn tin tưởng ở khả năng điều hành kinh tế của các công chức [trong các xứ CS, tất cả đều do công chức 'lên kế hoạch'], trong khi khối thiên hữu tin vào khả năng của mỗi người dân.

2. GIẢM THUẾ ĐỂ TĂNG THU TỰ NÓ ĐÃ LÀ MỘT NGHỊCH LÝ
GS Ben Voth của đại học SMU đã nghiên cứu về ba cuộc trừ thuế lớn gần đây. Dưới đây là tóm lược kết quả:
- TT Kennedy trừ thuế 1961 khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (GDP) là 2,6%. Trong 2 năm sau, 1962-1963: GDP tăng 6,1% và 4,4%; thuế thu vào tăng 15% trong hai năm. (Đừng quên TT Kennedy là đảng DC, cũng giảm thuế cho ‘nhà giàu’ khi cần tăng trưởng đấy)

- TT Reagan trừ thuế 1982 khi tăng trưởng ở mức -1,9% (âm). Trong 5 năm sau, 1983-1988: trung bình kinh tế tăng trưởng mỗi năm 3,8%; thuế thu vào tăng 10% mỗi năm.

- TT Bush con trừ thuế 2002 khi kinh tế tăng 1,0%: Trong 4 năm sau, 2003-2007: trung bình kinh tế tăng hơn 2,5% mỗi năm; thuế thu vào cũng tăng 10% mỗi năm.

Tại sao giảm thuế xuất mà tiền thuế thu vào lại tăng? Vì giảm thuế giúp dân có nhiều tiền xài hơn, các công ty có tiền phát triển kinh doanh, gia tăng thu hoạch và lợi nhuận, sẽ đóng thuế nhiều hơn, trong khi nhiều người có việc làm hơn, có lợi tức cao hơn nên có khả năng đóng thuế cao hơn. Đây không phải là chuyện lý thuyết, mà đã được lịch sử chứng minh qua ba lần giảm thuế nêu trên.

3. GIẢM THUẾ SẼ TẠO THÂM THỦNG NGÂN SÁCH
Luật thuế mới có thể sẽ tạo ra $1.400 tỷ thâm thủng ngân sách trong 10 năm tới, theo Phòng Ngân Sách Thượng Viện, không phải $6.000 tỷ như một vài người phóng đại để hù dọa. Lạ thật, cái đảng tăng công nợ gấp đôi, lên tới $20.000 tỷ để lấp thâm thủng ngân sách trong 8 năm Obama bây giờ sao lại hoảng hốt với $1.400 tỷ trong 10 năm tới?

TTDC phán "dân nghèo sẽ cong lưng ra gánh cái thâm thủng" đó, qua việc trợ cấp bị cắt, và cắt thuế chỉ là món quà TT Trump tặng cho các tỷ phú để họ "bảo vệ ngai vàng" của ông.

Hai câu đố vui cho quý vị:
1. Đố quý vị biết nếu các nghị sĩ, dân biểu CH cắt hết trợ cấp của dân Mỹ, bao nhiêu vị sẽ tái đắc cử? (Câu trả lời: zero. Cho nên sẽ không có ông bà CH nào làm chuyện điên này)

2. Đố quý vị biết tại sao TT Trump phải tặng quà cho tỷ phú? (Câu trả lời: vì ông Trump đắc cử nhờ phiếu của 63 triệu... 'tỷ phú'!)

Thật ra, 1.400 tỷ thâm thủng là cách tính phần lớn dựa trên tình trạng kinh tế hiện hữu, mà không kể đến việc kinh tế sẽ tăng trưởng và tiền thuế thu vào sẽ tăng như trong các cuộc giảm thuế của ba vị tổng thống vừa nêu trên.
Chỉ số chứng khoán tăng vùn vụt từ ngày ông Trump đắc cử tổng thống chính vì các doanh gia tin tưởng giảm thuế sẽ đưa đến tăng trưởng kinh tế mạnh, tất cả các công ty sẽ lớn mạnh và lời to.

4. LUẬT THUẾ MỚI KHÔNG CÔNG BẰNG
Có người cho rằng luật mới không công bằng, bắt những người đi làm cật lực lãnh lương cao như chuyên viên điện toán, hay bác sĩ, phải trả thuế tới 37% trong khi các nhà đầu tư giàu có, làm biếng chẳng làm gì, ăn không ngồi ngáp bỏ tiền vào một công ty có lời, chỉ đóng thuế có 21%. Những người đưa ra lập luận này rõ ràng chưa bao giờ làm chủ công ty nào.

Thực tế, ông nhà giàu ‘làm biếng’ chủ công ty này phải đóng thuế tới hai lần, có thể ba lần không chừng: lần thứ nhất, đóng 21% trong lợi nhuận của công ty (corporate income tax), lần thứ hai đóng 37% trên số tiền lương hay tiền thưởng được công ty chia lại cho ông (individual income tax), và lần thứ ba, nếu cổ phiếu công ty tăng giá hay có chia cổ tức, lại phải đóng thêm 20% thuế trên lợi nhuận đầu tư (capital gain tax).
Ông bác sĩ chỉ đóng có một lần thuế.

5. CÁC CÔNG TY LẤY QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ CHỈ VÌ MUỐN CÓ LỜI, KHÔNG ĂN THUA GÌ ĐẾN THUẾ
Những người đưa ra lập luận này hiển nhiên chưa bao giờ làm kinh doanh. Các doanh gia luôn luôn coi vấn đề thuế là then chốt. Cong lưng làm cho có lời nhiều để rồi Nhà Nước lấy thuế hết thì ai dại gì làm nữa.

Hiện nay, các công ty Mỹ có gần 3.000 tỷ đô tiền mặt. Thay vì đầu tư vào hãng xưởng thì họ để tiền trong các ngân hàng tại các nước gọi là thiên đường thuế như Bahamas, Ireland,…

Tại sao? Không phải vì họ thiếu tưởng tượng, có tiền mà không biết làm gì để sinh lời, nhưng mà vì TT Obama suốt ngày hăm dọa tăng thuế công ty, nên họ sợ mang tiền về đầu tư tại Mỹ sẽ phải đóng thuế đến tắt thở. Để tiền đó, chờ cơ hội đầu tư tại xứ chậm tiến nào đó, có lời cất ở những nơi ít thuế nhất, không dại gì đem về Mỹ cho TT Obama chặt chém.
Một điểm đặc biệt của thuế mới: những số tiền đó có thể chuyển về nước và chịu thuế khoảng 10%. Biện pháp mới này sẽ khuyến khích các đại công ty Mỹ mang tiền lời về Mỹ đầu tư lập hãng xưởng, tạo công ăn việc làm cho Mỹ, nhất là khi thuế lợi nhuận công ty đã giảm mạnh, còn có 21%.

Phải nói ngay, biện pháp giảm thuế này tự nó chưa đủ để các đại công ty mang tiền về Mỹ, vì còn một lý do nữa họ không muốn đầu tư tại Mỹ: những thủ tục, luật lệ hành chánh cực kỳ nặng nề và tốn kém của Mỹ, trong đó có những luật lệ chi tiết liên quan đến bảo vệ môi sinh, hâm nóng địa cầu, quyền lợi nghiệp đoàn,... Chính quyền Trump đang lặng lẽ cắt giảm hàng ngàn luật lệ thủ tục này cũng vì mục đích khuyến khích các công ty này trở về Mỹ thôi.

6. QUA 2027, THUẾ SẼ TĂNG LẠI
Có người hô hoán thuế của 53% dân (hầu hết nghèo và trung lưu), sẽ tăng lại vào năm 2027. Cũng vẫn là chuyện hù dọa.
Thuế xuất cá nhân trên có hiệu lực tới 2025, tới khi đó quốc hội sẽ quyết định tiếp tục giữ nguyên, hay tăng hay giảm, tùy tình hình kinh tế và chính quyền khi đó. Ngay bây giờ không ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra.

Mức thuế được giảm mỗi năm sẽ bớt vì lợi tức thiên hạ tăng. Tới năm 2027, nếu vẫn giữ thuế xuất mới này, theo Washington Post, dân có lợi tức $75.000 sẽ bị tăng thuế 4%; dân với lợi tức $30.000 sẽ bị tăng tới 25%. Điều WaPo không viết là cho dù tăng như vậy, thì mức thuế vẫn thấp hơn khấu trừ tiêu chuẩn, tức là những người này vẫn chẳng phải đóng thuế gì hết, hoặc có phải đóng, thì số tiền phụ trội cũng không đáng kể. Theo Tax Policy Center, những người có lợi tức $75.000 sẽ phải đóng thuế ở mức $30 cao hơn mức của 2017! Mười năm nữa mới tăng ba chục đô!

Cái mánh gian của TTDC là chỉ viết "tăng thuế", để hù dọa nhưng không dám ghi rõ con số thật.

7. GIẢM THUẾ KHIẾN 13 TRIỆU NGƯỜI MẤT BẢO HIỂM
Giảm thuế hay không, chẳng ảnh hưởng gì đến bảo hiểm y tế hết. Chỉ là trong luật thuế mới, có điều lệ đặc biệt hủy bỏ việc đóng thuế phạt nếu không có bảo hiểm y tế.

Một khi không bị phạt, nhiều người, nhất là giới trẻ cảm thấy mình khỏe mạnh, sẽ không mua nữa. Họ không có bảo hiểm vì tự ý không muốn mua chứ không ai không cho họ mua như phe cấp tiến ám chỉ một cách thiếu lương thiện khi dùng danh từ ‘mất’. Không muốn mua bảo hiểm khác rất xa với 'mất' bảo hiểm. Chưa kể con số 13 triệu chỉ là giả tưởng, vì thật sự chẳng ai biết bao nhiêu người sẽ không mua bảo hiểm.

Trên phương diện kinh tế, việc không bắt buộc phải mua bảo hiểm sẽ chặn đứng một phần các mưu toan tăng phí bảo hiểm của các hãng bảo hiểm. Lý luận giản dị như abc: bắt thiên hạ mua, các hãng tha hồ tăng giá, thiên hạ không trốn đi đâu được. Trốn qua hệ thống Obamacare thì kẹt vì các hãng bảo hiểm bỏ Obamacare hàng loạt vì lỗ quá. Không bắt thiên hạ mua, tăng giá họ sẽ không mua nữa, các hãng bảo hiểm muốn bán, phải hạ giá thôi.

Có người nói sẽ có nhiều người bị ‘mất’ bảo hiểm thật vì bảo phí cao quá họ không mua nổi nữa. Ở đây có vài điểm những người chỉ trích không nói tới: 1) như vừa bàn, bảo phí có nhiều triển vọng sẽ giảm chứ không tăng, 2) luật Nhà Nước trợ cấp mua bảo hiểm vẫn chưa bị hủy bỏ, do đó, Nhà Nước vẫn trợ cấp tiền mua bảo hiểm nếu cần, và 3) số người thực sự không thể mua bảo hiểm sẽ rất nhỏ.
xxx

Tóm lại, giảm thuế có lợi cho 85% dân đang phải đóng thuế, ngoài ra chẳng ảnh hưởng gì đến những người 'nghèo' hồi nào đến giờ không đóng thuế gì hết. Thế nhưng ta thấy trên TV và báo toàn là chỉ trích và sỉ vả. Tại sao? TTDC chiả tay la hoảng “chúng ta chỉ được trừ có vài ngàn trong khi Bill Gates được trừ vài triệu, bất công quá!”. Hay là "triệu phú được cắt thuế nhiều quá, ai đóng tiền foodstamps cho tôi?".

Trong mục đích đánh phá TT Trump, TTDC và phe cấp tiến cố tình khai thác, kích động cái tính ỷ lại, tham lam, so bì, ganh tỵ, trong bản tính mỗi người. Để rồi giảm thuế cho dân vẫn là cái tội.

Đọc TTDC, người ta có cảm tưởng là mấy anh ‘nhà giàu’ đều là những tay ma quỷ hắc ám chuyên cướp của giết người chiếm đoạt tài sản thiên hạ, do đó chúng cần phải bị đè ra trấn lột hết tiền bạc của cải, trả lại cho dân cùng đinh hay dân nằm nhà chờ oeo-phe. Cứ ‘giàu’ là đã có tội rồi. Nghe hao hao như Mao và Hồ đang nói chuyện.

Sự thật khác xa. Hầu hết dân ‘nhà giàu’ ở Mỹ đều là những người tài giỏi, cật lực làm việc (người giàu nhất thế giới, Jeff Bezos, chủ Amazon, với gia tài 100 tỷ đô, vẫn làm việc không dưới 14 tiếng một ngày). Phần lớn họ từ hai bàn tay trắng đi lên.
Không ai là thành phần ăn cướp, cũng chẳng ai làm giàu nhờ tham nhũng kiểu các quan đỏ. Tại sao họ chịu khó và thông minh nên giàu có là ta phải tìm cách lấy bớt tiền của họ? Nhờ những ‘nhà giàu’ sở hữu đủ loại đại công ty này mà chúng ta mới có công ăn việc làm. Hãy nghĩ lại xem Amazon hay Apple, họ đã cung cấp bao nhiêu trăm ngàn jobs cho thiên hạ? Theo phe cấp tiến, có lẽ phải đánh thuế cho tới khi họ phá sản, trở lại nghèo như quý độc giả và kẻ này thì mới là công bằng. Bình đẳng trước chén bo bo của CS.

Còn nói về những người chẳng làm gì, nhưng giàu vì hưởng gia tài, thì câu hỏi là gia tài đó từ đâu ra? Có phải bố mẹ hay ông bà của họ cầy cuốc mà ra không? Quý vị đi làm cật lực, muốn có càng nhiều tiền để lại cho con cháu càng tốt. Đến khi quý vị đi theo các cụ, người ta nhẩy đến lấy hết gia tài để lại cho con cháu quý vị vì không phải tiền chúng làm ra. Quý vị nào ủng hộ ý kiến này xin mời ủng hộ đảng DC.

Cuộc tranh cãi về thuế hiện nay giữa hai khối DC và CH tóm lại chỉ phản ảnh hai cái nhìn khác biệt: DC nhìn thuế như công cụ tạo bình đẳng xã hội bằng cách tái phân phối lợi tức, lấy tiền nhà giàu để trợ cấp cho nhà nghèo, khiến cả nước nghèo ngang nhau (mục đích 3); CH nhìn thuế như công cụ tăng trưởng kinh tế, giảm thuế nhà giàu và công ty để họ đầu tư vào kinh tế khiến cho cả nước giàu lên (mục đích 2).
Ở đây, hình ảnh quen thuộc là cái bánh pizza: một là chia cái bánh hiện có ra cho đồng đều hơn, mỗi người đều có phần, nhưng cái phần đó mỗi ngày mỗi nhỏ đi; hai là làm cho cái bánh đó lớn ra, phần mỗi người không đồng đều nhưng mỗi người đều thấy phần của mình lớn ra.

Chống đối là điều dễ hiểu. Điều khó chấp nhận là những lập luận xuyên tạc thiếu lương thiện, dùng lời lẽ dối trá lừa gạt những người ít hiểu biết.

Rất có thể đây là canh bạc vĩ đại của đảng CH. Cải tổ thuế thành công, DC không có hy vọng nắm quyền ít nhất cho tới năm 2024. Nếu cải tổ thất bại, không mang lại phát triển kinh tế, công ăn việc làm cho dân thì hậu quả cho CH có thể thấy ngay vào cuộc bầu cử năm tới vì dân Mỹ không đủ kiên nhẫn chờ năm ba năm xem tác động thực sự của giảm thuế ra sao.

Tất cả các nghị sĩ và dân biểu DC, không có một người nào biểu quyết phê chuẩn luật thuế mới. Bà Nancy Pelosi, lãnh tụ khối DC tại Hạ Viện, tuyên bố “Đây là tận thế!”. TTDC nhất loạt đả kích và truyền thông tỵ nạn ta chăm chú thông dịch.
Một câu đố vui nữa cho quý vị:

Đố quý vị biết qua năm 2018, những người chống đối này sẽ làm gì?
Câu trả lời: sẽ không có tới một người xuống đường biểu tình đòi thu hồi luật thuế mới, ngoan cố đòi đóng mức thuế cao như cũ. Tất cả, từ bà Pelosi tới các cụ tỵ nạn, sẽ rất bận điều nghiên luật mới thật kỹ để xem mình có thể trừ được bao nhiêu tiền thuế. Chửi thì chửi, bớt được đồng nào vẫn cố lấy cho bằng được!

Vũ Linh, đóng góp ý kiến qua email: Vulinh11@gmail.com.

hongnguyen
08-07-2018, 08:51 AM
TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ ĐỒNG TIỀN


Thoáng đọc qua, cái tựa bài viết coi bộ không ổn lắm. Tự do ngôn luận có quan hệ gì đến chuyện tiền bạc? Tự do ngôn luận đâu phải là món hàng có thể mua hay bán đâu mà lại liên hệ nó đến tiền bạc, giá cả?
Sự thật là vấn đề phức tạp hơn cách suy nghĩ đơn giản này nhiều. Muốn có tiếng nói, phải có tiền, không có tiền, mất tiếng nói.

Quý vị muốn có bằng chứng?

Tuần báo chính trị cấp tiến lớn nhất thế giới, TIME, bị khó khăn tài chánh lớn. Vừa mất độc giả, vừa mất quảng cáo, mất cả tài trợ của các đại gia. Quay qua quay lại, tam thập lục chước, chỉ còn một chước là phải bán. Rao bán và có một nhóm tài phiệt mua 2,8 tỷ đô ngay. Một con số kỷ lục chưa từng thấy. Nghĩa là gì? Đó là cái giá mà các ông chủ mới chấp nhận trả để có tiếng nói.

Cái trớ trêu là trong nhóm người mua TIME, có hai anh em tỷ phú Koch, là những đại tài phiệt bảo thủ, đã từng chi bạc triệu để yểm trợ các ứng viên bảo thủ của đảng CH ở nhiều cấp.

Câu chuyện này cho thấy rõ trong cái xứ thành đồng của tư bản chủ nghĩa này, mọi chuyện đều do đồng tiền quyết định, không tiền là... ngáp, đóng cửa tiệm. Mà trong ngành truyền thông, đóng cửa tiệm là mất tiếng nói. Muốn có tiếng nói thì phải chịu chi.

Người ta có thể chê trách các ông chủ của TIME hiện nay là ‘lương tâm không bằng lương tiền’, sẵn sàng vì đồng tiền mà phản lại các độc giả cấp tiến của TIME từ hồi nào đến giờ, trao trứng cho ác, bán TIME cho những tài phiệt bảo thủ nặng. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, không bán thì chẳng lẽ mấy ông chủ hiện hữu ngồi chờ khai phá sản sao?

Mà chẳng phải chỉ có TIME không đâu. Mấy báo lớn của Mỹ như Newsweek và Washington Post,… đã ra đời từ cả trăm năm nay, cũng đột nhiên gặp khủng hoảng tài chánh hết. Newsweek được bán năm 2010 với giá một đô ($1) cho một tài phiệt để ông này lãnh hết nợ nần. Washington Post năm 2013 được bán cho tỷ phú Jeff Bezos, ông chủ của Amazon. Dĩ nhiên, cả ngàn tờ báo địa phương, lớn nhỏ cũng đều gặp vấn đề, tuy nặng nhẹ khác nhau. Tại sao lại có hiện tượng này? Nguyên do từ đâu ra?

Có hai yếu tố quan trọng nhất, dĩ nhiên không kể những yếu tố cục bộ như quản trị dở, giá trị bài viết yếu kém,…

Yếu tố thứ nhất, các loại báo in đều coi như hết thời rồi. Bị cạnh tranh quá mạnh của đủ loại phương tiện gọi là “truyền thông xã hội” qua mạng internet. Hồi trước muốn biết tin, phải đi kiếm báo in để đọc. Sau đó, văn minh hơn, có thể ngồi nhà, coi tin tức trên TV hấp dẫn hơn vì có hình ảnh sống động, báo in bắt đầu mất khách.
Bây giờ thì không ai có đủ thời giờ đọc hàng triệu loại tin được phổ biến qua các trang mạng, emails, facebook, blog,... Chẳng những có thể đọc miễn phí hết, mà lại có dịp lên tiếng phát biểu cảm nghĩ nữa, có dịp đóng góp ý kiến, khen chê ‘thoải mái’!

Chẳng còn lý do gì đi mua tờ báo về đọc, mất công cất chật nhà, nuôi gián mối, lại tốn tiền nữa. Chỉ còn lại lác đác vài cụ già không có computer, hay có mà chưa rành xử dụng, hay không thích đọc chữ trên màn hình computer, sợ mỏi mắt. Nhưng ai cũng biết những cụ này càng ngày càng thưa thớt, lo đi về nơi tiên cảnh (kể cả kẻ này cũng đang lẽo đẽo theo sau), là nơi không ai cần biết tin tức trần tục vớ vẩn gì nữa.

Lý do báo in phải cạnh tranh với các phương tiện truyền thông điện tử là lý do quan trọng, nhưng không phải là lý do sinh tử. Vì các báo và tạp chí đều đã chuyển hướng, chạy theo đà tiến hóa, nhẩy vào thế giới ảo của internet hết. Báo nào cũng có trang mạng, facebook,… hết.

Yếu tố thứ hai quan trọng hơn, vì có hệ quả nặng hơn. Ta thử nhìn lại cho kỹ.

Nhờ sự bành trướng, phát triển quá mạnh của các phương tiện truyền thông điện tử, chính trị đã được phổ cập hóa quá nhanh, quá mạnh, đi sâu vào quần chúng, vào từng gia đình và từng cá nhân. Xu hướng ngày trước là đại đa số dân thường chẳng mấy ai để ý đến chuyện chính trị.

Dân Việt ta trước đây vẫn thường nghe câu nói “tôi không làm chính trị, chẳng biết gì về chính trị”. Nhưng ngày nay, tại xứ Mỹ này, không ai là không để ý đến chính trị. Từ bữa cơm gia đình tới giờ giải lao tại công sở, từ khuôn viên đại học đến sân nhà thờ, từ bữa tiệc nhậu đến đám cưới, có dịp nói chuyện hai ba câu cũng đã là có dịp bàn ra tán vào về những câu chuyện thời sự chính trị. Ngay cả trong thương xá Phước Lộc Thọ ở khu Bolsa, tranh cãi chính trị bây giờ hấp dẫn hơn chơi cờ tướng nhiều.

Về phiá Mỹ, những bài viết chống TT Trump bây giờ cũng len vào được các báo trước đây chẳng dính dáng xa gần gì đến chính trị như Vogue, Vanity Fair, là các tạp chí bàn về mỹ phẩm và thời trang phụ nữ, hay ngay cả Sport Illustrated!
Và vì ai cũng nhẩy nhổm vào chính trị nên ai cũng có quan điểm chính trị. Chứ chẳng lẽ nói chuyện về Obamacare mà lại không có ý kiến gì về TT Obama hết sao? Đưa đến tình trạng ai cũng có ý kiến, để rồi ai cũng đứng về một bên. Còn rất ít người có thể nói thực sự là không đứng về phe nào, cho dù nhiều người vẫn thường tự cho là mình như vậy, không phe phái.

TT Obama khi tranh cử, tuyên bố rất hùng hồn, không có một nước Mỹ xanh hay một nước Mỹ đỏ, đen hay trắng, giàu hay nghèo, v.v... mà chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng khi ông đã làm tổng thống một thời gian thì được báo phe ta Washington Post tặng cho cái danh hiệu “tổng thống tạo phân hóa lớn nhất lịch sử Mỹ”.

Dĩ nhiên, một phần là vì chính sách cấp tiến nặng mà ông theo đuổi. Chẳng hạn như qua Obamacare, từng bước đi vào ‘xả-hội-chủ-nghiã hóa’ ngành y tế, hay những chính sách phải đạo chính trị phi lý. Nhưng công bằng mà nói, thì tình trạng phân hóa cũng xẩy ra vì cả nước Mỹ đều không ít thì nhiều đã lựa phe phái rồi. Gần như cả nước chỉ cần nhìn vào TT Obama là đã có ngay ý nghĩ thích hay ghét rồi, bất kể ông làm gì hay không làm gì. Thích thì chuyện gì ông làm cũng đúng, ghét thì chuyện gì cũng sai.

Thủy triều phân hóa mỗi lúc mỗi lên cao. TT Trump lên ngôi, giựt ngay chức vô địch phân hóa của TT Obama. Cũng không khác gì trường hợp TT Obama, một phần vì chính ông đã tạo ra tranh cãi qua những quyết định hay lời nói, hay chính xác hơn, qua những cái ‘tuýt’ của ông, giựt gân hơn nhạc kích động của Mai-cồ Jackson.
Nhưng quan trọng hơn, chính là sự kiện cả nước Mỹ càng ngày càng phân hóa trầm trọng, càng ngày càng ôm lấy quan điểm phe phái rõ rệt.

Dưới thời TT Bush cha cách đây một phần tư thế kỷ, có thể nói trong 10 người Mỹ, có 1 anh theo DC và 1 anh theo CH, với 8 anh tay không dính chàm. Qua thời TT Clinton, mỗi phe có 2 anh, còn lại 6 anh lửng lơ cá vàng. Qua thời TT Obama, mỗi bên có 4 anh, còn 2 anh lưỡng lự. Đến thời TT Trump, mỗi bên 5 anh, ở giữa: 0! Đã vậy, mấy anh ủng hộ hay chống đều hung hăng như cuồng hết.

Nhìn dưới lăng kính phe phái đó, ta sẽ hiểu ngay tại sao sau bầu cử cả năm trời mà dường như tất cả mọi người, cả hai phiá, đều vẫn tưởng như tuần tới mới có bầu bán, nên đang đánh nhau túi bụi dành phiếu.
Có tổng thống rồi mà! Để ông ta làm việc chứ? Để bà Hillary yên đi, bà đã ngã ngựa lâu rồi, sao lôi bà ta ra làm gì nữa? Đó là những tiếng kêu trong sa mạc.

Sân chơi chính trị Mỹ bây giờ không có chỗ cho những người trung dung, huề vốn, hay ba phải nữa. Nhìn lại xem, tại sao ông Trump đắc cử tổng thống? Ông có giỏi hơn tất cả gần hai chục đối thủ của ông trong nội bộ CH không?
Dường như không. Nhiều đối thủ của ông kinh nghiệm hơn ông nhiều, ăn nói thao thao bất tận hơn ông, tướng mạo tốt hơn ông, có ‘bàn tay’ lớn hơn ông, có mái tóc nghiêm chỉnh hơn ông, có đường lối chính sách hợp lý hơn ông, có hậu thuẫn tài chánh mạnh hơn ông, rất nhiều thứ hơn ông, nhưng lại thua.

Tại sao? Tại vì họ đều xìu xìu ển ển, lập trường chung chung, nhìn cho kỹ giống nhau hết. Ông Trump hơn họ vì cứng rắn dứt khoát, ủng hộ thì tôi cám ơn, không ủng hộ, tôi không cần. Ông Trump đã thắng vì nhiều người thích cái dứt khoát đó, vì chính họ đã có quan điểm dứt khoát rồi.

Từ đây, ta nhìn qua làng báo.
Sân chơi làng báo bây giờ cũng không còn chỗ cho những báo ba phải, hay thông tin thuần túy trung lập.

Từ radio cho đến TV cho đến báo chí, toàn là những hò hét khen chê thẳng cánh, từ Rush Limbaugh, Sean Hannity bên phe hữu, đến Chris Matthews, Ruth Marcus của cánh tả, từ CNN đến Fox News, từ New York Times đến National Review, tất cả chẳng có một ai là nói chuyện không phe phái. Đánh cho ra đánh, bênh cho ra bênh, ai khiếu nại, mua báo khác mà đọc, mở đài khác mà coi.

Có hai cách nhìn: từ phiá độc giả và từ phiá người làm báo.

TỪ PHIÁ ĐỘC GIẢ
Không ai đọc cũng chẳng ai ủng hộ loại báo trung dung ba phải nữa. Tin tức trung dung hay trung thực, đã có hàng vạn nguồn tin trên mạng. Tôi có đọc báo thì đó là vì tôi muốn đọc những gì hợp nhãn, củng cố quan điểm của tôi, chứ không phải để biết tin tức. Không phải chỉ là báo không thôi, mà ngay cả các đài phát thanh hay các đài truyền hình cũng vậy. Ít ai để ý đến những tin tức hay bình luận huề vốn, mà trái lại, phần lớn thiên hạ muốn đọc hay nghe hay nhìn những gì mình thích, hợp ý mà không cần hợp lý.

TỪ PHÍA NHÀ BÁO
Chỉ vì chính những quan điểm phe cánh mạnh mẽ đó mới có thể thu hút độc giả hay thính giả hay khán giả, rồi từ đó đi đến thu hút quảng cáo và bảo trợ nuôi sống báo hay đài đó. Đó là lý do bắt buộc các cơ quan ngôn luận không thể trung lập được nữa.

Trong khung cảnh chính trị phân hoá cùng cực hiện nay, truyền thông muốn có chỗ đứng phải có lập trường dứt khoát, bên này hay bên kia. Ai cũng biết CNN đứng về phiá nào hay Fox bênh ai. Chỉ vì phải có quan điểm dứt khoát mới có hậu thuẫn của khách hàng, và có hậu thuẫn của khách hàng thì mới có ủng hộ tài chánh, từ quảng cáo đến bảo trợ, rồi phải có ủng hộ tài chánh thì mới sống được. Triết lý đơn giản hơn A-B-C.

Thậm chí bây giờ truyền thông có muốn trung lập hay đa dạng, cũng không được. Vì đa dạng là chấp nhận có đủ tiếng nói đối nghịch, từ mọi phiá. Tình trạng phân hóa chính trị ngày nay đã đi đến cảnh không ai chấp nhận tiếng nói chói tai khác nữa. Cứ nhìn vào đám sinh viên cấp tiến của đại học Berkeley thì thấy. Đây là đại học trước đây nổi tiếng là thành đồng của tự do ngôn luận. Nhưng bây giờ thì đã biến thành nơi chỉ chấp nhận tiếng nói thiên tả hoàn toàn một chiều, cho dù cực đoan nhất. Tiếng nói thiên hữu bị dập tắt từ trong trứng nước, bị biểu tình phá, ăn đòn ngay.

Chưa hết. Cái khối bảo trợ tài chánh muốn đi xa hơn nữa. Không còn là “bảo trợ” không nữa, mà muốn kiểm soát luôn cả nội dung các báo và đài luôn. Nhiều tiền như anh em nhà Koch thì mua luôn cả tờ báo. Ít tiền hơn thì qua quảng cáo, áp lực tờ báo không cho đăng bài này, phải đăng bài kia. Tệ hại hơn nữa thì tìm cách triệt hạ như O’Reilly bị loại ra khỏi Fox News.

Vẫn chưa hết. Đứng về một phe vẫn chưa đủ. Còn phải dùng những thậm từ, những ngôn từ nổ hơn kho đạn Biên Hòa để câu khách.

Khi một tờ báo lớn viết bài không phải dưới tên một nhà báo quèn mà là dưới tên ban chủ biên –editorial board- mà lại có thể nói đương kim tổng thống không đáng đi chùi cầu tiêu cho ông tổng thống tiền nhiệm, thì rõ ràng có cái gì bệnh hoạn trong truyền thông dòng chính Mỹ. Và khi truyền thông tỵ nạn hớn hở phổ biến cái tin đó, thì rõ ràng đã có cái gì... còn bệnh hoạn hơn nữa!

Trong những xứ độc tài đảng trị thì đảng ta kiểm duyệt truyền thông, khỏi bàn thêm. Tại Mỹ này thì truyền thông tự nguyện cho đô-la kiểm soát, qua bảo trợ và quảng cáo.

Nhìn từ góc cạnh này thì ta hiểu tại sao những đại tài phiệt tư bản nặng, chủ các cơ quan ngôn luận lớn nhất Mỹ lại chấp nhận báo hay đài của mình ngả về phiá tả: vì họ phục vụ cho những thị trường lớn như New York, Washington DC, Los Angeles, San Francisco, Chicago, ... là những nơi mà độc giả, khán giả và các cơ sở thương mại quảng cáo, phần lớn theo khuynh hướng cấp tiến thiên tả.
Đại tài phiệt, bất kể cấp tiến hay bảo thủ, luôn luôn lấy doanh thu làm yếu tố quyết định.

Trở lại chuyện báo TIME: cho dù được các tài phiệt tư bản nặng mua lại, nhưng có nhiều triển vọng vẫn tiếp tục khuynh hướng cấp tiến vì đại đa số khách hàng là dân trí thức cấp tiến. Cũng không khác gì Newsweek và WaPo, các ông chủ mới là đại tài phiệt, nhưng quan điểm của báo vẫn là cấp tiến, chống Trump, vì khách hàng của họ là trí thức cấp tiến.

Diễn tiến thời cuộc đưa đến tình trạng này. Chẳng ai muốn, cũng chẳng ai chống chế được. Cũng chẳng ai trách các báo, các đài được. Vấn đề sinh tử của họ.

Lý do tài chánh quan trọng thật, nhưng còn một lý do nữa khiến các cơ quan truyền thông đứng qua một bên chứ không còn trung dung nữa: đó là ngay cả các chủ báo phần lớn cũng đã khoác bộ áo ‘chiến sĩ’ tranh đấu cho lý tưởng của họ, dù là bên tả hay bên hữu. Một ông chủ báo hay chủ bút cấp tiến dĩ nhiên sẽ ngả qua phiá tả, hay ngược lại, nếu bảo thủ, sẽ thiên về phe hữu.

Và một khi đã lựa chọn chỗ đứng, bất kể vì lý do tài chánh hay quan điểm chính trị, thì tất nhiên là phải có tuyển lựa người hợp tác viết bài, chọn những người cùng chia xẻ quan điểm.

Báo chí như phương tiện thông tin trung lập đã chết từ lâu rồi, bây giờ báo chí đã thành công cụ tuyên truyền phe phái. Chuyện đa dạng là chuyện mộng mơ không còn thực tế. Đa dạng trong tình trạng chung của cả ngành truyền thông được, kiểu như có báo bảo thủ, có báo cấp tiến, nhưng không thể đa dạng trong khuôn khổ một tờ báo hay một đài TV. Chẳng phải là chuyện thương ghét cá nhân, mà là một quyết định kinh doanh -business decision.

Thật sự vẫn có tự do ngôn luận trên đất Mỹ này thật. Nhưng là thứ tự do có hộp, có ngăn, có nắp, kiểu như đứng đúng bên thì nói sao cũng được, đứng lộn bên thì... xin vui lòng về đúng chỗ. Một Sean Hannity của Fox không thể nào có mặt trên CNN. Các nhà bảo trợ CNN sẽ chấm dứt yểm trợ CNN ngay.

Không nên mơ mộng một truyền thông trung thực, đa dạng không phe phái nữa. Đó là con khủng long đã bị tuyệt chủng lâu rồi. Một cái nhìn quá bi quan không? Muốn biết, quý độc giả cứ nhìn thử vào thực tế chung quanh xem.

Truyền thông tỵ nạn thì sao? Quý vị cứ tự xét.


Vũ Linh email: Vulinh11@gmail.com

hongnguyen
08-07-2018, 08:58 AM
CÂU CHUYỆN DI DÂN



Đúng ngày kỷ niệm một năm chấp chánh của TT Trump, Thượng Viện tặng ông món quà, ngon như xương cá kẹt trong cổ họng: đóng cửa Nhà Nước.

Nhà Nước đóng cửa vì hai chính đảng không đi đến thỏa thuận ngân sách, và không đi đến thoả thuận vì phe DC đòi cài việc giải quyết đám trẻ di dân DACA vào ngân sách trong khi CH không chấp nhận.

Tại sao lại có vấn đề DACA?

Xin nhắc lại câu chuyện qua một đoạn trong một bài kẻ này đã viết trước đây:
DACA, viết tắt từ “Deferred Action for Childhood Arrivals” là danh từ văn hoa của chương trình chấp nhận những trẻ vị thành niên, di dân lậu, bị bố mẹ là dân Trung/Nam Mỹ, đẩy qua Mỹ qua ngã biên giới Mễ, làm ‘mỏ neo’ để ở lại Mỹ, rồi sau đó có thể lấy lý do đoàn tụ gia đình, bảo lãnh cho cả gia đình qua Mỹ theo.

Trên căn bản, tất cả đều như là cô nhi, không có bố mẹ, gia đình gì ở Mỹ. DACA là sắc lệnh Hành Pháp của TT Obama ký tháng 6/2012 mà không thông qua quốc hội, đúng vài tháng trước bầu cử tổng thống tháng 11/2012, với mục tiêu lộ liễu là thu hút phiếu dân Mỹ La-Tinh.

Trên căn bản, theo DACA, việc trục xuất các trẻ em di dân lậu được hoãn lại (deferred) nếu chúng làm đơn xin ở lại và được chấp nhận. Hầu như tất cả đều được chấp nhận nếu không phạm án lớn. Chúng sẽ được ở lại hợp pháp trong thời gian hai năm, có quyền đi làm, hưởng trợ cấp,...

Chương trình này áp dụng cho tất cả trẻ em đến Mỹ khi còn dưới 16 tuổi, đã ở Mỹ liên tục từ giữa năm 2007, đang đi học, hay có việc làm, hay gia nhập quân đội Mỹ. Sắc lệnh đã giúp cho khoảng 800.000 trẻ em vị thành niên di dân lậu tránh không bị trục xuất về nguyên quán. Thời hạn hai năm được gia hạn gần như tự động mỗi khi hết hạn, vô hạn định. Do đó, DACA trên thực tế chỉ là một hình thức ân xá trá hình.

DACA không áp dụng cho khoảng 2,5 triệu đứa trẻ khác cũng đã qua Mỹ lậu cùng với bố mẹ.

Sắc lệnh DACA của TT Obama trên căn bản là vi phạm Hiến Pháp, đi quá quyền hạn của tổng thống. Bằng chứng rõ ràng là sau khi ký DACA, TT Obama thuận tay ký luôn một sắc lệnh tương tự nhưng áp dụng cho di dân thành niên, gọi là DAPA. Bị thưa kiện, toà phán ngay sắc lệnh DAPA vi Hiến, TT Obama đành rút lại. Nhưng không ai dám thưa kiện DACA để thu hồi vì đụng vào trẻ vị thành niên.

Những trẻ em trong khối DACA này được gọi là “Dreamers”, ý nói chúng đang ôm mộng được sống hạnh phúc tại xứ Mỹ, là ‘thiên đàng’ mà đảng CH bảo thủ đang ‘tàn ác’ tìm cách đóng cửa, đuổi chúng đi. Nhận định về chuyện này, TT Trump đã nói ông hoan nghênh chào đón khối Dreamers này, nhưng trẻ em Mỹ cũng là Dreamers vậy, ai lo cho tương lai chúng?” Ai cũng hiểu khi bố mẹ chúng thất nghiệp hay lệ thuộc vào trợ cấp bèo bọt thì tương lai chúng không thể khá.

Tháng 9/2017, TT Trump ký sắc lệnh sẽ chấm dứt chương trình DACA tháng 3/2018 nếu quốc hội không giải quyết vấn đề trọn gói qua một luật quy mô hợp Hiến về khối di dân bất hợp pháp đang sống ở Mỹ. Gần kề kỳ hạn của TT Trump mà quốc hội vẫn không đi đến thỏa thuận gì.

Trên căn bản, TT Trump đã bày tỏ ý định muốn chấp nhận cho đám trẻ ở lại luôn, trở thành công dân Mỹ. Nhưng ông gặp nhiều khó khăn. Trước hết là sẽ làm khối bảo thủ và khối cử tri của ông thất vọng và chống đối vì họ chống lại việc ân xá dưới mọi hình thức cho bất cứ hạng di dân bất hợp pháp nào. TT Trump cũng lo ngại việc chấp nhận đám trẻ này sẽ đưa đến hậu quả trực tiếp là tình trạng di dân dây chuyền –chain migration- qua liên hệ gia đình, tức là đám trẻ này sẽ bảo lãnh họ hàng bà con dây dưa bất tận.

Trên căn bản, phe CH, và cả TT Trump chấp nhận một hình thức ân xá hết đám trẻ này, không trục xuất, cho ở lại nhập tịch Mỹ luôn. Nhưng có điều kiện, đại khái:

1. Phải nằm trong một luật di dân chung, giải quyết toàn bộ vấn đề DACA và 12 triệu di dân bất hợp pháp; kèm theo việc cấp quỹ xây tường biên giới Mễ; phe CH lo ngại việc ân xá đám trẻ DACA sẽ gửi một thông điệp cho dân Nam Mỹ là cứ tống đám con cháu qua Mỹ đi rồi trước sau gì cũng được ân xá, và cả gia đình có thể qua sau, do đó phải xây tường và có luật di trú mới để ngăn đám di dân mới;

2. Chính sách di dân phải dựa trên tuyển lựa theo nhu cầu của nước Mỹ và theo khả năng đóng góp của từng người [merit system], chứ không phải theo liên hệ gia đình [chain migration] bị lạm dụng qua tiểu xảo ‘thả mỏ neo’; phe CH lo sợ nhận di dân dựa trên tiêu chuẩn liên hệ gia đình sẽ đưa đến hậu quả là sẽ nhận

1) toàn là dân nghèo hay lớn tuổi (đưa đến hậu quả trực tiếp là gia tăng gánh nặng xã hội cho Mỹ như tăng tiền trợ cấp, y tế, giáo dục, an ninh trật tự, tăng tội phạm),

2) hay dân không có tay nghề (đưa đến tình trạng tăng thất nghiệp, hay giảm mức lương của dân địa phương khi đám người này sẵn sàng làm việc với mức lương thấp), mà lại

3) vô giới hạn, kiểu như gia đình ông A bảo lãnh qua, có dính một người có liên hệ với gia đình ông B, rồi ông C,.... Chú bác, cô dì, dâu rể, xui gia,... liên tu bất tận; [TT Trump định nghĩa gia đình có thể được bảo lãnh một cách giới hạn gồm có bố mẹ, chồng vợ và con cái chưa thành niên hay chưa lập gia đình, không kể chú bác, cô dì, anh em họ, xui gia,...]

3. Chấm dứt chính sách nhận di dân theo kiểu sổ số rút thăm, chẳng có tiêu chuẩn gì.

Trên danh nghĩa, phe DC đòi hỏi ân xá vô điều kiện cho đám DACA vì lý do nhân đạo, và dựa trên việc đám trẻ này đã lớn lên trên đất Mỹ, khó có thể trở về xứ, nhất là những xứ nghèo, không cung cấp cho chúng công ăn việc làm, là gánh nặng quá lớn cho gia đình chúng. Họ cũng cho việc trục xuất chúng về nước là một hình thức trừng phạt trong khi chúng bị cha mẹ đẩy qua đây khi còn vị thành niên không hiểu biết gì, không phải lỗi của chúng.

Phe cấp tiến còn đi xa hơn nữa, chế ra cái gọi là vùng an toàn –sanctuary zone- cho di dân lậu. Cái ‘vùng’ đó có thể là một tỉnh, một quận, bây giờ leo thang lên tới cả tiểu bang.

Vùng an toàn là gì? Là những vùng không nhìn nhận luật di trú của liên bang, tự cho mình có quyền có luật riêng, chấp nhận di dân lậu tha hồ vào sống ‘thoải mái’ không bị ai hỏi giấy tờ, có thể lãnh trợ cấp, dịch vụ y tế, ..., cũng có thể bị bắt phạt, đi tù nếu phạm luật như bất cứ công dân địa phương nào. Nhưng không bị trục xuất và chính quyền vùng đó cũng sẽ không hợp tác với chính quyền liên bang để bắt hay trục xuất di dân lậu.

Một vài vùng an toàn còn ‘siêu’ hơn, cho phép di dân lậu được tham dự bầu bán địa phương (chỉ là bầu bán địa phương kiểu như Hội Đồng Tỉnh thôi, chưa được bầu bán cấp tiểu bang hay liên bang), dựa trên lý luận họ cũng là những người sống trong cộng đồng, tất nhiên phải có quyền có tiếng nói trong cộng đồng.

Tất cả nghe có vẻ nhân đạo và hữu lý, có phải không, thưa quý vị?

Chỉ có hai vấn đề ‘rất nhỏ’:
1) không ai cho phép họ vào xứ này, và
2) họ chẳng có đóng thuế, mua bảo hiểm y tế,… gì hết, nhưng Nhà Nước, tức là quý vị và tôi đấy, cung cấp đâu cả trăm tỷ mỗi năm tiền giáo dục con cái họ, tiền trợ cấp và tiền nhà thương, bác sĩ, thuốc men cho họ. Có công bằng không?

Đảng DC đối xử với di dân lậu như vậy vì lòng nhân đạo? Bé cái lầm. Tất cả chỉ là bài toán cộng trừ phiếu cử tri thật giản dị, nhất là trong thời điểm hiện tại.

Qua cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, DC nhìn thấy rõ họ đã mất khối cử tri da trắng trung lưu và lao động, là những khối cử tri cố hữu và trung kiên của DC, vì TT Obama đã lơ là họ, hay chú tâm nhưng không biết làm gì để cứu giúp họ.

Với luật thuế mới đặt mục tiêu là tăng trưởng kinh tế để tạo công ăn việc làm, nếu thành công thì hậu thuẫn của khối trung lưu và lao động đối với TT Trump sẽ tăng mạnh, và cuộc bầu cử quốc hội cuối năm nay sẽ gây khó khăn lớn cho DC.

Mất khối này, tất nhiên phải đi kiếm khối khác để bù đắp: đó là lý do quan trọng nhất bắt buộc DC phải ve vãn khối dân thiểu số, đặc biệt là khối di dân gốc Mễ, càng ngày càng mạnh. Và cách chiêu dụ, câu phiếu cử tri hữu hiệu nhất là đứng ra mạnh bạo bênh vực quyền lợi khối dân này, tức là bảo vệ 800.000 trẻ DACA. Càng mạnh càng tốt. Sẵn sàng đóng cửa tiệm Nhà Nước để bảo vệ di dân. Chỉ vì di dân đã trở thành yếu tố sinh tử cho đảng DC.
Nhất là sau khi DC tính toán việc giảm thuế của TT Trump có triển vọng thành công, khiến DC khó có thể lôi khối trung lưu và lao động về lại phe mình.

Vấn đề di dân từ vài chục năm qua, đã là hòn sỏi lọt vào trong giầy của các chính khách Mỹ, hay đúng hơn là khúc gân gà của Tào Tháo, nuốt không trôi mà nhổ không xong. Với cả ngàn dặm biên giới, khó có cách nào ngăn cản được dân nghèo, thất nghiệp, từ phiá nam biên giới tràn qua, gần 90% là dân Mễ.

Chẳng ai biết con số chính xác, nhưng nhiều người ước lượng ít nhất khoảng 10-12 triệu người. Dân Mỹ nói chung, nhìn vào số dân này với ít thiện cảm, vì họ là gánh nặng lớn khi thống kê cho thấy Mỹ tốn cỡ 135 tỷ một năm cho đám di dân lậu qua 3 chi phí chính là giáo dục (46 tỷ), cảnh sát an ninh (23 tỷ), và dịch vụ y tế (29 tỷ). Gần một phần năm (18%) ngân sách của Cali được chi cho di dân bấp hợp pháp.

Vấn đề xây tường như TT Trump hứa hẹn, nói dễ làm khó. Trước tiên là chưa tìm ra tiền. TT Trump xin ngân sách sơ khởi 25 tỷ đô, và 5 tỷ để tăng cường biên giới, chưa đi đến đâu. Ngoài ra còn phải giải quyết cả vạn rắc rối thực tế như luật pháp địa phương với các luật về môi sinh, bảo vệ thiên nhiên, thêm vào đó là địa thế hiểm trở, hay những đất một sở hữu chủ nhưng nằm vắt ngang qua biên giới [xây tường cắt ngang nhà họ sao?],...

Câu chuyện xây tường là một chuyện tiếu lâm. Ba tổng thống Clinton, Bush và Obama xây hơn 1.000 dặm tường không sao. TT Trump đòi xây tường, TTDC nhao nhao sỉ vả. Quý độc giả đoán thử xem tại sao?

Tại vì tường của mấy ông trước cao khoảng 1-2 thước, dân Mễ leo qua như chơi, trong khi tường của Trump cao cỡ cả chục thước, khó leo qua. Nói cách khác, xây tường leo qua được thì ô-kê, nhưng xây tường mà không leo qua được thì không ô-kê.

Nghe nói ‘bức tường’, không ai không cảm thấy khó chịu, như có cái gì không ổn, đi ngược lại những giá trị căn bản về “Tự Do” của xứ Mỹ này. Nhưng thực tế, không có thì không thể nào giải quyết, tức là ngăn chặn nạn di dân lậu được. Nước Mỹ quá trù phú, quá giàu, ở sát nách với mấy nước quá nghèo, làm sao không là nam châm thu hút di dân lậu được? Với đâu 2.000 dặm biên giới, phần lớn là núi non và sa mạc, làm sao kiểm soát từng thước đất được?

Mà thả lỏng cho vào tự do thì cả chục triệu dân Nam Mỹ sẽ đổ xô vào ngay.

Năm 1980, TT Carter mở cửa đón nhận tất cả dân tỵ nạn Cuba nào tới được lãnh hải Mỹ. Bị Castro đánh cho một trận để đời. Tay CS ma đầu này mang cả chục ngàn tù nhân thuộc loại băng đảng ma túy [hầu hết cho đến nay vẫn đang hoành hành tại Miami, Los Angeles, và New York], trộm cướp hung hiểm nhất, đĩ điếm, người điên, bệnh nặng, thả xuống tầu đẩy qua Miami. Gần 150.000 dân, gọi là Marielitos vì khởi đi từ hải cảng Mariel của Cuba, một số lớn thuộc thành phần bất hảo nêu trên, đổ vào Mỹ, gây xáo trộn xã hội và tài chánh vĩ đại cho Carter.

Di dân lậu là một vấn nạn nhức đầu nhất của Mỹ, cả mấy đời tổng thống không giải quyết được. Phe chống rất mạnh, nhưng phe chấp nhận cũng không yếu.

Đây là phe chống ân xá:
- Đại đa số dân Mỹ bình thường, trung lưu và nhất là lao động, vì coi di dân lậu là vi phạm luật vào xứ bất hợp pháp, đe dọa công ăn việc làm và mức lương chung, chưa kể hầu hết là gánh nặng xã hội, y tế, giáo dục, an ninh,... trong khi đóng thuế tối thiểu.

- Khối dân da đen vì sợ cạnh tranh việc làm thấp và bị chia trợ cấp.

- Đảng CH vì biết chắc đám di dân lậu nếu được hợp thức hóa, sẽ bầu gần hết cho đảng DC.

Và phe chấp nhận ân xá:
- Khối dân Mỹ gốc La-Tinh dĩ nhiên;

- Đảng DC đi tìm cử tri.

- Các tiểu bang gần biên giới, Cali, New Mexico, Arizona, cả Nevada, vì nhu cầu nhân lực, nhất là trong một số khu vực thiết yếu như xây cất, canh nông theo mùa, dịch vụ (chủ yếu là tạp dịch tại nhà hàng, khách sạn, siêu thị, công ty lớn,…)

- Các đại công ty cần nhân công rẻ. Chẳng những rẻ trực tiếp vì di dân bị trả lương thấp, mà còn giúp dìm mức lương chung.

- Các nhà giàu, quan chức lớn, tài tử, ca sĩ cần người phục dịch như tài xế, làm vườn, giữ trẻ, bồi bếp,...

- Trí thức cấp tiến và giới trẻ ngây ngô đã được đào tạo kỹ trong các trường hầu hết theo khuynh hướng thiên tả, chủ trương một thế giới đại đồng mà danh từ thời thượng gọi là túp lều đa dạng lớn.

- Khối công giáo, chẳng những vì lý do nhân đạo cố hữu của các tôn giáo, mà cũng vì hầu hết dân Nam Mỹ đều là công giáo trung kiên.

Cho dù chống hay chấp nhận thì cũng không thể nào chối bỏ thực tế thứ nhất là có 12 triệu người và 1 triệu trẻ em không gia đình đang sinh sống bất hợp pháp, và thực tế thứ hai là không có cách nào trục xuất hết ra khỏi nước được.

Một thực tế thứ ba nữa là sẽ không thể nào có được một giải pháp mà tất cả mọi người đều vui vẻ chấp nhận. Một giải pháp chỉ có thể có qua cách áp đảo chính trị. Nôm na ra, khi hai chính đảng còn mạnh ngang nhau, sẽ khó có giải pháp. Phải có một đảng thật mạnh, áp đảo đảng kia, áp đặt giải pháp của đảng đa số. Cùng với một tổng thống dám làm. Bây giờ, đảng CH kiểm soát lập pháp, hành pháp, cả tư pháp luôn, và có một tổng thống cứng rắn, dám làm, là cơ hội tốt nhất để có một giải pháp.

Vấn đề là đảng CH có đủ đoàn kết nội bộ để đồng thuận với một giải pháp nào không. Hay ta lại thấy lịch sử tái diễn với thất bại về giải pháp di dân không khác gì thất bại về thu hồi Obamacare, chỉ vì cãi nhau nội bộ.

Trên căn bản, chuyện trục xuất cả chục triệu di dân bất hợp pháp là không tưởng, chẳng những không có cách thực tế nào để làm, mà còn có những tác hại kinh tế khổng lồ chẳng những cho kinh tế những tiểu bang biên giới, mà cho cả nước Mỹ luôn. Trước sau gì cũng phải chấp nhận họ, qua cách thiết lập một lịch trình cùng với điều kiện để trở thành công dân, chẳng hạn như phải có việc làm, đóng thuế, không phạm tội, được một loại thẻ xanh nào đó trong một thời gian vài năm thử thách, rồi mới được vào quốc tịch.

Nhưng đồng thời cũng không thể để tình trạng di dân tiếp tục tràn qua vô tận. Ai cũng hiểu bất cứ hình thức ân xá nào cũng lập tức khuyến khích di dân tràn qua mạnh hơn nữa, do đó bắt buộc phải có bức tường của TT Trump, không phải cái tường cao một thước có tính tượng trưng, mà là tường thật. Real wall chứ không phải... fake wall.

Đây có lẽ là quan điểm chung của cả hai chính đảng và tuyệt đại đa số dân Mỹ. Vấn đề là đi vào chi tiết thực hành thì bắt đầu tranh cãi để rồi chẳng ra được đồng thuận cuối cùng. Vấn nạn di dân cực kỳ khó khăn, bởi vậy mới nói đó là cái gân gà của Tào Tháo.

Vũ Linh (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)

hongnguyen
08-08-2018, 08:21 AM
ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG GÌ?




Câu trả lời cho tựa bài viết tuần này hiển nhiên: đảng DC là một trong hai chính đảng của đại cường Cờ Hoa, là đảng có quan điểm thiên tả, có thể gọi một cách nhẹ nhàng hơn, là ‘cấp tiến’. Là đảng tự nhận phục vụ người dân… thấp cổ bé họng, như dân nghèo, dân da màu, dân lao động và dân tỵ nạn.

TT Thiệu đã nói một câu để đời, có thể áp dụng vào rất nhiều chuyện. Kể cả áp dụng vào đảng DC Mỹ: đừng nghe những gì họ nói, mà hãy nhìn kỹ những gì họ làm.


Năm 1992, có bầu tổng thống giữa đương kim TT Bush (cha) và thống đốc Clinton. Tôi gặp một bà cụ tỵ nạn, hỏi bà có tính đi bầu không?

- Có chứ, mình phải đi bầu để bảo vệ quyền lợi mình chứ.
- Thế cụ tính bầu cho ai?

- Thì bắt buộc phải bầu cho Clinton chứ gì nữa. Bầu mấy thằng Cộng Hòa của tụi trắng kỳ thị, nó cắt hết tiền trợ cấp, có khi còn đuổi về VN nữa, có điên không?

Câu chuyện tóm gọn vài huyền thoại lớn mà nhiều ông bà tỵ nạn ta cho đến nay vẫn ôm cứng trong đầu. Trong mấy thập niên qua, đảng DC phải nói là đã được xây dựng trên một mớ huyền thoại, mười phần thì phịa hết bẩy tám. Kẻ này đã viết không biết bao nhiêu lần trước đây, bây giờ viết lại vẫn không thừa thãi vì những huyền thoại vẫn còn đó.


ĐẢNG DC LÀ ĐẢNG CỦA DÂN NGHÈO?
Đây là hình ảnh quan trọng nhất, được nhiều người chấp nhận nhất. Nhưng cũng là huyền thoại lớn nhất. Nhìn vào thực tế thì thấy: các lãnh tụ DC như Obama, Clinton, Pelosi,... đều có gia tài bạc trăm triệu.
Họ đều xuất thân bình thường như quý độc giả và kẻ này, đừng hỏi tại sao sau khi làm chính trị ‘phục vụ dân nghèo’, bây giờ lại giàu vậy. Ba thượng nghị sĩ giàu nhất Thượng Viện là Mark Warner, Richard Blumenthal, và Dianne Feinstein, đều thuộc đảng DC hết. Các đại tài phiệt giàu nhất Mỹ đều theo DC: Bill Gates, George Soros, Jeff Bezos, Warren Buffet, Mark Zuckerberg,...

Tại sao những người giàu nhất lại thường theo DC, ra vẻ tranh đấu cho dân nghèo, dân lao động? Một phần vì mặc cảm, một phần vì muốn che dấu những hoạt động kinh doanh, cách làm giàu mờ ám của họ.

Jeff Bezos, ông chủ của Amazon và Washington Post, là vua... giết tiểu thương và trung thương. Cách kinh doanh làm giàu của anh ta là giết hay nuốt các cơ sở thương mại bán lẻ nhỏ. Bill Gates là nhà từ thiện lớn nhất thế giới, nhưng anh ta đã làm giàu bằng những mánh mung kinh doanh xảo trá nhất mà Steve Jobs (Apple) đã từng vạch ra. Zuckerberg bán dữ liệu cá nhân của cả chục triệu người sử dụng Facebook cho các công ty nghiên cứu thị trường vì mục tiêu kinh doanh hay chính trị.
Trên căn bản, đúng là DC chủ trương giúp dân nghèo nhiều nhất, qua trợ cấp đủ loại, từ phiếu thực phẩm đến bảo hiểm y tế, trợ cấp đông con, tiền thất nghiệp, v.v... Những người nào mơ mộng những thứ này, nên ủng hộ đảng DC.

TT Obama đã hãnh diện khoe số người lãnh Medicaid, là bảo hiểm y tế của Nhà Nước cấp cho dân nghèo, đạt được kỷ lục cao nhất xưa nay. Một kỷ lục mà nhiều người hoan hô, nhưng là một tin đáng buồn hơn vui. Đúng vậy, trách nhiệm của người lãnh đạo là làm cho dân giàu nước mạnh, chứ không phải là làm sao cho càng nhiều người nghèo khổ, sống nhờ Nhà Nước càng tốt.

Trợ cấp trên căn bản là cần thiết, vì lý do nhân đạo, giúp những người kém may mắn và tránh bất ổn xã hội. Có những người thật sự có nhu cầu trợ cấp, Nhà Nước có tránh nhiệm giúp họ, chẳng ai trách gì họ. Nhưng nếu trợ cấp bị lạm dụng, nhiều người có thể tự lực cánh sinh nhưng vẫn lạm dụng trợ cấp, thì đó là những trường hợp khó thông cảm được.

Trợ cấp cũng có mặt trái: biến con người thành nô lệ. Một khi dính vào tròng trợ cấp, khó thoát ra, và càng ngày càng lệ thuộc trợ cấp, lệ thuộc vào đảng đã ban phát trợ cấp. Đâm ra ỷ lại vào trợ cấp, mất dần ý chí tự lập, sanh ra làm biếng luôn. Mà một khi đã lệ thuộc vào trợ cấp thì sẽ mãi mãi phải vật lộn với mức chi tiêu trong vòng trợ cấp, có nghiã là sẽ ngàn đời nghèo túng, không bao giờ có cơ hội khá hơn vì trợ cấp chỉ giúp sống qua ngày, không bao giờ giúp leo lên bực thang xã hội.

Đó có phải là phương thuốc lý tưởng nhất để giúp dân nghèo không?
Tuyệt đối không! Cách giúp dân nghèo đúng nhất là giúp họ thoát ra khỏi vòng nghèo túng chứ không phải giam hãm họ trong vòng trợ cấp càng đông và càng lâu càng tốt.

Mà cách giúp hữu hiệu nhất là tạo công ăn việc làm qua tăng trưởng kinh tế, không phải qua tái phân phối lợi tức, chia lại những gì đang có, dựa trên việc tăng thuế nhà giàu chia lại cho dân nghèo. Nói cách khác, cần làm cho cái bánh lớn ra, tất cả mọi người đều có phần lớn ra, thay vì cứ giữ cái bánh như cũ rồi lo chia phần cho đều hơn. Trách nhiệm của Nhà Nước là bảo đảm khi chiếc bánh lớn ra thì phần của mỗi người, nhất là phần của người nghèo, cũng sẽ lớn ra, không bị mấy ông nhà giàu hay quyền thế cưỡng chiếm mất.

Trợ cấp đến một giới hạn nào đó là cần thiết và chính đáng. Nhưng thực tế chính trị ngày nay, đảng DC nhờ công của TT Obama, đã biến trợ cấp thành một hình thức hối lộ, mua phiếu cử tri không hơn không kém.

Sự khác biệt căn bản giữa CH và DC rất rõ ràng: CH tin ở tinh thần cầu tiến và khả năng thành đạt của cá nhân, giúp người nghèo tự mình vươn lên để thoát ra khỏi vòng nghèo túng, DC giúp người nghèo bằng cách lấy của nhà giàu chia lại cho người nghèo để họ mãi mãi thoi thóp trong nghèo túng, mãi mãi lệ thuộc vào trợ cấp và mãi mãi phải bầu cho DC. DC cho rằng dân ngu khu đen vĩnh viễn u tối, chỉ có lãnh đạo và công chức là ưu việt biết cách cứu nhân độ thế.


ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG CỦA TRỢ CẤP
Trong lịch sử cận đại Mỹ từ sau Thế Chiến Thứ Hai, đã có 6 tổng thống DC và 6 CH, không kể TT Trump. Trong tất cả 6 ông CH, đã có 3 ông cắt thuế, nhưng không có một ông nào cắt một xu trợ cấp nào của bất cứ ai. Trái lại, ngoài TT Johnson, chỉ có một tổng thống duy nhất đã tăng trợ cấp một cách quy mô: đó là TT Bush con của CH, với trợ cấp Medicare Part D, Nhà Nước bồi hoàn tiền mua thuốc cho các cụ lãnh Medicare. Vậy chứ mỗi lần bầu cử tổng thống là bài ca con cá vàng “CH cắt trợ cấp” lại được ban hợp ca DC hát lên với dàn nhạc TTDC, như cái đĩa hát rè của thập niên 40. Vẫn có người nghe và tin.


DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG CỦA DÂN LAO ĐỘNG
Theo cơ quan thăm dò Gallup, hai năm sau khi Obamacare ra đời năm 2010, một nửa số doanh nghiệp tiểu thương đã đóng băng không thuê thêm nhân viên, trong khi một phần năm doanh nghiệp nhỏ đã sa thải nhân viên. Năm 2014 là năm đầu tiên Obamacare được áp dụng trọn vẹn, cũng là năm đầu tiên trong lịch sử Mỹ mà số doanh nghiệp tiểu thương ‘âm thầm đóng cửa’ cao hơn số doanh nghiệp ‘tưng bừng khai trương’. Tỷ lệ thất nghiệp leo lên tới 10%. Năm đó cũng là năm DC thất bại nặng nề nhất lịch sừ bầu cử quốc hội giữa mùa.

Thất nghiệp không phải là ưu tư của đảng DC. Càng nhiều người thất nghiệp càng tốt vì họ sẽ phải lệ thuộc vào trợ cấp, bắt buộc phải bỏ phiếu cho DC.

DC là đảng cổ võ cho nghiệp đoàn vì nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi nhân công. Chỉ tiếc là coi vậy chứ chưa chắc đã là vậy.
Những người tỵ nạn thời 75 hẳn còn nhớ hai hãng máy bay lớn nhất Mỹ thời đó là Pan American Airline và Eastern Airline. Rất nhiều dân tỵ nạn thời mới qua, những năm sau 75, đã làm việc cho hai hãng đó. Cả hai hãng đều đã không còn nữa. Phá sản dưới thời TT Carter, tất cả nhân công bị sa thải hết, hàng trăm ngàn người bị thất nghiệp khi đó.
Tại sao? Vì chi phí lương nhân viên quá cao, không thể cạnh tranh được với mấy hãng máy bay không có nghiệp đoàn của các hãng nhỏ mới ra, hay hãng ngoại quốc. Lương cao là do kết quả tranh đấu của nghiệp đoàn. Nhìn cho kỹ, nghiệp đoàn chỉ có lợi ngắn hạn, trong cái nhìn thiển cận, nhưng đưa đến thảm họa phá sản trong đường dài.

Kỹ nghệ xe hơi của Mỹ cũng ở trong tình trạng tương tự. Không cạnh tranh nổi với Nhật, Hàn Quốc, và Âu Châu vì lương nhân công quá cao. Đáng lẽ đã xập tiệm nếu không có TT Bush và TT Obama bơm tiền vào cứu.

Nghiệp đoàn cũng đang tranh đấu đòi tăng lương tối thiểu lên tới 15 đô một giờ, và được đảng DC ủng hộ trong khi CH chống đối. Vấn đề phải nhìn cho kỹ.

Đối với những đại công ty như Wal-Mart (mà bà Hillary trước đây là thành viên Hội Đồng Quản Trị) mà các vị chủ tịch, tổng giám đốc lãnh lương bạc triệu hay chục triệu trong khi một số lớn mấy người bán hàng chỉ được làm bán thời, lãnh lương chết đói mà không có quyền lợi bảo hiểm y tế, nghỉ thường niên,... thì việc tăng lương tối thiểu cho nhân công là chuyện đáng làm và cần làm, nhưng lại không xẩy ra.

Nhưng đối với hàng triệu cơ sở kinh doanh tiểu và trung thương, tăng lương tối thiểu sẽ giết chết họ. Như cột báo này đã viết nhiều lần, thử hỏi ông chủ tiệm phở tại khu Bolsa, nếu bị bắt phải tăng lương tối thiểu lên 15 đô một giờ cho những người chạy bàn, rửa chén, quét dọn, thì ông sẽ phản ứng như thế nào? Vui vẻ tăng lương họ để rồi lỗ lã, phá sản? Hay là sa thải họ để đi thuê dân Mễ lậu, trả lương rẻ hơn? Như vậy tăng lương tối thiểu có giúp cho dân lao động tiểu thương không? Hiển nhiên là không. Cho dù đóng cửa hay sa thải đi thuê dân Mễ lậu thì kết quả là dân lao động Mỹ vẫn mất job, thay vì lương được lên 15 đô. Đó là quy luật kinh tế, không cần biết đảng nào đang nắm quyền.

Tăng lương tối thiểu không phải là giải pháp, chỉ có tăng trưởng kinh tế mới giúp mọi người khá hơn. Có tăng trưởng kinh tế thì tự động sẽ có tăng lương thực tế. Không có tăng trưởng mà chỉ muốn tăng lương thì mọi người sẽ mất việc, chưa kể sẽ có nạn lạm phát, đồng tiền mất giá để rồi tăng lương cũng như không.


ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ TÚP LỀU LỚN?
Túp lều lớn mang ý nghĩa đa dạng, bao dung, bình quyền, không kỳ thị, nhân ái... DC là đảng của đủ sắc dân, đủ tôn giáo, đủ khuynh hướng chính trị. Nghe quá hay.

Sự thật, cái lều DC bé như cái “lều chó con” -nói theo Hồng Y Dolan- chỉ chấp nhận những người cùng chia sẻ quan điểm cấp tiến. Một ông bảo thủ đắc cử tổng thống? ‘Not My President’, tìm đủ cách chống đối và lật đổ. Một nhà báo nói chuyện ‘phản động’ với sinh viên? Nhìn vào những bạo động tại đại học Berkeley thì biết. Bình quyền? Một thống đốc tuyên bố “All lives matter, not just black lives matter” bị bắt buộc phải xin lỗi và rút lời.

Đa dạng tôn giáo? ‘Phải đạo chính trị’ của DC là phải kính trọng ... Hồi giáo như tôn giáo của hòa bình, nhưng cấm không được quảng bá Thiên Chúa giáo; cấm không được gọi khủng bố Hồi giáo là ...’khủng bố Hồi giáo’, nhưng lại mau mắn gọi các sư Miến Điện là ‘khủng bố Phật giáo’.

Thế nào là nhân ái? Có phải là nhân đạo và bác ái không? Là quý trọng và bảo vệ mạng sống của con người không? Thế thì sao lại chủ trương phá thai tự do? Chỉ vì muốn bảo vệ quyền của phụ nữ ham vui thả giàn mà không muốn nhận trách nhiệm? Mạng của một bào thai không quan trọng bằng một đêm vui chơi thoải mái?

Rất ‘rộng rãi’ trong chính sách phá thai, nhưng lại chống đối kịch liệt án tử hình cho những tội đại hình. Sinh mạng của những bào thai vô tội có thể hủy tự do, nhưng sinh mạng của những tên tội đồ ghê gớm nhất thì lại phải bảo vệ bằng mọi giá.


ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG CỦA DÂN DA MÀU
Nội chiến Nam Bắc Mỹ xẩy ra vì tổng thống Abraham Lincoln của đảng CH chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ da đen bị khối DC miền nam nước Mỹ chống lại.

Ngay cả cho đến thời các TT Kennedy và Johnson, lúc đầu mấy ông này cũng chống lại những tranh đấu của dân da đen đòi bình quyền. Cho đến khi miền nam đại loạn, biểu tình, chống đối nổi lên khắp nơi dưới sự lãnh đạo của mục sư Martin Luther King thì TT Johnson bắt buộc phải nhượng bộ, ký luật nhân quyền, rồi đúng theo mô thức của chính trị gia, nhẩy ra vỗ ngực khoe công ‘giải phóng’ dân da đen! TT Johnson khi ký các đạo luật nhân quyền cho dân da đen cũng vẫn gọi họ là “mấy tên mọi” –f…cking niggers!

Ngày nay, DC là đảng được dân da màu ủng hộ thật. Một phần vì TT Johnson đã mang lại công bằng cho họ khi ra luật Civil Rights Act và Voting Rights Act (mở cửa cho việc ông Obama đắc cử tổng thống), nhưng đó là chuyện của nửa thế kỷ trước. Ngày nay dân da đen ủng hộ đảng DC chỉ vì là đảng ban bố trợ cấp rộng rãi nhất lịch sử Mỹ. Bất cứ ông bà nào ra tranh cử với danh nghiã DC sẽ được dân da màu (đen, nâu, vàng) nhiệt liệt ủng hộ ngay, vì trợ cấp.

Chính sách trợ cấp bừa bãi đã phá nát nền tảng gia đình trong khối dân da đen, khi hàng loạt phụ nữ không chồng mà vẫn đầy con nhờ Nhà Nước nuôi, chẳng biết đứa nào là con ai. Trong 10 đứa trẻ con da đen chạy long nhong ngoài đường, đã có 7 đứa không có bố chính thức. Đó có phải là chính sách ‘bạn’ với dân da đen không?

Trong vấn đề di dân bất hợp pháp cũng vậy, tất cả chỉ là chuyện đếm phiếu không hơn không kém. DC hô hào ân xá vì lý do nhân đạo, vì muốn bảo vệ trẻ con di dân, vì muốn di dân được đoàn tụ gia đình,… nhưng chỉ là ngụy biện thôi.

Trong hai năm 2009-2010, DC nắm Tòa Bạch Ốc, và kiểm soát cả thượng viện lẫn hạ viện, họ đã có thể ra luật ân xá toàn diện cả chục triệu di dân lậu. Nhưng họ không làm gì hết, vì đa số dân biểu nghị sĩ DC cũng không thực sự muốn ân xá. Hô hào ân xá bằng miệng thu được cảm tình và phiếu của cử tri gốc Mễ. Ân xá bằng luật thật sự sẽ mất hết phiếu của cử tri da trắng.


ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ BẠN CỦA DÂN TỴ NẠN VIỆT
Đây là lập luận của những ông bà tỵ nạn Việt ủng hộ đảng DC. Nhiều dân HO nhớ ơn DC vì nghĩ TT Carter của DC đã là người mở rộng cánh tay đón HO vào Mỹ. Nhưng nhìn lại cho kỹ, coi dzậy mà hổng phải dzậy đâu, các cụ ơi.

Trước tiên, đảng DC là đảng đã bức tử VNCH, sau khi thanh toán TT Diệm để có thể áp đặt lính Mỹ vào miền Nam, để rồi vẫn thua VC, rồi ép TT Nixon phải bỏ miền Nam VN qua hàng loạt biện pháp khóa tay như cấm bành trướng chiến tranh qua Căm-Pu-Chia và Lào, cấm thả bom đường mòn Hồ Chí Minh, cắt giảm ngân sách, cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự cho Nam VN. Chuyện ‘Nixon bán đứng Nam VN cho Mao’ chỉ là chuyện đổ thừa chạy tội không có căn bản cũng chẳng hợp tình hay hợp lý mà cột báo này đã bàn quá nhiều lần.

Năm 1972, ứng cử viên tổng thống của đảng DC là George McGovern. Ông này chủ trương Mỹ rút quân ra khỏi Nam VN ngay lập tức, chỉ với một điều kiện duy nhất: CSBV trả lại tù nhân Mỹ. Chuyện miền Nam VN sẽ bị CSBV chiếm không phải là chuyện Mỹ phải thắc mắc hay điều đình gì hết. Năm 1975, ông McGovern kịch liệt chống việc TT Ford nhận dân tỵ nạn VN vào Mỹ. Cùng chống với ông, có hai tiếng nói hăng nhất là Jerry Brown, khi đó đã là Thống Đốc Cali và cựu PTT Joe Biden khi đó là thượng nghị sĩ.

Năm 1978 khi hàng triệu quân cán chính miền Nam còn chết dở sống dở trong tù cải tạo từ Cà Mau đến Sơn La, TT Carter, với hậu thuẫn của vài thượng nghị sĩ cựu quân nhân như John McCain, John Kerry,... gửi một phái đoàn qua Hà Nội thảo luận việc bỏ cấm vận và thiết lập bang giao nếu VC giúp tìm xác lính Mỹ. VC khi đó đang khủng hoảng kinh tế, trên bờ phá sản, lại cũng chuẩn bị đánh Căm-Pu-Chia và đối phó với Trung Cộng, nên ra giá sẽ cho phép Mỹ đến tìm xác lính Mỹ đổi lấy việc TT Carter nhận tù cải tạo qua diện HO, và nhận hàng vạn thuyền nhân bị VC trục xuất, để xả bớt ưu tư an ninh nội bộ (lo sợ chưa kiểm soát được khối quân cán chính ‘ngụy’, lo sợ dân Việt gốc Hoa nằm vùng cho TC) và gánh nặng kinh tế (bớt miệng ăn).

Những người nghĩ TT Carter đón nhận HO và thuyền nhân vì lý do nhân đạo, thương dân Việt, mang ơn Carter, chỉ là những người ngủ mơ. Ưu tiên của TT Carter là xác lính Mỹ để được bầu lại khi ra tái tranh cử. Nhận tù cải tạo và thuyền nhân là cái giá mà VC bắt TT Carter phải trả để VC cho phép tìm xác lính Mỹ.

Nhìn vào quan hệ Mỹ-Việt, ta thấy TT Carter là người đầu tiên bắc lại nhịp cầu với CSVN, TT Clinton là người thiết lập ngoại giao, bỏ cấm vận kinh tế với CSVN, cho CSVN gia nhập các tổ chức quốc tế, TT Obama là người bỏ luôn cấm vận quân sự với CSVN. Cả ba đều có chính sách thân thiện nhất với CSVN, và cả ba đều thuộc đảng DC. Dĩ nhiên, cả ba ông cũng đều lớn tiếng đòi nhân quyền cho VN. Chẳng có một kết quả cụ thể nào ngoài việc VC thỉnh thoảng thả một tù chính trị qua Mỹ cho Mỹ vui. VC thả một, bắt thêm một trăm.

Nhiều cụ tỵ nạn ta đã quên bẵng khối cấp tiến DC và TTDC đã là nguyên nhân lớn nhất khiến ta thua cuộc, phải vắt chân lên cổ bỏ xứ đi tỵ nạn, cũng quên luôn là đảng DC đã kịch liệt chống lại việc nhận chúng ta vào Mỹ năm 75.


Nói tóm lại, tất cả những chuyện Dân Chủ là đảng của dân nghèo, lao động, di dân, da màu, tỵ nạn, v.v... chỉ là những huyền thoại do đảng Dân Chủ tạo ra, rồi được truyền thông phe ta quảng bá. Nguyên tắc chỉ đạo của nghệ thuật tuyên truyền là cho dù là một điều không đúng sự thật, nhưng nói mãi cũng sẽ có người tin, càng về lâu về dài càng nhiều người tin.

Vũ Linh (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)

hongnguyen
08-08-2018, 08:27 AM
CHÍNH TRỊ VÀ ... SEX

Nếu có một du khách nào mới lần đầu tiên tới thăm cái xứ Cờ Hoa lúc này, vị khách đó chắc sẽ dừng một khắc, chụp vài ba bức hình cho có, rồi xách dép chạy bạt mạng về xứ ngay. Nhất là nếu đi du lịch với bầu đoàn thê tử, có con vị thành niên, chạy càng nhanh.

Lý do? Vị du khách này nghĩ lại, chưa thấy mình đã đi đến cái xứ nào loạn luân như cái xứ Mỹ này hết. Mở TV bất cứ đài nào, mua bất cứ báo nào, toàn thấy nói chuyện hết ông này sách nhiễu tình dục đến ông kia lem nhem sàm sở. Dĩ nhiên không kể các ông ôm hôn nhau hay mấy bà nắm tay làm đám cưới. Hay chuyện ông râu xồm đòi vào cầu tiêu nữ, hay cô chân dài đòi vào cầu tiêu nam. Làm như thể cả nước này toàn là bị bệnh hoạn, ám ảnh, dồn nén vì chuyện sex nên thành điên khùng hết rồi.

Chuyện sex, tiền và quyền hành –nhất là quyền chính trị- là ‘ba cái lăng nhăng’ nắm tay nhau đồng hành dĩ nhiên đã có từ thời ông Bành Tổ, không có gì mới lạ, chỉ là thời đó chưa có báo hay TV hay facebook nên ít ai biết. Ai cũng hiểu đó là trong cái bản chất ‘thú tính’ của con người, càng đi xâu vào lịch sử sơ khai, càng gần với cái thú tính đó. Dễ hiểu thôi. Thế nhưng, ta đang ở xứ Cờ Hoa mà. Chẳng phải đây là cái xứ văn minh tiến bộ nhất nhân loại sao? Sao cái ‘thú tính’ đó lại có vẻ như nổi đình nổi đám, bộc phát mạnh hơn cả thế giới? Mà lại trong thiên niên kỷ mới, khi thiên hạ đã biết ăn ở phải phép với nhau từ mấy ngàn năm rồi.

Chuyện cũ thật, nhưng đã qua chương mới.

Cái chương mới này bắt đầu cách đây vài tháng. Một ông đại tỷ phú, chuyên sản xuất những phim vĩ đại, nổi tiếng nhất, Harvey Weinstein, bất ngờ bị một cô chuẩn tài tử nhí đáng tuổi cháu ngoại, không biết vì bực tức thật sự hay vì muốn nổi đình đám kiếm job đóng phim, tự nhiên tố ông Weinstein là sách nhiễu tình dục, sàm sở gì đó.
Chuyện quá thường tình trong cái thế giới phim ảnh trong đó đã có cả triệu phim với những màn ôm ấp hôn hít hay xa hơn nữa, giữa những tài tử làm những chuyện này như thiên hạ bắt tay nhau nói hello, chẳng mang một ý nghiã gì, chẳng ai thắc mắc. Họ ‘ngủ thật’ với nhau khi không đóng phim cũng là chuyện bình thường bất kể vợ chồng hay không, nói chi đến chuyện sàm sở vớ vẩn.

Báo chí đăng cho có vì tiếng tăm của ông Weinstein. Ai cũng nghĩ, ngày mai trời lại sáng, thiên hạ lại bù đầu đi cầy, báo chí lại trở về với thú đánh Trump. Thiên hạ sẽ quên hết chuyện ông Weinstein để rồi ông này lại đi bù khú với em chân dài khác.
Thế nhưng kịch bản bình thường này đã bị thay đổi hoàn toàn. Câu chuyện ông Weinstein bất ngờ giống như đập nước bị lủng một lỗ quá lớn, bất thình lình cả cái đập nước bị phá tan.

Tiếp theo cái cô chuẩn tài tử đó, hơn 40 tài tử khác, chuẩn có mà thành danh như Angelina Jolie cũng có, cả lão bà Jane Fonda luôn. Họ ào ào nhẩy ra tố giác Weinstein đã lạm dụng họ, nhiều người thú nhận sự nghiệp điện ảnh huy hoàng của họ đã khởi đầu từ việc phải miễn cưỡng cho ông Weinstein ‘đóng tuồng’ trong những màn không có trong kịch bản cách đây mấy chục năm.

Thiên hạ đang ngỡ ngàng thì nổ bùng ra chuyện anh tài tử Kevin Spacey, một tài tử hạng ‘siêu sao’ đóng vai một tổng thống trong loạt phim TV, House of Cards. Chuyện khác người là anh này bị một ‘ông’ tài tử tuổi xồn xồn, tố là cách đây đâu hai ba chục năm, khi anh mới vào nghề, bị anh Spacey rờ mò mà không dám hó hé. Anh Spacey mau mắn nhận tội, rồi thú nhận anh là dân đồng tính bí mật.

Hàng loạt tài tử, đạo diễn, nhà sản xuất gạo cội nổi danh lần lượt bị tố. Người thì mau mắn nhận tội, người thì thề thốt trong trắng hơn ma sơ.

Ta thấy không thiếu những tên tuổi uy tín, lừng danh như người hùng Rambo Sylvester Stallone; Oliver Stone, nhà đạo diễn cực tả chuyên làm phim bôi bác chiến tranh VN. Thậm chí đến bà ca sĩ diva nổi tiếng Mariah Carey cũng bị anh cận vệ tố là bà đã … chộp anh ta! Không, quý vị không đọc lộn đâu: một anh la ó bị một chị chộp!

Thế rồi chuyện phải đến đã đến. Câu chuyện sách nhiễu tình dục lan qua chính trị. Bước đầu lan nhè nhẹ qua cụ ông Bush cha vì tội thích vỗ đít mấy bà vì … vừa tầm tay khi đang ngồi xe lăn.

Nhưng nạn nhân thật sự đầu tiên là ông quan tòa Roy Moore, ứng viên thượng nghị sĩ Alabama của CH trong cuộc bầu cử đặc biệt tìm người thay thế bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions. Ông già gần tuổi cổ lai hy bị nửa tá bà xồn xồn tố khi các bà ấy còn ở tuổi vị thành niên, đã bị ông Moore sàm sở, có người còn bị hãm nữa.

Dĩ nhiên, món quà trời cho. Phe DC, với sự hăng say tiếp tay của TTDC, nhẩy vào, khai thác triệt để, không phải để mang lại công lý cho mấy bà nạn nhân, mà chỉ nhằm mục đích chiếm cái ghế nghị sĩ của Alabama. Ông Moore đang ở trong tư thế nằm nhà ngủ cũng thắng cử, bất thình lình thấy tỷ lệ hậu thuẫn của mình rớt như sung rụng, bảo đảm sẽ thảm bại không còn manh giáp. Đảng CH xanh mặt. Thế đa số có hai phiếu tại Thượng Viện lung lay mạnh sau khi hai nghị sĩ CH đã tuyên bố không ra tranh cử lại, bây giờ lại mất cái ghế chắc ăn nhất, không run thì khi nào mới run. Thế đa số của cả đảng CH quan trọng gấp vạn lần mấy cái chuyện sex lẩm cẩm này, nhất là chẳng có ai đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào.

DC chiếm đa số trong Hạ Viện và Thượng Viện thì chuyện đàn hặc Trump không còn viễn vông nữa. TT Trump, trước đây ủng hộ ông đối thủ của ông Moore trong lúc tranh cử sơ bộ trong nội bộ CH, nhưng ông này thua, TT Trump đành phải ủng hộ ông Moore.

Trong khi ông Moore bị nước ngập tới cổ thì bất thình lình, hai thượng nghị sĩ tên tuổi của DC bị hàng loạt mấy bà tố đã từng sàm sở. TNS Al Franken bị một nữ ký giả tung hình ông đang giơ hai tay ra chộp ngực bà khi bà đang ngủ ngồi trên máy bay. TNS John Conyers thì bị hàng loạt phụ tá của chính ông tố ông đã sách nhiễu họ đủ kiểu, kể cả đi họp với nhân viên nữ mà chỉ mặc có quần lót.

Riêng về ông Conyers thì lòi ra một chuyện khiến cả quốc hội bối rối chứ chẳng phải riêng ông. Ông Conyers đã có lần lấy tiền từ một quỹ bí mật của quốc hội để bịt miệng một nạn nhân. Bây giờ thiên hạ mới biết quốc hội có quỹ riêng –tức là tiền thuế của dân đấy- để kín đáo bịt miệng những xì-căng-đan của các dân biểu và nghị sĩ, bất kể CH hay DC. Trên mặt chính trị thì đánh nhau không nương tay, nhưng về chuyện xì-căng-đan thì họ bảo vệ nhau rất kỹ.

Tự nhiên hàng loạt chính khách tên tuổi nhất bị tố sàm sở cả đám.

Trong khi cả đảng DC luống cuống thì bất ngờ có một bà nhà báo hăng tiết, nhẩy ra đóng vai Lê Lai cứu chúa. Bà lên báo công khai viết “Đúng là hai ông Franken và Conyers đã sách nhiễu phụ nữ, nhưng vì hai ông thuộc đảng DC nên không sao, không cần từ chức, vì đảng DC nói chung bênh vực nữ quyền, nên phụ nữ chúng tôi cần phiếu của hai ông này. Chuyện sàm sở là chuyện cá nhân, chúng tôi không quan tâm”.
Đây cũng là lý luận của các phụ nữ bênh TT Clinton năm xưa. Ít ra thì bà này cũng đã có can đảm nói thật về tính phe đảng của bà. Nôm na ra, có nghĩa là theo bà nhà báo này thì CH không được phép sàm sở nhưng DC thì ô-kê. Ai dám nói báo chí không phe đảng?

Lạ lùng thay, đảng DC và TTDC bất ngờ chuyển hướng, xúm lại đánh hai ông đồng chí Franken và Conyers của họ. Lôi cả TT Clinton ra đánh luôn. Nhiều tiếng nói lớn trong đảng DC quay lại tố TT Clinton và phán quyết đáng lẽ ông ta phải từ chức ngay khi đó rồi.

Bà Hillary dĩ nhiên, vội nhẩy ra bênh chồng. Bà bào chữa mấy vụ sách nhiễu của ông Moore là cưỡng ép nạn nhân, không chấp nhận được, trong khi vụ cô Monica là chuyện hai người trưởng thành đồng thuận, không đáng tội. Thưa bà, trước hết cô Monica là cô nhóc chỉ hơn con gái bà có vài tuổi, gặp ông tổng thống quyền uy 50tuổi, làm sao đặt lên bàn cân ngang nhau được.
Thứ nhì, thế còn các bà Paula Jones, Gennifer Flowers, Juanita Broaddrick,... thưa TT Clinton thì sao? Có sự thỏa thuận gì không? Thứ ba, các ông chồng đi ăn vụng, nếu có sự đồng thuận của vợ bé thì ô-kê sao, thưa bà Hillary? Bà ra tranh cử năm 2020 với chủ trương này, tôi bảo đảm bà sẽ được phiếu của 90% nam cử tri.

Tại sao phe ta lại trở mặt như vậy? Vì hai lý do:
- Họ tính dựa vào cái tiếng đảng sạch sẽ không chấp nhận sách nhiễu phụ nữ làm chủ điểm cho cuộc vận động bầu quốc hội năm tới.

- Họ cũng tính muốn bứng TT Trump về tội sách nhiễu tình dục trước đây thì sẽ phải thí các ông Franken, Conyers và Clinton trước để có chính danh khi đòi đàn hặc Trump.

Chuyện đàn hặc Trump vẫn chỉ là chuyện vớ vẩn. Những cái gọi là “bê bối” của TT Trump đã được dân Mỹ biết rõ từ trước ngày bầu cử, và họ vẫn bầu cho ông, thì làm sao còn lý do để bứng ông sau khi ông đã đắc cử? Chưa kể phe DC hô hào truất phế Trump cũng bị vấn nạn há miệng mắc quai khi họ đã nhắm cả hai mắt, bảo vệ TT Clinton bất kể cái áo đầm dính đầy… bằng chứng cụ thể.

Chuyện dùng sách nhiễu tình dục làm chủ điểm tranh cử bị mất giá trị sau khi ông Moore thua, vì chứng tỏ phe CH cũng không chấp nhận sách nhiễu tình dục.

Với sự thất cử của ông Moore, nhiều chuyên gia tiên đoán cuộc bầu cử giữa mùa năm tới, sẽ có rất nhiều phụ nữ ra tranh cử và đắc cử. Năm 2018 sẽ là năm phụ nữ lật đổ chế độ phụ hệ ở Mỹ.

Một bà đang ứng cử chức dân biểu trong đảng DC, nhanh trí đã tung ngay ra một khẩu hiệu tranh cử mới: “Bạn có muốn tránh, không thấy người mà bạn bầu làm đại diện khoe ‘của quý’ bất tử không? Vậy thì hãy bầu cho những người không có ‘của quý’!” (bà này công khai dùng danh từ ‘penis’, quý độc giả có quyền tra từ điển).
Trong tình trạng chính khách cả hai đảng đều bối rối đó thì TTDC lên mặt kẻ cả, giảng dạy luân lý giáo khoa thư cho cả nước, nhất là cho các chính khách cả hai đảng.

Các cụ ta có câu “thiên bất dung gian” không thể nào sai vào đâu được.
Bom nguyên tử của Cậu Ấm Ủn chưa thấy đâu, nhưng bom nguyên tử sách nhiễu tình dục nổ lớn ngay trong khối TTDC hết sức ‘đạo đức’.

Bắt đầu bằng ông Mark Halperin. Một cây bút uy tín lừng danh chuyên viết sách nổi tiếng về các cuộc bầu cử tổng thống gần đây. Có tánh đặc biệt, gặp bà nào cũng bắt phải ‘chộp’ ông ta.

Nhẩy qua Matt Lauer. Anh này là nhà báo hàng đầu của NBC, là đài được coi như cơ quan ngôn luận của TT Obama trước đây. Anh chuyên môn phỏng vấn các chính khách lớn nhất thế giới như tổng thống, vua chúa, thủ tướng, đã từng phỏng vấn TT Obama, ngoại trưởng Hillary Clinton, TT Trump,… Mỗi năm lãnh có 20 triệu đô thôi. Anh này có nhiều chuyện vui. Bàn làm việc của anh có nút bấm bí mật, khóa cửa phòng không ai mở được, trong hay ngoài. Ngăn kéo bàn làm việc thì cả lô ... ‘đồ giả’ để tặng quý bà có nhu cầu ‘tự xử’.

Chỉ mới là những người đầu tiên. Cho đến khi bài này được viết thì đã có sơ khởi gần 60 nhà báo tên tuổi và quan chức lớn của các đài NBC, CBS, ABC, CNN, các báo Vox, Rolling Stone, New York Times, Washington Post, New Republic,… Toàn là các cơ quan cấp tiến nặng ký của TTDC phe ta, thuộc đảng DC gần hết.

xxx


Có phải nước Mỹ tự nhiên đổ đốn không? Thưa không. Hầu hết các vụ sàm sở đều xẩy ra cách đây vài ba chục năm. Chẳng qua chỉ là chuyện thay đổi suy tư. Ngày xưa, những chuyện như vỗ má, vỗ đít, hôn ẩu thường được coi như cử chỉ thân thiện, hay tệ lắm, là chuyện diễu dở nham nhở của phái nam, không ai khiếu nại cho dù những việc này khiến phụ nữ khó chịu, bực mình.
Bây giờ, vụ ông Weinstein đã là giọt nước làm tràn ly, dẫn đến một cuộc cách mạng văn hoá, thực sự giải thoát phụ nữ Mỹ ra khỏi một thứ luật không thành văn là các ông có thế, có quyền, hay có tiền đều là những người có thể vung tay múa chân môt cách vô tộ vạ, nhất là đối với những phụ nữ trong cô thế như trẻ tuổi, có vị thế xã hội thấp hơn,…

Vụ Weinstein đã khai sinh ra phong trào #MeToo của những phụ nữ nạn nhân của sách nhiễu, nhẩy ra tố khổ các ông hàng loạt. Họ tự chế ra mốt mặc quần áo màu đen, và thiên hạ đã thấy tại đại hội điện ảnh Golden Globes mới đây, tất cả các tài tử đã mặc quần áo đen để bày tỏ việc ủng hộ những nạn nhân sách nhiễu tình dục.

Cuộc cách mạng này sẽ có hậu quả đổi đời mà cho đến nay, ít người thấy được sẽ đi xa đến đâu. Một diễn biến kẻ này hoan nghênh hết mình, miễn sao nó đừng biến thành một công cụ đấm đá chính trị, sẽ mất hết ý nghiã, mà lại gây thiệt hại nhiều hơn cho phụ nữ.

Cũng phải cẩn thận không đi quá xa, đến độ bây giờ mấy ông gặp mấy bà cũng không dám bắt tay nữa, thì sẽ trở thành lố bịch. Quý anh thanh niên đi tán đào, hay tìm vợ, mà bị trói tay, phải học thuộc lòng năm trang luật lệ, thủ tục cư xử ‘phải đạo’ với phụ nữ để bảo đảm mình tôn trọng đối tượng, thì sẽ có hy vọng độc thân lâu dài.

Bà tài tử Pháp Catherine Deneuve, đã lên tiếng chỉ trích phong trào #MeToo mà bà cho là đã đi quá xa, biến tất cả nam giới thành nạn nhân trong khi không thiếu gì phụ nữ vui vẻ chấp nhận việc được các ông ‘chú ý’ tới.

Nghĩ cho cùng, các cụ ta đã nhìn thấy vấn đề từ lâu lắm rồi, nên mới khuyên nhủ con cháu… “nam nữ thọ thọ bất thân” cho chắc ăn. Bởi vậy mới nói xứ ta đã có tới 5.000 năm văn hiến, hơn xa xứ Cờ Hoa mới có 250 năm.

Vũ Linh (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)

Lê Nguyễn Hiệp
08-08-2018, 09:03 AM
Vào đây chào anh hong nguyen một cái, cám ơn đã mở topic này.

hongnguyen
08-09-2018, 07:37 AM
Vào đây chào anh hong nguyen một cái, cám ơn đã mở topic này.
Chào anh Hiệp! :)

hongnguyen
08-09-2018, 07:48 AM
TỴ NẠN VIỆT VÀ TT TRUMP


Dân Việt chạy qua Mỹ tỵ nạn trên dưới cũng gần nửa thế kỷ. Hầu hết rất ít lưu ý đến chính trị Mỹ. Đại khái thì “Ôi, ông tổng thống nào thì cũng dzậy thôi, đi cầy vẫn đi cầy, đóng thuế vẫn đóng thuế, VC vẫn chình ình đó thôi”. Cả 40 năm như vậy rồi.
Nhưng rồi thế sự đổi thay.
Nước Mỹ gặp ông thần Trump. Không ai biết ông này có bùa phép gì đặc biệt, mà tự nhiên, cả nước Mỹ lên cơn sốt. Bị ‘chính trị hoá’ hết ráo. Không ai có thể thờ ơ với ông Trump này được. Không vái lạy tung hô thì cũng đỏ mặt tiá tai sỉ vả. Không biết gì cũng nhẩy vào, về hùa la ó theo.

Phản ứng này cũng đã lan qua cộng đồng người Việt luôn. Chưa bao giờ dân tỵ nạn ta lại bị hớp hồn, theo dõi một tổng thống Mỹ hăng say như bây giờ. Đáng tiếc là phần lớn… hăng say sảng.

Tỷ phú Donald Trump là một doanh gia cực kỳ thành công. Ông hưởng một gia tài không lấy gì là kinh khủng của ông bố. Chỉ là ông bố giúp tài trợ một số dự án nhỏ cỡ một vài triệu, mua bán nhà cửa ở New York, rồi từ đó ông phất lên. Khi ông bố qua đời để lại gia tài 20 triệu cho 5 người con chia nhau, thì ông Trump đã thành tỷ phú rồi.

Rồi với tham vọng cũng lớn hơn người, ông nhẩy vào chính trị. Cũng lại thành công dễ như trở bàn tay. Giống như trong thương trường, ông thành công nhờ cái thương hiệu chính trị mà ông đã tự tạo ra cho mình. Một tỷ phú thành công lớn, tức là có khả năng thật, nhưng lại là tỷ phú của dân lao động, tuy cực giàu nhưng hiểu rõ hơn ai hết đời sống vất vả của dân lao động, hiểu được rất rõ những ưu tư và ưu tiên của dân trung lưu, chia sẻ được những cái lo của họ, mang lại được cho họ những gì họ đang mong đợi. Từ công ăn việc làm đến an toàn cá nhân, từ những giá trị văn hoá đến niềm tin tôn giáo, là những thứ mà dân cấp tiến dè biủ, khinh miệt.

Chủ đề quảng bá thu hút nhất của ông: tôi không phải chính trị gia, có sao tôi nói vậy, không uốn lưỡi tới ba lần. Một cơn gió mát mới lạ trong chính trị Mỹ.

Những người chống đối ông cố phá cái hình ảnh đó, cố dựng lên hình ảnh một… quái thai: điên khùng, ngu dốt, dâm dục, gian dối, tàn ác, kỳ thị, hồ đồ, bất nhất,… Xin lỗi, khuôn khổ bài này không đủ chỗ để liệt kê hết những ‘huy chương’ đặc biệt ông Trump đang được tặng.

Đó là chuyện dân Mỹ. Còn dân tỵ nạn ta thì sao?

Phải nói ngay, tuyệt đại đa số dân tỵ nạn hiểu rất lơ mơ về chính trị Mỹ nói chung, cũng như về ông Trump nói riêng. Mà những hiểu biết giới hạn đó, nhiều khi lại sai lầm.

Trước hết, nói về nguyên nhân. Trên căn bản, ai cũng thấy có hai nguyên nhân.

Thứ nhất, dân Việt trước khi qua Mỹ, chưa bao giờ được nếm mùi dân chủ, tự do thật sự, bất kể dưới đời thái thú, vua, quan toàn quyền, tổng thống, chủ tịch, tổng bí thư hay tướng lãnh nào. Những trò chơi dân chủ kiểu Mỹ như đánh nhau để dành phiếu bầu bán, đều hoàn toàn xa lạ. Dân tỵ nạn bây giờ có dịp bắt chước chơi trò này nhưng điều phiền toái là có thể vì tính hiếu thắng, muốn tranh thắng bằng mọi giá, nên thường sẵn sàng nói láo, tung tin phịa, ngụy tạo bằng chứng, ghép hình,… rồi gây lộn, thậm chí chửi tục, làm rối trí người dân bình thường trong cái hỏa mù đó.

Thứ nhì, khó khăn ngôn ngữ là bức tường khổng lồ, gây trở ngại lớn cho dân tỵ nạn muốn hiểu rõ những chuyện gì đang xẩy ra chung quanh họ. Truyền thông tỵ nạn giúp họ không bao nhiêu mà có vẻ hại họ thì nhiều.

Truyền thông của cộng đồng tỵ nạn Việt (dưới đây sẽ viết tắt là TTTN, truyền thông tỵ nạn) không khác TTDC Mỹ mấy, hoàn toàn bị chi phối bởi đồng tiền vì cũng vẫn chỉ là những cơ sở thương mại, do đó phải ‘cuốn theo chiều gió’ quần chúng để có khách đọc và khách quảng cáo. Đa số độc giả là những dân nghèo thiếu hiểu biết, lo sợ bị CH cắt trợ cấp và Trump kỳ thị đuổi về VN theo như vài cụ tỵ nạn hù dọa. TTTN thay vì giải tỏa những huyền thoại sai lầm giúp dân tỵ nạn thì lại chọn giải pháp dễ dãi là củng cố những huyền thoại đó, dễ phiên dịch phiến phiến khỏi phải nặn óc viết, dễ thu hút độc giả và thính giả, dễ thu quảng cáo, dễ kiếm tiền.

Cộng đồng tỵ nạn Việt là một khối dân đầy mâu thuẫn. Quan điểm chính trị rất khuynh hữu, chống cộng tuyệt đối, kiên trì chống VC từ gần nửa thế kỷ nay không mệt mỏi, nhưng đồng thời lại hoan nghênh đảng DC là đảng đã biểu quyết cắt hết viện trợ để tặng miền Nam cho CSBV. Sẵn sàng coi New York Times hay Washington Post là hải đăng của truyền thông trong khi biết rõ ta mất nước phần lớn vì những báo này xuyên tạc cuộc chiến tự vệ của ta để ca tụng đám cán ngố dép râu. Sau 75, Carter là người đầu tiên liên lạc, nhìn nhận CSVN, Clinton là người đầu tiên mở quan hệ ngoại giao và đi Hà Nội, Obama là người đầu tiên thu hồi cấm vận quân sự. Tất cả đều là tổng thống DC, hết sức thân thiện với lãnh đạo CSVN.

Trong khi đó, các tổng thống CH, từ Ford là người ban lệnh cấm vận, Reagan là người phục hồi lại quan điểm chiến tranh VN là một cuộc chiến có chính nghĩa, đến cha con ông Bush, rồi Trump, đều có vẻ lãnh đạm với đám ‘lãnh đạo đại tài’.

TTTN còn có một vấn đề lớn hơn nữa là không có nguồn tin độc lập, nên hoàn toàn trông cậy vào TTDC, chỉ làm công tác dịch thuật các cơ quan ngôn luận Mỹ, hầu hết là thiên tả tung hô Hillary và Obama, chống CH và Trump.

Hậu quả trực tiếp của vấn nạn trên là TTTN rập khuôn tin tức và quan điểm của TTDC Mỹ, đánh Trump chết bỏ. Trong khi lại không chú tâm đến ảnh hưởng thực tế và cụ thể của TT Trump trên nhu cầu chính trị, xã hội, kinh tế của dân tỵ nạn ta.

Đánh Trump là chuyện rất dễ. Ông này đúng là ông thần, nói trước suy nghĩ sau, kinh nghiệm đấu võ với đám hổ cáo TTDC không bao nhiêu, nên rất dễ bị chúng đánh bẫy, khai thác và đập cho dập mình. Vấn đề là ta có đủ chiều xâu nhìn xuyên qua những cái hớ hênh mồm mép của TT Trump để thấy rõ các chính sách của ông hay không.

Đảng DC và TTDC đánh Trump tuy quá đáng nhưng cũng có thể hiểu được phần nào vì tính phe đảng chính trị của họ. Nhưng tại sao cộng đồng tỵ nạn ta lại nhắm mắt chạy theo? Có nên cân nhắc chống cái gì bất lợi cho chúng ta và hoan nghênh cái gì có lợi không?

Ta đừng nên quên có nhiều điều có lợi cho nước Mỹ nói chung hay cho đảng DC hay đảng CH nói riêng nhưng chưa chắc đã có lợi cho dân tỵ nạn chúng ta. Ngược lại có hại cho nước Mỹ hay đảng DC/CH cũng chưa chắc đã hại cộng đồng tỵ nạn ta. Điển hình rõ rệt nhất: có quan hệ tốt với CSVN là tốt cho Mỹ nhưng chẳng tốt chút nào cho cộng đồng tỵ nạn.
Ta thử điểm qua một vài vấn đề chính.

TTDC ra rả chỉ trích TT Trump là kỳ thị sắc tộc đối với dân gốc Nam Mỹ. Phe cấp tiến chủ trương mở rộng cửa đón nhận di dân Nam Mỹ, kể cả di dân LẬU, vì lý do chính trị (cần phiếu), lý do kinh tế (cần nhân công rẻ), và lý do ý thức hệ (thế giới đại đồng), nên chống lại sắc lệnh của Trump. Họ khám phá ra cách chống hữu hiệu nhất là dán cãi nhãn hiệu kỳ thị lên trán ông Trump.

Đó là nhìn dưới khiá cạnh Mỹ. Dân tỵ nạn ta thì sao? Quyền lợi chúng ta ở đâu?
Phải nói ngay, ta cũng là loại dân ‘da màu’, không có lý do gì chạy theo mấy anh da trắng để kỳ thị dân da đen hay da nâu. Nói chung, ta cũng là dân tỵ nạn, sao lại hô hào chống di dân hay dân tỵ nạn? Một vài anh hỏi vặn kẻ này “bám theo Trump chống dân Mễ, da đã trắng ra chưa?”. Một câu hỏi chỉ nói lên cái ngu của người hỏi.

Dân gốc Nam Mỹ phần lớn là khối dân cạnh tranh với dân ta, cạnh tranh về công ăn việc làm loại lương thấp, cạnh tranh về tiền trợ cấp xã hội, cạnh tranh về tiền housing, tiền thất nghiệp, tiền Medicaid, phiếu thực phẩm,...

Một đồng đám này có là một đồng ta mất. Trừ phi Nhà Nước đánh thuế thêm cả nước để bù đắp, là điều không ai làm. Như vậy lý do gì ta lại phải hoan nghênh chuyện mở cửa biên giới đón nhận dân Nam Mỹ vào ào ào? Trước khi ta lo cho bà Nam Mỹ di dân lậu đang ôm bầu có được MediCal, có nên lo cho ông bà cụ nhà được săn sóc kỹ hơn không? Nhân đạo có nên bắt đầu từ ngay trong nhà mình không? Tài tử xi-nê Mỹ hoan nghênh di dân đến cắt cỏ, lái xe, làm bếp, ta có lợi gì mà cũng bắt chước hoan nghênh theo?

Vấn đề chính của chúng ta là ông Trump có kỳ thị dân da vàng nói chung hay dân Việt nói riêng không? Vị nào có bằng chứng TT Trump kỳ thị dân tỵ nạn ta, xin phổ biến cho mọi người biết. Trái lại, chính quyền Trump mới chính thức kiện Đại Học Harvard về tội kỳ thị dân Á Châu trong việc nhận sinh viên. Ta hiểu đây là chuyện liên quan đến sinh viên Tàu, nhưng dù sao, sinh viên gốc Việt cũng bị họa lây. Chúng ta có nên hoan nghênh Harvard chặn họa Tầu khi con cháu ta bị họa lây, không được nhận vào Harvard không?

Bây giờ, ta nhìn lại vấn đề lớn nhất: giảm thuế. Dĩ nhiên phe cấp tiến chửi rủa tối đa nhưng vẫn vui vẻ lấy tiền bỏ túi, chuyện dễ hiểu. Cái mà kẻ này không hiểu được là thái độ hết sức mâu thuẫn của nhiều cụ tỵ nạn:

- TT Obama không cắt một xu thuế nào trong 8 năm, họ hoan nghênh. TT Trump giảm thuế họ chửi, kể cả những người trước sau chẳng phải đóng xu thuế nào cũng hùa vào chửi theo. Tại sao?

- Họ sợ Trump giảm thuế, Nhà Nước sẽ bớt tiền trợ cấp của họ? Đã có ai bị cắt trợ cấp gì chưa. Bộ Trump muốn cắt trợ cấp chỉ cần ký sắc lệnh cắt sao? Họ có khi nào nghĩ đến những dân trung lưu cong lưng đi làm đóng thuế cho họ nằm nhà ăn trợ cấp dài dài không?

- Họ la hoảng công nợ sẽ tăng. Thế khi Obama không giảm một xu thuế nào mà lại tăng công nợ gấp đôi, từ 10.000 tỷ lên đến 20.000 tỷ, họ có lên tiếng không vậy?

- Những người phải đóng thuế, họ được bớt vài ngàn, cũng vẫn chửi vì... phân bì với ông Bill Gates được giảm thuế tới cả triệu. Xin lỗi, đi làm lao động cả đời chưa nhìn thấy một triệu mà cũng muốn được giảm thuế bạc triệu sao?

- Cái lý tưởng của họ là 1% dân giàu nhất đóng thuế nuôi 99% dân còn lại, mà không nghĩ cái 1% đó không thể thọ để rồi khi chúng bị moi hết tiền rồi thì lấy ai nuôi cái 99%?

TT Trump dâm dục, ăn nói thô tục, không có tư cách tổng thống? Đây là lập luận nhiều cụ tỵ nạn ‘thấm nhuần Nho giáo, lễ nghĩa cụ Khổng’ cảm thấy bực mình. Xin thưa với các cụ, chúng ta tìm tổng thống Mỹ chứ không kiếm cụ đồ Nho về giảng luân lý giáo khoa thư lớp vỡ lòng. Nói chuyện làm dơ bẩn Tòa Bạch Ốc, xin các cụ hỏi lại các TT Kennedy, Johnson và Clinton trước.

Xin quý cụ tha lỗi cho, chứ với kẻ này, tất cả chỉ là chuyện tào lao. Tôi kỳ vọng ông tổng thống tạo việc làm cho tôi, giảm thuế cho tôi, giúp tôi có đời sống kinh tế khấm khá hơn, bảo đảm an toàn cho gia đình tôi chống khủng bố, còn ông tổng thống có hôi nách hay gái gú lung tung, ai cần biết? Ông Tổng thống mở miệng là f... và sh..., xin lỗi, who cares?

VN ta đã từng có ông phó tổng thống, đồ nho đạo mạo, đã làm thơ “ngồi buồn gãi háng...” gì đó, có sao đâu?

Nhìn vào TT Obama, khác xa TT Trump, có vẻ có tư cách hơn? Nhưng rồi ông Obama để cả triệu người thất nghiệp năm này qua năm khác, kỷ lục dân ăn trợ cấp, nhận phiếu thực phẩm, è cổ đóng thuế nuôi cả chục triệu di dân lậu,... Một lần nữa, xin lỗi quý vị, tiêu chuẩn chọn tổng thống của tôi không giống tiêu chuẩn của TTDC. Giữa lịch sự, chải chuốt, mồm mép, để rồi mang cả nước vào nô lệ trợ cấp, và có sao nói vậy nói hớ lung tung, nhưng cho tôi công ăn việc làm, tôi chọn giải pháp sau.

Rồi nhìn ra ngoài nước Mỹ, ta thấy TC múa gậy vườn hoang, bán cả triệu tấn thực phẩm đầy hóa chất, và cả tỷ đồ dởm cho chúng ta. Ngoài Biển Đông thì tha hồ cắm dùi tìm dầu, coi cả Biển Đông là vườn sau nhà. TT Obama cho vài cái hàng không mẫu hạm ghé Cam Ranh. Hết chuyện. Đáng hoan nghênh không?

Câu chuyện chống TT Trump ồn ào nhất hiện nay trên TTDC và trên TTTN là chuyện ‘có bằng chứng Nga can thiệp nên Trump mới thắng’, đưa đến tình trạng tổng thống của Mỹ chỉ là con rối của Putin.

Trước hết, ta coi lại việc công tố Mueller truy tố thêm GRU Nga thâm nhập vào hệ thống emails của đảng DC. Theo ‘phe ta’ đây là bằng chứng quá rõ ràng Nga đã thâm nhập, giúp cho ông Trump hạ được bà Hillary.

Trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua, bà Hillary có kinh nghiệm hoạt động chính trị cả nửa thế kỷ, có kinh nghiệm vận động tranh cử tổng thống ba lần, hai lần cho ông chồng và một lần cho chính mình, có hậu thuẫn của toàn thể guồng máy chính quyền Obama kể cả FBI, CIA,...

Bà cũng được sự hậu thuẫn của tất cả nghị sĩ, dân biểu DC tại Thượng Viện và Hạ Viện, chưa kể cả lô ông bà CH công khai nhẩy qua hậu thuẫn, hay nhẩy ra ngoài cuộc chiến như cả họ nhà Bush. Bà còn có toàn thể dàn máy đảng DC, với cả trăm ngàn tình nguyện viên làm việc tại cả ngàn văn phòng trên khắp 50 tiểu bang. Bà được 90% TV và báo Mỹ hậu thuẫn. Bà cũng chi gần một tỷ đô cho cuộc vận động. New York Times cổ võ, tiên đoán bà có 98% hy vọng thắng.

Vậy mà theo Washington Post, bà thua vì Nga giúp. Nghĩa là chỉ cần Putin búng tay, gửi hai tá nhân viên tép riu vô danh qua, lén chui vào các emails lấy tin tức xì ra, bỏ ra 100.000 đô mua quảng cáo trên Facebook, là giấc mộng của bà tiêu tan thành mây khói. Thế thì câu hỏi thật sự là toàn thể sự nghiệp cũng như chương trình kinh bang tế thế, trị quốc bình thiên hạ của bà Hillary hoá ra chỉ là loại kế hoạch của dã tràng vẽ trên cát? Như vậy thua có gì lạ? Oan chỗ nào?

Câu chuyện nổi đình nổi đám hơn nữa là cuộc họp báo của TT Trump với TT Putin. Có lẽ trong lịch sử nhân loại, chưa khi nào có cuộc báo nào kinh hồn như vậy. Theo như tin tức đọc được qua TTDC và dịch lại bởi TTTN, ta thấy một tổng thống của Đại Cường Cờ Hoa hình như đã quỳ mọp xuống đất bái lạy tên độc tài khát máu tàn bạo nhất nhân loại. Tội này không đàn hặc, truất phế rồi cho đi đập đá mãn đời thì thế giới này không còn gì là công lý nữa.

Theo TTDC, việc làm đúng nhất của TT Trump khi gặp Putin là phải lập tức còng tay đưa cho mật vụ lôi cổ về Mỹ, nhốt tại Guantanamo mãn đời nếu ông Trump là người lịch sự. Nếu thiếu tế nhị hơn thì ông Trump đã phải đấm đá Putin cho đến chết gục tại chỗ. Do đó, việc ông Trump chỉ đứng bên cạnh, bắt tay thì quả là hành động đầu hàng hèn nhát, phản phúc nhất.
Diễn giải nôm na ra, TTDC và cả đảng DC, cộng thêm cả lô #NeverTrump cực kỳ bất mãn TT Trump đã không khai chiến, mang B-52 đi đánh Nga. Mọi hành động dưới mức này đều không thể chấp nhận được.

Trong cuộc tranh cử Obama-Romney, ông Romney tuyên bố kẻ thù lớn nhất của Mỹ là Nga. TT Obama miệt thị “ông ơi, chiến tranh lạnh chấm dứt hơn hai chục năm rồi”. TTDC xúm lại chế nhạo Romney. Bây giờ, cũng cái đám TTDC đó đang bị sốc sao Trump dám bắt tay với Putin.

Cả nước cho rằng Nga can thiệp trắng trợn –dù chưa ai thấy bằng chứng nào- khiến cho nước Mỹ mất cơ hội được lãnh đạo bởi người phụ nữ vĩ nhân lớn nhất của nhân loại kể từ ngày Từ Hy Thái Hậu băng hà. Cái tội này của Putin làm sao tha thứ được?

Đó cũng lại là nhìn vấn đề dưới con mắt Mỹ. Còn dưới khiá cạnh dân tỵ nạn, chúng ta muốn gì?

Cả nước đang nổi loạn, rầm rộ chống tân đế quốc TC với mộng bành trướng khắp thế giới. Đối tượng trước mắt của Hoàng Đế nhà Tập là VN, khi ông ta muốn nhét mấy con chuột cống ‘đặc khu’ vào gặm nhấm. Ưu tiên số một của chúng ta là làm tất cả những gì có thể để tiếp tay với dân trong nước ngăn chặn mưu đồ này.

Mà cụ thể nhất cũng như thực tế nhất là mong sao hay vận động sao cho Mỹ, hay chính xác hơn, TT Trump giúp một tay, chặn nguy cơ chệt hóa tổ quốc của chúng ta, đánh TC bằng mọi cách mọi giá.

Nhưng Mỹ đang lưỡng đầu thọ địch: Nga và TC. Khó có thể đánh cả hai, mà chỉ có thể chọn một. Và dường như TT Trump đã chọn hòa Nga đánh TC.

Chúng ta không cần biết quyền lợi của Mỹ ở đâu, nên hòa Nga đánh TC, hay nên hòa TC đánh Nga. Thây kệ, đó là chuyện của Mỹ. Chuyện của ta là nước VN, cho dù ta đang là công dân Mỹ sống trên đất Mỹ. Bất cứ chuyện gì giúp nước VN ta khỏi bị Hán hoá, chúng ta phải cổ võ, đúng không?

Như vậy thì có phải là nếu TT Trump bắt tay hòa hoãn với Nga để rảnh tay đánh TC thì chúng ta nên tạm gác qua mọi chuyện yêu ghét tư cách cá nhân ông Trump để kêu gọi ông thân thiện với Nga hơn để có thể mạnh tay với TC hơn không?

Những chuyện như Trump trả tiền gái điếm, cãi nhau với NATO, hồ đồ ăn nói thô tục,... có phải tất cả những chuyện đó đã thành những chuyện ruồi bu mà ta nên dẹp qua một bên để cầu mong cho Trump chặn họng Tập không?

Hay là... mặc kệ, ta cứ nhắm mắt chống Trump tiếp tục, bằng mọi giá vì đã lỡ ghét rồi? Chuyện VN là chuyện của VC và TC, kệ tụi nó đấm đá nhau, mắc gì mình phải lo?

Facebook - Vũ Linh góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com

hongnguyen
08-09-2018, 07:51 AM
NHỮNG KHÓ KHĂN, CŨ VÀ MỚI

Thời gian như... ngựa chạy qua cửa sổ, như các cụ ta thường nói, thoáng một cái đã biến mất rồi. Mới đây mà TT Trump đã đắc cử gần 20 tháng rồi, trong khi cuộc bầu cử quốc hội giữa mùa chỉ còn 4 tháng nữa.

Cuộc bầu này trên căn bản hết sức quan trọng cho cả TT Trump lẫn đảng DC. Chẳng những sẽ có ảnh hưởng quan trọng trên các chính sách của ông Trump, mà còn có thể quyết định việc ông có bị đàn hặc hay truất phế luôn hay không. Quan trọng hơn nữa, nó sẽ quyết định tương lai lâu dài của cả đảng Dân Chủ.

Xin những vị chống Trump đến ‘hơi thở cuối cùng’ cứ tiếp tục thở và chống, vì như dân gian thường nói, ‘coi dzậy mà hổng dzễ đâu nha!’.

Nếu như quý độc giả là người sống bên Na Uy chẳng hạn, suốt ngày ngồi trong nhà nhìn tuyết rơi quanh năm ngày tháng, bây giờ có dịp du lịch Mỹ, đọc New York Times hay mở TV coi CNN, hay đọc bài báo của vài cụ tỵ nạn ở Bolsa, thì quý vị đang nghĩ qua đầu năm tới, Mỹ sẽ có tổng thống mới, sau khi đảng DC đại thắng vào cuộc bầu cử cuối năm nay, các tân dân biểu và nghị sĩ nhậm chức đầu tháng Giêng thì qua giữa tháng Giêng sẽ đàn hặc và cuối tháng Giêng sẽ truất phế TT Trump. Nếu quý vị tin có ‘ông già Nô-En’ thì chuyện này sẽ thành sự thật.

Thực tế là bức tranh tổng quát của nước Mỹ hiện nay không đơn giản như vậy. TTDC ồn ào đánh TT Trump đến tối tăm mặt mũi, khiến nhiều người thấy ông này khó thoát đại nạn, nhưng sự thực là khối cấp tiến, TTDC và đảng DC cũng đang gặp nhiều khó khăn lớn. Họ càng nguy kịch càng phải đánh Trump mạnh.
Ta thử coi lại bức tranh vân cẩu đó.

KHÓ KHĂN CỦA TT TRUMP
Bình thường thì đảng đối lập luôn gây khó khăn lớn nhất cho đảng nắm quyền, trong khi truyền thông giữ vai trò thông tin không phe đảng, hay có phe đảng thì cũng không quá đáng. Nhưng đối vói TT Trump thì ta thấy một tình trạng khác lạ.

Đảng DC dĩ nhiên chống như cuồng. Nhưng cái bất bình thường mà nhiều người không hiểu nổi, là sự chống đối đến mức cực kỳ vô lý của TTDC. Chống đến độ có thể nói nếu ISIS ám sát giết được TT Trump, thì TTDC sẽ tuyên dương ISIS là anh hùng cứu tinh dân tộc Mỹ ngay.

Nhìn vào cuộc biểu tình của cả trăm ngàn người chống chính sách di dân của TT Trump tuần rồi thì ta hiểu được phần nào chính trị Mỹ. Người dân Mỹ, tuyệt đại đa số là dân lương thiện, tốt bụng, nhân ái, khoan dung.

Dân Việt đến Mỹ tỵ nạn năm 75 đã được hàng ngàn gia đình Mỹ mở cửa đón vào sống với gia đình họ, mặc dù hai bên ngôn ngữ khác biệt, lối sống khác biệt, đồ ăn thức uống khác biệt, chẳng quen biết gì nhau. Đại đa số dân Mỹ tìm đủ cách giúp chúng ta, như bảo trợ, cho đồ đạc, quần áo, thực phẩm, dạy tiếng Anh, giúp tìm việc làm, chở đi nhà thờ.

Trong tinh thần nhân ái đó, dân Mỹ không thể hiểu cũng như không thể chấp nhận chính sách di dân ‘có vẻ’ tàn nhẫn của TT Trump, nên đổ xô biểu tình chống.

Vấn đề đáng nêu ra là trong những người biểu tình đó, bao nhiêu hiểu được thấu đáo vấn đề? Rất ít! Chỉ vì đại đa số đã bị đầu độc bởi những lập luận tuyên truyền, xách động thiếu lương thiện nhất của TTDC.

Ví dụ cụ thể của cái thiếu lương thiện lộ liễu là TTDC luôn luôn chơi trò mập mờ đánh lận con đen. Tất cả những biện pháp của TT Trump đều nhắm vào đám di dân lậu, nhưng TTDC đăng tin thì không bao giờ có chữ ‘lậu’ đó. Hay các biện pháp chống khủng bố thì được hóa phép thành chống Hồi giáo. Tất nhiên tạo cảm tưởng đúng như TTDC mong mỏi là TT Trump chống di dân nói chung, tức là kỳ thị. Hết kỳ thị dân Mễ, đến kỳ thị dân Hồi giáo.

Ngày lễ Độc Lập vừa qua, hơn 14.000 di dân tứ xứ tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ. TT Trump gửi thư hoan nghênh họ. Ít người biết vì TTDC nín thinh. TTDC nín thinh thì TTTN (truyền thông thông ngôn) cũng im re.

Khi TT Obama cách ly gia đình di dân lậu –theo như lời thú nhận của cựu bộ trưởng An Ninh Jeh Johnson- cũng không ai biết vì chính quyền ém nhẹm và TTDC tiếp tay dấu kín dùm khiến TTTN không có bài để dịch.

Chính vì cái gian trá, thông tin một chiều của TTDC, mà dân Mỹ gần như bị thôi miên hết, một phần cũng vì họ quá lương thiện, dễ tin những gì TTDC viết. Nói chung TTDC hiện nay đã hoàn toàn bị chi phối bởi ý muốn chống Trump đến cùng, bằng mọi giá, mọi cách.

Thế nhưng dân Mỹ không bị lừa mãi mãi. Theo thăm dò mới nhất của Axios, 72% dân Mỹ cho rằng TTDC cố tình loan tin giả hay loan tin mập mờ để tạo hiểu lầm. Hy vọng dân Mỹ bắt đầu… qua cơn mê!

Ngoài ra, TT Trump cũng phải chống đỡ phá hoại của nhóm Nhà Nước Ngầm luôn xì tin hậu trường bất lợi để TTDC khai thác đánh TT Trump. Lý do dễ hiểu là vì TT Trump chủ trương một guồng máy thư lại càng nhỏ càng tốt, càng ít công chức lão làng cả ngày ngồi xiả răng càng tốt. Chẳng những nhỏ mà lại còn phải sạch, ít sâu bọ ruồi nhặng nữa. Nghĩa là nồi cơm của đa số công chức bị đe dọa. Tất nhiên họ phải chống để tự bảo vệ mình.

TTDC và Nhà Nước Ngầm, đó chính là hai ‘lực lượng’ sẽ gây hại rất nhiều cho đảng CH và TT Trump trong cuộc bầu cử tới. Không phải ngoại thù như Nga hay Trung Cộng hay ISIS gì hết. Cũng chẳng phải là công tố Mueller luôn.

KHÓ KHĂN CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ
Đảng DC như đã bàn nhiều lần trên Diễn Đàn này, đã gặp hai đại khủng hoảng: không có nhân sự và không có chính sách gì hay ho để tặng dân Mỹ.

Về nhân sự, những thăm dò mới nhất cho thấy hai người được hậu thuẫn mạnh nhất vẫn là hai cụ khủng long Hillary Clinton và Joe Biden. Bên cạnh là đám khủng long hạng nhì khác như Nancy Pelosi, Chuck Schumer, Elizabeth Warren, Bernie Sanders,... không có cụ nào dưới tuổi cổ lai hy hết.

Chẳng những già nua, mà lại còn cạn ý, không có được một chính sách gì có thể hấp dẫn dân Mỹ, nên chỉ loay hoay trong việc sỉ vả, bôi bác cá nhân TT Trump qua những chuyện vớ vẩn nghe quá nhàm tai như nói láo, bốc đồng, dâm đảng, thiếu tư cách, bất nhất,... chứ cũng chẳng đụng gì đến chính sách nào. Hay chính xác hơn, đụng vào chính sách thì phải bóp méo, xuyên tạc để chỉ trích.

Thật ra, DC cũng có vài ‘sáng kiến’ mà đúng ra phải gọi là ...’tối kiến’. Từ chuyện lớn như tăng thuế lại, hủy bỏ hết thuế quan cho cả thế giới, mở toang cửa biên giới, giải tán cơ quan kiểm soát di dân ICE, chi tiền cho cả thế giới,... Nghe sặc mùi thế giới đại đồng vô sản!

Đến chuyện nhỏ như nhà cầu chung, nam nữ bất phân biệt kiểu như râu ria mặc váy đầm, trẻ con mẫu giáo học về sex, ... Tối kiến vì tất cả đều là những đề tài kiểu dọn cỗ cho Trump xơi, những chủ trương cực đoan không được lòng dân.

Những chuyện này thật ra cũ rích đã bàn quá nhiều. Vấn đề mới mà DC đang gặp phải hình như quan trọng hơn tuy TTDC không dám đả động đến, đó là thái độ của dân da màu với TT Trump, và sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ đảng DC. Ta bàn qua cho biết.

Trước hết là quan điểm của khối dân da màu với TT Trump. Bình thường thì đây là khối cử tri trung kiên nhất của DC. Nhưng đó là tình trạng trước khi ông Trump đắc cử. Sau khi ông đắc cử, tình hình đã thay đổi nhiều.

Những thống kê mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh phần lớn nhờ giảm thuế lợi nhuận công ty khiến các công ty hăng hái đầu tư phát triển nhiều hơn, tạo công ăn việc làm cho dân lao động.

Nhìn cho kỹ, ai là dân lao động? Đó không phải là ‘các ông già da trắng’, mà tuyệt đại đa số là dân da màu, tức là dân da đen và dân da nâu gốc La-Tinh. Tất cả những thống kê đều cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong hai khối dân này đã xuống đến những mức thấp nhất lịch sử Mỹ: 5,9% cho dân da đen và 4,6% cho dân gốc La-Tinh. Đây là yếu tố sinh tử của hai khối dân này.

Tất cả những chuyện về Trump kỳ thị, chống di dân, hay ngay cả chuyện cô Stormy,… chỉ là những chuyện màu mè của TTDC dùng để tấn công TT Trump trong khi trên thực tế, khối dân lao động chỉ lo cho cái nồi cơm của họ thôi, không rảnh đọc báo theo dõi tin chính trị.

Thực tế, TTDC chỉ là phương tiện thông tin của giới trí thức trưởng giả thôi, còn dân lao động, chẳng ai đọc NYT hay WaPo. Đầu tắp mặt tối đi làm có khi hai ca, buổi tối hay cuối tuần có rảnh thì vui thú gia đình hay mở TV coi football, baseball, kịch diễu dở, không ai rảnh ngồi nghe các bình loạn gia nói lảm nhảm trên các đài CNN hay MSNBC hay ngay cả Fox.

Ưu tư của họ là tiền mang về cho gia đình, và những biện pháp của TT Trump đã là nguyên nhân khiến đời sống thực tế của họ khấm khá hơn nhiều.

Từ ngày TT Trump nhậm chức, số người lãnh phiếu thực phẩm –foodstamps- đã giảm hơn hai triệu, trong khi mức lương của dân lao động cũng đã tăng trung bình 2,7%, cao nhất từ hơn một chục năm qua.

Nếu đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định lá phiếu của họ thì DC sẽ gặp khó khăn lớn trong cuộc bầu tới.

Cho đến nay, kẻ này chưa thấy thống kê nào về khối dân da đen, nhưng những thăm dò của đại học Harvard trong khối dân gốc La-Tinh đã khiến DC toát mồ hôi: tỷ lệ hậu thuẫn TT Trump đã tăng vọt 10 điểm chỉ trong một tháng vừa rồi, ngay khi vụ cách ly di dân đang được TTDC quậy tung trời.

Nôm na ra, dân chúng nói chung khôn ngoan hơn TTDC nghĩ, họ nhìn thấy rất rõ đâu là hỏa mù chống đối, đâu là quyền lợi thực sự của họ.

Mất hậu thuẫn, dù chỉ là một phần nhỏ, của khối dân da màu cũng sẽ tạo khó khăn cho DC khi mà họ đang mất phiếu da trắng ào ào.

Vấn đề lớn thứ hai mà DC phải trực diện là chia rẽ nội bộ, với sự nổi lên của cánh cực tả.
Cánh cực tả này nổi lên chống bà Hillary ngay từ những ngày đầu bà ra tranh cử năm 2015, cầm đầu bởi cụ xã nghĩa Bernie Sanders, phiá sau là giới trẻ đầy nhiệt huyết.

Nguyên nhân không phải là việc giới trẻ này bất ngờ khám phá ra chân lý Mác-xít, mà chỉ vì họ chán ngán cái tham nhũng tột đỉnh của giới lãnh đạo đảng DC, cầm đầu là hai vợ chồng ông bà Clinton, lãnh cả chục triệu đô từ tài phiệt Walll Street cho những bài diễn văn vô thưởng vô phạt vớ vẩn, rồi kiếm ‘vốn chính trị’ bạc tỷ qua Quỹ Clinton Foundation.

Mà chẳng phải ông bà Clinton không. Bà Pelosi, bà Feinstein, ông Schumer, ông Kerry,... sau vài năm làm chính trị lãnh lương một hai trăm ngàn, là thành đại triệu phú hết. TT Obama về hưu chưa bao lâu đã được Wall Street mời đi đọc diễn văn trả ngay 400.000 đô một bài. Để quý vị có một khái niệm rõ rệt, 400.000 đô là lương nguyên năm của tổng thống đấy (TT Trump tặng hết cho từ thiện). Clinton hay Obama, có gì khác?

Chống tham nhũng chính là chủ đề tranh cử của cụ Sanders khi ông liên tục tố cáo bà Hillary đã giả dối, miệng chửi tài phiệt, tay thu tiền của chúng. Thu hút được hậu thuẫn mạnh của giới trẻ.

Giới trẻ Mỹ cũng ngây ngô tin bánh vẽ xã hội chủ nghĩa. Theo một nghiên cứu của một trung tâm cấp tiến, 40% thanh niên Mỹ ủng hộ chế độ xã hội chủ nghiã, và 7% ủng hộ chế độ cộng sản luôn, chỉ có 42% ủng hộ chế độ tư bản, tự do dân chủ. Cái ngu của giới trẻ Mỹ là vẫn tin chỉ cần đánh thuế tối đa vào khối 1% giàu nhất là dư tiền cho 99% còn lại được hưởng tất cả mọi thứ miễn phí.

Những yếu tố trên đã đẩy mạnh khuynh hướng cực tả trong đảng DC, đưa đến chiến thắng bất ngờ của cô Alexandria Ocasio-Cortez.

Cô ‘tổ chức cộng đồng’ này chẳng những hoàn toàn vô danh chẳng ai biết, mà khi biết thì lại khám phá ra đây là một chị Mác-xít thứ thiệt, với những chủ trương chỉ có thể khiến Các-Mác muốn chui ra khỏi quan tài để chia vui.

Khối thiên tả cực đoan Dân Chủ Xã Hội Mỹ -Democratic Socialist of America- trong đảng DC phủ phục hoan nghênh cô Cortez, ca tụng “Communism is good!” và hy vọng cô Cortez sẽ mang lại chiến thắng cho ‘communism’ tại Mỹ.
Cô Cortez đã trở thành người đang được TTDC tung lên 9 tầng mây, không khác gì 2004 khi TTDC tung hô Đấng Tiên Tri Obama vừa giáng thế.

Mà cái tin động trời nhất là không phải cô này đã hạ một chính khách tép riu vô danh nào, mà lại hạ ông Joe Crowley, là nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ nhì của khối DC trong Hạ Viện, được mọi người nghĩ sẽ hạ bà Pelosi để làm chủ tịch Hạ Viện nếu DC chiếm được đa số tại Hạ Viện trong kỳ bầu cử cuối năm nay.

Câu đố dành cho quý vị: cô Cortez thu được bao nhiêu phiếu?
Xin thưa chỉ tổng cộng 16.000 phiếu, ông Crowley được 11.000 phiếu, trong một địa hạt với hơn 400.000 dân gốc La-Tinh.
Không có gì kinh hồn cả. Hiển nhiên, TTDC đang cố nặn thần tượng mới. Con muỗi đang được thổi lên thành con voi.

Chưa ai biết được khối cực đoan phò Mác-xít chủ trương cộng sản hóa nước Mỹ của cô Cortez này sẽ mạnh tới đâu, cũng như chẳng ai rõ cấp lãnh đạo DC đang có sách lược nào để đối phó với sự nổi loạn đó. Hay DC sẽ chạy theo cô ta không chừng?

“Cô Cortez chính là tương lai của đảng DC!”.

Quý cụ bênh DC bình tĩnh, đây không phải là Vũ Linh hồ đồ viết bậy đâu, mà là câu tuyên bố chính thức của chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, Tom Perez đấy.
Đảng DC sẽ trở thành đảng Mác-xít? Ông Ari Fleicher, cựu phát ngôn viên của TT Bush nói câu tuyên bố của ông Perez là món quà lớn nhất DC có thể tặng cho CH trước cuộc bầu cử.

Cụ tỵ nạn nào vẫn sống chết với đảng Mác-xít DC xin bước ra xưng danh đi! Diễn Đàn này giúp phổ biến tên tuổi của vị đó ngay. Miễn phí! Bảo đảm sẽ được huy chương Khúc Ruột Yêu Nước, Đệ Nhất Đẳng.

Rất đáng tiếc là kẻ này đang sống ở Mỹ, nếu không thì đã thắp nhang cầu cho cô Cortez sớm làm tổng thống Mỹ, cho dân Mỹ biết mùi xã nghĩa. Dân Mỹ, nhất là giới trẻ, “chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ” (trong khi vài cụ tỵ nạn đã thấy quan tài rồi, đổ lệ rồi, những vẫn... mơ mơ màng màng ca tụng cô Cortez và khối Dân Chủ Xã Hội!).

Thật ra, ngay từ sau khi bà Hillary thất bại, DC đã ngả qua hướng tả khi bầu hai ông thiên tả nặng là Tom Perez (gốc Mễ) và Keith Ellison (Hồi giáo da đen) làm chủ tịch và phó chủ tịch Ủy Ban Quốc gia của đảng, nhưng hiển nhiên, đối với cử tri, chưa đủ, và đảng cần phải đi xa hơn nữa với những người như cô Cortez.

Vấn đề là với những thành phần cực đoan như cô Cortez, DC làm sao có thể lấy phiếu của khối độc lập không đảng phái hay ngay cả khối DC ôn hòa? Cô Cortez, giỏi lắm chỉ có thể đắc cử tại New York hay San Francisco thôi, còn không chút hy vọng ở bất cứ nơi nào khác (cô Cortez chắc chắn sẽ đắc cử trong cái địa hạt đã bỏ phiếu cho DC chắc từ ngày ông Washington còn sống!)

Chưa ai biết cuộc bầu cử cuối năm nay sẽ có kết quả nào, nhưng bức hình chung là sự phân hoá ngày càng mạnh trong chính trường Mỹ.

Phe CH thì ngày càng đi về phiá hữu, trong khi phe DC thì càng ngày càng chạy qua phiá tả. Trong nội bộ CH có phe Trump và phe #NeverTrump, trong nội bộ DC có phe trẻ cực tả và phe bô lão thiên tả nhưng tương đối ’ôn hòa’, ít quá khích hơn. Đây là vấn đề lớn của đảng DC: nếu cánh bà Pelosi và cụ Schumer mà được gọi là ‘ôn hoà’ thì đảng DC có triển vọng mất hậu thuẫn của khối độc lập ôn hòa thật.

Một vấn đề cũ mà lại thành mới, then chốt đối với cả hai đảng: di dân. Ai cũng thấy cả trăm ngàn người đi biểu tình chống chính sách di dân của TT Trump tuần qua. Nhưng ít ai tin đây sẽ là yếu tố khiến đảng CH lâm nạn. Sự thật là không ai biết rõ vấn đề di dân sẽ được chuyển qua lá phiếu như thế nào. Phe đối lập cực kỳ ồn ào, không có nghĩa là họ có hậu thuẫn mạnh. Những năm 67-68, phong trào ‘phản chiến’ lên đến mức hung hăng nhất tại Mỹ, để rồi cuối năm 68, đa số dân Mỹ lẳng lặng bầu cho ông diều hâu Nixon.

Tất cả các thăm dò cho thấy nói chung, đa số chống việc cách ly gia đình, nhưng lại ủng hộ chính sách di dân cứng rắn của TT Trump. Thăm dò mới nhất của Rasmussen, gần một nửa dân Mỹ (48%) cho rằng chính quyền Trump chưa làm đủ trách nhiệm bảo vệ biên giới. Nghiã là họ nghĩ TT Trump cần làm mạnh hơn nữa!

Quan trọng hơn là thăm dò mới nhất của Washington Post. Tại những đơn vị bầu cử then chốt, đa số dân tin TT Trump hơn là tin DC trong hai vấn đề: bảo vệ biên giới (T 42% - DC 25%) và bảo đảm di dân không gây hại cho công ăn việc làm của dân Mỹ (T 37% - DC 21%).

Cuộc bầu cử giữa mùa cuối năm nay sẽ hết sức quan trọng. CH thua, mất Hạ Viện, TT Trump sẽ bị trói tay, không thực hiện được chương trình nào nữa. DC thua thì sẽ là đại nạn bắt buộc đảng phải tìm nhân sự mới, sách lược mới, chuyển hướng chính trị mạnh để sống sót.

Trich từ Facebook, Vũ Linh (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)

hongnguyen
08-09-2018, 08:15 AM
THẨM PHÁN TCPV KAVANAUGH (SATURDAY, JULY 14, 2018)


Tiếp theo cả chục ngày nín thở chờ tin, tối Thứ Hai vừa qua, TT Trump đã thông báo cho cả nước biết ông đã chọn thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện thay thế thẩm phán Anthony Kennedy về hưu.

Chuyện này quan trọng hay không, quan trọng đến mức nào, có hậu quả ra sao liên quan đến đời sống chúng ta, người dân bình thường? Đó là những chuyện cả triệu người đang thắc mắc.

Trước hết ta nói về tiến trình bổ nhiệm.

Đây quả thực là một tuyệt chiêu về nghệ thuật quảng cáo hàng của đại doanh gia Trump. Chưa bao giờ trong lịch sử bổ nhiệm hơn 100 thẩm phán TCPV lại có một vị được bổ nhiệm một cách rình ràng và thu hút được sự chú ý của cả nước như lần này.

Tổng thống hẹn chắc việc tuyển lựa quan tòa từ cả chục ngày trước, khiến cho báo chí chạy tin trên trang nhất, đoán mò cả chục ngày liền, mà lạ lùng thay, tên của người được tuyển đã không bị xì ra!
Rồi đúng 9 giờ tối Thứ Hai, gần như tất cả các đài truyền hình trực tiếp thu hình cuộc họp báo của TT Trump thông báo quyết định của ông, và cả chục triệu người bị hút hồn, chỏ mõ ngồi chờ và coi.

Chú tâm của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất trong nghệ thuật tiếp thị chứ quảng cáo món hàng đó tốt mà chẳng ai để ý thì chỉ là công cốc.


TT Trump cũng đã đoán trước bất cứ ông bổ nhiệm ai cũng sẽ bị phe cấp tiến chống đối, nên muốn hô hào quần chúng đến xem cuộc chiến ngay từ đầu, cho thật đông, để họ có thể nghe ông và nghe ông Kavanaugh, và phán xét một cách chính xác, thay vì không biết gì, chỉ ngồi nhà đọc báo và nghe TTDC xuyên tạc.

Ta thử coi lại món hàng ông Trump đang rao bán.

Trong thể chế chính trị Mỹ, với việc tam quyền phân lập, có ba hệ thống riêng biệt là hành pháp, tức là tổng thống và nội các, lập pháp tức là hai viện quốc hội, và tư pháp tức là hệ thống tòa án, đứng đầu là Tối Cao Pháp Viện.

Trên nguyên tắc, nghe có vẻ ba bên ngang ngửa quyền hành rất lớn. Lập pháp ra luật cho cả nước, hành pháp thi hành những luật đó, và tư pháp bảo đảm việc tôn trọng những luật đó.
Không có luật thì loạn, có luật mà không ai thi hành thì cũng như không, thi hành không nghiêm chỉnh cũng loạn. Trên thực tế, có lẽ TCPV có quyền lớn nhất vì các ông tòa này có quyền quyết định những luật do lập pháp ban ra có giá trị hay không, có thể được hành pháp thi hành hay không, và hành pháp thi hành có đúng không.

Nhưng điểm quan yếu nhất là tổng thống, nội các, dân biểu và nghị sĩ đều có thể bị thay đổi như chong chóng, nhưng quan tòa thì ngồi suốt đời đến chết hay đến khi... quá già yếu tự ý từ nhiệm. Thậm chí đến lúc ngồi đâu ngủ gật đó vẫn chưa về hưu mà chẳng ai đuổi được.

Đặc biệt hơn nữa, quyết định của hành pháp hay luật của lập pháp cũng đều có thể thay đổi theo mùa bầu cử, nhưng án quyết của các quan tòa, nhất là quan tòa TCPV thì chắc hơn xi-măng cốt sắt, không lay chuyển cả trăm năm, hay ít nhất cũng cả thế hệ.

TCPV là cơ quan tối cao có thẩm quyền diễn giải Hiến Pháp và bảo đảm tất cả mọi luật của lập pháp và mọi hành động của hành pháp đều tuân thủ theo Hiến Pháp nguyên thủy và các án quyết diễn giải sau đó. Và đây lại là điểm ‘yếu’ của tư pháp: không có quyền tạo ra luật mà chỉ có quyền diễn giải luật thôi.

Đó là trách nhiệm căn bản của TCPV từ ngày được thành lập cho đến nay. Nhưng trách nhiệm đó đã mang lại nhiều tranh cãi ngay từ những ngày lập quốc. Câu hỏi là làm sao một văn kiện được một nhúm người gọi là ‘Cha Già Lập Quốc’ của đất nước này soạn thảo cách đây xấp xỉ 250 năm lại có thể có giá trị vĩnh viễn, một cách tuyệt đối mà không ai có quyền sai phạm?

Vì Hiến Pháp chính là nền tảng của liên bang Hợp Chủng Quốc, là chất keo gắn chặt 50 tiểu bang. Mất Hiến Pháp, liên bang tan rã.

Đây có lẽ là điểm quan trọng nhất phân biệt hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến liên quan đến TCPV. Phe bảo thủ, gọi là constitutionalist hay originalist, chủ trương tuyệt đối tuân thủ Hiến Pháp, và diễn giải cũng tuyệt đối theo ý nguyện/ý định của các Cha Già Lập Quốc khi họ viết ra Hiến Pháp.

Trong khi phe cấp tiến cho rằng Hiến Pháp chỉ là một tài liệu nền tảng căn bản và việc thi hành cần phải uyển chuyển, lưu ý đến những thay đổi của thời thế. Họ chủ trương cái mà họ gọi là ‘Living Constitution’, tức là một Hiến Pháp sống, linh động, có thể được diễn giải và thi hành theo nhu cầu thời thế, hay nói cách khác họ cho là các quan tòa có quyền ra luật mới.

Nói huỵch tẹt ra, phe DC chủ trương cho Hiến Pháp vào nhà quàn vì đó là một xác chết, không có ‘living’. Tương lai của đảng DC? Hãy nhìn vào cô Ocasio-Cortez.

Hiến Pháp là nền tảng phải tuân thủ, không có nghĩa không thể thay đổi. Nếu muốn và nếu cần, vẫn có thể sửa đổi gọi là ‘tu chính’ được. Cho đến nay Hiến Pháp đã được tu chính 27 lần, không có gì cấm tu chính nữa. Ai muốn thì cứ lên tiếng để dân Mỹ thay đổi Hiến Pháp, chỉ cần tuân theo đúng thủ tục thôi.

Một khác biệt quan trọng nữa giữa hai khối bảo thủ và cấp tiến: đó là quan điểm cá nhân của các quan tòa. TT Trump khi đọc bài phát biểu giới thiệu TP Kavanaugh đã nói rất rõ: “Khi nói chuyện với ông Kavanaugh, tôi đã không hỏi gì về ý kiến cá nhân của ông ta, chỉ muốn biết ông có tuân thủ Hiến Pháp và luật hiện hành không thôi”.

Trong khi đó, trong các cuộc điều trần phê chuẩn thẩm phán TCPV trước đây, các nghị sĩ DC luôn luôn hỏi “Thế quan điểm cá nhân của ông/bà là gì?”.

Bà Elena Kagan là thẩm phán TCPV được TT Obama bổ nhiệm. Ra trước Thượng Viện năm 2010, bị thượng nghị sĩ DC Schumer hỏi “Bà sẽ xử như thế nào về chuyện... ? Bà nghĩ sao?”, bà đã trả lời ngay “Tôi không biết sẽ xử ra sao, tất cả tùy trường hợp, không quan tòa nào có thể nói trước sẽ xử ra sao. Tôi “nghĩ sao” không phải là vấn đề vì ý kiến cá nhân tôi không quan trọng”.

Nói cách khác, khối DC lựa quan tòa theo ý kiến cá nhân trong khi khối CH tuyển người theo tiêu chuẩn có tuân theo Hiến Pháp hay không. (Trong vấn đề này, nhiều cụ tỵ nạn hiểu lõm bõm câu chuyện, phán rằng CH lựa quan tòa theo “ý tưởng cá nhân một chiều”.
Cái này gọi là không biết mà cứ nói bừa vì tính phe đảng)

Ông Kavanaugh tốt nghiệp luật tại đại học Yale, làm việc tại một văn phòng luật tư. Rồi làm trợ tá cho thẩm phán Kennedy, người mà ông sẽ thay thế.

Trong cuộc điều tra của công tố độc lập Kenneth Starr về các xì-căng-đan Whitewater, sau đó Monica của TT Clinton, ông làm phụ tá cho ông Starr, là tác giả chính của phúc trình của công tố Starr nộp cho Hạ Viện, được dùng làm căn bản để đàn hặc TT Clinton. Yếu tố này bảo đảm sẽ kích động dân cuồng nhà Clinton.

Cuối năm 2000, ông tham gia vào nhóm luật sư của ông Bush con, tranh cãi vụ đếm phiếu bầu cử với PTT Gore. Sau khi ông Bush đắc cử, ông Kavanaugh vào làm luật sư trong Tòa Bạch Ốc. Tại đây ông gặp bà Trợ Tá Riêng của TT Bush để rồi sau đó lấy bà này làm vợ.
Năm 2003, ông được TT Bush bổ nhiệm thẩm phán tòa phá án DC, nhưng gặp chống đối mạnh của khối DC trong Thượng Viện, mãi ba năm sau mới được phê chuẩn. Khi đó DC có 49 ghế tại Thượng Viện so với CH 51 ghế, nhưng luật thời đó đòi hỏi 60 phiếu mới được phê chuẩn.

Qua quá trình này, ông Kavanaugh có quan hệ rộng và mật thiết với giới luật sư và chính khách Hoa Thịnh Đốn nói chung, và với nhóm phụ tá của TT Bush nói riêng, nhất là với ông Karl Rove, được gọi là ‘kiến trúc sư’ đã xây dựng ‘căn nhà Bush’ trong chính trường Mỹ. TT Bush con và thống đốc Jeb Bush đều lên tiếng ca ngợi ngay quyết định bổ nhiệm ông Kavanaugh của TT Trump.
Quan hệ này sẽ giúp hoá giải được phần nào những chống đối của khối CH chống Trump (#NeverTrump) trong Thượng Viện khi phê chuẩn ông Kavanaugh.

Một số chính khách trong nhóm #NeverTrump ca ngợi ông Kavanaugh tuy vẫn làu bàu chống Trump. Nhưng ông cũng là thẩm phán sẽ gặp chống đối mạnh nhất của khối DC.

Phản ứng chung của khối bảo thủ là rất vui với việc bổ nhiệm ông Kavanaugh vì ông là bảo thủ thứ thiệt, kinh nghiệm cùng mình mà cũng là hạng trí thức nghiêm chỉnh, được lòng mọi người, không gây rối loạn. Đến độ có người chê ông Kavanaugh giống ông Jeb Bush, bị TT Trump phán là ‘low energy’.
Nói cách khác, không giống… ông thần Trump, nên phe bảo thủ rất yên tâm. Trên căn bản, TT Trump đã giữ lời hứa khi tranh cử là sẽ bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ khắp nơi, nhất là ở cấp TCPV.

Tin ông Kavanaugh được tuyển vừa là tin ngạc nhiên mà cũng là tin không đáng ngạc nhiên. Ngạc nhiên đầu tiên là ông này không có tên trong danh sách đầu các thẩm phán mà ông Trump đã lựa cho TCPV trong tương lai khi ông ra tranh cử tổng thống vì ông này quá thân cận với cánh Bush.
Tên ông Kavanaugh chỉ được thêm vào danh sách cách đây một năm. Sau đó, trong cuộc tuyển lựa thẩm phán lần này, ông Kavanaugh ngay từ đầu là người có nhiều hy vọng nhất, nhưng rồi biến thành người ít hy vọng nhất để rồi cuối cùng là người trúng số. Số may mà cũng xui.

Số may vì vào làm thẩm phán TCPV chắc chắn là giấc mộng tối hậu của tất cả những người làm nghề luật. Số xui là bảo đảm sẽ bị phe DC và TTDC băm thây. Chẳng phải chỉ riêng gì ông Kavanaugh mà bất cứ ông bà nào được TT Trump bổ nhiệm cũng lãnh đủ, bất kể quá trình, khả năng, uy tín hay quan điểm về bất cứ chuyện gì, cũng sẽ bị chống đến cùng, gọi là nhắm mắt chống đối toàn diện, vô điều kiện.

Sau khi ông Kavanaugh được bổ nhiệm, nhóm Women’s March phổ biến một tài liệu đả kích tân thẩm phán thậm tệ. Nhưng có một ‘rắc rối nhỏ’. Tài liệu không ghi rõ tên ông Kavanaugh, mà những chỗ nào cần có tên thì chỉ để ‘xxx”. Nghiã là đây là tài liệu đã được viết sẵn, đề tạm tên là ‘xxx’, khi nào có tên người được đề cử sẽ điền vào. Nhưng vì hấp tấp phổ biến tài liệu, nên quên mất điền tên ông Kavanaugh vào.

Phe DC, dẫn đầu bởi TNS Schumer của New York, chưa chi đã la hoảng TP Kavanaugh sẽ tước đi quyền tự do phá thai của phụ nữ và sẽ giết Obamacare, tức là lấy đi bảo hiểm y tế của những người nghèo, bất kể việc thẩm phán Kavanaugh chưa bao giờ có án quyết nào liên quan đến chuyện phá thai hay Obamacare.

Phe DC chống đối viện dẫn một quyết định của ông Kavanaugh trong một vụ án, bác bỏ việc chính phủ Mỹ phải trả tiền phá thai cho một cô gái di dân lậu, nhưng hiển nhiên đây là bóp méo câu chuyện. Việc này liên quan đến trách nhiệm của chính phủ Mỹ phải trả tiền dịch vụ y tế cho một di dân lậu, không phải là chuyện cho hay không cho phá thai.

Thật ra, không ai biết chắc quan điểm của ông Kavanaugh về chuyện phá thai. Trong vụ cô di dân lậu trên, ông cũng nói đại khái là ‘phải lưu ý đến chính sách của chính phủ muốn bảo vệ sự sống của bào thai’, do đó không thể bắt chính phủ phải trả tiền phá thai, nhất là cho một di dân lậu, không phải dân Mỹ.

Bù lại, trong cuộc điều trần trước Thượng Viện năm 2003, ông nói rõ “Roe v. Wade (là án quyết của TCPV nhìn nhận phá thai là hợp pháp trên cả nước) đã là luật quốc gia từ hơn 40 năm, không thể không tôn trọng”. Phe DC và TTDC chỉ nhấn mạnh vào chuyện cô di dân lậu mà phớt lờ câu nói trước Thượng Viện.

Về Obamacare, ông Kavanaugh là người đã ‘góp ý’ Chánh Án TCPV John Roberts để cứu Obamacare khiến nhiều ông bảo thủ bực mình. Phe DC và TTDC nín khe về chuyện này trong khi ông Schumer hù dọa ông Kavanaugh sẽ thu hồi Obamacare.
Thu hồi hay không là việc của quốc hội, không phải của TCPV.

Ông Terry McAuliffe, cựu thống đốc Virginia và cựu chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, báo động “việc bổ nhiệm ông Kavanaugh sẽ đe dọa tính mạng của cả triệu người”. Không ai hiểu tại sao. Cứ theo đảng DC, dân số Mỹ trong hai chục năm nữa chắc sẽ ít hơn dân số Phú Quốc, sau khi cả triệu triệu người đã chết vì trái đất bị hâm nóng quá, vì thu hồi Obamacare đã giết hết bệnh nhân, vì trợ cấp và phiếu thực phẩm của tất cả dân nghèo đã bị cắt, và bây giờ vì tay sát thủ Kavanaugh.

Một nghị sĩ khác, ông da đen Cory Booker là người đang chuẩn bị ra tranh cử tổng thống năm 2020, khẳng định TT Trump bổ nhiệm ông Kavanaugh để “khỏi bị tù”.

Theo ông Booker, công tố Mueller sắp sửa truy tố TT Trump không biết mấy vạn tội, và ông Kavanaugh sẽ cứu TT Trump. Đây là lập luận nổ lớn hơn kho đạn Biên Hòa, nhưng chẳng có ý nghĩa gì hết, chỉ là chuyện mỵ dân, lừa đám dân ít hiểu biết. Tổng thống không đi tù, chỉ bị đàn hặc và truất phế là cùng, mà trong tiến trình này, TCPV chẳng dính dáng gì hết. Chuyện ngớ ngẩn!

Thống đốc New York, Andrew Cuomo, đe dọa sẽ kiện TCPV. Hả? Kiện ở tòa nào? Tối Cao Pháp Viện? Vậy mà cũng làm tới thống đốc được.

Phe chống cũng tố TT Trump lựa ông Kavanaugh vì ông này chủ trương không truy tố tổng thống khi đang nhiệm chức, một quan điểm ‘lật lọng’ so với việc ông truy lùng TT Clinton. Ông Kavanaugh có truy lùng TT Clinton thật. Sau đó ông nghĩ lại thấy cuộc điều tra của công tố Starr hết sức tai hại cho cả nước và cho TT Clinton khiến ông gần như bị tê liệt không chu toàn trách nhiệm tổng thống được nữa.

Rồi sau đó nữa, ông vào làm việc trong Tòa Bạch Ốc và ông nhìn nhận khi đó ông mới thấy tầm mức quan trọng của trách nhiệm của một tổng thống. Ông viết một bài tham luận dài, đặt vấn đề trước những tai hại lớn lao như vậy, có nên truy tố tổng thống khi ông còn đang làm tổng thống hay không.

Dựa trên bài tham luận này, phe ta nhẩy nhổm tố ông sẽ tìm cách bảo vệ TT Trump và đó là lý do TT Trump đã lựa ông. Dù không ưa ông Kavanaugh cũng phải công nhận ông đã có đủ lương thiện và can đảm đặt lại vấn đề việc mình đã làm, thay vì ngoan cố cãi chầy cãi cối.

TTDC thì khỏi nói, đã trở thành cái loa của phe cấp tiến chống đối ngay từ đầu.


Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu. Trong những ngày tới phe chống đối sẽ bận bù đầu, bận đi bới rác trong quá trình nghề nghiệp cũng như đời sống riêng tư của cả hai vợ chồng Kavanaugh. Cả bố mẹ, họ hàng tám đời, bạn bè từ ngày học mẫu giáo chung, cũng sẽ được chiếu cố luôn.

Các ông bà trong Thượng Viện sẽ hạch hỏi ông Kavanaugh tới tắc thở luôn, vặn vẹo đủ chuyện. Cuộc điều trần để phê chuẩn sẽ không phải là để tìm hiểu về khả năng của ông Kavanaugh, mà sẽ là phiên tòa của các ông bà nghị sĩ DC tìm mọi cách kết tội, bất kể ông Kavanaugh có hay không có tội gì.

Nói về bà thẩm phán TCPV Elena Kagan, ông Kavanaugh trong bài diễn văn ngắn cám ơn TT Trump, cũng đã khôn khéo cám ơn bà Kagan là người đã bổ nhiệm ông làm giáo sư dạy về Hiến Pháp tại Harvard khi bà Kagan còn làm viện trưởng tại đại học này. Một cách khều chân khéo những vị DC nào chê trách khả năng của ông. Chứng tỏ ông Kavanaugh này cũng khá cứng cựa, không dễ nuốt.

Biết rõ khó có thể cản trở việc phê chuẩn ông Kavanaugh, phó chủ tịch Ủy ban Quốc Gia của đảng DC, ông dân biểu Hồi giáo da đen Keith Ellison đưa ra một giải pháp rất hách: Hạ Viện nên chuẩn bị đàn hặc các thẩm phán TCPV. Đúng là phe ta lên cơn điên loạn hết rồi.

Việc TP Kavanaugh có được phê chuẩn hay không chưa ai biết được, nhưng trong lịch sử, trong gần 110 thẩm phán TCPV, chỉ có đâu 5-6 người bị bác. Các tổng thống trước khi chính thức bổ nhiệm thường tìm hiểu, vận động trước và điếm phiếu Thượng Viện khá kỹ. CH hiện nay có 51 phiếu, nhưng ông McCain sẽ không tham dự được, còn 50.

Trong đó có hai bà Collins (Maine) và Murkowsky (Alaska) lừng chừng. Phe DC có 49 phiếu trong đó có 5ông bà có thể bỏ phiếu theo CH vì phải ra tranh cử lại tại những tiểu bang CH nặng như Georgia, West Virginia, North Dakota, Indiana, và Missouri. Bẩy người này sẽ có tiếng nói quyết định. Chống ông Kavanaugh sẽ rất khó cho các nghị sĩ DC tái đắc cử trong những tiểu bang đã bầu mạnh cho TT Trump.

Trong 5 ông bà DC trên, đã có 3 vị trước đây đã bỏ phiếu cho ông Neil Gorsuch. Để xem họ biểu quyết ra sao.

TT Trump chẳng những đã khiêng cả cái TCPV về phiá bảo thủ mà ông cũng đã và đang bổ nhiệm cả trăm thẩm phán bảo thủ khác vào hệ thống tư pháp Mỹ trong các cấp liên bang và phá án. Tất cả đều là những thẩm phán không có nhiệm kỳ, ngồi ghế cho đến chết hay già khụm.

Cái gia tài tư pháp này của TT Trump sẽ tồn tại vĩnh viễn mà không có tổng thống mới nào có thể xóa dễ dàng như gia tài của TT Obama đang bị TT Trump xóa. Đó là một trong những lý do khiến phe cấp tiến đang phát khùng với ông thần Trump, đánh ông Kavanaugh tối tăm mặt mũi. Nhưng xin thưa với quý vị, chưa thấm vào đâu hết. Hãy chờ tới khi TT Trump bổ nhiệm thẩm phán TCPV thứ ba và thứ tư xem.

Với sự bổ nhiệm ông Kavanaugh, việc TT Obama bổ nhiệm hai bà cấp tiến nặng Elena Kagan và Sonia Sotomayor coi như bị hoá giải hoàn toàn.

Nếu muốn nói lỗi phải, thì đó đúng là lỗi của đảng DC đã lựa chọn bà Hillary làm đại diện ra tranh cử tổng thống, một chính khách vừa quá nhiều ‘hành trang không đẹp’ lại cũng là một ứng cử viên thật dở trong ‘nghệ thuật’ vận động tranh cử, đưa đến sự đắc cử của ông Trump. Đi xa hơn, đó cũng vẫn là lỗi của DC khi Thượng Viện sửa đổi thủ tục phê chuẩn nhân sự.

Còn muốn đi xa hơn nữa thì phải nhìn vào tác phẩm của TT Obama đã đánh mất hậu thuẫn của cả chục triệu dân trung lưu và dân lao động.

Càng viết, càng nhớ lại ‘câu sấm’ của Đấng Tiên Tri Obama: “Elections have consequences”! Đúng vậy, thưa tổng thống.

Facebook, Vũ Linh (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)

hongnguyen
08-10-2018, 07:58 AM
Câu chuyện tối cao pháp viện

Tuần qua, hai trái bom khinh khí đã bị thả xuống thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ngay trụ sở Tối Cao Pháp Viện. Đảng Dân Chủ đã phất cờ báo động đỏ, kêu gọi đảng viên, cử tri, và dân cấp tiến nói chung khẩn cấp di tản về… Cali để tránh diệt vong, cũng như để có dịp bỏ phiếu tách Cali ra khỏi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, để trở thành nước mới, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Xã Hội Chủ Nghĩa California, dưới sự lãnh đạo anh minh của bà tổng thống Hillary Clinton. Các cụ tỵ nạn chống Trump nên vào Google tìm mua nhà tại Texas cho sớm.

Đây là nói đùa cho vui, xin quý độc giả đừng tố kẻ này tung fake news! Sự thật là đã có hai biến cố với hậu quả cực lớn mới xẩy ra, hết sức tai hại cho phe cấp tiến.

Trái bom đầu tiên là TCPV biểu quyết tổng thống ‘có quyền ra sắc lệnh bảo vệ an ninh cho xứ Mỹ’, và trái bom thứ hai là vị thẩm phán then chốt, luôn luôn có lá phiếu quyết định giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến đã treo ấn từ quan về đi câu. Ta coi lại hai câu chuyện.

1. TCPV VÀ SẮC LỆNH DI DÂN

Trong một quyết định hết sức quan trọng mà cả thế giới trông chờ, TCPV đã phán TT Trump có quyền ra sắc lệnh giới hạn di dân cũng như dân tỵ nạn từ một số quốc gia mà thủ tục thanh lọc vào Mỹ không được bảo đảm, có thể có kẽ hở cho khủng bố cuồng tín xâm nhập vào Mỹ. Công dân của 7 nước Libya, Syria, Iran, Yemen, Somalia, Venezuela và Bắc Hàn bị cấm không được vào Mỹ, du lịch hay tỵ nạn hay bất cứ lý do nào khác.

Ta còn nhớ TT Trump đã ký sắc lệnh này vài tuần sau khi đắc cử, nhưng ngay sau đó, bị hàng loạt quan tòa cấp tiến của Cali, New York, Hawaii,… chặn lại, cho rằng tổng thống không có quyền lấy những biện pháp an ninh bảo vệ dân Mỹ chống lại đám quá khích cuồng tín Hồi giáo vì như vậy là kỳ thị tôn giáo.

Theo quan điểm nhân ái không kỳ thị này, thà để chúng vào Mỹ giết dân Mỹ chứ không thể thiếu văn minh, kỳ thị không cho chúng vào. Đúng theo luật Mỹ, chưa bị kết án là chưa có tội, chúng chưa giết ai nên chưa có tội, không thể cấm chúng vào Mỹ, ai xui xẻo bị chúng giết sau đó thì đó là tại số mạng thôi.

Lên đến cấp phá án cũng vẫn bị các quan tòa cấp tiến ở cấp đó chặn lại. Bây giờ lên đến TCPV mới thắng và được thông qua nhờ đa số thẩm phán cho rằng tổng thống có đủ quyền hạn để bảo vệ dân chống cuồng tín xâm nhập giết họ.
Phe cấp tiến nổi điên, đả kích loạn xà bần. Bà thượng nghị sĩ DC Mazie Hirono của Hawaii lên tiếng cảnh giác “Bước tới TT Trump sẽ cấm dân Canada vào Mỹ”! Dân biểu Keith Ellison cho rằng thẩm phán TCPV đã nhận tiền hối lộ của Trump (suy bụng ta ra bụng người?).

Trong cuộc tranh cãi về sắc lệnh của TT Trump, phe chống đối, qua giải thích của bà thẩm phán Sonia Sotomayor, nhấn mạnh ‘ý đồ kỳ thị chống dân Hồi giáo của TT Trump qua các hô hào thời tranh cử quá rõ’, và các sắc lệnh chỉ là chuyện kỳ thị bằng miệng bây giờ đã được thi hành. Phe chấp thuận sắc lệnh cho rằng lời tố cáo của bà Sotomayor đúng hay sai không phải là vấn đề, vì kỳ thị hay không là chuyện chính sách. Vai trò của TCPV không phải là tìm cách củng cố hay sửa sai chính sách của Hành Pháp, cũng không phải là luận tội dựa trên các hô hào và khẩu hiệu khi tranh cử, mà là bảo đảm sự tôn trọng luật pháp theo đúng những quy định của Hiến Pháp. Đây là nói chuyện luật pháp chứ không phải là chuyện chính trị hay chính sách.

Theo các thẩm phán bảo thủ, việc ký các sắc lệnh đó hoàn toàn nằm trong quyền hạn của tổng thống là người đứng đầu Hành Pháp, trực tiếp chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho xứ này. Họ cũng cho biết là Hành Pháp đã đưa ra đầy đủ bằng chứng có tính thuyết phục về nhu cầu thi hành sắc lệnh để bảo đảm an ninh quốc gia, không liên quan gì đến bất cứ tôn giáo hay chủng tộc nào. Họ cũng dẫn chứng sắc lệnh không mang ý nghĩa kỳ thị Hồi giáo khi tổng cộng dân Hồi giáo của những xứ bị cấm chỉ có chưa tới 8% dân Hồi trên cả thế giới. Những quốc gia Hồi lớn trên thế giới như Ả Rập Saud, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Bangladesh, Mã Lai, và Indonesia, và cả chục nước Hồi khác, đều không bị cấm gì.

Tiêu chuẩn cấm là việc kiểm soát dân, và những xứ bị cấm là những xứ đang đại loạn chẳng có kiểm soát, thanh lọc dân được như vài xứ Trung Đông, hay những xứ thề sống chết với Mỹ như Iran và Bắc Hàn. Venezuela là trường hợp đặc biệt: vì khủng hoảng kinh tế trầm trọng do chính sách kinh tế theo mô thức CS, cả triệu dân đang tìm cách trốn khỏi xứ trong khi hệ thống chính quyền đang xụp đổ mau lẹ, không thể kiểm tra lý lịch những dân muốn đi Mỹ được nữa.

Phán quyết của TCPV được lấy với 5 phiếu của các thẩm phán bảo thủ và sự chống đối của 4 thẩm phán cấp tiến do các TT Clinton và Obama bổ nhiệm. Không phải là bốn vị chống đã sai hay không hiểu luật, mà chỉ là vấn đề khác biệt quan điểm về vai trò của TCPV nói riêng và ngành Tư Pháp nói chung.

Trên căn bản, sự phân biệt bảo thủ và cấp tiến trong ngành Tư Pháp, nhất là ở cấp Tối Cao Pháp Viện không giống như trong chính trị bình thường. Ở đây, bảo thủ, Mỹ gọi là ‘originalist’, có nghĩa là tuyệt đối tuân theo câu văn cũng như ý định nguyên thủy của các ‘Cha Già Khai Quốc’ khi họ viết Hiến Pháp, trong khi phe cấp tiến chủ trương uyển chuyển, thay đổi cách diễn giải Hiến Pháp theo xu hướng thời đại.

Thông điệp của TCPV cho các quan tòa rất rõ: xin vui lòng thi hành triệt để Hiến Pháp và luật hiện hành, đừng cương ẩu theo phải đạo chính trị! Thông điệp cho các cụ tỵ nạn: các cụ không biết gì về luật Mỹ thì không nên bàn sảng chửi Trump ngu dốt không biết luật.

Trong vụ lộn xộn cách ly trẻ em, TT Trump dựa trên việc triệt để thi hành luật, tức là án lệ đã có từ thời TT Clinton, trong khi phe cấp tiến cho rằng luật đó không hợp thời, thậm chí có hơi hám ‘vô nhân đạo’ nên việc thi hành phải châm chế, du di bớt thay vì áp dụng ‘zero tolerance’.

Trên căn bản, khác biệt bảo thủ - cấp tiến dưới khiá cạnh này là một vấn đề rất nghiêm trọng, với hậu quả rất lớn trong chính trị cũng như xã hội Mỹ.

Cái đáng tiếc là thay vì có những thảo luận nghiêm chỉnh để tìm đồng thuận thì cả hai bên trong thời gian qua đã tung hỏa mù, tin phịa, tin úp mở, đánh nhau túi bụi khiến thiên hạ hoàn toàn bị tàu hỏa nhập ma lây, chẳng còn biết lý lẽ hay thật giả gì nữa. Ai cũng sẵn sàng tung fake news vì tính phe phái mù quáng. Tiêu biểu cho thái độ phe phái mù quáng là một bài viết gần đây của một cụ tỵ nạn.

Cụ này trong truyền thống thông ngôn mắt nhắm mắt mở theo TTDC, viết bài mô tả hàng đoàn những bà mẹ di dân công khai đến biên giới xin tỵ nạn, không băng đèo lội sông, lén lậu gì hết, tràn ngập hy vọng vào nước Mỹ, để rồi bất ngờ thấy con mình bị giựt khỏi tay đem đi trại tập trung. Sau đó, mẹ thì bị ra tòa, đi tù, và con nhỏ thì bị nhốt trong trại tập trung. Đọc mà muốn khóc.

Đây là bằng chứng cụ thể nhất là bệnh fake news đã lây qua cộng đồng tỵ nạn. Các cụ muốn vẽ gì thì vẽ, mà bất cứ cái gì các cụ vẽ ra thì đều được khẳng định là sự thật. Vấn đề là cái mà các cụ vẽ ra không phải sự thật.

Đây là sự thật. Những gia đình công khai đi đến biên giới, chính thức làm đơn xi tỵ nạn –asylum petition- đều được cho ở trong các trại tạm trú, không phải trại giam, không bị ra tòa kết án hay bị tù gì hết mà chỉ chờ tòa cứu xét đơn xin tỵ nạn thôi. Được chấp nhận thì cả gia đình được cho vào sống ở Mỹ, yên ổn, nhận được giúp đỡ và trợ cấp cần thiết trong những ngày đầu. Không được thì sẽ bị trục xuất cùng với cả gia đình.

Trong khi chờ đợi, họ sống trong trại tạm cư cùng với gia đình, không có đứa con hay chồng hay vợ nào bị cách ly, kéo ra khỏi tay ai hết. Trường hợp cách ly mà TTDC và cụ thông ngôn la hoảng chỉ áp dụng với di dân lậu, bị bắt tại trận, bị nhốt chờ quyết định của tòa.

Không có bố mẹ di dân nào bị án tù gì hết. Chỉ trong trường hợp bố mẹ là bố mẹ giả, là dân buôn người chuyên nghiệp thì mới bị tù, còn nếu là bố mẹ thật thì chỉ bị trục xuất là cùng.

Cái hình cô bé mà báo TIME tung lên trang bià cho thấy rõ. Hai mẹ con trả tiền cho môi giới chở họ đến biên giới, xin tỵ nạn một cách hợp pháp, chỉ bị yêu cầu đặt đứa bé xuống, xét người, rồi cho bế con lên lại, đi xe về trại tạm cư. Có anh phóng viên TIME chứng kiến, chụp hình, nhưng anh này gian trá, phụ đề là mẹ con bị cách ly, lên hai xe khác nhau đi về hai trại. Sau đó, bị lòi ra là nói láo, TIME cải chính: hai mẹ con không hề bị cách ly gì hết, đi chung xe về một trại. Cái mánh của TTDC là đăng fake news, xong rồi sửa sai, cũng không khác gì cố tình thổi cơm khê, có xin lỗi thì cơm cũng đã khê rồi.

Chưa hết, cụ tỵ nạn đó cũng nhìn nhận là luật cách ly đã có từ lâu rồi, nhưng các TT Clinton, Bush, và Obama đều không thi hành vì họ đều không muốn ngoan cố như “tướng cướp Từ Hải”. Nói cách khác, Trump thi hành luật nên đã thành tướng cướp. Xin lỗi, không biết có phải kẻ này già nua, quá lẩm cẩm nên không biết bây giờ, theo nhân sinh quan cấp tiến văn minh tiến bộ của cụ thông ngôn, tuân thủ luật là cách cư xử của tướng cướp! Phải uyển chuyển, không thi hành luật như các tổng thống Clinton, Bush và Obama thì mới là những người lương thiện, gương sáng xứng đáng lãnh đạo dân. Thế giới hình như đang chổng bốn vó lên trời!

Một lời khuyên các cụ tỵ nạn: thứ nhất, các cụ nên tìm hiểu vấn đề cho kỹ trước khi viết lung tung trong cơn say thuốc lào; thứ hai, nếu tìm hiểu rồi, thì nhớ viết theo đúng sự thật, đừng vì đầu óc phe phái mà bóp méo sự thật. Đừng nhắm mắt dịch CNN. Các cụ nên cẩn thận hơn để bảo vệ tên tuổi của chính mình cũng như có cơ hội chỉ trích Trump một cách chính đáng, được nhiều người tin hơn.

Qua vụ tranh cãi về cách ly trẻ con, ta cũng thấy rõ ngành Tư Pháp của Mỹ hình như đang gặp khủng hoảng lớn trong việc chấp hành luật lệ, khi việc chấp hành nghiêm chỉnh bị coi là vô nhân đạo, mà thiên hạ lại đòi phải có sự châm chế, du di. Du di đến mức nào, ai quyết định?

Ngay sau khi ký sắc lệnh ngưng thi hành án lệ không được nhốt trẻ em trên 20 ngày, TT Trump đã nộp đơn xin một tòa Cali thu hồi cái án lệ đó, hay ít ra, cũng cho ngưng áp dụng nó.
Thật ra, đó không phải là án lệ mà chỉ là một thỏa thuận giữa tòa án và chính quyền Clinton. Nhưng thỏa thuận đó đã được một quan tòa, bà Dolly Gee, xác nhận lại như một án lệ.

Năm 2015, chính quyền Obama cũng gặp khó khăn tương tự như TT Trump bây giờ (nhưng quý độc giả không ai hay biết gì vì khi đó, TTDC giúp TT Obama ém nhẹm những rắc rối về di dân, chứ không đào bới ầm ĩ như với Trump bây giờ). TT Obama xin tạm ngưng thi hành án lệ, nhưng bà Gee chẳng những đã bác, mà còn ra lệnh TT Obama phải tuyệt đối tuân thủ án lệ đó, phải thả ngay lập tức những trẻ em đã bị tạm giữ quá 20 ngày, và nếu cần, phải thả luôn bố mẹ chúng theo. TT Obama chấp hành một phần, tức là thả một phần, nhưng vẫn cách ly một số. Ông Jeh Johnson, cựu bộ trưởng An Ninh Lãnh Thổ của TT Obama mới đây đã xác nhận chính quyền Obama cũng có cách ly trẻ con y như TT Trump vì đó là “chuyện cần thiết phải làm” (xin xem chi tiết trong bài báo trên trang ‘Báo Mỹ’). Bây giờ thì quý độc giả đã hiểu tại sao TT Obama im re trong vụ ‘khủng hoảng’ cách ly hiện nay, vì chính ông cũng đã từng ra lệnh cách ly.

TT Trump đệ đơn xin thu hồi hay hoãn thi hành án lệ 1997, và quan tòa thụ lý lại chính là bà Dolly Gee này, dân Mỹ gốc Tầu do TT Obama bổ nhiệm. Bà Gee có nhiều hy vọng sẽ xác nhận lại quyết định trước đây của bà, nghĩa là cho TT Trump được giữ trẻ con được tới 20 ngày, nhưng sau đó phải cách ly hay nếu cần thả luôn cả bố mẹ chúng.

Có nhiều triển vọng TT Trump sẽ không chịu thả hết, sẽ thi hành luật cách ly, trở về tình trạng loạn xà ngầu của mấy tuần qua. Nhưng với khác biệt lớn: bây giờ TT Trump sẽ có thể đưa quyết định của bà Gee ra làm mộc đỡ đạn. TTDC không còn tố giác TT Trump chế luật mới được nữa.

Cũng có thể TT Trump sẽ không chấp nhận phán quyết của bà Gee, mà sẽ tiếp tục kháng cáo, có thể lên tới Tối Cao Pháp Viện luôn. Nếu lên tới TCPV, dựa trên phán quyết về sắc lệnh di dân của TT Trump, có triển vọng TT Trump sẽ lại thắng nữa thôi, tức là TCPV phán tổng thống có quyền thi hành luật trong khi chờ đợi quốc hội ra luật về di dân.

Trong vụ khủng hoảng cách ly hiện nay, ý kiến của quần chúng mang nhiều ý nghĩa. Theo CBS (không phải Fox News đâu nhé), con số dân Mỹ ủng hộ việc xây bức tường bất ngờ tăng vọt lên 51%, và hai phần ba (63%) đồng ý phải nhốt hay trục xuất di dân lậu. Đặc biệt hơn, 84% dân Mỹ ủng hộ việc khai báo dân ở lậu với cảnh sát theo khảo sát của Mark Penn, cựu chuyên gia thăm dò của bà Hillary. Giải pháp được hậu thuẫn nhất: không cách ly mà trục xuất nguyên cả gia đình ngay. Đó chính là ly do tại sao TT Trump hô hào việc trục xuất di dân lậu ngay tại biên giới mà không cần đưa ra tòa gì hết.

Thăm dò mới nhất của Washington Times cho biết đa số dân Mỹ cho rằng chuyện cách ly không phải lỗi của chính quyền Trump và sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến bầu cử quốc hội tới. Điểm đáng nói là 57% dân độc lập không đảng phái coi những ồn ào về chuyện cách ly như chẳng có ảnh hưởng gì đến lá phiếu của họ. Mất công TTDC khua chiêng trống vô ích.

Nói chung, dân Mỹ không có thiện cảm với di dân lậu. Trong mấy ngày qua, đã có nhiều bài báo cảnh giác đảng DC đã ‘chọn lầm ngựa’ khi coi việc đánh Trump trong vấn đề di dân lậu sẽ giúp họ, trái lại, có thể bị phản ứng ngược trong kỳ bầu quốc hội cuốn năm nay.

2. TP KENNEDY NGHỈ HƯU
Tin chấn động và có hậu quả lớn và lâu dài hơn là thẩm phán Anthony Kennedy, 81 tuổi, về hưu cuối tháng 7 này.
Đây không phải là một tin bất ngờ vì ông này đã đánh tiếng từ lâu rồi, nhưng sự ra đi của ông đang khiến khối cấp tiến choáng váng. Ông Kennedy do TT Reagan bổ nhiệm, có khuynh hướng thiên về bảo thủ, nhưng cũng rất nhiều lần biểu quyết theo cấp tiến, do đó đã là vị thẩm phán với lá phiếu quyết định, trong khi TCPV có 4 vị thẩm phán bảo thủ kiên trì và 4 vị cấp tiến kiên trì không kém.

TT Trump sẽ có dịp bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ chắc nịch như TP Neil Gorsuch, và TCPV sẽ nghiêng hẳn về khối bảo thủ.

Trước đây, việc bổ nhiệm thẩm phán TCPV rất khó khăn, cần tối thiểu 60 phiếu tại Thượng Viện, một việc khó hơn lên cung trăng trong thời buổi phân hoá chính trị trầm trọng hiện nay. Nhưng bây giờ thì trở thành rất dễ, chỉ cần 51 phiếu, là con số mà CH đang có. Dễ như vậy, chính là nhờ cựu lãnh tụ DC tại Thượng Viện, ông Harry Reid và đảng DC quá tự kiêu, cho rằng DC sẽ nắm quyền vĩnh viễn, nên thông qua cái luật phê duyệt nhân sự không phải vượt qua thủ tục câu giờ filibuster.

Nhờ sự dễ dãi đó mà phe cấp tiến bị gậy ông đập lưng ông, đang hoảng hốt trước viễn tượng TT Trump sẽ có dịp bổ nhiệm thêm một hay hai thẩm phán nữa vào TCPV, ngoài ông Gorsuch và một vị khác để thay thế ông Kennedy, khiến cán cân có thể nghiêng qua 6-3 hay 7-2 luôn, trong khi DC chỉ có thể ngồi nhìn và khóc. Bà Ginsburg đã 85 tuổi, đi không muốn vững, họp lâu thì ngủ gật, trong khi bà Sotomayor bị tiểu đường khá nặng, đã phải vào nhà thương khẩn cấp mấy lần, rồi ông Breyer cũng đã 80 rồi. Cái đáng lo nữa là những thẩm phán do TT Trump bổ nhiệm đều trong lứa tuổi ngũ tuần, tức là có thể ngồi trong TCPV hai ba chục năm dễ dàng.

TT Trump cho biết sẽ thông báo tên người ông bổ nhiệm ngày 9 tháng 7 tới. Ý của phe DC muốn trì hoãn qua sau bầu cử vì hy vọng DC sẽ chiếm đa số tại Thượng Viện và sẽ chặn được việc bổ nhiệm thẩm phán quá bảo thủ.
CH hiện nay chỉ nắm có đa số đúng một phiếu tại Thượng Viện. TNS McCain đang bệnh nặng sẽ không có mặt, tức là hai bên ngang ngửa, chỉ cần một nghị sĩ CH chuyển hướng là TT Trump sẽ thất bại. Mà muốn có sự đồng thuận của toàn thể 50 nghị sĩ CH thì thật khó hơn... nói chuyện với Bắc Hàn.

Bù lại, cũng chỉ cần hai ba nghị sĩ DC ủng hộ là TT Trump thành công, như trường hợp ông Gorsuch đã có 3 nghị sĩ DC ủng hộ.

Phản ứng của TTDC về sự từ nhiệm của TP Kennedy? Bà Jill Abramson cựu chủ bút của New York Times hô hào “chúng ta phải chống tất cả những ai được TT Trump đề cử”. Phản ảnh rõ hơn hết thái độ của TTDC: chống, chống và chống, bất kể chuyện gì. Ông Trump chưa đề cử ai, không cần biết là người như thế nào, đã chống rồi.
Cuộc chiến này sẽ rất gay go.

VŨ LINH https://www.tvvn.org/cau-chuyen-toi-...-vien-vu-linh/ (https://www.tvvn.org/cau-chuyen-toi-cao-phap-vien-vu-linh/)

hongnguyen
08-10-2018, 08:03 AM
#NEVERTRUMP VÀ DEEP STATEA

Tựa bài tuần này là danh xưng của hai nhóm chống TT Trump mạnh mẽ nhất ngoài khối đối lập DC và TTDC.
#NeverTrump là một nhóm bảo thủ CH chống TT Trump đến cùng. Không phải là nhóm DC đâu mà là ‘phe ta’ CH với nhau đấy. Gọi là phe ta xé xác phe mình!

Cũng không phải chống sau khi ông Trump đã đắc cử, mà chống ngay từ khi ông mới ngóc đầu lên trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống trong nội bộ đảng CH, cuối năm 2015.

#NeverTrump không phải là tên chính thức gì, mà chỉ là cách nhóm này tự xưng trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter,...

Deep State là khối công chức lão làng, không ai bầu, nhưng lại nắm thực quyền chính trị hiện nay.
Đầu năm 2015, cả hai chính đảng rục rịch chuẩn bị tranh cử tổng thống. Bên đảng CH, không khí y chang chợ Tết. Sau 8 năm Obama, thiên hạ chán ngấy các chính sách cấp tiến thiên tả với những hậu quả quá tai hại.

Đã vậy, đảng DC đưa ra bà Hillary chẳng những còn thiên tả hơn cả Obama, mà lại là ác mộng của 8 năm xì-căng-đan Clinton trở lại. Hay chính xác hơn, là sự tiếp nối của 16 năm kinh hoàng Clinton-Obama. Do đó, ai cũng muốn nhẩy vào cuộc.
Tổng cộng 17 ứng cử viên nặng ký ghi danh, một con số kỷ lục chưa từng thấy. Mà hầu hết là những vị rất tên tuổi.

Có 9 thống đốc, đương nhiệm hay cựu, trong đó có những vị từ các tiểu bang lớn như Florida, Ohio, Texas, New York và New Jersey.

Năm thượng nghị sĩ trong đó hai vị từ hai tiểu bang lớn là Texas và Florida. Hai đại doanh gia triệu phú. Chưa kể không biết bao nhiêu vị khác ngồi ngoài dòm ngó chờ thời.

Với thành quả của TT Obama và tiếng tăm không được tốt lắm của bà Hillary, ai cũng nghĩ cơ hội đã đến cho mình. Kể cả ông tỷ phú chưa bao giờ biết chính trị là gì, Donald Trump.

Cuộc chạy đua bắt đầu từ mùa xuân năm 2015. Ngay từ đầu, phần lớn chuyên gia nghĩ cuộc bầu tổng thống năm 2016 sẽ là cuộc đấu lý thú thứ hai giữa hai đại gia tộc Clinton và Bush, khi bà Hillary đụng đầu với thống đốc Florida Jeb Bush. Bà vợ tổng thống đấu với ông con/em của tổng thống.

Bù lại, nhiều người cũng không vui lắm: bộ nước Mỹ hết nhân tài rồi sao mà đi xào nướng lại mấy món ăn cũ mèm này?
Tỷ lệ hậu thuẫn của tất cả các ứng cử viên đều không ghê gớm gì lắm vì bị chia ra quá nhiều người. TĐ Bush đứng đầu với khoảng 15% hậu thuẫn của cử tri CH, trong khi bà Hillary được đâu 80% hậu thuẫn của cử tri DC.

Tháng Sáu 2015, tỷ phú Donald Trump thông báo ông ra tranh cử. Báo chí làm ngay một cuộc thăm dò mới. Ông Trump được hậu thuẫn của chưa tới... 2% cử tri CH, tức là chưa tới 1% cử tri cả nước. Chẳng ai coi ông này ra gì.

Nhưng ông Trump là một hiện tượng không giống ai. Một chính khách quái chiêu chuyên tuyên bố nẩy lửa và bạt mạng.

Ngay trong bài diễn văn thông báo tin ra tranh cử, ông đã phạng ngay “đám di dân gốc Nam Mỹ đều là dân du thủ du thực, đầu trộm đuôi cướp, chuyên đi hãm hiếp đàn bà con gái, cần phải bị bắt đuổi hết ra khỏi xứ”.

Đời thuở nào từ thời lập quốc đến giờ, làm gì có loại chính khách ăn nói quái chiêu như vậy?
Chính nhờ cái quái chiêu đó mà ông đã thu hút được sự chú ý chẳng những của truyền thông, mà cả dân Mỹ luôn.
Cả nước bất kể DC hay CH, trẻ hay già,... đều muốn tìm hiểu ông này là ai, muốn gì.

Thiên hạ thấy rõ ông Trump này có quan điểm lập trường rất rõ ràng, và quan trọng hơn nữa, là người dám nói, dám làm, quăng ‘phải đạo chính trị’ vào thùng rác, khác xa các chính khách khác chuyên nói năng khách sáo, rào trước đón sau, uốn lưỡi cả chục lần, hoàn toàn giả đối, đưa ra những kế sách cổ điển, hứa hẹn ai cũng được một phần bánh! Chán phèo!

Kết quả dĩ nhiên là hậu thuẫn của ông Trump tăng vọt cực kỳ nhanh chóng.

Chưa tới nửa năm sau, hậu thuẫn của ông leo lên hàng đầu, hạ hết mấy ngôi sao sáng hay tối của CH, kể cả TĐ Bush.
Tháng Chạp năm 2015, trong cái rừng ứng cử viên CH, tỷ lệ hậu thuẫn của ông Trump leo lên đến trên 40%, trong khi ông thứ nhì là TNS Ted Cruz của Texas lẹt đẹt chưa tới 15%. TNS Marco Rubio thoi thóp với 10%.

Các vị khác chết chìm trong khoảng dưới 5%, kể cả ông Jeb Bush.
Tháng Chạp đó cũng là tháng nẩy sinh ra phong trào chống Trump trong nội bộ đảng CH.

Hai người đầu tiên công khai tìm cách chặn ông Trump là hai cựu phụ tá của TĐ Mitt Romney. Một người tung ra một loạt quảng cáo đánh Trump trên TV, và một người lập một tổ chức gây quỹ lấy tiền để làm thêm quảng cáo chống Trump.
Nhưng rồi cũng không ai cản được đà chiến thắng của ông Trump.

Tháng Ba năm 2016, ông Trump đại thắng trong cái ngày gọi là Super Tuesday, bầu nội bộ trong 17 tiểu bang thì ông Trump thắng 12. Cả tại Florida, tiểu bang nhà của hai ông Bush và Rubio.

Ngay tháng đó, hơn 20 tai to mặt lớn của đảng CH họp kín, đưa đến quyết định tất cả sẽ gom sức để cản việc ông Trump trở thành đại diện cho đảng CH trong cuộc bầu tổng thống.

Kêu gọi các ứng cử viên đoàn kết, đừng đánh lẫn nhau mà nên tập trung đánh Trump thôi. Thậm chí còn đề nghị nhiều ứng cử viên ít hy vọng nên rút lui sớm để dồn phiếu vào một người khác không phải là ông Trump.

Đồng thời, một số cử tri đoàn cũng tập họp thành nhóm tìm cách thay đổi luật lệ cử tri đoàn, cho phép họ bầu tự do, thay vì bầu cho ông Trump đã thắng cử tại tiểu bang của họ.

Ông Romney bắt đầu công khai lộ diện như một ‘anh cả’ tìm cách cứu vãn đảng CH ra khỏi ‘tai họa’ Trump, tự nguyện ra làm Lê Lai cứu đảng, là điểm tập hợp mới của đảng, kêu gọi hậu thuẫn của tất cả các ứng viên của đảng CH.

Ông Jeb Bush và cả gia tộc Bush, kể cả TT Bush cha và bà vợ, tất cả chống ông Trump tuy tương đối lặng lẽ bề ngoài, nhưng tích cực vận động trong hậu trường.

Tạp chí The Weekly Standard, được coi như cơ quan ngôn luận của khối bảo thủ, biến thành tiếng nói đánh ông Trump mạnh nhất. Cả báo National Review, một tạp chí bảo thủ lớn khác, cũng công khai chống ông Trump.

Tháng 5 năm 2016, tổ chức chống Trump lớn nhất ra đời, lấy tên là ‘#NeverTrump’, đi xin chữ ký cho một thỉnh nguyện thư kêu gọi cử tri CH không bỏ phiếu cho ông Trump.

Gần 60.000 chữ ký được lấy trong vòng một tháng.
Tháng 7 năm 2016, đảng CH tổ chức đại hội tại Ohio. Thống đốc Ohio, John Kasich từ chối không tham dự để bày tỏ ý chống Trump đến cùng.

Hai TT Bush cha và con và TĐ Jeb Bush cũng từ chối tham dự, cũng như TĐ Romney.
Cả tá thượng nghị sĩ tên tuổi nhất của CH không tham dự, trong đó có các ông McCain và Marco Rubio của Florida.

TNS Ted Cruz tham dự, được mời đọc diễn văn trong ngày chính của đại hội, nhưng trong bài diễn văn, lại không nói gì về việc ủng hộ ông Trump.
Tất cả đều vô hiệu!

Ông Trump đắc cử làm đại diện cho đảng CH ra tranh cử tổng thống chống bà Hillary.
Trong khi đảng CH tìm đủ cách cản ông Trump thì đảng DC lại hể hả nâng cao ông Trump lên vì họ nghĩ ông này sẽ là miếng mồi ngon nhất cho bà Hillary.

Nghe tin ông Trump đắc cử trong nội bộ CH, bà Hillary và cả đảng DC hý hửng ăn mừng.

Chưa bắt đầu tranh cử đã nghe tin bà Hillary chuẩn bị danh sách nội các. Chứng tỏ bà Hillary và đám cố vấn là những chính trị gia thật dở, lượng giá đối thủ sai bét. .

Trong cuộc tranh cử giữa ông Trump và bà Hillary, phòng trào chống Trump trong nội bộ CH có vẻ dịu đi bớt vì dù sao, dân CH cũng ghét bà Hillary hơn, nhưng không chết hẳn.

Một số nhân vật tên tuổi của CH vẫn không thể chấp nhận ông Trump.
Hai TT Bush cha và con cho biết các ông sẽ không đi bầu. Vài nhân vật khác kêu gọi bầu cho những ứng viên tép riu khác. Một số nhân vật tên tuổi khác công khai bỏ đảng, ủng hộ bà Hillary như tướng Colin Powell, cựu ngoại trưởng của TT Bush con.

Ông Powell trước đây cũng đã bỏ đảng, bầu cho Obama cả hai lần. Hầu hết nội các của TT Bush con đều chống Trump. Một tá thượng nghị sĩ CH và một tá thống đốc CH cũng công khai chống.

Một phong trào nẩy ra đề nghị khối CH đưa ra một ứng cử viên mới, như ông Romney, hay một chính khách tên tuổi nào khác, với hy vọng sẽ chia phiếu cử tri làm ba, giữa bà Hillary, ông Trump và ứng cử viên mới.

Như vậy, có thể không ai hội đủ 270 phiếu cử tri đoàn, Hạ Viện sẽ bầu tổng thống, và với phe CH nắm đa số, họ sẽ bầu một tổng thống CH xứng đáng hơn ông Trump.

Một giải pháp tuyệt hảo loại được cả hai ứng cử viên nhiều người ghét là ông Trump và bà Hillary.
Như thường lệ, mọi cố gắng cản ông Trump cũng thất bại hết. Ông Trump hạ bà Hillary, đắc cử tổng thống trong ngỡ ngàng của toàn thế giới.

Nhìn vào nhóm #NeverTrump, ai cũng có hai câu hỏi trong đầu: Ai cầm đầu, đạo diễn mọi chuyện? Và tại sao lại có sự chống đối này?

Nói về ‘cầm đầu’ thì câu trả lời khá rõ: chẳng có ai hết.
Đảng CH nói chung vẫn phân hoá nội bộ trước cũng như sau bầu cử, khi có tới 17 nhân vật ra chạy đua và ... 17 vạn nhân vật khác ngồi chờ sung rụng phiá sau.

TĐ Romney trước bầu cử hung hăng chống ông Trump mạnh nhất, nhưng sau đó lại khúm núm đến xin chức Ngoại Trưởng, hụt chức, quay qua chống Trump lại, để rồi bây giờ lại nhờ Trump ủng hộ ông ra tranh cử ghế thượng nghị sĩ Utah.
Ba ông thượng nghị sĩ lớn tiếng chống TT Trump mạnh nhất thì, không biết có phải vì ‘số trời’ không, cả 3 đều không còn làm được gì:

-ông McCain bận viết di chúc,

-hai ông Jeff Flake và Bob Corker thì đều đã tuyên bố không ra tái tranh cử năm 2018 nữa vì hậu thuẫn của hai ông ngay trong tiểu bang nhà cũng èo uột không tới 20%, vô vọng đắc cử lại.

Cái nhức răng của nhóm này cũng giống như cái nhức răng của đảng DC: chẳng có ai có đủ uy tín đứng ra làm điểm tập hợp, làm lãnh tụ, và nhất là cũng chẳng có sách lược trị quốc hay ho hấp dẫn cử tri hơn là những sách lược của TT Trump.

Tất cả những chuyện khối bảo thủ muốn làm, ông Trump cũng đã hứa sẽ làm và thật sự đang làm rồi.

Câu hỏi thứ hai: tại sao #NeverTrump lại chống TT Trump như vậy, là câu hỏi phức tạp hơn. Trên căn bản, người ta có thể thấy hai nhóm chính.

Nhóm thứ nhất chống ông Trump là nhóm bảo thủ cực đoan nhất, nhưng thường đứng ngoài chính quyền, điển hình là hai tạp chí cực hữu Weekly Standard và National Review.

Họ cũng có hậu thuẫn trong quốc hội, qua các nhóm bảo thủ nặng, xuất thân từ các nhóm Tea Party như các TNS Paul Ryan, Marco Rubio, Ted Cruz,…

Nhóm này chỉ trích TT Trump là ‘RINO’, Republican In Name Only, tức là CH mạo danh.
Dựa trên quan điểm mập mờ của ông Trump trong quá khứ, họ không tin ông là bảo thủ thật.

Chẳng hạn như trước đây ông Trump chấp nhận phá thai, đồng tính hay chuyển giới, kiểm soát súng, tăng thuế, …
Họ tố ông Trump chỉ là thời cơ chủ nghĩa, mượn áo bảo thủ CH để ra tranh cử tổng thống thôi.

Lập luận này có vẻ nặng ký trước đây, nhưng bây giờ đang mất căn bản khi TT Trump thực sự đã lấy những quyết định thật bảo thủ như giảm thuế, bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ, chống di dân lậu, thu hồi gia tài cấp tiến của TT Obama, cấm dân chuyển giới tham gia quân lực, không tích cực ủng hộ việc kiểm soát súng quá chặt,…

Nhưng bù lại, TT Trump lại tăng thuế quan hàng TC, đi ngược lại chủ trương tự do mậu dịch của khối bảo thủ, có vẻ muốn ân xá cho nhóm trẻ em DACA, và nhất là mới đây, thông qua ngân sách hơn… một ngàn tỷ. Lại khơi dậy những nghi ngờ của khối bảo thủ cực đoan.

Nhóm thứ hai chống TT Trump là nhóm Mỹ gọi là ‘establishment’, tức là giới cầm quyền, kiểm soát bộ máy chính quyền nói chung.

Đây là nhóm của các ông Bush cha, con và em, đa số các dân biểu, nghị sĩ, nhất là các lãnh đạo Hạ Viện và Thượng Viện là DB Paul Ryan và TNS Mitch McConnell, đa số các thống đốc như John Kasich, Scott Walker, Mitt Romney, …, và các quan chức lâu năm.

Nhóm này chống ông Trump vì ông này thuộc loại … ngựa rừng lạc vào buổi tiệc gia đình mà chẳng ai biết cách trị. Ông Trump nắm quyền có nghĩa là giới cầm quyền mất hết quyền, hết còn kiểm soát được guồng máy chính quyền, vì chẳng kiểm soát được ông Trump.

‘Nguy hiểm’ hơn nữa, nhóm này lo sợ ông Trump sẽ lợi dụng quyền thế và uy tín của một tổng thống để thành lập một đảng mới, cho đảng CH ra rìa.


Một đảng mới tương đối ôn hòa hơn trong chính sách kinh tế (tăng thuế quan, chấp nhận thâm thủng ngân sách,…), bảo thủ hơn trên phương diện xã hội và tôn giáo (chống di dân, tôn vinh những giá trị luân lý Mỹ, bảo vệ văn hoá và tôn giáo Tây phương, chống ba cái chuyện phải đạo chính trị vớ vẩn,…), theo khuynh hướng quốc gia cực đoan –nationalism- qua ảnh hưởng lớn của ông Steve Bannon trong những ngày đầu.

Nhưng đó là nguy cơ lâu dài. Ngay trước mắt khối establishment là nguy cơ bị cho về nhà bắt gà, đuổi vịt.
Khi tranh cử, ông Trump lớn tiếng đả kích tất cả giới cầm quyền, DC cũng như CH, và hăm dọa sẽ vớt hết sâu bọ, ruồi nhặng ra khỏi đầm lầy Hoa Thịnh Đốn.

Tức là ông Trump trực tiếp đe dọa sự sống còn của khối quan chức chuyên nghiệp, ngồi lâu lên lão làng này.
Đây là khối báo Mỹ gọi là Deep State, Nhà Nước Ngầm đang chống phá TT Trump đến cùng.

Trong cái Nhà Nước Ngầm đó, đa số là đám quan chức tàn dư của tám năm chính quyền DC Obama. Họ đã làm đủ chuyện để bảo đảm việc bà Hillary đắc cử, tức là bảo vệ cái ghế của họ, kể cả những việc phạm pháp trắng trợn trước đây, điển hình là những vụ FISA, hay FBI cài gián đệp vào ban vận động của ông Trump.

Họ dám làm những chuyện phạm pháp đó vì ỷ y bà Hillary sẽ đắc cử và họ sẽ chẳng sao hết mà lại còn được ghi vào bảng công thần.

Nhưng trong Nhà Nước Ngầm cũng có một số không nhỏ là quan chức của các thời TT Bush cha và con, CH hết nhưng không ủng hộ ông Trump.

Ta đừng quên các ông như công tố Mueller (là giám đốc FBI của TT Bush), giám đốc FBI Comey (là thứ trưởng Tư Pháp của TT Bush), phó giám đốc FBI McCabe (20 năm làm FBI), thứ trưởng Tư Pháp Rosenstein (trước đó là công tố liên bang –US attorney- của tiểu bang Maryland do TT Bush bổ nhiệm) đều là người của cánh CH hết.

Mấy vị này có chống TT Trump đến cùng hay không thì không biết, nhưng họ cũng không phải là những người sẽ sống chết vì ông.

Hiện tượng Nhà Nước Ngầm chống phá chính quyền không có gì mới lạ. Ngay từ thời TT Eisenhower, tuy là một đại tướng, nhưng khi là tổng thống, cũng phải than vãn là đã phải đương đầu với ‘liên minh kỹ nghệ-quân sự’, (industrial-military complex).

Ngày nay, dưới thời TT Trump, đó là khối liên minh Tư Pháp-An ninh, bao gồm bộ Tư Pháp, FBI, CIA, và các cơ quan an ninh, tình báo luôn.

Khi mới đắc cử, TT Trump đã khai chiến với khối này. Bị thượng nghị sĩ Schumer của đảng DC cảnh giác ngay là đụng vào khối an ninh này sẽ bị họ phá mệt nghỉ (nguyên văn “you take on the intelligence community, they have six ways from Sunday at getting back at you”; ý nói họ sẽ có 6 cách đánh trong cả 6 ngày trong tuần sau ngày Chủ Nhật, không ngừng nghỉ!).

Ta cũng cần hiểu tuy TT Trump bổ nhiệm các bộ trưởng và thứ trưởng, nhưng guồng máy các bộ với cả chục, cả trăm ngàn nhân viên, thật sự vẫn nằm trong tay cả ngàn quan chức trung cấp như giám đốc, trưởng phòng, ban, sở,… phần lớn lên chức, nắm quyền dưới thời TT Obama. Những tin nội bộ trong Tòa Bạch Ốc hay bộ này bộ kia bị xì ra báo chí, đều từ đám quan chức kỳ cựu này.

Trong hơn một năm qua, các bộ trưởng do TT Trump bổ nhiệm vẫn phải vật lộn với đám quan chức này, nhiều khi phải làm trái ý TT Trump khi ông này muốn tháo nước khỏi đầm quá nhanh, đe dọa cả guồng máy bị xụp đổ.

Khó khăn nhất là ông bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions và giám đốc FBI Christopher Wray. Hiểu được những khó khăn thực tế này thì ta sẽ bớt trách cứ họ và hiểu luôn tại sao TT Trump ‘nạt nộ’ mấy ông này suốt ngày nhưng không sa thải họ.

Thật ra, khi TT Trump ‘nạt nộ’ họ, không ai rõ ông đang muốn gửi một thông điệp cho đám Nhà Nước Ngầm, gián tiếp giúp các bộ trưởng, tạo áp lực lên đám quan chức Nhà Nước Ngầm; hay ông thực sự bất mãn vì mấy ông bộ trưởng quá yếu đối với đám quan chức Nhà Nước Ngầm, nhất là trong bộ Tư Pháp.

Mới đây, TT Trump vất vả lắm mới được Thượng Viện phê chuẩn việc bổ nhiệm bà Gina Haspel làm giám đốc CIA. Bà này cả đời làm CIA, nằm trong chăn từ hồi nào đến giờ nên nhìn thấy rất rõ ai là ‘chí rận ngầm’ sẽ đánh phá TT Trump, nên đã bị đám này chống đối rất mạnh, vận động hành lang với các nghị sĩ cả DC lẫn CH chống bà.

Nhìn vào sự kiện ông Trump hạ được cả hai bộ máy chính trị khổng lồ của hai chính đảng, bị đánh tả tơi từ đảng DC qua đến đảng CH và cả TTDC, mà vẫn đắc cử tổng thống, thì ta hiểu TT Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ thật sự được dân bầu chứ không phải do các chính khách chuyên nghiệp, lãnh tụ các chính đảng bầu, theo kiểu ‘đảng cử đảng bầu’.

Ông Trump không phải là sản phẩm của guồng máy chính quyền nào đẻ ra.

Ở đây, đúng là chuyện ‘dân cử dân bầu’ luôn. TT Trump chính là kết quả của một cuộc ‘cách mạng’ từ hạ tầng quần chúng chống lại giai cấp cầm quyền chính trị cổ điển Mỹ.

Cũng vì vậy mà cho đến nay, ông vẫn phải chống đỡ đủ loại tấn công từ đủ phiá trong hệ thống cầm quyền của lưỡng đảng Mỹ.

Facebook, Vũ Linh (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)

Lê Nguyễn Hiệp
08-10-2018, 10:48 AM
chào anh hong nguyen

anh lại mang một bài viết nữa lật tẩy đảng dân chủ.


Ở đây, đúng là chuyện ‘dân cử dân bầu’ luôn. TT Trump chính là kết quả của một cuộc ‘cách mạng’ từ hạ tầng quần chúng chống lại giai cấp cầm quyền chính trị cổ điển Mỹ.

Tiếng nói của dân.

thế nhưng những cái não khô cứng vẫn chưa chịu chấp nhận.

hongnguyen
08-13-2018, 08:25 AM
Chào anh Hiệp, tôi là Nguyên, anh :)
Nick này của BX, tôi xài ké, mất công làm thêm phải nhớ mật mã lung tung. Bả đe phải giữ hạnh kiểm không được làm bả mất mặt. Tôi nói toàn núp sau màn the làm gì có mặt mà mất.





Tiếng nói của dân.
thế nhưng những cái não khô cứng vẫn chưa chịu chấp nhận.
Chắc là quê độ đó ông anh, nhưng tôi có chú ý khoảng mấy tháng gần đây, trong những buổi đình đám trà dư tửu hậu hoặc sinh hoạt cộng đồng, các khứa CTT (cuồng chống Trump) càng ngày càng bị thiên hạ hất hủi không thèm tiếp.

Bởi cái tuồng sơn đông mãi võ:“Ta chính danh quân tử trí thức quí phái sang giầu chống Trump, địch tiểu nhân nghèo hèn thất học ngu si thì phò Trump”.
Diễn tới diễn lui có một tuồng chán phèo, nên thiên hạ người thì giả bộ đi restroom, người đi lấy nước, người đi gọi phone, rồi lảng tới bàn khác.
Còn lại vài khứa CCT lơ thơ không lẽ cứ ngồi đó nhìn nhau đưa tình, ê mặt thấy cha, nên len lén chui ngõ vắng không đèn, dò dẫm từng bước thầm, hồi cung Thái hậu!

Tháng trước tôi còn thấy 3,4 khứa tới, hôm qua tuyệt nhiên không thấy khứa nào. Hay là chun vô trong mấy cái forum ôm bè cho có đôi có lứa bớt bơ vơ.
Nếu anh Hiệp có dịp sinh hoạt trong các câu lạc bộ hay cộng đồng người Việt, anh sẽ thấy bây giờ mũi tên đã đổi hướng, không còn chĩa vào nhau chuyện phe bênh hay phe ghét Trump, mà đồng loạt chĩa vào tên Tập, ai cũng một lòng căm phẫn tên Tầu cộng đến tận xương và mong muốn ông Trump đập cho tên khốn kiếp đó càng mạnh càng đã.

hongnguyen
08-13-2018, 08:54 AM
Truyền Thông Mỹ


Dù muốn hay không, chúng ta đều lệ thuộc vào truyền thông chung quanh ta, bắt buộc phải đọc báo Mỹ, coi TV Mỹ, không có lựa chọn nào khác. Nhưng chúng ta có thể giới hạn ‘ô nhiễm’ hay ‘tẩy não’ bằng cách hiểu rõ báo nào là báo nào, đài nào là đài nào.

Tuần này, ta sẽ xem qua hệ thống truyền thông Mỹ
Cách đây nửa thế kỷ, trong cuộc chiến toàn diện còn mất của cả nước, vẫn có nhiều người nhắm mắt không muốn bàn đến cái mà họ gọi là ‘chuyện chính trị’. Kiểu như “tôi không muốn biết vì tôi không làm chính trị”. Cho đến khi xách dép chạy thục mạng qua Mỹ vẫn không nghĩ họ thật ra đã ‘làm chính trị’, bỏ phiếu bằng chân rồi.

Qua Mỹ thì tình trạng cũng không khác mấy. Đại đa số đầu tắp mặt tối lo kiếm tiền nuôi thân và nuôi gia đình, cũng không muốn ‘làm chính trị’. Hơn thế nữa, không ít người nghĩ mình vẫn chỉ là dân ‘ngoại quốc’ sống tạm trên đất người, mắc gì phải lo chuyện ‘chính trị’ của xứ người ta.

Thực tế mà nói, không ai có thể trốn tránh ‘chuyện chính trị’ được vì con ma xó chính trị nó nằm trong tất cả các hóc cạnh của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chính trị chi phối công ăn việc làm của chúng ta, tiền lương, tiền thuế, tiền già, chế độ bảo hiểm và dịch vụ y tế, chuyện học hành của con cái, con cháu có phải đi lính ra chiến trường ở những xứ bên kia điạ cầu,…

Thậm chí đến chuyện con cháu gái có phải đi cầu tiêu chung với anh già gác dan trường học không, cũng là… chuyện chính trị. Đi bộ trên lề đường bị thằng khủng bố lái xe tông chết cũng là chuyện chính trị.

Cái may mắn cho dân tỵ nạn là ta đang sống trong những nước dân chủ, như Mỹ, Pháp, Úc, Canada,… tức là những xứ mà người dân cùng đinh nhất cũng có tiếng nói ‘chính trị’, có quyền nói bậy nghĩ nhảm mà không bị nhốt, có quyền lấy quyết định có hậu quả lên đời sống hàng ngày của họ, may nhờ họa chịu.
Khác xa với xứ ‘đỉnh cao’, nơi mà người dân có quyền ngu muôn năm vì tất cả đã có ‘lãnh đạo đại tài’ lo giùm rồi.

Nhìn vào cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ, chúng ta nên vui mừng thấy con số khá lớn dân tỵ nạn, thế hệ một và thế hệ hai, đã săn tay áo, nhẩy ra ‘làm chính trị’ thật, ứng cử vào khá nhiều chức vụ dân cử địa phương và tiểu bang, bất kể khuynh hướng nào.

Tuyệt đại đa số còn lại, không ‘làm chính trị’ nhưng đã ý thức rõ hơn nhu cầu ‘dính dáng’ vào chính trị, tích cực tham gia hơn, như đi bầu, vào các diễn đàn hay hội nhóm chính trị, tranh cãi chuyện chính trị. Dĩ nhiên tất cả đều tốt, cho dù nhiều khi cãi nhau hăng quá, thành ra chửi lộn cá nhân, là ngón võ được khá nhiều người có biệt tài và đam mê.

Tốt thật, nhưng tốt hơn nữa là mọi người nên tìm hiểu cho kỹ trước khi cãi cọ và chửi rủa. Từ đó đưa đến nhu cầu tìm hiểu về tin tức thời sự, ý nghĩa của những biến cố xẩy ra quanh chúng ta mỗi ngày. Tức là nhu cầu đọc báo, coi TV.

Ở Mỹ này (hay ở Pháp, Úc,…), mọi sự không dễ đàng. Nhà Nước không chịu giúp dân, thanh lọc báo dùm cho dân như trong xứ ‘đỉnh cao’. Ở đây, dân phải lo lấy. Báo chí có cả vạn tờ, lớn đến nhỏ, báo thí đến báo chợ, chưa kể các bản tin của các hội nhóm, các diễn đàn tạp nhạp thuận chiều, trái chiều, hay chẳng chiều nào hết vì chỉ là bản dịch, mà nhiều khi người dịch cũng chẳng biết mình đang dịch cái gì.

Kẻ này nhớ mang máng có cái Presidential Commission on Crime gì đó, được một cụ tỵ nạn dịch ngay ra là ‘Ủy Ban Điều Tra Tội Ác Của Tổng Thống’. Chẳng ai biết đâu mà mò. Chưa kể mưa sa tin fake news tràn ngập các báo.

Trong cái rừng truyền thông đó, không rối trí mới là lạ. Do đó, ta cần phải có một cái nhìn khá thấu đáo, hiểu cho rõ báo nào là báo nào, đài nào là đài nào.

.

Trên căn bản truyền thông Mỹ có 3 hệ thống chính:



Hệ thống truyền thông bao phủ cả nước, được gọi là hệ thống truyền thông dòng chính (TTDC) hay Mainstream Media (MSM) gồm các báo, đài TV, ngay cả hãng phim, được phổ biến trên toàn quốc,…
Quý độc giả mua các chương trình TV qua dây cáp (cable) hay hệ thống vệ tinh (satellite) thấy mình có thể coi được cả mấy trăm đài, muốn đọc báo, coi phim tại rạp hay trên TV, cũng thấy mấy ngàn báo và mấy trăm hãng phim. Có vẻ rất đa dạng, nhưng sự thực là hệ thống TTDC Mỹ phần lớn nằm trong tay 6 đại tổ hợp truyền thông –media conglomerates. Đại để:





Comcast: sở hữu NBC, MSNBC, CNBC, USA Network, Universal Pictures, Telemundo,…
Walt Disney: ABC, Disneyland, Disney Channel, ESPN, A & E,…
News Corporation: Fox News, National Geographic, 20th Century Fox, Wall Street Journal, New York Post,…
Time Warner: CNN, TIME, USA Today, HBO, Cinemax, Warner Bros Pictures,…
CBS Corp: CBS, Showtime, Sony,…
Viacom: MTV, Paramount,



Ba đài TV lớn ABC, CBS, NBC được phổ biến qua mấy trăm đài TV địa phương mà ta thường coi như Channel 4, Channel 7,… có thể bắt được dễ dàng qua các ăng-ten thường. TTDC cũng là hệ thống những báo lớn được bán khắp nước như New York Times, Washington Post,…

Vì đây là hệ thống truyền thông quốc gia nên ít có những tin tức hay vấn đề địa phương mà phần lớn là những tin tức chính trị cấp liên bang hay quốc tế.

Ta cần lưu ý quan hệ chằng chịt và ảnh hưởng của khối này. Ví dụ như CNN đưa tin tức và quan điểm chính trị thiên tả, trong khi công ty chị em HBO làm phim với những nội dung thiên tả ‘phải đạo chính trị’ như ca tụng đồng tính, đả kích kỳ thị da trắng, bôi bác cảnh sát,…



Hệ thống truyền thông độc lập địa phương, gồm cả ngàn báo địa phương như Los Angeles Times, Miami Herald, Chicago Tribune, Houston Chronicle,… Cũng bao gồm cả những đài TV độc lập địa phương.
Hệ thống truyền thông địa phương phục vụ nhu cầu địa phương, do đó các tin tức thời sự cấp liên bang hay quốc tế chỉ là cho có thôi, còn phần chính là tin tức cũng như bàn luận về các vấn đề địa phương của thành phố hay của tiểu bang


Hệ thống thông tin mạng, tạp nhạp, phổ biến giới hạn trong khối những người cùng quan điểm, do đó thường có quan điểm cực đoan, hoặc bên tả như Salon, Slate, Huffington Post, Vox, … hay bên hữu như Breitbart, Red State, Daily Caller, Drudge.



Tất cả các báo và đài đều có hai loại mục khác biệt: mục tin tức thuần túy và mục bình luận. Trên căn bản thì mục tin tức bắt buộc phải hoàn toàn trung thực, trong khi mục bình luận dĩ nhiên là chủ quan, diễn giải những biến cố thời sự dưới một cách nhìn nào đó, của một cá nhân nhà báo, hay của ban chủ biên.

Trước đây, bình luận tương đối công bằng, có thiên về bên nào thì cũng không quá đáng, thiên vị quá.
Ngoài ra, nhiều báo cũng có chỗ cho các quan điểm trái ngược nhau. Như USA Today trên trang bình luận, luôn có hai bài tương phản ý kiến về cùng một đề tài để độc giả đọc và so sánh.

Lúc sau này, từ thời TT Johnson và nhất là Nixon, tình hình thay đổi. Tin tức bớt trung thực trong khi bình luận bớt trung dung. Ranh giới giữa tin tức và bình luận trở nên lu mờ. Phần lớn hệ thống truyền thông dòng chính bắt đầu nghiêng sang phiá tả, cổ võ cho những chính sách thiên về cấp tiến của các chính quyền, chỉ trích những quyết định bảo thủ.

Việc chuyển hướng của TTDC một phần không nhỏ là hậu quả ‘ngang hông’ của chiến tranh VN. Đối với cuộc chiến này, TTDC ban đầu nhất loạt tin tưởng và ủng hộ dưới thời TT Kennedy và cả trong vài năm đầu của TT Johnson, cho đến sau Mậu Thân 68 thì đổi hẳn thái độ. Ban đầu nghi ngờ chính quyền Johnson đã không thành thật, rồi sau đó công khai chống việc Mỹ can dự.

Cuộc chiến cấp tiến – bảo thủ trong truyền thông Mỹ tăng cường độ năm 1980 khi Ted Turner, chồng của bà Hà Nội Jane Fonda, thành lập đài Cable News Network, hay CNN, với quan điểm thiên tả khá rõ nét. Đến năm 1996, cuộc chiến trở thành hấp dẫn hơn khi Fox News của đại gia Úc Rupert Murdoch ra đời, với quan điểm bảo thủ đối nghịch với CNN.

Qua thời TT Bush con thì cuộc chiến bắt đầu găng khi TTDC công khai nhục mạ tổng thống là ‘thằng ngốc của làng’, the village idiot.

Sự xuất hiện của ông Obama đưa đến một cuộc ‘lột xác’ hẳn của khối TTDC khi khối này nhất loạt phủ phục dưới chân Đấng Tiên Tri. Anh bình luận gia Chris Matthews của MSNBC nói “mỗi lần nghe đến tên ‘Obama’ là tôi rùng mình từ chân tới đầu”, và “tôi thật là may mắn hết sức vì đã được sinh ra cùng thời với Đấng Tiên Tri, để được sự phù hộ của ông”. Evan Thomas, chủ bút tạp chí Newsweek, gọi Obama là ‘God’!

[B]Bảng sắp xếp dưới đây cho thấy tình trạng truyền thông của Mỹ hiện nay dưới khiá cạnh tả/hữu
Từ trái qua phải là danh sách các cơ quan từ rác rến thiên tả nặng gần như cộng sản, đến rác rến thiên hữu gần như phát xít.
Từ trên xuống dưới là mức khả tín và chính xác. (Phải nói ngay có rất nhiều cách phân loại, phần lớn cũng có tính phe phái luôn, kiểu như phân loại của một cơ quan thiên tả sẽ xếp CNN là trung lập đáng tin và Fox là rác rến thiên hữu. Phân loại trên tương đối chính xác nhất, theo ý kẻ này)

Nhìn sơ qua, ta thấy hầu hết các cơ quan truyền thông lớn đều nằm ở cánh trái, từ thiên tả nặng như CNN, MSNBC, New York Times, Washington Post,… cho đến thiên tả nhẹ hơn một chút như BBC (của Anh), Bloomberg, USA Today,…
Bên cánh phải, có Wall Street Journal và Forbes không quá cực đoan, rồi Fox, qua tới Breibart, Drudge Report, National Review, Weekly Standard là thiên hữu nặng.

Bản xếp hạng trên chưa đầy đủ, còn thiếu một vài cơ quan ngôn luận lớn như tạp chí TIME, hay trang mạng Yahoo!, đều thiên tả. Xếp hạng cũng có sai sót như đặt Real Clear Politics về phiá thiên hữu trong khi đây chỉ là trang mạng tổng hợp, đăng lại bài của đủ loại báo từ cực tả đến cực hữu.

Dù sao thì nói chung bảng phân loại cũng cho thấy trong khối truyền thông Mỹ, khuynh hướng cấp tiến thiên tả đông đảo và nặng ký hơn phe thiên hữu, bảo thủ.

Dưới đây là một xếp hạng khác:
Đến thời TT Trump thì tình hình biến thái. Ranh giới cấp tiến-bảo thủ vẫn còn, nhưng hiển nhiên bị áp đảo bởi một ranh giới mới, chống hay ủng hộ Trump. Hầu như toàn thể hệ thống TTDC, cả tả lẫn hữu, đã trở thành lực lượng xung kích tiên phong trong việc tìm cách lật đổ chính quyền Trump.

Đối với TT Trump, truyền thông cánh tả nhất loạt chống đến độ gần như mù quáng, trong khi bên cánh hữu, cũng có những báo của nhóm #NeverTrump, chống kịch liệt như Weekly Standard và National Review.
Trong khi Breibart (trước đây do cố vấn của TT Trump, Steve Bannon điều hành), Drudge, New York Post thân thiện với Trump hơn. Dưới đây là bảng tóm lược quan điểm về Trump của các cơ quan truyền thông.



CHỐNG TRUMP
TRUNG LẬP
ỦNG HỘ TRUMP


Cuồng
Nặng
Nhẹ


Nhẹ
Nặng
Cuồng


MSNBCHuffington
Salon
Vox
Move On
Slate
NYTWaPo
CNN
ABC
CBS
NBC
TIME
Newsweek
Week Stand *
Nat Review *
APUSA Today
Bloomberg
Politico
ReutersReal Clear
C-SPAN
Wall StreetForbes
Fox NewsWash Times
NY Post
Drudge
Daily Caller
BreibartRed State
Alan West
InfoWars


(*): Weekly Standard và National Review là hai tạp chí bảo thủ thuộc khối #NeverTrump

Biểu đồ dưới đây cho thấy thái độ bất thân thiện của TTDC đối với TT Trump, theo nghiên cứu của đại học Harvard: tin tức và bình luận của TTDC có khuynh hướng bất lợi cho TT Trump tới khoảng 80%-90%! Đứng đầu chống Trump là CNN và NBC với 93% bất lợi.
Ngay cả trong Wall Street Journal và Fox là những cơ quan tương đối bảo thủ, đa số những tin và bình luận cũng bất lợi cho TT Trump.

Nếu đi vào chi tiết từng vấn đề thời sự thì ta thấy rõ hơn nữa tính phe phái của truyền thông Mỹ:

Hầu như tất cả các tin liên quan TT Trump đều bị các đài TV chính bóp méo, loan ra hoàn toàn bất lợi, trong khoảng hơn 90%.

Khuynh hướng cấp tiến của TTDC lộ liễu đến độ ai cũng biết và ít người còn tin tưởng. Theo thăm dò mới nhất, 72% dân Mỹ cho rằng truyền thông cố tình đăng tin phịa hay đăng tin lập lờ để lừa thiên hạ, ngõ hầu kéo họ về phiá mình, chứ không phải lo thông tin một cách trung thực nữa. 80% cử tri CH cho rằng TTDC đã không công bằng với TT Trump.

Nói chung, đại đa số dân Mỹ không tin truyền thông. Như biểu đồ dưới đây do đại học Quinnipiac nghiên cứu, Fox là đài được tin tưởng nhiều nhất với 29%, sau đó là CNN với 22%. Các đài TV chính chỉ được lác đác 10% hay ít hơn. Không có đài nào được sự tin tưởng của một phần ba dân Mỹ.

Tương đối, Fox được tín nhiệm và được coi/nghe nhiều hơn cả. Trong 20 chương trình bình luận chính trị hàng đầu của các đài TV lớn, Fox chiếm hết 15 (kể cả 4 trong 5 chương trình được coi nhiều nhất) với MSNBC được 5 chương trình còn lại. Chương trình số một của CNN chỉ được xếp hạng 24.

Nói chung, số người coi Fox bằng tổng số người coi 4 đài chính cộng lại: FOX = ABC + CBS + NBC + MSNBC.

Hiện nay, có hai đài TV cáp lớn đang đánh nhau kịch liệt là CNN và Fox. Nhìn vào thống kê chính thức mới nhất của Drudge, Fox rõ ràng đã đè bẹp CNN qua số người xem trong tuần lễ đầu tháng 7 vừa qua, khoảng 13 triệu so với 3 triệu của CNN, hơn gấp 4 lần.

Dù sao, chỉ một mình Fox thì cũng khó đánh lại toàn thể hệ thống TTDC.

Những người không có cảm tình với Trump biện giải: đó không phải vì TTDC có thành kiến chống Trump, chẳng qua vì Trump làm toàn những chuyện sai lầm.
Vậy sao? Kinh tế tăng mạnh, thất nghiệp xuống thấp nhất, hàng triệu người có việc làm, số người lãnh trợ cấp thấp nhất, khủng bố khó vào Mỹ hơn bao giờ hết, bắt tay Nga để cản tân đế quốc Tập lộng hành trên Biển Đông –chiếm luôn VN không chừng-, …
Toàn là những việc làm sai lầm hết sao?

Một chỉ dấu cụ thể nữa; phần lớn những tin chống TT Trump đều có tính bôi bác cá nhân con người của ông này, kiểu như chuyên nói láo, thiếu tư cách, bốc đồng, nói nhảm, bất nhất,… Chỉ vì trên phương diện chính sách, TT Trump thành công nhiều hơn thất bại, khó chỉ trích hơn.

Một điều đáng chú ý nữa là trong hệ thống truyền thông địa phương, các báo chính của các thành phố lớn như Los Angeles, San Francisco, Chicago, Miami, Boston, Atlanta,… phần lớn cũng thiên tả, chống TT Trump tàn bạo, nhất là tại Cali.

Câu hỏi là tại sao những cơ quan truyền thông trên lại thiên tả, chống TT Trump và khối bảo thủ CH. Vấn đề này đã được bàn khá kỹ trong bài bình luận ‘TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ ĐỒNG TIỀN’ tháng Giêng trên Diễn Đàn này. Xin nhắc sơ qua.

Lý do đầu tiên là hầu hết khối truyền thông đã sai bét trước bầu cử. Trên khắp thế giới, có hơn 500 tờ báo ủng hộ bà Hillary và cổ võ cho ông Trump chỉ có đúng 28 tờ, toàn là những báo địa phương vô danh. New York Times tiên đoán bà Hillary có 98% hy vọng đắc cử, ông Trump 2%.

Sự sai lầm nghiêm trọng đó khiến TTDC cảm thấy mất hết uy tín và mất mặt, do đó, bằng mọi cách cố chứng minh họ đã nhận định đúng trong khi dân Mỹ đã bầu lầm người. Và cách chứng minh của họ là chứng minh tất cả những việc TT Trump làm từ ngày vừa lọt lòng mẹ đều là sai trật hết ráo.

Ngoài ra, cũng vẫn là vấn đề tiền. Khách hàng các cơ quan truyền thông lớn phục vụ trong các thành phố lớn, hầu hết là dân trí thức, giáo sư, sinh viên, hay dân làm việc văn phòng cao cấp, hầu hết đều có khuynh hướng cấp tiến. Muốn bán được báo hay muốn có người coi TV, bắt buộc phải đáp ứng nhu cầu của khối khách hàng đó mới có tiền của người mua báo và nhất là tiền quảng cáo.

Phần lớn cử tri của TT Trump là dân lao động hay trung lưu, làm việc cật lực không có thời giờ ngồi đọc báo hay nghe bình luận trên TV, phần khác là dân các tỉnh nhỏ hay ‘vùng quê’, Mỹ gọi là ‘rural’, cả đời chưa đọc New York Times hay Washington Post một lần hay coi CNN hay Fox.

Hiện tượng truyền thông chống Trump không phải chỉ có ở Mỹ, mà cũng đã lan qua Âu Châu, với hai xứ chống đối mạnh nhất là Đức và Pháp.
Cũng không phải là chuyện lạ khi hai nước được coi là thiên tả nhất Âu Châu, không kể Nga, chính là Đức số 1 và Pháp số 2.
Tờ báo Đức Der Spiegel đã nổi tiếng khắp thế giới nhờ những bức hình bià nhục mạ TT Trump nặng nhất. Báo Pháp thì khỏi nói, từ báo của đảng CS Pháp L’Humanité tới báo cánh hữu Le Figaro, qua đến báo thiên tả lớn nhất Le Monde, đều nhất loạt đánh Trump mệt nghỉ.

Truyền thông bên ông hàng xóm cấp tiến Canada đánh Trump không thua gì mấy đồng nghiệp Mỹ, đưa đến tình trạng dân tỵ nạn Việt bên Canada nhìn TT Trump với con mắt hắc ám nhất.

Thế giới ngày nay là thế giới của thông tin. Thiên hạ ai cũng muốn biết chuyện gì đang xẩy ra chung quanh họ. Và họ có cả triệu cách để biết. Những biện pháp ngăn cản như xây ‘tường lửa’ –fire wall- chống các trang mạng, hay ban hành những luật về ‘an toàn mạng’ chỉ là những việc làm ngu xuẩn vì mang tai tiếng mà lại hoàn toàn vô hiệu khi có cả ngàn cách leo qua tường lửa.

Cái may cho dân Mỹ là không gặp những rắc rối ngớ ngẩn đó, nhưng cái không may là đụng phải cái đám truyền thông dòng chính đã mất hết lương tri, không còn biết trách nhiệm của người làm thông tin là gì nữa mà chỉ lo phục vụ quyền lợi phe đảng, hay bị chi phối bởi đồng tiền, bắt buộc chúng ta phải đề cao cảnh giác, phân biệt tin thật với tin phịa, báo thật với báo giả, một việc nói dễ làm khó.

Vũ Linh Aug 11, 2018

Nguồn: https://baotgm.net/vu-linh-truyen-thong-my/

hongnguyen
08-14-2018, 08:03 AM
Kinh tế Obama -Trump


Ác mộng của đảng Dân Chủ đã thành sự thật: thống kê chính thức cho thấy trong tam cá nguyệt 2 của năm nay, tổng sản lượng GDP đã tăng 4,1%.

Kinh tế tăng trưởng tức là thiên hạ có công ăn việc làm, nhà máy sản xuất, hàng hóa được lưu thông, có mua có bán, toàn là những triệu chứng của một chính sách kinh tế mang lại thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, sao lại là ác mộng của đảng DC?

Câu trả lời không ai không biết: vì đối với DC cũng như TTDC, kinh tế mạnh, dân có công việc làm khỏi chết đói, đó không phải là ước vọng của họ. Trái lại, cả khối cấp tiến cả ngày chỉ lo chạy theo anh chuyên gia nói lảm nhảm trên TV, Bill Maher, thắp nhang cầu xin: “Ước gì kinh tế xụp đổ toàn diện để ta có cơ hội lật đổ được Trump”.

Nói cách khác, lật đổ Trump đã trở thành nỗi ám ảnh hàng đầu của khối cấp tiến. Họ sẵn sàng trả cái giá kinh tế cả nước xụp đổ, cả triệu người thất nghiệp, và cả vạn người chết đói, đổi lấy một ông Trump!

Nếu thái độ này chưa phải là triệu chứng của bệnh TDS nặng (Trump Derangement Syndrome) thì cái gì mới là triệu chứng mắc bệnh TDS? Thù ghét cá nhân một mình ông Trump đã trở thành quan trọng gấp bội công ăn việc làm và ấm no của hơn ba trăm triệu dân, chưa kể ảnh hưởng gián tiếp trên cả tỷ người khác trên thế giới.

Trong cuộc bầu cử quốc hội tới, tất cả mọi chính sách, chủ trương, đường lối, kế hoạch, khẩu hiệu,… trong mọi khu vực từ an ninh đến quốc phòng, kinh tế, giáo dục, y tế, kỹ nghệ, canh nông, ngoại thương,… của đảng DC có thể tọm gọn lại đúng hai chữ: ‘Đánh Trump’. Hết chuyện!

Trước việc thống kê chính thức xác nhận kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, vượt qua ngưỡng cửa 4%, đại đa số dân Mỹ (59%) ủng hộ chính sách kinh tế của TT Trump, theo một thăm dò mới nhất của CNBC, con đẻ của đài NBC của đảng ta.

Thay vì hoan nghênh chính sách kinh tế của TT Trump làm cho dân giàu nước mạnh, thì TTDC vật lộn, bức tóc để tìm cách hóa giải tin đó. Họ tìm ra được hai cách hóa giải:



Cách thứ nhất là tặng huy chương cho Obama vì theo họ, đó chính là thành quả muộn của chính sách kinh tế của TT Obama. Thím Sam ly dị chồng, lấy chồng mới, gần hai năm sau sanh con, ông chồng cũ vẫn la oai oái “Con tôi mà!”



Cách thứ hai, diễn giải rằng tăng trưởng cao chỉ là hiện tượng nhất thời vô ý nghĩa. Cái lý thú trong lý luận trên là họ không nhìn thấy cái mâu thuẫn trong cái lý luận khập khiễng đó: lý luận như vậy chẳng hóa ra là nhìn nhận ‘thành quả’ kinh tế của Obama cuối cùng vẫn chỉ là một “hiện tượng nhất thời vô ý nghĩa” sao?


Sự thật, cả hai lập luận đều là loại ngụy biện mà kẻ này gọi là loại cả vú lấp miệng em, hay là loại mà dân ‘rau muống’ gọi là… chuyện bố láo.

Kinh tế Obama đã được kẻ này bàn quá nhiều nhưng những người không muốn biết vẫn chưa biết, không muốn nghe vẫn chưa nghe thấy gì.

Không ai chối cãi TT Obama thừa hưởng một gia tài không có gì là hấp dẫn: khủng hoảng kinh tế hết sức trầm trọng. Bỏ qua việc tranh cãi về nguyên nhân xa gần, ta thử nhìn vào cách bác sĩ Obama chữa bệnh. Không ai chối cãi kinh tế đã phục hồi.
Nhưng điều mà những vị gọi là “cuồng Obama’ nhất định nhắm mắt, bịt tai không muốn biết là cuộc phục hồi kinh tế của TT Obama là một cuộc phục hồi yếu ớt nhất và chậm nhất lịch sử các khủng hoảng kinh tế Mỹ. Đó là nhận định của CNN đấy, các cụ ơi!


Tại sao? Để các vị cuồng Obama bớt giận, kẻ này phải nói ngay không phải vì TT Obama dốt đâu. Cho dù ông chưa học nửa ngày kinh tế nhập môn thì cũng vẫn có cả chục hay cả trăm cố vấn kinh tế với đủ loại bằng cấp, đủ loại giải thưởng, kể luôn cả vài vị với giải Nobel Kinh Tế nữa. Phục hồi chậm không phải vì TT Obama không biết cách làm nhanh hơn, mà vì phục hồi kinh tế chưa bao giờ là ưu tiên của TT Obama và ê-kíp của ông.

Trong lý thuyết kinh bang tế thế, có hai trường phái rõ rệt: chủ trương của khối xã hội chủ nghĩa là lo công bằng, tái phân phối lợi tức, và kinh tế chỉ là phương tiện tạo công bằng xã hội; hai là chủ trương của khối tư bản, lo tăng trưởng kinh tế, cho dân giàu nước mạnh.

Như kẻ này đã viết nhiều lần: một là lo chia cái bánh đang có cho đều cho tất cả mọi người, công bằng tối đa cho dù là công bằng trước chén bo-bo; hai là lo làm cho cái bánh lớn ra, tuy không đồng đều cho mọi người, nhưng phần mỗi người đều lớn ra, nhiều hơn.

Chính sách kinh tế của TT Obama là lo ‘tái phân phối lợi tức’, chứ không phải là lo tăng trưởng cho nhanh. Trong suốt tám năm Obama, kinh tế tăng trưởng trung bình chưa tới 2% một năm, nhưng ông tuyệt đối không lo lắng chuyện này.

Muốn hiểu chính sách kinh tế của TT Obama, phải nhớ lại câu nói của ông Rahm Emanuel, Chánh Văn Phòng đầu tiên của TT Obama: “không bao giờ nên bỏ qua cơ hội của một khủng hoảng”. TT Obama nhậm chức, lãnh cái gia tài khủng hoảng tài chánh kinh tế có thể nói lớn nhất thế kỷ. Ông lợi dụng cuộc khủng hoảng đó để tìm cách ‘tái phân phối lợi tức’ theo đúng mô thức xã hội chủ nghĩa.

Vì cuộc khủng hoảng đưa đến khó khăn kinh tế tràn lan, nên TT Obama có đầy đủ lý do viết lại những luật lệ an sinh xã hội, trợ cấp đủ kiểu. Quý độc giả khoan vui mừng vì thấy một vị tổng thống lợi dụng khủng hoảng để có hành động giúp dân nghèo, ban phát trợ cấp ào ạt.

Đúng là TT Obama ‘giúp dân nghèo’, không sai. Nhưng cái ‘giúp’ đó là cái giúp nhất thời chỉ với mục đích lấy phiếu bầu bán cho cá nhân ông và cho đảng của ông trong những kỳ bầu bán tới. Tại sao lại gọi đó là những việc làm có tính nhất thời? Chỉ vì những biện pháp đó không thể nào kéo dài hơn vài năm chứ đừng nói tới vĩnh viễn. Kẻ này xin đơn cử vài ví dụ nhỏ.

TT Obama gia hạn việc giảm tiền đóng góp mỗi tháng vào quỹ tiền già SSI, tiếp tục biện pháp tạm của TT Bush con để kích cầu kinh tế. Đó là biện pháp có lợi nhất thời, nhưng về lâu về dài, có hại cho những người đóng góp, vì đóng góp ít tất nhiên về già sẽ nhận được ít tiền già hơn.

TT Obama ban hành luật gia hạn trả tiền thất nghiệp. Hiển nhiên không cần bàn thêm thì ai cũng thấy đây cũng chỉ là biện pháp ngắn hạn. Chứ chẳng lẽ Nhà Nước cứ tiếp tục trả tiền thất nghiệp cho cả chục triệu dân vĩnh viễn sao? Tìm ra việc làm cho họ mới là giải pháp lâu dài.

TT Obama ban hành cái gọi là Obamacare, là chuyện cả chục tổng thống trước không dám làm vì cái giá về lâu về dài quá đắt. Sẽ đưa đến việc gia tăng bất tận chi phí bảo hiểm y tế cũng như dịch vụ y tế (bác sĩ, nhà thương, thuốc).
Nhưng TT Obama không cần nghĩ chuyện lâu dài mà chỉ nghĩ đến cuộc bầu cử tới, cũng như nghĩ đến cái gia tài lưu danh muôn thuở của ông. Sẽ được tiếng là cha đẻ của cả hệ thống y tế tân thời của Mỹ, không thua gì TT Johnson, cha đẻ của Medicare cho người già.

Tất cả những biện pháp trên chẳng những ngắn hạn, mà còn mang tính biện pháp ‘xã hội’, không phải biện pháp kinh tế.
TT Obama trực diện khủng hoảng kinh tế, ông đã làm gì để phục hồi kinh tế? Câu trả lời: tăng thuế linh tinh và tiếp tục thi hành chính sách của TT Bush con! Xin quý vị ‘cuồng Obama’ bình tĩnh, khoan tắt máy computer vì sợ phải đọc tiếp.

Vâng, TT Obama không tăng thuế lợi tức vì đó là cách bóc lột trắng trợn quá, sẽ mất job ngay. TT Obama khôn khéo hơn nhiều. Ông tăng hàng loạt thuế, nhưng toàn là những loại thuế linh tinh, vô hình mà ít người nhìn thấy trong khi TTDC giúp chôn giấu giùm.

Tiêu biểu nhất mà ai cũng biết là thuế Obamacare mà chính quyền Obama gọi là ‘tiền phạt’ nếu không mua bảo hiểm sức khỏe, mà Tối Cao Pháp Viện xác nhận đó là ‘thuế’ không hơn không kém.

Trên thực tế, TT Obama tăng hơn hai chục loại thuế vô hình (quý độc giả muốn biết chi tiết, xin xem bài trong trang ‘Báo Mỹ’ tuần này)

Ngoài việc tăng thuế lén lút này, TTDC tung hô TT Obama đã có những biện pháp hết sức hữu hiệu để chặn đứng khủng hoảng và phục hồi kinh tế. Ta xét lại thử.

Theo ‘phe ta’, trong năm đầu 2009, khi khủng hoảng kinh tế ở mức đỉnh, TT Obama đã lấy 3 biện pháp quan trọng: cứu ngân hàng, cứu kỹ nghệ xe hơi, và kích cầu kinh tế. Đó là ba biện pháp ‘siêu việt’ của TT Obama mà theo TTDC nhờ đó đã cứu kinh tế Mỹ.

Sự thật, xin lỗi quý vị ‘cuồng Obama’, có … hơi khác.
Về việc cứu ngân hàng, TT Obama chỉ làm đúng một chuyện: đó là tiếp tục sách lược của TT Bush con. TT Bush con và bộ trưởng Paulson là những người đã tung ra khoảng 800 tỷ đô để cũng cố vốn cho các ngân hàng bị lỗ lã nặng vì nợ xấu, cũng như đã nhất thời quốc hữu hóa hai cơ quan tái tài trợ nợ mua nhà cho các ngân hàng là Fannie Mae và Freddie Mac.

Công lớn của TT Obama là tiếp tục sách lược đó, tiếp tục chi tiền gánh nạn cho các ngân hàng, rồi sau khi tình trạng ổn định, thu lại số tiền đó từ các ngân hàng trả lại.

Công bằng mà nói, TT Obama có ban hành luật mới để kiểm soát các ngân hàng chặt chẽ hơn. Nhưng vấn đề là sau khi bò đã chạy hết thì mới lo làm chuồng, mà làm chuồng quá kỹ. Luật lệ vay mượn bị xiết chặt quá mức, đến độ bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế, đưa đến tình trạng phục hồi kinh tế yếu và chậm nhất lịch sử Mỹ.

Quý vị độc giả thử nhớ lại trong thời gian mấy năm sau đó, vay tiền ngân hàng để làm kinh doanh và nhất là để mua nhà khó trần ai cỡ nào thì thấy ngay tác dụng của luật cải tổ ngân hàng của TT Obama.

Chuyện cứu kỹ nghệ xe hơi, cũng không khác mấy. Khủng hoảng đe dọa hai hãng xe Chrysler và General Motors cuối năm 2008, một tháng trước bầu cử tổng thống.

Tháng Chạp 2008, TT Bush đơn phương ký sắc lệnh trích ngay 18 tỷ đô trong tiền cứu trợ ngân hàng để cứu hai hãng xe này khỏi phải khai phá sản, và bộ trưởng Tài Chánh Hank Paulson vạch ra kế hoạch dài hạn, tái cấu trúc cả hai hãng xe.
Cái công lớn của TT Obama là đã thực hiện kế hoạch đó sau khi ông nhậm chức.

Về kích cầu kinh tế, TT Obama bán món hàng kích cầu kinh tế bằng cách khoe bánh vẽ “nếu phê chuẩn thì tỷ lệ thật nghiệp khi đó đang ở mức 6%, sẽ giảm xuống 4%-5%, không phê chuẩn thì thất nghiệp sẽ nhẩy lên mức khủng hoảng 8% ngay”. Quốc hội xanh mặt, phê chuẩn ngay.

Vài tháng sau, thất nghiệp vọt qua mức khủng hoảng, nhẩy lên 9%-10% và trụ trì ở đó 4-5 năm mới bắt đầu giảm, mà giảm chậm hơn sên. TT Obama lo lắng? Không chút nào hết: thất nghiệp cao, dân lãnh trợ cấp đông, đi bỏ phiếu mạnh, tái đắc cử.

Ấy vậy mà một năm rưỡi sau khi về hưu nằm nhà viết sách, khi thấy tăng trưởng kinh tế leo lên hơn 4% và tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4%, thì lại hùng hục chạy ra đấm ngực “Nhờ tôi hết đấy, các cụ ơi! Chỉ vì chính sách kinh tế của tôi cao siêu lắm, phải đợi cỡ hai năm sau khi tôi về hưu mới có tác động đấy!”

Thật ra, đây là nhận vơ, không hơn không kém.
Nói đến kinh tế Obama mà không nói đến TPP cũng là một thiếu sót lớn. Trên nguyên tắc, đây là một loại hiệp ước mậu dịch quốc tế có mục đích phát huy giao dịch kinh doanh giữa các quốc gia quanh Thái Bình Dương. Trên thực tế, đây là một hình thức liên minh kinh tế của các nước này chống lại tân đế quốc Trung Cộng, do đó, bị TC tẩy chay.

TPP cũng không khác gì NATO, gọi là liên minh của vài chục nước, nhưng thực tế là Mỹ chống lưng, lãnh đủ hết. TT Trump chán ngấy cái trò này nên rút ra.

TPP tốt hay xấu cho Mỹ? Có hai chỉ dấu có thể dùng để lượng giá:




TT Obama chưa bao giờ dám mang TPP ra trước quốc hội để thảo luận và xin phê chuẩn một cách chính thức vì biết trước sẽ bị chống đối và bác bởi ngay các đồng chí DC của ông.


Bà Hillary khi ra tranh cử, đã đả kích TPP vì TPP gây hại lớn cho kỹ nghệ và giới lao động Mỹ, khiến bà sợ ủng hộ TPP sẽ bị mất phiếu của khối này ngay.



Đã vậy, TPP cũng hoàn toàn vô hiệu. TC chuyển hàng qua vài đàn em như CSVN, rồi từ đó bán qua Mỹ dưới cách ưu đãi của TPP. TPP chính là thành quả mậu dịch quốc tế lớn nhất của TT Obama đấy.


Kinh tế Trump khác xa kinh tế Obama, một trời một vực. Do đó, nói những gì xẩy ra hiện nay là hậu quả của các chính sách của Obama là nói theo kiểu phe phái mà không biết mình nói cái gì.

Trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Trump có đưa ra hàng loạt biện pháp kinh tế ông hứa sẽ thực hiện. Nhận định về kế hoạch kinh tế của ứng cử viên Trump, ông Paul Krugman, giải Nobel Kinh Tế, đã viết bình luận trên giấy trắng mực đen.

Theo ông Krugman, nếu TT Trump giữ những lời hứa như rút ra khỏi TPP, giảm thuế lợi tức cá nhân, giảm thuế lợi nhuận công ty, giảm thuế đánh trên tiền đô hồi hương từ các thiên đường thuế ngoài nước Mỹ, khai chiến mậu dịch với Trung Cộng, thay bà Janet Yellen, chủ tịch Hệ Thống Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang, để tăng lãi suất, xóa bỏ hàng loạt thủ tục hành chánh đang được dùng để điều hành guồng máy kinh tế, thu hồi luật ngân hàng của Obama đang kiểm soát tín dụng cả nước,…
thì đó sẽ là những hành động ngu xuẩn nhất và sẽ đưa kinh tế Mỹ và kinh tế cả thế giới tới đại nạn suy trầm mà không ai thấy đâu là đáy; thị trường chứng khoán sẽ xụp đổ toàn diện trong chớp mắt. Đó là nhận định của ông Nobel Kinh Tế Krugman.

TT Trump trong một năm rưỡi qua, đã làm tất cả những chuyện đó, không chừa một chuyện nào. Bây giờ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất từ gần 40 năm qua, kinh tế tăng trưởng tới hơn 4%.

Một cách đo dễ nhất: thị trường chứng khoán Dow Jones.

– Dưới thời TT Obama, từ tháng Tám 2012 (3 tháng trước bầu cử) tới tháng Tám 2016 (cũng 3 tháng trước bầu cử), Dow Jones tăng từ 13.300 điểm tới 18.500, hay là tăng 5.200 trong 4 năm, nghĩa là trung bình 1.300 điểm một năm trong suốt nhiệm kỳ hai.

– Dưới thời TT Trump, từ tháng Tám 2016 tới tháng Tám 2018, Dow Jones tăng từ 18.500 điểm tới 25.500, hay là tăng 7.000 điểm trong 2 năm, nghĩa là trung bình 3.500 một năm, gần gấp ba lần dưới thời Obama.


Một cách nhìn khác nữa. TT Obama công khai tuyên bố với đám dân lao động Michigan: “Việc làm của các anh mất rồi, đi luôn rồi, và sẽ không bao giờ trở lại; đó là chuyển biến của bánh xe lịch sử”.

Qua thời Trump, việc làm trong khu vực chế xuất tăng đều chi, một hai trăm ngàn việc mỗi tam cá nguyệt. Thưa TT Obama: tổng thống là người lãnh đạo có trách nhiệm lái xe hay chỉ là lữ khách ngồi trên xe cho xe chạy đâu thì chạy rồi đổ thừa tại xe chạy theo lịch sử?

Tất cả mọi biện pháp kinh tế tài chánh của chính quyền Obama đều bị lật ngược bởi TT Trump. Tất cả những tiên đoán của ông Nobel Krugman đều sai bét. Dù vậy, ‘phe ta’ vẫn mặt trơ trán bóng đấm ngực “đó là thành quả của Obama”.

Một vài anh nhà báo khác, có hiểu biết hay có tự trọng hơn một chút, không dám trơ trẽn nhận vơ quá lố bịch, nên đã đưa ra một lập luận khác để chỉ trích. Họ cho rằng tỷ lệ tăng trưởng 4,1% là một biệt lệ, một thống kê bất thường không phản ảnh một sự tăng trưởng vững bền, lâu dài, và tam cá nguyệt tới, sẽ giảm mạnh.

Bất thường vì theo họ, trong tam cá nguyệt 2 vừa qua, các doanh gia lo sợ cuộc chiến mậu dịch giữa Mỹ và Âu Châu và nhất là Trung Cộng. Do đó, nhiều doanh gia đã gia tăng sản xuất tối đa để xuất cảng tối đa trước khi hàng xuất cảng của họ bị Âu Châu và TC đánh thuế quan trừng phạt, trả đũa cho việc tăng thuế quan của TT Trump.

Trước hết phải nói ngay số hàng có thể bị tăng thuế quan so với cả nền kinh tế Mỹ, nhỏ hơn ba hột cát, chưa kể đại đa số là hàng nông nghiệp không phải là muốn tăng sản xuất là một sớm một chiều có thể tăng ngay. Làm như thể ngày hôm nay ông nông dân Mỹ đang sản xuất 100 tấn đậu nành chẳng hạn, bất thình lình tuần sau ông quyết định tăng lên 200 tấn là có ngay 200 tấn.

Do đó, lập luận kinh tế trong tam cá nguyệt vừa qua tăng vọt nhất thời vì cuộc chiến mậu dịch chỉ là gượng ép và không chính xác.

Bình thường thì trong chu kỳ kinh tế, tăng trưởng tương đối mạnh nhất vào tam cá nguyệt 2, vì đó là lúc các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất mạnh lại sau khi lo tiêu thụ trong tam cá nguyệt đầu những hàng sản xuất cho các dịp lễ cuối năm còn lại. Qua tam cá nguyệt 3, tăng trưởng sẽ giảm thấp xuống một chút.

Dù sao thì nhìn chung, khó ai có thể chối cãi kinh tế của TT Trump, nhắm vào tăng trưởng thay vì chỉ nhắm vào phân phối lợi tức, đã có những thành quả hiển nhiên, dựa trên hai yếu tố chính:

1) chính sách giảm thuế lợi nhuận kinh doanh đã khuyến khích các công ty kinh doanh gia tăng sản xuất, kể cả mang tiền từ ngoài nước về đầu tư, phát triển hãng xưởng, tạo công ăn việc làm

2) việc cắt bỏ cả ngàn thủ tục, luật lệ hành chánh trói tay các doanh nhân, giúp họ có cơ hội mở mang hãng xưởng, thuê mướn nhân công dễ dàng hơn.

Đó là thực tế mà cả triệu dân lao động nhất là trong các tiểu bang kỹ nghệ vùng Đại Hồ đã nhìn thấy, bất kể TTDC xuyên tạc cách nào.

Thật ra, trong nền kinh tế ‘già nua’ của Mỹ, tăng trưởng cao quá không có lợi gì vì nôm na ra thì cái gì cũng đã đầy ắp rồi, tăng trưởng quá sẽ sôi sục, tạo ra lạm phát, vật giá leo thang quá nhanh, chỉ khiến Nhà Nước phải tăng lãi suất để hạ hỏa lại thôi. Chỉ có những nước còn nghèo thì mới cầu mong cho kinh tế tăng trưởng cỡ 6%-8%.

Kinh tế Mỹ mà phát triển đều đặn trên dưới 3% mỗi năm sẽ là một thành công lớn để đời của TT Trump. Cho đến nay, qua 5 tam cá nguyệt liên tục, trung bình tăng trưởng đã lảng vảng ở mức 3% này. Một tin không vui cho DC vài tháng trước bầu cử.

Vũ Linh, 4/8/2018
nguồn: https://baotgm.net/vu-linh-kinh-te-obama-trump/

hongnguyen
08-14-2018, 08:09 AM
VÕ SĨ TRUMP ĐI ÂU CHÂU

Một ngày sau khi loan báo tên thẩm phán ông đề cử vào Tối Cao Pháp Viện, TT Trump lên máy bay đi Âu Châu. Qua Bỉ họp với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, qua Anh viếng thăm chính thức, rồi đi Phần Lan gặp TT Putin.

Thông thường thì các quốc trưởng đi ra nước ngoài đều là những chuyến công du như đi… hưởng tuần trăng mật.

Đi đến đâu cũng đầy đủ nghi lễ tiếp rước thân mật nhất, gặp nhau tay bắt mặt mừng cười toe toét như bạn nối khố mấy chục năm mới gặp lại, cùng nhau trà dư tửu hậu, rồi ký hàng loạt văn kiện, thoả ước mà tất cả đều có lợi, tất cả đều vui vẻ. Vì tất cả đều đã được chuẩn bị chu đáo trước rồi.

Đó là chuyện bình thường. Nhưng với ông tổng thống khác người như Trump, mọi chuyện đều… khác.

Lần này, ông đi Âu Châu, chẳng có gì thân thiện với bất cứ ai hết. Đi đến đâu cũng bận xăn tay áo lên võ đài thí võ. Từ Bỉ với NATO, tới Anh với bà thủ tướng Anh, đến Finland với TT Nga.

TTDC và đối lập DC dĩ nhiên đả kích TT Trump gây gỗ với cả thế giới, mà cố tình quên mất ông chỉ là đang cố bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ theo quan niệm của ông thôi. Đúng hay sai là chuyện khác.

Vì khuôn khổ bài Bình Luận, ta sẽ nhìn qua chuyến đi gặp NATO và Putin, mà không bàn về chuyện viếng thăm Anh vì thực sự không có gì quan trọng lắm.

NÓI CHUYỆN VỚI NATO
NATO là một liên minh quân sự thuần tuý của 12 quốc gia Tây Âu, với Mỹ và Canada, được thành lập năm 1949 với mục đích chống đỡ mối đe dọa của khối cộng sản Sô Viết và các chư hầu Đông Âu.

Sau khi Liên Bang Sô Viết và các nước cộng sản Đông Âu xụp đổ, NATO được tăng cường thêm với một số nước Đông Âu sợ bị Nga chiếm lại. Số hội viên hiện nay đã tăng lên tới 29 nước.

Nghe 29 nước rất oai, nhưng thực tế là một mình Mỹ gánh chịu gần hết, về tiền cũng như phương tiện súng đạn và binh lính.
Đóng góp của các hội viên có hai hình thức chính:

1. Đóng góp trực tiếp vào NATO cho những chiến dịch quân sự chung (như tham chiến tại Afghanistan) và chi phí hành chánh dân sự (điều hành tổng hành dinh tại Bỉ cùng với các chi tiêu nhân sự liên hệ). Đóng góp này được tính theo tỷ lệ tổng lợi tức quốc gia –Gross National Income, GNI-.

Phần đóng góp của Mỹ trên nguyên tắc là 22% tổng số ngân sách NATO dành cho việc này, so với 14% của Đức, 10% của Anh và Pháp, ít hơn cho các quốc gia khác.

Trong cuộc chiến Afghanistan, Mỹ chi hơn xa 22%, nhưng đây thực sự là cuộc chiến của Mỹ trong khi đóng góp của NATO chỉ có tính cách hơn tượng trưng một chút, mà cũng là đóng góp theo chiều gió chính trị quốc nội, nay đồng ý gửi lính, mai rút, như Tây Ban Nha đã làm.

2. Đóng góp gián tiếp qua ngân sách quốc phòng thường trực. Trước đây, không có quy luật, mỗi xứ đều có ngân sách do mình lập ra. Sau này, Mỹ cằn nhằn nên có thỏa thuận lại: mỗi nước sẽ phải có ngân sách quốc phòng tối thiểu là 2% tổng sản lượng quốc gia, GDP.
Vấn đề đóng góp này cần phải hiểu cho rõ để tránh chỉ trích bậy. Nhiều người la ó “Mỹ không phải là ATM của Âu Châu”. Sự thật không có chuyện đó, Mỹ không đưa tiền cho ai hết.

Ngân sách quốc phòng Mỹ là gần 700 tỷ, khoảng 4% GDP Mỹ, trong khi ngân sách quốc phòng của Anh chỉ ở mức 55 tỷ, 2% GDP Anh. Phần lớn các cường quốc Âu Châu chỉ có ngân sách quốc phòng khoảng 1% GDP. Iceland thậm chí còn không có quân đội luôn, chỉ có cảnh sát đi bắt trộm cướp.

Mỹ cho rằng như vậy không công bằng, lỡ có chiến tranh Âu Châu xẩy ra, các nước Âu Châu không có khả năng chống đỡ, Mỹ lại sẽ phải lãnh đủ hết.

Nói cách khác, Âu Châu không tự lo bảo vệ mình mà lo bỏ tiền xây hạ tầng xã hội, giáo dục, y tế,... bán cái cho Mỹ lo chuyện quốc phòng cho cả Âu Châu.

Sự thất cân bằng này dễ hiểu và chấp nhận được trong bối cảnh hậu thế chiến khi NATO mới được thành lập.
Khi đó, toàn thể Âu Châu là đống tro tàn. Chẳng có nước nào có khả năng đóng góp gì, do đó Mỹ phải lãnh gần hết.

Bây giờ, 70 năm sau mà vẫn khư khư đòi giữ mọi việc như cũ thì quả là vô lý. Tây Âu hiện nay là một khối các nước giàu mạnh nhất thế giới, tiền bạc dư dả để tự lo lấy thân mà không chịu làm.

TT Trump qua Âu Châu gặp NATO với một yêu cầu khổng lồ: Âu Châu phải tăng cường ngân sách quốc phòng, lên tới 4% GDP như Mỹ nếu có thể.

Ông cảnh giác nếu Âu Châu không đáp ứng, đóng góp cho việc tự bảo vệ mình nhiều hơn, nước Mỹ sẽ đơn phương giải quyết vấn đề.

TTDC xúm lại diễn giải ngay là TT Trump đe dọa sẽ rút ra khỏi NATO. Vẫn là fake news của TTDC.

Thực tế, không bắt buộc Mỹ phải rút ra khỏi NATO. Mỹ vẫn có rất nhiều biện pháp như rút bớt quân về, đóng bớt căn cứ quân sự, tháo gỡ ít dàn hỏa tiễn. Tất cả những biện pháp này sẽ buộc Âu Châu phải gia tăng ngay ngân sách quốc phòng để tự bảo vệ.

Công bằng mà nói, việc so sánh Mỹ chi 4% GDP cho quốc phòng với 1% của các quốc gia Âu Châu có phần khập khiễng.
Mỹ hầu như là cảnh sát của cả thế giới, có lực lượng quân sự khắp năm châu và cả trên các đại dương, trong khi các quốc gia Âu Châu hầu hết chỉ lo quốc phòng trong phạm vi biên giới của chính xứ mình thôi. Mỹ đòi hỏi tất cả phải dành ra 4% cũng vô lý, nhưng đó là cách nhà doanh gia Trump ‘hét giá’.

Dù vậy, lý luận của TT Trump không phải là sai. Âu Châu quả đã lợi dụng quá mức cái dù Mỹ.

Nhìn vào sức mạnh kinh tế của Âu Châu cũng như hiểu được Âu Châu là đối tượng trực tiếp và đầu tiên của mọi tấn công của Nga nếu xẩy ra, các nước này cần phải có cố gắng cụ thể hơn.

Cựu ngoại trưởng của Obama, ông John Kerry mạt sát TT Trump, cho rằng ông này không hiểu liên minh Mỹ với Âu Châu quan trọng như thế nào vì đã mang lại an toàn cho Mỹ và bảo vệ sinh mạng dân Âu Châu.

Câu hỏi cho ông Kerry: nếu sinh mạng dân Âu Châu quan trọng như vậy, thì tại sao Âu Châu không tự lo nhiều hơn mà bắt Mỹ phải lo nhiều hơn?

Nhìn vào NATO, có phải đúng là các đồng minh Âu Châu lợi dụng Mỹ không? Đồng minh đối xử với nhau như vậy, sao lại trách ông Trump đối xử không đẹp với đồng minh được?

TT Trump trong cuộc nói chuyện với Tổng Thư Ký NATO đã nói thẳng thừng ông cực kỳ bất mãn. Ông phản đối mạnh việc Mỹ phải mở dù che cho Đức chống Nga trong khi Đức ký thương ước mua khí đốt Nga, tức là tự ý chui vào rọ của Nga.

Bà thủ tướng Merkel phản pháo, cho rằng Đức là nước độc lập, có quyền ký hiệp ước giao thương với bất cứ xứ nào. Không sai. Nhưng như vậy thì đừng bắt Mỹ phải chi tiền và lính để bảo vệ Đức chống Nga trong khi bà Merkel ôm Putin.

Trước khi rời khỏi Bỉ, TT Trump tuyên bố Mỹ không rút khỏi NATO và Âu Châu đã đồng ý gia tăng ngân sách quốc phòng. Không rõ bao nhiêu nước đồng ý và gia tăng bao nhiêu.

Phải nói ngay Âu Châu gia tăng ngân sách quốc phòng của họ không có nghĩa là ngân sách của Mỹ sẽ giảm. Việc gia tăng đó chỉ cho phép Mỹ chuyển lính hay máy bay chẳng hạn, từ Âu Châu qua ưu tiên khác, như qua Trung Đông hay Biển Đông.

Thật ra, NATO có vẻ là một tổ chức lỗi thời, không còn lý do tồn tại. Không ai nghĩ có chuyện Nga tung vài trăm sư đoàn qua chiếm Paris hết. Thời buổi này Nga văn minh hơn. Putin chiếm Crimea của Ukraine dễ như trở bàn tay, không cần sư đoàn nào hết.

Nếu thực sự có nguy cơ bị Nga đánh thật, thì cả Âu Châu phải tăng cường biện pháp quốc phòng chứ không thể chỉ lo chi tiền nuôi di dân Trung Đông vì nhu cầu nhân công rẻ cho kinh tế.

NÓI CHUYỆN VỚI PUTIN
Cuộc họp thượng đỉnh Trump-Putin được dự trù là để bàn về quan hệ Mỹ-Nga, tìm cách cải thiện bang giao, nhất là tìm kế hoạch chung chống khủng bố tại Trung Đông, giải quyết vấn đề Syria, và cuối cùng bàn về những biện pháp trừng phạt Nga được TT Obama ban hành sau khi Nga chiếm Crimea.

Nhưng rồi tất cả những đề tài đó đã bị nhận chìm bởi việc công tố Mueller truy tố GRU của Nga thâm nhập bầu cử. Cuộc họp thượng đỉnh mất hết ý nghĩa, đến độ không ra được một thông cáo chung. Tất cả biện pháp cấm vận trừng phạt đều được duy trì như cũ.

Việc làm của công tố Mueller 3 ngày trước khi TT Trump gặp TT Putin khét lẹt mùi phá rối, bất kể giải thích cách nào.
Cuộc điều tra đã kéo dài 14 tháng, tại sao không truy tố sớm hơn một hai tuần, hay nán đợi thêm một vài ngày, mà lại đúng 3 ngày trước?

Tại Helsinki, có hai cuộc họp chính, một cuộc họp riêng giữa hai ông Trump và Putin, và một cuộc họp giữa hai phái đoàn.
Đó mới là những buổi họp mà họ thực sự bàn chuyện quan trọng. Nhưng hầu như chẳng ai biết hay để ý vì cả TTDC chúi mũi vào cuộc họp báo ngắn gọn vài chục phút mà mục đích chỉ là trình diễn bề ngoài.

Thế mới nói là TTDC chỉ nhìn vấn đề một cách hời hợt nhất để có cớ đánh Trump thôi.
Phản ứng của DC và TTDC? Vẫn như cũ, tuy có hơi khác một chút.

Vẫn như cũ ở điểm chỉ trích triệt để. Hơi khác vì sự chống đối tăng cường độ gần như tsunami đang nhận chìm Tòa Bạch Ốc.

CNN cho rằng “Đây là thời điểm nhục nhã nhất của thời Trump”. Cựu giám đốc CIA của TT Obama, ông Brennan hô hoán “Đây là phản quốc rõ ràng, đủ tiêu chuẩn để đàn hặc ngay”.

Cựu giám đốc FBI của TT Obama, ông Comey, kêu gọi “Những người yêu nước nổi dậy chống Trump”.
Các cụ tỵ nạn thông ngôn nhao nhao dịch lại ngay tất cả những chỉ trích cho dù chưa hiểu chuyện gì.

Có một số lý do giải thích sự ‘phẫn nộ’ cuồng đó:
1. Lý do quan trọng nhất: TTDC và phe DC nhìn thái độ của TT Trump như cánh cửa hé mở, có thể khai thác mạnh, tố TT Trump ‘phản quốc’ như ông Brennan đã khai hỏa, đưa đến đàn hặc. Ngoài ra, đâu còn lý do chính đáng nào để đàn hặc.

2. Theo phe cấp tiến, việc công tố Mueller truy tố GRU Nga là bằng chứng rõ rệt nhất về việc ông Trump thắng cử nhờ Nga giúp.

Đây là lý do chính bà Hillary vẫn bám víu để biện giải sự thất bại của mình, do đó phe ta cũng cần phải bám víu theo bằng mọi giá. Khi Putin chối và TT Trump có vẻ không sốt sắng buộc tội Putin thì dĩ nhiên phe ta gặp nguy cơ mất tiêu cái cớ chính, phải nhẩy dựng ngay.

3. Bên CH, nhóm #Never Trump, như ông McCain, Paul Ryan, khó có thể bỏ qua cơ hội đánh Trump. Một vài chính khách đón gió mùa bầu cử cũng hùa theo.

Trong khi một số nhân vật CH khác cũng thật sự không đồng ý với TT Trump như cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich.
Đó là chính trị Mỹ thôi.
Cùng đảng, vẫn có thể bất đồng ý kiến như thường. Trong khi đó, thượng nghị sĩ Rand Paul, một người ít khi đồng ý với TT Trump lại đứng ra bênh vực và tố khối đối lập bị Trump ám ảnh tinh thần, gọi là bị bệnh Trump Derangement Syndrome hết rồi.

TTDC và phe DC đòi hỏi TT Trump phải công khai tố giác Putin. Chuyện vớ vẩn. TT Trump phải tố Putin về tội gì? Tội cho người vào hệ thống emails của đảng DC?

Với tư cách quốc trưởng, TT Trump không thể hồ đồ công khai tố một quốc trưởng khác là tội phạm khi chưa ai chứng minh được tội của ông này. Chẳng những đó là nguyên tắc ngoại giao sơ đẳng mà còn là nguyên tắc nền tảng của tư pháp Mỹ.

Tư pháp Mỹ dựa trên căn bản “chưa bị chứng minh có tội thì tức là chưa có tội”. Not guilty until proven guilty. Nga bị truy tố chưa có nghiã là Nga đã có tội. Trong vụ công tố Mueller tố Nga, đã có ai bị ra tòa chưa? Đã có ai thấy bằng chứng gì chưa? Đã có ai nghe lời ‘biện hộ’ của các bị cáo chưa?

Công lý của phe cấp tiến đơn giản vậy sao? Hay công lý đã bị liệng vào thùng rác rồi?

TTDC cũng đả kích TT Trump đã không chửi thẳng mặt Putin trong buổi họp. Trong lịch sử thế giới, chưa bao giờ có chuyện hai quốc trưởng họp thượng đỉnh để chửi nhau. Muốn chửi thì về nhà tha hồ chửi sau. Đó là việc TT Trump đang làm sau khi đã về tới nhà. TTDC dĩ nhiên lại có dịp sỉ vả Trump bất nhất.

TT Putin khẳng định Nga không can dự, sẽ cho điều tra và đề nghị thành lập một nhóm công tác chung, -joint working group- để điều tra, mời công tố Mueller gửi câu hỏi qua cho ông, hay tốt hơn nữa, gửi người qua tham gia việc chất vấn bị cáo. Sao không thấy báo nào bàn về ý kiến này?

Có phải vì chẳng có báo nào thắc mắc muốn biết sự thật mà họ chỉ muốn tìm cách đả kích Trump không?

Thực tế mà nói, có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết sự thật vì những bị cáo sẽ không bao giờ qua Mỹ hầu tòa. Công tố Mueller chắc chắn cũng biết rất rõ điều này, chỉ là muốn treo một cái gươm lủng lẳng trên đầu Trump mà không bao giờ Trump gỡ xuống được.

Cũng thực tế mà nói, chuyện các đại cường tìm cách thâm nhập, chui vào các hệ thống emails kiếm tin là đương nhiên. Ông xịa Brennan có dám giơ tay thề ông chưa bao giờ tìm cách thâm nhập, đọc emails của Nga hay ngay cả của Anh, Pháp, Đức, Nhật, Trung Cộng,... không?

Kẻ này tin chắc Nga có tìm cách chui vào hệ thống emails của đảng DC thật. Họ làm gì và phá tới mức nào thì chưa biết.
Vấn đề là sao chính quyền Obama bất lực để Nga phá dễ như vậy? Cả 25 nhân viên dân sự lẫn quân sự qua Mỹ hoạt động tưng bừng.

Tất cả xẩy ra dưới thời Obama, do đó, trách nhiệm là của tổng thống Obama, của giám đốc CIA Brennan, của giám đốc FBI Comey.

Khi đó mấy ông này đã làm gì? Ngủ gật cả đám? Hay biết mà không dám làm gì? Sao bây giờ các ông Brennan và Comey lớn tiếng dữ vậy, có phải để khỏa lấp trách nhiệm của chính mình không?

Ông Comey đang hô hào dân Mỹ bỏ phiếu cho DC, hiển nhiên với hy vọng DC kiểm soát được Hạ Viện thì trách nhiệm và tội của ông sẽ bị xù ngay.

Đừng nói chi tới các cơ quan tình báo của ngoại quốc, ngay cả các cơ quan an ninh Mỹ cũng tìm cách theo dõi, đọc lén emails, nghe lén điện thoại của cả triệu dân Mỹ, theo lệnh của chính các ông Brennan và Comey.

TTDC cũng biểu diễn tài bóp méo để xuyên tạc. TT Trump đặt nghi vấn về việc truy tố GRU. TTDC nả đại bác ngay: TT Trump miệt thị, không tin hệ thống an ninh của Mỹ.

Xin lỗi, công tố Mueller truy tố GRU theo sự điều tra của ông, chứ không phải dưa trên báo cáo của An Ninh Mỹ. Và TT Trump nghi ngờ công tố Mueller chứ không phải nghi ngờ CIA hay FBI.

TT Trump biết trước sẽ bị tấn công dĩ nhiên. Ông nói rõ ông chấp nhận rủi ro chính trị [bị chỉ trích] để mưu tìm hòa bình, hơn là chấp nhận rủi ro mất hòa bình để khỏi bị rắc rối chính trị (nguyên văn: “I would rather take a political risk in pursuit of peace than risk peace in pursuit of politics”).

TTDC xúm lại tố cáo TT Trump có vẻ nịnh Nga trong khi gây hấn với đồng minh và NATO. Nếu chuyện này có thật, thì sao không ai đặt câu hỏi tại sao TT Trump lại có thái độ ngược ngạo như vậy.

Câu trả lời hiển nhiên là tất cả nằm trong chiến lược toàn cầu của Trump, muốn giảm bớt gánh nặng cảnh sát quốc tế của Mỹ bằng hai cách:

1) ép Âu Châu chia sẻ gánh nặng tự bảo vệ nhiều hơn thay vì cứ ỷ lại vào Mỹ

2) giảm nguy cơ Nga bằng một chính sách thân thiện hơn.

Chuyện Nga chui vào coi emails của đảng DC đối với TT Trump chỉ là chuyện lắt nhắt vớ vẩn, không thể vì đó mà phải thay đổi chiến lược toàn cầu.

Bất kể quan điểm chính trị, thiên hạ phải nhìn nhận Nga là một đại cường, có ảnh hưởng lớn trên rất nhiều vấn đề, từ các cuộc chiến tại Trung Đông là mỏ dầu của cả thế giới, đến cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, từ việc cản Iran làm bom nguyên tử đến cản Syria xài vũ khí hóa học, từ việc giúp cản sự bành trướng của tân đế quốc Tầu cộng đến bảo đảm an ninh của Âu Châu,…

Đi tìm hòa hoãn với Nga có lợi hay đánh nhau với Nga có lợi?

Mỹ có thể đi tìm hòa bình với Bắc Hàn là một mối nguy nhỏ có tính cục bộ địa phương thì sao lại muốn đánh nhau với Nga là nước có thể dễ dàng tạo ra đại chiến thứ ba?

Nói về nguy cơ bom nguyên tử, Cậu Ấm còn đang thử một hai trái trong khi Nga đã có cả ngàn trái có thể tiêu diệt cả thế giới.

Không phải vô cớ mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres (không phải là loại ‘cuồng’ Trump!) đã lên tiếng hoan nghênh cuộc họp Helsinki như là một bước tiến lớn bảo đảm hoà bình lâu dài cho nhân loại.

Không có một tờ báo Mỹ nào đăng tin này.

Cũng có thể ông Trump đang học sách Kissinger hay sách Khổng Minh: trong thế tam quốc Mỹ-Nga-Tàu, không có cái ngu nào bằng cái ngu đánh cả hai đối thủ một lúc.

Qua phản ứng của TTDC, không ai có thể nói mấy anh nhà báo cấp tiến có cái nhìn chiến lược toàn cầu, mà chỉ giỏi đi tìm sâu bọ.

Câu hỏi cho các cụ gốc Việt đang tra tự điển để dịch CNN:
-trong cái thế Tam Quốc tân thời này, các cụ muốn Mỹ kết thân với Nga để chặn Hoàng Đế Tập,

-hay các cụ thức thời vận muốn Mỹ diệt Nga, giúp Trung Cộng bành trướng để nước ta được vinh hạnh làm ngôi sao muỗi thứ 5 trên lá cờ Thiên Triều?

Vũ Linh, July 19, 2018
https://baotgm.net/vu-linh-vo-si-trump-di-au-chau/ (https://baotgm.net/vu-linh-vo-si-trump-di-au-chau/)

hongnguyen
08-14-2018, 08:15 AM
GIÁN ĐIỆP CỦA FBI

Cuộc điều tra của công tố Mueller liên quan đến việc ứng cử viên Trump ‘thông đồng’ với Nga để dành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, chẳng ai biết đã đi đến đâu, công tố đã khám phá ra chuyện gì, ai đã làm gì?

Ai cũng biết công tố Mueller đã truy tố một ít người, nhưng không kể 13 công dân Nga bị truy tố, còn tất cả những người Mỹ bị vồ thì hiển nhiên đều vì những tội chẳng liên quan xa gần gì đến mục tiêu cuộc điều tra.

Chuyện quái lạ là công tố càng điều tra thì lại càng lòi ra những chuyện lem nhem không phải của ban vận động của ông Trump hay của cá nhân ông Trump, mà của ban vận động của bà Hillary và những viên chức cao cấp nhất trong FBI và bộ Tư Pháp của chính quyền Obama.

Từ cả mấy tháng nay, thiên hạ đã bàn về vụ có người –không biết là ai – tạo dựng vụ ‘Hồ Sơ Nga’, tức là tạo dựng câu chuyện ông Trump cách đây mấy triệu năm đi Nga thuê vài chị em ta tè lên giường của TT Obama trong một khách sạn Moscow.

Tin tào lao, bá láp, vớ vẩn nhất, nhưng lại trở thành một đề tài và lý cớ cột trụ để ban vận động của bà Hillary dùng để đánh ông Trump trước cũng như sau bầu cử, với sự tiếp tay của chính quyền Obama, và cả vài ông CH chống Trump.

Hồ sơ được vận động để FBI trình cho TT Obama, nhờ đó, có đủ ‘uy tín’ để CNN tung ra công chúng. Rồi cũng nhờ đó mà FBI có cớ đi xin trát tòa FISA để theo dõi một cố vấn cao cấp trong ban vận động của ông Trump.

Mỗi ngày, chi tiết cuộc theo dõi lại đẻ ra vài tin bất ngờ, lòi ra sự can dự của hết nhân vật này đến nhân vật khác của chính quyền Obama.

Từ giám đốc FBI Comey đến giám đốc An Ninh Quốc Gia Clapper, từ phó giám đốc FBI McCabe đến hai luật sư của công tố Mueller, Peter Strzok và Lisa Page, từ gián điệp Anh Steele đến viên chức bộ Tư Pháp Ohr bị giáng chức, từ tổ chức Fusion GPS đến tổ chức Penn Quarter Group, từ thượng nghị sĩ McCain tới thượng nghị sĩ Feinstein,...

Kết quả là cho đến nay, thiên hạ hoàn toàn mù tịt, chẳng ai hiểu ai can dự vào chuyện gì nữa. Một thứ bùi nhùi chồng chéo không ai gỡ được.

Nghe nói bộ Tư Pháp đang kín đáo điều tra, chẳng biết có hay không, và nếu có thì đã đi đến đâu? Mai mốt có công bố kết quả gì không? Nếu khám phá ra có người có tội, có bị đưa ra tòa gì không? Hay là chúng ta bao che cho nhau, xù hết cho yên chuyện?

Hỏa mù dầy đặc chưa tan thì lại thêm mây mù kéo tới nữa.

Tin mới nhất là FBI đã cài người nằm vùng trong ban vận động của ứng cử viên CH, Trump. Nghe thì có vẻ giản dị, nhưng thật ra, lại rối bù hơn cả chuyện lấy trát tòa FISA.

Ta xem qua diễn tiến.
Báo phe ta Washington Post xì ra tin FBI đã cài một người ‘nằm vùng’ đi dò la tin tức trong nội bộ ban vận động của ông Trump.

Ngay sau đó, báo New York Times cũng tiếp theo, phổ biến tin này với nhiều chi tiết hơn. FBI cảnh giác ngay điều này rất nguy hiểm vì đe dọa an toàn cho họ và nhiều người đang hợp tác, cung cấp tin tức cho FBI về rất nhiều cuộc điều tra khác của FBI.

Hai tờ báo vin vào lý do ‘bảo đảm an toàn cá nhân’ này để biện giải việc họ không thể tiết lộ tên của người này ra.

Đúng là chuyện... bá láp, chỉ phản ảnh tính giả dối của hai tờ báo cấp tiến, tự cho là lãnh đạo khối TTDC.

WaPo và NYT đưa ra rất nhiều chi tiết như tay gián điệp này đã gặp ai, ở đâu, khi nào, đã gửi email cho ai, ngày nào,...
Với những chi tiết này, không cần công bố tên tuổi, bất cứ anh nhà báo tập sự Mỹ nào cũng chỉ cần năm phút là có thể truy ra tên ngay lập tức.

Y như rằng, một ngày sau khi hai tờ báo tung tin ra, hầu hết các báo và đài TV công bố cho cả nước biết tay gián điệp đó là một giáo sư đã hồi hưu của đại học Cambridge, Stefan Halper.

Đại khái câu chuyện là khoảng tháng 6 năm 2016, gần nửa năm trước bầu cử, ông Halper móc nối với anh George Papadopoulos, một nhân viên trong ban vận động của ông Trump, tìm cách dò la xem ban vận động có ‘thông đồng’ với Nga không.

Anh Papapopoulos là một sinh viên, tình nguyện làm việc trong ban vận động, trong khối ngoại giao. Anh này bị công tố Mueller truy tố về nhiều tội nói láo và đang chờ ngày hầu tòa. Công tố Mueller vồ anh này với hy vọng anh sẽ khai báo nhiều tin hậu trường mà công tố có thể dùng để truy bắt ông Trump về một tội gì đó.

Anh này chỉ là một nhân viên tép riu, sinh viên tình nguyện làm việc không lương, nhưng khi anh bị truy tố, TTDC muốn bi thảm hoá vấn đề, truy phong cho anh ta lên chức ‘cố vấn ngoại giao’ của ông Trump ngay.

Ông Halper chính thức nhờ anh Papadopoulos viết một tiểu luận nghiên cứu về một mỏ dầu khí trên biển Mediterranean, là đề tài chuyên môn của anh sinh viên này. Tự nhiên được nhờ viết bài nghiên cứu, được trả tiền, anh ta nhận lời ngay.

Chưa hết. Anh lại còn được GS Halper mời qua Luân Đôn để ‘bàn về đề tài nghiên cứu’, tất cả mọi chi phí do ông giáo sư chịu, cộng thêm 3.000 đô thù lao.

Anh sinh viên này hý hửng qua Luân Đôn, gặp ông giáo sư và khám phá ra ông này toàn là hỏi chuyện Nga có quan hệ gì với ban vận động của Trump.

Nói trắng ra, cái chuyện viết tài liệu nghiên cứu về mỏ dầu khí và cuộc du hý Luân Đôn chỉ là cái mồi câu cá Papadopoulos. Người ta đoán chừng tài liệu nghiên cứu của anh Papadopoulos, dài có khoảng 1.500 chữ, tức là chưa bằng nửa bài bình luận này, có lẽ đã được vào thùng rác ngay sau khi ông Halper nhận được.

Anh Papadopoulos chẳng trả lời gì nhiều trước những dò hỏi của ông Halper. Có thể là vì anh ở cấp tép riu không biết gì, hay cũng có thể anh biết nhiều chuyện nhưng không mắc bẫy, không khai gì.

Có lẽ anh biết ít nhiều chuyện nhưng không tiết lộ, do đó mới bị công tố Mueller vồ, với ý định vắt vài tin từ anh ta.

Tin tức loan truyền ra còn cho biết ông giáo sư này đã gặp ít nhất là hai hay ba nhân viên khác trong ban vận động của ông Trump, trong đó có tướng Flynn, cố vấn an ninh, và ông Carter Page, cố vấn đối ngoại của ông Trump khi đó.

Có một chi tiết khá lạ. Ông giáo sư này đã gặp cố vấn Carter Page đầu tháng 7, 2016, trong khi ông Comey khai báo với quốc hội là cuộc điều tra về ban vận động của ông Trump bắt đầu cuối tháng 7 đó. Tức là ông Halper đã gặp hai ông Papadopoulos và Page trước khi ông Comey mở cuộc điều tra?

Thế thì ông Halper gặp mấy ông này với tư cách gì? Để làm gì? Hay là ông Comey đã nói láo, đã thuê ông Halper làm gián điệp cả tháng trước khi mở cuộc điều tra?

Ông Halper có quan hệ như thế nào với FBI? Theo NYT, FBI trả tổng cộng gần nửa triệu đô cho ông giáo sư từ tháng 7-2016 (một tháng sau khi ông giáo sư đi gặp anh Papadopoulos) tới tháng 9-2017 (một tháng sau khi tân giám đốc FBI Christopher Wray nhậm chức và chấm dứt quan hệ với ông giáo sư).

Nửa triệu để làm những gì? Chẳng lẽ để đi hỏi hai ba người hai ba câu hỏi sao? FBI cũng xác nhận ông Halper đã là chỉ điểm viên ‘informant’ cho FBI và CIA từ mấy chục năm nay.

Lạ lùng hơn nữa, anh Papadopoulos cũng đã gặp ông Alexander Downer, đại sứ Úc tại Luân Đôn. Ông đại sứ này, ngẫu nhiên thay, là bạn thân của bà Hillary, tin báo chí cho biết ông đã ủng hộ bà Hillary và Quỹ Clinton Foundation đâu 25 triệu đô.

Ông đại sứ cũng tìm cách hỏi dò quan hệ của ban vận động của ông Trump với Nga. Kiểu như hỏi có người Nga nào tiếp xúc với ai, khi nào, bàn chuyện gì, v.v… Sau đó, ông đại sứ có viết một phúc trình về cuộc gặp gỡ này, gửi cho FBI!

Trên căn bản, ông đại sứ là người nước ngoài, cho dù không phải là nước thù địch. Sự can dự của ông đi bao xa? Có vi phạm luật cấm người ngoại quốc –bất kể Nga hay Tàu hay Úc- can dự vào bầu cử Mỹ không?

Nếu có thì lại là câu hỏi lớn khác: FBI biết là có luật cấm người ngoại quốc can dự, sao lại có chuyện ông đại sứ Úc này gặp anh Papadopoulos, hỏi chuyện can dự của Nga, rồi viết báo cáo cho FBI? Bộ Ngoại Giao Mỹ (John Kerry), Úc và Anh có biết về chuyện này không?

Đã có một sự thông đồng giữa ba chính phủ này để cản ông Trump và giúp bà Hillary không?

Bây giờ, trong cái trận thiên la địa võng bà Hillary dàn dựng chống ông Trump, ta thấy thêm hai tên tuổi mới, ông giáo sư và ông đại sứ. Người ta biết ông giáo sư là gián điệp của FBI, nhưng vẫn chưa hiểu ông đại sứ đóng vai trò gì.

TT Trump đã rất mau mắn tuýt ào ào, tố cáo FBI cài gián điệp vào ban vận động của ông, một chuyện phạm pháp còn lớn hơn vụ Watergate dưới thời TT Nixon.

Việc ông ta nằm vùng theo dõi ông Trump nếu đúng như WaPo và NYT báo cáo thì quả là chuyện phi pháp 100%.

Tức là FBI của TT Obama đã làm chuyện phạm pháp. FBI phạm pháp thì ai bắt FBI bây giờ đây?

Hai tờ báo phe ta đều gân cổ biện hộ cho việc làm của FBI.

Báo WaPo cho rằng FBI cần theo dõi ban vận động của ông Trump vì FBI đã được tin Nga đã cho người móc nối với một vài người trong ban vận động của ông Trump, nên cần gửi người đến tìm cách ‘bảo vệ’ ông Trump chống lại những can dự của Nga, và việc này nằm trong phạm vị hoạt động phản gián của FBI.

Nga can dự vào ban vận động của ông Trump có hay không thì không ai biết, nhưng ai cũng biết khi đó ban vận động của bà Hillary la hoảng là họ đã bị Nga thâm nhập, lấy cắp emails của Ủy Ban Quốc Gia của Đảng DC –National Committee-, và lấy cắp toàn bộ các emails của ông John Podesta, giám đốc ban vận động của bà Hillary.

Như vậy, FBI khi đó có cài người vào ban vận động của bà Hillary để bảo vệ bà không?

Cho đến nay, không có tin tức gì về chuyện này, có thể hiểu là không, FBI không cài người nằm vùng để bảo vệ bà Hillary.
Tại sao lại không ‘bảo vệ’ bà Hillary khi bà la toáng đang bị Nga thâm nhập, mà lại lo ‘bảo vệ’ ông Trump khi ông này chẳng khiếu nại gì về Nga?

Cái vô lý thứ hai trong lời ngụy biện của WaPo là nếu cho người điều tra về can dự của Nga để bảo vệ ông Trump, sao lại dấu nhẹm không cho ông Trump biết để đề phòng?

Đúng ra, nếu FBI biết được Nga đang tìm cách thâm nhập và ông Trump đang là ‘nạn nhân’ cần được ‘bảo vệ’ thì FBI đã phải thông báo ngay cho ông Trump biết, và thông báo luôn là FBI sẽ tìm cách bảo vệ ông. Chứ sao lại lén lút hỏi dò người của ông Trump?

Báo NYT thì biện minh ông giáo sư là người đang tiếp tay FBI ‘điều tra’ chứ ông không phải là ‘gián điệp’ như TT Trump tố cáo.

Định nghiã của chữ ‘gián điệp’ là ‘lén lút thâm nhập, không ai biết, để lấy tin’. Đây chính là việc ông giáo sư Halper đã làm.
Nếu chỉ là FBI điều tra thì FBI là tổ chức có đầy đủ thẩm quyền điều tra tất cả những gì họ muốn, tại sao không cho nhân viên FBI đi điều tra, mà lại lén thuê một người ngoài, bí mật đi lòng vòng hỏi dò mà không khai báo gì cho ai biết hết? Sao lại làm việc mờ ám vậy?

TTDC giải thích dùm FBI, cho rằng việc điều tra cần giữ bí mật vì khi đó là thời điểm tranh cử, thiên hạ nghe ban vận động của ông Trump bị điều tra sẽ bất lợi cho ông. Má ơi, FBI điều tra vụ emails bà Hillary rùm beng trong khi lại giữ bí mật về cuộc điều tra ông Trump?

Làm như thể FBI về phe với Trump hại bà Hillary vậy.
Hơn nữa, ông Halper là giáo sư hồi hưu, lấy tư cách gì đi điều tra ai?

Phản ứng của CNN?
Chỉ là ‘tin đồn’ –rumor- vô căn cứ. Một cụ tỵ nạn mau mắn làm thông ngôn cho CNN ngay, gửi email tứ tung ‘báo cáo’ cho bà con tỵ nạn “chỉ là tin đồn không có bằng chứng gì hết”.

CNN tố cáo tin của WaPo và NYT là tin đồn vô bằng chứng, tin phịa, fake news? ‘Phe ta’ chống ‘phe mình’ rồi sao? Cái gian trá của CNN?

Trong nguyên bài phân tích của CNN, không có một chữ nào viết nguồn gốc của cái tin FBI cài gián điệp là từ WaPo và NYT, không có một chi tiết nào như WaPo và NYT mô tả, cũng như không hề nêu tên ông giáo sư.

Đọc phân tích của CNN, người ta có cảm tưởng toàn bộ câu chuyện do TT Trump phịa ra, chứ không phải là do hai anh phe ta WaPo và NYT khui ra.

Lạ lùng thay –hay phe đảng thô bạo hơn- là phản ứng của ông James Clapper, cựu giám đốc An Ninh Quốc Gia của TT Obama, trước đây đã từng hùng hổ phản bác chuyện FBI hay CIA theo dõi ban vận động của ông Trump, bây giờ trước bằng chứng đành rành, đổi giọng ngay, và huỵch tẹt cho rằng việc FBI theo dõi ông Trump như vậy là rất tốt.

Vài tiếng nói DC và TTDC mau mắn bênh việc cài gián điệp này, cho rằng CH đang làm rùm beng chuyện này chỉ để gây khó dễ cho cuộc điều tra của công tố Mueller.

Xin thưa với những vị đó là nếu quả thực FBI đã cài người vào làm gián điệp trong ban vận động của một ứng viên tổng thống thì coi như đã làm một việc phạm pháp cực kỳ quan trọng, mà ông Comey sẽ phải hầu tòa ngay, và nếu bà bộ trưởng Loretta Lynch hay TT Obama ra lệnh làm, hay biết mà không cản, thì ngay cả hai người này đều có triển vọng vác chiếu ra hầu tòa và đi tù luôn.

Luật Mỹ tuyệt đối cấm dùng FBI hay CIA theo dõi đối lập chính trị, nhất là khi việc theo dõi có tác động đến cuộc bầu cử tổng thống.

FBI không phải là Gestapo hay Công An Nhân Dân đâu.

Tin mới, TT Trump đã yêu cầu bộ Tư Pháp điều tra vụ này, nhất là truy ra ai là người đã ra lệnh này. Vì tính nghiêm trọng, bộ Tư Pháp không thể từ chối.

Thứ trưởng Rosenstein đã yêu cầu Tổng Thanh Tra bộ Tư Pháp điều tra ngay việc FBI dùng giáo sư Halper để thu thập tin tức trong ban vận động của ông Trump xem việc này như thế nào, có hay không và nếu có, có vi phạm luật gì không.

Nhiều câu hỏi cần câu trả lời. FBI trả ông giáo sư bao nhiêu tiền? Nhiệm vụ của ông là gì? Ai lấy quyết định cài giáo sư vào ban vận động của ông Trump? Tiền trả cho chuyến du hành và thù lao cho tài liệu nghiên cứu phịa của anh Papadopoulos, ai trả?

Quan trọng hơn cả là câu hỏi TT Obama biết gì về chuyện này? Nếu ông ta biết, thì đã có đồng ý không?

Có nghĩa là cuộc điều tra mới này bắt buộc sẽ dây dưa qua việc điều tra luôn về vai trò của TT Obama.

Một là TT Obama đã chấp nhận việc cài gián điệp của FBI, hai là ông không kiểm soát được FBI đang làm chuyện phạm pháp, đâu là sự thật?

Cho dù TT Obama không biết gì thì tối thiểu ông Comey khi đó cũng đã phải xin phép bà bộ trưởng Tư Pháp Loretta Lynch, chứ không thể tự ý làm chuyện động trời một mình được. Tức là phải điều tra về bà này luôn.

Toàn bộ câu chuyện khét lẹt. Khét mùi chính quyền Obama cấu kết sao đó với ban vận động của bà Hillary để tìm cách chặn phá ông Trump.

Tin lạ lùng mới nhất là ông Mark Penn, cựu cố vấn chiến lược của bà Hillary [quý vị không đọc lộn đâu, cố vấn của bà Hillary đó]

đã viết một bài báo khá dài, lên án công tố Mueller với những lời lẽ nặng nề nhất, tố cáo ông công tố đã đi câu cả năm trời, chẳng đi đến đâu, không có gì, nhưng vẫn nghiến răng nghiến lợi mò cho ra chuyện để truy tố người này người kia, mà lại truy tố những chuyện chẳng dính dáng gì đến chuyện ‘thông đồng’ với Nga.

Ông Penn kêu gọi công tố Mueller chấm dứt điều tra ngay vì các hoạt động của ông mang tính cách một cuộc ‘đảo chánh’, đe dọa nền tảng chính quyền Mỹ, sau này sẽ không ai dám tham gia vào các cuộc tranh cử hay tham gia vào chính quyền nữa.

Công tố Mueller đang đánh không phải chỉ một mình TT Trump, mà đánh phá cái định chế tổng thống –presidency institution-, tức là toàn thể tất cả các tổng thống.

Toàn bộ câu chuyện tranh cử tổng thống vừa qua hình như đang trở thành xì-căng-đan chính trị lớn nhất lịch sử Mỹ.
Công tố Mueller, Hạ Viện, Thượng Viện, bộ Tư Pháp, FBI,…

không biết bao nhiêu cuộc điều tra đang tiến hành. Tiêu biểu cho thể chế dân chủ ‘ma-dzê in USA’.

Điều tra, điều tra, điều tra,… không ai có thể lem nhem chuyện gì. Nghe như hỗn loạn hơn nồi cháo lòng, nhưng vẫn còn hơn là trong những chế đố độc tài, tất cả bị dấu nhẹm, bao che cho nhau.

Vũ Linh May 26, 2018
https://baotgm.net/vu-linh-gian-diep-cua-fbi/ (https://baotgm.net/vu-linh-gian-diep-cua-fbi/)

hongnguyen
08-15-2018, 08:16 AM
CÂU CHUYỆN CÁCH LY TRẺ EM (http://diendantraichieu.blogspot.com/2018/06/cau-chuyen-cach-ly-tre-em.html)

Tin tức TTDC thời gian qua tràn ngập tin về cơn hồng thủy chính trị mới, rất có phối hợp nhịp nhàng, từ CNN đến NBC, ABC, CBS, từ WaPo đến NYT, từ Newsweek đến TIME, kể luôn cả các lực lượng #NeverTrump của các nhóm Bush, McCain, Paul Ryan,… và cả truyền thông thông ngôn, đều nhất loạt đồng ca bài hát mới: ‘Trump tàn ác vô nhân phân tán gia đình di dân đáng thương’.

Dưới thời TT Trump, người ta có cảm tưởng sóng thần chính trị xẩy ra mỗi tuần, bất cứ chuyện gì bất lợi cho TT Trump, kể cả những chuyện lắt nhắt nhất như đôi giầy cao gót của bà Melania, hay Trump giơ tay chào trả lễ một sĩ quan Bắc Hàn, cũng đều được cây đũa thần của TTDC biến thành một cơn đại hồng thủy đang nhận chìm TT Trump. Mà đây không phải là chuyện mới lạ.

Ngay từ khi ông Trump đang tranh cử, ta luôn luôn thấy những tin động trời với những tít khổng lồ chạy ngang qua trang nhất các báo hay dưới các bản tin của TV, báo tin cuộc vận động tranh cử của ông Trump bị đại nạn, ông Trump tiêu đời, ông Trump hết hy vọng,… Để rồi ông vẫn phây phây đắc cử.

Ngay cả sau khi ông đã tuyên thệ nhậm chức thì cuộc chiến vẫn không ngừng, nhưng gạo đã thành cơm, thôi thì ta đánh kiểu khác. Giống như chuyện đánh võ của Kim Dung vậy, Giáng Long Thập Bát Chưởng, chiêu này không xong, lôi chiêu khác ra thử, không thắng thì lại chiêu khác nữa, cứ thế mà quần.

Đưa đến câu chuyện cách ly trẻ em di dân lậu mà thiên hạ đang đinh tai, hoa mắt vì những tin phịa hay những tin nửa chừng xuân, tức là những tin được phổ biến một phần, dấu bớt một phần. Ai cũng biết câu nói cổ điển “nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa”.

Câu chuyện xưa hơn trái đất, nhưng được hâm nóng, quét dầu mỡ và xào nướng lại. Và đúng như mong đợi, đã trở thành đề tài than đỏ làm xúc động cả nước Mỹ, hay chính xác hơn, xúc động cả thế giới vì… đụng tới trẻ em. Xúc động hơn cả vụ DACA trước đây.

Vấn đề di dân lậu không phải mới ra đời từ ngày ông Trump đắc cử tổng thống. Nó đã phát sinh từ dưới thời TT Reagan cách đây gần bốn thập niên. Từ đó đến nay, qua 5 đời tổng thống, không ai giải quyết được gì hết. Đúng như Đức Giáo Hoàng nhận định, rắc rối di dân đã có từ mấy đời tổng thống trước, không phải bất ngờ có khủng hoảng vì TT Trump.
Năm 2008, ông Obama tranh cử tổng thống, hùng hổ hứa hẹn “tôi sẽ giải quyết tận gốc vấn đề di dân trong vòng một năm đầu”.

Kết quả bầu cuối năm đưa đảng DC của ông lên nắm toàn quyền sinh sát: kiểm soát Tòa Bạch Ốc, nắm thế đa số Hạ Viện, nắm luôn thế đa số tuyệt đối 60 ghế Thượng Viện. Tức là đảng DC và tân TT Obama có quyền ra bất cứ luật gì, mà đảng CH chỉ có quyền ngồi khóc. Đảng DC nắm trọn vẹn quyền lập pháp và hành pháp trong hai năm 2009-2010, cho đến cuối 2010 khi cuộc bầu giữa mùa mang lại cho đảng DC thất bại lớn nhất trong hơn nửa thế kỷ, mất 63 ghế tại Hạ Viện, vì cái tội đã thông qua Obamacare.

TT Obama giải quyết vấn đề di dân lậu ngay trong năm đầu như đã long trọng hứa với dân trong khi ông nắm trọn quyền ra luật và thi hành luật? Thưa không, dĩ nhiên! Ông áp dụng ngay chiến thuật ‘kiên nhẫn chiến lược’ tuyệt đối không đụng, không nhắc, không nói, không bàn gì về vấn đề di dân. TTDC tuyệt đối im phăng phắc, không một anh nhà báo nào dám hó hé nhắc lại lời hứa của Đấng Tiên Tri.

TT Obama im lặng luôn cho đến hết nhiệm kỳ? Thưa không, dĩ nhiên! Năm 2011, CH kiểm soát Hạ Viện. TT Obama gian ngoan nhất trần đời, mang ngay vụ di dân lậu ra bàn và yêu cầu quốc hội giải quyết. Quốc hội phân hoá từ thời Reagan không giải quyết được gì.

Tại sao TT Obama không đụng đến vấn đề di dân khi ông nắm toàn quyền mà lại khơi ra khi ông đã hết kiểm soát được quốc hội?

Thưa quý vị, đó là vì vấn đề di dân thật ra không có giải pháp nào hoàn hảo hết, không thể tìm ra được sự đồng thuận nào để có thể thông qua bất cứ luật nào, từ thời TT Reagan đến giờ. Một cách thật tóm gọn cho dễ hiểu, không có tam thập lục chước mà chỉ có một giải pháp duy nhất: bít kín biên giới để cản không cho di dân lậu vào nữa, rồi ân xá trọn vẹn hơn 12 triệu di dân lậu đã sống ở Mỹ. Nhưng vấn đề là nói dễ làm khó.

Thứ nhất, không có cách nào bít kín biên giới. TT Trump hứa xây tường, nhưng gần hai năm nắm quyền vẫn chẳng làm được gì vì kế hoạch quá đắt, quá phức tạp trên phương diện luật pháp và quá khó khăn về kỹ thuật. Thứ nhì, ân xá trọn vẹn hơn cả chục triệu di dân phạm pháp thì dân Mỹ không bao giờ chấp nhận. Dân Mỹ không xuống đường biểu tình hò hét gì, nhưng bất cứ ông chính trị gia nào hô hào ân xá, sẽ mất ghế ngay trong cuộc bầu tới.

Hiểu được vấn đề, TT Obama nín khe trong hai năm đầu vì ông biết ông sẽ không ra được luật gì hết. Cho dù DC nắm đa số tuyệt đối tại cả hai viện, ông cũng không ra được luật nào vì ngay trong đảng DC cũng đã có rất nhiều chia rẽ, bất đồng trong vấn đề di dân lậu, không thể nào có đủ phiếu để thông qua bất cứ luật nào. TT Obama không muốn quốc hội DC bị chỉ trích vì thất bại nên ém nhẹm vấn đề.
Đến khi CH nắm đa số thì có cớ để bán cái, TT Obama khui ra rồi đổ thừa ngay cho CH đang kiểm soát Hạ Viện: “đảng CH ngăn cản tôi giải quyết vấn đề di dân!”.

Đi vào vấn đề thời sự ngày hôm nay: việc cách ly trẻ em

Trước đây, tuyệt đại đa số di dân lậu tìm cách chạy qua biên giới Mỹ đều là dân độc thân, bị bắt nhốt, đợi ngày trục xuất hay tòa cho ở lại.
Sau đó có phong trào mấy anh di dân lậu này mang theo bầu đoàn thê tử cả đám. Có thể là gia đình thật, con thật, nhưng cũng có dịch vụ nhận vợ giả và nhất là con giả của mấy tay làm nghề buôn người: bố mẹ của các trẻ em nhỏ Nam Mỹ hay Trung Mỹ trả tiền cho chúng để làm giấy tờ khai con giả, chúng mang mấy đứa trẻ qua được Mỹ là xong, không ai dám trục xuất mấy đứa nhỏ, đợi chúng lớn, đủ tuổi vào dân Mỹ, bảo lãnh bố mẹ qua là xong.

Bị bắt thì cả gia đình, cả đám bị giam trong tù hay trại tạm trú chờ ngày tòa án di dân quyết định trục xuất hay cho ở lại. Thủ tục tòa rất lâu vì có quá nhiều di dân lậu bị bắt, phải chờ có khi vài tháng, có khi vài năm. Các luật sư của đám di dân kiện ra tòa vì chính sách vô nhân đạo, nhốt trẻ con cả năm trời mặc dù chúng còn nhỏ chẳng biết gì.

Năm 1997, dưới thời TT Clinton, trong phán quyết gọi là Flores Settlement Agreement, tòa phán cảnh sát biên giới không được nhốt các trẻ em này quá 20 ngày. Sau đó chỉ có quyền giam giữ người lớn, còn các trẻ em phải bị cách ly, thả ra, đưa cho họ hàng nhận nuôi nếu có, nếu không có thân nhân thì chính phủ Mỹ phải nuôi riêng trong các trung tâm đầy đủ tiện nghi và đầy đủ dịch vụ y tế, chờ ngày đoàn tụ qua quyết định của tòa.

Tuy không phải là luật do quốc hội biểu quyết, nhưng đó là án lệ đã được tất cả các chính quyền Clinton, Bush và Obama tôn trọng, không nhiều thì ít. Bây giờ TT Trump thi hành án lệ một cách nghiêm chỉnh, tsunami nổi lên: tất cả TTDC nhất tề hô hoán Trump tàn ác, vô nhân đạo.

TV và báo tràn ngập những chuyện trẻ em mới có vài tháng đã bị lôi ra khỏi tay bà mẹ,… Bà Rachel Maddow, chuyên gia nói lảm nhảm chửi Trump trên đài MSNBC đang bình loạn trên TV thì oà ra khóc nức nở, bỏ dở cuộc nói chuyện. Kẻ này sẽ không lấy làm lạ nếu Hồ Ly Vọng trong tương lai chế ra giải Oscar đóng phim khóc lóc kiểu Hàn Quốc cho các nhà báo, và bà Maddow sẽ là người đầu tiên lãnh giải.

Một anh nhà báo sáng tạo hơn, thu tiếng trẻ em gào khóc cho lên radio cả mấy chục phút để thiên hạ được nghe.
Thấy những chuyện này mà không động lòng rớt nước mắt mới là lạ.
Nhưng dĩ nhiên, không báo hay đài TV nào nhắc lại chuyện TT Clinton cho Vệ Binh Quốc Gia bắt chú bé Elian Gonzalez, trục xuất về Cuba năm 2000.

https://cbsmiami.files.wordpress.com...size=699%2C450 (https://cbsmiami.files.wordpress.com/2016/11/gettyimages-51535832.jpg?w=1500&resize=699%2C450)
Chú bé Gonzalez năm 2000

Luật lệ rất rõ rệt: chính quyền Mỹ có ba cách giải quyết trong trường hợp bắt được di dân lậu có trẻ em trong đám:

1. Những người bị bắt có thể được chở về nguyên xứ ngay cùng với cả gia đình, không có cách ly gì hết. Giải pháp nhanh, tiện, nhân đạo, dễ nhất.
Cái gian trá của TTDC là cố tình mập mờ để khỏa lấp việc tất cả những gia đình này đều là di dân băng biên giới lậu bị bắt, và tất cả đều có thể chấp nhận bị đưa về nguyên quán. Họ sẽ được đoàn tụ và chở về xứ ngay lập tức, do chính phủ Mỹ đài thọ. Nhưng vấn đề là đám di dân này, không ai chịu trở về xứ.
Gia đình họ bị cách ly vì họ chọn ở lại, chịu bị giam trong khi chờ đợi tòa di dân quyết định, họ chấp nhận như vậy. Đi đến giải pháp thứ hai.

2. Cả gia đình bị tạm giam nếu họ xin ở lại, chờ quyết định tòa. Như đã bàn ở trên, đây là giải pháp trong những năm đầu của TT Clinton. Cả gia đình có thể bị giữ cả mấy tháng, cả năm không chừng.
Sau đó, vì thưa kiện, tòa phán chính quyền Mỹ chỉ được giam trẻ em tới 20 ngày, sau đó phải cách ly, giữ người lớn, thả trẻ em. Đó là cách chính quyền Trump vừa làm. Đài NBC khẳng định việc cách ly trẻ con là con đẻ của TT Trump, “He created it”.
Trang mạng cực tả Huffington Post viết “chưa bao giờ có cái luật cách ly hết, đó là do Trump chế ra”. Fake news thô bỉ nhất! TT Trump không chế ra luật nào hết.
Chỉ là thi hành án lệ đã ra đời từ dưới thời Clinton. Tất cả những sinh viên luật năm dự bị cũng đều biết luật pháp luôn luôn dựa trên hai cái cột: luật do quốc hội chính thức ban hành, và án lệ từ các tòa án, do các quan tòa diễn giải và áp dụng luật.

3. Muốn tránh cách ly, chỉ còn một cách: trả tự do cho đám bố mẹ di dân lậu để họ được ‘đoàn tụ’ với con cái, và… biến mất vào trong xã hội Mỹ. Không ai dám nói trắng ra, nhưng đây chính là giải pháp khối cấp tiến, đảng DC và TTDC thực tâm muốn thấy. Sắp tới, sẽ đòi hỏi.

TT Trump áp dụng án lệ của năm 1997 một cách đúng đắn. Bắt buộc phải thi hành luật gắt gao hơn, ‘zero tolerance’. Đưa đến tình trạng quái lạ chỉ thấy dưới thời TT Trump: tổng thống thi hành đúng luật, bị cả nước xúm lại chửi là vô nhân đạo.
TTDC và cả phe DC xúm lại chửi TT Trump là vô nhân đạo. Thi hành luật mà bị tố là vô nhân đạo thì chỉ có một cách giải thích: đó là vì chính cái luật đó là luật vô nhân đạo.

Nước Mỹ này đã có một luật ‘vô nhân đạo’ từ hơn 20 năm nay. Ba đời tổng thống, tại sao lại có thể có và duy trì một luật vô nhân đạo như vậy? Ba ông tổng thống này đã làm gì? Ngủ gật hết sao? Sao không ai chửi cái luật đó? Sao không ai chửi TT Clinton? Sao không ai sửa luật? Mà chỉ xúm lại chửi TT Trump đã thi hành luật?

Ông Jeh Johnson, cựu bộ trưởng An Ninh Lãnh Thổ của TT Obama viết báo: “Chính sách zero tolerance là vô đạo đức” (Zero tolerance policy is immoral).

Kẻ này xin đề nghị kể từ nay, mỗi lần nước Mỹ ra luật gì, phải thòng theo điều khoản cuối cùng, ghi rõ luật này cần được thi hành 100%, hay luật này chỉ được phép thi hành 50%, hay 30%, hay 10% thôi, tùy tổng thống phe ta hay không và tùy có ‘phải đạo chính trị’ hay không.

TTDC viện dẫn các TT Clinton, Bush và Obama đều có chính sách ‘nhân đạo’ không quá khắt khe trong việc cách ly. Tại sao? Clinton thả lỏng vì đang điên đầu về chuyện Monica và đàn hặc, không rảnh cãi cọ chuyện vài trăm đứa con nít di dân. Bush bị chìm đắm trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, Afghanistan và Iraq, không rảnh lo thi hành luật lắt nhắt đối phó với vài trăm gia đình di dân lậu.
Cả hai đều nhắm một mắt. Obama thì chủ ý muốn nhận di dân gốc Nam Mỹ vì cần phiếu dân gốc La-Tinh, nhắm cả hai mắt.
Chính vì chính sách kiểm soát di dân lậu dễ dãi của ba đời tổng thống nên ngày nay mới có tới hơn 12 triệu di dân lậu, để vấn đề trở thành quá lớn không còn giải pháp nữa. TT Trump không thể nhắm mắt được nữa vì ông đã tranh cử với chương trình chấm dứt nạn di dân lậu. Và đã được bầu vì lời hứa đó.

Trên thực tế chính trị, phải nhìn nhận TTDC đã khai thác quá giỏi những hình ảnh trẻ em kêu khóc vì bị cách ly khỏi bố mẹ, khiến hầu hết mọi người khó ai chấp nhận được. Nhất là tại cái xứ Mỹ này là nơi mà trẻ con luôn luôn là ưu tiên số một, bất khả xâm phạm.

Để rồi cuối cùng, TT Trump cũng phải chịu thua, ký sắc lệnh ngưng việc cách ly ngay lập tức. Thật ra, cũng không phải là TT Trump đã chịu thua. Chính TT Trump đã tuyên bố rõ ràng ông không muốn thấy cảnh cách ly trẻ con, nhưng đó là luật, là án lệ của thời ông tổng thống DC Clinton. Không phải là cái gì mới do ông sáng chế ra.

Ngay sau khi TT Trump ký sắc lệnh, xin đố quý vị biết phản ứng của TTDC như thế nào? TTDC ca tụng TT Trump biết điều, nhân đạo?

https://encrypted-tbn0.gstatic.com/i..._KLUEfjtD5Diiw (https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTSPhtNZiM-oECo-OFxu-qma8Lf_XRapfOMTn2X_KLUEfjtD5Diiw)

Quý vị chỉ cần mở báo Washington Post là thấy ngay. WaPo chạy tít khổng lồ: “TT Trump ký sắc lệnh ngưng việc cách ly, vi phạm luật năm 1997”. TT Trump thi hành luật thì bị tố là vô nhân đạo. Bây giờ ông ký sắc lệnh ngưng thi hành luật thì bị phạng ngay là không tôn trọng luật. Thế thì tóm lại TT Trump phải làm gì để được TTDC chấp nhận?


TT Trump ký sắc lệnh ngưng cách ly, nhưng không thể trả tự do cho bố mẹ đám trẻ con được. Chưa có quyết định của tòa di dân, không thể thả cho đám di dân biến vào nước Mỹ được. Có nghiã là đám trẻ con này sẽ phải bị nhốt chung với bố mẹ. Tin giờ chót, bộ trưởng Tư Pháp đã nộp đơn ra tòa xin hủy án lệ 1997, để cho phép được tạm giữ cả gia đình qua thời hạn 20 ngày. Bà quan tòa là dân Mỹ gốc Tầu do TT Obama bổ nhiệm. Để xem bà quyết định ra sao.

Các cụ tỵ nạn có thể yên tâm, không bao lâu nữa, sau khi đám trẻ con này bị giữ một thời gian, bất kể tòa có hủy án lệ hay không, một cơn sóng thần mới sẽ được TTDC quậy tung trời nữa và các cụ sẽ có dịp chửi tiếp. TT Trump vô nhân đạo, nhốt trẻ con cả tháng, cả năm! Lại chiêu mới. Chạy trời không khỏi nắng, cách nào thì TTDC cũng có lý do để đánh thôi.

Trang mạng cấp tiến Huffington Post đã bắn phát súng đầu tiên, tố ngay: TT Trump không thể nhốt trẻ con vô hạn định.
Tóm lại, chỉ có một biện pháp duy nhất mà TTDC và khối cấp tiến thực sự nhắm đến: mở toang cửa biên giới.

Tin buồn cho TTDC: dân Mỹ khôn hơn họ tưởng. Theo thăm dò của Rasmussen, bất kể chiêng trống ầm ĩ của TTDC, đa số dân Mỹ (54%) cho rằng việc cách ly trẻ con là lỗi tại đám bố mẹ di dân lậu, chỉ có một phần ba (35%) cho rằng đây là do chính sách di dân của chính quyền Trump.

Tóm lại, đây là vấn đề luật. Sắc lệnh của TT Trump không đủ, chỉ là biện pháp vá víu nhất thời. Cái mà nước Mỹ cần là phải có luật quy mô giải quyết toàn bộ vấn đề di dân lậu.
Quốc hội cần phải giải quyết vấn đề di dân càng sớm càng tốt chứ không thể kéo dài vô hạn rồi bắt tổng thống ký sắc lệnh vá víu để rồi ký hay không ký cũng bị chửi.
Nhưng vấn đề là quốc hội là một đám chính khách ô hợp, bất cần quyền lợi cả nước, chỉ lo cho cái ghế của mình, nhất là vài tháng trước ngày bầu cử. Và vì khác biệt quyền lợi, sẽ rất khó đạt được đồng thuận để ra được luật về vấn đề nhức răng di dân lậu này.

Tin giờ chót, hôm thứ Năm vừa rồi, Hạ Viện thất bại không thông qua được luật di dân mới, vì phe DC chống 100%, trong khi phe CH chia rẽ ngay trong nội bộ. Rời lại qua tuần tới. Nhưng rồi có nhiều triển vọng chẳng đi đến đâu khi phe DC chống đối 100%, vì lên tới Thượng Viện, CH không đủ 60 phiếu để thông qua.


Nhìn vào toàn diện vấn đề, ta thấy hình như cuối cùng thì TTDC và phe đối lập DC đã khám phá ra đề tài để đánh TT Trump hữu hiệu nhất từ trước đến nay.
Cái đề tài ‘thông đồng’ với Nga càng ngày càng trở nên cơm nếp nát khi ông công tố Mueller bỏ hơn cả năm trời mà vẫn chưa ai thấy gì cụ thể hay kinh hồn ngoài việc vài ông phụ tá bị chộp vì những chuyện bá láp chẳng ăn thua xa gần gì đến chuyện thông đồng. Tố TT Trump nói láo, thiếu tư cách, khùng điên, dâm đảng, …chỉ khiến thiên hạ hỏi “rồi sao?”.
Quá nhàm chán và vô hiệu quả hoàn toàn. Chẳng thể làm gì được ông tổng thống hết.

Quan trọng hơn cả, đây là đề tài quá hấp dẫn, đến độ có thể lấn át được tất cả những thành quả của TT Trump, như kinh tế phát triển mạnh, công ăn việc làm được tạo ra ào ào, có triển vọng hòa bình lâu dài tại Hàn Quốc, có dịp phục hồi lại cán cân ngoại thương thảm hại của Mỹ, có thể ngăn chận chính sách mậu dịch ‘tân đế quốc’ của Trung Cộng,…
Chẳng còn bao lâu nữa là đến bầu cử quốc hội, đây là cách tốt nhất để DC chiếm thế đa số tại Hạ Viện và hy vọng, cả Thượng Viện luôn.

Một câu chuyện đáng suy nghĩ: bên Pháp, người ta coi án tử hình là vô nhân đạo. Nhưng không ai tố tổng thống Pháp vô nhân đạo vì thi hành luật. Cũng chẳng ai chỉ trích thi hành luật nghiêm chỉnh là vô đạo đức. Họ làm gì? Quốc hội sửa luật, hủy bỏ án tử hình. Hết chuyện, chẳng xì-căng-đan, chẳng khủng hoảng gì hết. Ở Mỹ? Giữ luật, chửi tổng thống.

Vũ Linh (June 23, 2018 (https://baotgm.net/2018/06/))
https://baotgm.net/vu-linh-cau-chuyen-cach-ly-tre-em/ (https://baotgm.net/vu-linh-cau-chuyen-cach-ly-tre-em/)

hongnguyen
08-15-2018, 08:20 AM
Lại Chuyện Khủng Bố

Cuộc tấn công khủng bố tại Brussels vừa qua đã xác nhận mối đe dọa lớn nhất cho cả thế giới hiện nay là khủng bố của Hồi giáo cuồng tín, chủ trương giết càng nhiều người vô tội càng tốt, trong mục tiêu chẳng ai hiểu rõ là gì, ngoài giấc mộng mù mờ tái lập đế chế Hồi của thời Trung Cổ, muốn mang cả nhân loại lui lại vài thế kỷ.

Cái đau đầu lớn nhất của các vị lãnh đạo thế giới là chẳng ai biết mấy tên khủng bố thực sự muốn gì? Mục tiêu tối hậu là gì? Thành ra các chính quyền từ Trung Đông qua đến Âu Mỹ đều rõ ràng là lớ ngớ không biết phải đối phó như thế nào.

Kẻ viết này cũng bạo gan lạm bàn vấn đề to lớn này vì đó là vấn đề sinh tử của nhân loại hiện nay. Chui đầu dưới cát để phủ nhận mối nguy cơ này chỉ là cách hữu hiệu để... chết mà không biết mình chết như thế nào và tại sao.

Khối Hồi giáo cuồng tín và các nhóm ủng hộ họ đã đưa ra hình ảnh một tôn giáo và một văn hoá bị các đế quốc Thiên Chúa giáo da trắng truy diệt từ cả ngàn năm nay, bắt buộc họ phải tự vệ để sinh tồn, hay chỉ để trả thù.

Đại để thì theo lập luận của những chuyên gia thiên về phiá Hồi, thì cuộc chiến hiện nay đã bắt đầu từ thời Thập Tự Chinh khi các đế quốc Âu Châu theo Thiên Chúa giáo nghe lệnh của các Giáo Hoàng La Mã đi chinh phạt và chiếm các đế quốc Hồi thời Trung Cổ, từ năm 1100 tới khoảng 1300.
Các đạo quân Thập Tự Chinh theo lập luận này là những đạo quân tàn ác nhất lịch sử nhân loại đã giết dân Hồi bằng những phương thức tàn độc nhất như thiêu sống, chôn sống, hành hình bằng những dụng cụ kinh hồn nhất, v.v…

Lập luận này có vẻ một chiều, do những người có cảm tình với khối Hồi giáo phổ biến và một số người không chịu tìm hiểu kỹ, góp nhặt rồi lập lại thôi.

Trước hết không thể nói tự nhiên các Giáo Hoàng lại kêu gọi và các vương quốc Âu Châu vác quân qua tuốt bên kia Điạ Trung Hải đánh quân Hồi. Phải nói cho ngay Thập Tự Chinh khai mào như một cuộc chiến tự vệ của các đế quốc Âu Châu theo Thiên Chúa giáo.

Trong suốt thời gian hơn 500 năm từ thời Tiên Tri Mohamed, Hồi giáo không ngừng bành trướng, xuất phát từ một tỉnh nhỏ giữa sa mạc Ả Rập Saudi, để trở thành một đại đế quốc trải dài từ biên giới Ấn Độ phiá đông cho tới Maroc trên bờ biển Đại Tây Dương phiá Tây. Phiá nam, xóa bỏ hẳn văn minh Ai Cập đã có từ mấy ngàn năm trước, và phiá bắc, đô hộ luôn cả Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha của Âu Châu cả mấy trăm năm.

Thập Tự Chinh bắt đầu khi đế quốc Hồi đe dọa chiếm đế quốc Byzantyn, tức là đế quốc La Mã phiá đông, từ Hy Lạp qua Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, có quan hệ “máu mủ” với đế quốc La Mã phiá tây tại Roma. Byzantyn cầu cứu La Mã, khoảng năm 1100, đưa đến Thập Tự Chinh.
Một lý do nữa là Thiên Chúa giáo cần bảo vệ vùng thánh địa của họ tại vùng của Do Thái ngày nay, nơi mà Hồi giáo đã chiếm trọn vẹn và đang chu diệt dân Do Thái cũng như dân Thiên Chúa giáo. Nói cách khác, Thập Tự Chinh là một cuộc chiến tự vệ hơn là một cuộc chiến xâm lăng như các tài liệu thân Hồi phổ biến.

Dù sao thì lập luận cuộc chiến của khủng bố thế kỷ thứ 21 này là hậu quả của Thập Tự Chinh, một cách Hồi giáo trả thù Thiên Chúa giáo nghe quá gượng ép, đi quá xa. Thập Tự Chinh xẩy ra cách đây cả ngàn năm rồi.

Nếu nói lý do sâu xa thì phải nói ngay cuộc chiến này nằm trọn vẹn trong chủ trương bành trướng của chính tôn giáo Hồi.

Các đế quốc Hồi giáo, từ thời Tiên Tri Mohamed, đến các thời đại kế tiếp Rashidun, Umayyad, rồi sau này Ottoman,… đều bành trướng bằng chiến tranh xâm lăng, tàn sát tất cả những kẻ ngoại đạo, chứ không phải bằng truyền bá bất bạo động trong khuôn khổ tôn giáo thuần túy như Phật giáo chẳng hạn. Hồi giáo không có phân chia đạo và đời, do đó là một tôn giáo nhưng đồng thời cũng là một thế lực đế quốc, một chế độ chính trị, và một lực lượng quân sự đi chinh phạt thế giới.

Sự bành trướng qua chiến tranh xâm lăng đó chẳng phải chỉ nhằm lấn qua vùng đất ngoại đạo, mà ngay cả chính trong khối Hồi giáo luôn.

Tiên Tri Mohamed qua đời bất đắc kỳ tử, không để lại di chiếu, cũng không ghi gì rõ ràng trong kinh Kuran mà chính ông viết ra, do đó, sau cái chết của ông, nổ bùng ra cuộc tranh chấp sinh tử về việc kế nghiệp. Một khuynh hướng chủ trương kế nghiệp theo hình thức tương đối dân chủ là thiết lập chế độ quản trị tập thể, dưới một “hội đồng”, rồi hội đồng đó bầu ra một “giáo chủ”. Đó là phe Sunni, cũng là phe đại đa số, đang có ảnh hưởng lớn tại Ả Rập Saudi, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, và phần lớn các nước Hồi giáo.

Các tổ chức khủng bố al Qaeda và ISIS cũng đều thuộc phe Sunni này. Một khuynh hướng khác thì tôn vinh các con cháu, có quan hệ huyết thống với Tiên Tri Mohamed lên làm lãnh đạo. Đó là phe Shia, hay Shiite, nắm đa số tại Iran, Iraq và Syria (đại đa số dân Syria theo Sunni nhưng gia đình nhà độc tài Assad lại theo Shiite, đó là lý do chính của cuộc nội chiến Syria đã kéo dài cả chục năm nay. Iraq trước đây cũng trong tình trạng ngược ngạo này, đại đa số dân theo Shiite, nhưng Saddam Hussein lại là Sunni).

Ngay sau khi Tiên Tri Mohamed qua đời, cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã bắt đầu liền. Kéo dài cho đến ngày nay. Cho dù cùng đạo và thờ cùng một Tiên Tri, nhưng hai bên tàn sát nhau thẳng tay, cả triệu người đã bị giết trong các cuộc chiến này. Họ giết lẫn nhau tàn bạo không thua gì quân Thập Tự Chinh giết họ.

Thực tế, bất chấp tất cả mọi lập luận “phải đạo chính trị” thời thượng hiện nay, Hồi giáo chưa bao giờ là một tôn giáo tôn vinh “hoà bình” hay “nhân ái” gì hết. Nếu Hồi giáo có kêu gọi hoà bình thì cũng chỉ là hoà bình trong vùng mình kiểm soát thôi, chưa bao giờ kêu gọi hoà bình, sống chung với các đế quốc chính trị hay tôn giáo khác. Không có tôn giáo nào chủ trương giết người ngoại đạo công khai như Hồi giáo.

Ở đây, trước khi trách cứ Tiên Tri Mohamed, ta phải coi lại bối cảnh lịch sử. Như đã trình bầy phần trên, Hồi giáo bành trướng và sống còn bằng võ lực, đi chiếm đất và giết dân xứ khác. Tóm lại, nói Hồi giáo là một tôn giáo ôn hoà, “yêu chuộng hoà bình” không phản ánh sự thật chút nào. Muốn đối phó với khủng bố Hồi giáo, phải hiểu đó là một tôn giáo cực kỳ khắt khe và sẵn sàng dùng bạo lực hơn bất cứ tôn giáo nào khác.

Một lý do gần hơn là mối hận của dân Hồi bị dân Thiên Chúa giáo da trắng đô hộ trong những thế kỷ 18-19. Toàn thể thế giới Hồi từ Pakistan qua Maroc bị lọt vào vòng thuộc điạ của các đế quốc Âu Châu thời đó. Không là thuộc địa của Anh thì cũng của Pháp, Đức, Ý, Hoà Lan,...

Các đế quốc thực dân này dĩ nhiên chẳng coi đạo Hồi là gì, tìm đủ cách đàn áp một cách tàn bạo nhất. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, tất cả các thuộc địa đều được trao trả độc lập, nhưng nỗi hận không giảm bao nhiêu khi giới lãnh đạo bản xứ bị coi như “đám tay sai” của ngoại bang để lại, không tàn ác thì cũng độc tài, chiếm đoạt tài nguyên –dầu hỏa- của cả nước làm tài sản riêng của hoàng tộc, mặc cho dân chết đói.

Từ đó, ta hiểu tại sao các nhóm khủng bố chủ trương đánh luôn cả các chính quyền Hồi giáo bản xứ hiện nay.

Lý do gần hơn nữa là việc thành lập quốc gia Do Thái, qua một quyết định của các cường quốc Âu Mỹ, cắt một phần lãnh thổ Palestine khi đó là thuộc địa Anh. Đối với dân Hồi giáo Ả Rập, đây không khác gì chuyện cài cây kim vào giữa mắt họ, nhất là khi vùng đất này cũng là thánh địa của đạo Hồi. Ngay sau đó, đã xẩy ra chiến tranh liên miên giữa Do Thái và khối Ả Rập chung quanh. Nhưng qua bao nhiêu cuộc chiến, khối Ả Rập đều thua liểng xiểng. Đưa đến việc áp dụng chiến thuật khủng bố.

Khối Ả Rập áp dụng sách lược khủng bố trong thập niên 60-70, cướp tàu bay, chiếm tàu hàng, giết cả các thể tháo gia Do Thái tại Thế Vận Hội Munich năm 1972,… nhưng rồi cuối cùng cũng thất bại. Thế giới yên tĩnh một thời gian tuy chiến tranh cục bộ vẫn chưa bao giờ ngừng giữa Do Thái và các lực lượng Palestine.

Bước qua một cuộc chiến mới: Liên Xô chiếm Afghanistan. Bất ngờ, Mỹ thành đồng minh của khối Hồi giáo khi các TT Carter và Reagan tích cực giúp lực lượng kháng chiến Hồi giáo mujahedeen chống Hồng Quân Nga.

Quan hệ Âu Mỹ với khối Hồi giáo được cải thiện phần nào, nhất là khi TT Carter làm trung gian giúp tạo hòa bình giữa Do Thái và các nước Ả Rập bao quanh. Nhưng cái giá phải trả là TT Anwar Sadat của Ai Cập bị Hồi giáo cực đoan ám sát chết.

Có nghiã là tuy các chính quyền Trung Đông thân thiện hơn với Mỹ đổi lấy cả tỷ viện trợ kinh tế và quân sự, thì vẫn có một khối Ả Rập Hồi giáo cực đoan không chấp nhận sự tồn tại của Do Thái qua cuống nhau với Mỹ.

Đi đến cuộc chiến Kuweit. Saddam Hussein lên cơn khùng, mang quân qua thôn tính Kuweit, nhưng bị cả thế giới chống lại. Một liên minh cả trăm nước, dẫn đầu bởi TT Bush cha, mau mắn đánh bật Saddam khỏi Kuweit.

Nhưng trong cuộc chiến này, quân Mỹ đã phải mượn lãnh thổ Ả Rập Saudi là thánh địa bất khả xâm phạm của Hồi giáo để đóng quân tạm.
Mỹ lập căn cứ quân sự, phi trường, bến tàu,... đóng quân tại đây. Và tiêu biểu cho cách cư xử của một đại cường cao bồi, nếu không muốn nói là đại đế quốc, Mỹ đã vi phạm nhiều luật lệ tối kỵ trên thánh địa Hồi như nhập cảng bia rượu, lính Mỹ uống say bí tỷ ra đường phá làng phá xóm, nữ quân nhân Mỹ lái xe (!) khắp phố, mặc bikini phơi nắng,... Đa số dân Hồi bị sốc nặng.

Gây bất mãn cho một ông tỷ phú Ả Rập có tên là Osama Bin Laden!

Phần tiếp theo là... lịch sử cận đại chúng ta đã biết hết rồi.

Dẫn đến... ISIS. ISIS là hậu thân của al Qaeda, chi nhánh Iraq, do Anwar al Awlaki thành lập với các nhóm cựu quân nhân Baath của Saddam khoảng 2007-08 thời TT Bush. Nhưng nhóm này bị tướng Petraeus đánh tơi tả, và al Awlaki bị đánh bom chết. Lực lượng này tan hàng rã đám, còn lại vài trăm tên.

Một giáo sĩ khác tên là Bakr al Baghdadi xuất hiện. Anh này trước đây bị TT Bush bắt giam từ 2004; đến 2006 thì bị giam lỏng tại gia. Năm 2009, TT Obama trả tự do hoàn toàn, anh giáo sĩ này gia nhập ngay tổ chức của al Awlaki. Trong cái nhóm nhỏ xiú này, anh đã leo thang rất nhanh, được bầu làm lãnh tụ năm 2011, kế vị al Awlaki.

Anh giáo sĩ này cũng đã mau mắn chứng tỏ khả năng đặc biệt về chính trị, tổ chức và cả quân sự. Đưa đến chiến thắng và sự lớn mạnh mau chóng của ISIS, chiếm được cả nửa Syria và nửa Iraq trong vòng chưa tới hai năm.

Thật ra, Mỹ có dư thừa khả năng giết ISIS từ trong trứng nước, nhưng TT Obama đã không làm. Ông không muốn làm mạnh chỉ vì bản tính “nhân hậu” đã được giải Nobel Hòa Bình khi vừa nhậm chức, và cũng vì khi đó lo đi vận động bầu cử năm 2012, đã lỡ khoe khủng bố đã bị diệt rồi và ISIS chỉ là đội bóng rổ trung học, bây giờ há miệng mắc quai, không làm mạnh được.

Có người bênh vực TT Obama cho rằng ông “cố tình nuôi cho ISIS lớn để cầm chân Iran”. Nếu quả thực như vậy thì TT Obama đã làm một sai lầm lịch sử với những hậu quả kinh hoàng như ta đang thấy.

Nói về sự lớn mạnh của các nhóm khủng bố nói chung, đã có không biết bao nhiêu là giả thuyết diễn giải, đổ thừa qua lại.

Từ những diễn giải về sai lầm chiến lược chính trị và quân sự liên tục từ khi Clinton từ chối không nhận Bin Laden khi tên này bị chính quyền Sudan bắt muốn trao cho Mỹ, phản ứng có lệ khi khủng bố al Qaeda mới ra đời, phá cao ốc World Trade Center, đánh hai toà đại sứ Mỹ tại Kenya và Tanzania, rồi đặt bom tàu chiến của Mỹ tại Aden, qua thời Bush với phản ứng quá cao bồi khi tung quân đánh cả Afghanistan lẫn Iraq; đến phản ứng ngược cực kỳ yếu đuối của Obama.

Cách lý giải này chứng tỏ tất cả sách lược cương hay nhu đều thất bại cả. Thế thì giải pháp ở đâu?

Thiên hạ cũng nhìn vào giải thích của Samuel Huntington về một cuộc chiến mới giữa các nền văn minh khác nhau của nhân loại sau khi chế độ cộng sản sập tiệm. Giải thích này cũng chẳng ổn vì không giải thích được sự xung đột tàn khốc và đẫm máu nhất trong chính nội bộ Hồi giáo giữa hai khối Sunni và Shiite. Cũng như giản dị vấn đề quá mức, như gộp văn minh Âu Mỹ làm một mà không nhìn nhận những hố cách biệt văn hoá vĩ đại giữa các nước trong khối “phương Tây” từ Mỹ qua đến Pháp, từ Ý qua Thụy Điển,...

Đi đến những biện giải của khối cấp tiến tân thời, muốn tìm nguyên nhân của mọi xung đột xã hội qua cuộc chiến giàu nghèo. Giải thích này cũng không chỉnh. Bin Laden là tỷ phú, chẳng nghèo chút nào. Các tay phi công lái máy bay ngày 9/11 đều là trí thức con nhà khá giả.

Dân các nước Ả Rập nghèo đói thật, nhưng không phải lỗi của Tây Phương, mà là do các chính quyền bản xứ tạo ra. Các xứ Ả Rập là những nước giàu tài nguyên nhất thế giới trong khi dân số thì lại thưa thớt nhất.

Đáng lý ra dân các xứ này đều phải là triệu phú hết. Nhưng tuyệt đại đa số lại nghèo rớt mùng tơi trong khi các vua chúa, bà con quý tộc giàu nứt đá đổ vách. Hiện tượng bất công này chẳng dính dánh gì đến các chính sách của các nước Âu Mỹ. Các nhóm khủng bố Hồi giáo nếu bất mãn vì lý do này thì phải lo nổi dậy lật đổ giai cấp lãnh đạo của họ chứ không có lý do gì vác súng chạy qua Paris bắn mấy anh dân Tây vô tội.

Kẻ viết này chỉ nhìn thấy hình ảnh giản dị của một vài anh khủng bố đầy tham vọng cá nhân như Osama Bin Laden hay al Baghdadi, muốn làm chúa tể sơn lâm. Họ là những “siêu nhân” có khả năng xách động quần chúng làm những chuyện điên khùng nhất. Không khác gì mấy anh đạo sĩ vớ vẩn đã thuyết phục được cả trăm người chết vì họ như anh David Koresh tại Waco hay Jim Jones bắt cả trăm người uống Kool-Aid có thuốc độc cùng chết tại Jonestown năm xưa.

Trong cái nhìn giản dị đó, thì giải pháp không thể đến từ phiá ngoài khối Hồi giáo. Có một hiện tượng rất rõ ràng ai cũng nhìn thấy: đó là phản ứng rất “yếu” của cả khối hơn một tỷ người Hồi trên thế giới trước các cuộc tấn công của khủng bố. Lác đác đâu đó cũng có vài tiếng nói lên án, nhưng tuyệt đại đa số im lặng nếu không muốn nói là ủng hộ hay đồng lõa. Những tên khủng bố bên Âu Châu sống trong các cộng đồng Hồi một cách an toàn, được cả gia đình, bạn bè và hàng xóm bao che đùm bọc.

Ngày nào khối một tỷ người Hồi giáo đó còn thụ động hay bảo vệ các tay khủng bố thì ngày đó nguy cơ khủng bố Hồi giáo quá khích không thể tận diệt được.

Nhìn vào kinh nghiệm gần đây, ta thấy một giải pháp đã chứng tỏ thành công phần nào: đó là sách lược của tướng Petraeus đã áp dụng tại cả Iraq lẫn Afghanistan: vừa đánh về quân sự vừa tấn công về mặt chính trị tâm lý, lấy lòng dân chúng, tìm sự hợp tác cụ thể của họ, một chiến lược có cương lẫn nhu, gọi là rút hết nước cho mấy con cá khủng bố chết cạn.

Đáng tiếc là chiến lược đó hiện nay đã bị thay thế bởi một sách lược hoàn toàn khác. Về quân sự thì chỉ lo tháo chạy khỏi vùng Trung Đông cho nhanh, tưởng chừng như rút về nhà đóng cửa là yên thân, mà không nghĩ đến chuyện khủng bố Hồi giáo đuổi theo đến tận nhà.

Nhiều người so sánh các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan với cuộc chiến tại VN ngày xưa, nhưng so sánh này hoàn toàn sai. Tại VN, Mỹ tháo chạy, CSVN chiếm được cả miền Nam, chiến tranh chấm dứt, Mỹ thoát nạn. Tại Trung Đông, Mỹ và Tây Âu tháo chạy, ISIS thắng thế đuổi theo đánh tới Cali và Paris.

Về chính trị thì sách lược mới lo vuốt ve, rồi xin lỗi tám phương bốn hướng, đến chui đầu dưới cát, phủ nhận thực thể khủng bố Hồi giáo cuồng tín, cho đến mở cửa đón nhận cả triệu dân Hồi giáo vì nhân đạo, vì đa dạng văn hoá, vì hội nhập hoàn cầu, vì phải đạo chính trị, vì... hy vọng viễn vông.

Sách lược đó đã đưa đến những đại họa Paris, San Bernardino, Brussels, và... Donald Trump. Vâng, Trump cũng chính là một hậu quả không ngờ của nạn khủng bố Hồi giáo. Không có khủng bố Hồi giáo, giờ này ông Trump vẫn chỉ đang lo xây sòng bài hay tổ chức thi hoa hậu.

Ai biết được sẽ tới đâu nữa? Chỉ biết sách lược hiện hữu đã thất bại hoàn toàn. Lãnh đạo thế giới phải thay đổi cách đối phó thôi. Mở rộng cửa đón nhận dân tỵ nạn Hồi vào là việc làm nhân đạo cần thiết, nhưng khi chưa có biện pháp thanh lọc khủng bố trà trộn vào đám đông thì chắc chắn đó không phải là giải pháp.

Vũ Linh, Mar 27 2016
From Facebook (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)

hongnguyen
08-15-2018, 08:29 AM
Bạo Lực Trong Chính Trị

Tuần qua, một dân biểu liên bang và một phụ tá của một dân biểu khác đã bị bắn trong khi đang chơi bóng chầy –baseball- tại một công viên của thủ đô Washington. Sáu người đã bị bắn kể cả hai cảnh sát viên. Ngoại trừ hung thủ bị bắn chết tại trận, và ông dân biểu còn đang trong tình trạng nguy cấp khi bài này được viết, mọi người chỉ bị thương nhẹ.

Hai điều đáng ghi nhận: dân biểu và phụ tá dân biểu đều thuộc đảng CH. Thủ phạm là một đảng viên DC, từng tích cực vận động bầu cử cho cụ xã nghĩa Bernie Sanders, đồng thời cũng luôn lên trang mạng sỉ vả TT Trump, đảng CH, và hô hào “tiêu diệt Trump và đồng đảng”.

Nạn nhân là những người đang tham dự cuộc tập dợt để chuẩn bị cho cuộc đấu bóng chầy giao hữu gây quỹ phước thiện hàng năm của các nghị sĩ, dân biểu của hai chính đảng. Thủ phạm vác súng đến, hỏi một nhân viên an ninh đám nào là DC, đám nào là CH, rồi bỉnh tĩnh chỉa súng bắn vào đám CH!

Sau khi thủ phạm bị bắn chết, cảnh sát khám thấy trong túi có danh sách nửa tá dân biểu CH.

Tin gây chấn động chính trường Mỹ, nhưng thật ra chẳng có gì ngạc nhiên. Chuyện phải đến đã đến.

Xứ Mỹ này ra đời trong bạo lực, qua một cuộc chiến đẫm máu dành độc lập. Rồi bành trướng qua cuộc tây tiến tàn bạo bắn chậm thì chết mà chúng ta đều được thưởng thức qua phim ảnh Hollywood. Ngay cả Hiến Pháp cũng cho phép người dân tự do sở hữu súng với lý do khá độc đáo là “để bảo đảm người dân có phương tiện nổi loạn chống độc tài của Nhà Nước”. Không phải để đi săn thỏ, săn nai đâu.

Trong lịch sử cận đại, các tổng thống Kennedy, Ford, Reagan, Bush con đều đã là nạn nhân. Mục sư Martin Luther King, thượng nghị sĩ Robert Kennedy, thống đốc George Wallace cũng chia sẻ số phân. Ngay cả nghị sĩ, dân biểu, cũng đã có vài người là nạn nhân.
Mới nhất là bà dân biểu Gabrielle Giffords bị bắn trọng thương vào đầu, tuy không chết nhưng phải về hưu luôn.

Trong cái không khí nguy hiểm đó, phe cấp tiến đã hăng say thổi lửa hận thù không ngừng, từ sau ngày ông Trump giựt cái ghế của bà Hillary.

Từ gần nửa năm qua, khối cấp tiến, đảng DC, và TTDC đã xúm lại đánh TT Trump như chưa từng thấy trong lịch sử chính trị Mỹ.
Từ không nhìn nhận chiến thắng, đến chỉ trích, nhục mạ cá nhân, đến xử dụng ngôn ngữ du đãng, thô tục, đến hăm he đe dọa tính mạng,... không có gì là giới hạn.
Truyền thống dân chủ tôn trọng kết quả bầu cử đã bị lộng kiếng rồi liệng cống rồi.

Phe cấp tiến đã phơi bày ra cả lô mâu thuẫn vĩ đại, để lộ ra bộ mặt thật của họ.

Họ tự nhận “cấp tiến”, nghĩa là khối phản ảnh tư tưởng tiến bộ, văn minh, phóng khoáng, nhân ái, bao dung, tôn trọng tự do, dân chủ, nhìn nhận và hoan nghênh khác biệt chính kiến, màu da, tôn giáo, giới tính, văn hoá,... Một cái lều lớn đa dạng, nơi mà tất cả mọi người đều được hoan nghênh, tất cả đều có tiếng nói.

Và họ tranh đấu chống lại nhân sinh quan của đám bảo thủ Mỹ trắng già, hay Mỹ ruộng, hủ lậu, kỳ thị, độc đoán, bất nhân, bất nhẫn, vô cảm, vũ phu, hung hăng,...

Ta hãy nhìn vào những chỉ trích chống TT Trump của phe cấp tiến: đây là một tay kỳ thị, một Hitler tân thời, không khoan dung.
Như vậy, cần phải chống bằng đủ cách, đối kháng đến cùng. Phải chống không khoan dung bằng cách không khoan dung mạnh hơn. Tất cả mọi người đều được hoan nghênh, có tiếng nói, nhưng với điều kiện tiếng nói hợp nhĩ, còn không thì phải bịt miệng chúng lại.

Họ không nhìn thấy hay không muốn nhìn thấy cái mâu thuẫn trong thái độ đó vì tự cao tự đại, tự cho mình là chân lý, là chính đạo, trong khi Trump là phường bá đạo. Bá đạo thì phải diệt. Ta là chính đạo, có độc tài đàn áp những người khác ý cũng không sao vì là độc tài cho chính đạo. Như Nhạc Bất Quần đứng ra chiêu mộ anh hùng võ lâm diệt ma giáo.

Cái giả dối lớn thứ nhì là miệng hô dân chủ, tự do, tôn trọng dân quyền, nhân quyền, nữ quyền, đồng tính quyền, đủ thứ quyền, nhưng lại chỉ nhìn nhận quyền của chính mình, còn những ai không hợp ý mình thì xin lỗi, chẳng có quyền gì ráo.
Dân quyền, giá trị của lá phiếu chỉ dành cho “phe ta” thôi.

Khi còn đang tranh cử, ứng viên Trump tuyên bố “tôi sẽ xét lại việc bầu bán trước khi công nhận kết quả nếu tôi thua”. Toàn thể khối phe ta, từ TT Obama tới bà Hillary, tới TTDC, tới các chính khách, tin chắc gà nhà sẽ thắng, nhất tề nhao nhao hô hoán tay Trump độc tài, dám coi thường lá phiếu của người dân, đáng chu di tam tộc.

Đến khi gà nhà thất cử thì... không phải tổng thống của tôi, đếm phiếu lại, sửa đổi thủ tục bầu bán, Nga giúp, kháng chiến đến cùng, đàn hặc,...

Cái giả dối thô bạo thứ ba là cái khối người chủ trương nhân ái, tình thương, hòa bình đó cũng là cái khối sẵn sàng dùng mọi phương tiện để đạt mục tiêu, kể cả bạo lực. Hay đúng hơn, lấy bạo lực làm phương tiện sở trường.

Trong lịch sử cận đại, tất cả các cuộc bạo động, xuống đường biểu tình đập phá đều do “phe ta” chủ động, với sự tham gia của các cử tri của đảng DC, kể cả những vụ xuống đường bạo động phản đối chiến tranh VN của sinh viên thiên tả, và những cuộc xuống đường của dân da đen, mỗi lần có một anh “đồng bào” nào bị giết, cho dù đó là một tay côn đồ, hay ăn cướp vặt bị cảnh sát bắn tại trận.
Đố quý vị dẫn chứng ra được một cuộc biểu tình phá xe, đốt nhà nào của khối bảo thủ CH, hay của các cụ Mỹ trắng già, hay của mấy anh cao bồi Mỹ ruộng.

Một ngày sau bầu cử, khi biết gà nhà Hillary đã thua, cả ngàn người đã mau mắn xuống đường, không phải để biểu tình tuần hành trong trật tự và yên tĩnh để bày tỏ sự thất vọng, hay để chia buồn cùng gà nhà, hay để yêu cầu tổng thống tân cử lưu ý đến quyền lợi của phe thất bại. Mà để đập phá, cướp bóc, hôi của, đốt xe, đánh người.

Rồi trong ngày TT Trump tuyên thệ cũng vậy. Cả ngàn người biểu tình cách đó vài con đường. Cũng mô thức cũ: cướp phá, đốt xe.

Ngay trong ngày tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống, cả vạn phụ nữ xuống đường, đội mũ “tai mèo màu hồng”, mang biểu ngữ thuộc loại “cấm trẻ em dưới 18 tuổi”, vênh váo nhục mạ tổng thống với những thậm từ thô bỉ nhất.

Ngay cả đám sinh viên trí thức cũng không khá hơn. Cứ nhìn vào cuộc biểu tình đốt phá trường của sinh viên đại học Berkeley, tự xưng là “thành đồng của tự do ngôn luận”, để ngăn cản cuộc nói chuyện của một nhà báo bảo thủ thì biết.

Biểu tình đập phá mãi cũng nhàm vì vô ích. Phong trào chống đối có vẻ xì hơi. Các vị lãnh đạo DC vội vã thổi ngọn lửa chống đối lại, với sự tiếp tay của TTDC.

TT Obama thay vì về hưu, đi Hawaii nghỉ ngơi, dẹp bỏ chính trị như tất cả các cựu tổng thống, ngồi viết hồi ký cho xứng đáng với hợp đồng 65 triệu vừa ký, đã mua dinh thự mới ở ngay thủ đô, gọi là để ở lại giúp đảng DC phát triển, nhưng thực tế là để cản TT Trump xóa gia tài của mình, như Obamacare chẳng hạn. Ở thủ đô vẫn dễ đi nói chuyện, vận động, hô hào hơn là ở tuốt Hawaii.

Rồi bà Hillary cũng không vừa. Trong lịch sử cận đại Mỹ từ sau thế chiến, đã có tới 18 lần bầu cử tổng thống. Tức là đã có 18 ứng viên thua cuộc. Không kể ông Nixon ra tranh cử và đắc cử lại, tất cả các ứng viên thất cử đều lẳng lặng rút vào bóng tối về hưu dưỡng già hay đi làm chuyện khác, quên việc thất cử.

Nhìn vào các ông Gore, Kerry, McCain, Romney,... thì thấy, không ai lập tổ chức chống người đã hạ mình. Nhưng bà Hillary thì khác. Lòng vòng đi cả nước khóc lóc, than phiền, biện giải, đổ thừa, rồi thành lập một tổ chức chính trị với mục đích đánh phá tổng thống đắc cử để trả thù.

Bà Hillary lớn tiếng kêu gọi chống đối, kháng chiến –resist-. Kháng chiến chống cái gì? Chống kết quả của một cuộc bầu cử hợp pháp, hợp hiến và chính danh? Nhân danh một người thua cuộc? Cương quyết vứt bỏ lá phiếu của dân vào thùng rác, chống đối đến cùng.

TTDC thì khỏi bàn thêm. Theo một nghiên cứu của đại học Harvard, hơn 80% các bài báo và bản tin của TTDC đều có tính tiêu cực chống TT Trump, dẫn đầu bởi CNN và New York Times, với 93%.

Bị chỉ trích nặng, một bà nhà báo vội biện hộ trên báo Washington Post. Bà giải thích là đòi hỏi truyền thông phải công bằng là chuyện sai hoàn toàn vì truyền thông có trách nhiệm phải chống khi thấy có chuyện sai trái, khi tổng thống làm bậy,... Mà TT Trump này làm bậy gần 100% thì gần 100% chống là quá đúng rồi. Đó mới là chu toàn trách nhiệm nghiêm chỉnh của nhà báo, đó mới là yêu nước.

Nghe phớt qua có vẻ có lý. Xét kỹ lại thì thành ngụy biện. Thế nào là “chuyện sai trái”? Khi nào thì gọi là “tổng thống làm bậy”? Theo những tiêu chuẩn nào? Tiêu chuẩn của TTDC thiên tả đặt ra sao?

TTDC bây giờ ngạo mạn, tự khoác cho mình cái áo của chính nghĩa, của chân lý tuyệt đối, của người hùng bảo vệ đất nước này?
Tất cả ai làm khác ý TTDC đều là sai trái đáng bị chỉ trích hết?

Ví dụ cụ thể: TT Trump hủy bỏ Obamacare vì Obamacare đã đưa đến tình trạng chi phí bảo hiểm y tế tăng quá mạnh, trở thành một gánh nặng tài chánh quá lớn cho giới trung lưu, là giới không đủ giàu để mua bảo hiểm, mà lại không đủ nghèo để được Nhà Nước trợ cấp. TTDC tự nhận trách nhiệm chống Trump để bảo vệ Obamacare?

Như vậy theo TTDC, TT Trump bảo vệ đám dân trung lưu không mua bảo hiểm nổi vì tăng giá quá cao là sai trái, cần phải đả kích?

Thế trách nhiệm bảo vệ đất nước này có bao gồm luôn cả việc tung tin phịa để đánh tổng thống không? Nhìn vào cuộc điều trần của giám đốc FBI Comey thì thấy. Chưa điều tra chi tiết gì đã thấy ngay ba tin phịa của CNN, ABC và NYT.

Ví dụ tin phịa mới nhất: TT Trump muốn chống đỡ tấn công của TTDC bằng một thái độ tích cực hơn, không chửi thẳng lại, mà trả lời gián tiếp, chỉ thị nội các nên nhấn mạnh vào các thành quả của họ cho dân biết. Ông họp nội các, tóm lược vài thành quả, rồi yêu cầu các bộ trưởng bổ túc thêm thành quả mỗi bộ đã đạt được.

Nghe cũng chẳng có gì đáng nói. Cho đến khi CNN bóp méo một cách trắng trợn nhất: “TT Trump họp nội các, tự khen rồi bắt mọi người phải khen ngợi những thành tựu và viễn kiến của ông”.

Không ít báo tỵ nạn và những người chống Trump mau mắn chộp cơ hội bôi bác theo mà không cần suy nghĩ nửa giây về mẫu tin quái lạ này. Ông Trump hành xử ngớ ngẩn như Khaddafi của Libya sao thành tỷ phú rồi lại đắc cử tổng thống Mỹ được?

Nội các của ông toàn là đại tướng, đại doanh gia, thống đốc, thượng nghị sĩ chứ có phải tài xế, phụ bếp và vú em đâu mà có thể bắt họ phải khúm núm ca tụng tổng thống được?
Ông Rex Tillerson đang làm tổng giám đốc đại công ty EXXON lãnh lương vài chục triệu, đi làm ngoại trưởng lãnh hai trăm ngàn để có dịp khúm núm tung hô Trump sao?

Khi phần lớn các tin đều là phịa hay bóp méo với mục đích bôi bác, chống đối thì không ai có thể nghiêm chỉnh nói đây là chỉ trích lành mạnh, chu toàn trách nhiệm thông tin trung thực, cần thiết để xây dựng đất nước được.

Cuộc chiến tăng cường độ. Biến thái qua thô tục.

Lãnh đạo đảng DC tại Cali trong cuộc họp mặt với đảng viên, công khai lên diễn đàn chửi TT Trump “f**k you!”. Khỏi cần dịch. Hãy thử tưởng tượng một ông CH trước đây tặng cho TT Obama hai chữ này.

Ca sĩ, tài tử thì khỏi nói. Mở miệng là f**k him, motherf**ker,…

Chiến dịch xổ nho lan qua TTDC. Các anh chị nhà báo và TV công khai dùng những thậm từ thô bỉ nhất để đánh tổng thống.

Một anh nhà báo CNN –Hồi giáo, gốc Pakistan- công khai lên TV gọi TT Trump là “a piece of sh*t”. Cũng khỏi cần dịch.

Danh hài Stephen Colbert nói chuyện diễu dở trên đài CBS, công khai nói anh ta thấy cái miệng của TT Trump chỉ là cái bao đựng “của quý” của Putin.
Câu chuyện thô bỉ này bị một đám cấp tiến phản đối.
Đố quý độc giả biết vì sao? Phản đối vì xúc phạm tổng thống một cách thô tục quá đáng?
Sai bét! Họ phản đối vì câu chuyện này xúc phạm... mấy anh đồng tính!!!

Rồi từ thô tục nhẩy qua thô bạo.

Thật ra, nói cuộc chống từ thô tục biến thái qua thô bạo không đúng về thời gian tính. Hô hào chống đối bằng bạo lực bắt đầu rất sớm, ngay hơn một tháng sau khi TT Trump tuyên thệ.

Khi bà cựu bộ trưởng Tư Pháp da đen Loretta Lynch (cái bà mà giám đốc FBI Comey tố giác đã tìm cách bao che cho bà Hillary trong vụ điều tra emails), nhắc lại cuộc tranh đấu của dân da đen tại Mỹ, kể lại là họ đã phải tranh đấu đến đổ máu, đã có người chết, để rồi kết luận
“Chúng ta có thể làm như vậy nữa!” (We can do it again!).

Nếu đây không phải là lời hô hào đổ máu chống TT Trump thì là gì?

Bà ca sĩ Madonna công khai mơ tưởng “làm nổ tung Tòa Bạch Ốc”.

Khi hạ viện bỏ phiếu thu hồi Obamacare, TTDC hô hoán “Trumpcare sẽ giết con nít”, một cách vô tội vạ, không dẫn chứng cũng chẳng giải thích.

Bà danh hài chuyên diễu dở kiêm “nhà báo” của CNN, Kathy Griffin, chụp hình mình, tay cầm thủ cấp đỏ lòm máu mê của TT Trump, theo mô hình của khủng bố ISIS cầm đầu mấy nạn nhân vừa bị họ cắt cổ.

Bỏ qua chuyện danh hài mà kiêm nhà báo là chuyện ngớ ngẩn chỉ có thể có trong cái xứ Mỹ quái chiêu này thôi, ta thấy ngay việc chống đối TT Trump trong TTDC đã đi quá xa, không còn giới hạn công tâm, đạo đức nghề nghiệp, thuần phong mỹ tục, hay văn hoá gì nữa.

Tại Nữu Ước hiện nay có trình diễn một vở kịch về câu chuyện hoàng đế La Mã Julius Caesar bị ám sát chết. Vở kịch kết thúc bằng màn Caesar bị đâm chết, ngã lăn ra sàn, máu mê đầm đìa. Khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, tất cả đứng dậy vỗ tay tiếp tục cả chục phút.

Có gì lạ trong chuyện này? Có chứ! Thứ nhất, tất cả diễn viên đều ăn mặc theo âu phục ngày nay, áo vét, cà vạt đầy đủ, như chuyện xẩy ra ngày hôm nay tại Mỹ, chẳng liên quan gì đến La Mã cổ xưa.

Thứ nhì, diễn viên Caesar được hoá trang giống y hệt... TT Trump, với mái tóc vàng chải bồng không sai một ly, áo vét xanh đậm với cà vạt đỏ quen thuộc. Thông điệp của đạo diễn không thể nào rõ ràng hơn.

Thứ ba, khán giả nhất tề đứng lên hăng say vỗ tay hoan hô cảnh kết thúc khi Caesar bị đâm, ngã ra chết trong vũng máu.
Có khán giả nắm tay đấm không khí, hét lớn “Yeah, kill him!”.
Thông điệp của khán giả cũng rõ ràng không kém. Dân New York, 80% bỏ phiếu cho bà Hillary mà.

Thứ tư, vở tuồng được bảo trợ bởi vài đại công ty trong đó có New York Times và Time Warner là công ty mẹ của CNN.

Qua những biến cố nêu trên, hiển nhiên là “phe ta” đã lái cuộc chống đối chống TT Trump vào con đường cực kỳ nguy hiểm và phiêu lưu: chống đối bằng bạo lực chết người.
Công khai kêu gọi giết tổng thống?

Tất cả những chống đối này không sớm thì muộn cũng phải đưa đến kết quả ta thấy tại sân bóng chầy ở thủ đô. Vụ bắn mới nhất là hậu quả tất yếu của một chuỗi biến cố chứ không phải chỉ là một hành động lẻ loi của một cá nhân bất bình thường như TTDC bào chữa.

Sau vụ bắn mới nhất, cả TT Obama lẫn bà Hillary đều im tiếng. TT Obama chỉ gọi điện thoại cho một nghị sĩ DC tham gia cuộc dợt bóng chầy, hỏi thăm xem ông có sao không thôi.

Biến cố gây chấn động thủ đô có thể sẽ làm giảm nhiệt độ cuộc chiến, và phe cấp tiến sẽ thức tỉnh, de lui lại không? Còn khuya.

Bà cựu thẩm phán Sonia Gupta trấn an không có gì phải ăn năn hối hận hết vì cái tên dân biểu bị bắn chỉ là “một cục phân kỳ thị và một tên đầu óc đầy hận thù” (…hes a racist piece of shit and hateful bigot).

Một thẩm phán đấy nhé!
Bà này mà xét xử vụ bắn thì sẽ tha bổng thủ phạm rồi tuyên án ông dân biểu vài chục năm tù vì tội đã kích thích cho thủ phạm nổi cơn điên bắn người.

Kẻ viết này không viết bậy đâu. Vài anh phe ta đã mau mắn đổ thừa, lỗi tại... Trump. Tay Trump này có biệt tài khơi dậy những cái xấu xa, tồi bại nhất trong con người. Một người hiền lành lương thiện gặp Trump sẽ bị tay này thôi miên mất hết lý trí, thành dã thú ngay. Trump phải chịu trách nhiệm cho tất cả các bạo động đang và sẽ xẩy ra.

Một loại ngụy biện mà những đứa con nít lên ba cũng biết khi mếu máo giải thích cho bố mẹ tại sao nó đánh thằng em: “Tại nó chọc con trước mà”. Phe ta toàn là những dân hiền như bụt, nhân ái vô vàn, nhưng bị tay Trump xách động, chọc giận thôi.

Ngay sau vụ bắn, các chính khách cả hai phe lên tiếng kêu gọi hạ hỏa những chống đối, đã kích phe phái. Diễn đàn cấp tiến cực đoan Slate.com vội cảnh báo ngay “coi chừng âm mưu của CH tìm cách ngăn chặn những chống đối chống TT Trump”. Thế là có lý do tiếp tục đánh tới cho ta.

Chính trị Mỹ càng ngày càng xuống cấp. Trong đại hội đảng DC năm ngoái, bà Michelle Obama cao giọng: “Chúng xuống thấp, ta lên cao!” (They go low, we go high!).

Thực tế của phe cấp tiến bây giờ: “Chúng xuống thấp, ta xuống thấp hơn!”

Vũ Linh 18-06-17
From Facebook (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)

hongnguyen
08-17-2018, 08:17 AM
CÔNG TỐ MUELLER GẶP RẮC RỐI

Cá Tháng Tư thường được dùng để chỉ một tin phịa, được tạo ra với dụng ý lừa thiên hạ cho vui nhà vui cửa, nhưng Cá Tháng Tư năm nay đã mang lại nhiều tin nghe có vẻ hoang đường, nhưng hình như lại là sự thật.

Ngọn gió chính trị Mỹ hình như đang đổi chiều từ Tháng Tư qua, trở thành thuận lợi cho TT Trump và ngược lại, dĩ nhiên bất lợi cho công tố Mueller, đảng DC, và TTDC.

Chuyện đầu tiên là phúc trình điều tra vụ Nga can dự vào bầu cử tổng thống do Hạ Viện công bố đã đưa ra nhiều chi tiết lạ trong hậu trường.

Theo phúc trình, ông James Clapper, cựu giám đốc Tình Báo Quốc Gia, National Intelligence Agency (NIA) là người đã thông đồng với CNN về vụ Hồ Sơ Nga.

Đây là hồ sơ liên quan đến chuyện ông Trump năm 2013 đã đi Nga, thuê hai chị em ta đến tè trên giường của TT Obama đã ngủ khi trước đó ông viếng thăm Nga.

Hồ sơ này, xin nhắc lại, được vài người Nga không rõ là ai, cung cấp cho một anh cựu gián điệp của Anh, anh này bán hồ sơ lại cho tổ chức Fusion GPS được bà Hillary thuê để đi lùng tin xấu về ông Trump.

Hồ sơ này được gửi đến cả chục cơ quan ngôn luận lớn nhưng không được đăng vì tính vu vơ, không bằng chứng đáng tin nào.

CNN qua cửa sau, móc nối với bà Valerie Jarrett, cố vấn tâm phúc của TT Obama, xin bà Jarrett chỉ thị cho giám đốc FBI Comey báo cáo vụ Hồ Sơ Nga lên TT Obama.

Chỉ cần ông Comey báo cáo cho tổng thống là tự động Hồ Sơ Nga trở nên ‘nặng ký’, đáng đăng. Ông Comey làm đúng như vậy, báo cáo lên TT Obama (và cả TT đắc cử Trump).

Ông Clapper mau mắn xì ngay cho CNN tin ông Comey đã báo cáo. Một cách gián tiếp đốc thúc CNN công bố chuyện này ra. Và CNN đã là cơ quan truyền thông lớn duy nhất tung toàn bộ Hồ Sơ Nga ra công chúng ngay sau đó.

Sau khi CNN xì ra thì tới phiên FBI ra tay: dùng Hồ Sơ về một chuyện lăng nhăng không ai kiểm chứng đi xin trát tòa theo dõi một phụ tá cao cấp của ông Trump.

Tin động trời hơn mới được Hạ Viện công bố là đã có một nhóm một chục đại gia, phần lớn từ Cali và New York, bỏ ra 50 triệu tài trợ anh gián điệp Anh tiếp tục đi lùng tin xấu về ông Trump sau khi ông đã đắc cử,

qua trung gian một công ty có tên là Penn Quarter Group của anh Daniel Jones, một cựu nhân biên FBI, cũng là cựu phụ tá của bà Dianne Feinstein, thượng nghị sĩ DC của Cali.

Toàn bộ câu chuyện là một ‘phối hợp công tác’ tuyệt hảo giữa ban vận động của bà Hillary với Fusion, Nga, gián điệp Anh, FBI, NIA, bà Jarrett, bà Feinstein, và CNN. Có cần điều tra không nhỉ?

Câu hỏi là tại sao cuộc điều tra về ông Trump ‘thông đồng’ với Nga hơn cả năm nay vẫn chẳng có một chút dấu vết mà cứ kéo dài mãi, trong khi đủ loại mánh mung về bà Hillary ‘thông đồng’ với Nga đã lộ ra nhưng chẳng ai điều tra gì hết.

Có cái gì sặc mùi phe đảng, nhất là nếu công tố Mueller kết luận phiá ông Trump đã phạm tội gì đó.

Đã vậy, tuần qua, đã nổ ra hàng loạt tin không vui cho công tố Mueller.

Tin thứ nhất, thẩm phán liên bang Amy Berman Jackson đã nêu vấn đề dường như thứ trưởng Rosenstein đã cho công tố Mueller quá nhiều quyền hạn, vượt xa luật lệ hiện hành của bộ Tư Pháp liên quan đến quyền hạn của công tố đặc biệt.

Theo bà thẩm phán này, luật lệ bộ Tư Pháp đòi hỏi cuộc điều tra phải dựa trên một sự kiện thực tế và cụ thể -specific factual matter- chứ không thể dựa trên một nghi ngờ nào đó, rồi cho công tố tha hồ đi ‘mò cua’ để tìm tội.

Nói cách khác, theo bà thẩm phán, phải có tội thì mới có điều tra, chứ không thể đi điều tra để nặn ra tội.

Tin thứ nhì là bom thứ thiệt. Thẩm phán liên bang T.S. Ellis, thụ lý vụ truy tố ông Manafort, cựu giám đốc ban vận động tranh cử của ông Trump về cả chục tội như lừa đảo, rửa tiền,…

Tất cả đều là tội –nếu có- vi phạm mấy năm trước khi ông Manafort hợp tác với ông Trump.

Quan tòa nói toạc với luật sư của công tố Mueller “ai cũng biết các ông thật ra chẳng cần biết ông Manafort có lừa đảo ngân hàng hay không mà chỉ muốn bắt ông này để ép ông ta khai ra tội của ông Trump thôi”.

Dĩ nhiên đây là điều cả thế giới đã biết, nhưng ông Ellis là quan tòa đầu tiên nói huỵch tẹt ra.

Chẳng những vậy, ông tòa còn chất vấn luật sư của ông Mueller là ai cho các ông cái quyền đó khi những việc các ông truy tố chẳng liên quan xa gần gì đến công tác các ông được giao phó, tức là điều tra về vụ thông đồng với Nga.

Ông tòa cho luật sư của công tố Mueller hai tuần để chứng minh công tố Mueller có thẩm quyền truy tố ông Manafort. Vấn đề ở đây cực kỳ quan trọng. Nếu không chứng minh được rõ ràng thẩm quyền, ông tòa có thể bác bỏ việc truy tố ông Manafort.

Có nghiã là việc truy tố các ông khác như Gates, Papadopoulos, tướng Flynn, và cả chục người khác, có thể bị bác hết luôn và công tố Mueller tay trắng hoàn trắng tay.

Chưa hết. Tin thứ ba, một thẩm phán khác, bà Dabney Friedrich từ chối đơn xin hoãn xử vụ 13 công dân Nga và 3 công ty Nga bị truy tố can dự phá đám cuộc bầu cử.

Công tố Mueller truy tố những người này nhưng họ đều đã trở về Nga từ lâu lắm rồi và không có cách nào gửi trát tòa tới họ được và chắc chắn chẳng có ai điên rồ qua Mỹ hầu tòa hết.

Nhưng tự nhiên lại có một văn phòng luật sư tự nhận là đại diện cho một trong ba công ty Nga đó, chất vấn công tố Mueller dựa trên tài liệu nào để truy tố họ, liệt kê ra một danh sách những câu hỏi và tài liệu họ muốn công tố Mueller đưa cho họ làm bằng chứng về ‘tội’ của ông Manafort.

Trong số đó có nhiều tài liệu liên quan đến vấn đề ngoại giao tế nhị cũng như an ninh có tính mật không công khai hóa trước tòa được. Công tố Mueller bị đặt trong tình trạng kẹt cứng, nên xin hoãn phiên xử để xét lại hồ sơ tố tụng. Nhưng bà quan tòa bác bỏ mà không giải thích.

Theo các chuyên gia luật, bà bác bỏ vì vấn đề thủ tục. Đáng lẽ ra công tố Mueller phải có chuẩn bị đầy đủ tài liệu trước và dự đoán những tài liệu sẽ bị chất vấn trước, chứ không phải đợi đến giờ chót rồi xin hoãn.

Tòa đâu có rảnh dữ vậy. Công tố Mueller hình như đinh ninh những bị cáo Nga chẳng ai qua Mỹ hầu tòa, chẳng có luật sư nào của họ khiếu nại gì, nên đã lập hồ sơ hơi ‘cẩu thả’.

Cả 3 quyết định của 3 quan tòa dựa trên 3 vụ truy tố khác nhau, đều hoàn toàn bất lợi cho công tố Mueller và đe dọa toàn bộ hồ sơ Mueller xụp đổ.

Rồi thiên hạ cũng được đọc trong phúc trình của Hạ Viện là cả hai ông giám đốc và phó giám đốc FBI, Comey và McCabe, đều đã ra điều trần trước Hạ Viện và khẳng định họ không thấy tướng Flynn ‘nói láo’ chuyện gì hết.

Ở đây, xin nhắc lại công tố Mueller tố tướng Flynn bốn tội nói láo, nhưng tướng Flynn chỉ nhận có một tội là ‘khai lộn ngày gặp đại sứ Nga’.

Nếu công tố Mueller tố tướng Flynn nói láo FBI mà FBI lại nói tướng Flynn không nói láo, thì ông Mueller tố tướng Flynn chuyện gì bây giờ?

Chuyện khác nữa. Báo New York Times đăng nguyên văn danh sách gần 50 câu hỏi công tố Mueller muốn hỏi TT Trump.

Những câu hỏi xoáy quanh hai vấn đề chính như ông Trump có những liên lạc nào với các viên chức Nga và diễn biến việc giải nhiệm giám đốc FBI Comey ra sao, nhưng cũng có những câu hỏi liên quan đến các vụ kinh doanh của ông Trump trước đây, cũng như những trao đổi với luật sư riêng của tổng thống, ông Cohen.

Không ai rõ danh sách này có chính xác hay không và làm sao NYT nhận được, do ai xì ra?

Thật ra câu hỏi “ai xì ra” cũng bằng thừa khi danh sách do nhóm Mueller lập ra mà lại được NYT phổ biến.

Đó là cách ông Mueller loan tin cho thiên hạ biết TT Trump đang bị nghi ngờ chuyện gì, qua đó, TTDC bảo đảm sẽ tiếp tay vặn hỏi TT Trump.

Chưa bao giờ lại có chuyện công tố ‘thông đồng’ với báo chí lộ liễu như bây giờ.

Bỏ qua việc ai xì danh sách này ra, nhìn vào các câu hỏi, các chuyên gia thấy ngay đó là một cái bẫy khổng lồ để bắt TT Trump không phải về tội thông đồng với Nga, mà về tội cản trở công lý hay nói láo với ông Mueller.

Các câu hỏi đều thuộc loại gọi là ‘câu hỏi mở’ –open questions- không cho TT Trump trả lời ngắn gọn kiểu ‘có hay không’, ‘đúng hay sai’,… mà ép ông phải dài dòng giải thích và nhất là phát biểu tư tưởng, là những chuyện có tính chủ quan, rất dễ diễn giải, vặn vẹo để truy tố.

Các chuyên gia luật cũng ngạc nhiên thấy có nhiều câu hỏi rất lạ, như TT nghĩ sao về việc này, việc nọ.
Hay TT cân nhắc như thế nào, nghĩ gì, bàn với ai trước khi giải nhiệm ông Comey?
Hay tại sao đến bây giờ TT vẫn còn chỉ trích ông Comey?

Đây là loại câu hỏi không phải là để đi tìm dữ kiện mà là đi tìm ý đồ, cách suy nghĩ.

Người ta có thể đặt câu hỏi công tố Mueller đang làm ‘cảnh sát tư tưởng’ hay sao? Đang tìm cách truy tố TT Trump về tội ‘suy nghĩ’ chuyện gì đó hay sao?

Luật pháp Mỹ quy định ‘làm’ một chuyện gì sai luật mới là phạm pháp. Công tố Mueller bây giờ tìm cách tố TT Trump không phải vì đã ‘làm’ chuyện gì, mà vì đã ‘suy nghĩ’ chuyện gì đó.

Danh sách câu hỏi có điểm đặc biệt là … chẳng có gì mới lạ về chuyện ‘thông đồng’ với Nga. Tất cả những câu hỏi đều liên quan đến những chuyện ai cũng biết rồi.

Có nghĩa là trong hơn một năm qua, công tố Mueller đã không khám phá ra bất cứ ‘tội’ mới nào ngoài việc vồ mấy con ruồi về những chuyện chẳng dính dáng gì đến thông đồng với Nga của ông Trump.

Nếu dựa trên những chuyện mọi người đều biết thì cho đến nay, chưa ai thấy TT Trump đã phạm tội gì.

LS Giuliani của TT Trump đang điều đình về các chi tiết của cuộc phỏng vấn TT Trump của công tố Mueller, như phỏng vấn bao lâu, bao nhiêu câu hỏi, có hữu thệ không, câu hỏi nào được hay không được hỏi, có thu hình, có phổ biến cho báo chí và công chúng hay không,…

Tin mới nhất, ông Giuliani đã đề nghị công tố Mueller nộp các câu hỏi để TT Trump trả lời trên giấy tờ cho rõ ràng minh bạch chứ không qua phỏng vấn miệng, nhưng công tố Mueller đã bác đề nghị này,

Có thể vì biết tính nói năng bừa bãi của TT Trump, nên muốn hỏi miệng, dễ bắt tội ‘khai gian’ nếu tổng thống nói lộn chuyện gì, như tướng Flynn khai lộn ngày gặp đại sứ Nga.

Tin mới nhất được xì ra là công tố Mueller đe dọa nếu TT Trump không hợp tác, tự nguyện nhận gặp công tố Mueller để trả lời các câu hỏi, thì công tố Mueller có thể ra pháp lệnh –subpoena- bắt TT Trump phải gặp ông hay ra trước một đại bồi thẩm đoàn –grand jury- để trả lời.

Chuyện không giản dị. Trong lịch sử Mỹ, chưa có một tổng thống nào đã bị subpoena và phải ra điều trần.

TT Nixon bị trát tòa bắt phải giao nộp cuốn băng ghi âm chứ không bị bắt ra thẩm tra.

TT Clinton bị dọa subpoena, sau đó điều đình để được chất vấn với nhiều điều kiện quan trọng, vì áp lực chính trị.

Đặc biệt hơn nữa trong trường hợp TT Trump, công tố Mueller không phải là công tố độc lập thuộc ngành Tư Pháp, mà chỉ là công tố đặc biệt của bộ Tư Pháp, tức là viên chức thuộc thẩm quyển của Hành Pháp dưới quyền tổng thống.

Trên căn bản pháp lý, subpoena của công tố Mueller nếu có, có giá trị như thế nào với TT Trump là điều các luật gia đang tranh cãi, có thể sẽ phải lên đến Tối Cao Pháp Viện giải quyết

Dù sao, subpoena cũng sẽ đặt TT Trump dưới áp lực chính trị rất nặng nề. Và đó chính là vũ khí công tố Mueller muốn dùng: áp lực chính trị lên TT Trump.

Dân Mỹ cũng đã bắt đầu nhìn thấy bức hình chung: Theo thăm dò của một đài TV ‘phe ta’, CBS, 54% khối độc lập không đảng phái nghĩ công tố Mueller có mưu đồ chính trị -politically motivated- trong cuộc điều tra, và gần 1/4 cử tri DC cũng nghĩ vậy.

Một con số nguy hơn nữa: 64% cho rằng ông Mueller đi câu lâu quá và đã đến lúc kết thúc cuộc điều tra rồi.

Đây là những con số khá lạ lùng khi ta biết toàn thể bộ máy TTDC đã bênh vực, bào chữa, tiếp tay cho công tố Mueller mạnh như thế nào trong cả năm qua. Chứng tỏ dân Mỹ không dễ bị TTDC cho vào tròng đâu.

Cũng trong câu chuyện này, có tin ông Comey đã có ‘sáng kiến’ tự biện minh nghe rất vui tai: bị chất vấn về vấn đề xì các bản ghi chú của ông ra, ông Comey giải thích ông “không phải là xì tin mật” mà chỉ là “chia sẻ suy nghĩ cá nhân” vì tài liệu ghi chép của ông là tài liệu cá nhân không thuộc sở hữu của FBI.

Đây là cách ngụy biện phản sự thật thô bạo nhất của một giám đốc FBI là người chuyên đi bắt người khai gian.

Ông ghi chép cuộc thảo luận mật của giám đốc FBI với tổng thống, kể lại những câu nói của tổng thống, trên máy computer của FBI, trong giờ làm việc tức là trong khi làm công vụ lãnh lương của FBI, sao lại là tài liệu cá nhân của riêng ông.

Nhân vụ ‘có tội’, TT Trump đi vận động cho cuộc bầu tháng Mười Một tới, đã tuyên bố nếu phe DC thắng, họ chắc chắn sẽ tìm cách đàn hặc ông, đúng như diễn đàn này đã bàn nhiều lần.

Ta cần biết TT Trump nói đến nguy cơ đàn hặc để lay tỉnh cử tri CH, cho họ thấy phe DC sẽ không từ một thủ đoạn nào để đảo chánh ông, chẳng có nghiã là TT Trump nhận tội gì.

Đàn hặc hay không chưa ai biết, chỉ biết cả hai lãnh tụ DC tại Hạ Viện (bà Pelosi) và Thượng Viện (ông Schumer) đều đã chính thức bác bỏ và cảnh giác các đồng nghiệp cần chấm dứt nêu chuyện này ra, chẳng những không thực hiện được mà lại kích động cử tri ủng hộ TT Trump đi bầu cho đông thôi, bất lợi cho phe ta.

Nôm na ra, phe DC đang cố tránh né nói chuyện đàn hặc trong khi TT Trump lại cố lôi chuyện đàn hặc ra để kích động cử tri CH.

Trong khi đó, TTDC đang làm rùm beng về câu chuyện luật sư Avenatti của cô đào đóng phim sex tố cáo luật sư Cohen của TT Trump đã nhận được tiền của vài công ty Nga.

TTDC làm rùm beng chuyện nhận tiền với ý đồ ám chỉ đây là tiền Nga ‘thông đồng’ với Trump.

Chẳng biết có đúng hay không, kẻ này chỉ théc méc sao ông Avenatti lại có được những hồ sơ kinh doanh tuyệt mật của ông Cohen vài ngày sau khi công tố Mueller cho FBI đến tịch thu hồ sơ của ông Cohen?

Có mùi khét khét! Đã có sự ‘thông đồng’ gì giữa ông Avenatti với ông Mueller chăng?

Một câu hỏi khác: các luật sư Mỹ đều lãnh lương cỡ cả ngàn đô một giờ làm việc. Vậy chứ ai là người đứng trong hậu trường trả lương cho ông Avenatti nhỉ?

Ông Avenatti cho biết ông lãnh thù lao từ một quỹ do thiên hạ đóng góp để bênh vực cô đào, dĩ nhiên chẳng ai biết ai đóng góp vào quỹ và đóng bao nhiêu. Có cần công khai hóa ra không?

Một điều lộ liễu mà TTDC không bàn tới: những giao dịch kinh doanh của ông Cohen có liên quan gì tới việc Trump thông đồng với Nga?

Cho dù ông Cohen có nhận tiền của một công ty Nga thì cũng có thể chỉ là tiền thù lao do ông Cohen làm việc gì đó cho công ty Nga thôi, có liên quan gì đến TT Trump hay cuộc bầu cử?

Ta đừng quên TT Trump chỉ là một thân chủ và ông Cohen còn không biết bao nhiêu thân chủ khác và lo không biết bao nhiêu vụ thưa kiện khác, không dính dáng gì đến TT Trump hết.

Nhìn vào tất cả những chuyện trên, người ta có cảm tưởng cuộc săn phù thủy của công tố Mueller đang gặp khó khăn lớn.
Ít nhất thì muốn tiếp tục, công tố Mueller sẽ phải vất vả thuyết phục các quan tòa là ông không đi săn phù thủy và sẽ phải đưa ra ánh sáng cách làm việc của ông.

Các tài liệu và ‘bí mật’ ông đã khám phá, không còn có thể điều tra trong bí mật, không ai biết ông đang làm gì, có được những tin gì, và ông không thể tự do múa võ Sơn Đông, giăng bẫy giờ chót được nữa. Để xem ông sẽ làm gì đây.

Vũ Linh MAY 12, 2018
https://baotgm.net/vu-linh-cong-to-mueller-gap-rac-roi/

hongnguyen
08-17-2018, 08:27 AM
BẦU CỬ TỚI: NGHĨ GÌ?

Còn chưa tới nửa năm nữa là bầu quốc hội giữa mùa, tức là kỳ bầu không có bầu tổng thống. Toàn thể Hạ Viện và một phần ba Thượng Viện bầu lại. 36 thống đốc và hàng ngàn chức vụ tiểu bang và địa phương cũng được bầu lại. Ai cũng hiểu trong chính trị Mỹ, sáu tháng dài như sáu thế kỷ. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xẩy ra đảo lộn tình hình chính trị.

Nhất là trong lần bầu cử này còn có yếu tố Mueller. Ông đúc kết điều tra, tuyên bố TT Trump vi phạm vài tội tầy trời hay vô tội sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc bầu, mặc dù TT Trump không có trong danh sách bầu bán nào.

Ta thử nhìn lại vấn đề xem sao.
Kinh nghiệm lịch sử bầu bán Mỹ, những kỳ bầu giữa mùa thường đưa đến thắng lợi cho đảng đối lập với tổng thống.
Trên phương diện tâm lý cũng dễ hiểu. Những người thỏa mãn với tổng thống thường ngồi nhà, không đi bầu, trong khi những người bất mãn, bực mình với tổng thống thì hăng hái đi bầu để phá tổng thống. Đối lập thắng nhiều hay ít tùy hậu thuẫn hay chống đối tổng thống mạnh hay yếu.

Kỳ bầu năm nay, theo kinh nghiệm lịch sử, ai cũng nghĩ DC sẽ thắng, chiếm được đa số tại Hạ Viện vì chỉ cần thắng thêm 24 ghế, tương đối dễ. Nhưng chưa đủ khả năng chiếm Thượng Viện. Trái lại, CH có thể thắng thêm ít ra 2-3 ghế nữa tại Thượng Viện. Đó là suy luận bình thường.

Tuy nhiên, năm nay, không kể công tố Mueller, còn có một yếu tố đặc biệt có thể thay đổi cuộc diện, chưa chắc DC sẽ chiếm được đa số tại Hạ Viện. Đó là TT Trump, một tổng thống gây tranh cãi như chưa bao giờ thấy trong lịch sử Mỹ.

Ông Trump là người có sức thu hút lạ lùng vô tiền mà chắc cũng khoán hậu luôn. Khi nghe đến tên ‘Trump’, không ai có thể lửng lơ con cá vàng được. Hoặc là nhẩy dựng lên xỉa tay mạt xát, hoặc là nhẩy nhổm lên tung hô ngất trời.

Từ đó, nhiều chuyên gia dự đoán cuộc bầu tới, sẽ có nhiều cử tri đi bầu hơn những lần trước. Bên chống, bên bênh, bên nào đi bầu nhiều hơn, bên đó ăn tiền. Đây là câu hỏi không ai đoán trước được.
Cũng như kỳ bầu tổng thống vừa qua, tất cả mọi người đều ngã ngửa trước chiến thắng bất ngờ của ông Trump.

TT Trump có cách hành xử không giống bất cứ tổng thống nào khác.Đặc điểm lạ nhất của ông là thích đánh nhau với truyền thông.
Tất cả các tổng thống khác đều lo khúm núm nịnh truyền thông, nhưng TT Trump và truyền thông thì coi nhau như kẻ thù. TT Trump hăm hở, không bỏ lỡ cơ hội sỉ vả TTDC, làm như muốn khiêu khích cho chúng đánh ông mạnh hơn nữa.

Chẳng những vậy, ông còn qua mặt truyền thông, một năm rưỡi mà chỉ họp báo đúng một lần, nói chuyện thẳng với dân chúng qua các tuýt ‘ruột ngựa’, nghĩ sao viết vậy, chẳng rào đón, chẳng nể nang ai. Mỗi ngày vài chục cái tuýt, có khi giữa đêm 2-3 giờ sáng cũng tuýt.

Ông Trump là đại tỷ phú nhưng lại khinh miệt giới tài phiệt, và lại được giới lao động ủng hộ mạnh. Ông không để ý đến chính trị cũng như chẳng có một ly kinh nghiệm chính trị, nhưng muốn dùng chính trị để đổi đời, vào Tòa Bạch Ốc ngay, hạ cả lô chính trị gia chuyên nghiệp từ thống đốc, thượng nghị sĩ, dân biểu, đến Hillary, dễ như trở bàn tay. Nhưng lại vẫn bị đám thua cuộc này chê là… ngu dốt?!

Một đặc điểm nữa là cách ông làm việc có tính thực dụng không khác gì giao dịch kinh doanh. Hét giá cho to, rồi điều đình, de lui, tiến tới, rồi thỏa thuận. TTDC mù tịt, chẳng đoán được tổng thống đang làm gì, bực mình sỉ vả ông bất nhất làm mất uy tín nước Mỹ.
Làm như thể TTDC nhục mạ tổng thống thì uy tín của Mỹ trên thế giới mới tăng vậy. Ông Trump coi như pha.

Những người thù ghét TT Trump tố ông đủ tội, kể cả những tội phóng đại và những tội mà các tổng thống khác làm thì không sao. Ông bị tố lem nhem gái gú (so với Clinton, Kennedy thì sao?), vô tài bất tướng (so với Carter?), vua nói láo (so với Obama?), ăn nói hàm hồ, bị bệnh tâm thần, kỳ thị tất cả những ai không phải da trắng,…

Những người ủng hộ ông thì thích tính nói thẳng, quyết định mau chóng không lươn lẹo, dám nói dám làm, không vuốt đuôi ai hết, có viễn kiến lớn chứ không thuộc loại phải điều nghiên chi tiết hành chánh hay cân nhắc hậu quả chính trị cả nửa ngày trước khi uống một ly nước.

TT Trump, trên phương diện cá nhân có thể bị rất nhiều người thù ghét đến xương tủy, nhưng trên phương diện thành quả, lại là một tổng thống có thể nói thành công nhất trong lịch sử cận đại.

TTDC hiện nay tràn ngập tin nóng bỏng về cô đào đóng phim sex. Vừa muốn câu người coi để lấy quảng cáo, vừa có dịp bôi bác TT Trump. Sex là loại tin hấp dẫn nhiều người coi vì hiếu kỳ hay vì tính tiêu khiển, nhưng không phải là loại tin quyết định lá phiếu.
Tin quyết định lá phiếu là những tin liên quan trực tiếp đến đời sống cụ thể của họ: công ăn việc làm, túi tiền, thuế má, và an toàn. Mà khổ cho khối đối lập DC, đây lại là những địa hạt mà TT Trump thành công nhất.

Túi tiền: luật thuế mới tuy rất ít người thấy ảnh hưởng cụ thể cho đến khi phải khai thuế sang đầu năm tới, nhưng đã được hiểu rõ hơn trong đám khói hỏa mù do phe cấp tiến tung ra. Khi mới ra, chỉ có một phần tư dân ủng hộ, bây giờ đã lên tới hơn một nửa.

Nhiều người bỏ tiền vào túi nhưng miệng vẫn lẩm bẩm “nó giảm thuế cho tao có vài trăm nhưng giảm cho mấy thằng triệu phú cả triệu”. Thế mới nói con người lòng tham vô đáy, được bao nhiêu cũng không đủ, vẫn càu nhàu khiếu nại.
Các cụ đó quên mất sau khi trừ, nhiều cụ chẳng còn đóng xu thuế nào, hay chỉ đóng vài trăm, vài ngàn là nhiều, trong khi các tay triệu phú sau khi trừ rồi, vẫn đóng bạc triệu để các cụ được tiền trợ cấp.

Lý tưởng của các cụ là không đóng xu thuế nào, nằm dài ở nhà nướng BBQ ăn nhậu với con cháu, nhưng lại được trợ cấp đủ kiểu, con cháu ăn ba đời vẫn chưa hết.
Các cụ cũng quên là trừ thuế cho các cụ thì các cụ cũng chỉ có tiền ra chợ mua vài chai bia và vài miếng thịt về ăn mừng là hết, trong khi trừ thuế cho các đại gia thì họ có cơ hội mở hãng xưởng, cấp việc làm cho các cụ, không tốt hơn sao?
Trừ phi các cụ bực mình vì có công ăn việc làm nghĩa là bắt các cụ phải đi làm?

Bà Nancy Pelosi, lãnh tụ khối thiểu số DC tại Hạ Viện hứa sẽ thu hồi luật thuế của TT Trump, tức là tăng thuế lại cho tất cả mọi người. Đảng DC đi vận động tranh cử với chương trình tăng thuế chính là ước mơ lớn nhất của CH vì đảm đảm sẽ giúp CH đại thắng.

Công ăn việc làm: tin mới nhất, tỷ lệ thất nghiệp đã xuống tới 3,9%, thấp nhất từ gần hai thập niên qua. Có gì cần bàn thêm?
Có một chuyên gia kinh tế rất ‘vĩ đại’ của khối cấp tiến, Paul Krugman, giải Nobel kinh tế chứ không phải chơi.

Trong thời tranh cử, ông điều nghiên chương trình kinh tế của Trump và phán “nếu tay này đắc cử và thi hành những biện pháp kinh tế của hắn, xóa bỏ chính sách của TT Obama, rút khỏi TPP, giảm thuế lợi tức cá nhân cũng như giảm thuế lợi nhuận kinh doanh, thu hồi cả ngàn luật lệ kinh doanh đang điều hành guồng máy kinh tế, mở chiến tranh mậu dịch với Trung Cộng và cả thế giới, nếu Trump làm những chuyện này thì kinh tế sẽ đi vào suy thoái rất nhanh, lạm phát và thất nghiệp tràn lan, thị trường chứng khoán sẽ xụp đổ trong vài tuần đầu”.
Ông ta còn tiên đoán nhiều chuyện kinh hoàng lắm.

Ông Trump đắc cử thật, và chỉ trong chưa tới một năm rưỡi, xóa phần lớn chính sách của TT Obama, làm tất cả những gì ông Krugman mô tả ở trên. Kết quả? Chẳng ai thấy kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng, lạm phát phi mã, hay chứng khoán suy xụp. Trái lại hết. Dân Mỹ nói chung chưa bao giờ lạc quan như bây giờ.

TT Trump làm ngược lại tất cả những gì TT Obama đã làm. Ấy vậy mà vẫn có vài cụ phán “tất cả đều là thành quả nhờ Trump sáng suốt tiếp tục thi hành chính sách kinh tế tuyệt vời của Obama”. Cái này gọi là nói trong tinh thần phe phái mù quáng mà chẳng biết mình nói gì, đáng dạy bảo lại cho khôn ra hơn là đáng trách.

Có cụ dẫn chứng bằng hai con số của thị trường chứng khoán: khi Obama tuyên thệ, Dow Jones là 6.400 điểm; khi Trump tuyên thệ, Dow Jones là 19.700. Trong 8 năm Obama, tăng 12.300. Quá tài giỏi? Có thể, nhưng thua xa Trump!

Từ ngày TT Trump đắc cử đến nay, DJ tăng 7.000 điểm, tức là trong 18 tháng của Trump, tăng gần bằng 60 tháng của Obama.

Dĩ nhiên đây là cách diễn giải đơn giản, không phân tích kỹ tất cả các yếu tố, nhưng đó là cách tính theo cái nhìn thô thiển, ngây ngô của các cụ tỵ nạn, mà các cụ gọi là “những con số biết nói”. Nhìn vào những con số trên, những con số biết nói này rõ ràng … ‘nói lớn hơn’ dưới thời Trump nhưng các cụ lại không nghe thấy.

Chỉ số Dow Jones phản ảnh một thực trạng lớn hơn: đó là thành công kinh tế của TT Trump.
Theo trang mạng không đảng phái Real Clear Politics, đây chính là cái nhức răng lớn nhất của đảng DC: nói gì về chuyện kinh tế khi tất cả các chỉ dấu đều có vẻ có lợi cho TT Trump, từ tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức kỷ lục cho đến tăng trưởng kinh tế vẫn đều đặn, từ thuế lợi tức được giảm đến các công ty mang tiền từ ngoài nước về đầu tư tại Mỹ, từ việc tăng thuế quan trên hàng TC đến việc TC chịu thua, đề nghị mua thêm 200 tỷ hàng Mỹ,...
Đưa ra chương trình gì bây giờ? Ta thử nhìn qua vài lãnh vực khác.

Bảo hiểm y tế: Ưu tiên số một của TT Trump là thu hồi Obamacare, nhưng ông đã thất bại, không thực hiện được hoàn toàn, nhưng lại thu hồi được phần chính, là phần ép buộc tất cả mọi người phải mua bảo hiểm y tế nếu không sẽ bị đóng thuế phạt. Đây là điều thiên hạ bất mãn nhất.
Điều lệ cấm không cho các hãng bảo hiểm không được từ chối bảo hiểm chưa thu hồi được, nhưng đây lại là điều lệ ai cũng muốn giữ, kể cả TT Trump.
Do đó, nói chung, thu hồi điều lệ bắt buộc phải mua bảo hiểm đã là một thành công quá đủ của TT Trump.

An toàn cá nhân: Điều mọi người đều thấy rõ, từ ngày ông Trump nhậm chức, chưa có một vụ khủng bố tấn công nào. Đã vậy, ông đưa ra kế hoạch kiểm soát chặt chẽ việc nhận di dân hay tỵ nạn từ Trung Đông, là ổ của khủng bố Hồi giáo quá khích.
Sắc lệnh ban hành nhưng chưa được áp dụng trọn vẹn vì bị các quan tòa cấp tiến ngăn chặn, thưa kiện, và Tối Cao Pháp Viện chưa có quyết định tối hậu cho đến giữa tháng Sáu sớm nhất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có nhiều triển vọng TCPV sẽ đồng ý với TT Trump.

Nhìn ra ngoài nước Mỹ, cả thế giới đang hồi hộp theo dõi diễn tiến quan hệ Mỹ - Bắc Hàn. Vì cả hai ông Trump và Kim đều là những người quyết định khó đoán trước nên chẳng ai đoán được cuộc đàm phán sắp tới của đôi bên có thành sự thật không, sẽ đi đến đâu.
Chỉ biết có tin không vui cho đảng DC: gần 80% dân Mỹ ủng hộ việc TT Trump đàm phán với Cậu Ấm Ủn. Nếu đàm phán đưa đến một hiệp ước hòa bình lâu dài tại Hàn Quốc, đảng DC sẽ loay hoay không biết phải làm gì.

Vì bí đường trên vấn đề chính sách, nên phe đối lập và TTDC đành phải chúi mũi đánh những chuyện cá nhân, khua gõ ầm ĩ chuyện TT Trump ngủ với ai cách đây mấy chục năm, trả bao nhiêu tiền,...

Chuyện lăng nhăng chẳng liên quan xa gần gì cuộc sống của người dân. Thời TT Clinton dính vào chuyện cô Monica, đảng DC và TTDC nhún vai “chỉ là chuyện sex cá nhân vớ vẩn”.
Nhưng bây giờ thì cũng cái đảng DC và TTDC đó lại rầm rộ la hoảng chuyện cô đào đóng phim sex, cho dù đó là chuyện của cả chục năm trước chứ không phải chuyện xẩy ra trong Phòng Bầu Dục như thời Clinton.

Nôm na ra, thiên hạ có nhiều dị nghị với cá nhân TT Trump, nhưng ủng hộ mạnh những chính sách của ông. Ngay cả việc chống đối cá nhân cũng đang biến chuyển có lợi. Tin lạ và… rất buồn cho các cụ: tỷ lệ hậu thuẫn của TT Trump hiện nay hơn xa tỷ lệ của TT Obama cùng thời kỳ này năm 2010.
Cuộc bầu giữa mùa năm đó, DC mất 63 ghế, thất bại lớn nhất của đảng cầm quyền trong hơn 60 năm vì dân Mỹ chống Obamacare. Ta chờ xem CH năm nay ra sao.

Tình trạng hiện nay của đảng DC là một bức tranh khá phức tạp.

Không ít người thù ghét Trump thật, nhưng như thượng nghị sĩ Schumer, lãnh tụ khối DC tại Thượng Viện đã nói, chống Trump không phải là một chương trình tranh cử. Danh hài Jimmy Kimmel, chuyên gia mang Trump ra làm trò cười, đã cho biết anh ta sẽ chấm dứt kiểu hài này vì theo thăm dò của chính anh ta, khán giả TV nói riêng và dân Mỹ nói chung có vẻ đã nhàm chán với những tấn công liên tục và quá đáng chống Trump của TTDC và Hồ Ly Vọng từ gần hai năm nay. Thậm chí, tạo phản ứng ngược luôn.

Ông Levi Sanders, con của cụ xã nghĩa Bernie Sanders, đang ra tranh cử dân biểu, đã nhận định “đảng DC sai lầm lớn khi miệt thị Trump, không nhìn nhận những thành quả của ông, và nhất là khinh bỉ khối cử tri của Trump”.

Theo Washington Post, khối cử tri của TT Trump cảm thấy bị khinh thường, xúc phạm vì TTDC và khối cấp tiến trịch thượng, chê họ là ngu dốt, kỳ thị, khiến họ càng ủng hộ Trump mạnh hơn. Cựu thị trưởng San Francisco, ông da đen Willie Brown, kêu gọi đảng DC nếu muốn tránh đại họa trong kỳ bầu tới, cần chấm dứt việc đánh Trump đến độ vô lý hiện nay.

Lôi chuyện đàn hặc ra? Một vài dân biểu DC vẫn hô hào chuyện này, như bà dân biểu Maxine Mát-Dây Waters, nhưng cấp lãnh đạo đảng DC thì trái lại, đang lo chạy cho xa khỏi vụ đàn hặc vì họ thấy đây là chuyện quá đáng, chỉ khích động cử tri của TT Trump đi bầu cho đông để bảo vệ TT Trump.

Đề nghị chương trình mới? Nói thì dễ nhưng làm quá khó.
Đảng DC dường như đã cạn ý, không biết đưa ra được chương trình nào mới lạ hết. Chẳng lẽ lại đưa ra những chương trình ngược lại những gì TT Trump đang làm?
Tăng Thuế? Khuyến khích các công ty đừng mở hãng xưởng? Đừng tạo công ăn việc làm cho dân? Mở toang cửa cho di dân tha hồ vào?
Đề nghị cả nước thành vùng an toàn cho di dân lậu? Tuyên dương băng đảng M-13 là thần tượng? Chấm dứt mọi thanh lọc cho dân tỵ nạn Trung Đông tha hồ vào?
Không nói chuyện với Bắc Hàn? Giảm thuế nhập cảng cho Trung Cộng? Trở về thoả ước chống hâm nóng địa cầu và đóng ngay 2 tỷ đô TT Obama đã hứa mà chưa nộp?
Phục hồi lại cả ngàn luật lệ thủ tục hành chánh phiền toái cản trở kinh doanh?

Thật ra, nói DC không có chính sách gì không đúng hẳn. Sự thật là đã có hàng loạt đề nghị mới, nhưng đều mang tính tạp nhạp, không có phối hợp chặt chẽ với nhau.
Đã vậy, nói chung, DC lại đang chạy qua phiá tả mạnh hơn nữa, với Cali dẫn đầu. Cổ võ cho những chuyện như bảo hiểm và dịch vụ y tế do Nhà Nước cung cấp hết, học phí miễn hoàn toàn cho tất cả, kể cả đại học, Nhà Nước mướn hết tất cả những người thất nghiệp.

Hô hào chạy qua phiá tả, nhưng nhìn lại thì trong các cuộc bầu đặc biệt gần đây, vài ông bà DC đã thắng lớn, mà lại là những người không thiên tả gì hết.
Trái lại, họ là những người ôn hòa, rất gần với các dân cử của đảng CH, lo chạy cho xa khỏi bà Nancy Pelosi. Không còn là anh trí thức cấp tiến cực đoan nữa, mà lý tưởng nhất là một anh –hay chị- cựu quân nhân, người hùng từ Iraq hay Afghanistan, hay một người như ông DC Doug Jones mới thắng cử ghế thượng nghị sĩ Alabama nhưng đã liên tục biểu quyết theo TT Trump.

Nếu đây là những dân biểu tương lai của DC thì đảng này có chiếm Hạ Viện thì cũng chẳng có hại gì cho TT Trump. Khối dân biểu ôn hòa này dường như cũng không hồ hởi gì với việc đàn hặc TT Trump.

Đặc biệt hơn, cuộc bầu năm nay sẽ có nhiều phụ nữ tham gia nhất lịch sử, nhất là trong đảng DC vì cơ hội khai thác phong trào #MeToo, chống xách nhiễu tình dục phụ nữ, cũng như khai thác việc TT Trump bị TTDC tố ‘thiếu đạo đức’ qua quan hệ với cô đào phim sex.

Nhìn chung, tình hình hiện nay mù mịt hơn sương mù Đà Lạt. Báo phe ta Washington Post lo ngại việc hậu thuẫn của TT Trump đang tăng và việc cử tri CH đổ xô đi bầu trong nội bộ đảng –primaries- mấy tuần qua, và bầu toàn cho những ứng cử viên được TT Trump ủng hộ, sẽ thay đổi cuộc diện, có thể giúp CH giữ đa số tại Hạ Viện luôn.
Một ác mộng ‘vĩ đại’ của DC!

Vũ Linh May 19, 2018
https://baotgm.net/vu-linh-bau-cu-toi-nghi-gi/

hongnguyen
08-20-2018, 08:24 AM
VẤN ĐỀ OMAROSA

TTDC đang làm rùm beng câu chuyện cô Omarosa đánh TT Trump, viết sách khui cả lô chuyện hậu trường để bôi bác TT Trump và các cựu đồng nghiệp, đồng thời phổ biến một số băng mà cô thu lén khi nói chuyện với tổng thống và các quan chức cao cấp trong Tòa Bạch Ốc.

Toàn bộ câu chuyện là cuộc chiến bình thường, bôi bác chửi bới cá nhân, chẳng liên quan gì chính sách kinh bang tế thế, cũng chẳng ảnh hưởng xa gần gì đến cuộc sống hàng ngày của quý vị và kẻ này.

Dĩ nhiên giống như tất cả những tin xấu nào về TT Trump, đã trở thành một thứ đá nam châm hớp hồn các cụ chống Trump.

Việc các quan chức sau khi hết làm việc, đi viết sách khui chuyện hậu trường để kiếm tiền là chuyện bình thường tại xứ Mỹ này.

Những người bị sa thải thì kể chuyện xấu, có khi thật, có khi phịa, để thanh minh thanh nga hay trả thù.
Những người không bị sa thải thì viết hồi ký kể lể công lao hy sinh hãn mã của mình có khi thật, phần lớn là phịa. Chính khách CH hay DC cũng đều vậy.

Chuyện cô Omarosa khui tin xấu hậu trường không có gì lạ và đáng nói. Nhất là sau khi cô đã bị sa thải, muốn khui tin rác rưởi để trả thù và kiếm tiền. Giá trị của những tiết lộ đó tự nó chẳng là bao nhiêu đối với những người muốn tìm hiểu sự thật một cách nghiêm chỉnh.

Với những người thích khui thùng rác thì dĩ nhiên đây là kho vàng phải chui đầu vào càng xâu càng tốt.
Nhưng câu chuyện của cô Omarosa này không bình thường vì nó nêu lên nhiều vấn đề cực kỳ lớn.
Trước hết, ta coi lại xem bà này là ai.

Bà Omarosa Manigault-Newman từ đầu đến đuôi là ‘sản phẩm’ của TT Trump, được ông cứu năm lần bẩy lượt, nâng đỡ, coi như con ruột.

Sanh năm 1974, bà Omarosa có bằng Master về thông tin, báo chí từ đại học da đen Howard, theo học lấy bằng tiến sĩ nhưng không đủ khả năng, bỏ học. Đi làm việc cho văn phòng PTT Al Gore.

Tại đây, cô Omarosa bị bà giám đốc Nha Nhân Viên của PTT Gore than phiền là nhân viên tệ nhất và tìm cách sa thải. Được chuyển qua làm việc tại bộ Thương Mại qua sự ‘gửi gắm’ của văn phòng PTT.

Tại đây, cô làm việc không bao lâu cũng bị sa thải vì ‘không đủ khả năng và chuyên gây sự’ (unqualified and disruptive).

Ở Mỹ, sa thải nhân viên da đen là cả một vấn đề, nhất là từ văn phòng một chính trị gia như PTT Gore, nên thường thì họ bị chuyển đi chỗ khác. Ông Gore lấy tư cách PTT bán cái cô Omarosa cho bộ Thương Mại. Đổi qua bộ Thương Mại với cả chục ngàn nhân viên, sa thải kín đáo hơn và dễ hơn.

Cô tham gia thi tài trong chương trình The Apprentice của ông Trump trên đài NBC năm 2004, được chú ý vì cách hành xử ‘mạnh bạo’ của cô trong các ‘tình huống’ do chương trình tạo ra. ‘Mạnh bạo’ có nghiã là mạnh miệng, nói thẳng thừng, sẵn sàng cãi và chửi nặng,… được nổi tiếng là ‘bad girl’.

Cô trở thành biểu tượng của một phụ nữ không chịu thua anh tu mi nam tử nào, tức là biểu tượng của một phụ nữ khai phóng, của cách mạng nữ giới, mà lại là nữ giới da đen nữa.

Có người cho đây là cô cố tình đóng tuồng để tạo chú ý, có người cho đây là do bản tính hiếu chiến. Bất kể là gì, cô nổi tiếng và được khối phụ nữ da đen hoan nghênh, coi như thần tượng.

Sau khi lên show được 9 tuần, cô bị sa thải vì cãi nhau lung tung, gây rối loạn.

Ông Trump tìm cách cứu cô, cho cô về lại năm 2008, hợp tác trong chương trình Celebrity Apprentice. Nhưng cô lại bị sa thải sau 10 tuần.

Ông Trump cứu cô lần nữa. Cho hợp tác trong một chương trình TV mới. Lần này, chương trình thành công không có chuyện gì.

Qua năm 2013, cô Omarosa lại hợp tác với ông Trump trong một chương trình TV mới, All-Star Celebrity Apprentice. Nhưng lần này, có chuyện lớn. Lại chửi lộn lung tung, bị đích thân ông Trump sa thải tại chỗ.

Sự nghiệp của cô Omarosa: một lần sa thải bởi PTT Al Gore, một lần bởi bộ Thương Mại của TT Clinton, ba lần bởi NBC.

Khi ra tranh cử tổng thống, ông Trump lại hợp tác với cô Omarosa, bổ nhiệm cô làm Liên Lạc Viên với Cộng Đồng Mỹ Gốc Phi Châu vì cô vẫn còn được hậu thuẫn khá mạnh của giới phụ nữ da đen.

Ứng cử viên Trump cần một khuôn mặt da đen nữ giới mà lại được hoan nghênh bởi các bà da đen.

Sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, cô đi theo, vào Tòa Bạch Ốc làm Giám Đốc Thông Tin trong Văn Phòng Giao Tế Công Cộng (Director of Communications for the Office of Public Liaison), chỉ là giám đốc thông tin của một văn phòng thôi, không phải giám đốc thông tin cả Tòa Bạch Ốc như TTDC thổi phồng. Trên thực tế, không ai rõ cô này làm việc gì mỗi ngày.

Nổi tiếng cao ngạo, phách lối, vẫn thói cũ, gây gỗ lung tung. Cô viết thư tứ tung, tự ký tên “The Honorable Omarosa Manigault”.
Danh từ ‘The Honorable’ được dành để gọi những quan chức cao cấp nhất như quan tòa, bộ trưởng, dân biểu, nghị sĩ hay quốc trưởng.

Dù vậy, cũng không có ai tự xưng là The Honorable bao giờ. Có lần cô ra oai, tự ý tổ chức một buổi họp, ký tên “The Honorable Omarosa Manigault” mời tất cả các dân biểu liên bang da đen đến thảo luận, không có một người nào tới tham dự.

Trong suốt thời gian tranh cử cũng như trong năm đầu của TT Trump, cô Omarosa nổi tiếng là bà da đen bênh vực TT Trump ồn ào nhất, suốt ngày tự ý cho báo và TV phỏng vấn để có dịp ca tụng TT Trump bằng những lời lẽ mạnh bạo nhất, bác bỏ tất cả những chỉ trích, nhất là những chỉ trích về kỳ thị chống ông Trump.

Mùa hè 2017, tướng Kelly được bổ nhiệm Chánh Văn Phòng. Chỉ chưa đầy nửa năm sau, tướng Kelly sa thải cô Omarosa.

Ngày 20 tháng Giêng 2018, cô bị Mật Vụ hộ tống ra khỏi Tòa Bạch Ốc, tay không, không được mang theo bất cứ giấy tờ, hồ sơ gì.

Khi tin này được loan báo, cô Omarosa cải chính, nói là cô tự ý từ chức. Rồi mới đây, cô nhìn nhận đã bị sa thải, và phổ biến cuốn băng thu cuộc nói chuyện của cô với tướng Kelly khi ông này sa thải cô.

Tin Tòa Bạch Ốc cho biết, sau khi tướng Kelly sa thải cô Omarosa, TT Trump nghe tin, có điện thoại cho ông Kelly và nói “ông đã làm những gì cần phải làm”.

Sau nửa năm tương đối im lặng để viết sách, bây giờ cô Omarosa tái xuất giang hồ, ra sách, chẳng những khui nhiều chuyện được quảng bá là ‘kinh thiên động địa’ nhất trong hậu trường, mà còn bung ra nhiều cuốn băng thu âm những cuộc nói chuyện của cô với TT Trump, tướng Kelly và nhiều quan chức cao cấp khác.

Những loại sách tấn công chính trị này luôn có ‘giá trị’ lớn, đặc biệt là sách chống Trump, tuy ‘giá trị’ chỉ kéo dài khoảng vài ba tuần, sau đó chẳng ai còn nhớ gì nữa.

Như sách của anh Michael Wolff đã từng khui cả vạn chuyện bê bối mà chẳng ai kiểm soát được thực hư, từng gây chấn động chính trường Mỹ. Bây giờ, vài tháng sau, ai còn nhớ tên anh ta? Ai còn nhớ những chuyện gì anh ta viết?

Trường hợp cô Omarosa cũng tương tự. Tương tự ở điểm toàn tin rác rến và sẽ sớm đi vào quên lãng. Nhưng lại không giống hoàn toàn, mà trái lại, nghiêm trọng hơn nhiều. Việc cô Omarosa làm đã thành một vấn đề lớn.
Việc làm của cô Omarosa nêu lên vài điểm quan trọng:

Tư cách con người cô Omarosa. Tuyệt đối không biết gì về những khái niệm danh dự, tự trọng, tinh thần trách nhiệm. Những đức tính mà dân Á Đông chúng ta coi trọng như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đều hoàn toàn xa lạ.

Chỉ có cái ‘TÔI’ là quan trọng, đụng vào cái TÔI là tôi sẽ đánh lại xả láng, bất chấp hết.

Việc làm của cô Omarosa, hiển nhiên là việc làm của một người phản phúc, tráo trở, lại là phản một người đã cứu giúp sự nghiệp của mình tới ba lần, mang cô từ một người vô danh, bất tài, bị sa thải liên tục trong nhiều jobs, leo lên đến chức phụ tá tổng thống.

Khi bị chất vấn về những câu tâng bốc Trump trước đây của cô thì cô này trả lời lung tung. Khi thì nhìn nhận mình đã sai lầm, nhưng bây giờ sáng mắt, vì ‘lương tâm’ nên phải ‘đau lòng nói lên sự thật’.

Khi thì ẫm ờ ám chỉ cô đã được trả tiền để tâng bốc như vậy. Vậy con người thật của cô là gì nếu không phải là một người xảo trá, vô tư cách? Nếu Trump tệ hại như cô mô tả, tại sao cô có thể đi theo trong suốt 15 năm? Chỉ trở mặt sau khi đã bị sa thải.

Ông Trump nhận mặt phụ tá quá tệ? Không sai. Hiển nhiên là lựa nhầm người, cho dù vì nhu cầu chính trị, kiếm một cô da đen để lấy điểm dân da đen. Dân da đen không phải ai cũng tệ hại, phản phúc như cô Omarosa này, thiếu gì người có tư cách hơn, sao lựa cẩu thả như vậy?

Mà không phải là chuyện phản phúc giờ chót, bất mãn sau khi bị sa thải, mà nhiều người có thể thông cảm và tha thứ được.

Theo New York Times, cô Omarosa có hơn 200 cuốn băng thu âm lén ngay trong khi cô còn được hậu đãi, chưa ai nghi ngờ gì cô, kể cả những cuốn băng bù khú với bạn bè, trong đó họ ‘nói chuyện Bà Tám’ với nhau.

Tức là cô Omarosa đã có dã tâm mờ ám, ý định phản phúc với tất cả mọi người ngay từ đầu, qua những nụ cười và cái bắt tay thân thiện nhất.

Việc thu âm lén nêu lên một vấn đề lớn cho Tòa Bạch Ốc. Tổng thống khi lấy quyết định thường tham khảo ý kiến rất nhiều người, và ông phải có những trao đổi thẳng thắn nhất, dĩ nhiên có cả nhiều ý kiến không ‘phải đạo chính trị’ mà việc tiết lộ ra ngoài sẽ rất tai hại.

Bây giờ với việc cô Omarosa lén thu cả mấy trăm cuộc nói chuyện, ai còn dám nói thẳng, phân tích mọi việc với nhau nữa?

Ai còn dám nói ngay nói thật với tổng thống nữa? Và tổng thống nào dám nói ngay nói thật với phụ tá và cố vấn nữa?

Cuốn sách của cô Omarosa cũng là cuốn sách bẩn thỉu nhất. Không có một bằng chứng cụ thể nào hết, nhưng cô Omarosa khẳng định TT Trump bị ám ảnh về sex với cô con gái Ivanka và cô này biết thế nên khai thác tối đa để gây ảnh hưởng trên ông bố.

Quan trọng hơn là vấn đề bảo mật an ninh quốc gia trong Tòa Bạch Ốc.

Làm sao cô Omarosa có thể dễ dàng thu âm những cuộc nói chuyện với tổng thống, với Chánh Văn Phòng Tổng Thống, trong phòng ‘Situation Room’, là phòng họp tuyệt mật, dành để họp bàn, nói chuyện về những chuyện bí mật nhất (đây là phòng TT Obama và cả Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ngồi theo dõi biệt kích SEAL đi bắt Osama Bin Laden khi việc này còn là chuyện tuyệt mật chưa được công bố).

Theo thủ tục an ninh Tòa Bạch Ốc, tất cả mọi người, bất kể cấp bực, trước khi vào phòng Situation Room, đều phải bỏ tất cả các máy móc, dụng cụ thông tin cá nhân như laptop, điện thoại, máy ghi âm, iPad, … ở ngoài, phải qua máy dò soát.

Thế thì sao cô Omarosa có thể mang máy ghi âm vào theo được?

Đây là vấn đề tướng Kelly sẽ nhức đầu không ít và phải tìm hiểu cho rõ và thật sớm để có biện pháp thích ứng.

Nhưng đặc biệt hơn cả là ngoài hai ba cuốn băng đã được phổ biến, cô Omarosa đã có những băng nào khác, liên quan như thế nào đến an ninh quốc gia?

TTDC lo đánh TT Trump mà không hề lưu ý đến chuyện an ninh quốc gia cực kỳ tai hại này.

Ai biết được cô này đã thu âm những gì ngoài những băng liên quan đến việc cô bị sa thải mà cô đã phổ biến. Cô đã từng làm phụ tá tổng thống về thông tin, tất nhiên đã tham gia rất nhiều buổi họp tối mật liên quan đến các vấn đề bí mật nhất về mọi phương diện, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế,…?

Cô có bán những tin này cho Nga hay Trung Cộng không? Hay có khi đã bán rồi không chừng?

Đúng ra, có lẽ FBI đã phải bắt giam cô Omarosa ngay lập tức, niêm phong tất cả các dụng cụ thông tin liên lạc của cô như computer, laptop, điện thoại, iPad,… để kiểm soát lại, thanh lọc những tin bí mật an ninh quốc gia.
Kẻ này không hiểu tại sao FBI chưa làm chuyện này?

Ở đây, không còn là vấn đề tự do cá nhân nữa mà hiển nhiên đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia.

Có lẽ đây là một trong những kẽ hở của pháp luật Mỹ, không cho phép FBI làm gì khi chưa thấy có tội cụ thể?

Ngoài ra, cô Omarosa còn công khai cho biết đã hợp tác, nói chuyện với công tố Mueller rồi.

Dĩ nhiên là ông Mueller đang đi mò tin, tìm cách vồ TT Trump, rất muốn nghe cô này, nhưng cũng phải cân nhắc việc hợp tác với một nhân vật bất hảo và tính xác thực của những tin tức từ loại người này, đồng thời cũng phải cân nhắc để khỏi bị tố phe đảng mù quáng.

Tin giờ chót, Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump đã đưa đơn kiện cô Omarosa về tội không tôn trọng cam kết giữ bí mật (Non-disclosure Agreement) cô đã ký khi vào làm trong Ủy Ban, đòi bồi thường thiệt hại đâu cả vài triệu và tất cả lợi nhuận thu được nhờ tiết lộ bí mật qua việc bán sách.

Tờ cam kết này còn ghi rõ cô Omarosa tuyệt đối bị cấm không được tuyên bố hay viết lách gì có tính cách bôi bác, nhục mạ cá nhân TT Trump và gia đình ông một cách vĩnh viễn.

Dường như đây chỉ là biện pháp đầu tiên, món ăn sáng nhẹ, chưa đả động gì đến thời gian cô làm việc trong Tòa Bạch Ốc và những cuốn băng thu lén liên quan đến an ninh quốc gia.

Một số rất lớn công ty thường bắt nhân viên ký giấy cam kết giữ bí mật. Khi bài này được viết thì cuốn sách của cô mới vừa được phát hành, chưa ai có thời giờ nghiên cứu kỹ, không biết trong đó cô có tiết lộ chuyện gì vi phạm đến giấy cam kết khi vào làm trong Ủy Ban Vận Động của ông Trump hay không.

Nếu cô chỉ tiết lộ những ‘cảm tưởng’ vớ vẩn của cá nhân cô thì dĩ nhiên, không sao. Nhưng nếu cô tiết lộ những tin bí mật hậu trường, cô sẽ phiền to. Bán bao nhiêu sách cũng không đủ trả tiền luật sư, nếu tiền bán sách không bị tịch thu.

Cô Omarosa đang rầm rộ đi quảng bá cho cuốn sách. Nhưng theo tin của CNN, số người đặt mua sách này đã thấp hơn mọi dự đoán và CNN tiên đoán sách này sẽ không thuộc loại bán chạy nhất. Lý do gồm có:

1) đề tài quá nhàm vì đã có quá nhiều sách báo viết để thoá mạ Trump,

2) quá trình thất bại, bị sa thải liên tục cũng như tính tình chuyên gây rối của cô Omarosa khiến cuốn sách không có bao nhiêu giá trị, và

3) tính phản phúc quá lộ liễu của cô Omarosa khiến thiên hạ nghi ngờ tính xác thực của những chuyện được viết ra trong sách.

Phản ứng của mọi người ra sao? Phản ứng của TT Trump, ai cũng đoán được. Ông đã mau mắn tuýt hàng loạt mẫu tin ngắn, gọi cô Omarosa là “low life”, “dog”.

Ông Trump trước đây đã xử dụng danh từ ‘chó’ với nhiều người, như TNS Ted Cruz hay bà Ariana Huffington của trang mạng Huffington Post, nhưng TTDC không khiếu nại. Bây giờ, cô Omarosa bị gọi là ‘chó’, TTDC chu chéo ngay Trump kỳ thị, nhục mạ dân da đen.

Nôm na ra, nhục mạ dân da trắng thì không sao, làm y như vậy với dân da đen là tội chu di tam tộc.
Dù sao, cái áo giáp sắt da đen vẫn còn nặng ký lắm.

Báo New York Times chỉ trích TT Trump đã không tôn trọng –respect- nhân viên da đen cao cấp nhất của Tòa Bạch Ốc. Xin hỏi lại NYT, giữa tổng thống và một phụ tá thông tin, ai ‘cao cấp’ hơn ai?

Khi cô Omarosa lén thu băng tổng thống, lên TV và viết sách thoá mạ tổng thống là kỳ thị, là có bệnh tâm thần, là bị ám ảnh tình dục với cô con gái,… những cái đó có là những việc thiếu tôn trọng tổng thống không, sao NYT không đề cập đến?

Tại sao tổng thống phải ‘respect’ một nhân viên của mình mà nhân viên đó thì lại có quyền tha hồ nhục mạ tổng thống?

Hơn nữa, một người phản phúc tráo trở, thu âm những cuộc nói chuyện với tất cả mọi người, người đó có đáng được nể trọng không? Khi nào thì NYT thấy được sự không công bằng của mình?

Khi nào thì các cụ tỵ nạn thấy được cái tính phe phái vô lý của NYT?
Nếu quý cụ có một người bạn lén thu âm các cuộc chuyện vãn với quý cụ thì quý cụ nghĩ sao về người ‘bạn’ đó? Đáng nể trọng hay nên khinh tởm?
Cô Omarosa đang được TTDC phủ phục đón rước như thiên thần. Thái độ của TTDC đối với cô Omarosa hết sức tiêu biểu cho cái giả đối của giới TTDC này.

Khi cô Omarosa còn cơm lành canh ngọt với TT Trump thì TTDC phớt lờ, coi như cô này không có mặt trên thế gian, không bao giờ nhắc đến việc tay ‘kỳ thị thượng tôn da trắng’ Trump này đã có một phụ tá là một bà da đen.

Những tuyên bố ồn ào của cô Omarosa đều bị TTDC ỉm đi hết, báo không đăng, TV không loan tin. May ra trên thế giới này có được ba người biết Omarosa là ai, làm gì, và nói gì.

Cô Omarosa bị coi như là thứ bánh Oreo, là loại bánh sô-cô-la đen ở ngoài, kẹp bánh kem trắng ở trong.
Bây giờ thì TTDC nâng cô lên: Trump sỉ nhục viên chức da đen cao cấp nhất trong chính quyền.

Cuộc đời đổi trắng thay đen, cô Omarosa đang được TTDC trọng vọng như một cựu Đệ Nhất Phu Nhân.

Trong tuần qua, cô đã liên tục xuất hiện trên tất cả các đài truyền hình dòng chính, ABC, NBC, CBS, MSNBC, CNN,...

Tin và hình ảnh của cô hiện lên trang nhất của gần như tất cả các báo lớn nhỏ, đặc biệt là trên các báo lớn nhất như New York Times và Washington Post.

TTDC đang khiêng cô Omarosa lên nóc tủ để vái lạy như thần tượng mới.

Xin lỗi quý vị, nếu đảng DC ngày nay tung hô những bà đào chuyên đóng phim sex như Stormy, những cô Mácxít lớ ngớ như Ocasio-Cortez, và những người phản phúc như cô Omarosa,…
làm thần tượng mới để thay thế những thần tượng đi vào tuổi xế chiều như Feinstein, Pelosi, Warrens, …
thì tương lai của đảng không lấy gì làm sáng lạn lắm.

Vũ Linh August 17, 2018
https://baotgm.net/vu-linh-van-de-omarosa/

Lê Nguyễn Hiệp
08-20-2018, 10:42 AM
Những loại sách tấn công chính trị này luôn có ‘giá trị’ lớn, đặc biệt là sách chống Trump, tuy ‘giá trị’ chỉ kéo dài khoảng vài ba tuần, sau đó chẳng ai còn nhớ gì nữa.

Như sách của anh Michael Wolff đã từng khui cả vạn chuyện bê bối mà chẳng ai kiểm soát được thực hư, từng gây chấn động chính trường Mỹ. Bây giờ, vài tháng sau, ai còn nhớ tên anh ta? Ai còn nhớ những chuyện gì anh ta viết?

Trường hợp cô Omarosa cũng tương tự. Tương tự ở điểm toàn tin rác rến và sẽ sớm đi vào quên lãng.

Tưởng có chiêu gì mới? cũng lại cái mửng trả tiền vài triệu cho kẻ viết hồi ký, làm ầm lên để câu khách, rồi cũng đi vào quên lãng.

Một loại con buôn sách hồi ký.

hongnguyen
08-21-2018, 08:22 AM
Khỏe anh Hiệp! :)

hongnguyen
08-21-2018, 08:26 AM
CẶP BÀI TRÙNG COMEY – MUELLER

Tin tức báo chí gần đây thấy có tên của hai nhân vật là James Comey và Robert Mueller nhan nhản trên mặt báo gần như mỗi ngày, dĩ nhiên không kể CNN là cơ quan ngôn luận có ‘văn hoá cao hơn’, chỉ bàn về chuyện cái bà đóng phim sex Stormy Daniels.

Ông Comey là cựu giám đốc FBI bị TT Trump sa thải, đưa đến việc bổ nhiệm ông Mueller để điều tra vấn đề. Đây là việc ai cũng biết. Nhưng việc ít người biết hơn là giữa hai ông này, đã có một quan hệ rất đặc biệt, phát sinh ra từ thời TT Bush con.

Năm 2001, khi TT Bush con nhậm chức, ông Robert Mueller là phụ tá bộ trưởng Tư Pháp. TT Bush quyết định thay thế giám đốc FBI Louis Freeh của TT Clinton. Ông Mueller được bổ nhiệm. Ông nhậm chức đúng một tuần trước khi xẩy ra vụ khủng bố Hồi giáo tấn công 9/11.

Ít lâu sau đó, ông James Comey, đang làm luật sư tại New York, được bổ nhiệm phụ tá bộ trưởng Tư Pháp, thay thế ông Mueller.

Cả hai ông vừa nhậm chức là đã phải bỏ hết thời giờ hợp tác với nhau, lo việc chống khủng bố Hồi giáo quá khích.
Hàng loạt luật lệ mới được đặt ra, đồng thời toàn thể hệ thống an ninh tình báo của Mỹ được cải tổ một cách quy mô nhất, với sự ra đời của bộ An Ninh Lãnh Thổ -Homeland Security- phối hợp tất cả mọi hoạt động an ninh, tình báo quốc gia, kể cả FBI, CIA, NSA,…

Ông Comey giúp viết luật, ông Mueller giúp thi hành.

Hầu hết các luật lệ mới ra đều có tính cách nhất thời, có giá trị tạm một vài năm để sau này có dịp sửa đổi cho thích hợp với tình thế hơn, vì đây là lần đầu tiên nước Mỹ trực diện với nạn khủng bố cuồng tín ngay trong nước nên còn mù mờ chưa biết phải đối phó ra sao cho hữu hiệu.

Bộ luật chính chống khủng bố, Patriot Act (phần lớn do một luật sư gốc Việt ông Đinh Đồng Phục Việt –Mỹ gọi là Viet Dinh- soạn thảo), ngoài ra còn rất nhiều luật phụ đính.

Trong số đó có luật có biệt danh là ‘Stellar Wind’ là luật cho phép các cơ quan an ninh nghe lén điện thoại của những người khả nghi có liên hệ với khủng bố. Luật này đến tháng 4/2004 là hết hạn, cần phải được TT Bush ký gia hạn.

Văn phòng PTT Dick Cheney chịu trách nhiệm cứu xét lại, điều chỉnh ít nhiều rồi chuyển qua cho bộ trưởng Tư Pháp John Ashcroft ký trước khi trình lên TT Bush ký.

Chuyện bất ngờ là gần ngày ký, ông Ashcroft bị đau mật, phải đi mổ khẩn cấp. Phụ tá bộ trưởng, tức là thứ trưởng, ông Comey là người xử lý thường vụ, phải ký trước khi trình lên TT Bush.

Nhưng ông Comey sau khi coi lại luật mới được chỉnh sửa, không chịu ký vì ông cho rằng luật đi quá xa, có thể vi phạm dân quyền theo Hiến Pháp. Ông đề nghị PTT Cheney sửa lại cho nhẹ bớt. PTT Cheney cho luật sư sửa lại.

Nhưng rồi phiên bản mới vẫn không được ông Comey chấp nhận, đòi hỏi phải sửa thêm nữa. PTT Cheney từ chối. Và ông Comey từ chối ký luôn. Đi đến bế tắc.

PTT Cheney ra lệnh cho chánh văn phòng của ông cùng với chánh văn phòng của TT Bush, hai ông đích thân mang dự thảo sắc lệnh đến tận nhà thương đưa cho bộ trưởng Ashcroft ký.

Tin này bị xì ngay ra cho ông Comey. Ông này tức giận nhẩy lên xe, bật đèn đỏ chạy khẩn cấp tới nhà thương để ngăn chặn.
Nhưng ông sợ không đến kịp, gọi điện thoại cho giám đốc FBI, ông Mueller, yêu cầu phải cho FBI đang bảo vệ ông Ashcroft tại nhà thương canh giữ không cho ai được vào phòng bệnh của ông Ashcroft trước khi ông Comey tới. Ông Mueller cũng tức tốc chạy tới luôn.

Bên giường bệnh của ông Ashcroft, cả bốn ông cãi nhau kịch liệt: một bên là hai ông chánh văn phòng, bên kia là ông xử lý bộ Tư Pháp Comey với ông đồng minh giám đốc FBI Mueller.

Ông Ashcroft thấy vậy, từ chối ký cho tới khi nào có được sự thỏa thuận của tất cả mọi người. Dĩ nhiên không có sự đồng ý. PTT Cheney báo cho TT Bush biết. Ông Bush gọi tất cả lên gặp ông.

Ông Comey gặp TT Bush, nói ngay nếu dự thảo của PTT Cheney được chấp nhận, ông và cỡ nửa tá quan chức cao cấp nhất của bộ Tư Pháp và ngay cả giám đốc FBI sẽ từ chức ngay lập tức.

TT Bush hỏi ông Mueller và ông này xác nhận nếu ông Comey từ chức, ông Mueller cũng sẽ từ chức theo luôn, cùng với một lô viên chức cao cấp FBI.

TT Bush là người suy nghĩ và quyết định rất nhanh, muốn tránh một đại họa chính trị, đã ra lệnh cho luật sư Tòa Bạch Ốc sửa lại theo ý của các ông Comey và Mueller rồi đưa cho ông Ashcroft ký trước khi tổng thống ký.
Nghĩa là liên minh Comey-Mueller đại thắng, hạ đo ván PTT Cheney.
Đó là một liên minh kéo dài cho tới ngày nay.

Ông Mueller làm giám đốc FBI đến 2013, nghỉ việc, đi làm cho một văn phòng luật sư chuyên truy tố các vụ án tham nhũng, rửa tiền,… tại New York.

Ông Comey làm phụ tá bộ trưởng Tư Pháp đến 2009 thì qua làm cho hãng máy bay Lockheed Martin.

Đến năm 2013 thì được TT Obama bổ nhiệm làm giám đốc FBI thay ông Mueller.

Tóm lại, ông Mueller từ phụ tá bộ trưởng Tư Pháp qua làm giám đốc FBI cho ông phụ tá bộ trưởng Comey, rồi sau đó, ông Comey lại qua làm giám đốc FBI thay thế ông Mueller.

Khi ông Comey làm giám đốc FBI thì ông luôn đưa các vụ án Mafia, tham nhũng, rửa tiền,... cho văn phòng luật của ông Mueller thụ lý. Tức là hai ông tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau.

Đến thời gian tranh cử tổng thống, ông giám đốc Comey lúc đầu cho điều tra vụ emails của bà Hillary, rồi đâu một tháng trước ngày bầu, ông Comey rình ràng họp báo, tố cáo bà Hillary đã bất cẩn một cách hết sức nghiêm trọng khi trao đổi emails qua các phương tiện không bảo đảm an toàn, rất có thể đã có người thâm nhập lấy tin, nhưng ông khuyến cáo bộ Tư Pháp không truy tố bà Hillary.

Ông tuyên bố chấm dứt cuộc điều tra.

Theo luật Mỹ, ‘bất cẩn nghiêm trọng” –gross negligence- là tội có thể đi tù rồi. Tại sao bà Hillary bất cẩn nghiêm trọng mà lại không đi tù?

Bị tố phe đảng, ông tìm cách tự bảo vệ, 10 ngày trước bầu cử, ông loan tin mở lại cuộc điều tra, lấy lý do mới khám phá thấy trong máy điện toán chồng bà phụ tá Huma Abedin của bà Hillary, có nhiều emails của bà Hillary trao đổi với bà Abedin.

Rồi ba ngày trước bầu cử, ông Comey lại loan tin chấm dứt điều tra vì coi lại không có gì bí mật liên quan đến an ninh quốc gia trong các emails đó.

Cuộc điều tra mới kéo dài đúng một tuần, ngắn nhất trong lịch sử các cuộc điều tra của FBI, kịp thời bạch hóa bà Hillary trước ngày bầu cử.

Khi đó, ông Comey giải thích ông mở lại cuộc điều tra để tránh tai tiếng phe đảng cho FBI sau khi TT Clinton gặp một mình bà bộ trưởng Tư Pháp Loretta Lynch trên máy bay riêng của bà, đưa đến nhiều lời đàm tiếu đã có sự thông đồng giữa hai bên, để xù vụ điều tra emails.

Bây giờ trong hồi ký, ông Comey giải thích khi đó, ông tin chắc bà Hillary sẽ đắc cử và ông nghĩ nếu ông không mở lại cuộc điều tra khi khám phá thấy cả lô emails trên máy điện toán của ông chồng bà phụ tá Huma Abedin, thì sau này phe đối lập CH sẽ chỉ trích ông dấu nhẹm tin này để giúp bà Hillary, và như vậy bà sẽ là một tổng thống ‘không chính danh’ –illegitimate-.

Chính vì muốn giúp bảo vệ thế chính danh cho tổng thống Hillary mà ông Comey mới công bố việc mở lại cuộc điều tra để rồi sau đó mau chóng bạch hoá bà Hillary và chấm dứt cuộc điều tra.

Ông chưa bao giờ nghĩ việc này có thể có hại gì cho bà Hillary vì trước sau gì bà cũng sẽ đắc cử, trái lại chỉ giúp bà thành một tổng thống chính danh, không có một vết đen nào hết vì FBI đã điều tra đi điều tra lại rồi. Không ngờ sau đó bà thất cử.

Cùng một việc làm, ông Comey đã có hai cách giải thích khác nhau trước và sau bầu cử.

Việc ông Comey nhẩy ra nhẩy vào khiến thiên hạ mù tịt chẳng hiểu chuyện gì đã xẩy ra, và ông Comey này đang làm trò gì.

Sau khi thất cử thì bà Hillary, phe DC, và TTDC xúm lại tố ông Comey là thủ phạm đã giết bà khi ông mở lại cuộc điều tra.

Ông này lại tìm cách chống đỡ bằng cách... mở cuộc điều tra về Nga thông đồng với ban vận động của ông Trump, cho có vẻ công bằng, dù chẳng có bằng chứng hay yếu tố gì ngoài những tố cáo vu vơ của bà Hillary.

Tân bộ trưởng Tư Pháp của TT Trump, ông Jeff Sessions, vì là thượng nghị sĩ CH đầu tiên ủng hộ ông Trump mạnh nhất, vội vã rút lui khỏi cuộc điều tra để tránh tiếng phe đảng với tân TT Trump, trao cho phụ tá bộ trưởng Rod Rosenstein phụ trách chuyện điều tra Nga này.

Đến phiên TT Trump bực mình vì ông cho là ông Comey giận cá chém thớt, bị tố là đã hại bà Hillary nên quay qua đánh ông Trump một cách vô lý và vô bằng chứng.

Ông cũng giận ông Sessions đã hấp tấp rút lui, không tìm cách bảo vệ tân tổng thống.

Đã vậy, ông Rosenstein lại phúc trình lên TT Trump việc làm tắc trách và bất nhất của ông Comey trong vụ tự ý điều tra, rồi tự ý ngưng, rồi tự ý điều tra lại, rồi lại tự ý chấm dứt, vi phạm tất cả thủ tục điều tra của FBI. Thế là TT Trump lấy cớ đó bãi chức ông Comey.

Ngay sau khi TT Trump sa thải ông này, thì cả đám DC và TTDC xoay ngược xuồng, chèo ngược lại hết, tung hô ông Comey như một nạn nhân đáng tội của tay ‘độc tài’ Trump muốn che dấu việc thông đồng với Nga.
Một thứ tráo trở thô bạo chỉ thấy trong đảng DC Mỹ!

Ông Rosenstein bị áp lực chính trị nặng, cũng sợ bị mang tiếng là phe đảng, giúp TT Trump che dấu việc thông đồng với Nga, vội vã bổ nhiệm một công tố đặc biệt để điều tra.

Và quái lạ thay, ông chọn ngay ông đồng chí nối khố của ông Comey là ông Mueller cho trách nhiệm nặng nề này. Có cả vạn người có khả năng nhận trách nhiệm này, không ai hiểu rõ tại sao ông Rosenstein lại lựa đúng ông này.

Nhiều người nêu ngay vấn đề xung khắc quyền lợi khi thấy ông Mueller được bổ nhiệm để điều tra việc ông bạn Comey bị cách chức. Làm sao ông Mueller có thể có công tâm 100% được? Nhưng chẳng ai làm gì được vì ông Rosenstein có toàn quyền bổ nhiệm bất cứ ai ông muốn, không cần xin phép tổng thống hay phê chuẩn của quốc hội gì hết.

Câu chuyện tiếp theo, ai cũng đều biết rõ. Công tố Mueller tập hợp hơn một tá luật sư thượng thặng trong đó có ít nhất một nửa ủng hộ bà Hillary, đi truy lùng phù thủy từ gần cả năm nay, trong khi ông Comey lẳng lặng viết hồi ký.

Sau một thời gian quảng bá rầm rộ, cuối cùng thì cựu giám đốc FBI James Comey đã viết xong, ra sách, lấy tên là ‘A Higher Loyalty’, ý muốn nói ông ta trung thành với một cái gì cao hơn TT Trump, hàm ý trung thành với tổ quốc, trung thành với sự thật, trung thành với lương tâm.

Theo nhận định của những người đã được đọc trước, đại cương cuốn sách là một bản án vĩ đại chống lại TT Trump, trong đó liệt kê hàng triệu tội của Trump mà chẳng ai biết tội nào có thật, tội nào là fake news. Và bù lại, dĩ nhiên, tác giả tự tôn vinh mình lên đỉnh Thái Sơn.

Tại sao lại ra sách bây giờ khi ông Mueller đang mần mò đi câu?

Câu trả lời không khó lắm: ông Comey viện cớ viết hồi ký, đã khui ra không biết bao nhiêu ‘chuyện kín hậu trường’ từ thời gian tranh cử tổng thống đến những tháng đầu của chính quyền Trump, những trao đổi với TT Trump và các phụ tá của ông,

nhất là những ‘chuyện kín phòng the’ của TT Trump, từ những vụ dấm dớ như thuê gái gọi ‘tè’ trên giường khách sạn, cho đến các vụ các em chân dài chân ngắn khiếu nại về ông Trump từ mấy trăm năm trước.

Cuốn sách được viết một phần để trả thù, công khai bôi bác TT Trump, nhưng quan trọng hơn nữa, đây là một kho tài liệu giúp cho ông đồng chí Mueller truy lùng và khai thác trong việc tìm tội chống TT Trump.

Một lần nữa, ta lại thấy hai đồng chí hợp tác chặt chẽ với nhau vì lợi ích chung.

Cuốn sách bảo đảm sẽ kéo dài cuộc điều tra của công tố Mueller qua không biết bao nhiêu chuyện lăng nhăng khác.

Có một điều lạ chưa thấy báo nào bàn tới: trong những tin ông Comey viết ra, không có bằng chứng nào về sự thông đồng giữa ông Trump với Nga.

Về cuốn sách này, nhiều nhà báo chê cuốn sách chỉ là đòn thù của ông Comey.

Nhà báo Nate Silver gọi tên cuốn sách là “A Higher Royalty”, thay vì “A Higher Loyalty”. Royalty là tiền thù lao viết sách trong khi Loyalty là lòng trung thành. Nghe nói ông Comey được ứng trước hai triệu đô.

Một nhà báo khác nhận định ông Comey chứng minh cho cả thế giới thấy ông có thành kiến quá nặng và thù ghét Trump ngay từ đầu, do đó TT Trump sa thải ông thật không oan vì không có cách gì ông Comey có thể phục vụ TT Trump được.

Nếu như GĐ Comey làm giám đốc yên ổn, đến ngày về hưu hay mãn nhiệm, ra đi trong vinh dự, rồi viết hồi ký thì cuốn sách đã có giá trị lớn. Nhưng vì ông Comey bị sa thải, cuốn sách tóm lại, chỉ là một thứ đòn thù của một tiểu nhân, không hơn không kém.

Ông Comey có thể là người rất cao to về thể xác, nhưng tư cách bé hơn con muỗi, chỉ có cái tôi và lòng hận thù mới thật là lớn hơn người.

Theo thăm dò của Rasmussen, 42% dân Mỹ cho cuốn sách chỉ là tấn công chính trị chống TT Trump, không có giá trị lịch sử, và 60% nói họ sẽ không đọc.

Điều tiếu lâm là tất cả những người tung hô ông Comey vì chủ đích muốn đánh Trump quên mất một ‘chi tiết nhỏ’.
Cho đến bây giờ, bà Hillary vẫn còn cho ông Comey là thủ phạm lớn nhất đã khiến bà thất cử khi 10 ngày trước ngày bầu cử, GĐ Comey loan báo mở lại cuộc điều tra về emails của bà Hillary.

Những người đang tung hô ông Comey cũng quên trước khi ông này bị TT Trump sa thải, tất cả các chính khách DC, từ bà Hillary đến TNS Schumer, DB Pelosi, cả TTDC,... đều mạt sát và đòi lấy thủ cấp của ông Comey.

Kẻ này muốn tặng cho quý vị nào đang tung hô ông Comey một lựa chọn rất lý thú:

- Một là tiếp tục tung hô ông Comey nhưng nhớ cám ơn sự thanh liêm ngay thẳng của ông Comey đã giúp cho dân Mỹ lựa chọn đúng người làm tổng thống, tố giác bà Hillary đúng lúc, tránh việc dân Mỹ lỡ dại bầu cho bà ma giáo Hillary;

- Hai là ngưng tung hô ông Comey vì cuối cùng đã thấy rõ ông ta chẳng có trung thành gì với ai, chẳng thanh liêm gì, mà chỉ thuộc loại tráo trở, sớm đầu tối đánh.

Lựa chọn không dễ, đến độ ngay cả nhiều vị lãnh đạo DC cũng bối rối, không lên tiếng đấy.

Tuy chưa được đọc, nhưng qua các trích dẫn của báo chí, kẻ này nghĩ ông Comey có phần đúng khi lựa cái tựa của sách: ông trung thành với một cái gì cao hơn tổng thống.

Vâng, hiển nhiên là ông tuyệt đối trung thành với... CÁI TÔI vĩ đại của ông ta.

Và cách tốt nhất để phục vụ cái tôi đó là hợp tác chặt chẽ với ông đồng chí Mueller, cố tìm cho ra tội để truất phế TT Trump, đáp lễ lại việc TT Trump đã sa thải ông.

FBI từ ngày thành lập cách đây đúng 110 năm đến giờ, đã nổi tiếng là cánh tay của công lý không đảng phái. Nhưng nhờ hai ông cựu giám đốc Mueller và Comey, bây giờ dường như đã biến thành công cụ của phe cấp tiến dùng để tìm cách đảo chánh một tổng thống khác quan điểm chính trị, không hơn không kém.

Cũng như ông John Brennan, cựu giám đốc CIA của TT Obama, ngày nay đã tự cho mình trách nhiệm không phải chống ngoại địch, mà là chống Trump khi cứ vài ngày là lại lên CNN đả kích TT Trump.

Chuyện ai cũng biết là ông Comey có thâm thù với TT Trump trong khi ông Mueller là bạn cố tri của ông Comey.

Vấn đề là ông Mueller có để tình bạn đó khuynh đảo để rồi ông tiếp tay với ông Comey ‘đảo chánh’ TT Trump hay không. Ta không nên hấp tấp kết luận quá sớm.

Tin giờ chót, những ghi chép của ông Comey sau khi gặp TT Trump đã được bộ Tư Pháp công bố trọn vẹn, tuy có bôi đen vài chữ. Có hai điểm đáng lưu ý:

- Qua câu chuyện ông Comey kể lại, chẳng có đoạn nào nói xa gần gì về chuyện TT Trump áp lực FBI ngưng điều tra về sự can dự của Nga, mà TTDC la hoảng là ‘cản trở công lý’.

Trái lại, ông Comey viết rất rõ TT Trump chẳng những muốn điều tra cặn kẽ việc này, mà còn yêu cầu FBI xét ngay trong hàng ngũ những phụ tá cao cấp của ông.

- Có đoạn TT Trump bàn về chuyện tin mật bị xì, ông Comey khẳng định với tân tổng thống là FBI không bao giờ xì tin mật và chính ông sẽ không bao giờ làm chuyện này.

Sự thật là sau khi mất job, ông Comey đã xì các ghi chép của ông cho báo qua trung gian một ông bạn giáo sư đại học, rồi gần đây ta cũng được biết ông phó giám đốc McCabe cũng xì tin cho báo luôn.

Cả một hệ thống Nhà Nước Ngầm nói láo. Chẳng những nói láo mà còn phạm pháp vì tất cả đều là tài liệu khi đó được xếp hạng ‘tối mật’.

Vũ Linh 21/4/2018
http://nguoivietboston.com/?p=40620

hongnguyen
08-21-2018, 08:48 AM
Tin vắn Hoa Kỳ

TTDC đã tổ chức một chiến dịch quy mô chống TT Trump bằng cách đồng loạt đăng một bài bình luận cùng ngày trong ngày 16 tháng 8 vừa qua để đả kích việc TT Trump gọi truyền thông là “kẻ thù của dân”.
Hơn 300 tờ báo lớn nhỏ trên khắp nước tham gia chiến dịch này. Wall Street Journal là tờ báo lớn không tham gia. Tất cả các báo chỉ cần viết bài chống TT Trump thôi, nội dung mỗi bài viết như thế nào tùy thuộc mỗi báo.

TTDC la hoảng, báo động về “cuộc chiến bẩn thỉu chống tự do báo chí”, làm như bị TT Trump đánh một cách oan uổng như Thị Kính. Nhưng dĩ nhiên, TTDC không nhắc đến nghiên cứu của đại học Harvard cho thấy TTDC loan tin và bình luận hơn 90% nhằm đánh TT Trump?

Đó là cách TTDC thi hành trách nhiệm thông tin trung thực sao? Hay đó là một “cuộc chiến bẩn thỉu” khác mà TTDC không muốn thiên hạ nhìn thấy?

Người ta có cảm tưởng truyền thông đang ngồi lại cùng nhau, tổ chức lại thành một tổ chức đối lập, phối hợp chặt chẽ mọi hoạt động chống TT Trump và phe bảo thủ, hiển nhiên không còn là những nguồn tin độc lập trung thực gì nữa.

Theo ý kiến kẻ này, có lẽ họ nên thành lập đảng mới, gọi là ‘Đảng Truyền Thông Chống Trump’? Nghe tên có vẻ quái lạ, nhưng đúng là chủ trương tối hậu của đảng này, phải không? Ít ra thì cái đảng này cũng có tôn chỉ rõ ràng và có can đảm dám nhận những gì mình thực sự muốn làm.

Câu hỏi cho TTDC: quý vị không chấp nhận việc TT Trump tấn công báo chí, nhưng lại tự cho mình quyền tha hồ tấn công TT Trump vô giới hạn?
Như vậy gọi là công bằng? Hay là gì khác?
Khi hơn 90% tin và bình luận nhằm đánh TT Trump thì sao dám ngang nhiên đòi không cho TT Trump trả lời?

Nên ghi nhận TT Trump chưa đóng cửa bất cứ báo hay đài nào, chỉ là phản ứng, đánh lại thôi, tại sao lại không được cái quyền đó? Cụ tỵ nạn nào giải thích giùm, kẻ này đa tạ.

Trong các chế độ độc tài, chính quyền tự cho mình quyền bịt miệng báo chí, để chính quyền muốn nói gì thì nói. Trong chế độ dân chủ kiểu Mỹ, báo chí tự cho mình quyền xỉ vả chính quyền, muốn chửi gì thì chửi nhân danh tự do ngôn luận, nhưng chính quyền không được phép có phản ứng sao?
Thế thì dân chủ kiểu Mỹ có gì hay ho?

STRZOCK BỊ SA THẢI
Viên chức cao cấp của FBI, đặc trách điều tra về vụ gọi là ‘Trump thông đồng với Nga’ cuối cùng đã bị sa thải khỏi FBI.

Anh này trước đây được trao trách nhiệm điều tra vụ emails của bà Hillary, sau đó được lệnh dẹp vụ này qua một bên để chú tâm điều tra ông Trump. Khi Ủy Ban của công tố đặc biệt Mueller được thành lập thì ông Strzock chuyển qua làm việc cho công tố. Cùng được chuyển qua là một luật sư của FBI, bà Lisa Page.

Sau một thời gian ngắn, công tố Mueller khám phá ra hai người này là tình nhân, cùng nhau trao đổi cả chục ngàn tin nhắn trên điện thoại và emails, phần lớn đả kích Trump kịch liệt.
Sợ mang tiếng, công tố Mueller trả hai người này lại cho FBI.

Hạ Viện bắt cả hai ra điều trần. Trước bằng chứng không chối cãi được, cả hai xác nhận đã có những trao đổi quan điểm chống Trump rất mạnh, nhưng khẳng định quan điểm đó chẳng ảnh hưởng gì đến việc điều tra Trump của họ. Dĩ nhiên, ngụy biện ngớ ngẩn này chỉ có TTDC là tin chứ thằng bé trăn trâu ở VN cũng biết là… bá láp.

Sau gần hơn cả năm giằng co, cuối cùng thì anh Strzock đã bị FBI sa thải sau khi bà vợ bé Page bị ép ‘từ chức’ cách đây ít lâu.

Câu hỏi là tại sao phải chờ đến giờ này FBI mới sa thải.

Nhưng câu hỏi lớn hơn mà cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời là anh Strzock này đã đóng vai trò cụ thể nào trong cuộc điều tra TT Trump, đặc biệt là trong vụ ngụy tạo Hồ Sơ Nga, rồi mang Hồ Sơ đó đi xin trát tòa theo dõi Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump.

Việc anh Strzock bị sa thải dường như nằm trong kế hoạch lẳng lặng tháo nước độc khỏi đầm lầy trong bộ Tư Pháp và FBI.
Trong FBI, cựu giám đốc Comey, cựu phó giám đốc McCabe đều đã bị sa thải, bây giờ tới phiên viên chức cao cấp Strzock. Tại bộ Tư Pháp, ít nhất 5 viên chức cao cấp, trong đó có phụ tá thứ trưởng Bruce Ohr –gốc Hàn Quốc- bị giáng cấp hai lần, bà Page bị ép từ chức, bà Sally Yates đã bị sa thải, và hai viên chức cao cấp khác cũng đã bị ép từ chức.

BRENNAN BỊ RÚT QUYỀN
Cựu giám đốc CIA, John Brennan đã bị TT Trump tước quyền tham khảo tài liệu mật an ninh quốc gia –security clearance-. Ông là người đầu tiên, trong khi một tá cựu nhân viên cao cấp của chính quyền Obama cũng đang bị cứu xét.

Để giúp thi hành trách nhiệm, các quan chức lớn nhỏ trong các ngành an ninh, quốc phòng, ngoại giao được quyền thông báo và tham khảo những tin bí mật quốc gia, tùy mức bí mật và tùy chức vụ. Ngay cả một anh thiếu úy trong bộ Quốc Phòng chẳng hạn, cũng có được một mức security clearance nào đó.

Sau khi họ mãn nhiệm hay rời khỏi chức vụ, thì quyền này bị tự động thu hồi cho những viên chức thấp, nhưng với các viên chức cao cấp như giám đốc CIA, FBI, bộ trưởng,… thì không bị thu hồi vì họ cũng cần biết để những người kế nhiệm thỉnh thoảng có thể hỏi ý kiến nếu cần, nhưng lý do chính là phép lịch sử, ghi công đóng góp cho quốc gia của họ.

Dưới thời TT Trump thì cái ‘lịch sự’ đó đã bị lạm dụng. Các viên chức cao cấp của TT Obama đã khai thác sự hiểu biết về những tin mật nhất để dùng làm vũ khí đánh Trump qua các bài viết của họ cũng như trong không biết bao nhiều lần trên TV, nhất là CNN.
Đặc biệt là ông Brennan gần như ngày nào cũng lên CNN đả kích TT Trump bằng những thậm từ nặng nề nhất.

Dựa vào quá trình giám đốc CIA cũng như khả năng tham khảo tài liệu mật nhất, ông Brennan đã được CNN ký hợp đồng làm chuyên gia an ninh –security expert- cho CNN. Nếu không tước quyền này thì có nghĩa là một nhà báo của CNN đã được security clearance ở mức cao nhất.

Làm sao một nhà báo CNN lại có thể có quyền biết những bí mật an ninh quan trọng nhất? Có gì bảo đảm ông nhà báo này không lấy những tin mật nhất để đánh tổng thống? Cái sai lầm của TT Trump là đã không thu hồi quyển này sớm hơn.

Sau khi bị tước quyền này, ông Brennan đã lớn tiếng phản đối và tố TT Trump chỉ tìm cách bịt miệng ông và khẳng định ông sẽ tiếp tục lên tiếng tố giác Trump. Hiển nhiên là ông Brennan xuyên tạc.

Chẳng ai đụng chạm đến quyền tự do ngôn luận của ông, cũng chẳng ai bịt miệng, cấm ông lên CNN chửi bậy, mà chỉ không cho ông được biết những tin bí mật an ninh quốc gia mà bất cứ dân thường nào cũng chẳng có quyền biết.
Những tin đó cần phải giữ mật, không có lý do gì ông Brennan cần phải biết để có thể mang lên CNN để chửi tổng thống.

Ông Brennan năm 1980 bỏ phiếu cho Gus Hall, chủ tịch đảng Cộng Sản Mỹ làm tổng thống. Có tin không được xác nhận là ông Brennan đã đổi qua đạo Hồi khi ông làm việc tại Ả Rập Saoud,
tuy nhiên chuyện có thật là ông Brennan khi tuyên thệ nhậm chức giám đốc CIA đã từ chối đặt tay lên Kinh Thánh Thiên Chúa giáo ‘vì lý do tôn giáo’ mà chỉ tuyên thệ trên Hiến Pháp.

Chính quyền Trump đang ‘nghiên cứu’ việc tước quyền này của các ông FBI đã bị sa thải như Comey, McCabe, Strzock, và các viên chức bộ Tư Pháp đã bị sa thải như bà Lisa Page (người tình của ông Strzock), bà Sally Yates (cựu thứ trưởng Tư Pháp), cả ông James Clapper (cựu bộ trưởng An Ninh Lãnh Thổ) và bà Susan Rice (cựu cố vấn An Ninh). Tất cả những người này đều đã bị sa thải, không có lý do gì còn được quyền biết những tin mật.

Việc tước security clearance của ông Brennan, cũng như tất cả các quyết định của TT Trump, đã gây sóng gió lớn. Hàng loạt dân biểu, nghị sĩ CH hoan nghênh mạnh, nhưng hầu hết tất cả các cựu giám đốc an ninh, FBI, CIA, đều đã ký chung một văn thư phản đối. Tướng McRaven, chỉ huy cuộc tập kích bắt Bin Laden đã phản đối mạnh, ca tụng công của ông Brennan trong vụ giết Bin Laden, và “xin được hưởng danh dự bị tước security clearance”.

Ngay sau đó, Robert O’Neill, anh biệt kích đã chính tay bắn chết Bin Laden lên tiếng phản đối tướng McRaven ngay, cho rằng công giết Bin Laden là của 23 cảm tử biệt kích SEAL chứ không phản công của ông giám đốc CIA vì CIA chẳng liên quan gì đến việc khám phá và giết Bin Laden.

Một cựu nhân viên CIA thoát chết trong vụ Benghazi, Kris Paronto, tác giả cuốn sách về vụ Benghazi đã được quay thành phim ’13 Hours’, đã tố cáo ông Brennan mang sự hy sinh của những người như anh ta làm công cụ chính trị.
Anh cho biết sau khi anh thoát chết trở về, CIA đã ra lệnh anh không được nói gì hết, hiển nhiên là để bảo vệ bà Hillary và TT Obama. Anh đã bất chấp, tố cáo những sai lầm đưa đến vụ thảm sát đại sứ Mỹ tại Libya, và đã bị ông Brennan, giám đốc CIA, tước ngay tất cả mọi security clearance của anh.

THĂM DÒ VỀ CÔNG TỐ MUELLER
Đài TV phe ta CNN đã mới có một cuộc thăm dò dư luận về cuộc điều tra của công tố Mueller.

Mở màn bằng một con số có lợi cho công tố Mueller: 47% hài lòng với cách ông Mueller điều tra. Thật ra ông Mueller đang làm gì chẳng ai biết ngoài chuyện vồ và đưa ra tòa hai ông Manafort, giám đốc Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump trong vỏn vẹn có hai tháng, và ông Cohen, cố vấn pháp luật của ông Trump từ mấy chục năm nay.

Cả hai đều bị truy tố về những tội lăng nhăng như trốn thuế, rửa tiền,… chẳng liên quan xa gần gì đến cuộc điều tra thông đồng với Nga, khiến ai cũng hiểu đây chỉ là hai con tép công tố Mueller dùng để tìm cách bắt con tôm hùm Trump.

Thăm dò cũng cho thấy một con số khác, bất lợi cho ông Mueller: hai phần ba dân Mỹ cho rằng ông Mueller cần chấm dứt cuộc điều tra sớm, trước xa ngày bầu cử để cuộc bầu cử khỏi bị chi phối bởi vụ lộn xộn chính trị này.

Ngay cả trong khối cử tri của đảng DC, trong 10 người cũng đã có 6 người (57%) muốn cuộc điều tra kết thúc sớm, bất kể kết luận như thế nào.

NGÔI SAO KAMALA BỊ HỚ
Một trong những ngôi sao sáng mới nổi của DC, thượng nghị sĩ Cali Kamala Harris, đã công khai cho cả thế giới biết bà sẽ ra tranh cử tổng thống năm 2020. Theo gương TNS Obama, vừa đắc cử TNS chưa được hai năm đã chuẩn bị ra tranh cử tổng thống ngay.

Tại Thượng Viện, trong tư cách thành viên Ủy Ban Tình Báo, bà đã là người nổi tiếng trong việc đặt nhiều câu hỏi hóc búa nhất cho các viên chức FBI hay bộ Tư Pháp phải ra điều trần về vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, mặc dù nhiều câu hỏi không liên quan gì đến đề tài điều trần.

Dĩ nhiên bà Harris coi Thượng Viện như là diễn đàn công cộng để bà biểu diễn khả năng và tạo tên tuổi cho cuộc tranh cử tổng thống của bà hai năm nữa.

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn trên TV, một bà nhà báo đã hỏi bà có thể cho biết thành tích cụ thể nào của bà trong một năm rưỡi làm thượng nghị sĩ không, đại khái kiểu như bà đã đưa ra dự luật lớn nhỏ nào, thì bà đã ú ớ, trả lời lòng vòng, chẳng đâu vào đâu. Bị chặn hỏi lại nhiều lần, cuối cùng bà cũng chỉ biết khoe bà là thượng nghị sĩ có trách nhiệm bảo vệ Hiến Pháp và quyền lợi cử tri, và cho đến nay bà đã chu toàn trách nhiệm, theo dõi rất kỹ chính quyền Trump.

Nôm na ra, bà chẳng có thành tích, chẳng có dự luật nào được bà đề nghị hết.

Từ giờ đến lúc phải xuống đường đi vận động tranh cử tổng thống, thời gian không bao lâu, để xem bà sẽ có dịp làm được chuyện gì.

Thật ra, đặt câu hỏi này cho vui thôi, chứ bà cũng chẳng cần có thành tích gì để khoe đâu. Tất cả tùy khả năng mồm mép của bà thôi. Như trước đây, TNS Obama cũng trong trường hợp tương tự, chẳng có thành tích nào để khoe trong hai năm làm TNS trước khi ông xuống đường đi khắp nước vận động tranh cử tổng thống. Vậy mà vẫn đắc cử đấy.

CÂU CHUYỆN BIỂU TÌNH
TTDC làm rùm beng về việc đám ‘da trắng thượng tôn’ sẽ tổ chức biểu tình quy mô để kỷ niệm một năm biến cố tại Charlottevile khi nhóm này đánh nhau với đám cực tả Antifa.

Nghe CNN, ta có cảm tưởng sẽ có một mít-ting quần chúng kiểu Hitler với cả trăm ngàn thanh niên mặc đồng phục áo nâu trong một rừng cờ Đức Quốc Xã như ta thường thấy trên các phim ảnh thời đó.
Nhóm đối lập Antifa hô hào xuống đường chống lại. Đại Chiến thứ ba? Nghe toát mồ hôi!

Sự thật có hơi khác.
Nhóm da trắng tổng cộng lại có chừng hai chục mạng, tụ họp đứng nghe một hai anh đọc diễn văn trên cái bục. Trong khi phe Antifa huy động cả mấy trăm người, mang gậy gộc đến đánh.
Đánh nhóm ‘da trắng thượng tôn’ dĩ nhiên. Rồi đánh cả cảnh sát và đánh luôn cả anh phóng viên của NBC. TTDC im re.
Thử tưởng tượng đám ‘da trắng thượng tôn’ đánh anh NBC này xem TTDC sẽ phản ứng như thế nào?

Thống đốc New York, Andrew Cuomo (anh của Chris Cuomo, tay nhà báo suốt ngày chửi TT Trump trên CNN) lên tiếng bênh vực Antifa, tuyên bố việc “dùng bạo lực để chống hận thù” hoàn toàn chính đáng -use of violence against haters is fully justified-.

Làm như thể đám hai chục mạng da trắng đứng nghe diễn thuyết là ‘haters’ trong khi nhóm gậy gộc Antifa chỉ là một nhóm hướng đạo sinh đi làm công tác xã hội vậy.

Ông Cuomo cũng là người mới đây đã tuyên bố “nước Mỹ chưa bao giờ vĩ đại hết”, bị chỉ trích rầm rộ, de lui, sửa lại là ý ông muốn nói “nước Mỹ hồi nào tới giờ vẫn vĩ đại, nhưng có thể vĩ đại hơn”!

Tính giả dối của phe cấp tiến đúng là vô bờ và vô lý hết chỗ nói. Chỉ những người phe đảng mù quáng nhất mới không nhìn thấy.

PCT ELLISON BỊ RẮC RỐI
Ông Keith Ellison, dân biểu Hồi giáo, phó chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, đã bị một cựu nhân viên cũng là ‘vợ bé’ tố cáo xách nhiễu tình dục và hành hung.

Dĩ nhiên, ông đã cải chính. Con của bà tình nhân cho biết có thu băng cảnh ông Keith Ellison lôi chân người tình từ trên giường xuống đất rồi chửi bới ồn ào bằng những ngôn từ thô tục nhất.

TTDC đang cố giúp ông ỉm chuyện. TV thì im re, không bàn, trong khi báo chí thì viết tin ngắn gọn, qua loa, như tin xe cán chó bình thường.

Thử tưởng tượng phó chủ tịch đảng CH dính dáng vào chuyện này xem chuyện gì sẽ xẩy ra? TTDC sẽ quậy tung trời và bảo đảm sẽ tìm cách lôi TT Trump vào câu chuyện để đánh ké luôn.

Sau nhiều ngày im lặng, Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC đã miễn cưỡng phải lên tiếng cho biết “Đây là vấn đề nghiêm trọng, và Ủy Ban đang điều tra”. Ta chờ xem đảng DC đang pha chế thuốc tẩy như thế nào, bao lâu nữa thì sẽ thấy kết quả.

CON ĐƯỜNG DI DÂN LẬU MỚI
Trước chính sách xiết chặt biên giới Mỹ-Mễ của TT Trump gây khó khăn cho đám di dân lậu từ Nam Mỹ tràn qua, đám này đã tìm ra được con đường mới, dễ dàng hơn nhiều. Đó là qua ngã Canada.

Canada là quốc gia nhận du khách Trung và Nam Mỹ vào mà không cần chiếu khán. Do đó rất nhiều dân những xứ đó bay qua Canada như ‘du khách’.
Từ đó, họ băng đường bộ qua Mỹ rất dễ dàng vì cảnh sát Canada nhắm mắt trong khi cảnh sát Mỹ lơ là vì dân Canada qua Mỹ mỗi ngày như đi chợ, chẳng có vấn đề gì.

Trong năm 2017, hơn 300.000 dân băng biên giới Mễ đã bị bắt, trong khi chỉ có khoảng 3.000 người bị bắt tại biên giới Canada. Nhưng trong năm 2018, con số bị bắt tại biên giới Canada đã tăng vọt đáng kể, chẳng hạn như trong tiểu bang Vermont, đã tăng hơn gấp đôi.

Theo tin báo Canada, những di dân lậu này thường phải trả lệ phí khoảng 4.000 đô cho tụi dân chuyên buôn người giúp đưa qua Canada rồi qua Mỹ, qua những trạm biên giới mà họ biết là dễ dàng nhất, tại các tiểu bang vùng núi Tây-Bắc Mỹ.

QUAN TOÀ NHẸ TAY VỚI KHỦNG BỐ?
Cảnh sát Mỹ khám phám ra tại New Mexico, có một đám Hồi giáo lén mở trường (trại?) nuôi và đào tạo một tá trẻ em rất nhỏ, tuổi mẫu giáo, dạy về Hồi giáo, nhưng cũng dạy cả cách xử dụng vũ khí.

Không khác gì các trại huấn luyện khủng bố Hồi giáo quá khích bên Trung Đông. Xác một em nhỏ đã bị khám phá ra, tuy không rõ tại sao em này bị chết. Có 5 người lớn bị bắt ra tòa.

Tại đây, bà chánh án đã cho cả năm người tại ngoại hầu tra, chỉ đóng có 20.000 đô tiền thế chân.

Quyết định của bà gây chấn động vì tính quá nhẹ nhàng. Bà chánh án Sarah Backus là một quan tòa đảng viên ghi danh của DC, được bầu làm chánh án năm 2012.
Bà giải thích những người bị truy tố chỉ phạm tội bạo hành trẻ con, trong khi công tố không thuyết phục được là họ có hoạt động khủng bố gì hết. Bà cũng cho biết việc các can phạm là Hồi giáo không ăn thua gì hết.

Cái chuyện này, phim Tầu có một câu rất hay: “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”!

TỐI CAO PHÁP VIỆN VIRGINIA BỊ ĐÀN HẶC
Toàn thể 4 quan tòa Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang West Virginia đã bị Hạ Viện tiểu bang biểu quyết đàn hặc tập thể –impeach- cả bốn, vì tội tham nhũng, lạm chi tiền công quỹ.

Cả bốn đều bị tố đã đồng loạt lấy công quỹ ra sửa văn phòng, mua sắm bàn ghế riêng cho mình, trị giá cả mấy trăm ngàn không theo thủ tục ngân sách gì.

Ngay sau bị đàn hặc, một trong bốn vị thẩm phán đã tự ý từ chức ngay. Ba vị còn lại đều còn chờ Thượng Viện biểu quyết. Cần phải có hai phần ba Thượng Viện mới giải nhiệm được.

Cả bốn vị quan tòa này đều thuộc đảng Dân Chủ được thống đốc DC cũng như Thượng Viện DC của tiểu bang phê chuẩn trước đây.

Vũ Linh, 18/8/2018
https://baotgm.net/vu-linh-tin-van-hoa-ky-cuoi-tuan-18-8-2018/

Lê Nguyễn Hiệp
08-21-2018, 09:00 AM
Khỏe anh Hiệp! :)

Hi anh hong nguyen,

tôi vẫn trụ được ở đây là do có sức khoẻ dẻo dai đó anh.

Những bài viết anh mang về đây rất hay, mong anh cứ tiếp tục như vậy.

Nhiều chuyện thâm cung bí sử của các tay FBI lòi ra.

hongnguyen
08-22-2018, 09:26 AM
CHXHCN Cali Và “The Vietnam War”

Tiểu bang mà đại đa số dân tỵ nạn ta đang cư trú có thể sẽ thành một nước độc lập, tách ra khỏi Hợp Chủng Quốc Cờ Hoa, để thành nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghiã California. Đó là một chuyển động lớn có thể có hậu quả không nhỏ đối với dân tỵ nạn chúng ta.

Quý độc giả khoan khui rượu ăn mừng, cũng đừng vội bán nhà dọn đi tiểu bang khác.

Càng không nên bắt chước vài người chống Trump, lớn tiếng đánh võ miệng, hăm dọa sẽ dọn đi khỏi tiểu bang nghe cho oai, để rồi khi chuyện xẩy ra thì lại bị bệnh ăn-trai-tơ “ủa tôi nói dzậy hồi nào?”.

Chuyện đâu còn đó. Rất có thể câu chuyện ly khai sẽ thành sự thật, nhưng có lẽ phải đợi đến đời cháu hay chắt đích tôn của quý vị thì may ra mới thấy.

Tiểu bang Cali nổi tiếng chống TT Trump mạnh nhất, với tỷ lệ bỏ phiếu cho ứng viên Trump ít nhất, chỉ hơn có Washington DC là nơi mà dân số có tới 90% là da đen.

Dù vậy, Cali có một mẫu số chung với TT Trump: đó là điểm... chẳng giống con giáp nào hết. TT Trump chẳng giống bất cứ tổng thống nào, và Cali cũng chẳng giống bất cứ tiểu bang nào.

Cho đến cách đây chừng 30 năm, Cali là thành đồng của khối bảo thủ CH, với hai tổng thống bảo thủ nổi tiếng nhất là TT Nixon và TT Reagan đều là dân Cali và đắc cử nhờ phiếu của Cali.

Trước đó, Cali cũng là tiểu bang mang lại chiến thắng cho TT bảo thủ CH Eisenhower.

Thế rồi, Cali bị động đất chính trị, chuyển động mạnh và rất nhanh qua phe cấp tiến, nhờ sự phát triển của kỹ nghệ điện toán và kỹ nghệ điện ảnh, hai ngành tiên phong trong phong trào cấp tiến.

Bắt đầu bằng việc bầu ông tài tử lực điền Arnold Schwarzenegger làm thống đốc.

Trên quan điểm chính trị, ông này thuộc loại nửa nạc nửa mỡ. Thuộc đảng bảo thủ CH, đóng phim bảo thủ, nhưng qua lại mật thiết với giới cấp tiến Hồ Ly Vọng, có vợ trong gia đình đại cấp tiến Kennedy, tuy “ăn phở” với bà giúp việc thuộc thành phần lao động.

Cali có thành tích khá độc đáo là tiểu bang duy nhất đã bầu cho hai ông tài tử xi-nê-ma của loại phim thường chiếu tại rạp Đại Đồng của Sàigòn ta hồi xưa là Reagan và Schwarzenegger.
Đằng sau việc hai ông tài tử đắc cử thống đốc, ta thấy ảnh hưởng ngày một lớn mạnh của Hồ Ly Vọng trong đời sống thường ngày của dân Cali.

Từ màu đỏ của CH, Cali trở thành màu tím lai DC. Bây giờ thì thành xanh lè của DC. Gần 70% dân Cali bầu cho bà Hillary chống ông Trump và ¾ các vị dân cử tiểu bang và liên bang đều là đảng DC.

Hiện đi tiên phong trong các phong trào cải cách cấp tiến nhất, cũng như những tấn công ác liệt nhất chống TT Trump. Dưới đây là vài thành tích của Cali.

DI DÂN
Không có tiểu bang nào có nhiều di dân lậu và không lậu gốc La-Tinh bằng Cali.
Với số dân gốc Nam Mỹ đông đảo như vậy, tất cả các chính khách ra tranh cử các chức vụ lớn nhỏ của tiểu bang hay liên bang, đều phải rạp mình phủ phục nịnh khối dân này.

Quốc hội tiểu bang đã biểu quyết cả tiểu bang Cali là tiểu bang “an toàn” cho di dân lậu. “An toàn” trên hai phương diện:

1) tiểu bang sẽ không hợp tác, tức là không giúp chính quyền liên bang đi lùng bắt di dân lậu,

2) di dân lậu nếu phạm tội nặng như cướp của, hãm hiếp,… cần phải bị trục xuất theo luật hiện hành, vẫn bị tiểu bang bắt, ra tòa và có thể lãnh án tù, nhưng khi được thả ra, tiểu bang sẽ không trục xuất, ngược lại, bảo vệ chúng,
không thông báo cho Sở Di Trú biết để trục xuất, tức là mãn hạn tù, chúng có quyền ra ngoài tiếp tục sinh sống và phạm tội.

Nôm na ra, trong quan điểm của các chính khách Cali, bảo vệ đám di dân lậu phạm pháp này quan trọng hơn là bảo đảm an toàn cho dân Mỹ chính gốc, vì đó là cách hữu hiệu nhất giữ cái ghế của những ông bà chính khách đó.

Khi chính quyền liên bang áp lực, cắt một số tiền trợ cấp cho tiểu bang vì chính sách “an toàn”, thì Cali đã thưa liên bang ra tòa.

Nhiều chuyên gia cho rằng tiểu bang thưa kiện không có căn bản pháp lý, nhưng các quan tòa Cali có dấu triện “cấp tiến mắc nợ dân gốc Nam Mỹ” đóng trên trán, vẫn xử tiểu bang thắng kiện.
Cho dù có triển vọng Tối Cao Pháp Viện sẽ phán quyết về phe TT Trump giống như các quyết định giới hạn di dân Trung Đông trước đây.

Cali cũng đã thưa kiện chính quyền Trump về hai quyết định khác: chấm dứt DACA và việc xây tường biên giới Mễ. Dù TT Trump chưa có quyết định gì về hai vụ này, ông cũng vẫn bị Cali thưa như thường, gọi là đánh phủ đầu trước.

Cali thưa vụ DACA, lấy lý do quyết định chấm dứt DACA của TT Trump là phạm pháp và vi Hiến. Một lập luận quả là... siêu.

Khi TT Trump chấm dứt một chương trình được TT Obama ban hành và áp dụng một cách bất hợp pháp thì ông lại bị thưa vì đó là việc làm... bất hợp pháp!

Hiểu theo nghiã Cali, hủy bỏ một quyết định bất hợp pháp chính là… bất hợp pháp! Quý độc giả nào là luật sư xin giải thích dùm, kẻ này sẽ tạ ơn.

Quốc hội tiểu bang cũng đã “nhất trí” biểu quyết trích 30 triệu đô để giúp đám trẻ con trong khối DACA được bảo vệ không bị trục xuất, và 45 triệu làm quỹ đặc biệt trả tiền luật sư bào chữa cho đám di dân lậu khỏi bị trục xuất.

Cali cũng thưa TT Trump vì “ý định xây tường” dọc biên giới Mễ sẽ “tác hại đến môi trường”.

Trong thời TT Obama, hơn một ngàn dặm tường đã được xây, không thấy Cali thưa kiện gì.

Tường của Obama không hại môi trường, chỉ có tường của Trump mới hại môi trường. Quý độc giả nào là luật sư, cũng xin giải thích dùm, kẻ này sẽ tạ ơn.

TÔN GIÁO
TT Trump có danh sách cả trăm viên chức cao cấp vẫn chờ được Thượng Viện phê chuẩn.

Việc phê chuẩn những vị này bị chậm trễ cả mấy tháng trời nhờ phe DC áp dụng chiến thuật câu giờ, vặn hỏi các ứng viên cả vạn câu hỏi, đòi trưng bầy bằng chứng cụ thể khó kiếm, tìm đủ lý cớ thoái thác.

Mới đây, khám phá ra thêm lý do tôn giáo.

Thượng Viện vừa bác một thẩm phán do TT Trump đề cử vào toà phá án liên bang, vì bà thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của Cali, và vài vị DC khác chất vấn về việc bà thẩm phán này thuộc khối Công giáo thuần thành.
Cali bây giờ coi những người Thiên Chúa giáo, nhất là Công giáo, như là những kẻ cuồng tín của thời Thập Tự Chinh, cần phải thanh lọc kỹ.

TT Trump thanh lọc khủng bố Hồi giáo bị tố là kỳ thị tất cả dân Hồi. Bà Feinstein thanh lọc thẩm phán Công giáo thì là gì?

Công giáo bây giờ đã bị khối cấp tiến chụp cái mũ “nhóm hận thù” –hate group- lên đầu, so với Hồi giáo đã trở thành tôn giáo của bác ái và hòa bình.

TT TRUMP
Phong trào cấp tiến trên cả nước đang xúm lại đánh TT Trump. Đó là chuyện ai cũng biết.
Tạp chí Newsweek trong số mới nhất đã hớn hở loan tin “Lãnh đạo thế giới” nhục mạ Trump: Già Khùng (Bắc Hàn), Hitler (Venezuela), Goliath (Zimbabwe), ngu dốt (Iran), xảo trá (Cuba).

Đây là khuynh hướng mới của truyền thông Mỹ: trước đây, khi tổng thống bị đụng chạm thì họ nhẩy nhổm lên bênh, bây giờ khi có ông nước ngoài nào nhục mạ tổng thống, TTDC vui mừng như mở cờ vì có “đồng minh”.

Những chính khách chửi TT Mỹ được đôn lên hàng “lãnh đạo thế giới”, cho dù chỉ là Cậu Ấm Ủn, nhà độc tài của một xứ Nam Mỹ đang xập tiệm, tay độc tài tổng thống muôn năm của Phi Châu, các giáo chủ cuồng tín Hồi giáo, và Castro!

Mỹ có câu “cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói anh là người như thế nào”. Nếu những “lãnh tụ” đó là những đồng chí mới của TTDC thì quả là điều… đáng mừng cho Trump!

Cali là tiểu bang chống TT Trump hung hãn nhất chẳng những vì quan điểm cấp tiến nói chung của dân Cali, mà còn vì ảnh hưởng của các chính khách Cali, là những người chống TT Trump ồn ào và cuồng điên nhất,
như bà dân biểu Nancy Pelosi là người đã ca tụng các bố mẹ Nam Mỹ lùa con qua Mỹ làm mỏ neo là “có công lớn giúp nước Mỹ”, vì đã thân tặng cho Mỹ những nhân tài tương lai (kể cả những tay anh chị trong băng đảng?).

Hay bà dân biểu Maxine Waters là người đòi đàn hặc TT Trump từ ngày ông chưa tuyên thệ nhậm chức.

Chưa kể vô số chính khách địa phương vô danh nhưng đang muốn nổi bằng cách chống TT Trump hùng hổ nhất.
Quốc hội Cali đã biểu quyết luật đòi hỏi tất cả các ứng viên chính trị phải công bố giấy khai thuế trong 5 năm mới được tranh cử.

Luật này hiển nhiên nhắm vào TT Trump để cản không cho ông ra tái tranh cử năm 2020.

Trước khi quý vị chống Trump nhẩy nhổm reo mừng, có hai điều quý vị cần lưu ý về luật này.
- Cali là tiểu bang, không có quyền ra luật liên quan đến bầu cử tổng thống liên bang. Tối Cao Pháp Viện đã từng phán như vậy trong cả chục vụ thưa kiện.

Cho dù luật của Cali chỉ áp dụng cho bầu sơ bộ của tiểu bang, nghiã là TT Trump không ra tranh cử sơ bộ tại Cali được nếu ông không chịu công bố giấy thuế, thì cuộc tuyển lựa đại diện cho Cali không hợp lệ vì là bầu bán độc tấu với một ứng viên của DC mà không có ứng viên CH.

Cali sẽ không được kể vào số phiếu cử tri đoàn, mất tiếng nói trong cuộc bầu tổng thống. Mất Cali, đố DC vào được Tòa Bạch Ốc?

- Quyết định này phơi bày sự giả dối phe đảng tột đỉnh quốc hội DC của Cali, khi thống đốc Brown cũng là người đã từng từ chối không công bố giấy thuế từ hồi nào đến giờ.
Quý độc giả nào đã xem được giấy thuế của ông Brown xin... giơ tay!

Quốc hội Cali mới đây đã lấy một quyết định quái lạ hơn nữa: biểu quyết hạch tội –censured- TT Trump đã ủng hộ nhóm da trắng thượng tôn KKK tại Charlottesville, đòi TT Trump phải công khai xin lỗi quốc dân vì tội kỳ thị.

Không kể việc TT Trump đã công khai chỉ trích nhóm này, quốc hội tiểu bang Cali cũng chẳng có quyền hành gì để hạch tội hay không hạch tội một tổng thống của liên bang.
Chuyện bá láp chỉ mấy ông chính khách ăn không ngồi rồi mới nghĩ ra được.

LY KHAI
Một nhóm chính khách DC lại vận động mở trưng cầu dân ý tách Cali ra khỏi Hợp Chủng Quốc. Đây là cuộc vận động thứ ba sau hai lần thất bại, tìm không đủ chữ ký.

Thật ra, đại đa số dân Cali tỉnh táo, chưa đến độ u mê để biểu quyết chuyện ly khai này. Cho dù dân Cali biểu quyết thì cũng cần phải hai phần ba các tiểu bang còn lại chấp nhận cho Cali tách ra, là chuyện sẽ không bao giờ xẩy ra.

Cali lệ thuộc vào liên bang trong cả vạn chuyện, từ ngân sách tiểu bang đến tài trợ an sinh, Medicaid (MediCal), quốc phòng (chống hỏa tiễn của Cậu Ấm Ủn), kinh tế,...
Làm sao cắt được huyết mạch sinh tử này?

Cali cũng đang vật lộn với những khó khăn tài chánh, với thâm thủng ngân sách nặng. Giá nhà suy xụp khiến thu nhập thuế nhà rớt mạnh từ gần cả chục năm trước.
Hàng ngàn công ty bỏ tiểu bang vì thuế cao và luật lệ kinh doanh quá khắt khe, khiến thu nhập thuế kinh doanh cũng suy xụp.

Trái lại, các chi tiêu về trợ cấp, nhất là tiền Medical, tăng vùn vụt vì mục đích lấy phiếu “dân nghèo”.

Trong khi nhiều tiểu bang lớn như Texas hay Florida không đánh thuế lợi tức cá nhân thì thuế lợi tức cá nhân của Cali lại cao nhất nước, từ 8% đến 13% tùy khung lợi tức.

Đây là nguồn tiền lớn của tiểu bang, đến từ các triệu phú kỹ nghệ điện toán tại San Jose và các đại tài tử Hồ Ly Vọng.

Theo các chuyên gia, nguồn thu nhập này không đáy, sẽ cạn dần trong tương lai gần khi cả hai ngành kỹ nghệ đạt mức bão hòa (quá nhiều) hay bị cạnh tranh mạnh.

Những khó khăn thực tế này có nghiã là Cali ly khai sẽ là tự tử tập thể. Tất cả những trò múa may chỉ là những màn xiếc chính trị, để vuốt lưng đám cử tri chống Trump.

Trên thực tế, Cali sẽ chẳng có cách nào đảo chánh ông Trump được, mà cũng không bao giờ tách ra khỏi liên bang được.

Chuyện vui nữa là bây giờ tách ra khỏi Mỹ, mai này với số di dân Mễ tràn nhập, có thể sẽ biểu quyết gia nhập Liên Bang Mễ Tây Cơ?

Quý độc giả tỵ nạn nào ước mơ chuyện ly khai xin đi học tiếng Xì cho kịp thời. Đúng là chuyện vớ vẩn.

Riêng đối với dân tỵ nạn, ta cũng cần nhớ Cali là thành đồng của các nhóm thiên tả thân VC nhất trong thời chiến tranh VN.

Từ các phim tuyên truyền thân cộng và chống miền Nam của Hồ Ly Vọng, các hoạt động gọi là “phản chiến” của Jane Fonda và những tài tử thiên tả khác, đến các phong trào ca hát “phản chiến” của Joan Baez, Bob Dylan, tiền thân của loại nhạc ẫm ờ Trịnh Công Sơn, cho đến các trường học từ tiểu đến trung đến đại học, là lò đúc thanh niên trí thức thiên tả nặng, nhất là các đại học thiên tả khét tiếng như Berkeley và Stanford.

Ngay cả hiện nay, bộ phim về chiến tranh VN của Ken Burns –The Vietnam War- được TTDC tung hô như tài liệu “công bằng” nhất về cuộc chiến, nếu nhìn kỹ, cũng vẫn chỉ nhai lại những lập luận gọi là “phản chiến” nhưng thực sự thân cộng cố hữu, chỉ khác là bây giờ, có lác đác thêm vài hình ảnh và tiếng nói của vài người của miền Nam để làm cảnh, “nâng cấp” bộ phim lên hàng “công bằng” hơn các phim khác cùng loại.

Với sự hiện diện của cả triệu dân tỵ nạn trên đất Mỹ, Hồ Ly Vọng ý thức được các lập luận thân cộng lộ liễu trước đây đã mất hết giá trị, nên bây giờ họ chơi trò siêu hơn, giả dạng công bằng.

Nhưng việc CSVN cho phép hội thảo công khai về phim The Vietnam War tại Sàigòn đủ nói lên phim này có lợi cho chế độ CS và có hại cho chính nghiã quốc gia như thế nào.

Không ai không biết CSVN đã không khi nào cho phép hội thảo nếu phim đó có quan điểm bất lợi cho CS.
Đã vậy lại còn có cả những bài bình luận ca ngợi phim trên báo VC nữa. Chỉ như vậy cũng đủ khiến chúng ta không nên mất thời giờ xem phim này.

Dân tỵ nạn ta không nên quên đảng DC là đảng đã áp lực TT Nixon và TT Ford phải bỏ miền Nam qua việc quốc hội cấm quân đội Mỹ can dự và cắt hết viện trợ quân sự, súng đạn cho quân lực VNCH. (http://prospect.org/article/how-congress-helped-end-vietnam-war)

Sau cuộc chiến, TT Carter là người đầu tiên mở lại quan hệ ngoại giao với chính quyền VC khi cả trăm ngàn quân cán chính VNCH còn đang mọt gông trong trại tù cải tạo, TT Clinton là người đầu tiên chính thức nhìn nhận chính quyền CSVN và đi Hà Nội, TT Obama là người bãi bỏ cấm vận quân sự cho VC tha hồ mua súng cho công an đàn áp dân. Cả ba tổng thống đều thuộc đảng DC.

Không ai không biết TTDC là cả một hệ thống tuyên truyền thân cộng đã từng vinh danh các cán ngố dép râu là anh hùng dân tộc trong khi nhục mạ cả miền Nam là lính hèn, quan tham nhũng, tướng dốt, dân đĩ điếm,... để thân tặng CSBV cái “đại thắng mùa Xuân” năm 75.

Quan điểm méo mó đó cho đến nay vẫn không thay đổi.

Nhiều cụ tỵ nạn, dù đã bị VC trù dập trong tù cải tạo cả chục năm, qua đây, đã nhắm mắt tin nghe cái TTDC thiên tả đó, tung hô đảng DC, xí xoá cái tội thân cộng trước đây của TTDC, của Fonda, của Kerry, của Berkeley, của Stanford, dựa trên tài liệu thân cộng của New York Times và Washington Post, và tài liệu tuyên truyền của VC, xí xoá cái tội bỏ miền Nam của quốc hội DC.

Rồi cũng hồ hởi ủng hộ cái ông thống đốc Brown đã từng yêu cầu TT Ford “đừng xả” đám tỵ nạn vào Cali (nguyên văn “don't dump Vietnamese on California”), ra lệnh đóng cửa phi trường quân sự Travis gần Sacramento, không cho máy bay chở dân tỵ nạn được đáp xuống.

Nhiều người tìm cách giải thích thái độ ủng hộ DC đó chỉ phản ảnh nhu cầu cần trợ cấp, nhưng lập luận này không vững vì ít nhất hai lý do: rất nhiều ông bà tỵ nạn thân cấp tiến ăn nên làm ra không lãnh trợ cấp, và cho dù
CH lên nắm quyền thì cũng chẳng ai bị mất trợ cấp.

Câu trả lời có lẽ chỉ là vì họ đã là nạn nhân của:
1) TTDC, tin những huyền thoại cổ điển mà TTDC nhồi sọ họ hàng ngày từ mấy chục năm nay, kiểu như DC là đảng của nhân ái, hòa đồng, đa dạng, cứu giúp người cô thế, mang quân đến bảo vệ miền Nam, trong khi CH là đảng của mấy tay nhà giàu da trắng kỳ thị, kể cả kỳ thị da vàng ta luôn, và cũng là đảng của Nixon-Kissinger bán đứng miền Nam; và

2) kỹ thuật giáo dục xã nghiã Mỹ thống trị bởi các giáo chức thiên tả khi nhiều người –trẻ và già- đi học tại các trường Mỹ.

Công bằng mà nói, CH cũng không phải vô tội khi TT Nixon cũng đã có thể thẳng thắn với TT Thiệu hơn, không tìm cách che giấu những thoả hiệp riêng với VC bất kể áp lực phải rút ra lớn cỡ nào.

Dù vậy, bỏ lên cán cân, trách nhiệm bỏ miền Nam của DC vẫn nặng gấp vạn lần.

Biến chuyển chính trị quan trọng của thời hậu 2016 là việc đảng DC đang chuyển hướng mạnh về phiá tả, với Cali đi tiên phong.

Dù vậy, nhiều chính khách Cali vẫn chưa thỏa mãn, chê vẫn còn quá bảo thủ, đòi tách ra khỏi liên bang, với giấc mộng biến Cali thành một thiên đường xã nghiã tân thời và độc lập.

Chuyện khó xẩy ra, nhưng nếu có thật, sẽ đặt khá nhiều người Việt tỵ nạn CS trước một tình trạng thật miả mai:
“vắt chân lên cổ liều mạng trốn chạy khỏi Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam, để qua tỵ nạn tại... Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghiã Cali! “

Vũ Linh 24-09-17
https://vietbao.com/a272542/chxhcn-cali-va-the-vietnam-war-

Lê Nguyễn Hiệp
08-22-2018, 01:49 PM
Một nhóm chính khách DC lại vận động mở trưng cầu dân ý tách Cali ra khỏi Hợp Chủng Quốc. Đây là cuộc vận động thứ ba sau hai lần thất bại, tìm không đủ chữ ký.

Thật ra, đại đa số dân Cali tỉnh táo, chưa đến độ u mê để biểu quyết chuyện ly khai này. Cho dù dân Cali biểu quyết thì cũng cần phải hai phần ba các tiểu bang còn lại chấp nhận cho Cali tách ra, là chuyện sẽ không bao giờ xẩy ra.

lại còn thêm tào lao khác là dư luật chia cali ra làm 3 tiểu bang:north cali, cali, và south cali.

Nhưng dự luật tưng tửng này bị chánh án cali giết từ trong trứng nước, vì cái tào lao của nó. bó tay dot com luôn.

hongnguyen
08-27-2018, 08:09 AM
Chào anh Hiệp! Tuần vừa qua chuyện học hành của con cái làm bận rộn quá, sáng nay ghé vô đây chút thấy tên anh vẫn còn vững như đồng chưa trúng miểng của bọn khủng bố :)

hongnguyen
08-27-2018, 08:14 AM
Tin vắn Hoa Kỳ

CUỘC CHIẾN TRUMP – SESSIONS
Trong những vụ án Manafort và Cohen Diễn Đàn này đang bàn, điều lạ lùng nhất là thái độ của bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions.

Ông này ngay từ đầu đã tự ý rút lui ra khỏi việc điều tra can dự của Nga, lấy lý do ông là thượng nghị sĩ đầu tiên ủng hộ ông Trump rất mạnh nên muốn tránh chuyện xung khắc quyền lợi –conflict of nterest-, nhưng thực tế là để tránh bị điều tra về việc ông có thể đã có liên lạc với đại sứ Nga.

Việc ông tự ý rút lui, không hỏi phép hay tham khảo ý kiến của TT Trump đã đưa đến tình trạng ông thứ trưởng Rod Rosenstein mau mắn biểu diễn quyền hành bằng cách bổ nhiệm ngay ông Mueller làm công tố đặc biệt điều tra về việc Nga can dự vào cuộc bầu tổng thống, với một ‘sự vụ lệnh’ mơ hồ khiến cho tình trạng trở nên rối loạn chẳng ai hiểu sẽ đi về đâu.

Câu chuyện biến thái trầm trọng từ điều tra can dự của Nga chạy qua điều tra TT Trump cản trở công lý khi sa thải giám đốc FBI, để rồi bây giờ thành truy cứu việc các phụ tá của tổng thống trốn thuế, việc trả tiền gái điếm, có thể lân la qua các kinh doanh của TT Trump từ ngày ông bắt đầu cơ nghiệp cách đây nửa thế kỷ, bất kể những chuyện chẳng dính dáng xa gần gì đến chuyện Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ.

Trong tất cả những vụ án này, bộ trưởng Tư Pháp đã im hơi lặng tiếng một cách thật lạ lùng. Khiến cho TT Trump bực mình lên TV đả kích. Ông Sessions đáp lễ ngay là ông “sẽ không để chính trị chi phối công việc của bộ Tư Pháp”. Thật là quái lạ!

Ông bộ trưởng chống mắt nhìn ông tổng thống bị rượt đuổi bởi ông công tố tìm mọi cách bứng ông tổng thống một cách cực kỳ vô lý, chẳng có nguyên do chính đáng nào, ngoài việc moi cho bằng được lý do để lật đổ một tổng thống đã được dân bầu một cách chính danh và hợp Hiến.

Một là ông bộ trưởng phải có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ kết quả bầu cử của dân và chấm dứt âm mưu đảo chánh này.

Hai là ông bộ trưởng đồng ý với công tố là tổng thống đáng bị đuổi thì phải từ chức ngay.

TT Trump bị kẹt cứng không nhúc nhích được. Ông không thể sa thải ông Sessions được dù có quyền, vì làm vậy là đại họa chính trị mà quốc hội khó đồng ý vài tháng trước ngày bầu quốc hội lại, sẽ phải chống đối, và TT Trump sẽ khó có thể bổ nhiệm bộ trưởng mới, để rồi sẽ phải nhận ông Rosenstein xử lý thường vụ.

Nếu phải sa thải luôn ông Rosenstein thì sẽ lập lại sai lầm đưa đến việc TT Nixon bị ép từ chức. TT Trump đã mạt sát ông Sessions với hy vọng ông tự ý từ chức, nhưng ông này ù lỳ nhất định không từ chức.

Tin mới nhất cho biết công tố Mueller đã đề nghị miễn tố mọi tội cho ông Allen Weisselberg, tổng giám đốc Tài Chánh tổ hợp Trump Organization, đổi lấy việc ông này hợp tác khai với ông Mueller về các giao dịch tài chánh của tổ hợp.

Tin này đáng chú ý vì rõ ràng là cuộc điều tra của công tố Mueller đã đi vào tổ chức kinh doanh của TT Trump, và không còn một chút quan hệ nào đến việc can dự của Nga hay sa thải giám đốc FBI nữa.

Điều kẻ này không hiểu nổi là theo luật Mỹ thì như vậy ông Mueller có quyền đi bao xa?

Tới đâu là giới hạn của cuộc điều tra?

Tới khi tìm ra được một tội nào đó của TT Trump để có thể truy tố và lật đổ ông, cho dù đó là tội thiếu thuế cách đây nửa thế kỷ?

Nếu đây không phải là cố gắng để ‘đảo chánh’ thì là gì?

Hơn 60 triệu cử tri đã bầu cho ông Trump sẽ nghĩ gì, làm gì?

Đây có phải là giọt nước làm tràn ly, là lý do chính đáng để TT Trump sa thải ông Mueller bất chấp hậu quả không?

Những người thù ghét TT Trump dĩ nhiên sẽ vui mừng, nhưng những người lo xa cho thể chế dân chủ và ý nghĩa của cuộc bầu cử tổng thống sẽ đắn đo hơn.
Chính trị Mỹ thật là điên đầu!

CUỘC CHIẾN MẬU DỊCH MỸ-TC TIẾP TỤC
Cuộc chiến tăng thuế quan hàng nhấp cảng Mỹ và Trung Cộng tiếp tục mạnh trong khi đại diện hai nước đang thảo luận tại Hoa Thịnh Đốn.

Kể từ ngày Thứ Năm vừa qua, Mỹ tăng thuế quan lên đến mức 25% trên hàng nhập cảng từ TC tổng cộng trị giá 16 tỷ đô, liên quan đến 279 sản phẩm.

Ngay sau đó, TC trả đũa, tăng thuế quan lên mức tương đương trên số hàng nhập cảng từ Mỹ cũng trị giá tương đương, phần lớn là sản phẩm dầu hỏa và hóa chất.

Tổng cộng cả hai bên đã tăng thuế quan trên hàng hóa nhập cảng trị giá 50 tỷ đô. TT Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế quan trên hàng TC tới tổng số 200 tỷ đô.

Cuộc chiến này nếu kéo dài sẽ tai hại vô cùng cho TC trong khi ảnh hưởng trên kinh tế Mỹ cũng khá tai hại, nhưng thua xa những thiệt hại của TC.
Đó là lý do TC một mặt trả đũa nhanh chóng và tương đương, nhưng mặt khác đã phải gửi một phái đoàn đặc biệt qua Mỹ điều đình.

Ai cũng biết cán cân thương mại Mỹ-TC đã là gánh nặng quá lớn cho kinh tế Mỹ, thất cân bằng tới cả 600 tỷ đô một năm, và tình trạng này không thể tiếp tục lâu dài.

Trong cuộc chiến hiện nay, nhiều công ty Mỹ đã thiệt hại nặng, nhưng về lâu về dài, vẫn còn hơn là cả nền kinh tế phải chịu thiệt hại cả ngàn tỷ.

Nhìn vào thị trường chứng khoán hai nước thì biết bên nào thua thiệt. Trong khi Dow Jones vẫn vững mạnh ở mức 25.000-26.000 từ cả nửa năm nay, thì thị trường chứng khoán Thượng Hải, Hồng Kông, Thẩm Quyến,… đã bốc hơi cả ngàn tỷ đô.

TGĐ TARGET CA TỤNG KINH TẾ
Tổng Giám Đốc cửa hàng Target, ông Brian Cornell đã tuyên bố chi tiêu của dân trên hàng tiêu thụ -consumer spending- chưa bao giờ mạnh như bây giờ, có thể nói là mạnh nhất mà ông được thấy trong suốt cuộc đời kinh doanh của ông.

Số bán của Target trong tam cá nguyệt 2 đã gia tăng đồng loạt so với con số cùng kỳ năm ngoái, cho dù đang phải cạnh tranh sống chết với Amazon là công ty bán hàng qua trang mạng.

Không phải chỉ có Traget không, mà các cửa hàng lớn như Kohl, Nordstrom, Macy cũng đều cho thấy số bán tăng mạnh đồng loạt.

Thành quả kinh tế này của chính quyền Trump là một nhức đầu vĩ đại cho đảng DC không biết phải giải thích làm sao cho cử tri việc kinh tế đang phát mạnh.

Chỉ còn cách lái qua những việc dấm dớ như cuộc điều tra cùa ông Mueller, việc các ông Manafort và Cohen bị ra tòa, việc Trump kỳ thị nói chung,…

TNS MCCAIN
Tin mới nhất cho biết TNS John McCain đã yêu cầu chấm dứt mọi chữa trị về tình trạng ung thư của ông. Ai cũng hiểu đó là điềm báo không lành.

Ông McCain có lẽ là chính trị gia Mỹ có quan hệ chặt chẽ với VN nhất, từ VN của VNCH đến VN của VNCS. Trong thời chiến tranh, ông là một trong những phi công bị bắn rớt đầu tiên tại BV và đi tù lâu năm nhất. Sau thời chiến tranh, ông lại là người chủ trương giao hảo mật thiết với Hà Nội nhất.

Đối với người Mỹ, TNS McCain tuy thuộc đảng CH và đã từng tranh cử tổng thống đại diện cho đảng CH, nhưng lại thuộc khối ‘lửng lơ con cá vàng’, khi thì biểu quyết theo CH, khi thì theo DC.

Khi ra tranh cử tổng thống, ông đã muốn mời TNS Joe Lieberman của DC đứng cùng liên danh với ông, nhưng bị đảng CH phản đối quá mạnh nên từ bỏ ý định đó.

Ông Lieberman là TNS đã từng đứng cùng liên danh với PTT Al Gore, tranh cử chống liên danh Bush-Cheney.

Trên căn bản, ông McCain thuộc khuynh hướng bảo thủ, tuy hay xích mích với các tổng thống CH như Bush và Trump, nhưng thường biểu quyết cho các chính sách bảo thủ.

Trong những ngày cuối đời gần đây, ông đổi lập trường, có vẻ bị chi phối bởi thù ghét cá nhân, quay qua chống TT Trump rất mạnh, thường chỉ trích TT Trump còn mạnh hơn mấy chính khách DC.

Ông và hai bà TNS của Maine và Alaska đã là những người biểu quyết cứu sống Obamacare, cho dù trước đây ông đã từng chỉ trích Obamacare rất mạnh.

Việc ông McCain không chịu từ chức để thống đốc CH của Arizona có thể bổ nhiệm một chính khách CH thay thế, đã và sẽ khiến CH mất một phiếu tại Thượng Viện, để chỉ còn đúng 50 phiếu. Sẽ gây khó khăn lớn cho TT Trump, nhất là trong vấn đề phê chuẩn thẩm phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện.

Bất kể chuyện gì, đồng ý hay không với ông McCain, dân VN cũng không thể không ghi ơn ông đã hy sinh một quãng đời tươi đẹp nhất trong nhà tù Hỏa Lò của CSBV để giúp bảo vệ tự do cho VNCH.

VỪA ĂN CƯỚP VỪA LA LÀNG
Cô phụ tá phản phúc Omarosa mới đây đã lên tiếng tố cáo TT Trump muốn khai mào một cuộc chiến chủng tộc chống dân da đen.

Vẫn sách lược cũ, đối với dân da đen, bất cứ làm nghề gì, chức vụ đến đâu, hễ đụng đến sợi lông chân của họ là y như rằng, đó chỉ có thể là kỳ thị màu da của họ.

Thậm chí, có khi không đụng đến họ cũng vẫn là kỳ thị. Điển hình là họ tố cáo giải Oscar trong ngành điện ảnh có quá ít giải cho các đạo diễn và tài tử da đen.

Họ đòi hỏi giải thưởng phải tương xứng với tỷ lệ dân số. Có lẽ họ nghĩ nếu giải thưởng được phân phát theo tài năng thì họ sẽ vô vọng, do đó chỉ có một cách duy nhất họ có thể có giải thưởng là tính theo tỷ lệ dân số, cũng không khác gì việc nhận họ vào đại học, phải tăng thêm điểm để có đủ tỷ lệ sinh viên da đen trong các đại học.

Ông thẩm phán da đen duy nhất trong Tối Cao Pháp Viện, Clarence Thomas, là người chống đối chuyện này mạnh hơn ai hết vì ông cho đây là một sỉ nhục với dân da đen, coi như họ là ‘công dân hạng hai”, với trí thông minh thua xa dân da trắng nên phải nâng đỡ.

Trong câu chuyện cô Omarosa, TT Trump không phải là người duy nhất sa thải cô. Trước đó, PTT Al Gore, TT Clinton, và cả đài NBC cũng đã sa thải cô rồi. Thế thì những người này có kỳ thị da đen không?

Chính ông Trump là người đã cứu cô ba lần. Cô này là người ‘khai chiến’ cuộc chiến màu da khi ồn ào tố TT Trump là kỳ thị, bây giờ lại la hoảng TT Trump khai chiến.

Cái đó, các cụ ta gọi là “Vừa ăn cướp vừa la làng”.

Dù sao thì câu chuyện lãng xẹt của cô Omarosa đã đi vào lãng quên sau một hai tuần đinh tai nhức óc.

GIÁO SƯ ĐẠI HỌC CHỐNG TRUMP
Hơn bốn chục giáo sư những đại học cấp tiến nhất nước như Harvard, Princeton, Berkeley,… đã là ‘đồng tác giả’ một bài xã luận đăng trên báo cấp tiến New York Times, lên án chính sách ngoại giao của TT Trump.
Giáo sư đại học cấp tiến chống TT Trump chẳng có gì lạ.

Họ muốn gì?

Muốn trở lại tình trạng nước Mỹ ‘lãnh đạo từ phiá sau lưng’?

Xin lỗi cả thế giới và tổng thống Mỹ gặp quốc trưởng các nước khác là phải khúm núm cúi gập người trịnh trọng vái lạy?

Mỹ tiếp tục chi bạc ngàn tỷ làm cảnh sát bảo vệ cả thế giới trong khi cả thế giới phè phỡn chửi Mỹ dưới cái dù an ninh Mỹ?

Bắc Hàn tiếp tục thử bom và hỏa tiễn trong khi Mỹ yên lặng ngồi cầu Chúa khấn Phật?

Có phải đó mới là chính sách ngoại giao mà họ hoan nghênh không?

Trước khi các cụ tỵ nạn hồ hởi tung hô đám giáo sư này, xin các cụ nhớ lại giùm trong thời chiến tranh chống CSBV của chúng ta, các trường đại học này đã từng là những ‘mật khu’ của VC tại Mỹ và đám giáo sư này cùng với đám sinh viên của họ chính là những du kích quân VC nằm vùng tại Mỹ, suốt ngày mang cờ máu xuống đường la hét “Ho, Ho, Hochiminh”!

Các cụ thấy có nên tung hô chúng không? Hay là ta phải cám ơn chúng vì nhờ chúng giúp nên ta mới được cái ‘may mắn’ di tản qua Mỹ thành công dân Mỹ?

CHUYỆN DIỄU CỦA DÂN BIỂU DC
Dân biểu da đen Alcee Hastings của đảng DC tại Florida mới đây trong một cuộc nói chuyện với cử tri, đã đưa một câu chuyện diễu ra để mở màn.

Ông đố cử tri biết sự khác biệt giữa một khủng hoảng –crisis- và một đại họa -catastrophe-.
Câu trả lời của ông:

“Khủng hoảng là khi nào Trump bị rớt xuống sông Potomac ở Washington DC mà không biết lội. Và đại họa là có người cứu ông ta lên”.

Câu chuyện diễu vô ý thức này nói lên sự ấm ức tột cùng của phe cấp tiến. Thua đau, thua đậm, mỗi ngày mỗi thua thêm, chẳng làm gì được, chỉ còn cầu mong thiên thần hay ma qủy giúp giết Trump thôi.

Kẻ này dám bảo đảm ông dân biểu này không phải là người duy nhất mơ mộng chuyện hắc ám này. Không ít dân cấp tiến cũng vậy thôi.

Xin chia buồn cùng những vị đó: hy vọng TT Trump chết đuối dưới sông Potomac coi như có xác xuất đúng.. 0,0000%, bất kể quý vị vái ông thần bà thánh nào.

Chỉ có một cách duy nhất để quý vị bớt ấm ức, sống thọ thêm vài năm thôi: quên chính trị đi, về nhà chơi với các cháu nội ngoại cho khỏe.
Đây cũng là lời khuyên gửi đến các cụ tỵ nạn Việt luôn.



DÂN NAM HÀN GẶP LẠI THÂN NHÂN
Khoảng 330 người dân Nam Hàn trong 89 gia đình, phần lớn rất già yếu, ngồi xe lăn, đã được chở đến một thành phố Bắc Hàn để gặp lại khoảng 185 bà con thân nhân còn ở lại Bắc Hàn, sau hơn 65 năm chia cách.

Trẻ nhất cũng khoảng thất thập, trong khi người già nhất đã 99 tuổi. Đây là cuộc hội ngộ đầu tiên từ hơn ba năm nay, sau khi TT Nam Hàn và Chủ Tịch Bắc Hàn đã đồng ý cho dân hai vùng được gặp lại nhau.

Đây cũng là một bước tiến nữa trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Nam-Bắc Triều Tiên mà cho đến nay vẫn chưa chính thức chấm dứt. Cũng là một nhượng bộ nữa của Cậu Ấm Ủn.

Cho đến nay Cậu Ấm đã ngưng thử nghiệm bom hay hỏa tiễn nguyên tử được 9 tháng rồi, đồng thời Cậu cũng đã trả tự do cho ba công dân Mỹ gốc Nam Hàn bị tù khổ sai tại BH, và tiếp tục cuộc đàm phán kín trong hậu trường với Mỹ.

Trong khi Mỹ chưa hề tháo gỡ bất cứ biện pháp trừng phạt kinh tế nào đối với BH.

Phe chống Trump cố tình khỏa lấp những tiến bộ này và tiếp tục tố cáo TT Trump bị Cậu Ấm lừa và đã thất bại hoàn toàn.

Những người không muốn nhìn thấy gì thì chỉ cần nhắm mắt là không nhìn thấy gì hết, quá dễ thôi.

TTDC GIAN TRÁ
Câu chuyện cô Mollie Tibbetts bị thảm sát, vứt xác tại một cánh đồng tại tiểu bang Iowa, nhiều người đã biết.
Sau mấy ngày điều tra, cảnh sát Iowa đã bắt được một người tình nghi là thủ phạm. Anh này đã nhận tội tuy chưa ra tòa vì còn nhiều khúc mắc mà cảnh sát đang điều tra thêm.

Anh ta tên là Cristhian Bahena Rivera, 24 tuổi, di dân lậu gốc Mễ, đã bị bắt.
Tất cả báo cáo của cảnh sát đều ghi rõ anh này là di dân bất hợp pháp, ở lậu đã ít nhất 4 năm, không có giấy tờ di trú hợp lệ.

Thế nhưng báo New York Times loan tin với cái tít rất… ‘ý nghĩa’: “Di dân bị bắt vì tình nghi là thủ phạm giết Mollie Tibbetts”.
Quý vị có để ý thấy chuyện gì không?

Đó là việc NYT cố tình không đăng kèm theo cái chữ ‘illegal’ hay ngay cả ‘undocumented’.

Vẫn là cái ý đồ mờ ám muốn lập lờ đánh lận con đen cố hữu của TTDC thôi.
Không phải chỉ là NYT không đâu. Cả CNN cũng vậy, loan tin mà ‘quên’ kèm theo cái chữ ‘illegal’.

Được hỏi về vụ này, TNS Elizabeth Warrens, chuẩn ứng cử viên tổng thống năm 2020 của đảng DC, phớt lờ, lái qua chuyện TT Trump phạm tội chia cách gia đình di dân lậu.

Chỉ khiến bà thượng nghị sĩ Iowa Joni Ernst nhắc khéo tên di dân lậu này đã chia cách cô Tibbetts khỏi gia đình của cô một cách vĩnh viễn.

CỤ TỴ NẠN VÀ OBAMA
Có một cụ tỵ nạn gọi TT Obama là tổng thống “hiền hòa, yêu chuộng hòa bình”.

Đây không phải loại ‘Tin Vắn’ đáng đăng, nhưng vì tính ‘lạ lùng’ của nhận xét này, nên Diễn Đàn bàn qua cho vui, gọi là ‘thay đổi không khí’, tìm hiểu về quan điểm của các cụ tỵ nạn.

Cái câu “yêu chuộng hòa bình” dường như là một thứ huân chương của CS ngày xưa gắn lên ngực những tay ‘phản chiến’ thân cộng chống lại việc Mỹ giúp miền Nam chống đỡ xâm lăng của CSBV, bây giờ được mang ra xài để đeo lên cổ Obama, thật là thích hợp, xứng đáng.

TT Obama được giải Nobel Hòa Bình mà, đúng không? Hình như Lê Đức Thọ và Kissinger cũng được Nobel Hòa Bình, phải không?

Ba đồng chí ngủ chung giường?

Hiền hòa? Có thật là TT Obama “hiền hòa” không?

Hiền hòa đi giết Khaddafi biến Libya thành một Somalia thứ hai, giết nhau loạn đả cả vạn người chết từ cả chục năm nay, đến cả đại sứ Mỹ cũng bị giết, đẩy cả vạn người khác vượt biển qua Âu Châu, chết chẳng biết bao nhiêu?

Hiền hòa nhìn ISIS từ một “đội bóng rổ trung học” biến thành một lực lượng khủng bố chiếm một nửa Iraq và một nửa Syria, cắt cổ hàng vạn người, đẩy cả triệu người dân Trung Đông chạy qua Âu Châu tỵ nạn?

Hiền hòa tặng các giáo chủ Iran cả tỷ đô đổi lấy một lời hứa của Iran không chạy đua võ trang nguyên tử mà chẳng ai kiểm soát được gì hết?

Hiền hòa nhìn Bắc Hàn tha hồ thử bom và hỏa tiễn trong suốt 8 năm trời?

Hiền hòa chống mắt nhìn cái lưỡi bò Trung Cộng liếm cả Đông Nam Á?

Hiền hòa hay ngu muội?

Vũ Linh, 25/8/2018
https://baotgm.net/vu-linh-tin-van-hoa-ky-cuoi-tuan-25-8-2018/

Lê Nguyễn Hiệp
08-27-2018, 09:52 AM
Chào anh Hiệp! Tuần vừa qua chuyện học hành của con cái làm bận rộn quá, sáng nay ghé vô đây chút thấy tên anh vẫn còn vững như đồng chưa trúng miểng của bọn khủng bố :)

Tôi vẫn mạnh mà anh Nguyễn,

Lâu lâu vô nói một cái, mà họ dùng súng liên thanh bằng miệng bắn liên tục, thì coi ai mệt hơn ai. ha!Ha!

hongnguyen
08-28-2018, 08:33 AM
Ha ha, tôi cũng bái anh luôn là chịu khó đứng đó coi chúng nhả phân :), tôi thì rành rọt, Ta và Địch, mà là địch thì dứt khoát không chơi không nhìn không nghe không đọc.

hongnguyen
08-28-2018, 08:39 AM
Hai Vụ án Manaford và Cohen

Tuần qua, TTDC đã mở tiệc liên hoan ăn mừng cái mà họ gọi là “thảm họa” cho TT Trump, sau khi hai cộng sự viên của ông bị kết tội.
Ông Paul Manafort, cựu giám đốc Ủy Ban Tranh Cử của ông Trump bị một bồi thẩm đoàn kết án 8 tội, trong khi ông Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump, thú nhận vi phạm 8 tội khác.
Ta thử xem lại câu chuyện.

Mỗi lần có tin xấu là y như rằng, TTDC hý hửng loan tin với những danh từ như “worst day”, “most terrible day”, “beginning of the end”,...
Các cụ tỵ nạn hý hửng thông ngôn ngay “ngày thảm họa”, “ngày đại nạn”, “ngày tàn đã điểm”,...

Nếu kẻ này nhớ không lầm thì tất cả đều đã được thấy nhan nhản trên báo Mỹ từ ngày ông Trump đọc bài diễn văn chửi di dân lậu Mễ khi ra mắt để tranh cử tổng thống mùa hè 2015, cách đây cũng ba năm hơn.

Nếu ta tin vào TTDC thì ông Trump đã đối diện với tận thế cả trăm lần. Xin liệt kê một vài thí dụ nhé:
- Ngày ông bị khui ra đã bốc phét về chuyện ‘chụp bướm’ với một nhà báo.
- Ba lần ông tranh luận với bà Hillary trên TV.

- Một ngày trước ngày bầu cử khi New York Times khẳng định bà Hillary có 98% hy vọng đắc cử.
- Ngày ông tuyên thệ nhậm chức khi nửa triệu phụ nữ xuống đồng chống.
- Ngày tướng Michael Flynn bị ép từ chức.

- Ngày ông sa thải giám đốc FBI Comey.
- Ngày công tố Mueller được bổ nhiệm.

- Ngày ông so sánh nhóm thượng tôn da trắng với nhóm Antifa.
- Ngày ông bắt tay với Putin tại Helsinki.
- Ngày cô Omarosa lên TV tố ông kỳ thị.

Còn nhiều lắm, nhưng xin quý vị tha lỗi diễn đàn này không đủ chỗ để liệt kê ra hết.

Tin bất lợi nào cũng được biến thành tin cực xấu. Tin xấu nào của Trump cũng được hóa phép thành tận thế, cho tới vài hôm sau lại một đại họa mới, rồi lại tận thế khác.
Ba năm tận thế rồi mà vẫn chưa... tận thế. Các cụ tỵ nạn cứ kiên nhẫn chờ nhé.

Trở lại câu chuyện hai ông Manafort và Cohen, đây là hai vụ án hoàn toàn khác biệt, không liên hệ gì với nhau tuy cả hai đều dính dáng đến TT Trump.

VỤ MANAFORT
Mùa xuân 2016, ứng cử viên Donald Trump bất thình lình nổi lên như cồn, có triển vọng thắng cử trong cuộc chạy đua trong nội bộ đảng CH để ra tranh cử tổng thống.
Ủy ban vận động của ông Trump lớn như thổi, cần có văn phòng tại cả mấy chục tiểu bang và nhất là cần sự điều động và phối hợp chặt chẽ của một chuyên gia có kinh nghiệm.

Ông Trump nhìn qua nhìn lại quanh mình chẳng thấy ai hết.
Chung quanh toàn là các doanh gia đầy kinh nghiệm doanh thương, nhưng về chính trị, nhất là chính trị tranh cử tổng thống trên tầm mức quốc gia thì chẳng có một người nào hết.

Qua sự giới thiệu của một ‘cố vấn’, ông tìm ra được ông Paul Manafort.
Ông này là chuyên gia tổ chức sinh hoạt chính trị từ hơn 30 năm nay, đã từng hợp tác với các ủy ban vận động của các ứng cử viên CH từ thời TT Reagan.

Đã vậy, lại có quan hệ rất rộng rãi với giới chính khách Hoa Thịnh Đốn, CH và cả DC, cũng như các giới ngoại giao. Ông Manafort được mời tham gia với tư cách cố vấn trong Ủy Ban Vận Động Tranh Cử cho ông Trump tháng Ba, 2016. Sau một tháng, được bổ nhiệm làm giám đốc.

Chỉ vỏn vẹn có hai tháng sau, tháng Sáu, sau khi ông Trump biết được ông Manafort đã từng nhận bạc triệu đô của Ukraine, ông Trump mau mắn sa thải ông Manafort ngay, bổ nhiệm ông Steve Bannon thay thế.
Đó là ‘lịch sử’ quan hệ giữa ông Manafort và ông Trump, trong khi TTDC cố gắng tô vẽ ông Manafort như là một cận thần lâu năm, đồng lõa đủ thứ tội với ông Trump.

Mục đích là cài kết hai ông vào với nhau để tố một người có tội là đương nhiên người kia cũng có tội lây. Tiếng Mỹ gọi là guilty by association.

Nhắc lại chuyện xưa, TT Clinton bị dính dáng vào cả chục vụ xì-căng-đan nhưng vẫn chẳng mất chức, dù có tới hơn 40 đàn em vào tù.
TT Trump còn thua xa. Chưa ai đi tù.

Ông Manafort bị công tố Mueller chụp bắt, đưa ra tòa truy tố về 18 tội. Tất cả đều là những tội liên quan đến doanh thương hay làm việc cho khối áp lực Ukraine cách đây hơn một chục năm.

Cả thế giới đều nhìn thấy rõ điều mà quan tòa xử vụ ông Manafort đã nói huỵch tẹt ra: “các ông [luật sư của ông Mueller] thật ra chẳng cần biết ông Manafort đã phạm tội gì, chỉ là cố bắt được ông Manafort để ép ông ta khai báo tội của Trump thôi”.

Ngay cả trong vụ xử ông Manafort, một bà trong bồi thẩm đoàn đã nhìn nhận họ thấy rõ tính toán ‘truy lùng phù thủy’ của ông Mueller, nhưng vẫn đành phải kết tội ông Manafort vì ông này có tội thật.

Bồi thẩm đoàn của phiên xử ông Paul Manafort đã tuyên án ông này phạm 8 tội, gồm có 5 tội khai gian thuế, một tội không khai trương mục ngân hàng tại ngoại quốc (Ukraine), và hai tội chuyển tiền bất hợp pháp qua ngân hàng.

Một chục tội còn lại đã không đạt được sự nhất trí của bồi thẩm đoàn nên coi như không bị kết tội.
Chưa rõ chừng nào thì quan tòa mới tuyên án. Chỉ biết việc tuyên án này sẽ giúp công tố Mueller áp lực, ép ông Manafort phải hợp tác, tố Trump chuyện gì đó, hy vọng nhẹ án hơn.

Ngược lại, cũng có thể ông Manafort sẽ bất hợp tác mạnh hơn để hy vọng được TT Trump ân xá. Ai biết được họ tính toán những chuyện gì trong hậu trường?

TT Trump ngay sau vụ kết án này, đã công khai ca tụng ông Manafort, khiến TTDC đoán mò TT Trump có ý định ân xá cho ông Manafort.

Tội của ông Manafort khá nặng, theo các chuyên gia, có thể bị tù tổng cộng tới 80 năm nếu chống án thất bại, hay nhẹ nhất cũng hai ba chục năm.

Ông Manafort năm nay 69 tuổi, tương lai bóc lịch đến chết. Dĩ nhiên là câu chuyện chưa kết thúc. Quan tòa chưa tuyên án và ông Manafort tất nhiên sẽ kháng cáo, chưa biết tới cấp nào, biết đâu sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện và sẽ kéo dài cả năm trời? Hay có khi TT Trump sẽ ân xá?

Vụ án Manafort có ảnh hưởng như thế nào với TT Trump?
Câu trả lời là ‘zero’! Bất kể TTDC khua phèng la cỡ nào. Tội của ông Manafort có thật, đến độ ông Trump khi vừa nghe đến đã vội vã sa thải ông này ngay.

Nhưng những tội đó tuyệt đối chẳng dây dưa rễ má gì đến TT Trump hay cuộc vận động tranh cử năm 2016, hay việc thông đồng với Nga là mục tiêu thực sự của cuộc điều tra của công tố Mueller.
Thế thì tại sao TT Trump có ý định ân xá?

Đó là vì TT Trump là người rất coi trọng lòng trung thành của bạn bè, đồng nghiệp và cộng sự viên.
Ông Manafort từ ngày bị sa thải, qua những ngày bị công tố Mueller rượt đuổi, cho đến bây giờ bị bồi thẩm đoàn kết án, đã không hề tuyên bố bất cứ một câu nào bất lợi cho TT Trump, không hợp tác gì với ông Mueller.
Đó là điều TT Trump coi rất trọng. Ân xá ông Manafort cũng là một thông điệp cho tất cả những ai khác có thể bị ông Mueller rượt bắt.

VỤ COHEN
Không biết là cố tình vì thiếu lương thiện, hay vô tình vì u mê, một cụ tỵ nạn đã viết “Trump thuê luật sư Cohen để biện hộ cho ông ta”.
Trước hết, TT Trump chưa bị kết án bất cứ tội gì hết nên chẳng có gì để phải được biện hộ hết.

Sau đó, ông Michael Cohen đã là luật sư riêng của ông Trump từ hơn 20 năm qua, không phải mới được “thuê” để “biện hộ” cho ông Trump trong vụ công tố Mueller điều tra.
Ông Cohen cũng chẳng là luật sư biện hộ bất cứ chuyện gì hết. Ông là loại luật sư cố vấn pháp luật, lo thủ tục giấy tờ cho các vụ giao dịch doanh thương của ông Trump, cũng như giúp giải quyết những tranh chấp pháp lý, đề nghị phương cách giải quyết hay đi thuê luật sư cho ông Trump.

Hầu hết các đại gia Mỹ đều có loại luật sư cố vấn riêng này, không phải chỉ một luật sư mà có khi nguyên một văn phòng luật sư.
Với tư cách cố vấn pháp luật đó, ông Cohen là người biết rất rõ tất cả những giao dịch doanh thương, xã giao, chính trị, hay bất cứ gì khác của ông Trump từ mấy chục năm nay, kể cả việc trả tiền chơi gái.
Đó chính là cái lý do quan trọng nhất công tố Mueller rình bắt ông Cohen.

Cái tội của ông này là ngoài việc làm cố vấn pháp luật cho ông Trump, cũng đã có rất nhiều giao dịch riêng tư với nhiều thân chủ khác.
Ngoài ra, ông Cohen cũng thuộc loại ma giáo, mánh mung kiếm tiền cho mình bằng nhiều cách bất chính, đặc biệt là trốn thuế.

Dù sao, những việc này cũng chẳng liên quan sơ múi gì đến ông Trump là một thân chủ như những thân chủ khác thôi. Nhưng là một thân chủ mà ông Mueller đang rình bắt.

Lấy một ví dụ dễ hiểu: quý vị có một vị bác sĩ riêng từ nhiều năm nay. Vị bác sĩ này bị bắt về tội khai gian Medicaid chẳng hạn, chuyện này chẳng liên quan gì đến quý vị hết, đúng không? Thế thì tại sao quý vị phải thắc mắc?
Tại vì có người đang muốn biết quý vị có bị bệnh gì hay không và ông bác sĩ đó là người biết rõ chuyện này hơn ai hết.

Thộp cổ ông bác sĩ này để bắt ông ta khai quý vị có bệnh gì hay không, đó là toàn bộ câu chuyện vụ án Cohen.
Ông Micheal Cohen bị công tố Mueller truy tố không rõ bao nhiêu tội và những tội gì. Chỉ biết ông sợ hãi đến độ điều đình và nhìn nhận đã phạm 8 tội, 6 tội trốn thuế và 2 tội vi phạm luật tài trợ bầu cử mà theo ông Cohen, ông đã làm theo chỉ thị của ông Trump.

Tất cả cũng chẳng có tội nào liên quan đến chính trị, hay ‘thông đồng’ với Nga.

Chấp nhận đi tù từ 3 đến 5 năm đổi lấy việc miễn tố nhiều tội khác cũng như đổi lấy việc hợp tác với công tố Mueller, ‘thành thật khai báo’ với ông Mueller tất cả những gì ông biết về ông Trump.

Việc công tố Mueller miễn tố nhiều tội lớn của ông Cohen hiển nhiên là bằng chứng cụ thể nhất ông Cohen chỉ là con mồi để ông Mueller đi bắt con tôm hùm Trump thôi.
Ông Mueller cũng đã miễn tố nhiều người khác như ông chủ nhiệm báo National Enquirer, ông Giám Đốc Tài Chánh của Trump Organization,... trong cố gắng đi bắt TT Trump.

Trong hai ông Manafort và Cohen, tội của ông Manafort nặng hơn trên mặt pháp lý, có thể lãnh án tới vài chục năm tù, trong khi tội của ông Cohen nhẹ hơn, chỉ lãnh án vài năm thôi.
Nhưng tội của ông Cohen có quan hệ trực tiếp đến TT Trump hơn, liên quan đến cuộc vận động tranh cử tổng thống, và đe dọa Trump nhiều hơn vì dính dáng đến chuyện ‘tiền bịp miệng’ –hush money- hai bà đào của Trump trong mùa bầu cử.

TTDC khua chiêng trống ầm ĩ đây là những tội đại hình, thậm chí có thể là tội đáng đàn hặc luôn.
Sự thật không hẳn như vậy. Chuyện trả tiền để ‘bịt miệng’ tuy nghe bá đạo nhưng chẳng có luật nào cấm hết, mặc dù TTDC tìm cách tố đây là dùng tiền vận động tranh cử bất hợp pháp.

Ông Cohen trả tiền cho hai bà này, rồi ông Trump hoàn trả lại ông Cohen bằng tiền túi của mình, chẳng ai phạm tội gì hết.
Nói chuyện trả tiền ăn bánh này đáng bị đàn hặc là nói chuyện bá láp. Chỉ là gây tai tiếng cho TT Trump chứ chẳng có gì là bất hợp pháp.

Trong vụ án Cohen này, cái nguy cơ lớn đối với ông Trump không phải là những tội hiện hữu của ông Cohen hay vụ trả tiền ‘bịt miệng’, mà là những chuyện gì khác chưa ai biết, mà ông Cohen và những người khác có thể sẽ khai với công tố Mueller.
Nếu TT Trump đã phạm những tội chẳng hạn như trốn thuế, chuyển tiền lậu, ... thì công tố Mueller sẽ không tha.
Việc ‘thông đồng’ với Nga coi như nước chẩy qua cầu rồi, không ai nhắc đến nữa.

Việc cản trở công lý có thể có căn bản vững chắc hơn nên công tố Mueller vẫn tiếp tục truy lùng, nhưng chưa đi đến đâu.
Vấn đề lớn là những vụ như trốn thuế, chuyển tiền bất chính,... có nhiều triển vọng doanh gia Trump hay tổ chức Trump Organization đã vi phạm.

Trốn thuế là chuyện muốn bắt là bắt được rất dễ dàng vì hầu như 90% dân Mỹ đều trốn thuế, bất kể giàu hay nghèo.

Trong một tổ chức kinh doanh với hơn 500 công ty lớn nhỏ, giao dịch bạc tỷ trong mấy chục năm, có nhiều triển vọng là đã có những sơ hở, hay cũng có thể có những cố tình ‘nấu nướng sổ sách’.

Đây có lẽ là lý do chính tại sao cuộc điều tra của công tố Mueller đã kéo dài quá lâu: ông này đang tra cứu sổ sách, giấy tờ giao dịch của mấy trăm công ty này từ mấy chục năm qua để đi tìm sâu bọ, sau khi thất bại không tìm được manh mối gì về ‘thông đồng’ với Nga hay cản trở công lý.

Nếu TT Trump trước đây có phạm tội trốn thuế, hay chuyển tiền bất hợp pháp, thì ông Cohen là người biết rõ hơn ai hết.

Có lẽ đây mới là mối lo chính của TT Trump. Nhưng vấn đề là ông Cohen có đáng tin cậy không?

Vấn đề lớn hơn là cho dù công tố Mueller có khám phá ra được vụ phạm tội nào đó thì hậu quả sẽ ra sao?

Trên căn bản pháp lý, bộ Tư Pháp từ thời Nixon qua đến thời Clinton đã nhiều lần xác định tổng thống không thể bị bị truy tố ra tòa về bất cứ tội dân sự hay hình sự nào khi còn đương nhiệm.
Trong lịch sử Mỹ, cũng chưa có một tổng thống nào bị truy tố như vậy.

Nếu công tố Mueller tìm ra được chuyện phạm pháp nào đó và quyết định truy tố TT Trump, vấn đề chắc chắn là sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện, có thể kéo dài tới mùa bầu cử tổng thống năm 2020 không chừng và không ai biết kết quả ra sao.

Và đây lại là một lý do quan trọng khiến phe DC đang tìm mọi cách cản việc phê chuẩn thẩm phán Kavanaugh vào TCPV, vì ông này chủ trương rõ rệt không thể truy tố tổng thống khi còn đương nhiệm.

Đảng DC có thể dựa trên những tội này để đàn hặc TT Trump không? Đàn hặc là một biện pháp chính trị, không phải là pháp lý.
Do đó, chuyện TT Trump có tội gì hay không có tội gì chẳng bao giờ là lý do thật sự để đàn hặc hay không đàn hặc.

Quyết định đàn hặc hay không hoàn toàn là một tính toán chính trị. Đàn hặc trên nguyên tắc rất dễ dàng, chỉ cần đa số 218 phiếu tại Hạ Viện là đủ. DC hiện có 193 ghế, CH có 236 ghế và 6 ghế bỏ trống.
Ở đây, ta chỉ nói chuyện đàn hặc, chưa nói chuyện truất phế là việc đòi hỏi 67 phiếu tại Thượng Viện trong khi DC hiện chỉ có 48 phiếu, cần 19 phiếu nữa, là chuyện không thể có.

Nếu DC thất bại không chiếm được đa số tại Hạ Viện trong kỳ bầu cuối năm nay, thì sẽ chẳng bao giờ có chuyện đàn hặc, trừ phi TT Trump bị bắt quả tang có bằng chứng quá lộ liễu là đã thông đồng với Nga hay cản trở công lý.
Nếu DC thắng, chiếm đa số tại Hạ Viện, có nhiều triển vọng họ sẽ đàn hặc TT Trump tuy vẫn phải cân nhắc hậu quả.

Năm xưa, CH chú tâm đàn hặc TT Clinton bằng mọi giá, đưa đến phản ứng ngược, TT Clinton được hai phần ba dân Mỹ ủng hộ.
Bây giờ cũng không khác. Một vài dân biểu DC cực đoan hô hào đàn hặc TT Trump trong khi cấp lãnh đạo đảng DC như bà Pelosi thì xác nhận không có ý định đó, chỉ vì họ sợ tạo phản ứng ngược, khiến cử tri của ông Trump đổ xô đi bỏ phiếu cho ứng cử viên CH vào quốc hội, thì sẽ là đại họa cho đảng DC.

Một câu hỏi lớn trong vụ Cohen: chuyện ân xá.
Tổng thống có quyền ân xá bất cứ ai về bất cứ tội gì, không cần lý do gì hết. Cả nước đã bàn đến chuyện TT Trump sẽ dùng quyền ân xá với những người đang bị công tố Mueller lùng bắt.

Trong khi đó thì luật sư của ông Cohen, Lanny Davis, cũng là luật sư trước đây đã biện hộ cho TT Clinton trong vụ đàn hặc, đã huênh hoang tuyên bố ông Cohen sẽ hợp tác với công tố Mueller, không chấp nhận uy tín bị hoen ố qua một ân xá của tổng thống.

Trong thời gian qua, ông Cohen đã hiện rõ nguyên hình là một tay luật sư ma giáo hạng nhất, bây giờ lại lớn lối vỗ ngực không thèm nhận ân xá của TT Trump vì là người “yêu nước, có tinh thần trách nhiệm”.
Sự thật là quyền ân xá của tổng thống có giới hạn, chẳng hạn như ông chỉ ân xá được những tội ở cấp liên bang thôi, không ân xá những tội tiểu bang được.

Ông Cohen có thể đã bị công tố Mueller đe dọa chuyển hồ sơ cho tiểu bang New York để truy tố nhiều tội lớn ở cấp tiểu bang như trốn thuế tiểu bang, lừa đảo ngân hàng tiểu bang, chuyển tiền lậu vi phạm luật tiểu bang,... Sẽ truy tố ông này trước tòa án tiểu bang New York.

Ông Cohen có thể sẽ lãnh án mấy trăm năm tù mà TT Trump không ân xá được cho dù muốn ân xá.
Phạm tội tiểu bang, chỉ có thống đốc tiểu bang ân xá được, mà thống đốc New York là ông DC Andrew Cuomo, chống Trump kịch liệt.

Do đó, đường binh đỡ hại nhất cho ông Cohen là phản lại ông Trump, điều đình lãnh án năm ba năm tù và hợp tác khai tội thật hay phịa tội giả của ông Trump.
Chẳng có chuyện bảo vệ uy tín cá nhân không nhận ân xá của tổng thống.
Bốc phét, không hơn không kém. Cụ tỵ nạn nào tin ông Cohen “yêu nước” xin giơ tay cho thiên hạ biết.

Tổng kết toàn bộ câu chuyện hai vụ án trên như thế nào? Kinh khủng tới mức nào?
Lại tận thế?

Tối Thứ Ba vừa qua, ngay sau khi tin hai vụ án nổ ra sau khi thị trường chứng khoán đã đóng cửa, TTDC la hoảng ngày mai Thứ Tư, thị trường sẽ xụp đổ mạnh, rớt giá nặng.

Qua ngày sau, Dow Jones rớt vài chục điểm, NASDAQ tăng vài chục điểm.
Nghĩa là theo giới kinh tế tài chánh, hai vụ lùm xùm này vẫn chẳng có ảnh hưởng gì đến việc ông Trump vẫn ngồi trong Tòa Bạch Ốc.
Ít nhất cho đến khi có biến cố tận thế mới nữa.

Nếu cuộc điều tra của công tố Mueller được giới hạn trong đúng mục tiêu điều tra thông đồng với Nga hay cản trở công lý, thì phúc trình của công tố Mueller sẽ là tờ giấy trắng.
Nếu cuộc điều tra lân la qua quá trình kinh doanh hơn nửa thế kỷ của TT Trump thì không ai biết sẽ có gì trong đó.

Trong trường hợp này, không ai tin TT Trump sẽ khoanh tay ngồi đợi phúc trình. Sẽ có ‘đại chiến’.

Vũ Linh Aug 25, 2018
https://baotgm.net/vu-linh-hai-vu-an-manaford-va-cohen/

TLNVN
08-28-2018, 09:05 AM
Tôi vẫn mạnh mà anh Nguyễn,

Lâu lâu vô nói một cái, mà họ dùng súng liên thanh bằng miệng bắn liên tục, thì coi ai mệt hơn ai. ha!Ha!



Ha ha, tôi cũng bái anh luôn là chịu khó đứng đó coi chúng nhả phân :), tôi thì rành rọt, Ta và Địch, mà là địch thì dứt khoát không chơi không nhìn không nghe không đọc.


hắc hắc hắc

hongnguyen
08-29-2018, 08:39 AM
XUYÊN TẠC
TTDC tiếp tục tung fake news liên quan đến TT Trump và chính quyền Trump. Dưới đây là vài câu chuyện bé hơn muỗi nhưng được TTDC bóp méo rồi thổi phồng:

TT Trump vô phép với Nữ Hoàng Anh
TTDC làm rùm beng cảnh TT Trump đi trước, che khuất Nữ Hoàng khi hai vị bắt đầu cuộc duyệt binh.

Sự thật không phải vậy, Nữ Hoàng cùng TT Trump từ trong nhà bước ra, Nữ Hoàng đi qua bên tay trái của TT Trump, sực nhớ lại là không đúng nghi thức ngoại giao là bà phải đi bên tay mặt của TT Trump, để TT Trump đi sát bên hàng quân dàn chào.

Thay vì bước tới trước để đổi bên thì dĩ nhiên, bà đi vòng phiá sau trong khi TT Trump đứng chờ, quay lại xem Nữ Hoàng đứng đâu.
Ngay lúc đó, nhà báo chụp hình Nữ Hoàng đang đứng sau lưng TT Trump và hô hoán ầm ĩ TT Trump vô phép, đi trước Nữ Hoàng.

Khi cố bới vết tìm sâu thì thế nào cũng phải tìm cho ra, không có thì nặn ra.

TT Trump bị gia đình Hoàng Gia Anh tẩy chay
TTDC mỉa mai loan tin trưởng nam của Nữ Hoàng, thái tử Charles, và cháu đích tôn, hoàng tử Williams, tẩy chay không thèm gặp TT Trump khi ông viếng thăm Nữ Hoàng.

Điện Buckingham sau đó đã ra một thông tư cải chính, là chuyện rất hiếm có.
Theo Buckingham, Nữ Hoàng chính thức tiếp TT Trump với tư cách quốc trưởng tiếp quốc trưởng, không phải họp mặt gia đình, không có lý do gì hai ông hoàng có thể được mời tham dự và hiện diện.

TT Trump đến trễ
TTDC phổ biến hình Nữ Hoàng đứng chờ TT Trump một mình, có vẻ sốt ruột, coi đồng hồ hai lần, dĩ nhiên mạt sát TT Trump bất lịch sự, đến trễ, bắt Nữ Hoàng đứng chờ.

Sự thật có hơi khác. Báo Anh sau đó đã viết lại cho rõ:
TT Trump đến đúng giờ, không trễ một phút. Lỗi là ban Nghi Lễ của Nữ Hoàng sai lầm gì đó, đã đưa Nữ Hoàng đến sớm 15 phút. Báo Anh đủ lương thiện để viết lại cho rõ, báo Mỹ im re luôn.

Bà Nikki Haley nói láo
Báo Washington Post làm om xòm, đả kích bà đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley về tội “nói láo giống TT Trump” khi bà tuyên bố nước Mỹ có “250.000 người nghèo”, (250,000 poor).
WaPo ‘thông báo’ cho bà biết có cả triệu người nghèo đang lãnh trợ cấp đủ loại chứ không phải chỉ có 250,000. Ngay sau đó, bà Nikki Haley phổ biến nguyên văn bài diễn văn bà đọc và thiên hạ thấy rõ là bà nói “250,000 dân cực kỳ nghèo” (250,000 extremely poor).

WaPo tự ý đục bỏ chữ ‘extremely’ để có cớ bôi bác.

Thống kê chính thức có phân loại rõ ràng “nghèo” và “cực nghèo”, không phải bà Haley tự phịa ra.
Sau đó, WaPo đã đành rút lại bài bình luận, nhìn nhận đã sai lầm.
Vẫn cái mánh cũ, cả triệu người đọc bài đả kích, trong khi chỉ có năm ba que biết lời cải chính.


THẨM PHÁN TCPV CHƠI TRÒ CHÍNH TRỊ?
Bà thẩm phán Ruth Bader Ginsburg của Tối Cao Pháp Viện vừa lên tiếng về chuyện bà về hưu. Bà khẳng định tuy bà 85 tuổi, nhưng bà sẽ không nghỉ hưu gì hết cho đến “ít nhất là 5 năm nữa”, tức là sớm nhất là năm 2023, là năm ông Trump có thể còn làm tổng thống, có thể không.

Thông điệp của bà không thể nào nặng mùi chính trị hơn, khiến nhiều người bị sốc nặng. Thẩm phán TCPV trên nguyên tắc phải hoàn toàn đứng ngoài chuyện phe đảng chính trị, nhưng bà Ginsburg rõ ràng là… phe đảng nặng.

Ai cũng biết TT Trump đã bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ và đang cố bổ nhiệm một vị bảo thủ nữa. Đúng ra chuyện này không có gì đáng làm rầm rộ vì dù sao hai vị được TT Trump bổ nhiệm đều thay thế hai vị thẩm phán bảo thủ là ông Scalia đã đột tử và ông Kennedy đã từ nhiệm.
Coi như cán cân bảo thủ – cấp tiến không thay đổi nhiều, mặc dù phe cấp tiến đang khua chiêng trống đinh tai về vụ bổ nhiệm ông Kavanaugh.

Nhưng nếu bà Ginsburg ra đi vì bất cứ lý do gì thì cán cân chắc chắn sẽ nghiêng hẳn về phe bảo thủ, và sẽ là ác mộng thực sự cho phe cấp tiến. Bà Ginsburg có vẻ như một phần muốn trấn an khối cấp tiến, một phần cũng muốn cảnh cáo TT Trump đừng hy vọng hão.

Ta cũng cần lưu ý bà Ginsburg nói “ít nhất là 5 năm”, có nghĩa là nếu TT Trump tái đắc cử năm 2020, bà vẫn có thể ngồi đó hơn 5 năm, cho tới năm 2025 khi TT Trump phải nghỉ và có nhiều triển vọng một tổng thống DC sẽ nắm quyền. Tức là bà ôm cái ghế đó cho tới khi có tổng thống DC bổ nhiệm một thẩm phán cấp tiến.

Đây là chuyện có thể nói chưa bao giờ xẩy ra trong lịch sử TCPV: chưa bao giờ có chuyện một thẩm phán lấy quyết định đi hay ở vì lý do phe đảng chính trị.

Bà Ginsburg trước đây đã công khai đả kích TT Trump tuy sau đó bà đã xin lỗi. Cũng là một chuyện chưa bao giờ có vị thẩm phán TCPV nào làm.

CHƯƠNG TRÌNH MỚI CỦA ĐẢNG DC
Cụ xã nghiã Bernie Sanders, vừa được chích thuốc dưỡng sinh bởi ngôi sáng chói mới, “tương lai của đảng DC”, Alexandria Ocasio-Cortez, nên đã hung hăng đi nói chuyện khắp nước Mỹ, chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống lần tới, vào năm 2020.

Chương trình của hai ông cháu xã nghĩa này nghe hết sức hấp dẫn, rất nhiều người mê, vì tất cả đều … miễn phí hết.

Tất cả chương trình giáo dục từ mẫu giáo đến đại học đều miễn phí.
Tất cả mọi người, kể cả di dân lậu, sẽ được lãnh lương tối thiểu 15 đô một giờ, bất kể làm nghề gì.

Tất cả bảo hiểm và dịch vụ y tế cho tất cả mọi người đang sống ở Mỹ, kể cả hơn một chục triệu di dân lậu và cả chục triệu di dân tương lai (tha hồ vào Mỹ sau khi ICE đã bị giải tán) cũng sẽ miễn phí hết.
Quần chúng nghe hai ông cháu nói chuyện, vỗ tay hò hét đến vỡ hội trường.

Chỉ có một vấn đề ‘nhỏ’ mà hình như không ai nghĩ đến: tiền đâu ra???

Theo các chuyên gia, không kể chuyện học hành miễn phí, lương tối thiểu, an sinh xã hội, tiền già, quốc phòng, giáo dục, canh nông,… chỉ nói tới kế hoạch y tế không thôi thì Nhà Nước sẽ tốn sơ sơ có gần 33.000 tỷ đô trong 10 năm đầu.

Để quý độc giả có một khái niệm về con số này, tổng sản lượng của cả nước Mỹ năm 2016 là 18.000 tỷ đô, xấp xỉ bằng tổng sản lượng của 28 quốc gia Liên Âu.

Bởi thế mới nói toán học hay kinh tế học là những ‘chuyện nhỏ trên hỏa tinh’ mà các chính khách xã nghĩa Mỹ hay Liên Sô hay Trung Cộng hay VC chẳng bao giờ rảnh để thắc mắc.

Hơn bẩy thập niên hùng cứ của chủ nghiã cộng sản đã đưa đến sự xụp đổ toàn diện của quan điểm xã hội chủ nghiã cực đoan nhất, từ tư tưởng đến thực hành qua các chế độ cộng sản tàn bạo nhất để áp đặt một ý thức hệ không tưởng.
Thế nhưng vẫn không chu diệt hoàn toàn được ‘lý tưởng cộng sản’.

Vẫn không ít người – dĩ nhiên toàn là những người hiểu biết thiên đường cộng sản qua lý thuyết, qua sách vở trong thư viện, qua sách triết của Marx, Engels, Rousseau,… vẫn ôm mộng đại đồng trong đó tất cả đều trên trời rớt xuống, miễn phí.

THƯỢNG NGHỊ SĨ DC VÀ LUẬT PHÁP
Trong một cuộc điều trần trước Thượng Viện được thu hình trên TV, bà thượng nghị sĩ Mazie Hirono của tiểu bang Hawaii đã làm nổi bật cái ‘hiểu biết uyên bác’ của các vị dân cử DC.

Trách nhiệm của các vị dân cử trong quốc hội là làm luật, nhưng bà Hirono đã có dịp chứng minh cho cả thế giới thấy bà chẳng biết mô tê ất giáp gì về luật.

Trong cuộc tranh cãi với ông Matthew Albence, một viên chức cao cấp của ICE là cơ quan phụ trách việc kiểm soát biên giới và di dân lậu, ông Albence cho biết nhóm di dân này là những người phạm pháp.
Bà Hirono choảng ngay “họ phạm pháp chỉ là theo định nghĩa của tổng thống”.

Ông Albence sửa lại “họ phạm pháp vì đã vi phạm luật, Điều 8 USC 1325 của luật US And Nationality Act, vào nước Mỹ bất hợp pháp”.

Bà Hirono chống chế cho đó không phải là tội hình sự -criminal- quan trọng, cũng lại bị ông Albence sửa lại đó là luật hình sự.
Bà Hirono kết luận “Tôi bị rối trí rồi” – I’m confused!

Một người làm luật mà không biết luật?

Nhớ lại bà cựu Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đã từng tuyên bố một câu rụng rời: “Ta cần phải phê chuẩn Obamacare để có dịp biết trong đó có gì”.

Obamacare là một bộ luật khi đó có khoảng hơn 1.000 trang mà các vị dân cử đều không rảnh để đọc.
Bây giờ khối DC đang đòi xem hơn 1 triệu trang tài liệu về thẩm phán Kavanaugh trước khi biểu quyết phê chuẩn ông.

Phe DC cố tình câu giờ, muốn kéo dài qua bầu cử với hy vọng bầu cử sẽ giúp DC chiếm đa số tại Thượng Viện và họ có thể bác bỏ ông Kavanaugh.

THÀNH VIÊN MỚI CỦA HỘI ĐỒNG CHỦ BIÊN NYT
Báo ‘phe ta’ New York Times đã loan tin bổ nhiệm một thành viên mới vào Hội Đồng Chủ Biên -Editorial Board- của báo.
Đó là bà Sarah Jeong, theo tên thì có vẻ như là dân Mỹ gốc Hàn.

Bà này có nhiều đặc điểm lạ, nói lên quan điểm chung của báo thiên tả: là qua các tuýt của bà từ nhiều năm qua, ta thấy bà này kỳ thị dân da trắng rất nặng, thù ghét cảnh sát không kém, và không ưa gì các ông, nói chung.

Qua các tuýt, bà hô hào “f… the police”, “kill all whites”, “f… all white women”, “kill all men”,…

Kho tàng chữ nghiã của bà rất phong phú, toàn là “f…”, “sh…”, và “kill”.
Cụ nhà báo tỵ nạn nào ôm mộng làm việc cho tờ báo lớn nhất Mỹ, nên học kinh nghiệm của bà Jeong.


BỘ TƯ PHÁP ĐIỀU CHỈNH DANH XƯNG
Bộ Tư Pháp vừa ra thông tư chính thức cho biết danh từ ‘undocumented aliens’, (ngoại kiều không giấy tờ), không phải là danh từ hợp pháp có trong luật Mỹ, mà trong luật chỉ có danh xưng ‘illegal aliens’ (ngoại kiều bất hợp pháp).

Do đó, bộ Tư Pháp đã chính thức bắt buộc các luật sư và quan tòa phải dùng danh xưng chính thức, tức là ‘illegal aliens’, không được dùng ‘undocumented aliens’ nữa.

CÔ XÃ NGHĨA GIẢI THÍCH KINH TẾ
Trong một cuộc phỏng vấn trên TV, cô Alexandria Ocasio-Cortez, ngôi sao sáng mới, cũng là ‘tương lai’ của đảng DC đã giải thích việc tỷ lệ thất nghiệp thấp hiện nay dưới TT Trump.

Cô khẳng định “tỷ lệ thất nghiệp thấp vì thiên hạ có quá nhiều người đi làm hai jobs”.

Thú thật với quý vị, kẻ này hiểu biết ít nhiều về kinh tế vỡ lòng, chẳng hạn như biết rõ nếu có nhiều người nằm nhà coi football, nướng hăm-bơ-ghơ nhậu với Miller Lite thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao.
Dù vậy vẫn không hiểu cô Mác-xít này nói cái gì. Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ những người không có việc làm, liên quan gì đến việc nhiều người làm hai hay ba jobs?

Vấn đề ở đây là kinh tế có tạo ra việc làm cho dân hay không. Nếu có ít việc làm mà lại có nhiều người làm hai hay ba jobs, thì đúng ra, theo lý luận bình thường của trẻ con lớp ba tiểu học, thì tỷ lệ thất nghiệp phải cao vì nhiều người đã làm hai hay ba jobs, tức là đã chiếm việc làm của một hay hai người khác rồi, đúng không?

Theo lý luận của cô Mác-xít này, dưới thời Obama, thiên hạ không đi làm hai hay ba jobs, đúng ra phải thừa thãi việc làm cho những người khác, vậy tại sao tỷ lệ thất nghiệp lại quá cao?

Chỉ có hai cách trả lời cho câu hỏi này: một là cô Mác-xít tương lai của đảng DC nói mà không biết mình nói gì, hai là chế độ Obama khuyến khích thiên hạ nằm nhà ngủ ăn uen-phe, khỏi mất công đi làm mặc dù việc làm đầy dẫy vì rất ít người làm hai hay ba jobs.


ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ ICE
Đảng DC gia tăng nỗ lực đòi giải tán ICE –Immigrations and Customs Enforcement Agency-, là cơ quan kiểm soát biên giới và di dân.
Một trong những ứng cử viên vào chức thống đốc New York, bà DC Cynthia Nixon công khai tố cáo ICE là một ‘tổ chức khủng bố’, chỉ bận rộn đi lùng bắt phụ nữ và trẻ con di dân, đẩy họ về chỗ chết trong những xứ đại loạn của họ.

Tố cáo này là một mỉa mai vĩ đại khi ICE chính là tổ chức đã được khai sinh ra sau vụ tấn công 9/11 để chống khủng bố.

Phong trào đòi giải tán ICE dường như ngày càng lan rộng ra trong giới thiên tả cực đoan quá khích trong đảng DC, đến độ vài ông DC cũng phải tìm cách kéo thắng lại.

Trong một bài bình luận khá dài, ông Jeh Johnson, cựu bộ trưởng An Ninh Lãnh Thổ của TT Obama, đã cho rằng giải tán ICE không phải là một chính sách nghiêm chỉnh.
Ông chỉ trích những người đòi giải tán ICE là không hiểu gì về khác biệt giữa chính sách và cơ quan.

Lấy ví dụ trong cuộc chiến tranh tại VN, người ta có thể chống chiến tranh, nhưng không ai đòi giải tán bộ Quốc Phòng.
Nếu thấy chính sách di dân của TT Trump sai thì phải đòi thay đổi chính sách đó. Nếu thấy ICE làm sai thì phải đòi sửa sai, thay đổi cách làm việc, không thể đòi giải tán ICE.

Ông Johnson cho rằng giải tán ICE sẽ đe dọa nặng tình trạng an ninh chung của nước Mỹ. Kêu gọi giải tán ICE cũng chỉ tạo phân hóa thêm trong quần chúng, khiến phe ủng hộ di dân bị nghi ngờ nhiều hơn.
Thống đốc Arizona, một tiểu bang sát biên giới Mễ, đã cảnh giác giải tán ICE là hành động có tính ‘liều mạng’ –reckless- nhất.

Thăm dò quần chúng cho thấy chỉ có một phần tư dân Mỹ ủng hộ chuyện giải tán ICE, nhưng gần một nửa cử tri DC ủng hộ ý kiến đó, khiến các vị DC đang tranh cử cho kỳ bầu tới luống cuống, đang đếm số cử tri cho kỹ, nhìn xem gió thổi chiều nào để có thái độ thích ứng.

PHONG TRÀO CHỐNG TRUMP KIỂU MỚI
Bà Sarah Sanders, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đi ăn tiệm Red Hen (Gà Mái Đỏ) với gia đình 7 người. Vừa gọi đồ ăn xong thì bị bà chủ tiệm đến ‘yêu cầu’ cả nhà ra khỏi tiệm, vì cái tội là bà Sanders ‘làm việc với TT Trump’.

Sau đó, được báo chí phỏng vấn, bà chủ tiệm cho biết bà đuổi bà Sanders vì muốn bảo vệ những “tiêu chuẩn đạo đức như lương thiện, nhân ái, …” của bà.
Nhiều anh chị nhà báo của TTDC hý hửng, mau mắn bênh vực bà chủ tiệm và cho rằng vì bà là chủ nên có quyền muốn từ chối ai cũng được.

Vậy sao?
Thế nếu có tiệm ăn từ chối không nhận khách hàng da đen như thời thập niên 50 thì sao?

Hay không nhận khách hàng Hồi giáo?

Khi ông chủ tiệm bánh từ chối không nhận đặt bánh cho cặp hôn nhân đồng tính thì TTDC có bênh vực ông ta không?

Cái giả dối của TTDC nói riêng và khối cấp tiến nói chung đúng là… vô biên.
Mới đây có tin bà Kirstjen Nielsen, bộ trưởng An Ninh Lãnh Thổ, đi ăn một tiệm ăn Mễ, bị khách hàng la ó, đuổi bà ra.

National Public Radio –NPR- là một cơ quan thông tin thiên tả, đăng bài bình luận của cô Michelle Trương (tỵ nạn Việt, thế hệ 2?), miệt thị bà bộ trưởng là người ‘giả dối’, đã kỳ thị chống di dân Mễ mà lại đi ăn tiệm Mễ.

Quý độc giả nếu công tâm suy nghĩ thì sẽ thấy rõ ai mới là kỳ thị.
Bà bộ trưởng thi hành những luật của nước nhằm ngăn cản di dân tràn vào nước Mỹ một cách bất hợp pháp và vô trật tự, chẳng phản ảnh tinh thần kỳ thị dân Mễ gì hết, chẳng ghét dân Mễ hay đồ ăn Mễ, do đó bà vẫn bình thản đi ăn tiệm Mễ mà không thấy có vấn đề gì.
Chỉ có cái cô Trương nào đó mang đầu óc kỳ thị mới nặn ra được cái tội mới của bà.

Kỳ thị là cái mũ mà TTDC chụp lên đầu tất cả những ai dám hó hé phản đối chính sách mở toang cửa cho di dân vào để… bỏ phiếu cho đảng DC.

Kẻ này đề nghị những người chống TT Trump nên tẩy chay hăm-bơ-ghơ MacDonald và Coca Cola, vì đây là những món mà ông Trump ăn thường xuyên và mê nhất.
Ăn McDonald và uống Coca đúng là… ‘cuồng Trump’!!! Ta cần hồ hởi ăn Tacos, uống bia Coronas để chứng minh ta phải đạo chính trị, không kỳ thị.

Tin giờ chót, bà chủ tiệm Red Hen đã ‘từ chức’ Tổng Giám Đốc một tổ chức địa phương tương tự như Phòng Thương Mại, đóng cửa tiệm, ‘đi nghỉ hè’ một thời gian.

Trong khi đó, bà dân biểu đen Maxine Waters của Cali hô hào dân chúng xách nhiễu tất cả các viên chức làm việc cho chính quyền Trump.
Bà kêu gọi “Khi thấy chúng ở đâu, xúm lại chửi chúng, đuổi chúng đi chỗ nkhác, không cho chúng ngủ yên!”.
Mao và Hồ gọi chuyện này là “phóng tay xách động quần chúng”.

Đảng DC là đảng hô hào bao dung, luôn tự cho mình là trí thức, đầu óc cởi mở, nhân ái, tôn trọng tự do, cổ võ cho ‘cái lều lớn, đa dạng’, kịch liệt chống lại chính sách ‘zero tolerance’ của tên Hitler kỳ thị và vô đạo đức Trump.

Thế thì cách cư xử của các chủ tiệm ăn trên, của bà Waters, của CNN phản ảnh bao nhiêu ‘tolerance’?
Đến độ cả bà chằng Nancy Pelosi và cụ Schumer cũng hoảng hốt, lên tiếng chỉ trích bà Waters đi quá xa, không chấp nhận được, không đúng với ‘tinh thần Mỹ’, un-American!

Một thăm dò của Rasmussen cho biết trong 10 người ủng hộ Trump, thì có 6 người lo sợ sẽ bị một anh ‘cấp tiến’ dùng bạo lực với mình, và có 3 người lo ngại sẽ xẩy ra nội chiến dưới thời TT Trump.

TDS: BỆNH DỊCH MỚI
TT Trump trong một cái tuýt mới, đã nhắc đến một bệnh mới gọi là bệnh TDS, tức là bệnh Trump Derangement Syndrome.
Muốn hiểu rõ hơn về cái bệnh này, diễn đàn này xin dịch lại một đoạn đã đọc được trên CNN (Vâng, thưa quý vị, trên CNN!). Chỉ là dịch đại cương để chúng ta có một khái niệm, không sát nghĩa từng chữ.

“Tự điển Urban Dictionary đề nghị định nghĩa sau đây: ‘Trump Derangement Syndrome là một trạng thái tinh thần trong đó người bị bệnh thực tế đã trở thành điên loạn vì thù ghét Donald Trump, tới mức họ đã chối bỏ hết mọi lý lẽ phải trái’.

‘Justin Raimondo, chủ bút của trang mạng Antiwar.com, viết trên báo Los Angeles Times năm 2016, đã phân loại bệnh TDS làm ba giai đoạn:

‘Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân mất mọi khái niệm về tính cân đối, vừa phải. Bất cứ cái tuýt nào của tân tổng thống đắc cử cũng tạo ra ngay cơn bão lửa, như thể chỉ cần 140 chữ của ông Trump là có thể đảo lộn cả thế giới.

Trong giai đoạn giữa, bệnh tác hại mạnh trên khả năng ngôn ngữ của bệnh nhân khi bệnh nhân chỉ biết nói chuyện toàn là phóng đại.

‘Khi bệnh phát tác thêm, bệnh nhân mất dần khả năng phân biệt ảo vọng với sự thật’.

Điểm chính rất giản dị: TDS là thái độ run sợ của khối cấp tiến (và #NeverTrump), chống đối bất cứ và tất cả những gì Trump làm. … Không có gì Trump làm hay nói có thể được chấp nhận bởi các bệnh nhân TDS.”

Theo Wikipedia, bệnh TDS phát xuất đầu thiên niên kỷ 2000, từ bệnh BDS, tức là bệnh Bush Derangement Syndrome, Dị Ứng Bush. Đó là một đoạn dịch từ một bài viết trên trang mạng CNN.

Theo đoán mò của kẻ này, hình như ở Mỹ hiện nay có hơn 60 triệu người bị bệnh TDS này.
Tất cả cử tri và chính khách DC, hầu hết nhà báo TTDC, và không ít cụ tỵ nạn đều bị nặng.
Bệnh này rất khó chữa, nhưng có đặc điểm là nếu ông Trump bị chết bất đắc kỳ tử, hay từ chức, hay bị truất phế là tự động bệnh biến mất.

Có nhiều triển vọng bệnh này sẽ hoành hành xứ Mỹ tới đầu năm 2025, để rồi sau đó sẽ biến thái qua bệnh PDS, Pence Derangement Syndrome.

NHÀ BÁO CẤP TIẾN LÀ… CỘNG SẢN?
Trong một cuộc tranh luận trên đài TV Anh, nhà báo bảo thủ, ông Piers Morgan tranh luận với nhà báo cấp tiến, cô Ash Sarkar (nhà báo và giáo sư đại học người Anh gốc Ấn Độ).
Ông Morgan chất vấn cô Sarkar về thái độ không công bằng, double standard, của cô này trong vấn đề di dân của Mỹ.

Ông Morgan cho rằng cô Sarkar chống Trump quá đáng trong khi không chống Obama là người cũng trục xuất di dân, cách ly trẻ em, và nhốt di dân lậu.
Cô Sarkar cãi lại là cô cũng đã chống Obama.

Ông Morgan hỏi chống cách nào, có lên TV đả kích như bây giờ không?
Có xuống đường biểu tình chống Obama như bây giờ biểu tình chống Trump không?

Cô Sarkar bối rối, bí lối, nổi khùng, trả lời “Không, vì tôi là cộng sản, đồ ngu!”. (No, because I’m communist, you idiot!). Không hiểu thì là … đồ ngu!!!???

Vũ Linh April 4, 2018
From Facebook (email: Vulinh11@gmail.com)

cmty
08-29-2018, 09:12 AM
Xin chào anh hongnguyen,

Hình như những bài của Vũ Linh không lấy từ trang chính mà qua những trang báo khác. Mình đoán chắc anh hongnguyen thích đọc bài của Vũ Linh nhưng không biết trang nhà chính của ông. Vũ Linh thường có bài mới vào sáng Thứ bảy, và trong đó tha hồ bình luận :-)


Chúc vui.

__

Chào anh hongnguyen,

Mình quành lại edit post này và để trả lời cho post #40 (không muốn mở post mới/sang trang)
Thật là chuyện dư thừa khi chủ nhân đã biết trang nhà chính của Vũ Linh, mà mình lại đi chỉ. Hẳn nhiên chủ nhân không có ý định cho người đọc biết trang chính của Vũ Linh (như trả lời bài #40). Vậy xin xoá link đó nhé. Thật xin lỗi.

Chúc vui.

hongnguyen
08-30-2018, 08:46 AM
Chào chị CMTY, chị rất là thông minh cắc cớ đây :), chị chỉ nói có vài câu nhưng tôi phải trả lời dài dòng mới rõ ràng.

Thưa chị, tôi đọc ông VL từ những ngày đầu ông viết cho VB. Về sau khi con cái của ông bà chủ nhiệm TDT&NC nắm quyền điều hành, thì tờ báo dần dần hướng về TT, nên ông VL không hợp tác nữa và mở nhà riêng (ông có gửi email cho địa chỉ trang nhà).

Tôi nghĩ mọi người trong đây đều thấy trang nhà chính của ông vì quá dễ dàng, chỉ cần gõ tên là ra rồi. Chị vô thấy tes hay fox hay dick hay ruồi thì chị biết là ai.

Tôi thích đọc ông VL vì lối viết tự tin, quyết đoán, đôi lúc chủ quan nhưng sắc bén mạnh bạo như búa bổ (mặc dù không phải lúc nào tôi cũng đồng ý kiến).
Ông diễn tả và truyền đạt những cảm xúc, nhu cầu, và ý tưởng đến độc giả một cách rõ ràng chứ không mơ hồ, trúng ý ai thì người đó thấy hả dạ đã điếu tận tâm can, còn chạm nọc ai thì người ta sẽ nhảy nhỏm bầm gan tím mật.

Ông là nhà báo phải cần độc giả, nhưng dám minh định cho ông một lập trường, chọn đứng hẳn về một loại độc giả tuy biết là thiểu số, chứ không nhập nhằng bên tả bên hữu không buông bên nào như đa số những nhà bình luận khác với cách viết “trung dung dĩ hòa vi quí”.

Tuy tôi thích đọc ông, nhưng tôi không muốn để link nhà ông vì vài lý do.

Thứ nhất, tuy ông VL welcome những ý kiến trái chiều, nhưng rất hiếm hoi có những góp ý xây dựng lành mạnh, mà chỉ toàn gây hấn phá rối xuyên tạc.
Khiến một vài thành viên quá khích chống cự lại bằng những lời lẽ hành xử không đẹp (y như vài thành viên cuồng chống quá khích ở đây)

Cho nên tôi muốn để độc giả muốn vào nơi khói lửa hay không là tùy họ tự kiếm tự đi, giống như chúng tôi CH vào đây không thuận theo DC cũng bị chửi bới trù dập tơi tả.

Thứ hai, tôi để link những trang báo khác, vì muốn độc giả đọc thêm nhiều tác giả bình luận khác nữa, chứ không nhất thiết chỉ đọc một người.

Thứ ba, tôi không phải là fan của TTT, tôi chỉ là người theo đảng CH mấy mươi năm nay, nên bất cứ ai đại diện đảng CH ra tranh cử thì tôi bầu. Chính xác ra là tôi chọn đảng không chọn TT. Cho nên tôi không vào khu vực bình luận và dĩ nhiên, không để link.

Nói tóm lại, tôi thích “người thật việc thật”, nên không có hào hứng vào các trang mạng lê la giải trí hay bút chiến qua lại, rất thụ động, nhàm chán, và mất thì giờ. Tôi chỉ muốn đưa tin tới các độc giả thầm lặng mà thôi, qua mùa bầu cử là tôi ngưng.

Vì có một điều quái lạ tôi nhận xét thấy trong đám bạn bè, cộng sự, thân nhân của tôi, là tuy tôi gửi đi gửi lại nhiều lần kèm link, nhưng đa số họ chẳng vào đó đọc.
Nhưng khi tôi làm siêng bê nguyên bài về trong FB, thì họ xúm vào đọc rồi bàn tán ý kiến rôm rả ra trò:).
Cho nên tôi cứ phải chịu khó mất công khiêng về tận miệng mà thôi, vì mỗi người họ là một lá phiếu:).

Rất cám ơn chị có ý tốt giới thiệu. Cũng chúc vui, hạnh phúc tới chị và gia đình.
Nguyên N

Vịnh Nghi
08-30-2018, 09:56 AM
Chào chị CMTY, chị rất là thông minh cắc cớ đây :), chị chỉ nói có vài câu nhưng tôi phải trả lời dài dòng mới rõ rang.
Nguyên N


Lời lẽ tỏ lập trường ôn hoà, phong cách hành xử nhã nhặn bình ổn, khiến ngày cũng nhẹ hơn. :encouragement:

chieclavotinh
09-02-2018, 03:44 AM
Tin vắn Hoa Kỳ


Tin mới nhất cho biết công tố Mueller đã đề nghị miễn tố mọi tội cho ông Allen Weisselberg, tổng giám đốc Tài Chánh tổ hợp Trump Organization, đổi lấy việc ông này hợp tác khai với ông Mueller về các giao dịch tài chánh của tổ hợp.

Tin này đáng chú ý vì rõ ràng là cuộc điều tra của công tố Mueller đã đi vào tổ chức kinh doanh của TT Trump, và không còn một chút quan hệ nào đến việc can dự của Nga hay sa thải giám đốc FBI nữa.


Mình nghĩ có lẽ ông Linh lộn. Người cho ông Allen Weisselberg, CFO của Trump Organization, được quyền miễn tố (immunity) là các công tố viên liên bang của Southern District of New York (https://www.justice.gov/usao-sdny/senior-leadership), không phải công tố viên đặc biệt Mueller. Hai bên ngang nhau, không ai ở dưới quyền ai. Headquarter của Trump Organization là Trump Tower đặt tại New York, thuộc Southern District.

http://www.foxnews.com/politics/2018/08/24/trump-organization-attorney-allen-weisselberg-granted-immunity-in-michael-cohen-case.html

hongnguyen
09-03-2018, 08:09 AM
Chào chị CMTY :), xin chị đừng bận tâm, bởi vì chị có lòng tử tế muốn chia sẻ mà thôi. Cũng do lỗi tôi không nói rõ. Chúc vui tới chị và gia đình

Chào chị Vịnh Nghi, cám ơn chị nhé, nhưng tôi không dám nhận :), vì nhã nhặn hay không cũng còn tùy thái độ của đối phương :). Chúc chị có được nhiều, nhiều ngày thanh thản nhẹ nhàng (mà theo tình hình chính trị bát nháo như hiện nay, thì thật khó mà được nhẹ nhàng).

Cám ơn anh/chị chieclavotinh đã vào đọc bài của ông VL :) A/C có thể vô thẳng nhà tác giả cho thêm ý kiến nhé. Chúc vui!

hongnguyen
09-03-2018, 08:19 AM
JOHN McCAIN
Trong mấy ngày qua, TTDC và cả đảng DC xì xụp vái lạy và tung hô cố TNS John McCain như chưa bao giờ thấy. Những lời ca tụng ông này lên đến không phải 9 mà là 19 tầng mây.

Công bằng mà nói, ông McCain cũng đáng được ca tụng so với hầu hết các chính khách thời cơ hay tham nhũng của cả hai đảng.
Riêng đối với dân VN như Diễn Đàn này đã viết nhiều lần, chúng ta không thể không nhớ ơn ông McCain, vừa trong tư thế một quân nhân đã chiến đấu bảo vệ tự do cho miền Nam của chúng ta bất kể trong hoàn cảnh như thế nào hay vì lý do gì, vừa trong tư thế một thượng nghị sĩ uy quyền đã tranh đấu cho các cựu quân nhân của VNCH và gia đình được qua Mỹ định cư.

Cá nhân tôi rất tôn trọng và ghi ơn ông McCain trên hai vấn đề đó. Tôi có nhiều bạn được qua Mỹ nhờ ông McCain. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, tôi đã viết nhiều bài ủng hộ ông McCain và đã cực kỳ thất vọng khi thấy ông bị TNS Obama hạ.

Nhưng, những năm cuối đời của ông, ông đã khiến tôi thất vọng khi ông đã để cái ‘TÔI’ của ông che mờ những quyết định chính trị, nổi giận chống TT Trump, đả kích ông này hơn cả các ông bà trong đảng đối lập DC,
và quan trọng hơn cả, đã để ý muốn trả thù cá nhân chi phối đến độ biểu quyết chống việc thu hồi Obamacare trong khi chính ông, trong lúc vận động tái tranh cử thượng nghị sĩ, năm 2016 đã khẳng định với cử tri sẽ chống Obamacare tuyệt đối và sẽ tìm mọi cách thu hồi nó, chưa kể khi ở Thượng Viện, ông đã nhiều lần biểu quyết thu hồi Obamacare.

Chỉ vì thù ghét, muốn phá TT Trump, khi phải quyết định thực sự, lá phiếu cuối cùng của ông đã cứu sống Obamacare.

Một hành động ‘không đẹp’ khác: theo dặn dò của ông chồng trước khi qua đời, bà quả phụ Cindy McCain quyết định không cho mời bà Sarah Palin dự tang lễ. Mà cũng không mời luôn 3 phụ tá chính của ông trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, ông Steve Schmidt, giám đốc Ban Vận Động, ông John Weaver, cố vấn chiến lược, và bà Nicole Wallace, cố vấn. Trước đây, ông McCain đã công khai lên tiếng cho rằng đám phụ tá và nhất là bà Palin quá dở khiến ông thất bại, thua ông Obama.

Người hùng McCain đã thiếu can đảm để nhìn nhận hai chuyện:



Trước cũng như sau khi lựa chọn bà Palin,không ai tin ông McCain sẽ thắng. Khi đó, ông là người hùng thật, nhưng là người hùng của một cuộc chiến mà giới trẻ không biết đến và giới già muốn quên đi. Ông thua không phải lỗi của bà Palin hay các phụ tá.
Nếu bà Palin và đám phụ tá thật sự quá dở thì trách nhiệm là chính ông McCain khi đã chọn họ. Những quyết định quan trọng nhất của ông trước khi làm tổng thống đã là một chuỗi sai lầm thì khi ông làm tổng thống thật, ai biết được còn sai lầm lớn nào khác?

Nhỏ mọn hay không thì đó vẫn là những quyết định của ông McCain và gia đình, họ hoàn toàn có quyền. Ông McCain cũng chỉ là người bằng xương bằng thịt, nhiều đức tính và công trạng, nhưng cũng không thiếu sai sót.
Điểm đáng bàn là thái độ giả dối thô bỉ của phe cấp tiến và TTDC. Tất cả những lời ca tụng ông McCain mà ta đang nghe hay đọc trên TTDC, những lời ca tụng đó ở đâu khi ông McCain tranh cử tổng thống chống lại ‘Đấng Tiên Tri’ năm 2008?

Khi đó, những báo lớn như Washington Post và New York Times, và nhất là đài CNN, đã không tiếc lời thoá mạ ông McCain như là ‘chó con’ –lapdog- của Bush, là kỳ thị chủng tộc, là thiên hữu cực đoan, là phát xít, là già lú (vì đã lựa bà Sarah Palin đứng cùng liên danh), là diều hâu hiếu chiến (vì muốn đánh mạnh Iraq và Afghanistan), là đầy thành kiến phe đảng,
là tham nhũng có quan hệ mật thiết với các tài phiệt trong vụ án Keating Five (quý độc giả muốn biết thêm, có thể vào Google truy cứu), là ‘tù binh giả’ (“phony POW”) vì đã hợp tác với CSBV khi bị tù, là bất nghĩa khi bỏ bà vợ tàn phế đã chờ ông bao nhiêu năm để lấy bà vợ vừa giàu, vừa trẻ đẹp, vừa có nhiều quan hệ chính trị có thể giúp sự nghiệp chính trị của ông, là đủ thứ đáng khinh ghét.

Don Lemon, anh phóng viên da đen của CNN hiện nay suốt ngày mạt sát TT Trump, khi đó tố ông McCain là “người đã tạo ra một không khí kỳ thị và hận thù”. Bây giờ, thì cũng chính anh Lemon này suốt ngày thổi ông McCain lên mây.

Theo một nghiên cứu của trung tâm Pew Research, tin tức và bình luận khi đó có cảm tình với McCain chỉ là 14%, còn 86% đả kích hay bất lợi, chỉ hơn TT Trump hiện nay một chút.
Bây giờ cũng chính cái TTDC đó ca tụng ông McCain lên mây, tuyệt hảo hơn một ông Thánh, quên hết những sỉ vả trước đây.

Ca tụng là chuyện bình thường với người quá cố, nhưng trong trường hợp ông McCain, đã mang thêm ý nghĩa khác mà không ai không thấy: dùng ông McCain để đánh xéo Trump. Một cách ghi ơn không thật lòng mà chắc ông McCain sẽ buồn nhiều hơn vui.

FBI MÁNH MUNG
Một dân biểu CH, ông Mark Meadows đã cho biết một viên chức FBI, Jonathan Moffa trong cuộc điều trần trước Hạ Viện, đã nhìn nhận FBI dưới thời ông Comey đã xì tin mật ra cho báo chí, rồi dựa trên tin do báo đăng, xin trát tòa FISA để điều tra về ban vận động tranh cử của ông Trump. Ông Moffa cho biết khi đó, FBI xì tin mật cho báo chí là việc làm bình thường mỗi khi có nhu cầu.

Ông Moffa khi đó làm việc cùng với ông Strzock là nhân viên FBI mới bị sa thải, trong vụ điều tra về emails của bà Hillary rồi sau đó được chuyển qua điều tra về vụ Hồ Sơ Nga.

Một nguồn tin FBI đã cải chính tin này, cho rằng việc xì tin mà ông Moffa nói không liên hệ trực tiếp đến trát tòa FISA, và việc xì tin cũng không phải là việc thông dụng.
Ông Meadows không nói rõ FBI đã xì tin gì và lấy trát tòa điều tra ai. Điều này hiển nhiên các dân biểu trong Ủy Ban điều tra biết rõ hơn.

Trong vụ lộn xộn này, còn rất nhiều chuyện mà chúng ta không biết, trong khi TTDC tìm cách dấu dùm tội của đám Nhà Nước Ngầm khi đó tìm đủ cách hại ông Trump, giúp bà Hillary.

MỸ THỎA HIỆP VỚI MEXICO
Chính phủ Mỹ cho biết đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Mexico về việc hủy bỏ Hiệp Ước NAFTA để thay thế bằng một hiệp ước khác, công bằng hơn cho Mỹ.

Có vài chi tiết đã được công bố tuy còn nhiều điều khoản khác chưa bàn xong, trong đó có những chi tiết về thuế quan đánh trên thép và nhôm, có thể vì có liên quan nhiều đến Canada nên phải bàn tiếp với Canada. Đại cương thì


75% trị giá các bộ phận xe ráp tại Mexico phải xuất phát từ Bắc Mỹ Châu (tức là từ Mỹ);
40% đến 45% việc ráp xe phải được thực hiện bởi các nhân công lãnh lương tối thiểu 16 đô một giờ (tức là lương tương đương với lương Mỹ để tránh việc chuyển job từ Mỹ qua Mễ);
Không tăng thuế quan trên các sản phẩm canh nông trao đổi giữa Mỹ và Mễ.


Việc làm tới là Mỹ và Mễ đều phải có thỏa hiệp mới với Canada thì việc thay thế NAFTA mới được hoàn tất.
Việc thương lượng lại NAFTA do con rể của TT Trump, ông Jared Kushner âm thầm điều đình từ nhiều tháng nay.
Nếu chuyện này thành công thì sẽ là một thắng lợi lớn của TT Trump trong kế hoạch tìm những thỏa ước thương mại quốc tế công bằng hơn cho Mỹ. Đây là loại chiến thắng sẽ bảo đảm TT Trump tiếp tục được hậu thuẫn mạnh của giới lao động Mỹ và sẽ là nhức đầu lớn cho đảng DC. TTDC dĩ nhiên đã đăng tin thỏa hiệp với Mexico một cách rắt ngắn gọn cho có thôi.

KINH TẾ MỸ TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG
Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tại Atlanta đã tiên đoán tăng trưởng kinh tế có thể sẽ lên tới 4,6% trong tam cá nguyệt 3 của năm nay. Mức tăng trưởng của các đầu tư vào máy móc kỹ nghệ được dự đoán sẽ lên tới mức kỷ lục 7,5%, là chỉ dấu việc các công ty tiếp tục đầu tư mạnh vào khu vực kỹ nghệ.

Những mức tăng trưởng kỷ lục này không phải là không có mặt trái: Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để kềm hãm nguy cơ lạm phát vì tăng trưởng quá nhanh.

Trong khi đó, một văn phòng nghiên cứu kinh tế đã cho biết ‘chỉ số tin tưởng vào tương lai’ của giới tiêu thụ đã leo lên mức cao nhất từ 18 năm nay. Chỉ số này được tính dựa trên nhiều yếu tố, trong đó ‘khả năng có thể tìm được việc làm dễ dàng’ là yếu tố chính, và ‘khả năng của giới tiêu thụ có thể mua các sản phẩm lớn’ [đắt như xe, tủ lạnh, máy lạnh,…] là yếu tố quan trọng khác.


Theo một thăm dò mới, 83% các doanh gia nhận định kinh doanh chưa khi nào tốt đẹp như hiện nay, trong khi 76% tin tưởng kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Thị trường chứng khoán tiếp tục leo thang mạnh, với Dow Jones vượt qua mức 26.000 và Nasdaq qua khỏi mức 8.000 điểm. Cả hai đều là những kỷ lục chưa bao giờ thấy. Chứng minh các nhà đầu tư đã chẳng quan tâm một ly nào về những ‘đại họa’ và ‘tận thế’ của TT Trump mà TTDC đang hô hoán.

Việc này có lẽ giải thích rõ ràng một thăm dò mới của đài TV phe ta CBS. Theo một chuyên gia thăm dò của CBS, ông Anthony Salvanto, ‘cơn thủy triều xanh’ tràn ngập cuộc bầu quốc hội cuối năm nay [ý nói DC sẽ đại thắng] là điều khó có thể xẩy ra.

Nhớ lại TT Obama đã từng lớn tiếng tuyên bố “Thời đại của tăng trưởng kinh tế trên 2% đã qua rồi, nước Mỹ sẽ không bao giờ thấy được mức tăng tưởng này nữa”. Bây giờ thì trên 4% là chuyện bình thường. Thế mà không ít người vẫn nằng nặc cho rằng tăng trưởng kinh tế hiện nay là ‘thành quả lâu dài’ của chính sách kinh tế của Obama.

Ta thử tưởng tượng nếu kinh tế bây giờ bị trì trệ xem mấy vị này có dám nói đó là ‘thành quả lâu dài’ của Obama không? Tiêu chuẩn của họ: tốt là của Obama hết ráo, xấu là tại … một vạn lý do không dính dáng gì đến Obama hết.

PHỤ TÁ CỦA BÀ HILLARY VÀ MUELLER
Cuộc điều tra của công tố Mueller bị phe TT Trump chống trong khi phe cấp tiến hoan nghênh là điều dễ hiểu. Cái đáng nói là cuộc điều tra đã gây tranh cãi ngay trong đám cận thần và phụ tá của TT Clinton và bà Hillary.

Phe hợp tác hay hoan nghênh ông Mueller đáng nói nhất là LS Lanny Davis đang bênh vực LS Cohen của ông Trump. Ông Davis trước đây là luật sư biện hộ cho TT Clinton trong vụ công tố Kenneth Starr điều tra về vụ Whitewater và Monica, sau đó làm cố vấn trong ban vận động tranh cử tổng thống của bà Hillary; bây giờ là LS biện hộ cho ông Cohen, tìm đủ cách giúp công tố Mueller đi vồ ông Trump, có vẻ như là hành động trả thủ dùm bà Hillary đã thất cử.

Các phụ tá của nhà Clinton bây giờ đả kích ông Mueller cũng không phải là những người nhẹ ký gì.

Đứng đầu là giáo sư luật của đại học Harvard, Alan Dershowitz, luôn luôn viết báo và lên TV đả kích ông Mueller đã lạm quyền, tố cáo TT Trump những chuyện vô lý, chẳng có gì là vi phạm luật lệ hết. Ông Dershowitz là DC kỳ cựu, cấp tiến nặng, rất thân cận với TT Clinton trước đây.

Thứ nhì là ông Mark Penn, trước đây là cố vấn chuyên làm thăm dò dư luận và thống kê cho ban vận động tranh cử của bà Hillary.
Ông Penn cũng không tiếc lời đả kích công tố Mueller đã đi quá xa. Ông này cũng tố giác việc bắt các ông Manafort và Cohen rõ ràng là cách ông Mueller giăng bẫy để vồ Trump, chứ những tội của hai ông này chẳng liên hệ gì đến việc Trump ‘thông đồng’ với Nga hay cản trở công lý.

Ông thứ ba mới nhất là LS nặng ký Bob Bennett, là người đã biện hộ cho TT Clinton trong vụ bà Paula Jones thưa kiện vì xách nhiễu tình dục, đưa đến vụ điều tra cô Monica và đàn hặc. Ông Benneth còn đi xa hơn hai ông trên: ca tụng thẩm phán Kavanaugh hết lời.

TTDC TIẾP TỤC XUYÊN TẠC
Báo phe ta Washington Post đăng bài, chỉ trích việc một số ‘công dân Mỹ’ đi Mexico về bị chặn tại biên giới để truy cứu thông hành vì nghi là thông hành giả hay thông hành cấp dựa trên giấy khai sinh giả. Ý muốn tố TT Trump tìm cách trục xuất dân gốc Mễ dù là đã có quốc tịch Mỹ.

Việc chặn xét thông hành có nguyên nhân rõ rệt. Chính phủ Mỹ biết rất nhiều bác sĩ và nữ hộ sinh sống trong những vùng sát biên giới thường bán giấy khai sinh giả, chứng nhận đã sanh trên đất Mỹ để đứa trẻ tự động được quốc tịch Mỹ. Do đó, phải chặn xét để kiểm tra.

Điều WaPo không viết ra là việc tra xét này đã có từ hồi nào đến giờ, ít ra cũng từ thời TT Johnson chứ không phải là biện pháp do TT Trump mới chế ra. Trái lại, theo thống kê chính thức của bộ Ngoại Giao, con số di dân bị bắt vì thông hành giả hiện đang ở mức thấp nhất.

Cách đây ít năm, dưới thời TT Obama, WaPo cũng đã viết bài về vấn đề này và ca tụng việc chính quyền lùng bắt di dân lậu với thông hành và giấy khai sanh giả, cũng như việc lùng bắt bác sĩ và nữ hộ sinh.

Thế mới thấy cái gian trá một chiều của TTDC. Cùng một việc làm, dưới thời Obama thì được ca tụng, dưới thời Trump thì bị chỉ trích. Cụ nào giải thích được, kẻ này xin tình nguyện tiếp tay phổ biến cho thiên hạ biết.
WaPo cũng đã mở ra mục mới, chuyên kiểm tra dữ kiện –fact check- các quảng cáo chính trị của các ứng cử viên quốc hội của CH.

Cũng là chuyện tốt, giảm được các quảng cáo phịa của các chính trị gia. Vấn đề là tại sao WaPo lại chỉ kiểm tra các ứng cử viên CH, mà lại không kiểm tra các ứng cử viên DC?

KINH TẾ KEYNESIAN VÀ OBAMA
Cách đây ít lâu, đã có bài viết về Kinh Tế Obama-Trump trên Diễn Đàn này hồi đầu tháng 8 vừa qua. Một vị nhân sĩ đã ‘phản ứng’ bằng cách chuyển lại một bài viết bằng tiếng Anh về “Kinh Tế của Keys”, Keynesian economics, được gọi là chính sách kinh tế mà TT Obama đã ‘ứng dụng’.

Phản ứng này thật ra hết sức quan trọng và hữu dụng để hiểu thêm vấn đề kinh tế rất phức tạp của Mỹ. Nhân dịp này, tôi xin bổ túc thật vắn tắt để quý độc giả của DĐTC hiểu rõ hơn.

Keynesian economics là kinh tế theo lý thuyết của John Maynard Keynes (không phải Keys). Ông Keynes là một đại lý thuyết gia kinh tế người Anh, có thể nói là tác giả của sự phục hồi kinh tế của Âu Châu ngay sau Đại Chiến Thế Giới Thứ Nhì chấm dứt.

Khi đó dĩ nhiên có nhu cầu tái thiết. Vấn đề là cả Âu Châu là đống gạch vụn, chẳng còn ai có tiền, cũng chẳng còn bao nhiêu nhà máy hãng xưởng hoạt động ngoài hãng xưởng của Anh Quốc.

Việc tái thiết chỉ có thể thực hiện được qua nỗ lực của Nhà Nước. Nhà Nước sẽ đứng ra lập hãng xưởng, tạo dự án để cung cấp việc làm cho cả nước. Chi phí sẽ do Nhà Nước gánh chịu bằng bội chi ngân sách và công nợ.

Nhà Nước sẽ mắc nợ ngập đầu và ngân sách bị thâm thủng rất nặng. Nhưng ông Keynes biện giải tất cả chỉ là khó khăn nhất thời, vì sau đó, kinh tế sẽ sống lại, sẽ có tăng trưởng mạnh, Nhà Nước sẽ thu thuế lại để lấp bội chi cũng như trả nợ.

Ông Keynes tính toán rất đúng và Âu Châu đã phục hồi, nhất là với sự trợ giúp của Kế Hoạch Marshall của Mỹ, bơm 100 tỷ đô (tính theo đối giá tương đương với năm 2106). Sách lược này được coi như là nền tảng của chính sách kinh tế Nhà Nước Vú Em của khối cấp tiến.

Sau này, chính sách này được cải sửa ít nhiều cho hợp với thế kỷ 21, được gọi là kinh tế neo-keynesian, hay là tân-keynesian.

TT Obama áp dụng chính sách kinh tế tân-keynesian này, và kết quả là đã thất bại.

Ông cho ra luật kích cầu kinh tế, dựa trên việc Nhà Nước tung ra khoảng 800 tỷ tiền các dự án đủ loại, nhằm giúp tạo công ăn việc làm. Vài tháng sau khi luật được ban hành, tỷ lệ thất nghiệp thay vì giảm mạnh như TT Obama hứa, đã vọt từ 6% lên tới 10% và khựng tại đây trong hơn 5 năm trời trước khi suy giảm.

Kinh tế có phục hồi, nhưng là cuộc phục hồi yếu và chậm nhất lịch sử, theo CNN.
Tại sao thất bại? Vì nhiều lý do từ thực tế đến lý thuyết. Đại khái:



Việc xử dụng số tiền đó là một sai lầm vĩ đại, vì phần lớn bị xẻ nát ra phân tán cho 50 tiểu bang vì nhu cầu chính trị, một cách ‘hối lộ’ các dân biểu và nghị sĩ để họ biểu quyết thuận cho luật kích cầu. Đã vậy một số lớn được chi cho những dự án vớ vẩn mà phe cấp tiến coi trọng, như…
trồng hoa các nhà tù, các nghiên cứu khoa học cực kỳ tốn kém mà kết quả cụ thể chẳng bao nhiêu, và nhất là tài trợ các khoản trợ cấp xã hội và tiền thất nghiệp trong mục tiêu tái phân phối lợi tức (ưu tiên số một của TT Obama), không giúp gì cho tăng trưởng kinh tế hay tạo công ăn việc làm.
Kinh tế Mỹ cũng chẳng có gì để tiêu xài. Dự án lớn nhất có thể làm được là nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở như đường xá, cầu cống, nhà máy điện nước,… (là việc TT Trump đang muốn làm) thì tốn quá nhiều tiền, hơn xa mức được TT Obama cung cấp.

TT Obama sau đó đã tuyên bố một câu để đời, đại khái là “chúng ta đã không tìm ra được những dự án sẵn sàng để dùng xẻng cuốc” (We couldn’t find enough shovel-ready projects).
Kinh tế Âu Châu sau Thế Chiến là con số không, chỉ có Nhà Nước, qua viện trợ ào ạt của Mỹ là có tiền và có phương tiện. Kinh tế Mỹ thập niên 2010 dù khủng hoảng, vẫn là nền kinh tế thị trường cực kỳ lớn và hùng mạnh. Tám trăm tỷ chỉ là muối bỏ biển, chẳng có một tác dụng nào hết, trong khi các tác nhân thực tế của kinh tế Mỹ là hàng triệu doanh gia chứ không phải là một ông Nhà Nước.

Và các doanh gia này đều lo âu trước viễn tượng bị đóng thuế nặng hơn, nên lo gửi tiền ra ngoài nước chứ không đầu tư mở mang hãng xưởng. Ngay khi đó, rất nhiều kinh tế gia cấp tiến đã chỉ trích TT Obama rất nặng vì cho luật kích cầu đó chỉ là chuyện màu mè chính trị.
Nếu muốn có kết quả thật phải chi ra cỡ năm bẩy lần số tiền đó và tập trung vào một số dự án lớn rõ ràng. Đây là yếu tố quan trọng nhất mà TT Obama đã đánh giá sai: kinh tế Mỹ quá lớn để có thể áp dụng thuyết Keynesian một cách nhỏ giọt.


Kinh tế bảo thủ của TT Trump giảm thiểu vai trò Nhà Nước tối đa, chỉ lấy những biện pháp gián tiếp như ấn định thuế suất hay lãi suất, giảm thiểu các thủ tục luật lệ kinh doanh để ‘cởi trói’ cho các doanh gia. Nhà Nước không tung một xu nào ra để kích cầu kinh tế. Khác một trời một vực với kinh tế tân-keynesian. Những người nói kinh tế hiện hữu là thành quả lâu dài của kinh tế Obama là những người không biết gì về kinh tế, chỉ bàn góp theo tính phe đảng ngớ ngẩn.

(Trong phạm vi giới hạn của bản Tin Vắn, DĐ này không thể phân tích chi tiết hơn)

Vũ Linh, 1/9/2018 https://baotgm.net/vu-linh-tin-van-cuoi-tuan-1-9-2018/

Lê Nguyễn Hiệp
09-03-2018, 10:46 AM
công nhận ông Vũ Linh biết rất rõ sân sau của hậu trường chính trị Mỹ.

hongnguyen
09-08-2018, 08:22 AM
công nhận ông Vũ Linh biết rất rõ sân sau của hậu trường chính trị Mỹ.
:)Cho nên ông VL bị bọn đối lập ghét cay đắng vì cứ khui hũ mắm thối của bọn nó!
Chúc vui anh Hiệp :)

hongnguyen
09-08-2018, 08:27 AM
Cuộc chiến của TT Trump

Thời gian qua, tin tức dồn dập những vụ đánh TT Trump tập thể. Dường như đã có một nỗ lực ở tầm mức quốc gia lo phối hợp những tấn công chống Trump. Cho tới nay, những tấn công riêng rẽ, cho dù nhiều đến ngộp thở, cũng vẫn là những hành động có tính độc lập riêng rẽ, thiếu một sự phối hợp nhịp nhàng.
Một tiếng nói tập thể dễ gây tiếng vang lớn hơn, hiệu quả hơn. Đó hình như là chiến lược phe đối lập mới khám phá ra và mang áp dụng, kịp thời trước ngày bầu giữa mùa.

Chỉ trong một tuần trước, ta đã thấy ba đòn mới, được phối hợp rất quy mô theo chiến lược mới:
1) hơn ba trăm tờ báo khắp nước đồng loạt viết tham luận đả kích TT Trump cùng một ngày,
2) một tá cựu giám đốc các cơ quan an ninh như CIA, NSA, FBI,… đồng loạt ký một phản kháng thư mạnh mẽ đả kích việc TT Trump rút phép tham khảo tài liệu mật của ông Brennan, cựu giám đốc CIA, hiện là chuyên gia làm cho CNN, và
3) hơn 40 giáo sư đại học đồng loạt ký thư lên án chính sách đối ngoại của TT Trump.

Cả ba hành động tuy nghe rầm rộ, nhưng tác dụng thật ra chẳng bao nhiêu ngoài việc được lên trang nhất rất nhiều báo và lên mục tin chính của nhiều đài TV.

Hơn 300 tờ báo làm chuyện vô lý, một chiều, đòi hỏi TT Trump phải chấm dứt việc tấn công báo chí, nhưng lại tuyệt đối không đả động gì đến chuyện cả thế giới truyền thông đã, đang, và sẽ tiếp tục tự cho mình quyền đánh TT Trump chết bỏ nhân danh tự do ngôn luận.

Chẳng một báo nào nêu ra câu hỏi đây có phải là một lập luận một chiều thô bạo nhất không? Theo TTDC, Hiến Pháp hình như ghi chỉ có nhà báo là có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối trong khi mọi người khác, kể cả tổng thống chỉ được hưởng quyền tự do ngôn luận giới hạn, đến mức mà TTDC cho phép.

Rồi đi đến đâu?
Hơn 500 tờ báo (chứ không phải chỉ 300 đâu) đã chính thức hậu thuẫn bà Hillary tranh cử tổng thống, trong khi chỉ có chưa tới 30 tờ ủng hộ TT Trump. Rồi sao? Ông Trump vẫn đắc cử đấy. Dân Mỹ đọc báo nhưng không tin hết những gì báo viết.

Một tá giới chức an ninh phản đối việc TT Trump ‘đì’ ông Brennan, một cựu đồng nghiệp. Thấm vào đâu so với thời tranh cử khi hơn 50 vị chuyên gia ngoại giao và cố vấn an ninh cho các tổng thống, DC cũng như CH, đã công khai ủng hộ bà Hillary và tố cáo ông Trump là một đe dọa an ninh lớn cho nước Mỹ. Rồi sao? Cuối cùng thì ông Trump cũng đã vào Tòa Bạch Ốc thôi.

Hơn 40 giáo sư đại học đã ký tên một bài xã luận đả kích chính sách đối ngoại của TT Trump. Rồi sao? Trí thức khoa bảng cấp tiến chống Trump có gì mới lạ? Họ muốn gì? Muốn Mỹ trở về chính sách xin lỗi cả thế giới, chấp nhận ‘lãnh đạo từ phiá sau’, cả thế giới đứng dưới cái dù an ninh của Mỹ để chửi Mỹ?

Tại sao lại có chuyện ‘nhất trí’ đánh Trump như vậy, đánh không ngừng từ cấp tiến qua bảo thủ, mà lại càng ngày càng hăng say?

Trước hết, ta phải nhận định cho rõ ai đánh Trump: thứ nhất là đảng DC dĩ nhiên, thứ nhì là TTDC, thứ ba là giới trí thức khoa bảng, giới trẻ học cao, thứ tư là giới tài tử, nghệ sĩ. Tất cả đều có khuynh hướng thiên tả. Không có gì lạ. Điều lạ là cả một khối bảo thủ CH cũng chống.

Diễn Đàn này đã bàn về những lý do TTDC cần đánh Trump để câu khách thành thị và trí thức, vì tiền. Nhưng những lý do đó không giải thích được những chống đối từ các giới ngoài truyền thông.
Chỉ có một lý do giải thích được việc chống đối tập thể của rất nhiều khối: đó là việc TT Trump dường như đang từng bước một, thực hiện một cách rất thành công ý đồ thực sự của ông khi ra tranh cử tổng thống: xóa bỏ gia tài thiên tả của TT Obama, và thực hiện một cuộc cách mạng lột xác nước Mỹ.

Chẳng những thay đổi cấu trúc chính trị Mỹ mà còn lật đổ luôn toàn bộ hệ thống cầm quyền hiện hữu mà Mỹ gọi là ‘political establishment’. Cuộc cách mạng mà ông Trump gọi là “tháo nước đầm lầy”.

Hầu hết các chính khách khi ra tranh cử luôn hô hào và hứa hẹn những ‘thay đổi’ vĩ đại, đẹp đẽ và huy hoàng nhất, nhưng ít ai nói rõ thay đổi cái gì, và quan trọng hơn nữa, rất ít khi họ thực hiện được một thay đổi lớn lao nào. Gần đây nhất là TT Obama với những lời hứa thay đổi đã hớp hồn cả triệu dân Mỹ vì có thể ‘hạ được cả thủy triều’. Nhưng rồi nhìn vào bảng kết số cuối hai nhiệm kỳ Obama, ta thấy những thay đổi gì?

Thay đổi lớn nhất là Obamacare, bây giờ chỉ còn một nửa được tồn tại. Mai này, nếu không sửa đổi thêm, sẽ không còn nửa nào nữa, tự động bị phá sản.

Ngoài ra thì ta thấy thay đổi gì khác? Công nợ tăng bằng công nợ của tất cả 44 đời tổng thống tiền nhiệm cộng lại. Kinh tế trở thành công cụ tái phân phối lợi tức và tài sản. Thất nghiệp, nằm nhà để Nhà Nước nuôi được coi như một cái ‘quyền’ mới, do đó tỷ lệ thất nghiệp cao không có gì đáng quan tâm. Thế giới tiến về hướng… hoàn toàn rối trí về giới tính. Đàn ông, đàn bà, chuyển giới, đồng tính, cầu tiêu chung,… Toàn là những chuyện quái chiêu đảo lộn giá trị đạo đức, văn hoá và tôn giáo của nhân loại.

Nôm na ra, TT Obama có thay đổi thật, nhưng hầu hết là thay đổi qua chiều hướng XHCN, Xuống Hố Cả Nước.
TT Trump cũng thay đổi nước Mỹ. Nhưng cái thay đổi của TT Trump hoàn toàn trái ngược lại.

Obamacare chỉ còn một giò. Kinh tế đang phất lên như diều gặp bão nhờ chính sách thuế mới, cũng nhờ thu hồi cả ngàn thủ tục luật lệ kinh doanh quá rườm rà. Thế giới không vui nhưng vẫn phải tuần tự chấp nhận những đòi hỏi của TT Trump từ NATO đến NAFTA. TT Trump đang chuyển hướng toàn diện hệ thống Tư Pháp qua việc bổ nhiệm cả trăm quan tòa bảo thủ, từ cấp liên bang đến Tối Cao Pháp Viện. Mấy cái chuyện đồng tính, chuyển giới, cầu tiêu chung đã biến khỏi mặt báo.

Tất cả những chuyển biến trên nằm trong kế hoạch thay đổi tận gốc nền tảng chính trị cũng như thay đổi luôn cả kinh tế, xã hội, ngoại giao Mỹ. Lật đổ toàn bộ hệ thống quyền lực hiện hữu, mang lại nhân sự mới, suy tư mới. Không phải dễ dàng gì. Giống như bất cứ những cuộc cách mạng lớn lao nào, bước tiến của TT Trump cũng đầy chông gai, chẳng những bị cản, bị đánh tới tấp mỗi ngày, mà chính ông cũng vấp ngã túi bụi không biết bao nhiêu lần. Sai lầm chính sách, sai lầm nhân sự, sai lầm giao tế, sai lầm chính trị,… đầy rẫy.

Nhìn dưới khiá cạnh cấp tiến Mỹ, tất cả những gì TT Trump đã, đang, và sẽ làm đều đe dọa sự sống còn của ý thức hệ cấp tiến, do đó họ tất nhiên phải chống đến cùng. Dễ hiểu. Ngay cả đối với một số bảo thủ trong khối #NeverTrump, việc TT Trump làm cũng đe dọa tình trạng ‘ổn định’ hiện hữu, có nguy cơ gây xáo trộn chính trị, có thể đẻ ra một trật tự chính trị mới ở Mỹ, đe dọa trực tiếp vị thế của họ, nên họ cũng chống TT Trump không kém. Cũng dễ hiểu thôi.

Về lâu về dài, chế độ lưỡng đảng của Mỹ hiện nay có thể sẽ bị lung lay mạnh. Sẽ không phải là chuyện lạ nếu bất thình lình một buổi sáng tươi đẹp nào đó, ông Trump tuyên bố thành lập một đảng chính trị mới. Vì khuynh hướng bảo thủ của ông Trump, một đảng mới nếu được thành lập sẽ là mối đe dọa lớn nhất cho đảng CH.
Đó cũng là lý do tại sao các lãnh tụ CH đang cố diệt họa Trump từ trong trứng nước. Một đảng mới của ông Trump cũng là mối đe đọa lớn cho đảng DC khi ông Trump lấy mất khối cử tri lao động và trung lưu, là những khối cử trị cố hữu và trụ cột của đảng DC.

Một hiện tượng rất thú vị là tay võ sĩ Trump này chẳng những bị đánh không gục, mà lại còn trả đòn ra trò, chẳng nể nang, chẳng theo chiêu thức bài bản gì ráo. Mà lại đánh rất hiệu quả. Một vô chiêu Vi Tiểu Bảo? Một lăng ba vi bộ Đoàn Dự? Đấu với cả giới võ lâm! (Tiểu thuyết Kim Dung)

Dù vậy, kẻ này cũng phải khuyến cáo những người ủng hộ TT Trump không nên ‘hồ hởi’ quá sớm. Cuộc chiến của ông này là ‘đại chiến’ chống lại toàn bộ hệ thống cầm quyền establishment, chống lại 100% đảng DC và ít ra 30% đảng CH luôn (trong đó có các cựu TT Bush cha và con, TNS McCain), chống lại 90% hệ thống truyền thông, chống lại ít nhất hai phần ba hệ thống Tư Pháp qua các quan tòa cấp tiến, chống lại một khối Nhà Nước Ngầm (trong đó có hàng loạt viên chức cao cấp của CIA, FBI, bộ Tư Pháp,…) mà không ai biết rõ là lớn rộng tới đâu, chống lại 80% khối trí thức khoa bảng và nghệ sĩ cấp tiến.

Cuộc chiến của TT Trump là cuộc chiến bảo vệ những giá trị luân lý, đạo đức, tôn giáo căn bản. Được hậu thuẫn của khối dân lao động và trung lưu thấp cổ bé họng, không quyền hành gì hết ngoài quyền đi bỏ phiếu. Cuộc chiến sinh tử này cực kỳ khó khăn mà bất cứ người nào khác Trump cũng đã bị diệt rồi. Ít ra thì TT Trump vẫn còn được sự hậu thuẫn rất mạnh của các cử tri CH, một điều mà không ai nên nghi ngờ.

Bất chấp TTDC đánh như điên cuồng, hậu thuẫn của TT Trump trong khối cử tri của ông vẫn lảng vảng ở mức 85%, trong khi hậu thuẫn chung vẫn cao hơn mức của TT Obama cùng thời điểm này.

Phải nhìn cho rõ, đây là cuộc chiến lớn hơn cá nhân Trump, vì TT Trump và các người chung quanh ông đang muốn làm một cuộc cách mạng đồi đời.

Tóm lại, Trump là một đe dọa sinh tồn –existential threat- cho hệ thống cầm quyền Mỹ, DC cũng như CH, nên bị đánh tứ phiá là điều dễ hiểu.

Cái khó hiểu đối với kẻ này là nhiều cụ tỵ nạn chẳng bị đe dọa gì cũng về hùa, chạy theo ra rả chửi TT Trump, mà nhiều vị hiển nhiên chửi mà không hiểu mình đang chửi cái gì, tại sao chửi!

Trong cộng đồng rất thiên hữu của ta, trốn chạy CS và XHCN, đã có không ít người chạy theo cái đám thiên tả thân cộng trước đây, chống lại TT Trump. Một phần vẫn bị ám ảnh bởi những huyền thoại ‘đảng DC là đảng của người nghèo, của dân lao động, của di dân’, phần khác đã bị TTDC cho uống thuốc lú quên mất TTDC đã từng bôi bác một cách thậm tệ nhất miền Nam và quân lực VNCH trong khi quốc hội DC cắt mọi viện trợ quân sự cho VNCH, dâng miền Nam của chúng ta cho CSBV.

Có một điều kẻ này rất lấy làm ngạc nhiên và thắc mắc mà cho đến giờ vẫn chưa tìm ra câu trả lời chính xác: tại sao các cụ tỵ nạn chửi Trump ào ào mà hình như chưa có một cụ nào chịu phân tích và chỉ rõ những chuyện Trump làm có hại cho cộng đồng tỵ nạn ta ở điểm nào, đến độ các cụ phải cuồng tín chống Trump quá hăng vậy?
Như kẻ này đã chứng minh quá nhiều lần, chuyện CH là đảng của các cụ da trắng nhà giàu và kỳ thị, trong khi đảng DC là đảng của nhà nghèo và di dân, là loại huyền thoại do phe cấp tiến xây dựng nên từ mấy chục năm nay, hoàn toàn không thật trên thực tế.

Ngoài ra, quyền lợi dân Mỹ và dân tỵ nạn nói chung, tương tự ở nhiều điểm, nhưng không phải giống hệt nhau trên tất cả mọi phương diện như diễn đàn này đã từng bàn.

Một ví dụ cụ thể nhất. TT Trump đang tìm cách đánh Trung Cộng (TC) bằng đủ cách. Từ kinh tế qua các dạng thuế quan đánh trên hàng TC, làm suy yếu kinh tế như thị trường chứng khoán TC đã thể hiện rõ rệt. Đến chính trị như tìm liên minh với VN, Phi Luật Tân, Nhật, Ấn Độ, ngay cả Nam và Bắc Hàn và nhất là Nga để cô lập TC. Những hành động đó hiển nhiên có hậu quả là làm suy yếu TC vừa về kinh tế vừa về chính trị, ngăn chặn phần nào chính sách bành trướng hung hăng của tân đế quốc TC.

Đó là một chính sách có thể có nhiều người Mỹ không đồng ý. Nhất là các doanh gia Mỹ rất dè dặt vì sợ mất cái thị trường hơn cả tỷ người.

Cũng có những người Mỹ không đồng ý với chính sách này vì họ cho rằng Nga mới là kẻ thù nguy hiểm nhất của Mỹ, và muốn TT Trump phải liên minh với TC để đánh Nga mới đúng hơn. Nhiều người khác chẳng cần biết gì về quan hệ Nga hay Tầu, mà chỉ muốn kiếm cớ chửi Trump vì tính phe đảng. Thế thì các cụ tỵ nạn chống việc TT Trump bắt tay với Putin vì lý do nào?

Nhưng đó là nhìn dưới con mắt của người Mỹ, lo lắng cho quyền lợi của nước Mỹ, nhất là những người theo đảng DC là đảng của những McGovern, Biden, Kerry,… tức là đảng đã chủ trương phủi tay, cho CSBV chiếm miền Nam. Bây giờ những người này có nhắm mắt, phủi tay một lần nữa cho TC chiếm luôn cả nước VN thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Cho dù chúng ta mang ‘quốc tịch’ Mỹ, có thông hành Mỹ, nhưng vẫn ăn đồ ăn Việt chấm nước mắm, nói tiếng Việt, mồ mả ông bà vẫn còn ở trên đất Việt, và quan trọng nhất, chúng ta vẫn mang màu da Việt, mang dòng máu Việt, vẫn ôm giấc mơ hồi hương, ưu tư quan trọng nhất của chúng ta vẫn là tiền đồ đất nước trước nguy cơ xâm lăng của TC.

Đây là ưu tư chung cho tất cả những người dân [không kể đám ‘lãnh đạo đại tài’] có máu Việt trong người, bất kể là dân Việt trong nước, hay Việt kiều, hay Việt tỵ nạn. Như vậy, có phải là chúng ta cần hoan nghênh tất cả những việc làm nào, những chính sách nào của TT Trump –hay của bất cứ tổng thống nào khác- có thể làm suy yếu TC, giảm nguy cơ Hán hoá của quê hương ta không? Dĩ nhiên không ai ngớ ngẩn tới mức nghĩ Mỹ tăng thuế quan hàng TC là CSVN sẽ bị lật đổ và các lãnh tụ tự phong của cộng đồng sẽ về làm thủ tướng, bộ trưởng hết.

Dù sao thì có phải chúng ta cũng nên mừng rỡ thấy TT Trump có chính sách hợp tác với các nước Á Châu và nhất là Nga để làm suy yếu TC không? Như vậy tại sao các cụ tỵ nạn lại về hùa theo CNN đả kích việc TT Trump thân thiện với Putin để bao vây TC? Các cụ muốn gì? Muốn cản Trump để TC tiếp tục hùng cứ Biển Đông rồi mở thêm vài đặc khu, hy vọng cả nước ta biến thành đặc khu luôn?

Kẻ này có cảm tưởng chỉ là chuyện về hùa mà không suy nghĩ về hậu quả, vì khối dân tỵ nạn chúng ta thực sự chẳng có lý do chính đáng nào đánh TT Trump trong tư cách một dân tỵ nạn. TT Trump đã chẳng làm bất cứ chuyện gì có tính cách kỳ thị chống dân tỵ nạn chúng ta. Chưa một người nào bị trục xuất về VN mặc dù đã có khoảng 12.000 người bị bắt giam từ thời TT Obama chờ ngày bị trục xuất. Không có một sắc lệnh nào cấm di dân hay tỵ nạn Việt. Các cụ vẫn đầy đủ Medicare, Medicaid, chưa một người nào bị cắt một xu trợ cấp bất cứ thuộc loại gì.

Thế thì tại sao lại hùa theo phe cấp tiến trong cuộc chiến ‘nội bộ’ của Mỹ để đánh Trump? Mà đánh Trump về tội gì? Vì cá nhân Trump không xứng đáng làm tổng thống?

Nhìn qua những tấn công của vài cụ tỵ nan, ta có thể thấy ngoại trừ một ít cụ -rất ít, chỉ là một hai người- bàn về chính sách một cách nghiêm chỉnh đáng suy nghĩ, còn hầu hết các tấn công khác chỉ là những chuyện lắt nhắt cá nhân. Con kiến thì chỉ nhìn thấy những hột cát.

Nhận định về TT Trump có hai cách:


Cách thứ nhất là phân tích các chính sách như giảm thuế lợi tức cá nhân và giảm thuế lợi nhuận công ty, tăng thuế quan hàng nhập cảng, nghiên cứu xem kinh tế tăng trưởng hay suy thoái, nhìn kỹ những cố gắng thu hồi hay cải tổ Obamacare, cân nhắc việc kêu gọi NATO tăng ngân sách quốc phòng, nhìn vào kế hoạch cản di dân lậu, sách lược bang giao quốc tế, thân Nga hay thân Tầu, xem TT Trump đánh Tầu kiểu gì,… rồi suy đoán về hậu quả của những chính sách đó trên cuộc sống của cá nhân chúng ta, của gia đình chúng ta, của cộng đồng tỵ nạn, của cả nước Mỹ, và cuối cùng cho cả nước VN chúng ta luôn.


Cách thứ hai là chú tâm nghiên cứu xem gót giầy của bà Melania bao nhiêu phân, đếm xem Ivanka bán được bao nhiêu đôi giầy, Trump chào lại sĩ quan Bắc Hàn kiểu gì, khổ sở phân tích mấy chục chữ tuýt của ông Trump, thống kê xem Trump tuýt cái gì, mấy lần một ngày, cãi nhau với ai, trả bao nhiêu tiền chơi gái cách đây mấy chục năm, bị ai phản,… rồi rung đùi hý hửng gửi emails tứ tung để khoe sự hiểu biết bao la thâm sâu của mình.



Lựa cách nào, tất cả tùy sở thích và trình độ mỗi người thôi. Xứ tự do mà. Cái lạ là những người sỉ vả TT Trump về những chuyện mà họ gọi là nhỏ mọn, bẩn thỉu, chưa bao giờ nhìn gương để xem cách chỉ trích đó có phản ảnh ‘con người’ của chính họ không.

Đối với kẻ này, bàn chuyện chính sách thú vị hơn là bới vết tìm sâu, đả kích cá nhân, tính tình và cách hành xử của ông Trump vì nói cho cùng, vấn đề là các quyết định của ông tổng thống ảnh hưởng như thế nào trên cuộc sống của tôi.
Nếu ông giúp cho tôi có công ăn việc làm, cho tôi đóng ít thuế hơn, gia đình tôi trả tiền bác sĩ, nhà thương nhẹ hơn, cho gia đình tôi an toàn bớt sợ khủng bố hơn, làm suy yếu TC để VN có hy vọng sống còn nhiều hơn, thì xin lỗi quý vị, bà Melania mặc áo bao nhiêu tiền, ông Trump ăn bánh trả bao nhiêu tiền, tuýt lăng nhăng cái gì, tôi chẳng cần biết.

Nói như Mỹ: who cares?

Vũ Linh, 1/9/2018 https://baotgm.net/vu-linh-cuoc-chien-cua-tt-trump/

hongnguyen
09-08-2018, 08:39 AM
TT TRUMP ĐANG THẮNG HAY THUA?


Nếu quý vị là một du khách từ Cung Trăng mới xuống thăm địa cầu, bất kể là phi thuyền đáp xuống Orange County hay New York City, hay ngay cả Paris, Bombay, Caracas,..., quý vị sẽ có cảm tưởng như dân Mỹ bị đầu độc với thuốc mất trí nào đó, đã đổ xô đi bầu cho một tay vừa khùng vừa bất tài làm tổng thống thế giới, và ông này đang lôi cả thế giới vào ... tận thế.

Trong tất cả các tổng thống trong lịch sử cận đại của Mỹ, TT Trump hiển nhiên là người vô địch gây tranh cãi, thực sự không ai bằng. Trước đây, báo phe ta Washington Post đã phong cho TT Obama chức vô địch gây tranh cãi, gây chia rẽ, -most divisive president- cho dù ông Obama rất bận bịu suốt ngày lo đi xin lỗi thế giới.

Dĩ nhiên đảng DC và TTDC phủ phục dưới chân ông Obama, và đảng CH cùng với khối bảo thủ cũng chống khá mạnh, nhưng cuộc chiến bênh và chống tổng thống thời đó có tầm mức của hai băng đảng đánh nhau đầu ngõ, so với Đại Chiến Thứ Ba ta đang thấy với ông Trump.

Vì sự phân hóa quá mạnh đó, nhận định về công tội, thành công hay thất bại, đối với TT Trump không dễ chút nào và tất nhiên, sẽ chẳng bao giờ đạt được đồng thuận. Cũng ít ai dám vỗ ngực tự cho mình nhận định công bằng nhất.

Mở bất cứ tờ báo lớn nào trên thế giới hay bất cứ đài TV nào cũng không khác: toàn là những tin kinh thiên động địa về tai họa Trump đang mang lại cho nước Mỹ và cả thế giới.
Như Diễn Đàn này đã bàn qua, dưới TT Trump, dường như tận thế xẩy ra mỗi tuần nếu ta theo dõi tin tức qua TTDC của Mỹ cũng như của cả thế giới. Ngay cả dân tỵ nạn ta đầu tắp mặt tối đi cầy không có thời giờ theo dõi hay hiểu tiếng Anh của New York Times hay CNN, cũng được vài cụ tỵ nạn chăm chỉ gửi emails mỗi ngày, thông báo tin ‘tận thế’ mà họ không hay biết gì.

Có điều lạ lùng là làm sao lại có thể có ‘tận thế’ mỗi tuần được nhỉ. Đã gọi là tận thế thì phải là... “chấm hết”, đúng không?

Chưa hết, điều lạ lùng hơn nữa là những cảnh ‘tận thế’ này đều là hậu quả của vài câu tuýt lăng nhăng của ông Trump, hay vài chuyện lắt nhắt về đời tư đời riêng như ông Trump đã trả bao nhiêu tiền ăn bánh cách đây cả chục năm. Chứ không phải ‘tận thế’ vì những quyết định khủng khiếp như Trump thả bom nguyên tử san bằng Thượng Hải. Hình như chứng minh quyền lực khủng khiếp của ông Trump: vài câu tuýt nặng ký hơn cả bom nguyên tử.

Cái trò phóng đại quá mọi mức mà một người có tí ti lý trí có thể tưởng tượng được đã là vũ khí phe cấp tiến dùng để tìm cách đánh và lật đổ TT Trump từ ngày ông này... chưa đắc cử tổng thống. Phe đảng lộ liễu nhất, nhiều khi lố lăng đến độ khôi hài, nhưng lại có không ít người rất hồ hởi, vui mừng với những loại tin bá láp đó.
Bức tranh mà thiên hạ được thấy là bức tranh do TTDC tô vẽ từ cả hai ba năm nay. Bức tranh đó như thế nào?

Theo nghiên cứu của đại học Harvard, hơn 90% là bất lợi cho TT Trump. Nghĩa là TTDC đã không còn là một công cụ thông tin trung thực nữa, mà đã trở thành lực lượng xung kích trong mưu đồ lật đổ một tổng thống đã được dân bầu một cách chính danh và hợp Hiến.

TTDC có nhận thấy tính phe đảng của mình và có ‘ăn năn hối cải’ không. Có và không. ‘Có’, họ nhìn nhận họ rất phe đảng và ‘Không’, họ không e ngại hay ăn năn gì hết. Trong một buổi họp với nhân viên, chủ bút New York Times bị thu âm lén, đã công khai nhìn nhận báo đã có khuynh hướng chống Trump quá đà, nhưng ông khẳng định việc đó bán được báo, cứ thế mà tiến tới thôi.

Dĩ nhiên không ai đòi hỏi TTDC phải trở lại trạng thái trung dung, công bằng của thời xa xưa. Kẻ này chỉ muốn gióng tiếng chuông báo động cho những người theo dõi tin tức từ TTDC ý thức rõ họ đang theo dõi tin một chiều của phe chống Trump, chứ không phải là những tin trung thực đáng tin cậy nữa.

Cái hình ảnh mà TTDC phổ biến là hình ảnh một tổng thống với những thói hư, tật xấu, những thất bại, những sai lầm, những nói láo, những bốc phét, những bất nhất, những vi phạm luật pháp, những gì gì đó mà diễn đàn này không đủ chỗ viết hết.

Một cụ tỵ nạn viết một bài ‘phân tích’ và được vài cụ tỵ nạn khác hồ hởi phổ biến cùng khắp hệ thống emails. Đại khái cụ này long trọng tố cáo TT Trump phạm 9 đại tội đáng chu di cửu tộc, mỗi tội phải chu diệt một đời con cháu: 1) nghĩ mình vô cùng quan trọng, 2) tưởng mình thành công, 3) tin mình là đặc biệt, 4) nghĩ là người khác ngưỡng mộ mình, 5) nghĩ mình có quyền được hưởng sex, 6) lợi dụng liên hệ cá nhân, 7) không thèm biết nỗi đau khổ của người khác, 8) ghen tị với người khác, 9) kiêu ngạo, phách lối.

Nghe như lời khiếu nại của một anh vô danh tiểu tốt, bực mình với thân phận nhỏ bé của mình so với một tổng thống.

Câu hỏi cho quý độc giả: trong 9 ‘đại tội’ đó, tội nào ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia, an toàn của cả nước, cán cân ngoại thương, thị trường chứng khoán, trị giá của đồng đô trên thế giới, công ăn việc làm của dân Mỹ, Medicaid, Medicare, tiền đi bác sĩ, mưu đồ bá chủ thế giới của họ Tập, kế hoạch tái dựng lại đế quốc Liên Xô của Putin, vấn nạn khủng bố Hồi giáo quá khích, việc cản di dân lậu, tình trạng phân hóa chính trị của Mỹ, nữ quyền,... ?

Có phải đó là tất cả những đại tội mà những người chống Trump bóp trán gần vỡ đầu mới nghĩ ra được không?

Có phải đó là những tiêu chuẩn để bầu và lượng định tổng thống không? Nếu đúng vậy thì xin lỗi nếu tiêu chuẩn thẩm định một tổng thống của tôi ‘hơi khác’.

Điều mà TTDC không giải thích cho rõ là tại sao hơn sáu chục triệu dân Mỹ lại có thể ngu như vậy được, chẳng những đã bầu, mà cho đến bây giờ vẫn tiếp tục hậu thuẫn mạnh cái ‘ông thần của đại họa’ này?
Tại sao lại có thể không thấy bao nhiêu cái dở, cái xấu mà TTDC đã cong lưng khổ sở trình bày và giải thích từ hơn hai năm qua?
Nếu TTDC không hiểu, kẻ này xin giải thích lại dùm.

Thứ nhất là việc các cử tri tiếp tục ủng hộ TT Trump là do phản ứng ngược. Nếu TTDC công bằng hơn, có công tâm hơn, thì có nhiều hy vọng người đọc báo, nghe radio, coi TV sẽ tin hơn, chứ nếu chỉ lo đánh TT Trump tới hơn 90% thì chưa đọc báo, họ đã biết Trump sẽ bị đánh rồi. Cùng lắm, họ tò mò muốn đọc để xem bị đánh kiểu gì.
Việc thông tin một chiều có thể hiểu được nếu là của một báo quan điểm, hay của một diễn đàn của một hội nhóm riêng của những người cùng quan điểm, nhưng không thể là của một cơ quan ngôn luận thông tin với tầm vóc quốc gia.

Thứ nhì là cái đám cử tri của ông Trump mà bà Hilllary và phe cấp tiến miệt thị coi như một đám lính thợ hay dân ruộng vô học, tệ hại hết thuốc chữa –irredeemable deplorables, thật sự đã không ngu dốt, u mê như phe cấp tiến nghĩ.
Họ mở mắt ra nhìn, thấy mình có công ăn việc làm, có được đồng lương nhiều hơn là tiền trợ cấp thất nghiệp, thấy đóng thuế ít hơn trước, thấy có những biện pháp bảo vệ an ninh cho họ chống khủng bố, chống di dân phạm pháp, thấy không bị bắt đóng thuế mua bảo hiểm y tế. Vậy là đủ để họ chọn người lãnh đạo. Và họ chính là cái ‘đa số thầm lặng’ quyết định bầu cử tổng thống ở Mỹ, chứ không phải các báo cấp tiến.

Những cụ sống bằng trợ cấp, chưa bao giờ phải đóng xu thuế nào, nằm nhà lãnh Medicare hay Medicaid, thì dĩ nhiên chẳng thấy Trump làm ra trò chống gì, mà họ tối ngày chỉ run rẩy sợ Trump cắt trợ cấp, nên nhắm mắt đánh Trump chết bỏ.

Thứ ba là thật sự, TT Trump đang thắng mà lại thắng hơi nhiều, mà khối cử tri của ông Trump nhìn thấy rõ cho dù ‘phe ta’ cảm thấy khó chịu, cố khỏa lấp. Thật vậy, hãy nhìn thử thành tích cụ thể của TT Trump xem.

Obamacare? Ông đã chặt được một chân, còn chân kia sẽ tự động ung thối trong ít năm nữa nếu không chữa trị.
Kinh tế? Cả nước đóng thuế bớt đi, không kể những người từ hồi nào đến giờ chẳng đóng xu thuế nào. Những việc làm mà TT Obama hô hoán “mất luôn không bao giờ trở về” thật ra đang… ào ào trở về. Hàng trăm tỷ đô vượt biển đi tỵ nạn thuế ngoài nước cũng đang trở về Mỹ, giúp xây dựng nhà máy, mở hãng xưởng tạo công ăn việc làm cho dân.

Cả ngàn thủ tục luật lệ kinh doanh rườm rà chỉ giúp cho đám công chức có thêm nhiều cách ăn hối lộ đã bị thu hồi. Kinh tế đang tăng trưởng mạnh đến độ phải tăng lãi suất để kềm hãm bớt lại. Tỷ lệ thất nghiệp chưa bằng một nửa mức trung bình của tám năm Obama.
Số người sống nhờ trợ cấp hay phiếu thực phẩm giảm cả triệu. Thâm thủng mậu dịch bạc ngàn tỷ có triển vọng giảm mạnh qua những thuế quan công bằng cho Mỹ hơn.(*)

Ngoại giao? Trung Cộng đang bị đánh nhừ đòn, mất cả ngàn tỷ chứng khoán trong vài tháng qua, đến độ phải gửi một phái đoàn qua Mỹ năn nỉ xin điều đình. VN hết thấy ‘tàu lạ’ lảng vảng ngoài khơi nữa. Nga đã đề nghị bàn luận về giảm giới vũ khí nguyên tử mới. Bắc Hàn đã nói chuyện và ngưng thử nghiệm bom hay hỏa tiễn nguyên tử từ 10 tháng nay mặc dù Mỹ chưa thu hồi bất cứ điều khoản nào trong cấm vận kinh tế và quân sự.

Việc tham chiến của Mỹ tại Iraq đã chấm dứt hoàn toàn. NATO cam kết gia tăng ngân sách quốc phòng để chia bớt gánh nặng của Mỹ. Mexico đã đồng ý thỏa ước thương mại mới thay thế NAFTA. Canada và Âu Châu đồng ý điều đình xét lại thuế quan với Mỹ.

Xã hội? Với cả triệu việc làm mới, cả triệu người thoát vòng nô lệ trợ cấp, cảm thấy hãnh diện là người chủ gia đình có đủ sức nuôi gia đình thay vì chỉ biết ngửa tay xin trợ cấp. Những tục lệ ‘phải đạo chính trị’ ngớ ngẩn nhất đã dần dần biến mất.

Chính trị? Nhà Nước Ngầm đang từ từ bị vặt lông cắt cánh, từ các ông Comey, McCabe tới Strzock, Brennan. Cho dù kế hoạch ‘vớt đầm lầy’ của TT Trump không dễ chút nào, trái lại khó trần ai khi đụng phải toàn những tai to mặt lớn lão làng với cả ngàn em út bảo vệ, đảng DC và TTDC bao che.

An ninh? Bao lâu nay không nghe tin khủng bố nào đánh Mỹ nữa? Di dân lậu vượt biên tự động giảm dù tường chưa xây.

Quan trọng hơn cả về lâu về dài là hướng đi của ngành Tư Pháp khi hàng trăm quan tòa bảo thủ được bổ nhiệm ở các cấp liên bang, chưa nói tới Tối Cao Pháp Viện. Sẽ để lại dấu vết bảo thủ trong hai ba chục năm nữa là ít, bất kể ai làm tổng thống hay đảng nào nắm quốc hội.
Đây là thắng lợi vĩ đại nhất của TT Trump mà cánh cấp tiến kinh hãi nhất mà không làm gì khác được. Đúng như TT Obama đã nói: bầu cử tất phải có hậu quả, và đây chính là hậu quả lâu dài nhất, để lại dấu ấn lịch sử lớn nhất của việc ông Trump đắc cử.

Quý cụ nào nghĩ những việc trên toàn là thất bại, xin vui lòng chỉ giáo, kẻ dốt này xin vểnh tai nghe. Không biết có cụ nào để ý hình như các cụ chạy theo TTDC chỉ đánh về cá nhân, con người ông tổng thống chứ chẳng ai dám bàn về các thành tích về chính sách của ông ta, có phải không?

Có một cách khác để nhìn vào thành tích của TT Trump, có vẻ khách quan hơn: đó là nhìn vào thăm dò về hậu thuẫn của những người đã bỏ phiếu cho ông. Họ có hối hận không?
Theo thăm dò dư luận từ nhiều cơ quan, cử tri CH bỏ phiếu cho ông Trump cho đến nay vẫn nhiệt tình hậu thuẫn ông tới mức 85%. Thăm dò có thể sai giống như bao nhiêu thăm dò đã sai khi tiên đoán bà Hillary sẽ đại thắng không? Có thể sai thật.

Vậy thì ta nhìn kiểu khác, vào những dữ kiện khác. Đó là việc bầu bán trong thời gian gần đây, chuẩn bị cho cuộc bầu quốc hội cuối năm nay.

Trước hết, ta thấy nhiều dân biểu, nghị sĩ chống Trump đã tự ý ‘nghỉ hưu hàng loạt’ vì mất hậu thuẫn quá nhiều, nổi tiếng nhất là các TNS Corker, Flake, và dân biểu Ryan,… không ra tranh cử lại được vì hậu thuẫn của họ ngay cả trong khối CH cũng quá thấp, khiến họ khó có thể thắng cử ngay trong nội bộ CH. Thà rút lui trước đỡ mất mặt hơn là thua đau trong các đầu phiếu nội bộ, gọi là primaries.

Ta còn nhìn thấy gì nữa? TTDC nhất loạt tiên đoán cơn ‘tsunami xanh’ của DC sẽ nhận chìm đảng CH trong kỳ bầu cuối năm nay. Có thật không?

Cho đến nay, dường như tiên đoán của TTDC cũng không khác những tiên đoán của họ trước ngày bầu cử tổng thống tháng Mười Một 2016. Theo tin báo chí, trong vài tháng qua và trong 9 ứng cử viên dân biểu, nghị sĩ, hay thống đốc được TT Trump công khai hậu thuẫn thì đã có 8 người thắng cử, có nhiều người thắng một cách bất ngờ.

Trường hợp duy nhất ứng cử viên ông Trump ủng hộ đã thất bại là ông quan tòa Moore ra tranh cử thượng nghị sĩ tại Alabama. Nhưng ông này thất bại vì hai lý do: lý do cá nhân vì ông bị cả chục bà tố tội xách nhiễu tình dục, và lý do chính là ông này thật ra không phải là ‘người của’ TT Trump (ông Trump ủng hộ cho một ứng cử viên khác trong nội bộ CH, nhưng ông này ít ai biết, thua ông Moore, nên khi ông Moore ra tranh cử chống ông DC thì TT Trump miễn cưỡng ủng hộ ông Moore).

Nghĩa là khối cử tri trung kiên của CH vẫn nhất loạt ủng hộ TT Trump và bầu cho những người công khai hậu thuẫn cho TT Trump.

Anh nhà báo da đen Juan Williams của Fox News (anh này là tiếng nói ‘trái chiều’ trong Fox, chuyên môn chống Trump và bênh vực DC) dõng dạc viết “khối đa số của Trump là giả tạo” (Trump’s majority is fake). Hả??? Giả tạo?
Thế thì ai đang ngồi trong Tòa Bạch Ốc? Chắc lại là một tay gián điệp được Putin lén gài vào? Cái khối TTDC hiển nhiên là đang ở trong cái mà các nhà phân tâm học gọi là ‘trạng thái chối bỏ’ –state of denial- tức là trạng thái chối bỏ sự thật, kiểu như đà điểu vùi đầu dưới cát vì không muốn hay không dám nhìn sự thật.

Anh nhà báo cấp tiến nặng E.J. Dionne dè bửu “Lời nói của Trump không mua được bữa ăn cho dân lao động”. Vậy sao? Hình như anh nhà báo này không ... đọc báo nên không biết tỷ lệ thất nghiệp xuống đến mức thấp nhất từ cả 40 năm nay.

Hay là tại vì trong cái nhìn của phe cấp tiến, chỉ có tiền trợ cấp hay tiền thất nghiệp thì mới thực sự là tiền mua được bữa cơm trong khi tiền lương thực sự chỉ là tiền mã cúng ông bà?

Báo phe ta Washington Post cho biết 63% dân Mỹ không ủng hộ TT Trump. Báo tỵ nạn hý hửng thông ngôn, chạy tít khổng lồ theo. Vậy chứ theo WaPo thì tháng 10, 2016, một tháng trước bầu cử tổng thống, bao nhiêu dân Mỹ ủng hộ ứng cử viên Trump vậy? Hình như tổng thống không phải được bầu qua thăm dò của các báo phe ta thì phải.

Thực tế mà nói, cho đến bây giờ, việc những ứng cử viên được TT Trump ủng hộ đã chiến thắng dĩ nhiên là tin vui cho TT Trump, nhưng chưa chắc đã là tin mừng cho đảng CH và ngay cả cho tổng thống.
Những chiến thắng này chứng minh khuynh hướng ủng hộ Trump đang có thế mạnh trong nội bộ đảng CH, nhưng khi ra bầu bán thật chống ứng cử viên của đảng DC thì chưa chắc khối này sẽ thắng.

Tất cả tùy thuộc hai yếu tố: số cử tri CH đi bầu, và lá phiếu của khối độc lập không đảng phái.

Thông thường, trong các cuộc bầu nội bộ sơ khởi –primaries-, chỉ các cử tri hăng hái nhất mới chịu khó đi bầu, do đó khuynh hướng cực đoan thường có nhiều hy vọng thắng, bất kể tả hay hữu, trong khi lại không có lá phiếu của các cử tri độc lập. Vấn đề là những chiến thắng của phe ủng hộ TT Trump trong nội bộ CH sẽ có khả năng mang lại chiến thắng cho đảng CH trong cuộc bầu quốc hội tới hay không? Đây chính là câu hỏi mà chưa ai có câu trả lời.

Nhìn vào thực tế thì hiển nhiên các chính sách của TT Trump đang đạt được thành quả rõ rệt, nhưng một phần không nhỏ đã bị những đánh phá tàn bạo cũa TTDC xoá đi hay che dấu một phần lớn. Cũng thực tế mà nói, không ai có thể coi thường ảnh hưởng của những tấn công triền miên, nhất loạt của TTDC. Số người dân lương thiện, sẳn sàng tin tưởng vào TTDC cũng không phải là nhỏ. Nước chẩy, đá mòn.

Vũ Linh Sep 7, 2018 http://diendantraichieu.blogspot.com/2018/09/tt-trump-ang-thang-hay-thua.html#more
(Quý độc giả nào thích đọc bài của Vũ Linh xin mời vào thẳng trang nhà của tác giả, ông Vũ Linh đã dẹp hết cái bọn phá thối ruồi bu rồi nên quý độc giả không phải rối mắt nữa)

chieclavotinh
09-09-2018, 02:13 AM
Cám ơn anh/chị chieclavotinh đã vào đọc bài của ông VL :) A/C có thể vô thẳng nhà tác giả cho thêm ý kiến nhé. Chúc vui!

Cám ơn bác, chắc mình không vào đâu! Chuyện thị phi mệt lắm. “Đây cậy đây hơn đây chẳng nhịn; Đấy rằng đấy phải đấy không thua!” Thôỉ mình ở đây “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ!”

hongnguyen
09-10-2018, 08:03 AM
Thôỉ mình ở đây “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ!”

:):z67:

hongnguyen
09-10-2018, 08:13 AM
Tin Ngắn Hoa Kỳ

VẪN CHUYỆN McCAIN
Đám táng của TNS McCain đã biến thành một thứ mít-tinh chống TT Trump, khi hầu hết những người tham dự đều lo đọc điếu văn đả kích TT Trump, nhiều hơn là ghi công trạng của ông McCain.

Từ các cựu TT Bush và Obama đến các chính khách, luôn cả bà vợ và bà con gái của ông McCain, đã không ngớt lời chỉ trích xéo hay chửi thẳng TT Trump. Nếu không có cái quan tài nằm giữa sảnh đường thì ít ai biết đó là đám táng.

Quý độc giả mở báo hay TV coi về đám táng, sẽ thấy toàn những câu bề ngoài có vẻ ca tụng McCain, nhưng thằng bé trăn châu ở VN cũng hiểu là ý muốn chửi Trump. Bà con gái nói “The America of John McCain has no need to be made great again, because America was always great” (Nước Mỹ của John McCain không có nhu cầu phải làm cho vĩ đại lại vì nước Mỹ vẫn luôn luôn vĩ đại). Nghe câu này, kẻ này có vài ý nghĩ.



Thứ nhất, “nước Mỹ của John McCain” tốt hay xấu không biết, chỉ biết dân Mỹ đã hai lần bác bỏ nó.


Thứ nhì, nếu nước Mỹ “vẫn luôn luôn vĩ đại” thì tại sao các ứng cử viên tổng thống của đảng DC từ Bill Clinton đến John Kerry và nhất là Obama lại ra tranh cử với chiêu bài “thay đổi”?



Hiển nhiên ông McCain đã bị biến thành cây gậy được dùng để đập ông Trump, không hơn không kém. Kẻ này thắc mắc không hiểu đây có phải là cách đúng nhất để thể hiện sự kính trọng người quá cố không?

Một điều đáng ghi nhận và đáng suy nghĩ mà TTDC im re: trong tất cả các quan khách được mời lên khóc ông McCain và chửi ông Trump, đã không có một bạn đồng tù nào của ông McCain hết. Không dám mời họ đến nói sự thật của những ngày trong Hỏa Lò, hay họ không muốn tham dự?

Một số nghị sĩ hăng tiết vịt trong cuộc chạy đua ca tụng: muốn đổi tên một tòa nhà của quốc hội nằm đối diện, bên kia đường với điện Capitol, là trụ sở quốc hội. Tòa nhà này là trụ sở chính của Thượng Viện, nơi các thương nghị sĩ có văn phòng, hiện mang tên cố thượng Nghị Sĩ Richard Russell.

Tòa nhà này cũng có tên là Senate Office Building, viết tắt là SOB, nếu đổi qua tên ông McCain, sẽ chính thức là ‘McCain Senate Office Building’. Trong thông lệ thích viết tắt của hành chánh Mỹ (FBI, CIA, NSA, POTUS, SBA, EO,…), tòa nhà này sẽ được biết là ‘McCain SOB’.

ARIZONA CÓ THƯỢNG NGHỊ SĨ MỚI
Thống đốc Arizona đã bổ nhiệm ông Jon Kyl làm thượng nghị sĩ thay thế ông McCain. Theo luật Arizona, ông này sẽ làm thượng nghị sĩ tới năm 2020, khi đó sẽ có bầu lại, nhưng ông Kyl chỉ cam kết làm tới cuối năm nay thôi, sau đó sẽ tính sau.

Ông Kyl có thể sẽ từ chức cuối năm nay thay vì nhiệm chức tới 2020. Arizona sẽ bỏ phiếu bầu tân thượng nghị sĩ thay thế TNS Jeff Flake cuối năm nay, giữa dân biểu CH Martha McSally và dân biểu DC Kirsten Sinema. Nếu bà McSally thua, có thể ông Kyl sẽ từ chức để thống đốc Arizona bổ nhiệm bà McSally làm nghị sĩ, giúp bà ra tranh cử thật sự năm 2020.

Ngay sau khi tin này được công bố, bà quả phụ Cindy McCain đã lên tiếng ủng hộ ông Kyl, cho rằng ông này là bạn thân và cùng chí hướng với ông McCain.

Ông Kyl đã làm dân biểu 8 năm, sau đó làm nghị sĩ 18 năm trước khi về hưu. Năm nay ông 76 tuổi.
Ông Kyl đã từng đảm nhiệm chức vụ cao thứ nhì trong khối nghị sĩ CH tại Thượng Viện. Ông thuộc khuynh hướng bảo thủ nặng. Khi TT Trump mới chấp chánh, ông đã được liệt kê vào danh sách những người có thể được bổ nhiệm là bộ trưởng Quốc Phòng, nhưng ông đã không nhận.

Việc ông Kyl được bổ nhiệm sẽ mang lại đa số 51 phiếu cho khối CH tại Thượng Viện, kịp thời cho việc phê chuẩn thẩm phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện. TNS Kyl là ‘ông bầu’ hiện đang dắt ông Kavanaugh đi giới thiệu cho các đồng viện cũ tại Thượng Viện, do đó dĩ nhiên ông sẽ biểu quyết phê chuẩn ông Kavanaugh.
Tuy nhiên không ai rõ ông Kyl sẽ hậu thuẫn TT Trump trong các vấn đề khác hay không. Ông Kyl cũng đã từng là luật sư bênh vực cho đám trẻ con DACA được ở lại Mỹ trái với ý muốn của TT Trump.

Ông Kyl đã nhiều lần lên tiếng đả kích Obamacare, do đó, có dư luận là đảng CH đang nghiên cứu việc mang Obamacare ra biểu quyết lại, với tính toán ông Kyl sẽ là lá phiếu quyết định trong việc thu hồi Obamacare.

VIỆC PHÊ CHUẨN TP KAVANAUGH
Thượng Viện đã bắt đầu cuộc điều trần để phê chuẩn thẩm phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện (TCPV) ngày Thứ Ba 4/9/2018 vừa qua.

Sóng gió đã nổi lên ngay từ khi chưa bắt đầu, biến cuộc điều trần thành một diễn đàn biểu diễn tài cãi lộn của các thượng nghị sĩ của cả hai đảng.
Phe cấp tiến huy động cả trăm người đến phá đám, la hét om sòm đả kích ông Kavanaugh từ ngoài đến trong phòng họp (hơn 70 người đã bị cảnh sát bắt). Chỉ phản ảnh sự hoảng sợ tột cùng hay tuyệt vọng của phe cấp tiến.

Các nghị sĩ DC khiếu nại họ chỉ mới nhận được có 43.000 trang tài liệu trong khi họ yêu cầu tới gần một triệu trang.
Họ cũng tố cáo Tòa Bạch Ốc đã không chịu giao nộp ít nhất 100.000 trang tài liệu liên quan đến công việc của ông Kavanaugh khi ông làm phụ tá pháp luật cho TT Bush con. Có vài điểm đáng ghi nhận trong những càu nhàu này:



Số tài liệu mà phe DC đòi hỏi hết sức vô lý, lớn hơn số tài liệu Thượng Viện xét trong việc phê chuẩn năm thẩm phán TCPV trước đây cộng lại.
Thượng Viện từ trước đến giờ chỉ xét qua từ một đến hai trăm ngàn trang là tối đa. Với một triệu trang, Thượng Viện sẽ cần ít nhất vài ba năm mới đọc xong. Không ai không thấy âm mưu câu giờ lố bịch của phe DC.


Những tài liệu mà phe DC tố cáo Tòa Bạch Ốc đã không công bố là tài liệu khi ông Kavanaugh làm phụ tá cho TT Bush, là tài liệu mật của Hành Pháp, ghi chép các thảo luận của tổng thống với các phụ tá, thuộc đặc quyền của Hành Pháp –Executive Privilege –, được bảo vệ bởi Hiến Pháp để bảo đảm tổng thống có thể thảo luận thẳng thắn với các phụ tá khi lấy quyết định Hành Pháp quan trọng. Đây là luật lệ được áp dụng từ thời TT Washington, không liên quan gì đến chuyện “Trump mờ ám che giấu” gì hết như TTDC tố cáo.
Dù vậy, những tài liệu này cũng đã được trao cho các nghị sĩ DC và CH với điều kiện không được phổ biến ra báo chí và công chúng.



Ngay từ những phút đầu, hai thượng nghị sĩ nổi bật nhất trong công tác đả kích ông Kavanaugh là bà Kamala Harris và ông Cory Booker.
Cả hai đều là nghị sĩ da đen đang chuẩn bị ra tranh cử tổng thống năm 2020, nên cố tìm mọi cách ‘chơi nổi’.

Phe DC đang điên cuồng chống ông Kavanaugh vì họ biết chắc chẳng có cách nào cản được việc ông này sẽ được phê chuẩn. TNS Lindsey Graham của CH tiên đoán ông Kavanaugh sẽ được ít nhất 55 phiếu vì sẽ có 4-5 nghị sĩ DC ủng hộ.
TTDC la hoảng là TCPV đang “trên bờ vực thẳm” vì có thể sẽ chuyển sang khuynh hướng bảo thủ.

Chuyển sang bảo thủ là đang trên bờ vực thẳm?
Thế chuyển sang cấp tiến thì là gì? Đứng trước cửa thiên đàng xã nghĩa chắc?

MUELLER VÀ VIỆC PHỎNG VẤN TỔNG THỐNG
Sau những điều đình kéo dài cả mấy tháng nay, công tố Mueller đã đồng ý những câu hỏi chính của ông với TT Trump về việc ‘thông đồng’ với Nga sẽ được nộp cho TT Trump trên giấy trắng mực đen để văn phòng tổng thống trả lời cũng trên giấy trắng mực đen, tránh việc gài bẫy tổng thống. Một số ít câu hỏi phụ sẽ được đặt ra qua hình thức vấn đáp thẳng khi phỏng vấn tổng thống.

Các câu hỏi viết sẽ không bao gồm những câu hỏi về cản trở công lý liên quan đến việc sa thải giám đốc FBI ông Comey. Luật sư Giuliani của TT Trump đã cho biết tổng thống sẽ không trả lời những câu hỏi về cản trở công lý.

Cuộc điều đình còn đang tiếp tục.
Trong một tin liên hệ, anh Papadopoulos bị công tố Mueller truy tố về tội nói láo, đã bị ra tòa và bị phạt tù tới …14 ngày. Đọc TTDC tưởng tội gì kinh thiên động địa, hoá ra chỉ là tội nói láo một chi tiết gì đó, bị phạt tới hai tuần lễ tù.

THÀNH QUẢ KINH TẾ
Tin mới nhất cho biết số người thất nghiệp đã xuống mức thấp nhất kể từ 1969 cách đây gần 40 năm, trong khi tháng vừa qua đã có thêm 201.000 jobs mới. Tỷ lệ thất nghiệp xuống tới mức kỷ lục 3,9%.
Mức lương trung bình cũng gia tăng mạnh tới 2,9%.

TTDC BÁO ĐỘNG VIỆC THƯA KIỆN HARVARD
Bộ Tư Pháp đang xúc tiến mạnh việc thưa kiện đại học Harvard đã có chính sách nhận sinh viên bất công đối với sinh viên Á Châu.

Trong mục đích thi hành luật chống kỳ thị bắt các đại học phải có tối thiểu một số sinh viên da đen theo tỷ lệ nào đó, đại học Harvard đã có chính sách nâng điểm cho sinh viên da đen xin nhập học, trong khi đó lại loại trừ những sinh viên Á Châu mặc dù họ đạt được điểm cao hơn mà không cần nâng đỡ. Một nhóm sinh viên gốc Á Châu đã nộp đơn kiện Harvard trong khi bộ Tư Pháp cũng kiện Harvard luôn.

Báo phe ta Washington Post đăng bài và chỉ trích việc làm này chỉ phản ảnh sự kỳ thị chống dân da đen của chính quyền Trump.
Theo WaPo, nếu việc thưa kiện này đem thắng lợi lại cho chính quyền Trump, thì hậu quả sẽ bất lợi cho sinh viên da đen vì sẽ cản họ không vào được các đại học lớn.

Một cách gián tiếp, WaPo đã nhìn nhận sinh viên da đen không đủ khả năng cạnh tranh với sinh viên da trắng và sinh viên gốc Á Châu. WaPo bênh vực sinh viên da đen mà lại không thấy mình đang chặn sinh viên gốc Á.
Ai cũng hiểu đại đa số sinh viên gốc Á ở đây chính là sinh viên Tầu, nhưng biện pháp của Harvard cũng đã ảnh hưởng bất lợi cho sinh viên gốc Việt luôn.

Nhân chuyện này, WaPo cũng làm rùm beng việc vài ngàn dân tỵ nạn Việt có thể cũng sẽ bị trục xuất về VN. WaPo viết về một anh tỵ nạn tên là Robert Huynh, con lai, qua Mỹ từ 1984, có thể sẽ bị trục xuất vì đã phạm tội nhiều lần (bán ma túy, tổ chức cờ bạc).

TTDC và truyền thông thông ngôn thiếu lương thiện dịch lại, viết “cả chục ngàn người gốc Việt sẽ bị trục xuất về VN qua việc áp dụng chính sách di trú cứng rắn của TT Trump”. Fake news! Luật di dân Mỹ ghi rất rõ ràng những di dân chưa có quốc tịch, phạm tội có án, sẽ không được nhận vào quốc tịch Mỹ và sẽ bị trục xuất.

Đây là luật đã có từ hồi nào đến giờ chứ không phải luật do TT Trump chế ra. Luật cũng đã được TT Obama áp dụng. Cả chục ngàn người gốc Việt mà TTDC bàn tới đã bị giam từ thời Obama chứ không phải mới bị bắt bởi chính quyền Trump.

Họ chưa bị trục xuất vì CSVN không chịu nhận lại những người Việt đã rời khỏi xứ trước 1995, là năm thỏa ước trục xuất di dân gốc Việt được ký kết giữa TT Clinton và CSVN. Cả hai chính quyền Obama và Trump đều tìm cách điều đình với CSVN để trục xuất họ về lại VN.

Bài học cho dân tỵ nạn chúng ta: nước Mỹ là nước thượng tôn luật pháp, không ai đứng trên luật hết, kể cả di dân. Muốn được sống yên thì đừng phạm tội.

SÁCH MỚI CHỐNG TRUMP
Lại thêm một cuốn sách được phát hành để bôi bác TT Trump. Viết sách để chửi tổng thống dường như đã trở thành một cái nghề kiếm được bộn bạc nên thiên hạ giành dựt nhau làm cái nghề này. Tác giả mới nhất là Bob Woodward.
Anh này uy tín hơn xa bà phụ tá Omarosa trước đây. Và dĩ nhiên TTDC đã xúm lại tung hô như tất cả các cuốn sách đánh Trump khác trước đây.

Bob Woodward (T) và Carl Berstein (P)
Bob Woodward là một trong hai nhà báo của Washington Post (anh kia là Carl Bernstein) đã đi điều tra vụ Watergate, khui xì-căng-đan này hàng ngày trên WaPo, đưa đến việc TT Nixon phải từ chức. Từ đó, anh Woodward tận tình khai thác thành tích đó, viết hàng loạt sách về những chuyện thâm cung bí sử trong Tòa Bạch Ốc, chú tâm vào việc đánh các tổng thống CH dĩ nhiên.

Anh ta viết tới 3 cuốn sách về TT Bush con, không có cuốn nào thuận lợi cho ông Bush, nhưng chỉ một cuốn về TT Obama, dĩ nhiên với giọng văn khác. Bây giờ anh ta viết cuốn sách (đầu tiên?) về TT Trump.

Dĩ nhiên toàn là những chuyện bôi bác Trump một cách thậm tệ, trong đó nhiều chuyện đã được TTDC khai thác trước đây. Cũng như tất cả những chuyện đã được khui ra trước đây, chỉ là những chuyện thu lượm được qua việc dò hỏi, phỏng vấn, nói chuyện với người này người kia, chẳng những không có gì là bằng chứng cụ thể hết, mà trong số những người được phỏng vấn đã có không biết bao nhiêu người thuộc khối Nhà Nước Ngầm chống Trump, và nhiều người bất mãn vì đã bị sa thải.

Có một câu chuyện được WaPo đăng lại là câu chuyện tranh cãi giữa TT Trump và cố vấn pháp luật John Dowd về việc công tố Mueller muốn phỏng vấn TT Trump. TT Trump muốn nhận hiển nhiên vì lý do chính trị, và ông tự tin có thể trả lời trơn tru vì ông chẳng có tội gì hết. Ông Dowd phản đối, cho là tổng thống ngây thơ.

Ông đề nghị một cuộc phỏng vấn giả để chứng minh. TT Trump nhận lời. Ông Dowd đóng vai ông Mueller, chỉ ngay trong vài phút đầu đã đánh lừa TT Trump qua các câu hỏi hóc búa, đưa đến việc TT Trump trả lời trái ngược, có thể được công tố Mueller dùng là lý do tố TT Trump nói láo hữu thệ, perjury.

Ông Dowd vạch rõ ngay đó chính là cách ông Mueller sẽ vồ TT Trump, để tố ông Trump là khai gian trái với lời thề. Ông Trump tức giận, chửi bới lung tung, nhưng vẫn khẳng định không muốn tránh né cuộc phỏng vấn vì sẽ khiến dân Mỹ hiểu lầm ông có tội gì đó. Ông Dowd cũng giận dữ, ngày hôm sau từ chức.

Được hỏi về câu chuyện, ông Dowd trả lời ông từ chức vì không đồng ý việc TT Trump cho công tố Mueller phỏng vấn, có thể TT Trump sẽ bị giăng bẫy và ông không muốn chịu trách nhiệm về chuyện này, nhưng những chi tiết cuốn sách ghi ra phần lớn là phịa từ trí tưởng tượng của tác giả.
Ông cho biết việc ông được phục vụ TT Trump là niềm vinh hạnh lớn nhất đời ông.

Cuốn sách toàn là những chuyện trong hậu trường kiểu này, kể cả những chuyện như các phụ tá cao cấp nhất chửi rủa ông Trump sau lưng ông, cũng như những chuyện TT Trump chửi rủa các phụ tá, những chuyện mà chẳng ai kiểm chứng được. Chẳng những vậy, cuốn sách này có điểm tương tự với cuốn Fire & Fury của anh Wolff trước đây: hầu hết các câu chuyện đều là chuyện… nghe kể lại chứ tác giả chẳng nghe được một lời nào từ chính tai mình.

Dù sao cũng là dịp các cụ tỵ nạn hý hửng gửi emails thông báo cho thế giới. Vui được ít ngày trước khi sách bị cất vào nhà kho.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng thì 1 hay 1.000 cuốn sách bôi bác Trump cũng chỉ xoa dịu nỗi ấm ức, cay cú của phe cấp tiến thôi chứ chẳng bứng được ông thần Trump.

NHÀ NƯỚC NGẦM
Báo New York Times đã tung bom mới: một bài viết nặc danh của một người tự nhận là ‘viên chức cao cấp trong Tòa Bạch Ốc’.
Theo tác giả, trong Tòa Bạch Ốc, có nguyên một hệ thống Nhà Nước Ngầm -Deep State- đang làm đủ chuyện để phá TT Trump, chẳng hạn như xì tin mật cho báo chí, đánh cắp tài liệu của tổng thống, sửa tin hay giấu tin lừa tổng thống,…
Tác giả biện giải họ làm những việc này vì “yêu nước”, muốn bảo vệ nước Mỹ chống lại “sự phá hoại”, tính phản quốc của TT Trump.

Câu hỏi cho đám này: chuyện gì đã xẩy ra cho thể chế dân chủ Mỹ? Việc bầu tổng thống có còn ý nghĩa gì không? Ai có thể tự cao tự đại đứng ra tự nhận việc mình làm mới là đúng, mình mới là “yêu nước”, trong khi tổng thống do nửa dân Mỹ bầu lại là sai, là “phản quốc”?

Nếu ông hay bà nào tự tin là mình yêu nước và nghĩ đúng thì tại sao không chường mặt rồi ra tranh cử để dân bầu, mà lại lén lút làm chuyện ném đá giấu tay hèn hạ vậy?
Với những ‘đồng minh’ bênh vực người nặc danh này, người ta có câu “Nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói anh là người như thế nào”.

Câu hỏi cho NYT: tác giả “cao cấp” tới mức nào? Tài xế hay thư ký đánh máy, ai biết được? Thân cận với TT Trump như thế nào? Biết được những tin gì? Đáng tin đến mức nào?
Hay tất cả những chi tiết này đều không quan trọng, mà quan trọng là có dịp bôi bác TT Trump? Từ hồi nào thư nặc danh với những tố cáo vu vơ không bằng chứng đã trở thành tin tức quan trọng của NYT? Đây là tiêu chuẩn mới của ngành truyền thông Mỹ?

Một cụ tỵ nạn đặt câu hỏi tại sao TT Trump không kiện tác giả – hay kiện cả anh Woodward – ra tòa về tội vu khống, phỉ báng. Một câu hỏi ngớ ngẩn chứng tỏ cụ chẳng hiểu gì về tự do ngôn luận của Mỹ, vẫn tưởng mình đang sống trong xứ ‘đỉnh cao trí tuệ’.

HỒ LY VỌNG LÀM PHIM CHỐNG MỸ?
Hồ Ly Vọng vừa tung ra phim mới, First Man, về việc phi hành gia Neil Amstrong là người đầu tiên đặt chân xuống mặt trăng dưới thời TT Nixon.

Cuốn phim dĩ nhiên ca tụng ông Amstrong hết mình, là chuyện bình thường. Nhưng có điều quái lạ là cuốn phim không quay cảnh ông Amstrong cắm quốc kỳ Mỹ xuống mặt trăng, là cảnh đã đi vào lịch sử mà tất cả dân Mỹ bất kể khuynh hướng chính trị đều cảm thấy hãnh diện.

Bị chỉ trích, đạo diễn cuốn phim giải thích, cho rằng sự kiện ông Amstrong đặt chân lên mặt trăng là một thành tích mà cả nhân loại hãnh diện và ông Amstrong khi đó là đại diện cho nhân loại chứ không phải chỉ đại diện cho nước Mỹ.

Một lần nữa, các anh chị cấp tiến của Hồ Ly Vọng lại muốn nâng cao tinh thần ‘thế giới đại đồng’ của xã hội chủ nghĩa và hạ uy tín của nước Mỹ.

Vũ Linh, 8/9/2018 https://baotgm.net/vu-linh-tin-van-8-9-2018/

Lê Nguyễn Hiệp
09-11-2018, 09:55 AM
chính xác!!! chẳng ai kiểm chứng được.

Kỳ này nhiều nhà báo và nhà viết sách "phịa" làm giầu nhờ ông Trump.


Được hỏi về câu chuyện, ông Dowd trả lời ông từ chức vì không đồng ý việc TT Trump cho công tố Mueller phỏng vấn, có thể TT Trump sẽ bị giăng bẫy và ông không muốn chịu trách nhiệm về chuyện này, nhưng những chi tiết cuốn sách ghi ra phần lớn là phịa từ trí tưởng tượng của tác giả.
Ông cho biết việc ông được phục vụ TT Trump là niềm vinh hạnh lớn nhất đời ông.

Cuốn sách toàn là những chuyện trong hậu trường kiểu này, kể cả những chuyện như các phụ tá cao cấp nhất chửi rủa ông Trump sau lưng ông, cũng như những chuyện TT Trump chửi rủa các phụ tá, những chuyện mà chẳng ai kiểm chứng được. Chẳng những vậy, cuốn sách này có điểm tương tự với cuốn Fire & Fury của anh Wolff trước đây: hầu hết các câu chuyện đều là chuyện… nghe kể lại chứ tác giả chẳng nghe được một lời nào từ chính tai mình.

Vịnh Nghi
09-13-2018, 01:57 PM
Những chuyện trong hậu trường và những chuyện ông Trump chửi rủa các phụ tá mà anh Hiệp nhắc lại trên đó, Nghi thà tin là có chớ không có lý do gì để tin là không. Đối với Nghi đó là chuyện bình thường. Nếu bảo là không có thì lại là chuyện bất bình thường. Một nguyên thủ quốc gia, gánh vác trách nhiệm to lớn với đất nước, mỗi ngày đương đầu với không biết bao nhiêu thử thách cả trong và ngoài, thì đối với thuộc cấp làm việc với mình mỗi ngày, Nghi thấy chẳng có lý do gì ông phải mềm mỏng hay ngọt ngào để khỏi bị nghe lời ong tiếng ve hết. Những chủ trương thay đổi của ông Trump quá lớn, trong khi nhiệm kỳ TT lại quá ngắn, người không hoàn toàn tin tưởng thì không nên giữ, chỉ cần giữ những người hoàn toàn tin cậy và có khả năng làm việc, nhất là họ phải tin tưởng con đường mà ông đang đi là đủ, bằng không thì hoặc sa thải hoặc...la mắng cho một trận rồi chuyển quyền hành sang một người có năng lực hơn cho rảnh trí (điều này ông Trump đã làm, và làm nhiều lần, từ sau khi nắm quyền, và vẫn còn tiếp diễn). Đạo không đồng thì không đi chung đường, đơn giản vậy thôi.

Vậy thì những chuyện sau hậu trường đó có hay không lại quan trọng gì? Quan trọng chỉ (nên) là hiệu quả ông Trump đạt được trong thời gian tại nhiệm ngắn ngủi vừa qua và về sau, đưa nước Mỹ trở lại hùng mạnh đối ngoại lẫn nội là đủ. Và vậy, những người từng một thời được tín nhiệm, thân cận, quen với hào quang gần mặt trời, một khi bị sa thải hay bị tước bỏ quyền hành dĩ nhiên sẽ không khỏi sinh lòng oán hận, rồi thì theo xu thế hiện thời viết sách bôi xấu là chuyện hoàn toàn nằm trong dự đoán......

hongnguyen
09-15-2018, 08:21 AM
Chào chị Vịnh Nghi và anh Hiệp :)

hongnguyen
09-15-2018, 08:26 AM
BẦU CỬ TỚI

Còn chưa tới hai tháng nữa là sẽ có cuộc bầu gọi là ‘giữa mùa’.

Ở cấp liên bang, toàn thể Hạ Viện sẽ phải bầu lại trong khi một phần ba thượng nghị sĩ sẽ phải ra tranh cử lại.
Bình thường, những cuộc bầu giữa mùa trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống mang ý nghĩa một trưng cầu dân ý về tân tổng thống sau hai năm làm việc.

Và cũng theo thường lệ thì đảng của tổng thống sẽ thua không đậm thì nhẹ, ngoại trừ trường hợp đặc biệt như với TT Bush con khi đảng CH thắng cuộc bầu giữa mùa đầu tiên năm 2002, ngay sau vụ khủng bố tấn công 9/11/2001.

Tại sao lại thua? Bầu giữa mùa không có bầu tổng thống mà chỉ là những cuộc bầu quốc hội liên bang và bầu bán quan chức và dân cử địa phương nên ít hấp dẫn, số cử tri đi bầu thua xa số người đi bầu tổng thống.

Chỉ những người để ý nhiều đến chính trị hay những thành phần cực đoan, hay những người có chuyện bực mình, bất mãn với tổng thống mới chịu khó đi bầu hơn, trong khi những người thỏa mãn với tình trạng hiện tại thì không rảnh đứng xếp hàng cả mấy tiếng đồng hồ để bỏ phiếu.

Dựa trên yếu tố tâm lý và lịch sử này, và nhất là trong không khí phân hoá nặng dưới trào của TT Trump, các chuyên gia cho rằng DC sẽ thắng lớn, ít nhất là tại Hạ Viện.

Kẻ này dĩ nhiên không phải thầy bói chuyên đoán mò, cũng không muốn tiên đoán theo tính phe đảng, nhất định là ‘phe mình’ phải thắng, ‘phe địch’ phải thua.

Do đó sẽ tránh việc đoán mò này. Chỉ giới hạn nội dung bài này trong phạm vi xét qua những yếu tố lợi hại cho cả hai bên.

Về phiá CH, như bài bình luận tuần trước đã bàn qua, TT Trump trên thực tế đã đi từ thành công này tới thắng lợi khác.

Quan trọng nhất là thành quả kinh tế khi tất cả các chỉ dấu kinh tế như tỷ lệ tăng trưởng GDP, chỉ số thị trường chứng khoán, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ số người lệ thuộc trợ cấp, phiếu thực phẩm, chỉ số tin tưởng vào tương lai,... đều chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay, kề từ vài chục năm qua.
Đối ngoại, thành quả có thể nói chưa rõ ràng bằng vì những vấn đề lớn như thuế quan, Bắc Hàn, NATO,... đều còn đang trong vòng thương thảo với đồng minh cũng như với kẻ thù.

Nhưng điểm yếu lớn là tất cả những thành công lớn nhỏ, đều bị phe cấp tiến, đảng DC và nhất là TTDC tìm mọi cách xí xoá, khỏa lấp, dấu nhẹm, hay giảm thiểu tối đa, trong khi phóng đại đến mức lố bịch, thậm chí chế tạo, những sai lầm, đặc biệt là những điểm bất lợi về cá nhân, con người của TT Trump.

Những chi tiết lặt vặt nhất như lỗi chính tả trong mấy vạn cái tuýt của ông Trump cũng được thổi phồng lên thành loại tin “Breaking News” như đại hoạ của thế kỷ. Một cuốn sách bôi bác Trump thì dĩ nhiên được phong lên thành một loại ‘Kinh Thánh’, kéo dài vài ba tuần cho đến khi có ‘Kinh Thánh’ mới xuất hiện.

Khi khách sạn Trump có vài quan khách quốc tế đến ngủ đêm trả vài trăm đô như từ cả mấy chục năm nay thì TT Trump bị hô hoán là làm giàu bất chính. Việc Trump không nhận lương thì đã quên từ lâu rồi.

Trong khi TT Clinton mời quan khách vào ngủ tại Tòa Bạch Ốc một đêm đổi lấy vài trăm ngàn tiền yểm trợ tranh cử thì đó là tổng thống lịch sự, tiếp khách trong Tòa Bạch Ốc rồi được lịch sự cám ơn bằng tiền yểm trợ.

Hay khi bà ngoại trưởng và tổng thống tương lai (như tất cả mọi người dự đoán) Hillary nhận lãnh vài trăm triệu đô cho Quỹ Clinton Foundation từ một công ty Nga rồi công ty đó được bộ Ngoại Giao phê chuẩn việc mua lại một công ty Uranium Mỹ, thì TTDC cho đó là chuyện … tình cờ.

Đủ loại ‘thầy bàn’ ra đời để bàn về đủ mọi chuyện, kể cả những chuyện họ mù tịt như những chuyện phức tạp về ngân sách, công nợ, thất nghiệp,... Mù tịt đến độ dịch qua tiếng Việt cũng không xong.

ĐIều đáng nói là những chi tiết lặt vặt hay những chuyện xấu xa bất cần bằng chứng lại rất hợp ‘gu’ với đại đa số quần chúng vừa có tính hiếu kỳ vừa không đủ trình độ đọc, hiểu và bàn về chuyện chính sách lớn.

Hậu quả của những tấn công TT Trump là CH sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bình thường trong kỳ bầu cử quốc hội tới vì bị họa lây.

Về phần đảng DC thì tình hình khác xa.
Điểm nổi bất nhất là đảng DC đưa cả ngàn ứng cử viên ra tranh cử mà lạ lùng thay, chẳng có một chương trình gì ghê gớm hơn kế hoạch đánh Trump.

Tất cả quan điểm, chủ trương, sách lược, chiến thuật, kế hoạch, khẩu hiệu, ... tất cả có thể tóm lược lại trong đúng hai chữ “chống Trump”.

Chống hết, chống tất cả những gì Trump nói, làm, đề nghị, hứa hẹn. Chống vô điều kiện và vô giới hạn. Chống luôn cả những chuyện Trump chưa làm hay chưa nói.
Nếu cần phịa luôn ra chuyện để có dịp chống, dùng bài viết nạc danh, hay bất cứ sách nào bôi bác những chuyện kín hậu trường, bất kể có thật hay không ra làm lý cớ để chống.

Đó chính là ‘đại cương lĩnh’ của đảng DC.
Nhận xét này có quá đáng không? Quý độc giả có thể tự kiểm tra xem trong cuộc bầu tới này, DC đề nghị chính sách gì? Mở báo hay TV ra xem thì sẽ thấy TTDC đang bàn về chính sách mới của DC hay đang chửi Trump?

Thật ra, cũng có vài ứng cử viên tránh không bàn đến ông Trump. Đó là một nhúm các ứng cử viên DC ra tranh cử trong những vùng ông Trump đã thắng bà Hillary. Họ bị kẹt trong thế đu giây giữa chống ông Trump vì đảng, và bênh ông Trump để kiếm phiếu của cử tri của Trump.

Kết quả là họ chọn giải pháp dễ nhất: tập trung tranh cử trên vài vấn đề có tính địa phương trong khi tránh né bàn chuyện quốc gia, liên quan đến TT Trump.

Công bằng mà nói thì cũng có vài ba ứng cử viên DC có chủ trương khá rõ nét, không dính dáng đến việc bôi bác cá nhân ông Trump. Có chương trình hành động cụ thể, đi xa hơn việc chống Trump thật.

Đó là vài ứng cử viên –đếm trên đầu vài ngón tay của một bàn tay- của khối ‘tinh hoa xã hội chủ nghiã’ mới chớm nở của đảng DC.

Tiêu biểu là hai cô ứng cử viên dân biểu da đen còn trong tuổi hỷ mũi chưa sạch, Alexandria Ocasio-Cortez và Ayanna Pressley.

Chương trình của hai cô này, bảo đảm cụ Các Mác bên kia thế giới đang khui sâm banh ăn mừng: miễn phí tất cả cho dân: đi học miễn phí, săn sóc sức khỏe miễn phí, lương tối thiểu 15 đồng một giờ cho tất cả mọi người bất kể làm nghề gì, Nhà Nước trả tiền chống hâm nóng điạ cầu cho cả thế giới, mở toang biên giới (no ban, no wall, no ICE).

Tiền đâu ra? Dễ thôi: tăng thuế ‘nhà giàu’! Chẳng ai rõ ai là ‘nhà giàu’.
So với nhu cầu của hai cô này thì tất cả những ai không phải ăn mì gói đều là ‘nhà giàu’ cần phải đánh thuế hết.

Không kể các cụ tỵ nạn sống bằng trợ cấp dĩ nhiên tung hô hết cỡ, câu hỏi cho cả nước là tại sao lại có người có thể đề nghị những chương trình quái gở như vậy?

Câu trả lời rất giản dị: đó là cách ‘chơi nổi’ tạo tên tuổi để kiếm phiếu, nhưng chẳng có hại gì vì đám cực tả này biết chắc chương trình của họ có đúng 0,0000% hy vọng được thực hiện.
Vì chẳng bao giờ có ai nghĩ ra được cách nào kiếm đủ tiền để chi trả những dự án đại đồng vĩ đại này.

Đám quá khích có thể sẽ thắng trong các cuộc bầu nội bộ trong đảng DC, nhưng sẽ là đại họa khi ra tranh cử chống phe CH. Dù vậy, không ai có thể coi thường đám thiên tả quá khích này.

Có nhiều triển vọng nội bộ DC sẽ bị xâu xé nặng giữa hai khối cấp tiến già và thiên tả trẻ.
Bây giờ, ta nhìn qua cuộc bầu bán.

Trước hết là Thượng Viện.
Hiện nay, CH nắm đa số, nhưng rất mỏng, có đúng một phiếu, 51-49. DC chỉ cần thắng thêm 2 ghế là đủ chiếm đa số. Chẳng những đa số CH mong manh, mà khối DC có vẻ đoàn kết tuyệt đối trong khi khối CH phân tán làm hai phe ủng hộ hay chống TT Trump.

Lợi thế lớn của CH là chỉ có 10 ông nghị sĩ phải ra tranh cử lại trong khi bên DC có tới 23 vị, mà gần một nửa phải ra tranh cử lại tại những tiểu bang TT Trump đã thắng.

Theo nghiên cứu của trang mạng Real Politics, trong cuộc bầu tới, DC có thể mất ba ghế và CH cũng mất ba ghế, đưa đến kết quả là sẽ không có thay đổi gì hết, CH sẽ giữ thế đa số 51 ghế.

Tiên đoán này bị nhiều người cho là có phần thiên về DC, và thực tế, DC có thể sẽ mất nhiều ghế hơn, và khối đa số CH có thể sẽ tăng lên tới 53 hay 54 ghế.
Dù sao thì đa số 51 hay 55 ghế thì cũng chẳng có gì khác biệt nhiều.

Sự kiện quan trọng nhất vẫn là phe chống đối TT Trump sẽ không có cách nào có đủ 67 phiếu để truất phế TT Trump nếu ông này bị Hạ Viện đàn hặc. Cũng chẳng có đảng nào đạt được đa số tuyệt đối 60 ghế để có thể thông qua những luật lớn. Nghĩa là sẽ có bế tắc lớn.

Còn Hạ Viện thì sao?
Hiện nay, CH đang giữ đa số tại Hạ Viện, nhưng là một đa số cũng mong manh. Chỉ cần phe DC chiếm được 24 ghế là họ sẽ chiếm đa số, một việc không khó khăn lắm.

Trong hai lần bầu quốc hội giữa mùa đầu tiên của các TT Clinton và Obama, năm 1994 và 2010, đảng nắm quyền DC đã mất 54 và 63 ghế. Chiếu theo kinh nghiệm lịch sử, bây giờ đảng CH có mất 24 ghế thì cũng không phải là chuyện lạ.

Theo nhiều chuyên gia, DC có thể sẽ thắng từ 30 đến 40 ghế, chiếm đa số khoảng một chục ghế tối thiểu.
Trước hết, phải nói cho ngay, mọi tiên đoán của ‘chuyên gia’ đều không khác gì các tiên đoán của mấy ông thầy bói, bất kể mù hay không. Tháng 9 năm 2016, bao nhiêu chuyên gia tiên đoán ông Trump sẽ là tổng thống thứ 45 của Mỹ?

Bên nào thắng, bên nào thua, phải đợi sau bầu cử mới biết được chứ bây giờ ai cũng mù tịt, phần lớn đoán mò theo tính phe đảng của mình thôi.

Điều chúng ta có thể bàn là chuyện gì sẽ xẩy ra sau kết quả bầu cử.
Nếu CH giữ được đa số Hạ Viện, TT Trump sẽ thúc đẩy hai dự án lớn mà ông muốn thực hiện mà hiện nay chưa đi đến đâu hết. Đó là việc xây bức tường biên giới Mễ và nâng cấp hạ tầng cơ sở, đường xá, cầu cống. Dĩ nhiên còn hai dự án nữa mà ông sẽ cố xúc tiến là giải quyết vấn nạn di dân Nam Mỹ, và Obamacare.

Ta sẽ thấy tranh cãi ồn ào nhất, nhưng rồi cuối cùng TT Trump sẽ được mãn nguyện, không nhiều thì ít.
Nếu CH thắng thì sẽ là chiến thắng vĩ đại của TT Trump, coi như ông này đã hoàn tất việc ‘chiếm’ đảng CH. Việc ông ra tái tranh cử năm 2020 coi như chắc chắn, tuy tái đắc cử hay không là chuyện khác.

Có điều chắc chắn không kém là TT Trump sẽ cải tổ nội các sâu rộng, kiếm người thực sự đồng chí hướng mà ông có thể tin tưởng tuyệt đối, để chuẩn bị cho cuộc tranh cử 2020.

Về phần đảng DC, đây sẽ là đại họa. Trước tiên, đảng này sẽ bị phân hoá nặng giữa phe ‘già’ tương đối ôn hoà Nancy Pelosi và Chuck Schumer, và phe thiên tả nặng của ông cháu Sanders-OcasioCortez.
Ta sẽ có dịp chứng kiến đại chiến nội bộ DC, với hai bên xỉa tay đổ lỗi cho nhau về thất bại bầu cử.

Bên nào thắng không biết, nhưng có nhiều triển vọng cho dù phe già, ôn hòa thắng thì ông Schumer và nhất là bà Pelosi có nhiều hy vọng mất job lãnh đạo đảng.

Các chuyên gia sẽ mổ xẻ vấn đề và nghiên cứu cách cứu sống cái xác ma DC. Có nhiều triển vọng DC sẽ không hồi sinh lại kịp cho kỳ bầu tổng thống năm 2020.

Nếu DC chiếm đa số tại Hạ Viện như nhiều người dự đoán, chính trường Mỹ sẽ đi từ bế tắc đến khủng hoảng.
Trường hợp nhẹ nhàng nhất, lạc quan nhất là phe DC sẽ đưa ra hàng loạt dự luật để TT Trump bác bỏ.

Và Hạ Viện cũng sẽ biểu quyết chống lại tất cả mọi đề nghị của TT Trump, và ông này sẽ chẳng làm gì được hết.
Hai bên sẽ đổ thừa qua lại suốt ngày. TT Trump có thể đi đánh gôn 7 ngày một tuần, 50 tuần một năm, cũng chẳng sao ngoài việc bị chửi rủa mà ông sẽ lãnh đủ, cho dù ngồi nhà không đi đánh gôn gì hết.

Không đi đánh gôn thì có cả ngày ngồi tuýt cho TTDC và phe cấp tiến phát điên.

Trường hợp thực tế hơn, Hạ Viện sẽ mở ra vài chục cuộc điều tra đủ kiểu, đủ loại về cá nhân TT Trump, về tất cả các quyết định, các câu nói của ông từ ngày ông bắt đầu biết nói, về các hoạt động của vợ lớn, vợ bé, vợ mới, vợ cũ, con trai, con gái, dâu, rể, chú, bác, cô, dì, phụ tá kể cả tài xế, đầu bếp và cận vệ.

Tất cả các cô gái đứng đường tại New York từ 20 tuổi đến 80 tuổi sẽ được mời ra điều trần trước quốc hội.
Cô nào ‘may mắn’ có dịp giao du với ông Trump và sẵn sàng ra kể lại cho các dân biểu nghe những chi tiết hấp dẫn sau bức màn the, sẽ được phong làm ‘anh hùng dân tộc’, tặng cho chìa khoá Hạ Viện.

Cả quốc hội sẽ làm việc overtime không ngừng nghỉ 365 ngày một năm cho đáng đồng lương từ tiền thuế của chúng ta.

Trường hợp gia trọng nhất, Hạ Viện sẽ đàn hặc TT Trump. Tất cả đều tùy thuộc tính toán chính trị qua thăm dò dư luận do các báo Washington Post và New York Times tổ chức.

Phe chủ trương đàn hặc có đủ túc số phiếu để đàn hặc hay không là chuyện không quan trọng vì yếu tố chủ chốt là có dịp tố cáo, bôi bác, và hạ nhục TT Trump trong màn kịch đàn hặc thôi vì ai cũng biết đàn hặc cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu vì không bao giờ có đủ phiếu tại Thượng Viện để truất phế.

Có khi thủ tục đàn hặc sẽ kéo dài năm này qua tháng khác, càng lâu càng tốt.
Ít ra thì cũng cản không cho ông Trump ra tranh cử lại năm 2020. Giống như cuộc điều tra của công tố Mueller, kéo dài lê thê lướt thướt để nuôi dưỡng những nghi ngờ và chỉ trích.

Sau khi thất bại, đảng CH sẽ phải tự mổ xẻ, nghiên cứu cách cứu vãn tình thế. Cuộc chiến giữa TT Trump và phe #NeverTrump sẽ tăng cường độ và cả hai bên sẽ đổ thừa qua lại về trách nhiệm thất bại trong cuộc bầu quốc hội.
Phúc trình của công tố Mueller cũng sẽ đóng một vai trò, quan trọng hay không tùy theo tình hình.

Nếu phúc trình được đưa ra trước ngày bầu cử và tố giác TT Trump về một hay nhiều tội nào đó thì sẽ là đại họa cho đảng CH vì sẽ được phe DC khai thác triệt để trong cuộc bầu cử.

Ngược lại nếu bạch hóa ông Trump thì phe CH sẽ khai thác tối đa và phe DC mất thêm một lý do để được bầu.
Nếu ông Mueller đợi sau khi bầu bán mới công bố phúc trình thì cũng tùy trong đó có tố cáo TT Trump tội gì hay không, và tùy phe nào thắng cuộc bầu cử.

Phe DC thắng và phúc trình kết tội TT Trump, bất kể tội gì, lớn hay nhỏ, thì phúc trình sẽ được nâng lên tới mức quan trọng ngang hàng với Hiến Pháp và đàn hặc sẽ dựa trên phúc trình này.

Nếu phúc trình của ông Mueller bạch hóa mọi tội của ông Trump, thì chỉ ba ngày sau là cả nước không còn nhớ ông Mueller là ai nữa. Vào Google tìm tên ‘Mueller’ cũng không còn thấy nữa.

Nếu phe CH thắng cuộc bầu, phúc trình của ông Mueller sẽ mất hết ý nghiã, sẽ bị phe ông Trump tìm cách chôn vùi bất kể TT Trump có tội gì hay không.

Quý độc giả thấy ngay quá nhiều cái ‘nếu’ nên tất cả những lời bàn đều vô giá trị.

Dù sao thì cũng chẳng có cách nào TT Trump bị truất phế bất kể kết quả bầu cử, và ông sẽ ngồi tới 2020. Ra tranh cử nữa hay không khi đó mới tính được.

Cuộc bầu quốc hội cuối năm nay sẽ là yếu tố quyết định lớn nhất. Các cuộc tấn công của ông Mueller và TTDC là con dao hai lưỡi, chưa biết sẽ chém trúng Trump hay trúng đảng DC.

Câu hỏi tới, dân tỵ nạn sẽ làm gì? Dĩ nhiên, một số lớn sẽ chẳng để ý gì hết, một số nhỏ sẽ rủ nhau đi bầu, nhất là khi có một ứng cử viên gốc Việt tranh cử.

Hầu hết dân tỵ nạn ta chẳng là đảng viên đảng chính trị Mỹ nào, phần lớn vì không hiểu rõ khác biệt về hai đảng. Một số lớn sẽ bầu cho ứng viên gốc Việt, bất kể thuộc đảng nào.
Nếu có hai ứng cử viên gốc Việt thì đa số sẽ bầu cho ông/bà DC, chỉ vì thành kiến cố hữu DC là ‘đảng của dân nghèo’, DC là ‘đảng của trợ cấp’.
Thái độ đúng đắn nhất có phải là không a-dua theo chiều gió của TTDC không?

Nên quên chuyện đảng phái chính trị Mỹ đánh nhau, quên chuyện cấp tiến, bảo thủ Mỹ đánh nhau, hay chuyện TTDC đánh tổng thống, quên luôn ba cái tuýt lăng nhăng của Trump mà chính mình cũng chưa đọc hay đọc mà không hiểu rõ, mà hãy nhìn cho kỹ đảng nào đang làm gì có lợi hay có hại cho gia đình và cá nhân mình, cho cộng đồng tỵ nạn, và cho quyền lợi dân và nước Việt của ta.

Với khối dân lao động, nhớ lại xem đảng nào đang mang lại công ăn việc làm cho dân, trong đó dĩ nhiên có dân tỵ nạn ta?

Nếu là dân trung lưu phải đóng thuế bá thở, thì có nên suy nghĩ lại xem đảng nào đã giảm thuế cho mình không? Hay nhìn xa hơn nữa, đảng nào chủ trương thu hồi luật giảm thuế của TT Trump?

Nếu là dân đang sống nhờ trợ cấp, cần tự hỏi trong lịch sử, đã có tổng thống CH nào cắt trợ cấp như phe cấp tiến hù dọa chưa?

Nếu là người có nhu cầu y tế, hãy coi lại xem với Obamacare, mình đóng bảo hiểm đắt hơn hay rẻ hơn, tiền deductible cao hơn bao nhiêu, lấy hẹn bác sĩ chờ lâu hơn bao lâu?

Nếu còn nghĩ đến quê nhà, nghĩ lại thử Mỹ bắt tay với Nga chặn Trung Cộng tốt hơn? Hay Mỹ đánh Putin, bắt tay với Tập Cận Bình lập đặc khu kinh tế tại VN tốt cho nước ta hơn?

Cuối cùng, nghĩ lại thân phận tỵ nạn có ‘sướng’ không? Rồi nghĩ lại đảng nào đã cắt hết viện trợ quân sự không cho QLVNCH súng đạn để tự vệ chống CSBV.
Nhất là nghĩ lại đảng của các ông Biden, Kerry, Brown,... có hoan nghênh khi mình mới thoát nạn CS đặt chân đến nước Mỹ không?

Những câu hỏi trên, có cần viết câu trả lời ra không?

Vũ Linh Sep 14, 2018 http://diendantraichieu.blogspot.com/2018/09/bau-cu-toi.html#more

Vịnh Nghi
09-15-2018, 09:10 AM
Chào anh hongnguyen!

Tuy có hơi trễ nhưng Nghi xin hỏi một câu, thread này anh mở ra để đăng những bài "Bình Luận của Vũ Linh", Nghi thì cứ nhào vô bàn loạn, liệu có phiền, hay làm loãng chủ đề của anh không? Nếu có thì Nghi sẽ xí hết loạn bàn.

hongnguyen
09-15-2018, 01:27 PM
Chào anh hongnguyen!

Tuy có hơi trễ nhưng Nghi xin hỏi một câu, thread này anh mở ra để đăng những bài "Bình Luận của Vũ Linh", Nghi thì cứ nhào vô bàn loạn, liệu có phiền, hay làm loãng chủ đề của anh không? Nếu có thì Nghi sẽ xí hết loạn bàn.

Không phiền tí nào. Chỉ không welcome "phe địch", còn phe ta thì tha hồ bàn loạn :).
Chỉ có điều tôi cần xin lỗi trước là tôi chỉ vô đây khi cần đăng bài thôi, xong là tôi đi luôn. Nên "phe ta" cứ việc tự nhiên ra vô mà không cần quan tâm tới tôi nhé :).

hongnguyen
09-15-2018, 01:31 PM
Tin Ngắn Hoa Kỳ


ĐẤNG TIÊN TRI HẠ SAN
Hai tháng trước ngày bầu cử giữa mùa, TT Obama chấm dứt việc giữ im lặng và quyết định săn tay áo lên, ra vận động tranh cử cho các ứng cử viên DC.

Đây là việc làm chưa từng có trong lịch sử chính trị Mỹ. PTT Pence đã tỏ ý “thất vọng” thấy một cựu tổng thống phá lệ, nhẩy vào võ đài đấm đá thay vì giữ tư cách cựu quốc trưởng đứng trên đảng phái.

Có vài lý do chính khiến ông đã phải ‘phá lệ’:

- TT Trump đang từng bước tháo gỡ gia tài cấp tiến ông đã khổ công gây dựng.

- Đảng DC có vẻ đang gặp khó khăn vì không có ứng cử viên nào sáng giá ra phất cờ cho đảng, cũng chẳng có chủ trương, sách lược gì ‘ăn tiền’ với cử tri.

- Trong cuộc bầu cử quốc hội sinh tử tới, đảng DC hoàn toàn trông cậy vào lá phiếu của dân da đen, mà TT Obama dĩ nhiên là người duy nhất có thể huy động cử tri da đen đi bầu.

Bài diễn văn đầu tiên đã được tung ra, hoàn toàn vẫn theo mô thức diễn văn tiêu biểu của Đấng Tiên Tri, tự ca tụng mình và tự đấm ngực khoe thành tích hão của mình nhiều hơn là nói về đảng DC hay về các ứng cử viên của đảng.

Có người đã đếm ông Obama nói về cái tôi –“me”, tới hơn 100 lần.
Phần lớn biện giải cho ‘thành tích’ của mình, nhận công về các thành quả của TT Trump, cũng là những ‘phá lệ’ của một cựu tổng thống với tư cách kém trong cái ‘tôi’ quá lớn, nhiều mặc cảm nên cố phân bua.

Kẻ này có thể viết nguyên một bài phản bác từng câu trong bài diễn văn đó, nhưng nghĩ lại, câu chuyện không đáng để mất thời giờ quá nhiều.
TT Obama là dĩ vãng. Có nói gì cũng chỉ còn dăm ba người luyến tiếc vì tính phe đảng, để rồi cũng chẳng đi đến đâu hết.

Chỉ muốn nêu lên vài điểm ‘hấp dẫn’ đáng lưu ý ba giây đồng hồ:

TT Obama nhìn nhận kinh tế đang phất, công ăn việc làm đang trở lại mạnh, rồi đấm ngực khoe công ngay là chính ông là người đã có công phục hồi kinh tế. TT Obama nhắc nhở thiên hạ phải nhớ lại xem “cuộc phục hồi bắt đầu khi nào”, ý muốn kể công cuộc phục hồi đã bắt đầu dưới thời của ông.

Thưa ‘ngài’, tôi nhớ rất rõ và xin nhắc lại ‘ngài’ là những biện pháp cứu nguy ngân hàng, cứu nguy các hãng xe, kích cầu kinh tế đầu tiên đều được TT Bush ban hành trước khi ‘ngài’ tuyên thệ nhậm chức.

Luật kích cầu kinh tế của ‘ngài’ được ký ngày 17 tháng 2 năm 2009, ba tuần sau khi ‘ngài’ tuyên thệ nhậm chức, chỉ xác nhận lại sách lược chặn khủng hoảng và phục hồi của TT Bush, với vài sửa đổi chi tiết.
‘Ngài’ chỉ là người tiếp tục thi hành các sách lược đó, mà lại thi hành một cách... dở ẹc, đưa đến phục hồi kinh tế yếu và chậm nhất lịch sử kinh tế Mỹ.

Theo cái lôgic của ‘ngài’, công giết Bin Laden là của TT Bush, là người đã phát động chiến dịch lùng bắt tên khủng bố này, bằng cách thành lập lực lượng SEAL đặc biệt, chứ không phải công của ‘ngài’, là người chỉ lưu giữ lực lượng này thôi.

‘Ngài’ chỉ là người ra lệnh giết sau khi Bin Laden đã được lực lượng đặc biệt đó tìm ra, một quyết định mà bất cứ anh sheriff làng nào cũng có thể lấy.

- Một câu nói để đời của ‘ngài’: “Sự thật là những công việc chế xuất đã mất rồi, sẽ không bao giờ trở về. Đã đến lúc khối dân trong kỹ nghệ này phải chuyển nghề, học nghề mới thôi”.
Đó là cách ‘ngài’ giải thích việc hàng triệu dân lao động trong vùng Đại Hồ mất jobs. Bây giờ, dưới TT Trump, hàng triệu người đó đang có công ăn việc làm lại.

- Một câu nói để đời khác của ‘ngài’: “Thời buổi của kinh tế tăng trưởng trên 2% đã là quá khứ rồi. Ông Trump tranh cử với kế hoạch tăng trưởng trên 4% sao? Ông ta có đũa thần chắc?”.

Tin giờ chót, tăng trưởng kinh tế trong hai tam cá nguyệt mới nhất đều là trên 4%.
Không, thưa ‘ngài”, ông Trump không có đũa thần, chỉ có tài kinh tế hơn ‘ngài’ thôi. ‘Ngài’ đừng nhắc thì người ta sẽ không nhớ lại những cái dở của ‘ngài’.

Cái miả mai lớn nhất là TT Obama hùng hổ liệt kê những ’thành tích’ của mình mà không ý thức được đó chính là những lý do khiến ông Trump đã đắc cử.

Kinh tế bết bát là lý do quan trọng nhất khiến dân lao động các tiểu bang kỹ nghệ Đại Hồ bỏ phiếu cho ông Trump. Không có những lá phiếu này, không có cách gì ông Trump đắc cử.

TT Obama cũng lập lại lý luận của bà Hillary, trách cứ cái đám dân bỏ phiếu cho ông Trump là đám dân kỳ thị, tệ hại,...
Kẻ này xin nhắc lại chính cái đám dân đó đã bỏ phiếu hàng loạt cho ông năm 2008 và 2012.
Khi đó họ có kỳ thị không? Có tệ hại không?

Cái di sản phân hóa của ông, là người đã từng được báo Washington Post phong là ‘tổng thống tạo phân hóa nhất lịch sử Mỹ’, thì dĩ nhiên TT Obama không nhắc đến. Hay chính xác hơn, nhắc đến nhưng không nói đến việc phân hoá... ‘bắt đầu từ khi nào’.

Mô thức Obama từ hồi nào đến giờ vẫn không thay đổi: có chuyện tốt thì rất nhanh nhảu nhẩy ra đấm ngực nhận công; có tin xấu thì biến mất, im re, hay xỉa tay đổ lỗi cho tất cả mọi người ngoại trừ chính mình.

KINH TẾ TRUMP TIẾP TỤC PHẮT
Giữa những lùm xùm của TTDC đánh phá TT Trump và trong khi cựu TT Obama bận khoe công, kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Hàng loạt chỉ dấu tiếp tục minh chứng cho việc này.

Chỉ số ‘lạc quan về tình trạng kinh doanh’ trong giới tiểu thương đã leo lên mức cao nhất kể từ thời TT Reagan cách đây 35 năm.

Theo nghiên cứu của Pew Research Center, lợi tức của giới trung lưu đã leo lên lại tới mức của năm 2000, khoảng trên 78.000 đô một năm cho một gia đình ba người.
Theo cách tính của Pew, khoảng một nửa dân Mỹ thuộc thành phần trung lưu, trong khi giới ‘nghèo’ chiếm 30% dân số và giới thượng lưu chiếm 20%.

Thị trường chứng khoán tiếp tục leo thang, với Dow Jones ở ngưỡng cửa 26.000 điểm và NASDAQ ở mức 8.000 điểm.

Báo ‘phe ta’ Washington Post đã viết bài nhìn nhận số việc làm lao động (blue-collar jobs) hiện nay đang tăng nhanh nhất từ hơn 30 năm qua, trong hai ngành chính là chế suất –manufacturing- và xây cất –construction, đặc biệt là trong các thành phố nhỏ và trong các vùng quê –rural areas-, là những vùng đất của Trump.

Chỉ trong một năm qua, khu vực blue collar này đã có thêm 656,000 người có job.

Theo đúng truyền thống TTDC, WaPo không thể nào đăng một tin tốt cho TT Trump mà không kèm theo một câu khều cẳng. Báo này cho rằng hai khu vực kinh tế trên chỉ tổng cộng có chưa tới 15% kinh tế Mỹ.

Điều WaPo không nói là đây là tin cực kỳ đáng lo ngại cho đảng DC vì hai khu vực này chính là hai khu vực sinh tử trong vùng Đại Hồ của Michigan, Pennsylvania, Ohio, Indiana, Wisconsin, Iowa. Không có được những tiểu bang này, DC không có cách nào vào Tòa Bạch Ốc được.

Bất kể TT Obama nhận công kiểu nào, người dân lao động chỉ nghĩ “dưới thời Obama tôi ăn tiền thất nghiệp, dưới thời Trump, tôi có việc làm, thế thì có đáng thắc mắc chuyện ông Trump ăn bánh trả tiền cách đây mấy chục năm không?”.

Theo một thăm dò mới nhất của WaPo, 58% dân Mỹ cho rằng tình hình kinh tế đang trong mức ‘tốt’ –good- đến ‘rất tốt’ -excellent.

Một thăm dò khác cho thấy 72% dân lao động –blue collar- ‘lạc quan’ về tình trạng tương lai, trong khi 76% dân làm việc ăn phòng –white collar- cũng tin như vậy. Đây là những chỉ dấu về lạc quan cao nhất từ mấy chục năm nay.

Trong khi đó, thành đồng của khối cấp tiến DC, tiểu bang Cali, một lần nữa, đã được xác nhận là tiểu bang với tỷ lệ dân nghèo cao nhất nước, đặc biệt là trong quận Los Angeles.
Ít nhất là 7 triệu người được liệt kê là sống dưới mức lợi tức tối thiểu.

DỰ LUẬT THUẾ MỚI
Khối CH trong Hạ Viện đang tìm cách ra luật mới về thuế, khiến luật giảm thuế cá nhân sẽ có hiệu lực vĩnh viễn.
Xin nhắc lại, trong luật giảm thuế vừa qua của TT Trump, trong khi việc giảm thuế lợi nhuận công ty có hiệu lực vĩnh viễn, thì các thuế xuất lợi tức cá nhân cũng như khấu trừ tiêu chuẩn cá nhân –standard deduction- chỉ có hiệu lực đến năm 2025 thôi.

Luật thuế mới cũng sẽ có thêm nhiều luật phụ khác, chẳng hạn như cho phép mọi người có thể tiếp tục bỏ tiền vào các trương mục tiết kiệm như 401K hay IRA sau khi đã qua tuổi 70 ½.

Luật hiện hành chỉ cho phép bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm đến 70 tuổi rưỡi, sau đó, bắt buộc mỗi năm phải rút ra một số tối thiểu. Luật mới cũng sẽ cho phép lấy tiền trong các quỹ tiết kiệm trên để trang trải học phí đại học cho con cháu.

Nhiều chi tiết khác cũng đã được đề cập đến trong dự luật mới.
Tuy nhiên việc thông qua dự luật sẽ gặp nhiều khó khăn khi chỉ còn hai tháng nữa là có bầu quốc hội.
Nếu dây dưa qua bầu cử thì mọi việc sẽ tùy thuộc đảng nào thắng cử chiếm đa số Hạ Viện và Thượng Viện.

YALE ỦNG HỘ KAVANAUGH
Trường Đại Học Luật Yale, danh tiếng nhất thế giới –
cũng là trường có khuynh hướng cấp tiến nặng- mới đây đã ra tuyên cáo có chữ ký của khoa trưởng Heather K. Gerken cùng nhiều giáo sư luật của trường, ca tụng thẩm phán Kavanaugh hết lời,
cho ông là người thật sự xứng đáng vào Tối Cao Pháp Viện vì sự hiểu biết uyên bác cũng như tinh thần tôn trọng Hiến Pháp hết sức đặc biệt của ông.

Một GS, ông Abbe Gluck than phiền là “chính trị đã gây hại cho thủ tục pháp lý để bổ nhiệm thẩm phán TCPV”.

Đây cũng là nhận định của TP Clarence Thomas, thẩm phán da đen duy nhất được TT Bush cha bổ nhiệm.

Ngay cả bà thẩm phán TCPV Ruth Bader Ginsberg cũng than phiền cuộc điều trần phê chuẩn ông Kavanaugh đã bị tính phe đảng chính trị chi phối quá nhiều.

Bà Ginsburg được TT Clinton đề cử và được phê chuẩn với 96/100 phiếu, trong đó có 40 phiếu của khối bảo thủ CH cho dù khi đó bà đã nổi tiếng là cấp tiến nặng.

Tinh thần hợp tác lưỡng đảng bây giờ đã chết rồi khi gần như tất cả các nghị sĩ DC quyết tâm chống ông Kavanaugh đến cùng.

Hậu thuẫn của Yale được công bố ngay sau khi Thượng Viện chấm dứt ba ngày điều trần ông Kavanaugh, đã khiến cho các thượng nghị sĩ DC hết sức bối rối, khó lên án ông Kavanaugh như một quan tòa kỳ thị da đen và kỳ thi ̣phụ nữ, nặng tính phe đảng, chỉ được bổ nhiệm trong mục đích bảo vệ TT Trump trong trường hợp ông bị công tố Mueller truy tố.

Trong câu chuyện phê chuẩn ông Kavanaugh, có vài sự kiện đáng bàn chơi cho vui.

- Bà TNS Dianne Feinstein của Cali, lên tếng cảnh giác “nếu ông Kavanaugh được phê chuẩn, sinh mạng hàng triệu phụ nữ sẽ bị đe dọa vì TCPV sẽ cấm phá thai”.

Bà nêu bằng chứng là trước khi có luật Roe vs. Wade, là án lệ của TCPV cho phá thai, đã có “hơn 1,2 triệu phụ nữ bị chết mỗi năm vì phá thai trong các thập niên 1950-1960”.

Fake news! Con số 1,2 triệu phụ nữ là số phụ nữ đi phá thai chứ không phải số phụ nữ chết vì phá thai. Số tử vong chỉ có chưa tới 1.000 người mỗi năm.
-

Cũng bà Feinstein đã thực sự ‘biến thái’, dở trò hạ cấp chưa từng thấy trong lịch sử đấm đá chính trị Mỹ:
tiết lộ đã trao cho FBI một lá thư nặc danh tố cáo ông Kavanaugh trong thời trung học, đã có ‘bồ’, xách nhiểu cô này, hứa hẹn cưới nhưng không giữ lời hứa.

Bà Feinstein cho biết đã có bức thư từ hơn ba tháng nhưng im re, chờ đến bây giờ mới ‘phục kích’ ông Kavanaugh.

FBI đã cho biết sẽ không điều tra gì hết vì tính vớ vẩn của bức thư nặc danh.

Cụ tỵ nạn nào cảm thấy sốc nặng về chuyện này xin trước khi sỉ vả ông Kavanaugh theo chân bà Feinstein, nhìn lại gương xem khi mình còn là học trò đã có đào/kép gì đó, hẹn cưới mà không cưới không, để xem chuyện đó là ‘đại tội’ lớn cỡ nào.

- TNS Cory Booker hùng hổ công bố vài ‘emails tối mật’ của ông Kavanaugh đã gửi đi khi còn làm việc trong văn phòng pháp lý của Tòa Bạch Ốc dưới thời TT Bush con.

Điều đáng nói là những emails này đã được Tòa Bạch Ốc duyệt và chấp nhận cho công bố, nhưng chưa kịp công bố thì ông Booker đã ‘nhanh chân’ công bố trước, làm như thể ông có tin giựt gân mà Tòa Bạch Ốc dấu nhẹm.

NHỮNG VẤN ĐỀ DI DÂN
Thời gian qua, đã có vài tin mới liên quan đến vấn đề di dân.

Tin của báo Washington Times cho biết số di dân lậu bị bắt tại biên giới Mễ đã tăng lên đến mức kỷ lục.
Trong năm qua, hơn 90.000 gia đình –family units- đã bị bắt so với 78.000 năm ngoái.

Các viên chức biên phòng cho biết gia tăng này là hậu quả của nhiều yếu tố, đặc biệt là những chính sách di dân rất tai hại như:

- cấm chia cắt gia đình, do đó nhiều gia đình đã mang theo trẻ con vì biết họ có nhiều hy vọng chính quyền Mỹ bắt buộc phải trả tự do cho họ vì tòa Mỹ cấm chia cách gia đình đồng thời cũng cấm luôn việc giam giữ trẻ em;

- luật ‘An Toàn Di Dân’ -Sanctuary Law- của tiểu bang Cali khuyến khích di dân tràn qua Mỹ với hy vọng sẽ được Cali bảo vệ chống việc chính quyền liên bang trục xuất.

Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters loan tin hàng ngàn bố mẹ di dân lậu bị bắt, trục xuất về nước, đã không chịu nhận lại con cái được chính quyền trả về gia đình lại theo đúng quyết định của tòa.

Những trẻ em này bị cách ly khi bố mẹ bị bắt giam, sau đó bố mẹ bị trục xuất về nước. Bây giờ chính phủ Mỹ muốn trả con cái về cho họ để đoàn tụ gia đình lại.
Nhưng đa số bố mẹ này từ chối không nhận đám con lại.

Lý do dễ hiểu là họ muốn con của họ vẫn được ở lại Mỹ, sau này sẽ có dịp ‘bảo trợ’ họ qua Mỹ luôn.

Tin mới nhất do Breitbart loan: cảnh sát biên giới Mỹ mới bắt được hơn 100 người Bangladesh trong đám di dân lậu băng qua biên giới Mễ - Texas.

Bangladesh là xứ Hồi giáo nằm giữa Ấn Độ và Miến Điện tuốt bên Đông Á.
Vậy mà họ cũng kiếm được đường vào Mỹ bất hợp pháp qua ngã Mễ. Dân nước này không có lý do chính trị hay kinh tế nào để được xin quy chế tỵ nạn hay di dân qua Mỹ.

Câu hỏi cho chính phủ Mỹ: như vậy trong đám di dân lậu, có thể có bao nhiêu tên khủng bố từ Trung Đông len lỏi vào qua ngã Mễ?

CHỦ TỊCH CBS BỊ TREO GIÒ
Chủ tịch tập đoàn truyền thông CBS, ông Leslie Moonves, đã bị ‘treo giờ’, ngưng chức, chuyển qua làm ‘cố vấn’ vì bị một tá phụ nữ tố giác đã xách nhiễu tình dục họ.

Ông Moonves không bị sa thải vì theo hợp đồng, nếu sa thải, ông sẽ nhận được 120 triệu tiền bù đắp.
CBS chưa muốn trả số tiền khổng lồ đó, nên lưu giữ ông làm cố vấn trong khi chờ đợi điều tra để có lý do chính đáng sa thải mà khỏi phả trả bạc trăm triệu.

Ông Moonves trong hai năm qua đã lãnh lương khoảng 70 triệu đô mỗi năm.
Ông Moonves là nhân vật nổi tiếng thứ nhì của CBS mất job vì bị tố xách nhiễu tình dục, sau nhà báo kỳ cựu Charlie Rose.

Vài ngày sau ông Moonves mất job, ông Jeff Fager, giám đốc chương trình nổi tiếng ’60 minutes’ của CBS cũng bị mất job, cũng vì nguyên do xách nhiễu tình dục.

Đây là những tin khiến TTDC hết sức bối rối. Ai cũng biết trong thời gian qua, TTDC luôn hô hoán những chuyện xách nhiễu tình dục, làm như họ là những chiến sĩ tranh đấu tuyệt đối cho việc tôn trọng phụ nữ.

Tất cả chỉ là những tuồng hát hạng bét, cho đến khi bị lộ mặt giả dối thô bỉ nhất.

Vũ Linh Sep 14, 2018
https://baotgm.net/vu-linh-tin-van-cuoi-tuan-15-9/

hongnguyen
09-22-2018, 09:01 AM
Thể chế dân chủ gương mẫu của Mỹ đâu rồi? Vào thùng rác nào rồi?

Câu chuyện này cũng giải thích việc chính trị Mỹ càng ngày càng xuống cấp khi những người tài giỏi, có khả năng, càng ngày càng trốn chạy.
Không một người nào, cho dù tư cách cao đến đâu lại có thể không làm hay nói một điều gì sai lầm trong gần suốt một đời người, cho đến tuổi lục tuần hay thất tuần.
Đi xa hơn nữa, cho dù họ có tư cách thật, không thể lục ra được một chuyện sai lầm nào thì… cũng bị những người chống đối phịa ra chuyện để đánh.
Trong tình huống đó, ai cần ra tham chính, ai dám chường mặt ra? Không phải sợ mình bị nhục mạ không, mà còn sợ cả vợ lẫn con bị tạt bùn vào mặt nữa.



TRẬN CHIẾN ĐÁNH KAVANAUGH
Tuần qua, Thượng Viện thay vì bỏ phiếu quyết định việc phê chuẩn thẩm phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện, đã bỏ thời giờ ra, lên sân khấu diễn tuồng mới cho dân Mỹ và cả thế giới coi. Tấn tuồng cực kỳ hấp dẫn vì liên quan đến chuyện… sex, là chuyện từ ông già bà lão cho đến thanh niên mới lớn, đều thích nghe và muốn biết chi tiết. Cho dù là chuyện tưởng tượng hay fake news.

Thật ra câu chuyện này nếu viết thành tiểu thuyết khiêu dâm thì bảo đảm phải uống thêm vài viên Viagra mới cảm thấy ‘hưng phấn’. Đây là tóm lược câu chuyện:

CÂU CHUYỆN
Một cậu học sinh trung học 17 tuổi, dự một party ăn nhậu, nhẩy đầm của một nhúm học sinh nhóc, gồm tổng cộng 5 người. Uống say xỉn, kéo một cô học sinh 15 tuổi vào phòng ngủ, đóng cửa, đè ra hôn hít và tìm cách đi xa hơn.
Chưa kịp gì thì một anh bạn nhẩy vào, muốn ké cho vui, nhưng cả ba té từ trên giường xuống đất, cô này xô cả hai ra, chạy ra khỏi phòng. Hết chuyện! Chẳng có hiếp dâm, chẳng có ‘múa lân hội đồng’, chẳng có gì khác. Cũng chẳng có hậu quả gì. Câu chuyện đi vào quên lãng trong hơn 35 năm.

Chưa hết. Đây cũng chỉ là câu chuyện do cô học sinh bây giờ đã 51 tuổi kể lại. Cả hai anh học sinh đều phủ nhận, một anh cho rằng không hề tham dự cái party đó và chưa bao giờ có hành động sỗ sàng như vậy.

Anh bạn, nhân vật thứ ba, cũng cho biết chẳng hề có câu chuyện như vậy, và từ chối không chịu bàn thêm vì không muốn dính dáng vào một chuyện vu cáo sặc mùi chính trị vớ vẩn. Một anh học sinh khác bị nêu tên cũng bác bỏ và khẳng định anh chẳng biết gì về chuyện này.
Nói cách khác, trong 5 người, có 1 người tố giác, 3 người phủ nhận, 1 người chưa tìm ra được để hỏi ý.

Câu chuyện bắt đầu nổ đùng khi bà thượng nghị sĩ bát tuần Dianne Feinstein của Cali (Cali dĩ nhiên) loan tin bà đã nhận được một bức thư nặc danh của một bà, tố đích danh ông Kavanaugh cách đây hơn 35 năm (không phải 35 ngày đâu!) đã có hành động xách nhiễu tình dục bà.
Bà Feinstein cho biết đã trao bức thư đó cho FBI để điều tra.

Sau đó, bà nặc danh đã xuất hiện, là giáo sư tâm lý học Christine Blasey Ford của đại học Palo Alto ở Cali (vẫn là Cali dĩ nhiên), đã từng ghi danh là cử tri của đảng DC.

CUỘC CHIẾN
Câu chuyện nghe thật vớ vẩn. Ấy vậy chứ phe cấp tiến, đảng DC và TTDC lớn tiếng tố cáo tội “toan tính hiếp dâm” –attempted rape-, lo đập trống khua chiêng đinh tai luôn, biến thành ... chuyện tận thế!

Đúng hơn là chuyện tận thế hàng tuần của tuần này. Tận thế của tuần trước qua rồi. Tận thế của tuần sau thì tuần sau mới tới.

Ngay trong câu chuyện này, người ta đã ngửi được mùi tanh ngòm của cá ươn. Bà Feinstein đã nhận được bức thư nặc danh từ hai tháng trước, nhưng giữ kín.

Tại sao? Câu trả lời rất giản dị. Hai lý do:

1. Câu chuyện vô giá trị và không đáng tin, bà Feinstein biết có tung ra cũng khó đi đến đâu. Nhưng bây giờ thì vì việc phê chuẩn ông Kavanaugh coi như không còn tránh được thì bà Feinstein trong thế tuyệt vọng, tung ra chiêu… tuyệt vọng!
Trong football Mỹ, cái đó gọi là ‘Hail Mary pass”, tức là đang thua, còn hai giây đồng hồ nữa kết thúc trận đấu nên liệng đại trái banh, may ra Đức Mẹ Mary giúp chiến thắng?

2. Đúng một tuần trước khi Thượng Viện biểu quyết, bức thư được tung ra. Ngay sau đó, tất cả khối DC và TTDC đồng loạt hợp ca bài “xì-căng-đan sex của thế kỷ, hoãn biểu quyết để điều tra”.
Tìm mọi cách trì hoãn việc phê chuẩn ông Kavanaugh. Phe CH đã phải nhượng bộ bước đầu: cuộc biểu quyết được hoãn lại và cả bà Ford lẫn ông Kavanaugh được mời ra điều trần cùng với một số nhân chứng.

Bà Ford ban đầu đã không trả lời thư mời điều trần của Thượng Viện, có nghĩa là bà không muốn ra điều trần, viện cớ FBI phải điều tra trước khi bà điều trần.
FBI hai lần từ chối điều tra vì câu chuyện ba đứa nhóc say xỉn làm trò trẻ con chẳng có hậu quả gì khác từ hơn ba chục năm, chẳng có bằng chứng hay nhân chứng gì.

Bà Ford cũng thú nhận bà không nhớ rõ câu chuyện xẩy ra ngày nào, tại địa điểm nào, và sau khi chạy ra khỏi phòng, bà đã làm gì, khi nào về nhà, bằng cách nào.
Thế thì điều tra cái gì?

Quái lạ hơn nữa, trong 35 năm qua, bà Ford không báo cho FBI cũng chẳng đòi điều tra, sao bây giờ mới đòi? Đã vậy, sau hơn 35 năm tỉnh bơ bây giờ bất thình lình bị “chấn thương tinh thần”!

Bà Ford cũng giải thích bà ngại “câu chuyện xẩy ra quá lâu và bà bị sốc nặng, nên có thể trí nhớ bà không vẹn toàn”. Nghiã là nếu ra điều trần, bị chất vấn về chi tiết, có thể sẽ lòi ra là chuyện phịa, không có thật?

Đừng quên điều trần trước Thượng Viện là điều trần có tuyên thệ nên chắc bà Ford rét, kiếm chuyện thoái thác.
Ngay cả bà Feinstein bây giờ cũng phải thú nhận không chắc câu chuyện của bà Ford đã có thật.

Luật sư của bà Ford giải thích bà Ford không muốn ra trước một diễn đàn với cả nước ngồi coi, trong khi bà bị tra hỏi chi tiết về đời sống riêng tư của bà.

Bà Ford lý luận thật ngây thơ nếu không muốn nói là ngớ ngẩn. Bà nghĩ bà có thể chỉ với một câu nói vu vơ phá tan sự nghiệp của một thẩm phán mà chẳng ai thắc mắc.
Bà sợ tên tuổi và danh dự của bà bị lôi xuống bùn. Thế thì bà có nghĩ đến tên tuổi và danh dự của TP Kavanaugh đã bị bà lôi xuống bùn không?

Thật ra lo sợ này chỉ là cái cớ phịa vì Thượng Viện đã cho bà lựa chọn, có thể điều trần mật, trước một số nhỏ thượng nghị sĩ, không lên TV gì hết, hay điều trần ngay tại nhà bà, không có báo chí, công chúng không biết gì hết.
Nhưng bà Ford và phe DC vẫn từ chối. Ý của bà và phe DC chỉ là muốn có một diễn đàn để công khai làm nhục ông Kavanaugh mà không ai được đụng đến bà. Công lý một chiều không hơn không kém.

Bà nghị sĩ DC của Hawaii, Maxie Hirono bênh vực bà Ford, cho rằng “không ai có quyền bắt bà Ford ra điều trần về một chuyện ô nhục đối với bà”.
Câu hỏi cho bà Hirono: thế thì DC có quyền bắt ông thẩm phán ra điều trần về chuyện ô nhục này sao?
Nếu nói về ô nhục, ai bị xúc phạm nặng hơn? Một bà vô danh chẳng biết ở đâu nhẩy ra với một câu chuyện không bằng chứng, không nhân chứng hay là một thẩm phán được đề cử vào TCPV?

Sau đó, trước áp lực của dư luận, bà Ford nhận ra điều trần, nhưng xin hoãn lại tới Thứ Năm tới, kèm theo một lô điều kiện.

Trước hết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có chuyện người được mời ra điều trần trước Thượng Viện lại đặt điều kiện, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Điều kiện quan trọng nhất của bà là không chấp nhận “ngồi cùng phòng” với ông Kavanaugh, có nghiã là sẽ không dám đối chất thẳng mặt với ông Kavanaugh.

Sau đó, bà Ford lựa ngày Thứ Năm là chơi mánh. Theo thủ tục Thượng Viện, nếu bà điều trần Thứ Năm thì Thượng Viện chỉ có thể biểu quyết cuối tuần sau, khi đó sẽ không kịp cho TP Kavanaugh được phê chuẩn trước niên khóa mới của TCPV, bắt đầu ngày 1 tháng 10.

Nếu điều trần chậm nhất là Thứ Tư thì có thể biểu quyết trong tuần tới, kịp thời cho niên khóa tới.
Tức là bà Ford muốn khai phá kẽ hở thủ tục Thượng Viện để biểu quyết sẽ phải hoãn lại qua sau bầu cử và TP Kavanaugh có thể sẽ không bao giờ được phê chuẩn nếu DC chiếm Thượng Viện

Cái mánh chui qua kẽ hở này chỉ có các nghị sĩ biết chứ bà Ford không thể biết. Chứng tỏ một sự thông đồng lộ liễu giữa bà Ford và các nghị sĩ DC.


Chiều Thứ Sáu qua, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp đã cho biết bà Ford phải ra điều trần ngày Thứ Tư tới chứ không thể trì hoãn được, trong khi tất cả các điều kiện của bà đều bị bác bỏ vì chưa khi nào Thượng Viện phải điều đình điều kiện điều trần với bất cứ ai. 10 giờ tối Thứ Sáu là thời hạn chót bà Ford phải trả lời có ra điều trần hay không.

Nếu không, Thượng Viện sẽ biểu quyết việc phê chuẩn ngày Thứ Hai. Khi bài này được đăng thì luật sư của bà Ford đã xin gia hạn thêm một ngày, tới tối Thứ Bẩy để trả lời và TNS Grassley, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp đã đồng ý. Thêm một cố gắng câu giờ để điều đình điều kiện.

THÁI ĐỘ CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ TTDC
Đảng DC và TTDC dĩ nhiên hậu thuẫn bà Ford tuyệt đối cho dù chẳng có bằng chứng hay nhân chừng nào, chỉ vì là ‘phe ta’, và nhất là có lý do vừa đánh ông Kavanaugh, tức là đánh Trump, vừa câu giờ.

Cựu PTT Joe Biden hùng hổ tuyên bố “Khi một phụ nữ tố giác bị xách nhiễu tình dục, thì ta phải tin ngay là bà đó đã nói sự thật”.
Xin lỗi ông, ông nịnh mấy bà cũng vừa phải thôi. Không thể nói đàn bà, bất cứ bà vô danh tiểu tốt ở đâu, luôn nói thật trong khi đàn ông tất nhiên là nói láo, kể cả một thẩm phán được đề cử vào cơ quan Tư Pháp cao nhất là TCPV.

Câu hỏi cho cụ Biden: thế trong câu chuyện TT Clinton thì tại sao ông không tin cả nửa tá bà đã tố TT Clinton hãm họ?
Khi đó, ông Biden làm thượng nghị sĩ tham dự vào cuộc bỏ phiếu truất phế TT Clinton, ông bỏ phiếu chống hay bảo vệ Clinton?

Hầu như tất cả các cơ quan của TTDC đều nhất tề tố cáo TP Kavanaugh đã làm chuyện bất chính, cần phải điều tra, và chứng minh mình vô tội.
Nền tảng luật pháp của Mỹ, ‘vô tội cho đến khi chứng minh được là có tội’, bây giờ đã bị phe DC và TTDC lật ngược bốn vó lên trời, ‘có tội cho đến khi chứng minh được là vô tội’.
Nhưng quy luật này chỉ áp dụng cho TT Trump hay cho đảng CH thôi, không áp dụng cho cánh DC.

Tính phe đảng và giả dối của phe cấp tiến khó có thể lộ liễu hơn.

Ông Kavanaugh cũng không phải là người duy nhất đang bi tố xách nhiễu tình dục. Phó chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, dân biểu Hồi giáo Keith Ellison cũng đang bị một bà ‘bạn gái’ tố đã hành hung, cưỡng hiếp bà.

Nhưng quý độc giả chắc không biết chuyện này vì TTDC im re và đảng DC chẳng những đã ‘không tin’ bà và bác bỏ lời tố giác của bà này, mà còn hậu thuẫn ông Ellison ra tranh cử chức bộ trưởng Tư Pháp của tiểu bang Minnesota.
Nếu không là thái độ giả dối phe đảng thô bỉ nhất thì là cái gì?

Một bằng chứng khác của sự giả dối của đảng DC và TTDC: tiếng nói chống ông Kavanaugh ồn ào nhất là của TNS Cory Booker.
Thông báo cho quý độc giả: ông Booker năm 1992 từng bị tố cáo và nhận tội thời trung học cũng đã đè một cô bạn ra hôn ẩu và ‘chộp’ cô ta, nhưng vẫn làm thượng nghị sĩ, lại đang chuẩn bị ra tranh cử tổng thống đấy.

Bà Hillary lên tiếng cho rằng việc FBI điều tra là cần thiết trước khi Thượng Viện có thể biểu quyết. Vậy sao?
Thế sao năm xưa không ai nghe bà yêu cầu FBI điều tra vụ cô Monica ngồi dưới gầm bàn trong Phòng Bầu Dục nhỉ?
Có ai nghe bà Hillary yêu cầu FBI điều tra hơn nửa tá bà tố bị ông chồng bà hãm không?

Bà Juanita Broaddrick, người đã từng tố cáo thống đốc Clinton hãm bà (không phải chỉ hôn ẩu và toan cưỡng hiếp không đâu), mới đây đã lên tiếng yêu cầu nếu FBI điều tra vụ bà Ford thì cũng phải điều tra luôn lời tố cáo của bà.
Chưa nghe bà Hillary lên tiếng ủng hộ ý kiến này.

Ở đây, cũng cần nhớ lại xem khối dân biểu và nghị sĩ DC đã xử thế như thế nào trước vụ ‘hút xì gà’', với cái áo đầm dính đầy ‘bằng chứng’ của ông tổng thống DC để thấy rõ sự lố bịch của họ.
Khi đó thì họ nhún vai, cho là chuyện sex bá láp, không có gì quan trọng, tất cả dân biểu và nghị sĩ DC bỏ phiếu chấp nhận ông Clinton vẫn đầy đủ tư cách làm quốc trưởng.

Bây giờ thì chỉ cần một câu nói vu vơ là ông Kavanaugh đã không còn đủ tư cách là thẩm phán nữa.

Từ chuyện bà Ford tung thư nạc danh rồi xuất hiện đúng thời điểm 35 năm sau, cho đến những việc như đòi điều trần, đòi FBI điều tra, đặt điều kiện, tất cả những thoái thác, kiếm cớ này nọ vẫn chỉ là những bằng chứng của phe DC thông đồng với TTDC và bà Ford để cản TP Kavanaugh. Chỉ che mắt được những người ngu ngơ phe phái nhất.

Một tài liệu mới xuất hiện: theo trang mạng The Daily Caller, có một bài nói chuyện của bà Ricki Seidman đã được thu âm đầu tháng Bẩy vừa qua, ba tuần trước khi bà Ford gửi thư nặc danh đến bà Feinstein.
Cuộc thu âm cho thấy bà Seidman, hiện là luật sư cố vấn của bà Ford, công khai cho cử tọa biết đã thảo xong một kế hoạch cản TP Kavanaugh.

Phe DC muốn cản ông Kavanaugh bằng mọi giá, nếu không được ngay bây giờ, thì hy vọng câu giờ cho qua cuộc bầu cử, biết đâu DC sẽ chiếm được đa số tại Thượng Viện thì coi như ông Kavanaugh –hay bất cứ ai khác do TT Trump đề cử- cũng sẽ bị lọt đài.

Trong trường hợp không có ai thay thế TP Kennedy mới từ nhiệm, TCPV sẽ bị bế tắc trong thế 4-4 cấp tiến-bảo thủ; trường hợp này, các án quyết của các tòa phá án mà đại đa số là quan tòa do TT Obama và Clinton bổ nhiệm, sẽ có giá trị, là ước nguyện của DC được toại nguyện.
Ta đừng quên chuyện các sắc luật di dân của TT Trump đã bị tất cả các tòa phá án bác bỏ, cho đến khi lên đến TCPV thì bị TCPV lật ngược.

Phe DC lo sợ TP Kavanaugh sẽ đưa TCPV về hướng bảo thủ dĩ nhiên, nhưng họ cũng muốn đề phòng việc truy tố TT Trump nếu xẩy ra, sẽ lên tới TCPV và ông Kavanaugh sẽ là lá phiếu quyết định cứu ông Trump.

Toàn bộ câu chuyện nằm trong một chiến dịch tập thể và quy mô để nếu không lật đổ TT Trump được thì ít nhất cũng khoá tay ông.

Trước bầu cử thì là những chuyện ông Trump chộp bướm, ăn nói thô lỗ, có vấn đề đầu óc,…
Sau bầu cử thì những chuyện gian lận phải đếm phiếu lại, đắc cử nhờ Nga, thủ tục bầu cử sai lầm, bà Hillary được nhiều phiếu hơn,…
Khi làm tổng thống thì đến chuyện vô tài, bất nhất, gây gỗ với phụ tá, chửi rủa đồng minh, gây chiến với địch, thiếu tư cách,…
Mới đây là những đòn tập thể như hàng trăm báo đánh cùng ngày, hàng chục ‘nhân sĩ’ chỉ trích cùng lúc, hàng loạt sách bôi bác mạ lỵ.

Nhà Nước Ngầm công khai nhìn nhận đang cố phá chính quyền,… Bây giờ là cản việc bổ nhiệm TP Kavanaugh.


THÁI ĐỘ CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA
Thượng nghị sĩ Grassley, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp, đã mau mắn hoãn việc biểu quyết phê chuẩn ông Kavanaugh và mời cả hai người ra điều trần trước Thượng Viện.
Tại sao CH nhượng bộ quá mau chóng như vậy?

Lý do cũng giản dị thôi. Trong cơn bão #MeToo của hàng loạt các bà ra tố việc bị các tài phiệt, chính khách, tài tử,... xách nhiễu tình dục, các bà đã cảm thấy được ‘giải phóng’, phải nổi loạn, sẵn sàng nổi dậy chống mọi ông nào dám ‘vô phép’ với mấy bà, cho dù vô phép hồi hai tuổi, mới biết nói, mà chẳng cần bằng chứng.

Các ông bà CH lo sợ sẽ làm phật lòng các bà trong cuộc bầu hai tháng nữa, nên cuống quít nịnh mấy bà, vội vàng chấp nhận hoãn biểu quyết và bắt ông Kavanaugh ra điều trần lại.

Ai cũng hiểu bầu bán lần tới mang tính cực kỳ then chốt và đặc biệt hơn nữa, sẽ được quyết định phần lớn bởi lá phiếu của phụ nữ mũ tai mèo màu hồng, đã bị TTDC khích động từ cả hai năm nay chống TT Trump, từ ngày ông này chưa tuyên thệ nhậm chức.
Bây giờ là lúc phải vuốt ve mấy bà tối đa. Đảng DC dĩ nhiên làm to chuyện cũng chỉ vì lý do muốn lấy phiếu này.

HẬU QUẢ
Tin không vui cho TT Trump: trận đánh này chưa thấm vào đâu nếu DC thắng lớn trong cuộc bầu quốc hội cuối năm nay, chiếm Hạ Viện hay Thượng Viện hay cả hai.

Ta sẽ chứng kiến cả chục vụ điều tra, không còn chính sách nào được thi hành, không còn luật nào được thông qua, không còn ai được bổ nhiệm, thậm chí sẽ có cả đàn hặc kéo dài hàng tháng hàng năm.
Thể chế dân chủ gương mẫu của Mỹ đâu rồi? Vào thùng rác nào rồi?

Câu chuyện này cũng giải thích việc chính trị Mỹ càng ngày càng xuống cấp khi những người tài giỏi, có khả năng, càng ngày càng trốn chạy.
Không một người nào, cho dù tư cách cao đến đâu lại có thể không làm hay nói một điều gì sai lầm trong gần suốt một đời người, cho đến tuổi lục tuần hay thất tuần.

Đi xa hơn nữa, cho dù họ có tư cách thật, không thể lục ra được một chuyện sai lầm nào thì… cũng bị những người chống đối phịa ra chuyện để đánh.
Trong tình huống đó, ai cần ra tham chính, ai dám chường mặt ra? Không phải sợ mình bị nhục mạ không, mà còn sợ cả vợ lẫn con bị tạt bùn vào mặt nữa.

Nếu ông Kavanaugh bị rớt đài về chuyện vu vơ không bằng chứng này, thì bất cứ ai khác cũng có thể là nạn nhân, bất kể đó là một người nhắm chức tổng thống, bộ trưởng, tướng tá, tổng giám đốc, giáo sư, luật sư, quan tòa, công chức, tư chức,…

Cái lạ lùng là những người hiện đang tung chiêu ra đánh ông Kavanaugh và TT Trump dường như không nhìn xa hơn đầu mũi của họ.
Giả dụ như họ thắng, cản được ông Kavanaugh, hay xa hơn nữa cản được TT Trump hay lật đổ được ông này luôn, đưa đến việc họ chiến thắng, nắm quyền đi, khi đó, họ nghĩ xem phe đối lấp CH sẽ phản ứng như thế nào?
Ngoan ngoãn chấp nhận họ? Hay là sẽ đáp trả cả vốn lẫn lãi?

Đảng DC muốn trình làng bộ mặt tôn trọng phụ nữ và coi chuyện xách nhiễu tình dục như cái gì ghê tởm nhất.
Thái độ này, đến từ cái đảng của các ông Kennedy, Johnson, và Clinton và từ các tài tử của thế giới loạn luân Hồ Ly Vọng, chỉ là chuyện tiếu lâm không ai cười.

Nhìn chi tiết thì dĩ nhiên đây là một rắc rối không nhỏ của TT Trump. Nhìn chung, tóm lại vẫn chỉ là một chiêu võ mới để đánh TT Trump, hay chính xác hơn, để cản đường, phá ông thôi.

Trong câu chuyện, có thể nạn nhân thật sự chính là bà Ford, đã bị khối DC vồ lấy, coi như khúc củi mang ra làm vũ khí đánh TT Trump không hơn không kém, trong khi sự thật là đám DC này chẳng coi bà Ford ra gì.

Vũ Linh Sep 22, 2018
http://diendantraichieu.blogspot.com/2018/09/tran-chien-anh-kavanaugh.html#more

hongnguyen
09-25-2018, 08:48 AM
"Bị bắt quả tang không chối cãi được, báo NYT sau đó viết một câu ngắn gọn, đính chính là đây là quyết định đã có trước khi bà Haley nhậm chức. Không một lời xin lỗi bà Haley hay độc giả"



KINH TẾ TRUMP TIẾP TỤC BAY BỔNG
Từ Tháng Ba vừa qua cho đến nay, chỉ số chứng khoán Dow Jones đã tăng xấp xỉ 3.500 điểm, hiện nay đang ở ngưỡng cửa 27.000 điểm, cao nhất lịch sử.
Tháng Ba đó là lúc Dow Jones tuột dốc vì lo ngại cuộc chiến mậu dịch Mỹ-Trung Cộng sẽ gây thiệt hại nặng cho kinh tế Mỹ như TTDC và phe cấp tiến la hoảng. Nhưng ngay sau đó, giới kinh tế tài chánh Mỹ đã cân nhắc vấn đề và sự lạc quan đã trở lại.

So với ngày bầu cử tổng thống đầu tháng 11 năm 2016, khi Dow Jones ở mức dưới 18.000, đã tăng gần 9.000 điểm hay 50% trong 22 tháng, chưa tới hai năm.
Trong hai năm cuối của TT Obama, từ 11/2014 đến 11/2016, Dow Jones đã tăng từ 17.500 lên tới 18.000, tăng 500 điểm hay 3% trong hai năm.

Nhìn vào hai tỷ lệ trên mà vẫn có người gân cổ biện giải kinh tế hiện hữu là ‘kinh tế Obama’ thì… không thể nào mang tính chất phe đảng mù quáng hơn.

Thật ra, Dow Jones không phải là chỉ số biểu tượng cho tình trạng kinh tế hiện hữu, mà chỉ phản ảnh cách nhìn vào tương lai của giới kinh doanh. Đây chính là lý do tại sao các chuyên gia tài chánh thường dùng ngày bầu cử làm mốc để nghiên cứu chính sách kinh tế của các tổng thống, chứ không dùng ngày tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức, vì có tổng thống mới là biết sẽ có chính sách kinh tế mới.

Chỉ trong một tháng sau khi ông Trump đắc cử, Dow Jones đã vọt ngay lên hơn 1.000 điểm, bằng hai lần gia tăng trong hai năm cuối của Obama. Hiểu theo cách này thì ta thấy ngay tại sao trong hai năm cuối của TT Obama, Dow Jones èo uột như vậy. Khi đó, cả thế giới chờ đợi sự đắc cử của bà Hillary để bà tiếp tục chính sách kinh tế ‘tái phân phối lợi tức’ của TT Obama và phe cấp tiến.

Đó là loại kinh tế chú trọng vào cái gọi là ‘công bằng xã hội’, không đặt trọng tâm vào việc phát triển kinh tế để tạo công ăn việc làm cho thiên hạ. Không có công ăn việc làm, người dân sẽ bị lệ thuộc vào trợ cấp của Nhà Nước DC, tức là sẽ trở thành nô lệ của DC, sẽ bắt buộc phải bỏ phiếu cho DC.

Lý luận này coi thường tính tự trọng của người dân Mỹ muốn có việc làm chứ không muốn chià tay xin trợ cấp suốt đời, đưa đến chiến thắng của ông Trump và đảng CH, là đảng chủ trương ‘tự lực cánh sinh’.

Sách lược kinh tế của TT Trump mang lại lạc quan trong giới kinh doanh, chẳng những nhờ những biện pháp thân thiện với tăng trưởng kinh tế như giảm thuế suất trên lợi nhuận công ty, giảm thuế suất trên lợi tức cá nhân, thu hồi hàng ngàn luật lệ, thủ tục hành chánh rườm rà trong kinh doanh, mà kết quả đã thể hiện ngay trước mắt, khi tỷ lệ tăng trưởng GDP đã ở mức trên 4% trong 2 tam cá nguyệt liền.

Viễn tượng một cuộc chiến mậu dịch giữa Mỹ và Trung Cộng, Mễ, Canada và cả Âu Châu đã không lay chuyển được tính lạc quan của giới kinh doanh Mỹ. Họ tin rằng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh, và việc tăng thuế quan sẽ không ảnh hưởng gì nhiều khi kinh tế Mỹ nói chung lệ thuộc rất ít vào hàng nhập cảng hay xuất cảng.
Nước Mỹ dư thừa khả năng sống một mình, không cần thế giới.


CUỘC CHIẾN MẬU DỊCH VỚI TRUNG CỘNG
TT Trump quyết định tăng thuế quan trên một số mặt hàng Trung Cộng trị giá tổng cộng 200 tỷ đô. Ngay bây giờ, thuế quan tăng lên tới mức 10%, đến tháng Giêng tới, sẽ tăng lên tới 25%. Đây là đợt tăng thuế quan lần thứ nhì, sau đợt đầu tăng thuế quan trên hàng TC trị giá 50 tỷ đô.

TT Trump đe dọa nếu TC trả đũa, tăng thuế quan hàng nông nghiệp Mỹ, ông sẽ thi hành đợt ba, tăng thuế quan trên hàng TC trị giá 267 tỷ. Dù vậy, TC vì thể diện, đã tăng thuế quan trên hàng nhập từ Mỹ trị giá 60 tỷ để phản đòn.

Cuộc chiến không cân đối này sẽ gây thiệt hại nặng cho TC, vì hầu như tất cả hàng nhập cảng từ Mỹ đã bị tăng thuế quan rồi, không còn tăng gì nữa.

Ông Jack Ma, chủ đại tập đoàn Alibaba của TC –giống như Amazon, chuyên bán hàng qua trang mạng- đã viện cớ cuộc chiến của TT Trump để rút lại đề nghị mở cơ sở kinh doanh tại Mỹ giúp tạo một triệu việc làm tại Mỹ.

Đề nghị này ngay từ đầu đã chỉ là màn phù phép tiếp thị -marketing- của ông Ma thôi, chứ ít ai nghĩ ông này sẽ có khả năng tạo tới một triệu việc làm tại Mỹ. Giá cổ phiếu của Alibaba đã rớt 25% trong thời gian gần đây.
Nói chung, thị trường chứng khoán TC, từ Bắc Kinh đến Thượng Hải đến Thẩm Quyến, đã rớt như sung rụng. Các công ty TC đã mất cỡ 5.000 tỷ đô trị giá từ ngày TT Trump ‘khai chiến’.

Chẳng những vậy, nhiều công ty TC đã ‘di tản chiến thuật’ bỏ TC chạy qua Đài Loan. Ngay cả vài đại tập đoàn Âu Châu cũng bắt đầu chạy loạn, trở về Âu Châu lại hay tìm xứ đang phát triển nào khác.
Những diễn biến tai hại này đi xa hơn cuộc chiến hàng xuất nhập cảng và đe dọa đến cả nền tảng của kinh tế TC, khiến các lãnh đạo TC đang bối rối tìm biện pháp đỡ đạn. Quan trọng hơn nữa, những biện pháp của TT Trump đe dọa giết kế hoạch kinh tế dài hạn của Tập Cận Bình trong trứng nước.

Từ trước đến giờ, các chính quyền Mỹ nhất là dưới thời TT Obama, vẫn gờm con rồng ngủ TC, bây giờ TT Trump coi TC như con ruồi ngủ.

Như đã bàn ở trên, cuộc chiến mậu dịch Mỹ -TC mới đầu đã reo nghi ngờ và sợ hãi cho giới kinh doanh. TTDC đã không bỏ lỡ cơ hội nêu ra ít trường hợp thiệt hại cho kinh tế Mỹ, hay chính xác hơn, cho vài ngành kỹ nghệ, đặc biệt là giới nông nghiệp. Sau khi điều nghiên vấn đề, các chuyên gia đều nhận thấy hậu quả bất lợi dĩ nhiên khó tránh, nhưng tương đối rất nhỏ, không phải là mối nguy lâu dài lớn cho Mỹ.

Việt Nam đáng lẽ ra phải là ‘ngư ông thủ lợi’ trong cuộc chiến Mỹ-TC này, có thể hy vọng các nhà đầu tư Mỹ và Âu Châu chuyển một số kinh doanh từ TC qua VN như đang làm với Đài Loan.
Nhưng vì cái ngu của các lãnh đạo đại tài của CHXHCNVN khi họ ra luật “An Toàn Mạng” kèm theo tình trạng tham nhũng toàn diện, cũng như những màn biểu diễn tài lệ thuộc TC qua các đặc khu kinh tế, Việt Nam đã không được coi như nơi lý tưởng để làm ăn kinh doanh, chẳng ai thèm dòm ngó tới.

Bài viết dưới đây của chuyên gia Gordon Chang rất đáng đọc để hiểu thêm về hậu quả của cuộc chiến mậu dịch tai hại như thế nào cho TC.
http://www.foxnews.com/opinion/2018/09/17/gordon-chang-trumps-latest-china-tariffs-are-right-thing-to-do.html


TT TRUMP KÝ LUẬT BẦU CỬ
TT Trump đã ký sắc lệnh trừng phạt mọi can dự của ngoại quốc vào các cuộc bầu cử của Mỹ. Sắc lệnh có tính cách chung chung, không nhắm và bất cứ một xứ cụ thể nào.

Theo ông Dan Coats, giám đốc An Ninh Quốc Gia, ngoài Nga ra, các xứ khác như Trung Cộng, Iran, và Bắc Hàn đều có thể đang tìm cách can dự vào chính trị nội bộ Mỹ.
Ngay sau đó, vài thượng nghị sĩ bảo thủ CH đã than phiền sắc lệnh tương đối hơi yếu, và việc can thiệp phải bị trừng trị nặng nề hơn
.

MANAFORT HỢP TÁC VỚI MUELLER
Cựu giám đốc Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump, ông Manafort đã chấp nhận một số tội và hợp tác với công tố Mueller.

Trên nguyên tắc, chỉ là hợp tác trong việc truy tố ông Manafort về các tội nhận tiền của Ukraine, trốn thuế, rửa tiền của ông Manafort cách đây cả chục năm. Tất cả đều là những chuyện chẳng dính dáng xa gần gì đến việc thông đồng với Nga, hay liên quan đến ông Trump hay gia đình ông.

Trên thực tế, ai cũng hiểu là muốn tránh tội, ông Manafort cần phải thỏa mãn ông Mueller, tố giác vài chuyện nào đó của ông Trump, giúp ông Mueller vồ TT Trump, hay ít nhất là mấy đứa con hay phụ tá của tổng thống.

Một trong những ‘khúc mắc’ lớn nhất liên quan đến chuyện ‘thông đồng’ với Nga là cuộc họp mặt giữa một bên là con trai, con rể của ông Trump và ông Manafort, và bên kia là bà luật sư Nga. Ông Mueller hy vọng ông Manafort sẽ tiết lộ tin tức động trời về cuộc họp đó.

Ông Manafort cũng có quan hệ rất chặt chẽ với một số quan chức Ukraine rất thân cận với Nga. Ông Mueller đang đi ‘mò cua’, muốn tìm hiểu ông Manafort có thể có móc nối gì với Nga qua những đường giây này không.
Tin buồn cho các cụ tỵ nạn: khoan mừng rỡ về việc ông Manafort hợp tác với công tố Mueller. Nhà báo Woodward, tác giả cuốn sách chống Trump nổi đình nổi đám mới nhất, đã lên tiếng về vụ ‘thông đồng’ với Nga.

Theo ông ta, không có chuyện thông đồng gì hết. Ông đã điều tra hai năm trời liền mà không thấy dấu vết gì. Chuyện này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Công tố Mueller điều tra gần 2 năm mà vẫn chưa tìm ra gì.

Chính vì vậy mà công tố Mueller, trong nỗ lực vồ TT Trump, đang rượt theo hai ông Manafort và Cohen để tìm tội khác, đặc biệt là những tội liên quan đến kinh doanh, hay trốn thuế của gia đình Trump cách đây … 300 năm nếu cần.

Đây mới chính là chủ đích của công tố Mueller cũng như là lo ngại chính của TT Trump. Hai ông Manafort và Cohen đang hợp tác với công tố Mueller chỉ là việc ‘thành thật khai báo’ những tội của chính họ để có hy vọng giảm tội. Những điều họ khai về việc kinh doanh của ông Trump mới là quan trọng.


TT TRUMP VÀ FISA
TT Trump đã ra lệnh cho bộ Tư Pháp công bố một phần lớn hồ sơ liên quan đến việc FBI dùng ‘Hồ Sơ Nga’ xin trát tòa FISA để theo dõi ông Carter Page, một cố vấn trong Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump.

Ngay sau khi tin này được tung ra, phe DC, nhất là các cựu viên chức của FBI, CIA, NSA của TT Obama đã nhao nhao phản đối việc công khai hoá tài liệu điều tra của bộ Tư Pháp và các cơ quan an ninh.

Làm như thể đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ công khai hóa một hồ sơ điều tra nào đó. Việc công bố này thuộc phạm vi quyền hành của tổng thống và đã được áp dụng dưới tất cả các tổng thống trước đây, kể cả các tổng thống DC như Clinton và Obama. Có tật giật mình sao?

Dù vậy, TT Trump mới đây đã tạm rút lại lệnh này và chỉ định Tổng Thanh Tra bộ Tư Pháp truy xét lại toàn bộ vấn đề. TT Trump đưa lý do việc công bố này có thể cản trở cuộc điều tra của công tố Mueller, và cũng có thể liên quan đến vài quốc gia khác (Nga và Anh), bất lợi trên phương diện quan hệ ngoại giao.

TTDC như thông lệ, lại có dịp đả kích TT Trump bất nhất. Vấn đề là TT Trump thật sự ‘bất nhất’ hay đó vẫn chỉ là mô thức hành động tiêu biểu của ông ta. Chuyên môn ‘hét giá’ cho to, rồi điều đình, trả giá (công khai hay trong hậu trường), rồi giảm giá.


NAM HÀN – BẮC HÀN TIẾP TỤC NÓI CHUYỆN
TT Nam Hàn, Moon Jay In đã đi Bình Nhưỡng nói chuyện với chủ tịch Bắc Hàn, Kim Jong Un trong ba ngày liền. Ông đã được đón rước như một quốc khách, trọn vẹn vớn những ‘màn xiếc’ như trẻ con tặng hoa, phụ nữ BH ăn mặc sặc sỡ đứng vẫy tay hai bên đường,…
Cả bà vợ và bà em của Cậu Ấm đều ra tận phi trường đón TT Nam Hàn và phu nhân.

Quan trọng hơn dĩ nhiên là những thỏa thuận.
Hai bên đã đồng ý nhất quyết không dùng chiến tranh để giải quyết những xung khắc.

Cậu Ấm Ủn đã tuyên bố sẽ phá hủy toàn diện căn cứ thử nghiệm hỏa tiễn nguyên tử chính, với sự giám sát quốc tế. Ông cũng cho biết sau đó có thể hủy luôn can cứ thử nghiệm bom nguyên tử chính.
Trên căn bản là sẽ dựa trên việc thảo luận với Mỹ để xem Mỹ đáp ứng như thế nào. Hai bên cũng ký thỏa ước chấm dứt mọi cuộc tập trận trong vùng biên giới cũng như phá bỏ 11 căn cứ quân sự của hai bên trong vùng biên giới này.
Cậu Ấm xác nhận có thể sẽ đi Hán Thành đáp lễ và tiếp tục cuộc thương thảo với NH, có thể trong năm nay. Đây sẽ là việc chưa từng xẩy ra từ ngày chia cắt xứ này.

Trước khi tổng thống NH đi BH, TT Trump đã ra lệnh cho ngoại trưởng Pompeo hủy chuyến đi BH của ông này, lấy lý do đã không có những tiến bộ xứng đáng với nỗ lực của Mỹ. Cũng chỉ là một chiêu trong mô thức điều đình của TT Trump.


JOHN KERRY NÓI CHUYỆN VỚI IRAN
Cựu ngoại trưởng John Kerry đang bị tố cáo tiếp tục liên lạc với quan chức Iran. Không ai biết ông này đã nói những chuyện gì, làm những gì với Iran. Hiển nhiên là ông đang cố cứu vãn thỏa ước bán chính thức Mỹ-Iran mà ông đã điều đình khi còn làm ngoại trưởng dưới thời TT Obama.
Vấn đề là ông không còn quyền hành gì nữa thì có thể làm được gì?

Theo cựu phát ngôn viên của TT Bush, Ari Fleisher, ông Kerry đang làm ‘cố vấn’ cho Iran, giúp họ cách chống quyết định của TT Trump thu hồi thỏa ước và tái lập cấm vận và các biện pháp trừng phạt Iran.

Trong câu chuyện này, câu hỏi lớn là ông Kerry có đang vi phạm luật pháp Mỹ hay không.

Luật Mỹ có cái gọi là Luật Logan –Logan Act- cấm mọi công dân Mỹ không có trách nhiệm không được can thiệp vào chính sách đối ngoại của chính phủ. Đây là một luật đã có từ rất lâu, nhưng chẳng ai để ý hay mang ra thi hành, cho đến khi công tố Mueller cáo buộc tướng Flynn đã có liên lạc vứi Nga khi ông Trump chưa đắc cử tổng thống và ông Flynn còn là công dân thường, chưa là cố vấn An Ninh của TT Trump.

TNS Marco Rubio của Florida đã lên tiếng kêu gọi điều tra xem ông Kerry đang làm trò trống gì và có vi phạm luật Logan hay không.


FAKE NEWS
Báo New York Times viết bài đả kích bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, vì tội tiêu xài vung vít trong khi sa thải nhân viên. Theo NYT, bà đã chi tới hơn 57.000 đô thay thế dàn màn cửa sổ tại tư dinh của bà.

Trong một quốc gia mà ngân sách, tức là chi tiêu của Nhà Nước, lên tới bạc ngàn tỷ, khui ra một chi tiêu vài chục ngàn chỉ chứng tỏ tính tiểu nhân nhỏ mọn của tờ báo lớn nhất Mỹ. Chỉ vì muốn tìm mọi cách đánh TT Trump.

Nhưng quan trọng hơn nữa, là tính ‘fake news’ của mẫu tin trên.
Căn nhà bà Nikki Haley ở là tư dinh chính thức của Bộ Ngoại Giao dành cho đại sứ Mỹ tại LHQ. Quyết định thay thế dàn màn cửa –hay thay thế bất cứ đồ đạc gì khác- là quyết định của bộ Ngoại Giao.
Riêng chuyện thay thế màn cửa, đó là quyết định của cựu ngoại trưởng John Kerry theo yêu cầu của bà Samantha Powers, tiền nhiệm của bà Haley, chẳng liên quan gì đến bà Haley hết.

Bị bắt quả tang không chối cãi được, báo NYT sau đó viết một câu ngắn gọn, đính chính là đây là quyết định đã có trước khi bà Haley nhậm chức. Không một lời xin lỗi bà Haley hay độc giả.
Thêm một bài học cho các cụ tỵ nạn nào còn coi NYT như kinh thánh.

Vũ Linh, 22/9/2018 (https://baotgm.net/vu-linh-tin-van-hoa-ky-22-9-2018/)

hongnguyen
09-29-2018, 08:22 AM
Đó chính là lý do tại sao bà Ford được lôi từ trong nhà kho của 35 năm trước, chùi rửa rồi mang ra trình làng. Cho dù không bằng chứng hay nhân chứng cũng không sao, vì đây không còn là chuyện pháp lý, phải chứng minh tội lỗi gì hết, mà là chuyện chính trị, đánh là đánh, không cần lý do hay lý luận.

SỰ THẬT SAU TẤN TUỒNG ĐIỀU TRẦN

Cuộc chiến đánh thẩm phán Kavanaugh đã leo thang mạnh trong tuần qua, cùng lúc với cuộc điều trần trước Thượng Viện của cả ông Kavanaugh và bà Ford, là người tố giác ông sách nhiễu tình dục cách đây hơn 35 năm.
Cuộc điều trần hiện rõ như một tấn tuồng với các diễn viên cực dở.

Tại sao là một tấn tuồng? Tại vì ai cũng biết cuộc điều trần chẳng thay đổi một ly ông cụ nào về cuộc biểu quyết. Bất kể chuyện gì xẩy ra trong cuộc điều trần, các nghị sĩ chống vẫn chống, ủng hộ vẫn ủng hộ, lừng chừng vẫn bận thăm dò cử tri.

Câu hỏi quan trọng nhất: tại sao lại có thể có chuyện vô lý như vậy? Tại sao lại có chuyện coi thường sự thật và khinh mạn thiên hạ như vậy? Ta thử nhìn lại toàn bộ câu chuyện cho kỹ.

CUỘC ĐIỀU TRẦN TRƯỚC THƯỢNG VIỆN
Trước hết, phải nói ngay phe CH đã chịu thua từng bước từng bước. Liên tục dời ngày điều trần theo yêu sách của bà Ford khi bà này đòi thêm thời giờ để ‘chuẩn bị’, chấp nhận điều kiện không có đối chất với ông Kavanaugh, không dám chất vấn trực tiếp bà Ford mà phải thuê một bà công tố làm việc này, rồi hoãn ngày biểu quyết.

Trong khi CH rét, thối lui liên tục vì sợ mất phiếu phụ nữ, thì ông Rush Limbaugh, một bình luận gia bảo thủ cực đoan nổi tiếng qua các bài nói chuyện trên radio, đã lớn tiếng cảnh giác CH tiếp tục thối lui sẽ mất phiếu của cử tri Trump trong cuộc bầu quốc hội tới. Đúng là tình trạng nhức răng, tiến thoái lưỡng nan cho các ông bà CH.

Phần điều trần của bà Ford:
Để tránh hình ảnh một chục ông đánh hội đồng một bà Ford, cũng như để có vẻ đây là một cuộc điều trần chuyên nghiệp, không mang tính chính trị, khối đa số 11 nghị sĩ CH đã nhường quyền chất vấn của họ cho bà Rachel Mitchell, một công tố chuyên về những tố tụng sách nhiễu tình dục.

Bà Mitchell đã tra hỏi bà Ford như một thám tử cảnh sát điều tra một nạn nhân. Mục đích của bà Mitchell hiển nhiên không phải là tố cáo bà Ford về tội gì hết, là điều mà khối CH muốn tránh tối đa, mà chỉ là đặt những câu hỏi để bà Ford liên tục trả lời “không nhớ”, gieo mối nghi ngờ lên những tố cáo của bà Ford.

Qua cả chục lần “không nhớ” của bà Ford, bà Mitchell coi như đã chu toàn trách nhiệm.

Khối thiểu số 10 nghị sĩ DC tất cả đều ca đúng một bài: ca tụng bà Ford mút mùa và đòi hỏi FBI điều tra.
Nói cách khác, tìm cách câu giờ cho qua bầu cử. Chẳng ai có một câu hỏi về câu chuyện bà Ford hết.

Về phần bà Ford, bà diễn tuồng một nạn nhân đau khổ, bối rối, rất giỏi. CNN dĩ nhiên đăng ngay hình bà Ford đang mếu máo muốn khóc.
Câu chuyện của bà không có gì mới lạ. Tất cả đều đã được báo chí phổ biến từ hai tuần nay. Hầu hết những chi tiết khác mà bà Mitchell hỏi thì đều chỉ có một câu trả lời: không nhớ rõ.

Bà Ford đưa ra tên 3 người mà bà cho là có thể làm nhân chứng, nhưng cả 3 người đều cho biết họ không nhớ là đã có câu chuyện bà Ford kể lại, kể cả bà Leland Keyser mà bà Ford gọi là bạn đời –lifelong friend-.

Trả lời câu hỏi về chuyện này, bà Ford giải thích bà Keyser “có vấn đề sức khoẻ” (ai muốn hiểu sao thì hiểu), và bà Keyser đã viết thư xin lỗi bà Ford.
Bà Ford ‘quên’ không nói rõ là bà Keyser xin lỗi vì đã phải nói sự thật bất lợi cho bạn chứ không xin lỗi là đã nói láo.

Phần điều trần của ông Kavanaugh:
Ông Kavanaugh mở đầu với bài phát biểu dài gần một tiếng đồng hồ, tự bênh vực và đả kích phe DC với những lời lẽ mạnh bạo nhất.
Đôi lúc, ông quá xúc động, nói không ra lời. Ông chấp nhận việc bà Ford có thể đã bị tấn công tình dục đâu đó, nhưng khẳng định không phải là ông.
Ông mạnh miệng đả kích việc phe DC đã lợi dụng câu chuyện vì mưu đồ chính trị, tàn sát ông, tên tuổi ông, sự nghiệp và cả gia đình của ông, đồng thời cũng gây tổn thương cho bà Ford qua tấn tuồng điều trần này.

Điểm quan trọng: ông Kavanaugh trình cho Ủy Ban một lịch trình sinh hoạt cá nhân trong đó ông ghi rõ việc làm mỗi ngày từ năm 1980, có ghi rõ 3 tháng mùa hè 1982, ông Kavanaugh đã không có mặt ở Maryland là nơi xẩy ra câu chuyện.

Trái ngược hoàn toàn với phần trình bày của bà Ford, các nghị sĩ DC không có một người nào có một lời khen hay lịch sự với TP Kanavaugh. Tất cả đều chất vấn với đủ loại câu hỏi hóc búa về điều tra của FBI, về tuổi trẻ của ông, về việc ông uống bia, có bạn gái, dự party,...

Trong khi phần lớn các nghị sĩ CH thắc mắc tại sao bà Feinstein giữ im lặng trong hai tháng, đợi đúng một tuần trước khi biểu quyết mới tung hồ sơ bà Ford ra. Có cần FBI điều tra không?

Phần điều trần của bà Ford dĩ nhiên quan trọng hơn vì bà là người tố cáo. Nhưng tiếc thay, bà đã chẳng đưa ra được bằng chứng hay nhân chứng nào.
Hầu hết các câu hỏi về chi tiết đều chỉ có một câu trả lời: “không nhớ”. Thế thì ai biết đường nào mà mò?

Kẻ này vừa coi vừa ngủ gật. Cho đến khi TP Kavanaugh đăng đàn thì tỉnh ngủ hẳn với bài diễn văn mở đầu nổ đùng như bom.

Sau khi hai ba nghị sĩ nhường phần đặt câu hỏi cho bà Mitchell, tới phiên nghị sĩ Lindsey Graham thì ông này dành lại quyền chất vấn.
Phát biểu của ông này nổ còn hơn bom CBU, mạt sát phe DC bằng những tố cáo nặng nề hiếm thấy trong quốc hội Mỹ.
Đây có lẽ là phần hấp dẫn nhất trong cuộc điều trần:
https://www.youtube.com/watch?v=iKmOMOxQPB4

Sau đó, tất cả các nghị sĩ CH đều tự phát biểu, cho bà Mitchell về hưu non. Sai lầm của bà Mitchell là hỏi như cái máy, hết sức nhàm chán, những câu hỏi chi tiết ít ai hiểu ý nghĩa của câu hỏi, khiến cả hội trường ngủ gật. Có lợi cho bà Ford.

Dù vậy, bà Mitchell cũng khơi ra được vài điểm đáng chú ý:

- Bà Ford cho biết hai luật sư thầy dùi ngồi bên cạnh là do bà Feinstein ‘giới thiệu’. Chứng tỏ bà Feinstein đã ‘hợp tác’ chặt chẽ với bà Ford ngay từ đầu, từ trước khi bà Feinstein tung câu chuyện ra.

Điều này đi ngược lại cái biện giải muốn giữ bí mật cho bà Ford nên không công bố bức thư sớm hơn.
Muốn giữ bí mật sao lại lo giới thiệu luật sư cho bà Ford?

- Bà Ford nói bà không biết ai trả tiền bà đi thử máy đo nói thật (kiểm tra nói dối) và cũng không nói rõ lý do tại sao phải làm chuyện này.

Trước hết, chẳng ai biết bà đi kiểm tra nói dối về chuyện gì, có liên quan đến vụ tố ông Kavanaugh hay không. Sau đó, điều lạ lùng là bà Ford không nhớ ai đã giới thiệu chuyên gia làm việc này cho bà, không biết tốn bao nhiêu và ai trả tiền (số tiền này do hai luật sư thầy dùi của bà Ford trả, có lẽ do bà Feinstein ‘thu xếp’).

- Bà Ford khẳng định bà viết thư nặc danh vì không muốn chường mặt ra. Nếu bà nghĩ bà có thể gặp một dân biểu DC, viết thư cho bà nghị sĩ, thuê luật sư, kể chuyện cho báo Washington Post mà vẫn có thể không chường mặt ra thì hoặc là bà nói láo, hoặc là bà ngu ngơ hơn đứa con nít tiểu học chứ không phải là giáo sư đại học về tâm lý.

Quái lạ hơn nữa, bà nghị sĩ Feinstein biện giải việc bà giữ câu chuyện bí mật vì bà tôn trọng ý của bà Ford muốn dấu tên.
Xin lỗi, bà là ‘niên trưởng’ của DC trong Ủy Ban, đã làm chính trị Mỹ đến bát tuần mà có thể nghĩ sẽ giữ bí mật này sao?

Trong chính trị Mỹ, giữ bí mật không khác gì lấy lưới đánh cá chặn nước. Sự thật giản dị hơn nhiều: bà Feinstein ngay từ đầu đã bàn thảo kế hoạch phục kích ông Kavanaugh với bà Ford, giới thiệu luật sư, trả tiền bà Ford đi thử máy nói thật, dìm câu chuyện, đợi đến giờ chót mới bung ra, với hy vọng sẽ là lý do chính đáng để hoãn mọi việc đến sau bầu cử.

- Bà Ford bị vạch rõ nói láo một chuyện: ban đầu, bà từ chối ra điều trần tại Hoa Thịnh Đốn, vịn lý do bà sợ đi máy bay và đòi FBI điều tra, y chang lập luận của khối DC, tìm cách câu giờ cho đến khi TNS Grassley cho tối hậu thư thì đành phải ra điều trần.
Bà Mitchell chứng minh bà Ford đi máy bay rất thường xuyên, rất thích đi nghỉ hè tại Hawaii và du lịch thế giới.

Khi chủ tịch Ủy Ban nhắc lại Thượng Viện sẵn sàng cử người đi San Francisco gặp bà để bà khỏi phải đi máy bay qua thủ đô, thì bà Ford nói bà “không hay biết” đề nghị này.
Đề nghị này, cả nước biết vì báo đăng đầy rẫy (kể cả diễn đàn này), “không hay biết“ nghiã là sao?

- Bà Ford nói đi dự party tại một nhà gần một câu lạc bộ có hồ bơi, nơi bà đi lội trước khi đến dự party.
Bà Mitchell đưa ra bản đồ cho thấy nhà bà Ford cách hồ bơi gần 9 miles, không thể đi bộ được.
Bà Ford khi đó 15 tuổi, chưa được lái xe, tất nhiên có người chở đến và đưa về. Bà Ford không nhớ ai, và cũng chưa có một người nào nhận đã làm chuyện này.

Party đó có 5 người tham dự theo bà Ford. Ngoài bà và ông Kavanaugh ra, cả 3 người kia đều ký giấy xác nhận không biết gì về cái party đó. Thế thì ai đưa bà về?
Ý định của bà Mitchell: chứng minh cái party đó đã không xẩy ra, hay nếu xẩy ra thì bà Ford cũng đã không có mặt tại đó.

- Chuyện lạ: bà Ford khai bà lên lầu để đi vào nhà cầu trên lầu (căn nhà không có nhà cầu dưới nhà, gần phòng khách sao?), nhà cầu trên lầu ngay cạnh một phòng ngủ, bà bất ngờ bị xô vào phòng ngủ và đè ngay lên giường, bà đánh lộn, xô ông Kavanaugh ra, chạy ra khỏi phòng.

Trong tình huống đó mà bà lại nhớ rõ căn phòng như thế nào, có bàn ghế tủ giường như thế nào theo lời khai của chính bà.
Những chuyện lớn như nhà nào, của ai, bà đến và đi như thế nào,... thì lại không nhớ. Trí nhớ của bà Mỹ gọi là ‘selective memory’, trí nhớ có tuyển lựa.
(Những điểm trên, dĩ nhiên TTDC không nêu lên!)


SỰ THẬT
Toàn bộ câu chuyện bà Ford, thấy rõ là chuyện bá láp, vô căn cứ, mà nếu ra trước tòa án thật, quan tòa sẽ bác bỏ ngay sau hai phút coi hồ sơ.
Thế nhưng các nghị sĩ DC lại muốn bám vào để cản việc bổ phiệm một thẩm phán vào TCPV. Câu hỏi lớn dĩ nhiên là tại sao?

Ai cũng hiểu đây là một âm mưu lộ liễu của đảng DC để cản việc phê chuẩn TP Kavanaugh không hơn không kém.

Việc không có bằng chứng cụ thể và không có nhân chứng đã không cho phép khối DC thẳng thắn tố giác TP Kavanaugh, nhưng những tố cáo của bà Ford đã đủ là lý do để DC kiếm cách câu giờ, đòi điều tra một chuyện không thể điều tra.

Chỉ với chủ đích là cố trì hoãn đến sau ngày bầu lại quốc hội, hy vọng DC chiếm được đa số tại Thượng Viện là coi như ông Kavanaugh tiêu tan hy vọng vào TCPV. Chẳng những vậy, mà TT Trump và khối CH cũng sẽ tiêu tan hy vọng bổ nhiệm bất cứ một thẩm phán bảo thủ nào khác vào TCPV.

Tại sao lại phải nghiến răng nghiến lợi, bất chấp mọi việc để cản TP Kavanaugh?

Thật ra đây không còn là việc cản cá nhân ông Kavanaugh nữa, mà cũng chẳng còn là chuyện phá TT Trump luôn.
Vấn đề đi xa hơn hơn cá nhân hai vị này rất nhiều. Càng không phải là chuyện sex gì đó của mấy bà vô danh.
Trên bàn cân là hướng đi của toàn bộ xã hội Mỹ trong cả một thế hệ tới.

Ta nhìn lại TCPV.
Tư pháp là nhánh thứ ba của cơ cấu chính quyền Mỹ, sau hành pháp và lập pháp, mà trong ngành tư pháp, TCPV là cơ quan có tiếng nói quyết định. Cho đến nay, ít người để ý đến vai trò của TCPV, nhưng trên thực tế TCPV nắm giữ vai trò then chốt hơn cả hai nhánh kia.

Đây là nhánh có trách nhiệm ‘bảo vệ Hiến Pháp’ trên nguyên tắc, nhưng trên thực tế, có quyền ‘diễn giải’ Hiến Pháp, nghiã là gián tiếp thay thế luôn cả Hiến Pháp, là nền tảng của thể chế chính trị Mỹ.

Điểm cực kỳ quan trọng của TCPV là nhân sự và quyết định của TCPV là chuyện vĩnh viễn. Các thẩm phán ngồi đó cho đến chết hay tự ý từ chức với lý do chính đáng.
Các án quyết có giá trị hầu như vĩnh viễn, không ai thay đổi được, ngoại trừ chính TCPV. Trong khi nhân sự trong hành pháp và lập pháp đến rồi đi, có thể thay đổi vài năm một lần, và những quyết định của hành pháp và những luật của lập pháp cũng vậy, có thể thay đổi liên tục.

Hơn thế nữa, TCPV cũng có quyền hủy bỏ các quyết định của hành pháp hay các luật của lập pháp, trong khi cả hành pháp lẫn lập pháp đều không thể đụng đến một án quyết của TCPV.

Trong cái nhìn đó, TCPV đóng vai trò cực kỳ quan trọng, như thuyền trưởng lái con tầu Cờ Hoa đi về hướng tả hay hữu. Hành pháp và lập pháp chỉ là thủy thủ đoàn.

Trước đây, TCPV có bốn vị bảo thủ, bốn vị cấp tiến và một vị... ‘trung dung’, là TP Kennedy. Một cách thật ngắn gọn và giản dị, ông Kennedy có khuynh hướng bảo thủ về các vấn đề chính trị và kinh tế như quyền mang vũ khí, quyền tự do gây quỹ tranh cử, quyền hạn của hành pháp,... nhưng lại thiên về cấp tiến trong các quyết định mang tính xã hội, như ủng hộ phá thai, hôn nhân đồng tính, trợ cấp,...

Khi TP Kennedy từ chức và ông Kavanaugh được bổ nhiệm thay thế thì phe cấp tiến hốt hoảng sợ những cải cách xã hội của các tổng thống cấp tiến từ thời TT Kennedy, qua thời các TT Johnson, Clinton và Obama sẽ bị thu hồi, nhất là luật cho phá thai tự do.
Kinh hoàng hơn nữa cho phe DC là họ sẽ phải chịu đựng sự ‘thống trị’ của khuynh hướng bảo thủ, ngăn chặn bước tiến của ‘văn minh cấp tiến’ của họ trong hai ba chục năm nữa, tức là trong nguyên một thế hệ.

Đó là chưa nói đến việc trong ngắn hạn, TP Kavanaugh có thể là người sẽ cứu TT Trump nếu ông này bị thưa kiện ra trước TCPV vì bất cứ chuyện gì.

TP Kavanaugh trước đây là phụ tá cho công tố Kenneth Starr truy tố TT Clinton. Nhưng sau đó, ông làm phụ tá cho TT Bush và thay đổi lập trường, cho rằng sau khi làm phụ tá cho TT Bush thì ông khám phá ra trách nhiệm khổng lồ của một tổng thống và sự nguy hại của việc truy tố một tổng thống đương nhiệm.

Do đó, quan điểm hiện nay của TP Kavanaugh là không truy tố tổng thống khi còn tại chức, mà phải đợi sau khi mãn nhiệm muốn truy tố gì thì truy tố.
Đây dĩ nhiên là chuyện phe DC không chấp nhận vì họ muốn đảo chánh TT Trump càng sớm càng tốt qua việc truy tố về một tội nào đó.

Vì hậu quả của việc bổ nhiệm ông Kavanaugh đối với họ quá lớn, quá tai hại, nên phe DC chấp nhận trả mọi giá để cản cho bằng được ông Kavanaugh.

Đó chính là lý do tại sao bà Ford được lôi từ trong nhà kho của 35 năm trước, chùi rửa rồi mang ra trình làng. Cho dù không bằng chứng hay nhân chứng cũng không sao, vì đây không còn là chuyện pháp lý, phải chứng minh tội lỗi gì hết, mà là chuyện chính trị, đánh là đánh, không cần lý do hay lý luận.

Ai cũng thấy chuyện bà Ford là chuyện vớ vẩn. Cả phe DC cũng thấy vậy khi bà TNS Feinstein nhìn nhận không chắc bà Ford đã nói thật, nhưng đây là cách cuối cùng không còn cách nào khác để cản ông Kavanaugh cũng như để chiếm đa số tại Thượng Viện.
Họ hy vọng việc này sẽ khích động cử tri phụ nữ trước ngày bầu cử, khiến các nghị sĩ CH rét, phải chịu thua.

Phe CH hiểu rất rõ vấn đề nên bằng mọi giá tìm cách phê chuẩn ông Kavanaugh trước bầu cử. Không ai biết chắc kết quả bầu cử, nếu CH mất Hạ Viện không sao, nhưng mất Thượng Viện thì sẽ là đại họa cho CH vì phe DC sẽ bác bất cứ ai được TT Trump đề cử vào TCPV (hay bất cứ chức vụ nào khác) để rồi tất cả các quyết định của các tòa phá án liên bang, phần lớn do quan tòa cấp tiến của các TT Clinton và Obama nắm, sẽ có hiệu lực (chuyện này đã bàn qua tuần rồi).

CH hiện chỉ có đa số đúng 1 phiếu tại Thượng Viện. Chỉ cần 2 nghị sĩ CH ‘đào ngũ’ là ông Kavanaugh sẽ không được phê chuẩn. Hiện chỉ còn ba nghị sĩ CH với quan điểm chưa rõ rệt, đòi FBI điều tra trước; bù lại, cũng có ít ra là 3 nghị sĩ DC có thể bỏ phiếu thuận.

Trong câu chuyện TP Kavanaugh, vấn đề xin lập lại để mọi người nhìn cho rõ: chẳng liên quan gì đến cá nhân ông Kavanaugh hay cá nhân TT Trump, càng không liên hệ đến chuyện sex hay bảo vệ phụ nữ hay gì gì khác.
Quý bà trước khi la hoảng cần nhìn cho rõ họ đang bị lợi dụng làm vũ khí đánh nhau thôi.

Tất cả chỉ vì mục tiêu của đảng DC và TTDC là bảo vệ ý thức hệ cấp tiến bằng cách cản việc ông Kavanaugh trở thành thẩm phán TCPV thôi. Cản việc nước Mỹ rẽ qua hướng bảo thủ.
Do đó, tất cả những tranh cãi về thủ tục pháp lý và lý luận phải trái, bằng chứng hay nhân chứng, đều bằng thừa.

Đối với phe DC, mục tiêu tối hậu biện minh cho mọi phương tiện. Chấm hết.

Tin giờ chót: Ủy Ban Tư Pháp đã biểu quyết khuyến cáo việc phê chuẩn TP Kavanaugh, theo đúng làn ranh đảng phái, 11 thuận, 10 chống.
Tuy nhiên, Thượng Viện đã yêu cầu TT Trump ra lệnh cho FBI điều tra thêm, với thời hạn cuối nộp báo cáo là Thứ Sáu 5/10 để TV có thể biểu quyết Thứ Ba 9/10.
Một lần nữa, phe CH tháo lui, nhượng bộ phe DC, để cho FBI điều tra trước khi biểu quyết.

Quý độc giả nào nghĩ sau khi FBI điều tra và bạch hóa ông Kavanaugh, phe DC sẽ vui vẻ chấp nhận, biểu quyết phê chuẩn ông Kavanaugh, xin cho biết danh tánh.
Kẻ này sẽ trân trọng tặng giải thưởng “Người ngây ngô nhất thế giới”.

Vũ Linh
Sep 29, 2018 (http://diendantraichieu.blogspot.com/2018/09/su-that-sau-tan-tuong-ieu-tran.html)

hongnguyen
10-03-2018, 01:59 PM
Thống kê mới nhất về truyền hình Mỹ cho thấy Fox News tiếp tục thống trị các chương trình nói chuyện về chính trị Mỹ trong khi CNN tiếp tục đứng hạng bét trong tháng Chín này. Tổng số người coi Fox lớn hơn gấp 4 lần số người coi CNN.



TIN HÀNH LANG VỤ KAVANAUGH
Câu chuyện ông Kavanaugh có một triệu chuyện lẩm cẩm ngoài lề mà khuôn khổ bài Bình Luận không cho phép bàn tới. Đành tạm mượn trang Tin Vắn để nói thêm.

Ngoài bà Ford ra, TP Kavanaugh đã bị hai bà khác tố.



Bà đầu tiên là Deborah Ramirez, bạn học năm thứ nhất tại đại học luật Yale của ông Kavanaugh. Bà này tố trong một buổi tiệc nhậu của sinh viên Yale, bà say bí tỷ, bị ông Kavanaugh khi đó 18 tuổi, cũng say không kém, đè ra, tuột quần rồi dí của quý vào mặt bà. Nhưng rồi cũng chẳng có chuyện gì khác. Ông Kavanaugh kéo quần lên rồi ra khỏi phòng.
Báo New York Times phỏng vấn mấy chục cựu sinh viên Yale, hy vọng tìm được ra người xác nhận câu chuyện của bà Ramirez, nhưng không tìm ra ai hết. Bà Ramirez từ chối ra điều trần vì bà nói không nhớ hết chi tiết câu chuyện.




Bà thứ nhì độc đáo hơn, là bà Julie Swetnick, do ông Avenatti ‘giới thiệu’. Ông Avenatti là luật sư của bà đào chuyên đóng phim sex đang kiện cáo TT Trump. Bà Swetnick tố ông Kavanaugh tham gia cả chục buổi tiệc nhậu trong đó thanh niên hãm hiếp tập thể các cô. Bà này không được mời ra điều trần vì nhẩy ra tố cáo quá muộn.
Bà Swetnick là người đầy ‘thành tích’, bị thưa kiện vì thiếu thuế, và không biết bao nhiêu chuyện tiền bạc khác. Bà đang bị một công ty bà làm việc thưa kiện. Bà cũng dính dáng vào thưa kiện tùm lum với ông kép cũ. Ông kép này đã tuyên bố bà Swetnick là chuyên gia nói láo không ai nên tin bà. Câu hỏi là tay ma giáo Avenatti đã trả bà này bao nhiêu tiền để bà tố ông Kavanaugh giờ chót.

Cả hai bà, chẳng bà nào có bằng chứng hay nhân chứng gì hết.

Hàng trăm sinh viên đai học Yale biểu tình bãi học phản đối ông Kavanaugh. Đây là một tin đáng lo hơn đáng buồn. Sinh viên Yale tương lai sẽ là những luật gia ưu tú nhất của Mỹ. Họ biểu tình vì cho là bà Ford đã nói sự thật trong khi ông Kavanaugh có tội và ông có bổn phận chứng minh mình vô tội.
Luật pháp Mỹ từ trước đến giờ dựa trên nền tảng lý luận “không có tội cho đến khi chứng minh được có tội”. Đám sinh viên luật của Yale bây giờ lật ngược nền tảng đó, cho là người bị tố là có tội phải chứng minh mình vô tội.
Đại khái, tôi có thể tố cáo bất cứ ai về bất cứ tội gì, vô tội vạ. Người bị tôi tố có trách nhiệm phải chứng minh là không có tội. Một lý luận ai đồng ý xin ghi tên gia nhập đảng DC.

TTDC chỉ trích ông Kavanaugh.
Vài ngày trước khi ra Thượng Viện điều trần, ông bà Kavanaugh đã lên Fox News trả lời phỏng vấn trực tiếp. Ông nghiêm trang nói chuyện từ đầu vì nói chuyện với khán giả TV và nhà báo mà ông cho là không có đính dáng gì về chuyện bôi bác ông. Ông chỉ muốn bình tĩnh trình bày câu chuyện. Bị TTDC đả kích ông là loại người máy, robot, không có đủ cảm xúc, đủ tình người để làm thẩm phán TCPV.

Mấy ngày sau ông Kavanaugh ra trước Thượng Viện, đỏ mặt đả kích những nghị sĩ DC ngay trong Ủy Ban đang phá tan sự nghiệp và gia đình ông. TTDC phê bình ông quá xúc động, không đủ bình tĩnh làm thẩm phán TCPV.
Cách nào thì cũng không wa-li-phai thôi. Có gì lạ?

Bà nghị sĩ Hirino hỏi mớm bà Ford “khi bà tố cáo chuyện này, bà có động cơ chính trị nào không?” Dĩ nhiên là bà Ford trả lời “không”. Nên nhớ bà Ford là một phụ nữ trí thức, dạy học tại đại học Palo Alto, ghi danh là thuộc đảng DC. Phụ nữ trí thức của Cali là thành phần cử tri cấp tiến nồng cốt của DC, chống Trump kịch liệt nhất.

TNS Jeff Flake là dân CH, của tiểu bang Arizona, cùng tiểu bang với cố Người Hùng McCain. Ông Flake là một trong những nghị sĩ CH chống TT Trump mạnh nhất. Ông coi thăm dò dư luận, được hậu thuẫn của chưa tới 18% cử tri CH, nên tuyên bố không ra tranh cử nữa.
Trong cuộc điều trần của ông Kavanaugh, ông Flake ngồi im từ đầu đến cuối, phát biểu một câu chung chung chưa tới một phút.

Sau đó ông tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho ông Kavanaugh. Ngay sau đó, bị phe tả uy hiếp sao đó, ông de lui, cho biết sẽ chỉ ủng hộ nếu có FBI điều tra. Hai bà nghị sĩ CH khác là bà Murkowski của Alaska và Collins của Maine, mừng như bắt được vàng vì trước đây không ủng hộ ông Kavanaugh, vồ lấy cơ hội, ép đảng CH phải cho FBI điều tra, nếu không họ sẽ chống ông Kavanaugh.
Phe CH đếm phiếu, thấy không đủ, đành phải chấp nhận để FBI điều tra, cho DC thêm một tuần câu giờ.

Ai biết được trong một tuần sẽ có thêm bao nhiêu nạn nhân, bao nhiêu nhân chứng mới nữa, bao nhiêu người FBI cần phải phỏng vấn nữa. Biết đâu tới hạn kỳ lại tìm ra được lý do mới để trì hoãn nữa?


ROSENSTEIN BỊ RẮC RỐI
Báo New York Times đã xì ra một tin động trời về thứ trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein.
Một tháng sau khi ông đưọc bổ nhiệm, tháng Năm năm 2017, ông đã có buổi họp nội bộ trong bộ Tư Pháp. Nhiều quan chức của bộ đã đả kích TT Trump, một số không nhỏ thuộc thành phần Nhà Nước Ngầm còn lại từ thời TT Obama (trong đó có bà luật sư Lisa Page, ‘mèo hai chân’ của ông Strzock; hai người này nổi tiếng đã tìm mọi cách đánh phá TT Trump ngay từ trước khi bầu cử).

Trong cuộc thảo luận nội bộ, có tin là ông Rosenstein đã “đề nghị gắn máy thu âm trong các buổi họp nội các để lấy bằng chứng truy tố TT Trump không đủ khả năng lãnh đạo, và truất phế ông”.

Báo NYT viện dẫn nhiều nguồn tin nặc danh, nhưng cũng viện dẫn một ký chú của ông McCabe, khi đó là quyền giám đốc FBI.
Ông Rosenstein ban đầu đã cải chính, sau đó xác nhận có nói điều đó, nhưng không có ý đó, mà chỉ là hỏi móc mấy người chống TT Trump, kiểu như “thế mấy ông muốn tôi phải làm gì? Gắn máy thu âm… sao?”

Ngay sau khi tin này được bung ra, báo chí đã loan tin ông Rosenstein biết sẽ bị sa thải nên đã đi gặp chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, tướng Kelly để xin từ chức. Nhưng tin này sau đó bị coi là tin sai. Ông Rosenstein đi gặp tướng Kelly với tư cách đại diện cho bộ trưởng Sessions, họp về một vấn đề khác.

Sau đó, Tòa Bạch Ốc loan tin TT Trump sẽ gặp ông Rosenstein tại Tòa Bạch Ốc ngày Thứ Năm vừa qua. Nhưng vì trùng ngày với cuộc điều trần của ông Kavanaugh nên cuộc gặp mặt được hoãn lại đến tuần tới. Trong khi đó, TT Trump cũng đánh tiếng cho biết ông sẽ không có quyết định gì về ông Rosenstein cho đến sau khi bầu cử.

Nhiều quan sát viên tin là sau bầu cử, TT Trump sẽ dọn dẹp nhà cửa và nhiều nhân viên nội các sẽ ra đi, trong đó có triển vọng là hai ông Rosenstein và Sessions đều sẽ bị thay thế. Hai ông tướng được chú ý nhiều là ông Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng, và Kelly, chánh văn phòng.
Tin giờ chót, Hạ Viện đã triệu ông Rosenstein ra điều trần kín về vụ gắn máy thu âm này, và ông Rosenstein đã chấp nhận.
Chưa rõ chừng nào thì sẽ có điều trần, nhưng chắc sẽ là sau khi ông Rosenstein gặp TT Trump. Hạ Viện đòi ông Rosenstein ra báo cáo do áp lực của khối bảo thủ trong đảng CH, đã bất mãn với ông Rosenstein từ lâu.

Một tin đặc biệt mà hình như không báo hay đài TV nào nhắc lại: đúng một ngày sau cuộc họp nội bộ đả kích Trump đó, ông Rosenstein bổ nhiệm ông Mueller làm công tố đặc biệt điều tra TT Trump ‘thông đồng’ với Nga. Câu chuyện dường như cho thấy rõ việc bổ nhiệm công tố Mueller đã được ông Rosenstein quyết định như thế nào: do áp lực của khối Nhà Nước Ngầm trong bộ Tư Pháp.


TT TRUMP SẼ GẶP KIM
Tòa Bạch Ốc cho biết ngoại trưởng Mike Pompeo đang chuẩn bị cho một cuộc họp lần thứ hai giữa TT Trump và chủ tịch Bắc Hàn, trước cuối năm nay, theo lời đề nghị của chủ tịch BH.

Tình hình BH càng ngày càng tiến triển tốt đẹp hơn mọi dự đoán. Hai vị lãnh đạo Nam và Bắc Hàn đã gặp nhau lần thứ ba, lần này tại thủ đô BH, Bình Nhưỡng, như bản Tin Vắn tuần rồi đã đề cập.


CHUYỆN ÔNG COMEY
Trong một buổi nói chuyện với một nhà báo, ông Eric Holder, cựu bộ trưởng Tư Pháp của TT Obama đã cho biết nếu ông còn là bộ trưởng Tư Pháp khi giám đốc Comey họp báo tuyên bố chấm dứt cuộc điều tra về emails của bà Hillary, thì ông đã sa thải ông Comey ngay khi đó rồi. Ông Holder làm bộ trưởng đến năm 2015 và được bà Loretta Lynch thay thế.

Theo ông Holder, ông Comey trong tư cách giám đốc FBI không có quyền họp báo rồi tự quyết định chấm dứt cuộc điều tra, tố bà Hillary đủ tội nhưng lại không truy tố bà này. Toàn là những việc chéo cẳng ngỗng mà lại đi quá quyền hạn.

Câu chuyện TT Trump cách chức ông Comey là cả một sự mỉa mai phản ảnh rõ tính giả dối phe đảng của khối DC cũng như TTDC. Toàn bộ khối này tức giận những việc làm của ông Comey mà họ cho đã là yếu tố then chốt khiến bà Hillary thất cử. Họ đòi lấy đầu ông Comey. Nhưng khi TT Trump cách chức ông Comey thì thái độ của họ quay ngược 180 độ, ca tụng ông Comey rồi chỉ trích TT Trump đã sa thải ông Comey vì ông này đã dám điều tra TT Trump.

Cái bà dân biểu cuồng điên chống Trump, Maxine Waters, trước đó một hai đòi cách chức ông Comey. Đến khi TT Trump làm thật thì ngay sau đó, bà đổi giọng, đả kích TT Trump đã sa thải ông Comey. Được hỏi về chuyện tráo trở này, bà trả lời tỉnh bơ “Ý tôi muốn đòi bà Hillary cách chức hắn chứ Trump thì không có quyền vì Trump không phải là tổng thống của tôi”.
Chính trị muôn mặt hay lưỡi không xương?


HẬU THUẪN CỦA ĐẢNG CH VÀ TT TRUMP
Theo thăm dò mới nhất của Bloomberg, một công ty con của tỷ phú Bloomberg, cựu thị trưởng New York, chỉ số đo mức lạc quan trong kinh doanh đã tiếp tục leo qua những kỷ lục mới, đưa đến việc hậu thuẫn của đảng CH leo thang theo.

Theo Bloomberg, chỉ số lạc quan rất cao trong khối cử tri CH dĩ nhiên, nhưng cũng rất cao trong khối độc lập không đảng phái (Independents), lên tới mức gần 60 điểm:

Nhìn vào biểu đồ, ta thấy chỉ số lạc quan đã ở mức thấp nhất trong nhiệm kỳ đầu của TT Clinton (1990-1994), hai năm cuối của Bush (2007-2008), và suốt nhiệm kỳ đầu của TT Obama (2009-2014).

Tỷ lệ hậu thuẫn CH cũng đã leo thang theo, hiện nay đang ở mức 45%, tăng 9 điểm so với mức 36% của tháng 9 năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2011, cách đây hơn 7 năm, ngay sau khi CH đánh bại DC thảm thiết trong cuộc bầu cử giữa mùa đầu tiên dưới thời TT Obama khiến DC mất 63 ghế tại Hạ Viện.

Theo một thăm dò khác của cơ quan Gallup, đảng DC đang gặp khó khăn với giới trung lưu đồng thời cũng đang mất hậu thuẫn của phụ nữ, là hai khối cử tri then chốt của đảng này.

Cách đây một năm, DC được hậu thuẫn của 46% giới trung lưu trong khi CH chỉ được 36%. Hiện nay, con số này đã bị lật ngược khi DC được hậu thuẫn của 45% cử tri nhưng hậu thuẫn của CH leo lên tới 49%.

Tỷ lệ hậu thuẫn cũng theo chiều hướng tương tự với phụ nữ. Cách đây một năm tỷ lệ phụ nữ hậu thuẫn DC-CH là 49%-35%. Bây giờ tỷ lệ đó đã trở thành 48%-40%.
Những con số trên đã mang lại hy vọng đảng CH sẽ không bị thua đậm trong kỳ bầu quốc hội tới, mà trái lại, có hy vọng thắng lớn.


TƯƠNG LAI BÀ HILLARY
Một thăm dò mới của công ty American Barometer cho thấy nếu bà Hillary ra tranh cử tổng thống lần nữa vào năm 2020, bà sẽ thất bại vì không đủ hậu thuẫn. Theo thăm dò, bà Hillary chỉ được hậu thuẫn của 44% dân Mỹ, tức là chỉ có khối DC trung kiên còn ủng hộ trong khi bà không có phiếu của khối CH và nhất là của khối độc lập không đảng phái.

Tin vui cho những người chống TT Trump: thăm dò cũng cho thấy TT Trump chỉ được hậu thuẫn của 36% cử tri Mỹ.
Nói cách khác, cặp Hillary – Trump vẫn là hai ứng cử viên tổng thống được ít hậu thuẫn nhất trong lịch sử bầu tổng thống Mỹ.
Thăm dò cũng cho thấy ngay cả trong khối DC, hai phần ba cũng bác bỏ các ứng cử viên thiên tả cực đoan của đám ông cháu Sanders – Ocasio Cortez. Nói chung cho tất cả các cử tri, gần 80% dân Mỹ không chấp nhận cặp ông cháu này.


CNN HẠNG BÉT
Thống kê mới nhất về truyền hình Mỹ cho thấy Fox News tiếp tục thống trị các chương trình nói chuyện về chính trị Mỹ trong khi CNN tiếp tục đứng hạng bét trong tháng Chín này. Tổng số người coi Fox lớn hơn gấp 4 lần số người coi CNN.





FOX
MSNBC
CNN


HANNITY
5,857,000






INGRAHAM
5,369,000






TUCKER
5,283,000






MADDOW


4,033,000




HAYES


2,791,000




O’DONNELL


2,750,000




COOPER




2,061,000


CUOMO




1,889,000


TỔNG CỘNG
16,509,000
9,574,000
3,950,000



Trong một tin liên hệ, ông Ted Turner, chồng cũ của bà Hà Nội Jane Fonda, cũng là sáng lập viên đài CNN, trong một cuộc nói chuyện với đài CBS, đã than phiền CNN đã bị chính trị hóa quá nặng nề, ít chú tâm về việc thông tin trung thực, và do đó, thiếu cân bằng. Ông Turner đã không có liên hệ gì đến CNN từ lâu rồi.


GOOGLE GẶP DÂN BIỂU CH
Tổng giám đốc Google, ông Sundar Pichai, sẽ gặp một số dân biểu CH trong nỗ lực giải quyết mâu thuẫn giữa công ty Google với khối CH.
Google là trang mạng nổi tiếng như cuốn tự điển vĩ đại nhất lịch sử, mà bất cứ ai có thắc mắc muốn tìm hiểu về bất cứ chuyện gì cũng đều có thể vào đó truy cứu, hay tìm tài liệu.

Lúc sau này, Google đã bị tố cáo ‘phe đảng’, có khuynh hướng cấp tiến, thường hay dìm những tin tức hay tài liệu có lợi cho tư tưởng bảo thủ trong khi quảng bá mạnh mẽ các tin tức và tài liệu cấp tiến.

Google không phải là trang mạng thông tin duy nhất bị tố phe đảng. Ngay cả Facebook cũng bị tố phe đảng, thường hay xoá hay không đăng những trang hay tin có tính bảo thủ, đặc biệt là kiểm duyệt những trang của các nhân vật bảo thủ.

Cả Google lẫn Facebook đều bị tố là đã hợp tác mật thiết với các chính quyền các nước độc tài, kiểm soát thông tin quần chúng chặt chẽ như Trung Cộng và Việt Cộng. Tại Việt Nam, Facebook bị tố cáo đã chặn cửa cho những tiếng nói chống đối chế độ.

Trong một tin liên hệ, Facebook cho biết vừa khám phá ra trương mục của hơn 50 triệu khách hàng đã bị tin tặc thâm nhập. Công ty còn đang điều tra và chưa biết đã có những tai hại nào.

Vũ Linh, 29/9/2018
Tin vắn Hoa Kỳ cuối tuần 29/9/2018 (https://baotgm.net/vu-linh-tin-van-cuoi-tuan-29-9-2018/)

hongnguyen
10-06-2018, 09:05 AM
Bà Hillary cho biết bà theo dõi cuộc điều trần trên TV và thấy cần phải tin bà Ford. Bà nhận định phụ nữ đã bị coi thường, xử ép, không ai tin lời của họ từ quá lâu.
Câu hỏi cho bà Hillary: thế năm xưa, trước khi cái áo đầm dính tinh khí của ông chồng bà bị lộ ra, bà tin cô Monica hay bà tin ông chồng?
Kẻ này nhớ lại câu nói của đại triết gia Pháp Voltaire: “Chính trị là phương tiện để những chính khách không có nguyên tắc chỉ đạo, dùng để điều khiển những người không có trí nhớ”.
Bà Hillary có nguyên tắc gì không? Có nghĩ là dân Mỹ không có trí nhớ?


VỤ KAVANAUGH TIẾP TỤC SÓNG GIÓ

Câu chuyện TP Kavanaugh chưa kết thúc. Hai bài bình luận hai tuần liền tưởng đã quá đủ. Nhưng rồi vẫn... chưa đủ. Xin thành thật cáo lỗi cùng quý độc giả nào cảm thấy quá nhàm chán, nhưng đây vẫn còn là câu chuyện thời sự nóng bỏng, đáng tiếc thay.
Tuy nhiên, kẻ này xin hứa đây là bài cuối, bất kể kết quả báo cáo của FBI viết gì hay Thượng Viện biểu quyết như thế nào. Cùng lắm thì sẽ chỉ có vài mẫu tin trong trang Tin Vắn thôi.

Trong khi mọi bên chờ FBI điều tra bổ túc thêm sau khi đã điều tra ông Kavanaugh 6 lần, thì cuộc chiến vẫn tiếp tục, với bên bênh bên chống bắn nhau loạn đả không ngừng nghỉ.

Dưới đây là vài tin mới nhất, không theo thứ tự đặc biệt nào. Chỉ muốn giúp quý độc giả có thêm dữ kiện bàn ra tán vào.
Trong mấy ngày qua, thiên hạ đã nhìn thấy phe cấp tiến tung ra chiến lược mới chống TP Kavanaugh, dựa trên 4 mũi tấn công mới:
- Tố ông Kavanaugh phe đảng;
- Chê ông Kavanaugh thiếu bình tĩnh;
- Chỉa mũi dùi vào tội mới của ông Kanavaugh, nghiện rượu;
- Đặt vấn đề FBI điều tra hời hợt.

Câu chuyện tấn công tình dục bà Ford dường như lọt đài, chìm vào lãng quên phần nào vì quá lỏng lẻo.

TTDC loan tin TT Trump giới hạn cuộc điều tra tối đa, chỉ cho FB được thẩm vấn hai người là bà Ford và bà Ramirez, ngay sau đó bị TT Trump vạch tội loan tin fake news.

Ông cho biết FBI có quyền điều tra và thẩm vấn bất cứ ai tùy nhu cầu, kể cả bà Swetnick mà ai cũng biết chỉ là màn xiếc tự quảng cáo lếu láo của luật sư Avenatti của bà đào đóng phim sex. Tuy nhiên, không được kéo dài cuộc điều tra thành màn đi mò cua vô hạn định như công tố Mueller đang làm. Hạn chót nộp báo cáo: Thứ Sáu 5/10/2018.

Báo cáo được FBI hoàn tất và đệ nạp TT Trump khuya Thứ Ba 2/10. FBI không phỏng vấn bà Ford và ông Kavanaugh.

Về cuộc điều tra của FBI, ngay từ đầu, bà Feinstein đã chuẩn bị chiến trường cho trận đánh tới, viết thư cho Tòa Bạch Ốc và FBI yêu cầu làm sáng tỏ tầm mức cuộc điều tra vì bà nghi ngờ cuộc điều tra không đầy đủ và chu đáo.

Đây là mũi dùi mới của khối DC: dàn trận để bác bỏ kết quả điều tra của FBI ngay từ khi FBI chưa bắt đầu điều tra vì biết báo cáo sẽ không thuận lợi cho phe DC. Đòi điều tra cho bằng được, đến lúc được thì đổi giọng tố điều tra không đáng tin. Cái lộ liễu của DC phảng phất mùi khinh thường cả thiên hạ.

Thật ra, chẳng có gì để điều tra hết. Câu chuyện xẩy ra giữa 5 người, 1 người tố, 1 người bị tố đã bác bỏ toàn bộ câu chuyện, và 3 người được đưa ra làm nhân chứng thì đều cho biết không nhớ đã có buổi tiệc đó. Thế thì điều tra cái gì?
Phe DC chỉ là muốn câu giờ trong khi phe CH chấp nhận điều tra như là cái dù che mưa, giúp cho vài nghị sĩ lừng chừng có thể biểu quyết thuận.

Bà Rachel Mitchell, công tố đặt câu hỏi với bà Ford trong cuộc điều trần đã cho biết theo nhận định của bà, bà Ford không đủ lý do vững chắc để thưa kiện ông Kavanaugh trước một tòa án bình thường, và không có một công tố nào có thể kết tội ông Kavanaugh dựa trên tố giác của bà Ford được.

TNS Lindsey Graham, người bênh vực TP Kavanaugh mạnh nhất trong cuộc điều trần vừa qua, lên tiếng kêu gọi FBI điều tra làm sao bức thư nặc danh của bà Ford gửi cho bà Feinstein lại bị lộ ra cho Washington Post, ai xì ra, bà Ford hay bà Feinstein? Đồng thời, FBI cũng phải truy xét vai trò của bà Feinstein trong toàn bộ câu chuyện.

Phe cấp tiến tìm ra được chiêu võ mới tấn công ông Kavanaugh: chê ông này mang tính phe đảng quá nặng cũng như đã có vẻ quá xúc động khi ra điều trần, chứng tỏ không đủ công tâm và không đủ bình tĩnh để làm thẩm phán TCPV.

Nói về tính phe đảng, TP Kavanaugh trong cuộc điều trần đã cố biện hộ cho mình và phơi bày ra những tấn công vô lý của các đối thủ chống ông như họ đã tố ông là ‘evil’, là hàng triệu người sẽ chết nếu ông vào TCPV, là ông đã tham gia vào các vụ hãm hiếp hội đồng,…
Ông đả kích những người đã tung những luận điệu xuyên tạc đầy ác ý và vô lý đó. Tại vì những người tung những tố giác đó chính là vài nghị sĩ DC trong Ủy Ban Tư Pháp, nên TTDC tố ngay ông Kavanaugh đã có tính phe đảng, dám đả kích các nghị sĩ DC.

Theo kiểu lý luận này, các nghị sĩ DC tha hồ vu cáo, nhục mạ ông Kavanaugh, nhưng nếu ông này dám than phiền mấy ông bà DC đó thì đã có nghĩa là ông Kavanaugh có tính phe đảng.
Nôm na ra, một quan tòa công tâm không phe đảng theo định nghiã của TTDC phải là một quan tòa không đụng đến đảng DC.

Về sự xúc động của ông Kavanaugh, quý độc giả thử đặt mình vào chỗ ông Kavanaugh: bị vu cáo và bị đánh tàn nhẫn như vậy, quý vị có thể bình tĩnh như cái tủ lạnh được không?
Trước khi ném đá vào người khác, có nên tự soi gương không?

Năm xưa, thống đốc DC Micheal Dukakis ra tranh cử tổng thống. Ông chủ trương chống án tử hình bất kể tội phạm nặng cỡ nào. Trong cuộc tranh luận trên TV với ông Bush cha, ông Dukakis bị hỏi “Nếu như bà vợ ông bị hãm hiếp và giết chết, ông có chấp nhận án tử hình chống hung thủ không?”.
Ông Dukakis mặt tỉnh bơ, không đỏ mặt cũng chẳng ‘nghiến răng nghiến lợi’ gì, bình tĩnh nêu ra đủ thứ luật lệ rồi nhấn mạnh ông sẽ áp dụng luật. Ông Dukakis thất cử.
Các chuyên gia khi đó cho rằng ông Dukakis đã chứng tỏ mình là một cái máy không có tình người, không thể làm tổng thống được vì tổng thống là người lúc nào đầu óc cũng phải tỉnh táo dĩ nhiên, nhưng cũng phải có tình người để hiểu lòng người, ý dân.

Xin nhắc lại, vài ngày trước khi ra điều trần, hai ông bà Kavanaugh lên đài TV Fox để phỏng vấn. Ông nói chuyện bình tĩnh, nghiêm chỉnh vì nói với phóng viên đài Fox và cho khán giả nghe, là những người không có trách nhiệm gì trong vụ tấn công ông.
Phe cấp tiến xúm vào chê ông là robot, người máy trả bài, không có tình người, có vẻ nhu nhược, không thể làm quan toà được. Không khác gì trường hợp ông Dukakis mấy.
Vào cuộc điều trần, đối diện với những người cố tình muốn tàn sát ông, tàn sát sự nghiệp và gia đình ông, ông xúc động và nặng lời thì bị tố thiếu bình tĩnh. Nói cách khác, kiểu gì thì cũng bị đánh.

Cụ xã nghĩa Bernie Sanders đã tung ra mặt trận mới, ồn ào lên tiếng đòi FBI điều tra cặn kẽ quá khứ của ông Kavanaugh từ ngày bắt đầu vào trung học đến hết thời sinh viên, xem ông này đã uống bao nhiêu bia, đã say xỉn mấy lần, tham dự các đêm hoan lạc bao nhiêu lần,…
Cụ Sanders vẫn còn ‘nhân đạo’, chưa đòi điều tra xem ông Kavanaugh đã hãm hiếp bao nhiêu phụ nữ.

Ta thấy phe DC bắt đầu chuyển hướng, nại ra cớ khác để đòi FBI điều tra tiếp. TTDC (New York Times, Washington Post, CNN, NBC,...) tiếp hơi, đổi đề tài, không viết về bà Ford nữa vì cơ sở tố cáo quá lỏng lẻo, không ăn khách, bây giờ viết về chuyện ông Kavanaugh say xỉn thời sinh viên.

Ngoài ra, nhiều mũi tên khác cũng đang được bắn tới tấp vào ông Kavanaugh, hy vọng sẽ có một mũi bắn trúng tử huyệt.
Bà Feinstein than phiền ông Kavanaugh đã không tôn trọng các nghị sĩ DC.
Làm như thể các nghị sĩ DC rất tôn trọng TP Kavanaugh vậy.
Tôn trọng là con đường hai chiều chứ không phải một chiều. Đòi hỏi người khác phải tôn trọng mình trong khi mình đạp người ta xuống bùn là một đòi hỏi lố bịch.

Báo USA Today, có lẽ hy vọng đoạt giải Pulitzer về tin bẩn, đã đưa ra bài quan điểm kinh hồn: cần phải cấm TP Kavanaugh không được tới gần trẻ con, cấm không cho làm ông bầu đội bóng rổ của con gái ông.
Bị phản đối quá mạnh, USA Today sau đó đã xóa đoạn này trên bài bình luận, đổ thừa đó là quan điểm cá nhân của người viết, nhưng không có một lời xin lỗi ông Kavanaugh.

(http://4.bp.blogspot.com/-XsDlVTfeg4E/W7ekMJTqvyI/AAAAAAAAE3I/Hxf2IogA4iIUWWP6hqeJS21t5K6EEONhwCK4BGAYYCw/s1600/Kavanaugh-cartoon-720-1.jpg)Một tờ báo khác muốn dành giải Pulitzer với USA Today, đăng hình vẽ một cô bé gái quỳ cạnh giường cầu nguyện “Xin Chúa tha tội cho ông bố nóng tánh, nói láo, say xỉn của con đã tấn công tình dục bà Ford”.
Ngay sau đó, phản ứng của độc giả quá mạnh khiến tờ báo đã phải xóa cái hình đó. Bức hình này bôi bác việc TP Kavanaugh trong cuộc điều trần đã kể lại chuyện con gái của ông, 10 tuổi, đã cầu nguyện cho bà Ford.

Bà Hillary cho biết bà theo dõi cuộc điều trần trên TV và thấy cần phải tin bà Ford. Bà nhận định phụ nữ đã bị coi thường, xử ép, không ai tin lời của họ từ quá lâu.

Câu hỏi cho bà Hillary: thế năm xưa, trước khi cái áo đầm dính tinh khí của ông chồng bà bị lộ ra, bà tin cô Monica hay bà tin ông chồng?
Kẻ này nhớ lại câu nói của đại triết gia Pháp Voltaire: “Chính trị là phương tiện để những chính khách không có nguyên tắc chỉ đạo dùng để điều khiển những người không có trí nhớ”.
Bà Hillary có nguyên tắc gì không? Có nghĩ là dân Mỹ không có trí nhớ?

Tổ chức cực tả ACLU (American Civil Liberties Union) so sánh ông Kavanaugh với cựu TT Clinton. Hai câu hỏi cho ACLU:

1) Với TT Clinton, có bằng chứng cụ thể là chiếc áo đầm dính tinh khí, vụ tố ông Kavanaugh có bằng chứng gì?

2) Hai trường hợp ‘giống nhau’, vậy tại sao ông Clinton vẫn xứng đáng làm tổng thống mà ông Kavanaugh không xứng đáng vào TCPV?

Về phần bà Ford, Bà nói trước Thượng Viện là bà đã run sợ khi đi thử máy dò nói dối.
Tin mới nhất: bà Ford là chuyên gia về máy dò nói dối, và trong tư cách giáo sư tâm lý, biết rất rõ cách trả lời máy nói dối cho thông, đã từng chỉ dẫn cho một người bạn xin việc với FBI cách để lách qua cửa ải phải qua máy này mới được FBI nhận vào làm.
Đây là tiết lộ của kép cũ của bà Ford. Bà bạn của bà Ford đã chối chuyện này. Không lẽ bà ta lại nhận đã gian trá với FBI? Đúng là chuyện lẩm cẩm.

Anh kép cũ này cũng cho biết trong suốt thời gian sống chung với bà Ford (1992-1998) anh ta không hề nghe bà Ford nói về vụ ông Kavanaugh gì hết và cũng chẳng thấy triệu chứng bà Ford bị khủng hoảng tâm thần gì.

Tin mới lạ về bà Ford:
Trong cuộc điều trần trước Thượng Viện, bà Ford khai năm 2012 bà phải đi gặp bác sĩ cố vấn tâm thần vì bà bị khủng hoảng tinh thần dây dưa từ vụ tấn công tình dục của ông Kavanaugh.

Bà cho biết khi đó, bà nhất định phải làm thêm một cửa ra vào ở nhà bà. Ông chồng không đồng ý, hai vợ chồng cãi cọ. Ông chồng bắt bà vợ phải giải thích cho rõ tại sao muốn làm vậy. Bà Ford đành thú tội cho ông chồng bà cần có một cái cửa ra vào thứ hai vì bà cảm thấy sợ hãi, có cảm tưởng bị đe dọa thường trực, cần phải có nhiều lối thoát.
Là hậu quả trực tiếp của vụ tấn công của ông Kavanaugh vẫn còn ám ảnh bà từ 30 năm trước. Cuối cùng thì ông chồng đồng ý, làm thêm cửa thứ hai và mang bà vợ đi khám bác sĩ tâm thần.

Trong cuộc điều trần, bà Feinstein hỏi mớm bà Ford “bà xây thêm cửa vì sợ hãi cảm giác tù túng?”. Bà Ford trả lời, “đúng vậy”.

Ai nghe câu chuyện này mà không cảm thông cho bà nạn nhân tấn công tình dục đáng thương này?
Vấn đề là có một anh nhà báo của Real Clear Politics tên là Thomas Lipscomb đã khúc mắc đi điều tra, và khám phá ra câu chuyện... ‘coi dzậy mà hổng phải dzậy’.

Theo anh Lipscomb, nhà bà Ford mở thêm cửa vào năm 2008 theo giấy phép của thị xã, vài tháng sau khi bà mới mua căn nhà cuối năm 2007.
Bốn năm sau, bà mới đi khám bệnh tâm thần năm 2012, tức là hai việc dường như chẳng có gì liên hệ gì với nhau.

Vui hơn nữa, là anh chàng Lipscomb này cũng khám phá ra là trong nhà bà Ford, cái cửa mới xây đó là cửa của một phòng riêng trong nhà mà bà Ford sửa lại để cho sinh viên thuê lại.
Khi làm thêm cửa thì bà Ford cũng làm thêm phòng tắm riêng cho căn phòng đó. Nói cách khác, đó là cửa ra vào riêng cho căn phòng bà Ford cho thuê.
Hiển nhiên việc làm thêm cửa chẳng có liên hệ xa gần gì đến chuyện ông Kavanaugh tấn công tình dục ba chục năm trước như bà Ford tả oán.

Trong suốt cuộc điều trần tại Thượng Viện, bà Ford không hề nói một tiếng nào về chuyện sửa nhà, làm phòng riêng với cửa riêng cho sinh viên thuê, mà chỉ nói cần làm thêm cửa thứ hai vì sợ cảm giác tù túng, hậu quả của khủng hoản tâm thần sau vụ tấn công của ông Kavanaugh.

Bà Swetnick, người đã từng tố cáo ông Kavanaugh tham gia vào những cuộc vui hãm hiếp tập thể thời còn học ở đại học Yale, đã được mời lên đài NBC phỏng vấn.
Trên TV, bà xác nhận ông Kavanaugh ‘có mặt’ nhưng không tham gia, cũng không có chuyện ông cởi quần áo ‘chuẩn bị tham gia’ luôn.
Chỉ là chuyện Yale luôn có những trận hãm hiếp tập thể như vậy và ông Kavanaugh với tư cách sinh viên Yale đã có mặt. Thế thì tội của ông này tóm lại là gì?

Bà Swetnick đưa ra tên bốn người nhân chứng. Một người đã bác bỏ ngay, cho là không biết gì về những chuyện hãm hiếp tập thể này, một người đã qua đời, còn hai người kia chưa tìm ra, không biết có thật hay không.
Anh kép cũ của bà Swetnick công khai tố bà này là vua nói láo, đừng ai tin bà ta.
Trong khi đó, bà cũng bị thưa kiện lung tung về chuyện tiền bạc lộn xộn và thiếu thuế, khiến nhiều người nghi ngờ bà đã được luật sư Avenatti trả tiền để tố ông Kavanaugh.

Điều lạ lùng là cả trăm sinh viên Yale đã bãi học, biểu tình chống ông Kavanaugh. Tức là họ nhìn nhận tại Yale đã có những buổi tiệc hoan lạc ‘hãm hiếp tập thể’ vậy sao?
Chưa nghe bán giám đốc Yale lên tiếng. Cả sinh viên Harvard cũng bắt chước theo. Khiến ông Kavanaugh đã hủy bỏ ý định đi dạy học tại Harvard trong mùa hè tới.

Tin buồn cho nước Mỹ: đó là những sinh viên luật của các trường lớn, tức là những đại luật gia tương lai của Mỹ: bây giờ nền tảng pháp lý của chúng là “có tội cho đến khi chứng minh được là vô tội’.
Quý độc giả muốn an toàn, nhớ đừng chọc giận ai hết vì có thể bị tố bất cứ tội gì mà không cần bằng chứng hay nhân chứng.

Trong khi đó, hàng trăm phụ nữ khắp nước đã lên tiếng bênh vực ông Kavanaugh, chỉ trích việc ông này bị phe cấp tiến và TTDC lôi xuống bùn mà chẳng có bằng chứng hay nhân chứng gì.
Báo cấp tiến The Atlantic gióng chuông báo động: các bà bảo thủ đang nổi giận và nhất quyết lên tiếng trong cuộc bầu cử tới khi thấy đảng DC đã đi quá xa, khai thác phụ nữ làm vũ khí chính trị.

TT Trump đã tuýt đả kích cuộc điều trần là đáng hổ thẹn khi nhìn thấy ông Kavanaugh bị đánh một cách cực kỳ vô lý. Ông cũng tiên đoán bất kể kết quả điều tra của FBI như thế nào, DC sẽ vẫn tiếp tục tìm cách đánh ông Kavanaugh.
Ông kêu gọi cử tri CH có hành động bằng cách tích cực tham gia đi bầu trong cuộc bầu quốc hội một tháng nữa để ngăn chặn DC phá đám thêm nữa.

Một bình luận gia DC, Brian Dean Wright cho rằng DC tấn công ông Kavanaugh một cách quá đáng có thể sẽ gặp phản ứng ngược của cử tri, giống như năm xưa khi khối CH nghiến răng đàn hặc TT Clinton, đưa đến việc tỷ lệ hậu thuẫn của ông Clinton vọt lên đến mức kỷ lục gần hai phần ba dân Mỹ.

Khi bài này được viết thì mới có tin FBI đã nộp báo cáo cho Tòa Bạch Ốc và Thượng Viện. Cả Tòa Bạch Ốc và Thượng Viện đều cho biết báo cáo chẳng có gì kết tội ông Kavanaugh hết. FBI phỏng vấn 10 người, không có một người nào xác nhận câu chuyện của bà Ford và bà Ramirez hết.

Thượng Viện đã biểu quyết Thứ Sáu 5/10 gần như theo đúng làn ranh đảng phái, 51/49, với mỗi bên có một nghị sĩ ‘phản đảng’ (bà Murkowski của CH chống, trong khi ông Manchin của DC thuận), chấm dứt thảo luận, đưa vấn đề ra trước phiên họp khoáng đại để tất cả các nghị sĩ biểu quyết việc phê chuẩn TP Kavanaugh, có thể vào ngày Thứ Bẩy 6/10.
Chưa có nghĩa đó sẽ là số phiếu cuối cùng về việc phê chuẩn TP Kavanaugh.

Phe cấp tiến phản đối dữ đội vì ‘FBI đã không phỏng vấn bà Ford’. Phỏng vấn gì nữa?

Cả bà Ford lẫn ông Kavanaugh mỗi người đã bị tra hỏi bốn tiếng đồng hồ trước Thượng Viện. Bà nói gà, ông nói vịt, Thượng Viện yêu cầu điều tra xem ai nói thật. FBI chỉ cần giữ những lời khai của hai người trước Thượng Viện, rồi đi tìm dữ kiện hay nhân chứng để kiểm tra.
Đó là việc FBI đã làm và FBI đã không phỏng vấn hai người này mà phỏng vấn 10 người khác.

Phe cấp tiến cũng tố FBI đã phỏng vấn quá ít người. Thế nào là đủ?
Nếu báo cáo của FBI bất lợi cho bà Ford thì phỏng vấn 1.000 người vẫn chưa đủ; nếu báo cáo bất lợi cho ông Kavanaugh thì phỏng vấn một người cũng là dư thừa, đó là quan điểm của phe DC.

Phe cấp tiến và TTDC đe dọa phê chuẩn kiểu này sẽ khiến phụ nữ nổi giận và CH sẽ thua to trong cuộc bầu cử tới. Bên nào thua, bên nào thắng chưa ai rõ vì chưa biết cử tri bên nào nổi giận mạnh hơn, nhưng chắc chắn là nếu được phê chuẩn, ông Kavanaugh sẽ ngồi trong TCPV hai ba chục năm, trong khi bầu cử quốc hội là chuyện bầu bán mỗi hai năm.
Thua năm nay, hai năm nữa tính lại. Đường xa, bên nào thắng?

TIN GIỜ CHÓT: Bà nghị sĩ Susan Collins đã cho biết sẽ bỏ phiếu thuận. Bên CH, chỉ còn bà Murkowski có thể bỏ phiếu, dù vậy, vẫn đủ phiếu rồi. TP Kavanaugh sẽ được phê chuẩn.

Thông báo cùng quý độc giả: tuần này đánh dấu một bước tiến quan trọng của Diễn Đàn Trái Chiều, nên có bức Thư Ngỏ mới cám ơn quý độc giả. Xin kính mời quý độc giả ghé vào trang “Thư Ngỏ 10/2018”.

Vũ Linh Oct 6, 2018
(http://diendantraichieu.blogspot.com/p/thu-ngo-102018.html)

hongnguyen
10-09-2018, 08:07 AM
Chuyện lạ vô tiền khoáng hậu: nghị sĩ DC Chuck Schumer, một trong những tiếng nói chỉ trích TT Trump hung hăng nhất, đã lên tiếng ca ngợi TT Trump vì theo ông NAFTA hết sức tệ, cần phải sửa đổi từ lâu rồi.


NAFTA MỚI TT Trump lại thắng nữa
Sau khi Mexico thỏa thuận thu hồi hiệp ước mậu dịch NAFTA (North America Free Trade Agreement), sau ít tuần kỳ kèo, trả giá, cuối cùng thì Canada cũng đã phải thỏa thuận với Mỹ và Mexico về một hiệp ước thương mại mới giữa ba xứ, để thay thế thỏa ước NAFTA của TT Clinton.

Thỏa ước mới lấy tên là ‘Thỏa Ước Mỹ-Mexico-Canada’ (US-Mexico-Canada Agreement, USMCA) mà ta có thể gọi hiệp ước Mỹ-Mê-Canada cho dễ nhớ (!), sẽ được chính thức ký kết cuối tháng 11, trước khi tổng thống Mexico rời nhiệm sở, nhường lại cho tân tổng thống thiên tả mới được bầu.

Tuy nhiên thỏa ước sẽ phải được quốc hội Mỹ thông qua đầu năm tới. Nếu DC đại thắng trong cuộc bầu cử tới, chưa ai rõ họ sẽ chấp nhận phê chuẩn hay không, hay sẽ lại tìm cách phá TT Trump.

Dù sao thì đây cũng lại là một chiến thắng mới của TT Trump, sẽ giúp đảng CH phần nào trong kỳ bầu cử tới.

Wall Street đã hoan nghênh tin này qua việc chỉ số chứng khoán Dow Jones đã tăng vọt ngay (tuy hai ngày lại rớt mạnh vì tin tăng trưởng kinh tế quá nhanh có thể đưa đến lạm phát nặng).

Trong khi giới kinh doanh hoan nghênh hiệp ước mới, TTDC đã mau mắn tấn công ngay, cho rằng sự hồ hởi này là loại lạc quan tếu. Một lần nữa, ta lại chứng kiến thái độ của TTDC đối với TT Trump: đánh, đánh, và đánh, bất cứ chuyện gì bằng bất cứ cách nào, bất kể tin xấu tin tốt.

Chi tiết chưa được công bố, nhưng đại cương thì Canada sẽ giải tỏa bớt những cấm đoán cũng như giảm thuế quan để sữa bò Mỹ được vào Canada dễ hơn và nhiều hơn, trong khi Canada cũng đồng ý giới hạn việc xuất cảng qua Mỹ xe hơi với quá nhiều thành tố nhôm hay thép từ Trung Cộng.

Cũng có vài chi tiết lẻ tẻ như dễ dàng hóa việc xuất cảng rượu Cali qua Canada, hay bắt các công ty bán thuốc phải tôn trọng tác quyền của hãng bào chế thuốc Mỹ (tức là trả chi phí nghiên cứu và chế thuốc, và thuốc Canada sẽ đắt hơn) hay bắt Canada khi trình chiếu phim football của Mỹ, thuộc bản quyền của Hiệp Hội Football Mỹ (National Football League NFL) cũng phải chiếu những quảng cáo của NFL (tức là phải trả tiền cho NFL).

Nhiều chi tiết khác chưa điều đình xong, chỉ biết là thỏa ước mới có lợi cho Mỹ nhiều hơn, mang lại tiền nhiều hơn cho các công ty Mỹ. TT Trump đã giữ thêm một lời hứa khi ra tranh cử.

Chuyện lạ vô tiền khoáng hậu: nghị sĩ DC Chuck Schumer, một trong những tiếng nói chỉ trích TT Trump hung hăng nhất, đã lên tiếng ca ngợi TT Trump vì theo ông NAFTA hết sức tệ, cần phải sửa đổi từ lâu rồi.


TT TRUMP BỊ THƯA KIỆN
Một quan tòa đã phán cuộc thưa kiện TT Trump của khối dân biểu DC có thể được tiến hành.

Một nhóm 200 dân biểu DC đã đưa đơn thưa kiện tập thể TT Trump đã vi phạm luật khi tiếp tục kinh doanh qua tổ chức Trump Organization bằng cách cho các khách sạn và sân golf tiếp tục nhận khách quốc tế. Đây là một luật bí ẩn cả trăm năm nay không được áp dụng, nhưng đã được khối DC lôi từ trong nhà kho ra sử dụng để phá TT Trump.

Theo luật này, tổng thống không được nhận tiền của các vua quan ngoại quốc để tránh họ bị mua chuộc. Các dân biểu DC tố cho dù TT Trump đã không tham gia vào việc điều hành Tổ Chức Trump, nhưng ông vẫn hưởng lợi khi thu tiền các khách ngoại quốc.
Vì luật này chưa khi nào được thi hành nên chẳng ai hiểu rõ nó đi xa bao nhiêu và TT Trump khi vẫn còn quyền lợi trong tổ chức Trump Organization có vi phạm luật hay không.

Có hai điểm đáng nói:


Khi bà ngoại trưởng Hillary và ông chồng cựu tổng thống đi gây quỹ cho Clinton Foundation và đi đọc diễn văn có thù lao vĩ đại ở ngoài nước thì sao không thấy ông bà dân biểu DC nào nêu vấn đề chứ đừng nói thưa kiện vậy?


Việc tổng thống đương nhiệm có thể bị thưa kiện hay không là một khúc mắc lớn mà chưa ai có câu trả lời rõ rệt. Việc một quan tòa cấp tiến ra quyết định chấp nhận thưa kiện chống TT Trump không có gì mới lạ, tuy chưa ai biết tòa trên và TCPV sẽ xử lý ra sao. TP Kavanaugh là người chống việc truy tố tổng thống đương nhiệm. Một lý do quan trọng khiến phe DC đang chống thẩm phán này




NYT ĐÁNH TRUMP
Báo thiên tả New York Times mở mặt trận mới đánh TT Trump. NYT cho biết đã nhận được cả trăm ngàn trang tài liệu về các giao dịch kinh doanh của gia đình ông Trump, từ ông bố Fred Trump đến các anh em và chính ông Trump trong thập niên 50-60, cách đây nửa thế kỷ.

Đại khái, NYT tố cả gia đình nhà Trump mánh mung, lươn lẹo sổ sách, lập công ty ma để tránh thuế,… Chẳng hạn như ông bố để lại gia tài tổng cộng một tỷ đô cho 5 người con, đáng lẽ phải đóng thuế 500 triệu, nhưng cuối cùng chỉ đóng có hơn 50 triệu.

Anh nhà báo của NYT nổ “đây là bằng chứng Trump nói láo khi khoe đã ăn nên làm ra từ bàn tay trắng”. Fake news!
Cả thế giới không ai biết ông Trump là con đại tài phiệt hưởng gia tài của bố để lại, chứ không có chuyện “bàn tay trắng”. “Bàn tay trắng” là chuyện NYT mới phịa ra để bôi bác TT Trump thôi. Chính NYT mới là nói láo không hơn không kém.

Vấn đề là ông hưởng gia tài bao nhiêu, và từ đó đã làm ra thêm bao nhiêu. Trước hết, ông Trump đã là triệu phú rất lâu trước khi hưởng gia tài.
Không ai biết rõ ông hưởng bao nhiêu, nhưng cứ cho là ông hưởng 1/5 của một tỷ, hay là 200 triệu như NYT tố, thì ngày nay ông đã ‘biến’ cái 200 triệu đó thành 5 tỷ là con số tài sản của ông hiện có, do tạp chí Fortune ước lượng, tăng gấp 25 lần.
Có gian lận thuế thì cũng chỉ là chuyện đóng ít thuế đi, chứ không thể nhân tài sản lên gấp 25 lần.

Luật sư của TT Trump đã bác bỏ, cho rằng bài phân tách của NYT đầy sai lầm, thiếu sót và tin phịa. Tất cả các giao dịch, sổ sách đều do các chuyên gia kế toán và luật sư lo kỹ lưỡng, không có gì là vi phạm luật pháp và gian trá hết.

Ông luật sư này cũng nói bóng gió ông đang nghiên cứu việc truy tố NYT ra tòa về tội mạ lỵ gì đó.

Công bằng mà nói, trong cái xứ Mỹ này, không có một người nào không tìm cách tránh trả thuế cho bác Sam, kể cả quý độc giả và kẻ này.
Không kể những cụ cả đời ăn trợ cấp, không bao giờ phải đóng một xu thuế thì dĩ nhiên không thích những ai trốn thuế, sợ bớt phần trợ cấp của các cụ.

Đại tập đoàn General Motors –GM, lời cả tỷ, đóng đúng zero thuế. Ông tổng giám đốc vẫn được mời làm cố vấn cho TT Obama. Chắc là cố vấn cho TT Obama cách đóng bớt thuế?

Quỹ Clinton Foundation thu vào hai tỷ đô, nhưng lấy cớ là công ty làm chuyện từ thiện, chẳng đóng xu thuế nào. Dĩ nhiên là quỹ có làm ít nhiều chuyện từ thiện, nhưng trên căn bản, chỉ là quỹ lấy tiền để bà Hillary tranh cử tổng thống, nuôi dưỡng đàn em qua những chức vụ phịa lãnh lương trên trời, và đấm mõm các khối cử tri.
Sao chưa thấy NYT điều tra?

Cái nguy cho TT Trump là công tố Mueller vẵn còn đang ngồi câu cá. Có thể sẽ nhẩy vào chuyện này để vồ ông Trump cho dù chẳng dính dáng xa gần gì đến chuyện ’thông đồng’ với Nga.
Câu hỏi: có phải là NYT đang cố tiếp mồi cho ông Mueller đi câu không?
Chính quyền tiểu bang cắp tiến New York đã mau mắn nhẩy vào cuộc, điều tra những tiết lộ của NYT.


NỘI BỘ MUELLER LỦNG CỦNG?
Tin mới nhất cho biết thêm hai luật sư của nhóm công tố Mueller đã từ chức. Trước đây, đã có hai luật sư từ chức. 17 người, bây giờ còn 13.
Việc từ chức của những luật sư này không hiểu do nguyên nhân từ đâu. Có thể đã có vài bất đồng ý kiến về cách công tố Mueller điều hành cuộc điều tra, hay có thể công tố Mueller đã làm gần xong nhiệm vụ và chuẩn bị đóng cửa tiệm.

Nếu là gần xong thì các chuyên gia cho đây là tin mừng cho TT Trump vì cho đến nay, ngoài ông Manafort đang bị truy tố vì những tội lem nhem tiền bạc chẳng dính dáng gì đến TT Trump, ông Papadopouls bị phạt 14 ngày tù vì một tội vớ vẩn, tướng Flynn chờ ngày ra tòa vì tội khai sai ngày gặp đại sứ Nga, và LS Cohen chờ ngày ra tòa vì tội trốn thuế, thì chẳng ai thấy bất cứ bằng chứng gì về chuyện ông Trump ‘thông đồng’ với Nga.


NEW YORK TIMES TIÊN ĐOÁN TT TRUMP TÁI ĐẮC CỬ
Nhà báo Amy Chozick đã viết trên NYT là TT Trump sẽ tái đắc cử nếu ra tranh cử năm 2020.

Bà Chozick lý luận dựa trên kinh nghiệm thành công của các chương trình phim bộ trên TV. Bí quyết thành công của những phim bộ là hai việc:
thứ nhất là hấp dẫn thiên hạ phải dán mắt vào, không coi không được và lúc nào cũng tỉnh ngủ để theo dõi;
thứ nhì là đoạn cuối của mỗi tập luôn luôn nêu lên một câu hỏi mà phải coi đoạn tiếp trong tuần tới mới có câu trả lời, khiến người coi bắt buộc phải chằm hăm đợi đến tuần sau để coi tiếp.

Theo bà Chozick, bất kể đồng ý hay không đồng ý với TT Trump, dân Mỹ đang chăm chú theo dõi tất cả những gì TT Trump làm hay nói mỗi ngày. Chẳng những vậy mà luôn luôn có những chuyện mà dân Mỹ thắc mắc không biết sẽ được giải quyết như thế nào, cần phải theo dõi.

Điển hình là vụ ông Kavanaugh, cả nước đang bị cuốn hút vào để theo dõi cuộc điều trần, và cả nước cũng háo hức muốn biết những ngày tới sẽ biến chuyển như thế nào. Như FBI sẽ điều tra tới đâu, DC sẽ dở trò gì khác, TT Trump sẽ phản ứng như thế nào, ông Kavanaugh sẽ được phê chuẩn hay không,…

Hay ngay cả việc ông Rosenstein cũng vậy, cả nước đang hồi hộp chờ xem TT Trump có cách chức ông này không. Chưa kể chuyện lớn nhất là cuộc tỷ võ giữa TT Trump và công tố Mueller.

Theo bà Chozick, TT Trump sẽ dễ dàng tái đắc cử năm 2020, và hy vọng duy nhất của phe DC là TT Trump sẽ bị đàn hặc, truất phế, hay bị công tố Mueller bắt về một đại tội nào đó.

Kẻ này cũng nhận thấy TT Trump có một thứ ‘nghệ thuật’ rất đặc biệt, nói và làm những chuyện không ai có thể không chú ý.
Những câu nói sóc họng hay ngay cả những phóng đại mà TTDC gọi là ‘nói láo’, cũng được tính toán để thu hút sự chú ý của thiên hạ.
TT Trump cũng đã sử dụng một vũ khí vô cùng hữu hiệu để chống lại những tấn công của TTDC: đó là những cái tuýt rất ngắn, cô đọng, nhưng hết sức hữu hiệu vì tạo chú ý và đi thẳng vào quần chúng, không bị TTDC thanh lọc.
Trong chính trị Mỹ, cái nguy lớn nhất là làm cho thiên hạ ngủ gật. Đó chính là lý do khiến thống đốc Jeb Bush đã thất bại mặc dù ông là người rất có tài và khả năng. Không ai có thể ngủ gật với TT Trump.


QUAN TÒA CALI BÁC LUẬT AN TOÀN
Một quan tòa tại quận Cam –Orange County- đã bác bỏ Luật An Toàn Cho Di Dân –Sanctuary Law- của tiểu bang Cali, cho là bất hợp Hiến vì trên căn bản, việc di dân thuộc phạm vi quyền hạn của Hành Pháp liên bang, không phải của tiểu bang.
Chưa nghe thống đốc Jerry Brown phản ứng như thế nào.

Trước đây, bộ Tư Pháp liên bang đã thưa kiện luật này nhưng đã bị một quan tòa Cali bác bỏ. Khi đó, nhiều quận tại Cali đã nộp đơn ủng hộ việc thưa kiện của bộ Tư Pháp. Bây giờ là lần đầu tiên một quan tòa tiểu bang công khai phán luật này bất hợp Hiến.


BÀ WARREN ÕNG ẸO
Bà nghị sĩ Massachusetts, Elizabeth Warren, đã lên tiếng cho biết bà đang cân nhắc việc ra tranh cử tổng thống. Dịch ra ngôn ngữ bình dân: bà sẽ ra tranh cử!
Trước đây, cả nước đoan chắc bà sẽ ra, nhưng bà đã chối bai bải, khẳng định nhiều lần là bà sẽ không ra. Cả nước biết bà mần tuồng. Bây giờ thì đã thú nhận, tuy vẫn ẫm ờ.

Bà Warren thuộc khuynh hướng cực tả, nếu ra tranh cử sẽ đụng độ mạnh với cụ xã nghiã Sanders, là người đã thua bà Hillary năm 2016, nhưng đang chuẩn bị ra tranh cử lại năm 2020. Bà Warren sanh 1949, nếu ra tranh cử năm 2020, sẽ vào tuổi cổ lai hy.

Cuộc bầu cử tổng thống tới hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn bên phiá DC khi mà cho đến nay, đã có trên dưới ba chục vị tai to mặt lớn ngắm nghé, từ các lão đồng chí quen thuộc như cụ Sanders, cụ bà Hillary, các cụ ông Biden, Kerry, có thể có cả cụ Jerry Brown của Cali,…
cho đến các mầm non hạng ngũ hay lục tuần như Kamala Harris, Cory Booker, Eric Holder, Deval Patrick (toàn là các ông bà da đen muốn theo gương TT Obama) và hàng loạt vô danh tiểu tốt khác.
Cuộc chạy đua nội bộ sẽ sôi nổi hơn coi đấu đô vật.

Về phiá CH, vài ông thuộc khối #NeverTrump đã thả bong bóng thăm dò, trong đó có ông nghị sĩ Jeff Flake, là người đang gây khó cho ông Kavanaugh khi đòi FBI điều tra trước rồi mới quyết định thuận hay không.
Việc ông Flake ra tranh cử chống TT Trump là chuyện tào lao nhất. Ông Flake đã phải rút lui không ra tái tranh cử thượng nghị sĩ ngay trong tiểu bang nhà Arizona vì hậu thuẫn chưa tới 20%, làm cách nào đi xa hơn, vào tới Tòa Bạch Ốc?
Nhưng phe #NeverTRump sẽ khuyến khích ông ra chỉ để có người ra đánh TT Trump.


BA LAN ĐỀ NGHỊ MỸ LẬP CĂN CỨ
Ba Lan đã chính thức mời Mỹ thiết lập căn cứ quân sự tại xứ này, sẵn sàng chi ra hai tỷ đô để giúp trang trải chi phí rất lớn để xây căn cứ.

TT Andrzej Duda đã qua mặt Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO khi đưa đề nghị này thẳng với TT Trump, rõ ràng chứng minh ông không tin tưởng NATO có quyết tâm lo chuyện quốc phòng cho các nước Âu Châu.
Ba Lan là quốc gia ‘cựu cộng sản’ nhưng bây giờ chống cộng, chống Nga mạnh nhất và thân thiện với Mỹ nhất, đặc biệt là với TT Trump.

Trước đây, khi TT Trump viếng thăm Ba Lan, ông đã được tiếp đón nồng nhiệt nhất, từ chính phủ đến dân Ba Lan. TT Duda cũng là người có khuynh hướng bảo thủ, chống chính sách mở toang cửa đón di dân Trung Đông của Liên Âu.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tướng Mattis, đã cho biết ông đang nghiên cứu lời mời này. Thật ra, tướng Mattis chỉ nghiên cứu vấn đề dưới khiá cạnh quân sự và phí tổn thôi, còn quyết định thì mang tính chính trị rõ ràng và sẽ phải do TT Trump quyết định.

Các chuyên gia lo sợ Mỹ chấp nhận đề nghị của Ba Lan sẽ là hành động có tính trừng phạt đồng minh quan trọng nhất là Đức. Đề nghị này khiến Đức lo lắng nhất, sợ Mỹ sẽ chuyển căn cứ và lính đang bảo vệ Đức qua Ba Lan, bắt Đức sẽ phải tăng ngân sách quốc phòng lên ngay.

Một rắc rối nữa, Ba Lan là cửa ngỏ vào Nga, Mỹ lập căn cứ quân sự tại đây sẽ không được TT Putin hoan nghênh, trong khi TT Trump đang có chính sách liên minh với Nga để kềm hãm Trung Cộng.

Vũ Linh, 5/10/2018

TLNVN
10-09-2018, 11:27 AM
trong bài dài ở trên , tui phái nhứt là câu này .



Trong chính trị Mỹ, cái nguy lớn nhất là làm cho thiên hạ ngủ gật. Đó chính là lý do khiến thống đốc Jeb Bush đã thất bại mặc dù ông là người rất có tài và khả năng. Không ai có thể ngủ gật với TT Trump.


Quá đúng . Không những dân Mỹ không thể ngủ gục mà dân thế giới (điển hình là trong fố rùm này) cũng chạy theo sát gót . hắc hắc hắc .

đoạn đường từ chỗ "chính trị làm cho thiên hạ ngủ gục" cho đến nơi "mị dân" không xa mấy

hongnguyen
10-13-2018, 12:52 PM
trong bài dài ở trên , tui phái nhứt là câu này .



Quá đúng . Không những dân Mỹ không thể ngủ gục mà dân thế giới (điển hình là trong fố rùm này) cũng chạy theo sát gót . hắc hắc hắc .

đoạn đường từ chỗ "chính trị làm cho thiên hạ ngủ gục" cho đến nơi "mị dân" không xa mấy

Chào bác TLNVN, chúc cuối tuần thảnh thơi lai rai ba sợi nghe bác :)

hongnguyen
10-13-2018, 12:58 PM
Ngay trong bài diễn văn, TT Trump đã nói rõ “chúng tôi sẽ coi lại viện trợ của Mỹ, trong tương lai, chúng tôi sẽ viện trợ cho các nước tôn trọng chúng tôi và thẳng thắn mà nói, là bạn của chúng tôi”.



TT TRUMP VÀ TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI

Hạ tuần tháng Chín vừa qua, Liên Hiệp Quốc họp phiên khoáng đại với sự hiện diện của nhiều quốc trưởng. TT Trump đã tới, đọc một bài diễn văn quan trọng, phác họa ra chính sách đối ngoại mới của Mỹ.

Cũng như tất cả những gì TT Trump làm hay nói, bài diễn văn đã gây sóng gió lớn, chỉ vì nó đã đưa ra cho cả thế giới thấy chính sách đối ngoại… không giống chính sách đối ngoại của bất cứ ông tổng thống tiền nhiệm nào.

Bài diễn văn của TT Trump mở đầu như một báo cáo về thành quả của ông sau gần hai năm chấp chánh. Ông đã kể lại việc kinh tế đang bộc phát, với thị trường chứng khoán tăng vọt trong khi nạn thất nghiệp đang ở mức thấp nhất, kể cả cho các khối dân thiểu số.

TT Trump cũng đã không quên nhắc lại cuộc điều đình với Bắc Hàn, việc xé thỏa ước với Iran của TT Obama, cũng như hàng loạt thành quả trong chính sách đối ngoại tại Trung Đông.

Trong vấn đề Trung Đông, câu nói đáng lưu ý nhất là “…chính sách nhân đạo nhất là để người tỵ nạn ở càng gần quê nhà của họ càng tốt.” Đúng vậy, không ai muốn làm tỵ nạn sống xa quê nhà hết.


Trước đại diện của gần 200 quốc gia, TT Trump đã bênh vực chính sách mậu dịch mới của Mỹ.
Ông cho rằng nước Mỹ đã quá cởi mở đón nhận hàng hóa của cả thế giới, nhưng sự rộng rãi đó đã được hồi đáp bằng những hàng rào thuế quan quá nặng trên hàng Mỹ cũng như quá nhiều biện pháp và luật lệ ngăn cản hàng Mỹ. Đưa đến tình trạng thâm thủng cán cân ngoại thương của Mỹ lên tới cả 800 tỷ một năm, hay là 13.000 tỷ trong 20 chục năm qua, là tình trạng ai cũng thấy không thể kéo dài vô tận được.

Khoan nói về tương lai, ngay cả trong quá khứ, chế độ mậu dịch tai hại đó đã khiến nước Mỹ gặp khó khăn kinh tế lớn như việc nhiều công ty phải phá sản, dân lao động bị mất việc, kinh tế trì trệ.

Ngay trước sự hiện diện của đại diện TC, TT Trump đã phạng TC thẳng cánh. Từ sau khi Trung Cộng được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế WTO dưới thời TT Clinton, Mỹ đã mất hơn ba triệu việc làm, và 60.000 nhà máy đã bị đóng cửa.

Không ai lạ gì TC không sòng phẳng trong mậu dịch quốc tế khi phần lớn kinh tế TC được Nhà Nước trợ cấp, chế độ bảo hộ mậu dịch TC hết sức gắt gao, và nhất là khi trị giá đồng Nguyên hoàn toàn giả tạo qua một hối suất chỉ dựa trên sắc lệnh của Nhà Nước chứ không phải do thị trường cung cầu quốc tế ấn định.

Nói chung, TT Trump cho thế giới biết nước Mỹ đã đi vào kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại.
TT Trump nói huỵch tẹt ra đó là chính sách ‘America first’, nghiã là lo cho nước Mỹ trước tiên, chứ không phải ‘nước Mỹ trên đầu tất cả mọi người’ như vài cụ tỵ nạn xuyên tạc để chửi ‘tân đế quốc’.
Người ta có thể gọi đó là chính sách ‘tân cô lập’ (neo-isolationist), hay nói một cách thẳng thừng không lịch sự lắm, đó là chính sách bất cần thiên hạ.
Các ông cần chúng tôi chứ chúng tôi không cần các ông.


Trên thế giới này, không có một người lãnh đạo nào bất kể vua hay tổng thống, mà lại không coi dân và đất nước mình là ưu tiên số một. Ngay cả các lãnh tụ cộng sản như Xít-Ta-Lin hay Mao, hô hào thế giới đại đồng cũng chỉ là trò bịp bợm, hô hào đại đồng dưới sự lãnh đạo của chính mình, phục vụ cho quyền lợi nước mình trước. Ai cũng ngang hàng, là ‘đồng chí’ hết, nhưng sự thật là có ‘đồng chí bé’ và ‘đồng chí lớn’.

TT Trump lo cho nước Mỹ trước hết cũng là chuyện bắt buộc trong vai trò quốc trưởng của Mỹ thôi. Điểm khác là ông Trump là lãnh đạo duy nhất đủ thành thật nói thẳng quyền lợi Mỹ là ưu tiên số một, chứ không núp sau ngôn từ hoa mỹ giả dối của các chính trị gia hay cái lừa đảo của các lãnh tụ cộng sản.

Chính sách vuốt ve cả thế giới, mang tiền thuế của dân Mỹ đi đút lót cho mấy tay độc tài tham nhũng của các đệ tam quốc gia để mua phiếu của họ tại các diễn đàn thế giới đã cáo chung.
Cũng cáo chung luôn là chính sách đối ngoại cong lưng lãnh đủ chi phí của cả thế giới qua những thỏa ước vớ vẩn như thỏa ước Paris về hâm nóng trái đất, hay qua những tổ chức quốc tế thiên tả như UNESCO, chuyên chi tiền thuế của dân Mỹ cho các việc trùng tu đền đài cổ lỗ của vài xứ chậm tiến (UNESCO cũng đã có lúc muốn vinh danh họ Hồ như một vĩ nhân của nhân loại!), hay OHCHR (Office of High Commission of Human Rights) với những hoạt động gọi là bảo vệ nhân quyền trên thế giới trong khi thực tế chỉ là công cụ của các xứ Ả Rập để đánh Do Thái.

Quan trọng hơn nữa, là sự cáo chung của chính sách đi đâu tổng thống cũng phải gập người xuống xin lỗi đủ thứ chuyện, kể cả những chuyện không có, phải chế ra để có lý do xin lỗi.
(Một cụ tỵ nạn bào chữa: khiêm tốn là thái độ của kẻ cả trưởng thành, giống như lúa chín thì cành ngả xuống; vâng thưa cụ, giống như các quan ta cúi gập người khi yết kiến Thiên Triều đó.)


Không biết quý độc giả nghĩ sao chứ kẻ này gọi chính sách đối ngoại của TT Trump là chính sách của những người… không còn ngu.
Không có lý do nào biện minh được chính sách đối ngoại vuốt đuôi của các chính quyền Mỹ ngay từ sau thế chiến thứ hai chấm dứt, nhất là trong thời điểm chiến tranh lạnh với khối cộng sản và trong thời gian có cuộc chiến tại VN.

Trong những thời kỳ đó, ta còn nhớ Hoa Kỳ bỏ bạc ngàn tỷ ra viện trợ kinh tế cho cả trăm nước chậm tiến, nhưng mỗi lần ra trước Liên Hiệp Quốc là y như rằng, toàn thể khối đệ tam quốc gia đều nhất loạt bỏ phiếu chống Mỹ.
Phần lớn các ‘đồng minh’ Âu Câu cũng biểu quyết chống luôn.

Năm 1955, lãnh tụ 29 quốc gia gọi là đệ tam, họp tại Bandung của Indonesia dưới sự chủ trì của TT Soekarno và sự ủng hộ của thủ tướng Nehru của Ấn Độ và TT Nasser của Ai Cập, tuyên cáo là không theo Mỹ hay Liên Xô gì hết trong cuộc chiến tranh lạnh thời đó.
Thành lập khối trung lập, gọi là ‘khối không liên kết’, tức là không theo phe tư bản Mỹ hay phe cộng sản Liên Xô, nhưng lại do Chu Ân Lai của TC giựt giây!
Trên thực tế, hầu hết mấy xứ đó chìa tay nhận viện trợ Mỹ trong khi lại bỏ phiếu chống Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
Đại cường Cờ Hoa còn chính sách đối ngoại nào ngây ngô hơn không? Cả tỷ viện trợ không mua được một lá phiếu của Congo.


Cũng trong thời điểm đó, những nước nhận được nhiều viện trợ nhất, kể cả viện trợ quân sự là các nước Trung Đông như Ả Rập Saoud, Ai Cập, Jordan,… Nhìn lại cho kỹ, Mỹ đã hưởng lợi gì?

Ả Rập Saoud mang tiếng là đồng minh lớn nhất nhưng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chặt chém giá dầu thô là nguyên liệu sinh tử của Mỹ.
Trong nước, các vua Ả Rập cổ võ cho hệ phái Hồi giáo Wahhabi cuồng tín nhất, cha đẻ tinh thần của đám khủng bố thủ phạm vụ tấn công 9/11. Ai Cập và Jordan nhận được bạc tỷ để đấm mõm cho họ đừng đánh Do Thái, cho dù ai cũng biết mấy xứ này chẳng có khả năng đánh ai hết chứ đừng nói chuyện đánh Do Thái
.
Từ ngày có Chương Trình Marshall ngay sau Thế Chiến chấm dứt cho đến nay, Hoa Kỳ bỏ bạc ngàn tỷ ra để tái thiết Âu Châu và nhất là lo bảo vệ Âu Châu chống một cuộc xâm lăng của Liên Xô. Đổi lại, Mỹ được gì?

Ta nhìn lại thời chiến tranh VN, toàn thể khối Âu Châu, cầm đầu là De Gaulle của Pháp, là khối chống sự tham chiến của Mỹ mạnh nhất.
Một phần vì đây là khối các nước thiên tả, có cảm tình với CSVN hơn, nhưng một phần cũng vì ích kỷ, sợ Mỹ chú trọng vào cuộc chiến tại VN quá nhiều, tốn kém quá nhiều, không còn sức bảo vệ Âu Châu chống Liên Xô nữa, bắt Âu Châu phải gia tăng ngân sách quốc phòng của họ.
Ở đây, ta không nói đến chính sách ‘ăn cháo đá bát’ của Pháp, quên bẵng việc không có Mỹ can thiệp, dân Pháp đã nói tiếng Đức từ khuya rồi.

Ngay sau vụ 9/11, thái độ của Âu Châu đối với Mỹ có thay đổi đôi chút, tiêu biểu bởi việc cả chục quốc gia Âu Châu gửi lính đi đánh Afghanistan.
Nhưng sự thân thiện này chẳng những chỉ mang tính tượng trưng cho có –từ vài chục đến vài ngàn quân lính tham chiến- mà lại còn khá ngắn hạn.

Qua đến cuộc chiến tại Iraq, thì ‘đồng minh’ thực sự chỉ còn lại có đúng một nước Anh. Các cường quốc Âu Châu như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha biến mất hết.
Đến cuộc tranh chấp với Iran thì hầu như cả khối Liên Âu lo bào chữa cho Iran. Anh, Pháp và Đức đều có những quyền lợi kinh tế rất lớn tại Iran.


Thời TT Obama là cao điểm của chính sách vuốt đuôi khi ông ta đi khắp thế giới, cúi rạp mình xin lỗi tám phương tứ hướng.
Xin lỗi cho những chính sách đối ngoại sai lầm đã gây hại hay làm phiền lòng thế giới cũng như xin lỗi luôn cho những chuyện không có.

Khi đó, TT Obama cũng đã nghiên cứu việc xin lỗi Nhật vì đã thả bom nguyên tử trên đất Nhật. Chỉ sau khi giới cựu quân nhân Mỹ nổi điên chống lại, hỏi có bắt Nhật Hoàng xin lỗi đã gây ra chiến tranh chết cả chục triệu người không, trong đó có cả trăm ngàn quân nhân Mỹ, thì TT Obama mới bỏ ý định nhu nhược đó.

Nhìn kỹ vào lịch sử bang giao quốc tế từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, so sánh với chính sách đối ngoại của TT Trump và phản ứng của giới cấp tiến, ta không khỏi thấy được một cảnh tréo cẳng ngỗng quái lạ.

Ai cũng biết phe cấp tiến, nhất là tại Âu Châu, chủ trương thiết lập một thế giới tuy không hoàn toàn là thế giới đại đồng của chủ nghiã cộng sản, nhưng rất gần với thế giới đó, qua cái gọi là toàn cầu hóa –globalization, tiêu biểu bởi việc xóa dần biên giới, biên giới kinh tế trước rồi biên giới chính trị sau.
Xóa biên giới qua các liên minh kinh tế, chính trị, và cả quân sự. Bắt đầu bằng những liên minh địa phương rồi lan ra như vết dầu loang, với đặc điểm là không có xứ nào thống trị xứ nào. Liên Âu được coi như là mô thức mẫu mực. Cho đến khi bắt đầu sứt mẻ với sự rút lui của Anh.


Nhưng đó là nói chuyện nguyên tắc. Trên thực tế, thế giới sau Thế Chiến là thế giới hoàn toàn thống trị bởi Mỹ. Dĩ nhiên là thống trị về kinh tế quá hiển nhiên, nhưng cũng thống trị về chính trị, quân sự, cả văn hoá luôn.

Trong phạm vi chính trị, không ai lạ gì vai trò của CIA từ thời TT Eisenhower đến thời TT Bush cha trong việc giúp gian lận bầu cử tại các nước chậm tiến dân chủ nửa mùa, hay giúp đảo chánh như tại Iran, Phi Luật Tân, Congo, Nam VN, Chile, Argentina,...
Sự thống trị của Mỹ lên đến cao điểm sau khi các cường địch Liên Xô và Trung Cộng xụp đổ. Có lẽ vì vậy mà vai trò khuynh đảo chính trị của CIA sau đó giảm đi nhiều vì không cần thiết nữa.

Nói cách khác, thế giới từ sau Thế Chiến là thế giới của Mỹ trọn vẹn. Có thể gọi là toàn cầu hoá dưới sự thống trị của Mỹ. Sau đó, hạng hai là các đại cường như Trung Cộng và Liên Xô/Nga.

Thực tế mà nói, cái gọi là ‘toàn cầu hóa’ hiểu theo nghĩa một thế giới không biên giới, không bá chủ, chưa bao giờ có thật. Thực tế, các liên minh kinh tế chỉ có mục đích không nói ra là để cản bớt sự thống trị của Mỹ.

Bây giờ, TT Trump có vẻ như đang đi ngược chiều khuynh hướng toàn cầu hoá giả tạo, tập trung quyền lực đó với chính sách tân cô lập, lo cho Mỹ trước tiên, trong khi bất cần thế giới. Tức là giảm thiểu sự thống trị của Mỹ.

Chẳng những vậy, TT Trump cũng có vẻ chủ trương rút ra khỏi các liên minh, kinh tế hay chính trị, như TPP hay NATO luôn.
Như vậy có phải là ‘đế quốc Mỹ’ đang thu rút lại, ‘cởi trói’ cho thế giới, không?


Nếu đúng vậy thì phe cấp tiến với chủ trương đại đồng, chống ‘đế quốc’, phải hoan nghênh, cổ võ cho cái trật tự thế giới mới của TT Trump đề ra mới phải, vì đó mới thật sự là chuyện ‘toàn cầu hóa’, một thế giới của hợp tác giữa những quốc gia hoàn toàn độc lập không có ‘đế quốc’ Mỹ thao túng phải không?

Như vậy sao lại xúm lại chống? Có cái gì mâu thuẫn hay sai lầm không? Báo Washington Post đã chỉ trích TT Trump đang bỏ đồng minh.
Mỹ vươn tay ra bị chửi là đế quốc, rút tay về thì bị gọi là phản bội đồng minh.
Thế thì TT Trump làm chuyện gì mới không bị phe cấp tiến đả kích?

Có một khiá cạnh nữa của toàn cầu hóa mà ít người hiểu. Ta xem báo thường thấy mỗi khi các đại cường kinh tế họp nhau tại đâu là nơi đó có những đám quá khích biểu tình phá rối. Tại sao?
Tại vì họ chống lại khiá cạnh tiêu cực –hay chính xác hơn- khiá cạnh thật của toàn cầu hóa. Đó chỉ là cái mánh của đại tư bản, tìm chỗ sản xuất hàng với phí tổn tối thiểu, tối thiểu qua lương chết đói cho nhân công, và tối thiểu qua việc những xứ chậm tiến không có những luật lệ lao động và luật lệ môi trường quá khắt khe, quá tốn kém. Để giúp gia tăng tối đa lợi nhuận của các đại tập đoàn.

Kết quả là các đại công ty như Nike, Apple,... hưởng lợi nhờ môi trường lao động thuận lợi cho họ tại Việt Nam, Bangladesh, Trung Cộng,... Mấy xứ này được hưởng lợi gì?

Cái lợi đầu tiên phải nhìn nhận là dân có việc làm thật. Nhưng bù lại, đám dân lao động đó thật sự bị bóc lột đến tận xương tủy qua mức lương chết đói, qua những điều kiện làm việc cực kỳ thê thảm, nguy hại cho sức khỏe về lâu về dài.
Không khác gì thực dân Pháp ngày xưa khoe mang công ăn việc làm cho Đông Dương qua việc khai thác tận cùng các phu mỏ đồn điền cao su trong nam hay các mỏ than ngoài bắc.

Cái tiếu lâm trong câu chuyện là Việt Nam chẳng hạn, có thể đưa thống kê ra khoe với thế giới là đã có tỷ lệ thất nghiệp thấp, đã có tổng sản lượng cao, đã có mức xuất khẩu nhất nhì trên thế giới, đã nhận được bạc tỷ đầu tư của thế giới,...
Ngân Hàng Thế Giới nhẩy vào, diễn giải mấy thống kê cuội đó, để ca tụng kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, có tương lai huy hoàng.
Hình như chưa ai nghiên cứu về thảm họa của dân lao động tại VN ngày nay hết. Đây là chưa nói đến những thảm họa gây ra cho môi trường.


Nhìn vào vấn đề dưới khiá cạnh này, toàn cầu hoá có gì tốt cho các xứ gọi là chậm tiến?
TT Trump phá cái toàn cầu hoá đó có lợi cho những nước đó hay có hại?
Tại sao khối cấp tiến, mang tiếng là lo cho dân nghèo, lại ủng hộ toàn cầu hóa bóc lột kiểu Nike và Apple?
Tại sao với tư cách một người dân gốc Việt, chúng ta lại đả kích chính sách tân cô lập của ông Trump?

Bài diễn văn trước Liên Hiệp Quốc của TT Trump là một bài diễn văn cực kỳ quan trọng vì nó vạch rõ hướng đi của Mỹ trong quan hệ với cả thế giới, ít nhất ngày nào TT Trump còn tại chức.

Điều đáng nói –hay đáng buồn nếu muốn chính xác- là TTDC và dĩ nhiên truyền thông thông ngôn của ta, đã chỉ biết chúi đầu bình luận về việc TT Trump vỗ ngực quá lố bị các đại diện thế giới cười vào mũi.

Sự thật là có thể đại sứ Trung Cộng ngồi cười khẩy trong hội trường Liên Hiệp Quốc, nhưng chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Bình lại đang lo sốt vó khi thấy TT Trump đang phá nát kế hoạch ngũ niên hay thập niên hay bách niên gì đó để phát triển kinh tế xứ ông, trong khi hàng vạn nhà kinh doanh TC trơ mắt nhìn hơn 5.000 tỷ đô trị giá của các doanh nghiệp TC bốc hơi.

Thông điệp cho những đại diện các nước cười khẩy vào mũi Trump: “nếu anh tấn công ông ta, ông ta sẽ đánh lại mạnh gấp 10 lần”.

Đây không phải là ý nghĩ của kẻ này đâu, mà là nhận định của bà Melania, người đã sống chung với ông Trump 13 năm rồi. Ai ghét ông Trump có thể gọi ông là “dân du côn”, sự kiện là ông thần này chưa bao giờ là người chịu thua ai.
Thú thật, với kẻ này, một tổng thống trả đòn gấp 10 lần vẫn hơn một tổng thống suốt ngày xin lỗi.

Ngay trong bài diễn văn, TT Trump đã nói rõ “chúng tôi sẽ coi lại viện trợ của Mỹ, trong tương lai, chúng tôi sẽ viện trợ cho các nước tôn trọng chúng tôi và thẳng thắn mà nói, là bạn của chúng tôi”.

Muốn chửi Mỹ gì thì chửi, muốn cười khẩy tổng thống Mỹ thì cười, nhưng đừng quên là nước Mỹ trên thực tế thống trị cả thế giới qua những việc như viện trợ cho cả thế giới, mua và bán hàng với cả thế giới, kiểm soát tài chánh của cả thế giới, Wall Street chi phối thị trường chứng khoán cả thế giới, đồng đô-la là tiền của cả thế giới,...
mà Mỹ cũng là cảnh sát mà cả thế giới cầu cứu mỗi khi có chuyện, quân lực Mỹ có thể xóa bất cứ xứ nào trên bản đồ thế giới trong vòng vài ngày. Ai là người cười khẩy cuối cùng?

Trong bài diễn văn, TT Trump có đề cập đến một vấn đề mà dân tỵ nạn Việt nghe rất bùi tai. TT Trump lên án các chế độ gọi là ‘xã hội chủ nghiã’.

TT Trump chỉ rõ sự thất bại và tàn ác của chủ nghiã cộng sản –communism-, cho dù được trang điểm, tô son vẽ phấn lại dưới cái tên là ‘xã hội chủ nghiã’ –socialism.
Liên bang Xô Viết và cả Đông Âu đã tan vỡ. Trung cộng và vài anh cộng sản nhí như Việt Nam, Căm-Pu-Chia, Lào, Cuba đã biến thái thành những quái thai đầu Các Mác đuôi tài phiệt.

Venezuela được TT Trump đưa ra làm bằng chứng không chối cãi được về sự thất bại của cái lý thuyết không tưởng đó.
Chủ nghiã vô sản thực sự đã biến xứ giàu có nhất Nam Mỹ thành một xứ vô sản thật, trong đó cả nước trở thành nghèo mạt rệp, với hơn 2 triệu dân đã ‘vượt biên’ qua các nước láng giềng.

Nhận xét của TT Trump về cái gọi là xã hội chủ nghĩa giải thích rõ ràng cuộc di tản trốn chạy VC của chúng ta cũng như giải thích việc tại sao cộng đồng ta vẫn kiên trì chống chế độ CSVN sau gần nửa thế kỷ lưu vong.
Cộng đồng tỵ nạn phải vui mừng, hoan nghênh ông tổng thống đồng minh Trump, đúng không?
Không đúng!

Kẻ này đã nhận được email của một cụ tỵ nạn, chỉ trích TT Trump ‘lạc hậu’, giờ này còn chửi cộng sản, làm như thể các nước ‘xã hội chủ nghiã’ bây giờ là thiên đàng hạ giới hết rồi.

Cụ này cho rằng TT Trump chỉ là có gian ý muốn đánh đối thủ ‘xã hội chủ nghiã’ để áp đặt chế độ tân đế quốc ‘America first’ lên thế giới thôi.
Thế mới nói cái bệnh TDS (Trump Derangement Syndrome) đã ăn quá sâu vào vài cụ tỵ nạn rồi.

Vũ Linh Oct 13, 2018

hongnguyen
10-16-2018, 08:25 AM
Trong khi đó, một cơ quan nghiên cứu, MRC cho biết họ nghiên cứu tin tức trên các đài TV từ tháng Sáu vừa qua tới nay, và nhận thấy TTDC vẫn tuyệt đối không nương tay với TT Trump.

Theo nghiên cứu, nói chung, 92% tin trên các đài TV hoàn toàn bất lợi cho TT Trump, chú tâm vào 5 đề tài chính: điều tra thông đồng với Nga, chính sách cản di dân, việc bổ nhiệm ông bảo thủ Kavanaugh, cuộc đấu võ với Bắc Hàn và quan hệ với Putin.
Những thành quả lớn nhất của TT Trump, kinh tế phất mạnh, thất nghiệp thấp nhất, số người lãnh trợ cấp và phiếu thực phẩm thấp nhất,… đều bị TTDC bỏ qua, loan tin rất vắn tắt và không bàn thêm gì hết.



TTDC PHẢN ỨNG VỀ VỤ TP KAVANAUGH
Sau những tấn công tàn bạo và vô lý nhất, cuối cùng thì công lý đã thắng, ông Kavanaugh đã trở thành thẩm phán thứ 9 của TCPV, thay thế TP Kennedy.

TTDC phản ứng rất ý nghiã.
Washington Post viết “Các thượng nghị sĩ đại diện chưa tới một nửa nước phê chuẩn thẩm phán mà đa số dân chống”.
Kết quả biểu quyết tại Thượng Viện là 50-48. Thật ra, có tới 51 nghị sĩ ủng hộ, nhưng một ông CH bận đám cưới con gái đã không về Hoa Thịnh Đốn bầu vì biết đã đủ phiếu nên số phiếu thuận chỉ có 50.

Bà Murkowski đáng lẽ bỏ phiếu chống, nhưng vì nể ông CH không đi bầu vì đám cưới con gái nên đã bỏ phiếu trắng nên phe chống chỉ có 48 phiếu. Một nghị sĩ DC, ông Manchin, ‘bỏ’ đảng DC, bỏ phiếu thuận.

Dù sao thì cũng chẳng thể nói 50 nghị sĩ đại diện cho chưa tới một nửa nước. Một nhận định vô căn cứ chỉ phản ảnh tính phe phái và sự ấm ức của WaPo. Chưa ai thấy một thăm dò nào trong đó “đa số” dân Mỹ chống ông Kavanaugh. Cũng hoàn toàn vô căn cứ.

Trang mạng Vox: CH bất cần ý dân. Ý dân hay ý của khối cấp tiến?
Trang mạng Salon: CH thực sự chống phụ nữ. Chống phụ nữ chỉ vì không tin một lời tố cáo không bằng chứng, không nhân chứng của một phụ nữ?
Theo cách suy nghĩ này, luật pháp Mỹ cần phải sửa lại: bất cứ lời tố cáo nào của phụ nữ cũng là sự thật, quan tòa không có quyền nghi ngờ lời nói của một phụ nữ.

New York Times: Tối Cao Pháp Viện thành... tối thấp.
CNN: miễn cưỡng nhìn nhận những thành quả liên tục của TT Trump như TCPV đi về hướng bảo thủ, thuế giảm, thất nghiệp thấp, kinh tế tăng trưởng mạnh, Trung Cộng đang bị đánh, di dân lậu đang bị cản, nhưng CNN lại cho đó là những tin kinh hoàng –terrifying news- cho nước Mỹ (?).

Về vụ TP Kavanaugh, CNN nhận định CH thắng vì chơi trò mánh mung thẳng tay trong khi DC đối phó quá hiền lành, tử tế. Hiền lành tử tế với đòn bẩn thỉu nhất tung ra vào giờ thứ 11, khiến TP Kavanaugh xém tiêu đời.
May là hiền lành đó, nếu không thì tung ra chiêu gì nữa? Ai muốn tin CNN xin tự nhiên.

Một cái tựa đáng chú ý của báo The Nation: “Nếu DC thắng trong bầu cử, họ sẽ mở cuộc điều tra về những nói láo của TP Kavanaugh”.

Thật ra, nếu DC chiếm được Hạ Viện hay Thượng Viện hay cả hai, ta sẽ thấy vài chục vụ điều tra về đủ chuyện. Các vị dân cử sẽ chẳng có thời giờ làm gì khác. Kịch bản này có nhiều triển vọng thành sự thật.
Phe cấp tiến tức giận vỉ thua cuộc sẽ rủ nhau đi bầu cho mạnh, trong khi phe bảo thủ thỏa mãn với chiến thắng sẽ lười đi bầu hơn. CNN bình luận, cho rằng CH đã đổi, thả Hạ Viện để lấy một TCPV bảo thủ .

Báo USA Today, một trong những tờ báo chống TT Trump tàn bạo nhất, đã bàn về việc DC qua bài viết của một bà luật sư, giáo sư tại đại học công giáo Notre Dame, mang chuyện bà Ford làm vũ khi chính trị, cho rằng đây là sai lầm lớn nhất của khối DC, sẽ gây hại vô cùng lớn lao cho phụ nữ vì phơi bày ra một hình ảnh một phụ nữ tự nhận là nạn nhân nhưng rồi cuối cùng hiện ra như một bà thiếu lương thiện, chấp nhận để DC dùng làm vũ khí chính trị, vì chẳng có bất cứ một nhân chứng hay bằng chứng gì.
Mai này, phụ nữ nào là nạn nhân sẽ khó khiếu nại hơn vì ít người tin hơn.

Một bài khác cũng của USA Today phán “thuốc độc Trump đã ngấm vào Tối Cao Pháp Viện”.

Báo The Atlantic đăng một bài... điếu văn cho TCPV.
Các tài tử, ca sĩ của thế giới loạn luân Hồ Ly Vọng cũng rất ồn ào. Nữ tài tử Molly Ringwald tuýt “Đảng CH đã trở thành Đảng Hiếp Dâm”. Tài tử John Leguizamo phán “Đảng CH toàn là đám chuyên tấn công tình dục và ấu dâm”.

Ca sĩ Taylor Swift lên tiếng không ủng hộ ứng cử viên thượng nghị sĩ của CH tại tiểu bang của cô, Tennessee.
Chuyện đáng nói, ứng cử viên DC là một ông ủng hộ TP Kavanaugh, trong khi ứng cử viên CH là một phụ nữ. Dù vậy cô Swift vẫn ủng hộ ông DC tuy cô ta đã từng tuyên bố ủng hộ phụ nữ trong bất cứ việc gì. Chỉ chứng minh tinh thần đảng phái mới thực sự là lý do.

Chuyện ruồi bu là TTDC làm rùm beng và truyền thông thông ngôn vội hùa theo, phán “Taylor Swift gây bão chính trị’. Quan điểm chính trị của một cô ca sĩ nhóc mà gây bão chính trị? Hết ý.

Ngược lại TTDC nhất là CNN đã dùng những lời lẽ rất khiếm nhã và đáng khinh bỉ tấn công ca sĩ da đen Kanye West vì đã tới Tòa Bạch Ốc cùng với ông Jim Brown, một huyền thoại da đen của môn bóng bầu dục, để gặp TT Trump và đã có buổi họp báo nhỏ ngay trong Văn phòng Bầu dục.
Tinh thần phe đảng của TTDC hiện rõ trong cách cư xử đối với 2 ca sĩ nổi tiếng này.

Truyền thông cánh tả cũng ồn ào không thua Hồ Ly Vọng. Nhà báo Joy Behar của đài ABC cho rằng đảng CH đã gửi thông điệp cho các cậu con trai mới lớn, tha hồ chộp bóp, lớn lên sẽ rất quyền thế.
Bà Sarah Silverman hy vọng TT Trump sẽ có ngày bị đè ra hãm hiếp. Bà Ariel Dumas, phụ tá chuyên viết chuyện diễu cho danh hài Stephen Colbert tuýt “bất kể chuyện gì xẩy ra, tôi rất vui vì đã có dịp phá nát đời ông Kavanaugh”.

So với đại họa phe cấp tiến sẽ trải qua trong một thế hệ tới, phản ứng của Hồ Ly Vọng và TTDC coi như vẫn còn khá nhẹ nhàng vì thật ra, họ chẳng còn làm gì khác được ngoài tức giận chửi bới lăng nhăng.
Phe DC đã bắt đầu thả bong bóng đàn hặc TP Kavanaugh, không khác gì đòi đàn hặc TT Trump từ ngày ông chưa tuyên thệ nhậm chức.

Như đã bàn qua, việc TP Kavanaugh vào TCPV quan trọng cho khối bảo thủ hơn xa cuộc bầu cử quốc hội tới. Với sự bổ nhiệm hai TP Gorsuch và Kavanaugh, TT Trump đã để dấu ấn vĩ đại ít nhất trong ba chục năm tới trên hướng đi về phiá hữu của xã hội Mỹ.

Riêng đối với kẻ này, đây là chiến thắng vĩ đại thứ hai của khối bảo thủ, sau chiến thắng của ông Trump năm 2016, trong một cuộc bầu cử mà theo như TT Obama đã nói, “... có hậu quả”!
Cụ tỵ nạn nào không vui, xin lỗi nhé.

Báo động: nếu một thẩm phán cấp tiến nữa ra đi hay từ nhiệm, cuộc chiến phê chuẩn một thẩm phán bảo thủ mới sẽ kinh thiên động địa hơn cuộc chiến Kavanaugh rất nhiều, vì khi đó, với một cán cân nghiên về bảo thủ 6-3, phe DC sẽ bắt buộc phải đánh đến cùng, coi như chuyện sinh tử thật của đảng DC và ý thức hệ cấp tiến.
Trừ phi TT Trump bổ nhiệm một thẩm phán cấp tiến thứ thiệt, nhưng khi đó sẽ lại đụng độ với phe bảo thủ CH.


TT TRUMP VÀ Ô. ROSENSTEIN
Vì câu chuyện của TP Kavanaugh nên cuộc hội kiến của thứ trưởng Tư Pháp với TT Trump đã bị hoãn lại. Thứ hai vừa qua, cuộc họp đã diễn rất tốt đẹp.
Sau buổi họp TT Trump cho biết không có kế hoạch giải nhiệm ông Rosenstein gì hết. TT cũng cho biết cho đến nay, vẫn chẳng có bằng chứng gì về vụ ‘thông đồng’ với Nga và sự thật là chính đảng DC đã thông đồng với Nga.
Sau buổi họp, ông Rosenstein đã cùng đi máy bay với TT Trump xuống Orlando vận động cho các ứng cử viên CH trong cuộc bầu tới.

Đây là một thông điệp khá rõ ràng của TT Trump, xác nhận ông vẫn tin tưởng ông Rosenstein cho dù mới đây TTDC đã làm rùm beng vụ ông Rosenstein ra ý kiến mang máy thu âm vào các buổi họp nội các để có bằng chứng truất phế TT Trump. Ông Rosenstein đã từng giải thích đó là câu nói miả mai để trả lời việc ông phó giám đốc FBI McCabe khi đó cực lực chỉ trích TT Trump.

Cuộc điều tra của công tố Mueller đang ... yên ngủ, chờ đợi qua bầu cử quốc hội mới có thể ồn ào lại, để tránh mang tiếng tạo ảnh hưởng trên việc bầu cử. Trong hậu trường, luật sư Giuliani của TT Trump vẫn đang điều đình một hình thức để ông Mueller có thể phỏng vấn TT Trump.


BÀ HALEY TỪ CHỨC
Trong sự bất ngờ hoàn toàn, bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đã từ chức, có hiệu lực cuối tháng Chạp này.

Bà Haley là một trong những ngôi sao sáng của nội các Trump, ủng hộ TT Trump rất mạnh, và được hậu thuẫn mạnh của TT Trump. Bà là dân Mỹ gốc Ấn Độ, cựu thống đốc South Carolina. TTDC mau mắn bôi bác ‘lại thêm một nhân viên nội các bỏ Trump”.
CNN dĩ nhiên bất thình lình ca tụng bà Haley lên chín tầng mây rồi giải thích bà từ chức vì chống TT Trump.

Nếu qúy vị muốn tìm bằng chứng thì xin miễn mất công vì CNN như thường lệ, chỉ lo đánh phá mà chưa bao giờ cần bằng chứng. Bỏ Trump hay không thì chưa ai biết. Có tin bà từ chức để tham gia vào nội các với trách nhiệm quan trọng hơn.
TT Trump cho biết có danh sách năm người ông đang cứu xét để thay thế.


TỶ LỆ HẬU THUẪN VÀ CHỐNG
Real Clear Politics, một trang mạng tổng hợp tin tức của truyền thông Mỹ, đã công bố một bảng tóm lược tỷ lệ hậu thuẫn và chống của vài chính khách quan trọng nhất Mỹ hiện nay. Điều đáng nói là trong khi TTDC chê bai tỷ lệ hậu thuẫn của TT Trump thì, khi nhìn vào bảng tóm lược, ta lại thấy hậu thuẫn ông này hơn xa tất cả những người khác, tuy tỷ lệ chống cũng cao hơn đôi chút:




Nhân vật

Ủng Hộ %


Chống %


Cách Biệt



TT Trump

41,5


54,5


- 13,0



Lãnh đạo DC Hạ Viện Pelosi

27,3


52,3


- 25,0



Lãnh đạo CH Hạ Viện Ryan

30,3


52,7


- 22,4



Lãnh đạo DC Thượng Viện Schumer

28,7


43,7


- 15,0



Lãnh đạo CH THượng Viện McConnell

20,8


48,0


- 27,2




Real Clear Politics cũng đã tổng hợp một số thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử quốc hội.
Theo tin này, cách biệt chiến thắng của đảng DC đã bị thu hẹp lại mạnh sau vụ ‘khủng hoảng Kavanaugh’. Real Clear Politics tiên đoán tại thượng viện, sẽ không có gì thay đổi, CH mất hai ghế (Arizona – Nevada) nhưng DC cũng mất hai ghế (North Dakota – Missouri), tức là trong thượng viện mới, CH vẫn giữ thế đa số 51/49.

Tại hạ viện, DC sẽ thắng mạnh hơn và có thể sẽ chiếm đa số, nhưng là một đa số rất mong manh, có thể chỉ là đa số vài ba ghế.
Cái rắc rối cho DC là trong khối đó, có gần 20 dân biểu theo khuynh hướng bảo thủ, gọi là khối Blue Dog Democrats của những tiểu bang miền nam đã từng ủng hộ TT Trump.

Bà Hillary lên tiếng về cuộc chiến Kavanaugh vừa qua mà bà cho rằng rất thiếu lịch sự. Bà cho rằng DC không thể nào ‘lịch sự’ với đám côn đồ CH. Bà cho rằng giao tế lịch sự trong chính trị chỉ có thể được phục hồi sau khi DC chiếm lại Hạ Viện và Thượng Viện.

Diễn dịch ra tiếng bình dân cho dễ hiểu: DC sẽ chơi xấu đủ kiểu cho đến khi thành công lấy lại quyền hành. Việc này, cả nước Mỹ và thế giời đã thấy rõ từ ngày bà Hillary thất cử, có gì lạ?
Cựu bộ trưởng Tư Pháp của TT Obama kêu gọi khi CH chơi đòn hạ cấp, thì cứ việc đá bọn chúng.


TTDC LẠI BỚI RÁC
Đệ Nhất Phu Nhân, bà Melania, đã đi chu du thế giới với tư cách cá nhân, chẳng ăn nhằm gì tới chuyện ông chồng tổng thống hay chuyện chính trị Mỹ. Ấy vậy mà TTDC cũng không thể tha.

Khi bà đi thăm nạn nhân trận bão ở Puerto Rico, TTDC xúm vào chửi việc bà đi giầy cao gót từ trong Tòa Bạch Ốc ra trực thăng, nhưng im re về chuyện lên tàu bay thì bà đổi giầy thể thao để đi thăm dân tình.

Khi bà đi thăm nạn nhân bão ở Texas, thì TTDC xúm lại sỉ vả cái áo mưa có viết “I don't care, do you?”, ý muốn nói tôi bất cần mấy anh nhà báo bôi bác; nhưng dĩ nhiên, TTDC xuyên tạc ngay thành “bà Melania đếch ‘care’ nạn nhân bão lụt.
Nếu vậy sao bà đi thăm họ?

Bây giờ, bà đi Phi Châu đội cái nón cối trắng, là loại nón cối dân Anh thích đội khi đi săn thú tai Phi Châu. Washington Post bôi bác ngay đây là ‘mũ thực dân’.
Sao lại có loại mũ gọi là ‘mũ thực dân’ nhỉ? Chế độ thực dân gì đó đã cáo chung từ 60-70 năm nay rồi, bây giờ ai thắc mắc chuyện đội cái nón ‘thực dân’? Đúng là chuyện bới rác tìm ruồi nhặng.

TTDC sau khi đập trống rầm rộ về vụ TP Kavanaugh, bây giờ… xì hơi, hết chuyện bàn, hay chính xác hơn, hết chuyện đánh, nên trở về một đề tài cực kỳ quan trọng đối với họ: ‘cậu bé’ của TT Trump.
Bà đào đóng phim sex Stormy viết sách, trong đó có phần mô tả ‘hình dáng đặc biệt’ của ‘cậu bé’ của TT Trump.

Bây giờ, các anh chuyên gia nói lảm nhảm trên TV như Don Lemon và Jack Tapper (CNN) đã vác đề tài này lên TV lại, mời bà Stormy kể lại.
Hay danh hài khác, Jimmey Kimmel vả Jimmy Fallon cũng không bỏ dịp may, hăng say bàn góp về đề tài quan trọng này.

Trong khi đó, một cơ quan nghiên cứu, MRC cho biết họ nghiên cứu tin tức trên các đài TV từ tháng Sáu vừa qua tới nay, và nhận thấy TTDC vẫn tuyệt đối không nương tay với TT Trump.

Theo nghiên cứu, nói chung, 92% tin trên các đài TV hoàn toàn bất lợi cho TT Trump, chú tâm vào 5 đề tài chính: điều tra thông đồng với Nga, chính sách cản di dân, việc bổ nhiệm ông bảo thủ Kavanaugh, cuộc đấu võ với Bắc Hàn và quan hệ với Putin.
Những thành quả lớn nhất của TT Trump, kinh tế phất mạnh, thất nghiệp thấp nhất, số người lãnh trợ cấp và phiếu thực phẩm thấp nhất,… đều bị TTDC bỏ qua, loan tin rất vắn tắt và không bàn thêm gì hết

LẠI TẬN THẾ?
Phe cấp tiến suốt ngày lo cho việc trái đất bị bốc cháy thành tro, đã lại lên tiếng. Qua một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (nặng ký hơn là báo cáo của một nhóm DC Mỹ), vài chuyên gia đã tiên đoán trái đất chỉ còn thọ được 12 năm trước khi bị hâm nóng thành lò lửa.

Bài ca con cá vàng này, phe cấp tiến đã xài đi xài lại từ cả hơn nửa thế kỷ rồi chứ không có gì mới lạ.
Gần đây hơn, cựu PTT Al Gore năm 2004 đã bảo đảm 10 năm nữa (2014), toàn thể khối băng đá bắc cực sẽ tan thành nước, với hậu quả là mực nước biển trên trái đất sẽ dâng lên cao và nhận chìm cả ngàn thành phố ven biển trên khắp thế giới.
Ông Gore mau mắn được ngay giải Nobel vì đã có công gióng chuông báo động cứu địa cầu.

Bây giờ, cuối năm 2018 rồi, vẫn chưa thấy thành phố nào bị chìm hết. Không nghe nói ông Gore có ý định trả lại giải Nobel không. Dù sao thì có trả cũng chỉ trả lại được cái mề đay thôi, còn tiền thì dĩ nhiên xài hết ngay một vài năm sau rồi, chứ đâu có dại gì không xài ngồi chờ ngày… tận thế năm 2014.

Vũ Linh OCTOBER 13 – 2018

hongnguyen
10-20-2018, 09:14 AM
Trước những tố cáo này và trong không khí ‘nổi loạn’ của phong trào #MeToo – là phong trào của các phụ nữ tố cáo những tấn công tình dục- đảng DC lúc đầu phớt lờ, nhưng sau đó miễn cưỡng bổ nhiệm một bà luật sư phe ta ‘điều tra’, không nhờ FBI điều tra đâu.
Bà luật sư sau khi ‘điều tra’ vài ngày, ra báo cáo ông Ellison ‘vô tội’ vì không đủ chứng cớ.
Toàn bộ câu chuyện chỉ được loan tin trên ba dòng chữ hay ba giây đồng hồ trên TTDC.

Trong vụ TP Kavanaugh thì TTDC và phe DC hô hào “phải tin phụ nữ” cho dù không bằng chứng và nhân chứng. Trong vụ ông Ellison thì phe DC và TTDC cho rằng không thể tin phụ nữ cho dù có bằng chứng và nhân chứng.


CUỘC CHIẾN KAVANAUGH VÀ BẦU CỬ
Chỉ còn hơn hai tuần nữa là nước Mỹ sẽ đi bầu giữa mùa, quan trọng nhất là bầu lại toàn thể Hạ Viện Liên Bang, và 1/3 Thượng Viện Liên Bang.

Các chuyên gia tiên đoán DC chiếm được đa số tại Hạ Viện trong khi CH có nhiều hy vọng tăng thêm thế đa số tại Thượng Viện. Sẽ đưa đến tình trạng chính quyền Mỹ hoàn toàn tê liệt ít nhất cho đến đầu năm 2021, sau cuộc bầu cuối năm 2020.
Chưa gì thì bà nghị sĩ Dianne Feinstein đã hăm dọa nếu DC chiếm được Thượng Viện, sẽ mang vụ ông Kavanaugh điều tra lại.
Ai cũng biết đây chỉ là cái mánh phá rối chính trị và hạ uy tín ông Kavanaugh chứ chẳng làm gì được ông Kavanaugh hết, vì dù sao DC cũng không thể nào đủ túc số để truất nhiệm ông Kavanaugh.

Theo Real Clear Politics (RCP), là trang mạng trung lập, tổng kết tin tức của các cơ quan ngôn luận lớn thuộc đủ mọi khuynh hướng, thì cuộc tranh cãi về TP Kavanaugh mới đây đã gây sóng gió lớn, đưa đến thay đổi quan trọng trong các thăm dò dư luận về cuộc bầu cử.
Tại Thượng Viện, hiện nay CH nắm đa số 51/49. Theo thăm dò trước vụ TP Kavanaugh, RCP đã tiên đoán CH và DC sẽ ngang nhau ở mức 50/50. Bây giờ, RCP đoán CH sẽ không mất ghế nào mà có thể sẽ chiếm thêm ba ghế tại Florida, North Dakota và Missouri, nâng thế đa số lên tới 54, DC còn 46. Hai ghế trước đây DC có nhiều hy vọng đoạt lại từ tay CH là Arizona (thay thế ông Jeff Flake), Tennessee (thay thế ông Bob Corker) thì hiện nay, có vẻ CH vẫn giữ được. CH cũng có nhiều hy vọng thắng thêm Indiana, là tiểu bang thành đồng của CH trong vùng Đại Hồ, tức là có thể có đa số tới 55 ghế.



Tại Hạ Viện, DC sẽ hy vọng được tối thiểu 205 ghế, CH 201 ghế, với 29 ghế chưa rõ sẽ nghiêng về bên nào. Trong cái thế này, DC nắm lợi thế hơn vì chỉ cần chiếm được 13 ghế là nắm đa số, trong khi CH phải chiếm được 17 ghế mới giữ được thế đa số.




Trong cả hai biểu đồ trên, làn chỉ đỏ là CH, cho thấy đã tăng mạnh từ tháng 10, khi cuộc chiến Kavanaugh đạt cao điểm. Hiển nhiên việc phe DC và TTDC mang bà Ford ra đánh TP Kavanaugh đã gặp phản ứng ngược vì tính cách phe đảng hạ cấp quá đáng.
Đảng DC đang cố gắng chiếm quốc hội bằng đủ cách. Tại Texas, nơi mà đảng DC rất ít hy vọng, chi bộ DC đã gửi phiếu ghi danh bầu cử cho di dân bất hợp pháp và kêu gọi họ đi bầu cho các ứng cử viên DC. Thống đốc Texas Greg Abbott đang cho điều tra.

Trong khi đó, hàng đoàn xe vài ngàn dân Trung Mỹ đang chạy về hướng biên giới phiá nam của Mễ. Một đoàn xe từ Honduras đã thành công vượt qua biên giới, tràn vào đất Mễ và đang tiến về bắc Mễ.
Một đoàn khác từ Guatemala đang bị cảnh sát và quân đội cả hai xứ Guatemala và Mễ tìm cách chặn. TT Trump hăm dọa sẽ dùng quân đội để chặn biên giới Mỹ, và sẽ cắt viện trợ cho các nước Honduras và Guatemala nếu các xứ này không chặn làn sóng di dân này.


THĂM DÒ MỚI NHẤT VẦ BẦU CỬ TỔNG THỐNG 2020
CNN mới làm thăm dò dư luận về cuộc bầu tổng thống năm 2020. Bên CH, dĩ nhiên TT Trump coi như không có đối thủ, cho dù vài chính khách đang thả bong bóng thăm dò, với hy vọng một đại họa nào đó sẽ xẩy ra cho TT Trump.

Bên DC, hiện nay đang có gần ba chục ngôi sao đang ngắm nghé, nhưng theo CNN, người được tỷ lệ hậu thuẫn cao nhất, 33%, là cụ cựu PTT Joe Biden, ngay sau đó là cụ xã nghiã Bernie Sanders, là hai vị chính khách già nhất trong đám DC.
Các ngôi sao đang chớm nở như Kamala Harris, Cory Booker, Elizabeth Warren chỉ được khoảng 5%-10% mỗi người. Ta đừng quên cụ bà Hillary vẫn còn đang dò dẫm, cân nhắc.

Tin buồn cho khối đối lập: theo CNN, cho dù ông Sanders hay Biden, hay bất cứ ai khác bên DC thì kết quả vẫn là việc TT Trump sẽ tái đắc cử.

Các cụ tỵ nạn ủng hộ đảng DC trước khi bỏ phiếu cho ứng cử viên Biden nên nhớ lại nếu ông Biden này làm tổng thống Mỹ năm 1975 thì các cụ giờ này, ngày ngày vẫn phải ra chào cờ máu và hát Tiến Quân Ca vì không được tỵ nạn ở Mỹ đấy, các cụ ơi.

Còn cụ Sanders thì là người theo chủ trương xã nghiã cực đoan nhất, cụ tỵ nạn nào muốn bỏ phiếu cho cụ Sanders cần phải tự vấn lương tâm tại sao lại tỵ nạn ở Mỹ mà không về sống tại ‘thiên đàng’ xã nghiã VN (trừ phi các cụ muốn nằm vùng, hy vọng ‘giải phóng’ luôn cả nước Mỹ).
Dĩ nhiên, tất cả những tỷ lệ đó chỉ đọc cho vui thôi chứ chẳng nghiã lý gì khi còn tới hai năm nữa mới bầu bán.


WAPO MẤT LÝ TRÍ?
Báo cấp tiến nặng Washington Post, dưới cây bút của Marc Thiessen, một nhà bình luận tương đối bảo thủ, đã viết bài nhận định có thể TT Trump là tổng thống lương thiện nhất lịch sử Mỹ.

Theo nhà báo, TT Trump nói láo rất nhiều, nhưng đó là những kiểu nói láo bình thường của chính khách, nhất là của dân Nữu Ước, có tính thổi phồng, phóng đại, hay ‘hét giá’ của doanh gia, không có gì hại cả.
Kiểu như TT Trump khoe cải cách thuế lớn nhất lịch sử, hay số người tham dự lễ tuyên thệ của ông nhiều hơn số người trong lễ tuyên thệ của TT Obama.

Trong khi đó, trong hai năm qua, từ ngày đắc cử, ông đã thực hiện được phần lớn những cam kết của ông khi tranh cử. Đại khái, theo WaPo:

- Di chuyển Tòa Đại Sứ Mỹ đi Jerusalem;
- Diệt ISIS, khiến tổ chức khủng bố võ trang này gần như tàn lụi hết rồi, thay vì chiếm một nửa Iraq và một nửa Syria như dưới thời Đấng Tiên Tri Obama;

- Kiểm soát làn sóng di dân từ các nước Trung Đông để chặn khủng bố Hồi giáo cuồng tín;
- Trừng phạt Syria khi chúng sử dụng vũ khí hóa học;
- Bổ nhiệm 2 thẩm phán bảo thủ vào TCPV;

- Cải tổ và giảm thuế toàn diện;
- Cắt giảm thủ tục hành chánh rườm rà trong kinh doanh, tiết kiệm đâu 23 tỷ đô cho doanh gia Mỹ;
- Mang lại công ăn việc làm cho tất cả, kể cả dân da đen và da nâu;

- Thu hồi những luật và thỏa ước về khí hậu và môi sinh tai hại của TT Obama;
- Rút ra khỏi hiệp ước về hâm nóng địa cầu Paris;
- Rút lui khỏi TPP;

- Giảm nguy cơ chiến tranh nguyên tử với Bắc Hàn;
- Đánh sách lược mậu dịch bá quyền của Trung Cộng;

Tất cả đều là những lời hứa đã được thực hiện. Người ta có thể ủng hộ hay chống những quyết định trên, nhưng không ai có thể tố TT Trump hứa cuội.
Có vài điều TT Trump đã chưa thực hiện được như xây tường biên giới Mễ và thu hồi Obamacare, nhưng không có nghiã là ông đã không cố gắng và sẽ không cố gắng tiếp tục.

Bài bình luận này hiển nhiên lạ lùng vì xuất hiện trên WaPo, là tờ báo có tỷ lệ viết bài đánh TT Trump trên 90%. Gọi là năm thì mười họa có bài không đánh Trump để vớt vát chút uy tín.


GIẢ DỐI CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ
Cả nước mới chứng kiến cuộc chiến ‘kinh hoàng’ của phe cấp tiến đánh TP Kavanaugh, trên nguyên tắc là để ‘bảo vệ phụ nữ nạn nhân của những tấn công tình dục’.
Trước khi các cụ bà tỵ nạn đổ xô đi bỏ phiếu cho cái đảng ‘bảo vệ phụ nữ’, xin coi lại cho kỹ câu chuyện của ông Keith Ellison.

Ông Ellison hiện là dân biểu da đen Hồi giáo của tiểu bang Minnesota, cũng là phó chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC –National Committee Democratic Party-.
Ông hiện đang tranh cử chức bộ trưởng Tư Pháp của tiểu bang Minnesota. Đảng DC đã chính thức hậu thuẫn ông ra tranh cử chống một ứng cử viên của đảng CH.

Mới đây, ông Ellison đã bị bà ‘bạn gái’ công khai tố cáo ông đã đánh đập bà và chửi rủa bà nặng nề. Bà có bằng chứng là giấy chứng thương của bác sĩ và bệnh viện cũng như hình ảnh mặt bị bầm dập. Bà cũng có nhân chứng là con bà có mặt tại hiện trường.

Trước những tố cáo này và trong không khí ‘nổi loạn’ của phong trào #MeToo – là phong trào của các phụ nữ tố cáo những tấn công tình dục- đảng DC lúc đầu phớt lờ, nhưng sau đó miễn cưỡng bổ nhiệm một bà luật sư phe ta ‘điều tra’, không nhờ FBI điều tra đâu.
Bà luật sư sau khi ‘điều tra’ vài ngày, ra báo cáo ông Ellison ‘vô tội’ vì không đủ chứng cớ.

Toàn bộ câu chuyện chỉ được loan tin trên ba dòng chữ hay ba giây đồng hồ trên TTDC.

Quý độc giả cứ thử so sánh câu chuyện này với cách phe DC và TTDC đối xử với với vụ tố cáo TP Kavanaugh thì có thể thấy rõ cái giả dối thô bạo của khối cấp tiến.

Trong vụ TP Kavanaugh thì TTDC và phe DC hô hào “phải tin phụ nữ” cho dù không bằng chứng và nhân chứng. Trong vụ ông Ellison thì phe DC và TTDC cho rằng không thể tin phụ nữ cho dù có bằng chứng và nhân chứng.
Kẻ này thách đố cụ tỵ nạn nào có đủ tài biện hộ cho phe DC đi.


BÀ WARREN LÀ DÂN DA ĐỎ?
Bà Elizabeth Warren của đảng DC ra tranh cử nghị sĩ tại Massachusetts. Đi đến một vùng dân da đỏ, bà khoe bà gốc dân da đỏ Cherokee, là dân da đỏ địa phương của Massachusetts. Chẳng có bằng chứng cụ thể gì.

Chuyện vui là TT Trump tuýt cho biết sẵn sàng trả cho bà Warren một triệu đô nếu bà đi kiểm tra DNA và chứng minh được bà là dân gốc da đỏ thật. Bà Warren im lặng không trả lời, âm thầm đi thử DNA thật. Âm thầm vì chưa biết chắc kết quả ra sao.

Bây giờ, kết quả xác nhận bà 99,9% không phải là da đỏ, chỉ có đâu 0,1% gì đó (tối đa là 1,6%) máu dân da đỏ. Ấy vậy mà bà vẫn mau mắn công bố tin này và đòi TT Trump trả tiền vì bà đã có bằng chứng là gốc da đỏ. Dĩ nhiên TT Trump không trả, bác bỏ kết quả DNA của bà Warren, cho rằng chẳng biết bà lấy ở đâu ra, do ai kiểm tra, độ chính xác là bao nhiêu,...

Xin lỗi, tôi không phải là chuyên gia, nên tôi không hiểu định nghiã thế nào là ‘máu dân da đỏ’ và làm cách nào biết được là có một phần ngàn là máu da dỏ, mà theo các chuyên gia, có nghiã là có liên hệ khoảng 10 đời trước. Máu dân da đỏ là máu gì? Dân da đỏ có đặc điểm gì trong máu mà dân khác không có?

Lý luận kiểu này, tôi cũng có thể nói TT Trump có một phần trên một trăm triệu (1/100.000.000) máu dân Kenya vì đó là vùng mà nhân loại ra đời cách đây vài trăm ngàn năm.

Biết đâu, bác Tập sẽ nói dân cả nước Việt Nam đều có 90% (chứ không phải 0,1%) máu Chú Ba, do đó, việc sát nhập cả nước VN vào Thiên Quốc là chuyện dĩ nhiên phải thực hiện?

Chưa kể các nhà khoa học vẫn không có cách gì xác nhận kiểm tra máu dân kiểu này có xác xuất chính xác bao nhiêu, vì chỉ là một ‘ước lượng’ từ 0,1% đến 1,6%.
Đã chính xác thì không còn ước lượng nữa. Quái lạ hơn nữa, sự thật là ông giáo sư thử nghiệm máu bà Warren đã không có máu dân da đỏ Cherokee để so sánh, mà ông ta chỉ dùng máu của dân da đỏ Mexico, Peru và Colombia.

Ta sẽ không ngạc nhiên mai này bà Warren đi vận động tranh cử ở New Mexico, sẽ tự nhận mình là có máu dân Mễ luôn.

Toàn bộ câu chuyện chỉ là một cái mánh rẻ tiền của một chính khách đi kiếm phiếu của cử tri da đỏ, không hơn không kém. Là dân gì thì quan trọng là cách sống, không phải là chuyện đi kiểm tra DNA để thấy có dấu vết một phần ngàn gì đó.

Một ông lãnh đạo khối dân da đỏ đã lên tiếng cho rằng việc thử nghiệm DNA chẳng có nghiã lý gì để xác nhận việc bà Warren có gốc dân da đỏ, và ông cũng tỏ vẻ bực mình thấy việc sắc dân da đỏ của ông đã trở thành công cụ chính trị để chính trị gia khai thác.

Theo sử gia Julian Zelizer của CNN, bà Warren thật ra đã mắc bẫy TT Trump. Bây giờ chẳng ai biết bà Warren có sách lược gì, chủ trương gì, đã đạt thành quả nào, và có thông điệp gì cho dân Mỹ, mà mỗi lần nghe tên bà là thiên hạ bàn ngay chuyện gốc dân da đỏ và phì cười.
Một sách lược tuyệt hảo của TT Trump để lái đề tài tranh cử nếu bà Warren vẫn giữ ý định tranh cử tổng thống.

Tin lạ là TTDC nhất loạt lên án bà Warren đã khai thác chuyện gốc gác của mình vì nhu cầu chính trị:

Washington Post: “Elizabeth Warren angers prominent Native Americans with politically fraught DNA test”
CNN: “Elizabeth Warren might have actually made things worse with her DNA gambit”

CBS News: “Elizabeth Warren criticized for releasing DNA report”
Politico (Politico!): “Warren stumbles with ‘Native American’ rollout”

The Hill: “Dem strategist says Warren taking DNA test was ‘tone deaf'”
New York Times: Elizabeth Warren’s DNA Results Draw Rebuke from Trump and Raise Questions

USA Today: “Cherokee Nation slams Sen. Elizabeth Warren DNA test as ‘inappropriate and wrong'”
Vanity Fair:“Elizabeth Warren shows how to lose in 2020”


CH ĐÒI HỒ SƠ FBI
Thượng nghị sĩ CH Ron Johnson, chủ tịch ủy ban An Ninh Lãnh Thổ của Thượng Viện, đã lên tiếng yêu cầu FBI cung cấp cho Thượng Viện toàn bộ hồ sơ về vụ FBI thảo luận với ban vận động tranh cử của bà Hillary trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016,
trong đó đáng kể nhất là biên bản buổi họp giữa luật sư của FBI, ông James Baker nói chuyện với luật sư Michael Sussman của văn phòng luật Perkins Coie.

Xin nhắc lại, văn phòng luật Perkins Coie được ban vận động của bà Hillary trả cả chục triệu đô để đi lùng tin xấu về ứng cử viên CH, Donald Trump. Perkins Coie, sau đó thuê công ty Fusion GPS, rồi công ty này thuê anh cựu gián điệp Anh, Christopher Steel đi mua tin xấu.

Anh Steele sau đó tìm ra được một tập hồ sơ sau này được gọi là ‘Hồ Sơ Nga’, trong đó ghi lại việc doanh gia Trump khi qua Nga tổ chức thi hoa hậu thế giới, đã có một cuộc ‘vui hội đồng’ giữa ông với hai ba ‘chị em ta’ Nga.

Hồ sơ này được FBI và bộ Tư Pháp của Obama thời đó dùng làm tài liệu xin trát tòa đi theo dõi quan hệ của ban vận động của ông Trump với chính quyền Nga.
Phe CH nghi ngờ đây là bằng chứng rõ ràng nhất về một sự ‘thông đồng’ nào đó giữa ban vận động của bà Hillary với các cơ quan chính quyền của Obama như bộ Tư Pháp và FBI.

Trong một tin liên hệ, ông xếp của Fusion GPS bị gọi ra điều trần trước quốc hội, đã mau mắn viện dẫn Tu Chánh Án 5, là tu chánh án của Hiến Pháp cho phép các người bị điều tra có quyền không tra lời nếu nghĩ câu trả lời sẽ bị dùng để kết án mình.
Nôm na ra, ông này có tội nhưng không chịu nhận.
Cần bàn thêm không?
Có tin công tố Mueller đang chuẩn bị nộp báo cáo cho bộ Tư Pháp sau bầu cử.


TTDC CẤP TIẾN LÊN CƠN ĐIÊN
Trong một cuộc tranh luận trên TV với một khách mời bảo thủ, anh Don Lemon, nhà báo da đen của CNN đã lớn tiếng bênh vực cái mà anh ta gọi là “quyền chống đối của dân” trong việc đám quá khích DC đánh đuổi các chính khách CH khi họ gặp trong các nơi công cộng, đặc biệt là trong các tiệm ăn.

Anh Lemon, chuyên gia sỉ vả TT Trump, đã phán đám người chống đối có quyền chống đối, đánh đuổi các quan chức đó, và họ được Hiến Pháp cho phép và bảo vệ quyền chống đối đó.
Thái độ của khối cấp tiến phản ảnh một sự giả dối thô bạo.

Khi DC còn nắm quyền, Obama còn làm tổng thống, thì bà đệ nhất phu nhân lớn lối hô hào “khi chúng xuống thấp thì ta lên cao”.
Nhưng đến khi mất quyền, thì cũng cái đám ‘văn minh’ đó đổi giọng.
Cựu bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder tuyên bố “khi chúng xuống thấp thì ta đá bồi vào chúng”.
Bà Hillary thẳng thừng “thời buổi của lễ giáo, lịch sự đã qua rồi”.
Khi nắm quyền thì cao giọng, khi mất quyền thì chơi trò hạ cấp. Rồi mang Hiến Pháp làm bia đỡ đạn.


PORTLAND, THÀNH PHỐ LOẠN
Hàng trăm thanh niên nhóm cực tả AntiFa mặc quần áo đen, bịt mặt như băng đảng Ninja Nhật, xuống đường biểu tình chửi cảnh sát, chặn xe cộ lưu thông, đập các xe chạy ngang qua, trong đó có một xe của một cụ ông bị đập vỡ kính. Cảnh sát đứng nhìn, án binh bất động, cho đến khi đám thanh niên mệt mỏi tự giải tán.

Được hỏi về chuyện này, thị trưởng thành phố tuyên bố ông “hoan nghênh sự không can thiệp của cảnh sát vì tôn trọng quyền chống đối của đám thanh niên cũng như vì muốn tránh bạo động mạnh hơn đe dọa an toàn của đám thanh niên cũng như của cảnh sát”.

Thử tưởng tượng một đám ‘Mỹ trắng thượng tôn’ xuống đường đập phá xe xem cảnh sát Portland sẽ làm gì?

Thành phố Portland của tiểu bang Oregon là thành phố thiên tả nhất Mỹ, là thành phố ngay một ngày sau khi ông Trump đắc cử tổng thống đã xuống đường đập phá, hô hoán “Not My President”, cho đến nay vẫn chưa mệt, vẫn xuống đường chửi Trump.


STORMY THUA KIỆN
Bà đào phim sex Stormy Daniels tung tin bà đã bị một người lạ mặt hăm dọa sau khi bà xì tin có quan hệ tình dục với TT Trump cách đây mấy chục năm. Ngay sau đó, TT Trump tuýt lại, tố bà Stormy làm chuyện gian trá, phịa. Bà Stormy kiện TT Trump ra tòa tại Los Angeles về tội phỉ báng và mạ lỵ.

Ông quan tòa liên bang James Otero phán vụ kiện là tào lao và bắt bà Stormy bồi hoàn chi phí tòa và luật sư cho TT Trump.
Theo quan tòa, khi bà Stormy không chứng minh được câu chuyện của bà là thật thì chẳng có căn cứ gì để thưa TT Trump về tội phỉ báng. Ông cho rằng vụ kiện cáo chỉ là màn xiếc tự quảng cáo của bà Stormy.
Việc bắt bà Stormy phải bồi hoàn chi phí cho TT Trump là điều hay nhất để chặn lại những thưa kiện ruồi bu.

LÀM SAO ĐOẠT GIẢI THỂ THAO?
Những người mê thích thề thao dĩ nhiên 99,9% không phải là da đỏ đều muốn đoạt giải vô địch này nọ. Nhưng muốn là một chuyện, thực hiện được lại là chuyện khác, chẳng dễ dàng gì.
Thế nhưng có một anh chuyên viên đua xe dạp, đã nghĩ ra được một cách rất sáng tạo để có thể thực hiện giấc mộngvô địch.

Anh ta, một giáo sư đại học Charleston, tự nhận mình là… nữ giới, đổi tên qua tên đàn bà là Rachel, ghi danh tham dự đua xe đạp phụ nữ. Và dĩ nhiên ‘cô’ ta đã toại nguyện, đạp khỏe như đàn ông và thắng giải.

Chắc chắn về nhà cám ơn TT Obama đã có ý kiến giúp giải quyết nan đề đoạt giải vô địch cho anh ta một cách quá tốt đẹp. Tin giờ chót, hai chị phụ nữ thật đã nộp đơn khiếu nại.

Vũ Linh Oct 20, 2018
http://diendantraichieu.blogspot.com/p/tin-van-102018.html

hongnguyen
10-23-2018, 06:44 PM
TC là một đại cường đông dân nhất, được lãnh đạo bởi một khối lãnh tụ không ngu mà lại rất kiên trì và kiên quyết mà không ai có thể coi thường.
Cuộc chiến của TT Trump không dễ dàng chút nào, nhất là luôn luôn bị ‘thọc gậy bánh xe’ bởi khối đối lập DC và TTDC.


TRUMP ĐÁNH TẦU CỘNG

Câu chuyện TT Trump tăng thuế quan với Trung Cộng đã là đề tài sốt dẻo trong cộng đồng tỵ nạn An Nam ta, chỉ vì dân tỵ nạn ta nói riêng và dân Việt nói chung không có cảm tình với các Chú Ba cũng như lo sợ bị biến thành ngôi sao nhí mới trên lá cờ máu của Mao.

Trước khi bàn ra, ta thử nhìn lại dữ kiện xem câu chuyện diễn biến như thế nào trong thời gian qua? [Bài này chỉ bàn về khiá cạnh kinh tế, không bàn về các vấn đề chính trị, quân sự, hay Biển Đông]

Quan điểm của TT Trump đối với Trung Cộng trên phương diện giao thương quốc tế không có gì mới lạ. Ông đã lên án TC cả chục năm trước khi ra tranh cử tổng thống, luôn tố cáo TC chơi trò gian lận, hay khai thác kẽ hở của Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế WTO, hay thậm chí công khai vi phạm hiệp định này mà không ai dám làm gì, để mong thống trị kinh tế thế giới, hay ít nhất cũng thống trị các nước đang phát triển.

Ngay sau khi đắc cử, ông đã bổ nhiệm GS Peter Navarro làm chuyên gia phụ trách việc giao thương quốc tế của Mỹ.
Ông Navarro nổi tiếng qua một cuốn sách có tên là Death By China, trong đó ông vạch trần đủ loại mánh mung gian trá của TC, từ bán hàng giả, ‘hàng nhái’, hàng độc hại, buôn lậu nội tạng tù nhân, cho đến tung tiền mua chuộc các nhà độc tài Phi Châu, lừa gạt họ qua những thỏa ước thương mại hoàn toàn bất lợi cho họ, ăn cướp tài nguyên thiên nhiên của Phi Châu,...

Việc TT Trump bổ nhiệm ông Navarro nói lên một cách rõ ràng chính sách của ông đối với TC sẽ như thế nào. Một trong những quyết định đầu tiên của TT Trump cũng nhắm đánh TC: đó là việc rút ra khỏi TPP, thoả ước mậu dịch liên Thái Bình Dương.

Trên nguyên tắc, TC không phải thành viên của TPP, trái lại, TPP có vẻ như là một liên minh chống TC, nên việc Mỹ rút ra khỏi TPP có vẻ như TT Trump làm một việc có lợi cho TC. Trên thực tế, TPP chỉ là cánh cửa sau để TC tuồn hàng hoá Tầu vào Mỹ qua các nước Đông Nam Á trong những điều kiện ưu đãi ngầm. Do đó, việc Mỹ rút ra khỏi TPP thật ra có hại cho TC hơn là có lợi.
Vì là những doanh gia nhiều kinh nghiệm, TT Trump và các phụ tá không thể không thấy những chuyện trong hậu trường của TPP. Sách lược của TT Trump sẽ là điều đình với từng nước để có dịp đối phó với từng vấn đề cá biệt với từng nước. Việc TT Trump điều đình lại NAFTA, kèm vào điều kiện không cho Mễ và Canada có thỏa ước ngầm với TC là biểu tượng rõ nhất về sách lược của TT Trump.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhìn thấy ngay lập tức và cũng hiểu ông Trump nói cứng và làm cứng thật luôn. Và ông đã tìm đủ cách vuốt ve, xoa dịu TT Trump ngay từ đầu khi ông là một trong những lãnh tụ quốc tế đầu tiên đến thăm tân TT Trump tại tư dinh ở Florida, cũng như đón rước TT Trump như thượng khách, một cách trịnh trọng như chưa bao giờ thấy trong lịch sử bang giao TC-Mỹ.
Trái ngược hẳn với việc ‘mời’ TT Obama ra cửa sau của phi cơ khi ông này đến Bắc Bình.

TT Trump vui vẻ đón nhận sự tiếp rước huy hoàng đó, lịch sự tươi cười đáp lễ lại bằng cách cho cô bé cháu ngoại hát một bài bằng tiếng Tầu để làm vui lòng chủ nhà. Các cụ tỵ nạn khinh thường TT Trump, phán ông này có cái tôi quá lớn, đã dễ dàng bị họ Tập cho đi tàu bay giấy. Để rồi ít lâu sau, dương mắt ra nhìn TT Trump đánh TC, tức là ông Trump đi tàu bay giấy xong, về nhà vẫn chẳng thay đổi ý kiến gì về việc ‘đánh’ TC.

Việc TT Trump tăng thuế quan hàng TC nằm trong sách lược kinh tế nhắm ba mục tiêu rõ rệt:

- - Chặn bớt hàng TC vào Mỹ để cổ võ và giúp đỡ kỹ nghệ Mỹ phát triển lại, tạo công ăn việc làm cho nhân công Mỹ, và giảm thất thu ngoại thương của Mỹ;

- - Gây khó khăn kinh tế trong nội địa TC, đưa đến bất ổn chính trị trong nước, làm suy yếu chế độ nói chung và họ Tập nói riêng;

- - Suy yếu đó sẽ chặn đứng chính sách bành trướng kinh tế và chính trị của TC trên thế giới, đặc biệt là trong vùng Đông Nam Á và trong các khu vực đang phát triển như Phi Châu và Nam Mỹ.

Việc tăng thuế quan dường như chỉ mới là bước đầu, những phát súng khai hỏa. Hiệp ước mới giữa Mỹ-Mễ–Canada thay thế NAFTA cũng có điều khoản ngăn không cho TC chui cửa hậu vào Mỹ qua hai xứ láng giềng này.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton tuyên bố sẽ tăng cường hơn nữa lập trường cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, nói rằng “hành vi của Bắc Kinh cần được điều chỉnh trong lĩnh vực thương mại quốc tế, quân sự và chính trị”.

Hiển nhiên, đây không phải là cuộc chiến mậu dịch mà là một cuộc chiến toàn diện về kinh tế và chính trị, chỉ là chưa có động thủ bằng bom đạn thôi.

Một điểm cần chú ý: Mỹ không phải là nước duy nhất đang tìm cách chặn chiến lược bành trướng của TC. Đài BBC cho biết “Đang có một phong trào trên toàn cầu, kêu gọi sự cảnh giác về các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là về công nghệ, theo nhận định của một số chuyên gia”.

Sau hai đợt thuế quan đầu tiên trên 34 tỷ đô đến đợt 16 tỷ đô hàng hóa của Trung Cộng, Mỹ tung ra đợt ba tăng thuế quan trên hàng hóa của TC trị giá 200 tỷ đô, nhưng qua hai bước, là 10% từ 24/9, sau đó là 25% từ đầu năm tới.

Danh sách 6.000 ngàn mặt hàng của TC bị tăng thuế quan trong hai đợt đầu gồm hầu hết là các máy móc, cơ khí đơn giản, mà TC sản xuất nhờ ăn cắp kỹ thuật của Mỹ. Đợt 200 tỷ phần lớn đánh vào dầu hỏa và các phó sản cũng như các nguyên liệu hóa học. Ba đợt tăng thuế quan đầu của Mỹ tổng cộng 250 tỷ đô.

Trong khi đó, ông Trump còn nói đến biện pháp tăng thuế trên một số hàng hóa của TC trị giá tới 260 tỷ đô la nữa nếu TC trả đũa cho những biện pháp mới nhất của Mỹ.

Cho đến nay, mỗi lần Mỹ ra chiêu là TC trả đũa. Nhưng tiếp tục kiểu này thì TC không đủ hơi để chạy theo Mỹ. Ta đừng quên Mỹ nhập cảng 500 tỷ đô hàng TC trong khi TC nhập cảng có hơn 100 tỷ đô hàng Mỹ, nghiã là Mỹ có thể tăng thuế hàng TC trị giá tới 500 tỷ trong khi TC chỉ có thể tăng thuế quan trên hơn 100 tỷ đô hàng Mỹ.

TTDC dĩ nhiên tìm cách bôi bác, mới đây loan tin thống kê chính thức cho thấy cán cân mậu dịch giữa Mỹ và Trung Cộng đã thất thu đến những mức kỷ lục trong tháng Chín vừa qua, chứng tỏ TT Trump chỉ nói láo vì tăng thuế quan chẳng có lợi gì mà lại hại thêm.

Sự thật, việc tăng thuế quan phần lớn chưa có hiệu lực. Như việc tăng thuế lên 200 tỷ hàng TC chỉ có hiệu lực từ tháng 10, lên tới mức 10%, qua đầu năm tới mới lên tới mức 25%.
Cho đến nay, ngay từ khi các doanh gia tại Mỹ được tin có thể sẽ tăng thuế quan là họ đổ xô đi đặt hàng ngay, khiến số lượng hàng nhập cảng từ TC tăng vọt lên ngay.

Hơn nữa, hàng xuất nhập thường được thoả thuận mua bán từ nhiều tháng trước. Do đó, tác động của việc tăng thuế quan sẽ chưa thấy gì, ít ra cho đến qua đầu năm 2019. Việc tăng thất thu cán cân hiện nay chỉ là hiện tượng nhất thời, phản ảnh việc đầu cơ tích lũy trước khi một số mặt hàng bị tăng thuế quan.

Nhìn vào mục đích của TT Trump, dân tỵ nạn Việt chúng ta chắc phải hoan hô cả hai tay vì những mục tiêu đều có lợi cho chúng ta.
Cho dù không ưa cá nhân ông Trump hay không thích bất cứ chính sách nào khác của ông này, thì việc ông tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ trong đó có chúng ta, và nhất là việc ông cản chính sách bá quyền bành trướng của TC đặc biệt là tại vùng Biển Đông trong đó có VN, là những điều hoàn toàn tốt cho nước Mỹ nói chung và đám tỵ nạn Việt chúng ta nói riêng, do đó, chúng ta phải nhất tề hoan nghênh, đúng không?

Thưa không.
Trong cộng đồng tỵ nạn chúng ta, đã có không ít cụ tỵ nạn lên tiếng bài bác, không rõ vì chỉ mắc bệnh TDS (Trump Derangement Syndrome) muốn nhắm mắt chống Trump bất kể chuyện gì, trong hoàn cảnh nào, hay vì muốn bênh TC, lấy điểm với TC đề phòng mai này nước ta thành một tỉnh của Tầu ô thì các cụ sẽ được ghi công.

Vì là đề tài sốt dẻo nên cũng đã có rất nhiều lời bàn ra tán vào của vài cụ Mao Tôn Cương. Có cụ hiểu biết về kinh tế một cách lờ mờ mà vẫn thích bàn, có cụ hiểu biết cao hơn nhưng lại đầy thành kiến cố tình xuyên tạc.

Một cụ tỵ nạn viết bài đả kích việc tăng thuế quan trên hàng TC và cho đó chỉ là hình thức đánh thuế mà nạn nhân là dân Mỹ, trong đó có đám tỵ nạn chúng ta, trong khi các Chú Ba chẳng hề hấn gì.

Cụ đưa ra một thí dụ giản dị: một cái áo trẻ em nhập cảng từ TC bán 20 đô; TT Trump đánh thuế quan 25%, ngay sau đó giá cái áo sẽ tăng lên 25 đô. Cái 5 đô khác biệt do bà mẹ tỵ nạn trả khi mua áo cho con, chứ Chú Ba vẫn lãnh đủ vốn lẫn lời. Cụ cũng nói thêm đó là ‘món quà TT Trump tặng cho trẻ em nhân dịp lễ thiếu nhi Trung Thu.

Lý luận kiểu này sẽ thấy TT Trump và đám ‘siêu phụ tá’ đúng là cực kỳ ngu xuẩn: ra một biện pháp chỉ có hại cho dân Mỹ mà chẳng đụng lông chân các Chú Ba. Chắc tại TT Trump quên tham khảo ý kiến cụ tỵ nạn trước khi ra quyết định?

Xin lỗi quý vị, đây là một ví dụ tiêu biểu cho kiểu lý luận thiếu lương thiện, với mục đích khích động sự thù ghét TT Trump, không hơn không kém. Trừ phi cụ này tình ngay nhưng chẳng biết mô tê gì về kinh tế nhập môn nhưng lại thích bàn về chiến lược kinh tế cấp đại cường.
Ta nhìn lại vấn đề cho rõ hơn.

Trước hết, phải nói ngay, TT Trump tăng thuế quan trên những loại hàng có tính ‘chiến lược’. Hàng ‘chiến lược’ là gì?

Thưa quý vị, đó không phải là loại hàng tiêu thụ -consumer products- thông dụng như quần áo trẻ em hay đồ ăn hàng ngày. Không có chuyện tăng thuế quan trên quần áo trẻ em hay mì gói ma-dzê in China đâu, các cụ ạ! Mà là tăng thuế trên những mặt hàng có thể đã cạnh tranh trực tiếp với hàng của Mỹ.

Trong bài diễn văn đọc trước Liên Hiệp Quốc, TT Trump đã cho biết từ ngày Trung Cộng gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế WTO, Mỹ đã mất ba triệu jobs và đóng cửa 60.000 hãng xưởng.
Bây giờ TT Trump tăng thuế quan căn bản là trên những mặt hàng mà việc giới hạn nhập cảng sẽ giúp mở lại những hãng xưởng đó và tạo lại những việc làm đã mất.

TT Obama đã từng nói ngành chế suất của Mỹ coi như đã chết, không phục hồi lại được nữa, các nhân công Mỹ cần đi học nghề khác. Giải pháp của TT Obama là giải pháp vô lý khi ông bắt các nhân công với cả vài chục năm kinh nghiệm, làm lương cao, bây giờ phải đi học nghề mới.

Thứ nhất, phần lớn họ quá già không còn đủ khả năng học nghề mới,
thứ nhì có học cũng chưa chắc kiếm được việc vì không kinh nghiệm mà lại già nua, làm sao cạnh tranh được với các thanh niên trẻ hơn, năng suất cao hơn?
Thứ ba có kiếm được việc làm cũng không thể nào có lại mức lương cao cũ.

Ý định của TT Trump chính là khôi phục lại những việc làm mà TT Obama cho là mất luôn rồi. Mọi người có được việc làm cũ với mức lương cũ hay có thể thấp hơn một chút (vẫn còn hơn nằm nhà lãnh tiền thất nghiệp). Dĩ nhiên vẫn phải học thêm, cập nhật với kỹ thuật và máy móc mới, nhưng khỏi phải đi học nghề mới. Một giải pháp thực tế và tốt đẹp hơn nhiều. Khác xa giải pháp của TT Obama.

Nhìn vào danh sách các mặt hàng bị tăng thuế quan trong hai đợt đầu (50 tỷ đô) thì thấy toàn là những máy móc, dụng cụ mà Mỹ đã từng làm và có thể làm lại dễ dàng.

Việc tăng thuế quan dĩ nhiên sẽ tăng giá món hàng nhập cảng đó phần nào, giảm việc nhập cảng và khuyến khích các công ty Mỹ mở hãng xưởng chế tạo những món hàng đó lại. Tức là phục hồi ngành chế suất đó lại tại Mỹ. Tăng thuế quan sẽ giúp các hãng Mỹ cạnh tranh hữu hiệu hơn với hàng TC.

Việc tăng thuế quan lên tới mức 25% cũng không có nghiã là món hàng đó sẽ tăng giá lên 25% ngay như cụ tỵ nạn tố giác.

Trước tiên là mức nguyên liệu bị tăng thuế quan trong mặt hàng. Lấy ví dụ Mỹ tăng thuế quan trên nhôm lên 25%, không có nghiã là giá chiếc xe mới mua sẽ tăng lên 25%, kiểu như cái xe bán 40.000 đô, nhôm bị tăng thuế quan 25% là chiếc xe bị tăng giá 25% lên 50.000 đô ngay.

Thực tế, cái xe bán 40.000 đô đó, giá thành ‘cứng’ –hard cost- có thể chỉ là 20.000, chưa kể tiền chuyên chở, lương nhân công, thuế bán hàng, tiền lời cho công ty và cho đại lý,...
Ngay cả chiếc xe, không phải tất cả đều bằng nhôm mà chẳng hạn chỉ có 20% là bằng nhôm, còn lại là sắt, đồng, vải, plastic, cao su, kính,... tức là trong giá thành, chỉ có 4.000 đô tiền nhôm.

Đánh thuế quan 25% trên 4.000 đô sẽ là 1.000 đô, cùng lắm thì chiếc xe đó sẽ tăng giá từ 40.000 đô lên tới 41.000 đô, tức là tăng 2,5% chứ không có chuyện tăng 25% tới 50.000 đô kiểu như cụ tỵ nạn lý luận.

Đó là nói chuyện lý thuyết kinh tế. Trên thực tế, giá bán chiếc xe còn tùy thuộc vài yếu tố khác nữa:

1. Tình trạng cạnh tranh trong kinh tế thị trường Mỹ. Ví dụ như đại lý bán xe đầu đường bán xe đó với giá 40.500 đô để dành khách thì tất nhiên một hãng xe khác gần đó khó mà bán với giá 41.000 đô được. Mặt khác, thiên hạ sẽ không mua xe bị tăng giá vì tăng thuế quan trên sắt và nhôm TC, đi mua xe Nhật hay Hàn Quốc chẳng hạn.
Trong ví dụ cái áo trẻ em, thay vì mua áo ma-dzê in China, thì các cụ vẫn có thể mua áo ma-dzê in VN hay in Bangladesh, áo của TC sẽ ế ẩm không ai mua.

2. Khả năng mua của khách hàng. Trong ví dụ trên, công ty bán xe muốn giữ nguyên tiền lời, có thể sẽ tăng giá xe 1.000 đô, lên tới 41.000 đô. Nhưng nếu xét thấy số tiền này vượt qua khả năng tài chánh của khách hàng, hay khó cạnh tranh, có thể công ty sẽ phải giảm giá xuống 40.500 đô hay giỡ giá 40.000 chẳng hạn, chấp nhận lời ít hơn.

Tóm lại, món hàng nhập cảng từ TC vào không tự động tăng giá theo tỷ lệ tăng thuế quan. Có khi phải bán giá thấp hơn không chừng nếu phải cạnh tranh mạnh với hàng nội địa Mỹ. Đây là việc của các chuyên gia kinh tế tính toán chứ không phải của mấy anh nhà báo đoán mò vì tính phe đảng.

Cụ tỵ nạn cũng tố tăng thuế quan là tăng thuế đánh trên đầu người dân Mỹ trong khi các Chú Ba chẳng hề hấn gì. Không đúng, cụ ơi!

Dĩ nhiên, món hàng có thể sẽ tăng giá ít nhiều và đó là một hình thức tăng thuế thật trên những người mua những món hàng đặc biệt đó (chứ không phải trên các thiếu nhi đâu) và đó là một hậu quả tiêu cực thật, nhưng phải nhìn lại những hậu quả tích cực khác như khôi phục lại kỹ nghệ Mỹ, tạo công ăn việc làm cho cả triệu người, giảm thất cân bằng mậu dịch, giảm thâm thủng ngân sách, giảm công nợ.

Các Chú Ba dĩ nhiên bị ảnh hưởng tai hại, nếu không thì làm sao giải thích thị trường chứng khoán TC đã bốc hơi hơn 5.000 tỷ đô từ ngày TT Trump khai chiến.
Vì tăng thuế quan, hàng xuất cảng của TC sẽ đắt hơn, Mỹ sẽ mua ít đi. Bán ít hơn thì thu nhập của công ty TC sẽ giảm, lợi nhuận giảm theo, thuế lợi nhuận Nhà Nước TC thu vào cũng sẽ giảm đi.

Thặng dư cán cân mậu dịch của TC sẽ giảm, xuất cảng giảm thì số lượng dự trữ ngoại tệ -đôla- sẽ giảm, Nhà Nước Tầu giảm khả năng nhập cảng, chẳng hạn như ít đô-la để mua dầu hỏa Trung Đông hơn. Kế hoạch kinh tế Nhà Nước định ra sẽ bị đảo lộn, tiền vào ít đi tất nhiên nhiều dự án của chính phủ phải hủy bỏ, bớt công ăn việc làm cho nhân công TC. Cả triệu công ty kinh doanh TC sẽ bị khó khăn.

Ngoài ra kinh tế TC lệ thuộc nặng vào xuất nhập cảng (40%-50% tổng sản lượng quốc gia GDP) trong khi trong kinh tế Mỹ, xuất nhập cảng là thứ yếu (10%). Mỹ có thể sống không cần xuất nhập cảng, trong khi TC không có xuất nhập cảng sẽ chết ngay.
Kinh tế TC, cũng như kinh tế nhiều quốc gia Á Châu hay các nước chậm tiến, nhất là những nước ‘cọp con’ hay ‘rồng con’ như Nam Hàn, Đài Loan, Mã Lai,..., lệ thuộc rất nhiều vào xuất cảng.

Nhìn chung cuộc, cái hại hiển nhiên nặng hơn rất nhiều cho TC. Nói các Chú Ba không hề hấn gì khi Mỹ tăng thuế quan là nói mà không biết mình đang nói gì.

Một cụ tỵ nạn khác, ra điều ‘hiểu biết’ hơn, cho rằng việc tăng thuế quan chỉ là cái mánh ngắn hạn của TT Trump để có thể tái đắc cử năm 2020.
Đại khái, TT Trump ra sức ép bây giờ, TC chịu không thấu, đến năm 2019, sẽ chịu thua, xin đầu hàng đúng lúc, giúp cho TT Trump có dịp vỗ ngực khoe thành tích để đắc cử lại.

Trước hết, phải hỏi chuyện TC ‘chịu thua, xin đầu hàng’ nghĩa là gì? Nghiã là TC sẽ làm gì? Kẻ này thật sự không hiểu nổi ‘xin đầu hàng’ là gì.

Sau đó, lý luận của cụ tỵ nạn này làm như thể chuyện tăng hay giảm thuế quan trên vài mặt hàng ma-dzê in China sẽ có tiếng nói quyết định trong việc bầu tổng thống Mỹ vậy.

Quý độc giả thử đoán coi trong hơn 300 triệu dân Mỹ, có bao nhiêu người thắc mắc hay hiểu biết gì về giá biểu thuế quan trên hàng hóa TC?
Quý vị đi hỏi thử bạn Mỹ chung quanh, nếu trong một chục người, có được một người biết về chuyện tăng thuế quan thì kẻ này sẽ chịu thua, mua tặng ngay cho quý vị một chai cô-nhắc về nhâm nhi cho đỡ buồn.

Cuộc chiến mậu dịch Mỹ-TC thật ra là ưu tiên hạng chót cho cử tri Mỹ.

Dĩ nhiên sẽ là ưu tiên cao của khối dân Mỹ gốc TC, đám này sẽ không vui và sẽ chống TT Trump mạnh hơn. Đám dân gốc Tàu cộng chống TT Trump là chuyện dễ hiểu.

Các cụ tỵ nạn Việt chống mới là điều kẻ này gãi đầu đến tróc da cũng vẫn không thể hiểu tại sao. Có phải chống Trump đã thành một thái độ tuyệt đối, mù quáng, không cần phải trái lý luận gì nữa không?
Hay là có lý do chính đáng nào khác chống các biện pháp đánh TC của TT Trump mà kẻ này u mê không nhìn thấy?

TC là một đại cường đông dân nhất, được lãnh đạo bởi một khối lãnh tụ không ngu mà lại rất kiên trì và kiên quyết mà không ai có thể coi thường.
Cuộc chiến của TT Trump không dễ dàng chút nào, nhất là luôn luôn bị ‘thọc gậy bánh xe’ bởi khối đối lập DC và TTDC.

Vũ Linh Oct 20, 2018
http://diendantraichieu.blogspot.com/2018/10/trump-anh-tau-cong.html#disqus_thread

hongnguyen
10-27-2018, 08:42 AM
President Bill Clinton, State of the Union address in 1995:
“Tất cả dân Mỹ có lý do chính đáng để cảm thấy bực mình bởi một số lớn người vào xứ này bấp hợp pháp, lấy những việc làm đáng lẽ phải do công dân và những di dân hợp pháp.Các dịch vụ công cộng mà họ xử dụng là một gánh nặng trên những người phải đóng thuế...

Đó là tại sao chính quyền này đã có những hành động mạnh để bảo vệ biên giới kỹ hơn bằng cách thuê một con số kỷ lục cảnh sát biên phòng, bằng cách trục xuất di dân phạm tội cao gấp hai lần tất cả các chính quyền khác, bằng cách truy lùng những vụ thuê di dân bấp hợp pháp, bằng cách cấm mọi trợ cấp xã hội cho di dân lậu.

Chúng ta là một nước của di dân, nhưng chúng ta cũng là nước thượng tôn luật pháp. Thật là một sai lầm cuối cùng tự hại mình khi một nước di dân dung túng cho những lạm dụng luật di trú mà chúng ta đã thấy trong những năm gần đây, và chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để chặn đứng lại.”



ĐOÀN LỮ HÀNH DI DÂN
Đoàn lữ hành di dân từ Honduras, El Salvador, và Guatemala đăng tiếp tục hành trình về hướng biên giới Mỹ-Mễ. Cho đến nay, đã gia tăng lên đến gần 10.000 người. Họ đã băng qua biên giới, tràn vào đất Mễ, bất kể việc chính quyền Mễ đã huy động cả trăm cảnh sát ngăn cản. Các chuyên gia ước tính họ sẽ cần gần một tháng để đi tới biên giới Mỹ-Mễ.

Trong câu chuyện này, có nhiều điều đáng chú ý:

- Cả ba chính quyền Honduras, El Salvador, và Guatemala có vẻ ngăn cản, nhưng một cách ển ển xiù xiù, cho có. Cả chính quyền Mễ cũng vậy.
Trước một đoàn cả 5-7.000 người mà chỉ có lèo tèo vài trăm cảnh sát ra ngăn cản thì kết quả ra sao, ai cũng thấy trước được. Đặc biệt là tại khúc sông tại biên giới Mễ-Honduras, cảnh sát chặn đầu cầu, nhưng gần cả ngàn người đã nhẩy xuống sông khá cạn, lội qua mà cảnh sát làm ngơ.

- Cả một đoàn hàng ngàn người, toàn là dân nghèo kiết xác, đi khơi khơi như vậy thì làm sao lo chuyện ăn uống, ngủ nghê, săn sóc sức khoẻ dọc đường?
Có bàn tay ‘lông lá’ bí mật nào sau lưng, vận động họ tham gia, tổ chức quy củ, tài trợ, tiếp tế thực phẩm, thuốc men dọc đường cho họ?

- Làm sao mà cả bốn chính quyền Honduras, Guatemala, El Salvador và nhất là Mễ đã không làm gì cụ thể và hữu hiệu để cản họ lại được?
Có phải là tất cả các chính quyền đều nhắm một mắt không?
Có phải Mễ đang bắt chẹt Mỹ để nài nỉ thêm vài điều kiện trong thoả ước mậu dịch Mỹ-Mễ-Canada trong khi các nước khác vòi thêm tiền viện trợ?

- Có tin là hàng trăm di dân gốc Á (Pakistan, Bangladesh) và Trung Đông cũng đã trà trộn trong đám người này.

- Chính quyền Trump đã lên tiếng sẽ không chấp nhận, sẽ mang Vệ Binh Quốc Gia ra chặn, và sẽ có biện pháp trừng phạt các chính phủ tiếp tay cho vụ này, bằng cách cắt hết viện trợ kinh tế.
Nhưng vấn đề là dọa thì dễ, thực tế TT Trump có thể chặn được không?
Viện trợ kinh tế cho mấy xứ này chỉ lèo tèo vài trăm triệu đô một năm, không nghiã lý gì so với những khó khăn kinh tế khổng lồ của mấy xứ này.

- Tiểu bang Cali đã công khai tuyên bố không hợp tác, không gửi Vệ Binh Quốc Gia đến biên giới để ngăn chặn đám người này.
Câu hỏi lớn khác, nếu đám này lọt qua biên giới Cali, thì tiểu bang Cali sẽ làm gì?
Nhận hay không? Tiền đâu ra để nuôi họ?
Luật Sanctuary Law có áp dụng để ngăn cản chính quyền liên bang bắt họ không?

- Câu hỏi rất lớn trong đầu nhiều người mà chưa ai có câu trả lời rõ rệt: đám di dân này sẽ tới biên giới Mỹ-Mễ vào gần ngày bầu cử, như vậy sẽ có ảnh hưởng như thế nào cho cuộc bầu cử.
Nhiều chuyên gia cho rằng sẽ cực kỳ tai hại cho đảng DC vì dân Mỹ sẽ sợ hãi mà phe CH sẽ khai thác triệt để.

Cho đến nay, TT Trump đã tuýt chống đám này mỗi ngày, như thể nhắc lại mối nguy này cho cử tri Mỹ, nhưng các chính khách DC im re, kể cả những quan chức to mồm nhất như Obama, Biden, Sanders, Hillary, Pelosi, Schumer, Kamala Harris, Cory Booker, ...chưa ai dám lên tiếng ủng hộ hay chống vì kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan.

- Vấn đề thật ra lớn hơn đám người này nhiều. Nhận đám này vào sẽ gửi một thông điệp rõ ràng cho cả triệu dân Trung Mỹ và Nam Mỹ, và hậu quả tất nhiên là sẽ có hàng chục, hàng trăm đoàn người nữa sẽ bắt chước, tiếp tục cuộc hành trình.
Đến khi nào thì mới ngưng?

Nước Mỹ, hay chính xác hơn, phe cấp tiến, đảng DC và TTDC sẽ muốn mở cửa biên giới nhận vào bao nhiêu nữa? Ai sẽ đóng tiền nuôi họ?

Một chuyện quái lạ đã được nhận thấy: một đám thanh niên Honduras, bôi vẽ hình thập tự Đức Quốc Xã Hitler lên lá cờ Mỹ, rồi đốt cờ, miệng hô đả đảo Mỹ. Thế thì sao lại ùn ùn kéo qua Mỹ?

Lạ lùng hơn nữa, TTDC Mỹ đăng hình kèm theo những lời bình luận có vẻ rất thiện cảm, cho rằng đám thanh niên này không phải là đốt cờ Mỹ để nhục mạ nước Mỹ, mà là để chửi TT Trump. Hả?
Như vậy là cờ Mỹ đã thành biểu tượng của ông Trump rồi sao?
Đúng là lý luận ngu xuẩn hết chỗ nói luôn.

Chuyện lạ những người mắc bệnh TDS (chống Trump đến phát cuồng) là trong khi bận ăn hăm-bơ-ghơ chửi dân Mỹ kỳ thị thì lại có hàng ngàn, hàng vạn người bỏ nhà, bỏ cửa, liều mạng xin vào cái xứ kỳ thị đó.

Tin giờ chót cho hay Ngũ Giác Đài đang làm kế hoạch chuẩn bị khoảng 800 quân nhân quân lực Mỹ, không phải Vệ Binh Quốc Gia, để ‘chào đón’ đám di dân này khi họ tới biên giới Mỹ.
Trước khi quý vị lên án TT Trump về thái độ ‘thiếu nhân từ’ trong vụ di dân, xin trích dẫn hai câu tuyên bố của hai cựu tổng thống Dân Chủ:

Senator Obama 2005:
"We are a generous and welcoming people here in the United States, But those who enter the country illegally and those who employ them disrespect the rule of law and they are showing disregard for those who are following the law. We simply cannot allow people to pour into the United States undetected, undocumented, unchecked, and circumventing the line of people who are waiting patiently, diligently and lawfully to become immigrants into this country."

“Chúng ta rộng lượng và chào đón mọi người tại Hoa Kỳ, nhưng những người vào xứ này bất hợp pháp và những người nhận họ làm việc đã không tôn trọng luật pháp và họ đã coi thường những người tôn trọng luật.
Chúng ta không thể để cho thiên hạ tràn vào Hoa Kỳ một cách lén lút, không giấy tờ, không kiểm tra, và vượt qua những người đang kiên nhẫn, quy củ và hợp pháp, chờ được trở thành di dân vào xứ này”.

President Bill Clinton, State of the Union address in 1995:
"All Americans...are rightly disturbed by the large numbers of illegal aliens entering our country, the jobs they hold might otherwise be held by citizens or legal immigrants. The public service they use impose burdens on our taxpayers. That's why our administration has moved aggressively to secure our borders more by hiring a record number of new border guards, by deporting twice as many criminal aliens as ever before, by cracking down on illegal hiring, by barring welfare benefits to illegal aliens. We are a nation of immigrants, but we are also a nation of laws. It is wrong and ultimately self-defeating for a nation of immigrants to permit the kind of abuse of our immigration laws we have seen in recent years, and we must do more to stop it."

“Tất cả dân Mỹ có lý do chính đáng để cảm thấy bực mình bởi một số lớn người vào xứ này bấp hợp pháp, lấy những việc làm đáng lẽ phải do công dân và những di dân hợp pháp.Các dịch vụ công cộng mà họ xử dụng là một gánh nặng trên những người phải đóng thuế.
Đó là tại sao chính quyền này đã có những hành động mạnh để bảo vệ biên giới kỹ hơn bằng cách thuê một con số kỷ lục cảnh sát biên phòng, bằng cách trục xuất di dân phạm tội cao gấp hai lần tất cả các chính quyền khác, bằng cách truy lùng những vụ thuê di dân bấp hợp pháp, bằng cách cấm mọi trợ cấp xã hội cho di dân lậu.
Chúng ta là một nước của di dân, nhưng chúng ta cũng là nước thượng tôn luật pháp. Thật là một sai lầm cuối cùng tự hại mình khi một nước di dân dung túng cho những lạm dụng luật di trú mà chúng ta đã thấy trong những năm gần đây, và chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để chặn đứng lại.”

LÃNH ĐẠO DÂN CHỦ NHẬN BOM
Một số lãnh đạo đảng DC đã nhận được bom tự chế gửi đến tận nhà, trong đó có cựu TT Obama, cựu TT Clinton. Cả cựu PTT Biden, cựu bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder, bà dân biểu Maxine Waters và trụ sở đài CNN cũng nhận được. Bom được an ninh bưu điện phát giác và chặn lại. Văn phòng một số nhân vật khác cũng đã được lệnh ‘di tản’ vì nghi ngờ có thể bị đánh bom.
Tổng cộng đâu trên 10 người đã nhận được bom này.

Tất cả theo FBI đều cùng một xuất xứ, bom cùng kiểu, cùng dấu bưu điện, ... chứng tỏ chỉ có một người hay một nhóm ít người, không phải là một âm mưu quy mô.
Tin giờ chót, FBI đã bắt một người bị tình nghi là thủ phạm tại Florida.
Ngay sau đó, cả PTT Pence lẫn TT Trump đều đã lên tiếng kết án nặng nề những âm mưu dùng võ lực trên. TT Trump kêu gọi đoàn kết.

Dù vậy, bà Pelosi, lãnh tụ khối DC tại Hạ Viện, và ông Schumer, lãnh tụ khối DC tại Thượng Viện, đã mau mắn bác bỏ lời kết án của TT Trump, và lợi dụng cơ hội tố ngược chính TT Trump phải chịu trách nhiệm về việc gia tăng bạo lực trong chính trường Mỹ.

Hai vị này lớn tuổi nên trí nhớ hơi kém. Họ quên mất cách đây không lâu, một anh cấp tiến đã vác súng bắn một dân biểu CH.
Họ cũng quên bà nhà báo nổi tiếng với hình tay cầm cái đầu máu mê của TT Trump.
Trước đó, bà ca sĩ Madonna cũng từng công khai tuyên bố ước muốn đặt bom phá tan Tòa Bạch Ốc.
Mới đây, cựu bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder tuyên bố “khi chúng xuống thấp, ta bồi cho chúng vài cái đá”.

Đài truyền hình ABC lên giọng: tất cả những chuyện xẩy ra trong nước đều do lãnh đạo tạo điều kiện –set the tone-, ý nói không khí bạo động do TT Trump gây ra và phải chịu trách nhiệm.
Thế thì trong thời TT Obama, dân da đen nổi loạn, xuống đường đốt nhà, phá xe, cướp cửa tiệm, bắn cảnh sát,... thì có phải do sự khuyến khích hay làm gương của lãnh tụ Obama không nhỉ?

Chuyện đáng để ý: cách đây không lâu, TNS Ted Cruz và bộ trưởng Quốc Phòng tướng Matiis, đã nhận được bưu kiện có bột trắng, bị nghi ngời là chất độc Ricin.
Không thấy TTDC bị ‘sốc’ như bây giờ.
Thật ra, tất cả chỉ là chuyện đầu voi đuôi chuột vì theo cảnh sát, tất cả chỉ là bom giả, không thể nổ được.

TIN VỀ BÀ NIKKI HALEY
Việc bà Nikki Haley bất thình lình từ chức tiếp tục tạo đủ loại tin đồn. Bà Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, là một ngôi sao sáng trong nội các của TT Trump.
Bà là ngươi có thể nói TTDC chưa dám đụng đến.

Một phần dĩ nhiên vì bà là phụ nữ, lại thuộc khối dân thiểu số, gốc Ấn Độ, nên TTDC rất dè đặt, khác với việc thẳng tay đấm đá mấy quan chức tu mi nam tử da trắng.
Một phần nữa là bà đã chứng tỏ khả năng hiếm thấy trong vai trò đại diện cho Mỹ tại diễn đàn LHQ.
Việc bà bất ngờ từ chức trong khi bà là một trong những người ủng hộ TT Trump rất mạnh, mà cũng là người được TT Trump tin tưởng nhiều, đã khiến thiên hạ bù đầu đoán mò

Một giả thuyết là bà từ chức để chuẩn bị ra tranh cử thượng nghị sĩ Nam Carolina thay thế đương kim TNS Lindsey Graham có thể sẽ được TT Trump bổ nhiệm là bộ trưởng Tư Pháp thay thế ông Jeff Sessions sau bầu cử tới.

Có hai yếu tố đáng tin cậy: thứ nhất, việc thay thế ông Sessions coi như khá chắc chắn, thứ hai, ông Graham đã là người bênh vực TP Kavanaugh mạnh nhất trong khi ông này bị Thượng Viện điều trần để phê chuẩn.

Một giả thuyết thứ hai là bà Haley từ chức để chuẩn bị thay thế PTT Mike Pence, ra tranh cử cùng liên danh với TT Trump năm 2020.
Lý do chính là phe DC có nhiều triển vọng đưa một phụ nữ ra tranh cử tổng thống năm đó.

Hiện nay, có ít nhất 3 bà: TNS Kamala Harris, TNS Elizabeth Warren, TNS Amy Klobuchar đã õng ẹo “em chả” với việc tranh cử, chưa kể cụ bà Hillary vẫn chưa từ bỏ tham vọng của đời bà.
Thêm vào đó, với phong trào nổi loạn của phụ nữ hiện nay, với ‘thành tích’ bị tố liên tục của TT Trump, sự hiện diện của bà Haley trong liên danh của TT Trump sẽ hoá giải phần lớn lợi điểm của phe DC.

Theo ý kiến cá nhân, giả thuyết đầu tiên nghe hợp lý hơn. Không có lý do gì TT Trump lại cho PTT Pence về vườn hết, vừa vô lý vừa mất hậu thuẫn của khối bảo thủ Thiên Chúa giáo rất tôn sùng ông Pence.

LỢI THẾ CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ BIẾN MẤT
Một thăm dò mới nhất của NBC/Wall Street Journal cho thấy lợi thế khổng lồ của đảng DC trong cuộc bầu Hạ Viện tới đã biến mất tại nhiều đơn vị bầu cử then chốt.
Cái gọi là “làn sóng xanh”, tức là đại thắng của đảng DC, tuy vẫn còn nhiều triển vọng xẩy ra, nhưng đã nhỏ hơn tiên đoán hiều.
Thậm chí, hiện nay nhiều ngưởi đã nghi ngờ việc DC có thể chiếm được đa số tại Hạ Viện. Việc DC chiếm đa số tại ThượngViện coi như không thể nào xẩy ra, và DC trái lại đang cố bảo vệ những ghế hiện đang có thay vì cố gắng chiếm ghế của CH.

TT TRUMP CÓ Ý ĐỊNH GIẢM THÊM THUẾ CHO TRUNG LƯU
Trong một dịp nói chuyện ngắn với báo chí khi ông viếng thăm Texas để vận động cho TNS Ted Cruz, TT Trump đã cho biết ông có ý định giảm thêm 10% thuế cho khối dân trung lưu.

Ông cho biết các chuyên gia của ông đang nghiên cứu và đúc kết, có thể việc giảm thuế sẽ được chính thức thông báo trước ngày bầu cử, nhưng dĩ nhiên sẽ phải đợi quốc hội phê duyệt.

Nếu xẩy ra như TT Trump cho biết thì sẽ giúp cho các ứng viên CH không ít, tuy việc phê duyệt hay không cũng tùy thuộc phần lớn vào kết quả bầu cử. Nếu phe CH thắng, giữ được cả hai viện thì việc giảm thuế sẽ được phê duyệt dễ dàng.
Nếu phe DC thắng, có thể TT Trump sẽ cho Hạ Viện và Thượng Viện biểu quyết ngay, trước đầu tháng Giêng tới khi tân quốc hội nhậm chức.

TT TRUMP TIẾP TỤC ĐÁNH TRUNG CỘNG
Trong thời gian qua TT Trump đã tiếp tục tấn công Trung Cộng, tuy bằng những cách gián tiếp.

Biện pháp đầu tiên của ông là rút Mỹ ra khỏi Liên Hiệp Bưu Chính Thế Giới, một tổ chức có mục đính ấn định phí chuyên chở hàng hóa quốc tế.

Đại khái thì Mỹ đã bị trói tay rất kỹ trong việc ấn định giá chuyên chở hàng hoá, bị ép chỉ được tính tiền rẻ bằng một phần nhỏ của số tiền cước phí các nước gọi là ‘chậm tiến’ có thể đòi hỏi, trong đó dĩ nhiên có Trung Cộng được ấn định tiền cước phí rất cao.
Hậu quả trực tiếp là hàng chở trên tầu Mỹ sẽ có quyền tăng phí chuyên chở rất nhiều. Ai cũng biết Mỹ thống trị ngành chuyên chở hàng giữa Mỹ và TC. Tăng phí chuyên chở sẽ khiến hàng TC đắt hơn, khó cạnh tranh với hàng thế giới và hàng Mỹ hơn.

Biện pháp thứ nhì, TT Trump cũng đã quyết định rút ra khỏi hiệp ước về hỏa tiễn liên lục điạ với Nga. Đây là hiệp ước giới hạn hỏa tiễn nói riêng và vũ khi hạch nhân nói chung giữa Nga và Mỹ, được TT Reagan ký với Tổng Bí Thư Nikita Khruschev. Việc Mỹ rút ra có nghiã là Mỹ sẽ toàn quyền thử nghiệm và sản xuất những vũ khí này.

Đây là một quyết định kiểu ‘một mũi tên bắn hai con nhạn’. Một mặt sẽ ép Nga nếu không muốn chịu thua Mỹ, sẽ phải chi bộn bác để phát triển loại vũ khí này, chạy đua với Mỹ.
Đây là sách lược gọi là ‘Star War’ TT Reagan đã tung ra đầu thập niên 80, ép Nga phải bỏ bộn bạc ra chạy đua với Mỹ, đưa đến tình trạng kiệt quệ kinh tế, cuối cùng cả Liên Bang Xô Viết xụp đổ.

Mặt khác hiệp ước này đã trói tay Mỹ trong khi Trung Cộng vì không phảl là thành viên ký hiệp ước, nên đã tha hồ phát triển không giới hạn vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn, có thể đã theo sát nút Mỹ nếu không muốn nói là đã vượt qua Mỹ, trực tiếp đe dọa an ninh của Mỹ, và nhất là đe doạ vùng Biển Đông.
Việc Mỹ rút ra khỏi hiệp ước này sẽ cho phép Mỹ giữ thế mạnh trên TC và kềm hãm mộng bá quyền của TC tại Á Châu, từ Nhật vòng qua tuốt Ấn Độ.

THỊ TRƯỞNG LOS ANGELES GIẢI THÍCH
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình ABC với nhà báo Jake Tapper, ông Garcetti, thị trưởng Los Angeles được hỏi về vấn đề quá nhiều người vô gia cư đang sống tại Los Angeles.
Từ ngày ông Garcetti lên làm thị trưởng, số người vô gia cư đã tăng đột ngột rất mạnh lên 50%, và thành phố Los Angeles cũng đang bị đe dọa bởi bệnh dịch hạch do quá nhiều chuột cống lộng hành, trong khi không ai thấy ông Garcetti có kế hoạch gì để đối phó với vấn nạn này.

Ông Garcetti đã có câu trả lời khiến anh Tapper mặt ngẩn ra, không biết hỏi gì thêm nữa.
Theo ông Garcetti, đây là hậu quả của các chính sách của Hoa Thịnh Đốn và Hoa Thịnh Đốn cần phải giải quyết chuyện này. Ông Garcetti cho biết Los không phải là thành phố duy nhất bị nạn vô gia cư hoành hành.

Ông đưa ra vài thí dụ như San Francisco và Seattle, cũng đau đầu về vấn nạn này. Do đó, đây là một vấn đề của liên bang, của tổng thống.

Trước hết, phải nói cho rõ, cả ba thành phố ông Garcetti nêu danh ra đều là những thành đồng của khối cấp tiến DC, được điều hành bởi các ‘lãnh đạo đại tài’ DC.

Sau đó, giải thích của ông Garcetti không đáng một cái cười miả mai: chuyện thành phố là trách nhiệm của thị trưởng, chứ sao lại là trách nhiệm của Hoa Thịnh Đốn?
Nếu là trách nhiệm của tổng thống Mỹ thì thị trưởng được bầu lên để làm gì? Đúng là rấm rớ.
Ông Garcetti là một trong những ’ngôi sao sáng’ của DC, năm 2016 đã lọt vào danh sách bà Hillary tìm người đứng cùng liên danh phó cho bà.

JANE FONDA
Bà tài tử già Jane Fonda, năm nay 80 tuổi, đã lên tiếng ta thán “dưới chế độ Trump, tôi cảm thấy thật là khó thở”. Bà không nói rõ tại sao lại “khó thở”.
Bị TT Trump kềm kẹp, không cho tự do nữa sao?

Nếu vậy, kẻ này xin đề nghị bà Jane Fonda một giải pháp ‘tuyệt hảo’: mời bà về Hà Nội sống với các đồng chí của bà, bảo đảm sẽ dễ thở hơn (bảo đảm, nhưng nếu không thành sự thật thì... xin lỗi, no refund!)

Vũ Linh Oct 27, 2018

CCG
10-27-2018, 10:21 AM
JANE FONDA
Bà tài tử già Jane Fonda, năm nay 80 tuổi, đã lên tiếng ta thán “dưới chế độ Trump, tôi cảm thấy thật là khó thở”. Bà không nói rõ tại sao lại “khó thở”.
Bị TT Trump kềm kẹp, không cho tự do nữa sao?

Nếu vậy, kẻ này xin đề nghị bà Jane Fonda một giải pháp ‘tuyệt hảo’: mời bà về Hà Nội sống với các đồng chí của bà, bảo đảm sẽ dễ thở hơn (bảo đảm, nhưng nếu không thành sự thật thì... xin lỗi, no refund!)

Vũ Linh Oct 27, 2018

https://scontent-lax3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/44857119_10215501740810327_8077458226657886208_n.j pg?_nc_cat=108&_nc_ht=scontent-lax3-1.xx&oh=199d168e8a62d0222063bc37da7f0b39&oe=5C508750

hongnguyen
10-29-2018, 07:56 AM
Chào CCG :).
Cám ơn CCG đã mang về một tấm hình minh họa rất chính xác :z77::z57:.

hongnguyen
10-29-2018, 08:06 AM
"VN vẫn là quê hương chúng ta và chúng ta vẫn lo sợ cho việc VN sẽ bị mất vào tay Trung Cộng một cách thô bỉ nhất, như biến thành một tỉnh của Tầu, hay một cách gián tiếp, biến thành một xứ bị Tàu đô hộ qua các quan thái thú VC. Dù muốn hay không thì VN vẫn là quê hương, đất nước của chúng ta.

Chính quyền VC chỉ là những người đang nắm quyền, không sớm thì muộn cũng sẽ không còn nữa. Đất nước là chuyện vĩnh viễn, chế độ là chuyện nhất thời, ta không nên lẫn lộn.
Họ Tập sẽ tha hồ lộng hành tại Biển Đông. Đó có phải là điều quý vị mong muốn không?



CUỘC BẦU CỬ ‘VĨ ĐẠI’

Ngày 6/11/2018 này, dân Mỹ sẽ đi bầu hàng loạt chức vụ lớn nhỏ cấp địa phương, tiểu bang và liên bang. Quan trọng hơn cả là việc bầu toàn thể Hạ Viện liên bang và 1/3 Thượng Viện liên bang. Ta sẽ không bàn về các cuộc bầu địa phương và tiểu bang, chỉ bàn về cuộc bầu quốc hội liên bang.

Việc đảng DC tìm đủ mọi cách để xé bỏ kết quả bầu tổng thống vừa qua đã quá rõ ràng, quá thô bạo, và quá trơ trẽn, đã được bàn quá nhiều, không cần nói thêm. Vả lại, bài này sẽ bàn về cuộc bầu cử giữa mùa tới đây, không liên quan gì đến cuộc bầu tổng thống hết.

Đề tài tranh cử của hai bên là gì?
Bên phiá CH dĩ nhiên là đang khoe những thành tựu của TT Trump và hứa hẹn sẽ tiếp tục con đường đó, cũng như cố gắng thực hiện những việc chưa làm được. TT Trump khi ra tranh cử đã hứa khá nhiều chuyện và cho đến nay, ông đã thực hiện được không ít.
Ngay cả báo Washington Post cũng đã phải nhìn nhận TT Trump là tổng thống ‘lương thiện nhất’, giữ lời hứa hơn tất cả các tổng thống khác.

Về phiá DC, thú thật với quý vị, kẻ này hơi bối rối không biết phải viết gì vì lý do rất giản dị là dường như đảng DC không có chương trình cụ thể gì ngoài kế hoạch ... lật đổ TT Trump qua cả chục vụ điều tra, rồi đàn hặc và truất nhiệm, hay nếu không được thì tìm mọi cách phá, đòi hỏi ngược lại tất cả những gì TT Trump đã làm hay muốn làm.
Nói cách khác, nếu muốn biết DC muốn làm gì thì cứ nghĩ đến những việc TT Trump đã hay sẽ làm, rồi quay ngược lại thì sẽ biến thành chương trình kinh bang tế thế của DC.

Bên nào sẽ thắng?
Phải nói ngay để tránh mọi hiểu lầm, kẻ này không đủ “khả năng, viễn kiến, tầm nhìn xa” để có thể làm Trạng Trình, đoán mò bằng những câu sấm mù mờ mà mấy trăm năm sau, ai cũng có thể diễn giải theo ý mình, cách nào cũng đúng.
Hơn thế nữa, tiên đoán về chính trị Mỹ thì thật sự Trạng Trình có tái sinh cũng … mù tịt. Chỉ một ngày trước ngày bầu năm 2016 vừa qua, ai dám nói bà Hillary sẽ về nhà giữ cháu ngoại?

Một điều cần phải cân nhắc khi đi bỏ phiếu: giữa tư cách cá nhân của một ông Trump, là tiêu điểm của cuộc bầu cử dưới cái nhìn của đảng DC, và thành quả kinh tế là chủ điểm của bầu cử theo đảng CH, cái nào quan trọng hơn?

Nếu DC thắng, chiếm đa số tại Hạ Viện, cho dù vẫn không chiếm được Thượng Viện, thì như đã bàn nhiều lần, ta sẽ thấy hàng loạt vụ điều tra, vài công tố độc lập có thể được Hạ Viện bổ nhiệm để điều tra cửu tộc nhà họ Trump và cả tam tộc các phụ tá, cố vấn, bà con, chú bác, dâu rể,…
Thậm chí có thể sẽ đàn hặc TT Trump luôn. Tình trạng lạc quan tếu nhất, các dân biểu DC không làm những việc trên thì, ít ra họ cũng sẽ bác bỏ tất cả mọi dự luật phe CH hay TT Trump có thể đề nghị. Hay ngược lại, phe CH và TT Trump sẽ bác tất cả mọi dự luật phe DC đề nghị.

Nôm na ra, guồng máy chính quyền Mỹ sẽ hoàn toàn tê liệt, từ tổng thống đến bộ trưởng, nghị sĩ, dân biểu, quan chức,… tất cả đều lãnh lương để ngồi chơi xơi nước, chửi bới qua lại. Chẳng có một đạo luật đáng kể nào được ban hành. Chờ đến bầu cử 2020. TT Trump chỉ còn một cách: cai trị bằng sắc lệnh, qua mặt quốc hội, theo đúng cách của TT Obama trong nhiệm kỳ hai đấy.

Nếu phe CH thắng, giữ được thế đa số tại Hạ Viện, thì TT Trump sẽ có dịp tiếp tục những việc ông đã làm từ hai năm qua, và làm thêm những gì đã hứa mà chưa thực hiện được.

TTDC báo động: nếu CH thắng giữ được cả hai viện thì sẽ là đại hoạ vì “con ngựa chứng Trump sẽ không còn ai cầm cương và sẽ đá loạn xà ngầu”. TTDC quên mất một chuyện lớn: dân Mỹ đã đi bầu tháng 11/2016, cho ‘con ngựa chứng’ được chạy nhẩy, tại sao bây giờ lại một hai đòi nhốt con ngựa đó lại? Ý dân vứt đi đâu rồi?

Trong cuộc bầu cử này, yếu tố quyết định thật sự là hậu thuẫn của khối đa số mà TT Nixon gọi là “đa số thầm lặng’, -silent majority-, đang ủng hộ TT Trump. Không ai biết khối này đông đảo đến cỡ nào và nhất là sẽ tham gia bầu cử đông đảo đến mức nào. Đây là bí số chẳng những quan trọng nhất mà cũng là hiểm hóc nhất.
Đó chính là bí số đã khiến tất cả khối DC vàTTDC tiên đoán sai bét trong cuộc bầu tổng thống vừa qua. Mà cũng là bí số khiến không ai dám chắc kết quả bầu cử lần này sẽ ra sao.

Chuyện chính trong bài này là cộng đồng Việt tỵ nạn tính sao?
Như đã có dịp bàn qua nhiều lần, dù muốn hay không, đây cũng là đất ta sinh sống, nơi mà các quyết định của các chính khách có tác động trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta.
Do đó, việc cộng đồng Việt tỵ nạn tham gia vào sinh hoạt chính trị Mỹ là điều tối cần thiết để có thể bảo vệ quyền lợi của chúng ta một cách hữu hiệu nhất.
Tham gia bằng cách ra ứng cử càng nhiều chức vụ càng tốt, bất kể ở cấp nào, địa phương, tiểu bang hay liên bang. Và tham gia bằng cách đi bỏ phiếu.
Và dĩ nhiên tham gia bằng cách tìm hiểu cho kỹ mọi vấn đề trước khi lấy quyết định cho chính mình.

Diễn Đàn này chủ trương cố giảm thiểu tình trạng chia rẽ trong cộng đồng nên cố tránh đi vào vấn đề cá nhân các ứng cử viên gốc Việt bất kể thuộc đảng nào. Do đó sẽ không ủng hộ hay chống bất cứ cá nhân nào.
Không có nghiã là diễn đàn này nghĩ rằng ai đi bỏ phiếu cho ai cũng được. Mà vấn đề là cần bỏ phiếu theo chủ trương, theo sách lược,... của ứng cử viên, chứ không theo cá nhân hay cá tính của ứng cử viên.

Một điểm cần nhớ cho rõ: quan trọng là quyền lợi của nước Mỹ nói chung và quyền lợi của cộng đồng tỵ nạn nói riêng. Cần phải biết ứng cử viên đó và đảng của người ấy đã, đang, và sẽ làm gì cho cộng đồng chúng ta và cho nước Mỹ. Đó mới chính là những tiêu chuẩn căn bản để bỏ phiếu. Chứ không thể bỏ phiếu theo tiêu chuẩn... bạn bè, chỗ quen biết, bà con, hay... ‘cùng gốc Việt’.

Trên căn bản, những ứng cử viên ‘cùng gốc Việt’ tất nhiên phải hiểu cộng đồng tỵ nạn hơn những người không phải gốc tỵ nạn Việt, do đó có thể hiểu và bảo vệ nhu cầu của chúng ta hữu hiệu hơn những người khác. Vấn đề là trên thực tế không phải tất cả các ứng cử viên gốc Việt đều có cách suy nghĩ và hành xử giống hệt nhau.

Một ví dụ điển hình: một ứng cử viên tỵ nạn có thể vì thù ghét cá nhân TT Trump vẫn quyết tâm chống ông Trump đến cùng, chống luôn cả việc ông đang đánh Trung Cộng để giảm uy thế của TC, rất có lợi cho VN. Trong trường hợp này thì chúng ta có nên nhắm mắt bỏ phiếu cho người này chỉ vì họ ‘cùng gốc Việt’ không?

Trong cộng đồng tỵ nạn chúng ta, hiện nay có 4 vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta cần cân nhắc.

1. Vấn đề kinh tế hiện hữu tại Mỹ
Dĩ nhiên, một số lớn dân tỵ nạn hiện còn trong tuổi đi làm, phải đóng thuế, nên họ cần phải cân nhắc cho kỹ việc TT Trump đã giảm thuế quy mô cũng như tạo ra được cả triệu việc làm. Chuyện công của ai là chuỵên tranh cãi phe phái không thể là yếu tố quyết định lá phiếu.

Một số không nhỏ dân tỵ nạn thuộc loại dưới trung lưu, không phải đóng thuế gì hết, cũng có nhiều người vì lớn tuổi chẳng đi làm gì hết mà sống bằng trợ cấp. Đối với họ, việc TT Trump giảm thuế, tạo công ăn việc làm chẳng có nghiã lý gì hết, trái lại, họ lo sợ giảm thuế sẽ giảm thu nhập của chính phủ, đưa đến việc cắt giảm trợ cấp của họ. Đây là một trong những luận điệu tuyên truyền rất mạnh của khối DC, để hù dọa thiên hạ.

Xin nói cho rõ: giảm thuế lợi tức, nhất là giảm thuế cho các đại gia và giảm thuế đánh trên lợi nhuận của các đại công ty, không phải là thể hiện tính phe đảng của TT Trump với nhà giàu để hại người nghèo như tuyên truyền ngớ ngẩn của phe chống TT Trump la hoảng.

Việc giảm thuế cho các đại doanh gia và đại công ty có mục đích rõ ràng là khuyến khích việc đầu tư, mở hãng xưởng, tạo công ăn việc làm cho thiên hạ, phát triển kinh tế chung cho cả nước. Giảm thuế lợi tức cá nhân cho quý vị cũng giúp cho quý vị có thêm chút tiền để xài, tức là giúp các công ty bán thêm chút hàng hóa.

Quý vị nào không muốn xài số tiền đó, có thể gửi ngân hàng, giúp ngân hàng có thêm ít tiền cho các doanh gia vay mượn để phát triển cơ sở kinh doanh của họ. Kinh tế nói chung sẽ phát triển (thật ra, đã và đang phát triển mạnh theo tất cả những thống kê chính thức). Mà kinh tế phát triển thì tức là lợi nhuận công ty tăng, lương thiên hạ tăng, thì cũng là dịp Nhà Nước thu thuế nhiều hơn, có tiền nhiều hơn, chứ không phải ít đi.

Như kẻ này đã chứng minh nhiều lần, kinh nghiệm những lần giảm thuế từ TT Kennedy đến TT Reagan và TT Bush con, sau thời gian đầu thì thu nhập thuế của chính phủ đều tăng vọt. Trong lịch sử cận đại Mỹ, đã có nhiều lần các tổng thống giảm thuế, nhưng chưa có một tổng thống nào bị hụt tiền đến độ phải cắt giảm trợ cấp.

Nếu quý vị nghe một ứng cử viên hô hoán TT Trump giảm thuế cho nhà giàu rồi sẽ cắt trợ cấp của người nghèo, thì xin quý vị hãy tỉnh táo suy luận để tránh nghe lập luận lừa phỉnh mỵ dân hay hù dọa thiên hạ.
(Muốn tìm hiểu thêm về chuyện giảm thuế trước khi đi bầu, xin quý vị đọc lại bài ‘Luật Giảm Thuế’ trên diễn đàn này, tháng Chạp năm 2017)

Trong câu chuyện kinh tế, nhiều cụ tỵ nạn sao y bản chính TTDC, đã đưa ra những lập luận giả dối đáng ngạc nhiên.
Họ tố cáo TT Trump giảm thuế, kinh tế tăng trưởng, thu nhập của chính phủ phải tăng mạnh, cớ sao lại có chuyện nợ công vẫn tăng ào ạt lên tới xấp xỉ 21.000 tỷ đô, ngân sách vẫn thâm thủng nặng? Rõ ràng Trump lại nói láo sao?

Chỉ là tố cáo nếu không phải vì gian ý thì cũng chỉ vì thiếu hiểu biết. Giảm thuế có hiệu lực năm nay, tức là thu nhập của Nhà Nước đã giảm ngay, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ mới bắt đầu và chưa thể có tác dụng gì trên chi tiêu trong ngân sách đã được thiết lập cả năm trước.
Chi tiêu của Nhà Nước có muốn cắt giảm như TT Trump đang cố làm, cũng không thể thực hiện trong vài tháng.
Một ví dụ điển hình: muốn giảm nhân sự để tiết kiệm tiền lương, sa thải nhân viên hay công chức, cũng phải cấp cho họ một số tiền lớn cho họ sống trong khi chờ đợi có việc mới, chứ không có chuyện sa thải họ với hai tay trắng.
Một ví dụ khác: tiền lãi phải trả trên hơn 20.000 tỷ công nợ, TT Trump không thể quyết định ngày mai sẽ ngưng trả.

Nói cách khác hậu quả của chính sách kinh tế của TT Obama cần thời gian để thay đổi. Kinh tế Mỹ như cái tàu hàng lớn, muốn quay ngược lại, không thể một sớm một chiều, trở đầu như cái xuồng câu cá. Chưa kể cái giả dối thô bạo khi vài cụ tỵ nạn mê Obama la hoảng về số công nợ tăng lên tới 21.000 tỷ. Những người này núp ở đâu khi TT Obama tăng công nợ gấp đôi từ xấp xỉ 10.000 tỷ lên tới 20.000 tỷ đô?

Họ nói kinh tế phục hồi là nhờ TT Obama, ông Trump chỉ thừa hưởng gia tài thôi. Chuyện này, tôi đã bàn quá nhiều nhưng như nước đổ lá môn, họ vẫn nhắm mắt và bịt tai không muốn biết sự thật. Tôi sẽ không phí thời giờ viết lại trong bài này. Chỉ xin tóm lược rất ngắn gọn câu chuyện trước mắt.

Phục hồi của TT Obama có thật, nhưng chiếc xe của Obama chạy ì ạch 10 cây số một giờ trong 7 năm sau. Ông Trump ra tranh cử, hứa sẽ thi hành một loạt biện pháp để phục hồi tăng trưởng kinh tế thật sự và tạo công ăn việc làm lại. Các kinh tế gia DC nhao nhao báo động TT Trump sẽ lôi kinh tế xuống ruộng lại.

Ông Trump đắc cử, thi hành những biện pháp đã hứa, chiếc xe chạy vọt lên 60 cây số một giờ. Cả triệu việc làm được tái tạo, chứng khoán bay bổng, kinh tế tăng trưởng quá mạnh khiến chính quyền phải tăng lãi suất để làm chậm lại. Phe Obama nhanh như chớp nhẩy ra vỗ ngực nhận công.

Theo đúng mô thức Obama: cái gì tốt là công của tôi, cái gì xấu là lỗi của tất cả mọi người khác. Tại sao những tăng vọt đó không xẩy ra trong những năm từ 2009 tới 2016? Mà lại chỉ xẩy ra sau khi ông Trump đã nhậm chức và đã ban hành những biện pháp kinh tế mới?

2. Obamacare
Một cụ tỵ nạn báo động, tố TT Trump muốn thu hồi Obamacare, tức là “lấy đi bảo hiểm y tế của thiên hạ”. Đây là một lập luận cực kỳ thiếu lương thiện.

Trong chế độ dân chủ, tự do cạnh tranh, kể cả cạnh tranh về tư tưởng, ai cũng có quyền chống những ý kiến khác ý của mình, nhưng điều kiện tối thiểu là phải lương thiện. Không bao giờ lại có chuyện vớ vẩn TT Trump và đảng CH muốn lấy đi bảo hiểm y tế của thiên hạ hết. Fake news!

Vấn đề chỉ là cái Obamacare đầy sai lầm, gây ra đủ thứ tai hại trong hiện tại và cả tương lai, do đó, cần phải làm lại, tức là thay thế bằng một luật bảo hiểm y tế mới. Vì chưa đạt được đồng thuận ý kiến trên giải pháp mới nên Obamacare vẫn còn đó. Nói trắng ra, trước sau gì thì mọi người, ai cũng có bảo hiểm y tế hết, quý vị không cần phải lo sợ chuyện CH sẽ lấy đi bảo hiểm y tế cho quý vị. Tranh cãi giữa CH và DC chỉ là vấn đề bảo hiểm kiểu nào tốt hơn thôi.

3. Vấn đề di trú
Đây cũng là một đề tài những người thiếu lương thiện mang ra khai thác để hù dọa dân tỵ nạn. Họ tố TT Trump kỳ thị, sẽ tìm cách trục xuất dân tỵ nạn ta về VN hết. Chuyện gọi là… bố láo.

Tất cả dân tỵ nạn ta qua Mỹ và sống ở đây hoàn toàn hợp pháp, được nhận qua một luật được cả hai viện quốc hội phê chuẩn và tổng thống ký. Không ai nên dở trò xập xí xập ngầu lẫn lộn chúng ta với đám di dân lậu mà TT Trump đang tìm cách ngăn chặn. Không có tổng thống nào có thể trục xuất chúng ta đi đâu hết.

Ngoại trừ hai trường hợp.
- Những người chưa được vào quốc tịch, chỉ mới ở trong trường hợp ‘thử thách’ có thẻ xanh: nếu phạm pháp, tất nhiên luật Mỹ (chứ không phải luật Trump!) sẽ không cho trở thành dân Mỹ và sẽ bị trục xuất.
Ở đây, phải nói cho rõ để tránh xuyên tạc bóp méo. Vi phạm luật là vi phạm luật. Nặng hay nhẹ và bị trừng phạt như thế nào, trục xuất hay không là quyết định của quan tòa (chứ cũng không phải là phán quyết của Trump đâu!).

- Những công dân CHXHCNVN qua đây du học hay du lịch, ở lậu lại tất nhiên sẽ bị coi là di dân lậu, có bị bắt và trục xuất là chuyện đương nhiên theo luật Mỹ (chứ không phải luật Trump!)

Báo chí Việt tỵ nạn tung tin T Trump bắt nhốt hơn một chục ngàn người gốc Việt và sẽ trục xuất họ. Vẫn chỉ là cái mánh xuyên tạc để hù dọa.
Đại khái hầu hết những người này đã bị bắt từ thời TT Obama (vẫn không phải là Trump đâu!), nhưng Mỹ không trục xuất về VN được vì VC không chịu nhận. Năm 1995, TT Clinton ký thỏa ước với VC, ‘công dân Việt’ phạm tội bị trục xuất về VN, nhưng chỉ áp dụng cho những người qua Mỹ sau năm 1995 thôi.

Do đó, tình trạng cả chục ngàn người phạm tội đang bị nhốt chưa có giải pháp. TT Obama và Trump đã và đang điều đình với chính quyền VC về chuyện này, là chuyện chẳng phải lỗi của TT Trump.

4. Lo ngại về việc Hán hóa quê hương chúng ta
Vâng, thưa quý vị, dù sao, VN vẫn là quê hương chúng ta và chúng ta vẫn lo sợ cho việc VN sẽ bị mất vào tay Trung Cộng một cách thô bỉ nhất, như biến thành một tỉnh của Tầu, hay một cách gián tiếp, biến thành một xứ bị Tàu đô hộ qua các quan thái thú VC. Dù muốn hay không thì VN vẫn là quê hương, đất nước của chúng ta.

Chính quyền VC chỉ là những người đang nắm quyền, không sớm thì muộn cũng sẽ không còn nữa. Đất nước là chuyện vĩnh viễn, chế độ là chuyện nhất thời, ta không nên lẫn lộn.

Trong cái nhìn đó, kẻ thù gần là chế độ VC, kẻ thù xa là chủ nghiã bành trướng của tân đế quốc Trung Cộng. TT Trump đang cố gắng ngăn chặn tham vọng đó. Bất kể vì lý do gì.

Rất có thể TT Trump muốn chặn TC để bảo vệ thế đứng thống trị thế giới của Mỹ chứ chẳng phải vì yêu thương dân Việt ta. Không cần biết. Ta chỉ cần biết trong sách lược chặn TC đó, VN có thể tựa lưng vào để tránh trở thành ngôi sao nhí trên cờ máu. Nôm na ra, ta chỉ có một lựa chọn duy nhất: ủng hộ sách lược chặn TC của TT Trump, không có tam thập lục chước nào khác hết.

Muốn ủng hộ thì phải giúp cho ông thực hiện được sách lược đó. Nghiã là phải củng cố thế lực chính trị của TT Trump bằng cách giúp cho ông có đồng minh trong quốc hội, Hạ Viện cũng như Thượng Viện.
Không có đồng minh, TT Trump trong hai năm tới sẽ bị trói tay, không thực hành được bất cứ sách lược nào hết, không ra được bất cứ luật nào hết. Họ Tập sẽ tha hồ lộng hành tại Biển Đông. Đó có phải là điều quý vị mong muốn không?

Như đã phân tích ở trên, việc đảng DC hay đảng CH kiểm soát được quốc hội sẽ có những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Có thể nói đến mức biến cuộc bầu giữa mùa này thành cuộc bầu giữa mùa quan trọng nhất trong lịch sử cận đại Mỹ.
Nước Mỹ sẽ đi vào bế tắc toàn diện trong ít nhất hai năm nữa, hay TT Trump sẽ tiếp tục thực hiện những lời hứa như trong hai năm qua?

Một mình TT Trump không thể làm gì được. Quốc hội đóng vai trò giúp ông hay cản ông, đó là quyết định của quý vị.
Lá phiếu của quý vị chính là lá phiếu quyết định chuyện này.

Vũ Linh Oct 27, 2018
http://diendantraichieu.blogspot.com/2018/10/cuoc-bau-cu-vi-ai.html#more

hongnguyen
11-03-2018, 08:34 AM
Một lý do có thể giải thích phần nào mâu thuẫn trên chính là ba cái luật an toàn cho di dân, gọi là Sanctuary Law của Cali và vài tỉnh hay vùng dọc biên giới của vài tiểu bang khác, cần phiếu của cử tri gốc La-Tinh để bù đắp việc mất phiếu của dân da trắng.
Cái luật này bất kể nguyên do nào, đã đưa ra một thông điệp lớn cho đám dân Trung Mỹ nghèo đói này: cứ việc tìm cách vào được Mỹ, chúng tôi sẽ bảo vệ quý vị, lo cho quý vị và không bao lâu quý vị sẽ thành đại gia như Mỹ hết.

Trong câu chuyện này, có một tin lạ: chính khách đầu tiên đả kích tu chánh án 14 này không ai khác hơn là cựu thượng nghị sĩ Harry Reid, nguyên lãnh tụ khối DC tại Thượng Viện, khi vào năm 1993 ông nhận định: "không có một xứ nào có đầu óc minh mẫn –no sane country- lại có thể cấp quyền công dân cho con cái của di dân bấp hợp pháp"

Ta chống mắt xem đảng DC sẽ quay ngược 180 độ để đánh TT Trump.



CỬ TRI GỐC VIỆT CÓ TIẾNG NÓI LỚN?
Trên nguyên tắc, số cử tri gốc Việt tỵ nạn có tiếng nói rất nhỏ trong chính trị Mỹ, một phần vì dân số ít, một phần vì ít tích cực tham gia bầu bán. Đặc biệt là tại tiểu bang Cali là nơi đảng DC ‘thống trị’ hoàn toàn, một số ít cử tri gốc Việt chẳng thay đổi, thêm bớt được gì.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu quốc hội năm nay, có thể cử trị gốc Việt sẽ nắm một phần chià khoá kiểm soát Hạ Viện.
Theo báo Los Angeles Times, khác biệt giữa DC và CH trong cuộc bầu tới có thể chỉ có nửa tá ghế để kiểm soát Hạ Viện, một sai biệt mà phần quan trọng nhất nằm tại tiểu bang Cali. Có nghiã là chỉ cần CH thắng tại gần một tá đơn vị bầu cử tại Cali là CH có hy vọng giữ được thế đa số tại Hạ Viện liên bang.

Một sự kiện lạ lùng chưa xẩy ra trong lịch sử cận đại Mỹ.
Một điều đáng lưu ý cho cử tri gốc Việt là trong số những đơn vị then chốt đó, có ít nhất 4 đơn vị trong đó có rất đông dân tỵ nạn Việt.

1. Đơn vị 25 – District 25: phiá bắc Los Angeles, bao gồm các vùng Lancaster, Palmdale, Santa Clarita qua gần tới Ventura, giữa ứng cử viên Steve Knight của CH và Katie Hill của DC.

2. Đơn vị 39 – District 39: phiá đông nam Los Angeles, bao gồm các vùng từ Yorba Linda qua tới Fullerton, giữa ứng cử viên Young Kim (gốc Hàn Quốc) của CH và Gil Cisneros của DC.

3. Đơn vị 45 – District 45: phiá nam Los Angeles, bao gồm các vùng từ Mission Viejo qua Lake Forest và Irvine, lên gần tới Anaheim, giữa ứng cử viên Mimi Walters của CH và Katie Porter của DC

4. Đơn vị 48 – District 48: phiá nam Los Angeles, bao gồm các vùng dọc biển từ Huntington Beach qua khỏi Laguna Beach, giữa ứng cử viên Dana Rohrabacher của CH và Harley Rouda của DC.

Cả bốn đơn vị đều được coi như ngang ngửa, chưa biết bên nào sẽ thắng. Thăm dò cho thấy các ứng cử viên được hậu thuẫn sát nút nhau, do đó, lá phiếu của cử tri gốc Việt có thể sẽ có tiếng nói rất lớn, quyết định kết quả tại đây và cả kết quả chung cho cả Hạ Viện luôn.
Dưới đây là bài viết của báo Los Angeles Times:
http://www.latimes.com/politics/la-pol-ca-california-competitive-house-districts-20180906-htmlstory.html

Trước khi dân tỵ nạn đi bỏ phiếu, thử trả lời những câu hỏi dưới đây đã:

- Trong nhiệm kỳ đầu 4 năm của TT Nixon (1969-1972), đảng đối lập biểu quyết tổng cộng 80 lần, trung bình cứ ba tuần một lần, đòi TT Nixon phải rút Mỹ ra khỏi cuộc chiến tại VN.
Trong nhiệm kỳ hai của TT Nixon và dưới TT Ford, cũng đảng đối lập đó biểu quyết ngưng viện trợ quân sự cho VNCH, cấm quân lực Mỹ tham gia vào các trận đánh với VC, cấm không lực Mỹ dội bom BV, Căm-Pu-Chia, đường mòn HCM,...
Đảng đối lập đó là đảng nào?

- Ứng cử viên tổng thống năm 1972, George McGovern ra tranh cử với chương trình rút toàn bộ lực lượng Mỹ ra khỏi VN trong vòng 3 tháng, với một điều kiện duy nhất: Bắc Việt trả lại tù binh Mỹ. Chuyện VN để cho Bắc Việt và Nam Việt giải quyết với nhau, Mỹ sẽ phủi tay. Ông McGovern thuộc đảng nào?

- Cựu trung úy John Kerry điều trần trước quốc hội, tố lính Mỹ và lính VNCH chỉ giỏi ăn cắp gà và hãm hiệp phụ nữ. Sau này, trung úy Kerry làm thượng nghị sĩ và ngoại trưởng. Ông Kerry thuộc đảng nào?

- TNS Joe Biden tuyên bố “tôi sẵn sàng biểu quyết ngân sách vô giới hạn để rút lính Mỹ ra khỏi VN, nhưng sẽ không biểu quyết một xu cho việc di tản và tái định cư tại Mỹ bất cứ một người Việt nào”. Ông Biden sau này làm phó tổng thống. Ông Biden là người của đảng nào?

- Thống đốc Cali, Jerry Brown kêu gọi TT Ford không được xả rác tỵ nạn trên tiểu bang xinh đẹp của ông, và ra lệnh đóng cửa phi trường không cho máy bay chở tỵ nạn đáp xuống. Ông Brown thuộc đảng nào?

- Toàn thể truyền thông Mỹ từ New York Times, Washington Post, Los Angeles Times đến các đài ABC, CBS, NBC,... đều nhất tề bôi bác cuộc chiến, ca tụng các anh hùng dép râu, sỉ vả Nam VN là lãnh đạo tham nhũng, tướng tá bất tài, lính hèn, dân toàn là đĩ điếm và ăn mày. Truyền thông đó ủng hộ đảng nào?

Vâng thưa quý vị, đó là những chuyện của 50 năm trước. Cũng như chuyện xe tăng VC tràn xuống miền Nam, hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH đi tù cải tạo mút mùa, hàng trăm ngàn người chết trên Biển Đông, cả nước điêu tàn, hàng triệu người trở thành công dân tứ xứ, cũng đều là những chuyện của 50 năm trước.
Chúng ta có nên quên đi và chấp nhận hiện tại và nhìn vào tương lai không? Có nên chấp nhận 'Thành phố Hồ Chí Minh' và nhìn vào 'hòa hợp hòa giải tốt đẹp' với chế độ CSVN không?


CÂU CHUYỆN ĐOÀN LỮ HÀNH DI DÂN
Đoàn lữ hành di dân từ Trung Mỹ tiếp tục lừng lững tiến về phiá Mỹ. Có tin con số mới nhất đã lên tới gần 14.000 người.

Chính phủ Mễ đã chính thức thông báo sẽ nhận những người nào muốn ở lại, sẽ lo trợ cấp, giúp định cư và tìm công ăn việc làm cho họ cũng như nhận cho con cái họ đi học miễn phí. Nhưng cho đến nay chỉ có trên dưới 1.000 người nhận ở lại, còn tất cả vẫn chỉ muốn đi Mỹ.

Chứng tỏ các lập luận của phe cấp tiến chỉ là fake news khi họ cho rằng nhóm người này bị ép buộc phải bỏ xứ của họ vì không có công ăn việc làm, phương tiện sinh sống khó khăn, cũng như trốn chạy tình trạng thiếu an ninh, bị băng đảng ma túy đe dọa.
Ý định của họ, nói trắng ra là chỉ muốn thực hiện giấc mộng ‘đi Mỹ’ của cả triệu người trên thế giới, kể cả không ít dân Việt của xứ CHXHCNVN.

Một lý do có thể giải thích phần nào mâu thuẫn trên chính là ba cái luật an toàn cho di dân, gọi là Sanctuary Law của Cali và vài tỉnh hay vùng dọc biên giới của vài tiểu bang khác, cần phiếu của cử tri gốc La-Tinh để bù đắp việc mất phiếu của dân da trắng.
Cái luật này bất kể nguyên do nào, đã đưa ra một thông điệp lớn cho đám dân Trung Mỹ nghèo đói này: cứ việc tìm cách vào được Mỹ, chúng tôi sẽ bảo vệ quý vị, lo cho quý vị và không bao lâu quý vị sẽ thành đại gia như Mỹ hết.

Những sự thật tai hại như cuộc sống cơ cực trong các ổ chuột, bị khai thác lao động triệt để, lương dưới mức tối thiểu, không có bảo hiểm y tế, có thể bị bắt và trục xuất,... tất cả đều bị dấu nhẹm hay giảm thiểu tối đa.
Tất cả những người hô hào nhận di dân lậu đều đang cho đám di dân khốn khổ này ăn bánh vẽ chứ chẳng giúp gì họ. Nếu cho rằng họ có đời sống thật cơ cực tại Mỹ thì tại sao lại cổ võ cho họ vào đây? Như vậy có hơi ‘ác’ không?

Đảng DC thích di dân lậu vì được phiếu cử tri chứ chẳng thương gì họ. Các đại gia Mỹ thích đám di dân lậu vì họ là những người làm vườn, lái xe, thợ hồ, phụ bếp, phu khuân vác, vú em rẻ tiền nhất.
Đó có phải là một thứ tương lai sáng lạng cần tặng cho di dân không? Đó có phải là những hành động có tính ‘nhân đạo’ không?

Đại diện của đoàn lữ hành tuyên bố họ không có ý định vượt biên giới vào Mỹ bất hợp pháp, mà chỉ có ý định đến biên giới rồi chính thức xin vào tỵ nạn hợp pháp theo quy chế ‘asylum’.
Xin phép được vào tỵ nạn sẽ cần phải nộp đơn rồi đợi tòa án quyết định từng trường hợp một.

Cả vạn người như vậy sẽ cần bao nhiêu thời gian, chưa kể khoảng 750.000 hồ sơ xin tỵ nạn (theo Washington Post) vẫn còn ứ đọng chưa giải quyết xong, đại đa số tích lũy trong 8 năm Obama.
TT Trump cho biết có thể sẽ xây lều cho họ ở tạm. Ở bao nhiêu năm? Ai nuôi?

Vấn đề rắc rối thêm nữa là sự hiện diện của trẻ con vị thành niên mà theo luật Mỹ, không được giam quá 20 ngày, mà thả chúng ra thì dĩ nhiên cũng phải thả luôn cả bố mẹ vì không được cách ly chúng, và tất nhiên vài ngày sau thì cả gia đình sẽ biến mất hút vào khối hơn ba trăm triệu dân Mỹ, thành di dân lậu ngay.

Nhìn vào cảnh di dân đánh nhau với cảnh sát Mễ thì ít ai nghĩ họ sẽ ngoan ngoãn tuân theo luật nhập cảnh và di trú Mỹ.

TT Trump đe dọa sẽ ngăn cản, kể cả việc dùng cả ngàn Vệ Binh Quốc Gia của các tiểu bang vùng biên giới, dùng thêm 5.000 quân chính quy của liên bang để cản, có thể lên tới 15.000, cũng như sẽ dùng những biện pháp chính trị và kinh tế chống chính phủ các nước dung túng cho chuyện này.

Các chính khách ồn ào của phe cấp tiến thì đều ... luống cuống ngậm bồ hòn, im re, không dám lên tiếng chống hay ủng hộ, vì vấn đề rõ ràng là con dao hai ba lưỡi, há họng mắc quai. TTDC cũng loan tin tối thiểu, cho có.
Đám di dân này dường như đã biến thành một tai họa đe dọa nước Mỹ, sẽ kích động khối cử tri chống di dân CH hăng hái đi bầu, một việc DC đang lo sót vó.

Một chuyện nhiều người quan tâm: đoàn lữ hành này hiển nhiên đang được cả triệu dân nam và trung Mỹ theo dõi. Họ được nhận vào dễ dàng thì bảo đảm sẽ có cả chục, cả trăm đoàn người khác theo đuôi.

Tin mới nhất: sau khi đoàn di dân đầu tiên thành công, vượt qua được biên giới Mễ, thì đã có ngay một đoàn khác từ Guatemala bắt chước, cũng đã đánh nhau với cảnh sát Mễ và vào được đất Mễ, bắt đầu hành trình hướng về đất Mỹ.
Ngay sau đó, một đoàn thứ ba gồm hơn 2.000 người từ El Salvador đã đến biên giới Mễ.

Câu hỏi cho những vị chủ trương giang tay đón di dân:
Mỹ phải làm gì bây giờ? Mở toang cửa cho họ vào hết nhân danh tính nhân đạo sao? Tới đâu thì ngừng?

Tin khôi hài mới nhất: một đám luật sư Mỹ đại diện cho đám di dân này, đã kiện TT Trump vì tội vi phạm quyền Hiến định (constitutional rights) của di dân.
Kẻ này không biết Hiến Pháp Mỹ có điều khoản tổng thống phải mở toang biên giới cho ai muốn vào Mỹ thì vào.


SANH TẠI MỸ CÓ THỂ KHÔNG PHẢI LÀ CÔNG DÂN MỸ?
Tin mới về chuyện di dân: TT Trump cho biết ông có ý định sẽ ký sắc lệnh không cho các trẻ em sinh tại Mỹ được tự động là công dân Mỹ nếu bố mẹ không phải là công dân Mỹ.

Đây là luật khá đặc biệt của Mỹ, đã có từ sau nội chiến qua tu chánh án 14 với mục đích bảo vệ dân da đen mới được giải thoát khỏi gông cùm nô lệ, khỏi bị các tiểu bang miền Nam theo đảng DC trả thù không cho họ là công dân Mỹ.

Trong khi bối cảnh lịch sử đã thay đổi, thì chính sách đó cũng đã bị lạm dụng quá mức. Đưa đến việc di dân khai thác, chạy qua Mỹ đẻ con là xong.

Xa hơn nữa, đã đưa đến nguyên cả một ‘kỹ nghệ du lịch đẻ’. Các bà nước ngoài có bầu, chờ gần ngày sanh là đi Mỹ, đập bầu tại Mỹ, con đương nhiên là công dân Mỹ, và sau đó chúng lớn lên sẽ bảo lãnh bố mẹ qua Mỹ. Mỹ gọi là đám ‘anchor babies’, trẻ con sanh ra để làm mỏ neo cho bố mẹ qua sau.
Tin báo chí cho biết tại Cali, có không thiếu khách sạn chuyên chứa các Thím Ba từ Trung Cộng qua đập bầu, thả mỏ neo.

Trước khi các cụ dị ứng Trump chỉ trích TT Trump kỳ thị hay vô nhân đạo, xin ghi nhận hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không có cái luật dễ dãi quá mức này, ngoại trừ khoảng 30 nước, hầu hết ở Mỹ Châu như Mỹ, Canada, vài nước Nam Mỹ và một số tiểu quốc như Barbados, Antigua,...
Không có xứ Âu Châu hay Á Châu nào có chính sách này.

Nếu TT Trump ký sắc lệnh này thì chưa chắc đã có hiệu lực ngay vì sẽ bị thưa kiện, và có nhiều triển vọng tòa án, kể cả Tối Cao Pháp Viện sẽ khó chấp nhận một sắc lệnh của tổng thống có thể thu hồi một tu chánh án của Hiến Pháp.

Dĩ nhiên TT Trump với cả lô luật sư thượng thặng không thể không biết chuyện này, nhưng tung tin này ra một tuần trước bầu cử thì có thể chủ ý của ông là muốn nhắn nhủ dân Mỹ muốn thu hồi luật này thì cần bầu cho một quốc hội CH mới có hy vọng, vì chỉ có quốc hội mới ra luật sửa đổi Hiến Pháp.

Cũng có thể ông đã thả bong bóng thăm dò dân chúng cũng như chuyên gia luật Hiến Pháp về việc này để biết có thể làm gì, kích động một cuộc thảo luận về luật này.
Ít nhất thì luật pháp Mỹ cũng sẽ phải minh định cho rõ về những lạm dụng quyền công dân của di dân bất hợp pháp, và của các bà muốn thả ‘mỏ neo’ tại Mỹ.
TT Trump đã nói ngay “vấn đề này sẽ phải được Tối Cao Pháp Viện giải quyết”.

Trong câu chuyện này, có một tin lạ: chính khách đầu tiên đả kích tu chánh án 14 này không ai khác hơn là cựu thượng nghị sĩ Harry Reid, nguyên lãnh tụ khối DC tại Thượng Viện, khi vào năm 1993 ông nhận định, không có một xứ nào có đầu óc minh mẫn –no sane country- lại có thể cấp quyền công dân cho con cái của di dân bấp hợp pháp.
Ta chống mắt xem đảng DC sẽ quay ngược 180 độ để đánh TT Trump.

Dưới đây là một bài bình luận cần đọc về vấn đề trên:
https://www.foxnews.com/opinion/trump-is-right-ending-birthright-citizenship-is-constitutional


TÍNH PHE ĐẢNG CỦA TTDC
Một nghiên cứu của trung tâm Media Research Center cho biết trong thời gian qua, trong 132 tin và bình luận về cuộc bầu cử tới, đã có tới 97 tin bất lợi cho đảng CH (75%), 10 tin bất lợi cho đảng DC (7%), còn lại là chung chung.

Phần lớn tin bất lợi cho DC là tin liên quan đến việc TNS Elizabeth Warren tự nhận là gốc dân da đỏ bị cả nước chỉ trích. Nếu không có tin này thì coi như tin bất lợi cho DC chỉ là 2%-3%.

Trên CNN, anh nhà báo da đen Don Lemon thẳng thừng tố đám hiếu sát giết người nguy hiểm nhất nước chính là đám đàn ông da trắng –white man-, nhưng lại không có luật nào cấm chúng vào Mỹ.

Hừm, nghe cũng vui tai. Bầu cho anh Lemon làm tổng thống, chắc sẽ có luật cấm dân da trắng vào Mỹ, chỉ nhận da đen, da nâu, da vàng.
Sau khi bị chỉ trích, anh ta sửa lại, cho là anh muốn nói hầu hết các vụ bắn người tấp thể đều là từ đám cực đoan khuynh hữu, tất cả đều là da trắng.

Câu hỏi cho quý cụ đồng ý với anh Lemon: nếu như TT Trump tuýt “đám dân hiếu sát giết người nguy hiểm nhất Mỹ chính là đám đàn ông da đen” thì quý cụ nghĩ xem anh Lemon và TTDC sẽ phản ứng như thế nào?
Có tố Trump là kỳ thị chủng tộc, phát xít, Hít-Le không nhỉ?

Tin mới lộ ra cho biết đài truyền hình NBC có tài liệu chứng minh một tố cáo phịa về TP Kavanaugh, nhưng đã dấu nhẹm.

Ta còn nhớ tay luật sư của cô đào đóng phim sex Stormy Daniels, ông Avenatti, giờ chót đã tung tin một bà tên là Julie Swetnick tố cáo thời còn học ở đại học Yale với TP Kavanaugh, đã chứng kiến nhiều màn hãm hiếp tập thể tại trường này. Bà này tố ông Kavanaugh tuy không tham dự nhưng có mặt trong các ‘cuộc vui’ đó.

Luật sư Avenatti cũng đưa tên một bà gọi là ‘nhân chứng’ cho đài NBC, nói bà này đã chứng kiến cảnh TP Kavanaugh bỏ thuốc kích thích vào nước uống trong bọn.
Đài này mau mắn đi gặp và phỏng vấn bà này ngay, hy vọng có tin giựt gân, nhưng bà này khẳng định tuyệt đối không có chuyện bà chứng kiến ông Kavanaugh bỏ thuốc gì hết và ông Avenatti đã phịa chuyện này.

Đây dĩ nhiên là tin có thể đánh tan tố giác của ông Avenatti chống TP Kavanaugh, nhưng NBC đã quyết định dấu nhẹm tin này.

Chưa hết. Trong cuộc bầu cử tới đây, quý vị nghĩ TTDC làm bổn phận thông tin công tâm, không phe đảng, đúng không?
Xin thưa ngay, không đúng!
Báo Washington Post viết bài quan điểm của một anh nhà báo, chạy tít khổng lồ: “Bỏ phiếu chống lại tất cả các tên CH, không chừa một tên nào hết”.


THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN GIAO ĐỘNG
Tháng 10 vừa qua đã là một tháng ‘mất bộn bạc’ cho những ai chơi chứng khoán. Tất cả các chỉ số Dow Jones, Nasdaq, S&P đều tuột dốc thê thảm.

Dow Jones tăng giảm cả 3-400 điểm mỗi ngày, kết số tuột từ gần 27.000 điểm xuống xấp xỉ 25.000, tức là rớt đâu 2.000 điểm hay 7,5% trong một tháng.
Để quý độc giả có một khái niệm cho vui: ông Jeff Bezos, chủ Amazon và Washington Post và cũng là người giàu nhất vũ trụ với gia tài trên 110 tỷ đô, đã thấy gia tài của mình nội trong một tháng, bốc hơi mất 7.500 triệu đô.
Nhưng quý vị không cần lo cho ông ta đâu, ông ấy vẫn còn gia tài hơn ...100.000 triệu đô.

Thị trường rớt giá có ít nhất ba lý do:

1. Ngày ông Trump đắc cử, Dow Jones ở mức xấp xỉ 18.000 điểm, tăng lên tới 27.000 điểm gần hai năm sau. Vị cho tăng 9.000 điểm hay 45% trong chưa tới hai năm.

Đây là một loại tăng trưởng ít người muốn thấy vì không thực tế. Trung bình mỗi năm tăng 10% là đã quá vui rồi. Nên nhớ bỏ tiền vào qũy tiết kiệm trong các ngân hàng được xấp xỉ có 2% một năm thôi.
Dù ở mức 25.000 điểm thì tỷ lệ tăng vẫn còn là 39% trong 2 năm. Tăng mạnh quá sẽ khiến kinh tế lên cơn sốt rồi lạm phát và khủng hoảng thôi.

2. Kinh tế đúng là tăng trưởng quá nhanh khi trong 3 tam cá nguyệt liền tổng sản lượng quốc gia tăng xấp xỉ 4%. Bắt buộc Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang phải kéo thắng tay, tăng lãi suất để hạ hỏa, tránh vật giá leo thang. Các nhà kinh doanh cũng đâm rét, bán bớt cổ phiếu lấy tiền mặt hay mua công khố phiếu Nhà Nước cho chắc ăn.

3. Theo nhiều thăm dò, DC có triển vọng chiếm Hạ Viện, tất nhiên sẽ trói tay TT Trump, và làm tê liệt hoàn toàn bộ máy chính quyền Mỹ.
Giới kinh doanh lo sợ chính sách kinh tế nhắm tăng trưởng của TT Trump sẽ gặp khó khăn lớn khi DC cản tất cả mọi kế hoạch của TT Trump, kể cả việc chống giảm thuế lần thứ hai mà TT Trump dự trù cho năm 2019. DC chiếm Hạ Viện, thị trường sẽ tuột dốc mạnh nữa.

Vũ Linh Nov 3, 2018
http://diendantraichieu.blogspot.com/p/tin-van-112018.html

hongnguyen
11-04-2018, 09:04 AM
Ân xá cũng có thể là một hành động tham nhũng ‘hợp pháp’, như TT Clinton ân xá Marc Rich, là tay buôn lậu quốc tế, thiếu cả trăm triệu thuế, đang lẩn trốn ở Trung Mỹ, nhưng được ân xá sau khi bà vợ ủng hộ nửa triệu đô cho Thư Viện Clinton (đây là xì-căng-đan cuối cùng của TT Clinton trước khi ông rời Tòa Bạch Ốc).


ĐIỀU TRA, ĐÀN HẶC, TRUẤT PHẾ, ÂN XÁ,…

Trong hơn một năm rưỡi qua, đảng DC đã tìm mọi cách ngăn cản ông Trump, trước là tìm cách không cho ông đắc cử, rồi sau khi ông đắc cử thì không cho ông nhậm chức, rồi sau khi ông nhậm chức, tìm cách lật đổ bằng mọi phương tiện, trong khi chờ đợi đảo chánh thì đả kích bất cứ việc gì ông làm hay nói.

Trước thềm quốc hội mới, ta cũng nên coi lại quốc hội có thể làm gì nếu khối DC thắng và tìm cách hạ TT Trump đến cùng.

Xứ Mỹ này có truyền thống dân chủ mạnh nhất thế giới. Từ ngày khai quốc đến giờ, chưa bao giờ có đảo chánh vi phạm Hiến Pháp. Tất cả quyền hành đều được quyết định bằng bầu cử, trong đó bên thắng lên nắm quyền, bên thua chuẩn bị cho trận đấu trong phòng phiếu lần tới.

Ứng cử viên và cử tri bên thua chấp nhận quyết định của đa số, về nhà uống viên thuốc đắng, khóc vài ngày cho đỡ ấm ức, rồi phải tỉnh táo lo tìm hiểu tại sao thua, rút bài học, hy vọng làm khá hơn hay chọn người giỏi hơn lần tới.

Thể chế này được áp dụng trơn tru từ hơn hai thế kỷ nay, từ cấp liên bang đến cấp tiểu bang và địa phương luôn. Tổng thống nào hay quan chức nào cũng có người ủng hộ hay chống, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Cuộc bầu cử tổng thống vừa qua lúc đầu cũng có vẻ không khác gì.
Nhưng sau đó đã biến thái hoàn toàn.

Ông Trump thắng.
Bất thình lình, thể chế dân chủ của Mỹ không còn bê-tông cốt sắt nữa. Nào là đếm phiếu lại, nào là đòi thay đổi thủ tục bầu cử, nào là vận động mua chuộc cử tri đoàn, nào là tố cáo đắc cử không chính danh,…

Chuyện bầu bán theo ý dân, tôn trọng thủ tục Hiến định,… tất cả đi vào thùng rác. Phe thua tìm đủ mọi cách cản, rồi cản không được thì tìm cách lật đổ, hay ít ra, cũng mạt sát, bôi bác, gây rối không cho tổng thống làm việc.

Bộ mặt bẩn thỉu của thể chế dân chủ theo cách hiểu của đảng DC và đám đệ tử của họ lộ rõ hơn bao giờ hết.

Thua keo này, bày keo khác. Gãi đầu gãi tai, tìm ra được chiêu mới: tố cáo Trump thông đồng với Nga, nhờ Nga giúp gian lập bầu bán. Tuyệt chiêu! Nếu chứng minh được ngay thì dĩ nhiên tay Trump này phải đi tù chứ không vào Nhà Trắng được.
Nếu chưa chứng minh ngay được thì cũng có thể để đó, điều tra tháng này qua năm nọ, có cớ rỉ rả chửi hoài không mệt, biết đâu lôi ra được chứng cớ nào đó hay tìm được một tay phản thùng nào đó tố cáo, thì lôi ra đàn hặc, truất phế.

Cơ hội đổ tới khi tân bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions tự ý rút lui ra khỏi mọi chuyện dính dáng đến sự can dự của Nga, trao quyền lại thứ trưởng Rod Rosenstein. Ông này là viên chức lão làng của bộ Tư Pháp, được TT Bush bổ nhiệm làm công tố liên bang, rồi được TT Obama lưu nhiệm.

Ông Rosenstein rất tự mãn và tự kiêu về việc này, coi như mình là người có công tâm, không đảng phái, được cả TT Bush lẫn TT Obama nể trọng, bây giờ lại được TT Trump cho làm thứ trưởng.

Bây giờ, sợ mang tiếng là người của CH, phe đảng với TT Trump, rồi vì áp lực của khối Nhà Nước Ngầm, mau mắn bổ nhiệm ngay ông Robert Mueller làm công tố đặc biệt để điều tra quan hệ giữa ban vận động của ông Trump với Nga, nhân tiện điều tra việc giám đốc FBI James Comey bị sa thải luôn.

Công tố Mueller cũng rơi vào trường hợp y chang như ông Rosenstein: đã từng làm giám đốc FBI suốt thời TT Bush, được TT Obama lưu nhiệm, bị mang tiếng là người của CH, bây giờ phải điều tra một tổng thống CH là ông Trump, nên mau mau lo chứng minh mình công tâm, không phe đảng với CH. Lựa 17 luật sư làm phụ tá, trong đó có 12 người đã từng ủng hộ tiền cho đảng DC, hay đã từng làm luật sư cho bà Hillary.

Đó là toàn bộ bối cảnh cuộc điều tra của công tố Mueller.

Cuộc điều tra cho đến nay vẫn chẳng ai biết đã đi đến đâu, đã tìm ra chứng cớ ‘tội phản quốc’ nào của TT Trump, vì được giữ kín như bưng. Vì quá bí mật, nên thiên hạ chỉ còn cách đứng ngoài đoán mò, rồi bình loạn theo phe phái.

Ta xem lại vài vấn đề nguyên tắc, nhân đó nghĩ xem khối DC có thể sẽ làm được gì nếu họ thắng, chiếm được đa số tại Hạ Viện.


QUYỀN HẠN CỦA CÔNG TỐ MUELLER
Ông Mueller là công tố đặc biệt, nghĩa là ông là công chức của bộ Tư Pháp, điều tra theo ‘sự vụ lệnh’ chi tiết của thứ trưởng Tư Pháp là người bổ nhiệm ông.

Ông không giống như công tố Kenneth Starr điều tra TT Clinton, là công tố độc lập do quốc hội bổ nhiệm. Cuối cùng thì công tố Mueller sẽ phải nộp phúc trình cho thứ trưởng Tư Pháp. Thứ trưởng phải báo cáo lên tổng thống, và trên nguyên tắc, thứ trưởng toàn quyền quyết định công bố và nộp phúc trình cho quốc hội hay không, nhưng trên thực tế, vì áp lực chính trị, sẽ phải báo cáo cho quốc hội và dĩ nhiên, ba phút sau, quốc hội sẽ xì hết ra cho truyền thông ngay.

Công tố Mueller cũng không trực tiếp truy tố ai hết, mà chỉ khuyến cáo bộ Tư Pháp, và quyết định truy tố hay không thuộc về bộ này.

Thông thường, khi mở một cuộc điều tra, không ai biết sẽ khám phá ra chuyện gì, do đó, công tố thường được cho quyền điều tra những tội trạng mới được khám phá ra trong cuộc điều tra.

Khi công tố Mueller điều tra vụ thông đồng với Nga, liên lụy đến ông Manafort, thấy ông này trước đây trốn thuế và rửa tiền, ông Mueller có quyền điều tra xâu hơn hay ngó lơ vì không liên hệ trực tiếp đến vụ thông đồng với Nga.
Nhưng ông Mueller quyết định điều tra kỹ hơn và truy tố ông Manafort luôn, không phải vì muốn bắt ông này, mà thật sự chỉ là muốn áp lực để ông này ‘hợp tác’ giúp khai tội nào đó của TT Trump.

Trong trường hợp TT Trump, cho đến nay, không ai biết rõ nếu TT Trump thực sự có phạm tội nào đó như thông đồng với Nga hay cản trở công lý, ông Mueller có quyền khuyến cáo bộ Tư Pháp truy tố TT Trump hay không.

Trong lịch sử Mỹ, chưa có một công tố nào truy tố tổng thống hết. Trong trường hợp TT Clinton, công tố Starr chỉ làm phúc trình cho quốc hội vì ông được quốc hội bổ nhiệm.
Ông Starr báo cáo TT Clinton phạm một số tội. Dựa trên báo cáo đó, Hạ Viện thành lập Ủy Ban Đặc Biệt, Ủy Ban này cứu xét, khuyến cáo và Hạ Viện biểu quyết đàn hặc.

Cho đến nay, cuộc điều tra của ông Mueller có vẻ bị tắc nghẽn ở điểm thẩm vấn TT Trump. Công tố Mueller tìm mọi cách để có cuộc thẩm vấn này, trong khi các luật sư của TT Trump tìm mọi cách cản mặc dù TT Trump muốn có cuộc phỏng vấn này.
Các luật sư của TT Trump lo ngại phỏng vấn có thể là cái bẫy rình bắt TT Trump qua những câu hỏi của nhóm luật sư lão làng thân DC của công tố Mueller.

Công tố có quyền ra trát bắt tổng thống phải chịu thẩm vấn hay không là một rắc rối mà chưa ai biết câu trả lời vì Hiến Pháp không nói rõ.
Theo GS Alan Dershowitz của đại học Harvard, và công tố Starr từng truy tố TT Clinton, thì công tố không có quyền này. TT Clinton có ra điều trần trước một đại bồi thẩm đoàn, nhưng đó là ‘theo lời mời’ và sau khi điều đình điều kiện với công tố Starr chứ không bị trát tòa (subpoena).

Cả hai việc truy tố và trát tòa thẩm vấn tổng thống chưa khi nào xẩy ra trong lịch sử. Chắc chắn ông Mueller phải suy nghĩ kỹ trước khi chơi hai đòn cạn tàu ráo máng này vì TT Trump sẽ kiện ra tòa.
Theo ông Giuliani, luật sư trưởng của TT Trump, nếu công tố Mueller ra trát bắt TT Trump phải chịu thẩm vấn, ông sẽ khuyến cáo tổng thống từ chối và thưa kiện lại.

Đại đa số các quan tòa liên bang và tòa phá án thuộc phe cấp tiến vì do các TT Clinton và Obama bổ nhiệm, sẽ có phán quyết bất lợi cho TT Trump như ta đã thấy qua các vụ kiện về sắc lệnh di dân. Nếu cần sẽ lên đến TCPV.

Ở đây, sau khi TP Kavanaugh được phê chuẩn, cán cân bảo thủ/cấp tiến là 5/4, nghiêng về phiá bảo thủ. Quan điểm bảo thủ là Hành Pháp chẳng những ngang hàng với Tư Pháp, mà tổng thống còn có trách nhiệm lớn lao đặc biệt mà không ai có, là quản trị cả nước, một công tố không thể ra trát tòa lôi tổng thống ra hỏi cung lung tung, gây rối cho việc trị quốc.

Muốn gì thì cũng có thể chờ tới sau khi tổng thống mãn nhiệm. Đây chính là lý do thật sự khiến phe DC tìm cách chống việc phê chuẩn thẩm phán Kavanaugh vào TCPV bằng mọi giá.


GIẢI NHIỆM CÔNG TỐ MUELLER
Trên phương diện quyền hành pháp định, TT Trump có toàn quyền giải nhiệm công tố Mueller, cả thứ trưởng Rosenstein và bộ trưởng Sessions luôn.
Nhưng trên phương diện chính trị, sẽ là đại họa. Hạ Viện, nhất là nếu DC chiếm được đa số, sẽ hoặc là bổ nhiệm công tố độc lập để điều tra tiếp mà TT Trump không có quyền sa thải nữa, hay tiến hành thủ tục đàn hặc ông ngay.

Đây chính là kinh nghiệm của TT Nixon khi ông sa thải công tố, thứ trưởng và bộ trưởng Tư Pháp, rồi bị áp lực phải từ chức.

Những người ủng hộ TT Trump cảm thấy bực mình vì cuộc điều tra của ông Mueller, nhưng thật ra không thấm vào đâu nếu phe DC chiếm được đa số tại Hạ Viện trong cuộc bầu tới.
Nếu phe DC không đàn hặc TT Trump, thì ta cũng sẽ thấy cả nửa tá cuộc điều tra khác ngay. Hạ Viện có thể sẽ mở lại cuộc điều tra về ‘thông đồng với Nga’ với chủ ý làm khó dễ TT Trump.

Cho dù không lật đổ được thì cũng khiến cho TT Trump hoàn toàn bị tê liệt không ban hành chánh sách nào được, chưa kể bị hạ nhục, bôi bác đủ kiểu liên tục. Hiểu vậy để biết cuộc bầu cử quốc hội năm nay quan trọng cỡ nào.

ĐÀN HẶC VÀ TRUẤT PHẾ
Đàn hặc (đàn hạch) là thủ tục kết tội những viên chức cao cấp như tổng thống, nghị sĩ, dân biểu, thống đốc, quan tòa kể cả thẩm phán Tối Cao Pháp Viện.
Trên căn bản, những người này do dân trực tiếp bầu hay do quốc hội phê chuẩn nên luật pháp bình thường không thể áp dụng. Những vị này phải được quốc hội, hay chính xác hơn Hạ Viện (liên bang hay tiểu bang) luận tội.

Trường hợp rất đặc biệt là trường hợp tổng thống. Khi nào thì mắc tội có thể bị đàn hặc?

Trên giấy tờ, tổng thống bị đàn hặc khi phạm tội hình sự gia trọng, Hiến Pháp gọi là ‘high crime and misdemeanor’ mà không có định nghĩa rõ ràng. Chủ tịch Hạ Viện, Gerald Ford (sau đó là tổng thống), định nghĩa rất giản dị: đó là bất cứ tội gì đa số dân biểu Hạ Viện nói là tội, bất kể tội thật hay phịa. Nôm na ra, đó là những tội… chính trị, không phải là tội vi phạm luật bình thường gì.

Đàn hặc là một biện pháp chính trị, không phải là quyết định pháp lý.

Trong trường hợp TT Trump, ngày nào phe CH còn nắm giữ đa số tại Hạ Viện thì ngày đó không thể nào có đàn hặc, trừ phi công tố Mueller trưng ra được bằng chứng không cãi được là TT Trump đã thông đồng với Nga hay cố ý sa thải giám đốc FBI để không cho ông điều tra.

Thủ tục đàn hặc rất dễ, chỉ cần đa số 218 phiếu tại Hạ Viện là đủ. Đó là nguyên tắc.

Trên thực tế, đàn hặc là con dao chính trị hai lưỡi. Kinh nghiệm TT Clinton cho thấy khi CH hung hăng đàn hặc ông thì dân Mỹ đổ xô ủng hộ ông.
Đảng DC ý thức được chuyện này nên trong mùa bầu cử này đã tuyệt đối tránh nói về đàn hặc, và TTDC cũng tiếp tay, không bàn gì về đàn hặc hết, nhưng sẽ không là chuyện đáng ngạc nhiên nếu sau khi họ chiếm đa số tại Hạ Viện sẽ cứu xét kỹ việc tiến hành thủ tục đàn hặc TT Trump.

Việc truất phế tổng thống rắc rối hơn nhiều.

Trên căn bản, cũng vẫn là một quyết định chính trị. Sau khi Hạ Viện biểu quyết có tội, đàn hặc, thì nội vụ sẽ được chuyển qua Thượng Viện để kết án: chỉ có một lựa chọn, truất phế hay không.

Muốn truất phế tổng thống, phải có ít nhất hai phần ba Thượng Viện, tức là cần có 67 phiếu. Là chuyện không dễ chút nào. Trong lịch sử Mỹ, chỉ có 2 tổng thống bị đàn hặc là TT Andrew Johnson và TT Bill Clinton, nhưng chưa có ai bị truất nhiệm, vì không đủ túc số phiếu.

Trường hợp TT Trump cũng vậy, trừ phi ông có tội thật thì khó nói, còn không thì không có cách nào Thượng Viện có đủ phiếu để truất phế ông.

Đảng DC hiện nay có 47 ghế, cộng thêm 2 ghế trên danh nghiã là độc lập nhưng trên thực tế, luôn luôn bỏ phiếu theo phe DC, cần thêm 18 phiếu, là chuyện không tưởng. Các thăm dò mới nhất cho thấy DC sẽ mất thêm ghế tại Thượng Viện.
Do đó, Hạ Viện đàn hặc được thì cũng đủ triệt hạ uy tín của TT Trump nói riêng và uy tín cả đảng CH nói chung, giúp DC chiếm lại được quyền lập pháp và hành pháp qua các cuộc bầu cử sau đó.


GIẢI NHIỆM THEO TU CHÁNH ÁN 25
TTDC gần đây bàn về tu chánh án 25 của Hiến Pháp. Đây là tu chánh án đề cập đến vấn đề thay thế tổng thống khi tổng thống qua đời, bị đau ốm, hay bị truất phế.

Phần 4 đề cập đến việc tổng thống (TT) bị đau ốm, bệnh hoạn nhưng không chịu từ chức.

Theo tu chánh án, phó tổng thổng (PTT) sẽ phải ký thư cùng với đa số nội các, khẳng định TT bị bệnh không đủ khả năng chu toàn trách nhiệm, cần bị truất nhiệm, và PTT trở thành quyền tổng thống ngay lập tức.
Nếu TT phản bác, PTT có 4 ngày để trả lời.
Nếu PTT và nội các chấp nhận phản bác thì TT sẽ lấy lại quyền.

Nếu không thì vấn đề sẽ được đưa ra quốc hội. Tại đây, sẽ cần đa số 2/3 Hạ Viện (không phải là đa số nữa) và 2/3 Thượng Viện để quyết định truất phế TT.

Trong lịch sử Mỹ, chưa bao giờ có chuyện này, vì đây rõ ràng là hành động tạo phản của PTT và nội các. Bây giờ, không ai nghĩ chuyện này có thể xẩy ra. Cho dù xẩy ra thì chắc chắn TT Trump sẽ chống, và nếu ra trước quốc hội, cũng không thể có đủ túc số 2/3 cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện để truất phế ông.


ÂN XÁ
Hiến Pháp cho tổng thống một đặc quyền: đó là quyền ân xá tuyệt đối và vô điều kiện bất cứ ai, vì bất cứ tội gì, không cần giải thích. Chỉ có hai giới hạn:
1) chỉ có quyền ân xá những tội cấp liên bang;
2) không được ân xá viên chức sắp, đang, hay đã bị đàn hặc.

Tất cả các tổng thống đều sử dụng quyền ân xá, phần lớn là những tội nhẹ. Ân xá có nhiều hình thức: tha bổng ngay lập tức nếu còn đang bị giam, xóa hẳn án trên hồ sơ lý lịch kể cả khi đã qua đời, hay chỉ giảm án nhưng hồ sơ lý lịch vẫn còn mang án.

Trên căn bản thì toàn quyền, nhưng trên thực tế, các tổng thống thường nhận được cả triệu đơn xin ân xá, thường trao cho bộ Tư Pháp nghiên cứu vấn đề, rồi đề nghị để tổng thống quyết định.

Ân xá cũng có thể được xử dụng như một công cụ chính trị.
Như TT Ford ân xá cho cựu TT Nixon để phục hồi đoàn kết dân tộc.
Hay TT Clinton ân xá cho một đám khủng bố người Puerto Rico để giúp bà vợ đang tranh cử thượng nghị sĩ tại New York là nơi có rất đông dân Puerto Rico.

Ân xá cũng có thể là một hành động tham nhũng ‘hợp pháp’, như TT Clinton ân xá Marc Rich, là tay buôn lậu quốc tế, thiếu cả trăm triệu thuế, đang lẩn trốn ở Trung Mỹ, nhưng được ân xá sau khi bà vợ ủng hộ nửa triệu đô cho Thư Viện Clinton (đây là xì-căng-đan cuối cùng của TT Clinton trước khi ông rời Tòa Bạch Ốc).

Trong trường hợp TT Trump với vụ điều tra của công tố Mueller, trên căn bản, ông có quyền ân xá tất cả những người đang hay sẽ bị công tố Mueller truy tố, như các ông Manafort, Flynn, Cohen,...
Ông có thể ân xá sau khi họ đã ra tòa lãnh án, hay ngay bây giờ, chấm dứt ngay mọi điều tra. Nhưng ông chưa cho thấy ý định muốn ân xá ai hết.

Dù sao thì ân xá cũng có những hậu quả chính trị bất lợi rất lớn. TT Trump không dại gì ân xá ai quá sớm.

Một đặc điểm quan trọng: quyền ân xá của tổng thống chỉ áp dụng cho các tội liên bang không áp dụng cho các tội tiểu bang. Đây là điểm công tố Mueller đang khai thác tối đa để moi tin từ các cộng sự viên của TT Trump: đe dọa họ với những tội cấp tiểu bang mà TT Trump không thể ân xá được.

Trong vụ này, có một rắc rối lớn mà chưa ai có câu trả lời: TT Trump có quyền ân xá chính mình không?
Vấn đề này hiện đang được tranh cãi chỉ vì Hiến Pháp không nói rõ, ai muốn hiểu sao cũng có cái lý của họ. Chỉ có cách nếu xẩy ra thì phải đợi Tối Cao Pháp Viện quyết định.

Những người cho rằng tổng thống có quyền tự ân xá thì cho rằng Hiến Pháp ghi rõ chỉ có hai trường hợp tổng thống không có quyền ân xá như đã ghi trên.

Hiến Pháp không hề ghi tổng thống không được ân xá chính mình. Nếu Hiến Pháp không cấm, tức là làm được.
Đây là lập luận không phải của những người ‘cuồng Trump’ đâu, mà là của những người có khuynh hướng bảo thủ, muốn chấp hành một cách tuyệt đối Hiến Pháp trên giấy trắng mực đen.
Lại một lý do phe DC chống đối ông Kavanaugh mạnh.

Nhiều người khác cho rằng tổng thống không có quyền tự ân xá, dựa trên lập luận không ai có thể tự là quan tòa xử tội hay tha tội cho chính mình.

TT Trump hiện nay chưa bị đàn hặc, nếu có quyền, có thể tự ân xá mình ngay để chấm dứt mọi điều tra. Nhưng vấn đề không giản dị, ông mà tự ân xá thì sẽ có cơn bão chính trị chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.
Dân Mỹ có thể bực tức, đổ xô đi bầu cho đảng DC, và đảng này có thể chiếm cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện, và tổng thống sẽ dễ dàng bị kết tội, và truất phế.

Cái hại lớn hơn cái lợi cho TT Trump, do đó sẽ ít có triển vọng TT Trump tự ân xá.

Nhìn vào toàn diện vấn đề, ta sẽ thấy cuộc bầu cử giữa mùa năm nay có lẽ quan trọng nhất lịch sử cận đại Mỹ.
Vì TT Trump quyết tâm xóa bàn cờ, vớt nước đầm lầy, giết sâu bọ, đám này sẽ tìm đủ mọi cách chống ông.
Đi bầu cho DC là giúp đám này thực hiện ý nguyện, trói tay TT Trump nếu không đảo chánh được. Bầu cho CH là giúp TT Trump có phương tiện thực hiện ý nguyện và những lời hứa của ông. Đó chính là sự lựa chọn của cử tri.

Vũ Linh Nov 3, 2018
http://diendantraichieu.blogspot.com/2018/11/ieu-tra-hac-truat-phe-xa.html#disqus_thread

hongnguyen
11-06-2018, 08:51 AM
Cám ơn quý độc giả đã vô đọc những bài bình luận của ông Vũ Linh.
Sau mấy chục bài đăng liên tục, chắc hẳn quý độc giả đã thuộc nằm lòng địa chỉ trang nhà của tác giả.
Xin quý vị từ nay vô thẳng trang nhà Diễn Đàn Trái Chiều, vì ngoài những bài bình luận chính của Vũ Linh, quý vị còn có dịp đọc thêm những tin tức và góp ý từ những độc giả khác không kém phần sôi động và hào hứng :).
HongNguyen




Vũ Linh: LỜI CÁM ƠN

Diễn Đàn Trái Chiều tháng 10/2018 này mở đầu bằng một Thư Ngỏ đặc biệt: cám ơn sự ủng hộ của quý độc giả.
Tháng Chín vừa qua đánh dấu một mốc quan trọng cho Diễn Đàn:
số lượt người coi DĐTC vượt qua MỘT TRIỆU cuối tháng Chín vừa qua, đã lên tới mức hơn 1.112.000 lượt xem, theo thống kê của Blogger.com, là công ty quản trị diễn đàn này.

Đúng ra thì tôi cũng chẳng có nhu cầu đưa thống kê này ra làm gì, cũng chẳng được ... tăng lương hay được thêm tiền quảng cáo gì. Nhưng đã có nhiều độc giả thắc mắc và đoán chừng, nên tôi xin công bố, gọi là chia vui cùng quý độc giả.

Khi kẻ này còn viết cho Việt Báo, mỗi lần thấy số người đọc bài của mình trên VB lên đến 5.000 người là đã muốn khui sâm-banh ra ăn mừng, chỉ tiếc là không có tiền mua loại rượu đó. Sau đó, vì khác biệt quan điểm trên vài vấn đề, tôi quyết định ngưng viết cho VB dù VB đã có nhã ý mời tiếp tục hợp tác.

Quan hệ cá nhân giữa VB và tôi sau đó vẫn tốt đẹp khi VB đã tự ý giới thiệu hai số đầu của Diễn Đàn Trái Chiều cùng độc giả VB. Việc này, cũng như sự hợp tác và giúp đỡ của VB trong cả chục năm trước và hai cuốn sách anh Phan Tấn Hải tặng làm quà chia tay là những chuyện không thể quên. Một lần nữa, xin chân thành cám ơn anh Hải và anh Trần Dạ Từ.

Khi quyết định ra diễn đàn độc lập, tôi nghĩ mất phương tiện chuyên chở của một báo lớn trong cộng đồng thì may lắm sẽ còn được một hai ngàn người vào đọc diễn đàn.
Thôi kệ, việc mình làm tôi nghĩ khá quan trọng, có được một hai ngàn người đọc còn hơn không. Ít ra thì một hai ngàn người đó cũng có dịp biết được câu chuyện thời sự dưới một khiá cạnh khác, trái chiều với truyền thông dòng chính Mỹ cũng như Việt.

Kẻ này cũng ‘hồi hộp’ không hiểu diễn đàn này sẽ thọ được mấy tuần hay mấy tháng. Nghĩ đến biết bao cơ sở kinh doanh ‘tưng bừng khai trương rồi âm thầm đóng cửa’ mà lo. Nhưng thật ra cũng chẳng có gì đáng lo. Có mất đồng nào đâu mà lo.

Trái lại, lỡ không ai đọc, có âm thầm đóng cửa thì... khỏe hơn, có nhiều thời giờ chơi với đám cháu nội, cháu ngoại hơn thôi.
Thế nhưng, chỉ vỏn vẹn 9 tháng mà đã có hơn một triệu lượt coi.

Theo Blogger, trong tháng vừa rồi, đã có hơn 170.000 lượt coi, chia làm bốn, mỗi tuần có xấp xỉ 44.000 lượt coi, mỗi ngày trung bình có hơn 5.000 lượt coi, có những ngày lên tới 10.000.

Đó là chưa kể bài Bình Luận chính và cả trang Tin Vắn luôn được các ‘đồng minh’ và thân hữu phổ biến rộng rãi qua TV, radio, báo viết, emails cho bạn bè và hội viên của chẳng biết bao nhiêu diễn đàn. Tôi chẳng biết số người coi gián tiếp này là bao nhiêu, nhưng chắc không dưới vài ngàn người.

Đoán mò, có thể mỗi tuần diễn đàn này được ít ra 50.000 lượt chiếu cố. Chứng minh là tôi đã không sai lầm khi quyết định mở diển đàn này để chia sẻ ý nghĩ với cộng đồng tỵ nạn chúng ta.

Tôi cũng chẳng biết các diễn đàn khác, các trang Facebook, các phim YouTube,... của những bình luận gia chính trị khác có bao nhiêu người đọc, 5.000 hay 500.000. Điều đó đối với tôi không quan trọng. Việc người khác làm là việc của họ.

Diễn đàn này, ‘đứa con ngang hông’ của tôi mới là điều đáng cho tôi quan tâm. Muốn biết có bao nhiêu người ghé thăm, coi như là chỉ số cho tôi biết nên tiếp tục viết hay nên... đi câu cá.

Việc đạt được cái mốc một triệu lượt coi trong 9 tháng là một bất ngờ lớn. Một bất ngờ không nhỏ khác là đã có khá nhiều độc giả ngoài nước Mỹ ghé mắt vào đọc, cho dù trên diễn đàn toàn là những bài bàn về chính trị Mỹ.

Đặc biệt là ngay cả tại Việt Nam, mỗi tuần cũng đã có gần 4.000 lượt coi, chứng tỏ ngay ở Việt Nam, cũng đã có khá nhiều người muốn tìm hiểu về chính trị Mỹ. Hay bị lôi cuốn bởi đá nam châm Trump?

Hiển nhiên một số không nhỏ độc giả vào đọc diễn đàn cũng vì có rất nhiều góp ý của các độc giả khác.
Tính trung bình, mỗi bài Bình Luận hàng tuần đều có từ hơn 300 đến 500 góp ý (không kể cả chục góp ý lăng nhăng hay vi phạm điều lệ đã không được đăng) mang đến cho diễn đàn tính đa dạng rất thu hút người đọc.

Cũng là một bất ngờ thật thú vị mà kẻ này không biết phải nói sao cho đủ để cám ơn những vị đã tích cực góp ý giúp diễn đàn.

Những con số thống kê trên cho thấy diễn đàn này đã được cộng đồng tỵ nạn chiếu cố và ủng hộ khá mạnh. Nghiã là cộng đồng đã đánh giá những bài viết trên diễn đàn đáng đọc, đáng suy nghĩ, không nói tới chuyện đồng ý hay không.

Chỉ nguyên việc cộng đồng để ý đến cũng đã khiến diễn đàn này đạt được ý nguyện là giúp phổ biến một cái nhìn khác với quan điểm chung của TTDC Mỹ.
Giúp cho độc giả có dịp so sánh, cân nhắc qua nhiều cách nhìn để họ tự quyết định lấy. Đây là việc cực kỳ quan trọng, nhất là trước những ngày bầu cử.

Dân chủ cần có tiếng nói, có lá phiếu của dân, và người dân chỉ có thể có tiếng nói nếu hiểu được vấn đề một cách trọn vẹn, dưới nhiều góc nhìn đối nghịch.
Hiểu vấn đề mới là chuyện quan trọng, và đó là lý do tại sao tôi chủ trương không đả kích cá nhân. Dân chủ trong các nước độc tài là dân chủ cuội vì người dân chỉ nhìn thấy những gì Nhà Nước cho nhìn, chỉ bầu được những người đã được Nhà Nước cho phép ra 'ứng cử'.

Đã có nhiều người không hiểu được đa dạng là nền tảng của dân chủ, không hiểu mục đích của diễn đàn, thấy tôi viết không đúng ý họ thì bực mình, chê tôi là phe phái, không công tâm.

Xin lỗi, bình luận tự nó không thể là trung dung, ba phải, mà trái lại có nghĩa là đưa quan điểm chủ quan của mình ra để mọi người thấy được một góc nhìn khác. Tệ hơn nữa, đã có nhiều người chửi rủa tôi là thành phần “bưng bô cho da trắng” hay nhiều tội lạ lùng khác, mà tôi nghĩ không đáng để bàn thêm.

Điều thật tình đáng tiếc là những ‘góp ý’ chống đối đó hầu hết là những phỉ báng, chửi rủa vớ vẩn, công kích cá nhân không đáng được đăng lên, làm bẩn diễn đàn.

Một số độc giả khác chống đối bằng cách gửi email riêng vì không dám hay không có khả năng lên tiếng công khai trên diễn đàn qua cách góp ý, cũng chỉ là chửi rủa và công kích cá nhân.

Chưa có một người nào viết một tiểu luận phản bác quan điểm của tôi về một vấn đề cụ thể nào đó một cách nghiêm chỉnh để tôi có dịp trả lời cho quý độc giả thấy được nhiều khía cạnh của một vấn đề, hay tốt hơn nữa, để tôi hiểu được quan điểm của họ và thấy được điểm sai của tôi.

Có một người duy nhất có bài viết chống quan điểm của tôi tương đối nghiêm chỉnh, khiến tôi đã đăng nguyên văn và phản bác lại chu đáo.
Rất tiếc là ông này chỉ nghiêm chỉnh được đúng một bài, sau đó quay qua lôi gia đình tôi vào cuộc với dụng ý bôi bác không tốt, là điều tôi đã viết rõ sẽ không chấp nhận bất cứ trong hoàn cảnh nào, nên tôi đã ngưng không đăng bài của ông ta nữa.

Muốn đả kích cá nhân tôi, tha hồ nếu không có khả năng phản bác quan điểm, nhưng không thể đụng đến gia đình hay họ hàng, bạn bè, thân hữu của tôi vì họ chẳng liên hệ dính dáng xa gần gì đến quan điểm hay việc làm của tôi. Tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm diễn đàn này.

Như tôi đã có dịp lên tiếng nhiều lần, diễn đàn này hoan nghênh mọi ý kiến thuận chiều hay trái chiều hay không chiều nào hết, để mọi người cùng có dịp tranh luận để cùng nhau học hỏi về thể chế dân chủ hết sức phức tạp của Mỹ.

Nhân dịp bầu cử giữa mùa Mỹ chỉ còn non một tháng nữa, cộng đồng ta muốn có tiếng nói trong chính trị Mỹ, cần phải đi bầu cho đông đủ. Xin được hoan nghênh các ứng cử viên gốc Việt đang cố tham gia vào chính trường Mỹ, giúp bảo vệ quyền lợi của chúng ta, bất kể thuộc đảng nào.

Dù sao thì diễn đàn này cũng đã đứng vững, lớn mạnh trong 9 tháng. Hy vọng sẽ tiếp tục đứng lâu dài để phục vụ quý đồng hương tỵ nạn.

Một lần nữa, xin chân thành đa tạ sự ủng hộ vô giá của quý đồng hương cũng như tri ân những góp ý tích cực của quý độc giả.

Nay kính
Vũ Linh Oct 06, 2018

Diễn Đàn Trái Chiều
https://diendantraichieu.blogspot.com/2018/11/ieu-tra-hac-truat-phe-xa.html