PDA

View Full Version : Life__



XXG
08-01-2021, 11:57 PM
Tàn Một Cuộc Chơi

(Tác giả: Đoàn Dự)

Thưa quý bạn, cổ nhân có câu: “Nhân tình như chỉ, trương trương bạch. Thế sự như kỳ, cục cục tân” – (Nhân tình như giấy, mỗi trang đều trắng. Chuyện đời như cờ, mỗi ván đều mới). Trước đây tôi đã trình bầy hầu quý bạn đời sống như một cuộc chơi của vị học giả kiêm nhà “cổ ngoạn” – người chơi đồ cổ – nổi tiếng Vương Hồng Sển. Nay, tôi xin trình bầy tiếp chuyện sau khi “cuộc chơi” của cụ đã tàn thì con cháu cụ ra sao. Sự thực, ngay người con trai duy nhất của cụ – anh Vương Hồng Bảo – đời sống của anh cũng giống như một cuộc chơi vậy thôi và anh đã chết trong tù. Trước khi mời quý bạn coi chuyện con cháu cụ Vương hiện nay, tôi xin thuật lại các chuyện về cụ để quý bạn hiểu rõ…

Thân thế, tình yêu và sự nghiệp của cụ Vương Hồng Sển:

Cụ Vương Hồng Sển là người mê đồ cổ. Nhưng mê đến nỗi hai lần bị vợ bỏ và tự mình viết cuốn “Hơn Nửa Đời Hư” hết sức thành thật để kể lại chuyện “hư” do tính đam mê đó thì thật hết mức!

Trước đây, nghe nói về những cổ vật và các cuốn sách không ai có nổi của Vương lão gia, nhiều người tự hỏi rằng ông lấy tiền đâu mà mua được như vậy? Sau này, đọc sách do ông tự thuật, người ta mới hiểu thì ra trời sinh ra ông có những đam mê thì cũng sinh ra ông có những gặp gỡ khiến ông “nặng túi”, dư sức mua các báu vật. Ví dụ đang không lấy gì làm giàu có lắm, cưới vợ xong, gia đình bên vợ cho vợ chồng ông số tiền hồi môn tới 600 đồng – một con số khủng khiếp lúc bấy giờ – cộng với một ngôi nhà ở ngoài mặt đường La Grandière (đường Gia Long cũ, bây giờ là Lý Tự Trọng, quận 1), trị giá tới 1.000 đồng, đâu phải chuyện nhỏ? Thế rồi, lần cưới vợ thứ hai, đang làm nhân viên tại Trường Máy (nay là trường Kỹ Thuật Cao Thắng) ở Sài Gòn, ông đổi về làm nhân viên kế toán tại tòa bố (tòa tỉnh trưởng) Sa Đéc, hai vợ chồng phải ở nhà thuê. Tự dưng bà cô vợ là một trong số 4 người giàu có nhứt miền Tây lúc ấy, cho hai vợ chồng ông 240 mẫu ruộng ở Hoà Tú, Sóc Trăng, cộng với một hộp gồm 320 hột xoàn, ấy là chưa kể các hộp khác đựng vòng vàng, xuyến vàng, cà rá, bông tai…, ông “nghèo” sao được?

Lúc còn sinh tiền, ngoài 80 tuổi Vương lão gia vẫn tiếp tục là người bộc trực, vui tính và… thích tiếu lâm. Quý bạn thấy trong sách của ông có những câu “tả chân” như thế này thì cũng… hết chỗ nói luôn: “Hai quả núi vàng pha núm tuyết. Một khe hang ngọc nức mùi hương”.

Ông kể trong cuốn Hơn Nửa Đời Hư:

“Tôi sanh năm Nhâm Dần (1902), ngày 27 tháng 9 ta. Nhà cha tôi ở châu thành Sóc Trăng nhưng khi sanh, mẹ tôi về quê, sanh tôi tại làng Xài Cá Nả (bây giờ là làng Đại Tâm).

Học giả Vương Hồng Sển được người đời tôn vinh là nhà khảo cổ tầm cỡ thế giới. Nhưng về tình duyên ông thiếu may mắn: Hai lần đổ vỡ. Điều này chúng ta có thể thấy được qua những trang sách hóm hỉnh, sâu sắc trong tập hồi ký Hơn Nửa Đời Hư của ông. Ông viết rất nôm na, chân thật, không chút giấu diếm.

Người vợ đầu tiên của ông tên Trần Thị Thố. Lúc bấy giờ, ông đã đậu bằng Brevet Elémentaire (ngoài Bắc thường gọi là bằng Diplôme) tại trường Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn) ngày 18. 6.1923. Sau đó ông thi đậu cuộc thi tuyển chọn người làm thư* ký cho nhà nước và được bổ nhiệm công tác tại “Trường Máy” trên đường Đỗ Hữu Vị (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) Sài Gòn.

Sau khi làm việc được một năm thì ông cưới vợ. Đám cưới diễn ra vào ngày 16. 6.1924 theo đủ lễ, có coi tuổi, coi ngày chu đáo. Nàng sinh năm 1910, lúc ấy mới 14 tuổi. Còn chàng, sinh năm 1902, lúc ấy 22 tuổi, quá đẹp! Thế nhưng, chỉ /chín tháng sau/ hai vợ chồng trẻ đã đưa nhau ra tòa và ngày 12.4.1926 tòa cho ly dị dù “chư*a nát chiếc chiếu tân hôn”.

Lỗi thuộc về ai? Sau này, ông viết: “Lỗi tại người đàn bà theo mặt luật pháp, mà đúng ra lỗi về người đàn ông ham mua sách và mê đọc sách đến quên người vợ trẻ nằm kề bên. Tiền hồ đám cưới được 600 bạc là một số tiền kếch xù, lại tiền ông nhạc cung cấp mỗi tháng không phải là nhỏ, cộng với sáu bảy chục bạc tiền lương, chỉ vèo trong mấy tháng, kết quả tủ sách không còn chỗ để, mà ái tình đã nhẹ bước ra đi. Ai chịu nổi với thằng chồng như vậy?

Sau khi ly dị, ông còn lại căn nhà ở số 214 đường La Grandière (trước là Gia Long, nay Lý Tự Trọng, Sài Gòn), đem bán được 1,000 bạc. Không dám giữ số tiền quá lớn này trong mình vì ông biết tính mình quen tiêu xài lớn, sợ xài hết tiền, ông đem gửi một người bạn thân tên Nguyễn Văn Xuân. Không ngờ “đem trứng gửi cho ác”, đến lúc cần lấy lại thì bạn đã đánh bạc thua sạch!

Chừng hơn năm sau, tiếng sét ái tình lại đến với ông. Cô tư Dương Thị Tuyết, cháu bà Phủ An (đây là “Phủ” hàm, trong Nam không có chức quan phủ, quan huyện như ngoài Bắc). Đám cưới diễn ra vào ngày 9.11.1927. Nàng sinh năm 1911, lúc ấy 16 tuổi. Còn chàng, 25 tuổi. Hôm đám hỏi, ông bà nhạc (tên là ông Kính, trong lời tự thuật không hiểu sao ông thường gọi là “thầy Kính”) chê lên chê xuống là không có kim cư*ơng hột xoàn mà chỉ có mư*ời l*ượng vàng đôi (vàng đã đánh thành đồ gia bảo, từng đôi một như cặp xuyến, cặp kiềng, theo số chẵn để tiện khi cưới hỏi). Nhưng đối với ông, đây là vốn liếng của mẹ ông khi chết để lại cho ông nên nó vô giá, bên vợ đâu có hiểu điều đó, họ cứ chê trách.

Hôm ấy đám cưới thật linh đình, thân phụ của nghệ sĩ Hữu Phước (ông nội ca sĩ Hương Lan) là ông Bảy Cảnh làm phụ rể. Không biết rể phụ bưng thế nào mà cái chạo rượu lễ khi rót ra không còn một giọt! Điềm gở chăng? Lại nữa, căn phòng tân hôn đêm đó được cha mẹ cô dâu “m*ượn tạm” làm chỗ đánh bạc khiến hai người không có chỗ ngủ!

Cưới vợ xong, ông ở chung với gia đình vợ tại ngôi nhà số 260 đường Richaud (trước 75 là đường Phan Đình Phùng, Đa Kao, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1). Thời gian này họ sống với nhau cực kỳ hạnh phúc và ăn xài “như* nước vỡ bờ”. Sau đó, họ dọn về nhà số 69 đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du).

“Vợ tôi mới 16 tuổi, không biết lo gì hết. Lương tôi tám chục đồng, vừa bằng với lương thông phán của ông già vợ nhưng tôi dạy thêm Việt ngữ cho bốn anh Tây, mỗi anh hai chục, mỗi tháng kiếm thêm được tám chục nữa, vậy mà tháng nào cũng sạch bách, nhiều bữa ngồi sụ một đống, mẹ vợ đi đánh bài tứ sắc về phải cho 5 đồng, hai đứa dẫn nhau đi ăn cơm nhà hàng Yeng Yeng chớ không bao giờ ăn cơm nhà…”.

Rồi mẹ vợ mất. Bản thân ông đã rời Trường Máy, đổi về tòa bố Sa Đéc. Vợ ở Sài Gòn, chồng ở Sa Đéc.

“Lúc này thân tôi nh*ư chiếc thuyền bé gặp cảnh bão táp, tai họa dập dồn. Vì không lo xa nên không dành dụm được xu nào” . Vợ chồng ông bèn cùng dọn về Sa Đéc, ngụ tại nhà số 106 đường Vĩnh Long, ít lâu sau lại dọn về nhà số 2 đường Vĩnh Phước – sát với dốc cầu Sa Đéc. “Tại đây, cách xa gia đình nhà vợ, tình duyên của tôi và Tuyết đằm thắm như* hai con chim thoát khỏi ổ mẹ, ríu rít trên cành, rất tự do, đói bụng mà vui, nghèo mà hạnh phúc…”.

Nếu cứ như* thế mãi chắc họ sẽ không chia lìa nhau. Số là ngày 20 tháng 11 năm 1928, họ gặp cứu tinh là bà Phủ hàm Lê Văn An, nghiệp chủ ở Sóc Trăng. Bà lên Sa Đéc dự tiệc cưới tại nhà thầy Cai tổng Nguyễn Tấn Cao tự Keo. “Tôi và Tuyết cũng có mặt ở đó. Tuyết kêu bà là bà nội nhưng sự thiệt là bà cô ruột (tức em ruột của ông nội). Bà cháu nhận nhau, tôi còn nhớ lời bà nói hôm ấy: "Tao nghĩ tội nghiệp cho con cháu nội của tao nay đã côi cút, mất mẹ. Chớ nếu mẹ nó còn sống, dầu nó ngậm ngọc mà nói tao cũng không màng. Thằng Tư (tức là tôi) mầy không biết chớ mẹ nó lúc trước cùng với chồng nó là thằng Kính đi kiện bà đây đặng tranh gia tài, bà còn tích giận. Nay thấy vợ chồng bây nghèo túng bà động lòng thương. Bây ráng ăn ở cho có hậu thì bà không bỏ tụi bây đâu”.

Ba năm sau, ngày 6 tháng 5 năm 1931, bà Phủ An qua đời. Trước khi mất, bà để lại di chúc, cho vợ chồng ông Vương Hồng Sển 220 hecta ruộng tốt trong làng Hoà Tú, 8.000 đồng tiền mặt và một số tư trang gồm không biết bao nhiêu là kim cương hột xoàn, riêng một hộp cũng đã có 320 hột, không kể bông tai, cà rá bằng vàng, nhiều không tưởng tượng nổi…

“Nhưng than ôi, cũng vì tiền quá nhiều mà nhơn tâm thay đổi. Sau 19 năm, từ 1927 đến 1946, vợ chồng đang ăn ở với nhau như bát nước đầy bỗng Tư sanh tâm ôm cầm sang thuyền khác. Án ly dị đề ngày 7 tháng 7 năm 1958. Thế là tan vỡ duyên nợ. Em bảo chia ruộng, chia vàng bạc, chia kim cương hột xoàn, tôi bảo để cho em hưởng trọn”.

“Em ôm mớ hột xoàn và các vòng vàng, xuyến vàng, cà rá, bỏ tôi bơ vơ một mình với mớ đồ cổ cùng các chén bát cũ, các sách rách bìa xác xơ mà em cho là vô dụng cũng như chủ của nó…”.
Sau đó ông ở với người khác, không có hôn thú, không có đám cưới đám hỏi nhưng lại bền chặt và hạnh phúc cho đến cuối đời. Người đó chính là bà Nguyễn Kim Chung, một nghệ sĩ lừng lẫy danh tiếng trên sân khấu miền Nam thuở trước với nghệ danh Bà Năm Sa Đéc.

Về cuối đời, học giả Vương Hồng Sển đã dành cho bà nhiều tình cảm trân trọng và đầy yêu dấu: “Người thứ ba nầy đã khóc với tui biết bao nhiêu là nước mắt”. Và theo ông: “Một khi đã có con trai nối dõi, tờ hôn thú vẫn là thừa”.

Bà Năm Sa Đéc qua đời 29 năm sau, tức năm 1987. Còn ông mất sau đó mười năm, tức năm 1996, thọ 94 tuổi. Trước khi mất, ông lập di chúc tặng tòan bộ các bảo vật, đồ cổ, sách ốc và cả ngôi nhà của ông cho nhà nước CSVN và các thế hệ mai sau. Đây là một kho tàng vô giá không ai có thể xác định rõ được giá trị của nó như thế nào. Ví dụ chiếc giường của một vị quý phi triều Nguyễn; một bộ gồm đầy đủ 211 số Nam Phong Tạp Chí mà theo ông cho biết, năm 1954, chỉ cần 60 số thôi ông cũng đã phải đổi cho một bà người Bắc vừa di cư vào Nam một căn nhà lầu đủ cho gia đình bà ở. Rồi thủ bút của học giả Petrus Trương Vĩnh Ký, thủ bút của học giả Huình Tịnh Của với cuốn Quấc âm Tự vị in lần thứ nhất khi tiếng Việt hãy còn manh nha. Rồi các lọ độc bình, các chóe cổ từ đời Tống, đời Minh..vv.. Không vàng bạc nào có thể mua được. Chúng sẽ bị hao hụt đi thôi.

Chúng ta nên nhớ Thư viện Khoa học Xã Hội & Nhân Văn (ngày trước gọi là Thư viện Gia Long, nằm trên đường Gia Long, đối diện Bộ Quốc Phòng VNCH, khoảng giữa đường Tự Do nay là đường Đồng Khởi và đường Pasteur) đã có từ thời Pháp thuộc, giá trị như thế, sang trọng như thế, đã có biết bao nhiêu con người, bao nhiêu thế hệ thành công trên đường học vấn từ thư viện này. Nhưng nay, nếu bạn muốn mượn một cuốn sách, số hiệu trong thư mục thì có nhưng sách thì không. Người ta đã lấy trộm hoặc bán trộm mất rồi.

Kho tàng đồ cổ và các sách cổ quý còn hơn vàng của đại lão gia họ Vương rồi cũng sẽ thế thôi, không thể hơn được, đáng tiếc thay! Tại sao lại mất? Bởi vì các nhân viên thay nhau trực hàng đêm. Đêm nay người này lấy trộm một hai món. Đêm mai người khác lấy trộm một hai món. Vài ba năm kiểm tra lại một lần, đối chiếu với danh sách thấy mất nhưng không biết ai lấy, chẳng lẽ lại đuổi tất cả? Hơn nữa “cấp trên” đi kiểm tra cũng có trách nhiệm, thôi thì im lặng là hơn!

Bà Dương Thị Tuyết mất ngày 4-7-1992, thọ 81 tuổi. Bà Trần Thị Thố mất ngày 18-1-1992, thọ 82 tuổi. Cả hai bà đều không có con với ông. Riêng bà Năm Sa Đéc thì có, cả con trai lẫn con gái, người con trai tên Vương Hồng Bảo nhưng tài năng kém xa ông, không nối được nghiệp của cha.
Chuyện gia đình tang thương của cụ Vương Hồng Sển.

“Tôi lấy anh Vương Hồng Bảo năm 1979, có ba đứa con. Chúng là tài sản lớn nhất của tôi”. Chị Liên con dâu cụ Vương Hồng Sển mở đầu câu chuyện kể về đời làm dâu gian truân của mình như thế. Ngoảnh lại, thấy bố chồng, chồng mình đều đã ở nơi chín suối. Cuộc đời vàng son như trong Hồng Lâu Mộng…”.

Ngày xưa lá ngọc cành vàng:

Vương Hồng Bảo, chồng chị Liên, mất năm 1998 trong tù. Các con chị Liên đã lớn. Chị nói: “Ngày trước tôi rất sợ chết vì lo các con mồ côi cha, mồ côi mẹ. Nay các con tôi đều đã trưởng thành, tôi nhắm mắt cũng được rồi… Tiếng là làm dâu cụ Vương Hồng Sển, danh gia vọng tộc mà tôi chẳng nhận được một cái gì. Hộ khẩu tôi cũng chẳng có ở nhà này. Nhưng thực lòng tôi không tiếc”.
Chị Võ Ngọc Liên (sinh năm 1951) và anh Vương Hồng Bảo cùng học trường Tây, quen nhau từ nhỏ. Lớn lên, chị lập gia đình với một bác sĩ người Pháp, có một đứa con, rồi ông bác sĩ mất. Còn anh Bảo, chính chị đã làm mai mối anh Bảo cho người bạn gái gốc Ấn Độ rất đẹp. Họ có hai con, mất một con. Năm 1978, người vợ Ấn này đưa đứa con gái đi khỏi Việt Nam. Chị Liên và anh Bảo, người góa chồng, người không có vợ, về sống với nhau (năm 1979).

Khi đó họ cùng làm trong một hãng phim của nhà nước CSVN. Anh làm kế toán, chị làm chuyên viên hóa trang. Chị về làm dâu cụ Vương Hồng Sển, bước vào tòa nhà cổ lừng lẫy danh tiếng tại đường Nguyễn Thiện Thuật Gia Định với hàng ngàn món đồ cổ quý giá. Nhưng chị không có hộ khẩu trong gia đình dù đã sinh ba đứa cháu nội cho cụ Vương.

Chị nhớ lại: “Lúc đó cây cối um tùm. Nhà cửa thâm u. Khi tôi sanh cháu nội cho ông, ông nói với má tôi: “Con Liên nó trúng số độc đắc”. Có lần, ông chỉ những món đồ cổ quý giá cho tôi coi. Ông nói: “Con ơi, món này 30 cây, món kia 200 cây…”. Ông sợ rằng khi ông chết, tôi không biết giá trị của chúng, sẽ làm tiêu tán tài sản nên dặn dò như vậy”.

Chị Liên kể tiếp: “Cụ Vương có ba đời vợ. Nửa đời mới có được một con trai là anh Bảo trong khi người Hoa rất quý con trai. Bây giờ tôi sanh cháu nội, cụ mừng lạ thường”.

Làm dâu nhà cụ Vương Hồng Sển – một nhà sử học danh tiếng, một nhà văn hóa đã viết trên 20 cuốn sách, một người chơi đồ cổ nổi tiếng hạng nhất Sài Gòn, một biểu tượng của văn hóa miền Nam – quả không phải chuyện dễ dàng. Chị cho biết, khi có khách đến chơi, khách cỡ nào thì đứng ở ngoài cửa nói chuyện, khách cỡ nào thì được mời vào bàn trà ở phía bên trong, khách cỡ nào được mời đến cái bàn ở bên trong nữa, phía trước bàn thờ, khách cỡ nào thì được mời vô phòng khách…, tất cả những việc đó cụ Vương đã quy định rõ ràng, mọi người phải theo.

“Tôi là một chứng nhân sống trong ngôi nhà danh tiếng ấy – chị Liên nói – Ông cụ sống rất giản dị. Mẹ chồng tôi là bà Năm Sa Đéc cũng góp phần gây dựng nên sự nghiệp, nhưng sự thực bà cụ chưa được hưởng gì”.

Tiếng là làm dâu nhưng chị Liên chẳng có gì: “Cái xe hơi riêng tôi cũng không có. Đi học lái xe, ông cụ sợ gây tai nạn. Học bơi thì cụ sợ tôi chết đuối. Học đàn thì cụ bảo: Mày đàn như đứa mù vậy”.
Chị làm dâu 10 năm (1979-1989), lương chuyên viên hóa trang ở hãng phim được bỏ vào túi xài riêng. “Mỗi tháng ông cụ phát tiền chợ, tiền mua 1 tạ gạo, tiền đóng học phí của ba cháu nội, tiền đổ rác, tiền công người giúp việc, tiền lương người quản gia, tiền bà cụ ăn sáng, tiền cho hai vợ chồng tôi ăn sáng…, tất cả mọi thứ tiền đều do cụ đích thân phân phát”.

“Vì cuộc sống quá an bình, chẳng phải lo nghĩ gì nên tôi không hề giành giật với ai. Khi chồng tôi có nhân tình, tôi bèn bỏ về nhà cha mẹ ở gần chợ Bến Thành”. Chị ra đi, buồn bã lắm, để lại ba đứa con ở ngôi nhà cổ. Chị bảo chồng: “Giữa hai người đàn bà anh phải chọn một. Có họ thì không có tôi, có tôi thì không có họ”. Nhưng anh không thể “chọn” được bởi vì còn vướng mắc tiền bạc rất lớn với người đó.

Ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển ở Gia Định. Chuyện nợ nần:

Khi chị Liên và anh Vương Hồng Bảo còn làm trong hãng phim, cuộc sống rất yên bình. Rồi hãng phim giải thể, anh Bảo xin vào làm trong Công ty Vàng bạc & Đá quý. Vốn là một nhân viên kế toán, anh thấy công ty lời rất lớn, nhất là lại kết hợp việc làm ăn với bên Trung Quốc thì lời không biết bao nhiêu mà kể. Anh bèn bỏ Công ty Vàng bạc & Đá quý, ra mở tiệm vàng riêng và thường sang Trung Quốc giao dịch. Anh Bảo – kể cả chị Liên – học chương trình Pháp từ nhỏ nên rất giỏi tiếng Pháp và tiếng quan thoại. Đó là những ngày tháng vô cùng quan trọng đã quyết định cuộc đời của vợ chồng anh Bảo. Anh là “tay mơ”, không thể chống chọi với những tay sừng sỏ ở bên Trung Quốc, nên sau một thời gian buôn bán, anh bị lừa gần hết tiền.

Chị Liên kể: “Chồng tôi đem 300 cây vàng đi mở cửa tiệm và buôn bán vàng bạc & đá quý với bên Trung Quốc. Ít lâu sau, chỉ còn lại khoảng 20 cây. Ảnh bảo: “Em sang Trung Quốc đòi tiền giùm anh đi”. Tôi nói: “Em là phụ nữ, có biết gì đâu mà đòi. Người ta đã cố tình lừa đảo, em qua bển chúng giết em, em sợ lắm”. Vậy là thôi, ảnh cũng không đi, vậy là mất tiêu gần 300 cây vàng lúc đó cực lớn”.

Những thất bại trong chuyện làm ăn khiến anh Bảo rất buồn. Anh tiếc của nên kết hợp với cô nhân tình tên là Phạm Thị Hồng, một người rất ghê gớm, tìm cách lừa đảo nhiều người khác để… làm giàu và anh Bảo lấy lại của cải đã bị bên Trung Quốc lừa gạt.

Chị Liên kể: “Tôi mất tất cả. Chồng và cô Hồng nhân tình của chồng vào tù với án chung thân. Anh chết trong tù (1998). Có người nói anh buồn quá nên tự tử mà chết. Ba chồng tôi cũng mất trước đó 2 năm (1996). Gia đình bỗng chốc tiêu tan. Trước khi mất, phần vì giận anh Bảo làm mất thanh danh của mình, phần vì sợ không ai cáng đáng nổi cơ nghiệp nên cụ lập di chúc tặng ngôi nhà cùng toàn bộ các đồ cổ có giá trị không biết bao nhiêu mà kể cho nhà nước. Khi cụ mất là cán bộ văn hóa và công an đến kiểm kê ngay. Tôi từ nhà ba má tôi ở gần chợ Bến Thành trở lại ngôi nhà này để chăm sóc ba đứa con còn nhỏ dại, lần hồi kiếm sống, chạy ăn từng bữa với khoản nợ nần không biết lấy gì mà trả theo lịnh của tòa án do chồng tôi ở trong tù để lại cho gia đình. Giả thử nếu cụ còn sống và không hiến toàn bộ cổ vật kể cả ngôi nhà cổ cho nhà nước, đem bán để trả thì cũng đỡ hơn… ”.
Chuyện ngôi nhà cổ hiện nay

Chị Võ Ngọc Liên kể tiếp: “Giờ tôi thường đi nhà thờ mỗi ngày. Đứa con gái lớn của tôi cứ 5 giờ chiều là mở cửa hàng bán ốc. Ban ngày, chúng tôi cho thuê mặt bằng để họ bán cơm bình dân, mỗi ngày thu 60 ngàn đồng cho mướn, lấy tiền đong gạo”.

Theo di chúc của cụ Vương Hồng Sển, ngôi nhà cổ được hiến cho nhà nước làm nơi trưng bày các cổ vật của cụ và lập một cái quỹ văn hóa mang tên Vương Hồng Sển. Các cổ vật đã được đưa vào Viện Bảo tàng cất giữ. Nhưng chuyện bàn giao ngôi nhà cho nhà nước để tôn tạo làm di tích thì không hề đơn giản.

Chị Liên xót xa: “Căn nhà này danh tiếng bao nhiêu thì càng đau khổ bấy nhiêu. Phải chi cụ có một ngôi nhà bình thường không chừng lại sướng”.

Ba cháu nội cụ Vương Hồng Sển, con của chị Liên, cháu lớn nhất tên Vương Hồng Liên Hương (sinh năm 1983), ở nhà bán ốc. Hai em trai là Vương Hồng Bảo Thành, Vương Hồng Bảo Minh đang đi làm ở các công ty với đồng lương ít ỏi.

Việc giải quyết nhà cửa cho con cháu của cụ Vương Hồng Sển vẫn chưa đến đâu. Các cơ quan chức năng muốn đền bù, đưa gia đình ra khỏi di tích để tu sửa, tôn tạo. Nhưng qua thời gian dài, chưa tìm được phương cách nào.

Ngôi nhà cổ xuống cấp, hư hại nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Nhiều người chung sống trong căn nhà, “Khi mưa, trong nhà dột chẳng kém ngoài trời”. Phần nhà cơi nới ra cũng hư hỏng nhiều.

Vương Hồng Liên Hương nói với các phóng viên: “Chúng tôi muốn bình yên. Tôi muốn sống ở đây. Giờ biết sống nơi nào. Các em của tôi cũng đã lớn. Tôi muốn yên tâm bán ốc để sống. Tôi cũng đã ngoài ba mươi tuổi rồi, có chồng, có con rồi. Nhà này giờ không còn gì hết, chỉ còn cái xác thôi, mà cũng không được xây dựng, sửa chữa gì cả”.

Ngôi nhà cổ đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố từ năm 2003. Đến giờ, trông nó chẳng khác gì một phế tích mà các con cháu sinh sống trong đó đang chật vật với nắng mưa.

Anh Nam, Phòng Di sản văn hóa, Sở VHTTDL TPHCM cho biết: “Thành phố đã theo di chúc của cụ Vương Hồng Sển, xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với di tích, nhưng chưa thực hiện được việc quản lý vì người nhà của cụ vẫn còn sống ở đó”. Anh cho biết: “Nhiều lần nhà nước đã cấp nhà cho chị Liên Hương và các em, nhưng gia đình chưa đồng ý, kể cả cấp nhà mặt tiền ở đường Vạn Kiếp với giá 8 tỷ đồng”.

Theo bản án tuyên với Vương Hồng Bảo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, tòa yêu cầu bồi thường cho những người bị hại là 5 tỷ 350 triệu đồng; 101, 5 lượng vàng và 46.700 đô la Mỹ (thời điểm trước năm 1996).

Anh Nam cho biết: “Năm 2005 chị Vương Hồng Liên Hương đã khởi kiện, đòi thành phố chia di sản do quyền thừa kế của chị và các em. Nhưng năm 2010 tòa đã bác yêu cầu của chị Hương. Chúng tôi phải chờ phúc thẩm rồi mới thực hiện dự án tu bổ tôn tạo di tích được”.

Chị Liên nói: “Đầu óc tôi rối bung như mớ bòng bong. Chúng tôi muốn có đời sống ổn định, ví dụ mở một trung tâm ngoại ngữ mang tên Vương Hồng Sển chẳng hạn. Bán ốc hoài thế này cực cho các cháu quá!”.

__o0o___

(Đoàn Dự ghi chép)

XXG
08-08-2021, 11:46 AM
Nguyện trọn kiếp chim trời liền cánh. Nếu làm cây xin được liền cành...


Tại thiên nguyệt tác tỷ dực điểu
Tại địa nguyện vi liên lý chi
__ (Bạch Cư Dị) __

__ "They always wanted to go together — and they did": Couple married for 59 years died in Surfside condo collapse





https://youtu.be/4_yS5t_8oL4



On June 26, late in the night, Miami-Dade Police announced that the bodies of Gladys Lozano (79) and Anthony Lozano (83) had been recovered. Their family was told [that] they were found by each other's side, still in bed. The couple would have celebrated their 59th wedding anniversary in July.

__ "I have their last memory and everything they taught me. I have closure. I'm grateful. It's a love story. They couldn't be without each other. Thank you, God, for letting them go together" their son, Sergio Lozano said.

XXG
08-15-2021, 03:40 PM
Sài Gòn - Những đám tang không người đưa tiễn



(Phạm Thanh Nghiên)




Con hẻm chật chội thường ngày kẻ ra người vào va quệt vào nhau, bữa nay rộng hẳn. Thế lại đỡ cực cho mấy người khiêng hòm. Hàng xóm đóng cửa cố thủ trong nhà. Chiếc quan tài lầm lũi đi, không thấy cánh tay nào giơ lên dù là qua khe cửa, vẫy chào tiễn biệt người quá cố.

Dì Ba, em kế của má chồng tôi qua đời hai tuần trước. Hôm nhận được hung tin, hai vợ chồng tôi thảng thốt, và buồn. Nói thừa, người thân qua đời, ai chả buồn. Nhưng nỗi buồn thời phong tỏa, khác lắm. Tê tái, đeo đẳng mãi. Không nghe thấy tiếng khóc, nhưng tôi vẫn cảm nhận được cơn rầu rĩ, nét bần thần của con trai dì Ba lúc nói chuyện qua điện thoại:

– Má em bị mệt mấy hôm thì đi. May quá, không phải Covid chị ạ.

Chết mà vẫn… may. Sao lại có thứ nghịch lý trớ trêu như thế. Nhưng đúng là may thật. Cả xóm nhà dì Ba bị “giăng dây” suốt từ hôm 10 Tháng Bảy đến giờ là tròn một tháng, đã được thả đâu. Trước hôm dì Ba mất hai ngày, cả nhà đã làm xét nghiệm, không ai “dính” Covid cả. Dì lớn tuổi, đến khi phải về cõi, thì đi. Vậy thôi.

Nếu dì Ba chết vì Covid, người ta đã đến khuân xác đi, chẳng được để ở nhà. Nhưng người chết thì quan tâm gì đến chuyện may rủi. Cốt nhẹ phận mình, giũ bỏ được cái cuộc đời trầm luân này, là vui rồi. Cái chính là cho kẻ sống. Cả nhà vẫn còn tám người gồm cha con cậu Tâm, dì Út, hai con trai, con dâu và cháu nội của dì Ba sống chung với nhau trong một căn nhà chật chội. Trước mắt cứ thoát cảnh phải dắt díu nhau đi đến các khu cách ly tập trung là tốt rồi. Ai cũng sợ phải đánh cược với tính mạng mình bằng sự may rủi. Rồi thì mọi chi phí, từ cỗ quan tài cho đến tiền hỏa táng, chuyến xe đò tiễn đưa dì lần cuối, đều do nhà Chùa chi trả. Gia đình không phải mất đồng nào. Với lại cũng chẳng có tiền mà lo. Lỡ nhà Chùa không giúp, chắc phải đi vay mượn. Thời buổi khó khăn thế này, vay mượn ở đâu.

Dì Ba có hai người con trai đều hiếu thuận, thương yêu nhau hiếm thấy. Cậu con trai thứ hai đã lập gia đình và có hai con. Hơn mười năm trước, Trung làm chủ thầu xây dựng, thu nhập cũng khá. Không những lo được cho má, đủ nuôi vợ con, mà còn giúp đỡ người này người kia lúc khó khăn, hoạn nạn. Đùng một cái Trung mắc bệnh, hai mắt gần như mù hẳn. Thương em, thương cháu, Tân quyết định không lập gia đình nữa, ở vậy nuôi mẹ, đỡ đần cho em.

Từ khi Trung mắc bệnh, mọi chi phí, sinh hoạt hàng ngày đều trông chờ vào đồng lương còm cõi của Tân và của vợ Trung. Cuộc sống khó khăn suốt từ đầu năm ngoái khi cơn đại dịch ập đến, nay trở nên kiệt quệ vì lệnh phong tỏa. Nhưng có lẽ Trời thương, nên dì Ba ra đi nhẹ nhàng, con cái cũng không phải chạy vạy tiền nong để lo hậu sự. Coi như một sự bù đắp cho cuộc đời khổ cực của dì. Và phần thưởng vì sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của các con dì.

Buổi tối trước hôm đưa dì Ba đi hỏa táng, nhân viên trại hòm gọi điện thoại hỏi:

– Nhà cần mấy chiếc khăn tang để chúng tôi chuẩn bị?

Tân trả lời:

– Anh mang giúp ba cái thôi, hai cho con trai, một cho cháu nội.

Sáng sớm hôm sau, dì Ba được đưa đi. Tính cả mấy chú khiêng quan tài, đám tang vỏn vẹn khoảng chục người. Thằng Sâm đầu đội khăn tang, bê bát nhang của bà nội đi trước. Bác Tân dắt ba nó đi theo sau, lần mò từng bước, chậm hơn cả tiếng thở dài. Người chết không có di ảnh. Thành phố bị phong tỏa, không còn cửa tiệm nào làm việc. Vả lại, khu nhà dì Ba bị giăng dây, chẳng thể ra ngoài mà trông cậy ai làm cho tấm hình thờ. Con hẻm chật chội thường ngày kẻ ra người vào va quệt vào nhau, bữa nay rộng hẳn. Thế lại đỡ cực cho mấy người khiêng hòm. Hàng xóm đóng cửa cố thủ trong nhà. Chiếc quan tài lầm lũi đi, không thấy cánh tay nào giơ lên dù là qua khe cửa, vẫy chào tiễn biệt người quá cố.

Đến cổng lò thiêu, xe dừng lại. Anh em nhà Tân, Trung vái má lần cuối rồi ra về. Bây giờ dì Ba phải nằm một mình trong chiếc quan tài và chờ đợi. Đông người chết quá, không biết bao giờ mới đến lượt dì.

Sinh thời, dì Ba có tâm nguyện sau khi chết sẽ được hỏa thiêu, tro cốt đem rải xuống sông cho mát mẻ. Lẽ thường, nhận tro cốt xong cũng phải rước má về nhà thờ cúng ít hôm cho phải đạo. Nhưng do việc đi lại bị cấm đoán, xin xỏ khó khăn nên từ khu lò thiêu, Tân ôm hũ tro của mẹ rải ra sông rồi mới về nhà. Thế cũng xong một kiếp người.

Đám tang anh P. cũng vậy, buồn thắt ruột. Thì cũng như đám của dì Ba, tính cả đội ngũ khiêng quan tài, đâu khoảng chục người. Hơn được tấm di ảnh để thiên hạ biết người chết là ai. Gớm, lôi “thiên hạ” vào để tự vỗ về nhau, cho dịu bớt cái nghịch cảnh chia cắt, cái thân phận bị trói buộc của mình, của người trong thời đại dịch. Khu xóm đạo nhà anh P. không bị phong tỏa, một vài người hàng xóm thò đầu ngó ra cửa, ngậm ngùi nhìn theo chiếc quan tài đi ngang qua, miệng thì thầm lời kinh cầu nguyện.

Những ngày cuối cùng của anh P. là một cuộc đợi chờ mòn mỏi, vô vọng. Căn bệnh ung thư bòn rút hết da thịt anh, đến nỗi hai hốc mắt như bị kéo rộng ra, sâu hoăm hoắm trên gương mặt chỉ còn ngổn ngang xương xẩu. Chưa được gặp vợ chồng người em trai út, anh không nhắm mắt được. Cơn hấp hối cứ kéo dài mãi, làm đau cả người sống lẫn người sắp chết. Tiếng gọi “Tí ơi” đầy thân thương thuở nào hồi hai anh em còn nhỏ dại, giờ lịm dần, lịm dần rồi tắt hẳn trên khóe môi người đàn ông nay đã ngoài 50 tuổi.

Vợ chồng “thằng Tí” không ở đâu xa, chỉ cách đó vài cây số mà không về được. Khi người ta nhân danh lệnh phong tỏa, giãn cách để kết luận “bánh mì không phải lương thực”, khi bác sĩ nhận lệnh điều động của nhà cầm quyền thành phố đi tiêm vaccine cho dân bị ách lại tại trạm kiểm soát với lý do “Chỉ thị 16 không cần y tế” thì việc về thăm người thân đang hấp hối liệu có được chấp thuận?

Dẫu sao, dì Ba, anh P. cũng được chết ở nhà, có người thân đưa tiễn. Đỡ tủi. Nhiều cảnh còn thảm thương, bi đát gấp bội lần. Hôm nay, tôi “được” (chữ “được” phải bỏ vào ngoặc kép) xem một đoạn video ghi lại cảnh người ta đang chuẩn bị đưa thi thể của một người chết vì Covid-19 vào quan tài. Không biết người chết là nam hay nữ, nhưng được bọc kín trong tấm vải liệm màu vàng. Đoạn video chỉ vài chục giây đã khiến người xem rùng mình, kinh hãi và xót xa.

Tại các khu cách ly tập trung, nhiều bệnh nhân Covid-19 không bao giờ còn có cơ hội được trở về. Hoặc phải về nhà trong những bình tro không biết có phải là của mình không nữa. Trước khi chết, họ phải vật lộn với sự đau đớn, sợ hãi, tuyệt vọng và nỗi cô đơn tận cùng. Còn gì kinh khủng hơn khi cảm nhận được cái chết đang đến với mình, với người xung quanh mình. Mỗi ngày, người ta lại chứng kiến nhiều hơn hình ảnh các thi thể bị bó trong bao nilong, những chuyến xe ô-tô chở 4,5 quan tài nối thành hàng dài đến các lò thiêu mà khiến bao người bị ám ảnh. Những cái chết như thế, làm gì có đám tang. Mà có, chắc chẳng ai đưa tiễn.

Ôi! Sài Gòn nhuốm màu đau thương. Sài Gòn vương mùi tử khí.

(Sài Gòn, 10 Tháng Tám 2021)




___o0o___

XXG
08-22-2021, 03:12 PM
Thoi thóp giữa Sài Gòn___



(Tác giả: Nguyễn Tập__ Viết ngày 22 Tháng Tám, 2021)




Sau hàng loạt việc xảy ra: chơi lễ 30 Tháng Tư, bầu cử, thi tốt nghiệp, xét nghiệm tập trung, đòi giấy test âm tính, di biến động dân cư…, ngày 23 Tháng Tám tới đây, Sài Gòn lại tiếp tục “ai ở đâu ở yên đó”. Và thời gian như sợi dây thòng lọng đang ngày một thít chặt hơn vào cổ của dân nghèo đang thoi thóp…

Sát chung cư cao cấp Lexington (phường An Phú, quận 2) là xóm Vườn Ổi nằm lọt thỏm trong đám cây, cỏ dại um tùm. Đây là xóm trọ nghèo của dân thợ hồ, lượm ve chai…

Dịch tới, việc mất người cũng đi tứ tán. Còn trụ lại 15 gia đình đều ở đây gần chục năm nên thân thiết như người nhà.


https://imgur.com/m9zgsBHhttps://imgur.com/m9zgsBHhttps://i.imgur.com/m9zgsBH.jpg
Phòng trọ vách và mái chỉ là những tấm bạt, tôn, ván vụn ghép tạm bợ, tiền thuê 1.2 triệu /tháng (khoảng $52). Từ đầu giãn cách 31 Tháng Năm tới nay, phường hỗ trợ mỗi hộ 10 kg gạo, có nhà hảo tâm tặng mỗi nhà 5 kg gạo và chút rau muống, thanh long. Còn lại bà con tự đi mò ốc, giăng cá ngoài ao đìa gần đó để cầm cự.

Vợ chồng anh Phạm Hoà Bình, 47 tuổi, thợ hồ cho biết: “Mấy tháng nay mọi người ở đây đều thất nghiệp, không có đồng bạc nào. Bà chủ trọ cho thiếu, nhưng tiền điện nước phải trả chứ không sẽ bị cắt. Mới chạy đi mượn được 500 ngàn, trả tiền điện nước hai tháng là 200 ngàn, đổi bình gas 390 ngàn, thiếu lại 90 ngàn”.

Kế đống ve chai ngổn ngang, thằng nhóc Thành, 5 tuổi, đang ngồi vọc cái xe đồ chơi cũ. “Ba mẹ đâu rồi con?” “Cha con bị xe đụng chết rồi. Mẹ cũng bỏ con đi luôn”, thằng nhỏ trả lời giọng ngọng nghịu rồi nhìn tôi cười toe. Có lẽ nó còn nhỏ quá để cảm nhận được sự mất mát này.


https://imgur.com/v1sk2Kxhttps://i.imgur.com/v1sk2Kx.jpg
Bà Tư Hà, 64 tuổi, bà nội của Thành giải thích: “Má nó bỏ nó từ hồi bốn tháng rồi”. Bà Hà đi lượm ve chai, dịch, vựa không thu nên để chất đống “chờ thời”. Trong cái phòng vách tôn chỉ có tấm phản ván ép là chỗ sinh hoạt ăn, ngủ của ông bà cháu. Ông nội đi đặt lươn kiếm ăn. Gạo được mấy người trong khu trọ thấy tội chia cho, cũng nghèo với nhau nên chỉ chia nhau từng bịch nhỏ xíu.

Chúng tôi tặng gạo, tiền cho bà con và có đề nghị đại diện mỗi hộ ghi, ký tên (để minh bạch tài chính với nhà hảo tâm). Cả nhóm người bỗng đùn đẩy cho một người đại diện. Họ ngập ngừng: “Nói thiệt với chú, tụi tui… không biết chữ”.


***

Sáng 21 Tháng Tám, trên đường Xóm Chiếu, quận 4, một ông già chừng 60 tuổi, ở trần bận xà lỏn, một tay bị liệt thả lủng lẳng trước người, tay kia cầm cái rổ nhỏ chừng hơn bàn tay, trong đó có một trái ổi, hai gói mì. Đi chừng chục bước lại ngồi thụp xuống đường thở.

“Ông đi đâu đây?” “Tui đi xin ăn”. “Ông bị bệnh gì mà sao cứ đi chút rồi ngồi xuống vậy?” Người đàn ông nhìn tôi, mắt không rõ cảm xúc, trả lời đứt quãng: “Bị hai viên đạn bắn vô đầu… đau lắm… tâm thần”.

Hỏi tên, rằng: Lý Tiểu Long

Hỏi quê, rằng: Ở khu 3 (?), rất gần.

Rồi không trả lời nữa, ngồi thở. Rồi lại đứng dậy đi tiếp. Cứ thế, thụp thò mà đi…

https://i.imgur.com/3lCsSWE.jpg

Gần 12 giờ trưa, nắng nổ đầu. Ngay đèn đỏ đường Hoàng Diệu (dưới chân cầu Ông Lãnh), có thằng nhỏ quỳ mọp xuống chắp tay vái. Nó tên Kiệt, 5 tuổi, khá hồn nhiên.

“Nắng vầy sao không về nhà hả con?”

"Con phải kiếm tiền cho mẹ mua sữa cho em con uống”

“Mẹ con đâu?”, thằng nhỏ chỉ bên kia đường.

“Sao con phải quỳ lạy vậy?”

“Mẹ nói, phải quỳ lạy vậy người ta mới cho tiền”.

“Con ở đây xin tới khi nào mới về?”, “Khi nào vắng hoe con mới về”.


https://i.imgur.com/UqlUHev.jpg

“Con ăn gì chưa?” “Dạ chưa, nhưng mà con khát”. “Con muốn uống gì?” “Dạ nước cam, ở đó có bán kìa”, nói rồi thằng nhỏ chỉ tay vào tiệm tạp hóa gần đó. (Thiệt tình thằng quỷ!). Tôi mua ba chai, mới đưa nó một chai, nó đã nèo thêm: “Chú cho em con nữa nha”.

Tôi vừa định qua bên kia đường tìm mẹ thằng nhỏ, thì mẹ nó – Võ Thị Ngọc Lan (30 tuổi, cắp nách một đứa khác chừng 3 tuổi) – đã chạy tới. Lan bán vé số, dịch không được bán, được hỗ trợ 1.5 triệu. Chồng làm hồ cũng thất nghiệp nhưng không được hỗ trợ. Nhà thuê ở chung với gia đình chồng và hai đứa con, tổng cộng tám người.

Lan phân trần: “Khu nhà bị phong tỏa, ở trỏng đói quá nên sáng sớm mấy mẹ con lén chui ra rồi tối thì lén chui vô. Em cũng đâu muốn đi xin, nhưng giờ đói quá. Em xin ở bên đường, thằng nhỏ xin ở đây, ráng xin được nhiêu hay nhiêu chứ thứ hai cấm hết rồi”…


***
Tối, trời đổ mưa, tôi vẫn khoác áo mưa ra đường, lỉnh kỉnh chở theo hai thùng đồ ăn. Chạy gần Bệnh viện Ung bướu thì thấy một ông già chạy chiếc xe máy rách nát chở theo một bà tàn tật và một con chó.

Bà Phùng Thị Ngọc Thu, 53 tuổi, bị ung thư tuyến giáp. Bà có nhà ở Gò Vấp nhưng phải bán để chữa bệnh, sau cũng hết luôn tiền nên trốn viện. Ông Đỗ Minh Tân, 66 tuổi, chạy xe ôm, dịch tới cũng “treo mỏ”. Con chó Lucky, 8 tuổi, được lượm về nuôi khi mới đẻ. Hai người và con chó ở nhà thuê 2.5 triệu/tháng, không có tiền đóng nên cả ba ra đường.

“Ban ngày tụi tui ngồi dọc đường xin ăn, tối ngủ vạ vật ở chợ Bà Chiểu. Mấy nay bị công an đuổi quá, chạy miết”, ông Tân than.

Trời vẫn mưa lâm râm, chiếc xe Angel 80 năm “một chín hồi đó” khục khặc một hồi mới nổ. Hai ông bà già và con chó rời đi. Chẳng biết có bị công an đuổi nữa không…


https://i.imgur.com/lIY5f0V.jpg

Lên đoạn gần Trường Chinh – Đồng Đen, tôi gặp Nhân (34 tuổi, quê Tây Ninh) vừa bị công an đuổi. Nhân lên Sài Gòn lượm ve chai gần 20 năm, ăn bờ ngủ bụi. Trên xe đạp có cái thùng xốp là gia tài của anh: bịch cơm cháy, vài gói mì, mấy ký gạo (được nhà hảo tâm cho) và vài bộ quần áo. “Hết tiền thì lấy gạo bán cho mấy tiệm tạp hóa”. Lộn hết túi trái, túi phải còn được… 39 ngàn.


https://i.imgur.com/sQH3NEv.jpg
Ba bị tai biến nằm một chỗ, mẹ lột củ hành 2,500 đồng/kg; ngày lột được 10, 15 kg. Cũng may có nhà hảo tâm mỗi tháng cho 10kg gạo và một thùng mì và 200 ngàn mua tã. Nhà có sáu anh em, mất hai.

“Anh cả chạy xe ben, về rửa xe, trời mưa lâm râm, điện giựt chết. Em gái út bỏ nhà theo bạn chơi xì ke. Vào trại cai nghiện bị “ma cũ” đánh chết. Mấy người còn lại có gia đình nhưng cũng khó khăn nên không giúp gì được cho ba mẹ nhiều. Đi lượm ve chai lâu lâu gom được mấy trăm, một triệu em chạy về quê thăm, gởi chút tiền cho ba”, giọng nghẹn ngào, vừa kể Nhân vừa quẹt nước mắt.

Tôi tặng Nhân chút đồ ăn, tiền, hỏi địa chỉ gia đình ở Tây Ninh để tìm cách giúp đỡ rồi chào tạm biệt. Nhân chợt hỏi với theo: “Anh ơi, sắp tới cấm hai tuần, nhà hảo tâm không được ra đường, đồ ăn không có, người lang thang tụi em sống làm sao đây?”. Tôi im lặng, biết trả lời thế nào bây giờ?

Những ngày này, rút vội mớ tiền, cầm ra ngoài đường một chút là hết veo. Trước đây, hầu như tặng quà, tiền cho ai tôi đều dừng lại, hỏi chuyện thật kỹ, thật lâu. Vậy mà bây giờ, đôi khi tôi chỉ kịp chụp một tấm hình, gởi chút tiền rồi chạy đi. Chạy nhanh. Chạy để đi được nhiều hơn, cho được nhiều hơn. Thời gian tới giờ G đang cạn dần…



https://i.imgur.com/GaxthEC.jpg


Bài và ảnh: nhà báo Nguyễn Tập (người điều hành quán cơm từ thiện "Nụ Cười").

_____o0o_____
Nguyễn Tập (Sài Gòn, ngày 22 Tháng Tám, 2021)

XXG
08-29-2021, 07:18 PM
(Hôm nọ, tôi có đọc thấy 2 bài viết hay của một hội viên Đặc Trưng hiện đang sống tại Sài Gòn trong mùa dịch. Xin phép mang về đăng lại nơi đây, để mọi người và cả cho chính tôi có thêm được một góc nhìn về những gì đang xảy ra ở "thành phố thân yêu nay đã mất tên" trong thời gian này...)


___o0o___





___Cố ghi vài câu tâm tình...



(Sông Thương)



Saigon những ngày này luôn đủ mọi cung bậc. những người yếu tim e khó chịu đựng nổi.

Giữa quy định giãn cách nghiêm ngặt, lại lòi ra quy định xét nghiệm đại trà. Thế là chen nhau đi xét nghiệm, dồn cục mỗi điểm cả ngàn đến chục ngàn người, nhân viên y tế kiệt sức. Có điểm nhân viên không kịp cả chuyện thay găng tay. Có điểm hết que lấy mẫu mà dãy người vẫn dài dằng dặc...

Tự hỏi, chuyện xét nghiệm là xác định quá khứ, còn hiện tại và tương lai, ai mà biết (?). Có khi đến sắp hàng nhận tờ giấy xác định âm tính, thì lại đang chen chung với bạn F0, F1 nào đó. Rồi hớn hở đến ngây thơ, cầm tờ giấy đi ta bà.

Tiếp đến là quy định tất cả học sinh phải có giấy xét nghệm mới được dự thi tốt nghiệp trung học. Đám học sinh lại rồng rắn đi xét nghiệm, sau đó lòi ra vài trăm ca. Thế thì sau khi thi tập trung, sẽ có bao nhiêu ca nữa?

Rồi thêm quy định ai đi làm ngoài tỉnh phải có giấy xét nghiệm mới được qua cổng, lại chen chúc đi xét nghiệm. Mỗi giấy xét nghiệm ngốn hết hai ngày lương của công nhân, để “dùng” cho chỉ 3 ngày qua trạm, nếu muốn tiếp tục đi làm. Người nghèo bỗng dưng nhận những cú đánh ngay dưới thắt lưng, liểng xiểng...

Một chợ đầu mối có ca dương tính, cả chợ bị phong toả và tất cả phải đi xét nghiệm nếu muốn tiếp tục kinh doanh. Cả chục ngàn người chen lấn trong một ngày để lấy giấy xét nghiệm, cả những người không là tiểu thương. Chắc để tự trấn an mình khi cầm kết quả âm tính.

Chợ truyền thống, chợ nhỏ bị cấm, không biết người mua ve chai, bán vé số…, những người không xài, và không có điện thoại thông minh sẽ mua thực phẩm bằng cách nào. Tin sẽ phong toả tiếp vừa tung ra. Siêu thị lại xếp hàng rồng rắn. Còn những công nhân mới xét nghiệm xong, cất giấy làm …kỷ niệm, vì có đi đâu được nữa.

Dặn em trông mẹ, lấy xe đạp một vòng trong tâm thế ngổn ngang... Siêu thị nào cũng thấy xếp hàng dằng dặc biết ngày nào vê (copy Bút Tre). Các quầy thực phẩm trống trơn .

Chợ chồm hổm xé rào. Hầu như các chợ nhỏ đều mở cửa, dăm anh trật tự đô thị (ttđt) ngồi trên xe chỉ trỏ nhưng cả người bán lẫn người mua đều giả lơ. Người mua nép vào tường như… thằn lằn. Cửa hàng rau đóng kín nhưng có anh điều phối viên cầm quyển sổ cây bút, thằn lằn order xong nép vào tường chờ, điều phối viên đưa túi hàng, thu tiền, nhanh như chớp, thằn lằn khác thò ra...

Chạnh nhớ thời cấm kinh doanh, cũng lén lút thập thò như thế, sơ sểnh sẽ bị hốt sạch.

Từng vòng xe dắt tôi vào đến cổng phi trường, chợt nhớ không mang hộ chiếu nên... quay ra. Khu Tân Bình còn nhiều xe tải nhỏ, một phòng khám trên đường Công Lý vẫn có người xếp hàng dài, chắc chờ lấy kết quả xét nghiệm. Quận nhất vắng tanh, Như Lan đóng cửa, chợ Cũ phong toả, nhà sách Nguyễn Huệ cũng đóng, bệnh viện Saigon đóng, chợ Tân Định đóng, nhưng có một sạp vé số ngồi trong hàng rào bán cầu may, bệnh viện Tân Định xe cứu thương đầy cửa. Ngang qua các trường học, phụ huynh đón sĩ tử đứng giãn cách chứ không túm tụm lại bàn tán như các kỳ thi trước. Khổ thân các em học sinh, phải đi xét nghiệm xong mới được thi, thế mà có em xỉu trong phòng thi, hơn hai chục em và giám thị coi thi bị cách ly luôn. Bọn nhóc sẽ nhớ đời kỳ thi này, và thi xong , sẽ thêm bao nhiêu ca nhiễm???

Vòng qua Chợ Bà Chiểu, vẫn đông đúc. Ghé vào Bảo Hiên mua loại bánh dẻo mẹ ưa ăn, tiệm bánh vắng hoe. Bên kia, thiên hạ lao vào hàng gạo như trong phim Sao Tháng 8. Người bán thì hét coi chừng nó (là các anh ttđt) tới đằng sau kìa. Đi qua con hẻm nhỏ có mấy căn nhà bị chăng dây, người đứng trong dây người đứng ngoài dây, ai cũng khẩu trang nói chuyện rôm rả.

Bách hoá Xanh thì giăng dây kiểu check-in trong phi trường cho mọi người xếp hàng. Điện thoại reo, nhỏ bạn thân ở quận mười một gọi, hổn hển kể sáng nay ra siêu thị lúc bảy rưỡi, phải lấy số thứ tự. Số đã hơn một trăm, ù về ăn sáng xong quay ra lúc tám rưỡi mới vào được. Mua xong miếng thịt quay ra, cái xe đẩy đã lưu lạc... chốn nào.

Nghĩ thầm, phen này siêu thị và bách hoá (cổ đông bự là những ai mà “ai cũng biết là ai đó “) tha hồ giải toả tồn kho, cổ tức sẽ tăng ào ào.

Chiều đã muộn , dân tình bây giờ lao vào mua bánh, sữa, bánh mì. Tôi ghé ngang lò bánh mì quen. Tiệm bánh mì đông nghẹt, trên kệ trụi lủi đúng nghĩa, anh chủ lò đứng dựa luôn vào lò chờ mẻ mới, mặt thất thần!

Trời đổ mưa, điện thoại lại reo, tắp vào mái hiên một căn nhà có giàn sử quân tử hồng thắm. Bạn gọi, báo tin nhóm đã trao gần hết mấy trăm phần quà chuẩn bị cho người nghèo cầm cự tạm qua mấy tuần giãn cách. Tối nay, nhóm bạn trẻ tình nguyện sẽ chia nhau cố đi thêm vài xóm nghèo nữa kẻo mai không ra đường được thì họ đói và các bạn sẽ phải tìm cách khác, vì tivi nói ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi cần mua đồ ăn thôi, còn tiền đâu để mua đồ ăn thì tivi hông có nói. Cứ mỗi lần “tivi nói” thì người có lòng lại chạy cuống lên lo cho dân nghèo, nên tivi cứ thản nhiên "nói" vì biết dân sẽ lo cho dân (!!!)

Mưa nặng hạt dần... Trời tối sẫm, hắt những hạt mưa lất phất qua ánh đèn đường. Người người vẫn hối hả chạy cho kịp những việc cần làm trước nửa đêm như Lọ Lem sợ không kịp về nhà khi đồng hồ gõ mười hai tiếng mà trong túi không có lấy một hạt dẻ, nói gì đến ba hạt.

Nhiều bác sĩ đã kêu lên, tại sao lại huy động hết tiềm lực y tế để xét nghiệm và truy vết, lo chuyện cách ly. Trong khi chỉ có khoảng 2% bệnh nhân là cần chăm sóc và thở máy. Họ kiệt quệ vì vừa phải lo cho những bệnh nhân nặng, và lo cho cả hơn chín mươi phần trăm bệnh nhân vẫn có thể tự lo. Họ kiệt quệ vì chỉ thị giãn cách nhưng vẫn nhận lệnh chích vaccine được viện trợ trong sân vận động, lệnh phải xét nghiệm mới đi tỉnh làm việc được .

Mỗi ngày phải bảo đảm cho đủ chỉ tiêu “trên” giao, thế là chen chúc để chích, chen chúc để xét nghiệm, chen chúc để mua hàng... Và, hễ sau các đợt chen chúc thì xe bệnh viện lại hú còi liên tục - đưa bệnh nhân nhập bệnh viện dã chiến. Cứ thế, nối dài hơn và dài hơn, như chuyện quả trứng và con gà...

Về nhà, thấy một thùng quà được chuyển đến bằng Grab, mở ra. Trời! Rau củ, bầu bí các loại, một bịch ổi, một quả mít. Bấm số gọi cho đứa bạn xứ rau. Nhỏ cười hi hi qua điện thoại, nói mi mở thùng đừng cười nha, ta vét hết vườn ta và hàng xóm được chừng đó thôi. Gửi vội cho mi vì hôm qua ba má ta cắt hết rau bán rẻ. Họ mua hết các vườn để cứu trợ Saigon trước giờ "phong thành" nên mãi mới có xe để gửi. Sao lại cười hả đồ ngốc, ta đang chảy nước mắt đây nè! Mi có cần phải cực khổ vậy không. Ta ăn gì, mặc gì chả được. Tụi mình trụ được qua chừng đó năm rồi nhỏ quên sao. Bạn cười giòn nhưng nói rất nhỏ: "Ừ, ăn gì cũng được, miễn đừng để phải ăn năn. Mặc gì cũng được, miễn không mặc cảm ha nhỏ."

Xe bệnh viện chốc chốc lại hú còi ngoài đường...

Ôi, thành phố của tôi... Thành phố vốn trẻ, khoẻ, luôn nhộn nhịp không ngủ - nơi người dân luôn hào sảng và giang tay với mọi mảnh đời trôi dạt - thì giờ đây cũng đang nhộn nhịp và thao thức, trăn trở theo từng chỉ thị từ “trên” xuống (lắm cái không thể hiểu). Rồi lại vẫn tiếp tục không ngủ,... theo kiểu khác.

Nhưng đã có những câu nói không thể kìm nén. Phải, chúng tôi vốn bao dung, nhưng bao dung hay "bung dao" còn tuỳ vào thái độ người đối diện...




_______o0o_________



(Sông Thương__ 7 Tháng Tám, 2021)

XXG
08-29-2021, 07:22 PM
_______

"Thành phố đã mất tên này đến giờ vẫn còn đầy hoa cho người giàu và dư thừa lệ cho người nghèo, cho cả những người còn trăn trở với quê hương." (Sông Thương)





___Bây giờ buồn lắm...
(Sông Thương)




Trời sụp tối và mưa kéo về cùng tiếng gió rít ngoài cửa sổ. Tôi tạm dừng gõ phím, mở nhạc, rót một tách trà nóng, ngồi ngắm cơn bão đi qua khung cửa. Cây bàng to bên sân nhà đối diện oằn xuống, thả những chiếc lá bay loạn, vài trái rụng lộp độp...

Tiếng còi xe cấp cứu thỉnh thoảng dội lên, khi xa, khi gần. Chốc chốc lại có bóng áo mưa phập phồng lướt qua. Có người đi gắn máy, người đi xe đạp, người đi bộ co ro ngược chiều gió, giữa màn mưa giăng mịt mù.

Điều gì đã khiến họ phải ra khỏi nhà lúc này? Chỉ có thể là chuyện mưu sinh.

Thành phố đang quặn mình trong cơn đau mà tôi chưa từng và cũng chưa nghe ai kể lại bao giờ, từ khi sinh ra. Đã từng có những cơn đau mà khi đó tôi còn chưa đủ lớn để cảm nhận hết mọi khía cạnh. Giờ đã đủ để biết thế nào là đau đến không khóc được. Thật ra, nỗi đau này đã có thể đoán trước phần nào, nhưng người ta ngạo nghễ phớt lờ nó để mưu lợi hoặc vô tâm phớt lờ nó để mưu sinh .





***




Những tài xế grab đứng xếp hàng chờ gửi đồ vào khu cách ly, dằng dặc. Cả ngày chỉ được một hai chuyến. Có em tài xế grab ngồi bệt xuống xé gói mì ăn đỡ đói, mái đầu gục xuống chịu đựng. Chỉ thấy mẩu mì gặm dở em đặt trên lề.

Những em công nhân mất việc, không tiền trả tiền nhà trọ, địu cả con ra đường giữa đêm để lượm ve chai, và chờ đợi chính sách lẫn lòng trắc ẩn . Lòng trắc ẩn không thiếu, nhưng cũng vì chính sách mà lòng trắc ẩn phải lén lén lút lút, lòng vòng tránh những chốt gác, chạy tới đưa thật nhanh món quà là vài kg gạo, vài gói mì, một ít đồ hộp rồi tất tả chạy đi chỗ khác.

Những chú xe ôm gầy gò khắc khổ nhận món quà, ngỡ ngàng, rưng rưng trong ánh đèn đường vàng vọt. Có em xe ôm trẻ đến xin một phần, rồi rụt lại và bảo nhường cho chú tóc bạc phía xa kia vì chú ấy khổ hơn. Phải trấn an em chờ xíu, bạn khác sẽ mang đến ngay. Em bối rối, ngượng nghịu “tại mấy hôm không có khách, phải núp kẻo bị phạt, em mới bấm bụng xin chứ em ngại lắm” .

Có mấy em ba gác được thuê chở đồ cứu trợ đến khu cách ly, nhanh nhẹn nhảy xuống khiêng phụ, trả tiền thì các em không nhận, “tụi em không có gì, nên chỉ xin góp công” . Có em tài xế xe tải chở đến một đống trái cây tặng nhóm, phụ xuống hàng xong, mời em ăn cơm, em nói mệt quá em ăn không nổi, chỉ xin ly trà đá rồi ngủ một xíu trên xe để còn đi trao tặng các nhóm từ thiện khác. Tấm lòng nông dân gửi em mang đi, em không muốn chậm trễ, trái cây hư hết thì mang tội với người cho lẫn người nhận.

Hỏi bạn, nhỏ mắc nợ ai mà cứ điên cuồng lao ra đường bất kể ngày đêm vậy, không sợ bị phạt sao? Nhỏ cười: hình như Phật độ tui, đi chuyến nào cũng trót lọt, có em gác chốt còn mở cho qua và chỉ nên đi hướng nào cho nhanh, né được các chốt khác. Vì tất cả những tấm lòng mà tui nhận được nên tui không thể không đi. Người khổ quá nhiều nhỏ ơi, và tấm lòng cũng quá nhiều. Hôm qua tui tức nên mua một xe bánh mì đi tặng, anh chủ lò tính nửa giá, xe tui đi phom phom chả ai chặn, đến khu cách ly họ mừng quá bảo nhau đem lẹ lẹ vô cho nhà kia đi, tụi nhỏ đói sắp xỉu rồi đó. Tui còn mua hết xe rau của chị bán rau bị phạt đứng khóc bên đường. Bồ thiếu rau không tui gửi qua cho? Không hả, vậy thì tui lại chia ra kèm thêm vào các gói quà, thấy rau họ mừng lắm nhỏ ơi. Mai tui được hứa cho thêm một xe rau nữa.

Khu ngoại thành kia có chị bán bánh bị tịch thu hết giỏ bánh mì, ngồi khóc hu hu bên đường. Có em bán cá để cái thau không, cá giấu trong bụi. Có chị ngồi bên lề với mấy mẩu mít, anh chồng xe ôm núp canh để có gì phụ vợ... chạy.

Những cảnh đời long đong cứ thế hiện diện trên mọi nẻo. Đại lộ thì vắng tanh chứ những ngõ nhỏ ngoại ô, những xóm trọ sâu hút thì sôi sục vì mất việc, vì đói, vì không ra ngoài kiếm cơm được, vì sợ bị phạt.

Bạn kể qua điện thoại, là hôm qua, sau khi đã trao hết số quà của ngày, cũng chỉ như nắm lá dâu trút vào nong tằm. Vậy mà muốn trao, thì một em trong nhóm là xe ôm phải đi quan sát trước, nếu thấy không ổn thì ra hiệu ngay để xe chở quà phía sau quay lại tìm đường khác. Có những chuyến được tổ trưởng dân phố hỗ trợ, hoặc các bạn trong khu cách ly thông tin chi tiết, kết nối nhau thì quà mới đến tay người nhận trót lọt …





***



Bạn nói, giờ trên đường về mới có tâm trí ngắm trăng đó nhỏ. Trăng đẹp lắm mà xa vời như ước mơ...

Chắc là ”Ra phố hôm nay thấy buồn lên mắt…” hả nhỏ. Ừ, thêm lệnh giới nghiêm mới công bố. Tui còn nợ lời hứa chuyển gạo cứu trợ tới mấy khu dân nghèo, khu xóm trọ của công nhân mất việc… Không biết mai có thực hiện được với kiểu ra chỉ thị xoành xoạch này không nữa. Chắc tui phải khóc cho nhẹ lòng quá nhỏ ơi.

Nếu muốn cứ khóc đi nhỏ. Giai đoạn này có bao người muốn khóc, có lý do và chưa kịp nhận ra lý do. Ta biết nhỏ đã cố ngăn mình lại vì tự nhủ mình còn hơn những người đang vật lộn với dịch bệnh, cơm áo và chỉ thị ngoài kia. Nhỏ đã cố loay hoay làm này làm nọ để thấy mình còn làm được gì đó cho vài người xung quanh. Nhưng đôi lúc cũng cần thả lỏng, đừng cố gồng mãi. Khóc đi cho nhẹ lòng và vẫn cứ biết ơn vì mình còn may mắn hơn bao người.

Nghe tiếng sịt mũi khe khẽ rồi bạn tắt máy.

Bão vẫn rít trên ngọn cây, mưa vẫn ào ạt, tôi mân mê điện thoại, thấy mình cũng đang cần khóc...




***



Nhỏ và nhóm bạn tình nguyện như những tiên đồng ngọc nữ mắc đọa. Từ khi dịch bùng nổ, mỗi ngày nhận lời kêu cứu từ người không quen, từ bạn bè, lại vắt óc nghĩ cách đến những khu phố nghèo, làm vài điều như những người có lòng khác đang làm trong lặng lẽ, như mây qua trời, như “nhạn không cố in bóng”, mà vẫn phải nặng lòng trăn trở với bao điều trái khoáy.

Từng lời kể của bạn về những ngày đi từ đầu này sang đầu kia của thành phố, ngang qua những khu cách ly, len vào nhiều con hẻm chật chội và những chuyện cười ra nước mắt mà chính tôi phải đối diện mỗi ngày trong giai đoạn khắc nghiệt này, khiến tôi thấy mình như đang rong ruổi trong những khu phố nghèo, đang ở giữa trái tim không khoẻ của nó. Cùng nó chứng kiến đủ mùi vị, nếm, sặc sụa vì cay, vì đắng, vì chua, vì chát, vì cả những vị ngọt (đến se lòng) của tình người trong hoạn nạn. Một trái tim với từng nhịp đập hụt hẫng đến buồn bã.

Thành phố đã mất tên này đến giờ vẫn còn đầy hoa cho người giàu và dư thừa lệ cho người nghèo, cho cả những người còn trăn trở với quê hương.

Một ngày nào đó trong tương lai, khi nhịp sống bình yên trở lại chốn này (hy vọng thế), sau sự tàn phá, quăng quật cật lực của bão dịch, bão chỉ thị chỉ tiêu, bão của Lý thông tuôn ra đè bẹp Thạch Sanh, và bão lòng... thì chắc chắc vẫn có những cái giá phải trả. Mà những người nhận về điều đó trước tiên, đâu ai khác, ngoài những mảnh đời lầm lũi qua lại ngoài kia, trong những cơn bão điên cuồng đó.

Có bình yên nào mà chẳng phải mang theo nhiều dấu ấn của xót xa.

Phải không nhỏ ?

Phải không tôi ?




____o0o____




Thiên đường lạnh lẽo

Mỗi đêm sau còi xe hú
Là sương vỗ phiến lá buồn
Trăng sao khi mờ khi tỏ
Niềm vui cố thắp, lại chùn...

Tiếng kêu đàn chim phiêu bạt
Đi tìm hoài chốn bình yên
Áo phai ruổi rong giấc mộng
Ngổn ngang xao xác mọi miền.

Những phận người như mắc đoạ
Trần gian kiếm chốn dung thân
Mà sao lạc loài trôi nổi?
Trên quê nhà cũng lưu vong!

Bèo trôi từng kiếp long đong
Vốn nhỏ nhoi, vốn lặng câm
Bánh xe vòng đời nghiền nát
Người? Hay lịch sử vô tâm?

Làm hạt cát dõi đường chim
Cố bay qua hết nỗi niềm
Biết đâu vài mươi năm nữa
Hoá thân hoa trắng hồn nhiên.

"Ừ thôi, đã trọn phù sinh"
Chấp luôn đủ loại ưu phiền
Ừ thôi, nhìn vào thế thái
Cười theo hạt bụi mưa tan...





____o0o____



(Sông Thương__ 5 Tháng Tám, 2021)

XXG
09-02-2021, 09:38 PM
Sài Gòn, Kabul và nồi canh chua của Má___



(Tác giả: Minh Lý)



Má tôi nấu canh chua cá kho tộ ngon nhất đời… chúng tôi. Ăn gì ăn, đi đâu đi, rồi cũng lại thèm canh chua cá kho Má nấu. Má là “dân miền Nam” thứ thiệt, con gái Long An, lấy chồng Sài Gòn, sống nửa đời ở Sài Gòn rồi qua nửa vòng Trái đất đến Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon) sống ở miền Nam California tới giờ. Mà ở đâu Má cũng nấu canh chua.

Canh chua cũng là món Ba chúng tôi ưa thích. Hồi trước 1975, mỗi lần nghỉ phép về lại Sài Gòn, ông sĩ quan ấy chỉ mong sà vào mâm cơm của vợ với món canh chua nóng hổi ngào ngạt, sà vào cái tình gia đình chồng vợ ấm áp giữa tháng năm chiến tranh sống chết điêu linh. Tháng Tư năm 1975, ông đã từ chối những cơ hội di tản mà một sĩ quan cấp tá như ông có thể có được. Ông nghĩ đến cha mẹ anh em dòng họ, người Mỹ bỏ đi nhưng mình làm sao bỏ đi, nhà mình đây, vợ con mình đây, canh chua cá kho mình đây…

Ngày 30 Tháng Tư chúng tôi ngơ ngác trước những ồn ào thay đổi ngoài đường, nhưng trong nhà lại vui vì đã có Ba về. Ba về hẳn. Chúng tôi luôn thèm Ba, những đứa con của lính trận xa nhà luôn thèm có Ba. Tôi đi theo hít hà mùi áo Ba. Ba mặc áo sơ mi quần tây, đeo mắt kính, nhìn như thầy giáo, đó cũng là mơ ước lớn nhất của ông, sẽ có ngày được giảng dạy ở trường quốc gia hành chánh.

Ngày 30 Tháng Tư 1975 đó, chúng tôi đã không ra đi, khi người Mỹ cuối cùng rút khỏi Sài Gòn.

Ngày 30 Tháng Tám 2021 này, Má ngồi trước màn hình tivi ở nhà đứa con trai út ở North Carolina, như hàng tỷ người trên thế giới đang theo dõi những giờ phút cuối cuộc rút quân “khó khăn và đau đớn” của quân đội Mỹ ở sân bay Kabul. Chiến dịch quân sự kéo dài 20 năm của quân đội Mỹ tại Afghanistan đã kết thúc với hình ảnh Thiếu tướng Christopher Donahue trong quân phục dã chiến, xách súng carbine M4, bước lên chiếc vận tải cơ C-17 cuối cùng rời sân bay Kabul lúc 15:29 ngày 30 Tháng Tám.

Chín năm trước, con trai út của Má, Trung tá Nhựt Lý, cũng từ sân bay Kabul này rời Afghanistan, sau chín tháng đóng quân ở đây. Chín năm trước, má cũng tiễn con đi và đón con về từ chiến trường Afghanistan bằng bữa cơm canh chua cá kho của Má. Còn Má trong chín tháng con trai ở Afghanistan đó, bà chỉ ăn chay, và niệm Phật hàng đêm. Để cầu mong con và đồng đội của con được nguyên vẹn trở về.

Nên hôm nay khi nhìn những người lính Mỹ cuối cùng rời sân bay Kabul, Má nhớ ngay cái cảm giác của chín năm trước. Má đã mừng tủi thế nào khi nhận được tin Nhựt đã trở về Mỹ an toàn, vào cái năm thứ 12 của cuộc chiến đã lấy đi sinh mạng của 2,000 lính Mỹ ở thời điểm ấy. Ngày hôm đó, Má đến trước tấm ảnh Ba, thầm thì: Anh à, con đã về!




https://i.imgur.com/8FkYBeB.jpg



Con về với Má, nhưng Ba thì không về nữa sau cái ngày xách túi nhỏ với mấy bộ đồ tập trung lên phường đi “học tập cải tạo” vào Tháng Sáu 1975. Hai năm sau, năm 1977, Ba mất trong trại tù cải tạo ở vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn. Mãi một năm sau đó giấy báo tử mới đến nhà. Ngày Ủy ban phường gọi lên “có việc”, Má dắt theo Út Nhựt, Má đã linh tính chuyện không lành (vì họ không nói rõ lý do gọi). Đi tới đầu hẻm thấy có con mèo nằm chết, bỗng nhớ ra Ba tuổi Mão, Má thất thần, đến lúc nhận giấy báo tử của Ba thì bà ngất luôn. Thằng Nhựt lúc ấy mới năm tuổi. Sau ngày đó, nó nhất định không bao giờ chịu đi ngang Uỷ ban phường nữa: “Chỗ đó người ta giết ba con!”

Ba chúng tôi đã vĩnh viễn không thể về ăn những tô canh chua Má nấu sau ngày hòa bình, khi tiếng súng đã ngưng. Ông nằm lại trong một gò đất hoang vu ở một nơi rất xa Sài Gòn, trên giải đất hình chữ S đã được nối liền. Bảy năm sau đó, má con tôi cũng phải ra đi khỏi giải đất hình chữ S thân thương ấy, vì không thể nào tiếp tục sống ở đó. Bởi tôi chắc chắn không bao giờ vào được đại học với cái lý lịch “nguỵ quân” xếp hạng tận cùng thứ 15, thằng út em tôi có những ngày bị đói đến lả người. Má tôi gầy gò như một nhánh cây khô trĩu nặng năm đứa con thơ tương lai mờ mịt. Nước Mỹ, sau cuộc chiến 20 năm ở Việt Nam, đã đón nhận chúng tôi, vợ con một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.


https://i.imgur.com/rrnBbAJ.jpg
Nước Mỹ hôm nay, một lần nữa, lại vừa rút ra khỏi cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan, cuộc chiến được coi là dài nhất lịch sử Mỹ. Cũng trong những ngày cuối Tháng Tám, chúng tôi nhìn lên màn ảnh tivi, nhìn những gương mặt người trong cơn di tản, những cột khói bốc lên, những chuyến bay cuối cùng rời khỏi đường băng,

nhớ 30/4,
nhớ Ba,
nhớ cả hành trình của gia đình,
nhớ cả oan khiên của dân tộc.

Má bây giờ vẫn nấu canh chua cho thằng Út, một trung tá quân đội, trong những bữa cơm chiều ở nhà nó. Thằng Út của Má ngày 30 Tháng Tư 1975 chỉ mới vừa ba tuổi. Lúc Ba chúng tôi mất, nó còn chưa kịp có ký ức nào về Ba ngoài cái trụ sở Ủy ban phường ngày nó theo Má lên đó nhận giấy báo tử. Thế rồi sang đây nó lại theo nghiệp nhà binh. Nó học rất giỏi, vừa đi lính vừa lấy bằng đại học về ngôn ngữ rồi lấy bằng bác sĩ. Nó hiền như củ khoai, chưa bao giờ nghe nó nói một lời thù hận nào, không biết nó có còn nhớ cái Ủy ban phường đó không, bởi không thấy nó nhắc gì trong những lần về Sài Gòn cùng đoàn thiện nguyện “Project Vietnam” có ghé thăm nhà cũ ở khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật…


https://i.imgur.com/kk6a0z1.jpg

Năm tháng qua đi, những cuộc chiến qua đi, chỉ còn lại Má tôi, với nồi canh chua, ngồi lại. Cuộc chiến Việt Nam, rồi cuộc chiến Afghanistan, bà đều tiễn chồng rồi tiễn con đi vào nơi khói lửa, với nồi canh chua ấy. Cái dáng cần mẫn gọt bạc hà, lặt ngò ôm, dằm me, rửa cá… chuẩn bị cho nồi canh chua trong bữa cơm đưa tiễn của một người vợ, một người mẹ – giá mà tôi có thể vẽ lại được, tạc lại được. Như tạc về một thân phận Việt Nam trong cơn biến loạn lịch sử từ cuối thế kỷ trước đến đầu thế kỷ này.

May mắn là tôi đã kịp lưu lại tấm ảnh chụp bữa cơm gia đình trong ngày tiễn Nhựt chuẩn bị sang Afghanistan (Tháng Ba 2012) từ Yahoo Blog. Tô canh chua giữa mâm, bàn tay cầm đũa của Nhựt, và mái tóc trắng phau của Má nơi góc bếp, ở đó, mãi đó.


____o0o____

(Minh Lý)