PDA

View Full Version : Truyện ngắn Nhật Bản



Thùy Linh
05-08-2023, 03:17 AM
Tấm Nệm Tottori

https://futonsfromjapan.co.uk/wp-content/uploads/2020/08/kawa-green-shikibuton-a-refs4000.jpg hình minh hoạ

Ngày trước lâu lắm rồi, tại tỉnh Tottori có một quán trọ nhỏ vừa khai trương thì ngay trong đêm đầu tiên đã có một người khách đến trọ.
Đó là một người lái buôn. Chủ quán trọ tiếp đón ông khách vô cùng hậu hĩ, với ý mong rằng tiếng khen quán trọ nhỏ của mình sẽ theo người lái buôn mà vang xa khắp nơi. Ông khách được dọn một bữa ăn no nê, có rượu sake thật ngon hâm nóng uống thỏa thích. Ăn xong khách được nằm ngủ trên bộ nệm futon trải trên nền nhà lát chiếu tatami.
Thế nhưng, hầu như ông khách chưa chợp mắt được bao lâu, thì nghe có tiếng người nói trong phòng, làm khách tỉnh giấc. Mà đó là giọng nói của mấy đứa trẻ con nói chuyện với nhau, cứ hỏi di hỏi lại mãi một điều:
- Anh có lạnh không ?
- Em có lạnh không ?
Khách khẽ lên tiếng quở trách thì giọng nói kia im bặt được một lúc. Lát sau, giọng nói ấy lại cất lên thì thào khe khẽ, ra chiều như sợ khách nghe được, xong vẫn rõ mồn một:
-Anh có lạnh không ?
Một giọng nói khác ân cần đáp lại:
-Em có lạnh không ?
Khách vùng dậy, thắp đèn lên soi, xem xét khắp phòng, nhưng không thấy có ai cả. Các cánh cửa shoji dán giấy đều khép kín. Dòm vào trong tủ thì thấy tủ trống trơn. Khách lấy làm lạ, cứ để đèn sáng mà nằm ngủ. Tức thì, khách vừa ngả đầu xuống gối chưa được bao lâu, lại nghe có tiếng hỏi:
-Anh có lạnh không ?
-Em có lạnh không ?
Lúc bấy giờ, khách mới chợt rùng mình, thấy lạnh cả xương sống, nhưng đó không phải là cái lạnh vì hơi đêm, mà là vì khách chợt nhận ra rằng giọng nói ấy phát ra từ trong tấm nệm futon mà khách đang nằm. Chỉ có chính tấm nệm mới có thể cất tiếng hỏi như vậy thôi.
Khách hấp tấp bước xuống cầu thang dẫn xuống nhà dưới, gọi chủ trọ quán dậy và kể hết đầu đuôi sự tình. Xong người chủ quán trọ lại ra chiều tức giận, bảo khách:
-Quý khách uống rượu say nên nằm chiêm bao thấy chuyện vớ vẩn chẳng ra đâu vào đâu đấy thôi ạ.

Chiều tối hôm sau, lại có người khách khác đến xin trọ lại một đêm. Đêm khuya, người khách này cũng lại đánh thức chủ quán trọ dậy, và lại kể cho nghe những điều giống hệt như ông khách hôm trước. Và một điều lạ lùng là người khách hôm nay không hề uống một giọt rượu nào.
Khách đi rồi, chủ nhân nghĩ bụng cho là điều quái dị, bèn vào căn phòng dành cho khách ở tầng hai mà xem xét các tấm nệm. Thế rồi trong lúc đang ở trong căn phòng ấy, chủ quán trọ bỗng nghe có tiếng người. Bấy giờ chủ trọ mới biết rằng điều mà hai ông khách đã kể lại là có thật. Và chỉ có một tấm nệm duy nhất lên tiếng, còn các tấm nệm khác thì im bặt chẳng nói năng gì .
Trời sáng ra, chủ quán trọ bèn đến cửa hiệu bán nệm futon nơi đã bán cho mình tấm nệm ấy, đem câu chuyện vừa xảy ra ở quán trọ mà hỏi chủ hiệu bán nệm. Nhưng chủ hiệu bán nệm cũng không biết gì về tấm nệm. Ông ta cho biết đã mua lại tấm nệm này từ một cửa hàng nhỏ hơn, đó là một hiệu buôn nghèo nàn ở mãi tận cuối phố . Thế là chủ quán trọ cứ đi lần hỏi hết nơi này đến nơi khác, cuối cùng tìm đến được một hiệu bán nệm nghèo nàn tồi tàn nhất, và mới được biết câu chuyện của chiếc nệm ấy như sau.

Số là có một gia đình nọ có hai đứa con trai, đứa bé sáu tuổi, đứa lớn tám tuổi. Họ là dân tha phương cầu thực đến ngụ cư ở đây.
Một ngày mùa đông người cha lâm bệnh được một tuần lễ thì qua đời. Sau đó người mẹ yếu đuối lắm bệnh tật lâu nay, chẳng bao lâu cũng qua đời theo chồng, để lại hai đứa con thơ. Hai đứa bé không có một người thân nào để nương tựa, nên chúng bèn bán dần mòn các thứ trong nhà lấy tiền sống qua ngày. Mỗi ngày chúng đều đem bán một thứ trong nhà, cho đến khi không còn gì để bán, ngoài một tấm nệm để nằm. Đã đến lúc chúng không còn gì để ăn, lại còn đang thiếu nợ tiền thuê nhà.
Đến ngày đại hàn, một ngày trời lạnh khủng khiếp, lạnh hơn bao giờ hết. Hôm ấy tuyết rơi nhiều và đóng rất dầy, hai đứa bé không thể ra khỏi nhà mà đi đâu xa. Hai đứa bé cùng đắp chung một tấm nệm mà run bần bật, không còn có cách nào khác là lo lắng hỏi thăm nhau theo kiểu trẻ con:
-Anh có lạnh không ?
-Em có lạnh không ?
Hai đứa bé sợ gió lạnh, nhưng chúng còn sợ chủ nhà hơn thế nữa. Là vì chủ nhà đã đến dựng cổ chúng dậy mà đòi nợ. Người chủ nhà này là một gã đàn ông tướng tá dữ dằn, và không biết mủi lòng. Khi biết không có ai trả tiền nhà cho hai đứa bé, gã bèn đuổi chúng ra ngoài đường giữa lúc trời tuyết, tịch thu nốt cả tấm nệm còn lại và khóa chặt cửa lại.
Hai đứa bé phong phanh có mỗi một manh áo mỏng nhuộm màu lam, là vì chúng đã bán hết quần áo để mua cái ăn. Và chúng cũng không biết đi về đâu. Ở cách đấy không xa có một ngôi chùa nhỏ thờ đức Phật Quan Âm, nhưng vì tuyết rơi dầy quá, nên hai đứa bé không tới đó được. Sau khi chủ nhà bỏ về rồi, hai đứa bé bèn lén quay trở lại phía sau căn nhà. Đúng lúc đó cái lạnh làm hai đứa bé buồn ngủ, hai anh em bèn ôm chặt lấy nhau cho đỡ lạnh.
Trong lúc hai đứa bé ngủ thiếp đi thì thần thánh thương tình đã đem cho chúng chiếc nệm mới. Đó là tấm nệm trắng nõn và đẹp chưa từng thấy trên đời này, và nhờ vậy hai đứa bé không còn thấy lạnh nữa. Hai đứa bé ngủ say hết ngày này sang ngày khác. Rồi người ta tìm thấy chúng, xây cho chúng một chỗ nằm trong nghĩa địa của ngôi chùa thờ đức Phật Thiên Thủ Quan Âm có ngàn cánh tay.

Sau khi biết rõ đầu đuôi câu chuyện về tấm nệm, người chủ quán trọ bèn đem cúng tấm đệm ấy cho vị hòa thượng trụ trì ở ngôi chùa thờ Phật Thiên thủ Quan Âm, để nhờ ngài tụng kinh cầu nguyện cho linh hồn hai trẻ nhỏ.
Thế là từ đó, tấm nệm im bặt không còn lên tiếng nữa.

(Tokyo, 16/12/2006)
Truyện cổ tích tỉnh Tottori, Nhật Bản.
Người dịch : DTTM

Thùy Linh
06-03-2023, 08:22 AM
https://w0.peakpx.com/wallpaper/29/216/HD-wallpaper-anime-girl-kimono-sit-snow-ramen-flowers-winter-anime.jpg

Yoshiko - Cô Gái Nhật
Dr. Peter Morita (California) Bút hiệu Trang Điền Morita
Sau khi tôi và Yoshico cùng đi thăm người bạn ở nội thành Tokyo về . Và vừa bước chân vào nhà thì Yoshico đã hỏi tôi :
- Bây giờ anh muốn ăn gì buổi trưa đây, đồ Nhật, đồ Tàu, hay đồ Việt Nam ?
Tôi cười hỏi lại :
- Ô, Cô Cô cũng biết nấu đồ ăn Việt Nam sao ? ( tên nàng là Yoshico nhưng tôi thường gọi là Cô Cô cho tiện ).
- Biết chứ, biết chứ ! Người bạn gái Việt Nam - chị Lan cùng sở làm với em, đã dạy làm món ăn Việt Nam để đãi khách, nhất là, lại là khách quý như anh thì nhất định phải nấu đồ ăn Việt Nam mời anh xơi là dĩ nhiên rồi.
Nàng vừa nói vừa nở nụ cười rạng - rỡ làm tôi cũng vui lây, tôi nghiêm chỉnh hỏi nàng :
- Cô Cô nói Cô Cô biết nấu món ăn Việt Nam ? Vậy Cô Cô nấu món gì cho tôi ăn đây ?
- Cô Cô nấu cho anh ăn món...PHỞ .
- Ố ! món phở, quốc hồn, quốc túy của Việt Nam đấy .Vậy Cô Cô còn biết thêm món gì nữa thì kể ra cho tôi nghe đi .
Cô Cô nói :
- Hết rồi. Cô Cô chỉ biết nấu độc nhất món phở thôi, vì Cô Cô chỉ học được món duy nhất. Để Cô Cô nấu cho anh ăn, khi ăn xong anh phê bình góp ý đấy nhé mong rằng anh sẽ khen Cô Cô hết xẩy luôn !
Tôi mĩm cuời :
- Được Cô Cô hậu đãi như vậy thì còn gì bằng !
Yoshico xúng xính trong bộ đồ quốc phục Kimono thật dễ thương làm tôi liên tưởng đến câu truyền khẩu của ông bà ta xưa thường nói :

Ăn cơm Tàu, Ở nhà Tây, Lấy vợ Nhật .
Câu nói ấy như một điệp khúc khuyên nhủ con cháu của mình nếu muốn cho đời lên hương, được sung sướng trọn đời thì nên chọn ba điều nhắc nhở trên . Đó là quan niệm ngày xưa, bây giờ nếu đem áp dụng chưa chắc đã đúng mà có khi còn bị tác dụng ngược .

Ta vào quán cơm Tàu thì chúng ta ai nấy đều biết đồ ăn ngon thật vì nếukhông ngon thì tại sao ta thấy nhiều nhà hàng Tàu mọc lên như nấm ở khắp nơi .Nhưng coi chừng đồ Tàu có nhiều chất béo, các món ăn chiên xào nhiều cholesterol xấu, rất hại cho sức khỏe .

Lấy vợ Nhật, những thập niên trước đây, người con gái Nhật rất phục tùng chồng, hiền lành, nói theo kiểu thông thường thì " em hiền như Ma - Sơ ". Khi ông chồng đi làm vừa về tới nhà, đặt mông xuống ghế thì đã thấy bà vợ tháo giày thay dép, lấy khăn và nước nóng cho chồng lau tay, rửa mặt . Người vợ Nhật thời đó đã hết lòng phục vụ người chồng không quản ngại từ nan . Nhưng thời bây giờ thì chuyện đó đã đi vào dĩ vãng, có khi còn ngược lại nữa là ông chồng phải nai lưng ra phục vụ bà vợ hết mình ...Cho nên lời khuyên của các cụ thời xưa đã trở thành lỗi thời .

Ở nhà Tây : ngày xưa đó, người ta thường sống trong căn nhà đơn sơ, mái lợp bằng cỏ tranh, vách tường làm bằng đất, ăn ở thật đơn sơ đạm bạc như vậy nên sự ước muốn ở nhà Tây có nghìa là nhà có lầu . Bây giờ chuyện này là sự thường, đất chật người đông nên chẳng những nhà lầu một hay hai tầng mà còn có những tòa nhà cao cả hàng chục tầng ...nên lời khuyên ở nhà Tây không còn hợp thời nữa .

Trở lại chuyện của Cô Cô, người con gái Nhật :
Một ngày nọ tôi đến Đông - Kinh ( Tokyo ),nơi đây tôi đã gặp và làm quen với Yoshico Kobayashi người bạn đồng nghiệp, nàng đang làm việc tại phân khoa Y Dược thuộc trường Đại học University of Kyoto. Chúng tôi thân nhau qua lớp hội thảo về các môn thuốc do dược thảo tạo thành .
Cô bạn tôi Yoshico là một dược sĩ tốt nghiệp ở University of Kyoto, nàng rất hồn nhiên, ngoại hình cũng dễ thương .
Lúc đầu là bạn sơ giao, sau trở thành thân thiết nên những lúc rảnh rỗi hết giờ làm việc thường hay rủ nhau đi dạo phố phường Đông Kinh, ngắm nhìn cảnh náo nhiệt của thủ đô Nhật Bản, có lúc thì đi tìm những cây cỏ dược thảo mọc trên những ghềnh đá, khe sông, vách núi .

Tại Nhật, có một loại cây cho hoa màu vàng rất đẹp tên gọi là Bồ Công Anh mọc rất nhiều ở xứ Phù Tang. Cô Cô thích hoa đó lắm .
Một hôm chúng tôi cùng ngồi cạnh nhau trên chiếc xe Taxi trở về nhà, chúng tôi thấy ven đường có những cành hoa Bồ Công Anh mọc dại mà cũng nở hoa, chúng nở rộ điểm trên thảm cỏ xanh thành mảng đốm vàng rất đẹp . Cô Cô chỉ vào ngọn đồi gần đó và nói :
-Anh Morita có thấy hoa Bồ Công Anh màu vàng ở phía kia rực rỡ chưa ?
Tôi đưa mắt nhìn theo tay nàng chỉ thì thấy những lốm đốm màu vàng rực rỡ, kết tụ thành nhiều đám trên ngọn đồi . Tôi hỏi nàng :
- Phải hoa Bồ Công Anh đó không Cô Cô ?
- Dạ phải, chính nó là những cụm hoa Bồ Công Anh đó anh ạ .
Tôi mừng vui nói với nàng :
- Mùa xuân ở Đông Kinh hoa nở đẹp quá Cô Cô nhỉ ?
- Dạ vâng, anh mà đi xa Đông Kinh chừng hai ba chục cây số thôi thì còn thấy được nhiều loại hoa thơm cỏ lạ nữa cơ .
Đại khái sự trao đổi câu chuyện chỉ xoay quanh những hoa lá cỏ cây cho vui mà thôi, tôi vẫn giữ khoảng cách, và tự hứa với lòng mình rằng sẽ không nghe lời khuyên của ông bà ta ngày xưa là " lấy vợ Nhật " cho dù Cô Cô có nhiều đức tính tốt và dễ thương .

Để tôi ngồi xếp bằng ở nền nhà trên chiếc thảm với mấy cái gối theo kiểu Nhật, rồi Cô Cô xuống nhà bếp sữa soạn bữa ăn để cho chúng tôi cùng ăn .
Như Cô Cô đã hứa sẽ nấu món PHỞ đãi tôi, Cô Cô ra lệnh :
- Để em làm bếp, anh ngồi đó, cấm không được xuống bếp đó nhe .
Làm gì mà bí mật thế ? Tại sao Cô Cô lại cấm tôi không được xuống nhà bếp.
- Cô Cô phải để tôi làm phụ bếp nấu ăn cho lẹ chứ, tôi đói quá rồi đấy Cô Cô ạ .Vả lại tôi muốn coi cô gái nước Nhật trổ tài làm món ăn Việt Nam .
Cô Cô mĩm nụ cười duyên :
- Cô Cô nấu lẹ mà, anh cứ ngồi yên đó đi .
Ngồi một lúc, tôi không thể ngồi yên được nữa nên đứng dậy để xuống nhà coi Cô Cô nấu bếp. Cô Cô đang loay hoay luộc bánh phở bên cạnh nồi nước lèo đang sôi, một lon nước phở đóng hộp đã khui .
Vừa thấy tôi, Cô - Cô giã lã nói :
- Anh thấy không, nước phở được nấu sẵn đóng hộp, bánh phở khô chỉ cần luộc nước sôi để vào tô, rồi xếp thịt bò lên trên lớp bánh, lấy nước phở đun sôi đổ vào tô bánh phở, thế là đã có một tô phở ...ăn liền !
Xong câu nói đó Cô Cô cười với tôi ra vẻ khoái chí. Tôi mỉm cười :
- Nữ công gia chánh mà Cô Cô học kiểu này thì tôi cũng có thể dạy Cô Cô đuợc đấy !
- Nhưng mà nấu phở như vậy cũng tiện lợi anh nhỉ ?
- Thì cũng như mì gói, mì ăn liền mà nước Nhật sáng chế đầu tiên cũng vậy thôi
Cô Cô cải lại :
- Mì ăn liền dễ hơn nhiều, vì chỉ cần xé bao mì để vào tô rồi đổ nước sôi là có thể ăn được rồi. Còn nấu phở thì phức tạp hơn nhiều .
- Nhưng kết cục phở đóng hộp hay mì ăn liền có công dụng giống nhau .
Cả hai chúng tôi cùng cười như đồng ý kiến với nhau .

Cô Cô, người con gái Nhật dễ thương đã làm cho tôi vui trong những ngày cư ngụ tại đây.
Ngoài kia những cây hoa Anh đào nở rộ khắp mọi nơi vì đây là xứ được mệnh danh là đất Phù Tang, ngoại trừ vài nơi có tuyết rơi thì hoa đào biến mất .
Xứ sở của Hoa Anh đào đã làm cho du khách nhiều lưu luyến .

Dr. Peter Morita (California) Bút hiệu Trang - Điền Morita