PDA

View Full Version : "Ăn nhập"



Triển
06-06-2023, 10:17 AM
Reuters:

https://i.imgur.com/QZFRbVB.jpg

/*nguồn: https://www.reuters.com/world/europe/germanys-scholz-kakhovka-dam-breach-line-with-putins-aggression-2023-06-06/







VOA Việt ngữ:

https://i.imgur.com/PhqMHxJ.jpg

/*nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/7125159.html

Triển
06-06-2023, 10:38 AM
Nguyên văn của thủ tướng Đức trong phỏng vấn đài WDR Đức vừa qua:

https://i.imgur.com/CpWyn84.jpg

/* nguồn: https://twitter.com/Bundeskanzler/status/1666070715575984128




Dịch ra Việt ngữ:


Vụ phá hủy đập Kachowka với hậu quả khủng khiếp
cho thấy có một chiều hướng mới. Biến cố này tương quan với
sách lược chiến tranh vô tâm của Nga và thuộc vào một trong
hàng loạt tội ác chiến tranh trên đất Ukraine.
Chúng tôi hỗ trợ Ukraine cho đến khi nào còn cần thiết.

008
06-06-2023, 02:43 PM
VOA Việt ngữ:

https://i.imgur.com/PhqMHxJ.jpg

/*nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/7125159.html


Vậy là nó dịch "in line with" thành "ăn nhập" theo nghĩa như "ăn khớp" chứ không phải theo nghĩa "liên quan". Chưa từng nghe hoặc thấy "ăn nhập" được dùng theo nghĩa "ăn khớp" bao giờ!
Còn chữ thứ nhì tui cũng mới nhìn thấy lần đầu trong bài này là "chiều kích" ("Vì lý do này, đây là một động thái có chiều kích mới nhưng phù hợp với cách thức mà ông Putin tiến hành cuộc chiến này"). "Chiều kích" là "một buổi chiều kích thích" hay là cái con... măng ky gì vậy ta?!!!

Triển
06-06-2023, 08:17 PM
Vậy là nó dịch "in line with" thành "ăn nhập" theo nghĩa như "ăn khớp" chứ không phải theo nghĩa "liên quan". Chưa từng nghe hoặc thấy "ăn nhập" được dùng theo nghĩa "ăn khớp" bao giờ!
Còn chữ thứ nhì tui cũng mới nhìn thấy lần đầu trong bài này là "chiều kích" ("Vì lý do này, đây là một động thái có chiều kích mới nhưng phù hợp với cách thức mà ông Putin tiến hành cuộc chiến này"). "Chiều kích" là "một buổi chiều kích thích" hay là cái con... măng ky gì vậy ta?!!!


Dịch "to be in line with something" là "ăn nhập" và "ăn khớp" là dịch theo kiểu quá ... bồi. hihihi Tui không hiểu cái ban Việt ngữ đài tiếng nói Hoa Kỳ do ai là chủ biên, nhưng thỉnh thoảng lại thấy họ làm việc bị sơ suất. Họ dịch chữ "dimension" ra thành "chiều kích" nghe quái dị thật. Kích ở đây, họ mang gắn vào chữ "chiều" có lẽ để không gian hóa, tạo ra một phạm vi mà trên lý thuyết chữ dimension không hề xác định giới hạn, cho dù dimension có bao nhiêu chiều. Giới hạn chỉ được xác định khi có tọa độ. :-)

Câu thứ nhì họ dịch từ Reuters mất ý tứ. "all the more" là "càng ... hơn".

"Vụ này cho thấy việc Đức hỗ trợ Ukraine cho đến khi nào còn cần thiết càng quan trọng hơn hết.

Thùy Linh
06-06-2023, 10:13 PM
Còn chữ thứ nhì tui cũng mới nhìn thấy lần đầu trong bài này là "chiều kích" ("Vì lý do này, đây là một động thái có chiều kích mới nhưng phù hợp với cách thức mà ông Putin tiến hành cuộc chiến này"). "Chiều kích" là "một buổi chiều kích thích" hay là cái con... măng ky gì vậy ta?!!!

Dạ, Bát Sư phụ, chữ "động thái" có phải ghép của hành động +thái độ hông ? đệ tử hông quen dùng.

Chiều kích ? như ....chiều dài của cái kích mà đệ tử dùng uýnh cao thủ Thiếu Lâm .:z5:

hư tâm
06-07-2023, 12:34 PM
Dạ, Bát Sư phụ, chữ "động thái" có phải ghép của hành động +thái độ hông ? đệ tử hông quen dùng. Chiều kích ? như ....chiều dài của cái kích mà đệ tử dùng uýnh cao thủ Thiếu Lâm .:z5: Thùy Linh,
Chữ "động thái" bây giờ xuất hiện nhan nhản bên VN, nghĩa là động cỡn thái quá mà thôi haha, nói cho vui chứ nó chỉ là "hành động" thôi. Không hiểu sao gần đây họ thích thay đổi chữ đã có bằng mấy chữ mới lạ hoắc. Nói chung chữ Việt bây giờ có nhiều thay đổi làm ht đôi khi bóp trán khi đọc/nghe, có cảm giác từa tựa như mình đang học ... ngoại ngữ hay học ESL vậy.

Về nhóm chữ "in line with ..." , dịch theo kiểu của đài VOA là "ăn nhập" thì bình dân, nôm na, chỉ hợp với những khi tán gẫu khi cà phê, cà pháo hay ở bàn nhậu. Có thể dịch ra là :"tương ứng", " tỷ lệ thuận". Cách dùng tiếng Việt của mấy cái đài VOA, RFI ... bây giờ nó lạ tai với cái tiếng Việt của mình lúc rời VN mấy mươi năm trước, thành ra nói thật ht hầu như không bao giờ đọc. Với lại, dịch từ tiếng Anh thì không nhiều thì ít sai sót hay khó hiểu, cho nên đọc thẳng nguyên gốc thì tốt hơn. Mấy bản dịch chỉ dành cho những ai trong nước không biết hay không thông tiếng Anh.

Thùy Linh
06-07-2023, 04:33 PM
Hello Hư Tâm,
TL có lật tự điển Lê Văn Đức xuất bản trước 1975 không có thấy chữ "động thái", hình như ai ghép chữ, chế ra sau này rồi bị "lạm dụng" dùng từa lưa.
Bản chất nguời ta ham chữ mới, chữ lạ chộp lấy xài cho ta đây hay chữ, soang soang...
Cái nạn rút chữ ghép vô chữ khác cả Nôm lẫn Hán thành cặp chữ mới, "thời trang" ngay cả nhà thơ trong nước VN cũng làm, người Việt đọc tiếng Việt mà ngơ ngẩn, hông hiểu gì ráo.

Nói xin lỗi trước nếu phạm "thuần phong mỹ tục" của ai trong đây nhen - hông biết sao mỗi khi nghe 2 chữ "động thái" TL liên tưởng đến con chó có biểu hiện, hành động, thái độ....động đực, động tình !
là cảm nhận riêng của TL thoi nha.
Mới mò đọc thử, pv báo Tuổi Trẻ có nói lạm dụng "động thái"
https://tuoitre.vn/lam-dung-thuat-ngu-thay-doi-gia-vang-cung-kem-dong-thai-20171212091533974.htm

Kho tàng tiếng Việt của tiền nhân rất giàu đẹp, phong phú xài hoài không có hết, đem bỏ đi rồi chế tạo, xé, ghép tùm lum tà la chữ đem phổ biến ?
Ngôn ngữ đâu phải quần áo, giày dép, nữ trang ?
Trong VN đã vậy, còn ở hải ngoại giới trẻ, người lớn tuổi đọc bài/tin tiếng Việt bên VN viết cũng bị "tẩy não" luôn theo thời gian.

hư tâm
06-07-2023, 05:22 PM
Sau đây chỉ là cảm nghĩ chủ quan của bản thân nhưng hình như sau 1975, nhất là trong những năm gần đây, nhìn một cách tổng quát, người dân trong nước hay có khuynh hướng đổi chữ thì phải. Đành rằng mọi ngôn ngữ, cụ thể là ngôn ngữ sống (sinh ngữ) như tiếng Việt, tiếng Anh, Pháp, Đức... luôn có sự thay đổi, nhưng thường thì sự thay đổi nằm ở sự ra đời của các chữ mới vì hoàn cảnh xã hội, tiến bộ khoa học kỹ thuật đòi hỏi nhưng riêng tiếng Việt thì hơi khác ở chỗ: họ bỏ chữ cũ đã phổ biến, quen dùng từ hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm để thay bằng chữ mới mà họ lắp ráp, chắp vá từ những chữ khác nhau, đơn cử như chữ "động thái" mà chúng ta đang đề cập ở đây.

Những chữ mới kiểu này có không ít, có thể kể ra thêm những chữ thuộc mức độ phổ biến như: đề xuất, thử nghiệm, thần thái... Chữ thử nghiệm tương đương với chữ test tiếng Anh, hoặc cũng có khi lại là experiment. Hồi xưa, chữ test có nghĩa là trắc nghiệm, còn experiment là thí nghiệm. Nhưng bây giờ, họ dùng chữ "thử nghiệm" để chỉ cả 2 nghĩa trắc nghiệm lẫn thí nghiệm luôn, cho nên phải suy nghĩ tùy theo văn mạch để hiểu người viết/ nói dùng chữ thử nghiệm với nghĩa nào. Nhưng chưa hết, đôi lúc lại thấy có người dùng một phiên bản khác của "thử nghiệm" là "thể nghiệm", nhưng phiên bản này hiện nay vẫn chưa phổ biến lắm. ht dám cá là chừng mươi năm nữa, ai đó nẩy ra "sáng kiến" phế bỏ hai chữ thử nghiệm lẫn thể nghiệm để thay bằng một chữ mới cũng theo phương pháp chắp vá. Tiếng Việt thay đổi xoành xoạch chẳng khác gì mấy một người phụ nữ cứ ít năm lại đi giải phẫu thẩm mỹ, sửa đủ thứ trên người, đổi đủ kiểu tóc, nhuộm tóc nhiều màu khác nhau, riết rồi chồng con nhận không ra luôn.

Thùy Linh
06-07-2023, 06:18 PM
:)
Hình như thử nghiệm = xét nghiệm ?

Cứ đọc/nghe chữ chế ghép lâu ngày ngấm luôn, nói chi thế hệ trẻ.

Mình đơn cử vài thí dụ ghép vô tội vạ như chữ Hán-Việt "tặc" = cướp .
Các phóng viên viết bài đưa tin sẽ viết ...đinh tặc, tôm tặc, vàng tặc...để ám chỉ người rải đinh ngoài đường cho xe bị lủng bánh, người trộm tôm, trộm vàng ...
đinh tặc là Nôm + Hán Việt mà ghép rồi nghĩa cũng không đúng cho người rải đinh ngoài đường ? rải đinh thì nói rải đinh, hà cớ gì.

Nghe là giới trẻ VN đang "bóp méo" tiếng Việt đến não nề, chế chữ nói chuyện trên mạng đọc hông hiểu gì hết .

Trong khi nghe chị mình nói trường học ở VN không cho học sinh nói phương ngữ muốn xoá sạch vì chê khg hay, phương ngữ nhiều đời tích tụ tạo nên nhiều màu sắc cho ngôn ngữ mà.

Platinum
06-07-2023, 06:40 PM
Nói tới những chữ tự chế ở VN mà phát rầu. P ghét nhất chữ 'selfie' được dịch lá 'tự sướng', nghe nó thô tục gì đâu.

Mới đây còn có cụm từ 'tác động vật lý'. P đọc tin thấy nói đó một phụ nữ ở vùng hẻo lánh bị voi trong rừng ra 'tác động vật lý' làm chị bị thương nặng.
Hoặc, một chị lấy tiền đi làm tóc vê nhà bị chồng 'tác động vật lý', không may trúng chỗ hiểm mà tử vong!

Họ nói muốn làm trong sáng tiếng Việt mà làm riết thấy nó tối hù . :(

Triển
06-07-2023, 08:28 PM
Mới đây còn có cụm từ 'tác động vật lý'. P đọc tin thấy nói đó một phụ nữ ở vùng hẻo lánh bị voi trong rừng ra 'tác động vật lý' làm chị bị thương nặng.
Hoặc, một chị lấy tiền đi làm tóc vê nhà bị chồng 'tác động vật lý', không may trúng chỗ hiểm mà tử vong!



Họ dịch rồi dùng sai ngữ cảnh, hoặc đúng ngữ cảnh nhưng quá đà đó chứ không phải chế ra đâu Platinum.

Nếu là Platinum, Platinum sẽ dịch câu này sang tiếng Việt sao cho đúng với chủ ý của người viết:


The psychological and physical impact which domestic violence has on children is another area of concern

Thật ra khi người ta dùng physical attack, physical impact là người ta không muốn (luật pháp) hoặc không thể xác định hành động rõ ràng. Nhưng khi dịch sang tiếng Việt, báo chí Việt Nam sử dụng thành ngữ này một cách bừa bãi:

https://i.imgur.com/iS7eYpV.jpg

Trong ví dụ trên, "tác động vật lý thẳng mặt" - nghĩa là đã chính thức xác định phạm vi và hành động là đánh, đấm, tát, vả vào mặt rồi. Nếu đã vậy thì phải sử dụng luôn động từ chỉ hành động rõ ràng chứ không nên dùng "tác động vật lý" nữa.

Mới đây, anh hoàng tử bé viết sách về anh hoàng tử lớn, nói rằng anh lớn knocked out anh bé (https://www.theguardian.com/books/2023/jan/04/prince-harry-william-physical-attack-2019-meghan-spare-book) (hạ đo ván), khi nói với báo chí truyền thông thì anh nói là bị anh lớn "physical attacked". Khi đọc như vậy, người đọc không biết là anh lớn quật ngã, xô ngã, đạp ngã, đánh gục hay làm gì với anh bé, nhưng điều anh bé muốn nói là có sự xô xác, va chạm cơ thể. Cái cách sử dụng là như vậy. Các anh ký giả Việt Nam thì sử dụng chữ hơi trật bàn đạp chút nên gây khó hiểu và khôi hài.

Còn chữ "tự sướng" mình nghĩ ban đầu, có lẽ là khôi hài thôi, là tiếng lóng, xong nói riết hết thành tiếng lóng luôn. Thô tục thiệt. :)

hư tâm
06-08-2023, 11:45 AM
:)
Hình như thử nghiệm = xét nghiệm ?



Cám ơn Thùy Linh. ht quên mất chữ "xét nghiệm".
Mới đầu họ chia làm hai: xét nghiệm= test, thử nghiệm= experiment, rồi giờ dùng chữ thử nghiệm để chỉ chung cả hai nghĩa.
Có chữ này cũng quen lâu rồi, không biết ai còn nhớ không, là chữ "kinh niên". Bây giờ thành "mãn tính". Chưa hết, có khi lại có dạng biến đổi một chút là "mạn tính". Vừa thay đổi vừa bất nhất, loạn cào cào.
Có cụm chữ này nghe vừa vô lý vừa tức cười, là "nuôi trồng thủy sản". Thủy sản ý nói tôm cá, nói chung sinh vật dưới biển. Mà với động vật nói chung thì chúng ta dùng động từ "nuôi", còn động từ "trồng" dành cho cây cối, đàng này họ ghép hai động từ lại để dùng cho động vật!
Về cụm chữ "tác động vật lý" thì do họ dịch quá bám sát nghĩa đen từng chữ của tiếng Anh, thành ra nghe lạ tai, tức cười nhưng riết rồi cũng như những chữ lạ tai khác, dân chúng cũng quen tai dần và coi là "chuyện thường ngày ở huyện". Liệt kê thêm một vài chữ lạ do lỗi dịch sát máy móc :
- Tiệm tiện lợi (do chữ convenience store). Mấy đứa trẻ giờ đâu có biết chữ tiệm chạp phô. Ngay cả một số người lớn tuổi nhưng vì ở lại VN lâu ngày họ bị "tẩy não" thì cũng quên mất.
- Phi vật thể: từ chữ intangible. Tại sao không dùng chữ "tinh thần" ?
- Phi hư cấu. Từ chữ non-fiction. Mình đã có chữ "biên khảo" hay "khảo cứu", hà cớ gì dịch bám sát Ăng Lê?
- Cặp đôi.
- Có thể. Chữ này dĩ nhiên cũ rích nhưng vấn đề là họ dùng kiểu mới, cũng do bám sát tiếng Anh. Thí du như câu: Hãy cố gắng đến sớm nhất có thể. Try to come as early as possible. "Dịch giả" tra tự điển thấy chữ possible có nghĩa là "có thể" nên họ dịch như vậy. Cứ dịch theo cái kiểu như vậy, đọc tiếng Việt do người Việt bản xứ viết mà cứ tưởng như do Gú gồ hay AI dịch từ tiếng Anh, sặc mùi ketchup, mayonnaise, Coke...

Thêm một chữ dạng chắp vá: "sáo rỗng". Trước đây chúng ta có chữ "sáo ngữ", "rỗng tuếch", chúng có nghĩa riêng biệt, bây giờ bỗng dưng ai đó ép duyên chúng lại thành "sáo rỗng", nhưng ý nghĩa chỉ là rỗng tuếch mà thôi.

Thêm một tình trạng nữa là họ dùng chữ không thích hợp, nghĩa là dùng chữ bình dân trong bối cảnh cần trang trọng, và trịnh trọng thái quá khi đáng lẽ chỉ cần dùng chữ bình thường. Thí dụ như "tham quan". Đi đâu chơi cũng tham quan. Có thể ví như có người bạn rủ đi uống cà phê, ăn phở, tán dóc với nhau thì diện đồ lớn, complete, cravate. Ngược lại khi đi dự đám cưới, đám giỗ thì mặc áo thun, xà lõn.

Còn một cái lạ cũng phổ biến là tính từ được ngồi chễm chệ ngay đầu câu, đại loại như câu: "Độc đáo đặc sản dân dã của miền Tây: đuông chiên giòn", "Kinh hoàng sự cố vợ bị chồng tác động vật lý và phi vật thể"...

Nói về mấy cái kỳ cục trong chữ nghĩa tiếng Việt "hại điện' thì mấy tháng cũng không hết.

tà áo xanh
06-08-2023, 05:07 PM
Chào tất cả mọi người,

Theo ý riêng của mình thôi, giả thuyết riêng, đọc chơi, dịch "dimension" thành "chiều kích" có lẽ cũng có ý không gian hóa, nhưng kích ở đây hình như không phải là kích thước mà "kích" như là một nét mô phỏng không gian (mình nói tiếp sau).

"Chiều kích" theo mình hiểu là từ ghép từ Việt "chiều" và từ tố Hán Việt "kích" (戟). 戟 là một loại vũ khí xưa. Hành động chỉ ngón tay (ngón trỏ nhé) vào người đối diện khi gây hấn cũng gọi là kích. Ngón tay trỏ tượng trưng cho cái kích, chỉ như là một đường thẳng thôi.

Trong hình mô phỏng không gian 2D, 3D, 4D dưới đây, mình thấy rõ hơn khái niệm của từ "chiều kích". Ví dụ, không gian 2D, là một mặt phẳng 2 cạnh song song là 2 "chiều" và hai đường nối, theo mình chính những "kích" tương ứng.

Và tương tự như vậy cho 3D, 4D,..., nD.



https://i.ibb.co/SffYqR1/Screenshot-20230609-083532-Chrome.jpg


Mình thấy dịch "dimension" thành "chiều hướng" rất hay trong bản tin này.

Trong khi ở những ngữ cảnh khác dùng "dimension", nếu "chiều kích" có lẽ hợp hơn và "nghe" hay hơn, ví dụ như "Cultural dimensions" (Chiều kích văn hóa) v.v...

Chiều kích được dùng khá nhiều trong các lĩnh vực tôn giáo, thần học, tâm linh, triết học,... nói chung trong đa số các lĩnh vực đều có thấy dùng.




Đâu là "chiều" đâu là "kích" :)

https://i.ibb.co/M9T0ZKw/Screenshot-20230609-082804-Chrome.jpg


https://i.ibb.co/C6pRwPK/Screenshot-20230609-071834-Chrome.jpg





Nói chung là dịch tùy theo ngữ cảnh.

Theo mình cũng có điểm đáng quan tâm. Khá thú vị.

Chúc tất cả vui.




Họ dịch chữ "dimension" ra thành "chiều kích" nghe quái dị thật. Kích ở đây, họ mang gắn vào chữ "chiều" có lẽ để không gian hóa, tạo ra một phạm vi mà trên lý thuyết chữ dimension không hề xác định giới hạn, cho dù dimension có bao nhiêu chiều. Giới hạn chỉ được xác định khi có tọa độ. :-)

Triển
06-08-2023, 10:03 PM
Trong khi ở những ngữ cảnh khác dùng "dimension", nếu "chiều kích" có lẽ hợp hơn và "nghe" hay hơn, ví dụ như "Cultural dimensions" (Chiều kích văn hóa) v.v...

Chiều kích được dùng khá nhiều trong các lĩnh vực tôn giáo, thần học, tâm linh, triết học,... nói chung trong đa số các lĩnh vực đều có thấy dùng.




Mình thấy "chiều kích" vẫn không hay. :) Vì nó không cho người nghe, người đọc ngay một kiến thức có sẵn để thông hiểu việc muốn diễn tả. Ví dụ như Cultural dimension sao không dịch là trong lĩnh vực văn hóa, trong phạm vi văn hóa?

Đức hiện tại bị Mỹ hóa trong ngôn ngữ rất nhiều. Những cái dùng sai lại đi "cọp" như to-go thay vì take away. Bây giờ ra phố mấy cái tiệm bán thức ăn mang đi cũng đề bản ở đây có to-go. 5 không phải là hoài cổ hay bảo thủ. Nhưng nếu du nhập, mang cái mới vào thì phải cố gắng sử dụng cho chính xác và dễ hiểu. Ngôn ngữ là để trao đổi ý tưởng với nhau. Trong tiếng Đức mỗi khi có các trận thư hùng chung kết trong thể thao như đá banh mà Đức hiện diện, còn có vụ "public viewing" nữa. Người ta muốn nói như là "buổi phát hình nơi công cộng", trong Đức ngữ có hẳn một khái niệm là "öffentliche Austragung". Tuy nhiên không biết từ khi nào có một nhóm ký giả hoặc chính trị gia sính ngoại, chôm chữ "public viewing". Trong khi khái niệm này trong tiếng Anh sử dụng cho việc thân nhân mở nắp quan tài cho người viếng thăm nhìn mặt người chết lần cuối rồi mới liệm. Sai như vậy nhưng đa số người Đức có lẽ không thành thạo tiếng Anh nên cứ phang đại riết rồi thành thành ngữ cho các sự kiện mục kích nơi công cộng.
Chữ "handy" cũng vậy, thay vì dùng chữ smartphone mới chính xác thì đi tính-từ-hóa chữ "hand" thành cái smartphone, vô cùng quái dị :). Nhưng cả một xã hội hùa theo chấp nhận khiến người dùng dở khóc dở cười mỗi khi trao đổi với người ngoại quốc nói tiếng Anh, vì họ chẳng hiểu chữ "handy" là cái gì, còn mình thì vì quen sử dụng sai mất rồi.

Trong tinh thần đó, 5 hay chỉ trích cách sử dụng từ ngữ bất cẩn trong báo chí và truyền thông Việt Nam (trong nước lẫn hải ngoại). Ở một số báo chí mạng truyền thông hải ngoại thì hay hùa theo xài chữ trong nước vì hai lẽ. Thứ nhất là họ đặt trọng tâm vào độc giả, thính giả trong nước vì một mục đích nào đó (số lượng người đọc, người nghe nhiều hơn). Thứ hai, các biên tập viên là người từng có thời gian sống và được đào tạo hoặc trình độ văn hóa trong nước) nên dùng ngôn ngữ phổ biến trong nước nhiều hơn.

Gần tới mùa bầu cử bên Mỹ, mấy hôm nay lại thấy các "ứng viên" đầy trên các tờ báo. Chữ "cử" nằm giữa họ cho đi theo ông theo bà mất rồi.

Platinum
06-08-2023, 10:36 PM
Họ dịch rồi dùng sai ngữ cảnh, hoặc đúng ngữ cảnh nhưng quá đà đó chứ không phải chế ra đâu Platinum.

Nếu là Platinum, Platinum sẽ dịch câu này sang tiếng Việt sao cho đúng với chủ ý của người viết:



Thật ra khi người ta dùng physical attack, physical impact là người ta không muốn (luật pháp) hoặc không thể xác định hành động rõ ràng. Nhưng khi dịch sang tiếng Việt, báo chí Việt Nam sử dụng thành ngữ này một cách bừa bãi:

https://i.imgur.com/iS7eYpV.jpg

Trong ví dụ trên, "tác động vật lý thẳng mặt" - nghĩa là đã chính thức xác định phạm vi và hành động là đánh, đấm, tát, vả vào mặt rồi. Nếu đã vậy thì phải sử dụng luôn động từ chỉ hành động rõ ràng chứ không nên dùng "tác động vật lý" nữa.

Mới đây, anh hoàng tử bé viết sách về anh hoàng tử lớn, nói rằng anh lớn knocked out anh bé (https://www.theguardian.com/books/2023/jan/04/prince-harry-william-physical-attack-2019-meghan-spare-book) (hạ đo ván), khi nói với báo chí truyền thông thì anh nói là bị anh lớn "physical attacked". Khi đọc như vậy, người đọc không biết là anh lớn quật ngã, xô ngã, đạp ngã, đánh gục hay làm gì với anh bé, nhưng điều anh bé muốn nói là có sự xô xác, va chạm cơ thể. Cái cách sử dụng là như vậy. Các anh ký giả Việt Nam thì sử dụng chữ hơi trật bàn đạp chút nên gây khó hiểu và khôi hài.

Còn chữ "tự sướng" mình nghĩ ban đầu, có lẽ là khôi hài thôi, là tiếng lóng, xong nói riết hết thành tiếng lóng luôn. Thô tục thiệt. :)


"Sự tác hại của việc bạo hành trong gia đình, về thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em là một lĩnh vực (hay vấn đề) cần quan tâm."

Cái này là dịch thoát ý nha A5, chứ cố dịch y chang thí văn không được xưôi.
Có thời gian P làm thông dịch cho trường học, mỗi lần dịch thông báo của trường gởi phụ huynh thì đều phài dịch thoát ý (không phải thoát y, hihi) chớ còn cố dich theo từng câu thì dịch xong mình đọc cũng hỏng hiểu luôn.

Physical attack = Hành hung (Có thể nói chi tiết hơn như 'voi giày', 'chồng đánh / đấm/ dùng cây đấnh vợ etc)
Verbal abuse = Chửi bới, nhục mạ, mạ lỵ, mạt sát
Attack = Tấn công

Tác nghiêp = Công tác nghiệp vu = hành nghề

Triển
06-09-2023, 12:08 AM
"Sự tác hại của việc bạo hành trong gia đình, về thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em là một lĩnh vực (hay vấn đề) cần quan tâm."

Cái này là dịch thoát ý nha A5, chứ cố dịch y chang thí văn không được xưôi.


Bravo! Platinum dịch rất hay và sát nghĩa :z67:. Theo 5 thì sẽ bỏ bớt chữ "sự" đầu câu của Platinum.

Hay là hay ở chỗ dùng chữ "thể chất". Chữ "physical" không phải cứ phải lúc nào cũng dịch là vật lý (tính). Dịch như vậy là không linh động, nghe khô khan và không đúng chỗ. Physical dịch là thể chất, thể trạng (ở nghĩa tính từ), và đối với physical là psychological; nghĩa là tâm lý, tinh thần (ở dạng tính từ).

Câu trên thì 5 dịch như vầy, thật ra cũng không có khác gì câu của Platinum:

"Tác động lên tâm lý và ảnh hưởng đến thể chất của trẻ con do bạo lực trong gia đình, là một lĩnh vực khác khiến người ta quan tâm."

tà áo xanh
06-09-2023, 07:59 AM
Mình thấy "chiều kích" vẫn không hay. :) Vì nó không cho người nghe, người đọc ngay một kiến thức có sẵn để thông hiểu việc muốn diễn tả. Ví dụ như Cultural dimension sao không dịch là trong lĩnh vực văn hóa, trong phạm vi văn hóa?





Cũng có thể do "chiều kích" ít được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày, ít khi nghe, nên không phải là từ phổ thông chăng.

Thực sự có nhiều từ trong kho tàng tiếng Việt phải gặp nhiều, gặp trong những ngữ cảnh khác nhau mới hiểu được nghĩa và biết cách áp dụng. Chứ cho đứng riêng, lần đầu thấy thì cũng chịu, không làm sao mà hiểu được ý nghĩa là chi. Như những từ này - phòng vi, thớ lợ, xà xẻo, dư địa, chiết trung v.v... và vô số từ khác.

Cultural dimensions (số nhiều, sorry nhé), ý là "Các chiều kích văn hóa" đó a5. Nếu dịch là "Các lĩnh vực văn hóa", hay "Các phương diện văn hóa", hay "Các khía cạnh văn hóa" v.v... cũng ổn, nhưng có lẽ cách dịch "Các chiều kích" như một kiểu không gian hóa, để nhấn mạnh đến sự liên kết cấu trúc giữa các chiều/bậc trong không gian, phản ảnh mức độ phức tạp, rắc rối của vấn đề.

Vừa rồi quên nhắc đến phần "kích áo", là đường may thẳng nối thân áo trước với thân áo sau. Đường nối này cũng được gọi là "kích". Hình dung, thân áo trước và sau là "chiều", đường nối là "kích".

Ứng cử viên mà thiếu chữ "cử" thì nghĩa khác quá trời, đồng ý.

Hiểu ý a5 và đồng ý chọn lọc và sử dụng ngôn ngữ.

Khen thật, a5 với Ốc hành văn trong sáng, từ ngữ, cú pháp đâu ra đấy, đẹp. Nhiêu thôi, kẻo fan cứng òn ỉ dành khen hết của fan.

@Plat, dịch hay.

Chúc vui đến mọi người. Long weekend rồi, pạc-ti tới rồi. Đi nha.

008
06-16-2023, 11:44 PM
Thùy Linh,
Chữ "động thái" bây giờ xuất hiện nhan nhản bên VN, nghĩa là động cỡn thái quá mà thôi ...
Ở đây có một…. "động thái cực cỡn lắm luôn":
Woman Jailed After Dropping Towel in Parking Lot and Exposing Herself in Front of 2 Kids (https://insidelake.com/2023/06/15/woman-jailed-after-dropping-towel-in-parking-lot-and-exposing-herself-in-front-of-2-kids/)

008
06-16-2023, 11:47 PM
...
Có chữ này cũng quen lâu rồi, không biết ai còn nhớ không, là chữ "kinh niên". Bây giờ thành "mãn tính". Chưa hết, có khi lại có dạng biến đổi một chút là "mạn tính". Vừa thay đổi vừa bất nhất, loạn cào cào.
Có chứ, tôi vẫn dùng "kinh niên" để nói "chronic". "Mạn tính" thì đúng nghĩa là "chronic" nhưng rất ít dùng khi xưa, còn "mãn tính" là do người ta nhầm lẫn rồi để lâu "poo trâu thành bùn" luôn! Cũng như "mãi" với "mại" bị dùng ngược nhau tùm lum!

008
06-16-2023, 11:52 PM
...
Thêm một tình trạng nữa là họ dùng chữ không thích hợp, nghĩa là dùng chữ bình dân trong bối cảnh cần trang trọng, và trịnh trọng thái quá khi đáng lẽ chỉ cần dùng chữ bình thường. Thí dụ như "tham quan". Đi đâu chơi cũng tham quan. Có thể ví như có người bạn rủ đi uống cà phê, ăn phở, tán dóc với nhau thì diện đồ lớn, complete, cravate. Ngược lại khi đi dự đám cưới, đám giỗ thì mặc áo thun, xà lõn.

Còn một cái lạ cũng phổ biến là tính từ được ngồi chễm chệ ngay đầu câu, đại loại như câu: "Độc đáo đặc sản dân dã của miền Tây: đuông chiên giòn", "Kinh hoàng sự cố vợ bị chồng tác động vật lý và phi vật thể"...

Nói về mấy cái kỳ cục trong chữ nghĩa tiếng Việt "hại điện' thì mấy tháng cũng không hết.

Đọc xong tôi sực nhớ đến nồi thịt và nồi canh nên phải "tranh thủ" chạy vô bếp để "xử lý" nồi thịt đang bốc mùi khét lẹt và còn "khắc phục" nồi canh nữa!

Đó là vì bây giờ họ dùng tiếng Tàu bạch thoại… "hại điện" chứ không phải tiếng Việt nữa, chỉ khác ở chỗ là phát âm ra tiếng Việt mà thôi. Với cái đà này chắc đến một ngày bị đồng hóa về ngôn ngữ luôn! Tui còn nhớ lời ông thầy Việt Văn thời trung học có giải thích và đưa ra vài thí dụ về “bạch thoại” (vernacular/colloquial Chinese) ngày nay mà ta vẫn đọc trong truyện chưởng của “Kim Dung” hay truyện của “Quỳnh Dao”, khác với “văn ngôn” (classical/literary Chinese) mà ta gọi là Hán Việt. Tiếng Hán Việt của ta được dùng trong những trường hợp “quan trọng”, “văn chương bác học” (tiếng chính thức, theo nghi thức),… thường được dùng để diễn tả các ý niệm trừu tượng và dùng theo ý ta, có khi mang cùng ý cùng nghĩa gốc nhưng nhiều khi lại biến đổi thành khác nghĩa gốc hoặc khác ý với tiếng Hán cổ.

Vì thế mà "tràng giang đại hải" không đồng nghĩa với "biển rộng sông dài" trong tiếng Việt. "Nhà trắng" không đồng nghĩa với "Tòa Bạch Ốc" hay "Bạch Cung". "Tên lửa" không đồng nghĩa với "hỏa tiễn". "Lầu năm góc" không đồng nghĩa với "Ngũ Giác Đài". "Tràng giang đại hải" trong tiếng Việt có ý xấu, ý chê là "dông dài, dài thườn thượt, lôi thôi, luộm thuộm" còn "biển rộng sông dài" có ý tốt, ý khen là "to lớn, vĩ đại, bao la, mênh mông,…". Chính nhờ dùng khác tiếng Tàu như vậy nên tiếng ta mới phong phú hơn. "Nhà trắng" có cả vạn, cứ sơn màu trắng thì là nhà trắng, nhưng "Tòa Bạch Ốc" thì chỉ có một (Dinh Tổng Thống Hoa Kỳ). "Tên lửa" là mũi tên có quấn bùi nhùi tẩm dầu đốt lửa để bắn đi còn "hỏa tiễn" là… "rocket". "Lầu năm góc" có thể là cái chòi dựng thành hình… năm cạnh năm góc, nhưng "Ngũ Giác Đài" thì chỉ có một (Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ).

Tóm lại,
"Bây giờ dường như trong nước viết tiếng Việt bằng tiếng Anh dịch qua tiếng Việt chứ không phải bằng tiếng mẹ đẻ hay học từ thầy cô Việt Nam ngay từ Mẫu Giáo. Không phải cứ tốt nghiệp đại học là giỏi tiếng Việt. Muốn giỏi tiếng Việt phải "thiên kinh vạn quyển", phải học suốt đời và hết sức cẩn thận chứ không phải chuyện chơi." (Đào Văn Bình) https://thuvienhoasen.org/a33131/tieng-viet-kinh-hoang-o-trong-nuoc-dao-van-binh

008
06-16-2023, 11:58 PM
:)
...
Mình đơn cử vài thí dụ ghép vô tội vạ như chữ Hán-Việt "tặc" = cướp .
Các phóng viên viết bài đưa tin sẽ viết ...đinh tặc, tôm tặc, vàng tặc...để ám chỉ người rải đinh ngoài đường cho xe bị lủng bánh, người trộm tôm, trộm vàng ...
...

Ngoài "tặc" ra nó còn "thủ" nữa! Có lần tui nghe người ta nói "cơ thủ" còn tưởng là nó nói… lái mới chít chớ, nhưng nghĩ hoài mà vẫn không thấy cái chuyện... "hô hấp" đó có ăn nhậu (à quên, "ăn nhập") như thế nào đến câu chuyện đang nói hết. Sau này đọc thấy "cơ thủ" trên web mới lòi ra là nó muốn nói "tay… cơ", tức là người cầm cơ oánh bi da (tiếng Anh gọi là "cue stick" còn tiếng Tây gọi là "queue de billard" mà tiếng Việt ta mượn tiếng Tây… đui gọi là "cây cơ". Bây giờ những "tay chơi" bi da xách cây cơ đi tranh giải là biến thành "cơ thủ". Nhưng… "át tăng xương"! "Cơ thủ" là "tay chơi bi da" nhưng "cơ trưởng" với "cơ phó" lại không phải là đội trưởng hay phó đội trưởng của đội "cơ thủ" nha, mà lại là…. "airline captain" (phi công chính) và "first officer" (phi công phụ) mới là "té... piss" luôn!

Triển
06-17-2023, 01:56 AM
Có chữ này cũng quen lâu rồi, không biết ai còn nhớ không, là chữ "kinh niên". Bây giờ thành "mãn tính". Chưa hết, có khi lại có dạng biến đổi một chút là "mạn tính". Vừa thay đổi vừa bất nhất, loạn cào cào.



https://www.youtube.com/watch?v=pQb4vdS49jg


caractére chronique d'une maladie: tính cách kéo dài, chậm chạp của một căn bịnh
de longues années: kinh niên, là năm dài.

Triển
06-17-2023, 02:04 AM
- Tiệm tiện lợi (do chữ convenience store). Mấy đứa trẻ giờ đâu có biết chữ tiệm chạp phô. Ngay cả một số người lớn tuổi nhưng vì ở lại VN lâu ngày họ bị "tẩy não" thì cũng quên mất.



"chạp phô" cũng như chữ "xẩm". Tiếng tàu được người Việt mang đi Việt hóa. Chữ "tạp hóa" chính thức là chữ Hán-Việt.

Tiệm tạp-hóa, tiệm chạp-phô trước 75 đều có dùng. Chữ "cửa hàng tiện lợi" là có một nhóm người dịch từ phim tàu ra, Hương Cảng cũng xài tên y hệt vì là thuộc địa của Anh. Dân Bắc Cờ hiện tại ngoài Bắc và toàn cõi Việt Nam dùng chữ "cửa hàng bách hóa".


https://www.youtube.com/watch?v=HHLc6j-Tqmg

Thùy Linh
06-17-2023, 06:32 PM
Ngoài "tặc" ra nó còn "thủ" nữa! Có lần tui nghe người ta nói "cơ thủ" còn tưởng là nó nói… lái mới chít chớ, nhưng nghĩ hoài mà vẫn không thấy cái chuyện... "hô hấp" đó có ăn nhậu (à quên, "ăn nhập") như thế nào đến câu chuyện đang nói hết. Sau này đọc thấy "cơ thủ" trên web mới lòi ra là nó muốn nói "tay… cơ", tức là người cầm cơ oánh bi da (tiếng Anh gọi là "cue stick" còn tiếng Tây gọi là "queue de billard" mà tiếng Việt ta mượn tiếng Tây… đui gọi là "cây cơ". Bây giờ những "tay chơi" bi da xách cây cơ đi tranh giải là biến thành "cơ thủ". Nhưng… "át tăng xương"! "Cơ thủ" là "tay chơi bi da" nhưng "cơ trưởng" với "cơ phó" lại không phải là đội trưởng hay phó đội trưởng của đội "cơ thủ" nha, mà lại là…. "airline captain" (phi công chính) và "first officer" (phi công phụ) mới là "té... piss" luôn!

Chào Bát Sư phụ, mí hum ni đệ tử ...pó tay suốt với chuyện cà na xí muội !

"Cơ thủ" mới nghe hông hiểu là nói gì luôn .

Những từ ngữ Hán Việt xé, ghép, chế khó hiểu bên Việt Nam đang xài ...
Người ta hay dùng để nói quần áo mà đệ tử hông chắc là :
phục trang , đúng ra nên là trang phục ?

Hay dùng chữ "siêu" siêu xe, siêu sao ( nghệ sĩ có tiếng), siêu mẫu, có dùng siêu trọng cho bom lớn nữa .

Thấy kỳ ở chỗ package thì kêu "gói", trong khi gói xôi, gói bắp, gói đậu phộng, ...
holiday package = gói du lịch
gói cứu trợ, gói giải cứu, gói kích thích ...kinh tế, cái gì cũng kêu "gói" ?

Chào chị Nú, Ngũ gia chủ, thầy Ốc, Hư Tâm công tử lại đi đâu rồi ta ? cuối tuần an vui, yên bình :)

hư tâm
06-18-2023, 01:59 PM
"chạp phô" cũng như chữ "xẩm". Tiếng tàu được người Việt mang đi Việt hóa. Chữ "tạp hóa" chính thức là chữ Hán-Việt.

Tiệm tạp-hóa, tiệm chạp-phô trước 75 đều có dùng. Chữ "cửa hàng tiện lợi" là có một nhóm người dịch từ phim tàu ra, Hương Cảng cũng xài tên y hệt vì là thuộc địa của Anh. Dân Bắc Cờ hiện tại ngoài Bắc và toàn cõi Việt Nam dùng chữ "cửa hàng bách hóa".


https://www.youtube.com/watch?v=HHLc6j-Tqmg




Vâng, anh nói đúng, viết xong post trên thì ht cũng sực nhớ chữ "tiệm tạp hóa" nhưng lười edit lại. Còn chữ "tiệm tiện lợi" thì bây giờ họ thay cho "tiệm tạp hóa"/"chạp phô", xuất hiện nhan nhản khắp nơi ngoài đời. Còn "cửa hàng bách hóa"/ "cửa hàng tổng hợp" lại là khác nữa, nó tương đương department store.

----------------------------------------------

Chào Thùy Linh,
ht cũng chạy ra chạy vô mà không viết gì nữa vì phần cũng thấy không còn hứng nói về chữ nghĩa nữa. Thùy Linh đề cập chữ "gói" cũng là một trong nhiều chữ do họ dịch sát máy móc từ Ăng-lê. Cũng như chữ "kênh" và còn nhiều nữa.