PDA

View Full Version : Giải đáp y khoa



frankie
07-19-2023, 09:58 AM
BỆNH ĐỨT MẠCH MÁU ĐẦU (STROKE)


HỎI:

Tôi có người nhà bị bệnh đứt mạch máu đầu, gần đây phải đưa vào nhà thương để chữa trị. Hiện đã đỡ nhiều nhưng hiện bị liệt nửa người và nói năng rất khó khăn, xin bác sĩ cho biết nguyên nhân nào bị bệnh đứt mạch máu đầu và hy vọng hồi phục được khoảng bao nhiêu? có cách nào để ngừa được bệnh này không? Cũng xin bác sĩ cho biết có triệu chứng nào báo trước là sắp bị đứt mạch máu đầu không? Và phải làm những gì khi nghi là có thể bị bệnh này?

Nguyễn Văn H.


ĐÁP:

Đứt mạch máu đầu là một trong những nguyên nhân chính gây ra chết hoặc bị liệt ở người lớn tuổi tuy một số người tuổi còn trẻ cũng có thể bị bệnh này. Đây là một bệnh nguy hiểm, nên hiểu biết về bệnh này, đặc biệt là biết những dấu hiệu báo trước việc đứt mạch máu đầu sắp sửa xảy ra là điều cần thiết cho những người lớn tuổi để có thể ngăn chận kịp thời và làm giảm thiểu những hậu quả tai hại của nó.

Thực sự dùng chữ đứt mạch máu đầu không đúng hẳn, phải nói là bệnh tổn thương mạch máu não vì đứt mạch máu chỉ là một trong những cơ chế của bệnh tổn thương mạch máu não, ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác nữa.

Bệnh này gây ra chết chỉ đứng hàng thứ ba sau bệnh tim và bệnh ung thư. Cứ 100,000 người sẽ có 794 người bị bệnh mạch máu não. Mỗi năm có khoảng 400,000 người phải vào bệnh viện vì bệnh này, tính ra 5% người già trên 65 tuổi sẽ bị bệnh mạch máu não. Vì thế bệnh này là một bệnh rất quan trọng, đặc biệt cho người lớn tuổi, và vấn đề phòng ngừa là điều chính.

Sau đây chúng ta sẽ xem về các loại của bệnh mạch máu não, các triệu chứng và cách ngừa bệnh này. Các bệnh của mạch máu não có thể chia làm bốn loại chính:

1. - Nghẹt mạch máu não do cứng thành động mạch gây nên.

2. - Cục máu chạy làm tắc mạch máu não, cục máu có thể từ một động mạch não bị lở loét và làm đông máu hoặc có thể chạy từ tim lên.

3. - Xuất huyết trong não do áp huyết cao gây ra.

4. - Mạch máu não bị phình và bị bể làm chảy máu dưới màng não gọi là màng nhện.

Các tổn thương của mạch máu não có thể xảy đến một cách từ từ với triệu chứng báo trước hoặc có thể xảy ra một cách đột ngột, bất ngờ và không có gì báo trước cả.

Điều này tùy thuộc vào loại nào trong các loại kể trên; như nếu bị nghẹt mạch máu não, các triệu chứng có thể báo trước đôi khi nhiều ngày hoặc cả một thời gian thật lâu trước khi bị stroke hẳn; trường hợp bị cục máu chạy làm tắc mạch máu não hay bị xuất huyết trong não do áp huyết cao hay do mạch máu bị phình gọi là aneurysm và bị bể, stroke xảy ra đột ngột, bất ngờ.

Trước hết, điều nên biết là có thể có những triệu chứng nào báo trước. Những triệu chứng này thường xảy ra ngắn, trong vòng vài phút đến một giờ, và thường biến đi không để lại dấu vết nào rồi trở lại sau đó, nhiều khi vài ngày hay cả tháng sau hoặc có thể nhiều như năm hoặc mười lần trong một ngày.

Những triệu chứng thường thấy là tự nhiên thấy yếu hẳn đi một bàn tay hay một cánh tay trong vài phút rồi trả lại bình thường, hoặc thấy liệt đi một nửa bên người trong chốc lát rồi lại cử động được. Nhiều người có triệu chứng nói không được hay nói năng rất khó khăn trong vài phút đồng hồ.

Một triệu chứng cũng thường hay xảy ra là tự nhiên mắt không còn thấy gì hoặc bị mất hẳn thị giác một nửa bên hoặc ở giữa thấy đen ngòm, trong vòng vài phút đồng hồ rồi lại thấy được như thường. Một số các triệu chứng khác có thể xảy ra là thấy chóng mặt, quay cuồng, đi đứng không vững, mắt nhìn một thành hai, nói năng ngọng nghịu chỉ trong chóc lát rồi trở lại bình thường.

Những triệu chứng này ngắn hạn, gọi là transient ischemic attacks, viết tắt là TIA, không để lại dấu vét gì, nhiều người có những triệu chứng này một thời gian khá lâu nhưng thường đây là những dẫn dắt đưa đến stroke trong tương lai, vì thế nhận biết những triệu chứng này và tầm quan trọng của nó để đi khám nghiệm ngay có thể tránh được những hậu quả tai hại của bệnh stroke gây ra.

Những người nào dễ bị bệnh đứt mạch máu đầu? Như đã nói trên, bệnh này hay xảy ra ở người lớn tuổi nhưng không nhất thiết phải như vậy. Bệnh cứng thành mạch máu (atherosclerosis) là nguyên nhân chính gây ra đứt mạch máu đầu cũng như bệnh nghẹt động mạch tim, và liên quan đến bệnh cholesterol cao. Bệnh áp huyết cao cũng là một nguyên nhân chính gây ra đứt mạch máu đầu hay xuất huyết trong não, vì thế đi khám nghiệm để biết áp huyết mình có cao hay không và nếu cao phải chữa trị cẩn thận là điều chính yếu.

Hiện tại ở Hoa Kỳ, mức độ người bị stroke tương đối đã giảm khá nhiều cũng nhờ người dân đã biết nhiều hơn về sự nguy hiểm của bệnh áp huyết cao và đi chữa trị cẩn thận. Người Việt Nam tỵ nạn hiện còn ơ hờ nhiều về bệnh áp huyết cao nên số người bị đứt mạch máu đầu vì không chữa trị áp huyết cao xảy ra khá nhiều và nhiều người còn trẻ cũng đã bị biến chứng tai hại này.

Ngoài hai bệnh chính kể trên, các bệnh về nhịp tim đập không đều, loại atrial fibrillation, bệnh nghẹt van tim hay nghẹt động mạch tim hay nhiễm trùng tim cũng dễ làm đọng thành cục máu ở trong tim và làm chạy lên não bộ gây ra tổn thương mạch máu não bộ và gây ra stroke.

Hút thuốc lá nhiều gây ra nhiều chứng bệnh khác nhau và là một trong những yếu tố để đưa đến stroke. Vì thế muốn tránh bệnh này phải giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy hiểm và ngưng hút thuốc là điều cần thiết.

Đứt mạch máu đầu hay stroke có thể xảy ra theo nhiều cách. Nếu bị nặng như xuất huyết nhiều trong não bộ hay bị hư hỏng vùng não bộ quan trọng và cần thiết cho sự sống còn như trung tâm điều khiển sự hô hấp, người bệnh có thể chết ngay trong vòng vài phút hay nửa tiếng đồng hồ. Phần lớn các trường hợp diễn biến xảy ra từ từ hơn và nặng hay nhẹ sẽ tùy thuộc vào mạch máu não nào bị ảnh hưởng.

Trong não có ba mạch máu chính: mạch máu não giữa, mạch máu não trước và mạch máu não sau. Nếu bị nghẹt hay bị cục máu tắc ở mạch máu não giữa, sẽ bị liệt và tê mất cảm giác nửa người ở phia bên đối diện của bên mạch máu bị nghẹt. Có nghĩa là bị nghẹt mạch máu bên trái sẽ bị liệt nửa người bên phải và ngược lại.

Đồng thời trung tâm điều khiển nói hay phát âm bị thương tổn sẽ làm cho nói không được hay nói ngọng nghịu khó khăn. Tùy theo vùng nào của trung tâm điều khiến tiếng nói bị ảnh hưởng, có rất nhiều triệu chứng khác nhau như nghe hiểu mà muốn nói nói không được, nghe cũng không hiểu mà nói cũng không được, nhìn sách hiểu nhưng đọc ra không được, hoặc đọc không hiểu gì cả, hoặc viết ra không được . . .

Mỗi người có nửa bán cầu não mạnh hơn bên kia, thường người thuận tay phải có bán cầu não bên trái mạnh hơn, người thuận tay trái có bán cầu não phải mạnh hơn; nếu bị nghẹt mạch máu não giữa của bán cầu não chính yếu sẽ bị liệt nửa người của phía bên kia nặng hơn nhiều và trung tâm điều khiển nói năng ở phia bán cầu não chính nên cũng sẽ bị nói không được.

Ngược lại, nghẹt mạch máu não giữa của bán cầu não phụ sẽ bị nhẹ hơn và thường vẫn nói được. Nghẹt mạch máu não trước tương đói bị ít hơn làm đi đứng khó khăn tuy không đến nỗi bị liệt hẳn, làm đi tiều không kiêm soát được, ảnh hưởng đến trỉ thông minh v…v... Nghẹt mạch máu não sau cũng gây bị liệt, ngoài ra trên mặt cũng bị làm mắt sụp, nuốt không được, nửa mặt mất cảm giác, bị chóng mặt, ói mửa v.v..

Như vậy khi người bệnh bị những triệu chứng kể trên có thể định bệnh là bị bệnh của mạch máu đầu hay stroke và cần phải đưa vào bệnh viện để điều trị. Việc định bệnh chính xác và phân loại ra bị xuất huyết trong não hay bị nghẹt và làm chết phần nào của não bộ phải dựa vào cách chụp hình CAT scan hay phương pháp gọi là MRI (magnetic resonance imaging). Nếu nghi bị bể mạch máu bị phình gọi là aneurysm làm xuất huyết dưới màng não gọi là màng nhện, có thể phải lấy nước tủy xương sống sau khi đã chụp hình CAT scan xong.

Việc chữa trị stroke cũng tùy thuộc vào loại nào. Loại thường thấy nhất là nghẹt động mạch não do cục máu làm nghẹt và làm chết dần vùng não bộ do động mạch này truyền máu đến, gọi là ischemic stroke. Hiện nay cách chữa có hiệu quả nhất là dùng loại thuốc làm tan cục máu gọi là recombinant tisue plasminogen activator, viết tắt là TPA, dưới tên thương mại là Alteplase. Thuốc này truyền thẳng vào tĩnh mạch và rất có hiệu quả, nếu được chữa sớm sủa trong vòng 3 tiếng kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Nếu để chậm đến nhà thương từ 3 đến 4 tiếng rưỡi, hiệu quả sẽ ít hơn. Quá thời gian này, sẽ không có hiệu quả nữa.

Vì thế khi bắt đầu có triệu chứng nghi là bị stroke, người bệnh hay thân nhân phải lập tức gọi xe cứu thương để đến nhà thương ngay để tranh thủ làm thế nào được truyền thuốc Alteplase trông vòng 3 tiếng, sẽ hy vọng được sống sót hay không bị những hậu chứng bị liệt, nói không được. v.v..

Nhà thương cũng phải là nhà thương lớn được chỉ định để chữa stroke, gọi là primary stroke center, có đủ máy chụp CT, MRI và có thuốc Alteplase sẵn (rất mắc tiền) cũng như bác sĩ quen chữa stroke và biết dùng thuốc Alteplase. Ở mức cao hơn là nhà thương được chỉ định gọi là Comprehensive stroke center, thường ở các trung tâm y khoa lớn nhất, thuộc đại học, có dầy đủ các máy móc, bác sĩ chuyên môn nhất về stroke, có thể làm giải phẫu gọi là thombectomy.

Điều quan trọng là không nên đến nhà thương nhỏ, sẽ phải chờ đợi để được chuyển đến nhà thương lớn hơn của stroke center. Khi đến nơi thì đã quá trễ, không dùng thuòc Alteplase được nữa, mất đi cơ hội để được chữa khỏi hay để lại rất ít dư chứng tê liệt. Vì thế khi nghi là bị stroke, phải gọi ambulance và nói rõ ràng yêu cầu được đưa đến nhà thương lớn stroke center để chữa trị.

Sau khi đã chữa trị bằng thuốc Alteplase, sẽ phải dùng thuốc ngừa bị đông máu lại, gọi là antiplatelet drugs, chống tiểu cầu, như Aspirin hay Clopidogrel. Cũng như phải chữa áp huyết cao, dùng thuốc statins để hạ cholesterol xuống tối đa và dùng physical therapy để tập nếu còn bị yếu tay, yếu chân...

Một số bệnh nhân bị nghẹt quá nhiều ở động mạch cổ dễ làm thành những cục máu chạy lên làm tắc mạch máu não có thể phải mổ để thông mạch máu ở cổ gọi là carotid endarterectomy. Thường phải chụp hình hệ thống mạch máu não gọi là cerebral angiography để biết đích xác chỗ nào bị nghẹt và nghẹt nhiều bao nhiêu truớc khi mổ. Chụp hình bằng phương pháp này cũng có nhiều nguy hiểm và mổ để thông động mạch cổ cũng có thể gây mức độ tử vong thay đổi từ 1 đến 20% tùy bác sĩ và nhà thương có kinh nghiệm nhiều hay không.

Điều này cho thấy sự quan trọng trong việc nên đến một trung tâm y khoa lớn, được chỉ định là stroke center, kinh nghiệm nhiều về việc chữa bệnh đứt mạch máu đầu hay stroke để có thế có nhiều hy vọng nhất trong việc chữa trị.

Điều thiết yếu nhất trong việc chữa trị và phòng ngừa là nhận biết các triệu chứng báo trước transient ischemic attacks hay TIA như đã nói ở phần trên. Khi bị các triệu chứng liệt một phần tay chân rồi trở lại bình thường ngay hay nói ngọng nghịu một vài phút ngắn v.v. . . phải đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Các thử nghiệm đầu tiên thường được làm là thử nghiệm siêu âm ở mạch máu cổ và đo độ nghẹt bằng phương pháp gọi là Doppler, nếu bị nghẹt nhiều có thể cần chụp hình angiography như đã nói ở trên và mổ endarterectomy nếu cần. Trong trường hợp không mổ được, thường sẽ phải uống Aspirin để ngừa bị stroke.

Tóm lại, đứt mạch máu đầu là một bệnh nguy hiểm, rất nhiều trường hợp có triệu chứng báo trước, nên nhận biết các triệu chứng này là điều rất quan trọng đề phòng ngừa và chữa trị kịp thời.

Một khi stroke đã xảy ra, cần phải vào nhà thương lớn được chỉ định là stroke center ngay trước 3 tiếng đồng hồ khi mới bắt đầu có triệu chứng để được chữa ngay bằng thuớc Alteplase để có hy vọng sống sót hay ít bị dư chứng tê liệt sau này.

Những điều có thể làm được để ngừa bệnh nguy hiểm này là chữa trị áp huyết cao nếu có bệnh này, uống thuốc statins để hạ Cholesterol, bỏ thuốc lá. Aspirin với lượng nhỏ cũng có thể dùng để ngừa nếu không bị phản ứng với Aspirin. Các phương pháp khác không có hiệu quả gì và ngoài các cách ngăn ngừa như đã nói ở trên, điều cốt yếu vẫn là sự nhận biết các triệu chứng báo trước của bệnh này.

frankie
07-19-2023, 11:53 AM
Bệnh ho kinh niên


HỎI:

Hàng năm vào mùa đông tôi hay bị ho kéo dài cả hai ba tháng. Uống thuốc ho mua ngoài chợ không ăn nhằm gì.Uống trụ sinh cũng không công hiệu. Đêm thường bị mất ngủ vì ho sặc sụa, đàm thường kéo lên chận cổ. Mỗi khi thằng con trong nhà hút thuốc lá tôi lại bị ho nặng thêm nên tôi cấm không cho nó hút thuốc. Nhưng chỉ ngửi mùi thuốc lá từ quần áo nó tôi cũng bị nổi cơn ho! Ngay cả mùi nước hoa vợ tôi sức nhiều quá cũng làm tôi bị ho!Xin bác sĩ cho biết bệnh ho dai dẳng của tôi do đâu gây ra? Có cách gì chữa tuyệt nọc bệnh ho này không? Tôi năm nay 67 tuổi, có bị bệnh áp huyết cao và bệnh bao tử kinh niên phải uống thuốc mỗi ngày.

Trương Văn T.


ĐÁP:

Ho là triệu chứng thông thường nhất của bệnh đường hô hấp. Ho cấp tính hay nhất thời thường chỉ kéo dài từ vài ngày đến ba tuần, hay do các bệnh nhiễm cực vi trùng cảm,cúm. Nếu hơn ba tuần, ho trở thành kinh niên và phải tìm nguyên nhân gây ra cơn ho kéo dài để chữa trị.

Ba nguyên nhân chính gây ra ho kinh niên là bệnh ho do chảy nước từ mũi hay khoang mũi xuống gọi là post nasal drip syndrome, bệnh suyễn chỉ gây ra ho gọi là cough-variant asthma và bệnh cuống bao tử làm nước chua chảy ngược gọi là gastro-esophageal reflux.Bị một trong ba thứ bệnh trên cũng đủ để làm ho kinh niên nhưng nhiều ngưòi bệnh có thể bị hai hay ba nguyên nhân trên cùng đi kèm và càng làm ho nhiều hơn hay khó chữa hơn!

Trước hết về bệnh chảy nước từ mũi hay khoang mũi làm ho, post nasal drip syndrome. Bệnh này xảy ra ở những người nhạy cảm dễ bị phản xạ ho khi nước mũi chảy xuống cổ họng làm kích thích những trung khu tiếp nhận của phản xạ ho (cough receptors).Thông thường nhất là những người bị dị ứng mũi kinh niên, nước nhờn từ mũi hay khoang mũi chảy xuống liên tục gây kích thích và làm ho. Ngoài ra nếu bị nhiễm trùng khoang mũi cũng hay bị hợp chứng postnasal drip này.

Người bệnh lúc nào cũng có cảm giác nước nhờn từ trên chảy xuống làm phải tằng hắng hay hắng giọng thường xuyên.Nếu soi đèn nhìn cổ họng, có thể thấy màng nhày của cổ họng dày lên lởm chởm như đá trải mặt đường. Ngoài triệu chứng ho kinh niên, thường có thêm những triệu chứng của dị ứng mũi hay nhiễm trùng khoang mũi, mũi bị nghẹt, chảy nước...

Cách chữa là dùng thuốc antihistamines đi kèm với thuốc decongestants để làm khô và làm teo màng nhày lại. Tuy nhiên nếu bị nhiễm trùng khoang mũi sẽ phải dùng trụ sinh khoảng vài tuần để chữa cho hết vi trùng gây ra nhiễm trùng. Hoặc nếu bị dị ứng sẽ phải chữa chuyên môn về dị ứng bằng cách chích thuốc immunotherapy để chữa bệnh.

Nguyên nhân thứ hai làm ho kinh niên là suyễn. Một số người bị suyễn lúc giai đoạn đầu thường chỉ có triệu chứng ho kéo dài, không bị những triệu chứng nặng khác của bệnh suyễn nên không để ý đến và không được định bệnh chính xác là do suyễn gây ra.Lý do là lúc đi khám bệnh, chỉ có một triệu chứng duy nhất là ho kéo dài, ngoài ra nghe phổi không thấy dấu hiệu khò khè hay làm thử nghiệm khác cũng không thấy gì về suyễn.

Tuy nhiên nếu nghi là ho kinh niên do suyễn gây ra như trường hợp của câu hỏi đầubài: đêm ngủ thấy có kéo đàm,ngửi mùi thuốc lá hay mùi kích thích nhiều như nước hoa,deodorant, mùi thuốc xịt gián, xịt kiến...dễ làm ho tăng thêm;sẽ giúp cho chẩn đoán là bệnh ho kinh niên do suyễn.

Cách chữa cũng như chữa suyễn, dùng thuốc xịt để nở cuống phổi như albuterol hayloại steroid hít như Flovent.Môt thuốc mới hợp chung hailoại này là Advair rất có hiệuquả.

Trường hợp một số người dùng thuốc hít vào lại làm bị ho nhiều hơn có thể uống thuốc như loại albuterol viên hoặc thuốc uống Singulair sẽ có nhiều công hiệu để chữa bệnh ho kinh niên do suyễn này.

Nguyên nhân thứ ba hay làm ho kinh niên là bệnh nước chua chảy ngược, gastroesophageal reflux. Bệnh này do cơ vòng của thực quản yếu làm nước acid chảy ngược từ bao tử lên trên gây ra kích thích phản xạ của dây thần kinhvagus, kiểm soát hoạt độngcủa thực quản và đường hô hấp. Phản xạ này làm ho kinh niên.Tuy nhiên cũng đôi khi nước chua chạy tọt từ thực quản vào khí quản gọi là aspiration sẽ làm ho, nếu bị nhiều có thể làm sưng phổi.

Điều đặc biệt là 75% những bệnh nhân bị ho kinh niên do cơ chế này chỉ có một triệu chứng duy nhất là ho,ngoài ra không có triệu chứng nào khác về thực quản hay bao tử nên việc định bệnh dễ gây ra nhầm lẫn!

Chữa ho kinh niên do bệnh nước chua chảy ngược phải dùng những thuốc làm ngăn chặn tiết ra acid gọi là proton pump inhibitors như Prilosec, Prevacid, Nexium...Tuy nhiên phải dùng lượng thuốc cao, có thể phải là gấp đôi liều thuốc vẫn dùng để chữa viêm thực quản hay bệnh loét bao tử. Ngoài ra phải chữa kéo dài đôi khi đến 2-3 tháng mới thấy hiệu quả nhiều và chữa được loại ho kinh niên do nước chua chảy ngược này.

Ngoài ba nguyên nhân chính kể trên, một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là phản ứng phụ của thuốc áp huyết. Thuốc chữa áp huyết rất thông dụng và được dùng nhiều hiện nay là loại ACE inhibitors ngăn chặn phân hóa tố angiotensin converting enzyme làm hạ áp huyết như thuốc Vasotec hay enalapril,Zestril hay lisinopril,benazepril, monopril,Altace...Khoảng 20-25% bệnh nhân dùng thuốc này có thể bị phản ứng phụ là ho kinh niên.

Chứng ho có thể xảy ra sau vài ngày, vài tuần hay cả vài tháng sau khi uống thuốc áp huyết nên người bệnh không biết mình bị phản ứng thuốc,chỉ thấy uống đủ loại thuốc ho cũng không khỏi. Chỉ khi nào ngưng không uống thuốc áp huyết loại này nữa mới hết ho, trung bình cũng phải khoảng 3 tuần sau mới hết ho hẳn.

Thưòng những người bệnh này phải đổi sang loại thuốc áp huyết khác gọi là loại angiotensin receptor antagonist như Losartan hay Cozaar,Atacand, Benicar... để thay loại ACE inhibitors và giữ cho áp huyết thấp. Hay một loại thuốc áp huyết khác hẳn gọi là calcium channel blockers như Amlodipine...

Đối với người Việt Nam lớn tuổi, sinh trưởng tại quê hương, thường có phản ứng lao PPD dương nên nếu ho lâu, một trong những thử nghiệm phải làm sẽ là chụp hình phổi để xem có bị lao phổi hay không?

Ngoài ra những người hút thuốc lá cũng sẽ phải chụp hình để tìm ung thư phổi,nhất là nếu có những triệu chứng khác đi kèm như sụt ký,ho ra máu...

Tóm lại chứng ho kinh niên cần phải được khám nghiệm kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân và chữa trị cho đúng cách. Phần lớn trường hợp sẽ do các nguyên nhân tả ở phần trên, tuymột số người bệnh có thể bị chung hai hay ba thứ gây ra.Chữa trị sẽ tùy thuộc vào việc chẩn đoán các bệnh chính căn nguyên của ho kinh niên và tuỳ theo nguyên nhân nào để chữa. Một số trường hợp sẽ cần phải chữa khá lâu mới có thể dứt hẳn chứng ho dai dẳng và kinh niên này được.

frankie
07-19-2023, 12:32 PM
ĐAU CUỐNG BAO TỬ


HỎI:

Mỗi khi ăn thức ăn gì không hợp, tôi thường hay bị ợ chua liên hồi, bụng đầy và đôi khi ngâm ngẩm đau. Gần đây thấy ợ chua càng ngày càng nhiều.Xin cho biết có thế mắc bệnh gì và cách chữa trị ra sao?

Trần Văn T.

ĐÁP:

Những triệu chứng kể trên của ông là đau cuống bao tử vì chất acid của bao tử chạy ngược lên ống thực quản(gastro-oesophageal reflux).Chỗ cuống giữa bao tử và thực quản có một cơ vòng co thắt để ngăn chận chất chua acid của bao tử không cho chạy ngược lên, khi cơ vòng này bị yếu, acid do bao tử tiết ra có cơ hội làm tổn thương màng nhầy của thực quản gây ra viêm làm đau và ợ chua. Nếu bịnh trạng để lâu không chữa biến thành kinh niên có thể gây nhiều biến chứng như nghẹt ống thực quản, chảy máu v.v. . .

Đôi khi màng nhầy bị viêm lâu ngàyquá cộng thêm với những ảnh hưởng tai hại khác (thí dụ như hút thuốc lá) có thể biến thành ung thư.Nếu bị nhẹ và mới bị có thể theo một vài phương pháp giản dị để tự chữa: kiêng ăn đồ chua,đồ cay, đồ mỡ nhiều quá, kiêng uống rượu bia, nước ngọt có hơi nhiều như Coca, Pepsi v.v...

Bỏ hẳn thuốc lá. Xuống ký bớt nếu mập quá. Quần áo không được mặc đồ bó quá chặt. Ăn xong phải đợi ít nhất hai tiếng đồng hồ sau mới đi ngủ. Khi ngủ phải kê giường nằm để nằm đầu cao chân thấp cho chất acid ban đêm khó chạy ngược lên.

Có thể uống những thuốc làm giảm chất acid như Maalox, Mylantav.v. . . (không cần toa).Nếu bị nặng hơn cần đi khám nghiệm và định bệnh cẩn thận. Trị liệu thường sẽ phải cần những thuốc mạnh hơn(cần có toa): thuốc ngăn chặn bao tử không tiết ra acid như Prevacid, Prilosec....thuốc ảnh hưởng đến cơ vòng thực quản phía dưới như Metoclopramide (Reglan).Một vài trường hợp có thể cần phải giải phẫu nếu quá nặng hay có biến chứng.

frankie
07-20-2023, 08:32 AM
NGHẸT ĐỘNG MẠCH TIM (HEART ATTACK)


HỎI:

Tôi năm nay 50 tuổi, khỏe mạnh bình thường nhưng gần đây tôi được tin anh ruột tôi mới bị chết vì heart attack. Xin bác sĩ cho biết những triệu chứng của bệnh này như thế nào? Muốn phòng ngừa cần phải làm gì?

Triệu Văn H.


ĐÁP:


Bệnh nghẹt động mạch tim, tiếng Mỹ thông thường hay gọi là heart attack, là nguyên nhân gây ra chết thường nhất tại các nước tân tiến. Tại nước Mỹ, mỗi năm có khoảng một triệu rưỡi trường hợp bị bệnh này, trong số đó 25% bệnh nhân sẽ chết do nghẹt động mạch tim.

Hơn một nửa số người bị chết trước khi đến kịp nhà thương để chữa trị, vì thế việc nhận biết các triệu chứng báo trước hết sức quan trọng. Hiện nay y khoa càng ngày càng tiến hơn trong việc chữa trị heart attack và một khi bệnh nhân đến kịp nhà thương để chữa, mức tử vong đã giảm khá nhiều so với trước kia.

Tuy nhiên sống sót sau khi bị heart attack cũng dễ bị lại, trung bình khoảng 5 đến 10% số người bị heart attack cũng sẽ bị thêm và chết trong năm đầu tiên, nên một khi bị chứng này sẽ phải điều trị cẩn thận và theo dõi thường xuyên cho đến hết đời. Người Việt chúng ta trước kia ở Việt Nam ít thấy bệnh nghẹt động mạch tim vì lý do ăn uống khác, ít thịt mỡ, cholesterol; ít người bị bệnh tiểu đường hơn, ít người mập phì hơn, đỡ bị dồn ép tâm lý stress hơn ..v.v.

Sau một thời gian sống tại Hoa Kỳ, các yếu tố gây nguy hiểm về bệnh nghẹt động mạch tim đã tăng lên nhiều nên người Việt hiện nay bị heart attack cũng đã khá nhiều, nhất là những người sang lâu từ 75.

Nghẹt động mạch tim xảy ra khi bất thần có một cục máu làm tắc một động mạch nuôi sống bắp thịt tim. Hầu hết các trường hợp này động mạch tim cũng đã bị bệnh vì cholesterol đóng ở thành động mạch làm cứng và làm ngăn trở sự lưu thông của máu gọi là atherosclerosis.

Động mạch tim bị nghẹt khoảng 70% đường kính trở lên là nguy hiểm và bắt đầu gây ra những triệu chứng đau ngực khi làm việc nặng gọi là angina. Động mạch tim bị bệnh có thể xảy ra ở một, hai hay ba động mạch tim, dĩ nhiên càng nhiều động mạch bị nghẹt càng nguy hiểm hơn. Trường hợp bị nghẹt tại gốc động mạch chính gọi là left main artery lại càng nguy hiểm nhiều hơn nữa.

Heart attack xảy đến khi một cục máu đông làm nghẹt hoàn toàn và máu không chảy được để nuôi bắp thịt tim. Thiếu máu lưu thông, thiếu dưỡng khí, vùng bắp thịt tim do động mạch này cung cấp sẽ chết gọi là myocardial infarction. Nếu vùng bắp thịt tim bị chết này tương đối nhỏ, tim vẫn còn hoạt động được tuy yếu đi nhiều. Nếu vùng bắp thịt tim quá lớn, tim không co bóp được nữa hoặc bị rối loạn về nhịp tim, người bệnh sẽ chết ngay. Hơn nửa trường hợp chết trước khi đến được bệnh viện để cứu cấp là vì lý do này.

Triệu chứng quan trọng nhất của heart attack là đau ngực. Đau ngực này nhiều và kéo dài lâu hơn trường hợp đau ngực khi làm việc gì nặng của chứng đau ngực angina. Phần lớn những người bệnh sống sót sau khi bị heart attack diễn tả đau ngực này như chưa bao giờ có cơn đau ngực ghê gớm như vậy. Thường đau ở vùng ngay giữa ngực hay có thể thấp hơn xuống dưới chấn thủy một chút làm dễ nhầm với đau bao tử, đầy hơi.

Đau ngực này sâu, không phải chỉ ở phiến diện trên lồng ngực, đau như bị bóp, đè nặng, nghiến sâu. Trong khoảng 30% trường hợp cơn đau như chạy theo cánh tay trái, tuy nhiên có thể thấy cơn đau chạy lên cằm, lên cổ, ra sau lưng. . .

Ngoài cơn đau dữ dội còn có những triệu chứng như khó thở, xuất hạn ra ướt đẳm mồ hôi, mặt nhợt nhạt, xanh lè, đôi khi bị ói mửa. Đau ngực do heart attack thường kéo dài lâu, không như loại đau ngực do làm nặng, nghỉ ngơi sẽ hết. Khi bị heart attack, có thể không làm gì cũng thấy bị đau với các triệu chứng kể trên.

Khoảng một nửa số người bệnh trước khi bị heart attack hẳn, bị đau ngực từng cơn trước, không làm gì cũng đau, bị đi bị lại nhiều lần và càng lúc càng thấy cơn đau nhiều hơn và lâu hơn. Những trường hợp này gọi là unstable angina tức trạng thái mất quân bình của chứng đau ngực, báo trước cho biết heart attack làm bắp thịt tim bị chết sắp xảy đến.

Khi thấy những triệu chứng báo trước này, cần phải đi khám và nằm bệnh viện ngay để chữa trị kịp thời và ngăn ngừa trường hợp heart attack xảy ra. Khi heart attack xảy đến rồi, nếu không bị quá nặng chết ngay tức khắc, thường người bệnh trông rất hoảng hốt, lo âu, cử động luôn để cố làm giảm cơn đau, tay chân thường lạnh. Một số trường hợp tim sẽ đập rất nhanh và áp huyết lên cao, một số khác nhiều hơn lại bị tim đập chậm và áp huyết xuống rất thấp.

Người bệnh lúc này thường thấy mệt lả đi và ở vào tình trạng rất nguy hiểm. Việc quan trọng là khi bị đau ngực dữ dội và các triệu chứng đi kèm như kế trên, cần phải gọi xe cấp cứu để đưa vào nhà thương ngay.

(còn tiếp)

frankie
07-21-2023, 11:00 AM
Thời gian là yếu tố quyết định trong việc chữa trị hiệu quả heart attack, mỗi phút mất đi là một phút nguy hiểm tăng lên. Điều quan trọng cần nhớ là khi đau ngực nặng nghi là bị heart attack phải gọi ambulance đưa vào phòng cấp cứu của nhà thương để chửa, không nên tới phòng mạch bác sĩ tư ở ngoài để khám. Người Việt vì ít biết về tầm mức quan trọng và nguy hiểm của bệnh nghẹt động mạch tim, không biết triệu chứng của bệnh nên đôi khi có trường hợp bị heart attack, người nhà bệnh nhân đưa đến phòng mạch tư của bác sĩ để xin chữa và làm chậm trễ trong việc chữa khẩn cấp vì bệnh này cần nhập viện ngay, phải đến thẳng nhà thương.

Lý do phải tranh thủ thời gian vì khi bị nghẹt hẳn động mạch tim, nếu để lâu hơn vài tiếng đồng hồ, bắp thịt tim sẽ chết hẳn và càng để lâu, vùng bắp thịt tim chết không vãn hồi lại được càng ngày càng lan rộng. Trước kia, việc chữa trị không hiệu quả nhiều vì y khoa chưa hiểu rõ cơ chế của cục máu đông làm nghẹt . Hiện nay cách chữa heart attack tiến bộ hơn trước nhiều và cứu được nhiều bệnh nhân hơn nhờ cách dùng thuốc làm tan cục máu đông trong động mạch tim.


Nếu dùng thuốc làm tan cục máu này sớm, trong vòng một tiếng đồng hồ sau khi bị đau ngực, mức tử vong có thể giảm được đến 50%, ngoài ra sẽ làm hạn chế vùng bắp thịt tim bị chết, nhờ đó tim hồi phục nhanh hơn và ít để lại biến chứng hơn. Bệnh nhân bị heart attack đưa vào nhà thương và dùng thuốc tan máu trong khoảng từ 1 đến 3 tiếng cũng vẫn có hiệu quả nhiều. Nếu đưa vào chậm hơn, trong khoảng từ3 đến 6 tiếng, mức độ tử vong không giảm được nhiều nhưng dùng thuốc tan máu vẫn được và cũng còn lợi ích. Sau 6 tiếng mới chữa, thường hiệu quả không được nhiều.

frankie
07-21-2023, 12:31 PM
Như thế đủ thấy khi nghi bị heart attack, phải đưa vào nhà thương càng sớm càng tốt, nhanh được phút nào hay phút đó! Một điều khác nữa là phải vào nhà thương lớn, quen thuộc với cách chữa trị mới và có đầy đủ chuyên môn hơn.Thuốc làm tan cục máu đông có hai loại là Streptokinase và TPA, viết tắt của tissue plasminogen activator, điều chế bằng phương pháp tổng hợp DNA. Thuốc TPA tên thương mại là Alteplase, tương đối công hiệu hơn và được dùng thường hơn, tuy rất mắc tiền, vài ngàn đô la một dose! Hai thứ thuốc khác mới hơn là Reteplase và Tenecteplase nhưng cũng mắc như Alteplase, khoảng 3000 Mỹ Kim một dose!


Thuốc làm tan cục máu được dùng khi người bệnh đến nhà thương trong vòng 12 tiếng đồng hồ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng đau ngực và dùng ở những nhà thương nhỏ, không có phương tiện làm thông tim ngay. Ngoài thuốc làm tan cục máu gọi là thrombolytic therapy, bệnh nhân được cho uống aspirin, dùng thuốc heparin và được truyền thuốc chống tiểu cầu Clopidogrel. Khoảng từ 25% đến 33% bệnh nhân dù dùng thuốc tan cục máu này vẫn không làm tan hẳn và phải được chuyển đến nhà thương lớn hơn có phương tiện làm thông tim gọi là Percutaneous Coronary Intervention, viết tắt là PCI.


Thực sự cách tốt nhất hiện nay là bệnh nhân bị heart attack ở gần những trung tâm y khoa lớn, sẽ được đưa thẳng vào làm PCI luôn trong vòng 90 phút kể từ khi ambulance đến nhà đưa vào nhà thương. Được chữa bằng PCI ngay gọi là primary percutaneous coronary intervention có hy vọng cao nhất để sống sót và làm máu lưu thông bình thường, giữ cho cơ tim không bị chết. PCI là cách dùng ống nhỏ catheter luồn từ động mạch của tay hay đùi đi thẳng vào tim, bơm thuốc để chụp hình biết động mạch tim nào bị nghẹt, bao nhiêu động mạch nghẹt. Sau đó bơm thuốc tan cục máu, heparin, clopidogrel và đặt stent có tẩm thuốc gọi là đrug-eluting stent để giữ cho động mạch tim nở và không bị nghẹt lại

frankie
07-21-2023, 12:35 PM
Một số trường hợp có thể phải mổ để nối động mạch tim gọi là bypass surgery, mổ lấy tĩnh mạch ở đùi hay lấy mạch máu vú để thay động mạch tim bị nghẹt. Những phương pháp chữa chính và mới nhất là cách chữa như kể trên, tuy nhiên những người bệnh bị heart attac kthường bị rất nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây ra chết bất cứ lúc nào nên phải nằm trong khu trông coi đặc biệt ngày đêm 24 tiếng túc trực để cấp cứu gọi là coronary unit. Nhịp tim, áp huyết, máy thở, đo áp suất trong tĩnh mạch phổi. ..được theo dõi kỹ lưỡng ngày đêm và thuốc men trị liệu, máy giật điện tử để hồi sinh gọi là fibrillator lúc nào cũng sẵn sàng để cứu chữa.


Câu hỏi về phòng ngừa là câu hỏi quan trọng vì heart attack nguy hiểm, làm chết nhanh chóng. Việc ngừa bệnh này cần thiết là làm giảm thiểu các nguyên nhân gây bệnh. Những nguyên nhân chính là những yếu tố tạo nên bệnh cứng thành mạch máu atherosclerosis. Cholesterol và chất mỡ trong máu cao là chính, nên cần đi thử về cholesterol, chất mỡ triglycerides, đo lượng HDL, LDL. . . Đặc biệt vì có thể di truyền, nếu gia đình có người bị bệnh heart attack, càng cầ nphải đi thử kỹ lưỡng hơn và chữa trị nếu bị cao.

Áp huyết cao là yếu tố quan trọng khác. Phải chữa bệnh áp huyết nếu bị cao, và chữa bệnh này là chữa cả đời, không phải chỉ uống thuốc một thời gian thấy hạ rồi ngưng thuốc! Thuốc lá là nguyên nhân chính yếu khác. Nếu muốn ngừa bệnh tim, cần phải bỏ hút thuốc ngay. Bệnh tiểu đường, mập phì là những yếu tố khác cần phải chửa trị tiểu đường, xuống ký. . . Ngoài ra những yếu tố khác như thể dục, tránh bị stress... cũng giúp ích.


Người Việt chưa quen nhiều với việc đi khám tổng quát hàng năm, tuy nhiên những người tuổi 45, 50 trở lên hoặc có những yếu tố gây bệnh như kể trên nên đi khám và thử nghiệm tổng quát để ngừa bệnh. Nếu có những triệu chứng như đau ngực khi làm việc nặng... càng cần phải đi khám và thử nghiệm sớm hơn để tìm bệnh động mạch tim và chữa trị trước khi bị một cơn heart attack xảy đến.

Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Đối với bệnh nghẹt động mạch tim gây ra heart attack, điều này lại càng đúng hơn cả để tránh những trường hợp chết bất đắc kỳ tử do bệnh này gây ra.

frankie
07-22-2023, 08:48 AM
NGỪA BỆNH NGHẸT ĐỘNG MẠCH TIM


HỎI:

Gần đây ông anh ruột tôi mới bị lên cơn đau tim chết ngay trên sân chơi tennis, mới có 54 tuổi. Ba tôi và ông chú cũng chết vì tim lúc trên dưới 50 tuổi. Tôi năm nay 48 tuổi, có hút thuốc và uống rượu chút đỉnh, trước giờ vẫn khỏe mạnh không có bệnh gì. Tuy nhiên tháng trước trong sở làm có thử máu và cho biết cholesterol của tôi khá cao cỡ 270. Tôi mới lên cân khoảng nửa năm nay, chắc hơi mập một chút, gần đây cân là175 pounds (tôi cao 5'4"). Hôm trước ra tiệm thuốc tây đo áp huyết thấy đề là 160/100. Xin bác sĩ cho biết tình trạng tôi có dễ bị bệnh tim không và tôi phải làm gì để ngừa bệnh này?

Huỳnh B. T.


ĐÁP:

Bệnh nghẹt động mạch tim là bệnh gây ra chết nhiều nhất tại Hoa Kỳ. Trung bình mỗi năm khoảng một triệu người chết vì bệnh này, chiếm một phần ba số tử vong do mọi thứ bệnh gây ra. Bệnh nghẹt động mạch tim (coronary artery disease), thông thường gọi là heart attack, càng ngày càng thấy xảy ra nhiều nơi người Việt Nam. Sau nhiều năm sinh sống tại Hoa Kỳ, tuy không có thống kê, có lẽ số người Việt chết vì bệnh này cũng lên gần bằng người Mỹ.

Lý do ngày xưa tại Việt Nam ít người bị nhưng sang Hoa Kỳ thấy bị nhiều hơn vì đời sống thay đổi , bị stress nhiều, ăn uống nhiều thịt hơn, lên cân nhiều. Ngoài ra ở Hoa Kỳ sống lâu hơn nên bệnh phát hiện nhiều hơn lúc tuổi tăng nhiều.

Những yếu tố nguy hiểm dễ gây ra bệnh đau tim đã được xác định rõ ràng. Cách thức ngừa bệnh tim tùy theo những yếu tố nguy hiểm gọi là risk factors này của mỗi người, để theo đó phòng ngừa bệnh tim heart attack.

Ba yếu tố quan trọng nhất là mức lượng cholesterol trong máu, áp huyết cao và hút thuốc lá. Kế đến và cũng quan trọng là mập quá, bị tiểu đường và không vận động. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác ít quan trọng hay chưa được hiểu rõ.

Tuy nhiên muốn ngừa bệnh tim, cần nhất là thay đổi những yếu tố gây nguy hiểm nói trên. Sau đây ta sẽ xem kỹ hơn về từng yếu tố nguy hiểm gây bệnh tim này:


1- Cholesterol


Khi lượng cholesterol trong máu cao, thành mạch máu của tim dễ bị cứng và làm nghẹt gọi là atherosclerosis nên cholesterol cao là yếu tố nguy hiểm nhất. Ngoài ra, cholesterol cao cũng có thể theo di truyền nên nếu trong gia đình có người chết sớm vì bệnh tim heart attack, thường phải đo cholesterol cho mọi người để ngừa bệnh.

Như trường hợp của ông Huỳnh B. T., cả 3 người cha, chú và anh ruột đều chết sớm vì bệnh tim, nên nhiều phần có bệnh di truyền làm cholesterolcao gọi là loại Type 2a. Bình thường đo lượng cholesterol tốt phải là dưới mức 200 mg%. Trên mức này là cao. Tuy nhiên muốn biết rõ hơn phải làm thử nghiệm phân chất cholesterol gọi là lipid profile.

Giản dị hóa, thường cần đo hai loại cholesterol. Một loại xấu, gây ra bệnh gọi là LDL cholesterol. Loại này nếu cao hơn 160 mg% ở người bình thường là ở mức dễ gây bệnh. Nếu người bệnh có thêm hai hay nhiều hơn yếu tố nguy hiểm, thí dụ như có áp huyết cao và hút thuốc lá, mức lượng LDL cao hơn 130 mg% sẽ cần phải chữa trị.

Loại cholesterol tốt gọi là HDL, loại này có tính cách bảo vệ tim, nên ngược lại với LDL, mức HDL thấp, dưới 35 mg% là không tốt. Nếu HDL cao hơn 65mg% là rất tốt. Những người sống lâu, thọ cả trăm tuổi thường có mức HDL này rất cao. Muốn cho HDL cao, thường phải tập thể dục nhiều, giảm cân và bỏ thuốc lá. Ngoài ra, rượu vang đỏ hay loại bia nâu có tính cách làm tăng mức HDL nên uống chút đỉnh rượu vang hay bia đậm có lẽ cũng tốt. Dĩ nhiên nếu uống nhiều quá, cái hại về rượu sẽ còn làm nguy hiểm hơn là giúp ích về tim!

Lý do vang đỏ làm tăng HDL là do các chất antioxidants loại polyphenols, đặc biệt là flavonoids như resveratrol và quercetin. Loại rượng vang đỏ tốt nhất là Pinot Noir. Uống 2 ly một ngày có thể làm tăng HDL lên hơn 10%. Nhưng dĩ nhiên, uống nhiều hơn nữa, dễ say sưa hay làm hại gan, viêm gan do rượu hay chai gan, cirrhosis, lại còn làm hại nhiều hơn. Nên cũng phải cẩn thận, không nên quá đáng!

frankie
07-22-2023, 10:03 AM
Ngoài cholesterol ra, một loại chất béo khác trong máu là triglycerides nếu tăng cao cũng không tốt. Tuy không quan trọng bằng cholesterol, mức chất béo này nếu quá cao cũng dễ gây ra bệnh tim.

Ngoài ra triglycerides khi lên quá cao sẽ gây ra bệnh trên tụy tạng pancreas. Lý do là triglycerides có trong những phần tử của chất béo gọi là chylomicrons. Khi chất béo loại triglycerides lên đến trên 900 mg%, chylomicrons sẽ chạy nhiều trong máu, đến tụy tạng pancreas, dễ làm nghẹt vi quản capillaries của tụy tạng vì chylomicrons rất lớn. Kết quả là làm viêm tuỵ tạng gọi là acute pancreatitis, làm đau bụng, ói mửa,v..v... Những người bệnh có mức triglycerides cao như 1000 - 2000 mg% rất dễ bị viêm tụy tạng nguy hiểm.

Vì thế, khi chữa trị, cũng cần cho lượng triglycerides xuống cùng với cholesterol .Như truờng hợp của người bệnh Huỳnh B.T., mức cholesterol
270 mg% là khá cao, cộng thêm với những yếu tố nguy hiểm khác như hút thuốc, mập và áp huyết cao, cần phải làm lipid profile để phân chất cholesterol.

Giả thử test cho thấy ông này có HDL là 30 mg%, mức chất béo triglycerides là 300 mg%, lượng LDL sẽ được tính theo công thức:

LDL = Cholesterol - HDL -Triglycerides/5

Bệnh nhân Huỳnh B. T. sẽ có lượng LDL như sau:

LDL = 270 mg% - 30 mg% -300mg%/5 = 180 mg%

Vậy ông Huỳnh B.T. có tổng số cholesterol là 270 mg% cao, phân chất thấy mức LDL cao 180 mg%, mức HDL thấp30 mg% và mức triglycerides cao 300 mg% sẽ cần uống thuốc để chữa trị và ngừa bệnh tim.

Muốn lượng cholesterol và chất béo triglycerides xuống,việc đầu tiên là phải ăn kiêng. Ăn uống cần giảm mỡ, thịt, trứng. Ăn rau, trái cây nhiều hơn. Ăn cá nhiều sẽ tốt hơn. Một số người có lượng cholesterol cao vừa phải có thể chỉ cần ăn kiêng, tuy nhiên phần lớn khó giữ chuyện ăn uống được và sẽ cần uống thuốc.

Loại thuốc công hiệu nhất để hạ cholesterol là những thuốc loại statins. Trong các thuốc thuộc loại statins này, thuốc tương đối hữu hiệu nhất là atorvastatin hay Lipitor và rosuvastatin hay Crestor. Những thuốc khác cũng khá là simvastatin hay Zocor, pravastatin hay Pravachol, Mevacor, Lescol..

.Uống những thuốc này cần thử máu để theo dõi thường xuyên vì đôi khi có phản ứng phụ trên gan. Một phản ứng phụ khác hay thấy là đau nhức bắp thịt. Trường hợp bị nặng có thể làm tan cơ bắp thịt (rhabdomyolysis), đôi khi có thể gây chết như trường hợp thuốc Baycol bị thu hồi vì hay gây ra phản ứng phụ nguy hiểm này. Tương đối thuốc pravastatin đỡ gây ra hai phản ứng phụ hơn những thuốc loại mạnh như atorvastatin... Như vậy dùng thuốc hạ cholesterol cần phải đi khám theo dõi và nếu có phản ứng phụ gì phải báo cho bác sĩ điều trị biết ngay.


(còn tiếp)

frankie
07-24-2023, 11:32 AM
2- Áp huyết cao


Bệnh tăng áp huyết là một yếu tố quan trọng đưa đến bệnh nghẽn động mạch tim heart attack. Những người bị áp huyết cao không chữa trị dễ bị những bệnh nguy hiểm như đứt mạch máu đầu (stroke), suy tim (congestive heart failure), hư thận và đau tim heart attack. Vì thế chữa trị và giữ cho mức áp huyết bình thường là điều quan trọng.

Mức áp huyết bình thường phải ở dưới 140/90 nên như trường hợp người bệnh Huỳnh B.T., mức 160/100 là khá cao cần phải chữa trị. Trị áp huyết cần ăn kiêng như ăn lạt, ít chất muối sodium. Ăn trái cây như chuối có thêm chất potassium làm áp huyết thấp hơn, calcium cũng làm giảm áp huyết. Tuy nhiên phần lớn trường hợp đều phải uống thuốc mới giảm áp huyết xuống bình thường được.

Thuốc trị áp huyết có rất nhiều loại, mỗi người bệnh có thể phù hợp với một thứ này hơn thứ khác. Thí dụ loại betablocker như Metoprolol hay Lopressor, Carvedilol , Atenolol làm tim đập chậm nên dùng cho người hay hồi hộp, có nhịp tim cao sẽ tốt hơn. Tuy nhiên người bị suyễn nên tránh dùng vì làm tăng suyễn. Loại thuốc áp huyết khác gọi là calcium channel blockers , như Amlodipine, Nifedipine hạ áp huyết tốt và cũng chữa bệnh đau ngực angina, nên dùng cho những người bệnh này rất tốt.

Loại bây giờ hay dùng gọi là angiotensin converting enzyme inhibitor viết tắt là ACE inhibitor như Lisinopril, Enalapril ...hạ áp huyết tốt và cũng giúp cho bệnh suy tim. Tuy nhiên loại thuốc này hay làm ho nên uống vào thấy bị ho khan kéo dài, cần phải đổi sang loại khác. Loại mới hơn là loại angiotensin receptor inhibitor như Losartan, Olmesartan...tương đối tốt, hầu như không có phản ứng phụ gì nên bây giờ đuợc dùng nhiều. Một số người bị áp huyết cao cần phải uống thêm loại thuốc lợi tiểu diuretics như Hydrochlorothiazide mới làm áp huyết xuống được. Hay dùng đi chung với Losartan hay Lisinopril , viết chung là Losartan-Hct hay Lisinopril-Hct

Tóm lại, trường hợp bệnh nhân Huỳnh B.T. có áp huyết cao sẽ là một yếu tố nguy hiểm dễ gây bệnh tim và những bệnh khác nên cần ăn kiêng, xuống ký và uống thuốc áp huyết với một trong những loại kể trên để giữ áp huyết bình thường dưới mức 140/90.

3- Hút thuốc lá

Thuốc lá là một yếu tố nguy hiểm quan trọng gây ra bệnh tim heart attack. Lý do vì thuốc lá làm tim đập rối loạn, làm giảm lượng máu chạy vào mạch máu nuôi tim. Ngoài ra còn ảnh hưởng trên hô hấp, làm giảm lượng HDL là cholesterol tốt như đã nói ở trên. Vì thế,người hút thuốc lá rất dễ bị bệnh tim heart attack và khi bị, dễ chết bất đắc kỳ tử vì nhịp tim rối loạn làm chết ngay chữa không kịp.

Bỏ thuốc lá phải là một trong những việc làm đầu tiên nếu bị thêm những yếu tố nguy hiểm khác và muốn ngừa bệnh tim. Vì nếu có uống thuốc hạ cholesterol, tập thể dục, xuống ký... nhưng vẫn hút một hai bao thuốc lá mỗi ngày, nguy hiểm về bệnh tim vẫn còn đấy. Hơn nữa còn biết bao thứ bệnh khác như suy phổi, ung thư phổi, ung thư cuống họng, ung thư bao tử và rất nhiều loại ung thư khác do thuốc lá gây nên.

Tốt nhất là quyết định bỏ hút thuốc ngay lập tức gọi là "quitting cold turkey". Nhưng nếu ghiền quá không bỏ ngay được, có thể dùng những thứ trợ giúp như thuốc dán Nicoderm, Habitrol; thuốc nhai kẹo Nicorette. Hay thuốc uống loại có thuốc an thần giúp bỏ thuốc như Zyban. Một thứ thuốc rất có hiệu quả giúp bỏ thuốc lá là Chantix, nhiều người dùng Chantix đã bỏ được hẳn thuốc lá.

Tuy nhiên hồi năm 2021, hãng Pfizer bào chế ra thuốc này đã ngưng sản xuất vì thấy có chất nitrosamines là chất bị FDA cấm, trong tiến trình bào chế Chantix. Hiện nay, một số hãng bào chế thuốc như Apotex tại Canada đã làm ra thuốc Varenicline là generic của Chantix, được bán với hiệu quả cũng tốt như Chantix, tuy nhiên vẫn còn khan hiếm, khó mua được, Varenicline là một loại nicotinic acetylcholine receptor agonist , tương đối có hiệu quả bậc nhất để giúp bỏ hẳn được chuyện nghiền thuốc lá. Hy vọng trong tương lai sẽ có đủ thuốc này giúp cho dân ghiền bỏ được thuốc lá, ngăn ngừa được biết bao bệnh tật!

Trường hợp người bệnh Huỳnh B.T., dù không hút nhiều, chỉ "hút chút đỉnh", nhưng hút một điếu một ngày cũng đủ để mang thêm yếu tố nguy hiểm cho bệnh tim và các bệnh khác. Vì thế hoàn toàn bỏ hút thuốc là điều tối quan trọng và phải làm ngay.

frankie
07-25-2023, 08:57 AM
4- Bệnh tiểu đường


Tiểu đường cũng là một yếu tố nguy hiểm dễ gây bệnh tim. Người bị tiểu đường thường có chất cholesterol cao, ngoài ra cũng hay có thêm bệnh cao áp huyết, có lượng "good cholesterol" HDL thấp, dễ bị chứng đông máu nên hay bị chứng nghẹt mạch máu tim hơn người bình thường.

Đặc biệt người bị tiểu đường nếu không chữa trị sẽ có lượng triglycerides rất cao. Chất béo này như đã nói ở trên tuy không quan trọng bằng cholesterol nhưng cũng là một yếu tố nguy hiểm risk factor độc lập gây ra bệnh tim.

Vì thế nếu bị tiểu đường cần ăn kiêng và chữa trị bằng thuốc cẩn thận để lượng đường trong máu được bình thường và là giảm đi yếu tố nguy hiểm về tim.


5- Bệnh mập


Mập quá gây ra nhiều chứng bệnh và là một yếu tố nguy hiểm dễ bị bệnh tim. Người mập thường hay bị áp huyết cao và dễ bị tiểu đường nên có thêm những yếu tố nguy hiểm dẫn dắt đến bệnh tim như đã nói trên. Người Việt sang Hoa kỳ sau một thời gian ăn uống đầy đủ thường lên ký. Nếu trước kia tại Việt Nam vốn gầy ốm sẵn, sang đây lên chút ít cũng không sao, nhưng nhiều người sau vài năm sinh sống tại Hoa Kỳ thêm lên 30, 40 pounds hay nhiều hơn nữa là chuyện thường.

Thực sự tại Hoa Kỳ, thống kê cho thấy hơn 50% dân chúng là hơi mập (overweight) và 22% được coi là mập phì (obese). Vì thế người Việt sinh sống tại đây có lên cân hay thành mập cũng là chuyện dễ hiểu. Thế nào được coi là hơi mập và mập phì. Muốn biết ta có thể đo chỉ số khối lượng cơ thể BMI (body mass index). Chỉ số này dùng trọng lượng cơ thể (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (đo bằng mét) (Nếu dùng pounds và dùng inches, nhân thêm với hằng số 705). Người bình thường không mập không ốm chỉ số này ở khoảng 21-25. Nếu chỉ số này trên 25 là hơi mập và trên 30 là mập phì!

Như vậy với người bệnh Huỳnh B.T., nặng 175 pounds, cao 5'4" (64 inches), ta có thể tính chỉ số khối lượng cơ thể BMI cho ông này như sau:

BMI = (175: 64 x 64) x 705 = 30.12

Như vậy với chỉ số trên 30, ông Huỳnh B.T. không phải chỉ hơi mập mà đã quá mập! Và như vậy đã có thêm một yếu tố nguy hiểm khác bị bệnh tim heart attack!

Giảm ký thực sự là chuyện khó khăn nhất. Vì chuyện giản dị là ăn ít và vận động nhiều là chuyện khó làm. Tuy nhiên, muốn ngừa bệnh tim cần phải xuống ký cho đến khi chỉ số khối lượng cơ thể ở mức lý tưởng là 21-23. Như vậy đối với người bệnh trên, muốn chỉ số xuống cỡ 23, ông này chỉ được cân nặng 134 pounds, cần phải sụt 41 pounds!

Dĩ nhiên nếu xuống ký được cho bằng mức lý tưởng như nói trên, các bệnh khác cũng suy giảm nhiều hay dễ chữa hơn như áp huyết cao, tiểu đường, cholesterol...và sẽ làm cho nguy hiểm về bệnh tim heart attack giảm xuống rất nhiều.


6- Vận động nhiều

Người không vận động gì, chỉ nằm ì một chỗ xem TV, sẽ dễ bị bệnh tim hơn người tập thể dục hay vận động thường xuyên. Điều này thấy rõ nhất nơi người lớn tuổi. Những người già tập thể dục mỗi ngày hay chỉ cần đi lại nhiều, cũng làm giảm nguy hiểm về bệnh tim. Ngoài ra, thể dục cũng làm tăng lượng HDL nên sẽ giúp bảo vệ tim.

Đồng thời cũng làm bớt mập, làm hạ áp huyết và giảm tiểu đường, giảm những yếu tố nguy hiểm đã nói trên nên vận động là một yếu tố quan trọng cho việc ngừa bệnh tim.


7- Những yếu tố khác

Một số những yếu tố nguy hiểm risk factors cho bệnh tim chưa được biết rõ lắm như lượng homocysteine nếu cao cũng dễ gây bệnh tim. Mức lượng chất CRP (C-reactiveprotein) là chất tăng cao với những phản ứng viêm của cơ thể cũng gần đây được coi là một yếu tố nguy hiểm cho bệnh tim.

Tuy nhiên việc xác định tầm quan trọng của các yếu tố này chưa được rõ ràng cho lắm. Riêng về lượng homocysteine cao, cách thức giản dị là uống thêm những loại vitamins như folic acid, vitamin B6, vitamin B12 sẽ làm giảm chất homocysteine trong máu nên uống thêm các vitamins này có thể cũng sẽ giúp ích về tim.


.* * *

Tóm lại, bệnh tim heart attack là một bệnh nguy hiểm nhưng nếu hiểu biết rõ về các yếu tố dễ gây bệnh ta có thể ngừa bệnh này một cách hữu hiệu. Điều quan trọng là đi khám tổng quát thường xuyên để biết mình có những chứng nguy hiểm như cholesterol cao, áp huyết cao, tiểu đường...hay không.

Hơn nữa, thay đổi chuyện ăn uống, giữ cho không mập, bỏ thuốc lá, vận động thể dục là những chuyện cần phải thực hiện để giữ sức khỏe và ngừa những bệnh nguy hiểm như bệnh tim heart attack hay tai biến não stroke.

frankie
07-26-2023, 08:15 AM
Nhiễm trùng đường tiểu


HỎI:

Gần đây tôi bị chứng đi tiểu hay thấy buốt. Mới đầu thấy ít nhưng càng ngày càng nhiều hơn, hơn nữa tôi đi tiểu thường xuyên, chừng một hai tiếng thấy bắt đi tiểu luôn. Mỗi lần tiểu ra tôi thấy bị gắt và làm đau. Khoảng vài ngày nay tôi bị đau ở bụng dưới, cơn đau tăng nhiều hơn khi phải đi tiểu và đôi khi thấy có máu.

Xin bác sĩ cho biết tại sao tôi bị tiểu buốt và chữa trị ra sao? Tôi mới lập gia đình được hai tháng nay và có dùng các phương pháp ngừa thai vì chưa muốn có con ngay.

Vương thị L.H.


ĐÁP:

Những triệu chứng như bà tả trên: tiểu buốt, bắt đi tiểu thường xuyên, đau bụng dưới và đi tiểu thấy có máu là những triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh này rất thường thấy nơi người đàn bà trẻ tuổi. Có thể nói khoảng 35% phụ nữ trong lứa tuổi từ 20 đến 40 tuổi sẽ có lúc này hay lúc khác bị bệnh nhiễm trùng đường tiểu.

Bệnh nhiễm trùng đường tiểu xảy ra khi vi trùng xâm nhập đường tiểu tiện và chạy ngược lên xâm lấn và gây nhiễm trùng ở bọng đái (cystitis). Đa số các trường hợp nhiễm trùng thường chỉ nằm nơi bọng đái nhưng một số ít trường hợp sẽ chạy lên trên thận và làm nhiễm trùng thận, nguy hiểm nhiều hơn (pyelonephritis).

Những trường hợp bị nặng này, bệnh nhân có thể thấy sốt cao, làm lạnh run rẩy, ói mửa và đau nhiều phía sau lưng. Khi bị nhiễm trùng thận thường phải nhập viện để chữa trị vì nếu không, vi trùng có thể chạy vào trong máu làm nhiễm trùng máu (sepsis) và gây ra kích xúc hay chết.

Vi trùng hay gây ra nhiễm trùng đường tiểu là loại vi trùng sống trong ruột già gọi là Gram negative bacilli, thường nhất là loại Escherichia coli, khoảng 80% trường hợp. Những vi trùng khác cùng loại cũng hay gây bệnh là Proteus, Klebsiella, Pseudomonas.....Một loại vi trùng khác gọi là Staphylococcus saprophyticus cũng hay gây ra nhiễm trùng đường tiểu khoảng từ 5 đến 20% trường hợp.

Lý do tại sao phụ nữ hay bị nhiễm trùng đường tiểu? Trước hết, khác với đàn ông, đường tiểu tiện (urethra) của người đàn bà rất ngắn. Từ phần ngoài nối đến bọng đái chỉ khoảng 4 cm. Những vi trùng gây ra bệnh như kể trên từ ruột già thường có sẵn thường trực (colonized) chung quanh chỗ tiểu tiện và âm hộ, tuy không gây ra bệnh.

Khi chỗ tiểu tiện bị trầy, thường do giao hợp, những vi trùng như loại E.coli này sẽ đưọc dịp để xâm chiếm và chạy ngược đường tiểu tiện lên bọng đái. Vi trùng E. coli hay những vi trùng Gram-negative khác có một cơ cấu để gắn vào tế bào trong đường tiểu tiện gọi là pilus. Khi vi trùng này gắn được vào tế bào sẽ tiết ra những độc tố và gây ra bệnh.

Cơ cấu pilus này quan trọng vì tế bào của đường tiểu tiện (uroepithelial cells) phải có cơ quan tiếp nhận gọi là P-receptor. Những người đàn bà nào có nhiều P-receptor trên tế bào sẽ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu vì vi trùng E.coli dễ gắn vào và xâm nhập. Ngược lại, ngưòi không có P-receptor sẽ ít bị bệnh nhiễm trùng. Điều này cho thấy phương diện di truyền và đặc tính bẩm sinh về P-receptor của mỗi người sẽ xác định người đó dễ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu hay không.

Ngoài những yếu tố bẩm sinh ra, một số trường hợp ngoại giới sẽ làm cho người đàn bà dễ mắc nhiễm trùng đường tiểu. Những phương pháp ngừa thai như đặt vòng xoắn, lá chắn, sẽ làm dễ nhiễm trùng hơn. Dùng những thuốc xịt giết tinh trùng (spermicidal foam, gel) cũng dễ làm bị nhiễm trùng hơn.

Một điều quan trọng khác là uống nước. Khi uống nước nhiều, vi trùng không ở lâu trong bọng đái được vì bị đi tiểu luôn ra ngoài nên khó sinh bệnh hơn. Ngược lại, những người đàn bà uống nước ít, đi tiểu ít, sẽ dễ bị nhiễm trùng. Hoặc vì lý do làm việc nhiều, lý do thiếu phòng vệ sinh nơi công cộng, nhiều người đàn bà nín không đi tiểu dù bọng đái đã đầy và cần phải đi. Vi trùng trong bọng đái có thời gian lâu hơn để xâm nhập tế bào của đường tiểu và gây ra bệnh.

(còn tiếp)

frankie
07-27-2023, 08:35 AM
Một yếu tố khác cũng hay làm nhiễm trùng đường tiểu nơi người đàn bà là thai sản. Khoảng 8% những người có bầu có thể có vi trùng trong đường tiểu (bacteriuria) tuy phần lớn trưòng hợp không có triệu chứng nhiều. Tuy nhiên khi có vi trùng nằm trong đường tiểu nên chữa để diệt vi trùng này trưóc khi gây ra nhiễm trùng nặng hơn và có thể ảnh hưởng không tốt.

Ngoài ra, một số ít hơn có thể có cơ quan tiểu tiện không bình thường do bẩm sinh, dễ làm nhiễm trùng, như chứng nước tiểu chạy ngược gọi là vesico-ureteral reflux. Những trường hợp có sạn trong thận cũng dễ làm nhiễm trùng. Người bị bệnh tiểu đường cũng hay bị nhiễm trùng đường tiểu hơn người thường.

Định bệnh nhiễm trùng đường tiểu thực sự dễ dàng khi có những triệu chứng tiểu buốt, tiểu gắt, bắt đi tiểu thường xuyên, đi tiểu có máu....như đã kể trên. Để chính xác hơn có thể thử nước tiểu. Nhanh chóng nhất là thử bằng que thử dipstick (Multistix) nhúng vào nước tiểu. Nếu thấy có đổi màu tím là có bạch huyết cầu trong nước tiểu, chứng tỏ có nhiễm trùng. Hoặc có chất nitrite do vi trùng tiết ra sẽ làm que thử đổi màu hồng. Thường cũng thấy có máu trong nước tiểu khi thử bằng loại thử Multistix này. Với triệu chứng bệnh, thử nước tiểu dipstick này là đủ để định bệnh chính xác và có thể chữa trị ngay.

Một số ít trường hợp bị nhiễm trùng đi nhiễm trùng lại hay nghi là vi trùng kháng thuốc nhiều có thể phải cấy vi trùng để biết chắc chắn hơn và xem vi trùng kháng thuốc trụ sinh nào và chịu loại trụ sinh nào để chữa cho hiệu quả hơn. Tuy nhiên, với các thuốc trụ sinh tốt hiện nay, hầu như ít khi phải thử bằng cách cấy vi trùng.

Chữa trị bệnh nhiễm trùng đường tiểu, trụ sinh thường dùng nhất hiện nay là loại thuốc fluoroquinones như Ciprofloxacin 500 mg uống ngày 2 lần trong 3 ngày. Loại fluoroquinones khác là Levofloxacin hay Levaquin, Tequin, uống ngày 1 lần trong 3 ngày. Những trường hợp mới bị lần đầu có thể chỉ uống 1 lần gọi là single-dose cũng khỏi, nhưng cẩn thận hơn nên uống trong 3 ngày. Những người bị nhiễm trùng đường tiểu trở đi trở lại hay có những bệnh khác nên dùng lâu hơn, 7 đến 10 ngày để trị hết vi trùng.

Loại thuốc khác công hiệu hay được dùng là Bactrim hay Septra, tên generic là Trimethoprim - sulfamethoxazole. Loại thuốc này người da trắng hay da đen dùng không sao nhưng đặc biệt ở người Việt Nam hay gây ra nhiều phản ứng, đôi khi dùng một hai lần đầu không bị gì, nhưng dùng lần thứ ba, thứ tư mới bị phản ứng. Những phản ứng này đôi khi rất nặng như sưng đỏ cả người, nóng sốt, sưng khớp xương...nên đàn bà Việt Nam có lẽ nên tránh dùng loại Bactrim hay Septra này.

Hơn nữa, hiện nay còn nhiều loại thuốc công hiệu khác nên không cần đến loại thuốc này để trị nhiễm trùng đường tiểu cho người đàn bà Việt, rất nhiều người đã bị phản ứng nặng với loại này!

Những loại thuốc trụ sinh như Ampicillin, Amoxicillin trước kia đều trị nhiễm trùng đường tiểu được, nhưng hiện nay có thể nói hầu hết các vi trùng gây bệnh này đều kháng thuốc. Ngoài ra người Việt sính dùng Ampicillin, bất cứ bị bệnh gì cũng đều uống Ampi để tự trị bệnh cho mình, không cần biết thuốc có hiệu quả hay không. Vì thế, đàn bà Việt có thể nói đều kháng thuốc này, dùng Ampicillin hay Amoxicillin trị nhiễm trùng đường tiểu sẽ vô hiệu và phải dùng thuốc khác. Những loại thuốc trụ sinh khác có thể dùng như Augmentin tức Amoxicillin - clavulanate, có thêm chất clavulanate để diệt vi trùng đã kháng với amoxicillin. Loại cephalosporins cũng rất có hiệu quả để trị những vi trùng gây bệnh kháng thuốc.

Một thứ trụ sinh mới để trị nhiễm trùng đường tiểu là Fosfomycin, tên thương mại là Monurol. Thuốc này loại bột, pha với nước để uống, chỉ một lần là hết nhiễm trùng đường tiểu. Thuốc này có thể dùng để trị sơ khởi gọi là first line therapy vì rất tiện lợi, chỉ uống một lần là xong. Nhưng thuốc lại rất mắc tiền hơn những loại khác. Ngoài ra, vì là thuốc trụ sinh loại mới nên vi trùng chưa kịp kháng thuốc này.

Một số phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiểu do vi trùng E coli gần như kháng với tất cả các loại trụ sinh loại uống thông thường vì đã bị quá nhiều lần và dùng đủ loại trụ sinh nên sau này, vi trùng E coli kháng với gần hết các loại trụ sinh. Mỗi khi bị nhiễm trùng đường tiểu trở đi trở lại, phải vào nhà thương để truyền thẳng trụ sinh mạnh hơn vào máu như Gentamicin, Tobramycin. Với thuốc Fosfomycin mới được cho dùng và còn hiệu quả nhiều, không bị kháng thuốc, những phụ nữ này có thể dùng Fosfomycin hay Monurol để trị bệnh nhiễm trùng đường tiểu, không phải vào nhà thương.

frankie
07-27-2023, 09:01 AM
Ngoài ra, người đàn bà có thai nên tránh dùng loại Cipro nên có thể dùng những loại trụ sinh ít có ảnh hưởng đến thai nhi như các loại kể trên. Như đã nói trên, nhiều phụ nữ bẩm sinh dễ bị nhiễm trùng đường tiểu như cơ chế về P - receptors nói trên, hoặc người có loại máu 0 (non-secretors), cũng dễ bị nhiễm trùng và hay bị đi bị lại. Nhiều người có thể bị nhiễm trùng đường tiểu vài lần trong một năm và sau nhiều lần uống thuốc trụ sinh, bị kháng nhiều loại thuốc nên khó trị hơn nhiều. Những người này cần phải phòng ngừa để khỏi bị nhiễm trùng trở đi trở lại.

Cách thức ngừa quan trọng nhất là uống nước nhiều. Dù không khát cũng cũng phải tập cho mình thói quen uống nước đều đặn, như đặt thời khoá biểu, cứ 2-3 tiếng uống một ly nước dù không khát. Một ngày phải uống 7, 8 ly nước và uống thường xuyên, dù có bận rộn đến đâu chăng nữa! Mục đích để uống nước nhiều và đi tiểu nhiều, vi trùng không có thời gian nằm lâu trong bọng đái để xâm chiếm tế bào và gây bệnh. Loại nước trái cây cranberry juice bán ngoài chợ có tính chất diệt trùng nhẹ nên uống nhiều cranberry juice cũng tốt để ngừa nhiễm trùng đường tiểu.

Đa số những trường hợp nhiễm trùng đường tiểu ở người đàn bà có chồng xảy ra do trầy đưòng tiểu sau khi giao hợp. Vì thế nếu dễ bị nhiễm trùng trở đi trở lại nên tránh đặt vòng xoắn, tránh dùng loại thuốc xịt giết tinh trùng spermicidal. Một cách ngừa đã được chứng tỏ rất có hiệu quả làm ít bị nhiễm trùng đường tiểu là sau khi giao hợp nên đi tiểu ngay, vì vi trùng có xâm nhập cũng sẽ bị thải ra không ở trong bọng đái lâu.

Điều đáng chú ý khác là những người đàn bà sắp tắt kinh hay đã tắt hẳn thường bị khô âm đạo và cửa mình nên dễ bị trầy trụa đưòng tiểu khi giao hợp và dễ bị nhiễm trùng đường tiểu nhiều hơn. Những người này nên dùng các loại kem hay gel như Vagisil để tăng chất nhờn và tránh được trầy đường tiểu, ít bị nhiễm trùng.

Đối với những người dù phòng ngừa đủ cách vẫn hay bị nhiễm trùng đường tiểu trên 3 lần trong một năm, sẽ phải dùng thuốc trụ sinh uống ngừa sau khi giao hợp. Thuốc loại nitrofurantoin bán dưới tên Macrodantin là loại trụ sinh nhẹ, có thể uống một viên 50 mg ngay sau khi giao hợp xong để ngừa nhiễm trùng. Những thuốc khác cũng có thể dùng như loại cephalosporins hay loại fluoroquinolones cũng có thể dùng sau khi giao hợp để ngừa nếu sau khi dùng một thời gian lâu vi trùng kháng thuốc Macrodantin.

Tóm lại, nhiễm trùng đường tiểu là bệnh rất thường thấy nơi người đàn bà. Bệnh tương đối dễ trị với những thuốc trụ sinh mạnh và hiệu quả hiện nay. Điều quan trọng là phải trị sớm, không nên để lâu có thể bị nhiễm trùng lên thận hay vào máu gây nhiều nguy hiểm. Những người hay bị nhiễm trùng đường tiểu trở đi trở lại cần theo những phương pháp phòng ngừa để tránh ít bị chừng nào hay chừng đó vì vi trùng sẽ dễ kháng thuốc nếu phải dùng trụ sinh quá nhiều lần để trị bệnh.

frankie
07-28-2023, 08:42 AM
VIÊM GAN


HỎI:

Gần đây tôi có cho máu nhân dịp phong trào hiến máu tại sở làm. Vài ngày sau tôi nhận được thư báo của Ngân Hàng Máu cho biết máu của tôi không dùng được vì có cực vi trùng viêm gan loai B. Tôi trước giờ không bệnh hoạn gì vẫn thấy khỏe mạnh như thường, không hiểu tại sao trong máu có loại cực vi trùng này. Xin cho biết lý do? Có gì nguy hiểm không? Chữa trị ra sao? Tôi cũng sắp lấy vợ. Xin cho biết phải làm gì để phòng ngừa lâycho gia đình.

Phạm Đ. H.


ĐÁP:

Bệnh viêm gan (hepatitis) do cực vi trùng là bệnh thông thường, xảy ra rất nhiều tại các xứ có trình độ y tế thấp như Việt Nam. Có bốn loại cực vi trùng gây ra viêm gan. Loại A và loại B được xác định rõ ràng từ nhiều năm trước. Loại C (trước kia gọi là non A -non B virus) được xác định sau hai loại A và B và có tầm quan trọng lớn lao. Loại D (còn gọi là delta agent) ít quan trọng hơn, phải đi kèm với cực vi trùng loại B mới sinh bệnh được.

Loại A truyền bệnh bằng đường tiêu hoá là loại nhẹ hơn cả, ít khi làm nguy hiểm đến tính mạng và tự khỏi không để lại biến chứng. Loại B quan trọng hơn, thường truyền nhiễm do máu tuy cực vi trùng này có thể truyền qua các tiết dịch của cơ thể như nước bọt, nước mắt, sữa mẹ, nước tiểu, tinh dịch v..v...

Điều này rất quan trọng vì ngoài việc lây bệnh viêm gan do cực vi trùng loại B vì truyền máu hoặc dùng kim chích bẩn của những dân ghiền chích choác, hai cách thức làm cho lây bệnh thường nhất là do gần gũi sinh lý và truyền bệnh từ mẹ sang con khi mới sinh. Ở những xứ chậm tiến như Việt Nam hiện tại, mức độ mắc bệnh viêm gan loại B với cực vi trùng tồn tại trong máu vô hạn định có thể nhiều đến độ từ 5 đến 20% toàn thể dân chúng có cực vi trùng B trong máu.

Do đó truyền bệnh từ mẹ sang con khi mới sinh như tại Việt Nam ta là điều rất thường thấy và giải thích tại sao bệnh này có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và rất nhiều người có cực vi trùng B từ lúc mới sinh cho đến hết đời.

Trường hợp của bệnh nhân Phạm Đ. H. trước giờ không bệnh hoạn gì mà thử máu có cực vi trùng viêm gan loại B có thể là do mắc bệnh lúc mới sinh từ người mẹ truyền sang. Cực vi trùng này tiếp tục tồn tại tuy không gây ra triệu chứng gì và người bệnh không hề biết cho đến khi vì một sự tình cờ thử máu mới khám phá ra (như khi đi cho máu tại Ngân Hàng Máu). Hoặc có thể là do lây bệnh từ một người khác lúc đã trưởng thành tuy nhiên triệu chứng quá ít và không biết hay không đuợc định bệnh là viêm gan.

Những triệu chứng của bệnh viêm gan có thể thay đổi và nặng nhẹ tùy từng trường hợp. Thường khi mới lây bệnh, người bệnh thấy mệt mỏi, biếng ăn, hay buồn nôn, ói mửa, có thể bị sốt nhẹ, ít khi sốt quá cao. Sau một đến hai tuần thấy đi tiêu vàng đậm như trà đặc và bắt đầu thấy vàng mắt. Trong thời gian này gan sưng to lên và thường thấy đau ở dưới cạnh sườn phía bên phải. Tình trạng này kéo dài hai, ba tuần sau đó vàng mắt bớt dần và người bệnh dần dần bình phục.

Cực vi trùng loại A nhẹ hơn cả, sau một đến hai tháng thì khỏi hẳn và hầu như rất hiếm khi để lại biến chứng. Loại B nặng hơn có thể phải đến ba, bốn tháng mới khỏi hẳn bệnh. Loại C một khi bị nhiễm hầu hết sẽ thành kinh niên. Hai loại B và C này cũng gây nhiều biến chứng.

Một số ít bệnh nhân bị nặng quá, gan bị viêm với tế bào gan bị huỷ diệt quá nhiều không hồi phục được, người bệnh sẽ mê man và có thế chết (tỷ lệ thường dưới 1 %).

Những biến chứng khác thường xảy ra khi cơ thể không chống cự và tiêu diệt được cực vi trùng này tiếp tục tồn tại trong cơ thể và gây ra viêm gan kinh niên. Viêm gan kinh niên có thể chỉ bị nhẹ, triệu chứng ít tuy nhiên nhiều trường hợp có thể bị nặng và gây ra bệnh cứng gan (cirrhosis). Gan bị chai, bụng trướng, phù thũng và sau cùng suy gan rồi chết.

Một biến chứng quan trọng khác về sau này là ung thư gan, đặc biệt đối với hai cực vi trùng loại B &C. Hầu hết các bệnh ung thư gan (hepatoma) của người Việt Nam (cũng như các xứ chậm tiến khác) là do cực vi trùng loại B hay C gây ra.

(còn tiếp)

frankie
07-29-2023, 08:10 AM
Vấn đề chữa trị bệnh viêm gan do cực vi trùng B và C hiện nay đã có thuốc trị hữu hiệu.

Khi bị viêm gan cấp tính, nếu bị nhẹ chỉ cần nghỉ ngơi để cơ thể tự hồi phục. Chữa trị là khi bị nặng cần nhập viện để ngăn ngừa biến chứng, giữ cho cơ thể đủ nước, giữ cho huyết áp thăng bằng, hô hấp bằng nhân tạo nếu cần, ngừa chảy máu, ngừa mê man v.v. ..Nguyên tắc là giúp cho cơ thể đủ năng lực để hồi phục lại Chữa trị bệnh viêm gan kinh niên loại B và C sẽ được dẫn giải trong loạt bài khác.

Vấn đề phòng ngừa quan trọng hơn cả. Đối với cực vi trùng viêm gan C, hiện nay vẫn chưa có thuốc chích ngừa. Riêng cực vi trùng loại B đã có thuốc chích ngừa rất hữu hiệu. Trường hợp một người trong máu đã có cực vi trùng loại B tất nhiên chích ngừa vô ích, tuy nhiên như trường hợp của bễnh nhân Phạm Đ. H. sắp cưới vợ, việc ngừa bệnh viêm gan do cực vi trùng loại B là điều cần thiết.

Vì trường hợp dân Việt Nam tỷ lệ dân chúng đã có cực vi trùng B trong máu rồi khá cao nên trước khi chích ngừa, người vợ sắp cưới của bệnh nhân này nên thử máu để biết tình trạng của mình đối với cực vi trùng viêm gan B

:- Nếu trong máu đã có cực vi trùng loại B (thử nghiệm này gọi là HBs Ag, chữ viết tắt của Hepatitis B surface antigen): Chích ngừa vô ích.

- Nếu trong máu không có cực vi trùng loại B (negative HBsAg) nhưng đã có kháng thể chống lại cực vi trùng B (HBsAb: Hepatitis B surface antibody) có nghĩa là cơ thể trước kia đã bị bệnh viêm gan nhưng chống cự hữu hiệu, diệt hết được cực vi trùng và đã có đặc tính miễn nhiễm, tạo ra những kháng thể diệt cực vi trùng. Trường hợp này không cần phải chích ngừa

.- Nếu trong máu không có cực vi trùng B (negative HBsAg) nhưng cũng không có kháng thể (negative HBsAb): nên chích ngừa. Thuốc ngừa phải chích làm ba lần: lần đầu, lần thứ nhì sau một tháng, và lần thứ ba sau sáu tháng. Thuốc chích ngừa rất có hiệu quả, ngừa được khoảng 90% trường hợp, tuy thuốc khá mắc tiền.

Trường hợp những người đàn bà có cực vi trùng loại B trong máu khi mang bầu và sắp sinh phải chích ngừa cho em bé sơ sinh ngay để tránh việc truyền nhiễm bệnh này. Khi vừa sinh ra phải chích ngay huyết thanh có kháng thể chống cực vi trùng (hepatitis B immune globulin) sau đó trong vòng 7 ngày phải chích thuốc ngừa như đã nói ở trên và chích tiếp một tháng rồi sáu tháng sau.

Vấn đề chích ngừa lúc mới sanh này đối với những xã hội như Việt Nam chúng ta sẽ là điều cần phải làm để tránh được tình trạng mẹ truyền cho con và cứ thế tiếp tục gây ra tỷ lệ bệnh viêm gan càng ngày càng nhiều với những biến chứng và ảnh hưởng tai hại cho dân chúng và cho cả xã hội.

Tuy nhiên chỉ trừ một vài nước như Đại Hàn điều chế thuốc ngừa lấy rẻ tiền, có thể áp dụng trên phương diện rộng lớn, các quốc gia chậm tiến khác chưa thể áp dụng sâu rộng để ngăn chận việc truyền nhiễm bệnh viêm gan loại B này vì thuốc ngừa quá mắc tiền.

frankie
07-30-2023, 08:14 AM
TIỂU ĐƯỜNG


HỎI:

Tôi năm nay 52 tuổi, gần đây thấy đi tiểu rất nhiều lần trong ngày, lúc nào cũng thấy khát nước, đồng thời sụt ký mất khoảng hơn l0 lbs, mặc dù ăn nhiều. Tôi nghe người bạn kể bị bệnh tiểu đường cũng bị giống hệt như vậy. Xin cho biết những triệu chứng đó có phải tiểu đường không? Chữa trị ra sao?

Huỳnh Văn B.


ĐÁP:

Ba triệu chứng ông kể: tiểu nhiều, lúc nào cũng khát phải uống nước nhiều và ăn nhiều mà vẫn sụt ký là hợp chứng để định bệnh tiểu đường. Muốn biết đích xác phải thử nghiệm;thử nghiệm giản dị có thể tự làm lấy là thử nước tiểu. Các tiệm thuốc tây đều bán những que giấy thử tiểu đường có thể mua không cần toa, que giấy nếu đổi màu khi nhúng vào nước tiểu có nghĩa là lượng đường trong nước tiểu quá cao và bị bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên muốn biết chính xác phải thử máu. Vì nếu bị nhẹ đôi khi thử nước tiểu không thấy đổi màu.Thử máu về tiểu đường phải nhịn đói bưổi sáng, nếu lượng đường trong máu trên 140 mg trong 100 cc máu và thử lại cùng trên mức đó là mắc bệnh tiểu đường. Gần đây hơn, tiểu đường đã được định nghĩa lại là nếu mức lượng đường đo buổi sáng sớm sau khi nhịn đói đêm trước trên 126mg% là đã mắc bệnh tiểu đường. Bình thường lượng đường trong máu phải ở mức 80 đến 120 mg%. Đo lượng Hemoglobin Ăc trong máu để biết mức đường trung bình trong 3 tháng. Nếu dưới 5.7% là không có tiểu đường. Trên 6.5% là bị tiểu đường. Mức từ 5.7% - 6.5% là tiền tiểu đường prediabetes.

Nguyên nhân mắc bệnh tiểu đường là do thiếu kích thích tố insulin trong cơ thể hay tuy cơ thể có đủ insulin nhưng không dùng được đúng cách . Insulin là kích thích tố do tuyến tuy tạng (pancreas) tiết ra. Tụy tạng nằm sâu trong bụng, phần đầu dính với phần thập nhị chỉ tràng của ruột non. Tụy tạng tiết ra các phần hoá tố giúp cho sự tiêu hoá và tiết ra insulin giữ nhiệm vụ điều hoà lượng đường trong cơ thể.

Sau khi ta ăn,lượng đường trong máu tăng cao sẽ kích thích tụy tạng tiết ra insulin nhiều hơn. Insulin tác dụng trên cơ cấu tiếp nhận của màng tế bào (receptor) đưa đường glucose từ máu vào tế bào. Nếu cơ thể thiếu insulin,lượng đường trong máu sẽ tăng lên vì đường glucose không vào được tế bào. Kết quả dinh dưởng thiếu thốn, người bệnh bị sụt ký tuy vẫn đói ăn, ăn nhiều nhưng chất đường cần thiết cho sự hoạt động của tế bào vì thiếu insulin không từ máu đi vào tế bào được.

Lượng đường trong máu khi quá cao sẽ gây hiện tượng thẩm thấu (osmosis) tại thận làm nước trong máu khi được lọc tại thận sẽ thoát ra nhiềuhơn trong nước tiểu. Kết quả người bệnh đi tiểu nhiều, cứ nửa tiếng hay một tiếng lại phải đi và làm cơ thể mất nước. Khi cơ thể mất nước, mức áp suất thẩm thấu trong máu hạ thấp tác dụng lên vùng hypothalamus của não bộ kích thích trung tâm điều khiển sự khát.

Kết quả nguời bệnh lúc nào cũng thấy khát cần phải uống luôn miệng. Nếu uốngn ước lạnh thì không sao nhưng tại Hoa Kỳ, phần lớn nhữngngười mắc bệnh tiểu đường nhưng chưa biết, khi khát đều uống nước ngọt như Coke, Sprite v.v. . . Bệnh tiểu đường càng nặng thêm vì uống nước ngọt quá nhiều, đôi khi cả chục lon coca mỗi ngày!

(còn tiếp)

frankie
07-31-2023, 09:50 AM
Lý do gây ra sự thiếu thốn insulin của cơ thể và gây ra tiểu đường tuỳ thuộc vào hai trường hợp. Ở những người trẻ, thường là vì lý do bẩm sinh và cơ thể do nhiễm một loại cực vi trùng tấn công tuyến tụy tạng và gây ra phản ứng miên nhiễm phá hủy các đảo tế bào Langerhans là nơi tiết ra insulin của tụy tạng. Người Việt Nam chúng ta tương đối ít bị tiểu đường lúc trẻ theo cách này.

Trường hợp thứ nhì xảy ra những người cỡ tuỗi 50 trở lên tuy có thể sớm hơn; ở những người này các đảo Langerhans của tụy tạng không bị phá hủy nhưng làm việc không điều hoà, đồng thời các cơ cấu tiếp nhận insulin trên tế bào (insulin receptor) của những người này bị bất thường và không làm cho chất đường glucose từ trong máu vào tế bào dễ dàng được. Nguyên nhân nào hiện chưa rõ, tuy nhiên di truyền là yếu tố quan trọng.

Một yếu tố khác nữa là khi mập quá, lên cân quá nhiều sẽ gây ra hiện tượng insulin tuy có đủ nhưng không tác dụng trên tế bào một cách hữu hiệu và kết quả vẫn gây ra bệnh tiểu đường tuy cơ thể không thiếu insulin.

Bệnh tiểu đường nếu không chữa sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bị tiểu đường dễ bị cứng thành mạch máu gây ra bệnh tim hay đứt mạch máu đầu. Tiểu đường có thể gây bệnh mắt trên màng võng mô gây ra mù. Tiểu đường cũng ảnh hưởng trên thận có thể làm hư thận. Nhiều người bị tiểu đường lâu có thể bị ảnh hưởng trên dây thần kinh làm tê tay tê chân, đôi khi làm đau nhức dữ dội. Để lâu không chữa, tiểu đường cũng làm lở lói chân, dễ nhiễm trùng v…v..

Chữa trị bệnh tiểu dường điều quan trọng nhất là ăn uống phải kiêng khem. Đồ ngọt phải tránh ăn, uống nước ngọt phải dùng loại Diet Coke, Diet Pepsiv..v... Có thể dùng loại đường nhân tạo để thế đường khi pha nước, trà, cà phê v.v.. . Loại đường này là aspartame bán ở chợ dưới nhãn hiệu Equal, mùi vị gần như đường thường tuy không dùng để chưng nấu được vì nhiệt độ sẽ làm mất vị ngọt. Mới gần đây, cơ quan WHO, world health organization, ra khuyến cáo không nên dùng aspartame vì dùng nhiều có thể là carcinogen gây ung thư. Tuy nhiên cơ quan FDA của Hoa Kỳ vẫn cho dùng, nói là dùng ít không sao. Hãng Pepsico hiện đã thế aspartame bằng chất sucralose hay còn gọi là Splenda trong Diet Pepsi. Splenda cũng bán ở ngoài, nếu cẩn thận có lẽ nên dùng Splenda để thay đường Equal cho chắc ăn!

Đồ bột khi hấp thụ vào cơ thể sẽ biến thành đường nên ăn cơm, bánh mi quà nhiều cũng sẽ làm khó khăn trong việc trị liệu. Đồ bột nên giữ khoảng 50% tổng số lượng calories mỗi ngày. Ăn rau nhiều hơn. Đồ ăn nhiều chất béo quá cũng nên tránh. Nếu mập phải xuống ký bớt và ăn giảm calories. Nhiều người vì mập quá bị tiểu đường, khi xuống ký và ăn kiêng được lượng đường trong máu trở lại bình thường và không cần phải uống thuốc.

Phần lớn các trường hợp ở tuổi trung niên mới bị hay bị tiểu đường vì do mập, sau khi dùng cách ăn kiêng lượng đường vẫn cao, có thể uống thuốc đề chữa trị. Hiện nay có rất nhiều thuốc mới để trị tiểu đường loại 2 rất công hiệu. Phần này sẽ được dẫn giải trong bài viết khác.

Điều quan trọng là tuy dùng thuốc vẫn phải ăn kiêng mới có thể giữ cho mức đường bình thường được. Thuốc phải uống liên tục và thường phải dùng suốt đời. Nếu ăn kiêng và uống thuốc đến mức tối đa vẫn còn lượng đường quá cao sẽ phải dùng insulin để chích.

Trường hợp những người bị tiểu đường loại 1 lúc còn trẻ do tụy tạng bị phá hủy cũng phải dùng insulin vì thuốc uống không công hiệu. Chích insulin phải theo dõi cẩn thận và phải học cách thử máu lấy, bằng cách thử máu ở đầu ngón tay để theo dõi lượng đường. Nếu chích insulin quá độ, lượng đường xuống quá thấp sẽ gâyra nguy hiểm, có thể mê man và chết nếu quá liều. Cách chích insulin là dưới da, một lần trong ngày, đôi khi phải hai lần. Độ lượng phải được điều chỉnh và theo dõi cẩn thận. Chữa trị bằng insulin cũng phải dùng suốt đời.

Tóm lại, bệnh tiểu đường là một bệnh biến dưỡng tuy xảy đến từ từ nhưng nếu không chữa sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên nếu chữa trị và theo dõi đúng cách, bệnh này tương đối cũng dễ chữa và có thể giữ đời sống như bình thường tuy phải tiếp tục chữa trị suốt đời.

frankie
08-01-2023, 09:19 AM
THUỐC MỚI CHỮA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG


HỎI:

Tôi bị bệnh tiểu đường đã hơn 5 năm nay. Trước kia không đến nỗi lắm nhưng gần đây mặc dù uống thuốc đến mức tối đa, mức đường trong máu của tôi vẫn cao ở mức trên 200 mg%. Tôi nghe nói hiện nay có nhiều thuốc tiểu đường mới cho những người như trường hợp của tôi không cần phải chích insulin. Xin bác sĩ cho biết các loại thuốc này như thế nào và cách dùng ra sao?

Dương văn L.


ĐÁP:

Bệnh tiểu đường là một trong những bệnh càng ngày càng thấy nhiều nơi người Việt định cư tại Hoa Kỳ. Sở dĩ như thế vì tiểu đường là bệnh về biến dưỡng liên hệ đến vấn đề dinh duỡng, ăn uống. Những người mập dễ bị bệnh này và người Việt sang đây sau nhiều năm, số người mập vì ăn uống quá độ tăng lên nhiều và sự phát hiện ra bệnh tiểu đường càng gia tăng.

Bệnh tiểu đường được chia ra làm 2 loại: loại 1 là tiểu đường cần phải chích insulin, thường xảy ra nơi người trẻ, do một loại cực vi trùng phá hủy tụy tạng là cơ quan tiết ra chất insulin điều hòa lượng đường trong máu. Loại này thật ra hiếm thấy nơi người Việt .

Hầu hết các bệnh tiểu đường của người Việt là loại 2, gọi là loại tiểu đường không lệ thuộc vào insulin. Nguyên nhân của tiểu đường loại 2 này là do cơ cấu tiếp nhận insulin (insulinreceptor) trên mô tế bào hoạt động không bình thường nên insulin tuy đầy đủ vẫn không làm cho chất đường glucose từ trong máu vào tế bào một cách bình thường được và gây ra lượng đường trong máu lên quá cao.

Ngoài ra những người bị tiểu đường loại 2 cũng có tụy tạng làm việc không được bình thường và có tỷ lệ chất glucagon là một loại kích thích tố khác trong việc biến dưỡng đường glucose cao hơn chất insulin gây ra rối loạn việc biến dưỡng glucose.

Bệnh tiểu đường loại 2 là bệnh di truyền tuy cách thức di truyền chưa được biết rõ ràng. Nhiều sắc dân có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường rất cao như giống dân da đỏ Pima hơn 40% dân số bị tiểu đường. Người Á Châu nói chung và dân Việt nói riêng có lẽ tỷ lệ cũng khá cao tuy không có thống kê chính xác.Thường nếu có anh chị em bị bệnh tiểu đường, xác xuất cũng bị tiểu đường lên đến 1/4, nếu cha hay mẹ bị tiểu đường, người con có xác xuất 1/3 bị bệnh tiểu đường theo.

Phần lớn việc định bệnh tiểu đường là do đi khám tổng quát ,thử máu thấy đường lên cao, trên mức 126 mg% lúc buổi sáng nhịn đói và hemoglobin A 1 c trên 6.5%. Những người này hầu như không có triệu chứng gì ngoài việc đa số hơi mập. Vì thế những người bắt đầu vào cỡ tuổi 40, 50 trở lên nên đi khám tổng quát, nhất là nếu trong gia đình, bố mẹ anh chị em đã có người bị tiểu đường, hoặc gần đây thấy lên cân,mập hơn.

Một số người bị tiểu đường nặng hơn thường thấy có các triệu chứng như khát nước, tiểu nhiều, ăn nhiều, hay đói nhưng lại bị sụt ký. Những người bị các triệu chứng này cần phải đi khám và thử máu ngay vì đây là triệu chứng của đường trong máu lên quá cao. Một triệu chứng hay thấy và do tiểu đường gây ra là bị tê tay, tê chân, thấy đau nhức hay chạy rần rần ở tay chân. Triệu chứng này do rất nhiều thứ gây ra nhưng một bệnh quan trọng và hay thấy là tiểu đường. Sở dĩ như thế vì tiểu đường có thể gâ ybiến chứng ở dây thần kinh gọi là neuropathy.

Một số ít bị mắt mờ, đi khám thử tổng quát và khám phá ra bệnh tiểu đường. Nguyên nhân vì tiểu đường gây ra biến chứng trong võng mạc của đáy mắt, ảnh hưởng trên các mạch máu mắt hay gây phù gọi là macular edema. Vì thế những người bị mờ mắt hay triệu chứng khác về mắt đều cần thử máu xem có bị tiểu đường hay không?

Một số bệnh nhân khác chỉ tìm thấy bị tiểu đường khi đã có những biến chứng nặng như bị tai biến mạch máu não, hay bị nghẹt động mạch tim... vì thế việc định bệnh sớm là điều tối quan trọng để tránh những biến chứng tai hại, nguy hiểm. Chữa bệnh tiểu đường đối với người Việt hầu hết bị tiểu đường loại 2 không cần dùng đến insulin. Chỉ trừ một số rất ít không giữ được múc đường bình thường với thuốc uống cần phải chích thêm insulin.

Trong mấy năm gần đây, nhiều thứ thuốc mới chữa bệnh tiểu đường đã được chấp thuận để bán trên thị trường. Những thuốc mới này rất có hiệu quả và giúp để giữ lượng đường trong máu trở lại bình thường, không cần phải chích ínulin. Ngoài ra còn giúp cho những bệnh đi kèm khác như bệnh tim, bệnh thận, bệnh mập v...v.. Sau dầy chúng ta sẽ xem từng loại thuốc mới để trị tiểu đường này.

(còn tiếp)

frankie
08-01-2023, 02:56 PM
1 - Metformin

Thuốc đầu tiên để chữa bệnh tiểu đường loại 2 là Metformin. Thuốc này có tác dụng làm giảm việc sản xuất đường glucose của gan, cũng như giúp cho cơ bắp thịt có thể dùng insulin để đưa đường glucose vào trong tế bào nhiều hơn. Do đó sẽ làm giảm lượng đường trong máu.

Metformin tương đối ít có phản ứng phụ. Tuy nhiên nên uống thuốc với đồ ăn để tránh tiêu chảy hay đau bụng. Metformin nếu dùng ở người bị suy thận, có thể gây ra một phản ứng nguy hiểm là lactic acidosis, vì thế nếu mức làm việc của thận quá kém, nên tránh dùng thuốc này. Một phản ứng phụ khác có thể xảy ra là làm cơ thể thiếu vitamin B12, lý do là Metformin làm giảm sự hấp thụ vitamin này ở ruột. Nên sau khi dùng Metformin lâu, nếu thấy thiếu hồng huyết cầu, phải đo lượng vitamin B12 và chích thuốc vitamin B12 nếu cần.


Người mới bị tiểu đường và bị nhẹ, có thể chỉ cần uống Metformin 500 mg. Bị nặng hơn có thể dùng ngày 2 lần, loại 850 mg hay tối đa là 1000 mg ngày 2 lần.


2 - Sulfonylureas



Loại thuốc tiểu đường thứ nhì hay dùng để phụ với Metformin nếu đường chưa xuống nhiều là loại sulfonylureas, thông dụng nhất là glyburide, glipizide, glimepiride. Các thuốc loại này làm kích thích tụy tạng tiết ra insulin nhiều hơn và làm đường xuống nhanh. Tuy nhiên một phản ứng phụ nguy hiểm có thể xảy ra là làm đường đôi khi xuống quá thấp gọi là hypoglycemia, người bệnh thấy mệt, chân tay rã rời, ra mồ hôi nhiều, tay run. Nếu đường xuống quá thấp như 30 - 40 mg%, có thể làm xỉu và tiến đến hôn mê. Vì thề hiện nay khuynh hướng là tránh dùng thuốc loại này, nhất là nơi người già. Ngoài ra loại thuốc này có thể làm tăng nguy hiểm cho tim, người có bệnh tim nên tránh dùng.


3 - Pioglitazone


Một số bệnh nhân có thể phải dùng 3 thứ thuốc nếu vẫn đường trong máu vận chưa xuống. Pioglitazone có thể dùng thêm vào vì thuốc này làm tăng việc thu nhận đường glucose của tế bào gọi là peripheral uptake. Thuốc này khá hiệu quả uống ngày một lần 30 mg - 45 mg. Có phản ứng phụ là làm giữa nước, có thể làm phù.


4 - Acarbose


Thuốc này là loại alpha-glucosidase inhibitor, có tác dụng làm giảm hấp thụ loại bột polysaccharide trong ruột . tuy nhiên hiệu quả ít và làm đầy bụng, khó tiêu, bụng đau, sình bụng nên ít được dùng


5 - Dipeptidyl peptidase - 4 (DPP - 4) inhibitors


Loại này bán dưới tên thông dụng là Januvia, Onglyza.... có tác dụng làm tụy tạng tiết ra insulin, đồng thời làm ngăn chặn kích thích tố khác của tụy tạng là glucagon, do đó làm giảm lượng đường trong máu. Tương đối khá hiệu quả, nhưng cũng có phản ứng phụ là đôi khi làm đường xuống quá thấp hypoglycemia như loại sulfonylureas như đã nói ở trên. Thường được dùng khi bệnh nhân uống 2 hay 3 thứ thuốc kể trên vẫn chưa làm đường xuống được nhiều.


6 - Sodium-Glucose Cotransporters 2 (SGLT 2) inhibitors


Loại này tương đối mới và cho dùng vài năm gần đây. Hai thứ thuốc thông dụng nhất là Jardiance tức empaglifozin và Farxiga tức dapagliflozin, có tác dụng ngăn chặn sodium-glucose cotransporters 2 là loại chất đạm giúp thận hấp thụ lại chất đường glucose trong máu. Như thế, đường không được hấp thụ lại sẽ bị thải ra bằng đường tiểu. Và nhờ thế đường trong máu sẽ hạ thấp. Thuốc có hiệu quả nhiều trong việc chữa bệnh tiểu đường.


Ngoài ra còn thêm lợi ích là Jardiance đã được chứng minh là giúp cho những người bị bệnh tim ít bị những biến chứng về tim cũng như làm giảm tử vong nơi những người này. Vì thế đối với những bệnh nhân bị tiểu đường đi kèm với bệnh tim mạch, dùng thuốc Jardiance vừa chữa tiểu đường vừa ngăn chặn được những biến chứng tim mạch nên hiện nay được dùng nhiều.


Thuốc Farxiga cùng tác dụng để chữa tiểu đường như Jardiance, nhưng lại giúp ích về thận. Nhiều khảo cứu đã cho thấy thuốc Farxiga ngăn chặn được suy thận nơi những người bị tiểu đường kèm thêm với suy thận. Thực sự ra thuốc Farxiga hiện đã được chấp thuận để chữa ngay cho cả những người bị suy thận nhưng không bị tiểu đường. Những bệnh nhân này dùng Farxiga để chữa bệnh thận nhưng cũng không bị đường xuống thấp. Có nghĩa nếu bị tiểu đường, thuốc sẽ làm hạ lượng đường trong máu. Nhưng người không có tiểu đường dùng thuốc này không có tác dụng trên đường glucose!


Tuy nhiên hai thứ thuốc này quá mắc tiền. Nếu không có bảo hiểm trả tiền thuốc, giá cho 30 viên thuốc dùng trong một tháng sẽ mất từ 500 - 600 Mỹ Kim nếu phải trả tiền túi. Nên người nghèo hay có bảo hiểm dở, sẽ khó lòng chịu nổi!


7 - Glucagon - like peptide 1 (GLP 1) receptor agonists


Loại thuốc trị tiểu đường mới nhất và được biết đến nhiều nhất có tên thương mại là Ozempic là loại thuốc chích một tuần một lần. Có tác dụng làm tăng bài tiết ra insulin và làm giảm đi bài tiết kích thích tố glucagon. Ngoài ra làm bao tử chậm đẩy đồ ăn xuống ruột và làm cho ít cảm thấy đói. Tất cả các tác dụng này làm giảm đường glucose, đồng thời làm sụt ký nhiều. Thuốc có nhiều loại như liraglutide, dulaglutide, semaglutide...Thuốc semaglutide có lẽ hiệu quả hơn cả và bán dưới tên Ozempic cho thuốc chích và Rybelsus cho thuốc uống. Ngoài ra loại GLP 1 này còn giúp cho bệnh nhân bị tim mạch và làm giảm tử vong.


Đặc điểm nhất là loại thuốc này làm bệnh nhân mất ký nhiều có thể hàng 30 pounds sau một thời gian dùng thuốc. Nên thuốc này rất tốt để trị cho những người mập bị tiểu đường và bị kèm thêm bệnh tim mạch.



Loại thuốc mới nhất vừa được chấp thuận cho bán trên thị trường là Tirzepatide bán dưới tên thương mại là Mounjaro. Thuốc này còn hiệu quả hơn Ozempic vì ngoài tính cách Glucagon- like peptide agonist lại còn có tác dụng gọi là glucose-dependent insulinotropic polypeptide viết tắt là GIP, hoạt động trên mô tế bào mỡ cũng như trên óc. Thuốc này trị tiểu đường và làm giảm ký nhiều hơn Ozempic, có thể mất đến 25% trọng lượng cơ thể cho những người mập.


Dĩ nhiên các thứ thuốc mới này rất mắc tiền, hơn một ngàn Mỹ Kim cho 4 doses thuốc chích cho một tháng. Và bảo hiểm dĩ nhiên không trả nếu chỉ dùng để chữa bệnh mập! Ngay cả chữa tiểu đường, cũng phải có bảo hiểm tốt lắm mới chịu trả tiền thuốc chích này. Người nghèo hay bảo hiểm xấu đều không thể dùng được các thứ thuốc mới và hiệu quả này để chữa bệnh của mình, Chỉ còn cách dùng những thuốc generic, rẻ tiền như đã nói ở phần trên.

frankie
08-02-2023, 12:14 PM
BỆNH CHÓNG MẶT THƯỜNG XUYÊN


HỎI:


Tôi năm nay 48 tuổi, khoảng 2 năm nay tôi hay bị chóng mặt thường xuyên. Nhiều khi chỉ trở mình khi nằm cũng thấy chóng mặt, cúi xuống lượm đồ cũng chóng mặt, ngước mặt nhìn lên cao cũng bị quay cuồng. Trước kia mỗi lần chóng mặt chỉ một lúc thì hết nhưng gần đây những cơn chóng mặt đến thường xuyên hơn và kéo dài lâu hơn.

Tôi lên xuống cầu thang không được vì chóng mặt muốn té và tối khi đi ngủ phải ngủ ngồi vì không nằm xuống được.Tôi đã đi khám bệnh và uống nhiều thứ thuốc, cả thuốc Tây lẫn thuốc Bắc mà không hết, càng ngày càng bị nặng hơn. Xin Bác Sĩ cho biết tại sao tôi bị bệnh chóng mặt thường xuyên như vậy và có cách nào chữa trị hiệu quả không?

Hoàng Thị T.H.


ĐÁP:


Bệnh của bà như tả trên gọi là bệnh chóng mặt do tư thế (benign paroxysmal positional vertigo). Đây là bệnh rất thường thấy, hay xảy ra nơi người đàn bà vào cỡ tuổi 40's, 50's tuy có thể nhỏ tuổi hơn hay già hơn cũng bị. Một thống kê cho thấy số người bị chứng này vào khoảng 107 trường hợp cho 100,000 người trong một năm. Đặc biệt phụ nữ Á Châu như Việt Nam rất hay bị, nhiều hơn đàn bà da trắng. Lý do có thể vì tính chất di truyền, tuy không rõ ràng.

Nguyên nhân của bệnh chóng mặt do tư thế này gần đây được hiểu biết là do những cục sạn nhỏ li ti chạy lên chạy xuống trong một bộ phận của tai trong gọi là posterior semicircular canal. Phần tai trong của cơ thể là cơ quan điều khiển sự thăng bằng của cơ thể, có hình thù giống như con ốc với những khoen bán nguyệt dính vào (labyrinth).

Sự luân chuyển của những nước dịch trong những khoen bán nguyệt semicircular canal truyền những tín hiệu theo dây thần kinh về não bộ, cho biết vị trí của cơ thể và điều khiển thăng bằng. Khi trong nước dịch gọi là endolymph này có những cục sạn li ti gọi là otoliths là những tinh thể calcium carbonate, chạy lên chạy xuống sẽ tạo ra những thay đổi về áp suất bất thưòng gây ra chóng mặt.

Lý do tại sao lại có những cục tinh thể này gây ra bệnh không được hiểu rõ nhưng có thể vì bị nhiễm trùng như cảm cúm, hay bị chấn động trong đầu, có thể làm những cục sạn này thay vì nằm một chỗ trong con ốc gọi là utriculus của tai trong, chạy lên chạy xuống theo vòng bán nguyệt posterior semicircular canal và gây ra bệnh.

Triệu chứng chóng mặt thường được tả như thấy chính mình đang quay cuồng hay thấy cảnh cảnh vật chung quanh quay vòng vòng. Bệnh nhân phải ôm đầu hay giữ yên không dám cử động vì càng cử động càng chóng mặt hơn. Nhiều người có thể sẽ bị ói mửa kèm theo. Nếu khám bệnh nhìn vào mắt sẽ thấy lòng đen của mắt đảo qua đảo lại gọi là nystagmus lúc đang lên cơn chóng mặt.

Những cơn chóng mặt này hay trở đi trở lại, có người bị chừng vài tuần nhưng cũng có bệnh nhân bị kéo dài cả vài năm.Thường cơn chóng mặt do tư thế xảy ra nên người bệnh có thể biết trước nếu làm một cử động bất chợt nào đó như ngoái cổ nhìn về một phía, hoặc cúi xuống làm việc quá lâu sẽ bị chóng mặt. Ngoài ra nhiều người sẽ bị chóng mặt xảy đến nếu bị cảm hay cúm, hoặc ăn phải đồ ăn không hợp hoặc có nhiều chất hóa học chẳng hạn.

Tóm lại có rất nhiều tác động để dẫn dắt đến cơn chóng mặt và nếu bị thường xuyên, bệnh nhân có thể biết trước được và tìm cách tránh né những tác động này. Cách chữa bệnh chóng mặt thường xuyên này nếu bị nhẹ và ngắn hạn có thể dùng thuốc như Meclizine, 12.5 hay 25 mg uống hai hay ba lần một ngày. Tuy nhiên thuốc có thể làm buồn ngủ, người lúc nào cũng mơ màng, đi không vững nếuuống nhiều quá.

Một cách khác mới được dùng nhiều hơn gần đây là dùng phương pháp tập quay đầu gọi là Epley maneuvers để cho những cục sạn li ti chạy lên chạy xuống gây ra chóng mặt nói ở phần trên đọng lại trong phòng vestibule của tai trong, không di chuyển nữa để tránh gây ra bệnh

(còn tiếp)

frankie
08-03-2023, 09:27 AM
Phương pháp Epley này tương đối giản dị: cho ngưòi bệnh nằm trên bàn, đầu ngửa ra sau khoảng 30 độ và quay nghiêng 45 độ về phía tay phải, giữ từ 30 đến 60 giây. Sau đó quay đầu từ từ để nghiêng về phía tay trái khoảng 90 độ. Giữ tư thế này từ 30 đến 60 giây. Sau đó quay cả đầu và người nằm trên vai trái cho đến khi đầu cúi nhìn hẳn xuống đất.

Giữ nguyên tư thế này trong 30 đến 60 giây. Sau đó đỡ ngồi dậy, đầu vẫn quay về phía vai trái. Khi ngồi lên hẳn rồi đầu phải cúi xuống một chút và giữ nguyên một lúc. Khi thực hành phuơng pháp quay đầu Epley này, các cục sạn nhỏ li ti trong posterior semicircular canal sẽ theo các vị thế của đầu từng giai đoạn nói trên rơi dần theo trọng lượng vào vestibule của tai trong labyrinth và sẽ nằm yên ở đây không di chuyển nữa.

Một số thống kê cho thấy tập quay đầu theo phương pháp Epley này sẽ làm giảm các cơn chóng mặt từ 80 đến 90% trường hợp. Tuy nhiên không phải là khỏi hẳn vì bệnh sẽ trở lại sau đó chừng 15% cho mỗi năm. Tuy nhiên lại thực hiện phương pháp quay đầu Epley này sẽ tiếp tục có hiệu quả tiếp.

Điều giản dị là người bệnh có thể tự chữa nếu thấy bị chóng mặt trở lại. Cách thức tự chữa này được cho lên trên Internet với hình ảnh chỉ dẫn đầy đủ. Địa chỉ của Youtube cho các bệnh nhân muốn biết và tự học phương pháp Epley này là:

https://youtu.be/9SLm76jQg3g


Về phòng ngừa bệnh chóng mặt do tư thế, người bệnh có thể uống thuốc Meclizine tuy nhiên thường không nên dùng quá lâu vì nhiều phản ứng phụ. Đặc biệt cho phụ nữ Việt Nam,một số người bị chứng chóng mặt thường xuyên này khi đi khám bệnh thấy có thiếu chất sắt, nhất là những người bị kinh nguyệt nhiều hay mất máu, hoặc những ngưòi ăn chay, kiêng khem ít ăn thịt nên ít chất sắt trong cơ thể.

Uống thuốc bổ có chất sắt đi kèm thêm những vitamins loại B khác như trong loại thuốc Hemocyte plus có thể giúp ích phần nào. Ngoài ra một loại vitamin khác là vitaminE, khi dùng chung với thuốc Hemocyte plus, uống khoảng 200 units một ngày, cũng giúp ích thêm, có thể vì đặc tính anti-oxidant của vitamin E. Một số ngưòi bệnh khi uống thuốc bổ có chất sắt, vitamins B và vitamin E kể trên đã thấy có hiệu quả giúp cho ngăn chặn chứng chóng mặt thường xuyên positional vertigo khá nhiều tuy chưa có chứng cớ xác thực rõ ràng.

Nhưng những thuốc bổ này dùng không có hại gì nên cũng là một phương cách nên dùng để phòng ngừa thêm bệnh chóng mặt thường xuyên đã làm khổ sở rất nhiều phụ nữ trong lứa tuổi 40's-50's.

frankie
08-04-2023, 09:05 AM
THUỐC NÀO TỐT NHẤT TRỊ BỆNH ÁP HUYẾT CAO?


HỎI:


Tôi năm nay 58 tuổi, gần đây tôi bị áp huyết cao và được cho uống thuốc Lisinopril để trị áp huyết. Tuy nhiên dù uống lượng thuốc 20 mg một ngày, áp huyết của tôi vẫn còn hơi cao ở mức 150/98. Khoảng hai tháng nay tôi lại bị chứng ho khan rất khó chịu, uống thuốc ho loại nào cũng không khỏi. Ông bạn tôi có nói cho tôi biết coi chừng ho là do uống thuốc áp huyết vì cũng đã bị y hệt như vậy, phải đổi thuốc khác mới khỏi.

Xin bác sĩ cho biết thuốc Lísinopril tôi uống có làm ho như thế không? Và nếu đổi thuốc nên dùng thuốc nào sẽ tốt nhất? Tôi ngoài bệnh cao áp huyết còn bị tiểu đường, ngoài ra tôi cũng lâu lâu hay đau ngực. Tôi hút thuốc lá ngày một bao, nhiều lần đã tính bỏ mà bỏ chưa được. Cả gia đình tôi đều bị những loại bệnh áp huyết và tiểu đường. Cha mẹ tôi đều chết vì đứt mạch máu não. Ông anh tôi ở Việt Nam mới sang Mỹ chưa đầy một năm đã phải đi mổ tim. Xin bác sĩ cho biết tôi cần phải làm gì để ngừa những bệnh này?

Trần Hoàng T.


ĐÁP:

Áp huyết cao là một trong những bệnh thông thường nhất. Tại Hoa Kỳ cứ 4 người sẽ có một người bị áp huyết cao. Bệnh này thấy nhiều hơn ở người lớn tuổi. Nhiều người hồi trẻ áp huyết bình thường nhưng khi về già sẽ bị áp huyết cao. Vì thế đo áp huyết thường xuyên là điều quan trọng cho những người lớn tuổi.

Lý do vì áp huyết cao là một trong những nguyên nhân chính gây ra rất nhiều những bệnh tai hại khác như đứt mạch máu đầu (stroke), nghẹt động mạch tim (heart attack), suy tim (heart failure), suy thận, cứng thành động mạch... Áp huyết bị cao càng lâu và càng cao nhiều sẽ dễ bị những bệnh biến chứng kể trên nên việc chữa trị áp huyết cao rất quan trọng, càng sớm càng tốt và giữ cho áp huyết xuống thấp trở lại bình thường là điều căn bản.

Rất nhiều người bệnh biết mình bị áp huyết cao và đi khám bệnh uống thuốc nhưng hoặc uống thuốc không đủ hay không đúng cách, hay dùng thuốc không hợp bị nhiều phản ứng phụ, lúc uống lúc không, nên áp huyết vẫn cao.Thực sự ngay tại Hoa Kỳ, chỉ có 54% người có bệnh áp huyết cao có đi chữa bệnh và uống thuốc. Số người uống đúng và dầy đủ thuốc để áp huyết trở lại bình thường còn ít hơn nữa, chỉ khoảng 28% số người bệnh được chữa đúng mức và có áp huyết hoàn toàn bình thường!

Trước hết, áp huyết cao được định nghĩa như có mức áp huyết cao hơn 140/90. Số đầu là mức áp suất đo bằng millimét thủy ngân khi tim bóp đẩy máu ra gọi là systolic, số sau là áp suất khi tim nở ra gọi là diastolic. Thực sự những hiểu biết gần đây cho thấy con số này vẫn còn ở mức cao nhiều. Áp huyết tốt nhất là ở mức dưới 120/80. Mức bình thường là dưới 130/85. Áp huyết trong khoảng từ 130/85 đến 140/90 được gọi là mức bình thường nhưng ở cấp cao (high normal).

Với áp huyết trên 140/90 là bị bệnh áp huyết cao và được chia làm 3 cấp. Từ 140/90 đến160/100 là cấp 1. Từ 160/100 đến 180/110 là cấp 2. Cao hơn mức 180/110 là cấp 3. Loại này nguy hiểm nhất. Thực sự người bị bệnh áp huyết cao ở cấp 2 cũng đã dễ bị nhiều bệnh biến chứng.

Một người khoảng 50 tuổi nếu có áp huyết cao như160/110 không chữa sau 5 năm sẽ có 5% triển vọng bị một biến chứng tai hại như đau tim hay đứt mạch máu đầu. Nếu người này có lượng cholesterol trong máu cao, mức nguy hiểm sẽ tăng lên gấp đôi và nếu còn hút thuốc lá sẽ tăng lên gấp ba lần!

Ngược lại nếu người bệnh trên uống thuốc trị liệu áp huyết, mức nguy hiểm sẽ giảm đi nhiều. Thí dụ như người bệnh 50 tuổi trên với áp huyết lúc đầu là 160/110. Chỉ cần uống thuốc giảm áp suất systolic xuống được 10 mm thủy ngân và giảm được áp suất diastolic xuống 5mm thủy ngân, tức là giảm từ 160/110 xuống 150/105 mức độ nguy hiểm về đứt mạch máu đầu stroke sẽ giảm được 40% và bị đau tim heart attack giảm đi 16%. Và nếu áp huyết người này trở lại bình thường 140/90, mức độ nguy hiểm sẽ còn xuống nhiều hơn nữa!

(còn tiếp)

frankie
08-05-2023, 11:55 AM
Thuốc trị áp huyết có nhiều loại. Đầu tiên và trước kia được dùng nhiều là loại lợi tiểu(diuretics) làm đi tiểu nhiều và hạ áp huyết như hydrochlorothiazide, chorthalidone...Loại thuốc này dùng lâu dễ sinh nhiều phản ứng phụ như làm chất potassium thấp trong máu làm yếu bắp thịt, tăng lượng uric acid dễ làm bệnh gout, dễ làm tăng lượng đường, làm tăng lượng mỡ trong máu, dễ gây bất lực v..v.. nên hiện nay ít được dùng hơn. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc lợi tiểu để trị áp huyết khi dùng những loại thuốc mới không có hiệu quả bằng! Hoặc dùng kèm theo với những loại thuốc hạ áp huyết khác.

Loại thuốc áp huyết kế tiếp gọi là beta-blockers như metoprolol, carvedilol, atenolol, propanolol ...Những loại này hạ áp huyết hiệu quả nhưng không nên dùng nếu bị bệnh suyễn vì làm tăng suyễn nhiều hơn. Thuốc này cũng làm tim đập chậm, hay làm mệt.Tuy nhiên những người bị bệnh đau tim, hay những người mới bị heart attack dùng thuốc loại này sẽ giúp ngăn chặn bị heart attack trở lại. Vì thế những người bị bệnh tim đi kèm với áp huyết cao nên dùng loại này.

Loại thuốc kế 2 loại trên là thuốc gọi là calcium-channel blockers như amlodipine, nifedipine, verapamil, diltiazem...rất có hiệu quả. Hơn nữa những loại này có tính chất ngừa bệnh đứt mạch máu đầu nên dùng cho những người lớn tuổi rất tốt, nhất là khi sợ bị stroke.Một số người bệnh dùng thuốc loại này hay bị sưng phù chân, tuy nhiên nếu phù cũng chỉ bị nhẹ, không cần chữa, chỉ cần để chân cao khi ngủ. Hoặc có thể uống kèm thêm thuốc lợi tiểu một vài ngày sẽ hết phù.

Loại thuốc khác gọi là angiotensin-converting enzyme inhibitors (viết tắt là ACE inhibitors) như thuốc enalapril), lisinopril, capoten...rất có hiệu quả, dùng tốt nhất nếu người bệnh bị thêm các bệnh như suy tim, bị heart attack trước, bị bệnh tiểu đường hay bị suy thận do mất chất đạm trong nước tiểu (proteinuria).

Thuốc này có đặc tính là dễ gây ra chứng ho khan, khoảng 20% người bệnh có thể bị phản ứng phụ làm ho này. Chứng ho khan do thuốc gây ra rất khó chữa, uống thuốc ho thường không khỏi và chỉ hết sau khi ngưng thuốc ACE inhibitors và đổi sang thuốc khác. Một số phản ứng phụ khác hiếm hơn là thuốc này làm sưng mặt gọi là angioedema, hay làm mất vị giác, nếm không thấy mùi vị gì.Tuy nhiên những phản ứng này hiếm thấy.

Loại thuốc mới hơn chữa áp huyết là thuốc angiotensin receptor antagonists như các loại losartan, telmisartan, candesartan, olmesartan ...Thuốc áp huyết loại này rất tốt, ít gây ra phản ứng phụ. Dùng thay thế loại ACEinhibitors khi thuốc này làm ho, cũng như dùng nếu người bệnh bị thêm tiểu đường, bị suy tim hay bị bệnh thận và mất chất đạm trong nước tiểu.

(còn tiếp)

frankie
08-06-2023, 08:59 AM
Một loại thuốc áp huyết khác tuy đã có lâu nhưng được dùng nhiều hơn khi người bệnh bị sưng nhiếp hộ tuyến sẽ làm dễ đi tiểu hơn gọi là loại thuốc alpha-blockers như oxazosin, Cardura...Thuốc loại này làm giảm áp huyết không nhiều lắm nhưng nếu ngưòi bệnh bị nhiếp hộ tuyến lớn sẽ giúp ích cả 2 đàng: vừa hạ áp huyết, vừa dễ đi tiểu. Thường dùng chung với những thuốc áp huyết khác.

Như vậy việc chữa trị áp huyết cao và dùng loại thuốc nào sẽ tuỳ vào từng người bệnh và tuỳ phản ứng của người bệnh đó khi dùng thuốc. Như trường hợp trong câu hỏi của bệnh nhân Trần Hoàng T., dùng Lisinopril là loại thuốc ACE inhibitors rất đúng vì bị thêm bệnh tiểu đường, dùng thuốc này để chữa áp huyết và giúp cho tiểu đường cũng như bảo vệ bệnh thận do tiểu đường gây ra.

Tuy nhiên thuốc này lại làm ho nhiều, sẽ nên đổi sang thuốc loại angiotensin-receptor antagonists như Losartan hay Telmisartan chẳng hạn, sẽ giúp hạ áp huyết, giúp tiểu đường và không làm ho. Tuy nhiên người bệnh trên dù uống Lisinopril lượng cao là 20 mg môt ngày vẫn chưa làm áp huyết xuống thấp hơn 140/90 sẽ cần dùng thêm thuốc khác phụ vào.

Vì chứng đau ngực có thể do nghẽn động mạch tim, loại thuốc calcium channel blockers nên được dùng như thuốc Amlodipine chẳng hạn, sẽ giúp hạ thêm áp huyết và ngừa bệnh tim heart attack. Ngoài ra, với bệnh trong gia đình hay bị stroke như cha mẹ đã bị, dùng Amlodipine có thể ngừa thêm bệnh stroke rất tốt.

Trường hợp một người bệnh khác nếu bị áp huyết cao, cộng thêm với chứng tim đập nhanh, hay bị run tay sẽ nên dùng thuốc tốt nhất là loại beta blockers như metoprolol hay atenolol chẳng hạn vì vừa chữa áp huyết vừa làm tim đập chậm lại, vừa chữa run tay. Tuy nhiên nếu người này bị suyễn sẽ không nên dùng vì có thể làm tăng suyễn.

Tóm lại với những thuốc áp huyết mới và nhiều hiệu quả hiện nay, bệnh áp huyết cao đã trở nên dễ chữa trị. Điều cần là dùng thuốc phù hợp cho tình trạng của mỗi người bệnh. Ngoài ra cần phải chữa trị những bệnh liên hệ hay đi kèm như tiểu đường, cholesterol cao, bệnh mập và thay đổi cách sống như ăn lạt hơn, ăn kiêng chất béo, xuống ký và bỏ thuốc lá.

Những người bệnh có nhiều yếu tố nguy hiểm như trường hợp trong câu hỏi đầu bài cần phải theo dõi cẩn thận và làm thử nghiệm để tìm và chữa trị ngay những bệnh nguy hiểm có thể đi kèm như nghẹt động mạch tim, suy tim, cứng thành động mạch.v.v.. để chữa trị sớm sủa và ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

frankie
08-07-2023, 11:48 AM
Thiếu máu


HỎI:


Tôi hay bị xây sẳm, đứng lên ngòi xuống nhanh quá dễ bị chóng mặt. Tôi nghe người bạn nói bị như vậy là do thiếu máu. Xin cho biết làm sao biết được bị thiếu máu hay không? Nguyên nhân và chữa trị ra sao?

Nguyễn thị H. L.


ĐÁP:

Thiếu máu là bệnh thông thường, hay thấy ở những người Việt Nam. Những triệu chứng kể trên của bà có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như bệnh về tim, bệnh về áp huyết, bệnh do sự xáo trộn về cơ quan điều khiển sự thăng bằng của cơ thể ở tai trong, bệnh của hệ thần kinh giao cảm v.v…

Tuy nhiên những triệu chứng trên thường thấy nhất ở người bị thiếu máu. Những triệu chứng khác là hay bị mệt, thấy đuối sức khi làm gì nặng, kèm theo khó thở và hồi hộp, đôi khi dễ bị xỉu. Đặc biệt hay thấy ớn lạnh. Đôi khi bị thêm những triệu chứng về tiêu hóa như ăn không ngon, khó tiêu, buồn nôn v.v… Thường bị khó ngủ, dễ quạu quọ.

Tóm lại là những triệu chứng không rõ rệt, tuy nhiên dấu hiệu rõ ràng nhất để định bệnh là xanh xao. Mặt và tay chân, nhất là bàn tay và bàn chân xanh hẳn ra và nếu kéo mí mắt dưới xuống thường thấy màng nhày mí mắt lợt lạt không được đỏ hồng như người bình thường. Muốn biết chắc chân có thiếu máu không, nặng nhẹ ra sao và thiếu máu do nguyên nhân nào phải thử máu để đo lượng hồng huyết cầu.

Hồng huyết cầu là tế bào máu có nhiệm vụ mang dưỡng khí đi khắp cơ thể, trung bình khoảng từ 4 triệu đến 5 triệu rưởi hồng huyết cầu trong một phân khối máu. Đàn bà có ít máu hơn đàn ông, ít hơn khoảng 10%. Ngoài ra cũng cần đo lượng hemoglobin trong máu. Hemogglobin là sắc tố có chất sắt trong hồng huyết cầu, giũ vai trò kết hợp với dưỡng khí oxygen và chất thán khí CO2 để trao đổi trong sự hô hấp của tế bào. Trung bình lượng hemoglobin ở đàn bà là từ 12 đến 16 grams trong 100cc máu, đán ông từ 14 đến 18 grams trong 100cc máu.

Những thí nghiệm khác là đo lượng phần trăm Hematorit của lượng hồng huyết cầu lớn nhỏ ra sao gọi là MCV, mean corpuscular volume đo phần trăm sắc tố trong mỗi hồng huyết cầu đậm lạt ra sao gọi là MCH. mean corpuscular hemoglobin. Dựa trên kết quả thử máu này ta có thể biết thiếu máu nặng hay nhẹ và loại gì. Nếu thể tích của hồng huyết cầu nhỏ hơn bình thường và lượng sắc tố quá nhạt, tức MCV và MCH quá thấp, thường bệnh thiếu máu là do thiếu chất sắt trong cơ thể.

Thiếu máu vì thiếu chất sắt là nguyên nhân thông thường, nhất là tại những vùng nhiệt đới và chậm tiến như tại Việt Nam, ăn uống không đầy đủ, ít có thịt để ăn. Thịt là nguồn cung cấp chất sắt nhiều nhất trong đồ ăn. Ngoài ra bị giun sán nhiều, nhất là loại sán lãi Ascaris lumbricoides sẽ làm cho cơ thể mất chất sắt. Trẻ con và thiếu niên đang lớn cũng dễ bị thiếu máu do thiếu chất sắt vì cơ thể tăng trưởng đòi hỏi nhiều, nếu không ăn uống đầy đủ sẽ bị thiếu máu dễ dàng. Một triệu chứng rất đặc biệt của thiếu chất sắt là thèm ăn đá lạnh! Người bệnh có những triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng của thiếu máu nếu khai ra là tự nhiên thấy thèm ăn những cục đá lạnh, có thể đoan quyết là đã bị thiếu chất sắt làm thiếu hồng huyết cầu!

Đàn bà mang thai hay bị thiếu máu vì thiếu sắt cũng do nguyên nhân này. Đàn bà thường bị thiếu máu do thiếu nhiều chất sắt hơn đàn ông vì vấn đề mất máu do kinh nguyệt. Chất sắt được dùng để cấu tạo sắc tố hemoglobin của hồng huyết cầu nên bị mất máu kinh niên do có kinh nguyệt nhiều quá hoặc bị bệnh bao tử, ruột làm chảy máu kinh niên, lâu ngày số lượng dự trữ chất sắt trong cơ thể không đủ để cung ứng cho số lượng chất sắt bị mất đi do chảy máu kinh niên sẽ gây ra bệnh thiếu máu vì thiếu chất sắt.

Một số người uống aspirin hoạc những thuốc chống viêm, phong thấp như Advil, Motrin, Naproxen hay bị phản ứng làm chảy máu bao tử, nếu không biết cứ tiếp tục uống sẽ làm mất máu kinh niên và sau cùng gây ra bệnh thiếu máu. Một số trường hợp như loét bao tử, ung thư bao tử hay ung thư ruột làm chảy máu từ từ và gây ra bệnh thiếu máu do chất sắt. Vì lý do này, khi định ra bệnh thiếu máu thường phải tìm ra nguyên nhân để có thể trị những bệnh nặng như kể trên một cách kịp thời, quan trọng nhất là ung thư. Vì thế khi một bệnh nhân lớn tuổi nếu bị thiếu máu do thiếu chất sắt, phải làm những thử nghiệm cần thiết như soi bao tử, soi ruột để xem có bị ung thư hay không.

(còn tiếp)

frankie
08-08-2023, 09:52 AM
Thử nghiệm để định bệnh thiếu máu tương đối giản dị. Trước hết là làm thử nghiệm CBC tức complete blood count. Nếu thấy lượng hemoglobin và hematocrit thấp, đi kèm với MCV và MCH, MCHC thấp, sẽ nghi là do thiếu chất sắt, cần phải đo lượng chất sắt trong máu là serum iron, trung bình là 60 - 170 microgram/dl. Mức chất sắt thấp hơn 60 là thiếu sắt. Thường sẽ làm các tests đi kèm là TIBC tức total iron binding capacity, trung bình từ 240 - 450 microgram/dl, nếu thiếu chất sắt, mức này sẽ cao lên nhiều. Cũng như test transferrin saturation , trung bình là 25%, nếu thiếu chất sắt sẽ thấp hơn.

Ngoài ra có thể đo lượng serum ferritin. Ferritin là chất đạm protein ở trong tế bào có nhiệm vụ giữ chất sắt và sẽ cung cấp chất sắt để tạo ra hemoglobin. Vì thế khi bị bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt, đo lượng ferritin sẽ rất thấp.

Chữa trị bệnh thiếu máu do chất sắt phải trị nguyên nhân như phải trị sán lãi, trị các bệnh gây ra mất máu kinh niên như loét bao tư, viêm ruột, ung thư v.v… Nếu uống aspirin, thuốc chống viêm phải ngưng ngay.Phụ nử có kinh quá nhiếu vì để vòng xoắn phải lấy ra và đổi cách ngừa thai.

Trị liệu thiếu chất sắt giãn dị hơn, chỉ cần uống thêm thuốc bổ có chất sắt mỗi ngày. Thông thường phải uống thuốc chất sắt loại ferrous sulfate 300 mg, ngày ba lần, có thể phải uống kéo dài vài tháng. Trị liệu rất có hiệu quả, chừng 1, 2 tuần lượng máu sẽ tăng cao dần và những triệu chứng bớt rất nhanh.

Một số trường hợp ở người Việt Nam chúng ta cũng thấy là bệnh thiếu máu với thể tích hồng huyết cầu nhỏ và sắc tố hemoglobin lợt lạt, không phải do thiếu chất sắt nhưng do một chứng bệnh bẩm sinh của hemoglobin không bình thường gọi là bệnh Thalassemia. Bệnh thiếu máu này do cấu tạo bất thường của sắc tố hemoglobin và không chữa được.

Ít thấy hơn ở người Việt Nam là loại thiếu máu với thể tích hồng huyết cầu lớn, thường do thiếu sinh tố B12 hay thiếu sinh tố folic acid. Loại thiếu máu vì thiếu sinh tố B12 hay xãy ra ở những người bị bệnh teo màng nhày bao tử, không hấp thụ được sinh tố B12. Thiếu máu vì thiếu sinh tố folic acid hay xảy ra nơi những người nghiện rượu.

Chữa trị các bệnh thiếu máu loại này tương đối cũng dễ dàng, chỉ cần chích vitamin B12 hay uống thuốc sinh tố folic acid mỗi ngày.

Tóm lại những triệu chứng kể ra trong câu hỏi của người bệnh Nguyễn thị H. L. tuy không rõ ràng cần phải đi khám nghiệm và thử máu và chữa trị tùy thuộc vào thiếu máu loại nào và nguyên nhân nào như đã kể trên.

frankie
08-09-2023, 09:25 AM
UNG THƯ RUỘT GIÀ


HỎI:


Ba tôi mới khám bệnh và được cho biết bị ung thư ruột già. Xin bác sĩ cho biết ung thư ruột già có di truyền không? Tôi có thể bị bệnh này trong tương lai không? Cũng xin bác sĩ cho biết làm thế nào để ngừa bệnh này và nếu bị ung thư ruột già, có cách nào trị khỏi bệnh không?

Trần V. H.


ĐÁP:


Ung thư ruột già là một loại ung thư rất thường thấy, chỉ sau ung thư phổi về mức độ xảy ra. Thông thường, ung thư ruột già hay xảy ra ở người lớn tuổi, khoảng 50 trở lên, tuy người trẻ hơn vẫn có thể bị.

Bệnh ung thư này liên quan nhiều đến mức độ tân tiến của một quốc gia, những nước văn minh có khuynh hướng bị loại ung thư này nhiều hơn các nước chậm tiến. Người Việt sang Hoa Kỳ cũng đã thấy bắt đầu bị bệnh ung thư này nhiều hơn trước. Lý do chắc chắn hẳn không được rõ ràng, tuy nhiên một số khảo cứu cho thấy vấn để ăn uống giữ vai trò quan trọng về việc gây ra ung thu này.

Ăn nhiều chất béo, ăn thịt nhiều làm tăng mức độ bị ung thu ruột già. Những người bị bệnh tim do cholesterol cao, ăn thịt mỡ nhiều, cũng hay thấy bị ung thư ruột già nhiều hơn nguời khác. Ngoài ra ăn thiếu chất sợi fibers nhu đồ ăn của người Mỹ, cũng làm tăng mức độ bị ung thu ruột già, tuy điều này chưa đuợc chứng minh rõ ràng cho lắm.

Một giả thuyết khác nữa là đồ ăn thiếu chất vôi calcium cũng dễ gây ra ung thư ruột già hơn. Ngược lại, những nguời ăn đồ có nhiều chất calcium hay uống thêm calcium có thể làm giảm mức độ bị ung thư ruột già.

Câu hỏi của ông về vấn đề di truyền của bệnh này rất quan trọng. Khoảng 25% trường hợp có tính cách di truyền tuy không đuợc rõ rệt lắm. Một số nhỏ tính di truyền của ung thư ruột già này là do một bệnh về ruột gọi là polyposis coli. Những nguời bị bệnh ruột này có các cục buớu gọi là polyps đầy trong ruột, thường ruột già, đôi khi cả ruột non. Còn nhỏ không thấy, nhưng từ tuổi 25 trở đi, những nguời bị chứng này bắt đầu bị ung thu ruột già. Bệnh này hiếm thấy, nhưng khi biết có bệnh polyposis coli, thường phải giải phẫu cắt bỏ hết ruột già để ngừa ung thư xảy ra. Tính di truyền của bệnh này quan trọng ở chỗ nếu bố hoặc mẹ bị, 50% số con sẽ bị bệnh, vì thế phải theo dõi thường xuyên để giải phẫu sớm nếu phát hiện ra bệnh.

Phần lớn trường hợp di truyền của bệnh ung thư ruột già không đuợc xác định rõ, một số gia đình tuy không bị chứng polyposis coli nhưng cũng thấy bệnh ung thư ruột già xảy ra trong gia đình. Vì thế, khi một nguời trong gia đình bị ung thư ruột già, điều cẩn thận là đi khám nghiệm và theo dõi để ngừa trước.

Một nguyên nhân khác nữa gây ra ung thư ruột già là những người bị bệnh viêm ruột kinh niên gọi là inflammatory bowel disease, gồm hai loại chính là bệnh Crohn’s disease và bệnh loét ruột già gọi là ulcerative colitis.Tương đối người Việt Nam ít bị hai loại bệnh này nên nguyên nhân gây ra ung thư ruột già do viêm ruột này ở người Việt ít quan trọng.

Triệu chứng của bệnh ung thư ruột già tùy thuộc vào vị trí của ung thư nằm chỗ nào trong ruột, bên phải, bên trái hay gần hậu môn. Có thể hoàn toàn không có triệu chứng gì ngoài chuyện thấy mệt mỏi vì bị mất máu từ từ do ung thư làm lở và chảy máu. Vì thế người già bị thiếu máu, nhất là loại thiếu máu do mất chất sắt, phải đi tìm xem có bị ung thư ruột già gây ra thiếu máu hay không?

Ung thư ruột già nếu ở phía bên trái hay gây ra làm nghẹt, thấy bị bón, đau bụng. Nếu nằm gần hậu môn, phần trực tràng có thể làm đi cầu ra máu tươi. Vì thế dù đi cầu ra máu tươi phần lớn do bệnh trĩ, vẫn phải để ý và loại trừ bệnh ung thư ruột già khi đi cầu bị ra máu tươi.

(còn tiếp)

frankie
08-10-2023, 08:42 AM
Khi bị những triệu chứng kể trên, hoặc có những triệu chứng do ung thư đã lâu và lớn như có cục trong bụng, bị sút ký nhiều..v..v..., phải đi khám nghiệm ngay để tìm bệnh. Trong phần khám, điều quan trọng nhất là khám hậu môn.Một số lớn ung thư ruột già nằm ờ phần trực tràng gần với hậu môn nên khám hậu môn và trực tràng bằng ngón tay có thể sờ thấy ung thư.

Sau đó phải thử để xem trong phân có máu hay không bằng thử nghiệm gọi là hemoccult. Nếu có máu lẫn trong phân, tuy nhìn ngoài không thấy gì, khi thử bằng cách nhỏ thuốc vào phân thấy đổi màu xanh là có máu trong phân.

Một thử nghiệm mới hơn là thử về DNA của tế bào ruột già trong phân gọi là Cologuard. Tuy nhiên test này mắc tiền và tuy có hiệu quả 92% tìm ra ung thư nhưng cũng chỉ tìm ra khoảng 42% trường hợp có polyps lớn và có 13% dương tính sai, false positive, có nghĩa test nói có ung thư nhưng sự thật không có ung thư gì cả!

Khi thử thấy có máu trong phân hay có kết quả dương về DNA của tế bào ung thư ruột già bằng Cologuard sẽ phải làm thử nghiệm chính xác nhất để tìm ra ung thư ruột già bằng cách soi ruột colonoscopy. Cách thức chụp hình quang tuyến ruột gọi là barium enema bây giờ ít dùng và thay thế bằng colonoscopy

Soi ruột già có thể dùng ống soi ngắn, bẻ cong được gọi là flexible sigmoidoscopy soi lên được khoảng tới 40-60 cm phía trên. thường được làm ngay trong phòng mạch vì đa số ung thư ruột già xảy ra ở gần hậu môn. Muốn chắc chắn hơn phải soi toàn thể ruột già colonoscopy để thấy có chỗ nào nghi ngờ có thể cắt một miếng nhỏ gọi là biopsy để xem dưới kính hiển vi.

Ung thư ruột già hầu hết bắt nguồn từ một bướu nhỏ trong ruột gọi là adenomatous polyps, thường mọc cũng khá chậm trước khi thành ung thư hẳn, trung bình cỡ 5 năm. Vì thế nếu soi có thấy loại bướu này tuy không có ung thư cũng phải cắt bỏ và thường xuyên theo dõi để ngừa những bướu khác mọc thêm và biến thành ung thư. Những trường hợp này phải soi toàn thể ruột già và sau này cứ 5 năm làm lại một lần cho chắc chắn.

Trường hợp của bệnh nhân Trần V. H. có người cha bị ung thư ruột già , nếu cha mình bị ung thư ruột già lúc còn trẻ dưới 60 tuổi, vì xác suất di truyền cao, nên bệnh nhân Trần V. H. nên đi soi ruột sớm khi bắt đầu 40 tuổi và cứ 5 năm nên đi soi colonoscopy lại một lần để tìm ung thư. Nếu người cha bị ung thư ruột già lúc trên 60 tuổi, nên bắt đầu đi soi colonoscopy cho mình khi 50 tuổi và cứ 10 năm soi lại một lần.

Ung thư ruột già nếu tìm ra sớm, chưa chạy đi đâu, chỉ ở lớp màng nhầy phần ngoài, khi giải phẫu cắt bỏ có thể coi như khỏi tuy vẫn phải theo dõi thường xuyên vì khoảng 3 - 5% có thể bị ung thư ruột ở chỗ khác. Ung thư ruột già nếu lúc định bệnh và mổ đã xâm lấn qua lớp màng nhầy, mức tử vong sẽ cao hơn. Nếu ra ngoài bắp thịt của ruột, mức sống sót sau năm năm chỉ còn từ 70 -85%, nếu chạy tới các hạch chỉ khoảng 50% sống sót sau 5 năm. Ung thư ruột đã chạy khắp nơi, dù chữa trị cũng chỉ 5% trường hợp có hy vọng sống sót sau 5 năm.

Như vậy đủ thấy việc tìm ra bệnh sớm là điều quan trọng nhất, vì giải phẫu sớm lúc ung thư còn giới hạn mới hy vọng sống sót lâu được. Việc chữa trị như trên đã nói, là giải phẫu cắt bỏ. Những trường hợp ung thư ở trực tràng gần hậu môn, thường phải nối ruột cho phân chạy ra một lỗ ở ngoài da trên bụng sau khi mổ. Ung thư ở cao hơn thường vẫn giữ được hậu môn và chỉ cần nối ruột.

Những cách trị khác là chạy điện phóng xạ radiation therapy. Ung thư ở hậu môn sau khi mổ xong phải dùng thêm phương pháp chạy điện này để ngừa ung thư trở lại. Cách trị bằng hoá học trị liệu với chất 5-FU hiệu quả tương đối ít, dùng khi ung thư chạy khắp nơi hay trở lại. Một loại thuốc trị sán thường được dùng cho súc vật như loài cừu gọi là Levamisole gần đây được khám phá thấy rằng khi dùng chung với thuốc 5-FU và chạy điện có thể giúp ích nhiều hơn.

Tóm lại ung thư ruột già là một loại ung thư hay thường thấy. Người Việt sang Hoa Kỳ có thể dễ bị chứng bệnh ung thư này hơn hồi còn ở Việt Nam. Ăn giảm thịt mỡ, giảm cholesterol, ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc để tăng thêm chất sợi, thêm chất vôi calcium có thể giúp ích để ngừa phần nào. Một khuyến cáo gần đây năm 2015 của US Preventive Services Task Force là uống lượng nhỏ Aspirin 81 mg mỗi ngày có thể ngừa ung thư ruột già. Vì 25% trường hợp có thể có tính cách di truyền nên nếu có người trong gia đình bị, nên đi khám nghiệm để ngừa trước.

Những người trên 40 tuổi nên mỗi năm đi khám và làm thử nghiệm khám hậu môn và tìm máu trong phân hay DNA tế bào ung thư ruột trong phân Cologuard để tìm ra bệnh sớm để ngừa. Nếu có triệu chứng, cần phải soi ruột colonoscopy để tìm bệnh. Ung thư ruột già nếu tìm ra muộn hay không chữa sẽ gây ra chết nên vấn đề chính yếu vẫn là tìm bệnh sớm sủa để chữa cho có hiệu quả.

frankie
08-11-2023, 08:57 AM
SUY TIM


HỎI:


Tôi hay bị mệt và khó thở khoảng hơn hai năm nay. Gần đây chứng khó thở càng ngày càng nặng hơn. Tôi chỉ cần đi bộ một quãng đường đã thấy mệt và không thở được. Ở nhà tôi không leo nổi cầu thang lên tầng trên, ban đêm phải kê đầu lên hai chiếc gối mới thấy dễ thở và ngủ được. Cách đây mấy ngày, hai chân tôi thấy sưng phù lên. Xin bác sĩ cho biết bệnh tôi có phải là bệnh tim không và cách chữa trị ra sao?

Nguyễn Thị L. K.


ĐÁP:


Những triệu chứng bà tả trên nhiều phần là do chứng suy tim gây ra. Trái tim có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi duỡng các mô và tế bào khắp thân thể nên nếu vì một lý do nào đó, hoạt động co bóp của tim không đủ để cung ứng nhu cầu biến dưỡng của cơ thể, sẽ gây ra chứng suy tim. Như vậy suy tim là một hợp chứng và do rất nhiều thứ bệnh có thể gây ra. Điều quan trọng là nhận biết về những triệu chứng nào do suy tim và tìm nguyên nhân gây ra để chữa trị cho có hiệu quả.

Suy tim có thể xảy ra một cách nhanh chóng, cấp kỳ, thí dụ như bị nghẽn động mạch tim làm chết một phần bắp thịt tim và làm bể van tim, hoặc trường hợp bị nhiễm trùng tim nặng làm suy tim cấp tính. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp khác, suy tim xảy ra từ từ trong khoảng thời gian từ vài tháng đến vài năm và có thể do những bệnh kinh niên của chính trái tim hay những bệnh khác ảnh hưởng trên tim gây ra.

Trước hết, suy tim gây ra những triệu chứng nào để có thể nhận biết là bị suy tim? Thường xảy ra và quan trọng nhất là chứng khó thở. Khó thở xảy ra khi sức co bóp của tim yếu, làm ứ đọng máu phía bên phổi và tăng áp suất của các vi quản mạch máu phổi. Do đó người bệnh phải cố gắng thở nhiều hơn khi làm việc gì và gây ra cảm giác khó thở.

Ngoài ra nếu bị suy tim nặng, nước có thể từ mạch máu tràn vào phổi làm phù phổi (pulmonary edema), làm càng khó thở hơn. Nếu mức phù phổi quá cao, người bệnh có thể chết vì ngập nước trong phổi này.Thường những thay đổi này xảy ra dần dần, người bệnh lúc đầu thấy hơi khó thở khi làm việc gì nặng nhọc. Sau đó, đi bộ một quãng xa sẽ làm khó thở. Mức độ tăng dần, chỉ cần đi một quãng ngắn hay leo cầu thang cũng thấy khó thở. Đến mức độ nặng hơn nữa, không làm gì cũng thấy khó thở, nhất là khi nằm xuống.

Lý do vì khi nằm, lượng máu trở về tim nhiều hơn và làm tăng mức áp suất của vi quản mạch máu phổi, ngoài ra, khi nằm hoành cách mô (diaphragm) là bắp thịt dưới lồng ngực giúp ta thở bị đẩy lên trên nên làm dung tích phổi nhỏ hơn. Các yếu tố này khi suy tim sẽ làm bệnh nhân thở khó khi nằm (orthopnea). Vì thế, người bệnh thường phải nằm đầu cao, dùng 2,3 gối mới thấy dễ thở và ngủ được. Khi bị suy tim nặng hơn nữa, nhiều khi không thể nằm mà phải ngủ ngồi.

Một triệu chứng khác khi suy tim nặng có thể xảy ra là lúc đang ngủ chợt tỉnh dậy khò khè như bị nghẹt thở hẳn, làm ho và lăn lộn một lúc mới đỡ (paroxysmal nocturnal dyspnea). Giai đoạn này thường sau đó đến mức nặng hơn là phù phổi, làm ho ra nước có bọt và máu hồng, nếu không chữa kịp sẽ chết vì nước ứ trong phổi này.

Triệu chứng khác nữa là phù chân. Lý do là khi tim co bóp yếu, máu bị ứ đọng phía tim phải, làm hệ thống tĩnh mạch bị ngưng trệ và nước sẽ thoát ra ngoài giữa các tế bào, gây ra phù. Khi bị suy tim nặng, gan sẽ sưng lớn và đến giai đoạn chót, người bệnh có thể vàng da vàng mắt. Nếu không chữa trị, suy tim sẽ gây ra chết do phù nước trong phổi (pulmonary edema) như đã nói ở trên, hoặc trong 30% - 40% trường hợp, người bệnh sẽ chết bất thình lình vì tâm thất đập sai nhịp (ventricular arrythmia).

(còn tiếp)

frankie
08-12-2023, 09:21 AM
Nguyên nhân gây ra suy tim có rất nhiều bệnh khác nhau. Tại Hoa Kỳ, khoảng từ 50% đến 70% trường hợp là do bệnh nghẽn động mạch tim (ischemic heart disease). Bệnh này làm chết một phần các bắp thịt tim nên sẽ làm suy yếu tâm thất và gây ra suy tim.

Những nguyên nhân còn lại là các bệnh gây ra trương tim (dilated cardiomyopathy) như bị sưng bắp thịt tim do cực vi trùng, uống rượu nhiều quá ảnh hưởng làm lớn tim, thiếu sinh tố B1 (beri-beri), bệnh này giờ ít thấy; bệnh lớn tim do di truyền(hypertrophic cardiomyopathy), bệnh này hay gây ra chết bất thình lình do nhịp tim rối loạn nơi những người chơi thể thao mạnh như football.

Ngoài ra đặc biệt một số phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt cuối hay sau khi sinh con xong có thể bị bệnh nở lớn tim (peripartum cardiomyopathy), làm suy tim. Số người bị bệnh này không phải ít vì cứ 10,000 trường hợp mang thai có thể có 1 người bị suy tim loại này.Tuy nửa số trường hợp sẽ tự khỏi, nửa số còn lại sẽ bị suy tim một ngày một nặng hơn. Nếu đã bị suy tim sau khi sinh này, lại còn có bầu tiếp sẽ làm bệnh trầm trọng hơn nhiều và phải chấm dứt thai kỳ sớm nếu không muốn bệnh nặng hơn và có thể gây ra chết.

Những nguyên nhân gây ra suy tim khác là những bệnh về van tim, bệnh tim bẩm sinh và sau cùng là suy tim do bệnh áp huyết cao không chịu chữa trị sớm. Tại Hoa Kỳ, những nguyên nhân gây ra suy tim này tương đối ít vì phần lớn các bệnh van tim hay tim bẩm sinh đều được chữa trị từ nhỏ nên suy tim do các bệnh này ít hơn.

Ngoài ra, tại Hoa Kỳ tương đối bệnh áp huyết cao đều được nhận biết sớm và chữa trị ngay nên biến chứng suy tim do áp huyết cao giờ đây ít thấy hơn. Đối với người Việt sinh sống tại đây, thứ tự quan trọng của những nguyên nhân bệnh gây ra chứng suy tim có lẽ khác với người Hoa Kỳ. Mặc dù số người Việt bị bệnh nghẽn động mạch tim một ngày một thấy nhiều, tỷ lệ này ở người Việt vẫn ít hơn.

Gây ra suy tim ở người Việt quan trọng hơn cả là những bệnh về van tim. Lý do vì phần lớn những bệnh van tim này là do bệnh sốt thấp khớp hồi nhỏ gây ra (rheumatic fever). Bệnh sốt thấp khớp xảy ra rất nhiều ở Việt Nam. Bệnh này là hậu quả của nhiễm trùng cổ họng do vi trùng Streptococcus, không được chữa trị như phần lớn trẻ em tại Việt Nam, gây ra sốt thấp khớp và tấn công các van tim.

Sau một thời gian, sốt thấp khớp sẽ để lại biến chứng tai hại là bệnh van tim sau 10, 20 năm, hay cả hàng 30 năm sau. Những bệnh về van tim này gồm bệnh nghẹt van hình chóp (mitral stenosis), hở van hình chóp (mitral insufficiency), hở van đại động mạch (aortic insufficiency), lâu ngày sẽ bị nghẹt hoặc hở van một ngày một nhiều và sau cùng gây ra suy tim.

Ngoài ra người Việt sang đây thường hay thấy bị suy tim do chứng bệnh tim bẩm sinh. Ngược lại với Hoa Kỳ, bệnh tim bẩm sinh thường đưọc định bệnh sớm từ nhỏ và giải phẫu ngay, người Việt bị bệnh tim bẩm sinh sang đến Hoa Kỳ mới được khám phá ra nên nhiều người đã bị nặng và suy tim.

Những bệnh hay thấy là lỗ hở vách ngăn tâm nhĩ (atrial septal defect), hở vách ngăn tâm thất (ventricular septa ldefect), ống thông động-tĩnh mạch không được đóng kín (patent ductus arteriosus), nghẹt đại động mạch (coarctation of aorta). Những bệnh này để lâu không được giải phẫu sẽ đưa đến suy tim khi bệnh nhân trưởng thành.

Như vậy với những triệu chứng như khó thở, ngồi lên mới thở dễ được, đi lại nhiều hay leo thang gác không được vì khó thở và phù chân như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị L. K. trong câu hỏi trên, cần phải đi khám và làm thử nghiệm để định bệnh suy tim.

(còn tiếp)

frankie
08-14-2023, 11:33 AM
Thường khám bệnh nghe tim sẽ thấy tim lớn ra, có những tiếng thổi trong tim (murmur), tùy theo ở thời kỳ co dãn của tim ( systolic & diastolic) sẽ chẩn đoán được bị suy tim và có thể bị bệnh van tim loại gì. Đo tâm điện kế (EKG) và chụp hình sẽ thấy được tim lớn.

Tuy nhiên thử nghiệm quan trọng nhất là siêu âm tim (echocardiography). Siêu âm tim sẽ cho biết tâm thất hay tâm nhĩ nào lớn, dung tích và bề dầy của các buồng tim, định được chính xác bệnh van tim thuộc loại gì hay có bị bệnh tim bẩm sinh thuộc loại nào.

Ngoài ra, siêu âm sẽ giúp đo mức tỷ số bơm của tim gọi là ejection fraction. Tỷ số này là phần trăm của dung tích máu bơm ra của tâm thất trái chia cho lượng máu nằm trong tâm thất, xác định mức làm việc của tim. Nếu tỷ số này thấp hơn 40%, có thể xác định được là người bệnh bị suy tim.

Việc chữa trị suy tim quan trọng nhất là chữa nguyên nhân, như giải phẫu thay van tim nếu bị hở van, đóng lại lỗ hở giữa hai tâm nhĩ hay tâm thất, thông tim hay ghép mạch máu tim nếu bị bệnh nghẽn động mạch tim... Tuy nhiên nếu không giải phẫu được, sẽ phải dùng thuốc để chữa bệnh suy tim.

Thuốc quan trọng để chữa suy tim theo những hiểu biết mới nhất hiện nay là loại thuốcgọi là ACE inhibitor (angiotensin converting enzyme). Thuốc này cũng dùng để chữa áp huyết cao như loại enalapril hay Vasotec, Captopril, lisinopril hay Zestril...nên những người vừa bị áp huyết cao vừa suy tim phải dùng thuốc loại này.

Lý do là hệ thống renin - angiotensin của thận bị kích thích nhiều khi suy tim nên những thuốc trên làm ngăn chặn phân hóa tố sản xuất ra angiotensin sẽ làm những tiến triển của suy tim ngưng lại và kéo dài được đời sống cho bệnh nhân. Khi dùng thuốc này phải dùng từ lượng nhỏ tăng lên dần dần và phải theo dõi cẩn thận.

(còn tiếp)

frankie
08-15-2023, 08:39 AM
Loại thuốc kế tiếp phải dùng cho suy tim là thuốc lợi tiểu (diuretics). Thuốc này sẽ làm giảm phù và làm giảm lượng nước nhờ tác dụng trên thận làm đi tiểu nhiều nên làm giảm những triệu chứng khó thở, phù chân...Hai loại chính của thuốc lợi tiểu là loại thiazides và loại furosemide (Lasix). Dùng thuốc lợi tiểu phải coi chừng về mất chất potassium nên thường sẽ phải uống thêm chất potassium để bồi bổ lại.

Theo những khám phá mới hiện nay, một loại thuốc khác có thể giúp ích nhiều cho suy tim là loại thuốc beta-blockers như atenolol, metoprolol...Những thuốc này trưóc kia cấm dùng vì cho rằng làm suy tim thêm. Nhưng hiện nay những hiểu biết mới cho thấy hệ thống giao cảm (sympathetic) của cơ thể bị kích thích do suy tim nên dùng những thuốc chống hệ thống này như kể trên sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của suy tim. Dùng thuốc này cũng phải rất cẩn thận và phải từ từ dùng từ lượng nhỏ lên rất chậm và theo dõi cẩn thận.

Thuốc loại digitalis như Digoxin trước kia là thuốc chính để chữa suy tim nay không còn được coi trọng bằng các loại thuốc vừa kể trên. Tuy nhiên Digoxin cũng tiếp tục được dùng để chữa suy tim, nhất là khi tim lớn nhiều. Loại thuốc làm dãn nở mạch máu gọi là vasodilators như Hydralazine, nitrates cũng được dùng để chữa suy tim, tuy không hiệu quả nhiều bằng loại ACE inhibitor như đã nói trên.

Ngoài ra, khi bị suy tim nặng, người bệnh thường phải kiêng ăn mặn, để tránh phù lên nhiều và làm suy tim thêm. Mức muối ăn mỗi ngày chỉ đưọc ở khoảng 2 grams. Hơn nữa, người bệnh phải cân mỗi ngày để xem có lên ký nhiều, tức là bị phù thêm hay không?Theo dõi mức cân mỗi ngày sẽ giúp cho việc chữa trị bệnh suy tim hiệu quả hơn vì nhờ thế sẽ biết để cần tăng giảm thuốc như thế nào.

Như vậy bệnh suy tim trong những năm gần đây đã chữa được với khá nhiều hiệu quả hơn trước cho những trường hợp không thể giải phẫu và phải dùng thuốc để ngăn chặn bệnh phát triển. Tuy nhiên, dù đã tăng đời sống và làm người bệnh khỏe khoắn hơn, các thuốc này cũng chỉ để cầm chừng và đến giai đoạn chót, khi suy tim phát triển thêm và thuốc không ngăn được, phương pháp cuối là thay tim (cardiac transplantation) bằng tim người mới chết.

Gần đây nhất, tim nhân tạo đã được dùng trên vài người bệnh với nhiều hiệu quả, có thể dùng trong một thời gian khá dài để những người bệnh suy tim ở giai đoạn chót này chờ đợi đến phiên được thay tim bằng tim người chết. Tuy khan hiếm và phải chờ lâu, thay tim hiện nay đã kéo dài đời sống cho bệnh nhân rất nhiều. Sau 5 năm, số người được may mắn thay tim và sống bình thường lên tới 75-80%, nên nếu được thay tim trước khi quá nặng bị chết, đây là hy vọng cuối cùng cho những bệnh nhân suy tim đến giai đoạn cuối này.

frankie
08-16-2023, 08:35 AM
UNG THƯ MÁU


HỎI:


Bà chị tôi năm nay 48 tuổi, vừa được bác sĩ nhà thương cho biết bị ung thư máu và cần phải kiếm người thích hợp để cho tủy máu chữa bệnh ung thư này. Trong gia đình chỉ có mình tôi hợp loại máu với chị tôi. Xin bác sĩ cho biết nếu tôi cho tủy máu chị tôi, bệnh ung thư máu có chữa được không và có nguy hiểm gì khi cho tủy máu không? Bệnh ung thư máu có lây được hay không?

Trần Hoàng S.


ĐÁP:


Bệnh ung thư máu là một trong những loại ung thư tương đối với trị liệu mới hiện nay rất có hiệu quả, với một số bệnh nhân có thể coi như chữa khỏi hẳn được bệnh nếu chữa trị đúng cách và sớm sủa.

Ung thư máu chia làm hai loại chính: loại cấp tính (acute leukemia) và loại kinh niên (chronic leukemia). Mỗi loại này lại tùy theo tế bào máu nào biến thành ung thư và chia làm 2 loại khác: loại tiểu bạch cầu (lymphoid) và loại đa nhân(myeloid).

Ba loại quan trọng nhất là ung thư máu cấp tính lymphoid, viết tắt là ALL (acute lymphoid leukemia) hoặc myeloid, viết tắt là AML (acute myeloid leukemia) và ung thư máu kinh niên loại myeloid, viết tắt là CML (chronic myeloid leukemia). Loại thứ tư là CLL (chronic lymphoid leukemia) tương đối nhẹ hơn, thường chỉ xảy ra ở người già, đôi khi không cần chữa trị nếu không có triệu chứng.

Ung thư máu xảy ra tương đối khá thường, cứ khoảng 100,000 người, sẽ có 13 ngưòi bị ung thư máu trong một năm. Loại ung thư máu cấp tính ALL hay xảy ra ở trẻ em và thiếu niên. Loại cấp tính AML có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào. Loại CML hay thấy nhiều nơi người lớn, tuổi trung bình ở khoảng 50 tuổi. Nguyên nhân gây ung thư máu hiện vẫn chưa được biết rõ, có thể có rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Yếu tố di truyền có thể khá quan trọng vì có những gia đình thấy bị ung thư máu nhiều hơn thường. Ngoài ra, yếu tố ngoại giới quan trọng như những ngưòi Nhật bị chất phóng xạ ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị ném bom nguyên tử có mức ung thư máu cao. Một số chất hoá học như benzene cũng dễ làm ung thư máu. Ngoài ra hiện nay được biết một loại cực vi trùng cùng loại với cực vi trùng bệnh Aids, tên là HTLV-1 có thể gây ra ung thư máu.

(còn tiếp)

frankie
08-17-2023, 08:37 AM
Triệu chứng của ung thư máu thường do vì thiếu hồng huyết cầu (anemia) làm mệt, xanh xao, khó thở. Triệu chứng khác hay thấy là chảy máu. Lý do vì khi bị ung thư máu, những tiểu cầu làm đông máu bị thiếu nên dễ làm chảy máu.

Một số lớn bệnh nhân đi khám bệnh vì bị chảy máu nhiều như máu mũi, máu răng khi đánh răng buổi sáng. Nhiều người bị chảy máu bao tử hay đi cầu ra máu, lúc đi khám bệnh thử máu mới biết là bị ung thư máu. Ngoài ra vì ung thư máu làm các bạch cầu đa nhân chống cự với vi trùng bị thiếu nên ngưòi bệnh thường hay bị nhiễm trùng.

Những người bệnh này nhiều khi đi khám vì bị nhiễm trùng ngoài da do vi trùng Staphylococcus, nhiễm trùng trong miệng, bị bọc mủ ở gần hậu môn, hay bị nhiễm trùng phổi... Khi khám và thử máu mới khám phá ra là bị ung thư máu.

Khi khám bệnh, người bị ung thư máu thường có gan lớn và tỳ tạng lớn, xương thường bị đau nhức, nhất là xương trước lồng ngực, ấn vào thấy đau. Một số người bệnh cũng có thể có những triệu chứng về thần kinh hay màng não nếu ung thư máu chạy vào trong óc hay màng não bộ, đôi khi làm liệt giây thần kinh, làm kinh giật.v.v..

Việc định bệnh ung thư máu thực ra dễ dàng. Thử nghiệm giản dị cần làm là đếm tế bào trong máu, complete blood count, viết tắt là CBC. Trung bình số bạch cầu trong máu từ khoảng 4000 - 10000 trong một millimét cube. Nếu lượng bạch cầu tăng vọt cỡ 20000 hay hơn nữa 50, 60 ngàn, thường phải nghi ung thư máu.

Xem hình thù các bạch cầu này và nhất là rút máu tủy (bone marrow) để xem sẽ định bệnh chính xác loại ung thư máu cấp tính hay kinh niên và loại lymphoid hay myeloid. Một số các thử nghiệm khác về nhiễm thể trong nhân tế bào sẽ giúp xác định rõ ràng hơn nữa và giúp ích cho việc trị liệu. Điển hình như loại ung thư máu chronic myeloid leukemia có nhiễm thể biến dạng gọi là Philadelphia chromosome, do hai nhiễm thể số 9 và 22 bắt dính và trao đổi vị trí (translocation).

Ngoài ra để phân biệt lượng bạch huyết cầu cao do ung thư hay do bị nhiễm trùng nặng, một thử nghiệm cần làm là đo lượng leukocyte alkaline phosphatase. Nếu lượng này cao, điều này có nghĩa bạch huyết cầu bình thường và cao là do bị nhiễm trùng, không phải ung thư. Nếu lượng này thấp, phải nghi là ung thư máu loại chronic myeloid leukemia.

Riêng về loại ung thư máu chronic myloid leukemia, loại này hay xảy ra ở người trung niên, cỡ 50 tuổi và bệnh thường kéo dài theo nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài trung bình khoảng 4 năm, thuộc loại kinh niên và tương đối dễ trị với thuốc men. Tuy nhiên sau đó, ung thư máu này sẽ biến thành loại cấp tính và thường rất khó trị liệu, phần lớn bệnh nhân sẽ chết trong vòng vài tháng khi ung thư máu biến đổi dạng từ kinh niên sang cấp tính này.

frankie
08-18-2023, 09:01 AM
Việc chữa trị ung thư máu tùy thuộc vào loại ung thư cấp tính hay kinh niên và loại nào.Ung thư máu cấp tính loại lymphoid (ALL) dùng thuốc chemotherapy gồm có vincristine, prednisone và daunorubicin sẽ làm bệnh ung thư máu đi vào thuyên giảm (remission) và sau đó chạy điện trên óc để ngừa ung thư máu chạy vào óc (brain irradiation), tiếp tục với dùng thuốc chemotherapy trong vòng 2 hay 3 năm để duy trì.

Chữa bằng cách này hiện đã giúp khỏi bệnh ung thư máu acute lymphoid leukemia (ALL) khoảng 50% trường hợp các trẻ em bị bệnh. Người lớn bị loại ung thư máu này chữa trị tương đối ít hiệu quả hơn.

Ung thư máu cấp tính loại myeloid (acute myeloid leukemia) cũng được chữa trị bằng thuốc chemotherapy với chất cytarabine và idarubicin hay daunorubicin. Khoảng từ10 đến 30% trường hợp sẽ đi vào thuyên giảm remission kéo dài trên 5 năm và có thể coi như khỏi. Tuy nhiên phần lớn sẽ bị lại và chữa trị sẽ khó hơn, chỉ kéo dài mạng sống được khoảng 3 đến 6 tháng nếu bị lại.

Tuy nhiên với phương cách trị liệu mới hiện đại bằng cách ghép máu tủy (bone marrow transplantation), việc chữa trị ung thư máu đã có hiệu quả nhiều hơn và tỷ lệ số bệnh nhân khỏi hẳn bệnh đã tăng lên nhiều. Khoảng 40% số bệnh nhân bị ung thư máu cấp tính có thể coi như chữa khỏi hẳn được.

Riêng loại ung thư máu kinh niên chronic myeloid leukemia, khoảng 60% có thể coi như chữa khỏi hẳn được bằng cách ghép máu tủy nếu chữa trong vòng một năm khi mới kiếm ra bệnh. Để lâu chữa ít hiệu quả hơn.

Tuy nhiên gần đây một loại thuốc mới chữa ung thư máu chronic myeloid leukemia đã được dùng rất có hiệu quả. Đó là loại thuốc gọi là tyrosine kinase inhibitors. Cơ chế của loại thuốc này là ngăn chặn chất tyrosine kinase do genes của Philadelphia chromosome tạo ra làm tế bào máu biến thành ung thư. Khám phá này là một tiến triển trọng đại trong việc chữa trị ung thư máu loại chronic myeloid leukemia. Vì 3 thứ thuốc loại tyrosine kinase inhibitors là imatinib bán dưới tên Gleevec, dasatinib dưới tên Sprycel và nilotinib dưới tên Tasigna đã làm cho bệnh nhân có cuộc đời bình thường kéo dài hàng vài chục năm nếu uống thuốc đều.

Một số ít bệnh nhân tuy vậy vẫn có thể tiến sang giai đoạn acute myeloid leukemia. Và khi đó việc chữa trị khó khăn hơn và cần dùng chemotherapy và ghép tủy máu bone marow transplantation để chữa.

Cách ghép máu tủy này có thể dùng nhiều cách. Nếu người bệnh có anh chị em sinh đôi là tốt nhất vì không sợ bị phản ứng xua đẩy (rejection).

Thứ đến là có anh em cùng loại máu gọi là HLA (human leucocyte antigen), khi cho máu tủy cũng tương đối đỡ bị phản ứng. Nếu không có anh chị em cùng loại máu HLA, có thể dùng ghép máu tủy từ người xa lạ không liên hệ nhưng có cùng loại HLA matching.

Sau cùng, một người bị ung thư máu khi đã dùng thuốc chemotherapy chữa đi vào remission có thể dùng chính tủy máu của mình rút ra sẵn để dành và sẽ truyền lại sau khi bị ung thư máu trở lại. Cách này gọi là tự ghép máu tủy (autologous bone marrowtranplantation). Dĩ nhiên cách này ít hiệu quả nhất.

(còn tiếp)

frankie
08-19-2023, 08:00 AM
Khi chữa bằng cách ghép máu tủy này, người bệnh sẽ được cho thuốc chemotherapy tối đa và cho chạy điện cũng tối đa để giết sạch các tế bào ung thư. Sau đó, sẽ truyền máu tủy từ người cho vào.

Các tế bào máu từ người cho sẽ sinh sôi nảy nở và chiếm ngự hoàn toàn hệ thống máu của người bệnh. Hơn nữa, các tế bào máu từ người cho sẽ tiêu diệt thêm những tế bào ung thư của người bệnh còn sót lại gọi là graft-versus-leukemia effect. Cách chữa này sẽ đem lại việc chữa khỏi hẳn bệnh ung thư máu.

Tuy nhiên, giai đoạn lúc vừa chạy chemotherapy và chạy điện tối đa cho đến lúc các tế bào máu của người cho sinh sôi nảy nở đủ có thể kéo dài và là lúc tối nguy hiểm vì bệnh nhân dễ chết vì bị nhiễm trùng và không có tế bào máu dầy đủ để chống cự lại được vi trùng. Vì lý do trên, việc chữa bằng cách ghép máu tủy rất nguy hiểm. Khoảng 30% số người bệnh có thể chết vì những biến chứng xảy ra lúc sau khi ghép này.

Cũng vì thế, cách chữa này chỉ dùng ở những trung tâm ung thư lớn chuyên môn. Điển hình như trung tâm MD Anderson tại Houston, Sloan Kettering trên New York, hay tại Masachussetts General Hospital tại Boston, hay tại UCLA của Los Angeles...

Tóm lại, việc chữa trị ung thư máu hiện nay đã có nhiều hiệu quả và một số lớn bệnh nhân có thể được chữa khỏi hẳn bệnh. Cách thức ghép tủy máu tuy nhiều nguy hiểm nhưng nếu được chữa ở các trung tâm lớn, đem lại nhiều cơ hội nhất cho người bệnh để khỏi hẳn.

Điều này tùy thuộc vào người bệnh có anh chị em cùng loại máu để có thể cho máu tủy. Người cho dĩ nhiên không bị chút nguy hiểm nào ngoài việc hơi đau rêm ở chỗ xương hông là chỗ được lấy máu tủy để truyền cho người bệnh. Nhưng đây chỉ là một giá quá nhỏ nhoi để đen lại món quà cứu tử cho người anh chị em ruột thịt của mình không may bị bệnh ung thư máu.

frankie
08-22-2023, 01:20 PM
SƯNG PHỔI


HỎI:


Tôi gần đây bị ho nhiều, nhiều lúc thấy lên cơn nóng lạnh và khạc ra đàm rất nhiều, thấy có màu vàng và xanh, Tôi có đi chụp hình phổi và được cho biết bị sưng phổi. Hiện nay tôi đã thấy đỡ nhiều sau mấy ngày uống trụ sinh nhưng xin hỏi bác sĩ sưng phổi có nguy hiểm lắm không? Lý do tại sao bị sưng phổi và làm cách nào để ngừa bệnh sưng phổi.

Huỳnh V. B.


ĐÁP:


Sưng phổi (pneumonia) là bệnh nhiểm trùng phổi thường xảy ra nơi người già, trẻ con, những người ốm yếu, cơ thể suy nhược và bị những bệnh kinh niên như tiểu đường, bệnh suyễn, bệnh tim, ung thư..v..v...

Sưng phổi ở những người bệnh này có thể trở thành nặng rất nhanh và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Những người trẻ tuổi, khoẻ mạnh cũng có thể bị sưng phổi, tuy nhiên thường bị nhẹ và dễ chữa hơn; phần lớn các trường hợp xảy ra sau khi bị lây cúm hay cảm do cực vi trùng và sau đó bị vi trùng xâm nhập gây ra sưng phổi.

Nguyên nhân gây ra bệnh sưng phổi là do vi trùng xâm nhập. Bình thường trong bộ phận hô hấp từ thanh quản với dây nói trong cổ họng chạy xuống hai lá phổi không có vi trùng. Phần miệng và phía trên thanh quản có những vi trùng vô hại trú ngụ không gây ra bệnh (normal flora).

Tuy nhiên, khi cơ thể suy yếu hoặc có những bệnh kinh niên khác, các vi trùng nằm trong miệng và cổ họng này có thể chạy xuống phần dưới của đường hô hấp và gây ra nhiễm trùng. Thường là do bị sặc hoặc khi nằm ngủ, miếng lưỡi gà (glottis) che đường hô hấp trong cổ bị hở để cho nước bọt hoặc dịch vị bao tử chạy ngược chảy vào đường hô hấp mang theo vi trùng và sinh bệnh.

Vi trùng cũng có thể xâm nhập bằng cách do hít thở thẳng từ không khí truyền từ người này sang người khác; tuy nhiên ở người bình thường, cơ thể có sự kháng cự tự nhiên để chóng với vi trùng. Đầu tiên là phản xạ của miếng lưỡi gà glottis như nói ở trên sẽ đóng chặt đường hô hấp nếu khi nuốt bị sặc, kế đó là phản xạ ho, vật gì lạ hít vào đường hô hấp đều gây ra kích thích với phản xạ ho để bắn ra ngoài.

Nếu không ra được, các chất nhờn của các tế bào phủ ngoài mặt đường hô hấp sẽ bao lấy vật lạ và đẩy dần từ dưới lên trên, sau đó sẽ được khạc nhổ ra ngoài hay nuốt đi.

(còn tiếp)

frankie
08-23-2023, 09:05 AM
Vi trùng khi tiến được vào đường hô hấp cũng không phải được để yên tự do hoành hành. Đầu tiên là những kháng thể loại A (immunoglobulin A gọi tắt là IgA) trong nước bọt chống cự trước, làm vi trùng không dính được vào bề mặt của lớp màng nhầy đường hô hấp.

Kế đó là kháng thể loại G gọi là IgG ở sâu hơn trong khí quản sẽ bám lấy vi trùng để các bạch cầu của cơ thể tiêu hủy vi trùng. Những tế bào đặc biệt của đường hô hấp gọi là đại bào phế quản (alveolar macrophages) có nhiệm vụ đi tìm và tiêu diệt vi trùng trực tiếp bằng cách ăn vi trùng, đưa qua màng tế bào và hủy diệt bằng những phản ứng oxid hoá.

Ngoài ra, khi vi trùng xâm nhập nhiều quá, các bạch cầu đa nhân (polymorphonuclear neutrophils) trong mạch máu sẽ được kêu gọi bằng những chất hoá học tiết ra từ địa điểm bị xâm nhập, cũng như các tiểu bạch cầu (lymphocytes) khác của hệ thống miễn nhiễm cũng sẽ chạy lại để bao vây và tiêu hủy vi trùng.

Hệ thống chống cự của cơ thể như trên giữ cho một người khỏe mạnh chiến đấu với vi trùng thường xuyên tìm cách xâm nhập cơ thể và nhất là ở đường hô hấp.

Tuy nhiên, với cơ thể suy yếu do tuổi già hoặc các bệnh kinh niên khác, các cơ chế chống cự trên bị kém đi và khi cán cân quân bình lệch đi về phía vi trùng, vi trùng có cơ hội sinh sôi nảy nở và xâm nhập thêm sẽ gây ra bệnh sưng phổi.

Ngoài những bệnh kinh niên như đã nêu ở phần đầu, hút thuốc lá sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự chống cự của cơ thể như làm suy yếu đại bào phế quản và làm cơ chế chuyên chở của màng nhầy để tống khứ vi trùng và vật lạ ra khỏi đường hô hấp bị ngăn trở nên người hút thuốc nhiều sẽ dễ bị sưng phổi hơn người thường do những lý do trên.

(còn tiếp)

frankie
08-24-2023, 08:13 AM
Loại vi trùng nào thường hay gây ra sưng phổi nhất?

Tùy thuộc vào bệnh ở người già hay trẻ, có bệnh kinh niên hay không, hoặc bệnh sưng phổi xảy ra nơi người đang nằm bệnh viện vì một lý do nào khác hay bệnh sưng phổi xảy ra với bệnh nhân ở nhà. Thường nhất là do vi trùng có sẵn trong miệng và cuống họng gây ra xâm nhập xuống đường hô hấp dưới và gây sưng phổi.

Các loạivi trùng này là Streptococcus pneumoniae, kế đó là Hemophilus influenzae và Staphylococcus aureus. Ở người trẻ hơn và xâm nhập do hít thở, truyền trong gia đình hay các người lân cận là loại vi trùng Mycoplasma pneumoniae gây ra sưng phổi tương đối nhẹ hơn.

Những người ghiền rượu hoặc những người hay bị sặc, bị bệnh stroke nuốt khó khăn, hoặc những người bị bệnh răng miệng nhiều, dễ bị sưng phổi do các loại vi trùng anaerobic hay làm mủ trong phổi.

Nguy hiểm nhất là những người bị các bệnh khác phải vào nhà thương bị sưng phổi do các vi trùng kháng đủ mọi loại thứ thuốc có sẵn trong nhà thương xâm nhập và làm sưng phổi nặng. Các loại vitrùng này gọi là loại Gram negative như vi trùng Pseudononas, Klebsiella v.v. . .rất khó chữa.

(còn tiếp)

frankie
08-25-2023, 08:13 AM
Triệu chứng của bệnh sưng phổi thường dễ nhận biết với bắt đầu bằng ho, càng ngày càng nhiều và khạc đàm vàng, xanh như có mủ, đôi khi có thể có máu. Có thể sốt nhẹ hoặc sốt nặng lên 101 độ, 102 độ F. Hít thở mạnh có thể làm đau nhói lồng ngực do viêm màng bọc phổi. Nếu bị sưng phổi nặng, người bệnh đôi khi bị mê sảng vì lượng dưỡng khí trong máu xuống quá thấp.

Định bệnh sưng phổi tương đối dễ dàng với các triệu chứng kể trên và khi nghe phổi có những tiếng kêu rít rít (rales) khi bệnh nhân thở mạnh hoặc sau khi ho. Tuy nhiên, để định bệnh chính xác cần phải chụp hình quang tuyến X. Sưng phổi sẽ làm trắng một phần của lá phổi, thường là phần dưới, đôi khi có thể thấy nước trong màng phổi.

Cần thiết để định bệnh loại vi trùng gì thường phải khám đàm, nhuộm và xem dưới kính hiển vi gọi là Gram staining và sau đó cấy vi trùng và xem vi trùng chịu những loại trụ sinh nào và kháng trụ sinh nào để lựa chọn thuốc chữa cho thích họp.

Đối với những trường họp sưng phổi nặng và đối với người già hoặc bị những bệnh kinh niên khác, khi bị sưng phổi thường phải cho nhập viện và làm những thử nghiệm như đã kể trên để định bệnh và tìm loại vi trùng cho chính xác. Chữa bệnh phải dùng trụ sinh thích hợp truyền vào mạch máu, truyền nước biển vào, cho thở thêm dưỡng khí hoặc đôi khi quá nặng phải cho thở bằng máy trong vài ngày đầu.

Phần lớn những trường hợp sưng phổi nhẹ ở những người trẻ, không có bệnh kinh niên hay bị biến chứng đều có thể chữa ở phòng mạch không cần phải nhập viện nếu hình chụp quang tuyến cũng cho thấy không bị nhiều lắm.

Tuỳ thuộc vào nghi bệnh sưng phổi do loại vi trùng nào, loại trụ sinh thích hợp sẽ được dùng. Thường dùng nhất là các trụ sinh như Azithromycin, Clarithromycin chữa được các vi trùng thường như Streptococcus và Mycoplasma, loại vi trùng Hemophilus hiện nay kháng thuốc nhiều, phải dùng các loại mạnh như Cephalosporins, Augmentin, Levofloxacin v.v. . .

frankie
08-26-2023, 08:48 AM
Vấn đề ngừa sưng phổi quan trọng nhất là giữ cho cơ thể mạnh khoẻ để hệ thống miễn nhiễm chống cự lại và đủ khả năng tiêu diệt vi trùng. Nên chích ngừa cúm nếu hay bị cúm mỗi năm vì bệnh sưng phổi thường dễ dàng đi theo sau bệnh cúm.

Nếu bị những bệnh kinh niên như tiểu đường, bệnh tim, suyễn, phải chữa trị cẩn thận và uống thuốc đều đặn để tránh bệnh trở nặng. Sưng phổi dễ xảy ra hơn khi các bệnh trên không được kiểm soát chặt chẽ. Uống rượu quá nhiều hay hút thuốc lá là điều phải tránh để ngừa sưng phổi vì lý do làm suy giảm sự chóng cự lại vi trùng như đã nêu ở phần đầu.

Vấn đề quan trọng thứ nhì là một khi đã có những triệu chứng có thể do sưng phổi gây ra như nóng sốt, ho nhiều hơn, đàm đang trong trở thành đổi màu vàng, xanh.. v.v... phải đi khám và chữa trị ngay. Thường nếu chữa sớm và đúng cách, ít khi nào bệnh sưng phổi trở thành quá nặng phải nhập viện và sinh nhiều biến chứng khác.

Về vấn đề chích ngừa bệnh sưng phổi, hiện nay chỉ có một loại thuốc chích ngừa chống lại vi trùng Pneumococcus (còn gọi là Streptococcus pneumoniae) là loại thông thường nhất. Thuốc chích ngừa mới nhất là Prevnar-20 là loại chích ngừa 20 loại serotypes khác nhau và quan trọng nhất của vi trùng Pneumococcus.

Thuốc chích ngừa này chỉ cần chích một lần trong đời, thường dùng cho các người già yếu hay bị các bệnh kinh niên như đã nói ở trên. Tương đối có hiệu quả tuy nhiên chỉ ngừa được một loại vi trùng pneumococcus và nếu bị nhiễm thứ vi trùng khác vẫn có thể bị sưng phổi do loại vi trùng đó.

Tóm lại, bệnh sưng phổi thường xảy ra ở người già yếu, tuy nhiên người trẻ, bình thường, vẫn có thể mắc phải. Bệnh nếu chữa trị sớm và đúng cách thường không nguy hiểm và với trụ sinh công hiệu sẽ khỏi sau một, hai tuần lễ.

Tuy nhiên với những trường hợp nặng cần phải nhập viện và chữa trị cẩn thận để tránh những biến chứng do vi trùng xâm nhập vào máu, trong óc, gây ra kích xúc hôn mê.. v.v. . . có thể nguy hiểm đến mạng sống.

HaiViet
08-26-2023, 12:08 PM
-Những bài biên khảo rất công phu và giá trị, nên lưu lại để làm tài liệu khi cần.

-Anh Frankie cho hỏi: độc giả có thể nêu thắc mắc hay câu hỏi trong trang này được không anh?

Cám ơn

frankie
08-27-2023, 07:30 AM
Cảm ơn HV cho ý kiến

frankie
08-27-2023, 07:31 AM
BỆNH MÉO MIỆNG


HỎI:


Tôi có người em khoẻ mạnh bình thường, một hôm ngủ dậy tự nhiên thấy méo miệng. Từ đó đến nay cũng vài tuần không thấy bớt .Xin hỏi tại sao lại bị chứng đó. Có cách gì chữa trị không?

Trần T. H.


ĐÁP:


Bệnh méo miệng xảy ra một cách đột ngột như vậy nơi một người trước giờ vẫn khoẻ mạnh bình thường như người em của bà thường là bệnh liệt dây thần kinh số 7 trên mặt, còn gọi là bệnh Bell’s palsy.

Dây thần kinh số 7 điều khiển sự hoạt động của các bắp thịt trên mặt, phân chia ra bên phải và bên trái. Khi dây thần kinh số 7 bên phải bị liệt chẳng hạn, các bắp thịt bên mặt bị xuội xuống trong khi các bắp thịt bên trái hoạt động như thường sẽ kéo về phía bên đó, gây nên méo miệng. Thường những bắp thịt trên trán và mắt cũng bị ảnh hưởng nên khi nhắm mắt, bên bị liệt không khép kín lại được.

(còn tiếp)

frankie
08-28-2023, 09:42 AM
Muốn thấy rõ ràng bên nào bị liệt, có thể nhìn trán người bệnh khi nhăn trán. Bên bị liệt sẽ phẳng lì không nhăn lại được. Hoặc có thể hỏi người bệnh phồng miệng, bên dây thần kinh lành lặn sẽ phồng má trong khi bên bị liệt lõm vào.

Nguyên nhân nào ở một người khỏe mạnh tự dưng bị liệt dây thần kinh số 7 không được hiểu rõ. Đôi khi người bệnh có thể bị cảm, nhiễm một loại cực vi trùng làm viêm dây thần kinh số 7 và làm sưng sợi dây thần kinh này. Thường nhất là cực vi trùng herpes, có thể là loại herpes simplex hay đôi khi là herpes zoster.

Dây thần kinh số 7 chạy thẳng từ não bộ ra, đi ngang một hốc xương rất nhỏ và chật nơi mang tai nên khi bị viêm sưng to lên, xương đè vào làm nghẽn các mạch máu nhỏ li ti nuôi dây thần kinh này. Thiếu dưỡng khí và sự nuôi dưỡng do mạch máu đem lại, dây thần kinh sẽ bị chết gây ra liệt.

Nếu trong giai đoạn đầu lúc dây thần kinh vừa bị viêm sưng lên, chưa bị chết hẳn, dùng thuốc uống chống viêm hoặc giải phẫu để mổ ở xương mang tai kéo dây thần kinh ra có thể cứu vãn được. Nếu để quá lâu dây thần kinh đã chết thường không hồi phục được.

Hiện nay phương pháp hữu hiệu nhất là ngay sau khi vừa bị méo miệng hoặc trong vòng một hai ngày sau đó, cho bệnh nhân uống thuốc chống viêm loại Steroid với độ lượng cao trong vòng một, hai tuần rồi giảm dần. Thường dùng loại thuốc Prednisone 20 mg uống ngày 3 lần trong 10 ngày, nếu có hiệu quả sau đó sẽ giàm dần dần. Những trường hợp quá nặng, bị liệt hẳn dây thần kinh số 7, nếu đến chữa sớm, có thể dùng thêm thuốc antiviral chống loại herpes như Valacyclovir, uống 1 gm ngày 3 lần trong 7 - 10 ngày, có thể tăng xác xuất để hồi phục nhiều hơn.

Nếu được chữa sớm có thể hồi phục được 80 - 90%. Có người có thể khỏi hẳn. Điều quan trọng là chữa càng sớm càng tốt và theo dõi mỗi ngày xem tiến triển để thay đổi lượng thuốc nếu cần.

Phương pháp giải phẫu hiện nay ít dùng vì nguy hiểm nhiều hơn và hiệu quả không bằng cách chữa trị trên.

frankie
08-29-2023, 08:32 AM
LOÉT BAO TỬ DO VI TRÙNG H. PYLORI


HỎI:


Tôi bị bệnh loét bao tử kinh niên đã hơn hai chục năm nay từ khi còn ở Việt Nam, cứ bị đi bị lại hoài không bao giờ hết. Tôi nghe nói có cách trị bệnh bao tử mới có thể khỏi hẳn. Xin bác sĩ cho biết cách trị bệnh loét bao tử mới này như thế nào?

Nguyễn Văn H.


ĐÁP:


Bệnh về bao tử là một trong những bệnh thông thường nhất của người Việt Nam. Hầu như đa số người Việt không nhiều thì ít đều có lúc đôi khi thấy cơn đau tại vùng bụng giữa phía trên là triệu chứng của bệnh bao tử.

Bệnh loét bao tử do loét của màng nhầy tại chính bao tử hay tại phần đầu ruột non gọi là thập nhị chỉ tràng (duodenal ulcer) thường được định bệnh chính xác bằng cách chụp quang tuyến hay soi bao tử gọi là endoscopy.

Chữa trị bệnh loét bao tử được dùng chính bằng loại thuốc làm giảm chất acid trong bao tử gọi là H-2 antagonists như Tagamet, Zantac, Pepcid, Axid hay loại gọi là proton- pump inhibitors như Prilosec, Prevacid, Nexium rất hữu hiệu và làm giảm cơn đau bao tử rất nhanh, làm lành chỗ loét trong vòng 6 tuần lễ.

Tuy nhiên bệnh loét bao tử không khỏi hẳn được và sẽ trở đi trở lại mỗi năm ít nhất một lần trong số 70 đến 85% người bị bệnh bao tử. Tuy nhiên hiện nay những hiểu biết mới cho thấy bệnh loét bao tử hầu hết (90-95% trường hợp) đều do một loại vi trùng nằm trong bao tử gây ra.

Vi trùng này tên gọi là Helicobacter pylori và tương đối rất thông thường, tuy được biết đến đã lâu nhưng chỉ gần đây y khoa mới chứng minh rõ ràng là vi trùng này chính là thủ phạm gây ra bệnh loét bao tử.

Sở dĩ có sự khó khăn về nhận biết vai trò của loại vi trùng Helicobacter pylori này vì chất nước chua là acid trong bao tử đều giết hết các vi trùng theo đồ ăn vào trong bao tử, không ai tin là vi trùng H. pylori có thể sinh sôi nảy nở trên màng nhầy của bao tử và gây ra bệnh được.

Tuy nhiên H. pylori là loại vi trùng đặc biệt vì có thể tiết ra phân hóa tố gọi là urease, biến chất urea thành ammonia, trung hòa chất acid của bao tử và vi trùng H. pylori được bảo vệ không bị acid hủy hoại.

(còn tiếp)

frankie
08-30-2023, 08:28 AM
Vi trùng này sinh trưởng trên màng nhầy bao tử và gây ra viêm bao tử gọi là gastritis. Hơn thế nữa, vi trùng H. pylori còn kích thích để bao tử tiết ra phân hóa tố gastrin. Chất này làm bao tử sản xuất tăng thêm acid và khi acid tiết ra nhiều quá, trở thành quá độ, gây ra loét bao tử.

Vi trùng Helicobacter pylori có thể lây từ người này sang người khác, trẻ con ít thấy nhưng càng già càng bị nhiều. Tại Mỹ, 50% số người trên 60 tuổi đều có vi trùng H. pylori trong bao tử. Các nước chậm tiến như Việt Nam hầu như phần lớn người nhiều tuổi đều có vi trùng này.

Như vậy có thể nói người Việt sinh trưởng tại Việt Nam, định cư tại Hoa Kỳ, rất nhiều người có chứng viêm bao tử do vi trùng H. pylori, tuy có người có triệu chứng đau, người không có. Trong khoảng thời gian từ 12 đến 25 năm, 15% số người có vi trùng H. pylori sẽ tiến triển gây ra loét bao tử thực sự. Vi trùng H. pylori có thể gây ra ung thư bao tử gastric cancer. Một loại ung thư khác hiếm thấy hơn gọi là gastric mucosa-associated lymphoid tissue lymphoma cũng do vi trùng H. pylori này gây ra.

Định bệnh tìm xem có vi trùng Helicobacter pylori hay không tương đối phức tạp vì phải soi bao tử (endoscopy) và cắt một miếng nhỏ màng nhày bao tử xem dưới kính hiển vi hay phải làm test tìm phân hóa tố urease của vi trùng H. pylori trong màng nhày bao tử. Gần đây có test thử hơi thở của bệnh nhân xem có chất urea hay không và cách thử phân gọi là monoclonal stool antigen.

Cách giản tiện nhất là thử máu tìm kháng thể chống vi trùng H. pylori gọi là ELISA test tìm kháng thể IgG. Điều rắc rối là mặc dù đã trị hết vi trùng H. pylori không còn nữa, thử máu kháng thể này vẫn positive nên không dùng để theo dõi và biết là hết hẳn vi trùng hay chưa được. Hiện nay cách thử bằng cách tìm kháng thể IgG này không được dùng nữa tại Hoa Kỳ vì bị cho rằng không chính xác, cần phải đi bác sĩ chuyên môn về bệnh tiêu hóa để thử bằng cách soi hay thử hơi thở đo chất urea hay thử phân tìm monoclonal antigen của vi trùng H. pylori.

Cách chữa trị vi trùng Helicobacter pylori gây loét bao tử tương đối phức tạp vì phải dùng nhiều thứ thuốc để trị. Dùng một thứ trụ sinh không đủ vì vi trùng này hay kháng thuốc và không diệt hẳn được. Hiện nay y khoa vẫn chưa thống nhất về một cách trị liệu duy nhất và hữu hiệu.Có khoảng 10 cách trị khác nhau hỗn hợp 2, 3 hay cả 4 thứ thuốc để diệt vi trùng H. pylori. Tựu trung các thuốc trụ sinh sau đây đều có tác dụng diệt vi trùng này: Metronidazole, Amoxicillin, Tetracycline, Clarithromycin, Levofloxacin và Bismuth.

frankie
08-31-2023, 07:58 AM
Thông thường phải dùng 3 thứ thuốc hợp lại uống trong hai tuần lễ. Mức hiệu quả được 90% trường hợp có thể diệt được loại vi trùng Helicobacter pylori.

Cách tốt nhất, ngắn hạn nhất và giản dị hơn cả là dùng 3 thứ thuốc Prilosec (hay Prevacid, Nexium) uống ngày 2 lần, Biaxin 500 mg ngày 2 lần và Amoxicillin 500 mg, uống 2 viên ngày 2 lần uống chung 3 thứ thuốc này ngày hai lần trong 14 ngày có thể diệt được vi trùng Helicobacter pylori đến 90% trường hợp. Nếu bị peniciillin allergy, không dùng Amoxicillin được, có thể dùng Metronidazole để thay thế.

Một cách khác có hiệu quả tốt là dùng 4 thứ thuốc: Prilosec hay Prevacid ngày 2 lần, Bísmuth ngày 4 lần, Tetracycline 500 mg ngày 3 lần và Metronidazole 500 mg ngày 3 lần, uống từ 10 đến 14 ngày. Tuy nhiên cách này hiện nay ít dùng vì xài 4 loại thuốc lại nhiều lần trong ngày hơn, chỉ dùng khi cách dùng clarithromycin hay Biaxin không hiệu quả phải trị lại, hay bệnh nhân bị phản ứng với Biiaxin.

Một cách nữa có thể dùng để thay thế nếu không hợp với Biaxin là dùng Prevacid ngày 2 lần, Levofloxacin 500 mg ngày 2 lần và Amoxicillin 500 mg, 2 viên ngày 2 lần dùng từ 10 đến 14 ngày, cũng có hiệu quả tốt.

.Diệt được vi trùng Helicobacter pylori có thể coi như trị dứt được bệnh loét bao tử vì nếu không bị nhiễm vi trùng trở lại, mức độ bị loét bao tử kinh niên chỉ còn dưới 5%, không như bị đi bị lại từ 70 đến 85% trường hợp như trước kia chỉ dùng các thuốc Tagamet, Zantac không thôi để trị bệnh bao tử.

Điều phiền toái là cơ thể không có sự miễn nhiễm với vi trùng này. Diệt hết vi trùng rồi nhưng vẫn có thể bị lây trở lại như thường tuy tương đối ít xảy ra. Khi bị nhiễm vi trùng H. pylori lại lần nữa, loét bao tử vẫn có thể xảy ra và cần chữa trị lại.

Tóm lại cách trị liệu bệnh loét bao tử mới hiện nay là dùng hỗn hợp 3 hay 4 thứ thuốc để trị vi trùng Helicobacter pylori, nguyên nhân chính của bệnh loét bao tử kinh niên. Một điểm đặc biệt đáng lưu ý nữa là vi trùng này có thể giữ vai trò quan trọng trong bệnh ung thư bao tử vì viêm bao tử kinh niên gastritis làm tăng mức nguy hiểm biến thành ung thư bao tử lên gấp từ 4 đến 6 lần so với người thường.

Tuy chưa được rõ ràng lắm nhưng nếu trị hết được vi trùng Helicobacter pylori và không còn bị viêm bao tử kinh niên nữa, dĩ nhiên nguy hiểm về bệnh ung thư bao tử cũng giảm thiểu.

Ung thư bao tử là loại ung thư hay thường thấy nơi người Việt Nam nên việc chữa trị vi trùng Helicobacter pylori lại càng giữ tầm mức quan trọng hơn đối với người Việt sinh trưởng tại quê nhà và định cư tại Hoa Kỳ này.

frankie
09-01-2023, 08:16 AM
SẠN THẬN


HỎI:


Tôi năm nay 36 tuổi, gần đây có lần bị đau quặn ngang lưng, đi tiểu thấy ra máu và ra một cục sạn nhỏ. Xin cho biết có phải là sạn thận không? Có gì nguy hiểm không? Xin cho biết cách chữa trị.

Tôn V. P.


ĐÁP:


Bệnh của ông với triệu chứng rõ ràng và đi tiểu ra sạn như kể trên là bệnh sạn thận. Bệnh này cũng hay thấy ở người Việt Nam. Thông thường đàn ông bị sạn thận nhiều hơn đàn bà, gấp hai hoặc ba lần.

Tuổi thường bị sạn thận là cỡ 30 - 40 tuổi và khi đã bị sạn thận một lần như trường hợp của ông, thường hay bị đi bị lại, trung bình khoảng 2, 3 năm một lần. Lý do tại sao gây ra sạn thận thường không được biết đích xác nhưng di truyền trong gia đình là một yếu tố quan trọng.

Phần lớn các trường hợp sạn thận do chất vôi calcium được tiết ra quá nhiều trong nước tiểu gọi là chứng idiopathic hypercalciuria (có nghĩa tiểu ra nhiều vôi calcium, idiopathic là không hiểu tại sao). Nước tiểu bình thường là một dung dịch bão hòa với các ions calcium, oxalates và phosphates, vì thể chỉ cần tăng nồng độ các ions lên một chút vì lý do này hay lý do khác là các ions này kết hợp với nhau, trầm hiện và biến sang thể rắn, trở thành sạn thận.

Thường phải cần một nhân nhỏ thành hình trước rồi sạn mọc to dần. Nhân này có thể do nhiễm trùng, hoặc do một vài tinh thể khác như tinh thể của chất uric acid, hydroxyapatite ..v..v... Nhiều khi chỉ vì uống nước ít quá, nước tiểu quá đặc, các ions calcium và oxalates tụ thành tinh thể rồi cứ thế bám vào dần gây ra sạn càng ngày càng lớn.

Một số các trường hợp sạn thận không phải do chất vôi calcium nhưng do chất uric acid trong trường hợp những người bị bệnh viêm khớp xương do bệnh gout, hoặc do chất Struvite gồm magnesium, ammonium và phosphates ở những người hay bị nhiễm trùng đường tiểu do vi trùng Proteus. Các trường hợp này ít hơn trường hợp sạn do chất vôi calcium.

(còn tiếp)

frankie
09-02-2023, 12:19 PM
Sạn thành hình thường nằm ở trong những khoang thận (papilae), nếu không chạy xuống ống dẫn tiểu thường không gây ra triệu chứng. Đôi khi chỉ thấy có máu trong nước tiểu.

Tuy nhiên nếu sạn chạy xuống ống dẫn tiểu hay kẹt ở chỗ tiếp nối ống dẫn tiểu và bọng đái, thường gây ra triệu chứng đau lưng. Đau lưng do thận gây ra khác với những trường hợp đau lưng do bắp thịt hay xương gây ra, đau này thường là đau dữ dội, quặn người lại và truyền xuống bụng dưới.

Nếu cục sạn nhỏ và ống dẫn tiểu co thắt đầy thoát ra được, cơn đau sẽ giảm dần, tuy có thể đi tiểu ra máu trong một vài ngày. Nếu sạn nằm kẹt và cơn đau không giảm hoặc bị nhiễm trùng thường phải nhập viện để điều trị.

Chữa trị về sạn thận trước kia thường phải mổ nhưng hiện nay đã có nhiều phương pháp mới làm tan sạn thận và không cần mổ. Cách chữa hiện nay là cách làm tan sạn thận bằng luồng sóng kích xúc (shock waves).

Người bệnh được cho dìm mình trong một bồn nước thật lớn và các luồng sóng kích xúc do một dòng điện cao thể tạo ra được truyền trong nước và hội tụ lại trên vùng thận có sạn. Các luồng sóng kích xúc này truyền qua da thịt không gây ra tai hại hay phản ứng gì cả nhưng làm bể viên sạn trong thận ra những mảnh nhỏ như cám, có thể theo nước tiểu thoát ra ngoài dễ dàng. Người bệnh không phải mổ, không phải nằm lại bệnh viện hơn 1 hay 2 ngày và chỉ bị đi tiểu có máu chừng một vài ngày là khỏi.

Phương pháp chữa này gọi là ESWL, viết tắt của extracorporeal shock waves lithotripsy hiện thông dụng khắp nơi và giảm thiểu rất nhiều trường hợp phải mổ.

Những phương pháp khác cũng không phải mổ là dùng ống soi đi ngược đường tiêu và dùng siêu âm đánh tan viên sạn, hoặc dùng ống soi xuyên từ ngoài da đi thẳng vào trong thận. Tuy nhiên phương pháp dùng luồng sóng kích xúc vẫn là cách ít nguy hiểm và ít gây phản ứng hơn cả.

(còn tiếp)

frankie
09-04-2023, 08:05 AM
Khi bị sạn thận, mặc dù đã đi tiểu thoát ra ngoài như trường hợp hỏi bệnh hoặc có sạn đã được đánh cho tan bằng phương pháp luồng sóng kích xúc kể trên thường vẫn phải tìm hiểu sạn thận thuộc loại gì và tìm căn nguyên gây ra sạn.

Nếu đi tiểu ra được sạn, nên cố gắng giữ được viên sạn để thí nghiệm phân chất thuộc loại gì: calcium oxalate hay calcium hydroxyapatite, hoặc là sạn uric acid, struvite hay do chất cystine. Điều này quan trọng vì phải chữa những bệnh gây ra sạn hay nếu không biết rõ, dùng nhưng phương pháp phòng ngừa để không bị sạn thận trở đi trở lại.

Thường khám nghiệm sẽ cần đo lưọng calcium trong máu, đo các chất creatinine, urea nitrogen trong máu để biết về sự hoạt động của thận, đo lượng calcium, uric acid trong nước tiểu. Chụp hình sẽ cần chụp thận và ống dẫn tiểu gọi là IVP (intravenous pyelogram), chích thuốc iodine vào máu để chụp hình lúc thận lọc thành nước tiểu.

Nếu định được bệnh gây ra sạn thận như bệnh bướu ở tuyến phó giáp trạng (hyperparathyroidism) làm tăng chất calcium trong máu và gây ra sạn, có thể trị bệnh này bằng giải phẫu hoặc bệnh viêm khớp gout gây ra sạn thận uric acid có thể trị bằng cách uống thuốc làm giảm lượng uric acid trong máu là thuốc Allopurinol v.v. . .

Như đã nói ở trên, phần lớn các trường hợp không tìm được nguyên nhân gọi là chứng idiopathic hypercalciuria, nước tiểu có quá nhiều chất vôi, chứng nàycó thể ngăn ngừa bằng cách uống nước thật nhiều, it nhất 6 đến 8 ly nước mỗi ngày. Kiêng ăn các thức ăn có nhiều chất vôi, thí dụ như uống sữa ..v.v. ... Những người bệnh sạn thận phải ngưng ngay các thứ thuốc bổ, vitamins có thêm calcium trong thuốc bổ.

Một loại thuốc có thể dùng để hạ chất vôi trong nước tiểu là loại thuốc lợi tiểu Thiazide, cũng dùng để trị áp huyết cao. Uống thuốc này sẽ ngăn ngừa chất vôi tăng lên quá cao trong nước tiểu và ngăn ngừa được sạn thận không trở đi trở lại.

Tóm lại, sạn thận là một bệnh có thể gây ra nhiều nguy hiểm, gây ra chứng đau lưng dữ dội nếu sạn bị nghẹt trong ống dẫn tiểu. Để lâu không chữa có thể gây ra suy và hư thận, nhiễm trùng thận ..v.v. . . Tuy nhiên hiện nay sạn thận tương đối chữa trị dễ dàng và ít nguy hiểm hơn trước và tìm hiểu bệnh trạng để phòng ngừa sẽ giúp cho những tai hại do sạn thận gây ra giảm đi rất nhiều.

frankie
09-05-2023, 07:56 AM
BỆNH THIẾU KÍCH THÍCH TỐ GIÁP TRẠNG



HỎI:



Khoảng vài tháng nay vợ tôi thấy hay ngủ nhiều, nói năng chậm chạp, hay than lạnh dù nhà đã để sưởi thật nóng, lại lên ký nhiều mập phì ra dù ăn uống rất ít.

Cách đây hơn 15 năm, nhà tôi có bị bệnh bướu cổ và được chữa bằng chất phóng xạ để đốt bướu cổ. Ngoài ra vẫn khỏe mạnh không bệnh hoạn gì cho đến thời gian gần đây. Xin bác sĩ cho biết những thay đổi của nhà tôi do bệnh gì và chữa trị ra sao?

Nguyễn Hoàng L.



ĐÁP:



Những triệu chứng của vợ ông như kể trong thư là do bệnh thiếu kích thích tố giáp trạng (hypothyroidism). Tuyến giáp trạng là một tuyến nội tiết quan trọng nằm ở cổ, tiết ra kích thích tố giáp trạng điều khiển những hoạt động biến dưỡng, tiêu dùng năng lượng của cơ thể, điều khiển việc trưởng thành và hoạt động của mô tế bào, việc xử dụng các chất liệu nuôi dưỡng, vitamins và các kích thích tố khác cho tế bào.

Nói chung, kích thích tố này quan trọng vào bậc nhất nên thừa hay thiếu kích thích tố giáp trạng đều gây ra những bệnh nguy hại cho cơ thể.

Một trong những cách trị thường dùng cho bệnh bướu cổ gây ra quá nhiều kích thích tố giáp trạng là cách chữa bằng chất phóng xạ Iodine 131. Cách chữa này tương đối giản dị vì chỉ uống một lần chất phóng xạ này sẽ tiêu hủy được các tế bào bướu cổ, tuy nhiên điều phiền phức là sau một thời gian, bệnh nhân có thể sẽ bị thiếu kích thích tố giáp trạng. Khoảng 50% những người bệnh bị bướu cổ chữa trị bằng chất phóng xạ Iodine 131 sẽ bị bệnh thiếu kích thích tố giáp trạng hypothyroisism sau 10, 15 năm sau này.

(còn tiếp)

frankie
09-06-2023, 01:05 PM
Vì lý do đó, các bệnh nhân sau khi được chữa trị bằng chất phóng xạ Iodine 131 cần phải được theo dõi và thử máu thường xuyên, ít nhất một năm một lần để đo lượng kích thích tố giáp trạng trong máu và chữa trị ngay nếu bắt đầu thấy thiếu kích thích tố giáp trạng.

Một nguyên nhân khác thường thấy nữa là chứng viêm tuyến giáp trạng (thyroiditis). Bệnh này do những rối loạn về miễn nhiễm của cơ thể, tạo ra những kháng thể chống lại với tuyến giáp trạng, gây ra viêm kinh niên gọi là chứng viêm Hashimoto. Sau một thời gian, tuyến giáp trạng tiết ra không đủ kích thích tố giáp trạng nữa gây ra bệnh. Viêm giáp trạng thường không gây ra triệu chứng gì nhiều nên chỉ khi bị thiếu kích thích tố đi khám bệnh mới biết.

Những nguyên nhân khác hiếm hơn gây ra bệnh thiếu kích thích tố giáp trạng như trường hợp một vài vùng ở Việt Nam ăn uống thiếu khoáng chất Iodine nên cơ thể thiếu Iodine không sản xuất đủ kích thích tố, hoặc bị bệnh bẩm sinh không tổng hợp được kích thích tố.

Một số người bị bệnh tâm thần uống thuốc Lithium cũng làm cơ thể không tổng hợp được kích thích tố giáp trạng. Một vài trường hợp rất hiếm, khi sản phụ sinh con bị băng huyết quá nhiều, tuyến não thùy (hypophyse) bị hư hoại nên không tiết ra được kích thích tố TSH. Chất này điều khiển tuyến giáp trạng tiết ra kích thích tố giáp trạng nên thiếu chất TSH sẽ gây ra bệnh. Ngoài ra một số các kích thích tố khác của não thùy như ACTH, FSH, LH...cũng thiếu nên gây ra nhiều triệu chứng nặng, gọi là bệnh Sheehan.

Nguyên nhân thường thấy nhất của bệnh thiếu kích thích tố giáp trạng vẫn là trường hợp xảy ra nhiều năm sau khi chữa bệnh bướu cổ bằng chất phóng xạ Iodine 131 như trường hợp của bà nhà.

(còn tiếp)

frankie
09-07-2023, 08:51 AM
Những triệu chứng xảy ra từ từ như ông đã kể trong thư: thấy mệt mỏi như không còn hơi sức, táo bón, lúc nào cũng thấy lạnh dù là mùa hè, hay sưởi ấm thật cao, mặc đủ áo dày cộm trong mùa đông mà vẫn lạnh buốt, bắp thịt đau nhức như bị vọp bẻ, đàn bà bị kinh nguyệt ra nhiều, bất thường...

Sau một thời gian, trí thông minh kém hẳn đi, lúc nào cũng thấy lừ đừ, cử động, đi lại chậm chạp, ngủ nhiều. Da bắt đầu thấy khô, dày. Tóc thấy rụng nhiều, khô cứng. Giọng nói thấy khàn, đục, tai nghe nghễng ngãng dù chưa lớn tuổi. Mặt thấy sưng lên, tròn trịa, nhất là mắt húp lại, lưỡi dày ra.

Đây là giai đoạn cuối, bị nặng nhiều. Nếu không chữa kịp có thể sẽ bị hôn mê gọi là myxedema coma và sau cùng sẽ chết vì thiếu kích tố giáp trạng, biến dưỡng của cơ thể hoàn toàn rối loạn.

Định bệnh để biết có thiếu kích thích tố giáp trạng hay không tương đối giản dị. Thử máu để đo sự làm việc của tuyến giáp trạng gọi là thyroid function tests sẽ kiếm ra bệnh.

(còn tiếp)

frankie
09-08-2023, 08:53 AM
Các thử ngiệm này gồm đo lượng kích thích tố gọi là thyroxine hay T4, mức phần trăm hỗn hợp với chất resin gọi là T3 resin uptake và tích số giữa hai tests này gọi là FTI (free T4 index).

Những thử nghiệm khác là Free T4 và Total T3. Nếu thiếu kích thích tố giáp trạng các thử nghiệm này đều rất thấp. Ngoài ra và quan trọng hơn cả là đo lượng kích thích tố TSH (thyroid stimulating hormone) của não thùy, Nếu thiếu kích thích tố giáp trạng, chất này sẽ tăng rất cao.

Làm các thử nghiệm trên, bệnh thiếu kích thích tố giáp trạng sẽ được định bệnh một cách chính xác và dễ dàng.

Việc chữa trị tương đối cũng giản dị. Sau khi thử máu định bệnh xong, thuốc được dùng để chữa bệnh là levothyroxine, bán dưới tên Synthroid là kích thích tố giáp trạng được tổng hợp một cách nhân tạo và có tác dụng thay thế kích thích tố tự nhiên của cơ thể.

Uống thuốc này phải đi từ từ, bắt đầu bằng lượng nhỏ và tăng lên dần để tránh những phản ứng đột ngột khi cơ thể thiếu kích thích tố quá lâu được tăng lượng lên quá nhanh. Đặc biệt những người lớn tuổi hay bị bệnh tim càng phải cẩn thận và tăng chậm dần dần.

Thường bắt đầu bằng lượng nhỏ 0.025 mg hay 0.05 mg rồi tăng lên sau 2 hay 3 tuần cho đến khi nào thử máu thấy đã đủ. Thuốc uống một ngày một lần và phải uống cả đời vì nếu ngưng uống, cơ thể sẽ bị thiếu kích tố giáp trạng trở lại. Nhiều người bệnh vì lười hay không được giải thích kỹ nên ơ hờ uống một thời gian thấy khỏe nên ngừng.

Điều này tai hại vì bệnh sẽ trở lại sau một thời gian nếu ngưng. Vì thế nên quan niệm và phải nhớ là thuốc uống cho đến suốt đời để bồi bổ cho tuyến giáp trạng bị thiếu hụt của mình, không thể đứt quãng được!

Tóm lại bệnh thiếu kích thích tố giáp trạng là một bệnh nặng, có thể gây ra chết nếu không được chữa trị. Phần lớn xảy ra sau khi chữa bệnh bướu cổ bằng chất phóng xạ, tuy nhiên có khá nhiều trường hợp xảy ra do viêm giáp trạng kinh niên, không hề có triệu chứng báo trước.

Định bệnh tương đối giản dị bằng cách thử máu nhưng cần phải có mức nghi ngờ cao để nghĩ đến bệnh này. Chữa trị bằng cách uống thuốc kích thích tố nhân tạo levothyroxine (Synthroid) để bồi bổ lại và phải uống đến suốt đời cũng như đi khám và thử máu thường xuyên để theo dõi và giữ cho bệnh không bị trở lại.

frankie
09-09-2023, 08:29 AM
CHỨNG NGÁY VÀ NGỪNG THỞ LÚC NGỦ


HỎI:


Tôi bị chứng ngáy cả đêm khi ngủ. Gần đây ngáy còn nặng hơn làm nhà tôi không ngủ được phải ra nằm ở phòng khác. Ngoài ra vợ tôi nói khi tôi ngủ nhiều lúc thấy như ngừng thở một chốc lát rồi mới thở lại và ngáy to hơn trước.

Ban ngày tôi thấy mệt mỏi nhiều và hay bạ đâu ngồi ngủ tại đó. Tôi mới bị đụng xe tháng trước vì có lẽ tôi ngủ gật lúc đang lái xe! Xin bác sĩ cho biết tại sao tôi bị chứng này và cách chữa trị ra sao?

Trần Hoàng T.


ĐÁP:


Những triệu chứng ông kể trên có thể do bệnh nghẹt và ngưng thở lúc ngủ gây ra (obstructive sleep apnea). Bệnh này được biết đến nhiều hơn do những khám phá và hiểu biết mới về giấc ngủ của con người nhờ phương pháp đo lường giấc ngủ gọi là polysommnography (hay gọi giản dị là sleep sudy).

Một khám phá quan trọng của môn học về giấc ngủ này là rất nhiều người bị chứng ngưng thở từng cơn khi ngủ. Những cơn ngưng thở này kéo dài trung bình khoảng từ 20 đến 30 giây, tuy một số trường hợp nặng có thể có những cơn ngưng thở đến hàng 2 hay 3 phút!

Những người bị bệnh ngưng thở lúc ngủ này có thể có tối thiểu từ 15 đến 20 lần ngưng thở như vậy trong một giờ hay có thể còn nhiều hơn nữa. Khi ta ngủ, không khí thở hít vào bằng mũi hay miệng và sẽ đi qua phần khẩu họng (oropharynx) trước khi vào khí quản và phổi. Một số người có phần này nhỏ, thu hẹp sẽ làm cho không khí lọt qua khó khăn và gây ra tiếng ngáy khi ngủ.

(còn tiếp)

frankie
09-10-2023, 08:01 AM
Lý do làm cho phần khẩu họng bị hẹp lại có thể vì lưỡi gà (uvula) trên nóc họng quá lớn, làm che đường không khí vào. Người khác có thể có hai cục thịt dư (tonsils) hai bên họng bị sưng lớn làm nghẹt.

Một số nhỏ có thể có lưỡi lớn quá hay hàm thụt vào phía sau nên cũng dễ bị nghẹt. Tuy nhiên những nguyên nhân trên cũng chỉ là một số ít, phần lớn có phần khẩu họng thu hẹp chỉ vì tại mập quá, cổ bạnh ra làm đường hô hấp nhỏ lại.

Ngoài ra khi ngủ, các phản xạ của các bắp thịt trong họng bị buông lơi, không giữ chắc làm họng bị sụp xuống nên nếu đã nhỏ sẵn vì bệnh mập sẽ làm nghẹt đường hô hấp dễ dàng.

Những người này khi ngủ say, sẽ có tiếng ngáy vì không khí phải chui qua đường hô hấp của khẩu họng chỉ còn một lỗ nhỏ xíu, lỗ càng nhỏ, tiếng ngáy càng to!

Giấc ngủ của con người có thể chia làm hai trạng thái. Một trạng thái lúc ngủ con ngươi mắt không di động gọi là NREM (non rapid-eye-movements) và trạng thái lúc ngủ mắt đảo nhanh gọi là REM sleep (rapid- eye-movement sleep). Khi mới ngủ, cơ thể đi vào trạng thái NREM dần dần, theo 4 giai đoạn ngủ tùy theo não điện đồ, sau đó đi vào trạng thái mắt đảo nhanh REM.

Lúc này là lúc ta nằm mơ, thấy ác mộng, và có những thay đổi về nhịp tim, hô hấp... Những người chết trong giấc ngủ vì tim rối loạn thường là do lúc ngủ REM sleep này. Ngoài ra trong trạng thái ngủ REM sleep, các bắp thịt dãn nở, xệ xuống nên đối với người bị phần khẩu họng nhỏ như nói trên, đường hô hấp bị nghẹt hẳn trong giai đoạn REM sleep và làm ngưng thở.

(còn tiếp)

frankie
09-11-2023, 09:19 AM
Khi ngưng thở như thế, dưỡng khí trong máu hạ xuống, mức thán khí tăng lên, mức acid thấp xuống sẽ làm kích thích tỉnh giấc và làm đường hô hấp phục hồi, thở lại được. Sau đó lại đi vào giấc ngủ tiếp.

Chu kỳ này tái diễn như vậy hàng một vài trăm lần mỗi đêm.Tuy nhiên giai đoạn tỉnh giấc rất ngắn nên người bệnh thường không ý thức được, chỉ biết mình ngủ không ngon giấc, không biết mình đã ngưng thở hàng trăm lần một đêm!

Hậu quả của chứng ngưng thở lúc ngủ này là người bệnh thấy mệt mỏi, tính tình thay đổi, đầu óc không sáng suốt, trí nhớ bị kém đi, ngoài ra ban ngày thường thấy buồn ngủ nhiều, ngồi yên chỗ nào một lúc là ngủ một giấc ngắn. Nhiều người bị tai nạn xe vì ngủ trong lúc lái xe, hoặc làm việc máy móc bị tai nạn gây thương tích vì gật gà gật gù ngủ trong lúc điều khiển máy!

Ngoài ra những thay đổi về tim và tuần hoàn do ngưng thở lúc ngủ có thể sẽ làm áp huyết tăng cao. Vắn đề những người bệnh này có dễ bị bệnh nghẹt mạch máu tim (heart attack) hay đứt mạch máu đầu (stroke) không được rõ ràng lắm, nhưng nhiều phần những người đã mập sẵn, có sẵn bệnh tim, áp huyết..., nếu bị thêm chứng ngưng thở lúc ngủ, sẽ bị những bệnh này nặng hơn là điều dễ hiểu.

Ngoài ra vì mức dưỡng khí hạ thấp và thán khí trong máu lên cao lúc ngưng thở khi ngủ, ảnh hưởng về phổi cũng rất quan trọng. Khoảng từ 10 đến15% những người bệnh này sẽ bị suy hô hấp, dẫn dắt đến suy tim bên phải và làm hồng huyết cầu tăng cao để bù lại nên người phù ra, mặt đỏ ké.

Hình ảnh những người bệnh này, mập, thở không nổi, đi lại khó khăn , mặt sưng, đỏ, chân phù, bạ đâu ngủ đó, như một nhân vật tên Pickwick được mô tả trong truyện của Charles Dickens nên bệnh còn được đặt tên là Pickwickian syndrome.

frankie
09-12-2023, 08:08 AM
Định bệnh nghẹt và ngưng thở lúc ngủ (obstructive sleep apnea) tương đối dễ dàng nếu bệnh nhân bị đã lâu và có đủ các triệu chứng như đã tả trên.

Như vậy một người mập, ngủ hay ngáy và có người quan sát thấy lúc ngủ có những lúc như ngừng thở có thể nghi là bị bệnh này. Tuy nhiên, không phải người nào hay ngáy cũng bị bệnh ngưng thở lúc ngủ sleep apnea.

Muốn định bệnh chính xác phải làm thử nghiệm polysommnography hay là sleep study như đã nói ở trên. Thử nghiệm này phải làm ở trung tâm đặc biệt sleep laboratory, người bệnh được cho ngủ cả đêm và gắn đủ các thứ dây để đo rất nhiều thứ: não điện đồ (electroencephalogram), đo mức đảo mắt (electrooculogram), đo bắp thịt (electromyogram), đo tâm điện đồ EKG, đo mức dưỡng khí trong máu (pulse oximetry), đo lượng không khí ra vào ở mũi và miệng...

Với thử nghiệm sleep study như trên, bệnh ngưng thở lúc ngủ có thể được định bệnh chính xác. Ngoài ra, thử nghiệm này cũng giúp để phân biệt trường hợp ngưng thở do nghẹt đường khẩu họng (obstructive) với trường hợp ngưng thở do cơ quan điều khiển ở não bộ gây ra (central sleep apnea).

Trường hợp sau hiếm hơn và đôi khi có người bệnh bị cả hai thứ (mixed). Ngưng thở do nghẹt xảy ra thường nhất và nếu thử nghiệm cho thấy mức ngưng thở xảy ra 15 lần hay nhiều hơn trong một giờ, bệnh sẽ cần được trị liệu để tránh những biến chứng nặng như đã kể trên.

Một số trung tâm chữa trị cả những trường hợp nhẹ hơn nếu mức ngưng thở xảy ra từ 5 lần trở lên trong một giờ vì sẽ làm người bệnh ngưng ngáy và có đời sống dễ chịu hơn.

(còn tiếp)

frankie
09-13-2023, 09:28 AM
Những người bị ít có thể chỉ cần thay đổi lối sống như giảm ký nếu quá mập, tránh bị nghẹt mũi, ngủ ngồi hay tránh nằm sát, đầu thấp...Tránh uống rượu vì rượu có thể làm yếu bắp thịt, tăng mức ngưng thở.

Một số người bị bệnh thiếu kích thích tố giáp trạng (hypothyroidism) hay bị chúng ngưng thở lúc ngủ nên phải cho uống kích thích tố này nếu thiếu.Trường hợp bị bệnh ngưng thở lúc ngủ nặng hơn sẽ cần chữa trị đặc biệt.

Cách chữa thông dụng nhất hiện nay là cho máy thở chụp qua mũi gọi là CPAP (continuous positive airway pressure) sẽ giữ cho thở đều. Những cách chữa khác bằng giải phẫu như dùng laser đốt lưỡi gà trên nóc họng, cắt phần họng mềm, giải phẫu đưa hàm ra đằng trước, có thể có nhiều hiệu quả khác nhau tùy từng trường hợp bệnh nhân.

Tuynhiên nếu người bệnh không bị khó chịu lắm vì ngủ phải dùng máy thở chụp vào mũi, cách chữa CPAP như trên nhiều phần giản dị và công hiệu hơn cả.

Tóm lại, nếu ngủ hay ngáy to và ban ngày hay thấy mệt mỏi như thiếu ngủ, nhất là trường hợp đã bị tai nạn xe vì ngủ gật, cần phải hỏi người nhà quan sát lúc ngủ xem thấy có bị đôi lúc như ngưng thở trong cơn ngủ không. Nếu có, cần phải đi khám nghiệm để định bệnh ngưng thở lúc ngủ sleep apnea và chữa trị nếu bệnh nặng và để ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

frankie
09-14-2023, 08:06 AM
NGHẸT VAN TIM


HỎI:


Tôi mới từ Việt Nam sang Hoa Kỳ được hơn hai tháng. Ở Việt Nam tôi có đi khám bệnh vì hay bị khó thở, mệt, nhất là khi đi bộ nhiều hoặc lên cầu thang, bác sĩ ở Việt Nam nói tôi bị bệnh nghẹt van tim và phải sang Mỹ mới chữa được. Xin bác sĩ cho biết bệnh này ra sao? Có cần phải mổ không? Nếu mổ có nguy hiểm không?


ĐÁP:


Bệnh của bà ở Việt Nam được chẩn đoán là bệnh nghẹt van tim, tuy nhiên cần phải khám nghiệm và làm thử nghiệm đầy đủ hơn để biết dích xác nghẹt van tim loại nào và mức độ nặng nhẹ ra sao.

Vấn đề có nên mổ hay không sẽ tùy thuộc vào các yếu tố trên.Trước hết, để hiểu về bệnh này, cần phải biết cơ cấu của tim và các loại van tim. Tim được chia ra làm bốn ngăn: hai buồng bên trái là tâm nhỉ trái và tâm thất trái. Máu từ phổi chạy về tâm nhỉ trái rồi xuống tâm thất trái và được tâm thất trái co bóp đẩy máu đi khắp cơ thể.

Giữa tâm nhỉ trái và tâm thất trái là một van tim hình chóp (mitral valve). Giữa tâm thất trái và đại động mạch (aorta) là van tim đại động mạch (aortic valve). Bệnh nghẹt tim thường xảy ra ở hai van tim quan trọng này.

Phần bên phải quả tim gồm tâm nhỉ phải và tâm thất phải tương đối ít quan trọng hơn. Hai van tim phía bên phải gọi là tricuspid valve và pulmonary valve cũng có thể bị nghẹt hay hở gây ra bệnh nhưng tương đối hiếm hơn.

(còn tiếp)

frankie
09-15-2023, 08:09 AM
Bệnh của hai van tim quan trọng là van hình chóp và van đại động mạch có thể là bệnh ngẹt van tim hay hở van tim, và cả hai loại đều nguy hiểm.

Nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh của nhiều van khác nhau bị cả nghẹt lẫn hở van. Phần lớn bệnh về nghẹt van tim nơi người đàn bà là bệnh nghẹt van tim hình chóp (mitral stenosis) trong khi đàn ông bị nghẹt van tim hay bị nghẹt van đại động mạch (aortic stenosis), nên để trả lời câu hỏi của bà bài này sẽ nói về bệnh nghẹt van tim hình chóp.

Bệnh này hiện nay tương đối rất ít thấy ở Hoa Kỳ, tuy nhiên người Việt Nam bị bệnh này khá nhiều. Lý do vì nghẹt van tim hình chóp (mitral stenosis) là hậu qủa của bệnh sốt thấp khớp (rheumatic fever) và bệnh thấp khớp hầu như không còn thấy tại xứ Hoa Kỳ này.

Bệnh sốt thấp khớp thương thấy ở các xứ chậm tiến như Việt Nam, hay xảy ra ở trẻ con trong khoảng tuổi từ 5 đén 15 tuổi, bệnh này gây sưng khớp ở nhiều khớp của chân tay, thường là đầu gối, háng, khuỷu tay v.v…kèm với sốt, nổi cục dưới da, nổi ban đỏ, đôi khi làm giật chân giật tay (chorea) v.v…

Tuy nhiên quan trọng nhất là bệnh sốt thấp khớp có thể chạy vào tim làm sưng van tim, viêm và có nước trong màng bọc tim (pericarditis) v.v… Bệnh sốt thấp khớp rheumatic fever là một phản ứng miễn nhiểm của cơ thể với vi trùng streptococcus loại A sau khi vi trùng này làm nhiễm trùng họng và bệnh nhân không được chữa trị bằng trụ sinh để tiêu diệt vi trùng này.

Sau khi bị nhiễm trùng họng (pharyngitis) và không được chữa cẩn thận như phần lớn trẻ em ở Việt Nam hiện tại, một số trẻ em bị biến chứng là bệnh sốt thấp khớp và làm viêm trong tim.

Các van tim có thể bị viêm và lâu ngày van tim sẽ bị cứng lại, đóng vôi hay bị các mô sợi làm van tim không đóng mở được dễ dàng nữa gây ra nghẹt van tim hoặc hở van tim. Khoảng cách thời gian từ khi bị sưng van tim do sốt thấp khớp đến khi có triệu chứng nghẹt van tim có thể kéo dài từ10 năm đến 20, 30 năm.

(còn tiếp)

frankie
09-16-2023, 07:55 AM
Như vậy người bị nghẹt van tim hình chóp mitral stenosis phần lớn có thể truy nguyên từ khi bị bệnh nhiểm trung cổ họng do vi trùng streptococcus lúc còn nhỏ, lúc 10 – 15 tuổi, sau đó bị bệnh sốt thấp khớp rheumatic fever và dễ bị biến chứng lâu dài là nghẹt van tim mitral stenosis này trong khi ngươi Mỹ hầu như không thấy vì tại Việt Nam bệnh nhiễm trùng cổ họng không được chữa trị cẩn thận hay không có thuốc trụ sinh để uống!

Bệnh nghẹt van tim hình chóp như vậy xảy ra từ từ, lúc đầu thường không có triệu chứng gì nếu còn nghẹt ít. Bình thường lổ hổng của van tim hình chóp có diện tích từ 4 đén 6 cm vuông. Nếu van tim bị cứng hay đóng vôi làm nghẹt, giảm diên tích xuống còn 1cm vuông. áp suất trong tâm nhỉ trái sẽ tang lên dồn máu về phổi và gây ra triệu chứng khó thở.

Đi bộ xa, leo cầu thang hoặc làm việc nặng sẽ thấy mệt, thở khó. Nhiều người khám phá ra nghẹt van tim hình chóp khi có bầu, hoặc bị nóng sốt hoặc bị thiếu máu, cơ thể đòi hỏi tim làm việc nhiều hơn và bi nghẹt van tim, máu dồn lại về phổi gây khó thở.

Trường hợp nặng hơn, khi nằm cũng bị triệu chứng thở khó khăn, phải ngồi hoặc nằm ngủ phải để gối cao mới thở được. Nặng hơn nữa, có thể ho ra máu hoăc nước dồn lại trong phổi gây ra bệnh phù nước trong phổi có thể gây ra chết. Những triệu chứng khác thường thấy là tim đập sai nhịp do tâm nhỉ trái co bóp không diều hòa gọi là atrial fibrillation .

Đôi khi bị đông máu trong mạch máu phổi làm tiêu huỷ một góc của phổi gọi là pulmonary embolus. Các biến chứng khác có thể xảy ra là nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng tim v.v…

(còn tiếp)

frankie
09-17-2023, 07:31 AM
Bệnh nghẹt van tim là một bệnh nguy hiểm vì các triệu chứng kể trên. Thường nếu không được chữa trị, từ khi có triệu chứng khó thở đến khi bị suy tim hoàn toàn và chết chỉ trong vòng từ 2 đến 5 năm.

Định bệnh nghẹt van tim hình chóp mitral stenosis tương đối khó khăn nếu không có các thử nghiệm đầy đủ như trong tình trạng của Việt Nam. Tuy nhiên tại Hoa Kỳ với các phương pháp tân tiến, việc định bệnh này trở thành dễ dàng và rất chính xác.

Trước hết, việc định bệnh đầu tiên dựa vào nghe tim. Người bình thường không bệnh gì khi nghe tim chỉ nghe hai tiếng đóng van tim gọi là S1 và S2. Khi van tim hình chóp mitral valve đóng lại với nhau sẽ nghe được tiếng khép của van gọi là S1 (sound 1), sau đó máu trong tâm thất trái được đẩy đi trong một khoảng thời gian gọi là systole.

Kế tiếp, van đại động mạch (aortic valve) đóng lại tạo ra tiếng khép của van gọi lá S2 (sound 2) và sau đó tim mở ra, máu chảy từ phổi xuống tâm nhỉ trái và tâm thất trái, quảng thời gian này gọi là diastole.

Khi bị nghẹt van tim hình chóp, mitral stenosis, nghe tim sẽ có tiếng S1 lớn và có tiếng máu chảy rất nhẹ như tiếng thì thầm gọi là murmur trong giai đoạn diastolie. Ở giai đoạn đầu của diastole, nếu nghe kỹ, sẽ có tiếng mở của mitral valve gọi là opening snap, sau đó là tiếng diastolic murmur. Nếu nghe được opening snap và diastolic murmur, gần như có thể định bệnh lâm sàng ngay tại giường bệnh là người bệnh nhân này bị nghẹt van tim hình chóp, mitral stenosis.

Muốn chính xác hơn phải làm thử nghiệm siêu âm tim gọi là Echocardiogram và phương pháp đo lượng máu chảy qua van gọi là Doppler. Với các thử nghiệm này có thể định bệnh đượcj bệnh nghẹt van tim và đo lượng diện tích lỗ hổng của van.

(còn tiếp)

frankie
09-18-2023, 08:20 AM
Chính xác hơn nữa và dùng trước khi mổ tim là thử nghiệm thông tim để chụp hình gọi là cardiac cathererization, phải làm trong nhà thương. Quyêt định có mổ tim hay không sẽ tùy thuộc vào kết quả của các thử nghiệm trên.

Nếu diện tích của lỗ hổng van chỉ còn 1,2 cm vuông và bệnh nhân có triệu chứng khó thở, mổ tim để nong van tim cho rộng ra hoặc thay hẳn van tim bằng van nhân tạo là phương pháp trị liệu bằng giải phẫu và là cách thức duy nhất để trị bệnh này.

Nguy hiểm về giải phẫu tim tuy thuộc vào cách thức mổ. Nếu chỉ cắt rộng van tim ra gọi là valvulotomy, mức tử vong chỉ ở khoảng từ 0 đến 2%. Nếu phải thay hẳn van bằng van nhân tạo, mức tử vong có thể lên đến 5 hay 8%.

Tuy nhiên nếu không chữa và nghẹt van tim nặng, bệnh sẽ đưa đến suy tim hoàn toàn và chết nhanh, nên nếu đủ yếu tố dựa trên các thử nghiệm, giải phẫu tim vẫn là cách tốt nhất.

Tóm lại, bệnh nghẹt van tim hình chóp là một bệnh nguy hiểm, cần phải được định bệnh chính xác với các thử nghiệm về tim. Phương pháp trị liệu là giải phẫu để mở rộng van tim hoặc thay bằng van nhân tạo nếu mức độ nghẹt của van tim quá nhiều và bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng do bệnh nghẹt van tim gây ra.

frankie
09-19-2023, 08:33 AM
VIÊM KHỚP LOẠI PHONG THẤP NẶNG


HỎI:


Tôi năm 42 tuổi, trước giờ vẫn khỏe mạnh. Khoảng 1 tháng trở lại đây tôi bị sưng các khớp ở cổ tay và bàn tay, đau đớn kinh khủng và không làm
việc được. Tôi đã uống đủ các thuốc Tylenol, Advil, Aleve bán ngoài chợ nhưng không đỡ chút nào. Xin bác sĩ cho biết bệnh này của tôi là bệnh gì và cách chữa trị ra sao?

Nguyễn thị T.V.


ĐÁP:



Viêm khớp là bệnh rất thông thường, phần lớn là những loại viêm khớp do chứng mòn khớp hay suy thoái khớp (osteoarthritis hay degenerative joint disease), xảy ra nơi những người lớn tuổi.

Tuy nhiên nếu viêm khớp xảy ra ở tuổi tương đối trẻ hơn và bị nhiều khớp, làm sưng, nóng, đỏ, hay có nước trong khớp..., không làm việc được, cần phải đi khám và làm thử nghiệm cẩn thận để tìm bệnh chính xác và chữa trị hiệu quả.

Viêm khớp loại nặng như trường hợp bà tả trên có thể do nhiều thứ bệnh gây ra. Việc định bệnh tuỳ thuộc vào viêm ở các khớp nào, nhiều khớp hay
ít khớp, các triệu chứng đi kèm như có bị sốt hay không, có bị nổi ban đỏ trên da mặt, trên thân mình hay không, có bị lở miệng, có bị phản ứng khi đi nắng làm nổi đỏ, có bị rụng tóc hay không, có bị yếu bắp thịt, có bị sụt ký hay không...

Tóm lại cần phải biết rất nhiều về bệnh trạng và các triệu chứng nào khác có thể có ngoài viêm khớp để xác định viêm khớp loại nào. Cần thiết nhất để định bệnh sẽ là thử máu để tìm các bệnh viêm khớp loại phong thấp nặng.

Hai bệnh quan trọng nhất là viêm khớp Rheumatoid Arthritis và bệnh Lupus (Systemic lupus erythematosus). Viêm khớp rheumatoid arthritis thường xảy ra nơi người đàn bà hơn đàn ông, có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào nhưng thường đàn bà hay bị vào cỡ ba mươi, bốn mươi. Lớn tuổi hơn cỡ 50 cũng hay bị, ở tuổi này, đàn ông bị nhiều như đàn bà.

Nguyên nhân tại sao bị bệnh này vẫn chưa được biết rõ, nhưng nhiều người có đặc tính di truyền dễ bị bệnh này hơn người khác.

(còn tiếp)

frankie
09-20-2023, 12:02 PM
Người da trắng dễ bị bệnh này hơn người Á Đông như Việt Nam nhưng số người Việt bị bệnh này cũng không phải là ít.

Một yếu tố di truyền hay thấy nơi người bị bệnh này là yếu tố HLA-DR loại DR4, nằm ngoài màng tế bào của bạch cầu, có nhiệm vụ nhận biết về miễn nhiễm.

Bệnh viêm khớp rheumatoid arthritis là bệnh về miễn nhiễm, có nghĩa cơ thể những người bị bệnh này vì một lý do nào đó chưa đưọc biết rõ, có thể do một nguyên nhân nhiễm trùng kích thích, bắt đầu tạo ra những kháng thể chống cự lại ngay với mảnh gọi là Fc của kháng thể loại IgG của chính cơ thể người bệnh đó.

Sau đó những bạch cầu gọi là lymphocytes bắt đầu tiến vào các màng bọc khớp và tấn công khớp xương gây ra viêm khớp, do các chất hoá học rất mạnh được tiết ra như các loại cytokines làm viêm gọi là interleukin-1, tumor necrosis factor...Ngoài ra còn một loại tế bào gây ra viêm và phá khớp loại fibroblast và pannocyte có thể giữ vai trò quan trọng trong bệnh viêm khớp rheumatoid arthritis này.

Những khớp hay bị nhất của bệnh viêm khớp loại rheumatoid arthritis là khớp ở cổ tay, ở khớp nắm đấm bàn tay và khớp ngón tay phía trong, khớp cổ chân. Thường bị nhiều khớp, cỡ từ 3 đến 5 khớp trở lên, các khớp này có tính cách đối xứng có nghĩa bị bên tay này cũng bị bên tay kia ngay chỗ đó. Đặc biệt buổi sáng ngủ dậy hay bị cứng khớp, thường phải cử động cả tiếng đồng hồ mới thấy mềm khớp ra.

Thử máu định bệnh sẽ thấy thử nghiệm rheumatoid factor dương. Thử nghiệm này tìm kháng thể tự chống với mảnh Fc của kháng thể IgG như đã nói trên. Đo mức titer của rheumatoid factor càng cao là bị bệnh càng nặng. Ngoài ra chụp hình các khớp bị viêm sẽ thấy khớp bị ăn mòn hay bắt đầu bị lệch lạc khớp

(còn tiếp)

frankie
09-21-2023, 08:12 AM
Một số người bị bệnh viêm khớp rheumatoi arthritis còn bị những cục nổi ngoài da gần khuỷu tay hay tại ngón tay. Nhiều người bị kèm thêm chứng làm khô môi khô miệng hay mắt bị khô ít nước mắt.

Một số ít bị những biến chứng nặng chạy vào phổi làm khó thở, suy phổi, có nước màng phổi, hay bị biến chứng tim, có nước trong màng tim. Hoặc hiếm hơn bị chứng suy thận do chất amyloid đóng trong thận khi bị viêm khớp rheumatoid arthritis quá lâu.

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất là viêm khớp nặng ở xương cổ chỗ nối giữa xương sọ và cột sống làm khớp này không cứng cáp và dễ bị lệch lạc đè lên trên tuỷ sống. Những trường hợp này nếu không biết sớm và chữa trị có thể làm tủy sống bị đè gây ra liệt cả tứ chi hay làm ngưng thở và chết ngay.

Bệnh viêm khớp loại rheumatoid arthritis trước kia thường chỉ được chữa với các thuốc chống viêm, nhưng các thuốc này chỉ làm giảm đau, giảm sưng và không ngăn chặn được sự tiến triển của bệnh. Người bệnh dần dần bị khớp hư và lệch lạc hết, khó xử dụng được bàn tay để làm việc.

Hiện nay những khảo cứu mới cho thấy khi bắt đầu bị bệnh này cần phải dùng thuốc loại mạnh chữa trị sớm để ngừa những biến chứng tàn phá khớp xương và những biến chứng nguy hiểm khác vì phần lớn những tàn phá này xảy ra trong vòng 2 năm đầu khi mới bị bệnh.

Một thứ thuốc hiện nay được dùng là methotrexate, trước kia dùng để chữa ung thư nhưng khảo cứu cho thấy chữa viêm khớp loại nặng rheumatoid arthritis rất có hiệu quả. Dùng thuốc này phải theo dõi cẩn thận và thử máu thường xuyên để xem có ảnh hưởng tới gan hay không vì thuốc này có nhiều phản ứng phụ.

(còn tiếp)

frankie
09-22-2023, 09:10 AM
Methotrexate thường phải dùng từ từ, tăng từ lượng nhỏ đến lượng lớn, mức tối đa từ 15-25 mg trong một tuần. Phải cho người bệnh uống thêm folic acid để bồi bổ vì dùng methotrexate sẽ làm thiếu vitamin này. Nếu bị nhẹ, từ 30 -50% người bệnh sẽ giảm bệnh nhiều.

Ngoài thuốc methotrexate, các thuốc khác làm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh là các loại như Hydroxychloroquine tên thương mại là Plaquenil, trước kia dùng để chữa sốt rét nhưng có hiệu quả với bệnh viêm khớp, thuốc Sulfasalazine, thuốc Leflunomide...

Ngoài ra người bệnh vẫn phải dùng các thuốc chống viêm và làm giảm đau. Các thuốc này cũng phải cẩn thận vì có thể làm hại bao tử, chảy máu bao tử. Thuốc tương đối ít gây ra phản ứng về bao tử là Etodolac, Meloxicam. Loại thuốc gọi là Cox-2 inhibitor như Celebrex có thể được dùng cho những người bị viêm khớp và bị bệnh bao tử vì Celebrex không có tác dụng hại trên bao tử.

Một loại thuốc mạnh để dùng làm giảm viêm và làm giảm sưng ngay là loại steroid như Prednisone có thể dùng để chữa những cơn viêm khớp hành nặng gọi là flare-up. Thường chỉ nên dùng Prednisone với lượng nhỏ từ 5 - 10 mg một ngày Tuy nhiên dùng loại steroid lâu bị nguy hiểm vì có thể làm mòn xương, dễ bị nhiễm trùng, làm mờ mắt vì đục thuỷ tinh thể cataract, làm mòn da...nên phải dùng lượng nhỏ nhất và bị nặng nhiều mới dùng.

Những trường hợp bệnh đã bị quá lâu, khớp xương bị hư hết như ở xương đầu gối, háng có thể dùng cách giải phẫu thay đầu gối hay háng mhân tạo. Ngoài ra đôi khi người bệnh bị viêm khớp rheumatoid arthritis có thể cần những giải phẫu khác để chữa khớp và hồi phục lại khả năng làm việc của khớp.

Hiện nay có thêm nhiều khảo cứu quan trọng dùng các phương cách trị liệu mới về miễn nhiễm để chữa bệnh này. Những thuốc mới được cho dùng là thuốc chích Infliximab, là loại kháng thể chống với chất TNF (tumor necrosis factor) là chất làm viêm chính trong bệnh viêm khớp. Một loại khác gọi là Etanercept, bán dưới tên thương mại là Enbrel, là thuốc chích chống với chất TNF và chất Interleukin-1, gây ra viêm trong bệnh viêm khớp rheumatoid arthritis, nên dùng để chữa trị rất có hiệu quả. Những loại khác chống với chất tumor necrosis factor là adalimumab, bán dưới tên Humira, certolixumab, golimumab cũng được dùng để chữa bệnh rheumatoid arthritis. Tuy nhiên những thuốc mới này rất mắc tiền. Thước chích một tuần một lần, mỗi tháng dùng thuốc mất cỡ 7000 Mỹ Kim, nếu không có bảo hiểm tốt để trả, ít người chịu nổi!

Tóm lại, bệnh viêm khớp loại nặng cần phải được khám nghiệm kỹ lưỡng và thử nghiệm để định bệnh loại nào. Chữa trị tương đối hiện nay đã có nhiều hiệu quả để ngăn chặn sự tàn phá các khớp xương với các cách chữa mới và các loại thuốc nhiều công hiệu. Tuy nhiên điều quan trọng là định bệnh sớm và chữa đúng cách để bệnh viêm khớp nặng không tiến triển và phục hồi được sức khỏe.

frankie
09-23-2023, 07:47 AM
SỤT CÂN


HỎI:


Tôi năm nay 45 tuổi, gần đây thấy bị sụt cân nhiều. Trong vòng 3, 4 tháng thấy mất cả 15, 20 pounds. Điều đặc biệt là tôi thấy thèm ăn luôn miệng, ăn nhiều đồ bổ béo mà vẫn sụt cân. Xin cho biết tại sao.

Trần H. V.


ĐÁP:


Sụt cân không phải là chuyện thường. Trừ khi cố tình ăn kiêng khem để xuống ký vì quá mập. Sụt cân nhiều và nhanh như trường hợp của ông thường là triệu chứng của một bệnh quan trọng cần phải được định bệnh và chữa trị cẩn thận.

Câu hỏi của ông không kể ra những triệu chứng khác nhưng thông thường sụt cân như thế phải có những dấu hiệu khác đi kèm. Thí dụ như có nóng sốt hay không, đường tiêu hoá có gì trục trặc hay không (ói mửa, đi ra máu, đau bụng..v..v...), đường hô hấp có gì thay đổi (ho, đàm, đau ngực. . .), hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Nếu biết thêm những triệu chứng khác, việc định bệnh sẽ dễ dàng hơn để nhầm vào một cơ quan hay hệ thống nào đó của cơ thể gây ra bệnh. Điều đáng ngại và quan trọng hơn cả trong việc tìm nguyên nhân của sự sụt cân đáng kể như trên là phải tìm xem có thể bị ung thư gì hay không. Nhiều trường hợp dấu hiệu đầu tiên của ung thư là sụt ký nên cần phải khám nghiệm kỹ lưỡng để xác định và truy tầm có thể có ung thư của cơ quan nào không.

Những bệnh nhiễm trùng kinh niên cũng thường hay gây ra sụt cân. Đối với dân Việt Nam, bệnh lao vẫn còn là bệnh thường thấy nên phải chú ý xem về các bệnh lao: lao phổi, lao hạch v.v. . . Tuy hiếm thấy ở người Việt tuy nhiên bệnh AIDS cũng có thể khởi đầu bằng dấu hiệu sụt cân mà thôi.

Rối loạn về hệ thống tiêu hoá cũng thường gây ra sụt cân nhưng đi kèm với những triệu chứng khác tương đối dễ định bệnh hơn: loét bao tử, viêm ruột, đau gan v.v. . .

Rối loạn về các tuyến nội tiết cũng thường gây ra triệu chứng sụt cân như tuyến giáp trạng (thyroid) tiết ra kích thích tố quá nhiều trong trường hợp bướu cổ, hoặc bệnh tiểu đường khi bị nặng cũng làm sụt cân nhiều.

Đặc biệt hai bệnh này người bệnh bị sụt cân nhưng ăn uống vẫn ngon miệng, không như các trường hợp ung thư, lao, bệnh tiêu hoá.. v.v..làm cho người bệnh không thấy thèm ăn.

Nếu ông bị một trong hai bệnh về nội tiết này, tuy vẫn là bệnh nặng nhưng tương đối dể định bệnh và dể chữa hơn. Điều quan trọng vẫn là khám nghiệm kỹ lưỡng và thử nghiệm tìm bệnh chính xác để chữa trị kịp thời.

frankie
09-25-2023, 08:12 AM
BỆNH LỞ HERPES


HỎI:

Tôi hay bị lở trên môi thường xuyên, cứ vài tháng lại bị một lần. Mỗi lần bị lở kéo dài cả tuần lễ mới hết, làm rất khó chịu nhất là khi ăn uống. Tôi dùng nhiều thứ thuốc bôi nhưng chỉ đỡ chứ không hết hẳn và cứ bị đi bị lại hoài. Ngoài ra chồng tôi cũng hay bị lở ở chỗ kín, mỗi năm bị lở khoảng vài lần. Tôi có vặn hỏi nhưng chồng tôi chối, nói không đi chơi bời bậy bạ bao giờ.

Xin bác sĩ cho biết bệnh lở trên môi của tôi và bệnh lở chỗ kín của chồng tôi có liên quan đến nhau không? Thuốc bôi không thấy có hiệu quả, xin bác sĩ cho biết có thuốc nào uống cho hết hẳn hay không?

Vũ thị L.X.


ĐÁP:


Bệnh lở môi hay bị đi bị lại của bà và bệnh lở chỗ kín của chồng bà có thể là do bệnh cực vi trùng herpes simplex gây ra. Bệnh lở môi gọi là herpes labialis thường do cực vi trùng herpes loại 1, viết tắt là HSV-1 trong khi bệnh lở của bộ phận sinh dục gọi là herpes genitalis do cực vi trùng herpes loại 2 viết tắt là HSV-2.

Tuy nhiên một số ít trường hợp bệnh lở môi có thể do cực vi trùng loại 2 hay ngược lại, một thiểu số trường hợp bệnh lở sinh dục lại do cực vi trùng herpes loại 1 gây ra bệnh. Cực vi trùng herpes có đặc điểm là xâm chiếm các tế bào thần kinh cảm giác hay giao cảm và có thể sống trong các tế bào này dưới dạng tiềm ẩn (latency) lâu dài.

Thông thường, cực vi trùng herpes xâm nhập màng nhày ở môi, miệng hay lớp da bị trày trụa, sau đó sẽ vào các tế bào thần kinh cảm giác (sensory nerves) chạy đến các hạch tế bào thần kinh gọi là ganglia, nơi đây sẽ sinh sôi nảy nở và truyền theo dây thần kinh đến vùng da hay màng nhày ở chỗ khác.

Cực vi trùng herpes một khi đã vào cơ thể sẽ tồn tại mãi trong các tế bào thần kinh. Khi ở dưới dạng tiềm ẩn sẽ không gây ra bệnh, tuy nhiên vì một nguyên cớ nào đó, thí dụ như bị chấn thương, bị kích thích do tia sáng tử ngoại, hay khi mức chống cự của cơ thể yếu kém, cực vi trùng herpes sẽ phát tác trở lại gọi là reactivation và gây ra bệnh lở.

(còn tiếp)

frankie
09-26-2023, 10:25 AM
Thường những bệnh lở, hoặc ở trên môi miệng do HSV-1 hoặc ở bộ phận sinh dục do HSV-2, đều sẽ tự khỏi sau vài ngày hay một hai tuần dù không chữa trị. Tuy nhiên, dù thấy hết lở, bệnh do cực vi ttrùng vẫn còn và sẽ trở đi trở lại.

Một số bệnh nhân có thể bị bệnh trở lại thường xuyên, vài tuần hay một hai tháng bị lại một lần. Những người khác có thể bị tái phát ít hơn, đôi khi cả một vài năm mới bị một lần. Khi mới bị lần đầu, bệnh lở herpes thường gây ra nhiều triệu chứng nặng.

Phần lớn ở trẻ em và thanh niên, cực vi trùng HSV-1 có thể gây ra lở và sưng môi, lợi, bên trong miệng và cuống họng. Có thể gây ra sốt và nổi hạch ở cổ. Những triệu chứng này kéo dài từ 3,4 ngày đến cả hàng 2 tuần mới hết. Tuy nhiên khi tái phát sau này, cực vi trùng HSV1 thường chỉ làm lở ở môi và nhẹ hơn, không nặng như lần đầu tiên.

Có thể nói hầu như người nào đến cỡ 40 tuổi cũng sẽ bị cực vi trùng loại HSV-1 xâm nhập, căn cứ vào mức kháng thể thấy có trên 90% trưòng hợp, tuy có người nhiều người ít triệu chứng. Hoặc có thể có cực vi trùng này nhưng không có triệu chứng gì cả và hoàn toàn không gây ra bệnh. Như thế vấn đề có triệu chứng hay có bệnh trở đi trở lại hay không sẽ tuỳ cơ thể và sức chống cự riêng của mỗi người.

Đối với bệnh lở trên bộ phận sinh dục do HSV-2 gây ra, khi mới bị lần đầu tiên, có thể có nhiều triệu chứng nặng như bị sốt, đi tiểu đau, nổi hạch ở háng và thấy có những vết lở ở trên dương vật hay ở cửa mình. Những triệu chứng này kéo dài vài ngày hay cả tuần, sau đó sẽ bớt dần.

Khoảng 90% những người bệnh bị herpes lần đầu tiên sẽ bị lại trong vòng 12 tháng, trung bình sẽ bị 4 lần lở tiếp theo đó, tuy những lần sau những triệu chứng sẽ ít dần hơn, như chỉ bị thấy ngứa lúc đầu và sau đó bị lở. Thời gian bị có thể cũng sẽ ngắn hơn lần đầu tiên.

(còn tiếp)

frankie
09-27-2023, 07:52 AM
Cực vi trùng herpes simplex ngoài việc gây bệnh lở còn có thể gây ra những bênh tại các cơ quan khác. Thường thấy là bệnh herpes ở mắt, làm đau mắt, đỏ mắt và làm lở võng mạc (cornea). Bệnh đỏ mắt do herpes gọi là herpetic keratitis này nguy hiểm vì có thể làm mù mắt vì hư võng mạc.

Đặc biệt nếu bị bệnh herpes trên mắt mà dùng thuốc nhỏ mắt có thuốc steroid, thí dụ như thuốc Maxitrol, NeoDecadron..., sẽ làm nhiễm trùng herpes nặng hơn nhiều và làm hư võng mạc thêm hay những bộ phận sâu trong mắt làm mù. Vì thế, dùng thuốc nhỏ mắt phải cẩn thận và phải tránh dùng thuốc có chất steroid nếu nghi là bị đỏ mắt do herpes gây ra.

Một bệnh nguy hiểm khác do cực vi trùng herpes simplex gây ra là viêm não bộ (encephalitis). Bệnh viêm này rất nguy hiểm, thường khởi đầu bằng bệnh lở môi, sau đó cực vi trùng herpes theo hệ thống thân kinh xâm chiếm não bộ gây nên viêm não. Người bệnh bị sốt nặng và hôn mê dần. Nếu không định bệnh được và chữa sớm, mức độ tử vong rất cao.

Việc định bệnh cũng khó khăn vì muốn định bệnh chính xác phải làm biopsy, cắt một miếng não để nhìn dưới kính hiển vi. Vì thế, nhiều trường hợp phải chữa trị ngay bằng thuốc Acyclovir truyền vào tĩnh mạch khi nghi ngờ bị viêm não bộ do cực vi trùng herpes vì để lâu sẽ khó chữa hay có chữa khỏi cũng bị nhiều biến chứng thần kinh nguy hiểm.

Một chứng bệnh khác cũng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh khi người mẹ mang thai đến gần ngày đẻ bị nhiễm cực vi trùng HSV, khi sinh sẽ làm đứa bé sơ sinh bị nhiễm bệnh cực vi trùng này làm rất nguy hiểm, gây ra chết hay nếu có chữa được, đứa trẻ khi lớn lên cũng không bình thường.

Việc định bệnh nhiễm cực vi trùng herpes có thể dùng cách nhuộm gọi là Tzanck preparation, cạo một chút vết lở và nhuộm sẽ thấy có những đại tế bào đặc biệt của bệnh này, hay trong nhân có những vật thể gọi là intranuclear inclusions và sẽ định bệnh được. Chắc chắn hơn nữa là cấy cực vi trùng nhưng cách cấy này rất khó khăn nên ít thực hiện.

Thông thường nếu chỉ bị lở môi hay lở ở bộ phận sinh dục, có thể đoán bệnh bằng cách khám nghiệm thường và có thể cho thuốc chữa trị ngay không cần phải đợi kết quả thử nghiệm chắc chắn hẳn. Riêng trường hợp bị lở ở bộ phân sinh dục, cần phải thử máu thêm về bệnh giang mai và bệnh AIDS vì có thể đi chung với nhau và cùng là những bệnh truyên nhiễm do giao tiếp tính dục.


(còn tiếp)

frankie
09-28-2023, 08:36 AM
Cách chữa bệnh lở do herpes hiện nay có nhiều loại thuốc. Trước hết là loại thuốc thoa gồm penciclovir và acyclovir (bán duới tên thương mại là Zovirax). Tuy nhiên thuốc thoa chỉ dùng cho những trường hợp bị herpes lần đầu và phải thoa nhiều lần trong ngày, cứ bốn tiếng một lần như Zovirax. Đối với bệnh lở herpes tái phát trở đi trở lại, thuốc thoa không công hiệu mấy.

Thuốc uống hiện nay có 3 loại là acyclovir, famciclovir (bán dưới tên Famvir) và valacyclovir (bán dưới tên Valtrex). Thuốc acyclovir uống 200mg ngày 5 lần trong vòng 10 đến 14 ngày cho bệnh lở herpes lần đầu. Những lần sau có thể uống trong 5 ngày. Đối với người bị đi bị lại quá thường hàng 10 - 12 lần trong một năm, có thể dùng thuốc acyclovir đều đặn ngày 2 lần, uống hẳn trong 6 tháng để ngăn chặn.

Những thuốc Famvir và Valtrex mới hơn và chỉ cần uống ngày 3 lần hay 2 lần, không quá nhiều lần như acyclovir. Đặc biệt đối với bệnh lở môi herpes labialis khi bị trở đi trở lại, thuốc acyclovir không có công hiệu mấy để ngăn chặn.

Thuốc mới được cơ quan FDA chấp thuận cho dùng và tốt nhất để chữa là valacyclovir hay Valtrex, có thể dùng 2 grams ngày hai lần trong một ngày duy nhất để chữa bệnh lở môi tái phát.

Lở herpes ở bộ phận sinh dục, mới bị lần đầu tiên, dùng Valacyclovir 1000 mg ngày 2 lần trong 10 ngày. Nếu bị đi bị lại, khi mới bắt đầu thấy sót và lở, uống ngay Valacyclovir 500 mg ngày 2 lần trong 3 ngày sẽ chặn được bệnh. Nếu bị quá nhiều và trở đi trở lại quá thường xuyên, có thể dùng Valacyclovir 500 mg ngày một lần uống trong 4 tháng để ngăn chặn.

Tuy nhiên những thuốc trên chỉ chữa cho bệnh lở môi không lan nặng thêm và rút ngắn thời gian bị bệnh, không phải chữa cho dứt tuyệt hẳn. Hiện vẫn chưa có thuốc để chữa dứt hẳn bệnh herpes không bao giờ bị trở lại.

Tóm lại, bệnh lở do herpes gây ra là bệnh rất thường thấy. Tuy bệnh chỉ làm lở trong ít lâu và tự khỏi, một số ít trường hợp có thể có những biến chứng nguy hiểm như bệnh viêm não.

Bệnh này hiện nay đã có nhiều thuốc công hiệu để làm chóng lành và ngăn chặn không tái phát thường xuyên, nhưng vẫn chưa có thuốc để trị tuyệt hẳn cực vi trùng herpes vì cực vi trùng này vẫn có thể nằm dưới dạng tiềm ẩn trong giây thần kinh. Tuy nhiên với những thuốc công hiệu hiện nay, bệnh lở herpes tương đối đã có thể chữa một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn trước nhiều.

frankie
09-29-2023, 07:56 AM
UNG THƯ GAN


HỎI:


Tôi có người anh gần đây mất vì ung thư gan. Một vài người quen tôi biết cũng chết vì bệnh này. Xin bác sĩ cho biết ung thư gan có xảy ra thường lắm không? Nguyên nhân tại sao? Có cách gì chữa trị được không?

Trần H.


ĐÁP:


Ung thư gan (hepatoma) là loại ung thư ít thấy ở Hoa Kỳ nhưng đối với người Việt Nam bệnh ung thư này xảy ra khá thường. Có thể nói ung thư gan chiếm tỷ lệ khoảng từ 20 đến 30% tổng số các loại ung thư người Việt Nam nói riêng và dân Á châu nói chung mắc phải.

Thông thường đàn ông bị bệnh này nhiều hơn đàn bà, gấp khoảng ba bốn lần. Sự khác biệt này có thể do đặc tính của kích thích tố nam của đàn ông, làm dễ phát triển ung thư của các tế bào gan. Một số lực sĩ muốn to con, bắp thịt nở nang hay lạm dụng chích thường xuyên các loại kích thích tố sinh dục nam, hoặc một số người bị bất lực hay chích kích thích tố sinh dục để chữa bất lực có thể dễ bị ung thư gan hơn người thường cũng vì lý do kể trên.

Nguyên nhân chính gây ra ung thư gan với những hiểu biết mới hiện nay có thể giải thích bằng sự hiện diện của cực vi trùng viêm gan loại B (hepatitis B virus) hay cực vi trùng viêm gan loại C.

Cực vi trùng viêm gan B gây viêm gan làm vàng da, vàng mắt và rất hay lây, truyền bệnh bằng đường máu như sang máu, kim bẩn, hoặc bằng đường giao tiếp tình dục. Một cách truyền bệnh quan trọng nữa là từ người mẹ sang con lúc sinh đẻ vì thế có nhiều người có cực vi trùng viêm gan loại B này từ lúc sơ sinh và suốt cả đời. Sự truyền nhiễm từ mẹ sang con này giải thích tại sao có thể đến 20% dân chúng tại các xứ chậm tiến như Việt Nam mang trong người cực vi trùng viêm gan loại B.

Phần lớn những người có cực vi trùng viêm gan B trong máu cả đời này không có triệu chứng gì. Một số người có thể sẽ bị viêm gan kinh niên và có thể tiến đến tình trạng cứng gan (cirrhosis). Một số ít khi lớn tuổi trong khoảng 50 - 60, tuy có thể xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn, sẽ bị ung thư gan do cực vi trùng này gây ra.

Một số khảo cứu cho thấy cực vi trùng này xâm nhập tế bào gan với chất DNA (deoxyribonucleic acid) của cực vi trùng sáp nhập với chất di truyền DNA trong nhân tế bào gan và gây ra biến đổi dẫn dắt đến sự phát triển ung thư của tế bào gan.

(còn tiếp)

frankie
09-30-2023, 07:56 AM
Ngoài cực vi trùng viêm gan loại B, loại cực vi trùng viêm gan loại C (hepatitis C virus) cũng có thể liên quan đến việc gây bệnh ung thư gan.

Một yếu tố khác nữa cũng ảnh hưởng đến sự phát triển thành ung thư gan là bệnh cứng gan do uống rượu gây ra. Uống rượu nhiều quá độ có thể làm viêm gan và lâu ngày gây ra cứng gan (cirrhosis). Nếu những người này có sẵn cực vi trùng loại B trong máu, xác xuất bị ung thư gan tại những người này sẽ tăng lên hơn nhiều.

Một nguyên nhân khác nữa của ung thư gan là độc chất của nấm độc (mycotoxins). Một vài loại độc chất này đã được chứng minh là có thể gây ra ung thư gan như loại aflatoxins. Tại các xứ chậm tiến của Á châu và Phi châu, đồ ăn không được vệ sinh có thể nhiễm độc chất của nấm độc ảnh hưởng trên gan, cộng thêm với tác dụng của cực vi trùng cũng là những yếu tố đưa đến ung thư gan phát triển.

Ung thư gan thường phát triển với triệu chứng gan lớn làm đau vừa phải dưới cạnh sườn bên phải. Đôi khi người bệnh có thể tự rờ thấy cục bướu dưới cạnh sườn bên phải, đi khám và tìm ra bệnh ung thư gan. Một số trường hợp làm bụng trướng, hút nước ra thấy có máu.

Định bệnh về ung thư gan thường phải chụp hình bằng CAT scan hay bằng siêu âm Ultrasound và dựa trên kết quả chụp hình làm biopsy để định bệnh chính xác. Biopsy là dùng một kim dài xuyên qua cạnh sườn vào gan để hút ra một miếng nhỏ và xem dưới kính hiển vi. Một số trường hợp không định được bệnh chính xác phải mổ để làm biopsy gan trong khi đang mổ mới định được bệnh rõ ràng.

Một thử nghiệm máu để định bệnh ung thư gan là đo mức độ của chất alpha - fetoprotein trong máu. Chất này là một loại chất đạm bình thường có trong bào thai và không còn sau khi sinh ra, tuy nhiên tế bào gan khi bị ung thư sản xuất chất đạm này với số lưọng rất cao. Đo lượng alpha - fetoprotein trong máu có thể giúp để định bệnh một trường hợp nghi ngờ bị ung thư gan, tuy nhiên, để quyết đoán 100%, vẫn phải dùng phương pháp thử nghiệm biopsy để định bệnh.

(còn tiếp)

frankie
10-02-2023, 09:21 AM
Bệnh ung thư gan trước đây là bệnh thường không chữa được, bệnh nhân sau khi định bệnh chỉ kéo dài được chừng 3 đến 6 tháng và chết vì chảy máu trong ruột, hoặc suy gan làm mê man rồi chết. Tuy nhiên gần đây đã có nhiều tiến triển về cách trị liệu và có thể kéo dài được đời sống cho bệnh nhân.

Điều quan trọng là định bệnh sớm. Vì phần lớn ung thư gan nơi người Á Châu như Vệt Nam do cực vi trùng viêm gan B kinh niên gây ra nên người nào có cực vi trùng viêm gan B trong máu đều phải đi làm siêu âm gan ultrasound cứ mỗi 6 tháng, có thể phải đo lượng alpha-fetoprotein trong máu đi kèm. Nếu thấy không bình thường sẽ phải đi làm CT scan hay MRI để định bệnh.

Nếu ung thư mới bắt đầu và nhỏ bằng hay hơn1 cm, MRI có thể định bệnh, không cần phải làm biopsy và có thể giải phẫu để cắt bỏ.và khỏi hẳn được. Thường ung thư còn nhỏ, dưới 5 cm, có thể giải phẫu cắt bỏ. Vì thế người Việt có cực vi trùng viêm gan B trong máu kinh niên, nếu là đàn ông trên 40 tuổi hay đàn bà trên 50 tuổi đều phải được theo dõi bằng siêu âm gan cứ mỗi 6 tháng để tìm bệnh ung thư gan. Và nếu phát hiện ra được sớm, cắt bỏ ngay sẽ khỏi hẳn bệnh.

Trường hợp bị chai gan cirrhosis và có ung thư gan, nếu ung thư nhỏ hơn 5 cm và chưa bị biến chứng của chai gan nhiều như vàng mắt, bụng trướng..v.v. , vẫn có thể giải phẫu cắt bỏ. Nhưng nếu bị chai gan nặng và nhiều biến chứng, nếu ung thư chưa chạy đi đâu có thể dùng cách thay gan bằng gan người chết gọi là liver transplantation. Tuy nhiên được vào danh sách thay gan thường khó khăn và ít người được vì hiêm hoi. Tuy nhiên nếu may mắn và được thay gan, mức sống sót sau 5 năm có thể lên đến 75% đến 85%, tuy phải uống thuốc ngăn chặn cơ thể phản ứng đẩy gan lạ ra khỏi cơ thể, suốt cả đời. Các thuốc được dùng là tacrolimus hay cyclosporine.

Nếu không được thay gan và ung thư chưa chạy đi các nơi khác, có thể dùng cách chạy điện gọi là radiofrequency ablation hay làm nghẹt mạch máu nuôi ung thư gọi là embolization để chữa. Nếu ung thư đã chạy khắp nơi, một số thuốc hóa học trị liệu chemotherapy hiện nay được dùng là Sorafenib, Regorafenib và thuốc Nivolumab, có thể kéo dài đời sống cho bệnh nhân.

Tóm lại, bệnh ung thư gan tương đối xảy ra nhiều với người Việt Nam hơn người Hoa Kỳ lý do chính là tỷ lệ người Việt có cực vi trùng viêm gan loại B trong máu rất cao. Hiện nay y khoa không xác định được khi nào và người nào có cực vi trùng này có thể sẽ phát bệnh ung thư gan trong tương lai. Tuy nhiên điều quan trọng là nếu đã có cực vi trùng này trong máu, phải tránh những yếu tố phụ thêm có thể dẫn dắt đến việc tổn hại gan và làm cứng gan như uống rượu, dùng chất kích thích tố sinh dục nam v.v. . .

Về phương diện y tế công cộng, phòng ngừa để tránh nhiễm phải cực vi trùng viêm gan loại B là điều cần thiết. Ngoài vấn đề vệ sinh, truyền máu .. v…v.. phong ngừa bằng cách chích ngừa bệnh viêm gan loại B cho các trẻ em sơ sinh khi biết người mẹ có cực vi trùng này sẽ làm giảm thiểu đi nhiều tỷ lệ dân chúng có cực vi trùng B trong máu và tránh được các hậu quả nguy hiểm như ung thư gan.

Đối với những người đã có trong máu cực vi trùng viêm gan loại B này, hiện nay có nhiều thuốc hữu hiệu để trị viêm gan B tuy sẽ phải dùng cả đời để chữa viên gan B và để ngừa ung thư gan..

frankie
10-04-2023, 07:49 AM
BƯỚU CỔ


HỎI:


Tôi năm nay 46 tuổi, mới từ Việt Nam sang được gần một năm. Khi còn tại nước nhà tôi có bị bướu cổ, mắt lồi, có uống thuốc một thời gian thấy bớt nên ngưng thuốc. Khi sang đây được mấy tháng, tôi thấy bướu cổ lớn hơn trước và sụt ký nhiều. Xin cho biết tại sao bị bướu cổ? Chữa trị ra sao? Có cách nào chữa dứt không?

Nguyễn Thị V.


ĐÁP:


Bướu cổ là bệnh của tuyến giáp trạng (thyroid gland). Tuyến giáp trạng là cơ quan nội tiết trọng yếu của cơ thể, tiết ra kích thích tố giáp trạng.

Kích thích tố này cần thiết cho sự hoạt động của mô tế bào, cho sự trưởng thành, cho việc tiêu dùng năng lượng của cơ thể …v..v. .., tóm lại rất nhiều chức vụ quan trọng, vì thế khi kích thích tố giáp trạng tiết ra không được điều hòa, quá nhiều hay quá ít đều sanh bệnh.

Bệnh của bà với bướu cổ, mắt lồi và sụt ký là bệnh do tuyến giáp trạng hoạt động quá mạnh, tiết ra nhiều kích thích tố hơn bình thường gọi là hyperthyroidism (còn gọi là Graves’ disease).

Ngoài những triệu chứng kể trên còn có những triệu chứng khác đi kèm như tay run, ra mồ hôi nhiều, người lúc nào cũng thấy nóng bức mặc dù người khác thấy nhiệt độ bình thường, mất ngủ, tiêu chảy, tính tình thay đổi hay bứt rứt, khó chịu v.v. . .

Người lớn tuổi dễ bị khó thở, hồi hộp, suy tim. Nhiều người bị bắp thịt tay chân đau nhức hay yếu đi, bại xuội. Nếu để lâu không chữa trị, bệnh này có thể làm chết người, thường là do tim đập quá nhanh, suy tim nặng hoặc khi kích thích tố tiết ra quá độ có thể làm kích xúc, mê sảng.

Nguyên nhân gây ra bệnh này là vì cơ thể người bệnh tạo ra một kháng thể chống lại một cơ cấu trên màng tế bào của tuyến giáp trạng. Cơ cấu này là chỗ tiếp nhận sự tác dụng của một kích thích tố khác từ não thùy gọi là TSH (thyroid stimulating hormone).

Khi kháng thể này dính với cơ cấu tiếp nhận TSH, tế bào của tuyến giáp trạng bị kích thích mạnh, tăng trưởng và tiết ra nhiều kích thích tố giáp trạng hơn bình thường và kết quả gây ra bệnh.

(còn tiếp)

frankie
10-05-2023, 08:26 AM
Lý do tại sao tự dưng những người bệnh này lại tiết ra những kháng thể đó hiện giờ vẫn chưa rõ. Một phần có thể vì di truyền, một phần có thể vì tác dụng của một loại cực vi trùng nào đó chưa ai khám phá ra.

Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng là những dồn ép về tâm lý (stress). Nhiều người Việt Nam sang Hoa Kỳ bị khủng hoảng về tâm lý dễ xảy ra bệnh bướu cổ do kích thích tố giáp trạng quá nhiều này.

Ván đề định bệnh tương đối dễ dàng nếu có những triệu chứng rõ ràng như bướu cổ lớn, sờ thấy được, mắt lồi, sụt ký như trường hợp của bà. Tuy nhiên rất nhiều người có ít triệu chứng, bướu cổ không lớn lắm, không để ý không biết đến, mắt không có triệu chứng lồi, chỉ thấy hay nóng nảy, khó ngủ, tay hơi run và sụt ký chút đỉnh… v.v..

Những trường hợp này khó định bệnh hơn và phải dựa vào thử nghiệm để định bệnh chính xác nếu có nghi ngờ. Thử nghiệm chính là thử máu để đo lượng kích thích tố giáp trạng trong máu.

Nếu lượng kích thích tố này cao hơn bình thường phải đi chụp hình tuyến giáp trạng bằng chất phóng xạ gọi là Thyroid scan đồng thời đo mức độ hấp thụ chất phóng xạ Iodine của tuyến giáp trạng gọi là radioactive iodine uptake. Hai thử nghiệm này cho định bệnh được bệnh bướu cổ Graves’s disease một cách chính xác.

Chữa trị bệnh này có ba phương pháp chính: đầu tiên là dùng thuốc uống Methimazole để ngăn chặn sự tổng hợp kích thích tố giáp trạng. Các loại thuốc uống này phải dùng trong một thời gian lâu, có thể kéo dài từ một đến hai năm hay lâu hơn nữa. Thuốc phải uống đều, nhiều lần trong ngày. Thuốc có thể gây nhiều phản ứng, một trong những phản ứng nguy hiểm là giảm lượng bạch huyết cầu nên phải theo dõi cẩn thận.

Cách trị này có công hiệu khoảng 50%, có nghĩa là sau khi thấy bớt nhiều và ngưng thuốc, một nửa số bệnh nhân sẽ bị trở lại. Trường hợp của bà ở Việt Nam đã chửa trị là dùng thuốc uống này, tuy nhiên sau khi ngưng thuốc bệnh vẫn còn và triệu chứng trở lại sau một thời gian

(còn tiếp)

frankie
10-06-2023, 08:06 AM
Cách chữa trị thứ nhì là giải phẫu, cắt bỏ một phần lớn tuyến giáp trạng, chỉ để lại một phần vừa đủ để giữ lượng kích thích tố giáp trạng bình thường. Tuy nhiên sau khi giải phẫu thường sẽ bị thiếu và phải uống thuốc kích thích tố để bồi bổ lại. Ngoài ra giải phẫu có thể có những biến chứng như chảy máu, liệt giây nói ở cổ ..v..v.. nên cần phải có y sĩ giải phẫu chuyên môn.

Cách thông dụng nhất, đặc biệt cho người lớn tuổi là uống thuốc phóng xạ Iodine. Cách chữa này giản dị nhất vì chỉ cần uống một lần, thuốc phóng xạ được tích tụ lại trong tuyến giáp trạng sẽ làm tiêu hủy các tế bào của tuyến này, kết quả cũng tương tự như giải phẫu tuy không cần đến dao. Điều khó khăn là tính cân lượng cho vừa đủ dựa trên kết quả chụp hình phóng xạ và thử nghiệm hấp thụ phóng xạ như đã nói ở trên.

Thông thường uống thuốc phóng xạ Iodine để chữa sẽ giảm dần triệu chứng trong vòng một tháng và có thể coi như khỏi hẳn sau một thời gian. Tuy nhiên người bệnh chữa trị theo kiểu này phải thử máu theo dõi mỗi 6 tháng hay một năm để đo lưọng kích thích tố giáp trạng có thiếu hay không.

Trung bình khoảng 50% bệnh nhân sẽ bị thiếu kích thích tố giáp trạng (hypothyroidism) trong vòng 10 năm sau khi chữa trị bằng chất phóng xạ. Những người này sẽ phải uống thuốc kích thích tố cả đời để bồi bổ lại.

Tóm lại trường hợp của bà bị bệnh bướu cổ Graves’ disease cần phải thử nghiệm để định bệnh chính xác và cần phải chữa trị. Cách chữa trị có thể dùng một trong ba phương pháp đã nêu trên, sự lựa chọn sẽ tuỳ thuộc vào trường hợp của từng người bệnh sau khi bệnh nhân đã được giải thích cặn kẽ và cân nhắc lợi hại của từng cách trị liệu

frankie
10-07-2023, 08:43 AM
ĐAU LƯNG


HỎI:


Cách đây mấy ngày tôi bị sụm lưng khi khuân đồ nặng. Lưng tôi sau đó đau dữ dội, cử động một chút cũng thấy đau. Cơn đau chạy xuống đùi và chân trái, xuống tới ngón chân cái. Hơn nữa tôi thấy chân tê đi, mất cảm giác và yếu hẳn làm đi lại khó khăn.

Tôi có đi châm cứu nhưng không thấy đỡ. Xin bác sĩ cho biết tại sao tôi bị đau lưng kiểu này và chữa trị ra sao? Tôi năm nay 51 tuổi, trước giờ vẫn khỏe mạnh, không bệnh tật gì.

Nguyễn Văn M.


ĐÁP:


Đau lưng là một trong những lý do thường thấy nhất khi bệnh nhân đi bác sĩ khám bệnh, hầu như ai cũng có thể bị đau lưng ít nhất một lần trong đời. Chứng đau lưng có thể xảy ra ở đủ hạng tuổi, tuy nhiên càng lớn tuổi, càng dễ bị đau lưng hơn và có thể có nhiều nguyên nhân nguy hiểm hơn gây ra.

Đau lưng có nhiều loại tùy thuộc vào cơ cấu nào bị thương tổn. Trước hết ở phần ngoài là những bắp thịt lưng. Những bắp thịt lưng này nếu bị co thắt nhiều sẽ làm đau lưng. Sờ vào lưng sẽ thấy cơ ở lưng căng lên và co thắt, ấn vào thấy đau. Đau lưng kiểu này xảy ra tương đối nhẹ và uống thuốc giảm đau hay thuốc làm dãn cơ sẽ đỡ nhiều.

Loại đau lưng quan trọng hơn xảy ra khi đĩa ở giữa hai xương sống lưng bị bệnh và phòi ra sau (herniated disc), đè vào dây thần kinh làm đau. Đau lưng kiểu này xảy ra thường nhất ở người trung niên và lớn tuổi.

Thông thường khi có tuổi, những cơ cấu giữ cho xương sống vững chắc như dây chằng dọc mặt sau gọi là posterior longitudinal ligaments, vòng sợi bọc lấy đĩa gọi là annulus fibrosus, đều bị yếu đi. Vì một nguyên cớ nào đó như khuân đồ nặng, bị đụng xe, hay không có lý do rõ rệt, đôi khi chỉ cần nhảy mũi hay ho mạnh, đột nhiên làm đĩa giữa hai xương sống lưng yếu đi và phòi nhân bên trong gọi là nucleus pulposus đẩy ra đằng sau.

Vì những dây chằng và vòng sợi nói trên không giữ lại được, nhân của đĩa sẽ đè vào gốc của dây thần kinh tọa (sciatic nerve) tạo nên cơn đau lưng chạy dài xuống chân theo đường của dây thần kinh tọa.

(còn tiếp)

frankie
10-08-2023, 07:31 AM
Ngoài ra vì gốc của dây thần kinh bị đè, người bệnh sẽ bị tê chân, mất cảm giác. Những bắp thịt ở đùi và chân do dây thần kinh tọa kiểm soát cũng bị yếu đi, đôi khi có thể teo lại. Các bắp thịt này có thể bị giật, co thắt và làm phản xạ ở đầu gối hay ở mắt cá chân yếu đi nhiều.

Hai vị trí của đĩa xương sống hay bị nhất là đĩa ở giữa xương lưng thứ 4 và thứ 5 và đĩa ở giữa xương lưng thứ 5 và xương cùng thứ nhất. Tùy theo vị trí nào, những bắp thịt ở đùi và chân sẽ bị ảnh hưởng khác nhau, nhờ thế ta có thể biết đích xác đĩa xương lưng nào bị thương tổn.

Trường hợp nặng hơn, không những gốc của dây thần kinh tọa bị đè, cả chùm dây thần kinh ở dưới xương cùng gọi là chùm đuôi ngựa (cauda equina) cũng bị đè làm bọng đái bị liệt và ruột già không co thắt được, kèm thêm với liệt cả hai chân không đi lại được.

Việc định bệnh đau lưng do đĩa xương lưng phòi ra sau, đè thần kinh thực ra dễ dàng. Với những triệu chứng như tả trên, thường sẽ nghi là bị đĩa phòi (disc hernia). Dấu hiệu định bệnh là làm thử nghiệm dơ thẳng chân cao lên gọi là straight-leg-raising test.

Khi người bệnh nằm ngửa, nâng cao chân dần lên. Nếu đĩa xương lưng bị phòi, khi nâng cao chân lên, dây thần kinh tọa bị căng ra làm đau thêm và cơn đau chạy dài xuống dưới đầu gối. Nếu chân dơ lên dưới 60 độ đã làm đau, thử nghiệm này được coi là dương và xác nhận người bệnh đã bị đĩa xương lưng phòi.

Chụp hình quang tuyến lưng thường không thấy gì được nhiều, muốn biết rõ ràng hơn cần làm thử nghiệm CAT scan hay MRI. MRI tương đối cho biết đích xác nhất, sẽ cho thấy đĩa xương lưng nào bị phòi, mức độ ra sao hay có những bệnh hoạn nào khác như bị ung thư, nhiễm trùng xương lưng...

Tuy nhiên điều đáng chú ý là chụp hình bằng cộng hưởng từ magnetic resonance MRI lại quá chính xác! Ngay cả những người không bị đau lưng, chụp MRI cũng sẽ thấy đĩa xương lưng phòi trên 22 đến 40% số người. Điều đó có nghĩa rất nhiều người bình thường không triệu chứng cũng đã có bệnh đĩa phòi này, nhưng chưa phát bệnh, đợi có một cơ nguyên nào đó nhân nucleus pulposus sẽ đè vào dây thần kinh gây ra đau lưng.

Ở người già, chụp MRI để định bệnh đau lưng quan trọng hơn người trẻ vì một số bệnh nặng, nguy hiểm có thể biểu lộ đầu tiên bằng triệu chứng đau lưng. Quan trọng nhất là ung thư. Ung thư phổi, ung thư nhiếp hộ tuyến, ung thư vú, ung thư thận, ung thư tuyến giáp trạng (thyroid), ung thư đường tiêu hoá, ung thư hạch đều dễ lan ra xương sống lưng và gây triệu chứng đau lưng.

(còn tiếp)

frankie
10-09-2023, 09:06 AM
Đau lưng do ung thư thường làm đau triền miên, nằm xuống cũng không đỡ đau lưng, đau nhiều hơn ban đêm. Chụp hình bằng MRI sẽ định bệnh ra ung thư dễ dàng và mau chóng. Tuy nhiên những loại ung thư này một khi đã chạy ra xương lưng thường đã lan rộng và chữa trị khó khăn.

Chụp MRI cũng sẽ giúp cho việc tìm bệnh nhiễm trùng ở cột sống lưng gây ra đau lưng. Tại Việt Nam, bệnh lao có nhiều nên chứng lao xương sống lưng còn đôi khi thấy gọi là mal de Potts. Tuy nhiên tại Hoa Kỳ hầu như không còn chứng này nữa.

Những loại nhiễm trùng thấy ở đây là loại vi trùng Staphylococcus hay vi trùng loại E.coli làm sưng mủ. Nguy hiểm nhất là túi mủ ở gần cột tủy sống gọi là epidural abcess, làm đau lưng, đồng thời đè vào tủy sống làm liệt 2 chân cần phải giải phẫu tức thời. Loại bệnh này hay xảy ra ở dân ghiền chích choác.

Một số người già hay bị chứng mòn xương gọi là osteoporosis, đôi khi làm sụp xương sống lưng (vertebra collapse) làm đau lưng rất nhiều. Đau lưng do chứng này thường ở một chỗ, ngay chỗ xương gãy hay sụp, không có triệu chứng thần kinh đi kèm theo. Định bệnh sụp xương lưng này chỉ cần làm X-Ray chụp thường cũng thấy.

Một nguyên nhân khác làm đau lưng khi chụp MRI sẽ định bệnh được là bệnh nghẹt tủy sống (spinal stenosis). Loại này hay xảy ra trên người già, bị chứng mòn khớp (osteoarthritis), thường xương sống lưng bị mọc nhánh gọi là osteophyte. Những nhánh xương này mọc nhiều sẽ làm nghẹt ống chứa tủy sống và làm đè lên gốc dây thần kinh gây đau.

Đặc biệt loại đau lưng này càng đi nhiều càng thấy đau. Thường đi một quãng sẽ phải dừng lại nghỉ vì đau. Nghiêng người về phía trước sẽ đỡ đau nên những người này đi chợ thường thấy ngả người tựa vào xe đẩy thực phẩm để đỡ đau lưng!

Cách chữa trị đau lưng tùy thuộc vào loại nào như đã tả trên. Nếu chỉ là đau lưng thường do bắp thịt, uống thuốc giảm đau, chống viêm và dãn nở cơ sẽ đỡ nhiều. Nếu bị đĩa xương lưng phòi (disc hernia), thường phải nghỉ ngơi, uống các thuốc giảm đau mạnh như Vicodin, Tylenol #3... để đỡ cơn đau, đồng thời dùng thuốc chống viêm liều mạnh như Ibuprofen 800 mg ngày 3 lần, thuốc để chống sưng như Medrol, thuốc làm dãn nở bắp thịt như Flexeril.

Một số người bị nặng có thể cần chích thuốc loại steroid kèm thêm thuốc tê vào gần tủy sống (epidural injection) để làm bớt sưng và giảm cơn đau. Thường với cách chữa kể trên, sau 4 đến 6 tuần, bệnh sẽ thuyên giảm và đỡ dần trong 80% trường hợp.

Tuy nhiên, nếu những triệu chứng về thần kinh tăng thêm và cơn đau lưng tiếp tục không thuyên giảm, có thể phải cần đến giải phẫu để dây thần kinh được giải toả không bị đè. Cách giải phẫu hiện nay là cắt bỏ đĩa xương bị phòi gọi là diskectomy hay microdiskectomy. Những trưòng hợp cần phải giải phẫu thực ra rất ít và hầu hết đều có thể chữa bằng thuốc như kể trên.

Tóm lại, bệnh đau lưng có nhiều nguyên do, thường nhất là do những trường hợp đĩa giữa hai xương sống lưng bị yếu và phòi ra đè lên gốc dây thần kinh tọa. Những trường hợp nặng hơn ở người già cần phải khám nghiệm kỹ lưỡng và chụp hình bằng MRI để loại trừ những bệnh nguy hiểm như ung thư, nhiễm trùng...và để chữa trị có hiệu quả hơn.

frankie
10-10-2023, 08:16 AM
BỆNH GOUT


HỎI:


Tôi hay bị đau khớp xương ở ngón chân cái đã nhiều năm nay, cứ ít lâu lại sưng lên làm nhức nhối kinh khủng, uống những thuốc giảm đau thường không thấy bớt. Gần đây lại thấy đau thêm ở khuỷu chân, đầu gối, cổ tay và khuỷu tay. Xin bác sĩ cho biết bệnh này thuộc bệnh gì và cách chữa bệnh như thế nào?

Lưu văn H.


ĐÁP:


Những triệu chứng bệnh của ông là do bệnh viêm khớp xương thuộc loại Gout. Bệnh này do chất uric acid trong máu lên quá cao, kết tinh thành tinh thể đọng trong khớp xương gây ra viêm làm sưng và đau khớp.

Sở dĩ có hiện tượng đó vì các bạch huyết cầu trong máu chạy vào khớp và tiêu hóa các tinh thể crystal của chất uric acid. Tuy nhiên khi cố gắng "tiêu hóa" các tinh thể này, màmg bọc chứa phân hóa tố trong bạch cầu bị bể và tiết ra các phân hóa tố vào trong khớp gây ra viêm khớp.

Điểm đặc biệt của bệnh gout này là phần lớn triệu chứng đầu tiên thường xảy ra (90%) ở ngón chân cái nên tương đối dễ định bệnh. Khớp ở giữa ngón chân cái và bàn chân gọi là metatarsal-phalangeal joint bị sưng vù lên, nhức nhối rất nhiều, làm đi lại khó khăn, đôi khi phải dùng nạng mới đi được. Nhiều người bị đau đến phát nóng lạnh, đụng khẽ vào ngón chân cái cũng đau giật bắn người lên được!

Có thể nói ít có cơn đau nào làm hành hạ bệnh nhân như chứng viêm khớp xương ở ngón chân cái do bệnh gout này. Trước khi có thuốc chữa trị hiệu quả bệnh gout, trong lịch sử cũng như văn chương có đầy dẫy những đoạn văn diễn tả những cơn đau kinh khủng của bệng gout của chính những tác giả bị bệnh này tác hại diễn tả và để lại cho hậu thế!

Bệnh này phần nhiều xảy ra nơi người đàn ông lớn tuổi, trung bình cở 50, 60 tuổi. Người trẻ tuổi hiếm khi bị, cũng như đàn bà hiếm thấy có bệnh gout, chỉ chừng 5% trường hợp

Như trên đã nói, bệnh gout xảy ra do chất uric acid lên cao, hơn mức trung bình là 7 mg% trong máu, gọi là hyperuricemia. Tuy nhiên phần lớn những người có mức uric acid hơi cao một chút cũng thường không có triệu chứng nhiều. Từ 2 đến 18% dân số có thể có mức uric acid hơi cao nhưng chỉ khoảng 3 người trong 1000 người có triệu chứng viêm khớp của bệnh gout. Dĩ nhiên tỷ lệ này trong dân số cũng là một con số nhiều đáng kể của những người mắc bệnh gout.

frankie
10-11-2023, 08:33 AM
Bệnh gout hay xảy ra nơi người uống rượu nhiều, mập, bị tiểu đường, bị áp huyết cao, bệnh tim... Điểm đặc biệt là bệnh này hay xảy ra nơi những người đàn ông trong giai tầng xã hội cao, thành công hay thông minh hơn người! (đây là lý do tại sao trong văn chương có nhiều đoạn văn mô tả những kẻ quyền thế trong xã hội Âu Mỹ bị bệnh quái ác này!).

Người Việt định cư tại Hoa Kỳ đã thấy càng ngày càng nhiều người bị bệnh gout. Phần lớn bị triệu chứng đau đầu tiên gọi là acute gouty attack sau khi uống rượu, ăn uống thịnh soạn. Đặc biệt người Việt hay ăn những món nhậu có nhiều chất purines như lòng heo, gan, cật, dồi trường... nên cơn đau viêm khớp loại gout cấp tính hay xảy ra sau những bữa nhậu này.

Sở dĩ như thế vì purines là những chất căn bản để tạo ra nhân tế bào, các chất cần thiết cho năng lượng của tế bào như ATP, cyclic AMP, cyclic GMP... Các chất này sẽ bị thoái hoá theo các phản ứng sinh hóa học để sau cùng trở thành uric acid. Ăn nhiều các món như kể trên sẽ đưa đến kết quả là chất uric acid trong máu lên quá cao và tạo thành tinh thể đọng trong khớp xương đưa đến cơn đau gouty attack như đã nói trong phần đầu.

Bệnh gout đầu tiên thường xảy ra nơi ngón chân cái nhưng nếu không chữa trị đúng mức, sẽ bị thêm ở các khớp xương khác, thường ở dưới chân như mắt cá chân, gót chân, đầu gối. Sau đó là các khớp ở tay như cổ tay, khuỷu tay, ngón tay. Các khớp lớn ở đùi, vai, xương sống ít xảy ra hơn.

Nếu để nặng hơn và lâu hơn không chữa sẽ có những cục uric acid mọc lớn ở sụn, gân, phần mô mềm gọi là tophus, thường thấy ở vành tai, nhượng chân, cùi chỏ... Đôi khi các cục này lớn quá bị bể và sùi ra những chất màu trắng là những tinh thể của chất uric acid trông như vôi bột!

Ngoài ra chất uric acid có thể kết tinh trong thận làm suy thận, đôi khi gây ra hư thận cấp tính và làm chết trong thời gian ngắn vì thận bị suy hoàn toàn không lọc máu được. Biến chứng này ít thấy nhưng một trong những nguy hiểm khác của bệnh gout thường thấy hơn là sạn thận.

Khoảng từ 10 đến 25% những người bị gout có thể sẽ bị sạn thận vì chính chất uric acid trong nước tiểu kết tinh sẽ gây ra sạn. Ngoài ra chất uric acid có thể làm nhân cho chất vôi calcium tụ lại và gây ra sạn thận do chất calcium.

Như thế bệnh gout không phải chỉ tác hại các khớp xương mà thôi, những biến chứng suy thận và sạn thận cũng dễ xảy ra và trở thành nguy hiểm.

frankie
10-12-2023, 08:18 AM
Chữa trị cơn đau viêm khớp xương do gout cấp tính trước kia thường dùng thuốc gọi là colchicine 0.6 mg, uống khi vừa thấy chớm đau, cứ hai tiếng uống một lần, tối đa là 3-4 mg. Thường 75% trường hợp sẽ đỡ đau trong vòng 12 tiếng nhưng thuốc này làm nôn mửa, đi tiêu chảy và ít người chịu được.

Thay thế thuốc colchicine là các loại thuốc chống viêm, thường dùng nhất là Indomethacin, uống 25 mg một hay hai viên cứ 6 tiếng một lần, hoặc loại kéo dài lâu Indomethacin-SR 75 mg, uống ngày 2 lần. Thuốc này tuy cũng hay làm khó chịu bao tử nhưng tương đối dễ dùng hơn thuốc colchicine và hiệu quả khá nhiều tuy hơi lâu.

Một số bệnh nhân dùng các thuốc trên không hiệu quả hay bị phản ứng thuốc không dùng được phải chữa bằng cách chích thẳng vào khớp xương loại thuốc gọi là steroid, thường là thuốc triamcinolone, solumedrol hay decadron để chống viêm và làm bớt sưng nhanh chóng. Chích vào khớp xương nơi ngón chân cái này cũng làm đau nhiều khi chích nên thường phải pha thêm thuốc tê lidocaine để đỡ đau hơn. Chữa bằng cách chích này hiệu quả rất nhanh, chỉ vài giờ sau đã thấy bớt đau và giảm sưng nhiều.

Vừa chích vừa uống thêm thuốc chống viêm indomethacin hay đôi khi phải dùng Tylenol #3 có chất codeine để giảm đau nhiều hơn sẽ chữa được hầu hết các cơn đau cấp tính do bệnh gout.

Để tránh bệnh trở đi trở lại hay làm các biến chứng nguy hiểm như suy thận hay sạn thận, khi bị bệnh gout attack như trên phải thử máu để đo chất uric acid trong máu. Nếu chất này cao nhiều sẽ phải dùng thuốc để hạ chất uric acid trong máu bằng cách làm chất này bị thải ra trong nước tiểu như thuốc Probenecid hay Sulfinpyrazone. Một thứ thuốc hay được dùng nhiều hơn là thuốc Allopurinol, thuốc này làm ngăn chặn phân hóa tố xanthine oxidase của phản ứng sinh hóa biến đổi từ chất xanthine ra chất uric acid trong chu kỳ biến dưỡng của purines rất có hiệu quả, tuy nhiên nếu lượng uric acid trong máu quá cao sẽ phải dùng suốt đời để ngăn chặn.

Tóm lại bệnh viêm khớp xương loại gout là bệnh viêm khớp thường thấy nơi người đàn ông đứng tuổi, đặc biệt hay xảy ra nơi ngón chân cái và các khớp khác của chân và tay. Bệnh này gây ra những cơn đau dữ dội cần chữa trị ngay và thường cần phải khám nghiệm và thử máu kỹ lưỡng để xác định tầm mức nguy hiểm của các biến chứng bệnh này để có thể điều trị một cách đúng mức và hiệu quả hơn.

frankie
10-13-2023, 09:11 AM
NỔI HẠCH


HỎI:

Tôi năm nay 48 tuổi, khoảng 3 tuần nay tôi bỗng dưng thấy nổi hạch ở cổ. Hạch càng ngày càng lớn, chỉ làm hơi khó chịu chứ không đau nhiều, ngoài ra không thấy bị gì khác. Xin bác sĩ cho biết tại sao bị hạch và có nguy hiểm gì không?

Trần Văn K.


ĐÁP:


Nổi hạch là một triệu chứng quan trọng và có thể do nhiều loại bệnh nặng, nguy hiểm gây ra. Cần phải đi khám nghiệm sớm để định bệnh và điều trị. Hạch (lymph node) là cơ quan chính yếu của hệ thống miễn nhiễm của cơ thể.

Hệ thống miễn nhiễm có nhiệm vụ chống cự lại sự xâm nhập thường xuyên của vi trùng, cực vi trùng, ký sinh trùng ..v..v.. cũng như có nhiệm vụ kiểm soát các mô, tế bào của cơ thể phát triển không bình thường, trở thành tế bào ung thư: hệ thống miễn nhiễm sẽ thanh lọc ngay không cho có cơ hội nảy nở thêm.

Hệ thống miễn nhiễm gồm các thành phần chính là các tiểu bạch cầu (lymphocytes) chia làm hai loại B và loại T, các đại thực bào (macrophages), bạch cầu đa nhân (neutrophils), sát thủ bạch cầu (natural killer cells) v.v... đều có nhiệm vụ canh giữ và chống cự lại các sự xâm nhập kể trên.

Các hạch ở cổ, ở nách và ở háng là chỗ chứa các tế bào của hệ thống miễn nhiễm, quan trọng nhất là các tiểu bạch cầu B, tiết ra các kháng thể và tiểu bạch cầu T, có nhiệm vụ trợ giúp hoặc tiêu diệt các vi trùng, cực vi trùng xâm nhập đều được đưa về các hạch này như các tiền đồn trấn giữ để hệ thống miễn nhiễm khác ở khắp cơ thể cò thể kéo về để tiêu diệt các kẻ thù xâm phạm này.

Thí dụ điển hình như khi ta bị vết thương ngoài da ở tay hay chân và bị nhiễm độc, vi trùng xâm nhập sẽ được các tiểu bạch cầu tiếp đón và nhận biết. Các tiểu bạch cầu này sẽ tiết ra các tín hiệu hoá học gọi là lymphokines kêu gọi các bạch cầu đa nhân đến để ăn vi trùng, kêu gọi các tiểu bạch cầu B và T khác đến ..v..v..

Hạch ở nách hay háng (tuỳ thuộc vào vết thương ở tay hay chân) sẽ được máu đó dồn về đưa các tiểu bạch cầu đến, sinh sôi nảy nở để chống cự với vi trùng và như thế có thể lớn hơn từ 10 đến 25 lần kích thước bình thường. Khi lớn nhiều, ta có thể sờ thấy hạch ở háng hay nách mỗi khi bị vết thương nhiễm độc ở chân hay tay.

frankie
10-14-2023, 07:54 AM
Hạch nổi lớn như vậy có thể là một phản ứng bình thường của cơ thể khi bị nhiễm trùng. Phần nhiều là hạch nhỏ dưới 1 cm, có nhiều hạch đi cùng, sờ thấy hơi đau. Nhiễm trùng ở tay hay chân gây nổi hạch ở nách hay háng như nói ở trên. Hạch ở cổ có thể do nhiễm trùng ngoài da ở cổ, mặt, nhưng thường nhất là nhiễm trùng cổ họng do vi trùng Streptococcus (strep throat).

Các loại vi trùng hiếm thấy hơn gây nổi hạch là vi trùng thương hàn Salmonella, vi trùng Brucella, Listeria, vi trùng dịch hạch Pasteurella. Các người nuôi mèo đôi khi bị nhiễm một loại vi trùng do mèo quào làm nổi hạch gọi là cat-scratch disease. Đặc biệt nếu đi chơi bời bị nổi hạch ở háng có thể do vi trùng giang mai Syphilis hoặc do vi trùng Hemophilus ducreyi làm nổi hạch lớn như hột xoài, đau nhức nhiều.

Những bệnh do cực vi trùng xâm nhập cũng thường hay gây nổi hạch. Bệnh hay thấy nhất là bệnh mononucleosis còn gọi là kissing disease, hay xảy ra ở giới trẻ học trung học, đại học, truyền cho nhau do hôn miệng, do cực vi trùng Epstein- Bara virus, làm nổi hạch ở cổ, nách, háng và sưng tỵ tạng (spleen) thường làm sốt, đau cổ và mệt mỏi nhiều.

Các bệnh do cực vi trùng ban sởi Rubella hay thủy đậu Varicella cũng có thể nổi hạch. Đáng ngại nhất hiện nay là nổi hạch có thể là triệu chứng do cực vi trùng HIV gây bệnh AIDS. Những người đồng tính luyến ái, chích choác nếu nổi hạch nhiều ở cổ, nách hay háng phải nghi là có thể bị AIDS và cần thử máu để định bệnh.

frankie
10-15-2023, 07:49 AM
Một bệnh quan trọng thường thấy ở người Việt Nam là nổi hạch ở cổ do vi trùng lao Mycobacterium. Hạch có thể khá lớn 2- 3 cm dọc theo cổ hay ở phía trên xương bả vai, lớn dần trong vài tuần lễ, không đau đớn nhiều.

Những người này thường không có triệu chứng lao phổi, chụp hình phổi không có dấu vết nấm phổi do bệnh lao. Thử nghiệm lao ở cánh tay (PPD skin test) sẽ nổi đỏ, tuy nhiên không giúp ích nhiều vì người Việt Nam, trừ các em nhỏ sinh đẻ ở Hoa Kỳ hay từ Việt Nam sang lúc còn quá nhỏ, phần lớn người Việt thử nghiệm lao ở tay đều nổi đỏ (70 - 80%).

Muốn định bệnh chắc chắn phải mổ lấy hạch ra gọi là biopsy và xem dưới kính hiển vi. Nếu có những cục nhỏ chứa những chất bầy nhầy gọi là caseating granulomas có thể gần chắc chắn là hạch do bệnh lao. Muốn đích xác 100%, phải nhuộm tìm vi trùng lao và cáy để vi trùng lao mọc và biết loại vi trùng lao nào.

Điều quan trọng và nguy hiểm hơn cả trong việc định bệnh gây ra nổi hạch là ung thư. Nổi hạch có thể là triệu chứng đầu tiên của ung thư. Đầu tiên là ung thư hạch (lymphoma) hay ung thư hạch loại Hodgkin. Nổi hạch thường ở cổ, có thể khá lớn, thường không đau.

Ung thư máu (leukemia) cũng gây ra nổi hạch. Các loại ung thư này hiện nay nếu chửa trị sớm tương đối khá hiệu quả, một số trường hợp có thể trị liệu coi như khỏi hẳn được, tuy vẫn phải theo dõi suốt đời.

Đáng ngại hơn cả là nổi hạch do ung thư ở các cơ quan khác chạy đến như ung thư bao tử, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư thận, ung thư prostate ..v..v..Hạch do các loại ung thư chạy đến này (metastasis) thường khá lớn, cứng, không đau và dính chặt, lúc lắc không di chuyển.

Định bệnh về nổi hạch do ung thư hạch, ung thư các cơ quan khác chạy đến này cần phải làm biopsy, cắt hạch để xem kính hiển vi và tùy theo đó chữa trị. Thông thường các bệnh ung thư ở các cơ quan khác chạy đến hạch cũng thường lan tràn khắp cơ thể và chữa trị ít hiệu quả

frankie
10-16-2023, 08:12 AM
VIÊM BỤNG DƯỚI


HỎI:

Tôi bị đau ở bụng dưới và hai bên dây chằng khoảng hai tuần nay. Cơn đau âm ỉ, bắt đầu khi tôi vừa có kinh và kinh nguyệt vẫn còn dây dưa chưa hết hẳn dù đã hai tuần. Tôi có lúc như bị sốt nhưng cặp nhiệt độ không thấy lên cao nhiều, tuy nhiên hay thấy mệt và có lúc như buồn ói. Tôi chưa bao giờ bị đau như vậy và rất lo ngại. Hơn nữa gần đây tôi nghi chồng tôi có đi theo với mấy người bạn cùng sở và chơi bời bậy bạ. Xin bác sĩ cho biết có thể nào tôi bị bệnh do chồng tôi đi chơi bời về đổ bệnh cho tôi không?

Nguyễn T. T. L.


ĐÁP:


Những triệu chứng như bà tả có thể do bệnh viêm bụng dưới gây ra. Bệnh viêm bụng dưới (pelvic inflammatory disease) là bệnh nhiễm trùng thường xảy ra ở người đàn bà trẻ, do vi trùng xâm nhập từ âm đạo và cổ tử cung chạy lên làm viêm tử cung ở phía trên (endometritis), và viêm ống dẫn trứng ở hai bên. Viêm ống dẫn trứng (salpingitis) làm đau hai bên phần bụng dưới, Việt Nam thường hay gọi là đau dây chằng, tuy từ ngữ này được dùng thường xuyên để tả bất kỳ loại đau bụng dưới nào do nhiều thứ bệnh khác gây ra.

Nếu bệnh viêm bụng dưới này không được chữa trị sớm và vi trùng tiếp tục xâm nhập thêm, có thể dẫn đến viêm màng bụng gọi là peritonitis rất nguy hiểm, hay làm bọc mủ trong ống dẫn trứng và buồng trứng (pelvic abcess), cần phải giải phẫu ngay.

Khi bị những biến chứng nặng này, người bệnh thường thấy đau nhiều hơn, đau ở tất cả vùng bụng thay vì chỉ ở hai bên bụng dưới, bị nóng sốt cao, làm ói mửa. Đôi khi nhiễm trùng chạy lên bọc ngoài của gan ở phía tay phải gọi là perihepatitis làm đau nhiều khi thở hít mạnh. Bị nhiễm trùng nặng như kể trên nếu không chữa trị và giải phẫu có thể làm chết vì thế biến chứng này rất hiểm nghèo và cần chữa trị sớm chừng nào tốt chừng đó.

Viêm bụng dưới có thể do nhiều loại vi trùng gây ra. Thông thường nhất là vi trùng bệnh lậu (gonorrhea), vi trùng Chlamydia trachomatis. Hai loại vi trùng này gây ra bệnh truyền nhiễm của đường sinh dục (sexually transmitted diseases), hay nói cách phổ thông khác của Việt Nam là bệnh chơi bời, có thể bị riêng một thứ vi trùng gây bệnh nhưng trong rất nhiều trường hợp, có thể bị cả hai loại vi trùng này cùng xâm nhập và gây nên bệnh viêm bụng dưới.

Những loại vi trùng khác cũng có thể gây ra viêm bụng dưới là các vi trùng sống không cần dưỡng khí gọi là anaerobic bacteria như Bacteroides, peptostreptococcus..., hay các vi trùng thường có sẵn trong âm đạo nay gây nên bệnh như các loại gọi là Gardnerella vaginalis, Gram-negative bacteria, mycoplasma...

frankie
10-17-2023, 12:14 PM
Thông thường những ngưòi lần đầu tiên bị viêm bụng dưới hay do hai loại vi trùng bệnh lậu gonorrhea hay Chlamydia gây ra. Những người bị bệnh này trở đi trở lại và những người bệnh dùng phương pháp ngừa thai bằng lá chắn đặt trong tử cung hay bị các vi trùng nằm sẵn trong âm đạo như kể trên xâm chiếm và gây bệnh.

Việc định bệnh viêm bụng dưới thường dựa vào những triệu chứng bệnh như đã tả trên và khám nghiệm. Khi khám nếu ấn vào thấy đau phần bụng dưới, khám âm đạo và di chuyển cổ tử cung làm đau, có nổi cục hai bên bụng dưới (adnexal masses), dùng mỏ vịt speculum khám thấy có mủ ở cổ tử cung...sẽ phải nghi là bị viêm bụng dưới (pelvic inflammatory disease, viết tắt là PID).

Thử máu thường thấy mức lắng của hồng huyết cầu gọi là sedimentation rate tăng cao, thử nước ở âm đạo thấy bạch huyết cầu có nhiều sẽ tăng thêm mức chính xác cho việc định bệnh. Tuy nhiên phương pháp chắc chắn nhất để định bệnh là soi bụng dưới gọi là laparoscopy, khi dùng ống soi sẽ thấy viêm và sưng đỏ ống dẫn trứng, thấy có mủ và nhuộm hay cấy vi trùng sẽ định bệnh chính xác là có viêm bụng dưới và do loại vi trùng nào.

Thực sự việc định bệnh để chữa trị thường không cần phải dùng đến cách soi này, chỉ khi nào gặp trường hợp đặc biệt và khó khăn mới phải soi. Với bệnh lý tả như đã nói ở phần đầu và khám bệnh lâm sàng, cũng đã đủ để định bệnh và bắt đầu chữa trị ngay, không cần phải đợi đến các thử nghiệm soi và cấy vi trùng.

Đau bụng dưới ngoài bệnh viêm bụng dưới PID còn có thể do những bệnh về giải phẫu quan trọng cần phải phân biệt vì đây là những trường hợp cấp cứu. Đặc biệt là bệnh sưng ruột dư (appendicitis) và có thai ngoài dạ con (ectopic pregnancy).

Hai bệnh này làm đau dữ dội và đau ở một bên, vì thế những trường hợp viêm bụng dưới nhưng chỉ đau một bên dễ nhầm với hai trường hợp bệnh cần giải phẫu ngay này. Đối với trường hợp có thai ngoài dạ con, làm thử nghiệm thử thai đo lượng kích thích tố HCG sẽ cho biết ngay là có thai hay không để phân biệt với bệnh viêm bụng dưới.

frankie
10-18-2023, 08:19 AM
Chữa trị viêm bụng dưới thường phải dùng trụ sinh loại mạnh và có khả năng trị tất cả các loại vi trùng có thể gây bệnh. Lý do là cần phải chữa trị ngay, không đợi đến các kết quả thử nghiệm cấy vi trùng mất nhiều thời giờ. Trụ sinh thường dùng là thuốc chích cefoxitin 2 grams, hay thuốc chích ceftriaxone 250 mg chích thịt, đi kèm với thuốc uống doxycycline 100 mg uống ngày hai lần trong 14 ngày.

Loại thuốc chích đầu sẽ trị vi trùng lậu gonorrhea, cũng như các vi trùng âm đạo anaerobic và loại thuốc doxycycline sẽ trị tuyệt loại vi trùng Chlamydia khi dùng đủ 2 tuần lễ. Nếu bị nặng hơn, thường phải nhập viện để chữa bằng trụ sinh cho truyền thẳng vào máu. Ngoài ra nếu khó phân biệt bệnh viêm bụng dưới với bệnh sưng ruột dư hay có thai ngoài dạ con, cũng sẽ phải nhập bệnh viên để làm thử nghiệm và để giải phẫu nếu cần. Những trường hợp làm mủ abcess, hay nặng hơn bị viêm màng bụng peritonitis, sẽ phải nhập viện để chữa trị.

Một điều quan trọng khác trong việc chữa trị bệnh viêm bụng dưới là đồng thời phải chữa luôn cả người chồng hay bạn trai. Lý do là phần lớn bệnh viêm bụng dưới PID do vi trùng lậu và vi trùng Chlamydia nên người chồng cũng cần phải khám nghiệm và chữa trị cùng lúc. Dĩ nhiên nếu bệnh viêm bụng dưới do loại vi trùng anaerobic trong âm đạo gây ra (1/4 trường hợp), người chồng không cần phải chữa.

Mặc dù chữa trị thành công bằng trụ sinh như đã nói trên, bệnh viêm bụng dưới vẫn có thể để lại nhiều hậu quả tai hại. Quan trọng nhất là ống dẫn trứng bị viêm sẽ để lại những sẹo dầy và dễ làm nghẹt ống. Khoảng 20% những người đàn bà bị viêm bụng dưới có thể sẽ không có con được vì nghẹt ống dẫn trứng. Một số khác có thể bị bệnh có thai ngoài dạ con trong tương lai, nếu không giải phẫu kịp thời có thể chết vì bể ống dẫn trứng. Hơn nữa một số khác có thể bị bệnh viêm bụng dưới trở đi trở lại hay bị đau bụng kinh niên, dù đã chữa hết vi trùng.

Vì bệnh viêm bụng dưới có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại như trên, việc phòng ngừa bệnh là điều quan trọng. Bệnh phần lớn do những vi trùng truyền nhiễm do tính dục nên các cách thức ngừa bệnh này như dùng bao condom, người chồng hay bạn trai nếu bị bệnh lậu hay Chalnydia phải chữa trị ngay trước khi có thể truyền bệnh cho vợ hay bạn gái... sẽ giảm thiểu những trường hợp viêm bụng dưới cho người đàn bà.

Ngoài ra vì dùng những phương pháp ngừa thai bằng lá chắn trong tử cung (intrauterine device hay gọi tắt là IUD) sẽ làm tăng mức dễ bị bệnh, nên tránh dùng cách ngừa thai này. Dùng thuốc uống ngừa thai (birth control pills) có thể ít làm bệnh viêm bụng dưới hơn vì thế nên dùng thuốc uống ngừa thai hơn là loại lá chắn. Rửa âm đạo bằng douche cũng dễ làm bị bệnh viêm bụng dưới nhiều hơn nên tránh dùng cách rửa bằng douche này. Hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy hiểm bị bệnh này nên phải tránh hút thuốc.

Tóm lại bệnh viêm bụng dưới ở người đàn bà là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và có thể gây nhiều biến chứng tai hại. Vì thế nếu bị những triệu chứng nghi ngờ, cần phải đi khám bệnh và chữa trị ngay để giảm thiểu những hậu quả không hay có thể xảy ra nếu không chữa sớm hay đúng cách.

frankie
10-20-2023, 08:27 AM
TIỂU RA MÁU


HỎI:

Tôi gần đầy đi tiểu thấy ra máu tuy không tthấy đau đớn gì. Xin bác sĩ cho biết như vậy có phải là bệnh về thận không? Tai sao đi tiểu có máu tươi? Cũng xin bác sĩ cho biết cách chữa trị ra sao?

Nguyễn H. T.


ĐÁP:


Trong nước tiểu bình thường không có hồng huyết cầu hay có máu. Thận có nhiệm vụ lọc máu cho cơ thể và tạo ra nước tiểu nên khi thận làm việc bình thường, chỉ có nước, các chất điện giải, chất cặn bã như urea bị thận lọc ra. Máu với hồng huyết cầu, bạch huyết cầu, chất đạm, các tế bào, chất đường … đều bị giữ lại và không có sự hiện diện trong nước tiểu.

Khi thận bị bệnh, các cơ chế lọc máu, giữ chất đường, hấp thụ lại nước ..v.v. . . bị rối loạn và trong nước tiểu có thể thấy có các chất kể trên. Ngoài thận ra, các cơ quan khác của bộ phận tiết niệu như đường dẫn tiểu từ thận xuống bọng đái gọi là ureter, bàng quang hay bọng đái, đường dẫn tiểu từ bọng đái ra ngoài gọi là urethra, và ở người đàn ông tuyến đường tiểu gọi là prostate khi bị bệnh đều có thể gây ra làm chảy máu và gây ra đi tiểu có máu.

Để trả lời câu hỏi của ông, cần phải phân biệt các loại đi tiểu ra máu và tìm chỗ nào gây ra chảy máu trong cơ quan tiết niệu. Tiểu ra máu có thể thấy máu tươi hay chỉ có hồng huyết cầu trong nước tiểu phải thử nghiệm mới thấy.

Nếu đi tiểu ra máu tươi phải chú ý xem từ lúc bắt đầu đi tiểu đến lúc tiểu xong đều thấy máu hay chỉ thấy lúc đầu khi đi tiểu hoặc chỉ thấy máu lúc sắp tiểu xong. Những người đi tiểu ra máu tươi suốt từ lúc đầu đến lúc cuối thường bị bệnh về thận vì máu từ trên thận chảy xuống đã được hòa với nước tiểu có sẵn trong bọng đái và tạo ra màu máu đỏ hồng suốt trong lúc đi tiểu. Bệnh thường nhất là bệnh sạn thận.

Ở người đàn ông, sạn thận là một trong những nguyên nhân hay thấy khi đi tiểu ra máu. Thường kèm với đau quặn thắt lưng, đau chạy xuống dưới dịch hoàn. Đau vì sạn thận là một loại đau dữ dội, thường phải ôm bụng, ôm lưng và đau thành cơn. Đi tiểu có thể thấy máu tươi suốt thời gian đi tiểu. Tuy nhiên có thể không thấy máu đỏ, phải thử nước tiểu mới thấy có hồng huyết cầu.

Bệnh khác quan trọng là ung thư thận. Ung thư thận là loại ung thư nguy hiểm vì khi định được bệnh, phần lớn đã chạy đi khắp nơi và không chữa được. Đi tiểu ra máu là một trong những triệu chứng của ung thư thận. Ngoài ra là sờ thấy bướu trong bụng hay ở vùng cạnh sườn, và đau cạnh sườn. Đi tiểu ra máu thường phải làm thử nghiệm để loại trừ nguyên nhân ung thư thận.

frankie
10-21-2023, 07:26 AM
Nguyên nhân khác nữa của đi tiểu ra máu tươi là chấn thương thận. Bị đánh vào vùng lưng hay té ngã.. có thể thấy đi tiểu ra máu. Những bệnh khác ít hơn là lao thận. Ở bên Mỹ ít thấy nhưng Việt Nam cũng còn thấy nhiều chứng lao thận, làm đi tiểu ra máu.

Một bệnh đặc biệt làm đi tiểu ra máu là bệnh Berger’s disease hay còn gọi là IgA nephropathy tuy hiếm nhưng người Việt Nam cũng có một số hay bị. Bệnh này làm lâu lâu đi tiểu ra máu tươi chừng vài ngày rồi hết. Đôi khi thấy sau khi bị cảm cúm đi trước. Tìm nguyên nhân phải dùng kim xuyên vào sau lưng tới thận để lấy một miếng nhỏ xem dưới kính hiển vi điện tử mới định được bệnh. Bệnh Berger’s làm đi tiểu ra máu tươi này thường cũng không nguy hại gì lắm, nhưng sau 15, 25 năm... có thể gây ra suy thận. Bệnh loại này cũng không có thuốc chữa trị, chỉ theo dõi, nếu sau này bị suy thận hẳn sẽ phải dùng thận nhân tạo lọc máu.

Đi tiểu chỉ thấy máu tươi lúc bắt đầu đi hoặc lúc sắp xong thường do bệnh của tuyến đường tiểu prostate hay của ống dẫn tiểu ra ngoài urethra. Người đàn ông bị viêm tuyến đường tiểu do nhiễm trùng có thể thấy máu tươi lúc đi tiểu, vì thế khám nghiệm tuyến này bằng cách khám hậu môn bằng ngón tay để sờ tuyến này nơi người đàn ông là điều quan trọng để định bệnh.

Nơi người đàn bà, đi tiểu ra máu tươi thường hay thấy nhất là do nhiễm trùng đường tiểu. Khi bị nhiễm trùng đường tiểu, bọng đái bị viêm, nhiễm trùng làm đi tiểu rát, buốt, tiểu gắt, tiểu khó. Nước tiểu ra có thể thấy đục, đôi khi ra máu tươi hay máu đen bầm. Nếu không chửa sớm hay bị nặng có thể làm nóng sốt, đau bụng dưới hay đau lưng. Đi tiểu ra máu tươi nơi người đàn bà như vậy phải tìm nguyên nhân có bị nhiễm trùng đường tiểu hay không và thử nước tiểu hay nếu cần, cáy vi trùng để định bệnh và trị liệu cho có hiệu quả.

Một nguyên nhân khác nữa của đi tiểu ra máu là các bệnh làm loãng máu, máu không đông. Thường đi kèm thêm với những triệu chứng khác như chảy máu răng, chảy máu mũi, chảy máu bầm dưới da... Những trường hợp này phải thử máu để định bệnh. Một số bệnh quan trọng là bệnh thiếu tiểu cầu, thiếu vitamin K, ung thư máu ..v.v. . .

frankie
10-22-2023, 08:55 AM
Trái ngược với đi tiểu thấy máu tươi, những trường hợp thấy có hồng huyết cầu trong nước tiểu phải thử nghiệm mới thấy, người bệnh có thể không để ý gì vì đi tiểu thấy màu nước tiểu vẫn bình thường. Thường những bệnh này là bệnh của thận kinh niên, ngoài hồng huyết cầu trong nước tiểu còn thấy có chất đạm, tế bào thận gọi là casts.

Các bệnh này thường do viêm thận kinh niên gọi là glomerulonephritis, chữa trị rất khó khăn và phần lớn trường hợp sau nhiều năm sẽ bị suy thận và sau cùng phải dùng thận nhân tạo để lọc máu.

Tóm lại, khi đi tiểu ra máu, phải đi khám nghiệm để tìm nguyên nhân kỹ lưỡng và định bệnh chính xác. Khám đường tiểu và tuyến đường tiểu nơi người đàn ông để xem có những bệnh loại này hay không? Nơi người đàn bà, sẽ cần phải thử nước tiểu hay cáy vi trùng để tìm nhiễm trùng đường tiểu. Thử nước tiểu là điều quan trọng trong mọi trường hợp để xem mức độ có máu trong nước tiểu hay có đi kèm chất đạm trong nước tiểu hay tế bào thận trong nước tiểu hay không?

Nếu những bệnh thông thường không thấy có, thường phải chụp hình thận gọi là IVP hay intravenous pyelography, chích thuốc vào tĩnh mạch để chụp hình khi thận lọc máu. Làm quang tuyến IVP sẽ giúp tìm xem có sạn thận hay không, có bướu hay không. Siêu âm thận đôi khi cũng cần để định bệnh. Trường hợp nghi ung thư thận sẽ phải làm CAT scan là loại chụp hình đặc biệt, hoặc chích thuốc vào động mạch để chụp gọi là renal arteriography.

Chụp hình không tìm ra nguyên nhân làm đi tiểu ra máu sẽ cần phải làm thử nghiệm soi gọi là cystocopy, dùng ống soi từ đường tiểu vào bọng đái để nhìn thẳng hoặc bơm thuốc theo ống soi để chụp hình. Sau cùng nếu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân có thể sẽ cần làm biopsy cắt một miếng thận nhỏ như đã nói ở trên để xem dưới kính hiển vi điện tử.

Đi tiểu ra máu như vậy là một triệu chứng quan trọng và có thể do những bệnh nguy hiểm gây ra. Vấn đề chính là đi khám nghiệm sớm và làm thử nghiệm cần thiết để định bệnh chính xác và theo đó để chữa trị cho đúng mức và hiệu quả.

frankie
10-23-2023, 09:07 AM
UNG THƯ TỬ CUNG


HỎI:

Tôi mới ở Việt Nam sang đây hơn 3 năm. Tôi nghe nói đàn bà Việt Nam hay bị ung thư tử cung, xin bác sĩ cho biết làm thế nào để ngừa bệnh này. Tôi năm nay 34 tuổi, đã lập gia đình và có 3 đứa con nhỏ.

Nguyễn thị V.L.


ĐÁP:


Ung thư tử cung là một trong những bệnh ung thư thường thấy nhất, đặc biệt nơi những quốc gia chậm tiến như Việt Nam. Ung thư tử cung có hai loại: ung thư cổ tử cung (cervical cancer) và ung thư mình tử cung (endometrial cancer).

Tại Hoa Kỳ, chết do ung thư cổ tử cung tương đối đã giảm nhiều nhờ tìm kiếm ra bệnh sớm, tuy nhiên con số đàn bà Hoa Kỳ chết vì bệnh này mỗi năm cũng lên đến khoảng 5000 người. Người Việt Nam bị ung thư cổ tử cung tỷ lệ khá cao so với người Mỹ nên việc ngừa bệnh và tìm ra bệnh sớm là điều hết sức quan trọng cho phụ nữ Việt Nam mới sang định cư tại đây.

Ung thư cổ tử cung tuy chưa được chứng minh đích xác, nhiều phần do một loại cực vi trùng gây ra. Cực vi trùng này có tên là human papilloma virus, viết tắt là HPV. Cực vi trùng HPV (đừng nhầm với HIV là loại cực vi trùng khác gây ra bệnh AIDS) có nhiều loại nhỏ gọi là subtype gây ra các thứ bệnh ngoài da như mụt cóc, mụt lồi ở bộ phận sinh dục gọi là condylomata, hay bướu nhỏ ở dây nói ở thanh quản gọi là laryngeal papilloma.

Đặc biệt cực vi trùng HPV loại subtype 16 và 18 gây ra những biến đổi trong tế bào của cổ tử cung và đưa đến bệnh ung thư cổ tử cung. Như vậy các người đàn bà hay có mụt cóc trên da hay mụt, bướu mọc ở bộ phận sinh dục phải đặc biệt coi chừng về ung thư cổ tử cung.

Những yếu tố khác làm người đàn bà dễ bị ung thư cổ tử cung hơn là có chồng sớm hay có nhiều hoạt động tính dục sớm với nhiều người đàn ông khác nhau. Đàn bà hút thuốc lá cũng dễ bị ung thư cổ tử cung nhiều gấp ba lần người bình thường.

Những phương pháp ngừa thai như dùng bọc cao su, vòng xoắn hay dùng thuốc bơm diệt tinh trùng spermicides trái lại làm giảm thiểu xác xuất dễ bị ung thư cổ tử cung, một phần vì tránh được các bệnh truyền nhiễm, phần khác loại spermicide có thể diệt được cực vi trùng HPV đỡ gây tác dụng trên tế bào của cổ tử cung.

frankie
10-24-2023, 09:47 AM
Ung thư cổ tử cung thực sự là loại ung thư phát triển rất chậm. Từ khi có những thay đổi trong tế bào cổ tử cung đến khi phát triển thành ung thư chạy đi khắp nơi kéo dài hàng 7, 8 năm hay 10 năm nên việc ngừa ung thư, tìm cách phát hiện sớm để chữa ngay là điều quan trọng bậc nhất.

Những thay đổi trong tế bào thành ung thư nhưng vẫn ở một chỗ gọi là carcinoma in situ có thể xảy ra rất sớm nơi những người đàn bà có các yếu tố dễ sinh ra bệnh như kể trên, có thể ở tuổi 20-30 đã có các biến đổi tế bào thành ung thư tại chỗ .

Thành ung thư thật sự và xâm chiếm các cơ quan kế cận hay chạy đi lung tung gọi là invasive cancer thường bắt đầu vào cỡ 35 tuổi và tăng dần theo thời gian. Càng già càng dễ bị ung thư cổ tử cung hơn và khoảng 40% mức độ bệnh nhân chết vì bệnh ung thư này xảy ra nơi những người trên 65 tuổi.

Phương pháp chính để ngừa bệnh ung thư cổ tử cung là quan sát các tế bào của cổ tử cung dưới kính hiển vi gọi là Pap smear. Các tế bào này được lấy từ phần nối giữa cổ tử cung và mình tử cung và được nhuộm để coi dưới kính hiển vi.

Những thay đổi của tế bào được phân loại từ nhẹ đến nặng hoặc cho biết có tế bào ung thư hay chưa. Những biến đổi nặng gọi là high-grade hay có tế bào ung thư sẽ cần được giải phẫu. Những thay đổi ít gọi là lowgrade cần phải soi gọi là colposcopy để xem có bệnh hay chưa.

Pap smear để ngừa ung thư thường phải làm mỗi năm một lần. Tuy nhiên vì loại ung thư cổ tử cung mọc rất chậm nên nếu trong ba năm liên tiếp làm Pap smear đều bình thường, có thể giảm thiểu cứ 3 năm làm lại một lần để theo dõi. Tuy nhiên những người đàn bà có nhiều yếu tố dễ bị ung thư cổ tử cung như đã nói ở phần trên nên làm Pap smear mỗi năm một lần cho chắc chắn!

Tuổi bắt đầu nên làm Pap smear là khi đã có hoạt động tính dục hay từ 18 tuổi trở lên. Sở dĩ nên làm Pap smear sớm như vậy vì đã có các trường hợp ung thư cổ tử cung xảy ra nơi những người đàn bà ở tuổi hơn 20, nhất là khi có các yếu tố dễ sinh bệnh như có nhiều mụt bướu ở bộ phận sinh dục, hay hoạt động tính dục quá sớm khi vừa dậy thì...

Ung thư cổ tử cung nếu chỉ mới ở mức tại chỗ carcinoma in situ, nghĩa là chỉ có các biến đổi của tế bào ở mặt trên, chưa chạy xuống phần mô dưới màng nhày, khi giải phẫu cắt bỏ sẽ khỏi hẳn không trở lại. Tuy nhiên nếu ung thư đã xâm nhập và chạy khắp nơi, mức dộ tử vong sẽ rất cao. Vì thế làm Pap smear là phương pháp giản dị nhất, đỡ tốn kém nhất và hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh.

frankie
10-25-2023, 09:44 AM
Phụ nữ Hoa Kỳ đã ý thức được tầm mức quan trọng của việc đi làm Pap smear nên hiện nay mức độ bị bệnh ung thư cổ tử cung đã giảm xuống khá nhiều. Phụ nữ Việt Nam mới định cư tại đây cũng nên chú ý nhiều về việc ngừa bệnh này và đi làm Pap smear thường xuyên để tìm ra sớm và ngừa những tác hại của bệnh ung thư cổ tử cung.

**********

Ung thư mình tử cung và ung thư buồng trứng


Ung thư mình tử cung (endometrial cancer) hay xảy ra nơi người đàn bà lớn tuổi, thường cỡ 60, 70 tuổi. Ung thư này liên quan đến kích thích tố sinh dục estrogens nên những người có kinh quá sớm hay tắt kinh quá muộn, không có con vì buồng trứng không làm việc, mập quá hay có bướu trong buồng trứng tiết ra quá nhiều estrogens dễ bị loại ung thư mình tử cung hơn bình thường.

Điểm quan trọng khác là dùng những loại thuốc kích thích tố sinh dục khi tắt kinh như loại thuốc Premarin, không có loại kích thích tố progesterones đi kèm theo để điều hòa có thể làm tăng mức dễ bị loại ung thư này hơn bình thường. Vì thế hiện nay các người đàn bà tắt kinh nên dùng loại thuốc có cả hai kích thích tố estrogen và progesterone (thí dụ như thuốc Prempro) hơn là dùng chỉ một loại estrogen duy nhất (như Premarin).

Loại ung thư mình tử cung gây ra triệu chứng là chảy máu nên người đàn bà lớn tuổi bị ra máu tử cung cần đi khám nghiệm ngay để định bệnh. Thường sẽ cần cắt một miếng nhỏ để xem dưới kính hiển vi gọi là endometrial biopsy và nếu bị bệnh này sẽ cần giải phẫu cắt bỏ tử cung. Ung thư buồng trứng là loại ung thư gây ra tử vong rất cao vì thường chỉ tìm ra bệnh khi quá trễ.

Tuổi trung bình bị ung thư buồng trứng là 63 tuổi. Loại ung thư này thường ít gây ra triệu chứng gì nên đến khi quá lớn, khám thấy có bướu ở bụng dưới là đã quá muộn. Thường 75% trường hợp là định bệnh trễ nên dù giải phẫu cắt bỏ, mức sống sót trên 5 năm rất hiếm. Hiện nay phương pháp mới để tìm ra sớm bệnh ung thư buồng trứng là siêu âm qua ngả âm đạo gọi là transvaginal ultrasound và thử máu tìm loại kháng thể gọi là CA-125. Tuy nhiên cách thử máu này cũng không được chính xác lắm nên cũng chưa được dùng thông thường vì mức độ tìm ra bệnh ở dưới 50%. Siêu âm tìm bệnh khá hơn, ở mức hơn 90% nếu được dùng kèm với phương pháp đo mới gọi là color Doppler.

Tóm lại, các chứng ung thư thuộc bộ phận sinh dục của phụ nữ, đối với người Việt Nam quan trọng nhất vẫn là ung thư cổ tử cung. Sau đó là ung thư mình tử cung và ung thư buồng trứng. Hiện nay phương pháp hữu hiệu nhất và giản dị nhất để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là Pap smear. Người đàn bà nào cũng nên làm Pap smear thường xuyên để ngừa ung thư cổ tử cung vì tìm ra bệnh sớm và giải phẫu ngay sẽ chữa khỏi được bệnh ung thư này.

frankie
10-26-2023, 09:40 AM
NHỨC ĐẦU KINH NIÊN


HỎI:


Tôi bị bệnh nhức đầu đã lâu năm, có đi khám bệnh thì được biết áp huyết không cao. Không còn cách nào khác là uống thuốc sau khi thấy nhức. Uống một ly rượu sáng ngủ dậy cũng bị nhức, ngủ không ngon giấc hay bị đánh thức giấc cũng bị nhức và gần như tuần nào cũng phải uống thuốc Anacin. Tình trạng dùng thuốc lâu năm có ảnh hưởng tai hại gì đến thận và bao tử không? Và phải làm sao?

Nguyên Bá T.


ĐÁP:


Nhức đầu kinh niên là một bệnh thường xảy ra và tương đối là một trong những vấn đề khó khăn nhất của y khoa. Nhức đầu là một triệu chứng thông thường và có thể đi kèm với rất nhiều thứ bệnh khác nhau. Phần lớn là những bệnh nhẹ, tuy nhiên một số ít bệnh khác là bệnh quan trọng và nguy hiểm cần được định bệnh và điều trị ngay.

Nhức đầu xảy ra khi những cơ cấu có thần kinh cảm giác nhận biết sự đau của vùng đầu bị kích thích. Các cơ cấu này gồm có da đầu, bắp thịt, động mạch và màng bọc xương sọ, các mô của mắt, tai, mũi và khoang mũi. Bên trong óc chỉ có các xoang tỉnh mạch và các giây thần kinh số 5, số 9, số 10 là giây thần kinh có có cảm giác đau.

Ngay chính phần mềm của não bộ không có cảm giác đau khi bị đụng chạm hay kích thích. Xương sọ cũng thế, không có cảm giác đau. Như thế nhức đầu có thể xảy ra theo nhiều cơ chế: hoặc do các động mạch đầu dãn nở, làm căng và kích thích gây đau, đây là nguyên nhân thường thấy nhất của chứng nhức đầu kinh niên migraine; hoặc do bắp thịt đầu hay cổ co rút hay viêm gây ra đau.

Các cơ chế khác ít hơn như các xoang tỉnh mạch đầu bị đè, đẩy sai chỗ như khi có bướu trong não bộ sẽ gây ra nhức đầu. Hoặc màng óc bị viêm, nhiễm trùng như trong bịnh sưng màng óc cũng sẽ gây ra nhức đầu.

Điều quan trọng trong việc định bệnh và chữa trị chứng nhức đầu là xác định xem có bệnh nào nặng và nguy hiểm gây ra nhức đầu hay không? Quan trọng nhất là những bệnh cần trị ngay như sưng màng óc, thường bị sốt, cổ cứng đi kèm với nhức đầu. Một bệnh khác là chảy máu trong nước tủy xương sống (subarachnoid hemorrhage) cũng làm nhức đầu, cổ cứng tuy không bị sốt.

Nhiều người bị té, dập đầu làm đọng cục máu dưới màng cứng cũng gây ra nhức đầu (subdural hematoma) phải mổ ngay mới chữa được. Những bệnh nặng khác gây ra nhức đầu cũng cần phải định bệnh ngay là bệnh tăng áp suất trong mắt (glaucoma) không chữa sớm có thể gây ra mù, bệnh nhiễm trùng khoang mũi (sinusitis) cũng gây ra nhức đầu dữ dội, thường đi kèm với nóng sốt và nghẹt mũi, hay chảy nước mũi có mùi hôi.

Một bệnh nữa ở người già là bệnh viêm mạch máu thái dương (temporal arteritis) gây ra nhức đầu và nếu không chữa ngay có thể gây mù mắt. Những bệnh nặng trên gây ra nhức đầu thường là cấp tính, xảy ra trong vài ngày. Nếu nhức đầu kéo dài hơn, xảy ra trong vòng vài tuần hay tháng và càng ngày càng nặng hơn, cần phải định bệnh xem có bướu trong não bộ gây ra nhức đầu hay không?

Hiện tại cách chính xác nhất là chụp hình não bộ bằng CAT scan hay bằng phương pháp MRI (magnetic resonance imaging). Áp huyết cao cũng gây ra nhức đầu tuy nhiên chữa trị và định bệnh dễ dàng.

Nhức đầu kinh niên kéo dài từ năm này sang năm khác thường không phải do những bệnh nặng, nguy hiểm trên gây ra. Hai loại bệnh thường nhất gây ra nhức đầu kinh niên là chứng nhức nửa đầu migraine và nhức đầu do căng thằng, tension headache.

frankie
10-27-2023, 08:41 AM
Chứng nhức nửa đầu migraine rất thường thấy, ở đàn bà nhiều hơn đàn ông, bắt đầu khi mới lớn và kéo dài cho đến khi lớn tuổi sẽ đỡ lần đi. Thường nhức nửa bên đầu, mỗi khi nhức như giật lên từng hồi, không làm việc được, kèm theo với ói mửa đôi lúc.

Một số người có thể có triệu chứng về thần kinh hay tê liệt. Mỗi cơn nhức kéo dài một hai ngày rồi hết, có thể trở lại khi sắp có kinh nơi người đàn bà, hoặc khi bị căng thẳng quá mức. Có người dùng thuốc ngừa thai cũng hay bị loại nhức đầu migraine này. Một số người bị lên cơn nhức đầu sau khi ăn uống những chất để lâu lên men có chất tyramine, có người uống rượu nhất là rượu vang đỏ cũng hay bị. Cà phê, trà, chocolate cũng thế.

Chứng nhức đầu migraine thường di truyền trong gia đình, nguyên nhân không được rõ lắm, có thể do sự mất thăng bằng trong việc điều hòa sự co thắt, dãn nở của mạch máu đầu, hoặc do sự xáo trộn về biến dưỡng của chất Serotonin trong não bộ.

Loại nhức đầu kinh niên thứ hai hay thường thấy là nhức đầu do căng thẳng, tension headache. Loại này thường gây nhức cả đầu, đến từ từ chứ không đến nhanh chống từng cơn như loại migraine và kéo dài lâu hơn, có thể nhức đầu triền miên cả vài tuần hay vài tháng. Ngủ thì không sao nhưng thức giấc là thấy nhức đầu ngay.

Loại này khác với migraine ở chỗ thường bắt đầu ở tuổi trung niên và có thể kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân của nhức đầu tension headache cũng không được rõ lắm, một số người cho là do các bắp thịt đầu và cổ căng thẳng, co rút gây ra nhưng có lẽ cũng phần lớn do sự dãn nở bất thường của các mạch máu đầu gây ra.

Thực sự một số lớn bệnh nhân bị nhức đầu kinh niên có cả hai đặc tính của nhức đầu migraine lẫn với nhức đầu căng thẳng và cách chữa phải dùng thuốc cho cả hai loại.

frankie
10-30-2023, 09:24 AM
Loại nhức đầu tension headache có nhiều yếu tố về tâm lý tuy không bắt buộc. Lo âu quá mức, chán nản, thất vọng cũng thường thấy nơi những người nhức đầu kinh niên loại này, khoảng 60%. Chữa trị tâm lý thường cũng trở thành cần thiết cho loại này.

Chữa trị chứng nhức đầu thông thường hàng ngày do mỏi mắt, mệt, cảm thường.. v.v…chỉ cần Tylenol hay Aspirin là đủ, tuy nhiên chữa trị chứng nhức đầu kinh niên khó khăn hơn nhiều. Phần lớn các người bị bệnh này uống các thuốc nhức đầu như Tylenol, Anacin ..v..v..thường xuyên tuy không hiệu quả nhiều lắm. Dùng quá nhiều các loại có aspirin có thể làm loét bao tử, chảy máu bao tử ở một số người. Tylenol hay Ibuprofen (Advil, Nuprin) lạm dụng có thể ảnh hưởng trên thận.

Nếu bị nhức đầu nặng loại migraine thường các thuốc nhẹ loại trên ít có tác dụng. Thường phải dùng thuốc có thêm thuốc ngủ, caffeine như Fiorinal, Esgic. Nặng hơn nữa phải dùng thuốc có chất ergot như Cafergot.

Một loại thuốc mới để chích dưới da và trị nhức đầu migraine rất hiệu nghiệm là thuốc loại triptans như sumatriptan tên thương mại là Imitrex có tác dụng làm co mạch máu đầu nhờ ảnh hưởng cơ cấu serotonin receptor của mạch máu trong đầu. Thuốc này làm hết ngay cơn nhức đầu migraine trong vòng 10 phút khi chích dưới da 6mg thuốc Imitrex. Bệnh nhân có thể xin toa bác si để mua thuốc này tự chích lấy để chữa các cơn nhức đầu migraine. Imitrex cũng ở dưới dạng thuốc viên, tiện lợi hơn.

Loại khác là rizatriptan hay Maxalt, có thể chích, uống hay là thuốc xịt vào mũi. Một loại mới hơn là Lasmiditan cũng rất có hiệu quả, tuy uống vào dễ bị buồn ngủ và có thể chóng mặt.

Loại thuốc trị migraine mới nhất hiện nay gọi là gepants có cơ chế là Calcitonin gene-related peptides antagonists. Hai thuốc loại này là Ubrogepant bán dưới tên Ubrelvy và Rimegepant bán dưới tên Nurtec là thuốc uống. Thuốc Zavegepant bán dưới tên Zavzpret là thuốc xịt vào mũi, hiệu quả tức khắc làm hết bị migraine trong 15 phút.

Tuy nhiên phải được khám nghiệm và chỉ dẫn cẩn thận về cách dùng và những phản ứng có thể xảy ra. Muốn ngăn ngừa các cơn nhức đầu migraine phải dùng thuốc Propanolol hay nặng hơn nữa dùng loại thuốc Methysergide. Một số lớn trường hợp phải dùng thuốc an thần, anti-depressant để chữa trị về tâm thần, đặc biệt cho các người bị nhức đầu kinh niên do căng thẳng, tension headache.

Thực sự chữa trị về nhức đầu kinh niên hiện nay chưa được thoả đáng, thường phải tùy từng trường hợp nặng, nhẹ, nhiều hay ít để dùng từng loại thuốc khác nhau. Tuy nhiên đối với bệnh nhức đầu kinh niên, tác dụng của thuốc cũng chỉ có giới hạn. Điều quan trọng vẫn ở bệnh nhân ăn, uống cẩn thận, điều độ, tránh những thứ dễ kích thích như rượu, thuốc lá.. v..v…nghỉ ngơi đầy đủ, thể dục đúng mức và nhất là nhận thức được những gì gây ra lo âu, phiền não cho mình hằng ngày và tìm cách để đối phó, thích hợp cho đời sống thoải mái hơn.

frankie
10-31-2023, 08:08 AM
BỆNH KINH GIẬT


HỎI:

Tôi bị bệnh kinh giật từ Việt Nam và có uống thuốc một thời gian. Từ khi sang Hoa Kỳ tôi bỏ uống thuốc và không thấy bị kinh giật được vài năm. Nhưng mấy hôm trước đây, tôi bị kinh giật lại kéo dài khoảng mấy phút. Xin bác sĩ cho biết tại sao tôi bị bệnh này và tôi cần uống thuốc chữa bệnh này trong bao lâu nữa?

Trần Hoàng A.


ĐÁP:


Bệnh kinh giật (epilepsy) là bệnh về thần kinh khá thông thường. Tỷ lệ số người bị bệnh này khá cao. Trong một trăm người, khoảng từ 2 đến 5 người có thể bị bệnh kinh giật loại kinh niên và 8 người có thể sẽ bị lên cơn động kinh (seizure) một lần trong đời!

Trước hết ta hãy tìm hiểu tại sao bị kinh giật. Kinh giật xảy ra khi một số tế bào não phát ra những luồng điện bất thường một cách đồng nhịp và kéo dài. Những luồng điện từ một trung tâm điểm (focus) này lan ra đến những tế bào khác và theo những vòng dây thần kinh chạy đi khắp một vùng của não bộ hay đôi khi toàn thể não bộ.

Tùy theo từng vùng của não bộ kiểm soát những cơ năng nào của cơ thể, ta sẽ thấy những hình thức kinh giật khác nhau. Hoặc nếu những luồng điện này chạy khắp cả não bộ, sẽ đưa đến kiểu kinh giật làm co quắp và giật tất cả tứ chi cũng như làm bất tỉnh.

Tại sao những tế bào não này lại phát ra những luồng điện bất thường? Lý do là tế bào não truyền những tín hiệu hay mệnh lệnh bằng giòng điện giữa các tế bào với nhau gọi là synapses. Giòng điện phát ra tùy thuộc vào sự di chuyển của chất calcium, được kích thích tùy thuộc chất glutamate và bị ngăn chặn bởi chất gammaaminobutyric acid.

Nếu vì lý do nào, ba cơ chế này bị thay đổi, luồng điện phát ra sẽ bất bình thường và lan rộng làm kinh giật. Khi những luồng điện bất thường này truyền đi toàn thể não bộ, cơn kinh giật xảy ra sẽ thuộc loại co giật tổng quát (generalized tonic-clonic seizure), còn gọi là grand mal (tiếng Pháp và Anh dùng chung một chữ).

Kinh giật kiểu này trông rất đáng sợ. Người bệnh bất thình lình mất ý thức, các bắp thịt tay chân và trong người co cứng, té xuống đất sau khi kêu lên một tiếng ghừ ghừ trong cổ. Sở dĩ có tiếng kêu này vì những bắp thịt lồng ngực co cứng lại sẽ đẩy hơi từ phổi thoát ra ngoài, đi ngang qua dây nói trong họng cũng đang căng cứng.

Sau khi té xuống, người bệnh ở trong tư thế co quắp trong vài giây đồng hồ và thường bị thương tích do đập đầu hay thương tích tay chân. Mặt lúc này xanh xám vì ngưng thở hẳn trong ít lâu. Sau đó, cơn giật bắt đầu. Cả 4 tứ chi đều giật trong một khoảng thời gian dài ngắn thay đổi tùy trường hợp.

Khi cơn giật chấm dứt, người bệnh thường vẫn còn bất tỉnh trong vài phút đồng hồ, thở khó khăn vì nước dãi chảy ra đầy trong miệng, bọt mép sùi ra ngoài. Đôi khi miệng chảy đầy máu vì cắn phải lưỡi khi lên cơn giật. Người bệnh cũng có thể mất điều khiển bọng đái nên tiểu ướt ra hết quần.

Ý thức trở lại dần dần nhưng người bệnh vẫn mơ hồ không biết gì trong một khoảng thời gian nữa. Thường sau cơn kinh giật chấm dứt hẳn, người bệnh hoàn toàn không nhớ đến những gì đã xảy ra. Đôi khi cơn mất trí nhớ này kéo dài và kèm thêm những hậu quả như nhức đầu, không tỉnh trí, mơ mơ màng màng kéo dài cả một vài ngày.

frankie
11-01-2023, 08:22 AM
Một loại kinh giật tổng quát khác gọi là petit mal hay absences, xảy ra rất ngắn và không có những co giật. Người bệnh chỉ đột nhiên thấy mất ý thức trong vài giây đồng hồ, đôi khi kèm theo những cử động không tự nhiên như mắt chớp liên hồi, miệng nhai nhóp nhép hay tay chân rung rung trong ít giây. Loại kinh giật này khó định bệnh vì không rõ ràng như loại grand mal kể trên.

Tuy nhiên loại kinh giật này quan trọng vì hay xảy ra ở trẻ em, thường trong khoảng từ 6 đến 14 tuổi. Những em này có thể bị những cơn động kinh kiểu absences này hàng trăm lần mỗi ngày mà không ai biết, chỉ thấy học hành tự nhiên dở hẳn đi. Tuy nhiên cần biết sớm để chữa vì sau đó uống thuốc sẽ trở lại như thường. Nhiều em bị động kinh kiểu này cả hàng năm trời mà không ai tìm ra bệnh gây ra nhiều hậu quả xấu sau này.

Loại động kinh ở người lớn thưòng thấy hơn là loại ở từng vùng trong não bộ gọi là complex partial seizures. Loại này thường bắt đầu bằng những dấu hiệu báo trước gọi là aura. Tùy theo từng vùng những luồng điện phát xuất trong não bộ, những dấu hiệu báo trước này sẽ khác nhau.

Như nếu động kinh từ vùng thùy thái dương (temporal lobe) của não bộ, người bệnh có thể thấy trước khi động kinh một mùi lạ (thí dụ như mùi vỏ xe cao su cháy), một vị lạ trong lưỡi, một cảm giác thấy vật thể trước mắt tự nhiên nhỏ dần hay lớn dần, hoặc cảm tưởng như sự kiện đang xảy ra mình đã thấy trước đó rồi (gọi là déjà-vu), hoặc cảm thấy một cơn sợ hãi tăng dần...

Những hiện tượng này xảy ra tùy người và người bệnh có thể nhờ đó biết trước được mình sắp lên cơn động kinh. Cơn động kinh thường diễn biến với tay chân vung vảy, mắt nhìn trừng trừng, miệng nói những lời vô nghĩa, đi lại môt cách vô hồn, tay bứt áo từng hồi... Sau khi cơn động kinh kiểu này chấm dứt, người bệnh cũng hoàn toàn không biết mình đã làm gì và mất cả vài phút hay cả giờ trước khi tỉnh trí hẳn.

Hiếm hơn là động kinh xuất phát từ các vùng thùy trán (frontal lobe), thùy chẩm (parietal) và thùy ót (occipital). Đặc biệt vùng thùy sau ót của não bộ là nơi kiểm soát về thị giác nên người bệnh trước khi động kinh thường thấy những ảo giác hiển hiện trước mặt nhiều khi rất kỳ quặc gọi là visual hallucinations.

frankie
11-02-2023, 08:39 AM
Nguyên nhân gây ra bệnh kinh giật có rất nhiều loại. Ở trẻ em, những bệnh bẩm sinh trong não hay thương tích đầu lúc sinh ra, bệnh nhiễm trùng óc... đều dễ để lại những tổn thương cho não và tạo nên những vùng phát xuất luồng điện gây kinh giật.

Ở người lớn, nguyên nhân quan trọng nhất gây ra kinh giật là bướu trong óc, hay những mạch máu nở lớn bẩm sinh gọi là arteriovenous malformations. Nguyên nhân khác thường thấy là những chấn thương óc như đụng xe, ngã đập đầu.v..v.., những vết sẹo sau khi chấn thương cũng dễ làm phát xuất luồng điện gây kinh giật. Một số lớn bị kinh giật nhưng không được biết nguyên nhân rõ ràng. Đôi khi bệnh kinh giật này xảy ra trong gia đình nên nguyên nhân di truyền cũng có thể là yếu tố quan trọng.

Để định bệnh chính xác về kinh giật, hai thử nghiệm cần làm là đo điện não kế (electroencephalogram hay viết tắt là EEG) và chụp hình não bộ bằng cộng hưởng từ gọi là magnetic resonance imaging, viết tắt là MRI. Làm test về MRI rất quan trọng để tìm những nguyên nhân nguy hiểm và có thể chữa được như bướu não, nở mạch máu, cần phải giải phẫu ngay.

Một nguyên nhân quan trọng và có thể giải phẫu được là bệnh teo vùng não hippocampus, gây ra động kinh kiểu thùy thái dương như đã tả trên và giải phẫu có thể chữa hẳn bệnh khỏi phải dùng thuốc chống động kinh suốt đời.

Thuốc chữa kinh giật gồm nhiều loại. Những thuốc hay dùng nhất là Dilantin, Carbamazepine tên thương mại là Tegretol, Valproic acid bán dưới tên Dekapote, Phenobarbital, Zarontin dùng cho kinh giật loại absences và nhiều thuốc khác. Thường dùng nhất là Tegretol và Dilantin.

Những người bị kinh giật nhiều lần thường phải dùng thuốc lâu dài để chặn những cơn động kinh kế tiếp. Nếu kinh giật do những nguyên nhân rõ ràng và thường trực như có bướu, sẹo do chấn thương..., thường phải dùng thuốc uống cả đời để chặn kinh giật.

Nếu kinh giật không có nguyên nhân rõ ràng và đo điện não kế thấy bình thường, sau vài năm dùng thuốc có thể giảm dần và ngưng thử. Tuy nhiên nếu bị kinh giật sau khi ngưng, người bệnh lại phải dùng tiếp. Thống kê cho thấy, sau khi ngưng thuốc 2 năm, khoảng 41% người bệnh sẽ bị kinh giật trở lại và phải tiếp tục dùng thuốc chống kinh giật như đã nói trên.

Tóm lại bệnh kinh giật là bệnh tương đối khá thông thường và có nhiều loại khác nhau cũng như do nhiều nguyên nhân gây ra. Để định bệnh chính xác, người bệnh cần đi đo điện não kế và chụp hình não bằng MRI. Một số trưòng hợp có thể cần phải giải phẫu, tuy nhiên phần lớn thường phải dùng thuốc chống kinh giật một cách lâu dài để ngừa tái phát và những biến chứng nguy hiểm xảy ra nếu cơn động kinh không được ngăn chặn.

frankie
11-03-2023, 08:42 AM
UNG THƯ DỊCH HOÀN


HỎI:

Tôi năm 32 tuổi. Gần đây tôi thấy dịch hoàn bên trái của tôi sưng lên một cục, sờ không thấy đau, chỉ hơi có cảm giác khó chịu. Đi tiểu vẫn bình thường, không thấy đau hay ra máu gì cả. Tôi mới lập gia đình, chưa có con. Tôi cũng không hề đi chơi bời bậy bạ bao giờ. Xin bác sĩ cho biết bệnh này là bệnh gì và có nguy hiểm nhiều hay không?

Trần văn N.


ĐÁP:


Bệnh về dịch hoàn (testis) quan trọng nhất là ung thư, nhất là khi nổi một cục lớn và ít đau, hay hoàn toàn không thấy đau. Những trường hợp sưng dịch hoàn và đau nhiều thường là do chứng bệnh viêm phần trên của dịch hoàn gọi là epididymitis, do nhiễm trùng, hoặc vi trùng bệnh lậu hay vi trùng Chlamydia. Bệnh viêm này dễ chữa, uống trụ sinh một thời gian sẽ khỏi.

Truờng hợp khác làm sưng dịch hoàn do viêm gọi là orchitis, hay do cực vi trùng bệnh quai bị (mumps) gây ra, thấy ở trẻ con không chích ngừa hay đôi khi hiếm thấy ở người lớn.

Sưng dịch hoàn còn có thể do chứng có bọc nước gọi là hydrocele gây ra. Định bệnh thường dễ dàng bằng cách dùng đèn dọi chiếu sát vào dịch hoàn. Nếu sáng đỏ lên gọi là transillumination, thường là do bọc nước.

Một số trường hợp khác sưng dịch hoàn là do sưng và đọng những tĩnh mạch gọi là varicocele. Định bệnh cũng dễ bằng cách khám dịch hoàn ở tư thế nằm và đứng. Nếu thấy thay đổi to nhỏ khác nhau thường là do varicocele.

Tuy nhiên cách thử nghiệm quan trọng nhất là siêu âm dịch hoàn (ultrasound). Khi siêu âm sẽ phân biệt được sưng dịch hoàn là do bọc nước, sưng tĩnh mạch hay có bướu đặc do ung thư gây ra.

Vì sự quan trọng trong việc định bệnh ung thư dịch hoàn, tất cả các trường hợp sưng dịch hoàn đều phải nghi là có thể có ung thư cho đến khi khám và làm thử nghiệm tìm ra bệnh khác. Như thế trường hợp của câu hỏi trên phải đi khám nghiệm ngay để xem có thể bị ung thư hay không.

frankie
11-04-2023, 09:28 AM
Ung thư dịch hoàn thường xảy ra ở lứa tuổi từ 25 đến 40 tuổi. Sau 40 tuổi rất hiếm khi thấy bệnh này. Trước kia, bị ung thư dịch hoàn nhất là khi đã chạy khắp nơi, thường không chữa được và chết.

Tuy nhiên với những phương pháp trị liệu gần đây, ung thư dịch hoàn đã chữa được rất hiệu quả. Có thể nói việc chữa trị ung thư dịch hoàn là thành công huy hoàng nhất của nền y khoa hiện đại. Nếu khám phá ra bệnh sớm, ung thư chưa chạy đi đâu, tỷ lệ chữa khỏi hẳn bệnh lên đến 100%.

Ngay cả khi ung thư dịch hoàn đã chạy khắp cơ thể (metastases), tỷ lệ chữa khỏi bệnh cũng lên đến 70% Bằng chứng về thành công chữa bệnh ung thư dịch hoàn được biết đến nhiều nhất là trường hợp của tay đua xe đạp Lance Armstrong.

Anh này bị ung thư dịch hoàn đã chạy đi khắp nơi, lên cả phổi và óc, tuy nhiên bằng phương pháp hoá học trị liệu mới (chemotherapy), Lance Armstrong đã khỏi hẳn được bệnh ung thư và hồi phục sức khỏe để đoạt giải đua xe đạp Tour de France trong nhiều năm liên tiếp! Điều này chứng tỏ bệnh ung thư dịch hoàn không còn đáng sợ như trước.

Tuy nhiên việc định bệnh sớm trước khi ung thư chạy đi vẫn quan trọng vì nếu chữa sớm có thể khỏi 100% nhưng nếu để muộn vẫn còn 30% trường hợp chữa không được!

Ung thư dịch hoàn hầu hết đều phát xuất từ những tế bào truyền giống (germ cell). Có hai loại ung thư. Loại đầu gọi là seminoma và loại thứ nhì là non-seminoma. Loại ung thư sau tiết ra những kích thích tố, đặc biệt là chất beta-HCG (human chorionic gonadotropin), giống như kích thích tố của đàn bà mang thai, và cũng tiết ra chất hoá học gọi là alpha-fetoprotein.

Hai chất này có thể đo lường được trong máu và dùng để theo dõi xem có chữa khỏi được ung thư dịch hoàn hay chưa. Nếu chữa bệnh mà đo hai chất này vẫn cao, có nghĩa ung thư vẫn còn chưa hết hẳn và phải đi tìm để xem tế bào ung thư dịch hoàn chạy ẩn nấp ở nơi đâu.

Như vậy việc định bệnh ung thư dịch hoàn tương đối dễ dàng. Nếu có cục bướu nơi dịch hoàn và làm siêu âm thấy không phải là bọc nước hay tĩnh mạch sưng trướng mà là bướu đặc, cộng thêm thử máu thấy hai chất HCG và alpha- fetoprotein cao, hầu như gần chắc đây là trường hợp ung thư dịch hoàn.

frankie
11-06-2023, 08:38 AM
Chữa trị đầu tiên sẽ phải cắt bỏ dịch hoàn có bướu ung thư gọi là orchiectomy. Nếu ung thư là loại seminoma và làm CAT scan không thấy ung thư chạy đi nơi đâu, sẽ chỉ cần chạy điện radiation therapy vùng bụng.

Trường hợp ung thư loại non-seminoma hay ung thư đã chạy đi khắp nơi, sẽ phải chữa bằng hoá học trị liệu (chemotherapy) dùng các thứ thuốc cisplatin, epotoside và bleomycin.

Như trên đã nói, cách chữa này sẽ chữa khỏi hẳn bệnh ung thư dịch hoàn trong 70% trường hợp, tuy nhiên người bệnh cần theo dõi thường xuyên để xem bệnh ung thư có còn trở lại hay không và trong trường hợp nonseminoma, theo dõi hai chất HCG và alpha-fetoprotein là cách thức dễ dàng và giản dị nhất.

Những trường hợp ung thư tái phát thường xảy ra trong vòng 2 năm đầu sau khi chữa. Tuy nhiên dù ung thư trở lại, cách chữa bằng hoá học trị liệu cũng sẽ có hiệu quả và có thể khỏi hẳn trong 25% trường hợp những người không may bị tái phát này.

Điều quan trọng đối với những người bị bệnh ung thư dịch hoàn chưa có con cái là chữa trị bằng hoá học trị liệu sẽ làm chết các tinh trùng. Tuy nhiên sau hai năm đã hết hẳn ung thư, dịch hoàn còn lại sẽ có khả năng để làm lại tinh trùng và những người bệnh này vẫn có thể có con được.

Tuy nhiên, để tránh trường hợp có thể việc sản xuất tinh trùng của dịch hoàn không bị ung thư bị suy kém sau khi chữa, người bệnh thường phải dự trữ tinh trùng đông lạnh (frozen sperm storage) trước khi chữa bằng chạy điện hay hoá học trị liệu, để sau này vẫn có thể có con bằng thụ thai nhân tạo.

Tóm lại, ung thư dịch hoàn là một bệnh nguy hiểm, nhưng nếu định bệnh sớm và chữa trị đúng cách, bệnh này có hy vọng chữa hết hẳn. Dù bệnh ung thư có chạy đi khắp nơi, tỷ lệ chữa khỏi cũng rất cao và như trường hợp Lance Armstrong chứng tỏ, với trị liệu tốt, tập luyện và lòng tin sắt đá, mọi chướng ngại vẫn có thể vượt qua để đem đến thắng lợi huy hoàng.

frankie
11-07-2023, 08:25 AM
TIỂU KHÓ


HỎI:

Tôi năm nay 66 tuổi, gần đây tôi bị chứng đi tiểu khó khăn, thường cảm thấy như đi tiểu không hết, đôi lúc như muốn tiểu thường xuyên. Xin bác sĩ cho biết đây là loại bệnh gì và cần chữa trị ra sao?

Trần Văn B.


ĐÁP:


Chứng tiểu khó ở người đàn ông lớn tuổi thường do các bệnh thuộc về bọng đái (bladder), bệnh thuộc về tuyến đường tiểu (prostate gland) gây ra. Trong số các bệnh này, bệnh lớn tuyến đường tiểu là bệnh thông thường nhất.

Tuyến đường tiểu là một hạch tuyến ở người đàn ông nằm dưới bọng đái, bọc chung quanh đường tiểu. Nhiệm vụ của tuyến này là tạo ra tinh dịch để nuôi dưỡng tinh trùng được cấu tạo từ dịch hòan, trung bình tuyến lớn khoảng 20 grams sau tuổi dậy thì và không thay đổi kích thước trong khoảng 20- 30 năm.

Bắt đầu vào tuổi 45- 50 trở đi, tuyến đường tiểu thường có khuynh hướng phát triển lớn hơn với đa số người đàn ông. Nếu tuyến này trở thành quá lớn gọi là prostate gland hyperplasia, có thể sẽ để trên đường tiểu tuyến này vây bọc chung quanh và gây ra chứng tiểu khó.

Nguyên nhân tạo ra tuyến đường tiểu lớn quá độ là do tác dụng của kích thích tố sinh dục nam dihydrotestosterone làm tăng trưởng các tế bào của tuyến này. Ở người già, một loại kích thích tố khác gọi là estradiol phụ giúp tác dụng này và càng lớn tuổi, chất estradiol càng có nhiều hơn nên càng làm cho tuyến này phát triển hơn.

Thông thường đến tuổi 80 trở lên, có thể nói hầu hết người đàn ông nào cũng bị tuyến prostate phát triển quá lớn, tuy có thể có người bị triệu chứng tiểu khó, người không bị. Đặc biệt người Á Đông thường bị ít hơn người da trắng hay da đen, tuy nhiên số người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng bị chứng lớn tuyến đường tiểu cũng không phải là ít.

Các triệu chứng của bệnh này gồm đi tiểu khó khăn, nước tiểu chảy yếu, đôi khi nhỏ giọt và thường cảm thấy như nước tiểu còn lại trong bọng đái, chưa tiểu ra hết. Một số người bị bệnh lớn tuyến đường tiểu có thể bị thêm các bệnh khác như nhiễm trùng hoặc có thể có ung thư tuyến sẽ có thêm các triệu chứng khác như đi tiểu bị buốt, đau, đi ra máu, thấy lúc nào cũng bắt đi tiểu v.v. . .

Trong số các bệnh cũng làm đi tiểu khó và kèm thêm một số triệu chứng như kể trên, dĩ nhiên bệnh ung thư tuyến đường tiểu (prostate carcinoma) là bệnh đáng ngại hơn hết. Ung thư tuyến đường tiểu thường xảy ra ở người già và chỉ xếp hạng sau ung thư phổi và ung thư ruột già về mức độ tử vong.

Người Á Đông tương đối bị ít hơn người da trắng và da đen cũng giống như trường hợp lớn tuyến, tuy nhiên nếu sống ở Hoa Kỳ nhiều năm, mức độ có thể bị ung thư về tuyến đường tiểu sẽ tăng lên. Điều này cho thấy việc tạo ra ung thư tuyến đường tiểu có thể một phần do môi trường ngoại giới.

frankie
11-08-2023, 09:29 AM
Ung thư tuyến đường tiểu cũng giống như các ung thư khác, điều quan trọng là định bệnh sớm, nếu ung thư còn ở trong bọc tuyến chưa chạy ra ngoài, giải phẫu cắt bỏ có thể chữa khỏi, tuy nhiên phần lớn trường hợp khi định bệnh được, ung thư tuyến đường tiểu đã lan rộng và chữa trị rất khó khăn. Vấn đề định bệnh sớm như vậy rất quan trọng.

Khi đi khám bệnh tuyến đường tiểu có thể khám trực tiếp bằng cách khám hậu môn (rectal examination). Tuyến prostate khi khám bằng cách này có thể ước lượng được mức độ lớn bao nhiêu, có trơn tru, nhẵn hay không. Nếu có ung thư, thường có thể sờ thấy những cục lớn như hạt đậu hay gồ ghề trên mặt của tuyến.

Muốn rõ hơn nữa, phải dùng thử nghiệm siêu âm để chụp hình, hoặc dùng cách chụp quang tuyến CAT scan để xác định mức độ ung thư đã chạy ra ngoài chưa. Ngoài ra muốn định bệnh chắc chắn phải dùng cách biopsy tức là cắt một miếng nhỏ để xem dưới kính hiển vi.

Một phương pháp thử máu để tìm bệnh ung thư tuyến đường tiểu có thể giúp ích cho việc định bệnh này sớm hơn. Cách thử máu này gọi là PSA tức là đo lượng prostate specific antigens trong máu. Nếu lượng này khá cao và khám tuyến đường tiểu qua hậu môn có sự nghi ngờ, thường phải làm biopsy để tìm ung thư.

Cách thử máu này gây ra nhiều bàn cãi vì một số trường hợp đo lượng PSA lên cao trong khi không có ung thư (gọi là false positive) và cách thức sử dụng phương pháp thử máu này để tìm bệnh ung thư tuyến đường tiểu đã làm nhiều người bệnh bị chữa trị ung thư một cách không cần thiết.

Lý do là khoảng 50% người lớn tuổi có thể có ung thư nằm sẵn trong nhiếp hộ tuyến. Nhưng thường những ung thư này mọc rất chậm và nằm yên trong tuyến. Người bệnh thường chết do những lý do khác, không phải vì ung thư nhiếp hộ tuyến. Nhưng vì thử PSA thấy khá cao nên làm biopsy tìm ra ung thư và và được khuyến cáo nên chữa trị, trong khi có thể chỉ cần theo dõi thường xuyên. Nếu thấy ung thư phát triển nhanh mới cần chữa, nếu không cứ để nguyên, Vì sẽ chết do những lý do khác, không phải vì ung thư nhiếp hộ tuyến! Và chữa trị không cần thiết có thể đem lại những biến chứng và hậu quả không tốt. Có nghĩa vì thử PSA nên tìm ra ung thư nhiếp hộ tuyến trong khi không biết đến hay cứ để nguyên cũng không sao. Và chữa trị không cần thiết đem lại hại nhiều hơn lợi!

Trở lại câu hỏi của ông viết trong thư, chứng đi tiểu khó của ông, muốn định bệnh cần phải biết thêm nhiều chi tiết khác về bệnh lý, cần phải khám nghiệm về tuyến đường tiểu prostate nếu cần phải làm thử nghiệm.

Một điều đáng chú ý là một số loại thuốc uống thông thường có thể có những tác dụng trên đường tiểu và làm đi tiểu khó khăn. Những loại thuốc có thể ảnh hưởng trên hệ thống giao cảm - đối giao cảm là hệ thống thần kinh điều khiển các bắp thịt mở đóng của bọng đái đều có thể gây ra tác dụng làm đi tiểu khó. Các loại thuốc có đặc tính này gọi là anticholinergic như các thuốc chống đau bụng (Donnatal, Bentyl… v.v...) một số thuốc chữa suy nhược thần kinh loại anti depressant và ngay cả một số thuốc chữa cảm có chất antihistamine thông thường đôi khi có thể gây ra tác dụng trên đường tiểu tuy hiếm hơn.

Như vậy, điều trước tiên là phải để ỷ xem có đang uống thuốc gì có thể gây ra tác dụng trên đường tiểu hay không? Nếu không, có thể là bệnh của bọng đái hay bệnh của tuyến đường tiểu prostate. Trường hợp bệnh của tuyến đường tiểu prostate, điều quan trọng là phải xác định đây là chứng lớn tuyến thông thường gọi là benign prostate hypertrophy hay có thể là ung thư prostate. Nếu nghi là ung thư sẽ phải làm nhiều thử nghiệm hơn. Nếu chỉ là lớn tuyến thông thường, chỉ cần làm quang tuyến đường tiểu gọi là IVP (intravenous pyelogram) để xem mức độ nghẹt đường tiểu và bọng đái.

Về cách chữa trị, nếu có triệu chứng nhiều do bệnh lớn tuyến prostate, có thể cần phải giải phẫu để cắt bỏ tuyến này. Hiện nay có một loại thuốc mới tên gọi là Finasteride có thể làm nhỏ tuyến đường tiểu và không cần mổ, tuy nhiên phải dùng một thời gian lâu dài vài tháng trở lên mới bắt đầu có hiệu quả và phải dùng liên tục.

Trường hợp nếu khám nghiệm và làm thử nghiệm có ung thư tuyến đường tiêu prostate, phương cách trị liệu là giải phẫu cắt bỏ nếu ung thư còn giới hạn. Trường hợp đã lan rộng, thường sẽ phải dùng cách chạy điện phóng xạ (radiation therapy) để trị liệu. Những cách trị liệu khác cho ung thư prostate đã đi khắp cơ thể là cách dùng thuốc để chống kích thích tố nam androgens hay cắt bỏ dịch hòan, hay dùng hoá học trị liệu chỉ có tính cách làm giảm thiểu tạm thời và cũng không kéo dài được lâu.

Tóm lại, tiểu khó là một triệu chứng nơi người lớn tuổi cần phải khám nghiệm cẩn thận để định bệnh, đặc biệt là tuyến đường tiểu nơi người đàn ông. Bệnh lớn tuyến thông thường hiện nay có thể trị liệu tương đối hiệu quả bằng thuốc, trong trường hợp nặng vẫn cần phải giải phẫu. Điều quan trọng khác là việc tìm bệnh ung thư và nếu lan rộng hay nhiều độc tính, cần phải chữa trị về ung thư.

frankie
11-09-2023, 08:09 AM
UNG THƯ PHỔI


HỎI:

Tôi có người anh mới mất vì ung thư phỗi. Xin bác sĩ cho biết tại sao bị ung thư phổi và có cách gì chữa trị hay không? Bệnh này có di truyền hay không và làm sao để ngừa?

Vũ H. P.


ĐÁP:


Có lẽ không có loại bệnh ung thư nào có nguyên nhân và liên quan rõ rệt với việc hút thuốc lá nhiều hơn bệnh ung thư phổi. Mỗi năm tại Hoa Kỳ có khoảng 100 ngàn người đàn ông và 50 ngàn người đàn bà bị ung thư phổi, phần lớn sau khi định bệnh chỉ sống được trong vòng một năm rồi chết mặc dù có trị liệu.

Hầu hết là do hút thuốc lá (90%). Hiện nay phong trào cai thuốc lá ở Mỹ tương đối khá hơn trước nên số người chết vì ung thư phổi không tăng lên nhanh như trước nữa mặc dù vẫn là loại ung thư gây tử vong nhiều nhất.

Số người Việt Nam hút thuốc lá nhiều không thua gì người Mỹ, có lẽ có phần hơn, tuy gần như chỉ ở đàn ông, trái với Hoa Kỳ, đàn bà hiện nay càng ngày càng hút thuốc không thua gì đàn ông. Một người hút hai gói một ngày trong 20 năm sẽ dễ bị ung thư phổi 60 đến 70 lần nhiều hơn một người không hút. Nếu ngưng hút thuốc, xác xuất này sẽ giảm đi khá nhiều.

Lý do thuốc lá gây ra ung thư phổi vì khói thuốc gây ra biến đổi trên nhiễm thể của các tế bào phổi. Nhiễm thể là phần trong nhân tế bào chứa chất DNA kiểm soát sự sinh trưởng của tế bào. Trong trường hợp ung thư phổi, các vùng nhiễm thể 3p và 17p bị thương tổn dễ gây ra ung thư; ngoài ra một số các genes gây ra ung thư gọi là oncogenes bị kích thích làm tế bào tăng trưởng vô trật tự và biến thành ung thư.

Đặc tính di truyền về ung thư có thể cũng có một phần mặc dù không rõ ràng lắm. Tuy nhiên nếu trong gia đình có người bị ung thư phổi, xác xuất để anh em có thể cũng bị tăng lên gấp hai, ba lần.

Ung thư phổi thường xảy ra ở người lớn tuổi 55 tới 65 tuổi, tuy nhiên nếu hút thuốc lá nhiều từ lúc còn nhỏ tuổi có thể bị ung thư sớm hơn cỡ tuổi trên. Càng hút lâu càng dễ bị.

Nếu theo dõi 1000 người trên 45 tuổi, hút hai bao một ngày, mặc dù hoàn toàn khoẻ mạnh không có triệu chứng gì, nếu chụp hình và thử đàm tìm ung thư sẽ kiếm được từ 4 đến 8 người bắt đầu bị ung thư phổi. Mỗi năm nếu 1000 người theo dõi này tiếp tục hút thuốc, sẽ có thêm 4 người nữa bị ung thư phổi và cứ thế tiếp tục.

frankie
11-10-2023, 07:48 AM
Triệu chứng của bệnh ung thư phổi thường tùy vị trí của ung thư nằm ở chỗ nào trong phổi. Một số bệnh nhân khoảng 5 đến 15% không có triệu chứng gì khám phá ra bị ung thư phổi khi đi khám tổng quát hoặc bị một bệnh gì khác và đi chụp hình phổi.

Phần lớn những người khác có những triệu chứng như: ho kéo dài quá lâu, ho ra máu, khó thở, hoặc triệu chứng nhiễm trùng vì ung thư phổi làm nghẹt khí quản và gây nhiễm trùng: nóng sốt, khạc đàm. Nếu ung thư phổi ăn ra màng phổi hay lồng ngực có thể làm đau ngực, hít vào thấy đau.

Nếu ung thư lớn quá đè vào ống thực quản sẽ làm nuốt khó khăn, hoặc ăn vào dây thần kinh ở thanh quản sẽ làm nói khó khăn, giọng khàn thay đổi. Trường hợp ung thư phổi nằm trên chóp đỉnh của phổi, có thể ăn ra xương sườn và đi vào dây thần kinh ở vai, cổ, gây ra đau vai chạy xuống cánh tay. Một số trường hợp ung thư đè lên tình mạch lớn chạy về tim sẽ làm cho phù mặt, phù ngực, nhiều trường hợp ăn vào màng tim làm bọc tim chướng nước đè vào tim không co bóp được.

Ung thư phổi khi định bệnh được phần lớn đã chạy tứ tung khắp cơ thể, chỗ nào cũng có, chạy lên óc làm bướu óc, vào gan, vào tuỷ xương hay xương sống lưng làm liệt ..v..v ..Hầu hết các trường hợp này bệnh nhân ăn uống không được, sụt ký nhiều, đôi khi hay bị sốt và dễ bị nhiễm trùng.

Định bệnh ung thư phổi chính là do chụp quang tuyến, tuy nhiên để định bệnh rõ ràng và phân loại cần phải dùng một ống soi luồn xuống khí quản vào trong phổi để xem và cắt một miếng nhỏ để định bệnh dưới kính hiển vi. Phương pháp soi này gọi là Fiberoptic bronchoscopy và nhờ cách này mới có thể phân loại ung thư phổi để trị liệu cho đúng cách được.

frankie
11-13-2023, 10:36 AM
Bằng cách xem dưới kính hiển vi, ung thư phổi được chia làm 2 loại: ung thư phổi với tế bào loại nhỏ (small cell lung cancer) và ung thư phổi với tế bào loại không nhỏ (non small cell lung cancer). Loại đầu small cell lung cancer bây giờ chỉ thấy ở người hút thuốc lá và chỉ còn khoảng 10%, ít hơn những thập niên trước vì số người bỏ hút thuốc tăng hơn trước nhiều.

Loại thứ hai non small cell lung cancer, chiếm 90% số người bị ung thư phổi, bây giờ phần lớn ở những người không hút thuốc và chia làm 3 loại theo tế bào nhìn dưới kính hiển vi : loại những tế bào ung thư có vảy (squamous cell), loại tế bào ung thư hình tuyến (adenocarcinoma), loại tế bào ung thư lớn (large cell), tuy nhiên cách định bệnh, phân loại staging và cách chữa trị đều giống nhau.

Trong hai loại này, loại có tế bào ung thư nhỏ, small cell lung cancer là độc nhất, khi định bệnh hầu hết đã chạy khắp cơ thể và bệnh nhân chỉ sống thêm được vài tháng.

Cách chữa trị tùy thuộc vào phân loại như kể trên và tùy thuộc vào ung thư lớn nhỏ ra sao, có chạy ra các hạch chưa hay có chạy đi khắp cơ thể chưa. Trường hợp ung thư nhỏ, còn ở một chổ chưa chạy đi đâu và là loại non small cell lung carcinoma, giải phẫu để cắt một phần lá phổi hay nguyên một lá phổi có thể thực hiện được.

Nếu cắt hết được, và khi chia loại staging là giai đoạn 1, Stage 1, khoảng 60-70% bệnh nhân có thể sống được 5 năm. Nếu là loại Stage 2, xác xuất sống được 5 năm còn 40%.

Các trường hợp ung thư quá lớn hay đã chạy đi lung tung, phải dùng cách chữa chạy điện gọi là radiotherapy và hóa học trị liệu dùng platinum gọi là cisplatin based chemotherapy.

Gần đây hơn, cách trị liệu mới gọi là immunotherapy, truyền vào máu kháng thể gọi là monoclonal antibody cho bệnh nhân nào thử về genes thấy có programmed cell death ligand 1 gene expression, gọi là thuốc Pembrolizumab, thấy có hiệu quả nhiều. Hiện nay nhiều bệnh nhân đã được chữa bằng immunotherapy ngay từ đầu, không cần phải dùng hóa học trị liệu chemotherapy và có hiệu quả nhiều, kéo dài đời sống.

Một thứ thuốc immunotherapy mới khác là Nivolumab thuộc loại checkpoint inhibitor, cũng có hiệu quả tốt và kéo dài đời sống cho bệnh nhân. Hiện nay cả hai loại thuốc mới này đã được dùng chung để trị ung thư phổi loại non small cell lung carcinoma và có hiệu quả khả quan, tuy cũng có nhiều phản ứng phụ, đôi khi khá nguy hiểm và phải theo dõi cẩn thận.

Như vậy hiện nay cách trị liệu ung thư phổi đã có nhiều tiến triển và kéo dài đời sống bệnh nhân hơn. Vấn đè phòng ngừa ung thư phổi vẫn là chính yếu. Thuốc lá là thủ phạm chính yếu cho loại small cell lung cancer nên cách phòng ngừa ung thư phổi quan trọng nhất là nếu chưa hút thuốc lá không bao giờ nên tập và nếu đã hút thuốc phải bỏ ngay.

Một điều những người hút thuốc không biết là khói thuốc lá khi phần chất chứa 4000 chất hóa học khác nhau và trong đó có ít nhất 14 chất biết được là gây ra ung thư. Các chất chính là các loại aromatic hydrocarbons, aromatic amines và nitrosamines đều gây ra ung thư. Chất hoá học gây ra các phản ứng về tim và làm ghiền là nicotine. Khó bỏ thuốc lá phần lớn vì do phản ứng ghiền khi thiếu chất nicotine. Tuy nhiên, sự hiểu biết về tai hại của thuốc lá và ý chí để tự cai thuốc vẫn là điều quan trọng hơn cả.

Tóm lại, ung thư phổi hiện nay mặc dù cách định bệnh và chữa trị đã có nhiều tiến bộ, vẫn là một bệnh gây tử vong rất cao. Ung thư phổi loại small cell lung cancer do thuốc lá gây ra nên tránh hút thuốc là điều căn bản để phòng ngừa và nếu đã hút phải bỏ ngay để giảm thiểu xác xuất có thể bị ung thư phổi trong tương lai.

Loại non small cell lung cancer hiện nay càng ngày càng thấy nhiều hơn nơi những người không hút thuốc. Tuy nhiên với tiến bộ trong việc chữa trị bằng immunotherapy, bệnh này hiện nay đã được trị liệu khả quan hơn trước rất nhiều và kéo dài đời sống cho rất nhiều bệnh nhân bị loại ung thư phổi này.

frankie
11-15-2023, 12:29 PM
BỆNH LÃNG TRÍ TUỔI GIÀ (ALZHEIMER)



HỎI:

Ông cụ thân sinh ra chồng tôi năm nay 76 tuổi, bị suy giảm trí nhớ trong khoảng hơn một năm nay. Trước kia ông cụ vẫn lái xe nhưng bây giờ không lái được nữa và gần đây nói năng cũng thấy chậm chạp và khó khăn diễn tả ý mình muốn.

Cách đây một tuần, ông cụ đi bộ ra đường dạo mát nhưng quên đường về, may có xe cảnh sát kiếm được đưa về đến nhà. Tôi có nghe TV nói nhiều đến bệnh lãng trí Alzheimer, xin bác sĩ cho biết có phải ông cụ bị bệnh này không? Nếu phải có cách gì chữa trị hiệu quả không?

Nguyễn Thị K.A.


ĐÁP:


Bệnh lãng trí của tuổi già hay bệnh Alzheimer là bệnh thường thấy nhất về tâm trí và gây khó khăn nhiều cho sự chăm sóc người lớn tuổi tại Hoa Kỳ. Ước lượng hiện tại có khoảng 4 triệu người bị bệnh này, nổi tiếng nhất ai cũng biết đến là cựu tổng thống Ronald Reagan, con số những bệnh nhân bị lãng trí kiểu Alzheimer càng ngày càng tăng lên vì tuổi thọ tại Hoa Kỳ mỗi ngày một tăng cao hơn.

Bệnh lãng trí Alzheimer gia tăng với tuổi, trong khoảng tuổi 65 đến 70, khoảng 2% dân số có thể bị bệnh. Nếu sống trên 80 tuổi, tỷ lệ số người bệnh có thể lên đến 20%. Tuy nhiên, nói thế không phải người già nào cũng đều sẽ bị bệnh lãng trí này. Vì mức minh mẫn của mỗi cá nhân có thể tồn tại không suy giảm cho đến tuổi 90 hay 100 hay cao hơn nữa.

Ngoài ra đây là tỷ lệ số người bị bệnh của dân Hoa Kỳ. Người Á Châu tương đối bị bệnh này ít hơn người da trắng, tuy nhiên dân Việt sang tỵ nạn tại đây đã thấy bị bệnh này nhiều, có thể vì tuổi thọ tăng cao hơn ở Việt Nam nên thấy bệnh nhiều hơn.

Vấn đề người nào có thể bị bệnh Alzheimer và bệnh này nguyên nhân tại sao chưa được biết rõ, tuy nhiên một số trường hợp có thể do di truyền (khoảng 10% số bệnh). Những trường hợp lãng trí do di truyền thường xảy ra ở người tương đối chưa già lắm và hiện tại có một số thử nghiệm di truyền có thể giúp định bệnh trước được bệnh này.

Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp bệnh lãng trí Alzheimer đã xảy ra một thời gian rồi, gia đình mới biết và dắt bệnh nhân đi khám bệnh mới định ra. Bệnh lãng trí Alzheimer thường xảy đến từ từ. Người bệnh mới đầu thấy trí nhớ kém dần, thấy khó khăn hơn trong việc lãnh hội hiểu biết, không nhớ sự việc mới xảy ra hay tên người mới gặp.

Thường gia đình không để ý đến nhưng thấy người bệnh ít nói hẳn đi, chậm chạp hơn, không thiết đến việc giao tế xã hội hay đi lại gặp người này người khác. Tuy nhiên nếu nói chuyện thông thường vẫn không gặp khó khăn, người chung quanh chỉ cho là đổi tính nết. Nhưng nếu nói chuyện đi vào vấn đề phức tạp hơn, người bệnh thường phải hỏi đi hỏi lại, hoặc gặp trường hợp đi lại chỗ lạ hay gặp người không quen thuộc, người bệnh sẽ lúng túng vì không biết phải đối xử ra sao hay phải làm gì.

Những việc đòi hỏi phải suy tính, đặt chương trình sẽ khó khăn hơn. Người bệnh bắt đầu sẽ có những lý luận sai lạc, làm tính cộng trừ khi đi chợ mua bán hay đổi tiền sẽ thường làm nhầm.

Khi bệnh trở thành nặng hơn, việc ăn mặc, vệ sinh bắt đầu bị bỏ bê, những việc hàng ngày thường làm cũng trở thành khó khăn, như xử dụng đũa bát để ăn uống, hay dùng đồ đạc quen thuộc như radio, TV...Giai đoạn này nếu đi ra ngoài, bệnh nhân sẽ dễ bị đi lạc, không biết đường về nhà như trường hợp của ông cụ bố chồng bà Nguyễn K.A. trong câu hỏi trên.

frankie
11-16-2023, 08:38 AM
Trí nhớ suy giảm đi nhiều, những việc vừa xảy ra không nhớ được, cả đến những ký ức xa cũng sẽ không nhớ hay lẫn lộn, chuyện này xọ chuyện kia. Khi nói chuyện có thể sẽ không còn nghĩa lý nữa và bắt đầu không nhận ra người quen hay bạn bè. Ban đêm ngủ thường lục đục vì không ngủ được, đi lại trong nhà suốt đêm.

Nặng hơn nữa, người bệnh bắt đầu có ảo giác, tưởng mình đang sống trong quá khứ hay tại một nơi chốn khác, như ở Hoa Kỳ nhưng cứ tưởng mình đang sống ở Việt Nam, thời còn trẻ... Đến giai đoạn cuối, người bệnh không còn tự chăm sóc mình được nữa và cần người giúp cho những việc căn bản nhất như ăn uống, vệ sinh. Trí nhớ mất hẳn, không còn nhận ra cả người nhà, người bệnh trở nên câm nín, không còn đi lại, chỉ nằm một chỗ.

Những triệu chứng thần kinh xuất hiện như lên cơn động kinh, bắp thịt co cứng, người bệnh mất ký và teo dần, thường bị nhiễm trùng như sưng phổi hay nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng máu và sau cùng chết vì những biến chứng nhiễm trùng này. Những giai đoạn bệnh kể trên có thể dài ngắn tùy người. Thường từ lúc bị bệnh đến lúc chết, có thể ngắn là 2 năm hay dài là 15 năm. Trung bình là 8 năm, nhưng nếu bị bệnh này khi tương đối còn trẻ (dưới 65 tuổi), thời gian bệnh tương đối nhanh hơn và người bệnh chết sớm hơn.

Việc định bệnh lãng trí Alzheimer thường dễ dàng nếu người bệnh có nhiều triệu chứng và bị đã lâu. Như nếu người bệnh già trên 65 tuổi, có triệu chứng mất trí nhớ từ từ và kém dần lâu hơn một năm, và có thêm những suy kém về nhận thức làm ngăn trở sinh hoạt bình thường như lái xe không được, đi lạc.v..v... có thể xác định là bị bệnh lãng trí Alzheimer nếu làm những thử nghiệm để loại trừ những bệnh khác đều không có.

Những bệnh có thể gây ra những biến đổi về tâm trí có thể nhầm với Alzheimer có nhiều loại. Quan trọng là những bệnh chữa được về biến dưỡng như thiếu kích thích tố giáp trạng (hypothyroidism), thiếu sinh tố B12; bệnh nhiễm trùng như giang mai não, bệnh Aids, viêm não; bệnh miễn nhiễm chạy vào óc như bệnh lupus, viêm mạch máu não; bệnh bướu não, ung thư não; bệnh do chấn thương đầu gây ra như chảy máu dưới màng cứng (subdural hematoma), phình nước trong não thất (normal pressure hydrocephalus).

Đặc biệt bệnh áp huyết cao có thể làm nghẹt những mạch máu nhỏ và làm chết những vùng nhỏ trong não bộ gọi là lacunar infarcts, có thể gây ra bệnh lãng trí không khác gì bệnh Alzheimer. Một số thuốc men có thể gây ra những phản ứng phụ làm điên loạn, thay đổi tâm trí như một số thuốc ma tuý, đặc biệt thuốc loại steroid có thể gây ra phản ứng tâm trí trên một số bệnh nhân nếu dùng nhiều và dùng lâu.

frankie
11-17-2023, 08:19 AM
Những bệnh kể trên tương đối dễ loại trừ với những thử nghiệm. Như trường hợp người bệnh trong câu hỏi của bà Nguyễn K.A., cần phải thử máu tổng quát, đo lượng kích thích tố giáp trạng thyroid, thử về giang mai, đo lượng vitamin B12, folate trong máu...

Ngoài ra cần chụp hình não bằng CAT scan hay tốt nhất là MRI để xem có bướu trong não không, có phình não thất hydrocephalus không, quan trọng hơn cả là xem có những vùng não nhỏ bị tiêu hủy (lacunar infarcts) do áp huyết cao hay không? Nếu tất cả các thử nghiệm trên đều không có, negative, với bệnh lý diễn tả như trường hợp người bệnh trong câu hỏi trên, ta có thể chẩn đoán là đã bị bệnh Alzheimer.

Thực sự ra muốn chắc chắn hẳn phải làm giải phẫu tử thi khi người bệnh đã chết, xem dưới kính hiển vi có những biến đổi bệnh lý của não như có những mảng dầy gọi là amyloid trong não và trong tế bào não có những giây cuộn lại với nhau gọi là neurofibrillary tangles làm chết tế bào. Tuy nhiên trên thực tế, định bệnh lãng trí Alzheimer chỉ cần dựa vào những biến đổi lâm sàng và làm thử nghiệm loại trừ kể trên.

Điều khó trong việc định bệnh lãng trí Alzheimer là nhận biết bệnh lúc mới bắt đầu bị, khi những triệu chứng còn rất ít và thay đổi về trí nhớ và tâm trí cũng chỉ mới sơ khởi. Một phương cách để định bệnh sớm hơn là xem người bệnh có trả lời được một số câu hỏi đặt ra để xét đoán khả năng trí óc của người bệnh và cho điểm dựa trên trả lời đúng sai của người bệnh. Thử nghiệm này gọi là MMSE (mini-mental state examination) gồm các phần như sau (sửa đổi để áp dụng cho người Việt):

1- Định hướng (orientation)

- Thời gian: hỏi năm? mùa? ngày thứ (hai, ba, tư...)? tháng? ngày? Thí dụ: năm 2023, mùa thu, thứ ba, tháng 11, ngày 14. Mỗi câu đúng được một điểm. Tổng cộng 5 điểm.

- Nơi chốn: đang ở đâu?: xứ nào? (Việt Nam hay Hoa Kỳ?) tiểu bang nào? thành phố nào? địa chỉ nhà? ở trên lầu hay dưới nhà (hay đang ở phòng nào?) Mỗi câu đúng được một điểm. Tổng cộng 5 điểm.

2- Nhận thức (registration)

- Kể tên ba đồ vật. Thí dụ: cái bàn, đôi đũa, cái đèn. Đọc chậm rãi một giây cho mỗi thứ. Hỏi người bệnh lập lại cả 3 tên sau khi vừa nói xong. Cho mỗi tên đúng được một điểm. Tổng cộng 3 điểm.

3- Chú ý và làm tính (attention & calculation)

- Cho người bệnh làm tính trừ. Đếm ngược từ 100 trừ dần cho 7 (Lấy 100 trừ cho 7 rồi lấy số đó trừ tiếp cho 7, tiếp tục làm đến khi làm được 5 lần: 93, 86, 79, 72, 65). Nếu làm đúng cả, được 5 điểm. Nếu sai số nào trừ 1 điểm số đó.

- Nếu người bệnh không hiểu cách làm, cho đánh vần ngược chữ. Thí dụ cho đánh vần ngược chữ: KHÔNG. Cho điểm theo số chữ đúng thứ tự. Thí dụ: GNÔHK: 5 điểm; GNHÔK: 3 điểm; GNKHÔ: 2 điểm.

4- Ký ức (Recall)

- Cho người bệnh lập lại tên của 3 thứ đồ đã kể trong phần 2. Cho mỗi thứ một điểm. Tổng cộng 3 điểm. Thí dụ: người bệnh chỉ nhớ và lập lại được đôi đũa, cái đèn: cho 2 điểm.

5- Ngôn ngữ (language)

- Chỉ vào đồng hồ tay và cây bút. Hỏi người bệnh là cái gì? Mỗi thứ một điểm. Tổng cộng 2 điểm

. - Cho người bệnh lập lại câu: "Bà Ba béo bán bánh bèo bên bờ bể". Nếu lập lại đúng cho 1 điểm.

- Cho người bệnh làm ba động tác theo lệnh: "Cầm lấy tờ giấy này trong tay phải. Gấp đôi tờ giấy. Đặt tờ giấy xuống đất". Nếu làm đủ và đúng cho 3 điểm.

- Cho người bệnh đọc và làm theo câu viết sau đây: "Nhắm mắt lại". Làm đúng cho 1 điểm.

- Cho người bệnh viết một câu tự ý chọn, có chủ từ, động từ, tĩnh từ và phải có ý nghĩa. Cho 1 điểm.

- Cho người bệnh vẽ hai hình ngũ giác bắt cạnh vào nhau. Nếu vẽ được cho 1 điểm.

Tổng cộng tất cả là 30 điểm.

Kết quả:

* Từ 28 đến 30 điểm: bình thường

* Từ 24 đến 28 điểm: có thể bắt đầu bị bệnh lãng trí.

* Dưới 24 điểm: bị bệnh lãng trí Alzheimer.

Thử nghiệm trên tương đối giản dị và ai cũng có thể làm được.

Thân nhân một người nghi ngờ mới bắt đầu bị bệnh lãng trí Alzheimer nên cho người nhà mình làm thử nghiệm này và cho điểm để xem có thể bị bệnh này chưa và đi khám nghiệm thêm để xác định rõ ràng.

frankie
11-18-2023, 09:22 AM
Vấn đề chữa trị bệnh lãng trí Alzheimer thực ra chưa có hiệu quả nhiều. Tuy nhiên gần đây một số thuốc đã bắt đầu được dùng để trị bệnh này, nhất là khi mới bắt đầu bị.

Vùng não bộ bị hủy hoại nhiều nhất trong bệnh Alzheimer là vùng hippocampus. Vùng này là trung tâm của trí nhớ và có nhiều tế bào não loại cholinergic nên một số thuốc có tính cách ngăn chặn phân hóa tố cholinesterase và làm tăng hoạt động cholinergic giữa các vùng tiếp nối gọi là synapses của tế bào não, đã cho thấy có nhiều hiệu quả.

Thuốc được dùng nhiều hiện nay là donezepil, tên thương mại là Aricept, bắt đầu dùng 5 mg một ngày trong 4 tuần, sau đó tăng lên 10 mg một ngày. Thuốc này phải dùng trong vài tháng mới có hiệu quả. Dùng thuốc này có thể dễ làm buồn nôn, tiêu chảy nên một số bệnh nhân không dùng được. Một thuốc khác là rivastigmine cũng có tính chất tương tự. Thuốc loại này cũ hơn tên là Tacrine có cùng tính chất nhưng dùng có thể hại gan nên nay ít được dùng hơn.

Thuốc tương đối khá hiệu quả là thuốc mementine bán dưới tên thương mại là Namenda, dùng cho những trường hợp bệnh Alzheimer khá nặng hơn. Thuốc uống bắt đầu bằng 5 mg một ngày trong một tuần, sau đó tăng lên 10 mg trong một tuần, 15 mg tuần kế tiếp và sau cùng tăng lên lượng tối đa là 20mg một ngày (uống làm 2 lần). Uống thuốc này sẽ giúp cho bệnh nhân giữ đưọc khả năng trí tuệ lâu dài hơn không suy sụp quá nhanh.

Gần đây hơn, một số khảo cứu cho thấy vitamin E nếu dùng lượng rất cao, cỡ 2000 đơn vị một ngày, có thể làm chậm lại sự phát triển của bệnh lãng trí Alzheimer nên hiện nay đã bắt đầu được dùng cho những bệnh nhân mới bắt đầu bị bệnh, hy vọng sẽ làm chậm lại mức tiến của bệnh.

Một loại thuốc khác khảo cứu cho thấy có thể ngừa bệnh Alzheimer hay làm bệnh chậm phát triển là những thuốc chống viêm gọi là non-steroidal antiinflammatory, viết tắt NSAID. Những thuốc này thường dùng để chống đau nhức như Celecoxib, meloxicam, ibuprofen , naproxen, etodolac ... nên những người mới bị bệnh lãng trí Alzheimer nếu không có gì ngăn cấm hay bị phản ứng với thuốc chống viêm này, có thể dùng loại này để vừa chống đau nhức, vừa ngừa bệnh Alzheimer không phát triển thêm.

Ngoài ra hiện nay còn nhiều thứ thuốc khác đang trong vòng thí nghiệm để trị bệnh lãng trí Alzheimer nên tương lai sẽ còn nhiếu thuốc mới hơn. Riêng về loại lá cây bạch quả (Ginkgo biloba), một khảo cứu gần đây cho thấy có một chút ít lợi ích giúp trí nhớ những người bệnh Alzheimer nên có lẽ cũng có thể dùng được, tuy một vài trường hợp rất hiếm thấy, có thể bị phản ứng phụ là xuất huyết não nên nếu dùng cũng phải cẩn thận.

Trong tương lai, những khảo cứu y khoa mới về dùng nguyên bào (stem cells) có thể có áp dụng hữu ích trên việc chữa trị bệnh lãng trí Alzheimer, nhưng đây mới chỉ là những sơ khởi và tiến bộ y khoa này còn rất xa vời.

Cách chữa mới nhất là dùng monoclonal antibody chống lại với chất amyloid là nguyên nhân gây ra Alzheimer trong tế bào não, có nhiều triển vọng để chữa Alzheimer trong tương lai.

* * *

Tóm lại, bệnh lãng trí Alzheimer là bệnh thường thấy nơi những người lớn tuổi và tiến triển rất chậm. Tuy việc chữa trị hiện nay chưa khả quan nhiều, một số thuốc đã được dùng để giữ cho bệnh không phát triển quá nhanh. Điều quan trọng là định bệnh sớm để ngăn chặn bệnh và sửa soạn cho những phương cách để giúp người bệnh có một đời sống tương đối hữu dụng, cũng như cho thân nhân và người chăm sóc giúp ích cho người bệnh được nhiều hơn.

frankie
11-20-2023, 08:37 AM
UNG THƯ RUỘT GIÀ


HỎI:

Ba tôi mới khám bệnh và được cho biết bị ung thư ruột già. Xin bác sĩ cho biết ung thư ruột già có di truyền không? Tôi có thể bị bệnh này trong tương lai không? Cũng xin bác sĩ cho biết làm thế nào để ngừa bệnh này và nếu bị ung thư ruột già, có cách nào trị khỏi bệnh không?

Trần V. H.


ĐÁP:


Ung thư ruột già là một loại ung thư rất thường thấy, chỉ sau ung thư phổi về mức độ xảy ra. Thông thường, ung thư ruột già hay xảy ra ở người lớn tuổi, khoảng 50 trở lên, tuy người trẻ hơn vẫn có thể bị

. Bệnh ung thư này liên quan nhiều đến mức độ tân tiến của một quốc gia, những nước văn minh có khuynh hướng bị loại ung thư này nhiều hơn các nước chậm tiến. Người Việt tỵ nạn sang Hoa Kỳ cũng đã thấy bắt đầu bị bệnh ung thư này nhiều hơn trước.

Lý do chắc chắn hẳn không được rõ ràng, tuy nhiên một số khảo cứu cho thấy vấn để ăn uống giữ vai trò quan trọng về việc gây ra ung thu này. Ăn nhiều chất béo, ăn thịt nhiều làm tăng mức độ bị ung thu ruột già. Những người bị bệnh tim do cholesterol cao, ăn thịt mỡ nhiều, cũng hay thấy bị ung thư ruột già nhiều hơn nguời khác.

Ngoài ra ăn thiếu chất sợi fibers nhu đồ ăn của người Mỹ, cũng làm tăng mức độ bị ung thu ruột già, tuy điều này chưa đuợc chứng minh rõ ràng cho lắm. Một giả thuyết khác nữa là đồ ăn thiếu chất vôi calcium cũng dễ gây ra ung thư ruột già hơn. Ngược lại, những nguời ăn đồ có nhiều chất calcium hay uống thêm calcium có thể làm giảm mức độ bị ung thư ruột già.

Câu hỏi của ông về vấn đề di truyền của bệnh này rất quan trọng. Khoảng 25% trường hợp có tính cách di truyền tuy không đuợc rõ rệt lắm. Một số nhỏ tính di truyền của ung thư ruột già này là do một bệnh về ruột gọi là polyposis coli. Những nguời bị bệnh ruột này có các cục buớu gọi là polyps đầy trong ruột, thường ruột già, đôi khi cả ruột non. Còn nhỏ không thấy, nhưng từ tuổi 25 trở đi, những nguời bị chứng này bắt đầu bị ung thu ruột già.

Bệnh này hiếm thấy, nhưng khi biết có bệnh polyposis coli, thường phải giải phẫu cắt bỏ hết ruột già để ngừa ung thư xảy ra. Tính di truyền của bệnh này quan trọng ở chỗ nếu bố hoặc mẹ bị, 50% số con sẽ bị bệnh, vì thế phải theo dõi thường xuyên để giải phẫu sớm nếu phát hiện ra bệnh.

Phần lớn trường hợp di truyền của bệnh ung thư ruột già không đuợc xác định rõ, một số gia đình tuy không bị chứng polyposis coli nhưng cũng thấy bệnh ung thư ruột già xảy ra trong gia đình. Vì thế, khi một nguời trong gia đình bị ung thư ruột già, điều cẩn thận là đi khám nghiệm và theo dõi để ngừa trước.

Một nguyên nhân khác nữa gây ra ung thư ruột già là những người bị bệnh viêm ruột kinh niên gọi là inflammatory bowel disease, gồm hai loại chính là bệnh Crohn’s disease và bệnh loét ruột già gọi là ulcerative colitis. Tương đối người Việt Nam ít bị hai loại bệnh này nên nguyên nhân gây ra ung thư ruột già do viêm ruột này ở người Việt ít quan trọng.

frankie
11-21-2023, 11:55 AM
Triệu chứng của bệnh ung thư ruột già tùy thuộc vào vị trí của ung thư nằm chỗ nào trong ruột, bên phải, bên trái hay gần hậu môn. Có thể hoàn toàn không có triệu chứng gì ngoài thấy mệt mỏi vì bị mất máu từ từ do ung thư làm lở và chảy máu. Vì thế người già bị thiếu máu, nhất là loại thiếu máu do mất chất sắt, phải đi tìm xem có bị ung thư ruột già gây ra thiếu máu hay không?

Ung thư ruột già nếu ở phía bên trái hay gây ra làm nghẹt, thấy bị bón, đau bụng. Nếu nằm gần hậu môn, phần trực tràng có thể làm đi cầu ra máu tươi. Vì thế dù đi cầu ra máu tươi phần lớn do bệnh trĩ, vẫn phải để ý và loại trừ bệnh ung thư ruột già khi đi cầu bị ra máu tươi.

Khi bị những triệu chứng kể trên, hoặc có những triệu chứng do ung thư đã lâu và lớn như có cục trong bụng, bị sút ký nhiều..v..v..., phải đi khám nghiệm ngay để tìm bệnh. Trong phần khám, điều quan trọng nhất là khám hậu môn. Một số lớn ung thư ruột già nằm ờ phần trực tràng gần với hậu môn nên khám hậu môn và trực tràng bằng ngón tay có thể sờ thấy ung thư.

Sau đó phải thử để xem trong phân có máu hay không bằng thử nghiệm gọi là hemoccult. Nếu có máu lẫn trong phân, tuy nhìn ngoài không thấy gì, khi thử bằng cách nhỏ thuốc vào phân thấy đổi màu xanh là có máu trong phân.

Những thử nghiệm khác sẽ cần làm là chụp hình ruột già gọi là barium enema, hoặc soi ruột già. Soi ruột già có thể dùng ống soi ngắn, bẻ cong được gọi là flexible sigmoidoscopy soi lên được khoảng tới 40-60 cm phía trên. Loại soi ống cứng chỉ lên được 25 cm hiện nay ít dùng hơn.

Muốn chắc chắn hơn nữa có thể phải soi toàn thể ruột già gọi là colonoscopy để thấy có chỗ nào nghi ngờ có thể cắt một miếng nhỏ gọi là biopsy để xem dưới kính hiển vi.

frankie
11-22-2023, 07:23 AM
Ung thư ruột già hầu hết bắt nguồn từ một bướu nhỏ trong ruột gọi là adenomatous polyps, thường mọc cũng khá chậm trước khi thành ung thư hẳn, trung bình cỡ 5 năm. Vì thế nếu soi có thấy loại bướu này tuy không có ung thư cũng phải cắt bỏ và thường xuyên theo dõi để ngừa những bướu khác mọc thêm và biến thành ung thư. Những trường hợp này phải soi toàn thể ruột già và sau này cứ 3 năm làm lại một lần cho chắc chắn.

Ung thư ruột già nếu tìm ra sớm, chưa chạy đi đâu, chỉ ở lớp màng nhầy phần ngoài, khi giải phẫu cắt bỏ có thể coi như khỏi tuy vẫn phải theo dõi thường xuyên vì khoảng 3 - 5% có thể bị ung thư ruột ở chỗ khác. Ung thư ruột già nếu lúc định bệnh và mổ đã xâm lấn qua lớp màng nhầy, mức tử vong sẽ cao hơn. Nếu ra ngoài bắp thịt của ruột, mức sống sót sau năm năm chỉ còn từ 70 - 85%, nếu chạy tới các hạch chỉ khoảng 50% sống sót sau 5 năm. Ung thư ruột đã chạy khắp nơi, dù chữa trị cũng chỉ 5% trường hợp có hy vọng sống sót sau 5 năm.

Như vậy đủ thấy việc tìm ra bệnh sớm là điều quan trọng nhất, vì giải phẫu sớm lúc ung thư còn giới hạn mới hy vọng sống sót lâu được. Việc chữa trị như trên đã nói, là giải phẫu cắt bỏ. Những trường hợp ung thư ở trực tràng gần hậu môn, thường phải nối ruột cho phân chạy ra một lỗ ở ngoài da trên bụng sau khi mổ. Ung thư ở cao hơn thường vẫn giữ được hậu môn và chỉ cần nối ruột.

Những cách trị khác là chạy điện phóng xạ radiation therapy. Ung thư ở hậu môn sau khi mổ xong phải dùng thêm phương pháp chạy điện này để ngừa ung thư trở lại. Cách trị bằng hoá học trị liệu với chất 5-FU hiệu quả tương đối ít, dùng khi ung thư chạy khắp nơi hay trở lại. Một loại thuốc trị sán thường được dùng cho súc vật như loài cừu gọi là Levamisole gần đây được khám phá thấy rằng khi dùng chung với thuốc 5-FU và chạy điện có thể giúp ích nhiều hơn.

Tóm lại ung thư ruột già là một loại ung thư hay thường thấy. Người Việt tỵ nạn sang Hoa Kỳ có thể dễ bị chứng bệnh ung thư này hơn hồi còn ở Việt Nam. Ăn giảm thịt mỡ, giảm cholesterol, ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc để tăng thêm chất sợi, thêm chất vôi calcium có thể giúp ích để ngừa phần nào.

Vì 25% trường hợp có thể có tính cách di truyền nên nếu có người trong gia đình bị, nên đi khám nghiệm để ngừa trước. Những người trên 40 tuổi nên mỗi năm đi khám và làm thử nghiệm khám hậu môn và tìm máu trong phân để tìm ra bệnh sớm để ngừa.

Nếu có triệu chứng, cần phải chụp hình hay soi ruột để tìm bệnh. Ung thư ruột già nếu tìm ra muộn hay không chữa sẽ gây ra chết nên vấn đề chính yếu vẫn là tìm bệnh sớm sủa để chữa cho có hiệu quả.

frankie
11-23-2023, 08:38 AM
VIÊM GAN B KINH NIÊN


HỎI:

Tôi không bênh hoạn gì, mới đi thử máu gần đây và được cho biết bị bệnh viêm gan loại B kinh niên. Xin bác sĩ cho biết tại sao tôi bị mắc bệnh này? Có cách nào chữa trị không? Vợ con tôi có cần chích ngừa bệnh này không? Tôi lo âu nhiều vì má tôi chết vì ung thư gan 5 năm trước đây và tôi nghe nói bị viêm gan B kinh niên sau này có thể bị ung thư gan. Xin bác sĩ cho biết làm sao tôi tránh được bị ung thư gan trong tương lai?

Vương văn T.


ĐÁP:


Bệnh viêm gan kinh niên do cực vi trùng loại B gây ra là một bệnh nguy hiểm và rất thường thấy nơi người Việt. Tại các nước chậm tiến như Việt Nam, mức độ bị nhiễm cực vi trùng viêm gan B có thể lên đến từ 10 đến 20% dân số. Điều này có nghĩa nếu thử máu dân Việt, cứ 5 hay 10 người sẽ có một người có cực vi trùng viêm gan B trong máu!

Phần lớn những người Việt bị bệnh này có thể đã nhiễm cực vi trùng viêm gan B từ khi mới sinh, do mẹ truyền cho con lúc mới sinh ra. Khi bị nhiễm trùng từ lúc mới sinh như thế, những người này sẽ có cực vi trùng viêm gan B trong máu cả đời và sẽ có thể truyền bệnh cho người khác.

Cách thức truyền bệnh thông thường nhất là do máu như truyền máu, dân ghiền chích choác dùng kim bẩn, bị thương tích, dùng dao cạo râu chung dính máu của người khác...Cách truyền bệnh khác nữa là do giao tiếp sinh lý, vì thế khi người chồng hay vợ bị nhiễm cực vi trùng viêm gan B, người kia nên đi thử máu xem có bị hay không và cần chích ngừa hay không?

Trường hợp của ông trước giờ không bệnh hoạn gì mà thử máu có cực vi trùng viêm gan loại B có thể là do mắc bệnh lúc mới sinh từ người mẹ truyền sang. Cực vi trùng này tiếp tục tồn tại tuy không gây ra triệu chứng gì và người bệnh không hề biết cho đến khi vì một sự tình cờ thử máu mới khám phá ra (như khi đi cho máu tại Ngân Hàng Máu).

Hoặc có thể là do lây bệnh từ một người khác lúc đã trưởng thành tuy nhiên triệu chứng quá ít và không biết hay không đuợc định bệnh là viêm gan. Những triệu chứng của bệnh viêm gan có thể thay đổi và nặng nhẹ tùy từng trường hợp.

Thường khi mới lây bệnh, người bệnh thấy mệt mỏi, biếng ăn, hay buồn nôn, ói mửa, có thể bị sốt nhẹ, ít khi sốt quá cao. Sau một đến hai tuần thấy đi tiêu vàng đậm như trà đặc và bắt đầu thấy vàng mắt. Trong thời gian này gan sưng to lên và thường thấy đau ở dưới cạnh sườn phía bên phải.

Tình trạng này kéo dài hai, ba tuần sau đó vàng mắt bớt dần và người bệnh dần dần bình phục. Cực vi trùng loại A nhẹ hơn cả, sau một đến hai tháng thì khỏi hẳn và hầu như rất hiếm khi để lại biến chứng. Loại B và loại C nặng hơn có thể phải đến ba, bốn tháng mới khỏi hẳn bệnh. Hai loại này cũng gây nhiều biến chứng.

Một số ít bệnh nhân bị nặng quá, gan bị viêm với tế bào gan bị huỷ diệt quá nhiều không hồi phục được, người bệnh sẽ mê man và có thế chết (tỷ lệ thường dưới 1 %).

Những biến chứng khác thường xảy ra khi cơ thể không chống cự và tiêu diệt được cực vi trùng này tiếp tục tồn tại trong cơ thể và gây ra viêm gan kinh niên. Viêm gan kinh niên có thể chỉ bị nhẹ, triệu chứng ít tuy nhiên nhiều trường hợp có thể bị nặng và gây ra bệnh cứng gan (cirrhosis) gan bị chai, bụng trướng, phù thũng và sau cùng suy gan rồi chết.

Một biến chứng quan trọng khác về sau này là ung thư gan, đặc biệt đối với cực vi trùng loại B. Hầu hết các bệnh ung thư gan (hepatoma) của người Việt Nam (cũng như các xứ chậm tiến khác) là do cực vi trùng loại B gây ra. Tuy nhiên mức độ xảy ra tương đối cũng ít.

Làm thế nào để biết mình có bệnh viêm gan kinh niên? Cách thức duy nhất để biết rõ ràng là đi thử máu. Khi thử máu nên thử cả hai loại cực vi trùng viêm gan loại B và loại C. Thực sự có đến 6 loại cực vi trùng viêm gan đặt tên theo thứ tự A,B,C,D,E,F. Tuy nhiên chỉ có 2 loại B và C là gây viêm gan kinh niên và gây nguy hiểm.

Thử nghiệm quan trọng nhất cho viêm gan B là HBsAg (hepatitis B surface antigen) và cho viêm gan loại C là HCVAb (hepatitis C virus antibody). Nếu thử nghiệm HBsAg có phản ứng dương, điều đó có nghĩa người bệnh đã mắc phải cực vi trùng viêm gan B và có cực vi trùng này trong máu. Thử nghiệm này không cho biết rõ người bệnh đã mắc phải cực vi trùng viêm gan B mới đây hay đã lâu rồi hay từ lúc mới sinh đã có cả đời.

Ngoài ra khi thử về viêm gan phải thử thêm cùng một lúc về các phân hoá tố của gan trong máu. Quan trọng nhất là hai loại phân hóa tố AST và ALT. Nếu hai loại này đều tăng cao, điều đó có nghĩa cực vi trùng viêm gan B có tác dụng xấu trên mức làm việc của gan và làm huỷ hoại các tế bào gan. Nếu các phân hoá tố này bình thường, người bệnh có cực vi trùng viêm gan B nhưng không gây tác hại nhiều, tuy vẫn nằm tiềm ẩn trong tế bào gan và bất cứ lúc nào cũng có thể gây ra tác hại.

Để biết rõ hơn về mức nguy hiểm của cực vi trùng viêm gan B, cần phải tìm hiểu xem cực vi trùng B có đang sinh sôi nảy nở hay không và có thể dễ gây ra truyền bệnh hay không.

Thử nghiệm kế tiếp phải làm là HBeAg (hepatitis e antigen), thử nghiệm này nếu dương có nghĩa cực vi trùng viêm gan B đang tiếp tục sinh sôi và dễ gây tác hại nhiều nguy hiểm, cũng như dễ truyền bệnh sang người khác. Nếu thử nghiệm HBeAg âm, không có, tức cực vi trùng B chỉ nằm tiềm ẩn không gây nguy hiểm nhiều.

Gần đây hơn, thử nghiệm đo thẳng mức lượng cực vi trùng B trong máu gọi là HBV-DNA (hepatitis B virusdeoxyribonucleic acids) sẽ cho biết chính xác hơn nữa lượng cực vi trùng B đang sinh sôi nảy nở. Lượng HBV-DNA càng cao, càng có nhiều cực vi trùng B và càng dễ gây ra thêm bệnh nguy hiểm

frankie
11-24-2023, 08:11 AM
Việc chữa trị bệnh viêm gan B tuỳ thuộc vào các thử nghiệm trên. Nếu chỉ có phản ứng HBsAg dương không thôi và các thử nghiệm phân hoá tố của gan như AST, ALT tốt, bình thường và các thử nghiệm HBeAg và HBV-DNA tốt, thường sẽ không chữa và chỉ theo dõi bằng cách thử máu mỗi sáu tháng hay một năm một lần.

Một số ít người, sau một thời gian có cực vi trùng viêm gan B trong máu và không gây tác hại gì như các thử nghiệm trên cho biết, đôi khi cơ thể có thể tự loại trừ cực vi trùng B. Những người này sau một thời gian theo dõi sẽ thấy thử nghiệm HBsAg biến mất và cơ thể bắt đầu tạo kháng thể chống cự lại với cực vi trùng B. Thử nghiệm để biết là cơ thể đã chống cự được hay chưa là làm test HBsAb (hepatitis B antibody). Nếu thử nghiệm này dương, điều đó có nghĩa cơ thể đã có miễn nhiễm, chống cự lại được với cực vi trùng B.

Nếu người bệnh ngoài thử nghiệm HBsAg dương, còn có thêm các thử nghiệm khác cho thấy cực vi trùng B đang sinh sôi nảy nở và đang hành hoành tác hại trên các tế bào gan như thử nghiệm AST, ALT cao, thử nghiệm HBeAg dương, HBVDNA cao, những người này nên chữa với các cách thức trị liệu mới để tránh việc sau này sẽ bị cứng gan, hủy hoại gan hay ung thư gan.

Nếu mức độ DNA của cực vi trùng này thấp (gọi là HBV DNA), cỡ từ 100 đến 1000 copies/ml và có lượng phân hoá tố ALT bình thường, bệnh viêm gan B được coi như chỉ tiềm ẩn và không cần phải chữa trị. Ngược lại, nếu thử nghiệm phân hoá tố ALT cao và đo lượng HBV DNA cao nhiều như cỡ 100,000 copies/ml, những người bệnh này cần được chữa trị để tránh những biến chứng nguy hiểm như đã nói trên xảy ra.

Cách chữa về viêm gan B trước đây là dùng thuốc chích Interferon. Cách dùng là chích thuốc mỗi ngày hay chích 3 lần trong một tuần, từ 30 triệu đến 35 triệu đơn vị mỗi tuần, kéo dài từ 16 đến 20 tuần lễ. Chữa bằng thuốc Interferon sẽ chỉ có hiệu quả trên 35% số người bệnh. Tuy nhiên một số nhỏ có thể hết hẳn và mất hẳn cực vi trùng khi đo bằng thử nghiệm HSsAg.

Thuốc Interferon rất mắc tiền và dùng thuốc cũng rất khó khăn vì bị phản ứng nhiều. Những phản ứng phụ này xảy ra rất thường như làm nóng lạnh, làm mệt, đau nhức bắp thịt, nhức đầu. Bệnh nhân lớn tuổi sẽ dễ bị những phản ứng phụ này hơn người trẻ. Một số người dùng lâu có thể gây ra bệnh tâm lý như depression, chán đời... Tuy nhiên quan trọng nhất là thuốc Interferon sẽ làm ảnh hưởng trên máu như làm giảm hồng huyết cầu, bạch huyết cầu, tiểu cầu. Nếu mức mất máu này quá nhiều, thuốc Interferon không dùng tiếp được và phải ngưng. Thuốc Interferon như vậy không hiệu quả nhiều vì sau khi ngưng thuốc, phần lớn bệnh nhân sẽ bị trở lại. Vì lý do đó thuốc này không được dùng mấy hiện nay để chữa bệnh viêm gan B.

Hiện nay hai thứ thuốc hiệu quả nhất để chữa viêm gan B là Entecavir (Baraclude) và Tenofovir (Viread). Dùng 2 loại này sẽ làm các men gan ALT, AST trở lại bình thường và đo lượng HBV-DNA thấy xuống rất thấp, gần như không còn nữa. Tuy nhiên cực vi trùng viêm gan B vẫn tồn tại không bị diệt hẳn vì thử HBsAg vẫn còn dương. Vì thế dùng những thuốc này để trị viêm gan B sẽ phải dùng cả đời. Nếu ngưng, sẽ dễ bị viêm gan lại với các biến chứng xấu như chai gan, suy gan, ung thư gan...

Trong tương lai, một thứ thuốc mới đang trong vòng khảo cứu là Bepiroversen có thể trị tuyệt hẳn cực vi trùng viêm gan B. Tuy nhiên phải đến năm 2025, thuốc này mới có thể được cho dùng nếu các kết quả khảo cứu khả quan. Một cách trị khác để làm tuyệt hẳn cực vi trùng viêm gan B là cách dùng immunotherapy, cũng đang trong vòng khảo cứu. Vì thế hiện tại, cách chữa viêm gan B kinh niên vẫn là dùng thuốc uống entecavir hay tenofovir, dùng cả đời để ngăn chặn cực vi trùng B, nhưng không diệt hẳn được.

frankie
11-25-2023, 08:11 AM
HO DO BỆNH SUYỄN


HỎI:

Tôi bị ho kéo dài đã sáu tháng nay, uống nhiều thứ thuốc ho mua ngoài chợ mà không khỏi. Tôi cũng đã đi khám và chụp hình phổi nhưng không thấy gì. Gần đây tôi thấy bị khò khè kéo đàm mỗi buổi tối và hơi khó thở. Xin bác sĩ cho biết chứng ho của tôi do bệnh gì gây ra và cách chữa trị ra sao?

Trần Thị A. L.


ĐÁP:


Ho kéo dài và trở thành kinh niên như bà tả rất thường thấy và tương đối phức tạp vì có thể do nhiều thứ bệnh gây ra. Chứng ho nếu do cảm cúm gây ra thường chỉ kéo dài vài ngày hay một hai tuần là nhiều và có thể trị liệu bằng những thứ thuốc ho thông thường. Tuy nhiên nếu ho kéo dài như trường hợp của bà đã cả 6 tháng cần phải khám nghiệm cẩn thận để tìm ra nguyên nhân.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nơi người Việt Nam, nhất là những người mới sang Hoa Kỳ là bệnh lao phổi. Người Việt nếu sinh trưởng tại Việt Nam khoảng 80% số người thường đã tiếp xúc với vi trùng lao trong quá khứ nên mối lo ngại về bị bệnh lao là chính đáng.

Để biết có bị lao phổi hay không cần phải chụp hình phổi, thử nghiệm lao trên da không có giá trị vì phần lớn người Việt thử đều có phản ứng dương nên chụp hình phổi là điều phải làm. Nếu hình phổi có dấu hiệu lao phải thử đàm để tìm vi trùng lao và chữa trị. Trường hợp của bà chụp hình phổi tốt nên đã loại trừ được bệnh lao phổi là nguyên nhân của chứng ho kinh niên.

Một số bệnh nhiễm trùng khác cũng có thể làm ho kéo dài nếu chữa trị không đúng. Như các loại vi trùng Mycoplasma, Chlamydia...khác với các bệnh nhiễm trùng làm sưng phổi khác như Streptococcus, Hemophilus là các vi trùng này có thể gây bệnh kéo dài rất lâu nếu uống loại trụ sinh không đúng và không trị dứt các loại vi trùng này được và sẽ làm ho kéo dài.

Tuy nhiên bị sưng phổi do các loại vi trùng này thường có các triệu chứng khác đi kèm và nếu nghi bị chứng sưng phổi do các vi trùng này, dùng trụ sinh như Erythromycin, Azithromycin, Clarithromycin sẽ làm hết bệnh và hết ho.

Một số người có thể bị viêm phế quản vì cực vi trùng và làm ho kéo dài khá lâu. Như những người về mùa đông hay bị cúm và sau khi hết cúm, màng nhày phế quản có thể vẫn còn viêm và dễ bị kích thích gây ra các phản xạ về ho kéo dài kinh niên hàng tháng trời. Vì thế những người này nên chích ngừa cúm mỗi năm vào khoảng tháng 10, tháng 11 để ngừa bệnh cúm và tránh cho phế quản không bị ảnh hưởng của cực vi trùng cúm này làm ho mỗi năm kéo dài.

frankie
11-26-2023, 07:31 AM
Ngoài những bệnh về nhiễm trùng như kể trên, một nguyên nhân làm ho kinh niên hay thấy là chứng viêm thực quản do nước chua trong bao tử chạy ngược lên (reflux esophagitis).

Những người này bị yếu cơ vòng tại cuống giữa bao tử và thực quản nên nước chua trong bao tử có chất hydrochloric acid chạy ngược lên làm viêm thực quản, đồng thời tạo ra phản xạ làm co thắt khí quản và làm ho. Một số trường hợp nặng chất chua bao tử có thể rơi vào khí quản làm viêm khí quản hay đôi khi gây ra sưng phổi gọi là aspiration pneumonia.

Những bệnh nhân này bị ho kinh niên và có thêm các triệu chứng khác như hay ợ chua, rát lồng ngực vì nước chua chạy ngược lên trên thực quản trong lồng ngực. Đặc biệt ăn những đồ ăn cay, đồ chua, đồ mỡ, uống rượu bia, uống nuớc ngọt có hơi nhiều như Coca, Sprite, mặc quần áo quá chặt, ăn xong đi nằm ngay không chịu vận động để tiêu cơm... sẽ bị ợ chua nhiều và nếu bị phản xạ ho sẽ thấy cơn ho lên nhiều và nặng hơn.

Số người Việt bị chứng này cũng khá nhiều vì vấn đề ăn uống, dân Việt ăn cay, ăn đồ chua, đồ mắm, đồ mỡ nhiều nên cũng dễ bị chứng nước chua chạy ngược reflux và gây ra các triệu chứng như đã tả trên. Chữa trị chứng này phải thay đổi cách ăn uống, nằm ngủ để kê giường đầu lên cao, uống thuốc hạ chất chua như Prilosec, Prevacid, Zantac... và thuốc làm sự co thắt của bộ tiêu hóa tốt hơn và cơ vòng của thực quản mạnh hơn như metoclopramide....

Những người bị ho kinh niên do chứng reflux này gây ra nếu chữa trị đúng cách về bệnh này như kể trên thường sẽ thấy rất hiệu quả và chứng ho kinh niên cũng sẽ bớt hay khỏi hẳn.

Nguyên nhân quan trọng khác của ho kinh niên, kéo dài quá lâu là do bệnh viêm khoang mũi kinh niên làm nước nhờn tiết ra nhiều, chảy xuống cổ họng và khí quản làm kích thích và gây ra phản xạ ho. Những nước nhờn chảy xuống này gọi là post nasal drip, có thể do nhiễm trùng nhưng phần lớn trường hợp do dị ứng gây ra.

Những người bệnh này có các triệu chứng về mũi của dị ứng như nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, đồng thời thêm triệu chứng của bệnh khoang mũi kinh niên như hay nhức đầu, thấy căng căng bên sống mũi, hai bên gò má. Nước nhờn chảy xuống cổ họng nhiều làm bắt khạc hay bắt hắng giọng thường xuyên. Nếu khí quản dễ bị kích thích, các phản xạ do chất nhờn này sẽ bắt ho kinh niên.

Tuy nhiên nếu chứng ho kinh niên này đi kèm thêm với các triệu chứng như thấy khò khè, thở nghe rít rít, thấy khó thở lúc thở ra, không phải lúc hít vào, phải đi khám cẩn thận để xem có bị suyễn hay không. Rất nhiều trường hợp bệnh suyễn bắt đầu từ từ và chỉ có triệu chứng ho kéo dài, kinh niên, đôi khi cả năm trời trước khi thành suyễn hẳn và bị nặng. Vì thế ho kinh niên nếu đã loại trừ các bệnh như đã nói ở phần đầu, phải thử nghiệm để xem có phải ho do suyễn hay không?

Thường khám nghiệm nếu nghe tiếng khò khè khi thở ra gọi là expiratory wheezes là có suyễn. Muốn biết chính xác phải đo hô hấp gọi là spirometry hay pulmonary function. Một số trường hợp khó định bệnh cần phải làm thử nghiêm gọi là methacholine challenge, cho thở chất hơi methacholine vào khí quản và đo mức thở ra trong giây đầu tiên gọi là FEV1 để định bệnh chính xác. Tuy nhiên, thử nghiệm methacholine challenge này rất ít khi cần đến và thường dùng để khảo cứu nhiều hơn.

Các người bệnh bị ho kinh niên vì bệnh suyễn cũng cần phải thử về dị ứng để xem có phải ho và suyễn do dị ứng gây ra hay không. Nếu thử nghiệm về dị ứng trên da cho biết có dị ứng nhiều cũng sẽ phải chữa trị dị ứng mới có hiệu quả được.

Ngoài ra một khi đã định được bệnh ho kinh niên do suyễn gây ra sẽ phải dùng thuốc để chữa suyễn. Những loại thuốc chữa suyễn có thể dùng thuốc xịt như Proventil, Ventolin... cho những trường hợp nhẹ. Nếu suyễn nhiều hơn phải dùng thêm thuốc xịt loại steroid để chống viêm trong khí quản như các loại thuốc Vanceril-DS, Flovent...hay loại thuốc xịt Cromolyn để làm các tế bào mast cell không bể và gây ra dị ứng.

Nặng hơn sẽ phải dùng thuốc uống như các thuốc làm dãn nở khí quản như thuốc Theophylline, thuốc Albuterol. Theophylline hiện ít được dùng vì có nhiều phản ứng phụ Nặng nữa, sẽ cần đến thuốc uống loại steroid như Prednisone. Loại thuốc xịt hay hít vào hỗn hợp gồm thuốc làm dãn nở khí quản như Albuterol, Formoterol, đi kèm với loại thuốc hít steroid như fluticasone..., bán dưới tên như Advair, Symbicort hiện được dùng nhiều và có hiệu quả tốt.

Hiện nay loại thuốc tương đối khá công hiệu để trị suyễn là loại thuốc chống hóa chất leukotrienes là các chất hóa học tiết ra gây ra viêm và co thắt khí quản làm suyễn. Các loại thuốc này như Montelukast hay Singulair dùng thêm vào với các thuốc trị suyễn như đã nói ở trên sẽ làm suyễn giảm đi nhiều và tương đối ít gây ra phản ứng phụ nên bắt đầu được dùng nhiều hơn để chữa suyễn.

Tóm lại, một trong những nguyên nhân của chứng ho kinh niên là bệnh suyễn nên sau khi đã loại trừ các bệnh gây ra ho kéo dài, phải để ý đến bệnh suyễn lúc mới bắt đầu có thể chỉ có triệu chứng là ho kinh niên và phải dùng thuốc chữa suyễn mới làm hết chứng ho này được. Những người bệnh bị ho lâu như thế cần phải đi khám nghiệm kỹ lưỡng để định bệnh chính xác và để chữa trị đúng cách cho được hiệu quả hơn.

frankie
11-27-2023, 08:29 AM
KHÔNG HẤP THỤ ĐỒ ĂN


HỎI:

Tôi bị chứng tiêu hoá không tốt, ăn không thấy tiêu, bụng hay sình, nhất là khi uống sữa. Đi cầu hay bị lỏng, thường thấy có váng như mỡ. Qua Mỹ đã lâu không thấy mập lên mà còn xuống cân. Gần đây tôi có đi thử máu và được cho biết là bị thiếu máu. Xin bác sĩ cho biết bệnh này thuộc loại gì và cách chữa trị ra sao?

Vũ V. T.


ĐÁP:


Bệnh tiêu hoá với những triệu chứng như ông kể thuộc về loại bệnh không hấp thụ đồ ăn (malabsorption). Đây là một trong những chứng bệnh với sự định bệnh khó khăn và tìm nguyên nhân để chữa trị phức tạp nhất.

Thực phẩm ta ăn vào được tiêu hoá và hấp thụ dưới các hình thức chính: chất bột chất đạm, chất béo, vitamins và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể và sau cùng nước và các chất điện giải.

Đồ ăn trước tiên được tiêu hoá trong bao tử dưới tác dụng của acid và pepsin do bao tử tiết ra, sau đó sẽ được các phân hoá tố (enzymes) trong phần đầu của ruột non tiếp tục tiêu hoá tiếp thành những phần tử nhỏ hơn và được hấp thụ qua màng nhầy của ruột non.

Chất bột (carbohydrates) như gạo, bánh mì, sữa, đường, trái cây được một phân hoá tố có trong nước bọt và dịch tụy tạng gọi là amylase tiêu hoá. Chất bột như gạo, bánh mì sẽ bị cắt thành những phần tử nhỏ gọi là maltose. Maltose sẽ bị một phân hoá tố trong ruột gọi là maltase cắt thành hai phân tử glucose và hấp thụ.

Sữa (lactose) không hấp thụ trực tiếp được, phải cần phân hoá tố lactase cắt ra làm hai phân từ glucose và galactose mới được màng nhầy ruột non hấp thụ. Tương tự, chất đường (sucrose) cũng phải có phân hoá tố sucrase phân ra làm hai là glucose và fructose mới vào ruột non được.

Trong vấn đề hấp thụ chất carbohydrates như trên, một bệnh thường thấy nhất làm không hấp thụ đồ ăn được là bệnh thiếu phân hoá tố lactase để hấp thụ sữa. Đặc biệt ở người Việt Nam và các dân Đông Nam Á khác, khoảng 80% dân số thiếu phân hoá tố lactase này nên không hấp thụ được sữa.

Thường khi bắt đầu trưởng thành mới có triệu chứng này, uống sữa không tiêu bị đau bụng, sình bụng và tiêu chảy. Một số lớn dân Việt Nam bị thiếu phân hoá tố lactase một phần xảy ra sau khi bị nhiễm trùng ruột, làm tổn hại đến màng nhầy ruột, cộng thêm với đặc tính di truyền làm mất dần phân hoá tố lactase và sau cùng thiếu hoàn toàn, dù chỉ uống một chút sữa (100-200 cc) cũng sẽ gây ra triệu chứng.

Chất béo ta ăn vào phần lớn ở dưới dạng mỡ triglycerides. Khi vào đến phần đầu của ruột non, sự hiện diện của chất mỡ sẽ làm tụy tạng (pancreas) tiết ra phân hoá tố gọi là lipase và làm túi mật bài tiết ra mật chảy xuống ruột non. Phân hoá tố lipase và mật sẽ giúp cho sự tiêu hoá chất mỡ triglycerides thành các phần từ nhỏ gọi là acid béo (fatty acids) và monoglycerides, sau đó được hấp thụ vào ruột non.

frankie
11-28-2023, 09:09 AM
Như vậy sự hấp thụ chất béo cần sự làm việc của tụy tạng, túi mật và gan (mật được làm từ gan và chảy xuống túi mật). Những người bị bệnh gan như viêm gan, cứng gan do rượu v. v... hoặc bị bệnh có sạn trong túi mật, nghẹt ống dẫn mật... sẽ gây ra sự trở ngại trong việc bài tiết mật xuống ruột non để tiêu hoá chất béo và làm không hấp thụ được chất béo.

Bệnh về tụy tạng như viêm tụy tạng do uống rượu quá nhiều, ung thư tụy tạng ..v.v... sẽ làm ngăn trở việc tiết ra phân hoá tố lipase để tiêu hoá chất béo cũng sẽ gây ra sự không hấp thụ được chất béo. Những người bệnh này vì không hấp thụ được chất béo sẽ đi cầu ra phân có váng mở gọi là steatorrhea, người bệnh có thể tự thấy váng mỡ khi đi tiêu chảy.

Muốn biết chính xác hơn phải thử nghiệm phân, nhuộm phân gọi là Sudan stain để xem dưới kính hiển vi và sẽ thấy các giọt mỡ, hoặc đo lượng chất béo trong 24 tiếng đồng hồ.

Chất đạm có trong thịt, cá … được tiêu hoá một phần trong bao tử bằng phân hoá tố pepsin, tuy nhiên phần lớn sẽ được tiêu hoá ở ruột non bằng các phân hoá tố của tụy tạng như chất trypsin, chymotrypsin. Chất đạm protein sẽ được phân ra thành các amino- acids hay các phần tử nhỏ gọi là dipeptides và được hấp thụ qua màng nhầy của ruột non.

Một số bệnh hiếm có làm sự hấp thụ các chất amino-acids bị ngăn trở vì không hấp thụ được, tuy nhiên phần lớn các trường hợp bệnh tiêu hoá làm mất chất đạm vì màng nhầy ruột non bị lở loét và mất chất đạm từ trong máu ra. Bệnh về sự hấp thụ chất đạm tương đối ít hơn.

Các sinh tố (vitamins) được hấp thụ trong ruột tùy theo loại: Các sinh tố A, quan trọng về mật; sinh tố D quan trọng cho xương; sinh tố K về đông máu và sinh tố E về sinh dục vì tan trong chất béo nên được hấp thụ đi theo với các chất béo như đã nói ở trên. Các người bệnh không hấp thụ được chất béo, đi phân váng mỡ, thường sẽ thiếu các loại vitamins này.

Đối với các loại sinh tố tan trong nước như BI2, folic acid quan trọng cho sự tạo máu, sự hấp thụ xảy ra ở phần cuối của ruột non (ileum) nên những bệnh ở phần ruột này sẽ dễ gây ra thiếu máu vì thiếu sinh tố BI 2 và folic acid.

Một số khoáng chất quan trọng cũng được hấp thụ theo đồ ăn trong ruột non như chất sắt, chất vôi calcium. Bệnh tiêu hoá làm không hấp thụ đồ ăn sẽ gây ra thiếu máu vì thiếu chất sắt hoặc thiếu calcium trong máu làm co rút bắp thịt, tay chân ..v.v. .

frankie
11-29-2023, 09:29 AM
Tìm nguyên nhân về chứng không hấp thụ đồ ăn như vậy tương đối khá phức tạp vì có khoảng vài chục thứ bệnh khác nhau đều có thể gây ra chứng này. Một số bệnh đối với người Hoa Kỳ thông thường nhưng ở người Việt Nam rất hiếm thấy hay hầu như không có, thí dụ như bệnh viêm ruột loại Crohn’s disease. Ngược lại, người Việt Nam phần lớn hay bị bệnh thiếu phân hoá tố lactase để hấp thụ sữa trong khi dân da trắng chỉ bị khoảng 10%.

Tựu trung đối với người Việt Nam, các bệnh gây ra chứng không hấp thụ đồ ăn thường do bệnh về gan và mật như đã nói ở phần trên. Ngoài ra, những người uống rượu nhiều có thể bị bệnh về viêm tụy tạng (pancratitis) làm thiếu các phân hoá tố để tiêu hoá. Những người bị mỗ vì loét bao tử phải cắt một phần bao tử, hoặc bị nghẹt ruột phải cắt một phần ruột cũng dễ bị chứng không hấp thụ đồ ăn.

Những người hay bị nhiễm trùng ruột làm tiêu chảy như các vi trùng Salmonella, Shigella, ký sinh trùng amib thấy ở những người Việt mới sang hoặc đi du lịch Việt Nam về cũng hay bị chứng không hấp thụ đồ ăn xảy ra một thời gian sau khi nhiễm trùng.

Đặc biệt một loại bệnh về ruột làm không hấp thụ đồ ăn dễ xảy ra với người Việt Nam là bệnh viêm ruột vùng nhiệt đới (tropical sprue). Nguyên nhân không rõ rệt, có thể do vi trùng hay do độc tố của vi trùng nhưng bệnh này có thể xảy ra nhiều tháng hay đôi khi cả năm sau khi đi du lịch ở vùng nhiệt đới trở về. Bệnh làm sụt ký, ăn không được, tiêu chảy, thiếu máu, thiếu sinh tố như BI2, folic acid v.v...

Định bệnh tương đối khó khăn, phải loại trừ các bệnh nguy hiểm khác như ung thư, bệnh về miễn nhiễm v.v... Đôi khi phải dùng ống luồn xuống ruột để soi gọi là endoscopy và cắt một miếng nhỏ để xem dưới kính hiển vi gọi là biopsy để định bệnh. Chữa trị bệnh này phải chích sinh tố BI2, uống sinh tố folic acid để trị thiếu máu và uống trụ sinh như Tetracycline, Bactrim vài tuần lễ để trị mới dứt hẳn được.

Vấn đề chữa trị chứng không hấp thụ đồ ăn như vậy phải tìm nguyên nhân và trị liệu theo tùy từng căn bệnh. Đối với người Việt Nam hay bị thiếu phân hoá tố lactase, hoặc tránh uống sữa, hoặc có thể dùng thuốc tên Lact- Aid (là lactase dưới hình thức viên hay nước) bán không cần toa để uống chung với sữa hay cheese.. v.v. . . và tránh được triệu chứng do sự không hấp thụ sữa gây ra.

Các bệnh về gan, túi mật thực sự không có thuốc chữa trừ trường hợp sạn mật có thể dùng thuốc Actigall để làm tan sạn, tuy nhiên hiệu quả cũng chỉ vừa phải. Các bệnh về tụy tạng như viêm tụy tạng cũng không có thuốc trị ngoại trừ việc ngưng uống rượu. Những người bệnh bị các bệnh này và thiếu phân hoá tố có thể dùng thuốc uống thay thế như Kuzyme, Viokase, Festal v.v... để giúp cho việc tiêu hoá và hấp thụ đồ ăn. Ngoài ra, nếu thiếu các khoáng chất như chất sắt, calcium, vitamins, cũng phải uống thuốc bổ có các chất này để bồi bổ lại.

Tóm lại, chứng không hấp thụ đồ ăn tương đối xảy ra cũng khá thường với người Việt Nam, việc định bệnh không phải dễ dàng, tuy nhiên tìm ra nguyên nhân là điều quan trọng, đòi hỏi việc khám nghiệm và thử nghiệm một cách chính xác để chữa trị có hiệu quả.

frankie
11-30-2023, 08:49 AM
PHÙ CHÂN


HỎI:

Chân tôi hay bị phù, ấn vào da đôi khi thấy lỏm xuống, tôi đi chữa bệnh thấy đở được ít lâu rồi bị lại. Xin bác sĩ cho biết tại sao bị phù chân và có cách nào chữa dứt được không?

Trần thị H.L


ĐÁP


Chứng bệnh phù thũng (adema) là do lượng nước của phần nắm giữa các mô tế bào tăng lên qúa nhiều gây ra phù. Bình thướng có sự cân bằng giữa các mô tế bào ; vì một lý do nào đó làm thay đổi sự cân bằng này, nước tích tụ quá nhiều ở bên ngoài mạch máu nếu lên đến trên vài lít sẽ gây ra triệu chứng phù.

Phù thũng có thể xảy ra khắp người, từ mặt đến chân, hoặc chỉ xảy ra ở mọt phần như trong bụng làm bụng trướng như người bị bệnh gan chẳng hạn, hoăc chỉ xảy ra ở chân.

Dấu hiệu dễ dàng để biết bị phù là khi dùng tay ấn mạnh xuống da ở phía trên xương chân, nếu thấy để dấu lõm vào lúc thả ngón tay ra là có triệu chứng phù. Nguyên nhân căn bản của phù là vì cơ thể giữ lại quá nhiều chất muối và nước.

Bình thường thận là cơ quan lọc máu và bài tiết chất muối và nước nên người bị bệnh thận như viêm thận làm hoạt động của thận về việc thải muối bị suy giãm sẽ làm phù. Ngoài ra, những người bị bệnh thận có thể mất rất nhiều chất đạm trong nước tiểu nếu lên đến vài grams chất đạm trong máu xuống thấp. Khi mức độ này quá thấp, áp suất do chất đạm tạo ra gọi là oncotic pressure xuống thấp làm nước sẽ chạy từ trong máu ra phần giữa các mô tế bào (intertitium) và gây ra phù.

Những người bị bệnh thận bị gây ra phù này có thể định bệnh dễ dàng bằng cách thử nước tiểu xem có nhiều chất đạm không? Thử nghiệm thường dùng là nhúng một que giấy tẳm chất hóa học vào nước tiểu (urine dipstick) nếu có chất đạm sẽ đổi màu xanh đậm và định bệnh được ngay.

Các bệnh thận gây ra chứng này thường là những bệnh nặng và chữa trị tương đối khó khăn, để phân loại bệnh chính xác đôi khi phải dùng kim xuyên vào thận để lấy ra một miếng nhỏ gọi là biopsy và xem dưới kính hiển vi mới xác định loại nào được.

Ngoài bệnh thận, một nguyên nhân quan trọng khác của phù là bệnh suy tim. Khi tim bị suy vì một bệnh tim nào đó như nghẹt van tim quá nặng, bị heart attack v.v… bắp thịt tim co bóp đẩy máu không đủ làm giãm lượng máu đẩy từ trong tim ra. Khi lượng máu này quá thấp, hệ thống chất hóa học được tiết ra trong thận gọi là renen-angiotensin sẽ làm cho thận giữ lại nhiều muối và nước hơn nên cũng gây phù.

Ngoài ra có những cơ chế khác như một chất kích thích tố gọi là antindiuretic hormone cũng được tiết ra để giữ nước lại, mạch máu của thận bị co thắt làm giảm sự lọc máu v.v…tựu trung đều làm cho cơ thể giữ chất muối và nước và gây ra phù.

Người bị bệnh suy tim thường có thêm những triệu chứng khác như khó thở vì khám nghiệm định bệnh sẽ có những dấu hiệu của bệnh tim để phân biệt. Muốn biết đích xác thường phải đo tim bằng EKG, chụp hình quang tuyến, đo tim bằng siêu âm hoặc chụp hình tim bàng chất phóng xạ.

Phù còn có thể do bệnh cứng gan gây ra. Những người nghiện rượu lâu ngày bị cứng gan do rượu (cirrhosis) hay bị viêm gan kinh niên trở nặng thành cứng gan sẽ làm cho sự lưu thông máu qua gan bị ngăn trở và làm chất đạm trong máu xuống quá thấp sẽ gây ra phù. Thường bị bụng trướng có nước gọi là asites, phù chân, đi kèm với vàng mắt vàng da định bệnh được dễ dàng. Bệnh cứng gan đến giai đoạn phù này chữa trị chỉ bớt tạm phù rối sẽ bị lại và đi dần đến hôn mê và chết.

Ngoài những bệnh nặng kể trên, phù còn có thể do một số những bệnh khác tương đối dễ chữa hơn. Thiếu ăn làm lượng chất đạm quá thấp trong máu sẽ gây phù. Tại Việt Nam, những trường hợp thiiếu sinh tố B1 gọi là bệnh beri-beri đi kèm với trường hợp đói, thiếu ăn cũng sẽ gây phù vì làm suy tim, đi kèm với liệt dây thần kinh.

Một số người bị bệnh tiêu hóa không hấp thụ đồ ăn được cũng có thể bị phù vì thiếu chất đạm. ngoài ra còn có những trường hợp hiếm hơn như bệnh thiếu kích thích tố giáp trạng (hypothyroidism).

Một nguyên nhân khác thường thấy hơn là những người bị áp huyết cao dùng thuốc gọi là calcium channel blockers như Amlodipine, nifedipine..., sau một thời gian uống thuốc, thấy bị phù chân. Loại phù này nhẹ và không nguy hiểm gì, chỉ cần uống tthốc lợi tiểu vài ngày sẽ hết. Nếu bị thường quá, chỉ cần đổi sang loại thuốc chữa áp huyết khác, sẽ hết bị phù chân.

frankie
12-01-2023, 08:05 AM
ĐAU NGỰC


HỎI:

Tôi năm nay 51 tuổi, trong khoảng ba tháng nay tôi hay bị đau ngực mỗi khi làm việc nặng. Nghỉ một lúc thì hết đau. Gần đây thấy đi bộ nhiều cũng bị đau ngực; lại kèm thêm khó thở. Xin cho biết có phải bệnh về tim không. Làm sao biết đích xác chữa trị ra sao?

Nguyễn V.L.


ĐÁP:


Chứng đau ngực có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là do nghẻn động mạch tim gây ra. Bệnh này ở Việt Nam ít thấy, một phần vì phương tiện định bệnh, một phần vì ăn uống ở Việt Nam ít thịt mở, chất béo, đời sống không bị dồn nén quá nhiều như ở Hoa Kỳ.

Thực sự một số trường hợp ở nước ta bệnh nhân chết một cách đột ngột, thường qui cho là `phong, trúng gió. Có lẽ do nghẽn động mạch tim gây ra, tuy không được định bệnh hẳn hòi.

Trong khoảng vài năm trở lại đây, số người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ bị bệnh nghẻn động mạch tim xảy ra ngày càng nhiều tuy không có thống kê chính xác. Điều này cũng dễ hiểu. Với ăn uống nhiều thịt mở, cholesterol nhiều, đời sống bị tress, dồn nén, lo âu nhiều, tỷ lệ vì bệnh nghẻn động mạch tim càng gia tăng.

Triệu chứng thường thấy nhất là đau ngực, phần lớn do làm nặng, hoạt động nhiều như chạy, leo cầu thang v.v…gây nên. Cơn đau thường kéo dài vài phút đến khoảng nửa tiếng, nghỉ ngơi sẽ bớt dần.

Cơn đau thường được mô tả như có gì đè nặng vào ngực hay đau nhói, ở chính giữa ngực hay bên trái, đôi khi truyền xuống cánh tay trái hay ra sau lưng, lên cổ v.v…Mỗi lần đau thường kèm theo khó thở, xuất hạn ra mồ hôi.

Lý do làm đau là vì động mạch tim bị chất mở đóng lại bên thành làm nghen, máu không chạy điều hòa. Khi làm gì nặng, tim phải co bóp hoạt động nhiều, nếu không đủ máu mang dưỡng khí tới cung cấp cho bắp thịt tim sẽ gây ra phản ứng đau.

Nếu bị nghẹt gần hết hoặc có cục máu đông làm chặn đứng dòng máu chảy trong các động mạch trên bắp thịt tim sẽ bị chết một phần gây tổn thương nặng nề cho tim. Đây là trường hợp heart attach, nếu nặng có thể làm chết ngay. Những triệu chứng của ông kể trong câu hỏi có thể nghi là do đau ngực vì nghẻn động mạch tim (angina pectoris), cần được định bệnh chính xác.

Thử nghiệm về bệnh này cần phải đo tim bằng điện tâm kế (EKG). Phần lớn trong các trường hợp đo tim lúc đang hoạt động như chạy trên một thang cuốn (treadmill) hay đạp xe đạp mới thấy những thay đổi trên tâm động đồ để định bệnh được.

Thử nghiệm này gọi là treadmill stress test (hay exercise tolerance test) là thử nghiệm căn bản. Đôi khi muốn rõ hơn phải chích thuốc có chất phóng xạ Thallium để xem hoạt động của tim và chụp hình tim bằng chất phóng xạ.

Chính xác hơn cả là giai đoạn định bệnh kế tiếp bằng cách thông tim (cardiac catheterization): dùng ống nhỏ luồn vào mạch máu ở đùi hay tay thông lên tới tim và bơm thuốc vào để chụp toàn thể hệ thống động mạch tim. Nhờ thế có thể biết động mạch tim nào bị nghẹt, nghẹt nhiều hay ít, bao nhiêu động mạch bị nghẹt.

frankie
12-02-2023, 08:17 AM
Vấn đề chữa trị có nhiều cách: Nếu chụp hình động mạch tim như trên thấy bị nghẹt nặng quá, nhiều quá, hay động mạch chính bị nghẻn gần hết có thể nguy hiểm có thể phải mổ để nối lại động mạch tim. Thường là dùng một tỉnh mạch lấy ở dưới chân hay dùng động mạch vú để nối lại chỗ động mạch tim bị nghẻn (coronary bypass graft). Hoặc dùng phương pháp thông tim không phải mổ (angioplasty) dùng ống thông có đầu là quả bóng nhỏ bơm phồng lên xẹp xuống để thông các động mạch bị nghẹt.

Phần lớn các trường hợp bị nghẹt ít có thể dùng thuốc để chữa. Thuốc căn bản đầu tiên là thuốc làm dãn nở động mạch tim gọi là nitrates. Thuốc này dùng dưới nhiều hình thức. hoặc ngậm dưới lưỡi cho tan mỗi khi có cơn đau ngực. hoặc uống thành viên có tác dụng lâu hơn, hay là thuốc dán trên da tác dụng nguyên ngày.

Một loại thuốc khác là loại betablockers làm tim đạp chậm lại, áp huyết hạ thấp và tim không phải dùng quá nhiều dưỡng khí. Loại thuốc nữa là calciumblokers ngăn không cho chất vôi calcium vào trong tế bào tim cũng giúp ích nhiều. Thông thường phải dùng tổng hợp cả hai hoặc ba loại thuốc trên để chữa, thành phần, cân lượng thay đổi tùy nặng nhẹ, tùy người, tùy biến chứng.v.v.. Nếu bị nhẹ vừa phài, thường dùng thuốc có thể đủ để chặn cơn đau, làm việc được dễ dàng hơn, hoạt động trở lại bình thường.

Tuy nhiên điều căn bản là phải ngừa để cho các động mạch tim không bị càng ngày càng nghẹt hơn hay ngừa để tránh cục máu đông bất thần làm nghẹt cứng gây ra heart attack. Để ngừa máu đông có thể dùng aspirin mỗi ngày một viên để ngừa heart attack, tuy nhiên ngừa để cho thành động mạch không bị đóng mỡ cứng lại là vấn đề nan giải hơn cả. Vấn đề phòng ngừa thực sự quan trọng nhất.

Nhiếu yếu tố có thể làm tăng phần xác suất và nguy hiểm gây ra bệnh nghẻn động mạch tim. Trước hết là nếu lượng cholesterol trong máu qúa cao sẽ dễ gây bệnh này. Đo cholesterol và ăn uống cẩn thận để hạ cholesterol xuống thấp là điều cần. Áp huyết cao cũng là một yếu tố nguy hiểm, nếu huyết áp cao phải trị liệu để giữ xuống bình thường. Mập quá độ là điều phải tránh nếu muốn ngừa bệnh tim. Người bị bệnh tiểu đường cũng dễ bị nghẻn động mạch tim, nên phải ăn kiêng uống thuốc v.v… để giữ mức đường bình thường.

Hút thuốc lá làm tăng nguy hiểm về tim nên phải bỏ thuốc lá. Người nào trong gia đình có bố mẹ, anh chị em bị bệnh tim cũng dễ bị hơn nếu có giòng bệnh trong gia đình phải đặc biệt để ý các điều phòng ngừa trên và nếu có triệu chứng phải đi khám nghiệm cẩn thận ngay.

Tóm lại triệu chứng đau ngực trong câu hỏi của ông đặt ra cần được định bệnh chính xác để chữa trị sớm. Những biện pháp phòng ngừa cần phải thực hiện ngay. Bệnh nghẻn động mạch tim là một bệnh nặng có thể gây nhiều nguy hiểm nhưng hiện tại càng ngày càng được chữa trị hiệu quả hơn tại Hoa Kỳ.

frankie
12-03-2023, 07:47 AM
MÀNG PHỔI CÓ NƯỚC


HỎI:

Tôi năm nay 34 tuổi mới ở Việt Nam sang được 3 tháng. Gần đây tôi hay bị nóng sốt vào buổi chiều và ăn ngủ kém, bị sụt đi khoảng 5 ký. Ngoài ra thấy bị khó thở, hít mạnh hơi vào thấy đau bên lồng ngực. Tôi có đi chụp hình phổi và được cho biết có nước trong màng phổi. Xin bác sĩ cho biết màng phổi có nước như thế là do bệnh gì gây ra và chữa trị ra sao?

Vương Thị T.


ĐÁP:


Màng phổi có nước (pleural effusion) có thể do rất nhiều thứ bệnh khác nhau gây ra. Đối với một người sinh sống đã lâu ở Hoa Kỳ, nếu đi chụp hình phổi và thấy có nước trong màng phổi sẽ phải đi tìm nguyên nhân để chữa trị. Việc đi tìm lý do gây ra bệnh sẽ cần làm nhiều thử nghiệm để định bệnh chính xác.

Tuy nhiên để trả lời cho câu hỏi đầu bài, nếu một người Việt mới sang Hoa Kỳ được vài tháng và có những triệu chứng như đã tả: nóng sốt buổi chiều, sụt ký, hít hơi vào thấy đau lồng ngực và đi chụp hình phổi thấy có nước; điều đầu tiên phải nghi ngờ là bệnh lao phổi.

Bệnh lao phổi là nguyên nhân quan trọng nhất của chứng có nước trong màng phổi tại các xứ chậm tiến như Việt Nam. Tại Hoa Kỳ ít thấy chỉ trừ những trường hợp người bệnh là di dân mới nhập cảnh. Lý do có nước trong màng phổi là vì phản ứng loại siêu cảm hypersensitivity của màng phổi đối với chất đạm protein của vi trùng lao. Chụp hình phổi thường chỉ thấy có nước nhưng không thấy những dấu hiệu khác của lao phổi như phổi lủng lỗ cavities...

Vì thế định bệnh có thể khó khăn hơn bệnh lao phổi thường. Để biết rõ ràng hơn, sẽ cần phải hút nước trong màng phổi và thử nghiệm về lao với nước màng phổi như đo lượng adenosine deaminase, interferon gamma hay thử DNA cho vi trùng lao. Ngoài ra có thể cấy vi trùng hay làm biopsy màng phổi để xem dưới kính hiển vi.

Khi đã định bệnh được chính xác là lao, sẽ chữa trị như lao phổi thường với các thuốc INH, Rifampin, Ethambutol, Pyrazinamide. Đối với một người bệnh đã sinh sống lâu năm tại Hoa Kỳ và không có những triệu chứng để nghi là lao như trên, việc tìm nguyên nhân của chứng có nước trong màng phổi sẽ mất rất nhiều công phu để tìm hiểu đích xác căn nguyên.

Trước hết phải tìm hiểu xem nước trong màng phổi là loại nào: nước lỏng do thẩm thấu gọi là transudate, hay nước đặc do bài tiết gọi là exudate? Lý do phân biệt hai loại nước của màng phổi này quan trọng là vì loại nước lỏng transudate thường là bệnh ít nguy hiểm. Trái lại nếu là loại nước đặc exudate, có thể là những bệnh nặng.

Để phân biệt hai loại nước này, sẽ cần phải thử lượng chất đạm và lượng phân hóa tố lactic dehydrogenase LDH. Nếu tỷ lệ chất đạm của nước màng phổi trên mức chất đạm trong máu lớn hơn 0.5, hay tỷ lệ lượng LDH của màng phổi trên mức trong máu lớn hơn 0.6, đây là loại nước đặc exudate. Nếu thấp hơn là loại nước lỏng transudate.

Như vậy một người bệnh có nước trong màng phổi sẽ cần dùng kim để hút nước ra và phân chất như đã tả trên. Nếu là loại nước lỏng transudate, phần lớn trường hợp là do suy tim gây ra nước chạy vào màng phổi và sẽ cần chữa trị bằng cách uống thuốc lợi tiểu như Furosemide để làm giảm lượng nước và để làm khô nước trong màng phổi.

Dĩ nhiên bệnh suy tim sẽ cần phải tìm nguyên nhân tại sao suy tim và chữa trị với các thuốc khác. Một số ít trường hợp các bệnh như gan hay thận cũng có thể làm nước vào màng phổi và sẽ phải chữa trị tuỳ theo loại bệnh gan hay thận.

frankie
12-04-2023, 09:48 AM
Đối với trường hợp là loại nước đặc exudate, các nguyên nhân quan trọng nhất là: nhiễm trùng, ung thư và nghẹt mạch máu động mạch phổi (pulmonary embolism). Nếu hút nước màng phổi thấy là loại nước đặc exudate, có mức acid ph thấp hơn 7.20, lượng đường thấp hơn 60 mg%, sẽ phải nghi là nhiễm trùng.

Thử nghiệm về vi trùng sẽ định được bệnh và cần dùng trụ sinh để chữa. Nhiều trường hợp bị nhiễm trùng nặng và không chữa sớm, khi hút nước màng phổi sẽ thấy ra như mủ. Khi đó ngoài trụ sinh, sẽ cần phải đặt ống để dẫn mủ ra hoặc có thể phải giải phẫu.

Loại màng phổi nước đặc exudate quan trọng kế tiếp là ung thư. Thường sẽ cần định bệnh bằng cách xem dưới kính hiển vi thấy có tế bào ung thư trong nước đưọc hút ra hay không? Ngoài ra có thể phải cắt một miếng màng phổi để xem trực tiếp để tìm ung thư. Ung thư thường nhất gây ra chứng có nước trong màng phổi là ung thư phổi. Kế đó là ung thư vú, khi đã chạy đi khắp cơ thể và vào màng phổi. Sau cùng là ung thư hạch cũng có thể gây ra chứng có nước trong màng phổi.

Một loại ung thư khác đặc biệt xảy ra nơi những người bị nhiễm chất asbestos là ung thư mesothelioma, gây ra nước trong màng phổi. Những người này có thể hít thở chất asbestos hàng hai ba chục năm trước khi chất asbestos dùng trong kỹ nghệ xây cất chưa bị cấm, hay làm việc trong xưởng đóng tầu bè, hay như người Việt làm trước kia tại Hải quân công xưởng, có thể nhiễm chất asbestos. Sau một thời gian lâu, chất này đóng lại trong màng phổi sẽ gây ra chứng ung thư mesothelioma và gây ra có nước trong màng phổi. Loại ung thư này không chữa được và khi đã gây ra thành bệnh sẽ làm chết trong một thời gian ngắn.

Một nguyên nhân quan trọng khác làm có nưóc đặc exudate trong màng phổi là bệnh nghẹt động mạch phổi do cục máu đông chạy ở dưới chân lên. Trường hợp này khó định bệnh, phải chụp CAT scan hay chụp động mạch phổi mới biết được. Người bệnh không có triệu chứng nào khác ngoài chuyện bị khó thở. Tìm ra bệnh quan trọng vì chứng nghẹt động mạch phổi pulmonary embolism có thể làm chết nếu không chữa kịp thời. Cách chữa trị là dùng thuốc chích heparin và sau đó uống thuốc Coumadin để làm loãng máu.

Khoảng 20% trường hợp có nước loại đặc trong màng phổi dù làm đủ các loại thử nghiệm cần thiết cũng không kiếm ra được nguyên nhân. Tuy nhiên khi đã loại bỏ được các loại bệnh nguy hiểm như đã kể trên, các trường hợp này không cần chữa trị cũng tự biến mất, không để lại hậu quả quan trọng nào. Hầu hết các trường hợp này là do cực vi trùng gây ra có nước trong màng phổi. Khi cơ thể đã kháng cự diệt được các cực vi trùng này, màng phổi cũng theo đó khô lại và không còn nước trong màng phổi.

Tóm lại chứng màng phổi có nước có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Người Việt mới sang Hoa Kỳ nếu có nước trong màng phổi phải đi khám nghiệm về lao vì hay mắc bệnh này. Nếu đã ở Hoa Kỳ lâu sẽ cần làm nhiều thử nghiệm để tìm bệnh. Tìm hiểu nguyên nhân nào gây ra có nước trong màng phổi là điều quan trọng để biết đích xác bệnh và theo đó chữa trị cho đúng cách và có hiệu quả.

frankie
12-05-2023, 09:38 AM
KHÔ MIỆNG, KHÔ MẮT


HỎI:


Từ 3 tháng nay tôi cảm thấy hết sức khô miệng như không có chút nước miếng nào. Cổ họng tôi cũng bị khô và hay làm ho. Ngoài ra mắt tôi cũng hay bị xốn và thấy như không có nước mắt. Xin bác sĩ cho biết tôi bị chứng bịnh gì và chữa trị ra sao?

Trần Thị L.


ĐÁP:


Bệnh của bà là chứng khô miệng & khô mắt (xerostomia hay hợp chứng Sjogren) do các tuyến tiết ra nước bọt và nước mắt bị viêm và không làm việc điều hoà làm giảm các chất nước bọt và nước mắt gây ra chứng khô như bà đã tả.

Bệnh này tương đối khá thường thấy, hay xảy ra nơi người đàn bà và bắt đầu ở lứa tuổi ba bốn chục trở lên, tuy đa số những người già hay bị hơn. Nguyên nhân không được biết rõ tuy cơ chế gây ra bệnh là do những phản ứng về miễn nhiễm.

Những tiểu bạch cầu gọi là T-lymphocytes xâm nhập vào những tuyến ngoại tiết, thường nhất là các tuyến nước bọt ở quai hàm và tuyến lệ ở mắt. Sau một thời gian, các tuyến này bị viêm, gây ra những phản ứng mọc sợi và làm tuyến không hoạt động được nữa. Số lượng nước miếng hay nước mắt giảm hẳn hay gần như không có làm người bệnh thấy rất khô nơi miệng và mắt.

Ngoài các tuyến ngoại tiết trên, các cơ quan khác trong cơ thể cũng có thể bị các bạch cầu T-lymphocytes này tấn công gây ra các bệnh về thận, bệnh mạch máu.

Một số người có thể có chứng viêm mạch máu nhỏ ở ngón tay hay ngón chân về mùa đông, các ngón tay hay ngón chân bị tím lại, nhợt ra như không có máu, một lúc lâu sau đó sẽ đỏ lên và bị đau hay tê tay tê chân. Hiện tượng này gọi là Raynaud's phenomenon. Phần lớn những người bệnh này có các triệu chứng viêm khớp của bệnh phong thấp đi kèm.

Chứng khô miệng & khô mắt có thể xảy ra một mình hay đi chung với những bệnh phong thấp loại nặng như loại viêm khớp rheumatoid arthritis (30% trường hợp) hay bệnh lupus (10% trường hợp) nên khi bị chứng khô miệng, khô mắt thường nên thử nghiệm để xem có bị các chứng bệnh phong thấp loại nặng trên.

Ngoài ra cũng phải khám nghiệm và thử máu, thử nước tiểu để xem có bị những biến chứng nặng hơn như bệnh viêm thận hay viêm mạch máu.

Một số người bệnh có thể bị ảnh hưởng trên dây thần kinh gây ra các chứng như tê tay tê chân gọi là mononeuritis simplex. Một số ít người bệnh khoảng 10% trường hợp bị kèm thêm chứng sưng hạch, tuyến quai hàm sưng lớn như quai bị gọi là pseudolymphoma, rất hiếm khi xảy ra nhưng một số nhỏ các người này có thể biến ra dạng ung thư hạch lymphoma.

Một biến chứng khác cũng hay thấy là bệnh viêm tuyến giáp trạng ở cổ và có thể gây ra chứng thiếu kích thích tố về giáp trạng gọi là hypothyroidism và khoảng 10% trường hợp các người bệnh có thể sẽ phải dùng thêm kích thích tố giáp trạng để bồi bổ vì bị thiếu.

frankie
12-06-2023, 08:31 AM
Vấn đề định bệnh Sjogren hay bệnh khô miệng khô mắt tương đối giản dị. Nếu có những triệu chứng khô như trên và làm thử nghiệm biopsy, cắt một miêng nhỏ màng nhày bên trong môi dưới để xem tuyến nước bọt dưới kính hiển vi thấy có viêm là định bệnh được chính xác. Tuy nhiên trên thực tế, thử nghiêm biopsy ít được làm và nếu chứng khô miệng và khô mắt kéo dài hay làm thử nghiệm xác định nuớc mắt bị suy giảm gọi là Schirmer's test là đủ để định bệnh.

Một số người bị chứng sạn trong ống dẫn nước bọt của tuyến quai hàm (sialoadenitis) cũng thấy bị khô nước miếng nhưng thường bị sưng tuyến này lên như quai bị và làm đau nhiều nên cũng dễ phân biệt với bệnh Sjogren, làm khô cả miệng lẫm khô nước mắt.

Việc chữa trị về khô miệng khô mắt thực ra không có thuốc trị dứt được vì đây là bệnh loại miễn nhiễm, nếu chỉ bị chứng làm khô không thôi, các thuốc loại mạnh chữa về miễn nhiễm sẽ làm gây ra hại nhiều hơn lợi vì các phản ứng phụ của thuốc nên không được dùng.

Trị liệu chính là uống nước nhiều để đỡ khô, nhai kẹo chanh (loại dùng đường hoá học như Equal hay Nutrasweet) để kích thích tuyến nước bọt. Những người bệnh này hay bị sâu răng vì miêng thiếu nước bọt nên phải xúc miệng thường xuyên bằng nước xúc miệng có chất fluoride.

Trên mắt phải nhỏ thường xuyên nước mắt nhân tạo gọi là artificial tears, bán dưới tên Tears Naturale để đỡ khó chịu vì xốn do khô mắt. Mũi cũng dễ bị khô nên phải dùng thuốc xịt mũi bằng nước muối nasal saline spray.

Một số người bệnh bị khô miệng có thể dễ bị nhiễm loại nấm Candida nên nếu bị viêm cổ họng, viêm miệng vì loại nấm này phải dùng thuốc chữa nấm gọi là Nystatin để xúc miệng và diệt loại nấm Candida.

Tóm lại, chứng khô miệng khô mắt khá thông thường, hay xảy ra nơi người đàn bà đứng tuổi. Khi bị những triệu chứng này cần phải đi khám cẩn thận để xem có những bệnh quan trọng về viêm khớp, phong thấp loại nặng đi kèm hay không? Ngoài ra phải thử nghiệm để xem có các biến chứng trên các cơ quan trọng yếu như thận, mạch máu v.v..

Nếu không có các bệnh nặng đi kèm, chứng khô miệng khô mắt chỉ cần đưọc chữa bằng những phương pháp làm đỡ khô và kích thích hay thay thế các chất nước bọt hay nước mắt bằng các loại nước nhân tạo để làm giảm sự khó chịu và ngừa các hậu quả gây ra do việc thiếu nước miếng hay nước mắt

frankie
12-07-2023, 07:44 AM
NHIỄM TRÙNG NGOÀI DA


HỎI:

Da tôi rất độc, mỗi khi bị đứt tay hay bị trầy trụa đều làm độc và sưng lên có mủ. Ngoài ra móng chân cái tôi cũng hay làm độc, nếu không cắt sát, đầu móng chân cái dễ bị đau nhức và làm mủ. Xin bác sĩ cho biết da hay bị làm độc như vậy là tại sao và chữa trị cách nào?

Trần Văn T.


ĐÁP:


Chứng nhiễm trùng ngoài da như ông tả là do loại vi trùng Staphylococcus gây ra. Vi trùng này thường thấy sống trên da và nếu da bị trầy, bị đứt, vi trùng có thể xâm nhập và gây ra nhiễm trùng ngoài da.

Có 2 loại vi trùng Staphylococus. Một loại gọi là Staphylococcus coagulasenegative gồm có vi trùng S. epidermidis là vi trùng không gây ra bệnh trên người bình thường và được coi là loại vi trùng cơ hữu của mọi người ai cũng có (normal flora). Tuy nhiên vi trùng S. epidermidis có thể gây ra bệnh trên những người bị bệnh AIDS hay bị bệnh van tim và ghiền chích choác. Loại khác nữa là S. saprophyticus bình thường không gây bệnh tuy đôi khi có thể làm nhiễm trùng đường tiểu.

Loại vi trùng gây ra bệnh là loại Staphylococcus aureus, thường có ở trong cánh mũi người bình thuờng (70-90%) và từ đó sống ở trên da. Khi da bị đứt, bị trầy hay trên những người bị bệnh dị ứng da làm vi trùng dễ xâm nhập, vi trùng Staphylococcus sẽ xâm chiếm vào bên trong và sinh sôi nảy nở.

Cơ thể sẽ chống cự bằng cách cho các bạch cầu đa nhân ra ăn các vi trùng Staphylococcus. Nếu vi trùng quá nhiều, các bạch cầu đa nhân này sẽ chết và sẽ tạo ra mủ vàng, được bọc bằng một lớp sợi tạo ra túi mủ.

Nếu bị nặng, vi trùng có thể sẽ chạy ra ngoài các túi mủ và vào máu gây ra nhiễm trùng máu hoặc sẽ theo máu chạy đến xương làm nhiễm trùng xương như ở trẻ con, làm nhiễm trùng phổi, thận, van tim, gan, lá mía hay có thể chạy vào óc làm mủ trong óc.

Phần lớn các trường hợp và ở người bình thường không bị những bệnh nặng hay kinh niên như tiểu đường, AIDS, hay các bệnh làm suy yếu cơ thể khác, vi trùng Staphylococcus aureus chỉ ở ngoài da gây ra nhiễm trùng da.

Vi trùng này xâm nhập các lỗ chân lông hay tuyến mồ hôi dưới da gây ra các bọc mủ như ở nách, ở háng, hay trên mặt, cổ, lưng...Nhiều người hay bị nhiễm trùng ở móng chân vì móng mọc ngược đâm sâu vào thịt, đi đứng va chạm ngón chân cái hay cắt không khéo sẽ làm nhiễm trùng và làm mủ ở ngón chân.

Loại vi trùng Staphylococcus aureus hầu hết kháng lại thuốc trụ sinh Penicillin nên khi bị nhiễm trùng da, dùng Penicillin hay Ampicillin hoặc Amoxicillin đều không có hiệu quả. Để trị nhiễm trùng da do vi trùng này phải dùng trụ sinh có chất chống lại với các phân hoá tố Penicillinase của vi trùng như Dicloxacillin, Methicillin.

Những người bị phản ứng với Penicillin không dùng được các loại trụ sinh như Dicloxacillin sẽ phải dùng loại khác như Erythromycin, Clarithromycin tuy hiệu quả ít hơn. Nếu bị làm mủ bọc lớn sẽ phải rạch mủ và dẫn mủ ra mới hết bệnh được.

Hiện nay rất nhiều trường hợp vi trùng Staphylococcus đã kháng thuốc với loại Methicillin gọi là MRSA (methicillin-resistant Staphylococcus aureus), phải dùng loại thuốc Clindamycin, Bactrim hay thuốc mới là mới là Linezolid bán dưới tên thương mại là Zyvox loại 400 hay 600mg, uống ngày 2 lần trong 2 tuần mới trị được vi trùng kháng thuốc này.

frankie
12-08-2023, 10:09 AM
Điều nguy hiểm với nhiễm trùng da do Staphylococcus aureus là những biến chứng quan trọng như vi trùng chạy vào mạch máu, vào van tim, vào phổi, vào xương. Chữa trị những biến chứng này rất khó khăn và cần phải vào bệnh viện vì đây là những bệnh nặng làm chết được và cần phải truyền thẳng trụ sinh vào máu để chữa rất lâu, có thể cả tháng trời hay hơn nữa.

Ngoài việc gây ra bệnh trực tiếp do vi trùng xâm nhập, Staphylococcus còn có thể gây ra bệnh bằng độc tố (toxin). Thí dụ như nhiễm độc do đồ ăn để dơ có vi trùng Staphylococcus sinh sôi trong đồ ăn và tiết ra độc tố lẫn vào đồ ăn gọi là food poisoning. Nếu ăn phải những đồ này sẽ bị ói mửa rất nhanh trong vòng từ 2 đến 6 tiếng và bị tiêu chảy. Những người bị nặng có thể phải truyền nước biển để thay thế cho số lượng nuớc bị mất. Vì do độc tố gây ra nên trụ sinh không có hiệu quả. Thường chỉ bị trong vòng vài tiếng hay một hai ngày sẽ tự khỏi.

Một loại độc tố khác do vi trùng Staphyloccus gây ra nguy hiểm hơn nhiều và có thể gây chết người được. Loại độc tố này gọi là TSST-1 có thể xảy ra nơi một số người đàn bà khi có kinh nguyệt dùng những loại bông nhét tampons để lâu và bị nhiễm một loại vi trùng Staphylococcus độc. Khi bị độc tố TSST-1 do vi trùng này tiết ra xâm nhập vào máu, người bệnh có thể bị kích xúc, làm suy thận, làm đông máu... và có thể gây ra chết được. Hiện nay, các loại tampons dễ gây ra độc tố của vi trùng Staphylococcus đã bị cấm bán trên thị trường. Tuy nhiên chứng bệnh do độc tố này vẫn còn xảy ra và nguy hiểm nên đàn bà khi có kinh nên tránh dùng các loại tampons nhét và để lâu để ngừa chứng bệnh do độc tố của vi trùng này.

Về vấn đề phòng ngừa bệnh, vi trùng Staphylococcus sống thường xuyên trên da nên giữ vệ sinh da là điều quan trọng. Truyền nhiễm vi trùng này do tay bẩn nên cần phải rửa tay thường xuyên. Các bệnh ngoài da như mụn mặt, trứng cá nên chữa trị tránh cho vi trùng có chỗ xâm nhập và sinh sôi nảy nở. Khi bị đứt tay, trầy tay nên dùng các kem sát trùng như Neosporin, Bactroban để trị và ngừa. Nhiều người hay bị lở mũi và dễ bị nhiễm trùng nên dùng kem sát trùng như Bactroban để bôi mũi.

Những người bị dị ứng da nên chữa dị ứng để tránh da bị quá khô hay bị lở do dị ứng làm vi trùng xâm nhập. Móng chân nếu hay bị đâm vào thịt nên cắt kỹ lưỡng bằng các loại kéo đặc biệt nail clippers để đỡ nhiễm trùng do móng chân. Ngoài ra những người hay bị nhiễm trùng thường quá có thể phải đi khám nghiệm kỹ lưỡng và làm thử nghiệm đầy đủ để xem cơ thể có bị suy yếu về miễn nhiễm dễ gây ra nhiễm trùng. Những bệnh về miễn nhiễm định bệnh tương đối phức tạp nên cần phải khám chuyên môn để tìm bệnh được chính xác và chữa trị hiệu quả.

frankie
12-09-2023, 08:16 AM
NGỪA UNG THƯ


HỎI:

Tôi năm nay 42 tuổi, trước giờ vẫn khỏe mạnh không bệnh hoạn gì. Tuy nhiên tôi lo ngại vì gia đình tôi có nhiều người chết vì ung thư. Ba tôi chết ở Việt Nam vì ung thư phổi. Má tôi chết vì ung thư tử cung. Gần đây chú ruột tôi chết ở Hoa Kỳ vì ung thư gan. Người anh cả tôi cũng mới phải vào nhà thương mổ vì ung thư ruột già. Xin bác sĩ cho biết bệnh ung thư có di truyền không và tôi phải làm gì để ngừa ung thư. Tôi có hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, khoảng chừng một bao mỗi ngày và cuối tuần hay nhậu với bạn bè, uống cỡ 5, 6 lon bia mỗi cuối tuần.

Trương B. T.


ĐÁP:


Ung thư là bệnh gây ra chết đứng hàng thứ hai tại Hoa Kỳ sau các bệnh về tim và mạch máu như nghẽn động mạch tim (heart attack) và đứt mạch máu đầu (stroke). Thống kê cho thấy mỗi năm tại Hoa Kỳ có 1 triệu 200,000 người khám phá ra bị ung thư và hơn 550,000 người sẽ chết vì ung thư mỗi năm. Người Việt sang Hoa Kỳ tương đối tuổi thọ tăng cao hơn ở Việt Nam nên chết vì ung thư cũng thấy nhiều hơn.

Ung thư xảy ra do các tế bào phát triển vô tổ chức và không được ngăn chặn. Sự phát triển bất thường này là do tổn hại trên một số các đặc tính di truyền (genes) trong nhân tế bào. Trung bình, ung thư bắt đầu khi tổn hại xảy ra trên 5 đến 10 genes. Việc xác định mỗi người có bị ung thư hay không tùy thuộc vào ảnh hưởng hỗ tương giữa di truyền và môi trường ngoại giới.

Thí dụ một người sinh ra có bản chất di truyền dễ bị ung thư phổi. Tuy nhiên nếu người này không hút thuốc lá, sẽ không bị bệnh. Nếu hút thuốc, tác dụng của thuốc lá sẽ gây ra ung thư phổi sớm và độc hại hơn và người này sẽ bị ung thư phổi sau một thời gian dài hút thuốc.

Có hai loại genes gây ra ung thư. Một loại gọi là oncogenes, làm tế bào phát triển tối đa. Loại khác gọi là suppressor genes có tác dụng ngăn chặn. Nếu thiếu loại genes này hay genes bị thay đổi, tế bào phát triển không được ngăn cản sẽ gây ra ung thư.

Những bệnh ung thư hay xảy ra vì loại suppressor genes này là ung thư vú, buồng trứng, nhiếp hộ tuyến (prostate) do các genes đặt tên là BRCA1 và BRCA2. Ung thư ruột già do các loại genes tên là APC, PMS1 hay PMS2. Hiện nay, rất nhiều loại genes khác được biết gây ra ung thư và có thể dùng những thử nghiệm để xác định một người có loại genes nào và trong tương lai có thể sẽ bị loại ung thư nào!

Như vậy để trả lời câu hỏi của ông Trương B.T., một số bệnh ung thư có thể do di truyền, đặc biệt như ung thư vú, buồng trứng, tuyến đường tiểu hay nhiếp hộ tuyến (prostate), ung thư ruột già. Tuy nhiên tỷ lệ những người bị các ung thư này do di truyền gây ra cũng chỉ là một phần nhỏ. Đa số thường không có tính cách di truyền rõ rệt.

Ngoài ra một số lớn bệnh ung thư được biết rõ ràng do tác dụng ngoại giới gây ra. Quan trọng nhất là thuốc lá. Hút thuốc một bao mỗi ngày trong 10 năm sẽ làm tăng tỷ lệ dễ bị ung thư phổi lên gấp 10 lần người bình thường. Đa số những người bị ung thư phổi đều đang hay đã hút thuốc trước kia với tỷ lệ là 85%.

Vì thế về nguyên nhân ngoại giới gây ra ung thư, thuốc lá có thể nói đứng hàng đầu! Ngoài ung thư phổi, thuốc lá còn hay gây ra một số ung thư khác: ung thư đầu và cổ, ung thư thực quản, ung thư bọng đái, ung thư tụy tạng (pancreas), ung thư máu. Những nguy hiểm về thuốc lá gây ra ung thư đã được xác định rõ ràng nên việc đầu tiên phải làm để ngừa ung thư như trường hợp ông Trương B.T. là lập tức bỏ ngay thuốc lá và khi đã bỏ, cương quyết không bao giờ hút lại nữa.Để giúp cho việc bỏ thuốc lá dễ dàng hơn, có thể dùng những loại kẹo có nicotine như Nicorette, thuốc dán như Nicoderm, Habitrol, hoặc có thể dùng thuốc loại an thần như Zyban để giúp cai thuốc.

Uống rượu nhiều cũng có thể gây ra ung thư. Hai loại ung thư hay thấy nơi người ghiền rượu là ung thư thực quản và ung thư đầu cổ. Vì thế hai loại này hay thấy nơi người vừa ghiền rượu vừa ghiền thuốc lá! Ngoài ra, đàn bà uống rượu nhiều cũng có thể dễ bị ung thư vú hơn.

frankie
12-10-2023, 01:23 PM
Một số bệnh nhiễm trùng có tác dụng dễ gây ra ung thư. Bệnh ung thư cổ tử cung của đàn bà thường do cực vi trùng gọi là HPV (human papilloma virus) gây ra. Cực vi trùng HPV này cũng gây ra mụt cóc ở bộ phận sinh dục.

Ung thư cổ tử cung cũng hay thấy hơn nơi những người có giao tiếp tính dục sớm, với nhiều người khác nhau. Thường cực vi trùng HPV gây ra ung thư làm thay đổi rất chậm, nên phương cách ngừa làm Pap smears để xem tế bào cổ tử cung thay đổi sẽ làm phát hiện bệnh sớm và giải phẫu ngay để ngừa bệnh rất hữu hiệu.

Loại cực vi trùng khác làm dễ gây ra ung thư là cực vi trùng Epstein-Barr virus. Đặc biệt nơi người Á Châu, nhất là người gốc Tàu ở vùng Quảng Đông hay bị loại ung thư cổ họng gọi là nasopharyngeal carcinoma do cực vi trùng Epstein-Barr. Cực vi trùng này cũng gây ung thư hạch gọi là Burkitt's lymphoma và những người ghép thận phải dùng thuốc chống miễn nhiễm cũng hay bị ung thư hạch do cực vi trùng này.

Hai loại cực vi trùng viêm gan B và C, thấy rất nhiều nơi người Viêt Nam, cũng dễ gây ra ung thư gan. Tỷ lệ người Việt bị ung thư gan khá cao, nguyên nhân vì khoảng 20% dân số người Việt đều có một hay cả 2 loại cực vi trùng viêm gan B và C này trong máu. Hơn nữa, nếu đã bị nhiễm cực vi trùng viêm gan lại còn uống rượu, sẽ bị bệnh viêm gan nặng hơn rất nhiều và dễ đi đến ung thư gan hơn. Vì thế, việc đầu tiên phải làm cho những người có cực vi trùng viêm gan trong máu là phải lập tức bỏ rượu, bia hoàn toàn và đi chữa trị bệnh viêm gan để ngăn ngừa ung thư gan sau này.

Một loại ung thư hay thấy nơi người Á Châu nói chung và người Việt nói riêng là ung thư bao tử. Hiện nay, phần lớn bệnh ung thư bao tử được biết là do vi trùng Helicobacter pylori gây ra.

Vi trùng này làm viêm bao tử (gastritis), làm loét bao tử (ulcer), và dễ làm gây ra ung thư bao tử. Vì thế, để ngừa bệnh ung thư bao tử, cần phải thử nghiệm để xem có vi trùng này không và nếu có, cần uống thuốc gồm hai loại trụ sinh (Biaxin và Amoxil) và một loại chống acid (Prilosec hay Prevacid) để diệt loại vi trùng này.

frankie
12-11-2023, 07:36 AM
Vấn đề ngừa ung thư cho một cá nhân như vậy tùy thuộc vào loại ung thư nào dễ xảy ra cho cá nhân đó. Như trường hợp người hút thuốc lá, ung thư quan trọng nhất cần phải ngừa là ung thư phổi. Những việc cần phải làm là: - Bỏ thuốc lá ngay. - Chụp hình phổi. Nếu có dấu hiệu nào bất thường, sẽ cần làm thêm những thử nghiệm khác. Nếu bình thuờng, cần có hình phổi để theo dõi và so sánh trong tương lai.

Để ngừa ung thư gan, cần phải thử máu để xem có cực vi trùng viêm gan B và C hay không. Nếu có, cần làm siêu âm hay chụp gan bằng CAT scan để xem có bướu trong gan hay không. Thử máu đo lượng alpha-fetoprotein để xem mức hoạt động của tế bào ung thư gan nếu có.

Ngừa ung thư bao tử bằng cách thử máu về vi trùng H. pylori như đã nói trên. Nếu có, cần uống thuốc để diệt vi trùng này. Soi bao tử nếu có triệu chứng để tìm bệnh.

Ung thư ruột già: nên khám hậu môn và thử phân mỗi năm tìm xem có máu trong phân hay không gọi là stool guaic test. Soi ruột già bên trái bằng ống soi ngắn gọi là flexible sigmoidoscopy hay soi toàn thể ruột già gọi là colonoscopy. Nếu có bướu gọi là polyps, cần cắt bỏ vì polyps để lâu sẽ dễ biến thành ung thư. Ngừa ung thư ruột già bằng cách bỏ thuốc lá và bỏ rượu bia, ăn nhiều rau, trái cây có nhiều fibers. Ăn giảm mỡ, thịt. Uống thuốc giảm đau loại chống viêm có thể giúp ích cho việc ngừa ung thư ruột già.

Ung thư nhiếp hộ tuyến (prostate): khám nghiệm qua ngả hậu môn để xem có tuyến lớn hay không? Đo lượng PSA (prostate specific antigen) trong máu. Siêu âm hay làm biopsy nếu lượng này cao.

Ung thư cổ tử cung: cần làm Pap smear. Ung thư này có thể xảy ra ở người trẻ nên cần phải làm Pap smear từ năm 18 tuổi trở đi. Nếu làm 3 lần trong 3 năm đều bình thường, có thể làm thưa đi, mỗi ba năm một lần vì loại ung thư này mọc rất chậm. Tuy nhiên nếu thuộc loại người dễ bị, cần phải làm Pap smear mỗi năm (như có chồng sớm, giao tiếp tính dục với nhiều người, hút thuốc lá, tầng lớp xã hội thấp)

Ung thư vú: cần đi chụp hình vú mammogram. Lứa tuổi từ 50 đến 69 tuổi cần chụp mammogram cứ mỗi năm hay hai năm. Tuổi từ 40 đến 49 có thể nên chụp hay không chụp nhưng nếu gia đình có mẹ hay chị em gái bị ung thư vú, cần đi chụp sớm và chụp mỗi năm. Nếu gia đình có người bị, có thể nên thử nghiệm về di truyền để xem có gene BRCA hay không?

Ung thư buồng trứng: có thể dùng siêu âm hay thử máu gọi là CA-125 để tìm ung thư buồng trứng, nhưng vì có nhiều thử nghiệm dương sai lạc nên chưa được chính thức dùng thường xuyên.

Tóm lại, vấn dề phòng ngừa bệnh ung thư cần tuỳ thuộc mỗi cá nhân và tuỳ đàn ông hay đàn bà, tuổi tác, cũng như trong gia đình có nhiều người bị ung thư không hay loại ung thư nào.

Tuy nhiên, điều căn bản là phải loại trừ những nguyên nhân ngoại giới tai hại như hút thuốc lá, nghiện rượu quá độ, chữa trị những chứng bệnh nhiễm trùng như viêm gan, vi trùng trong bao tử... Ngoài ra, cần phải đi khám tổng quát mỗi năm cũng như làm những thử nghiệm cần thiết để tìm ra bệnh sớm và chữa trị ngay nếu có bệnh.

frankie
12-12-2023, 10:06 AM
THỞ QUÁ NHANH


HỎI:

Tôi hay bị chứng thở quá nhanh. Cứ khi nào tức giận hay buồn phiền lo âu chuyện gì tôi thấy khó thở phải thở nhanh và cảm thấy như bị ngộp. Nhiều khi tay chân thấy bị tê và cứng lại, phải thoa bóp hàng giờ mới hết. Xin bác sĩ cho biết bệnh này như thế nào và chữa trị ra sao?

Nguyễn thị L.


ĐÁP:


Chứng thở nhanh như bà tả rất thường thấy. Phần lớn do vấn đề tâm lý gây ra, tuy đôi khi chứng thở nhanh có thể do một số bệnh quan trọng như bệnh phổi, bệnh tim...Trung tâm điều khiển sự hô hấp ở phần cuống của não bộ gọi là brainstem và bình thường trung tâm này hoạt động môt cách tự động nên chúng ta không ý thức đến việc hô hấp.

Trong trường hợp những người dễ bị kích thích về tâm lý, khi có những cảm xúc mạnh như tức giận hay ở trạng thái hoảng hốt, lo âu, buồn phiền, tác dụng ngăn chận của phần vỏ não bộ (cortex) trên trung tâm hô hấp bị giảm thiểu gây ra kích thích trên trung tâm điều khiển nhịp hô hấp. Kết quả người bệnh thở rất nhanh gọi là hyperventilation và gây ra những triệu chứng do tác dụng của sự suy giảm áp xuất của chất thán khí (CO2) trong máu.

Mức áp xuất của chất thán khí trong máu bình thường ở mức từ 37 đến 43 mm thủy ngân. Khi mức này xuống dưới độ bình thường sẽ làm kiềm tính trong máu tăng lên (alkalosis) và gây ra những triệu chứng như thấy chóng mặt, mắt hoa, thấy muốn xỉu.

Ngoài ra, kiềm tính trong máu sẽ làm mức lượng chất vôi calcium trong máu xuống thấp. Khi chất calcium hạ thấp, các bắp thịt có thể làm co thắt. Người bệnh thấy tay chân như cứng đờ, bàn tay bàn chân co quắp. Tình trạng này càng làm người bệnh sợ hãi và hoảng hốt thêm.

Kết quả là một vòng lẩn quẩn. Chứng thở nhanh bắt đầu do một kích thích tâm lý như đã nói ở trên, thở nhanh thấy càng làm khó thở và ngộp, cộng thêm thấy mắt hoa, đầu váng như muốn xỉu, rồi tay chân tê dại, cứng ngắc không cử động được vì bàn tay bàn chân co quắp.

Người bệnh càng sợ thêm và càng sợ lại càng thở nhanh, càng làm mất chất thán khí trong máu và càng tăng thêm triệu chứng. Kết quả nếu không biết những triệu chứng trên chỉ do vấn đề kích thích tâm lý gây ra, người bệnh có thể phải đưa vào phòng cấp cứu nhà thương vì sợ bị bệnh tim hay các bệnh nặng khác. Tuy nhiên, nếu thử nghiệm, các trường hợp bệnh này chỉ thấy có mức áp xuất của thán khí trong máu giảm và mọi thử nghiệm khác đều bình thường.

Khi được giải thích rõ, phần lớn các trường hợp bệnh nhân sẽ ý thức được nguyên nhân chỉ vì thở quá nhanh và tự bắt mình thở chậm dần lại sẽ làm các triệu chứng trên giảm dần và chấm dứt.

frankie
12-13-2023, 08:33 AM
Để cho kiềm tính trong máu và áp xuất thán khí trong máu trở lại bình thường, một cách chữa rất giản dị là thở trong một túi giấy. Người bệnh có thể lấy một túi giấy lớn như túi giấy đựng đồ đi chợ và chụp túi giấy này phủ kín lên mũi và miệng của mình và thở trong túi giấy này một lúc.

Khi thở như thế, lượng thán khí thở ra trong túi giấy sẽ làm mức lượng chất này trong không khí thở vào tăng lên và thở một lúc sẽ làm kiềm tính trong máu trở lại bình thường nhanh chóng. Thông thường chỉ thở vài phút trong túi giấy như thế sẽ thấy tay chân hết tê và hết co quắp. Các triệu chứng khác cũng sẽ biến đi nhanh chóng và với mức thở chậm dần lại, mọi sự sẽ trở lại trạng thái bình thường.

Một số bệnh quan trọng có thể gây ra chứng thở nhanh, tuy nhiên các bệnh này đều có những triệu chứng khác riêng biệt của bệnh đó đi kèm. Thí dụ như suy tim (heart failure), sưng phổi, bị nghẹt động mạch phổi (pulmonary emboli), bị suy gan, suy thận, tiểu đường biến chứng gây acid trong máu (acidosis)...

Triệu chứng thở nhanh có thể thấy trong các bệnh nặng và quan trọng này, tuy nhiên người bệnh đều bị khó thở khi đi lại nhiều hay phải dùng sức. Ngược lại, người bệnh thở nhanh do tâm lý thấy thở nhanh và khó thở lúc nghỉ và những triệu chứng tâm lý đều hiển hiện rõ ràng, như thở dài luôn miệng, hay khóc lóc...

Một số các bệnh nhân bị chứng thở nhanh kinh niên dù đã ý thức được các triệu chứng của mình chỉ do tâm lý, đôi khi cần phải chữa trị về tâm thần nếu bị nặng. Các loại thuốc an thần hay chữa về lo âu như Xanax có thể phải dùng để bớt những cơn lo âu làm gây ra chứng thở nhanh tái đi tái lại. Những bệnh về tâm thần quan trọng hơn cần phải chữa trị về chuyên khoa tâm thần.

Tóm lại chứng thở nhanh rất thường thấy, đặc biệt nơi người đàn bà dễ bị kích thích về tâm lý. Tuy phải phân biệt để loại trừ các trường hợp do bệnh nặng và quan trọng gây ra. Chứng thở nhanh chữa trị tương đối giản dị khi người bệnh ý thức được những triệu chứng gây ra chỉ có tác động tạm thời và không nguy hiểm.

Nếu bị những chứng tê tay chân, bắp thịt co rút, cứng tay chân, có thể phải dùng phương pháp thở vào túi giấy một thời gian ngắn để làm tăng lượng thán khí trong máu và làm giảm kiềm tính của máu để giải trừ các triệu chứng trên.

frankie
12-14-2023, 10:20 AM
NHIỄM TRÙNG KHOANG MŨI


HỎI:

Tôi gần đây bị chứng nhức đầu kèm theo với nghẹt mũi nặng. Đôi khi bị thấy nóng lạnh. Nước mũi chảy ra màu vàng có mùi hôi. Tôi uống những thuốc cảm thường bán ngoài chợ không thấy bớt. Xin cho biết bệnh như vậy có nặng không và cần phải chữa trị ra sao?

Nguyễn thị L.


ĐÁP:


Những triệu chứng bệnh kể trên của bà là do nhiễm trùng khoang mũi gây ra. Bệnh này thường xảy ra khi bị cảm cúm do cực vi trùng hoặc do dị ứng làm sưng màng nhầy của mũi chảy xuống mũi.

Hệ thống khoang mũi ở trên mặt gồm hai khoang của xương gò má (maxillary sinus), hai khoang cánh mũi ở phần giữa mắt và mũi (ethmoid sinus), hai khoang trán ở ngay giữa trán (frontal sinus), hai khoang ở gần tai (sphenoid sinus). Các khoang này tiết ra chất nhờn và ăn thông chảy xuống hốc mũi. Khi bị ngăn trở đường lưu thông vì những lý do kể trên, vi trùng dễ xâm nhập vào khoang mũi và làm nhiễm trùng.

Các loại vi trùng thường gây ra bệnh là Streptococcus Pneumoniae, Streptococcus Pyogenes và Hemophilus influence. Các vi trùng này xâm nhập vào khoang mũi gây ra nóng sốt, đau nhức ở vùng khoang mũi, nhức đầu dữ dội, uống thuốc chống đau thường không bớt. Thường làm mủ trong khoang mũi nên nước mũi chảy ra có màu vàng, xanh và hôi.

Để lâu không chữa, nhiễm trùng khoang mũi có thể gây nhiều biến chứng như nhiễm trùng xương trán (osteomyelitis) vá sưng màng óc (meningitis) rất nguy hiểm. Một số trường hợp nhiễm trùng khoang mũi không chữa hoặc chữa trị không đúng cách sẽ trở thành kinh niên. Phần lớn các người bị nhiễm trùng khoang mũi kinh niên thường có bệnh dị ứng và hay bị nghẹt mũi kinh niên.

Chữa trị nhiễm trùng khoang mũi phải dùng trụ sinh. Các vi trùng loại Streptococcus thường dễ chữa và có thể dùng trụ sinh thường như Ampicillin, tuy nhiên vi trùng loại Hemophilus thường hay kháng thuốc và phải dùng những loại trụ sinh mạnh hơn như Ceclor, Augmentin, Ceftin, Clarithromycin v.v… Các loại thuốc làm co mạch máu như Sudafed, Entex v.v… cũng giúp ích cho việc làm bớt sưng và các chất nhờn trong khoang mũi được bài tiết xuống mũi dễ dàng hơn. Một số trường hợp bị nặng có thể phải giải phẫu để hút bớt mủ và để thông khoang mũi mới khỏi hẳn được.

frankie
12-15-2023, 10:04 AM
KHÓ THỞ


Hô hấp là công việc tự nhiên của cơ thể do đó trong việc thở hít bình thường, chúng ta không có ý thức, hay nói cách khác không để ý đến. Khi làm việc nặng, dùng sức, chúng ta có thể thấy thở nhanh và nhiều hơn, tuy nhiên người khoẻ mạnh bình thường sẽ không thấy khó chịu.

Khó thở xảy ra khi nào làm việc gì quá nặng, quá sức hoặc bị bệnh dù không làm việc gì hay làm việc nhẹ cũng luôn cảm thấy ý thức sự khó khăn trong việc thở hít Như vậy khó thở là một triệu chứng chủ quan và thay đổi tùy từng người. Nhiều người bị bệnh nặng nhưng không than phiền về khó thở mấy. Trái lại, nhiều người bệnh ít không đáng kể nhưng cảm thấy khó thở làm khó chịu rất nhiều.

Thường triệu chứng khó thở hay được mô tả như không đủ không khí, hít vào không đủ, cảm thấy nghẹt, ngực nặng thở không vô, mệt ngực …v..v..Cách diễn tả rất nhiều và trình độ cũng khác nhau. Khó thở có thể xảy ra thường trực, lúc nào cũng có cảm giác khó thở hoặc khó thở xảy ra đột ngột.

Ngoại trừ vì tâm lý, khó thở xảy ra bất thường, đột ngột hay do những bệnh nặng, nguy hiểm gây ra, đôi khi phải cấp cứu Khó thở ở nhiều người có thể hay xảy ra về ban đêm, đang ngủ làm thức giấc và cảm thấy khó thở. Đây là một trong những triệu chứng của bệnh tim. Ngoài ra nhiều người bị khó thở khi nằm, phải ngồi dậy để thở. Hiếm hơn là trường hợp một số ít người chỉ bị khó thở khi nằm nghiêng bên phải hay bên trái, cũng hay do bệnh về tim gây ra.

Tại sao bị khó thở? Khó thở xảy ra khi các bắp thịt hô hấp phải làm việc nhiều hơn thường lệ để có được mức hô hấp cần thiết cho cơ thể. Ý thức được sự khó thở xảy ra khi não bộ nhận biết những tín hiệu về sự kích thích quá đáng hay bất thường của trung tâm điều khiển sự hô hấp nằm trong khu vực hành tủy.

Các sự kích thích gây ra triệu chứng khó thở thường bắt nguồn từ những vùng cảm nhận gọi là receptors ở trong phổi qua giây thần kinh số 10, hoặc các giây thần kinh cảm giác từ các bắp thịt sườn, hoành cách mô là những bắp thịt hô hấp.

Những bệnh nào gây ra khó thở? Khó thở là triệu chứng của các bệnh về phổi, các bệnh về tim và sau cùng là bệnh về tâm lý. Như vậy có thể rất nhiều thứ bệnh khác nhau của các cơ quan trên gây ra khó thở. Việc tìm hiểu đích xác do bệnh nào phải cần khám nghiệm và thử nghiệm để định bệnh.


1- Khó thở do các bệnh phổi gầy ra.

Bệnh phổi thường nhất gây ra khó thở là suyễn. Suyễn làm khó thở lúc thở ra vì đường khí quản bị co thắt, nghe phổi sẽ có tiếng khò khè ở giai đoạn thở ra.

Sưng cuống phổi kinh niên cũng gây ra khó thở, bệnh nở cuống phổi gọi là bronchiectasis gây ra khó thở và khạc đàm nhiều. Những người hút thuốc lá quá nhiều bị chứng trương phình phổi gọi là emphysema cũng bị khó thở vì suy nhược hô hấp.

Khó thở cũng có thể do bị nghẹt đường hô hấp phía trên. Quan trọng và nguy hiểm là những trường hợp bị sặc, đồ ăn chạy vào khí quản làm nghẽn, gây ra không thở được, phải cấp cứu. Hoặc có những trường hợp bị sưng và phù lưỡi gà do dị ứng gây ra, làm nghẹt đường thở, cũng phải cấp cứu.

Ngoài ra các bệnh phổi do nhiễm trùng như sưng phổi, lao …v..v.. hoặc ung thư phổi cũng gây ra khó thở. Những bệnh nặng và nguy hiểm khác còn có những trường hợp cục máu chạy lên mạch máu phổi làm nghẹt động mạch phổi, gây khó thở và nhiều biến chứng tai hại khác.

frankie
12-16-2023, 09:37 AM
2 - Khó thở do bệnh tim gây ra.


Các bệnh tim gây ra khó thở vì lý do suy tim sẽ làm cho áp suất trong các vi quản của mạch máu phổi tăng lên và làm nước dồn từ máu vào chỗ giữa các mô tế bào phổi làm phù.

Những bệnh về van tim như nghẹt van tim, hở van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh nghẹt động mạch tim. . . đều có thể gây ra suy tim và gây triệu chứng khó thở. Khó thở do bệnh tim thường xảy đến từ từ. Đi bộ nhiều bắt đầu cảm thấy khó thở, leo cầu thang một hai lầu là khó thở.

Tình trạng nặng hơn, không làm gì cũng cảm thấy khó thở, nhiều khi phải ngồi mới thở được, hoặc khi đi ngủ phải nằm hai ba gối mới dễ thở và ngủ được. Triệu chứng nặng hơn nữa là khi đang ngủ bị khó thở rất nặng phải ngồi dậy thở, thường có khi bị phù phổi, có nước làm thở không được và nguy hiểm đến tính mạng.

Phân biệt khó thở do bệnh phổi hay bệnh tim thường dễ dàng với các triệu chứng khác đi kèm, tuy nhiên đôi khi ở giai đoạn đầu, có thể khó phân biệt. Những trường hợp này phải làm thử nghiệm như đo hô hấp phổi gọi là pulmonary function study hay làm những thử nghiệm về tim như đo siêu âm tim, dùng chất phóng xạ chụp hình và đo mức làm việc của tim gọi là radionuclide ventriculography để phân biệt bệnh tim hay phổi và định bệnh chính xác là bệnh gì.


3 - Khó thở do tâm lý.

Khó thở do tâm lý rất thường thấy. Thường do lo âu quá đáng (anxiety neurosis) hay buồn phiền quá độ. Chứng thở nhanh do tâm lý bị xúc động gọi là hyperventilation hay gây ra cảm giác khó thở nặng, làm sợ hãi hơn nữa và càng thở nhanh hơn.

Thường khó thở do thở nhanh này hay làm tê tay tê chân. Lý do là thở nhanh quá, trong máu bị thiếu chất thán khí C02 và gây tính kiềm trong máu làm tê tay, chân hay cứng tay cứng chân.

Khó thở do tâm lý thường làm phải hít những hơi thật dài, tuy nhiên ngoài ra không có triệu chứng gì khác và khám nghiệm hay làm thử nghiệm định bệnh cũng không thấy có bệnh gì. Khó thở do tâm lý thấy nhiều ở người đàn bà hơn đàn ông và có thể đi kèm với những dấu hiệu của rối loạn tâm lý khác.

Khi bị khó thở phải làm gì?

Những trường hợp nặng bị khó thở đột ngột, cấp tính, thường là những bệnh nguy hiểm cần phải đưa vào nhà thường cấp cứu ngay. Thí dụ như bị phù nước trong phổi, suyễn nặng cấp tính, bị nghẹt đường khí quản do vật lạ rơi vào hoặc sưng phù lưỡi gà gọi là glottis edema chặn đường thở v.v. . .

Khó thở từ từ, càng ngày càng bị nhiều, có thể do bệnh tim, bệnh phổi cần phải đi khám nghiệm và làm thử nghiệm để định bệnh và chữa trị tùy theo đó. Chỉ khi nào khám kỹ lưỡng không thấy các bệnh như đã nếu ở phần trên mới có thể cho là khó thở do tâm lý.

Tóm lại, khó thở là một triệu chứng quan trọng báo hiệu một bệnh thường là về bệnh tim hay bệnh phổi cần phải được lưu ý. Sự chữa trị tùy thuộc vào tìm nguyên nhân đích xác để trị liệu cho đúng mức và hiệu quả.

frankie
12-17-2023, 08:05 AM
UNG THƯ NHIẾP HỘ TUYẾN


HỎI:

Tôi năm nay 72 tuổi. Gần đây tôi có đi thử máu tổng quát và được cho biết thử nghiệm PSA về nhiếp hộ tuyến của tôi cao. Tôi thấy trong người vẫn khỏe mạnh như thường và không bị khó chịu gì về đường tiểu nên không hiểu tại sao thử nghiệm này lại cao. Xin bác sĩ cho biết như vậy có phải là bị ung thư nhiếp hộ tuyến không và chữa trị phải làm gì?

Nguyễn Văn B.


ĐÁP:


Bệnh về nhiếp hộ tuyến hay tuyến đường tiểu (prostate) là bệnh rất thưòng thấy nơi người đàn ông lớn tuổi và ung thư nhiếp hộ tuyến là bệnh quan trọng hơn hết, gây ra cái chết chỉ đứng hàng thứ hai sau ung thư phổi tại Hoa Kỳ.

Trước hết ta cần tìm hiểu nhiếp hộ tuyến là gì? Nhiếp hộ tuyến là tuyến tiết ra chất nhờn trong tinh dịch của người đàn ông, nằm bọc quanh đường tiểu ngoài. Khi mới sinh, tuyến này rất nhỏ chỉ chừng vài grams nhưng đến tuổi dậy thì, sẽ bị kích thích tố sinh dục nam làm phát triển rất nhanh, lớn khoảng 20 grams trong lứa tuổi thanh niên.

Trong vòng 25 năm sau đó, nhiếp hộ tuyến không tăng trưỏng nữa, tuy nhiên từ tuổi 45 trở đi, tuyến này lại bắt đầu tăng trưỏng dần đối với đa số người đàn ông. Cho đến tuổi 80 có thể nói khoảng 90% người đàn ông đều bị chứng lớn nhiếp hộ tuyến (prostate hyperplasia), gây ra những triệu chứng về đường tiểu như bí đái, đái rắt, đái đêm....

Điều quan trọng hơn cả là nhiếp hộ tuyến của một số những người đàn ông này có thể phát triển thành ung thư. Tuy nhiên, ung thư nhiếp hộ tuyến có thể chỉ nằm tiềm ẩn và không phát tác ra ngoài và phần lớn những người bệnh này chết vì những lý do khác.

Một số những khảo cứu về giải nghiệm tử thi (autopsy) những người chết vì những lý do không liên quan đến nhiếp hộ tuyến cho thấy rất nhiều người bình thường đã có ung thư nhiếp hộ tuyến nằm tiềm ẩn.

Lứa tuổi 50 đến 60 tuổi tỷ lệ có ung thư là 15%. Từ 60 đến 70 tuổi, tỷ lệ là 22%. Từ 70 đến 80 tuổi, tỷ lệ là 39% và trên 80 tuổi, tỷ lệ có ung thư là 43%. Như vậy có thể nói ung thư nhiếp hộ tuyến là ung thư rất thường thấy nơi người đàn ông lớn tuổi, tuy phần lớn đều nằm tiềm ẩn bên trong, không gây ra triệu chứng gì và hầu hết chết vì những bệnh khác, không phải do ung thư nhiếp hộ tuyến.

Tại Hoa Kỳ dân da đen bị ung thư này nhiều hơn dân da trắng. Người Á Đông bị ung thư nhiếp hộ tuyến ít hơn các giống da khác. Tuy nhiên, khi di cư sang sinh sống ở Hoa Kỳ, tỷ lệ bị ung thư nhiếp hộ tuyến của người Á Đông cũng tăng lên như dân da trắng ở Hoa Kỳ, cho thấy những nguyên nhân ngoại giới như môi trường sinh sống đóng vai trò quan trọng trong việc gây thành ung thư.

Trước kia, người Việt ít bị ung thư nhiếp hộ tuyến, nhưng sau khi sang định cư tại đây, số người Việt bị ung thư này cũng đã thấy nhiều hơn trước. Ung thư nhiếp hộ tuyến như đã nói trên khi nằm tiềm ẩn không gây ra triệu chứng gì. Tuy nhiên khi bắt đầu gây triệu chứng, thường ung thư đã phát triển và có thể đã chạy đi nhiều nơi.

frankie
12-18-2023, 08:12 AM
Triệu chứng thường thấy nhất là đi tiểu đau, bí tiểu, đi tiểu nhiều, đi tiểu ra máu. Khi ung thư chạy vào xương, thường người bệnh sẽ bị đau ở xương sống lưng hay đau xương đùi là những chỗ ung thư chạy vào xương thường nhất. Nếu bị nặng, ung thư có thể đè vào tuỷ sống gây nên liệt chân, không đi lại được.

Định bệnh ung thư nhiếp hộ tuyến quan trọng nhất là khám tuyến này qua ngả hậu môn. Khi bị ung thư đã lớn, dùng ngón tay sờ tuyến qua hậu môn (digital rectal examination), sẽ thấy tuyến sưng lên gồ ghề, cứng, hay có hạt.

Tuy nhiên để định bệnh chắc chắn, phải làm biopsy, cắt một miếng nhỏ để xem dưới kính hiển vi và định bệnh chính xác. Khi làm biopsy phải làm nhiều chỗ khác nhau để xác định mức độ nặng nhẹ của ung thư tuỳ thuộc vào loại tế bào ung thư nhiều ác tính hay không.

Thường những kết quả về biopsy này được cho điểm về nặng nhẹ gọi là Gleason score. Từ 2 đến 4 điểm là loại nhẹ. Từ 4 đến 7 điểm là nặng vừa. Từ 8 đến 10 điểm là nặng, nhiều độc tính, người bệnh bị điểm cao loại này thường chết do ung thư nhiếp hộ tuyến sẽ chạy đi khắp nơi.

Việc chữa trị ung thư nhiếp hộ tuyến có nhiều phương cách khác nhau. Đầu tiên là giải phẫu để loại bỏ gọi là radical prostatectomy. Giải phẫu này thường đưọc áp dụng cho người chưa già lắm, tương đối khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên giải phẫu có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, bị lên cơn đau tim hay đứt mạch máu đầu sau khi mổ nếu người bệnh già và có sẵn những bệnh về mạch máu. Sau khi mổ, sẽ bị bất lực và phần lớn bị són tiểu (incontinence).

Cách chữa khác là chạy điện gọi là external beam radiation therapy, đỡ bị những biến chứng nặng như giải phẫu và không bị bất lực. Tuy nhiên, phương pháp chạy điện cũng có thể gây những bệnh cho ruột già, làm viêm, đi cầu nhiều... Tương đối phương pháp chữa ung thư nhiếp hộ tuyến ít bị phản ứng phụ nhất là cách cấy những hạt phóng xạ vào trong nhiếp hộ tuyến để giết những tế bào ung thư gọi là radioactive seed implants.

Cách chữa này tiện lợi và có nhiều kết quả tốt, kéo dài đời sống người bệnh hàng chục năm. Đây là những cách chữa ung thư nhiếp hộ tuyến khi còn nằm trong bọc, chưa chạy ra khắp cơ thể.

Nếu ung thư đã lan rộng, cách chữa thường nhất là dùng thuốc chích kích thích tố gọi là LHRH analogue (luteinizing hormone-releasing hormone) để ngăn chặn kích thích tố sinh dục nam. Thuốc chích này bán dưới tên Lupron depot có thể chích mỗi ba hay bốn tháng, sẽ giúp các tế bào ung thư của nhiếp hộ tuyến không tăng trưởng được nữa vì thiếu kích thích tố sinh dục nam. Trước kia, thường phải giải phẫu cắt bỏ dịch hoàn (orchiectomy) hay dùng thuốc uống DES là kích thích tố sinh dục nữ để chữa, nhưng hiện nay không được dùng nữa vì gây hại nhiều.

frankie
12-19-2023, 01:16 PM
Như trên đã nói, rất nhiều người có ung thư nhiếp hộ tuyến nằm tiềm ẩn, không gây ra triệu chứng gì và ung thư nằm nhỏ, trong bọc, không chạy đi đâu. Những người này thường biết được mình có ung thư do thử nghiệm máu về nhiếp hộ tuyến gọi là PSA (prostate soecific antigens).

Thử nghiệm này thực ra không chính xác nhiều vì lượng PSA cũng có thể tăng cao do lớn nhiếp hộ tuyến gọi là BPH (benign prostate hypertrophy) hay bị viêm nhiếp hộ tuyến (prostatitis). Tuy nhiên nếu mức PSA tăng rất cao, như trên mức 10 nanogram/ml, thường phải nghi ung thư và cần làm biopsy.

Nếu cho điểm Gleason sore như đã nói trên ở mức thấp, dưới 7 điểm, thường ung thư nhiếp hộ tuyến không gây ra chết cho bệnh nhân nhưng sẽ chết vì những bệnh khác. Vì thế một số khảo cứu cho rằng những người bệnh này không nên chữa ngay, chỉ cần theo dõi để xem ung thư có phát triển thêm hay không. Nếu phát triển nhiều lúc đó mới cần chữa như các phương pháp nói trên.

Việc thử máu đo lượng PSA để tìm bệnh ung thư nhiếp hộ tuyến hiện nay chưa được rõ ràng và có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc có nên làm test này để tìm bệnh nơi người không có triệu chứng (screening).

Vì nếu test này cao nhưng không nhiều lắm, vấn đề trở thành có nên làm biopsy để tìm bệnh ung thư nhiếp hộ tuyến hay không và nếu tìm ra bệnh ung thư nhưng chỉ nằm tiềm ẩn, có cần chữa hay chỉ cần theo dõi và chờ đợi (watchful waiting). Người bệnh cần phải được giải thích rõ về những cách chọn lựa này cũng như về những biến chứng và phản ứng phụ của các cách giải phẫu hay chạy điện, cấy hạt phóng xạ....

Vì những lý do trên và chưa có những khảo cứu rõ ràng hơn, hiện nay nhiều người cho rằng chỉ nên thử PSA nếu có triệu chứng về đường tiểu. Nếu hoàn toàn không có triệu chứng, thử PSA có thể đem lại nhiều phiền toái hơn là giúp ích. Trong khoảng mấy năm gần đây, việc thử PSA đã không còn thịnh hành nhiều như trước vì sự không rõ ràng trong việc chữa trị ung thư nhiếp hộ tuyến nằm tiềm ẩn.

Gần đây hơn, những tổ chức như American Urological Asociation và US Public Health Task Force đã ra khuyến cáo là không nên làm thử nghiệm tìm ung thư nhiếp hộ tuyến nơi những người trên 70 tuổi. Vì những thử nghiệm như PSA và làm biopsy đã gây ra tình trạng là rất nhiều người bị chữa ung thư nhưng không cần thiết. Vì tuy có ung thư nhưng không phát triển và nằm yên trong nhiếp hộ tuyến không gây ra nguy hiểm gì và người bệnh sẽ chết vì những bệnh khác, không phải do uung thư nhiềp hộ tuyến. Nói chung hiện có quá nhiều bệnh nhân hiện nay vẫn tiếp tục "bị" chữa ung thư nhiếp hộ tuyến một cách không cần thiết, gây ra nhiều biến chứng, lo âu về bệnh và phí tổn chung cho xả hội quá cao vì chữa chạy không cần thiết!

Tóm lại, ung thư nhiếp hộ tuyến là ung thư thường thấy nơi người đàn ông lớn tuổi tại Hoa Kỳ. Người Việt sang đây tỵ nạn sau một thời gian dài định cư đã bắt đầu thấy nhiều trường hợp ung thư nhiếp hộ tuyến hơn trước.Việc chữa trị tuỳ thuộc vào ung thư còn nằm tiềm ẩn hay đã chạy đi nhiều nơi. Nếu nằm tiềm ẩn và thuộc loại ung thư không có độc tính nhiều, có thể không cần chữa trị ngay, hoặc nếu chữa trị, phương pháp cấy hạt phóng xạ tương đối có nhiều hiệu quả và ít đem lại biến chứng hơn những phương cách khác.

frankie
12-20-2023, 08:36 AM
TAI SAO Ở VIỆT NAM KHÔNG BỊ DỊ ỨNG – SANG HOA KỲ MỚI BỊ?


HỎI:


Tôi sang Mỹ đã được 15 năm. Trong khoảng 3 năm nay, tôi bị bệnh dị ứng nặng. Cứ đến mùa thu, cuối tháng 9 đầu tháng 10 tôi bị hắt hơi nhảy mũi, nghẹt mũi chịu không nổi. Bị cả hai ba tháng trời mới đỡ. Năm sau cũng đúng ngày đúng tháng lại bị tiếp! Trong khi đó vợ tôi bị mề đay, cứ ăn đồ biển hay ăn mắm là nổi ngứa, gãi cả ngày. Con trai tôi bị lên suyễn, khò khè cả đêm vào mùa lạnh.

Hồi ở Việt Nam, gia đình tôi đâu có ai bị những chứng bệnh này. Tôi hỏi những người bạn tôi, hầu như gia đình nào cũng vậy, ở Việt Nam không sao, sang đây vài năm là bị dị ứng. Xin bác sĩ giải thích cho biết tại sao có chuyện kỳ như vậy. Không lẽ sang Hoa Kỳ văn minh lại bị bệnh theo kiểu văn minh khác mấy xứ chậm tiến như kiểu xứ mình?

Huỳnh Vũ T.


ĐÁP:


Bệnh dị ứng như câu hỏi của ông đã diễn tả, có thể gọi là bệnh của xứ văn minh. Vì tại Việt Nam hay những xứ chậm tiến khác, dị ứng tuy có nhưng không nhiều như tại Hoa Kỳ hay tại Âu Châu.

Tuy nhiên điều đặc biệt đối với những di dân từ một xứ chậm tiến sang một xứ tiến bộ khác như trường hợp người Việt sang Hoa Kỳ, là sau khi sinh sống tại xứ sở mới trong một thời gian, ngắn từ sáu tháng, đến lâu như hàng chục hay 15, 20 năm sau, tỷ số người bị bệnh dị ứng sẽ tăng lên rất nhiều, gần như bằng với tỷ lệ người Hoa Kỳ bản xứ bị bệnh này.

Bệnh dị ứng như trong câu hỏi trên thường phát hiện dưới 3 dạng chính: dị ứng mũi, suyễn và dị ứng ngoài da. Dị ứng mũi có thể xảy ra theo mùa, thường nhất vào mùa xuân, tháng 4, tháng 5 do bông phấn của cây; hay mùa thu tháng 9, tháng 10 do phấn hoa của cỏ dại như ragweed...

Nhiều người bị quanh năm vì mùa nào bị dị ứng với loại đó, quanh năm 4 mùa: mùa xuân với cây, mùa hạ với cỏ, mùa thu với với ragweed, mùa đông với nấm. Hay bị dị ứng với bụi bậm trong nhà, loại mọt sống trong thảm, nệm giường, gọi là mites. Bị dị ứng với những thứ này sẽ bị quanh năm suốt tháng. Nếu nuôi chó mèo trong nhà và bị dị ứng với lông chó hay lông mèo, cũng sẽ bị dị ứng quanh năm.

Bệnh suyễn thường cũng do dị ứng gây ra. Khoảng 25% những người bị dị ứng mũi sẽ bị thêm bệnh suyễn. Bệnh này làm khò khè khó thở, có thể bị nặng làm nghẹt thở hẳn và chết nếu bị quá nặng và không chữa trị đúng cách. Một số người bị nhẹ và không làm những cơn khò khè kéo suyễn, nhưng bị chứng ho kinh niên, khi đi khám và làm thử nghiệm mới biết là bị dị ứng và suyễn.

Bệnh suyễn có thể làm nặng hơn do ô nhiễm không khí, hít thở những khói, hơi làm kích thích và sau khi bị những bệnh cảm cúm do cực vi trùng. Vì lý do này, người bị suyễn phải tránh khói thuốc lá, hít thở không khí ô nhiễm, tránh khói xe, thuốc xịt gián, xịt kiến, hay cả những thuớc xịt thơm deodorant, nước hoa... Đặc biệt vào mùa đông phải chích ngừa bệnh cúm để tránh bị cúm làm suyễn nặng thêm.

Bệnh dị ứng da là một hình thức phát hiện khác của dị ứng, thuờng ở dưới dạng bị mề đay (urticaria) hay lở ngứa da (eczema). Thường do dị ứng với đồ ăn, như đồ biển, thịt bò, thịt gà...hay do uống thuốc gây phản ứng như penicillin, sulfas...Phần lớn không biết được nguyên nhân rõ rệt.

Hiện tượng những người di dân từ một xứ chậm tiến sang một xứ tiến bộ sẽ bị dị ứng nhiều hơn đã được ghi nhận, không phải chỉ ở người Việt tỵ nạn nhưng ở hầu hết các trường hợp các người di dân khác. Hơn nữa, điều được khám phá gần đây là tỷ lệ người bị dị ứng tại các xứ văn minh càng ngày càng nhiều hơn.

frankie
12-21-2023, 08:31 AM
Một khảo cứu ở Thụy Điển cho thấy chỉ trong vòng 12 năm, từ 1979 đến 1991, số trẻ con bị dị ứng tăng lên gấp đôi ở xứ này! Một khảo cứu khác cho thấy trong 20 năm, từ 1980 đến năm 2000, số người bị bệnh suyễn tăng lên gấp 3 lần tại các xứ văn minh!

Điều gì đã làm cho bệnh dị ứng xảy ra càng lúc càng nhiều như vậy? Một thuyết mới nhằm giải thích hiện tượng này là thuyết vệ sinh "hygiene hypothesis". Giả thuyết này cho rằng những bệnh nhiễm trùng khi còn nhỏ sẽ giúp cơ thể ít bị dị ứng khi lớn lên.

Ngược lại, nếu hồi nhỏ ít bị bệnh nhiễm trùng, khi lớn, những hệ thống miễn nhiễm của cơ thể sẽ quay ra rối loạn, tạo nên những bệnh về dị ứng cũng như sẽ dễ gây ra những bệnh về miễn nhiễm. Những bệnh này gồm có: bệnh dị ứng, bệnh viêm khớp nặng (như loại rheumatoid arthritis hay lupus), bệnh tê liệt loại multiple sclerosis, bệnh tiêu chảy loại Crohn's disease và bệnh tiểu đường cần chích insulin loại 1.

Ở đây chúng ta chỉ bàn nhiều về bệnh dị ứng, không bàn thêm về những bệnh miễn nhiễm kể trên, ít xảy ra ở người Việt, thường xảy ra ở dân da trắng nhiều hơn. Giả thuyết vệ sinh này rất hấp dẫn vì rất nhiều khảo cứu đã cho thấy tương quan giữa những bệnh nhiễm trùng hồi nhỏ và sự phát triển về bệnh dị ứng sau này.

Trước hết, tại các xứ tân tiến, trong vòng 50 năm nay, các bệnh nhiễm trùng của trẻ em đã giảm đi rất nhiều nhờ thuốc trụ sinh, chích ngừa, ăn ở tăng vệ sinh hơn và mức đời sống khá hơn trước. Các bệnh như ban sởi, quai bị, sốt thấp khớp (rheumatic fever), bệnh lao, các bệnh nhiễm trùng đường ruột, bệnh ký sinh trùng.v..v.. ở trẻ em giảm đi rất nhiều.

Những biểu đồ so sánh mức độ giảm đi của các bệnh nhiễm trùng ở trẻ em trong vài mươi năm tại các xứ Âu Mỹ cho thấy sự trùng hợp theo sát với mức gia tăng của các bệnh dị ứng và suyễn. Nhiều khảo cứu cũng chứng tỏ khi mức sống của người dân gia tăng, vệ sinh giữ nhiều hơn và mức độ của bệnh nhiễm trùng giảm đi, các bệnh về dị ứng lại tăng vọt.

Những thống kê về mức lợi tức của người dân trong 12 xứ Âu Châu, từ xứ nghèo nhất đến xứ giầu nhất, cho thấy mức kiếm tiền càng thấp, mức bệnh nhiễm trùng của trẻ em càng cao và mức độ bị dị ứng và suyễn càng thấp. Ngược lại, khi dân giầu hơn, mức độ bệnh dị ứng và suyễn lại tăng cao lên!

Trường hợp điển hình nhất là khi Đông Đức và Tây Đức được thống nhất, thống kê cho thấy mặc dù cùng một giống dân, Đông Đức có đời sống thấp hơn, kiếm tiền ít hơn, ăn ở ít vệ sinh hơn, lại có mức bệnh dị ứng và suyễn thấp hơn nhiều so với dân Tây Đức, giầu hơn, văn minh hơn, vệ sinh hơn!

Một khảo cứu khác cho thấy trong cùng một gia đình đông con, trẻ em sinh sau thường ít bị dị ứng và suyễn hơn anh chị. Cũng như trẻ em phải gửi nhà giữ trẻ trong 6 tháng đầu khi mới sinh, vì cha mẹ phải đi làm, lại có mức độ bệnh dị ứng và suyễn ít hơn trẻ nuôi trong nhà.

Lý do cả hai trường hợp là trẻ em ở nhà giữ trẻ hay bị lây bệnh nhiễm trùng từ các trẻ em khác, cũng như mấy đứa trẻ sinh sau hay bị lây bệnh cảm cúm của các anh chị nó, có mức độ bệnh nhiễm trùng nhiều hơn và do đó, mức bệnh dị ứng thấp hơn.

frankie
12-22-2023, 09:46 AM
Tương quan giữa bệnh nhiễm trùng trẻ em và dị ứng cũng thấy rõ hơn trong một khảo cứu về mức dùng thuốc trụ sinh chữa bệnh nhiễm trùng. Một khảo cứu cho thấy, khi dùng trụ sinh thường xuyên để chữa bệnh trong năm đầu tiên sau khi đứa trẻ sinh ra sẽ làm tăng mức dễ bị bệnh dị ứng và suyễn sau này.

Lý do là dùng trụ sinh nhiều quá sẽ làm tiêu diệt hết các vi trùng bình thường không gây bệnh sống trong ruột gọi là normal flora. Thiếu các vi trùng này có thể sẽ làm tăng mức bị dị ứng!

Khảo cứu gần đây nhất cho thấy trẻ em sống ở trang trại đồng quê tại các xứ Đức, Áo, Thụy Sĩ, ít bị dị ứng và suyễn so với trẻ em thành thị. Lý do vì các trẻ em ở đồng quê có nhiều phản ứng với các độc tố của vi trùng gọi là endotoxins, giúp cho ít bị dị ứng và suyễn, trái ngược với trẻ em ở thành thị, ăn ở sạch sẽ hơn, vệ sinh hơn, ít có phản ứng với độc tố của vi trùng nên dễ gây ra bệnh dị ứng và suyễn sau này.

Như vậy rất nhiều khảo cứu gần đây đã chứng tỏ sự liên quan giữa việc mắc nhiều bệnh nhiễm trùng hồi nhỏ sẽ giúp cho cơ thể đỡ bị dị ứng sau này. Hơn nữa càng tân tiến, càng vệ sinh, ít mắc bệnh nhiễm trùng chừng nào, sẽ càng làm cơ thể quay sang phản ứng với những thứ vô hại như phấn hoa, bụi bậm, đồ ăn...trong môi trường sinh sống chừng ấy và gây nên dị ứng.

Điều này giải thích tại sao khi sinh sống ở một xứ chậm tiến, thiếu vệ sinh, thiếu thuốc men như trụ sinh để chữa trị như tại Việt Nam ta, mức độ phát hiện của bệnh dị ứng rất ít. Vì cơ thể của chúng ta khi sinh sống ở Việt Nam thường xuyên phải chống cự với các thứ vi trùng, cực vi trùng, ký sinh trùng đầy dẫy trong đời sống hàng ngày.

Thí dụ như bệnh lao phổi. Ở Việt Nam, bệnh lao phổi hoành hành, có thể nói người Việt nào sinh đẻ ở Việt Nam đều phải tiếp xúc với vi trùng lao mỗi ngày khi đi ra đường. Người mắc bệnh lao khạc nhổ ho hen bừa bãi giữa chốn công cộng và không được chữa trị đầy đủ. Chính vì thế hầu như 90% người Việt thử da về lao gọi là PPD test đều có phản ứng dương.

Cơ thể chúng ta lúc nào cũng phải chiến đấu để diệt vi trùng lao ta thở hít trong không khí mỗi ngày để ta không mắc bệnh. Các hoá chất như interleukin-10 và TGF-beta được tiết ra nhiều khi cơ thể thường trực bị kích thích để chống đỡ với vi trùng lao, sẽ làm ngăn chặn hệ thống dị ứng và không để cho hệ thống này có cơ hội để gây nên bệnh dị ứng.

frankie
12-23-2023, 08:27 AM
Lý do tại sao bị nhiễm trùng nhiều lại giúp cho ít bị bệnh dị ứng, suyễn? Bệnh dị ứng xảy ra do tác dụng của kháng thể (antibody) gọi là IgE. Kháng thể này phản ứng với những kháng nguyên (antigen) như phấn hoa, bụi bậm, lông thú vật, đồ ăn... làm tế bào gọi là mast cells của cơ thể tiết ra chất histamine gây ra những triệu chứng của dị ứng.

Kiểm soát những cơ chế này là loại tiểu bạch cầu lymphocytes gọi là Th2 cells. Khi cơ thể bị nhiễm trùng, sẽ có những phản ứng tự vệ của cơ thể làm tiết ra một số hoá chất gọi là Interleukin-10 và TGFbeta. Hai hoá chất này tác dụng lên trên tiểu bạch cầu Th2 sẽ làm giảm cơ chế của dị ứng.

Ngoài ra khi cơ thể bị bệnh cực vi trùng như bệnh lên sởi chẳng hạn, sẽ có phản ứng làm đè nén hệ thống miễn nhiễm gọi là immunosuppression, sẽ làm giảm đi các phản ứng về dị ứng của cơ thể rất nhiều.

Vấn đề nhiễm ký sinh trùng như hay xảy ra tại các nước chậm tiến như Việt Nam cũng theo cơ chế này là kích thích những tiểu bạch cầu làm đè nén gọi là suppressor T lymphocytes, nên làm chặn đứng hệ thống về dị ứng của cơ thể, không cho hệ thống này phát tác gây nên bệnh dị ứng hay suyễn...

Ngoài ra vệ sinh ăn uống của ta ở Việt Nam thiếu kém, hàng ngày chúng ta ăn vào rất nhiều thực phẩm không vệ sinh chứa nhiều vi trùng gây bệnh, sống trong ruột. Cơ thể ta phải luôn luôn chống cự với các vi trùng như Salmonella gây bệnh thương hàn, vi trùng Shigella gây bệnh kiết lỵ..v.v...Cũng theo cơ chế như đã nói trên, hệ thống dị ứng không có dịp để phát tác vì bị những hoá chất tiết ra do cơ thể chống cự với các vi trùng ruột kể trên ngăn chặn.

Hơn nữa, ký sinh trùng ở Việt Nam đầy dẫy. Hầu như cơ thể người nào cũng phải tìm cách để diệt các loại giun sán như giun kim (Enterobius vermicularis), sán lãi (Ascaris lumbricoides)....theo những chu kỳ về bài tiết xâm nhập thường xuyên cơ thể chúng ta khi sinh sống ở Việt Nam. Như vậy các tiểu bạch cầu suppressor T-cells của cơ thể khi chống cự và tiêu diệt các ký sinh trùng giun sán này sẽ luôn luôn phải làm việc và do đó ngăn chặn hệ thống dị ứng không cho phát tác.

Khi sang đến Hoa Kỳ, dời sống tân tiến, vệ sinh hơn, cơ thể chúng ta không có dịp để đánh nhau và tiêu diệt vi trùng lao, vi trùng đường ruột như đã nói trên. Sau vài năm sống ở đây, ký sinh trùng cũng sẽ hết vì chu kỳ đời sống của giun, sán không được tiếp nối, cơ thể chúng ta không còn phải chống cự với ký sinh trùng, sẽ làm suy giảm hệ thống immunosuppression, làm yếu kém sự ngăn chặn hệ thống dị ứng và làm dị ứng bộc phát.

frankie
12-24-2023, 09:18 AM
Một điều quan trọng khác nữa đối với người Việt chúng ta là sự dùng bừa bãi trụ sinh. Người Việt sính dùng trụ sinh, bị bất cứ gì cũng uống trụ sinh. Bị cảm thường, bị đau nhức cũng uống Ampicillin! Uống trụ sinh không đúng cách, không phải lối dĩ nhiên không giúp ích gì lại còn mang nhiều tai hại như vi trùng kháng thuốc, bị phản ứng với thuốc...

Ngoài ra trụ sinh sẽ làm tiêu diệt các vi trùng bình thường không gây bệnh sống trong ruột như đã nói ở phần trên. Kết quả, thiếu loại vi trùng "tốt" (normal flora) này sẽ làm cơ thể thiếu các sự kích thích đối với endotoxins như khảo cứu gần đây cho thấy và làm hệ thống dị ứng không bị kiềm chế sẽ phát tác mạnh hơn.

Vì những lý do trên, khi người Việt di cư tỵ nạn sang Hoa Kỳ, trước kia sống ở Việt Nam không hề bị dị ứng nay sang đây, sống ít lâu các cơ chế ngăn chặn hệ thống dị ứng bị suy kém sẽ làm bệnh dị ứng phát hiện và hoành hành. Điều này dĩ nhiên sẽ tùy từng cơ thể mỗi người, kẻ bị ít, người bị nhiều, kẻ bị sớm, người bị muộn.

Ngoài ra còn vấn đề di truyền. Bệnh dị ứng, suyễn có tính cách di truyền nên trong gia đình khi bố mẹ bị, con cái cũng sẽ thường bị. Và cũng theo đặc tính di truyền, có thể có nhiều người bị dị ứng nhưng cũng có nhiều người vì đặc tính di truyền "genes" tốt, sẽ không hề bị bệnh này.

Tóm lại, bệnh dị ứng có thể được mô tả như một bệnh của sự văn minh, tân tiến! Càng vệ sinh nhiều chừng nào, sẽ ngăn chặn được những bệnh nhiễm trùng tai hại, nhưng cái giá phải trả cho sự tiến bộ là những bệnh về dị ứng và miễn nhiễm, càng ngày càng thấy nhiều hơn trong các xã hội phát triển và văn minh này.

frankie
10-16-2024, 02:01 PM
LAO PHỔI


HỎI:

Tôi lấy bằng để đi làm nghề móng tay và được biết phải đi thử về bệnh lao phổi Thử nghiệm da về lao trên tay của tôi nổi đỏ nhưng chụp hình phổi thì tốt. Xin bác sĩ giải thích cho như vậy có phải là bị lao phổi hay không bị, có cần phải uống thuốc gì không? Tôi năm nay 40 tuổi và trước giờ khoẻ mạnh không bệnh tật gì.

Nguyên Thi L. V.


ĐÁP:

Lao phổi là một bệnh thường thấy ở người Việt Nam. Ở Mỹ bệnh lao phổi ít thấy nhưng hiện nay số người bị lao phổi cũng nhiều hơn trước. Việt Nam là một nước chậm tiến nên bị tình trạng chung của các nước nghèo khổ khác trên thế giới là rất nhiều người bị nhiễm trùng lao phổi.

Theo một ước tính có thể nói một nửa số dân chúng của tòan cầu đều có tiếp xúc với vi trùng lao, 30 triệu người mang bệnh lao phát triển, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 10 triệu người mắc bệnh lao mới và mỗi năm sẽ có 3 triệu người bị chết vì bệnh lao. Bệnh lao như vậy là một tai họa cho một nước như Việt Nam của chúng ta.





Trừ những trẻ em sinh trưởng ở bên Mỹ này, phần lớn người Việt tỵ nạn sang đây đều đã tiếp xúc với vi trùng lao khi còn ở Việt Nam nên khi thử nghiệm về lao như thử nghiệm da ở cánh tay như câu hỏi trong thư, đa số sẽ thấy nổi đỏ tức kết quả dương. Lý do tại sao và ý nghĩa của thử nghiệm này sẽ được nói rõ hơn ở đoạn sau.

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về vi trùng bệnh lao và cách thức gây bệnh.Vi trùng gây ra bệnh lao phổi là vi trùng Mycobacterium tuberculosis. Vi trùng này truyền từ người này sang người kia bằng đường hô hấp, do ho, nhảy mũi, nói bắn nước miếng. Vi trùng lao thực sự ở trong đàm, nước nhờn của người bị bệnh lao truyền ra ngoài cũng không nhiều lắm, bị lây thường là do tiếp xúc với người bị lao thường xuyên như sống chung trong nhà, và cũng phải một vài tháng mới bắt đầu bị truyền nhiễm.

Thường nếu đã bắt đầu chữa trị và uống thuốc đầy đủ và đúng cách, vi trùng lao sẽ không còn truyền nhiễm sau hai tuần người bệnh uống thuốc, vấn đề truyền nhiễm cũng tùy thuộc vào vấn đề chỗ ở. Vi trùng lao bị tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời giết nên nhà cừa tối tăm, chật hẹp, không được thoáng khí sẽ gây ra truyền nhiễm lao dễ dàng hơn.

Khi vào cơ thể, vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis sẽ bị một tế bào phòng thủ gọi là đại thực bào macrophages ăn và giam trong tế bào này. Sau đó vi trùng lao được đưa đến các hạch gọi là lymph nodes và bị giữ ở đó. Một số trường hợp cơ thể quá yếu hay ở trẻ con nhỏ, vi trùng lao thoát ra khỏi các hạch này và chạy vào máu đi khắp cơ thể gây ra bệnh lao nặng và ở nhiều nơi, không phải chỉ ở phổi không.

Vi trùng lao bị giam giữ trong đại thực bào nhưng không bị tiêu diệt hẳn, trái lại, vi trùng lao vẫn có thể sinh sôi nảy nở bên trong các đại thực bào này. Cơ thể chống cự lại bằng cách huy động các tế bào chống cự gọi là tiểu bạch cầu lymphocytes. Các tiểu bạch cầu này sẽ tiết ra nhiều chất hoá học gọi là lymphokines để gọi thêm các hệ thống phòng thủ khác của cơ thể đến tăng viện kềm giữ vi trùng lao.

Các tế bào trong máu gọi là monocytes sẽ kéo đến và biến đổi thành các đại thực bào rồi các tế bào đặc biệt gọi là histiocytes và bao lấy vi trùng lao thành các cục gọi là granulomas. Thực sự các vi trùng lao không bị tiêu diệt và chỉ bị giam cầm trong các cục mô này không cho chạy ra ngoài. Lâu dần nhiều năm, các cục mô granulomas này sẽ đóng chất vôi có thể nhìn thấy được trên hình quang tuyến phổi.

Như vậy ta có thể thấy được một khi vi trùng lao xâm nhập vào cơ thể, vi trùng này vẫn còn sống trong các nhà tù cơ thể đã tạo ra bằng cách như đã nói trên để kềm giữ. Phần lớn trường hợp mặc dù bị vi trùng xâm nhập, thường không thấycó triệu chứng gì và không biết đã nhiễm vi trùng lao và cũng không có bệnh gì xảy ra.


(còn tiếp)

frankie
10-17-2024, 08:50 AM
Khoảng 95% trường hợp sẽ không bị bệnh vì vi trùng lao trong giai đoạn đầu đã bị kèm giữ như trên. Khoảng 5% trường hợp, vì yếu sức, vì sức chống đỡ yếu, thiếu ăn, có thai… v.v. . . sẽ bị bệnh lao sau giai đoạn đầu. Một số bị lao sau vài tuần lễ, phần nhiều bị lao hằng nhiều năm sau khi vi trùng lao trong các cục mô granulomas thoát ra ngoài và sinh sôi nảy nở thêm.

Bệnh lao như vậy hầu hết các trường hợp là do vi trùng lao đã có sẵn trong cơ thể không bị kèm giữ nữa và bắt đầu gây ra bệnh, hình thức này gọi là reactivation. Thường nhất phát hiện bệnh ở phổi, gây ra ho, đàm, nóng sốt vào buổi chiều, sụt ký... Bị nặng sẽ làm lủng phổi, gây ra các lỗ hổng trong phổi gọi là cavity, giai đoạn này thường làm ho ra máu. Không chữa, 60% trường hợp người bệnh sẽ chết trong vòng khoảng hai năm rưỡi.

Ngoài lao phổi, vi trùng lao còn có thể gây ra lao ở màng phổi, gây ra có nước trong màng phổi, lao ở màng tim làm có nước trong màng tim, đôi khi làm tim không dãn nở được gây ra chết, hay đóng vôi ở màng tim làm suy tim. Lao cũng có thể xảy ra ở màng bụng, làm bụng trướng có nước. Một hình thức lao thường hay thấy ở Việt Nam là lao xương, vi trùng lao ăn vào xương sống thường giữa ngực, gây ra gù, đôi khi ăn vào tủy sống làm bị liệt.

Ở Mỹ ít thấy lao xương, nhưng trẻ em ở Việt Nam bị bệnh này gọi là Mal De Pott khá nhiều.

Một hình thức lao cũng hay xảy ra, đặc biệt đối với người Việt tỵ nạn ở Mỹ là hình thức lao hạch. Lao hạch hay xảy ra ở vùng cổ, thường không đi kèm với lao phổi, chụp hình phổi vẫn thấy bình thường. Muốn định bệnh phải cắt hạch gọi là biopsy để phân biệt với ung thư hạch. Lao hạch thấy cũng khá thường nơi người Việt tỵ nạn.

Những hình thức lao hiếm hơn là lao ruột, hay ở vùng cuối ruột non và đầu ruột già, ở Việt Nam có thấy nhưng bên Mỹ hầu như không có. Lao tuyến thượng thận, lao da ít thấy. Lao loại hạt cám miliary tuberculosis là lao chạy theo máu đi khắp mọi nơi cũng ít xảy ra nhưng rất nguy hiểm, gây ra chết rất nhanh

frankie
10-18-2024, 09:36 AM
Định bệnh lao cần phải làm thử nghiệm. Các thử nghiệm chính là thử da, chụp hình phổi và thử đàm kiếm vi trùng lao và cấy vi trùng lao. Thử nghiệm da có hai cách là Tine test và PPD. Cách thử Tine test chấm trên da không chính xác và không nên dùng.

Cách chính xác là thử PPD bằng cách chích trên lớp biêu bì O. 1 cc thuốc thử gọi là purified protein derivative. Kết quả đọc sau 48 tiếng. Nếu nói đỏ và dầy lên trên 10 mm, kết quả này là dương. Đây là cách thử để biết về tình trạng miễn nhiễm của cơ thể đối với vi trùng lao. Kết quả dương có nghĩa là cơ thể đã có tiếp xúc với vi trùng lao trong quá khứ và cơ thể đã có những phản ứng chống cự với vi trùng này.

Kết quả dương không cho biết là cơ thể có đang bị bệnh lao hay không, chỉ có nghĩa là đã có sự tiếp xúc với vi trùng lao. Như vậy ta có thể thấy ngay người Việt Nam tỵ nạn sinh ra và lớn lên ở Việt Nam hầu hết người nào cũng đã tiếp xúc với vi trùng lao tuy không có bệnh, đều sẽ có kết quả thử lao trên da PPD là dương, có nổi đỏ. Thực vậy, tuy không có thống kê chính xác, người Việt thử da về lao bằng cách thử PPD 10 người sẽ có đến 8 là nổi đỏ.

Trường hợp ngược lại nếu thử da PPD không nổi đỏ, kết quả âm, negative, có nghĩa là chưa tiếp xúc với vi trùng lao và không có bệnh lao. Người Việt thử da về lao PPD negative rất ít, thường ở những người trẻ sinh ở Mỹ, hoặc người trẻ sang Mỹ lúc còn nhỏ xíu, chưa có cơ hội tiếp xúc với vi trùng lao.

Một số rất ít trường hợp hiếm thấy là có lao nhưng thử da PPD negative là người quá già, bị ung thư, bị AIDS mất tính miễn nhiễm của cơ thể... Những trường hợp này hiếm nên có thể nói nếu thử kỹ, đúng mà negative có nghĩa là không có lao. Khi thử lao trên da mà positive có nổi đỏ, thường không bao giờ nên làm lại vì tính chất này sẽ giữ cả đời, thử lại bao giờ cũng dương.

Như đã nói, ở người Việt, thử nghiệm này không giúp ích nhiều vì không định được là có bị lao hay không. Muốn định bệnh phải chụp hình phổi. Có dấu vết lao trong phổi, hoặc thấy lủng lỗ cavity có thể nghi là có lao phổi và phải thử đàm bằng cách nhuộm để xem vi trùng, sau đó cấy vi trùng và xem có kháng thuốc gì hay không.Thường cấy mất cả tháng nên định bệnh phải dựa vào hình phổi và nhuộm đàm để xem vi trùng.

Cách chữa bệnh lao nếu bị lao phổi phải chữa một thời gian lâu và dùng nhiều thứ thuốc. Người Việt khi bị lao phổi hay do vi trùng có sẵn trong cơ thể nhiễm từ Việt Nam là loại vi trùng hay kháng thuốc nên thường phải dùng ba thứ: INH, Rifampin, Ethambutol trong 12 tháng đến 18 tháng.

Cách chữa ngắn hơn có thể dùng thêm thuốc Pyrazinamide. Nếu cấy đàm có vi trùng và biết vi trùng không kháng thuốc có thể chỉ dùng hai thứ INH và Rifampin. Quan trọng nhất trong việc chữa lao là phải uống đều mỗi ngày, không được ngưng. Uống không đều sẽ làm vi trùng kháng thuốc và chữa trị rất khó khăn.

Những người không bị lao nhưng thử da nổi đỏ và còn trẻ, nhất là trước kia thử negative mấy tháng hay một hai năm trước và thử lại thấy positive, thường có thể uống thuốc để ngừa bằng cách uống thuốc INH trong một năm. Một số nhỏ uống thuốc này bị phản ứng làm viêm gan, nhất là nếu lớn tuổi, nên thường dưới 35 tuổi mới nên uống ngừa.

Tóm lại, bệnh lao phổi là bệnh thường hay thấy ở người Việt Nam. Định bệnh bằng cách thử da trên người Việt thường không giúp ích nhiều vì phần lớn người Việt khi thử da về lao thường nổi đỏ. Định bệnh chính xác cần phải chụp hình phổi và thử đàm để tìm vi trùng lao.

Cách chữa trị khi bị lao phổi là uống nhiều thứ thuốc như đã nói trên đều đặn trong thời gian lâu dài. Thuốc ngừa có thể dùng khi còn trẻ hay thử da mới đổi từ negative sang positive. Người lớn tuổi hơn có thể cần theo dõi bằng cách chụp hình phổi hay khi nghi ngờ có triệu chứng. Bệnh lao là một bệnh truyền nhiểm và công cộng nên thử lao và chữa bệnh lao có thể đến các phòng khám bệnh miễn phí của sở y tế thành phố để được thử nghiệm và điều trị.

frankie
10-21-2024, 11:59 AM
NGẤT XỈU


Ngất xỉu là một triệu chứng khá thường thấy, tuy có thể xảy ra ở người bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu của nhưng bệnh quan trọng. Trước hết ngất xỉu là gì? Ngất xỉu là trạng thái mất ý thức đi kèm với tình trạng yếu của bắp thịt, làm không đứng vững được. Thường nói ngất xỉu là mê hẳn trong một thời gian ngắn không biết gì, tuy nhiều trường hợp, người bệnh vẫn có ý thức phần nào chung quanh mình, diễn tả như "muốn xỉu" hơn là ngất hẳn.

Cảm giác muốn xỉu thường đi trước, thấy mọi sự quay cuồng như nền nhà lao đao, di chuyển. Sau đó có thể mắt mờ, tai nghe kêu o o, đi kèm với cảm giác muốn buồn nôn. Mặt thường lúc đó nhợt nhạt, mồ hôi toát ra như tắm. Ngất đi hẳn sau cùng xảy ra. Trong những trường hợp thông thường. nhẹ, khi bị xỉu ngã hay nằm xuống đất, máu không bị trọng lực ngăn trở nên có thể dồn về óc và người bệnh tỉnh dậy và trở lại trạng thái bình thường.

Lý do của ngất xỉu như vậy là vì máu không dồn đủ về óc khi ở tư thế đứng. Bình thường ¾ máu trong cơ thể nằm ở trong hệ thống tỉnh mạch, ở vị thế đứng, máu chạy lên trên óc được vì tim bơm máu và các động mạch co thắt giữ huyết áp đầy đủ: ngoài ra vận động di chuyển sẽ làm máu chạy về tim thay vì nằm đọng lại trong tỉnh mạch dưới chân. Các bệnh về phản xạ mạch máu co thắt, bệnh tim … làm ngăn trở các cơ chế trên như vậy đều có thể gây ra ngất xỉu.

Bệnh nào gây ra ngất xỉu?


- Ngất xỉu do phản xạ về co thắt mạch máu, gọi là vasovagal syncope.

Ngất xỉu kiểu này có thể xảy đi xảy lại, liên quan tâm lý nhiều như sợ hãi quá độ, đau đớn quá ... Khi ngất xỉu, áp huyết hạ thấp xuống đột ngột, tim đập chậm lại làm máu càng thiếu để dồn lên óc vá kết quả gây ra xỉu. Thường loại xỉu này không phải chữa trị gì. Chỉ cần cho nằm với chân giơ cao lên và loại bỏ nguyên nhân gây ra xúc động tâm lý mạnh sẽ hết.


- Ngất xỉu do áp huyết thấp.

Một số người bệnh có chứng áp huyết thấp kinh niên, khi ở vị thế nằm hay ngồi, đứng lên nhanh quá áp huyết xuống quá thấp sẽ bị xỉu. Thường xảy ra ở ngươi già, nằm nhiều, ít hoạt động, đi lại. Nhưng người bị bệnh tiểu đường, nghiện rượu kinh niên, thiếu sinh tố B1 … hay bị chứng áp huyết thấp lúc đứng lên đột ngột này. Những người uống thuốc trị áp huyết cao uống qúa liều, uống thuốc lợi tiểu nhiều, ra mồ hôi nhiều mà uống nước ít hay dễ bị ngất xỉu .

Một trường hợp đặc biệt cũng hay xảy ra ở người già là bị ngất xỉu sau khi đi tiểu. Lý do là bọng đái đang căng phồng do nhịn lâu, khi tiểu ra làm phản xạ hạ áp huyết, kèm thêm với đang đứng làm áp huyết quá thấp gây xỉu.


(còn tiếp)

frankie
10-22-2024, 09:57 AM
- Ngất xỉu do bệnh tim.


Một trong nhưng nguyên nhân quan trọng nhất của ngất xỉu là những bệnh về tim, đặc biệt là những bệnh rối loạn về nhịp tim. Nhịp tim quá chậm dưới 35-40 nhịp một phút hay quá nhanh trên 180 nhịp một phút đều có thể làm té xỉu.

Bệnh làm tim đập chậm thường do những luồng điện làm bắp thịt tim co bóp bị ngăn chận gọi là atrioventricular block, thấy ở người già, đôi khi ở người trẻ nhưng hiếm hơn. Ngất xỉu xảy ra khi nhịp tim chỉ còn 30-35 nhịp một phút, hay tim đứng lại luôn không đập trong một vài giây, người bệnh ngã xỉu bất thình lình, sau đó tim đập lại mau hơn và tỉnh lại. Chứng này gọi là StokesAdams attacks, có thể lâu lâu xảy ra hay có thể xảy ra vài lần trong một ngày.

Các bệnh làm tim đập chậm khác là bệnh của trung tâm điều khiển nhịp tim gọi là sinus node, đôi khi làm tim đập rất chậm, có lúc lại làm tim đập quá nhanh gọi là bradycardia-tachycardia syndrome. Các bệnh tim đập chậm làm ngất xỉu này nguy hiểm vì có thể làm tim ngừng luôn và chết. Bị loại này phải chữa bằng cách mổ để gắn máy điều khiển nhịp tim gọi là pacemaker trong người. Thường các pacemaker này chạy bằng battery, được đặt dưới da trước ngực, với dây điện luồng theo mạch vào tim để điều khiển nhịp tim cho đều.

Tim đập nhanh cũng làm xỉu. Các bệnh này thường hay do bẫm sinh, thấy ở người trẻ tuổi, làm tim đập nhanh hằng hai trăm nhịp một phút làm xỉu vì đập nhanh quá không kịp đổ về tim, mức bóp đẩy máu kên óc còn quá ít, làm xỉu. các bệnh này có nhiều loại, thường nhất là các bệnh gọi là supraventricular arythmias, nguy hiểm hơn lá các chứng tim đập quá nhanh do bị nghẹt động mạch tim gọi là ventricular arythmias, có thể làm chết bất thình lình.

Các bệnh về van tim như nghẹt van tim đại động mạch gọi là idiopathic hypertrophic subaortic stenosis có thể làm ngất xỉu khi hoạt động nhiều, chơi thể thao mạnh. Những trường hợp các lực sĩ chơi football, basketball đang chơi bị ngất xỉu hay bị nặng nhiều khi chết luôn có thể do những loại nghẹt van tim này gây ra, hoặc đi kèm thêm vơi rối loạn nhịp tim khi bị các loại bệnh van tim bẩm sinh này.


- Những bệnh khác gây ra ngất xỉu.

Một số ngươi, nhất là người lớn tuổi có cơ quan ảnh hưởng đến nhịp tim gọi là carotid sinus nằm ở động mạch cổ rất nhạy cảm. Khi xoa bóp hay đè mạnh ở chỗ cổ dưới càm nơi có cơ quan carotid sinus này sẽ làm tim đập chậm lại, hoặc áp huyết hạ xuống. Những người bị bệnh cơ quan này quá nhạy cảm nhiều khi mặc cở áo quá chật, đè lâu vào cổ, hoặc bất thình lình ngoái cổ thật nhanh và mạnh làm kich thích cơ quan carotid sinus gây tim đập rất chậm và làm xỉu.

Trường hợp hiếm khác nửa là đôi khi ho quá nhiều, quá lâu và ho mạnh gây ra xỉu, gọi là tussive syncope. Lý do là khi ho mạnh, áp suất trong lồng ngực tăng cao làm máu chảy về tim ít hơn và bơm ra không đủ lên óc gây ra xỉu. chứng này thấy nơi những người già bị viêm cuốn phổi kinh niên ho liên hồi, nhưng cũng ít xảy ra.

frankie
10-23-2024, 11:41 AM
Những bệnh gây ra muốn xỉu nhưng không ngất hẳn.


Nhiều bệnh khác gây ra cảm giác muốn xỉu nhưng không đến nỗi ngất đi hẳn, vẫn còn ý thức được chung quanh. Thường nhất là chứng thở quá nhanh do lo âu quá độ gọi là hyperventilation. Thở nhanh quá làm mất chất thán khí trong máu làm tê tay tê chân và cảm giác muốn xỉu, hay thấy ở nhưng người đàn bà bị tâm lý xáo trộn

. Một bệnh thường khác cũng gây cảm giác muốn xỉu là lượng đường trong máu quá thấp gọi là hypoglycemia. Khi mức đường trong máu chỉ còn 30- 40mg% thường làm mệt, mồ hôi toát ra, tim đập nhanh và cảm giác như muốn xỉu. Hay xảy ra hai ba tiếng sau khi ăn. Một số người trước khi bị tiểu đường bị chứng này trước khi phát hiện bệnh tiểu đường hẳn. Hiếm hơn là những bệnh của tuyến tụy tạng pancreas, hay bệnh thượng thận, bệnh não thùy, bệnh gan nặng. Đôi khi nhưng người bị tiểu đường chích insulin quá liều cũng bị chứng này gây ra xỉu.

Một bệnh quan trọng gây ra cảm giác muốn xỉu là những trường hợp bị nghẹt mạch máu đầu, gây ra muốn xỉu, liệt một bên tay, một bên chân, nhìn chập đôi trong một chốc lát gọi là TIA hay transient ischemic attacks. Bị muốn xỉu có kèm triệu chứng như trên phải coi chừng sắp bị đứt mạch máu đầu (stroke) và phải chữa trị ngay.


Ngất xỉu do kinh giật.

Những chứng ngất xỉu trên thường không cóa kinh giật đi kèm, tuy có thể đôi khi thấy một ít bắp thịt nhỏ trên mặt giật nhẹ. Chứng kinh giật gọi là seizures hay epilepsy khác vì làm giật tay, chân mạnh và làm mất ý thức chung quanh. Phân biệt giữa kinh giật và ngất xỉu thường cũng dễ dàng tuy đôi khi phải làm thử nghiệm để chắc chắn hẳn.

***

Tóm lại, chứng ngất xỉu xảy ra khá thông thường và có thể do những nguyên nhân nhẹ, tuy nhiên một số trường hợp có thể do những bệnh nguy hiểm gây ra. Khi bị ngất xỉu thường phải đi khám nghiệm để biết rõ nguyên nhân và loại trừ những trường hợp bệnh nặng. Quan trọng nhất là đo tim để biết về nhịp tim hoặc làm những thử nghiệm khác để biết rõ hơn về tình trạng của tim. Một ít trường hợp không phân biệt được với bệnh kinh giật sẽ phải đo điện não kế gọi là electroencephalogram để định bệnh

frankie
10-25-2024, 08:49 AM
DA VÀNG


HỎI:


Nhiều người nói da tôi mấy tháng nay thấy hơi vàng. Tôi có đi khám bệnh và thử máu mấy lần và được cho biết tôi không có bệnh gì về gan. Tôi thấy người cũng khỏe mạnh, thường chỉ ngoài việc da vàng hơn trước kia. Tôi giữ sức khỏe điều độ, ăn trái cây, uống nước cà rốt mỗi ngày đễ cho mát mẻ, không hiểu sao lại bị như vậy?

Nguyễn T. V.


ĐÁP:


Nguyên nhân chứng vàng da thường nhất là do bệnh gan như viêm gan, cứng gan. Bệnh về túi mật, nghẹt ống dẫn mật cũng thường làm vàng da. Một số ít trường hợp do dùng thuốc làm ảnh hưởng đến gan và vàng da (thuốc ngừa thai là một thí dụ). Một số trường hợp khác do chứng tiêu huỷ hồng huyết cầu làm lượng bilirubin cao cũng làm vàng da. Những bệnh này là những bệnh nặng, khi đi khám và thử máu sẽ tìm ra dễ dàng.

Trường hợp của bà đã đi khám và thử máu nhiều lần được cho biết không có bệnh gì quan trọng, thực sự việc định bệnh rất rõ ràng và dễ hiểu nếu bà khai bệnh từ đầu có nhắc đến việc uống nước cà rốt mỗi ngày.

Khi ăn hay uống quá nhiều cà rốt, chất carotene là chất sinh tố có rất nhiều trong cà rốt sẽ tăng rất cao trong máu. Chất carotene được cơ thể dùng để biến đổi sang vitamin A, nhưng khi ăn quá nhiều carotene, phản ứng biến đổi này bị ngăn cản và lượng carotene trong máu sẽ tăng cao gọi là chứng carotenemia.

Chứng này thật ra không gây gì nguy hại cho sức khoẻ cả, chỉ làm khó coi vì da sẽ trở thành vàng hơn, đặc biệt ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một đặc điểm để phân biệt với các bệnh vàng da do gan hay các bệnh nặng khác là lòng trắng mắt không đổi sang vàng trong khi bệnh gan làm vừa vàng da vừa vàng mắt.

Trị liệu không phải làm gì, chỉ việc ngưng ăn hay uống nước cốt cà rốt sau vài tuần da sẽ hết vàng và trở lại bình thường. Điều nên nhớ là ngoài cà rốt, một số trái cây, rau có nhiều màu (cà chua, nước rau V- 8 .. v.v...) cũng có nhiều carotene, không nên dùng quá nhiều để tránh vàng da trở lại.

frankie
10-28-2024, 09:30 AM
ĐÁI DẦM ĐÊM


HỎI:


Tôi có đứa con gái đã hơn 9 tuổi nhưng đêm nào cũng còn bị đái dầm. La mắng thế nào cũng vẫn còn tật đó. Xin bác sĩ cho biết có thuốc nào trị chứng đái dầm đêm này không?

Lê Tuyết A.


ĐÁP:


Chứng đái dầm đêm (Nocturnal enuresis) xảy ra ở nhiều trẻ em nhưng nếu chỉ lâu lâu mới bị cũng không có gì đáng ngại. Trẻ em dưới 2 tuổi đái đêm là chuyện thường vì việc kiểm soát bọng đái hoàn toàn do phản xạ của tuỷ sống tại xuơng cùng (sacral spinal reflex).

Khi trẻ em lớn hơn, não bộ bắt đầu kiểm soát sự làm việc của bọng đái nên trẻ không đái đêm nữa, tuy nhiên ở một số trẻ em việc kiểm soát này có thể trưởng thành hơi chậm nên đái dầm đêm xảy ra. Nên nhớ chứng này có tính cách di truyền nên phụ huynh có lẽ không nên la mắng con em nếu đôi khi trẻ em vẫn còn đái dầm ban đêm!

Hầu hết khi bắt đầu dậy thì chứng đái dầm đêm sẽ hết hẳn, tuy nhiên nếu xảy ra quá thường xuyên và lớn hơn 3, 4 tuổi rồi vẫn còn đái dầm, nên đi khám xem trẻ em có bị bệnh gì không. Đôi khi có thể do nhiễm trùng đường tiểu, bệnh bẩm sinh của bọng đái... tuy khá hiếm.

Nếu không có bệnh gì quan trọng và bị chứng đái dầm đêm quá thường xuyên, có thể dùng cách trị liệu mới là thuốc bơm mũi DDAVP. Thuốc này là tên tắt của kích thích tố kiểm soát việc tiểu tiện (anti-diuretic hormone) có tác dụng giúp thận giữ nước.

Thuốc này dùng bằng cách xịt vào mũi để hấp thụ qua màng nhày mũi và sẽ làm hết tiểu đêm rất có hiệu quả. Dùng thuốc DDAVP xịt vào mũi mỗi bên mũi một xịt ban đêm sẽ ngăn chặn được hầu hết các trường hợp đái dầm đêm. Thuốc có thể dùng từ 4 đến 8 tuần lễ nhưng không nên lâu hơn.

Thường sau một thời gian dùng thuốc, trẻ em không đái dầm đêm nữa và sẽ quen đi, khi bỏ thuốc cũng ít khi bị lại. Tuy nhiên thuốc này chỉ dùng cho những trường hợp bị chứng đái dầm đêm nặng và cần được bác sĩ theo dõi cẩn thận.

frankie
10-31-2024, 09:14 AM
NHIỄM TRÙNG NGOÀI DA


HỎI:


Da tôi rất độc, mỗi khi bị đứt tay hay bị trầy trụa đều làm độc và sưng lên có mủ. Ngoài ra móng chân cái tôi cũng hay làm độc, nếu không cắt sát, đầu móng chân cái dễ bị đau nhức và làm mủ. Xin bác sĩ cho biết da hay bị làm độc như vậy là tại sao và chữa trị cách nào?

Trần Văn T.


ĐÁP:


Chứng nhiễm trùng ngoài da như ông tả là do loại vi trùng Staphylococcus gây ra. Vi trùng này thường thấy sống trên da và nếu da bị trầy, bị đứt, vi trùng có thể xâm nhập và gây ra nhiễm trùng ngoài da.

Có 2 loại vi trùng Staphylococus. Một loại gọi là Staphylococcus coagulase negative gồm có vi trùng S. epidermidis là vi trùng không gây ra bệnh trên người bình thường và được coi là loại vi trùng cơ hữu của mọi người ai cũng có (normal flora). Tuy nhiên vi trùng S. epidermidis có thể gây ra bệnh trên những người bị bệnh AIDS hay bị bệnh van tim và ghiền chích choác. Loại khác nữa là S. saprophyticus bình thường không gây bệnh tuy đôi khi có thể làm nhiễm trùng đường tiểu.

Loại vi trùng gây ra bệnh là loại Staphylococcus aureus, thường có ở trong cánh mũi người bình thuờng (70-90%) và từ đó sống ở trên da. Khi da bị đứt, bị trầy hay trên những người bị bệnh dị ứng da làm vi trùng dễ xâm nhập, vi trùng Staphylococcus sẽ xâm chiếm vào bên trong và sinh sôi nảy nở.

Cơ thể sẽ chống cự bằng cách cho các bạch cầu đa nhân ra ăn các vi trùng Staphylococcus. Nếu vi trùng quá nhiều, các bạch cầu đa nhân này sẽ chết và sẽ tạo ra mủ vàng, được bọc bằng một lớp sợi tạo ra túi mủ.

Nếu bị nặng, vi trùng có thể sẽ chạy ra ngoài các túi mủ và vào máu gây ra nhiễm trùng máu hoặc sẽ theo máu chạy đến xương làm nhiễm trùng xương như ở trẻ con, làm nhiễm trùng phổi, thận, van tim, gan, lá mía hay có thể chạy vào óc làm mủ trong óc.

Phần lớn các trường hợp và ở người bình thường không bị những bệnh nặng hay kinh niên như tiểu đường, AIDS, hay các bệnh làm suy yếu cơ thể khác, vi trùng Staphylococcus aureus chỉ ở ngoài da gây ra nhiễm trùng da. Vi trùng này xâm nhập các lỗ chân lông hay tuyến mồ hôi dưới da gây ra các bọc mủ như ở nách, ở háng, hay trên mặt, cổ, lưng...Nhiều người hay bị nhiễm trùng ở móng chân vì móng mọc ngược đâm sâu vào thịt, đi đứng va chạm ngón chân cái hay cắt không khéo sẽ làm nhiễm trùng và làm mủ ở ngón chân.

Loại vi trùng Staphylococcus aureus hầu hết kháng lại thuốc trụ sinh Penicillin nên khi bị nhiễm trùng da, dùng Penicillin hay Ampicillin hoặc Amoxicillin đều không có hiệu quả. Để trị nhiễm trùng da do vi trùng này phải dùng trụ sinh có chất chống lại với các phân hoá tố Penicillinase của vi trùng như Dicloxacillin, Methicillin. Những người bị phản ứng với Penicillin không dùng được các loại trụ sinh như Dicloxacillin sẽ phải dùng loại khác như Erythromycin, Clarithromycin tuy hiệu quả ít hơn

Nếu bị làm mủ bọc lớn sẽ phải rạch mủ và dẫn mủ ra mới hết bệnh được. Hiện nay rất nhiều trường hợp vi trùng Staphylococcus đã kháng thuốc với loại Methicillin gọi là MRSA (methicillin-resistant Staphylococcus aureus), phải dùng các loại thuốc khác nhù Clindamycin, Bactrim -DS. Một loại thuốc mới là Linezolid bán dưới tên thương mại là Zyvox loại 400 hay 600mg, uống ngày 2 lần trong 2 tuần cũng trị được vi trùng kháng thuốc này.

Điều nguy hiểm với nhiễm trùng da do Staphylococcus aureus là những biến chứng quan trọng như vi trùng chạy vào mạch máu, vào van tim, vào phổi, vào xương. Chữa trị những biến chứng này rất khó khăn và cần phải vào bệnh viện vì đây là những bệnh nặng làm chết được và cần phải truyền thẳng trụ sinh vào máu để chữa rất lâu, có thể cả tháng trời hay hơn nữa.

frankie
11-01-2024, 08:24 AM
Ngoài việc gây ra bệnh trực tiếp do vi trùng xâm nhập, Staphylococcus còn có thể gây ra bệnh bằng độc tố (toxin). Thí dụ như nhiễm độc do đồ ăn để dơ có vi trùng Staphylococcus sinh sôi trong đồ ăn và tiết ra độc tố lẫn vào đồ ăn gọi là food poisoning.

Nếu ăn phải những đồ này sẽ bị ói mửa rất nhanh trong vòng từ 2 đến 6 tiếng và bị tiêu chảy. Những người bị nặng có thể phải truyền nước biển để thay thế cho số lượng nuớc bị mất. Vì do độc tố gây ra nên trụ sinh không có hiệu quả. Thường chỉ bị trong vòng vài tiếng hay một hai ngày sẽ tự khỏi.

Một loại độc tố khác do vi trùng Staphyloccus gây ra nguy hiểm hơn nhiều và có thể gây chết người được. Loại độc tố này gọi là TSST-1 có thể xảy ra nơi một số người đàn bà khi có kinh nguyệt dùng những loại bông nhét tampons để lâu và bị nhiễm một loại vi trùng Staphylococcus độc. Khi bị độc tố TSST-1 do vi trùng này tiết ra xâm nhập vào máu, người bệnh có thể bị kích xúc, làm suy thận, làm đông máu... và có thể gây ra chết được.

Hiện nay, các loại tampons dễ gây ra độc tố của vi trùng Staphylococcus đã bị cấm bán trên thị trường. Tuy nhiên chứng bệnh do độc tố này vẫn còn xảy ra và nguy hiểm nên đàn bà khi có kinh nên tránh dùng các loại tampons nhét và để lâu để ngừa chứng bệnh do độc tố của vi trùng này.

Về vấn đề phòng ngừa bệnh, vi trùng Staphylococcus sống thường xuyên trên da nên giữ vệ sinh da là điều quan trọng. Truyền nhiễm vi trùng này do tay bẩn nên cần phải rửa tay thường xuyên. Các bệnh ngoài da như mụn mặt, trứng cá nên chữa trị tránh cho vi trùng có chỗ xâm nhập và sinh sôi nảy nở. Khi bị đứt tay, trầy tay nên dùng các kem sát trùng như Neosporin, Bactroban hay mupirocin để trị và ngừa. Nhiều người hay bị lở mũi và dễ bị nhiễm trùng nên dùng kem sát trùng như mupirocin để bôi mũi.

Những người bị dị ứng da nên chữa dị ứng để tránh da bị quá khô hay bị lở do dị ứng làm vi trùng xâm nhập. Móng chân nếu hay bị đâm vào thịt nên cắt kỹ lưỡng bằng các loại kéo đặc biệt nail clippers để đỡ nhiễm trùng do móng chân.

Ngoài ra những người hay bị nhiễm trùng thường quá có thể phải đi khám nghiệm kỹ lưỡng và làm thử nghiệm đầy đủ để xem cơ thể có bị suy yếu về miễn nhiễm dễ gây ra nhiễm trùng. Những bệnh về miễn nhiễm định bệnh tương đối phức tạp nên cần phải khám chuyên môn để tìm bệnh được chính xác và chữa trị hiệu quả.

frankie
11-06-2024, 08:53 AM
BỆNH NẤM NGOÀI DA


HỎI:


Con tôi năm nay 11 tuổi, mới gần đây bị nổi một vết đỏ trên mặt làm ngứa. Tôi ra chợ mua thuốc ngứa tên là hydrocortisone thoa cho cháu nhưng không thấy bớt. Chị bạn tôi cho mượn một lọ thuốc tên là Elocon, tôi bôi cho cháu không thấy đỡ lại còn lan thêm.

Hiện nay vết đỏ trên mặt cháu lan rộng bằng hai ba đồng tiền quarter, làm ngứa nhiều hơn. Tôi thấy vết đỏ lan thêm một ngày một nhiều, có bờ ngoằn ngoèo trông phát sợ nên không dám bôi thuốc của chị bạn nữa. Xin bác sĩ cho biết cháu có thể bị bệnh gì. Có nguy hiểm không? Có thuốc nào khác để bôi chữa cho hết vết đỏ này không?


Trương Thị H.


ĐÁP:


Bệnh của cháu nhiều phần là bệnh nấm ngoài da. Một thói quen của người Việt là hay tự chữa lấy, nhất là những bệnh ngoài da! Loại thuốc bôi như hydrocortisone hay Elocon như tả trên là loại thuốc steroid cream dùng để chữa những bệnh ngứa ngoài da thuộc loại dị ứng, hay còn gọi là eczema. Tuy nhiên, không phải những vết đỏ ngoài da nào cũng do dị ứng.

Một loại bệnh ngoài da khác dễ nhầm lẫn với bệnh ngoài da do dị ứng, là bệnh nấm. Khi dùng thuốc tự chữa lấy không đúng cách như tả trên, loại thuốc steroid cream sẽ làm bệnh nấm ngoài da nặng thêm và lan rộng hơn trước. Hydrocortisone là thuốc steroid loại nhẹ, nhưng Elocon là loại thuốc chữa dị ứng da mạnh hơn nên khi dùng để bôi vết đỏ ngoài da do nấm gây ra, sẽ làm bệnh nấm trở thành nặng và khó chữa hơn nhiều.

Những loại steroid mạnh hơn nữa như Diprolene, Temovate, Topicort, Halog... nếu dùng không đúng cách và bôi vào những bệnh da do nấm gây ra sẽ còn làm nặng hơn nên điều quan trọng là không nên tự chữa lấy và dùng đại những thuốc bôi mạnh như các loại trên để tự chữa, hoặc nguy hiểm hơn, dùng thuốc của người khác!

Bệnh nấm ngoài da là do những loại nấm xâm chiếm lớp biểu bì trên da (epidermis), lan ra trên những tế bào của phần ngoài gọi là stratum corneum. Ngoài ra những phần phụ thuộc của da như lông tóc và móng tay, móng chân cũng dễ bị các loại nấm xâm nhập và gây nên bệnh nấm của móng (onychomycosis). Các loại nấm này gọi chung là Dermatophytes, gồm những nấm như Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum...

Riêng một loại nấm khác hay gây ra chứng bệnh nấm ngoài da lan rộng cả người hay còn gọi là lang ben, là loại Malassezia furfur. Bệnh nấm ngoài da thường xảy ra, nhất là trẻ em. Chứng lang ben do nấm Malassezia (tên cũ là Pityrosporon) hay thấy nhất ở những trẻ đang tuổi lớn. Ngoài ra nấm mọc trên da đầu cũng hay thấy ở trẻ em gọi là tinea capitis, loại này tương đối khó chữa.

Người lớn hay bị nấm thường hơn trên cơ thể gọi là tinea corporis, hay nấm mọc dưới háng gọi là tinea cruris. Bệnh nấm mọc dưới háng người Việt ta hay gọi là lác, hay thấy ở thanh niên. Người lớn tuổi hơn hay bị nấm mọc ở dưới chân gọi là tinea pedis, nhất là những người bị tiểu đường. Loại này thường đi chung với nấm ở móng chân, rất khó trị cho hết hẳn.

Bệnh nấm ngoài da hay gây những vết đỏ, có bờ rõ ràng. Thường nấm lan rộng sẽ làm những bờ này chạy ngoằn ngoèo. Khi lan rộng ra nhiều, những bờ ngoài sẽ đỏ hơn vùng da bên trong, đây là cách để phân biệt với những bệnh da khác, nhất là bệnh ngứa da do dị ứng eczema.

Đặc biệt nấm sẽ lan rộng hơn nếu dùng kem thoa có chất steroid như hydrocortisone, triamcinolone, Elocon, Topicort, Betamethasone...nên đây có thể coi như một dấu hiệu định bệnh. Có nghĩa, nếu vết đỏ lan rộng hơn với những loại kem này, gần như chắc chắn đây là bệnh nấm ngoài da, không phải bệnh dị ứng.

frankie
11-07-2024, 08:33 AM
Tuy nhiên để định bệnh chính xác hẳn, cần phải làm thử nghiệm da. Phương pháp thử là cạo một chút da, cho hòa với dung dịch potassium hydroxide (KOH) và xem dưới kính hiển vi. Nếu thấy có những tế bào nấm chạy thành dây, mọc nhánh gọi là hyphae, đây là thử nghiệm định bệnh chắc chắn có bệnh nấm.

Tuy nhiên, thử nghiệm KOH dành cho trường hợp khó, phần lớn trường hợp, định bệnh nấm chỉ cần nhìn để phân biệt những đặc tính của vết đỏ trên da để đoán bệnh và cho thuốc chữa ngay.

Thuốc chữa nấm có nhiều thứ thuốc để thoa, đều thuộc hai loại chính gọi là allylamine và imidazole. Thuốc chữa nấm thường rất hiệu quả, chữa khỏi trong 95% trường hợp. Các bệnh nấm khó chữa thường hay xảy ra trên da đầu (tinea capitis) như ở trẻ em, đôi khi phải dùng thuốc uống loại griseofulvin. Bệnh nấm ở móng tay hay chân (onychomycosis) cũng khó chữa, phải dùng thuốc rất lâu, thường phải uống mới hết hẳn được, nhất là nấm ở móng chân, khó chữa hơn nấm ở móng tay.

Thuốc thoa để chữa nấm có thể mua không cần toa, là loại Lotrimin hay Micatin. Tuy nhiên, những loại mạnh và tốt hơn cần phải có toa bác sĩ như các thuốc Loprox, Oxistat, Mentax, Naftin, Nizoral... Đặc biệt loại thuốc Loprox (tên khoa học là Ciclopirox) khá có hiệu quả với nấm ở móng. Thuốc loại ciclopirox này gần đây được dùng dưới dạng sơn móng tay để chữa nấm gọi là thuốc Penlac nail lacquer tương đối khá tốt.

Các thuốc trị nấm ngoài da này thường phải dùng thoa đều ngày một lần hay hai lần tùy loại thuốc. Trung bình phải thoa khoảng một đến hai tuần cho hết hẳn. Ngưng thuốc sớm quá sẽ dễ làm bị nấm trở lại. Đối với nấm ở móng tay hay móng chân, nếu bị ít, có thể dùng loại thuốc sơn móng Penlac như đã nói trên, nếu bị nhiều, thường phải dùng thuốc uống loại Lamisil để chữa bệnh nấm ở móng.

Đối với bệnh nấm lan cả người làm lang ben gọi là Tinea versicolor, có thể dùng các thuốc loại thoa như đã nói trên, tuy nhiên, nếu bị lang ben đầy cả người, thuốc thoa thường khó dùng và khó trị cho hết hẳn. Một cách trị mới là dùng thuốc uống loại Diflucan để chữa, tuy nhiên thuốc này dùng phải cẩn thận vì có thể có phản ứng phụ về gan và phải theo dõi cẩn thận.

Những bệnh nấm ngoài da nếu chữa không đúng cách, dùng loại steroid cream như trong câu hỏi đầu bài, sẽ làm bệnh nấm khó trị hơn nhiều. Thuốc chữa nấm thông thường có thể không trị dứt được, phải dùng loại Nizoral cream và thoa lâu dài, có thể phải hai tuần hay lâu hơn để trị hết hẳn.

Một loại bệnh nấm ngoài da khác, không phải do những nấm Dermatophytes như đã nói trên nhưng do loại nấm Candida gây ra bệnh ngoài da. Nấm Candida ở trẻ sơ sinh hay gây ra hăm và nổi đỏ ở bẹn khi đóng tã, gọi là diaper rash. Ngoài ra phụ nữ cũng hay bị nấm Candida ở bộ phận sinh dục gây ra ngứa và nổi đỏ chung quanh cửa mình, nhất là khi uống thuốc trụ sinh nhiều, nấm Candida có cơ hội mọc nhiều hơn gọi là overgrowth và gây ra bệnh nấm ngoài da.

Những người bị bệnh tiểu đường cũng dễ bị bệnh nấm Candida này vì sức đề kháng của cơ thể yếu do tiểu đường, dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm Candida. Thuốc để chữa nấm Candida là loại thuốc bôi Nystatin rất công hiệu ở trẻ con. Với phụ nữ, có thể dùng kem Nystatin để bôi nếu bị nhẹ. Nếu bị nặng hơn, có thể phải dùng thuốc uống Diflucan để chữanấm Candida.

Tóm lại bệnh nấm ngoài da là bệnh thông thường hay thấy và dễ nhầm lẫn với những chứng bệnh ngoài da khác do dị ứng gây ra. Vì thế không nên tự chữa lấy và nhất là không nên dùng thuốc của người khác để chữa cho mình hay cho người thân vì có thể làm bệnh nặng hơn và khó chữa hơn. Khi bị bệnh nấm ngoài da, cần phải chữa bằng thuốc trị nấm cho đúng cách. Với những thuốc trị nấm tốt hiện nay, bệnh nấm thường dễ chữa và sẽ hết hẳn khi dùng đúng thuốc.