PDA

View Full Version : Những Người Đàn Bà Giữa Hai Lằn Đạn - Mặc Bích



frankie
08-07-2023, 11:21 AM
Bác Thương



Khi còn nhỏ, chuyện bác Thương, chỉ là một câu chuyện kể trong gia đình họ ngoại của Uyển, nhưng sau mấy chục năm câu chuyện về bác không ngờ lại ăn rễ sâu và không còn hời hợt như một câu chuyện thoáng qua như trăm ngàn câu chuyện khác. Hay chỉ bởi vì những suy nghĩ nẩy sinh về câu chuyện của bác Thương đã được đào sâu hơn để hiểu thêm về bác làm Uyển không quên được.

Bác Thương lớn lên trong một gia đình khá giả đông con ở Hà Nội. Bà ngoại Uyển có cửa hàng da ở phố Hà Trung hay còn gọi là Phố Hàng Da. Mẹ của Uyển là con gái áp út. Tất cả những người con trai và con gái của ông bà ngoại đều đẹp. Riêng bác Thương rất cao lớn so với chiều cao trung bình của người Việt Nam. Học thức và có nhan sắc, bác Thương được nhiều chàng trai trẻ Hà Nội ngắm nghé. Nhưng những bông hoa ngọc lan thơm ngát thường xuyên được ném qua từ nhà hàng xóm đã làm bác xiêu lòng. Nhà hàng xóm sát bên cũng buôn bán nhưng còn khuếch trương và phát đạt hơn vì hai mặt phố, phố Hàng Da và mặt sau là phố Hàng Bông. Người thanh niên công tử hàng xóm đẹp trai và cũng có chiều cao vượt trội tên là Kiệt đã chiếm được trái tim bác Thương.

Tình yêu nẩy nở và hai gia đình đã đồng ý để cho đôi trẻ kết hôn. Về làm dâu nhà sát cạnh bên nên bác Thương vẫn không có cảm giác là xa nhà và thường xuyên về nhà mình không phải để thăm hỏi hay vì nhớ nhà nhưng chỉ do những nhu cầu nhỏ nhặt nhưng mà quan trọng vì nhà chồng rất tiết kiệm tuy giầu có!

Bác Thương và chồng sinh được hai trai, hai gái. Các anh chị đều đẹp như bố mẹ và được ông bà nội ngoại yêu quý.

Năm 1952, mẹ của Uyển lập gia đình vào Nam, theo bố Uyển lên Đà Lạt lập nghiệp xa gia đình. Năm 1954, chia đôi đất nước, gia đình bên ngoại của Uyển ở lại miền Bắc vì không muốn mất cơ ngơi và lo âu nếu di cư vào Nam sẽ sinh sống ra sao. Gia đình bên nhà chồng bác Thương cũng ở lại Bắc vì cùng lý do. Riêng gia đình bác Thương nhất quyết theo làn sóng di cư vào Nam.

Nhưng gia đình bác Thương đã không vào Nam được trọn vẹn như những gia đình khác. Sự không trọn vẹn đó không phải là một chọn lựa của hai bác mà là một bắt buộc mang tính cưỡng bức! Hai người con lớn của bác Thương là anh Lan (mang âm hưởng của những đóa hoa ngọc lan mà bác trai đã tán tỉnh cô hàng xóm yêu kiều bằng cách đó) và chị Mai bị gia đình bên nội bắt ở lại để còn kế thừa gia nghiệp của ông bà nội sau này.

Bác Thương cùng chồng và hai con nhỏ ra đi trong nước mắt nhưng bác cương quyết không ở lại miền Bắc. Bi kịch của gia đình bác Thương bắt đầu từ đó.
Vào Nam, chồng bác Thương vốn là công tử con nhà giầu chẳng làm ăn gì bao giờ, lao động thì không nổi nên đang lúc vấn đề đi lại giữa hai miền Nam Bắc vẫn còn dễ dàng, bác Kiệt trở về miền Bắc. Mình bác Thương ở lại miền Nam và hai người con nhỏ. Là một phụ nữ nhưng bác Thương rất cứng cỏi và can đảm xốc vác nuôi hai người con nhỏ là anh Bình và chị Hiền.

Chẳng bao lâu bác Kiệt, chồng bác Thương lại trở lại vào Nam cùng gia đình người chị ruột. Ba mẹ bác Kiệt vẫn cố thủ ở miền Bắc cùng hai người con lớn của bác. Người chị của bác Kiệt chăm lo gia đình và đồng thời cũng lo cho cậu em luôn. Những lúc khó khăn và gian truân, những người phụ nữ Việt Nam đã tỏ ra bản lãnh đáng khâm phục!

Cho nên tuy ở cùng trong miền Nam nhưng gia đình bác Thương đã ly tán, chồng ở một nơi, vợ ở một nẻo. Mối tình thơ mộng ngày nào nay đã tan thành mây khói trước những nghiệt ngã của cuộc đời!

Một thời gian sau, bác Thương tìm được một công việc trong Bộ Thông Tin, bác xuống miền tây làm việc nên hai vợ chồng lại về với nhau. Bác trai ở nhà săn sóc hai con ở Sài Gòn, còn bác gái xuống miền Tây làm việc.

Khi những người con của bác Thương đã khôn lớn thì anh Bình nhập ngũ, chị Hiền lúc đó đã 17 tuổi. Uyển chưa hề gặp bác Kiệt bao giờ nhưng nàng nhớ mãi người anh họ tên Bình cao lớn đẹp trai và vui tính. Mùa hè năm đó khi Uyển còn nhỏ, anh Bình và chị Hiền lên Đà Lạt chơi cả tuần lễ. Suốt ngày anh Bình “luyện chưởng Kim Dung” là những trang giấy báo mà bố Uyển đã cẩn thận cắt ra mỗi ngày và đóng tập để còn xem lại! Sự hồn nhiên của cả anh Bình và chị Hiền đã vượt qua những gian truân của người mẹ đã hy sinh rất nhiều cho anh chị và gia đình.

Đó là mùa hè đầu tiên Uyển gặp gỡ người anh họ và chị họ của mình nhưng không ngờ cũng là lần cuối cùng gặp anh Bình vì anh đã tử trận không lâu sau đó. Không biết viên đạn của kẻ thù ngoài mặt trận đến từ đâu, từ một kẻ thù cùng mầu da, tiếng nói vô danh nào đó hay từ viên đạn vô tình của người anh ruột đứng về phía đối địch cũng rất tình cờ và oan trái? Nhưng anh Bình đã nằm xuống yên nghỉ, để lại cho bác Thương sự đau xót và căm hận cộng sản đến cùng cực. Trong nhà bác Thương dán đầy những bích chương chống cộng trên vách tường, bác đã trở thành một người chống cộng quá khích và cuồng nhiệt.

Trong thời gian đó, bác Kiệt, chồng bác Thương, đã mắc nghiện và không thể bỏ được. Bác Kiệt đã trở thành một con nghiện tệ hại! Một lần bác Thương từ miền Tây trở về nhà thấy chồng mình gom hết quần áo, sách vở của con gái, là chị Hiền, đem đi bán để lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện của mình, bác Thương đã giận dữ bỏ người chồng của mình và đem chị Hiền lên Đà Lạt gửi bố mẹ Uyển trông nom dùm vì sợ sẽ có ngày chồng mình sẽ bán cả con!

Chị Hiền ở nhà bố mẹ Uyển từ ngày đó trong vài năm cho đến khi bác Thương được đổi về làm ở Đà Lạt.

Lúc nhỏ Uyển thường theo mẹ đến thăm bác Thương và chị Hiền ở Đà Lạt. Đến khi chị Hiền lấy chồng thì ít ra thăm bác Thương. Chồng chị Hiền là một trung tá, Uyển không biết anh thuộc binh chủng nào nhưng hai người rất xứng đôi. Chị Hiền vẫn ở với mẹ vì chồng đi hành quân luôn luôn.

Uyển lớn lên rồi không còn nhớ đến chuyện bác Thương nữa. Những tưởng câu chuyện đời của bác Thương chỉ có vậy nhưng không ngờ những năm sau bi kịch lại tiếp diễn. Những vết thương tận trong đáy lòng của bác Thương lại được dịp banh xé ra trong uất hận không thể quên!

Năm 1975 khi miền Nam bị đổi chủ, lúc đó mẹ con bác Thương đã dọn về Sài Gòn và bác đã về hưu thì người con gái lớn tên Mai và chồng từ Bắc vào Nam tìm mẹ. Cuộc gặp gỡ đoàn tụ không mấy mặn mòi sau bao năm xa cách, không phải vì thời gian đã xóa nhòa tình cảm ruột thịt nhưng vì bác Thương đã dõng dạc tuyên bố với họ hàng, trong đó có mẹ Uyển, là:

“Chúng không phải là con tôi, chúng là con Việt Cộng!”.

Chị Mai và chồng đã ngẩn ngơ và xúc động trước phản ứng của mẹ già bao năm xa cách nay mới gặp lại! Thời gian sau gia đình chị Mai dọn hẳn vào Nam sống. Chị Mai vẫn nhẫn nhịn đến thăm và chăm sóc mẹ già dù bác Thương vẫn rất lạnh nhạt. Phần người con trai lớn của bác Thương là anh Lan đã không vào Nam gặp mẹ mà chi có vợ anh ta vào thăm mẹ chồng. Vợ anh Lan đã mang vào món quà là đôi dép cao su mà chị ấy cho rằng rất quý giá vì tưởng rằng trong miền Nam dân chúng rất đói khổ!

Không hiểu vì oán hận mình đã bị bỏ lại miền Bắc với ông bà nội hay vì anh Lan đã được tẩy não đến độ tình cha mẹ con cái cũng bị chà đạp dưới chân để chỗ tôn vinh lên những lý tưởng cao đẹp hoang đường khác mà anh đã không vào Nam thăm mẹ? Nhưng có lẽ cũng may cho anh Lan không phải nghe bác Thương nói câu nói “Chúng không phải là con tôi, chúng là con Việt Cộng!”.

Ngày bác Thương mất, anh Lan cũng không vào cư tang hay tiễn biệt mẹ lần cuối. Tình mẹ con đã chấm dứt không biết từ bao giờ? Riêng Uyển đã nghĩ không biết lúc hấp hối bác Thương có nghĩ lại và nhớ đến người con trai đầu lòng ở một nơi rất xa xăm, cho dù chỉ là nhớ đến một lần hay không? Hay cho dù giữa cái sống và chết, giữa mẹ và con, giữa tình máu mủ ruột thịt, thì sự khác biệt chiến tuyến vẫn là một ngăn trở vĩ đại mà không một sức mạnh nào khác có thể xóa tan được!

frankie
08-07-2023, 11:27 AM
Vú Diệu


Người mẹ đỡ đầu của Uyển là bà Diệu. Khi Uyển được sinh ra vì gia đình là Công giáo nên bố Uyển đã mời bà Diệu làm mẹ đỡ đầu cho Uyên vào ngày bé Uyển được rửa tội. Ngay chuyện chọn mẹ đỡ đầu cho Uyển cũng thành một vấn đề được tranh cãi và gây bất hòa. Bố Uyển không có nhiều anh chị em và cùng sống ở Đà Lạt chỉ có mỗi bà chị rất gần gũi và thân quý. Bà chị hiếm con và lập gia đình với một bác sĩ danh giá giầu có. Bà bác khi nghe cậu em mời bà Diệu làm mẹ đỡ đầu cho Uyển thì đã rất giận dữ vì nghĩ rằng mình mới là người làm mẹ đỡ đầu cho con bé Uyển! Bà bác đã giận bố Uyển một thời gian.

Còn bà Diệu là ai, người mà Uyển đã không gọi bằng bác như danh xưng với người bạn của bố mà lại gọi là Vú Diệu?

Vú Diệu là một người đàn bà góa chồng, đông con, đạo đức và hiền lành. Người mà bà bác của Uyển đã miệt thị khi cãi nhau với bố Uyển là:

“Tại sao cậu lại mời một người thợ may nghèo hèn như vậy đỡ đầu cho con gái cậu?

Bố của Uyển dù rất quý chị nhưng đã không có câu trả lời nào cho câu hỏi như thế mà chỉ biết im lặng. Nhưng khi Uyển lớn khôn thì đã nghĩ rằng chắc hẳn bố muốn Uyển cũng giống Vú Diệu, đạo đức, hiền lành và đơn sơ!

Người mẹ đỡ đầu của Uyển không khỏe mạnh, ốm đau luôn. Lần nào Uyển đến thăm Vú Diệu về cũng buồn và khóc suốt đi vì thương Vú bệnh hoạn.

Khi Uyển học năm thứ hai đại học, một hôm đang học trong lớp thì người nhà Vú Diệu đến báo tin Vú mất và gọi Uyển về cư tang. Đám ma Vú Diệu khá đông người tham dự ngoài gia đình. Trong đám ma đây cũng là lần đầu tiên Uyển nhìn thoáng thấy người em trai của Vú Diệu, ông ta cũng là người giúp đỡ gia đình Vú Diệu bao năm qua. Có thể nói đó là một người quyền cao chức trọng có hộ vệ đi kèm nhưng rồi Uyển cũng quên đi.

Sau nhiều năm, tình cờ mẹ Uyển nay đã nhiều tuổi nhưng vẫn còn nhớ nhiều chuyện xưa đã kể những điều bí ẩn về Vú Diệu và vì sao mà Vú tìm về một nơi hẻo lánh, tỉnh nhỏ để ẩn thân và nuôi dưỡng con cái.

Vú Diệu xuất thân từ một gia đình danh giá, đông anh em. Người em trai của Vú Diệu làm lớn, quyền sinh sát trong tay thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Vú Diệu không ở gần các anh em hay nhờ vả nhiều dù đông con. Nghề thợ may khiêm tốn tại một trường trung học ở tỉnh nhỏ thời đó cũng khá chật vật cho Vú Diệu. Góa chồng còn trẻ nên cũng nhiều người nhòm ngó nhưng Vú Diệu rất đoan trang và quyết ở vậy nuôi con.

Lần đó Vú Diệu xin nghỉ phép 1 tuần vì chuyện gia đình. Sự vắng mặt của Vú Diệu trong thời gian ngắn ngủi đó không làm ai quan tâm. Nhưng thời gian sau khi thấy bụng của Vú Diệu ngày càng khác và đến lúc rõ rệt là Vú có thai thì lúc đó Vú trở thành đề tài cho mọi người xầm xì!

Đến lúc những lời bàn tán không đẹp đó càng lúc càng nhiều thì một người đàn bà đạo đức như Vú Diệu phải lên tiếng để giải oan cho mình! Hóa ra Vú Diệu không góa chồng như mọi người tưởng, hay như chính Vú xưng ra như vậy! Người chồng của Vú Diệu vẫn còn sống, không chết, chưa hề chết! Nhưng ông ta là ai mà vì sao lại không ở cùng với vợ con?

Cho đến bây giờ Uyển vẫn không biết tên ông chồng của Vú Diệu là gì, chỉ biết một tuần lễ mà Vú Diệu xin nghỉ vì chuyện gia đình là Vú đã đi gặp chồng mình. Vú Diệu đã đi vào bưng gặp chồng mình. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó đã cho kết quá là thêm một người con đã ra đời. Sau lần đó, Vú Diệu lại trở về tỉnh nhỏ Đà Lạt tiếp tục sống làm người thợ may không ai biết đến.

Uyển không biết sau 1975, chồng của Vú Diệu có đi tìm vợ con mình hay không vì lúc đó Vú Diệu đã mất. Nhưng với người em quyền thế dưới trào nhà Ngô mà lại có bà chị ruột có chồng theo cộng sản là một chuyện không thể chấp nhận nên Vú Diệu đã phải ẩn thân sống khép kín nuôi đàn con.

Vú Diệu là người chung thủy. Còn chuyện Vú Diệu theo phe nào thì không biết! Nhưng với Uyển thì Vú Diệu muôn đời vẫn là người đàn bà đạo đức, hiền lành phải sống giữa hai lằn đạn!


Mặc Bích