Nhục thân kim cương bất hoại
Tiểu Huyền

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về cái Chết theo kinh nghiệm mà ngài đã trải qua (ngài được coi là hậu thân của nhiều đời Lạt Ma trước, đã chết và tái sinh nhiều lần). Ngài viết:

Theo y khoa hiện đại. sau khi phổi ngừng thở và tim ngừng đập, chi vài phút sau là bộ óc cũng ngưng. Nhưng theo Phật Giáo, còn có 4 giai đoạn tiếp theo nữa. Không có dấu hiệu gì ở bên ngoài mà chỉ là những cảm giác, ý tưởng nội tại, trong tâm thức người chết. Trong mỗi giai đoạn, họ nhìn thấy một thứ ánh sáng khác nhau. Đầu tiên là ánh sáng trắng, rồi dỏ, rồi đen và sau cùng là cảm giác thênh thang của không gian vô tận, một thứ ánh sáng trong suốt (điểm Linh Quang). Dù tầng thô của tâm thức đã ngưng hiện hữu, tầng vi tế của nó khi đó vẫn chưa thoát ra khỏi cơ thể con người.

“Khả năng trụ vào vùng sáng trong suốt tùy thuộc khả năng định tâm của các thiền giả tu tập đã lâu, nhưng cũng có khi do tình cờ, người ta vào được cảnh giới này. Thiền sư Ling Rinpoche, thầy tôi, là một thể nghiệm lớn của một cao tăng có định lực hùng mạnh, an trú trong ánh sáng trong suốt đó thật lâu. Trong 13 ngày sau khi viên tịch, ngài ở trong trạng thái đại định, cơ thế vẫn tươi đẹp chứ không bị hôi hám.”

Trong lịch sử Phật Giáo thế giới, có nhiều vị tãng sĩ đạt đạo đã có khả năng để lại nhục thân kim cang bất hoại, sau bao đời, hình hài vẫn còn nguyên vẹn như khi mới chết.

Tại chùa Nam Hoa thuộc tỉnh Quảng Đông, ba nhục thân của Lục tổ Huệ Năng (638-723) và của các vị thánh tăng Hám Sơn (1546-1623), Đan Điền hiện nay vẫn “ngồi yên” trên ban thờ từ bao đời. Theo hướng dẫn viên du lịch của Trung Quốc thì sở dĩ xác thân của ba vị sư đó được giữ nguyên vẹn là do người Trung Quốc xưa đã biết trét nhiều lớp sơn đặc biệt lên nhục thân của quý ngài. Ba vị trên bàn thờ coi uy nghi như ba bức tượng được tạc rất khéo léo. Có thể người Hoa cũng dùng một thủ thuật ướp xác nào đó nên đã gần 1500 năm mà xác Lục Tổ vẫn chưa bị lụi đi chút nào.

Tại Việt Nam, ngoài sư Từ Đạo Hạnh (thờ tại chùa Thầy, Sơn Tây), có nhục thân kim cương bất hoại của hai vị thiền sư Đạo Chân Nguyễn Khắc Minh và Đạo Tâm Nguyễn Khắc Trường (đời nhà Lê, cách đây gần 400 năm) tại chùa Đậu. Chùa Đậu cũng có tên là chùa Pháp Vũ hay Thành Đạo Tự, thuộc huyện Thường Tín, phía Nam Hà Nội. Tài liệu trong chùa kể lại, trước khi nhập tháp để thiền định và chết trong đó, thiền sư Vũ Khắc Minh đã dặn các đệ tử, đại ý như sau:

“Ta sẽ nhập tháp 100 ngày và thị tịch (chết) trong đó. Các con chờ một trăm ngày sau sẽ mở tháp ra. Nếu thân thể ta bốc mùi hôi thì đem hỏa táng, nếu không, các con cứ để ta như vậy mà thờ....”. Sau ngài, thiền sư Vũ Khắc Truờng (gọi ngài là chú) cũng chết theo cách đó. Và tăng chúng trong chùa y theo lời quý ngài, đã rước hai nhục thân nguyên như vậy lên bàn thờ, chỉ sơn lên trên một lớp sơn đặc biệt của Việt Nam.

Từ hơn 300 năm, nhà chùa không dùng bất cứ cách nào đế tẩm ướp xác thân của hai vị thiền sư, các bộ phận trong người hai vị không bị rút ra, cơ thế không tẩm liệm bằng một chất hóa học nào. Không khí trong chùa cũng để tự nhiên, không hề có máy điều hòa nhiệt độ hoặc, làm gì để trừ ẩm ướt....Nhưng sau hơn ba trăm năm, nhục thân kim cương bất hoại của hai vị vẫn còn nguyên.

Thời kỳ bị Việt Nam bị lệ thuộc Pháp, nghe nói lính Pháp đã đem một trong hai “ngôi tượng” ra khoan một lỗ trên đầu để coi có đúng là xác người hay không. Cho tới gần đây (thập niên 1980), chính phủ VN mới đem hai ngài để vô lồng kính, và trong chùa có treo vài tấm hình quang tuyến chụp hai bộ xương còn nguyên vẹn của quý ngài. Năm 1983, chính phủ VN đã dùng quang tuyến soi nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh và kết luận rằng:

- Nhục thân của ngài không bị hút ruột, bỏ óc như cách ướp xác thông thường.

- Các khớp xương dính vào nhau tự nhiên, không có vết đục đẽo

- Cân nặng 7kg

Những điều này chứng tỏ nhục thân của ngài còn nguyên vẹn một cách tự nhiên, khiến cho các khoa học gia rất thắc mắc muốn tìm hiểu.

Các Phật tử Việt Nam và quốc tế thường về chùa Đậu chiêm bái để được tận mắt nhìn thấy nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh đang ngồi trên bàn thờ như một cụ già nhỏ thó, nét mặt còn rất tinh anh. Riêng nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Trường, nghe nói xương sống bị gãy trong một lần chùa bị lụt, nên các sư trong chùa đã đem tô thạch cao trắng lên để giữ cho tượng vẫn ngồi thẳng được! Một cách bảo trì thô sơ và thiếu nghệ thuật của dân nghèo! Vì vậy nhục thân của ngài coi không sống động bằng nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh.