trich vietbaoonline

Ngày khai trường lại đến. Đó là lúc các em học sinh hớn hở với niềm vui được gặp lại bạn bè cũ sau mấy tháng hè rong chơi. Tuy nhiên cũng có em thay vì mừng vui, lại lo sẽ đối diện với một học kỳ mới chắc chắn có nhiều thử thách hơn. Làm sao biết được các thầy cô mới có khó hơn không? Và những người bạn mới sẽ gặp có hoà hợp được với mình không?

Nỗi âu lo còn trở nên to lớn hơn đối với các em hay bị chuyển trường quá nhiều mà người Mỹ thường gọi các em là Mobil Student hay “học sinh lưu động”. Chuyển trường hay không chuyển trường đã là một câu hỏi làm phiền lòng cha mẹ và các em học sinh.

Tôi biết có một em tuổi teen khoảng 14, 15 tuổi xin cha mẹ đổi trường cho em, nhưng cha mẹ không cho. Em đòi bỏ nhà đi, rồi trở nên thù ghét cha mẹ và tố cha mẹ đã ngược đãi, đánh đập em cũng chỉ vì không cho em thoả ý muốn chuyển trường.

Trên thực tế, việc chuyển trường đối với một em học sinh là sự bất đắc dĩ. Theo tâm lý trẻ em, ít có em nào muốn bỏ nơi mình học bao nhiêu năm, bạn bè mình yêu thích, mà đi. Chỉ có lý do là em đang gặp khó khăn nơi em đang theo học, khiến em nằng nặc đòi bỏ trường. Trong trường hợp này phụ huynh của em nên lắng nghe em trình bày lý do tại sao em muốn đổi trường mà quyết định giúp em giải quyết gút mắc của vấn đề. Cố gắng gần em hơn và tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân sâu xa có phải vì thầy cô kỳ thị, bạn bè ngược đãi, đánh đập em hay các em có bị các băng đảng theo dõi và đe doạ khiến các em hãi sợ hay không? Chỉ có sự lắng nghe và thông cảm, các bậc phụ huynh mới giải quyết được những mâu thuẫn và bất đồng giữa những ý kiến trái ngược của cha mẹ và con cái.

Trong giai đoạn kinh tế yếu kém hiện nay, tài chánh của nhiều gia đình bị ảnh hưởng theo. Có người mất nhà, mất việc, tiếp theo đó là việc thay đổi chỗ ở, trường học của con em cũng phải thay để phù hợp với cuộc sống. Sự di chuyển nơi ăn chốn ở đã là một áp lực nặng nề cho nhiều người, nhất là các gia đình có lợi tức thấp.

Theo những báo cáo đáng tin cậy của bộ giáo dục, sự chuyển trường thường xuyên rất có hại cho việc học hành của con trẻ. Ảnh hưởng sâu đậm nhất là áp lực tinh thần làm thay đổi tính tình, phong cách ứng xử của trẻ đối với gia đình, học đường và xã hội.

Một nghiên cứu của Childrens Hospital Medical Center of Cincinnati ở Hoa Kỳ cho biết những “học sinh lưu động” thường là các học sinh có vấn đề, hay gây rắc rối và có thái độ ứng xử gây phiền nhiễu hơn là các em ít bị di chuyển từ trường này sang trường khác. Họ đã khảo cứu 3285 học sinh trong độ tuổi từ 5 tới 14 trên toàn nước Mỹ. Đề án nghiên cứu đặt trọng tâm trên hàng loạt những câu hỏi về thái độ ứng xử của các em được trả lời bởi các bà mẹ có con đi học. Kết quả là các em học sinh lưu động có thái độ ứng xử rất tệ so với các em không bị chuyển trường nhiều. Các báo cáo khác cho biết những em học sinh lưu động thường sống trong các khu dân cư có lợi tức thấp. Họ cũng nhận ra phần lớn học sinh lưu động là con cái của các bà mẹ độc thân, các bà mẹ ít chịu sinh hoạt với các hoạt động của trường con mình học và các bà mẹ hay có triệu chứng của bệnh trầm cảm. Các em còn bị những vấn đề liên quan tới sức khoẻ, kém dinh dưỡng, hay thiếu vệ sinh.

Có một số học sinh tâm sự với tôi rằng các em rất sợ bị đổi trường. Tệ hại nhất là sự thay đổi xảy ra vào giữa hay trong niên học. Học trình gián đoạn, các em phải bắt đầu làm quen với nơi mới, thầy mới, và bạn mới. Tất cả xảy ra cùng một lúc là một áp lực nặng nề cho con trẻ. Chắc chắn sự hoc sẽ kém đi. Để bắt kịp các em cần một thời gian, dài, ngắn, tùy theo năng lực và mức hội nhập của từng em. Điều các em lo nhất chính là xa bạn bè thân thiết. Mất đi những người bạn lâu năm gắn bó sẽ làm các em mắc bệnh trầm cảm, dần sinh ra buồn chán, học kém đi hay không thiết học nữa. Có em còn sinh ra cãi cọ, oán giận cha mẹ. bỏ học, bung ra đời tự lập mưu sinh, sống cuộc sống không lệ thuộc vào cha mẹ nữa. Khi rời tổ ấm gia đình sống đời tự lập, các em thích được tự do, không còn bị cha mẹ la rầy. Các em học được cái hay khi tự lo lấy mọi thứ cho bản thân, nhưng bỏ trường học quá sớm, các em sẽ phải đối diện với tình trạng, không nghề chuyên môn, thiếu kinh nghiệm, thiếu học thức, dễ lâm vào cảnh sống nghèo túng chật vật, nếu không có chí cầu tiến, suốt đời chỉ lẩn quẩn đi làm với mức lương tối thiểu mà thôi.

Có những vị phụ huynh nghĩ rằng mình làm cha mẹ, những chọn lựa của mình luôn khôn ngoan hơn các con trẻ người non dạ thiếu kinh nghiệm sống và bắt gì chúng cũng phải nghe theo.Tuy nhiên, sự cưỡng ép dễ gây căm phẫn và hậu quả có thể làm gãy đổ mối liên hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái do việc chuyển trường.

Các phụ huynh nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định cho con mình đổi trường hay không? Nếu vì tình trạng kinh tế hay bất đắc dĩ phải thay nơi cư trú, các vị nên xem xét một nơi ở mới hợp với tình trạng của mình mà không phải chuyển trường. Nếu có chuyển trường hay thay đổi quá nhiều nên tìm đến sự giúp đỡ của bộ giáo dục và chính phủ bằng cách liên lạc với ban quản đốc của trường mới.

Bộ giáo dục đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ các em học sinh lưu động. Chính phủ có dành một ngân quỹ liên bang gọi là Migrant Education để giúp riêng các em bị đổi trường quá nhiều nên không theo kịp chương trình hoặc vì thế mà học kém đi. Tùy nơi tùy chỗ, chương trình có thể được tài trợ bởi ngân quỹ tiểu bang hay liên bang. Mỗi tiểu bang đặt cho chương trình này một cái tên riêng.

Tiểu bang Texas dành riêng một ngân quỹ giúp các em học sinh lưu động có tên là The Texas Migrant Education Program (MEP) gồm nhiều chương trình như The Migrant Student Graduation Enhancement Program giúp các em trung học, học thêm các tín chỉ cần thiết để có thể tốt nghiệp. Project Smart-Masters được tài trợ qua Migrant Education Program Consortium Incentive Grant (CIG) giúp các em học thêm các lớp hè, dạy các kỹ thuật và giúp các em lấy lại căn bản đã mất do di chuyển trường lớp quá nhiều. Thêm nữa, Texas Migrant Reading là một chương trình cung cấp sách đọc cho các em và gia đình miễn phí để khuyến khích các em đọc sách.

Ơ tiểu bang California, tới tháng Năm, năm 2012 có hơn 17, 600 em học sinh lưu động thuộc về 565 học khu được giúp đỡ các dịch vụ cần thiết. Các em có thể được trợ giúp giảng dạy thêm về toán, tập đoc, y tế, xã hội hay những dịch vụ khác tùy theo tình trạng riêng của từng em và tùy theo ngân quỹ của từng năm. Riêng tiểu bang có nhiều chương trình khác nhau như, The Mini-Corps Program không những cung cấp thầy giáo dạy kèm riêng cho các em suốt niên học và mùa hè mà còn trợ giúp dịch vụ xã hội nữa. Chương trình The School Readiness Program giúp các em từ 3 tới 5 tuổi học đọc, viết để sửa soạn vào mẫu giáo và lớp 1. The UCLA Student Leadership Institute cung cấp cơ hội cho các em học sinh lưu động lớp 10 và 11được tham dự vào các chương trình huấn luyện có tính lãnh đạo cao và các thông tin sửa soạn cho con đường đại học tương lai hay các thông tin làm thế nào để mượn tiền học đại học.

Các vị phụ huynh của những học sinh lưu động chỉ việc liên lạc với ban quản đốc của trường báo cáo tình trạng của mình và xin trợ giúp, chắc chắn các em sẽ được giúp đỡ.

Áp lực chuyển nhà, đổi trường là một gánh nặng cho các em học sinh và các bậc cha mẹ. Đây là điều có lẽ không ai muốn. Tuy nhiên nếu nó xảy ra mà chúng ta biết cách giải quyết và xin trợ giúp của bộ giáo dục, con em chúng ta sẽ được lợi lạc và chính chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ gánh hơn. Chúc quí vị có con em chuyển trường nhiều may mắn.

Trịnh Thanh Thủy

Tài liệu tham khảo:

- Migrant Education Programs and Services(California)
http://www.cde.ca.gov/sp/me/mt/programs.asp

- Texas Migrant Education Program: Special Projects & Grant Awards
http://www.tea.state.tx.us/index4.aspx?id=5076

- Changing Schools Tough on Kids
http://www.redorbit.com/news/science...tough_on_kids/

- Many change schools frequently harming their education
http://www.gao.gov/products/HEHS-94-45