Register
Page 5 of 5 FirstFirst ... 345
Results 41 to 42 of 42
  1. #41
    Lời trần tình đầu năm
    T.Vấn

    Thế là đã hết một năm nữa. Những con số điện tử trên tờ lịch đổi chỗ cho nhau nhanh đến chóng mặt. Thời gian cứ như bay như thổi. Bao nhiêu việc phải làm vẫn còn nguyên đó. Vậy mà cứ hẹn lần hẹn lữa. Thôi để ngày mai. Thôi để tháng tới. Thôi để năm tới. Thôi để… Cho đến khi không còn lần lữa được nữa. Nhìn những tờ lịch vơi dần như sinh lực của mình cũng đang vơi dần mà tôi bất giác rùng mình. Năm cùng tháng tận cũng có nghĩa là sức mỏn hơi tàn. Vậy mà có người bạn già vẫn còn chơi trống bỏi được. Tài thật. Nhưng mà có ích gì không khi cứ cố bám lấy cái mà mình không còn khả năng nắm giữ được nữa? Ngày vui đã qua mau, rồi thì ngày buồn cũng qua mau. Lâu rồi đời mình cũng… xong. Nhưng xong sao được khi còn bao nhiêu việc phải làm, còn bao nhiêu món nợ chưa trả hết? Chẳng lẽ bắt con cháu chúng è lưng ra gánh?

    Thật lạ lùng! Việc của cả năm lại cứ dồn vào tháng cuối cùng. Việc của cả đời cũng cứ dồn vào lúc sắp sửa chào vĩnh biệt cuộc đời. Phải chi có được một cuộc đời khác dự trữ thì tuyệt vời biết mấy! Nhưng rồi tôi lại tự hỏi: liệu khi đã có một cuộc đời khác để dự trữ, người ta sẽ biết sử dụng nó một cách khôn ngoan hơn hay lại cứ chứng nào tật nấy, vung phí nó khi còn trẻ và chỉ chịu dừng tay khi nhìn lại quỹ thời gian sắp sửa cạn và khi chính mình không còn đủ sức để mà vung phí nữa? Cuộc trần ai chỉ biết chảy về phía trước. Nó không cho người ta có cơ hội để làm lại, dù chỉ một lần thứ hai. Vì thế, trong giây phút chuyển mùa của thời tiết, của năm tháng, mấy ai không bùi ngùi nhìn lại con đường đã đi qua, chép miệng thở dài, và mắt đăm đắm nhìn về phía trước, khoảng thời gian sắp tới mà sợ hãi những bất trắc, những vô định…Và sợ nhất là những khỏanh khắc vô nghĩa…

  2. #42
    Tuổi Già & Kỷ Niệm
    Yến Tuyết

    “Người ta có một thời để yêu và một thời để chết,
    một trăm năm để sống và một khoảnh khắc để lìa đời.
    Thời gian trôi, thời gian trôi...”
    -Erique Maria Remarque

    Ý tưởng về cuộc đời được ghi trong cuốn sách của ông văn sĩ người Đức nói trên thật đúng bạn nhỉ.

    Nếu bạn cũng đang ở trong hạn tuổi lục tuần, thất tuần… như tôi, có lẽ bạn hay nhìn lại quãng đời mình đã đi qua và ôm ấp những kỷ niệm của một thời quá khứ vì tuổi già đang tiến đến rất nhanh và cái chết thì cũng sẽ đến rất tình cờ.

    Do đó, tuổi già hay đi đôi với kỷ niệm.

    Nhiều khi tôi bắt gặp chính mình và người thân, bạn bè cùng thế hệ hoặc lớn tuổi hơn kể đi, kể lại một câu chuyện cũ nào đó, rất nhiều lần.

    Ở trong gia đình tôi, khi bất cứ ai bắt đầu kể một chuyện gì mà mọi người đã nghe 2, 3 lần trước đó, thì chúng tôi “lịch sự” đưa mấy ngón tay lên (tùy theo lần kể) để báo hiệu là chuyện đó đã được kể đến lần thứ hai, thứ ba và xin người phát ngôn stop ngay kẻo thính giả phải đau khổ nghe lại.

    Người kể chuyện dĩ nhiên bị mất hứng nhưng hình như không bị quê vì đã quá quen với sự nhắc nhở “tế nhị” này. Đối với những người như bố mẹ tôi thì chúng tôi chỉ dám nhìn nhau và đưa cả hai tay và hai chân cho nhau coi, chứng tỏ số lần kể về chuyện cũ của bố mẹ đã vượt lên 20 lần rồi!

    Thế mới biết, càng về già thì người ta càng sống với kỷ niệm, nhất là thích nhắc nhở đến những kỷ niệm đẹp.

    Nếu chúng ta có nhắc nhở nhiều lần đến kỷ niệm đẹp thì rất nên đáng được thông cảm và chấp nhận vì có làm hại ai đâu, mà chỉ khiến cho đời thêm dễ thương thôi, bạn nhỉ?

    Còn nếu nhắc lại những kỷ niệm buồn thì cũng chỉ để nhắc nhở với chính minh là chúng ta đã vượt qua những khổ đau, để biết được giá trị của hạnh phúc.

    Ai trong chúng ta mà không có kỷ niệm để kể lể bạn nhỉ. Bởi vậy nên có không biết bao nhiêu cuộc họp mặt giữa những bạn bè, đồng nghiệp, đồng đội cũ đã diễn ra, chỉ để gặp nhau cười, nói, vui, buồn, xúc động…nhắc mãi hoài không hết chuyện ngày xưa.

    Phụ nữ thì gặp nhau là tíu tít về kỷ niệm về thời cắp sách đến trường Gia Long, Trưng Vương, Lê văn Duyệt, Nguyễn Bá Tòng ...trong những ngày mưa ướt át có lá me bay, hay những ngày nắng trong sáng có tiếng ve kêu vang trong hàng phượng đỏ.

    Rồi, chúng ta nhắc lại cho nhau nghe về những hàng quà bánh trước cửa trường, về tình yêu của tuổi học trò, về ông giáo dạy sử địa khó tính hay bà giáo dạy việt văn dễ thương...

    Chúng ta sẽ tâm sự về thời gian vất vả bán chợ trời hay làm đủ nghề để kiếm sống khi còn ở Việt nam những năm tháng sau tháng 4/75. Chúng ta nói về những ngày lênh đênh trên biển khơi, không biết tương lai đi về đâu. Về thời gian lang thang trong các trại tị nạn. Về những ngày tháng mới chân ướt, chân ráo đến Mỹ, bơ vơ, buồn bã vì cô đơn và nhớ nhà....

    Kể về việc mình đã sống, đã làm việc, đã làm quen với phong tục, tâp quán, ngôn ngữ xa lạ như thế nào. Đã nuôi nấng con cái trong một xã hội chuộng vật chất, dù có tình cảm nhưng thật là xa lạ với những tình cảm mình được nuôi dưỡng từ tuổi thơ ở Việt Nam.

    Đã có những nụ cười vui, xen lẫn những giòng nước mắt tủi thân, khi có dịp được chia xẻ kỷ niệm với bạn bè.

    Tôi mới bắt được liên lạc lại với một cô bạn gái từ thời học đệ tam ở trung học, sau đó lên đến Đại học cũng học cùng trường nhưng khác ngành.

    Như vậy tính đến nay, chúng tôi cũng đã biết nhau những hơn nửa thế kỷ rồi.

    N. đi tu từ khi tốt nghiệp Đại học năm 1974 và hiện đang sống ở một cái đạo tràng thuộc vùng ngoại ô của tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu - Việt Nam.

    Đó là một người phụ nữ trong sáng từ thể chất đến tâm hồn và cho đến nay, khi nói chuyện với nhan, chúng tôi vẫn tìm thấy những cảm nghĩ đồng điệu về đời sống.

    Dĩ nhiên, chúng tôi nhắc nhau về kỷ niệm cũ và dễ thương của tuổi học ưò và sinh viên khi theo học trường Nguyễn bá Tòng và Vạn Hạnh.

    Tôi kể cho N. nghe đời sống ở Mỹ của tôi, về những tất bật lo toan của cuộc sống của những ngày đã qua. Về hạnh phúc nhỏ nhoi có được ngày hôm nay vì con cái khôn lớn và có đời sống lương thiện.

    Về mảnh vườn xinh xắn và êm ả của riêng minh mà tôi yêu thích, chẳng cần phải đi đến những chốn đông người để tìm vui những khi rảnh rỗi.

    N. kể cho tôi nghe nơi N. ở có tiếng chuông, mõ sớm khuya. Có mấy chục cây ngọc lan N trồng chung quanh chùa, tỏa hương thơm dịu dàng quanh năm.

    N. gởi tặng tôi mấy bó nhang trầm N. sản xuất để mưu sinh. Tôi nhận được nhang trầm ngay ngày Vu Lan vừa rồi và trong đêm rằm tháng 7 Âm lịch vừa qua, mùi trầm hương thoang thoảng bay cả ra ngoài hiên nhà, nơi có ánh trăng nhẹ nhàng đang rụng xuống.

    N. cũng nói đến những đêm lắng nghe tiếng sóng vổ, vọng về từ các bãi biển vẫn còn hoang sơ nơi Nguyệt ở (May quá vì nó ở xa Bà Rịa, Vũng Tàu đến 60 cây số, nên chưa bị chính quyền hay các đại gia tham lam dòm ngó để tìm cách dành đất, bán cho Tàu lấy tiền!).

    N. giúp tôi hiểu giáo lý của đạo Phật một cách rõ ràng hơn về “sinh, diệt, có, không” để tôi dễ dàng áp dụng ý niệm này vào đời sống thường ngày trong suy nghĩ, lời nói và việc làm.

    N. hay giúp những người phật tử làm lễ phóng sinh và giúp tôi hiểu ý nghĩa hay ho của việc làm này trong việc tránh sát sanh những sinh vật vô tội.

    Kỷ niệm đã là nhịp cầu nối hai chúng tôi lại với nhau, một cách êm ái và bền chặt.

    Thế nhưng tôi hơi buồn vì biết tin N. mới bị bác sĩ cho biết là đang ở giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer.

    Hiện nay, theo tin tức y khoa thì nếu được định bệnh sớm, khoa học đang có được những loại thuốc làm chậm lại sư phát triển của bệnh Alzheimer, chứ chưa có thuốc chữa khỏi bệnh. Thế nhưng thuốc men trị bệnh này khá đắt, dù có mua được ở Việt Nam hay ở Mỹ,

    Ít ra, tôi có một ít kinh nghiệm về bệnh Alzheimer khi nó xảy đến với bà chị ruột của tôi.

    Thời gian vài năm đầu lúc mới bị bệnh, chị T. tôi dần dần không nhận ra người trong gia đình và hay quên đồ dùng của chị để ở đâu và nhất là quên cả ăn. Dù chị rất ít nói, nhưng nếu có nói ra thì những câu nói đã không còn có nghĩa nữa.

    Thế nhưng, đôi khi tôi vẫn thấy hình như trong cái bộ óc mà những giây thần kinh đang từ từ bị hủy hoại đó, vẫn còn vương vấn lại một vài kỷ niệm của thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ. Bởi vì thỉnh thoảng bỗng nhiên chị tôi ngồi hát khe khẽ mấy câu trong bài “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn: “Anh nhớ trước đây, dáng em gầy gầy. Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh”.

    Thật tình, chị T tôi đã từng là người thiếu nữ xinh đẹp của xứ Huế trong bài hát ấy!

    Đến thăm và cầm tay chị T., tôi nhìn người phụ nữ có một thời xuân sắc ấy mà thương cảm quá sức cho chị tôi, và thương cho tất cả những người đang bị chứng bệnh nan y này.

    Chị T. tôi đã qua đời lúc 75 tuổi, sau 10 năm sống với bệnh Alzheimer.

    Có thể nói gần đây ở Mỹ có rất nhiều người già sống thọ đến cả trăm tuổi nhưng số người có trí nhớ tốt đẹp rất hiếm hoi.

    Phần đông những người cao niên đã hay đang trải qua thời gian bắt đầu nhận ra những triệu chứng thay đổi của tuổi già về tâm lý như thường quên điều này, điều nọ; vể thể lý thì không bệnh này cũng bệnh kia.

    Lòng tôi luôn mang nỗi ưu tư về bạn bè, về những người thân trong gia đình không được may mắn mạnh khỏe vào những năm tháng sau cùng của một kiếp người.

    Hôm qua, tôi mới gọi điện thọai hỏi thăm cô bạn thân hiện đang giúp chồng chiến đấu với căn bệnh ung thư. Cô kể cho tôi nghe về những phản ứng phụ do việc chữa trị bằng chemotherapy và radiation gây ra, tàn phá cơ thể của chồng.

    Cô tâm sự về sự kiên nhẫn nhờ tình thương vô điều kiện dành cho việc chăm sóc người bệnh mỗi ngày.

    Tuy nhiên, cô bạn tôi nói bên cạnh việc đối diện với những đau đớn về thể lý, xúc động của cả người bệnh và người chăm sóc về tâm lý, chính thời gian bị bệnh này là dịp để cô bạn tôi thấy được tình thương của gia đình, bạn bè và người quen dành cho mình.

    Đã có những tấm thiệp gởi đến với lời ân cần của mọi người. Đã có những chậu hoa tươi đẹp cầu chúc sự bình an và niềm hy vọng. Đó những cú điện thoại hỏi thăm ân cần.

    Cô bạn tôi nói rằng cô cảm động và được an ủi rất nhiều. Cô nghĩ rằng chính nhờ những sự hỗ trợ ấy mà cô có thêm nghị lực giúp chồng phấn đấu với căn bệnh hiểm nghèo của ông ấy.

    Thật ra, bạn tôi cũng đã từng trải qua một căn bệnh ung thư khác trước người bạn đời vài năm nhưng may mắn thoát nạn,

    Đặc biệt nhất, trên tất cả những thương yêu của mọi người, chính thời gian ở trước biên giới của tử sinh, cô bạn tôi thấy được tình yêu mà chồng dành cho mình. Những lo lắng, săn sóc từng li tùng tí trong việc dìu dắt, đi đứng, ăn uống, tắm rửa đã khiến cho cô có một cái nhìn khác về người đàn ông, trước kia, ít khi bày tỏ những cử chỉ hay lời nói yêu thương, mà người vợ bình thường vẫn mong đợi nhận được từ người chồng của mình.

    Bây giờ đến lượt cô săn sóc chồng.

    Đẹp thay những giọt nước mắt ứa ra khi thấy vợ, hay chồng mình có thể nuốt được một muỗng cháo nhỏ, nó như là liều thuốc mạnh mẽ nhất có thể giúp người thương của mình tiếp tục sống còn...

    Tôi chỉ còn biết nhắc bạn tôi nhớ đến những kỷ niệm đẹp khi hai người mới yêu nhau để giúp cô cảm thấy mạnh mẽ hơn, chấp nhận hơn khi đang một mình đi trên con đường đầy thử thách tiếp nối của đời sống.

    Ở những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, chúng ta chỉ còn lại kỷ niệm và kỷ niệm...

    Xin đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau
    -Phạm Duy

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 06:17 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2023 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh