.
Chuyến hải hành may mắn
Hồi ký của Đỗ Phương Khanh


Khoảng 10 giờ sáng ngày 11 tháng Tư năm 1980, tôi ra khỏi nhà lần cuối. Đó là mái ấm gia đình, nơi che mưa nắng cho chúng tôi biết bao nhiêu năm trường, nơi đã cùng khóc cười với chúng tôi, chung với chúng tôi biết bao nhiêu kỷ niệm của cuộc đời. Ở đó, chúng tôi tạo dựng ''Nhà in và nhà xuất bản Huyền Trân'', cùng với ông Nguyễn Hùng Trương, chúng tôi phát hành tuần báo Thiếu Nhi của tuổi trẻ. Vào những ngày Chủ Nhật và nghỉ lễ, căn nhà đó vang rân tiếng cười của hàng trăm độc giả, tới vui chơi, đọc sách, điều hành Tủ sách Gia đình Thiếu Nhi, đói thì chạy lên bếp lục cơm nguội chan xì dầu ... ôi ... biết bao nhiêu ánh mắt sáng ngời, tâm hồn trong sáng đã tỏa rực rỡ dưới mái, ngoài hè, ngoài sân của căn nhà đó.

Nước mắt lưng tròng, tôi chào từ biệt bố mẹ, trong lòng cảm thấy như đây là lời chào vĩnh biệt vì vốn được nghe kể về số phận không may của nhiều ghe đã chìm sâu vào lòng đại dương. Bố tôi đang ngồi, tôi đứng sau lưng bóp hai vai bố, thấy rung rung, có lẽ bố đang thổn thức nghĩ "biết có còn gặp lại nhau chăng?". Vì phải giữ bí mật cho cuộc trốn chạy nên ngoài bố mẹ tôi, trong nhà không còn ai biết. Các con tôi lẻ tẻ từng người đã ra khỏi nhà như đi làm và đi học, không khác ngày thường.

Sau 9 ngày gian nguy lênh đênh trên biển, chúng tôi may mắn đã tới được bờ biển Mã Lai. Ngày 12 tháng 10, chúng tôi tới Mỹ, cả gia đình đoàn tụ tại tỉnh Portland, tiểu bang Oregon, nơi con trưởng của chúng tôi vượt thoát từ năm 1975 thuê 1 căn apartment tiện nghi cho bố cháu đã đến Mỹ trước chúng tôi mấy tháng, nay cùng chúng tôi gộp lại là đoàn tụ toàn thể gia đình.

Tháng 2 năm 1987, chúng tôi cũng bảo lãnh được bố mẹ tôi qua đoàn tụ với chúng tôi. May mà chúng tôi đã dời từ tiểu bang Oregon về miền nam California, cho nên bố mẹ tôi đã thích hợp ngay được với khí hậu ôn hòa tại đây. Bố tôi qua đời tháng 12 năm 1990, tức là được hưởng không khí tự do tại Mỹ gần 4 năm, mẹ tôi mất năm 2002, tức là mẹ tôi sống tại Mỹ 15 năm vui vẻ thoải mái với các con cháu, thưởng thức phim bộ và thỉnh thoảng giải trí với các cụ cao niên mấy trò chơi như tổ tôm và bài chược, minh mẫn với tinh thần hài hước phong phú cho tới khi mẹ tôi qua đời, hưởng thọ 97 tuổi.

Cảm ơn tất cả những ân nhân đã giúp gia đình chúng tôi tới được bờ tự do an toàn.

Cảm ơn tất cả những đất nước và con người tử tế tại các quốc gia đã cưu mang chúng tôi trong những ngày bơ vơ, rời khỏi quê hương, lang thang vô định.

Cảm ơn đất nước Hoa Kỳ đã đưa vòng tay ra ôm lấy chúng tôi, đã giúp đỡ chúng tôi những ngày đầu ngơ ngác bước vào một xứ sở lạ lẫm, nhìn ra chung quanh chỉ thấy những con người với hình dáng xa lạ, nhưng lại có những ánh mát ấm áp, đã dìu dắt chúng tôi từng bước hội nhập vào một thế giới mới nhưng đầy ắp tình người.

Bây giờ ngồi đây gõ keyboard, tôi muốn thắp nén hương lòng, quay về quê hương xa xôi của tôi, nước mắt lưng tròng, trước nhất tôi muốn dâng lên lời cảm tạ sâu xa nhất từ đáy lòng, cảm tạ liệt vị Tiền Nhân Tổ Tiên đã hun đúc cho tôi giữ được niềm tự hào là một người Việt Nam xứng đáng với danh dự của một con người.

Sau Tiền Nhân Tổ Tiên, tôi muốn dâng lên lời cảm tạ sâu xa tới những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, dù đã qua đời hoặc còn sống, qu‎ý‎ vị đã xông pha trận mạc, hy sinh thân mạng để giữ cho đất nước Miền Nam được sống tự do hạnh phúc suốt trong mấy chục năm trường, từ 1954 cho tới 1975, trước khi Saigon sụp đổ.

Xin cảm tạ, muôn vàn cảm tạ.
Đỗ Phương Khanh
***

Cảm ơn đất nước Mã Lai và đảo Pulau Tengah

Nơi ghe tỵ nạn của chúng tôi vào được đất liền là đảo Pulau Tengah, cảnh và người đều vô cùng đẹp và tốt lành. Dù tôi chỉ ở đó khỏang trên 5 tháng, từ 20 tháng Tư đến đầu tháng 10 năm 1980 thì mẹ con chúng tôi được đưa qua Sungai Besi chờ chuyến bay để đi Mỹ đòan tụ với gia đình, nhưng trong tâm khảm tôi chưa bao giờ quên những ngày xa xưa ấy, những ngày mà các bạn đồng cảnh ngộ đã cùng chúng tôi ngọt bùi an ủi lẫn nhau tại hòn đảo nhỏ, vọng về quê hương xa tít mù khơi, hòn đảo đó tên là Pulau Tengah thuộc nước Mã Lai Á (Malaysia).

***
Tôi xuống ghe SS56 vào ngày 11 tháng Tư, lái ghe là anh Hùng, một học trò cũ của bố xấp nhỏ nhà tôi tại "bãi đánh” gần Bà Rịa (hình như thuộc Phước Tuy). Đi được 7 ngày thì thấy Singapore, đáp vào tưởng ngon lành, ngờ đâu lính tuần duyên lái tầu tuần chạy ra nhảy xuống ghe bảo bọn tôi phải vào “Trại” ở phía bên kia. Bọn này hí hửng yên chí qua được “phía bên kia” là sẽ lên bờ, một cô vui vẻ trẻ trung còn “hồ hởi phấn khởi” cười nói:

- Tới trại mình tót ra đi nhảy.

Ai cũng vui quá, lúc đó là khỏang 6 giờ chiều. Tụi lính ròng dây chão từ tầu của họ xuống ghe mình bảo là để đi cho nhanh.

Nhưng cứ thấy đi mãi mà chưa thấy “trại”... Đương lúc cả bọn băn khoăn thì mấy tên lính Singapore nhảy xuống bảo đưa la bàn và bản đồ cho họ, xong họ cho thêm dầu vào ghe mình rồi nhảy lên tầu của họ ném thực phẩm xuống, chặt đứt dây, chỉ tay về phía nào đó bảo là phải đi Indonesia kẻo họ bắn. Rồi tầu họ bỏ chạy. Ghe tụi mình đuổi theo, họ quay lại bắn lia chia. Tài công sợ quá vội chạy dạt ra.

Qua ngày hôm sau bà con thấy la bàn và bản đồ đã mất, bọn mình thất vọng quá nhao nhao bàn quay về Thái Lan. Tôi bèn tới chỗ Hùng ngồi đề nghị:

- Hùng à, chú là học trò của Thày, tôi trông cậy vào chú. Nay chú nghĩ tình thày, đi tới thêm 1 ngày, nếu còn vô vọng thì tôi không yêu cầu gì nữa.

Hùng khẳng khái:

- Em đi với cô thêm đúng 24 tiếng, nếu không còn hy vọng thì em quay lại.

(Hùng ơi, cô hết lòng cảm ơn em, đã trên ba chục năm trường, chưa bao giờ cô quên tấm lòng của em đã vì nghĩ tới thày mà nghe theo lời cô yêu cầu. Em ở Na Uy, có khi nào đọc được những dòng này, nhớ liên lạc với thày cô em nhé).

Nhắc đến chuyện này tôi xúc động lắm, muốn khóc.

22 tiếng đồng hồ sau, vào lúc 4 giờ chiều, ghe chúng tôi gặp một ghe đánh cá người Mã Lai. Chúng tôi vẫy, họ xáp lại, một người bên ghe chúng tôi nhảy qua thảo luận, họ đòi cho họ 2 nhẫn vàng, chúng tôi vội giao ngay, họ bèn chạy ghe họ phía trước, chúng tôi theo sau. Khỏang một lúc lâu, trời gần tối, xa xa chúng tôi nhìn thấy dẫy lều màu xanh nhạt, họ chỉ chỉ ra hiệu rồi đưa tay lên cổ ý nói đó là trại tỵ nạn họ không dám giúp chúng tôi tới gần hơn, sợ lính chặt cổ.

Chúng tôi biết đã thóat chết, chắp tay vái chào họ rồi tài công cho ghe từ từ đi vào, tới gần bờ chúng tôi nhảy xuống nước lội. Trong trại cử người ra đón.

Thóat chết.

Trại đó nhỏ, gồm Bắc Đảo, Trung Đảo và Nam Đảo. Hồi cao điểm là năm 1978, do phong trào đi bán chính thức, có lúc chứa tới trên 10 ngàn người. Khi chúng tôi tới là năm 80, người ta đã đi định cư gần hết, chỉ còn khỏang 3 ngàn thôi. Tôi còn nhớ có gia đình hai bác Đào Đức Hoàng và bà ngọai là mẹ bác gái hiền lành tốt bụng, có BS Phan Hồng Huấn và 2 cô con gái rất xinh và nhiều người hiền lành tốt bụng lắm.

Vì lúc ấy đảo còn ít người nên Cao Ủy Tỵ Nan muốn các cháu bé ổn định sự học. Nhân thấy lý lịch tôi khai là giám đốc trường Mẫu Giáo ở Saigon, họ yêu cầu tôi ra mẫu bàn ghế Mẫu Giáo rồi họ sắp xếp ban thợ mộc trong đảo đóng bàn ghế cho các cháu ngồi, để tôi có thể cùng hai cô giáo tiếp tục sự học của các cháu.

Có một kỷ niệm tôi nhớ mà cứ cười hòai, số là có một em còn nhỏ xíu mà rất hay chửi thề, huấn luyện mãi không được. Một bữa tôi dọa:

- Con mà nói bậy nữa madame sẽ mách ba con.

Cậu bé cười toe:

- Ba cũng nói vậy à ... hihi ..

Bác Hoàng giỏi tiếng Anh, làm Trại Trưởng, mở lớp dạy tiếng Anh mini trong lều của bác. Do sự siêng năng của gia đình bác nên tuy gọi là “lều” chứ coi cũng khá tươm tất nên mới có đủ chỗ cho chúng tôi ngồi. Bác dạy rất kỹ, luyện giọng rất nhuần nhuyễn, bắt “học trò” nhắc lại nhiều lần.

Âm giọng bác theo tiếng Anh vì hồi trước 75, ở trong nước chúng ta vỡ lòng tiếng Anh bằng mấy bộ Anglais Vivant Bleu và Beige..., nên phát âm kiểu Anh (thí dụ như giọng thái tử Charles). Bác bắt uốn lưỡi, nhấn giọng rất cẩn thận. Trong đám “học trò” bọn tôi có cả bà ngọai vì bà rất hiếu học. Một bữa bác dạy kỹ quá, đòi bà nhắc đi nhắc lại, nhấn giọng, uốn lưỡi mãi, bà giận đứng phắt lên, đi một hơi ra đường, chúng tôi sợ xanh mặt.

Bà rất hiền và tử tế. Hôm chúng tôi mới nhập trại, được phát cho một căn lều trống hốc trống huếch, vì khi người ở trước đi định cư thì những người còn lại cứ việc vào căn lều hoang “dọn dẹp”. Bà thấy mấy mẹ con tôi bơ vơ, bà thương cảm, bèn cùng các cháu đi lượm những miếng nylon, những bao bố, mảnh ván khắp nơi về vá víu căn lều cho ấm cúng.

(Bà ngọai và gia đình bác Hòang ơi, ĐPK và các con xin muôn vàn cảm tạ quý vị).

Lều của chúng tôi sát biển, chúng tôi thường lội xuống rửa chân. Có một đêm nước biển tràn lên quét luôn đám nồi niêu bếp núc của chúng tôi đi, sáng dậy thấy rải rác lền khên trên bờ biển.

Có người kể với chúng tôi là nghe đồn mấy năm trước vào lúc cao trào đi bán chính thức, Mã Lai lúc đó chưa có quy chế chấp nhận người tỵ nạn nên có một số ghe đã táp vào bờ rồi nhưng lại bị tầu tuần lôi ra, kéo nhanh quá nên chìm, chết từng mấy trăm người một. Sau đó, vào những đêm mưa gió biển động, nhiếu hồn ma hiện lên trên biển khóc than thê thảm lắm.

Nhưng ĐPK tôi và các con thì chưa ai chứng kiến những chuyện đó bao giờ.

Có lẽ tôi cần trình bày sơ qua về địa hình đảo Pulau Tengah. Theo tên gọi Bắc đảo, Trung đảo và Nam đảo thì có vẻ như là 3 đảo hoặc 3 khu vực, nhưng thực tế chỉ có nghĩa là phần phía Bắc hoặc ở giữa (Trung) hoặc phía Nam của đảo Tengah mà thôi.

Vào thời kỳ có phong trào ra đi bán chính thức thì người tỵ nạn lúc đó phần lớn là dân Chợ Lớn, gốc Hoa, vốn giầu có và là những người tiên phong vào đảo, cho nên họ được chia nơi tạm trú ngay tại Bắc đảo, là sát với cầu tầu, dân tỵ nạn từ ghe leo lên cầu là bước chân vào Bắc đảo.

Nhờ dân tỵ nạn gốc Hoa tiền bạc rủng rẻng và đôi khi cũng có những liên hệ bằng hữu với dân Mã Lai gốc Hoa bản xứ nên đời sống cũng dễ chịu, đảo Tengah cách đất liền 1 giờ rưỡi đường tàu thủy nên ghe thương lái đem sản phẩm vào bán cũng được lính gác Mã Lai du di, cho nên hoặt động nơi Bắc đảo vui vẻ tấp nập, tạm ví như khu phố Lê Lợi ở Saigon.

Trung đảo là tên gọi để chỉ khỏang cách giữa Bắc và Nam đảo chứ không có người ở. Thực tế, Trung đảo là một cái đèo nhỏ vươn lên hơi cao chia đôi Bắc và Nam đảo, đỉnh đèo vươn cao nhìn thẳng xuống lòng biển nên thỉnh thỏang có một vài cậu thanh niên ra bờ vực nhảy plongeon xuống biển. (Sau này khi chúng tôi đã rời đảo, nghe bà con sang sau kể lại rằng có một cậu trai đã nhẩy từ mỏm đèo Trung đảo, lao xuống biển chẳng may gặp đá ngầm, vỡ sọ mà qua đời).

Tuy gọi là “đèo”, nhưng chỉ lên xuống dốc sơ sơ thôi, mấy mẹ con chúng tôi thường rủ nhau ra đó leo lên đèo qua phía bên kia rồi lại leo về để tập thể thao.

Nam đảo là khu an tịnh, lều trại sơ sài vì mỗi khi có người được đi định cư thì bà con lại “cải thiện đời sống” bằng cách tiến lên thừa hưởng những tiện nghi bỏ lại. Mẹ con chúng tôi đến sau, khi trại đã gần vãn tuồng, nên được giao cho căn lều gần cuối Nam đảo, trấn thủ con đường độc đạo đi ra dãy phòng “Thủy tạ Nhẹ Khỏe” bắc chênh vênh trên biển, trống thiên trống địa.

Lều tôi có ba cô nhóc từ 14 đến 17 rất là nghịch ngợm, sáng sáng các cô bắc ghế đẩu ra điểm danh tình trạng sức khỏe của bà con Nam đảo và kiểm tra dân số đi hàng một qua lều, tay mỗi người phe phẩy mảnh giấy báo. Có hôm tôi nghe la tóang: “Mẹ ơi Chế Linh”, tôi cũng thấy “phấn khởi”, bèn quơ dép phóng ra phía trước, thì quả nhiên thấy có một đám bụi mù tràn qua, Chế Linh đi trước, theo sau là một dẫy bà con cười đùa ồn ào, mỗi người đều có mảnh giấy báo hộ thân (kể cả danh ca Chế Linh ... hihi ...).

Đảo Tengah rất nhỏ và đẹp nên sau khi giải tán trại, nhà nước Mã Lai sửa sang thành khu du lịch. Tôi hỏi thăm thày Gu Gồ kiếm được mấy hình





Mời mở link xem thêm nhiều hình:


Code:
http://www.refugeecamps.net/TengahStory.html

Nói chuyện tỵ nạn mà quên một vai trò quan trọng thì thật là ... tội lỗi... tội lỗi ... Đó là vai trò mà tất cả dân tỵ nạn chúng ta không thể không có và không thể quên, nhân vật đó là “bông-xoa” (sponsor, người bảo lãnh), ở đảo chúng tôi không nói tiếng Anh phiền phức mà cứ gọi là “bông-xoa”.

Những người có thân nhân ở ngọai quốc thì không phải lo vì đã có thân nhân bảo lãnh. Trường hợp không có thân nhân ở ngọai quốc thì chỉ trông mong thần may mắn dun dủi, gặp được “bông-xoa đại nhân” đàng hòang mà thôi.

Tôi không biết gì nhiều về các quy chế tỵ nạn, hành chính linh tinh, chỉ buồn vui theo gương mặt những bạn láng giềng trên đảo sau những buổi bà con được Cao Ủy Tị Nạn phỏng vấn. Và tôi cứ nhớ mãi cụm từ “bông xoa lủng”. Đó là trường hợp những người đã được báo tin là có sponsor rồi , nhưng bỗng sau đó lại được tin sponsor từ chối không bảo lãnh nữa. Hòan cảnh chúng tôi lúc đó rất thất thế... chờ đợi ... chờ đợi rồi chẳng may thất vọng thì ... rất buồn.

Nhưng đời không bắt ai phải buồn hòai, ngòai niềm mơ ước vĩ đại là được sớm đi định cư, chúng tôi cũng có những niềm vui nho nhỏ, đó là vào mỗi Thứ Tư, chúng tôi được tầu thủy nhỏ của Cao Ủy ghé qua mang theo thư gửi tới cho chúng tôi và nhận thư của chúng tôi viết cho thân nhân để gửi giúp chúng tôi.

Lều tôi tận cuối Nam đảo nhưng loa phóng thanh vẫn vọng tới. Những ngày đó chúng tôi vui vẻ tưng bừng chờ đợi từ sáng, khỏang 2 giờ chiều thì có tiếng rọt rọet thử loa, rồi tiếng gọi tên vang lên ... ui da... chúng tôi rất vui vì tuần nào cũng có thư.

Tầu đưa thư đồng thời cũng tiếp tế đồ ăn tươi cho chúng tôi. Mỗi tuần khẩu phần mỗi gia đình chúng tôi trung bình có chừng nửa con gà nhỡ nhỡ, dân Mã Lai nhiều người theo đạo Hồi không ăn thịt heo cho nên họ không phát thịt heo, chỉ có gà thôi. Chúng tôi cũng được phát mấy trái cây và mấy mớ rau.

Thịt gà thì tôi kho mặn, cũng ngon lắm. Nhưng rất vui là một bữa kia có ghe nhập trại, trên ghe có nhà công nghệ giò chả Phú Hương. Vừa mới nhập trại một tuần, ông đưa ra ý kiến: "Ai muốn ăn giò gà thì ông chế biến giúp cho”.

Thế là chúng tôi ùa nhau giao thịt cho ông làm thành giò sống để nấu canh và chiên lên thành “chả gà chiên”, ăn ngon tuyệt... Cảm ơn ông Phú Hương.

Nhân nói đến “thịt”, tôi lại nhớ cái ngày ghe chúng tôi bị tầu tuần Singapore lôi ra biển, trước khi chặt đứt dây chão từ ghe chúng tôi nối vào tầu lớn, họ ném xuống cho chúng tôi rất nhiều đồ hộp, và nói ra qu‎ý‎ vị đừng cười, họ ném xuống cả một bịch giấy cuộn để đi vệ sinh (nôm na là đi cầu), ui da, chúng tôi còn bụng dạ nào mà đi đâu cho nổi!!!

Thế rồi chỉ hai ngày sau chúng tôi vào được Mã Lai, thịt hộp còn nguyên. Khi lính tuần duyên Mã Lai xuống lục sóat, việc đầu tiên là họ ném tuốt luốt tất cả những hộp thịt xuống biển... ui da ... tiếc ơi là tiếc ...

Tôi lại mới nhớ ra một việc, phải cảm ơn cậu Trưởng ban Tiếp Tân tốt bụng. Khi ghe chúng tôi cập bến, cậu cùng lính tuần duyên Mã Lai nhẩy xuống đầu tiên. Chỉ sau một cái liếc, cậu nói giọng rất nhẹ:

“Bà con cất bớt vàng đi, họ sẽ thu lại để giữ giùm, nhưng cất trong mình vẫn chắc hơn”.

Thế là trong khi lính còn lục sóat kiểm tra thì mấy bà bạn đồng hội đồng thuyền của tôi đã tẩu tán không còn dấu vết.

Nếu không có cậu nhắc nhở thì vài quý bà khá giả đi trên ghe chúng tôi không biết có còn được đeo dây chuyền và lắc vàng loang lóang nữa chăng, quý bà ngây thơ hồn nhiên mà có vị còn mang cả dưa leo để đắp mặt bảo vệ da khỏi bắt nắng trên biển, chao ôi, vị nào tình cờ đọc tới đây thì cười xòa mà đừng giận tôi nhé, nhưng quả thật chúng ta đã quá may mắn đấy ạ.

Đỗ Phương Khanh
.