Register
Page 11 of 11 FirstFirst ... 91011
Results 101 to 108 of 108
  1. #101
    Những Giọt Lệ Hồng
    Diệu Nga

    Mẹ tôi không muốn di cư sang Mỹ ở tuổi sáu mươi.

    “Già rồi, sang bên ấy chỉ ăn bám vợ chồng chúng mày!”.

    Bà nói khăng khăng như thế nhưng con gái xuống nước năn nỉ ỉ ôi, bà lại xiêu lòng.

    "Ờ, nó nói cũng phải, mình qua bên ấy giữ cháu ngoại cũng vui, lại đỡ nhớ, khỏi phải chờ mong. Mình ở đây nó phải gửi tiền về cấp dưỡng, tốn kém lắm chớ chẳng không!”

    Dì tôi cười, nói như lẩy: “Nợ đòi rồi đấy, cứ sang mà trả cho xong!”

    Nghe mẹ kể lại lời dì, tôi cảm thấy hơi áy náy. Quả thật tôi cần mẹ không chỉ thuần túy vì tình cảm. Tôi cầu cứu bà sang để chăn bầy cháu bốn đứa. Dạo này buôn bán ể ẩm, tôi không kham nỗi tiền giữ trẻ, cũng không thể tiếp tế đều đặn cho mẹ nên rước bà qua là nhứt cử lưỡng tiện…

    Căn nhà ba phòng của vợ chồng tôi, bề ngoài trông cũng khang trang với cây cảnh chung quanh và cửa garage tự động nhưng thật ra chỉ rộng 1100 sf. Trừ phòng ngủ chánh tương đối rộng rãi, hai phòng còn lại vuông vức, nhỏ xíu xiu. Đất ở San Francisco là đất vàng. Căn nhà cũ kỷ năm mươi tuổi này trị giá chừng sáu chục ngàn nhưng lô đất 4000 sf của nó giá hơn bốn trăm, dù là nằm ở vùng ngoại ô xa tít. Thành ra cứ rán giữ, rán nắm dù mệt muốn hụt hơi.

    Cửa tiệm fast food bán cho nhân viên các hãng xưởng gần đây cũng theo đà lay-off mà đi xuống. Đến đầu tháng là chúng tôi điên đầu với đủ thứ tiền phải thanh toán.

    Tư trang sắm từ những năm phồn thịnh buôn may bán đắt lặng lẽ nuối đuôi nhau đi hết, vào nằm im nơi các tiệm cầm đồ. Chúng tôi không hề nghĩ đến giải pháp bán nhà vì đó là gia tài duy nhất, cũng là mối kinh doanh không sợ lỗ vốn; vả lại bây giờ đi mướn một apartment tồi tàn đủ chỗ chứa sáu người, giá thuê hàng tháng còn mắc hơn số tiền trả góp nhà.

    Trong tình thế kiệt quệ này, nếu có mẹ tôi lo cho tụi nhỏ, đưa đón đi học, quán xuyến việc nhà, tôi sẽ rảnh rang hơn để đi làm thêm lặt vặt buổi sáng, trưa về phụ tiệm ăn với chồng tôi. Buổi tối chúng tôi sẽ đi clean các tiệm ăn, chợ búa. Chịu khó một thời gian hi vọng kinh tế sẽ phục hồi trở lại. Mọi người đã hăm hở đón chào thiên niên kỷ mới, ai ngờ nó bắt đầu bằng sự xuống dốc!

    Mẹ sang Mỹ vào mùa Thu. Trời khá lạnh đối với mẹ vì chưa quen nhưng màu xanh của biển trời đã thu hút mẹ. Lũ cháu xúm xít lấy bà vì ngày thường không ai gần gũi chúng cả. Chúng xổ tiếng Anh líu lo, thậm chí cô bé út mới bốn tuổi cũng không rành tiếng Việt.

    Bà cười dễ dãi: “Sẽ có cuộc trao đổi nhé! Bà dạy các cháu nói tiếng Việt, các cháu dạy cho bà nói tiếng Anh.”

    Thấy mẹ vui, tôi an lòng. Thế là bên cạnh cái giường hai tầng của hai cô bé gái là tấm nệm của bà ngoại. Ban đêm, ba bà cháu nói chuyện rì rầm; có khi hai cậu trai cũng gõ cửa xin vào để được hưởng không khí đầm ầm bên bà ngoại rất hiền và rất vui.

    Mẹ như bà tiên có chiếc đũa thần đã biến căn nhà bừa bãi đầy phiền muộn của chúng tôi thành một tổ ấm ngăn nấp, sạch sẽ và đầy tiếng cười.

    Trước kia, chúng tôi chỉ dùng những thức ăn ế ẩm từ cửa hàng, lắm khi nuốt chẳng trôi. Mẹ bảo cứ bỏ thịt bỏ rau vào tủ lạnh cho bà. Thế là mỗi chiều về gia đình tôi được quây quần chung quanh bàn ăn có cơm canh nóng hổi, hương vị ngọt ngào. Chỉ sau và tháng, các con tôi khỏe mạnh ra, lễ phép ra và biết phụ giúp công việc lặt vặt trong nhà.

    Hai cậu con trai lớn, bà phân công lo vườn tược cây kiểng: “Thằng Hùng mười hai tuổi, lớn rồi, lo chăm sóc các cây lớn, tỉa lá, bón phận, Hậu cũng mười tuổi rồi, thay vì ôm máy chơi game, có thể phụ anh quét sân, tưới nước.”

    Bà hiền lành nhưng nói gì các cháu cũng nghe. Chúng không còn là những đứa bé “vô tích sự” như thuở trước.

    Thật ra chúng không đến nỗi tệ nhưng vợ chồng tôi quần quật với công ăn việc làm, không có thì giờ dạy dỗ, chỉ vẽ. Bảo làm chuyện gì, chúng thực hiện qua loa lấy có, rầy mãi phát mệt thành ra không thèm sai biểu nữa, tự mình làm chóng xong mà vừa ý hơn.

    Con Hoa hãnh diện khoe với mẹ: “Bà dạy con nấu cơm. Con biết lặt rau, rửa chén, lại biết tráng trứng nữa cơ!”
    Tôi hôn con, thầm cám ơn mẹ đã cho gia đình tôi cơ hội để sống có hạnh phúc thay vì cứ mãi rầy rà, cãi vả, gây ó nhau trong một căn nhà bề bộn, dơ bẩn.

    Mẹ vốn là một Phật tử thuần thành. Thỉnh thoảng bà giảng dạy cho tôi về đạo lý: “Hạnh phúc không phải là món quà từ đâu đến, không phải tự nhiên mà có, cũng chẳng thể do phúc đức mà được. Mình phải biết cách sống, biết cách hợp tác xây dựng thì mới có hạnh phúc.”

    Thuở ấy, đầu óc tôi quá dầy đặc với những con số để có thể hiểu lời mẹ khuyên, vả lại cũng không có thì giờ… Thôi thì để mẹ lo giùm. Mỗi chiều về nhìn các con ngoan, được ăn bữa cơm tối ngon, đối với tôi đã là đủ rồi.
    Tôi bận rộn với nợ nần đến nỗi không mấy khi chú ý đến tâm tình của mẹ.

    Bây giờ kiểm điểm lại mới nhớ rằng tôi ít hỏi thăm về sự buồn vui của bà.

    Thay đổi môi trường sống, bà bỏ lại sau lưng biết bao nhiêu thứ: chị em, họ hàng, lối xóm, sư ông, bằng hữu… Đôi khi, mắt mẹ thoáng buồn. Tôi chỉ hỏi qua loa: “Mẹ có mệt không?”

    Chao ôi, rõ tệ, miệng hỏi mà lòng vái thầm: “Mẹ đừng ngã bệnh, khổ con!” Là con một nên cách suy nghĩ của tôi thường ích kỷ như thế. Cái gì cũng qui về mình, cho mình thôi!

    Thắm thoát, mẹ ở với chúng tôi đã được một năm rồi. Gia đình thì ổn thỏa nhưng tình trạng tài chánh càng ngày càng bết bát mặc dù vợ chồng tôi bỏ sức lao động gấp đôi. Giao kèo mướn cửa tiệm sắp hết hạn mà chẳng tìm được người sang lại. Không ký thêm thì mất tiệm, mất luôn năm mươi ngàn bỏ ra sang tiệm trước kia, nhưng tiếp tục thì ngày càng thua lỗ, chẳng kham được nữa.

    Chuyện gì đến, phải đến. Tháng sau đó, vợ chồng tôi lủi thủi dọn đồ về trả lại cửa hàng cho người ta sau mười năm làm chủ. Bây giờ hóa ra là kẻ làm công, lại làm những nghề linh tinh quét dọn. Tủi thân mà tức số phận mình.

    Mẹ an ủi: “Thôi, như thế đỡ lo con ạ. Tinh thần căng thẳng quá có khi phát dại, hóa cuồng! Trong cái dở có cái hay là thế!”

    Chúng tôi lợi dụng thời gian tương đối rảnh rang này để sửa chữa căn nhà hư dột. Anh Thắng chịu khó và khéo tay nên cái gì cũng tự làm được, đỡ tốn tiền mướn thợ. Một hôm anh leo lên mái nhà để lợp lại mấy miếng ngói bể. Sơ ý thế nào chẳng rõ, anh trợt chân té xuống bất tỉnh. Chỉ có mình mẹ ở nhà! Bà bình tĩnh gọi 911, vắn tắt vài câu tiếng Anh: “He falls down from the roof. He stops breathing!” Và rành rọt đọc địa chỉ, số phone nhà cho họ.

    Ai ngờ bà âm thầm học chữ Anh mau đến thế! Bà đã cứu mạng chồng tôi!

    Thắng bị gãy chân và dập ống quyển. Phải nằm tại chỗ từ năm đến sáu tháng. Tình cảnh này đưa mẹ tôi vào môi trường mới.

    Bà tự nguyện thế chỗ cho chồng tôi để quét dọn, lau chùi các cửa tiệm hầu phụ giúp tôi về tài chánh. Mẹ hăng hái trong công việc. Tôi đoán rằng ở nhà mãi mẹ cũng buồn, nay được ra ngoài bà cảm thấy vui hơn. Bà có những người bạn mới: cô thâu ngân vui tính, bà lão phụ trách hàng rau cải, chú “Thoòng” chuyên khuân vác. Mẹ hòa mình với họ, với cuộc sống của những người lao động tay chân. Đâu ai biết rằng trước 1975, mẹ là giáo sự dạy Pháp văn tại một trường công lập lớn ở Sài Gòn. Các con tôi biết hoàn cảnh bi đát của gia đình nên mỗi đứa một tay, cùng nhau lo chuyện nhà. Mẹ tôi hài lòng thấy các cháu tự ý thức được trách nhiệm, biết thương mẹ thương cha.

    Ngày anh Thắng trở lại công việc, tôi xin mẹ ở nhà nghỉ ngơi. Mẹ nói: “Con ơi, ra ngoài cũng vui, lại kiếm được đồng tiền. Từ ngày đi Mỹ đến nay đã gần hai năm, mẹ chưa gửi tiền về giúp các em, các cháu bên ấy. Tụi nó nghèo lắm mà chẳng có cách kiếm ra tiền cho kịp đà leo thang của vật giá. Bên này kiếm tiền dễ hơn. Có tiền, mẹ lại có phương tiện cúng dường, bố thí…”

    Tôi im lặng nghẹn ngào, chợt nhớ rằng mẹ chưa hề hỏi tôi một đồng xu nào và tôi quên bẵng rằng mẹ cũng có nhu cầu tiêu xài.

    Trên thế gian này, không có nhân viên nào làm việc cật lực mà không đòi hỏi thù lao như thế! Vô tình, tôi đã “đòi nợ” mẹ tôi một cách tận tình. Dì tôi cũng có lý khi bà mỉa mai tôi.

    Trong lúc tôi đăm chiêu, mẹ nhẹ nhàng tiếp: “Mẹ đã xin được chân rửa chén trong nhà hàng. Rửa bằng máy chả cực nhọc gì!” “Trời đất ơi, rửa chén, cần sức lực của người đàn ông Mễ mới kham nỗi. Nồi niêu son chảo to như cột đình, nặng như búa tạ, làm sao mẹ nhấc cho nổi!” Tôi xuống giọng tiếp: “Mẹ nhìn lại mẹ xem. Tay mẹ gầy yếu, lưng mẹ đã cong, bước đi không còn nhanh nhẹn. Dù họ cần người, mướn tạm, vài hôm cũng cho nghỉ việc thôi!”

    Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ mẹ. Bà già thật rồi, cái già đến nhanh quá. So với hồi mới qua, bà như tăng thêm năm, bảy tuổi. Mẹ tôi cúi đầu xuống thấp. Hình như bà cố giấu giọt lệ vừa ứa ra. Tôi nhẹ nâng cầm mẹ lên và nhìn sâu vào đôi cửa sổ tâm hồn ấy. Trời ơi, mắt mẹ đã kéo mây! Đôi mắt bồ câu đen láy ngày nào từng làm điên đảo các chàng trai cùng trang lứa, cột chân ba tôi vào tổ ấm gia đình, giờ đã một phần ngả màu đục lờ như nước gạo vo. Tóc mẹ trắng bơ phờ, đuôi mắt nhăn như rẻ quạt, vầng trán sạm đen vết đồi mồi…

    Tôi mủi lòng xót xa. Hai mẹ con ôm nhau, nước mắt người này thấm ướt vai áo người kia. Tôi nhỏ nhẹ: “Con không dám trái ý mẹ, nhưng mẹ rán chờ. Con hứa sẽ tìm công việc nhẹ nhàng hợp với mẹ hơn, mẹ nhé! Vong hồn ba mà biết mẹ cực khổ thế này chắc khó siêu.”

    Trời cũng thương tình. Đâu chừng một tháng sau thì bà lão làm rau cải xin nghỉ việc về hưu. Mẹ tôi trở thành “bà cụ hàng rau”. Danh xưng và chức vụ gắn liền với mẹ tôi từ đấy. Vậy mà bà vui. Mỗi tháng bà lãnh được hơn ngàn bạc. Phân nửa số tiền, bà gửi về Việt Nam: phần cúng dường, phần bố thí, phần giúp đỡ các em, các cháu. Số còn lại, bà dành dụm mấy kỳ lương, đưa tôi hơn ngàn bạc. “Mẹ thấy người ta dựng phòng trong garage cũng tiện lắm. Nếu chồng con không phiền, con lấy tiền này nhờ nó mua vật liệu, che tạm cho mẹ một căn phòng nhỏ. Con Hoa, con út bắt đầu lớn, tụi nó cần sự riêng tư. Mẹ cũng vậy, có phòng riêng mẹ sẽ dựng kệ thờ Phật, mỗi ngày mẹ có thể lễ bái, tụng kinh, niệm Phật…” Chồng tôi nghe kể lại, vui vẻ đáp: “Chuyện nhỏ! Mẹ muốn gì anh cũng xin vâng, nói chi việc ấy!”

    Từ đấy, mẹ lộ vẻ hoan hỉ lắm. Sáng tối hai thời, ít khi nào bà bỏ lỡ công phu. Bà như một người đạt được mục tiêu cho đời mình, không có gì để ưu tư, khắc khoải.

    Mùa Đông năm ấy, thời tiết hơi khác thường. Ban ngày ấm áp xen kẽ với những đêm buốt giá mà nhiệt độ đôi khi hạ thấp đến không ngờ. Vợ chồng tôi mời mẹ tạm trở về phòng cũ vài ba tháng, ngoài garage lạnh quá dễ sinh bịnh. Mẹ nói: “Ở chỗ này quen rồi, dời đi khó ngủ.” “Mẹ nhớ vặn heat cho đủ ấm nhé!” “Ờ, tao biết mà!”

    Ngờ đâu mẹ đã không qua khỏi mùa Đông! Buổi sáng chẳng thấy mẹ dậy sửa soạn để đi làm, tôi bảo “đứa nào ra đánh thức bà dậy, nhanh lên kẻo trễ!” Con Hoa quấn mền đẩy cửa bước ra garage miệng kêu léo nhéo. “Ngoại ơi, ngoại à…” Không có tiếng trả lời… Nọ bật đèn, tiến đến cạnh giường: ngoại quấn hai cái mền kín mít, nằm im ỉm. Nó lắc chân ngoại, bà chẳng đáp. Nó lôi cái mền xuống: mặt bà xám xịt, lạnh ngắt, đôi mắt khép hờ… “Mẹ ơi, mẹ! sao kỳ vầy nè!” Cả nhà đổ xô ra. Chồng tôi đạo Chúa, vội làm dấu thánh giá… Tôi xỉu ngay tại chỗ khi loáng thoáng nghe thằng Hùng la lên: “Sao bà không mở heat?”

    Cuộc điều tra của cảnh sát quấy rầy chúng tôi một thời gian, cuối cùng họ kết luận: “Bà cụ không thường mở heat; cái máy mua hai tháng về trước còn mới tinh chưa hề được sử dụng!” Tôi như người mất hồn trong đám tang của mẹ.

    Sự hối hận như lưỡi dao có răng, nó cưa xé lòng tôi. Trái tim tôi cơ hồ rỏ máu thành những giọt lệ hồng. Bạn bè khuyên tôi nên đến chùa xin cúng thất, thiết lễ cầu siêu cho bà.

    Tôi chẳng thể nói năng chi cùng vị sư ở chùa, chỉ biết dập đầu lạy cầu cứu với đôi mắt sưng húp. Chồng tôi bình tĩnh hơn, anh buồn bã kể đầu đuôi tự sự. Câu chuyện khiến thầy thương tâm, thầy thường an ủi, khuyên giải sau những thời lễ cúng.

    Khi thấy tôi bắt đầu trở lại bình thường, thầy dành cho gia đình chúng tôi một thời pháp thoại. Thầy giảng về lý vô thường, khổ, không. Các con tôi tỏ ra thích thú với sự thật giản dị và sâu sắc này, chúng đòi được học giáo lý đạo Phật thay vì đi nhà thờ với ba.

    Riêng tôi, tôi nhớ mãi câu kết luận của thầy trong buổi nói chuyện ấy: “Con người ta sở dĩ đau khổ triền miên là tại mình muốn nắm giữ! Cái gì cũng khư khư ôm chặt. Làm sao giữ mãi được vì bản chất của chúng là vô thường, là không. Hãy buông bỏ hết đi, chừng nào bỏ được, chừng ấy mới có chân hạnh phúc!”

    Phải rồi, nếu chúng tôi không bám chặt vào căn nhà thì mẹ tôi đã không phải vất vả đến thế, không đến nỗi chết cóng ngoài garage. Và gia đình tôi không lụy đến mức này.

    Tôi thỏ thẻ bàn với chồng: “Anh à, căn nhà này mình không giữ nỗi thì bán nó đi. Em tính rồi, sau khi thanh toán hết nợ nần mình cũng còn vài trăm ngàn. Dọn sang Texas, nhà cửa rẻ hơn, mình có thể tậu căn khác hoặc là giữ làm vốn, tính chuyện làm ăn…”

    ” Ờ nhỉ, hồi đó sao mình ngu quá, cứ ôm lấy nó mà cắm cổ đi cày trả nợ. Liệu giữ không được thì sớm buông đi… Nhờ ông thầy giảng dạy, mình mới sáng mắt ra!”

    ***

    Sau khi dọn sang Texas, trước khi bắt tay vào công ăn việc làm, tôi xin phép anh Thắng cho tôi về Việt Nam một chuyến. Tôi về để được quì dưới chân sư ông kể lể hết sự tình, xin sám hối thì lòng tôi mới có thể yên. Sư ông trầm ngâm và yên lặng nghe tôi vừa khóc rấm rức vừa kể về mẹ tôi, đệ tử mà người rất quí mến. Sư ông không hề cắt ngang bằng những câu hỏi. Người không phê phán gì, chỉ để yên cho tôi khóc, khóc oà vỡ như cái đập nước bị ngăn chận, nay có người tháo ra…

    Mãi một lúc lâu lắm sau đó, sư ông mới dạy: “Người mẹ nào cũng có trái tim Bồ Tát. Mẹ con hành Bồ Tát đạo ngay trong gia đình trước khi mở rộng ra trong cuộc sống với mọi người. Con hãy hảnh diện có bà mẹ như thế! Con sẽ không cảm thấy hối hận ray rứt nữa nếu con biết đi theo hướng đi của mẹ con, biết xả bỏ cái tôi vị kỷ để lo cho người chung quanh.” Tôi sụp xuống đảnh lễ người đã chỉ cho tôi tháo mở cái gút dây kết mối ân hận trong tôi. Tôi trở về Texas với sự bình yên và tâm nguyện cao cả…

    Nhưng khi mùa Vu Lan về, cầm hoa trắng trên tay, tôi không thể ngăn được những giọt lệ hồng phát xuất từ trái tim tôi… Than ôi! Khi tôi biết nghĩ tới mẹ, biết giá trị của trái tim bồ tát, biết thương mẹ thì bà đã không còn nữa trên đời…

  2. #102
    Biệt Thự
    Join Date
    Nov 2016
    Posts
    1,650
    Xin cảm ơn Niên Trưởng những bài chảy nước mắt luôn!

    kh

  3. #103
    Tết trong Nursing Home
    Ha Tang

    Mến chào các bạn trẻ. Tôi xin phép được xưng hô như vậy vì con tôi nói chắc tôi là thành viên lớn tuổi nhất tham gia Facebook ở đây. Tôi hiện đã là bà nội, bà ngoại trên 70 tuổi rồi.

    Mấy hôm nay nhóm NVCL có cuộc thi Ảnh Xuân tôi thích lắm, tôi được ngắm rất nhiều hình đẹp của các bạn đi du Xuân, đi chợ Tết, áo dài thướt tha... Tuổi trẻ tự đã đẹp, đẹp vì nét trẻ trung. Khi các bạn đến tuổi xế chiều sẽ hiểu.

    Một cháu admin nhắn tin cho tôi, kêu bác Hà ơi bác tham gia thi đi. Như tôi đã nói, ai cũng có một tuổi trẻ tươi đẹp. Thời của tôi đã qua, tất cả chỉ còn là hoài niệm. Thôi bây giờ tôi xin tham gia cho vui bằng những câu chuyện lan man của người già nhé.

    Hồi xưa ở Việt Nam tôi là Dược Sĩ làm trong phòng thí nghiệm. Thời của tôi ở quê con gái ít được học cao. Nhưng tôi may mắn có người cha là thầy giáo, thấy tôi ham học nên ông hết lòng nuôi tôi ăn học đến khi ra trường. Trong cái hay có cái dở, khi mới qua Mỹ tôi không thể nào tìm được việc làm vì từ nhỏ không quen việc chân tay. Thấy chồng con mới chân ướt chân ráo tới xứ người, tiếng Anh chưa rành mà ai cũng phải lao vào guồng máy chóng mặt ở đây để mỗi tháng đối phó với gánh nặng tiền nhà, tiền điện nước, tiền bảo hiểm, một núi hóa đơn! Tôi xót lắm, nên tôi cũng đọc báo rao vặt và xin đi làm. Nhà hàng, quán ăn, quán nước nào cũng xin lỗi nói tôi chậm. Và tôi quá hiền, nghe trong bếp nhân viên cãi nhau to tiếng bằng những lời lẽ mà xin lỗi, tôi không thể kể lại ở đây, là tôi càng hoảng hồn! Cho nên tôi nói trong cái hay có cái dở là vậy, người trí thức mà qua Mỹ khi lớn tuổi cũng khổ, vì đi học lại cũng không xong, mà đi làm việc chân tay cũng không hợp.

    Cho đến một hôm, tôi may mắn đọc thấy mẩu tin cần tìm người chăm sóc bà cụ, mà lạ lùng là cụ đang nằm trong nursing home. Đã vô nursing home thì có người chăm sóc 24/24 rồi, sao gia đình họ lại thuê thêm người phụ để làm gì? Các bạn ơi, khi đã vào nursing home tôi mới hiểu. Một cái nursing home dù hiện đại hay mắc tiền đến cỡ nào, nó cũng thiếu. Thiếu cái tình! Tình là nguồn sống, nguồn an ủi cuối cùng của những cụ già. Vào nursing home thì cái phần xác người ta được chăm sóc, nhưng phần hồn sẽ chết dần chết mòn, tôi nhận thấy như vậy đó. Con cái của cụ này quá bận rộn hay sao mà cũng không có thì giờ vào thăm cụ, nhưng họ vẫn còn lòng hiếu thảo để nghĩ đến việc bỏ tiền ra thuê người vào thay. Công việc của tôi khá đơn giản, có thể nói là nhàn hạ. Mỗi sáng tôi ghé khu Việt Nam mua đồ ăn cho cụ, xin tờ báo. Cả ngày tôi ngồi bên cụ, đọc sách đọc báo, kể chuyện hay nghe cụ kể chuyện, đút cụ ăn đồ Việt, vì đồ Mỹ trong đó cụ luôn để nguyên cho hộ lý bưng đi, không hề đụng tới. Khi con cái gởi cha mẹ mình vào nursing home thì trong lòng rất yên tâm vì tin rằng ông bà sẽ được chăm sóc. Tôi không trách nhân viên trong nursing home, họ làm đúng công việc của mình. Đúng giờ họ bưng mâm đồ ăn tới, đúng giờ dìu đi vệ sinh, đi tắm, cho uống thuốc. Hết!

    Đúng vậy, hết. Chuyên nghiệp, trách nhiệm, thao tác thành thục. Nhưng họ không thể nào san sẻ cái tình của con cái, của gia đình cho từng cụ. Cụ bỏ ăn, họ không thể ngồi hàng giờ để dỗ dành. Tới giờ đi vệ sinh mà cụ không đi, họ không thể kiên nhẫn ngồi chờ. Họ đâu có rảnh ngồi nghe cụ kể về con về cháu, về thời xưa... Rồi dần dần, các ông bà sẽ trở nên câm lặng, ánh mắt vô hồn nhìn vào khoảng không, sống như một cái cây vô tri không cảm giác. Đối với người già, thiếu cái tình của gia đình nó khủng khiếp lắm các bạn trẻ à. Bà cụ tôi chăm sóc thời trẻ đẹp lắm, nhìn hình cụ treo trên tường, cụ mặc áo dài, đeo kính mát to bản, đứng kế chiếc xe hơi, thời đó là sang trọng kiểu cô Ba Sài Gòn.

    Nằm cùng phòng là một bà cụ người Hoa, trên tường cũng treo hình chụp với con cháu xung quanh rất đông..Ai cũng ăn mặc có vẻ sang trọng, hình chụp trong một ngôi nhà rất rộng, khang trang. Vậy mà suốt cả năm trời ở đó, tôi chưa hề thấy một người nào trong hình vào thăm. Bà nằm đó vò võ suốt ngày, Tivi bật mà không nhìn, thỉnh thoảng bà lẩm bẩm vài câu tiếng Tàu cho chính bà nghe hay bà đang nói chuyện với một người thân tưởng tượng, tôi cũng không rõ.

    Hằng ngày khi đẩy bà cụ của tôi vào phòng sinh hoạt chung để thay đổi không khí, tôi hay bắt gặp một cụ ông, tuy ngồi xe lăn nhưng tay chân khá dài, tôi đoán khi còn trẻ chắc ông cũng to cao, phong độ lắm. Ông quơ tay múa chân, nói tiếng Anh huyên thuyên, bất kể có ai nghe hay không. Tôi nghe một cô điều dưỡng kể rằng ngày xưa ông từng là sĩ quan không lực, phòng ông có treo hình mặc quân phục phi công rất đẹp trai!

    Thời gian đó, mỗi ngày vào nursing home, tôi thấy bao nhiêu ưu phiền, lo lắng, căng thẳng vì cuộc sống ngoài kia dường như phai nhạt hết. Vì tôi thấy cõi đời này quá vô thường. Giận dữ, bon chen, sân si... chả có nghĩa lý gì cả. Rồi đến một ngày tuổi già sức yếu, ai cũng sẽ đến lúc phải nằm bất động trên giường, xung quanh bao nhiêu hình đẹp thời trẻ, bằng khen, huy chương... treo đầy về một thời oanh oanh liệt liệt. Những thứ ấy đều trở nên phù du mà thôi.

    Tết này các bạn đi chùa, đi hội chợ Tết, đi hội hoa Xuân, có ai có người quen đang nằm trong nursing home không? Các bạn tạt qua một chút thôi, để thăm hỏi, chúc Tết. Đối với chúng ta là những việc rất bình thường, nhưng đối với những ông bà vì tuổi già phải ở trong đó đến cuối đời, thì đó là một niềm vui không tưởng, một hạnh phúc vô biên giúp họ bừng sáng quãng đời còn lại....

  4. #104
    Bài thơ Xuân trên tường nhà dưỡng lão
    HỒ THANH NHÃ

    Người Mễ quét phòng
    Gỡ tờ giấy trên tường vứt vào sọt rác
    Bài thơ Xuân của ông lão nằm đây!
    Khi xe cứu thương vừa đến hú còi
    Ông lão đã ra đi về miền miên viễn
    Bỏ lại đằng sau
    Nhiều nỗi ưu phiền
    Kể cả bài thơ Xuân trên vách
    Chiếc giường trống này ngày mai thay khách
    Cũng lẽ đương nhiên... vật đổi sao dời
    Ông lão nằm đây năm năm bốn tháng mười ngày
    Mỗi cái Tết
    Có bài thơ Xuân
    Giấy hồng điều chữ thảo
    Năm mùa Xuân đi qua nhà dưỡng lão
    Năm bài thơ đều đặn dán trên tường
    Khi đợt gió Santa Ana về
    Mang cái lạnh mù sương
    Và hàng cây ven đường
    Nở đầy hoa trắng
    Là ông bắt đầu khai bút đầu Xuân
    Sáng hôm sau cẩn thận dán trên tường
    Khoe các bạn trong nụ cười miệng móm
    Năm đầu tiên cũng có nhiều bạn đến
    Sau đó thưa dần còn chỉ đứa con trai
    Thường đến cuối tuần
    Mang ít thức ăn ngoài
    Có đôi lúc dắc theo hai cháu nội
    Hai thằng cháu líu lo tiếng Mỹ
    Ông nội cười... móm mém không răng

    Cũng đôi lần
    Ông nhờ tôi đẩy hộ chiếc xe lăn
    Ra cổng đợi
    Cuối tuần sao con không thấy bóng ?
    Ông ngồi đó mấy giờ bất động
    Như pho tượng đồng buồn thảm cuối công viên
    Khi gió thổi lên
    Trên mái tóc bạc ưu phiền
    Vài cánh hoa trắng
    Bay buồn hiu lả tả
    Chiều xuống rồi còn chi mà đợi nữa?
    Chờ sang tuần... chiều xuống lại chiều lên
    Khi đẩy xe về lại hàng hiên
    Tôi bắt gặp đôi hàng lệ long lanh chưa ráo
    Ôi nỗi cô đơn của người già trong nhà dưỡng lão
    Như câu chuyện dài áo não đến trăm năm

    Sáng đầu Xuân
    Ông xếp gọn chiếc xe lăn
    Rồi ngắm nghía bài thơ Xuân thư pháp
    Khoe thằng con
    Chỉ chỏ từng chữ một
    Bút pháp rồng bay phượng múa mấy ai bằng ?
    Người con liếc qua chỉ có một lần
    Rồi bận rộn xếp bánh trà kẹo mứt
    Chỉ có tôi mỗi lần lên phiên trực
    Là độc giả trung thành thưởng thức bài thơ Xuân
    Thơ cũng chung chung
    Ý cũng thường thường
    Cũng nỗi nhớ quê hương…vùng trời kỷ niệm
    Xa thật rồi từ cõi mù sương
    Hoa Xuân nở trắng ven tường
    Cố nhân mòn mỏi dặm đường viễn phương
    Ôi nỗi nhớ đi vào câu lục bát
    Có chiều dài bát ngát bóng quê hương
    Tôi đứng đây
    Nhìn khoảng trống trên tường
    Lòng cũng trống
    Như mất cái gì thân thiết
    Từ sang năm cứ mỗi lần đón Tết
    Chắc chẳng còn gì...
    Gợi nhớ một người xưa!

  5. #105
    Ba và kỷ niệm
    Ngọc Lan

    Tôi không là một đứa con gần cha lẫn gần mẹ trong gia đình. Nghĩa là, so với các anh chị em khác, tôi là đứa ít khi tâm sự với Ba Má những chuyện riêng tư của mình. Nhưng tôi có nhiều kỷ niệm với Ba tôi hơn là với Má, nhiều hơn so với những chị em gái trong nhà.

    Kỷ niệm đầu tiên tôi có về hình ảnh của Ba là ngày Má tôi từ Mỹ Tho hốt hoảng trở về, nói, “Ba bị người ta bắt rồi!” Tôi nhớ ngày đó tôi còn nhỏ lắm, chỉ chừng 7, 8 tuổi, tôi đứng tựa nơi một góc giường. Bật khóc. Khóc vì một nỗi sợ hãi. Khóc vì một điều gì trống hoác mở ra… Ba bị bắt vì tội “buôn lậu dầu dừa” để kiếm tiền nuôi đám con 7 đứa. Ðể rồi vài ngày sau, khi Ba trở về, tôi nhìn thấy Ba. Lại bật khóc. Tôi mừng.

    Kỷ niệm về Ba là những chiều Ba đậu xe trước trường Phạm Ðình Hổ hay Võ Văn Tần chờ đón tôi tan những buổi theo học các lớp chuyên Văn. Những lúc có tiền, Ba ghé vào chợ Thái Phiên cho tôi ăn chè mè đen. Tôi biết trên đời này có cái món chè đen thui lui, nóng hôi hổi, thơm ngát mùi mè là từ những ngày đó.

    Tôi nhớ một lần, đón tôi xong, Ba chở tôi đến chợ đồng hồ trên đường Hùng Vương để mua cho Má một chiếc đồng hồ mới.

    Ðút chiếc đồng hồ vào túi, trên đường về, Ba lại ghé cho tôi ăn chí mè phủ. Như một sự ăn mừng. Chén chè chưa nuốt trôi khỏi cổ, Ba chợt giật mình thảng thốt: cái đồng hồ đã rớt biến tự lúc nào.

    Tôi nhớ hoài nét mặt thất thần của Ba tôi. Nhớ ánh mắt thảng thốt. Nhớ miệng Ba cứ kêu, “Mất rồi! Rớt mất tiêu rồi!” Nhớ hai tay Ba cứ lần tìm kiếm hết trong túi quần đến túi áo xem cái đồng hồ nơi đâu. Chiếc đồng hồ khi đấy không phải là gia tài, nhưng để mua được nó là điều không dễ dàng đối với Ba Má tôi ngày đó.

    Tôi không còn ăn chè mè đen kể từ buổi ấy, cho đến hơn 10 năm sau, mang theo trong đầu gương mặt thẫn thờ của Ba tôi.

    Kỷ niệm về Ba là những chiều Ba chở tôi đến phòng khám ngoài giờ của bệnh viện Chợ Rẫy để chờ đợi khám căn bệnh viêm xoang mũi cho tôi. Tôi nhớ gương mặt đau khổ của Ba khi cầm lấy toa đi mua thuốc. Bệnh con thì phải chữa, không thể để nó ôm đầu than đau than nhức, nhưng đồng tiền kiếm ra được không dễ dàng cho việc mua lấy những thứ thuốc trụ sinh. Tận bây giờ, có những lúc cảm thấy đắn đo trong việc cân nhắc xem có đủ tiền mua cho con một món đồ gì nó thích hay không, tôi lại nhớ đến gương mặt Ba tôi khi đó. Quặn thắt.

    Kỷ niệm về Ba là những ngày Ba chở tôi đi đến Viện Tai Mũi Họng, rồi đến bệnh viện Nhi Ðồng 1, rồi lại đến Chợ Rẫy để “chọc xoang.” Ðến giờ này, tôi vẫn không quên được cảm giác đau đớn khi một chiếc kim thật lớn được đâm thẳng vào lỗ mũi, nghe “rốp” một tiếng như bánh tráng bị giẫm bể. Rồi người ta bơm vào đó một thứ thuốc hay nước gì đó, và từ bên lỗ mũi còn lại máu mủ gì cứ tuôn nhau chảy ra theo thứ nước đó, trong lúc hai tay tôi phải ôm lấy một cái thau nhỏ kê dưới cằm mình để hứng lấy. Ba nói những khi ấy, Ba cũng muốn rụng rời, đau buốt.

    Kỷ niệm về Ba là ngày tôi đậu đại học, Ba chở tôi ra một tiệm nón trên đường Lê Lai mua cho tôi một chiếc nón rộng vành, kiểu nón nhìn đài các và đầy vẻ tiểu thư thời thượng lúc đó. Tôi đội nó đến trường từ lúc vành nón còn hồ cứng, đến lúc mắc mưa, lúc tôi giặt, vành nón mềm xuống như tàu lá, chiếc nơ phía sau cũng tuôn chỉ phải kết lại. Cho đến ngày tôi bỏ quên nó trong hộc bàn ở giảng đường…

    Kỷ niệm về Ba là một ngày tôi đang ở đại học năm thứ 3. Ba đưa tôi 50 ngàn, “Má thích dầu thơm hiệu Salome, con coi ra chợ An Ðông mua cho Má.”

    Tôi mang 50 ngàn đồng ra chợ. Dầu thơm Coryse Salome Nuit D’Orient không có giá đó. Phải gấp 4 lần trở lên. Tôi trở về. Nhiều tiền hơn Ba không có. Ðó là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy bức bối về sự không đầy đủ. Tôi lớn lên, không biết bao lần tôi đi mua nước hoa, và cũng không ít lần, tôi nhớ sự thất vọng của Ba khi không mua được cho Má chai dầu thơm khi ấy. Một nỗi gì vừa thương yêu vừa xót xa cứ sâu xoáy trong tôi.

    Kỷ niệm về Ba là ngày Ba từ Sở Ngoại Vụ trở về sau khi hoàn tất thủ tục cắt tên tôi ra khỏi danh sách đi xuất cảnh cùng gia đình năm 1993.

    Thuyết phục điều gì, trách cứ điều gì, la mắng điều gì, Ba Má tôi đã nói hết những ngày trước rồi, nên ngày hôm đó lại là một ngày lặng lẽ đến nghẹt thở.

    Tôi nhớ Ba trở về, chỉ nói với mọi người một cách nhẹ nhàng, “Xong rồi. Bây giờ có thay đổi cũng không được.” Tôi nhớ tôi không dám nhìn thẳng vào Ba. Nhưng tôi nhớ câu Ba nói, “Xong rồi, con lo chuyện của con đi. Chuyến đi sắp tới của gia đình không có con.”

    Kỷ niệm về Ba là một ngày trước khi Ba đi Mỹ định cư, tôi về thăm nhà. Ba gọi tôi lên gác, đưa cho tôi một xấp giấy tờ, trong đó có thẻ IOM, có bản copy passport, có một số giấy tờ liên quan đến hồ sơ xuất cảnh của tôi, “Con giữ làm kỷ niệm.”

    Rồi Ba đưa tôi một gói giấy nhỏ, “Trong này có một chỉ vàng, Ba cho con để dành. Ba không có gì khác để cho con.”

    Tôi cầm tất cả. Nước mắt tôi chảy xuống. Ba xoa đầu tôi, “Hãy nhớ là lúc nào Ba cũng thương con hết.”

    Chiếc nhẫn đó, tôi giữ nguyên trong gói giấy. Thỉnh thoảng tôi cầm lấy chiếc nhẫn tròn đưa lên nhìn, nhớ Ba tôi, rồi lại cất vào, theo nếp gấp cũ.

    Chiếc nhẫn theo tôi sang đây. Vẫn nằm yên trong gói giấy trắng.

    Lần nhà bị mất trộm đầu năm 2010, nguyên hộp nữ trang mất sạch. Tôi nói với con gái, “Mẹ chỉ tiếc chiếc nhẫn của ông ngoại. Ðịnh khi con lớn, mẹ cho con làm kỷ niệm.”

    Vậy mà sáng nay, tôi lại kéo hộc tủ, định lấy cái gói giấy ấy ra. Nó vẫn nguyên vẹn trong đầu tôi, chiếc nhẫn vàng nằm trong gói giấy trắng cũ, gấp gọn lại…

  6. #106
    Caregivers: Care for others - but don't forget about you
    The Doctors

    It's a noble job — taking care of an aging parent, chronically ill spouse or disabled family member. And more than 65 million Americans are serving as caregivers for loved ones, preparing meals, taking over household duties, managing doctor appointments and medications, and in some cases providing full-time assistance.

    As rewarding as the role can be, caregiving is also tough, in many ways relentless, and often physically and emotionally draining. Surveys have shown that more than half of caregivers feel overwhelmed; they also report higher levels of stress than the average person, according to the American Psychological Association. But to care for others effectively, you have to look after your own well-being too. Some strategies to help keep you happy and healthy:

    Recognize the warning signs of stress.

    If you're irritable or exhausted most of the time, have trouble sleeping, are more forgetful or lose interest in activities you used to like, it could indicate you're under too much stress, which over time can harm your health. If you have a history of depression, pay even closer attention to the red flags — a new, small study suggests that caregiving itself doesn't necessarily cause depression but may raise the risk for those who have a vulnerability toward it.

    Change the things you can.

    Identify your sources of stress. Maybe you're trying to do too much; perhaps there are family disagreements or financial worries. Focus on matters over which you have control and then take a small step toward a solution, the Family Caregiver Alliance suggests. Even meeting a friend for coffee once a week or calling a financial planner can help alleviate some anxiety and stress.

    Accept help.

    According to some estimates, nearly one in five caregivers provides more than 40 hours of care per week. A friend could pick up groceries or run an errand; someone else could freeze some extra meals for you or even take the person you care for on a short walk a few days a week.

    Seek support.

    Maintaining a strong support system is key to managing the stress of caregiving, experts at the Mayo Clinic say. Set aside time each week to connect with family or friends, and consider joining a support group, which can be a good source for encouragement and advice from others in similar situations.

    See your doctor.

    Studies have shown caregivers are more likely to have a chronic illness, and rate their health as fair or poor. As impossible as it may feel to find the time, it's important to see your physician for checkups and screenings. Tell him you're a caregiver, and mention any health concerns or symptoms you have.

  7. #107
    Trạm Cuối Cuộc Đời
    Chú Chín Ca Li

    Sống ở Mỹ khá lâu nên tôi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tư tưởng của người Mỹ nên không có ý định nhờ vả con cái khi tuổi về chiều. Một ngày nào đó khi thấy mình không còn khả năng để tự lo cho mình được nữa tôi sẽ vào sống trong các “Boarding care” để có người chăm sóc, nếu tệ hơn sẽ được hưởng những phúc lợi dành cho người cao niên và được bảo vệ bởi hệ thống an ninh xã hội Mỹ. Ở Mỹ có “Nursing Home” được trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật và nhân sự chuyên môn để chăm sóc những người không còn khả năng tự lo cho mình, có “Hospice Service” chăm sóc vật chất lẫn tinh thần cho các bịnh nhân không thể sống hơn sáu tháng, giúp họ ra đi trong yên bình và giúp gia đình họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

    Nhưng tư tưởng lạc quan nầy đã hoàn toàn thay đổi từ khi tôi thật sự đối diện với tử thần và nếm mùi bịnh viện sau khi trải qua một cơn bạo bịnh phải nhập viện trong 10 ngày. Tuy đã được thoát chết, vết thương mổ xẻ đã lành, nhưng những đau đớn về thể xác và vết thương tâm thần mà bịnh viện để lại vẫn còn hằn sâu trong ký ức không bao giờ lành. Từ đấy tôi bắt đầu thấy sợ bịnh viện, sợ luôn cả nursing home vì đây chẳng qua chỉ là một hình thức khác của bịnh viện, bịnh viện của người già.

    Từ tâm trạng sợ hãi nầy tôi liên tưởng đến 4 năm hãi hùng mà nhạc mẫu tôi phải trải qua trong nursing home trước khi bà mất. Từ đấy những quảng cáo đẹp về nursing home với hình ảnh những cụ già vui chơi hạnh phúc được thay thế bằng những hình ảnh đau khổ của nhạc mẫu tôi và của những cụ già ngồi xe lăn ủ rủ, nghiêng ngả, cong queo, nhễu nhão, những gương mặt mếu máo, những ánh mắt vô thần.

    Chúng tôi may mắn được sống chung với cha mẹ vợ vì bà xã tôi là con gái út. Lúc còn khỏe ông bà nhạc của tôi quán xuyến hết mọi chuyên trong nhà để vợ chồng tôi được rảnh tay lo chuyện ngoài xã hội. Hai con tôi gần gũi với ông bà ngoại nhiều hơn với cha mẹ chúng. Đi học về vừa đến cổng nhà là đã réo gọi ông bà ngoại. Tuy nuôi con nhưng thật ra tôi chưa biết thay tã hay cho con bú! Kể cã tiếng Việt chúng nói đều nhờ ông bà dạy từ ngày chúng bập bẹ tập nói.

    Nhưng cuộc sống hanh phúc chấm dứt từ khi nhạc mẫu tôi ngã bịnh. Năm 78 tuổi, sau chuyến du lịch Việt Nam về, mẹ nằm suốt trong phòng, than mệt. Ngoài bịnh tiểu đường loại 2 mãn tính, mẹ thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiểu, đau cột sống, ho kinh niên và sau đó khám phá ra bị ung thư phổi. Từ đấy bà ra vào bịnh viện như đi chợ. Thiếu bàn tay của mẹ, gia đình tôi rối loạn lung tung, con cái đi học trể, cơm nước thất thường, nhà cửa bề bộn. Vợ chồng tôi phải tập lại từ đầu cách quán xuyến gia đình, nuôi con, thêm nuôi mẹ già trong bịnh viện. Bố cũng yếu chỉ hụ hợ chuyện lấy thơ, đổ rác, đóng cổng là đã than mệt rồi.

    Bác sĩ ung thư khuyến cáo không nên mổ xẻ hoặc trị liệu gì cho mẹ vì ung thư đã di căn đến não. Hơn nữa tuổi mẹ đã quá cao lại bị bịnh tiểu đường nên vết mổ không lành. Hãy để cho thiên nhiên quyết định vận mệnh của mẹ. Tôi dấu nhẹm lời bác sĩ bảo rằng mẹ chỉ sống tối đa là sáu tháng. Mẹ được cho về nhà với lời khuyên “thích ăn cái gì cho bà ăn cái nấy”. Nhưng “Còn nước còn tát” chúng tôi không chịu thua, chạy chửa bịnh cho mẹ bằng thuốc nam. Ai bày thuốc gì ở đâu tôi cũng tìm cho được. Khi lái xe mắt tôi cũng láo liên nhìn bên lề đường, dọc theo các hàng rào tìm cây cỏ “Dendelion” để hái lá cho mẹ ăn. Nghe nhà ai có cây nha đam chúng tôi cũng tìm đến xin hay mua cho bằng được. Bã xã tôi cầu nguyện cho mẹ hàng ngày không xao lãng.

    Như được một phép nhiệm mầu, bịnh ung thư của mẹ tôi thuyên giảm dần dần và sau mấy tháng khối u trong phổi tự nhiên biến mất. Bác sĩ gia đình rất vui bảo “đừng thắc mắc, hảy cứ tin là như vây đi”. Nhạc mẫu tôi thì tin là mình đã hết bịnh thật, còn vợ chồng tôi thì gần như kiệt lực, mong sau phép lạ sẽ kéo dài. Bịnh ung tư không thấy trở lại, nhưng bịnh đau cột sống làm mẹ đau đớn không ăn ngủ được nên sinh ra khó tính. Mẹ lại quên trước quên sau. Mẹ không còn kiểm soát được tiêu tiểu nữa nhưng nhất định không chịu mang tã. Bố cũng già mệt mõi, suốt ngày ngủ trong phòng. Ông bà lại không biết tiếng Mỹ, không dùng điện thoại, nên khi vợ chồng tôi đi làm lúc nào cũng phập phòng lo sợ.

    Bác sĩ gia đình đề nghị nên cho mẹ vào nursing home để dễ bề chăm sóc. Vợ chồng tôi đồng ý ngay nhưng gặp sự phản khán quyết liệt của nhạc mẫu tôi. Suốt đời mẹ không bao giờ xa gia đình nửa bước nói chi chuyện cách ly vĩnh viễn! Đối với mẹ, mất gia đình là mất tất cã. Chúng tôi nể mẹ nên không dám nói chuyện nursing home nữa, chỉ sợ làm mẹ buồn ảnh hưỡng đến sức khỏe.

    Nhưng sức khỏe của mẹ càng lúc càng tệ. Sau lần cấp cứu cuối cùng vì bị ngất xỉu, bác sĩ đề nghị phải đưa thẳng mẹ vào nursing home, vì theo ông, đó là cách tốt nhất để bác sĩ có thể theo dỏi bịnh tình và giữ an toàn cho mẹ.

    Ngày đầu tiên vào nursing home không ai nỡ bỏ mẹ một mình nên quấn quít bên bà cho đến tối rồi cũng phải ra về. Đó là ngày đầu tiên trong cuộc đời mẹ phải sống lẻ loi một mình bên những người xa lạ. Tôi còn nhớ rỏ gương mặt thẫn thờ của mẹ nhìn theo con cháu đang bỏ bà mà đi. Tôi không dám nhìn mẹ lâu hơn vì tôi thấy mẹ khóc, một điều rất lạ đối với nhạc mẫu tôi vốn là người đàn bà can cường và cứng rắn. Bố thấy tội nhiệp đòi mỗi ngày chở bố vào nursing home để ông chăm sóc cho mẹ. Được mấy tuần rồi tôi cũng chịu thua vì chuyện đón đưa hàng ngày thật là bất tiện. Còn nếu để bố đi xe bus nếu có chuyện gì xảy ra thì ai lo cho bố đây!

    Từ ngày Mẹ vào nursing home vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm, không còn phải lo lắng như khi xưa khi bỏ mẹ ở nhà. Chúng tôi yên tâm là mẹ được theo dõi và chăm sóc 24/7. Tan sở vợ chồng tôi chở bố vào thăm mẹ, thấy mẹ sạch sẽ thơm tho, giường nệm trắng tinh, kẻ qua người lại tấp nập vui vẻ lắm. Yên tâm chúng tôi dần dần xao lãng việc thăm viếng. Cả hai cháu cũng không còn đòi đi thăm ngọai nữa, nhiều khi phải bắt chúng mới chịu đi. Chúng không thích cái mùi trong nursing home.

    Từ ngày sống trong nursing home mẹ hoàn toàn thay đổi, trở nên trầm lặng, ít nói, khác hẳn với mẹ trước đó “quậy” tưng bừng trong bịnh viện. Mẹ chịu mang tã, nằm yên trên giường, không có ý kiến chuyện chung quanh, không đòi hỏi gì, không còn than phiền đau lưng nhức gối, hay càu nhàu vì thiếu ngủ, mất ăn như lúc ở nhà. Sau nầy mới biết bà đã được cho dùng thuốc an thần và thuốc đau nhức nồng độ cao nên lúc nào bà cũng ở trạng thái lờ đờ lim dim ngủ. Có lúc tỉnh táo, mẹ chỉ nhìn qua khung cửa sổ với đôi mắt vô thần. Hỏi mẹ có đau đớn gì không, mẹ lắc đầu. Hỏi có thích ăn uống đồ ăn Việt Nam không mẹ lắc đầu, tuy tôi biết là mẹ rất ghét đồ ăn Mỹ nhất là khẩu phần cho bịnh nhân tiểu đường và cao máu nhạt nhẽo không sao nuốt nỗi. Mẹ chịu đưng, sống âm thầm không một lời than thở.

    Cho đến một hôm mẹ nắm tay nhà tôi, nước mắt rưng rưng mẹ van xin:

    - Mẹ muốn chết con à. Con xin người ta cho mẹ chết đi!

    Bà xã tôi sững sờ, ôm mẹ năn nỉ:

    - Mẹ đừng nói kỳ vậy, phải ráng lên chớ, con biết phải làm sao bây giờ?

    Rồi vợ tôi cũng khóc. Tôi chỉ đứng nhìn. “Chúng tôi biết phải làm sao bây giờ”?

    Vợ chồng tôi đều nghĩ rằng đã tìm được giải pháp tốt nhất cho mẹ rồi. Mẹ thì đã “ráng” quá nhiều, ráng đến mõi mòn, đến kiêt quệ nên muốn bỏ cuộc. Đã bốn năm dài đăng đẵng mẹ sống nơi đây như cái xác không hồn.

    Có lúc chúng tôi vào thăm mẹ vào giờ ăn trưa thấy mẹ ngồi gục đầu trên xe lăn như một em bé ngoan, mắt nhắm nghiền, đợị đến phiên mình há mồm được đút cho ăn. Mẹ không còn thiết tha gì nữa.

    Những tháng cuối cùng mẹ nằm trên giường đưa mắt nhìn con cháu, không cử động hoặc nói năng gì. Hình như có điều gì u uẩn trong lòng mà mẹ không nói được hay mẹ có tâm sự gì nhưng muốn giấu kín trong lòng.

    Một buổi sáng sớm, tôi nhận được cú điện thoại từ nursing home báo tin là mẹ chúng tôi đã mất đêm qua. Bà mất lúc nửa đêm nên không ai hay biết cho đến sáng ngày hôm sau. Bà âm thầm ra đi không một lời từ giả, không một giọt nước mắt tiển đưa. Chắc mẹ cô đơn lắm lúc trút hơi thở cuối cùng. Suốt đời mẹ lo cho chồng, cho con, cho cháu, ngày mẹ ra đi chỉ có một mình, trong cô đơn. Có ai biết rằng không phải mẹ chỉ cô đơn trong giây phút ra đi mà mẹ đã chết từ lâu rồi, kể từ ngày mẹ bước chân vào ngưởng cửa nursing home, một nhà tù không cần đóng cửa. Tôi chợt hiểu được tại sao mẹ đã khóc ngày đầu tiên đến nursing home. Ngày ấy mẹ chấp nhận bản ản tử hình không văn tự vì muốn hy sinh cho con cái. Ngày ấy Mẹ đã khóc lời vĩnh biệt các con cháu rồi.

    Chúng tôi vội vã vào nursing home vừa kịp lúc nhìn mẹ lần cuối cùng trước khi người ta phủ kín mặt mẹ với tấm trải giường màu trắng rồi mang xác mẹ đi. Mọi người đứng nhìn theo chết đứng, ngỡ ngàng, đớn đau, nhưng không ai khóc thành lời. Chúng tôi đã biết là ngày nầy sẽ đến với mẹ, và hôm nay nó đã đến.

    Cái chết của nhạc mẫu nhắc tôi nhớ lại chuyện cổ tích về chuyện người tiều phu đẩy xe chở mẹ vào rừng cho thú hoang ăn thịt vì bà đã quá già. Tôi có khác gì người tiều phu đó, đã đưa nhạc mẫu tôi vào nursing home để chết. Đến một ngày nào sẽ đến lượt con tôi chở tôi đi như vậy sao?

    Tôi lại nhớ đến chuyện con voi già biết mình sắp chết, nó âm thầm đi vào cái “nghĩa địa voi” là cái hang động cho voi đến để chết. Nó âm thầm gục chết một mình bên cạnh những đống xương voi già đã chết trước nó. Tôi chợt nghĩ nếu con người làm được như con voi già thì con cháu không phải cực khổ vì cha mẹ già, không phải khổ tâm vì mặc cảm là đã làm một hành động bất nhân, bất hiếu, như tâm trạng hối hận của tôi bây giờ đối với nhạc mẫu của tôi.

    Nursing home. Cái trạm cuối của cuộc đời mấy ai tránh khỏi!

    Bạn đã chọn cho mình cách đến chưa?

  8. #108
    Biệt Thự 005's Avatar
    Join Date
    Feb 2013
    Posts
    1,124
    Quote Originally Posted by chieclavotinh View Post
    Trạm Cuối Cuộc Đời
    Chú Chín Ca Li
    Nursing home. Cái trạm cuối của cuộc đời mấy ai tránh khỏi!

    Bạn đã chọn cho mình cách đến chưa?
    Tui hoàn toàn thông cảm với chú 9 Cali.

    Mẹ tui cũng phải ở 5 năm trong viện dưỡng lão đến ngày mất.
    Cha tui thì may mắn hơn chỉ ở trong viện dưỡng lão có một năm rồi qua đời.

    Bạn đã hỏi một câu mà không có đáp án. Người già có sự lựa chọn sao?



 

 

Similar Threads

  1. Những buổi chiều còn mưa
    By ndangson in forum Thơ
    Replies: 419
    Last Post: 12-28-2016, 01:04 PM
  2. Lai rai chiều nay
    By thuynh in forum Gia Chánh
    Replies: 438
    Last Post: 07-30-2013, 09:18 PM
  3. 95 tuổi vẫn chăm chỉ chuyện phòng the
    By ngocdam66 in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 5
    Last Post: 11-22-2011, 08:49 PM
  4. Bé 3 tuổi chăm mẹ chết mòn trên giường bệnh
    By tử đằng in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 0
    Last Post: 10-12-2011, 07:59 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 06:50 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh