Hồi Ký của Tư Lé (tiếp theo kỳ trước)

Từ bến đò dưới Thủ Thiêm quẹo về phía trái khoảng 10 mét là cầu ông Cậy. Chiếc cầu nầy là một di tích lịch sử đáng được bảo tồn. Từ Sài Gòn, cuối đường Charner (Nguyễn Huệ), nhìn thẳng qua Thủ Thiêm chúng ta có thể nhìn thấy chiếc cầu nhỏ lịch sử đó. Cầu làm bằng xi măng cốt sắt vừa đủ rộng cho một chiếc xe chở hàng cỡ nhỏ chạy qua, hai bên có hai bậc thềm thấp dành riêng cho người đi bộ có bờ lan can an toàn suốt dọc chiếc cầu nhỏ bé. Chiếc cầu có thể ngày xưa do một viên quan võ triều đình nhà Nguyễn cai trị vùng Thủ Thiêm đứng chỉ huy xây cất cùng một lúc với con đường hương lộ cho nên dân chúng trong vùng gọi là cầu ông Cai (tức cầu do ông quan Cai trị xây cất) nhưng lâu ngày có thể đọc trại đi là cầu ông Cậy (nếu bạn nào biết rõ xin làm ơn bổ túc cho tên gọi của chiếc cầu nầy). Con rạch chảy ngang dưới chiếc cầu là một nhánh thật nhỏ của sông Sài Gòn cũng gọi là Rạch Ông Cậy. Sở dĩ chúng tôi gọi là "một di tích lịch sử bởi vì nó là nơi mà lính Tây dùng làm pháp trường để bắn chết thả trôi sông những người đánh Tây ở vùng Thủ Thiêm bị họ bắt được sau những cuộc bố ráp, đốt phá mà dân Thủ Thiêm gọi là "bao bố nhìn mặt": Tây mua chuộc người địa phương, cho trùm bao bố lên đầu để dấu tung tích rồi cho ra nhìn mặt những người bị Tây bắt trong những cuộc lùng xét: người nào bị bao bố gật đầu thì kể như đi tắm sông ở cầu ông Cậy.

Đúng ra ngày xưa, chắc là lâu lắm, con rạch ông Cậy có tới 2 cái cầu: một cái sát bờ sông Sài Gòn chỗ miệng cửa con rạch và một cái nữa tức là cái cầu thứ 2 cũng bắt ngang qua con rạch nhưng hơi xế về phía trong một chút, cách cái cầu thứ nhứt chừng 50 mét. Cái cầu thứ 2 nầy nối con hương lộ thứ nhì tới dãy phố 18 căn ở xóm Cây Bàng bây giờ biệt tâm biệt tích không còn dấu vết nào và chỉ còn cái cầu sát với bờ sông Sài Gòn ngày nay mà người Sài Gòn có thể đứng ở đầu đường Charner (Nguyễn Huệ) ở bên nầy bờ sông nhìn thẳng qua Thủ Thiêm để nhìn thấy nó.
[IMG][/IMG]

Nguồn hình chưa được ghi chú
https://www.flickr.com/photos/tedpha...ream/lightbox/

Nghe đồn bây giờ đang có chương trình phát triển vùng Thủ Thiêm, các vùng gần bờ sông Sài Gòn, kể cái cái cầu ông Cậy lịch sử cũng sẽ bị san bằng ủi sập và nếu như vậy thì kẻ nầy chỉ còn biết dụi mắt khóc thầm tiếc nuối cho một di tích lịch sử bị mai một! Bạn nào có dịp về thăm quê nhà, hãy đi đò qua Thủ Thiêm, hỏi thăm dân tình ở đó chỉ cho biết rồi đến đứng trên chiếc cầu ông Cậy nhỏ bé nầy nhìn qua phía bên kia sông Sài Gòn nguy nga sáng lạng rồi ngó xuống lòng nước để bùi ngùi tưởng niệm cho những người kháng chiến vô danh đã từng bị kẻ ngoại quốc xử tử bắn chết trên chiếc cầu nầy rồi quăng xác xuống rạch.

Cũng xin nói thêm, hồi đó, có lần người viết cũng bấm gan làm liều phiêu lưu đi dọ thám sâu xuống miệt dưới với ý định tới thăm đồn Cá Trê một chuyến bởi vì nghe mẹ già kể lại rằng đồn nầy đã từng đụng độ hết quân Tây Sơn rồi lại đụng độ với quân Pháp khi họ đưa tàu binh vào sông Nhà Bè để đánh chiếm Sài Gòn. Đi dọc trên con lộ trải nhựa nứt nẻ đầy ổ gà, khi hết ranh giới của xóm Cây Bàng thì sẽ gặp một chiếc cầu bằng xi măng bắt ngang một con rạch nhỏ. Lấy can đảm đi một đỗi nữa thì tới một cái cầu nhỏ khác rồi tới một cái cầu lớn hơn bắt ngang một con rạch khá lớn gọi là rạch Ba Chia. Sở dĩ gọi là rạch Ba Chia vì khi đi sâu vào miệt ruộng, con rạch nầy chia ra thành 2 nhánh, một nhánh nước chảy về hướng đông bắc, còn nhánh nhỏ kia chảy xuống hướng đông nam. Trước khi tới cầu rạch Ba Chia thì thấy phế tích của một ụ đồn bót nằm chơi vơi sâu về phía bên trong đồng ruộng. Tới đây thì kẻ thám hiểm bắt đầu bụng đói và sợ ma, muốn quay về vì thấy mình bị chơi vơi đơn độc quạnh quẽ quá mức nhưng không hiểu tại sao đôi chân cứ tiếp tục cuộc hành trình. Rồi lại tới một cái cầu nữa bắt ngang qua một con rạch nhỏ. Kẻ thám hiểm đứng trên cầu nầy ngó quanh ngó quẩn nhưng vẫn không thấy tăm dạng của đồn Cá Trê nó nằm ở đâu trong khi trời đã về chiều, hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Thôi, tới đây thì đành bỏ cuộc, kíp mau quay về kẻo bị ma trơi, ma gáo bắt dấu nhét đất vào miệng! Sau nầy mới biết rằng chỉ cần tiến bước thêm chừng vài cây số nữa thì sẽ gặp được đồn Cá Trê, tiếc ơi là tiếc !

Khi lớn lên và theo ba mẹ dọn qua ở Sài Gòn, có một chuyện thời sự đáng chú ý: kho xăng dầu Nhà Bè bị cháy khói đen bóc lên cao gần 2 ngày trời mà đội lính chữa lửa của đô thành Sài Gòn không thể đàn áp được sự tàn phá của thần hỏa. Dân Sài Gòn ngày đó khi nói tới 2 chữ Nhà Bè thì thường nghĩ đây là vùng đất bên kia đầu cầu Tân Thuận, đinh ninh rằng kho dầu xăng nầy nằm ở về đoạn cuối hửu ngạn của sông Sài Gòn bây giờ tức là nằm đối diện với phía Thủ Thiêm. Trên thực tế, địa điểm của kho xăng Nhà Bè nằm trên lãnh vực của Thủ Thiêm đối diện với Sài Gòn và vị trí xây cất của nó có thể là vị trí đồn Cá Trê ngày xưa nằm trên tả ngạn của khúc sông Nhà Bè.

Đọc lại sử cũ thì sông Sài Gòn có tên là sông Tân Bình và hai bên bờ sông Tân Bình, ở khúc sông ngày nay gọi là sông Nhà Bè, triều đình nhà Nguyễn ở Gia Định có đặt 2 tiền đồn phòng thủ: một ở bờ sông vùng Tân Thuận đi xuống gọi đồn Hửu Bình và một ở phía Thủ Thiêm gọi là đồn Tả Bình. Hửu Bình tức là thuộc hửu ngạn sông Tân Bình và còn có tên khác là đồn Nam hoặc đồn Thảo Câu. Tả Bình tức là tả ngạn sông Tân Bình cũng có tên khác là đồn Bắc (nằm lấn về hướng Bắc nếu so chiếu với đồn Nam ở Tân Thuận) hoặc đồn Cá Trê. Ngày nay, vết tích 2 tiền đồn lịch sử nầy của miền Nam Việt Nam có lẽ đã bị xóa mất hết rồi!

Chiếc cầu và con rạch Ông Cậy phân chia Thủ Thiêm thành 2 xóm: Xóm Trên và Xóm Dưới. Xóm dưới chúng ta đa đi qua; bây gờ chúng ta đi lên Xóm Trên sau khi bước ngang qua cầu ông Cậy.

(còn tiếp)
Thủ Thiêm Xóm Trên.