MỘT BÀI THI TUYỂN KỲ LẠ

Phước Nguyễn

Một chàng trai vừa tốt nghiệp đại học thuộc loại xuất sắc. Anh tự tin dự tuyển vào vị trí quản lý tại một công ty lớn. Anh vượt qua các vòng đầu tiên và đến vòng cuối cùng, đích thân giám đốc phỏng vấn anh để đưa ra quyết định tuyển dụng. Khi xem qua hồ sơ xin việc của chàng trai, vị giám đốc nhận thấy trong suốt các năm học, anh luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Từ trường trung học cho đến khi vào đại học và thi tốt nghiệp, không năm nào chàng trai này không đạt danh hiệu xuất sắc.

Vị giám đốc hỏi:
- Trong bốn năm đại học, anh có đi làm thêm không ?
- Dạ không, thưa ông -chàng trai trả lời.
- Vậy là cha anh đã trả toàn bộ học phí cho anh phải không ?
- Cha tôi mất từ năm tôi một tuổi, vì vậy toàn bộ tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác.
- Mẹ anh đang làm công việc gì ?
- Mẹ tôi giặt quần áo thuê cho người ta.

Vị giám đốc nghe vậy bèn đề nghị chàng trai trẻ đưa bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay của anh khá đẹp và mềm mại. Ông hỏi :
- Anh đã bao giờ giúp đỡ mẹ trong việc giặt quần áo chưa ?
- Chưa bao giờ - chàng trai thẳng thắn đáp.
- Tôi cần tập trung học cho thật tốt.Hơn nữa, mẹ tôi giặt thì nhanh hơn tôi chứ.

Nghe vậy, vị giám đốc nói :
- Tôi có một yêu cầu nhỏ. Hôm nay về nhà, anh hãy rửa hai bàn tay cho mẹ. Rồi sáng hôm sau anh đến đây gặp tôi.

Chàng trai trẻ cảm giác cơ hội trúng tuyển của mình rất cao. Anh vui vẻ về nhà gặp mẹ và đề nghị rửa tay cho mẹ. Người mẹ cảm thấy khó hiểu trước yêu cầu của con trai nhưng vẫn đưa hai tay ra cho con rửa.

Chàng trai chầm chậm rửa sạch bàn tay của mẹ mình. Từng giọt nước mắt của anh rơi xuống khi anh rửa tay cho mẹ. Lần đầu tiên, anh nhận ra đôi bàn tay của mẹ không chỉ nhăn nheo, mà còn chằng chịt những vết sẹo và chai sạn. Những vết sẹo này hẳn là rất đau đớn vì anh cảm nhận được mẹ khẽ rùng mình mỗi khi anh nhúng tay mẹ vào nước.

Đó cũng là lần đầu tiên chàng trai nhận ra chính đôi bàn tay này đã ngày ngày cần mẫn giặt quần áo để có thể trang trải tiền học phí cho anh. Những vết sẹo trên đôi bàn tay mẹ cũng là cái giá cho những bảng điểm xuất sắc của anh.

Sau khi rửa sạch đôi bàn tay mẹ, chàng trai trẻ lặng lẽ giặt nốt chỗ quần áo còn lại trong ngày.
Tối hôm đó, mẹ con anh đã trò chuyện với nhau rất lâu.

Sáng hôm sau, chàng trai quay lại công ty. Vừa nhìn thấy anh, vị giám đốc hỏi :
- Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được gì trong ngày hôm qua không ?
Chàng trai khóc và trả lời :
- Tôi đã rửa tay cho mẹ và cũng giặt nốt chỗ quần áo còn lại.
- Cảm giác của anh như thế nào ? - vị giám đốc hỏi.

Chàng trai trả lời trong nước mắt tầm tã :
- Thứ nhất, tôi hiểu rằng nhờ có mẹ mà tôi mới có được ngày hôm nay.
- Thứ hai, tôi hiểu mọi người kiếm tiền vất vả thế nào.
- Và thứ ba, tôi đã nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình đối với mình.

Vị giám đốc nói : “Đó cũng chính là điều tôi cần tìm ở một quản lý. Tôi muốn tìm những ứng viên biết ơn khi được người khác giúp đỡ, thấu hiểu công sức lao động của người khác và không xem tiền bạc là mục đích sống duy nhất. Anh đã hiểu được những điều đó, vì vậy chúc mừng anh gia nhập công ty chúng tôi".

Đằng sau sự thành công của mỗi người là mồ hôi, nước mắt có khi cả máu thịt của mẹ cha !!!

Phước Nguyễn

************************************************** ***********


Mua bán nhà cửa phải có duyên. Huệ thấm thía câu này lắm khi muốn bán cái nhà đang ở, mua cái nhà khác để có thể dư ra chút tiền kinh doanh, rao hoài mà không được. Người vào coi thì nhiều, có kẻ còn trả giá rốt ráo, nhưng đến lúc đặt cọc thì biến không tăm tích. Đến nỗi sau một thời gian rao bán, Huệ đành hủy bỏ ý định.
​Nhà có hai cha con nên khi cha mất, cảnh nhà thật quạnh hiu.
Sau bốn chín ngày của cha, cây mai chiếu thủy bỗng nhiên chết khô đến gần sát gốc. Cả cây xoài cũng có vẻ đang chết dần dần. Chú Bảy bạn cha tới thắp nhang cho cha, bảo: “Chắc hồi đám tang, không ai cột cho mấy cây này miếng vải trắng nên giờ tụi nó muốn đi theo cha con luôn”.
Chiều đó, Huệ xách xô nước ra tưới vào gốc xoài. Cô kéo chiếc ghế mây lại gần, ngồi xuống, sờ tay lên cái vỏ xù xì của nó, lẩm bẩm: “Mày đừng chết khi tao còn ở cái nhà này nghe xoài”. Rồi cô cầm cây kéo ra cắt cây mai chiếu thủy tới sát gốc, ngậm ngùi: “Ráng sống lại ở với tao nghe mai”.


Đùng một cái, hai ba bữa sau, có tiếng chuông cổng reo từng hồi dài, đầy vẻ sốt ruột. Một phụ nữ có vẻ sang cả, hỏi Huệ ngay khi cô hé cổng: “Tôi nghe nói nhà này bán phải không?”.
​Huệ bán nhà cho bà chủ tiệm vàng với giá cao hơn giá cô định bán rất nhiều. Đầu tiên, Huệ chỉ nói thách để bà ta bỏ đi. Người gì hách dịch thấy ghét. Vô nhà chê bai đủ thứ, nói sẽ đập bỏ hết để xây mới. Đã mua được nhà đâu mà chê tùm lum? Huệ nóng máu, tính mở miệng mời bà ta ra khỏi nhà nhưng rồi cố nuốt cục tức xuống họng, nín thinh.
Tuy nhiên, khi bà ta hỏi giá, cục tức của Huệ lại trồi lên. Cô thản nhiên nói giá để rồi chưng hửng khi bà ta mở túi xách, lấy ra một cọc tiền: “Thôi được. Nhà quá mắc so với giá thị trường nhưng tôi sẽ mua. Cô làm giấy nhận cọc đi”.

Ảnh minh họa: Internet​Ngôi nhà trệt, mái ngói âm dương, có võng treo đu đưa dưới gốc cây hoàng hậu từ đó trở thành quá khứ. Khi giao nhà, Huệ chỉ đem theo duy nhất chậu mai chiếu thủy mà sự sống chỉ còn khoảng một tấc cao. Cô đặt nó trên khoảng sân nhỏ xinh trước phòng thờ, nơi đôi mắt cha từ di ảnh có thể nhìn thấy nó hàng ngày. Cô cũng mua thêm chậu hoa ngâu nhỏ để bên cạnh. Khi còn sống, cha chỉ uống trà với hoa ngâu tự ướp. Vừa tưới nước cho hai chậu hoa, Huệ vừa nói chuyện rì rầm: “Giờ tao chỉ còn tụi bay thôi đó. Ráng sống tốt rồi ra hoa cho cha con tao ngắm, nghe không?”. Chậu ngâu có vẻ nghe lời, ra hoa liên tục. Còn cây mai chiếu thủy, sau bao ngày tháng rụt rè, cũng đã vươn lên mấy nhánh non bé bỏng. Hôm nhìn thấy mấy tược non, Huệ vui rớt nước mắt. Tối đó, Huệ hái mấy chùm hoa ngâu, pha trà, đặt trên bàn thờ của cha kèm thêm dĩa bánh đậu xanh: “Cha coi nè, cây mai chiếu thủy sống lại rồi”. Không hiểu sao, Huệ có cảm giác ấm áp lan tỏa xung quanh. Có thể vì mùi nhang trầm nhè nhẹ phảng phất trong không gian chăng? Huệ như sống lại khoảnh khắc ở nhà cũ. Rồi chợt như bừng tỉnh, cô lắc đầu, lầm bầm: “Bán rồi thì thôi đi. Nhớ nhung gì nữa?”. Cô tưới thêm gáo nước vào hai chậu cây rồi bỏ vô nhà.

Nói thôi, nhưng không hiểu sao hôm sau, trên đường đi làm về, Huệ lại chạy xe một hơi tới con đường dẫn về nhà cũ. Cách khoảng vài trăm mét, chỗ chợ nhỏ, Huệ ngừng xe bên một sạp vệ đường, nơi cô vẫn ghé mua trái cây. Chị bán hàng đang tay cân, tay gói cho khách, vui vẻ nói theo quán tính: “Mua cam đi cô. Cam bữa nay ngọt lắm”. Rồi ngẩng đầu, chị kêu lên khi nhìn thấy Huệ: “Ủa em. Lâu dữ mới thấy ghé. Đi đâu mới về hả?”. Huệ cười: “Dạ. Em dọn nhà qua chỗ khác rồi chị. Bữa nay có việc ghé ngang thôi”.
​Mua cam xong, Huệ tần ngần một lúc trước khi chạy xe rề rề về phía nhà cũ. Thì mình ngó chút thôi, có gì mà ngại? Cô tự dỗ mình.​Nhưng nhà cũ đã biến đâu mất rồi. Cánh cổng gỗ xanh có giàn hoa giấy trắng tím lòa xòa, cây xoài xum xuê trái vươn ra khỏi cổng cũng biến mất. Thay vào đó là cánh cổng inox mở rộng, phía trong sân đặt hai con sư tử đá mắt gườm gườm nhìn ra đường. Huệ giương mắt nhìn tòa nhà nhiều tầng to nghễu nghện có tấm bảng đèn xanh đỏ nhấp nháy: Hotel Hoàng Gia. Người Huệ chênh chao, tim hẫng như đập hụt một nhịp. Họng khô cháy.​Cô dựng xe trước quán cà phê vỉa hè xéo góc, bước lên thềm kéo ghế ngồi.

Cô chủ quán reo lên: “A, chị Huệ. Chị đi đâu mà ghé đây? Lâu dữ”. Bưng ly cà phê ra cho Huệ, chủ quán tự nhiên kéo ghế ngồi cạnh: “Nhà chị giờ thay đổi ghê chưa?”.
​Ừ. Huệ biết bà chủ khách sạn cũng là chủ tiệm vàng mà. Cái kiểu hách dịch, khinh người của bả, Huệ cũng biết luôn. Cô chủ quán cà phê kể lể: “Trời ơi, bả tới lui chỗ này hàng tỷ lần mà không hề liếc con mắt nhìn chung quanh đâu nghen chị. Anh Minh sửa xe ngồi dưới gốc cây kế nhà chị hồi xưa đó, cũng bị bả cho người đuổi, không cho làm, nói ảnh hưởng bộ mặt khách sạn của bả…”.​Tối đó, khi lên lầu thắp nhang cho cha, Huệ thủ thỉ: “Cha có đi chơi, đừng thèm ghé qua nhà cũ của mình nghe cha. Ghé là buồn đó. Nó không còn xíu gì gợi nhớ ngôi nhà của mình hồi xưa đâu cha. Nó thấy ghét lắm…”. Trong ảnh, đôi mắt cha nhìn Huệ thật bình thản. Như thể cha nói: “Mình hết duyên với ngôi nhà đó rồi thì thôi, con bận lòng làm gì?”.
Mùi hoa ngâu thoang thoảng ngoài sân nhắc Huệ pha một bình trà. Rồi cô lúi húi mở túi cói to đùng chở về lúc chiều lôi ra một chậu cây. Cô chủ quán cà phê nói: “Bữa bả cho phá cổng, chặt giàn bông giấy, em chạy qua lấy mấy nhánh gốc về găm, giờ nở đẹp lắm chị. Em tặng chị một chậu nè”…/.

Tác giả: Nhà văn, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên


***************************************
Trốn cách ly cách tách


Đài Phát Thanh BBC



Có vụ đụng xe trên đường Hoàng Sa, Q.Tân Bình. Thằng bé chừng 15 tuổi, chở đậu phộng tông thẳng vào đuôi xe của vợ chồng chạy môtô phân khối lớn. Đèn sau chiếc môtô bể nát. Thúng văng ra đường, đậu phộng đổ lăn lóc.
Tông sau xe, thằng bé sai rồi nhưng nhìn cái cách 2 vợ chồng thằng môtô túm cổ áo thằng bé bắt đền, tự nhiên tôi ngứa con mắt bên phải trợn con mắt bên trái.

Thay cái đèn sau chính hãng cũng hơn "1 chai" chớ đâu có ít.

Tôi trờ tới, nháy mắt với thằng bé rồi nói nhỏ :
- Giờ cô nói gì con cũng chỉ gật đầu và... ho thôi nghe chưa.
Thằng bé giương đôi mắt sợ sệt nhìn tôi rồi... gật đầu.

Tôi giả bộ nhìn nhìn rồi la lớn :
- Phải mày đó không, Thuấn ?
Nó gật đầu.
Vợ chồng môtô quay sang tôi :
- Chị biết nó à ?
Tôi gật đầu rồi la tiếp :
- Trời ơi, mày trốn cách ly 5 ngày rồi phải không, bên y tế xuống nhà kiếm mày mấy bữa nay đó. Họ nói mày bị dương tính gì đó. Ba má mày khóc đỏ con mắt kìa.
Thằng bé gật đầu lia lịa và... ho rũ rượi.
- Thôi, mày tới gỡ khẩu trang ra mà xin lỗi cô chú đây đi.
Nó đứng dậy ho sặc sụa rồi lừ lừ đi tới.

Cô vợ lật đật leo lên xe rồi hối anh chồng :
- Chạy đi anh, chạy lẹ.
Hình như anh chồng nói gì đó với vợ :
- Bà mẹ nó, sao mà xui quá vậy nè...
Họ đi rồi, tôi nhặt hộ đậu phộng giúp chú bé.
Nó nói :
- Cám ơn cô, họ làm ghê quá con tính năn nỉ đền họ 600K, chớ con chỉ còn nhiêu đó thôi.
Rồi nó nói tiếp :
- Cô hay ghê, sao cô biết con trốn cách ly. Mà con tên Tuấn chớ không phải tên Thuấn.

Chưa nghe hết câu tôi bật dậy như cái lò xo phóng lên xe còn nhanh hơn thằng môtô.
Hèn gì lúc nãy nó ho... y như thật.

Đài Phát Thanh BBC