Register
Results 1 to 4 of 4
  1. #1
    Nhà Lầu
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    351

    Phật trên đường phố

    Phật trên đường phố

    Sư hành khất ("Begging Monks") của Taisen Deshimaru
    Tôi đọc được trên mạng một truyện kể lại của tác giả Huệ Khải. Ngắn nhưng vô cùng thâm thúy, nội dung như sau:

    Có thầy tu nọ rất mực thánh thiện. Sau nhiều năm dài tu hành tinh tấn, chuyên chú kinh kệ không một phút giây xao lãng, thầy thấy mình đã bước vào được cảnh giới tâm linh viên mãn.
    Một đêm khuya nọ, sau khi xả thiền, thầy đi ngủ và nằm mơ thấy mình dự một buổi tiệc lớn gồm toàn những bậc đạo cao đức trọng. Tất cả mọi người đều sắp theo thứ tự ngôi thứ trên bàn tiệc. Thầy được vinh dự xếp ngồi gần chủ tiệc, nhưng ở vị trí thứ nhì. Vị trí thứ nhất dành cho người bán tạp hóa ở khu phố không xa nơi thầy cư trú.
    Điều này khiến thầy băn khoăn không hiểu công phu đạo hạnh của người chủ tiệm đó cao đến mức nào. Sáng hôm sau, thầy liền tìm tới tiệm tạp hóa, tìm một chỗ khuất và kín đáo quan sát rất lâu. Thầy thấy tiệm không lớn lắm, nhưng không lúc nào ngớt khách. Chủ tiệm cũng chẳng có gì đặc biệt, luôn tay bán hàng, thu tiền, thối tiền, mà vẻ mặt lúc nào cũng tươi cười, nói năng hòa nhã.

    Nhân một lúc ngớt khách, thầy bước tới chào chủ tiệm và kể lại giấc mơ kỳ lạ. Chủ tiệm ôn tồn nói:
    -Tôi cần chiết dầu ăn từ cái thùng hai mươi lít ra hai mươi cái chai xếp sẵn ở góc kia. Xin thầy giúp một tay. Đừng để chai nào đầy quá hay vơi quá, cũng đừng làm sánh dầu ra ngoài chai nhớp nháp. Xong rồi, tôi sẽ tiếp tục câu chuyện của thầy.”

    Thầy chăm chú chiết dầu vừa xong, thì đúng lúc của hàng ngớt khách. Chủ tiệm lúc này cũng nghỉ tay bán hàng, liền bước tới hỏi thầy:
    -Nãy giờ lo chiết dầu ra chai, trong đầu thầy có giây phút nào nhớ nghĩ tới Trời tới Phật không?
    Thầy bẽn lẽn:
    -Tôi làm không quen, ráng tập trung rót dầu vào từng chai theo đúng yêu cầu của ông, mệt toát mồ hôi. Do đó chẳng được phút giây nào rảnh trí mà nhớ nghĩ tới Phật, Trời!”

    Chủ tiệm cười hiền lành, bảo:
    -Nếu thầy bận bịu buôn bán như tôi cả ngày, lu bu quanh năm suốt tháng, thì tâm thầy ắt xa Trời xa Phật mịt mù luôn! Tôi không có phước lớn để được rảnh rang chuyên lo tu hành như thầy. Tôi chỉ ráng tập thành thói quen cho tâm tôi lúc nào cũng nhớ Trời, nhớ Phật. Khi bán hàng cho khách tôi nguyện không để ai phải phiền lòng vì bị cân non, đong thiếu. Khi phục vụ khách hàng, tôi nguyện không để ai mích lòng vì thấy tôi thiên vị. Gặp khách hàng xấu tính, tôi nói cười nhã nhặn, thầm nhắc nhở: Thánh Thần giả dạng thường dân tới thử thách mình đây. Tôi tu như vậy đó, thưa thầy!”


    Câu chuyện rất ngắn, nhưng ý nghĩa thật thâm thúy. Phật pháp không lìa thế gian pháp. Đâu cũng có thể là cảnh giới thị hiện của Bồ Tát, để tùy duyên hóa độ chúng sinh. Biết đâu trong số những người quanh ta, lại chẳng có chư Bồ Tát luôn giả dạng người phàm để thử thách hạnh nguyện của chúng ta?


    Truyền thuyết Ấn Độ kể rằng khi đạo sư Narota lang thang khắp xứ sở Ấn Độ để cầu đạo vô thượng với đạo sư Tilopa, thì đạo sư Tilopa biến hiện thành vô vàn hình tướng với nhiều cảnh tượng nhằm thử thách môn đồ. Dù là một cao thủ huyễn thuật, nhưng Narota vẫn không sao lường được cảnh tượng biến ảo khôn lường do Tilopa bày ra. Vì biết rằng vị đạo sư kia có thể hóa thân thành mọi hình tướng, nên ông sẵn sàng quỳ phủ phục dưới chân của mọi khách qua đường để lễ bái. Đây là chi tiết cực kỳ sâu sắc trong câu chuyện nửa thực, nửa hư về hai vị đại chân sư Mật tông Ấn Độ. Cung kính hạ mình trước tất cả chúng sinh, vì biết rằng tất cả chúng sinh đều có thể là hóa thân của những bậc chân sư, là bước đầu để tiêu trừ bản ngã, cũng là cách thực hiện hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ Tát trong kinh Pháp Hoa.


    Kinh Pháp Hoa ghi rằng có một vị Tỳ kheo chẳng chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ đi lễ lạy, thấy bất kỳ ai cũng cố lễ lạy, ngợi khen mà nói rằng: "Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật". Khi nghe lời nói đó, nhiều người chưởi mắng, dùng gậy, cây để đánh, gạch đá để ném, nhưng ngài chẳng sanh lòng giận hờn, thường nói: "Ngài sẽ thành Phật". Bởi ngài thường nói lời đó, nên hàng tăng thượng mạn Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di gọi ngài là Thường Bất Khinh.

    Có lần, tôi ngồi uống cà phê trên vỉa hè. Có một bà cụ đến mời mua vé số. Dáng người thấp nhỏ, hiền lành. Tôi không bao giờ mua vé số, nên cầm bàn tay bà cụ, đặt vào đó một ít tiền, rồi bảo: “Con xin gởi bác ăn trầu”. Bà cụ lắc đầu không nhận, Tôi nài nỉ thế nào bà cũng không chịu lấy. Bà dúi tiền trả lại cho tôi, rồi cười hiền lành, bảo:
    -Thôi cám ơn cậu. Tui không dám nhận đâu. Không có công mà tự nhiên ngồi hưởng, kiếp sau trả nợ cực lắm!
    Rồi bà chào tôi mà đi bán tiếp. Câu nói của bà cụ như đóng đinh tôi hè phố, khiến tôi sửng sốt, không còn nghĩ đến chuyện chạy theo bà để nói lời xin lỗi.


    Câu nói dù đơn giản, nhưng nó không chỉ là cách biểu hiện lòng tự trọng đáng kính của người nghèo, mà còn thâm thúy như pháp thoại của một vị chân sư. Không công mà ngồi hưởng, kiếp sau trả nợ!
    Ai dám nghĩ rằng câu nói đó là của một bà lão vô danh nghèo khổ, đi bán vé số dạo trên đường phố Sài Gòn? Một bài học vỡ lòng của đạo Phật về luật nhân quả. Bà lão kia có khác gì một Bồ Tát hóa thân giữa cõi thế để cảnh tỉnh người đời? Tôi tưởng chừng như nghe được một bài thuyết pháp. Thuyết pháp đâu cần phải nói nhiều, và nói cho hùng hồn. Chỉ cần một câu nói cũng khiến cho ta tỉnh ngộ. Giống như một chuyển ngữ của Thiền tông. Bà lão đã dạy cho ta tập theo hạnh nguyện của Bồ Tát Thường Bất Khinh.


    Câu nói của bà lão suốt đời tôi không quên được. Như một bài minh để tự nhắc nhở mình. Không công mà ngồi hưởng, kiếp sau trả nợ! Giữa những đổ nát của đạo lý hôm nay, giữa những băng hoại của tình người, giữa cảnh xô bồ đua danh trục lợi bằng mọi thủ đoạn, khi sự vô cảm đang sa mạc hóa dần cuộc sống, thì hình ảnh bà cụ nhỏ bé nghèo khổ trên đường phố, với xấp vé số trên tay, chợt sáng rực lên, như một đóa sen tỏa sáng giữa đầm lầy u tối.


    Còn có bao nhiêu bà lão bán vé số như thế trên những con phố Sài Gòn xô bồ tấp nập? Phải chăng vẫn còn vô số những Bồ Tát, những chân sư Tilopa đang thị hiện giữa cõi Ta Bà ô trọc bằng muôn ngàn hình tướng, để tùy duyên mà hóa độ chúng sinh?


    Tôi nghiệm thêm được rằng những điều bình dị của cuộc đời luôn sâu thẳm. Vì nó giúp ta hiểu sâu sắc thêm những ý nghĩa thâm huyền trong kinh điển. Tôi đọc lại phẩm thứ hai mươi của kinh Pháp Hoa, và cảm nhận thêm nhiều điều từ hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ Tát. Chư Phật, chư Bồ Tát đâu có ngồi mãi trên tòa sen để thuyết pháp trong bối cảnh hoành tráng của kinh điển đại thừa, mà có thể các Ngài đang sống lẫn lộn giữa chúng ta dưới muôn ngàn hình tướng. Từ những nơi thâm u tịch mịch cho đến những phố xá huyên náo ồn ào, nếu ta biết lắng nghe thì đường phố cũng có thể là đạo tràng, và những câu nói thoáng qua cũng có thể là pháp thoại. Tất cả đều từ một chữ Duyên.


    Và tôi làm bài thơ này để ghi lại những gì mình cảm nhận:
    Ứng hóa tùy duyên chuyển pháp luân
    Du hành quốc độ đẳng vi trần
    Dục cùng hóa độ tam thiên giới
    Nãi hiện Hằng sa vô lượng thân

    應 化 隨 緣 轉 法 輪
    遊 行 國 土 等 微 塵
    欲 窮 化 渡 三 千 界
    乃 現 恒 沙 無 量 身

    Huỳnh Ngọc Chiến
    ******************************************

    Sợi tơ nhân quả


    Trong một lần gặp gỡ ngắn với Thầy của tôi vào đầu Xuân Canh Tý 2020, tôi lại tiếp tục may mắn nghe được những lời chỉ dạy thật sâu sắc của Thầy, một hành trang quí báu cho năm mới. Tôi sẽ theo trí nhớ cũng như cách hiểu của tôi để chia sẻ lại với các bạn ở đây các ý tứ còn đọng lại trong tôi. Cầu mong mọi bình yên đến với các bạn.

    SỢI TƠ NHÂN QUẢ

    Nhân quả, định luật nghiệp là một định luật vô cùng phức tạp mà khó ai có thể giải thích được chi tiết cho những gì đang xảy đến với cuộc sống của chúng ta. Tuy là vậy, nguyên lý của nhân – quả thì lại không khó để nắm. Gieo nhân gì thì ắt phải gặt quả đó. Ví như gieo hạt cam thì sẽ mong có được cây cam mọc lên và nếu thuận lợi, chúng ta sẽ thu hoạch được cam. Chứ dứt khoát không thể mong thu hoạch được xoài. Điểm mấu chốt là chúng ta cần trải nghiệm thực tế thông qua cuộc sống của chính chúng ta để từ từ nhận ra “dấu vết” của các “nhân” và các “quả” liên tục xảy đến với chúng ta.

    Điểm đặc biệt Thầy tôi chia sẻ trong câu chuyện chính là có những việc rất nhỏ, có vẻ như không liên quan, nhưng lại có ảnh hưởng đến “nghiệp”, đến “quả” mà chúng ta nhận được một cách không ngờ tới nhất, thầm lặng. Ví dụ như việc ăn uống hàng ngày. Chỉ cần ăn thêm một chén cơm, nhưng ảnh hưởng của nó là vô lường, và có thể là không bao giờ bạn có thể nghĩ rằng có tác hại đến thế. Trong câu chuyện với Thầy, tôi chia sẻ rằng mỗi bữa ăn, tôi chú ý ăn thức ăn và rau trước một lúc. Và kết thúc bằng một chén cơm để bụng đủ no. Tôi duy trì chỉ ăn tối đa một chén cơm trong một bữa ăn. Và Thầy đã khen tôi ăn đúng cách. Rồi Thầy dạy rằng, chỉ cần thêm một chén cơm thôi, điều đó cũng đủ làm cho tâm trí của bản thân bị ảnh hưởng. Chỉ cần một chút “mờ” đi do chén cơm đó mỗi ngày, mà chất lượng các suy nghĩ, các quyết định trong cuộc sống của chúng ta cũng “mờ” đi. Và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc, đến những gì bạn nhận được từ cuộc sống này, mà không may sẽ “xấu” đi. Chỉ vì thêm một chén cơm nhỏ, và dường như chẳng liên quan gì mấy đến cuộc sống của chúng ta.

    Một ví dụ khác mà Thầy chia sẻ là câu chuyện về một cuộc tranh cãi bất đồng với một người mà chúng ta không thích, có thể đã xảy ra từ 1-2 năm trước. Và trong thời điểm hiện tại, khi đang làm việc để ký kết một hợp đồng kinh doanh với một đối tác, mặc dù chúng ta không còn nhớ gì đến vụ tranh cãi trong quá khứ, nhưng do vị đối tác có nét hao hao giống với cá tính của người mà chúng ta có xích mích, trong tâm của chúng ta cứ thế tự động có cảm nhận tiêu cực về con người trước mặt của chúng ta. Tự động một cách hết sức vô lý. Và điều đáng nói là chúng ta không hề nhận biết được rằng đó chính là kết quả của một sự việc trong quá khứ, có vẻ như chẳng liên quan gì đến sự việc hiện tại, con người hiện tại. Và kết quả là sự hợp tác của bản thân với đối tác kinh doanh mới không suôn sẻ, không thành công.

    “Sợi tơ nhân quả” – hai chữ sợi tơ đã gieo vào tâm trí tôi một ấn tượng sâu sắc. Chỉ một sợi tơ mỏng manh của những gì chúng ta làm (suy nghĩ, hành động, hoặc lời nói) trong quá khứ và trong hiện tại cũng có thể làm hại chúng ta một cách nguy hiểm nhất. Hãy cẩn thận, hãy quan sát cẩn thận.

    THU THÚC LỤC CĂN

    Chìa khoá để giải quyết “bài toán” này một cách thấu đáo lại không nằm ngoài những lời dạy đơn giản của Đức Phật. Thầy chia sẻ rằng, những lời dạy của Đức Phật thật đơn giản, nhưng thật sâu sắc và trí tuệ. Càng thực hành chánh niệm, Thầy mới càng “thấm thía” sự sâu sắc trong những lời dạy đơn giản này. Càng quan sát, càng chánh niệm, Thầy càng “giật mình” kinh ngạc khi theo dấu được về quá khứ và thấy được sự liền lạc của những “nhân” nhỏ xíu, tưởng như không liên qua gì lắm đến cuộc sống thường nhật và ảnh hưởng mãnh liệt của nó đến hiện tại của chúng ta ngày hôm nay.

    Đức Phật dạy thu thúc lục căn, ít nghe lại, ít nói lại, ít suy nghĩ lại, … Tiết chế và bớt lại những gì không quan trọng, không cần thiết. Bởi nếu không làm thế, những gì chúng ta hưởng được trong hiện tại và tương lai có thể vô cùng rủi ro. Chỉ ăn thêm một chén cơm do ngon miệng, do thèm ăn cũng có thể “xô ngã” cả cuộc đời của chúng ta trong vài năm tới. Hãy cẩn thận. Những buổi gặp gỡ vô ích, những câu chuyện vô ích, những thông tin vô ích, … Tất cả những thứ đó chính là những gì chúng ta cần thách thức bản thân mỗi ngày, để tự hỏi mình: “Liệu câu chuyện này, liệu cuộc gặp này có cần thiết không? Có quan trọng không? Có ích lợi để tăng trưởng trí tuệ cho bản thân không?”

    Cần quan sát liên tục, cần nhắc nhở liên tục, cần tiết chế, thu thúc liên tục. Bởi vì đó là cách chúng ta tạo dựng tương lai được tốt nhất. Và chính lối sống chánh niệm, thực hành chánh niệm, công cụ chánh niệm là phương tiện giúp chúng ta khởi đầu cũng như duy trì việc tiết chế và thu thúc lục căn.

    CẦN CHÚ Ý ĐẾN NHÂN, GIEO NHÂN

    Như vậy, cuộc sống chúng ta là một chuỗi các hiện tượng nhân-quả xảy ra theo các vận hành tự nhiên, cho dù chúng ta muốn hay không cũng không thể đi ngược lại với sự thật, với tự nhiên. Có điều, con người hiện đại chúng ta thường quá chú tâm đến quả, mà ít chú tâm đến nhân.

    “Quả” là những gì chúng ta đang lãnh nhận trong hiện tại, do những nhân đã gây ra trong quá khứ. Và thường mọi người tập trung để giải quyết “quả” hiện tại, mà quên mất rằng trong khi chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra, chúng ta cần tinh tế và nhạy bén để không tiếp tục gieo “nhân” xấu cho tương lai kế tiếp, khi bối rối hoặc kỳ vọng giải quyết được quả hiện nay. Ví dụ, chúng ta thường mất ngủ và chúng ta tìm đến với các liệu pháp y tế như massage, uống trà tim sen, … hay thậm chí cả thuốc an thần hoặc thuốc ngủ. Chúng ta loay hoay để làm sao có thể bắt cơ thể chúng ta ngủ được một cách “nhanh” nhất có thể. Nhưng chúng ta lại có thể không hiểu thấu đáo rằng thực ra, nguồn gốc sâu xa của việc không ngủ được, hay không có được một giấc ngủ sâu, lại khởi nguồn từ các lo lắng, các căng thẳng trong công việc. Hoặc chỉ đơn giản là do chúng ta huân tập thói quen làm nhiều việc một lúc. Và do tâm trí chúng ta phải huy động năng lượng nhiều hơn để chúng ta mới có thể “ba đầu, sáu tay”, điều đó kích hoạt sự căng thẳng thường trực trong cơ thể và tâm trí chúng ta. Và dần dần, sau khi “ủ bệnh” đủ dài, nó sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến nhịp thở, đến thần kinh tim, …, làm lệch lạc các chức năng trong lục phủ ngũ tạng của chúng ta… Và cuối cùng, kể cả khi đêm về, chúng ta không thể nghỉ ngơi được một cách trọn vẹn và tự nhiên. Như vậy, nếu chúng ta biết “nhân” của việc mất ngủ là đây thì trong khi chúng ta vẫn cần phải có những biện pháp “khẩn cấp”, chúng ta cần phải thay đổi “nhân” chúng ta gieo xuống, để từ từ có thể có được một giấc ngủ trọn vẹn trong tương lai. Giải quyết từ gốc rễ, bằng cách gieo xuống các “hạt mầm” mới.

    Đối với những ai tập trung đến “quả” nhiều hơn, bạn sẽ mất nhiều hơn được. Mong muốn một kết quả theo đúng kỳ vọng của bản thân sẽ thiêu đốt cuộc sống của bạn. Bạn sẽ “mất ăn, mất ngủ”, lo lắng, cố gắng làm mọi cách để đạt được mong muốn của mình, để gặt được quả. Và suốt cả quá trình, bạn thật vất vả, chắc chắn là như vậy. Điều không may là đến khi gặt hái được thành quả, nhiều lúc điều bạn nhận được chẳng như bạn nghĩ, chẳng xứng đáng với những gì bạn đã hy sinh. Hoặc lắm khi, niềm vui gặt hái thành quả chỉ tồn tại ngắn ngủi, rồi bạn lại “căng thẳng” với những kỳ vọng mới. Cuộc sống của bạn sẽ có xu hướng có nhiều căng thẳng liên tục và kéo dài. Và thời gian mà bạn tận hưởng thật quá ít ỏi, mà theo tôi sẽ chẳng đủ để bạn có thể bù lại những năng lượng, công sức mà bạn đã bị tiêu hao để chuẩn bị cho hành trình mới. Kết quả chỉ là một sự kiệt sức trong tâm trí, trong cơ thể.

    Ngược lại, người trí tuệ thì lại chú ý hơn vào việc tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ, và liên tục gieo nhân tốt vào cuộc sống của bản thân thông qua các hành động, suy nghĩ và lời nói đúng đắn. Họ chú tâm hơn vào toàn bộ tiến trình nhân-quả, thay vì chỉ quan tâm đến phần sau cuối là “quả”. Đôi khi họ cũng chẳng quan tâm đến việc sẽ gặt được quả gì. Nhưng bằng việc chú ý gieo nhân tốt, họ tận hưởng cả quá trình, họ vui vẻ trong mỗi phút giây họ sống và làm việc. Và chắc chắn rằng, những gì họ nhận được, xứng đáng được hưởng sẽ không có gì khác hơn ngoài những gì mà người ta thường gọi là “may mắn” và “thuận lợi”, cho dù trong tâm ý, họ cũng chẳng quan tâm quá nhiều đến hai chữ đó. Vì sao như vậy? Vì họ tập trung gieo những hạt mầm đúng đắn, dựa trên hiểu biết của luật nhân-quả. Khi họ liên tục, liên tục gieo hạt cam xuống đất, liên tục chăm sóc, liên tục nỗ lực, thì cơ may và xác suất họ thu hoạch được cam là rất lớn. Thay vì, hạt gì cũng gieo nhưng lại chỉ mong thu hoạch được cam mà thôi.

    Hạnh phúc là tận hưởng cả tiến trình, không chỉ giới hạn ở thời điểm thu hoạch. Chỉ cần chú ý gieo nhân một cách đúng đắn và liên tục.

    QUẤN KHĂN BÔNG, ĐỨNG BAN CÔNG

    Câu chuyện cuối trước khi chia tay Thầy là câu chuyện về anh bạn của tôi, cũng là học trò của Thầy. Anh chia sẻ rằng, hồi nhỏ, ảnh có ước mơ sau này luôn được ở khách sạn năm sao, quấn khăn bông, đứng ban công ngắm cảnh và tận hưởng. Và quả thật như thế, giờ đây, ở tuổi 50, anh ấy ở khách sạn còn nhiều hơn ở nhà. Đúng là “quấn khăn bông, đứng ban công”. Câu chuyện mang “hơi hướng” của luật hấp dẫn.
    Thầy đã bật cười và nhận xét: “Đúng là phải thật cẩn thận với cả giấc mơ”.
    Bởi cuộc sống của chúng ta bị ảnh hưởng (tốt hay xấu) bởi chính từ giấc mơ của mình.

    Như Đức Phật đã dạy, việc gần gủi bậc thiện tri thức là một trong những việc quan trọng mà chúng ta cần làm. Chắc chắn là như thế. Chỉ với một buổi nói chuyện ngắn ngủi, tôi, vợ tôi, và anh bạn của tôi lại có thể học hỏi được quá nhiều điều trí tuệ từ Thầy. Con xin thành tâm, cung kính đảnh lễ tạ ơn Thầy! Con cầu mong mọi bình an và sức khoẻ đến với Thầy!

    Ghi chép đầu Xuân Canh Tý 2020



  2. #2
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by SP500 SPY View Post

    Và tôi làm bài thơ này để ghi lại những gì mình cảm nhận:
    Ứng hóa tùy duyên chuyển pháp luân
    Du hành quốc độ đẳng vi trần
    Dục cùng hóa độ tam thiên giới
    Nãi hiện Hằng sa vô lượng thân

    應 化 隨 緣 轉 法 輪
    遊 行 國 土 等 微 塵
    欲 窮 化 渡 三 千 界
    乃 現 恒 沙 無 量 身

    Huỳnh Ngọc Chiến
    Ông sẽ thành Phật.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  3. #3
    Biệt Thự Dung's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    A, A
    Posts
    1,442
    Quote Originally Posted by SP500 SPY View Post
    [SIZE=6][B]Phật trên đường phố


    -Thôi cám ơn cậu. Tui không dám nhận đâu. Không có công mà tự nhiên ngồi hưởng, kiếp sau trả nợ cực lắm![. Tất cả đều từ một chữ Duyên.[/FONT][/FONT]


    Và tôi làm bài thơ này để ghi lại những gì mình cảm nhận:
    Ứng hóa tùy duyên chuyển pháp luân
    Du hành quốc độ đẳng vi trần
    Dục cùng hóa độ tam thiên giới
    Nãi hiện Hằng sa vô lượng thân

    應 化 隨 緣 轉 法 輪
    遊 行 國 土 等 微 塵
    欲 窮 化 渡 三 千 界
    乃 現 恒 沙 無 量 身

    Huỳnh Ngọc Chiến
    ******************************************

    Sợi tơ nhân quả


    Trong một lần gặp gỡ ngắn với Thầy của tôi vào đầu Xuân Canh Tý 2020, tôi lại tiếp tục may mắn nghe được những lời chỉ dạy thật sâu sắc của Thầy, một hành trang quí báu cho năm mới. Tôi sẽ theo trí nhớ cũng như cách hiểu của tôi để chia sẻ lại với các bạn ở đây các ý tứ còn đọng lại trong tôi. Cầu mong mọi bình yên đến với các bạn.




    QUẤN KHĂN BÔNG, ĐỨNG BAN CÔNG

    Câu chuyện cuối trước khi chia tay Thầy là câu chuyện về anh bạn của tôi, cũng là học trò của Thầy. Anh chia sẻ rằng, hồi nhỏ, ảnh có ước mơ sau này luôn được ở khách sạn năm sao, quấn khăn bông, đứng ban công ngắm cảnh và tận hưởng. Và quả thật như thế, giờ đây, ở tuổi 50, anh ấy ở khách sạn còn nhiều hơn ở nhà. Đúng là “quấn khăn bông, đứng ban công”. Câu chuyện mang “hơi hướng” của luật hấp dẫn.
    Thầy đã bật cười và nhận xét: “Đúng là phải thật cẩn thận với cả giấc mơ”.
    Bởi cuộc sống của chúng ta bị ảnh hưởng (tốt hay xấu) bởi chính từ giấc mơ của mình.

    Như Đức Phật đã dạy, việc gần gủi bậc thiện tri thức là một trong những việc quan trọng mà chúng ta cần làm. Chắc chắn là như thế. Chỉ với một buổi nói chuyện ngắn ngủi, tôi, vợ tôi, và anh bạn của tôi lại có thể học hỏi được quá nhiều điều trí tuệ từ Thầy. Con xin thành tâm, cung kính đảnh lễ tạ ơn Thầy! Con cầu mong mọi bình an và sức khoẻ đến với Thầy!

    Ghi chép đầu Xuân Canh Tý 2020


    Dạ chị H ,bài viết rất hay , thẩm sâu và giúp em học được nhiều điều hữu ích lắm!
    Đa tạ chị !
    Chúc chị và Triển huynh cuối tuần an vui và hạnh phúc!

  4. #4
    Cánh Đồng Bắp Ngô Đồng's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Milpitas, California, United States
    Posts
    2,208
    Cảm ơn SP500 SPY ghi chép lại những bài hay! Chiêm nghiệm mỗi câu chuyện làm lòng lắng đọng,
    Dung và anh Triển có mặt trên diễn đàn Đặc Trưng này lâu đủ để biết tu trên diễn đàn này cũng rất rất an tịnh khi gặp nhau phải không - mỗi tên gọi là một khuôn mặt một cá tính để mình học hỏi và nghĩ đến Trời - Phật - Chúa trong từng giao tiếp.
    Tạ ơn các Đấng khi sáng thức dậy thấy nhau tồn tại hít thở vào ra.
    Hạnh Phúc mỗi sáng thức dậy - Hơi thở đầy vào ra!

 

 

Similar Threads

  1. Những lời gốc Phật dạy
    By Kiên Bùi in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 3
    Last Post: 11-19-2022, 04:32 PM
  2. Đường Về Xứ Phật
    By Kiên Bùi in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 3
    Last Post: 07-01-2022, 04:17 AM
  3. Vesakh - Phật Đản
    By Triển in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 0
    Last Post: 05-06-2017, 09:28 PM
  4. Vài Nét về Phật Giáo và Mê Tín
    By Kiên Bùi in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 0
    Last Post: 12-10-2016, 05:38 AM
  5. Kho Đĩa Phật Pháp
    By phuongg in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 0
    Last Post: 02-28-2012, 05:08 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:49 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh