Results 31 to 37 of 37
-
06-19-2022, 03:00 PM #31
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Chương 25
Cha Tổng Hoàng Quỳnh - Một linh mục - Một đồng chí cách mạng
Trong suốt cuộc đời tranh đấu vì Thiên Chúa và Tổ Quốc, tôi quên sao được những kỷ niệm hào hùng nhất là thời đấu tranh sát cánh với Cha Hoàng Quỳnh, một linh mục rất đáng kính phục, một đồng chí cách mạng thật anh hùng, can đảm và đầy mưu lược, một anh em trong tình huynh đệ Hướng Đạo Việt Nam.
Tôi được hân hạnh cùng sinh hoạt Thanh Niên Công Giáo khi ngài là chánh xứ Khoan Dụ trên miền rừng núi phía Bắc tỉnh Ninh Bình, cũng như thời gian ngài về Phát Diệm nhận chức Tổng Tuyên Úy phong trào Thanh Niên Công Giáo Tiến Hành địa phận Phát Diệm, rồi những ngày cùng nhau vác bị, chống gậy đi trại bay hướng đạo, thám du trong rãy núi Hoàng Sơn ở Nga Sơn, Thanh Hóa.
Trong một ngày cắm trại ở núi Con Trâu, ở Nga Sơn, nơi có câu sấm của Trạng Trình: ‘Khi nào Trâu đứng giữa đồng, Mẹ con nhà Nguyễn bế bồng nhau đi’, tôi đã nhận lời hứa hướng đạo Công Giáo của cha tuyên úy Hoàng Quỳnh, đặt tay trên cờ hướng đạo mà hứa’; ’Nhờ ơn Chúa, tôi xin lấy danh dự mà hứa: phụng sự Thiên Chúa, Giáo Hội và Tổ Quốc, giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào và tuân theo luật hướng đạo’.
Chính trong những trại hướng đạo này chúng tôi đã có dịp thảo luận với nhau về lời hứa phụng sự Tổ Quốc của Hướng Đạo Công Giáo, chúng tôi đã đặt thành vấn đề là hứa phụng sự Tổ Quốc nào đây?
Trong thời Pháp thuộc, lá cờ duy nhất được treo ở trại là lá cờ Tam Tài của Pháp, bài hát quốc ca là bài La Marseiilaise cũng của Pháp luôn! Chúng tôi vẫn thắc mắc về lời hứa Phụng sự Tổ Quốc và chào quốc kỳ, một giải pháp tạm thời được tìm ra là trong một cuộc cắm trại ở Núi Qua Châu, cũng ở Nga Sơn trong rẫy núi Hoàng Sơn, lá cờ vàng tượng trưng cho Tổ Quốc Việt Nam đã được kéo lên cột cờ của trại.
Chúng tôi đã rớm nước mắt chào lá cờ tượng trưng cho tinh thần quốc gia của con người dân đất Việt, và trong tinh thần ấy Cha Quỳnh cùng với chúng tôi đã thảo luận rất sâu rộng về việc phải làm để phụng sự Tổ Quốc Việt Nam, và chúng tôi đã cùng sát cánh với Cha Quỳnh dấn thân vào công cuộc cách mạng dành Độc Lập cho Tổ Quốc và Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc ra đời, và trong tinh thần đoàn kết quốc gia dành Độc Lập cho Tổ Quốc, chúng tôi tự đặt Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc trong Mặt Trận Việt Nam Đồng Minh Hội tức Việt Minh.
Trong suốt quá trình cùng hoạt động với Cha Hoàng Quỳnh, tôi đã có rất nhiều dịp để nghe ngài tâm sự về đời sống linh mục mà tôi nhận xét quả thật ngài là một con người khôn ngoan và thánh thiện mà tôi rất kính phục, trước hết Cha Quỳnh đã kể cho chúng tôi nghe về tinh thần cách mạng của ngài trong đời sống một linh mục ‘an na mít’ trong giáo phận thuộc các cha thừa sai Paris.
Theo thủ tục để lại từ thời Việt Nam bắt đầu được các linh mục thừa sai ngoại quốc tới giảng đạo, các linh mục người ngoại quốc đều được gọi là Cố và các linh mục Việt Nam được gọi là Cụ và khi có một ông Cố mới từ Pháp sang dù còn trẻ tuổi, nhưng theo tục lệ các cha Việt Nam dù già hay trẻ đều phải tới quỳ lạy 3 lạy và Cha Quỳnh là một linh mục Việt Nam đầu tiên chống đối việc lạy các ông Cố Tây này và có lẽ vì thế nên Cha đã bị đầy lên xứ Khoan Dụ, nơi khỉ ho cò gáy ở gần Chinê phía cực bắc của địa phận Phát Diệm.
Mãi cho tới khi địa phận Phát Diệm được độc lập với vị Giám Mục tiên khởi Việt Nam Nguyễn Bá Tòng, và các linh mục thừa sai ngoại quốc rời Phát Diệm vào Thanh Hóa, Cha Quỳnh mới được gọi về Phát Diệm giữ chức tổng tuyên úy Phong Trào Công Giáo Tiến Hành địa phận. Đồng thời ngài nhận lời làm tuyên úy liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu mà tôi là liên đoàn trưởng và cũng từ đây chúng tôi được hân hạnh cùng Cha Quỳnh và anh Trần Ngân tức Bằng Phong thành lập Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc.
Nói về đời sống linh mục của Cha Quỳnh, điều đáng kính phục nhất là ngài sống thật thánh thiện và nghèo khó, tôi còn nhớ mỗi lần đi cắm trại với đoàn hướng đạo ở trong rừng núi, điều chúng tôi luôn luôn nhớ là phải có sẵn đèn pin hoặc đèn bão để cho cha tuyên úy Hoàng Quỳnh đọc sách nguyện, nhiều khi tôi thấy anh em đã ngủ ngon trong lều thì lều Cha Quỳnh vẫn còn đèn sáng, nhìn thấy ngài vẫn còn đọc sách nguyện hay lần hạt mân côi.
Tôi còn nhớ một lần đạp xe đạp từ Phát Diệm lên chiến khu Rịa, xe đạp của ngài bị đứt xích, tới quá nửa đêm mới tới trại, hì hục chữa xe tới 2 giờ sáng mà tới 5 giờ sáng đã thấy ngài đạp xe xuống núi để đến nhà thờ xứ An Ngải, cách Rịa 12 cây số để dâng lễ, và suốt thời gian ở chiến khu không sáng nào ngài không ‘hạ sơn’ xuống xứ ngài dâng lễ rồi lại trèo núi về sinh hoạt với anh em.
Chúng tôi đã nhiều lần ‘cám dỗ’ ngài bỏ chuyện hạ sơn mỗi ngày tức bỏ chuyện dâng lễ mỗi sáng, ngài bảo chúng tôi đừng mất thì giờ ‘cám dỗ’ ngài. Tôi đã có nhiều dịp cùng đi hoạt động với ngài ở Miền Bắc cũng như ở Miền Nam Việt Nam trong nhiều ngày, điều lo lắng của ngài mỗi ngày là sáng mai sẽ dâng lễ tại nhà thờ nào và luôn luôn dành giờ để đọc sách nguyện và lần hạt Mân Côi, điều mà không bao giờ tôi th ấy ngài bỏ sót.
Nói tới chuyện ‘cám dỗ’ cha Quỳnh, tôi nhớ có một lần cùng đi với cha lên Hà Nội để vào gặp Hồ Chí Minh, cha và chúng tôi thường ở trụ sở của Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc, số 9 phố Lý Quốc Sử, xế cửa nhà thờ chính tòa Hà Nội, chúng tôi thường đi đến quán Nghệ Sĩ ở góc phố bờ Hồ trước rạp ciné Philarmonic, để thưởng thức những màn trình diễn nhạc cổ điển do nhạc sĩ Diệp chơi vĩ cầm và Lê Văn Khoát chơi đại vĩ cầm.
Cha Quỳnh cũng là người mê nhạc cổ điển tây phương, một hôm trông thấy một phụ nữ Hà Nội trông thật tha thướt và xinh đẹp đi bên hồ Hoàn Kiếm, tôi liền đùa hỏi ngài: ‘Cha trông thấy cô kia có đẹp không?’ Ngài liền ngước mắt lên nhìn rồi trả lời: ‘Quỷ, đừng cám dỗ tao, ừ đẹp thật đấy’, nhiều lần ngài tâm sự với tôi về thái độ của ngài đối với phái đẹp, ngài không bao giờ nhận các cô là ‘con linh hồn’ và nếu các cô có vấn đề gì cần được dẫn dụ thì ngài bảo vào tòa giải tội, hoặc ra giữa nơi đông người để nói chuyện, không bao giờ ngài chấp nhận cho các cô ‘nỉ non’ chuyện này chuyện khác một cách ‘bâng quơ’ có tính cách cám dỗ.
Điều cha Quỳnh áp dụng đối với phụ nữ cũng tương tự như một chỉ thị của Đức Cha Lê Hữu Từ gửi tới tất cả các linh mục thuộc địa phận Phát Diệm, đề ngày 14 tháng 8 năm 1948, trong đó Đức Cha căn dặn các linh mục phải đề phòng các quỷ kế của Việt Minh phá hoại Giáo Hội, ngài viết như sau:
‘Hiện nay đang có một số người tìm hết cách làm hại chúng ta và chính phủ, để gieo mối nghi ngờ giữa chúng ta và chính phủ, để làm cớ bó buộc chính phủ phải làm hại chúng ta và làm mất thanh danh chúng ta. Họ đã thi hành ở một vài nơi trong các địa phận khác ta, mấy quỉ kế này:
1/Dùng chính người công giáo lén lút giấu võ khí, lựu đạn, cờ tam tài, truyền đơn ủng hộ Pháp, phản đối chính phủ, vào nhà xứ, nhà thờ, nhà trường v.v.. rồi đi báo Công an, bộ đội, ủy ban kháng chiến để bắt quả tang.
2/Mạo thư có chữ ký chúng ta gửi cho người này người khác, nói những giọng điệu khiêu khích, đụng chạm đến chính phủ, ủng hộ đảng phái v.v.. rồi liệu cách khôn khéo cho các thư ấy lọt vào tay công an, bộ đội…
3/Dùng người phụ nữ giả vờ đạo đức đến xin dẫn dụ việc linh hồn, đến xin hầu, xin giúp việc này việc khác v.v.. để rồi phao lên tin này tin khác làm mất thanh danh chúng ta.
4/Lợi dụng những cớ rất nhỏ mọn mà chia rẽ giáo dân khỏi chúng ta, hoặc chia rẽ giáo dân khỏi nhau, gieo mối thù oán…
Vậy xin các cha rất cẩn thận đề phòng canh gác. Xin các cha triệt để giữ những điều tôi đã dặn về cách đối xử với phụ nữ. Tránh những cớ có thể sinh ra chia rẽ trong giáo xứ, nếu có điều gì chênh lệch ta hãy cố gắng dàn xếp cho ổn thỏa. Thời thế còn khó khăn lắm và có thể trở nên khó khăn hơn nữa, nên xin các cha khôn ngoan thận trọng và nhất là tăng thêm việc lành phúc đức, ăn ở thánh thiện hơn nữa để xin Chúa và Đức Mẹ che chở chúng ta.’
Chúng tôi thiết nghĩ chỉ thị trên của Đức Cha Lê Hữu Từ gửi cho các linh mục ở Phát Diệm vào thời gian 1948, có thể đem áp dụng ngày nay ở Việt Nam khi Giáo Hội Việt Nam đang sống dước ách độc tài, đảng trị của bọn cộng sản vô thần và Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam ở hải ngoại cùng các linh mục lãnh đạo tinh thần cũng phải đề cao cảnh giác vì những quỷ kế kể trên, bọn cán bộ công sản nằm vùng ở Hoa Kỳ này, có thể đem ra áp dụng để làm suy yếu một lực lượng chống đối cộng sản mạnh nhất.
Có một lần Cha Quỳnh tâm sự rất thẳng thắn với tôi rằng:
‘Chúng tôi là linh mục nhưng chúng tôi cũng là con người như các anh, cũng có những thèm muốn, những đòi hỏi xác thịt như các anh vậy, chỉ khác một điều là chúng tôi giữ vững lời khấn hứa, xin các anh cùng chúng tôi cám ơn Chúa, nếu nguyện xin Chúa giúp chúng tôi ăn ở lọn lành, giữ được ơn nghĩa Chúa.’
Những lời tâm sự thẳng thắn này của Cha Quỳnh giúp chúng ta thông cảm được các nỗi khó khăn của các linh mục, nhất là khi chúng ta đang sống ở trên đất Tự Do đầy cạm bẫy này.
Trong gần bốn chục năm hoạt động cùng với Cha Quỳnh, tôi kính phục sự thánh thiện, cũng như sự khôn ngoan xử thế và nhất là tinh thần nghèo khó của ngài, và chính nhờ ở tinh thần nghèo khó đó nên ngài đã được mọi người quý mến và khâm phục,
Trong thời gian bị Việt Cộng giam tù ở khám Chí Hòa sau khi Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cha Hoàng Quỳnh đã phải trải qua một thời gian hết sức cực khổ, vì Cộng sản đã ngăn chặn mọi sự tiếp tế của giáo dân xứ Bình An. Trong ngục tù ngài đã sống gần như trần truồng vì quần áo rách nát hầu hết và tôi đã được nghe kể lại là trước khi chết ngài đã bị đói rét nên bị ám ảnh là làm sao được ‘gặm một đùi gà’. Cuối cùng Cha Hoàng Quỳnh đã chết trong ơn nghĩa của Chúa ngày 16 tháng 2 năm 1977.
Cha Quỳnh đã vác thánh giá của ngài tới cùng, chắc ngài cảm thấy sung sướng vì ngài được chết như Chúa Cứu thế đã chết trần truồng trên Thánh giá để chuộc tội cho thiên hạ. Xác của Cha đã được chôn trong một ngôi mồ vô danh trong khám Chí Hòa và Cộng sản đã cấm giáo dân xứ Bình An gần Sài Gòn không được làm lễ giỗ ngài vì chúng cho rằng: ‘Hoàng Quỳnh phản bội Tổ Quốc, phản bội nhân dân, nên mất linh hồi rồi, không được làm lễ giỗ nữa’. Đúng là giọng điệu láo khoét của tụi Cộng Sản vô thần!!!
(còn tiếp)
-
06-19-2022, 03:37 PM #32
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Chương 26
Quân đội Pháp đổ quân chiếm đóng Phát Diệm
Đường lối chính trị của Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc ở Phát Diệm từ ngày được thành lập là cương quyết chống Pháp dành độc lập cho Tổ Quốc đồng thời chống Cộng sản vô thần đang nắm chính quyền. Phát Diệm đã lâm vào thế kẹt về chính trị giữa Việt Minh lên nắm chính quyền 19 tháng 8 năm 1945 đến ngày 16 tháng 10 năm 1949 là ngày quân đội Liên Hiệp Pháp nhẩy dù xuống chiếm đóng Phát Diệm.
Từ khi Việt Minh lên nằm quyền chính quyền, tuy khu An Toàn Phát Diệm được quyền tự quản trị, nhưng toàn vùng Phát Diệm vẫn thuộc quyền Việt Minh như các nơi khác; song Phát Diệm khác các nơi khác về một điểm đặc biệt là tuy Đức Giám Mục Lê Hữu Từ nhận làm cố vấn tối cao cho chính phủ Hồ Chí Minh, dân công giáo Phát Diệm cũng ở trong hàng ngũ cứu quốc của Việt Minh, nhưng hết mọi việc đều được làm để phụng sự Giáo Hội và Tổ Quốc, công khai chống cộng sản.
Trong khi dân Công Giáo Phát Diệm hoan hô chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh thì họ cũng đả đảo Cộng sản luôn và trong hồi ký, Đức Cha Lê Hữu Từ ghi rằng: ‘Thái độ của dân Công Giáo Phát Diệm đã kéo mọi con mắt xa gần nhìn về Phát Diệm; những tấm lòng ái quốc cả Trung Nam Bắc rất hoan nghênh và ca tụng thái độ ngay thẳng của Phát Diệm. Lúc ấy Pháp đã chiếm được Sài Gòn, Huế, Hà Nội v.v.. Người Pháp rất quỉ quái, thấy dân ghét cộng sản ghét cả Pháp thực dân, nên họ đã khôn khéo đưa Bảo Đại về lập chính phủ để che mắt dân. Ông thấy Phát Diệm là một khối đáng kể thì ông rất lưu tâm, nên đã nhờ Pháp cho những thanh niên Việt Nam (chắc là theo Pháp) về liên lạc với Phát Diệm, hứa sẽ giúp đỡ bằng mọi cách và nếu cần quân Liên Hiệp Pháp về Phát Diệm thì ông cho về ngay v.v.….
Trong quyển hồi ký, Đức Cha Từ có nói về trường hợp một thanh niên về Phát Diệm xin gặp Đức Cha nói rằng quân đội Pháp sẽ nhẩy dù xuống Phát Diệm ngày mồng 2, mồng 6 hay mồng 10 tháng 2 năm 1948 và nói với Đức Cha chọn một ngày trong 3 ngày đó, nói cho giáo dân Phát Diệm chạy vào lánh nạn ở các nhà thờ, Đức Cha liền cho giữ thanh niên này lại và định trao cho công an Việt Minh xử tội, nhưng sau ngài tha cho về thành để nói lại với người sai anh ta tới Phát Diệm rằng: ‘Phát Diệm có gan chống cộng sản thì cũng đủ can đảm mà chống với thực dân cướp nước, Phát Diệm không bán nước mà cũng không bỏ nước.’
Trường hợp của thanh niên gọi là tay sai thực dân Pháp hay của cựu hoàng Bảo Đại được nêu trên có thể chỉ là một tay ‘mơ’ đáng làm bồi bếp cho Pháp, vì trong suốt thời gian chúng tôi phải sống tị nạn Cộng sản trong khu vực chiếm đóng c ủa thực dân Pháp ở Hải Phòng, chúng tôi đã theo dõi hành động của một tổ chức gồm có một số thanh niên, không phải là thanh niên Phát Diệm, đã liên lạc chặt chẽ với tên thiếu tá Pháp Dupra, giám đốc một cơ sở tình báo của Pháp gọi là Recherche Historique, chính nhóm này dưới quyền lãnh đạo của một người gốc Xã Đoài ở Nghệ An âm mưu sửa soạn cho vụ quân đội Pháp nhẩy dù xuống Phát Diệm với thâm ý dùng Phát Diệm như một đầu câu để quân đội Pháp ‘giản phóng’ quê hương Xã Đoài của bọn họ dưới danh nghĩa của cựu hoàng Bảo Đại.
Sáng Chúa nhật 16-10-1949, quãng 8 giờ, một đoàn tầu bay bay thấp qua Phát Diệm rồi tiếp đó thấy vô số quân nhẩy dù xuống nghĩa địa Lưu Phương nằm giữa Yên Mô và Phát Diệm. Người ta phỏng đoán: Pháp chiếm Yên Mô để bao vây Phát Diệm chăng? Nhưng chưa đầy một tiếng đồng hồ thì đã thấy đoàn quân nhẩy dù kéo về phía Phát Diệm và từ cửa bể cũng có đoàn tầu chiến tiến vào Pháp Diệm. Mọi người hoảng hốt lo sợ, quân tự vệ canh giữ khu An Toàn hoang mang: đánh hay tháo lui?
Một mặt tự vệ sẵn sàng đánh lại hết mọi đoàn quân nào có ý kiến vào khu An Toàn, mặt khác Đức Cha Lê Hữu Từ liên lạc với cơ quan chính phủ yêu cầu bộ đội hợp lực với tự vệ chống giữ khu Phát Diệm. Nhưng các cơ quan chính quyền và bộ đội Việt Minh đã tẩu thoát hết cả rồi. Thấy vậy Đức Cha rất lúng túng: chống cự hay trốn chạy như Việt Minh? Nhưng nếu thoát thân một mình cùng với tự vệ thì ai sẽ bảo vệ dân chúng?
Sau khi ra lệnh bảo vệ khu An Toàn, Đức Cha triệu tập các linh mục có mặt ở Phát Diệm để bàn tinh:
1)Đức Cha và các cha vị vọng cùng với tự vệ tạm rút về Gia Khánh, Ninh Bình? Hội đồng các linh mục không đồng ý vì thà rằng chết cả với nhau còn hơn.
b)Một mình Đức Cha trốn thoát để khỏi lãnh trách nhiệm về sau? Hội đồng cũng không đồng ý.
Trong khi các cha đang họp hội đồng thì quân nhẩy dù gồm toàn người Việt do đại úy Vị (sau này là trung tướng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) chỉ huy với ý định cho quân tiến qua cầu Lưu Phương (thường gọi là cầu Bà Mụ) để vào khu An Toàn, liền bị TVCGCQ phục sẵn bên này sông nổ súng ngăn chặn.
Tại nghĩa địa Phát Diệm cũng vậy, Tự vệ quân đã nổ súng để chặn một toán quân nhẩy dù toan lội qua sông vào khu An Toàn, quân của ông Vị thử tiến lên một lần nữa, cũng bị bắn rát hơn nữa, nên nằm phục xuống bên kia sông. Một lúc sau, liên lạc của Đức Cha là thầy bốn Phạm Quang Điện (sau này là Đan viện phụ dòng Biển Đức ở Long Thành, Biên Hòa) tiến ra đầu cầu nói rằng: ‘TVCGCQ được lệnh không cho bất cứ quân đội nào được vào Phát Diệm cả’, lúc ấy đại úy Vị mới tiến lên và xin được vào gặp Đức Giám Mục.
Thầy Điện bảo ông phải bỏ hết khí giới và thay thường phục, mới có thể được Đức Giám Mục tiếp Ông Vị liền vào cổng nhà dòng Mến Thánh Giá gần ngay đấy thay bộ áo nâu và để lại hết súng đạn. Sau đó, thầy Điện dẫn đại úy Vị vào gặp Đức Cha Lê Hữu Từ.
Tại phòng khách tòa giám mục, đại úy Vị trình bức thư của ông Bảo Đại, đại ý viết: ‘Tôi nghe biết rằng quân Việt Minh đang đàn áp Pháp Diệm và quyết phá tan Phát Diệm, nên tôi vội vàng cho quân Liên Hiệp về cứu giúp, không kịp báo tin cho Giám Mục biết. Khi nào công việc ổn định, xin Giám Mục đặt một người làm tỉnh trưởng quản hạt Ninh Bình và liên lạc trực tiếp với văn phòng Quốc Trưởng v.v…’
Đọc xong thư, Đ.C. Từ rất khó chịu và nói gay gắt với ông Vị rằng:
‘Nếu ông Bảo Đại có lòng lo cho dân, cho nước được độc lập, quyết tiêu diệt Cộng sản, quyết giúp dân khỏi ách nô lệ người Pháp thì ông hãy đi đánh dẹp các nơi khác cho xong đã, hễ đã độc lập thì Phát Diệm chúng tôi không chống ai nữa. Đang khi Phát Diệm còn đang tốt đẹp, không theo Pháp và cứ chống Cộng sản thì ông đưa quân Liên Hiệp Pháp về đây làm cho Phát Diệm chúng tôi bị vào trong khuôn khổ Tề, chúng tôi không thể chấp nhận. Vậy xin ộng hãy ra khỏi nhà tôi, nếu tôi không đủ lực mà đánh được quân Liên Hiệp Pháp thì tôi sẽ trốn khỏi đây.’
Ông Vị nghe vậy thì hoảng sợ quỳ xuống thưa:
‘Xin Đức Cha Giám Mục đừng làm như vậy kẻo vỡ việc đại sự sau này. Vốn Đức Quốc Trưởng muốn có đủ vây cánh, lực lượng mới đánh dẹp được cả thực dân lẫn cộng sản, ngài không dám báo tin cho Đức Giám Mục trước vì sợ Đức Giám Mục chưa rõ thâm ý của ngài mà không cộng tác. Vậy nếu Đức Giám Mục tin mỹ ý của Đức Quốc Trưởng, chưa muốn hợp tác tùy ý Đức Giám Mục, nhưng xin Đức Giám Mục đừng bỏ Pháp Diệm. Chúng tôi hứa không dám dây mình vào việc Pháp Diệm, chúng tôi chỉ đánh dẹp Việt Minh chung quanh thôi.’
Đức Cha Từ trả lời:
‘Tôi có phải bỏ Phát Diệm hay không thì để tôi còn bàn tính đã. Song như ông vừa nói là ông Bảo Đại có ý đến đây để đánh dẹp Việt Minh thôi, thì các ông hãy đi đánh Việt Minh đi, tôi không muốn thấy mặt một người Pháp nào ở đây cả, còn người Việt muốn vào khu An Toàn này thì phải bỏ hết súng đạn đã mới được vào, việc các ông là lo đi đánh Việt Minh việc trị dân để mặc chúng tôi, nếu các ông làm khác thì tôi không chịu’.
Khi đại úy Vị ra rồi Đức Cha Từ lại hội các cha lại để bán tính xem nên quyết định như thế nào? Ngài tỏ ý muốn rời khỏi Phát Diệm ngay đêm hôm đó bằng thuyền để lên miền rừng núi Nho Quan, tức nhà dòng Châu Sơn, nơi ngài làm bề trên trước khi về nhận chức giám mục ở Phát Diệm, song các linh mục can ngăn:
‘Hễ Đức Cha đi khỏi Phát Diệm thì mọi việc sẽ tan vỡ ngay, vì dân không có người đứng đầu, thà rằng Đức Cha ở lại lo liệu cho dân được an lành và ra điều kiện buộc quân Liên Hiệp phải giữ những điều đã nói, rồi sẽ tùy tiện mà xử trí…’
Đức Cha Từ tâm sự:
‘Tôi xét mọi mặt, thấy mình ở vào hoàn cảnh rất khó xử, nên tôi đã khóc nhiều vì lo, vì buồn và đành chiều ý các cha mà ở lại Phát Diệm.’
Sau khi chiếm đóng Phát Diệm, quân đội Liên Hiệp Pháp giữ đúng những điều ông Vị nói là không dây vào việc nội bộ của Phát Diệm và chỉ đi tìm Việt Minh để đánh thôi. Tuy vậy, Đức Cha Từ cũng viết một thư cho chủ tịch Ủy ban Hành Chánh Kháng Chiến khu IV và ngài cũng viết cho ông Hồ Chí Minh để xin công nhận Phát Diệm là khu tự trị để có lý do mà đuổi quân Liên Hiệp Pháp ra khỏi Phát Diệm, song không có phúc đáp, trái lại Việt Minh còn cho rằng Công Giáo Phát Diệm đã nhập Tề rồi, nên chúng kéo quân về đánh phá các nơi ban đêm. Phát Diệm túng thế không làm sao được thì buộc mình phải tự vệ.
Trong khi đó ông Bảo Đại lại sai ông Vũ Ngọc Trản về đề thảo luận cung cấp súng đạn cho Tự Vệ Phát Diệm, được hiểu là súng đạn của Quốc Trưởng Bảo Đại nhờ Pháp chuyển giao cho Pháp Diệm, còn lương ăn và quần áo của tự vệ thì do tòa giám mục lo, ông Bảo Đại hứa chỉ giúp phần nào.
Trong 17 tháng Phát Diệm tự trị, ông Bảo Đại chỉ giúp được 4 triệu bạc cho Tự Vệ Phát Diệm và Bùi Chu. Đối với quân số hơn 10,000 Tự Vệ trong thời gian 17 tháng, 4 triệu bạc có thấm tháp gì đâu, thế mà sau nay Thủ Hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí lại còn tỏ ý muốn đòi số tiền này lại!!!
Dù lương lậu ít ỏi, khí giới thô sơ, thế mà vì lòng hy sinh, nguyện sống chết với nhau trong công cuộc chiến đấu quân gia nhập Tự Vệ Công Giáo thật đông đảo, nhưng Tổng bộ Tự Vệ Công Giáo không đủ ngân khoản để đài thọ nên chỉ nhận có 10 ngàn người gia nhập Tự Vệ thôi.
Bốn ngày sau khi quân đội Liên Hiệp Pháp chiếm đóng Phát Diệm, ngày 20 tháng 10 năm 1949 hãng thông tấn AFP của Pháp loan tin rằng cuộc hành quân chiếm đóng Phát Diệm là thể theo lời yêu cầu của Đức Cha Lê Hữu Từ qua cựu hoàng Bảo Đại, vì từ ít lâu nay Đức Cha Từ gặp nhiều kho khăn do chính phủ Hồ Chí Minh gây ra, và vì Tòa Thánh mới ban hành một thiệp điệp liên quan tới Cộng sản vô thần.
Trước những lời vu khống xuyên tạc của đài phát thanh Pháp Á, Đức Cha Lê Hữu Từ đã ra một thư luân lưu số 47 đề ngày 20 tháng 10 năm 1949 gửi tất cả các linh mục và giáo dân để minh xác lập trường của ngài về vấn đề quân đội Liên Hiệp Pháp chiếm đóng Phát Diệm, trong đó ngài nói:
‘Là Chúa Chiên, lòng tôi lúc này hết sức đau đớn trước những sự nguy hiểm về tinh thần và vật chất mà anh em đã phải hoặc có thể chịu từ ngày 10 tháng 10, ngày bắt đầu có cuộc hành quân trong xứ sở yêu quý của ta. Việc ấy xẩy ra bất ngờ quá, trái mọi sự dự đoán. Vết thương lòng tôi còn đang nóng hổi, tôi chưa muốn nói gì vội.
Song hôm qua hãng thông tấn Pháp đã nói ra những lời thất thiệt có thể làm cho các cha và anh em hoang mang, nao núng về tinh thần. Nên tôi thấy có nghĩa vụ phải cải chính ngay một cách vắn tắt để các cha và anh em yên lòng’.
Sau khi nhắc lại bản tin của AFP Đức Cha xác nhận rằng:
‘Không hề bao giờ tôi có thể có ý tưởng kêu gọi quân đội Pháp đến cứu giúp chúng tôi khỏi mọi sự nguy hiểm. Ngay năm 1947, trước tình thế hết sức gay go, chúng ta cũng đã từ chối mọi sự giúp đỡ ngoại lai..’ Rồi sau đó Đức Cha Từ nói: ‘Tôi không hề có một sự tiếp xúc nào với chính phủ Bảo Đại, thái độ của tôi vẫn là một, xưa cũng như nay, không có gì thay đổi cả. Tôi tưởng tôi đã nói với anh em đủ rồi, không cần nói lại, trong lúc hỗn loạn, nếu vì sự hiểu nhầm hay dụng ý mà anh em bị khủng bố, thì tôi không cấm anh em tự vệ vì đó là quyền lợi chính đáng và tự nhiên. Song việc tự vệ ấy phải ở trong phạm vi tự vệ cần thiết, không được ra ngoài phạm vi ấy mà đi đến chỗ đổ máu vô ích hoặc để hả lòng thù. Những việc quá đáng ấy tôi không khi nào có thể ưng thuận, vì nó trái với nhân đạo, trái luân lý Công Giáo.
Tôi mong rằng anh em không làm những việc đào sâu thêm hố chia rẽ giữa đồng bào với nhau trong lúc mà sự đoán kết rất cần thiết cho tương lai của Tổ Quốc.’
(còn tiếp)
-
06-19-2022, 04:34 PM #33
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Chương 27
Phát Diệm – Bùi Chu trở thành khu tự trị
Sau khi quân đội nhẩy dù của đại úy Vị bố trí chung quanh khu An Toàn Phát Diệm, quân đội Pháp đổ quân đóng ở khu vực Trì Chính, Đức Cha Lê Hữu Từ viết thư cho Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến khu IV và đặc biệt viết cho Hồ Chí Minh đề nghị 2 điều: bộ đội Việt Minh hợp tác cùng Tự Vệ Công Giáo đánh đuổi Pháp ra khỏi Phát Diệm hoặc công nhận Phát Diệm là khu tự trị để có lý do mà đuổi quân Pháp khỏi Phát Diệm.
Song bộ đội Việt Minh cùng cơ quan Hành Chánh Kháng chiến địa phương đã cao chạy xa bay rồi, và Hồ Chí Minh cũng không trả lời, cho nên Tự Vệ Công Giáo ở các giáo xứ bắt buộc phải tỏa quân ra kiểm soát và bảo đảm an ninh cho dân chúng. Cùng thành lập hệ thống hành chánh tại tất cả các làng xã thuộc huyện Kim Sơn và một phần thuộc huyện Yên Mô và Yên Khánh theo chỉ thị của Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo, lúc này được thành lập và được đặt dưới quyền lãnh đạo của Cha Hoàng Quỳnh, và cũng từ đây dân chúng thường gọi ngài là cha Tổng Hoàng Quỳnh.
Ít lâu sau khi quân đội Liên Hiệp Pháp chiếm đóng Phát Diệm, đại diện của Cựu Hoàng Bảo Đại là ông Vũ Ngọc Trản đã tới trình bầy cùng Đức Cha Lê Hữu Từ về việc quốc trưởng Bảo Đại nhờ Pháp chuyển giao một số súng đạn cho Tự Vệ Công Giáo nói là do Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam. Sau khi một số súng đạn đã được chuyển giao, cha Tổng Hoàng Quỳnh liền mở một cuộc hành quân đại qui mô, không có quân đội Pháp tham dự để giải phóng toàn hạt Bùi Chu và một phần tỉnh Thanh Hóa giáp giới với Phát Diệm như Tam Tổng và Điền Hộ.
Sau khi thành lập Tổng Bộ Tự Vệ, cha Tổng liền gửi thư ra Hải Phòng nhắn chúng tôi thu xếp về Phát Diệm ngay, để cùng đóng góp vào công việc chung và chúng tôi phải để ra một thời gian mới được vì còn phải tìm giáo viên dạy Pháp văn thay thế ở trường St Joseph, lại còn lớp huyện thi Brevet, cùng các lớp huấn luyện của Duy Dân Đảng. Và môt ngày đẹp trời vào tháng giêng năm Canh Dần, gia đình chúng tôi đã thực hiện một chuyến hải hành bằng thuyền buồm Trà Cổ trở về cố huơng đúng ngày 12 tháng 3 năm 1950, ngày Tòa Thánh Vatican thừa nhận chính phủ Việt Nam quốc gia do cựu hoàng Bảo Đại là quốc trưởng.
Về tới Phát Diệm, chúng tôi cảm thấy sung sướng vô chừng kể vì được gặp lại cha mẹ tôi và anh em họ hàng nhưng có một điều hơi bực bội là ngôi nhà của chúng tôi bị quân đội Pháp xử dụng làm chẩn y viện, phải mất hơn một tháng mới lấy lại được nhà.
Ngày hôm sau khi về tới Phát Diệm tôi liền vào trình diện với cha Tổng Hoàng Quỳnh và cuộc hàn huyên kéo dài tới hơn 2 giờ và sau cùng ngài trao cho tôi trách nhiệm cùng với anh Trần Ngân tức Bằng Phong tổ chức ngành hải quân của Tổng bộ Tự Vệ. Tôi xin nghỉ xả hơi mấy ngày và xin sẽ nghiên cứu và lập một kế hoạch cho chương trình hết sức mới mẻ này.
Tôi cũng vào trình diện với Đức Cha Lê Hữu Từ, ngài đã tiếp tôi một cách hết sức thân tình tại văn phòng giám mục. Tôi đã tường trình về đời sống của người tị nạn cộng sản ở Hải Phòng cùng các khổ cực phải chịu dưới bàn tay tàn ác của thực dân Pháp và tôi cũng trình bầy những nhận xét của tôi về vấn đề chính trị liên hệ đến nền độc lập của Tổ Quốc với việc cựu hoàng Bảo Đại trở lại chấp chính.
Cũng như những gì tôi biết về những âm mưu của một nhóm người đã lợi dụng danh nghĩa của Đức Cha để hợp tác với thiếu tá Dupra, giám đốc một bộ phận quan trọng trong cơ quan tình Pháp mang tên là Recherche Historique, chủ trương việc mang quân Pháp về chiếm đóng Phát Diệm như đầu cầu để Pháp đổ quân vào chiếm Nghệ An, giải phóng Xã Đoài, là quê hương của nhóm này.
Đức Cha Lê cũng cho tôi biết những sự việc xẩy ra khi Phát Diệm bị quân đội Liên Hiệp Pháp chiếm đóng, và đặc biệt ngài cũng nói tới vụ ông ‘già’ Vinh là người Việt đầu tiên từ tầu chiến Pháp đặt chân lên bến tầu Trì Chính sau trung tá Maillard, chỉ huy trưởng cuộc hành quân chiếm đóng Phát Diệm.
Vấn đề hợp tác với người Pháp để bảo đảm an ninh cho dân chúng chống lại những sự xâm nhập của Việt Minh là một điều bất đắc dĩ, một sự kiện đã rồi không thể làm gì hơn được vì hai chiến tuyến Quốc Gia và Cộng sản đã rõ rệt, Việt Nam đã được Hoa Kỳ và Anh quốc thừa nhận, Tòa Thánh Vatican cũng đã chính thức thừa nhận và thiết lập bang giao với quốc gia Việt Nam, nên Phát Diệm không còn lý do gì để chống đối chính phủ quốc gia Việt Nam do Cựu hoàng Bảo Đại là Quốc trưởng.
Ngày 22 tháng 3 năm 1950, khu Phát Diệm Bùi Chu trở thành 2 tỉnh tự trị không thuộc quyền Thủ Hiến Bắc Việt và quốc trưởng Bảo Đại mặc nhiên thừa nhận tình trạng đặc biệt của hai Giáo Khu Phát Diệm và Bùi Chu và Tổng Tự Vệ được cấp một ngân khoản 300.000 đồng bạc mỗi tháng theo nghị định số 19/MF, văn thư của quốc trưởng đề ngày 14-3-1950.
Đặc biệt ngày 17 tháng 3 năm 1950, Hoa Kỳ tuyên bố viện trợ quân sự trực tiếp cho các Quốc Gia Liên Kết Việt, Mên, Lào nhưng tướng tổng tư lệnh quân đội Pháp là Carpentier phản đối sự viện trợ trực tiếp này và tuyên bố nếu Mỹ muốn viện trợ thì viện trợ đó phải qua trung gian của quân đội Liên Hiệp Pháp. Và việc thành lập ngành Hải Quân của Tổng Bộ Tự Vệ được tiến hành với hy vọng sau này sẽ là đơn vị Hải quân tiền phong trong lực lượng Hải Quân của Quân Lực Việt Nam.
Một phiên họp đặc biệt được triệu tập tại bộ chỉ huy của quân đội Pháp ở Trì Chính với sự hiện diện của Đề Đốc Querville, tư lệnh của lực lượng Hải Quân Pháp ở Bắc Việt từ Hải Phòng tới, đại tá chỉ huy trưởng secteur từ Nam Định tới và trung tá Maillard, chỉ huy trưởng đơn vị quân đội Liên Hiệp Pháp chiếm đóng Phát Diệm và đại úy hải quân Jean Sallantin, anh Trần Ngân và tôi.
Trong cuộc họp này vấn đề thiếp lập đồn đóng quân của Hải quân Pháp ở Kim Đài do đại úy Sallantin chỉ huy cùng việc thành lập đơn vị Hải Quân của Tổng Bộ Tự Vệ Phát Diệm do anh Ngân và tôi chịu trách nhiệm được đem ra bàn cãi, trong đó có vấn đề địa điểm đóng quân của Pháp và của Tự Vệ: Pháp sẽ xây một đồn hải quân ở Kim Đài ngay cửa sông Đáy và sông Ân Giang, còn đơn vị hải quân của Tổng Bộ Tự Vệ đóng quân ở biệt thự nghỉ mát của tòa giám mục ở bên kia bờ sông Ân Giang. Việc tuần phòng hỗn hợp bằng tầu LCVP của Hải quân Pháp ở cửa bể và trên sông Đáy.
Mọi việc kiểm soát thuyền bè do Hải Quân Tổng Bộ Tự Vệ chịu trách nhiệm: đặc biệt một trung đội hải quân của Tổng bộ sẽ được huấn luyện một tháng trên một tầu chiến loại LCI (landing craft infantry) ở Vịnh Bắc Việt và tôi được đề đốc Querville đề cử theo học trường huấn luyện sĩ quan Hải Quân Pháp (École Navale de la Marine Francaise) ở Poulmic ở bên Pháp.
Ngay sau cuộc họp này chúng tôi bắt tay ngay vào việc thành lập một đại đội Tự Vệ Hải Quân, bằng việc tuyển chọn trong hàng ngũ lực lượng Tự Vệ, những thanh niên khỏe mạnh có trình độ học thức và ưu tiên dành cho những thanh niên gốc các ‘vạn chài’ vì nghĩ rằng họ đi biển quen không sợ bị say sóng.
Việc huấn luyện quân sự của đại đội được trao cho ông quản Lãng, quê ở Phúc Nhạc, ông Lãng là thượng sĩ trong quân đội Pháp thời trước; văn phòng kiểm soát thuyền bè được trao cho anh Thịnh là anh của tôi, văn phòng tình báo do anh Thưởng phụ trách, tất cả đại đội đều được đặt dưới quyền chỉ huy của 2 người là anh Trần Ngân lo về nội vụ và tôi lo về ngoại vụ với nhiệm vụ đặc biệt là giao thiệp với hải quân Pháp.
Một điểm đáng chú ý là Tỗng Bộ Tự Vệ Phát Diệm là một tổ chức hoàn toàn tự nguyện, không ai được lãnh lương cả, gia đình phải sống tự túc, số tiền 300,000 đồng trợ cấp của ông Bảo Đại chỉ vừa đủ nuôi ăn một đội quân hơn 10 ngàn người.
Quân phục anh em đều phải tự lo liệu lấy, không có chuyện thu thuế má của dân chúng, nhưng tinh thần chiến đấu của anh em tự vệ rất cao, không nề quản mọi khó khăn thiếu thốn, bảo đảm an ninh cho đồng bào trong vùng nhờ được ở tinh thần quân dân nhất trí, không có chuyện kỳ thị tôn giáo, nên Việt Minh không dám mở bất cứ một cuộc tấn công nào đáng kể vào khu vực tự trị Phát Diệm trong suốt thời gian 17 tháng.
Địa giới đại đội hải quân chúng tôi phải chịu trách nhiệm là miền duyên hải Phát Diệm, từ sông Càn giáp Thanh Hóa tới sông Đáy, mà số thuyền từ khu IV ở Thanh Hóa và Nghệ An đổ ra Phát Diệm, mỗi ngày một đông, có ngày lên tới 300 thuyền vì Phát Diệm là cửa bể thuận lợi nhất cho dân muốn ‘dinh tê’ về thành. Ngoài ra lại có nhiều thuyền buôn bán các thổ sản từ miền Trung đưa ra và mua đồ ngoại hóa từ Phát Diệm.
Mọi dịch vụ thương mại này hoàn toàn miễn thuế và tự do, và cũng nhờ các thuyền buôn này mà chúng tôi thiết lập được một màng lưới tình báo, đi rất sâu vào các khu vực duyên hải còn dưới quyền kiểm soát của Việt Minh. Đường giây liên lạc và buôn bán bằng đường giây liên lạc và buôn bán bằng đường biển của Việt Minh từ khu IV và từ miền Nam ra miền Bắc đều phải qua cửa sông Đáy là con đường gần nhất, đều nằm dưới quyền kiểm soát của chúng tôi.
Để chứng tỏ chủ quyền quốc gia gọi là mới thu hồi được từ tay của thực dân Pháp và dùng chủ quyền đó như một lợi khí tuyên truyền mạnh nhất, qua chính sách mở ngỏ cửa cho các thương thuyền đi lại buôn bán từ miền Trung ra miền Bắc qua cửa biển Kim Đài, chúng tôi đã tranh đấu cho bằng được là mọi việc kiểm soát trên sông cũng như ngoài biển và tại các bến thuyền đều do lực lượng Hải Quân của Tổng Bộ Tự Vệ chịu trách nhiệm một mình.
Hải quân Pháp chỉ giữ vai trò yểm trợ khi có xung đột với Việt Minh, hoặc theo lời yêu cầu của chúng tôi mà thôi. Chính vì thế vấn đề này đã gây ra nhiều xung khắc giữa tôi và đại úy Sallantin, trưởng đồn hải quân Pháp ở Kim Đài.
Riêng về việc một trung đội hải quân Tổng Bộ Tự Vệ đi thực tập trên chiến hạm của Hải quân Pháp ở Vịnh Bắc Việt là một vấn đề làm tôi nhức đầu rất nhiều. Trước hết là tìm đâu ra tiền để may cho anh em ít nhất là hai bộ quân phục, chả nhẽ cùng sống dưới tàu với tụi Pháp mà quân phục ‘năm cha ba mẹ’ làm sao giữ được thể diện quốc gia, sau đó lại còn vấn đề ẩm thực mình phải tự túc, mỗi khẩu phần ăn của anh em tự vệ chỉ có 1 đồng bạc một ngày, chỉ đủ tiền mua gạo và thêm ít rau cỏ.
Ở trại Kim Đài thì không sao hết, vì anh em hầu hết đều được gia đình tiếp tế, mấy con tôm, con cá hoặc mấy ngọn rau, ăn sao đủ sống thì thôi, vì tinh thần của anh em rất cao đâu có nề quản gì ‘ba cái vặt vãnh đó’!! Nhưng vì thể diện quốc gia, sống chung trên tầu một tháng trời với tụi Pháp làm sao có thể ăn uống một cách ‘đạm bạc’ quá như vậy được!! Còn riêng tôi, trên cương vị sĩ quan đeo lon trung úy, dĩ nhiên ăn cơm cùng bàn với hạm trưởng, nhưng phải trả tiền.
Tôi liền về Tổng Bộ ‘gãi đầu gãi tai’ xin Cha Tổng trợ cấp cho anh em Tự Vệ hải quân giữ được ‘thể diện quốc gia’ đủ ăn đủ mặc bằng người, cha Tổng chỉ cười trừ, nói mỗi tháng chỉ có số tiền trợ cấp 300 ngàn mà thôi, làm gì có dư, bàn đi tính lại với cha mãi, tôi đành nói liều là ‘con đã nhận lời với đề đốc Querville, bằng mọi cách trung đội hải quân sẽ đi thực trong một tháng trên tầu của hải quân Pháp’.
Thế rồi tôi đã xoay đủ tiền bằng cách về nhà năn nỉ ‘bà xã’ lột hết tiền nong, bán hết nữ trang, kể cả nữ trang của con gái Mộng Tiên của chúng tôi, lúc này mới 4 tuổi, và lại còn lên ông ngoại vay thêm tiền nữa, để cho anh em Hải quân Tổng Bộ Tự Vệ của chúng tôi ‘giữ thể diện quốc gia’.
Một ngày rất đẹp trời của mùa hè năm 1950, trung đội Hải quân của Tổng Bộ Tự Vệ về Phát Diệm ra mắt cha Tổng Hoàng Quỳnh trong bộ quân phục hải quân mầu trắng gọn gàng và sạch sẽ, để chiều ngày hôm đó lên tầu LCI số 101 ở bến Kim Đài để ra khơi học tập một tháng.
Tầu 101 có trách nhiệm tuần tiễu ở vịnh Bắc Việt từ Mũi Né ngang thành phố Vinh ở Nghệ An ra tới Vịnh Hạ Long về Móng Cái. Đời sống trên tầu thật là thoải mái trong những ngày tuần tiễu ở Vịnh Hạ Long, biển êm lặng như trong hồ, tầu chạy giữa những hòn đảo nổi trên mặt nước, đẹp đẽ và hùng vĩ vô cùng.
Tôi không bao giờ quên được những cảnh ở Vịnh Hạ Long, khi đại úy hạm trưởng Paul Blot cùng tôi ăn cơm ở trên sân sau tầu, tôi uống 1 lít rượu chát để ngắm cảnh mặt trời lặn, sỡ dĩ tôi thường có nhiều rượu chát như vậy vì ông Blot theo tướng De Gaulle sang sống ở bên Anh trong thời đệ nhị thế chiến, quen uống trà nên phần rượu chát ông nhường lại cho tôi!
Gọi là đi thực tập, nhưng mỗi ngày tôi cũng phải trực nhiều giờ ở phòng lái, ngoài việc tuần tiễu, tầu LCI 101 còn nhận nhiều công tác khác. Tôi nhớ một chuyến, tầu này phải chở nhiều thùng giấy bạc, chuyển từ một chiếc tầu lớn từ bên Pháp sang nhưng không vào được cửa biển Hải Phòng, nên phải thả neo ở ngoài Vịnh Hạ Long. Khi tầu LCI101 tới bến Hải Phòng thì đầy mật thám Pháp tới giữ an ninh cho tầu, đúng lúc này là phiên tôi trực ở phòng lái, nên tôi thấy nhiều bộ mặt của tụi lai mật thám quen thuộc vì tôi đã hân hạnh bị là ‘khách hàng’ ở nhà tù của mật thám cách đó hơn một năm rưỡi.
Khi tầu cập bến xong, tôi xuống khỏi tầu, xênh xang trong bộ quân phục đeo lon trung úy, tôi liền tiến tới hỏi tụi mật thám này rằng: ‘Mày có nhớ tao là ai không?’ chúng nó ngơ ngác nhìn nhau rồi nói: ’Non, mon lieutenant’ tôi liền bảo chúng: ‘Tao là khách quen thuộc của nhà tù của chúng mày, cách đây một năm rưỡi mà!’ Mãi sau thằng Perre Martin mới nhận ra tôi và hắn vội vàng nói: ‘Ah! Oui, mon lieutenant, vous êtes un de mes cousins.’ (Đúng rồi! thưa trung úy, ông là một trong những người anh em họ của tôi), nguyện là khi bị mật thám bắt lần thứ hai ở Hải Phòng tôi nhận đại thằng Pierre này là anh em họ để khỏi bị ăn đòn tra tấn vì tôi biết mẹ nó là người quê ở làng Tự Tân cách Phát Diệm độ hơn 1 cây số.
Tới buổi chiều, tôi lấy xe jeep rủ hai anh lính thủy Pháp đi vào phố Hải Phòng chơi, nhưng ý chính của tôi là tìm thằng Tây lai mật thám Dehaye, người đã tra tấn tôi và treo chân phải tôi lên hơn hai giờ, tôi đã tìm được hắn trong quán cà phê ở bến xe buýt ở Hải Phòng và đánh cho nó một cái tát nổ đom đóm mắt để trả thù.
Trong chuyến ra khơi lần này, tầu LCI-101 lại chở thêm 2 sĩ quan thuộc phái đẹp trong đội Nữ Trợ Tá Xã Hội của Hải quân Pháp, từ Hải Phòng ra Port Valluy, cuộc hành trình trong Vịnh Hạ Long lần này càng đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Vì hạm trưởng Blot cao hứng bỏ neo tàu, ngay bên cạnh hòn núi gọi là Tháp Bút, thả hai chiếc xuồng ‘youyou’ xuống biển, bơi vào sát núi, dùng dao găm nạy các con hào trong hốc núi, bửa ra, nhúng xuống nước biển, kẹp vào hai miếng cookie mặn, cho vào miệng, làm thêm một hớp vang trắng. Ôi! thật tuyệt vời, nhất là bên cạnh lại có người đẹp ‘hót như sáo’. Đó là cuộc thực tập với hải quân Pháp mà không bao giờ tôi quên được.
Tuần tiễu trong Vịnh Hạ Long thì mơ mộng như vậy đó, nhưng những chuyện ra khơi trong Vịnh Bắc Việt thì thật là khổ sở, vì tầu LCI là loại tầu đổ bộ loại nhỏ của Hoa Kỳ viện trợ cho Pháp thời đệ nhị thế chiến nên gió mùa chỉ thổi hơi mạnh một chút là con tầu nghiêng ngửa, lăn đi lăn lại. Thật là mấy ngày khốn khổ vì nạn say sóng, thôi chả còn nghĩ tới ăn với uống nữa, người mệt rã rời mà vẫn phải trèo lên phòng lái khi tới phiên trực, bây giờ nghĩ tới những giờ phút đó tôi vẫn còn cảm thấy ớn lạnh!
Trong chuyến thực tập trên chiến hạm LCI-101 của hải quân Pháp, anh em Hải Quân Tổng Bộ Tự Vệ, đã học tập tất cả mọi công việc của một người lính thủy và trong một buổi sáng đẹp trời, anh em được lệnh sửa soạn thực tập tác xạ, không phải tập bắn súng trường hay súng máy hoặc súng phòng không mà là tập bắn đại bác. Mọi người đều cảm thấy thích thú vì được học tập bắn súng lớn như vậy.
Chúng tôi nghĩ là tập bắn ngay trên biển cả, nhưng tầu lại được lệnh trực chỉ Cửa Sung, khu vực nằm giữa cửa Sông Mã và Sông Càn ở Thanh Hóa, không quá xa địa hạt miền duyên hải mà Hải Quân Tổng Bộ Tự Vệ chịu trách nhiệm, tôi hơi ngạc nhiên nên quay lại hỏi đại úy hạm trưởng Blot: ‘Chúng ta tập bắn ở biển cả hay bắn đại bác lên đất liền?’, ông Blot chỉ cho tôi tọa độ ỡ gần Cửa Sung và nói đó là lệnh của bộ tư lệnh.
Khi con tầu tới đúng vị trí, tôi hạ lệnh ‘Bắn’ và 5 viên đạn đại bác bay vọt lên và liền sau đó là 5 tiếng nổ ở đất liền và bụi đất bay lên thì cũng đúng lúc đó tôi gục xuống khóc nức nở, hạm trưởng Blot quay lại hỏi tôi: ‘Sao vậy’, tôi trả lời trong nước mắt: ‘Tôi nghĩ tới những con người như chúng ta, những đàn bà trẻ con đang dẫy dụa, chết chóc, họ là nạn nhân vô tội của việc chúng tôi thực tập này,’ ông Blot chắc lưỡi trả lời: “Đó là chiến tranh mà’.
Tôi cảm thấy hổ thẹn vì tôi đã tỏ ra quá xúc động trước mặt người khác, nhưng khốn nỗi, cha mẹ tôi đã sinh ra tôi như vậy, tôi thường rất dễ chẩy nước mắt trước cảnh đau khổ, hay cảnh sung sướng của người khác, ngoài ra tôi lại còn một tật khác nữa là khi phải đối phó với một sự việc cực kỳ nguy hiểm, tự nhiên tôi thấy buồn ngủ không cản nổi, nhưng chỉ cần nằm xuống bất cứ chỗ nào, nhắm mắt lại và ngủ thật say độ vài phút là tôi đứng dậy, và cảm thấy bình tĩnh và sáng suốt giải quyết mọi việc.
Tôi còn nhớ trong vụ xô sát giữa công an Việt Minh và Tự Vệ Công Giáo, mà tôi chỉ huy trong vụ anh Tự Vệ Tống Văn Dung bị công an Việt Minh thảm sát, khi thấy dân chúng đập chết mấy anh cán bộ và tình hình có vẻ bất lợi là đúng lúc tôi buồn ngủ, tôi đã ngủ độ 2 hay 3 phút và khi tôi dậy, tôi đã tỉnh táo ra lệnh cho dân chúng Phát Diệm hoan hô Vệ Quốc Đoàn khi tôi mời họ xuống giữ trật tự và nhặt xác mấy anh cán bộ về. Không lẽ dân chúng hoan hô mà Vệ quốc đoàn lại bắn dân chúng hay sao? Và tình hình Phát Diệm đã êm dịu để cả hai bên Tự Vệ và Việt Minh chôn xác người mình chết.
Trở lại vấn đề thực tập trên tầu hải quân, một ngày chiến hạm LCI-101 cập bến quân cảng Hải Phòng tôi nhận được lệnh lên trình diện đề đốc Querville, tôi trình bầy về kết quả của cuộc thực tập của trung đội hải quân Tổng Bộ Tự Vệ, đề đốc tỏ ý hài lòng và cho tôi biết là ông đã gửi văn thư về trường Huấn Luyện Sĩ Quan Hải Quân ở Poulmic bên Pháp đề nghị tôi được nhập học trường này dưới diện ‘ngoại quốc’. Dưới diện này tôi được miễn khỏi phải qua một cuộc thi nhập học và đề đốc khuyên tôi nên ôn lại các môn học cần thiết nhất là môn toán. Đề đốc Querville tỏ ra có cảm tình đối với công việc của Tổng Bộ Tự Vệ nói chung và tỏ ra rất thân tình với tôi nói riêng.
Sau chuyến học tập mỗi tháng, chúng tôi đã trở về Phát Diệm và dồn mọi nỗ lực vào công việc hoàn thiện tổ chức ngành hải quân của Tổng Bộ Tự Vệ và tôi đã gửi thư sang Pháp ghi tên vào lớp học hàm thụ sửa soạn nhập học trường Sĩ Quan Hải Quân Pháp của trường École Universelle par Correspondance de Paris. Môn học vất vả nhất đối với tôi là môn đại số học và hình học vì thời học các lớp thành chung ở trường Puginier ở Hà Nội, tôi được ít điểm nhất về 2 môn này và các môn học tôi ưa thích lại là Pháp văn, văn chương và sử địa.
Một khó khăn làm cho tôi bỏ cuộc không nhập học trường Huấn Luyện Sĩ Quan Hải Quân Pháp là vì tôi thấy tôi không thể theo đuổi binh nghiệp được. Trước hết là vì tính tôi phóng khoáng, muốn sống tự do, không muốn bị bó buộc và gò bò trong một khuôn khổ nhất định, hơn nữa ngay từ thời nhỏ tuổi, trước khi lập gia đình tôi đã theo đuổi ‘nghề’ làm cách mạng, mong được sống để làm cách mạng từ chống Pháp đến chống Nhật rồi chống Cộng sản cho tới ngày nay.
Một lý do khác khiến tôi bỏ cuộc gia nhập binh nghiệp là khi bắt đầu nhận trách nhiệm thành lập hải quân của Tổng Bộ Tự Vệ, tôi đã tự đeo cho mình 2 lon của một trung úy để tiện giao thiệp với Hải Quân Pháp đóng ở Kim Đài, ngạch trật đẳng cấp của Tổng Bộ Tự Vệ có ra làm sao đâu!
Vì Tổng Bộ vẫn chỉ là một tổ chức tự nguyện có tính cách nhất thời; chỉ huy trưởng của Tổng Bộ là cha Hoàng Quỳnh, thường được gọi là Cha Tổng mà thôi, nên tôi đeo lon trung úy vi nghĩ thân mình đã có bao giờ là một binh gia đâu mà một bước nhẩy lên đeo hai lon. Nhưng chính vì chuyện khiêm nhượng đeo lon trung úy này đã gây ra nhiều xung khắc giữa tôi và đại úy hải quân Jean Sallantin, chỉ huy đồn hải quân Pháp ở Kim Đài.
Trong công việc giao tiếp hàng ngày với tôi, đại úy Jean Sallantin luôn luôn có giọng điệu của một đại úy ra lệnh cho một trung uý, điều này là cho tôi tức giận có thể vì tự ái và cũng vì chính mình có phải là binh gia đâu, nên tôi không chịu nhận lệnh và còn làm ngược lại để chứng tỏ sự bất phục tòng của một sĩ quan Việt Nam đối với một sĩ quan Pháp. Nhưng sau này tôi nhận thấy Sallantin có lý vì hắn muốn tôi thực tập nhận lệnh cho quen vì hắn luôn luôn nói tới những tuần lễ ‘huấn nhục’ ở trường huấn luyện sĩ quan.
Do đó tôi suy đi nghĩ lại rất kỹ, và tôi đã bỏ cuộc, quyết định không nhập học trường Huấn Luyện Sĩ Quan Hải Quân Pháp nữa vì tôi muốn sống phóng khoáng và tự do, nên tôi ra Hải Phòng để cám ơn đề đốc Querville đã đặc biệt ưu ái đối với tôi trong việc cử tôi đi học trường sĩ quan hải quan. Đồng thời tôi cũng trình bầy những lý do tại sao tôi bỏ cuộc và một trong những lý do chính mà tôi nêu ra là nhà tôi mới sanh con trai đầu lòng mới được hai tháng và một điều tôi không nói ra là tôi chỉ thích ở nhà chơi với hai con của tôi mà thôi!
(còn tiếp)
-
06-19-2022, 05:39 PM #34
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Chương 28
Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc hoàn tất nhiệm vụ
Từ cuối năm 1950 sang năm 1951, tình hình Bắc Việt trở nên khẩn trương vì quân Pháp phải rút quân từ Cao Bằng về bị chặn đánh ở Thất Khê, mất hơn 2,000 quân, chạy về chỉ được có 1,000, rồi đồn Thất Khê thất thủ, Pháp rút khỏi Thái Nguyên và Lạng Sơn. Trong khi đó Cộng sản Trung Hoa đã thôn tính xong lục địa, quân của Tưởng Giới Thạch, một phần bị tan vỡ một phần chạy được sang đảo Đài Loan.
Nhiều tin đồn được loan truyền là quân đội Liên Hiệp Pháp rút khỏi Bắc Việt, làm cho cao ủy Pháp Pigon phải cực lực cải chính, ngoài ra dư luận ở Pháp cũng như ở Việt Nam lo ngại rằng Trung Cộng xua quân xâm chiếm Việt Nam và Lào, viện cớ Pháp thả bom trên đất Tầu, khi quân đội Pháp rút quân từ Lao Kay về Lai Châu.
Đến ngày mồng 8 tháng 12 năm 1950, đại tướng 5 sao De Lattre de Tassigny được chính phủ Pháp cử sang Đông Dương làm Tổng Tư Lệnh kiêm Cao Ủy Pháp.
Tướng De Lattre de Tassigny cho xây một chiến lũy bêton cốt sắt bọc quanh miền đồng bằng Bắc Việt; hồi đầu năm dương lịch 1951, từ 30 đến 40 tiểu đoàn Việt Minh mở mặt trận dài 120 cây số cùng tiến về Hà Nội. Chừng 40 ngàn quân chính quy Việt Minh ồ ạt tấn công Vĩnh Yên và tiến quân cách Hà Nội có 50 cây số.
De Lattre đích thân chỉ huy mặt trận với số quân tiếp vi ện từ Nam ra, từ khắp nơi ồ ạt đổ về chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Ở mặt trận Vĩnh Yên, De Lattre ra lệnh thả bom napalm giết cả quân Việt Minh lẫn quân Pháp trong thế ‘cài răng lược’ và sau 10 ngày chiến đấu cam go quân Việt Minh rút hết khỏi vùng Vĩnh Phúc Yên.
Khi các mặt trận tạm thời yên ổn, De Lattre có vẻ lên mặt và có những hành động đặc biệt ‘thực dân’, khinh thường chính phủ Bảo Đại bằng những cử chỉ sỗ sàng như trường hợp đã xẩy ra trong nhà thờ chính tòa Hà Nội. Trong buổi lể cầu hồn cho con trai De Lattre, bị tử trận ở núi Non Nước ở tỉnh lỵ Ninh Bình, cha sở nhà thờ chính tòa Hà Nội thời bấy giờ là cha Trịnh Văn Căn, sau này là Hồng Y Giáo chủ Hà Nội, cho xếp ghế ngồi của thủ tướng Trần Văn Hữu ở chỗ vinh dự nhất theo lễ nghi, và ghế của tường De Lattre de Tassigny được đặt ở phía sau.
Thế là có chuyện rắc rối xẩy ra, sĩ quan tùy viên kéo ghế của De Lattre lên trước, cha Căn kéo xuống nói rằng thủ tướng Việt Nam mới là vị thủ lãnh quốc gia phải ngồi ở chỗ vinh dự hơn một tướng lãnh đại diện cho nước Pháp. Cuộc giằng co ghế kéo dài cho tới khi các quan khách tới nhà thờ và sau buổi lễ, De Lattre được báo cáo về câu chuyện giằng co ghế nên cho mời cha Căn phản ứng ngay bằng một câu ‘chửi’ để đời: ‘Ông có điệu bộ của kẻ chân trâu’ (Vous avez l’attitude d’un gardien de buffle.)
De Lattre cũng đã có điệu bộ của ‘kẻ chăn trâu’ khi muốn chấm dứt nhiệm vụ của Tổng Bộ Tự Vệ Phát Diệm, tức là chấm dứt quy chế tự trị của Phát Diệm và muốn thống nhất hệ thống hành chính của chính phủ quốc gia, điều đó dân Phát Diệm đều biết cả vì ngày 27-1-1951 thủ hiến Bắc phần đã ký nghị định số 465 tái lập tỉnh Ninh Bình và trụ sở của tỉnh được đặt ở Phát Diệm, và việc bổ nhiệm tỉnh trưởng vẫn thuộc quyền Đức Cha Lê Hữu Từ do quốc trưởng Bảo Đại ủy nhiệm.
Như vậy việc giải giáp Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo có thể thực hiện một cách êm đẹp qua một cuộc bàn giao giữa cha Tổng Hoàng Quỳnh và ông Phan Như Ngân là người được Đức Cha Từ bổ nhiệm và cũng là một dân Pháp Diệm, nhưng De Lattre không chịu làm như vậy và chính ông ta đã đánh lừa tự vệ Phát Diệm, bằng việc đưa ra một tuyên cáo do chính De Lattre ký ấn định ngày tất cả Tự Vệ phải mang súng đạn lên đồn Trì Chính để đổi lấy loại võ khí tối tân hơn.
Tin tưởng như vậy nên tự vệ lũ lượt mang súng lên nộp cho Pháp, sau khi tập hợp đầy đủ mọi đơn vị, mỗi tự vệ được lệnh trao súng vào kho, và sau đó mới được phát súng mới, lúc ấy mọi người mới té ngửa ra rằng De Lattre đã đánh lừa để giải giáp lực lượng tự vệ và mọi người bị đuổi về tay không.
Trước khi tước súng của các Tự Vệ Công Giáo, Pháp đã đề nghị với cha Tổng Hoàng Quỳnh thành lập 3 đại đội Tự Vệ đóng ở 3 đồn kiên cố nhất, có cố vấn Pháp được phải tới huấn luyện và được secteur Phát Diệm võ trang và tiếp vận, và 3 đại đội này được coi như lực lượng yểm trợ các đơn vị tự vệ mỗi khi đồn tự vệ bị Việt Minh tấn công. Nghe thì ngon lành lắm, nhưng đây chỉ là một mưu mô của Pháp muốn biến 3 đại đội này trở thành partisan của quân đội Liên Hiệp Pháp và từ đây Pháp chỉ huy 3 đại đội partisan, còn Tự Vệ kể như bị tước khí giới gần hết.
Tới đây Phát Diệm được coi như hết thời tự trị đối với thủ hiến Bắc phần, vì tòa tỉnh trưởng tỉnh Ninh Bình đã được thành lập. Tỉnh Ninh Bình trong đó có Phát Diệm được bảo vệ bởi tiểu đoàn 18 của quân đội Việt Nam quốc gia, và 3 đại đội partisan do Pháp chỉ huy, ngoài ra lại còn mấy đại đội của Bảo An Đoàn thuộc quyền chỉ huy của tỉnh trưởng Ninh Bình.
Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Phát Diệm rất tự hào là trong 17 tháng cầm quyền và tự trị, vùng Phát Diệm không hề bị Việt Minh quấy rối nặng, đời sống của nhân dân được nâng cao trước hết nhờ được mùa liền ba vụ lúa, dân thừa góc gạo ăn vì không bị thu mua và không phải đóng thuế. Công việc làm ăn của dân cũng phát đạt hơn vì không bị cán bộ Việt Minh phiền nhiễu và nền an ninh của xóm làng được anh em tự vệ bảo đảm hoàn toàn nhờ ở tình đoàn kết, nhân dân nhất trí cùng nhau bảo vệ xóm làng.
Từ ngày quân đội Pháp nhẩy dù xuống chiếm đóng Phát Diệm, tình hình chính trị ở Phát Diệm trở nên hết sức phức tạp, một mặt Phát Diệm không chấp nhận hợp tác với Pháp vì Phát Diệm không muốn bị cáo buộc là việt gian hợp tác với quân chiếm đóng là quân đội Liên Hiệp Pháp.
Mặt khác các cơ sở hành chánh và quân đội của Việt Minh đã rút đi hết, Đức Cha Lê Hữu Từ giữ thư khẩn cấp cho Hồ Chí Minh và Chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh, Kháng Chiến quân khu IV yêu cầu bộ đội Việt Minh hợp tác với Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc đánh đuổi quân Pháp ra khỏi khu vực chúng chiếm đóng ở Phát Diệm, nhựng thư yêu cầu của Đức Cha Từ không được hồi âm.
Trong khi đó đại úy Vị, chỉ huy trưởng đơn vị nhẩy dù, gồm toàn người Việt Nam, nhẩy dù xuống chiếm đóng Phát Diệm đầu tiên, đã tiếp xúc với Đức Cha Từ nhân danh quốc trưởng Bảo Đại, gọi là để giải phóng Phát Diệm. Kế đó quân đội Pháp ồ ạt đổ bộ đóng quân ở Trì Chính, cả đơn vị nhẩy dù của đại úy Vị lẫn quân đội Pháp đều giữ lập trường không xâm phạm khu An Toàn Phát Diệm và không can thiệp vào vấn đề hành chánh địa phương.
Bị đặt vào tình trạng bất khả kháng do việc các cơ quan hành chánh và an ninh của Việt Minh đã cao chạy xa bay và quân đội Liên Hiệp Pháp không can thiệp vào vấn đề nội bộ của địa phương Phát Diệm, nên tổ chức Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc thuộc các giáo xứ công giáo đã phải tỏa quân ra kiểm soát khắp nơi để bảo vệ an ninh cho đồng bào, bất kể Phật Giáo hay Công Giáo, và để phối hợp mọi hoạt động của Tự Vệ, Tổng Bộ Tự Vệ đã được thành lập và được đặt dưới quyền chỉ huy của Cha Hoàng Quỳnh.
Khi tình hình giáo khu Phát Diệm đã được gọi là ổn định, Tổng Bộ Tự Vệ Phát Diệm tung quân sang yểm trợ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc địa phận Bùi Chu giải phóng toàn thể khu vực này và Tổng Bộ Tự Vệ Bùi Chu được thành lập để bảo vệ an ninh và trật tự cho đồng bào địa phương. Hoạt động một cách độc lập như vậy cho mãi tới ngày 22 tháng 3 năm 1950, Cựu Hoàng Bảo Đại, Quốc Trưởng Chánh Phủ Việt Nam mới mặc nhiên thừa nhận giáo khu Phát Diệm và Bùi Chu là khu tự trị về phương diện hành chánh không thuộc quyền của Thủ Hiến Bắc Việt và Phát Diệm được cấp một ngân khoảng là 300,000 đồng bạc mỗi tháng. Ngân khoản này được coi như muối bỏ bể, làm sao đủ để yểm trợ cho gần 10.000 quân tự vệ ngày đêm chiến đấu để bảo vệ xóm làng chống lại du kich quân của Việt Minh.
Tình hình chung về chính trị đã trở nên khá rõ ràng, chính phủ Việt Minh do Cựu Hoàng Bảo Đại lãnh đạo đã đạt được nhiều thành quả đối với Pháp trong vấn để dành lại chủ quyền và Phát Diệm cảm thấy rằng cuộc tranh đấu chính trị giữa phe quốc gia và phe cộng sản đã rõ rệt và tình trạng tự trị của Phát Diệm và Bùi Chu được coi như không còn thích hợp nữa. Và đến đây là lúc ph ải đoàn kết lại thành một khối ủng hộ chính phủ quốc gia Việt Nam trong công cuộc đấu tranh dành lại chủ quyền đối với Pháp và mặt khác phải chung lưng đấu cật chiến đấu chống lại Việt Minh lúc này đã ra mặt là Cộng sản vì được yểm trợ rất lớn lao của Trung Cộng lúc này đã chiếm xong lục địa Trung Hoa.
Thể theo lời kêu gọi đoàn kết các lực lượng quốc gia của Quốc Trưởng Bảo Đại nhân ngày làm lễ tại Thái Miếu ở Huế ngày 19-1-1951. Phát Diệm tỏ ý muốn dứt qui chế tự trị của Phát Diệm nên ngày 27 ngày 1 năm 1951, do nghị định số 465/PTH, tỉnh Ninh Bình được tái lập và tỉnh lỵ được đặt tại Phát Diệm. Đến ngày 6 tháng 6 năm 1951 tỉnh Bùi Chu được thiết lập do nghị định số 264 Cab/SG của Thủ Tướng Chính Phủ, tỉnh Bùi Chu được tách rời khỏi tỉnh Nam Định gồm các quân Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Trục Ninh, Nghĩa Hưng, và Nam Trực.
Trong thời gian này tình hình chiến sự ở những khu vưc ngoài khu Phát Diệm trở nên hết sức trầm trọng, Việt Minh tung 40 ngàn quân chính quy tấn công vào các đồn Pháp đóng ở tỉnh lỵ Ninh Bình và vùng Sông Đáy, nhiều vị trí bị mất đi chiếm lại vài lần như đồn Yên Cự Hạ do đại úy Quyết thuộc tiểu đoàn 18 ở Phát Diệm trấn gi ữ.
Tôi còn nhớ có một đêm, pháo binh của Pháp đặt tại chợ Năm Dân ở Thượng Kiệm, đã bắn yểm trợ cho đồn Yên Cư Hạ tới 1200 trái đạn 105 và 155 ly, và cứ nhịp nhàng bắn suốt từ chập tối cho đến sáng, súng nổ đạn bay vù vù qua nóc nhà của chúng tôi, không ai có thể nhắm mắt mà ngủ được. Và kết quả cho biết đồn Yên Cư Hạ không mất và đại úy Quyết, một người bạn thân của chúng tôi, sau này đã được chính tướng De Lattre de Tassigny đến gắn bội tinh Croix de Guerre của Pháp. Được biết, con trai độc nhất của tướng De Lattre de Tassigny, Trung úy Bernard đã bị tử thương ở gần tỉnh lỵ Ninh Bình trong trận giải vây Yên Cự Hạ.
Trong thời gian tình hình quân sự trở nên sôi bỏng ở tỉnh Ninh Bình thì cũng là lúc ông Phan Như Ngân, sinh quán ở Phát Diệm được Đức Cha Lê Hữu Từ, cử ra làm tỉnh trưởng Ninh Bình, trụ sở đặt tại Phát Diệm vì tỉnh lỵ Ninh Bình cũ đã bị Việt Minh tiêu thổ không còn lại một căn nhà nào.
Ông Ngân đã thỉnh ý Đức Cha Lê Hữu Từ trao cho tôi trách nhiệm tổ chức cơ sở công an và dĩ nhiên trong đó có cả dịch vụ tình báo. Đây là công tác tôi ưa thích nhất vì tôi có thể đứng bên trong, không nhận bất cứ một chức vụ nào, nhưng được quyền tuyển chọn nhân sự. Do đó tôi có thể nói được là đảng Duy Dân nắm tất cả những vai chính về phương diện chính trị để chúng tôi ‘vững bụng’ đấu tranh chính trị với Việt Minh và phá vỡ tất cả những âm mưu xâm nhập của Việt Minh để có thể bảo vệ được an ninh cho vùng Phát Diệm.
Một điểm khác đáng được chú ý là Phát Diệm được coi như cửa ngõ cho đồng bào ở các thành phố tản cư thời xung đột Việt Pháp bắt đầu nay muốn ‘dinh tê’ về thành một cách an toàn nhất.
Trưởng ty Công An tỉnh Ninh Bình do tôi đề nghị là anh Nguyễn Văn Xướng, anh em cột chèo của tôi và cũng là con một địa chủ giầu nhất huyện Gia Viễn và là chỗ thân tình với Đức Cha Lê Hữu Từ; anh Xướng trước đó là ủy viên trong ban thường vụ của Mặt Trận Việt Nam Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc đã cùng với cha Hoàng Quỳnh và chúng tôi hoạt động suốt từ năm 1944 và bị công an Việt Minh bắt giam một thời gian.
Phó trường ty là anh Phạm Văn Thuấn, một đồng chí Duy Dân, đương nhiệm phó trưởng ty Công An ở tỉnh Hưng Yên; trưởng phòng chính trị là anh Lê Ngọc Ngoạn, một anh em cô cậu của tôi và là một chiến sĩ Duy Dân và tự vệ công giáo hăng say vào bậc nhất. Trưởng phòng hành chánh là anh Tô Văn Tám, một đồng chí Duy Dân từ Hà Nội về, các anh Xướng, Thuấn, Ngoạn đều đã qua đời, riêng anh Tô Văn Tám hiện nay đang ở San Jose, còn lại những trưởng phòng khác hoặc nhân viên đều là chỗ thân tình đối với tôi hoặc là anh em trong gia đình hay anh em hướng đạo.
Danh sách của tất cả các nhân viên của ty Công an tỉnh Ninh Bình do tôi đề nghị đã được ông Phan Như Ngân chấp thuận, và sau đó tôi trình danh sách này lên Đức Cha Lê Hữu Từ và sau hết là tôi đem lên Hà Nội tiếp xúc với ông Nguyễn Đình Tại, giám đốc Sở Công An Bắc Việt và danh sách này đã được ông Tại chấp nhận và ký giấy bổ nhiệm.
Ty Công An Ninh Bình đã hoạt động rất đắc lực, phá vỡ được rất nhiều các tổ giao liên của Việt Minh và ngăn chặn được rất nhiều vụ đột kích của du kích quân. Và nền an ninh của vùng Phát Diệm được bảo đảm, dù có tới 40000 quân chính quy Vệ quốc đoàn xuất quân và kịch chiến nhiều trận với quân đội Pháp và tiểu đoàn 18 ở những vùng sông Đáy chung quanh Phát Diệm.
Vùng Phát Diệm vẫn duy trì được tình trạng an ninh sau khi tỉnh Ninh Bình được chính thức thiết lập. Sỡ dĩ tình hình được tốt đẹp như vậy là nhờ anh em Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc ở các xứ đạo vẫn tiếp tục hợp tác với lực lượng Bảo Chính Đoàn và Công an của tòa tỉnh trư ởng Ninh Binh mới được thành lập, sau khi Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, tình hình chiến sự bắt đầu sôi động lại khi sư đoàn 304 và 316 của Việt Minh kéo về hoạt động mạnh ở vùng đồng bằng Bắc Việt và đêm ngày 26 năm 1952, Việt Minh đã mở một cuộc đột kích vào vòng ngoài của vị trí đóng quân của Pháp ở Trì Chính. Một điểm đáng chú ý là chúng không xâm nhập vào khu An Toàn Phát Diệm, nhưng vì chúng đã ‘thụt’ bích kích pháo từ khu vực nhà thương của dòng Đức Bà Truyền Giáo ở Phú Vinh, bắn vào đồn Trì Chính, nên quân đội Pháp đã phản pháo bằng đại bác.
Mức thiệt hại về vật chất của dân chúng ở thị xã Phát Diệm được coi như không đáng kể, ngoại trừ ngôi nhà lầu được dùng làm bộ chỉ huy của tỉnh bộ Bảo Chính Đoàn ở ngay đầu đường vào khu An Toàn bị mìn phá xụp đổ. Số thiệt hại về nhân mạng thì chỉ có gia đình người chị thúc bá của tôi, ở gần nhà thương bị trúng đạn đại bác của Pháp làm cho 5 người bị thiệt mạng.
Tình hình Phát Diệm trở lại yên tĩnh ngay sáng ngày hôm và theo tin tức nhận được thì Việt Minh bị thiệt hại nhiều vì rút quân quá muộn sau khi mặt trời mọc, nên chúng bị phi cơ Pháp truy kích kịch liệt và sau trận đột kích này quân đội Liên Hiệp Pháp đã điều động tiểu đoàn bộ binh người Algérien về đóng ỏ Trì Chính và tiểu đoàn 5 Lê Dương về đóng ở Phúc Nhạc. Tình hình ở khu vực chung quanh Phát Diệm được coi như ‘tương đối’ an ninh trong một thời gian và những vùng ở xa Phát Diệm, du kích Việt Minh bắt đầu trở lại hoạt động một phần nào.
Tình hình chiến sự ở Bắc Việt nói chung đã trở nên sôi động hơn sau một thời gian 3 năm mà quân đội Pháp chỉ chiếm đóng một số thành phố, thị xã và không dám mạo hiểm hành quân mở rộng ra khỏi vị trí đóng quân, trong khi đó chiến thuật của Việt Minh áp dụng là ‘chạy’ chứ không chịu nghênh chiến và chỉ chú trọng vào công tác tiêu thổ kháng chiến và kiểm soát vùng nông thôn cùng giữ vững tinh thần trường kỳ kháng chiến của dân chúng.
Nhưng kể từ ngày Mao Trạch Đông chiếm được lục địa Trung Hoa và thống chế Tưởng Giới Thạch cùng tàn quân của quân đội Trung Hoa Quốc Gia đào tẩu sang Đài Loan, Việt Minh thay đổi chiến lược chú trọng vào việc tấn công các vị trí đóng quân của Pháp và đạt được nhiều tiến bộ về quân sự, nhờ Mao Trạch Đông ra lệnh cho hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, giáp giới Việt Nam viện trợ vũ khí, đạn dược và lương thực.
Vào hồi tháng 2 năm 1950, sau khi Trung Hoa ký kết hiệp ước Liên Minh Tương Trợ với Liên Sô, Mao Trạch Đông cử tướng Lã Quý Ba sang Việt Nam làm cố vấn cho Võ Nguyên Giáp và nhiều chuyên viên Trung Cộng đủ mọi ngành cũng được cử sang làm cố vấn cho bộ đội Việt Minh xuống tới cấp đại đội. Đồng thời một số sĩ quan Việt Minh cũng được cử sang Trung Hoa thụ huấn về quân sự.
Tình hình biên giới Hoa Việt trở nên khẩn trương, ngày 15-9-1950, đồn Đồng Khê trên đường thuộc địa số 4 giữa Lạng Sơn và Cao Bằng thất thủ, trên 3000 quân Pháp đóng ở vùng này phải rút đi và chỉ có 200 người chạy trốn được về miền dưới. Quân Pháp nhẩy dù xuống cứu đồn Đông Khê nhưng không tái chiếm được.
Đến ngày 8-10-1950, quân Pháp rút quân từ Cao Bằng bằng đường thuộc địa số 4 nhưng bị chận đánh ở Đông Khê, 2000 quân Pháp vừa bị chết hoặc bị bắt làm tù binh, chỉ có 1000 quân trốn thoát, rồi đồn Thất Khê cũng thất thủ, Thái Nguyên cũng chịu chung một số phận.
Riêng tại Thất Khê và Cao Bằng, Pháp mất 75 sĩ quan, 292 hạ sĩ quan và 2949 lính. Ngày 18-10-1950 quân Pháp bắt đầu rút lui khỏi Lạng Sơn và 2 tuần lễ sau quân Pháp cũng rút khỏi Lao Kay kéo quân về đóng ở Lai Châu.
Quân đội Pháp đóng dọc biên giới Việt Hoa phải rút về miền đồng bằng và tướng Trung Cộng Lã Quý Ba tỏ ra hoan hỉ về chiến công của Việt Minh, giúp cho Trung Hoa thoát khỏi áp lực của quân đội Pháp đóng dọc theo biên giới, quân đội Pháp được Hoa Kỳ viện trợ rất mạnh về không quân, nên Việt Minh bị thiệt hại nặng trong những trận tấn công các đồn quân Pháp đóng ở miền đồng bằng.
Nhất là trong trận đánh ở Ninh Bình, nguyên trận đột kích vào Phát Diệm, Việt Minh bị thiệt hại rất nặng vì bị phi cơ Pháp dùng bom napalm đốt phá khi bộ đội Việt Minh tháo chạy giữa ban ngày trên cánh đồng không mông quạnh giữa Phát Diệm và Yên Mô.
Trận Việt Minh đột kích vào Phát Diệm ngày 26-6-1952 là lần đầu tiên Phát Diệm nếm mùi chiến tranh thực sự. Từ đó về sau cho tới trận tấn công toàn diện trước khi Điện Biên Phủ thất thủ, đưa đến gần một triệu dân Việt miền Bắc phải di cư vào miền Nam, khi đất nước bị chia đôi, Phát Diệm không hề bị tấn công trực diện mà chỉ bị du kích Việt Minh xâm nhập dần.
Sỡ dĩ được như vậy là vì tướng Lã Quý Ba biết mình tính lầm về khả năng truy kích của không quân Pháp nên cố vấn cho Việt Minh thay đổi chiến lược tìm cách dụ quân Pháp tiến vào vùng rừng núi.
Pháp bị mắc bẫy vì tin tưởng rằng Việt Minh không thể tấn công vào các vị trí đóng quân của Pháp sau dẫy núi Trường Sơn, cho rằng Việt Minh sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp vận lương thực vì dân thưa thớt ở miền rừng núi, và việc tiếp vận súng ống lên miền núi là điều Việt Minh không thể thực hiện được.
Nhưng Pháp đã lầm vì Việt Minh đã dùng hàng ngàn, hàng vạn xe đạp để ‘thồ’ lương thực và đạn dược, tiến qua các vùng rừng núi nhanh đến nỗi quân Pháp không kịp trở tay và cũng từ đó đưa đến trận Điện Biên Phủ mà Pháp đã thua trận và quân đội Phap đầu hàng vô điều kiện.
Trong chiến lược dụ quân Pháp tiến vào sau dẫy núi Trường Sơn, Việt Minh đã mở 3 chiến dịch lớn ở Lào, chiến dịch thứ nhất tấn công vào Luang Prabang, thủ đô của vương quốc Lào. Việt Minh đã tiến quân tới cách Luang Prabang 50 cây số về hướng Bắc.
Để cắt đường tiếp tế của bộ đội Việt Minh từ Việt Nam sang Lào, quân Pháp cho 6 tiểu đoàn nhẩy dù xuống Điện Biên Phủ, nhưng Việt Minh lại ngưng tấn công vào Luang Prabang và mở luôn chiến dịch thứ hai tung quân chiếm đóng Thakhek ở Trung bộ xứ Lào và tiến quân xuống Hạ Lào, buộc Pháp phải chia quân ra trấn giữ miền Nam Lào và xử dụng một số lớn phi cơ vào việc tiếp tế.
Rốt cuộc Việt Minh lại tấn công vào Luang Prabang một lần nữa, tiến quân xuống chỉ còn cách thủ đô này 35 cây số. Quốc Vương xứ Lào phải sang lánh nạn ở Thái Lan. Pháp lại thả dù thêm quân xuống Điện Biên Phủ, hòng chặn hậu chiến tuyến bao vây thủ đô Lào của Việt Cộng.
Trong số biệt kích Pháp đưa lên Điện Biên Phủ có một đơn vị gồm toàn thanh niên Phát Diệm xung phong đầu quân, nhưng rất may là Pháp lại bốc nhóm này về miền xuôi trước khi Điện Biên Phủ bị cô lập và thất thủ.
Đến giai đoạn này, Việt Minh lại thay đổi chiến lược, không tiến quân chiếm thủ đô vương quốc Lào, nhưng lại dồn quân trở lại bao vây Điện Biên Phủ.
Pháp cho nhẩy dù thêm quân, Việt Minh lại càng bao vây chặt chẽ hơn nữa cho tới ngày súng cao xạ phòng không của các nước cộng sản Đông Âu viện trợ cho Việt Minh đầy đủ hơn, không quân Pháp đành chịu thua, không thể phái phi cơ để thả dù thêm quân hoặc lương thực, xuống Điện Biên Phủ được nữa.
Hơn nữa nhiều đại bác cỡ lớn đã được Trung Cộng viện trợ và bộ đội Việt Minh cùng dân công đã dùng sức kéo băng qua suối, vượt qua đèo đến mặt trận Điện Biên Phủ bắn xối xả vào các cứ điểm quân sự của Pháp.
Ngày 8 tháng 5 năm 1954, sau nhiều đợt Việt Minh xung phong theo chiến thuật biển người, Điện Biên Phủ đã bị tràn ngập và quân đội Pháp phải kéo cờ trắng đầu hàng sau 55 ngày cầm cự. Số thương vong của Pháp tại Điện Biên Phủ vừa chết vừa bị thương là 4000 quân sĩ và 8000 quân sĩ và tướng tá bị bắt làm tù binh.
Sau khi quân đội Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ thì tại Hội Nghị Gevève, Pháp và Việt Minh đạt được thỏa hiệp ngừng bắn thu quân về những khu vực chỉ định. Việt Minh muốn sự chia khu vực được giản dị nghĩa là cắt đôi Việt Nam, theo đó bộ đội Việt Minh ở miền nam vĩ tuyến 17, tập kết ra miền Bắc. Quân đội Pháp và của Việt Nam Cộng Hòa ở miền Bắc rút về miền Nam.
Tuy đạt được thỏa hiệp ngừng bắn ngày 26 tháng 5, 1954 nhưng mãi đến ngày 21 tháng 7 năm 1954 Hiệp Định Genève mới được ký kết, theo đó thời hạn tối đa để rút quân hai bên là 300 ngày kể từ ngày Hiệp Định có liệu lực.
Trước ngày ký kết Hiệp Định Genève độ một tháng, tức ngày 23 tháng 6 năm 1954, chính quyền tỉnh Ninh Bình được lệnh triệt thoát khỏi Phát Diệm và dĩ nhiên là dân chúng cũng ồ ạt triệt thoái theo.
Và đến đây chấm dứt Một Thời Tranh Đấu ở Phát Diệm và Một Thời Tranh Đấu khác chống Cộng Sản Việt Nam được mở ra từ năm 1954 đến năm 1975, và ở hải ngoại từ năm 1975 đến nay.
(còn tiếp)
-
06-19-2022, 05:59 PM #35
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Chương 29
Mấy lời tâm tình của tác giả
Trước khi bước vào giai đoạn tranh đấu chót của một đời người chống Cộng Sản, và khi được bầu lên làm Chủ Tịch Ban Thường Vụ của Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại họp Đại Hội ở Oklahoma City ngày 6 tháng 7 năm 1980 và được tái đắc cử ngày 17 tháng 11 năm 1982 tại Đại Hội ở Bruxelles, thủ đô của Bỉ Quốc, một Ước Chương của Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đã được soạn thảo và được Đại Hội thông qua.
Và đây là những nguyện ước cuối cùng của tác giả đã cả một đời người chuẩn bị hiến thân cho Vận Hội Mới của Đất Nước Việt Nam thân yêu, vận hội mở đường về giải phóng Quê Cha Đất Tổ và Phát Diệm vô cùng mến thương khỏi bàn tay đẫm máu của Cộng Sản Việt Nam, kẻ thù đời nay của Dân Tộc Việt Nam.
Nhưng nay cảm thấy tuổi đã quá cao, nên viết để ghi lại Một Thời Tranh Đấu đã qua để tặng các con cháu thân yêu và tặng các bạn trẻ Việt Nam ở hải ngoại những Nguyện Ước của Người Việt Hải Ngoại với niềm mong ước là chúng ta hãy thấm nhuần lời dặn ‘ba cây chụm lại’ của Tổ Tiên để chu toàn di chúc lịch sử của tiền nhân, phất cao ngọn cờ VĂN HÓA DÂN TỘC để cứu lấy chính mình và cứu lấy nước mình.
NHỮNG NGUYỆN ƯỚC CỦA NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI
Suốt quá trình mở nước và dựng nước, ông cha chúng ta đã đấu tranh gian khổ, vượt mọi thử thách để xác định sự có mặt của mình trong loài người, đồng thời tiếp nối vòng sinh mệnh Việt qua mọi thời đại. Giang Sơn Việt, Dân Tộc Việt và Văn Minh Việt là ba đặc trưng vừa duy trì truyền thống vừa khai triển tương lai cho quốc dân Việt.
Một ngàn năm Bắc thuộc không lay chuyển được văn hóa Việt, ngược lại phong hóa Việt dưới xích nô lệ, càng được tinh lọc, để chẳng những lấy được cái hay của người làm cái hay của mình, mà còn đủ sức đồng hóa luôn kẻ ngoại thù thống trị.
Hơn một thể kỷ xung đột với văn minh duy lý Tây Phương phong hóa Việt có vẻ bị giao động, nhưng tinh túy Việt không hề bị suy suyển. Cộng Sản và tay sai địa phương – Công Sản Việt Nam – chỉ là một hình thái tác hại cuối cùng của văn minh duy lý Tây Phương và nhất định phải bị hủy diệt chính tại miền đất thiêng liêng này, miền đất từng chôn vùi mộng để quốc của Thành Cát Tư Hãn đời xưa và mọi đế quốc đời này.
Mùa xuân năm Ất Mão (tháng tư năm 1975) sau hơn 30 năm tranh đấu, vừa chống thù trong giặc ngoài, lại phải đương đầu với cơn lốc khủng hoảng nhân văn toàn cầu, dân tộc ta đành uất hận để đất nước rơi vào tay để quốc cộng sản qua tay sai của chúng là Đảng Cộng Sản Việt Nam, một bọn tuy còn mang hình Việt, nhưng tâm và trí tuệ đã bị ngoại hóa, đội lốt dân tộc để phản bội dân tộc.
Cộng Sản Việt Nam, kẻ thù đời nay của Dân Tộc ta, đã quyết tâm tiêu diệt phong hóa Việt để thay thế bằng giáo điều Mác-Xít, chối bỏ nguồn gốc Việt để đổi giống làm ‘người vô sản’. Tàn khốc hơn nữa, cộng sản Việt Nam còn chủ trương diệt chủng, dọn đường sản xuất hàng loại người vong bản theo ‘mẫu’ của chúng.
Trước nguy cơ diệt vong mới, Người Việt Hải Ngoại đương nhiên trở thành di sản tinh thần và nhân lực quý giá còn lại của Dân Tộc, ở ngoài tầm tay của bọn diệt chủng. Người Việt Hải Ngoại đương nhiên phải chu toàn di chúc lịch sử của tiền nhân, phất cao ngọn cờ Văn Hóa Dân Tộc để cứu lấy chính mình, cứu lấy dân mình, cứu lấy nước mình.
Để hoàn thành sứ mạng thiêng liêng đó, Người Việt Hải Ngoại, thấm nhuần lời dặn ‘ba cây chụm lại’ của Tổ Tiên, trong sáng suốt và tự do, cùng nhau cao tiếng tuyên xưng và nguyện triệt để thi hành những nguyện ước sau đây.
-Người Việt Nam vốn sinh ra và lớn lên trong Nguồn Văn Hóa Dân Tộc, vốn cư xử và được chỉ hướng bằng những quy luật phát sinh từ nguồn văn hóa nhiệm mầu đó: hiếu hòa nhưng dũng cảm, thích ứng nhưng không chịu đồng hóa, giữ truyền thống nhưng luôn luôn cầu tiến. Bởi thế, Người Việt Hải Ngoại nhất định tuyên xứng những ấn tín văn hóa như một xác quyết không dời đổi về thân thế của mình, về nguồn gốc của dân tộc mình.
-Người Việt Hải Ngoại, dù tạm thời phân tán khắp mặt địa cầu, dù tạm thời không được quần tụ trên cùng một mảnh giang sơn, dù phải tạm thời mang quốc tịch khác nhau, vẫn là một khối toàn vẹn, vẫn là đồng bào ruột thịt trong đại khối Quốc Dân Việt Nam Con Rồng Cháu Tiên, đời đời làm chủ giải đất hình chữ S trên bờ Biển Đông, Châu Á.
-Người Việt Hải Ngoại là thành tố lớn, là yếu tố chính trong sứ mạng vận động lịch sử Việt Nam, quyết không để cho bọn vong bản lũng đoạn hay độc quyền xoay chuyển lịch sử. Chế độ nào cũng chỉ nhất thời; con người mới là cứu cánh. Chế độ bạo tàn, đầy đọa người, giết người, ta nhất định chống. Chế độ hợp lòng người, của dân, do dân và vì dân, ta hết lòng vun đắp.
-Người Việt Hải Ngoại quyết tâm làm rạng rỡ di sản của Tổ Tiên, tinh lọc, triển khai và bồi dưỡng, văn hóa của dân tộc, truyền lại cho đời sau một Gia Tài Việt phong phú, lấy đó làm chỗ dựa chống trả những cơn lốc tha hóa trên miền đất tạm trú, và nhất là để tiếp nối dòng sinh mệnh Việt Nam.
-Người Việt Hải Ngoại không quên câu ‘Nhiễu điều phủ lấy giá gương’ luôn luôn thể hiện tình đồng bào thắm thiết và giữ vững niềm tin tự hào của dân tộc trong cộng đồng bản xứ. Người Việt quyết tâm duy trì các sinh hoạt văn hóa, để thể hiện tình xóm làng đùm bọc và cụ thể hóa nghĩa tương thân tương trợ trong tin yêu, hài hòa.
-Người Việt Hải Ngoại quyết tâm xây dựng một nền tảng gia đình Việt Nam hòa thuận và tương ái, trên kính dưới nhường, đan mạng lưới yêu thương trong tông tộc, truyền dạy ngôn ngữ Việt, lịch sử Việt, chính khí Việt, phong tục Việt, lấy đó làm căn bản cho niềm hãnh diện Việt, làm sợi dây ràng buộc gia đình Việt, vốn là nơi nương tựa tình cảm và đạo đức cho cuộc sống.
-Người Việt Hải Ngoại quyết giữ tâm chất Việt, tăng tiến trí tuệ Việt và tình tự Việt để duy trì gốc rễ Việt của từng cá nhân. Quyết sống khiêm nhường lương thiện và tự trọng, xứng đáng là hậu duệ của anh hùng liệt nữ Việt, luôn luôn sáng suốt và hào hùng để chuẩn bị hiến thân cho Vận Hội Mới của Đất Nước, vận hội mở đường về Quê Cha Đất Mẹ.
-Người Việt Hải Ngoại nguyện sát cánh nhịp nhàng với các trào lưu tiến bộ, phát triển mọi sắc thái cao đẹp của Dân Tộc, đóng góp vào hướng đi lên của Thời Đại và vận mệnh của Con Người, cùng với các dân tộc bản xứ xây dựng một Đạo Sống Nhân Bản, giúp nhau giải quyết cuộc khủng hoảng nhân văn hiện tại; dấn thân với thời thế để xây dựng xã hội và làm chủ lịch sử.
-Người Việt Hải Ngoại có bổn phận – chính mình và dạy bảo con cháu – triệt để tri hành những nguyện ước này.
-Mỗi bước truân chuyên của Dân Tộc là một lần phải quy chiếu Di Chúc của Tổ Tiên để tìm một đường đi thích hợp. Mỗi biến động của nhân loại là một lần ta phải nhận định kỳ thân thể mình để định hướng Lịch Sử và Văn Hóa.
Người Việt Hải Ngoại từ khổ đau đi tìm sự Sống cho chính mình và cho Dân Tộc. Người Việt Hải Ngoại chúng ta lấy chí Nhân thắng cường bạo, viết lên trang sử Dựng Người Cứu Nước, Xây Tương Lai.
Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư
-
09-21-2022, 09:20 AM #36
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
-
09-21-2024, 11:41 AM #37
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Các nhận xét về sách "Một thời tranh đấu"
* Linh mục Nguyễn Gia Đệ
Phó bí thư của Đức Cha Lê Hữu Từ, phó chỉ huy trưởng Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc
" Cuốn Một Thời Tranh Đấu anh thu thập tài liệu viết ra đầy công phu, và tôi thiết nghĩ chỉ có anh mới biết rõ những đảng phái, những hành động và những chi tiết về Tự Vệ Cộng Giáo, trong thời kỳ trước và sau Đức Cha Lê Hữu Từ ở khu an toàn Phát Diệm."
* Cựu Trung Tướng Phạm Quốc Thuần
" Cảm ơn anh chị Thư. Cảm ơn nhân dân Phát Diệm. Tôi nghĩ lại trong thời gian hơn một năm, chỉ huy từ cấp trung đội tới đại đội thuộc Tiểu Đoàn 18 VN - Bình Xa, Nhân Sơn và Điền Hộ, không một tên du kích Vẹm nào quấy nhiễu..."
"Cảm ơn anh đã cho cuốn Một Thời Tranh Đấu..."
* Cựu Đại Tá Nguyễn Quốc Quỳnh, chỉ huy trưởng trường Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt
" ...và để nhớ lại "Một Thời Tranh Đấu" như anh có nhã ý tặng, đã thức khuya nhiều đêm đọc sách. Khâm phục anh nhớ nhiều tuy sắp bát tuần khánh thọ... Xin gửi lời thăm và hoan hô chị đã có đoạn văn rất hay, gây xúc động, mô tả chuyến đi vượt biển tìm tự do thời 48 - 50 từ Phát Diệm tới Hải Phòng."
* Nhà văn Xuân Vũ
" Đọc sách tôi thấy tác giả đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu gay gắt với cộng sản trong giai đoạn kháng chiến, trong các lãnh vự lý luận, chính trị lẫn quân sự... Tôi lấy làm sung sướng được nói lên cảm xúc của tôi, một độc giả của bình luận gia cũng là nhà cách mạng Nguyễn Đình Thư, từ thuở thanh xuân chí ư bạch phát, luôn luôn hy sinh chiến đấu cho độc lập tổ quốc...
Chúng ta thấy rõ trái tim của Cụ Nguyễn Đình Thư trải ra thành từng giòng chữ thắm đỏ trên những trang giấy này..."
Ký giả Nguyễn Trọng, cựu chủ tịch sáng lập nghiệp đoàn ký giả Việt Nam
" Chàng thanh niên 23 tuổi đời ngày xưa, nay đã để lại cho hậu thế những trang kỷ niệm oai hùng đầy nước mắt, để lại những bài học tranh đấu chống cộng quý giá, thực tiễn và mãi mãi được coi là một chứng tích và một sử liệu..."
Similar Threads
-
khi Cô Cô thời nay vào bếp...
By visabelle in forum Tiếu LâmReplies: 0Last Post: 04-19-2020, 09:41 AM -
... Một thời để NHỚ ...
By NguyetHa in forum TruyệnReplies: 46Last Post: 06-06-2017, 01:43 PM -
Thú vui đấu chó tại việt nam làm khách du lịch ghê sợ
By Dân in forum Quê Hương TôiReplies: 0Last Post: 11-19-2013, 04:58 PM -
Peru : Di tích lịch sử
By Lotus in forum Lượm Lặt Khắp NơiReplies: 0Last Post: 08-04-2013, 02:07 PM -
Du lịch bụi Budapest
By Mướp Hương in forum Du LịchReplies: 10Last Post: 12-23-2012, 03:42 PM