Register
Results 1 to 10 of 36

Hybrid View

  1. #1
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852

    Một thời tranh đấu - Hồi ký lịch sử

    Một Thời Tranh Đấu

    Hồi ký lịch sử 1942-1954


    Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư


    Mục Lục


    1-Phát Diệm, quê hương tôi, một địa linh, nhân kiệt và kỳ quan

    2-Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc

    3-Trận đói kinh khủng năm Ất Dậu

    4-Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc lập chiến khu

    5-Mặt trận VNCGCQ chống Pháp chống Nhật

    6-Việt Minh cướp chính quyền

    7-Lễ trao kiếm tượng trưng thần quyền

    8-Tranh luận với Phạm Văn Đồng về lý thuyết xã hội Công Giáo và học thuyết cộng sản vô thần

    9-VNCGCQ và Mặt Trận Việt Minh sau cách mạng mùa thu 1945

    10-Tổ chức và võ trang các đoàn thể CGCQ

    11 Việt Minh chủ trương Giáo Hội Việt Nam tự trị

    12-Chiến tranh tuyên truyền giữa CGCQ và Việt Minh

    13-Giám Mục Lê Hữu Từ, thày dòng khổ tu

    14-Giám Mục Lê Hữu Từ, cố vấn chính phủ

    15-Phát Diệm, Bùi Chu chống tiêu thổ vá tản cư

    16-Các đảng phái quốc gia tranh đấu sát cánh với Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc Phát Diệm

    17-Những cuộc xô xát đẫm máu xảy ra tại Phát Diệm

    18-Việt Nam Quốc Dân Đảng và Phát Diệm

    19-Thuyền nhân đầu tiên trong lịch sử tị nạn cộng sản

    20-Thoát khỏi tay xích quỷ, sa vào quỹ đạo đau khổ của bạch quỷ

    21-Hãnh diện về cảnh vào tù ra khám dưới thời thực dân Pháp

    22-Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào

    23-Mấy ai là kẻ không thầy. Thế gian thường nói đố mày làm nên

    24-Tinh thần chống cộng mạnh hơn bao giờ hết

    25-Cha Tổng Hoàng Quỳnh, một linh mục, một đồng chí cách mạng

    26-Quân Pháp đổ bộ chiếm đóng Phát Diệm

    27-Phát Diệm – Bùi Chu trở thành khu tự trị

    28-Tổng Bộ Tự Vệ hoàn tất nhiệm vụ

    29-Mấy lời tâm tình của tác giả
    Last edited by frankie; 05-13-2022 at 11:56 AM.

  2. #2
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Chương 1


    Phát Diệm, Quê Hương Tôi, Một Địa Linh, Nhân Kiệt và Kỳ Quan


    Trong ký ức của người dân Phát Diệm phải rời bỏ quê hương ra đi lánh nạn cộng sản đây hơn nửa thế kỷ, Phát Diệm với đồng ruộng bao la đầy những giẽ lúa vàng nặng chĩu, với phố xá nguy nga sầm uất trên bến dưới thuyền, với những làng xóm hiền hòa trải dài trên những con sông đào thẳng tắp, với muôn giáo đường đình chùa, với những truyền thống tôn giáo lâu đời, với những truyền thống cách mạng biểu lộ lòng ái quốc của dân Phát Diệm qua các thời đại,

    Phát Diệm được tẩm mồ hôi của vô số bậc tiền nhân đã biến biển Đông thành đồng ruộng phù sa phì nhiêu mầu mỡ, những đồng trồng cói bao la bát ngát, đã biến Phát Diệm thành một thắng cảnh tuyệt đẹp với những kiến trúc phẩm thuộc những hạng kỳ quan góp mặt cùng thế giới.

    Phát Diệm nói riêng và Kim Sơn nói chung được khẩn hoang và trở nên trù phú nhờ công ơn cao dầy của cụ Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ, một nhân kiệt đã có sáng kiến và đổ công sức đôn đốc khai khẩn biến biển Đông thành những ruộng lúa phì nhiêu từ năm 1829 tức năm Minh Mạng thứ mười; nhân dân Phát Diệm, nhất là thanh niên Phát Diệm được thừa hưởng tinh thần của cụ Nguyễn Công Trứ mà văn sử học Việt Nam tặng cụ canh hiệu ‘Nhà thơ của Chí Nam Nhi’ vì cụ đã để lại cho hậu thế tinh thần ‘Chí làm trai’ với những lời kêu gọi hào hùng:

    Vòng Trời Đất dọc ngang, ngang dọc.
    Nợ tang bồng vay trả trả vay
    Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây
    Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn biển

    Linh mục tiến sĩ Thanh Lãng trong Bản Lược Đồ Văn Học Việt Nam đã trình bày về động cơ thúc đẩy ‘Chí Làm Trai’ của cụ Nguyễn Công Trứ như sau: ‘So với Lão và Nho, có lẽ ở thế hệ này (Thế hệ Nguyễn Công Trứ) Phật Giáo ít ảnh hưởng hơn cả. Cảm ứng ở Phật Giáo chưa mất hẳn trong văn thơ, nhưng tương đối không có bao nhiêu so với văn học thời giác loạn hay văn học thế hệ Nguyễn Du… Ngược lại, tư tưởng Nho Giáo bộc phát đến cực độ. Quan niệm về người quân tử, về người anh hùng, về kẻ làm trai ở đời đã vươn đến tột đỉnh. Một sức sống hào hùng lý tưởng say sưa như tràn ngập tâm hồn,’ và thanh niên Phát Diệm trong nhiều thế hệ đã được thấm nhuần trong quan niệm này của cụ Tiên Điền Nguyễn Công Trứ.

    Ngoài ra, dân Phát Diệm cũng rất tự hào về một thắng cảnh tuyệt đẹp nhở ở sức lao động khủng khiếp của các bậc tiền nhân và óc thẩm mỹ cao độ tạo ra những kiến trúc phẩm hùng vĩ nguy nga với quần thể 6 giáo đường bằng đá và gỗ được quan niệm là kỳ quan thứ 8 sau 7 kỳ quan của thế giới được công nhận trong lịch sử kiến trúc của nhân loại.

    Làm sao chúng tôi, dân Phát Diệm quên được công ơn của một nhân kiệt Phát Diệm là cha Trần Lục tục xưng là Cụ Sáu, linh mục chính xứ Phát Diệm, từ năm 1864 được vua Tự Đức, tuy ghét đạo nhưng không thể không phục Cụ Sáu, nên phong cho Cụ tước Chấp An (cầm giữ bình an) với Kim Khánh và Kim Tiền. Vua Đồng Khánh cũng sắc phong cho Cụ Sáu chức Tham Tri Bộ Lễ và Khâm Sai Tuyên Phủ Sứ, vì thế dân Phát Diệm thường gọi Cụ Sáu là Cụ Lớn Khâm. Vua Thành Thái cũng trao tặng chức Lễ Bộ Thượng Thư và năm 1925, vua Khải Định nhớ công ơn Cụ Sáu, truy tặng chức Phát Diệm Nam Tước.

    Trong chức vụ linh mục chính xứ Phát Diệm, Cụ Sáu đã kiến tạo những công trình kiến trúc vĩ đại bất hủ là Quần Thế 6 giáo đường theo kiến trúc mỹ thuật Việt Nam để tôn vinh Thiên Chúa, để phục vụ khát vọng tín ngưỡng, nhu cầu cầu nguyện và nhu cầu phục vụ tha nhân.

    Công trình xây cất vĩ đại này để làm vẻ vang cho Tổ Quốc Việt Nam và cho nhân dân Phát Diệm, hơn thế nữa Cụ Sáu cũng là một nhà kiến trúc siêu đẳng về mặt giáo dục nhân bản và đạo lý với những bài văn giáo huấn và một tập thi ca nhan đề Hiếu Tự Ca, mà dân Phát Diệm thường gọi là Vè Cụ Sáu. Tập Hiếu Tự Ca này gồm 1088 câu thơ Lục Bát, thỉnh thoảng có chen vào hai vế Song Thất.

    Theo lời Bà Nội tôi kể lại là khi bắt đầu đổ nền xây móng nhà thờ Phát Diệm, mỗi buổi chiều, dân Phát Diệm già trẻ lớn bé đều kéo nhau tới góp công xây dựng nhà thờ, đồng thời để được Cụ Sáu dạy học Hiếu Tự Ca với những lời mở đầu bằng 4 câu khai bút khuyến cáo:

    Mấy lời hiểu tự nói qua
    Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn
    Làm người sống ở thế gian
    Ai không đội đức cao san nặng dầy

    Dân Phát Diệm được Cụ Sáu dạy dỗ sống với niềm tin vào Thiên Chúa và biết công ơn mẹ cha đã sinh dưỡng phù trì:

    Phần hồn thì Chúa sinh ra,
    Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành
    Phụ tình mẫu huyết đúc hình
    Cho ta toàn vẹn mà sinh làm người.

    Phát Diệm lại hân hoan được tiếp nhận một nhân kiệt khác nữa là Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, vị Giám Mục Công Giáo tiên khởi Việt Nam được Tòa Thánh Vatican cử về cai quản địa phận. Đây là địa phận công giáo đầu tiên ở Việt Nam có giám mục là người Việt Nam nổi danh là một nhà hùng biện đã giảng thuyết bằng tiếng Pháp trên tòa giảng của những nhà hùng biện nổi danh nhất nước Pháp như Bossuet, Bourdaloue và Lacordaire tại nhà thờ Notre Dame ở Paris bên Pháp Quốc.

    Phát Diệm là một địa linh được đánh dấu bởi những nhân kiệt như các cụ Tiên Điền Nguyễn Công Trứ, cụ Lớn Khâm, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng và đặc biệt những nhân kiệt của thời đại gần đây nhất là Đức Cha Lê Hữu Từ, Đức Cha Phạm Ngọc Chi, cha Tổng Hoàng Quỳnh và Đức Cha Bùi Chu Tạo, nguyên Giám Mục, địa phận Phát Diệm cùng với những bậc chân tài đạc đức khác.

    Phát Diệm là một địa linh theo ý nghĩa giáo phận Phát Diệm thấm nhuần Chân Lý Phúc Âm từ thế kỷ thứ 16 với nhân kiệt đã đặt ‘viên đá đầu tiên’ của nền văn minh Kitô giáo là giáo sĩ Đắc Lộ, một linh mục thừa sai người Bồ Đào Nha, người đã được vinh danh là cha đẻ của chữ quốc ngữ mà chúng ta đang dùng ngày nay. Trong cuốn lịch sử cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài (Bắc Việt Nam) từ năm 1627 đến năm 1646, cha Đắc Lộ cho biết là trên đường tiến ra kinh đô Thăng Long, ngài đã đi qua cửa Thần Phù, đã giảng đạo tại Văn Nho nay được gọi là xứ HIếu Thuận, những nơi này đều thuộc địa phận Phát Diệm.

    Là con cháu của những bậc tiền nhân đã góp mồ hôi và xương máu vào công cuộc khẩn hoang Phát Diệm cùng xây dựng những kiến trúc phẩm vĩ đại được coi là một kỳ quan của thế giới, tôi rất tự hào là đã đóng góp được phần nào vào công cuộc tranh đấu cho Phát Diệm, cho quê hương thân yêu của tôi mà nhà thơ Đinh Bảng đã gợi hứng thơ mộng:

    Quê nhà ta ở phương nào mẹ nhỉ?
    Có phải Cúc Phương,rừng nguyên thuỷ âm u
    Hay núi đá Tam Điệp và động Hoa Lư
    Ra cửa bể Kim Đài nghe Ninh Cơ sóng dậy
    Về phủ Nho Quan, Kiến Thái, Cồn Thoi
    Mẹ cong lưỡi chữ R… Phát Diệm
    Mỗi lần dậy con dâng hạt dâng hoa
    Lần chuỗi Mân Côi kính nhớ Đức Bà
    Vâng con vẫn nhớ lời khuyên của mẹ



    Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư
    tự
    Nguyễn Đình Minh
    Last edited by frankie; 05-13-2022 at 03:05 PM.

  3. #3
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Chương 2


    Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc


    Năm 1940, sau khi nước Pháp bị Đức Quốc Xã chiếm đóng ở bên trời Âu thì tại Đông Dương, Đô Đốc Decoux thời bấy giờ là toàn quyền Pháp bị áp lực của Nhật Bản, một đồng minh của Đức Quốc Xã, đòi đem quân đội Thiên Hoàng vào Bắc Việt để đánh tập hậu và chặn đường tiếp tế của quân đội Tưởng Giới Thạch ở miền Nam Trung Hoa, thực dân Pháp đã thỏa thuận cho quân đội Phù Tang mượn hải cảng Hải Phòng làm trạm dừng quân, mượn các căn cứ quân sự Gia Lâm, Lào Kay, Phủ Lạng Thương và Lạng Sơn để hành quân kiểm soát con đường tiếp tế cho Trung Hoa.

    Khi quân đội Nhật Bản tới chiếm đóng Lạng Sơn thì người dân Việt nào cũng đều nghĩ tời Kỷ Ngoại Hầu Cường Để, một lãnh tụ của Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, rể của Hoàng Tộc Phù Tang, hy vọng quân đội Thiên Hoàng giải phóng Việt Nam dành độc lập cho đất nước và một cuộc họp được triệu tập tại nhà xuất bản Á Châu, ở dốc Hàng Than gần đê Yên Phụ ở Hà Nội giữa nhà thơ Hồ Dzếnh và ba thanh niên Phát Diệm: Nguyễn Đình Minh tức Nguyễn Đình Thư, Trần Ngân tức Trần Bằng Phong và Nguyễn Duy Diễn.

    Đây là bộ bốn người bạn nối khố, con chấy cắn đôi làm gì cũng có nhau, cuộc họp này có mục đích nhận định tình hình chung của đất nước và chúng tôi tỏ ra xúc động với hy vọng có thể hợp tác được với Nhật Bản trong cuộc chống thực dân Pháp dành độc lập cho Việt Nam, nhưng Hồ Dzếnh tỏ ra tình bơ kể lại cho anh em nghe câu chuyện:

    Sau vụ xung đột quân sự ở Lư Cầu Kiều ở bên Tàu năm 1937 và Nhật Bản bắt đầu xâm chiếm Trung Hoa, tôi là một thanh niên lai, bố Tầu mẹ Việt, đã hăng say trở về Tầu, gia nhập đoàn quân của Thống chế Tưởng Giới Thạch, xung phong kháng Nhật cứu quốc và khi chiến đấu ở bên Tàu, tôi được biết những chuyện hiếp dâm và tàn sát tập thể của quân đội Nhật Bản ở thủ đô Nam Kinh….

    Câu chuyện Hồ Dzếnh kể lại làm cho mọi người có cảm tưởng là quân đội Nhật Bản tàn ác và sau này sự thực đã xẩy ra đúng như vậy, vì sợ quân lực Đồng Minh đổ bộ, Nhật Bản bắt đầu tích trữ lương thực và bắt thực dân Pháp nộp lúa gạo, gây ra trận đói năm Ất Dậu (1945) làm cho hơn 2 triệu dân bị chết đói.

    Tuy nhiên các vụ nổi dậy và bạo động của dân Việt nổi lên chống thực dân Pháp ở Sài Gòn, Cần Thơ, Rạch Giá, Bặc Liêu, Đồng Tháp Mười vào năm 1940, tại Đò Lương, Nghệ An năm 1941, quân Pháp đã phải dùng đến bom, đạn để triệt hạ, làm cho lòng ái quốc của dân Việt tăng lên rất nhiều và cũng nhờ quân đội Nhật Bản kích thích rất mạnh với mục đích đẩy thực dân Pháp đến chỗ cùng đường.

    Sau ngày căn cứ hải quân Hoa Kỳ Pearl Harbor bị không quân Nhật Hoàng tấn công ngày 7 tháng 12 năm 1941 và Hoa Kỳ khai chiến với Nhật Bản, quân đội Nhật Bản chiếm đóng hoàn toàn bán đảo Đông Dương và từ đó chiếm đóng khắp vùng Đông Nam Á Châu và Khối Thịnh Vượng Chung được Nhật Bản phát động. Đúng vào thời điểm này, bộ ba Minh, Ngân và Diễn được tăng cường thêm cha Hoàng Quỳnh, tuyên úy của phong trào Công Giáo Tiến Hành địa phận Phát Diệm và ‘nhà tôi’ Tuyết Minh nhập bọn, sau lễ kết hôn của chúng tôi ngày 22 tháng 1 năm 1942.

    Tình hình đối với Giáo Hội Công Giáo, nhất là sau vụ dân chúng ở Nghệ An và Đò Lương nổi dậy và bạo động chống thực dân Pháp, được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, chúng tôi nhận thấy có một phong trào chống Công Giáo giống như Văn Thân ngày trước, bắt đầu được dấy lên tại Thanh Hóa, nhiều tin phao đồn được tung ra nói các bà mụ (nữ tu dòng Mến Thánh Giá) và người công giáo đi bỏ thuốc độc ở các giếng nước ở huyện Thạch Thành và Nông Cống, do đó dân được cử ra canh giữ và người công giáo ở vùng này bị nghi ngờ và bị theo rõi.

    Một nhận định được nêu ra là nếu Phát Diệm không có hoạt động thích hợp thì chắc chắn dân công giáo sẽ bị mang tiếng là không đóng góp gì trong công cuộc giải phóng quốc gia, do đó Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc được thành lập, tuy mang tên Cứu Quốc nhưng không có liên hệ gì trong giai đoạn đầu với phong trào Việt Nam Đồng Minh Hội tức Việt Minh mới được thành lập ở Thái Nguyên cuối năm 1941.

    Một điểm khác cũng được nhận định thêm là đường lối tốt nhất để gây được ảnh hưởng đi sâu vào quần chúng là làm việc xã hội và việc thành lập Truyền Bá Quốc Ngữ được nhận định là phương tiện tốt nhất để nâng cao dân trí của dân nghèo mù chữ.

    Được cử lên Hà Nội để xúc tiến thực hiện các lớp học Truyền Bá Quốc Ngữ ở Phát Diệm, tôi và anh Trần Ngân đã tiếp xúc với cụ Nguyễn Văn Tố ở trường của phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ và anh Nguyễn Hữu Đang là tổng thư ký. Được biết phong trào Truyền Bá Quốc Ngũ được chính quyền thực dân Pháp dưới thời toàn quyền Đông Dương Đô đốc Jean Decoux chính thức cho phép thành lập năm 1940, gọi là để bù đắp vào những lỗ hổng của quá khứ với chính sách ngu dân của chế độ thực dân và mở đường cho việc nâng cao chương trình Việt Ngữ ở các trường tiểu học ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam.

    (còn tiếp)
    Last edited by frankie; 05-13-2022 at 03:09 PM.

  4. #4
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852

    Chương 2 (Tiếp theo)



    Một lớp huấn luyện cho các giáo viên của lớp học Truyền Bá Quốc Ngữ được tổ chức ở Phát Diệm do anh Nguyễn Hữu Đang hướng dẫn, với số giáo viên thụ huấn trên 30 người, làm sao chúng tôi quên được những bài học đầu tiên, dạy cho người nghèo mù chữ:

    I tờ giống móc cả hai, i ngắn có chấm, tờ (t) dài có ngang.
    O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu.
    U, Ư hai chữ khác nhau vì Ư có cái móc câu bên mình.

    10 lớp học Truyền Bá Quốc Ngữ được tổ chức tại Phát Diệm với 25 học viên mỗi lớp, chương trình này được kéo dài cho tới ngày Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945. Những lớp học Truyền Bá Quốc Ngữ là cơ sở tốt nhất để truyền bá tinh thần yêu nước bằng những bài học lịch sử nói tới những công cuộc khởi nghĩa đánh quân Tầu của cha ông chúng ta ngày xưa, nhằm cổ võ tinh thần quật khởi của con dân đất Việt nổi lên chống thực dân Pháp, đồng thời hầu hết giáo viên các lớp học Truyền Bá Quốc Ngữ đều được học hỏi về chính trị để trở thành những cán bộ rất đắc lực của Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc sau này.

    Song song với việc tổ chức các lớp Truyền Bá Quốc Ngữ để hoạt động mạnh trong giới nông dân mù chữ. Mặt trận Công Giáo Cứu Quốc Phát Diệm cũng sửa soạn sẵn sàng cho giai đoạn sắp tới là quân đội Đồng Minh có thể đổ bộ lên bờ biển Việt Nam để tiêu diệt quân Nhật, Nên một cuộc hội thảo đã được tổ chức tại nhà các sư huynh La San trong khuôn viên nhà thờ Phát Diệm với một số tham dự viên rất hạn chế.

    Ngoài cha Hoàng Quỳnh, sư huynh Jourdain và mấy anh em đầu não của Mặt Trận như tôi, Trần Ngân và Nguyễn Duy Diễn, còn có một số bạn trẻ cùng lứa tuổi, trong số đó có các anh Đinh Văn Khanh, Trần Huấn, Nguyễn Duy Liên, Lê Bá Kông, Vũ Ngọc Ánh. Tình hình thế giới đã được đem ra phân tích, chú trọng tới tình hình chiến sự giữa quân lực Đồng Minh và Nhật Bản ở vùng Đông Á Châu và Thái Binh Dương và nhiều kế hoạch hoạt động.

    Trong đó có việc mở những lớp học Anh Ngữ do anh Kông phụ trách, vì Anh ngữ được xử dụng trong trường hợp quân lực Đồng Minh đổ bộ vào Bắc Việt, chắc chắn phải qua cửa biển Kim Đài, nơi sông Đáy đổ ra biển Nam Hải, chỉ cách Phát Diệm có 7 cây số. Các tham dự viên cuộc hội thảo đều được yêu cầu giữ kín những kế hoạch được thảo luận vì sợ cả mật thám Pháp, lẫn cơ quan tình báo Kempetai của Nhật Bản gây khó dễ hay bắt giữ.

    Nhưng hỡi ôi! Chỉ ngày hôm sau cuộc họp, nhiều tin đã lọt ra ngoài khốn khó hơn nữa là người anh rể của một tham dự viên lại làm cho cơ quan tình báo Kempetai của quân đội Nhật Bản, nên sau đó ít lâu, tôi và Trần Ngân đã phải chạy một chuyến chối chết mới thoát khỏi tay bọn hung thần Kempetai nổi tiếng với những loại tra tấn kiểu tầu bay (treo người), tầu ngầm (ngâm nước) và xin âm dương (đánh chết lên chết xuống).

    Nhờ phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ mà chúng tôi quen thân với anh Nguyễn Hữu Đang và cũng do đó chung tôi biết rất rõ về mặt trận Việt Minh là chữ tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. Vì biết rõ Mặt trận Việt Minh được lãnh đạo bởi đảng Cộng Sản Đông Dương, một chi thể của Đệ Tam Quốc tế chủ trương vô thần, nên Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc không thể hợp tác với Cộng Sản vô thần được. Vì theo luật lệ của Giáo Hội Công Giáo, những người hợp tác với Cộng sản có thể bị rút phép thông công; nên trên danh sách chính thức của các đảng phái và đoàn thể trong Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội tức Việt Minh không có Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc mà chỉ có ghi tổ chức Công Giáo Kháng Nhật Cứu Quốc do một đảng viên đảng Cộng sản tên Nguyễn Công Chính lãnh đạo.

    Ngày 9/3/1945, Nhật Bản đảo chính Pháp, nền đô hộ của thực dân Pháp xây dựng trên 80 năm bị xụp đổ, tư lệnh quân đội Nhật Bản tuyên bố: ‘Người Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam để cùng nhau xây dựng Khối Đại Đông Á’. Vua Bảo Đại tuyên bố ngày 11/3/1945 hủy bỏ tất cả những hiệp ước ký với Pháp từ xưa và nền độc lập của nước Việt Nam bắt đầu từ đây.

    Các đảng phái thân Nhật công khai xuất hiện: Việt Nam Phục Quốc, Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, Thanh Niên Ái Quốc Đoàn v.v..
    Tiềm lực giải phóng quốc gia của con dân đất Việt liên tục chuyển mình và trong tinh thần ấy thanh niên Phát Diệm bắt đầu tham gia vào công cuộc làm lại lịch sử một cách hăng say hơn nữa.

    Trong thời gian đô đốc Decoux là toàn quyền Đông Dương và thống chế Pétain là quốc trưởng bù nhìn của Pháp ở thủ đô tạm thời Vichy, thực dân tung ra phong trào ‘khỏe’, dưới quyền lãnh đạo của Ducouroy, nhằm ru ngủ thanh niên Việt Nam, các cuộc đấu bóng tròn và thi điền kinh được tổ chức rầm rộ trên khắp lãnh Việt Nam, suốt ngày thanh niên Việt Nam kéo ‘gân cổ’ lên hát bài Quốc Ca Pháp và nhất là bài ‘Marechal, Nous voilà devant toi le Sauveur de la France (Thưa Thống Chế, chúng tôi có mặt đây trước vị Cứu tinh của nước Pháp), nhiều thanh niên đi tham dự các cuộc tập họp này về bắt đầu bàn tán rất nhiều về tinh thần quốc gia của dân Việt và từ đây lòng dân bị trị bắt đầu thức tỉnh dưới sự thúc đẩy của Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc.

    Tinh thần ái quốc của thanh niên được bắt đầu khích động bằng việc liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu mà tôi là liên đoàn trưởng, thường xuyên tổ chức trình diễn văn nghệ với những tấn kịch có tính cách dân tộc nói lên những cực hình dưới thời đô hộ của giặc Tầu kéo dài hàng ngàn năm, mà mọi người đều có thể hình dung ra được những cảnh tù đầy và đàn áp của thực dân Pháp hay của Phát Xít Nhật đối với dân Việt.

    Thêm vào đó lòng căm thù thực dân Pháp và Phát Xít Nhật cũng được khởi động lên khi dân Phát Diệm cùng với liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu tham gia vào chương trình cứu dân nghèo trong vụ đói năm Ất Dậu (1945) làm cho 2 triệu người Việt chết.

    Một trong những lý do gây ra cuộc đói năm Ất Dậu là vì Nhật Bản bắt thực dân Pháp bắt dân Việt Nam phá ruộng lúa để trồng cây đay dùng làm bao tải, bán cho Nhật, hơn nữa trong vụ thu mua lúa gạo để cho quân đội Nhật Bản tích trữ, Nhật đòi 1, thực dân bắt dân Việt nộp 10, gây ra nạn đói vì Pháp chủ trương chính sách chính trị ‘dạ dầy’ tức là một khi đói thì không ai nghĩ tới đánh Pháp cả.

    Tới mùa thu năm nắm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng, nhiều kho gạo chứa hàng trăm ngàn tấn bị phát giác ở vùng núi Chinê ở miền Nho Quan phía Bắc tỉnh lỵ Ninh Bình do quân đội Nhật Bản và thực dân Pháp tích trữ, trong khi đó 2 triệu người Việt miền đồng bằng bị chết đói vì thiếu gạo ăn.

    Một lý do nữa gây ra vụ đói năm Ất Dậu là hải quân Hoa Kỳ phong tỏa dọc suốt bờ biển Việt Nam và không quân Hoa Kỳ ném bom và bắn phá các cầu cống dọc trên quốc lộ số 1 làm cho nền giao thông Nam Bắc Việt Nam bị tắc nghẽn, gây ra cảnh tượng hết sức trái ngược: miền Bắc thiếu gạo ăn, dân chết đói nhưng thừa than đá, trong khi miền Nam thừa gạo ăn nhưng thiếu than đá nên nhà máy điện Chợ Quán ở Chợ Lớn phải dùng lúa gạo thay than đá đốt nồi ‘súp de’ để sản xuất điện lực.

    Hỏi còn mối thù nào thâm sâu hơn mối thù này đối với thực dân Pháp và quân phiệt Nhật Bản làm cho hơn 2 triệu con dân nước Việt bị chết đói.

    (còn tiếp)

  5. #5
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852


    Chương 3


    Trận đói kinh khủng năm Ất Dậu
    (1945)



    Sau trận cuồng phong tàn phá mùa màng ở miền đồng bằng Bắc Việt hồi tháng 9 âm lịch năm Giáp Thân (1944), và bên trời Âu quân đội Đức Quốc Xả đã đầu hàng đồng minh, thực dân Pháp tăng cường việc thu thóc gạo để nộp cho quân đội Nhật Bản ở Bắc Việt, đây là ác tâm của thực dân Pháp muốn áp dụng chính sách chính trị ‘dạ dầy’ đối với nhân dân Việt Nam ở miền Bắc và Bắc Trung Phần, vì rằng hễ dân đói bụng thì họ chỉ nghỉ làm sao tìm ra gạo để nuôi gia đình và không ai nghĩ tới việc chống lại chính quyền thực dân Pháp cả.

    Sau vụ gặt tháng 10 năm 1944, hoa lợi đáng lẽ 3 phần thu về không được 1, trong khi đó chính quyền Pháp ở Bắc Kỳ dưới thời thống sứ Paul Chauvert đi kinh lý ở các tỉnh đốc thúc các quan lại và tổng lý cấp tỉnh, phủ, huyện, tổng và xã phải tận thu lúa thóc, nếu không nộp đủ số lúa thóc đã được ấn định các quan chức và tổng lý sẽ bị thải hồi. Đến đây là giai đoạn khổ não nhất cho giới nông dân, nếu ai không nộp đủ thóc lúa, nhà cửa sẽ bị tịch thu và phá bình địa.

    Một tai họa khác xẩy ra ở miền Bắc là ngày Tết Nguyên Đán năm Ất Dậu, ngày 13 tháng 2 năm 1945, trời chưa bao giờ rét như thế ở Hà Nội, giữa trưa hàn thử biểu xuống 4 độ bách phân tức 40 độ Farenheit, ở bên Hoa Kỳ này thì mức rét này đâu đáng kể, nhưng ở Việt Nam khi không có gạo để ăn thì làm gì có áo ấm để mặc, có củi lửa để sưởi, nên mức cơ cực của người nghèo lên đến cực độ.

    Ngày mồng 1 tháng 3 năm 1945, tức ngày 17 tháng giêng Ất Dậu, các báo ở Hà Nội đăng tin – Nhiều người chết đói quá rồi. Theo nhiều tin ở các địa phương, dân chết hàng vạn. Tại miền duyên hải Bắc Kỳ, ở nhiều nơi, chết cả nhà, cả xóm, hay gần hết cả làng. Nhiều dân quê thiếu ăn, kéo về các thành phố, mong kiếm được cơm ăn. Xác chết nằm lăn ở nhiều ngả đường ngay ở Hà Nội.

    Ngày 4 tháng 3 năm 1945, báo chí ở Hà Nội đăng tin: Nhiều đoàn thể từ thiện quyên tiền, quyên gạo giúp đồng bào đói: từ Tết, riêng tại bãi Phúc Xá, bờ sông Hà Nội, đã cấp 2,500 xuất cơm, 850 áo chẽn bằng bông gạo, 850 nắm xôi.

    Các đoàn Hướng Đạo ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các tỉnh đã phát động chương trình ‘khất thực’, xin cơm để phát cho người nghèo đói. Tình hình đói kém mỗi ngày một thêm bi đát và ban ngày, người ta đi lại nói năng ồn ào làm át tiếng kêu xin, khóc lóc thảm thiết của những người già, trẻ thơ vô tội, về chiều, người đi lại càng ít, tiếng ồn ào giảm dần, chỉ còn lại tiếng kêu đói, tiếng khóc của trẻ thơ nhay vú mẹ không còn sữa, lại ré lên từng hồi nho nhỏ vì còn sức đâu mà khóc.

    Ôi! Những con mắt đau khổ của người chị, anh, mẹ, bế em bế con, chỉ còn trông chờ người hảo tâm đi qua bố thí cho nắm cơm mới cứu được em, được con khỏi chết vì chính người mẹ, người chị cũng đang lả dần vì đói rét, cái rét cóng chết người của mùa đông năm Ất Dậu, chưa từng bao giờ rét như vậy.

    Về khuya, không còn nghe tiếng khóc, rên ở ngoài đường nữa. Có ai biết đâu sự im lặng ấy đã đưa bao người về bên kia thế giới. Khi mặt trời vừa mọc, rải rác trước cửa nhà là những tử thi của người lớn, trẻ con, nhắm mắt không kín, đang được các anh em hướng đạo sinh liên đoàn Cụ Sáu và mấy thanh niên thiện chí thu góp, ‘thẩy’ lên chiếc xe bò do anh em kéo, chở về bãi chợ Năm Dân, Phát Diệm để đem đi chôn. Làm gì có áo quan hay quách, may lắm, mỗi xác chết được bọc trong mảnh chiếu cũ mà thôi.

    Một chương trình ‘khất thực’ được liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu tổ chức, các anh em hướng đạo sinh kể cả sói con và các trưởng chia nhau đi xin các nhà khá giả ở trong thị xã, để dành ra mỗi bữa một chén cơm, nắm thành từng nắm cơm nhỏ, thêm vừng, mè hoặc chỉ có ít muối, mỗi buổi tối anh em hướng đạo đi từng nhà, thu góp các nắm cơm lại, chia nhau đi phát cơm từng khu vực một. Một người đi phát cơm thì phải có 3 người hộ vệ, và những nắm cơm phải giấu kín trong người, nếu không cơm sẽ bị cướp giật ngay. Sau khi phát cơm, anh em lại còn phải hộ vệ cho tới khi người đói ăn xong, lúc đó mới đi chỗ khác.

    Tận mắt thấy cảnh đói khát ở phố thị, tôi và nhà tôi bế con về thăm quê ngoại ở Hòa Lạc cách xa 4 cây số xem có khác gì chăng? Dọc đường đi, cách đây mấy tháng, nhà cửa cây cối còn tươi tốt, mà giờ đây từ đường lớn vào thôn xóm, mọi sự đều xơ xác, nhiều nền nhà nối tiếp bị trơ trụi, cả đến cây cối cũng bị chặt, giậu cây dâm bụt dùng làm ranh giới giữa các nhà chỉ còn trơ gốc và cành lá bị hái hết để làm thức ăn cho đầy bụng mà vẫn không khỏi chết đói. Nhiều người phải rỡ dần nhà đi bán đổi lấy mấy nắm cơm, nhưng cũng chỉ ăn được vài ngày là hết, trở thành vô gia cư đành kéo tới các thị xã, kiếm cơm ăn để rồi lại chết ở dọc đường, chết ở xó chợ.

    Về đến nhà, trông thấy rất đông người tụ tập trước cổng, đang xì xụp húp tô cháo nóng, lách mãi lọt được qua cổng, vào tới sân, thì ông cụ ngoại hạ lệnh cho nhà tôi đưa con cho bà ngoại bế, để giúp đun nồi cháo, cỡ nồi 30 đặt trên 4 cục gạch. Mỗi buổi sáng các cụ đều cho nấu nồi cháo lớn, để phát cho những người trong làng bị lâm vào cảnh thiếu gạo. Công cuộc phát cháo tiếp tục cho tới gần mùa gặt mới chấm dứt, nên rất ít người trong làng bị chết đói.

    Nếu những làng khác, những người giầu có xung phong nấu cháo cho dân đói, như công cuộc phát cháo ở làng Hòa Lạc, số người chết đói có phần nào giảm đi, nhưng vì chiến dịch thu mua lúa gạo của thực dân Pháp, và nhất là lòng tham vô đáy của các hương chức cường hào ác bá, nên số nhà giầu còn trữ được nhiều thóc gạo, chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi.

    Số người chết đói rải rác trên khoảng đường phố chính ở thị xã Phát Diệm dài có 2 cây số rưỡi, có ngày đã lên tới 70 người. Việc chôn người chết đói cộng thêm việc khất thực mỗi buổi tối, bắt đầu vượt sức của anh em hướng đạo sinh, nên tôi nhân danh liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu cùng với cha tuyên úy Hoàng Quỳnh lên trình mọi việc cứu đói với Đức Giám Mục Nguyễn Bá Tòng, giám quản giáo phận Phát Diệm và cha chính Mai Học Lý và đề nghị thành lập Ủy Ban Cứu Tế có tính cách liên tôn giáo và rộng lớn hơn để cứu dân đói một ngày một đông.

    Tháng 3 năm 1945, Ủy Ban Cứu Tế Kim Sơn được thành lập, với ban cố vấn gồm Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, cha chính Lý, cha chánh xứ Mai Đức Thạch, cha Hoàng Quỳnh và Sa Môn Trí Đức, sau này là Thượng Tọa Thích Trí Dũng, trụ trỉ ở chùa nghĩa trang Bắc Việt ở Tân Sơn Nhất, Sài Gòn; tri phủ phủ Kim Sơn Ngô Gia Lễ và các thân hào nhân sĩ như Hàn Quế, cụ Hàn Thành là thân phụ của tôi và cụ Hội Ngọc Ban hoạt động gồm các ông Nguyễn Đức HIệp, Trần Ngọc Ban, Trần Văn Triêm, Phan Như Kim, Trần Ngân (Bằng Phong), Nguyễn Đình Minh (Thư), Nguyễn Duy Chỉ, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Đức Tuy.

    Ủy Ban Cứu Tế đã tích cực hoạt động với sự hợp tác và hỗ trợ của các đoàn thể và đoàn thể nòng cốt trong công cuộc cứu đói vẫn là liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu.
    Ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, Nhật Bản đảo chánh Pháp, ngày 10-3-1945 chính phủ Nhật Bản tuyên bố: ‘Nhật Bản giúp Việt Nam thực hiện độc lập’, ngày 11-3-1945, Viện Cơ Mật Triều Đình Huế tuyên bố: ‘Hiệp Ước Bảo Hộ ký năm 1884 bị bãi bỏ, Việt Nam khôi phục chủ quyền’, ngày 18-3-1945 vua Bảo Đại tuyên bố: ‘Từ nay đích thân cầm quyền theo nguyên tắc ‘Dân Vi Quý’ và sẽ chỉnh đốn quốc gia’.

    Chiến dịch thu mua thóc gạo của thực dân Pháp đến đây chấm dứt, một cuộc họp của Ủy Ban Cứu Tế được triệu tập khẩn cấp. Một đề nghị được đưa ra: số thóc gạo mà các hương chức đã thu mua của dân chúng để nộp cho chính quyền Pháp, hiện còn một số được tích trữ tại mỗi làng, kể cả số thóc các hương chức ăn chận, cần được kiểm tra cấp tốc, để hoặc trả lại cho dân hoặc dùng số lúa gạo đó để cứu đói.

    Ông Tri phủ Ngô Gia Lễ, cố vấn của Ủy Ban Cứu tế, lúc này có đủ quyền hành để hành động, liền ra chỉ thị cho hương chức các làng, xã trong kho và một ban Kiểm Tra được thành lập và liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu được ủy nhiệm điều hành công tác kiểm tra này.

    Các huynh trưởng và các tráng sinh của liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu cấp tốc tuyển mộ thêm thanh niên có thiện chí ở mỗi làng xã, và những lớp huấn luyện được mở ra để các kiểm tra viên học hỏi phương cách kiểm tra, chiếu theo tài liệu và lời khai báo của các hương chức do phủ Kim Sơn chuyển giao. Do đó một số lớn lúa gạo được trả về cho dân chúng và số gạo do hương chức ăn chặn hoặc số lúa không trả về cho dân được vì cả nhà họ đã bị chết đói, đều được xử dụng trong việc cứu đói ngay trong làng đó.

    Tuy nhiên, tình trạng đói kém mỗi ngày một thêm nguy kịch hơn, giá gạo chợ đen ở Hà Nội đã lên 600 đồng 1 tạ gạo xấu, 800 đồng 1 tạ gạo tốt, trong khi gạo bán ‘bông’ của chính phủ không tới 100 đồng 1 tạ. Đồng bào Nam Bộ đã gửi giúp đồng bào đói ở Bắc Bộ: tiền quyên 165.150$10xu; 11 ghe gạo cộng 133 tấn gạo tính đến ngày 5-5-1945.

    Lúa vụ chiêm ở miền đồng bằng Bắc Bộ đã cấy xong, nhưng mọi người đều lo sợ rằng cứ mức chết đói của thanh niên trai tráng gia tăng, vì đàn ông khỏe mạnh bao giờ cũng chết đói trước đàn bà và trẻ em, như vậy đến mùa gặt thì lấy ai gặt lúa đây. Điều nhận xét này đã được tôi trình bày trong phiên họp hàng tuần của Ủy Ban Cứu tế, nhưng chưa biết giải quyết ra sao thì may thay có tin 3 ghe chở hơn 30 tấn gạo và thóc, do đồng bào trong Nam Bộ quyên góp giúp nạn đói, đã cặp bến Kim Đài, cách Phát Diệm 7 cây số.

    Tôi liền ‘vọt’ ngay lên gặp Tri phủ Ngô Gia Lễ, ‘vât lộn’ với ông này, thiếu điều rút giao ‘găm’ để sống chết lấy bằng được 3 ghe gạo này. Sau cùng ông Phủ họ Ngô nhượng bộ ký giấy ra lệnh áp giải 3 ghe gạo vào Phát Diệm và trao số gạo thóc đó cho Ủy Ban Cứu Tế, với điều kiện gạo, thóc phải được tồn trữ tại Nhà Gạo của giáo xứ Phát Diệm.

    Trong một phiên họp của Ủy Ban Cứu Tế, vấn đề xử dụng số gạo cứu đói được đưa ra bàn luận. Tôi đưa ra hai kế hoạch cứu đói:

    1)-Dùng cả số gạo để phát chẩn, chia về từng làng tùy theo dân số, trao cho các hương chức phân phát.

    2)-Nếu dùng số 30 tấn để phát chẩn đồng đều cho toàn dân, thì dân chỉ ăn được 5 hay 10 ngày là hết, và người đói tiếp tục chết đói. Vì còn tới gần 3 tháng nữa mới tới mùa gặt, nên tôi đề nghị là mùa lúa gặt có triển vọng được mùa, nhưng nếu các đàn ông trai tráng không sống được đến ngày đó thì sẽ thiếu người gặt, do đó cần phải chọn lấy 1000 người trai tráng còn khỏe mạnh, tập trung về nuôi cho ‘sống hẳn hoi’ tại trại Cứu Tế thiết lập ở khuôn viên nhà thờ Phát Diệm. Số người này sẽ được chọn tại từng làng, theo tỉ lệ dân số được cơ quan hành chánh địa phương thỏa thuận.

    (còn tiêp)

  6. #6
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Chương 3 (tiếp theo)



    Con số ‘cứu hẳn hòi’ 1.000 người được tính trên căn bản mỗi ngày 300 grams gạo, như vậy nuôi trong 100 ngày là tới mùa gặt, vị chi là vừa đủ số gạo 30 tấn lấy được từ 3 ghe ở Nam Bộ ra. Biết rằng 300 grams gạo cho mỗi người mỗi ngày là hơi nhiều trong thời gian này, nhưng chấp nhận là số cơm được ‘chuồn’ qua hàng rào cho vợ con cầm cự đủ sống tời mùa gặt, như vậy số người được cứu khỏi đói còn tăng hơn nữa. Trên số 30 tấn ngũ cốc này, hơn nửa là thóc, nên nếu xay thành gạo thì chỉ nguyên số tấm không mà thôi, cũng có thể đủ nuôi 300 trẻ em và số cám cũng nuôi được một số người không ít.

    Sau khi thảo luận rất sôi nổi, chương trình lập trại Cứu Tế ‘cứu hẳn hoi’ 1.000 thanh niên được chấp thuận, và liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu được trao trách niệm điều hành trại này. Cha Mai Đức Thạc, chính xứ Phát Diệm tình nguyện cho Trại Cứu Tế được xử dụng các trường học và 4 nhà thờ cạnh làm nơi trú ngụ, các cửa ra vào của khuôn viên nhà thờ Phát Diệm được rào lại và chỉ mở theo giờ giấc cho các giáo hữu tới xem lễ hay đọc kinh.

    Cha Vũ Văn Hải, quản lý của nhà chung, nhận tồn trữ gạo, xay lúa ra gạo, tấm, cám và nấu thành cơm vị chi nhà chung mới đủ dụng cụ nấu cơm cho 1.000 người ăn 2 bữa mỗi ngày. Sa Di Thích Trí Đức nhận tích cực vận động các Phật tử tham gia vào công cuộc cứu đói.

    Ông Tri Phủ Ngô Gia Lễ nhận ra thông cáo chỉ thị cho các hương chức đưa những người đàn ông trai tráng còn gọi là khỏe mạnh, ra trình diện vào những ngày được ấn định, để tùy đại diện của Ủy Ban Cứu Tế lựa chọn theo con số đã được thỏa thuận từ trước cho mỗi làng.

    Sự lựa chọn này thật đau lòng và thương tâm không thể tả được, vì những người không được lựa chọn để tham dự trại Cứu Tế thi được coi như nhận án tử hình.

    Một giai thoại đã xẩy ra là sau khi quê hương chúng ta bi chia đôi sau Hiệp Định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954, tôi có dịp xuống thăm một trại định cư của dân tị nạn cộng sản ở bên con đường liên tỉnh lộ Bạc Liêu xuống Cà Mâu gần khu Gia Ray, khi đang đi trên đường vào trại, tôi thấy một người đàn ông ăn mặc chững chạc đi ra, một người trong phái đoàn nói ông đó là trại trưởng trại tị nạn.

    Khi trông thấy tôi, ông trại trưởng quỳ xụp ngay xuống đất rồi vái tôi ba vái, tôi rất đỗi ngạc nhiên, liền quỳ xuống đỡ ông ta đứng dậy và nói rằng:

    Ông trại trưởng làm gì kỳ cục vậy?’

    Ông này liền trả lời: ‘

    Con lạy ba lạy để tạ ơn ông đã cứu sống con. Con là người ở tổng Hồi Thuần ở ngoài Bắc. Trong vụ đói năm Ấ Dậu, nếu ông không ‘nhặt’ con ra để xuống tham dự trại Cứu Tế Phát Diệm, thì nay con đã chết rồi, quá nửa gia đình con đã chết vì đói.

    Cử chỉ này của người trại trưởng làm tôi sực nhớ lại cảnh tượng hằng ngàn người chết đói nằm bên đường phố, cảnh trẻ thơ nhay vú mẹ đã chết, cảnh tượng tôi cùng các trưởng và các em hướng đạo sinh, sắn tay áo lên, giúp việc chôn vùi hàng trăm xác chết bên bờ ruộng dọc theo sông Âu Giang hiền hòa, nhưng đầy nước mắt và tự hào là đã giữ được lời hứa của hướng đạo sinh.. Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào…

    Trại Cứu Tế 1.000 người đã được tổ chức theo kiểu hướng đạo, chia ra mỗi đội là 12 người, mỗi đội tự bầu lên đội trưởng, 4 đội họp thành một đoàn lấy tên một anh hùng của lịch sử Việt Nam và các đoàn trưởng hội họp lại với ban quản trị điều hành mọi công việc của trại dưới quyền lãnh đạo của tôi và một phó trại trưởng là anh Đỗ Ngọc Tân, một thanh niên rất có thiện chí.

    Các hoạt động thường ngày của trại viên là ngoài những dịch vụ về vệ sinh, trật tự cùng học hành, có những lớp truyền bá quốc ngữ cho những người mù chữ, lại còn những lớp khác cho những người có trình độ học vấn cao hơn. Tất cả các trại viên điều được huấn luyện quân sự cơ bản do anh Nguyễn Như Ngọc tức Cửu, cùng một số cựu quân nhân phụ trách. Nay cụ Cửu là một trưởng lão trên 80 tuổi hiện đang tị nạn cộng sản tại Houston, Texas
    .
    Khi vừa nhập trại, các trại viên chỉ được ăn cháo loãng, ngày hôm sau được ăn cháo đặc hơn một chút và tới ngày thứ tư mới được ăn cơm, vì kinh nghiệm cho biết nếu cho người đói ăn cơm nhiều ngay, họ có thể chết bất tử. Sau đó một tuần lể ăn uống đầy đủ, sức khỏe đã được phục hồi phần nào, Ngoài việc tập quân sự và học hành, các trại viên bắt đầu nhận những công việc tiểu công nghệ như đan nát, dệt chiếu v.v.. để khi ra trại họ có được một ít tiền trong túi.

    Trại Cứu Tế đã được đồng bào khắp nơi ủng hộ nhiệt liệt và giúp đỡ tận tình, vì ngoài vòng rào của trại có hàng ngàn vợ con của các trại viên sống một cách lây lất và ban trật tự của trại được lệnh ‘nhắm mắt’ để các nắm cơm nhỏ được chuyển ra ngoài hàng rào cho người thân của trại viên. Một điều đáng mừng là trong suốt thời gian trại không có người nào chết cả, và vấn đề y tế cũng được các nữ tu dòng Đứa Bà Truyền Giáo giúp đỡ tận tình.

    Đồng thời với trại Cứu Tế cho người lờn, một trại cứu tế cho thiếu nhi cũng được tổ chức tại chợ Năm Dân, một lồng chợ rộng lớn được quây bằng phên, cót, chia ra thành nhiều khu, và 300 em bé cỡ từ 8 đến 13 tuổi được nhận vào trại. Các em bé này là những em mồ côi sống lây lất ở đầu đường só chợ sau khi bố mẹ chết đói, cộng với một số em bé do các nhà thờ và chùa trong vùng gửi tới, và ưu tiên là vẫn dành cho các em mồ côi.

    Nhưng khốn nỗi là khi được nhập vào trại nhiều em đã bị đói lả lâu ngày, nên cứ trung bình mỗi buổi sáng trong 3 tuần lễ đầu, nhặt ra 12 hay 13 em bị chết trong ban đêm. Số này được thay thế ngay vì luôn luôn có số ghi hàng trăm các em đói chờ được nhập trại. Khẩu phần thường ngày của cám em là hai bữa cơm tấm và cứ hai ngày thì một ngày ăn cơm. Khi mới nhập trại các em phải ăn cháo tấm trong 5 ngày.

    Trại trưởng trại Cứu Tế Thiếu Nhi là anh Kim Phát, một bầy trưởng rất hăng say, chịu khó và thương các em bé. Các phụ tá là các phó trưởng và tráng sinh cùng các em em Sói trong bầy Cụ Sáu lo cho các nam trại sinh và một số phụ nữ có lòng thương người tình nguyện giúp đỡ các nữ trại sinh. Các em trại sinh được dìu dắt sinh hoạt như sói con: học hát, học chơi, và học chữ, nhưng đa số đều bị kiệt sức, nên chỉ một số ít trại snh tham dự mọi sinh hoạt mà thôi.

    Vụ lúa chiêm đã chín đầy đồng và mùa gặt sắp tới, ông Phan Kế Toại, Khâm Sai Đại Thần, đại diện Triều Đình Huế tới tham dự lễ bế mạc trại Cứu Tế, 1.000 trại viên cởi trần tiếp đón với khẩu hiệu ‘Tự Do, Cơm Áo’ và anh Đỗ Ngọc Tân, phó trại trưởng đọc bài diễn văn chào mừng bằng những lời thật đanh thép: ‘…Hằng triệu người Việt chết đói chỉ vì những bọn non, mọt già tham quan ô lại…’ anh Tân vừa nói vừa chỉ tay vào mặt Phan Kế Toại, làm cho hàng ngàn tiếng hô ‘Đả Đảo’ nổi lên vang trời. Ông Khâm Sai Đại Thần Phan Kế Toại bị một bữa xanh mặt, sợ hãi trước khí thế của 1.000 thanh niên trại Cứu Tế.

    Nhiều người đặt câu hỏi: ‘Tại sao anh Minh, liên đoàn trưởng liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu, trại trưởng trại Cứu Tế, không đọc diễn văn mà lại là anh Tân?’ Thưa: ‘Cơ quan mật thám Kempatai của quân đội Nhật Bản đã chất vấn tại sao lại tập quân sự cho 1.000 thanh niên? Có phải tập quân sự để đánh lại quân đội Thiên Hoàng hay không?’

    Với giọng điệu đe dọa, chúng đòi hỏi phải nhận một tên chó săn của chúng vào ban quản trị của trại, nên tôi với anh Trần Ngận cùng cha Hoàng Quỳnh phải rút về chiến khu Rịa của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc vì thời điểm của cuộc Tổng Khởi Nghĩa đã gần kề.

    (còn tiếp)

 

 

Similar Threads

  1. khi Cô Cô thời nay vào bếp...
    By visabelle in forum Tiếu Lâm
    Replies: 0
    Last Post: 04-19-2020, 08:41 AM
  2. ... Một thời để NHỚ ...
    By NguyetHa in forum Truyện
    Replies: 46
    Last Post: 06-06-2017, 12:43 PM
  3. Replies: 0
    Last Post: 11-19-2013, 03:58 PM
  4. Peru : Di tích lịch sử
    By Lotus in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 0
    Last Post: 08-04-2013, 01:07 PM
  5. Du lịch bụi Budapest
    By Mướp Hương in forum Du Lịch
    Replies: 10
    Last Post: 12-23-2012, 02:42 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:51 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh