Chương 29



Mấy lời tâm tình của tác giả




Trước khi bước vào giai đoạn tranh đấu chót của một đời người chống Cộng Sản, và khi được bầu lên làm Chủ Tịch Ban Thường Vụ của Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại họp Đại Hội ở Oklahoma City ngày 6 tháng 7 năm 1980 và được tái đắc cử ngày 17 tháng 11 năm 1982 tại Đại Hội ở Bruxelles, thủ đô của Bỉ Quốc, một Ước Chương của Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đã được soạn thảo và được Đại Hội thông qua.

Và đây là những nguyện ước cuối cùng của tác giả đã cả một đời người chuẩn bị hiến thân cho Vận Hội Mới của Đất Nước Việt Nam thân yêu, vận hội mở đường về giải phóng Quê Cha Đất Tổ và Phát Diệm vô cùng mến thương khỏi bàn tay đẫm máu của Cộng Sản Việt Nam, kẻ thù đời nay của Dân Tộc Việt Nam.

Nhưng nay cảm thấy tuổi đã quá cao, nên viết để ghi lại Một Thời Tranh Đấu đã qua để tặng các con cháu thân yêu và tặng các bạn trẻ Việt Nam ở hải ngoại những Nguyện Ước của Người Việt Hải Ngoại với niềm mong ước là chúng ta hãy thấm nhuần lời dặn ‘ba cây chụm lại’ của Tổ Tiên để chu toàn di chúc lịch sử của tiền nhân, phất cao ngọn cờ VĂN HÓA DÂN TỘC để cứu lấy chính mình và cứu lấy nước mình.



NHỮNG NGUYỆN ƯỚC CỦA NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI



Suốt quá trình mở nước và dựng nước, ông cha chúng ta đã đấu tranh gian khổ, vượt mọi thử thách để xác định sự có mặt của mình trong loài người, đồng thời tiếp nối vòng sinh mệnh Việt qua mọi thời đại. Giang Sơn Việt, Dân Tộc Việt và Văn Minh Việt là ba đặc trưng vừa duy trì truyền thống vừa khai triển tương lai cho quốc dân Việt.

Một ngàn năm Bắc thuộc không lay chuyển được văn hóa Việt, ngược lại phong hóa Việt dưới xích nô lệ, càng được tinh lọc, để chẳng những lấy được cái hay của người làm cái hay của mình, mà còn đủ sức đồng hóa luôn kẻ ngoại thù thống trị.

Hơn một thể kỷ xung đột với văn minh duy lý Tây Phương phong hóa Việt có vẻ bị giao động, nhưng tinh túy Việt không hề bị suy suyển. Cộng Sản và tay sai địa phương – Công Sản Việt Nam – chỉ là một hình thái tác hại cuối cùng của văn minh duy lý Tây Phương và nhất định phải bị hủy diệt chính tại miền đất thiêng liêng này, miền đất từng chôn vùi mộng để quốc của Thành Cát Tư Hãn đời xưa và mọi đế quốc đời này.

Mùa xuân năm Ất Mão (tháng tư năm 1975) sau hơn 30 năm tranh đấu, vừa chống thù trong giặc ngoài, lại phải đương đầu với cơn lốc khủng hoảng nhân văn toàn cầu, dân tộc ta đành uất hận để đất nước rơi vào tay để quốc cộng sản qua tay sai của chúng là Đảng Cộng Sản Việt Nam, một bọn tuy còn mang hình Việt, nhưng tâm và trí tuệ đã bị ngoại hóa, đội lốt dân tộc để phản bội dân tộc.

Cộng Sản Việt Nam, kẻ thù đời nay của Dân Tộc ta, đã quyết tâm tiêu diệt phong hóa Việt để thay thế bằng giáo điều Mác-Xít, chối bỏ nguồn gốc Việt để đổi giống làm ‘người vô sản’. Tàn khốc hơn nữa, cộng sản Việt Nam còn chủ trương diệt chủng, dọn đường sản xuất hàng loại người vong bản theo ‘mẫu’ của chúng.

Trước nguy cơ diệt vong mới, Người Việt Hải Ngoại đương nhiên trở thành di sản tinh thần và nhân lực quý giá còn lại của Dân Tộc, ở ngoài tầm tay của bọn diệt chủng. Người Việt Hải Ngoại đương nhiên phải chu toàn di chúc lịch sử của tiền nhân, phất cao ngọn cờ Văn Hóa Dân Tộc để cứu lấy chính mình, cứu lấy dân mình, cứu lấy nước mình.

Để hoàn thành sứ mạng thiêng liêng đó, Người Việt Hải Ngoại, thấm nhuần lời dặn ‘ba cây chụm lại’ của Tổ Tiên, trong sáng suốt và tự do, cùng nhau cao tiếng tuyên xưng và nguyện triệt để thi hành những nguyện ước sau đây.
-Người Việt Nam vốn sinh ra và lớn lên trong Nguồn Văn Hóa Dân Tộc, vốn cư xử và được chỉ hướng bằng những quy luật phát sinh từ nguồn văn hóa nhiệm mầu đó: hiếu hòa nhưng dũng cảm, thích ứng nhưng không chịu đồng hóa, giữ truyền thống nhưng luôn luôn cầu tiến. Bởi thế, Người Việt Hải Ngoại nhất định tuyên xứng những ấn tín văn hóa như một xác quyết không dời đổi về thân thế của mình, về nguồn gốc của dân tộc mình.

-Người Việt Hải Ngoại, dù tạm thời phân tán khắp mặt địa cầu, dù tạm thời không được quần tụ trên cùng một mảnh giang sơn, dù phải tạm thời mang quốc tịch khác nhau, vẫn là một khối toàn vẹn, vẫn là đồng bào ruột thịt trong đại khối Quốc Dân Việt Nam Con Rồng Cháu Tiên, đời đời làm chủ giải đất hình chữ S trên bờ Biển Đông, Châu Á.

-Người Việt Hải Ngoại là thành tố lớn, là yếu tố chính trong sứ mạng vận động lịch sử Việt Nam, quyết không để cho bọn vong bản lũng đoạn hay độc quyền xoay chuyển lịch sử. Chế độ nào cũng chỉ nhất thời; con người mới là cứu cánh. Chế độ bạo tàn, đầy đọa người, giết người, ta nhất định chống. Chế độ hợp lòng người, của dân, do dân và vì dân, ta hết lòng vun đắp.

-Người Việt Hải Ngoại quyết tâm làm rạng rỡ di sản của Tổ Tiên, tinh lọc, triển khai và bồi dưỡng, văn hóa của dân tộc, truyền lại cho đời sau một Gia Tài Việt phong phú, lấy đó làm chỗ dựa chống trả những cơn lốc tha hóa trên miền đất tạm trú, và nhất là để tiếp nối dòng sinh mệnh Việt Nam.

-Người Việt Hải Ngoại không quên câu ‘Nhiễu điều phủ lấy giá gương’ luôn luôn thể hiện tình đồng bào thắm thiết và giữ vững niềm tin tự hào của dân tộc trong cộng đồng bản xứ. Người Việt quyết tâm duy trì các sinh hoạt văn hóa, để thể hiện tình xóm làng đùm bọc và cụ thể hóa nghĩa tương thân tương trợ trong tin yêu, hài hòa.

-Người Việt Hải Ngoại quyết tâm xây dựng một nền tảng gia đình Việt Nam hòa thuận và tương ái, trên kính dưới nhường, đan mạng lưới yêu thương trong tông tộc, truyền dạy ngôn ngữ Việt, lịch sử Việt, chính khí Việt, phong tục Việt, lấy đó làm căn bản cho niềm hãnh diện Việt, làm sợi dây ràng buộc gia đình Việt, vốn là nơi nương tựa tình cảm và đạo đức cho cuộc sống.

-Người Việt Hải Ngoại quyết giữ tâm chất Việt, tăng tiến trí tuệ Việt và tình tự Việt để duy trì gốc rễ Việt của từng cá nhân. Quyết sống khiêm nhường lương thiện và tự trọng, xứng đáng là hậu duệ của anh hùng liệt nữ Việt, luôn luôn sáng suốt và hào hùng để chuẩn bị hiến thân cho Vận Hội Mới của Đất Nước, vận hội mở đường về Quê Cha Đất Mẹ.

-Người Việt Hải Ngoại nguyện sát cánh nhịp nhàng với các trào lưu tiến bộ, phát triển mọi sắc thái cao đẹp của Dân Tộc, đóng góp vào hướng đi lên của Thời Đại và vận mệnh của Con Người, cùng với các dân tộc bản xứ xây dựng một Đạo Sống Nhân Bản, giúp nhau giải quyết cuộc khủng hoảng nhân văn hiện tại; dấn thân với thời thế để xây dựng xã hội và làm chủ lịch sử.

-Người Việt Hải Ngoại có bổn phận – chính mình và dạy bảo con cháu – triệt để tri hành những nguyện ước này.

-Mỗi bước truân chuyên của Dân Tộc là một lần phải quy chiếu Di Chúc của Tổ Tiên để tìm một đường đi thích hợp. Mỗi biến động của nhân loại là một lần ta phải nhận định kỳ thân thể mình để định hướng Lịch Sử và Văn Hóa.

Người Việt Hải Ngoại từ khổ đau đi tìm sự Sống cho chính mình và cho Dân Tộc. Người Việt Hải Ngoại chúng ta lấy chí Nhân thắng cường bạo, viết lên trang sử Dựng Người Cứu Nước, Xây Tương Lai.


Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư