Register
Results 1 to 2 of 2
  1. #1
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365

    Cưỡng bức di tản hay đi tị nạn?





    Cưỡng bức di tản

    500 ngàn người Ukrainer có lẽ bị cưỡng bức di tản

    Chuyện này có không? Hay là họ chính là người đi tị nạn? Cuộc truy vết

    Phóng sự của Andrea Jeska Michale Thumann, Kyiv/Pskov
    cập nhật ngày 05 tháng Sáu 2022


    Hành khách đến ga xe lửa Mạc Tư Khoa (hình © Nanna Heitmann/Magnum Photo / DIE ZEIT)

    Chiến tranh tưởng chừng như xa xôi lắm khi chuyến xe lửa xuyên đêm từ Mạc Tư Khoa lăn bánh đúng giờ vào nhà ga Pskov. Tám giờ tám phút, tiếng thắng xe ken két, những cánh cửa xe mở ra. Những hành khách đầu tiên khoác áo mỏng kéo valise bước chân xuống bến. Sau lưng họ có người mặc áo mùa Đông lê lết khỏi xe với xách tay, valise và túi nylon. Rất nhiều valise. Một người phụ nữ từ Pskov chào đón những người nọ rất thân thiện, sau đó bà nhẩm đếm rồi dẫn họ ra khỏi bến xe lửa đến nơi có những chiếc xe đò loại nhỏ đang đợi. Họ bước theo người phụ nữ này. Họ là những người Ukraine. Và như vậy chiến tranh đã lan tỏa đến Pskov, một thành phố nhỏ thuộc Nga gần biên giới Estonia.

    Hàng trăm ngàn người Ukraine có lẽ hiện đang ở Nga, trên lãnh thổ kẻ thù. Nhà chức trách Ukraine gọi họ là "депортованих" (deportovanykh) - Người bị lưu đày. Ông tổng thống Ukraine Wolodymyr Selenskyj đã nói hôm 6 tây tháng Năm rằng có 300 ngàn người Ukraine bị cưỡng bức di tản sang Nga, một nữ ký giả, người sáng lập ra tổ chức nhân quyền Ukraine MIHR, bà Olga Reschetylowa cũng gọi họ như vậy. Bà Ljudmila Denissowa, thanh tra nhân quyền của Ukraine khi nói chuyện với báo die Zeit còn đưa ra con số cao hơn: "Chúng tôi ước lượng có khoảng 1 triệu hai, trong đó có khoảng 200 ngàn trẻ con".




    Phía Nga và truyền thông Nga thì nói họ là "những người đi tị nạn". Thông tấn xã TASS của Nga lấy tin từ bộ an ninh cho biết có 1 triệu rưỡi người Ukraine đã bỏ chạy sang Nga. Truyền thông Ukraine thì loan tin về số phận những người bị mang đi sang Nga và đã trở về. Truyền hình Nga thì loan chiếu các hình ảnh "những người tị nạn" Ukraine được tiếp đón ăn ở nồng hậu.

    Như vậy số phận những người này ra sao? Có phải họ thực sự trốn khỏi vùng chiến tranh hay là họ bị cưỡng bức di tản? Báo die ZEIT đã trực tiếp săn tin ở Ukraine và ở Nga. Con số người ra đi hoặc bị đưa đi khó có thể kiểm chứng độc lập. Nhưng số người bị lưu đày và số người tị nạn có rất nhiều - Thật sự là rất nhiều.

    Khi báo die ZEIT xin phép nhà chức trách Nga được viếng thăm trại tị nạn của người Ukraine được truyền thông Nga quảng bá thì không được trả lời. Kế đến là xin phép hội thánh chính thống Nga, là tổ chức cưu mang người tị nạn Ukraine, thì die ZEIT bị từ chối vì "lịch hẹn đã đầy". Tuy nhiên chúng tôi đã gặp gỡ được những người Nga giúp đỡ người Ukraine. Họ muốn được nặc danh vì lý do an ninh. Hiện có cả một mạng lưới người Nga chăm sóc và hỗ trợ người Ukraine đã sang biên giới Nga giờ lại thoát ly Nga để đi sang Lithuania, Estonia (xem bản đồ). Có cả các nhóm trên mạng xã hội Telegram để những người Ukraine muốn thoát ly Nga trao đổi với nhau. Có cả các nơi cư trú người Nga cưu mang người Ukraine. Nghĩa là có sự giúp đỡ từ quốc gia đã xâm lăng Ukraine. Cố nhiên sự giúp đỡ này là của thường dân Nga. Từ nơi họ chúng tôi được biết rằng đa số những người Ukraine chạy sang từ lúc cuộc chiến bùng nổ thật sự là những người tị nạn. Họ đã bỏ lại nhà cửa đổ nát, bỏ đi cuộc sống đó và chạy sang Nga, bởi vì đó là lối thoát duy nhất. Đó là một cuộc trốn chạy vào cái bẫy của kẻ thù. Vậy họ là ai, họ sang Nga bằng cách nào, tiếp theo sẽ ra sao?

    Cô Oksana Mereschko và bạn trai của cô, anh Oleg Fjodortschuk đang đứng trên bến xe lửa ở Pskov (đất Nga, gần biên giới Lithuania, Estonia). Như những người khác trong phóng sự này họ không muốn xưng tên thật của mình. Oksana, một cô gái 23 tuổi, tóc vàng, mảnh khảnh chỉ khoác một chiếc áo thể thao mỏng và co ro lúc trời hừng sáng. Một người đàn ông Nga đưa tặng cô một chiếc hoodie. Thoáng chốc cô hơi từ chối, nhưng rồi cô khóc vì cảm động và kiệt sức rồi tròng chiếc áo hoodie vào người. Đoạn cô chậm rãi kể lại những trải nghiệm của mình, một trong nhiều câu chuyện từ thành phố tan nát Mariupol.

    Hồi đầu tháng Ba, vừa ngay khi cuộc chiến bùng nổ, cô bị một mảnh pháo kích ghim vào lưng khi đứng ở ban-công. Chạm phải một dây thần kinh khiến một bên chân cô bị liệt. Cô phải vô nhà thương. Tuy nhiên cả cái bệnh viện cũng bị bỏ bom tan tành, nên cô và anh bạn trai đã phải lê lết đi từ hầm nhà này sang hầm nhà khác trong vùng chiến Mariupol. Khi toàn thành bị Nga chiếm đóng, họ đã quyết định di tản: "Chúng em muốn rời bỏ nơi này!" Nhưng đi đâu bây giờ? Về hướng Tây đã bị khóa chặt, nên cha mẹ của Oksana đã đưa cô và bạn trai Oleg theo quốc lộ vào ngày 17 tháng Ba đến biên giới Nga. Ở thành phố biên giới Taganrog, họ được đưa vào "trại thanh lọc" (NKVD filtration camp). Đó là những trung tâm Nga khám xét và thẩm vấn những người Ukraine đi tị nạn và bị cưỡng bức đưa sang.

    Oksana kể lại, "Ở đó đông kinh khủng, cả hàng ngàn người", "Chúng em phải chờ đợi hàng giờ". Đến lượt họ, "Họ tra hỏi hết bạn bè và người thân chúng em là ai, và có ai ở trong quân ngũ Ukraine không, hỏi chúng em có biết ai trong đội ngũ chống lại hoặc là làm mật vụ hay không". Còn anh Oleg thì phải cỡi trần truồng ra cho họ xem có xăm người hay không. Nga luôn tìm kiếm những chứng minh xăm hình Nazi để biện minh cho giả thuyết rằng họ kéo quân sang Ukraine để trừ khữ bọn Nazi mà thôi. Oleg không có xăm hình gì cả.

    (còn nữa)
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  2. #2
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365






    Không phải cuộc thẩm vấn nào cũng được trơn tru như vậy, một người Nga trợ giúp cho hay. Các buổi thẩm tra những người tị nạn rất nặng nề:

    "Trình ra hết mấy thứ mày có!"

    "Mở điện thoại của mày coi!"

    "Tại sao trong hình chụp mày mặc đồ rằn ri?"

    "Trong sổ địa chỉ 'Stefan an ninh' là ai? "

    "Mày đã gặp gỡ ai hôm 14 tây tháng Giêng?"

    Những người phụ nữ đi một mình sẽ bị hỏi chồng của họ ở đâu. Đàn ông thì bị hạ nhục khám xét thân thể hơn. Lúc nào Nga cũng muốn bắt cho được lính Ukraine.

    Nhà chức trách Nga có lẽ cho những người tị nạn Ukraine có quyền chọn lựa, một phụ nữ giúp đỡ người Nga kể lại, "Chúng tôi có một căn phố và một việc làm cho ông/bà - ở Vladivostok! Lương căn bản là 10 ngàn rúp (140 euro)! Làm ơn ký tên chỗ này!" Dễ thường người tị nạn trong tình trạng căng thẳng không biết rằng, Vladivostok ở tận Thái Bình Dương - và lương 10 ngàn rúp là quá ít. Ai đã đi đến đó là gần như không thể hồi hương. Vì tiền không đủ để mua vé cho một chuyến đi về. Nhưng những người tị nạn dường như có thể từ chối rồi sau đó đơn giản là bị đuổi đi. Nhiều người trong số họ đã tìm đến các mạng lưới giúp đỡ, các chỗ cư ngụ tư nhân, đăng nhập vào các mạng xã hội Telegram. Những người giúp đỡ tư nhân Nga cho họ tiền, lên kế hoạch cách họ trốn thoát và gọi điện thoại giúp họ. Như đã giúp Oksana và Oleg.

    Cố nhiên cũng có những người Ukraine bị cưỡng bức đem đến "trại thanh lọc". Nếu có trao đổi với những người đó, nếu được phép, cũng chỉ có thể sử dụng tiếng Ukraine. Đó là những người bị lưu đày, là những người mà quân đội Nga xếp họ vào thành viên nhóm bảo vệ lãnh thổ. Ví dụ như Michail Bojko, là một anh tài xế lái taxi, là một blogger người Kyiv. Anh ta không muốn nói tên thật của mình, và đề nghị phỏng vấn bên ngoài.

    Michail Bojko bị bắt ở một làng nhỏ Dorhinka gần thành phố Teschernihiv. Người đàn ông 35 tuổi này đến đó thăm và để dự tiệc sinh nhật của mẹ vợ. Rồi cuộc chiến bùng nổ, cả nhà ở lại vì họ cho rằng ở làng đó an ninh hơn về Kyiv. Michail kể rằng anh muốn làm một điều gì đó. Một thương gia hỏi Michail có muốn dùng chiếc taxi của anh ta chạy lòng vòng xem coi lính Nga đã tới chưa. Thế là Michail bắt đầu cuộc thám thính cũng như nhiều người thám thính dân sự khác. Ngôi làng Dorhinka được bao bọc bởi khu rừng, người dân có thể trốn trong đó để lén xem xe hoặc lính Nga đã tới chưa.

    Hai tuần đầu mọi việc êm xuôi, rồi bỗng nhiên ngày 7 tháng Ba anh nhìn thấy các chiếc xe quân đội Nga. Anh vội gọi ngay cho người thương gia, rồi người thương gia đó báo cho bộ quốc phòng. Rồi điện thoại của Michail bị lính Nga định vị, trên đường về nhà Michail bị xe tăng Nga cản đường. Họ mang anh đến căn cứ rừng của họ. Anh kể rằng cả tuần anh bị tra hỏi mỗi ngày. Anh ta phải khai ra vị trí các đơn vị Ukraine đóng trú, có bao nhiêu quân lính. Vì anh ta có xăm mình, nên lính Nga cáo buộc anh ta là Nazi. Họ đã tra tấn và vứt anh xuống một cái hố trong đất hai ngày. "Lúc họ kéo tôi lên, họ nói rằng họ sẽ xử tử tôi rồi đem tử thi vứt ra đường làng làm răn đe cho biết phiến quân bị đối xử thế nào".

    Khi kể đến đoạn này Michail phải dừng để lấy hơi, ho và khóc. Khi anh đã thở lại được anh mới kể tiếp. Sau một tuần anh bị áp tải lên máy bay nhỏ và chở sang Nga đến vùng nào đó ở Kursk, rồi vào tù nơi đó. Họ lấy máu của anh, lấy tóc và móng tay thử nghiệm, cạo trọc đầu anh rồi cho mặc y phục tù nhân. Rồi họ lại thẩm tra anh. "Các lần thẩm tra đều xảy ra ở phòng 5.4, con số này tôi sẽ không bao giờ quên. Những kẻ hỏi cung là mật vụ và quân cảnh". Họ luôn luôn hỏi những câu giống nhau, và nếu anh trả lời rằng anh không biết, họ sẽ đấm và chích điện. "Trong ngục chúng tôi có 24 người, mỗi ngày họ lôi ra vài người mang đi, rồi lại đem người mới đến".

    Michail không có hi vọng được trả tự do. Anh không được điện thoại và nghĩ rằng chẳng có ai biết được anh hiện ở nơi đâu. Tuy nhiên người lính Nga, người đã lái taxi của Michail vào rừng rồi đốt bỏ lại quay phim và đưa đoạn phim lên Telegram. Vợ của Michail đã xem được đoạn phim đó, và cố gắng tìm chồng bằng cách nhấn xem hàng chục đoạn phim khác. Sau cùng cô đã tìm ra được chồng cô bị bắt lên xe nào. Hoàn toàn may mắn. Dân làng ngược lại đã bắt được một người lính Nga, và điều đình với Nga trao đổi tù binh. Một người đổi lấy một người. Michail nói các cuộc tổ chức trao đổi tù binh trực tiếp vậy xảy ra rất thường. Sau 34 ngày bị bắt giam anh được lính Nga chở đến biên giới Ukraine. Anh lại bật khóc. Vâng, chính anh ấy đã được tự do. Nhưng nỗi sợ hãi từ lúc đó đã đeo đuổi anh. "Khi ở tù người ta đã bị biến thành một người khác".

    (còn nữa)

    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

 

 

Similar Threads

  1. Lại Cưỡng Chế Đất
    By Rong Rêu in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 0
    Last Post: 01-07-2013, 11:19 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:42 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh