Register
Page 2 of 2 FirstFirst 12
Results 11 to 17 of 17
  1. #11
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Chương 31



    Tin tức trên đài truyền hình chạy tin nữ bác sĩ tâm lý Hoài Nguyễn được giải thoát suốt mấy ngày liền. Những phóng viên chực chờ bên ngoài sân nhà Hoài để săn tin, chụp hình.
    Hoài không muốn ra khỏi nhà. Nàng lấy 2 tuần lễ nghỉ. Hoài, Nguyên không xem truyền hình. Nguyên cũng lấy 2 tuần lễ ngày nghỉ còn lại ở nhà với vợ.
    Hàng ngày Nguyên phải đưa đón con gái đi học. Cứ sáng sáng vừa lùi xe ra khỏi garage là nhóm phóng viên chực chờ bên ngoài nhào đến như ruồi bám lấy mật. Những chớp sáng của những chiếc máy ảnh bật tắt lia lịa.. Nguyên và Kim trở thành “những ngôi sao bất đắc dĩ”!
    Đến trường học Kim cũng khổ sở vì bị làm phiền với nhiều câu hỏi từ bạn bè hay những ánh mắt tò mò đuổi theo.

    Hoài như một người ốm nặng. Nàng chỉ thấy bình yên phần nào khi chìm trong giấc ngủ. Có những giây phút ngủ say tưởng chừng không mộng mị, nhưng có lúc nàng nằm đó nhắm mắt nhưng không ngủ được. Khuôn mặt Lữ, căn nhà của Lữ, tiếng véo von của vĩ cầm trong bản nhạc Vocalise như những bóng ma cứ chập chờn ẩn hiện không để Hoài được yên.

    Nguyên để cho Hoài ngủ li bì. Thỉnh thoảng lại vào xem vợ mình có cần gì không. Nhưng chính Nguyên cũng không thấy bình yên. Biết bao nhiêu câu hỏi dấy lên trong đầu chàng. Những câu hỏi chàng muốn hỏi Hoài nhưng không dám hỏi...
    Chàng muốn hỏi Hoài: “Nó đã làm gì em?”. “Nó hành hạ em không?”.. Và chàng tự nghĩ ra những câu trả lời khi thì làm Nguyên thấy dễ chịu, nhưng có lúc lại làm chàng nóng mặt và bực bội.
    Nguyên không hỏi Hoài nhưng ánh mắt hoài nghi của chàng làm Hoài buồn bã. Nàng chỉ muốn hét to vào mặt Nguyên: “Em vẫn là vợ anh. Không có gì thay đổi”.. nhưng nàng thôi. Nguyên sẽ hiểu và phải hiểu như thế.

    Cả hai như những chiếc bóng trong căn nhà đã từng là tổ ấm nơi hạnh phúc tràn trề.
    Bây giờ những câu nói trao đổi giữa hai vợ chồng là những thận trọng trong từng lời nói, dè giữ như thăm dò và cả.. dối trá nếu cần thiết!

    Đến ngày thứ ba sau khi được giải thoát, Nguyên đưa Hoài lên sở cảnh sát theo sự yêu cầu của ban điều tra.
    Hoài đeo đôi kính đen lớn che gần hết khuôn mặt ngồi cạnh Nguyên trong xe. Những họng kính của các máy ảnh thi nhau chĩa vào nàng. Qua cửa kính xe đóng kín Hoài nhìn thấy những cái miệng mấp máy cho những câu hỏi. Đó là những câu hỏi có thể là tàn nhẫn hay thương cảm nhưng ném vào Hoài như những cơn mưa tạt vào làm nàng ướt đẫm, lạnh băng và như muốn lột trần Hoài để tìm tòi.. Có khác gì Nguyên cũng đang muốn làm như thế nhưng không nói ra..

    Và rồi những phóng viên lên xe đuổi theo. Hoài chỉ nghỉ làm việc có 2 tuần, thế rồi lúc trở lại làm việc thì sao? Nàng sẽ bị quấy rối đến bao giờ? Còn Lữ? Anh ta làm gì, suy nghĩ gì trong xà lim? Có hối tiếc vì hành động cuồng dại của mình hay chăng?
    Vào trong sở cảnh sát, Hoài tháo kính ra, mặt nàng phờ phạc, mệt mỏi hơn lúc còn bị giam cầm trong nhà Lữ.
    Nguyên nắm tay Hoài bóp mạnh như thêm sức lực cho nàng.

    Họ vào trong một căn phòng nhỏ có chiếc bàn rộng và vài cái ghế.
    Hoài nghĩ thầm nàng còn phải trải qua bao nhiêu lần như thế này rồi mới được trả về đời sống bình thường?
    Nhìn họ mặc thường phục, Nguyên nghĩ chắc đây là những thám tử?
    Quả đúng như vậy. Một người trung niên đeo kính có ria mép tự giới thiệu:

    “Perry, tôi là thám tử và là người của ban điều tra”.

    Chỉ sang 2 người khác, ông ta nói luôn:

    “Còn đây là những đồng sự của tôi. Dan, Garner”

    Hoài và Nguyên hơi nhếch mép. Ban điều tra bắt tay Hoài và Nguyên.
    Perry nói trước tiên:

    “Chúng tôi biết bà đã trải qua những ngày giờ sợ hãi.. nhưng để cho ông bà yên tâm, tất cả những chứng cớ trong ngôi nhà đó đã đủ yếu tố buộc tội kẻ bắt cóc bà. Hiện chúng tôi đã giam giữ anh ta. Bà không còn phải lo âu gì nữa. Anh ta không được đóng tiền thế chân gì hết. Vụ này sẽ kết thúc nhanh chóng. Dĩ nhiên mọi người phải ra tòa, anh ta phải bị xét xử. Nhân chứng duy nhất trong vụ này là.. bà...”

    Hoài như muốn nghẹt thở. Nàng không muốn phải nhìn thấy Lữ. Nàng không ghét Lữ. Chính Hoài cũng không hiểu tại sao hay nàng không muốn tự phân tích chính mình? Nhưng điều làm Hoài sợ hãi khi nhìn thấy Lữ chỉ vì nàng sợ mình sẽ thương hại Lữ. Nàng sợ ánh mắt, cái nhìn điên dại của Lữ. Hoài hiểu Lữ.. yêu mình! Nàng sợ tình yêu đó!
    Viên thám tử tên Perry dường như hiểu phần nào tâm trạng sợ hãi của Hoài. Tất cả những nạn nhân đều sợ phải đối mặt với kẻ đã đe dọa mình.
    Ôngta nói với giọng ôn hòa hơn:

    “Tôi nghĩ phiên tòa không kéo dài lâu. Bà cần có luật sư riêng để cố vấn cho bà. Phía bên tội phạm anh ta cũng có luật sư riêng. Trừ phi hai bên thỏa thuận và đi đến chung cuộc là để chánh án quyết định sau cùng thì sẽ không cần bồi thẩm đoàn. Đó là với trường hợp bị can nhận tội để được giảm khinh. Nhưng thường chẳng ai nhận tội cả”

    Hoài nhìn Nguyên. Chồng nàng lên tiếng:

    “Chúng tôi sẽ tìm luật sư cố vấn. Chúng tôi muốn vụ này kết thúc càng sớm càng tốt”

    Hoài không nói gì. Nhưng nàng hiểu mình phải ra tòa, phải đối diện với Lữ, phải nghe những câu hỏi của cả hai bên. Nàng sẽ bị “nướng” cho tơi tả. Và rồi sau bao năm trong tù, lúc mãn hạn tù, Lữ có còn đeo đuổi những ảo tưởng về mình nữa hay không? Hay cả đời lúc nào Hoài cũng phải sống trong phập phồng lo sợ..?
    Viên thám tử Perry gật đầu:

    “Chúng tôi sẽ liên lạc với ông bà nếu có gì mới lạ trong vụ này. Trong thời gian hiện tại, chúng tôi khuyên ông bà không nói chuyện gì với ai. Vì khi nói chuyện với ai khác, những người đó sẽ bị gọi ra tòa làm nhân chứng và thêm rắc rối..”

    Hoài và Nguyên gật đầu tỏ ý hiểu.
    Họ bắt tay nhau từ giã. Hoài khoác tay Nguyên. Cái khoác tay gần gũi ẩn ý “Anh hãy ở bên em”. Nàng chợt nghĩ có lẽ như một vết thương phải bị xé toạc ra cho chẩy hết những mủ và những chất độc rồi vết thương mới lành. Nàng phải mạnh mẽ lên để vượt qua.



    *


    Nguyên tìm luật sư không khó vì vụ Hoài bị bắt cóc đã quá nổi. Bất cứ luật sư nào dính vào vụ này cũng sẽ được biết đến nhiều hơn. Như lời viên thám tử Perry đã nói, họ có đủ chứng cớ để buộc tội nên không có gì phải lo ngại.
    Chàng liên lạc với một tổ hợp luật sư, họ chỉ định một luật sư cho Hoài. Đây là một luật sư Mỹ gốcViệt Nam tên Larry Trần.

    Ngay sau khi ký giấy tờ hợp đồng với tổ hợp luật sư đại diện cho Hoài, nàng đã gặp gỡ luật sư của mình.
    Đó là một luật sư Việt Nam còn trẻ, chắc trong khoảng 35, 36 tuổi. Hoài đã vào website của tổ hợp tìm hiểu về người luật sư của mình.
    Luật sư Larry Trần tốt nghiệp tại trường đại học danh tiếng NYU ở New York. Nhưng kinh nghiệm hành nghề mới chừng 5 năm.
    Hoài muốn hỏi người luật sư của mình xem có cách nào nàng không phải lên làm nhân chứng duy nhất và bị cả hai bên “quay” hay không một khi đã có đủ yếu tố buộc tội?
    Và câu hỏi đầu tiên Hoài đưa ra là nàng muốn tránh phải bị tra hỏi từ hai phía.
    Nhưng luật sư Trần -ông ta không nói được tiếng Việt- cho biết:

    “Tôi và bà cần nói chuyện với nhau trước khi tôi có thể trả lời cho bà biết là tôi có làm chuyện đó được không. Tôi nghĩ chuyện đó khó vì bà là nhân chứng duy nhất”

    Hoài gật đầu:

    “Tôi hiểu”

    Luật sư Trần đưa mắt nhìn Nguyên và nói:

    “Vậy tốt. Chúng ta có thể bắt đầu ngay với sự có mặt của chồng bà. Điều này có gì trở ngại không đối với bà?”

    Hoài lắc đầu, nắm tay Nguyên:

    “Tôi muốn chồng tôi ở bên cạnh tôi”

    Nguyên hồi hộp. Đầu chàng nóng bừng lên và tự hỏi “Mình có muốn nghe hay không?”. Nhưng chàng tự trấn tĩnh và bóp tay Hoài.
    Quay sang nhìn Hoài, vị luật sư nói:

    “Những câu hỏi tôi đặt ra đây cũng không khác gì những câu hỏi mà bà sẽ nghe trong phiên xử. Có thể chúng tôi sẽ đặt nhiều câu hỏi làm như chúng tôi là luật sư phía bên kia hỏi bà. Như vậy sẽ rất tốt vì giúp cho bà quen hơn và tập đối đáp. Đừng quên phía bên kia sẽ chụp bất cứ sơ hở nào để làm lợi cho bị cáo”

    Hoài gật đầu.
    Luật sư Larry Trần nói tiếp:

    “Bà nên nhớ tôi là luật sư cố vấn cho bà. Tôi đứng về phía bà và bảo vệ bà. Nhưng.. bà không nên giấu hay giữ lại bất cứ chi tiết nào. Vì nếu bà nói không đúng, mà bên kia tìm được những điều bà không cho chúng tôi biết thì sẽ cản trở và gây rắc rối rất nhiều và làm hại cho bà. Nên, tốt nhất là thẳng thắn, bà hiểu chứ?”

    Hoài gật đầu.

    “Tôi hiểu tất cả những điều này, ông không cần phải giải thích thêm”

    Luật sư Trần gật gù và đi vào đề luôn:

    “Kẻ bắt cóc là bệnh nhân của bà?”

    “Đúng vậy”

    “Trước khi là bệnh nhân bà có quen biết gì anh ta trước đó không?”

    “Tôi không quen biết gì người này.Anh ta chỉ là bệnh nhân của tôi”

    “Bệnh nhân trong bao lâu?”

    “Tôi không nhớ rõ, phải xem hồ sơ mới biết chính xác, nhưng khoảng chừng vài tháng”

    “Nửa năm, gần 1 năm?”

    Hoài nhíu mày rồi trả lời:

    “Có nhiều bệnh nhân nên tôi không nhớ lắm, chắc chừng 4, 5 tháng..”

    “Người này đến bà vì lý do gì?”

    “Tôi có phạm vào việc tiết lộ bí mật riêng tư của bệnh nhân không?”

    “Tôi nghĩ là không trong trường hợp này vì bà là nạn nhân mà anh ta là bị cáo, hiện đang bị giam giữ không được quyền đóng tiền để tại ngoại hậu tra”

    Hoài hơi ngần ngừ:

    “Anh ta.. là một nhà văn.. và anh ta lẫn lộn giữa chính bản thân anh ta và một nhân vật trong truyện của anh ta đang viết”

    “Ngoài vấn đề đó ra còn chuyện gì khác không?”

    Hoài lắc đầu.
    Luật sư Trần nói:

    “Bà phải trả lời Có hay Không chứ không thể gật đầu hay lắc đầu được”

    Hoài trả lời:

    “Không. Chỉ có vậy”

    “Tôi đọc hồ sơ điều tra của cảnh sát thấy có nhắc đến chuyện bà nhận được những bình hoa gửi tặng. Có phải những bình hoa này do anh ta gửi đến không?”

    “Đúng vậy”

    “Làm sao bà biết là do anh ta gửi đến mà không phải là do người khác gửi tặng?”

    “Anh ta nói với tôi”

    “Nói bao giờ?”

    “Lúc.. tôi bị bắt cóc”

    “Tự nhiên anh ta thú nhận là đã gửi hoa cho bà?”

    “Không, tôi hỏi”

    “Tại sao bà hỏi như vậy?”

    Hoài hơi lúng túng tìm câu trả lời.
    Luật sư Trần nói:

    “Bà cứ suy nghĩ rồi trả lời.Khi ra tòa cũng vậy, không ai hối thúc bà phải trả lời ngay. Phải suy nghĩ rồi mới trả lời”.

    “Chuyện này hơi dài giòng.. Khi tôi tỉnh dậy.. thấy mình đang nằm trên một chiếc giường ngủ phủ đầy cánh hoa.. Điều này làm tôi hỏi anh ta”

    Tim Nguyên như thắt lại. Những tiếng giường ngủ, cánh hoa.. làm mặt chàng nóng bừng lên.
    Luật sư Trần tiếp tục hỏi Hoài:

    “Vào ngày bà bị anh ta bắt cóc, anh ta có đến gặp bà như một bệnh nhân?”

    “Đúng vậy”

    “Hôm đó anh ta có gì khác lạ hơn mấy lần trước không?”

    Hoài hít một hơi thật mạnh trước khi trả lời:

    “Có.. anh ta mời tôi đi ăn cơm tối”

    “Lần đầu tiên mời bà như vậy?”

    “Không. Đây là lần thứ nhì”

    “Bà nói lần thứ nhì, tôi đoán lần đầu bà từ chối?”

    “Đúng thế”

    “Rồi lần thứ hai bà từ chối hay nhận lời?”


    “Tôi vẫn từ chối”
    Nói xong Hoài thấy nhẹ bớt hẳn người, làm như nàng đã nói ra được những điều cần nói. Nhưng mải chỉ nghĩ đến mình, Hoài không để ý đến tay Nguyên đang bóp tay nàng quá mạnh. Hoài cũng không thấy đau.

    “Phản ứng anh ta ra sao?”

    “Anh ta nài nỉ”

    “Rồi sao?”

    “Chẳng sao cả. Anh ta đi về. Tôi có bệnh nhân kế tiếp sau đó”

    “Trước giờ có bệnh nhân nào mời bà đi ăn như vậy không?”

    “Chưa bao giờ”

    “Bà có thấy khác lạ không?”

    “Tôi không để ý” Hoài biết mình nói dối. Nhưng những điều nàng nghĩ, nàng suy tưởng, ai là kẻ có thể biết được ngoại trừ chính Hoài.

    “Hôm đó tại sao bà về muộn hơn thường lệ?”

    “Tôi có nhiều hồ sơ bệnh lý phải viết cho xong vì đã là ngày cuối tuần. Tôi có thói quen giải quyết mọi việc vào cuối tuần”

    “Khi bà ra về thì theo lời khai của bà ở sở cảnh sát, anh ta trở lại văn phòng bà và uy hiếp bà, đúng không? Bà có thể kể lại lần nữa được không? Bà đừng quên một điều, tất cả những lời khai ở sở cảnh sát và khi ra tòa phải ăn khớpvới nhau”

    “Khi tôi đi ra về thì anh ta trở lại”

    “Lý do?”

    Hoài suy nghĩ. Nàng phải nói hết cho dù đó là những câu nói rất ngây ngô.. của một kẻ.. si tình!

    “Anh ta bảo anh ta để quên..”

    “Anh ta quên gì trong văn phòng bà?”

    Hoài thở dài thầm. Nàng cũng phải nói thôi:

    “Anh ta bảo với tôi.. anh ta để quên con tim”

    Mặt Nguyên như xạm lại. Mồ hôi chàng toát ra. Còn nhiều điều kinh khủng gì nữa đây?
    Không phải Hoài bối rối mà chính viên luật sư hơi có vẻ lúng túng vì câu trả lời bất ngờ của Hoài.

    “Người bệnh nhân này mê bà?”

    “Phải.. nhưng lúc đó tôi nghĩ là anh ta nói đùa”

    “Ở sở cảnh sát bà có khai như vậy không?”

    “Không, vì họ không hỏi tôi chi tiết như ông hỏi”

    “Anh ta áp lực bà đi theo anh ta ra sao?”

    “Vào đến thang máy, anh ta dí súng vào người tôi”

    “Anh ta nói gì?”

    “Chẳng nói gì cả..”

    “Và bà đi theo anh ta?

    Hoài cãi:

    “Tôi bị dí súng vào người, tôi sợ chứ”

    Luật sư Trần gật đầu trước câu trả lời của Hoài.

    “Bà trả lời như vậy tốt lắm”

    Luật sư hỏi tiếp:

    “Sau đó ra sao?”

    “Anh ta uy hiếp tôi lên xe”

    “Bà cứ kể tiếp”

    Hoài như phải đi trở lại những giờ phút mà nàng nghĩ cả đời sẽ không thể nào quên được.

    “.. Anh ta.. đẩy tôi vàotrong xe.. và.. trói hai tay tôi.. cũng như trói cả chân tôi.. Liền sau đó tôi bị chụp thuốc mê và không biết gì nữa..”

    “Bao lâu sau thì bà tỉnh lại?”

    “Tôi không biết.. nhưng chắc chắn không phải sang ngày hôm sau..”

    “Tại sao bà chắc chắn như vậy?

    “Bởi vì.. anh ta dọn cho tôi ăn tối.. khi tôi tỉnh lại”

    “Bà cứ kể tiếp đi. Chuyện gì đã xảy ra sau đó? Y có uy hiếp bà không?”

    “Không... Anh ta cho tôi ăn, để tôi ở riêng một phòng”

    Vị luật sư và Nguyên yên lặng nghe Hoài nói. Chẳng ai lên tiếng.

    “Anh ta.. giam cầm tôi trong căn nhà đó. Mọi cửa sổ và cửa ra vào đều khóa. Phòng tôi ngủ tôi có thể khóa bên trong. Tôi chỉ ra ngoài phòng ngủ khi ăn. Phần lớn là tôi khóa cửa phòng và trốn ở trong đó”

    “Anh ta có thái độ mạnh bạo gì với bà không?”

    Nguyên hồi hộp chờ nghe câu trả lời của Hoài.

    “Không”

    “Bà có ý tưởng tìm cách trốn thoát không?”

    “Có chứ, dĩ nhiên. Nhưng trong nhà đó anh ta dấu hết mọi dao, kéo.. Vả lại lúc nào y cũng ở nhà làm sao tôi có cơ hội?”

    “Trong bản báo cáo của sở cảnh sát bà nói y không bắn súng bao giờ dù có súng. Bà có thể giải thích được không?”

    “Khẩu súng y dùng để uy hiếp tôi không có đạn.. Tôi không biết điều này cho đến khi tôi tìm được khẩu súng đó trong ngăn kéo phòng ngủ.. Tôi.. cầm súng hăm dọa y.. nhưng y đã cười ngạo và bảo tôi súng không có đạn và y chưa bao giờ biết bắn súng..”

    “Vậy y muốn gì? Y có nói cho bà biết không?”

    “.. Y muốn giữ tôi ở đó.. và y nghĩ y sẽ chinh phục được tôi. Nhưng tôi bảo với y dù y có giam giữ tôi đến bao lâu cũng vậy thôi. Tôi muốn trở về với gia đình chồng con tôi”

    “Thái độ y ra sao khi nghe bà nói như vậy?”

    “Ù lì, y xem những lời nói của tôi như không..”

    “Y không đe dọa bà?”

    “Không”

    “Hoàn toàn không?”

    “Hoàn toàn không!”

    “Tôi nghĩ hôm nay thế là quá đủ. Tôi sẽ liên lạc lại với ông bà cho biết những diễn tiến ra sao. Nhưng công tố viện sẽ phỏng vấn bà là nạn nhân trong vụ bắt cóc này. Tôi chỉ là luật sư cố vấn cho bà giúp ý kiến cho bà, nhưng chính là công tố viện, bà hiểu không? Công tố viện cũng sẽ hỏi những câu hỏi tương tự như tôi đã hỏi bà”

    Hoài như trút được gánh nặng đeo bên mình.
    Lúc đi về Nguyên khoác vai vợ. Hoài thấy nhẹ hẳn người. Tối nay có lẽ cả nàng và Nguyên sẽ ngủ yên.
    Last edited by frankie; 06-24-2022 at 11:03 AM.

  2. #12
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Chương 32



    Tay bị trói, ngồi trong xe cảnh sát bít bùng, Lữ vẫn không tin những điều vừa xảy ra.
    Hoài như một vật quý giá vuột khỏi tay chàng. Người ta mang Hoài đi. Giấc mơ của Lữ và Hoài đã bị người ta cướp mất. Còn Đoàn đâu? Tiếng nói của Đoàn trong đầu chàng sao nay tắt ngấm? Tại sao Hoài lại để cho người ta mang nàng đi?

    Phần đoản khúc cuối trong bản Vocalise vang lên đâu đó trong đầu chàng, trong tim Lữ, thiết tha, ray rứt làm chàng nhắm nghiền mắt như tìm một chỗ trú ẩn trong bài hát bất hủ của Sergel Rachmaninoff. Mái tóc đen của Hoài quyện lấy những nốt nhạc như quấn lấy Lữ không cho chàng thoát ra..
    Xe ngừng. Lữ mở mắt ra.
    Hai người cảnh sát lôi Lữ đi vào bên trong.

    Họ giam Lữ chung với những tội phạm khác.
    Những cặp mắt của tội ác đang chăm bẳm nhìn Lữ như bóc trần xem tội ác của Lữ ra sao, gớm ghê đến đâu trên khuôn mặt không mang dấu vết của nhọc nhằn kinh khiếp nào.
    Lữ ngồi xuống một góc khuất, nhắm mắt nếu không muốn nói là chờ đợi những rủi ro có thể xảy đến ở nơi này..


    *


    Ra khỏi tiệm ăn, David lái xe về nhà thoải mái. Vào phòng khách David cởi cà-vạt, quăng áo khoác lên ghế bành, rót một ly rượu tự thưởng cho mình. Hợp đồng béo bở giữa Lữ và Gary cùng tác giả Gerritsen mang lại cho David những con dấu đồng thơm phức. Thật khỏe ru, chẳng phải làm gì cả mà lại có tiền!
    Nằm dài trên ghế sofa, David đưa tay bấm mở Tivi như thói quen hàng ngày. Màn hình tivi của CNN hiện lên. Gương mặt Lữ đập vào mắt David. Mắt anh ta mở lớn, miệng hơi mở nhưng không có âm thanh nào vuột ra. David nhìn trừng trừng vào màn hình tivi đang chiếu cảnh những đèn xe cảnh sát chớp nháy liên tục, Lữ bị trói quặt tay ra phía sau, kẹp giữa hai người cảnh sát.

    Đúng là Lữ! Vẫn cùng bộ quần áo trên người mà mới đây cả David và Lữ gặp nhau trong cuộc họp với Gary về hợp đồng mới.
    Những âm thanh từ chiếc tivi mỏng dính gắn trên tường như xác định về những ngờ vực của David. Đúng là người, đúng là Lữ, nhưng còn nguyên nhân bị bắt giữ là một điều không tưởng! Lữ phạm tôi bắt cóc và giam giữ người trái phép! Không thể tưởng tượng được!

    David mở lớn âm thanh. Anh ta ngồi bật dậy, mắt không rời màn hình tivi.
    Vừa lúc đó chuông điện thoại reo. Mắt vẫn theo dõi những tường thuật và hình ảnh trên ti vi, David nghe điện thoại.
    Tiếng Gary cũng sửng sốt không kém bên đầu giây:

    “Có xem ti vi chưa?”

    “Tôi.. đang xem..”

    “Anh có thể giải thích cho tôi hiểu được không? Tôi không thể nào tin nổi!”

    David lắp bắp:

    “Chắc.. có sự nhầm lẫn.. Tôi cũng không tin. Lữ là người đàng hoàng..”

    “Anh vừa mới xem ti vi hay xem nãy giờ?”

    “Tôi vừa về đến nhà, vừa mới mở ti vi..”

    “Vậy là anh xem nửa chừng. Không có gì là nhầm lẫn cả vì người bác sĩ bị bắt cóc đã trốn thoát và tố cáo Lữ”

    Những lời nói của Gary như những mũi dao khoét những dấu đồng hồi nẫy đang lấp lánh trong đầu David nay rơi rụng lả tả! Anh ta lặng im không nói gì được nữa..

    “David!” Tiếng Gary gọi trong điện thoại “Anh có nghe tôi nói không?”

    “Vâng, vâng tôi đang nghe..”

    “Bây giờ anh tính sao?” Giọng Gary có vẻ gắt gỏng và bực tức.

    David thở dài:

    “Anh muốn tôi làm gì?”

    “Tìm người khác làm thế vì hợp đồng tôi đã ký với Gerritsen”

    “Tìm người ngay đâu phải dễ. Bây giờ vấn đề là làm sao giúp cho Lữ thoát khỏi vụ này”

    “Anh nói đùa? Đó là chuyện của nó không phải là chuyện của mình.Tôi không làm ăn với những kẻ phạm pháp. Bộ anh không nghĩ đến chuyện nó khai ra là làm việc với mình là cũng đủ rắc rối cho tôi sao?

    “Nhưng tội nghiệp nó, tôi nghĩ Lữ cũng không đến nỗi nào”

    “Anh muốn giúp nó là chuyện của anh. Đối với tôi hợp đồng nó ký với tôi coi như không có vì bây giờ nó sẽ vào tù và không còn làm việc cho tôi thì hợp đồng đó coi như hủy. Anh đừng lôi thôi nữa. Tôi chán lắm rồi. Tìm cho tôi người khác càng sớm càng tốt, hiểu chưa?

    David nuốt nước bọt, đáp:

    “Vâng, để tôi tìm”

    “Nhớ là càng sớm càng tốt”

    Nói xong Gary cúp máy.
    David ngồi thừ người. Tìm người khác viết lại bản thảo cho phim cũng dễ thôi nhưng lâu nay làm việc với Lữ quá quen thuộc, dễ dàng. Anh ta không bao giờ có thể tưởng tượng được Lữ là một kẻ phạm pháp!
    Màn hình ti vi của đài CNN vẫn tiếp tục quay đi quay lại tin đó. Lữ hiện đang bị giam ở nhà giam của thành phố trong lúc chờ xét xử.
    “Mình phải đi thăm hắn thôi!” David nghĩ thầm.



    *


    Hôm sau David vào nhà giam tìm gặp Lữ.
    Đây là lần đầu tiên David đến nhà giam để thăm.. một người bị bắt giữ.
    Điều đầu tiên David bị hỏi là anh ta có ở trong danh sách được thăm của người đang bị giam giữ hay không? Dĩ nhiên là không! Việc đi thăm lại có giờ giấc nhất định, không phải lúc nào muốn vào thăm cũng được. Đã vậy còn hạn chế số người vào thăm. Dĩ nhiên chỉ trừ luật sư là có quyền vào thăm phạm nhân bất cứ lúc nào, 24 trên 24.

    “Trong danh sách được vào thăm anh ta có nhiều người không?”

    Người phụ trách nhìn David rồi lắc đầu:

    “Không có ai cả. Có thể vì phạm nhân mới vào”

    David phân vân hỏi lại:

    “Người bạn tôi làm sao có thể tìm luật sư?”

    Người phụ trách nhún vai:

    “Luật sư sẽ tìm đến, thiếu gì!”

    David không hỏi gì thêm nhưng càng nghĩ càng thấy tội nghiệp cho Lữ. Tại sao lại xảy ra như vậy?
    Trở lại về nhà, David tìm tòi những gì liên quan đến vụ bắt giữ Lữ để tìm hiểu thêm.
    Theo điều tra sơ khởi, Lữ là bệnh nhân của người nữ bác sĩ tâm lý. Bà ta bị Lữ bắt cóc.

    Lữ có vấn đề về tâm lý sao? David lắc đầu. Trông Lữ rất bình thường. Quen biết Lữ nhiều năm qua, có gì khác thường về anh ta đâu? Cũng có nhiều bạn gái, rồi bỏ. Chưa bao giờ thấy Lữ nói về gia đình anh ta. Nhưng một điều chắc chắn David biết, Lữ chưa bao giờ lấy vợ.
    Thật khó mà hiểu được lòng người!
    Có thể Lữ sẽ để tên David vào danh sách được thăm nom và anh sẽ vào gặp Lữ được.

  3. #13
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Chương 33



    Không phải chỉ mình David, Gary và những người khác biết Lữ bị bắtgiữ, nhưng gia đình Lữ cũng đã hay tin.

    Bà mẹ Lữ là người đầu tiên bay về thăm con trai. Bố Lữ từ chối không đi vì đối với ông“thằng con” này đã biến mất khỏi cuộc đời ông và gia đình từ lâu.
    Lữ nhớ lại khi mẹ mình vào thăm, bà đã ôm lấy Lữ, khóc ngất, kể lể, than thở làm Lữ thấy hối hận đã làm cho mẹ mình buồn và rơi lệ. Nhưng chàng thấy mọi người không hiểu và nhìn chàng như kẻ phạm tội. Lữ bị bắt oan uổng. Chàng có làm gì đâu?

    Trong những ngày ở chỗ tạm giam, Lữ chỉ mơ tưởng được Hoài vào thăm. Những luật sư tìm đến nhưng Lữ từ chối. Tại sao chàng cần phải có luật sư? Chàng có làm gì phạm đến Hoài đâu? Chỉ có Đoàn lại xuất hiện và luôn luôn ở bên cạnh Lữ. Đoàn luôn luôn nói chuyện với Lữ. Lắm lúc chàng mơ được ngồi viết nốt tiểu thuyết của mình, được sống với tiểu thuyết và quên đi những cặp mắt cú vọ đầy đe dọa của những tên tội phạm trong cùng phòng.

    Ngày hôm nay gia đình Lữ mướn một luật sư để bào chữa cho chàng. Lữ bị từ chối không được đóng tiền thế chân để tại ngoại hậu tra, đó là lời của luật sư biện hộ. Chàng không quan tâm. Lữ đã có Hoài trong căn nhà của mình, dù chỉ là vài ngày ngắn ngủi, nhưng chàng đã sống được với những ước muốn của mình.

    Trong phòng tạm giam chật chội, Lữ đã bị ăn đòn vô cớ. Nhưng chỉ là những đòn dằn mặt không đến nỗi thương tích để phải chuyển đi. Bóng tối, phòng giam và những kẻ tội phạm đã làm cho Đoàn mạnh mẽ hơn để Lữ tìm nơi ẩn náu.

    Đoàn không chỉ ở trong đầu Lữ nhưng Đoàn đã thoát ra khỏi Lữ, biến ánh mắt hoang dại của Lữ thành những tia nhìn sắc bén tỏa ngọn lửa hung hãn. Chính những cái nhìn dữ tợn của Đoàn đã làm những kẻ chung quanh e dè. Lữ được để yên, mặc cho Đoàn chiếm đoạt mình.

    Ông Graham Flood là luật sư biện hộ cho Lữ. Đứng tuổi và nghiêm nghị, có lẽ ông ta chỉ nhiều hơn Lữ 7, 8 tuổi là cùng. Nhưng vẻ mặt khắc khổ của vị luật sư làm ông ta già hơn.
    Lần thứ ba khi ông ta trở lại trại tạm giam gặp Lữ mới có kết quả khá hơn vì Lữ chịu nói. Hai lần trước Lữ chỉ nhìn ông ta, hỏi gì chàng cũng không trả lời. Lữ chỉ nhìn vào khoảng không đàng sau lưng ông ta và bất hợp tác.
    Khi vị luật sư nói với Lữ:

    “Tôi chỉ có thể giúp anh nếu anh chịu hợp tác. Mẹ của anh lo cho anh, gia đình anh mướn tôi bào chữa cho anh. Nếu anh không nghĩ tới anh thì anh cũng phải nghĩ tới những người thân của anh, nhất là mẹ anh..”

    Chữ “mẹ” dường như lay động Lữ. Hình ảnh mẹ loáng thoáng đâu đây, tiếng mẹ khóc tỉ tê, rấm rứt như mưa nhỏ thấm đất, êm đềm mà ướt át. Lữ nhìn người luật sư. Chàng hỏi:

    “Ông muốn tôi làm gì?”

    “Trả lời những câu hỏi của tôi”

    “Tôi nghe” Lữ nói mà đầu óc chàng lùng bùng. Nhiều tiếng động ồn ào trong tai chàng làm Lữ nhăn mặt.

    Vị luật sư quan sát Lữ:

    “Anh có biết tại sao anh bị bắt không?”

    Lữ gật đầu:

    “Biết. Nhưng tôi có làm gì sai đâu? Tôi không hề xúc phạm đến cô ấy. Tôi rất kính trọng cô ta”


    “Tại sao anh bắt cóc cô ta?”

    “Nếu không cô ấy sẽ không chịu đi với tôi”

    “Trước luật pháp, cưỡng bách người khác là một cái tội”

    Lữ không nói gì. Chàng ngồi đó nhưng nhắm mắt lại.

    “Anh có hiểu điều đó không?”

    Lữ vẫn không nói gì.

    “Khi giam giữ cô ta trong nhà ngoài ước muốn của cô ấy đã là một trọng tội”

    Những lời nói của ông ta nghe nhàm chán. Lữ nhắm mắt lại như ngủ. Chàng tự hỏi: “Đoàn đâu rồi?”
    Vị luật sư hỏi tiếp:

    “Anh viết tiểu thuyết?”

    Lữ mở choàng mắt gật đầu.

    “Tại sao anh phải đến gặp người bác sĩ đó? Anh có vấn đề gì?”

    Lữ nhìn người luật sư như thách thức.

    “Tôi.. bị ám ảnh về câu chuyện mình đang viết”

    “Cô ta có giúp anh giải quyết được vấn đề không?”

    Lữ lắc đầu:

    “Không!”

    “Tại sao?”

    Hình như khi nhắc đến tiểu thuyết của mình Lữ thấy tỉnh táo hơn. Chàng chớp mắ tnhiều lần. Lữ như được mang trở lại thực tại. Chàng đáp:

    “Cô ta đi vào tiểu thuyết của tôi”

    “Giúp tôi hiểu rõ hơn được không?”

    “Cô ta đã trở thành nhân vật chính trong câu chuyện”.

    Người luật sư chăm chú nghe:

    “Cứ kể cho tôi nghe về tiểu thuyết của anh”

    Lữ kể về tiểu thuyết của mình viết nhưng thật ra chàng đang kể về mình:

    “Cô ta trở thành người tình của tôi. Chúng tôi có một tình yêu tuyệt vời, không có.. những nhơ bẩn trần tục. Không phải tôi chiếm đoạt cô ta mà chính cô ấy đã chiếm đoạt tôi.. Cô ta cho tôi biết thế nào là tình yêu ban sơ nhưng cuồng nhiệt. Cô ta là ngọn đuốc thiêu cháy tôi...”

    Nói đến đây Lữ nhắm mắt lại. Chàng nhớ đến phần mình đã viết hay sự thật đã xảy ra như vậy khi Lữ và Hoài yêu nhau trên chiếc giường phủ đầy hoa. Những cánh hoa hồng thơm ngát quyện lấy thân hình kiều diễm của Hoài. Nàng đã đưa Lữ lên đến tột đỉnh của mọi cảm xúc mà một con người có thể có được... Hai người đã biến vào trong nhau, hòa hợp làm một..

    Có lẽ nét mặt của Lữ thể hiện một vẻ gì khác lạ làm vị luật sư lên tiếng hỏi:

    “Trong tiểu thuyết, anh có làm hại cô ta không?”

    “Không, tôi trân trọng và tôn thờ cô ta. Tôi sẽ sẵn sàng xả thân cho cô ta. Đoàn cứ.. thúc dục tôi chiếm đoạt cô ta một cách.. điên cuồng và hung bạo.. Nó muốn cô ta trở thành nô lệ cho nó nhưng tôi không bao giờ nghe.. ”

    Vị luật sư cau mày hỏi:

    “Đoàn là ai?”

    “Là nhân vật nam chính trong tiểu thuyết của tôi”

    “Vậy cả anh và Đoàn đều có trong tiểu thuyết và cùng.. yêu cô ta?”

    Lữ tự dưng thấy thích thú khi nói chuyện với người luật sư này. Chàng đáp:

    “Đúng vậy! Thế mà Hoài không hiểu.. Đoàn lúc nào cũng muốn sở hữu cô ta và bắt cô ấy phải tuân phục nó. Tôi cứ phải bảo vệ cô ta bằng cách này hay cách khác..”
    “Đoàn là người như thế nào?”

    “Anh ta có cá tính rất mạnh mẽ và thích làm theo ý mình, không kể đến hậu quả miễn là đạt được mục đích”

    “Đoàn có ý định diệt trừ anh không?”

    “Nếu tôi không ngăn nổi nó thì nó sẽ.. giết tôi, giết cả cô ấy..”

    “Kết thúc của tiểu thuyết anh ra sao?

    “.. Tôi chưa viết xong.. Tôi không muốn hoàn tất..”

    Đến đây thì người luật sư hiểu ông ta sẽ phải làm gì để bào chữa cho Lữ.
    Ông ta nói nhẹ nhàng:

    “Nếu anh nhận tội thì sẽ không cần có phiên tòa xét xử, không có bồi thẩm đoàn.”

    “Tôi chẳng có tội gì cả. Yêu đâu phải là tội”

    Người luật sư thừa biết câu trả lời của Lữ nên nói tiếp:

    “Tôi sẽ xin Tòa cho phiên xử sớm hơn. Hiện tại anh cần gì anh cho tôi biết. Điều gì giúp anh được tôi sẽ giúp anh”

    Lữ nhìn người luật sư, chàng thấy có cảm tình với ông ta:

    “Tôi muốn được gặp cô ta”

    “Chuyện đó không thể xảy ra. Anh sẽ gặp cô ta trong phiên xử tại tòa án”

    Trước khi đứng lên, vị luật sư nhìn Lữ ái ngại:

    “Trong trại tạm giam anh có bị đe dọa không?”

    Lữ thản nhiên đáp:

    “Có, nhưng Đoàn bảo vệ tôi. Lúc nào anh ta cũng ở cạnh tôi”




    Chương 34



    Văn phòng của Hoài tạm đóng cửa thêm 1 tuần lễ nữa vì Hoài cần thời gian cho đầu óc được ổn định hơn.
    Nhưng khi nhận được điện thoại của luật sư Trần báo tin ngày giờ của phiên tòa xử, Hoài chới với. Nàng nghĩ mình chưa sẵn sàng trở lại làm việc, hay nói cách khác, nàng chưa thể đối diện với ai khác ngoài chồng con nàng.. và luật sư Trần.

    Hoài thầm cám ơn Nguyên đã hiểu nàng và chăm sóc Hoài. Hơi một tiếng động mạnh trong nhà cũng làm Hoài sợ. Ban ngày khi Nguyên đi làm, Kim đi học, nàng tự nhốt mình trong phòng ngủ. Mặc dù biết là Lữ đã bị giam giữ nhưng Hoài vẫn sợ. Sợ phải trải qua những giây phút đã trở thành một nỗi ám ảnh gắn sâu vào tâm thức.

    Tiếng chuông điện thoại làm Hoài giật mình.
    Nàng bấm nút nghe.
    Đầu dây bên kia tiếng luật sư Trần nghe rõ như ông ta đang ngồi trong phòng với Hoài:

    “Bà OK không? Mọi sự tạm ổn thỏa chứ?”

    “Tôi.. chưa trở lại làm việc được..”

    “Phải một thời gian. Sau phiên xử, chắc chắn y sẽ bị giam giữ, bao lâu thì không biết. Nhưng với đầy đủ chứng cớ như vậy, bà yên tâm đi, y sẽ phải nhận trách nhiệm cho hành động sai trái của mình”

    Hoài buồn rầu nói:

    “Tôi cũng hy vọng như vậy..”

    “Bà sẽ trở lại với cuộc sống thường nhật sau khi chuyện này được giải quyết xong. Điều tôi hơi lo ngại là bà sẽ phải trải qua những giây phút.. không được dễ chịu trong phiên xử.. Công tố viện cũng sẽ hỏi những câu hỏi tương tự như tôi đã hỏi bà trước phiên tòa. Đây là một vụ hình sự nên công tố viện được chỉ định và công tố viện là người sẽ trình bày trước tòa những chứng cớ để buộc tội. Tôi chỉ giúp ý kiến bà, sửa soạn cho bà và có mặt trong phiên xử mà thôi”

    “Tôi mong cho mọi chuyện sớm kết thúc”

    “Bà cần hỏi gì nữa không?”

    “Trong phiên xử, có bồi thẩm đoàn không?”

    “Có chứ, 12 người. Trừ phi bên kia nhận tội thì khỏi có phiên xử, khỏi có bồi thẩm đoàn”

    “.. Bên kia có nhận tội không? Tôi hỏi câu này là thừa phải không?”

    “Không, anh ta tuyên bố mình vô tội”

    “Vậy bồi thẩm đoàn sẽ là những người quyết định?”

    “Có thể nói như vậy. Nhưng vụ này quá rõ ràng, bà đừng lo, hắn ta không thể chạy thoát được vì có quá đủ bằng chứng buộc tội mà bà chỉ là một nạn nhân”

    “Tuyển chọn bồi thẩm đoàn có lâu không?”

    “Bình thường là 2 hay 3 ngày, có khi kéo dài hơn, mười hay mười lăm ngày”

    “Tôi có cần phải tập dợt trước phiên xử không?”

    “Bà không thấy tự tin?”

    “Không phải vậy, nhưng tôi không muốn phải lập đi lập lại nhiều lần câu chuyện đó”

    “Tôi hiểu nhưng công tố viện sẽ xem xét những dữ kiện và hỏi bà vì bà là nạn nhân. Bà cần hỏi gì nữa không?”

    “Không, chỉ có thế thôi”

    Luật sư Trần cúp máy. Tuy khẳng định với bà Hoài nhưng đâu đó với linh tính nghề nghiệp, ông ta cũng dành 20% cho những bất ngờ xảy đến làm thay đổi cục diện. Những điều bất ngờ như vậy đã xảy ra và cũng có thể được lập lại trong tương lai. Làm sao biết chắc được?

    Nhưng hai tuần sau sẽ là phiên xử.


    *


    Hoài gần như phát ốm nặng sau lần gặp công tố viện. Nàng đã trải qua những giây phút căng thẳng tột bực mặc dầu biết ông ta đứng về phía mình và bênh vực mình. Cho dù luật sư Trần đã nói trước nhưng Hoài vẫn gặp khó khăn hay hoảng sợ và cảm thấy bị áp lực về tinh thần nhiều.
    Không hiểu khi ra tòa sẽ ra sao? Bên luật sư biện hộ cho Lữ sẽ quay nàng thế nào?
    Tất cả những lo âu, sợ hãi này đều do Lữ gây ra! Nhưng nghĩ cho cùng nếu nàng còn bị giam giữ trong căn nhà của Lữ thì nàng sẽ ra sao?
    Last edited by frankie; 06-24-2022 at 11:17 AM.

  4. #14
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852


    Chương 35





    Donovan, David, Anne và gia đình của Hoài, Lữ, những người thân của Hoài, phóng viên báo chí.. đều có mặt trong phiên tòa xử.
    Hoài mặc bộ suit mầu xanh đậm, không đeo trang sức. Trông nàng tiều tụy và gầy hơn thường lệ đến 5, 6 pounds.
    Nguyên và Kim con gái nàng cùng họ hàng ngồi ở những hàng ghế sau đó.

    Phía bàn bên trái là Lữ cũng ăn mặc chỉnh tề ngồi cạnh luật sư của anh ta. Gia đình Lữ ngồi những hàng ghế phía sau anh ta.
    Bàn của công tố viện phía bên phải, gần với chỗ riêng biệt dành cho hàng ghế bồi thẩm đoàn.
    Mọi người đứng lên khi chánh án vào tòa xét xử. Những thủ tục sơ khởi diễn ra nhanh chóng.

    Hoài tuyệt đối không nhìn hay liếc sang phía bên Lữ ngồi. Nàng cố trấn tĩnh và tự nhắc nhủ mình mọi sự sẽ yên ổn.
    Bên kia Lữ không bỏ sót một cử động nào của Hoài. Mái tóc đen của nàng đôi lúc che một nửa mặt nàng hay Hoài cố tình không muốn cho Lữ nhìn thấy mặt nàng.
    Cả Lữ và Hoài có lẽ là 2 người không để ý đến lời mở đầu của công tố viện. Mỗi người đều chìm đắm trong những ý nghĩ riêng của mình. Riêng Hoài căng thẳng quá sức! Nàng cứ phải tự trấn tĩnh mình liên tục.

    Phiên tòa này đặc biệt vì Hoài là nhân chứng duy nhất. Mọi người đều chờ đợi.
    Phần mở đầu của công tố viện trình bầy với những dữ kiện thu thập đầy đủ từ sở cảnh sát và những lời khai của Hoài để buộc tội Lữ.
    Khi Hoài được gọi, nàng run và lạnh toát. Trả lời những câu hỏi của công tố viện và luật sư biện hộ cho Lữ không làm nàng hoảng sợ đến như thế nhưng sự hiện diện của Lữ làm nàng mất tinh thần.

    Khi đưa bàn tay phải lên tuyên thệ sẽ nói sự thật, người nàng cứng đơ, nhưng bàn tay hơi giật giật. Hoài tránh nhìn Lữ mặc dù nàng biết mình đang là tâm điểm của mọi chú ý.
    Những câu hỏi của công tố viện cũng chẳng khác gì như những câu hỏi mà người luật sư riêng của Hoài đã hỏi nàng trước đây nên nàng đã lấy lại được sự bình tĩnh. Phần lớn những câu hỏi đều liên quan đến việc Lữ uy hiếp và bắt cóc Hoài ra sao, giam giữ nàng trong nhà thế nào.

    Đến phiên người luật sư biện hộ cho Lữ đứng lên, tiến về phía Hoài và đặt câu hỏi, nàng bắt đầu luống cuống.
    Luật sư Graham Flood nhìn người phụ nữ trước mặt và liên tưởng đến những lời mà Lữ đã nói với ông trước đây. Câu hỏi đầu tiên ông ta đưa ra cho Hoài đồng thời đứng hơi nghiêng người chỉ tay về phía Lữ đang ngồi:

    “Bác sĩ cho biết lý do vì sao ông Lữ, thân chủ của tôi, đến gặp bà?”

    Hoài hít một hơi thật mạnh vào lồng ngực rồi trả lời trong cương vị chuyên môn của mình:

    “.. Ông ta là một người viết tiểu thuyết và.. trong quá trình viết tiểu thuyết, ông ta lẫn lộn giữa chính bản thân và một nhân vật trong câu truyện do ông ta dựng lên. Đó là lý do ông ta đến gặp tôi”

    “Bác sĩ có thể giải thích rõ ràng hơn?”

    “Ông ta bị rối loạn đa nhân cách, Multiple Personality Disorder, đó là một căn bệnh rối loạn tâm lý, sinh ra ít nhất là hai nhân cách trong một con người. Nhân cách này dành sự thống trị trên nhân cách kia. Không những thế ông ta còn bị tâm thần phân liệt, schizophrenia, nhưng tôi nghĩ ông ta chỉ bị nhẹ””

    “Người bệnh này (vị luật sư biện hộ dùng chữ “người bệnh” với chủ ý gây ấn tượng với bồi thẩm đoàn để xác định đây là một người có bệnh chứ không phải là người bình thường) có tiến triển khá không với nhiều lần gặp bác sĩ?”

    “Có thời gian tiến triển khá”

    “Việc các nhân cách giành quyền điều khiển nhau nhưng có khi nào nhân cách này tạo tình huống đe dọa nhân cách kia không?”

    Hoài hiểu những câu hỏi của vị luật sư biện hộ cho Lữ muốn dẫn dắt đến điều gì. Nhưng nàng phải trả lời theo đúng với nghề nghiệp của mình.

    “Cũng có”

    “Sau thời gian điều trị tâm lý, liệu nhân cách này có thể hòa hợp với nhân cách kia không?”

    “Với thời gian điều trị tâm lý, nếu có những điểm chung thì nhân cách này có thể hòa hợp vào nhân cách kia, nhưng bản thân người bệnh vẫn còn bị ảnh hưởng bởi việc tách rời nhân cách và những nhân cách vẫn không ngừng đấu tranh giành quyền kiểm soát”.

    Một đôi lần, công tố viện đứng lên phản đối những câu hỏi của luật sư biện hộ mà ông ta cho rằng đi ngoài vấn đề nhưng luật sư biện hộ biện luận và được tiếp tục.
    Đến đây, luật sư Graham Flood xin phép tòa để mở cuộn băng mà ông đã thu lại khi nói chuyện với Lữ. Đoạn đối thoại giữa luật sư Grahm Flood và Lữ như sau:

    “Anh có biết tại sao anh bị bắt không?”

    “Biết. Nhưng tôi có làm gì sai đâu? Tôi không hề xúc phạm đến cô ấy. Tôi rất kính trọng cô ta”

    “Tại sao anh bắt cóc cô ta?”

    “Nếu không cô ấy sẽ không chịu đi với tôi”

    “Trước luật pháp, cưỡng bách người khác là một cái tội. Anh có hiểu điều đó không?”

    Một vài phút im lặng trôi qua.

    “Anh viết tiểu thuyết?”

    Không thấy Lữ trả lời trong đoạn thu băng nhưng có lẽ câu trả lời của Lữ là gật đầu.

    “Tại sao anh phải đến gặp người bác sĩ đó? Anh có vấn đề gì?”

    “Tôi.. bị ám ảnh về câu chuyện mình đang viết”

    “Cô ta có giúp anh giải quyết được vấn đề không?”

    “Không!”

    “Tại sao?”

    “Cô ta đi vào tiểu thuyết của tôi”

    “Giúp tôi hiểu rõ hơn được không?”

    “Cô ta đã trở thành nhân vật chính trong câu chuyện”.

    “Cứ kể cho tôi nghe về tiểu thuyết của anh”

    “Cô ta trở thành người tình của tôi. Chúng tôi có một tình yêu tuyệt vời, không có.. những nhơ bẩn trần tục. Không phải tôi chiếm đoạt cô ta mà chính cô ấy đã chiếm đoạt tôi.. Cô ta cho tôi biết thế nào là tình yêu ban sơ nhưng cuồng nhiệt. Cô ta là ngọn đuốc thiêu cháy tôi...”

    “Trong tiểu thuyết, anh có làm hại cô ta không?”

    “Không, tôi trân trọng và tôn thờ cô ta. Tôi sẽ sẵn sàng xả thân cho cô ta. Đoàn cứ.. thúc dục tôi chiếm đoạt cô ta một cách.. điên cuồng và hung bạo.. Nó muốn cô ta trở thành nô lệ cho nó nhưng tôi không bao giờ nghe.. ”

    “Đoàn là ai?”

    “Là nhân vật nam chính trong tiểu thuyết của tôi”

    “Vậy cả anh và Đoàn đều cótrong tiểu thuyết và cùng.. yêu cô ta?”

    “Đúng vậy! Thế mà Hoài không hiểu.. Đoàn lúc nào cũng muốn sở hữu cô ta và bắt cô ấy phải tuân phục nó. Tôi cứ phải bảo vệ cô ta bằng cách này hay cách khác..”

    “Đoàn là người như thế nào?”

    “Anh ta có cá tính rất mạnh mẽ và thích làm theo ý mình, không kể đến hậu quả miễn là đạt được mục đích”

    “Đoàn có ý định diệt trừ anh không?”

    “Nếu tôi không ngăn nổi nó thì nó sẽ.. giết tôi, giết cả cô ấy..”


    Có lẽ người duy nhất thích thú khi nghe đoạn đối thoại được thu lại này là Lữ. Còn Hoài? Mặt nàng tái xanh. Từng lời nói của Lữ như những ngọn lửa nóng bỏng vờn qua vờn lại trên da thịt nàng làm Hoài đau đớn..

    Vị luật sư chờ chừng 1, 2 phút như để những điều mọi người trong phiên xử vừa nghe thấm sâu hơn rồi mới đặt câu hỏi tiếp.

    “Trong lúc bị giam giữ, người bệnh nhân của bácsĩ đối xử với bác sĩ như thế nào? Bà đừng quên bà đã tuyên thệ sẽ nói mọi sự thật, không dối trá”

    Những lời nói của Lữ mà nàng vừa mới nghe trong phiên tòa và đâu đó tiếng vĩ cầm réo rắt của bài Vocalise lại vang lên như muốn vắt cạn kiệt mọi hơi thở của Hoài. Nàng như con cá bị bỏ lên bờ, Hoài cố gắng lắm mới trả lời được:

    “Ông ta.. không làm gì tôi cả..”

    “Bác sĩ trả lời rõ ràng hơn. Ông ta có hăm dọa bà hay cưỡng bức bà không?”

    Hoài lắc đầu thay cho câu trả lời.

    “Bác sĩ vui lòng nói ra câu trả lời. Lắc đầu không phải là câu trả lời”

    “Không. Ông ta không hề.. hăm dọa tôi”

    “Ông ta nói với tôi, ông ta rất kính trọng và trân quý bà. Điều này ông ta nói đúng hay sai?”

    Hoài gượng gạo trả lời:

    “Ông ta nói đúng”

    Tất cả những câu hỏi của luật sư biện hộ đều nhắm vào việc bào chữa và chứng minh thân chủ của ông ta không đủ năng lực để chống trả với nhân cách thứ nhì. Nhưng cuộn băng thu lại với lời đối thoại giữa luật sư Graham Flood và Lữ lại đưa đến một cái nhìn để quy trách nhiệm vào Hoài, người bác sĩ tâm lý chữa trị gây ra.

    “Theo tôi hiểu thì thân chủ của tôi bị rối loạn đa nhân cách, có phải không thưa bác sĩ?”

    “Đúng vậy..”

    “Có thể dùng thuốc để điều trị không?”

    Hoài suy nghĩ:

    “Không. Không có phương pháp điều trị bằng thuốc dành riêng cho bệnh rối loạn đa nhân cách nên các phương pháp chữa trị tâm lý vẫn là cách điều trị chính. Tuy nhiên, thuốc điều trị những bệnh đi kèm như trầm cảm đôi khi cũng được sử dụng để nâng cao hiệu quả điều trị tâm lý”

    “Bác sĩ có thể cho biết phương pháp tâm lý trị liệu dùng cho thân chủ của tôi ra sao?”

    “Điều trị tâm lý hay còn gọi là tâm lý trị liệu phân tích nhận thức của người bệnh. Mục tiêu của phương pháp điều trị này.. là hướng tới cho người bệnh hiểu được rõ hơn về cảm xúc ẩn sâu bên trong người đó. Từ đó giúp người bệnh dần kiểm soát được suy nghĩ, hành vi cũng như thái độ của chính mình”

    “Thân chủ tôi đến gặp bác sĩ bao nhiêu lâu rồi để chữa trị?”

    Hoài phân vân khi trả lời:

    “Tôi không nhớ đích xác.. nhưng không lâu lắm..”

    “Không lâu là bao lâu? Một hai tháng hay 5, 6 tháng?”

    “Tôi phỏng chừng 2, 3 tháng. Phải xem hồ sơ bệnh lý mới biết chính xác”

    “Nhưng với những sự việc đã xảy ra, theo tôi nhận xét, bệnh tình thân chủ tôi không tiến triển hơn mà còn tệ hơn. Như cuộn băng thu mà quý vị vừa nghe, chính thân chủ tôi xác định đến gặp bác sĩ Hoài không giải quyết được vấn đề mà còn gây thêm vấn đề”

    Hoài nóng mặt nhưng nàng kềm lại.
    Luật sư Graham Flood nhìn quan tòa và nói:

    “Tôi không có câu hỏi nào thêm”

    Quan tòa tuyên bố:

    “Tạm nghỉ và chờ quyết định của bồi thẩm đoàn”

    Mười hai người trong bối thẩm đoàn gồm cả nam lẫn nữ với nhiều sắc dân khácnhau được đưa vào phòng kín để thảo luận.
    Mọi người đứng lên đi ra ngoài. Lữ bị còng tay và cảnh sát áp giải đến nơi khác.
    Hoài mệt mỏi nhìn đồng hồ, nàng mong cho phiên xử chóng kết thúc. Nhưng..
    Chữ “nhưng” này làm nàng lo sợ tuy không nói ra.

    Nếu bị suy xét là điên loạn liệu Lữ có được trắng án và cả đời Hoài cứ phải lo âu không? Hay Lữ sẽ bị giam vào tù? Nhưng đến thời hạn sẽ được thả ra và.. Hoài vẫn cứ phải lo sợ khi Lữ ra khỏi tù? Liệu sau đó Lữ có đi tìm nàng không?
    Cho dù cả bao nhiêu câu hỏi cứ thi nhau hiện lên trong đầu nàng nhưng Hoài không chối cãi là nàng thấy thương cảm cho Lữ nhiều hơn là thù ghét!
    Đến khi Nguyên đến ôm vai nàng thì thầm:

    “Ăn uống gì không? Anh thấy em mệt lắm rồi Hoài à!”

    Hoài nắm lấy tay Nguyên như vớ lấy một chiếc phao cầu cứu:

    “Không, em không cần gì cả. Chỉ mong cho sớm kết thúc..”

    “Anh nghĩ sẽ kết thúc nhanh vì chứng cớ rành rành. Đừng lo Hoài à, bây giờ em đi đâu cũng có anh. Anh sẽ không bao giờ để em đi đâu một mình”

    Hoài cười gượng:

    “Em còn phải làm việc chứ..”

    “Anh đến đón em về và đưa em đi làm, không phải lo gì cả”

    Nàng nắm tay chồng bóp mạnh. Hoài thầm cảm ơn vị luật sư biện hộ của Lữ. Ông ta đã gián tiếp giải tỏa được những thắc mắc mà nàng chắc chắn chồng mình đã nghi ngại là Lữ có những hành động sỗ sàng.. hay làm bậy Hoài.

    Nguyên ngồi xuống cạnh Hoài. Nàng dựa đầu vào vai chồng và nhắm mắt lại.
    Nhưng đầu nàng không yên. Không biết những ám ảnh về những ngày bị Lữ giam cầm có bao giờ tan biến và trả Hoài về với đời sống thường nhật?



    *



    Bên ngoài hành lang tòa án mọi người tụ tập thành những nhóm nhỏ.

    Gia đình Lữ đang an ủi bà mẹ Lữ. Bà lão phờ phạc và cứ thút thít khóc. Bà không nhận ra Lữ, con trai bà. Cuộn băng ghi âm nghe trong tòa án không phải là con trai bà. Mặc dù Lữ nói bằng tiếng Anh nhưng bà bắt em Lữ thông dịch cho bà nghe. Nghe đến đâu bà khóc ngất đến đó. Thằng Lữ mà bà yêu quý dù ít khi nó về nhà không phải như thế. Sách vở làm nó thay đổi, cuộc sống xa gia đình làm nó bấn loạn hóa điên!

    Bà lão kể lể chắc bị trời phạt nên mới có đứa con bị điên như vậy. Bà thương con trai đứt ruột. Nhìn nó bị còng tay mà ruột gan bà tơi bời.
    Kim, con gái Hoài ngồi với gia đình bên nội ngoại, thầm thì to nhỏ.

    David đi bách bộ lên xuống trong hành lang.
    Donovan chưa bao giờ cảm thấy tội lỗi như vậy! Sẽ có ngày chàng đến bà Hoài và nói ra hết, nào là đã đi theo chiếc xe mà Hoài đi với Lữ, chàng đã nghĩ xấu cho bà Hoài..


    *



    Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, mọi người lại trở vào phòng xử khi nghe bồi thẩm đoàn đã đi đến kết quả đồng thuận.
    Ai nấy lục tục tìm chỗ ngồi. Cảnh sát đưa Lữ trở lại.
    Hoài nhất quyết không nhìn về phía Lữ trong lúc tim nàng đập loạn. Bất cứ bản án nào cho Lữ đều có thể làm Hoài ngất xỉu!
    Nguyên đã trở về chỗ ngồi cũ. Có lẽ tất cả những người thân của hai bên đều căng thẳng chờ đợi phán quyết cuối cùng của 12 người trong bồi thẩm đoàn.

    Mọi người được lệnh đứng lên khi quan tòa vào phòng xử.
    Tất cả ngồi xuống khi được lệnh an tọa. Chánh án nhìn về phía bồi thẩm đoàn hỏi xem có kết quả đồng thuận chưa hay bị trắc trở.
    Người đại diện cho bồi thẩm đoàn đứng lên tuyên bố đã có kết quả.
    Khi quan tòa yêu cầu người đại diện đọc phán quyết. Người đại diện dõng dạc nói:

    “Không có tội vì điên loạn và không làm chủ được hành động của mình!”

    Hoài nhắm mắt lại. Chung quanh nàng nhiều tiếng xôn xao. Vậy là Lữ sẽ thoát sao? Nàng thấy người mình lạnh toát như bị dìm xuống nước sông lạnh buốt..
    Nhiều tiếng động hỗn độn quanh Hoài.
    Gia đình Lữ mừng rỡ. Nguyên và Kim thẫn thờ.

    Phản ứng mọi người khác nhau qua những trao đổi lời nói.
    Quan tòa kéo kính xuống và tuyên bố:

    “Lữ Phạm sẽ bị giam lỏng tại bệnh viện tâm thần Rusk State ở thành phố Rusk, thuộc tiểu bang Texas, vô thời hạn. Cho đến khi nào bác sĩ chữa trị quyết định Lữ Phạm đã trở lại bình thường và không còn là một nguy hiểm cho xã hội hay những người chung quanh nữa, lúc đó sẽ được thả ra”.

    Lữ vẫn đứng khi nghe bản án dành cho mình. Chàng không mảy may xúc động. Đoàn đã chiếm đoạt lấy Lữ hoàn toàn! Chàng nhìn về phía Hoài nhưng không thấy nàng, không thấy hình ảnh Hoài nằm trên giường phủ đầy hoa hồng. Người đàn bà đó là ai khác, không phải Hoài! Nếu đó là Hoài thì nàng đã nhìn Lữ. Lữ thầm thì trong đầu:

    “Chúng ta đã có những ngày tuyệt vời phải không Hoài? Hoài đang ở đâu? Ồ không! Hoài lúc nào cũng hiện diện bên cạnh chàng. Lữ sẽ bảo vệ nàng, không để cho Đoàn hãm hại! Chúng ta sẽ nói chuyện với nhau ngày đêm.. Chúng ta có nhau, không một ai có thể mang Hoài đi được..”

    Hoài mơ hồ cảm nhận Nguyên ôm mình, hình như cả con gái mình, Kim. Và như một giấc mơ, Hoài đi theo mọi người. Chung quanh nàng có ai nói gì nàng cũng không hiểu.. Nhưng đâu đó bản nhạc Vocalise réo rắt vang lên cùng với ánh lửa bập bùng của lò sưởi ở nhà Lữ, đôi mắt dã thú của Lữ, dáng vẻ bất cần đời của Lữ.. và nhiều thứ thuộc về Lữ.. cứ bám chặt lấy nàng, quấn quít làm Hoài nghẹt thở. Hoài thấy mặn ở môi, chung quanh nàng đều mờ ảo và nhòe nhoẹt..

  5. #15
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852


    Chương 36





    Ngày đầu tiên trở lại đi làm, Nguyên đã đưa Hoài vào tận văn phòng.

    Anne vẫn ngồi ở chỗ quen thuộc. Phòng đợi không có gì thay đổi. Bên trong nơi Hoài làm việc cũng thế. Hình như tất cả những gì nàng cố bỏ lại sau lưng chỉ là một cơn ác mộng! Hoài muốn nghĩ như thế.

    Hôm nay Hoài dặn Anne đừng cho ai hẹn. Nàng muốn chắc chắn mình sẽ làm việc lại như thường.
    Anne cười tươi đón Hoài:

    “Em mừng quá chị Hoài à!”

    Hoài mỉm cười không nói gì.
    Anne liến thoắng:

    “Nếu có khách gọi hôm nay chị bảo em cho họ hẹn lúc nào? Ngày mai hay vài ngày nữa?”

    “Hôm nay là đầu tuần. Em cho hẹn từ thứ tư trở đi được đấy”

    “Vâng”

    Dường như Anne muốn nói điều gì nhưng rồi lại thôi.
    Hoài nhìn Anne như chờ đợi câu hỏi nhưng không thấy Anne nói gì.

    Nàng vào phòng và khép cửa lại. Hoài không đóng cửa như mọi khi. Có lẽ nàng cần đến sự có mặt của Anne trong một ý nghĩa nào đó..
    Hoài ngồi ở bàn làm việc và tự hỏi: “Mình đã sẵn sàng làm việc chưa?”. Vài phút sau, Hoài quyết định nàng nên làm việc ngay để.. quên..
    Nàng đứng dậy ra ngoài dặn Anne:

    “Em cho khách hẹn luôn hôm nay cũng được nếu có ai gọi..”

    Anne có vẻ ngạc nhiên:

    “Chị có chắc không?”

    Hoài gật đầu không nói thêm.


    *

    Nguyên đưa Hoài đi làm và đón nàng về mỗi ngày. Cuộc sống gia đình dần dần trở lại bình thường. Nguyên không nhận lời đi party nữa vì hiểu Hoài không muốn đối diện và phải trả lời với những câu hỏi tò mò của mọi người, cho dù đấy là những người bạn..
    Chồng và con gái hiểu những điều Hoài đã phải trải qua. Mọi người đều tế nhị và săn sóc Hoài nhiều hơn. Nàng cũng cố gắng vui vẻ cho mọi người an tâm nhưng sau này Hoài dễ bị mất ngủ.

    Những lúc mất ngủ là lúc Hoài khổ nhất. Nhưng mỗi ngày nàng cố gắng vượt qua, chậm nhưng Hoài cương quyết không bỏ cuộc. Thời giờ rảnh rỗi nàng làm vườn và khám phá mình có tay trồng cây. Không hẳn là một thú vui nhưng nó giúp nàng thư giãn đầu óc và thoải mái hơn.

    Cũng có đôi lần, một vài bệnh nhân hỏi Hoài về những điều đã xảy ra cho nàng nhưng Hoài tìm cách né tránh không trả lời.
    Một năm, hai năm trôi qua, mọi sự có vẻ trở lại bình thường.

  6. #16
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852

    Chương 37



    4 năm sau


    Mangal Karimy




    Buổi sáng đầu tuần của tháng 11 mà nóng như cuối hè. Mới hôm qua lạnh giá, nay lại nóng. Đất trời chuyển mình liên tục. Với thời tiết thất thường lúc nào Hoài cũng phải mang sẵn một chiếc áo khoác mỏng. Nguyên đưa Hoài vào tận văn phòng rồi mới đi làm. Họ như hình với bóng..
    Anne và nụ cười quen thuộc luôn luôn cho Hoài một cảm giác ấm áp tin cậy.

    “Có nhiều người hẹn hôm nay không?” Hoài hỏi Anne.

    “Thứ hai lúc nào cũng bận, chị quên ư? Nhưng em chỉ cho hẹn vừa phải để dồn sang những ngày khác”

    “Cám ơn em”

    Hoài nhìn thoáng sổ hẹn thấy có tên bệnh nhân lạ. Một người mới với những vấn đề của riêng họ luôn luôn cho Hoài cảm giác.. hào hứng! Nói như thế thật ra không đúng.. Nhưng quả thật cứ nghe đi nghe lại những tâm trạng, tình cảnh của những bệnh nhân quen thuộc đôi lúc làm Hoài nhàm chán! Điều này nàng chỉ có thể tự nói với chính mình mà thôi.
    .Vào phòng làm việc, mọi sự Anne đã sắp xếp đâu vào đó. Hoài thích sự cẩn thận tỉ mỉ và chu đáo của Anne. Cô ta như đoán trước được ý thích của Hoài và dành cho Hoài những ân cần hiếm có.

    Bệnh nhân đầu tiên của ngày thứ hai trái mùa nóng nực có tên lạ. Không biết thuộc sắc tộc nào? Cô ta đẩy cửa vào đến thẳng chỗ Anne và nói tiếng Anh khá chuẩn dù đâu đó còn chút giọng ngoại quốc:

    “Tôi có hẹn lúc 8 giờ 30. Tôi đến hơi sớm..”

    Anne nhoẻn miệng cười thân thiện:

    “Vậy tốt vì cô còn phải làm giấy tờ hồ sơ cá nhân. Cô điền dùm tôi nhé”

    Anne đưa cho cô gái những mẫu đơn.
    Trong lúc cô ta điền giấy tờ, Anne kín đáo quan sát người bệnh nhân mới. Đây là một phụ nữ cứng cỏi đầy nam tính và có vẻ là lạ.
    Khi cô ta điền xong giấy tờ và đưa lại cho Anne, nàng được dịp nhìn cô ta rõ hơn. Một con người thông minh nhưng có vẻ kín đáo.

    Hồ sơ cho thấy Mangal Karimy là một phụ nữ người Afghanistan, 26 tuổi. Tên chồng là Ehrari Karimy. Mangal là một sinh viên. Có đi làm bán thời gian cho một cửa hàng bách hóa. Y phí tự trả, có lẽ vì bảo hiểm cá nhân không trả cho những dịch vụ sưc khỏe chữa trị tâm lý. Nghề nghiệp người chồng: bác sĩ y khoa. Điều này làm Anne chú ý. Có chồng khá giả mà vẫn đi làm thêm, người phụ nữ này tự lập!

    Sau khi hoàn tất hồ sơ người bệnh nhân mới, Anne cầm lên đến cửa phòng Hoài và gõ cửa.
    Hoài ra tận nơi –nàng vẫn làm như thế với tất cả mọi người- cầm tập hồ sơ và mỉm cười với người bệnh nhân mới:

    “Chào cô, tôi là bác sĩ Hoài. Mời cô vào bên trong này”

    Hoài không quên đưa tay bắt tay người bệnh nhân mới. Bàn tay cô ta thô nhám như tay một người đàn ông suốt ngày làm việc lao động. Thật trái ngược với vóc dáng có thể gọi là thanh tú.
    Người phụ nữ trẻ theo Hoài vào bên trong.
    Cánh cửa khép lại như một cách biệt giữa hai thế giới: trong và ngoài.

    “Cô có thể ngồi bất cứ chỗ nào cô thấy thoải mái. Những chuyện chúng ta trao đổi cần có một không gian dễ chịu và tự nhiên”

    Mangal Karimy có mái tóc ngắn, đen và gọn. Quần đen bó sát đôi chân dài thon gọn. Có lẽ cô ta chưa có con. Chiếc áo len mỏng màu xám rộng thùng thình như che đậy mọi đường cong trên thân thể người phụ nữ trẻ, nhưngvẫn cho thấy ẩn hiện đôi bầu vú tròn, cao.

    Mangal chọn chiếc ghế cách bàn làm việc Hoài một khoảng cách không gần lắm. Cô ta để chiếc xách tay dưới chân. Ngồi dựa lưng, quay qua quay lại nhẹ nhàng như tìm một chỗ thân quen.
    Hoài lên tiếng trước:

    “Tôi có thể gọi cô là Mangal được không?”

    “Vâng..”

    Giọng cô ta nhẹ, không trầm, không thanh, và vẫn có vẻ rụt rè... như tất cả những người bệnh nhân đầu tiên đến đây.
    Hoài ngọt ngào:

    “Cô có muốn dùng gì không? Chúng tôi có cà phê, chocolate và nước lạnh?”

    Cô gái nhìn Hoài lắc đầu:

    “Không.. không.. tôi không cần gì cả..

    Dù với khoảng cách Hoài vẫn nhìn rõ thấy đôi mắt đen rất to của Mangal và bộ dạng đầy bối rối của cô ta. Có ai chẳng như thế cho một mở đầu của những khúc mắc?
    Và gần như luôn luôn Hoài là người hỏi trước:

    “Tôi giúp cô được điều gì?”

    Mangal Karimy vẫn im lặng. Hoài kiên nhẫn và hỏi tiếp:

    “Cô sang Mỹ được bao lâu rồi?”

    “Được 6 năm..”

    “Cô nói tiếng Anh khá lắm. Sang đây cô mới học tiếng Anh hay học từ Afghanistan?”

    “Sang đây tôi mới học..”

    “Vậy là cô học nhanh lắm. Trong hồ sơ cô là sinh viên. Cô đang theo học ngành gì?”

    “Tôi muốn trở thành một nữ y tá”

    “Tốt quá! Những người chọn nghề này đều có tâm hồn vị tha”

    Mangal hơi mỉm cười. Có vẻ cô ta thoải mái hơn và bớt ngượng ngập.

    “Cô có thể nói với tôi bất cứ điều gì. Hay cô có thể kể cho tôi nghe về tuổi thơ của cô hoặc những ngày tháng lúc cô còn ở quê hương cô”

    Câu nói này của Hoài như những bước chân đến gần Mangal hơn, cùng ngồi xuống và.. lắng nghe..

    “Tôi.. là một đứa trẻ bacha posh..”

    Hoài hơi nhíu mày khi hỏi Mangal:

    “Cô giúp tôi hiểu ý nghĩa của hai chữ bacha posh. Chữ này viết ra sao?”

    Mangal đánh vần từng chữ:

    B A C H A – P O S H.

    Cô ta cúi đầu giải thích:

    “Bacha posh có nghĩa là ăn mặc như con trai. Tập tục này đã có từ bao nhiêu thế kỷ qua cho đến tận bây giờ ở xứ sở tôi, Afghanistan. Đây là một phong tục truyền thống. Trong tiếng Dari bacha posh là như thế.”

    “Tại sao cô phải ăn mặc như con trai?”

    “Người Afghanistan có quan niệm mê tín là một đứa trẻ bacha posh sẽ giúp xoay chuyển số phận, để đứa trẻ tiếp theo sinh ra trong gia đình sẽ là một bé trai..”

    “Xứ sở cô coi trọng nam giới lắm hay sao?”

    “Điều này bắt nguồn từ thực tế. Xứ tôi nông nghiệp là nền kinh tế chính. Nam giới đi làm ruộng, cày ruộng, chặt cây, làm mọi việc bên ngoài mang lương thực, tiền bạc về nuôi sống gia đình. Còn phụ nữ không thể kiếm tiền để nuôi sống gia đình, mà cũng không thể sống một mình. Phụ nữ chúng tôi được nuôi lớn với niềm tin rằng họ là gánh nặng cho gia đình. Trong xã hội gia trưởng của Afghanistan, con trai được coi trọng hơn con gái, nhiều đến mức một gia đình được coi là "không hoàn chỉnh" nếu không có con trai”

    “Kể cho tôi nghe về tuổi thơ và gia đình cô”

    Mangal có vẻ tự nhiên hơn khi nói:

    “Tôi được sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở phía tây Afghanistan... Lúc còn nhỏ tôi tên là Madina. Khi tôi 2 tuổi tôi vẫn là Madina.. Cha mẹ tôi sinh được 7 người con gái và tôi.. được cha mẹ chọn sống như một bacha posh.”

    “Một bacha posh thì phải làm những gì để giúp gia đình?”

    “Tôi phải hoàn tất những công việc thường ngày, từ đi kiếm củi về làm chất đốt, cho bò trong trang trại của cha ăn đến đi gùi các can nước qua những cánh đồng cằn cỗi. Tôi phải giúp cha tôi chăm sóc các cánh đồng lúa mì cũng như trang trại bò sữa của gia đình vào bất cứ thời tiết nào trong năm..”

    Hoài tò mò:

    “Một bacha posh có được đi học bình thường không?”

    “Có chứ. Mặc dù tôi cắt tóc ngắn và ăn mặc như con trai nhưng trong gia đình ai cũng biết tôi là con gái. Tôi đến trường như mọi đứa trẻ khác”

    “Có khi nào một bacha posh trở lại sống như con gái không?”

    “Cho đến khi cha mẹ nó sinh được con trai”

    Hoài thở dài:

    “Tôi không thể tưởng tượng nổi..! Còn trường hợp của cô..?”

    Mangal cười buồn:

    “Cha mẹ tôi không có may mắn là thêm được người con trai nào cả..”

    “Và họ vẫn bắt buộc cô phải sống như một bacha posh?”

    “Đúng vậy”

    “Bao giờ thì cô không còn là một bacha posh nữa? Tôi thấy cô lập gia đình. Trong hồ sơ chồng cô là một bác sĩ y khoa và cô hiện đang sống ở Mỹ?”

    “Tôi đã trở về là con gái đúng nghĩa năm 14 tuổi.”

    “Vì sao?”

    “Người chị lớn nhất của tôi đã phản ứng mạnh mẽ, yêu cầu cha mẹ tôi trả lại giới tính thật cho tôi”

    “Điều đó có khó khăn cho gia đình cô không?”

    “Đối với gia đình tôi thì không nhưng với bản thân tôi rất khó khăn”

    “Cô vẫn còn lẫn lộn về giới tính của mình?”

    “Có những lúc tôi vẫn cảm thấy mình là con trai cho dù lúc đó tôi đã mặc quần áo con gái. Khi là một bacha posh tôi có thể chơi đùa với bọn con trai, chơi những trò chơi của chúng nó, thả diều, đá banh..”

    “Cô gặp chồng cô lúc nào?”

    Gương mặt Mangal dường như tươi hẳn lên:

    “Khi tôi dự một bữa tiệc gia đình. Chồng tôi là một người họ hàng rất xa, gần như không còn họ. Tôi.. cảm nhận được sự thu hút khác lạ mà tôi chưa bao giờ biết đến.. Chồng tôi lớn tuổi hơn tôi nhiều. Gia đình anh sống ở Mỹ, dù gốc là Afghanistan nhưng chuyển qua sống ở Pakistan một thời gian lâu. Cha mẹ anh không muốn anh lập gia đình với người Mỹ và họ đưa anh về chơi Pakistan rồi Afghanistan thăm họ hàng”

    “Lúc đó cô đâu còn lẫn lộn giới tính nữa phải không?”

    Mangal mỉm cười nhìn Hoài:

    “Không..”

    “Còn bây giờ?”

    “Có những lúc tôi có cảm tưởng như mình không có một chỗ đứng nào đúng nghĩa”

    “Cô không biết mình thuộc về đâu?”

    “Đúng như vậy. Khi mới lập gia đình tôi quên những ngày tháng phải bắt buộc sống như con trai. Tôi bước vào thế giới phụ nữ một cách sung sướng. Tôi hưởng những sự âu yếm của chồng tôi và tình yêu trai gái một cách nồng nhiệt. Nhưng qua 6 năm sống trong hôn nhân, tình nghĩa vợ chồng vẫn thế, tôi yêu chồng tôi nhưng mọi sự dường như bắt đầu quá quen thuộc. Tôi đi học, đi làm thêm, tôi ra ngoài đời và tôi lại thấy mình trở lại như một bacha posher..”

    Hoài nhỏ nhẹ nói:

    - Bởi vì khi cô ra ngoài đời, cô bớt đi sự lệ thuộc vào chồng cô. Và những năm tháng đầu đời của mỗi người để lại ấn tượng rất sâu sắc, khó quên. Nhưng cô đừng quên hiện tại cô đang ở xứ Mỹ, nơi mà chỗ đứng của người phụ nữ không giống như ở xứ sở cô.

    Mangal nghiêng đầu nhìn Hoài:

    “Tôi như trở thành hai con người trong một thân xác. Lúc giao tế bên ngoài, tôi khác. Về với chồng tôi lại khác. Có lẽ với một người bình thường thì không sao nhưng
    tôi đã trải qua một thời gian dài làm.. con trai, tôi đã phải che dấu mọi cá tính của con gái.. Đôi lúc tôi không biết mình muốn trở thành phái nam hay phái nữ”

    “Cô lập gia đình và có con không?”

    Mangal lắc đầu:

    “Chúng tôi vẫn chờ đợi một đứa con ra đời, nhưng vẫn chưa thấy gì..”

    “Cô có nghĩ một đứa trẻ ra đời sẽ xác định giới tính của cô hay không?”

    “Có lẽ như vậy thật. Được làm mẹ chắc chắn sẽ làm tôi thay đổi.. Hiện tại..”

    “Cuộc sống gia đình của cô ra sao?”

    “Chồng tôi muốn có con, muốn lắm.. nhưng anh ấy kiên nhẫn chờ đợi..”

    “Chồng cô có biết trước đây khi còn nhỏ cô đã phải sống như một bacha posh không?”

    Mangal lắc đầu:

    “Anh ấy không biết..”

    “Cô dấu hay cô không có cơ hội để kể?”

    “Tôi.. dấu.. vì chồng tôi đã trở thành một người Mỹ. Những tập tục đó có lẽ chỉ có trong thời ông bà anh ta và như một hủ tục không còn nữa.. Tôi kể cho chồng tôi nghe để làm gì? Anh ấy sẽ không hiểu được..

    Hoài chăm chú quan sát Mangal. Nàng chờ đợi cô ta nói thêm những điều thầm kín khác, dù chỉ là một ao ước. Nhưng Hoài cứ đặt câu hỏi:

    “Có bao giờ cô bị thu hút hay rung động một cách khác thường khi gặp một phụ nữ không?”

    Mangal như giật mình. Cô ta ngồi thẳng người lên và không ngờ trước câu hỏi đột ngột này của Hoài. Cô ta cúi đầu, hai tay xoắn vào nhau, bàn tay này bấu víu vào bàn tay kia như tìm một câu trả lời.
    Một lúc im lặng trôi qua, Mangal ngửng đầu lên nhìn về phía Hoài và đáp:

    “Có.. tại sao bà biết?”

    “Tôi chỉ đoán..”

    Mangal nói nho nhỏ:

    “Điều này làm tôi sợ hãi lắm.. Càng ngày tôi càng thấy điều này lớn mạnh lên trong tôi. Tôi thích ngắm nhìn phụ nữ. Tôi không quan tâm đến đàn ông... Những chuyện vợ chồng đối với tôi rất nhàm chán nhưng.. tôi phải cố gắng che đậy và đánh lừa mình.. Có phải vì đã sống như một đứa con trai trong một thời gian mà làm tôi như thế không?”

    Hoài lắc đầu:

    “Tôi không nghĩ vậy. Cái mầm sống khác biệt đã có ở trong cô từ lâu. Bao nhiêu năm phải sống như một bacha posh thật ra giúp định hình rõ ràng hơn. Cô kể là năm 14 tuổi, người chị của cô đã phản ứng mãnh liệt đòi hỏi cô phải được trả lại giới tính thật, đó là do cô yêu cầu hay tự ý chị cô làm điều này?”

    “Chị tôi quyết định. Tôi không có phản ứng gì”

    “Nhưng cô có thấy vui hơn khi trở lại sống như con gái không?”

    “Khi bị gia đình ép buộc sống như một bacha posh, tôi còn nhỏ quá.. Tôi chỉ làm những điều cha mẹ tôi muốn tôi làm. Tôi vâng lời, tôi không có ý riêng của mình..”

    “Bây giờ nếu cho cô trở lại sống như một bacha posh, cô sẽ vui và hài lòng không?”

    “Tôi không biết.. “

    “Nhưng có bao giờ điều này trở thành một ước muốn không?”

    “Tôi không dám nhận là mình ước muốn điều đó?”

    “Tại sao?”

    “Bà không thấy điều đó là sai lầm sao?”

    “Tại sao cô nghĩ đó là một sai lầm?”

    “Tôi.. nghĩ.. tôi sinh ra đời như vậy.. tại sao tôi lại làm khác đi? Bà hiểu tôi nói gì không?”

    Hoài gật đầu, nói nhỏ nhẹ:

    “Tôi hiểu nên tôi mới hỏi cô câu đó”

    “Vì sao cô đến đây? Cô cần tôi giúp điều gì?”

    “Ở xã hội này.. người ta mạnh dạn lên tiếng và đòi hỏi này kia nọ. Môi trường xã hội như thế không ít thì nhiều cũng làm tôi bị ảnh hưởng. Có những điều nếu tôi còn ở Afghanistan, tôi sẽ không dám nghĩ đến.. cho dù chỉ là một ý tưởng trong đầu mình, không ai biết đến. Nhưng ở đây.. người ta tự do quá, người ta sống như người ta muốn sống, người ta ngồi lên dư luận, gia đình.. và chỉ nghĩ đến bản thân mà thôi..”

    Mangal ngừng vài phút. Hoài không lên tiếng.

    Cô ta lại nói tiếp:

    “Bản thân tôi không phải là người ích kỷ, tôi không chỉ sống cho mình mà còn sống cho người khác.. cho chồng tôi và danh dự gia đình tôi ở quê nhà.. Làm sao tôi có thể bảo với chồng tôi..”

    Chờ đợi không thấy Mangal nói trọn câu, Hoài hỏi tiếp:

    “Cô muốn nói với chồng cô điều gì?”

    Mangal chợt bật lên nói dồn dập làm như không phải nói với Hoài, người bác sĩ tâm lý, mà nói với chồng cô ta:

    “Tôi muốn ly dị. Tôi không thấy hạnh phúc khi làm vợ anh ta. Tôi muốn có một đời sống khác.. với.. Kathy..”

    Hoài khuyến khích Mangal:

    “Cô cứ kể tiếp. Tôi luôn luôn lắng nghe”

    “Bà không hỏi Kathy là ai ư?”

    “Tôi biết cô sẽ kể nên tôi chờ đợi vì cô đã nói ra được ước muốn của mình”

    Mangal không còn rụt rè như khi mới đến:

    “Kathy là bạn gái học cùng trường với tôi. Kathy nhút nhát lắm. Tôi ít khi nào thấy một cô gái bản xứ nhút nhát như vậy. Tụi tôi là bạn, bạn thân. Kathy giúp tôi nhiều về bài vở trong lớp. Cô ấy rất tử tế, hiền lành và luôn luôn chiều theo ý tôi. Đó là một sự đối chọi với chồng tôi. Ở nhà, tôi luôn luôn phải chiều chuộng và phục vụ chồng tôi, từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. Đối với Kathy, tôi thấy mình lớn mạnh. Tôi che chở cô ấy. Cá tính tôi mạnh mẽ.. có lẽ được trui luyện từ thời gian làm bacha posh. Sự khác biệt giữa tôi và Kathy rất lớn nhưng lại thu hút nhau”

    “Kathy có bạn trai không?”

    “Không. Kathy bảo Kathy yêu tôi và cần tôi..”

    “Như một người nữ cần một người nam?”

    “Đúng vậy”

    “Kathy có dục cô bỏ chồng không?”

    “Không trực tiếp nhưng gián tiếp. Kathy nói với tôi về những dự tính trong tương lai chỉ có tôi và cô ấy”

    “Phản ứng của chồng cô sẽ ra sao nếu cô nói đến chuyện chia tay?”

    “.. Anh ấy sẽ.. giết tôi..”

    Giọng Hoài vẫn đều đều trong những câu hỏi vì nàng đã suy đoán được.

    “Có bao giờ chồng cô hành hung cô chưa?”

    Mangal không trả lời.
    Hoài đổi câu hỏi:

    “Tại sao cô nói là chồng cô sẽ giết cô nếu cô bỏ anh ta?”

    “Chồng tôi đã nói ra điều này”

    “Trong dịp nào?”

    “Anh ta định không cho tôi đi học và đi làm tiếp”

    “Tại sao?”

    “Chồng tôi bảo anh ta có cảm giác bất an nếu tôi ra đời và tự lập, không cần nương dựa đến anh”

    “Chồng cô là người trí thức, sống bên đất nước này lâu đời, tại sao lại có những ý tưởng như thế cô biết không?”

    “Ở đây có bao lâu thì chồng tôi vẫn là một người đàn ông Afghanistan, không điều gì có thể tẩy xóa được sự thật ấy”

    “Có khi nào chồng cô chỉ dọa cô không thôi chăng?”

    “Chồng tôi không phải là một người thích dọa nạt.. Tôi biết anh ấy sẽ làm thật..”

    “Có khi nào phải gọi cảnh sát không?”

    “Chưa bao giờ. Điều này đối với chúng tôi là một điều đáng hổ thẹn..”

    “Chuyện chồng cô dọa giết cô có làm cô bỏ ý định ly dị anh ta không?”

    “Càng ngày tình yêu và sự thu hút giữa tôi và Kathy càng mãnh liệt. Sẽ có lúc mạnh hơn là sự đe dọa của chồng tôi”

    “Nhưng chồng cô có biết nguyên nhân mà cô muốn bỏ anh ta là do cô gái tên Kathy hay do một người đàn ông khác?”

    “Chồng tôi tưởng là một người đàn ông khác, trẻ tuổi hơn, hấp dẫn hơn”

    Nói xong Mangal cười. Nụ cười thoải mái vì đã nói ra được những điều muốn nói.

    “Chồng cô có biết cô đến đây không?”

    “Chính chồng tôi khuyên tôi, anh ấy nghĩ tôi bị trầm cảm và một bác sĩ tâm lý sẽ giúp tôi trở lại thăng bằng”

    Câu trả lời này của Mangal làm Hoài hình dung một viễn ảnh đáng sợ của một người đàn ông Afghanistan điên lên khi bị vợ bỏ và quy lỗi cho người điều trị tâm lý. Phản ứng của con người, bất luận là một kẻ có học hay vô học đều không khác nhau lắm.
    Hoài liếc mắt nhìn đồng hồ, cũng vừa lúc Anne gõ cửa bên ngoài nhắc Hoài đã quá giờ và đến giờ hẹn của bệnh nhân khác.

    “Chúng ta sẽ nói chuyện tiếp vào kỳ hẹn sau”

    Nói xong Hoài đứng lên.
    Mangal cũng đứng dậy theo. Hoài đưa cô ta ra tận cửa. Cái bắt tay từ giã dường như nồng đậm hơn.


    ***


    Hoài đảo mắt nhìn phòng đợi. Donovan! Người bệnh nhân mà nàng có cảm tình lâu ngày nay mới trở lại. Donovan có vấn đề gì đây?
    Anne đưa hồ sơ Donovan cho Hoài.
    Tiến về phía Hoài với vẻ mặt rạng rỡ, tay cầm một gói gì. Anh ta vồn vã bắt tay Hoài:

    “Bác sĩ Hoài khoẻ không? Tôi nhớ bà nhưng lâu nay bận quá”

    Hoài cười tươi, bắt tay Donovan rất lâu và mời anh ta vào trong.
    Hoài đưa tay mời Donovan ngồi. Nàng chọn chiếc ghế bành đối diện:

    “Lâu lắm mới gặp anh từ sau đám cưới. Đã có baby chưa? Kim Anh ra sao?”

    Những câu hỏi dồn dập và nụ cười ấm áp của Hoài làm Donovan thấy vui vẻ. Donovan thực sự quý bà Hoài. Những năm trước sau vụ án bà Hoài bị bắt cóc, chàng đã ngần ngừ có nên “thú tội” với bác sĩ Hoài là đã đi theo sau xe nhưng không ngờ bà Hoài bị bắt cóc, nhưng chàng lại thôi. Điều này có lẽ chỉ nên mình Donovan biết.

    Nhưng cũng chính vì điều đó mà chàng tránh không đến đây.
    Chàng cười nhìn bà Hoài. Bốn năm trôi qua, người đàn bà trước mặt chàng thay đổi rất ít.

    “Tụi tôi có 2 đứa con, một trai, một gái"

    “Thế là nhất. Vậy mà anh không báo tin vui cho tôi”

    “Tôi biết là tôi có lỗi.. nhưng thực sự lập gia đình rồi làm cha, làm chồng, nhiều thay đổi và quá bận rộn..”

    Hoài vẫn vui vẻ cười nhìn Donovan rồi hỏi:

    “Ghé ngang thăm tôi là vui rồi”

    Donovan chỉ hộp kẹo để trên bàn:

    “Có chút quà Kim Anh biếu bà”

    “Cá ơn nhiều lắm. Cho tôi gửi lời thăm Kim Anh nhé”

    Hoài nói và hơi thắc mắc, nàng không nghĩ Donovan đến đây để biếu quà vì anh ta lấy hẹn tức là cần Hoài cố vấn một điều gì.

    “Sao? Donovan có gì lạ không?”

    “Mẹ Amanda của tôi mới mất.. Bà có còn nhớ.. chuyện của tôi không?”

    “Tôi không quên. Xin chia buồn với anh”

    “Trước khi mất, mẹ Amanda có cho tôi biết lý do vì sao mà mẹ ruột của tôi cho tôi đi..”

    Nụ cười tắt trên môi Hoài. Nàng gật đầu tỏ ý nhận biết.

    “Đúng như bà đã đưa ra một số lý do mà mẹ tôi cho tôi đi. Mẹ tôi bị cướp và bị.. hãm hiếp. Tôi ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Nhìn thấy tôi là mẹ tôi nhìn thấy sự tủi nhục đó nên bà đã cho tôi đi như muốn xóa bỏ cái ký ức.. kinh hoàng đó. Tội nghiệp cho mẹ tôi.. Tôi không còn giận mẹ nữa. Tôi thương mẹ.. Nhưng như vậy cả đời tôi sẽ chẳng bao giờ biết người cha mình là ai..”

    “Anh có muốn biết không?”

    “Không.. tôi không muốn có người cha như vậy.. Thử DNA và truy tìm cũng sẽ có cơ may tìm được nhưng tôi không muốn.. Cái chết của hai người mẹ đã mang đi hết mọi câu hỏi của tôi..”

    “Anh đã được bình an rồi đấy”

    Donovan cười nhìn Hoài:

    “Tôi đến đây hôm nay để cám ơn bà. Bà không biết là bà đã làm cho tôi nhiều điều lắm..”

    Hoài cười:

    “Đó chỉ là công việc của tôi..”

    Donovan đứng lên nói:

    “Sẽ có hôm tôi đưa Kim Anh và hai đứa nhỏ đến thăm bà”

    “Tôi rất mong có dịp gặp gỡ gia đình anh”

    Ra đến cửa, Donovan ôm Hoài thật chặt và nói khẽ:

    “Tôi rất quý bà”

    Câu nói làm Hoài cảm động. Khi đóng cửa lại nàng vẫn còn thấy bâng khuâng. Hình như chưa có người bệnh nhân nào nói như thế..


    ***


    Ngồi xuống bàn làm việc nàng nhìn gói thư từ hôm nay chưa mở. Hoài uể oải nhấc từng thư lên xem. Một phong bì ngoại khổ làm nàng chú ý.

    Nàng lấy dao rọc phong bì mở ra xem trước. Phong bì đẹp dầy như những phong bì mời đám cưới hay tiệc vui mừng nào đó. Bên trong có card chụp poster phim. Môt thiệp mời đến dự buổi chiếu phim đặc biệt như những buổi trình chiếu trước khi phim có mặt tại các rạp xi nê. Tổ chức mãi tận New York. Lạ nhỉ? Ai mời?

    Phim mang tên “Bóng tối” có nhiều tài tử nổi tiếng. Phim dựa theo tiểu thuyết của Phạm Lữ.

    Đọc đến đó Hoài ngồi sững người. Mắt nàng vẫn không rời tấm thiệp mời. Những tiếng tí tách từ những ngọn lửa chập chờn ở lò sưởi, căn phòng khách tối, ly rượu vang đỏ của.. Lữ, tiếng vĩ cầm réo rắt bài Vocalise.. Những cánh hoa hồng thơm ngát, đôi mắt dã thú của Lữ.. Những ô cửa, cánh cửa khóa kín.. Và Hoài đã chạy.. chạy thoát ra khỏi ngôi nhà.. nàng đã đập cửa ngôi nhà có tủ sách trước sân.. Nàng đã thụp người xuống trước cửa nhà đó và van nài cứu giúp.. Cái nhìn ngoái lại van nài có tiếng gọi tên Hoài không rõ lắm của Lữ khi bị cảnh sát còng tay kéo đi.. Tất cả như những mảnh phim rời rạc đang chắp vá vào nhau chạy đi chạy lại trước mặt Hoài.

    Nàng nhắm mắt lại như xua đuổi. Mười, mười lăm, hai mươi phút trôi qua, Hoài mở mắt. Sự bình thản đến đột ngột như tấm thiệp mời đến ngày hôm nay.
    Lữ đã ra khỏi nhà thương điên. Lữ đã bình thường. Lữ đã hoàn tất tiểu thuyết của anh ta. Và hơn thế nữa tiểu thuyết của Lữ đã được lên phim ảnh. Lữ nhìn thấy được những nhân vật của anh ta trong tiểu thuyết bước lên màn ảnh bằng xương bằng thịt như Lữ hằng mong mỏi. Nỗi ám ảnh của Lữ đã tan biến.

    Hoài không còn phải nhìn sau lưng mình sợ hãi nữa. Ký ức của những ngày đó sẽ vẫn tồn tại mãi mãi nhưng sự sợ hãi trong nàng tan biến. Và có hôm nào đó vào tiệm sách thoáng nhìn thấy tiểu thuyết của Lữ thì đó cũng chỉ là tiểu thuyết mà thôi!



    Hết
    Last edited by frankie; 06-24-2022 at 12:08 PM.

  7. #17

 

 

Similar Threads

  1. Truyện ngắn Mặc Bích
    By Frank in forum Truyện
    Replies: 10
    Last Post: 05-31-2014, 12:08 PM
  2. Replies: 0
    Last Post: 08-19-2013, 09:15 AM
  3. Replies: 0
    Last Post: 08-17-2013, 07:53 AM
  4. Replies: 0
    Last Post: 08-15-2013, 09:42 AM
  5. Replies: 0
    Last Post: 08-10-2013, 01:44 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 11:26 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh