M
ỵ Viên



Người thiếu nữ đứng sau lưng Tụy nhìn chàng vẽ đã lâu lắm và Tụy bắt đầu cảm thấy khó chịu vì sự hiện diện của người thiếu nữ này.

Chàng ra Nha Trang nghỉ hè được hơn một tuần và không cảm thấy hào hứng gì với chuyện ngày hai buổi ra biển tắm và phơi nắng. Tụy xách giá vẽ ra biển tìm chỗ vắng người với phong cảnh thích hợp để hết tâm hồn vào việc ghi lại trên khung vải những cảm xúc, rung động của chàng. Hình ảnh của biển xanh bát ngát, tiếng sóng, những uyển chuyển của cánh chim hải âu bay lượn, những cố gắng của người thuyền chài da ngăm đen, bóng nhẫy kéo lưới, tất cả được chàng say sưa ghi nhận và diễn tả với cọ, sơn và khung vải.

Tụy đôi khi bị một vài người qua lại đứng dòm ngó, nhưng hầu hết đều không hiểu gì cả và ít quấy rầy chàng lâu. Nhưng lần này khác hẳn, thoáng thấy bóng người thiếu nữ từ đằng xa tiến lại phía chàng và dừng lại, Tụy cũng không để ý gì lắm và tiếp tục vẽ. Nhưng đã lâu lắm, Tụy không thấy người thiếu nữ bỏ đi như những người khác và chàng cảm thấy sự hiện diện của nàng sau lưng chàng, bất động như pho tượng, hoàn toàn không hề xáo trộn cả đến khoảng không gian chung quanh chàng, như một người không bóng, không hơi thở. Sau một lúc, Tụy không để ý gì đến người thiếu nữ nữa và chàng để hết tâm trí vào việc hoàn thành bức họa.

Khi trời đã gần về chiều và gió biển bắt đầu thổi mạnh, Tụy dừng tay đứng ngắm bức tranh gần hoàn tất. Chàng thoáng nghe trong gió tiếng nói của người thiếu nữ. Giọng nói ngọt ngào, mê hoặc: "Tranh ông vẽ còn thiếu!". Và nàng đột nhiên băng mình chạy trên bãi cát, ra tận mỏm ghềnh đá nhô ra biển. Nàng lao đao chao người như sắp rơi xuống biển. Nhưng gượng lại được nàng đứng yên, chênh vênh trên ghềnh đá, bất động. Toàn thân nàng như pho tượng, tóc bay dài trong gió biển thổi càng lúc càng mạnh.

Tụy như lên cơn sốt, chàng cầm lại cọ sơn vẽ vội vàng hình ảnh của người thiếu nữ vào bức tranh dang dở. Như sợ những giây phút rung động kỳ lạ sẽ vụt biến đi mất, không bao giờ còn nữa. Thời gian như ngừng lại. Và sau cùng chàng sung sướng chấm phá lần cuối cho bức tranh, vẹn toàn với hình ảnh người thiếu nữ tóc dài lộng gió biển trên ghềnh đá.

Tụy được biết tên nàng là Mỵ Viên, tình cờ thấy chàng đang vẽ, nàng xin lỗi vì đường đột làm phiền nhiễu. Tụy đứng mê mẩn nghe nàng nói, giọng nói trong, ấm, nhẹ như làn gió. Và vẻ lạnh lùng đầu tiên chàng thoáng thấy nơi nàng đã đột nhiên tan biến, thay thế bằng những nóng bỏng, như ngọn lửa bắt đầu bùng cháy.

Tụy mời Mỵ Viên đi ăn cơm tối và trong bữa ăn chàng cảm thấy bị quyến rũ nhiều hơn nữa với giọng nói đặc biệt của nàng. Mắt nàng long lanh nhìn chàng. Tụy bỗng có cảm giác rờn rợn, nhưng như chiếc kim nhỏ đặt gần thỏi nam châm lớn, chàng thấy không chống cự nổi với sức thu hút của Mỵ Viên. Nàng không nói gì nhiều về nàng, mỗi khi Tụy hỏi nàng lảng sang chuyện về hội họa, nghệ thuật. Tụy ngạc nhiên với tầm hiểu biết sâu rộng của nàng. Mỵ Viên bàn luận tinh tường về các trường phái hội họa, các họa sư danh tiếng, phân tích về đương lối dùng mầu sắc. Tụy nghe nàng phê bình bức tranh chàng vừa vẽ và chàng thấy ngay mình đã gặp được người tri kỷ, dù chỉ biết nhau mới chốc lát!

Ngoài trời bắt đầu đổ mưa lớn. Quán ăn vắng chỉ còn Tụy và Mỵ Viên. Tụy cảm ơn cơ hội để ngồi lại với Mỵ Viên lâu hơn. Nàng bắt đầu nói chuyện âm nhạc và Tụy ngạc nhiên và thích thú hơn nữa khi biết nàng ưa chuộng nhạc cổ điển. Tụy cho nàng biết chàng học Tây Ban Cầm cổ điển tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Mỵ Viên mắt ngời sáng. Nàng nhất quyết đòi Tụy cho nghe tiếng đàn của chàng. Ngay trong đêm nay!

Khi Tụy đưa Mỵ Viên về đến nhà trọ, trời cũng vừa tạnh mưa và bắt đầu sẩm tối. Mỵ Viên tự nhiên như chính nàng là chủ nhân căn nhà, lấy khăn lau khô mái tóc và pha trà cho chính nàng và Tụy uống. Tụy hơi ngạc nhiên nhưng cảm giác đó biến mất ngay. Chàng thấy thoải mái lạ thường, dường như đã biết nàng từ lâu lắm và những hành động của nàng như xảy ra mỗi ngày, không phải lần đầu nàng đến nhà Tụy.

Mỵ Viên lần nữa đòi nghe chàng chơi đàn và Tụy thấy khó lòng từ chối. Chàng cẩn trọng nhấc cây đàn ra khỏi hộp đựng và bắt đầu bằng những bài cổ điển. Tụy càng chơi càng mải mê với âm nhạc như quên hẳn người thiếu nữ trước mặt đang chăm chú nghe tiếng đàn và nhìn chàng không rời mắt. Mỵ Viên như bị thôi miên và khi Tụy chuyển sang bài nhạc Adelita của Tarrega, nàng bỗng rùng mình thu người lại như một cơn sợ hãi nào vừa ùa đến tràn ngập và lôi cuốn nàng theo. Mỵ Viên nghe nốt nhạc cuối cùng, đứng dậy gỡ đàn ra khỏi tay Tụy và ôm lấy chàng. Giọng nàng ngọt, mềm, bao phủ và Tụy nghe nàng nói như cơn mê đắm: "Em yêu anh".


***


Tháng hè đó đối với Tụy là cả đời chàng thu gọn. Nỗi hạnh phúc ùa đến như một cơn lốc. Ban ngày Mỵ Viên là người mẫu cho chàng vẽ. Nàng ngồi trên ghế đọc sách, đứng dưới gốc cây trước nhà hay trên bãi cát vắng người. Tụy mê mải ghi nhận vẻ đẹp tuyệt vời của nàng trên khung vải và chàng dùng những mầu sắc lộng lẫy, sống động nhất để diễn tả hạnh phúc và tình yêu của chàng. Tuy ao ước được vẽ nụ cười của Mỵ Viên nhưng chưa bao giờ chàng thấy nàng cười. Khuôn mặt của Mỵ Viên , kỳ bí và buồn bã, chàng vẽ tương phản với mầu sắc vui tươi và rực rỡ chung quanh nàng, như những luồng ành sáng chan hòa tìm cách xâm nhập vào sâu thẳm của tâm hồn nàng, nhưng không bao giờ thành tựu.

Ban đêm Tụy đàn cho nàng nghe và khi giấc ngủ gần đến, Tụy bao giờ cũng chấm dứt với bài Adelita, buồn bã và êm ái đưa nàng vào giấc. Đôi khi chàng chưa kịp đàn bài nhạc và Mỵ Viên trách móc ngay: "Anh đừng bao giờ quên. Ngày em chết, em muốn anh bên cạnh đàn cho em nghe bài này".

Cuối tháng đó, Tụy có chuyện cần phải về Sài Gòn vài ngày. Mỵ Viên đưa chàng ra phi trường và Tụy hẹn sẽ trở lại ngay. Mỵ Viên gật đầu nhưng nhìn cặp mắt nàng, Tụy có cản giác nàng tin tưởng sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau nữa. Mụ hôn từ giã của Mỵ Viên làm chàng rùng mình. Lạnh và buốt giá như nụ hôn từ biệt cuối cùng!


Tụy băn khoăn và lo âu suốt mấy ngày ở Sài Gòn. Chàng vội vã giải quyết cho xong công việc và lấy vé trở lại Nha Trang ngay. Không thấy bóng Mỵ Viên đến đón chàng ở phi trường. Về nhà trọ Tụy cũng không thấy Mỵ Viên đâu.Vật dụng của nàng trong nhà vẫn còn nguyên vẹn và Tụy đoán nàng đi công tác như những lần trước. Mỵ Viên đã có lần giải thích mơ hồ cho chàng là nàng tham dự vào một đảng chính trị ở miền Trung. Nàng không nói nhiều và Tụy cũng không hỏi thêm.

Đêm đó và cả đêm sau Tụy không thấy Mỵ Viên về. Chàng bắt đầu sợ hãi cho chuyện không may xảy đến. Tối đó một người đàn ông Tụy thoàng thấy nói chuyện với Mỵ Viên một hai lần trước đây, đến gặp chàng tại nhà và báo tin sét đánh. Mỵ Viên bị kẻ thù bắn tối hôm trước ở một làng nhỏ cách Nha Trang khá xa. Nàng tắt thở khi vừa đưa đến nhà thương thành phố. Người đàn ông kể lại nàng gọi tên Tụy trên suốt con đường đến nhà thương, cho đến lúc nàng hôn mê vì máu ra nhiều quá.

Tụy thấy trời đất như sụp đổ. Như trong cơn mê, chàng theo người đảng viên của Mỵ Viên đến nhà thương để nhìn mặt nàng lần cuối. Tụy như người mất hồn và hoàn toàn trông nhờ vào người đàn ông lạ để lo liệu chuyện chôn cất cho Mỵ Viên.


* * *


Tụy trở về Sài Gòn sau khi mọi sự xong xuôi. Trước khi về Tụy ra mộ thăm nàng lần cuối. Cảm hứng của chàng về hội họa đã tiêu tan với cái chết của Mỵ Viên. Tụy đem hết cọ sơn ra đốt trước mộ nàng, nguyện suốt đời chàng sẽ không bao giờ vẽ tranh nữa.

Cuộc sống ở Sài Gòn xô bồ với ồn ào, phù phiếm không làm cho Tụy quên được Mỵ Viên. Hạnh phúc của đời chàng, tình yêu, nghệ thuật đều đã không còn nữa. Tụy cảm thấy cuộc sống trở thành thừa thãi, vô ý nghĩa. Và cuối năm đó chàng nhận lời dạy văn khoa trên đại học Đà Lạt. Tụy hy vọng với yên tĩnh và cảnh đẹp thiên nhiên của núi rừng sẽ làm chàng nguôi ngoai phần nào nỗi buồn phiền. Hành lý của chàng chỉ gồm những bức tranh vẽ Mỵ Viên, cây đàn và mấy cuốn sách.

Phòng trọ của Tụy ở trên đồi sát với viện đại học. Tụy cảm thấy hài lòng với quyết định của mình. Mỗi sáng chàng dậy sớm, nhìn mặt trời mọc trên đỉnh rừng thông, uống cà phê trong sương mù và đi bộ vào dạy học. Ngày tháng qua dần và Tụy tạm thấy an ủi phần nào trong nỗi buồn về Mỵ Viên. Cảnh đẹp của Đà Lạt, êm ả và trong sáng, đám sinh viên hiền lành quý mến chàng, tất cả giúp cho Tụy tìm lại niềm vui sống phần nào.

Mỗi tối thứ bảy, Tụy đi uống cà phê và nghe nhạc tại một quán nhỏ gần viện đại học. Bạn chàng làm chủ quán, đã yêu cầu chàng trình tấu Tây Ban Cầm cổ điển cho cuối tuần. Nể bạn chàng nhận lời dù đã lâu lắm từ ngày Mỵ Viên mất chàng không hề sờ đến cây đàn. Tụy vẫn ân hận chàng đã không có mặt lúc nàng nhắm mắt để đàn bản nhạc Adelita như Mỵ Viên đã hằng ước nguyện. Chàng chơi đàn trong quán nhưng không bao giờ chơi bản Adelita. Cũng như sẽ không bao giờ vẽ lại. Tụy biết, hội họa và Adelita, chàng đã đồng hóa với Mỵ Viên. Không bao giờ còn nữa với chàng.

Mỗi lần khi chơi đàn, Tụy để ý đến một nữ sinh viên trong lớp chàng. Bao giờ cũng có mặt. Người thiếu nữ tóc dài, trắng muốt khác thường và cặp mắt làm chàng nhớ đến Mỵ Viên. Lần nào nàng cũng đến để nghe Tụy đàn và về ngay khi Tụy chấm dứt. Tụy cũng không để ý gì nhiều hơn nữa.

Tết năm đó, Tụy nghỉ hai tuần về Sài Gòn, sau ngày lễ chàng trở lại Đà Lạt. Điều đầu tiên Tụy chú ý là sự vắng mặt trong lớp của người nữ sinh viên mê say tiếng đàn của chàng. Tụy hơi thắc mắc nhưng cũng không để tâm đến nhiều. Cuối tuần chàng đến chơi nhạc tại quán của người bạn cũng không thấy người thiếu nữ tóc dài đâu.

Sau phần trình tấu, một thanh niên tự xưng là anh của người thiếu nữ gặp Tụy cho chàng biết nàng bị ốm nặng và muốn được gặp Tụy. Gạn hỏi Tụy được biết nàng bị ung thư máu, hai tuần lễ vừa qua bệnh càng ngày càng trầm trọng và không hy vọng gì cứu chữa. Điều ước nguyện cuối cùng của nàng là được nghe tiếng đàn của Tụy và anh của nàng tha thiết xin Tụy chiều nàng lần cuối.

Tụy xách đàn đi ngay đến nhà người thiếu nữ. Ngôi biệt thự đầy vẻ vắng lạnh trên đường Lữ Gia nằm cô lập trong khu rừng thông khá xa trung tâm thành phố. Chìm trong mầu tối đen của trời đất, những đám sương mù bắt đầu rơi xuống dầy dặc bao phủ căn nhà mang một vẻ huyền hoặc. Tụy chợt thấy ớn lạnh. Chàng nghĩ đến Mỵ Viên và ước nguyện được nghe chàng đàn bài Adelita trước khi chết. Tụy lắc đầu xua đuổi ý nghĩ và theo người thanh niên vào nhà.

Anh nàng mời chàng lên phòng trên lầu. Tụy xách đàn mở cửa bước vào. Luồng khí lạnh làm chàng rùng mình. Chiếc giường treo lớp màn voan trắng toát, người thiếu nữ tóc dài đen nhánh phủ xõa trên gối. Khuôn mặt trắng bệch, nàng nằm yên không cử động. Tụy không thấy làn ngực thở và chàng cảm giác người thiếu nữ đã chết hay hơi thở chỉ còn quá nhẹ, chàng không biết nữa. Căn phòng không một chút sinh khí và ngọn nến chập chờn đầu giường làm Tụy đột nhiên sợ hãi.

Chàng định quay ra khỏi phòng, nhưng vừa bước ra gần cửa, một giọng nói mơ hồ làm chàng đứng sững: "Anh Tụy". Giọng nói này chàng không thể nào nhầm lẫn. Giọng nói đã đưa chàng vào tình yêu, cho chàng những ngày hạnh phúc, vội vã, cô đọng, của cả một đời người. Giọng nói chàng biết sẽ không bao giờ còn có thể nghe lại được.

Tụy quay người. Chàng gọi: "Mỵ Viên". Không! Không phải Mỵ Viên, người thiếu nữ trước mặt là cô nữ sinh viên đáng thương của chàng. Chàng biết mình đang có ảo giác với giọng nói của Mỵ Viên. Tụy lại gần. Người thiếu nữ từ từ mở mắt. Đôi mắt trên khuôn mặt nàng là đôi mắt của Mỵ Viên. Đôi mắt chàng đã bao lần ghi lại trên những bức tranh của những ngày hạnh phúc đã mất. Đôi mắt chàng không bao giờ quên, ám ảnh chàng từng giấc ngủ, suốt đời chàng. Mãi mãi.

Người thiếu nữ mấp máy môi. Và lần này Tụy nghe rõ ràng tiếng nói của Mỵ Viên, vang vang trong căn phòng, dâng trào như từ đáy mồ vọng lên: "Em yêu anh". Đôi mắt người thiếu nữ ngước nhìn chàng. Tình yêu tỏa ra từ trong đáy mắt, bao phủ chàng, ngập tràn. Nàng nói: "Anh yêu, cho em nghe bản đàn của em".

Tụy như bị thôi miên. Chàng mở hộp lấy đàn và ngồi xuống ghế sát cạnh giường nàng như những ngày hạnh phúc thuở trước. Và chàng đàn cho nàng nghe bài nhạc Adelita, bản đàn cuối cùng của nàng. Chàng đàn với tình yêu tràn ngập, với nghệ thuật đã trở lại. Để dàn một lần cuối. Để ước nguyện của nàng được trọn vẹn. Để giải thoát đến với nàng. Và đến với chàng.

Khi những âm điêu cuối cùng của bản đàn chấm dứt, chỉ còn tiếng vang nhẹ ngân dài trong không gian, Tụy nhìn lên. Nàng mỉm cười, từ từ nhắm mắt. Những giòng máu đỏ từ vết thương đạn bắn trên ngực nàng bắt đầu chảy ra chầm chậm, đẫm ướt cả một mầu hồng trên chiếc áo ngủ lụa trắng. Cơn gió lạnh từ ngoài chợt thổi mạnh, mở tung cánh cửa sổ, ùa vào thổi tắt ngọn nến đầu giường. Và khi giọt sáng cuối cùng biến mất, nhường chỗ cho bóng đêm dầy đặc, Tụy biết chàng đã xa rời Mỵ Viên mãi mãi, nhường lại nàng cho nơi chốn của vô cùng và miên viễn.



Nguyễn Đình Phùng