Register
Page 2 of 4 FirstFirst 1234 LastLast
Results 11 to 20 of 32
  1. #11
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852


    20- Hai Ngả Đường



    Cuối Xuân sang Hạ, khí trời còn mát dịu. Bên kia bờ ao, khóm tre xào xạc lay động trong tiếng gió, lung linh in bóng trên mặt ao, nước trong soi bóng mầu hồ thủy. Ông Khán Thâu từ trong nhà đi qua sân đất nện ra cầu ao rửa mặt. Cầu ao bắc bằng một phiến đá nhẫn dài chừng hai thước tây. Bề ngang từ 30 tới 40 phân. Phần nhiều ở nhà quê mỗi nhà đều có ao riêng trước nhà dùng để tắm rửa giặt giũ. Nhà nào không có xây bể lớn chứa nước mưa, người ta dùng nước ao để nấu ăn, uống. Ao còn để thả bèo làm đồ ăn nuôi heo, hoặc thả rau muống rất tiện lợi cho gia đình có thức dùng.

    Đợi ông Khán dưới cầu ao bước lên, Bìm, cô gái lớn trong nhà khệ nệ bưng rổ bát từ trong bếp ra cầu ao để rửa sau khi cả nhà đã dùng cơm, uống nước xong. Tự động mỗi người có công việc phải làm, ông Khán dắt trâu đi làm đồng, bà Khán cắp thùng đi chợ sau khi đã dặn dò các con nhỏ đi học. Bìm và Lạch, hai con gái lớn đã nghỉ học ở trường làng. Sau khi học biết đọc biết viết, bây giờ ở nhà giúp đỡ bố mẹ.

    Con gái đã lớn phải tập công ăn việc làm như nuôi tầm, kéo chỉ, nuôi heo, nuôi gà, giúp đỡ cha mẹ để có đồng ra đồng vào, sắm sửa thêm quần áo cho tươm tất. Đã có mấy bà hàng xóm xì xào ươm tiếng mối manh. Cả hai chị em đã được cắp sách đi học, ít khi phải làm đồng, trừ hai vụ gặt lúa nên da trắng mắt, tay chân không bị chai đá. Từ ngày ươm tơ, xe chỉ, dệt vải, phụ mẹ hái dâu, nuôi tầm, băm bèo cho heo.

    Bìm hiền lành, ít nói, làm nhiều thay mẹ quán xuyến mọi việc trong nhà. Nàng là mẫu người nội trợ hiền thục, không đua đòi, đỏm dáng và biết an phận. Lành sắc sảo, lanh lợi lại hay nói bông lơn, pha trò. Nàng nói năng lưu loát, vui vẻ, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng. Tính lại thích đọc truyện. Lạch hay mua hoặc mượn tiểu thuyết về xem rồi tưởng tượng như nhìn thấy trước mặt những nhân vật trong truyện.

    Lạch ước ao được mặc quần áo trắng, áo mầu, vấn tóc trần, quấn khăn san, âu phục hợp với trào lưu đổi mới văn mình, chứ không thể giam hãm ở với bố mẹ nơi quê mùa, bùn lầy nước đọng, chỉ biết thái dâu, băm bèo, ươm tơ, dệt củi, hai mùa ra đồng cắt lúa cho phí đời người.

    Các làng quê vào hội bao giờ cũng có hát chèo. Tối nào nghe có tiếng trống hát chèo thế nào Lạch cũng rủ cho bằng được chị Bìm và các bạn cùng đi xin phép bố mẹ cho đi. Trong làng nhà ai có tiệc, có đám, có cô đầu tới hát giúp vui. Lạch cũng lân la đến giúp làm bếp để còn nghe hát, nhìn các cô đầu chưng diện với vẻ thèm khát.

    Ông bà Khán Thâu thường nhắc nhở các con hãy noi theo nếp sống sẵn có của gia đình, giữ lấy nghiệp nhà, bắt chước cái hay của người, đi đâu ăn mặc “xứng kỳ đức”, tiếp xúc với ai, hãy giữ thái độ ôn nhu trên kính dưới nhường, đừng có mơ mộng giàu sang bắt chước mấy bà, mấy cô ở thành thị.

    Những kẻ thành thị, thỉnh thoảng có dịp về quê thăm họ hàng, viếng tiên tổ, họ ăn mặc mốt mới, nói năng kiểu cách. Có người giữ đúng cương vị, phẩm giá nghề nghiệp, có người lại xe xua, lố lăng, ỷ lại vào tiền của chồng, của bố mẹ mà phách lối hợm hĩnh. Phải biết phân biệt, hiểu người, biết mình mà xử sự, học hỏi để giữ tư cách cho mình, tiếng thơm cho bố mẹ.

    Những điều khuyên dạy trên chỉ có Bìm nhập tâm lặng lẽ nghe theo. Lạch khi nghe không có cử chỉ phản đối nhưng Lạch cho rằng bố mẹ ở nhà quê, ít đi đến đâu, ít đọc sách, không biết theo thời tiết lên, đầu óc cổ hủ ăn sâu, mọc rễ đã bao nhiêu đời, chỉ biết ăn chắc mặc bền, có phản đối cũng vô ích. Với căn bản nề nếp gia đình, mình không thể sống khác được. Nói năng, ăn mặc, củ chỉ phải theo quy luật ở nhà. Muốn sống theo ý mình chỉ có cách thoát ly khỏi gia đình.

    Tháng ngày qua mau, ông bà Khán thấy hai con gái đã lớn cùng để ý chọn lựa người cùng làng hay trong tổng cùng đã từng quen biết. Dù thân sơ cũng phải có người làm mai. Bìm là chị đi lấy chồng trước. Chồng Bìm là người hiền lành, lễ độ, học hành tuy ít nhưng hiểu biết, giữ đủ bổn phận làm con làm chồng, làm cha, gây dựng một tiểu gia đình hạnh phúc.

    Theo nghiệp nông tang, chồng làm ruộng, vợ canh cửi, an phận thủ thường, không mơ những sự quá tầm tay, bằng lòng với những gì mình có. Với đức tính cần cù, nhẫn nại, tích tiểu thành đại, một ngày kia nếu muốn cũng có thể trở thành một tiểu thương, hay một xí nghiệp nhỏ để tiến lên góp mặt với mọi người.

    Thấy chị lấy chồng ở nhà quê, chỉ biết an phận, Lạch hay chê bai anh chị quê mùa ở làng mãi rồi ra cũng như ông xã xệ, lý đình dù mà trong các báo chí thời đó hay vẽ hí họa với lời chú thích diễu cợt. Vài năm sau kế tiếp đến lượt Lạch. Ông bà Khán lại thêm một lần đắn đo, suy nghĩ, chọn lựa.

    Trường tiểu học làng quay mặt ra chợ, cách một đường. Trước giờ dậy học buổi sáng hay giờ học trò ra chơi. Tiếp hay nhìn xem người đi chợ mua bán. Chàng thường thấy một cô gái quê mang theo chiếc thúng nhỏ, dáng người thanh tú, trắng trẻo, xinh xắn, nét mặt vui vẻ hay cười nói với mấy người bán hàng. Lâu dần hình dáng người thiếu nữ đã thu hút chàng từ lúc nào. Lâu lâu không trông thấy bóng cô gái, lòng lại thấy bâng khuâng, xốn xang, nhớ nhung.

    Tiếp tìm cách hỏi thăm mấy người quen và nhờ người dẫn tới nhà ông bà Khán xin được làm quen với cô Lạch. Từ khi Bìm đi lấy chồng, Lạch nhận việc đi chợ để có cớ mỗi khi qua trường học thì dĩ nhiên đôi bên cùng liếc hai lòng cùng ưa. Chơ tới kỳ hè, đôi bên cha mẹ tổ chức đám cưới cho các con. Họ hàng đôi bên ai cũng khen đôi tân hôn xứng đôi vừa lứa.

    Hết kỳ nghỉ hè, Tiếp đưa Lạch đi thuê nhà để còn nhận nhiệm sở. Đến ngày nghỉ mới dẫn vợ đi giới thiệu các đồng nghiệp công chức, ty sở để làm bạn. Thấy mình có chút địa vị, có lượng, được chồng chiều, Lạch theo đòi bắt chước các vợ bạn chồng đua nhau chưng diện, nay kiểu áo Lemur, mốt lại bồng vai nguýt góc kiểu Cát Tường, tập hát, tập khiêu vũ. Nhiều lần nàng đi chơi về trễ. Tiếp đi làm về không còn được ăn những bữa cơm dẻo, canh ngọt như hồi mới lấy nhau.

    Với số lương khiêm tốn đi dậy học, không đủ cho vợ chi tiêu, ăn mặc, nói chi đến sự để dành cho các con ăn học sau này, hay gặp lúc đau yếu. Tiếp đưa ý nghĩ tính toán khuyên vợ chi tiêu dè sẻn, đừng hoang phí vô ích, bóc ngắn cắn dài, chưa hết tháng đã hết tiền. Thấy vợ ham chơi theo chúng bạn khó đổi tính, chàng xin đổi về miền quê hẻo lánh để không còn môi trường cho Lạch đua chơi.

    Chỉ được ít lâu, Lạch đã không cảm thông được với chồng, không biết an phận mà nay tìm cớ này, mai tìm cớ khác gây gỗ với chồng, trách chồng không biết tiến thân, giao du với những người quyền thế mới có cơ hội tìm được danh lợi. Lạch đã chán với cảnh công chức nghèo nàn sống bên cạnh người chồng mẫu mực, lúc nào cũng chỉ nói đến đạo đức, tiết kiệm. Lúc nào cũng muốn mình phải nhu thuận, ăn mặc nho nhã.

    Lạch dù yêu chồng nhưng vẫn không chịu được. Muốn sống theo ý mình phải thoát ly tìm cuộc sống mới nếu Tiếp không chịu sống nơi thành thị, đô hội Tiếp không ngạc nhiên khi Lạch đưa ý kiến trên, chàng chỉ cay đắng trả lời không thể từ bỏ nhiệm vụ cao quý chàng đã chọn dù phải sống đạm bạc nơi hẻo lánh, quê mùa.

    Ý nghĩ thoát ly tìm cuộc sống xa hoa làm cho Lạch mù quáng. Nhân dịp đầu năm có người bạn rủ đi xem hội Lim, Lạch đã gặp nhà thầu khoán Kiên, một sở khanh chính hiệu được phủ bên ngoài bởi lớp vỏ lịch thiệp, giàu có. Lạch sa chân vào đường tội lỗi, vào cuộc sống bê tha nơi vũ trường.


    ***
    Vào một ngày cuối năm 1954, trước cửa chợ Bến Thành, một tình cờ đưa đẩy hai chị em Bìm-Lạch gặp nhau. Nay hai người đã trạc trên dưới 40 tuổi. Một người phục sức nho nhã, còn người kia thì phấn son lòe loẹt, kệch cỡm. Sau phút ngỡ ngàng, cả hai chị em ôm nhau mừng rỡ vừa cảm động sa nước mắt. Lạch hỏi:

    -Bố mẹ có di cư vào đây không hả chị?

    -Bố mẹ đã mãn phần sau khi em bỏ nhà ra đi được mấy tháng. Cũng vì những lời đồn thổi, đàm tiếu và cũng vì quá nhớ thương em nên ngã bệnh. Còn gia đình chị và hai gia đình em trai đều theo đoàn người di cư vào Nam. Mỗi người tìm kế sinh nhai theo ý thích. Em Sự hiện giờ làm rẫy ở Gia Kiệm, em Thành làm vườn ở Đà Lạt. Phần anh chị cũng tạo được cửa hàng tạp hóa buôn bán ở Phú Nhuận, cũng tiện cho các cháu đi học.

    Nghe hết câu, người em ông lấy chị khóc nức nở Lạch vừa nhớ thương cha mẹ, phần tủi nhục, cay đắng. Sau một lúc nàng lấy lại bình tĩnh và nói với chị:

    -Em rất mừng mọi người trong nhà đều yên phận làm ăn. Riêng em rất bẽ bàng vì đã rẽ ngang cuộc đời đi tìm xa hoa, phù phiếm, danh lợi viễn vông. Em đã không tự lượng tài sức mình, ỷ vào người nên chuốc lấy lừa gạt, sa đọa rồi cuộc đời đưa đẩy em thành vũ nữ chuyên nghiệp. Từ vũ nữ, đến sau em trở thành một cai gà lừa lọc đê tiện. Em như con thiêu thân sống về đêm. Những đêm khuya canh tàn, cô đơn, dầu khổ sở hối hận em cũng chẳng mặt mũi nào trở về. Em thật dại dột, có chồng có con không biết an hưởng hạnh phúc gia đình, không chịu sống như mọi người. Bây giờ có bị khổ sở một mình cũng đáng để đền tội. Em đã làm nhơ danh gia đình. Cũng tại vì em mà bố mẹ mất sớm. Xin chị và các em cứ coi như em đã chết rồi.

    Bìm thương em và ái ngại cho Lạch. Nàng chỉ biết rơm rớm nước mắt ôm em. Bịn rịn mãi rồi cũng phải chia tay. Lạch đi rồi mà Bìm vẫn ngẩn ngơ nhìn theo và xót xa cho thân phận em mình. Nhưng ít nhất Lạch cũng đã tìm ra lỗi lầm của mình và biết ăn năn. Bố mẹ mình tuy đã khuất núi nhưng chắc cũng thương xót và tha thứ cho em. Bìm mong em tìm được sự bình an cho tâm hồn.

    Xa xa bóng Lạch nhỏ dần và biến mất ở cuối chân trời.


    (còn tiếp)

  2. #12
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852


    21- Mẹ Chồng Nàng Dâu Xưa Và Nay



    Thời xưa:


    Qua Tết Trung Thu, khí trời không còn oi nồng, luôn có những cơn gió mát, ánh nắng hanh vàng, trời trong xanh, trong lòng thư thái, cha mẹ nhìn con trai con gái đến tuổi trưởng thành liền nghĩ ngay đến bổn phận phải lo cho các con, cây cà ra hàng, con gái dễ hơn chờ người tới mối manh, nhưng con trai phải đi tìm, ở gần không có không hợp, ai mách có xa cũng cứ đi, kén con dâu thông thường ai cũng muốn mấy ai có đủ bốn đức tính đó, được đàng nọ hỏng đàng kia, hay con nhà giầu sang thiếu các đức tính trên vẫn làm lóe mắt những người có tính tham giầu, người đời thường gọi là bọn “đào mỏ”, số người đào trúng mỏ vàng, mỏ bạc hơi ít, nhiều người cay đắng đào phải mỏ đất, trống rỗng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, bây giờ chỉ có cách trả thù vào người con dâu. Những nàng con gái xấu số gặp phải cảnh này, dù có đủ đức tính tốt mặc lòng, vẫn phải chịu búa rìu của nhà chồng, vì hồi môn cô dâu không có nên hành hạ cho bõ tức.

    Nhiều gia đình đã chọn được con dâu theo ý muốn như môn đăng hộ đối. Đôi bên vui vẻ thỏa thuận chọn ngày lành tháng tốt, các tiết mục tuần tự như tiến, hết vấn danh, đến nạp sính lễ cưới được tổ chức linh đình, đôi bên họ hàng vui vẻ, đưa đón nàng dâu về nhà chồng.

    Có người được vài tháng, có người chỉ vài ngày sau khi cưới. Bà mẹ chồng ngồi tỉnh sổ lẩm nhẩm trong miệng, hiện vật và tiền mừng không đủ mua trà bánh cho cơi trầu ăn hỏi, nói gì đến bữa cưới. Nếu nhà khá giả không phải đi vay mượn, những bà dễ tính sẽ bỏ qua, trường hợp phải đi vay mượn, cầm cố chi vào đám cưới, nhà gái lại thách cưới hơi nhiều để lấy le. Người con dâu bỗng không phải hấng hết tất cả thù hận của nhà chồng. Cha mẹ đẻ, anh em, họ hàng vì cố tục, có hưởng chút trà bánh hay bữa cỗ đã qua rồi, chẳng có ai chia sẻ nỗi đắng cay với cô dâu.

    Nàng chỉ âm thầm, tủi nhục đắng cay chịu đựng những câu “cha mẹ mi xin cho lắm, hãy về mà bảo bố mẹ mi trả nợ cho mi, tưởng quý giá, giỏi giang gì, chỉ là bị thịt rước đồ ăn hại về được tích sự gì”. Thế là xuôi gia đã thành oan gia, cô chẳng còn được phép về thăm cha mẹ, chỉ còn việc nai lưng ra làm để cho mẹ chồng trả nợ. Sau khi bà mẹ chồng chửi nàng dâu đã chán, cô em hay chị chồng để thêm “mất tiền mua mắm thì đâm cho thủng, mất tiền mua gỗ thì bổ lấy giăm”, trong khi người con dâu làm quần quật, không hề mở miệng trả đũa câu nào.

    Có bà mẹ chồng tế nhị rất khéo, điều khiển moi tiền con dâu như: “mẹ vừa đi qua chợ người ta bán tôm trứng tươi ngon lắm, thịt bò làm tái hay xào cải làn ba nó thích ăn đấy, chợ hôm nay có cá tươi lớn không có nhiều, đi mua ngay sợ hết”, bà dặn hết những thứ gì muốn mua, nhưng tai hại bà mẹ chồng không đưa tiền, chỉ giục con dâu đi chợ cho mau, tất nhiên nàng phải bỏ tiền túi ra. Còn đang trong cảnh ăn chung chưa làm ra tiền, phải về nhà xin tiền cha mẹ mình là cái chắc.

    Có bà mẹ chồng văn minh hơn thử con dâu rất oái oăm, hôm nay mẹ muốn ăn canh rau gạo, nàng dâu không hiểu nhưng không dám hỏi lại sợ bà chửi là ngu, băn khoăn tìm hiểu mãi không được đành phải nhớ bà hàng xóm chỉ dùm, bà trả lời tôi chưa bao giờ nghe ai nói về rau gạo, một lúc bà mới luận ra. Cháu ra chợ mua ít tôm chà, ít bánh đa khô đưa về ngâm bánh đa trong nước cho mềm rồi thái nhỏ như thái rau, giã tôm mà nấu, đấy là canh gạo.

    Trong khi chờ đợi được ra ở riêng, may mắn có người chồng đi làm có lương đưa về phải chia tứ lục, còn luôn đón ý biếu xén quà bánh thứ gì bố mẹ chồng thích. Bà thường nói đời bà đi làm dâu còn khổ nhiều hơn.

    Trên đây là bối cảnh làm dâu thời cận đại. Quen với nếp sống gò bó theo truyền thông với tinh thần đi lấy chồng là đi gánh vác giang san nhà chồng. Đã biết trước cảnh làm dâu của các bậc lão thành, những cảnh khắt khe nhục nhã đau khổ kể trên, các cô vẫn trông vào số phận may rủi, chấp nhận sự ngược đãi của nhà chồng, chỉ mong có con làm nguồn an ủi, cố chịu đựng giữ vững nền tảng gia đình, giữ được thanh danh cho gia đình đôi bên. Nhiều bậc hiền phụ đã thể hiện đức tính thương yêu, khoan hòa khéo xoay chuyến được lòng mẹ chồng trở lại thương yêu, không còn phân biệt giữa con dâu hay con gái.


    Thời Nay:


    Biến cố đổi đời, chúng ta đang sống trên đất nước văn minh vật chất tiến bộ nhất thế giới, nhưng giữa hai nền văn hóa Mỹ, Việt khác nhau, một số gia đình có con trưởng thành phàn nàn, hết quyền dựng vợ gả chồng cho con theo ý mình vậy, chúng tự tìm hiểu yêu nhau rồi mới cho cha mẹ biết. Gặp cảnh như trên có cha mẹ đã mất cả con lẫn dâu chỉ vì quá nóng chửi một câu “không nghe mẹ thì xéo khỏi nhà”. Nếu bà dùng kế hoãn binh tìm hiểu dẫn dụ đưa ra những kinh nghiệm, tìm khuyết điểm của đối phương, chứng cho thấy không nên hấp tấp để đưa đến tan vỡ sau này.

    Có gia đình còn giữ được phong tục ở chung. Gặp bà mẹ chồng còn nệ cổ, độc tài coi con dâu như người phụ thuộc, nhất nhất phải theo ý bà, bắt bẻ từng lời nói, chỉ trích từ cách phục sức, bà rất khó chịu khi thấy đôi vợ chồng trẻ bộc lộ tình cảm yêu đương trước mắt, bà cho rằng con dâu đã dành hết tình yêu của con trai bà, sự đố kỵ đưa đến ý nghĩ con trai bà không còn yêu mẹ, lại kèm thêm lời nói cử chỉ sơ hở vô tình của con trai, bao nhiêu tức tối thù ghét bà đổ lên đầu con dâu, rồi nói xấu, chèn ép xui bẩy con trai ghét vợ, vì ghét con dâu, bà đang tâm phá hạnh phúc của con trai.

    Cả hai vợ chồng trẻ và bà mẹ nếu không tỉnh táo kịp thời sửa chữa đem bình an lại trong gia đình, tình trạng ngột ngạt lâu dần sẽ đưa đến sự bất mãn cho nàng dâu, phải thoát ly khỏi gia đình, ly dị là một lối thoát. Ly dị gia tăng, gia đình nhà chồng đã can dự một phần là thế.

    Trách nhiệm người chồng rất nặng, phải biết khéo xử giữa mẹ và vợ, thiên về mẹ cũng không được, vợ sẽ hờn oán, bênh vợ cũng không nên, sẽ làm cho mẹ càng cay, bao nhiên tức tối sẽ đổ lên đầu con dâu, cho rằng con mình đã yêu vợ nó hơn mà bỏ mẹ, tức nước vỡ bờ có thể đi đến xô xát náo loạn không hàn gắn nổi.

    Người chồng thức thời phải tìm hiểu biết nguyên nhân sự bất hòa giữa mẹ và vợ. Nếu người vợ có làm phải mặc lòng, cũng đừng ra mặt bênh vợ ngay, hãy từ từ xoa dịu vợ bằng những nụ cười, vuốt ve khi không có ai, bằng lời nói dịu ngọt như “em vì yêu anh nên nhịn mẹ cha cho qua, rồi người sẽ hiểu khi hết nóng, cha mẹ già hay khó tính, chiều các cụ một tí cho qua không ai cười”, người ngoài còn khen mình là dâu thảo và “sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy”, sau này các con cũng sẽ chiều lại em như mình đã chiều cha mẹ.

    Biết rõ ràng vợ mình trái, cãi lại bố mẹ chồng, người chồng phải lấy lượng bao dung huấn luyện lại người vợ, cắt nghĩa từng cử chỉ, lời nói, xử sự phải khéo, kiên nhẫn, hướng dẫn nâng đỡ từ từ sửa chữa cho hợp với giáo dục gia đình nhà chồng. Không may anh nào gặp phải cô nàng ở nhà cha mẹ quá nuông chiều tâng bốc, trở thành tính kiêu hợm, lăng loàn, ỷ tiền, ỷ tài, ỷ sắc. Gặp được người chồng hết lòng thương yêu nhưng phải cao tay ấn cương quyết mới hóa giải nổi, giữ được hạnh phúc.

    Một số các cô dâu trẻ đang sống trong xã hội tự do, sau khi lập gia đình vẫn giữ được nền giáo dục thích nghi với nếp sống nhà chồng tôn trọng yêu quý cha mẹ chồng như cha mẹ mình vì có yêu chồng mới quý cả cha mẹ chồng, giữ được hạnh phúc trong tinh thần hài hòa, đã làm gương tốt cho thế hệ tiếp nối.

    Nhiều gia đình cảm nghiệm được phong tục phóng khoáng tự do ở đây đã đối xử với dâu, rể thực tình quý hóa, tôn trọng tự do của các con dâu như con gái. Sống trong trạng thái quá ư suy tôn vật chất tự do, cha mẹ nên cộng tác bảo tồn lấy giá trị tinh thần hòa đồng vun xới cho các tiểu gia đình được hạnh phúc vững bền là nền móng an ninh phú cường cho tương lai quốc gia.

    Ước mong giới trẻ chúng ta vẫn giữ được sự tôn kính hiếu thảo với cha mẹ đôi bên. Bậc cha mẹ cũng nên dung hòa với nếp sống mới để phần nào bảo tồn được văn hóa Lạc Việt. Khi đôi bên giữa cha mẹ và con cái đối xử với nhau lấy tình yêu làm căn bản sẽ hóa giải được tất cả tị hiềm.


    (còn tiếp)

  3. #13
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852


    22- Lỗi Thời




    Đồng hồ báo thức bằng một bản nhạc êm dịu như muốn ru hồn người nghe ngủ lại, nhưng quen giấc, nghe hết bản nhạc, Tùng đã tỉnh hẳn không muốn ngủ thêm dù biết hôm nay là ngày nghỉ. Chiều hôm qua, trước khi về bà xếp đã chúc anh đi chơi vui vẻ nhân dịp đi nghỉ hè.

    “Vui làm sao nổi”, chàng lẩm bẩm nói ra ý nghĩ. Hết tiền, hết nghỉ hè, hết bạn, hết bồ, đi đâu bây giờ. Vợ con giận bỏ đi khỏi nhà, chàng chẳng quan tâm. Muốn đi cứ việc đi, càng rảnh tay, đã có mấy bợm nhậu rủ nhau lại ăn uống, xong kéo nhau đi du hí. Còn đàn bà thiếu gì, có tiền cái gì cũng có, khỏi lo, không vướng mắc với vợ con, khỏi đưa tiền chợ, khỏi sắm quần áo, đồ chơi cho con, đi ăn chơi tiêu pha thả cửa. Kỳ lương lĩnh về chả được mấy ngày hết nhẵn, cuối tháng các bill gởi về hết tiền trả, điện thoại, gas, nước, đe dọa bị cắt. Thế mới biết không có người nhắc nhở, kìm hãm, nâng đỡ, có ngày bị gậy đến nơi.

    Sao căn nhà có vẻ hoang lạnh quá! Mọi khi thức dậy đã nghe tiếng lũ con hò la ầm ĩ chàng khó chịu, mẹ chúng luôn dỗ dành hay đe dọa cũng chỉ im được một lát, bây giờ chàng vừa nhớ con lại thèm nghe tiếng chúng hò hét.

    Sáng nào Thu cũng làm điểm tâm sẵn cho chàng. Cuối tuần đi chơi với bạn bè, quần áo đã được ủi sẵn treo ở trong tủ. Chàng thích đi chơi với bạn bè để tự do đi nhảy nhót, du hí, nhậu nhẹt nhưng nếu có vợ con đâu có được, phải đưa chúng đi tắm biển, ra công viên hay đi mua sắm quần áo, đồ chơi cho chúng, chỉ vì thế nên ít khi Tùng đi với vợ con.

    Đã vậy nhiều hôm còn đưa các bạn về nhà, bắt vợ đi mua những món các bạn chàng ưa ăn, rồi nhậu nhẹt say sưa, ăn tục nói bậy, chan giãi bừa bãi; trong lúc ấy Thu đã kín đáo dồn các con vào một phòng chia giờ cho chúng học bài, xem tivi, chơi với nhau để tránh cho các con khỏi nghe những tiếng tục tĩu, thấy cảnh bừa bãi lộn xộn ở phòng ăn. Còn nàng thì thật tội nghiệp, Tùng sai lấy cái này, tìm cái kia, còn hạch sách món này không ngon, món kia dở, chê làm dốt, làm giảm giá trị nàng trước mặt bạn bè. Cái cảnh “chồng chúa vợ tôi” như hồi còn ở nước nhà sang đây vẫn tái diễn.

    Thu là con người chịu đựng, nhiều người phải khen nàng ít nói, mẫn cán, hiểu biết, nàng giữ đầy đủ bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Cuối tháng, Tùng đưa tiền lương về nàng chỉ dùng, tính toán từng món nào cần phải mua, thứ gì nàng có thể làm lấy để dùng để ăn, cần kiệm còn để dành, nàng nghĩ các con lớn lên phải tiêu nhiều nên hay dự trữ. Có tháng chồng nàng không đưa tiền về đủ, lấy cớ vui bạn bè phải chi. Ít lâu nay Tùng không đưa tiền về cho Thu như thường lệ mà chỉ đưa nhỏ giọt, cho rằng đưa nhiều Thu lấy bớt ra giúp bố mẹ nàng còn kẹt lại. Nên vợ có phàn nàn chàng lại cả giọng lấn át, độc đoán cho rằng mình làm ra tiền, vợ chỉ là phụ thuộc.

    “Con giun xéo lắm cũng quằn”, Thu không thể để tình trạng kéo dài. Dù thương con còn nhỏ, muốn tự tay ở nhà chăm sóc con cái, nàng cũng phải bắt chước như nhiều gia đình người Mỹ ở đây, cả hai vợ chồng đều phải đi làm. Nàng đem con đi ký nhi viện, học lái xe, tìm việc làm, đưa tiền về chi tiêu trong gia đình, và giúp đỡ cha mẹ, anh em ở nhà.
    Tùng đã không thông cảm với vợ, vẫn lớn lối đòi vợ phải đưa hết tiền cho mình giữ, vẩn bắt vợ phải phục tòng, hầu hạ, vô tình đến nỗi con ốm, cũng chỉ một mình vợ săn sóc, đêm con khóc chàng cũng mẳng không biết dỗ con, để mất giấc ngủ. Tùng gắt gỏng:

    -Mai người ta còn phải đi làm sớm. Sao không dỗ nó?

    Nhịn mãi cũng không chịu đựng nổi. Thu cũng đáp lại:

    -Tôi cũng đi làm như anh, con trẻ đau yếu thì nó khóc, nó quấy. Giữ làm sao được. Anh không săn sóc đỡ tôi thì chớ, còn kêu ca, chỉ ích kỷ biết sướng một mình, người đâu mà thiếu hiểu biết, thiếu bổn phận không giúp đỡ vợ con, chỉ biết mắng chửi tồi tệ, như thế ở với nhau làm sao nổi.

    Như bị gai châm vào ruột, chạm tự ái, anh chồng vũ phu ban ngày uống say bị mất giấc ngủ, vùng dậy miệng chửi, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, không còn nghĩ đến tình nghĩa tào khang, lấy sức mạnh đàn áp mù quáng hắt đổ gia đình êm ấm.

    Quá uất hận và để cho chàng mở mắt ra, Thu chờ chồng đi làm nàng thu xếp đưa con đến nhà ông chú họ xin tá túc ít ngày để kiếm nhà khác. Thu kể lại tính tình lạc hậu của chồng để chú cắt nghĩa khuyên bảo Tùng hiểu trách nhiệm làm chồng, làm cha, hợp với đời sống ở đây, không còn khi dễ vợ con, lúc ấy nàng sẽ về sum hợp.

    Hồi tưởng lại những chuyện đã qua chàng thở dài, chép miệng nghĩ ở nhà trước kia bao nhiêu năm vợ chồng vẫn sống như vậy có sao đâu nào, phải một mình chàng bắt nạt vợ, người ta cũng thế cả có ai nói gì đâu. Tuy thế Tùng vẫn thương con, yêu vợ. Tùng nghĩ chắc vợ chỉ đem con đến tá túc nhà ông chú họ chứ không đi đâu khác. Mình phải nhún một chút mới xong.

    Đến nhà người chú vợ.. Tùng tần ngần đứng ngoài cửa một lúc nhưng nghĩ đến những đứa con, đến Thu, chàng vào gặp ông chú. Tuy trong bụng nghĩ thế nhưng ngoài mặt Tùng vẫn nói hăng:

    -Nhờ chú bảo vợ cháu phải đem con về, không có phép bỏ nhà ra đi như thế.

    Ông chú chỉ lạnh lùng trả lời:

    -Vợ chồng đối xử với nhau thế nào mà phải tạm cách ly? Tôi chưa hiểu rõ câu chuyện đầu đuôi thế nào.

    -Chú biết đấy, ở nhà từ xưa đến nay, từ đời ông đời bà, cháu vẫn nghe nói có bao giờ vợ dám hỗn với chồng, bảo sao nghe vậy, người vợ phải phục tòng chồng, giữ đức tam tòng. Bây giờ sang đây, vợ cháu kêu không đủ tiền tiêu, gửi con đi làm; từ ngày đi làm có tiền lại sinh ra tác quái, con cái để nghịch ngợm khóc lóc, khách khứa tới cơm nước cũng chẳng chịu làm hẳn hoi, cháu có rầy la thì cãi lại, rằng đi làm về mệt, rồi giận dỗi, không còn giữ được bổn phận làm vợ, như trong sách cổ đã nói. Người đàn bà mà đấng Tạo Hóa đã rút ra từ xương sườn người đàn ông mà dựng lên. thì phải thuộc về người đàn ông chứ. Chú bảo nhà cháu phải mang con về nhà.

    -Tôi không bênh cháu tôi, nhưng anh lỗi thời lạc hậu quá, ý tưởng của anh lùi về quá khứ, thiếu đạo đức gia đình, anh đã viện dẫn câu sách cổ mà anh không hiểu rõ, vậy tôi xin nhắc lại và lý giải để anh hiểu rõ về đoạn sách này. Đấng Tạo Hóa khi dựng lên loài người, đã dựng người đàn ông trước với vóc dáng cứng cáp, to lớn khỏe mạnh, đến người đàn bà, đấng Tạo Hóa rút lấy xương sườn người đàn ông gần nơi trái tim và bao bọc trái tim, xương sườn ở giữa thân người đàn ông không trên không dưới, mà dựng lên, người đàn bà mềm mại, thanh tú và yếu đuối để cho biết họ là kết quả của yêu thương.

    Nên người đàn ông mới nói: “Nàng là xương tự xương tôi, thịt tự thịt tôi”. Nàng sẽ đội danh là đàn bà vì đã được rút ra từ đàn ông. Bởi thế đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khắng khít với vợ mình và chúng sẽ nên một thân xác. (Theo sách Khởi Nguyên. Đây là một nửa thân mình tôi và đã làm một nửa thân mình thì phải bình đẳng). Nếu nửa thân ấy lạc lõng nơi đâu cũng cần phải tìm về với bổn phận, phải bao bọc, che chở, nâng đỡ, an ủi.

    Nên dòng Việt tộc thuần túy xưa kia thuận theo ý trời mới có chế độ mẫu hệ, cốt ý ngăn chặn những anh đàn ông hay ỷ sức mạnh làm càn. Còn các bà mang danh chủ phụ, nội tướng nhưng đâu có dành quyền các ông. Ngoài ra những trường hợp hãn hữu như Lý công chúa, hai bà Trưng, bà Triệu, gặp cơn quốc biến, đứng lên phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.

    Vận nước đổi thay, giống du mục tràn vào đem quàng ách tam tòng vào cổ giới phụ nữ, nhưng chỉ có bọn thiểu số hủ nho thiếu đạo đức mới viện vào tam tòng áp chế phụ nữ, còn phần đông những gia đình chân chính, đạo đức vẫn giữ sự bình đẳng, tương kính, gia đạo yên vui. Vả lại trách nhiệm người phụ nữ ở trong nhà nặng nề. Ngoài việc nuôi con còn lo cơm nước, giặt giũ thu dọn, dậy dỗ con cái, kim chỉ khâu may, quay tơ dệt cửi, hợp tác với đàn ông như chồng cầy vợ cấy, buôn ngược bán xuôi đồng lao cộng tác bao bọc lẫn nhau. Có mấy ai giở thói vũ phu “chồng chúa vợ tôi” để đến nỗi người đời khinh bỉ coi như hạng người thiếu nhân phẩm.

    Chúng ta đang sống trên phần đất tự do, mọi người đều có quyền bình đẳng, “quá giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”, chúng ta không thể viện dẫn thói tục, cổ hủ truyền khấu, sai lạc, đem áp dụng cổ tục mơ hồ vào đời sống hiện tại thì thật là lỗi thời và lạc hậu. Thời gian qua anh đã sống, không nhiều thì ít, tạm bợ với những đàn bà khác, anh có nhận thấy trong số những hạng người này đã ai có những đức tính cần kiệm biết lo cho gia đình, hay chỉ biết có du hí điếm đàng, xảo ngôn, dụ khị để moi tiền đàn ông làm phương châm, hay làm bạn với những người ăn tục nói khoác, bừa bãi nham nhở chỉ là cặn bã của xã hội, rồi kéo nhau vào vòng tội lỗi. Nếu không có một sức thu hút mãnh liệt của người có nhân phẩm cản lại.

    Anh đã có một kho tàng quý giá mà không biết, vì anh chưa nhận chân được giá trị người phối ngẫu của anh, biết lo cho anh từ miếng cơm, manh áo, xếp đặt thu vén nhà cửa, chăm lo con cái, chia sẻ khi vui lúc buồn, đồng lao cộng tác, người ta đã ý thức được là một nửa thân mình, nên mới hy sinh và chịu đựng đến như vậy.

    Nếu anh đã ý thức người vợ anh là một nửa thân mình ấy lạc lõng nơi đâu, cần phải đón về với bổn phận bao bọc, che chở, an ủi, tương kính như tân, yêu mến với tình yêu thắm thiết như chính thân mình vậy. Có thế gia đình mới đầm ấm, hạnh phúc con cái thấy đó làm gương.

    Tùng yên lặng nghe lời khuyên của ông chú vợ. Chàng như người tối tìm được ánh sáng. Bao lâu nay, chàng đã mù quáng không thấy được những đức tính hiếm có của người vợ hiền, chàng đã bôi nhọ, chà đạp nhân phẩm nàng. Tùng tự hứa với mình sẽ sửa đổi cải thiện lại đời sống, một đời sống mới mà trong đó chàng và Thu sẽ cùng nhau xây dựng một mái gia đình hạnh phúc trong tình thương yêu vĩnh cửu.


    (còn tiếp)

  4. #14
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852


    23- An Phận



    Khác với mọi ngày, hôm nay Thắm đến trường xin nghỉ học từ giã cô giáo từ giã các bạn. Hai hành mi ánh lên hai giọt nước sắp trào ra khỏi mắt, thế là hết những ngày hồn nhiên vô tư chỉ biết có sách, có bạn nô đùa.

    Sau một thời gian dài đau ốm, thuốc men, mẹ nàng mang chứng bại xuội, nàng phải nghỉ học ở nhà giúp cha trông coi các việc thay thế mẹ. Tuy ít tuổi nàng đã tỏ ra người lanh lẹ biết tháo vát giúp cha trong công việc hàng ngày, hay phải thay cha đi đây đi đó. Mỗi khi xong nhiệm vụ cha giao phó, trở về nhà nàng rất phấn khởi nhìn cha gật đầu vui vẻ nghe nàng trình bầy công việc đã làm xong.

    Ngày tháng qua mau, thân hình trí khôn tuần tự nẩy nở. Nàng tự biết mình không đẹp, chẳng đến nỗi xấu. Cũng một đôi khi nghe các người lối xóm, thân thuộc hay trong họ hàng thầm thì nói nàng xấu, không đẹp bằng cô nọ cô kia, nói gì bây giờ, khi có người mách lẻo rằng người ta nói nàng xấu, cũng có hơi khó chịu thật, rồi bỏ qua nàng tự an ủi, thôi kệ mình cứ giữ nết na, làm hết bổn phận những gì mình làm được, an phận là hay hơn cả.

    Nhớ lại thỉnh thoảng cha nàng nói với người trong nhà: “Nó đẹp đấy không xấu đâu”, cha nói con gái cha đẹp nết, giỏi giang đấy, người cũng không xấu đâu. Nàng yên trí, vui vẻ khi nhớ đến các câu nói đó và nét mặt hiền từ, trìu mến của cha.

    Ít lâu nay hay có những ông bà khách đến chơi với cha mẹ Thắm nhiều hơn thường lệ. Truyện khi to khi nhỏ, vui vẻ nhìn nàng gật đầu lúc ra về. Lại nghe mẹ nói với cha năm nay con mình đã 20 tuổi, còn non nớt gì. Cha chỉ đáp:

    “Nó đi nhà mình như thiếu một cánh tay, phải sắp xếp lại, tập cho các em nó theo gương chị, mà rồi đến đâu hay đến đó, có con gái lớn đâu giữ mãi ở nhà được.”

    Cha mẹ nàng cũng nói qua cho nàng biết, rồi tuần tự nhi tiến. Cha mẹ nói sao con nghe làm vậy. Bên đàng trai người ta chỉ kén người đảm đang, nết na, hiền thục, “cái nết đánh chết cái đẹp, tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

    Ngày cưới nàng hồn nhiên lộng lẫy trong bộ áo cưới, đôi mắt tinh anh sắc sảo, vẻ mặt hiền thục ung dung sánh vai chàng rể lễ trước bàn thờ tổ tiên.

    Cũng như phần đông những cặp vợ chồng khác do cha mẹ đôi bên đã kinh nghiệm kén chọn, tìm hiểu sắp xếp rồi nói cho con biết. Thắm, Hạnh lập gia đình trên tiêu chuẩn này. Họ đã sống hạnh phúc trong sự tương kính lẫn nhau. Tách khỏi đại gia đình đôi bên, Hạnh, Thắm đem hết khả năng, nỗ lực xây dựng gia đình, đào tạo nên nếp sống phong lưu, ổn cố. Rồi khi đã có tiền lại muốn có danh, Hạnh thích bắt chước nhiều người xu thời muốn có danh, có tiếng, kẻ vì người nể, Hạnh cần giao thiệp nhiều bạn bè. Thuận tiện hơn cả là đến các vũ trường vừa được ăn chơi, lại dễ gặp nhưng người có chức tước, địa vị và cũng là chỗ cho các poule de luxe giăng bẫy bắt địa các chính khách tập sự.

    Thắm hiểu tính Hạnh là con người xu thời, háo danh, hay a dua phô trương, thích bề ngoài, dễ tin, nói nhiều làm ít nhưng bản tính rất tốt. Tâm lý con người ta một số hay thèm khát thích đi tìm của lạ. Ăn món gì ngon mặc lòng lâu ngày quen miệng cũng vẫn thấy nhàm chán muốn đi tìm thứ khác tưởng ngon ăn thử mùi vị lại không bằng thứ mình ăn thường nhưng mặc dù thế vẫn thích đi tìm của lạ, không ngon nhưng đẹp, khéo tô, khéo điểm, trông mát mắt lắm, vuối ve, xoa nắn, nói như rót vào tai là nghề của nàng.

    Khi đã mềm lòng, bị lung lạc với mánh khóe kích thích bằng nước mắt, cả một chuỗi hồng nhan bạc mệnh, bị lừa, bị gán nợ hay cảnh nhà sa sút hay gì gì đi nữa, nhờ bóng tùng quân ra tay tế độ với người trầm luân, rồi thương vì tình cảm, vì sắc. Thấy đã chín mùi bắt sang thế công, nàng lấy điệu tỏ ra tư cách, biết giao thiệp với người sang, chỉ có nàng cặp với chàng sẽ tăng uy tín giá trị cho chàng, vì nàng đẹp biết ăn vận theo thời trang lịch sự.

    Chàng muốn giao thiệp với những người vị vọng, nàng tìm cách đưa chàng tới làm quen ở khiêu vũ trường, ở các party, chiều đúng sở thích, gãi đúng chỗ ngứa nàng nói gì bảo gì mà chàng chẳng nghe. Không thế đưa nàng về thế cho cái “nửa thân mình” được thì phải làm thế nào cho khuân hết tài sản dâng hết cho nàng vậy.

    Thuyết chồng chúa vợ tôi, phu xướng phụ tùy đã ăn sâu vào phái nam. Đàn ông họ vẫn lấn lướt, ích kỷ có dịp tỏ ta độc đoán muốn đi đâu lâm gì. Hạnh đã nhiều lần chi tiêu cho những yến tiệc thù tạc không đâu. Thắm còn chịu đựng, bây giờ Hạnh lại ngang nhiên lấy những món tiền lớn ra khỏi nhà không đủ lý do, tất phải vấp vào bức tường cương quyết của Thắm; tiền tài là huyết mạch, phải bảo vệ cho các con với bất cứ giá nào, những gì tự tay mình gầy dựng lên. Hạnh không trách cứ Thắm được điều gì.

    Thắm giữ im lặng như không có điều gì xẩy ra, không còn cộng tác như trước thì hãy coi như tôn trọng tự do riêng của Hạnh vậy, cần giữ trong gia đình có không khí vui vẻ để các con an tâm học hành. Nàng lấy hai chữ an phận, tìm an ủi, tìm hạnh phúc bên các con và trong công việc làm. Nàng không nghe các bà xui giục, có hành động hạ cấp nhỏ nhen đi chửi nhau, hay đánh ghen, liệu có kéo về được tinh yêu của chàng đã bị di chuyển tới chỗ khác. Một khi người ta giữ chặt, muốn lấy lại ngay rất khó, chờ đợi sẽ có biến cố là lẽ tất nhiên, vì tình yêu cũng có căn bản, đặt không đúng chỗ rất dễ tan. Bấy giờ không mong cũng quy khứ lai hồi.

    ***

    Một mầu xanh lam mờ xương, những rặng núi ngút ngàn chạy dài thăm thẳm, gió hiu hiu thổi nhẹ những lá trà xanh còn đọng sương mai. Những cánh đồng trà thoai thoải chạy dài, trong đó nhấp nhô những bóng hình ẩn hiện, tiếng cười nói rổn rảng của các cô, các bà tay đang thoăn thoắt hái lá bỏ vào gùi đeo sau lưng, thỉnh thoảng lại rộ lên một tràng cười vui.

    Thắm nhìn cảnh vật không biết chán, trong lòng êm ả như reo vui. Nàng đi hết vườn trà này sang vườn trà khác, không ngớt hỏi han trò chuyện với từng người.

    Mặt trời đã lên cao nhiệt độ càng tăng, đi nhiều mỏi chân nên thấm mệt. Nhìn bao quát cả nương chè xanh chạy mút mắt, nàng quay ngược chiều trở về nhà, còn sửa soạn bữa cơm trưa. Sau khi đã kiểm soát khu nào còn bỏ sót, nhắc cho người ta tới hái nốt phần còn lại.

    Thanh thản thư thái với công phu tự mình đã thực hiện được một sự nghiệp đáng kể, đã giúp được nhiều gia đình có công ăn việc làm, người nào cũng nhìn nàng với con mắt cảm phục và kính trọng.

    Từ lúc khai phá được một khu đất rừng trồng lên cây trà xanh hái được lá, thái, ủ phơi, sấy, vô bao đòi hỏi nhiều công việc nặng nhẹ, phải biết công bằng phân công tùy tài năng sở trường, từ người lớn đến trẻ con việc mới chạy đều.

    Mức lời gia tăng, nàng trích ra phân chia giúp đỡ những gia đình đông con, ốm đau, hiếu, hỉ, không trừ ai khi cần nàng giúp đỡ về vật chất hay cần yên ủi về tinh thần trong các thôn ấp lân cận, ai cũng cảm mến. Trong gia đình các con học hành tiến triển, ngoan ngoãn, tuy đã lâu thiếu bóng người chồng, người cha, nhưng nàng đã khéo tránh cho các con những âu lo thiếu thốn, kích thích tạo tạo cho có không khí vui nhộn trong nhà.

    Thắm tìm được niềm vui trong sự giúp đỡ người khác. Tạo cho người khác niềm vui chính là mang lại cho mình niềm vui. Nàng kiêu hãnh vì đã gạt bỏ mọi đau buồn riêng tư mà tìm một hướng đi mới cho mình, gây dựng tương lai cho các con và giúp đỡ thêm bao người khác, Phần thưởng đó còn lớn lao gấp bội, bù lại vào những mất mát riêng tư.

    (còn tiếp)

  5. #15
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852



    24- Hối Hận



    Trời đã sáng. Ánh mặt trời rọi qua ô cửa sổ những tia nắng ấm áp. Tỉnh giấc đã lâu mà Nam chưa muốn dậy ngay. Chàng nằm nghĩ tới chương trình của ngày nay. Trong đầu anh phác họa hết cảnh này, chỗ kia, khiêu vũ hay đi xoa mạt chược, còn áp phe cũng phải đi, gọi bọn đó đi ăn rồi mới tính được.

    Nhớ lại hồi nhỏ cứ việc nằm ngủ muốn dậy giờ nào cũng được, không ai dám gọi. Nhà có bốn chị, hai em đều là gái, một mình là trai, được bố mẹ chiều chuộng. Còn bé muốn chơi thứ gì cũng có, dù nhà chẳng dư giả gì lắm, ba mẹ cưng chiều, có khi phải bớt tiền quà của chị, em để mua đồ chơi cho chàng. Hầu như mọi người có bổn phận phải chiều chàng, học hành thi cũng tạm được, ở nhà luôn luôn được nghe những lời khen học giỏi, ai cũng tâng bốc nịnh hót rằng chàng sau này, công danh phú quý không ai bằng; nghe những lời phỉnh chàng cũng khoái lắm mặc dù vẫn hiểu những lời nói kia chỉ để làm vui lòng cha mẹ chàng.

    Học ít chơi nhiều nên cha mẹ Nam phải tìm cách hối lộ, chàng mới đỗ được mảnh bằng tú tài. Nam không học tiếp vì cho rằng mình cũng đã giỏi chẳng kém gì ai. Chàng theo bạn đi vào chốn ăn chơi, bố mẹ không đủ sức cung phụng, chàng phải xoay sở, gia đình chàng không còn gì để moi, tìm cách nói dối lừa gạt họ hàng bạn bè của bố mẹ rốt cuộc bố mẹ phải chạy vay để trả nợ cho con.

    Nam ăn chơi mù quáng, không còn nghĩ đến sự đau khổ của bố mẹ rốt cuộc càng ngày càng sa đọa. Với một ít thông minh, lanh lợi, chàng nghĩ được nhiều mưu mô lừa đảo, tráo trở, nhập với bọn lưu manh đánh lừa những người ngây thơ có tính tham lam, chạy áp phe, mua hàng lậu, hay đóng kịch với bộ y phục hợp thời trang, lái chiếc xe hơi bóng lộn (xe đi thuê), giữ bộ mặt đăm chiều, nghiêm chỉnh đôi khi sửa lại chiếc kính gọng vàng trông có vẻ một nhà mô phạm trí thức, nói năng nhỏ nhẹ, hòa nhã, gặp ai mà chả dễ mến. Những bà góa, những cô gái ham hố yêu đời, những cô thất tình kèm theo tư trang, đều là những miếng mồi ngon, lần lượt sa vào bẫy của bọn lưu manh táng tận lương tâm trong ê kíp của chàng.

    Nam nhìn lên bàn nhớ ra mẩu giấy người bạn hẹn gặp anh ở nhà thờ 10 giờ sáng hôm nay, có lẽ tiễn đưa bố anh bạn mới chết. Thôi đành gác mọi chuyện đi ăn sáng để tới nhà thờ còn kịp dự lễ chia buồn với tang gia.

    ***

    Nhìn mấy khuôn mặt thương cha tha thiết của mấy người con, mắt người nào cũng có ngấn lệ, Nam sực nhớ đến bố mẹ. Đã lâu rồi chàng không có liên lạc gì với bố mẹ, không biết các ngài khỏe yếu ra sao. Mình tệ thật, ỷ vào các chị em, bỏ nhà ra đi hưởng thụ một mình đầy đủ tiện nghi, bố mẹ có đói rách cũng không biết.

    Đang lan man nghĩ, Nam chợt nghe: “Thân cát bụi lại trở về cát bụi.” Tiếng ông linh mục vẳng tới tai chàng, Nam giật mình nhìn lên ông đang tiếp tục nói. Loáng thoáng chàng nghe thấy nói đến tha thứ, ăn năn, chừa cải, đến linh hồn không chết, cái xác trong hòm kia đang nằm bất động, đến cuộc sống mới vĩnh viễn sung sướng, đến ngôi nhà trong sáng của Chúa. Chàng cảm thấy có một thúc đẩy truyền cảm lôi cuốn chàng chý ý nghe ông nói.

    Cái thánh thiện ở linh mục như lây sang chàng. Nam mơ màng một cuộc sống không tội lỗi. Và bỗng chàng muốn ăn năn sám hối, muốn bỏ hết thói xấu tật hư, muốn chuộc lại tất cả bê bối cũ, những thứ làm cho anh lao đầu vào vòng tội lỗi, những kiêu căng, hợm mình. Và tất cả yếu hèn của Nam trong quá khứ là ỷ lại vào cha mẹ, ỷ lại vào tiền của cha mẹ, ỷ lại vào huyền thoại những lời người ta tâng bốc nịnh nọt, cho là anh có tài ai cũng kinh phục anh, có đi đến đâu không nhỉ?

    Nhìn vị linh mục anh đem lòng cảm phục, kính mến, khi nghỉ đến cả một đời thánh thiện, hy sinh hãm mình, không vợ không con, không ăn ngon, không mặc đẹp, lúc nào cũng chỉ bộ áo đen, đem cả cuộc đời khấn nguyện làm tôi Chúa, giúp đỡ tha nhân bằng lời nói, bằng hành động.

    Như những tội đồ mới ăn năn sám hối chàng thành khẩn nghĩ đến tội lỗi đã qua và hiện tại. Mà con đường linh mục nói nghe sao quá dễ dàng. Chỉ cần một phút giây an năn cũng làm cho linh hồn trước kia bê bối nay cũng được trong lại như pha lê, cũng được thư thái trường cửu. Anh cũng nối đuôi dài theo đoàn người ra nghĩa trang.

    Tiếng kinh cầu lẫn tiếng khóc nho nhỏ của con cháu, anh em người quá cố nghe thê lương, não nuột. Nam thấy trống quá và buồn quá, trống như lỗ huyệt mới đào. Một vài thập niên qua nữa sẽ đến lượt mình cũng buồn như vậy. Bỗng chàng nhớ lại tất cả cái nhảm nhí đời mình. Và như có phép lạ chàng thấy thèm khát những gì trong lành. Trong lành như bông huệ trong vòng hoa tang được dựng chung quanh quan tài. Mỗi người đã ném bông lên chốc quan tài và huyệt được lấp kín lại. Lát sau mọi người tản mác ra về.

    Chàng lang thang một mình trong nghĩa địa. Vẫn còn văng vẳng trong tai câu: “Thân cát bụi lại trở về với cát bụi”.

    Có linh hồn hay không nhỉ, chàng thầm nghĩ. Rồi theo đà chàng tự đặt câu hỏi tiếp theo. Còn nếu không có linh hồn. Chàng thấy mình bí lối trong đà suy nghĩ mông lung. Nhưng rồi chàng tìm ra câu trả lời, chàng mỉm cười. Nếu không có linh hồn thì tha hồ cho người ta ăn chơi, lừa đảo, tàn ác bất chấp cản trở nào.

    Như một lần đã nghe nói ở đâu “Trời công bằng tuyệt đối, không thưởng phạt đời này thì phải có thưởng phạt đời sau”.

    Tính bướng bỉnh của chàng lại nổi lên. Sợ Thiên Chúa nhưng không muốn ỷ lại vào ai để tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, cũng không muốn nhận những điều mà nhiều người thường nói đến, vậy mình tìm gì đây? Rồi chàng thấy rằng chỉ có công bình và bác ai, giữa người với người vì tất cả tội lỗi đều do chỗ thiếu công bình và bác ái với người khác, chính thân xác mình đã và đang hưởng thụ là một bất công.

    Chàng cảm thấy trách nhiệm và sám hối. Chàng nghĩ rằng có nhiều người đã đi trước còn biết nhiều hơn, họ đã từ bỏ cái cũ, tìm một lối đi sáng hơn, thật hơn. Nam nhìn thẳng và tự nghĩ đời ta phải bắt đầu lại từ đây cũng chưa muộn. Cần dứt khoái bỏ hết những gì dùng mưu gian trá lấy không của người ta. Việc đầu tiên là trở về với cha mẹ để xin lỗi và xin được tha thứ.

    (còn tiếp)

  6. #16
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852

    25- Biết Mình Biết Người



    Các nhà đạo đức vẫn khuyên răn người đời đừng có kiêu hợm: không ai ưa lời nói kiêu, khoe khoang, điều bộ khinh bạc sẽ chạm tự ái người chung quanh. Dù biết vậy, nhưng sự kiêu hợm nó phát từ trong tâm gần như một thứ bệnh. Hơn người khác một thứ gì: tiền, tài danh, thịnh, sắc, khó có thể kìm hãm khi tiếp xúc với người đời bằng cử chỉ, lời nói, bài viết. Hậu quả đưa đến hệ lụy vào chính bản thân, dư luận mỉa mai.

    Trước thế chiến thứ hai, tôi đã nhìn tận mắt một người đàn ông đã già, hình dáng tiều tụy, râu tóc đã bạc, nhưng y phục tề chỉnh cho dù áo the thâm đã đổi mầu, quần trắng nay ngả sang mầu ngà, đi dép, tay cầm dù, lang thang khắp các làng quanh huyện Nga Sơn, Yên Mô để ăn xin. Cứ chừng ba, bốn tháng lại tới những nhà khá giả mà xin xỏ (cũng chẳng khác gì một hình thức ăn mày). Và tôi được nghe câu chuyện sau đây về gia đình người đàn ông đó.

    Ông Cửu Ngọ,quê làng Đ. H., huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Các cụ già thường nhắc lại chuyện của ông Cửu Ngọ để răn dậy con cháu trong nhà. Với một sản nghiệp giầu có nhất làng, nhất tổng, có thể nói là giầu nhất huyện, nhà cửa ruộng nương, tiền của tích lũy nhiều, người hầu kẻ hạ cũng lắm. Trong nhà người làm sợ sệt đã đành, khi ra ngoài những ai không biết tránh né đều nhận được những lời thô bỉ, kênh kiệu của gia đình đó.

    Những sự thái quá rồi cũng có lúc phải bùng lên. “Vô phúc phải đáo tụng đỉnh” là câu đầu lưỡi của người dân quê. Nhưng người ta cứ người có tóc mà nắm chứ không ai nắm người trọc đầu. Người này kiện thì kẻ khác cũng kiện được. Rồi một hôm bà mẹ ông Cửu Ngọ tay cầm một nắm bạc ra đầu làng, đứng giữa cầu ném nắm bạc xuống sông mà nói: “Bao giờ làng này hết lá tre nhà tao mới hết bạc” (ý chỉ đe dọa những người đi kiện gia đỉnh bà).

    Bà ta ỷ lại vào tiền của để mà đút lót quan lại nên chẳng kiêng dè gì cả. Thế mới biết giầu có như Vương Khải, Thạch Sùng đến nỗi sau này tán gia bại sản con phải đi ăn mày với xú danh để lại.

    Đời nay dân mình đang phải khổ vì sự kiêu ngu (của đỉnh cao trí tuệ) đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, đưa dân đến sự cùng cực đói khổ, rồi bây giờ phải ngửa tay đi cầu cạnh, xin xỏ khắp nơi không còn biết nhục. Cũng vì sự kiêu căng, những người gặp thời, có quyền thế chỉ biết vênh mặt để nghe những lời ton hót, nịnh bợ, những phúc trình giả dối kèm với lời tâng bốc để đến nỗi nước mất nhà tan, thân bại danh liệt, chạy bán sống bán chết đến nơi tự do.

    Nhưng, chứng nào tật ấy, vẫn mang bịnh tôi kiêu, anh kiêu, bà kiêu, nó kiêu, chúng ta đều kiêu: có kiểu áo mới đẹp giữa đám đông, nhiều người chú ý làm cho bà, cô lên mặt ngay. Bà đi buôn bán gặp thời, trở nên giầu có, gặp ai điệu bộ, lời nói của bà toàn là tiền ngàn, bạc triệu, giá cả hột xoàn, kim cương, nhà cửa, làm cho đối phương mặc cảm khó chịu rồi sinh lòng đố kỵ, ghen ghét.

    Anh chị đi học may mắn có bố mẹ chắt bóp đủ tiền bạc học lên kèm với trí thông minh trời ban riêng từng người, đỗ đạt bằng cấp hơn người, anh chị kiêu hãnh cho rằng chỉ có mình giỏi. Họ không nâng đỡ, chỉ bảo, giúp đỡ những người kém mình, lại còn chê bai, không thèm giao thiệp với những kẻ thua mình. Ông có tài viết sách, viết báo để dạy đời nhưng nhiều trang sách báo ông đã mạt sát ít hay nhiều người xuống hàng mục hạ vô nhân, tự cho mình là rốn vũ trụ. Cho dù xưa nay người ta vẫn thầm kính phục văn tài của ông cũng phải xót xa gạt ông ra khỏi lòng kính trọng kèm theo một tiếng thở dài.

    Ở nước nhà là ông nọ bà kia, đến bây giờ vẫn còn vang bóng một thời, đi làm việc cho đoàn thể hay giúp nạn nhân ông cắp cặp đi quyền tiền với điệu bộ trịch thượng, dĩ nhiên là kém hữu hiệu; không vừa lòng ông sẽ kèm theo những lời bóng gió đe dọa; sự kiêu hợm quả là có trong con người của mọi tầng lớp. Anh đàn hay, chị hát giỏi, đi đến đâu cũng có kẻ đón, người đưa, cứ tưởng chỉ có mình là cao sang, được ưa chuộng, có những người không hợp nhãn, hợp nhĩ (bởi họ đã nhìn về khía cạnh đạo đức) thì cho là quê mùa, không biết gì.

    Ở đời nhân vô thập toàn, dù tài giỏi đến đâu, vẫn mang nặng trong đầu ý tưởng kiêu, không chóng thì chầy cũng bị đào thải. Những người tầm thường với tinh thần hướng thượng, vị tha, bao dung, biết tu thân, tề gia vẫn có thể trị quốc, bình thiên hạ. Đấy là những người quân tử chân chính mà một nhà hiền triết thuở xưa giữa ban ngày đã đốt đuốc đi tìm mà cũng khó thấy.

    (còn tiếp)

  7. #17
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852


    26- H
    i Bt Cp



    Cả buồi chiều nay Nhường như không còn tâm trí chú ý vào khách hàng đến mua hay đặt bánh như mọi khi, cô giúp việc luôn hỏi nàng về những việc khách hàng muốn biết.

    Trước khi đóng cửa hàng ra về, Nhường đưa chìa khóa cho người làm, Lan là cô giúp việc thành thực, hiền lành được sự tin cẩn từ trước.

    -Nh ngày mai ti sm hơn mi khi đ m ca hàng, tôi có vic đi vng hai ngày. Nhng vic cn làm tôi đã ghi ra giấy đ trên bàn.

    Sau khi ăn cơm chiều, Nhường gọi các con lại nói cho biết:

    -Sáng mai mẹ đi chuyến máy bay 7 giờ sang California thăm bác Cả, gặp chị Thắm có việc, chiều ngày mốt mẹ về tới nhà, các con ở nhà phải cẩn thận khóa cửa trước khi đi học và sau khi học, các thứ đồ dùng mẹ đã mua đầy đủ.

    Sau khi dặn dò các con kỹ lưỡng, bé Lý con gái út, mắt long lanh hai giọt nước mắt sắp trào ra ôm lấy cố mẹ, bè mếu máo: “Mẹ ơi mẹ đừng đi lấy chồng, ai nuôi chúng con,” Không phải đây là lần đầu tiên bé nói thế, cứ mỗi lần nàng định đi đâu, lại bị bé Lý nhắc lại như một điệp khúc, có khi nàng cần đi công việc cứ bị bé nhõng nhẽo phải gắt lên, chị bé phải rủ đi chơi; lần này nghe con nói nàng, chỉ thấy thương con hơn.

    -Con yên trí ở nhà với các anh chị con, ngoan, mẹ đi xong công chuyện chiều mốt sẽ về với chúng con.

    ***

    Từ lúc nghe Thắm tâm sự qua điện thoại, nàng cứ nhớ đến Thắm mãi. Thắm là cháu gọi nàng bằng cô. Lời đứa cháu gái còn văng vẳng bên tai nàng: “Cô ơi! cháu khổ quá, rồi trường hợp cháu cũng giống cô thôi”. Nàng đã yên ủi cháu mấy câu và hứa sẽ sang thăm anh đồng thời giúp cố vấn cho Thắm. Nàng không thể để xẩy ra như trường hợp hẩm hiu của mình.

    ***

    Ích, một thanh niên đẹp trao, vui vẻ, bặt thiệp phong nhã trên vai gắn ba hoa mai; Nhường tốt nghiệp sư phạm, á hậu ở trường, nết na, thùy mị; sau một thời gian tìm hiểu, được đôi bên cha mẹ chấp thuận, một đôi trai tài gái sắc sống những ngày hạnh phúc. Các con trai, gái lần lượt ra đời đã làm cho gia đình thêm hạnh phúc, nhưng lại làm cho mẹ chúng phải mất nhiều thì giờ chăm sóc con, bớt thì giờ đến lơ là chăm sóc chồng và trang điểm.

    Ngoài giờ đi dậy học, và đến nhà Nhường phải chính tay săn sóc con mới yên trí, không hoàn toàn giao cho người giúp việc, phải bỏ cả lệ đi chơi với chồng, cả những lúc Ích ở nhà nàng cũng không dành riêng cho chồng ít phút, các con là trên hết, lâu dần thành quen.

    Trái lại chồng nàng vẫn quý chiều các con, nhưng nhiều lúc chúng quấy khóc chàng khó chịu muốn đi chơi một mình, gặp bạn bè rủ rê la cà, tữu quán, nhảy nhót, rồi thiếu gì những hạng đĩ điếm chạy theo hơi đông, bám vào hết bông hồng này đến bóng hồng khác.

    Người ta thương nói cái kim trong bọc lâu ngày cũng thòi ra. Mấy tháng nay Ích đưa tiền lương về đã ít lại không đều, nhiều hôm vắng nhà vô căn cớ. Vả lại Ích đã hoán đổi về làm việc ngay ở thủ đô, đâu còn đi các tiền đồn như trước. Nếu Nhường có phàn nàn cự nự, Ích lại đánh trống lảng rồi tìm cách gây sự lấy cớ bỏ nhà đi chơi.

    Thái độ của Ích lại càng làm cho Nhường thêm tức giận. Nàng nhủ thầm: Ừ muốn đi cứ việc đi ta cũng không cần, ta tự túc nuôi con, đã mấy tháng nay tiền lương đưa về được bao nhiêu, không đủ mua quà cho con, mẹ con vẫn sống được có chết ai đâu. Con người càng ngày càng tệ bạc thiếu bổn phận làm chồng làm cha, cứ đi cho khuất mắt.

    Đúng lúc vợ chồng không biết bảo vệ cho nhau thì kẻ thứ ba được cơ hội khai thác, người ta đã canh đúng lúc Nhường có việc đi ra ngoài thì kẻ chủ tâm đã đưa Ích vào tròng, khoác tay chàng ung dung ra đi dung dẻ ngược chiều với Nhường hòng dứt điểm độc quyền chiếm lại hạnh phúc của người.

    Xa xa thấy chồng khoác tay một thiếu phụ ăn vận lộng lẫy đang cười nói với nhau rất tương đắc, Nhường tức giận run người. Nàng tự nghĩ mình là người có học, có giáo dục không thể ghen một cách hạ cấp. Con người đã lừa dối bội bạc không còn muốn nhìn mặt để Ích về nói cho biết.

    Từ lâu không nhòm ngó, giúp đỡ vợ con, chỉ biết đi tận hưởng lạc thú bỉ ổi, không đáng làm chồng làm cha, con người phản bội chỉ có một cách dứt khoát “anh đi đường anh tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi”, từ tức giận đến thâm thù nung nấu trong tim phủ lấp tình cảm.

    Như linh tính Ích trở về nhà vồn vã thăm các con. Nhưng cũng là lúc Nhường nhớ đến cảnh Ích cặp tay với một người lạ, nàng nói:

    -Anh không xứng đáng làm cha chúng, bỏ bê các con vác mặt về đây làm gì.

    Rồi như không dằn được tức giận, càng lúc càng tuôn ra những lời cay độc bỉ ổi tích tụ trong lòng từ bao tháng nay, được dịp vỡ òa ra, không còn kịp hãm lại.

    Lúc đầu Ích cũng biết tội đã nhiều, xin lỗi nhưng Nhường quá tức cứ nói như không ngừng hờ để nghe đối phương nói gì, cho đến lúc hai bên không còn đủ lý trí, rồi như một cơn giông, đồ đạc bàn ghế bay đổ loảng xoảng làm kinh động hàng xóm kéo tới, là lúc Ích xấu hổ bước ra, kèm theo lời cay độc của Nhường: “Hãy cút xéo khỏi nhà đừng bao giờ vác mặt về nữa, con này không cần ai phải thương xót.”

    Cuốn phim luôn tái diễn trong trí Nhường, mỗi khi các con hỏi “Mẹ ơi! Sao mãi không thấy ba về?” Nàng đau nhói trong tim không biết trả lời con thế nào, vờ như không nghe thấy, bằng cách sai con làm việc gì, hay lấy đồ chơi, bánh quà cho con. Nàng cảm thấy các con dù có tình thương ấp ủ của mẹ vẫn thiếu tình thương che chở của bố.

    Những khi đi làm về quần tụ với mấy mẹ con trong bữa cơm, cảm thấy không khi nặng về như thiếu thốn một cái gì. Những đêm khuya canh tàn dưới bóng sương mở một mình suy tư với công việc đang làm, sắp làm, muốn bàn hỏi với nỗi vui, chia sớt nỗi buồn, ân hận mình đã quá giận bồng bột, không biết hàn gắn, đang tâm đập đổ cả một gia đình. Than ôi con chim đã lìa tổ bay đi tìm một tổ ấm khác.

    Những lúc gặp khó khăn trong công việc, bị đau yếu cho mình hay các con, là những lúc cảm thấy cô đơn, lo sợ không tìm được ai đáng tin cậy để nhờ và như vợ với chồng. Sự hối tiếc dâng lên tràn ngập tâm hồn, chỉ vì nóng giận thiếu suy nghĩ, mình đã quá lời chạm nặng tự ái chàng, được dịp để rơi vào tay người khác.

    Rồi tự ái nổi dậy nàng lại nghĩ ta hãy còn xuân sắc, có công ăn việc làm thiếu gì người cầu thân, làm lại cuộc đời. Nghĩ là làm, Nhường chú ý đến nhan sắc mình, phấn son, ăn diện làm quen với chốn ăn chơi, đúng như vậy, thiếu gì các chàng chạy theo vì nhan sắc, vì tiền lợi dụng cho qua thời gian, như bướm lượn vòng mà chơi. Những dịp giao thiệp cận kề để ý tìm hiểu nàng không tìm được người nào có đức hạnh, có chung thủy, có địa vị, không hơn cũng phải bằng người cũ, đáng giao phó cả cuộc đời còn lại.

    Trong lúc nàng tìm thay chàng, thì chàng tỉnh ngộ thương con muốn quay về dù sao cũng vợ cái con cột, nhưng không đủ rộng lượng tha thứ, khi gặp nàng ở vũ trường trong vòng tay kẻ lạ. Kể từ đây không còn hàn gắn nổi, mặc những người bạn thân trổ tài Trương Nghi, Tô Tần. Chỉ thương thay cho xấp nhỏ vô tội bỗng dưng thiệt thòi, ở với mẹ thiếu tình thương cha, ở với cha thiếu tình thương của mẹ.

    ***

    Nàng nói với cháu:

    -Thắm ơi! Cô vột vã qua gặp cháu có ý kịp thời đem kinh nghiệm bản thân để nói cho cháu biết, đừng bồng bột, quá giận mất khôn, quên trách nhiệm làm mẹ, hãy nghĩ đến các con, thương các con mình đẻ ra chúng, chỉ có tình thương cao cả của người mẹ mới bao trùm nổi các con mình, có hạnh phúc hay không ở người mẹ, vì các con nhỏ cháu hãy tha thứ hàn gắn gia đình của cháu.

    -Cô không hiểu nổi, cháu khổ quá, người ta phụ bạc cháu, cháu muốn dứt bỏ cho xong, cái gì cũng đổ tại cháu.

    -Quá trình cuộc đời của cô, cháu nói có ai giống trường hợp của cháu, đây cô đưa ra mấy trường hợp hiện đang sống trong cuộc:

    Tý làm công chức, Sửu dậy học cả hai kể vào bậc trí thức cũng như bao gia đình khác sống ở đất nước tự do, bình đẳng nhưng thiếu tình cảm, ban đầu cả hai cũng giúp đỡ nhau trông coi con cái, hay dọn dẹp nhà cửa dần dà công việc cả hai vợ chồng không cùng về một giờ để có bữa cơm, vui vẻ. Họ muốn công bằng bình đẳng đã chia phiên lau nhà, rửa bát v.v..

    Lấy cớ người nào cũng đi làm cả, vậy ai muốn ăn gì tự làm lấy, chỉ khổ cho anh Tý đi làm về tới nhà đã muộn, nhọc mệt nằm nghỉ ít phút, dạ dầy đòi hỏi, ngày mưa cũng như lúc nắng, lái xe đi xếp hàng mua ham-bơ-gơ về ăn cho xong bữa, khát vào bếp vặn vòi nước lạnh, ngày nghỉ anh được ai mời tới nhà ăn bữa cơm gia đình anh lấy làm sung sướng lắm. Ít lâu sau một nữ đồng nghiệp của anh tới nhà ăn cơm, cảm thấy không khí đầm ấm, được săn sóc, chiều chuộng nhất là khi đi làm về không còn cảnh phải xếp hàng mua ham-bơ-gơ như trước, hết muốn trở về nhà, khi khát ra bếp vặn nước vòi.

    Tuy nhiên Tý cũng không đang tâm bỏ Sửu, nếu Sửu đứng theo lối người Mỹ hơi tức khí một chút đòi ly dị. Tý đã trở về hàn gắn lại cho con có tình thương trọn hảo, nhưng Sửu quá kiêu đưa đến sự tan vỡ là cái chắc. Kết cục Tý dễ dàng tìm được mái ấm khác, còn Sửu thì khó quá không sao tìm được người như Tý có học thức, có địa vị, có nghề nghiệp vững. Bây giờ Sửu đang sống trong sự hối tiếc thì đã muộn.

    Ồ! Như cái anh chàng Dần này lúc đầu cũng không muốn lấy nàng Mão, nhưng mối lái khéo nói lại thêm bố mẹ Mão khéo chiều chuộng, săn sóc Dần, nên cuối cùng cũng nên duyên. Đôi Dần Mão sống bình thường hạnh phúc. Mão ở nhà săn sóc ba con, lương Dần kiếm được có thừa cho Mão chi tiêu, Mão tỏ ý muốn học thêm. Dần cũng chiều vợ, đổi làm ca đêm, ban ngày ở nhà coi con cho Mão đi học và Mão đã lấy được chứng chỉ kỹ sư điện, có nghề có tiền Mão đang tâm phản bội chồng. Dần hay biết quá thương con tha thứ cho Mão, nhưng người đàn bà táng tận lương tâm này đã đem theo mấy đứa nhỏ với số tiền dành dụm của Dần trốn biệt dạng, để lại cho Dần sự cô đơn, tuyệt vọng, oán hận lây cho cả giới đàn bà.

    Thắm ơi! Cô đã nói hết cho cháu nghe, hay bụt nhà không thiêng. Riêng cô nói lời cuối là cháu hãy nghĩ đến sự đau khổ, thiệt thòi của các con cháu, không phải bây giờ, mà chúng còn chịu dài dài cả quãng đời các con của cháu, và chính cháu mang hận suốt đời, cũng như đời sống hiện tại của cô, đừng có bước vào vết xe đổ của cô, hãy dẹp tự ái, nhớ lại những ngày mới cưới vui vẻ, yêu nhau, chiều chuộng mơ mộng biết mấy, nhân vô thập toàn, hãy nghĩ chính mình không nhiều thì ít cũng có lỗi, hãy tha thứ lỗi lầm cho nhau, bắt tay làm hòa, để cho con cái có diễm phúc sống trong tình thương của bố mẹ.

    (còn tiếp)

  8. #18
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852



    27- Sau Mười Lăm Năm



    Đèn đường đã sáng từ lúc nào, mảnh trăng lưỡi liềm như tối lại trước ánh sáng nhân tạo, cảnh vật im lặng cũng thông cảm với nỗi lo âu, tiếng thở dài não nuột của bà Hải:

    -Thôi bà đi vào nhà đi, ngồi mãi ngoài này có sương xuống lại cảm lạnh, chứng ho trở lại thì khổ, cố quên đi, nó đi rồi nó lại về, lo lắng làm gì cho mệt.

    Uể oải mệt nhọc nể lời ông chồng, bà Hải bước vào nhà, sực nhớ ra cả hai ông bà chưa ăn cơm chiều, buồn và lo nghĩ, cả hai đều không thấy đói.

    “Phải có ăn chút ít lấy sức mai còn đi làm.”

    Ông Hải nhắc tới lần thứ hai, bà mới đi hâm đồ ăn, cả hai ông bà cố gắng ăn cho xong bữa.

    Vừa thương vừa giận con, bà Hải lại phàn nàn trách móc “ông không biết dạy con, để nó hư đốn.” Ông Hải vừa cầm tờ báo xem cho quên nỗi buồn, nghe vợ léo nhéo nổi quạu, dù bản tỉnh ông rất hiền:

    -Bà đừng có giận cá băm thớt, con hư tại mẹ, chiều nó cho lắm vào, bây giờ nó hư còn nói gì và đổ lỗi cho ai, tại mình chỉ biết chiều, không biết dạy con, cứ còng lưng đi làm, có đồng nào muốn để dành cũng không được, con xin gì cũng cho, con gái cũng như con giai, cứ giấm giúi cho chúng, tôi biết có nói thì kiếm truyện trách không biết thương con.

    ***

    Nhà trường đã báo động cho biết Tùng hay bỏ học. Cách ăn mặc của nó cũng kỳ dị chẳng giống ai, đầu tóc vuốt kéo, tóc dựng đứng đàng trước, đằng sau lại để dài thòng, đã thế lại đeo bông tai tòng teng như con gái, miệng ngậm thuốc lá phì phèo nhả những ngọn khói bay tỏa đầy nhà.

    Vừa mở cửa phòng bước ra, bà Hải đã chạm trán Tùng, đứng án ngữ trước mặt:

    -Má cho con xin ít tiền.

    -Tiền đâu mà xin mãi, ngày nào cũng xin, má còn phải đi làm mới có, sao con cứ bỏ học mãi, nhà trường người ta đang đe đuổi, chịu khó đi học má mới cho tiền.

    -Được, mà cho tiền con sẽ đi học lại; không có tiền, tiêu của các bạn mãi đâu có được.

    Thấy con ăn mặc dị hợm, cử chỉ lố lăng, trong lòng khó chịu, bà Hải vẫn chiều con cho tiền để còn đi làm, và lần nào cũng thế, ít khi nó xin tiền mà phải đợi lâu, lúc nào bà cũng coi như nó còn bé bỏng phải chiều nó và tự an ủi lớn lên nó sẽ nghĩ lại. Nhưng càng lớn nó lại càng hư.

    Đi làm vất vả và đâu có nhiều tiền, thấy con xin tiền luôn bà cũng xót ruột không cho, nó biết tính bà không kiên nhẫn, có khi phải đe dọa sẽ bỏ nhà đi, lấy đồ đi bán, hứa nhăng hứa cuội, hay nói lớn lên ầm ĩ sẽ làm bà xấu hổ với hàng xóm và ông Hải biết được sẽ mắng cả mẹ lẫn con, nên nó cố tình dài dòng lấy được tiền mới đi.

    Quen như mọi khi, không dè lần này má nó không sẵn tiền, nó nói ầm ĩ làm ông Hải quá giận bạt tai và đuổi nó muốn đi thì cứ đi cho khuất mắt bố mẹ, và ông bà Hải đã không ngờ có băng đảng đón con mình, vừa mất con, vừa lo buồn cả một đời con hư hỏng, nguyên nhân cũng chỉ vì quá chiều con, không biết dạy đúng mức.

    Khi còn bé hơi khóc một tiếng, đã vội vã dỗ dành, được đà nó cứ khóc tới khi nào đưa đúng thứ mà nó muốn mới thôi, quát tháo, chửi bới nó cũng không ăn, hay vừa ăn vừa nghịch đổ vãi tung tóe cứ phải chịu, lớn lên quen thói được chiều vừa nghịch vừa hỗn đã không uốn nắn, có khi lại còn khen nó khôn ngoan, giỏi giang; nó muốn đi chơi, đi ăn mua thứ gì cứ nhắm mắt mà chiều cho bằng được.

    Đến tuổi đi học thích chơi hơn học, bỏ giờ học đi chơi với những bạn xấu như nó, bố mẹ không ai kiểm soát bài vở; càng lớn, càng nhiễm thêm tính xấu kết bè đảng với những bạn cùng hoàn cảnh như nó.

    Suốt đêm không ngủ, ông bà Hải tính phải có phương pháp giáo dục như thế nào, vì từ trước tới giờ ông bà chỉ lo đi làm, không đủ kinh nghiệm, bà chỉ biết khóc than trách ông đã đánh đuổi con đi, ông trách bà quá nuông chiều, chỉ biết cho tiền để con ăn chơi đến nỗi hư thân mất nết.

    Hôm sau đi làm, đến giờ nghỉ ăn cơm, các bạn đồng nghiệp với ông Hải, ai cũng ngạc nhiên hỏi thăm ông bị đau thế nào, trông người hốc hác mắt trũng sâu, vẻ mặt tự lự buồn khổ. Sau khi nghe ông Hải than phiền về con, mọi người góp ý, người nói cứ kệ đàng nào nó cũng hư rồi vướng tù tội cho nó biết thân, người thì khuyên nên tìm nó về nhốt ở nhà mà sửa trị. Riêng ông bạn Hân hứa chiều nay đi làm về, vợ chồng tôi sẽ đến thăm an ủi chị, sẽ góp thêm ý kiến.

    Tối đến, trong một cuộc họp bạn tay tư, ông Hân đưa ý kiến:

    “Việc cần đầu tiên anh chị phải tìm cháu, xem cháu ở đâu, đưa ngay cháu về nhà, anh chị xin nghỉ làm ít ngày.

    -Khi cháu về anh chị cứ hòa hoãn vui vẻ coi như không có việc gì xảy ra.

    -Chị gọi cháu vào phòng riêng, hãy dùng tình thương, nước mắt của người mẹ, xin cháu hãy nghĩ thương bố mẹ phải lo lắng xấu hổ, buồn phiền vì con, hãy ở nhà lo học hành v.v… tránh đừng nói nhiều quá làm nó phát chán.

    -Anh phải hy sinh mấy ngày đưa cháu đi chơi ra bãi biển, đến bảo tàng viện, công viên xem phim nào lành mạnh, đi ăn tiệm. Trong những lúc thuận tiện, anh cắt nghĩa cho cháu hiểu những tai hại sắp đến và sau này bởi những thói xấu mê muội, khuyên cháu lo học hành chơi với bạn hiếu học, tránh những đứa lười biếng xấu tính.

    -Hãy cô lập ngay những bạn bè xấu của cháu, tránh cho chúng khỏi rủ rê, nên đổi ngay số điện thoại.

    -Thúc đẩy cho cháu đi chơi xin gia nhập hội thể thao món nào nó thích… quần vợt, bóng bàn, bóng rổ hay võ thuật Việt Nam, cốt tránh cho nó không còn thì giờ rỗi, hết kỳ hè cháu đi học anh chị phải để ý xem phiếu điểm nhà trường gởi về, luôn khuyến khích về sự học. Ngày nghỉ cuối tuần, cả gia đình nên tổ chức đi cắm trại, đi chơi để các cháu cảm thấy tình gia đình đằm thắm.

    Bà Hải ngỏ lời cám ơn.

    – Chúng tôi rất ngưỡng mộ gia đình anh chị cùng tới đất này năm 75 mà sau 15 năm các con anh chị đều vào đại học, mỗi người theo một ngành chuyên môn, không bao lâu nữa anh chị được hưởng thành quả của các cháu mang lại, anh chị đã học được bí quyết giáo dục các cháu.

    -Vàng, - Bà Hân đáp – nhân tiện tôi xin kể lại, hồi mới tới đây ít lâu, ông cậu tôi tới thăm chúng tôi, thấy các cháu, còn nhỏ nhất mới biết bò, lớn nhất lên bẩy tuổi, thấy tôi luôn quát tháo mắng chửi hết đứa nọ tới đứa kia, ông cậu tôi tỏ vẻ không hài lòng và bảo tôi hãy nghe ông với kinh nghiệm cách đây 30 năm, nuôi dạy các con phải có phương pháp, bố mẹ mới đỡ vất vả và lo nghĩ về chúng sau này. Người ta thường nói: “Dạy con từ thuở lên ba”, đúng ra phải dạy ngay từ khi mới sanh…

    Sau mỗi bữa ăn khi vác lên vai 10 phút, mở tã ra đưa cái xô nhỏ để dưới mông nó chờ nó đi tiểu hay đại tiện xong mới đóng tã. Lâu dần thành thói quen, khi nó cảm thấy mông nó chạm vào cái xô, nếu không tiểu thì đại tiện, nên giữ đúng giờ như thế ít khi bị ướt tã. Khi tập tễnh biết đi hay bị ngã, dù không đau nó cũng khóc, có người lớn đến bế lên nựng, được thể lại khóc lớn hơn, phải thí dỗ lâu, nếu người lớn cứ lờ đi không nhìn không nói gì rồi nó sẽ nín, tự động đứng lên.

    Lớn lên tập cho ăn một mình khi không chịu ăn, ngồi nghịch la hét, không cần phải la mắng nói gì, cứ kiên nhẫn, canh chừng khi nào ăn xong mới cho ra khỏi ghế ngồi. Đến tuổi đi học, khuyến khích nó bằng cách mỗi khi được điểm cao, vui vẻ thưởng đồ chơi hay tiền tùy tiện, ấn định mức tối thiểu, nhiều điểm lên thưởng nhiều lên, điểm xuống lại rút bớt phần thưởng.

    Phải giữ lời hứa, nếu không tìm được thứ mình định cho hay ngày giờ đi chơi đâu phải thay đổi hoãn lại, hãy giải thích sự việc xảy ra là ngoài ý muốn của bố mẹ và bù lại bằng cách khác.

    Một điều cần cấm các con không được vào phòng bố mẹ hay phòng nào có người, phải gõ cửa trước khi vào. Đừng bao giờ kể lỗi của các con trong bữa ăn. Trời đánh tránh bữa ăn, nên nói những chuyện vui trong bữa ăn, giúp cho mọi người ăn ngon miệng hơn.

    Buổi tối trước khi ngủ hay sau bữa ăn, bà mẹ nhỏ nhẹ vui vẻ nói truyện với các con, tìm hiểu chúng chơi với bạn có bạn nào thân, bạn hay nói chuyện gì có rủ con đi chơi, cho hút thứ thuốc nói ngon, có nhiều cảm giác lạ, hay con giai rủ tán cô này cô nọ đẹp xấu, thích diện, thích ăn v..v… tùy trường hợp phải hướng dẫn cặn kẽ nói rõ tai hại về nghiện ngập, sa đọa vì mê gái mết tra. Phải đề phòng nếu con chơi thân với bạn xấu nghe chúng rủ rê, sẽ học không được, người thân sơ đều xa lánh khinh bỉ làm cho bố mẹ đau khổ nhục nhã không bao giờ ngưôi v.v..

    Đối xử với các con phải coi chừng như người lớn, đừng để chúng thiếu về đồ dùng cần thiết, quần áo, học cụ, mỗi tuần nên cho ít tiền để tiêu vặt, đôi khi khuyến khích các con đãi ăn các bạn bè, biết cách giao thiệp xử sự. Đừng khó quá với món cần phải mua hay dễ quá khi chúng xin tiền mua những thứ không cần thiết hay đi chơi đâu, khi mình không rõ chúng đi đâu.

    Luôn luôn thân mật và khuyến khích, công bằng đối xử với các con, đừng bao giờ tỏ ra bên ngoài yêu con nọ hơn con kia, tác động cho các con biết hòa đồng nâng đỡ nhau.

    Tìm hiểu thấu tâm trạng từng người con khí đã trưởng thành, cố vấn cho họ, giúp đỡ khi họ lập gia đình, bấy giờ bậc cha mẹ mới tròn bổn phận, yên vui lúc tuổi già nhìn thấy các con có tư cách, thành nhân, góp cho xã hội cho tổ quốc những phần tử ưu việt.

    Vài tháng sau, một hôm ông bà Hân nhận được món quà là một bình hoa tươi thật đẹp, mầu sắc rực rỡ do ông bà Hải gửi tặng kèm theo một tấm danh thiếp với vỏn vẹn mấy câu như sau:

    “Cám ơn hai bác rất nhiều về những lời khuyên quá báu. Cháu Tùng nay đã trở về nhà và thay đổi hoàn toàn, cháu ngoan ngoãn chịu khó học hành và biết vâng lời.”

    Ông bà Hân nhìn nhau không nói nhưng trên môi cả hai đều điểm một nụ cười. Riêng bà Hân tự nghĩ “giáo dục trong gia đình là bước tiên khởi để đào tạo nên những người con ngoan và hữu ích cho xã hội sau này. Điều đó áp dụng cho đủ mọi thời đại, đủ mọi hoàn cảnh.”

    (còn tiếp)


  9. #19
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852


    28- Một Điểm Son Của Phụ Nữ Việt Nam: Hy Sinh Tất Cả Cho Con Cháu.



    Về đêm tiếng bích kích pháo nổ ầm ĩ, hỏa châu soi sáng rực một góc trời, ban ngày ngoài tin đồn thổi các báo Chính Luận, Xây Dựng, Trắng Đen, Nha Trang, tin tức dồn dập làm mọi người hoang mang. Mấy hôm nay Chi không đi dậy học, mẹ và các anh chị đều nói Chi hãy ở nhà để bàn tính có chuyện gì xảy ra còn giúp nhau được.

    Từ năm giờ sáng tiếng lộp cộp của xe ngựa hết xe này đến xe khác, trong xe chở đầy người, bên ngoài trên hai bệ hai bên buộc chồng lên các sọt rau đủ thứ nào cà chua, rau dền, rau cải, đậu que, đậu đũa, đậu phụ, đủ các thứ tạp nhạp được các bà nhà vườn đưa xuống bán ở các chợ Hòa Hưng, Phú Nhuận, Tân Định, Bến Thành v.v… Những chiếc xe ngựa chở người, chở hàng từ Hóc Môn, Củ Chi chạy qua nhà Chi hàng ngày quá quen thuộc không làm nàng chú ý. Nhưng sáng hôm nay, mỗi khi nghe tiếng leng keng lộp cộp của xe ngựa làm cho đầu óc Chi rối trí thêm, nhớ đến cái này lại quên cái kia, cầm cái này lên bỏ cái kia xuống, trong lòng bồn chồn đứng không yên.

    Đưa cả gia đình xuất ngoại cách nào bây giờ đây! Đã đi là phải từ bỏ hết không đưa theo được gì, đến tiền cũng phải bỏ lại không ai tiêu tiền của mình nữa. Đi khỏi nhà cũng phải tính xem, sẽ ăn đâu ở đâu, huống nữa đi khỏi nước, ngôn ngữ phong tục khác lạ, rồi sẽ làm nghề gì mà sống, cả nhà chỉ có Chi và anh Thiệt biết tiếng Anh.

    Mặt người nào cũng có vẻ lo âu, một không khí im lặng bao trùm cả nhà, đã mấy ngày nay những người lớn trong nhà chia nhau ra tìm đường đi, chung nhau thuê tầu, tới các tòa đại sứ Mỹ, Úc, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan hay bắt liên lạc vào Tân Sơn Nhất, không từ một đường lối nào để tìm được hy vọng ra đi, vẫn chưa có mối nào chắc chắn. Sự thất vọng ngập trong lòng mọi người.

    Mẹ Chi nói:

    “Mọi người hãy cầu nguyện, đừng quá lo, an ủi lẫn nhau, chờ xem thời thế xoay vần ra sao”.

    Chi chán nản lấy sách ra đọc.

    Nghe tiếng gõ cửa mạnh, u già ra mở cửa, u quay vào nói có một người Mỹ hỏi cô. Chi nhận ngay ra Peter, người bạn học cũ khi Chi còn học bên Mỹ.

    Với vẻ ngạc nhiên, Chi hỏi sao Peter tìm được nhà Chi.

    -Tôi tới văn phòng trường Đại Học Sư Phạm hỏi, người ta cho địa chỉ.

    Peter nói luôn:

    -Tôi thấy tình thế lộn xộn lắm, nên vợ và hai con tôi đi Tân Gia Ba đã mấy ngày rồi, tôi mới nhận được giấy phải đưa theo hai cháu nhỏ thế vào chỗ vợ và hai con tôi. Chi nghĩ kỹ, tôi có việc phải đi và chiều sẽ trở lại để lấy danh sách nếu muốn đi.”

    Cả một vấn đề, chỉ có ba chỗ, tất nhiên không thể đưa mẹ cùng đi, còn hai đứa nhỏ lấy cháu nào đây, con của anh hay con các chị, cả một trách nhiệm đưa đi, đã vậy còn sau này phải nuôi nấng dậy dỗ, cho đi học đến nơi đến chỗ, thay thế bố mẹ chúng. Chi bàn với mẹ lấy quyết định để chiều trả lời cho dứt khoát.

    Bà cụ chọn hai cháu nội một trai một gái đi với cô, bà cụ nói “Đi thoát được người nào hay người đó,” cụ bảo con trai và dâu đi đón hai cháu bé đang học ở trường về nhà, từ lúc này bà nội và bố mẹ không rời con, cháu một phút.

    Hai cháu nhỏ, Ngoan chín tuổi và Thuần bảy tuổi, được bà nội, rồi bố mẹ dặn dò nào phải vâng lời cô, phải chăm chỉ học hành, phải làm việc giúp đỡ cô những việc lặt vặt quét nhà, lau bàn ghế giặt quần áo v.v.. nhắc đi nhắc lại cho hai bé nghe và phải nhớ, nhưng cả hai bé từ trước đến giờ chưa phải và cũng không biết làm việc gì dù bé nhỏ, đi học về tới nhà chỉ có ăn rồi nghịch xả rác lôi thôi để mẹ và bà nội phải thu dọn, chúng ngây thơ chỉ biết ngồi nghe, rồi sau đó chắc chúng cũng quên luôn những lời dặn dò của bà nội và bố mẹ.

    Từ chiều hôm qua Chi đã soạn giấy tờ cần thiết, đồ dùng, quần áo vào valise, hai cháu cũng được trang bị đồ nhật dụng, quần áo vào túi nhỏ để đeo vào vai cho mỗi đứa một cái.

    Còn có đêm nay được ở nhà, chưa biết ngày mai sẽ ra sao, Chi nghĩ phải ngồi với mẹ nói truyện với mẹ nhìn mẹ nghe mẹ nói như muốn nuốt những lời mẹ dặn dò, như muốn chui vào lòng mẹ già khi Chi ôm lấy vai mẹ, nắm lấy tay mẹ. Chi muốn nói với mẹ rất nhiều mà không nói được câu nào, chỉ biết đáp lại vâng, dạ khi mẹ nói, hỏi, thấy mẹ quá mệt mỏi Chi xin mẹ đi nằm nghỉ.

    Cả một buổi sáng bận rộn, anh chị Thiệt dậy sớm làm bữa cơm đơn sơ, cũng đã đưa tin cho mấy chị em ở gần, sáng hôm nay tề tựu đông đủ ăn với nhau bữa cơm rồi tiến chân ba cô cháu Chi xuất ngoại.

    Vừa ăn cơm xong chưa kịp thu dọn bát đĩa, Peter đã đưa xe đến đón giục đi ngay, mọi người hối hả nói lời từ giã ba cô cháu. Chi cũng không nghe kịp những anh, chị, em nói gì, khi một ông anh nói hơi lớn – thôi đi đi – mọi người dang ra để ba cô cháu đi.

    Chi chỉ kịp quay lại nhìn mẹ và tất cả các anh chị em, cháu như cố thu lấy hình ảnh mọi người vào trong óc, người nào cũng nước mắt tràn ra khỏi mi, hai cháu đã được đẩy ra khỏi tay mẹ chúng, trèo lên xe trước cô Chi. Chiếc xe đã lao vút đi trong ánh nắng chói chang vào ngày 21-4-75 để lại đau thương nhung nhớ cho mọi người trong gia đình.

    Chuyến bay thẳng sang Phi Luật Tân tới Subic Bay, Peter ôm hôn hai cháu nhỏ, bắt tay Chi từ giã sang Tân Gia Ba gặp vợ con. Chi được chuyển sang tạm trú tại Clark Air Base rồi về Guam là nơi tập trung rất đông người.

    Chi tới bàn giấy Hồng Thập Tự vào danh sách tìm người nhà, mấy ngày sau đã liên lạc được một gia đình người chị, từ đây ba cô cháu cảm thấy đỡ bơ vơ. Đã thành một gia đình cùng với gia đình người chị được đưa về trại Fort Chaffee thuộc Arkansas. Ở lại trại Fort Chaffee một tháng chờ thủ tục có người sponsor ra khỏi trại. Cũng như mọi người trong trại tạm trú, Chi nghĩ đến tương lai của mình, trách nhiệm nuôi dậy hai cháu mà Chi đã nhận với anh chị trước mặt mẹ.

    Trước đây Chi đã từng du học ở Mỹ, có tâm hồn xã hội, khi vào đại học đã chuyển về ngành tâm ly, đã hiểu đời sống ở Mỹ rất thực tế không như ở Việt Nam có bằng cấp cao, có cổ cánh vẫn dễ tìm được chức vụ lương bổng cao; ở đây người ta căn cứ vào kinh nghiệm, nghề chuyên môn và có như cầu mới tìm được việc làm, có bằng master về tâm lý Chi đành xếp lại xin học về môn khác hợp thời hơn.

    Với sự trợ cấp của sở xã hội, cả ba cô cháu đều cắp sách đi học lại. Muốn khỏi trục trặc về số tiền trợ cấp ít ỏi, Chi phải tính toán dè sẻn, cuối tháng không bị thiếu tiền, điện, nước, điện thoại, đi học đã có xe bus, lại còn tiền chợ, lâu lâu có dư chút đỉnh để dành mua quần áo, nhưng băn khoăn nhất là học trường nào tốt, các cháu không bị ảnh hưởng bạn bè xấu.

    Chi rất thận trọng giáo dục các cháu, thường để ý theo dõi, hỏi han nên đã di chuyển đổi trường cho các cháu học đến lần thứ ba mới được như ý dù phải đi làm xa chỗ ở miễn tiện cho cách cháu đi học chỗ gần và trường tốt.

    Chi chia thời khắc biểu, ngày Chúa Nhật sống về tâm linh, sau khi đi dự lễ về Chi đưa các cháu đi chơi đi chợ, đi thăm bạn bè, hay đi cắm trại sống với thiên nhiên, một ngày hoàn toàn thoải mái. Các cháu lớn dần học lên cần kèm thêm, Chi đã đi làm có nhiều thì giờ kém thêm cho các cháu học mỗi chiều sau bữa cơm.
    Ổn định được đời sống cho gia đình, cô đi làm cháu đi học, đỡ lo lắng, nhưng còn những cảnh thơ từ Việt Nam gởi qua mỗi lần nhận được lại một đêm mất ngủ. Hết anh này bị bắt đến cháu kia phải đi học tập. Chập chờn trước mắt hình bóng mẹ già tiều tụy đầu bạc phơ ngồi dựa cửa trông ra, thương con tù tội, nhớ con nhớ cháu xa xôi cách biệt trùng dương, lòng Chi xót xa khó tả.

    Bù lại khi nhận được tin báo ở nhà đã nhận được những thùng quà mà Chi đã gom góp chắt chiu từng đồng để gửi về, Chi mới nở được nụ cười rạng rỡ, cảm thấy như đã chia sẻ được phần nào an ủi những người trong gia đình.

    Bạn bè trong sở luôn phiên nhau tổ chức hết party này đến birthday party khác, không phải đến để dự bữa ăn mà còn là dịp khoe quần áo, tính Chi cũng không thích diện diêm dúa nhưng cũng phải mặc y phục trang nhã để người ta khỏi khinh chê. Mỗi lần đi đâu thấy Chi trang điểm ăn mặc khác mọi lần, lại làm cho Chi xúc động khi nhìn về mặt lo lắng buồn thiu của hai cháu với câu nói:

    “Cô ơi! Cô đừng đi lấy chồng cô đừng bỏ các cháu,”

    Chi phải cố gắng nở nụ cười và hứa:

    "Yên trí, các cháu ngoan cô không lấy chồng, cô ở nhà với các chau."

    Vì nạn nước, biết bao gia đình tan nát, chia phôi, hai cháu của Chi chúng có cảm giác mồ côi tuy biết có bố mẹ nhưng biết có còn được đặt vào cô, Chi cũng cảm thấy không thể xa cháu, có bổn phận nuôi dạy cháu đến khi thành nhân, nên Chi đã từ chối những mối tình khi cân nhắc có sự cản trở đối với cháu. Là con người ai cũng có tình cảm và nghĩ tới tương lai, nhưng với Chi nàng đã đặt nặng nhiệm vụ hy sinh vì các cháu, giữ tròn lời hứa với mẹ và anh chị, nhẹ về tình cảm để cho qua bao lần những vụ cầu hôn rất xứng đáng.

    Mười năm qua, thời gian như bóng câu qua cửa, hai cháu đã có bằng cấp cao, nghề nghiệp vững chắc, yên bề gia thất, Chi vui lòng vì sự hy sinh của mình được đền bù mỗi khi trái nắng trở trời, các cháu hết lòng săn sóc cô như những người con hiếu thảo săn sóc bố mẹ.

    (còn tiếp)

  10. #20
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852


    29- Người Bạn Năm Xưa



    Suốt trong thời kỳ Pháp thuộc, dân mình sống trong cảnh cơ cực, nô lệ dước ách thống trị của thực dân. Nhưng những nhà cách mạng vẫn âm thầm hoặc công khai hoạt động chống Pháp. Từ phong trào Cần Vương đến Văn Thân, rồi Đông Du, Việt Nam Quốc Dân Đảng… Trong khi đó dân chúng vẫn nhẫn nhục làm ăn. Thời đó khi còn trẻ con, chúng tôi vẫn được cắp sách đến trường, bạn bè giao tình thân mến. Chúng tôi cùng một lứa tuổi, lớn lên trong cùng một giai đoạn, thời cuộc biến chuyển nên mất liên lạc.

    Sau quốc nạn phân chia năm 1954, tình cờ chúng tôi gặp nhau ở miền Nam, phần đất tự do. Hàng mấy chục năm đã qua đi, người nào tóc cũng đã ngả mầu, cháu nội ngoại đầy đủ cả. Và cả một quãng thời gian đó được chúng tôi thay phiên nhau kể lại cho nhau nghe.


    Thắm


    Thắm nhắc đến ngày xưa bằng một giọng bùi ngùi:

    -Mặc dù đã bao năm qua tôi vẫn còn nhớ đến những ngày cũ… Từ những luống rau sau nhà đến những vườn cây ăn quả. Hẳn các bạn còn nhớ bố tôi là một ông đồ lỡ thời, khi tôi lớn lên, bố tôi không còn dậy học nữa. Người lấy vườn tược làm thú vui. Bố tôi nghiêm nghị nhưng rất thương yêu chúng tôi. Riêng mẹ tôi rất chiều vì có mình tôi là gái. Khi đã lớn, mẹ tôi thường cho tôi theo hàng ngày để phụ buôn bán. Với gánh hàng tấm tôi theo mẹ tôi đi các phiên chợ lân cận. Vào một ngày cuối năm, lúc đó tôi 18 tuổi, tôi lập gia đình. Cuộc đời tôi rẽ ngang từ đấy với người chồng xa lạ.

    -Trước ngày cưới tôi được mẹ đưa đi sắm quần áo, chọn những gì tôi thích mà từ trước đến giờ không đươc mua hoặc được quyền chọn theo ý. Sau ngày cưới, về làm dâu một gia đình xa lạ, không hề quen một ai, tôi đã bắt chước chị dâu tôi xuống làm bếp, quét dọn như một người đầy tớ giúp việc. Nhưng nào đã xong, các cụ bảo: “Lấy chồng như gông đeo cổ.” Thật đúng vào trường hợp tôi. Lâu dần tôi nhận ra tuy vợ chồng có thuơng yêu nhau nhưng chàng lại mắc vào nhiều thói hư tật xấu. Thôi thì đủ cả, từ ả đào đến cờ bạc, hút xách.

    Khổ hơn nữa, cả bố chồng và chồng cùng một máu mê nên thường tổ chức chơi ở nhà hoặc có khi rủ nhau đi chỗ khác hàng tuần lễ hay 10 ngày mới trở về nhà sau khi đã thỏa mãn thú yêu hoa và nhẵn túi, thân hình rã rượi vì thức đêm. Mỗi lần thế là ngủ cho chán rồi lại tra khảo tôi để lấy tiền chơi bời tiếp, không nghĩ gì đến trách nhiệm làm chồng, làm cha: “Cờ bạc là bác thằng bần” là thế!

    Tôi khuyên can hết lời, chồng tôi vẫn chứng nào tật nấy. Tôi đành phận, một sớm hai sương tần tảo nuôi con với gánh hàng tấm mà bố mẹ đã cho làm của hồi môn. Tôi chỉ ầm thầm chịu đựng, lấy câu số phận mà an ủi mình. Một ngày kia, một ngày đen tối đã đến với cuộc đời tôi. Hôm ấy sau khi đi chợ, săn sóc các con, tôi quá mệt mỏi đã ngủ thiếp đi, lúc tỉnh dậy sửa soạn đi bán hàng như mọi ngày thì hỡi ôi gánh hàng của tôi đã không cánh mà bay theo chồng tôi đi mất, không một lời từ giã.

    Tôi chỉ còn biết ôm con mà khóc cho duyên phận mình, ngao ngán cho tình đời. Sau những lời an ủi suông của hàng xóm, bạn bè, nhìn vào thực tại phải làm gì để nuôi dậy đàn con còn nhỏ dại với hai bàn tay trắng. Tôi xoay đủ thứ từ may thuê và mướn, đến mua đầu chợ bán cuối chợ. Dần dà bán từ bánh cam, bánh xèo cho tới gánh hàng bún riêu. Vận nước đổi thay, nỗi lòng ê chề, lo sợ, mẹ con tôi theo đoàn người di cư vào Nam. Tôi lại xoay sở từ bó rau, hoa, trái mua ở các miền quê về bán lại các chợ trong thành phố. Và cứ như thế tiến triển dần từ xe nước mía tới bây giờ làm chủ một tiểu xí nghiệp ngành dệt.

    Điều an ủi nhất là các con ngoan ngoãn, học hành khá cả. Cứ nhìn chúng nó tôi lại cám ơn Trời, đây là nguồn an ủi lớn cho những ngày còn lại. Với số tuổi hơn 60, tôi mãn nguyện và nhìn lại suốt quãng đời đã qua, mình chưa hề nói dối hay phải vay mượn, quỵ lụy ai. Tôi đã sống tự lập như lời bố tôi đã khuyên trước khi lập gia đình.


    Vân


    Người có nhan sắc nhất trong đám bạn thời đó đã kể lại câu chuyện đời nàng như sau:

    -Không nói thì Thảo và Thắm cũng đã biết qua về gia đình Vân. Vân sống ở nơi thị tứ, sẵn môi trường cho người làm ăn hay kẻ thích ăn chơi. Sau thời gian nghỉ học, tôi ở nhà chia bài cho khách. Ngày này sang ngày khác, các ngón nghề đều thông thạo. Chẳng ai lạ gì khi ngồi quanh chiếu bạc, chỉ nghe những lời tục tỉu thì nhiều, tao nhã thì ít. Hết người này đến người kia ngấp nghé, rồi cuối cùng tôi thành hôn với một công chức cấp bằng kỹ sư mới ở ngoại quốc về, chỉ thấy vẻ đẹp bên ngoài là mê say.

    Tôi đóng vai vợ hiền bên ngoài một thời gian. Chẳng bao lâu vợ chồng tôi ở riêng. Là vợ một công chức cao, tôi có đủ thứ, ăn mặc sang trọng, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ. Nhưng sao tôi vẫn chưa thấy thỏa mãn. Những bạn đàng điếm cũ vẫn vây lấy tôi, tôi lén nhà tôi đi chơi với bọn chúng. Thấy tôi có sắc, chúng bám lấy tôi mà ton hót, chiều chuộng. Tôi mê say trong sự du hí đỏ đen, bao nhiêu tiền lương chồng tôi nướng cả. Tôi lại có tài nói dối, chồng tôi cứ thực thà tin tôi…

    Vân cúi đầu yên lặng một lúc. Chuyện đã xưa nhưng có lẽ nàng vẫn còn thấy xấu hổ.

    -Những lúc thiếu tiền tiêu, tôi chẳng kể gì đến phẩm giá, đến lòng trung thành với chồng. Tôi đã đi vào trong vòng tội lỗi. Các con tôi ăn mặc bê bối, những lúc đi sớm về muộn, thậm chí có lúc tiền chợ người bếp phải lên xin ông chủ. Chồng tôi là người rất tốt, khám phá ra sự thật nhưng vẫn một mực khuyên lơn, tha thứ cho tôi nhiều lần.

    Nhưng sao tôi không thấy điều đó, không biết hối cải mà lại còn nhẫn tâm bỏ con, bỏ chồng theo thằng điếm có nhiều tiền, khéo nói. Chẳng bao lâu nó tìm cách đá tôi khỏi nhà. Từ cố vô thân, quen thói ăn tiêu, sắc đẹp về chiều, hết kẻ đưa người đón, trở về thì không dám đối mặt với chồng con, quá lo âu tôi đi tìm cái chết. Nhưng cũng như nàng Kiều, số còn nặng nợ, tôi được người ta kéo ra khỏi đường rầy xe lửa.

    Chán chường và hối hận tôi trở về nhà cũ lén nhìn các con. Dưới bóng đèn đường tôi lẩn tránh như người ăn trộm, tôi sợ cả những người giúp việc cũ nhìn thấy. Tôi thật sự xấu hổ, ăn năn và hối tiếc nghĩ mình đã bỏ thiên đàng, bỏ hạnh phúc gia đình, đâm đầu vào hỏa ngục trần gian bây giờ có bị trầm luân khổ ải cũng đáng tội. Từ một mệnh phụ tôi đi giúp việc nấu ăn, coi trẻ, lang thang từ nhà này sang nhà khác.

    Tôi cũng định tìm chốn âm thanh cảnh vắng mượn câu kinh, tiếng mõ mà sám hối cho hết đoạn đường đời còn lại. Thật đúng với câu hồng nhan bạc mệnh. Tôi sinh ra trong một gia đình, cha mẹ tôi không làm nghề gì ngoài gá bạc. Mẹ tôi ăn tiêu hoang phí. Đây là kết quả học hỏi của gia đình thiếu giáo dục mà tôi là nạn nhân.

    Vân kết luận như trên bằng một giọng cay đắng trên gương mặt già nua mà thời gian đã tàn phá hết đi những nét xinh đẹp của ngày xưa.



    Thảo


    Tôi tính ưa hoạt động, nên thường được cha tôi giao phó làm những việc thay ông. Dù phải thức khuya dậy sớm tôi cũng không nể hà nên được cha tôi ưu ái. Tôi lại thích đọc báo, sách, nhất là báo hàng ngày để theo dõi tin tức quốc tế, quốc nội. Không những thế cứ mỗi khi các bác, các anh lớn trong họ tụ tập để bán về thời sự, tôi cũng ngồi nghe. Có lẽ trong các anh chị em không ai như tôi. Tôi đã nghe, từ những câu chuyện, những bất công của chính quyền đến những tin bắt bớ, giam cầm người này người nọ có liên hệ hay bạn bè với những người trong thân tộc đều làm tôi xao xuyến.

    Thế chiến thứ hai bùng nổi, tin quân Nhật gây hấn ở Lư Cầu Kiều cho đến khi chúng kéo vào Lạng Sơn đều làm tôi bực tức và khích động. Có lẽ tinh thần yêu nước cũng nhen nhúm từ thuở nhỏ, từ những câu chuyện nghe được trong gia đình đến những xao động chung quanh. Nhưng dù thời thế biến chuyển, cha mẹ thấy con cái đã lớn phải nghỉ đến việc “cây cả ra hàng”. Mối manh cũng nhiều và rồi cha mẹ tôi nhận trầu Thái, nhà tôi, con một kỹ-nghệ-gia.

    Ngờ đâu chàng này là bạn cũ cách đây mấy năm. Chúng tôi rất tâm đầu ý hiệp, cũng thích làm việc xã hội, cũng cảm những bất công, áp chế của thực dân Pháp, của quân phiệt Nhật. Nhà tôi thường hay tổ chức diễn kịch, những vở như Nguyễn Trãi, Lao Bảo, Sơn La (nhà tù của thực dân Pháp) với dụng ý kích thích lòng yêu nước, để người xem thấy cái khổ nhục của dân mình dưới ách thống trị của thực dân. Các thanh niên đến dự với khí thế hăng say.

    Đến tai gia đình Thái, các cụ thân sinh ra nhà tôi e ngại sợ bắt bớ nên ngăn cấm. Nhà tôi cũng vâng dạ cho qua nhưng chúng tôi vẫn bàn với nhau vạch một chương trình, phải an cư lạc nghiệp mới có thể khai triển ý chí. Chúng tôi dạo đó đã có cửa hàng riêng, lấy cớ đi mua hàng, nhà tôi đi các nơi, thu thập tin tức, theo dõi thời cuộc. Khi phong trào truyền bá quốc ngữ lan tới, anh đã tích cực tham gia và cũng từ đây chí hướng hiến thân cho tổ quốc bắt đầu khơi nguồn. Lúc đó tôi rất bận rộn với cửa hàng, thêm cháu nhỏ. Nhà tôi đi bất kế ngày đêm, nhưng về tới nhà tôi vẫn nghe được anh kể lại từng chi tiết một.

    Tôi rất thỏa mãn vì đã gợi được chí hướng ở anh. Những khi gặp sự bất như ý, tôi chỉ biết nàng đỡ tinh thần để anh phấn khởi mà dấn thân. Đến đầu năm 1945, vào thời kỳ quyết liệt, anh phải ở lại chiến khu. Tối hôm từ giã ra đi anh có hỏi tôi: “Em có bằng lòng để anh đi, một đi không hẹn ngày về, em ở nhà thay anh báo hiếu cha mẹ, nuôi dạy con một mình?” Tôi cương quyết nhận lời để anh yên lòng ra đi. Tôi tự nghĩ anh đi chẳng thành công cùng thành nhân. Cho đến khi khí thế cách mạng lên cao điểm tôi không còn liên lạc hay nhận được tin gì về anh. Tôi cố gắng giữ lời hứa khi chia tay.

    ***

    Cả ba cặp vợ chồng này đều ảnh hưởng về giáo dục gia đình, về môi trường và hoàn cảnh. Bà Thắm thừa hưởng được nền giáo dục theo Nho giáo, dù gặp phong ba bão táp suốt thời niên thiếu bà vẫn giữ được tinh thần tự trọng và tự lập như cụ đồ đã dậy trước khi về nhà chồng. Còn người chồng đã theo cha đi quá đà, bỏ bê vợ con, lỗi đạo vợ chồng, cha mẹ.

    Cặp thứ hai sinh trưởng trong một gia đình sống về nghề cờ bạc hút sách đã tiêm nhiễm thói hư tật xấu, có nhan sắc nên lấy được chồng giai cấp trưởng giả, đã không biết tự chế an phận, đến khi hối không còn dám ngửng mặt trở lại với chồng con. Chồng bà Vân tuy có học nhưng quá tin, thiếu cảnh giác từ đầu để cho gia đình tan vỡ cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Cặp thứ ba đáng kể, họ sống hạnh phúc ngoại lệ trong tinh thần nâng đỡ đồng tâm, đồng chí hướng.

    Giai đoạn 1954 trở về trước, dân mình sống cơ cực, nô lệ dưới ách thực dân Pháp, quân phiệt Nhật, vẫn có rất nhiều thanh niên nam nữ giữ trọn hiếu trung. Sau 1975 phải bỏ nước ra đi tránh họa cộng sản, tuy sống ở nước ngoài có thừa vật chất, phong lưu, nhưng ai ai cũng mong ngày về. Nếu có nhiều người như bà Thắm, biết tự túc nuôi dậy con cái thành công, nhiều đôi như Thảo-Thái biết hun đúc cho mình để hiến thân cho tổ quốc hay cố giữ lấy ký cương ngay cho chính gia đình mình, thì có lẽ ngày về quê hương không còn xa.

    (còn tiếp)

 

 

Similar Threads

  1. Phiên Khúc Nhớ Paris-Tuyết mai
    By phamanhdung in forum Âm Nhạc
    Replies: 0
    Last Post: 09-19-2019, 07:28 PM
  2. Phiên Khúc Nhớ Paris - Tuyết Mai
    By phamanhdung in forum Âm Nhạc
    Replies: 0
    Last Post: 03-11-2019, 12:41 AM
  3. Replies: 0
    Last Post: 08-14-2013, 11:40 AM
  4. Replies: 0
    Last Post: 01-25-2013, 08:46 PM
  5. Giòng sông định mệnh
    By tieulyphidao in forum Truyện
    Replies: 25
    Last Post: 05-23-2012, 10:51 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:23 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh