Results 151 to 160 of 164
Thread: Giải đáp y khoa
-
12-23-2023, 08:27 AM #151
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,168
Lý do tại sao bị nhiễm trùng nhiều lại giúp cho ít bị bệnh dị ứng, suyễn? Bệnh dị ứng xảy ra do tác dụng của kháng thể (antibody) gọi là IgE. Kháng thể này phản ứng với những kháng nguyên (antigen) như phấn hoa, bụi bậm, lông thú vật, đồ ăn... làm tế bào gọi là mast cells của cơ thể tiết ra chất histamine gây ra những triệu chứng của dị ứng.
Kiểm soát những cơ chế này là loại tiểu bạch cầu lymphocytes gọi là Th2 cells. Khi cơ thể bị nhiễm trùng, sẽ có những phản ứng tự vệ của cơ thể làm tiết ra một số hoá chất gọi là Interleukin-10 và TGFbeta. Hai hoá chất này tác dụng lên trên tiểu bạch cầu Th2 sẽ làm giảm cơ chế của dị ứng.
Ngoài ra khi cơ thể bị bệnh cực vi trùng như bệnh lên sởi chẳng hạn, sẽ có phản ứng làm đè nén hệ thống miễn nhiễm gọi là immunosuppression, sẽ làm giảm đi các phản ứng về dị ứng của cơ thể rất nhiều.
Vấn đề nhiễm ký sinh trùng như hay xảy ra tại các nước chậm tiến như Việt Nam cũng theo cơ chế này là kích thích những tiểu bạch cầu làm đè nén gọi là suppressor T lymphocytes, nên làm chặn đứng hệ thống về dị ứng của cơ thể, không cho hệ thống này phát tác gây nên bệnh dị ứng hay suyễn...
Ngoài ra vệ sinh ăn uống của ta ở Việt Nam thiếu kém, hàng ngày chúng ta ăn vào rất nhiều thực phẩm không vệ sinh chứa nhiều vi trùng gây bệnh, sống trong ruột. Cơ thể ta phải luôn luôn chống cự với các vi trùng như Salmonella gây bệnh thương hàn, vi trùng Shigella gây bệnh kiết lỵ..v.v...Cũng theo cơ chế như đã nói trên, hệ thống dị ứng không có dịp để phát tác vì bị những hoá chất tiết ra do cơ thể chống cự với các vi trùng ruột kể trên ngăn chặn.
Hơn nữa, ký sinh trùng ở Việt Nam đầy dẫy. Hầu như cơ thể người nào cũng phải tìm cách để diệt các loại giun sán như giun kim (Enterobius vermicularis), sán lãi (Ascaris lumbricoides)....theo những chu kỳ về bài tiết xâm nhập thường xuyên cơ thể chúng ta khi sinh sống ở Việt Nam. Như vậy các tiểu bạch cầu suppressor T-cells của cơ thể khi chống cự và tiêu diệt các ký sinh trùng giun sán này sẽ luôn luôn phải làm việc và do đó ngăn chặn hệ thống dị ứng không cho phát tác.
Khi sang đến Hoa Kỳ, dời sống tân tiến, vệ sinh hơn, cơ thể chúng ta không có dịp để đánh nhau và tiêu diệt vi trùng lao, vi trùng đường ruột như đã nói trên. Sau vài năm sống ở đây, ký sinh trùng cũng sẽ hết vì chu kỳ đời sống của giun, sán không được tiếp nối, cơ thể chúng ta không còn phải chống cự với ký sinh trùng, sẽ làm suy giảm hệ thống immunosuppression, làm yếu kém sự ngăn chặn hệ thống dị ứng và làm dị ứng bộc phát.
-
12-24-2023, 09:18 AM #152
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,168
Một điều quan trọng khác nữa đối với người Việt chúng ta là sự dùng bừa bãi trụ sinh. Người Việt sính dùng trụ sinh, bị bất cứ gì cũng uống trụ sinh. Bị cảm thường, bị đau nhức cũng uống Ampicillin! Uống trụ sinh không đúng cách, không phải lối dĩ nhiên không giúp ích gì lại còn mang nhiều tai hại như vi trùng kháng thuốc, bị phản ứng với thuốc...
Ngoài ra trụ sinh sẽ làm tiêu diệt các vi trùng bình thường không gây bệnh sống trong ruột như đã nói ở phần trên. Kết quả, thiếu loại vi trùng "tốt" (normal flora) này sẽ làm cơ thể thiếu các sự kích thích đối với endotoxins như khảo cứu gần đây cho thấy và làm hệ thống dị ứng không bị kiềm chế sẽ phát tác mạnh hơn.
Vì những lý do trên, khi người Việt di cư tỵ nạn sang Hoa Kỳ, trước kia sống ở Việt Nam không hề bị dị ứng nay sang đây, sống ít lâu các cơ chế ngăn chặn hệ thống dị ứng bị suy kém sẽ làm bệnh dị ứng phát hiện và hoành hành. Điều này dĩ nhiên sẽ tùy từng cơ thể mỗi người, kẻ bị ít, người bị nhiều, kẻ bị sớm, người bị muộn.
Ngoài ra còn vấn đề di truyền. Bệnh dị ứng, suyễn có tính cách di truyền nên trong gia đình khi bố mẹ bị, con cái cũng sẽ thường bị. Và cũng theo đặc tính di truyền, có thể có nhiều người bị dị ứng nhưng cũng có nhiều người vì đặc tính di truyền "genes" tốt, sẽ không hề bị bệnh này.
Tóm lại, bệnh dị ứng có thể được mô tả như một bệnh của sự văn minh, tân tiến! Càng vệ sinh nhiều chừng nào, sẽ ngăn chặn được những bệnh nhiễm trùng tai hại, nhưng cái giá phải trả cho sự tiến bộ là những bệnh về dị ứng và miễn nhiễm, càng ngày càng thấy nhiều hơn trong các xã hội phát triển và văn minh này.
-
10-16-2024, 02:01 PM #153
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,168
LAO PHỔI
HỎI:
Tôi lấy bằng để đi làm nghề móng tay và được biết phải đi thử về bệnh lao phổi Thử nghiệm da về lao trên tay của tôi nổi đỏ nhưng chụp hình phổi thì tốt. Xin bác sĩ giải thích cho như vậy có phải là bị lao phổi hay không bị, có cần phải uống thuốc gì không? Tôi năm nay 40 tuổi và trước giờ khoẻ mạnh không bệnh tật gì.
Nguyên Thi L. V.
ĐÁP:
Lao phổi là một bệnh thường thấy ở người Việt Nam. Ở Mỹ bệnh lao phổi ít thấy nhưng hiện nay số người bị lao phổi cũng nhiều hơn trước. Việt Nam là một nước chậm tiến nên bị tình trạng chung của các nước nghèo khổ khác trên thế giới là rất nhiều người bị nhiễm trùng lao phổi.
Theo một ước tính có thể nói một nửa số dân chúng của tòan cầu đều có tiếp xúc với vi trùng lao, 30 triệu người mang bệnh lao phát triển, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 10 triệu người mắc bệnh lao mới và mỗi năm sẽ có 3 triệu người bị chết vì bệnh lao. Bệnh lao như vậy là một tai họa cho một nước như Việt Nam của chúng ta.
Trừ những trẻ em sinh trưởng ở bên Mỹ này, phần lớn người Việt tỵ nạn sang đây đều đã tiếp xúc với vi trùng lao khi còn ở Việt Nam nên khi thử nghiệm về lao như thử nghiệm da ở cánh tay như câu hỏi trong thư, đa số sẽ thấy nổi đỏ tức kết quả dương. Lý do tại sao và ý nghĩa của thử nghiệm này sẽ được nói rõ hơn ở đoạn sau.
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về vi trùng bệnh lao và cách thức gây bệnh.Vi trùng gây ra bệnh lao phổi là vi trùng Mycobacterium tuberculosis. Vi trùng này truyền từ người này sang người kia bằng đường hô hấp, do ho, nhảy mũi, nói bắn nước miếng. Vi trùng lao thực sự ở trong đàm, nước nhờn của người bị bệnh lao truyền ra ngoài cũng không nhiều lắm, bị lây thường là do tiếp xúc với người bị lao thường xuyên như sống chung trong nhà, và cũng phải một vài tháng mới bắt đầu bị truyền nhiễm.
Thường nếu đã bắt đầu chữa trị và uống thuốc đầy đủ và đúng cách, vi trùng lao sẽ không còn truyền nhiễm sau hai tuần người bệnh uống thuốc, vấn đề truyền nhiễm cũng tùy thuộc vào vấn đề chỗ ở. Vi trùng lao bị tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời giết nên nhà cừa tối tăm, chật hẹp, không được thoáng khí sẽ gây ra truyền nhiễm lao dễ dàng hơn.
Khi vào cơ thể, vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis sẽ bị một tế bào phòng thủ gọi là đại thực bào macrophages ăn và giam trong tế bào này. Sau đó vi trùng lao được đưa đến các hạch gọi là lymph nodes và bị giữ ở đó. Một số trường hợp cơ thể quá yếu hay ở trẻ con nhỏ, vi trùng lao thoát ra khỏi các hạch này và chạy vào máu đi khắp cơ thể gây ra bệnh lao nặng và ở nhiều nơi, không phải chỉ ở phổi không.
Vi trùng lao bị giam giữ trong đại thực bào nhưng không bị tiêu diệt hẳn, trái lại, vi trùng lao vẫn có thể sinh sôi nảy nở bên trong các đại thực bào này. Cơ thể chống cự lại bằng cách huy động các tế bào chống cự gọi là tiểu bạch cầu lymphocytes. Các tiểu bạch cầu này sẽ tiết ra nhiều chất hoá học gọi là lymphokines để gọi thêm các hệ thống phòng thủ khác của cơ thể đến tăng viện kềm giữ vi trùng lao.
Các tế bào trong máu gọi là monocytes sẽ kéo đến và biến đổi thành các đại thực bào rồi các tế bào đặc biệt gọi là histiocytes và bao lấy vi trùng lao thành các cục gọi là granulomas. Thực sự các vi trùng lao không bị tiêu diệt và chỉ bị giam cầm trong các cục mô này không cho chạy ra ngoài. Lâu dần nhiều năm, các cục mô granulomas này sẽ đóng chất vôi có thể nhìn thấy được trên hình quang tuyến phổi.
Như vậy ta có thể thấy được một khi vi trùng lao xâm nhập vào cơ thể, vi trùng này vẫn còn sống trong các nhà tù cơ thể đã tạo ra bằng cách như đã nói trên để kềm giữ. Phần lớn trường hợp mặc dù bị vi trùng xâm nhập, thường không thấycó triệu chứng gì và không biết đã nhiễm vi trùng lao và cũng không có bệnh gì xảy ra.
(còn tiếp)Last edited by frankie; 10-16-2024 at 02:32 PM.
-
10-17-2024, 08:50 AM #154
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,168
Khoảng 95% trường hợp sẽ không bị bệnh vì vi trùng lao trong giai đoạn đầu đã bị kèm giữ như trên. Khoảng 5% trường hợp, vì yếu sức, vì sức chống đỡ yếu, thiếu ăn, có thai… v.v. . . sẽ bị bệnh lao sau giai đoạn đầu. Một số bị lao sau vài tuần lễ, phần nhiều bị lao hằng nhiều năm sau khi vi trùng lao trong các cục mô granulomas thoát ra ngoài và sinh sôi nảy nở thêm.
Bệnh lao như vậy hầu hết các trường hợp là do vi trùng lao đã có sẵn trong cơ thể không bị kèm giữ nữa và bắt đầu gây ra bệnh, hình thức này gọi là reactivation. Thường nhất phát hiện bệnh ở phổi, gây ra ho, đàm, nóng sốt vào buổi chiều, sụt ký... Bị nặng sẽ làm lủng phổi, gây ra các lỗ hổng trong phổi gọi là cavity, giai đoạn này thường làm ho ra máu. Không chữa, 60% trường hợp người bệnh sẽ chết trong vòng khoảng hai năm rưỡi.
Ngoài lao phổi, vi trùng lao còn có thể gây ra lao ở màng phổi, gây ra có nước trong màng phổi, lao ở màng tim làm có nước trong màng tim, đôi khi làm tim không dãn nở được gây ra chết, hay đóng vôi ở màng tim làm suy tim. Lao cũng có thể xảy ra ở màng bụng, làm bụng trướng có nước. Một hình thức lao thường hay thấy ở Việt Nam là lao xương, vi trùng lao ăn vào xương sống thường giữa ngực, gây ra gù, đôi khi ăn vào tủy sống làm bị liệt.
Ở Mỹ ít thấy lao xương, nhưng trẻ em ở Việt Nam bị bệnh này gọi là Mal De Pott khá nhiều.
Một hình thức lao cũng hay xảy ra, đặc biệt đối với người Việt tỵ nạn ở Mỹ là hình thức lao hạch. Lao hạch hay xảy ra ở vùng cổ, thường không đi kèm với lao phổi, chụp hình phổi vẫn thấy bình thường. Muốn định bệnh phải cắt hạch gọi là biopsy để phân biệt với ung thư hạch. Lao hạch thấy cũng khá thường nơi người Việt tỵ nạn.
Những hình thức lao hiếm hơn là lao ruột, hay ở vùng cuối ruột non và đầu ruột già, ở Việt Nam có thấy nhưng bên Mỹ hầu như không có. Lao tuyến thượng thận, lao da ít thấy. Lao loại hạt cám miliary tuberculosis là lao chạy theo máu đi khắp mọi nơi cũng ít xảy ra nhưng rất nguy hiểm, gây ra chết rất nhanh
-
10-18-2024, 09:36 AM #155
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,168
Định bệnh lao cần phải làm thử nghiệm. Các thử nghiệm chính là thử da, chụp hình phổi và thử đàm kiếm vi trùng lao và cấy vi trùng lao. Thử nghiệm da có hai cách là Tine test và PPD. Cách thử Tine test chấm trên da không chính xác và không nên dùng.
Cách chính xác là thử PPD bằng cách chích trên lớp biêu bì O. 1 cc thuốc thử gọi là purified protein derivative. Kết quả đọc sau 48 tiếng. Nếu nói đỏ và dầy lên trên 10 mm, kết quả này là dương. Đây là cách thử để biết về tình trạng miễn nhiễm của cơ thể đối với vi trùng lao. Kết quả dương có nghĩa là cơ thể đã có tiếp xúc với vi trùng lao trong quá khứ và cơ thể đã có những phản ứng chống cự với vi trùng này.
Kết quả dương không cho biết là cơ thể có đang bị bệnh lao hay không, chỉ có nghĩa là đã có sự tiếp xúc với vi trùng lao. Như vậy ta có thể thấy ngay người Việt Nam tỵ nạn sinh ra và lớn lên ở Việt Nam hầu hết người nào cũng đã tiếp xúc với vi trùng lao tuy không có bệnh, đều sẽ có kết quả thử lao trên da PPD là dương, có nổi đỏ. Thực vậy, tuy không có thống kê chính xác, người Việt thử da về lao bằng cách thử PPD 10 người sẽ có đến 8 là nổi đỏ.
Trường hợp ngược lại nếu thử da PPD không nổi đỏ, kết quả âm, negative, có nghĩa là chưa tiếp xúc với vi trùng lao và không có bệnh lao. Người Việt thử da về lao PPD negative rất ít, thường ở những người trẻ sinh ở Mỹ, hoặc người trẻ sang Mỹ lúc còn nhỏ xíu, chưa có cơ hội tiếp xúc với vi trùng lao.
Một số rất ít trường hợp hiếm thấy là có lao nhưng thử da PPD negative là người quá già, bị ung thư, bị AIDS mất tính miễn nhiễm của cơ thể... Những trường hợp này hiếm nên có thể nói nếu thử kỹ, đúng mà negative có nghĩa là không có lao. Khi thử lao trên da mà positive có nổi đỏ, thường không bao giờ nên làm lại vì tính chất này sẽ giữ cả đời, thử lại bao giờ cũng dương.
Như đã nói, ở người Việt, thử nghiệm này không giúp ích nhiều vì không định được là có bị lao hay không. Muốn định bệnh phải chụp hình phổi. Có dấu vết lao trong phổi, hoặc thấy lủng lỗ cavity có thể nghi là có lao phổi và phải thử đàm bằng cách nhuộm để xem vi trùng, sau đó cấy vi trùng và xem có kháng thuốc gì hay không.Thường cấy mất cả tháng nên định bệnh phải dựa vào hình phổi và nhuộm đàm để xem vi trùng.
Cách chữa bệnh lao nếu bị lao phổi phải chữa một thời gian lâu và dùng nhiều thứ thuốc. Người Việt khi bị lao phổi hay do vi trùng có sẵn trong cơ thể nhiễm từ Việt Nam là loại vi trùng hay kháng thuốc nên thường phải dùng ba thứ: INH, Rifampin, Ethambutol trong 12 tháng đến 18 tháng.
Cách chữa ngắn hơn có thể dùng thêm thuốc Pyrazinamide. Nếu cấy đàm có vi trùng và biết vi trùng không kháng thuốc có thể chỉ dùng hai thứ INH và Rifampin. Quan trọng nhất trong việc chữa lao là phải uống đều mỗi ngày, không được ngưng. Uống không đều sẽ làm vi trùng kháng thuốc và chữa trị rất khó khăn.
Những người không bị lao nhưng thử da nổi đỏ và còn trẻ, nhất là trước kia thử negative mấy tháng hay một hai năm trước và thử lại thấy positive, thường có thể uống thuốc để ngừa bằng cách uống thuốc INH trong một năm. Một số nhỏ uống thuốc này bị phản ứng làm viêm gan, nhất là nếu lớn tuổi, nên thường dưới 35 tuổi mới nên uống ngừa.
Tóm lại, bệnh lao phổi là bệnh thường hay thấy ở người Việt Nam. Định bệnh bằng cách thử da trên người Việt thường không giúp ích nhiều vì phần lớn người Việt khi thử da về lao thường nổi đỏ. Định bệnh chính xác cần phải chụp hình phổi và thử đàm để tìm vi trùng lao.
Cách chữa trị khi bị lao phổi là uống nhiều thứ thuốc như đã nói trên đều đặn trong thời gian lâu dài. Thuốc ngừa có thể dùng khi còn trẻ hay thử da mới đổi từ negative sang positive. Người lớn tuổi hơn có thể cần theo dõi bằng cách chụp hình phổi hay khi nghi ngờ có triệu chứng. Bệnh lao là một bệnh truyền nhiểm và công cộng nên thử lao và chữa bệnh lao có thể đến các phòng khám bệnh miễn phí của sở y tế thành phố để được thử nghiệm và điều trị.
-
10-21-2024, 11:59 AM #156
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,168
NGẤT XỈU
Ngất xỉu là một triệu chứng khá thường thấy, tuy có thể xảy ra ở người bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu của nhưng bệnh quan trọng. Trước hết ngất xỉu là gì? Ngất xỉu là trạng thái mất ý thức đi kèm với tình trạng yếu của bắp thịt, làm không đứng vững được. Thường nói ngất xỉu là mê hẳn trong một thời gian ngắn không biết gì, tuy nhiều trường hợp, người bệnh vẫn có ý thức phần nào chung quanh mình, diễn tả như "muốn xỉu" hơn là ngất hẳn.
Cảm giác muốn xỉu thường đi trước, thấy mọi sự quay cuồng như nền nhà lao đao, di chuyển. Sau đó có thể mắt mờ, tai nghe kêu o o, đi kèm với cảm giác muốn buồn nôn. Mặt thường lúc đó nhợt nhạt, mồ hôi toát ra như tắm. Ngất đi hẳn sau cùng xảy ra. Trong những trường hợp thông thường. nhẹ, khi bị xỉu ngã hay nằm xuống đất, máu không bị trọng lực ngăn trở nên có thể dồn về óc và người bệnh tỉnh dậy và trở lại trạng thái bình thường.
Lý do của ngất xỉu như vậy là vì máu không dồn đủ về óc khi ở tư thế đứng. Bình thường ¾ máu trong cơ thể nằm ở trong hệ thống tỉnh mạch, ở vị thế đứng, máu chạy lên trên óc được vì tim bơm máu và các động mạch co thắt giữ huyết áp đầy đủ: ngoài ra vận động di chuyển sẽ làm máu chạy về tim thay vì nằm đọng lại trong tỉnh mạch dưới chân. Các bệnh về phản xạ mạch máu co thắt, bệnh tim … làm ngăn trở các cơ chế trên như vậy đều có thể gây ra ngất xỉu.
Bệnh nào gây ra ngất xỉu?
- Ngất xỉu do phản xạ về co thắt mạch máu, gọi là vasovagal syncope.
Ngất xỉu kiểu này có thể xảy đi xảy lại, liên quan tâm lý nhiều như sợ hãi quá độ, đau đớn quá ... Khi ngất xỉu, áp huyết hạ thấp xuống đột ngột, tim đập chậm lại làm máu càng thiếu để dồn lên óc vá kết quả gây ra xỉu. Thường loại xỉu này không phải chữa trị gì. Chỉ cần cho nằm với chân giơ cao lên và loại bỏ nguyên nhân gây ra xúc động tâm lý mạnh sẽ hết.
- Ngất xỉu do áp huyết thấp.
Một số người bệnh có chứng áp huyết thấp kinh niên, khi ở vị thế nằm hay ngồi, đứng lên nhanh quá áp huyết xuống quá thấp sẽ bị xỉu. Thường xảy ra ở ngươi già, nằm nhiều, ít hoạt động, đi lại. Nhưng người bị bệnh tiểu đường, nghiện rượu kinh niên, thiếu sinh tố B1 … hay bị chứng áp huyết thấp lúc đứng lên đột ngột này. Những người uống thuốc trị áp huyết cao uống qúa liều, uống thuốc lợi tiểu nhiều, ra mồ hôi nhiều mà uống nước ít hay dễ bị ngất xỉu .
Một trường hợp đặc biệt cũng hay xảy ra ở người già là bị ngất xỉu sau khi đi tiểu. Lý do là bọng đái đang căng phồng do nhịn lâu, khi tiểu ra làm phản xạ hạ áp huyết, kèm thêm với đang đứng làm áp huyết quá thấp gây xỉu.
(còn tiếp)Last edited by frankie; 10-22-2024 at 09:58 AM.
-
10-22-2024, 09:57 AM #157
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,168
- Ngất xỉu do bệnh tim.
Một trong nhưng nguyên nhân quan trọng nhất của ngất xỉu là những bệnh về tim, đặc biệt là những bệnh rối loạn về nhịp tim. Nhịp tim quá chậm dưới 35-40 nhịp một phút hay quá nhanh trên 180 nhịp một phút đều có thể làm té xỉu.
Bệnh làm tim đập chậm thường do những luồng điện làm bắp thịt tim co bóp bị ngăn chận gọi là atrioventricular block, thấy ở người già, đôi khi ở người trẻ nhưng hiếm hơn. Ngất xỉu xảy ra khi nhịp tim chỉ còn 30-35 nhịp một phút, hay tim đứng lại luôn không đập trong một vài giây, người bệnh ngã xỉu bất thình lình, sau đó tim đập lại mau hơn và tỉnh lại. Chứng này gọi là StokesAdams attacks, có thể lâu lâu xảy ra hay có thể xảy ra vài lần trong một ngày.
Các bệnh làm tim đập chậm khác là bệnh của trung tâm điều khiển nhịp tim gọi là sinus node, đôi khi làm tim đập rất chậm, có lúc lại làm tim đập quá nhanh gọi là bradycardia-tachycardia syndrome. Các bệnh tim đập chậm làm ngất xỉu này nguy hiểm vì có thể làm tim ngừng luôn và chết. Bị loại này phải chữa bằng cách mổ để gắn máy điều khiển nhịp tim gọi là pacemaker trong người. Thường các pacemaker này chạy bằng battery, được đặt dưới da trước ngực, với dây điện luồng theo mạch vào tim để điều khiển nhịp tim cho đều.
Tim đập nhanh cũng làm xỉu. Các bệnh này thường hay do bẫm sinh, thấy ở người trẻ tuổi, làm tim đập nhanh hằng hai trăm nhịp một phút làm xỉu vì đập nhanh quá không kịp đổ về tim, mức bóp đẩy máu kên óc còn quá ít, làm xỉu. các bệnh này có nhiều loại, thường nhất là các bệnh gọi là supraventricular arythmias, nguy hiểm hơn lá các chứng tim đập quá nhanh do bị nghẹt động mạch tim gọi là ventricular arythmias, có thể làm chết bất thình lình.
Các bệnh về van tim như nghẹt van tim đại động mạch gọi là idiopathic hypertrophic subaortic stenosis có thể làm ngất xỉu khi hoạt động nhiều, chơi thể thao mạnh. Những trường hợp các lực sĩ chơi football, basketball đang chơi bị ngất xỉu hay bị nặng nhiều khi chết luôn có thể do những loại nghẹt van tim này gây ra, hoặc đi kèm thêm vơi rối loạn nhịp tim khi bị các loại bệnh van tim bẩm sinh này.
- Những bệnh khác gây ra ngất xỉu.
Một số ngươi, nhất là người lớn tuổi có cơ quan ảnh hưởng đến nhịp tim gọi là carotid sinus nằm ở động mạch cổ rất nhạy cảm. Khi xoa bóp hay đè mạnh ở chỗ cổ dưới càm nơi có cơ quan carotid sinus này sẽ làm tim đập chậm lại, hoặc áp huyết hạ xuống. Những người bị bệnh cơ quan này quá nhạy cảm nhiều khi mặc cở áo quá chật, đè lâu vào cổ, hoặc bất thình lình ngoái cổ thật nhanh và mạnh làm kich thích cơ quan carotid sinus gây tim đập rất chậm và làm xỉu.
Trường hợp hiếm khác nửa là đôi khi ho quá nhiều, quá lâu và ho mạnh gây ra xỉu, gọi là tussive syncope. Lý do là khi ho mạnh, áp suất trong lồng ngực tăng cao làm máu chảy về tim ít hơn và bơm ra không đủ lên óc gây ra xỉu. chứng này thấy nơi những người già bị viêm cuốn phổi kinh niên ho liên hồi, nhưng cũng ít xảy ra.
-
10-23-2024, 11:41 AM #158
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,168
Những bệnh gây ra muốn xỉu nhưng không ngất hẳn.
Nhiều bệnh khác gây ra cảm giác muốn xỉu nhưng không đến nỗi ngất đi hẳn, vẫn còn ý thức được chung quanh. Thường nhất là chứng thở quá nhanh do lo âu quá độ gọi là hyperventilation. Thở nhanh quá làm mất chất thán khí trong máu làm tê tay tê chân và cảm giác muốn xỉu, hay thấy ở nhưng người đàn bà bị tâm lý xáo trộn
. Một bệnh thường khác cũng gây cảm giác muốn xỉu là lượng đường trong máu quá thấp gọi là hypoglycemia. Khi mức đường trong máu chỉ còn 30- 40mg% thường làm mệt, mồ hôi toát ra, tim đập nhanh và cảm giác như muốn xỉu. Hay xảy ra hai ba tiếng sau khi ăn. Một số người trước khi bị tiểu đường bị chứng này trước khi phát hiện bệnh tiểu đường hẳn. Hiếm hơn là những bệnh của tuyến tụy tạng pancreas, hay bệnh thượng thận, bệnh não thùy, bệnh gan nặng. Đôi khi nhưng người bị tiểu đường chích insulin quá liều cũng bị chứng này gây ra xỉu.
Một bệnh quan trọng gây ra cảm giác muốn xỉu là những trường hợp bị nghẹt mạch máu đầu, gây ra muốn xỉu, liệt một bên tay, một bên chân, nhìn chập đôi trong một chốc lát gọi là TIA hay transient ischemic attacks. Bị muốn xỉu có kèm triệu chứng như trên phải coi chừng sắp bị đứt mạch máu đầu (stroke) và phải chữa trị ngay.
Ngất xỉu do kinh giật.
Những chứng ngất xỉu trên thường không cóa kinh giật đi kèm, tuy có thể đôi khi thấy một ít bắp thịt nhỏ trên mặt giật nhẹ. Chứng kinh giật gọi là seizures hay epilepsy khác vì làm giật tay, chân mạnh và làm mất ý thức chung quanh. Phân biệt giữa kinh giật và ngất xỉu thường cũng dễ dàng tuy đôi khi phải làm thử nghiệm để chắc chắn hẳn.
***
Tóm lại, chứng ngất xỉu xảy ra khá thông thường và có thể do những nguyên nhân nhẹ, tuy nhiên một số trường hợp có thể do những bệnh nguy hiểm gây ra. Khi bị ngất xỉu thường phải đi khám nghiệm để biết rõ nguyên nhân và loại trừ những trường hợp bệnh nặng. Quan trọng nhất là đo tim để biết về nhịp tim hoặc làm những thử nghiệm khác để biết rõ hơn về tình trạng của tim. Một ít trường hợp không phân biệt được với bệnh kinh giật sẽ phải đo điện não kế gọi là electroencephalogram để định bệnh
-
10-25-2024, 08:49 AM #159
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,168
DA VÀNG
HỎI:
Nhiều người nói da tôi mấy tháng nay thấy hơi vàng. Tôi có đi khám bệnh và thử máu mấy lần và được cho biết tôi không có bệnh gì về gan. Tôi thấy người cũng khỏe mạnh, thường chỉ ngoài việc da vàng hơn trước kia. Tôi giữ sức khỏe điều độ, ăn trái cây, uống nước cà rốt mỗi ngày đễ cho mát mẻ, không hiểu sao lại bị như vậy?
Nguyễn T. V.
ĐÁP:
Nguyên nhân chứng vàng da thường nhất là do bệnh gan như viêm gan, cứng gan. Bệnh về túi mật, nghẹt ống dẫn mật cũng thường làm vàng da. Một số ít trường hợp do dùng thuốc làm ảnh hưởng đến gan và vàng da (thuốc ngừa thai là một thí dụ). Một số trường hợp khác do chứng tiêu huỷ hồng huyết cầu làm lượng bilirubin cao cũng làm vàng da. Những bệnh này là những bệnh nặng, khi đi khám và thử máu sẽ tìm ra dễ dàng.
Trường hợp của bà đã đi khám và thử máu nhiều lần được cho biết không có bệnh gì quan trọng, thực sự việc định bệnh rất rõ ràng và dễ hiểu nếu bà khai bệnh từ đầu có nhắc đến việc uống nước cà rốt mỗi ngày.
Khi ăn hay uống quá nhiều cà rốt, chất carotene là chất sinh tố có rất nhiều trong cà rốt sẽ tăng rất cao trong máu. Chất carotene được cơ thể dùng để biến đổi sang vitamin A, nhưng khi ăn quá nhiều carotene, phản ứng biến đổi này bị ngăn cản và lượng carotene trong máu sẽ tăng cao gọi là chứng carotenemia.
Chứng này thật ra không gây gì nguy hại cho sức khoẻ cả, chỉ làm khó coi vì da sẽ trở thành vàng hơn, đặc biệt ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một đặc điểm để phân biệt với các bệnh vàng da do gan hay các bệnh nặng khác là lòng trắng mắt không đổi sang vàng trong khi bệnh gan làm vừa vàng da vừa vàng mắt.
Trị liệu không phải làm gì, chỉ việc ngưng ăn hay uống nước cốt cà rốt sau vài tuần da sẽ hết vàng và trở lại bình thường. Điều nên nhớ là ngoài cà rốt, một số trái cây, rau có nhiều màu (cà chua, nước rau V- 8 .. v.v...) cũng có nhiều carotene, không nên dùng quá nhiều để tránh vàng da trở lại.
-
10-28-2024, 09:30 AM #160
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,168
ĐÁI DẦM ĐÊM
HỎI:
Tôi có đứa con gái đã hơn 9 tuổi nhưng đêm nào cũng còn bị đái dầm. La mắng thế nào cũng vẫn còn tật đó. Xin bác sĩ cho biết có thuốc nào trị chứng đái dầm đêm này không?
Lê Tuyết A.
ĐÁP:
Chứng đái dầm đêm (Nocturnal enuresis) xảy ra ở nhiều trẻ em nhưng nếu chỉ lâu lâu mới bị cũng không có gì đáng ngại. Trẻ em dưới 2 tuổi đái đêm là chuyện thường vì việc kiểm soát bọng đái hoàn toàn do phản xạ của tuỷ sống tại xuơng cùng (sacral spinal reflex).
Khi trẻ em lớn hơn, não bộ bắt đầu kiểm soát sự làm việc của bọng đái nên trẻ không đái đêm nữa, tuy nhiên ở một số trẻ em việc kiểm soát này có thể trưởng thành hơi chậm nên đái dầm đêm xảy ra. Nên nhớ chứng này có tính cách di truyền nên phụ huynh có lẽ không nên la mắng con em nếu đôi khi trẻ em vẫn còn đái dầm ban đêm!
Hầu hết khi bắt đầu dậy thì chứng đái dầm đêm sẽ hết hẳn, tuy nhiên nếu xảy ra quá thường xuyên và lớn hơn 3, 4 tuổi rồi vẫn còn đái dầm, nên đi khám xem trẻ em có bị bệnh gì không. Đôi khi có thể do nhiễm trùng đường tiểu, bệnh bẩm sinh của bọng đái... tuy khá hiếm.
Nếu không có bệnh gì quan trọng và bị chứng đái dầm đêm quá thường xuyên, có thể dùng cách trị liệu mới là thuốc bơm mũi DDAVP. Thuốc này là tên tắt của kích thích tố kiểm soát việc tiểu tiện (anti-diuretic hormone) có tác dụng giúp thận giữ nước.
Thuốc này dùng bằng cách xịt vào mũi để hấp thụ qua màng nhày mũi và sẽ làm hết tiểu đêm rất có hiệu quả. Dùng thuốc DDAVP xịt vào mũi mỗi bên mũi một xịt ban đêm sẽ ngăn chặn được hầu hết các trường hợp đái dầm đêm. Thuốc có thể dùng từ 4 đến 8 tuần lễ nhưng không nên lâu hơn.
Thường sau một thời gian dùng thuốc, trẻ em không đái dầm đêm nữa và sẽ quen đi, khi bỏ thuốc cũng ít khi bị lại. Tuy nhiên thuốc này chỉ dùng cho những trường hợp bị chứng đái dầm đêm nặng và cần được bác sĩ theo dõi cẩn thận.
Similar Threads
-
Giải đáp y khoa
By frankie in forum Sức Khoẻ/Sắc ĐẹpReplies: 0Last Post: 07-18-2023, 01:35 PM -
Giải Nobel và Tôn Giáo : Những Tín Đồ Của Tôn Giáo Nào Giành Nhiều Giải Nobel Nhất ?
By Long4ndShort in forum Chuyện Linh TinhReplies: 3Last Post: 09-04-2014, 08:00 AM -
Thông tin khoa học
By Dân in forum Lượm Lặt Khắp NơiReplies: 2Last Post: 04-10-2014, 04:52 AM -
Thông tin khoa học
By Dân in forum Lượm Lặt Khắp NơiReplies: 1Last Post: 03-28-2014, 06:23 PM -
Làm thế nào để trở thành bác-sĩ y-khoa .... Giáo dục
By 2013CANA in forum Giáo DụcReplies: 0Last Post: 04-01-2013, 04:07 PM