Register
Page 17 of 17 FirstFirst ... 7151617
Results 161 to 164 of 164
  1. #161
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    3,286
    NHIỄM TRÙNG NGOÀI DA


    HỎI:



    Da tôi rất độc, mỗi khi bị đứt tay hay bị trầy trụa đều làm độc và sưng lên có mủ. Ngoài ra móng chân cái tôi cũng hay làm độc, nếu không cắt sát, đầu móng chân cái dễ bị đau nhức và làm mủ. Xin bác sĩ cho biết da hay bị làm độc như vậy là tại sao và chữa trị cách nào?

    Trần Văn T.


    ĐÁP:


    Chứng nhiễm trùng ngoài da như ông tả là do loại vi trùng Staphylococcus gây ra. Vi trùng này thường thấy sống trên da và nếu da bị trầy, bị đứt, vi trùng có thể xâm nhập và gây ra nhiễm trùng ngoài da.

    Có 2 loại vi trùng Staphylococus. Một loại gọi là Staphylococcus coagulase negative gồm có vi trùng S. epidermidis là vi trùng không gây ra bệnh trên người bình thường và được coi là loại vi trùng cơ hữu của mọi người ai cũng có (normal flora). Tuy nhiên vi trùng S. epidermidis có thể gây ra bệnh trên những người bị bệnh AIDS hay bị bệnh van tim và ghiền chích choác. Loại khác nữa là S. saprophyticus bình thường không gây bệnh tuy đôi khi có thể làm nhiễm trùng đường tiểu.

    Loại vi trùng gây ra bệnh là loại Staphylococcus aureus, thường có ở trong cánh mũi người bình thuờng (70-90%) và từ đó sống ở trên da. Khi da bị đứt, bị trầy hay trên những người bị bệnh dị ứng da làm vi trùng dễ xâm nhập, vi trùng Staphylococcus sẽ xâm chiếm vào bên trong và sinh sôi nảy nở.

    Cơ thể sẽ chống cự bằng cách cho các bạch cầu đa nhân ra ăn các vi trùng Staphylococcus. Nếu vi trùng quá nhiều, các bạch cầu đa nhân này sẽ chết và sẽ tạo ra mủ vàng, được bọc bằng một lớp sợi tạo ra túi mủ.

    Nếu bị nặng, vi trùng có thể sẽ chạy ra ngoài các túi mủ và vào máu gây ra nhiễm trùng máu hoặc sẽ theo máu chạy đến xương làm nhiễm trùng xương như ở trẻ con, làm nhiễm trùng phổi, thận, van tim, gan, lá mía hay có thể chạy vào óc làm mủ trong óc.

    Phần lớn các trường hợp và ở người bình thường không bị những bệnh nặng hay kinh niên như tiểu đường, AIDS, hay các bệnh làm suy yếu cơ thể khác, vi trùng Staphylococcus aureus chỉ ở ngoài da gây ra nhiễm trùng da. Vi trùng này xâm nhập các lỗ chân lông hay tuyến mồ hôi dưới da gây ra các bọc mủ như ở nách, ở háng, hay trên mặt, cổ, lưng...Nhiều người hay bị nhiễm trùng ở móng chân vì móng mọc ngược đâm sâu vào thịt, đi đứng va chạm ngón chân cái hay cắt không khéo sẽ làm nhiễm trùng và làm mủ ở ngón chân.

    Loại vi trùng Staphylococcus aureus hầu hết kháng lại thuốc trụ sinh Penicillin nên khi bị nhiễm trùng da, dùng Penicillin hay Ampicillin hoặc Amoxicillin đều không có hiệu quả. Để trị nhiễm trùng da do vi trùng này phải dùng trụ sinh có chất chống lại với các phân hoá tố Penicillinase của vi trùng như Dicloxacillin, Methicillin. Những người bị phản ứng với Penicillin không dùng được các loại trụ sinh như Dicloxacillin sẽ phải dùng loại khác như Erythromycin, Clarithromycin tuy hiệu quả ít hơn

    Nếu bị làm mủ bọc lớn sẽ phải rạch mủ và dẫn mủ ra mới hết bệnh được. Hiện nay rất nhiều trường hợp vi trùng Staphylococcus đã kháng thuốc với loại Methicillin gọi là MRSA (methicillin-resistant Staphylococcus aureus), phải dùng các loại thuốc khác nhù Clindamycin, Bactrim -DS. Một loại thuốc mới là Linezolid bán dưới tên thương mại là Zyvox loại 400 hay 600mg, uống ngày 2 lần trong 2 tuần cũng trị được vi trùng kháng thuốc này.

    Điều nguy hiểm với nhiễm trùng da do Staphylococcus aureus là những biến chứng quan trọng như vi trùng chạy vào mạch máu, vào van tim, vào phổi, vào xương. Chữa trị những biến chứng này rất khó khăn và cần phải vào bệnh viện vì đây là những bệnh nặng làm chết được và cần phải truyền thẳng trụ sinh vào máu để chữa rất lâu, có thể cả tháng trời hay hơn nữa.

  2. #162
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    3,286
    Ngoài việc gây ra bệnh trực tiếp do vi trùng xâm nhập, Staphylococcus còn có thể gây ra bệnh bằng độc tố (toxin). Thí dụ như nhiễm độc do đồ ăn để dơ có vi trùng Staphylococcus sinh sôi trong đồ ăn và tiết ra độc tố lẫn vào đồ ăn gọi là food poisoning.

    Nếu ăn phải những đồ này sẽ bị ói mửa rất nhanh trong vòng từ 2 đến 6 tiếng và bị tiêu chảy. Những người bị nặng có thể phải truyền nước biển để thay thế cho số lượng nuớc bị mất. Vì do độc tố gây ra nên trụ sinh không có hiệu quả. Thường chỉ bị trong vòng vài tiếng hay một hai ngày sẽ tự khỏi.

    Một loại độc tố khác do vi trùng Staphyloccus gây ra nguy hiểm hơn nhiều và có thể gây chết người được. Loại độc tố này gọi là TSST-1 có thể xảy ra nơi một số người đàn bà khi có kinh nguyệt dùng những loại bông nhét tampons để lâu và bị nhiễm một loại vi trùng Staphylococcus độc. Khi bị độc tố TSST-1 do vi trùng này tiết ra xâm nhập vào máu, người bệnh có thể bị kích xúc, làm suy thận, làm đông máu... và có thể gây ra chết được.

    Hiện nay, các loại tampons dễ gây ra độc tố của vi trùng Staphylococcus đã bị cấm bán trên thị trường. Tuy nhiên chứng bệnh do độc tố này vẫn còn xảy ra và nguy hiểm nên đàn bà khi có kinh nên tránh dùng các loại tampons nhét và để lâu để ngừa chứng bệnh do độc tố của vi trùng này.

    Về vấn đề phòng ngừa bệnh, vi trùng Staphylococcus sống thường xuyên trên da nên giữ vệ sinh da là điều quan trọng. Truyền nhiễm vi trùng này do tay bẩn nên cần phải rửa tay thường xuyên. Các bệnh ngoài da như mụn mặt, trứng cá nên chữa trị tránh cho vi trùng có chỗ xâm nhập và sinh sôi nảy nở. Khi bị đứt tay, trầy tay nên dùng các kem sát trùng như Neosporin, Bactroban hay mupirocin để trị và ngừa. Nhiều người hay bị lở mũi và dễ bị nhiễm trùng nên dùng kem sát trùng như mupirocin để bôi mũi.

    Những người bị dị ứng da nên chữa dị ứng để tránh da bị quá khô hay bị lở do dị ứng làm vi trùng xâm nhập. Móng chân nếu hay bị đâm vào thịt nên cắt kỹ lưỡng bằng các loại kéo đặc biệt nail clippers để đỡ nhiễm trùng do móng chân.

    Ngoài ra những người hay bị nhiễm trùng thường quá có thể phải đi khám nghiệm kỹ lưỡng và làm thử nghiệm đầy đủ để xem cơ thể có bị suy yếu về miễn nhiễm dễ gây ra nhiễm trùng. Những bệnh về miễn nhiễm định bệnh tương đối phức tạp nên cần phải khám chuyên môn để tìm bệnh được chính xác và chữa trị hiệu quả.

  3. #163
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    3,286
    BỆNH NẤM NGOÀI DA


    HỎI:


    Con tôi năm nay 11 tuổi, mới gần đây bị nổi một vết đỏ trên mặt làm ngứa. Tôi ra chợ mua thuốc ngứa tên là hydrocortisone thoa cho cháu nhưng không thấy bớt. Chị bạn tôi cho mượn một lọ thuốc tên là Elocon, tôi bôi cho cháu không thấy đỡ lại còn lan thêm.

    Hiện nay vết đỏ trên mặt cháu lan rộng bằng hai ba đồng tiền quarter, làm ngứa nhiều hơn. Tôi thấy vết đỏ lan thêm một ngày một nhiều, có bờ ngoằn ngoèo trông phát sợ nên không dám bôi thuốc của chị bạn nữa. Xin bác sĩ cho biết cháu có thể bị bệnh gì. Có nguy hiểm không? Có thuốc nào khác để bôi chữa cho hết vết đỏ này không?


    Trương Thị H.


    ĐÁP:


    Bệnh của cháu nhiều phần là bệnh nấm ngoài da. Một thói quen của người Việt là hay tự chữa lấy, nhất là những bệnh ngoài da! Loại thuốc bôi như hydrocortisone hay Elocon như tả trên là loại thuốc steroid cream dùng để chữa những bệnh ngứa ngoài da thuộc loại dị ứng, hay còn gọi là eczema. Tuy nhiên, không phải những vết đỏ ngoài da nào cũng do dị ứng.

    Một loại bệnh ngoài da khác dễ nhầm lẫn với bệnh ngoài da do dị ứng, là bệnh nấm. Khi dùng thuốc tự chữa lấy không đúng cách như tả trên, loại thuốc steroid cream sẽ làm bệnh nấm ngoài da nặng thêm và lan rộng hơn trước. Hydrocortisone là thuốc steroid loại nhẹ, nhưng Elocon là loại thuốc chữa dị ứng da mạnh hơn nên khi dùng để bôi vết đỏ ngoài da do nấm gây ra, sẽ làm bệnh nấm trở thành nặng và khó chữa hơn nhiều.

    Những loại steroid mạnh hơn nữa như Diprolene, Temovate, Topicort, Halog... nếu dùng không đúng cách và bôi vào những bệnh da do nấm gây ra sẽ còn làm nặng hơn nên điều quan trọng là không nên tự chữa lấy và dùng đại những thuốc bôi mạnh như các loại trên để tự chữa, hoặc nguy hiểm hơn, dùng thuốc của người khác!

    Bệnh nấm ngoài da là do những loại nấm xâm chiếm lớp biểu bì trên da (epidermis), lan ra trên những tế bào của phần ngoài gọi là stratum corneum. Ngoài ra những phần phụ thuộc của da như lông tóc và móng tay, móng chân cũng dễ bị các loại nấm xâm nhập và gây nên bệnh nấm của móng (onychomycosis). Các loại nấm này gọi chung là Dermatophytes, gồm những nấm như Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum...

    Riêng một loại nấm khác hay gây ra chứng bệnh nấm ngoài da lan rộng cả người hay còn gọi là lang ben, là loại Malassezia furfur. Bệnh nấm ngoài da thường xảy ra, nhất là trẻ em. Chứng lang ben do nấm Malassezia (tên cũ là Pityrosporon) hay thấy nhất ở những trẻ đang tuổi lớn. Ngoài ra nấm mọc trên da đầu cũng hay thấy ở trẻ em gọi là tinea capitis, loại này tương đối khó chữa.

    Người lớn hay bị nấm thường hơn trên cơ thể gọi là tinea corporis, hay nấm mọc dưới háng gọi là tinea cruris. Bệnh nấm mọc dưới háng người Việt ta hay gọi là lác, hay thấy ở thanh niên. Người lớn tuổi hơn hay bị nấm mọc ở dưới chân gọi là tinea pedis, nhất là những người bị tiểu đường. Loại này thường đi chung với nấm ở móng chân, rất khó trị cho hết hẳn.

    Bệnh nấm ngoài da hay gây những vết đỏ, có bờ rõ ràng. Thường nấm lan rộng sẽ làm những bờ này chạy ngoằn ngoèo. Khi lan rộng ra nhiều, những bờ ngoài sẽ đỏ hơn vùng da bên trong, đây là cách để phân biệt với những bệnh da khác, nhất là bệnh ngứa da do dị ứng eczema.

    Đặc biệt nấm sẽ lan rộng hơn nếu dùng kem thoa có chất steroid như hydrocortisone, triamcinolone, Elocon, Topicort, Betamethasone...nên đây có thể coi như một dấu hiệu định bệnh. Có nghĩa, nếu vết đỏ lan rộng hơn với những loại kem này, gần như chắc chắn đây là bệnh nấm ngoài da, không phải bệnh dị ứng.

  4. #164
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    3,286
    Tuy nhiên để định bệnh chính xác hẳn, cần phải làm thử nghiệm da. Phương pháp thử là cạo một chút da, cho hòa với dung dịch potassium hydroxide (KOH) và xem dưới kính hiển vi. Nếu thấy có những tế bào nấm chạy thành dây, mọc nhánh gọi là hyphae, đây là thử nghiệm định bệnh chắc chắn có bệnh nấm.

    Tuy nhiên, thử nghiệm KOH dành cho trường hợp khó, phần lớn trường hợp, định bệnh nấm chỉ cần nhìn để phân biệt những đặc tính của vết đỏ trên da để đoán bệnh và cho thuốc chữa ngay.

    Thuốc chữa nấm có nhiều thứ thuốc để thoa, đều thuộc hai loại chính gọi là allylamine và imidazole. Thuốc chữa nấm thường rất hiệu quả, chữa khỏi trong 95% trường hợp. Các bệnh nấm khó chữa thường hay xảy ra trên da đầu (tinea capitis) như ở trẻ em, đôi khi phải dùng thuốc uống loại griseofulvin. Bệnh nấm ở móng tay hay chân (onychomycosis) cũng khó chữa, phải dùng thuốc rất lâu, thường phải uống mới hết hẳn được, nhất là nấm ở móng chân, khó chữa hơn nấm ở móng tay.

    Thuốc thoa để chữa nấm có thể mua không cần toa, là loại Lotrimin hay Micatin. Tuy nhiên, những loại mạnh và tốt hơn cần phải có toa bác sĩ như các thuốc Loprox, Oxistat, Mentax, Naftin, Nizoral... Đặc biệt loại thuốc Loprox (tên khoa học là Ciclopirox) khá có hiệu quả với nấm ở móng. Thuốc loại ciclopirox này gần đây được dùng dưới dạng sơn móng tay để chữa nấm gọi là thuốc Penlac nail lacquer tương đối khá tốt.

    Các thuốc trị nấm ngoài da này thường phải dùng thoa đều ngày một lần hay hai lần tùy loại thuốc. Trung bình phải thoa khoảng một đến hai tuần cho hết hẳn. Ngưng thuốc sớm quá sẽ dễ làm bị nấm trở lại. Đối với nấm ở móng tay hay móng chân, nếu bị ít, có thể dùng loại thuốc sơn móng Penlac như đã nói trên, nếu bị nhiều, thường phải dùng thuốc uống loại Lamisil để chữa bệnh nấm ở móng.

    Đối với bệnh nấm lan cả người làm lang ben gọi là Tinea versicolor, có thể dùng các thuốc loại thoa như đã nói trên, tuy nhiên, nếu bị lang ben đầy cả người, thuốc thoa thường khó dùng và khó trị cho hết hẳn. Một cách trị mới là dùng thuốc uống loại Diflucan để chữa, tuy nhiên thuốc này dùng phải cẩn thận vì có thể có phản ứng phụ về gan và phải theo dõi cẩn thận.

    Những bệnh nấm ngoài da nếu chữa không đúng cách, dùng loại steroid cream như trong câu hỏi đầu bài, sẽ làm bệnh nấm khó trị hơn nhiều. Thuốc chữa nấm thông thường có thể không trị dứt được, phải dùng loại Nizoral cream và thoa lâu dài, có thể phải hai tuần hay lâu hơn để trị hết hẳn.

    Một loại bệnh nấm ngoài da khác, không phải do những nấm Dermatophytes như đã nói trên nhưng do loại nấm Candida gây ra bệnh ngoài da. Nấm Candida ở trẻ sơ sinh hay gây ra hăm và nổi đỏ ở bẹn khi đóng tã, gọi là diaper rash. Ngoài ra phụ nữ cũng hay bị nấm Candida ở bộ phận sinh dục gây ra ngứa và nổi đỏ chung quanh cửa mình, nhất là khi uống thuốc trụ sinh nhiều, nấm Candida có cơ hội mọc nhiều hơn gọi là overgrowth và gây ra bệnh nấm ngoài da.

    Những người bị bệnh tiểu đường cũng dễ bị bệnh nấm Candida này vì sức đề kháng của cơ thể yếu do tiểu đường, dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm Candida. Thuốc để chữa nấm Candida là loại thuốc bôi Nystatin rất công hiệu ở trẻ con. Với phụ nữ, có thể dùng kem Nystatin để bôi nếu bị nhẹ. Nếu bị nặng hơn, có thể phải dùng thuốc uống Diflucan để chữanấm Candida.

    Tóm lại bệnh nấm ngoài da là bệnh thông thường hay thấy và dễ nhầm lẫn với những chứng bệnh ngoài da khác do dị ứng gây ra. Vì thế không nên tự chữa lấy và nhất là không nên dùng thuốc của người khác để chữa cho mình hay cho người thân vì có thể làm bệnh nặng hơn và khó chữa hơn. Khi bị bệnh nấm ngoài da, cần phải chữa bằng thuốc trị nấm cho đúng cách. Với những thuốc trị nấm tốt hiện nay, bệnh nấm thường dễ chữa và sẽ hết hẳn khi dùng đúng thuốc.

 

 

Similar Threads

  1. Giải đáp y khoa
    By frankie in forum Sức Khoẻ/Sắc Đẹp
    Replies: 0
    Last Post: 07-18-2023, 01:35 PM
  2. Replies: 3
    Last Post: 09-04-2014, 08:00 AM
  3. Thông tin khoa học
    By Dân in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 04-10-2014, 04:52 AM
  4. Thông tin khoa học
    By Dân in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 1
    Last Post: 03-28-2014, 06:23 PM
  5. Replies: 0
    Last Post: 04-01-2013, 04:07 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:56 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh