Register
Page 8 of 13 FirstFirst ... 678910 ... LastLast
Results 71 to 80 of 130
  1. #71
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,659
    SỤT CÂN


    HỎI:


    Tôi năm nay 45 tuổi, gần đây thấy bị sụt cân nhiều. Trong vòng 3, 4 tháng thấy mất cả 15, 20 pounds. Điều đặc biệt là tôi thấy thèm ăn luôn miệng, ăn nhiều đồ bổ béo mà vẫn sụt cân. Xin cho biết tại sao.

    Trần H. V.


    ĐÁP:


    Sụt cân không phải là chuyện thường. Trừ khi cố tình ăn kiêng khem để xuống ký vì quá mập. Sụt cân nhiều và nhanh như trường hợp của ông thường là triệu chứng của một bệnh quan trọng cần phải được định bệnh và chữa trị cẩn thận.

    Câu hỏi của ông không kể ra những triệu chứng khác nhưng thông thường sụt cân như thế phải có những dấu hiệu khác đi kèm. Thí dụ như có nóng sốt hay không, đường tiêu hoá có gì trục trặc hay không (ói mửa, đi ra máu, đau bụng..v..v...), đường hô hấp có gì thay đổi (ho, đàm, đau ngực. . .), hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

    Nếu biết thêm những triệu chứng khác, việc định bệnh sẽ dễ dàng hơn để nhầm vào một cơ quan hay hệ thống nào đó của cơ thể gây ra bệnh. Điều đáng ngại và quan trọng hơn cả trong việc tìm nguyên nhân của sự sụt cân đáng kể như trên là phải tìm xem có thể bị ung thư gì hay không. Nhiều trường hợp dấu hiệu đầu tiên của ung thư là sụt ký nên cần phải khám nghiệm kỹ lưỡng để xác định và truy tầm có thể có ung thư của cơ quan nào không.

    Những bệnh nhiễm trùng kinh niên cũng thường hay gây ra sụt cân. Đối với dân Việt Nam, bệnh lao vẫn còn là bệnh thường thấy nên phải chú ý xem về các bệnh lao: lao phổi, lao hạch v.v. . . Tuy hiếm thấy ở người Việt tuy nhiên bệnh AIDS cũng có thể khởi đầu bằng dấu hiệu sụt cân mà thôi.

    Rối loạn về hệ thống tiêu hoá cũng thường gây ra sụt cân nhưng đi kèm với những triệu chứng khác tương đối dễ định bệnh hơn: loét bao tử, viêm ruột, đau gan v.v. . .

    Rối loạn về các tuyến nội tiết cũng thường gây ra triệu chứng sụt cân như tuyến giáp trạng (thyroid) tiết ra kích thích tố quá nhiều trong trường hợp bướu cổ, hoặc bệnh tiểu đường khi bị nặng cũng làm sụt cân nhiều.

    Đặc biệt hai bệnh này người bệnh bị sụt cân nhưng ăn uống vẫn ngon miệng, không như các trường hợp ung thư, lao, bệnh tiêu hoá.. v.v..làm cho người bệnh không thấy thèm ăn.

    Nếu ông bị một trong hai bệnh về nội tiết này, tuy vẫn là bệnh nặng nhưng tương đối dể định bệnh và dể chữa hơn. Điều quan trọng vẫn là khám nghiệm kỹ lưỡng và thử nghiệm tìm bệnh chính xác để chữa trị kịp thời.

  2. #72
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,659
    BỆNH LỞ HERPES


    HỎI:


    Tôi hay bị lở trên môi thường xuyên, cứ vài tháng lại bị một lần. Mỗi lần bị lở kéo dài cả tuần lễ mới hết, làm rất khó chịu nhất là khi ăn uống. Tôi dùng nhiều thứ thuốc bôi nhưng chỉ đỡ chứ không hết hẳn và cứ bị đi bị lại hoài. Ngoài ra chồng tôi cũng hay bị lở ở chỗ kín, mỗi năm bị lở khoảng vài lần. Tôi có vặn hỏi nhưng chồng tôi chối, nói không đi chơi bời bậy bạ bao giờ.

    Xin bác sĩ cho biết bệnh lở trên môi của tôi và bệnh lở chỗ kín của chồng tôi có liên quan đến nhau không? Thuốc bôi không thấy có hiệu quả, xin bác sĩ cho biết có thuốc nào uống cho hết hẳn hay không?

    Vũ thị L.X.


    ĐÁP:


    Bệnh lở môi hay bị đi bị lại của bà và bệnh lở chỗ kín của chồng bà có thể là do bệnh cực vi trùng herpes simplex gây ra. Bệnh lở môi gọi là herpes labialis thường do cực vi trùng herpes loại 1, viết tắt là HSV-1 trong khi bệnh lở của bộ phận sinh dục gọi là herpes genitalis do cực vi trùng herpes loại 2 viết tắt là HSV-2.

    Tuy nhiên một số ít trường hợp bệnh lở môi có thể do cực vi trùng loại 2 hay ngược lại, một thiểu số trường hợp bệnh lở sinh dục lại do cực vi trùng herpes loại 1 gây ra bệnh. Cực vi trùng herpes có đặc điểm là xâm chiếm các tế bào thần kinh cảm giác hay giao cảm và có thể sống trong các tế bào này dưới dạng tiềm ẩn (latency) lâu dài.

    Thông thường, cực vi trùng herpes xâm nhập màng nhày ở môi, miệng hay lớp da bị trày trụa, sau đó sẽ vào các tế bào thần kinh cảm giác (sensory nerves) chạy đến các hạch tế bào thần kinh gọi là ganglia, nơi đây sẽ sinh sôi nảy nở và truyền theo dây thần kinh đến vùng da hay màng nhày ở chỗ khác.

    Cực vi trùng herpes một khi đã vào cơ thể sẽ tồn tại mãi trong các tế bào thần kinh. Khi ở dưới dạng tiềm ẩn sẽ không gây ra bệnh, tuy nhiên vì một nguyên cớ nào đó, thí dụ như bị chấn thương, bị kích thích do tia sáng tử ngoại, hay khi mức chống cự của cơ thể yếu kém, cực vi trùng herpes sẽ phát tác trở lại gọi là reactivation và gây ra bệnh lở.

    (còn tiếp)

  3. #73
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,659
    Thường những bệnh lở, hoặc ở trên môi miệng do HSV-1 hoặc ở bộ phận sinh dục do HSV-2, đều sẽ tự khỏi sau vài ngày hay một hai tuần dù không chữa trị. Tuy nhiên, dù thấy hết lở, bệnh do cực vi ttrùng vẫn còn và sẽ trở đi trở lại.

    Một số bệnh nhân có thể bị bệnh trở lại thường xuyên, vài tuần hay một hai tháng bị lại một lần. Những người khác có thể bị tái phát ít hơn, đôi khi cả một vài năm mới bị một lần. Khi mới bị lần đầu, bệnh lở herpes thường gây ra nhiều triệu chứng nặng.

    Phần lớn ở trẻ em và thanh niên, cực vi trùng HSV-1 có thể gây ra lở và sưng môi, lợi, bên trong miệng và cuống họng. Có thể gây ra sốt và nổi hạch ở cổ. Những triệu chứng này kéo dài từ 3,4 ngày đến cả hàng 2 tuần mới hết. Tuy nhiên khi tái phát sau này, cực vi trùng HSV1 thường chỉ làm lở ở môi và nhẹ hơn, không nặng như lần đầu tiên.

    Có thể nói hầu như người nào đến cỡ 40 tuổi cũng sẽ bị cực vi trùng loại HSV-1 xâm nhập, căn cứ vào mức kháng thể thấy có trên 90% trưòng hợp, tuy có người nhiều người ít triệu chứng. Hoặc có thể có cực vi trùng này nhưng không có triệu chứng gì cả và hoàn toàn không gây ra bệnh. Như thế vấn đề có triệu chứng hay có bệnh trở đi trở lại hay không sẽ tuỳ cơ thể và sức chống cự riêng của mỗi người.

    Đối với bệnh lở trên bộ phận sinh dục do HSV-2 gây ra, khi mới bị lần đầu tiên, có thể có nhiều triệu chứng nặng như bị sốt, đi tiểu đau, nổi hạch ở háng và thấy có những vết lở ở trên dương vật hay ở cửa mình. Những triệu chứng này kéo dài vài ngày hay cả tuần, sau đó sẽ bớt dần.

    Khoảng 90% những người bệnh bị herpes lần đầu tiên sẽ bị lại trong vòng 12 tháng, trung bình sẽ bị 4 lần lở tiếp theo đó, tuy những lần sau những triệu chứng sẽ ít dần hơn, như chỉ bị thấy ngứa lúc đầu và sau đó bị lở. Thời gian bị có thể cũng sẽ ngắn hơn lần đầu tiên.

    (còn tiếp)

  4. #74
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,659
    Cực vi trùng herpes simplex ngoài việc gây bệnh lở còn có thể gây ra những bênh tại các cơ quan khác. Thường thấy là bệnh herpes ở mắt, làm đau mắt, đỏ mắt và làm lở võng mạc (cornea). Bệnh đỏ mắt do herpes gọi là herpetic keratitis này nguy hiểm vì có thể làm mù mắt vì hư võng mạc.

    Đặc biệt nếu bị bệnh herpes trên mắt mà dùng thuốc nhỏ mắt có thuốc steroid, thí dụ như thuốc Maxitrol, NeoDecadron..., sẽ làm nhiễm trùng herpes nặng hơn nhiều và làm hư võng mạc thêm hay những bộ phận sâu trong mắt làm mù. Vì thế, dùng thuốc nhỏ mắt phải cẩn thận và phải tránh dùng thuốc có chất steroid nếu nghi là bị đỏ mắt do herpes gây ra.

    Một bệnh nguy hiểm khác do cực vi trùng herpes simplex gây ra là viêm não bộ (encephalitis). Bệnh viêm này rất nguy hiểm, thường khởi đầu bằng bệnh lở môi, sau đó cực vi trùng herpes theo hệ thống thân kinh xâm chiếm não bộ gây nên viêm não. Người bệnh bị sốt nặng và hôn mê dần. Nếu không định bệnh được và chữa sớm, mức độ tử vong rất cao.

    Việc định bệnh cũng khó khăn vì muốn định bệnh chính xác phải làm biopsy, cắt một miếng não để nhìn dưới kính hiển vi. Vì thế, nhiều trường hợp phải chữa trị ngay bằng thuốc Acyclovir truyền vào tĩnh mạch khi nghi ngờ bị viêm não bộ do cực vi trùng herpes vì để lâu sẽ khó chữa hay có chữa khỏi cũng bị nhiều biến chứng thần kinh nguy hiểm.

    Một chứng bệnh khác cũng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh khi người mẹ mang thai đến gần ngày đẻ bị nhiễm cực vi trùng HSV, khi sinh sẽ làm đứa bé sơ sinh bị nhiễm bệnh cực vi trùng này làm rất nguy hiểm, gây ra chết hay nếu có chữa được, đứa trẻ khi lớn lên cũng không bình thường.

    Việc định bệnh nhiễm cực vi trùng herpes có thể dùng cách nhuộm gọi là Tzanck preparation, cạo một chút vết lở và nhuộm sẽ thấy có những đại tế bào đặc biệt của bệnh này, hay trong nhân có những vật thể gọi là intranuclear inclusions và sẽ định bệnh được. Chắc chắn hơn nữa là cấy cực vi trùng nhưng cách cấy này rất khó khăn nên ít thực hiện.

    Thông thường nếu chỉ bị lở môi hay lở ở bộ phận sinh dục, có thể đoán bệnh bằng cách khám nghiệm thường và có thể cho thuốc chữa trị ngay không cần phải đợi kết quả thử nghiệm chắc chắn hẳn. Riêng trường hợp bị lở ở bộ phân sinh dục, cần phải thử máu thêm về bệnh giang mai và bệnh AIDS vì có thể đi chung với nhau và cùng là những bệnh truyên nhiễm do giao tiếp tính dục.


    (còn tiếp)

  5. #75
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,659
    Cách chữa bệnh lở do herpes hiện nay có nhiều loại thuốc. Trước hết là loại thuốc thoa gồm penciclovir và acyclovir (bán duới tên thương mại là Zovirax). Tuy nhiên thuốc thoa chỉ dùng cho những trường hợp bị herpes lần đầu và phải thoa nhiều lần trong ngày, cứ bốn tiếng một lần như Zovirax. Đối với bệnh lở herpes tái phát trở đi trở lại, thuốc thoa không công hiệu mấy.

    Thuốc uống hiện nay có 3 loại là acyclovir, famciclovir (bán dưới tên Famvir) và valacyclovir (bán dưới tên Valtrex). Thuốc acyclovir uống 200mg ngày 5 lần trong vòng 10 đến 14 ngày cho bệnh lở herpes lần đầu. Những lần sau có thể uống trong 5 ngày. Đối với người bị đi bị lại quá thường hàng 10 - 12 lần trong một năm, có thể dùng thuốc acyclovir đều đặn ngày 2 lần, uống hẳn trong 6 tháng để ngăn chặn.

    Những thuốc Famvir và Valtrex mới hơn và chỉ cần uống ngày 3 lần hay 2 lần, không quá nhiều lần như acyclovir. Đặc biệt đối với bệnh lở môi herpes labialis khi bị trở đi trở lại, thuốc acyclovir không có công hiệu mấy để ngăn chặn.

    Thuốc mới được cơ quan FDA chấp thuận cho dùng và tốt nhất để chữa là valacyclovir hay Valtrex, có thể dùng 2 grams ngày hai lần trong một ngày duy nhất để chữa bệnh lở môi tái phát.

    Lở herpes ở bộ phận sinh dục, mới bị lần đầu tiên, dùng Valacyclovir 1000 mg ngày 2 lần trong 10 ngày. Nếu bị đi bị lại, khi mới bắt đầu thấy sót và lở, uống ngay Valacyclovir 500 mg ngày 2 lần trong 3 ngày sẽ chặn được bệnh. Nếu bị quá nhiều và trở đi trở lại quá thường xuyên, có thể dùng Valacyclovir 500 mg ngày một lần uống trong 4 tháng để ngăn chặn.

    Tuy nhiên những thuốc trên chỉ chữa cho bệnh lở môi không lan nặng thêm và rút ngắn thời gian bị bệnh, không phải chữa cho dứt tuyệt hẳn. Hiện vẫn chưa có thuốc để chữa dứt hẳn bệnh herpes không bao giờ bị trở lại.

    Tóm lại, bệnh lở do herpes gây ra là bệnh rất thường thấy. Tuy bệnh chỉ làm lở trong ít lâu và tự khỏi, một số ít trường hợp có thể có những biến chứng nguy hiểm như bệnh viêm não.

    Bệnh này hiện nay đã có nhiều thuốc công hiệu để làm chóng lành và ngăn chặn không tái phát thường xuyên, nhưng vẫn chưa có thuốc để trị tuyệt hẳn cực vi trùng herpes vì cực vi trùng này vẫn có thể nằm dưới dạng tiềm ẩn trong giây thần kinh. Tuy nhiên với những thuốc công hiệu hiện nay, bệnh lở herpes tương đối đã có thể chữa một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn trước nhiều.

  6. #76
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,659
    UNG THƯ GAN


    HỎI:


    Tôi có người anh gần đây mất vì ung thư gan. Một vài người quen tôi biết cũng chết vì bệnh này. Xin bác sĩ cho biết ung thư gan có xảy ra thường lắm không? Nguyên nhân tại sao? Có cách gì chữa trị được không?

    Trần H.


    ĐÁP:


    Ung thư gan (hepatoma) là loại ung thư ít thấy ở Hoa Kỳ nhưng đối với người Việt Nam bệnh ung thư này xảy ra khá thường. Có thể nói ung thư gan chiếm tỷ lệ khoảng từ 20 đến 30% tổng số các loại ung thư người Việt Nam nói riêng và dân Á châu nói chung mắc phải.

    Thông thường đàn ông bị bệnh này nhiều hơn đàn bà, gấp khoảng ba bốn lần. Sự khác biệt này có thể do đặc tính của kích thích tố nam của đàn ông, làm dễ phát triển ung thư của các tế bào gan. Một số lực sĩ muốn to con, bắp thịt nở nang hay lạm dụng chích thường xuyên các loại kích thích tố sinh dục nam, hoặc một số người bị bất lực hay chích kích thích tố sinh dục để chữa bất lực có thể dễ bị ung thư gan hơn người thường cũng vì lý do kể trên.

    Nguyên nhân chính gây ra ung thư gan với những hiểu biết mới hiện nay có thể giải thích bằng sự hiện diện của cực vi trùng viêm gan loại B (hepatitis B virus) hay cực vi trùng viêm gan loại C.

    Cực vi trùng viêm gan B gây viêm gan làm vàng da, vàng mắt và rất hay lây, truyền bệnh bằng đường máu như sang máu, kim bẩn, hoặc bằng đường giao tiếp tình dục. Một cách truyền bệnh quan trọng nữa là từ người mẹ sang con lúc sinh đẻ vì thế có nhiều người có cực vi trùng viêm gan loại B này từ lúc sơ sinh và suốt cả đời. Sự truyền nhiễm từ mẹ sang con này giải thích tại sao có thể đến 20% dân chúng tại các xứ chậm tiến như Việt Nam mang trong người cực vi trùng viêm gan loại B.

    Phần lớn những người có cực vi trùng viêm gan B trong máu cả đời này không có triệu chứng gì. Một số người có thể sẽ bị viêm gan kinh niên và có thể tiến đến tình trạng cứng gan (cirrhosis). Một số ít khi lớn tuổi trong khoảng 50 - 60, tuy có thể xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn, sẽ bị ung thư gan do cực vi trùng này gây ra.

    Một số khảo cứu cho thấy cực vi trùng này xâm nhập tế bào gan với chất DNA (deoxyribonucleic acid) của cực vi trùng sáp nhập với chất di truyền DNA trong nhân tế bào gan và gây ra biến đổi dẫn dắt đến sự phát triển ung thư của tế bào gan.

    (còn tiếp)

  7. #77
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,659
    Ngoài cực vi trùng viêm gan loại B, loại cực vi trùng viêm gan loại C (hepatitis C virus) cũng có thể liên quan đến việc gây bệnh ung thư gan.

    Một yếu tố khác nữa cũng ảnh hưởng đến sự phát triển thành ung thư gan là bệnh cứng gan do uống rượu gây ra. Uống rượu nhiều quá độ có thể làm viêm gan và lâu ngày gây ra cứng gan (cirrhosis). Nếu những người này có sẵn cực vi trùng loại B trong máu, xác xuất bị ung thư gan tại những người này sẽ tăng lên hơn nhiều.

    Một nguyên nhân khác nữa của ung thư gan là độc chất của nấm độc (mycotoxins). Một vài loại độc chất này đã được chứng minh là có thể gây ra ung thư gan như loại aflatoxins. Tại các xứ chậm tiến của Á châu và Phi châu, đồ ăn không được vệ sinh có thể nhiễm độc chất của nấm độc ảnh hưởng trên gan, cộng thêm với tác dụng của cực vi trùng cũng là những yếu tố đưa đến ung thư gan phát triển.

    Ung thư gan thường phát triển với triệu chứng gan lớn làm đau vừa phải dưới cạnh sườn bên phải. Đôi khi người bệnh có thể tự rờ thấy cục bướu dưới cạnh sườn bên phải, đi khám và tìm ra bệnh ung thư gan. Một số trường hợp làm bụng trướng, hút nước ra thấy có máu.

    Định bệnh về ung thư gan thường phải chụp hình bằng CAT scan hay bằng siêu âm Ultrasound và dựa trên kết quả chụp hình làm biopsy để định bệnh chính xác. Biopsy là dùng một kim dài xuyên qua cạnh sườn vào gan để hút ra một miếng nhỏ và xem dưới kính hiển vi. Một số trường hợp không định được bệnh chính xác phải mổ để làm biopsy gan trong khi đang mổ mới định được bệnh rõ ràng.

    Một thử nghiệm máu để định bệnh ung thư gan là đo mức độ của chất alpha - fetoprotein trong máu. Chất này là một loại chất đạm bình thường có trong bào thai và không còn sau khi sinh ra, tuy nhiên tế bào gan khi bị ung thư sản xuất chất đạm này với số lưọng rất cao. Đo lượng alpha - fetoprotein trong máu có thể giúp để định bệnh một trường hợp nghi ngờ bị ung thư gan, tuy nhiên, để quyết đoán 100%, vẫn phải dùng phương pháp thử nghiệm biopsy để định bệnh.

    (còn tiếp)

  8. #78
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,659
    Bệnh ung thư gan trước đây là bệnh thường không chữa được, bệnh nhân sau khi định bệnh chỉ kéo dài được chừng 3 đến 6 tháng và chết vì chảy máu trong ruột, hoặc suy gan làm mê man rồi chết. Tuy nhiên gần đây đã có nhiều tiến triển về cách trị liệu và có thể kéo dài được đời sống cho bệnh nhân.

    Điều quan trọng là định bệnh sớm. Vì phần lớn ung thư gan nơi người Á Châu như Vệt Nam do cực vi trùng viêm gan B kinh niên gây ra nên người nào có cực vi trùng viêm gan B trong máu đều phải đi làm siêu âm gan ultrasound cứ mỗi 6 tháng, có thể phải đo lượng alpha-fetoprotein trong máu đi kèm. Nếu thấy không bình thường sẽ phải đi làm CT scan hay MRI để định bệnh.

    Nếu ung thư mới bắt đầu và nhỏ bằng hay hơn1 cm, MRI có thể định bệnh, không cần phải làm biopsy và có thể giải phẫu để cắt bỏ.và khỏi hẳn được. Thường ung thư còn nhỏ, dưới 5 cm, có thể giải phẫu cắt bỏ. Vì thế người Việt có cực vi trùng viêm gan B trong máu kinh niên, nếu là đàn ông trên 40 tuổi hay đàn bà trên 50 tuổi đều phải được theo dõi bằng siêu âm gan cứ mỗi 6 tháng để tìm bệnh ung thư gan. Và nếu phát hiện ra được sớm, cắt bỏ ngay sẽ khỏi hẳn bệnh.

    Trường hợp bị chai gan cirrhosis và có ung thư gan, nếu ung thư nhỏ hơn 5 cm và chưa bị biến chứng của chai gan nhiều như vàng mắt, bụng trướng..v.v. , vẫn có thể giải phẫu cắt bỏ. Nhưng nếu bị chai gan nặng và nhiều biến chứng, nếu ung thư chưa chạy đi đâu có thể dùng cách thay gan bằng gan người chết gọi là liver transplantation. Tuy nhiên được vào danh sách thay gan thường khó khăn và ít người được vì hiêm hoi. Tuy nhiên nếu may mắn và được thay gan, mức sống sót sau 5 năm có thể lên đến 75% đến 85%, tuy phải uống thuốc ngăn chặn cơ thể phản ứng đẩy gan lạ ra khỏi cơ thể, suốt cả đời. Các thuốc được dùng là tacrolimus hay cyclosporine.

    Nếu không được thay gan và ung thư chưa chạy đi các nơi khác, có thể dùng cách chạy điện gọi là radiofrequency ablation hay làm nghẹt mạch máu nuôi ung thư gọi là embolization để chữa. Nếu ung thư đã chạy khắp nơi, một số thuốc hóa học trị liệu chemotherapy hiện nay được dùng là Sorafenib, Regorafenib và thuốc Nivolumab, có thể kéo dài đời sống cho bệnh nhân.

    Tóm lại, bệnh ung thư gan tương đối xảy ra nhiều với người Việt Nam hơn người Hoa Kỳ lý do chính là tỷ lệ người Việt có cực vi trùng viêm gan loại B trong máu rất cao. Hiện nay y khoa không xác định được khi nào và người nào có cực vi trùng này có thể sẽ phát bệnh ung thư gan trong tương lai. Tuy nhiên điều quan trọng là nếu đã có cực vi trùng này trong máu, phải tránh những yếu tố phụ thêm có thể dẫn dắt đến việc tổn hại gan và làm cứng gan như uống rượu, dùng chất kích thích tố sinh dục nam v.v. . .

    Về phương diện y tế công cộng, phòng ngừa để tránh nhiễm phải cực vi trùng viêm gan loại B là điều cần thiết. Ngoài vấn đề vệ sinh, truyền máu .. v…v.. phong ngừa bằng cách chích ngừa bệnh viêm gan loại B cho các trẻ em sơ sinh khi biết người mẹ có cực vi trùng này sẽ làm giảm thiểu đi nhiều tỷ lệ dân chúng có cực vi trùng B trong máu và tránh được các hậu quả nguy hiểm như ung thư gan.

    Đối với những người đã có trong máu cực vi trùng viêm gan loại B này, hiện nay có nhiều thuốc hữu hiệu để trị viêm gan B tuy sẽ phải dùng cả đời để chữa viên gan B và để ngừa ung thư gan..

  9. #79
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,659
    BƯỚU CỔ


    HỎI:



    Tôi năm nay 46 tuổi, mới từ Việt Nam sang được gần một năm. Khi còn tại nước nhà tôi có bị bướu cổ, mắt lồi, có uống thuốc một thời gian thấy bớt nên ngưng thuốc. Khi sang đây được mấy tháng, tôi thấy bướu cổ lớn hơn trước và sụt ký nhiều. Xin cho biết tại sao bị bướu cổ? Chữa trị ra sao? Có cách nào chữa dứt không?

    Nguyễn Thị V.


    ĐÁP:


    Bướu cổ là bệnh của tuyến giáp trạng (thyroid gland). Tuyến giáp trạng là cơ quan nội tiết trọng yếu của cơ thể, tiết ra kích thích tố giáp trạng.

    Kích thích tố này cần thiết cho sự hoạt động của mô tế bào, cho sự trưởng thành, cho việc tiêu dùng năng lượng của cơ thể …v..v. .., tóm lại rất nhiều chức vụ quan trọng, vì thế khi kích thích tố giáp trạng tiết ra không được điều hòa, quá nhiều hay quá ít đều sanh bệnh.

    Bệnh của bà với bướu cổ, mắt lồi và sụt ký là bệnh do tuyến giáp trạng hoạt động quá mạnh, tiết ra nhiều kích thích tố hơn bình thường gọi là hyperthyroidism (còn gọi là Graves’ disease).

    Ngoài những triệu chứng kể trên còn có những triệu chứng khác đi kèm như tay run, ra mồ hôi nhiều, người lúc nào cũng thấy nóng bức mặc dù người khác thấy nhiệt độ bình thường, mất ngủ, tiêu chảy, tính tình thay đổi hay bứt rứt, khó chịu v.v. . .

    Người lớn tuổi dễ bị khó thở, hồi hộp, suy tim. Nhiều người bị bắp thịt tay chân đau nhức hay yếu đi, bại xuội. Nếu để lâu không chữa trị, bệnh này có thể làm chết người, thường là do tim đập quá nhanh, suy tim nặng hoặc khi kích thích tố tiết ra quá độ có thể làm kích xúc, mê sảng.

    Nguyên nhân gây ra bệnh này là vì cơ thể người bệnh tạo ra một kháng thể chống lại một cơ cấu trên màng tế bào của tuyến giáp trạng. Cơ cấu này là chỗ tiếp nhận sự tác dụng của một kích thích tố khác từ não thùy gọi là TSH (thyroid stimulating hormone).

    Khi kháng thể này dính với cơ cấu tiếp nhận TSH, tế bào của tuyến giáp trạng bị kích thích mạnh, tăng trưởng và tiết ra nhiều kích thích tố giáp trạng hơn bình thường và kết quả gây ra bệnh.

    (còn tiếp)

  10. #80
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,659
    Lý do tại sao tự dưng những người bệnh này lại tiết ra những kháng thể đó hiện giờ vẫn chưa rõ. Một phần có thể vì di truyền, một phần có thể vì tác dụng của một loại cực vi trùng nào đó chưa ai khám phá ra.

    Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng là những dồn ép về tâm lý (stress). Nhiều người Việt Nam sang Hoa Kỳ bị khủng hoảng về tâm lý dễ xảy ra bệnh bướu cổ do kích thích tố giáp trạng quá nhiều này.

    Ván đề định bệnh tương đối dễ dàng nếu có những triệu chứng rõ ràng như bướu cổ lớn, sờ thấy được, mắt lồi, sụt ký như trường hợp của bà. Tuy nhiên rất nhiều người có ít triệu chứng, bướu cổ không lớn lắm, không để ý không biết đến, mắt không có triệu chứng lồi, chỉ thấy hay nóng nảy, khó ngủ, tay hơi run và sụt ký chút đỉnh… v.v..

    Những trường hợp này khó định bệnh hơn và phải dựa vào thử nghiệm để định bệnh chính xác nếu có nghi ngờ. Thử nghiệm chính là thử máu để đo lượng kích thích tố giáp trạng trong máu.

    Nếu lượng kích thích tố này cao hơn bình thường phải đi chụp hình tuyến giáp trạng bằng chất phóng xạ gọi là Thyroid scan đồng thời đo mức độ hấp thụ chất phóng xạ Iodine của tuyến giáp trạng gọi là radioactive iodine uptake. Hai thử nghiệm này cho định bệnh được bệnh bướu cổ Graves’s disease một cách chính xác.

    Chữa trị bệnh này có ba phương pháp chính: đầu tiên là dùng thuốc uống Methimazole để ngăn chặn sự tổng hợp kích thích tố giáp trạng. Các loại thuốc uống này phải dùng trong một thời gian lâu, có thể kéo dài từ một đến hai năm hay lâu hơn nữa. Thuốc phải uống đều, nhiều lần trong ngày. Thuốc có thể gây nhiều phản ứng, một trong những phản ứng nguy hiểm là giảm lượng bạch huyết cầu nên phải theo dõi cẩn thận.

    Cách trị này có công hiệu khoảng 50%, có nghĩa là sau khi thấy bớt nhiều và ngưng thuốc, một nửa số bệnh nhân sẽ bị trở lại. Trường hợp của bà ở Việt Nam đã chửa trị là dùng thuốc uống này, tuy nhiên sau khi ngưng thuốc bệnh vẫn còn và triệu chứng trở lại sau một thời gian

    (còn tiếp)

 

 

Similar Threads

  1. Giải đáp y khoa
    By frankie in forum Sức Khoẻ/Sắc Đẹp
    Replies: 0
    Last Post: 07-18-2023, 01:35 PM
  2. Replies: 3
    Last Post: 09-04-2014, 08:00 AM
  3. Thông tin khoa học
    By Dân in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 04-10-2014, 04:52 AM
  4. Thông tin khoa học
    By Dân in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 1
    Last Post: 03-28-2014, 06:23 PM
  5. Replies: 0
    Last Post: 04-01-2013, 04:07 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 08:16 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2023 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh