Results 131 to 136 of 136
Thread: Giải đáp y khoa
-
12-03-2023, 07:47 AM #131
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 2,680
MÀNG PHỔI CÓ NƯỚC
HỎI:
Tôi năm nay 34 tuổi mới ở Việt Nam sang được 3 tháng. Gần đây tôi hay bị nóng sốt vào buổi chiều và ăn ngủ kém, bị sụt đi khoảng 5 ký. Ngoài ra thấy bị khó thở, hít mạnh hơi vào thấy đau bên lồng ngực. Tôi có đi chụp hình phổi và được cho biết có nước trong màng phổi. Xin bác sĩ cho biết màng phổi có nước như thế là do bệnh gì gây ra và chữa trị ra sao?
Vương Thị T.
ĐÁP:
Màng phổi có nước (pleural effusion) có thể do rất nhiều thứ bệnh khác nhau gây ra. Đối với một người sinh sống đã lâu ở Hoa Kỳ, nếu đi chụp hình phổi và thấy có nước trong màng phổi sẽ phải đi tìm nguyên nhân để chữa trị. Việc đi tìm lý do gây ra bệnh sẽ cần làm nhiều thử nghiệm để định bệnh chính xác.
Tuy nhiên để trả lời cho câu hỏi đầu bài, nếu một người Việt mới sang Hoa Kỳ được vài tháng và có những triệu chứng như đã tả: nóng sốt buổi chiều, sụt ký, hít hơi vào thấy đau lồng ngực và đi chụp hình phổi thấy có nước; điều đầu tiên phải nghi ngờ là bệnh lao phổi.
Bệnh lao phổi là nguyên nhân quan trọng nhất của chứng có nước trong màng phổi tại các xứ chậm tiến như Việt Nam. Tại Hoa Kỳ ít thấy chỉ trừ những trường hợp người bệnh là di dân mới nhập cảnh. Lý do có nước trong màng phổi là vì phản ứng loại siêu cảm hypersensitivity của màng phổi đối với chất đạm protein của vi trùng lao. Chụp hình phổi thường chỉ thấy có nước nhưng không thấy những dấu hiệu khác của lao phổi như phổi lủng lỗ cavities...
Vì thế định bệnh có thể khó khăn hơn bệnh lao phổi thường. Để biết rõ ràng hơn, sẽ cần phải hút nước trong màng phổi và thử nghiệm về lao với nước màng phổi như đo lượng adenosine deaminase, interferon gamma hay thử DNA cho vi trùng lao. Ngoài ra có thể cấy vi trùng hay làm biopsy màng phổi để xem dưới kính hiển vi.
Khi đã định bệnh được chính xác là lao, sẽ chữa trị như lao phổi thường với các thuốc INH, Rifampin, Ethambutol, Pyrazinamide. Đối với một người bệnh đã sinh sống lâu năm tại Hoa Kỳ và không có những triệu chứng để nghi là lao như trên, việc tìm nguyên nhân của chứng có nước trong màng phổi sẽ mất rất nhiều công phu để tìm hiểu đích xác căn nguyên.
Trước hết phải tìm hiểu xem nước trong màng phổi là loại nào: nước lỏng do thẩm thấu gọi là transudate, hay nước đặc do bài tiết gọi là exudate? Lý do phân biệt hai loại nước của màng phổi này quan trọng là vì loại nước lỏng transudate thường là bệnh ít nguy hiểm. Trái lại nếu là loại nước đặc exudate, có thể là những bệnh nặng.
Để phân biệt hai loại nước này, sẽ cần phải thử lượng chất đạm và lượng phân hóa tố lactic dehydrogenase LDH. Nếu tỷ lệ chất đạm của nước màng phổi trên mức chất đạm trong máu lớn hơn 0.5, hay tỷ lệ lượng LDH của màng phổi trên mức trong máu lớn hơn 0.6, đây là loại nước đặc exudate. Nếu thấp hơn là loại nước lỏng transudate.
Như vậy một người bệnh có nước trong màng phổi sẽ cần dùng kim để hút nước ra và phân chất như đã tả trên. Nếu là loại nước lỏng transudate, phần lớn trường hợp là do suy tim gây ra nước chạy vào màng phổi và sẽ cần chữa trị bằng cách uống thuốc lợi tiểu như Furosemide để làm giảm lượng nước và để làm khô nước trong màng phổi.
Dĩ nhiên bệnh suy tim sẽ cần phải tìm nguyên nhân tại sao suy tim và chữa trị với các thuốc khác. Một số ít trường hợp các bệnh như gan hay thận cũng có thể làm nước vào màng phổi và sẽ phải chữa trị tuỳ theo loại bệnh gan hay thận.
-
12-04-2023, 09:48 AM #132
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 2,680
Đối với trường hợp là loại nước đặc exudate, các nguyên nhân quan trọng nhất là: nhiễm trùng, ung thư và nghẹt mạch máu động mạch phổi (pulmonary embolism). Nếu hút nước màng phổi thấy là loại nước đặc exudate, có mức acid ph thấp hơn 7.20, lượng đường thấp hơn 60 mg%, sẽ phải nghi là nhiễm trùng.
Thử nghiệm về vi trùng sẽ định được bệnh và cần dùng trụ sinh để chữa. Nhiều trường hợp bị nhiễm trùng nặng và không chữa sớm, khi hút nước màng phổi sẽ thấy ra như mủ. Khi đó ngoài trụ sinh, sẽ cần phải đặt ống để dẫn mủ ra hoặc có thể phải giải phẫu.
Loại màng phổi nước đặc exudate quan trọng kế tiếp là ung thư. Thường sẽ cần định bệnh bằng cách xem dưới kính hiển vi thấy có tế bào ung thư trong nước đưọc hút ra hay không? Ngoài ra có thể phải cắt một miếng màng phổi để xem trực tiếp để tìm ung thư. Ung thư thường nhất gây ra chứng có nước trong màng phổi là ung thư phổi. Kế đó là ung thư vú, khi đã chạy đi khắp cơ thể và vào màng phổi. Sau cùng là ung thư hạch cũng có thể gây ra chứng có nước trong màng phổi.
Một loại ung thư khác đặc biệt xảy ra nơi những người bị nhiễm chất asbestos là ung thư mesothelioma, gây ra nước trong màng phổi. Những người này có thể hít thở chất asbestos hàng hai ba chục năm trước khi chất asbestos dùng trong kỹ nghệ xây cất chưa bị cấm, hay làm việc trong xưởng đóng tầu bè, hay như người Việt làm trước kia tại Hải quân công xưởng, có thể nhiễm chất asbestos. Sau một thời gian lâu, chất này đóng lại trong màng phổi sẽ gây ra chứng ung thư mesothelioma và gây ra có nước trong màng phổi. Loại ung thư này không chữa được và khi đã gây ra thành bệnh sẽ làm chết trong một thời gian ngắn.
Một nguyên nhân quan trọng khác làm có nưóc đặc exudate trong màng phổi là bệnh nghẹt động mạch phổi do cục máu đông chạy ở dưới chân lên. Trường hợp này khó định bệnh, phải chụp CAT scan hay chụp động mạch phổi mới biết được. Người bệnh không có triệu chứng nào khác ngoài chuyện bị khó thở. Tìm ra bệnh quan trọng vì chứng nghẹt động mạch phổi pulmonary embolism có thể làm chết nếu không chữa kịp thời. Cách chữa trị là dùng thuốc chích heparin và sau đó uống thuốc Coumadin để làm loãng máu.
Khoảng 20% trường hợp có nước loại đặc trong màng phổi dù làm đủ các loại thử nghiệm cần thiết cũng không kiếm ra được nguyên nhân. Tuy nhiên khi đã loại bỏ được các loại bệnh nguy hiểm như đã kể trên, các trường hợp này không cần chữa trị cũng tự biến mất, không để lại hậu quả quan trọng nào. Hầu hết các trường hợp này là do cực vi trùng gây ra có nước trong màng phổi. Khi cơ thể đã kháng cự diệt được các cực vi trùng này, màng phổi cũng theo đó khô lại và không còn nước trong màng phổi.
Tóm lại chứng màng phổi có nước có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Người Việt mới sang Hoa Kỳ nếu có nước trong màng phổi phải đi khám nghiệm về lao vì hay mắc bệnh này. Nếu đã ở Hoa Kỳ lâu sẽ cần làm nhiều thử nghiệm để tìm bệnh. Tìm hiểu nguyên nhân nào gây ra có nước trong màng phổi là điều quan trọng để biết đích xác bệnh và theo đó chữa trị cho đúng cách và có hiệu quả.Last edited by frankie; 12-04-2023 at 09:50 AM.
-
12-05-2023, 09:38 AM #133
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 2,680
KHÔ MIỆNG, KHÔ MẮT
HỎI:
Từ 3 tháng nay tôi cảm thấy hết sức khô miệng như không có chút nước miếng nào. Cổ họng tôi cũng bị khô và hay làm ho. Ngoài ra mắt tôi cũng hay bị xốn và thấy như không có nước mắt. Xin bác sĩ cho biết tôi bị chứng bịnh gì và chữa trị ra sao?
Trần Thị L.
ĐÁP:
Bệnh của bà là chứng khô miệng & khô mắt (xerostomia hay hợp chứng Sjogren) do các tuyến tiết ra nước bọt và nước mắt bị viêm và không làm việc điều hoà làm giảm các chất nước bọt và nước mắt gây ra chứng khô như bà đã tả.
Bệnh này tương đối khá thường thấy, hay xảy ra nơi người đàn bà và bắt đầu ở lứa tuổi ba bốn chục trở lên, tuy đa số những người già hay bị hơn. Nguyên nhân không được biết rõ tuy cơ chế gây ra bệnh là do những phản ứng về miễn nhiễm.
Những tiểu bạch cầu gọi là T-lymphocytes xâm nhập vào những tuyến ngoại tiết, thường nhất là các tuyến nước bọt ở quai hàm và tuyến lệ ở mắt. Sau một thời gian, các tuyến này bị viêm, gây ra những phản ứng mọc sợi và làm tuyến không hoạt động được nữa. Số lượng nước miếng hay nước mắt giảm hẳn hay gần như không có làm người bệnh thấy rất khô nơi miệng và mắt.
Ngoài các tuyến ngoại tiết trên, các cơ quan khác trong cơ thể cũng có thể bị các bạch cầu T-lymphocytes này tấn công gây ra các bệnh về thận, bệnh mạch máu.
Một số người có thể có chứng viêm mạch máu nhỏ ở ngón tay hay ngón chân về mùa đông, các ngón tay hay ngón chân bị tím lại, nhợt ra như không có máu, một lúc lâu sau đó sẽ đỏ lên và bị đau hay tê tay tê chân. Hiện tượng này gọi là Raynaud's phenomenon. Phần lớn những người bệnh này có các triệu chứng viêm khớp của bệnh phong thấp đi kèm.
Chứng khô miệng & khô mắt có thể xảy ra một mình hay đi chung với những bệnh phong thấp loại nặng như loại viêm khớp rheumatoid arthritis (30% trường hợp) hay bệnh lupus (10% trường hợp) nên khi bị chứng khô miệng, khô mắt thường nên thử nghiệm để xem có bị các chứng bệnh phong thấp loại nặng trên.
Ngoài ra cũng phải khám nghiệm và thử máu, thử nước tiểu để xem có bị những biến chứng nặng hơn như bệnh viêm thận hay viêm mạch máu.
Một số người bệnh có thể bị ảnh hưởng trên dây thần kinh gây ra các chứng như tê tay tê chân gọi là mononeuritis simplex. Một số ít người bệnh khoảng 10% trường hợp bị kèm thêm chứng sưng hạch, tuyến quai hàm sưng lớn như quai bị gọi là pseudolymphoma, rất hiếm khi xảy ra nhưng một số nhỏ các người này có thể biến ra dạng ung thư hạch lymphoma.
Một biến chứng khác cũng hay thấy là bệnh viêm tuyến giáp trạng ở cổ và có thể gây ra chứng thiếu kích thích tố về giáp trạng gọi là hypothyroidism và khoảng 10% trường hợp các người bệnh có thể sẽ phải dùng thêm kích thích tố giáp trạng để bồi bổ vì bị thiếu.Last edited by frankie; 12-05-2023 at 09:42 AM.
-
12-06-2023, 08:31 AM #134
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 2,680
Vấn đề định bệnh Sjogren hay bệnh khô miệng khô mắt tương đối giản dị. Nếu có những triệu chứng khô như trên và làm thử nghiệm biopsy, cắt một miêng nhỏ màng nhày bên trong môi dưới để xem tuyến nước bọt dưới kính hiển vi thấy có viêm là định bệnh được chính xác. Tuy nhiên trên thực tế, thử nghiêm biopsy ít được làm và nếu chứng khô miệng và khô mắt kéo dài hay làm thử nghiệm xác định nuớc mắt bị suy giảm gọi là Schirmer's test là đủ để định bệnh.
Một số người bị chứng sạn trong ống dẫn nước bọt của tuyến quai hàm (sialoadenitis) cũng thấy bị khô nước miếng nhưng thường bị sưng tuyến này lên như quai bị và làm đau nhiều nên cũng dễ phân biệt với bệnh Sjogren, làm khô cả miệng lẫm khô nước mắt.
Việc chữa trị về khô miệng khô mắt thực ra không có thuốc trị dứt được vì đây là bệnh loại miễn nhiễm, nếu chỉ bị chứng làm khô không thôi, các thuốc loại mạnh chữa về miễn nhiễm sẽ làm gây ra hại nhiều hơn lợi vì các phản ứng phụ của thuốc nên không được dùng.
Trị liệu chính là uống nước nhiều để đỡ khô, nhai kẹo chanh (loại dùng đường hoá học như Equal hay Nutrasweet) để kích thích tuyến nước bọt. Những người bệnh này hay bị sâu răng vì miêng thiếu nước bọt nên phải xúc miệng thường xuyên bằng nước xúc miệng có chất fluoride.
Trên mắt phải nhỏ thường xuyên nước mắt nhân tạo gọi là artificial tears, bán dưới tên Tears Naturale để đỡ khó chịu vì xốn do khô mắt. Mũi cũng dễ bị khô nên phải dùng thuốc xịt mũi bằng nước muối nasal saline spray.
Một số người bệnh bị khô miệng có thể dễ bị nhiễm loại nấm Candida nên nếu bị viêm cổ họng, viêm miệng vì loại nấm này phải dùng thuốc chữa nấm gọi là Nystatin để xúc miệng và diệt loại nấm Candida.
Tóm lại, chứng khô miệng khô mắt khá thông thường, hay xảy ra nơi người đàn bà đứng tuổi. Khi bị những triệu chứng này cần phải đi khám cẩn thận để xem có những bệnh quan trọng về viêm khớp, phong thấp loại nặng đi kèm hay không? Ngoài ra phải thử nghiệm để xem có các biến chứng trên các cơ quan trọng yếu như thận, mạch máu v.v..
Nếu không có các bệnh nặng đi kèm, chứng khô miệng khô mắt chỉ cần đưọc chữa bằng những phương pháp làm đỡ khô và kích thích hay thay thế các chất nước bọt hay nước mắt bằng các loại nước nhân tạo để làm giảm sự khó chịu và ngừa các hậu quả gây ra do việc thiếu nước miếng hay nước mắt
-
12-07-2023, 07:44 AM #135
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 2,680
NHIỄM TRÙNG NGOÀI DA
HỎI:
Da tôi rất độc, mỗi khi bị đứt tay hay bị trầy trụa đều làm độc và sưng lên có mủ. Ngoài ra móng chân cái tôi cũng hay làm độc, nếu không cắt sát, đầu móng chân cái dễ bị đau nhức và làm mủ. Xin bác sĩ cho biết da hay bị làm độc như vậy là tại sao và chữa trị cách nào?
Trần Văn T.
ĐÁP:
Chứng nhiễm trùng ngoài da như ông tả là do loại vi trùng Staphylococcus gây ra. Vi trùng này thường thấy sống trên da và nếu da bị trầy, bị đứt, vi trùng có thể xâm nhập và gây ra nhiễm trùng ngoài da.
Có 2 loại vi trùng Staphylococus. Một loại gọi là Staphylococcus coagulasenegative gồm có vi trùng S. epidermidis là vi trùng không gây ra bệnh trên người bình thường và được coi là loại vi trùng cơ hữu của mọi người ai cũng có (normal flora). Tuy nhiên vi trùng S. epidermidis có thể gây ra bệnh trên những người bị bệnh AIDS hay bị bệnh van tim và ghiền chích choác. Loại khác nữa là S. saprophyticus bình thường không gây bệnh tuy đôi khi có thể làm nhiễm trùng đường tiểu.
Loại vi trùng gây ra bệnh là loại Staphylococcus aureus, thường có ở trong cánh mũi người bình thuờng (70-90%) và từ đó sống ở trên da. Khi da bị đứt, bị trầy hay trên những người bị bệnh dị ứng da làm vi trùng dễ xâm nhập, vi trùng Staphylococcus sẽ xâm chiếm vào bên trong và sinh sôi nảy nở.
Cơ thể sẽ chống cự bằng cách cho các bạch cầu đa nhân ra ăn các vi trùng Staphylococcus. Nếu vi trùng quá nhiều, các bạch cầu đa nhân này sẽ chết và sẽ tạo ra mủ vàng, được bọc bằng một lớp sợi tạo ra túi mủ.
Nếu bị nặng, vi trùng có thể sẽ chạy ra ngoài các túi mủ và vào máu gây ra nhiễm trùng máu hoặc sẽ theo máu chạy đến xương làm nhiễm trùng xương như ở trẻ con, làm nhiễm trùng phổi, thận, van tim, gan, lá mía hay có thể chạy vào óc làm mủ trong óc.
Phần lớn các trường hợp và ở người bình thường không bị những bệnh nặng hay kinh niên như tiểu đường, AIDS, hay các bệnh làm suy yếu cơ thể khác, vi trùng Staphylococcus aureus chỉ ở ngoài da gây ra nhiễm trùng da.
Vi trùng này xâm nhập các lỗ chân lông hay tuyến mồ hôi dưới da gây ra các bọc mủ như ở nách, ở háng, hay trên mặt, cổ, lưng...Nhiều người hay bị nhiễm trùng ở móng chân vì móng mọc ngược đâm sâu vào thịt, đi đứng va chạm ngón chân cái hay cắt không khéo sẽ làm nhiễm trùng và làm mủ ở ngón chân.
Loại vi trùng Staphylococcus aureus hầu hết kháng lại thuốc trụ sinh Penicillin nên khi bị nhiễm trùng da, dùng Penicillin hay Ampicillin hoặc Amoxicillin đều không có hiệu quả. Để trị nhiễm trùng da do vi trùng này phải dùng trụ sinh có chất chống lại với các phân hoá tố Penicillinase của vi trùng như Dicloxacillin, Methicillin.
Những người bị phản ứng với Penicillin không dùng được các loại trụ sinh như Dicloxacillin sẽ phải dùng loại khác như Erythromycin, Clarithromycin tuy hiệu quả ít hơn. Nếu bị làm mủ bọc lớn sẽ phải rạch mủ và dẫn mủ ra mới hết bệnh được.
Hiện nay rất nhiều trường hợp vi trùng Staphylococcus đã kháng thuốc với loại Methicillin gọi là MRSA (methicillin-resistant Staphylococcus aureus), phải dùng loại thuốc Clindamycin, Bactrim hay thuốc mới là mới là Linezolid bán dưới tên thương mại là Zyvox loại 400 hay 600mg, uống ngày 2 lần trong 2 tuần mới trị được vi trùng kháng thuốc này.Last edited by frankie; 12-07-2023 at 07:48 AM.
-
Yesterday, 10:09 AM #136
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 2,680
Điều nguy hiểm với nhiễm trùng da do Staphylococcus aureus là những biến chứng quan trọng như vi trùng chạy vào mạch máu, vào van tim, vào phổi, vào xương. Chữa trị những biến chứng này rất khó khăn và cần phải vào bệnh viện vì đây là những bệnh nặng làm chết được và cần phải truyền thẳng trụ sinh vào máu để chữa rất lâu, có thể cả tháng trời hay hơn nữa.
Ngoài việc gây ra bệnh trực tiếp do vi trùng xâm nhập, Staphylococcus còn có thể gây ra bệnh bằng độc tố (toxin). Thí dụ như nhiễm độc do đồ ăn để dơ có vi trùng Staphylococcus sinh sôi trong đồ ăn và tiết ra độc tố lẫn vào đồ ăn gọi là food poisoning. Nếu ăn phải những đồ này sẽ bị ói mửa rất nhanh trong vòng từ 2 đến 6 tiếng và bị tiêu chảy. Những người bị nặng có thể phải truyền nước biển để thay thế cho số lượng nuớc bị mất. Vì do độc tố gây ra nên trụ sinh không có hiệu quả. Thường chỉ bị trong vòng vài tiếng hay một hai ngày sẽ tự khỏi.
Một loại độc tố khác do vi trùng Staphyloccus gây ra nguy hiểm hơn nhiều và có thể gây chết người được. Loại độc tố này gọi là TSST-1 có thể xảy ra nơi một số người đàn bà khi có kinh nguyệt dùng những loại bông nhét tampons để lâu và bị nhiễm một loại vi trùng Staphylococcus độc. Khi bị độc tố TSST-1 do vi trùng này tiết ra xâm nhập vào máu, người bệnh có thể bị kích xúc, làm suy thận, làm đông máu... và có thể gây ra chết được. Hiện nay, các loại tampons dễ gây ra độc tố của vi trùng Staphylococcus đã bị cấm bán trên thị trường. Tuy nhiên chứng bệnh do độc tố này vẫn còn xảy ra và nguy hiểm nên đàn bà khi có kinh nên tránh dùng các loại tampons nhét và để lâu để ngừa chứng bệnh do độc tố của vi trùng này.
Về vấn đề phòng ngừa bệnh, vi trùng Staphylococcus sống thường xuyên trên da nên giữ vệ sinh da là điều quan trọng. Truyền nhiễm vi trùng này do tay bẩn nên cần phải rửa tay thường xuyên. Các bệnh ngoài da như mụn mặt, trứng cá nên chữa trị tránh cho vi trùng có chỗ xâm nhập và sinh sôi nảy nở. Khi bị đứt tay, trầy tay nên dùng các kem sát trùng như Neosporin, Bactroban để trị và ngừa. Nhiều người hay bị lở mũi và dễ bị nhiễm trùng nên dùng kem sát trùng như Bactroban để bôi mũi.
Những người bị dị ứng da nên chữa dị ứng để tránh da bị quá khô hay bị lở do dị ứng làm vi trùng xâm nhập. Móng chân nếu hay bị đâm vào thịt nên cắt kỹ lưỡng bằng các loại kéo đặc biệt nail clippers để đỡ nhiễm trùng do móng chân. Ngoài ra những người hay bị nhiễm trùng thường quá có thể phải đi khám nghiệm kỹ lưỡng và làm thử nghiệm đầy đủ để xem cơ thể có bị suy yếu về miễn nhiễm dễ gây ra nhiễm trùng. Những bệnh về miễn nhiễm định bệnh tương đối phức tạp nên cần phải khám chuyên môn để tìm bệnh được chính xác và chữa trị hiệu quả.
Similar Threads
-
Giải đáp y khoa
By frankie in forum Sức Khoẻ/Sắc ĐẹpReplies: 0Last Post: 07-18-2023, 01:35 PM -
Giải Nobel và Tôn Giáo : Những Tín Đồ Của Tôn Giáo Nào Giành Nhiều Giải Nobel Nhất ?
By Long4ndShort in forum Chuyện Linh TinhReplies: 3Last Post: 09-04-2014, 08:00 AM -
Thông tin khoa học
By Dân in forum Lượm Lặt Khắp NơiReplies: 2Last Post: 04-10-2014, 04:52 AM -
Thông tin khoa học
By Dân in forum Lượm Lặt Khắp NơiReplies: 1Last Post: 03-28-2014, 06:23 PM -
Làm thế nào để trở thành bác-sĩ y-khoa .... Giáo dục
By 2013CANA in forum Giáo DụcReplies: 0Last Post: 04-01-2013, 04:07 PM