Results 131 to 135 of 135
-
09-18-2024, 08:51 AM #131
- Join Date
- Nov 2016
- Posts
- 1,650
Hai chị em R rrrrrrrrrrrr rủ rrrrrrrrrrrrrrr rê rủ rrrrrrrrrrrrrrrrrrrê nhau đi đọc cọp thoải mái thiệt! Chủ sạp báo Linhphy đổi nghề qua bán trái cây me, cóc, chùm ruột, mận, soài đê ê.............. chấm măm ruốc " Bà Giáo Thảo" ở Vũng Tàu ( chị Bắp, chắc có ghé mua mắm ruốc mà há? Năm đó, chắc chị còn Trung Học. Các " Cây Si" tới chở chị đi chơi tưng bừng hé?)
________________________________________________
đúng là những ngày xưa thơ mộng ấy thăm cháu ngoại " Heo Hồng" " Pinky" của chị một cái.
-
09-27-2024, 11:58 AM #132
Chào Kiến sư huynh
Ôi trời đất ơi sao tự nhiên từ chủ sạp báo lại đổi qua bán trái cây cóc.me ,chùm ruột ...
LPhy hổng quen với chuyện rao hàng ,mời chào huynh Kiến à , thôi thì LPhy an phận làm một
nghề duy nhất nhưng bù lại được lưu giữ trong Phố nhiều bài viết giá trị của nhiều tác giả
cũng là niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống thời @ quá ư bận rộn đó huynh Kiến
Món mắm ruốc bá giáo Thảo nghe nói ở Vũng Tàu ,lúc nhỏ bà ngoại và các dì,cậu có
mua về làm quà cho gia đình LPhy đó chị Bắp và huynh Kiến
Nhanh quá mới đầu tuần mai lại là weekend rồi ,chúc Phố cuối tuần an vui !!
-
09-27-2024, 12:12 PM #133
Cái chết oan khuất của nhạc sĩ Minh Kỳ
Nha Trang là miền quê hương cát trắng
Có những đêm nghe vọng lại, ầm ầm tiếng sóng xa đưa
Nha Trang cánh đồng bao la bát ngát
Hương quê dâng lên ngào ngạt, hòa cùng sức sống yên vui ...
Ai ơi, người về cho ta nhắn với
Nha Trang quê hương dịu hiền, ngàn đời lòng tôi mến yêu ...”
Ai đã sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, hoặc đã từng ghé lại đây đôi lần, đều không quên bài hát dễ thương này, mà cả một thời gian gần hai thập niên,
đài phát thanh Nha Trang đã dùng làm nhạc hiệu mở đầu.
Cuối tháng 3/75, Nha Trang bị nhận chìm trong làn sóng đỏ.
Người Nha Trang đã cùng chịu chung số phận. Kẻ bị giết, người bị tù đày, gia đình, bè bạn, thầy trò, chia ly tan tác.
Số phận của nhạc sĩ Minh Kỳ, tác giả bài hát này (cùng nhiều bản nhạc về Nha Trang khác nữa) cũng đã gắn liền với định mệnh đau thương của thành phố mà ông đã được sinh ra,
hết lòng yêu thương và đã gởi trọn lòng mình qua những dòng nhạc thiết tha trìu mến đó.
Ông đã bị giết. Cái chết thê thảm và oan khuất của ông có lẽ được ít người Nha Trang, - dù còn ở trên quê nhà, hay tha phương khắp chốn - biết đến.
Người viết bài này, có cái cơ duyên được ở chung cùng một trại tù với ông, và cũng đã được tâm sự cùng ông một vài ngày trước khi ông chết.
Đầu tháng 3/75, sau khi Ban Mê Thuột mất, những đơn vị từng sống chết với Cao Nguyên có lệnh triệt thoái.
Tôi theo đơn vị, chỉ còn một phần tư quân số, lần lượt “di tản chiến thuật” vào Cam Ranh, rồi Vũng Tàu để tái tổ chức
, trước khi tham dự những trận đánh cuối cùng “cô đơn và buồn tẻ” ở những địa danh xa lạ:
Cần Giuộc, Bến Lức, thuộc tỉnh Long An, ngăn bước chân địch quân đang ồ ạt kéo về vây hãm Sài Gòn.
Ngày 28/4/75, tôi và cả vợ con, theo lời hẹn của người bạn chí thân, là SQ Hải Quân, có mặt tại Bến Bạch Đằng. Nhưng đến giờ chót, trước sự ngỡ ngàng và tức giận của người bạn có lòng,
tôi quyết định không cùng vợ chồng anh ấy xuống tàu di tản.
Có lẽ anh không hiểu được là tôi cũng đã khổ tâm biết dường nào để có cái quyết định “sống chết” ấy, mặc dù tôi biết trước là rồi tôi cũng phải trả một cái giá, chắc không nhỏ.
Tôi không đành lòng bỏ lại những đồng đội đã theo tôi từ những quê quán miền Trung, mà giờ đây đã trở nên xa tít mịt mờ trong tay giặc, và nhất là cha tôi,
người cha đã làm gà trống nuôi con từ lúc tôi mới lên ba, mà tôi được tin là ông đã bị bắt và đang bị giam giữ ở đâu đó ngoài Nha-Trang.
Tôi không thể xa ông trong hoàn cảnh khốn cùng này.
Điều đáng ân hận nhất là, dù ở lại để chấp nhận mọi điều, nhưng tôi cũng không bao giờ có cơ hội gặp lại cha tôi.
Ông đã chết trong trại cải tạo Đá Bàn, cuối tháng 6/76, và đúng ngay vào cái đêm tôi bị chở bằng xe “bịt bùng” từ trại tù An Dưỡng Biên Hòa ra bến Tân Cảng để xuống tàu Sông Hương ra Bắc.
Mãi gần năm năm sau tôi mới nhận được tin buồn.
Trại tù An Dưỡng Biên Hòa, cũng chính là nơi tôi đã gặp nhạc sĩ Minh Kỳ, và đã tâm tình cùng ông một ngày trước khi ông chết.
Tôi trình diện tại Trường Đại Học Kiến Trúc, bị đưa lên nhốt tại trại tù binh Tam Hiệp. Một tháng sau được chuyển đến trại tù An Dưỡng Biên Hòa, nằm bên cạnh phi trường quân sự Biên Hòa.
Trại An Dưỡng này, trước là một khu quân sự, về sau được chỉnh trang lại để tiếp nhận những quân nhân tù binh của ta được miền Bắc trao trả theo hiệp định Paris.
Họ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng cả sức khỏe lẫn tinh thần ở trại An Dưỡng này trước khi trở về đơn vị cũ và gia đình.
Đến trại này, tôi gặp những anh em ở đây từ trước cùng một số mới được chuyển từ các trại khác tới. Gồm đủ các quân binh chủng, kể cả những sĩ quan biệt phái về các Bộ, và Cảnh Sát.
Trong số này có nhạc sĩ Minh Kỳ. Tôi ở Nhà 1, còn anh Minh Kỳ ở Nhà 3 (?), cách nhau khu nhà bếp (gọi là hậu cần).
Cũng như những người Nha Trang khác, lớn lên vào những năm giữa thập niên 50, đầu thập niên 60, tôi thuộc lòng những bài hát Nha Trang của nhạc sĩ Minh Kỳ,
nhưng chưa hề biết tên thật và cũng chưa được hân hạnh gặp ông. Trong Nhà 1, tôi nằm bên cạnh hai anh bạn tù lớn tuổi hơn tôi.
Một anh từ Trường Chỉ Huy Tham Mưu, một anh làm ở Nha Quân Pháp.
Hai anh này rất tốt bụng và vui tính, có quen biết nhạc sĩ Minh Kỳ. Biết tôi là dân Nha Trang, nên có lần anh đã giới thiệu tôi với anh Minh Kỳ.
Nhạc sĩ Minh Kỳ lớn tuổi hơn tôi nhiều, nên tôi gọi ông bằng Anh và xưng em..
Có lẽ bản tính của anh vốn thầm lặng, ít nói, và đặc biệt trong hoàn cảnh như vừa trải qua cơn ác mộng, chưa biết ngày mai sẽ ra sao này, anh lại càng ít nói hơn.
Gặp anh vài ba lần, tôi chỉ nói lên lòng hâm mộ của tôi về những bài hát Nha Trang, mà với tôi bây giờ nó lại là những kỷ niệm vô giá. Anh thường chỉ trả lời tôi bằng một nụ cười buồn.
Một đêm, cuối tháng 8/75 (31/08/75?),vào khoảng 09:30 tối, cả trại tù đang chìm trong bóng đêm với cả ngàn người tù đang nằm thao thức,
bởi tâm tư còn nặng trĩu lo âu, đang chờ đợi những điều bất trắc nào đó sẽ đến với số phận mình, bỗng một tiếng nổ long trời kèm theo những tiếng la thất thanh,
và rồi tiếng còi báo động, tiếng chát chúa trên loa phóng thanh, lệnh cho tất cả “cải tạo viên” nằm yên tại vị trí, kẻ nào bước ra khỏi nhà sẽ bị bắn tại chỗ.
Khi đám tù chúng tôi chưa hết hoang mang, thì tiếng xích sắt xe tăng T 54 tràn vào trại rít lên từng chặp, chia nhau bao vây từng căn nhà
. Hằng loạt bộ đội, súng gắn lưỡi lê, mặt tên nào cũng đằng đằng sát khí túa vào từng nhà, kéo cơ bẩm lên đạn, quát tháo chúng tôi đứng dậy ngay tại chỗ, hai tay để trên đầu.
Tôi có cảm giác là chúng tôi sắp bị xử tử…
Chúng tôi đứng bất động như vậy cho đến gần 10 giờ trưa. Nhìn qua khe cửa, tôi thấy mấy anh em tù ở nhà 3 khiêng một số người bị thương lên bệnh xá.
Cả ngày sau, tất cả tù đều không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi ra cầu tiêu và ở đó cũng có đầy lính gác. Sau đó, đúng vào ngày 2 tháng 9,
Quốc khánh của VC, tất cả chúng tôi được đưa lên hội trường.
Ngồi chễm chệ trên dãy bàn trước mặt chúng tôi là những “thủ trưởng” không mang quân hàm, nên chúng tôi cũng chẳng biết họ là ai.
Chúng tôi bị “nghiêm khắc” cảnh cáo là “có bọn phản động trong các anh đã dấu diếm vũ khí, mang lựu đạn Mỹ vào để nhằm phá hoại thành quả kách mệnh”(!).
Sau đó chúng tôi làm “bản tự khai tội ác” và bắt đầu bài học số 1, “Đế Quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân ta”.
Khi ấy chúng tôi mới biết tiếng nổ tối hôm ấy đã xảy ra tại Nhà 3, làm chết và bị thương khá nhiều. Mọi dấu tích đã được thu dọn sạch sẽ, như chưa hề có việc gì xảy ra.
Có điều cái “sự cố” thảm khốc ấy, không phải như lời “lên lớp” hù dọa của mấy ông thủ trưởng, bởi một điều rất dễ hiểu là ngay từ lúc vào trại cho đến bây giờ,
đã qua hằng trăm lần kiểm soát, vã lại hành trang mang theo của mỗi người tù đâu có cái gì, ngoài hai bộ áo quần, cái khăn lau mặt và bàn chải đánh răng.
Tiền bạc và tư trang khác đã được “kách mạng” giữ hộ ngay sau khi nhập trại. Vậy thì một trái lựu đạn có phép màu nào lọt vào trong trại.
Điều quan trọng hơn, là nếu người tù nào dám liều mạng mang được lựu đạn vào trại thì cũng chỉ nhằm mục đích giết kẻ thù chứ sao lại giết chết bao nhiêu bè bạn của mình?
Những câu hỏi đó đã có sự trả lời chính xác ngay sau đó. Một số bạn tù ở Nhà 3 và Nhà kế bên kể lại như sau:
Nhà 3 (chứa khoảng 80 tù nhân, đa số là SQ Cảnh Sát) nằm đối diện ngay trước Khu Trực Ban và Nhà Vệ Binh của Trại, chỉ cách nhau chừng hơn năm mét và một hàng rào kẻm gai.
Khi ấy tổ của nhạc sĩ Minh Kỳ đang họp để phân công nấu bếp vào ngày mai, thì một quả lựu đạn được quăng vào vách tôn ngay phía sau làm 3 người chết tại chỗ và khoảng 8 người bị thương.
Nhạc sĩ Minh Kỳ bị thương rất nặng, được anh em tù khiêng lên bệnh xá cùng với những anh em bị thương khác.
Ông bị thương ở ngực, bụng và cổ rất nặng. Biết mình sắp chết nên trăn trối với những bạn tù:
Tụi mày về nói với vợ tao ráng nuôi con tao, chắc tao không sống được.
Sau đó máu ở ngực và cổ chảy ra lênh láng. Ông vừa la vừa rên :
- Sao chân lạnh quá!
- Lạnh quá!
Sao bụng tao lạnh quá!
Sao ngực tao lạnh quá!
Ông chết từ từ, chết từ chân đến bụng rồi đến ngực cho đến lúc tắt thở.
Một cái chết mà chính Ông cảm nhận được, biết được nó đến với mình từng phút từng giây.
Sáng sớm hôm sau, anh em bạn tù, với sự giám sát của toán vệ binh VC, đem chôn các bạn tù vắn số của mình trên một mảnh rừng bên ngoài vòng đai phi trường quân sự Biên Hòa.
Ai cũng biết là trái lựu đạn giết chết nhạc sĩ Minh Kỳ cùng những người bạn tù khác, là do chính bọn VC quăng từ khu trực ban của Trại phía bên kia hàng rào.
(Có một số Sĩ Quan ngành đạn dược còn cho là tiếng nổ ấy có thể là tiếng nổ của đạn B40 hay B41, có sức tàn phá còn hơn cả lựu đạn).
Và cũng sau ngày ấy, chúng tôi phải chịu một trò chơi trả thù ác độc từ phía những người chiến thắng. Mỗi ngày chia nhau đi gỡ các bãi mìn trong hàng rào phi trường quân sự Biên Hòa.
Họ đã bày ra cái trò giết người dấu tay ở Nhà 3, để rồi lại lấy đó làm lý do giết tiếp những người còn lại bằng cái trò chơi đẫm máu “gỡ mìn” này.
Những bãi mìn này do Công Binh của ta thiết lập chằng chịt dọc theo hệ thống phòng thủ phi trường.
Bây giờ, không có sơ đồ những bãi mìn, chúng tôi lại là những người không chuyên môn về mìn bẫy, có nhiều anh em giữ các chức vụ tham mưu,
hay được biệt phái về các bộ khác, chưa hề thấy lại quả mìn sau ngày rời khỏi quân trường.
Vậy mà bây giờ phải tham dự cái trò chơi bất nhân này. Ngày nào cũng có mìn phát nổ, người chết, vài người mất tay, mất chân,
nhưng vẫn không làm giao động được tấm lòng của những người “kách mạng!”.
Và cũng chính nhờ được cắt cử đi đào huyệt chôn một người bạn tù chết mìn, sớm trả “nợ máu” sau ngày miền Nam “giải phóng” này,
đám chúng tôi mới phát hiện được bốn ngôi mộ mới đã nằm sẳn tại “nghĩa trang” vô danh trong một mảnh rừng hoang.
Trước mỗi ngôi mộ được đắp đất sơ sài đó có cái bia làm bằng một mảnh gổ nhỏ. Bọn chúng tôi lén đọc tên trên từng tấm bia viết bằng sơn đỏ, trong đó có tên Vĩnh My (Vĩnh Mỹ?).
Đó chính là tên trong khai sinh của nhạc sĩ Minh Kỳ (Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ).
Dưới sự canh gác nghiêm ngặt của đám vệ binh, tôi chẳng biết làm gì khác hơn là khi đi ngang trước mộ anh để trở về trại, chắp hai tay trước ngực
và cúi đầu tưởng niệm anh cùng những bạn bè xấu số đã chết tức tưởi cùng anh.
Lòng tôi nhói lên đau đớn như vừa bị một nhát chém hư vô nào đó.
Trong tôi vừa mới mất thêm một điều gì, mà với tôi nó trở thành thiêng liêng hơn là kỷ niệm.
Nhiều đêm sau đó tôi trằn trọc cả đêm không ngủ. Dư âm những bài hát NhaTrang của anh lúc nào cũng văng vẳng bên tai tôi.
Tâm tư lúc nào cũng mơ màng đến thành phố Nha Trang, đến ngôi trường Võ Tánh, nhớ da diết những kỷ niệm ấu thơ, của những ngày đi học,
và hình dung đến từng khuôn mặt bè bạn thân quen…
Cũng mới đây thôi, mà bây giờ tưởng chừng như đã là một quá khứ thật xa xăm, mơ hồ như kiếp trước.
Ba mươi năm chiến tranh trên quê hương đã đem lại biết bao điều bi thảm. Vậy mà sau khi chiến tranh chấm dứt lại còn nhiều bi thảm hơn.
Cái chết của nhạc sĩ Minh Kỳ cũng chỉ là một trong hàng vạn, hàng triệu điều oan khiên bi thảm đó.
Nhưng chúng ta xót xa và nhớ đến nhạc sĩ Minh Kỳ, bởi chính vì ông là một nghệ sĩ, một người đã sống và cống hiến cho đời bằng chính trái tim mình.
Đặc biệt với những người Nha Trang và những người yêu Nha Trang, đã mang ơn Ông vì Ông đã cho chúng ta những dòng nhạc biểu tượng của quê nhà,
mà chúng ta sẽ mang theo dư âm tiếng hát cho đến suốt cuộc đời.
Với tôi, những đau đớn này cứ tưởng chỉ chôn chặt trong lòng, không ngờ sau khi xem chương trình nhạc Lê-Dinh trên Thúy Nga Paris trước đây,
trong đó nhạc sĩ Lê-Dinh có nhắc tới cái chết của nhạc sĩ Minh Kỳ, và mới đây là chương trình Huyền Thoại Lê Minh Bằng trên Asia,
đã làm tôi nhớ thật nhiều đến cái chết của Ông và ngồi xuống viết lại những dòng này.
Xin được thay một nén hương lòng đốt lên cho một người đồng hương, đồng tù, bỏ bạn bè ra đi bằng một cái chết thảm thương, oan khuất…
Cũng để được nói lên lòng tiếc thương một nhạc sĩ tài hoa đã làm Nha Trang sống mãi trong lòng người.
Và nếu được phép, xin gởi một lời chia buồn thật muộn màng nhưng với trọn tấm lòng đến gia đình Ông.
Bắc Âu, một ngày không có mặt trời
Phạm Tín An Ninh
-
10-04-2024, 08:03 AM #134
- Join Date
- Nov 2016
- Posts
- 1,650
-
10-08-2024, 03:18 PM #135
Bún ốc anh Bảo Phú nhuận
Người ta đồn anh Bảo bán bún ốc chợ Nhỏ, Phú Nhuận pê-đê.Lời đồn ấy, có dễ, làm gánh bún của anh thêm phần hấp dẫn.
Đàn bà con gái quây quanh anh mỗi sáng đã đành, đàn ông con trai cũng nườm nượp chen nhau vào ăn, không hôm nào không phải chờ ghế.
Miếng ăn là miếng tồi tàn, chuyện giành ghế giựt chỗ xảy ra coi như đương nhiên, anh Bảo chẳng buồn can thiệp nữa.
Quyết liệt nhất là những hôm mưa to gió lớn, đói bụng hơn, thèm ấm hơn nên hung dữ hơn, chỉ vì một tô bún, người ta văng tục hay đục nhau sặc cạch như không.
Gánh bún của anh Bảo nhỏ thôi. Một góc hàng hiên ngồi nhờ nhà bán than đầu ngõ chợ.
Một manh bạt nhựa che mưa chắn nắng, năm này qua tháng nọ,
chưa kịp ráo khô với ẩm ướt cũ đã oằn lòng hứng đầm đìa mới, phạc phờ thâm kim.
Một chiếc bàn dài phủ miếng ny-lông bông xanh bông tím là bông, ơi là bông.
«Giấy rách phải giữ lấy lề, có tấm khăn giải cho nó lịch sự», anh Bảo, có lần không hiểu vì duyên do gì, đã thở ra một câu như thế.
Một lon ghi-gô dùng làm ống đũa, đũa tre đũa gỗ chung đụng nhau, trắng có, đen có, nâu có, vàng có, trơn có, chạm có, vẽ có, sơn có, lổn ngổn ngắn dài, khách ăn phải tự so lấy
, và, vẻ như, ấy là một cái thú, một bổn phận, một đóng góp trong lúc chờ đợi Người Chủ Lễ Bún soạn sửa những lệ bộ khác...
Cạnh ống đũa: một thau ớt xào. Anh Bảo xào ớt khéo lạ lùng, cay đậm và thơm sâu chứ không khét dầu, càng «không hời hợt thứ cay hỗn, cay giả mạo, phù phiếm!»
Lời anh nói về ớt anh như thế, vừa tự hào vừa ra chiều... cay đắng (?).
Nhiều người bảo mê bún anh chỉ vì khoản ớt này.
Nhưng đừng có dại đi hỏi anh xào làm sao, gặp lúc ươn người, anh mắng cho không kịp vuốt mặt, đại khái «đồ con nhà táo tợn vô duyên,
hết chuyện hỏi rồi hay sao mà đi hỏi cái chuyện thầm kín thâm sâu của người ta (!)»,
còn như may mắn, thì sẽ được anh lịch sà lịch sự nhỏ nha nhỏ nhẻ: «A, cái đấy là bí mật gia truyền».
Ngoài ớt, anh còn bày hũ gia keo đựng nước mắm pha gừng già đâm nhuyễn, lọ mắm tôm quấy sệt, bọt bung trắng xóa bãi bờ, và thố sành sóng sánh nước me dầm.
Thố sành này bị lở một bên quai. Cũng như mấy cái bát chiết yêu của anh, sứt môi nẻ miệng lung tung mà anh không thèm thay bát mới.
Chẳng ai thắc mắc, người ta cứ và, cứ húp, cứ xì xà xì xụp vô tư.
Trừ lần kia, có cô tiểu thư ra dáng con nhà gia giáo nhăn nhăn cái mặt phàn nàn chuyện bát mẻ khiến anh Bảo tự ái, xua tay hờn: «Hàng tôi có thế thôi, cô ăn giúp».
Cô gái thấy quần chúng nhân dân nhòm ngó mình dữ quá, đâm thẹn, bưng bát lên, lua đại lua đến. Tội nghiệp!
Chiếm nhiều chỗ trên bàn nhất là cái nia tròn to cỡ khuỷnh tay ôm, ngun ngút xanh um những rau muống chẻ, lá quế, húng chó, kinh giới, giá đỗ,
bẹ chuối bào và xà lách thái sợi thuốc lào nhập nhằng độn lận.
Bên Tây này, mỗi lần nấu nồi bún, khổ tâm nhất chính là khoản rau.
Phiên phiến đi thì cũng được thôi, như cuộc đời vậy, bao nhiêu mơ ước để cho đời đáng sống, mà không được thì cũng đành thôi, biết sao.
Thì cũng đành thôi, chỉ xà lách với lá menthe, thay vì. Nhưng như thế là chắt bóp con mắt, là cụp hứng cái lưỡi, là nản chí cái răng, là hãm phanh cái bụng.
Con mắt không hưng phấn, bao tử tất nhiên rụng rơi ham muốn.
Mà, cứ nhất định đa mang thì mất toi như chơi cả nửa ngày rong ruổi từ Paris Store qua Tang Frères, từ Thanh Bình qua Chợ Lớn, gom góp cho đủ các loại rau thơm, của phải tội, rẻ gì cho cam.
Quanh bàn, anh Bảo đặt độ mươi ghế đẩu thâm thấp đóng bằng gỗ tạp, xinh vừa mông con gái mới lớn.
(Lắm bà mâm đã năm bảy lửa, ngồi ụp lên, chẳng còn thấy cái ghế đâu nữa!)
Anh Bảo ngồi đằng sau bàn lễ, uy nghi đường bệ trên chiếc ghế có lưng tựa, tay vịn, trông như ngai vua.
Bên phải anh là thùng nước lèo mưa nắng hai mùa đều nóng bỏng.
Anh châm lửa luôn. Dáng anh cúi xuống trông lò, khi đẩy thêm khúc củi, khi cời than giữ lửa, cung cúc, tận tụy như bà mẹ kỹ tính chải chuốt cho cô con gái nhỏ.
Bếp anh kê bằng mấy hòn gạch ống, đun củi khô nên nỏ lửa vô cùng. Ngày mưa, ghé hàng anh, vớ được cái ghế rồi chỉ muốn ngồi mãi để hít, để hơ,
hưởng hơi ấm từ bếp lên nồi, từ nồi qua tô, từ tô vào miệng, xuống bụng, chan hoà lòng dạ.
Nhưng vào mùa nóng, trông anh Bảo đến khổ. Mồ hôi mẹ mồ hôi con cứ là rưng rưng. Anh ưa mặc áo thun ba lỗ, nước mặn anh lăn tới đâu,
tôi dò theo tới đó, canh chừng xem cái dòng sống động kia liệu có chảy quá đà,
anh ngăn không kịp, rơi tòm ngay vào tô bún của tôi hay không...
Ấy là cứ khéo lo con bò trắng răng, chứ anh Bảo tỏ vẻ ý thức rất cao về thân thể mình. Việc chặm quẹt mồ hôi đối với anh cũng giống như nàng thiếu nữ mới lớn vén tóc làm duyên
. Bàn tay anh tuy đen đủi nhưng nhu mì, lúc vội vàng quẹt ngang hay khi thong thả rút chiếc khăn mùi soa bằng vải cô-tông xanh lơ kẻ sọc đậm từ trong túi quần ra
chặm chặm, mấy ngón tay đều cong vênh khả ái.
Cử chỉ mềm dịu ấy, có dễ, là một trong những dấu hiệu khiến người ta tủm tỉm cười hay nháy mắt với nhau, để củng cố cái tin đồn.
Anh Bảo bán bún ốc chợ Nhỏ, Phú Nhuận bóng lại cái: là thật.
Bàn tay năm ngón linh hoạt, thoắt gạt ngang dòng mồ hôi ưỡn ẹo trên thái dương bên phải lại thoắt thò qua thúng bún tươi rỡ bên hông trái.
Cái thúng rộng lòng, đan bằng nan tre, đáy cùng lưng lót lá chuối xanh mướt. Bún trắng nuột, quấn thành con tròn lẳn, vừa hai bàn tay bụm.
Anh Bảo chỉ bằng một bàn tay, vừa xé vừa xơi vừa bốc vừa vén. Bún vào bát gọn gàng, chính xác. Đôi mắt là bàn cân, anh thêm vô một lọn, bớt ra một dúm,
sao cho tô nào cũng như tô nấy, lưng lưng vừa để khi chan nước dùng vào, tô bún không lõng bõng cũng không đặc cạn.
Đơm bún xong, anh khẩy vài con ốc bưu, đã được lẩy sẵn ra cái xô nhựa (cũng) gãy quai cho lên trên mặt bún.
Hàng anh là như vậy, đồ nghề sứt càng gãy gọng hết trơn mà anh cứ tỉnh bơ, nhất định không sửa, đổi gì.
Cái chảnh nó nằm ở chỗ đó, cái duyên nó cũng nằm ở chỗ đó, tui vậy đó, chịu chịu hổng chịu... ráng chịu.
Cái xô chứa ốc này được kẹp ở một vị trí tế nhị: giữa hai đùi anh Bảo. Chẳng hiểu để thế nó tiện tay tiện chân hay chỗ đó gần trung ương, dễ kiểm soát,
không sợ bị gắp trộm vì ốc là thức ai cũng ưa chuộng mà lại đắt vốn nhất cho anh Bảo.
Thời mẹ còn là nữ sinh Gia Long, cũng như bao cô bạn cùng trường, bà mê xe gỏi đu đủ khô bò trước cổng trường.
Cứ tan học, các cô lại vây quanh xe gỏi thưởng thức trước tiên bằng mắt đôi bàn tay thông thạo của bác hàng gỏi bốc đu đủ bào nhuyễn cho vào cái đĩa nhôm trẹt,
xong nhắp cây kéo sắt khổng lồ cắt vài miếng khô bò nâu nâu óng ả, rải lên trên nhúm húng quế xanh tươi, nhúm đậu phọng rang vàng đâm nhỏ, xịt tí tương đen, dấm đỏ, tí nước ớt...
Gỏi trao tay rồi, môi lưỡi chỉ có nước quýnh quáng đón lấy để lập tức xuýt xoa vì ngọt bùi chua cay pha lẫn.
Khách ăn bún anh Bảo không biết có mấy người miên man nối kết như tôi...
Ý hại thân, cứ nhắm mắt ăn bừa đi, đừng nghĩ ngợi này kia thì mới thấy ngon.
Sợ bẩn, sợ bệnh thì bao nhiêu hàng quán ra đấy, còn ai ăn ai bán.
Thao tác chan nước dùng của anh Bảo cũng thật là điệu nghệ. Trước khi chan, bao giờ anh cũng ngắm nghía xem tô bún đã cân bằng bún, ốc đàng hoàng chưa.
Miệng nhắc thằng nhỏ phụ việc: «Đã có rau cho khách chưa, khách muốn rau trụng hay rau sống... »
Tay vung cao cái muôi như dũng tướng vung đường gươm sát. Anh múc một muôi nước dùng đầy chan ngập tô, rồi anh dùng lưng muôi chận phần bún,
ốc bên trong, nghiêng tô cho nước trần chảy từ từ ngược lại vào nồi. Ấy là dạo trước, là làm ấm.
Ấy là dạo trước, là làm ấm. Sau đó tới bước chan nhấp.
Anh dội ít một từng hớp nước dùng vào khắp các góc tô, thật đều, cẩn thận, công bằng, không để phần bún nào chịu nguội lạnh kém phần bún nào
. Độ bốn năm hớp thì vừa đầy, thì mới rải hành ngò, thì trao được cho khách với lòng an tâm.
Khách nào anh cưng thì anh nhắc: «Có nước mắm gừng đấy em ơi, nêm mắm tôm giùm anh, bỏ ớt chưa, anh bỏ cho nhé... »
Tôi có lần được anh cưng như thế, sướng mê ly, dù chẳng hiểu thằng cha đồng bóng này sao tự dưng lại ưu ái mình thế.
Cái sướng nhân đôi, khi chỉ ngay sau đấy,
chính mắt tôi chứng kiến anh hắt hủi một người khách khác, mà cũng chẳng hiểu tại sao anh khó chịu với người ta như thế!
Khách nào anh thấy ghét, kiểu như cô tiểu thư bày đặt thắc mắc cái tô mẻ thì anh nguýt anh ngoáy, anh nói mát, nói hờn, ôi thôi đủ bộ điệu.
Đôi khi, có mấy chàng thanh niên vui tính, thích đùa nghịch, cố tình trêu chọc cho anh giận để anh liếc, anh bĩu mà cười với nhau.
Cũng có mấy chị, mấy bà gặp hôm anh trái tính dấm da dấm dẳn, làm cho đến phật lòng, ra khỏi hàng anh, thề từ giờ trở đi không thèm ghé nữa.
Mấy ai giữ được lời thề?
Anh Bảo cười nhạt, kiểu chấp đấy, dăm bảy bữa nữa rồi xem, mà có không trở lại thì đây cũng cóc cần!
Khổ nỗi, anh có khuynh hướng cưng chiều khách nam nhi hơn nữ giới.
Những bà bị anh xử tệ, bới cho toàn ốc nát hay dạo bún qua loa nguội lạnh vào chợ kháo ầm lên rằng anh thấy đàn ông bô trai thì sóng mắt long lanh
Một hôm trước khi đi Tây, tôi có tìm đến hàng anh ăn gỡ. Hôm đó nhằm ngày rằm, nên trời cũng trưa rồi mà anh còn ngồi đó.
Hàng họ vắng vẻ, múc cho tôi tô bún tươm tất, có phần hậu hĩnh xong, anh co một chân lên gác trên mép ghế.
Trời bỗng không tối đi, mây ở đâu ù ù bâu lại, mưa đổ như chỉ đổ xuống hàng bún.
Anh Bảo đẩy xô ốc qua một bên. Âu cũng lạ, lần cuối cùng ra ăn hàng anh sau mười mấy năm tri kỷ tình bún ốc cũng là lần đầu tiên tôi
thấy anh hờ hững xa rời xô ốc quý. Rồi tôi thấy anh vấn thuốc.
Anh trải, anh cuốn, anh vê, anh liếm, anh đốt, anh rít, anh lim dim, sướng sướng, buồn buồn, anh mơ màng, đăm chiêu heo hút. Tôi nhớ đã bỏ tô bún xuống.
Cơn mưa lạ lẫm. Anh Bảo lạ lẫm.
Bên gánh bún chợ vãn đã nghiêng nồi trên củi than tàn lụi, anh Bảo ngồi lơ chơ, tóc bạc như chợt hiện giữa đầu, thốt nhiên, cùng khắp.
Đầu thuốc rựng đỏ từng chặp một, đôi mắt đã băng vào trong mưa. Tự nhiên tôi có cảm tưởng anh sắp ca vọng cổ.
Tự nhiên tôi thấy anh đẹp não nùng. Còn tôi, sao tự nhiên muốn khóc. Từ là từ phu tướng... bảo kiếm sắc phán lên đàng...
Nhưng tôi không truy tìm để thấu hiểu nguyên do phút xuất thần độc đáo của anh, lại xảy ra, trùng hợp, như duyên, trước ngày tôi rời xa góc hàng hiên đầu ngõ chợ nghèo nàn thân thuộc.
Trong đời có những điều, đôi khi tầm phào thôi, ta không hiểu, mà vì một lý do nào đó, hay chẳng vì sao cả, ta cho qua dễ dãi đến không ngờ,
để về sau cứ mãi Tại sao...?..
.Lần về thăm nhà đầu tiên sau mấy năm đi xa, tôi vội vã tìm ra chợ Nhỏ. Lặng người.
Góc hàng hiên khi trước anh Bảo ngồi bây giờ vắng ngắt.
Cánh cửa nhà bán than đóng im, đen ám. Thấy tôi hỏi thăm với vẻ hoang mang, mấy bà bán cá khô đầu chợ vui vẻ mách: «Muốn ăn bún ốc hả, quẹo qua ngã tư một chút tới liền.»
Tôi quẹo qua ngã tư, tìm... A, bàn ghế! A, nồi bếp! A, bát đũa! Thế là chân giục cẳng mau mau bước vào.
Nhưng, anh Bảo đâu? Ngai không vua! Ghế chủ lễ trống!
Tim tôi trượt vỏ chuối té nhào, sợ, không biết sợ gì, nhưng sợ... , điều chỉnh, tự trấn an, hượm đã nào...
Chắc anh đi vào nhà trong lấy ốc... Nghĩ vậy, chân lại mau mau bước.
Nơi đây hẳn hòi là một quán ăn. Có lẽ mấy năm làm ăn khấm khá, anh Bảo đã thuê hẳn mặt bằng này để khuếch trương hàng họ,
nâng cấp bún ốc. Đưa mắt quan sát một vòng, tôi nhận ra những cái mới.
Khách đến ăn bún bây giờ được kê bàn kê ghế cao ráo riêng biệt chứ không lê lết quây quần như xưa.
Chồng tô kê trên bàn lễ trắng muốt men sứ, nạm dát hoa lá kiểu cọ sang trọng. Bỗng thấy khó chịu, thấy nhớ mấy cái bát chiết yêu bằng đất nung vẽ con gà chổng đuôi đơn sơ ngày trước.
Một thằng nhỏ bước ra chào và đem cho tôi cái khăn gì như khăn lông loại mỏng, cắt nhỏ cỡ bằng cái khăn mặt, ướp lạnh, có tẩm mùi nước hoa nồng sặc.
Nó so cho tôi đôi đũa. Bảo là so chứ thật ra mớ đũa nhựa giả ngà trong ống có chiều cao ngang bằng nhau cả, nó chỉ việc rút ra một đôi đặt trước mặt tôi, ra cái chiều o khách
. Rồi nó hỏi tôi: «Cô ăn gì?»
Tôi cười, thầm nghĩ thằng bé này giễu dở, người ta đã bước vào hàng bún ốc lại còn vẻ vời hỏi ăn gì!
May quá, tôi nghe tiếng chân nằng nặng bước tới từ đằng sau. Chưa thấy mặt đã nghe lời. Anh chào hỏi tôi thật niềm nở: «Cô ghé quán, cô mạnh giỏi?»
Giọng anh là lạ. Tôi chưa kịp ngoái lại đã rỉa anh: «Anh bây giờ hết chuyên nghiệp rồi
! Sao mà nấu nướng nhiêu khê thế này?»
Rồi tôi im lặng. Cho đến khi rời quán, tôi chỉ mở miệng nói hai câu:
- Một tô bún ốc. (Khi anh hỏi tôi ăn gì)
- Lịch sự lắm. (Khi anh hỏi tôi thấy quán thế nào)
Trong giấc ngủ ngật ngưỡng trên máy bay trở về Paris chuyến đi ấy, tôi mơ thấy anh Minh, người đàn ông trắng trẻo, phốp pháp, nhễu nhão như một thớt bột rớt.
Minh kể tôi nghe chuyện Bảo... Miệng Minh trơn tru, tay khuấy khua loạn xị.
Minh «trị» nước dùng bắng nhắng như đảo rau rang đậu, khiến nước đục ngầu ngầu, mấy miếng cà chua chín bầm dập trôi nổi lều phều trên một dòng suối máu.
Giọng Minh the thé: «Dã, xin lỗi cô, tôi là Minh, anh họ của Bảo, chứ hổng phải Bảo... Bảo nó đi Pháp rồi cô à...
Thằng Bảo, tưởng qua Tây sướng, hóa ra lại cực. Trước cũng nồi niêu, nhưng làm chủ, tha hồ chảnh chọe.
Giờ cũng nồi niêu, mà đi nấu cho người ta. Cày thuê cuốc mướn, bảo sao nghe vậy, cô ơi.
Tui sang lại của nó cái hàng này.
Nấu y chang hồi xưa à, cô thấy hông? Chiều khách còn hơn nó nữa á... ».
Thầm điểm các tiệm ăn có món bún ốc ở Paris, tôi băn khoăn.
Anh Bảo ở Pháp, nhưng có ở Paris không?
Anh đứng bếp cho nhà hàng nào?
Bún ốc, anh có vẫn say sưa hay chỉ còn là niềm nhung nhớ...
Mạch Nha
Similar Threads
-
Truyện ngắn Nhật Bản
By Thùy Linh in forum TruyệnReplies: 1Last Post: 06-03-2023, 08:22 AM -
Điệu Nam Ai- Truyện ngắn - Ngô Ái Loan
By MưaPhốNúi_ in forum TruyệnReplies: 2Last Post: 08-18-2020, 08:41 PM -
Truyện ngắn Mặc Bích
By Frank in forum TruyệnReplies: 10Last Post: 05-31-2014, 12:08 PM -
Những kẻ lạ - Truyện ngắn Mặc Bích
By Frank in forum TruyệnReplies: 0Last Post: 08-10-2013, 01:44 PM -
Truyện ngắn của Mưa PN
By Mưa PN in forum TruyệnReplies: 16Last Post: 11-02-2012, 09:30 PM