Results 41 to 46 of 46
-
12-02-2024, 10:14 AM #41
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Lỗi Tại Ai? Đổ Lỗi Cho Ai?
Khi rời bỏ quê cha đất tổ, ngay khi vào Nam cũng như nay sống lưu vong trên đất khách quê người, phần mộ tổ tiên không thể mang theo được, nhưng lề thói phong tục tốt cũng như xấu đã mang theo và đã ăn sâu vào đầu óc mà phần lời người Việt đều mắc phải cái bảo thủ cổ hủ của một số nhà Nho “nửa mùa” rồi gieo rắc vào đầu dân chúng, chỉ sợ người khác hơn mình, cái gì ở nơi mình cũng nhất, cũng hơn thiên hạ.
Ở nhà thường đem thuyết “ngày xưa các cụ”, “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”, “phu xướng phụ tủy”. Cách xử thế “cá vú lấp miệng em” giữa con người với nhau cho đó là luân lý, đạo đức thánh hiền. Đã là đạo đức, luân lý thì phải dựa trên căn bản luân lý, sự thật công bình bác ái. “Phu xướng phụ tủy” cũng phải tùy theo loại phu, loại chuyên môn ăn hiếp, hơi một tí quát tháo, chửi bới, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh vợ chửi con, khi ra ngoài thì mắt la mày liếc, tán cô nọ theo bà kia, rồi về nhà phụ phải tủy hay sao?
Mỉa mai thay hiện nay vẫn còn những người khư khư ôm thói tục này và cho đó là kho tàng đạo đức thánh hiền để lại. Đã là người, ở địa vị hay tuổi tác nào cũng có lúc lầm lỡ, “nhân vô thập toàn”. Ai cũng có cái hay cái dở, nên học hỏi, bổ túc cho nhau trong tình yêu thuơng, kính trọng lẫn nhau.
Trước 75 cũng có nhiều đôi trong tình trạng gia đình nệ cổ, độc đoán bị “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, cậu hay cô không bằng lòng, phản đối thì bị mắng chửi, quá nữa còn bị đòn, bất kể phạm đến nhân phẩm, tự do của các con. Đôi bên cha mẹ cứ việc mai mối định ngày vu quy, nghênh hôn bất kể nỗi lòng đau khổ của con với một câu của cha mẹ an ủi: “Bây giờ chưa yêu, rồi sau khi cưới sẽ yêu nhau, không sao đâu”.
Một số gia đình thiếu căn bản giáo dục từ trước, tới đất tự do đầy cám dỗ chóa mắt với nhiều mới lạ, lao đầu vào chốn ăn chơi, say mê ánh đèn mầu như những con thiêu thân tự cho mình biết ăn chơi văn minh chẳng kém ai. Về đến nhà gặp chồng hay vợ mình thiếu lời ngọt ngào tâng bốc vuốt ve, chỉ cắm cúi đi làm, thu vén nhà cửa săn sóc các con để dành tiền mua nhà hay để khi các con lớn lên ăn học sau này tốn kém.
Ông chồng bà vợ chân chỉ đạo đức đã không chịu chiều theo thị hiếu của bọn suy đồi đã mắt căn tính, gia đình đối với bọn họ giờ đây là nơi tù đầy giam hãm họ, làm cho họ khổ, khi phải đối diện với vợ hay chồng cho rằng cổ hủ không còn chút khả ái nào như khi mới lấy nhau, là chướng ngại cản mũi họ bằng bổn phận bằng lời khuyên. Họ chán ngán gia đình chỉ tìm cách gây sự chống đối để lấy cớ xa gia đình “ma đưa lối quỷ dẫn đường”, bao giờ cũng vẫn sẵn những đồng chí như họ đang chờ đợi họ bên ngoài ngưỡng cửa gia đình.
Những kẻ phản bội tận cùng lương tâm đôi khi cũng lóe sáng nhận biết tội lỗi, nhưng không đủ can đảm dứt khoát. Hồi đầu khi có thân quyến khuyến bảo, họ chỉ biết đưa ra luận cứ lỏng lẻo bào chữa tội bằng cách đổ cho cha mẹ trước kia đã ép duyên, đánh chửi bắt họ phải lấy chồng lấy vợ, người mà họ không hề yêu, họ đã phải khổ trong mười mấy năm trời nay, sống với nhau chỉ như cái xác không hồn. Một lối ngụy biện nguy hiểm ấu trĩ cho những người nghe đồng bệnh tương lân.
Thảm cảnh gia đình họ Vũ vừa mới xảy ra cách đây không lâu tại Houston, Texas, năm mạng người chết một cách tức tưởi, hỏi ai đã gây nên tội? Người cha quá tức tối người vợ và tình địch đã trút hận thù vào lũ con vô tội, bắn chết 4 đứa con rồi quay súng tự sát. Để tránh đau khổ nhục nhã cho gia đình, người chồng đã không đủ can đảm, nhẫn nhục chờ thời gian hàn gắn lại. Thường tình người vợ và tình địch phải nhận hậu quả tội lỗi do họ gây nên mới đúng.
Làm vợ làm mẹ thời gian dài, quá đủ kinh nghiệm gìn giữ gia đình, còn đổ lỗi cho cha mẹ sao được. Không còn yêu chồng, yêu vợ cũng còn bổn phận đối với con cái, không còn chút tình thương nào đủ hy sinh cho con cái nữa sao? Đang tâm dứt tình mẫu tử, phụ tử để hệ lụy ảnh hưởng xấu suốt đời cho các con, Những kẻ phản bội là hạng người ích kỷ, chỉ biết tìm khoái cảm cho mình, khi chán người này lại tìm kẻ khác. Bọn người thiếu bổn phận làm cha mẹ không biết thương con, biết bao những trẻ con thiếu cha thiếu mẹ, mồ côi sống trong cảnh bi đát đã không lung lay nổi những con người trụy lạc.
Xin những bậc làm cha làm mẹ hãy nghĩ đến đàn con thơ đang sống trong vòng tay cha mẹ nỡ lòng nào hất đổ hy vọng các con mình đã sinh ra, đang tâm xô chúng xuống vực thẳm hay sao? Chỉ vì tính ích kỷ, tìm khoái cảm nhất thời đến nỗi tan vỡ hạnh phúc để khổ lụy đến đàn con. Ít khi có trường hợp bị lỡ làng duyên phận một cách chính đáng.
Nhiều đôi đã lấy câu “duyên số” an ủi lẫn nhau, đôi bên thông cảm tạo dựng gia đình hướng về tương lai, dồn tình yêu bổn phận cho con cái và đặt nền tảng thăng tiến cho xã hội. Dù sống ở đâu cũng hội nhập, thu nhận lấy mỹ tục của người nhưng vẫn giữ trọn văn hóa gốc Việt.
Tuyết Minh
-
12-03-2024, 09:56 AM #42
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Chính Sách Theo Đuôi Của Cộng Sản
Tờ Văn Nghệ Tiền Phong số tân niên đến tay tôi vào những ngày đầu năm Mậu Thìn. Lại thêm một cái Tết nơi xứ người, một cái Tết thiếu vắng rất nhiều thứ, rất nhiều ý nghĩa. Không còn những cảnh họ hàng, bạn bè lui tới chúc Tết nhau, thiếu đi cái không khí nhộn nhịp nhưng không kém phần nghiêm trang của ngày Tết, và tệ hơn nữa là ở bên này địa cầu, sống gửi nơi đất người mà lòng còn nặng trĩu tình với quê hương. Cùng với ngày 30-4-1975 với bước chân dầy xéo của Cộng Sản, những người như tôi phải bỏ nước ra đi, long đong nơi xứ người, còn kẻ ở lại bị tước đoạt tự do và ý nghĩa của cuộc sống.
Đọc những dòng chữ, những mẫu tin vắn về thể thao trong tờ Văn Nghệ Tiền Phong, tôi thấy ngao ngán và cay đắng làm sao! Ngày nay ở quê nhà, từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến thôn quê, thể thao được cổ võ kịch liệt. Khắp nơi đều có tổ chức những giải đá bóng, bơi lội, bóng rổ v.v… Thể thao được nêu cao và hoan hô hết mình (dĩ nhiên chỉ có người cộng sản hoan hô!!!) cho dù người dân chỉ còn da bọc xương và với cái dạ dầy lép xẹp. Lại thêm một đường lối ru ngủ thanh niên – tôi tự nghĩ - có khác gì thực dân Pháp ngày trước đâu? Thanh thiếu niên là mầm mống chống đối nguy hiểm nhất. Và bài học ru ngủ, ve vuốt được áp dụng để người dân quên đi nỗi thống khổ, uất ức đang lan tràn sâu xa khắp nơi, ngày một lớn mạnh.
Giai đoạn từ 1940 – 1944, dưới thời toàn quyền Decoux với “Phong trào thể thao và thanh niên” được trao cho Jean Ducouroy tổ chức. Thể thao thời đó được cổ võ rầm rộ khắp nơi. Các trường huấn luyện viên thể dục được thành lập. Jean Ducouroy về tận các phủ, huyện, khánh thành sân vận động để thu hút thanh niên. Các tổng lý có nhiệm vụ đốc thúc các thanh niên đi đón rước rất ồn ào và phải hát bài quốc ca Pháp là bài La Marseillaise, kế đến hát bài ca tụng chánh phủ Pétain. Có nỗi uất ức nào cho bằng nỗi uất của dân bị trị?
Bài quốc ca là bài hát thiêng liêng của một nước lại cũng không có. Thật là chua chát và mỉa mai thay! Không phải chỉ giới thanh niên mới cảm thấy cái nhục nhã đó, thế nhưng thành phần thanh niên với sức sống mạnh mẽ của tuổi trẻ, với bầu nhiệt huyết, với hăng say, dễ bị khích động, bầy tỏ lòng bất mãn mạnh hơn tuy chỉ ngấm ngầm chứ chưa dám công khai.
Tôi còn nhớ không đích xác lắm nhưng vào khoảng năm 1943, cụ Nguyễn Văn Tố nguyên giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội đã thành lập phong trào Tuyền Bá Quốc Ngữ với sự phụ giúp của tổng thư ký phong trào là ông Nguyễn Hữu Đang (sau này Nguyễn Hữu Đang bị Cộng Sản thanh trừng) và nhóm thanh thiếu niên hướng đạo đầu tiên ở Việt Nam (tráng đoàn Lam Sơn). Mục đích của phong trào là quảng bá chữ quốc ngữ, nâng cao dân trí, mở mang trí tuệ cho những tầng lớp thấp kém, chống nạn mù chữ.
Thế nhưng bên trong, phong trào cố đưa vào, thức tỉnh người dân thấy nỗi chua cay của thân phận nhược tiểu; nung nấu lòng bất mãn, ý chí phấn đấu đề phòng một ngày dành lại độc lập cho xứ sở. Các thanh niên đã vào tận các làng để truyền bá chữ quốc ngữ. Các vở kịch với nội dung đấu tranh được các anh em hướng đạo dựng lên với thâm ý nhắc nhở người dân đến nỗi nhục nhã, cay đắng của dân Việt dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Viết đến đây tôi vẫn còn cảm thấy vẫn còn nhớ đến những giây phút mà máu nóng trào lên mặt, bừng bừng với những tức tối, uất ức khi phải hát bài quốc ca Pháp.
Trở lại với phong trào thanh niên và thể thao do Pháp đề xướng để ru ngủ thanh niên thời đó, để dân Việt quên đi nỗi hậm hực, bất mãn mà bắt tay với Pháp. Nhưng đề tài thi đua có giải thưởng đánh vào lòng yêu chuộng thể thao và tinh thần ganh đua của thanh niên. Và dĩ nhiên dân trí càng thấp càng dễ trị, càng dễ bảo. Bao nhiêu năm sau, người cộng sản Việt Nam hay nói cách khác đó là loại người Việt Nam đã quên hay chối bỏ nòi giống mình, loại người không đáng được khoác vào hai chữ Việt Nam, cũng đã lập lại chính sách cũ rích từ thời Pháp thuộc để lại mà thống trị dân mình.
Nhưng người công sản có biết đâu bài học đó đã lỗi thời và dù sao dưới thời Pháp thuộc, dân tình nhưng cũng không đến nỗi như ngày nay. Người dân Việt bị lột hết từ thể xác đến tinh thần. Thể thao thế nào được với manh áo rách, với dạ dày lép kẹp, với nỗi uất ức đang tiềm tàng chất chứa trong tim phổi, chỉ chờ ngày bừng lên, ùa ra phá tan mọi xiềng xích, dành lại quê hương.
Ở bên này địa cầu, câu hỏi được đặt ra: Cộng Sản lập lại bài học của thực dân để trị mình, thế liệu người dân Việt, người Việt quốc gia ở quê nhà có dùng những phương tiện, những đường lối như ngày xưa cha ông chúng ta đã dùng để đánh đuổi thực dân ra khỏi đất nước? Những phong trào kháng chiến ở quê nhà đã được nhắc đến, đã mang lại niềm an ủi và hy vọng vô biên cho những người ở trong nước cũng như những người đang lang thang lưu đầy trên khắp địa cầu.
Ngày trở về với quê hương yêu dấu, không còn gông cùm cộng sản sẽ không xa. Tôi mong đến ngày đó biết bao cho dù tóc đã ngả mầu, nhưng còn thế hệ con tôi, cháu tôi… và tôi vẫn cứ hy vọng, hy vọng một ngày mai tươi sáng cho quê hương tôi, dân tộc tôi.
Tuyết Minh
-
12-04-2024, 09:32 AM #43
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Mê Tín
Nói đến mê tín dị đoan, người ta nghĩ đến các dân tộc có trình độ bán khai, những miền thôn quê hẻo lánh, ít được tiếp xúc với văn minh khoa học, không nên trách họ còn mê tín dị đoan. Ngay những người ở thành thị, người có học thật đáng trách vì họ không chịu tìm tòi học hỏi, vẫn còn vướng vào truyện mê tín vô lý, đưa đến những hành động dã man, bất công, nhẫn tâm, lại còn bị thiệt hại đến trước mắt.
Một bà mua được căn nhà mới, mời thầy biết xem phong thủy đến coi hướng và cách xếp đặt trong nhà sao cho được làm ăn thịnh vượng, và giữ được ông chồng mà bà mới chinh phục được tuy ông này đã có vợ cái con cột.
Ông thầy đi coi nhà trong, nhà ngoài, đằng trước đằng sau, trầm ngâm một lúc thầy phán: “Nhà có hai lối vào, một cửa chính và bên cạnh nhà để xe có vườn, không nên đi của chính, hãy làm con đường nhỏ bên nhà để xe, đục cửa hông nhà làm cửa chính đi vào nhà, trong nhà lò sưởi phải đi từ phòng khách lại phòng ăn, bịt chỗ lò sưởi cũ rồi đặt bàn thờ thổ địa vào đấy.”
Gia chủ hậu tạ, cám ơn thầy, lo tìm thợ sửa nhà theo ý thầy đã chỉ dẫn. Làm ăn thịnh vượng chưa thấy, đã mất số tiền sửa nhà, di chuyển lò sửa và đặt bàn thờ thổ địa không đúng chỗ trông kém mỹ thuật dưới con mắt khách tới nhà. Ít tháng sau, bà chủ phải bỏ nhà đi theo giữ chồng mới bị đổi đi làm ở tiểu bang khác. Rồi chẳng bao lâu, người chồng hờ quay về với vợ con, bà đành sống độc thân bất đắc dĩ, không còn nguồn lợi tức nào khác, nên ngôi nhà của bà bị ngân hàng xiết nợ, niêm phong bán đấu giá.
Sau đây là một trường hợp khác. Một hôm, chúng tôi nhận được thiệp mời của người bạn mời ăn mừng tân gia, tới nơi gia chủ dẫn khách đi xem nhà, ra vườn trước vườn sau, nhìn vị trí căn nhà ở giữa khu đất, chung quanh nhà trồng toàn cây ăn trái có giá trị như: hồng, lê, cam, táo v.v… chỉ trừ một khoảng đất nhỏ để trồng rau. Ai ai cũng đều tấm tắc khen căn nhà mát mẻ vì chung quanh có nhiều cây lớn, tàn cây che mái nhà, hoa lá xum xue, trên cây các giống chim bay truyền hót líu lo, một cung đàn thiên nhiên, một cảnh thần tiên mơ mộng giữa chốn thị thành, rất hợp cho những tâm hồn thi nhân, những cụ già nhiều tuổi nhàn rỗi ra ngắm cây coi nhìn hoa trái, nghe tiếng chim hót để dưỡng tính tình.
Ít lâu sau, có dịp chúng tôi tới thăm nhà bạn vấn an các cụ thân sinh của bạn; tới nơi chúng tôi hết sức ngạc nhiên, một quanh cảnh trơ trọi khác lạ, từ cổng vào tới nhà, biết bao cây ăn trái đều bị đẵn tận gốc, cũng còn may cho các cây ở đằng sau nhà vẫn còn. Ông bạn cho biết, các cụ đi xem bói, người ta nói nếu để cây ăn trái mọc trước nhà, bao nhiêu lợi lộc tiền vào nhà sẽ bị cây trái chấn hết lộc, nên phải chặt đi.
Vì nền kinh tế suy thoái, nạn thất nghiệp gia tăng, ông bạn chúng tôi mất việc, dù cây trước nhà đã chặt hết, một thiệt thòi cho các cụ già mỗi khi nhìn ra trước nhà chỉ thấy ánh mặt trời chói chang chiếu qua khung cửa, còn đâu bóng mát cho các cụ ra gốc cây nhìn những chùm quả sai trái.
Trường hợp một gia đình sanh đứa con thứ ba thì cũng thời gian đó ông bố mất việc làm, bà mẹ bèn đi xem bói, thầy bói phán: “Thằng con thứ ba tuổi nó khắc cả bố lẫn mẹ, làm ăn có nhiều trục trặc, sẽ gặp nhiều tai nạn.” Nên thằng bé bị bố mẹ hất hủi, nhưng nó lại là đứa bụ bẫm, thông minh và dễ thương, rồi công việc làm ăn của bố mẹ đều trôi chẩy và phát đạt, nên dần dà thằng bé hết bị hất hủi vì bố mẹ nó đã hồi tỉnh.
Bố mẹ mê tín đi xem bói xem tướng, bị thứ bất nhân lấy tiền xúi dại: gia chủ bị đứa con lộn giống, nó là ma quỷ đầu thai, để nó ở nhà không ra gì, nhiều tai nạn sẽ xẩy ra v.v… Cách đây ít lâu ở Orange County bên California, một bà mẹ bế con bị mù, quá đau khổ thương con, vào hai giờ sáng lái xe ra xa lộ 22 đặt con giữa đường chờ có xe đi tới, lao đầu vào xe cùng chết với con.
Trước 75, một hôm tôi tới thăm người bạn, gặp một em bé rất xinh lễ phép, dáng dấp một nữ sinh. Người bạn cho biết em này mới tới làm được ít lâu, em nói nhà em cũng khá giả bố mẹ em không bắt đi làm, em tự ý xin đi vì biết bố mẹ em tin bói toán lắm, thầy bói nói em ở nhà chỉ mang lại xui xẻo cho cha mẹ, làm khổ cha mẹ, em thương bố mẹ lại tủi thân nên em đi làm, lâu lâu nhớ nhà chỉ về thăm chốc lát rồi lại đi.
Trái lại những trường hợp trên, có bố mẹ là những người thức thời thương con tàn tật hơn đưa con khác, một nhà quý tộc có khách đãi cơm bao giờ cũng tự tay dắt người con bất bình thường, ngồi cạnh ông, ông thường nói cháu đã gánh tất cả những cái không hay cho cha mẹ và anh em nó, ông bắt tất cả nhà phải chiều chuộng và yêu quý người con này.
Một vị phu nhân sang trọng đi đâu cũng dắt cô con gái đi một bên, em này vừa có tật vừa ngây ngô, bà thường nói tôi thương cháu hơn những đứa con khôn ngoan xinh đẹp.
Mỗi khi họp việc làng người ta thường hỏi đùa ông cựu chánh tổng, hôm nay họp việc làng không thấy bà chị ông đâu? Ông chỉ cười. Mỗi khi có đám giỗ, đám cưới, người ta mời ông chánh tổng phải mời cả bà chị khiếm thị cùng đi với ông, nếu mời một mình không bao giờ ông đi; khi ăn ông xin để bà chị ngồi cạnh để giúp bà chị lấy thức ăn như ở nhà ông hầu bà chị rất chu đáo. Trước khi bà mẹ chết đã trăn trối ông phải trông nom thương lấy người chị chẳng may khiếm thị, ông uốn nắn vợ con ông cũng phải thương yêu người chị bất hạnh này.
Ôi cao quý thay! Đáng phục những người có tâm hồn cao thượng, đã hiểu biết, nhận xét bằng lòng với những thân hình bất toàn mà Thượng Đế đã gửi đến cho mình, xem thường những lời chế riễu, chê bai đàm tiếu của người độc ác vô lương tâm.
Để những người hồ đồ hay nghi ngờ xin xem Phúc Âm Gioan có chép: Môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: Thưa Rabbi, ai đã phạm tội, nó hay cha mẹ nó để nó phải sinh ra mù lòa vậy? Ngài đáp lại: Chẳng phải tại nó hay cha mẹ nó phạm tội, song để nơi nó công việc Thiên Chúa được hiển tỏ.
Thượng Đế dựng nên vũ trụ, vạn vật muôn loài ở trong một vườn rộng rãi bao la có đủ mầu sắc tốt xấu. Nếu như Thượng Đế chỉ tạo một giống hoa hồng thơm ngát chắc chẳng ai để ý đến vẻ đẹp mùi thơm hoa hồng, nếu không có giống hoa khác mầu, không có mùi hay mùi khó ngửi, nếu không có các thứ cây trái chua, chát, đắng, cay, chúng ta mới nhận thấy trái cam, nho, quít, hồng là quý là ngon để chúng ta vừa ăn vừa tấm tắc khen.
Nếu mọi người đều giỏi như nhà vật lý học Edison, anh hùng như Napoleon, như đại đế Nguyễn Huệ, còn đâu nữa để chúng ta khen ngọi, cố gắng bắt chước. Có Chung Vô Diệm xấu xa cũng có Tây Thi đẹp tuyệt trần cho chúng ta khen ngợi.
Đây là ý Thượng Đế đã an bài. Dù một cái tóc trên đầu rụng xuống cũng do ý Thiên Chúa tác tạo.
Tuyết Minh
-
12-05-2024, 09:03 AM #44
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Dạy Con Từ Thuở Còn Thơ
Như thường lệ 5 giờ sáng tôi đã dậy, sau khi làm mấy động tác về thể dục cho dãn gân cốt, nhìn trời mây, cây cỏ còn đọng sương mai, vũ trụ bao la, huyền diệu, kỳ công xếp đặt lớp lang, vẻ đẹp thiên nhiên thấm nhuần trong tâm não, tinh thần sảng khoái, tôi thầm cảm ơn đấng Tạo Hóa đã dựng nên muôn loài, chỉ đặt để có loài người được thay quyền Tạo Hóa hưởng dùng, có quyền trên các loài thụ tạo khác. Thế mà nhiều người vẫn chưa vừa lòng, vẫn oán trách đấng Tạo Hóa.
Giòng tư tưởng chợt bị cắt ngang do nhiều tiếng động loảng xoảng như nhiều đồ bằng sứ bị ném xuống đất. Những tiếng động đó xuất phát từ bên kia đường, trước mặt nhà tôi là nhà ông bà Giáp. Tiếp theo tiếng động là tiếng bà Giáp the thé như xé vải:
-Cứ ngồi đấy mà chờ, nay bố muốn đổi cái Tivi mầu lớn hơn, mai đổi bộ salon, mốt đổi bộ bàn ăn, rồi khuyến khích, rồi tâng bốc nó tài, nó giỏi, thậm chí nó đưa hết con mèo này đến con mèo khác về cũng không dám nói động đến nó, ăn tiêu như phá, không hỏi nó lấy tiền ở đâu ra, nó biết in tiền hay sao? Bây giờ nó vào tù, khốn nạn một mình nó phải chịu đã đành, còn mình là bố mẹ nó còn dám ngẩng mặt nhìn ai.
Tiếng ông Giáp:
-Im cái miệng lại, còn đổ lỗi tại ai, quen ăn gian nói dối từ hồi nào đến giờ, có nói ra chỉ ầm cửa ầm nhà, mồm loa mép giải, nó có gan ăn cướp, có gan chịu đòn, còn phàn nàn nỗi gì. Hãy trách mình trước, nay kêu thiếu, mai kêu túng, nó có đem tiền đem đồ gì về nhà cho, thì lấy làm hả hê lắm, có biết những người mất tiền mất của vì nó, người ta khổ sở thế nào không?
Đã quen tai về những tiếng động bên nhà láng giềng bởi mấy cô cậu tuổi trẻ thường mở nhạc kích động, cười nói ầm ĩ, hay chửi nhau to tiếng bất chợt đã làm phiền hàng xóm khó chịu, phải nghe những lời thô bỉ. Nhưng lần này làm tôi chú ý vì tiếng ông bà Giáp cãi cọ trách móc nhau vào buổi sáng sớm, hẳn ông bà đang lo lắng cho cậu Ất mới bị bắt mấy bữa nay về tội ăn cướp.
***
Khổ chủ là một bà già hơn 70 tuổi, gầy gò, mắt kém sáng mà cụ không chịu đeo kính lão. Biến cố đại nạn xảy ra năm 75, cụ may mắn theo đoàn người tỵ nạn. Cụ không có con, được người bảo trợ giúp đỡ đưa cụ đến ở một phòng trong chung cư, có vài người cháu thỉnh thoảng đến thăm viếng hay lối xóm các bà quen biết cũng đưa cụ đi chợ đi chùa.
Vào một buổi sáng khoảng 7 giờ, có tiếng gõ cửa, cụ yên trí một người quen nào đến thăm, cụ ra mở cửa thì một thanh niên khoảng 19, 20 tuổi chực sẵn ở ngoài. Nó cài cửa lại, đẩy cụ vào xó nhà, đe dọa bắt cụ ngồi yên. Nó lục soát lấy hết tư trang, tiền bạc cụ để dành từ trước, rồi còn đe dọa nếu đi thưa cảnh sát nó sẽ trở lại trả thù. Vì cụ đã nhận ra nó là người trong chung cư gần căn nhà cụ ở. Khoảng hai giờ đồng hồ sau, một người đàn ông đến cho cụ biết tên cướp nhà cụ là em vợ y, nếu cụ đi nói cho ai biết, gia đình tên cướp sẽ trả thù.
Theo như người viết tìm hiểu về gia đình này, ông bố trước kia là một công chức đưa được cả gia đình đi tỵ nạn, ông chăm chỉ đi làm, gia đình không phải thiếu thốn, tính tình chất phác, cuối tháng đưa đủ lương về để cho bà vợ chi tiêu mua sắm, cho các con có đủ tiền ăn học. Ông cho như vậy là đủ bổn phận đối với vợ con trong gia đình. Ông không hay để ý đến hạnh kiểm, sức học các con có tiến bộ không, cho đến khi có giấy lệnh truy nã con, ông mới sửng sốt kêu trời.
Bà Giáp chẳng hơn gì ông, đồng tiền đối với bà rất quý, dè sẻn tính toán làm sao để có nhiều tiền làm giầu như người ta. Các con bà ngày một lớn, phải có nhu cầu theo tuổi, theo ý bà miễn là nuôi chúng ăn no mặc ấm, có sách vở đi học thế là quý rồi, còn đòi hỏi chi nữa.
Trẻ con đến trường, ngoài giờ học ra, lúc ra chơi, khi tan trường, chúng có bạn bè chơi với nhau, nói truyện với nhau, nhìn nhau, rồi khoe nhau có đồ chơi mới, có áo mới, nay bạn này có cái nọ, mai bạn kia có cái khác.
Trẻ con, em nào cũng như em nào, đều thèm muốn những cái mới lạ, ao ước sao cho được có. Những em con nhà nghèo hiểu rằng bố mẹ không có tiền không dám xin, hay có xin bố mẹ nói không có tiền mua cho con được, chúng hiểu rồi thôi. Nhưng trường hợp con ông bà Giáp lại khác, các em muốn thứ này thứ nọ về xin không được bố mẹ đáp ứng, bao giờ bố mẹ cũng kêu không có tiền.
Chúng biết rõ bố mẹ có tiền mà không muốn cho chúng, chỉ tìm cách nói dối quanh để từ chối. Có khi các em đưa bài vở về khoe bố mẹ mong bố mẹ thưởng cho đồ chơi, đi xem phim v.v… bố mẹ cũng hứa “cuội”. Ở nhà chúng hay chứng kiến bố mẹ thiếu thành thực đối với họ hàng, bạn bè khi những người này cần giúp đỡ về tiền, về công việc, thất hứa từ việc lớn đến việc nhỏ.
Ảnh hưởng đó trực tiếp tác động trong gia đình ông bà Giáp. Ất đi học là một trò thông minh lanh lợi, nó thấy bạn bè có đồ chơi mà nó thích, đã tìm cách lấy chơi bằng được, hỏi mượn nếu bạn nó quên không đòi mà có đòi nó nói dối đã làm mất hay hỏng rồi. Có khi nó bỏ học rủ bạn đi các chợ tìm cách ăn cắp đồ ăn hay đồ dùng.
Dần dà tính xấu ăn sâu vào tâm trí nó, nhiều lần nó đưa đồ ăn cắp về nhà cho cha mẹ, ông bà Giáp đã không hỏi nó về của xuất xứ để tìm khuyên bảo ngăn chặn, coi như của tự nhiên mà có, nhất là bà Giáp vui vẻ như thừa nhận con mình khôn ngoan lanh lẹ, như khuyến khích nó đi sâu vào vòng tội lỗi. Bây giờ hai ông bà thương con trách móc đổ lỗi cho nhau đã không biết dạy con. Muốn con nên người đức hạnh mình hãy làm gương tốt cho các con noi theo. Cha mẹ hay ăn gian nói dối lừa đảo người ta tất nhiên con cái sẽ thành ăn cắp ăn cướp, đi băng đảng phá hoại xã hội.
Chứng kiến về vụ con ông bà Giáp sa lầy mất tương lai, một bà mẹ trẻ hàng xóm đã nói:
-Tôi rất chú trọng về giáo dục con cái, mỗi buổi sáng đưa cháu đi học, cháu được 7 tuổi tôi cứ cắt nghĩa nhiều làn như thế nào là nói dối, nói dối là sự xấu ai cũng ghét người nói dối, rồi một hôm cháu gọi tôi: Mẹ ơi em bé nói dối, em có tội đấy. Tôi hỏi: Em nói dối như thế nào? Nó trả lời: Em lấy đồ chơi của con. Con hỏi thì em nói không lấy.
Tôi hỏi em nó: “Đồ chơi của anh đâu?” Bé chỉ ra sân với vẻ mặt ngơ ngác. Tôi phải cắt nghĩa cho thằng anh hiểu, em chưa biết nói dối và con phải hỏi em là đồ chơi của anh để ở đâu đi tìm cho anh.
“Nhân chi sơ tính bản thiện”. Trẻ con như tờ giấy trắng. Nhưng gương tối, lời nói phải, như in vào tâm trí chúng, khi lớn lên có tác dụng suốt đời. Thời Nghiêu, Thuấn dân chúng đi đường có trông thấy của rơi giữa đường cũng không ai lấy, cho rằng của người nào đã vô ý để rơi, rồi khi biết, người chủ sẽ trở lại tìm lấy. Dù nhiều ít không ai lấy của ai. Người người đã giữ được đức thật thà, không tham lam, nói dối, về đêm nhà nhà không ai phải cài cửa ngỏ, tôn trọng chủ quyền tư hữu là đời thịnh trị, ngàn năm sau vẫn còn nhắc nhở ca ngợi người xưa.
Tuyết Minh
-
Yesterday, 08:31 AM #45
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Những nữ chiến sĩ
Vào một buổi chiều cuối Thu năm 1980, tôi gặp lại vị Thượng tọa Phật giáo cao cấp tại một tiệm thực phẩm Việt Nam ở miền Tây Nam Hoa Kỳ. Sự gặp gỡ một người đồng chí trên phần đất xa lạ này đã là một niềm an ủi; hơn thế nữa giữa tôi và ngài có mối thâm giao đặc biệt. Chúng tôi nhắc lại những chuyện xưa, những khuôn mặt cũ của một thời hoạt động sôi nổi trong những năm trước năm 1954. Cả một quãng đời xa xưa lại được khơi dậy trong trí nhớ hôm qua. Tất cả những hình bóng, sự việc ấy như mới ngày hôm qua.
Trong những khuôn mặt của ngày đó tôi nhớ đến chị Cúc, một thiếu phụ can trường, đầy lòng quả cảm, đã hết lòng với cách mạng chống Pháp, chống Nhật cũng như chống Cộng Sản. Tất cả cũng chỉ vì hai chữ tự do và lòng trung trinh với đất nước.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học trung lưu ở thôn dã, chị Cúc đã được nuôi dưỡng và thấm nhuần sâu xa ảnh hưởng của Nho giáo. Chị góa bụa năm 23 tuổi. Cả một gánh nặng đè trên vai người góa phụ cô đơn phải lo chu toàn một gia đình gồm bà mẹ chồng, ba cô em và bốn đứa con thơ. Chị buôn tần bán tảo sớm hôm để lo cho gia đình. Không những thế, hàng xóm láng giềng túng thiếu cũng được chị tận tình giúp đỡ. Mang tấm lòng của mình để đối với người, ai cũng quý mến chị. Cuộc đời chị bình thản trôi đi cùng năm tháng.
Vào năm 1931, người anh thứ hai của chị Cúc, một đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng qua đời, để lại trong gia đình, nhất là chị Cúc một mối ngậm ngùi khó quên. Cơn phẫn uất giặc ngoại xâm được chị nung nấu từ thuở còn son trẻ, chỉ chờ dịp bộc phát. Chị đã hết lòng giúp đỡ những đồng chí cũ của anh mình. Thời kỳ đó bọn cộng sản trá hình được người dân hỗ trợ và hưởng ứng nhiệt liệt, chị Cúc cũng hăng hái đóng góp với một lòng yêu nước thiết tha va lòng thù ghét giặc Tây.
Trong khoảng thời gian từ 1944-1945 trở đi, lúc mà vận mệnh nước nhà ta lâm vào cảnh đen tối, rên xiết dưới sự kèm kẹp của quân Pháp cũng như quân Nhật, bước chân ngoại xâm đi đến đâu để lại uất hận trong lòng dân Việt đến đó. Miền Bắc năm ấy nạn đói hoành hành, cả triệu người ngã gục, trong khi miền Nam dư thừa lúa gạo nhưng không chuyển vận ra Bắc được vì đường xa khó khăn, thêm vào đó do sự không tập của đồng minh Anh Mỹ. Quân Nhật lại thu mua tích trữ hết lúa gạo đề phòng chiến tranh lan rộng.
Trong khi thế sôi sục của cuộc chiến, lòng căm giận, thù ghét bọn ngoại xâm của dân ta đã bàng bạc khắc nơi, hun đúc lòng ái quốc, khích động lòng nhiệt thành với đất nước, và đã tạo nên một sức mạnh vô hình lôi kéo, liên kết người dân Việt với nhau để đẩy quân ngoại lai ra khỏi quê hương. Các đảng phái cách mạng đã tựa vào lòng dân và sự hỗ trợ tích cực của người dân, bí mật hoạt động. Đó là niềm an ủi vô biên cho những người con nước Việt thuở đó, nặng lòng với quê hương chỉ mong đánh đuổi quân Nhật, giặc Tây.
Ngày 6 tháng 3 năm 1945, Cộng Sản hiện nguyên hình, ngang nhiên ký Hiệp định sơ bộ với Pháp, mặc cho người dân Việt ngỡ ngàng, cay đắng vì đã đặt niềm tin nơi chúng. Chị Cúc cũng lâm vào cảnh huống đó. Những đảng phái cách mạng bí mật chống Cộng Sản được dân chúng lén lút yểm trợ. Người anh cả của chị Cúc đặt cứ điểm giao liên tại nhà chị để liên lạc, tiếp đón các chiến hữu thuộc Duy Dân Đảng.
Ngôi nhà tranh nghèo nàn của chị đã là một bức bình phong che đậy dưới mắt công an. Người thiếu phụ mảnh mai đó chẳng quản gian lao, nguy hiểm, đưa những chiến sĩ cánh mạng Duy Dân (sau khi chị giúp cải trang thành những nông dân lam lũ, chèo thuyền, gánh lúa theo chị) từng chặng đường, tiếp tế cho các tổ chức bí mật ở những nơi lân cận.
Với tài tháo vát, lòng can đảm, chị thường tình nguyện đi trước thám thính, dẫn đường để các chiến sĩ tới nơi chỉ định an toàn. Với bao sức sống, lòng nhiệt thành, chị đã dâng hiến cho cách mạng hết cả. Tính tình kín đáo, thêm với sức khỏe dẻo dai, chị đã đem những truyền đơn, những chỉ thị được ngụy trang, dấu kín trong vành khăn đội đầu, trong thúng lúa, gánh gạo. Bước chân chị đã đi khắp vùng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, để chu toàn công tác mà anh em giao phó. Chị đã lấy niềm vui hoàn tất sứ mạng là phần thưởng cho chính mình.
Năm 1947, thời kỳ Việt Minh truy lùng các đảng phái quốc gia gắt gao. Anh Dung một nhân vật quan trọng của Duy Dân đang bị bắt giam ở đồn Trì Chính Anh em giao cho chị nhiệm vụ đưa tin mãi tận vùng Bồng Tiên, Thái Bình, liên lạc với ông Miếu, một lãnh tụ cao cấp của Duy Dân Đảng và đồng thời cũng là bạn học của anh Dung để tìm cách đánh úp, giải cứu anh Dung. Dọc đường, công an du kích khám xét, canh gác cẩn mật, nhưng chị vẫn thoát được.
Chưa kịp giải cứu, ngay đêm đó Việt Minh đã thủ tiêu anh Dung một cách cực kỳ dã man sau khi đã tra tấn anh bằng những hình cụ độc ác.
Có lần chuyển tài liệu về vùng Nam Định, chị bị công an chận đường, chị ứng biến rất nhanh nhẹn, bình tĩnh, nên vượt mọi khó khăn. Đôi lúc chị còn giúp anh em bằng cách nhận những số tiền lớn (dĩ nhiên là tiền giả) để mua tơ lụa hay các loại hàng hóa khác, bán đi để trộn chung với tiền đang lưu hành. Vào thời kỳ đó khó mà có thể đi quyên góp được, những tiền đó dùng để nuôi các chiến sĩ.
Không một gian nan, nguy hiểm nào mà chị từ chối. Ngay cả những khi phải lội qua sông để chuyển tài liệu, đi đường bộ hay đường thủy đều bị khám gắt gao, chị Cúc đã phải lội qua sông Đáy, miệng ngậm ống đu đủ, chị bơi dưới đám lục bình, cứ như thế mà thoát được sang bên bờ Nghĩa Hưng. Công tác giao phó hệ trọng và nguy hiểm nhưng hết lòng với cách mạng nên chị xem thường những hiểm nguy. Người góa phụ can trường đã nuôi nấng, tiếp tế cho những chiến sĩ cách mạng với tất cả tấm lòng đơn sơ, niềm tin mãnh liệt vào cách mạng, vào chủ nghĩa quốc gia.
Năm 1954 với đoàn người lũ lượt vào Nam, chị và gia đình ra đi với hai bàn tay trắng nhưng mang theo cả một bầu nhiệt tâm. Chị cương quyết vào Nam vì không thể sống chung với Cộng Sản. Đến vùng đất mới, chị lên vùng cao nguyên, sau lại về miền Tây (vùng Chợ Mới), cuối cùng chọn vùng Quang Trung làm nơi sinh sống. Đến năm 1975, một lần nữa chị lại lìa bỏ quê hương ra đi sang tận phần đất tự do bên này địa cầu. Ngày nay với số tuổi 80 cận kề, đôi mắt kém sáng nhìn ra trời tuyết phủ trắng xóa của miền Bắc Mỹ mà ngậm ngùi cho những ngày qua. Có vị nào trong Duy Dân Đảng nay phiêu bạt xứ người còn nhớ đến người thiếu phụ mảnh mai đã hết lòng trung kiên với cách mạng ngày nào không?
***
Tôi viết những dòng này với tấm lòng thành kính và xin được tôn vinh người nữ chiến sĩ kể trên. Chị là một tấm gương sáng, một hình ảnh mẫu mực tuyệt đẹp của người đã quên mình vì nước, đặt tình yêu tổ quốc lên trên hết mọi sự. Chị đã tận hiến cho đất nước tất cả tài vật, sinh lực, mà không đòi hỏi một danh lợi phù phiếm nào. Quê hương chúng ta mãi mãi tồn tại với những người con yêu như chị Cúc, cho dù dưới đã tâm tàn độc của bọn Cộng Sản vẫn không sao biển cải được con dân Việt, đất nước Việt.
Tuyết Minh
-
Today, 08:54 AM #46
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Đố Kỵ
Dù là bạn đồng học cùng học một thầy, cùng đem thân đi cầu công danh ở nước Ngụy, vì bản tính xấu, ghen tài Tôn Tẫn hơn mình mà Bàng Quyên vừa phỉnh nịnh vừa dèm pha nhẫn tâm triệt hạ Tôn Tẫn bằng cách chặt chân để Tôn Tẫn không thể thi thố tài năng. Chưa vừa lòng, Bàng Quyên còn dụ Tôn Tẫn truyền lại sở học về chiến lược, chiến thuật rồi sau đó sẽ thủ tiêu Tôn Tẫn. Trời không bỏ người hiền đức nên người hầu của Tôn Tẫn là Thành Nhi do Bàng Quyên sai đến để do thám hành động của Tôn Tẫn, đã nói rõ lòng nham hiểm của chủ mình là Bàng Quyên. Trong cảnh cá chậu chim lồng cùng đường chưa biết cách nào để thoát thân, chợt nhớ lại khi từ giã thầy học là Quỷ Cốc Từ tiên sinh có trao cho mình bức cẩm nang lúc tiễn biệt, Tôn Tẫn liền mở ra xem.
Đó là một bức lụa mầu vàng, bên trong chỉ viết một chữ “Cuồng”. Tôn Tẫn hiểu ý ngay. Chiều hôm ấy bọn thủ hạ đem cơm đến. Tôn Tẫn đập đổ, tròn mắt nói lớn: “Chúng đem thuốc độc hại ta.” Miệng Tôn Tẫn lảm nhảm chửi rủa mà đôi mắt đỏ hoe, lúc cười lúc khóc. Bàng Quyên còn nghi hoặc, sợ Tôn Tẫn tìm kế đánh lừa, mới sai người khiêng Tôn Tẫn đặt vào chuồng lợn bẩn thỉu. Ít lâu sau Bàng Quyên cho là Tôn Tẫn đên thật, không còn để ý đến nữa. Từ đó, thả lỏng Tôn Tẫn mặc ý ra vào. Ít lâu sau ông Mặc Địch tìm cách cứu được Tôn Tẫn đưa về sinh quán là nước Tề. “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Bàng Quyên đã bị hàng trăm mũi tên ghim vào mình, phải tự rút gươm kết liễu đời mình ở trận Mã Lăng. Lòng ghen tỵ đã làm mù quáng lương tâm, không phân biệt phải trái.
***
Trước năm 1954 tại một làng thuộc miền Trung châu Bắc Việt có hai chi họ Phạm và Trần chênh lệch về chức quyền, giầu có. Chi họ Trần ngày một giầu có hơn, con cháu trong họ đi học, phần nhiều có chức phận trong làng có, hàng tổng có. Tới thời kỳ phân chia quốc cộng đã rõ, những người đàn ông con trai chi họ Trần đều phải bỏ cửa nhà bỏ làng lánh nạn, gia nhập phong trào quốc gia. Chỉ còn lại một cụ già trên 60 tuổi với một số người đàn bà ở lại canh tác giữ nhà.
Trong khi họ Phạm nổi lên một người làm chánh tổng có quyền trong tay. Tên chánh tổng này được dịp phô bày lòng ghen tỵ của y. Theo dư luận người làng từ trước đến giờ cả hai chi họ không có thù oán, tranh cạnh việc gì. Nhưng viên chánh tổng vẩn ghen tức khó chịu vì họ Trần có nhiều người có danh phận, có tiền của hơn chi họ nhà hắn. Nên được dịp chỉ còn ông cụ già trên 60 tuổi là cụ Sáu phải hấng chịu những tích lũy đê tiện của hắn.
Y cho đào một lỗ đủ chôn quan tài trong phần đất nghĩa địa thuộc chi họ của y, rồi la lối bị mất trộm ngôi mả tổ, rồi vu cáo đổ vạ cho ông cụ Sáu là thủ phạm với những lời nhục mạ đê tiện áp đảo với mục đích cả họ Trần phải nhục nhã hàng phục hắn, tạ lỗi với món tiền lớn. Nhưng cụ Sáu đã phản công một cách quyết liệt đưa ra trước pháp luật trong lúc tình thế đã xoay chiều, ban ngày quốc gia ban đêm cộng sản, mọi người tìm cách tới thành phố Hải Phòng chờ tầu vào Nam.
Cũng đúng với câu “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, chi họ Trần và gia đình cụ Sáu vào Nam đã gặp lại những người đàn ông con trai, người nào cũng có danh phận trong hàng ngũ quốc gia, hay còn ít tuổi trở thành sinh viên. Tất cả chi họ đều làm ăn khá giả.
Trái lại tên chánh tổng họ Phạm làm ăn không ngóc đầu lên được. Trong một chuyến xe từ Pleiku về Sàigòn dọc đường bị khám hành lý của viên chánh tổng có ít dây đồng y mua về Sàigòn để bán, bị chức trách nghi là Việt Cộng, y bị bắt tra tấn; sau khi được tha về nhà từ đây y bị khủng hoảng tinh thần cho tới chết năm 1975.
Thời nay người ta ghen tỵ trong tất cả các lãnh vực. Bạn làm ăn chắt chiu mua được căn nhà lớn, người ta khó chịu, tìm tòi xoi mói, lấy tiền ở đâu ra? Đi buôn lậu, đong đầy bán vơi, lường đảo mới có thể mua được căn nhà như vậy chứ? Nếu là người buôn bán, người ta kết tội như vậy. Bạn học hành khá có công việc làm tốt, người ta thèm muốn địa vị của bạn mà không thể được vì bất tài, người ta ghép bạn vào hạng hèn chỉ biết cúi đầu nịnh bợ mới có được địa vị đó.
Bạn làm được điều gì tốt được nhiều người biết đến, người ta khó chịu tìm cách phá, phao vu chia rẽ, người ta dùng đủ mọi hình thức để hạ nhau chống báng, thóa mạ, đặt điều bêu xấu nhau bất kể đến những nguyên tắc giáo điều Công bằng, Bác ái, Từ bi và thật tình người ta đã cố quên đi những quyền lợi cộng đồng, vì người ta chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư, đã để mất gốc đạo lý thuần phong. Sự băng loại luân lý đã tràn vào đời sống xã hội. Kẻ bất tài háo danh tìm cách làm nhục người khác để giá trị mình được nâng cao, kẻ gian manh chừng nào lại làm ra vẻ ngay thẳng chừng nấy, cũng như kẻ nịnh khéo léo không khác gì kẻ trung hậu.
Người đố kỵ quên rằng càng đố kỵ thì tạo ác càng nhiều, mà ác nhiều dễ bị tiêu diệt. Làm trăm điều lành, tạo trăm điều nhân chưa thấy đâu, chỉ làm một điều ác, phạm một điều bất minh là tai hại đến ngay, và tai hại hơn nữa là đã làm đau lòng xót dạ và mất niềm tin của những người có thiện chí đang làm hay sắp làm những điều công ích.
Chúng ta đã may mắn thoát ách cộng sản tới đất tự do; không có lý dựa vào hai chữ tự do để làm hại nhau, để nói những lời phỉ báng mạ lỵ vu khống không còn nhân tính.
Chúng ta hãy cố gắng thúc đẩy nhau để trở về cái căn cốt tình thần đạo đức, hãy trở về với tình tự dân tộc, yêu thương đoàn kết để xây dựng lại những gì đã băng hoại, đổ vỡ, mất mát, ly tan.
Tuyết Minh
Similar Threads
-
Tết Nguyên Đán - Tuyết Minh
By frankie in forum Nhân VănReplies: 0Last Post: 01-22-2023, 09:51 AM -
Những mảnh đời - Tuyết Minh
By frankie in forum Nhân VănReplies: 33Last Post: 12-01-2022, 02:52 PM -
Giòng Đời Xưa và Nay - Tuyết Minh
By frankie in forum Nhân VănReplies: 31Last Post: 09-21-2022, 01:59 PM -
Âm nhạc Do Thái Truyền Thống của người Do Thái
By Long4ndShort in forum Âm NhạcReplies: 5Last Post: 11-10-2017, 05:56 PM -
Bản Sắc Văn Hóa Truyền Thống Do Thái
By Long4ndShort in forum Chuyện Linh TinhReplies: 22Last Post: 09-07-2014, 08:38 PM