Results 1 to 10 of 46
-
10-16-2024, 09:16 AM #1
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Tình yêu thương - Truyền Thống Của Dân Việt - Tuyết Minh
Tình yêu thương - Truyền Thống Của Dân Việt
Từ ngàn xưa, theo một số các nhà sử học, Việt tộc đã có chế độ mẫu hệ. Từ trước năm Chu, các bộ lạc du mục từ phía Bắc tràn qua sông Dương Từ, với sức mạnh săn bắn khống chế súc vật, đã lấn át được các chi bộ Bạch Việt, đem phong tục của họ áp đặt trộn lẫn với văn hóa Bách Việt làm của mình.
Sẵn tính độc tài, anh hùng cá nhân, họ đưa ra những ước lệ tự tôn. Hoàng Đế có tam cung lạc viện, các quý tộc quan lại có nhiều thê thiếp và thị nữ phục vụ. Giá trị của người đàn bà thời đó bị hạ thấp xuống đến một mức tồi tệ. Đại triết gia Khổng Phu Tử đưa ra học thuyết Quân Sư Phụ và Tam Tòng Từ Đức. Ảnh hưởng lan rộng, chế độ mẩu hệ mai một từ đó.
Ngược lại, chúng ta hãy tìm hiểu tổ tiên ta khi lập ra chế độ mẫu hệ cũng có nhiều lý do. Thứ nhất, người đàn bà nhiều tình cảm và bộc lộ nhiều hơn đàn ông. Người đàn bà hay chiều chồng con, ăn nói nhỏ nhẹ, răn dậy cảm hóa con bằng tình thương, nên ta thường thấy nhiều gia đình con cái yêu mẹ hơn cha, kính sợ cha hơn mẹ. Mỗi khi yếu, buồn khổ điều gì, hay cần tiền, vẫn nói hay than thở với mẹ trước vì vẫn tin mẹ sẽ che chở, giúp đỡ. Người con nào cũng tin vào sự bao dung của người mẹ.
Tình mẹ thương con không bờ bến. Người mẹ còn đem nước mắt ra cảm hóa chồng, dù người chồng có lầm lỡ hay lạc đường. Người đàn bà đã đem tình yêu thương mà cảm hóa, thu phục và thứ tha. Theo truyền thuyết, tổ tiên ta là Rồng Tiên. Rồng biểu hiệu cho ý chí cương quyết, hùng mạnh. Tiên là biểu tượng cho quả tim không thù hận, có nhiều tình cảm, nặng lòng yêu thương, hay tha thứ. Có lẽ đó cũng là một lý do phát xuất ra chế độ mẫu hệ.
Tình yêu thương của dân Việt là một truyền thống. Dân ta giàu tình cảm, tuy không bộc lộ ra ngoài nhiều. Từ một ông vua quyền uy nhất nước tới người cùng đinh nghèo nàn, dốt nát, đều biết đến tình yêu thương. Từ phạm vi nhỏ hẹp nhất trong gia đình với bà mẹ nghèo nhà quê khi bóc khoai đã nhường cho con ăn ruột còn mình ăn vỏ.
Người cha không có học, ăn đầu tôm nhường thân tôm ngon cho con ăn. Đó chẳng phải là tình yêu hay sao? Tình yêu thương lan tràn tới xóm làng. Hàng xóm giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi khi có đám ma chay, cưới hỏi, ăn khao… người ta tự động kẻ ít người nhiều đem tiền gạo, đồ vật để mừng, phúng điếu, giúp nhau một cách gián tiếp, để phòng khi nay người, mai ta.
Những khách bộ hành nhỡ độ đường đêm hôm khuya tối, không gặp quán trọ dọc đường (thôn quê rất hiếm quán trọ) gõ cửa xin tá túc qua đêm, khách ít khi bị từ chối. Chủ nhà nhiều khi còn lo bữa ăn cho khách độ đường, rất chu đáo. Về thời nhà Lý, vua Thái Tông một hôm khi tiết trời vào đông, mưa phùn gió bấc, rét căm căm, quay lại thấy công chúa đứng hầu bên cạnh mặc đồ ngự hàn còn cảm thấy lạnh, ngài chạnh lòng thương, ái ngại cho những tù nhân phải giam cầm trong ngục liền phán: “Ta yêu dân như yêu con.” Rồi truyền thị vệ mang áo ấm phát cho tù nhân.
Có yêu thương là có tha thứ. Dùng sức mạnh mà trị người không bằng lấy ân đức mà cảm hóa người. Dầu người ở ác ta vẫn lấy điều thiện mà xử thế. Tình yêu thương mở rộng cánh cửa, mở rộng vòng tay để đón kẻ sai lầm về chốn bình an, tốt lành. Tình yêu có sức mạnh lớn lao mà không có gì có thể cương nổi. Tổ tiên ta gần năm ngàn năm dựng nước, bảo tồn nòi giống với căn bản đùm bọc yêu thương. Thời nào có tình yêu là thời thịnh trị, dân được an cư lạc nghiệp.
Tuyết Minh
Last edited by frankie; 10-17-2024 at 08:43 AM.
-
10-17-2024, 08:41 AM #2
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Những Tâm Hồn Cao Thượng
Đang theo học Đại học Văn Khoa. Hiển cũng mơ mộng như ai, cũng bạn bè vui chơi, tâm sự, cũng kẻ đưa người đón, các chàng mời đi ăn, đi ciné nếu nàng muốn. Duyên dáng lịch sự, Hiển chú tâm rèn luyện học hành mong năm nay lấy xong bằng Cử nhân Văn khoa để đi dạy học như ý cha mẹ mong muốn.
Ngày 30-4-75 ập đến cũng như bao gia đình hoang mang, lo sợ. Ra đường thấy người chạy đi chạy lại, xe cộ đủ thứ di chuyển, xe đạp, xe gắn máy, xe hơi, xe ba gác, tay ôm, vai vác cuống quýt gọi nhau, trong lòng người nào cũng bồn chồn lo lắng, gặp ai quen cũng hỏi bây giờ đi đâu? Có đường nào để đi không?
Gia đình Hiển gồm cha mẹ các anh các chị các cháu, cũng gọi nhau hẹn gặp tụ họp ra bến Bạch Đằng. Người ta chen chúc xô đẩy xuống tàu. Khi ba mẹ Hiển tìm được chỗ ngồi, quay lại điểm mặt các con, các cháu, lúc đó mới thấy thiếu gia đình người con gái lớn. Hiển, người con gái út cũng vừa tới với chiếc xe đạp, mẹ Hiển liền hỏi Hiền trở lại tìm gia đình người chị.
Khi gia đình người chị và Hiển tới bến, tàu đã nhổ neo đem theo cha mẹ, các anh chị và các cháu. Không còn đường nào đi được, hai chị em nhìn nhau nước mắt lưng tròng đành kéo nhau trở về.
Anh chị Chân phàn nàn ái ngại nhìn Hiển, tự trách chỉ vì anh chị chậm chân để lụy cho Hiển, cả nhà đã đi còn Hiển bây giờ lạc lõng thân gái một mình. Anh chị Chân đều nói:
-Em về ở với anh chị rồi tìm đường đi sau.
-Đã lỡ rồi, em không phiền trách anh chị, em có thể tự lo được. Bây giờ em phải trở về nhà xem ra sao, rồi sẽ liệu sau.
Một cảnh tượng tiêu điều hoang vắng khi Hiển bước chân vào nhà, cách đây vài tiếng đồng hồ, mọi người vội vã thu dọn, tiếng gọi tiếng hối thúc ầm ĩ, giờ đây không một người, không một tiếng động. Hiển cảm thấy cô đơn, buồn phát khóc được, giờ đây chắc cha mẹ cũng đang lo buồn thương các con còn kẹt lại.
Một lần nữa anh chị Chân nài nỉ:
-Bây giờ lỡ rồi, chúng ta bình tĩnh đợi thời thế xoay đổi, thực tế còn phải sống, anh chị may mắn vẫn còn cửa hàng, em về ở với anh chị, các cháu, tiếp tục đi học đợi tin bố mẹ, anh nghĩ phải một thời gian lâu mới có tin gởi về.
Hiển không muốn làm phiền anh chị, trở về nhà thu dọn không đồ đạc còn lại mà trong khi vội vã cha mẹ nàng đã mang theo và chưa kịp bán. Hiển cũng còn may, từ ngày mai sẽ đem ra chợ bán dần, chỉ để lại ít đồ cần dùng cá nhân. Bây giờ mình phải đổi khác, nàng tự nghĩ phải tự túc lo lấy thân, không thể ý lại vào anh chị, anh chị còn lo cho các cháu, đó là bổn phận của anh chị.
Hiền đi thăm tất cả những bạn bè, những nhà họ hàng, quen biết để xem ai đã đi được, những ai còn ở lại. Người bạn thân nhất là Thu. Cả gia đình không có ý định đi, như lời bác Tài, bố Thu, nói:
-Nghề buôn bán của mình không dính dáng gì đến chính trị, không động chạm gì đến ai, chưa có sự gì cần phải đi.
Ông bà Tài và cả Thu đều nói:
-Hiển đã lỡ không đi được hãy ở lại đây với Thu là chỗ bạn thân cho có bạn cho đỡ cô đơn.
Mọi người đều trấn an Hiển đừng lo ngại sợ hãi, dù chế độ nào luật lệ có đổi khác, mình là người làm ăn trung thực rồi cũng thích ứng được. Suy nghĩ ít lâu, Hiển nói:
-Cám ơn hai bác và Thu. Cháu phải ở lại nhà trông coi và sẽ bán dần đồ đạc chi tiêu, chờ tin tức bố mẹ cháu, chắc rồi ra cùng liên lạc về và còn anh chị cháu cũng ở gần đây. Có chuyện gì cần, cháu xin nhờ hai bác giúp đỡ sau.
Cả Hiền và Thu xin phép ông bà Tài đi lên nhà thương Cộng Hòa vì cả hai từ trước vẫn công tác với các bà trong hội Phan Sinh để thăm nom giúp đỡ các thương bệnh bình, giờ đây ai ai cũng lo cho mình và gia đình, không thấy ai nhắc tới việc xã hội. Mấy ai nghĩ tới những thương bệnh binh đang nằm chờ những bàn tay săn sóc, nghe những lời an ủi cho với bớt sầu khổ.
Còn khổ hơn nữa, những anh bị mất cả hai tay đến giờ chia cơm không tự ra lấy được phần ăn, thân nhân không có ai, nhờ anh bạn cùng phòng ra lấy giúp để bên cạnh, nhưng phải đợi có người giúp lấy thìa đưa cơm, thức ăn vào miệng. Họ cứ ngồi chờ cô một người nào đi qua thăm hay những anh cùng phòng ăn xong trước, bấy giờ mới giúp cho ăn. Thật là cám cảnh!
Còn những anh thương binh mấy hôm nay đã được gội đầu chưa, nhất là những bị thương ở đầu bê bết máu dính vào tóc đã khô, vừa đau vừa ngứa ngáy. Hiển hình dung nhớ đến từng phòng mà chiều thứ Sáu nào cả hai cô cũng đều có mặt để dành phần lấy nước, bưng từng thau nước tới từng thương binh, người múc nước đổ lên đầu, người gỡ tóc, an ủi thương binh.
Tới cổng nhà thương, các bà các cô đều thất vọng không ai được vào thăm thương binh Mỹ Ngụy. Hiển và Thu buồn bã nhìn nhau, cả hai cùng trao đổi ánh mắt nhìn xót xa khi nghĩ đến những người thương bệnh binh.
***
Mấy tháng đầu nếp sống chưa thay đổi nhiều. Từ lúc đổi tiền, chính phủ Cộng Sản phơi bầy bộ mặt giả trá, tìm đủ cách hạ mức sống trong Nam xuống bằng mức sống ngoài Bắc, nghĩa là để cho đói rách bằng nhau. Họ thực hành chính sách bóc lột, tìm cớ tịch thu nhà. Hiển có một mình ở rộng quá, phải thu xuống ở dưới bếp nhường nhà trên cho cán bộ ngoài Bắc vào ở.
Gia đình ông bà Tài thuộc diện đi vùng kinh tế mới, của hàng bị tịch thu theo chế độ mới không được buôn bán, riêng Thu xin cha mẹ ở lại với Hiển để tiện vừa học thêm và kiếm việc làm.
Ông bà Tài đã trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Một túp lều tứ bề trống hốc, một mảnh đất khô cằn để làm vườn mà người ta chia cho mỗi gia đình với câu “Hãy khắc phục, sỏi đá cũng thành cơm” hay “Đừng tin những gì Cộng sản nói, hãy nhìn công việc họ làm”. Không thể nấn ná ở lại được, ông bà Tài đành đưa gia đình về Sàigòn móc nối tìm cách ra đi.
Đôi bạn Hiển Thu rất tâm đầu ý hợp, bàn nhau tìm một ý hướng trong cuộc đời. Can đảm phấn đấu sẽ là phương thức duy nhất nếu không muốn thấy mình phải vùi thân dưới làn nước đục, trong nơi hắc ám. Đôi bạn cùng ý hướng đã tìm vui sống và ý nghĩa cho cuộc đời trong cách thức đó.
Sau khi đã xin được việc làm, Hiển đi dậy học. Thu làm ở bệnh viện. Cả hai thường nâng đỡ an ủi nhau bởi vì những kỳ thi, chèn ép, những lời nói, hành vi thô bỉ đã diễn ra hàng ngày nơi làm việc, không làm các cô chùn lòng thoái chí. Các cô cố tạo bầu không khí hòa đồng thích hợp, làm tròn bổn phận. Các cô can đảm chịu đựng, tha thứ, nhẫn nhục, giúp đỡ những tha nhân chung quanh bằng những việc làm.
Dần dà đã thấm, có tác động làm mềm lòng những quả tim độc ác chai đá. Mỗi khi nhận thấy kết quả những nghĩa cử mình làm được ở bệnh viện, ở nhà thương, các cô về tới nhà vui vẻ kể cho nhau nghe trong bữa ăn luôn là rau muống, ít tép rang mặn mà cả hai thấy ngon như những bữa sơn hào hải vị.
Sau khi tới nhà thương Cộng Hòa các cô không được vào thăm giúp đỡ thương binh như mọi khi vì những người của Mỹ Ngụy đã bị đuổi đi.
Một cuộc triệu tập họp bí mật của những người đầy lòng bác ái đã khuyến khích phân công. Lời của bậc đáng kính mà các cô luôn nhớ trong buổi linh thao trước khi Người bị trục xuất. “Lúc nào cũng mãn nguyện khi thấy được sinh làm người cao quý hơn muôn vật khác, là dịp chia sẻ cùng tha nhân, trong cố gắng và trau dồi, để được dễ dàng mà gần gũi họ hơn trong cải tiến tình yêu thương cao đẹp giữa người với người”.
Đôi ba lần Thu cương quyết xin phép bố mẹ ở lại với lý do muốn phục vụ đồng bào xấu số, bệnh tật đau yếu. Nàng nói:
-Xin bố mẹ hãy tin con, được bố mẹ sinh ra, dậy dỗ, với vốn học vấn con có đủ nghị lực để thích ứng đối phó với những bất trắc ở đời, đừng lo cho con. Xin bố mẹ cứ đưa các em đi vì tương lai. Với chế độ tối tăm này không còn tìm đâu ra ánh sáng, xã hội băng hoại mầm non cứ thui chột dần.
Các cô đã nhận rất nhiều thư của cha mẹ, anh chị em thúc giục làm giấy tờ xin đoàn tụ đáp ứng với đơn xin ở ngoại quốc do cha mẹ bảo lãnh. Các cụ muốn các cô đi sớm còn kịp lập gia đình, hay nếu muốn tu thì ra nước ngoài cũng sẵn có nhiều dòng tu phục vụ như ý.
Các cô đều trả lời một luận điệu xin đừng thắc mắc vì chúng con đã chọn con đường ở lại với các em mồ côi, với anh chị em tàn tật, thiếu thốn, với những cha mẹ già không cơm áo, bệnh hoạn. Con muốn tu, chúng con đã chọn thứ nhất tu chùa, thứ hai tu chợ, thứ ba tu ở nhà là con đường đã chọn.
Các cô đều luôn luôn nhận được những thùng đồ tiếp tế do gia đình ở ngoại quốc gởi về, mỗi lần nhận đồ về là một dịp các cô bận rộn phân chia, đâu là phần các em mồ côi ở Long Thành, những gia đình có người tàn tật ở Thủ Thiêm, những ông bà già đau yếu ở Nguyễn Duy Khánh, ở Cầu Ông Lãnh v.v…. vẫn không đủ chia, cứ băn khoăn mấy người này đói quá, còn mấy chị thiếu nợ đong gạo chịu nấu cháo cho con chưa có trả bị người ta mắng chửi tàn tệ, chỉ biết khóc, nơi nào cần hơn hãy đến trước.
Các cô đã dùng những ngày nghỉ đến tận hang cùng ngõ hẻm mà không biết mỏi mệt, không chê hôi hám, bẩn thỉu, coi ai cũng như ruột thịt.
Ôi cao quý thay, đáng phục thay, những người ở lại với tâm hồn cao thượng, nhường cơm sẻ áo, an ủi người đau khổ chịu đựng những khinh bỉ, chế riễu, bị thiệt thòi đủ đường mà vẫn can đảm coi thường, tha thứ vì mục đích hướng thượng giúp đỡ tha nhân làm vui.
Tuyết Minh
-
10-18-2024, 09:44 AM #3
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Chị Cu
Làng Thành Đức khá lớn, nhân số có 2000 người, chia làm ba thôn. Thôn thượng, thôn trung và thôn hạ. Thôn hạ người làng quen gọi là xóm chợ vì có ngôi chợ sầm uất dưới bóng mát của mấy cây đa cổ thụ. Những cây này không biết đã mọc lên tự bao giờ vì trải mấy đời người mới có thể có gốc cây lớn như vậy, chu vi của gốc bằng ba người ôm cũng không hết.
Mỗi bên gốc cây có một ngôi miếu nhỏ, trong miếu lúc nào đèn nhang cũng nghi ngút do mấy bà mấy cô đi chợ qua lại khấn vái, kêu cầu cho được buôn may bán đắt. Đằng sau miếu dựa vào gốc cây đa là những ống bình vôi được xếp một ngày một cao thêm. Những ống bình vôi này là của người trong làng khi không còn dùng đến đã đưa đến đây để xếp lên.
Xóm chợ còn điểm lợi nữa là tọa lạc sát đường cái quan. Chạy song song với đường cái là một con sông lớn rất thuận tiện cho trên bến dưới thuyền, hàng hóa từ chợ bốc xuống thuyền chở đi nơi khác hay ngược lại hàng từ dưới thuyền bốc lên chợ rất tiện lợi. Chung quanh chợ là những cửa tiệm bách hóa, cứ cách mấy tiệm lại có một con ngõ hẹp chạy vào xóm, những xóm này là nơi cư ngụ của những người không làm nghề buôn bán.
Nhà tôi cũng ở trong một ngõ hẻm, tuy gần chợ nhưng chúng tôi chỉ tới chợ khi nào cần mua bán, còn qua lại giao thiệp đã có hàng xóm với nhau. Bên cạnh nhà tôi là nhà ông bà Cầu, cả hai nhà đều có vườn, ruộng lúa cấy hai mùa và ngoài nghề làm ruộng còn nuôi tằm, ươm tơ. Gia đình tôi thân thiết với nhà ông bà này không phải chỉ vì ở sát cạnh nhau mà vì còn có tình thắm thiết qua lại giúp đỡ nhau khi có nhiều việc.
Ông bà Cầu khác với ba mẹ tôi. Chỉ có bà Cầu và các con làm việc nhà. Làm nhiều quá không xuể thì mướn thêm người làm, còn ông Cầu thì không mó tay vào việc gì ở trong nhà. Vả lại ông ít khi ở nhà, ông đi buôn hàng chuyến. Tuy không có cửa tiệm nhưng ông có một cái nhà kho chứa hàng, mỗi lần ông đi mua về, hàng chở bằng thuyền hay bằng cả chuyến xe vận tải được chất vào kho. Hàng vừa được phu khuân vác xếp vào kho xong, ngày hôm sau đã thấy tấp nập kẻ ra người vào.
Những người đến trước là những chủ tiệm quanh chợ, vì ở gần họ đã biết có hàng mới về. Rồi lần lượt những người ở xa như đã được báo trước kéo đến, chỉ trong ít ngày là bán hết. Vào cuối thập niên 30 sang 40, đường giao thông còn ít, báo chí thông tin chưa phổ biến rộng rãi nên các nhà buôn tỉnh nhỏ hay ở các phủ, huyện muốn có hàng bán lẻ, phải tự tới cửa hàng bán buôn hay nơi sản xuất để mua. Vì vậy nên những chủ tiệm đến nhà ông Cầu mua và đặt hàng mới rất tiện cho họ, khỏi phải đi tìm mua hàng những nơi quá xa như từ Sàigòn hay gần như từ Hà Nội.
Ông bà Cầu lớn tuổi hơn ba mẹ tôi và có hai người con gái lớn hơn chị em tôi nên chúng tôi gọi bằng chị Lan, chị Huệ. Còn ông bà ta chúng tôi gọi là bác Cầu. Bác Cầu trai vẻ người phương phí, lanh lợi hoạt bát, nước da bánh mật, trán cao mắt sáng, miệng cười tươi có duyên. Tiếng nói sang sáng, bác nói và viết thông thạo cả hai thứ chữ Pháp và chữ Nho. Bác rất vui tính và hay nói đùa với chúng tôi, nhất là hai em tôi còn nhỏ mỗi lần sang nhà bác đều được bác bế nựng rồi tìm quà phát cho chị em tôi. Nhà bác ít người lại sẵn qua vì bác luôn luôn có khách, họ đến là mang quà nên chị em chúng tôi hay sang nhà bác chơi.
Chúng tôi thích thú nhất là những ngày bác đưa hàng về. Chúng tôi được bác cho nhiều bánh lại còn quà. Con gái thì lọ dầu thơm, chiếc lược nhựa để cài đầu. Con trai được quả bóng hay túi bi đủ mầu. Sau khi phát quà xong bác đuổi các em tôi đi chơi, tôi ở lại giúp các chị soạn đồ hay được sai vặt. Rồi bác ngồi làm việc với các chị, chỉ dẫn từng món hàng về giá cả. Giá được viết sẵn ra giấy để các chị cứ việc theo đấy mà bán hàng thay bác, khi nào cần mới phải hỏi. Còn bác phải tiếp khách, không phải là khách mua hàng mà là những ông khách lạ. Những ngày bác ở nhà là những ngày khách khứa ra vào, ở lại ăn cơm hay ngủ lại, truyện trò nhộn nhịp rất vui vẻ.
Trái lại bác Cầu gái là người nghiêm nghị, ít nói, chăm chỉ làm ăn. Bác rất chiều bác trai. Ngày nào bác trai ở nhà có khách đến ở lại ăn cơm bác làm cơm đãi khách bao giờ cũng thịnh soạn. Tôi thường hay sang giúp bác và các chị những việc lặt vặt như bóc hành, tỏi, lạt rau, chẻ rau muống ăn với chả giò v.v… Tôi không bao giờ thấy bác kêu ca gắt gỏng, phàn nàn trong lúc bác có rất nhiều việc cần phải làm.
Cuộc sống cứ đều đều trôi, ngày này cũng giống như ngày khác. Tôi đã lớn hơn theo với thời gian. Một hôm tôi thấy em tôi chạy về nói bên nhà bác Cầu có đông người mà chị Lan, chị Huệ đang khóc ở dưới bếp. Nghe em nói tôi sửng sốt, cảm thấy có việc gì quan trọng lắm, vội chạy sang xem. Mọi người có vẻ đăm chiêu, nói rất sẽ. Cả ba mẹ tôi cũng có mặt nơi đây.
Tôi chỉ nghe họ nói với nhau, ông Cầu bị hậu bối (ngày nay gọi là ung thư), không chữa được đâu. Hai hôm sau bác vĩnh viễn ra đi. Bác Cầu gái than khóc thảm thiết, hai chị Lan, chị Huệ cũng khóc như mưa như gió, chị em tôi cũng mủi lòng khóc theo. Thấy người ta chít khăn trắng chúng tôi cũng xin mỗi người một chiếc khăn trắng theo sau quan tài đưa bác đến nơi an nghỉ.
Đám tang bác Cầu rất lớn, có cờ ngũ hành, có ban tây nhạc, có hội bát âm và rất đông người đi theo quan tài. Tại nghĩa địa trước khi hạ huyệt có ba ông khách lạ đọc điếu văn kể tiểu sử của bác. Bác đã giúp đỡ nhiều người, bác bước vào thương trường không những giúp gia đình mà còn mục đích giúp đỡ được nhiều người chỉ có tổ quốc biết đến (vào thời Tây cai trị ít ai dám nói yêu nước.)
Suốt một tuần lễ, cứ về đến chiều nhà bác Cầu gái lại nhộn nhịp có nhiều người hàng xóm hay bạn bè tới nhà đọc kinh cầu cho bác. Có cả một ông đồ ngâm những câu đối, trướng bằng chữ Nho.
Một hôm tôi sang nhà bác Cầu thăm chơi như thường lệ, tôi rất ngạc nhiên thấy một người đàn bà lạ mặt còn rất trẻ, đẹp, bế một thàng bé con chừng một tuổi, đang múc từng muỗng bột đút cho đứa bé ăn. Bà mẹ trẻ này trên đầu cũng chít khăn tang mà tôi chưa hề gặp trong đám tang bác Cầu. Một lúc sau bác Cầu gái nhìn tôi mỉm cười và nói:
-Cháu có muốn bế thằng cu, để chị Cu cho nó ăn xong sẽ cho cháu bế.
Tôi cám ơn bác, trong lòng thich lắm. Tôi nhìn thằng cu bụ bẫm khôi ngô trông giống bác Cầu giai quá. Từ hôm đó tôi hay sang chơi để bế thằng cu, mỗi lần tới tôi chỉ thấy bác Cầu gái bế hay đặt thằng cu ngồi bên cạnh, còn chị Cu phải làm suốt ngày. Chị làm bếp, xay lúa, giã gạo, hay cho heo ăn, không thấy chị ngồi chơi hay bế thằng cu. Như tôi đã nói, vì bác Cầu gái là người nghiêm nghị, ít nói nên không ai dám hỏi bác Cầu chị Cu từ đâu đến, có họ hàng gì không và ở đây đến bao giờ. Cũng không thấy chị trò truyện với ai vì có ai thấy được chị đâu mà nói truyện.
Mẹ con chị Cu ở nhà bác Cầu chứng một năm thì biến mất. Một hôm tôi sang nhà bác Cầu với chủ ý muốn bế thằng cu đi chơi như mọi khi. Không thấy thằng cu đâu tôi hỏi bác Cầu, bác chỉ cười trả lời nó không ở đây nữa. Thẫn thờ tôi về nhà, hỏi mẹ tôi có biết mẹ con chị Cu đi đâu và chị Cu là người thế nào?
Mẹ tôi nói riêng cho tôi biết theo lời bác Cầu gái, khi bác trai gần chết, bác có nói với bác gái, bác có một người con trai ở với mẹ nó. Người đàn bà này là con nhà tử tế. Bác xin bác gái bỏ qua lỗi lầm cho bác và xin thương bao bọc cho mẹ con thằng cu. Vì thế bác gái cho đón về nhà, còn bây giờ mẹ con chị Cu đi đâu không ai biết. Mẹ tôi cũng nói việc nhà của ai không nên tò mò.
Rồi tôi cũng quên luôn chuyện mẹ con chị Cu sau năm cuối của thập niên 30 đó. Tới năm 1954, gia đình tôi theo làn sóng người di cư vào Nam tìm đất sống. Thói thường họ hàng làng xóm quen rủ nhau lập nghiệp và ở gần nhau cho vui. Thời đệ nhất cộng hòa, dân di cư được chính phủ ưu đãi cho thành lập các trại định cư; được giúp vốn, giúp kỹ thuật làm ăn nên sầm uất lợi nhuận.
Nhu cầu và đòi hỏi tiện nghi gia tăng, một số người có óc buôn bán đưa hàng hóa đến bán tận nơi cho những người định cư. Một bà hàng xóm người làng trước kia làm nghề buôn hàng kiểu này, một hôm đi bán hàng về, bà sang chơi thăm tôi và nói mới gặp mẹ con chị Cu. Tôi hỏi thăm và bà cho biết:
-Tôi đang đi trên đường phố Nha Trang bỗng nghe có tiếng người gọi hỏi: “Bà có phải người ở xóm chợ làng Thành Đức không?”
Tôi hỏi lại:
-Sao bà biết?
Bà ta nói:
-Tôi gặp bà trước kia hay lại nhà bà Cầu cùng xóm, nếu tôi nhớ không lầm.
Rồi bà ta mời tôi về nhà gần đây, giữ ở lại ăn cơm. Tôi lân la hỏi xin cho biết lai lịch để xưng hô vì trước kia tôi chỉ được nghe người nhà bà Cầu gọi là chị Cu. Bà ta cười nói:
-Bây giờ tôi già rồi. Bà muốn biết, tôi kể cho nghe về cuộc đời của tôi còn bây giờ bà muốn gọi tôi là chị Cu cũng không sao!
Cả hai chúng tôi cùng cười với danh từ chị Cu. Chị nói tiếp:
-Tôi có chân trong một hội kín giữ liên lạc nên hay tiếp xúc với ông Cầu. Ông là người có uy tín trong tổ chức của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều kính trọng về đức độ, về tài năng tháo vát của ông. Riêng tôi càng phục ông ấy hơn vì sự giúp đỡ chỉ bảo giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đặt hết tin tưởng vào ông khi gặp việc khó khăn. Tiếp xúc với ông ta nhiều, từ lòng kính phục tôi tiến sang lòng kính yêu. Tôi yêu ông ta phải nói là say mê. Trước khi bày tỏ tình yêu của tôi, tôi đã biết rất rõ về gia đình ộng; ông ta tuổi lại còn gấp đôi tuổi tôi, nếu nói ra tất cả nhiều người cho là tôi đặt tình yêu không đúng chỗ.
Qua nhiều đêm suy nghĩ những bất trắc lợi hại, bất chấp dư luận tôi thấy không thể kìm hãm được tình yêu phát xuất tự con tim tôi. Tôi tự tìm đến ông ta để thổ lộ tình yêu và muốn dâng hiến cho ông trọn vẹn. Nói bà đứng cười, ông ấy lấy làm ngạc nhiên và từ chối mối tình của tôi, khuyên bảo tôi nên đặt tình yêu đúng nơi đúng chỗ, đừng lãng mạn bồng bột. Ông nói:
-Tôi không thễ đáp lại tình yêu của cô, vì tôi đã có gia đình, có tôn giáo khác với tôn giáo của cô. Tôi phải giữ về lòng chung thủy, chỉ có thể có một vợ một chồng.
Ông khuyên tôi nên quên truyện này và vẫn coi nhau là đồng chí. Ông còn khen tôi đẹp thiếu gì người có danh phận đến cầu thân. Tôi ra về lòng buồn phiền nhưng nhất quyết chỉ yêu có một lần. Rồi tôi chỉ để tâm tìm dịp tạo điều kiện để gặp gỡ ông. Tôi cũng biết ông yêu tôi lắm, nhưng là con người lương tâm đạo đức vẫn giữ ranh giới giữa ông và tôi. Còn tôi quan niệm yêu là cho tất cả nên tôi cứ bám sát ông.
Nhân một chuyến vào Nam, tới Sàigòn không có nhà quen chúng tôi phải thuê phòng ngủ để hôm sau đi công tác. Qua chuyến này tôi có mang. Từ đây ông đã có bổn phận với vợ với con, tôi đã toại nguyện chờ ngày sinh con; khi có con trai ông ấy quá sung sướng nói với tôi là đã đạt được ước vọng lớn nhất trong đời. Công việc đòi hỏi ông ấy phải di chuyển luôn luôn, không bao giờ ở lại với mẹ con tôi quá tuần lễ và cũng không đi đâu lâu quá một tháng.
Tôi đang chờ ông ấy về để tổ chức ăn đầy năm cháu như đã dự định, sẽ mời đông đủ bạn bè họ hàng bên tôi thì được tin ông mất đã an táng tại quê nhà. Tôi như bị sét đánh ngang tai, không ngờ hạnh phúc mình được hưởng quá ngắn ngủi, thương cho con tôi côi cút còn thơ. Chúng tôi lấy nhau không chính thức, tôi chưa bao giờ về quê ông ấy, nên tôi không dám đưa con về cư tang.
Hơn một tháng sau ngày ông ấy chết, bà cả cho người tới đón mẹ con tôi về chơi. Ở được ít lâu, tôi nghe dư luận mấy người con gái con rể nói ra nói vào với bà cả, để mẹ con tôi ở đây sẽ sinh rắc rối, sợ tôi đòi chia gia tài. Tôi có nói cho họ biết mẹ con tôi về đây có ý cư tang ít lâu cho trọn tình nghĩa. Tôi không mong chia gia tài cho con tôi, đừng nghĩ oan. Tôi ở tới giỗ đầu năm rồi hôm sau tôi thu xếp bế con đi. Bà cả có đưa chân mẹ con tôi một món tiền nhưng tôi không lấy.
Tôi đưa con về Hà Đông buôn bán nuôi con. Tôi cũng được an ủi chút ít do bạn bè và các đồng chí của ông hay đi lại thăm nom giúp đỡ mẹ con tôi. Tôi đã nuôi con một mình thành nhân như ý tôi. Tôi tin vong linh ông cũng vui mừng thấy con trai độc nhất của chúng tôi đã thành danh.
Qua câu truyện của bà Cầu tức chị Cu, trước mặt bà hàng xóm tôi tỏ lòng quý mến, kính phục bà Cầu là người quả quyết, giữ lòng trung trinh, ngay thẳng, có tấm tình yêu chân thành bền vững, không bị bả lợi danh cám dỗ. Tình yêu chổng đã dồn sang cho con tận tụy nuôi nấng, dậy dỗ cho con nên người. Ôi văn hóa Việt Nam tiền nhân để lại đã tác dụng nên những con người Việt đáng quý, đã giữ vũng năm đức tính cao quý nhân, nghĩa, lể, trí, tín.
Tôi tự hẹn với lòng một ngày nào sẽ ra Nha Trang thăm mẹ con bà Cầu tức chị Cu. Tôi rất ân hận chưa kịp đi thăm bà Cầu thì biến cố ngày 30 tháng 4 ập đến. Tôi không biết mẹ con bà Cầu hiện giờ ở đâu. Nếu đọc được những giòng trên đây, hy vọng bà Cầu hay ông Cơ liên lạc với người viết.
Tuyết Minh
-
10-19-2024, 07:58 AM #4
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Đất có tuần - Nhân có vận
Trong gia đình, mỗi người con một tính, xu hướng khác nhau, tiến theo nghề nghiệp, sở thích của mình. Dù đi làm ăn phương xa, gần, hoàn cảnh giàu nghèo, sung sướng hay khổ cực, lận đận cách nào tất cả những con người ấy khi nghĩ về cha mẹ đang ở quê nhà nơi mình đã sinh ra, được nuôi nấng và dậy dỗ đến trưởng thành, đều có một tâm thành mong muốn cha mẹ được sống khỏe mạnh nơi quê hương.
Khi biết quê tổ mình bất an, dù khác chính kiến, mỗi người đều gạt tỵ hiềm cùng nhau trở về vấn an cha mẹ, bảo tồn quê hương, đấy là văn hóa nền tảng lấy gia đình làm gốc, lấy tổ quốc làm trọng.
Dù 1000 năm đô hộ bởi phương Bắc, trăm năm bảo hộ bởi quân Pháp, văn hóa Việt vẫn tồn tại. Tại ương vận nước chưa hết nên một cơn hồng thủy bởi nhóm mặt người lòng thú đem lý thuyết ngoại lai cưỡng trùm lên dân tộc, hòng tiêu diệt nền văn hóa cổ truyền mà các bậc tổ tiên đã có công gìn giữ. Chúng bắt toàn dân theo chủ thuyết tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Nhưng hồn dân tộc linh thiêng, chúng không thể nào đào tận gốc, bóc tận ngọn được.
Năm 1954, nghe theo lời tuyên truyền hồ hởi, nước nhà độc lập, gia đình cụ giáo Nhàn ở lại. Cụ nghĩ rằng vào Nam chẳng biết sẽ sinh sống ra sao. Ở đâu cũng đất nước mình, lại còn mồ mả, ông bà tổ tiên đưa đi không được, để lại sao đành, lấy ai hương khói, phụng thờ.
Duy, người con thứ hai sau khi đỗ tú tài vào học trường sĩ quan Đà Lạt ở trong Nam. Sau năm 54, gia đình cụ mất liên lạc với Duy. Từ đấy bặt tin tức. Cuối năm 1975, cụ giáo và người cháu nội trai khăn gói quả mướp từ Hà Nội vào Sàigòn tìm con. Tới nơi mới biết con cụ đã bị bắt đưa đi học tập. Cụ cố chạy chọt lo lót, cuối cùng người con đã được về.
Gia đình hội ngộ sau bao năm xa cách. Cụ đã tâm sự với con như sau: “Năm 54, ba và các bạn thân thuộc ở lại đều ngỡ ngàng về chính sách cộng sản tai quái, độc ác mà chẳng dám nói ra. Ba lại thấy những người trí thức bằng cấp đấy mình từ ngoại quốc kéo về cùng với số khoa bảng ở nhà hồ hởi gia nhập chính phủ. Lúc đầu mọi người tin tưởng và rồi tất cả đã chui đầu vào rọ, biết ra đã muộn không có lối thoát.
Dù đói khổ ba vẫn sống trong hy vọng chờ quân đội miền Nam sẽ đánh ra giải phóng miền Bắc. Không ngờ gông cùm miền Bắc đã trói buộc cả miền Nam. Sống bây giờ là hỏa ngục, đời ba chẳng còn bao lâu nữa, gặp con thế là đủ. Ba phải trở về Bắc, con phải hết sức khôn khéo tìm cách ra đi, và hãy tâm niệm lời ba dặn, con hãy dậy cháu cũng như ba đã dậy con những điều trước năm 54.
Ba nhắc lại lần nữa: Yêu người là nhân, giúp người là nghĩa, kính trọng người là lễ, hiểu biết để xử thế sáng suốt là trí và thành thực là tin. Năm đức tính cao quý của người mình, con cháu hãy cố giữ lấy, dù ở đâu người ta cũng kính nể mình. Một điều nữa về anh con và một số người mà ba biết, con thắc mắc là phải. Chỉ vì thân phận cá chậu chim lồng, bị buộc chân buộc cẳng, muốn thoát ra cũng không được.” Chỉ vào người cháu nội, cụ nói:
- Vẫn biết tuổi già có cháu là niềm an ủi, giúp đỡ nhưng ba đã chịu đựng hơn hai mươi năm nay, chúng đầy ải chiếm đoạt tất cả những gì chúng trông thấy từ vật chất đến tinh thần. Chúng bắt nói theo, làm theo, viết theo ý chúng, nhưng còn một thứ quí nhất trong lòng người chúng không hướng dẫn được là tình yêu, tình người, yêu thương giúp đỡ nhau trong bí mật, trong câm nín. Con cứ yên tâm đem cháu đi, đưa được mầm non nào thoát ách nô lệ, ra nước ngoài là dành lại tinh hoa cho đất nước sau này. Ba rất hy vọng con cháu rèn tâm luyện trí hướng về tổ quốc đang đau khổ tủi nhục trong đói rét.
Gió đã đổi chiều, đất có tuần nhân có vận, hải ngoại cũng như nội địa người người đều mong thời thế xoay đổi. Chủ nghĩa cộng sản đến ngày mạt vận. Tại Nga Sô chúng đã lung lay, Ba Lan, Hung Gia Lợi đã nắm được thời cơ. Một Walesa tiêu biểu cho các nước chư hầu trong quỹ đạo Liên Sô. Chúng ta đang chờ một Walesa Việt Nam nổi lên thanh toán chế độ quá khích đó đi.
Với chí nhẫn nại, cương quyết, tinh thần dân tộc còn tiềm tàng trong lòng mọi người mọi người ở nhà và hải ngoại, một ngày không xa sẽ liên kết, quật khởi quét sạch loài quỷ đỏ, kiến thiết lại quốc gia, đem no ấm và thanh bình cho dân tộc.
Tuyết Minh
-
10-21-2024, 11:49 AM #5
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Ngọc Tìm Trong Đá, Vàng Đãi Trong Cát
Trời còn mờ sương chẳng biết mấy giờ, có mỗi cái đồng hồ lại hỏng phải đem đi chữa, người ta hẹn hôm nay mới chữa xong. Tết nhất đến nơi, hôm nay đã là ngày 28 phiên chợ cuối cùng, mua bán gì còn có ngày hôm nay nữa thôi, rồi còn nghỉ ăn Tết. Miệng nói, chân đi, tay làm, mấy phút sau Bà Tràng hối thúc cả nhà mọi người tới ăn cơm. Bữa cơm nhà quê thanh đạm không cầu kỳ, chỉ cần nồi cơm nóng, đĩa tôm hay cá kho mặn làm sẵn từ hôm trước với đĩa rau luộc, chén nước mắm cho bữa ăn buổi sáng.
Nhà ông bà Tràng tọa lạc bên chân đê đường chặn nước mặn từ bể Thái Bình Dương tràn tới. Nơi đây cũng là ngã ba giao thông bằng đường thủy cho ba miền Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa. Chung quanh nhà là ruộng cấy lúa trừ một con đường đất nhỏ chạy thẳng từ nhà tới mặt đường đê ở vào một địa điểm tiện cho nghề chăn nuôi vịt, gà, cấy lúa, trồng rau.
***
Trước đây Tràng lớn lên trong một gia đình đông con; thôi bú, mẹ đã để ở nhà cho anh hay chị bế ẵm, có khi là ông bà nội, ngoại hay hàng xóm, bất cứ ai có thể gửi được con, để đi làm từ sáng tới chiều mới về. Khi con lớn đến đâu đã có việc với tuổi như sai vặt, biết nấu cơm quét nhà, tưới cây, dần dà cho tới lúc đã đủ sức theo cha mẹ ra đồng cầy cấy làm ruộng.
Tràng đã thay bố đưa trâu ra đồng, thay bố cầy bừa phá rẫy, nhận những công việc nặng. Khi người em kế tiếp đủ sức thay thế cho anh, cũng là lúc bố mẹ bàn tính đến chuyện “cây cả ra hàng”, tìm nơi hỏi vợ cho con. Không cần đi đâu xa, cô thợ cấy Lệ ở xóm trên, mỗi khi ra đồng, buổi trưa nghỉ ăn cơm, mọi người kéo nhau lại dưới bóng cây đã trò truyện hỏi thăm nhau. Từ hôm cha mẹ đôi bên nói cho con biết ý định của cha mẹ, cả hai chỉ liếc mắt nhìn nhau e thẹn quay đi ngay, họ theo ý cha mẹ, không thắc mắc tìm hiểu tính xấu nết tốt của nhau, hay có yêu nhau không, cho đến ngày cưới nên vợ nên chồng.
Ba tháng sau ngày cưới, bố mẹ cho vợ chồng Tràng ra ở riêng, lấy cớ nhà chật còn phải lo cho các em. Vâng lời bố mẹ, Tràng đã tìm được mảnh đất bên chân đê vì là nơi xa xóm làng không ai muốn canh tác, với một cơi trầu chai rượi đến xin với hương chức trong làng, họ cấp giấy cho Tràng được tự do khai khẩn.
Có sức lực sung mãn, với tính cần mẫn, cả hai vợ chồng ban ngày đi làm thuê, tối về, họ cố gắng đào ao lấy đất làm nền, chẳng bao lâu đã có một mái nhà nhỏ, nói cho sang với mọi người, chỉ là túp lều che mưa che nắng, lấy chỗ nghỉ ngơi qua đêm cho một tiểu gia đình chỉ mong muốn được an cư lạc nghiệp.
Ngoài những ngày đi làm thuê cho xóm làng, họ trồng rau nuôi heo, gà, vịt; ở vào địa điểm khoáng đãng, không khí trong lành, súc vật họ nuôi đẻ sinh sôi nẩy nở. Có chút vốn liếng, cả hai vợ chồng ở nhà trông coi những đàn vịt, đàn gà nhiều hàng trăm con.
Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, bây giờ ông bà Tràng đã có nhà cửa khang trang, vườn rau ao cá, ruộng đồng cũng nhiều ngày mùa tấp nập thuyền ra thuyền vào chở lúa đến. Các con đã gửi trọ học gần trường.
Cả hai ông bà Tràng thuở thiếu thời đã không được học hành, chỉ nhờ vào các buổi tối mùa hè hàng năm nhà thờ Công Giáo tổ chức dậy giáo lý cho trẻ con đồng thời cũng dậy vần quốc ngữ cho những người lớn nào muốn học, nên cả hai cũng biết đọc, chữ nào khó quá thì phải đánh vần.
Vì ít học, cả hai ông bà gặp ai nói năng hoạt bát tỏ ra có học đều được ông bà kính trọng quý mến; tính tình dễ dãi, có người quen giới thiệu gửi gấm, những người khách tới nhà, ăn nói lễ phép lịch sự tỏ ra là người có địa vị, học hành nên ông bà vui vẻ kính trọng, rồi hết người này lại giới thiệu người khác, nên trong nhà ông bà Tràng lúc nào cũng có khách, khi ít khi nhiều, có người đến rồi đi ngay, có người ở lại lâu một hai tuần lễ hay hết lộ phí cũng được ông bà cung cấp luôn.
Nhà sẵn gà vịt, thức ăn, ông bà khoản đãi những người lạ mặt càng ngày càng nhiều, người ta đã hứa hẹn khi cách mạng thành công sẽ trả ơn ông bà nào chức quyền lợi lộc. Tọa thực sơn băng, mắc bận vào thù lao tiếp khách, công việc làm ăn bỏ bê, lợi tức ngày một kém, khách khứa cũng tự rút bớt, không còn những bữa ăn nhậu nhẹt đầy nhà như trước.
Vợ chồng người nông dân chất phác tin tưởng vào người học hành giỏi giang, không ngần ngại dốc hết túi tiền để dành từ bao lâu nay đưa ra giúp vào công cuộc cách mạng cứu dân cứu nước chưa có tia hy vọng.
Đã thấy chiến sự lan tràn, trong dân chúng thỉnh thoảng nghe nói người bị bắt cóc, người bị thủ tiêu, hoang mang chán nản, bị đe dọa vì trong nhà thường có người lạ mặt lui tới ở nhà, lại ở vào nơi đồng không mông quạnh, xa xóm làng. Ông bà suy đi tính lại các con còn nhỏ phải kiếm chỗ an toàn cho các con ăn học, nên quyết định thu nhặt những gì có thể mang đi được rồi xuống thuyền tìm vào khu an toàn Phát Diệm có người bà con quen thuê giúp gian nhà làm nơi tá túc lần hồi.
Năm 1954, Hiệp định Genève ra đời chia đôi đất nước. Gia đình ông bà Tràng cũng vội vàng thu xếp đưa con theo làn sóng người đi tị nạn xuống tàu há mồm vô Nam. Lần này được sự trợ cấp của chính phủ đi định cư trên cao nguyên, được bảo vệ an ninh, với hai bàn tay cần cù mẫn cán, đã quen khởi nghiệp bằng nghề canh tác, ngày qua ngày, hai ông bà sung sướng nhìn nương vườn, thửa ruộng xanh mướt thoai thoải dưới chân đồi thay thế cho vườn rau, ao cá, ruộng lúa tốt um do hai bàn tay trắng vợ chồng đã tạo lập nên ở ven đê thuở thiếu thời. Quê hương cũ ngoài Bắc bây giờ chỉ còn những hạng lục lâm thảo khấu, những lũ chó nhảy bàn độc chiếm ngự ăn trên ngồi trốc, bần cùng hóa nhân dân biến dân thành nô lệ cho chúng, ru ngủ dân với mỹ từ tự do, độc lập, hạnh phúc.
Đang yên ổn sống trong vùng tự do, các con nhỏ có chỗ học hành, các con lớn tản mác các quân khu thi hành nghĩa vụ giữ nước thì ngày 30-4-75 ập đến, cơn hồng thủy khắc nghiệt tràn vào bao phủ toàn dân. May mắn thay, qua thời gian lo âu ông bà đã nhận được tin các con từ Mỹ, tứ Úc lần lượt báo tin về. Rồi ông bà Tràng luôn nhận được những thùng quà từ các nước văn minh gửi về kèm với lá thư thương nhớ phát xuất từ tâm hồn hiếu thảo trung trực thừa hưởng di truyền của cha mẹ chúng, lòng chân thành rộng rãi, với dòng chữ dặn cha mẹ giúp đỡ những người thiếu thốn chung quanh.
Không cần những lời con dặn trong thư ông bà Tràng cảm ơn Trời đã cho mình gặp may mắn, chỉ để đủ dùng cho hai vợ chồng còn bao nhiêu phân chia cho bà con lối xóm không phân biệt thân sơ. Muốn sự giúp đỡ hiệu nghiệm và lâu dài hơn, ông chia tùy từng người có nghề gì như thợ mộc, thợ nề, thợ cưa, sửa xe v.v… giúp mua cho dụng cụ theo nghề. Hay không có nghề thì cho thuê xích lô với giá tượng trưng, ít lâu sau có tiền muốn làm chủ sẽ bán lại với giá rẻ.
Tại nhà, ông bà mướn người mở dậy may miễn phí cho các bà các cô, tập may bằng thứ vải xấu rẻ tiền. Rồi đem mớ quần áo này vào các thôn xóm xa thành phố phát quần áo này cho những nhà quá nghèo, có người ốm đau thì giúp đỡ gạo, thuốc men. Ông bà cứ âm thầm giúp đỡ tha nhân.
Những hành động từ bi bác ái đã làm gương khích động được mấy ông bà khác họ tới hợp tác, tiến lên giúp đỡ đồng bào một cách hữu hiệu và sâu rộng hơn như đã kiếm được một căn nhà bỏ không, họ sửa sang lại biến thành trung tâm y tế, thuê một ông bác sĩ, một nha sĩ lương chưa tới 10 mỹ kim mỗi tháng chữa miễn phí cho dân nghèo, một ngôi trường có 9 lớp, thuê các giáo sư dậy miễn phí cho các học sinh nghèo, lại có một cổ đòn đám ma cho mượn không lấy tiền.
Ông bà hăng say với công việc giúp đỡ tha nhân; vì các con thúc giục phải đi đoàn tụ, nhưng trước khi đi ông bà giao lại công việc cho các ông bà bạn điều hành với lời hứa ra ngoại quốc sẽ tìm nguồn tài trợ gửi và khuếch trương rộng để giúp đỡ được nhiều người hơn.
Ngọc tìm trong đá, vàng đãi trong cát, tình thương ẩn trong tim những người chất phác, không khoe khoang kêu gọi ầm ĩ. Đúng như câu Tổng Thống 4 không đã nói hãy nhìn việc người ta làm, đừng nghe người ta nói. Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu, rộng rãi và chân thành.
Tuyết Minh
-
10-22-2024, 10:01 AM #6
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Chị Em
Năm 1978 là năm Cộng sản thu tiền các thương gia Tầu muốn xuất ngoại. Chỉ có người Tầu được đi bán chính thức, người Việt mình muốn đi phải tìm cách móc nối với người Tàu Chợ Lớn để mua giấy, dĩ nhiên là giấy giả. Y phục phải mặc theo kiểu Tầu, bước lên xe ở Chợ Lớn, người nào không biết nói tiếng Tàu cứ ngồi yên rồi đi thẳng xuống tầu ra biển. Người Việt đi theo chỉ thấy người Tầu nói líu lo, không thấy ai nói tiếng Việt hay mặc y phục Việt nên không nhận ra nhau.
Tầu tới Mã Lai không được phép đổ bộ, vẫn thả neo gần bờ biển, mọi người chưa được lên bờ mà thực phẩm mang theo đã gần cạn, bánh quả cho trẻ con đã không còn. Thằng Thăng con bà Vinh nhìn thấy đứa nhỏ có chiếc bánh nên nó quay lại đòi mẹ kiếm bánh cho nó, khóc nói tiếng Việt ầm ĩ, làm mấy bà người Việt chạy lại chỗ bà Vinh chào hỏi nhau mừng rỡ. Họ hỏi thăm nhau không dứt như gặp bạn thân lâu ngày không gặp.
Ồn ào lúc đầu rồi ai nấy về chỗ mình, họ còn lo cho ngày mai, chưa được bước chân lên bờ, sợ bị trả về Việt Nam. Bốn bà không có đàn ông đi theo, chỉ đi với các con đều cùng một hoàn cảnh. Họ liên kết với nhau, có điều gì xảy ra hay ai biết thêm điều gì họ đều loan báo cho nhau biết, giúp nhau trên bước đường lữ thữ, bàn tính chuyện xa việc gần khi hằng ngày gặp nhau.
Cuối cùng tất cả mọi người trên tàu Hải Hồng đều được đi định cư tới các nước. Bốn bà được đi định cư ở Mỹ. Họ liên lạc với nhau, dần dà họ tìm cách ở gần nhau, rủ nhau đi học, đi tập lái xe, đi làm. Cuối tuần họ gặp nhau, ăn uống lần lượt mỗi nhà và tâm sự góp ý kiến với nhau để chia buồn vui. Hôm nay đến lượt chị Vinh kể chuyện về cuộc đời của chị cho chúng tôi nghe:
-Tôi là con một thương gia có đồn điền cà phê ở Ban Mê Thuột. Sau khi thôi học tôi trông coi quán cà phê cho bố mẹ. Tôi gặp chồng tôi lúc bấy giờ đeo lon đại úy là vì ngày nào anh cũng lái xe Jeep đến quán tôi, bất kể giờ giấc. Có khi ngồi chưa nóng chỗ anh đã phải đi. Có tối ngồi lại rất khuya mới chịu về. Tôi vẫn nghi ngờ anh chàng người Bắc di cư, đeo lon đại úy vẫn nói chưa vợ, nhưng lâu dần nghe anh nói mãi cũng lọt tai. Bố mẹ tôi thấy anh ăn nói lễ phép nên các cụ cũng bằng lòng.
Sau đám cưới nhà tôi cứ nay đây mai đó đi hành quân luôn. Chồng tôi thấy vợ con ở gần mặt trận nguy hiểm nên bàn với tôi mua nhà ở Sàigòn để con cái đến tuổi đi học cho tiện. Nhà tôi có dịp có giấy phép về Sài gòn thăm vợ con còn tôi trông nom con cái.
Rồi tin dồn dập xảy đến. Mất Phước Long. Mất Ban Mê Thuột. Đà Lạt chạy xuống, ngoài Trung chạy vào. Từng ngày, từng giờ hoang mang, người ta tìm cách xuất ngoại còn tôi cứ bồn chồn chờ tin tức chồng rồi sẽ liệu. Ngày 30 tháng 4, cổng Dinh Độc Lập bị xô đổ, dép râu dẫm khắp nẻo đường, mẹ con tôi chán ngán hết hy vọng gặp chồng gặp cha. Thấy người ta tìm đường ra ngoại quốc, tôi muốn đi lắm nhưng chưa được tin nhà tôi sống chết ra sao nên không đành lòng đi.
Gần một năm sau tôi dò la mới biết nhà tôi bị bắt đưa ra Bắc. Được giấy thăm nuôi, tôi mua đủ thứ thực phẩm, thuốc men đi cùng mấy bà bạn cũng thăm nuôi như tôi. Người nào cũng tay xách vai mang, lên tầu xuống xe còn sợ bị mất cắp, cướp giật, phải canh chừng cho nhau. Hết đường xe, chúng tôi phải đi bộ trèo đèo, lội suối mới tới nơi rừng sâu núi thẳm gặp được chồng, được cha.
Gặp nhau được mấy phút nhà tôi chỉ nói với tôi, hãy coi như anh đã chết, em về lo liệu cho tương lai các con, đưa chúng ra khỏi nước càng sớm càng hay. Tõi ừ ào cho qua. Với cái quán cà phê vỉa hè, tôi chỉ cầu ngày hai bữa cho năm mẹ con cũng khó đủ. Để dành chút ít để đi tiếp tế thăm nuôi nhà tôi, lấy đâu ra vàng mua chỗ cho năm mẹ con đi ra nước ngoài.
Vào một buổi chiều trời mưa vắng khách, có hai ông bà dắt đứa con trai chừng 10 tuổi, quần nâu áo nâu đúng là người Bắc mới vô, tôi mời họ vào quán uống nước. Nhìn ông bà khách, tôi có linh tính như là người quen mà mình chưa nhớ ra. Tôi vồn vã hỏi thăm quê ở đâu? Vào Nam có họ hàng hay có việc gì? Người đàn bà cũng chăm chú nhìn tôi. Bà ta nói:
-Chúng tôi ở làng Mông Hữu, Kiến Xương, Thái Bình. Tôi có người em trai vào Nam từ năm 1954, đi học sĩ quan Đà Lạt. Tôi vào đây cốt dò la tin tức em tôi còn sống hay chết.
Tôi không kìm nổi đột ngột hỏi ngay:
-Bà có phải là chị Hiển không?
-Phải, tôi tên cái là Hiển. Sao bà hỏi tên tôi?
-Vậy chị là chị Hiển, chị của anh Vinh chồng tôi!
Chúng tôi mừng quá ôm nhau khóc tức tưởi. Vì trước kia nhà tôi nói về gia đình ở ngoài Bắc có hai người chị. Một đã lấy chồng, con chị Hiển ở nhà với bố mẹ, ở Mông Hữu, Kiến Xương, Thái Bình. Bây giờ nghe người nói đúng tên quê quán, tôi nhận liền không còn hồ nghi. Tôi mời anh chị về ở với tôi để tâm sự. Trong câu chuyện tôi phàn nàn về ý nhà tôi muốn đưa các cháu đi xuất ngoại để lo cho tương lai các cháu. Biết đến bao giờ tôi mới mua nổi chỗ đi, ít nhất mỗi đầu người phải có ba cây vàng, mà đã chắc gì đi một lần là được.
Ngày hôm sau anh rể tôi muốn dẫn con đi thăm người bà con trong Chợ Lớn. Chị Hiển kêu khó chịu muốn ở nhà. Chị nói hôm nay mợ nghỉ bán hàng một bữa, đợi các cháu đi học nhà chỉ còn hai chị em, chị muốn nói cho tôi biết nhiều điều không muốn cho anh biết. Chị kể:
-Ông bà Bá Lân, bố mẹ chị và Vinh, chồng em là người hiền lành hay giúp đỡ người nghèo. Gia đình nhà theo nghề nông, nuôi tầm, gặp thời phong đăng hòa cốc được mùa luôn mấy vụ, bố mẹ tậu thêm ruộng mua thêm vườn, trở nên giầu có tiếng trong vùng. Từ khi Việt Minh cướp chính quyền, không khí có vẻ ngột ngạt cho những nhà có bát ăn bát để, còn những nông dân chất phác hồ hởi như rồi ra sẽ được chia ruộng, chia nhà không ai phải đi làm mướn cho ai.
Vì chưa biết thời thế ra sao, với bản tính lo xa, bố mẹ bán dần đồ đạc, thóc lúa, bí mật đi mua vàng còn bề ngoài làm ra vẻ nhà sa sút. Cuối năm 1952, nhà nước thu thuế nông nghiệp, giảm tô, bố mẹ định đi Hà Nội sống qua ngày và ở gần Vinh đã lên học ở Hà Nội từ trước. Nhưng đã quá muộn, khi thấy bố mẹ bán từ cái nồi đồng, mâm thau, ủy ban trong làng đã cắt du kích canh chừng. Mỗi lần ra chợ cũng bị chúng theo dõi.
Cuối năm 1953, đội cải cách về làng, gần tới Tết mà chẳng còn ai nghĩ đến sắm sửa ăn Tết. Mở mắt ra đã nghe tiếng trống ếch, một lũ thiếu nhi quàng khăn đỏ vừa hát vừa đi từ đầu làng đến cuối làng trong các xóm: “Cắt đứt là cắt đứt, dứt khoát là dứt khoát, không vương vấn giai cấp địa chủ, kiên quyết đánh đổ địa chủ”. Cả làng bao phủ một sự sợ hãi ngột ngạt.
Chị muốn quên cũng không quên nổi, buổi chiều hãi hùng 23 tháng Chạp năm đó. Xã cho triệu tập nhân dân đến hội trường để bàn về thuế công, thương, nông nghiệp, tới nơi mới biết là tòa án nhân dân đấu tố. Hội trường lập trên khoảnh đất trống đầu làng, bên trong đã có sẵn giây thừng, hèo, gậy và nhiều dụng cụ tra tấn khác. Những người thiếu thuế không kể thiếu nhiều hay ít đều bị bắt điều tra quỳ ở sân trước hội nghị để tra khảo. Chủ tịch cuộc họp chỉ hỏi có một câu: “Tại sao ngoan cố không chịu nộp thuế?” hoặc nếu nộp không đủ: “Ai xúi mày không nộp đủ thuế?”
Chúng đánh đập, cùm kẹp, tra tấn cho đến lúc nạn nhân chịu không nổi đuối sức gật đầu. Nếu không gật đầu, nạn nhân bị tra tấn suốt đêm cho đến chết. Đến lượt bố mẹ, bị tên đứng tố là tá điền nhà. Nó hỏi điều gì phải thưa, gọi nó bằng ông nông dân và xưng con với nó. Nó quát gọi bố bằng thẳng, rồi đánh đập túi bụi. Bố gục xuống chết trong đêm đấu tố đó. Mẹ ngất đi lúc lâu mới hồi tỉnh. Khi xin xác bố về nhà, tên chủ tịch ra lệnh chỉ được bó chiếu mà chôn. Nhà bị tịch thu, mẹ và chị bị đuổi ra đường, đứng nhìn sáu gia đình kéo tới chia nhau đồ đạc trong nhà.
Cuối cùng chúng cho xuống ở chuồng heo cuối vườn, chị phải cắt hàng rào lấy lối ra đường. Xin mãi chúng mới vất lại được cho đôi chiếu rách để mẹ nằm ngả lưng. Cũng may đã tính trước, mẹ đã giấu được dưới chuồng heo mấy bao gạo và một rương quần áo che bằng những đồ phế thải và củi nên được chúng cho ở chuồng heo là mừng rồi. Chị sau đó đi mò cua, bắt ốc, làm thuê sống qua ngày che mắt chúng.
Vừa nhục vừa buồn, thương chồng nhớ con rồi lo lắng cho chị đời sống sẽ ra sao, mẹ sinh bệnh rồi mất năm tháng sau ngày bố chết. Trước khi qua đời, mẹ có chỉ chỗ chôn giấu được ít vàng cũng ngay chỗ chuồng heo. Mẹ dặn sau này gặp được em lấy lên chia nhau làm vốn sinh nhai.
Chị lập gia đình lấy anh Sáu là con bác Hai Sinh người cùng xóm. Chỗ chuồng heo khi trước anh chị sửa sang thành ngôi nhà nhỏ, mua mấy thước đất chung quanh để cấy chút rau, nuôi gà, anh chị làm ăn cũng đủ sống.
Nghe mợ nói ý cậu Vinh muốn mợ đưa các cháu đi nước ngoài cho chúng học hành, chị sẽ trở về đào số vàng bố mẹ để lại lên để mua chỗ cho mợ và các cháu đi. Bây giờ chị tính thế này. Mợ ngỏ lời mời anh chị vào Nam làm ăn buôn bán dễ thở hơn ở ngoài Bắc. Chúng ta chung nhau thuê căn phố mở hàng cơm bình dân. Có cớ rồi, anh chị trở về Bắc bán nhà, chị sẽ lấy sổ vàng bố mẹ chôn mang vào đây.
Sau mấy ngày ở chơi anh chị Sáu, Hiển trở về Bắc thu xếp bán nhà. Trở lại Nam, chị mang số vàng đào lên chia làm ba phần, chị lấy một phần, một phần chị đưa cho tôi để mua chỗ mà đi, một phần chị nói giữ lại để tiếp tế dần cho anh Vinh.
Chị em tôi bí mật thu xếp xong, tôi vào Chợ Lớn tìm mối đóng vàng để mua giấy rồi may áo Tàu cho mẹ con tôi. Lúc đi tôi đưa ra ba cây vàng chị Hiển đã giao cho tôi ra trước mặt anh Sáu nhờ anh chị tiếp tế thăm chồng thay tôi. Đi đến nơi bình yên, tôi sẽ đưa tin và gửi quà về. Anh chị đưa chân mẹ con tôi tới khi lên xe. Chị Hiển khóc hứa sẽ làm hết các điều tôi dặn. Tôi yên lòng tin vào tấm lòng thương em của chị. Bằng cớ dù túng thiếu đến đâu chị cũng không dám tiêu đến số vàng bố mẹ trối trăn lại, cũng không nói cho chồng biết, chờ khi tìm được em mới nói.
***
Tính chị em thương yêu nhau thắm thiết từ trong tâm. Dù ở dưới chế độ cộng sản đói rách, man trá, tham lam, người chị vẩn giữ một lòng thương em, không thay đổi. Và như thế mới biết rằng sự độc ác, điêu tàn, gian ngoa của cộng sản cũng không thể nào làm lay chuyển được bản tính tốt lành, chân thật của con người như tình gia đình yêu thương đùm bọc của chị Hiển đối với người em trong câu chuyện kể của chị Vinh.
Tuyết Minh
-
10-23-2024, 11:47 AM #7
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Thành Kiến Trọng Nam Khinh Nữ
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.”
Chỉ với hai câu trên đã bộc lộ phần nào cái hình ảnh và thân phận người đàn bà Việt Nam trong xã hội ngày xưa. Thế nhưng địa vị của người phụ nữ trong gia đình Việt thật là quan trọng. Người đàn bà đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng một gia đình và đồng thời dựa vào những căn bản đạo đức - ảnh hưởng Nho học, lễ giáo - mà bảo vệ gia đình.
Phải nói rằng người phụ nữ Việt là một dũng tướng. Quẳng vào cổ một loạt chữ, nào là nhẫn nhục, chịu đựng, hy sinh, nhưng kiên cường, can đảm, xông pha, phấn đấu trong những trận chiến của cuộc đời để bảo tồn gia đình mình.
Dù giầu, dù nghèo, người con gái thời xưa phải lo làm lụng đầu tắt mặt tối. Từ những công việc đồng áng, đến những việc trong nhà, chợ búa, về đến nhà là kín cổng cao tường; bên con trai, cha mẹ lo tìm người kén chọn xong nhờ người mai mối. Thường đến khi cưới cô dâu mới biết mặt chú rể.
Người con gái biết giữ giá trị của mình, dù biết người con trai hào hoa phong nhã, chữ nghĩa đầy mình, cũng đành ấp ú trong lòng vì tự ái. Chỉ có cơ may run rủi một ngày đẹp trời tới coi mắt xin cưới theo đúng phong tục, lể nghi cổ truyền.
Từ khi giống du mục phương Bắc tràn xuống đô hộ nước mình đã đem chế độ độc tôn áp đặt, cai trị, nhất nhất phải theo chúng, cả đến cái dở dựa vào Tống Nho: tròng vào cổ người phụ nữ. Phải tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, để người đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp, biến người đàn bà thành nô lệ. Cho nên đã đi lấy chồng, người đàn bà nào cũng mong có con phòng khi người đàn ông không còn coi ra gì, trông vào con làm niềm an ủi, khi về già nhờ vào con.
Tuy nhiên, với giòng giống kiên cường, tinh thần bất khuất, theo phong tục mẫu hệ, cái ách tam tòng ngoại lai do phương Bắc đưa lại cũng không ảnh hưởng là bao. Phần nhiều các gia đình vẫn theo truyền thống Việt Nho, giữ nghĩa trung dung bình đẳng (hai chữ bình đẳng bất thành văn). Có câu:
“Lệnh ông không bằng cồng bà”
Bà vẫn là chủ gia đình, còn đối ngoại ông vẫn là chủ nhân. Con cái vẫn phụng thờ “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn đổ ra.” Những răn đe của cha chưa chắc ảnh hưởng bằng lời khuyên lơn của mẹ. Người xưa thường bảo “Phúc đức tại mẫu” là thế. Người đàn bà vẫn là chủ phụ trong gia đình, điều khiển công ăn việc làm, coi sóc, nuôi nấng, dậy dỗ con cái.
Còn những công việc nặng nề, lo toan, giao dịch ngoài xã hội vẫn thuộc về người đàn ông phải gánh vác. Người chồng vẫn là chủ nhân ông. Sự phân chia, phối hợp thật nhịp nhàng. Xã hội cổ xưa vẫn sống trong sự hòa hợp, tương kính trong vòng lễ giáo. Thời đó nhiều ông cũng lợi dụng cưới thêm có khi tới hai hay ba bà, nhưng bao giờ cũng được bà vợ cả đồng ý. Những bà vợ sau đều dưới quyền bà vợ cả. Với sự tính toán theo chế độ nông nghiệp, có thêm người giúp đỡ công việc đồng áng.
Những bà vợ lấy thêm này cũng được nhà chồng đem trầu cau dẫn cưới đành hoàng và phải nộp “cheo” theo tục lệ từng làng như đôi bên mang chùm cau, chai rượu đến trình trước mặt ông tiên chỉ (người có uy thế nhất làng) để được danh chính ngôn thuận rồi mới làm đám cưới. Như thế đủ thấy quyền hạn của người đàn bà ra sao trong gia đình Việt Nam.
Người xưa nói như sau: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Khi còn nhỏ trẻ con như tờ giấy trắng, ông bà (nếu còn), cha mẹ hướng dẫn con cái dậy dỗ điều hay, lẽ phải. Khi dần lớn khôn, có bạn bè, rồi đi học hay ở ngay trong trường đời lúc phải giao thiệp, tiếp xúc với nhiều hạng người tốt đã đành, gặp người xấu mình có đủ năng lực cảm hóa được người ta, đưa về chính đạo, làm cho mình hân hoan thầm nghĩ biết ơn về nền giáo dục gia đình của mình.
Đấy là con người biết giữ phẩm giá, hay trái ngược lại đã bị tha hóa dần rơi vào vực thẳm trụy lạc đến mất nhân cách, đưa khổ nhục về cho chồng, vợ con, làm ô danh tới ông bà, cha mẹ, dân tộc. Thời xưa cũng như ngày nay, dù những người quan cao, chức cả, những mệnh phụ hét ra lửa, khạc ra tiền, thiếu nhân cách, người ta cũng chỉ nể sợ ngoài mặt, sau lưng vẫn bị dư luận khinh miệt.
Cũng như ngày nay chẳng ai yêu quý gì những bà, những ông thiếu bổn phận làm con, làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, dù họ có bằng cấp đầy mình, chức tước cao, kiếm tiền nhiều, họ tự kiêu với cái họ có, thử hỏi họ đã giúp gì cho tha nhân, cho tổ quốc? Không thể đánh giá con người bằng vỏ bề ngoài là thế! Viết đến đây tôi lại nhớ đến một mẩu chuyện xưa như sau:
Ông bà Phán Chi có bốn con: hai trai, hai gái. Con lớn nhất mới 12 tuổi. Gia đình sống trong cảnh đầm ấm, hạnh phúc. Ít lâu sau ông Phan hay đi sớm về khuya, có đêm không về nhà. Vợ có hỏi, trước ông còn cớ nọ, cớ kia. Dần dần ông không thèm trả lời, mặc bà cơm đợi canh chờ. Rồi sự gì sẽ đến đã đến. Một hôm ông đưa về nhà một người thiếu phụ ăn diện chải chuốt, hợp thời trang, giới thiệu với bà là một người bạn, hối hả đi làm cơm để thết đãi, bà Phan Chi vẫn vui vẻ tiếp đãi lịch sự. Được đà cứ mấy ngày ông lại dẫn bà bạn này về nhà để bà phải hầu.
Tuy hiền nhưng bà đã hiểu dã tâm của chồng và người đàn bà kia tìm cách lấn dần. Một ngày kia ông dở trò vũ phu, thẳng tay đuổi bà đi khỏi nhà. Sức chịu đựng chỉ có hạn, ngay tối hôm đó chờ cho các con ngủ say, ông cũng đang trong giấc điệp mơ màng, bà dựng đầu ông dậy, lấy tay ấn vào trán chồng và bảo:
“Tôi lấy anh có họ đưa họ rước. Anh cùng tôi lễ trước bàn thờ gia tiên nhà tôi để xin các cụ chứng giám lòng thành, rồi lại làm lễ trước mặt cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi chước giám không bắt anh phải lên gối, xuống gối, nhưng sau ba vái anh đã hứa vợ chồng sẽ bắt chước tiên nhân tạo lập hạnh phúc gia đình cho đến mãn chiều xế bóng. Nay ăn ở với nhau đã bốn mặt con, trai có, gái có, anh trở mặt muốn đưa người khác về thế chỗ tôi.
Này! Tôi nói cho anh biết, nếu muốn ngày mai anh hãy mời đôi bên cha mẹ họ hàng đến đây chứng kiến để các con chúng ta không phải chịu cảnh không cha hay thiếu me, để mọi người nhìn thấy bộ mặt của anh để định lại giá trị, tư cách, nhân phẩm của anh. Còn người đàn bà đó tôi không cần biết, không là gì với tôi cả. Tôi hạn cho tới ngày mai anh phải dứt khoát.”
Dĩ nhiên, ông Phán Chi cũng hơi lùi. Sau đó bà kể với tôi như sau:
“Tôi không khóc, không một lời van xin, cứ coi như tình yêu không còn, nhưng còn bổn phận phải bảo tồn thanh danh, chăm sóc con cái, kỳ vọng vào chung. Tôi cũng xoay sở các nghề thủ công từ làm bánh trái đến may thêu, kiếm thêm để bù vào chỗ anh ấy đã rút đi. Với sự cương quyết tôi vẫn giữ cho không khí gia đình bình thường như chưa hề có chuyện gì xẩy ra, các con tôi vẫn ăn học hồn nhiên. Ngày ngày chóng qua, nước trở về nguồn, lá trở về cội, nhưng hạng người ăn chơi đua đòi không đủ tiền cung phụng, tự nó sẽ rời bỏ để tìm nguồn tài trợ khác.”
Từ câu chuyện này và có lẽ hàng trăm câu chuyện khác tương tự tôi mới thấy xã hội mình rất trọng lễ giáo dù có xẩy ra những sự ngang tai, trái mắt, sự chống đối chỉ thu hẹp trong gia đình một cách âm thấm, tích cực, vẫn có kết quả.
Vận nước suy vi, chúng ta phải tha hương tị nạn, hội nhập vào miền đất mới, văn hóa mới với thành ngữ “Nhất đàn bà, nhì trẻ em, thứ ba là chó, thứ tư mới đến đàn ông.” Hy vọng chị em phụ nữ vẫn giữ được tinh thần Việt Nho, bình đẳng trong tâm hồn, tương kính như tân, trọng về tư cách, quý về tâm hồn đạo đức, phục về biết giữ phẩm giá con người.
Tuyết Minh
-
10-24-2024, 08:08 AM #8
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Tuổi Già Trên Phần Đất Mới
Tiếng chuông điện thoại reo vang, thằng cháu nhỏ mới lên 5 tuổi, bụ bẫm, trắng trẻo, hai mắt đen như hai hạt nhãn, một tay ôm con gấu nhồi bông, một tay kéo xe từ trong nhà chạy ra sân đảo mắt tìm bà, miệng kêu “Bà nội, có điện thoại”. Bà Hạnh nở nụ cười tươi nhìn cháu hỏi:
-Có điện thoại ai gọi bà hay người khác?
-Không phải người khác – thằng cháu trả lời – người ta hỏi nội cháu đâu hãy đi tìm nội.
-Bác Mạnh hả, khỏe chứ?
-Tôi rầu muốn chết, khỏe gì? Bác có bận không, đang làm gì đấy?
-Ồ, muốn bận thì bận, không có việc gì gấp, sáng hôm nay ở đây đẹp trời quá, cuối hạ sang thu rồi, tôi ra vườn xem luống cải còn ít cây đã có bông nở vàng óng định để giá lấy hạt làm giống thì cháu gọi về. Thế nào, có truyện gì mà kêu buồn rầu quá vậy?
-Khổ quá, tôi chỉ còn biết nói chuyện than thở với bác cho đỡ khổ, chứ biết nói với ai bây giờ. Như bác biết tôi lo lắng chạy hết chỗ này đến chỗ kia tìm mối lo cho con đi chui tị nạn, bán từ của tốt tới của xấu, đồ đạc trong nhà không dám để dùng, tần tiện từng đồng mới đủ tiền đóng cho chủ thuyền, lo lắng đêm ngày nhỡ hở ra công an họ biết là tiêu tùng. Mà có phải một lần đi được đâu, biết bao tháng ngày, lần thứ ba mới trót lọt, tôi cũng chỉ gắng được hai cháu lớn đi, đành để lại ba cháu nhỏ ở nhà rau cháo nuôi nhau.
Qua giai đoạn vất vả và các cháu vừa đi học vừa đi làm cũng dành được chút ít gởi về để nuôi các em chúng. Mấy cháu ở nhà cũng biết thân phận thời buổi khó khăn, sống với cộng sản khổ mọi đường, nhưng chúng biết thương bố mẹ, chiều chuộng hiếu đễ với bố mẹ, tôi dậy bảo các cháu biết đường ăn ý ở, dù thiếu thốn nhưng cũng không có điều gì đáng phàn nàn.
Từ hôm được giấy đi gọi đoàn tụ, chúng tôi mừng hết sức. Tuy buồn vì phải xa các con ở nhà, nhưng đi được là may, đỡ cho các cháu bớt được hai miệng ăn, còn hy vọng thôi thúc chúng tôi ra đi. Lúc đi hồ hởi biết chừng nào, thương nhớ biết mấy. Tới phi trường Los Angeles gặp các con lại thêm dâu, tay bồng tay dắt các cháu nội mà chúng tôi chỉ biết qua các lá thư gửi về, bây giờ mới biết mặt.
Lòng chúng tôi vui mừng rộn rã, thật là thiên đường hạ giới hay trong giấc mơ, có thực hay chăng? Rồi những lời chào đón hỏi thăm tíu tít của những người quen biết khi còn ở nhà. Chúng tôi như bất động trước cảnh lạ, người qua lại, phục sức lạ hoắc, xe cộ ngược xuôi, một cảnh văn minh chỉ nghe nói và tưởng tượng, bây giờ mới mục kích nhãn tiền.
Các con cháu đưa bố mẹ ông bà ra tận xe, mới tận hưởng sự êm ái, nhanh chóng của xứ văn minh. Về tới nhà đã sẵn một bàn tiệc linh đình, món ngon thức ăn lạ, các con tôi dành cho chúng tôi phòng riêng đủ tiện nghi, chỉ cho biết dùng cầu tiêu, nhà tắm có nhiều cái rắc rối phải hỏi đi hỏi lại mới nhớ hết. Qua hôm sau theo con đi làm giấy tờ, đi shopping chúng nói gì đi đâu chỉ biết theo chúng.
Ôi, ngày vui chóng tàn. Đến tối trước khi đi ngủ, con tôi dẫn bố nó đi chỉ các chỗ bật và tắt đèn như máy điều hòa không khí, cách mở, đóng cửa lớn, cửa sổ, còn tôi thì con dâu nó dẫn vào bếp chỉ cho biết cách nấu nồi cơm điện, vặn nước nóng, nước lạnh, nó nói nếu ba má không thích ăn cơm thì có bánh mì đồ hộp, chỉ việc khui ra mà ăn, khỏi phải làm, tiện hơn. Vì sáng mai các con phải đi làm sớm, trước khi đi còn phải đưa cháu lớn đi học, cháu bé đi gửi, lâu dần quen sẽ để cháu bé ở nhà chơi với ông bà.
Sáng hôm sau, chúng dậy sớm ăn qua loa miệng bánh mì với ly cà phê, trước khi đi dặn chúng tôi tự động ăn uống. Thế là hai vợ chồng già lủi thủi đi thu dọn lau chùi cửa, làm lấy mà ăn. Chúng tôi cố nhẫn nại, buồn tủi chỉ biết thở dài, tôi nghĩ muốn đi khỏi nhà con không biết đi đâu bây giờ. Tiếng nói không biết, tiền không có. Đành phải nhẫn nhục chịu đựng chờ vài ba năm nữa có tiền già dành dụm lại rồi trở về nước nhà cho khỏi cảnh trái tai gai mắt nhục nhã với con và dâu. Nghĩ đến đây tủi thân tôi đã khóc nhiều lần.
Bẵng đi mấy tháng sau, cậu Đức, con bà Mạnh tới mời bà Hạnh lại nhà chơi với mẹ.
Gặp nhau hai bà bạn già ôm nhau vui vẻ thăm hỏi. Bà Hạnh nhìn bà Mạnh khen:
-Trông bác độ này hồng hào khỏe mạnh vui vẻ lắm.
Nở nụ cười tươi, bà Mạnh khoe và kể:
-Bây giờ tôi sống thoải mái lắm, tôi hiểu các con tôi, không còn buồn phiền trách móc con trai và dâu nữa. Cách đây ít lâu, một hôm gặp ngày nghỉ, vợ chồng nó mời một số khách đến chơi ăn uống đàn hát từ sáng tới chiều, rồi cả chủ lẫn khách kéo nhau đi hết, tôi ngao ngán nhìn từ phòng khách tới nhà bếp, trên bàn dưới sàn nhà ngổn ngang chai lọ bát đĩa khăn ăn giấy lau tay dơ bẩn mọi chỗ. Trước khi đi không đứa nào nói với tôi một lời, thôi tôi cũng ráng thu dọn được tới đâu hay tới đó.
Khi tôi đang làm thì các con tôi trở về. Quá tức, tôi gọi con trai lại nói: “Má nghĩ các con đón ba má đến ở với các con để phụng dưỡng, không ngờ các con muốn má làm vú già hầu các con phải không?” Con trai tôi sửng sốt, nó nói con không có ý như vậy, chúng con đưa bạn đi rồi trở về nhà thu dọn, xin má đừng làm gì cả, tất cả công việc lớn nhỏ làm bếp thu dọn là phần việc của vợ con, nếu làm không hết con cũng phụ vào làm, chúng con không có ý để ba má phải làm gì hết, nếu có gì sai trái ba má cứ nhắc lại, dậy lại cho chúng con biết. Con dâu tôi cũng xin lỗi: “Xin má đừng giận con, có điều gì lầm lỗi má cứ nói cho con biết để con sửa lại.” Thực ra bấy lâu nay tôi buồn vì tôi hiểu lầm, không chịu nói ra những điều khó chịu, các con tôi làm sao biết được.
Tôi có gặp ông bà bạn thân quá già lại hay đau yếu có bảy người con đều bận công ăn việc làm, họ họp nhau lại chia nhau góp tiền đủ thuê nhà và mướn một người giúp việc trông coi nấu ăn hầu hạ bố mẹ ở riêng, mỗi buổi chiều đi làm về lần lượt một người phải đến thăm và ăn cơm với bố mẹ. Xứ sự như vậy rất công băng không con nào phải phàn nàn kêu ca.
Hai ông bà khác nữa chỉ có một con, ở nước nhà là một đại thương gia, ông bà có đầy đủ người giúp việc, tới đoàn tụ với con cũng hiểu con và dâu không thể cung ứng được như ý bà mẹ chồng muốn và bà lại mắc một số tật hay nói, mở mắt ra bà đã kêu nhà cửa lôi thôi dơ bẩn, nào là con dâu không chịu thu dọn, rồi đến ăn mặc nay bộ này mai mốt khác, mỗi ngày đi làm lại thay một bộ, ở nhà mặc quần áo hở hang, không thèm mở miệng nói cứ như người câm hay giả điếc, nếu có mở miệng nói thì toàn những câu cộc lốc không lọt lỗ tai rồi quăng mèo ném chó, hay đem cháu của bà ra chửi mắng, có lẽ gây khó chịu để bố mẹ dọn đi chỗ khác.
Cụ ông đã khuyên và giải thích cho bà hiểu người con dâu của bà khi tới đây chỉ mới có 9, 10 tuổi, đâu đã hiểu gì về lẽ giáo phong tục ở nhà. Năm tháng lớn khôn với sự hiểu biết học ở trường với bạn bè toàn là Mỹ, đã bị Mỹ hóa từ tư tưởng lới nói cư xử tự do theo như người Mỹ. Hai nếp sống trái ngược nhau, tuy nhiên bên nào cũng có cái hay, cái dở của nó. Bà có yêu con thương cháu thì hãy chấp nhận hoàn cảnh hiện tại, rồi từ từ đưa ra ý kiến dung hòa của hai phong tục, những cái hay của người nên học hỏi, những cái dở của mình nên bỏ đi.
Đứng giữ thành kiến cố chấp thì giữa cha mẹ và các con mới thông cảm nhau được. Bây giờ chúng ta kiếm căn nhà ở riêng với ước lệ cứ cuối tuần các con cháu hãy về thăm ba má, ở lại hàn huyên ăn cơm với ba má hay đón ba má đi chơi giải trí, đây là cách giải quyết lưỡng tiện.
Nhiều nơi nào có đông người Việt các cụ đã thành lập hội Cao Niên, hội Bô Lão cốt ý để các cụ đến đây giải phiền tìm bạn, vui chơi, có sẵn bữa ăn trưa khỏi gián đoạn cuộc vui.
Tiếng cười tiếng ồn ào, người mới bước vào cửa cũng không mấy ai để ý, cứ tự động trông tìm đảo mắt xem khu nào góc nào có người mình quen hợp với mình thì tới chào hỏi trò chuyện dù đã biết tất cả những người thường xuyên đến đây cũng có người lâu lâu mới đến. Tất cả những ồn ao nói cười ấy chia ra nhiều khuynh hướng khác nhau, có nhóm gọi nhau lại chơi bài, nhóm ngồi xem phim chưởng, nhóm nói chuyện thời sự, có các cụ thích văn chương tao nhã, xướng họa bình thơ, bình văn, một số cụ thời mẫn bàn về chính trị chính em phỏng đoán bao giờ trở về quê nhà.
Đời người kể từ khi có trí hiểu biết trải qua cuộc đời đầy gian nan, gai góc, lắm đau khổ nhiều thất vọng, đến tuổi già có quyền được nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già.
Tuyết Minh
-
10-25-2024, 08:34 AM #9
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Tha Thứ
Bổn phận của người Công giáo là mỗi ngày chủ nhật phải đi tham dự thánh lể để thờ lạy Đức Chí Tôn, nên số giáo dân đi lễ trở nên đông đúc hơn vì có nhiều người Việt mới tới, có khá nhiều người muốn có chỗ ngồi thoải mái, cần phải đi sớm, ai đi trước ngồi trên không phải chen lấn, ghế nhà thờ kể theo hình móng ngựa. Ngồi hàng ghế giữa quan sát được cả hai bên tả hữu vì thế tôi thích ngồi hàng giữa với ý muốn gặp những người đồng hương mới tới Hoa Kỳ, nếu lại là bạn hữu thì ôi thôi, tâm tình tranh nhau mà thố lộ.
Bên phía hữu nơi kê chiếc đàn dương cầm, trước mấy hàng ghế dành riêng cho các nữ tu và ban ca vịnh do các nữ tu huấn luyện, trong số các nữ tu thường gặp trong các ngày lễ, hôm nay lẫn vào đây là một khuôn mặt khác, nổi bật với khuôn mặt trái soan, nước da bánh mật sạm nắng, thân hình thon nhỏ ngồi bất động, chỉ có đôi mắt hiền từ trong sáng, ngước nhìn lên chăm chú để hết tinh thần trong suy tư, cách biệt với ngoại vật, nghiêm trang thánh thiện. Trong ký ức ngờ ngợ như có vẻ thân quen với người nữ tu, tôi chú tâm xem lễ xong sẽ ra trước, đừng đón ở cửa nhà thờ.
Sơ Tâm đã nhận ra tôi trước, rảo bước lại ôm tôi, cả hai chúng tôi nhìn nhau, hơn 30 năm rồi còn gì, xa nhau quá nửa đời người, thật là cuộc hội ngộ hi hữu, cần phải nói với nhau thật nhiều không tiện, tôi ép bằng được đón Tâm về nhà tôi, tôi không ngờ Tâm đã cải đạo và bây giờ trở nên bậc nữ tu khả kính. Tôi hỏi Tâm kể cho tôi biết về mẹ Tâm, các chị, anh và các em Tâm bây giờ sống ra sao với chế độ cộng sản tàn nhẫn ở quê hương. Sơ Tâm kể cho tôi nghe.
“Từ ngày mẹ Tâm khám phá ra biết cô Hoa lợi dụng tình bạn năng lui tới thăm nom, là có ý tìm dịp gặp ba Tâm để đưa ông cụ vào mê hồn trận, lung lạc làm cho ba mê say cô, không còn nghĩ đến tỉnh tào khang, đến đàn con nhỏ dại có bổn phận phải nuôi dậy. Cả hai người, ba và cô Hoa, rủ nhau bỏ nhà ra đi, đang tâm phá nát gia đình, cướp chồng, cướp cha, cướp của, để vợ và các con lâm cảnh nghèo nàn, thiếu thốn. Từ đây mẹ của Tâm phải làm ăn ngược xuôi, âm thầm mưu sinh nuôi các con ăn học, nhà ở phải đi thuê, đồ đạc bán dần, mẹ Tâm không còn vẻ là một mệnh phụ, phu nhân của một bác sĩ như xưa.
Một mùa đông ảm đạm, vì quá lao tâm lao lực, mắc bệnh trầm trọng, thuốc không có, nằm trên một cái giường ọp ẹp, chỉ còn da bọc xương, gương mặt đau khổ, hơi thở khò khè, biết mình sắp đến giờ tạ thế, mẹ của Tâm gọi tất cả năm người con, hai trai ba gái đứng hai bên giường, chị cả lớn nhất mới có 14 tuổi, em trai út mới lên 3, nào em tôi có biết gì đâu, nó chỉ khóc phụng phịu, nghe mấy đứa trẻ hàng xóm, nô đùa ngoài sân, nó chạy ra, mẹ tôi làm hiệu giữ nó lại, khi tôi nắm được em đưa vào bên cạnh mẹ, bà cụ nằm lấy tay nó và nói với chúng tôi:
-Trước khi mẹ chết, mẹ chẳng còn gì để lại cho các con, nhưng mẹ phải trối trăn, các con có thương mẹ, hãy nhớ kỹ những điều mẹ nói sau đây. Bởi vì đâu mà mẹ con ta ra nông nổi này, nghèo, thiếu thốn đã mấy năm nay, một mình hết sức xoay sở, dè sẻn, làm lụng vất vả không đủ nuôi các con ăn học, thiếu thốn từ quần áo, sạch sẽ, gia đình ta bị nhiều người khinh khi. Các con lớn còn nhớ không? Ba mẹ và các con đang sống hạnh phúc, đầy đủ, ba các con đi làm, mẹ ở nhà làm đủ bổn phận một người vợ, người mẹ, không có làm điều gì trái ý ba và các con: đối với họ hàng, lối xóm, chưa xẩy ra điều gì làm mất lòng ai.
Trong lúc mẹ đang sống hạnh phúc, trong những bạn học cùng trường với mẹ trước kia. Hoa là người bạn gái ở gần nhà mình nhất, chắc các con còn nhỏ, hay đến thăm chơi trò truyện với mẹ, mỗi lần đến bao giờ cũng thân hơn nên mỗi khi đến, mẹ thường giữ cô ta ở lại chơi ăn cơm với ba mẹ, và bao giờ cũng chờ ba con đi làm về mời ăn cơm.
Mỗi khi đến chơi, cô ta hay đi một mình và lần nào cũng nói về gia đình cô, phàn nàn về chồng cô ta hay cờ bạc, mê đi nghe hát, xem tuồng, lại còn bồ bịch với đào hát này đến đào hát kia, làm cho cô ta thật khổ sở, lương cuối tháng đưa về không đủ tiêu, gia đình thiếu trước hụt sau, mang công mượn nợ, cô ta kêu ca thì người chồng lạm ỷ vào quyền của mình đi làm có lương phải chi tiêu, cho xứng với địa vị của mình, rồi quát mắng chửi bới, đổ tại cô ta hoang phí, không biết gì về nội trợ, chỉ biết ăn sẵn, rồi cô phàn nàn với ba mẹ: “Cứ như thế này tôi không chịu nổi, sẽ phải ly dị để thẳng cha ấy lấy ai thì lấy.”
Mẹ lấy tình bạn khuyên cô ta nên nhẫn nại, chiều chuộng, khuyên chồng cô bớt cờ bạc, hàn gắn gia đình nhất là cô ta đã có ba đứa con nhỏ dại, phải chăm sóc nuôi dưỡng, và nên tự xét mình xem có điều khuyết điểm nào, hãy tự sửa mình cho hoàn hảo rồi hãy trách người ta. Từ hôm mẹ khuyên cô ta, ít thấy cô ta tới nhà mình, rồi vì công việc bổn phận, mẹ cũng quên đi, lúc nào nhớ tới cô ta, mẹ lại nói với ba, lâu nay cô Hoa ít lại đây chơi, nghe xong ba các con chỉ ừ ào cho qua.
Rồi một hôm, có một người bạn nói cho mẹ biết Hoa đã ly dị chồng, mà cũng không nhận con về nuôi. Thật tội nghiệp, người chồng là một công chức, sáng sớm đem con đi gửi hàng xóm, đến chiều đi làm về lại đi đón con, cảnh gà trống nuôi con thật là ái ngại. Còn Hoa bây giờ khác trước nhiều lắm, son phấn, quần áo toàn thứ đắt tiền, chỗ nào có hội họp, đình đám đều có mặt, mẹ cũng chỉ nghe qua rồi bỏ.
Ít lâu sau, mẹ nhân thấy ba con hay đi sớm về tối, cuối tuần lấy cớ đi chơi với người nọ người kia, hay có bệnh nhân đau nặng cần ở lại nhà thương, mẹ vẫn tin ba các con vì nghề nghiệp nên không có ý nghi ngờ. Cho đến một hôm, ba con nói với mẹ nên ký giấy bán một số ruộng ở nhà quê và ngôi nhà đang ở để lấy tiền hùn vốn mở bệnh viện tư, mà ba làm giám đốc, như vậy ba không phải làm việc tư, như vậy ba không phải làm việc dưới quyền ai, bây giờ hãy tạm thuê căn nhà nhỏ rồi ít lâu sau, có lời nhiều mình sẽ tậu ngôi nhà lớn hơn ngôi nhà này.
Mẹ không một chút nghi ngờ, ký giấy bán ruộng, bán nhà, tìm nhà đi thuê, buổi sáng hôm sau dọn nhà, vì ba đi làm ở nhà thương, nên chỉ có một mình mẹ ở nhà thu dọn đồ đạc. Việc đầu tiên mẹ làm là đi lấy sổ vàng và bạc ba mẹ để dành từ lâu nay, trong số đó có cả các đồ nữ trang, thì ôi thôi! Tất cả đã không cánh mà bay, mẹ chỉ còn biết chờ ba con về để hỏi, may ra ba có cất nơi khác mà không nói cho mẹ biết, thế rồi mẹ cứ ngồi chờ, cho tới khuya cũng không thấy ba các con về.
Mẹ sốt ruột như có sự gì không ổn xẩy ra cho mẹ, mẹ dặn người làm coi các con, thuê xe kéo tới bệnh viện, ở bệnh viện mọi người đều biết mặt mẹ nên mẹ cứ đi thẳng tới phòng ba làm việc, mẹ không gõ cửa mở cửa vào, thấy con Hoa ngồi gần ba đang to nhỏ. Bất thần mẹ xông vào nắm lấy con Hoa, miệng hét lớn làm mọi người đổ xô đến, ba gỡ tay mẹ để con Hoa chạy biến mất, rồi ba quát đuổi mẹ về. Mẹ thấy ba các con, vì mê đắm con Hoa nên không còn nghĩ gì đến tình vợ chồng, đến đàn con dại. Mẹ uất ức ngất đi, khi tỉnh dậy thấy mình nắm trong phòng hồi sinh, có mấy cô y tá và bà sơ Nguyên hết sức an ủi mẹ, mẹ không bao giờ quên ơn mấy người này mỗi khi đến.
Từ đấy ba các con không có trở về nhà nhìn vợ nhìn con nữa, còn con Hoa nghiễm nhiên ra vào bệnh viện chỗ ba các con làm việc, nó lại hay phách lối, mọi người đều chứng kiến cảnh bỉ ổi bất nhân đối với mẹ con mình và họ đều tỏ thái độ xem thường ba các con, chỉ còn thiếu điều tẩy chay. Có thể vì xấu hổ nên khi bị tụi VC nằm vùng móc nối, sẵn có nhiều tiền trong tay, ba đem con Hoa trốn ra khu và sau đó lại đi ra làm việc ở Hà Nội. Từ đó mẹ không còn biết nhiều tin tức của ba nữa.
Mẹ tự trách mình vì quá tin bạn, cứ để nó lui tới hoài và không theo sát ba các con ở bệnh viện, nên mới ra nông nỗi này, thật đúng như lời các cụ xưa thường nói:
Tin bợm mất bò
Tin bạn mất vợ (chồng) nằm co một mình.
Âu cũng là bài học để các con nhớ, không nên quá tin ai, phải tìm hiểu mọi việc xẩy ra. Mẹ muốn nói nguyên nhân của việc gia đình mình bị tan nát để các con hiểu và lấy đó làm gương sau này. Nguyện vọng sau cùng của mẹ trước khi chết là các con phải trả thù cho mẹ, đây là mối thù không đội trời chung, mẹ đã không làm được và nay đã kiệt sức sắp lìa trần, các con hãy thay mẹ trả thù, làm cho con Hoa đau đớn ê chề, hay làm cho nó chết thì mẹ mới hả lòng.”
-Mẹ tôi nói nhiều, quá mệt, ngất đi và ngày hôm sau mẹ tôi đã vĩnh biệt ra đi – rồi Sơ Tâm nói tiếp: -Một bác sĩ phu nhân đang sống trong hạnh phúc, vật chất đầy đủ, vì quá tin để bạn cướp mất tình yêu, mất chồng, mất hết tài sản đến nỗi mẹ con lâm vào cảnh sống nghèo khổ, nheo nhóc, nhục nhã thì sự thù hận trở nên quá lớn, tôi không dám trách mẹ tôi đã trối trăn cho các con trả thù hộ me, vì mẹ tôi khổ sở trông thấy trước cảnh chị em chúng tôi đều còn nhỏ tuổi trở nên côi cút, tan đàn sẻ nghé mà oán hận đối với người đã gây ra cảnh này cho chúng tôi.
Sau khi mẹ chết, họ hàng hai bên và bà con lối xóm đến thăm hỏi, lo việc chôn cất bằng việc bán tất cả những gì có thể bán được để trang trải mọi chi phí. Rồi họ hàng bàn nhau chia chị em chúng tôi ra, để mỗi người nhận lãnh một cháu về nuôi và họ chỉ nhận những cháu có thể giúp được việc nhà, trật ra còn hai em nhỏ tuổi nhất chẳng ai chịu nhận cả vì họ sợ rằng nuôi tốn cơm mà chẳng giúp được việc gì.
Trong lúc ngặt nghèo như vậy, chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc, thật Thiên Chúa giúp chúng tôi, đúng lúc này Sơ Nguyên đến cùng với một sơ khác nữa, trông thấy cảnh họ hàng tranh dành chia chúng tôi ra để nhận về nhà giúp việc, sơ Nguyên nói:
-Tôi đến hơi muộn, tôi xin thưa với bà con cô bác trong hai họ là khi bà bác sĩ còn sống, tôi đã hứa với bà, nhận đón tất cả các cháu mồ côi về để nhà dòng chúng tôi lo nuôi nấng và dậy dỗ, cho các cháu ăn học đến thành tài. Vậy để giữ được lời hứa ấy, chúng tôi xin họ hàng đồng ý để chúng tôi lãnh các cháu mồ côi về.
Tất cả họ hàng đều đồng ý vì đỡ được gánh nặng nuôi cháu mồ côi, và kết quả là ba chị em gái về với sơ Nguyên ở dòng nữ, còn hai em trai về sống trong dòng các sư huynh.
Sơ Nguyên đáng kính đã tới đúng lúc để cứu chúng tôi, ơn ấy chị em chúng tôi muôn đời ghi nhớ. Sơ là một nữ tu tự nguyện đến giúp việc ở bệnh viện nơi ba chúng tôi làm việc trước đây, bà làm việc không biết mệt, luôn luôn có mặt an ủi giúp đỡ các bệnh nhân hấp hối, trước hết vì lòng tha nhân, sau nữa cũng là dịp tốt để truyền giáo. Bà đã chứng kiến cảnh mẹ tôi bắt ghen, bà đã an ủi mẹ tôi khi biết rõ gia cảnh chúng tôi bị khánh kiệt, nhục nhã, bà đã để ý giúp đỡ về vật chất cũng như về tinh thần, chăm sóc mẹ tôi khi bị lâm bệnh nặng cũng như khi hấp hôi, và sau hết nhận chúng tôi về nuôi và cho ăn học đàng hoàng.
Tất cả chị, anh em chúng tôi đã được hai nhà dòng nam nữ, chia nhau nuôi ăn ở, học hành cũng y như các học sinh nội trú phải trả tiền, không có gì phân biệt hơn nữa nhà dòng lại còn may sắm cho chúng tôi dư quần áo, vật dụng cho đời sống nội trú, nhiều khi lại còn hơn các bạn bè chúng tôi nữa. Khi chúng tôi đã khôn lớn, hiểu biết, chúng tôi được tự do chọn lựa tôn giáo để theo, và tất cả chúng tôi đều tình nguyện tòng giáo, và vì lòng cảm phục các sơ và ưa thích đời sống tu trì, tôi và em gái tôi đã trở thành nữ tu, hai em trai, một là linh mục, một là sư huynh, duy chỉ có chị cả chúng tôi lập gia đình được ba cháu đã lớn.
Năm 1976, sau khi miền Nam bị xâm chiếm, và thông thương giữa hai miền được thống nhất, chị cả đưa tin cho chúng tôi hay là có người quen cho chị địa chỉ của ba chúng tôi ở Hà Nội. Chị cả nhắc chúng tôi lời trối trăn của mẹ trước khi chết là phải trả thù, và hỏi chúng tôi còn nhớ hay không? Lòng chị cả vẫn còn mang nặng mối hận thù đối với cô Hoa, người đã làm cho gia đình chúng tôi tan nát, mẹ chúng tôi chết trong cảnh nhục nhằn đau khổ, và chị quyết tâm thi hành lời mẹ dặn, và không thể tha thứ cô Hoa được.
Chị em chúng tôi lâm vào cảnh vô cùng khó xử, lời mẹ dặn trả thù vẩn còn văng vẳng bên tai trong suốt 20 năm qua, nhưng nay chúng tôi, hai chị em là nữ tu, hai em trai là linh mục và sư huynh Công giáo, làm sao có thể trả thù cho mẹ được đây! Lời Thiên Chúa dậy trong tám mối phúc thật: “Phúc cho kẻ hòa thuận vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa”, mỗi ngày trong kinh nguyện vẫn đọc: “Tha kẻ dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta”, Theo Tân Ước, Chúa dậy: “Các người đã nghe lời dạy răn: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Nhưng ta bảo các người: đừng chống cự với người ác. Trái lại, hễ ai tát má bên phải ngươi, ngươi hãy đưa má kia cho họ nữa.” (Mat-Thêu 5, 25-42).
Nên chúng tôi chỉ còn biết khuyên và an ủi chị cả, xin chị hãy quên đi và hãy tha thứ. Lấy lương tâm mà xét, sự việc đã qua hơn 20 năm, mẹ chúng ta đã chết, các em đã được nuôi ăn học, tất cả đều trưởng thành, thấm nhuần tinh thần bác ái của đạo Công giáo, nên chúng em chỉ biết cám ơn Thượng Đế đã thương chúng ta, và xin chị cả hãy quên đi và tha thứ cho cô Hoa.
Sau đó, các chị em cử tôi đi Hà Nội thăm ba chúng tôi; được phép nhà dòng, xin đủ giấy tờ, tôi đã tới Hà Nội tìm được địa chỉ thăm ba tôi. Tôi rất xúc động khi thấy ba tôi, người già trước tuổi, yếu đau, vấn an rồi tôi nhìn nơi ba tôi ở, tôi không thể ngờ trong một căn phòng trệt chật hẹp, trước kia là nhà để xe của một Pháp kiều, được chính phủ “ưu ái” chỉ định cho ở, sau khi dâng cúng cho đảng một số tiền lớn là cả gia tài của ba mẹ tôi trước đây, mà ba tôi đã lấy đi bằng hết, nghe lời dụ dỗ của cô Hoa để làm vốn và tiêu dùng.
Chính phủ gọi là đãi ngộ ba tôi có bằng chuyên môn y khoa bác sĩ và dâng cúng một số tiền mới được căn phòng nhỏ bằng phòng chứa đồ phế thải của nhà ba tôi trước kia, đồ đạc độc nhất là một cái phản ọp ẹp, hai cái chõng tre thất kế cao hơn mặt đất chừng một gang tay. Phản là nơi ngủ của ba tôi và cô Hoa, còn hai chõng tre cho hai em con cô Hoa nằm, một cái bàn gỗ tạp, bốn ghế cũ là nơi để tiếp khách và cũng là bàn viết của ba và bàn học của hai em. Chừa một góc phòng làm bếp, khi thổi nấu khói tỏa đầy nhà, mọi người phải ra ngoài hè, trừ người nấu bếp.
Sau khi tôi chào, cô Hoa đưa hai em còn nhỏ lại giới thiệu nhận chị em, cô nhìn tôi với bộ mặt hối hận cô hỏi tôi:
-Cháu còn giận cô không?
Tự nhiên, tôi nhớ lời mẹ tôi và nét mặt đau khổ khi hấp hối, lòng tôi bừng bừng một nỗi xót xa, cay đắng khó trả lời quá, tay tôi vột nắm lấy mẫu ảnh. Chuộc tội, mà tôi, một nữ tu, luôn luôn đeo trong người không bao giờ rời, tôi phải nuốt mối uất hận, nhìn nét mặt đau khổ của ba, và sau một phút, tôi trả lời:
-Cháu không còn giận cô nữa, vì ba và cô đã chịu hình phạt rồi, nếu có biết hối lỗi. Mẹ cháu đã chết trong đau khổ, nhục nhằn, nghèo khó, bù lại tất cả các cháu đã ăn học thành công, có một đời sống đầy đủ. Bây giờ, cháu lại thương ba, thương cô, các em phải sống thiếu thốn, cả về tinh thần lẫn vật chất.
Sau câu nói của tôi, ba tôi ứa nước mắt nhìn tôi tỏ vẻ biết ơn. Cô Hoa, nước mắt vòng quanh, nắm lấy tay tôi mà nói:
-Cô cám ơn cháu, cám ơn lòng từ tâm của cháu, cô hối hận, xấu hổ với các cháu, nhờ cháu chuyển lời xin lỗi đến các chị em cháu. Xin hãy tha thứ cho cô, thật là quả báo, cô đã bị trừng phạt ngay từ ngày bỏ nhà ra Hà Nội, và vẫn còn đang bị trừng phạt, hiện nay ba và cô phải sống thiếu thốn, nghèo nàn, bệnh hoạn, tủi nhục, đấy là cái giá cô phải trả vì lầm lỗi của cô.
Từ giã ba và tất cả nhà, tôi đã về Huế để kịp ngày nghỉ đã hết. Tôi gặp lại chị và các em tôi, nói rõ hiện tình ba đau ốm, mẹ con cô Hoa sống trong thiếu thốn. Cô Hoa gửi lời xin lỗi tất cả, các em tôi tỏ lòng thương hại, tha thứ, duy chị cả tôi vẫn ấm ức, nói những lời mạt sát cô Hoa. Tất cả chúng tôi yên ủi chị và xin chị nhớ lời dạy của chúa mà mẹ bề trên Nguyên thường nhắc đi nhắc lại là hãy tha thứ:
“Hãy tha kẻ dể ta, hãy nhịn kẻ làm mất lòng ta”
Tuyết Minh
-
10-28-2024, 09:24 AM #10
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,286
Chung Thủy
Cuối thu gió heo may rải đồng êm dịu, mát mẻ. Mấy chậu cúc đại đóa vươn những nhánh cây bụ bẫm, xanh mướt, hứa hẹn những bông cúc lớn vàng ứng đầy chậu. Tay cầm cái chép vun đất vào từng gốc cây, trong trí óc suy tư, buồn bã, cụ Tổng Địch nhớ lại xưa khi Tâm, con trai cụ, còn bé. Mong con lớn lên đi học, cụ hết lòng chăm sóc, dậy dỗ con trong tinh thần lễ giáo, đâu có buông tha thái quá. Nay Tâm đã công thành danh toại phải tự hiểu và tự giữ lấy thân. Cụ nay đã già cũng muốn tâm hồn được thanh thản, sống thoải mái những ngày còn lại.
Tiếng thở dài vọng từ trong nhà. Cụ bà da mặt nhăn nheo theo thời gian, thân hình gầy yếu chậm chạp bê mủng lúa ra sân cho gà ăn. Vừa đi vừa lấm bấm, phàn nàn vì nhớ cháu đã nhắn cho con dâu đưa cháu nội về với cụ và cũng để giúp trông coi vụ mùa ít lâu. Ngờ đâu con mình vì xa vợ, nghe theo bạn bè, có cơ hội sa ngã. Giận con, thương dâu, thương cháu, cụ nghĩ cũng phải một thời gian con mình sẽ nghĩ lại “Nước chảy về nguồn, lá rụng về cội.”
Tâm là con một, tuy nhà không giàu có, dư thừa nhiều nhưng với sự tần tiện, bố mẹ cũng đủ cung ứng cho Tâm đi Hà Nội học sau khi đã tốt nghiệp trường phủ nơi sinh quán. Kỳ hè về nghỉ ở nhà, ông bà cụ Tổng đã để ý chọn Mai là người cùng làng, cũng là con nhà gia giáo, khuôn phép. Nàng hiền lành, thùy mị rất xứng đôi với Tâm. Tâm cũng rất hoan hỉ được bố mẹ chọn cho mình người phối ngẫu có nhan sắc, đức hạnh. Tuy chưa học xong nhưng nhà neo người, ông bà Tổng nuốn có cháu sớm nên xin nhà gái cho cưới theo tục lệ.
Năm sau học xong, Tâm được bố làm ở phủ Thống Sứ Hà Nội. Đôi Tâm-Mai sống rất hạnh phúc. Đứa con trai đầu lòng càng làm tăng hạnh phúc lứa đôi. Hai cụ Tổng Địch sống hiu quạnh ở quê nhà nên lâu lâu Mai lại đưa con về chơi với ông bà nội cho đỡ nhớ. Tới vụ mùa, Mai thu xếp về quê nhà coi sóc, giúp đỡ cho bố mẹ chồng. Những dịp xa vợ con, bạn bè hay rủ Tâm đi chơi, tới nhà các bạn tập đàn, tập hát.
Trong số đó bạn bè thường rủ Tâm đến nhà Yến. Bố mẹ Yến là người mê cờ bạc đến sa sút Chẳng làm ăn gì chỉ trông vào các khách tới nhà chơi, cờ bạc, tài bàn, xóc đĩa, tổ tôm, để lấy tiền hồ bởi vậy các con ông bà không được dậy dỗ, muốn sống buông thả thế nào cũng được. Con trai, con gái lớn xuýt xoát bằng nhau. Học hành lấy lệ và đua nhau ăn diện. Họ thường tổ chức khiêu vũ, mời các bạn tới nhà đàn hát hay rủ nhau đi chơi.
Chi phí đã có những ông bạn xộp chia nhau gánh chịu. Nay anh này mai anh khác. Rồi đến lượt Tâm cũng tỏ ra hào hoa, rộng rãi. Vợ con ở quê nhà, không phải mang tiền về nên sẵn tiền Tâm hay rủ bạn kéo tới nhà ông bà Ấm để gặp bọn Yến, Xuân, Lan. Cô nào cũng ăn diện theo thời trang, nhan sắc khéo tô điểm lại vui vẻ săn đón. Lâu dần Tâm cảm thấy ngày nào không đến gặp các cô lại thấy nhớ nhung, bứt rứt.
Thâm tâm ông bà Ấm biết gia đình chỉ sống bằng nghề cờ bạc bấp bênh, con cái lấy gì học đến nơi đến chôn. Con gái khó kiếm được chồng hẳn hòi như ý nên mỗi lần Tâm đến chơi, cả nhà Yến săn sóc chiêu chuộng. Trái cây, bánh mứt, lời ngon ngọt, ánh mắt đưa đẩy làm cho Tâm say mê. Đi làm về ngày nào cũng phải tới gặp Yến. Đến nỗi cuối tháng lĩnh lương xong là vội vàng đưa Yến đi ăn, đi sắm sửa.
Yến biết rõ tình cảnh của Tâm và nàng thừa hiểu hết vụ mùa, vợ Tâm lại trở về nên Yến toan tính để chiếm đoạt Tâm. Tới lúc chín mùi, Yến ra điều kiện Tâm phải về nói với bố mẹ xin cưới nàng sau khi ly dị Mai. Tâm tuy rất mê Yến nhưng tình nghĩa với vợ nào kém gì. Năm năm chung sống với người vợ hiền lành, đoan trang, nào có tội tình gì. Chỉ vì nàng giữ bổn phận làm dâu, ngày mùa mang con về phụ giúp bố mẹ, lấy cớ gì mà phụ nàng. Còn thằng Chính nữa. Làm sao xa con cho đành. Để cho cha mẹ biết lại làm cực lòng các cụ.
Thừa biết các cụ là người nghiêm túc, bảo vệ gia phong, không dễ gì lay chuyển lại thêm Tâm lần khần không quyết định dứt khoát bỏ được vợ cả, Yến càng thôi thúc. Nàng làm đủ hết mánh khóe mê hoặc, nói đã có thai, không thể để cho gia đình bị nhục nhã vì nàng. Tâm bối rối đành theo ý để mặc ông bà Ấm và Yến thu xếp làm đám cưới âm thầm với sự phụ giúp của mấy người bạn lãng mạn. Dĩ nhiên ở quê nhà cha mẹ Tâm và Mai nào hay biết.
Yến ngang nhiên dọn về chung sống với Tâm. Khi ngày mùa đã hoàn tất. Mai viết thư cho Tâm hẹn ngày đem con về Hà Nội. Nhận được thư Tâm rất bối rối muốn thuê nhà riêng cho Yến, nhưng nàng không chịu nại cớ thuê thêm nhà tốn tiền, chờ Mai tới sẽ hay.
Ít hôm sau khi Tâm còn ở sở, Mai về đến Hà Nội thuê xe về nhà. Đến nơi ngỡ ngàng khi thấy Yến. Người đàn bà đó đã nhận mình là chủ nhà và xác nhận nàng ta là vợ Tâm. Lấy Tâm chính thức, có cưới xin đàng hoàng và khuyên Mai nên về quê nhà an phận. Yến sẽ cấp dưỡng cho mẹ con nàng. Còn như cố chấp không chịu sẽ chỉ mang lấy thua thiệt vào thân.
Trước những lời đe dọa của Yến cộng thêm với sự hỗ trợ của mấy người đàn bà to lớn, dữ dằn túm lại chửi bới, hùng hổ như muốn ăn tươi nuốt sống mẹ con Mai, Mai đứng lặng trong tỉnh cảnh phũ phàng, ngỡ ngàng không ngờ Tâm thay lòng đổi dạ để người đàn bà này đuổi mẹ con nàng ra khỏi nhà. Biết mình cô thế, không họ hàng thân thích, Mai đành chờ Tâm về có ba mặt một lời sẽ hay.
Gần đấy có người bạn Tâm hiểu rõ tình cảnh, ái ngại cho Mai nên khuyên Mai tạm lánh sang nhà mình và đồng thời đưa tin cho Tâm. Không thể đương đầu nói với bọn nặc nô mà Yến đã bố trí sẵn, Mai đành nghe theo dắt con vào nhà bạn. Vừa đau khổ vì bị làm nhục vừa thêm tinh thần quá căng thẳng, thể xác mệt nhoài sau vụ mùa làm lụng vất vả, Mai sinh bệnh ốm mê man. Tâm được tin muốn đến thăm nhưng bị Yến quỷ quyệt bủa vây không rời chàng một bước. Sáng chiều Yến đưa đón tận sở, lại còn bóng gió nếu làm mất mặt bố mẹ nàng sẽ không yên với Yến. Một mặt nàng ve vuốt, chiều chuộng, rủ Tâm đi ăn đi chơi để không có thì giờ nghĩ đến vợ con.
Từ hôm ở Hà Nội về quá uất ức Mai ốm mãi vẫn chưa khỏi. Nàng còn tự trách mình về giúp vụ mùa quá lâu, không ai săn sóc, cơm nước, ở nhà một mình buồn, có người rủ rê, lại được chiều chuộng, mê hoặc khó mà cưỡng nổi, sa ngã là vậy. Dù Tâm được giáo dục, dậy dỗ trong một gia đình nghiêm túc nhưng mình cũng phải bình tĩnh, nhẫn nhục chờ đợi. Một thời gian Tâm sẽ suy nghĩ lại, tranh chấp làm gì, nóng nẩy rùm beng chưa biết sẽ đi đến đâu, chỉ thấy làm cực lòng cho cha mẹ đôi bên. Tốt hơn nên tỏ ra cao thượng. Nghĩ như thế nàng mỉm cười thấy lòng thơ thới, dễ chịu.
Từ đó sức khỏe phục hồi, nàng tìm việc làm, nuôi tằm, hái dâu, làm vườn, cấy rau, săn sóc con, trông coi việc nhà, giúp đỡ bố mẹ chồng. Công việc chiếm trọn thì giờ từ sáng đến chiều, nàng không để tâm nghĩ ngợi. Nay chỉ lấy công việc làm vui. Có ai hỏi thăm chuyện gia đình nàng chỉ nói lảng sang chuyện khác. Vả lại con người đã sa ngã đổi thay, còn đâu là tình yêu.
Tình yêu không thể đi xin hay quỵ lụy, khóc lóc mà lấy lại được. Tình yêu từ đáy lòng phát xuất ra ngoài. Khi tình yêu vào tay người khác, mình có ý lấy lại chỉ là thứ tình miễn cưỡng. “Cóc chết ba năm quay đầu về núi.” Ngày kia châu về hiệp phố, lúc ấy gia đình mới bền vững. Phải có nếm trải sự đời, cay đắng điêu đứng rồi mới nhận chân được giá trị đâu là người vợ tâm hồn lý tưởng, người vợ se sua ăn chơi, cờ bạc, lêu lổng chỉ là hạng tạm bợ.
Hai cụ Tổng Địch biết chuyện rất giận dữ và buồn phiền. Các cụ gửi thư thống trách bắt Tâm phải trở về với gia đình nếu không các cụ từ bỏ không nhìn mặt. Thư nào tới cũng bị Yến chận vất đi không cho Tâm biết. Tâm sống ngụp lặn trong cuộc sống buông thả, ăn chơi. Lương tháng đem về không đủ cho Yến chi tiêu và giúp đỡ bố mẹ mình. Ngày Tết đến, Tâm muốn về thăm cha mẹ, vợ con, nhưng trong túi chẳng còn đồng nào đành theo sự chi phối của Yến. Ăn chơi trác táng mãi sức khỏe hao mòn. Tâm ngã bệnh phải vào nhà thương Phủ Doãn.
Tiền không có phải nhờ các bạn đồng sở phụ giúp. Yến lơ là thăm nom vì còn mải đi nhảy nhót, cờ bạc. Tiền không còn thì tình cũng hết. Tâm một mình nằm trên giường bệnh cô độc mới hối hận đã không giữ lời cha mẹ dậy: bảo trọng thân thể, giữ ngũ luân, ngũ thương. Ân hận vì mê muội theo đuổi lấy cô gái ăn chơi, phá tan hạnh phúc gia đình, bỏ vợ bỏ con, bất hiếu với cha mẹ, bỏ bổn phận thăm nom cấp dưỡng, còn mặt mũi nào trở về quê nhà mình nhìn người thân.
Đang lúc phẫn hận, tâm hồn xao xuyến lại có mấy người bạn đến thăm khuyên anh viết thư tạ lỗi bố mẹ và vợ để được tha thứ. Như vậy có chết cũng an tâm.
Được tin, Mai vội đi Hà Nội không nghĩ giận hờn mà chỉ mong tới gặp chồng săn sóc cho chàng đỡ tủi. Gặp lại vợ trong hoàn cảnh đau yếu, túng thiếu, Tâm xót xa, hổ thẹn muốn xin tạ lỗi. Mai vội vàng gạt đi không muốn nhắc đến chuyện đã qua, chỉ khuyên nhủ chồng an lòng dưỡng bệnh. Phấn khởi được vợ săn sóc, tha thứ, Tâm hồi phục mau chóng. Đến lúc khỏe hẳn, hai vợ chồng quyết định đưa nhau về quê sống với bố mẹ.
Sự nhẫn nhục, chịu đựng của người đàn bà Việt Nam thật đáng ca ngợi. Cái giá mà Mai đã phải chịu đựng rồi cũng được đền bù xứng đáng. Cứ giữ lòng thủy chung, trọn vẹn với tình nghĩa, vừa phải với lòng mình, không hổ thẹn với người.
Tuyết Minh
Similar Threads
-
Tết Nguyên Đán - Tuyết Minh
By frankie in forum Nhân VănReplies: 0Last Post: 01-22-2023, 09:51 AM -
Những mảnh đời - Tuyết Minh
By frankie in forum Nhân VănReplies: 33Last Post: 12-01-2022, 02:52 PM -
Giòng Đời Xưa và Nay - Tuyết Minh
By frankie in forum Nhân VănReplies: 31Last Post: 09-21-2022, 01:59 PM -
Âm nhạc Do Thái Truyền Thống của người Do Thái
By Long4ndShort in forum Âm NhạcReplies: 5Last Post: 11-10-2017, 05:56 PM -
Bản Sắc Văn Hóa Truyền Thống Do Thái
By Long4ndShort in forum Chuyện Linh TinhReplies: 22Last Post: 09-07-2014, 08:38 PM