Results 11 to 16 of 16
-
10-29-2024, 08:51 AM #11
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,125
Bức Tranh Vân Cẩu
Luân phiên về chiều mỗi cuối tuần chúng tôi trong nhóm bạn hữu, tổ chức những cuộc họp mật bỏ túi về bất cứ vấn đề gì thuộc đời sống, chính trị, kinh tế.
Hôm nay chúng tôi rủ nhau đi chơi, thả bộ đi xem người; xem các cửa hàng mãi cũng chán, đói bụng, chúng tôi rủ nhau vào tiệm ăn. Còn đang đứng xếp hàng chờ người tiếp viên đưa vào chỗ ngồi, chợt nghe có tiếng người nói: “Hạnh, Ô Hạnh! Các bạn được đi chơi sướng quá, chả bù….” Tới đây tiếng nói khựng lại không nói tiếp. Tôi quay nhìn người vừa nói, anh Mạnh, cũng là bạn của cả trong nhóm. Chúng tôi ngầm hiểu Mạnh muốn nói gì nhưng đã kịp ngưng lại và hỏi sang câu khác:
“Các anh còn ở chơi đây bao lâu, bây giờ ở đâu cho biết địa chỉ, tối nay gặp nhau được không?”
Hạnh trả lời thay:
-Được quá, thế thì còn gì vui vẻ bằng, bạn hữu gặp nhau còn tâm tình chứ.
Hạnh đưa địa chỉ hẹn tám giờ tối. Chúng tôi bắt tay Mạnh rồi kéo nhau vào bàn ăn, để hưởng những món ăn mùi vị Việt Nam với món chả giò nổi danh quốc tế, ăn cơm với canh chua, cá kho tộ cứ nhắc đến đã làm mọi người bắt thèm.
Sau bữa ăn chúng tôi chia tay để tới thăm ai có bà con bạn bè quen biết. Tới tám giờ tối ai nấy đều trở về bản doanh như đã hứa với Mạnh tới thăm rồi cùng nhau đi ăn theo chương trình đã định trước.
Tám giờ hơn, mọi người đã về tới nhà, Mạnh đã tới với hai tay hai bịch bia đưa lại để góp vui với các bạn. Rượu vào lời ra sau những tràng cười cởi mở, nói đùa hỏi thăm nhau về công việc làm ăn, học hành như anh Nhu vừa đi học vừa đi làm sống độc thân cũng cố dành dụm dè sẻn để có tiền độ vài ba tháng gửi về cho cha mẹ các em một thùng quà.
Nhu than không có gì khổ bằng ngày thứ Bảy, Chúa nhật đi mua đồ, trên tay cầm lá thư dò lại xem các em trong thư dặn mua những thứ gì, có thứ vừa túi tiền mua được, có món viết trong thư giá tiền nhiều quá không đủ tiền mua lại phải chọn thứ khác hay nơi nào bán rẻ trong khi túi tiền mình có hạn, mua thứ này thiếu thứ kia, cho đến lúc gửi xong thùng quà mới thấy nhẹ thở khoan khoái. Ngày hôm sau đi học đi làm mới hết thắc mắc.
-Ồ thế là mày sướng đó Nhu.
Nhu đáp:
-Còn Hạnh không sướng sao. Có gia đình hạnh phúc mấy ai đã được như anh.
-Tôi có hạnh phúc gia đình như anh nói nhưng như Nhu chỉ lo có việc mua quà gửi về nhà cho cha mẹ các em tùy ý mình gửi nhiều ít không cần đắn đo tính toán. Như tôi phải lo cho cả đôi bên cha mẹ còn kẹt lại. Mỗi khi ra thùng thơ lấy thư thấy phong bì Việt Nam chưa đọc là mình đã đoán được phần nào, thư bên vợ hay thư của gia đình tôi cũng chẳng khác là mấy, cũng một ngôn ngữ túng thiếu, cần hết thứ này đến thứ kia cần gửi về v.v..
Đi làm chỉ mong ngày cuối tuần được nghỉ lại phải đi mua đồ gửi về cho cả đôi bên gia đình, mà gia đình bên tôi lại đông người hơn bên vợ tôi, nếu tôi muốn mua đủ đồ cho các em, tôi lại phải chi nhiều hơn thùng đồ bên vợ. Cứ cuối tháng trả bill xong còn lại bao nhiêu tiền lại đã nghĩ đến đi mua đồ. Mỗi khi đi mua đồ gửi về lại có màn cãi nhau ầm cửa ầm nhà giận dỗi chỉ vì gửi quà về bên nhiều bên ít. Chúng tôi mong sao cho chóng được đoàn tụ tất cả thì gia đình tôi mới có thể êm ấm được. Tôi vẫn mang trong người nỗi khổ là vậy.
-Còn anh Thiệu thì sao?
Thiệu nói:
-Hoàn cảnh tôi khác các bạn, vợ chồng tôi mới cưới nhau vài tháng là di tản cùng với cha mẹ tôi, tới Mỹ các cụ tìm cách buôn bán nuôi vợ chồng tôi tiếp tục đi học; khi chúng tôi học xong tìm được việc làm, lại có cháu nhỏ, vợ chồng tôi xin các cụ ở nhà trông nhà chơi với các cháu để chúng tôi yên tâm đi làm. Nhưng cũng phải khéo lắm, phải hiểu nhau giữa cha mẹ và vợ chồng tôi phải hiểu tính nhau, tôn trọng lẫn nhau, tôi là con thế nào cũng được nhưng giữa mẹ chồng nàng dâu đã có mấy ai chịu hiểu nhau.
Nhưng gia đình tôi dễ thông cảm với nhau lắm. Vì đi làm cả ngày chỉ có bữa cơm chiều mới là lúc họp mặt mọi người, là lúc mẹ chồng nàng dâu giúp nhau mau có bữa ăn, mọi người vừa ăn vừa chuyện trò, trong sở gặp chuyện gì chúng tôi đưa ra nói, ở nhà cha mẹ tôi gặp chuyện gì cũng nói cho chúng tôi nghe, rồi bàn tán cái hay cái dở trong câu chuyện, nhất là chuyện thời sự nước nhà, nước tạm dung, tình hình thế giới mà ông bố tôi hay xem báo rồi đoán những việc sẽ xảy đến, nhiều lúc tranh luận thiệt là vui, đồng ý kiến hay bất đồng ý kiến cũng vậy. Vì ai cũng hiểu phải tôn trọng tự do của nhau.
Chúng tôi cởi mở, tất cả mọi người trong nhà không có ai muốn giấu nhau điều gì, chúng tôi đều thành thật, nếu khó chịu điều gì cứ việc nói ra giải thích cho mọi người hiểu, được như vậy là nhờ biết tha thứ yêu nhau thật lòng.
Cuối cùng còn anh Mạnh, vẻ mặt dầu dầu, Mạnh nói:
-Tôi không có được diễm phúc như các bạn. Trước kia cũng như anh Nhu có dư bao nhiêu tiền tôi gửi về cha mẹ tôi theo yêu cầu, thỏa mãn đỏi hỏi, tôi làm giấy bảo trợ gửi tiền về lo lót ở nhà để chóng được đi đoàn tụ. Tôi không dám lấy vợ, sợ gặp phải người vợ có tính chặt chẽ, mình sẽ không giúp được gia đình rồi lại còn sinh ra lắm chuyện lôi thôi, lại còn phải mua căn nhà rộng rãi có đủ phòng ở cho cả gia đình; muốn được vậy tôi phải bỏ hết sở thích.
Khi được tin ra phi trường để đón gia đình, tôi sung sướng được các bạn cùng đi đón cho thêm long trọng vui mừng, gặp cả gia đình đầy đủ bố mẹ anh em; muốn dành sự ngạc nhiên cho cả nhà tôi đưa cả gia đình đến căn nhà mới mua có đủ tiện nghi. Chẳng được bao lâu, bố mẹ khi đã quen chỗ ăn chỗ ở là lúc bố mẹ tôi thi hành chủ quyền, bắt đầu bố tôi bắt kê lại đồ đạc trong nhà thậm chí mấy cây kiểng cũng đào lên theo ý bố tôi, nhà cửa cũng đục chỗ nọ bít chỗ kia, tôi có phản đối là bố tôi giận, chửi tôi là đồ bất hiếu, đã dám chống lại ý bố mẹ.
Mẹ tôi cũng theo như bố tôi, hỏi lương tôi kiếm được bao nhiên, tiền nhà phải trả bao nhiêu, tiền điện tiền nước v.v… nghĩa là mẹ tôi muốn nắm lấy sự chi tiêu trong nhà, điều khiển chúng tôi theo ý mẹ tôi. Như các bạn biết, anh em chúng tôi đã lớn khôn cả, cũng muốn trai có vợ gái có chồng. Tôi muốn mời cô bạn nào về nhà chơi có ý để bố mẹ tôi biết mặt làm quen để hiểu nhau hơn, tuy mẹ tôi đã bằng lòng mời cô bạn tôi tới, sau khi cô bạn tôi về là mẹ tôi chê: “Quá tự do, không biết ăn nói, mặc không kín đáo.” Như vậy làm sao tôi lấy được vợ.
Đến như em gái tôi có bạn trai đến nhà xin phép bố tôi mẹ tôi cho em tôi đi chơi thì mẹ tôi bắt phải có anh trai hay em trai đi kèm không để cho chúng tôi có tự do trong vấn đề lựa chọn. Bố mẹ tôi quá nghiêm khắc và thường nói bố mẹ làm thế là có lợi cho các con chứ cho ai.
Các cụ áp dụng quy tắc thật chặt chẽ không cho phép chúng tôi bào chữa và cũng không thèm nghe chúng tôi nói. Ra lệnh là phải theo, không lôi thôi gì hết, không được có ý kiến gì. Như vậy làm sao chúng tôi có vợ có chồng?
Người xưa đã nói, quá giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Gạt bỏ những điều không thích hợp với hoàn cảnh với địa vị, đồng thời nên duy trì những cái hay cái đẹp riêng của nó. Văn minh Âu Mỹ dựa trên giá trị khoa học, đặt nặng vật chất vào đời sống trong khi nền văn minh của Á Đông lại chú trọng giá trị tinh thần đạo đức. Hai bản chất khác nhau xa nên ta chỉ tìm tòi học lấy những cái hay của người. Một nhà hiền triết đã nói: “Nguyên tắc căn bản trong cuộc phát triển tương lai con người là nằm trong tình yêu.”
Tuyết Minh
-
10-30-2024, 09:21 AM #12
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,125
Trở Về
Thoái khỏi cuộc sống chung ở chung cư, kiếm được căn phòng nhà lớn, nhỏ, cũng đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn bản xứ, chỉ cần có mảnh vườn để trồng ít rau thơm, những thứ rau thường hay ăn như ở nhà hoặc các thứ cây trái như ý thích, đấy cũng là ý muốn của nhiều người di tản. Sống xa quê hương nhớ nhung đủ thứ lại thèm mỗi buổi chiều khi từ tiệm, hay công sở, hãng xưởng trở về nhà muốn trút bớt mệt nhọc, khó chịu vì những toan tính so kè, kèn cựa, ganh tị, hách dịch, vu oan nói xấu phát xuất từ xếp, đồng nghiệp, khách hàng, ta tạm quên mọi phiền toái đó, ra ngắm khu vườn nhỏ của mình do tay mình xới đất, trồng cây, vun bón.
Nhìn những luống hoa, luống rau xanh mát làm cho tâm hồn ta hòa đồng với thiên nhiên, với rau trái. Ta cảm thấy thích thú, thư thái và yêu đời hơn. Thỉnh thoảng mang những rau trái biếu những người bạn còn ở chung cư không có đất trồng. Nhìn nét mặt rạng rỡ của bạn ta cũng thấy vui và thoải mái trong lòng biết bao!
Tôi đưa ý tưởng trên đây nói với bà Hinh, người bạn chúng tôi quen nhân dịp cuối tuần đi chợ Việt Nam mua thực phẩm. Bà Hinh là người đàn bà trẻ đẹp, thuần hậu, nghiêm nghị. Nụ cười của bà rất hiếm trên môi, lúc nào cũng phảng phất nỗi buồn ẩn trong đôi mắt xa xăm. Chúng tôi trở nên thân mật, hay tới thăm nhau vì mỗi nhà đều có vườn hay góp ý chỗ nào nên trồng hoa, chỗ nào trồng rau, trồng cây cho có mỹ thuật, rút kinh nghiệm bổ cứu cho nhau về trồng tỉa. Bà Hinh thường nắm tay tôi cám ơn về sáng kiến giúp bà làm vườn mỗi khi rảnh rỗi để bà không còn thì giờ buồn về những việc đã qua hay hiện tại. Lần gặp gỡ hôm nay, tôi thoáng thấy nét buồn trên mặt bà Hinh, tôi an ủi:
-Chị có công việc làm tốt, các con ngoan hiền đi học, đi làm, yêu mến và vâng lời chiều mẹ. Tôi ít thấy gia đình nào được hạnh phúc như chị, còn việc tình cảm riêng tư tôi không dám tò mò.
Bà Hinh đáp:
-Tôi ít giao thiệp với ai. Đi làm về là săn sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa. Hạnh phúc của tôi đặt hết vào các con tôi. Từ ngày tới đây bà là người bạn độc nhất. Để tôi kể cho bà nghe về chuyện đời tôi.
Và bằng một giọng nhỏ nhẹ, bà Hinh kể cho tôi nghe:
Chúng tôi lấy nhau do cha mẹ đôi bên thoả thuận sau khi kén chọn rồi nói cho chúng tôi biết, không có sự ép buộc, nhầm lẫn. Chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc. Chúng tôi theo ngành hành chánh, tôi buôn bán thêm lợi tức. Gia đình cũng sung túc. Khi sanh tới cháu thứ năm tôi bị xuất huyết hơi nhiều nên phải tỉnh dưỡng một thời gian. Cũng là lúc tôi nghe nhiều người nói về chồng tôi bắt bồ với một nữ đồng nghiệp. Thoạt đầu tôi chưa tin hẳn những sau nhiều ngày đi làm về muộn, hay vắng mặt đôi ba lần, tôi cật vấn chồng tôi thì anh ấy nại cớ đi vắng vì công việc vụ, việc nhiều phải ở lại sở làm thêm hoặc lúc thì bạn bè rủ đi chơi v.v….
Không khí trong nhà ngày thêm ngột ngạt, giữa hai vợ chồng gặp nhau chỉ nói móc họng nhau. Mọi khi bữa cơm chiều vui vẻ, bây giờ mỗi người chỉ muốn ăn cho mau đứng lên. Các con tôi vừa ăn vùa lấm lét nhìn bố, nhìn mẹ. Chúng không dám cười đùa như mọi khi. Tôi không còn muốn săn sóc quần áo cho chồng như mọi khi. Chỉ khổ các con tôi, mỗi khi chàng cần thứ gì không có sẵn là các con tôi bị rầy la mắng chửi, có khi anh ấy còn tiện tay đánh chúng.
Mấy bà bạn còn bầy cho tôi nên phấn son, sửa soạn đẹp để kéo lại tình yêu và đừng để thua kém người bồ của nhà tôi. Họ bảo người ta ăn diện sang trọng làm đàn ông dễ mê say. Tôi vốn tính căn cơ, ít son phấn và cũng không thích ăn mặc lòa loẹt nhưng bị các bạn thúc bách tôi cũng thử thay đổi xem sao. Nhưng kết quả ngược hẳn lại!
Chồng tôi cho là tôi đổi tính thích ăn chơi, chưng diện và đâm nghi ngờ ghen tuông là tôi có bồ nên lại càng có cớ bỏ tôi biền biệt, lương tháng cũng không đưa về. Người ta xúi tôi đánh ghen, tôi nghĩ làm vậy xấu người, xấu mình có ích gì đâu. Chồng mình mới là đích, mới là kẻ phản bội, mới là thủ phạm. Sau tôi còn nghe người ta bảo cô này tỉ tê với chồng tôi là tôi thay lòng đổi dạng, cô xúi chồng tôi đuổi tôi ra khỏi nhà.
Sự chịu đựng có hạn, tôi thương các con tôi có bố cũng như không nên tôi chờ lúc tan sở gặp chàng nhắc chàng con đau hãy về nhà thăm con và để nói chuyện dứt khoát. Tôi hiểu khi người ta đổi lòng đặt tình yêu chỗ khác rất khó kéo lại. Thực tâm tôi không muốn bỏ chồng nhưng liệu thấy có níu kéo cũng không được. Tôi cũng tự ái không khóc lóc, than vãn hay xin xỏ điều gì, tôi chỉ hỏi anh ấy có muốn ở lại với gia đình, vợ con hay muốn ly tan. Tôi chưa nói hết câu, anh ta đã hùng hổ bảo: “Muốn chơi nước thượng hả? Hãy tự xét mình có xứng đáng là người vợ hiền, mẹ thảo hay không? Hay chỉ biết ăn diện, đua đòi, đàn đúm, bỏ con…”
Anh ta chưa nói hết câu tôi đã điên lên phản ứng lại ngay. Tôi quát lại: “Đừng có thách, đi tìm con điếm kia đi!” Thế là cả hai xô vào nhau… Bây giờ nhớ lại lúc đó cả tôi và chồng tôi như người điên. Các con tôi khóc om xòm, hàng xóm kéo tới khuyên can hai bên. Tôi gọi các con tôi lại giải thích cho chúng hiểu là chúng tôi không thể chung sống với nhau được nữa, các con muốn theo ba hay theo má? Ngày mai tôi sẽ trả nhà lại cho chủ nhà. Còn chồng tôi, lời cuối cùng anh ta nói với tôi là: “Cô muốn đi theo đứa nào thì đi, để các con lại đây cho tôi!”
Hôm sau hắn đi làm việc như thường lệ. Còn tôi xúc tiến các việc xin giấy chuyển trường cho các con, trả nhà thu xếp công việc trong ba hôm thì xong. Trong mấy hôm ấy tuy không nói ra nhưng tôi mong chồng tôi trở về nói vài câu hòa giải để được hàn gắn. Nhưng cho đến lúc mẹ con tôi lên xe, tôi vẫn đảo mắt nhìn xem có thấy bóng chồng tôi không.
Gần 20 năm vợ chồng, con cái không gặp nhau, không thư từ, tin tức. Một người quen cho tôi biết sau khi mẹ con tôi bỏ đi, chồng tôi ở với người đàn bà đó, cô này đã khống chế anh ta, cô ta còn dèm pha đặt điều tôi đi buôn bán rồi lang chạ với nhiều người. Nhiều lần anh định về thăm con cũng bị cô ta tìm cách ngăn cản.
Phần tôi lúc đầu vì quá giận dữ và cũng tự ái nên không đòi hỏi chồng chu cấp nuôi con. Thấy tôi gặp cảnh không may, mấy người quen mách mối, tôi buôn đi bán lại những hàng viện trợ Mỹ. Công việc này cũng hợp với khả năng, tôi kiếm được nhiều tiền và bận bịu với công việc nên cũng ít nghĩ tới người chồng phản bội.
Gần ngày 30 tháng 4, 75 tôi thấy người ta di tản, tôi cuống cuồng nhìn đàn con nhỏ rồi sẽ ra sao. Đi hay ở, biết bàn với ai? Tôi nhớ tới người chồng phản bội và ước gì gặp lại để cùng bàn tính và tôi sẽ tha thứ hết mọi lỗi lầm của anh. Nhưng tôi cũng chẳng gặp lại nên đành liều dẫn đàn con nhỏ xuống tàu theo mọi người rồi đến đâu hay đến đó.
Tới Mỹ tôi lo đi học, đi làm, ổn định được đời sống, ít phải lo lắng như hồi còn ở nhà. Khổ nỗi ngoài giờ đi làm về thấy mình đơn độc, không họ hàng, người quen. Nhiều giấc ngủ tôi triền miên bị ám ảnh vì quá khứ. Những giấc mơ cứ dẫn dắt về những ngày chúng tôi bắt đầu chung sống, những lúc vui mừng khi chồng tôi được lên lương, anh mua đồ chơi cho các con, mua vải đẹp tặng tôi. Chúng tôi bàn định chuyện tương lai, những dự định đi chơi, con cái… Tôi còn mơ cả những lúc chúng tôi cãi nhau, đập phá đồ đạc. Thức dậy tôi rất khổ sở.
Mới đây tôi nhận được thư của người nhà gửi từ Việt Nam kể có gặp chồng tôi và kể tình cảnh anh ấy. Họ còn cho địa chỉ anh ta. Sau 30 tháng 4 chồng tôi không còn việc làm, cô vợ bỏ anh. Anh ta bị đi học tập một thời gian đến khi trở về không nhà không cửa, không vợ con. Anh ta phải ở nhờ ngoài hàng ba nhà bếp một người bà con ở Phú Nhuận. Và tôi đã nghĩ đến việc trở về tìm anh ta, tôi rất phân vân sợ mất việc. Tôi cũng chưa biết sẽ giải quyết thế nào.
***
Đúng một tháng sau bà Hinh trở lại. Và câu chuyện bà kể như sau:
-Tôi tìm đến khu Phú Nhuận theo địa chỉ trong thư. Tôi gặp chủ nhà, họ nói gần tối anh ấy mới về. Chúng tôi gặp nhau bỡ ngỡ như hai kẻ xa lạ. Chúng tôi không nhắc gì đến chuyện ngày xưa, chỉ nhắc đến con cái, công việc học hành của chúng. Tôi đưa xấp hình các con cho nhà tôi xem. Anh ấy rất cảm động. Anh rất ít nói, tôi hỏi câu nào anh ta trả lời câu đó.
Tôi đưa quà anh cũng từ chối, rủ anh đi chơi anh cũng không. Anh chỉ trả lời vắn tắt rằng anh rất xấu hổ vì những tội lỗi đã qua, anh không còn xứng đáng là người chồng, người cha thiếu bổn phận không giúp đỡ vợ con, không nuôi nấng dạy dỗ các con chỉ vì mê say nghe lời xúi dục không phân biệt phải trái. Anh chỉ còn biết ăn năn tội, không muốn nhận một ân huệ nào của vợ con. Anh rất mừng khi thấy vợ con sung sướng do tôi lo lắng, quán xuyến. Anh xin lỗi tôi về những nghi ngờ xưa kia.
Tôi cũng xin chồng tôi hãy quên quá khứ, chuyện cũ đừng nhắc lại chỉ thêm buồn. Phần tôi cũng nhận lỗi nóng nẩy, không biết nhẫn nại chịu đựng nhau để đi đến đổ vỡ.
Trong hai tuần lễ đầu tôi nói thế nào anh cũng không chịu nhận một chút quà hay sự giúp đỡ của tôi dù tôi biết anh thiếu thốn đủ thứ. Gia tài chỉ có mỗi chiếc xe đạp cũ, mỗi buổi sáng đeo trên xe đủ đồ nghề tới Lăng Cha Cả gần Tân Sơn Nhất chữa bất cứ cái gì người ta đem đến như nồi bẹp, ấm sứt quai, chậu thủng… Tôi nhẫn nại hòa đồng xuống mức sống của anh để anh khỏi mặc cảm. Tôi thật khổ tâm đến mức chán nản về sự cố chấp của anh.
Rồi một buổi tối tôi kể lại những giấc mơ từ ngày xa nhau tôi cứ miên man bị ám ảnh như một cuốn phim quay lại cả cuộc đời chúng tôi đã chung sống trước kia. Khi tôi ngừng nói thì anh tươi cười nhìn tôi và cũng kể lại là anh cũng có những giấc mơ như vậy. Và bà biết sao không, anh nói với tôi:
-Thiên Chúa đã kếp hợp chúng ta, không có gì chia rẽ được chúng ta nữa.
Anh đã nhận những đề nghị của tôi mua một căn nhà nhỏ trước khi tôi về. Tôi sẽ thu xếp để các con tôi có dịp về thăm ba chúng. Tôi trở về vào đúng ngày lễ Valentine.
Tuyết Minh
-
10-31-2024, 08:47 AM #13
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,125
Người Hiền Phụ
Có những câu chuyện qua đi không bao giờ nhớ đến nhưng cũng có những chuyện in sâu mãi trong tâm trí tôi không quên được. Câu chuyện xẩy ra đã lâu khi tôi còn trẻ. Dạo đó tôi hay theo mẹ tôi xuống đường Trương Minh Ký thăm cô chú tôi. Một lần, hôm đó cũng vào sau bữa trưa, mẹ tôi và cô đang nói chuyện ở phòng khách, chợt có tiếng chuông reo ngoài cửa. Người khách mới đến là một thiếu phụ khoảng ngoài 30, trông hãy còn trẻ lắm trong chiếc áo cánh đơn sơ và quần đen ngả mầu. Cô tôi tiếp bà ta và câu chuyện về sau được cô tôi kể lại như sau:
Cô chú tôi vốn làm nghề thầu xây cất nhà cửa. Công việc bận rộn, người làm ra vào luôn luôn. Trong số nhân công có anh Tám thợ mộc mới vào làm, coi người hiền lương vậy mà nổi lòng tham ăn trộm hết những đồ nữ trang của nhà chủ là cô tôi. Và người đàn bà đến hôm đó là vợ anh ta. Trong bộ cánh giản dị, nghèo nàn, bà ta đến gặp cô tôi để kể về chồng mình.
Vẻ mặt thiểu não, cứ đứng nguyên chỗ, sau khi cô tôi nhắc mời lần thứ ba chị ta mới ngồi xuống ghế ở góc nhà. Chị ta tự nhận là vợ anh Tám thợ mộc rồi kể lể. Cách đây hơn tuần lễ khi anh cai thợ về nói chị mới biết chồng chị đã ăn trộm nhà chủ và đi biệt không có về nhà. Chị ráng chờ đợi xem chồng chị có đưa về vàng, bạc hay món đồ ăn trộm chị sẽ giữ lại để đem trả cho chủ.
Cho tới hôm qua, chồng chị về nhà với hai bàn tay trắng, thân hình tiều tụy sau khi đi cờ bạc nhẵn túi. Vốn tính máu mê cờ bạc, đi làm được bao nhiêu cũng cờ bạc, ở nhà có vật gì đáng giá cũng cầm bán để cờ bạc, khuyên nhủ năn nỉ cũng vô hiệu, chị chỉ đành đi làm rau cháo nuôi con một mình. Thấy anh em rủ đi xa, hy vọng chồng sẽ bớt cờ bạc, không ngờ mê muội sinh ra ăn trộm, chị rất lấy làm xấu hổ, nhà không có vật gì đáng giá có thể đem bán lấy tiền trả đền ông bà chủ.
Nói xong, hai mắt chị rớm rớm nước mắt, thò tay vào bên trong áo bà ba, chị tháo ra chiếc dây chuyền vàng nhỏ đang đeo cổ, chị nghẹn ngào nói đây là chiếc dây chuyền khi đi lấy chồng bố mẹ đã cho hôm cưới, chị vẫn đeo ở cổ dù túng thiếu mấy cũng không dám bán, cho đến bây giờ thấy chồng đi ăn trộm là phạm tội, chị ân hận không có đủ để đền trả những món đồ chồng đã ăn trộm, chỉ còn chiếc dây chuyền đáng giá này trừ được bao nhiêu còn lại xin tha thứ cho chị, nếu sau này khá giả chị kiếm được sẽ xin trả lại vì biết ông bà chủ phải làm cực khổ mới có.
Không cầm chiếc dây chuyền, cô tôi vui vẻ nói:
“…chúng tôi không truy tố anh ấy, cũng không lấy dây chuyền của chị, hãy đeo vào cổ, chị cứ yên tâm về nhà đi làm nuôi con không phải nghĩ đến sự trả lại nữa, tôi quý ở tính ngay thẳng của chị đã nghĩ đến anh ấy phạm tội, có ý đền trả lại cho chồng, cũng ít người được như chị.”
Chị Tám rất cảm động cám ơn cô tôi một lần nữa để xin phép ra xe cho kịp chuyến xe về Cần Thơ. Mẹ và cô tôi cứ ngồi nhìn theo chị Tám vừa thầm nghĩ và phục một người đàn bà nhà quê sống lam lũ thiếu thốn, bên trong tấm áo bà ba cũ kỹ ẩn giấu một tâm hồn ngay thẳng trong sáng, nếu đem so sánh còn cao hơn một bậc với những mệnh phụ phu nhân phủ đầy gấm vóc hạt xoàn đá quý, nhưng lại chỉ bao bọc một tâm hồn bệnh hoạn, chỉ biết xúi chồng tham nhũng ăn hối lộ. Đó cũng chỉ là một hình thức ăn trộm, ăn cướp!
Tuyết Minh
-
11-01-2024, 08:27 AM #14
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,125
Hai Cuộc Đời
“Tâm ơi, cháu đi đâu sớm thế.” “Thưa Bác cháu không đi đâu, trông thấy bác ra sân tự nhiên cháu muốn gặp bác, cháu nghĩ chắc chả bao lâu nữa cháu không còn ở đây và rồi ra không chắc cháu có dịp gặp bác.” Tôi khựng lại nhìn em. Với nét mặt buồn man mác, Tâm uể oải nhặt từng hòn đá nhỏ ném vào bụi cây. Khác với mọi ngày em vui tươi da mặt hồng hào nhẩy nhót, mỗi chiều đi học về em thường hay chạy qua đường rủ bạn em, Tân, con ông Thái hàng xóm ở cạnh nhà tôi, cả hai bằng tuổi nhau, 15 tuổi, học lớp Mười, cùng học hay cùng chơi.
Vừa thương cảm vừa tò mò muốn biết tại sao bỗng dưng em Tâm gặp cảnh ngộ bi đát cuộc đời em sẽ ra sao.
-Cháu cho bác biết qua câu chuyện nhà cháu.
-Thưa bác cháu cũng chả biết rõ tại sao. Đêm qua ba mẹ cháu cãi nhau to tiếng, cháu cũng tưởng như những lần trước, ba mẹ cháu thường hay xích mích. Làm bài xong cháu đóng cửa phòng đi ngủ quen như thường lệ, mỗi buổi sáng cháu dậy sớm làm vệ sinh xong cháu xuống bếp làm sẵn mấy gói sandwich cho cháu và các em ăn đi học, đợi ba cháu chở đến trường trước khi đi làm. Nhưng sáng hôm nay trước khi cháu dậy, không thấy mẹ cháu đâu, ba cháu ngồi hút thuốc, cháu có hỏi, ba cháu nói mẹ cháu bỏ nhà đi từ sáng sớm, còn cháu, không cho cháu đi học nữa, ba cháu lại nói nay mai người ta tịch thu lấy nhà, các cháu sẽ phải tạm đi ở nhờ hay ai có thể nuôi được cứ đi.
***
Cách đây 3 năm khi gia đình tôi tới ở khu này rất mừng gặp sẵn có hai gia đình đồng hương ở gần. Khi đi tìm nhà để mua vợ chồng tôi đồng ý ước muốn tìm khu nào có người Việt để có bạn bè dễ thông cảm nhau, cùng dòng giống, tiếng nói, nếp sống, phong tục cùng nhau giữ được văn hóa Việt, cần cho tụi nhỏ có dịp luôn nghe tiếng Việt, dễ hòa hợp hơn người khác chủng tộc.
Dọn nhà vào ngày cuối tuần thấy là người mình, cả hai gia đình ông bà Thái, ông bà Phan cùng tới tự giới thiệu thăm hỏi, nhận nhau tỏ tình tương thân, tương trợ, rồi mỗi khi có dịp đồng hương hội họp chúng tôi không quên rủ nhau cùng đi, luôn gặp nhau khi khi nhà có ngày kỵ hay sinh nhật để tỏ tình lân lý, bạn bè mật thiết hơn.
Nghĩ bạn hàng xóm gặp cảnh không may, tôi lại nhà ông bạn Thái để bàn về cách giúp đỡ gia đình ông Phan, ba mẹ của Tâm. Tôi nói:
-Như lời cháu Tâm thực đáng ái ngại, chúng ta góp ý kiến có thể giúp đỡ bạn được chút nào không? Giúp cách nào, nói như thế nào mà không chạm lòng tự ái tới bạn chúng ta.
-Theo tôi, ông Thái đáp, chúng ta phải biết rõ tính tình và nếp sống nhà anh chị Phan. Tôi ở đây đã lâu trước khi anh chị Phan tới, tuy chơi với nhau nhưng chúng tôi không muốn bắt chước lối sống, suy nghĩ như anh chị Phan. Là một người giởi có chí, vừa làm vừa học, Phan lấy được bằng kỹ sư điện, dễ tìm việc lương cao. Đang ở chung cư anh chị muốn có nhà riêng; sau khi đi làm được mấy tháng để dành đủ tiền ký quỹ hợp lệ mua ngôi nhà vừa tầm mức số lương đủ để chi tiêu ăn, tiêu lặt vặt và trả tiền nhà hàng tháng, còn dư chút ít để dành như anh Phan đã tính để phòng khi có việc bất ngờ xẩy đến.
Chị Phan đi làm với số lương khiêm nhường chỉ đủ để chi tiêu mua sắm quần áo, son phấn, đi ăn đi chơi vào ngày nghỉ. Nếu cứ dùng vào mức sống và hạn chế ước muốn xa hoa cũng được đi. Nhưng anh chị thích giao thiệp, thích đua đòi. Trong số người quen ai có xe mới đẹp, một số người không chịu kém cũng đổi xe mới đẹp bằng hay hơn mới được, rồi đến nhà cũng thế, người ta có nhà to hơn, dĩ nhiên đồ đạc cũng phải sắm theo với nhà rộng lớn. Rồi cũng muốn nhiều người biết để hãnh diện, lại phải tổ chức ăn uống nhân dịp này dịp nọ mời các bạn quen thân sơ, mục đích khoe nhà đúng hơn. Số tiền vợ chồng kiếm được chỉ có hạn, mà chi ra không đủ. Đúng với câu bóc ngắn cắn dài.
Ít lâu sau chị Phan mất việc, không có tiền mà nhịn tiêu khổ quá, quen tính đua đòi nay bộ này, mai bộ khác không nhường ai, mỗi khi đi dự hội hè, party, các bà khoe nhau hãnh diện có bộ y phục mới, đắt giá trong đám các bà các cô chưa ai có, rồi đảo mắt xem bà, cô nào mặc bộ đồ nào tầm thường với cái nhìn phớt qua. Họ chú ý vui vẻ với những bộ mã bề ngoài, bàn chuyện góp ý về những hàng xa xí phẩm.
Vốn tự phụ là người biết ăn diện xưa nay không thể dừng lại, phải tiêu vào tiền lương để dành, biết thế anh Phan tự cắt giảm nhiều thứ còn chị vẫn phải giữ sĩ diện với bạn bè. Mấy tháng nay anh Phan không có đủ trả tiền nhà, vợ chồng hay gấu ó nhau. Sở anh Phan làm tạm thời cho nghỉ việc, anh chị không hy vọng giữ được chỗ ở. Tôi cầu mong anh chị Phan sớm tìm được lối thoát có việc làm sẽ suy nghĩ chín chắn thực tế hơn, tái lập đời sống có căn bản không phù phiếm xa hoa đua đòi.
Ông Thái ngừng một lúc rồi nói tiếp:
-Vậy chúng ta nên gặp anh Phan yên ủi, anh và tôi cũng xin anh Phan cho tôi được đón cháu Tâm sang ở bên nhà tôi cùng đi học với con tôi cùng lớp cùng trường rất tiện, đừng để cháu Tâm phải gián đoạn niên học của cháu, tôi coi cháu Tâm như con tôi, cháu Tâm là một học trò giỏi, rất ngoan, ai cũng mến cháu, bao giờ anh chị Phan ổn định công ăn việc làm lúc ấy anh chị hãy đón cháu về.
Chúng tôi đều đồng ý giải pháp đó và rủ nhau sang thăm gia đình ông Phan. Ông Thái trình bày với bạn một cách khéo léo để ông Phan khỏi xấu hổ hay tự ái.
-Rất cám ơn các anh chị đã chia sẻ nỗi bất hạnh của tôi và đặc biệt anh Thái có nhã ý đón cháu Tâm về nhà anh để anh đưa đi đón về cùng học với con anh. Thật là một sự may mắn cho cháu Tâm và đỡ cho tôi khỏi ăn hận về sự học của cháu Tâm khỏi dang dở. Nhận thấy gia đình các anh hạnh phúc vui vẻ, tôi thầm phục các anh các chị là những người biết sống an phận.
Như gia đình anh Thái tôi biết rất rõ, khác nghề, khác sở, số lương chắc ít hơn tôi và chị Thái đi làm ở chỗ phải đi lại giao dịch nhiều mà lúc nào tôi gặp anh chị cũng thấy anh chị ung dung, xe đi vừa phải, phục sức tươm tất nhã nhặn, không se sua, các nơi ăn chơi tôi cũng không hay gặp các anh chị, tôi phải bắt chước các anh chị, có bí quyết nào xin cho tôi biết thêm. Tôi muốn biết muốn học muốn có gia đình hạnh phúc và hướng về tương lai cho các con.
-Thưa anh chẳng có bí quyết, nhưng cũng có sự tính toán của cả hai vợ chồng, khi chúng tôi kết hôn với nhau, cha mẹ đôi bên cho ở riêng được tự do, chúng tôi thuê ở trong chung cư cho đỡ tốn, khi cả hai số tiền để dành được kha khá, lại thêm các cháu đến tuổi đi học cần tìm chỗ nào gần trường tốt, một căn nhà hợp với số tiền để dành sẵn có đủ để trả trước càng nhiều càng tốt chừng đó, để bớt số tiền phải vay, hàng tháng chỉ trả ít, hạn vay trong năm năm tính đến khi các cháu vào đại học phải tiêu nhiều, bấy giờ không phải trả tiền nhà hàng tháng sẽ có đủ tiền cho các cháu học lên.
Thực ra trong đời sống các thứ chi tiêu có thể bớt, tiền nhà trả hàng tháng không thể thiếu mà có “an cư mới lạc nghiệp”, nghĩ thế chúng tôi không muốn đổi nhà lớn, xe mới, phải vay nhiều lúc nào cũng phải nợ, cuối tháng lo trả bill nhiều mệt quá. Ngay đến sự đua đòi ăn chơi phung phí cũng phải nhắm mắt cho qua, tránh môi trường, giữ cho tâm trí được thanh thản.
Thực đời tôi chẳng có gì đáng nói, chỉ âm thầm làm việc nuôi gia đình, luôn an vui với điều đang có, không oán hờn ai, không ham muốn chi lạ, sao cho giữ được công bình, khiêm nhường, bác ái, tiết độ, thành thật. Và nghĩ rằng không ai sống mãi ở đời, cái chết sẽ chấm dứt ảo tưởng.
Tuyết Minh
-
11-02-2024, 09:11 AM #15
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,125
Mới và cũ
Suốt trong mấy chục năm đầu dưới sự cai trị của Pháp, những tư tưởng dân chủ do các triết gia Pháp như Rousseau, Voltaire, Montesquieu đề xướng bên trời Âu đều bị người Pháp dấu nhẹm. Giới quan lại xuất thân trong Nho giáo, sống xa rời người dân, mặc nhiên vạch rõ giai cấp. Chỉ riêng giới sĩ phu thức thời lúc đó mới thấy được hiểm họa của chính sách đô hộ của người Pháp, các cụ tự ý mở trường để phổ biến những kiến thức Tây phương mới mẻ (1907). Chính quyền bảo hộ dĩ nhiên chống đối và giam giữ những người mở trường.
Tuy thế luồng sóng canh tàn đã bắt đầu manh nha từ thời kỳ đó. Năm 1917, Pháp mở trường Albert Sarraut ở Hà Nội, bỏ thi cử khoa bảng năm 1917, mở thêm trường Cao Đẳng Hà Nội năm 1918. Cùng lúc đó cụ Phan Bội Châu, tấm gương sáng ngàn đời, truyền bá lý tưởng dân chủ. Tiếp nối với phong trào Đông Du (1905-1939) và rồi Việt Nam Quốc Dân Đảng, phong trào canh tân bừng lên mạnh mẽ trong giai đoạn này. Thế hệ mới này được đào tạo ở các trường Pháp–Việt.
Năm 1927, ông Nguyễn Thái Học và một số đồng chí thành lập Nam Đồng Thư Xã, một nhà xuất bản ở Hà Nội, để hoạt động, truyền bá tư tưởng dân chủ qua sách vở và báo chí. Phương tiện đó cũng chỉ được phổ biến hạn hẹp ở các thành phố, ít khi về đến thôn quê vì dân ta thời đó hãy còn bị nạn mù chữ.
Đến các làng mạc, phong trào này chỉ ảnh hưởng trên một thiểu số những gia đình khá giả. Luồng gió mới đó đã được các thanh thiếu niên đón nhận nhiệt liệt. Các thanh niên thay áo dài bằng âu phục gọn ghẽ, các thiếu nữ bỏ khăn quấn tóc bằng vấn tóc trần hay đổi mới nhanh hơn chút nữa bằng cách búi gọn sau gáy. Những chiếc quần lụa trắng tươi sáng thay thế quần lĩnh tỉa. Áo dài có tà thay bằng áo kiểu Lemur…
Từ những sự thay đổi bên ngoài đó đến những thay đổi sâu xa bên trong, tôi muốn nhắc đến những người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn đó. Không phút chốc mà vứt bỏ những lễ giáo xưa nay ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo để bước sang tân học của Tây phương.
Phái nam có thể dung nạp dễ dàng không như người phụ nữ Việt với bản chất rụt rè, kín đáo. Nhất là trong đời sống gia đình làm thế nào để dung hòa giữa cái mới và cũ hầu bảo tồn hạnh phúc gia đình nói riêng, phát huy tinh thần đạo đức, làm đẹp mẫu người đàn bà Việt Nam nói chung. Từ những ý nghĩ đó, tôi nhớ lại câu chuyện dưới đây của một người bạn thuở đó.
***
Trên một chuyến xe lửa từ Ninh Bình ra Hà Nội tình cờ tôi gặp một người đồng hương với dáng điệu u uất, đôi mắt buồn bã nhưng cương nghị. Một lúc khá lâu tôi mới nhận ra Bình. Đã lâu lắm từ lúc lập gia đình đến nay mới gặp lại. Những ngày tháng còn trẻ đã qua lâu lắm rồi. Chúng tôi trao đổi với nhau những câu hỏi thăm thông thương để hâm nóng lại tình bạn nhạt dần với thời gian. Và trên suốt chặng đường dài tôi đã được nghe tâm sự Bình, tâm sự của một người đàn bà Việt Nam trong buổi giao thời ấy, với rất nhiều kính phục.
Dự, chồng của Bình là một giáo sư, sinh trong một gia đình theo nếp sống quan liêu, hấp thụ văn minh Tây học, có kiến thức đấy nhưng là một thứ kiến thức bao gồm kiêu hãnh, tôn trọng về văn bằng, chức tước, vẻ sang trọng hào nhoáng bên ngoài.
Bình xuất thân từ một gia đình Nho giáo, tuy có được cắp sách đến trường nhưng nàng chỉ được học hết bậc tiểu học (vì ở thôn quê với quan niệm cổ xưa: con gái không cần học nhiều), sau đó ở nhà giúp đỡ gia đình. Tuy thế Bình rất thích học hỏi, thích đọc sách báo để trau dồi kiến thức. Những tờ báo như Trung Bắc, Tân Văn, Ngọ Báo, Nam Phong, Phong Hóa, Ngày Nay, Vịt Đực, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Thứ Bảy… Những thay đổi, những ý tưởng mới mẻ Bình đã đọc, đã biết đến. Về mặt kiến thức, Bình không thua kém chồng nàng bao nhiêu, chỉ không tân học như chồng mà thôi.
Nhưng nếp sống gia đình quả có nhiều khác biệt. Những dịp giỗ, Tết, hôn, tang, khi về thăm nhà Bình cứ phải nghe Dự chồng nàng chê bai về nếp sống thôn quê. Từ họ hàng đến anh chị em đều bị Dự chê. Người này bị chê gàn, kẻ kia cổ hủ. Bình biết Dự chê có chỗ đúng chỗ sai. Quan niệm đời sống thành thị và thôn quê khác nhau (Bình kể với tôi đến đó bằng giọng bùi ngùi mang ít nhiều chua chát). Chẳng gì những lời chê bai của chồng cũng chạm tự ái nàng. Bình chỉ muốn sống đơn thuần, binh dị, không gò bó.
Trái lại về nhà chồng, mỗi khi gặp ai hay ra ngoài tiếp xúc đều phải nói năng cẩn thận, ý tứ, cư xử theo một nếp sống mới như ý cả nhà chồng. Dự xét nét từ cách ăn mặc, coi nàng như một người kém hiểu biết. Dự rất ít khi đưa nàng đi đâu cùng đường, như sợ làm tổn thương danh giá mình. Dự hấp thụ những tư tưởng Tây phương mới mẻ một cách dễ dàng. Sự khác biệt giữa hai vợ chồng cũng khá nhiều. Với tâm hồn chất phác nhưng có ý chí quật cường. Bình ẩn nhẫn chịu đựng.
Nàng tìm cách đi buôn bán, có lẽ đó là lối thoát duy nhất. Gặp thời vận nàng buôn bán mỗi ngày một khá. Khi có tiền tự nhiên nhiều kẻ nể vì, vì đã chịu sự giúp đỡ. Anh chị em trong họ và ngay chính Dự chồng nàng cũng phải phục sự thành công của nàng. Nhưng đời sống ít nhiều vẫn còn bị những va chạm giữa “mới và cũ”. Bình đứng ngập ngừng ở bên ngoài, nhìn những đổi mới của xã hội với đội mắt dè dặt. Nàng cũng tự ép mình để học khiêu vũ, may mặc theo kiểu này, kiểu nọ để đi với chồng trong những buổi tiếp tân.
Bình thấy khổ sở không phải vì không thích xa hoa nhưng vì nàng thấy mình không thể hợp với đời sống đó. Nàng nghĩ đến những đứa con còn nhỏ dại. Bình cũng thừa hiểu không theo kịp đà tiến đổi mới, không kiểm soát hành vi chồng nàng, có thể một ngày kia Dự sẽ bị sa ngã chỉ vì ham muốn những cái mới lạ. Nhưng nàng chỉ để ý cầm chừng, miễn Dự đừng sa ngã tới mê muội là được.
Một hôm Bình về quê ngoại thăm bố mẹ, Nàng hỏi cụ Tú:
-Thưa Thầy con phải xử như thế nào?
Bình kể cho cha mẹ nghe những dị biệt giữa hai nếp sống. Từ cách ăn mặc, đi đứng đến lời ăn tiếng nói. Còn nói gì đến những ý nghĩ, suy tư.
Cụ Tú đã khuyên Bình nên “dung hòa”, cố giữ được gia phong, đạo đức, Có đạo đức, có quân bình hầu giữ vững được hạnh phúc gia đình. Bà cụ Tú thêm vào:
- Con hãy kiên nhẫn Bình ạ. Một câu nhịn chín câu lành.
Bình kể với tôi như sau. Khi về sống trong gia đình nhà chồng, nàng phải mặc quần trắng, áo mầu. Đi đâu cũng phải son phấn. Nhưng khi về thăm gia đình mình Bình phải thay áo mầu bằng áo nâu, quần đen như khi còn con gái ở nhà. Sau đó mới dám ra chào bố mẹ. Hai cuộc sống cứ đối chọi nhau. Mỗi khi Bình sơ hở điều gì, chị em nhà chồng lại dè bỉu: “đồ nhà quê” hay “ở trong lũy tre nào biết gì”, “Biết gì” đây có nghĩa là không biết chưng diện theo lối mới, nói năng cư xử phải theo lối mới, bàn về luyến ái pha màu sống sượng mới hợp thời trang. Phải biết hát, biết thưởng thức âm nhạc…
Bình đã cố gắng dung hòa để mà sống. Không biết Dự có bao giờ biết đến nỗi khổ tâm của nàng không? Bình qua những kinh nghiệm và hiểu biết đó nàng giáo dục con cái một cách cởi mở không gò bó trong nền nếp cũ giả tạo nhưng cũng không qúa phóng khoáng chạy theo cái mới lố bịch để đi đến chỗ sa đọa. Bình dậy con lấy khuôn phép đạo đức làm nền tảng.
Dự qua đời sau một cơn bạo bệnh bất ngờ. Trong những giây phút cuối cùng Dự cũng yên lòng ra đi vì biết vợ sẽ chu toàn mọi bổn phận cho gia đình. Mặc dù những dị biệt không sao thay đổi được giữa Dự và Bình nhưng sự ra đi vĩnh viễn của Dự đã làm Bình đau đớn không ít.
Tôi thấy được sự buồn bã, cô đơn của Bình. Tôi thầm khâm phục nàng. Bình đã biết dung hòa giữa cái mới và cái cũ, đã quân bình được tinh thần đến vật chất. Nàng đã biết chọn cái hay của nếp sống cũ cũng như mới để mà hòa hợp cho chính mình và rồi nuôi dưỡng thế hệ con cái nàng cũng dựa vào sự hòa hợp đó.
Viết đến đây trên xứ người tôi tự hỏi không hiểu người phụ nữ Việt Nam sang đến xứ này có bị giằng co, xung đột giữa cái mới và cũ như cách đây mấy chục năm chúng tôi đã trải qua chăng? Liệu cái hay, cái đẹp của ta và của người có được dung nạp để bổ túc cho nhau không hay ta chỉ nhặt cái dở của người để làm băng hoại đi nền đạo đức cổ truyền của người Việt Nam?
Tuyết Minh
-
Today, 08:07 AM #16
- Join Date
- Jul 2014
- Posts
- 3,125
Nguyên Nhân Mặc Cảm
Cuối tuần lại về, cuối năm có nhiều giấy mời, chúng tôi phải xem lại những giấy mời hội họp, hiếu hỉ của các bạn người đồng hương và các bạn người Mỹ. Có trùng ngày không? Nếu cùng ngày phải cân nhắc nên đi đám nào, thân, sơ, chỗ nào cần phải đến hơn?
Trong giấy mời là một buổi họp để bàn thảo về một vấn đề gì. Thường thì nhường cho đàn ông đi, tuyệt đối không nên đưa theo trẻ con. Nếu nội dung có bàn về chính trị hay một công ích về xã hội, có người trong bạn bè, người quen tỏ ý muốn đi cùng để được giới thiệu làm quen, trước khi mời họ đi theo, phải hỏi ý gia chủ có bằng lòng không mới nên mời người ta cùng đi. Nếu không hỏi ý trước, chẳng may ông bạn tháp tùng đến nơi, lại phát biểu ý kiến trái ngược với tôn chỉ đường hướng của cuộc hội họp, tính nóng nảy đưa ra những lời chỉ trích thiếu lịch sự, làm cho ta cảm thấy có sự cẩu thả trong sự nhận xét.
Thiệp đám cưới hay dạ hội, chúng tôi cần biết gia chủ có dự chỗ cho trẻ em ngồi riêng, mới nên đưa các cháu đi thêm cho vui. Hay chỗ ngồi, phần ăn chỉ có hẹn, cho những phiếu hồi âm, mà đưa thêm trẻ con đi thật làm phiền cho gia đình chủ, ngoài dự tính của chủ nhân, lại thêm các em nhõng nhẽo đòi ngồi bên cha mẹ làm mất chỗ ngồi của người lớn, đòi ăn món nọ bỏ món kia như ở nhà, cha mẹ chiều ý chúng làm cho những thực khách ngồi bên cạnh vì lịch sự không nói gì, nhưng trong lòng không ai đồng ý về cử chỉ cha mẹ chiều con, lại còn khoe khoang nết tốt của chúng để mọi người chú ý, và cũng phải khen chúng một cách giả tạo cho qua.
Gặp thiệp người bạn Mỹ mời dự party theo đúng tập quán của họ trong thiệp đã nói rõ số người nhiều ít, không thể tự tiện đưa thêm người đi, tới nơi đã có người chỉ chỗ hay giấy ghi số bàn, ghế, cứ tự động tìm tới chỗ ghi trong giấy, gặp người quen hay có người lạ cũng chẳng sao, nếu muốn nói truyện với người quen ở bàn khác, hãy rủ nhau ra sân, ra hè một góc nào đó nói chuyện, chỗ ngồi của mình không có ai chiếm, phần nhiều cuộc hội họp có ăn uống với thói quen tự động đi lấy thức ăn uống tùy ý, rất hiếm những bữa ăn uống có người hầu bàn. Đó là phong tục tốt chúng tôi để ý bắt chước cho trường hợp khi hữu sự.
Đây là thiệp mời mừng người con tốt nghiệp văn bằng cao học và cũng là ngày sinh nhật ăn mừng thọ cha mẹ của người bạn thân. Chúng tôi phải thu xếp cho cả gia đình tới chia vui với bạn cho đúng giờ vì trong thiệp có ghi rõ đưa hết các cháu đi.
Tới nơi cũng đã có một số người đến trước, chúng tôi được gia chủ đón tiếp vui vẻ lại còn khen đã đến đúng giờ, các con tôi đem theo đã được người hướng dẫn vào chỗ dành riêng cho các em để chúng được tự do làm quen chơi với nhau. Tất cả những khách đến dự tiệc đã tiếp tục cùng lúc hay sớm hơn, muộn hơn một chút. Tất cả đã được mời vào bàn có số chỉ định. Mọi người đang vui vẻ đi tìm số bàn của mình.
Cùng lúc đó có hai ông bà dắt hai em nhỏ tới cùng đi tìm bàn. Người đàn ông phục sức sang trọng, cũng complet, cravate, gặp ai ông cũng cười, bắt tay không biết lạ hay quen, tôi là X, ông tự giới thiệu. Bà thì diện đúng mode thời trang, tay ôm ví dắt con, đi tới giữa nhà, bà dừng lại đảo mắt như tìm chỗ ngồi. Một bàn trống nhiều ghế có thể chắc rằng đây là bàn đặc biệt dàng riêng cho các cụ hay người thân của chủ nhà, mới có bốn cụ cao niên đạo mạo ngồi nói truyện như còn đang chờ cho đủ người ngồi.
Chắng thấy ai mời, bà X tự đưa con cùng ngồi vào các ghế trống, khi tự giới thiệu xong ông X cũng kéo ghế ngồi bên cạnh bà vợ. Liền sau đó, mấy cụ tìm đến số bàn của mình, đứng ngơ ngác vì bàn đã ngồi đủ người. Người nhà đến nói với ông bà xin dẫn em nhỏ đi tới các bàn các em nhỏ ngồi cho vui, khốn nỗi các em cứ bám lấy mẹ không chịu đi.
Thực là khổ tâm cho gia chủ phải loay hoay xê dịch mãi mới có chỗ khả dĩ cho mấy vị chậm chân, với những lời xin lỗi vì sơ ý, làm cho các vị thực khách ngồi gần đưa mắt nhìn nhau như ngầm hiểu đồng ý chê ông bà X thiếu lịch sự làm cho gia chủ mất vui. Cũng chưa hết, khi đã an vị được chỗ tốt như ý, ông bà X bắt đầu mở máy khoe khoang. Về nhà cửa ông nói khu A sang đẹp nhưng thiếu an ninh, khu B nhà nhỏ, cũ, giá lại mắc, chỉ có khu C nhà mới xây nhiều kiểu đẹp và ông bà định đổi nhà sẽ tìm vào đấy, tương đối có thể chọn được căn nhà như ý.
Nói về gia súc chó, mèo, các loại chim, ông đã từng nghiên cứu phải nuôi ra sao? Các giống cây, rau trồng vào mùa nào ngày nào. Bây giờ ông chán không đủ thời giờ chăm nuôi súc vật, hay trồng cây; nói sang chính trị ông thao thao chê hết hội đoàn này, chê bai người trong hội đoàn kia, rồi ra vẻ ưu thời mẫn thế chán ngán cho người đời, tuổi ông chưa già, có dịp ông sẽ hợp tác với bạn bè gánh vác việc xã hội. Bây giờ ông còn để thì giờ nghiên cứu về khoa học, ông đã phát minh được vài tiện ích, có người hỏi muốn xem tận mắt những sáng chế mới của ông nhưng ông nói phải chờ thời gian nữa cho hoàn hảo hơn nữa sẽ trình làng.
Đồng bệnh tương lân, bà X sau khi hỏi thăm xã giao mấy bà ngồi gần làm quen rồi bà nói về các kiểu áo, kiểu giầy, các hàng của Pháp, Nhật, Ý, Mỹ, Hương Cảng, Đài Loan, áo của bà mặc toàn thứ mắc tiền, nói đến vàng, ngọc, hạt xoàn, bà khoe có nhiều những đồ trang sức đắt giá mà chung quanh đây không bà nào có. Đúng là một cặp ông thì kiêu căng và bà thì hợm mình, chỉ biết say sưa nói về mình và không chú ý, thiếu nhận xét những người chung quanh. Khi nghe ông bà X nói làm họ thiếu tin tưởng, hồ nghi những lời nói không thật. Có một số ông bà đã biết rõ tông tích, nghề nghiệp của ông bà X, họ mỉm cười tỏ vẻ khinh bỉ.
Càng làm lớn càng phải hạ mình, khiêm nhường. Những bậc chính nhân quân tử, có thực tài làm nên những công việc hiển hách, thi ân, bố đức, không biết đến khoe khoang, kiêu hợm.
Trái lại bạn bất tài vô tướng, thuổng, cóp được lời nói, công việc của người lấy làm của mình, đem đi lòe thiên hạ còn tìm cách hạ giá những người đáng kính, cố ý đưa cái “tôi” lên. Cũng bởi thâm tâm họ có mặc cảm dốt, thiếu hiểu biết, kém người, sợ người khinh chê nên cần phải đóng kịch để nhiều người biết mình khôn, giỏi, không thua ai.
Như trong Kinh Thánh viết: “Tai họa dành cho những kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa. Ai nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình sẽ được nhắc lên.”
Tuyết Minh
Similar Threads
-
Tết Nguyên Đán - Tuyết Minh
By frankie in forum Nhân VănReplies: 0Last Post: 01-22-2023, 09:51 AM -
Những mảnh đời - Tuyết Minh
By frankie in forum Nhân VănReplies: 33Last Post: 12-01-2022, 02:52 PM -
Giòng Đời Xưa và Nay - Tuyết Minh
By frankie in forum Nhân VănReplies: 31Last Post: 09-21-2022, 01:59 PM -
Âm nhạc Do Thái Truyền Thống của người Do Thái
By Long4ndShort in forum Âm NhạcReplies: 5Last Post: 11-10-2017, 05:56 PM -
Bản Sắc Văn Hóa Truyền Thống Do Thái
By Long4ndShort in forum Chuyện Linh TinhReplies: 22Last Post: 09-07-2014, 08:38 PM